You are on page 1of 139

Bay Đi Những Cơn Mưa Phùn

Tác giả: Phạm Công Thiện


Nhà Xuất Bản Phạm Hoàng 1970

Bay Đi Những Cơn Mưa Phùn


Hắn thổi những cơn mưa phùn qua khung cửa kính
hiệu buôn thuốc lá và cà phê. Chỉ có đất Pháp này
mới có những quán thuốc lá chuyên bán đủ loại thuốc
hút, đồng thời bán phụ thêm cà phê và rượu đỏ: cà
phê đen, rượu đỏ và thuốc bao xanh là ba dấu hiệu
của đất Pháp: không có ba thứ này, nhất định nước
Pháp sẽ không còn những cơn mưa phùn tháng tư.
Hắn ngồi bên cạnh khung cửa kính, quán thuốc lá chỉ
mang tên vỏn vẹn là tabac café express; quán thuốc
nằm đối diện nghĩa địa. Chung quanh đều im lặng,
thỉnh thoảng vài tiếng ho, tiếng cửa đẩy vào, tiếng gió
rít vào từ những ngày quá khứ. Bây giờ là tháng tư?
Thời gian là những tháng tư còn lại. Không, tháng
mười rồi. Mưa bụi và lạnh, những cơn mưa phùn
tháng mười ở ngoại ô Paris.
Hắn ho khan vài tiếng cho đỡ buồn; trời lạnh quá, im
lặng quá, nhiều khi mình phải bày đặt ho khan để
thấy rằng mình vẫn còn đó, vẫn sống, vẫn thở và thổi
những cơn mưa phùn vào nghĩa địa của ngoại ô đầu
thu. Đầu thu hay cuối thu? Đầu cuộc sống và cuối sự
chết? A, tôi phải đi. Paris chỉ nằm bên kia sự chết:
Saigon, Hànội, Huế, Đàlạt chỉ là những thành phố
Paris nằm bên kia sự chết. Giết hết tất cả những thành
phố, bôi sạch chữ Paris trong tâm hồn mình, bôi tên,
quên họ, bỏ quốc tịch, vứt lại đằng sau lưng những
con đường rầy, những đêm tối, những mùa xuân,
những quê hương. Làm một kẻ phản quốc, phản bội
bạn bè, phản bội tổ tiên, phản bội văn chương, phản
bội tùy bút, truyện ngắn và truyện dài. Trung thành
với nỗi chết xa và gần, nỗi chết long đong, nỗi chết
của những cơn ho gượng, ho cho đỡ buồn. Chỉ có
những cơn ho khan là quan trọng, tất cả còn lại chỉ là
văn chương.
A, tôi phải đi. Vừa đi vừa ho. Tập ho cho thật nhiều,
ho như chưa từng biết ho trong đời. Người ta ho lao
và người ta muốn ho lao: tôi không muốn ho lao, tôi
chỉ muốn ho khan cho bay đi những cơn mưa phùn
tưởng tượng. Dưới kia thung lũng là cỏ khô. Một dấu
chấm, một dấu phết, một dấu sắc và một dấu huyền.
Tất cả còn lại...

Bay Về Một Sợi Tóc


Dưới kia, ồ, khói bay, mờ quá, không thấy gì nữa.
Trên đầu nó, tiếng kêu của một chim trắng rớt ngay
vào hai lòng bàn tay. Mười ngón tay móc vào nhau,
chụm lại, bóp nát tiếng kêu của con chim trắng. Gió
đẩy sương mù ra ngoài kẽ biển. Lòng biển vẹt hai ra,
một ngách đen chạy dài gần tới rún.
— Mai này, tôi sẽ đi về hướng kia.
— Không.
— Ở lại chứ?
— Không.
— Tôi không bao giờ hiểu anh muốn gì.
— Tôi hiểu gió, tôi hiểu đá, tôi hiểu những con kiến.
— Những con kiến của quá khứ anh?
— Đừng lãng mạn.
— Tại sao sợ?
— Trắng?
— Dạ.
— Có cái gì trắng trong tên của cô?
— Không hiểu.
Về hướng tây, có cái gì trắng nổi lên trên mặt nước,
ồ, khói bay, mày vàng đi nhẹ vào mặt nước ngày đó,
cuối bãi một rừng quít đỏ, không phải, đó là một rừng
mộng đỏ mà mỗi chiếc lá trên cành là mỗi một giấc
mộng gửi lại trên ghềnh đá mười triệu năm trước.
— Mỗi chiếc lá là một giấc mộng đỏ gửi lại trên đầu
ghềnh.
— Đừng lãng mạn.
— Tại sao không?
— Trắng?
— Dạ.
— Có cái gì trắng trên tên của cô.
Trên kia, ô kìa, không khí thuỷ tinh, một trăm con
ngựa phóng vào mặt trời, cánh đồng xanh trổ mạ non,
trời ơi, có cái gì trắng hay vàng trên kia, tôi đang điên
hay tôi đã chết rồi, tôi đang nói chuyện gì với ai đó,
tôi nghe tiếng nói, tôi nghe tiếng trả lời, không phải
tôi đã tắt thở vào đêm qua hay sao? Không phải
người ta đã vuốt đôi mắt tôi cho khép kín? Hắn đã
chết từ đêm. Một người nói như thế. Tôi còn nhớ, tôi
vẫn còn trí nhớ. Không. Tôi không chết, tôi chết, tôi
đang bay, tôi, tôi, tôi, không phải tôi bay, mà một
người bay, không phải một người bay, không, một cái
gì vàng đang bay, không, một sợi tóc, không, không
phải một chấm đen đang bay, không, không, không
phải, không có cái gì bay cả, một hơi thở đang bay,
không, ồ, khói bay ồ, mờ quá, à ơi, xin ru chim trắng,
à ơi, xin ru mây vắng, một rừng mộng đỏ, ôi, những
ghềnh đá, ôi thôi, biển đen, có cái gì đỏ nổi trên gió.
— Hôm nay tôi sẽ đi về hướng kia.
— Không.
— Về hướng kia, kia kìa, về nơi kia, nơi chấm đen
kia.
— Đâu?
— Đó, chấm đen kia.
— Nốt ruồi đen.
— Về hướng nốt ruồi đen kia.
— Đâu rồi?
— Một nốt ruồi đen.
— Đâu?
— Hôm nay tôi sẽ đi về hướng kia, đi về nốt ruồi đen
nơi cánh tay cô.
— Đâu?
— Nốt ruồi đen nơi lưng cánh tay.
— Có đâu?
— Cô hãy đưa thuốc lên môi.
— Sao?
— Cô hãy đưa điếu thuốc lên môi.
— Tôi không hiểu.
— Khi cô đưa thuốc lên môi thì lưng cánh tay cô sẽ
phô ra một nốt ruồi đen.
— Ồ, điếu thuốc đã tắt lửa.
— Tôi sẽ đi về hướng kia, nơi nốt ruồi đen trên lưng
cánh tay cô.
— Đừng lãng mạn.
— Vàng?
— Dạ?
— Có cái gì vàng trong tên của cô.
— Không hiểu.
— Cô thấy gì trong lòng tay tôi?
— Một sợi tóc đen dài.
— Nằm giữa những đường chỉ tay của định mệnh.
— Một sợi tóc rớt lại.
— Trong gian phòng tôi, trên bàn viết của tôi, một
sợi tóc đen dài rớt lại, khi cô ngồi đó; rồi khi cô đi về
thì sợi tóc đen ấy còn ở lại với tôi.
— Không có gì ở lại trên đời này.
— Có.
— Cái gì?
— Sự chết còn ở lại trên đời này.
— Tôi không hiểu.
— Khi tôi chết thì tôi sẽ đi về hướng nốt ruồi đen trên
lưng cánh tay cô.
— Bằng một sợi tóc còn rớt lại.
— Và một màu trắng nổi lên ở hướng tây kia.
Buổi sáng nổ vào khung cửa kính, nó ngồi dậy, đẩy
cửa sổ ra và nhìn xuống đường phố, ồ, một sợi tóc và
một chấm đen, một giấc mộng đỏ và một giấc ngủ
vàng, tối đêm qua, khi ngồi uống rượu đỏ với Vĩnh
tại quán cà phê ở ngay trạm métro nơi Place Jussieu
vào lúc quá mười hai giờ khuya, khi những cơn bụi
tuyết lấp trắng ngoài phố, hơi men bừng đỏ quán
rượu vắng người, ngồi trên chiếc ghế cò trước quầy
rượu, nó không muốn nói cho Vĩnh nghe về những
nốt ruồi đen trên thân thể của người đàn bà, nhưng nó
lại không im lặng và không để cho Vĩnh kể cho nó
nghe về một màu vàng nào đó của Vermeer ôi, ô kìa,
“những cơn tuyết rơi đầu tiên của mùa vắng mặt”,
[*] hắn lặp lại cho Vĩnh nghe một câu thơ của tác giả
tập Amers.[**]
— Mầy cứ ở lại Paris, đừng đi đâu khác.
— Tao không thể ở lại được, tao phải đi.
— Tùy mày quyết định, nhưng tao bảo mày cứ ở lại.
— Tao không ở yên chỗ nào cả.
— Thằng Moscovitch vừa chết, đã chôn rồi.
— Tao đã biết tin ngày hôm qua, mày đưa tao đến
nghĩa địa thăm nó.
— Chiều mai mày đến Malesherbes chờ tao ở quán
rượu thường lệ, tao sẽ đưa mày đến Garenne-
Colombes thăm mộ của nó, con Anna khóc quá, tao
với thằng Tín có đưa đám táng nó.
— Hôm nào, rồi tao sẽ đưa đám táng mầy.
— Sau khi đưa đám táng của nó rồi, tao uống rượu
say cả đêm, tao thấy tao sẽ đi trên con đường của
thằng Moscovitch.
— Mấy bức tranh của nó, không ai còn nhớ.
— Không ai được quyền nhớ, không ai được quyền
nhìn, nó hãnh diện kín đáo, lúc nó còn sống, nó
không để cho ai nhìn thấy những bức tranh nó vẽ.
— Nó cũng giống như mày, cao ngạo ngầm.
— Mày uống thêm một ballon rouge nữa.
— Garçon, deux rouges...
— Et un demi...

----------------------------------------------------------------
---

DÙ ĐẾN ĐÂU THÌ CỨ ĐẾN


Cái khó khăn của việc bắt đầu, càng lúc càng thấy
thấm thía. Sáng nay, tôi thức dậy. Trông rất giản dị,
chỉ thức dậy, đứng lên, đi và nói. Có cái gì chưa chịu
chạy, có một cái gì chưa muốn chạy, đó là cái gì? Có
lẽ tiếng nói đầu tiên trong ngày? Hồi khuya, đang ngủ
ngon, tôi bỗng giựt mình ngồi dậy, ừ, bên ngoài có
tiếng động cạy cửa. À, té ra ăn trộm. Đèn cầy ở đâu?
Tôi cố khua động cái bàn để tìm bao diêm, tôi muốn
làm ồn để cho ăn trộm chạy trốn: tôi muốn bắt ăn
trộm mà vẫn tỏ ra rằng mình muốn cho ăn trộm chạy
trốn. Nghĩa là muốn bắt và không muốn bắt. Tông
cửa sau ra, tôi đưa đèn lên cao và thấy con mèo trắng
ló đầu trên mái nhà tắm. Tại sao con mèo trắng mà
không là con mèo đen? Tôi đứng đái trong nhà cầu và
suy tư dữ dội theo dòng máu đang chuyển vận mạnh
trong thân thể: có lẽ con mèo trắng là con ma? Càng
già lên thì tôi càng thích nghe chuyện ma, mặc dù tôi
chưa gặp ma lần nào cả. Thường khi gặp ai, dù lạ hay
quen, tôi cũng đều hỏi: có thấy ma chưa? Tôi thất
vọng: không ai nói là có thấy ma: họ chỉ “nghe kể
lại”. Hồi tôi còn nhỏ, ông ngoại tôi hay kể lại rằng
chính ông đã đánh lộn với ma, tôi vốn đa nghi và
nhiều lần hỏi lại mẹ tôi thì bà cũng xác nhận rằng ông
ngoại tôi thường đánh lộn với ma. Tôi là kẻ vốn
mang nặng “tinh thần khoa học” dù “tinh thần khoa
học” ấy chẳng qua là thứ “khoa học” mà mấy ông
thầy bói gọi trại là “khoa học huyền bí”. Vì nặng
“tinh thần khoa học” cho nên tôi cần nhiều sự chứng
minh: tôi hỏi lại tất cả mấy bà dì tôi về chuyện đánh
lộn với ma của ông ngoại tôi. Tất cả đều đồng thanh:
“Chẳng những ông ngoại đánh lộn với ma mà ngoại
còn rủ ma đi chơi nữa”. Bây giờ, ông ngoại tôi đã
chết, một buổi trưa nóng ở Sàigòn, lúc tôi đang còn
ngủ trưa trên một cái gác trọ ở đường Võ Tánh, đối
mặt với con đường xe lửa: mẹ tôi leo lên lầu và đánh
thức tôi dậy: “Ông ngoại con đã chết đêm qua”. Tôi
theo mẹ đến nhà bà dì ở Thủ Đức; ông ngoại tôi nằm
nhắm mắt và miệng há ra, cứng đơ và mềm mềm, tôi
khoanh tay đứng ngó, không buồn không vui, có lẽ
tần ngần thì đúng hơn, vì đó là lần đầu tiên tôi nhìn
thấy người thân chết; hồi tôi còn nhỏ, hai đứa em trai
kế tôi cũng chết, nhưng lúc ấy tôi còn nhỏ quá và
cũng chẳng nhớ gì rõ ràng lắm, có lẽ tôi chỉ nhớ rằng
người nhà đậy khăn trắng trên mặt chúng, từ ngày
chúng chết đi cho đến nay đã được trên hai chục năm
rồi mà tôi không bao giờ thấy chúng về dù là hiện về
trong mộng. Có những cái chết là chết hẳn. Nhưng
đối với ông ngoại tôi thì khác, tôi không tin rằng ông
chết, dù tôi thấy ông nằm chết trước mắt tôi. Thỉnh
thoảng trong giấc ngủ, tôi vẫn thấy ông sống. Có một
lần ở Paris, tôi bị ông anh ruột đuổi đi một cách khéo
léo, rồi sau đó vì chịu đói không nổi, tôi liền chạy lại
ông cậu ruột của tôi, em út của mẹ tôi; tôi được ông
nuôi vài ngày, rồi lại bị đuổi đi nữa và đành phải ngủ
ngoài vỉa hè, nơi nào gần lỗ cống thì mới ấm: cống
xông hơi lên, đầy khói. Sau một thời gian sống với
những tên ăn mày ở Paris, bọn “clochards”, thì tôi lại
xáp vào nhập bọn với đám beatniks (lúc ấy chỉ có
beatniks, chứ chưa có hippies), tôi được chúng chia
bánh mì, cà phê và thuốc lá, và quan trọng nhất là
được một tên chỉ cho chỗ xin súp bình dân mỗi chiều
vào lúc 7 giờ tối, ở đằng sau nhà thờ Saint Séverin.
Sau một thời gian long đong đói lạnh thì tôi được một
hoạ sĩ Việt Nam đem về nuôi trong phòng vẽ của hắn
(cách đây một tháng tôi có trở lại Paris và nghe tin
rằng bây giờ hắn vất vả lắm — hãy để cho tôi chúc
hắn được “tai qua nạn khỏi”), hắn nuôi tôi được một
lúc, rồi lại đuổi khéo, tôi vốn sinh ra mang “máu anh
hùng” dù là “anh hùng rơm”, do đó gần lửa tàn thì
vẫn dễ cháy. Tôi lại xách áo ra đi, trong túi không có
một đồng quan nào cả; không nhà, không bà con nào
nhờ cậy được, không bạn bè, không nghề ngỗng gì
ráo. Buổi chiều hôm đó, hắn đã cho tôi uống rượu
thật say, rồi sau cuộc rượu ấy là sự đuổi khéo: “Tao
sắp đi Marốc, thôi mầy đi tìm chỗ khác ở, tao trả
phòng lại”, tôi nói: “Cảm ơn” và xách áo đi thẳng,
không muốn ngó lại (ừ, có đứng lại và đái dài hơn
trong nhà cầu dưới lầu). Buổi tối đêm đó thực đúng
như nhan đề quyển tiểu thuyết của Céline, đầu đêm
hay cuối đêm?, tôi không biết gì hết chỉ biết bước đi
loạng choạng như thằng say rượu (mà quả là say rượu
thật, chứ không như) và tôi đã nhìn thấy ông ngoại
tôi; tôi gọi “ông ngoại, ông ngoại!”, nhưng sau đó tôi
dụi mắt và đoán ngầm rằng mình đã say, vì quá say,
nên thấy loạn xạ hết cả.
Tôi nói về cái gì? Ừ, cái khó khăn của việc bắt đầu.
Sáng nay, tôi thức dậy. Tôi thấy con mèo trắng, nghĩ
đến ma, rồi nhớ đến ông ngoại, sau cùng lại nhớ đến
thời gian long đong ở Paris. Và bây giờ, tôi có thể
viết tiếp đến bao nhiêu trang giấy nữa thì cũng không
hết chuyện dù câu chuyện cũng có thể chấm dứt nơi
đây. Nhưng tôi chưa muốn chấm dứt nơi đây, vì chấm
dứt nơi đây có điều bất lợi: tôi sẽ không nói hết điều
tôi muốn nói.
Về điều bất lợi thì quả là bất lợi. Tôi vẫn luôn luôn
muốn nói hết điều tôi muốn nói. Nhưng nói hết là nói
hết thế nào? Chẳng hạn sáng nay, tôi thức dậy. Làm
gì nói hết được những gì xảy ra trong đầu tôi khi tôi
vừa mới thức dậy? Vừa muốn nói điều này thì điều
khác lại chạy sờ tới, hấp dẫn hơn, đáng nói hơn điều
mình muốn nói. Thế là mình lại nói đến điều hấp dẫn
kia và quên đi điều muốn nói. Hồi sáng, tôi muốn nói
về sự khó khăn của việc bắt đầu, mà chưa nói đến sự
khó khăn ấy thì nói đến con mèo trắng rồi lại nói đến
ma, đến ông ngoại và sau cùng đến điều bất lợi. Và
bây giờ tôi lại muốn nói: “Phải viết văn như thế
nào?” Người ta nói rằng viết văn thì phải cần có kỹ
thuật và kỷ luật; viết văn thì phải có nghệ thuật; viết
văn thì phải có ý tưởng, hay cao hơn, phải có tư
tưởng; viết văn thì phải có “thái độ” và “lập trường”.
Hồi tôi còn nhỏ, học trường thầy dòng, đến giờ viết
“dissertation” thì thường nghe thầy dạy như vậy; lúc
ấy, tôi đã bắt đầu đa nghi dữ dội và muốn đưa tay lên
trả lời: “Viết văn là đi đái, viết tuôn trào như nước
đái, nóng, sôi, reo lên xè xè như tiếng ve bãi trường”.
Nhưng tôi lại không dám đưa tay, và khi dám đưa tay
thì lại nói ngược lại điều mình muốn nói: “Viết văn là
diễn tả những gì thành thật nhứt trong ý nghĩa của
mình, bằng tất cả xúc cảm và tưởng tượng, để nói lên
những gì đè nặng trong tâm tư, bằng một ngôn ngữ
khúc triết mạch lạc để sống trong sự có mặt của mình
và kẻ khác”. Tôi đã đưa tay lên và nói rởm như vậy,
và được thưởng bằng một khuyên tròn “très bien!”
Liền sau đó, nói như Freud, tôi liền phản ứng lại bằng
sự trả thù của bản năng, tôi liền đứng dậy, đi thẳng
lên bàn thầy và xin đi đái, (mà không thể nói là “đi
đái” mà phải nói “đi việc cần”!)
Dám và không dám, bây giờ, đối với tôi, viết văn chỉ
có thế. Dám viết hay không dám viết. Có cái người ta
dám nói mà mình không dám viết, có cái người ta
không dám nói mà mình dám viết. Nhưng dám có
nghĩa gì? Người điên có dám không? Người say rượu
có dám không? Tất nhiên dám chỉ có ý nghĩa với
hạng người tỉnh trí, quân bình. Người ta chỉ dám khi
trí óc người ta còn biết đến sự nguy hiểm. Sự nguy
hiểm không có nghĩa gì hết đối với hạng người được
an toàn trong cơn điên hoặc cơn say. Tất cả mọi
người đều điên (một nhà phân tâm học nào đã nói
thế? Norman Brown hay Wilhelm Reich?). Như thế
thì không ai có thể tự nói rằng mình có thể dám hay
không có thể dám. Trong một quyển sách nhan đềLa
fonction de l’Orgasme (tạm dịch dài ra là: tác dụng
của việc sướng nhất trong sự giao cấu), Wilkelm
Reich viết về Peer Gynt của Ibsen như vầy: “Người
ta làm xong bổn phận và giữ kín miệng. Từ lâu rồi
người ta đã thanh toán Peer Gynt trong lòng mình.
Nếu không thế thì cuộc đời sẽ quá khó khăn và nguy
hiểm” (trang 42). Tôi không được dịp học vở
kịch Peer Gynt của Ibsen nhưng đó dường như tấn
kịch về một con người không thể tìm thấy được trái
tim của mình, một con người cô đơn bị một xã hội
chà đạp, giẫm nát, đến nỗi sức sống càng lúc càng tàn
tạ phôi pha đi và mất hẳn. Peer Gynt có dám không?
Mà dám cái gì? Dám cái này thì không dám cái kia,
dám tất cả thì không dám một cái gì hết. Dám hay
không dám, hữu hình hay vô hình, bên trong hay bên
ngoài, có hay không có, hữu thể hay hư vô, nghệ
thuật hay phi nghệ thuật, thực ra tất cả những thứ lý
luận “hay... hay...” này chỉ là một điếu thuốc cháy hay
không cháy. Thuốc cháy thì bị cancer, thuốc không
cháy thì bị buồn trống, nghĩa là còn nguy hiểm hơn
cancer. Không bị cancer thì cũng bị cancer: nguy
hiểm / an toàn = an toàn / nguy hiểm, sự lên xuống
của an toàn và nguy hiểm giống như “tác dụng của sự
sướng ngất...”: “La fonction de l’Orgasme”.
Bây giờ trời đang mưa, mặt trời đã chìm đi và chỉ còn
một mớ kỷ niệm, ồ, “đoạn trường ai có qua cầu mới
hay.” Mùa hè đã qua, nhưng mặt trăng, vân vân và
vân vân.
Những bức thư tình đại khái đều có giọng văn ăn tiền
như trên. Thỉnh thoảng tôi cũng thường viết với
giọng cà cưa như vậy (vừa hút thuốc vừa thả khói
một cách rất đểu giả), nhưng lúc nào thoải mái hơn,
thì tôi loi moi đi tìm cuốn tiểu thuyết Justine của
Lawrence Durrell và bắt chước giọng văn rất tình và
rất khan như khí hậu tình khan của thành phố
Alexandrie:
“Tôi chỉ ghi lại đôi điều này để tìm lại cả một phần
đời đã chìm lún trong biển. Ôi hỡi em! Melissa!
Melissa!”
(... Je note simplement ces choses pour retrouver
toute une partie de ma vie qui s’est engloutie dans la
mer. Melissa! Melissa!...)
Tôi muốn viết một truyện ngắn và muốn bắt chước
mở đầu một đoạn văn “khan khan giọng tình” như
vậy. Melissa! Melissa! Nhưng điều đáng buồn là tôi
chẳng có Melissa nào để gọi hay là có quá nhiều
Melissa để không dám gọi, vì tôi không muốn bắt
chước Lawrence Durrell để viết thêm ở đầu câu
truyện: “Những nhân vật của tiểu thuyết này, cũng
như nhân vật kể truyện, đều thuộc về tiểu thuyết,
không có thực. Chỉ có thành phố là thực.”
Đôi lúc mất bình tĩnh hơn, tôi tự hỏi: “Tại sao không
dám nói: chỉ có sự nói láo là thực?” Có một sự thực,
thực hơn tất cả sự thực, đó là... là cái gì?
Tình yêu là gì? Làm sao cắt nghĩa được tình yêu? Có
nghĩa gì đâu một buổi chiều... vân vân, chẳng gặp
nhau mà đã biệt ly, hồn anh theo dõi..., vân vân.
Tôi không hiểu tại sao hồi nhỏ tôi thích đọc những
câu thơ “đểu giả” như trên. Bây giờ tôi không dám
đọc nữa. Vì sao? Tại sao ngày xưa, chỉ là ngày xưa,
ôi Melissa! Melissa!
Nhưng văn chương khô hay văn chương ướt, văn
chương hợp thời hay văn chương lỗi thời, văn
chương xám hay văn chương hồng thì cũng lệ thuộc
vào “fonction de l’orgasme”. Văn chương của
“orgasme”, ừ, đúng rồi: “la littérature de l’orgasme”.
Có lẽ đó là nhan đề một quyển sách khác mà Wilhelm
Reich chưa kịp viết thì đã chết trong tù (trong một
nhà tù Hiệp Chủng Quốc, “made in U.S.A.”).
Tôi rất đau lòng là đã viết bốn trăm trang rồi mà vẫn
chưa biết rằng mình viết về cái gì. Nhưng nếu một
truyện ngắn có nghệ thuật, có kỹ thuật mới mẻ, với
giọng văn đầy tính chất văn nghệ sáng tác một trăm
phần trăm, thì điều ấy không khác gì anh đã quen
uống whisky mà tôi lại bắt anh uống bia hay tôi đã
quen uống cà phê mà anh bắt tôi uống coca-cola.
Mặt trời đang đỏ dần sau núi, khi máy bay đáp xuống
phi trường thì thành phố đã ngả màu chiều. Tôi buớc
xuống cầu thang một tay cầm passe-port, một tay rờ
lấy cái ví đựng tiền sau túi, vì tôi sợ cái ví rơi đi thì
bảy trăm năm chục dollars sẽ bay về một nơi không
hò hẹn. Với bảy trăm năm chục dollars ấy, tôi sẽ đi
được một vòng nghèo quanh thế giới, từ Á châu đến
Mỹ châu, từ Mỹ châu đến Âu châu; lúc máy bay Pan
Am cất cánh từ Bangkok qua Manila thì mấy cô
chiêu đãi viên “xinh như mộng” đã cho tôi uống hai
chai coca-cola và bây giờ khi máy bay đáp xuống
Guam thì tôi cảm thấy “chuyển bụng”, bụng của tôi
chuyển theo vòng chuyển của mặt trời, Guam có mấy
cây dừa cũng chuyển động theo tôi. Tôi bước vào
phòng đợi phi trường, tìm một W.C. để rửa mặt và đi
đái và làm mọi việc cần thiết. khi tôi bước ra thì
Guam bỗng trở nên xanh đen và đẹp kỳ lạ, dù Guam
chẳng có gì để gọi là đẹp, trừ ra một bầy dân da nâu,
ăn mặc màu xanh màu đỏ, “made in U.S.A.” Tôi mò
đến một hiệu tạp hoá ở phi trường, thấy
quyển Knight’s Gambit của Faulkner, mua và dở “bói
kiều” ngay trang 7:
Anselm Holland came to Jefferson many years ago.
Where from, no one knew. But he was young then
and a man of parts, or of presence at least, because
within three years he had married the only daughter
of a man who owned two thousand acres of some of
the best land in the country, and he went to live in his
father-in-law’s house, where two years later his wife
bore him twin sons and where a few years later still
the father-in-law died and left Holland in full
possession of the property, which was now in his
wife’s name. But even before that event, we in
Jefferson had already listened to him talking a trifle
more than loudly of “my land, my crops”...
Tôi nhìn thấy Faulkner viết trọn cả trang chữ đặc mà
không xuống hàng, thực là mệt mắt, nhất là loại sách
bỏ túi chữ in rất nhỏ trên giấy quá xấu. Tôi vội nhét
cuốn sách vào túi áo imperméable và với tay chụp lấy
quyển The Deer Park của Norman Mailer, dở ra “bói
kiều” một lần nữa, gặp nơi trang 265:
“...very conceited at bottom. I want to give you the
best example of how stupid I am...”
Đọc tới đó, tôi liền móc túi trả tiền và đi ra ngoài
ngồi trên chiếc băng đá, nhìn trời, nhìn đất và chờ
máy bay cất cánh qua Hạ-uy-di. Khi ngồi trên băng
dài, tôi nghĩ vớ vẩn, độc thoại nội tâm: “Faulkner và
Norman Mailer? Hai anh chàng viết văn lù dù như bồ
câu đực động cỡn. Người ta gọi hai con bồ câu đực
ấy là thiên tài. Thiên tài? Đúng là thiên tài? Nhưng
không có thiên tai thì làm gì có thiên tài? Chữ tài liền
với chữ tai một vần. Nguyễn Du cũng là thiên tài. Chỉ
uống có hai chai coca-cola trên máy bay mà đã
chuyển bụng muốn chết rồi. Coca-cola quả là thiên
tai. Thiên tài cũng phải đi tiêu và đi tiểu chứ. Mà
uống hai chai coca-cola vô bụng thì đầy hơi và chẳng
muốn làm gì nữa hết. Tại sao phải viết văn như bồ
câu đực động cỡn? Tại sao không thể viết về việc
uống hai chai coca-cola trên máy bay? Chỉ cần để gaz
đầy bụng là thiên tài chỉ còn là một cái bao tử thê
lương. Chỉ cần uống hai chai coca-cola thì vũ trụ này
chỉ là... chỉ là gì? Faulkner uống rượu nhiều, cho nên
viết văn như thằng say rượu; Norman Mailer hút
thuốc nhiều đến nỗi bác sĩ cấm hút thuốc và anh
chàng lại viết văn như thằng thiếu chất nicotine. Ừ,
tiểu thuyết là cái quái gì? Mà lại có chuyện nouveau
roman và anti-roman, mấy cái thằng Tây đều bị
constipation cho nên hay bày đặt chuyện lộn xộn:
structuralisme, anti-structuralisme, merde, anti-
merde...”. Ống loa ở phi trường lên tiếng gọi hành
khách tiếp tục hành trình. Máy bay vù vù trên biển
Thái bình dương. Ồ, Melissa! Melissa! Thái bình
dương! Thái bình dương!
Máy bay rù rù cà cựa đáp xuống phi trường
Honolulu, bước xuống cầu thang máy, hai túi áo tôi
cồm cộm, một bên nhét cuốn Faulkner, một bên nhét
cuốn Norman Mailer, một tay xách áo ấm, một tay
xách cặp đựng passe-port và giấy vệ sinh nhân tạo,
tôi đi “hiên ngang” vào cổng Honolulu. Honolulu đón
chào tôi bằng một tiếng “Aloha”. Tôi lại độc thoại
nội tâm theo điệu đối thoại trong tiểu thuyết trinh
thám: “A lô Hà... A lô! Hà... em vẫn mạnh chứ, con
chó cắn em đã được bác sĩ thử máu rồi...” Tôi vèo
một chiếc taxi chạy thẳng vào hotel Tropicanna.
Tropicanna hay Tristes Tropiques? Tropicanna hay
Tropique du cancer? Cởi truồng ra, lấy khăn lông dài
cuộn vào mình, tôi leo lên giường, nằm thả thừ người
ra, hút thuốc. Nằm trướn người lên, tôi lấy chân khều
khều cái cặp da, kẹp bổng nó lên lưng chừng bụng và
chìa tay móc lấy cuộn vé máy bay. Cuộn vé được cô
bán vé ghi lại cẩn thận, trong vé ghi: Honolulu-San
Francisco, San Francisco-New York, New York-
Mexico, Mexico-New York, New York-Frankfurt,
Frankfurt-Vienne, Vienne-Paris, Paris-Londres,
Londres-Paris, Paris-Athènes, Athènes-Bangkok,
Bangkok-Saigon. Thế là tôi phải leo lên máy bay trên
cả chục lần nữa, nghĩa là có lẽ sẽ phải uống mấy chục
chai coca-cola nữa. Tôi phát ngấy. Nước nào cũng
như nước nấy, xứ nào cũng y như xứ nấy, cũng coca-
cola, cũng hút thuốc, cũng uống cà phê, cũng ăn và
tiêu hoá hay không tiêu, cũng đi, ngồi, đứng và đi,
ngủ và thức, hai mắt ngó tới đằng trước, hai mắt vẫn
ngó tới đằng trước, giả vờ như có một cái gì, nhưng
thực ra chỉ là ngó tới đằng trước, ngó tới trước
khoảng trống trơn, trống trơn hơn cả vỏ ốc khô.
Melissa! Melissa!
Tâm hồn anh là lỗ trống của con ốc khô. Honolulu
đẹp một vẻ đẹp của con ốc khô, được tình cờ rưới vào
đó một chút nước biển đen và dơ.
Bãi biển Waikiki và buổi chiều, mặt trời và mặt trăng,
vân vân.
Tôi viết những dòng trên vào một phong bì, dán một
con tem có hình Lincoln và đề địa chỉ, theo điệu thơ
mới, mới hơn tất cả loại thơ của Henri Michaux:
Nguyễn thị Rớt, tự là Melissa-Melissa
số 1969, đường con ốc ma, tự là coca-cola
ở nước không tên, tự là Nada-Nada
Và tôi ghi rõ hơn dưới con tem những dòng chữ tô
đậm: “By Air Mail”. Tôi đem lại nhà bưu điện và xin
gởi bảo đảm; người công chức bưu điện hỏi tôi bằng
tiếng Anh:
— Ông gửi thư đi đâu?
— “Nước không tên” (tôi đọc y giọng Việt), rồi thêm
hai chữ “Nada-Nada”.
— Ở đâu?
— Tôi trả lời rồi.
— Xin lặp lại, tôi nghe không kịp.
— Được rồi, gửi chỗ xa nhất nước Mỹ thì phải trả
bao nhiêu tiền?
Ông công chức bưu điện ngó tôi với vẻ khó hiểu, rồi
lấy biểu kê giá tiền, đẩy gọng kính viễn thọ lên sống
mũi:
— Ở Bắc cực thì phải trả... còn ở Nam cực thì phải
trả...
— Thôi được rồi, tôi xin trả giá bằng giá Nam cực và
Bắc cực cộng lại.
Ông công chức bưu điện có vẻ tò mò:
— Xin lỗi ông, ông là người nước nào?
— Đố ông tôi ở nước nào?
— Nghe giọng ông nói thì chắc ông là người Nhật.
— Nầy nhé, để ông nghe lại tôi nói tiếng tôi và ông
đoán thử tiếng ấy là tiếng gì?
Tôi liền moi óc cố tìm ra một loạt tên văn sĩ Nhật và
nói luôn một tràng bất tận:
— Yukio Mishima Yasunari Kawabata Basho Issa
Okakura Kakuzo...
— Thôi được, đúng là tiếng Nhật rồi, chứ còn tiếng
gì nữa, những âm o và a...
— Ông thông minh lắm, xin lỗi ông, ông cho tôi hỏi,
ở Honolulu này ở đâu có bác sĩ trị bệnh chó cắn?...
Ở ngoài nhà bưu điện, trời đang mưa, tôi vội vàng đi
ra cửa. Điều mình muốn nói vẫn luôn luôn là điều
mình không bao giờ nói hết được. Tại sao có một loại
ốc chưa chết mà có tên là ốc ma?

----------------------------------------------------------------
--------------
TRỜI THÁNG TƯ

Viết là đâm nổ mặt trời. Nhìn lên trời tháng tư tại


Paris, tôi tìm không ra mặt trời: mặt trời đã chạy trốn.
Bây giờ là năm giờ rưỡi chiều.
Chiều Paris, những trời chiều Paris.
Phương trời.
Hai ngày trước khi đưa tiễn Nguyên tại ga Lyon,
Phương cùng tôi đã đi bộ trở về Jussieu, Phương đã
kể cho tôi nghe về mối tình của Phương và Nguyên;
hai người đã gặp nhau, đã yêu nhau và cưới nhau.
Lúc Phương và Nguyên hôn nhau tại sân ga một giây
trước khi tàu đi, tôi khoanh tay đứng nhìn và mỉm
cười.
— Giống như nàng và chàng hôn nhau trong tiểu
thuyết, chỉ là không có mưa.
Tôi thấy ngay là mình vừa nói xong một câu vô
duyên; tôi vội nói tiếp một câu khác để đuổi mây bay
đi.
— Khi tới Rome, Nguyên nhớ đến thăm mộ của K.
Việc thăm mộ của K. còn quan trọng hơn việc dự hội
nghị nữa.
Tàu bắt đầu chuyển bánh.
— Ráng ngủ cho nhiều nhé. Phải ngủ nhiều mới
được.
Tôi không nghĩ đúng như tôi đã nói; tôi chỉ muốn nói
lên một cử chỉ chăm sóc, mà tôi có bao giờ biết chăm
sóc ai đâu. Tôi chỉ biết chăm sóc những bóng ma
nhảy múa trong tiềm thức. Tàu chạy mất. Phương và
tôi cùng nhau đi về.
Chúng tôi đi về, không phải dưới cơn mưa, mà là
dưới bầu trời đen tối; thế rồi nhẹ nhàng như bóng
chim bồ câu trên cát, tôi sực nghe ý thức tôi nổ tung
và chợt biết mặt trời đã chạy trốn vĩnh viễn trong
không gian cỏ xanh.
Tôi khoanh tay đứng nhìn và mỉm cười.
Mười năm rồi, từ ấy đến mấy ngày hôm nay, tôi đã
đánh giặc với mặt trời, tôi đã quỳ lạy xin van mặt trời
hãy để tôi yên, tôi đói khát thanh bình, tôi đói khát,
quá đói khát.
Mới hôm qua, ngồi uống một cốc bia ngoài sân một
quán cà-phê gần Notre Dame bên cạnh dòng sông
Seine lờ đờ ngu xuẩn, tôi bước nhón nhén trên cánh
đồng cỏ xanh của dĩ vãng, tôi đá một chân vào đám lá
mắc cỡ, những cái lá bé li ti bỗng rún mình lại, tôi
khoanh tay đứng nhìn và mỉm cười; những chiếc lá
con thu nhỏ lại, rún mình nhỏ bé lại lần hồi chỉ còn là
một hạt bụi; hạt bụi xanh lại thu nhỏ lại quá nhỏ, nhỏ
hơn hạt nhân; tôi vội rút bút máy trong túi áo ra và đá
ngòi bút vào hạt nhân màu xanh ấy; đùng một thoáng
kinh hoàng, hạt nhân lá mắc cỡ nổ tung lên thành mặt
trời, tôi liền phóng cả cái bút thẳng vào tim mặt trời
và nó nổ bùng lên rùng rợn một cách im lặng, thứ im
lặng lẻ loi của ngày vũ trụ được sáng tạo dưới rún
người đàn bà ở không gian cỏ xanh; tôi bàng hoàng
nhìn thẳng vào cốc bia trên bàn và sực ý thức rằng
mặt trời vừa đầu thai thành muôn triệu cái bọt bồng
bềnh trong nước bia; tôi cúi đầu xuống thổi những cái
bọt cô liêu ấy và đôi mắt tôi bắt đầu ướt, không phải
ướt nước mắt, mà là ướt nước biển xanh vào lúc 12
giờ khuya khi tôi tắm biển ở New Haven tại Huê Kỳ
sau lúc nhảy hát với một vũ nữ người Nga dưới căn
gác sặc mùi rượu bia. Tôi trả tiền người bồi bàn và
bước qua đường De la Huchette, khu phố beatniks
của Paris. Bước vào quán Popoff, tôi gọi một cốc
rượu đỏ, ực vào một nhúm, đi thẳng vào cầu tiêu của
quán cà-phê, đóng chặt cửa lại, đuổi đi hết những bầy
ong của tiềm thức.
Đi vào cầu tiêu là đi vào cõi chết; chỉ khi nào đi vào
cõi chết mới có được nỗi cô đơn khôn cùng của lúc đi
trong cầu tiêu. Đi vào cõi chết là cởi truồng ra, duỗi
hai chân ra và ngồi trên địa cầu, để hồn bay lênh đênh
trên không trung đóng chặt, tư tưởng loãng ra và biến
mất theo tư tưởng loài người; ngoài cánh cửa cầu tiêu
là nói chuyện, lựa lời nói chuyện cho có duyên dáng,
thanh lịch và quý phái, hoặc lựa lời nói chuyện cho
vũ bão, tục tĩu, hoang đàng cộc lốc, ngang tàng hoặc
la hét lên hoặc nói khe khẽ thủ thỉ như đôi nhân tình
đầu thu chớm lạnh; ngoài cánh cửa cầu là phải nói
chuyện, nói chuyện để cho mặt trời vẫn mọc, để đi,
đứng, ngủ thức, thở, ăn, đợi, yêu, ghét, và nhìn những
chiếc tàu đi mất.
Khi tới Rome, nhớ đến thăm mộ K...
K. đã đi vào cầu tiêu ở Rome và đã đóng cửa lại và
đã không còn nghe bên ngoài nói chuyện nữa.
Paris, ngày 9 tháng 4 năm 1966
K. thân quí,
Mặt trời đã nổ tung rồi, mặt trời đã lủi chạy mất rồi,
mỗi hơi thở của tôi đưa mặt trời chạy xa thêm một
triệu dặm. K. có cảm động sung sướng mà nghe được
tin mừng này?
Rome còn đó, tôi ngồi đây tại Paris và một tháng nữa
tôi sẽ qua Luân Đôn nơi K. chào đời. Bây giờ tôi phải
nói chuyện thay K. tôi không nói khe khẽ như người
say đắm, tôi không nói nhỏ nhẹ phơi phới như K. đã
nói với chim hoạ mi, với bình sứ Hy Lạp và với mùa
thu.
Tôi nói bằng tiếng Phạn, không phải tiếng Phạn của
kinh Vệ Đà, mà là tiếng Phạn của kinh Đà Lạt. Tôi đã
học ngôn ngữ này tại suối Cam Ly, tại quán cà-phê
Tùng gần chợ Hoà Bình và tại những chân đồi cỏ tơ ở
Đà Lạt.
Thăm K. mạnh.
Thân yêu,
Tôi = ? XXX
Tái bút: Tôi có bảo Nguyên qua Rome thăm K.
nhưng không biết K. có chịu cho thăm không?
Nguyên đi qua để dự Hội nghị Quốc tế về Bất Bạo
Động; sẵn dịp Nguyên đi Rome, tôi có nhờ Nguyên
đến thăm mộ K. hộ tôi: mười năm rồi, trên những nẻo
đường lênh đênh, tôi đã bỏ quên, bỏ rơi K.; mấy ngày
trước khi Nguyên lên đường, tình cờ như tiếng gọi từ
thế giới vô hình tôi đọc lại vài bài thơ K., tôi gọi tôi
từ địa cầu vô hình, tôi gọi tôi trở về với tôi.
Bị bỏ rơi, bị bỏ rơi, tiếng run lên như tiếng chuông,
run lên như tiếng nấc của Hư vô, run lên như K. giữa
những cơn đau điếng hồn trong vũ trụ đìu hiu.
Tôi vừa nghe Belafonte ca bản Jamaia Farewell.
Tiếng chuông cõi chết đã đưa tôi xa nàng và gọi tôi
trở về tôi.
Tôi trở về tôi. Trở về tôi của tôi cô liêu, của tôi hiu
quạnh, của tôi đơn độc, của tôi duy nhất.
Ai bỏ rơi tôi?
Bỏ rơi, bỏ hoang, bỏ trống, bỏ hiu hắt, bỏ cô liêu.
Tôi bỏ rơi tôi.
K. than thở, K. chấm một dấu than.
K. ơi!
Mai nầy tôi chết, hãy chôn tôi với.
Còn uống rượu?
Hãy chôn tôi với.
Chôn tôi với cây đàn, hở F.G.L.?[*]
Hãy chôn tôi với.
!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!
Với cây đàn. Những con chim bay tung trời. Sao tôi
không còn khóc được?
Chim. Chim.
Tôi không còn biết yêu. Tôi không còn biết nói.
Mai này tôi chết đi, hãy chôn tôi với.
Tôi gọi tên em Tên em là.
Tôi còn gì nữa để nhìn lên trời, phương trời tháng tư?
Tôi còn gì nữa để nhìn lên phương trời? Chỉ còn lòng
kiêu ngạo vô biên.
K. ơi, tôi là R.!
Chỉ còn lòng kiêu hãnh mênh mông như phương trời.
Phương trời tháng tư.
Tôi không còn biết ca hát. Tôi chỉ biết nói ồn ào trên
vực thẳm đìu hiu.
!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!
Mưa rơi trên cánh chim.
Nói ồn ào trên cánh chim non những ngày lửa mất.
K. Nguyên thăm mộ K. chưa?
K. ơi, K. ơi, K. ơi!
F.G.L.
L. đã nói, L. đã không nói, đã không bao giờ muốn
nói.
Tôi đã không bao giờ muốn nói.
Không bao giờ muốn nói điều ấy với em.
Tại sao vậy hỡi L.?
Nếu tôi chết
Xin em hãy để ban-công mở rộng.[**]
L.L.
Hãy để bao lơn mở rộng để tôi nhìn lên phương trời
Phương trời tháng tư
Hãy để bao lơn mở rộng
Tôi muốn nhìn lên phương trời
Tôi còn gì nữa để nhìn lên phương trời
Chỉ còn lòng kiêu ngạo như đại dương bao la vỗ
sóng.
Còn gì? Còn gì?...
Mai nầy khi tôi chết đi
F.G.L.
Mai nầy khi tôi chết đi
Mai nầy khi tôi chết đi
Hãy chôn tôi với cây đàn guitare, hỡi F.G.L.
Cây đàn tháng tư
Phương trời, hãy chôn tôi với phương trời tháng tư.
Thân ái chào K.
Tôi = R. – xxx
Tái tái bút:
Tôi có bảo Nguyên qua Rome thăm K, nhưng không
biết K. có chịu cho không? Nguyên đi qua để dự Hội
nghị Quốc tế về Bất Bạo Động.
K. có chịu cho thăm không?
Tôi cố gắng tưởng tượng K. đang ở Rome để dự Hội
nghị Quốc tế về Bất Bạo Động!!!
!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!
K. đã chết đi vì lý do nào?
K. đã chết đi.
Không phải vì tình yêu.
K. đã chết đi vì lý do nào?
K. đã chết đi và không thể sống nổi trên cuộc đời này
vì K. biết rằng thế giới này sẽ tổ chức những cuộc
Hội nghị Quốc tế về Bất Bạo Động! Đó là lý do quan
trọng nhất đã khiến K. không sống nổi trên cuộc đời
này!
Những Hội nghị Quốc tế về Bất Bạo Động đã giết K.!
Tôi gục đầu ràn rụa những giọt sóng biển. Tôi gục
đầu, tôi ôm đầu mà không thể khóc được. Tôi để cho
tên K. trôi theo sóng nước. Tôi gục đầu và chỉ còn
lòng kiêu ngạo vô hạn mới có thể để yên cho những
con chim bay rợp trời.
Trời tháng tư.
Tôi chỉ còn biết nói ồn ào vô vọng trên hố thẳm bơ
vơ. Mặt trời chạy trốn, mặt trời chạy trốn.
Thân yêu chào K.
Tôi = kẻ khác – R.
nghĩa là xxxxxx
Tôi vừa thức giấc sau một đêm dài triền miên trên thế
giới khác; tôi đã viết một bức thư cho K. trong mộng,
(một con bồ câu mái) chuyển thư tôi cho K.; bây giờ
tôi không còn ngủ nữa, tôi đã thức rồi.
Khi tôi vừa thức thì chắc K. đã nhận được thư rồi.
Chừng nào K. trả lời thư tôi? Không biết. Có lẽ lúc
nào tôi chết rồi mới nhận được thư của K. Mai nầy
tôi chết đi...

2
Viết là gọi phù phép cho mặt trời sống lại.
Làm mặt trời sống lại gọi là HỒI DƯƠNG. Trong
ngôn ngữ thường nhật, làm người chết sống lại cũng
là hồi dương (không viết hoa). Tôi đã hồi dương?
Hôm nay, vừa tắm xong, bỗng nhiên tôi nhớ thèm
một mùi thuốc lá. Phương trời tháng tư không lạnh,
chỉ heo hắt những đợt gió nhẹ chớm xuân. Tiếng
chim kêu ban mai khiến tôi nhớ một mùi thuốc lá
quen quen. Mưa Paris phơi phới phương trời bao la,
phơi phới những vòng khói thuốc bâng quơ của dĩ
vãng nhiều buồn. Tôi nhớ thèm một mùi thuốc lá; tôi
nhớ mùi thơm của lá tràm mà tôi chưa bao giờ thấy
(hay đã thấy trong tuổi nhỏ và không biết tên; những
gì chưa có tên sẽ không bao giờ mất và sẽ còn lại đời
đời, dù vũ trụ có tan tành như bọt), tôi nhớ mùi lá
tràm, nhớ những hoa trắng của cây tràm, xin cho tôi
dùng củi tràm nhúm lửa để đốt lên một điếu thuốc
gauloises xanh, xin cho tôi vỏ cây tràm để trám ghe
và chèo vào hư vô.
Nhưng cây tràm không mọc ở Paris.
Tôi xin đi vào vào vườn bách thảo ở giữa đường
Linné và đường Lacépède hay ở giữa con đường
không tên trong tiềm thức. K. đã chết vì cây tràm
không mọc ở Rome và K. đã chết tại Rome.
Tôi nhớ mùi thuốc lá hay tôi nhớ mùi lá tràm bị đốt?
Tôi mang vào đôi giày cũ, đôi giày mà Vĩnh đã gọi là
đôi giày của V.G., V.G. cũng đã chết, chết theo Pr..
Tôi nhè nhẹ bước xuống thang lầu, những chiếc
thang lầu gỗ của những nhà trọ cũ ở Paris. Tiếng gỗ
kêu thành những bước chân xuống lầu; những bước
chân bước xuống niềm câm lặng nặng nề của dòng ý
thức bảo vệ rụt rè.
Một cánh cửa mở, một người bước ra đường. Một
người hay bóng ma? Tôi là một con ma nhớ khói nhà,
bước ra đường để tìm một bao thuốc gauloises xanh,
bước ra phố để đốt lên một nhúm lửa cho ấm hồn
phiêu dạt. Paris phơi phới đầu xuân, những mùa xuân
không bao giờ nở trọn. Tôi ca hát một mình. Ma có
ca hát không? Mặt trời đã nổ hôm qua.
Tôi băng qua đường Monge, ngày chúa nhật, quán
thuốc đầu phố đã đóng, một mùi khói đã tan. Vòng
qua đầu phố ngang vườn bách thảo, quán thuốc thứ
hai đã đóng rồi. Quán thuốc thứ ba cũng đóng. Hai
vòng khói đã bay về không gian cỏ xanh. Tôi bước về
đường Puits-de-l’Ermite, đứng lại ngó vào đền thờ
Hồi giáo. Một người da đen đứng nơi cửa phát báo,
hai người khách du lịch rụt rè muốn bước vào trong
thánh đường. Tôi bước qua đường Quatrefages: một
điệu nhạc ru khơi vơi bồng bềnh trong đôi mắt của
người con gái tôi không gặp. Tôi nhìn lên trời.
Bước vào một quán rượu gần bến taxi ở đường
Monge, hỏi mua một bao thuốc, người quầy rượu chỉ
qua quán thuốc bên đường kế cận, tôi đánh diêm đốt
lên điếu thuốc đầu tiên trong đời (tôi vừa mới ra đời):
khi tôi đánh diêm, tôi nhìn lửa bừng lên đốt cây diêm
thành khói, lửa đã đốt hình hài tôi và nó sẽ làm khói
bay vút lên những bầu trời thần thoại. Tôi buồn vô
hạn. Nhân loại đã phản bội tôi. Tôi đã đánh lửa lên
cho con người. Tôi đã thổi khói ra để con người được
nhìn cõi mông lung của lửa, khói và nước (nước
trong miệng tôi đã ôm lửa để run lên khói điên).
Những cây tràm đã bị bới tung để được thay vào đó
những nhà máy, những xưởng, những chợ búa, những
thành phố. Con người hút thuốc để chạy trốn sự chạy
trốn của mặt trời. Hút thuốc lúc đi tiêu, hút thuốc lúc
đi đái, hút thuốc lúc ngồi nhà đĩ, hút thuốc trước khi
bắn loạt súng đầu tiên vào những cây tràm, hút thuốc
lúc chán chường, hút thuốc để giữ lập trường, hút
thuốc để che giấu sự trống rỗng không đáy của đôi
mắt, hút thuốc vì không dám làm sống lại mặt trời.
Hút thuốc vì sợ chết.
Và sợ sống – – – xxxxx
Hút thuốc là đánh đĩ tư tưởng mình để có thể sống
ngày qua ngày, đêm qua đêm.
Đừng nói đến cách mạng, đừng nói đến cộng sản hay
tư bản, công bình hay bác ái, đừng nói đến vô minh
hay giác ngộ, thiên đàng hay địa ngục, bạo động hay
bất bạo động. Hút thuốc đi.
Có người đang hấp hối, rụt rè, sợ hãi, lo lắng, ngột
ngạt, nhứt đầu, đau buồn, ỉa không ra, ngủ để được ru
vào những hình ảnh đẹp hay rợn người, đi đứng trên
những buổi chiều của những ngày hôm qua. Con
người đưa tay ra nắm ghì, ôm giữ, chụp lấy những
làn khói thuốc mong manh của tình yêu, của tình
người, của những điệu nhạc ru hồn, của những chùm
lá xanh đầu xuân. Không có phức cảm tự ty, không có
phức cảm tự tôn, không có phức cảm Oe., chỉ có
phức cảm Pr., phức cảm thừa hưởng niềm kiêu hãnh
điêu đứng của một kẻ ăn cắp lửa để đem cho con
người. Con người hút thuốc không phải để có niềm
linh cảm bi tráng của Pr. mà để gợi lại một phức cảm
trong bóng đêm tiềm thức; con người đã đóng đi Pr.
giữa hai diêm quẹt bắt tréo; con người đã giết và
phản bội Pr. trong từng điếu thuốc họ hút. Tất cả linh
cảm của buổi ban đầu đã rơi xuống thành phức cảm
và cảm giác. Người con trai và người con gái ôm
nhau trần truồng trên giường và bị trói chặt trong
phức cảm và cảm giác, vì linh cảm đã biến mất trong
lòng đời. Con người không còn nhảy múa trên lửa,
trên hố thẳm đìu hiu của đêm điên; con người chỉ còn
nhảy múa trong khói thuốc. Thế là cây tràm không
còn mọc được trong ngôn ngữ con người. Hai người
nói chuyện nhau bằng những tiếng ú ớ của kẻ câm
điếc. Bắn cho nổ tròng con mắt, bắn cho nổ lỗ tai để
mà nghe và nói bằng tiếng Phạn. Các người hút
thuốc, đốt lửa hút thuốc, vì các người không còn đủ
niềm linh cầu để đốt lên một cơn lửa điên trong đời
sống của các người.
Đứng lại, khoanh tay và quì gối xuống mà nhìn tôi
hút thuốc. Tôi đánh diêm đốt lửa và hai triệu vũ trụ
đang được tượng hình theo hai ngón tay tôi. Tôi bước
chậm rãi qua một con đường ngược chiều; cơn say
của mùa xuân Paris đang chếnh choáng theo hai bước
chân tôi. Mặt trời chuyển động theo hơi thở tôi. Mặt
trời đang HỒI DƯƠNG khi tôi bước qua đường
Tournefort ở Quartier Latin, tôi đảo lộn con đường
ngược lên lối Jules Chaplain và đứng lại nghe người
nghệ sĩ nghèo đứng đờn vĩ cầm giữa phố; mặt trời
quay mòng và nhập dòng ý thức tôi; ý thức tôi đưa
nhẹ vào tim và kéo ra một điệu vĩ cầm tuyệt vời mà
chỉ những con người tội lỗi mới nghe được. Tôi trở
lại vườn bách thảo, bước xuống ngang viện Thực vật
học, đi thơ thẩn trên những lối cỏ công viên, chới với
theo những cánh hoa đong mình rơi rụng trên đất. Tôi
nhìn mấy cái ghế dài ở công viên và thấy Rimbaud
lấy phấn viết “Merde à Dieu”! Người đi đường thấy
tóc của Rimbaud mọc dài đến vai, móc túi lấy ra 4 xu
và bảo Rimbaud đi hớt tóc. Rimbaud lấy 4 xu và chạy
đi mua thuốc hút! Tôi lại gần ghế dài ấy, bôi chữ
“Merde à Dieu” và cầm phấn viết lại “Merde à
Rimbaud”!
Tôi bước thật chậm về đường Guy de la Brosse, ném
trọn bao gauloises vào giỏ rác. Bước lên phòng, nằm
dài xuống sàn, trùm mền kín cả đầu, ngủ một giấc dài
đến tối.
Thức dậy, tôi bò quanh tìm thuốc hút, nhưng chẳng
còn điếu nào rớt lại. Tôi lại nằm xuống sàn, đắp mền
kín đầu, hơi thở ngột ngạt hâm nóng cả người, câu
thơ của Bob Kaufman ru tôi vào giấc ngủ đìu hiu;
“Tôi nhớ Chaplin và vấn lên một điếu thuốc tâm
tư”... Người thi sĩ da đen của nhóm Beat ru tôi vào
giấc ngủ tháng tư: “Mặt trời ra đời và Thượng đế đã
ngủ với một điếu thuốc cháy, hừ, thượng đế đã vỡ
chết do một đêm dài phán xét”...

Đẩy cánh cửa sổ lên, tôi đứng nhìn ra sông Hudson


thấp thoáng đằng xa phía bên mặt, công viên trước
mặt đã thay lá. Phòng bên, Chang đang thổi bản
paloma, tôi vỗ mạnh vào vách và hét bảo Chang thổi
lại một lần nữa. Chang là một người bạn Trung Hoa,
anh học tại trường cơ khí Brooklyn. Chang là một
trong năm người bạn thân nhất của tôi tại ngôi nhà
quốc tế nầy.
Khoảng năm trăm người ở “ngôi nhà quốc tế”
(International House) đều là sinh viên của Đại học
đường Columbia, khoảng hai chục người học tại
trường âm nhạc Julliard, vài ba người học ở N.Y.U.
chỉ có hai người học ở trường cơ khí Brooklyn.
Chang là một trong hai người ấy; trường Brooklyn rất
xa ngôi nhà chúng tôi ở: do đó Chang đi học và ăn
trưa tại trường, mãi đến chiều tối anh mới về nhà.
Phòng tôi ở số 358, ở khít bên phòng Chang, mỗi lần,
nằm trên giường, nghe tiếng nước róc rách bên cạnh
hoặc nghe tiếng kèn là tôi biết Chang có ở nhà; lúc
đó, chỉ cần vỗ vào vách ba bốn lần thì Chang biết tôi
đòi anh thổi bản Paloma. Khi nào hứng, anh liền thổi
ngay, khi nào không hứng, anh nhảy ra ngoài đập cửa
phòng tôi. Khi nào hứng, tôi quấn khăn vào người;
chạy ra mở cửa; khi nào không hứng, tôi hét lên cho
Chang biết tôi muốn nằm yên để ngủ.
Trời New York tháng mười đã lạnh cóng người, thế
mà lúc nào leo lên giường nằm ngủ, tôi cũng cởi hết
quần áo, cởi cả quần áo lót, đắp chăn vào thân thể
trần truồng và để da thịt mình ướp vào những tấm
mền nỉ mịn như cỏ non. Nơi gần đầu giường, tôi dán
một bức tranh nhỏ của Le Douanier Rousseau, hình
một con sông chảy bình thản giữa hai bờ hoàng hôn.
Trước khi ngủ, tôi thường nhìn con sông ấy và nhắm
mắt lại để hồn tôi bềnh bồng trôi theo dòng sông
buồn. Chỉ có cách tượng hình bình thản như vậy mới
có thể đưa tôi vào giấc ngủ; còn không thì tôi sẽ thức
suốt đêm nhìn trần nhà, để rồi ngóc đầu ngồi dậy mặc
quần áo, lấy subway đi xuống Washington Square,
trốn vào một hầm cà-phê ở Greenwich Village, uống
liên tiếp gần mười tách cà-phê đen, hút liên miên hai
ba chục điếu thuốc, đi từ quán cà-phê này đến quán
cà-phê khác, sau cùng đến ngồi thừ ra trong hầm
quán cà-phê Figaro ở giữa đường Bleecker và đường
Mac Dougall, ngồi thừ ra trong một góc thật tối, đến
gần bảy giờ sáng, khi quán sắp đóng cửa thì thì lủi
thủi bước xuống hầm subway mà đi trở về nhà, rồi
nằm ngủ nửa tỉnh nửa mê đến trưa mới ngồi dậy rửa
mặt, để rồi tiếp tục sống lại chuỗi ngày đêm vô vị,
đánh nhịp đây đó bằng những cuốn sách bơ vơ của
S.W., của H.M., của M.H. hoặc bằng những câu
chuyện nhảm với mấy đứa con gái đủ màu da của
ngôi nhà quốc tế này.
Tôi đang thiêm thiếp mê man giữa tỉnh và thức, tôi
sực giựt mình vì tiếng đập cửa đánh mạnh vào thái
dương như tiếng sét rớt vào phòng. Tôi chụp lấy đồng
hồ, 11 giờ trưa rồi. Hồi 7 giờ sáng, trước khi đi ngủ,
tôi đã cẩn thận treo bảng “Please do not disturb”
(bảng do nhà I.H. in sẵn cho mọi người ở trong nhà);
bảng ấy rất ích lợi, vì khi nào mình muốn tự tử mà
treo bảng ấy nơi cửa thì không ai đến phá cửa để
phiền rầy cái xác thối của mình (“xin vui lòng đừng
làm phiền rầy”). Vậy mà chú Chang nầy lại cứ đập
cửa phiền rầy tôi, nhất là mỗi khi anh đi ngang qua
thấy tôi treo bảng ấy nơi cửa.
— Thức dậy mầy, ngủ gì ngủ suốt ngày.
— Đêm qua tao không ngủ.
— Vậy mầy làm gì đêm qua?
— Tao thức đọc sách...
— Đêm qua mầy đi hoang suốt đêm, tao không biết
sao mà còn nói láo.
— Ừ, mầy ăn sáng chưa?
— Thay đồ mau xuống ăn với tao. Gần hết giờ rồi.
— Vô đây mầy, ngồi chờ tao một phút.
— Mở cửa sổ ra mầy, bước vào phòng mầy sặc mùi
thuốc, mầy lại đẩy giường đi chỗ khác nữa, mầy
không bao giờ nằm im một chỗ, hôm qua mầy để ghế
bành vào giữa, hôm nay mầy đẩy nó qua bên hông,
mầy đẩy giường vào cửa sổ, sát bên lò sưởi điện, coi
chừng nó nóng quá độ đốt cháy hết cả giường, đốt
luôn cả mày thì hết đi hoang cả đêm. Ừ, đêm qua
mầy đi hoang ở Greenwich Village? Bữa nào dẫn tao
đi với...
— Mầy rủ con Patricia đi luôn...
— Ừ, Pat nó lo lắng cho mầy đó.
— Lo lằng cái gì?
— Nó nói với tao dạo nầy mầy đâm ra bấn loạn tinh
thần gì đó, hôm qua Pat lên phòng tao bảo tao qua gõ
cửa phòng mầy để rủ mầy đi viếng hội chợ quốc tết
với tụi tao, tao đập cửa mầy mà mầy cũng chẳng lên
tiếng, ngủ gì mà ngủ hoài, không chịu làm gì cả.
— Tao ghét tất cả hội chợ, tao ghét cái thành phố
New York này, hội chợ quốc tế ở đây chỉ là một thứ
New York thu nhỏ lại, tao chán, tao chán cái đời sống
Mỹ quốc này. Ờ, tụi mình lên gõ cửa phòng con Pat,
rủ nó đi xuống ăn sáng với tụi mình, con Pat nó nói
với mầy thế nào? Tao cứ đùa phá nó hoài, hôm qua
tao văng tục với cô nàng, tao nói rằng chỉ có sex là
quan trọng đối với cuộc đời tao, tao nói rằng tao bị ứ
dục tình, tao muốn...
— Mầy cứ phá Pat hoài, mầy phải tội nghiệp cô
nàng, Pat nó rất hiền thùy đoan trang, mầy đụng con
nào mầy cũng phá rầy, thằng Alberto nói mầy Don
Juan là đúng...
— Mẹ kiếp thằng Alberto, tao còn nợ nó 10 dollars...
— Mầy xài tiền vừa vừa thôi, mầy tiêu tiền quá đáng,
tháng nào mầy cũng xài hết tiền, xài hết ngay mấy
ngày đầu tháng, rồi nhịn đói cuối tháng, cứ thế thì có
ngày bệnh nằm xuống thì nguy...
— Tao sẽ bỏ học bổng trong một ngày gần đây, tao
chán cái đời sống U.S.A. nầy, tao gần điên lên rồi...
Hôm qua, viện I.I.E. cử tao làm đại diện sinh viên
quốc tế ở N.Y. này để tiếp tân, tao viết một bức thư
cho I.I.E. và bảo rằng tao không đi, bảo rằng tao chán
Mỹ quốc, rằng tao chỉ thấy sự trống rỗng của thực tại
Hiệp Chủng Quốc...
— Mầy điên rồi, mầy đừng gửi bức thư ấy, nguy
hiểm lắm.
— Tao gửi rồi. Hồi sáng này tao nghe điện thoại ré
vang phòng tao mà tao không trả lời, tao chắc I.I.E.
gọi tao... Thôi mầy chạy ra trước bầm thang máy sẵn
chờ tao ra sau, chừng một phút nữa... Mẹ kiếp, tao đi
thang máy hoài cũng phát điên lên... Tao chán New
York, chán những cái thang máy, chán những ngôi
nhà hộp quẹt khổng lồ (như ngôi nhà này), chán
những chai coca-cola mười lăm xu, chán mấy cái
hamburgers, chán những subways, chán những đại lộ
không cây, chán những supermarkets, chán những kỹ
thuật đọc nhanh tại mấy đại học đường, chán những
phòng lò sưởi điện nóng quá sức, chán những cái
hotdogs, chán những nhà hàng Mỹ, chán những cái ô
tô buýt, chán những điếu thuốc Mỹ, chán cái đại lộ
Thứ Năm, chán tất cả những đứa con gái Mỹ, tất cả
bọn con gái Mỹ đều nứng mà không dám thoát ra...
Mẹ kiếp tao chán chán muốn điên lên, bất cứ thằng
Mỹ nào gặp tao cũng hỏi tao nghĩ thế nào về tình
hình Việt Nam, tao bảo chúng chuyện ấy không can
hệ gì tới chúng, tao bảo chúng hãy để tao yên, tao bảo
với chúng rằng thằng Mỹ nào cũng hỏi tao như vậy.
Hôm qua con Elisabeth ngạc nhiên lúc nó biết tao là
người Việt Nam, nó có vẻ thích nghe tao nói về Việt
Nam, nó có vẻ thương người Việt Nam — nó thương
Việt Nam lắm, thằng Ba Tư, thằng Ali đó, mầy quen
không, thằng cao cao ở lầu mười, thằng quỷ Ba Tư
này bảo tao hãy fuck con Elisabeth một cái để trả thù
cho Việt Nam, tao nói tao chán con gái Mỹ như chán
hotdogs... Ừ, xong rồi, thang máy xuống kìa, mầy
hãy chạy ra nhanh bấm nút giữ lại để tụi mình đi
nhanh cho kịp giờ điểm tâm...
— Bây giờ 11 giờ 10 phút rồi, còn nửa giờ nửa mới
hết điểm tâm.
— Được rồi, mầy giữ nút đỏ ấy đi để tụi mình lên
thẳng tầng mười.
— Mầy gõ phòng Pat đi, tao đứng đợi nơi hành lang
nầy.
— Ai đó?
— Ta
— Ta là ai?
— Ta chứ ai? Ta là Thượng đế...
— Ồ, anh có chuyện gì lạ không anh?
— Thằng Chang bệnh gần chết, xuống mau thăm nó,
nó đang bệnh gần chết... Nó bị xe đụng tét háng...
— Anh quỷ này đừng rộn chuyện...
— Ừ Pat đang làm gì đấy?
— Đang viết thư.
— Cho anh chàng ở Paris?
— Ồ, anh đừng nói nữa, chuyện riêng của em, em đã
quên anh chàng ấy rồi, em viết thư cho Air France để
xin mấy tấm hình quảng cáo Paris để dán trong
phòng cho đỡ buồn, em sẽ xin thêm cho anh một tấm
nhé...
— Ừ, Chang ơi, Pat gọi mầy kìa.
— Ủa, có anh Chang lên nữa à, thôi mời hai anh vào
phòng.
— Pat, mạnh chứ? Chưa ăn sáng hử, thôi đi xuống ăn
chung với tụi này.
— Thôi hai anh đi ăn đi, em còn kẹt giờ học tại
Columbia vào hai giờ, em phải viết xong mấy bức
thư và dọn bài sẵn...
— Pat xuống ăn ngay lập tức, không nói lôi thôi. Ê
Chang, mầy thấy rõ chưa cô nàng sợ mập không dám
ăn sáng.
— Thôi em đi ngay đây, anh chỉ có tài nói xấu thiên
hạ... Ừ hôm qua, Catherine nói anh đi chơi với Anna
mấy tuần nay phải không? Lãng mạn ghê!
— Cái con Catherine lẩn thẩn này. Anh chỉ đi với
Anna có một lần thôi, lần nào nó gặp anh, nó cũng
thấy anh ngồi ăn cơm chung bàn với Anna, nó tưởng
anh và Anna đang lãng mạn với nhau gì đấy, thực ra
thì anh đâu có ưa con Anna...
— Thôi đừng giải thích dài dòng, đi xuống ăn sáng
cho rồi kẻo trễ giờ...
— Ừ, có sẵn thang máy đây, may quá...
— Bấm nút B đi mầy.
— Này, này, anh hút bớt lại một chút, em thấy anh
hút thuốc liên miên không dứt.
— Con gái đừng đá động đến việc con trai.
— Ừ, anh Chang, hôm nay, anh có xem phim Hawaii
ở phòng dưới không, em nhớ Hawaii quá, nhưng
không hiểu sao em lại nhớ luôn cả Paris, vì một lần
nọ lúc còn học ở Paris em cũng có xem một phim
Hawaii cũng đẹp như vậy, lễ Thanksgiving, có lẽ em
sẽ về Hawaii thăm ba má em, hay hoặc có lẽ em sẽ
qua Paris chơi cho đỡ nhớ... Em là người Mỹ, nhưng
không hiểu tại sao em thích sống ở Pháp hơn Mỹ...
— Hừ, cái nước Mỹ này...
— Ừ, ừ lại mầy nữa, đúng đề tài muôn đời của mầy
rồi, mầy cứ chửi Mỹ hoài, tao cũng đâm nhức óc...
— Không chừng tao cũng bay qua Paris vào lễ
Thanksgiving... nhưng tao cứ tiêu hết tiền hoài, khó
để dành lại để mua vé máy bay.
— Đáng kiếp mày.
— Anh nên thực tế một chút, anh sống bất chấp... Em
thấy anh không nên sống như vậy... Rồi cũng không
đi đến đâu, anh phải thực tế, đừng quá viển vông... ở
đời sống này, chúng ta cần phải...
— Này, Chang... mày đưa Pat xuống ăn trước, tao
cần trở về phòng...
Tôi bấm nút ngừng lại từng 3, bước về phòng, đứng
nơi cửa một phút, nhìn lên tên mình dán nơi cửa như
nhìn một tên lạc loài, tôi không mở cửa phòng mà
bước lui hành lang để vào phòng W.C. Tôi đóng kín
cửa lại hai vòng khoá, cởi quần ra như một đứa con
nít, ngồi trên bệ trắng, đánh diêm hút thuốc, phà khói
vào thành cửa; những cuộn khói bay mạnh vào cửa,
rồi dội lại vào mắt tôi; khói thuốc làm xốn cả mắt, tôi
thấy cay cay và nước mắt ứa ra. Tôi ngồi luôn gần
một giờ rưỡi đồng hồ, không xuống phòng ăn.

Những ngày đầu ở New York, tôi đã chạy lục gần hết
những nhà sách của thành phố để tìm F.G.L.
Tôi đã không bao giờ muốn nói
Không bao giờ muốn nói điều ấy với em
Tôi đã đọc hai câu thơ ấy của F.G.L. ở nơi đâu tôi
cũng không còn nhớ rõ. Tôi gặp Laura. Xanh lá cây,
chao ôi, xanh lá cây...
Hồi còn ở tại old campus của đại học đường Yale tôi
đã gặp Laura. Trong đám sinh viên ở old campus của
Yale hè năm ấy, chỉ có tôi và Bích là người Việt, còn
tất cả còn lại đều là sinh viên đủ mọi quốc tịch. Bích
mặc áo dài Việt, trông rất nhu mì đoan trang, Bích rất
hiền lành và rụt rè. Tôi lạnh nhạt với Bích và ít nói
chuyện với nàng, chỉ thỉnh thoảng nàng nhờ tôi làm
dàn bài cho luận đề của nàng, tôi mới chỉ sơ qua vài ý
quan trọng, chỉ thế rồi tôi tìm cách lánh mặt để đi
theo đám con gái nhí nhảnh ở phòng nhạc cuối sân
campus. Đám con gái nhí nhảnh nhất là đám sinh
viên người Á Căn Đình và Ba Tây, vừa nhí nhảnh,
vừa lãng mạn và yêu đời, khác hẳn đám con gái Na
Uy, Đan Mạch và Thuỵ Điển; hầu hết bọn con gái
những xứ Bắc Âu này đều to béo và trắng một cách
vô duyên.
Laura có lẽ là cô gái trẻ tuổi nhất trong đám sinh viên
ở old campus; Laura vừa tốt nghiệp văn khoa tại một
đại học đường ở Á Căn Đình; Laura nói với tôi đây là
lần đầu tiên nàng xa nhà và tuy mới chỉ qua nước
Mỹ, nhưng nàng đã bắt đầu thấy nhớ Á Căn Đình
một cách lạ thường. Quê nàng ở Cordoba, một thành
phố lớn của Á Căn Đình, dọc theo một con sông, một
con sông điên, xanh lá cây, xanh lá cây, ta muốn
ngươi xanh lá cây. Verde, Verde...[***]

Nguyên vừa ở Rome về, anh đã thành công rực rỡ tại


hội nghị. Nguyên cũng đã đi thăm mộ K., anh kể lại
rằng anh đã đi tìm mộ K. suốt buổi mà người ở trong
nghĩa địa cứ chỉ anh đi xuống, rồi lại đi lên, cứ khiến
anh đi sai đường; mãi đến lúc nghĩa địa gần đóng cửa
anh mới tìm ra mộ K. và anh chỉ đứng nhìn mộ chừng
một chốc thời gian rất ngắn, trong một tâm trạng
thiếu chuẩn bị vì bị những công việc của hội nghị rầt
là ám ảnh. Anh nói rằng anh rất tiếc là không được đủ
khung cảnh tâm tư để mà gặp mộ K., anh chỉ nói là
mộ K. rất đẹp. Anh cũng có đến thăm nhà K. ở với
Sh.; hộp thư còn mang tên K. và Sh.; anh lại nói
thêm: “K. ở một ngôi nhà như thế mà làm thơ không
hay sao được?”
Tôi rất buồn nghe anh nói câu ấy, nó nói lên tất cả
con người của Nguyên. Tôi muốn ngôi nhà ấy sụp đổ
ngay lập tức.

Tôi vừa ngồi dịch xong tin tức tại toà soạn báo D.T. ở
đường Phạm Ngũ Lão. Đêm qua tôi thức suốt đêm
không ngủ, con đường buổi sáng tinh mơ của Sàigòn
hãy còn động đậy lại những dư âm của những bước
chân rã rời đêm khuya. Tôi nhét một búng thuốc lá
thơm Half and Half vào cái pipe nặng nề, thực ra
đúng hơn: tôi nhét một búng ý tưởng vào cái pipe và
đánh diêm thổi lên một cuộn trầm tư phiêu bồng về
đời sống mình, về đời sống những thằng bạn, về đời
sống tất cả con người trên mặt đất, về đời sống một
loại cỏ tơ, về đời sống một loại cá bạc má màu xanh,
về đời sống những con ma chàm, về đời sống vô hình
của cõi chết trong những hốc đá Tây tạng, về đời
sống ban đêm của Nga, một vũ nữ của phòng trà Tự
Do ở đường Catinat mà tôi đã muốn yêu đương vớ
vẩn và tôi đã ôm Nga, ghì ôm thực chặt, thực nóng
vào đêm qua, sau khi uống sặc rượu whisky cùng
Tuấn qua một chuỗi nhìn câm câm xoáy vào bóng tối
chờn vờn của tiếng ca vất vưởng, tiếng ca rớt từ hơi
thở, run lên từ thanh huyền của một nàng ca sĩ mong
manh, mong manh như một con tinh trùng ba giờ
khuya.
Nga ơi, Nga ơi, anh yêu em, anh nói rằng anh yêu
em, nhưng trọn người anh không nghĩ thế, trọn cả
đám cá bạc má dưới dòng nước đỏ của anh không
nghĩ thế. Nhưng có cần gì hỡi em? Nga, Nga, anh
buồn ngủ. Anh không hề yêu em.

Hai chân tôi lạnh lạnh, tôi trùm lên ba tấm mền, tôi
muốn ngủ, nhưng ngủ thì thua cuộc, tôi muốn hét lên
cho Nguyên biết rằng tôi chịu thua cuộc, vì tôi quá
buồn ngủ. Hồi chiều, trong một cơn say máu, tôi
đánh cuộc với Nguyên là tôi sẽ viết xong quyển “Trời
tháng Tư” nội trong đêm nay. Nguyên nói rằng anh
cũng sẽ viết xong quyển tiểu thuyết của anh. Chúng
tôi đã đánh cuộc với nhau. Tôi sắp thua cuộc, vì tôi
quá mệt, tôi muốn ngủ, tôi muốn ngủ, tôi muốn hét
lớn. Tôi không sợ thua cuộc, vì tôi đã thua rồi, thua
ngay từ lúc có ý định đánh cuộc với Nguyên. Tôi bắt
đầu viết “Trời tháng Tư” lúc Nguyên đi Rome.
Nguyên đã trở về Paris; hôm nay tôi đã viết tới 47
trang rồi. Bây giờ gần 3 giờ khuya, tôi và Nguyên
vừa mới đi đêm trở về. Tối đêm qua, tôi đã ngủ một
giấc thực ngon. Khoảng 7 giờ sáng hôm nay, tôi đã
thức giấc. Tôi vẫn nằm dài trên sàn, đắp mền kín cổ.
Nguyên và Phương còn nằm ngủ ở phòng bên. Tất cả
còn nằm trong im lặng: đâu đó vài tiếng chim hàng
xóm kêu ríu rít.

Nguyên vừa bước vào gần nơi tôi nằm, anh đem đến
cho tôi một điếu xì gà, tôi rủ anh vào ngồi ghế kế bên
tôi cho vui, tôi bảo anh ngồi viết tiểu thuyết bên cạnh
tôi. Ừ, tôi cần một sự có mặt nào đó. Nguyên ngồi tư
lự; mỗi khi tư lự, anh thường nhổ mấy chân râu sót
lại trên càm. Anh đang suy nghĩ tìm ý tưởng. Tôi
không suy nghĩ, tôi không tìm ý tưởng; tất cả ý tưởng
đều như nhau. Tôi viết như tôi nói, tôi viết theo dòng
máu chảy, máu tôi chảy quá nhanh, ngòi bút tôi chạy
theo không kịp. Tôi vừa đánh số tám ở trên, đó là một
chi tiết vô nghĩa, nó chỉ có sự hợp lý của ý nghĩa
tưởng tượng.

Tôi vừa đánh xong số chín, thế là “Trời tháng tư” đã


đến chương chín, việc ấy khó hiểu cũng như tại sao
tôi nằm dài trên sàn nhà này, đắp ba tấm mền, mặc
một áo pullover (Nguyên cho mượn), ngậm điếu xì
gà (Nguyên vừa cho), thở mấy vòng khói, năm ngón
tay giữ lấy cuốn giấy trắng (mua từ lúc còn ở
Greenwich Village tại New York), vừa gãi lòng bàn
tay ấy (bỗng nhiên thấy ngứa), vừa bảo Nguyên cho
đọc mấy trang viết của Nguyên, vừa mới thổi thêm
một vòng thuốc vừa nhìn lên đồng hồ chỉ ba giờ rưỡi
khuya, vừa cầm bút và đang cầm bút viết chữ “chữ”
nơi trang giấy này. Tôi vừa gạt xong tàn thuốc và tôi
nghĩ rằng tôi phải viết theo điệu thông thường, có viết
thông thuờng người đọc tôi mới hiểu tôi. Nhiều khi
tôi cũng cần được hiểu. Ai cũng cần như thế. Đó là
ngộ nhận lớn nhứt trong cuộc đời này. Nguyên đang
ngồi rờ mũi và tư lự tìm ý tưởng để viết tiếp cái tiểu
thuyết mà anh đánh cuộc với tôi. Tôi đang viết cuốn
tiểu thuyết của tôi. Tôi cũng đánh cuộc, tôi sắp bỏ
cuộc và bây giờ tôi viết, tiếp tục viết để giải thích tại
sao tôi muốn bỏ cuộc.
Có lẽ tại tôi buồn ngủ, có lẽ tại tôi mệt cò lẽ tại tôi
hút hết mấy bao thuốc, có lẽ tại tôi uống cà-phê quá
nhiều, có lẽ tôi làm biếng, chán làm văn nghệ, có lẽ
tôi muốn ôm một đứa con gái và hôn nó đắm đuối để
đừng nghĩ lôi thôi, có lẽ rằng nếu tôi muốn tìm hết đủ
lý do để cắt nghĩa tại sao tôi muốn bỏ cuộc thì tôi
phải viết ít nhứt một ngàn trang mói nói sơ sơ được
một phần trăm lý do khác, mà một lý do khác lại gợi
một lý do khác, cứ đi lòng vòng như thế thì biết đến
khi nào mời nói hết được. Đó là bi kịch hay hài kịch
hay không kịch gì hết. Tôi không biết.
Thôi bây giờ, các ngài hãy cố gắng đọc tiếp. Tôi sẽ
viết một cách dễ dàng, thông thường, cổ điển, nhất
trí, liên tục. Có thế, các ngài mới hiểu tôi muốn nói
gì. Tôi chỉ muốn nói: “Hồi chiều, Nguyên và tôi đã
đánh cuộc với nhau rằng chúng tôi sẽ thức suốt đêm
để viết văn: tôi đánh cuộc sẽ viết xong quyển tiểu
thuyết của tôi vào trọn đêm nay, còn Nguyên đánh
cuộc sẽ viết xong quyển tiểu thuyết của anh cũng vào
trong đêm nay.” Các ngài hãy nghe tiếp, tôi sẽ ung
dung kể tiếp những lý do của sự đánh cuộc trên.
Trước khi Nguyên đi Rome, tôi có hứa với Nguyên là
sẽ viết xong một quyển tiểu thuyết để đăng trong một
tạp chí do Nguyên chủ trương biên tập. Khi Nguyên
đi Rome trở về rồi mà tôi chỉ viết xong mười mấy
trang thôi. Tôi thường nói với Nguyên rằng tôi sẽ viết
ào ào như thác chảy, nhưng hơi buồn đối với Nguyên
là cái thác nước của tôi chỉ chảy bằng miệng hay
bằng óc bằng tim chứ nó không chịu chảy bằng ngòi
bút. Một buổi chiều vào khoảng hai ngày khi Nguyên
đi Rome rồi thì tôi mới bắt đầu có ý định viết một
quyển tiểu thuyết; buổi chiều hôm ấy tôi đưa Phương
xuống métro ở Jussieu, rồi ôm tập giấy trắng đi lang
thang tìm một quán cà-phê để viết tiểu thuyết. Tôi
còn nhớ khoảng trưa hôm ấy, Phương có hỏi tôi có
định viết về đề tài nào chưa; lúc đó Phương đang gọt
cà-rốt, tôi vội nói ngay rằng tôi không bao gờ định
một đề tào nào để viết vì việc ấy quá tầm thường,
rằng tôi có thể viết bất cứ một đề tài nào, chẳng hạn
như của cà-rốt (tôi lặp lại; Phương đang ngồi gọt cà-
rốt), tôi nói rằng tôi có thể viết một cuốn tiểu thuyết
một ngàn trang về củ cà-rốt mà Phương đang gọt; tôi
sợ Phương không hiểu, tôi liền nói tiếp: “viết về củ
cà-rốt, viết về những gì chung quanh củ cà-rốt, chẳng
hạn như người gọt cà-rốt, thế giới, trần gian, vũ trụ
chung quanh của cà-rốt, cả một địa cầu, cả những địa
cầu xoay quanh của cà-rốt, vân vân.” Phương mỉm
cười thông cảm: Tôi cũng mỉm cười và muốn trùm
mền kín đầu để ngủ một giấc. Buổi chiều hôm ấy, sau
khi Phương đã đi hút dạng dưới hầm métro ở Jussieu,
tôi tiếp tục bước lững thững đến chợ Maubert vừa đi
vừa nghĩ từng thoáng ý tưởng rời rạc; tôi đi ngang
qua nhà sách Shakespeare and Company ở đường
Bûcherie; nhằm ngày lễ Pâques, hiệu sách đóng cửa;
tôi đứng trước cửa kính hiệu sách và ngó vào mấy
cuốn sách chưng bày, tôi để ý nhìn cuốn thư từ giữa
Henry Miller và Anaïs Nin; tôi bước qua đường và
nhìn lên hàng cây xanh đầu xuân, rồi nhìn lên trời
chiều Paris, mây trắng bay loạn trời, một nỗi buồn vu
vơ thoáng chụp nghẹn hơi thở, tôi đứng bên cầu, nhìn
qua nhà thờ Notre-Dame, nhìn xuống dòng sông
Seine, không thấy gì cả, chỉ thấy quá khứ; tôi nổi
giận, bước qua bên lề đường cũ, tìm một góc bàn tại
một quán cà-phê, nhưng chẳng tìm thấy một góc nào
cả, khách quá đông. Tôi băng qua đường Huchette và
nhìn vào một hộp đêm mà cách đây hai tháng tôi đã
nằm ngủ trước cửa để chờ sáng. Ừ, cách đây hai
tháng, tôi không có một chỗ để ngủ, đến nỗi phải đi
long bong gần khắp Paris suốt trọn cả đêm, lạnh cóng
người, đói cào bụng, mà vẫn phải đi mãi, đi để cho
người nóng lên mà khỏi lạnh, đi vì không tìm ra một
chỗ kí gió để ngủ, đi vì sinh ra đã có hai chân lại
không phải là hai cánh, hai chân chỉ là hai chân,
nghĩa là gồm mười ngón, mười ngón gồm có mười
móng và khi mòng mọc dài thì phải cắt, nếu không
thì vấp dễ chảy máu, nếu không thì nó mọc dài, thực
dài như móng gà hay móng ó, khi nó mọc dài ra như
vậy thì không thể mang giày được, thì đi chân không
trên đường Paris, thì sẽ bị đạp miểng chai, mà đạp
miểng chai thì dễ bị làm độc, và khi ngộ độc thì phải
nằm nhà thương. Tôi không muốn nằm nhà thương.
Tôi chỉ muốn đi, thở, nhìn đám đông, nhìn những đôi
mắt mất hồn, rồi đi, đi cho đến lúc nào chết. Lúc chết
tôi sẽ không còn đi, tôi sẽ bay, bay bằng gì, tôi cũng
quên mất rồi. Bây giờ tôi chưa muốn bay, tôi chỉ
muốn đi, đi bằng đôi giày ống mà tôi đã mua ở
Harlem cách đây tám tháng. Tôi đi vào trong đường
Huchette, bước vào quán Popoff, nuốt một cốc rượu
đỏ, trả ba mươi xu, vào cầu tiêu, ỉa một phút, lại góc
bàn ngồi chơi ba phút, nhìn mấy bọn beatniks chung
quanh, gặp một thằng bạn da đen, nó mỉm cười, chìa
cho nửa khúc bánh mì, tôi vội nhai ngốn ngấu, nhìn
mấy đứa con gái beatniks ngủ gà ngủ gật, liếc nhìn
xem thằng tóc dài râu hoe kia đang đọc cuốn sách gì,
tôi ngồi thừ ra thở dài, ôm kè tập giấy trắng, bước ra
đường, băng qua quán Rotonde, ngồi ngoài terrasse
gọi một cốc bia, hút ba điếu thuốc gauloises, nhìn
những cặp đùi của những con đầm, ngước nhìn lên
bầu trời tháng tư của Paris, rút bút máy ra và dí vào
trang đầu tập giấy bốn chữ “Phương trời tháng tư”,
rồi đề ở dưới “tiểu thuyết” và đề thêm “Bắt đầu viết
tại Paris ngày 8 tháng 4, 1966”. Thế là cuốn tiểu
thuyết đầu tiên vừa được đặt tên xong. Tại sao lại đặt
là “phương trời” mà không đặt là “bầu trời”? Đó lại
là một lý do đòi hỏi phải cắt nghĩa thành một cuốn
tiểu thuyết nữa. Ít ngày sau, tôi bôi xoá chữ “phương”
trong “phương trời” vì một đời sống tâm tư biến
chuyển đột ngột. Sự biến chuyển này đòi hỏi phải cắt
nghĩa thành một cuốn tiểu thuyết khác. Không lẽ tôi
sinh ra đời để viết tiểu thuyết hoài hay sao?
Đó, xong rồi, cuốn tiểu thuyết có tên là “Trời tháng
tư”. Tôi đặt “trời tháng tư”, vì tôi đang ở vào tháng
tư, mà tháng tư ở Paris là đầu mùa xuân; hơn nữa, tôi
thích con số 4, vì một lý do dễ hiểu là cô gái tôi yêu
đầu tiên là đứa con gái thứ tư (tôi nghe mấy đứa em
nàng gọi nàng là “chị tư”).
Nói tới đứa con gái đầu tiên này, tôi buồn muốn
nghẹn thở. Tôi chẳng muốn làm gì nữa, tôi chỉ muốn
trùm mền kín đầu và ngủ một giấc. Nguyên ơi, tôi xin
đầu hàng. Tôi xin thua cuộc, buồn ngủ quá rồi. Thưa
các ngài, xin hãy cho tôi ngủ, mai tôi sẽ kể tiếp vì sao
tôi phải đánh cuộc với một người tên là Nguyên và vì
sao tôi lại chịu thua cuộc.

10

Tôi bắt đầu quyển tiểu thuyết của tôi bằng câu: “Viết
là đâm nổ mặt trời”. Vừa viết xong câu ấy, tôi có linh
cảm như là đang mở thác nước trong đầu tôi và cho
nó chảy ào ạt tràn ngập mấy ngàn trang giấy. Tôi vội
viết như chạy tung vào con đường vắng vô tận. Bữa
chiều hôm ấy, sau khi đưa Phương đến métro ở
Jussieu, tôi vội đi vòng tìm đường Saint Honoré, tôi
đi phất phơ ngược đường xuống Pont Neuf, đứng ngó
xuống dòng nước sông Seine, chỉ thấy dĩ vãng, tôi
nổi giận và lấy métro xuống đường Saint Honoré, tôi
tìm toà đại sứ Anh để xin visa đi qua Anh quốc;
Nguyên đã đi qua Rome dự Hội nghị về Bất Bạo
Động trong một tuần lễ, Nguyên để vợ ở nhà
(Phương và Nguyên mới cưới nhau được khoảng
chừng sáu tháng); gian phòng Nguyên mướn gồm có
ba phòng (phòng ngủ, phòng sách và phòng ăn), gần
hai tháng nay, Nguyên đem tôi về nuôi ở nhà
Nguyên, tôi đã qua Pháp được gần sáu tháng rồi, mấy
tháng sống long đong, không tiền không nhà, không
nơi trú ẩn. Tình cờ tôi gặp Nguyên, Nguyên mời khéo
về sống với Nguyên; hai vợ chồng ở phòng ngủ, còn
tôi thì nằm nơi phòng sách, Nguyên và Phương tế nhị
và muốn giúp đỡ tôi một cách kín đáo: Nguyên bày
ra việc làm báo và nhờ tôi viết tiểu thuyết. Chỉ có
cách giúp đỡ kín đáo như vậy, tôi mới được yên tâm
trùm mền nằm suốt ngày. Lúc Nguyên đi Rome,
Phương ở nhà, tôi cũng tiếp tục ở đó để chờ Nguyên
về. Tôi được một người cho vừa đủ số tiền để đi Anh
quốc. Tôi muốn lên đường, nhưng Nguyên nói khéo
bảo tôi hãy ở lại viết cho xong cuốn tiểu thuyết rồi đi.
Tôi lưỡng lự vừa muốn đi vừa muốn ở lại. Paris đang
ở vào tháng tư, tôi muốn ở lại với mùa xuân Paris.
Khi Nguyên đi rồi, chỉ còn Phương độc nhất ở nhà,
tôi ngại ngùng, buồn quá không biết làm gì, lại muốn
đi Anh, tôi đến đường Saint Honoré để xin một cái
visa nhưng nhằm ngày lễ Pâques toà đại sứ Anh đóng
cửa. Tôi lại lủi thủi trở về, bỗng muốn viết một cuốn
tiểu thuyết dài và muốn bắt đầu bằng câu “viết là đâm
nổ mặt trời”.
Bây giờ Nguyên đã đi Rome về, mà quyển tiểu thuyết
chỉ mới được viết xong có 47 trang. Bởi thế, chiều
qua, chúng tôi đánh cuộc là sẽ viết xong tối nay. Bây
giờ chuông đồng hồ vừa rung đúng 6 giờ sáng, mà tôi
chỉ viết tới trang 60. Thôi thì tôi xin thua cuộc, cũng
như tôi đã thua cuộc một lần trong mối tình đầu.
Em ơi, anh đã mất trọn phương trời tháng tư.

11

Sáng này trong W.C., tôi đọc xong tập thơ vào năm
1873 của Rimbaud, tập thơ ấy chấm dứt như vầy:
“Thực là sướng vô cùng, vì tôi chỉ còn có thể cười
nhạo những mối tình cũ rích lường dối và bĩ báng đập
phá những cặp nhân tình giả dối này — ừ, tôi đã thấy
hoả ngục của đàn bà ở đó — vâng, tôi sẽ được quyền
ôm lấy chân lý trong hồn và xác.”
Tập thơ của Rimbaud cũng bắt đầu viết vào tháng tư.
Giữa mùi thơm cây dẻ đầu xuân, tôi cười ầm lên:
— Em ơi, trọn phương trời tháng tư đã mất.

Paris, 18 IV 1966

Những chữ viết tắt dùng trong truyện “Trời Tháng


Tư”:
K.: Keats
L.: Lorca
F.G.L.: Federico Garcia Lorca
V.G.: Van Gogh
R.: Rimbaud
OE.: Oedipe
Pr.: Prométhée
N.Y.U.: New York University
I.H.: International House
S.W.: Simone Weil
H.M.: Henry Miller
M.H.: Martin Heidegger
N.Y.: New York
I.I.E.: Institute of International Education
Sh.: Shelley
----------------------------------------------------------------
--------------

Mặt Trời Vẫn Còn Đó


Thành phố ấy có lẽ là thành phố lớn nhất ở khắp thế
giới; thành phố không có tên, không lịch sử, một
thành phố gồm có mười triệu người, theo bản thống
kê gần đây của một Viện Quốc Tế về Phát Triển Đô
Thị. Mỗi buổi sáng, lúc ông thức dậy thì một triệu
người cũng thức dậy đồng lúc với ông, chín triệu
người khác vẫn còn nằm ngủ; lúc ông đứng dậy mở
cửa sổ thì một triệu người bắt đầu mở mắt theo cánh
cửa sổ vừa mở; lúc ông đi vào phòng rửa mặt và mở
máy nước chảy thì một triệu người khác nữa lại bắt
đầu tỉnh thức khi ánh sáng tuôn chảy tràn lan theo
tiếng nước róc rách bên hàng xóm. Buổi sáng ấy trời
rơi bão, cơn bão ban mai đánh vào cánh cửa sổ phần
phật, đập vào tất cả những cánh cửa sổ ở thành phố.
Bão càng lúc càng nổi lên lùng bùng trong không khí,
vừa lúc cơn mưa lớn đổ ào xuống những thì gần hết
bảy triệu người còn ngủ giật mình thức dậy, tất cả gần
mười triệu người ở thành phố đều thức dậy cả, chỉ
còn lại có bốn người vẫn còn say ngủ. Người thứ nhất
là một cô gái giang hồ, người thứ hai là một ông thầy
tu, người thứ ba là một ông già cụt tay và người thứ
tư là một ông mù mắt. Cô gái giang hồ nằm ngủ, ôm
con chó Nhật bản ngọ nguậy trên giường, tiếng nhạc
dịu phát ra từ máy phát thanh ở đầu giường vẫn còn
du dương thật nhẹ những bản tình ca lãng mạn, cô đã
để máy chạy suốt từ khuya và nằm ngủ mệt nhọc
hững hờ. Bão đập vào cửa từng lúc như tiếng đập cửa
của vài ba người khách đi tìm cô vào những giờ
khuya khoắt; cô nằm mệt nhoài và ông có thể đoán cô
đang mơ mộng, một giấc mộng đám cưới, một đám
cưới có cô dâu mặc áo trắng và có một chàng mặc áo
đen đứng ở cuối phố ngó theo. Bão đập vào bức màn
đỏ treo ở cửa sổ phòng ngủ, con chó cựa mình nhảy
vọt xuống nằm tiu nghỉu bên cạnh đôi dép của cô,
ngậm một chiếc dép đi vào phòng tắm, đái một vũng
trên chiếc khăn tắm của cô bỏ rơi trên sàn gạch. Cách
phòng ngủ của cô gái giang hồ chừng năm cây số,
trên một ngọn đồi trọc, không cây, không lá, một ngôi
chùa gãy đổ loang lổ, ông thầy tu vừa mới thức dậy
và nằm đọc kinh Kim Cang trên giường, ông lười
ngồi dậy, và lười gõ mõ tụng kinh trước bàn thờ Phật;
ông nằm dài trên giường trải chiếc chiếu xám, vừa
đọc kinh vừa ngáp, chỉ thức được vài phút rồi ông
ngủ say lại, không còn biết trời đất gì nữa. Cơn bão
không tài nào đánh thức ông dậy nổi, các ngài có thể
đoán rằng ông đang nằm chiêm bao thấy một hòn đảo
nổi lên giữa biển xanh, một cù lao mọc lên xanh rì
với từng đám cỏ đen, giữa hòn cù lao có một con
sông nhỏ kẽ qua, nước chảy nhỉ nhỉ như tiếng thủ thỉ
của mộng, hoạn, bào ảnh, sương, điện, hay ánh chớp
loè của trời đất. Cuốn kinh Kim Cang rơi nhoài
xuống đất và ấp trên chiếc guốc cây nặng nề, tạo
thành một bức tranh tĩnh vật mà hoạ sĩ phải là một kẻ
không biết vẽ thì mới thấy đó là một cơn lốc của
nghệ thuật trong sự xung đột giữa bước chân và con
đường. Dưới chân đồi, các ngài có thể thấy một cụ
già cụt tay ngồi trước cửa, ngủ gà ngủ gật dựa vào
vách xi măng mới sơn trắng, mộng thấy mình đang
giương tay bắn cung, tiếng tên bay vèo qua dĩ vãng
và thực tại, hai bàn tay dang ra xa và chiếc tên bắn ra
thành một chiếc tay, chiếc tay độc nhất bay vụt trong
không gian vô tận như một con chó cụt đuôi phóng
chạy vào đêm tối. Người thứ tư là ông mù mắt, ông
không có tuổi tác, người ta cho rằng ông được
khoảng hai mươi tám tuổi, nhưng nhìn thoáng qua nét
mặt của ông, đôi khi người ta thấy ông chỉ chừng
mười tuổi, đôi lúc ông chỉ chừng bốn mươi, đôi lúc
ông lại khoảng chừng tám chục tuổi, nhưng chính
ông mù thì ông chỉ biết ông ra đời cách đây hai mươi
tám năm, nhưng ông hiểu rằng ông già hơn trái đất,
và non như buổi sáng sớm có bão thổi lùng bùng trên
từng con trôn xoáy vù vù. Ông ngồi trên ghế bên cửa
sổ, một con chim sâu rỉa lông bên thành cửa và coi
ông mù như không có, hay nếu có đi nữa thì chỉ có
như một cây trụi lá, bất động như cuộc đời và vô tri
như ý thức của một người điên không biết ngủ.
Bão lại vụt tắt, mưa bỗng vụt ngừng lại, không khí
đứng khựng lại như sa mù, cô gái giang hồ, ông thầy
tu và cụ già cụt tay đã thức dậy. Chín triệu chín trăm
chín mươi chín người đã thức dậy, chỉ còn lại ông mù
là chưa thức giấc, có ai hiểu nổi là ông đang chiêm
bao thấy gì? Lắm lúc, tay ông giật giật lên, chân ông
giật giật xuống, môi ông giật giật ra, tóc ông căng
căng lên, ông đang mơ thấy mình đang đứng trên một
hý trường bao la, trước hàng ngàn dãy ghế trống
không người, ông đang cúi đầu, hất đầu, gật đầu điều
khiển một ban nhạc vĩ đại, gồm hai trăm nhạc công
và nhạc sĩ đủ loại, tất cả đều biến thành một, mọi sự
được lùa vào nhau, xô vào nhau, chảy vào nhau như
muôn ngàn con sóng toé bọt, đập ầm vào ghềnh đá,
sầm sầm, xé nát, vỡ toang, bản Đại hoà tấu thứ năm
của Beethoven giựt giựt chỉ một lần, tiếng đập cửa,
tiếng đập của lửa, tiếng đập của vầng trăng rơi vào óc
của một thằng điên ở một tu viện nào đó. Con chim
sâu tỉa vào một chiếc lá khô nằm thiu thỉu bên thành
cửa sổ, ông mù vẫn nằm chiêm bao, khi giấc mộng
đại hoà tấu vừa dứt thì ông tiếp tục nằm mơ thấy màu
đỏ và màu vàng, ông thấy ông đang quì lạy trước bàn
thờ: trên bàn thờ không có tượng Phật hay tượng
Chúa gì cả, mà chỉ có hai vòng tròn, một vòng đỏ ở
trên và một vòng vàng ở dưới, giấc mộng kéo dài
suốt ngày hôm đó cho mãi đến chiều tối, kéo dài cho
đến khuya, rồi tiếp tục cho đến hai giờ sáng, lúc chín
triệu chín trăm chín mươi chín người trong thành phố
đã ngủ say hết thì chỉ còn ông mù là vừa mới thức
dậy. Ông mở cửa sổ ra, chiếc lá khô bật bay giựt ra
ngoài cánh cửa. Con chim bay đi đâu? Ông cũng
không hề biết sự có mặt hay vắng mặt của con chim
thân ái ấy. Nước chảy rào rào trong cuối gian phòng,
ông mù ho sặc sặc, rồi nhổ phọt một búng nước
miếng xuống lỗ phòng rửa. Ông đẩy cửa và bước thật
chậm đi xuống một trạm xe lửa hầm gần đấy, ông đeo
đôi kính đen và bước đi không cần gậy, vì mỗi lần
bước xuống hầm xe lửa, ông chỉ cần quẹo qua hướng
trái, khi xe chạy, lúc ngồi trên xe lửa, ông chỉ cần
ngồi im kể lại trong óc một câu chuyện có những
động tác và diễn biến nhất định, lúc câu chuyện trong
óc ông vừa chấm dứt thì lúc đó xe lửa cũng vừa
ngừng lại để ông bước xuống, rồi bước lên trên
những bậc đá, quẹo qua hướng trái, đi chừng vài
bước, quẹo thêm một lần trái nữa là ông đến trước
phòng ngủ mà ông muốn đi đến. Ông leo lên thang
máy, bấm nút cuối cùng thì ông đến nơi tầng lầu quen
thuộc. Mỗi ngày, bất luận đêm tối hay sáng trăng,
trong tám năm trời rồi, ông đã đi trên lộ trình quen
thuộc ấy: trong tám năm trời, mỗi lần ngồi trên xe
lửa, ông cũng quẹo trái hai lần như vậy: trong tám
năm trời, đứng trước cánh cửa phòng kia, ông cũng
chỉ cần gõ một tiếng, đứng đợi một giây thì cửa mở
và trước khi bước vào phòng ông cũng đứng lại một
giây và đánh diêm lên hút điếu thuốc đầu tiên; trong
tám năm trời, khi bước vào phòng, ông cũng vào
thẳng phòng rửa, rồi phun vọt một búng nước miếng
vào lỗ cầu, rồi bước chậm đến ghế kế bên cửa sổ,
ngồi lẳng lặng hút thuốc thả khói bồng bềnh, đang lúc
ấy, cô gái giang hồ cũng lẳng lặng bước vào phòng
rửa mặt và hÊt khẽ một điệu quen thuộc mà cũng
trong tám năm rồi cô cũng chỉ hát khẽ một điệu ấy
vào hoàn cảnh như vậy, với những cử chỉ và động tác
như vậy, cùng với sự có mặt thường lệ của ông mù
trên ghế bành bên cạnh cửa sổ.
— Câu chuyện anh viết trong đầu đã kết thúc chưa?
— Vẫn kết thúc mỗi lần anh bước xuống xe lửa.
— À, anh thì vẫn thế.
— Mọi câu chuyện gì cũng đều kết thúc như thế.
— Bữa nay anh vẫn nói điều ấy chứ.
— Cũng vẫn chỉ có điều ấy thôi.
— Đi ngủ đi anh.
— Đi ngủ đi em.
— Sáng mai anh và em sẽ đến đó như thường lệ.
— Lại cuối tuần nữa.
— Anh vẫn không để ý gì hết.
— Em phải để ý cho anh.
— Có thể nào người ta nằm mộng trên tám năm mà
cũng chỉ một giấc mộng duy nhất?
— Chỉ còn hai năm nữa là mười năm phải không?
— Nghĩa là còn bảy trăm ba chục ngày.
— Thì mộng sẽ dứt.
— Không có gì dứt hết.
— Câu chuyện vẫn tiếp tục.
— Và kết thúc trong mười năm.
— Để rồi tiếp tục nữa.
— Tiếp tục trong những người khác, trong tất cả
những người đã gặp anh và đã nghe anh.
— Chỉ nghe một điều trong mười năm.
— Hay là không nghe gì hết và có chăng chỉ là một
giấc mộng.
— Thực hơn là tất cả sự thực.
— Đi ngủ đi em.
— Dạ.
Cánh màn cửa sổ được kéo che lại khung trống, một
người mù và cô gái giang hồ ôm nhau nằm dài trên
giường, tiếng thở càng lúc càng trở nên đều đều, nhẹ
nhẹ, không còn gì nữa, chỉ một lần, chỉ một lần, đêm
và ngày, sáng và tối, nàng và chàng, thức và ngủ, nửa
vầng trăng nầy tìm nửa vầng trăng kia.

----------------------------------------------------------------
--------------

THỰC SỰ HÔM NAY


Truyện có nghĩa là gì?
P.C.T.

Thực sự hôm nay tôi không còn muốn sống nữa. Tôi
cũng không còn muốn tự tử. Tôi cũng không sợ chết.
Đôi lúc cũng sợ chết, đôi lúc thôi. Cái chết đối với tôi
như một chiếc xích lô máy. Nhiều lúc ngồi xích lô
máy, tôi tự hỏi: tại sao nó không lủi vào xe nhà binh
cho rồi; nhưng lại có nhiều lúc khác, ngồi thúc chân
trong chiếc xích lô máy, nhìn lên một chút trời nắng,
tôi thấy rằng sống lờ phờ cũng vui và dễ, như đèn đỏ
tắt thì đèn xanh cháy lên. Đỏ và xanh, sống và chết,
vui và buồn, yêu và ghét, tôi bỗng thấy ghét mấy chữ
“và” này. Và thế rồi một buổi chiều, tôi thấy yêu chữ
“và” này. “Và thế rồi”, ba chữ này, ba tiếng này, tôi
nghĩ rằng không thể tìm được một loạt chữ nào ở thế
giới khả dĩ gọi lại tất cả lù mù hiện lên trong đó. Và
thế rồi, không có quyển sách nào ở thế giới mà không
lệ thuộc vào điệu cải lương: “và thế rồi...”, thế mà
không ngôn ngữ nào ở thế giới có được âm thanh leo
xuống và kéo dài ra như một con sông chảy ngược.
Âm thanh bắc thang, tôi muốn viết một cuốn tiểu
thuyết lãng mạn như thành phố Đà Lạt, mang nhan đề
là “âm thanh bắc thang”. Ngày nhỏ, mỗi lúc em tôi
làm lỗi, tôi bênh vực nó và mẹ tôi hay nói: “Mầy
đừng bắc thang cho nó leo”. Thuở đó, tôi hay giựt
mình và lấy làm lạ: “Tại sao không có thi sĩ nào dùng
kiểu nói bắc thang để bênh vực cho mùa hạ?”. Tôi
ghét mùa hạ và thích viết một quyển tiểu thuyết thực
lạnh, không phải lạnh hiểu theo nghĩa bóng mà lại là
thứ lạnh thực đen, lạnh vô cùng lạnh. Tôi lại thích
viết một quyển tiểu thuyết mà nhân vật chính trong
đó hay thích dùng mấy chữ “vô cùng”. Thí dụ bây
giờ trưa và trời lại tối vì sắp mưa, nhân vật chính ấy
đi vô đi ra trong nhà và nói lí nhí trong đầu: “Đời
sống sao khó hiểu vô cùng, nhưng mình phải chịu
đựng, dù sự chịu đựng ấy quả là vô cùng. Ngày mai,
tôi sẽ bắt đầu lại, yêu mọi sự, ông sẽ chết, tôi và ông
sẽ chết, tôi buồn vô cùng”.
— Tại sao hồi nhỏ ông hay giựt mình?
— Khoan khoan đã, ông hãy để nó giựt mình, để tôi
kể tiếp...
— Hãy kể tiếp, chậm rãi, hãy kể một cách bình thản.
— Tôi nói đến đâu rồi?
— Vô cùng...
— À, mà ông biết xích lô máy là cái gì không?
— Ở Nữu Ước không có loại xe này, nhưng ông hãy
kể tiếp về nhân vật yêu thích dùng mấy chữ “vô
cùng”...
— Ở xứ tôi có xích lô đạp, rồi đến xích lô máy...
— Thôi, đúng giờ rồi, ngày mai, ông trở lại đây như
thường lệ.
Tôi xô cửa, cửa nặng quá xô muốn té nhào. Chuyến
xe lửa chiều nay chạy băng qua trên đầu tôi, tôi bước
xuống hầm xe lửa, mua một đồng xu nhỏ bỏ vào máy,
đi vào hầm đợi, đi trờ tới chỗ bán báo của ông Mỹ
bụng phệ, mặc áo ca rô xanh đỏ, đeo kính trắng. Tôi
dở tờ Playboy ra đọc mục lục, thấy bài phỏng vấn
mục sư Martin Luther King và ngó sơ qua những
hình đầm mộng mị. Đại khái cũng thế thôi, mỗi khi
tôi tự bắt chợt mình đang làm chuyện cấm thì tôi liền
độc thoại nội tâm: “Đại khái thì cũng thế thôi.” Thực
ra, Playboy cũng chẳng có gì đáng gọi là chuyện
cấm, nhưng đứng chờ xe lửa, bên cạnh ông Mỹ bụng
phệ hút xì gà và chờ tôi trả tiền (vừa hút xì gà vừa
chờ lấy tiền báo) thì tôi lại đồng hoá sự chờ lấy tiền
của ông ta với chuyện chờ xe lửa của tôi; đứng lờ rờ
ngó hình màu và bắt buộc người ta phải chờ mình
như chờ xe lửa thì đó cũng là một thứ chuyện cấm
đối với ý thức gương mẫu của một người “tự trọng”.
Xe lửa rồ tới, tôi nhảy ngay vào cửa hé, ngồi ngay
hướng thuận đi tới (ngồi nghịch hướng, chóng mặt
chút ít). Hai người da đen đang đùa giỡn với nhau,
anh lùn nhón người lên thọc thọc vào nách anh cao và
nói một tràng bi bô, rồi cả hai cười ầm lên như khỉ
(khỉ có cười không? Khỉ thường nhe răng. Hồi nhỏ đi
sở thú, tôi hay lấy đá vụn liệng vào hạ bộ của mấy
con khỉ và chúng nhe răng khè khè như ông kẹ. Từ
đó, tôi bỗng thấy răng tất cả thi sĩ đều giống khỉ.
Nguyễn Du là một con khỉ, một loại khỉ trắng, ngồi
buồn trước thu phong). Tôi ngó chung quanh tôi,
những người ngồi trong xe lửa đều giống khỉ hết,
nhưng một loài khỉ không có đuôi và làm bằng sáp
cứng. Khỉ bằng sáp mà cũng biết đi, biết đứng, biết
nói và biết cười. Tôi cũng là một con khỉ, tệ hơn là
khỉ nữa, vì tôi không biết cười, không biết nhe răng;
ngồi trong chiếc xe lửa chạy giữa thành phố Nữu Ước
mà tôi nhảy liệng từ nước này qua nước khác, từ Sài
Gòn qua Hồng Kông, từ Bangkok qua Calcutta, từ
Lhasa qua Téhéran, từ Cà Mau qua Mexico, từ lúc ba
tuổi cho đến lúc hai mươi tuổi, từ mười sáu tuổi cho
đến lúc tám mươi tuổi: tôi tưởng tượng mình là con
voi già chống gậy đi lụm khụm trên những chiếc lá
vàng, trông thơ mộng và mất dạy như chuyện cổ tích
trẻ con. Tôi bước xuống xe lửa và leo lên bậc thang
đá dẫn ra đường thứ mười bốn, tôi thả bộ đi xuống
Greenwich Village. Vừa bước đi vừa tìm một hiệu
sách chịu mua sách cũ, trong tay tôi có cả một túi ny
lông, đựng năm quyển sách đóng bìa dầy, bìa cứng
thực mới. Một cuốn nói về sự thông minh của loài
khỉ đột, một cuốn Kinh Dịch được dịch ra chữ Anh,
hai cuốn của Sayoran và một cuốn về thần học của
Thomas D’ Aquin (lúc ấy tôi có ghi học mấy giờ về
thần học thời Trung cổ ở trường đại học Columbia,
một trường đại học mà tôi ghét đến độ muốn ăn
trường trai luôn), tôi mới vừa mua năm cuốn ấy vào
tối đêm qua, tiêu hết năm mươi dollars cuối cùng,
sáng nay lại thèm uống cà phê, lại đói vào lúc trưa và
lại không muốn chìa tay mượn tiền bạn bè nữa, tôi
liền nghĩ ngay việc thủ tiêu năm quyển sách này với
giá thật rẻ. Hiệu sách chịu mua sách cũ, trả tôi mười
dollars để đổi lấy năm quyển sác tôi chỉ dở đọc sơ
một quyển của Thomas d’ Aquin và phải nằm ngáp
năm lần rồi ngủ quách với bầy chữ La Tinh vo ve
trong tiềm thức). Văn minh ngàn năm của nhân loại
bây giờ thực rẻ: chỉ việc vứt nó đi thì được mười mỹ
kim. Với mười mỹ kim này, tôi được hai bao thuốc
Pall Mall đỏ, hai buổi cơm sinh viên nghèo, ba bốn
tách cà phê suốt đêm ở quán Feenjon (hay Feenjohn,
tôi không rõ tên, có những tên đáng nhớ hơn như:
Brooklyn, Jamaica, Untergang nhưng ngược lại khó
nhớ rõ: I ging hay I king hay I jing hay là Y ching?)
Khi tôi bước vào quán cà phê Feenjon thì trời đổ
mưa, đường bên ngoài ướt hết. Người đàn ông và
người đàn bà ôm nhau hôn ngay lối đi còn sót lại
trong quán cà phê. Tất cả bàn đều ứ người. Mùi thuốc
lá ngầy ngầy bay sà vào mũi, có khác gì mùi giấy cũ
pha một chút nước mưa trộn lẫn với mùa nóng có
người phát thư ban đêm đi qua nhà với tay cầm đuốc
đang khi người ta đốt vải rách liệng ra ngoài sân để
đuổi tiếng ó ma lai kêu vọng lại từ bên kia rừng cây,
bên kia đồi đá? Đà Lạt hiện ra giữa quán cà phê đông
người vào một buổi chiều mưa Nữu Ước. Tôi đã làm
gì cho tôi? Một chút nước mưa, một chút nước biển,
một chút đá, một chút ham muốn, một chút đói bụng,
đói, đói, đói, đói đủ thứ. Đói cả sự chết, đói cả sự đói,
đói óc, đói tim, đói hai ngón tay cái, đói mười ngón
tay (quên cắt móng, dính đất đen thui, dơ một cách dễ
chịu đựng vô cùng).
— Tại sao không dọn cơm ăn đi, đói quá rồi.
— Chờ một chút xíu thôi.
— Chiều nay ăn cơm với su luộc?
— Có đậu nữa, giàn đậu chim bay về phá quá.
— Tối chạng vạng heo rừng đã về phá rau cải lung
tung.
— Mầy sợ ma không?
— Ma lai hả?
— Ma, ma rừng, ma núi, ma truông, ma bờ, ma bụi.
— Đèn cầy còn hết, nhớ nhắc mai ra chợ mua thêm
một hộp đèn cầy nữa, mua thứ đèn cầy lớn đó.
— Ừ mầy nhớ nhắc má mua đèn dầu lửa cho tao, tao
cần thức đêm để viết bài đăng bào kiếm tiền tháng
tới.
— Má có mua rồi, để ở đầu tủ sau giường anh đó.
— Hôm qua tao thấy ma hiện về, nó ngồi ngay cửa
lớn, ca hát giọng gì lè nhè như con gà bị bóp cổ. Con
ma nó nói nó đói quá, nó đòi ăn đèn cầy trắng...
Tôi chỉ là một con ma đói ở giữa thành phố lớn nhất
thế giới. Quán cà phê này là nơi tôi lai vãng để tìm lại
một chút khí dương giữa cõi chết. Đà Lạt và Nữu
Ước. Đà Lạt gần gũi tôi hơn đang lúc bước vào quán
cà phê ở Nữu Ước này. Tôi cần một chút Đà Lạt để
sống, xin cho tôi một chút Đà Lạt, chỉ một chút, một
chút thôi. Trời Nữu Ước trở lạnh, tôi cuộn khăn nỉ
quanh cổ, đốt một điếu thuốc, ngồi giữa sự bình an
của một mớ hình ảnh trong đầu. Một ngôi nhà to lớn,
cũ, đầy rêu, nhện, chim và bồ câu, trước nhà có một
hàng cây xưa cao vút và già như mấy cái cây thông
rừng, ngôi nhà nằm trên một ngọn đồi ở ngoại ô Đà
Lạt, trên đường đi về Dran. Một con bò nhai cỏ trườc
nhà, trên cao là một đám mây. Tôi không còn nhớ
mây màu gì? Mây ở Đà Lạt có màu khác hẳn tất cả
màu mây ở nơi khác. Màu trắng? Không, một màu
nào đó không có trong đôi mắt của người tình. Có lẽ
là một màu nào đó trong mắt của người nhìn nước
chảy, nước chảy trên cổ trắng thon thon của một
người đàn bà vừa cắt tóc thật ngắn để trá hình trong
một sự đổi thay của Định mệnh.
2

Tôi làm gì để sống bây giờ? Tôi không đòi hỏi gì hết.
Tôi chỉ cần ăn hai bữa hay một bữa trưa cũng được,
tôi cần một gian phòng nhỏ, một cái bàn viết, một cây
viết và một xấp giấy trắng. Thỉnh thoảng cũng cần
một chút trời mưa, mưa dai và dài cả đêm cả ngày, rồi
lại nhiều ngày cũng cần có một vài chiếc lá xanh
trong ly nước để trước mặt, không có lá xanh thì có
cỏ xanh dài cũng được. Chỉ cần một chùm cỏ xanh để
trong ly nước dựng nơi bàn viết là tôi đủ sinh tố để
sống một trăm ngày trọn vẹn. Còn hoa? Tôi không
dám đòi hỏi nhiều. Có hoa trong ly nước thì cũng
đẹp, nhưng đẹp hơn vẫn là cỏ, cỏ héo cũng được vì
cỏ héo thì cũng là cỏ, một thứ cỏ mặn mà như đất già.
Hoa héo không còn là hoa nữa, giống như là đàn bà
viết văn thì không còn là con gà ở rừng lúa nữa mà
lại trở thành gà được nuôi bằng những thực phẩm hoá
học nhập cảng từ Hiệp Chủng Quốc. Hoa héo là hoa
héo, chấm một chấm xuống hàng.
Tôi đã hút đến điếu thuốc thứ mấy rồi? Năm nay là
năm gì, năm của Thiên Đàng hay năm của Hoả
Ngục? Không bao giờ tôi sống bình thường được, có
nhiều lúc sao thấy thì giờ kéo dài ra như một người
đàn ông cao gần hai thước và nằm dài trên cái giường
một thước rưỡi — để hai chân lông lá thò thò dư dư
ra. Có đôi lúc thì giờ giống như cây bút chì, chuốc
hoài mà vẫn mòn đi, vì thân mềm như bún, bết trên
giấy trơn tru như xe lửa chạy trên đồng bằng. Tôi cứ
tự dạy: hãy bò thực chậm như đứa con nít bò trên sàn
nhà, bò bằng hai tay và hai chân. Nhưng rồi bài học
cũng khó thuộc: thường khi tôi muốn phóng nhanh
hơn cả nai rừng. Tôi không chịu đi hai chân, không
chịu chạy và cũng không chịu bay. Tôi muốn xẹt xẹt
như làn chớp lúc trời bão. Xẹt trên trời một cái, xẹt
dưới đất một cái, xẹt xuống con đường, cánh đồng,
ngã tư, ngã ba. Rớt xuống một vệt sáng ở đây, ở đó,
rồi tắt ngúm như lửa rạ. Viết văn không khác gì sống
mỗi ngày, mỗi trang giấy trắng là mỗi ngày, muốn
làm gì làm thì cũng bị nhốt vào trang giấy trắng, mỗi
lần ngồi trước trang giấy trắng thì tôi chỉ lặp lại cái
việc thức dậy mỗi buổi sáng, tôi ngồi thừ ra, lừ đừ
như con vịt đực; viết một chữ trên trang giấy là bị lôi
vào những gì không thể tránh được đi theo sau chữ
ấy, đi theo một cách tế nhị khó ngờ được; chẳng hạn
như khi tôi viết “gió” thì những gì không thể tránh
được là “gió thổi trên thung lũng, gió về với mùa thu,
tóc bạc trắng, vân vân”, hay dù tôi có nói ngược lại đi
nữa thì cũng là ngược theo chiều gió, tức là một cách
cuốn theo chiều gió, một cách lộn lại như hột vịt lộn.
Điều đau đớn là không thể chạy trốn ở đâu mà thoát
hoạ được, tờ giấy trắng nằm chình ình ra đấy, nếu tôi
trốn viết, bỏ viết văn đi nữa thì cái đầu tôi vẫn nằm
chình ình ra đấy; cái đầu của tôi, cái óc của tôi mới là
giấy trắng, thực thụ, trắng hơn cả tờ giấy trắng, cái óc
của tôi, nó làm tờ giấy trắng cho tư tưởng của con
tim, rồi con tim của tôi nó lại làm tờ giấy trắng cho
dòng máu của tôi; máu chảy trong thân thể tôi lại
muốn viết văn trên tờ giấy trắng của con tim; rồi lại
đến lượt máu của tôi lại làm tờ giấy trắng cho sự
chết: sự chết viết văn trên tờ giấy trắng của máu, và
sau cùng sự chết cũng lại phải làm tờ giấy trắng cho
cái gì đó không có tên gọi; cái gì đó vô danh, vô
tướng lại viết văn trên tờ giấy trắng của sự chết. Nếu
tôi không phải là con vịt đực thì tôi phải lý luận rằng
mỗi khi ngồi viết văn trước một trang giấy trắng trên
bàn thì tôi chỉ lặp lại cái việc của người thức canh
xác chết, ngồi trước cái khăn lịm trắng toát, nhưng có
một điều khó hiểu nhất: người ngồi canh xác chết lại
chính là người đang nằm chết dưới cái khăn lịm trắng
kia; lắm lúc bất thần có con mèo đen nhảy phóng qua
xác chết thì cái xác kia ngồi dậy bước đi lảo đảo như
người say rượu. Tôi gọi con mèo đen ấy là chữ viết.
Đà Lạt mùa này đầy hoa quì rừng, vàng bên kia đồi,
vàng bên này đồi, vàng dưới kia đồi, vàng trên kia,
trên cao kia, cao và gần trong tầm với của mắt. Tôi
bước đi không vững, vì uống cả bình cà phê to, hai
bình cà phê to như hai cái lu nước. Tôi thấy chữ A ra
chữ B, chữ C ra chữ D, tôi thấy tôi chảy trong cống
nước, tôi bay theo khói thuốc.

----------------------------------------------------------------
--------------
THẤP THOÁNG BÓNG HUỲNH TRÊN CON
SÔNG TÀN BẠO

Con sông ấy đã đầu độc tuổi thơ tôi. Những mùa


nước lớn có những chiếc bè, những đám lục bình,
những con chó chết trôi lềnh bềnh. Người lớn và con
nít gọi những xác chết trôi là “thằng chổng chết trôi”.
Thường khi mưa đổ liên hồi trên mặt sông, làm nước
tràn lên tận bờ. Mùa nước ròng tôi thường đi chân
xuống bờ sông để tìm những con còng bé nhỏ.

Mười lăm năm đầu tiên trong đời tôi, tôi đã bị con
sông đầu độc một cách tàn nhẫn, man rợ, vô phương
cứu chữa. Nếu tôi sinh ra đời trên một đồi cao, hay
một khu rừng bao la hoặc một bãi biển đìu hiu thì
cuộc đời tôi sẽ khác hẳn đi. Biển, đối với tôi, không
thể tác động gì cả. Núi lại càng xa lạ, những ngọn đồi
cao, tôi lại dửng dưng. Những thành phố không sông
chảy băng qua thì chỉ có thể là những thành phố dành
riêng cho những con rùa và những con quạ; còn
những thành phố được dựng lên dọc theo con sông thì
thì sớm hay muộn gì cũng nằm dưới sức hút kỳ dị của
mặt trăng. Con sông sẽ nuốt thành phố ấy, nuốt tất cả
những mộng mơ hoài vọng của những đứa con lớn
khôn trong thành phố. Rồi những đứa bé ngây thơ vô
tội sẽ bỏ dở trọn cả đời mình để chạy đuổi những con
sông chảy xiết. Một ngày nào đó, chúng sẽ kinh
hoàng bắt nhận được một sự thật khủng khiếp mà từ
nhỏ chúng vẫn thấy hồn nhiên: những “thằng chổng”
chết trôi kia là những khối bập bềnh vô phương định
hướng của chính thân thể hắn thả nổi trên con sông
cuộc đời. Thỉnh thoảng tận đằng xa, đó đây một cánh
buồm trắng hoặc vàng lất phất qua đời hắn, xa, quá
xa tầm với, rồi đi mất.

Có những buổi chiều, tôi đạp xe ra tận cầu tàu, dựng


xe vào gốc thuỳ dương, dựa lưng vào kè đá, thòng hai
chân xuống, ngó nhìn ra tận đằng xa ở ngã rẽ của
dòng sông ra hướng biển, bên tôi là con sông to rộng,
xa xa tận cuối chân trời, người ta cho tôi biết là biển.
Lần đầu tiên, nghe tiếng BIỂN thì tôi chỉ thấy cái gì
xa quá, không thấy được, mờ mờ, bạc nắng, bí mật,
xa hút tận cuối chân trời. Biển từ đó có nghĩa là cái gì
không với tới được và quá im lặng, vì cái gì quá xa
thì phải im lặng, hiển nhiên. Sau đó vài ba năm,
khoảng chừng mười tuổi, tôi được người nhà dẫn ra
biển. Lần đầu tiên thấy biển, tôi rùng mình sợ hãi;
một nỗi sợ rợn tóc gáy dường như man mác một
thoáng tiên cảm gì đó về số kiếp của con người, kẻ bị
đày đoạ suốt đời chỉ nhìn tới một cái gì bao la, rộng
lớn, xa hút, bí mật; bị đày đoạ đứng nhìn thôi và
không làm gì với tới được, vì đó là sự chết.

Sông đầu độc, nhưng biển thì giết. Đầu cuộc đời tôi
là con sông, cuối cuộc đời tôi là biển; đó đây ở giữa
cuộc đời là ao tù, hồ, mương, cống, rãnh, thỉnh
thoảng vài ba cái thác đổ ầm, một trăm con suối chảy
ngầm trong tim. Rồi một bầy chim kêu gọi nhau giữa
trời, giữa những đoá hoa huỳnh mọc ngay giữa trời.
Lúc ấy, chỉ còn có một việc phải làm là nhắm mắt lại
và nhìn tới cái chết. Một nghĩa trang, một con sông,
đó là hai cánh cửa mở vào thành phố đời người.
Những đám ma đi dọc theo bờ sông và trở về nơi cố
định. Một bầy con nít đang tắm dưới sông, vỗ tay,
đập nước, sung sướng chỉ chỏ, nhìn ngắm đám ma đi
qua. Tiếp theo là tiếng đò máy nổ vói xuống nước,
vọng lên đà nước sóng sánh lắc lư của chân cầu.
Tiếng mẹ ơi ới gọi con bên kia cồn vọng lại, nắng loé
lên rồi tắt. Một con ong vo ve rồi bay mất vào trí nhớ.

2
- Mi, mi đã làm gì đời mi?

Tôi lắc đầu, đứng ngó về mặt sông chảy rộng thênh
thang. Trời đổ mặt trời xuống nước, khói nấu cơm
thổi bay lên mấy chiếc xuồng, chiếc thuyền. Hai ba
bẹ chuối trôi bập bềnh, đằng xa là một băng đen dài
âm u ở cuối cửa sông. Trời chạng vạng.

Tôi muốn trốn thoát khỏi thành phố và con sông này.
Tôi mơ mộng những chuyến đi dài băng qua những
đất lạ quê người. Khó quá, khó quá. Có lẽ tôi sẽ chết
mất tại nơi tôi ra đời và con chim nào đã bị bắn rơi
lông lá.

Tôi dẫn xe đạp về nhà, cha tôi đứng nơi cửa: “Mầy đi
đâu chơi mới về đó? Tụ bè kết đảng đi chơi suốt
ngày, không nhờ vả gì được cả.” Tôi lầm lầm bước ra
nhà sau, rửa mặt, rồi đi thẳng lên phòng riêng trên
lầu. Đóng kín cửa phòng lại, lấy những địa đồ năm
châu bốn bể ra và nhìn ngó mơ mộng liên tục trong
mấy tiếng đồng hồ, đến lúc mấy chị ở gọi vọng lên
“Cậu ba, cậu ba xuống ăn cơm, bà đợi kìa.” Tôi lại
lẳng lặng xuống lầu, ngồi vào bàn ăn, ăn rất nhanh, vì
tôi không chịu nổi chiến tranh lạnh đang dàn mặt trận
trên bàn ăn giữa mẹ tôi và cha tôi. Buổi chiều tối, tôi
leo tận nóc nhà ở mút tầng lầu thứ tư và ngó xuống
con sông đang chảy đen ở dưới kia, trên cao là từng
đám mây chiều, mây đêm, dưới phố vọng lên tiếng
trẻ con nô giỡn. Tôi ngồi trên nóc nhà và tưởng tượng
một ngày nào trong tương lai tôi sẽ thoát được căn
nhà hoả ngục này, thành phố đìu hiu và con sông quá
buồn này, để sống ở một thành phố xa lạ nào đó tận
bên kia chân trời, có bến tàu chung thuỷ và tôi sẽ
được sống âm thầm trơ trọi nghèo nàn trong một căn
phòng hôtel tồi tàn, và ngoài những giờ làm việc lao
công ở bến tàu tôi sẽ dành trọn buổi chiều cô độc
trong phòng nhỏ để viết suốt đêm, viết những quyển
tiểu thuyết mà nhân vật chính làm gì đi nữa rồi cũng
tự tử. Tôi quen làm cuộc tự tử tưởng tượng trên nóc
nhà ấy. Chín giờ tối, lúc từng bầy chim én đã bắt đầu
thôi động đậy, tôi leo tuột xuống phòng riêng, chong
đèn thức suốt đêm để học tiếng ngoại quốc hoặc học
thuộc lòng tên những con đường của những thành
phố ngoại quốc. Rồi tôi ngủ gục trên bàn. Sáng bừng
dậy, tôi vẫn còn thấy mình đang lang thang trong
những đường hẻm lót gạch của những thành phố xa
xôi tận cuối chân trời.

Đôi lúc cha mẹ tôi bớt giao tranh nhau. Thỉnh thoảng
mẹ tôi vụt hỏi: “Mầy định làn gì, khi lớn lên mầy
định làm gì? Sao không lo học hành đàng hoàng cứ
đọc sách gì đâu không, sao không chịu học lấy bằng
cấp để làm tao với thằng cha mầy được nở mày nở
mặt với hàng xóm? Học có giỏi thành trời đi nữa mà
không lấy bằng cấp thì có gì chứng minh rằng mầy
giỏi? Cứ huênh hoang kiêu ngạo, lầm lầm lì lì, ăn cho
no rồi chửi tiền chửi bạc. Tao mà không giàu có lấy
đâu mà ăn ở không suốt ngày rồi khinh chê tiền bạc.
Chừng nào mầy ăn mắm với muối thì mới biết tiền
bạc là cái gì?” Dạo đó, tôi vừa được mười bốn tuổi,
tôi đã bỏ học trường từ lâu. Mẹ tôi bị ông sư huynh
hiệu trưởng mời vô trường và than phiền về hạnh
kiểm của tôi, ông ấy nói với mẹ tôi rằng tôi đòi giỏi
hơn thầy dạy tôi. Mẹ tôi kể lại: “Tao phải cãi lại ông
ấy, tao nói: tôi biết thằng con tôi lắm, nó hiền lành,
đứng đắn, đàng hoàng, ít nói, không chơi nghịch gì
hết, chỉ biết đọc sách suốt đêm ngày, tôi tốn tiền sách
cho nó gần cả một sản nghiệp; tôi mà không giàu có
thì cũng không nuôi con tôi học nổi. Tại ông thầy dạy
nó mà lại dở hơn nó thì nó mới khó chịu, nó mới như
vậy. Nó giỏi hơn thầy nó mà.” Về cái việc bênh con
thì mẹ tôi đáng đứng vào hạng quán quân. Phải hay
trái gì cũng bênh con, vì “chỉ có con tôi là tôi hiểu”;
đó là lý luận rất độc tài của mẹ tôi. Tính độc tài ấy,
tôi được thừa hưởng khi lớn lên với cuộc đời.

Nhưng thực sự mẹ tôi đâu có hiểu rằng con sông đã


đầu độc tôi như thế nào. Con sông đã tàn bạo, đã
đánh đòn tôi còn tàn nhẫn hơn những lúc cha tôi lấy
dây luộc buộc chân tôi vào chân giường vì cái tội trốn
học. Cả khu phố, cả hàng xóm ở nơi nhà tôi đều nghe
tiếng tôi, cái tiếng tăm mà dạo ấy tôi bị hành hạ liên
tục: “thằng trốn học”. Ngoài cái tội trốn học, tôi lại
có đủ tật xấu: ham đánh lộn, đánh bài, ăn ở dơ dáy, ít
hớt tóc, ít khi tắm, đến nỗi mẹ tôi cứ nhắc: “Mầy hôi
trâu quá. Đi tắm ngay đi!”. Dạo đó tôi được mười ba
tuổi. Rồi cũng vì bị con sông đầu độc, quá bất ngờ,
quá bất ngờ, thực quá bất ngờ, năm mười bốn tuổi, từ
một đứa con nít ham chơi, ham đánh lộn với trẻ con
hàng xóm, tôi bỗng trở thành một con người mới,
đóng cửa ở suốt trong phòng, lầm lì suốt ngày, không
vui cười với ai nữa cả, thỉnh thoảng đạp xe ra cầu tàu,
đứng buồn ngó con sông, rồi âm thầm trở về nhà,
lẳng lặng như một bóng ma, người tôi bắt đầu ốm gầy
hẳn đi, mặt xanh xao như bị yêu tinh hốt hồn, tóc
bồng rối quên chải, đôi mắt ngó về một chốn nào
không với tới, đôi mắt có quầng đen vì ba mươi đêm
không ngủ. Từ ngày ấy trở đi, cha tôi và mẹ tôi đâu
có biết rằng tôi không còn là đứa con của hai người
nữa. Cái nhau đã được chôn hẳn rồi, cái rốn đã được
cắt lìa hẳn rồi. Tôi không còn là một con người có
cha, có mẹ, có anh em, hàng xóm, quê hương. Tôi ở
trên trời rơi xuống, đi, đứng lạ lùng giữa trời đất lạ
lùng. Tôi không còn biết hỏi: tôi từ đâu đến và tôi sẽ
đi về đâu. Không, không, hoàn toàn không. Tôi
không còn hỏi gì hết. Tôi chỉ biết đi và đi tới cái gì
đằng kia, rộng quá, âm u và bí mật, buồn vì quá tối
nghĩa?
3

Bên này là nghĩa địa và bên kia là con sông, ở chính


giữa là thành phố. Bên này là buổi sáng và bên kia là
buổi chiều, ở chính giữa là cơn bệnh của mặt trời. Tất
cả mặt trời đều tàn bạo, tất cả mặt trăng đều cay
đắng.[*] Người nói được câu này phải là kẻ đau đớn
mà tuổi thơ bị chẻ đôi giữa thành phố và con sông,
giữa buổi chiều và một chùm mộng rụng. Rimbaud
và con sông Meuse.

- Mi, mi đã làm gì cho đời mi?

Buổi chiều xuống nhẹ trên thành phố với tiếng gió
đẩy cửa sổ nghe kẽo kẹt. Tôi không biết mình đã tự
hỏi như vậy bao ngàn lần rồi?
- Không, không, mi không thể làm bất cứ việc gì nữa.
dòng sông đã đầu độc đời mi rồi. Độc đã thấm vào
máu rồi...

Một đêm khuya lúc hai giờ sáng, tôi chợt hiểu được
như vậy và tôi không còn muốn tự tử nữa. Đứng trên
cầu Pont Neuf ở Paris, tôi ngó xuống con sông Seine;
cả một đời trẻ thơ, cả một đời con trai của tôi trôi qua
vùn vụt dưới kia, mặc dù nước sông rất bình thản,
quá đen, đen. Suốt đêm đó, tôi để cho nước đày đoạ
tôi, đánh đập tôi, hành hạ tôi. Ôi, sao nước quá tàn
nhẫn. Tôi có tội tình gì? Sao nước lại tàn bạo thế, sao
nước lại nhẫn tâm thế? Nước, nước, hãy tha tôi, hãy
cho tôi sống. Nước, xin đừng quá tàn nhẫn.

Một đêm tối khác vào mùa đông, khi chuyến xe lửa
ngoại ô băng dọc qua sông Marne, tôi ngồi run lạnh
trong chuyến tàu khuya cuối cùng, rồi nhắm mắt ngủ
quên và khi xe lửa ngừng lại một ga tỉnh nhỏ, tôi mới
giựt mình biết rằng xe lửa đã chạy lố qua nơi ngoại ô
tôi ở gần đến hai chục cây số. Lúc ấy, tôi sống trong
một phòng ngủ nghèo nàn ở Saint-Maur-des-Fossés,
vùng ngoại ô của Paris; phòng của tôi mở ra đối mặt
với nhà ga bên kia đường, mỗi chiều đứng bên cửa
sổ, ngó nhìn những chiếc xe lửa từ Paris đổ về với
những vòng khói bay toả lên trời chiều, tôi tự hỏi và
chỉ tự hỏi và không bao giờ trả lời được. Đêm tối
mùa đông ấy, nhờ chuyến xe lửa chạy lố qua Saint-
Maur-des-Fossés, tôi mới nhận được câu trả lời do
dòng sông Marne gửi lại. Tôi đã bước đi trong tuyết
lạnh gần hai mươi cây số, trong đêm khuya, để trở về
phòng ngủ ở Saint-Maur-des-Fossés. Trước tối đen,
tôi bước đi lê lết dọc theo bờ sông Marne, tôi nện đôi
giày ống xuống tuyết, trượt lên té xuống đôi ba lần,
tôi cố gắng lết cho qua dặm đường dài hai chục cây
số giữa đêm đen tuyết lạnh và cơn đói cồn cào. Sông
Marne chảy nhẹ nhàng. Sông vẫn có mặt bên bước
chân tôi. A, tôi hiểu rồi, tôi đã được trả lời rồi. Nếu
đêm đông lạnh lẽo ấy, đang lúc tôi lạc đường và lộn
đường trở về mà không có con sông chảy nhẹ nhàng
bên cạnh thì liệu tôi còn sức để trở về hay phải kiệt
lực dọc đường? Sông đã đầu độc tôi, đã tàn phá cơ
thể và tâm hồn tôi, nhưng vào những lúc quyết định
bất ngờ nhất, cũng chính con sông trở thành một thứ
ma lực lạ lùng, vô hình, kín đáo, trợ lực giúp đỡ tôi đi
tới, bước về Saint-Maur-des-Fossés. Chữ Saint Maur
đọc nghe như Sainte Mort.

5
Tôi đã đến Vienne để chỉ ngó sông Danube một lần,
rồi bị đau nặng tưởng chết tại một hôtel ở Vienne.
Nửa đêm, người ta chở tôi vào nhà thương.

Ngày hôm sau, vì không có tiền để trả nhà thương ở


Vienne, cho nên ông bác sĩ người Áo lấy vé máy bay
cho tôi đi gấp qua Frankfurt ở Đức; tôi ngồi gục đầu
và nằm dài muốn ngất xỉu tại phi trường Frankfurt,
tôi cố gắng vận dụng mọi tinh thần để đủ sáng suốt
còn lại mà biết rằng Frankfurt là thành phố của
Goethe và Schopenhauer. Dòng sông Danube ở
Vienne chỉ chấp nhận cho tôi nhìn thấy có một lần,
chỉ một lần, một lần thôi, einmal, nur einmal... [**]

Một buổi sáng sớm đứng giữa thành phố đẹp nhất thế
giới, Florence, Firenze của Ý-đại-lợi, tôi đã đứng ngó
sông Arno, sông cạn nước. Lúc tôi đến dòng Arno thì
nước đã cạn. Đời sống tôi lúc đó đã cạn đến tận đáy.
Nước không chảy thì đời tôi cũng nghẽn theo luôn,
dù tôi đang sống giữa Florence, thành phố thơ mộng
nhất và huyễn hoặc nhất của thế giới. Dante và
Michelangelo đã sống nơi đó. Chắc chắn là con sông
Arno đã nuốt thiên tài họ, đã làm họ chết mười lần,
chết một trăm lần trước khi cái chết thực sự hiện đến
dập tắt lửa nóng của mặt trời.

Tôi trốn bỏ thành phố Florence và đi đến Rome, rồi


bị giam trong một hôtel suốt cả tháng, không còn
đồng xu trong túi, tôi phải nhờ người bồi hôtel đánh
điện tín qua Mỹ để xin tiền Henry Miller, rồi đánh
điện qua Anh, qua Pháp để xin tiền bạn bè. Từ ngày
này kéo dài qua ngày nọ, tôi nằm trong phòng hôtel
và đọc Kinh Kim Cang, một cuốn kinh nhàu nát, duy
nhất, phong sương mà tôi đã giữ kỹ trong cái bị giang
hồ.

Có ai biết rằng dòng sông Hằng đã chạy qua Kinh


Kim Cang?

Và đức Phật ngồi bên dòng sông, ngó ngôi sao mai,
thành Phật.

Bây giờ tôi muốn uống một tách cà phê, nhưng chạy
đâu ra tiền để uống ngay phút này? Sông đã cạn.
Những gì còn lại, xin Phong Lữ Thảo hãy viết tiếp
giùm tôi. Sông đã cạn. Sông đã cạn.

Phụ chú của Hoàng Ngọc-Tuấn:

[*]Đây là câu thơ thứ 90 trong bài “Le bateau ivre”


[“Con thuyền say”] của Arthur Rimbaud, nhưng
Phạm Công Thiện đã nhớ nhầm thứ tự của mặt trăng
và mặt trời. Đúng ra, câu thơ là: Tất cả mặt trăng đều
tàn bạo và tất cả mặt trời đều cay đắng (Toute lune
est atroce et tout soleil amer). Rimbaud đã viết bài
thơ “Le bateau ivre” dài 100 câu trong mùa hè năm
1871, lúc ông mới 16 tuổi.

[**]Khi dùng những chữ tiếng Đức “einmal, nur


einmal” (một lần, chỉ một lần thôi), Phạm Công
Thiện muốn gợi ý đến bài “Die neunte Elegie” [“Sầu
ca thứ chín”] trong tập Duineser Elegien [Những bài
sầu ca ở lâu đài Duino] của Rainer Maria Rilke.
Trong bài “Die neunte Elegie”, ở đoạn thứ ba, Rilke
đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần những chữ này.
Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít?

MÙA HẠ có mấy con chim lội qua biển, vài ba đám


mây, bên kia là trời, màu xanh, màu trắng.

Cửa sổ mở ra, mấy tấm vải phơi dưới mái nhà ở đây,
mái nhà ở đó. Hai giờ sáng, đi qua bước lại, mở cửa
ngó xuống chiếc cầu đen. Thang lầu này tròng véo
qua thang lầu kia, sân xi-măng có gió, trời gần sáng,
tiếng động. Đẹp, đẹp. Yêu đời, yêu đời quá. Hai chân
kéo lôi ra ngoài đường, tiếng đàn hàng xóm, bên đây
là im lặng, không có người nói.

Đúng 7 giờ, quán mở cửa. Cái quán đóng suốt đêm


qua, từ 11 giờ khuya đến 7 giờ sáng. Ngực khô ran,
hút thuốc nhiều, khi nào bỏ hút thuốc? Lúc nào
không mở mắt, lúc nào không bước đi. Nằm kề chân
lên vách tường. Cho đến khi nào gặp lại. Cái chết vẫn
được gặp lại ở quán cà-phê đầy nắng với hoa phong
lữ thảo.

Một tách cà-phê, hai tách cà-phê, vỏ đất bị xáo trộn


kinh thiên. Bỏ uống cà-phê, bỏ hút thuốc, bỏ uống bia
33. Tập sống giả đạo đức cho đỡ buồn, lâu lâu giựt
mùng cho rớt xuống để bố thí máu cho muỗi đói.
Cười con chó chạy cong đuôi ở ngoài sân, mở vòi
nước lavabo, ực năm lần cho đầy bao tử, tập uống
nước bẩn cho đỡ sạch đỡ chán.

Tiếng con nít khóc, người mẹ ru con giọng xa, dài,


buồn.

Quán mở, bàn ghế kéo ra. Cuối quán, ngồi tận đằng
cuối. Âm nhạc kéo lè nhè, con nhện, mùa thu. Hôm
qua, bà cụ nói: “Cậu hai con trước kia chết vì bệnh
lao, thằng René, con của cậu hai chết trước, René nó
nghiêm nghị như cậu hai con, lúc mẹ có thai con thì
René nó chết, mẹ khóc dữ lắm. Lúc cậu hai con nằm
bệnh hấp hối thì ở dưới lầu người ta đóng quan tài
của René. Cậu con nghe tiếng động dưới lầu, hỏi ai
làm gì ồn thế. Người nhà phải nói láo là…”

— Thôi mẹ đừng kể tiếp nữa, con biết rồi, con đã


nghe mẹ kể nhiều lần rồi…

Buổi sáng, ngoài đường, xe cộ chạy vù vù qua cầu.


Quên hết ngày hôm qua, quên hết ngày hôm nay,
quên hết vỏ trái đất bị xáo trộn.

— Xin cho tôi tách cà-phê như thường lệ.

Như thường lệ, mỗi sáng, thức, đi xuống sân trường,


đứng lại ngó lồng bóng rổ, không có bóng. Cỏ héo
nhiều, thiên hạ trét xi-măng trên đó. Mỗi ngày, người
mình cứng như xi-măng, cứng, cứng.

— Xin cho một tách Arabica…

Sa mạc Sahara, ôi, nắng, nóng, lửa, Rimbaud làm cái


giống gì ở đó? Giở tự điển ra tìm chữ, café là bởi
tiếng Ả-rập “qahwah”. Không ngờ văn minh Ả-rập
cai trị thành phố Sài-gòn. Mỗi sáng, ít người biết rằng
có gần một triệu người uống cà-phê tại Sài-gòn và
những thành phố vây quanh Sài-gòn. Mỗi sáng, ít
nhất tại Sài-gòn có gần một triệu người phải chịu đoạ
đày mở mắt ra và làm những việc khả kính.

MÙA ĐÔNG có mấy chiếc xe đạp bị nổ bánh. Vài ba


đám mây, đó đây, đá và chỉ là đá. Tiếng hàng xóm
chửi nhau, ông say rượu bắt đầu chửi thề. Cuộc đời
vẫn đẹp như cái tên của cái hotel đối mặt với quán
cà-phê. Quán cà-phê này độc nhất ở Việt Nam là có
món pousse-café.

— Xin cho tôi một cái poussse-café…

Nhiều lúc tôi muốn nói với người giữ quán hiền lành:
— Xin cho tôi một cái pousse-pousse, một cái cyclo-
pousse, một cái pousse-cofard, một cái pousse-ennui,
một cái pousse-néant…

Nhưng tôi phải trấn đê Nhị Hà lại. vì làm sao pousse-


rien được? Phải tập ăn nói khả kính, đứng đắn, đàng
hoàng. Đài khí tượng đã báo động năm trước là vỏ
trái đất bị xáo trộn dữ dội.

— Xin kính mời đại đức khoa trưởng lên nhắn nhủ
cùng anh em sinh viên đôi lời trong dịp họp mặt tất
niên này.

Cái micro phải gió bắt đầu réo lên. Merde, đại đức,
thất đức, khoa trưởng, thôn trưởng, ấp trưởng, xã
trưởng, lấy sách công dân giáo dục ra học lại cho khả
kính.

— Mi đã làm gì cho đời mi?

Nhan đề một vở kịch của Sartre, chưa đọc “La Putain


respectueuse”,[*] sẽ đọc đêm nay, nếu không ngủ
quên, không lười, không rầu, không mệt.

— Chúng ta phải tìm lại một căn nguyên gốc rễ cho


chúng ta. Tìm lại tinh thần văn hoá dân tộc… (tiếng
micro lại xè xè như muốn réo réo pisse-pisse…)
MÙA THU có hai con chó con mà một bà nhà quê
đứng bán ở toà đô sảnh. Hai con chó quá nhỏ, một
con đen, một con vàng. Tôi đang bước qua đường
Nguyễn Huệ, đứng lại, hỏi rất lễ độ:

— Thưa bà, bà bán hai con chó này bao nhiêu?

— Sáu trăm đồng, thầy ạ…

— Thôi được.

Ông thầy chùa phải gió ôm hai con chó con băng qua
đường, gọi ta-xi trở về nhà bà cụ. Thiên hạ hai bên
đường ngó nhìn…

— Thưa mẹ, con vừa mua hai con chó này, để đem về
cho em Bích nuôi.

— Thôi con, cho ai thì cho phứt cho rồi. Nuôi chúng,
chúng ỉa ra dơ nhà, không ai dọn hết…

— Con dọn cho.

— Thôi con…

— Bích, anh mua cho mày hai con chó nè…


— A, a, sướng quá…

Hai ngày sau, mẹ tôi đem hai con chó cho người ta.
Mẹ tôi nói rằng chúng làm dơ cả nhà. Có Bích nó
khóc ầm cả lên. Tôi nghe nó khóc mà có cảm giác
như nghe cả một dân tộc Do-thái đang khóc ở đền
Jerusalem. Tôi giàu tưởng tượng, từ ngày mẹ tôi đem
chó cho người ta đến nay thì đã gần 4 tháng và tôi
cũng chẳng nghe con Bích nhắc đến chó lần nào nữa.
Ồ, con nít mau quên lắm.

— Không biết giờ đây hai con chó ấy đã làm gì cho


đời chúng?

MÙA XUÂN có bông cúc vàng và bông anh đào Đà


Lạt. Tôi nằm ngủ suốt ngày mùng một, đến ngày
mồng hai ngủ luôn cho đến mồng ba. Thức dậy thì
đèn đường đã tắt.

CÒN TUỔI DẠI


Một người bước. Đường Tự Do. Buổi chiều. Đông
người. Nó bước. Đôi mắt chết. Quá khứ. Buồn. Một
điệu nhạc. Nó đi trên buổi chiều. Ai?

Tôi tên là gì?

Có cha?

Có mẹ?

Và người thân quyến thuộc?

Ai đang bước đi đây?

Nó bước qua xa lộ. Một chiếc taxi chạy tới. Xe vụt


qua sát nó.

Tại sao mình còn sống?

Một chiếc xe khác vụt qua. Nhẹ nhàng.

Mình thử lao đầu vào xe xem sao?

Chết?

Nhẹ quá. Nó bước qua đường.

Ai đang bước qua đường?


Hai người Mỹ đang nói chuyện. Nó chợt thấy nó
đang đứng trong một tiệm sách. Lật vài trang. Không
tiền. Bước ra. Nó nhìn lên trời. Đen. Nó đứng lại nhìn
mười ngón tay. Của ai?

Bước qua đường. Không xe. Bến tàu Saigon. Hoàng


hôn. Nó ngồi thòng chân xuống nước. Chân ai? Gió.
Nhẹ nhàng quá. Nước chảy đen. Nhảy xuống xem
sao.

Dễ dàng quá. Không. Không. Đứng dậy. Nó bước ven


bờ sông. Nó lại ngồi xuống. Nhìn xuống đất. Nhìn
xuống dòng nước đen. Nhảy xuống xem sao? Không.
Thôi đứng dậy. Nó đi ven bờ sông. Nó lại ngồi
xuống. Nhìn xuống đất. Trời tối. Một chiếc lá khô.
Nó cầm lên xem. Chiếc lá dễ thương. Nó ngửi mùi
thơm chiếc lá. Gây gây. Nó làm bạn với chiếc lá. Nó
nói chuyện. Chiếc lá lắng tai nghe. Hoàng hôn thiu
thiu ngủ trên dòng sông. Thành phố đang ngủ. Chỉ có
một người còn thức với một chiếc lá.

*
Chiều hôm nay, tôi đến Nha Trang. Còn đúng năm
đồng. Hành lý của tôi là một cuốn tự điển. Thành phố
này dễ ghét. Cũng mấy cái nhà khô khan chán đời ấy.
Cũng mấy con đường nhăn nhó khó chịu. Tôi chỉ
muốn cả thành phố này tiêu tan hết đi. Chỉ còn lại
vùng bãi biển thôi. Thành phố này làm dơ bẩn biển
xanh. Hai năm trước tôi đã sống ở đây và dạy học.
Tôi là giáo sư? Tôi muốn mửa máu. Cái nghề ấy
không khác gì nghề bordel. Mửa. Tôi sợ mấy trường
học như mấy nhà tù. Ừ, nhà tù còn tự do hơn.

Buổi chiều, tôi bước đi ven theo bãi biển, sóng vỗ ầm


lên. Mi im lặng không? Chán quá. Ta mệt lắm rồi.
Sóng vẫn vỗ ầm lên.

Tôi bực tức. Tôi ngồi xuống bãi cát và hồi hộp nhìn
về phía sóng vỗ. Sóng vẫn cứ vỗ ầm lên. Tôi thấy
một cơn hư vô dễ sợ từ từ xuất hiện nơi mặt đen đen
kia. Gió thổi lạnh. Tôi áp cuốn tự điển vào ngực cho
ấm. Tôi ôm chặt quyển tự điển như ghì ôm một
người.

Nó nằm ngủ quên bãi cát: đến khuya, chợt thức giấc,
nó bàng hoàng nhìn lên trời. Trời đen quá. Biển cũng
đen. Gió buốt lạnh. Sóng vẫn ầm ầm. Sự im lặng
cũng đen. Nó thấy hết cô độc. Tay nó bồng quyển tự
điển như bồng một người bé bỏng. Nó ôm chặt quyển
sách vào tim. Mặt trăng lên quá cao. Màu trắng ám
ánh đen. Nó đứng dậy bước về phố chợ và tìm chỗ
ngồi, chờ sáng.

Đêm nào cũng thức đến hai ba giờ sáng.

Không làm gì chỉ ngồi nghe lá cây mọc trên mười


ngón tay

Tôi ngửi mùi địa ngục trên gió rừng thơm ngát

Tiếng ca của người con gái sống trọn đời ở nghĩa


trang

Tiếng ca của người đi đường hai chân bước xuống


hải đảo lá cây đem về ướp giữa hai trang giấy thành
thị

Tôi cười trong bóng đèn ma dại

Anh trở về hôn những phiến mùa hè hôi mùi rong


Anh lên đường tiếp đón hai con chó dại nằm giữa
đống phân bò

Anh ca hát

Ôi thung lũng

Ôi khăn tay

Ôi đôi mắt cận thị

Xin cúi chào hơi thở

— Con về nhà ở với cha mẹ đi con.

— Con không về được.

— Tại sao?

— Con không biết?


— Dù sao thì Tết đến, con cũng phải về ở chung với
cha mẹ và mấy em cho vui. Chứ con cái gì mà Tết
đến lại cứ đâu mất.

— Con không thể về được.

— Tại sao?

— Con ghét thành phố Mỹ Tho.

— Tại sao?

— Con thù ghét thành phố ấy.

— Dù sao đó cũng là quê hương nơi con sinh đẻ.

— Con không có quê hương.

— Thôi đừng nói bậy. Con phải vâng lời cha mẹ đi


con. Anh em mầy khó dạy quá. Chúng bây làm tao
buồn khổ. Tao sẽ chết sớm.

— Con lớn khôn. Ba má cứ để mặc con.

— Mới chừng hai mươi mà tưởng như khôn lắm rồi,


con còn dại lắm, con ạ. Con chưa biết lo đến thân
con.
— Ba má đừng bận tâm. Con có đủ trí khôn để lo
thân con.

— Thế sao con cứ lông bông mãi? Sao con không


làm việc gì hết? Phải lo cho tương lai chứ. Không lẽ
suốt đời con cứ viết báo lăng nhăng hoài?

— Vâng, con thích lông bông. Và việc viết lăng


nhăng ấy chỉ để lấy tiền trả cơm.

— Con hãy nghe lời cha mẹ.

— Dạ.

— Con hãy về sống với cha mẹ. Mấy em hỏi con


luôn. Cha mẹ có tuổi rồi. Con phải nghĩ đến mấy em
con.

— Còn anh hai đấy. Anh ấy lo cho chúng nó được.

— Không biết bao giờ anh mầy nó mới về? Lâu quá
ư, tại sao bấy lâu không thấy nó viết thư về nhà.

— Chắc anh ấy bận học. Anh ấy hiện đang ở đâu?

— Anh mầy nó đã dọn chỗ ở. Bây giờ nó lên ở tại


Nantes.
— Chứ không phải ở Redon nữa sao?

— Nó dời chỗ rồi. Thằng đó cũng kỳ. Anh em mầy


cũng hệt như nhau. Tại sao nó không gửi thư về cho
ba má. Lâu quá, má mầy cũng sợ không biết nó có
đau bệnh gì không? Con hãy viết thư cho anh con đi;
Tết đến rồi, nó ở một mình nơi đất lạ quê người.

— Anh ấy… Có gì đâu tội nghiệp?

— Tại sao anh em mầy không thương yêu nhau?

— Con thù anh ấy!

— Đừng nói bậy con ạ. Nó viết thư về ba ám, trách


rằng đã ba năm rồi mà nó chẳng bao giờ nhận được
thư con. Nó thương con lắm.

— Con làm biếng viết thư.

— Không phải tại anh con đâu. Con không hiểu hoàn
cảnh gia đình.

— Con hiểu. Tại số mạng. Nếu bây giờ con đang ở


Pháp thì…

— Thôi, con đừng nhắc đến chuyện ấy nữa. Đừng đổ


lỗi cho anh con.
— Nhiều khi, con đi xem ciné thấy những đường phố
Paris thì nước mắt muốn chảy dài.

— Thôi con đừng nhắc đến chuyện ấy nữa. Con hãy


nghe lời cha mẹ mà trở về sống với cha mẹ; nhiều khi
má mầy đọc báo mà mỗi lần thấy có tai nạn chi, má
mầy sợ cuống cả lên, má mầy cứ sự mầy đi bậy bạ
đâu đó rồi bị nạn… Con đừng nên làm cha mẹ đau
khổ.

— Thưa ba má, con thương ba má lắm.

— Sao con không về?

— Con ghét thành phố Mỹ Tho. Con ghét ngôi nhà


của mình. Con ghét những người ở thành phố ấy.

— Đừng nói bậy con ạ, dù sao ngôi nhà ấy cũng là


nơi con lớn khôn.

— Tại sao ba má không bỏ Mỹ Tho mà đi nơi khác?

— Đi đâu bây giờ, hở con. Bây giờ thì cứ tạm sống


lây lắt chờ ngày anh con nó đi du học về thì nó gầy
dựng lại. Vả lại, cha mẹ phải ở lại Mỹ Tho cho mấy
đứa em của con nó đi học. Thằng Cang nó học giỏi
lắm, cứ đứng nhất mãi. Thế mà cứ đổi trường hoài, sợ
nó học không được thì tội nghiệp nó.

— Còn mấy em khác vẫn mạnh?

— Vẫn mạnh. Mấy em nhắc con luôn. Con về đi con,


cho chúng nó mừng.

— Con không thể về được. Mấy em chắc lớn?

— Ừ, tội nghiệp chúng lắm con ạ. Ngày nào giàu


sang, chúng nó ăn uống sung sướng mà bây giờ
chúng nó phải ăn uống khổ cực, ba má phải rướm lệ.
Mỗi lần, ba má dọn cơm lên là chúng nó ăn ngốn
ngấu thật là dễ thương, chúng nó thèm quá con à.
Mấy năm trước, chúng nó có bao giờ chịu ăn cơm,
chỉ ăn hàng bậy bạ, mà bây giờ nghèo thì chúng nó
ăn cơm trông dễ thương lắm. Còn thằng Hùng nó
cũng giống con.

— Năm nay nó học lớp mấy rồi, ba má?

— Nó học lớp ba trường tiểu học. Suốt ngày, nó cứ


vẽ hình hoài và cho tiền bao nhiêu nó đều lấy đi mua
sách đọc. Thôi con ạ, con hãy về ăn Tết với ba má.
Con không biết rằng ba má thương con lắm.

— Không, ba má chỉ…
— Đừng nói vậy, con ạ. Ba má đều cưng bằng nhau.
Đứa nào cũng như đứa nào…

— Bây giờ nghèo rồi, ba má mới lo đến con, mới


thương con. Chứ hồi ba má còn giàu sang, ba má đã
bỏ con – bỏ quên con. Ba má không hề lo đến con.
Ba má không hề lo đến con. Ba má chỉ lo đến anh
hai.

— Con vẫn nói mãi như vậy. Không phải thế đâu.

— Thôi ba má về đi, con không về đâu.

— Con ạ, con không hiểu ba má.

— Ba má cũng không hiểu con.

— Con ạ.

— Dạ.

— Nhiều lúc, giữa lúc khuya, ba mầy bỗng thức dậy


và quỳ xuống trước bàn thờ Đức Mẹ mà đọc kinh cầu
nguyện cho mầy với anh mầy. Ba mầy thì thầm lạy
xin đức Mẹ cho chúng mầy vẫn khoẻ mạnh. Ba mầy
vẫn nói với má rằng ngày nay ông chỉ sống được là
nhờ hai đứa bây. Mấy em đều nhỏ dại. Chỉ có hai anh
em bây là lớn. Ai cũng bảo ba má rằng ba má phải
hãnh diện. Vì người ta ở Mỹ Tho đều nghe tiếng con
và phục tài con. Anh hai con cũng phục tài con. Anh
hai con nó cũng học giỏi. Ai cũng khen ngợi ba má.
Từ ngày gia đình mình sụp đổ tiêu tan thì họ bắt đầu
khinh bỉ gia đình mình, nhưng họ vẫn đều kính trọng
hai con và vẫn luôn luôn khen ngợi ba má. Tủi thân
lắm con ơi. Khi mình giàu sang nhà lầu xe Huê kỳ thì
họ đều sợ mình. Giờ đây, gia đình mình tan nát thì họ
bàn tán lắm, nhưng họ nói là nhờ phúc đức của ba
mầy mà gia đình mình còn hai đứa con trai học giỏi
như vậy. Ba má chỉ còn an ủi nơi hai con. Thằng anh
con nó ở Pháp chắc còn lâu mới về. Không biết
chừng nào nó mới lấy xong tiến sĩ? Còn con, bây giờ
anh ở xa, chỉ có con là lớn khôn và ở gần nhà cha mẹ,
tại sao con lại không về sống với cha mẹ mà lại cứ
sống lông bông vô định mãi như thế này? Tao nói mà
bây không chịu nghe lời tao thì tao chết đi rồi ăn năn
hối hận nhé.

— Dạ… Dạ… thôi con chịu về. Ba má về trước đi,


rồi ngày mai, con về sau.

— Thôi đi con, về luôn với ba má bây giờ đi.

— Dạ… con còn lo sửa soạn đồ.


— Mai, con về nhé. Đừng để cha mẹ đợi. Đừng nói
láo với cha mẹ…

— Dạ…

Hắn vừa bước đi và tưởng tượng đến ngày mai, ngày


hắn về Mỹ Tho. Hắn thấy một con đường hiu hắt.
Một thành phố hiu hắt. Hắn thấy một dãy nhà lầu
nhiều tầng. Nơi đó, mấy năm trước, lúc còn sống
sung sướng thừa thãi cùng cha mẹ, có nhiều lần đứng
trên lầu cao, hắn muốn nhảy xuống. Hư vô. Hắn thù
ghét giàu sang. Hắn chỉ thấy ti tiện. Hư vô. Giờ đây
gia đình đã bị phá sản tơi bời. Xe cộ bán đi. Dãy nhà
cao (đầy hư vô ấy) đã bị sai áp. Nhưng cha mẹ và
mấy em còn được ở tạm nơi ấy. Gia đình bị phá sản
tận gốc. Nhưng hắn không buồn. Và hắn cũng không
vui. Vẫn trơ trơ. Rồi từ đó, hắn đi dạy học và dạy thật
nhiều để nuôi gia đình. Hai ba năm trôi qua. Hắn chỉ
cỏn lại một thân thể bệnh hoạn. Cả người hắn chỉ là
một cái máy. Tâm trí hắn mất cả quân bình. Hắn thấy
hắn đã chết đi, tàn tạ và khô héo đi giữa cuộc đời.
Cha mẹ hắn vẫn than một bầy em đông quá và ông
ngoại lại bệnh nặng phải nằm nhà thương, thành ra
tiền lương dạy học của hắn có nhiều đến đâu, cũng
không thể nuôi đủ cả gia đình. Hắn dạy thêm nữa.
Cha mẹ hắn vẫn than khổ. Hắn dạy cả ngày lẫn đêm.
Hắn mới được khoảng hai mươi tuổi. Thế mà hắn đã
quên cười từ lâu. Người hắn bơ phờ ra. Hắn thù ghét
nghề dạy, nhưng càng thù ghét lại càng bị bắt buộc
phải dạy thật nhiều. Mỗi tuần, tuần nào cũng như
tuần nào, hắn phải xuống Sài òn, dạy 3 ngày rồi lại
lên Đà Lạt dạy 3 ngày, hắn làm việc hơn một con
trâu. Hắn chôn tuổi trẻ. Thế mà gia đình hắn vẫn than
khổ. Hắn bơ phờ. Tâm thần hắn dấy loạn cả lên. Hai
mươi tuổi: đổ vỡ. Tình yêu không có, hắn nhớ lại
rằng cha mẹ hắn ngày xưa không thương yêu hắn.
Ông bà chỉ lo làm giàu. Tiền. Tiền. Tiền. Hắn phẫn
nộ. Hắn nhớ lại rằng ngày trước cha mẹ có tiền của
đầy ứ như vậy, mà mỗi lần hắn xin tiền mua sách thì
hắn lại bị rầy la. Đọc gì mà đọc mãi vậy? Đọc gì mà
đọc nhiều thế? Đọc sách có ích lợi gì? Đọc cho nhiều
rồi cứ ngồi đó mà khinh chê tiền bạc. Tiền bạc là trên
hết. Nếu tao không có tiền làm gì mày ăn sung mặc
sướng và có tiền mua sách đọc? Đồ học nhiều rồi
ngu. Tiền là trên hết. Có tiền mua tiên cũng được.
Hắn nhớ lại những lời trên. Những lời mà mẹ hắn
thường mắng hắn, lúc gia đình còn giàu sang phú
quý. Hắn muốn điên lên. Tiền. Tiền. Cha mẹ chỉ dạy
con thế! Tiền. Hắn phẫn nộ. Vâng, nếu cha mẹ đừng
mê tiền thì ngày nay gia đình không đến nỗi đổ vỡ
tang thương như thế này, ngày nay hắn không đến nỗi
phải bơ phờ thác loạn vì phải dạy học cực khổ như
vậy. Nếu cha mẹ đừng mê tiền mà lo để ý đến chúng
con một chút thì ngày nay dù có nghèo khổ, con cũng
cảm thấy được hạnh phúc ấm áp. Con đang quá bơ vơ
đau khổ. Con cảm thấy thiếu thốn quá nhiều. Ngay
đến tình mẫu tử, con cũng không có. Cha mẹ đã
thương yêu tiền bạc nhiều hơn là con. Người ta
không thể sống được nếu không có chân trời. Tình
yêu ban đầu đổ vỡ. Tình cha mẹ: không có. Con
muốn chết. Ý nghĩ tự tử ám ảnh con. Con chôn vùi
tuổi thơ con trong sách vở. Cha mẹ đã rầy mắng con
khi thấy con thức suốt đêm này đến đêm nọ để mê
mải đọc sách. Tuổi trẻ của con đã đi qua trên từng
đống sách. Vâng, cha mẹ đâu có bao giờ biết rằng
con đã quá bơ vơ lạc lõng đến nỗi con phải có ý định
tự tử. Ý định ấy quá hồn nhiên. Con muốn thức suốt
đêm, thức suốt tháng nọ đến tháng này để đọc sách,
đọc, đọc, đọc cho đến mệt, đến gục đầu thở thì thào
trên trang giấy, đọc cho đến gầy yếu cả người và đọc
sách cho đến chết mòn tắt thở trên trang giấy. Con
ngây ngô lắm. Con muốn tự tử bằng cách ấy. Cha mẹ
nào hiểu. Kết quả của sự tự tử hụt ấy là phổi con bị
nám. Khi con được lành bệnh thì sách vở đã trở thành
hơi thở dinh dưỡng. Con không dùng sách để làm
phương tiện tự tử như hồi xưa. Sách trở thành một
nơi nương náu cho tâm hồn cô độc của con. Con trú
ẩn trong sách. Sách thay thế cha mẹ. Sách thay thế
cha mẹ mà chăm sóc con và thương yêu con. Con bắt
đầu thấy rằng cuộc đời có ý nghĩa và đáng sống. Thế
rồi bỗng nhiên gia đình phá sản. Con không được
quyền sống với sách vở nữa, con phải đi dạy học để
cung phụng gia đình. Con phải dạy suốt ngày và dạy
cả đêm. Dạy xong thì cả người mệt thừ ra, con nằm
sải tay sải chân, thở hổn hển, ngủ thiếp đi trong ác
mộng. Sách xa con: tình yêu xa con: tình cha mẹ xa
con. Con chỉ còn lại một cái xác không hồn. Tâm hồn
con trở nên thác loạn. Con không còn hiểu gì hết.
Con muốn chết. Con thấy sự chết đẹp quá. Con thù
ghét cả mọi người. Con thù ghét cả nhân loại. Con
thù ghét trường học. Bước vào lớp dạy, con mắng
chửi học trò con. Con hầm hừ với hiệu trưởng. Con
hậm hực với mọi người. Và một hôm, con bỏ trường
mà đi. Con nghỉ dạy, con sống lông bông ở Saigon.
Nghèo. Không tiền ăn cơm. Bạn con giúp con. Con
sống lây lất. Chán. Đen tối. Mệt. Đau khổ. Lang
thang khắp đường phố. Không nhà. Ăn xổi ở thì. Tủi
nhục.

Đi ăn mày từng đồng bạc với mấy thằng bạn. Con thù
ghét lòng nhân đạo của chúng nó. Viết báo để sống.
Nhưng không có phòng để viết. Nghèo túng. Lo sợ.
Thao thức. Lang thang. Bước vào thư viện để viết.
Nhưng lại viết không được. Viết không ra. Vì đầu óc
đầy chán chường khắc khoải. Không làm gì được,
thấy vô dụng. Rồi chẳng đi về đâu. Thôi, chết đi cho
rồi. Con thù ghét mọi người. Xã hội: Merde. Văn
chương triết học: Caca. Trách nhiệm: Merde! Đen tối.
Chết. Nặng. Chóng mặt. Rien. Nhiều lúc con sợ con
điên. Nhiều lúc con lại thích điên. Nhiều lúc con
muốn vào tù, để sống một đời mới. Hạnh phúc? Xa
xôi. Con cười, rồi con khóc. Nhiều lúc nước mắt
không chảy ra. Sương mù. Hoàng hôn. Hư vô. Tâm
hồn lạnh lùng. Khô khan. Hết biết giận ghét. Hết biết
nhớ thương. Trơ trơ lạnh lạnh. Thản nhiên một cách
nguy hiểm.

Và bây giờ, cha mẹ bảo con về sống với cha mẹ ư?

— Không, con không thề về. Con sẽ không bao giờ


trờ về. Thôi ba má trở về đi, con không thể nào về
được.

Đôi mắt của cha mẹ tôi rưng rưng muốn khóc. Tôi
lạnh lùng. Cha tôi nhét vào túi tôi một tấm giấy một
trăm đồng và ông bà thn thờ bước đi, hai người dắt
tay nhau băng qua đường phố. Hai người ấy là ai?
Tôi thấy xa xôi quá. Nắng vàng lên hai mái tóc hơi
bạc. Tôi đứng trơ trơ im lặng nhìn theo.

Tối đêm ấy, thần kinh tôi bị khủng hoảng và tôi rú


suốt đêm như một oan hồn

Tôi gục đầu giữa những bàn ghế ở thư viện

Đôi mắt nhìn theo tờ lịch tàn nhẫn mưa vẫn còn rơi
hay đã dứt tại sao tôi cứ nói mãi hai chữ cuộc đời.
Cuộc đời là trời mưa lấy bàn tay dơ bẩn che tôi cận
thị cho khỏi ướt nước mưa để có thể trông thấy
đường đi đông xe cộ ở giữa Saigon
Tôi bước vào thư viện một thư viện ở đường Nguyễn
Huệ rồi bây giờ là thư viện ở đường Gia Long tôi
ngồi nhìn người con gái trả sách đi về tôi nhìn với đôi
mắt của một người chết đuối giữa những ngày chim
kêu ầm lên cả mái nhà thư viện mỗi thư viện là mỗi
cô gái giang hồ bạc phước mà tôi là người khách dâm
đãng thường năng lui tới để trốn gió trú mưa để quên
đi rằng tôi là tôi để quên rằng tuổi trẻ quá buồn

Tuổi trẻ buồn như người thổi kèn mỗi khi chờ đợi
đến lúc trỗi nhạc thường hay ho húng hắng có lẽ
người thổi kèn mắc bệnh lao mà vẫn phải thức suốt
đêm để thồi kèn mua cơm cho một bầy con

Tuổi trẻ buồn như nàng ca sĩ thướt tha cất giọng triền
miên để rồi không ai vỗ tay ca ngợi

Tuổi trẻ buồn như điếu thuốc đốt cháy cháy đi cháy
đi cháy đi cháy đi hỡi thanh xuân hãy cháy đi và sau
cùng cuộc đời rút lại chỉ là một đống tro trong một đồ
gạt tàn thuốc im lặng tôi ngồi đây đọc từng trang
Plexus của Henry Miller tiếng còi của người cảnh sát
ở dưới đường phố hoà lẫn cùng tiếng ca tha hương
nhí nhảnh của Connie Francis tôi nhớ lại những dàn
nhạc đêm khuya đèn tối có hai ba bốn người trai
thường ngồi hút thuốc uống bia hay cà phê và nghe
tiếng hát của cuộc đời mỗi người vi vu trong mắt
trong môi trong tóc của nàng ca sĩ Liêu Trai

Lôi nó xuống lôi nó xuống

Đừng để nó nằm đây

Lôi nó xuống

Tôi đang nằm ngủ nửa mơ nửa tỉnh và nghe tiếng nói
của quỷ ma gọi tôi thức dậy và tôi ngó ra cửa sổ mây
trắng tràn lan làm tôi nghẹn hơi thở của tôi tôi cố
mỉm cười tự nói rằng tôi hạnh phúc tôi tự nói rằng tôi
yêu đời

Đừng than thân trách phận

Đừng than thân trách phận

Tuổi trẻ quá buồn nhưng tôi không còn đau khổ tôi
hết than đau khổ

Lôi nó xuống

Lôi nó xuống

Sáng nay tôi nhìn ra cửa sổ trông thấy một bầy quạ
bay đậu trên trái tim tôi nói rằng cuộc đời hôm nay đã
tốt đẹp vô cùng bầy quạ ấy màu đen chứ không phải
màu trắng tôi đi tìm màu đen để sơn ngôi nhà tương
lai cho hậu thế tươi cười đón đợi gió trời thổi tự
nghĩa trang mang về biển sâu thuyền đi lốm đốm
sóng nhỏ lao xao một bầy chuột rừng múa hát tôi
chạy theo thanh bình trốn thoát chiến tranh ngủ vùi
mắt mỗi đêm mộng thấy trường học quái ác cứ muốn
ám ảnh tâm hồn non dại của người sợ hãi cửa trường
nghiêm nghị tôi hằn học với mọi người chỉ có tôi
quan trọng tiếng lá tự do nô đùa đêm dài mang nặng
hờn oan xanh đậm tiếng thợ thầy cãi cọ lôi thôi tôi
muốn trườn mình sống hết ngày hôm nay cho vẹn
nghĩa nắng thành thị sơn mái nhà im lặng tôi không
im lặng vì cuộc đời giải phóng một người thi sĩ
không thích làm thơ lục bát em anh

Cuộc đời đi hoang giữa phố

Khuya chăng?

Cuộc đời dưa hấu đỏ tươi

Khuya chăng?

Lá me ôi lá me xanh từng chùm bông gòn thắm màu


nhuộm áo người con gái của thuở ban đầu xanh lá
cây
Mấy con kiến nhỏ đi hoang trên bờ cỏ xanh

Cuộc đời ngồi giữa ngả ba đường

Khuya chăng?

Mỗi chiếc xích lô chở nỗi niềm cô đơn của người gái
giang hồ trở về ngủ vùi trong đêm tối lá me

Khuya chăng?

Cuộc đời trở về thức nghe gió về trên những lá me li


ti tóc nàng con gái ban đầu

Khuya chăng?

Cuộc đời truy hoan với những lá me trên hè phố nửa


đêm

Khuya chăng?

Con kiến ngơ ngác ngồi trên lá me vàng úa rũ rượi


nằm dài trên đất mơ màng thức giấc nửa đêm đi
hoang ngoài phố

Khuya chăng?

Nắng nằm thoải bên giường


Nắng đổ mồ hôi

Nắng thở

Gió lủa tủa trên mùng

Gió lạnh mồ hôi

Gió thở

Rừng bay lên đồi

Rừng ướt mồ hôi

Rừng thở

Một người con trai

Nằm nhớ tương lai

Vụt tắt thở

Thôi xin từ giã những đoá hoa xanh đỏ trên trần nhà

Thôi xin từ giã những bóng đèn xanh đỏ trong trà thất
này
Thôi xin giã từ đôi mắt câm lặng của người hầu bàn
tủi nhục xin giã từ điệu kèn chua chát của xin từ giã
tiếng hát nước mắt của xin từ giã hai bàn tay của xin
từ giã điếu thuốc của

Thôi xin từ giã mười ngón tay khói thuốc của

Ngày mai tôi chết cho của

Ngày mai anh chết cho của

Ngày mai ông chết cho của

Ngày mai em chết cho của

Ca đi em cho ngày mai chết thôi của

Thương cuộc đời tôi xin từ giã hôm nay tôi xin từ giã

Thương cuộc đời em hát đi em anh về anh về

Thôi xin từ giã nắng chiều

Tôi xin vỗ tay đưa tiễn giọng hát mù sương của em


trở về hư vô xin vỗ tay đưa tiễn giọng hát của em trở
về nghĩa địa mù sương xin vỗ tay đưa tiễn giọng hát
của em trở về khói đen xin vỗ tay đưa tiễn đêm nay
trở về lòng mộ anh về anh về anh về mù sương
Xin chiều mưa biên giới hỡi Thanh Thuý xin chiều
mưa biên giới phù hộ tôi hôm nay. Xin chiều mưa
biên giới

Xin Paloma xin Autumn Leaves xin Tristesse Chopin


phù hộ tôi hôm nay

Những chiều Sài Gòn

Muôn năm thi ca

Những chiều Sài Gòn anh về

Muôn năm

Thi ca muôn năm

Những chiều Sài Gòn anh về

Thu hoàng hôn lá về

Giã từ

Xin chết

Quê hương ở đâu rồi? Tìm làm chi? Đừng nên tìm
kiếm gì cả?
Chán. Buồn. Đen tối. U ám. Tôi sợ những hoàng hôn.

Tôi ngồi đây. Đèn mờ mờ. Gác trọ tồi tàn. Nghèo
nàn. Hoàng hôn u ám. Chết bao vây.

Tôi sợ Noel. Tôi sợ Tết. Tôi không có tình yêu. Tôi


vẫn than khổ.

Bao giờ cho hết buồn? Sống được bao nhhiêu năm
trên đời mà cứ khổ mãi?

Cười đi. Hãy cười cười đi. Cười to đi.

Những lúc chán đời, những lúc mà hắn nhận thấy sự


điên loạn và sự quân bình trí não chỉ còn cách nhau
bằng sợi dây bé nhỏ, lúc bấy giờ chỉ còn có cách trốn
thoát vào quyển tự điển ấy. Quyển tự điển ấy thoáng
hiện dưới mắt hắn như là cả một vũ trụ bao la; hắn đi
lạc vào vũ trụ này, trố mắt nhìn những sự vật mà từ
lâu hắn không hề để ý tới và cũng không hề biết. Hắn
thấy hắn không còn lạc lõng trong sa mạc hoang lạnh
nữa, hắn thấy chung quanh hắn còn biết bao nhiêu
người và vạn vật màu sắc, hắn thấy cuộc đời phức tạp
và quá đẹp, cả những điều xấu xa nhất cũng trở thành
đẹp, hắn miên man đi tìm ý nghĩa của từng sự vật,
hắn đi tìm sự giao cảm giữa hắn và sự vật trần gian.
Trong khi làm như vậy hắn đã vô tình đi tìm ý nghĩa
cuộc đời. Đã bao nhiêu lần hắn đã đi tìm ý nghĩa
cuộc đời bằng đủ lối, bằng đủ mọi cách, hắn đã im
lặng tìm kiếm trong bao nhiêu sách, trong bao nhiêu
tư tưởng. Hắn đã lầm. Tự điển là một quyển sách tầm
thường nhất. Sách triết học vẫn được người đời coi là
giá trị hơn… Thế mà hắn đã tìm được ý nghĩa cuộc
sống trong quyển tự điển tầm thường này. Hắn đã say
mê đọc hết trên 1.500 trang của quyển tự điển. Hắn
say mê đọc đi đọc lại nhiều lần. Khi hắn đọc xong
quyển tự điển ấy rồi cuộc đời không còn xuất hiện
lạnh lùng dưới đôi mắt hắn như trước kia. Bây giờ
cuộc đời thu hút hắn với bao nhiêu ý nghĩa; hắn bắt
đầu để ý đến mọi sự. Trước kia, hắn chỉ để ý có một
hoặc hai. Giờ đây, hắn để ý đến tất cả. Mọi sự vậy ở
trần gian đều mang một tên, hắn để ý đến từng tên
một như một đứa trẻ để ý từng màu sắc của những
con bướm. Khi đọc xong quyển tự điển ấy hắn tự tìm
thấy một đường sống cho hắn. Con đường ấy rất đơn
giản: cứ để ý đến tất cả. Lúc hắn biết để ý đến tất cả
mọi sự là lúc hắn cảm thấy không còn cô độc nữa,
hắn sẽ thấy chung quanh còn muôn vạn màu sắc lung
linh, muôn vạn sự vật khác nhau, muôn vạn chân trời
mông lung; đôi mắt hắn sẽ mở ra bao quát vũ trụ, hắn
sẽ không còn tự nhốt mình trong những giới hạn chật
hẹp của tư tưởng bệnh hoạn. Lúc hắn biết để ý đến tất
cả là lúc hắn không còn khổ nữa và không còn cô đơn
nữa, hắn sẽ không còn than thân trách phận nữa. Như
vậy, hắn sẽ tìm được ý nghĩa và vô nghĩa cuộc sống.

Nó ôm tự điển trong tay, bước về phố chợ để tìm chỗ


ngồi chờ sáng. Thành phố trở nên im lặng lạ thường.
Bây giờ khoảng chừng 3 giờ khuya. Lâu lâu tiếng chó
sủa. Rồi vài tiếng guốc khua động trên đường vắng.

Nó ngồi dưới cột đèn. Ánh sáng mờ mờ. Nó ngồi dựa


vào cột và dở tự điển ra đọc. Nó đọc tự điển như đọc
tiểu thuyết kiếm hiệp.

Nó mới đến thành phố này hồi chiều. Nó đã ngủ ở bãi


biển. Bây giờ, nó không cần ngủ nữa. Nó đọc tự điển
như đọc thư tình. Vài ba chiếc lá khô rơi trên trang tự
điển. Tuổi trẻ nó rơi theo mấy chiếc lá đó. Cả thành
phố đang ngủ. Chỉ có một người còn thức với một
cuốn tự điển.

Hãy vươn mình lên cao, như chim chóc, như núi đồi,
vì con người sinh ra là để trỗi dậy, vươn lên, vươn lên
mãi.
Hôm nay chiều ba mươi Tết, tôi bước lang thang vào
một nghĩa địa ở Đà Lạt – mộ địa ấy nằm trên một
ngọn đồi xa vắng, gió vọng hiu hắt, cỏ may tràn đầy
lối đi. Hoàng hôn rồi. Nắng quái lưa thưa mơ hồ.
Chiều cuối năm, tất cả mọi người đều bỏ quên thế
giới hoang vu này. Có kẻ cũng nhớ nhưng họ muốn
quên đi mọi ý nghĩ đen tối vào những ngày đầu xuân.
Còn tôi, mùa xuân này tôi chẳng biết đi về đâu, vì tôi
là một kẻ lông bông… không nhà, không cửa, không
gia đình, không quê hương. Lòng buồn mênh mông,
tôi muốn đi vào nghĩa địa để cho nỗi buồn ấy mênh
mông thêm nữa. Chung quanh tôi là những nấm mồ.
Vài ba con chim đậu trên ấy. Một cơn gió nhẹ nhàng.
Vài ba chiếc lá rơi thêm. Một cánh hoa anh đào rụng
dưới chân tôi. Tôi ngồi xuống bên một nấm mộ đầy
cỏ. Tôi nghĩ đến cái chết của mình. Tôi hình dung
đến nấm mồ của tôi sau này. Tôi cười. Chưa bao giờ
tôi thấy yêu đời như vậy. Suốt đêm, tôi ngồi trong
nghĩa địa. Tôi bước ra khỏi nghĩa địa vào lúc sáng
sớm, như một xác người vừa mới được hồi sinh và
bước ra khỏi mộ để trở lại thế giời loài người giữa lúc
mùa xuân đang trổ hoa trên lá. Gió buốt lạnh. Tôi ôm
chặt quyển tự điển vào lòng, cho ấm.

Từ nghĩa địa đi ra, từ con đường trên đồi cao dẫn đến
thành phố, tôi thấy một thế giới loài người thoáng
hiện dưới một màu sắc kỳ lạ, thế giới huy hoàng vô
cùng, thực là đẹp triền miên. Nắng sắp lên. Chưa bao
giờ tôi thấy nắng đẹp như vậy. Chưa bao giờ tôi yêu
trần gian này đến thế. Tôi tự nói với lòng: “Ngày
hôm nay, và cả những ngày sắp đến, bắt đầu bằng
niềm thanh bình vô hạn của tâm hồn.”

— Em ơi, hãy trông sang đồi thông. Hoa anh đào nở


hồng cả sườn đồi. Đẹp xuống trần.

— Hôm nay nhiều mây trắng quá em nhỉ?

— Trắng như áo người ta yêu nhau phải không anh?

CON BƯỚM BĂNG QUA ĐẠI DƯƠNG

“... Nhưng đại dương có phải là một thực tại?

— Không, đại dương là một giấc mộng.” [*]

Thiền là một giấc mộng, một giấc mộng đặt trên một
giấc mộng, một cơn sóng biển trào bọt đặt trên một
cơn sóng biển trào bọt, một đại dương đặt trên một
đại dương.

“... Nhưng đại dương có phải là một thực tại? Không,


đại dương là một giấc mộng.”

Câu nói trên của Gottfried Benn, thi sĩ nước Đức;


Gottfried Benn là Nguyễn Du của nước Đức ở thế kỷ
XX.

“... Nhưng đại dương có phải là một thực tế không?


Không, đại dương là một giấc mộng; một giấc chiêm
bao.”

Tôi xin kể một giấc chiêm bao. Tôi nằm chiêm bao,
tôi thấy tôi đứng trên một giảng đường và nói về
Thiền học và Thiền tông, tôi thấy mọi người đều bỏ
ra về. Tôi nằm chiêm bao thấy mình đứng trước một
giảng đường trống người. Cả một giảng đường hoang
trống như một nhà xác. Mọi người đều bỏ ra về. Tôi
vẫn đứng và tiếp tục nói. Mấy chục hàng ghế trống
đang nghe tôi nói. Không, có một người nào đó bỗng
hiện lên và ngồi cuối giảng đường. Chỉ một người.
Người ấy là ai, có phải người ấy là một con ma? Hai
con mắt của người ấy đỏ hừng như hai cục than. Tóc
bỏ dài đến mang tai. Người con trai ấy có phải là một
con ma? Mọi người đều bỏ ra về. Chỉ còn có một con
ma đang ngồi cuối giảng đường và nghe tôi nói. Rồi
tôi cũng bỏ ra về và chỉ còn tiếng nói ở lại với hồn
ma.

Tôi có quen thân với một thanh niên khoảng mười


tám tuổi, tôi gặp anh ta tại Đà Lạt năm 1959. Tôi ở
chung phòng trọ với anh tại một ngọn đồi thơ mộng
tại Đà Lạt; hai năm sau, vào năm 1962, anh chết
trước mắt tôi tại một tu viện trên một ngọn đồi Nha
Trang. Anh có tên thơ mộng là Hoàng Đại Dương.
Năm 1962, anh chết trước mắt tôi, một đại dương đi
vào một đại dương.

“... Một dúm thời giờ lặng câm

trong cơn gió vèo ở vùng Sils-Maria” [**]

Thi sĩ Gottfried Benn gợi đến tên Sils-Maria, nơi mà


Nietzsche đã sống cô liêu.

“... Một dúm thời giờ lặng câm

trong cơn gió vèo ở vùng Sils-Maria”

Tiếp theo câu trên, Gottfried Benn viết tiếp:

“... Sự thành tựu đều nặng nề những vết thương...”


[***]
Hoàng Đại Dương chết trước mắt tôi, nặng nề với
những thương tích. Anh đã thành tựu chưa? Anh
không trả lời, vì anh chết đi mang theo:

“... Một dúm thời giờ câm lặng

trong cơn gió vèo ở vùng Sils-Maria”

Giống như Nguyễn Du chết đi mang theo “một dúm


thời giờ câm lặng trong cơn gió vèo ở vùng Trường
Sơn”.

Anh đã chết trước mắt tôi vào năm 1962 tại một thiền
viện trên ngọn đồi ở Nha Trang. Chết trước mắt tôi,
nhưng tại sao bây giờ anh lại ngồi trước mắt tôi ở
cuối giảng đường? Có phải hồn ma của anh đang
ngồi dưới đó? Chính hai tay tôi đã cầm xẻng để đào
đất, để chôn quan tài anh ở dưới ngọn đồi gần biển...
Chính tay tôi đã ném những cục đất cuối cùng vào
quan tài anh, nhưng ngay giờ phút này, anh lại ngồi
dưới cuối giảng đường như là còn sống? Hay tôi bị
quáng mắt, bị hoa mắt? Tại sao tất cả đã bỏ ra về và
không thấy anh, mà chỉ có tôi là nhìn thấy anh?

Tôi gặp anh tại Đà Lạt vào năm 1959. Dạo ấy, anh là
giáo sư Anh văn tại trường Trung học Việt Anh ở Đà
Lạt. Nét mặt anh xanh xao, gầy, hốc hác, vì dường
như anh không bao giờ ngủ. Tôi ở phòng trọ chung
với anh trong một biệt thự cho thuê. Tôi vẫn thấy đèn
phòng anh sáng suốt đêm. Thỉnh thoảng, đêm khuya,
tôi có nghe anh ho khan, một thứ ho khan của những
người câm lặng, sống âm thầm bí mật. Phòng anh
thường đóng kín cửa, có lẽ ban ngày anh không chịu
được ánh sáng mặt trời. Có một lần anh bảo tôi rằng
anh ghét thù mặt trời. Tôi cười và thú thực là không
hiểu anh muốn nói gì. Nhưng có một lần tôi chợt hiểu
câu nói của anh. Một hôm chiều, đi dạy học trở về,
bỗng thấy từ trên đỉnh đồi đỏ sẫm, mặt trời lặn ngay
trên đỉnh đồi, có một bóng đen từ trong mặt trời trên
đồi nhô ra và đi xuống dưới đồi. Anh từ mặt trời bước
ra và đi xuống, khi mình mờ mắt thì dễ thấy như thế.

Có một lần tôi hỏi anh:

— Anh là một kẻ đi ra mặt trời, từ mặt trời đi ra.

Anh ngạc nhiên trả lời:

— Chính mặt trời đã đi vào tôi, đi vào tim tôi. Lồng


ngực tôi nóng ran, tôi chịu không nổi. Mặt trời là kẻ
thù của tôi.

Sau này được dịp đọc sách về Thiền học, tôi mới hiểu
rằng người tham thiền có khi suy tưởng về mặt trời
và tưởng tượng rằng mặt trời đằng xa thu hình lại bé
nhỏ và tiến rồi nhập một với trái tim; sự tưởng tượng
ấy quá mạnh đến nỗi người tham thiền cảm thấy nóng
ran, ấm nóng cả lồng ngực, ấm cả thân người.

Chẳng hạn như ở Hy Mã Lạp Sơn, có những đạo sĩ


cởi truồng, không mặc áo quần, và vẫn ngồi trên
tuyết lạnh. Nói theo danh từ nhà Phật thì họ chuyển
lửa Tam muội. Nói theo danh từ thông thường thì đó
là sức mạnh suy tưởng (những vị nào học triết Tây
phương chắc còn nhớ Socrate đã đi hai chân không
và đứng trọn đêm ngay ngoài trời tuyết, vì lúc đó
Socrate đang suy tưởng và quên hết mọi sự, có người
thức cả đêm để rình ông và ngạc nhiên khi thấy
Socrate đứng sững trên tuyết như đinh đóng vào gỗ.
Sức mạnh của tư tưởng đã cột dính Socrate, giống
như con ruồi lằn bị dính vào keo. Dân ở thành phố
Athènes thường gọi Socrate là “một con ruồi nhặng”
vì ông hay quấy phá sự tự mãn tinh thần của dân
chúng. Con ruồi ấy bị dính keo mà chết, chứ không
phải bị chết vì uống thuốc độc như lịch sử truyền lại).

Dạo đó, tôi gặp anh Hoàng Đại Dương và chỉ biết
mang máng về anh, nghe những người khác kể lại.
Hình như anh có tham thiền gì đó. Sau này, anh chết
trước mặt tôi. Cuộc đời anh, tôi được biết đại khái
như sau đây, do bạn bè và người nhà anh kể lại (mặc
dù anh thường nói với tôi rằng anh không có gia đình
và không có bạn bè, đôi lúc khôi hài tịch mịch, anh
nói: “Bạn bè của tôi là những con ruồi. Cha mẹ tôi ư?
Anh có thấy những con chuột đẻ con không?” Anh
nói rồi cười sặc lên như điên. Tôi, người bình thường
không chịu được ngôn ngữ bất thường của anh. Cho
nên, tôi bỏ anh đứng giữa đường khuya Đà Lạt.
Dường như sáng hôm sau, anh vẫn còn đứng ở đó,
lúc ấy Đà Lạt chưa có giới nghiêm).

Theo người ta kể lại thì anh là con một gia đình giàu
có ở miền Nam. Cha mẹ anh triệu phú, rồi sau bị phá
sản, trở nên nghèo khó hơn bất cứ người nghèo nào ở
Việt Nam. Ngay lúc gia đình còn giàu, anh đã sống
bất thường rồi, dường như anh khinh bỉ tiền bạc,
không chịu sống đời sống giàu sang phú quí của công
tử nhà giàu. Nghe nói lúc nhỏ, 13-14 tuổi, anh đã say
mê Marxisme, đọc sách Marxisme suốt ngày đêm, và
muốn làm cách mạng, đi vào bưng biền để đánh
Pháp. Năm 16 tuổi, anh bị công an bắt nhốt vào xà
lim và tra tấn. Mặc dù anh không phải là một người
cộng sản, nhưng đầu óc anh nhiễm đầy tư tưởng
Marx và Lénine, anh rất ái quốc và muốn làm một cái
gì đó để chuyển hoá xã hội, anh không chịu nổi bất
công, không chịu nổi sự đau khổ của con người Việt
Nam. Dường như, theo người nhà kể lại, thì anh bị
một người cán bộ khai tên chỉ điểm. Tất nhiên đó chỉ
là khai gian thôi, vì anh không có tham gia một tổ
chức chính trị gì cả. Sau một thời gian bị đánh đập, bị
tra khảo đủ điều, thì anh bỗng được thả ra nhờ người
nhà quyền thế can thiệp. Sau khi ra tù thì hình như
anh không còn để tâm tới chính trị nữa, có lẽ không
phải vì anh sợ bị tra tấn nữa, mà có lẽ vì anh nghĩ anh
đã chết hụt một lần và anh không muốn chết hụt theo
lối cũ, mà có lẽ chết hụt bằng lối khác. (Anh nghĩ
rằng có một loại người sinh ra để làm Quang Trung
hay Trần Hưng Đạo thì cũng có một loại người sinh
ra để làm Nguyễn Du hay Hàn Mặc Tử. Không phải
chỉ làm tướng là ái quốc thôi, mà sống với hồn thơ
tuyệt đỉnh cũng là một cách ái quốc khác).

Thầm lặng hơn, Anh đã chọn con đường đi của


Nguyễn Du. Và để cho những người khác làm Quang
Trung. Thật ra không có sự chọn lựa, vì mọi việc xảy
ra đều như cây mọc lá, tự nhiên như máu chảy trong
cơ thể. Giòng máu anh là giòng máu thi sĩ, nghệ sĩ,
chứ không phải máu của người hành động.

Hồi nhỏ, anh học trường thầy dòng, nhưng sau anh
bỏ đạo và bỏ đi nhà thờ. Anh bắt đầu say mê ngất
ngưởng với tiếng hét thịnh nộ của Nietzsche. Giống
như phần đông thanh niên ở khắp thế giới, tuổi trẻ
của anh đã bị ngấm độc, nhiễm nặng thuốc độc của
Nietzsche. Tất nhiên, một người nào đã nhiễm bệnh
Nietzsche thì chính trị, dấn thân, hành động, ái quốc,
xây dựng lý tưởng, tôn giáo, vân vân, đều trở thành
khói thuốc. Nietzsche dạy anh cõng tuổi trẻ của anh
trên hai vai của chính anh. Từ một người gương mẫu,
lạc quan, tin tưởng, đầy tinh thần vị tha, ái quốc, đầy
tinh thần xây dựng, anh bỗng trở thành con người lạc
lõng, bơ vơ, ích kỷ, buông rơi, kiêu ngạo, ngang tàng,
khinh bỉ tất cả mọi sự, khinh bỉ cả những gì nhỏ nhoi
trong người anh; anh luôn luôn đen tối, mắt đầy ngờ
vực, lấy đêm làm ngày, “đêm bốc lửa, thế giới bốc
lửa”. Anh sống như con thú dữ với cơn hoả hoạn bắn
lửa trong đầu, trong tim và trong cuộc đời. Đã qua rồi
ái quốc, đã qua rồi lý tưởng cao đẹp, đã qua rồi niềm
tin sắt đá của tuổi thơ. Trong phòng anh, có kẻ chỉ
thấy những hình ảnh của Nietzsche, Van Gogh,
Rimbaud, Henry Miller và Dostoievsky. Nhưng một
sớm đẹp trời nào đó, bỗng nhiên anh xé bỏ hết
Nietzsche, Van Gogh, Rimbaud, Dostoievsky và
Henry Miller. Anh tự cho rằng mình đã lớn, đã mạnh,
đã đủ sức, thừa sức để đi một mình, đứng một mình,
ngồi một mình và nằm một mình. Chỉ có một mình
và một mình, anh sống một mình với một mình của
anh. Đối với anh, tất cả giá trị đều sụp đổ, anh thấy
rằng anh không còn hiểu gì nữa, anh bước đi trong
bóng tối không thấy gì cả và chỉ bước đi trong bóng
tối. Mọi người đều bỏ xa anh, bạn bè bỏ anh, gia đình
bỏ anh, chính anh rồi cũng bỏ cả anh, anh chỉ còn là
cái xác đi trong tối. Trong một đêm tuyệt vọng, anh
lảo đảo như một người lên đồng. Tình cờ, anh dở
quyển sách bỏ quên dưới đất. Quyển sách ấy là quyển
Zen Buddhism của D.T. Suzuki. Anh không hề biết
Zen là cái gì cả. Nhưng khi đọc tình cờ một câu trong
quyển sách ấy:

— Làm sao tôi có thể nhập đạo?

Một môn đệ hỏi Thiền Sư, Thiền Sư trả lời:

— Con có nghe tiếng suối reo?

Thế thì đùng một cái, anh mới sực nhớ rằng anh đã
sống cái đạo gọi là đạo Thiền trước khi anh đọc sách
về Thiền. Toàn thân anh run rẩy, anh có cảm tưởng đi
hỏng chân trên một đại dương.

Giai đoạn ấy là giai đoạn tôi gặp anh tại Đà Lạt. Bây
giờ nhắc lại tôi vẫn còn được cái cảm giác đố kỵ với
anh. Dạo ấy, tôi đố kỵ với điệu sống của anh, tôi thấy
anh sống tràn lan như ống nước bể vòi, anh sống vô
tâm như cỏ cây, chim chóc, anh yêu đời một cách khó
giải thích, tôi cho rằng anh là một thằng điên, một tên
gàn, một kẻ lập dị. Đôi lúc anh nói với tôi rằng anh
chán đời, anh buồn, anh muốn tự tử, vân vân, nhưng
trong cách nói của anh và cử chỉ của anh tôi hiểu rằng
anh muốn nói: “tôi quá yêu đời, quá vui, quá sống,
sống, sống...” Chữ “buồn” trong miệng của anh cũng
vui lây nữa. Nếu lúc ấy anh có tự tử đi nữa thì tôi vẫn
cho anh tự tử vì quá sướng, quá vui, quá đẹp. Khó
thấy một người nào sống đã đời như anh, đôi lúc tôi
ghen với những ý tưởng trong cái đầu bồng bềnh tóc
của anh.

Tôi chắc những ý tưởng trong đầu anh chỉ là hoa


vàng, hoa mai, hoa mận, bông cúc, bông hồng, cánh
đồng xanh, chim bướm. Có một đêm anh hỏi tôi:

— Tôi là ai?

Tôi trả lời bằng lý luận:

— Anh là những gì tôi nghĩ về anh.

Anh vụt trả lời như một nhát gươm đập vào nước:

— Tôi trả lời cho câu hỏi anh rồi.

Tôi không hiểu, hỏi lại:

— Tôi đã hỏi gì đâu?

Anh lặp lại:

— Tôi là ai?

Tôi vụt lặp lại:

— Tôi là ai?
Vừa nói xong thì tôi vụt thấy rằng con chim vỗ cánh
bên ngoài là con chim vỗ cánh trong đầu tôi. Cắt cái
đầu tôi liệng đi thì con chim cũng mất theo. Lúc ấy,
tôi cũng học đòi về Thiền Tông trong năm sáu cuốn
sách của D.T. Suzuki, Alan Watts, Chang Chen-Chi,
Hubert Benoit; tôi cũng có đọc quyển Pháp bảo đàn
kinh và Vô môn quan và Truyền đăng lục. Có một lần
tôi hỏi anh về D.T. Suzuki, anh trả lời:

— Chính nhờ D.T. Suzuki tôi mới biết đến Thiền, lần
đầu tiên đọc D.T. Suzuki tôi có cảm giác leo lên núi
Hy Mã Lạp Sơn, tôi lạnh cả người, nhưng bây giờ tôi
coi D.T. Suzuki như con gà mở cửa mả...

Tôi hỏi lại:

— Nghĩa là thế nào?

Anh hỏi lại tôi:

— Anh có tin rằng người chết trở lại?

Tôi trả lời:

— Tôi tin có.

Anh nói lại:


— Tôi chỉ học được D.T. Suzuki rằng người chết
không có trở lại và cũng không không có trở lại.

— Nghĩa là làm sao?

— Nghĩa là anh phải chết.

— Nghĩa là làm sao?

— D.T. Suzuki chỉ lặp lại những kinh điển một cách
dễ hiểu theo ngôn ngữ thời đại, còn kinh điển chỉ lặp
lại một cách dễ hiểu những gì không thể lặp lại.

— Như những gì?

— Như giấc mộng, như cái chết.

— Đạo Thiền là đạo sống.

Anh vội nói lại:

— Sống là chết, bắt chước D.T. Suzuki, bắt chước


những Thiền sư thì chúng ta có thể nói như vậy, nói
rằng sống là chết, Niết bàn là Luân hồi, khổ là vui,
vân vân, không có mà cũng không không, vừa có
được sự im lặng cũng là vừa nói, vân vân, nhưng tôi
đang chết.
— Biết rằng mình đang chết là sống.

Anh nói lại:

— Nếu anh có thích lý luận thì cứ lý luận.

Tôi hỏi anh:

— Tại sao có một Thiền sư nói rằng gặp Phật thì giết
Phật, gặp Tổ thì giết Tổ?

Anh trả lời:

— Gặp Phật thì Phật chết, gặp Tổ thì Tổ chết.

— Nghĩa là làm sao?

— Nghĩa là cái chết gặp cái chết.

— Cái chết gặp cái chết thì làm sao?

— Thì anh không hỏi “làm sao” nữa...

— Heidegger có nhắc lại câu của Abraham a Sancta


Clara: “Kẻ nào chết trước khi chết thì không chết lúc
hắn chết”. Phải chăng anh muốn nói rằng cái chết gặp
cái chết thì sống mới bùng dậy lại?
— Tôi không hiểu.

Tôi đã thuật lại câu chuyện giữa tôi và anh. Nhưng


tôi không thể diễn tả lại ấn tượng lạ lùng trong tâm
thức tôi, tôi vừa nghe anh nói: “tôi không hiểu” thì tôi
có cảm giác bất chợt rằng một trái sung chín vàng
rụng vào cái miệng hả rộng của anh khờ.

Sau này, tôi có nghe anh cạo đầu đi tu. Tôi rất lấy làm
lạ, vì theo tôi nghĩ thì anh không cần tu cũng là tu rồi.
Đối với tâm hồn như anh, tu hay không tu cũng thế
thôi. Nhưng đôi lúc tôi cũng nghĩ rằng tu cũng là một
chuyến đi chơi dài của anh vào những đồng cỏ bát
ngát tịch mịch. Lúc tôi gặp anh tại một tu viện ở Nha
Trang, tôi có hỏi anh:

— Thiền học là gì?

Anh trả lời:

— Là học về Thiền.

Tôi hỏi lại:

— Học cái gì, học làm sao?

— Học thở.
— Phải học thở thế nào?

Anh hỏi lại:

— Không phải anh đang thở đó sao?

Tôi hỏi:

— Thiền Tông là gì?

— Là một Tông phái đề cao hơi thở.

— Tại sao phải ngồi để thở?

— Vì ngồi thẳng lưng dễ thở, nhưng đối với một


người có nội công, nội lực thì đi cũng thở, đứng cũng
thở, làm gì cũng dễ thở. Chỉ chán đời thất vọng u sầu
khi nào hơi thở bị nghẽn.

— Tại sao những Thiền sư đốt tượng Phật, chặt đầu


mèo, phá giới, coi kinh điển như giấy bẩn?

— Vì họ muốn giải thoát hơi thở.

— Không, họ chỉ phá hoại?


— Phá hoại thiếu hơi thở (gọi là phá hoại hụt hơi)
khác hẳn với phá hoại qua hơi thở.

— Anh chỉ ngụy biện!

— Như thế không còn vấn đề gì nữa đáng nói.

Tôi im lặng. Anh cũng im lặng và mỉm cười thoải


mái. Đến năm 1962, tôi nghe người ta báo tin anh
chết một cách đột ngột. Tôi vội leo lên Thiền viện ở
đồi Nha Trang, tôi nhìn anh nằm dài thản nhiên, mắt
anh nhắm lại như nằm mộng, tôi chợt nhìn thấy một
con bướm nhỏ đủ màu đậu ngay giữa trán anh. Tôi
vừa đọc xong câu chú chữ Phạn: “Gate, gate,
paragaté, parasamgaté, bodhi, svaha!” thì con bướm
vụt bay đi, băng qua đồi, tôi nhìn theo và thấy con
bướm bay sang biển.

“Nhưng đại dương có phải là một thực tại? Không,


đại dương là một giấc mộng.”

Anh chết đi và để lại niềm bí ẩn cho tôi, câu hỏi trước


kia mà tôi đã từng hỏi anh:

— Thiền học là gì? Thiền tông là gì?

Anh vẫn chưa trả lời cho tôi, tất cả còn lại cuộn giấy
nhàu tôi lượm ở dưới giường anh nằm. Đó là một
cuộn giấy dơ mà anh viết chằng chịt, giữa những
giòng chữ đen, anh thường hay vẽ những vòng tròn,
tôi không hiểu tại sao anh thích vẽ những vòng tròn
như thế. Giữa những giòng chữ bôi đen, tôi còn đọc
được những đoạn mà anh viết về Bồ Đề Đạt Ma, tổ
sư đệ nhất của Thiền Tông.

Anh chết đi và không trả lời cho câu hỏi mà tôi thắc
mắc bao nhiêu năm nay.

Đứng trước thân xác anh nằm dài, nhắm mắt chết nhẹ
nhàng như giấc mộng, tại ngọn đồi ở Nha Trang năm
1962, tôi muốn hỏi thầm:

— Thiền học và Thiền Tông là gì?

Vừa hỏi thầm thế, rồi khi vừa tụng xong một câu thần
chú chữ Phạn: “Gate, gate, paragaté, parasamgaté,
bodhi, svaha...”, khi tôi vừa dứt chữ “bodhi svaha!”
thì bỗng con bướm đủ màu giữa vầng trán anh vụt
bay ra khỏi phòng, bay khỏi đồi, bay lượn băng qua
biển xanh, “biển xanh trộn lẫn với mặt trời.”

— Thiền học và Thiền Tông là gì?

Câu hỏi không được trả lời. Tất cả còn lại chỉ là một
câu thần chú chữ Phạn và một con bướm màu băng
qua đại dương.
Phụ chú của Hoàng Ngọc-Tuấn:

[*]Nguyên văn tiếng Đức của câu này là “aber ist das
Meer eine Wahrheit - nein, es ist ein Traum”, trong
Epilog und lyrisches Ich (1927) của Gottfried Benn,
in lại ở phần II: Prosa und Autobiographie, trong
Gottfried Benn, Gesammelte Werke in der Fassung
der Erstdrucke, hg. von Bruno Hillebrand, 4 Bände
[I: Gedichte, II: Prosa und Autobiographie, III:
Essays und Reden, IV: Szenen und Schriften]
(Frankfurt/M.: Fischer 1982–1990), trang 242.

[**]Nguyên văn tiếng Đức của hai câu thơ này là


“Heißt: ein paar schweigende Stunden / in Sils-
Maria-Wind”, trong bài thơ “Dennoch die Schwerter
halten” (1933) của Gottfried Benn, đăng lần đầu
trong Deutschen Allgemeinen Zeitung Nr. 368/369,
ngày 27.08.1933.

[***]Nguyên văn tiếng Đức của câu thơ này là


“Erfüllung ist schwer von Wunden”, trong bài thơ
“Dennoch die Schwerter halten” (1933) của Gottfried
Benn, xuất xứ như trên.

You might also like