You are on page 1of 16

CHƯƠNG MƯỜI

BẤT ĐỒNG Ý KIẾN GIỮA CÁC THỪA SAI

Sự bất đồng ý kiến giữa các thừa sai được tập trung vào hai điểm chính: quyền bính và lễ
nghi tông giáo Trung Hoa.

I. VẤN ĐỀ QUYỀN BÍNH

1. Tranh chấp giữa các thừa sai Pháp1 và các giáo sĩ dòng Tên
Ở Thái Lan và ở Việt Nam, các giáo sĩ dòng Tên cũng như các thừa sai Pháp ai cũng
muốn theo ý kiến của mình. Chỉ có Tòa Thánh ở Rôma mới có thể đem lại sự hòa thuận cho hai
hàng giáo sĩ.
Ngay từ năm 1673 ở Việt Nam các giáo sĩ đã biết ý của Tòa Thánh rồi, nhưng còn chờ
sắc lệnh.2 Lúc sắc lệnh tới Goa, Tổng Giám Mục Portugal là cha Antonio Brandao hoàn toàn
vâng theo những quyết định của Tòa Thánh. Việc cha nhìn nhận các quyền hành của Giám mục
Pháp đối với các giáo sĩ , linh mục thừa sai, triều hay dòng, có ảnh hưởng lớn tới Việt Nam.
Ngày 25-8-1677, tại Đàng Ngoài, giáo sĩ Ferreira dòng Tên gởi cho Giám mục Deydier
một lá thư tỏ lòng vui mừng vì sau bao ngày chờ đợi, con chim bồ câu hòa bình mang nhánh cây
xanh xuất hiện, đánh dấu những ngày sóng gió bất bình sẽ chấm dứt. Cha Ferreira ước mong
những ngày bình an sắp tới để tất cả cùng làm việc trong tình yêu thương bác ái.
Cha Fuciti cũng viết thư cho Giám mục Deydier tỏ lòng vâng phục. Còn hơn nữa, ngày 8
tháng 12 năm 1677, cha Fuciti cho bổn đạo biết tin và khuyên hãy bình tĩnh. Ít lâu sau cha Fuciti
và cha Ferreira đến Phố Hiến gặp Giám mục Deydier, và các cha dùng cơm và chuyện trò thân
mật. Các thừa sai Pháp vẫn để cho các giáo sĩ quyền hành để ban các Bí Tích. Các Hồng Y ở
Rôma nhờ tờ trình của hai Giám mục Deydier và Jacques De Bourges mà biết rõ được tình thế ở
Đàng Ngoài. Ở Đàng Trong, thừa sai Pháp Courtaulin mãi đến tháng 12 mới báo tin cho các giáo
sĩ Portugal hay, và lập tức các giáo sĩ Candone, Barthélémy d’Acosta viết thư về Bộ Truyền Giáo
tỏ lòng tùng phục sắc lệnh của Giáo Tông. Thừa sai Courtaulin cũng tin cho Tòa Thánh hay về
sự tuân phục của các cha dòng Tên ngày 12-3-1678.
Câu chuyện tưởng như đến đây là xong, nhưng sự thật đâu có dễ dàng như nhấc một ngón
tay. Không phải chỉ một lá thư, một chữ ký mà có thể xóa bỏ được những va chạm trong 10 năm
qua. Trên nguyên tắc thì các giáo sĩ dòng Tên sẵn sàng tuân theo mọi quyền hành của giám mục,
nhưng tới lúc tìm biện pháp để cộng tác với nhau thì không thể hòa thuận được.
Năm 1678, hai Giám mục Deydier và De Bourges có ý định giao cho các giáo sĩ dòng
Tên một phần đất ở Đàng Ngoài. Các cha sẽ cùng các thầy giảng của mình làm việc nơi đó, và
các giáo sĩ dòng Tên chỉ ở dưới quyền của giám mục. Nhưng cha Ferreira và cha Fuciti lại không
chấp nhận đề nghị đó. Các cha muốn được tự do đi khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam để
thăm viếng và dạy dỗ như các cha đã làm từ những ngày đầu tiên mới đặt chân lên đất nước này.
Cuộc cãi vã không đem lại kết quả nào. Một lần nữa phải chờ quyết định của Rôma. Rôma cho
quyết định triệu hồi 4 giáo sĩ Fuciti, Ferreira, ở Đàng Ngoài và Candone, d’Acosta ở Đàng

1
Pierre Téqui, La Société des Missions Etrangères (Paris, 1919, Seconde édition), trg 50. Hội Truyền Giáo Paris
nhận vào Hội những linh mục Pháp hoặc những người thuộc những nước lấy tiếng Pháp làm tiếng mẹ đẻ. Vì thế, tất
cả các linh mục của Hội này được mệnh danh các thừa sai Pháp. Còn các Giáo Đoàn khác như dòng Tên, dòng Chúa
Cứu Thế, dòng Đa Minh và hầu hết các dòng khác thì thâu nhận các sĩ tử khắp nơi không phân biệt quốc tịch.
2
Sắc lệnh Speculatores. Xem Chương Sáu, mục 22 và Chương Chín, mục 5.
Trong. Chính cha Oliva, Bề Trên Tổng Quyền dòng Tên, tự triệu hồi các giáo sĩ này vì cha biết
các giáo sĩ dòng mình không còn tín cậy vào các nhân viên của Bộ Truyền Giáo.
Để chấm dứt những bất bình, một sắc lệnh khác từ Rôma buộc các linh mục triều hay
dòng thuộc bất cứ chủng tộc nào đều phải thề vâng lời giám mục.3
Sau này, nhờ sự vận động khôn khéo và táo bạo của Guy Tachard, một giáo sĩ dòng Tên,
mà không những lời thề trên được hủy bỏ, những giáo sĩ dòng Tên còn được trở lại Việt Nam
truyền giáo nữa. Dưới sự thôi thúc của các thừa sai Pháp, ngày 25-1-1684, chính phủ Thái Lan
gởi một phái đoàn sứ bộ gồm có hai quan thượng thư và cha Bénigne Vachet, một thừa sai Pháp.
Ngày 3-3- 1685, phái đoàn trở về với De Chaumont, Đại Sứ Pháp tại Thái Lan.4 Đi theo đại sứ
còn có giáo sĩ Choisy và 10 giáo sĩ người Pháp, trong đó có 6 giáo sĩ dòng Tên.
Sáu giáo sĩ này đều là những nhà thiên văn học hay toán học. Sự hiện diện của các cha
uyên bác này hy vọng sẽ giúp giải quyết mối bất hòa theo cách có lợi cho dòng mình. Ở Pháp,
dòng Tên và vua Pháp, Louis XIV, có mối liên hệ mật thiết. Vua Louis XIV không muốn các
giáo sĩ dòng Tên Pháp làm lời thề vâng phục các giám mục ở đất truyền giáo. Lúc các giáo sĩ này
tới Thái, vì kính trọng Louis XIV nên Giám mục Laneau không bắt các giáo sĩ làm lời thề. Giám
mục Laneau lúc đó chưa biết là cha Pallu nhờ giáo sĩ De La Chaize vận động xin vua Louis XIV
cho phép các giáo sĩ dòng Tên được làm lời thề ấy.5
Trong số sáu giáo sĩ dòng Tên, giáo sĩ Guy Tachard là vị nổi tiếng nhất. Ngoài những
hiệp ước thương mãi và tôn giáo ra, Thủ Tướng Thái Lan Phaulcon còn muốn ký hiệp ước quân
sự và chính trị nữa, việc này Phaulcon phải nhờ đến cha Guy Tachard. Một lần nữa cha Tachard
lại dẫn phái đoàn Thái sang Pháp.
Ngày 18-6-1686 phái đoàn tới Pháp và được chính phủ Pháp tiếp đón nồng hậu. Công
việc mà Phaulcon giao cho cha Tachard đã hoàn thành tốt đẹp. Chính phủ Pháp bằng lòng gởi
sang Thái một đội quân viễn chinh do La Loubère chỉ huy, và một phái đoàn 12 nhà toán học, tất
cả đều là giáo sĩ dòng Tên.
Lúc được tin các giáo sĩ dòng Tên tới Juthia, một phái đoàn công giáo ở Bắc Việt gồm 4
thầy giảng tìm tới Thái Lan, sau nhiều ngày vượt biển sóng gió trên một chiếc thuyền mong
manh. Phái đoàn thay mặt cho anh em giáo hữu còn trung thành với các cha dòng Tên. Lòng
trung thành quá đáng ấy khiến họ từ chối không chịu một phép Bí Tích nào ban bởi một cha
không phải là dòng Tên, kể từ lúc 4 cha dòng Tên bị triệu hồi.
Giám mục Laneau tiếp đón các giáo hữu và chăm chú nghe họ trình bày. Nghe xong cha
sẵn sàng viết thư yêu cầu Tòa Thánh cho phép dòng Tên trở lại truyền giáo tại Việt Nam, nhưng
sự việc không thành. Thủ Tướng Thái Phaulcon không những biết rõ việc bất đồng ý kiến giữa
các giáo sĩ dòng Tên và Pháp, mà còn ngấm ngầm tìm cách phá hoại Giám mục Laneau vì cha có
nhiều ý kiến không ăn hạp với cha Guy Tachard, kẻ thân thiết của ông ta. Vì thế, Phaulcon
khuyên phái đoàn Việt Nam này đi cùng với cha Guy Tachard sang Rôma trình bày với Giáo
Tông, và trao cho cha một lá thư để dâng cho Giáo Tông. Trong thư đó Phaulcon vu cáo Giám
mục Laneau nhiều chuyện.
Đang lúc cha Tachard dẫn phái đoàn Việt Nam đi, một cuộc cách mạng bùng nổ ở Thái
Lan, vùi lấp xuống hố không những Phanarai, vua Thái Lan, Phaulcon, cùng nhiều người trong
hoàng tộc, mà còn chôn vùi cả cái mộng vĩ đại của cha Tachard nữa. Và chính trong lúc cha

3
Đoãn Sắc Cum Haec Santa Sedes. Xem Chương Bảy, số I.
4
Abbé de Choisy, Journal du voyage de Siam (Paris), trg 1: “Fait en 1685 et 1686 précédé d’une étude par Maurice
Garcon sur le Siam et Choisy l’un des hommes les plus singuliers de son temps.”
5
Chappouilie, Aux Origines d’une Église (Paris, 1948), Tập 2, trg 77
Tachard vui sướng ở kinh thành Rôma, thì ở Thái rực lên một ngọn lửa bắt đạo. Giám mục
Laneau và các giáo sĩ đều phải bị cầm tù.6
Trước lễ Giáng Sinh 1688, tại Rôma, cha Tachard dẫn phái đoàn Việt Nam đến yết kiến
Giáo Tông Innocent XI. Cha diễn tả vua Thái Lan là một ông hoàng khôn ngoan, đang học đạo
và đã cho dựng nhiều bàn thờ phụng sự Thiên Chúa. Nghe vậy Giáo Tông Innocent XI rất cảm
động. Xong cha Tachard dâng bức thư và nhiều lễ vật quí báu của Phaulcon. Vài ngày hôm sau,
cha Tachard lại gặp riêng Innocent XI, cùng với bốn thầy giảng.7 Cha chuẩn bị một bài diễn văn
táo bạo, thống thiết, kể lại công việc truyền giáo của các cha dòng Tên và những nỗi sỉ nhục của
các cha. Cha cũng xếp đặt dâng lên Giáo Tông một lá thư có chữ ký của một nhóm bổn đạo có
ảnh hưởng nhất ở Đàng Ngoài, trong số đó có vài ông trấn thủ.8 Như vậy cũng chưa đủ, cha còn
đưa ra bản toát yếu về tình thế đạo công giáo ở Á Đông của Phaulcon. Trong thư Phaulcon khẩn
nài xin Giáo Tông cho phép các cha dòng Tên về lại Đàng Ngoài, và cấm các giám mục phong
chức cho các linh mục bản xứ cách chớp nhoáng, ngưng công việc của các linh mục bản xứ, và
nếu cần, triệu hồi các cha bản xứ về Thái Lan.
Kế hoạch của cha Tachard được xếp đặt cách chu đáo và thành công mỹ mãn. Ngày 4-1-
1689, Tòa Thánh ra một sắc lệnh cho phép bốn cha dòng Tên trở về Đàng Ngoài, đồng thời hủy
bỏ lời thề vâng lời các giám mục. Nhờ sắc lệnh này mà các cha dòng Tên lại xuất hiện tại Việt
Nam sau năm 1689. Trở lại trước tiên là cha Ferreira và cha Candone, trước kia đã bị triệu hồi về
Rôma, và hai giáo sĩ dòng Tên Pháp là Abraham Le Royer và Hugues Parégaud. Các giáo sĩ này
ra sức thi đua truyền giáo với các thừa sai Pháp và với các dòng khác. Năm 1773, Giáo Tông
Clément XIV bãi bỏ dòng Tên,9 và các thừa sai Pháp đảm đương hết mọi giáo khu của dòng Tên
trên toàn cõi Việt Nam.10

6
Chappouilie, op. cit., trg 131.
7
Marillier, Nos Pères dans la Foi (Paris, 1995), Tập 2, trg 273 ghi hai thầy giảng.
8
Chappouilie, op. cit., trg 136.
9
Daurignac, Histoire de la Compagnie de Jesus (Paris, 1863), Tập 2, trg 164.
10
Launay, Histoire Générale de la Société des MEP (Paris, 1894), Tập 2, trg 164.
Hình 27: Hình bìa cuốn Second Voyage du Père Tachard xuất
bản ở Ba-Lê năm 1689. Tachard đã dẫn phái đoàn Công giáo
Bắc Việt đến yết kiến Đức Giáo Hoàng Innocent XI tại Rôm
năm 1688.
2. Tranh chấp giữa các thừa sai Pháp và các tu sĩ dòng Phan Sinh
Nếu ở Đàng Ngoài xảy ra sự tranh chấp giữa các thừa sai Pháp và các tu sĩ dòng Tên thì ở
Đàng Trong cũng có sự xung đột giữa thừa sai Pháp và dòng Phan Sinh. Sự xung đột ấy bắt đầu
từ lúc Tòa Thánh Rôma giao việc truyền giáo ở Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài cho các thừa
sai ngoại quốc Paris.11 Lúc cha Pigneau vừa mới được sắc phong Giám mục và chưa được tấn
phong thì tháng 9 năm 1773 cha gởi thư lên Bộ Truyền Giáo xin những đặc ân có lợi cho Đại
Diện Tông Tòa và Hội thừa sai Pháp nhưng bất lợi cho dòng Phan Sinh. Tuy vậy ngày 13-1-
1776, Bộ Truyền Giáo phê chuẩn những điều mà cha Pigneau yêu cầu sau đây:
- Đại Diện Tông Tòa được gởi linh mục bản xứ hay Âu châu đến bất kỳ nơi nào cần linh
mục, kể cả những nơi đã được phân giao cho tu sĩ dòng phụ trách.
- Chỉ có Đại Diện Tông Tòa hay Tổng Đại Diện của mình mới có quyền bổ nhiệm các
giáo lý viên kể cả trong họ đạo do các tu sĩ dòng phụ trách.
- Trong toàn giáo phận, chỉ có một cuốn giáo lý, một cuốn lịch duy nhất của Đại Diện
Tông Tòa. Các sách bằng tiếng Việt do Đại Diện Tông Tòa cho phép in mới được phổ biến, và
không cần sự chấp thuận của bề trên Dòng Phan Sinh.12
Qua đề nghị trên độc giả hiểu được một phần nào sự tranh chấp giữa thừa sai Paris và tu
sĩ các dòng, cách riêng dòng Phan Sinh.
Các thừa sai Pháp đề xuất một biện pháp hầu đem lại thuận hòa bằng cách chia giáo phận
Đàng Trong ra nhiều giáo phận, và mỗi giáo phận trao cho một dòng tu. Trước khi phán quyết,
Giáo Tông Clementê XII (1730-1740) muốn thấu hiểu hiện tình ở Việt Nam. Ngài cử Giám mục
Elzear des Achards de la Baume làm Khâm Sai Tông Tòa đến Đàng Trong. Khâm sai Tông Tòa
là người Pháp, trước đã gia nhập Chủng Viện Paris. Cha là vị Giám mục thông thái, tận tụy, đức
độ và hiền lành. Vị phụ tá kiêm thư ký là linh mục Peter Favre cũng là người Pháp. Ngoài ra còn
có hai linh mục người Pháp tháp tùng là cha De Carbon và cha Du Frenay. Phái đoàn đến giáo
phận Kẻ Tha, gần Hội An thuộc Đàng Trong ngày 1-5-1739. Một tháng sau ngày 2-6-1739,
Khâm sai gửi một thư luân lưu với lời lẽ đượm nét cảm tình thân thiết đến toàn thể thừa sai và

11
Chúng ta thắc mắc vì sao Tòa Thánh lại ủy nhiệm nhiều quyền hành cho Hội Truyền Giáo Ngoại Quốc Paris
(HTGNQP), là một Hội vừa mới thành lập chưa có kinh nghiệm so với các Hội dòng khác như dòng Tên, dòng Đa
Minh và dòng Phan Sinh là những dòng đã có công truyền giáo ở Việt Nam lâu năm. Tòa Thánh còn đặt các Hội
Dòng này dưới quyền của các Đại diện Tông Tòa, bắt các thừa sai phải xin phép các Đại diện Tông Tòa để làm mục
vụ (Sắc lệnh Speculatores 1665) và thề vâng lời các Đại diện Tông Toà (Đoãn sắc Cum Haec Santa Sedes 1678).
Các Đại diện Tông tông tòa hầu hết thuộc HTGNQP nên chúng ta cảm nghĩ Hội nầy hầu như thầu được của Tòa
Thánh chức vụ Đại Diện Tông Tòa ở Việt nam. Con số đại diện Tông Tòa từ năm 1696 đến năm 1933 cho thấy 90%
các giám mục tại Việt Nam thuộc HTGNQP, và 10% còn lại thuộc các dòng khác, đặc biệt dòng Đa Minh. Đó là
chưa đề cập đến các Đại Diện Tông Tòa lạm dụng quyền lực để gây khó khăn cho các tu sĩ các dòng, như vụ Giám
mục Francois Guisan, giáo phận Tây Đàng Ngoài năm 1723, từ chối ban năng quyền cho các cha dòng Tên làm mục
vụ (xem chú thích 31), hay cách đối xử của Giám mục Pigneau với một số cha Dòng Phan Sinh ở Đàng Trong (xem
Chương này, số I, mục 2).
Việc Tòa Thánh không cho phép thờ cúng tổ tiên qua Sắc lệnh Ex illa die 1715 (xem chú thích 48) và việc Tòa
Thánh bãi bỏ dòng Tên năm 1773 là những sai lầm. Như vậy thì việc ban trao cho các thừa sai Pháp hầu như độc
quyền làm Đại Diện tông Tòa có phải là một sự sai lầm nữa của Tòa Thánh trong vấn đề truyền giáo tại Việt nam
thời thế kỷ 17th, 18th và 19th không? Tác giả muốn gợi lên câu hỏi để độc giả nghiên cứu vấn đề cách khách quan
và thấu đáo hơn.
12
Trương Bá Cần, Công giáo Đàng Trong (TPHCM, 1992), trg 43.
- Launay, op. cit., Tập III, trg 5-7. Chính những đặc ân nầy là một trong những nguyên nhân sinh ra tranh chấp.
Người xin đặc ân cũng như cơ quan ban đặc ân đều làm hại cho công cuộc truyền giáo ở Việt Nam.
giáo hữu. Sau đó, ngài đi Phú Xuân và đặt trụ sở tại họ Phủ Cam. Các thừa sai lần lượt đến chào
thăm và ký tờ tuyên thệ nhận quyền đức Khâm Sai.13
Nhưng trong phiên họp đại hội đầu tiên do Khâm Sai triệu tập, cha tổng quản địa phận,
Giuseppe Marziali dòng Sylvestrian người Ý, phủ nhận quyền kinh lược và xem Khâm sai như là
trạng sư của các thừa sai Pháp. Đức Khâm Sai sau khi lắng nghe các đoàn thể truyền giáo trình
bày nhận định như sau:
“Các giáo sĩ dòng Tên truyền giáo ở đây đã trên 100 năm, là sở hữu chủ hợp pháp của
giáo phận, và được quyền truyền giáo bất cứ đâu. Các cha dòng Barnabit, thừa sai của Thánh Bộ,
có quyền bất khả xâm phạm, và chỉ có Thánh Bộ mới có thẩm quyền quyết định. Còn các thừa
sai Phan Sinh, là những tu sĩ lấn quyền giành đất, mang liềm hái đến gặt trong ruộng người
khác.”
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng quyền hạn các đoàn thừa sai trong các họ đạo Đàng Trong, và
nghiên cứu vấn đề dưới mọi phương diện, ngày 2-7-1740, Khâm Sai Tông Tòa tuyên bố quyết
định phân chia ranh giới hoạt động như sau:
“Các thừa sai Pháp phụ trách nửa miền Phú Xuân (Thuận Hóa), nửa tỉnh Quảng Nam,
cộng thêm các vùng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà và Bình Thuận. Các cha dòng Tên cai
quản phía bắc Đồng Nai. Các cha Phan Sinh vẫn tiếp tục chăm lo những họ đạo ở Phú Xuân,
Quảng Nam, và cộng tác chung với dòng Tên, với thừa sai Thánh Bộ và với thừa sai Pháp ở
Quảng Ngãi; và chỉ ở Qui Nhơn, Phú Yên, Nha Trang mới có khu vực riêng, không chung với
hội thừa sai nào khác. Đồng thời dòng Phan Sinh được truyền giáo phía nam Đồng Nai, nay là
Sài Gòn, chạy dài cho đến nước Cao Mên, và toàn lãnh thổ nước Cao Mên. Tuy nhiên dòng Phan
Sinh phải trao 20 nhà thờ và 4 nhà nguyện đã xây cất bất hợp pháp cho các thừa sai khác.“14
Sau cuộc kinh lược vất vả khó khăn, Giám mục Des Achards de la Baume lâm bệnh từ
trần vào ngày lễ Phục Sinh 2-4-1741, và được an táng trong nhà thờ Thợ Đúc, Phú Xuân.15 Họ
đạo Thợ Đúc là một họ đạo lớn trong thời kỳ đó. Cha Peter Favre, phụ tá Khâm Sai, tiếp tục và
kết thúc cuộc kinh lược.
Ngày 14-6-1741 cha Favre rời khỏi Phú Xuân đi Cửa Hàn xuống tàu về Rôma, và tường
trình lên Tòa Thánh kết quả cuộc kinh lược. Các điểm chính trong quyết định của đức Khâm Sai
được in ra và phổ biến trong một buổi họp đặc biệt triệu tập ngày 19-9-1741 của Thánh Bộ và có
Đức Giáo Hoàng hiện diện. Trong bản tường trình, các cha Phan Sinh thỉnh cầu xin được giữ 20
nhà thờ và 4 nhà nguyện bởi vì chính phủ Espanha đã đài thọ và ủng hộ việc kiến thiết hoặc tu bổ
những kiến trúc này. Lời thỉnh cầu bị từ chối. Do đó, các cha Phan Sinh ở những nơi ấy Trong
phải tuân lệnh rút hết vào Sài Gòn và sang Cao Mên.16
Cũng năm 1741, hay tin các thừa sai Phan Sinh Espanha phải nhường lại nhiều họ đạo và
nhà thờ cho thừa sai nước khác, vua Felipe V liền cử thượng thư là đức Hồng Y Trajanode
Aquaviva sang Rôma can thiệp. Cha Marziali tổng quản địa phận Đàng Trong cũng có mặt ở
Rôma, và cha biện hộ rất hữu hiệu. Mặc dầu đã duyệt y và phê chuẩn các chỉ thị của Giám mục
Khâm Sai, một số quyết định bất lợi cho dòng Phan Sinh được hủy bỏ. Ngày 1-9- 1744, Thánh
Bộ ban ra chỉ thị trả lại các họ đạo và nhà thờ cho dòng Phan Sinh cùng phân chia lại ranh giới
hoạt động hợp lý hơn. Ngày 28-11-1744, Đức Thánh Cha Benedictô XIV ban hành Tông Hiến
13
Launay, op. cit., Tập I, trg 530.
- Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam 2 (Sài Gòn, 1974), trg 112-116 (roneo).
- Nguyễn Văn Hội, Lịch Sử Giáo Phận Huế (Huế, 1993), trg 120-134.
14
Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine (Paris, 1924), Tập II, trg 57-59.
- Vermeulen, Hist Missionum OFM (Roma, 1957), trg 94 và tiếp.
15
Launay, op. cit., trg 18. Giáo xứ Thợ Đúc có khoảng 400 giáo dân.
16
Trương Bá Cần, op. cit., trg 26. Tranh chấp giữa các thừa sai Phan Sinh và thừa sai Pháp.
“Quantopere Caritas” hoàn trả cho các thừa sai Phan Sinh những nhà thờ và họ đạo đã xây cất và
thành lập trước.
Ngày 11-7-1744, Đức Thánh Cha ban hành Tông Chiếu “Ex-Quo” chấm dứt các vụ tranh
chấp trên 100 năm về lễ nghi Đông Phương. Đồng thời Giám mục Hilario di Giesu dòng Âu
Tinh, đang là đại diện Tông Tòa địa phận Đông Đàng Ngoài, được cử đi kinh lược giáo phận
Đàng Trong. Ngày 19-6-1747, Giám mục Hilario khai mạc công đồng giáo phận họp ở Thợ Đúc,
Phú Xuân, tại địa sở dòng Phan Sinh. Thành phần tham dự gồm đức cha Hilario với tư cách
Khâm Sai Tông Tòa, và ba đoàn thừa sai: dòng Tên, dòng Phan Sinh, Hội Thừa Sai Paris. Đức
cha Lefèbvre, đại diện Tông Tòa giáo phận không tham dự. Người cử thừa sai Guillaume Rivoal,
bề trên thừa sai Pháp ở Đàng Trong đại diện. Hội đồng họp 13 khóa, 11 khóa đầu thảo luận thực
thi Tông Hiến “Quantopere Caritas” về việc phân chia ranh giới quyền hạn. Hai khóa sau cùng
thảo luận về các vấn đề thần học luân lý về lễ nghi Đông Phương đang gây bất đồng ý kiến giữa
các thừa sai. Tuy các thành viên đều thành tâm thiện chí, nhưng không đạt được một quyết định
chung nào.
Hình 28: Hình bìa cuốn Lettres sur La Visite Apostolique
De La Baume, xuất bản năm 1749.

3. Tranh chấp giữa các cha Dòng Đa Minh và Dòng Âu Tinh (1721-1756)

3.1 Những Điểm Tranh Chấp


Sự tranh chấp xảy ra gồm ba điểm chính: giáo khu Lai Ổn,.17 đặc quyền được miễn trừ
của một vài dòng, và dòng nữ tu Mến Thánh Giá.
Cha Thomas Sextri Tri là thừa sai người Ý thứ hai gia nhập tỉnh dòng Rất Thánh Mân
Côi, và được Thánh Bộ Truyền Bá cử sang Việt Nam. Cha Sextri cùng với cha Sabuquillo tới
17
Khu vực Lai Ổn thuộc xã An Quý, Huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Năm 1995 giáo xứ có 1.222 giáo dân.
Việt Nam năm 1701. Cha được Giám mục Lezoli Cao ủy nhiệm giáo khu Lai Ổn. Cha hoạt động
tại đây từ năm 1705 cho đến khi nhận Sắc Tòa Thánh đặt làm Giám mục năm 1718.
Khi lên kế vị đức cha Juan Thập cai quản giáo phận, Giám mục quyết định giao giáo khu
Lai Ổn cho các cha dòng Âu Tinh cùng quốc tịch Ý như mình. Đức cha không đoái hoài đến
quyền lợi của các cha Đa Minh mà đã được đức cha Juan Thập xác định trong một thông tư làm
tại Trung Linh ngày 28-9-1718. Đức cha Sextri dành quá nhiều cảm tình cho các thừa sai cùng
quốc tịch, gây bất bình với các cha dòng người Espanha. Sự bất bình được trình đến đức Thượng
Phụ Mezzabarba, Khâm Sai Tòa Thánh, bấy giờ đang ở Macao. Năm 1722 Thượng Phụ cử linh
mục Simon Soffieti18 và cha thư ký Salvator Rasini sang Việt Nam điều tra, với đầy đủ quyền
hành để giải quyết.
Sau khi nghe lời lẽ của đôi bên, linh mục Soffieti nghiêng về phía các cha Espanha, vạch
ra hai điểm nguyên nhân của sự bất hòa. Điểm thứ nhất, các cha Đa Minh đã làm tròn mọi nhiệm
vụ, nếu thiếu sót cũng chỉ vì chưa được hiểu thấu đáo. Điểm thứ hai, theo Sắc Lệnh của Thánh
Bộ Truyền Bá ngày 29-1-1680, Giám Mục Đại Diện Tông Tòa có quyền kinh lý tất cả các giáo sĩ
thuộc giáo phận trong phạm vi mục vụ, nhưng lại không được bắt giáo sĩ thuộc dòng “miễn trừ”
ra khỏi nhà thờ hoặc địa sở họ đang phụ trách, cũng không được chuyển đổi họ sang nhà thờ hay
địa sở khác nếu không có lý do chính đáng và không có sự đồng ý của bề trên dòng liên hệ.
Trong trường hợp cần phải thay thế bằng một cha cùng dòng, cha ấy phải do bề trên dòng chỉ
định.19
Sự khéo léo của linh mục Soffieti đem đến một sự hòa giải tại Lục Thủy Hạ, và được
Thánh Bộ Truyền Bá chấp thuận ngày 20-10-1725.20
Tuy nhiên, đức cha Sextri vẫn chưa hài lòng. Năm 1726 lại một việc khác xảy ra. Đức
cha xây một ngôi nhà trong giáo xứ Lục Thủy Hạ, buộc cha chính bấy giờ là cha Guelda Đông
phải bỏ giáo xứ đó, nơi đặt trụ sở dòng từ năm 1719. Cha Guelda thưa việc này với linh mục
Soffieti, bấy giờ đang là ủy viên Thánh Bộ Truyền Bá. Ngày 18-6-1728, linh mục Soffieti lên
tiếng trách đức cha Sextri, tịch thu ngôi nhà đức cha vừa xây cất xong trong làng Lục Thủy Hạ,
và cấm đức cha vào làng ấy trừ trường hợp đi kinh lý theo giáo luật và có bề trên dòng hướng
dẫn. Đức cha một lần nữa bất mãn, nhất định khiếu nại đến Thánh Bộ, nhưng Thánh Bộ làm
thinh không trả lời, khiến đức cha hiểu ý Tòa Thánh để dần dần giàn xếp lại chuyện đó.21
Tháng 8 năm 1737, Giám mục Sextri qua đời, đức cha Hilario Hy lên kế vị. Đức tân giám
mục nhận quyền vào thời điểm Giáo Hội được hưởng một thời bình yên khá lâu dài, kéo dài từ
khi Trịnh Giang bị lật đổ (1740) cho tới cuối đời Trịnh Doanh (1767). Nhưng thời bình của giáo
phận Đông Đàng Ngoài đã mất đi quá nửa cho việc đức cha Hilario và các cha dòng Âu Tinh
tranh giành với các thừa sai Đa Minh.22
Vừa nhận quyền địa phận Giám mục Hilario di Jesu dự tính muốn tăng nhiều các cha Âu
Tinh từ Ý sang Việt Nam. Việc thứ nhất của đức cha Hilario là đặt tòa Giám Mục trong làng Lục
Thủy Hạ,23 mặc dầu cách đấy 10 năm, linh mục Soffieti đại diện Thánh Bộ Truyền Bá đã cấm
đoán vị Giám mục tiền nhiệm thi hành việc đó. Kế đến, đức cha đòi giành quyền điều khiển dòng
nữ Mến Thánh Giá, là dòng Giám mục Lambert de la Motte thành lập và ủy thác cho các cha Đa
Minh coi sóc lẫn hỗ trợ tài chánh.

18
Marillier, op. cit., Tập 3, trg 81.
19
Các sắc lệnh của Thánh Bộ ban ngày 29-3-1688, 23-11-1688, 28-8-1698 và 15- 9-1719.
20
Salazar, Historia de la Provincia del SS Rosario de Filipinas (Manila), trg 576.
21
Archivum PSR (Manila), Tập 66, trg 469-470. Chú giải của Bùi Đức Sinh, op. cit., trg 58-66.
22
Gispert, Historia de las Misiones Dominicanas en Tungkin (Avila, 1928), trg 240.
23
Xã Xuân Hồng, huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Hà giáo phận Bùi Chu. Năm 1995 giáo xứ có 1.548 giáo dân.
Năm 1743, đức cha Hilario buộc cha chính Petrus Ponsgrau Đăng dòng Đa Minh chuyển
giao giáo xứ Kẻ Bái thuộc khu Lai Ổn cho cha Girolamo dòng Âu Tinh, với lý do chiến tranh
nên cha Ponsgrau không thể tới nhiệm sở ở Kẻ Bái. Cha Ponsgrau muốn làm vui lòng đức cha
nên tuân lời. Hai năm sau, cha Girolamo muốn đảm nhiệm cả vùng Lai Ổn.
Để sự giao thiệp được tốt đẹp, cha Ponsgrau một lần nữa không từ chối, nhưng với điều kiện là
khi cha Girolamo qua đời, khu Lai Ổn phải được hoàn trả dòng Đa Minh. Tuy nhiên, đến khi
phải trả lại, các cha Âu Tinh lên tiếng phủ nhận, và còn đưa ra nhiều lý do để không bao giờ phải
trả lại.24
Ngày 13-8-1747, cha Petrus Ponsgrau từ trần ở Trung Linh, thọ 46 tuổi, với 16 năm
truyền giáo và 8 năm bề trên dòng. Năm 1749, khi cha Espinosa Huy vừa nhận chức bề trên
dòng, liền bị Giám mục Hilario bắt phải trao hẳn vô điều kiện các giáo xứ Lai Ổn, Kẻ sặt, Kẻ
Báng, Lục Thủy Hạ và dòng Mến Thánh Giá, để thiết lập một khu truyền giáo dòng Âu Tinh.
Cha Espinosa không đồng ý, đồng thời đưa đức cha xem các Sắc Lệnh của Thánh Bộ Truyền Bá
trong đó xác định:
“Các Giám Mục đại diện Tông Tòa không được di chuyển các cha dòng ‘miễn trừ’ đi nơi
khác, nếu không có lý do chính đáng và không có sự đồng ý của bề trên dòng liên hệ. Trường
hợp đồng ý thay thế, cha bề trên dòng có quyền thay thế bằng một cha dòng do chính người chỉ
định.”25
Tuy nhiên đức cha Hilario vẫn không bỏ ý định và còn đe dọa phạt vạ “huyền chức“26 tất
cả các thừa sai Đa Minh, nếu không thỏa thuận nhường ít nhất phân nửa số giáo xứ được yêu
cầu. Các cha Đa Minh là những người am tường giáo luật, nên đã tỏ ra coi thường sự đe dọa của
đức cha, nhất định không chịu bỏ các khu vực mà các cha đã hao tổn nhiều công của xây dựng.
Thấy thế, đức cha tuyên bố phạt vạ “huyền chức“ các cha Đa Minh và cấm giáo dân giúp đỡ và
cộng tác. Một bầu không khí ngột ngạt bao trùm khắp giáo phận.
Để việc làm nói trên có pháp lý, năm 1753 đức cha Hilario công bố triệu tập Công đồng
27
Bắc Hà họp tại Lục Thủy. Đức cha mời hai giám mục địa phận Tây Đàng Ngoài, hai linh mục
người Âu, ba cha dòng Âu Tinh người Ý và năm linh mục người Việt. Các cha dòng Tên cũng
được mời tham dự song không ai đến.28 Các cha Đa Minh cũng từ chối tham gia vì biết công
đồng sẽ bàn đến những vấn đề mà Thánh Bộ Truyền Bá đã quyết định trong nhiều Sắc Lệnh
trước đây. Chỉ một mình cha Santiago Hernandez đến dự thính, đặng lên tiếng mỗi khi có một
nghị quyết trái với quyền lợi của dòng Đa Minh. Cha Hernandez mới đến Việt Nam cùng với cha
Manuel Martin năm 1751. Công đồng khai mạc ngày 24 tháng 6 trong thánh đường tòa Giám
mục Lục Thủy.
Phiên họp thứ nhất bàn về thẩm quyền điều khiển, hướng dẫn và nhiệm vụ tài chánh cho
dòng Mến Thánh Giá.
Phiên họp thứ hai ngày 1 tháng 7 tuyên bố dòng Đa Minh phải chịu mất một họ đạo, vì
trong đó trước kia có một tu viện Mến Thánh Giá, mà các cha Đa Minh đã không thi hành lời
cam kết tái lập tu viện ấy. Ngoài ra, trước đây 13 năm, cha chính Valerio đã bằng lòng bỏ họ đạo
ấy và chống đối việc tái lập tu viện. Cha Hernandez Tuấn lên tiếng phản đối vì không có bằng

24
Archivum PSR, op. cit., Tập 47, trg 459-460, và Tập 266, trg 140-141.
- Gispert, op. cit., trg 241. Lai Ổn cũng như Lục Thủy vào lúc ấy (1740) là những giáo khu quan trọng nhưng hiện
giờ (1995) mỗi nơi chỉ có hơn 1.200 tín hữu.
25
Gispert, op. cit., trg 243.
26
Vạ “huyền chức” cấm thi hành một số nhiệm vụ chức linh mục như dâng Thánh Lễ (treo chén), giải tội, v.v.
27
Marillier, op. cit., Tập 3, trg 147, Paris, 1995. Đến dự công đồng có giám mục chánh Louis Néez, giám mục phó
Louis Devaux và 2 thừa sai Pháp Bertrand Reydellet và Louis Jean.
28
Ibid, trg 144.
chứng chắc chắn đáng tin. Công đồng còn đòi các dì phước dòng Ba Đa Minh phải phục quyền
giám mục, và cấm nữ tu Mến Thánh Giá đổi sang dòng Ba Đa Minh.
Phiên họp thứ ba ngày 8-7-1753 quyết định giám mục có quyền lập tu viện Mến Thánh
Giá bất cứ ở đâu trong giáo phận, và giải quyết các vụ tranh chấp giữa hai dòng nữ. Công đồng
cũng tuyên bố từ nay trong công cuộc truyền giáo, các cha dòng miễn trừ cũng phải vâng phục
quyền xét xử của giám mục giáo phận. Về điểm cuối cùng này, cha Hernandez phản đối vì không
phù hợp với tinh thần sắc lệnh năm 1678 của Tòa Thánh đã định rằng: ”Khi có một cha dòng sai
lỗi phải đưa ra tòa thì phải có giám mục giáo phận và bề trên dòng cùng ngồi chung xét xử.”
Phiên họp thứ bốn ngày 15-7-1753 truyền cho các thừa sai Đa Minh nội trong 15 ngày
phải rút khỏi khu vực Lai Ổn. Đây là một quyết định trái với Sắc Lệnh ngày 23-11-1688 của Tòa
Thánh: ”Không ai được đổi các thừa sai dòng miễn trừ đi nơi khác, nếu không có sự thỏa thuận
của bề trên dòng liên hệ.” Sau đó, công đồng bắt buộc các cha Đa Minh bãi bỏ lễ nghi riêng của
dòng và tuân theo lễ nghi triều trong phụng vụ và mục vụ. Lệnh truyền này vượt quá quyền hành
Công đồng.
Phiên họp thứ năm ngày 21-7-1753 tường trình về tình hình hai giáo phận Đông và Tây,
nhắm vào những điểm sau đây: số thừa sai, linh mục bản quốc và giáo dân.
Phiên họp cuối cùng chỉ định cha Lorenzo dòng Âu Tinh đi Rôma đem bản “Công Vụ
Công đồng” xin Tòa Thánh châu phê. Công đồng cũng yêu cầu đức cha Hilario thuật lại với cha
Inhaxu Nhuận29 dòng Đa Minh người Việt về tất cả những nghị quyết của công đồng, cũng như
những lời phản đối của cha Hernandez Tuấn.
Đầu năm 1756, Giám mục Hilario từ trần. Trước khi mất đức cha đề cử cha Adriano di
Santa Tecla cùng dòng Âu Tinh làm bề trên giáo phận quyền Đại Diện Tông Tòa, cho tới khi có
giám mục mới. Ngày 4-12-1758, đức cha Louis Neez, đại diện tông tòa giáo phận Tây Đàng
Ngoài từ Kẻ Vĩnh đã gởi một lá thư luân lưu thúc giục tín hữu giáo phận Đông Đàng Ngoài kiên
trì tuân theo mệnh lệnh của cha chính giáo phận Adriano. Vì vậy ngày 7-3-1759 từ Kẻ Nê cha
Paul de Campus phạt vạ ngưng chức đức cha Nêez.30
Nếu Giám mục Hilario di Giesu Hy cứng cỏi và có nhiều yêu sách đối với dòng Đa Minh
Espanha, thì thời cha Adriano còn nghiêm khắc hơn thế nữa.31 Biết bao điều phiền hà và rắc rối
xảy ra cho các cha Đa Minh khiến các cha phải có biện pháp đối phó với những lạm quyền quá
đáng. Các cha Đa Minh tuyển cử một vị thẩm phán32 trong dòng mình, cha Campos, để xét xử
hai dòng. Trong phiên tòa, vị thẩm phán nhận được một bản báo cáo phản kháng cha Adriano
lạm dụng quyền hành, gồm 91 điều, mỗi điều đều có dẫn chứng. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, vị
thẩm phán nhân danh tòa án ra vạ tuyệt thông cho vị quyền Đại Diện Tông Tòa là cha Adriano.33
Nhưng khi các sự việc đến tai Thánh Bộ năm 1761, Thánh Bộ bác bỏ vụ án đó, cùng lối
xét xử và quyết định của vị thẩm phán Campos.34 Đồng thời những hai ai đã bầu cử cha Campos

29
Ibid, trg 147 (44). Cha Nhuận, cha sở Ngọc Đàng, đã công kích Giám mục đại diện Tông toà là Giám Mục Hilario
trong một bài giảng. Cha từ chối tham dự Công Đồng, và bịỉ Công Đồng treo chức và treo vụ (suspens ab ordine et
offi-cio).
30
Marillier, op. cit., trg 161-166.
31
Ibid, trg 159. Cha Bề trên Đa Minh xin năng quyền cho ba cha dòng vừa mới đến, nhưng Giám mục Adriano từ
chối. Việc này cũng giống vụ Giám Mục Pháp Guisan từ chối không ban năng quyền cho các cha dòng Tên theo lời
yêu cầu của Bề Trên Dòng. Xem Marillier, op. cit., trg 83 (a).
32
Ibid, trg 162-163. “Juge conservateur des intérets de l’Ordre des Dominicains.”
33
Ibid, trg 162. Cha Adriano di Santa Tecla.
34
Hai cha Louis Espinosa Huy và Benoit Llobresols Thao sở dĩ đã tuyểân chọn cha Paulus de Campos vào chức vụ
thẩm phán là đã dựa vào những đặc ân mà tu sĩ được hưởng về vấn đề này. Nhưng năm 1761, khi Thánh bộ hủy bỏ
vụ kiện nói trên của cha Campos thì đồng thời cũng tuyên bố: thứ nhất, việc tuyển lựa vị thẩm phán bào chữa không
chức vụ thẩm phán - cha Espinosa Huy và Llobresols Thao - phải vạ tuyệt thông chiếu theo luật
trong chương nói về ”Quyền lợi và nhiệm vụ của vị thẩm phán thừa ủy” (số 6).
Khi nghe tin đức cha Jean Antoine Ofm đại diện Tông Tòa tại Trung Hoa đến Đàng
Ngoài kinh lý với tính cách là Khâm Sai Tòa Thánh, các cha Đa Minh tìm gặp vị Khâm Sai. Đức
cha khâm sai ra lệnh cho các cha phải rút lại trên giấy trắng mực đen những điều vu cáo cha
Adriano và xin lỗi. Khâm Sai cũng truyền lệnh cho cha Adriano phải rời khỏi Đàng Ngoài,
nhưng vì tuổi già và bệnh tật, cha Adriano được phép đến tạm trú tại giáo phận Tây Đàng Ngoài
cho đến khi phục hồi sức khỏe.
Đức cha khâm sai cũng gửi thư yêu cầu cha Campos ngưng chức vụ chánh án, và cha
Campos đồng ý trong thư phúc đáp. Cũng trong năm 1762, năm cha triều thuộc giáo phận Đông
Đàng Ngoài35 gởi thư đến đức cha Antoine trình bày về hoàn cảnh khó khăn gây ra bởi các cha
dòng Đa Minh bực tức và không ưa sự hiện diện của họ.
Rôma đã ban cho các cha Đa Minh nhiều đặc ân, nhưng lại thờ ơ bỏ mặc các cha triều.
Các cha triều mong muốn được phục vụ trong những khu vực các cha dòng đảm trách, hoặc
được thi hành nhiệm vụ truyền giáo cách độc lập.

3.2. Giáo phận Đông Đàng Ngoài và tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi (1757)
Năm 1757, cha Santiago Hernandez Tuấn với tư cách khâm sai đến Rôma để tường trình
về Công đồng Bắc Hà II của đức cha Hilario de Jesu Hy họp tại Lục Thủy.36 Cha Hernandez cần
có mặt tại Tòa thánh để biện minh cho hành động sai trái có ghi trong “Công Vụ Công Đồng”
được cha Lorenzo dòng Âu Tinh báo cáo về Rôma. Hành động sai trái đó là việc cha Hernandez
đã đưa một ông quan vào nơi nhóm họp, nhằm gây áp lực đối với Công đồng. Nhưng cha
Hernandez trình ra bằng chứng cụ thể để chứng minh rằng chẳng những cha không có ý định mà
còn không hề nghĩ đến việc xúc phạm đó. Với những lời lẽ hùng hồn và bằng chứng minh lạc,
cha Hernandez đạt được thắng lợi.
Ngày 15-5-1757 Thánh Bộ ra một sắc chỉ:
”Những giáo xứ Kẻ Ổn và Lục Thủy hoàn toàn thuộc về các cha Đa Minh dòng Rất
Thánh Mân Côi. Những giáo xứ Kẻ Sặt và Kẻ Vân thuộc quyền cai quản đặc biệt của cha Ariano
và Paolino dòng Âu Tinh. Tu viện Mến Thánh Giá phải thuộc quyền các cha xứ sở tại. Những
quyết định trong Công Vụ Công Đồng II ở Bắc Hà không được thi hành cho tới khi Thánh Bộ
duyệt xét kỹ lưỡng, chấp thuận và phê chuẩn.”37
Năm 1757 Đức Thánh Cha Clementê bổ nhiệm cha Hernandez Tuấn làm Giám Mục Đại
Diện Tông Tòa giáo phận Đông Đàng Ngoài. Và từ đấy giáo phận được trao hẳn cho tỉnh dòng
Đa Minh Rất Thánh Mân Côi Philippines. Vì cha Hernandez theo nhu cầu đòi hỏi chưa có thể trở
về xứ truyền giáo ngay được, nên Thánh Bộ bằng văn thư ngày 1-8-1757 chỉ định cha chính
Espinosa Huy tạm thời làm bề trên quyền Đại diện Tông Tòa, và trong trường hợp cha Espinosa
vắng mặt, cha Llobresols Thao sẽ tạm thay thế.38 Ngày 7-8-1757, tòa thánh quyết định về vụ
tranh chấp như sau:

thể thi hành đối với những vị bề trên tạm thời; và thứ hai, các tu sĩ không được sử dụng những đặc ân đó tại những
xứ truyền giáo. (Giải thích của Bùi Đức Sinh.)
35
Marillier, op. cit., trg 144. Bốn trong số năm cha triều là: Bentô Hiểu Lưu Ý, Bảo Lộc, Augustinô Định và Giuse
Giu.
36
Công đồng Bắc Hà II do giám mục Hilario de Giesu triệu tập tại Lục Thủy, Bùi Chu năm 1753.
37
Sắc chỉ được ký tên bởi, Hồng y Spinelli, Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin. Các chi tiết dựa theo
Gispert, op. cit., trg 251 và Bùi Đức Sinh, op. cit., Tập I, trg 82-85.
38
Marillier, op. cit., trg 165.
”Hồng Y Giuseppe Spinelli, tổng trưởng Thánh Bộ Truyền Bá, ra lệnh cho cha Adriano
di Santa Tecla và cha Paolino di Giesu thuộc dòng Âu Tinh phải mau trở về Ý.”
Nhưng rắc rối còn lại là phải xử lý bốn cha dòng Âu Tinh người Việt Nam như thế nào.
Ba biện pháp có thể thực hiện được là các cha bản quốc này cũng sẽ phải qua Ý, hoặc vào dòng
Đa Minh và tuyên khấn trong dòng này, hoặc nếu như muốn ở bậc linh mục triều thì phải tuân
phục vị đại diện hoặc quyền Đại Diện Tông Tòa với những nghĩa vụ và bổn phận như một linh
mục triều bình thường. Cha bí thư Antonello đã tường trình lên Đức Thánh Cha trong buổi triều
yết ngày 7-8-1757 và Đức Thánh Cha châu phê quyết định này của Thánh Bộ.
Khi cha Juan de Boxadors (1756-1777), Bề Trên Tổng Quyền dòng Đa Minh, gởi các
thừa sai Đa Minh ở Bắc Hà những sắc lệnh và những quyết định nói trên của Thánh Bộ. Cha
cũng kèm theo một thư luân lưu, cổ võ tình huynh đệ, sự hợp tác thuận hòa nơi các sứ giả của
Tin Mừng. Trong thư luân lưu này, cha đồng ý cho Tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi việc đảm
nhiệm giáo phận Đông Đàng Ngoài với quyền Tông Tòa cho phép.
Đức cha Jean Antoine OFM từ Trung Hoa qua với chức Khâm Sai Tòa Thánh để thực thi
các sắc lệnh của Tòa Thánh ban năm 1757. Đức cha kinh lý tới giáo phận vào mùa chay năm
1762. Bấy giờ xứ truyền giáo mới nhận được những sắc lệnh và văn thư của Rôma năm 1757,
nhưng không có tài liệu đả động đến việc Thánh Bộ đã bác bỏ bản án của vị thẩm phán Campos
năm 1761 mà hai cha Espinosa và Llobresols đã đặt lên, khiến việc kinh lý gặp khó khăn trong
khi thi hành nhiệm vụ, và gây thêm sự bực dọc giữa các cha dòng Au Tinh người Y và các cha
Đa Minh Espanha là những người đã bị đức cha Hilario đi Giesu phạt vạ “treo chén.” Nhưng sau
cùng, đức giám mục kinh lý dùng quyền mình đi đến quyết định là các cha dòng Âu Tinh phải
nhận cha Espinosa Huy là người nắm quyền đại diện Tông Tòa, các cha Đa Minh sở hữu các
giáo xứ Lục Thủy, và các cha dòng Âu Tinh phải rời khỏi Bắc Hà.
Cha Adriano, vì già yếu, xin phép qua giáo phận Tây Đàng Ngoài và mất tại đó năm
1764, còn cha Paulino xuống tàu về nước. Khi cha Antoine xong việc kinh lý trở về Trung Hoa,
các cha dòng Âu Tinh người Việt đều xin theo sang Trung Hoa truyền giáo. Từ đấy không còn
cha dòng Âu Tinh nào trên đất Việt nữa. Còn lại hai cha dòng Phan Sinh Espanha thì một rời bỏ
giáo phận Đông Đàng Ngoài trở về Manila, và cha kia qua đời cuối thời đức cha Lezoli Cao. Các
thừa sai dòng Tên tiếp tục lưu lại trong một vài giáo xứ ở Đàng Ngoài cho tới năm cha Nuncio di
Horta, vị giáo sĩ dòng Tên cuối cùng, qua đời năm 1802.39

II. VẤN ĐỀ LỄ NGHI TRUNG HOA

Nếu vấn đề quyền bính và lãnh thổ chóng kết thúc thì trái lại vấn đề lễ nghi tông giáo
Đông Phương kéo dài mãi cho đến năm 1939. Nên biết các cha dòng Tên là những người đến
truyền giáo khá sớm tại Trung Hoa. Nơi đây các giáo sĩ này tôn trọng và thích nghi vào những
tập tục địa phương nếu những tập tục ấy không có gì trái với đức tin và luân lý công giáo đúng
như huấn dụ của Tòa Thánh đã công bố vào năm 1659.40 Đó cũng là quan niệm của giáo sĩ De
Rhodes lúc cha viết:
”Về phần tôi, tôi phản đối kịch liệt những kẻ tại Trung Hoa muốn bắt buộc người tân
tòng phải cắt tóc đang lúc tất cả mọi người đàn ông cũng như đàn bà đều để tóc dài, trừ phi họ
muốn được dễ dàng hơn trong lúc họ di chuyển trong xứ hoặc để dễ dàng được thu nhận hơn vào

39
Bùi Đức Sinh, op. cit., trg 81-86.
40
Instructio vicariorum apostolorum ad regna Sinarum et Cocincinae proficiscentium 1659: “Nullum studium
ponite, nullaque ratione suadete illis populis ut ritus suos consuetudines et mores mutent modo ne sint apertissime
religione bonisque moribus contraria.”
các công ty. Tôi nói với họ rằng Tin Mừng chỉ bắt buộc họ phải cắt đứt các sai lầm khỏi tâm trí
họ chứ không phải cắt các lọn tóc dài trên đầu họ.”41
Cũng trong tinh thần tôn trọng các tập tục ấy mà các cha dòng Tên không lên án việc
cúng tế Khổng Tử và việc thờ cúng tổ tiên. Vì theo quan niệm của các cha, lúc làm những việc
đó người ta không có ý nhận Khổng Tử hay ông bà là Đấng Toàn Năng, nhưng mà chỉ có ý kính
bên ngoài, tỏ lòng biết ơn, lòng thảo hiếu.42
Người đề xướng lên chủ trương này là giáo sĩ Mathêô Ricci. Sau lúc nghiên cứu các tông
giáo, các tập tục và học thuyết của người Trung Hoa, các giáo sĩ dòng Tên quan niệm rằng giữa
Nho Giáo và đạo Thiên Chúa có nhiều điểm chung chẳng hạn dạy con người phải thảo hiếu với
cha mẹ, sự trung tín giữa vợ chồng, không tà dâm trộm cướp, v.v. Những điều ấy không có gì
khác nhưng ngược lại có sự gần gũi với công giáo. Hơn thế nữa, những từ ngữ Nho Giáo được áp
dụng trong việc giảng dạy giáo lý công giáo như trong cuốn giáo lý của giáo sĩ Micae Ruggieri
và Mathêô Ricci.43
Các giáo sĩ này chủ trương chấp nhận một số tập tục của Trung Hoa, như thờ cúng ông bà
tổ tiên, với một số thay đổi mà không vi phạm lề luật của đạo Công Giáo, và như thế người công
giáo Trung Hoa vẫn tiếp tục theo những phong tục truyền thống của mình. Nhưng trái lại, các
linh mục dòng Đa Minh và dòng Phan Sinh thì cho là những việc dị đoan và đề nghị đưa cho các
nhà thần học Manila giải quyết, nhưng các cha dòng Tên không chấp thuận. Cả hai bên tranh cãi
với nhau từ 1631 đến 1640 là năm mà J.B. Moralès OP và A. de Santa-Maria được cử đi Rôma
để xin Tòa Thánh giải quyết vấn đề này.44
Giáo Tông Urbanô VIII (1623-1644) trao việc này cho Tòa điều tra thuộc Bộ Thánh Vụ
và Giáo Tông Innocentê X (1644- 1655) ngày 12-9-1645 ký sắc lệnh cấm lễ nghi thờ cúng tổ tiên
ở Trung Hoa. Các cha dòng Tên tại Trung Hoa lập tức cử cha A. Martinez đi Rôma để trình bày
tường tận hơn về lễ nghi và xin Tòa Thánh xét lại. Giáo Tông Alexandro VII (1655-1657) năm
1656 ký một sắc lệnh khác chấp thuận hoàn toàn các đề nghị của các cha dòng Tên.45 Tiếp theo
là Giáo Tông Clêmentê IX trước lúc qua đời vào tháng 12-1669 cho phép tùy tình hình mà có thể
thực hiện phương thức này hay phương thức khác về lễ nghi Trung Hoa.
Năm 1673, linh mục Ch. Maigrot một nhà thuyết giáo thông nho và rất am tường về
phong tục Trung Hoa được đề cử làm giám mục đại diện tông tòa tại giáo phận Phúc Kiến, tức
khu vực truyền giáo của dòng Đa Minh.46 Năm 1693 đức cha ra một thông cáo cấm việc thờ
cúng Tổ Tiên.
Thông cáo của Giám mục Maigrot đến tai vua Khang Hy và vua truyền lệnh trục xuất các
thừa sai theo lập trường của Giám mục Phúc Kiến. Đang lúc đó Tòa Thánh ráo riết tìm cách bảo
vệ toàn vẹn Đức Tin mà đồng thời không phương hại đến việc truyền giáo. Một Đại Hội được
triệu tập tại Rôma do Giáo Tông Innocentê XII (1691-1700) với sự tham dự của các đại diện
dòng Tên, dòng Đa Minh và nhiều dòng khác. Kết quả Tòa Thánh bao gồm nhiều điểm, trong đó
có 4 điểm cấm sau đây:
1. Cấm dùng chữ Thiên hoặc Thượng Đế để chỉ Thiên Chúa.
2. Cấm treo trong các nhà thờ các tấm bảng có ghi hai chữ Kính Thiên .
3. Cấm cúng tế Khổng Tử, tổ tiên ông bà.
41
Rhodes, Voyages et Missions, trg 21 do Chappoulie trích trong Aux Origines d’une Église (Paris, 1943), Tập I, trg
123.
42
Ravier, Sử Ký Hội Thánh (Hà Nội, 1934), Tập III, trg 207-209.
43
Đại Học (Huế, tháng 2-1961), trg 39-40.
44
Thomas P. Neill, History of the Catholic Church (Nhà Xuất bản Brúce, USA, 1957), trg 425.
45
Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine - Documents historiques I (Paris, 1924), trg 18.
46
Bùi Đức Sinh, op. cit., Tập II, trg 135.
4. Cấm đặt bài vị trong nhà.47
Tòa Thánh cử Giám Mục Maillard de Tournon đến Trung Hoa để công bố và thi hành tại
chỗ nghị quyết của Đại Hội.
Ngày 8-4-1705 đặc sứ của Tòa Thánh tới Macao và truyền tháo gở hai chữ Kính Thiên
do Vua Khang Hy thủ bút đã được gắn trên mặt tiền thánh đường Bắc Kinh.
Ngày 21-1-1707, tại Nam Kinh, đặc sứ Tòa Thánh, Giám mục De Tournon dựa theo
Tông Hiến 1704 công bố một sắc lệnh bãi bỏ lễ nghi Trung Hoa vì không phù hợp với giáo lý
công giáo. Các cha dòng Tên cực lực khiếu nại, nhưng Giáo Tông Clêmentê XI phúc đáp bằng
cách trao chiếc mũ Hồng Y cho Giám mục đặc sứ De Tournon. Sau đó Hồng Y De Tôrnon bị
trục xuất ra khỏi Trung Hoa và bị trao cho nhà cầm quyền Portugal ở Macao. Họ trách Hồng Y
đã gây thiệt hại quyền lợi của Portugal tại Trung Hoa và giam giữ cha tại Macao cho đến lúc cha
mất năm 1710.48 Ngày 25-9-1710 Giáo Tông Clêmentê XI lại ra một Tông Hiến khác châu phê
sắc lệnh Nam Kinh năm 1707, cấm khiếu nại, cấm bàn thảo và cấm sửa đổi sắc lệnh về lễ nghi
Trung Hoa. Mặc dầu vậy cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục. Một lần nữa Giáo Tông Clêmentê XI ngày
19-3-1715 ra Tông Chiếu Ex Illa Die trong đó nhắc lại các Tông Hiến 1704, 1707 và 1710. Tông
chiếu một lần nữa bác bỏ các lễ nghi Trung Hoa về thờ cúng ông bà tổ tiên, đức Khổng Tử, và
phạt vạ tuyệt thông cho tất cả những ai bất tuân Tòa Thánh về vấn đề Lễ Nghi, đồng thời buộc
các thừa sai Đông Phương phải tuyên thệ trung thành với Tòa Thánh trong vấn đề này.49 Vua
Khang Hy coi việc bác bỏ Lễ Nghi Trung Hoa như một hành động làm nhục quốc thể Trung
Hoa. Do đó cũng trong năm 1715 chính phủ Trung Hoa ra lệnh trục xuất các thừa sai, triệt hạ các
thánh đường và cấm người Trung Hoa theo đạo Thiên Chúa mặc dù lúc ấy giáo sĩ Ferdinand
Verbiest dòng Tên rất thân cận với triều đình Khang Hy.50
Năm 1720, Giám mục Mezzabarba được cử làm khâm sai sang Trung Hoa thực thi sắc
lệnh Ex Illa Die của Tòa Thánh về lễ nghi. Lúc tới Bắc Kinh vì sự bực tức của vua Khang Hy,
khâm sai Tòa Thánh nhận thấy không thuận tiện công bố sắc lệnh, và trở về Macao. Giám mục
gởi một bức thư mục vụ trong đó có 8 điểm nới rộng có thể áp dụng lúc thi hành Tông chiếu Ex
Illa Die, nhưng sự kiện này lại tạo sự náo động tranh luận giữa các giáo sĩ. Ít lâu sau, một tông
chiếu khác lại được ban hành.
Giáo Tông Bênêdictô XIV năm 1742 ra Tông chiếu Ex Quo Singulari truyền dạy phải
tuân theo Tông chiếu Ex Illa Die, một lần nữa bác bỏ lễ nghi Trung Hoa mà Tòa Thánh xem như
là những mê tín dị đoan. Và cuộc cấm đạo tại Trung Hoa trở nên quyết liệt dưới đời Ưng Chính
và Càn Long. Trong 300.000 giáo hữu chỉ còn 10% giữ đạo.51

47
Ibid, trg 133.
- Gheddo, Catholiques et bouddhistes au Việt Nam (Paris, 1968), trg 27 phê bình như sau: “La question des rites
ferme le Việt Nam au Christianisme...., est reconnue comme la plus grave erreur de la Rome papale dans la direction
des Missions ‘ad paganos’ surtout en Orient.” Nghĩa là: “Vấn đề Nghi Lễ Trung Hoa khép cửa không cho Kitô giáo
vào Việt Nam, và được nhìn nhận là một sai lầm lớn của giáo triều Rôma trong việc hướng dẫn truyền giáo tại các
nước Á Đông.”
48
Bùi Đức Sinh, op. cit., trg 134.
49
Chapoulie, Aux origines d’une Église (Paris, 1948), Tập II, trg 91.
50
Cha Báu, Sử Ký Thánh Yghêrêgia (Kẻ Sở, 1890), phần Phụ Lục, trg VIII.
51
Gần 200 năm sau, ngày 8-12-1939, Giáo Tông Piô XII ban hành huấn dụ Plane Compertum công nhận những lễ
nghi thờ kính không phải là những lễ nghi đích danh tông giáo, nhưng chỉ là những cử chỉ biểu hiệu lòng sùng kính
chính đáng đối với tổ tiên. Do đó, người công giáo có thể tham dự những lễ nghi nói trên. Huấn dụ này cũng bãi bỏ
cho các giáo sĩ những lời thề mà hai sắc lệnh trước trói buộc (Ex Illa die và Ex quo Singulari).
Thomas P. Neill, History of the Catholic Church (Nhà Xuất bản Brúce, USA, 1957), trg 425 viết “A decree of Pope
Alexander VII in 1656, “allowed to the Chinese the said ceremonies, with all superstitions removed, because it
seemed that they constitued a rite purely civil and political.’ “
Tại Việt Nam cuộc tranh cãi về lễ nghi Đông Phương gây một âm hưởng rất lớn. Cha
Flory, bề trên các thừa sai Pháp ở Đàng Trong, bị Giám mục Alexandro de Alexandris dứt phép
thông công vì cha vẫn không hủy bỏ những lễ nghi Đông Phương. Giám mục Alexandro từ trần
năm 1738, và qua năm sau Giáo Tông Clement XII gởi Giám Mục Achards de la Baume đến
kinh lược Đàng Trong để giải quyết hai vấn đề quyền bính và lễ nghi Đông Phương, nhưng khâm
sai chỉ giải quyết được phần nào vấn đề quyền bính mà thôi.
Ngày 19-6-1747 Giám mục Hilario di Giesu, đại diện Tông Tòa giáo phận Đông Đàng
Ngoài, được gởi đến Đàng Trong với tính cách là Khâm Sai Tòa Thánh. Giám mục triệu họp
công đồng tại cơ sở dòng Phan Sinh tại Thợ Đúc. Thành phần tham dự có ba đoàn thừa sai, dòng
Tên, dòng Phan Sinh và các thừa sai Pháp. Giám mục sở tại, đức cha Armand Lefèbvre cử cha
Guillaume Rivoal bề trên các thừa sai Pháp đi họp. Công đồng gồm 13 khóa: mười một khóa đầu
bàn luận về ranh giới và quyền hạn và hai khóa sau hội thảo về lễ nghi Trung Hoa, nhưng cũng
không đạt được kết quả cụ thể nào.
Cũng vì vấn đề này mà Nguyễn Ánh và Giám mục Bá Đa Lộc bàn luận rất nhiều. Lúc
nằm trên giường bệnh, ngài cố gắng thuyết phục Bộ Truyền Giáo là không có gì dị đoan ở trong
lễ nghi kính nhớ tổ tiên đã qua đời.52
Vấn đề lễ nghi Đông Phương chỉ được giải quyết dứt khoát vào năm 1939. Kết quả của
sự sai lầm53 tai hại đó là đã khiến cả một nước Trung Hoa vĩ đại, với dân số đông đúc từ thôn
quê đến triều đình đang sẵn sàng đón tiếp các thừa sai rao giảng Lời Chúa, quay lưng lại bắt bớ
và xua đuổi Tin Mừng.54 Một sai lầm nhỏ bé hôm qua đã trở thành một ân hận to tát hôm nay.

52
Tavernier, Mgr Pigneau de Béhaine (Hà Nội, 1934), trg 38-39.
53
Xem ghi chú 47.
54
Bùi Đức Sinh, op. cit., trg 136, Sài Gòn, 1974. Những lý do và đề nghị lên án việc tôn kính tổ tiên không xác đáng
và hợp lý. Xem:
- Thông cáo Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về việc tôn kính tổ tiên và các anh hùng liệt sĩ (Đàlạt, 14-6-1965).
- Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (Sài Gòn, 1965), số tháng 6-1965, trg 556 và tiếp.

You might also like