You are on page 1of 4

Một vài nét về Chương trình Nghị sự 21 và định hướng phát triển bền vững ở Việt Nam

(Khoa giáo, số 10, 2004, tr.33-35)

Tháng 5 năm 1992, gần 200 quốc gia trên thế giới đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Trái
đất về Môi trường và Phát triển ở Rio de Janeiro (Brazil) và đã ký kết Chương trình Nghị sự 21
về phát triển bền vững. Tại Hội nghị này, Chính phủ Việt Nam đã cử Đoàn đại biểu cấp cao
đến dự và cam kết xây dựng, thực hiện Chương trình Nghị sự 21 về phát triển bền vững ở Việt
Nam.

Chương trình Nghị sự 21 toàn cầu đưa ra 2.500 khuyến nghị hành động, bao gồm cả
những đề xuất chi tiết về chính sách và biện pháp để giảm thiểu ảnh hưởng của mô
hình tiêu dùng lãng phí, chống đói nghèo, bảo vệ bầu khí quyển, đại dương, đa dạng sinh
học và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Đạt được phát triển bền vững trong thế kỷ 21 là mục tiêu chủ đạo của Chương trình Nghị
sự 21 . “Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng
không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau”. Phát triển bền vững là
quá trình phát triển có sự kết hợp hài hoà ba mặt của sự phát triển gồm phát triển kinh tế, phát
triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Ngày 17 tháng 8 năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ban
hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21
của Việt Nam).

Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam là một chiến lược khung bao gồm
những định hướng lớn làm cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá
nhân có liên quan triển khai thực hiện và phối hợp hành động nhằm bảo đảm phát triển bền
vững đất nước trong thế kỷ 21.

Sau gần 20 năm đổi mới, nước ta đã có bước phát triển khá vững chắc; tốc độ tăng trưởng
kinh tế bình quân trên 7%/năm; tỷ lệ nghèo đói giảm dần; hàng năm giải quyết việc làm
cho hơn một triệu lao động; đời sống người dân từng bước được cải thiện. Song, cũng như
nhiều nước đang phát triển khác trên thế giới, nước ta đang đứng trước nhiều vấn đề cấp bách
về môi trường, Tài nguyên rừng, đất, nước, khoáng sản, hải sản đang bị suy thoái. Nhiều giống
cây, con quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng. Không khí, nước, đất ở nhiều vùng đô
thị và công nghiệp bị ô nhiễm nặng. Hậu quả kéo dài của chiến tranh tiếp tục gây tác hại đối
sức khoẻ con người và môi trường. Tỷ lệ nghèo đói còn 12,4%, khoảng cách giữa giàu và
nghèo ngày một xa…

Năm 1986, với sự hợp tác của các chuyên gia Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN),
các nhà khoa học Việt Nam đã soạn thảo Chiến lược quốc gia bảo tồn thiên nhiên. Tháng 12
năm 1990, Chính phủ Việt Nam và Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức
hội thảo quốc tế về môi trường và phát triển ở Việt Nam. Dựa trên kết quả của hội thảo, một kế
hoạch hành động quốc gia đã được đề xuất nhằm ứng phó với các thách thức về môi
trường ở nước ta hiện nay. Phát triển bền vững là phương hướng cơ bản mà chiến lược và
kế hoạch hành động đã kiến nghị.

Theo chiến lược và kế hoạch hành động thì phát triển bền vững ở Việt Nam có mục đích như
sau:

- Thoả mãn nhu cầu về đời sống vật chất, tinh thần, văn hoá của toàn thể nhân dân Việt
Nam thuộc thế hệ hiện nay và những thế hệ mai sau bằng việc quản lý hợp lý tài nguyên thiên
nhiên và tài nguyên con người của đất nước.

- Từng bước giảm dần tỷ lệ nghèo đói, giảm bớt khoảng cách giữa các tầng lớp dân cư.

- Xác định và hình thành các chính sách, kế hoạch hành động, cấu trúc các thể chế nhằm
bảo đảm việc duy trì tính bền vững của tài nguyên thiên nhiên sẽ được gắn bó với mọi mặt
của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chiến lược và kế hoạch hành động có những mục tiêu cụ thể sau:

- Duy trì các hệ sinh thái quan trọng và lấy các hệ sinh thái làm cơ sở cho cuộc sống và hoạt
động sản xuất của con người; bảo vệ tài sản sinh vật và tính đa dạng của giống loài hoang dã
hoặc nuôi trồng có lợi ích trước mắt hoặc lâu dài.

- Bảo đảm việc sử dụng lâu bền tài nguyên thiên nhiên bằng việc quản lý quy mô, cường độ và
phương thức sử dụng.

- Bảo đảm chất lượng chung của môi trường cần thiết cho cuộc sống tốt đẹp của con người.

- Thực hiện các chính sách thích hợp về dân số - kế hoạch hoá gia đình, duy trì mức sinh thay
thế.

Tư tưởng “phát triển bền vững” hiện nay đã được hầu hết các nước trên thế giới chấp nhận.
Hội đồng thế giới về môi trường và phát triển (WCED) đã đề xuất các nguyên tắc của phát
triển bền vững với nội dung cụ thể như sau:

+ Hạn chế tác động của con người tới sinh quyển ở mức độ nằm trong phạm vi “chịu tải” của nó.

+ Duy trì kho tài nguyên sinh học.

+ Sử dụng tài nguyên không tái tạo được với cường độ ở dưới khả năng tạo nên các chất
thay thế tái tạo được.

+ Thực hiện việc phân bố công bằng lợi ích, chi phí sử dụng tài nguyên và quản lý môi
trường.

+ Khuyến khích các công nghệ tăng thêm được lợi ích từ một khối lượng tài nguyên nhất định.

+ Sử dụng các chính sách kinh tế để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

+ Chấp nhận sự tham gia liên ngành trong quá trình ra quyết định.

+ Khuyến khích và hỗ trợ việc phát triển các giá trị văn hoá phù hợp với tư tưởng phát triển
bền vững.

Để thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam đã đưa ra 8 nguyên tắc:

1. Con người là trung tâm của phát triển bền vững. Đáp ứng ngày càng đầu đủ hơn nhu cầu
vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công
bằng, dân chủ và văn minh là nguyên tắc quán triệt nhất quán trong mọi giai đoạn phát triển.

2. Coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm của giai đoạn phát triển sắp tới, bảo
đảm an ninh lương thực, năng lượng để phát triển bền vững, bảo đảm vệ sinh an toàn
thực phẩm cho nhân dân; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà với phát triển xã hội; khai thác hợp
lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong giới hạn cho phép về mặt sinh thái
và bảo vệ môi trường lâu bền. Từng bước thực hiện nguyên tắc “mọi mặt: kinh tế, xã hội và môi
trường đều cùng có lợi”.

3. Bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường phải được coi là một yếu tố không thể tách rời
của quá trình phát triển. Cần áp dụng rộng rãi nguyên tắc “người gây thiệt hại đối với tài nguyên
và môi trường thì phải bồi hoàn, coi yêu cầu về bảo vệ môi trường là một tiêu chí quan trọng
trong đánh giá phát triển bền vững.

4. Quá trình phát triển phải bảo đảm đáp ứng một cách công bằng nhu cầu của thế hệ
hiện tại và không gây trở ngại tới cuộc sống của các thế hệ tương lai. Tạo lập điều kiện để mọi
người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận với
những nguồn lực chung và được phân phối công bằng những lợi ích công cộng, tạo ra
những nền tảng vật chất, tri thức và văn hoá tốt đẹp cho những thế hệ mai sau, sử
dụng tiết kiệm những tài nguyên không thể tái tạo lại được; phát triển hệ thống sản xuất
sạch và thân thiện với môi trường.

5. Khoa học và công nghệ là nền tảng và động lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thúc
đẩy phát triển bền vững nhanh, mạnh và bền vững đất nước.

6. Phát triển bền vững là sự nghiệp của toàn Đảng, các cấp chính quyền, các bộ, ngành và
địa phương; của các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, các cộng đồng dân cư và mọi
người dân.

7. Gắn chặt việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế
để phát triển bền vững đất nước.

8. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường với bảo
đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

9. Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam đã khẳng định vai trò lãnh
đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong việc tổ chức thực hiện chiến lược; đồng thời,
khẳng định: Phát triển bền vững là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, vì vậy cần huy động
toàn Đảng, toàn dân, nhất là các nhóm xã hội chính (phụ nữ, thanh, thiếu niên, nông dân, công
nhân và công đoàn, các nhà doanh nghiệp, đồng bào các dân tộc ít người, giới tri thức, các nhà
khoa học) tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện các chương trình phát triển bền vững
của các bộ, ngành và địa phương. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam phải chủ động, tích cực
tham gia hợp tác với các nước khác và các tổ chức quốc tế về phát triển bền vững, đồng
thời đưa ra những giải pháp phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ tài nguyên, môi trường
sinh thái một cách cụ thể:

+ Nhà nước cần xác lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế đất nước dưới hình thức các dự án
phát triển cụ thể và giao cho các ngành, địa phương quản lý. Các dự án được xem xét cùng
với chiến lược phát triển bền vững và bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái.

+ Đầu tư để từng bước thay đổi trang thiết bị kỹ thuật lạc hậu thải ra nhiều chất khí và bụi gây
độc hại cho con người và gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường đầu tư phát triển nguồn năng
lượng sạch, công nghiệp sạch, công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp thay thế các loại
hoá chất độc hại.

+ Hoàn chỉnh hệ thống pháp lý và đổi mới tổ chức quản lý nhằm nâng cao hiệu lực quản
lý nhà nước về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái.

+ Tăng cường giáo dục ý thức công dân trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, đưa giáo dục
môi trường vào chương trình giảng dạy chính thức trong các trường từ phổ thông cơ sở trở lên.
+ Thực hiện tốt nhất chương trình dân số - kế hoạch hoá gia đình để nhanh chóng đạt được
mức sinh thay thế.

Cao Thị Ngọc Thuý

You might also like