You are on page 1of 5

Giải pháp và chính sách về di dân, phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh miền núi phía Bắc

http://giadinh.net.vn/html/site/df475062745b8a43ab70f38ab5faf828.html?column=149&direct=455c6d31e7e5e49f8dea243641ca29f2&lang=Vn&nID=290

TS Ngô Thị Ngọc Anh và Hoàng Thị Tây Ninh thuộc Vụ Gia đình - Uỷ ban DSGĐTE có bài viết về tình trạng
di dân tự do ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đề xuất các giải pháp, chính sách giải quyết. Giadinh.net xin giới
thiệu nguyên văn bài viết này.

Ở nước ta, hiện tượng di dân xuất hiện và tồn tại trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước. Đó là một quá trình khách quan và
kéo theo nó là hàng loạt các vấn đề xã hội mới và phức tạp. Di dân có hai dạng chủ yếu: Di dân có tổ chức và di dân tự do.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chủ yếu đề cập hình thức di dân tự do và ảnh hưởng của nó, đặc biệt chú trọng đến các
giải pháp và chính sách về di dân và phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

1. Di dân có tổ chức
Thời kì 1961 - 1998, Nhà nước đã tổ chức di cư phát triển kinh tế, đưa đồng bào đồng bằng, thành phố đi xây dựng vùng kinh
tế mới ở trung du, miền núi, biên giới, hải đảo. Trong 27 năm đã di chuyển được trên 1.368.641 nhân khẩu, trong đó di cư nội
tỉnh 702.761 hộ, 3.342.253 khẩu, ngoại tỉnh 665.930 hộ, 2.809.373 khẩu. Luồng di dân chủ yếu trong giai đoạn này là di dân
nông thôn đến nông thôn, từ các tỉnh đông dân thiếu đất đai, thiếu lương thực đến các tỉnh còn nhiều đất hoang hóa nhằm tạo
điều kiện cho những người nông dân có cơ hội tiếp cận các nguồn lực như đất đai, vốn, cơ sở hạ tầng thuận lợi để có công ăn
việc làm và nguồn thu nhập. Di cư có kế hoạch trong những năm qua đã đem lại những kết quả đáng kể:
- Làm giảm sức ép dân số, việc làm ở một số tỉnh đồng bằng vốn thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm; là một trong số những giải
pháp phân bố lao động.
- Góp phần tích cực khai thác đất đai, phát triển vùng kinh tế mới, tạo thành nhiều vùng sản xuất tập trung lớn, thúc đẩy tăng
trưởng kinh tế nông nghiệp, tạo nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị.
- Xây dựng vùng kinh tế mới, hình thành một hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân, như
đường, điện, thủy lợi, trường học, y tế....
- Xây dựng vùng kinh tế mới ở các vùng núi, biên giới, hải đảo, tăng cường khả năng an ninh quốc phòng cho đất nước.

2. Di dân tự do Di dân tự do giữa vùng nông thôn này đến vùng nông thôn khác, là dòng di cư không do Nhà nước tổ
chức, nó diễn ra đồng thời với di dân có tổ chức, thời kì đầu thì quy mô nhỏ và tăng dần ở thời kì sau. Dòng di dân tự do hướng
nông thôn – nông thôn diễn ra trong nội bộ từng huyện, từng tỉnh và một phần tới các tỉnh xa theo hướng Bắc – Nam, trong đó
chủ yếu dân đi từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên. Số dân di cư tự do gồm nhiều dân tộc, người Kinh ở đồng bằng
chiếm khoảng 50%, các dân tộc ít người như Nùng, Tày, Mông, Dao... ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh... chiếm khoảng từ
30 - 35%, còn lại các dân tộc khác không đáng kể.
Di cư tự do không chỉ diễn ra theo hướng Bắc - Nam mà ngay trong nội vùng miền núi trung du Bắc Bộ, số dân di cư tự do
cũng diễn ra khá mạnh. Hàng vạn đồng bào Mông ở các tỉnh biên giới Việt - Trung (Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng...) trong
thời gian chiến tranh biên giới phía Bắc đã di cư nội vùng và một số các tỉnh lân cận ở biên giới Việt - Lào. Những năm gần
đây, do sản xuất và đời sống của đồng bào ngày càng khó khăn, nên đã có hàng ngàn người di cư ồ ạt vào các vùng rừng đầu
nguồn, rừng cấm thuộc Chợ Đồn (Bắc Thái), Sơn Dương (Tuyên Quang), Quan Hóa (Thanh Hóa)... phá hàng trăm mẫu rừng
làm nương rẫy, gây mất ổn định về an ninh xã hội, phá vỡ kế hoạch, quy hoạch bảo vệ rừng cũng như kế hoạch phát triển kinh
tế - xã hội của địa phương nơi đến.
Số lượng dân di cư tự do là dân tộc ít người tuy chỉ chiếm 43,2% dân số, nhưng nếu so với tổng số dân các dân tộc ít người thì
lại là một con số lớn, vì họ chỉ chiếm 13,2% dân số cả nước. Di cư tự do ở các dân tộc ít người có những nét đặc thù, khác với
di cư tự do nói chung.

3. Những ảnh hưởng của di dân tự do Qua phân tích số liệu điều tra thực trạng di dân ở Việt Nam nói chung, tại
các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng và nghiên cứu xu thế phát triển của hình thức di dân diễn ra trong hơn ba thập kỉ qua, có
thể nhận thấy những ảnh hưởng của di dân tự do như sau:

3.1. Mặt tích cực Di dân góp phần phân bố lại lao động dân cư một cách tự nguyện, mở các điểm kinh tế mới ở các
vùng cao, vùng sâu, vùng xa, thúc đẩy kinh tế địa phương (nơi có dân nhập cư) phát triển.
Dân di cư tự do đã tạo cơ hội việc làm cho họ và phần đông số hộ đã có nguồn thu nhập cao hơn so với nơi ở cũ. Trong 12 chỉ
tiêu so sánh giữa nơi ở cũ và nơi ở mới chỉ có hai chỉ tiêu là việc làm và thu nhập tại nơi ở mới được đánh giá là tốt hơn; các
chỉ tiêu khác như nhà ở, tiện nghi sinh hoạt, điều kiện học hành con cái, y tế, giao thông, mua bán, thông tin liên lạc là kém
hơn hoặc bằng nơi ở cũ.
Di dân tạo cơ hội tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống gia đình và giảm đói nghèo ở các vùng nông thôn có thu nhập
thấp. Ngoài ra, dân di cư tự do đã cung cấp cho một lực lượng lao động làm thuê cho các nông – lâm trường địa phương trong
những lúc vào đúng thời vụ (thu hái cà phê, cao su, chè, xây lắp điện...). Di dân tự do nhập cư đến địa phương nào thì họ đã
tham gia tích cực vào thị trường lao động tại các địa phương đó.
Đối với nơi có dân đi, các đối tượng di cư để lại một số diện tích đất canh tác, vườn cây cho những người ở lại sản xuất tạo
thêm cơ hội việc làm cho người dân ở lại địa phương, giảm sức ép về dân số đối với các vùng "đất chật người đông". Một số
dân di cư tự làm ăn khá đã góp phần giải quyết khó khăn về kinh tế cho gia đình, bà con thân thích ở quê cũ (điển hình là dân
di cư tự do của Cao Bằng, Thái Bình, Nghệ An đi các tỉnh phía Nam).
Về mặt xã hội, di dân tự do còn góp phần tích cực đưa thêm ngành nghề đến nơi nhập cư; góp phần thực hiện các chính sách
và nghĩa vụ công dân như thuế nông nghiệp, nghĩa vụ quân sự và thực hiện đóng góp xây dựng địa phương mới nhập cư.

3.2. Mặt tiêu cực Song song với những mặt tích cực thì di dân tự do cũng làm nảy sinh những mặt tiêu cực cho đời sống xã
hội của đất nước. Di dân tự do làm tăng dân số một cách đột biến, khai phá rừng bừa bãi, làm suy thoái vốn rừng; làm
quá tải sử dụng các công trình hạ tầng cơ sở, kĩ thuật, nhà ở; làm trầm trọng hơn môi trường sinh thái và mĩ quan đô thị.
Trong mấy chục năm qua, rừng của Việt Nam bị suy giảm nghiêm trọng, mỗi năm mất từ 18 đến 20 vạn ha. Diện tích đất trống
đồi trọc lên tới gần 11 triệu ha (chiếm 1/3 diện tích tự nhiên của cả nước). Chính luồng di dân tự do là một trong những bộ
phận hợp thành quan trọng làm hàng vạn hécta rừng bị phá. Một bộ phận những người di dân tự do do không có đất dựng nhà
nên đã phá rừng, đốt rẫy, lấy gỗ để dựng nhà, khiến cho diện tích rừng bị thu hẹp, nhiều vùng đất đai bị thoái hóa trầm trọng.

Nghị định 14/CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lí bảo vệ rừng gần như không thể thực
hiện được, mặc dù thực tế trên địa bàn miền núi phía Bắc, 100% số dân di cư tự do đều chặt phá rừng. Việc đảm bảo thực thi
pháp luật, yêu cầu các đối tượng vi phạm chấp hành xử phạt gặp không ít khó khăn do đời sống của các đối tượng này rất thiếu
thốn, bản thân họ chỉ có sức lao động đơn thuần và họ sống bằng cách khai phá rừng để canh tác, duy trì cuộc sống. Tuy vậy,
cũng cần phải khẳng định rằng, nạn phá rừng không chỉ do cộng đồng dân cư di dân tự do gây ra mà còn có cả di dân có tổ
chức, dân bản xứ, cả các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân cùng khai thác gỗ bừa bãi, không theo quy hoạch. Đây cũng là
một trong những điều kiện góp phần không nhỏ làm suy thoái môi trường sinh thái.
Ngoài ra, một số dân tộc ít người ở miền núi phía Bắc di cư tự do hoặc một bộ phận người bản địa canh tác theo kiểu phát đốt,
chọc tỉa trên đất dốc nên đã làm cho đất bị rửa trôi mạnh và nhanh chóng trở nên cằn cỗi, bạc màu. Sau vài năm canh tác khi
thấy đất đã cằn cỗi, họ lại tiếp tục khai phá những vùng đất mới, hậu quả là diện tích đất trống, đồi núi trọc tăng nhanh.

Di dân tự do ngoài kế hoạch làm đời sống nhân dân ở nhiều vùng định cư gặp nhiều khó khăn, còn tạo thêm gánh nặng cho địa
phương (nơi nhập cư) trong việc đầu tư thêm cơ sở hạ tầng ở các vùng đất mới. Di dân tự do còn làm nảy sinh một số vấn đề
xã hội phức tạp như mất trật tự an ninh, xung đột giữa người di dân và người địa phương; nạn cờ bạc, nghiện hút, mại dâm...
Đa số những người di dân tự do không đăng kí hộ khẩu, kể cả hộ khẩu tạm trú nên địa phương nơi cư trú rất khó nắm bắt hoạt
động của họ khi có những vi phạm về trật tự an ninh xảy ra.
Di dân tự do đến các vùng đất mới cùng với việc tăng dân số tự nhiên làm tăng đột biến nhu cầu các dịch vụ xã hội, vượt khả
năng đáp ứng hiện có ở địa phương, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh vốn đã thiếu lại càng thiếu thốn thêm. Do vậy, tỉ lệ phụ nữ
mắc bệnh phụ khoa và tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng rất cao; thiếu phương tiện tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân trong
thực hiện kế hoạch gia đình.
Có thể nói, dòng di cư tự do ồ ạt đến các địa phương chưa có quy hoạch ổn định trong mấy chục năm qua đã gây ra những bất
cập, tiêu cực cho các vùng nhập cư. Do chúng ta chưa có chủ trương và việc thực hiện chưa nhất quán, trong quản lí còn nhiều
thủ tục rườm rà, chưa có chính sách kinh tế - xã hội ổn định nên vẫn chưa khắc phục triệt để những tiêu cực do di cư tự do gây
ra. Vì vậy, việc xây dựng các giải pháp đồng bộ, kịp thời nhằm hạn chế những tiêu cực do di dân tự do mang lại là một việc
làm cấp thiết hiện nay.

4. Giải pháp và chính sách


Để có được một hệ thống giải pháp hợp lí cần thống nhất các quan điểm, hướng tới việc lựa chọn các giải pháp thích hợp.
Thứ nhất, di cư là tất yếu trong quá trình phát triển và chịu tác động của quy luật kinh tế; di dân có những mặt tích cực và tiêu
cực, vì vậy, các chính sách của Nhà nước phải hướng tới mục tiêu tăng cường công tác quản lí Nhà nước về di dân để phát huy
triệt để mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của di dân, đặc biệt là di dân tự do. Di dân là một vấn đề lớn đòi hỏi phải có một
hệ thống chính sách, giải pháp đồng bộ, phải có sự phân công trách nhiệm cụ thể giữa các bộ, ngành từ trung ương đến địa
phương.
Thứ hai, nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc chuyển nền kinh tế nông nghiệp
sang nền kinh tế công nghiệp đã tác động mạnh mẽ đến sự biến động của dân số trên địa bàn nông thôn và thành thị, dẫn đến
sự thay đổi về cơ cấu dân số giữa các khu vực lãnh thổ và khu vực kinh tế.
Ở các vùng nông thôn, nơi có gần 80% dân số cả nước, trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn,
khan hiếm về việc làm phi nông nghiệp... tác động mạnh mẽ đến tính bền vững của các vùng định cư và cuộc sống con người.
Các khu vực kinh tế hiện đại ở các vùng đô thị ngày càng có sức thu hút mạnh dân cư ở vùng nông thôn.
Thứ ba, nước ta còn ở trình độ phát triển thấp, lại mới chuyển đổi nền kinh tế nên sự vận động của các thành tố thị trường cũng
chưa hoàn toàn theo quỹ đạo và phù hợp với quy luật. Nhà nước cần quản lí bằng cả kế hoạch, sử dụng pháp luật, chính sách
và định hướng điều hành.
Những quan điểm trên là cơ sở để xây dựng một số giải pháp nhằm giải quyết tình hình dân di cư tự do.

4.1 Giải pháp trước mắt

4.1.1. Đối với Nhà nước. Nhà nước cần cụ thể hóa đường lối và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong Văn kiện Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam "...Phân bố dân cư hợp lí giữa các vùng, từng bước nâng cao chất
lượng dân số, chất lượng cuộc sống của các tầng lớp dân cư, hạn chế việc mở rộng chênh lệch mức sống giữa các tầng lớp dân
cư và các nhóm xã hội khác nhau...". Trên cơ sở đó, cần thực hiện tốt những chính sách sau nhằm ổn định dân di cư:

- Chính sách đất đai. Tùy điều kiện quỹ đất từng vùng, Chính phủ cần có hướng dẫn việc phân cấp cho chính quyền địa phương
giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phù hợp (đất thổ cư, trồng cây lương thực, thực phẩm và trồng rừng);
- Chính sách đầu tư. Nhà nước cần tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng theo các dự án ổn định dân di cư, phù hợp với kế hoạch phát
triển dân số của địa phương. Trong thời kì 2001 - 2010, cần triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc
gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Chính sách vay vốn. Thực hiện tốt chính sách cho vay vốn, hỗ trợ dân di cư để ổn định đời sống và phát triển sản xuất. Hiện
nay, các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc đã có một số ưu tiên nhất định, được đầu tư thông qua một số các chương trình,
dự án phát triển; người dân nghèo được vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Ngoài việc duy trì và tiếp tục đầu tư, thực hiện tốt
các chính sách cho vay vốn, cần tập trung hỗ trợ để dân di cư ổn định cuộc sống, cung cấp các kiến thức, kĩ năng phát triển sản
xuất, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng…
- Đảm bảo quyền cư trú hợp pháp cho người dân di cư, xây dựng và ban hành các chính sách, quy định cụ thể nhằm đảm bảo
quyền cư trú hợp pháp cho các đối tượng di cư, giúp họ thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ công dân theo đúng quy định của
pháp luật.
- Chỉ đạo các bộ, ngành có các giải pháp cụ thể thông qua các chương trình, dự án để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho
đồng bào các dân tộc ít người, thu hút các luồng di cư vào kế hoạch.

4.1.2. Đối với địa phương- nơi có dân di cư tự do nhập cư

- Kịp thời tổ chức điều tra, nắm chắc số lượng dân nhập cư, phân loại thành phần dân tộc, tập quán canh tác, sinh hoạt, mức
sống... làm cơ sở lập kế hoạch để ổn định cuộc sống cho từng đối tượng di cư, nhất là đối tượng là dân tộc thiểu số....
- Đại bộ phận dân di cư là người nghèo, nên địa phương có dân đến cần chủ động sắp xếp theo quy hoạch, nhập hộ khẩu, giải
quyết đất đai để đồng bào nhanh chóng hòa nhập được với cộng đồng, làm ăn sinh sống, gây dựng khối đoàn kết dân tộc và
đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
- Xác định rõ diện tích, ranh giới cụ thể trên thực địa đất của từng hộ gia đình (phần được cấp, phần mua và tự khai phá) để
hợp thức hóa quyền sử dụng ruộng đất, giúp họ sớm ổn định cuộc sống.
- Xác định diện tích đất lâm nghiệp và đất lâm nghiệp được chuyển thành đất nông nghiệp để có biện pháp hướng họ sử dụng
đúng mục đích theo quy hoạch của vùng. Cần quy định bắt buộc phải giữ những diện tích cây rừng, cây lâu năm và sẵn có trên
những vùng canh tác cây ngắn ngày.
- Chính quyền sở tại kết hợp việc hợp thức hóa giao quyền sử dụng đất và vận động, sắp xếp họ vào vùng quy hoạch để tiện
việc quản lí và giúp họ có điều kiện an tâm sản xuất và nhanh chóng ổn định cuộc sống trên quê hương mới.
- Kết hợp với các cơ quan chức năng và các tỉnh có dân xuất cư, rà soát, phân loại số hộ di cư mới để giải quyết đăng kí hộ
khẩu chính thức cho những hộ có nguyện vọng chính đáng làm ăn lâu dài, là người lương thiện, chấp hành nghiêm chỉnh pháp
luật. Qua đó kiên quyết xử lí những phần tử xấu, xóa nạn nghiện hút, cờ bạc và các tệ nạn xã hội khác.
- Hỗ trợ kinh phí đầu tư và vốn vay lãi thấp để địa phương sớm ổn định cuộc sống của họ; hỗ trợ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng
cho các xã có dân di cư tự do.

4.1.3. Đối với tỉnh có dân xuất cư

- Cần thực hiện tốt Quyết định số 138/2000/ QĐ TTg về việc hợp nhất dự án định canh định cư, dự án hỗ trợ dân tộc đặc biệt
khó khăn, chương trình xây dựng Trung tâm cụm xã miền núi, vùng cao vào chương trình phát triển kinh tế, xã hội các xã đặc
biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa. Các tỉnh miền núi phía Bắc cần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xóa
đói giảm nghèo và việc làm theo Quyết định 71/2000/ QĐ TTg, trong đó đặc biệt là xây dựng sơ đồ tổng quan về đất đai, dân
số, lao động và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
- Về lâu dài phải có hệ thống đồng bộ các biện pháp tạo điều kiện cho dân cư nâng cao đời sống vật chất, tinh thần để họ an
tâm định cư tại quê cũ. Có kế hoạch hỗ trợ vốn vay và làm tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng,
làm kinh tế vườn, rừng.
- Cùng với địa phương có dân nhập cư, giải quyết mọi thủ tục để số dân di cư tự do là người lao động làm ăn chính đáng được
đăng kí hộ khẩu.
- Cần có các biện pháp cụ thể, phối hợp với các tỉnh có dân nhập cư, trợ giúp đồng bào di cư của tỉnh mình từng bước khắc
phục khó khăn, ổn định cuộc sống, thể hiện sự cùng gánh vác trách nhiệm. Căn cứ vào số lượng, tình trạng dân di cư tự do đã
ra đi, các địa phương có dân xuất cư cần trích lại một phần trợ cấp xã hội, hỗ trợ về y tế, giáo dục... chuyển cho địa phương nơi
dân đến.
- Nắm chắc tình hình các địa bàn có số đông hộ dân cư có ý định ra đi để có những giải pháp ngăn chặn hữu hiệu, như tuyên
truyền giải thích về chính sách của Đảng và Nhà nước về các chương trình định canh, định cư; trợ giúp cần thiết trong sản xuất
và đời sống, cho vay vốn từ quỹ xóa đói giảm nghèo, hướng dẫn kĩ thuật, làm tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, giúp họ
phát triển sản xuất để sớm ổn định cuộc sống, duy trì cuộc sống ở quê cũ hoặc di cư có tổ chức.
- Phân loại đối tượng để có những giải pháp thích hợp: Số hộ dân tộc vùng sâu, vùng xa, quen sống du canh du cư phá rừng
làm rẫy thì vận động họ định cư, định canh, cần thiết phải có dự án và triển khai ngay. Đầu tư đồng bộ và dứt điểm để sớm
ngăn chặn dòng di dân của các tỉnh miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.
Tích cực phát triển kinh tế địa phương, thực hiện các chương trình kinh tế, tạo điều kiện để nông dân có tư liệu sản xuất và
kinh phí để ổn định cuộc sống tại nơi cư trú.

4.2. Các giải pháp định hướng

Để điều chỉnh và quản lí tốt cả hai luồng di cư (có tổ chức và tự do), cần tiến hành một số công việc quan trọng sau đây:

- Quy hoạch và xây dựng vùng định cư


Trong kế hoạch, từ nay đến 2010, cần ưu tiên cho các dự án định cư định canh sau đây:

Ưu tiên định canh định cư cho số dân di cư tự do đã vào khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và một số tỉnh khác từ 1991
đến nay. Định canh định cư ở các cụm điểm xã (khoảng 300 cụm) ở khu vực biên giới Việt - Lào, Việt - Trung ở vùng cao,
vùng rừng phòng hộ ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình (là những nơi có nhiều
khó khăn) để ổn định sản xuất và đời sống cho số đồng bào dân tộc thiểu số, ngăn chặn dòng di cư tự do.

Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và trước hết là cơ cấu kinh tế nông nghiệp-nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa,
công nghiệp hóa và hiện đại hóa, tạo thêm việc làm ở nông thôn, tăng thu thập cho các tầng lớp dân cư, xóa đói giảm nghèo
trên từng vùng lãnh thổ là giải pháp có tính quyết định để phân bố lao động dân cư và ngăn chặn có hiệu quả dòng di cư tự do.

- Thực hiện đồng bộ các chính sách kinh tế-xã hội

- Chính sách di cư cần thống nhất với chương trình lập kế hoạch phát triển đất nước. Hướng di cư không xây dựng một cách
riêng rẽ, vì sự phức tạp của những nhân tố quyết định và các tác động hệ quả của nó.

- Muốn giảm di cư nông thôn - thành thị, cần phải thực hiện đồng bộ các việc: Giảm các yếu tố "đẩy" tại các vùng nông thôn
bằng cách phát triển nông thôn và các chương trình tăng thu nhập khác; làm giảm các yếu tố "kéo" của các khu đô thị và các
vùng ngoại ô thông qua phi tập trung hóa đầu tư công nghiệp và dịch vụ.

- Để công nghiệp hóa nông thôn vững mạnh cần có các động lực khuyến khích các ngành công nghiệp và các dịch vụ đi kèm,
và đặt tại các khu vực nông thôn. Đẩy mạnh việc đầu tư bằng cách xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng xã hội, các cơ sở giáo dục
và đào tạo để các ngành công nghiệp tuyển dụng được lao động địa phương có tay nghề cao.

5. Một số bài học kinh nghiệm

5.1. Nhà nước, các địa phương có dân di cư và nhập cư cần tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt tập trung cho các khu vực
miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn... nhằm từng bước giúp người dân tại địa phương ổn định đời sống, phát triển kinh
tế gia đình ngay trên mảnh đất quê hương.
5.2. Cả địa phương nơi đến và nơi đi cần kịp thời nắm chắc số lượng dân xuất cư, nhập cư, phân loại thành phần dân tộc, tập
quán canh tác, sinh hoạt, mức sống... làm cơ sở cho việc lập kế hoạch để ổn định cuộc sống cho từng đối tượng di cư, đặc biệt
các đối tượng dân tộc thiểu số....

5.3. Đảm bảo quyền cư trú hợp pháp cho người dân di cư. Cần tập trung quản lí việc đăng kí và quản lí nhân khẩu, hộ khẩu đối
với dân di cư. Vì nếu thiếu các thủ tục quản lý nhân sự hợp pháp sẽ tạo nhiều khó khăn cho việc áp dụng, thực hiện các chương
trình, chính sách đầu tư phát triển.

* *

Nói tóm lại, di dân tự do nói chung là một hiện tượng có tính khách quan, tất yếu. Các dòng di dân này, về bản chất chịu tác
động mạnh hơn của “lực đẩy” từ nơi đi như điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu việc làm hoặc không có việc làm. Do vậy, bất kì
một chính sách nào nhằm điều tiết di dân, trước hết cần nhằm giải quyết các yếu tố thuộc “lực đẩy” ở các vùng nông thôn
nghèo. Các chính sách phát triển nông thôn là một trong các giải pháp tốt nhất để giữ dân và điều chỉnh hợp lí các luồng di dân
tới các đô thị. Đồng thời, cần có các giải pháp phù hợp để quản lí và hỗ trợ người nhập cư ổn định và phát triển cuộc sống trên
cơ sở đảm bảo quyền tự do cư trú, tìm việc làm và quyền bình đẳng trong hưởng thụ phúc lợi xã hội cũng như trách nhiệm của
người di dân trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và cộng đồng.

Di dân là hiện tượng liên quan đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Cần nhìn nhận hiện tượng này dưới cả hai góc độ
tích cực và tiêu cực, từ đó có cơ chế, chính sách phù hợp để hạn chế các mặt tiêu cực và thúc đẩy các mặt tích cực của hiện
tượng này.

TS Ngô Thị Ngọc Anh - Hoàng Thị Tây Ninh (Vụ Gia đình - Uỷ ban DSGĐTE)

Tài liệu tham khảo

1. Báo cáo tình hình di cư tự do, chủ trương và giải pháp khắc phục trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông
thôn. H. 10/1998.
2. Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu di cư nội địa, Cục định canh định cư và phát triển vùng kinh tế mới, Dự án VIE/95/004,
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. H, 1998.
3. Kiến nghị về đổi mới chính sách di cư giai đoạn 1999 - 2010, Cục định canh định cư và phát triển vùng kinh tế mới, Dự án
VIE/95/004, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. H, 1998.
4. Di cư tự do của một số dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc vào Đắc Lắc từ năm 1975 đến nay, Ủy ban Dân số - Kế hoạch hóa
gia đình. Nguyễn Bá Thủy (Chủ nhiệm đề tài). H, 2001.
5. Động lực di cư nội địa ở Việt Nam (sách dịch), Philip Guest. NXB Nông nghiệp, H, 1998.
6. Báo cáo về di cư tự do ở miền núi Việt Nam (báo cáo tóm tắt). Trung tâm Dân số Lao động và xã hội, Ủy ban Dân tộc và
miền núi. H, 1996.
7. Tóm tắt đề án: Tổng quan định canh định cư đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi Việt Nam thời kỳ 1998 - 2000 (tài liệu
hội thảo), Viện kinh tế nông nghiệp và Cục định canh định cư và vùng kinh tế mới, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
H, 2000.
8. Nghiên cứu đề xuất một số chính sách đặc thù nhằm phát triển kinh tế - xã hội nông thôn vùng cao của các tỉnh miền núi
phía Bắc. Viện kinh tế nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. H. 12/1999.
9. Tư liệu kinh tế - xã hội 631 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Việt Nam, NXB Thống kê, H, 2002.

(Theo Tạp chí Gia Đình & Trẻ Em)

You might also like