You are on page 1of 22

Văn hóa Đông Sơn - 85 Năm phát hiện và nghiên cứu

Nguyễn Quốc Bình (9/5/2009) (Doremon360 bổ sung thêm tư liệu và hình ảnh)
Văn hoá Đông Sơn được đặt tên theo di tích khảo cổ Đông Sơn tìm được năm 1924 ở xã
Đông Sơn thuộc vùng sông Mã, tỉnh Thanh Hoá, Việt Nam.
Những cuộc khai quật Đông Sơn đầu tiên được tiến hành từ năm 1924 đến năm 1932 dưới
sự điều khiển của L. Pajot, một viên chức thuế quan và cũng là người sưu tầm cổ vật ở Thanh Hoá.
Trong bản báo cáo năm 1929 về các chuyến khai quật kể trên, ông V. Goloubew, một học giả Pháp
thuộc trường Viễn Đông Bác cổ, đã mệnh danh đó là: "Thời đại đồng thau ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ"
để ám chỉ nền văn hoá khảo cổ mới được khám phá này. Thuật ngữ “Văn hóa Đông Sơn” được nhà
khảo cổ học người Áo R. Heine - Geldern đề xuất lần đầu tiên năm 1934.

Đèn đồng Đông Sơn.


Công cuộc nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam từ năm 1954 đến nay đã xác định được rõ ràng
Văn hoá Đông Sơn là nền văn hoá thuộc sơ kỳ thời đại đồ sắt, tồn tại khoảng gần một thiên niên kỷ,
từ thế kỷ VIII trước Công Nguyên đến thế kỷ thứ I sau Công Nguyên. Tuy nhiên ở nhiều nơi thuộc
khu vực nền văn hoá này còn có thể kéo dài tới thế kỷ II - III sau Công Nguyên.
Văn hoá Đông Sơn ra đời là kết quả của sự hội tụ của nhiều văn hoá rực rỡ trước văn hoá
Đông Sơn thuộc thời đại đồng thau trong quá trình chiếm lĩnh vùng đồng bằng các con sông lớn ở
miền Bắc Việt Nam, chủ yếu là lưu vực sông Hồng. Phạm vi phân bố của nền văn hoá Đông Sơn
trên cơ bản là trong phạm vi ở miền bắc Việt Nam. Sự ra đời của kỹ thuật đồ sắt của thời kỳ này đã
giúp cho kỹ thuật luyện đồng thau được hoàn thiện, đồ đồng thau Đông Sơn phát triển rực rỡ.

Trống đồng Đông Sơn ghi dấu khắp nơi tại Đông Nam Á.

Có khoảng 500 di tích đã được biết đến của văn hoá Đông Sơn hiện tồn tại ở Việt Nam, từ
biên giới của Việt Nam với Trung Quốc về phía Bắc; với Lào ở phía Tây; và tỉnh Quảng Bình ở phía
Nam. Trong đó bao gồm đủ các di tích khảo cổ tiêu biểu như các di chỉ cư trú; di tích mộ táng; di chỉ -
di tích cư trú - mộ táng; di tích xưởng, di chỉ - di tích cư trú - xưởng; và nhiều nhất là các di tích tìm
thấy hiện vật lẻ tẻ. Tỉnh phát hiện được nhiều di tích nhất là Thanh Hoá, với 80 địa điểm. Vùng đồng
bằng sông Hồng có gần 130 di tích, trong đó một phần ba ở tỉnh Hà Tây. Ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh,
Quảng Bình vùng sông Cả, địa phận cực nam của văn hoá Đông Sơn, có tới 54 di tích.
Các cuộc nghiên cứu khảo cổ ở Việt Nam từ năm 1954 đến nay đã xác định được là nền văn
hoá Đông Sơn với chủ nhân là Âu Lạc cổ đã tồn tại được gần một thiên niên kỷ, từ cuối thời đại
đồng thau sang thời đại đồ sắt. Bước chuyển sớm nhất từ văn hoá Quỳ Chử, nền văn hoá trước
Đông Sơn trên thực tế đã diễn ra ở đồng bằng sông Hồng. Kết quả các xét nghiệm C.14 trên các
mẫu tro than lấy từ tầng địa chất Đông Sơn sâu nhất ở các khu Đồi Đà và Chùa Thông, tiêu biểu của
vùng sông Hồng là 2704 90 (ZK 305) và 2655 90 (ZK 309).
Như vậy người ta có thể xác định được văn hoá Đông Sơn ở vùng này bắt đầu từ khoảng thế
kỷ VIII - VII trước Công Nguyên. Ở vài nơi trong vùng, các chuyên viên khảo cổ đã khai quật được
những nông cụ bằng sắt và dấu tích của sự luyện sắt trong tầng lớp văn hóa Đông Sơn sớm. Ở vùng
sông Mã giai đoạn chuyển tiếp từ Quỳ Chử sang Đông Sơn có phần muộn hơn, vào khoảng thế kỷ
VII - VI trước Công Nguyên.

Lưỡi cày đồng.


Văn hoá Đông Sơn phân bố rộng nhưng vẫn mang tính thống nhất rất đậm nét. Trải qua 85
năm nghiên cứu, ngày nay chúng ta hiểu rằng đó là sự thống nhất giữa người Lạc và người Âu trong
khối Việt cổ ở Đông Nam Á cổ đại. Môi trường và cảnh quan sinh thái của những vùng phân bố di
tích Đông Sơn rất thuận lợi cho cuộc sống của con người khiến cho nhiều di tích văn hoá Đông Sơn
được con người sử dụng kế thừa liên tục trong suốt 2000 năm (môi trường tối ưu đối với những
người thuộc nền văn minh trồng lúa nước).
Sự thống nhất được thể hiện rõ nhất là sưu tập đồ đồng Đông Sơn. Một biểu tượng nổi bật
của nền văn hoá Đông Sơn là trống đồng với kỹ thuật chế tạo vô cùng tinh xảo. Văn hoá Đông Sơn
đã sản sinh trống Đông Sơn, nhưng không phải chỉ có người Đông Sơn mới dùng và đúc trống Đông
Sơn, cho nên ngoài trống Đông Sơn ra tính thống nhất được thể hiện rõ nét hơn đó là những chiếc
rìu lưỡi xéo hình bàn chân hay hình dao xén của thợ giầy, những chiếc dao găm đốc hình thuẫn, hình
củ hành.
Trồng đồng Sông Đà.

Rìu đồng lưỡi hài, gót vuông.


Đặc biệt là những chiếc dao găm có cán được đúc thành khối tượng người đứng với hai tay
chống nạnh, những đồ đựng bằng đồng như: những chiếc thạp, thố có hoa văn trang trí như hoa văn
trang trí trên trống đồng.
Dao găm đồng Đông Sơn.

Thạp đồng Đào Xá.


Các đồ đồng khác thuộc vào các bộ hiện vật của công cụ sản xuất, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt,
nhạc khí, đồ trang sức nghệ thuật cũng rất dễ nhận biết tính Đông Sơn của nó thông qua những biểu
hiện bên ngoài như hình dáng, và hoa văn trang trí.

Vật dụng bằng đồng.


Rìu đồng Đông Sơn.
Một số loại kiếm đồng Đông Sơn
Giáp chân giáp tay bằng đồng.

Giáp ngực bằng đồng.


Lãy nỏ và kiếm đồng.
Lãy nỏ bằng đồng.

Với kỹ thuật luyện kim độc đáo của người Đông Sơn, lớp bụi thời gian phủ trùm lên các hiện
vật này đã tạo nên lớp áo gỉ đồng mang màu sắc đặc biệt khiến chúng không thể nào lẫn với các
hiện vật được chế tạo ở các trung tâm đúc đồng khác.
Tính thống nhất của văn hoá Đông Sơn là một sự thống nhất trong đa dạng. Bên cạnh sự
thống nhất cao, trên phạm vi rộng, sự khác biệt chỉ mang tính địa phương, khu vực. Có thể phân chia
văn hoá Đông Sơn thành các loại hình địa phương trong một sự thống nhất chung như:
Loại hình văn hoá Đường Cồ, hay loại hình văn hoá Sông Hồng.
Loại hình văn hoá Đông Sơn hay loại hình văn hoá Sông Mã.
Loại hình văn hoá Làng Vạc hay loại hình văn hoá Sông Cả.
Sự khác biệt địa phương có nguyên nhân sâu xa từ những nguồn gốc khác nhau của văn hoá
Đông Sơn, trong quá trình ra đời trên cơ sở những nền văn hoá tiền Đông Sơn ở lưu vực các con
sông lớn trong khu vực. Tính đa dạng đồng thời cũng là kết quả ứng xử của người Đông Sơn với các
môi trường, vùng vi sinh thái khác nhau.
Sự đa dạng của đồ đồng Đông Sơn đã phản ánh sự khác biệt địa phương của văn hoá Đông
Sơn. Tuy cùng một loại hình hiện vật nhưng các vùng khác nhau hình dáng của chúng cũng rất khác
nhau.
Sông Hồng, sông Mã, sông Cả.

Có thể kể ra đây một vài trường hợp để làm ví dụ:


Những chiếc rìu lưỡi xéo ở vùng sông Hồng có hình bàn chân hay chiếc ủng, nhưng những
chiếc rìu lưỡi xéo ở vùng sông Mã lại có hình dao xén của thợ giầy.
Cùng là loại giáo có họng tra cán nhưng giáo của vùng sông Hồng thường có phần họng
ngắn hơn phần lưỡi, mặt cắt ngang của lưỡi là một hình thoi biến dạng. Trong khi đó, giáo của vùng
sông Mã lại có mặt cắt ngang là hình thoi cân đối, nhiều chiếc còn có thêm những lỗ thủng. Loại giáo
hình lá mía có chuôi tra cán có thể nói rằng đó là sản phẩm riêng của vùng sông Mã.
Một số loại giáo đồng Đông Sơn.
Những hiện vật được tạm gọi là lưỡi cày ở vùng sông Hồng có hình lá trầu hay hình tim, kích
thước lớn, nhưng ở vùng sông Mã lại có hình chân vịt, vùng sông Cả có hình tam giác.
Những nông cụ làm đất khác cũng mang đặc trưng vùng miền rất rõ nét như loại thuổng,
xẻng của loại hình sông Hồng to khoẻ; của loại hình sông Cả thì nhỏ và mảnh hơn.
Sự khác biệt về tỉ lệ của những hiện vật cùng loại ở các vùng cũng là những biểu hiện góp
phần làm nên đặc trưng cho từng loại hình. Kết quả của những cuộc khai quật mộ táng cho thấy cư
dân ở lưu vực sông Cả thích dùng dao găm hơn ở vùng sông Mã và sông Hồng.
Giai đoạn cuối của văn hoá Đông Sơn được đánh dấu bằng sự xuất hiện ngày càng nhiều
của các hiện vật và yếu tố ngoại lai, thí dụ như đồ minh khí tùy táng bằng đồng thau thay vì chỉ bằng
gốm, gỗ trước đó, trong khi đồ đồng bản địa khác biến mất dần trong các mộ táng địa phương. Hiện
tượng này tăng lên cùng chiều với sự bành trướng của người Hán xuống phía Nam. Ở các địa bàn
văn hoá sông Hồng và sông Mã điều này xảy ra vào khoảng thế kỷ I sau Công Nguyên. Nhưng sâu
hơn về phía Nam, ở lưu vực sông Cả, văn hoá Đông Sơn còn kéo dài đến các thế kỷ II - III.
Có thể nói là những người thợ kim khí Đông Sơn đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật của họ
trong tất cả các lĩnh vực của quá trình đúc đồng. Thành phần chính của đồng thau Đông Sơn là
đồng, chì, thiếc. Hợp kim của đồng với tỉ lệ chì cao đã trở thành nét độc đáo của cổ đồng Đông
Sơn. Kỹ thuật luyện kim và hợp chất đồng đặc biệt này đã được sử dụng một cách đồng nhất trong
toàn địa bàn phân bố của văn hoá Đông Sơn, từ vùng đất cao Âu Việt cho đến vùng đồng bằng Lạc
Việt của cư dân Âu Lạc thời cổ. Chỉ thỉnh thoảng lắm mới có biệt lệ, thí dụ như chiếc trống đồng
Thượng Nông và các nông cụ bằng đồng tìm được ở Cổ Loa gần Hà Nội.
Dựa theo chủng loại và chức năng, các loại đồ đồng thau sử dụng trong khu vực văn hoá
Đông Sơn được phân thành 7 nhóm sau đây:
1- Vũ khí: Lưỡi giáo, mũi tên, dao găm, đoản kiếm, rìu chiến, qua, giáp che ngực, vật dụng
đeo binh khí, cung và nỏ.
2- Dụng cụ sản xuất: Rìu, cuốc, thuổng, lưỡi cầy, lưỡi liềm, dùi, đục, dũa.
3- Dụng cụ sinh hoạt: Thạp, thố, bình, âu, khay, đĩa, chậu, lọ, ấm, muôi, đèn dầu, cốc trầm.
4- Nhạc cụ: Chuông, lục lạc, trống. Ngoài ra còn có các nhạc cụ như khèn, chiêng, cồng chỉ
tìm thấy trong phần trang trí trên các trống, thạp, hoặc các hình tượng nhỏ.
5- Đồ trang sức: Vòng tay, vòng chân, vòng tai, khóa thắt lưng.
6- Hình tượng nhỏ: Thường là các tượng người hay thú đúc nhỏ để gắn trên các hiện vật
khác, dùng để trang trí, vừa có công dụng cầm tay hoặc làm móc chặn.
7- Hiện vật minh khí: Đồ thu nhỏ dùng để tùy táng, với hầu hết các vật dụng bằng đồng thau
điển hình dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Kỹ thuật đúc các đồ đồng này thường sơ sài, mỏng manh.

Chuông đồng có hình voi.


Chuông đồng Đông Sơn.

Một số loại chuông đồng Đông Sơn.


Lọ đồng.

Nhẫn đồng có hình trâu.


Một số loại vòng, kiềng trang sức bằng đồng.

Trăm cài và khóa thắt lưng bằng đồng.


Khóa thắt lưng bằng đồng trang trí hình rùa.

Vật dụng cùng chủng loại ở mỗi địa phương có khác nhau về hình dáng và hoa văn trang trí.
Hình dạng của chúng được biến cải cho thích hợp với môi trường thiên nhiên sinh thái của từng
vùng. Có ba loại hình dạng và hoa văn trang trí chủ yếu, được tập chung vào ba con sông chính
trong phạm vi tồn tại của văn hóa Đông Sơn.
1- Loại hình Đường Cồ, sông Hồng.
2- Loại hình Đông Sơn, sông Mã.
3- Loại hình làng Vạc, sông Cả.

Mối giao lưu trao đổi của văn hóa Đông Sơn với các nền văn hóa láng giềng một mặt góp
phần làm tăng thêm những sắc thái địa phương của các loại hình trong quá trình phát triển và hội tụ
của nền văn hóa, nhưng mặt khác cũng khẳng định tính cởi mở của người Đông Sơn về sự hòa
nhập với các nền văn hóa lân cận.
Phong cách họng lõm ở một số giáo, ở những chiếc rìu chiến, thuổng – mai, kiểu dao găm
lưỡi lượn gấp khúc, kiểu dao găm có cán là các khối tượng động vật, khóa thắt lưng, các tượng tròn,
tượng bẹt là kết quả học tập của văn hóa Đông Sơn từ các nền văn hóa của các cư dân chuyên
chăn nuôi của văn hóa Điền. Những âu có chân, chậu đồng, bình đồng là những hiện vật mà người
Đông Sơn đã học từ người Hán nhưng đã biết khéo léo kết hợp những trang trí ưa thích của mình
như những đường văn thừng nổi, người trang sức lông chim cách điệu, ngôi sao – mặt trời ở trung
tâm các đồ vật. Đồ đồng của nền văn hóa Điền, Hán đã làm phong phú thêm chủng loại hiện vật của
văn hóa Đông Sơn. Các khóa thắt lưng do người Đông Sơn chế tạo được gắn thêm các lục lạc trang
trí. Những con thú dữ như voi, cọp trên cán dao găm hoặc vòng trang sức của người Điền đã được
biến cải thành hiền hòa, dễ mến trong đồ đồng Đông Sơn.
Trong khi văn hóa Đông Sơn tiếp thu những ảnh hưởng từ bên ngoài thì ngược lại, ảnh
hưởng của nó cũng lan tỏa đến các vùng văn hóa khác.
Ra ngoài địa phận Việt Nam, ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn cũng đã được nhận ra, trải
từ miền Nam Trung Quốc đến các hải đảo phía dưới Đông Nam Á.
Trống đồng Đông Sơn tại Selayar, Indonesia.

Ở các tỉnh miền Nam và duyên hải Nam Trung Hoa, số lượng trống đồng cổ có hoa văn trang
trí hình người đội lông chim cách điệu, hình thuyền đi biển, chim lạc và những trang trí hình học đặc
biệt của văn hóa Đông Sơn được phát hiện không ít.
Các đồ đồng thau với hình dạng đặc trưng của loại hình sông Hồng như rìu hình bàn chân có
hoa văn trang trí hình người hóa trang, rìu gót vuông có trang trí ở họng, dao găm có cán là khối
tượng người, rìu hình lưỡi câu có hoa văn hình học, đã được tìm thấy trong khắp vùng hạ lưu sông
Dương Tử.
Lao có chuôi tra cán hình ngòi bút, lưỡi cuốc đồng hình chữ U đặc biệt của loại hình sông
Hồng đã được sử dụng rộng rãi lan đến tận vùng Bắc sông Trường Giang (sông Dương Tử). Các loại
rìu chiến lưỡi xéo, hay gót vuông họng lõm, lưỡi giáo tam giác có lỗ để treo các khối tượng người
nhỏ, loại lưỡi cày hình tim đã được dùng rộng rãi trong văn hóa Điền ở Vân Nam. Những đồ đựng ốc
tiền bằng đồng thau của vùng văn hóa Điền có xuất xứ từ miền duyên hải Việt Nam.
Trong địa bàn văn hóa Sa Huỳnh phía Nam, lưỡi giáo và rìu Đông Sơn được tìm ra ở các
vùng Tam Kỳ, Điện Bàn. Trống đồng Đông Sơn tuy chưa được tìm ra trong các di tích khảo cổ Sa
Huỳnh, nhưng chúng đã có mặt ở nhiều nơi trong địa bàn thuộc văn hóa này.
Đặc biệt những năm gần đây ở vùng Tây Nguyên phát hiện được một số lượng lớn các trống
loại I Hêgơ, chứng minh sức lan tỏa mạnh mẽ của văn hóa Đông Sơn, cũng như tính thống nhất
trong đa dạng của văn hóa này.
Trống đồng Đông Sơn mới phát hiện ở Tây Nguyên.

Dù ở trong hay ngoài phạm vi phân bố văn hóa Đông Sơn, đồ đồng Đông Sơn vẫn dễ nhận ra
được với màu sắc rỉ đồng, hình dáng, và các hoa văn trang trí đặc biệt. Đấy là các dấu ấn khó lầm
lẫn được của nền văn hóa Đông Sơn độc đáo. Vậy nên có thể nhận xét rằng đồ đồng Đông Sơn, thời
đại vàng của Nghệ thuật Việt Nam. Văn hóa Đông Sơn thống nhất đã hình thành nên bản sắc văn
hóa thống nhất. Trong cả một thiên niên kỷ mà văn hóa Đông Sơn tồn tại, trên khắp lục địa Á - Âu,
những sự thăng trầm đầy kịch tính của các nền văn hóa khảo cổ cũng đồng thời là một thực tế lịch
sử. Sự tồn tại sống động và phát triển rực rỡ của nền văn hóa Đông Sơn đã làm nên bản lĩnh Đông
Sơn.
Nguyễn Quốc Bình

You might also like