You are on page 1of 6

Tái chế cao su phế thải thành dầu đốt công nghiệp

Khởi tạo bởi : tinkinhte | Đăng bởi : tinkinhte | Cập nhật: 08/08/2008 11:08
E-mail | Bản in | Lưu xem sau

Nhóm nghiên cứu của Viện Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), do Tiến sĩ Mai Ngọc Tâm đứng
đầu, đã thành công trong nghiên cứu công nghệ nhiệt phân cao su phế thải thành dầu công
nghiệp DO, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường do loại rác thải độc hại này.

Các phế thải như săm lốp xe đạp, xe máy và ôtô sẽ được đưa vào nồi phản ứng nhiệt cao su làm
bằng thép inox. Mỗi loại nguyên liệu khác nhau có các điều kiện nhiệt độ và hiệu suất dầu thu
được khác nhau. Theo tính toán, trung bình cứ 1kg cao su có thể nhiệt phân được 0,4 lạng dầu.

Kết quả phân tích tại lò nhiệt phân cao su của Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ Môi trường về
khí thải cho thấy khói của dầu này trong quá trình nhiệt phân không gây ô nhiễm môi trường.

Các chỉ tiêu phân tích nồng độ các tạp chất NOx, CO2, CO, bụi của lò nhiệt phân cũng đáp ứng
tiêu chuẩn Việt Nam về chất lượng không khí-tiêu chuẩn khí thải công nghiệp.

Hiện nhóm nghiên cứu đã thỏa thuận chuyển giao công nghệ cho Công ty Cổ phần Sài Gòn Kỹ
nghệ năng lượng và môi trường, với dây chuyền công suất xử lý 200kg cao su phế thải/giờ.

(theo TTXVN)

http://www.tinkinhte.com/nd5/detail/cong-nghe/sinh-hoc-nang-luong-moi-truong/tai-che-
cao-su-phe-thai-thanh-dau-dot-cong-nghiep/1781.016063.html

Sản xuất vật liệu xây dựng từ săm lốp thải

Chỉ với một ít chất xúc tác và phụ gia rẻ tiền dễ kiếm, Tiến sĩ Ngô Quang Minh thuộc Bộ môn hoá,
trường Đại học hàng hải cùng các đồng sự có thể biến một lượng lớn cao-su phế thải thành gạch lát
và đường "bê tông" chất lượng cao.

Ý tưởng tận dụng cao-su phế thải làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng đã được ông Minh nghiền
ngẫm từ lâu và nó càng được thúc đẩy thành hiện thực khi thành phố Hải Phòng - nơi gia đình ông Minh
sinh sống lâm vào tình cảnh "bí" nơi chôn lấp rác thải. Với số lượng rác thải lên tới khoảng 1.100m3
rác/ngày, Hải Phòng hiện đang phải gấp rút xây dựng những khu chôn lấp rác thải tạm thời ở những khu
vực vốn không được quy hoạch làm nơi chôn lấp rác với kinh phí đầu tư lên tới hàng tỷ đồng.

Trong khi đó, rác thải cao-su ở Hải Phòng nói riêng và ở các địa phương khác nói chung là một trong những
loại rác bền vững trong môi trường, chiếm khối lượng lớn và thể tích lớn nên là "thủ phạm" chính làm giảm
tuổi đời các khu chôn lấp rác. Vì vậy, việc giảm được khối lượng rác thải có ý nghĩa kinh tế rất lớn.

Theo Tiến sĩ Ngô Quang Minh, ở cao-su mềm, lượng lưu huỳnh chiếm khoảng 3-4% khối lượng. Trong
mạch polyme, số nối đôi bị phá vỡ chỉ khoảng 8- 1 0% để liên kết với các nguyên tử lưu huỳnh tạo thành
mạng lưới không gian; trong ebonit, lượng lưu huỳnh chiếm khoảng 50% và số nối đôi bị phá vỡ khoảng 80
- 90%, nghĩa là trong mạch polyme vẫn còn một số nối đôi nguyên vẹn. Nếu ta loại được bớt lưu huỳnh ra
khỏi mạch và cắt bớt mạch polyme thành những đoạn ngắn, lại khôi phục khả năng hoạt động của các nối
đôi đó với một số cấu tử khác cùng sự trợ giúp của những chất xúc tiến, chất phòng lão, chất làm mềm... sẽ
tạo được một hệ thống tương đối đồng nhất, liên kết chặt chẽ và bền vững về mặt cơ học và hoá học.

Để làm được điều này, ông Minh cho biết: chúng ta chỉ cần cung cấp cho cao-su phế thải một lượng năng
lượng vào khoảng 1/3-1/2 giá trị đủ để đốt cháy cao-su để cao-su trở nên mềm dẻo đủ khả năng phối trộn
với các hỗn hợp phụ gia vốn là những chất có mặt trong cao-su khi sản xuất lần đầu. Sự phối trộn này cho
phép tăng khả năng đồng nhất hoá và tăng độ bền cơ hội và một số tính chất khác của cao-su tái sinh.
Ngoài thành phần chính là cao-su phế thải (khoảng 80%), ông Minh còn dùng thêm một lượng đáng kể chất
dẻo phế thải như PE, PP, PS... cũng là những chất có tác dụng tăng cường độ đồng nhất của hỗn hợp.

Các mẫu hỗn hợp gồm: cao-su phế thải và chất dẻo phế thải đã nghiền nhỏ, chất hoá dẻo, bột đá, ZnO,
Na2CO3, chất xúc tiến... (theo một số công thức tỷ lệ khác nhau) đã được thử nghiệm về tính chất lý hoá cho
kết quả tương đương với các mẫu bê tông đối chứng. Và như vậy người ta hoàn toàn có thể tận dụng cao-
su phế thải như một nguồn nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng. Từ kết quả nghiên cứu này, ông Minh
và các đồng sự tiếp tục xây dựng quy trình xử lý cao-su phế thải.

Yêu cầu của quy trình, theo ông Minh xác định, phải đơn giản, tiện lợi và hiệu quả. Lốp các loại, săm, các
chi tiết, dụng cụ bằng cao-su phế thải sau khi tách kim loại sẽ được nghiền nhỏ bằng các máy nghiền trong
nước đến kích thước khoảng 0,5x0,5cm. Các loại chất dẻo thải đã được rửa sạch và phơi khô cũng được
nghiền nhỏ đến kích thước đó rồi đưa trộn lẫn cao-su và chất dẻo theo tỷ lệ khối lượng thích hợp. Các chất
phụ gia, xúc tiến... theo công thức pha chế trên cũng được cho cả vào nồi nấu là một thùng bằng thép kích
cỡ tuỳ công suất thiết kế, đặt cố định trên bếp đun bằng than. Hệ thống này có thể đặt trên xe cơ động. Phía
trên nắp nồi nấu có ống khói. Phía dưới là cửa lấy sản phẩm. Trong lòng nồi có thanh khuấy bằng thép. Hỗn
hợp được đun nóng và khuấy trộn đều đến khi thành khối nhão sẽ được thêm một lượng nhỏ nhựa đường
(0,5-0,7% khối lượng) rồi đun tiếp đến khi chuyển thành một khối nhão tương đối đồng nhất.

Theo tính toán sơ bộ của ông Minh, một cơ sở chế biến cao-su phế thải có sáu công nhân, với vốn đầu tư
ban đầu khoảng 500 triệu đồng cho một dây chuyền xử lý phế thải cao-su thành gạch lát đơn giản, mỗi
ngày vận hành hai ca, cơ sở này sản xuất được 1.000 sản phẩm, tương đương với việc xử lý gần 1 tấn cao
su phế thải. Chi phí sản xuất gồm: hoá chất, nhân công, điện, than và các chi phí khác chỉ khoảng trên
600.000 đồng/2 ca/ngày. Với nhu cầu lớn của nhiều cơ sở sản xuất về xử lý phế thải cao-su, với những
chính sách ưu đãi hiện hành cho ngành nghề về môi trường và khả năng tiêu thụ sản phẩm, ông Minh tin
tưởng cơ sở đầu tư dây chuyền xử lý cao-su phế thải theo công nghệ của ông sẽ thu hồi vốn trong thời gian
ngắn.

Theo Ashui.com, Thời báo Kinh tế Việt Nam

Sản xuất gạch ngói nung bằng công nghệ bán dẻo

Bài viết cập nhật lúc: 12:18 ngày 06/09/2009

KTĐT - Cty CP Thạch Bàn là đơn vị sản xuất VLXD hàng đầu ở Việt Nam, có bề dầy 50 năm
sản xuất và phát triển với các sản phẩm mũi nhọn là: Gạch xây, ngói lợp, gạch ốp lát
Granite nhân tạo; 11 năm liền đạt thương hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.

Các sản phẩm của Thạch Bàn luôn đứng trong hàng “TOP” của ngành VLXD cả nước và được
xuất khẩu sang nhiều quốc gia. Cty CP Thạch Bàn đã tư vấn, chuyển giao và xây dựng hơn 120
nhà máy gạch Tuynel cho các địa phương trên cả nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi
mới nghề làm gạch ở Việt Nam.
Hiện nay, ở Việt Nam, việc sản xuất gạch ngói nung phần lớn đều dùng đất sét ruộng để làm
nguyên liệu; hàng năm gây tiêu tốn hàng chục nghìn hecta đất canh tác. Công nghệ sản xuất vẫn
theo “công nghệ dẻo” nung trong lò đứng thủ công, lò vòng hoặc lò nung tuynel. Công nghệ này
năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không cao, diện tích xây dựng nhà máy đòi hỏi lớn nhưng
vẫn phụ thuộc vào thời tiết vì phải dùng sân phơi và nhà kính. Hiện các nhà máy sản xuất gạch
ngói của cả nước chủ yếu vẫn ở khu vực đồng bằng nên gây ô nhiễm môi trường cho những khu
dân cư đông người, cho hoa màu canh tác; công nghệ này còn xả chất thải rắn là gạch ngói phế
liệu, xỉ lò gây bao hệ lụy cho xã hội…

Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng về xoá bỏ việc sản xuất gạch
ngói bằng lò thủ công và hạn chế sử dụng đất sét ruộng trong sản xuất gạch ngói nung; sau
nhiều năm nghiên cứu, quan sát, tìm hiểu các công nghệ mới của các nước có công nghệ sản
xuất gạch ngói tiên tiến như Đức, Tây Ban Nha, Italia và Trung Quốc; kết hợp với kinh nghiệm
của mình, Cty CP Thạch Bàn đã xây dựng được một công nghệ sản xuất gạch ngói nung mới, đó
là: “Công nghệ bán dẻo”, đặt tên là “Công nghệ Thạch Bàn”. Hiện Cty đang tiến hành triển khai
các thủ tục để đăng ký bản quyền phát minh sáng chế với các cơ quan quản lý của Nhà nước.

“Công nghệ bán dẻo”, hay “Công nghệ Thạch Bàn”, là công nghệ không dùng đất sét ruộng mà
sử dụng nguyên liệu “gầy” gồm: các loại đất đồi, đất bóc thải loại ở các mỏ, bìa than, than xít, xỉ
lò nung, gạch ngói phế liệu, kể cả các chất thải rắn do phá dỡ nhà cửa, tường xây, ngói lợp…
Ngay cả gạch ngói phế liệu, xỉ lò sau khi nung cũng được nghiền nhỏ và đưa quay trở lại vào dây
chuyền nguyên liệu. Như vậy, nhà máy sẽ không có phế liệu rắn thải loại như các nhà máy gạch
tuynel sản xuất theo công nghệ cũ.

Công nghệ bán dẻo sử dụng hệ máy chuyên dùng đặc biệt để gia công chế biến các loại nguyên
liệu “gầy” tạo thành “bài phối liệu” phù hợp cho từng loại sản phẩm gạch xây, ngói lợp, gạch lát
nền khác nhau.

Với sản phẩm gạch xây (đặc hoặc rỗng) sẽ được tạo hình ở những hệ thống máy đặc biệt, sản
phẩm mộc tạo hình ở độ ẩm thấp nên không cần hệ thống nhà kính, sân phơi mà được xếp bằng
máy xếp tự động (hoặc bằng tay) lên xe goòng đưa thẳng vào lò sấy, lò nung Tuynel.

Công nghệ này hạn chế rất nhiều việc sử dụng lao động thủ công cùng với diện tích sân phơi
nhà kính, không phụ thuộc vào thời tiết nên tiết kiệm thời gian, năng lượng, giảm phế liệu; có
điều kiện tự động hoá, tăng năng suất lao động; đồng thời có điều kiện tăng sản lượng, mở rộng
qui mô nhà máy.

Công nghệ bán dẻo sử dụng các loại lò sấy, lò nung Tuynel hoặc lò khe thanh lăn để nung các
loại sản phẩm khác nhau. Các hệ thống lò sấy, lò nung được thiết kế riêng biệt phù hợp với từng
“bài phối liệu”, từng loại sản phẩm khác nhau. Song tất cả các loại lò sấy, lò nung này đều được
thiết kế ở mức độ tự động hoá cao, công nghệ tiên tiến, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tiết kiệm
nhiên liệu và giảm thiểu lao động thủ công.

Công nghệ bán dẻo có ý nghĩa kinh tế xã hội rất lớn, chắc chắn khi được triển khai đầu tư đồng
bộ và ở diện rộng sẽ mở ra một thời kỳ mới cho nghề làm gạch ngói nung ở Việt Nam, bởi
nguyên liệu sử dụng là nguyên liệu gầy (chủ yếu là đất đồi) có trữ lượng vô cùng lớn, giá rẻ.
Đồng thời còn sử dụng các loại nguyên liệu là phế thải, góp phần làm sạch môi trường.

Trên cơ sở công nghệ bán dẻo, Cty CP Thạch Bàn đang triển khai xây dựng đề án: sử dụng “bùn
đỏ” ở Tây Nguyên là phế thải khi sản xuất Bauxite để sản xuất gạch xây, gạch lát nền, góp phần
tích cực vào việc xử lý phế thải và bảo vệ môi trường ở khu vực Tây Nguyên.

Như vậy, các nhà máy sử dụng công nghệ bán dẻo (trong tương lai), sẽ được xây dựng ở các
vùng đồi núi, xa đồng ruộng, xa khu dân cư và không còn phế thải rắn gây ô nhiễm môi trường;
đặc biệt có thể xây dựng được những nhà máy có qui mô lớn (vài trăm triệu viên/năm), sản
phẩm có chất lượng cao và thân thiện với môi trường.

Cty CP Thạch Bàn đang tiến hành triển khai xây dựng các nhà máy theo công nghệ Thạch Bàn ở
các vùng đồi núi tại một số tỉnh phía Bắc và miền Trung.

Theo Báo Xây Dựng

Theo www.ktdt.com.vn

BIẾN RÁC THẢ I THÀNH DẦU ĐỐT


Trước tình hình giá xăng dầu ngày một tăng cao và nguy cơ cạn kiệt nguồn nguyên liệu
trong tương lai không xa, các nhà chuyên môn khuyến khích việc tìm nguồn nguyên liệu
thay thế. Bên cạnh biện pháp khai thác năng lượng mặt trời với chi phí rất lớn, một số đề
tài tận dụng nguyên liệu phế phẩm tái chế dầu diezel và dầu FO được xem là khả thi hơn
cả. Có một doanh nghiệp tư nhân đã mạnh dạn tự mày mò từ khâu nhập máy móc, gom
phế liệu, quy trình tái chế đến đầu ra cho một loại dầu từ rác thải. Đó là Công ty SXKD
tổng hợp Duy Chiến với sản phẩm dầu cao su phế thải.

Nguyên liệu tái chế dầu cao su phế thải tại xưởng của
Công ty Duy Chiến - Ảnh: Đồng Châu
Biến rác thành tiền

Nằm sâu hun hút trong rừng keo của kho 860 tổng kho Long Bình, Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc
phòng (tại Biên Hòa, Đồng Nai), xưởng sản xuất dầu cao su phế thải của Công ty Duy Chiến
ngổn ngang lốp cao su đã qua sử dụng. Đây chính là nguồn nguyên liệu tái chế dầu cao su của
công ty này.

Trung bình mỗi ngày xưởng này “ngốn” khoảng 18-20 tấn lốp xe. Hệ thống hấp, hóa hơi “biến”
chừng ấy cao su phế liệu thành 2.500-2.700 lít dầu cao su, một dạng của dầu FO.

Hiện nay, dầu FO chủ yếu sử dụng trong công nghiệp hấp, sấy, nhuộm. Xưởng sản xuất dầu
cao su phế thải của Công ty Duy Chiến mới đi vào hoạt động hơn một năm, trung bình mỗi
tháng xưởng này tái chế được khoảng 100-150 tấn dầu.

Để đảm bảo nguồn liệu, công ty đặt các đại lý gom hàng ngay tại các bến cảng trên TP. Hồ Chí
Minh và các tỉnh lân cận. Nguyên liệu được đưa vào lò hấp với nhiệt độ cao, hơi chưng cất
được dẫn sang lò hóa lạnh và chắt vào từng phi. Quy trình tái chế này xem ra rất đơn giản,
nhưng ở VN, Duy Chiến là doanh nghiệp tư nhân duy nhất hiện tái chế dầu cao su theo hình
thức này.

Thực ra, tái chế nhựa phế thải thành dầu và ga đã được ứng dụng rộng rãi trong ngành công
nghiệp Mỹ nhằm cải thiện thực trạng thiếu nhiên liệu cũng như tiết kiệm chi phí trước tình trạng
giá xăng, dầu diễn biến phức tạp.

Sau những lần tiếp thị trong nước thất bại, Duy Chiến đã gửi mẫu dầu cao su phế thải đến
Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 - Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất
lượng thử nghiệm và dầu cao su phế thải được xác nhận có nhiều đặc tính tốt hơn dầu FO
thường. Một số tiêu chuẩn tiêu biểu đều thấp hơn tỉ lệ cho phép, như: Hàm lượng lưu huỳnh
0,82%, thấp hơn mức tiêu chuẩn cho phép và thấp hơn hàm lượng trong dầu FO thường; hàm
lượng cặn cácbon 0,3% so với dầu FO là 0,56%.

Đặc biệt, nếu dầu FO thường phải qua hâm nóng mới bốc cháy thì dầu cao su phế thải cháy
trực tiếp và tỉ lệ cháy 100%. Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 xác nhận, dầu
cao su phế thải có thể bóc tách thành dầu diezel.

Đơn độc tìm đầu ra


Băng Tâm

http://www.thegioiphunu-
pnvn.com.vn/Tin.aspx?varbaoid=714&varnhomid=4&vartinid=3670

You might also like