You are on page 1of 2

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: “Khi châu Âu lắng nghe lịch sử của Kitô

giáo, nó sẽ hiểu được lịch sử của riêng mình.”


WHĐ (28.09.2009) – Sau Công đồng Vatican II, Giáo Hội không ngừng tìm kiếm đối thoại với những người khác
quan điểm, đặc biệt với các Kitô hữu thuộc các giáo hội và cộng đoàn khác. Cuộc đối thoại
không hề dễ dàng, nhưng điều quan trọng là vẫn được tiếp tục và dần dần mang lại những hoa
trái cụ thể. Vì thế việc gặp gỡ đại biểu các giáo hội khác luôn được sắp xếp trong các chuyến
tông du của Đức Thánh Cha.
Cuộc gặp gỡ đại kết tại Tòa Tổng giám mục Praha ngày 27-09 – ngày thứ hai trong chuyến viếng
thăm mục vụ Giáo Hội tại Cộng Hòa Séc của ĐTC Bênêđictô XVI – có khoảng 40 người tham dự.
Tiến sĩ Pavel Černý, Chủ tịch Hội đồng Đại kết các Giáo hội tại Cộng hòa Séc đã ngỏ lời chào
mừng. Ông nhấn mạnh rằng các Kitô hữu chỉ có thể thành công nếu họ cùng nhau làm chứng cho
Chúa Kitô và sự hợp tác đang được tiến hành tốt đẹp trong nhiều dự án. Ông cũng ca ngợi các
công trình thần học của Đức Thánh Cha.
Tiếp theo là diễn văn của Đức Thánh Cha. Kết thúc, các đại biểu đã cùng nhau cầu nguyện chung.
Sau đây là toàn văn bài diễn văn của Đức Thánh Cha.

Thưa các Hồng y,


Thưa Quý vị
và Anh chị em trong Chúa Kitô thân mến,
Tôi cảm tạ Thiên Chúa Toàn Năng đã cho tôi cơ hội gặp gỡ anh
chị em là đại diện của các cộng đoàn Kitô hữu tại đất nước này.
Xin cám ơn Tiến sĩ Černý, Chủ tịch Hội đồng Đại kết các Giáo
hội tại Cộng hòa Séc (Czech), vì những lời chào đón ưu ái dành
cho tôi.
Anh chị em thân mến, châu Âu tiếp tục trải qua nhiều thay đổi.
Khó tin được rằng sự sụp đổ của những chế độ cũ chỉ cách chúng
ta hai thập niên, đã mở ra lối đi khó khăn, nhưng mang tính
chuyển tiếp đầy kết quả hướng đến các cơ cấu chính trị cho phép
nhiều sự tham dự hơn. Trong suốt thời kỳ này, các Kitô hữu đã
gắn kết với các người thiện chí khác để tái xây dựng một trật tự
chính trị thích đáng và ngày nay họ tiếp tục cố gắng duy trì cuộc
đối thoại nhằm chuẩn bị những con đường mới hướng đến sự hiểu
biết lẫn nhau, hợp tác với nhau vì hòa bình và cổ võ lợi ích chung.
Tuy nhiên, người ta thấy xuất hiện, dưới những hình thức mới, các toan tính đẩy ra bên lề ảnh hưởng của Kitô giáo
trong đời sống công cộng, đôi khi viện cớ rằng các giáo huấn của Kitô giáo tác hại đến thiện ích của xã hội. Hiện
tượng này khiến chúng ta phải dừng lại để suy nghĩ. Như tôi đã gợi ý trong thông điệp về niềm Hy vọng Kitô giáo, sự
tách ly giả tạo Tin Mừng với đời sống công cộng và trí thức phải thúc đẩy chúng ta “tự kiểm thảo tính hiện đại” lẫn
“tự kiểm thảo Kitô giáo hiện đại”, nhất là về niềm hy vọng mà Tin Mừng hay cuộc sống có thể trao ban cho con người
(xem Spe Salvi, số 22). Chúng ta phải tự hỏi xem Tin Mừng có gì để nói với Cộng hòa Séc cũng như toàn khối châu
Âu ngày nay, trong một thời kỳ được đánh dấu bởi sự phát sinh nhiều thế giới quan.
Kitô giáo có nhiều điều để cống hiến trên bình diện thực hành và đạo đức, bởi vì Tin Mừng không ngừng gợi hứng cho
biết bao người nam và nữ chọn việc phục vụ anh chị em của mình. Ít ai có thể nghi ngờ điều đó. Tuy nhiên, những ai
gắn chặt ánh mắt niềm tin của mình vào Chúa Giêsu Nazareth biết rằng Thiên Chúa ban tặng điều gì đó sâu xa hơn
nữa, tuy dù điều ấy không tách rời khỏi “nhiệm cục” của tình yêu đang hoạt động trong thế giới này (xem Caritas in
Veritate, số 2): Ngài ban tặng ơn cứu độ.
Từ ngữ này mang nhiều ý nghĩa, nhưng nó diễn tả điều căn bản và phổ quát, liên quan đến khát vọng của con người về
sự sung mãn và trọn vẹn. Từ ngữ ấy gợi lên khát khao nồng nàn xuất phát từ cõi thâm sâu của tinh thần con người:
được hòa giải và hiệp thông. Đó là chân lý trọng tâm của Tin Mừng và là mục đích mà toàn bộ công cuộc Phúc âm
hóa nhắm đến cũng như mọi hoạt động mục vụ đều hướng về. Và đây chính là chuẩn mực mà mọi Kitô hữu qui hướng
về, đang khi họ cố gắng chữa lành các vết thương chia rẽ do quá khứ. Như Tiến sĩ Černý đã kể ra, vì điều đó mà vào
năm 1999, Tòa Thánh đã hân hoan tiếp đón Hội nghị Chuyên đề quốc tế về Jean Hus, để tạo thuận lợi cho một cuộc
tranh luận về lịch sử tôn giáo phức tạp và xáo trộn của Đất Nước này và của châu Âu nói chung (xem Gioan-Phaolô II,
Diễn từ tại Hội nghi Chuyên đề quốc tế về Jean Hus, năm 1999). Tôi cầu nguyện cho những sáng kiến đại kết như thế
sẽ mang lại kết quả không chỉ cho việc theo đuổi sự Hiệp nhất giữa các Kitô hữu, mà còn cho ích lợi của toàn thể châu
Âu.
Chúng ta tin tưởng khi biết rằng việc Giáo hội công bố ơn cứu độ do Chúa Giêsu Kitô mãi là công việc vừa cũ xưa lại
vừa mới mẻ, công việc này được sự khôn ngoan của quá khứ dưỡng nuôi, đang ngập tràn niềm hy vọng cho tương lai.
Khi châu Âu lắng nghe lịch sử của Kitô giáo, nó sẽ hiểu được lịch sử riêng của mình. Khái niệm của châu Âu về công
lý, tự do và trách nhiệm xã hội cũng như các cơ chế văn hóa và luật pháp được thiết lập để bảo tồn và truyền đạt các
khái niệm ấy cho các thế hệ tương lai, được tạo dáng bởi di sản Kitô giáo. Quả thực, ký ức về quá khứ của châu Âu
giúp linh hoạt các khát vọng của nó cho tương lai.
Vì thế, các Kitô hữu nhận được cảm hứng từ các gương mặt như thánh Adalbert và Angès de Bohème. Động lực của
việc dấn thân loan báo Tin Mừng của họ là do xác tín rằng những người Kitô hữu không được run sợ trước thế gian,
mà đúng hơn phải mạnh dạn chia sẻ kho tàng chân lý đã được giao phó cho mình. Cũng vậy, người Kitô hữu ngày nay,
đang khi cởi mở với các thực tại hiện thời và tán đồng tất cả những gì tốt lành trong xã hội, phải có can đảm mời gọi
mọi người nam và nữ hoán cải tận căn, cuộc hoán cải gắn liền với việc gặp gỡ Đức Kitô và khởi đầu một cuộc sống
mới trong ân sủng.
Trong viễn cảnh ấy, chúng ta hiểu rõ hơn tại sao các Kitô hữu phải liên kết với những người khác để nhắc lại cho châu
Âu gốc rễ của nó. Không phải vì từ lâu nay, gốc rễ này đã khô cằn. Trái lại, bởi vì một cách âm thầm nhưng hiệu quả,
gốc rễ ấy ấy đã nuôi châu lục này bằng một dòng nhựa sống tâm linh và luân lý. Dòng nhựa sống này đã giúp cho châu
Âu bước vào một cuộc đối thoại xây dựng với những người thuộc về các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Bởi vì rõ
ràng rằng Tin Mừng không phải là một ý thức hệ, Tin Mừng không có tham vọng đóng khung các thực tại xã hội-
chính trị vốn luôn đổi thay trong những lược đồ cứng nhắc. Trái lại, Tin Mừng vượt trên những nỗi thăng trầm của thế
giới này và chiếu tỏa một ánh sáng mới trên phẩm giá của con người, cho mọi thời đại. Các bạn thân mến, chúng ta
hãy cầu xin Thiên Chúa gieo vào lòng chúng ta tinh thần can đảm để chia sẻ các chân lý vĩnh cửu về ơn cứu độ, các
chân lý đã và còn đang tiếp tục xây dựng sự tiến bộ xã hội và văn hóa của lục địa này.
Ơn cứu độ được Chúa Giêsu mang lại nhờ những khổ đau, cái chết, sự phục sinh và thăng thiên của Người, không
những biến đổi chúng ta là những người tin nơi Người, mà còn đòi hỏi chúng ta chia sẻ Tin Mừng này với các người
khác nữa. Được chiếu sáng bởi các ân huệ của Chúa Thánh Thần là hiểu biết, khôn ngoan và phân định, nguyện cho
khả năng thấu hiểu chân lý được Chúa Giêsu dạy bảo thúc đẩy chúng ta làm việc không ngừng cho sự hiệp nhất; sự
hiệp nhất mà Người ước mong cho mọi người con đã được tái sinh nhờ Phép Rửa cũng như cho toàn thể nhân loại.
Với tất cả tâm tình ấy và trong tình huynh đệ đối với anh chị em cũng như đối với các thành viên trong cộng đoàn của
anh chị em, tôi xin chân thành cám ơn anh chị em và phó thác anh chị em cho Thiên Chúa Toàn Năng, Ngài là đồn
lũy, thành trì và là Đấng giải thoát chúng ta (xem Tv 144, 2). Amen.

Người dịch: Tâm Giao

You might also like