You are on page 1of 8

GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA CHỦ NGHĨA MÁC

(Trao đổi lý luận với JCP)


Ngô Huy Đức,
Viện Chính trị học, HVCTHCQGHCM
______________

Đã có rất nhiều bài viết về giá trị lịch sử của chủ nghĩa Mác cả từ những
người Mác xít, cánh tả truyền thống, hay những người đang cố gắng tìm kiếm
“con đường thứ 3”, cũng như từ những người chống lại nó, đặc biệt là các
nhà nghiên cứu của trường phái Tân tự do (Neo-liberalism) suốt nửa cuối thế
kỷ 20.
Song ngay trong những người Mác xít, không phải khi nào các đánh giá
này cũng giống nhau. Sự khác biệt của các đánh giá này ít nhất cũng tương
đương với sự khác biệt giữa các trường phái diễn giải Mác, giữa vô số các
“phiên bản chủ nghĩa Mác”, và thậm chí giữa những người rất gần nhau về
cách nhìn nhận và hành động (Ví dụ: So sánh Đông, 2004 với quan điểm của
Nghĩa, 2008). Và trong lịch sử cũng như hiện tại, chúng ta đã chứng kiến các
sự khác biệt đó có những lúc mang tính đấu tranh gay gắt, không khoan
nhượng, và không chỉ dừng lại ở lĩnh vực đấu tranh lý luận, tư tưởng.
Do tính chất của chủ đề như vậy, bài này sẽ đề cập hai nội dung : i) tóm
tắt ngắn gọn các giá trị chính, và ii) phác họa mấy suy nghĩ chủ yếu của tác
giả về chủ đề này trong quá trình nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lênin ở Việt
nam. Do đã biết quan điểm của các đ/c Nhật bản (Tức là : không dùng khái
niệm Chủ nghĩa Mác mà dùng khái niệm CNXH) , cần nói rõ rằng, tác giả bài
này quan niệm rằng chủ nghĩa xã hội là khái niệm rộng hơn khái niệm chủ
nghĩa Mác, dù có cùng nhiều điểm cơ bản.
I. Các giá trị về mặt lý luận
Ở Việt nam cũng như nhiều nước khác, có thể nhấn mạnh các giá trị chủ
yếu sau của chủ nghĩa Mác :

1
i) Giá trị của một thế giới quan và phương pháp luận mới, thể hiện ở chủ
nghĩa duy vật biện chứng.
ii) CNDVBC khi mở rộng và áp dụng vào lịch sử xã hội trở thành chủ
nghĩa duy vật lịch sử, trong đó, lý thuyết biến đổi xã hội nổi bật là lý thuyết
về hình thái kinh tế - xã hội.
iii) Lý thuyết hình thái kinh tế - xã hội, khi áp dụng cụ thể trong điều
kiện hiện tại , kết hợp với học thuyết giá trị thặng dư cho phép Mác kết luận
về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, và đặt nền móng cho chủ nghĩa xã
hội khoa học, dự phóng cho một xã hội tương lai , trong đó loài người được
giải phóng khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột và tha hoá. Tự do được khôi
phục ở mức mới, cao hơn , dưới sự dẫn dắt của lý tính và nhận thức về trách
nhiệm xã hội của mỗi cá nhân. Như Mác diễn giải cô đọng, “trong đó sự phát
triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi
người”
iv) Với tư cách triết học khoa học, chủ nghĩa Mác đã phân tích các vấn
đề của thời đại (của nó) trong hình thức các khái niệm, chỉ ra nguồn gốc lịch
sử của chúng, các mối quan hệ giữa chúng. Từ đó chủ nghĩa Mác cũng chỉ ra
rằng chính bản thân nó cũng là một hình thức tư duy không nằm ngoài lịch
sử, không phải là chân lý tuyệt đối, mà bị ràng buộc bởi chính thời đại của
nó. Giá trị này ít khi được nhắc một cách riêng biệt, nhưng theo tôi là có ý
nghĩa quan trọng cho sức sống của chủ nghĩa Mác, nhất là trong bối cảnh
thoái trào hiện nay. Hơn nữa, chúng ta đều biết, với Mác sự lựa chọn từ đạo
đức có trước sự lựa chọn từ khoa học. Hay nói giản dị hơn, đối với ông, một
xã hội bất công, thối nát về đạo đức thì không thể là một xã hội hợp lý.
v) Với tư cách là hướng dẫn cho các hoạt động chính trị, chủ nghĩa Mác
đã xác lập nguyên tắc thống nhất lý luận và thực tiễn. Giá trị này có các tác
động sâu xa, mà về mặt triết học, có thể nói đây thể hiện niềm tin của Mác
vào giáo dục nhận thức, vào tính khả biến của con người, cũng như triết lý
“tính tương cận, tập tương viễn” của phương Đông. Bản thân giá trị này là
vấn đề tranh cãi, thậm chí là khác biệt trung tâm giữa cánh tả và cánh hữu vì

2
trên thực tế, bản thân mọi sự cưỡng bức (tức hạn chế tự do cá nhân, mà đây là
giá trị chủ đạo của cánh hữu bảo thủ) đều có thể nhân danh “giáo dục cưỡng
bức”. Tuy nhiên, đây là vấn đề của thực tiễn áp dụng và không có bằng
chứng nào cho rằng Mác đã khởi xướng sự cưỡng bức vô đạo lý, nhân danh
giáo dục.
II. Các giá trị về mặt thực tiễn
Chủ nghĩa Mác, thông qua hoạt động của các phong trào thực tiễn, đã có
các tác động sâu sắc lên những phát triển của thế giới, và tác động đó được
biểu hiện nổi bật qua việc bản thân các nhà nước tư sản cũng đã phải có các
điều chỉnh lớn trong hệ thống luật pháp cũng như các các chính sách kinh tế
xã hội. Sự phân tích về nguồn gốc của bất bình đẳng xã hôi, về các mâu
thuẫn nội tại mang tính hủy diệt của xã hội TBCN đã góp phần vào sức ép
khiến bản thân CNTB phải có những thay đổi để bảo tồn chính mình. Nhà
nước tư sản, một mặt về cơ bản vẫn bảo vệ lợi ích của giai cấp đại tư sản, một
mặt khác đã phải có những điều chỉnh chức năng dưới các sức ép này nhằm
làm dịu bớt các mâu thuẫn, bất công.
Trong những năm gần đây, việc các đảng bảo thủ cánh hữu đã chấp nhận
và đưa vào chương trình tranh cử của mình các quan điểm và chính sách của
các đảng cánh tả cũng là một minh chứng cho sự ảnh hưởng đó.
Bản thân ý tưởng về cách nhìn nhận Mác như vị cứu tinh của CNTB (vì
chính sự phê phán sắc bén của ông đã là các chỉ dẫn quan trọng cho sự điều
chỉnh) đã được nhiều nghiên cứu đề cập. Dù không dễ dàng chứng minh một
cách nghiêm khắc mối tương quan trực tiếp này, nhưng thực tiễn cho thấy,
các lập luận bác bỏ ảnh hưởng này của chủ nghĩa Mác còn kém thuyết phục
hơn.
III. Những thách thức trong lý luận Mác xít
Tuy nhiên, dù có đồng ý về tất cả các ý nghĩa và tác động to lớn đó của
chủ nghĩa Mác, chúng ta cũng không thể chối bỏ các sự kiện và biến đổi xã
hội trong những năm 1980 đến nay đã và đang đặt ra cho những người Mác
xít chúng ta nhiều thách thức lớn và toàn diện. Tính chất cũng như mức độ

3
sâu sắc và rộng lớn của các thách thức đó có thể nói là chưa từng có trong lịch
sử phát triển của chủ nghĩa Mác. Nếu chỉ nhấn mạnh vào các giá trị lịch sử
của chủ nghĩa Mác mà không thấy hết các thách thức của thời đại đối với nó,
chính là phủ nhận các giá trị của chủ nghĩa Mác một cách gián tiếp, vì như đã
viết trên: bản thân chủ nghĩa Mác với tư cách là triết học khoa học, đã chỉ ra
sự hạn chế của chính mình.
Sự sụp đổ của hệ thống các nước XHCN tại Liên Xô và Đông Âu những
năm 1990 nói trên, [nếu nhất quán với cách phân tích Mác xít và bỏ qua các
yếu tố có tính thời điểm, tình huống và tính cá nhân,] có thể được quy về 3
nguyên nhân cơ bản :
1- Sự chưa chín muồi của các điều kiện kinh tế,
2 - Bệnh quan liêu khi nắm chính quyền, mà theo Lênin, chính là tập
trung dân chủ đã bị biến tướng thành tập trung hành chính
3 - Sự nghèo nàn lý thuyết dưới tấm áo của chủ nghĩa Mác giáo điều.
Hiển nhiên, Việt nam cũng không thể không đối diện với các điểm yếu
này. Tổng két 20 năm đổi mới của đảng CSVN có thể thấy có những đột phá
quan trọng trong việc khắc phục điểm 1, nhưng trong điểm 2 và 3 tuy có
những nỗ lực đáng kể, các kết quả đạt được còn rất yếu kém, và rất cách xa so
với các đòi hỏi của thực tiễn.
Khi xem xét các diễn biến nói trên, và nhất là nguyên nhân 3 nói trên,
có ít nhất 2 câu hỏi lớn được đặt ra như sau :
1) Tại sao chủ nghĩa Mác, với tất cả sự linh hoạt và giá trị lịch sử như
vậy, lại đưa đến các kết quả thực tế không mong muốn như vậy ?
Hiển nhiên, không thể quy nguyên nhân chủ yếu một cách dễ dãi cho
một vài nhân vật “phản bội, phá đảng” hay các thế lực “diễn biến hòa bình
bên ngoài”. Đó chỉ là các yếu tố xúc tác mà nếu coi chúng là yếu tố nền tảng
chính là phủ nhận tính khoa học, trái ngược với phương pháp luận của Chủ
nghĩa Mác. Cũng không thể quy rằng các do trình độ yếu kém nên đã hiểu
sai. Nói cách khác, vấn đề cải tạo nhận thức do Mác đặt ra đã được hiểu
như thế nào. Dường như có khuynh hướng cho rằng đây là vấn đề phụ, vì chỉ

4
cần thực tiễn (nhất là thực tiễn quá trình tái sản xuất) thay đổi thì tất yếu nhận
thức xã hội sẽ thay đổi một cách phù hợp theo dự đoán của chúng ta (tức theo
hướng CNXH hơn).
Từ các suy nghĩ này, tôi cho rằng giá trị về cải tạo nhận thức của chủ
nghĩa Mác cần được nhìn nhận và xem xét kỹ lưỡng hơn. Đặc biệt, các nhánh
chủ nghĩa Mác ở Phương Tây lại rất coi trọng hướng phát triển này (Xem
Anthony Giddens, 1997, và Đức, 2007).
Như chúng ta đã biết, đối với Chủ nghĩa Mác truyền thống, “hệ tư
tưởng” có chức năng quan trọng là che đậy “hiện thực”, “hợp lý hóa” hiện
thực, tạo dựng nên một “hình ảnh hư ảo” của hiện thực để phục vụ các chức
năng quan trọng như giữ vững các thể chế có lợi cho giai cấp cầm quyền, ru
ngủ (hay thậm chí gây nghiện) quần chúng v.v. Do vậy, có thể không cần
nghiên cứu hệ tư tưởng mà vẫn nắm bắt được “hiện thực”, “thực tiễn”. Và
chính “thực tiễn” mới là điều quan trọng. Các hành động “cải tạo thế giới”
mới là cái cần vươn đến, chứ không phải là “giải thích thế giới”. Vì sự “giải
1
thích thế giới” sẽ chỉ là sự biện hộ, tức “hợp lý hóa những điều bất hợp lý”.
Althuser lại cho rằng hệ tư tưởng (ideology) là một phần quan trọng của
hiện thực, của văn hóa con người, và tích cực tham gia vào việc tạo nên “hiện
thực”. Lý giải cho cách nhìn này là quan niệm, hệ tư tưởng không chỉ phản
ánh thực tế (dù một cách lệch lạc – tức chỉ là “hình ảnh hư ảo” như Mác nói),
mà còn chính là đại diện cho thực tế (tức quan hệ của chủ thể đối với thực tế)
Tương tự như vậy, A Gramsci cũng nối tiếp các tư tưởng của Mác đi tiên
phong trong việc nghiên cứu quá trình tại sao một hệ tư tưởng (hay quan
niệm, nhận thức nói chung) lại trở thành hệ tư tưởng tiên phong, được chấp
nhận “mặc định” để từ đó có các luận đoán về tổ chức của xã hội và tư tưởng
về tầng lớp “trí thức hữu cơ” (Xem thêm Đức, 2008)..
Bản thân tôi cho rằng, Mác chưa đưa ra lập luận đầy đủ bước nhảy về
nhận thức của giai cấp công nhân: chuyển từ “giai cấp trong nó” thành “giai
1
Chính vì cách nhìn nhận này mà Ăng-ghen, khi chú thích cho câu “lịch sử của mọi xã hội hiện hữu
đến nay là lịch sử đấu tranh giai cấp” (Tuyên ngôn Đảng Công sản), đã nhấn mạnh “tức là tòan bộ lịch sử
thành văn”. Cách hiểu câu này của Mác rất khác nhau, mà tôi cho rằng thêm chữ “thành văn” sẽ chính xác
hơn.

5
cấp vì nó” (Khái niệm gốc từ Hê-ghen). Trong khi đó, đây là mắt xích quan
trọng trong toàn bộ lập luận của Mác về quá trình cách mạng nói riêng, và
biến đổi xã hội nói chung, vì một lẽ khá hiển nhiên, mọi cuộc cách mạng đều
cần có vai trò của nhận thức về sự cần thiết của nó. (Xem thêm Smith, 1996;
Đức, 2002). Cho đến này, cách thức nhìn nhận về bước nhảy nhận thức này,
hay quá trình khai mở nhận thức nói chung, vẫn là câu hỏi lý thuyết lớn, nan
giải với nhiều đảng cánh tả, đặc biệt ở các nước tư bản phát triển, bao gồm cả
nước Nhật .
2) Các kết luận của chủ nghĩa Mác cần có thay đổi gì do các biến đổi
về LLSX, cụ thể là các cuộc cách mạng công nghệ và kỹ thuật ? Mà nếu nhất
quán với phương pháp luận của Mác, sẽ thấy đó là sự phát triển có tính đột
phá của hệ thống phân công lao động, và chuyên môn hóa.
Có thể thấy, việc phân công lao động và chuyên môn hoá, một mặt đem
lại năng suất lao động rất cao, mặt khác cũng bắt con người phải trả một giá
rất cao cho sự phiến diện của mình. Hơn thế nữa, khi xem xét các tác động
của nó vào cách thức tổ chức xã hội, chuyên môn hóa và phân công lao động,
như Mác viết, cũng có nghĩa là sự phụ thuộc lẫn nhau một cách chặt chẽ. Đến
lượt mình, sự phụ thuộc và tương tác chặt chẽ này đặt ra các yêu cầu khắc
nghiệt hơn về cách thức tổ chức và điều hành xã hội. Đây là nền tảng quan
trọng trong lập luận của Mác và Ăng-ghen về nguồn gốc của quyền lực xã
hội. Và nếu vậy, chúng liên quan trực tiếp đến nhà nước cũng như mọi tổ
chức có tính xã hội khác.
Nếu trung thành với phương pháp luận của Mác trong trường hợp cụ thể
này, chúng sẽ tạo ra các hình thức “chiếm ưu thế” (thống lĩnh, domination)
mới. Mà đây là một mắt xích quan trọng trong lập luận của chủ nghĩa Mác về
các biến đổi chính trị, mà trước hết là lập luận về bản chất quyền lực nhà
nước và quyền lực công cộng nói chung. Bản thân sự phân công lao động, và
từ đó, sự tha hóa của lao động cũng được Mác xem xét sâu khi phân tích sự
tha hóa của tính loài trong bản chất người. Nói cách khác, tác động của phân

6
công lao động và chuyên môn hóa có tính nền tảng cả trong nghiên cứu lý
luận và trong thực tiễn tổ chức xã hội.
Cần nhận xét thêm rằng, Max Weber (1864-1920) và Joseph Schumpeter
(1883-1950), dù không theo chủ nghĩa Mác, đều chia sẻ với Mác một quan
điểm phũ phàng về đời sống chính trị xã hội, trong đó chỉ có một phạm vi rất
nhỏ hẹp cho tự do cá nhân và sự tham gia chính trị. Kết luận đó chính là dựa
trên phương pháp nghiên cứu của Mác, xuất phát từ thực tế của đời sống
trong một xã hội công nghiệp, phân công lao động được tổ chức chặt chẽ
khiến con người phải trả một giá thật cao và không thể tránh khỏi (Xem Rứa,
2008).
Từ sự xem xét 2 vấn đề trên, tôi cho rằng ngoài 5 giá trị chủ yếu như đã
nêu trên , vốn khá thống nhất trong các nhà nghiên cứu Mác xít dù cách viết
và đặt vấn đề có đôi chút khác nhau, cần chú trọng giá trị trong ít nhất hai vấn
đề nữa mà Mác đã đặt các nền móng cho các nghiên cứu sâu hơn. Đó là :
1) Vấn đề về cơ chế khai mở nhận thức xã hội (vốn đã là không thể thiếu
trong việc cải tạo xã hội một cách có ý thức như Mác dự phóng)
2) Vấn đề về ý nghĩa xã hội của sự phát triển chuyên môn hóa và phân
công lao động, mà các cuộc cách mạng KHCN, toàn cầu hóa, hội nhập, nền
kinh tế tri thức v.v. chỉ là các trường hợp biểu hiện cụ thể. Đây thực sự là
vấn đề lớn đặc biệt đối với các đảng cầm quyền như ở Việt nam hiện nay, hay
nước Nga năm 1917, vì nó sẽ định hướng cho sự hợp lý hóa các tổ chức và
hoạt động xã hội. Sự hợp lý hóa này đã diễn ra rất chậm chạp và rất dễ bị cản
trở nhân danh các lợi ích chung, mà thực chất chỉ là lợi ích nhóm. Trong khi
đó, quá trình hợp lý hóa mang tính khách quan cao, bất kể quan điểm chính
trị, vì bị quy định bởi quy trình sản xuất và đời sống phức tạp xã hội hiện đại.
Cả hai vấn đề này đều không chỉ là các vấn đề dài hạn và có ý nghĩa lịch
sử của chủ nghĩa Mác, chúng cũng có các ý nghĩa ngay đối với thực tiễn hiện
này trong các hoạt động của hai đảng chúng ta. Đương nhiên, Mác không có
sẵn câu trả lời cho các vấn đề này, nhưng các cách thức đặt vấn đề và phương
pháp nghiên cứu của Mác vấn còn nguyên giá trị.

7
________________________
TÁI LIỆU TRÍCH DẪN
Đông, Dương Tuyết, 2004. “Về lý luận nhà nước của chủ nghĩa Mác
Phương Tây”, Thông tin Những vấn đề lý luận, No 3, 2-2005.
Đức, Ngô Huy, 2002. Con người chính trị trong các tác phẩm kinh điển
Mác Lênin. Luận văn tốt nghiệp CCLLCT, Học viện CTHCQGHCM.
----, 2007. Chủ nghĩa Mác ở phương Tây hiện nay. Đề tài cấp bộ.
Viện Chính trị học.
----, 2008 . Xã hội dân sự trong tư tưởng chính trị A. Gramsci . Đề tài
cấp bộ. Viện Chính trị học.
Giddens, A. , 1997. “Marx in the modern world”, Socialist Review, issue
210, July/August 1997.
Rứa, Tô Huy (Chủ biên) , 2008 . So sánh một số HTCT trên thế giới,
Nxb CTQG, Hà nội.
Smith, C. 1996. Marx at The Millennium, Pluto Press, London.

You might also like