You are on page 1of 5

Giai cấp công nhân Việt Nam - thực trạng và suy ngẫm

Trương Giang Long

(Cập nhật: 17/12/2007)

Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh về tổ chức, giỏi về chuyên môn, vững vàng về
bản lĩnh chính trị, đủ sức làm chủ quá trình đổi mới, chủ động và tích cực hội nhập trong
xu thế toàn cầu hóa là trách nhiệm của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị. Giai cấp công
nhân Việt Nam chính là nền tảng và là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng. Xây
dựng giai cấp công nhân lớn mạnh trong điều kiện hiện nay về thực chất là góp phần
quan trọng vào quá trình xây dựng Đảng.

Hơn 20 năm đổi mới vừa qua, nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, Đảng và Nhà nước
ta đã đặc biệt quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân. Nhờ đó, giai cấp công
nhân Việt Nam đã có bước phát triển lớn mạnh, trưởng thành về chất và có những đóng góp to
lớn vào quá trình đổi mới. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, giai cấp công nhân nước ta đang
phải đối mặt với không ít thách thức, những con số khảo sát dưới đây thực sự là những vấn đề
rất đáng để chúng ta suy ngẫm.

1 - Chất lượng nguồn nhân lực - thách thức của quá trình phát triển.

Cùng với sự tăng trưởng nhanh của dòng vốn đầu tư nước ngoài và xu thế phát triển của các
doanh nghiệp trong nước, đội ngũ công nhân nước ta đang bộc lộ dấu hiệu hụt hẫng và bất cập.
Tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề cao và các chức danh quản lý có trình độ đang là hiện
thực. Số liệu khảo sát tại tỉnh Đồng Nai cho thấy, 72,55% công nhân lao động trong các doanh
nghiệp có độ tuổi từ 18 - 35. Tuyệt đại bộ phận đều là học sinh phổ thông và xuất thân từ nông
thôn, trong đó lao động phổ thông chiếm đến 43%; 27% có tay nghề đáp ứng được yêu cầu của
công việc đang đảm nhận nhưng đại đa số chưa qua đào tạo và không có bằng cấp. Số đã qua
đào tạo có bằng cấp chỉ chiếm 30%, trong số đã được đào tạo, tỷ lệ có tay nghề cao cũng rất
ít[1]. Bậc 1- 3 chiếm tỷ lệ 66,51%, bậc 4 - 5 chiếm tỷ lệ 25,01%, bậc 6 và 7 chiếm chỉ có 6,88%.
Không cần phải cảnh báo, với tốc độ thu hút FDI và xu thế phát triển như 2 năm gần đây (2006 -
2007), vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề sẽ càng trở nên trầm trọng. Giai cấp công
nhân nước ta không những bất cập so với yêu cầu phát triển chung của thời đại mà đang thực
sự bất cập với chính yêu cầu phát triển của bản thân sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
hiện nay.

2 - Vấn đề ý thức giai cấp và phẩm chất chính trị của đội ngũ công nhân.

Chúng ta không phủ định mặt tích cực và những đóng góp chung to lớn của đội ngũ giai cấp
công nhân nước ta, bởi họ là lực lượng đang vận hành những cơ sở vật chất và các phương tiện
sản xuất hiện đại nhất của xã hội, quyết định phương hướng phát triển chủ yếu của nền kinh tế,
nhưng trước mặt trái của cơ chế thị trường và diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, nhiều
công nhân lao động có biểu hiện phai nhạt về chính trị, một bộ phận chỉ lo lắng nhiều đến những
vấn đề thiết thực trước mắt, ít quan tâm đến những vấn đề lâu dài có tính chiến lược như định
hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò vị trí của giai cấp công nhân...

Khảo sát tại Đồng Nai cho thấy: 95% công nhân trả lời chỉ quan tâm đến việc làm và thu nhập, có
40% công nhân được hỏi có quan tâm tới vấn đề định hướng xã hội chủ nghĩa, 3,5% công nhân
không trả lời. Tỷ lệ công nhân là đảng viên rất thấp, năm 2003 là 7,69%, năm 2004 là 8,18%,
năm 2005 là 6,87%. Tổ chức đảng được đánh giá là hoạt động tốt chỉ chiếm 35,7%, Công đoàn
45,5%, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ có 24,6%, Hội Cựu chiến binh 5,9%. Cũng
theo số liệu khảo sát tại 13 doanh nghiệp khác nhau với 5.400 công nhân, cho thấy chỉ có 38,2%
công nhân thường xuyên được học tập các nghị quyết của Đảng. Trong đó doanh nghiệp nhà
nước có tỷ lệ 51,9%, doanh nghiệp liên doanh 40%, công ty cổ phần 37,5%, công ty tư nhân
32,8%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ có 24,9%[2]. Bản thân công nhân cũng
không thường xuyên cập nhật thông tin. Khảo sát 100 công nhân Công ty Giầy Thái Bình về
WTO chỉ có 10% trả lời có nghe nói về WTO nhưng không hiểu WTO là gì[3].

Rõ ràng, nếu bản thân người công nhân chưa giác ngộ về mục tiêu lý tưởng, non yếu về bản lĩnh
chính trị cộng với trách nhiệm của các cấp và công tác đào tạo chăm lo như hiện nay, thì sẽ rất
khó vượt qua được áp lực của toàn cầu hóa và hội nhập.

3 - Cường độ lao động, việc làm, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần đang xuất hiện
nhiều vấn đề nghịch lý.

Nước ta hiện đang thuộc nhóm quốc gia có số lượng lao động thất nghiệp cao, nhiều công nhân
thiếu việc làm. Tuy thiếu việc làm nhưng nhìn chung cường độ làm việc của công nhân tại các
doanh nghiệp lại rất căng. Hầu hết các doanh nghiệp đều tăng ca để bảo đảm kế hoạch và tăng
doanh thu. Điều đáng nói là Luật Lao động quy định công nhân làm việc không quá
200h/người/năm, nhưng trong nhiều doanh nghiệp công nhân đã phải làm việc bình quân tới 500
- 600h/người/năm[4].

Ở khía cạnh đời sống, tuy người công nhân vẫn đang chấp nhận được với mức lương hiện nay,
nhưng không phải lĩnh vực này không có vấn đề. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm công
nghiệp lớn nhất của cả nước, thu nhập của khối cán bộ, công chức hành chính, giáo dục bình
quân 1.300.000đ/người/tháng; khối doanh nghiệp nhà nước 1.425.000đ/người/tháng; doanh
nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 1.400.000đ/người/tháng; khối văn phòng và công nhân kỹ thuật
cao 4.000.000đ/người/tháng. Doanh nghiệp ngoài quốc doanh 1.150.000đ/người/tháng[5]. Ở các
tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... cũng có những số liệu không mấy cách biệt.

Không ít các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt siêu lợi nhuận, nhưng công nhân Việt
Nam vẫn chỉ nhận được những đồng lương rất ít ỏi. Như vậy, nếu so với đóng góp chung và với
cường độ lao động hiện nay, cộng với sự tăng lên của giá cả và các loại dịch vụ, đời sống của
công nhân lao động trực tiếp sản xuất vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Đời sống vật chất là như vậy, điều kiện làm việc về tinh thần còn đáng lo ngại hơn thế nhiều.
Phải khẳng định nhiều doanh nghiệp chưa thực sự chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho
công nhân tương xứng với quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng. Số lượng
các khu công nghiệp gia tăng rất nhanh, nhưng đến nay chỉ có khoảng 2% công nhân ở các khu
công nghiệp, khu chế xuất được thuê nhà ở do các doanh nghiệp xây dựng. Tuyệt đại bộ phận
còn lại phải tự lo thuê lấy nhà ở trong những điều kiện chật chội, thiếu thốn, không đủ tiện nghi
sinh hoạt và điều kiện an sinh tối thiểu về văn hóa, thẩm mỹ và môi trường sống. Còn ở tại các
doanh nghiệp, điều kiện làm việc cũng không như mong muốn. Do đa phần công nghệ thiết bị ở
nước ta thuộc thế hệ cũ, người lao động phải làm việc trong môi trường ô nhiễm như nóng, bụi,
tiếng ồn, độ rung... vượt tiêu chuẩn quy định. Điều kiện làm việc không bảo đảm đã tác động xấu
đến sức khỏe công nhân lao động, hậu quả là bệnh nghề nghiệp gia tăng và diễn biến phức tạp.
Tuổi nghề của người công nhân đang có khuynh hướng rút ngắn đáng kể. Theo thống kê của
ngành bảo hiểm Thành phố Hồ Chí Minh, mười tháng đầu năm 2006 có 58.000 người nộp đơn
xin trợ cấp 1 lần để được nghỉ việc vì không đủ sức khỏe làm việc đến lúc được hưởng chế độ
hưu trí.

Ở hầu hết các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có công trình và những điều kiện bảo đảm
sinh hoạt văn hóa tối thiểu cho công nhân. Theo một kết quả điều tra xã hội học tại Bình Dương
có đến 71,8% công nhân không hề đến rạp chiếu phim, 88,2% không đi xem ca nhạc, 84,7%
không đi xem thi đấu thể thao, 95,3% chưa từng đến sinh hoạt tại các câu lạc bộ, 91,8% không
bao giờ đến các nhà văn hóa tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa tinh thần, 89% giải
trí bằng ti-vi, 82,4% bằng nghe đài, chỉ có 1,2% sử dụng In-tơ-nét. Nguyên nhân của tình hình
trên đều do công nhân không có đủ thời gian và bản thân các khu công nghiệp cũng không có đủ
cơ sở vật chất để đáp ứng.

Thực trạng trên đây đã dồn nén làm bùng nổ các cuộc đình công lan rộng và rất khó kiểm soát
như hiện nay. Nếu từ 1995 đến 2005 tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Thành phố Hồ
Chí Minh có 437 vụ đình công (bình quân 40 vụ/năm), riêng 6 tháng đầu năm 2006 đã có 303 vụ.
Có những vụ số lượng tham gia đến hàng nghìn người, nhiều vụ kéo dài từ 1 - 2 ngày[6]. Xu
hướng cho thấy các cuộc đình công tự phát ngày càng gia tăng và lan rộng, tính chất gay gắt,
phức tạp khó lường. Đình công trở thành hiện tượng phổ biến ở tất cả các thành phần kinh tế,
trong đó doanh nghiệp nhà nước là 6,9%, doanh nghiệp tư nhân 30%, doanh nghiệp có vốn đầu
tư nước ngoài chiếm tỷ lệ cao nhất 66,5%[7]. Nguyên nhân của các cuộc đình công phần lớn đều
xuất phát từ phía người sử dụng lao động không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp
luật: Không trả lương đúng bảng lương đã đăng ký, tự ý thay đổi định mức lao động, sa thải công
nhân vô cớ, hà khắc trong quản lý điều hành, điều kiện lao động không bảo đảm vệ sinh tối thiểu,
tiền phụ cấp độc hại thấp, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ cho công nhân...
Đáng nói hơn cả là tỷ lệ ký kết các hợp đồng lao động với công nhân rất thấp. Nếu có ký chủ yếu
cũng chỉ là các hợp đồng ngắn hạn. Hiện nay mới chỉ có 21% doanh nghiệp ngoài quốc doanh
đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho công nhân, 69% còn lại chưa được bảo đảm về những
quyền lợi tối thiểu[8].

4 - Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong phong trào công nhân.

Cùng với sự nghiệp đổi mới, giai cấp công nhân nước ta đã có sự trưởng thành vượt bậc cả về
số lượng và chất lượng, chưa bao giờ chúng ta có lực lượng công nhân đông đảo như hiện nay.
Tính đến cuối năm 2005, tổng số công nhân lao động làm việc trong các doanh nghiệp thuộc mọi
thành phần kinh tế đã lên đến 11,3 triệu người. Trong đó doanh nghiệp nhà nước là 1,84 triệu,
công nhân trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước 2,95 triệu, tăng 6,86 lần; 1,3 triệu công nhân
làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,3 lần; doanh nghiệp cá thể
5,29 triệu, tăng 1,63 lần so với 1995[9].

Công nhân làm việc trong các ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 70,9%, ngành dịch vụ và
thương mại chiếm 24,3%, các ngành khác chiếm 4,8%. Riêng các cơ sở kinh tế cá thể công
nhân chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ và thương mại chiếm 66,67%; 33,33% còn lại
làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp[10].

Các số liệu trên đây cho thấy, đội ngũ và cơ cấu giai cấp công nhân tăng nhanh, nhưng công tác
phát triển đảng và vai trò của Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên trong công
nhân chưa tương xứng, thậm chí rất mờ nhạt.

Nói giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nhưng nhiều công nhân chưa muốn vào
Đảng. Công tác phát triển đảng trong công nhân rất chậm, không có mục tiêu, kế hoạch và định
hướng chiến lược cụ thể. Ở hầu hết các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp
tư nhân đều không muốn hoặc không quan tâm đến việc xây dựng các tổ chức đảng. Những nơi
có tổ chức đảng thì lúng túng trong công tác tổ chức và phương thức hoạt động, chất lượng
đảng viên, hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp loại hình này
đa phần là yếu kém.

Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên trong phong trào công nhân cũng đang nổi lên nhiều
vấn đề bức xúc. Đoàn, hội là lực lượng xung kích và là trường học giáo dục lý tưởng cách mạng
cho thanh niên công nhân, nhưng nhiều năm qua, tổ chức đoàn, hội cũng chưa có bước chuyển
thích hợp. Hình thức tổ chức và tập hợp thanh niên công nhân của đoàn, hội chưa thực sự hấp
dẫn, chưa phù hợp với cuộc sống và nhu cầu của tuổi trẻ trước những đổi thay phong phú, đa
dạng của đời sống thực tiễn. Nhiều cuộc đình công, bãi công tự phát liên tiếp diễn ra trong các
doanh nghiệp thời gian qua chưa thấy rõ vai trò của tổ chức Đoàn và Hội Liên hiệp thanh niên
công nhân. Nếu đoàn và hội không là người đi tiên phong bảo vệ lợi ích chính đáng của đoàn
viên, hội viên, không là chỗ dựa vững chắc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, là nơi gửi gắm
tình cảm, niềm tin, đoàn và hội sẽ không tập hợp và tổ chức được thanh niên.

Tổ chức công đoàn cũng đang đặt ra nhiều vấn đề. Theo báo cáo của các nhà khoa học, từ năm
1995 - 2006 đã có 700 cuộc đình công diễn ra ở các doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn.
Chúng ta không phủ định thời gian qua tổ chức công đoàn đã làm được rất nhiều việc. Nhờ có
các tổ chức công đoàn đời sống và quyền lợi của công nhân được bảo đảm và nâng lên rõ rệt.
Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận, hoạt động công đoàn đang đứng trước những thách thức rất
lớn, nhất là tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp tư nhân
và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hơn 20 năm, gần như hoạt động của các tổ
chức công đoàn vẫn mang nặng đặc trưng chung của thời bao cấp. Bệnh hình thức chủ nghĩa
vẫn là phổ biến. Nhiều tổ chức công đoàn chưa thực sự đứng về phía những người lao động, bởi
cán bộ công đoàn do doanh nghiệp trả lương, làm việc không chuyên trách dưới sự quản lý, lãnh
đạo trực tiếp của chủ doanh nghiệp. Các cuộc đình công, bãi công thời gian qua, ngoài những
nguyên nhân khách quan, còn có một nguyên nhân thực tế khác, đó là sự yếu kém của các tổ
chức công đoàn. Hàng loạt các vấn đề bức xúc nảy sinh giữa giới chủ và công nhân không được
các tổ chức công đoàn phát hiện hòa giải kịp thời. Nhiều vụ việc công nhân bị ngược đãi, trù dập
không có nhiều tổ chức công đoàn lên tiếng bênh vực, bảo vệ. Tổ chức công đoàn đang có dấu
hiệu thoát ly khỏi phong trào công nhân, không gắn và chưa thực sự đại diện cho lợi ích chính
đáng của công nhân. Chúng ta đang thực sự thiếu một cơ chế chính sách đủ tầm cho hoạt động
công đoàn. Đã đến lúc cần một cuộc cải biến thực sự mang tính cách mạng trong hoạt động
công đoàn, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo cán bộ công đoàn chuyên trách.
Xem việc thành lập tổ chức công đoàn là điều kiện bắt buộc đối với các nhà đầu tư, xây dựng tổ
chức công đoàn thực sự là tổ chức chính trị của giai cấp công nhân.

Từ thực tiễn và các vấn đề nêu trên, xin có một số kiến nghị đề xuất.

Một là: Cần định hướng lại mục tiêu của giáo dục cho sát với yêu cầu của sự nghiệp công
nghiệp hóa, hiện đại hóa. Có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với mục tiêu phát triển
cụ thể của từng giai đoạn. Thực hiện nhất quán chủ trương xã hội hóa giáo dục, trong đó Nhà
nước và các tổ chức xã hội có nhiệm vụ đào tạo cơ bản ban đầu, các doanh nghiệp trực tiếp sử
dụng công nhân phải có trách nhiệm đào tạo nâng cao tay nghề, cập nhật kiến thức chuyên môn,
tiêu chuẩn hóa chức danh nghề nghiệp trong mỗi doanh nghiệp.

Quan tâm đến đội ngũ giai cấp công nhân hiện nay là phải quan tâm đến trình độ văn hóa, năng
lực chuyên môn, phẩm chất nghề nghiệp và ý thức chính trị của họ. Xây dựng giai cấp công nhân
phải thể hiện trước hết ở việc tổ chức đào tạo bồi dưỡng nâng cao tay nghề và trình độ chuyên
môn. Cần xem việc đào tạo nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn là một trong những chỉ
tiêu pháp lệnh như mọi chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác. Một thế hệ công nhân mới giỏi về
chuyên môn, vững vàng về ý thức chính trị, tự họ sẽ vươn lên làm chủ và đủ sức đối đầu với mọi
thách thức. Nâng tầm trí tuệ, năng lực chuyên môn và ý thức chính trị cho đội ngũ giai cấp công
nhân, chính là nhân tố góp phần bảo đảm sự ổn định chính trị, củng cố vững chắc cơ sở chính trị
- xã hội của Đảng trong thời kỳ mới.

Hai là: Phải xem công tác xây dựng Đảng, củng cố các đoàn thể quần chúng là nhiệm vụ có ý
nghĩa sống còn đối với phong trào công nhân hiện nay. Để làm được điều này chúng ta phải
thẳng thắn trả lời một câu hỏi lớn. Vì sao Đảng của giai cấp công nhân, Công đoàn của công
nhân, Đoàn Thanh niên là tổ chức chính trị của tuổi trẻ công nhân, nhưng một bộ phận công
nhân chưa thiết tha vào Đảng vào Đoàn, chưa hoàn toàn xem công đoàn là tổ chức của họ.
Thực tế cho thấy công tác xây dựng Đảng và tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên chưa theo kịp
yêu cầu phát triển của sự nghiệp đổi mới. Một mặt do áp lực của những điều kiện khách quan,
mặt khác bản thân các tổ chức đảng, công đoàn cũng bộc lộ những bất cập yếu kém, tự thân
không theo kịp yêu cầu của sự phát triển, nhưng không có những chấn chỉnh kịp thời. Đã đến lúc
không chỉ dừng lại ở những chỉ thị nghị quyết mà nên có những văn bản pháp luật thể chế rõ chỉ
thị nghị quyết thành những quy định cụ thể. Đảng ta là Đảng cầm quyền, hoạt động của các tổ
chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên phải được hình thành trong từng doanh nghiệp bất kỳ
thuộc thành phần kinh tế nào. Tuy nhiên hoạt động của các tổ chức trên đây phải góp phần làm
cho doanh nghiệp phát triển, sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao. Đời sống vật chất, tinh thần
và các quyền lợi khác của người công nhân phải được bảo đảm tốt hơn. Các chủ trương đường
lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải được thực thi và chấp hành nghiêm túc.

Ba là: Phải thực sự chăm lo đến đời sống vật chất tinh thần của công nhân. Ký các hợp đồng lao
động với công nhân phải được xem là tiêu chuẩn bắt buộc đối với các chủ doanh nghiệp. Ngoài
hợp đồng lao động cần chú trọng thanh kiểm tra điều kiện làm việc và cường độ lao động, không
để và không cho phép chủ lao động ép công nhân làm việc vượt quá mức về cường độ, thời gian
làm việc. Vấn đề này cần phải sớm được pháp luật quy định cụ thể. Quan tâm thích đáng đến
đời sống tinh thần, hình thành những tiêu chí có tính pháp quy về ăn ở, nơi vui chơi giải trí, các
tiện ích văn hóa công, chế độ nghỉ dưỡng, thưởng thức các chương trình văn hóa nghệ thuật ở
trong từng doanh nghiệp, ở mỗi cụm dân cư và các khu công nghiệp tập trung. Khuyến khích
động viên và khen thưởng, cổ vũ mạnh mẽ các doanh nghiệp làm tốt, phê bình và xử lý thích
đáng các đơn vị cố tình không làm tốt, hoặc làm có tính chất đối phó, chiếu lệ... Sự thiếu thốn và
nghèo nàn về đời sống văn hóa tinh thần sẽ làm cho đại bộ phận lao động trẻ sống và làm việc
trong môi trường không có cảm hứng sáng tạo, tính tích cực xã hội không có điều kiện phát huy,
lao động chắc chắn sẽ không đem lại hiệu quả mong muốn, thiệt thòi trước hết cho chính các
doanh nghiệp.

Tóm lại, xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh là sự nghiệp cách mạng lâu dài khó khăn và
đầy thách thức. Chúng ta không thể nói giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân
một khi giai cấp không hoàn thành được những trọng trách và những nhiệm vụ kinh tế - xã hội cụ
thể do sự nghiệp đổi mới đang đặt ra. Vì thế phải bằng sự nhạy cảm và bản lĩnh chính trị kiên
định, Đảng ra sức phấn đấu làm cho giai cấp công nhân, bằng lao động sáng tạo của mình, tạo
ra sự giàu có và phát triển ổn định cho đất nước. Chuẩn bị cho họ những điều kiện để thông qua
những đóng góp cống hiến của mình, giai cấp công nhân được xã hội trân trọng, tôn vinh. Nhờ
đó mà phát triển đội ngũ về số lượng, chất lượng và tổ chức, nâng cao giác ngộ và bản lĩnh
chính trị, trình độ học vấn và nghề nghiệp, vươn lên trở thành giai cấp công nhân trí thức, lực
lượng trụ cột của Đảng và của toàn xã hội.

You might also like