You are on page 1of 11

Lời mở đầu

Trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự, yêu cầu được đặt lên hàng
đầu không chỉ là tính đúng đắn, chính xác, mà còn là tính nhanh chóng, kịp thời
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. Chính vì vậy, Bộ luật tố tụng dân
sự năm 2004 đã giành hẳn một chương riêng để quy định các biện pháp khẩn cấp
tạm thời làm cơ sở pháp lý cho việc áp dụng của Tòa án với mục tiêu đáp ứng được
nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng chứng, bảo toàn tài sản hoặc đảm bảo
cho việc thi hành án. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định bao gồm 28
điều luật từ Điều 99 đến Điều 126 Bộ luật tố tụng dân sự. Do các tranh chấp trên
thực tế xảy ra vô cùng đa dạng cho nên các biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được
áp dụng cũng rất đa dạng, bao gồm 12 biện pháp được quy định tại Điều 102 Bộ
luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan mà
các quy định của pháp luật dân sự vẫn còn một vài thiếu sót. Trong quá trình thực
hiện đã thể hiện ra một số điểm chưa hợp lý.
Xuất phát từ vấn đề trên, nhóm chúng em xin được nghiên cứu về đề tài:
“Các biện pháp khẩn cấp tạm thời áp dụng đối với tài sản đang tranh chấp” và
nêu ra một số quan điểm, nhận định của cả nhóm. Kính mong thầy cô xem xét và
hoàn thiện cho chúng em những thiếu sót về vấn đề này.

I) Khái quát về các biện pháp khẩn cấp tạm thời và các biện pháp khẩn cấp tạm
thời áp dụng đối với tài sản đang tranh chấp.
1. Khái niệm biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT).
BPKCTT là biện pháp toà án quyết định áp dụng trong quá trình giải quyết
vụ việc dân sự nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng
chứng, bảo toàn tài sản tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo
đảm việc thi hành án.
Theo quy định tại Điều 102 BLTTDS, có mười ba BPKCTT được áp dụng
trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự. Ngoài các BPKCTT này, toà án cũng có
thể áp dụng các BPKCTT khác mà pháp luật có quy định.
Quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT; thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi,
hủy bỏ BPKCTT; trách nhiệm do áp dụng BPKCTT không đúng; thủ tục áp dụng
các BPKCTT và các quy định khác về BPKCTT được quy định cụ thể trong các

1
điều từ Điều 99 đến Điều 126 tại Chương VIII - Các biện pháp khẩn cấp tạm thời
của BLTTDS.
2. Các BPKCTT áp dụng đối với tài sản đang tranh chấp.
2.1. Khái niệm về tài sản đang tranh chấp.
Điều 163 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ
có giá và các quyền tài sản.”
Từ quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan, chúng em xin
đưa ra một cách hiểu về tài sản đang tranh chấp như sau:
Tài sản đang tranh chấp (tài sản là đối tượng của tranh chấp) là tài sản
đang có hai hay nhiều người cùng xác nhận quyền của mình và phủ định quyền của
người kia đối với tài sản đó. Tranh chấp đó có thể là tranh chấp về quyền sở hữu
đối với tài sản hoặc là tranh chấp về chia di sản thừa kế, tranh chấp về quyền sử
dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tranh chấp về chia tài sản chung của vợ
chồng…
2.2. Các BPKCTT áp dụng đối với tài sản đang tranh chấp.
Những BPKCTT sau đây có thể áp dụng đối với tài sản đang tranh chấp:
+ Kê biên tài sản đang tranh chấp;
+ Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp;
+ Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp;
+ Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác;
+ Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà
nước;
+ Phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ;
+ Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ;
+ Cấm hoặc buộc thực hiện một số hành vi nhất định;
Ngoài ra, các BPKCTT khác cũng được áp dụng đối với tài sản đang tranh
chấp là quyền sở hữu trí tuệ như: thu giữ; niêm phong; cấm di chuyển (được quy
định tại Điều 207 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).
2.3. Ý nghĩa của các BPKCTT áp dụng đối với tài sản đang tranh chấp.
Các BPKCTT áp dụng đối với tài sản đang tranh chấp khi được áp dụng có
tác dụng bảo vệ một cách hữu hiệu quyền và lợi ích của đương sự liên quan đến tài
sản đang tranh chấp; bảo vệ tài sản đang tranh chấp khỏi các hành vi nhằm mục
đích tẩu tán, hủy hoại tài sản đang tranh chấp; tạo điều kiện cho việc giải quyết
nhanh chóng vụ việc dân sự; đảm bảo cho việc thi hành án về sau được thuận lợi…
2
II) Quy định của pháp luật về các biện pháp khẩn cấp tạm thời áp dụng đối với
tài sản đang tranh chấp.
1. Kê biên tài sản đang tranh chấp (Điều 108 BLTTDS).
Kê biên tài sản đang tranh chấp là việc kiểm kê, cấm chuyển dịch tài sản
đang tranh chấp để bán tài sản nhằm thanh toán nghĩa vụ.
Kê biên tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết
vụ án có căn cứ cho thấy người giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tẩu tán, huỷ
hoại tài sản.
Tòa án quyết định áp dụng BPKCTT này khi giải quyết vụ án dân sự theo
yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT.
Tài sản bị kê biên có thể được thu giữ, bảo quản tại cơ quan thi hành án hoặc lập
biên bản giao cho một bên đương sự hoặc người thứ ba quản lí cho đến khi có
quyết định của Toà án.
2. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp (Điều 109
BLTTDS).
Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp là việc
không cho thay đổi quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp được áp
dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu
hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài
sản đang tranh chấp cho người khác.
Khi Tòa án đã quyết định áp dụng BPKCTT cấm chuyển dịch quyền về tài
sản đối với tài sản đang tranh chấp thì mọi sự chuyển dịch quyền về tài sản đối với
tài sản đang tranh chấp đều vô hiệu. Tòa án quyết định áp dụng BPKCTT này theo
yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT.
3. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp (Điều 110 BLTTDS).
Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá
trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản
đang tranh chấp có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác
làm thay đổi hiện trạng tài sản đó.
Khi Tòa án đã quyết định áp dụng BPKCTT cấm thay đổi hiện trạng tài sản
đang tranh chấp thì người đang chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc được giao bảo
quản tài sản có nghĩa vụ bảo quản tài sản, giữ nguyên hiện trạng tài sản; các hành
vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm và các hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài
3
sản đó đều phải bị xử lí theo quy định của pháp luật. Tòa án quyết định áp dụng
BPKCTT này khi giải quyết vụ án dân sự theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ
chức có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT.
4. Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác (Điều 111
BLTTDS).
Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác là việc cho
thu, bán những sản phẩm về nông nghiệp hoặc những sản phẩm, hàng hóa khác.
Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác được áp
dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có tài sản đang tranh chấp hoặc liên quan
đến tranh chấp mà có hoa màu, hoặc sản phẩm, hàng hoá khác ở thời kì thu hoạch
hoặc không thể bảo quản được lâu dài.
Tòa án quyết định áp dụng BPKCTT này khi giải quyết vụ án dân sự theo
yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT.
Các tài sản thu được do áp dụng BPKCTT này phải được bảo quản hoặc bán
theo các phương thức do pháp luật quy định (theo phương thức bán tài sản kê biên
để thi hành án).
5. Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước
(Điều 112 BLTTDS).
Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước
là việc cô lập không cho chuyển dịch tài sản ở tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín
dụng khác, kho bạc nhà nước.
BPKCTT này được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ
cho thấy người có nghĩa vụ có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho
bạc nhà nước và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải
quyết vụ án hoặc bảo đảm cho việc thi hành án.
Tòa án quyết định áp dụng BPKCTT này theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan,
tổ chức có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT. Khi Tòa án đã quyết định áp
dụng BPKCTT này, mọi giao dịch được thực hiện đối với tài sản của tài khoản tại
ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước bị phong tỏa đều vô hiệu (trừ
những giao dịch làm tăng giá trị tài khoản).
Nhận được quyết định áp dụng BPKCTT này của Tòa án thì ngân hàng, tổ
chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm ngừng mọi (một số) giao dịch
liên quan đến tài sản của tài khoản bị phong tỏa cho đến khi có quyết định khác về
tài khoản bị phong tỏa của Tòa án.
4
6. Phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ (Điều 113 BLTTDS).
Phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ là việc cô lập không cho chuyển dịch tài sản
đang do người khác nhận gửi giữ.
BPKCTT này được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ
cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản đang gửi giữ và việc áp dụng biện pháp này
là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc bảo đảm cho việc thi hành
án.
Tòa án quyết định áp dụng BPKCTT này khi giải quyết vụ án dân sự theo
yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT.
Khi Tòa án đã quyết định áp dụng BPKCTT này, mọi giao dịch thực hiện đối với
tài sản gửi giữ đều vô hiệu.
Nhận được quyết định áp dụng BPKCTT này của Tòa án, người đang nhận
gửi giữ tài sản bị phong tỏa có trách nhiệm ngừng mọi giao dịch liên quan đến tài
sản phong tỏa cho đến khi có quyết định khác về tài sản bị phong tỏa của Tòa án.
7. Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ (Điều 114 BLTTDS).
Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ là việc cô lập không cho chuyển
dịch tài sản đang do họ giữ của người có nghĩa vụ.
BPKCTT này được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ
cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để
bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc bảo đảm cho việc thi hành án.
Tòa án quyết định áp dụng BPKCTT này khi giải quyết vụ án dân sự theo
yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT.
Khi Tòa án đã quyết định áp dụng BPKCTT này, mọi giao dịch thực hiện đối với
tài sản của người có nghĩa vụ đều vô hiệu. Nhận được quyết định áp dụng
BPKCTT này của Tòa án; người có nghĩa vụ có trách nhiệm ngừng mọi giao dịch
liên quan đến tài sản phong tỏa cho đến khi có quyết định khác của Tòa án về tài
sản bị phong tỏa.

III) Thực trạng quy định của pháp luật về các biện pháp khẩn cấp tạm thời áp
dụng đối với tài sản đang tranh chấp.
1. Một số điểm mới và tiến bộ.
- Nhìn chung, BLTTDS đã quy định một cách khá đầy đủ về các BPKCTT áp dụng
đối với tài sản đang tranh chấp với số lượng các biện pháp khá phong phú, đa dạng,
đặc biệt là quy định tại khoản 13 Điều 102 thừa nhận cả những BPKCTT khác mà
5
pháp luật có quy định. Việc quy định như vậy đã tạo điều kiện thuận lợi cho người
có quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT cũng như Tòa án có thể dễ dàng lựa chọn một
hay nhiều biện pháp thích hợp, qua đó góp phần mở rộng hơn khả năng áp dụng các
BPKCTT đối với các tài sản đang tranh chấp.
- BLTTDS 2004 quy định về áp dụng các BPKCTT quy định nhiều hơn pháp luật
cũ 20 Điều. Theo đó, luật đã quy định chi tiết hơn và có 3 điểm mới mang tính đột
phá trong việc áp dụng BPKKTT nói chung và BPKCTT áp dụng đối với tài sản
đang tranh chấp nói riêng, đó là:
+ Có thể yêu cầu áp dụng BPKCTT cùng với việc nộp đơn khởi kiện.
Theo luật cũ thì đương sự chỉ được yêu cầu áp dụng các biện pháp KCTT
sau khi Toà án đã thụ lý vụ án. Do đó, trên thực tế, có một số trường hợp khi có thể
áp dụng biện pháp này thì đã quá chậm, dẫn đến tài sản bị tẩu tán. Quy định đương
sự có quyền yêu cầu áp dụng các BPKCTT mà chưa cần Toà án thụ lý vụ việc sẽ
tạo điều kiện cho các đương sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bảo
đảm chứng cứ và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật.
+ Yêu cầu áp dụng BPKCTT buộc phải thực hiện biện pháp bảo đảm.
Khác với pháp luật trước đây, BLTTDS 2004 quy định: Đối với trường hợp
yêu cầu Toà án áp dụng BPKCTT các biện pháp như kê biên tài sản, cấm chuyển
dịch quyền về tài sản, cấm thay đổi hiện trạng tài sản, phong toả tài sản của một
bên đương sự thì phải ký gửi một khoản tiền hoặc tài sản có giá trị tương đương do
Toà án ấn định. Quy định này nhằm bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng BPKCTT,
đồng thời có tác dụng ngăn ngừa tình trạng người có quyền yêu cầu toà án áp dụng
các biện pháp khẩn cấp tạm thời lạm dụng quyền này
+ Trách nhiệm do áp dụng các BPKCTT đối với tài sản đang tranh chấp không
đúng.
Theo quy định mới, bên yêu cầu áp dụng BPKCTT phải chịu trách nhiệm
trước pháp luật về yêu cầu của mình. Toà án cũng sẽ chịu trách nhiệm bồi thường
nếu có sai sót trong các trường hợp sau: Toà án tự mình áp dụng BPKCTT, Toà án
áp dụng BPKCTT khác hoặc vượt quá yêu cầu áp dụng BPKCTT của cá nhân, cơ
quan, tổ chức liên quan. Đây là một quy định mới tiến bộ, một mặt có tác dụng
giúp ngăn ngừa việc lạm dụng yêu cầu cũng như bảo đảm quyền lợi cho người bị
áp dụng BPKCTT, mặt khác nâng cao trách nhiệm của toà án trong việc áp dụng
BPKCTT.

6
- BLTTDS đã quy định một cách khá cụ thể, rõ ràng về người có quyền yêu cầu áp
dụng BPKCTT; người có thẩm quyền áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT; điều
kiện áp dụng các BPKCTT…, tạo cơ sở pháp lí cụ thể cho việc áp dụng các
BPKCTT nói chung và các BPKCTT áp dụng đối với tài sản đang tranh chấp nói
riêng.
- Nếu như trước đây, các BPKCTT nói chung và các BPKCTT áp dụng đối với tài
sản đang tranh chấp nói riêng được quy định ở nhiều văn bản khác nhau như: Pháp
lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự 1989, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ
án kinh tế 1994, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động 1996 thì nay
đã được quy định thống nhất trong một văn bản đó là BLTTDS. Điểm mới này có ý
nghĩa tích cực trong việc hạn chế đến mức thấp nhất các quy định không thống nhất
của pháp luật. Ví dụ: Trước đây, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụa án dân sự
không quy định BPKCTT phong tỏa tài khoản còn Pháp lệnh thủ tục giải quyết các
vụ án kinh tế lại có quy định. Hiện nay, BLTTDS hiện hành đã quy định về
BPKCTT phong tỏa đối với tài khoản, tài sản được áp dụng chung đối với tất cả
các tranh chấp, không phụ thuộc nó là tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, kinh tế
hay lao động. Quy định mới này tạo điều kiện thuận lợi, mở rộng khả năng lựa
chọn áp dụng các BPKCTT đối với tài sản đang tranh chấp, góp phần bảo vệ quyền
và lợi ích của các đương sự.
2. Những bất cập, hạn chế và kiến nghị hoàn thiện.
Có thể khẳng định các quy định của BLTTDS về BPKCTT có nhiều điểm
mới tiến bộ và tương đối phù hợp với thực tiễn áp dụng. Tuy nhiên, theo chúng em
một số quy định của BLTTDS về BPKCTT vẫn còn chưa thật phù hợp:
* Khi nghiên cứu các quy định của BLTTDS về các BPKCTT, ta thấy BLTTDS chỉ
quy định rõ, cụ thể bốn BPKCTT để áp dụng đối với tài sản đang tranh chấp, đó là:
Kê biên tài sản đang tranh chấp, Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản
đang tranh chấp, Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; Cho thu hoạch,
cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác.
Trong khi đó, BLTTDS không quy định rõ các BPKCTT: Phong tỏa tài
khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; Phong tỏa tài sản ở
nơi gửi giữ; Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ có thể áp dụng đối với tài sản
đang tranh chấp được hay không.
Cụ thể, Điều 112 BLTTDS quy định:

7
“Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước
được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có
nghĩa vụ có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước và
việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc
bảo đảm cho việc thi hành án.”
Theo đó, việc áp dụng BPKCTT nói trên được áp dụng khi: có người có
nghĩa vụ, người đó có tài khoản tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc kho
bạc nhà nước; việc áp dụng biện pháp này là cần thiết. Cách hiểu của nhóm chúng
em đối với quy định pháp luật này là: BPKCTT nói trên được áp dụng trong trường
hợp có người phải thực hiện nghĩa vụ, việc áp dụng BPKCTT này là để đảm bảo
cho việc thực hiện nghĩa vụ đó chứ BPKCTT này hoàn toàn không được quy định
để áp dụng cho tài sản đang tranh chấp.
Nhưng trên thực tế áp dụng pháp luật, ta thấy có những trường hợp không hề
có người phải thực hiện nghĩa vụ nhưng lại phải áp dụng BPKCTT nêu trên.
Lấy ví dụ: Trường hợp hai vợ chồng có tài sản chung là tài khoản được mở
tại ngân hàng nhưng tài khoản này chỉ đứng tên người chồng. Đến khi li hôn, hai
bên xảy ra tranh chấp đối với tài sản này. Người vợ cho rằng đó là tài sản chung
của vợ chồng nên mình cũng có một phần trong khối tài sản đó, còn người chồng
thì lại cho rằng đó là tài sản riêng của mình. Người vợ khởi kiện vụ án li hôn ra tòa,
yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT. Rõ ràng, trong trường hợp này, biện pháp phong
tỏa tài khoản tại ngân hàng là một biện pháp hữu hiệu mà Tòa án cần áp dụng để
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người vợ, ngăn chặn hành vi chuyển dịch tài
sản nhằm mục đích tư lợi của người chồng.
Cách hiểu cũng tương tự với các Điều 113, 114 BLTTDS.
Để khắc phục hạn chế này, theo nhóm chúng em, cần sửa đổi, bổ sung các
Điều 112, 113, 114 BLTTDS như sau:
Điều 112: “… có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài khoản tại ngân hàng, tổ
chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước hoặc có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức
tín dụng khác, kho bạc nhà nước mà tài khoản đó đang là đối tượng của tranh
chấp và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết…”
Việc sửa đổi cũng tương tự với các Điều 113, 114 BLTTDS.
* Về thủ tục ra quyết định áp dụng BPKCTT đối với tài sản đang tranh chấp được
quy định tại Điều 117 BLTTDS cũng còn bất cập.

8
Thời hạn để thẩm phán ra quyết định áp dụng BPKCTT là ba ngày hoặc 48
giờ tùy từng trường hợp cụ thể vẫn là quá dài, không đáp ứng được tính khẩn cấp.
Bởi đối với những biện pháp phong tỏa về tài khoản, tài sản thì đương sự có khả
năng bị áp dụng BPKCTT này chỉ cần một thời gian rất ngắn để rút tiền hoặc tẩu
tán tài sản.
Theo chúng em trong trường hợp này BLTTDS nên quy định ngắn hơn về
thời hạn ra quyết định áp dụng BPKCTT. Đặc biệt nên quy định trong những
trường hợp cấp bách đương sự có thể yêu cầu toà án ra ngay quyết định áp dụng
các BPKCTT. Kể cả trong ngày lễ, ngày nghỉ đương sự vẫn có quyền yêu cầu toà
án áp dụng các BPKCTT. Dựa vào yêu cầu của đương sự, thẩm phán sẽ ra ngay
quyết định áp dụng BPKCTT nếu xét thấy cần thiết.
* Mục đích của việc Tòa án ra quyết định áp dụng BPKCTT là nhằm kịp thời bảo
vệ quyền lợi cho đương sự. Tuy nhiên, theo quy định tại các Điều 108, 109, 110
BLTTDS thì các biện pháp kê biên tài sản đang tranh chấp, cấm chuyển dịch quyền
về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp, cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang
tranh chấp chỉ được Tòa án ra quyết định áp dụng nếu có căn cứ cho thấy người
đang chiếm giữ tài sản này có hành vi tẩu tán, hủy hoại, chuyển dịch quyền về tài
sản hoặc làm thay đổi hiện trạng tài sản. Điều này có nghĩa khi Tòa án ra quyết
định áp dụng các BPKCTT trên thì những hành vi tẩu tán, hủy hoại, chuyển dịch
quyền về tài sản đối với tài sản hoặc hành vi làm thay đổi hiện trạng tài sản đã được
thực hiện. Nếu vậy, việc Tòa án ra quyết định áp dụng BPKCTT là quá muộn,
không còn ý nghĩa nữa.
Để khắc phục hạn chế này, theo nhóm chúng em, các Điều 108, 109, 110
BLTTDS nên được sửa đổi theo hướng thay thế cụm từ “…nếu có căn cứ cho thấy
người đang nắm giữ … tài sản có hành vi…” bằng cụm từ “…nếu có căn cứ cho
thấy cần ngăn chặn người đang nắm giữ …tài sản có hành vi…”.
* Về quy định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm tại Điều 120 BLTTDS cũng có
chỗ chưa hợp lý.
Cụ thể là khi chấp nhận đơn yêu cầu áp dụng một trong các BPKCTT được
quy định tại các khoản 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 102 BLTTDS, thẩm phán hoặc hội
đồng xét xử buộc người yêu cầu phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc
giấy tờ có giá do thẩm phán hoặc hội đồng xét xử ấn định nhưng phải tương đương
với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện. Cụ thể hơn, theo hướng
dẫn tại Nghị quyết số 02/2005/HĐTP ngày 27/4/2005 của Hội đồng thẩm phán Toà
9
án nhân dân tối cao thì nghĩa vụ tài sản là nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại thực tế
có thể xảy ra cho người bị áp dụng BPKCTT hoặc cho người thứ ba.
Theo chúng em hướng dẫn này rất bất hợp lý bởi khi đưa ra yêu cầu toà án
áp dụng BPKCTT làm sao toà án cũng như người đưa ra yêu cầu biết được mức
thiệt hại thực tế có thể như thế nào.
* Về trách nhiệm bồi thường của Tòa án trong trường hợp Tòa án đã áp dụng
không đúng BPKCTT nên gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc người thứ ba.
Căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của toà án được quy
định tại khoản 2 Điều 102 BLTTDS, nhưng các căn cứ này mới chỉ đề cập đến
trách nhiệm của toà án khi áp dụng không đúng BPKCTT mà chưa đề cập đến trách
nhiệm của toà án trong trường hợp toà án đã không ra hoặc chậm ra quyết định áp
dụng BPKCTT. Trong thực tế, việc toà án đã không ra hoặc chậm ra quyết định áp
dụng BPKCTT có thể gây thiệt hại không nhỏ cho đương sự.
Vì vậy, để xác định được đầy đủ hơn trách nhiệm của toà án, cần bổ sung
vào khoản 2 Điều 102 BLTTDS thêm một căn cứ nữa, đó là toà án phải bồi thường
thiệt hại cho người đưa ra yêu cầu nếu toà án có lỗi trong việc không ra hoặc chậm
ra quyết định áp dụng BPKCTT gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc người thứ
ba.

Kết luận

Pháp luật là tấm gương phản ánh hiện thực cho nên nó phải xuất phát từ thực
tiễn khách quan thì mới có thể giải quyết được các quan hệ phát sinh trong mọi mặt
của đời sống xã hội. Pháp luật tố tụng dân sự cũng vậy. Các quy định về BPKCTT
quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 được xây dựng với mục tiêu đáp ứng
được nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ được bằng chứng, bảo toàn tài sản
hoặc đảm bảo cho việc thi hành án cho nên phải đảm bảo cho việc áp dụng được
nhanh chóng, thống nhất, dễ dàng thực hiện và hiệu quả nhất. Đồng thời vẫn bảo
đảm được tính hợp pháp về mặt thủ tục áp dụng để ngăn chặn việc áp dụng sai
thẩm quyền, sai tính chất các BPKCTT… Chính vì vậy cần phải khắc phục được
những bất cập còn tồn tại và cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về chế
định này./.

10
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình Luật Tố tụng Dân sự - Trường ĐH Luật Hà Nội (năm 2008) -
Nxb. Công an nhân dân;
2. Trần Anh Tuấn, “Chế định biện pháp khẩn cấp tạm thời trong BLTTDS
Việt Nam”. Tạp chí luật học, đặc san góp ý Dự thảo BLTTDS, 2004,
tr.86-92.
3. Biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Bộ luật Tố tụng dân sự và thực tiễn áp
dụng, ThS. Trần Anh Tuấn, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 12/2005,
trang 15-20;
4. Về chế định biện pháp khẩn cấp tạm thời, ThS. Trần Phương Thảo, Tạp
chí luật học (2005), Đặc san về Bộ luật Tố tụng dân sự, trang 78-85;
5. Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004;
6. Bình luận khoa học một số vấn đề của pháp luật tố tụng dân sự và thực
tiễn áp dụng.

11

You might also like