You are on page 1of 5

Công tác hoạch định chính sách phát triển khu công nghiệp của

Đài Loan Một vài kinh nghiệm cho Việt Nam (19/04/2007)
Hơn 4 thập kỷ qua, phát triển công nghiệp luôn là động lực cho phát
triển kinh tế của Đài Loan, trong đó các KCN giữ một vị trí quan trọng.
Các chính sách phát triển KCN luôn thay đổi theo từng giai đoạn phát
triển kinh tế khác nhau, chuyển dịch dần từ mô hình sản xuất tập
trung truyền thống sử dụng nhiều lao động sang hình thức các KCN
công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị thặng dư. Những chính sách thông
thoáng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, hỗ trợ tài chính, khuyến khích
phát triển kinh tế đã đem lại những kết quả to lớn cho phát triển kinh
tế Đài Loan trong những thập niên vừa qua.
Quá trình phát triển các KCN của Đài Loan khởi điểm từ những chính
sách ban đầu chỉ đơn thuần tạo mặt bằng để xây dựng các xí nghiệp
công nghiệp được kết hợp với chính sách phát triển cân đối theo vùng
và nâng cao chính sách phát triển kinh tế.
Theo số liệu của Bộ Kinh tế Đài Loan, đến nay Đài Loan có 88 KCN
đang hoạt động trên khắp cả nước với tổng diện tích đất tự nhiên hơn
11.422 ha, thu hút được hơn 11.000 dự án đầu tư, trong đó Cục Phát
triển công nghiệp (IDB) trực tiếp quản lý 54 KCN có vai trò quan trọng
tới việc phát triển các vùng trong lãnh thổ. Ngoài ra có 23 KCN đang
trong quá trình xây dựng với tổng diện tích 18,414 ha và 18 KCN khác
đã được quy hoạch với tổng diện tích gần 4.400 ha. Nhằm thu hút đầu
tư vào các KCN, đặc biệt là các dự án có hàm lượng công nghệ cao, tạo
giá trị gia tăng lớn, chính quyền đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi
khác nhau về thuế, hỗ trợ tài chính hoặc vay ưu đãi từ chính phủ, quy
định mức khấu hao đặc biệt cho các thiết bị máy móc... Các thủ tục xin
giấy phép đầu tư, giấy phép hải quan trong các KCN, KCX ở Đài Loan
đều thực hiện chế độ “một cửa” cho nhà đầu tư.
Công tác phát triển các KCN ở Đài Loan được phân thành 4 nhiệm vụ
quản lý chủ yếu sau: (i) lựa chọn địa điểm và đánh giá tính khả thi của
dự án đầu tư; (ii) lập kế hoạch, thiết kế và xây dựng KCN; (iii) bán và
cho thuê đất trong KCN và (iv) quản lý điều hành KCN. Cục Phát triển
công nghiệp (IDB) thuộc Bộ Kinh tế là cơ quan chịu trách nhiệm chính
thực hiện xây dựng và triển khai chính sách phát triển các KCN ở Đài
Loan. Đối với các KCN do tư nhân xây dựng, chủ đầu tư chịu trách
nhiệm hoàn toàn việc đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN
theo đúng quy hoạch của chính quyền. Đối với các KCN do chính quyền
Đài Loan đầu tư, Cục Phát triển kinh tế sẽ thành lập nhóm công tác
phát triển KCN với thành phần đại diện các cấp chính quyền trung
ương và địa phương cũng như các cơ quan chức năng của Bộ Kinh tế
như Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững, Cơ quan quản lý doanh
nghiệp vừa và nhỏ, Cục Bảo vệ môi trường... Nhóm công tác này được
tổ chức thành những bộ phận chuyên trách đảm nhiệm các chức năng,
nhiệm vụ cụ thể: Bộ phận hoạt động kinh doanh có trách nhiệm đầu
tư, xây dựng và phát triển KCN sau khi dự án đầu tư đã được thông
qua; tự huy động các nguồn vốn cần thiết để triển khai dự án và thu
hồi vốn đầu tư qua việc bán, cho thuê đất đã có hạ tầng kỹ thuật hoàn
chính. Việc lập kế hoạch, thiết kế và giám sát xây dựng sẽ do các bộ
phận tư vấn kỹ thuật chuyên trách đảm nhiệm. Việc phối hợp công tác
xây dựng với phát triển KCN như thu hồi đất, đăng ký đất đai, kết nối
hạ tầng đòi hỏi sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trung ương, địa
phương có liên quan. Sau khi đã hoàn tất việc xây dựng KCN, nhóm
công tác phát triển KCN sẽ ban hành các điều lệ quản lý nhằm quy
định các hoạt động của các nhà máy trong KCN, các quy định về bảo
vệ môi trường, thuê nhân công và các dịch vụ tiện ích khác.
Căn cứ vào điều kiện tài nguyên, đặc điểm kinh tế xã hội từng khu
vực, kết hợp với việc dự báo, đánh giá xu hướng phát triển khoa học-
kỹ thuật, công nghệ, triển vọng thị trường thế giới trong thời gian 10-
20 năm, mà chính quyền Đài Loan xây dựng quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế quốc dân, quy hoạch phát triển các KCN và đưa ra các
chính sách phát triển phù hợp theo từng giai đoạn. Chính sách phát
triển KCN được hoạch định theo trình tự các bước: xác định trọng tâm
vấn đề cần giải quyết; xác lập mục tiêu cần phải đạt được; đề xuất các
giải pháp và lựa chọn phương án, chính sách tối ưu. Để đảm bảo tính
khách quan trong điều hành nền kinh tế, các cơ quan hoạch định chính
sách và chiến lược phát triển, quy hoạch, được tách ra khỏi cơ quan
quản lý điều hành. Thí dụ Hội đồng Kế hoạch và Phát triển kinh tế chịu
trách nhiệm hoạch định chiến lược phát triển, quy hoạch các ngành,
các vùng, kế hoạch phát triển, các chính sách phát triển KCN...; Bộ
Kinh tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch và
cụ thể hoá các chính sách. Trong quá trình triển khai, các cơ quan này
có thể kiểm tra công việc của nhau để kịp trình Chính phủ những giải
pháp, điều chỉnh thích hợp nhằm khắc phục kịp thời những khiếm
khuyết hoặc sai lệch trong quy hoạch, kế hoạch, chính sách hay trong
công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Từ giữa thập kỷ 1980, nền kinh tế Đài Loan đứng trước nhiều biến đổi
lớn: đồng Đài tệ lên giá, cán cân mậu dịch mất cân đối, đầu tư công
cộng không đủ, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm, hệ số tiết kiệm
cao, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch toàn cầu tăng lên dẫn đến việc mở
rộng mậu dịch bị hạn chế, sự phát triển nhanh chóng của quan hệ kinh
tế giữa hai bờ eo biển dần trở thành nhân tố quan trọng đối với việc
phát triển kinh tế Đài Loan... dẫn đến nhịp độ tăng trưởng của các
ngành kinh tế không ổn định và mất cân đối... Đứng trước tình hình
ấy, chính quyền Đài Loan đã thực thi chiến lược chuyển đổi mô hình
phát triển kinh tế, trên cơ sở đó đề ra nhiều chính sách và biện pháp
điều chỉnh phát triển kinh tế, nhằm tiếp tục đưa Đài Loan bước vào
thời kỳ tăng trưởng mới, hướng ngoại mạnh mẽ và toàn diện theo
phương châm “Ba hoá”: tự do hoá, quốc tế hoá và chế độ hoá, tiến
hành chiến lược nâng cấp ngành nghề, chuyển trọng tâm xây dựng
công nghiệp sang các ngành sử dụng kỹ thuật cao, cơ giới hoá, tự
động hoá, tiết kiệm tối đa năng lượng và nguyên liệu. Mục tiêu cơ bản
của chính sách “Ba hoá” là thực hiện mở rộng toàn diện, tập trung mọi
nguồn lực để thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài (kể cả của Hoa kiều và
từ Trung Quốc đại lục), khuyến khích tự do cạnh tranh, kiện toàn điều
tiết thị trường, sau đó chuyển sang tăng tốc công nghiệp. Chính quyền
Đài Loan đã đề ra mục tiêu tăng giá trị sản xuất công nghiệp từ 254,5
tỷ USD năm 2003 đạt mức 350,5 tỷ USD vào năm 2008, giá trị sản
xuất bình quân hàng năm của mỗi công nhân tăng tương ứng từ 110
nghìn USD lên 150 nghìn USD. Đồng thời Đài Loan cũng đưa ra 06
nguyên tắc cơ bản đối với phát triển công nghiệp đó là: có tiềm lực thị
trường vững mạnh; liên kết chặt chẽ giữa các ngành; tạo giá trị gia
tăng cao; công nghệ tiên tiến; mức độ ô nhiễm thấp và tiêu thụ ít
năng lượng.
Để đạt được các mục tiêu trên thì phát triển công nghiệp nói chung và
phát triển KCN nói riêng của Đài Loan đòi hỏi phải có những thay đổi
to lớn không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng. Sau khi Đài Loan gia
nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới WTO vào đầu năm 2002, chính
quyền Đài Loan đã đề ra những định hướng điều chỉnh trong chính
sách phát triển KCN trong thời gian tới như sau :
Thứ nhất, chuyển đổi thu hút đầu tư vào KCN từ dựa trên yếu tố giá
thành sang yếu tố chất lượng dịch vụ: Trước đây chủ đầu tư KCN chỉ
cung cấp những dịch vụ công cộng cơ bản với mức giá cho thuê đất
thấp, nhằm giảm chi phí sản xuất và quản lý của các doanh nghiệp
KCN... thì nay chuyển hướng sang đầu tư xây dựng các KCN có chất
lượng dịch vụ cao với giá cho thuê đất ở mức hợp lý.
Thứ hai, chuyển từ định hướng “trọng cung” sang định hướng “trọng
cầu” do phương thức đầu tư phát triển KCN theo hướng “trọng cung”
trước đây không đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu và đặc điểm của phát
triển công nghiệp một cách bền vững. Việc cho thuê đất phát triển
công nghiệp trong các KCN sẽ dựa trên nhu cầu thị trường và yêu cầu
phát triển của các ngành công nghiệp. Đồng thời, khuyến khích khu
vực tư nhân tham gia phát triển KCN.
Thứ ba, chuyển từ mô hình phát triển các KCN tập trung sang mô hình
công viên công nghiệp. Trước đây các KCN truyền thống chỉ đáp ứng
hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như hệ thống đường giao thông, cấp điện,
cấp nước. Với các đặc tính mới, các công viên công nghiệp sẽ chú
trọng hơn công tác bảo vệ môi trường sinh thái, ưu tiên quy hoạch đất
cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), các ngành công
nghệ cao và các hoạt động giải trí nhằm tạo ra một hình ảnh mới, chất
lượng dịch vụ cao của các công viên công nghiệp.
Thứ tư, chuyển từ cung cấp các dịch vụ cơ bản sang các loại dịch vụ
cao cấp: Các KCN mới sẽ ngày càng đa dạng hoá các loại hình dịch vụ,
không chỉ đơn thuần những dịch vụ sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng hệ
thống hạ tầng như trước đây, mà còn cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về
quản lý doanh nghiệp, dịch vụ xúc tiến thương mại, tư vấn pháp lý,
phát triển công nghiệp.
Thứ năm, phát triển “các công viên công nghiệp thông minh” để nâng
cao năng lực hoạt động sản xuất của Đài Loan. Với mục tiêu, đưa Đài
Loan thành một trung tâm công nghiệp của khu vực châu á-Thái Bình
Dương và đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp công nghệ mới, tạo
giá trị gia tăng cao, chính quyền Đài Loan đang nỗ lực thành lập các
“công viên công nghiệp thông minh” được quy hoạch hạ tầng hoàn
thiện có hệ thông viễn thông hiện đại và cung cấp các dịch vụ quản lý
tập trung tiên tiến. Các KCN thông minh này chủ yếu sẽ phát triển các
ngành công nghệ thông tin, các hoạt động nghiên cứu và phát triển
R&D, phát triển công nghệ mới, tạo giá trị gia tăng cao, bao gồm cả
các trung tâm đào tạo và các viện nghiên cứu.
Một vài kinh nghiệm đối với Việt Nam
Thực tiễn phát triển các KCN ở Đài Loan cho thấy, vấn đề hoạch định
chính sách, đề ra các quyết sách chính xác, mở “đột phá khẩu” đầu
tiên chuẩn xác, liên tục, biết thay đổi chính sách kịp thời sát với tình
hình và giải quyết đúng đắn các mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình
phát triển là bài học quan trọng. Xuất phát từ nhận thức ấy, các chính
sách phát triển KCN của Đài Loan được hình thành trên cơ sở hội tụ
đầy đủ các yếu tố, luận cứ khoa học về tự nhiên, xã hội, kinh tế chính
trị và sự kế thừa những kinh nghiệm, lịch sử. Đó là quá trình nghiên
cứu tổng hợp nhiều yếu tố nhằm tìm ra sự mở đầu mang tính quyết
định cho một đường hướng phát triển lâu dài và chính xác.
Trên cơ sở xác định đúng đắn chiến lược phát triển kinh tế tổng thể
trong từng giai đoạn, các nhà hoạch định chính sách của Đài Loan đã
đề ra các chính sách và biện pháp hoàn toàn không theo nguyên tắc
cứng nhắc, mà luôn đổi mới theo sát với thực tế. Trong bối cảnh hội
nhập kinh tế khu vực và thế giới ngày càng sâu rộng, mức độ cạnh
tranh ngày càng gay gắt, các chính sách được đề ra đều rất chú trọng
đến tính tổng thể, có tầm nhìn dài hạn và toàn cục được xây dựng trên
cơ sở cân nhắc rất kỹ mục tiêu công nghiệp hoá cho từng thời kỳ.
Hình thành một hệ thống các KCN chủ đạo có vai trò dẫn dắt sự phát
triển công nghiệp quốc gia là mục tiêu mà các KCN ở Việt Nam hướng
đến vào năm 2015. Tuy đã đạt được những thành tựu nhất định trong
hơn một thập kỷ qua, Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều trở ngại trên
con đường phát triển. Mặt khác, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và
tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế tri thức đang tiếp tục
tạo ra những thách thức mới. Nếu không tận dụng được những cơ hội
để tăng trưởng với tốc độ nhanh, rút ngắn khoảng cách thì nguy cơ tụt
hậu ngày càng xa là không thể tránh khỏi. Việt Nam cũng không thể
áp dụng hoàn toàn các mô hình phát triển KCN thành công trong
những thập niên qua của Đài Loan do những thay đổi trong bối cảnh
quốc tế cũng như sự khác biệt cơ bản về cơ cấu tổ chức xã hội và nền
kinh tế. Tuy nhiên, một số kinh nghiệm của Đài Loan về đầu tư phát
triển các KCN nói trên sẽ rất bổ ích cho các nước đang phát triển,
trong đó có Việt Nam đang trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá,
hiện đại hoá đất nước .
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo năm 2005 của Cục Phát triển công nghiệp, Bộ Kinh tế Đài
Loan.
- Báo cáo kết quả khảo sát các KCN Đài Loan của Ban Quản lý các KCN
Việt Nam.
- Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn Đài Loan -
TS. Nguyễn Đình Liên - Viện Nghiên cứu Trung Quốc, NXB Khoa học xã
hội 2006

You might also like