You are on page 1of 2

Tuổi Trẻ Cười

Thứ Năm, 25/12/2008, 08:17 (GMT+7)


Hãy cười khi bị ung thư

TTC - “Thật mà!” - Giọng ông bác sĩ không có vẻ gì giễu cợt. Mà ai dám giễu cợt với
người vừa được xác nhận mắc bệnh ung thư? Bà bệnh nhân trợn mắt rõ ràng là không
tin. Mặc dù 5 phút trước bà đã tỏ ra bình tĩnh khi biết mình chỉ có 50% cơ may sống sót
nếu điều trị tích cực căn bệnh này.

Bà ngồi lặng đi một lát rồi hỏi “Bác sĩ ơi làm sao cứu tôi?”. Bác sĩ trình bày phác đồ trị liệu, mà
biện pháp đầu tiên là gởi bà đến một lớp học cười.

Dĩ nhiên đây là chuyện bên Mỹ. Cho nên có nghiên cứu, thí nghiệm, có nghiệm thu, báo cáo
khoa học đàng hoàng. Và kết quả được đăng công khai trên Yahoo! News. Rằng cười xả
được căng thẳng, giúp thư giãn, giảm huyết áp, giúp tiêu hóa, tăng cường hô hấp, hỗ trợ
chức năng các cơ, rõ ràng là liều thuốc bổ. Vậy cười có trị được bệnh ung thư không?
Không. Nhưng từ nhiều năm nay, các trung tâm điều trị ung thư ở Mỹ đã áp dụng liệu pháp
cười song song với xạ trị, giải phẫu,... vân vân...

Theo dõi những ca điều trị kiểu này, bác sĩ nhận thấy khi xạ trị và phẫu trị mà không kết quả
thì cười trị giúp người ta vui vẻ chết, mà chưa chết thì vui vẻ điều trị. Vấn đề là làm sao cho
bệnh nhân cười, vì hiện nay chưa có thuốc cười đặc chế. Tâm lý gia Steven Wilson bèn sáng
lập một tổ chức là World Laugh Tour, chuyên đào tạo và cấp bằng cho các nhà lãnh đạo cười
của các câu lạc bộ cười, hay nhóm cười, lớp cười ở các trung tâm điều trị ung thư, cũng như
các trung tâm điều trị tất cả bệnh nan y và kinh niên khác.

Một trong những lãnh đạo cười có bằng cấp là ông Robbie Robinson, 52 tuổi, cựu bệnh nhân
ung thư nước bọt (nước bọt của ông văng ra một số lượng đáng kể mỗi khi ông cười, nên tuy
bệnh không chữa được, ông vẫn vui vẻ sống) đã báo cáo kinh nghiệm: “Chúng tôi lập thành
từng nhóm, xem video hài, kể chuyện tiếu lâm, giễu cợt nhau, thậm chí tán tỉnh, bốc phét
nhau, ai cũng khoái được tâng bốc cho dù chết tới nơi. Người lãnh đạo cười của nhóm cần có
các kỹ năng của hoạt náo viên sân khấu hài, còn được gọi là y tá hề, trong trường hợp bệnh
nhân đang bị cơn đau đớn thể xác hành hạ, thì liệu pháp tinh thần của các y tá hề giúp cho
bệnh nhân chịu đựng cơn đau lâu hơn”.

Một tổ chức phi lợi nhuận là Rx Laughter đặt trọng tâm vào việc quản lý cơn đau của bệnh
nhân và phát triển sức khỏe tâm thần thông qua giải trí vui nhộn. Tổ chức này tham gia 2
chương trình nghiên cứu và kết luận: Bệnh nhân ung thư coi phim hài trước khi ngủ thì ngủ
ngon và ít bị đau đớn, nếu đang xem mà chết thì cũng được ngậm cười. Tổ chức này, và cả
World Laugh Tour, đều có chương trình quảng bá liệu pháp này ra toàn thế giới, trước sau gì
cũng sẽ tới Việt Nam, nơi mà họ thấy thị trường tiềm năng rất lớn, không chỉ có nhiều người
bệnh ung thư, mà còn bệnh xơ cứng cơ mép.

Một trong những bí quyết thành công của các lãnh đạo cười là làm cho người ta nhận thức rõ
là họ đã mắc một chứng bệnh chỉ có nước chết. Khi ấy bệnh nhân sẽ có tâm lý là: “Kệ bà,
đằng nào cũng chết, cười cho sướng cái đã!”.

LÝ LAN

Tuổi Trẻ Cười số 370 (ra


ngày 15-12-2008) hiện đã
có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón


mua để thưởng
thức được toàn bộ nội
dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều


thời gian thư giãn thoải
mái!

You might also like