You are on page 1of 9

CẢI CÁCH THƯƠNG MẠI CỦA VIỆT NAM TRƯỚC KHI GIA NHẬP

WTO

TS. Phạm Thị Thanh Bình


Viện Kinh tế Thế giới

Trong tiến trình gia nhập WTO, cho đến nay Việt Nam đã đạt được
những kết quả nhất định. Ngày 4/1/1995, WTO đã chấp nhận đơn xin gia
nhập của Việt Nam; Ngày 30/1/1995, Việt Nam thành lập Ban công tác gia
nhập WTO; Ngày 26/8/1996, Việt Nam nộp Bản ghi nhớ về chế độ ngoại
thương; Ngày 7/5/1997, Việt Nam thành lập Đoàn đàm phán chính phủ về
việc gia nhập WTO. Hiện nay, Việt Nam đã trải qua vòng đàm phán thứ 6 và
đã kết thúc giai đoạn minh bạch hoá chính sách thương mại. Để đẩy nhanh
quá trình hội nhập WTO, Việt Nam đã và đang tích cực cải cách chính sách
thương mại của mình để chuẩn bị cho những cuộc đàm phán mở cửa thị
trường và thực hiện các cam kết vào năm 2005.
I. Những thành tựu cải cách ban đầu
Hệ thống kế hoạch hoá ngoại thương cứng nhắc của Việt Nam, phản
ánh mô hình xuất nhập khẩu không hợp lý, đã dần dần được huỷ bỏ vào năm
1986 khi Đại hội Đảng lần thứ VI ra đời. Cho đến nay, hệ thống này phần
lớn đã được cải cách theo xu hướng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế
giới. Tính đến cuối năm 2002, Việt Nam đã chính thức thiết lập quan hệ
ngoại giao với 167 nước, quan hệ ngoại thương với hơn 155 nước; khai
thông các quan hệ với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như IMF, WB,
ADB (1992);gia nhập các tổ chức khu vực và quốc tế như ASEAN (1995);
gia nhập APEC (1998)... Việt Nam cũng đã ký kết được 82 hiệp định thương
mại song phương, 42 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, đã thiết lập
được mối quan hệ thương mại với nhiều nước lớn trên thế giới, đặc biệt là
ký kết Hiệp định thương mại Việt Mỹ vào 7/2000....
Về cơ chế nhập khẩu
Chính phủ đã sử dụng những công cụ chính sách thông thường như thuế
quan, côta, cấp giấy phép nhập khẩu. Để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất
nhập khẩu, Luật Thuế xuất nhập khẩu đã ra đời từ năm 1988, dỡ bỏ dần
những rào cản đối với hầu hết các mặt hàng xuất nhập khẩu. Cụ thể là:
Thuế quan: Việt Nam đã đạt được những bước cắt giảm thuế quan rất
quan trọng kể từ năm 1996 khi tiến hành gia nhập AFTA. Trong quá trình
hội nhập kinh tế khu vực, Việt Nam đã cam kết cắt giảm thuế quan đối với
5.505 sản phẩm, trong đó có 80% sản phẩm cắt giảm ở mức thuế 0-5% và
20% sản phẩm ở mức thuế trên 5%. Khi hiệp định thương mại Việt - Mỹ
chính thức có hiệu lực, Việt Nam đã cam kết giảm thuế nhập khẩu đối với
244 mặt hàng trong vòng 3-6 năm với mức thuế giảm bình quân từ 35%
xuống còn 26% (trong đó có 80% là sản phẩm nông nghiệp). Cũng theo cam
kết này, Việt Nam đang tiến hành bãi bỏ ưu đãi về thuế nhập khẩu theo tỷ lệ
nội địa hoá và dần dần tháo bỏ việc áp dụng chế độ thu phí và lệ phí liên
quan đến hàng hoá xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam hiện duy trì thuế
suất, thuế nhập khẩu trung bình đối với hàng nông sản là khoảng 25%, với
thuế suất đỉnh lên đến từ 40 đến 100% áp dụng cho hoa quả tươi, đường
kính, ngũ cốc, rượu vang, bia, thuốc lá...Mà theo quy định của WTO, các
nước xin gia nhập thường phải giảm thuế suất trung bình đối với hàng nông
sản xuống còn khoảng 20%, đối với hàng chế tạo còn 10%.
Hệ thống miễn thuế nhập khẩu hàng hoá cũng được chính phủ áp dụng,
đặc biệt đối với hai loại hàng hoá chủ yếu là nguyên liệu thô và hàng hoá
trung gian phục vụ sản xuất hoặc các hàng hoá lắp ráp sử dụng để xuất khẩu.
Hệ thống pháp luật phục vụ các hoạt động chế biến xuất khẩu ở Việt Nam
được thành lập năm1991 thông qua những quy định về việc thành lập các
khu chế xuất. Hệ thống này đang dần dần đưa Việt Nam lại gần với thị
trường thế giới hơn, tránh được sự bóp méo và kiểm soát nhập khẩu như
trước đây. Nhờ đó, hoạt động sản xuất và chế biến xuất khẩu của Việt Nam
trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Các hàng rào phi thuế quan: Chính phủ đã sử dụng một loạt các biện
pháp phi thuế quan để kiểm soát và điều tiết nhập khẩu. Hệ thống cấp giấy
phép nhập khẩu và côta thực sự được nới lỏng khi Hệ thống danh mục hàng
xuất nhập khẩu chịu thuế được đưa vào áp dụng năm 1992 theo nghị định
114-HĐBT. Theo Nghị định này, số lượng mặt hàng nhập khẩu phải chịu
quản lý bằng hạn ngạch đã giảm đáng kể, và mọi hàng hoá đều được tự do
xuất nhập khẩu và chịu điều tiết bằng thuế xuất nhập khẩu, trừ danh mục
hàng cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu, danh mục hàng xuất nhập khẩu được
quản lý bằng hạn ngạch. Hiện tại, Việt Nam đang cố gắng loại bỏ hạn ngạch,
côta theo đúng tiến trình thực hiện hiệp định thương mại Việt - Mỹ, hạn chế
các khoản phụ phí nhập khẩu, ban hành những quy định mới về giá trị tính
thuế hải quan, và mở rộng quyền kinh doanh xuất nhập khẩu đối với các
hình thức doanh nghiệp khác ngoài thành phần kinh tế nhà nước.
Những hạn chế về quyền giao dịch thương mại truyền thống cũng là
một trong những hàng rào phi thuế quan quan trọng mà chính phủ đã sử
dụng. Quyền giao dịch buôn bán, thường được gọi là thương mại nhà
nước,đơn giản là quyền xuất nhập khẩu hàng hoá, đã được nới lỏng. Trước
năm 1986, quyền xuất nhập khẩu hàng hoá chủ yếu nằm trong tay nhà nước
dưới dạng những tổng công ty xuất nhập khẩu mang tính chất độc quyền.
Luật Thuế xuất nhập khẩu ra đời (1988) đã nới lỏng hơn đối với việc thành
lập các tổ chức thương mại nước ngoài, và việc Nhà nước độc quyền ngoại
thương đã chấm dứt. Các tổ chức, các công ty thuộc nhiều thành phần kinh
tế của Việt Nam đã được phép tham gia các hoạt động thương mại quốc tế.
Trong những năm sau đó, quyền tham gia kinh doanh nhập khẩu của các
doanh nghiệp được mở rộng hơn. Mọi doanh nghiệp đều có thể được cấp
giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu nếu đảm bảo một số điều kiện như
phải có mức vốn lưu động tối thiểu là 200.000 USD, hoạt động đúng ngành
hàng đăng ký, và không hạn chế kim ngạch nhập khẩu.... Cho đến năm 1998,
theo nghị định 57/1998/NĐ-CP, những quy định về các điều kiện kinh doanh
xuất nhập khẩu đề ra trước đây đã được bãi bỏ hoàn toàn nhằm khuyến
khích hơn nữa các thành phần doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập
khẩu.
Về cơ chế xuất khẩu
Cải cách cơ chế xuất khẩu của nước ta cũng có những thành tích nổi bật
như cải cách hệ thống quản lý nhập khẩu. Hệ thống lập kế hoạch xuất khẩu
trực tiếp mang tính cứng nhắc dần được thay thế bằng những hoạt động phi
tập trung hoá và theo cơ chế thị trường. Xu hướng thờ ơ và không coi trọng
xuất khẩu của hệ thống thương mại trước cải cách dần dần đã được huỷ bỏ
vì chính phủ phi tập trung hoá hoạt động ngoại thương và đưa vào thực hiện
các chính sách tỷ giá hối đoái không đối xử phân biệt với hàng xuất khẩu.
Mở rộng quyền kinh doanh xuất khẩu: Thay đổi quan trọng nhất là mở
rộng quyền kinh doanh thương mại cho hoạt động xuất khẩu. Như trên đã đề
cập, quyền kinh doanh xuất nhập khẩu đã được nới lỏng, và ngay cả những
mặt hàng thiết yếu Nhà nước cũng không có chủ trương độc quyền hoàn
toàn về kinh doanh xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất
khẩu được miễn thuế doanh thu, nếu doanh nghiệp dùng lợi nhuận đầu tư
vào sản xuất hàng xuất khẩu thì được giảm thuế lợi tức. Các doanh nghiệp
sản xuất hàng cần thay thế nhập khẩu được xét giảm thuế doanh thu, thuế lợi
tức trong thời gian sản xuất ban đầu; các doanh nghiệp gia công hàng hoá
cho nước ngoài được nhập khẩu miễn thuế thiết bị vật tư phục vụ sản xuất.
Kể từ năm 1998, những ưu đãi đối với doanh nghiệp xuất khẩu được mở
rộng hơn. Theo Nghị định 57/1998/NĐ-CP Các doanh nghiệp có vốn đầu tư
nước ngoài được phép xuất khẩu những mặt hàng không nêu trong giấy phép
đầu tư của mình. Còn các doanh nghiệp trong nước thì được quyền xuất
khẩu sản phẩm trực tiếp mà không cần có giấy phép xuất nhập khẩu.
Tháo dỡ hạn ngạch xuất khẩu: Việt Nam đã dỡ bỏ hạn ngạch đối với
hầu hết các mặt hàng xuất khẩu, trừ một số mặt hàng thiết yếu đặc biệt là
gạo. Trong Bản ghi nhớ về chế độ ngoại thương nộp cho WTO, gạo là nông
sản duy nhất bị áp dụng hạn ngạch xuất khẩu vì lý do an ninh lương thực
quốc gia. Cùng với đó, cải cách thuế xuất khẩu cũng được thực hiện. Ví dụ,
thuế xuất khẩu đối với gạo đã giảm từ 2%/năm (1997) xuống còn 0%/năm
(1998). Tuy nhiên, là một nước ĐPT nghèo, Việt Nam không phải đưa ra
các cam kết cắt giảm trợ cấp nông phẩm xuất khẩu trong vòng 6 năm khi gia
nhập WTO.
Cải cách ngoại hối: Cải cách giá cả và phân bổ ngoại hối là một yếu tố
khác rất quan trọng liên quan đến tăng trưởng xuất khẩu trong những năm
qua. Trong giai đoạn trước cải cách, nhà nước đã cố định tỷ giá theo hướng
định giá cao đồng nội tệ để trợ cấp nhập khẩu các hàng hoá ưu tiên có hàm
lượng vốn cao mà trong nước chưa thể sản xuất được. Vào cuối thập kỷ
1980, nhà nước đã thay đổi dần các yếu tố này của hệ thống ngoại hối, cơ
chế hai tỷ giá đã được xoá bỏ để thay thế bằng cơ chế một tỷ giá chủ đạo là
tỷ giá trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng. Các quy định về kết hối ngoại
tệ cũng được nới lỏng, các quy định về quản lý dự trữ ngoại hối đã có sự
thay đổi, và các nghiệp vụ thị trường mở đang được xem xét áp dụng. Chính
sách tỷ giá trong thời gian qua đã có những điều chỉnh, phân theo ba giai
đoạn sau:
 Thời kỳ thứ nhất: 1988-1991: tỷ giá được nới lỏng để đưa dần các
yếu tố thị trường vào cơ chế xác định tỷ giá.
 Thời kỳ thứ hai: 1992-1997 (trước khi nổ ra khủng hoảng tài chính
tiền tệ), tỷ giá được ấn định và điều chỉnh gần như cố định để kiềm chế lạm
phát, ổn định thị trường tài chính tiền tệ và thu hút đầu tư nước ngoài.
 Thời kỳ thứ ba: từ sau khủng hoảng đến nay, chính phủ đã có
những điều chỉnh có tính chủ động hơn để khắc phục khủng hoảng và tránh
đồng Việt Nam bị định giá quá cao.
Chính sách tỷ giá như trên đã có tác động tích cực đến ngoại thương,
đặc biệt đối với lĩnh vực xuất khẩu. Đồng tiền đã được định giá ngày càng
sát với giá trị thực của nó. Tuy nhiên, tỷ giá hối đoái như hiện nay vẫn cần
phải có sự điều chỉnh hơn nữa, tiến tới tự do hoá tỷ giá trong giai đoạn sớm
nhất.
Hỗ trợ trong nước và trợ cấp xuất khẩu cho nông nghiệp: Hiệp định
nông nghiệp của WTO yêu cầu các nước phải giảm các hình thức trợ cấp
bóp méo thương mại. Hiệp định nông nghiệp của WTO đã chia trợ cấp thành
4 nhóm: trợ cấp hộp xanh lơ, trợ cấp hộp xanh lá cây, trợ cấp hộp vàng và
trợ cấp hộp đỏ. Trợ cấp thuộc diện hộp xanh lơ và xanh lá cây là các biện
pháp trợ cấp được phép mà không phải chịu sự điều chỉnh. Trợ cấp hộp vàng
ảnh hưởng đến thương mại, phải ràng buộc và cam kết điều chỉnh. Trợ cấp
hộp đỏ bị cấm và phải loại bỏ khi đã trở thành thành viên chính thức của
WTO. Ở Việt Nam, trợ cấp hộp vàng trước kia được sử dụng để hỗ trợ nông
phẩm thông qua Quỹ bình ổn giá. Gần đây, Quỹ này được đổi tên là Quỹ hỗ
trợ xuất khẩu. Tổng trợ cấp tính gộp hàng năm của Việt Nam trong thời kỳ
1996-1998 là khoảng 1.644,84 tỷ VND. Gạo, đường, thịt lợn, bông, gia súc,
gia cầm, dứa là những đối tượng được hưởng những khoản trợ cấp này. Tuy
nhiên, lượng tiền hỗ trợ này của Việt Nam được WTO coi là thấp, chưa cần
phải cắt giảm trong giai đoạn hiện nay.
Bảng 1: Mức thưởng theo kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng năm
2002
Mặt hàng Mức Mặt hàng Mức thưởng
thưởng (đ/USD)
(đ/USD)
Gạo các loại 180 Cà phê nhân 220
Thịt lợn sữa 280 Cà phê hoà tan, cà phê bột 100
Thịt lợn miếng 900 Rau quả hộp 400
Thịt gia súc, gia cầm 100 Rau quả tươi, sấy khô và sơ chế 100
Chè 220 Lạc nhân 100
Hạt tiêu 100 Hạt điều 100
Thủ công mỹ nghệ 100 Hàng mây tre lá 100
Đồ nhựa 100 Hàng cơ khí 100
II. Những vấn đề cần giải quyết trong quá trình gia nhập WTO
Trước hết, phải xác định mô hình thương mại mang tính chất rõ
ràng: Trong chính sách phát triển kinh tế theo định hướng xuất khẩu, Việt
Nam đã đạt được những kết quả to lớn. Tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu
trong giai đoạn 1991-2000 là 18,4%, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của GDP
2,6 lần. Xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao, tỷ trọng xuất khẩu các sản
phẩm đã qua chế biến tăng nhanh (từ 8% năm 1991 lên 31,4% năm 2002.
Tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu được dựa vào việc khai thác các nguồn lực
tương đối dễ dàng, cần ít vốn đầu tư, hoặc cần đến vốn đầu tư của bên ngoài
(FDI), và gắn liền với việc phát triển nông nghiệp, nông thôn như gạo, cà
phê, thuỷ sản, dệt may, dầu thô, điện tử... Tuy nhiên, trong thực tế, mô hình
thương mại của Việt Nam trong thời gian qua có xu hướng nghiêng về thay
thế nhập khẩu. Nhà nước đã khuyến khích đầu tư phát triển các ngành công
nghiệp thay thế nhập khẩu và đa số các dự án FDI được phê duyệt là giành
để sản xuất các sản phẩm phục vụ thị trường nội địa. Năm 1997, số ngành
công nghiệp thay thế nhập khẩu được nhà nước tập trung đầu tư là 11 ngành,
trong khi số ngành công nghiệp hướng vào xuất khẩu là 3 ngành. 9 tháng
đầu năm 2002, con số này tương ứng là 18 ngành và 2 ngành. Năm 2002,
tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đạt 5,1%/năm trong khi tăng trưởng
nhập khẩu đạt 10,8%/năm. Trong xu thế giá cả thế giới ngày càng giảm sút,
xuất khẩu hàng hoá của Việt nam có nguy cơ càng sản xuất nhiều càng thua
lỗ nặng. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước còn chiếm tỷ lệ khá
lớn cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến mô hình thương mại của Việt
nam trong thời gian qua. Xu hướng bảo hộ mậu dịch đi ngược với định
hướng chiến lược trong thời gian qua có nguy cơ đẩy Việt Nam đi vào thua
thiệt khi tiến hành tự do hoá thương mại theo quy định của WTO.
Bảng 2: Mối quan hệ giữa xuất nhập khẩu với tăng trưởng kinh tế (%)
1996 1997 1998 1999 2000 2001 2002
Xuất khẩu 33,2 26,6 1,9 23,3 25,5 3,8 5,1
Nhập khẩu 36,6 4,0 -0,8 2,1 33,2 3,4 10,8
GDP 9,34 8,15 5,76 4,77 6,79 6,8 7,0
Nguồn: Niên giám thống kê 2002
Thứ hai, mức thuế quan và các hàng rào phi thuế quan của Việt
Nam còn cao. Điều này có tác dụng bảo hộ các doanh nghiệp và các ngành
công nghiệp non trẻ trong nước, tuy nhiên đã làm cho biểu thuế của Việt
Nam phức tạp, chồng chéo, khó quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho việc
trốn thuế, lậu thuế. Ngoài ra, việc áp dụng tính giá tính thuế tối thiểu như
hiện nay của Việt Nam chưa phù hợp với những quy định của WTO. Hiện
tại, chúng ta vẫn sử dụng các công cụ phi thuế quan như cấm, tạm ngưng,
hạn ngạch, chỉ tiêu, giấy phép không tự động, phụ thu ... và những công cụ
này sẽ phải cắt giảm và tiến tới xoá bỏ khi gia nhập WTO.
Thứ ba, vấn đề tuân thủ những luật định quốc tế còn yếu. Mặc dù
Việt Nam có những tiến bộ trong cải cách chính sách thương mại trong thời
kỳ đổi mới, nhưng những điều chỉnh chính sách theo quy tắc quốc tế còn
diễn ra khá chậm chạp. Theo yêu cầu của WTO, Việt Nam sẽ phải áp dụng
các quy tắc chống bán phá giá, giảm trợ cấp sản xuất và xuất khẩu, những
quy định về quyền sở hữu trí tuệ, quy định nghiêm ngặt về nhãn mác sản
phẩm, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, luật bản quyền tác giả, mẫu mã
kích cỡ sản phẩm, những quy định về sự bảo hộ các ngành công nghiệp non
trẻ...Ngoài những quy định về nhãn hiệu thương mại, luật bản quyền tác giả
và việc bảo vệ các thiết kế công nghiệp, Việt Nam chưa hề có các luật lệ
khác liên quan đến những quy định nghiêm ngặt của WTO. Trong khi đó,
các thành viên WTO lại rất quan tâm đến vấn đề này và coi đó là nội dung
quan trọng trong các cuộc đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam.
Thứ tư, cải cách luật pháp của Việt Nam liên quan đến thương mại
chưa tỏ ra có hiệu lực để có thể tham gia vào "sân chơi" mới. Hiện nay,
hệ thống luật pháp của Việt Nam vẫn liên kết nhiều với các cơ quan chính trị
của đất nước. Sau hơn một thập kỷ cải cách từng phần và từng bước, hệ
thống luật pháp của Việt Nam vẫn kém phát triển và không có khả năng thực
hiện và cưỡng chế thực thi các quy định của luật. Vấn đề đáng lo ngại nhất
là năng lực pháp luật rất hạn chế trong việc đòi được đền bù thông qua bất
cứ cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế nào, chẳng hạn như luật WTO. Cuộc
chiến cá tra và cá basa với Mỹ chỉ là bước khởi đầu cho những tranh chấp
thương mại mà sẽ xảy ra nhiều hơn khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kinh
tế quốc tế. Vấn đề ở đây là phải tạo ra một hệ thống luật pháp công bằng,
minh bạch, đồng bộ và hợp lý để giải quyết hiệu quả các vấn đề nảy sinh khi
tham gia vào WTO.
III. Kết luận
Cải cách thương mại của Việt Nam trước khi gia nhập WTO đã đạt
được một số kết quả nhưng chưa hoàn chỉnh. Hàng rào thuế quan đã giảm
nhanh chóng và quyền kinh doanh thương mại được mở rộng cho tất cả các
thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài. Đồng Việt Nam đã thoát khỏi
thời kỳ định giá cao và dần lấy lại giá trị thực tế của mình. Đây là những
nhân tố chủ yếu của tự do hoá thương mại và phát triển kinh tế thị trường ở
Việt Nam. Xuất khẩu các sản phẩm chế tạo tập trung nhiều lao động, đặc
biệt là may mặc, giày dép,hàng nông sản... đã tăng rất mạnh. Việt Namđang
hội nhập dần vào hệ thống sản xuất toàn cầu bởi vì các công ty nước ngoài
có thể tìm thấy lợi thế kết hợp giữa chi phí lao động thấp và môi trường đầu
tư nước ngoài tự do. Vai trò ngày càng tăng của các công ty xuyên quốc gia
trong việc tham gia vào hoạt động xuất khẩu phản ánh sự phụ thuộc của Việt
Nam ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn duy trì những nhân tố bảo hộ cơ bản. Tỷ lệ
thuế quan trung bình là thấp, nhưng chúng vẫn khá cao trong một số loại
hàng hoá quan trọng. Chúng có tác dụng bảo hộ thị trường đối với một số ít
hàng hoá cơ bản, ví dụ như ôtô, xe máy, hàng điện tử... Các biện pháp phi
thuế quan ở mức độ tối thiểu cũng đã được sử dụng để bảo hộ các ngành
công nghiệp non trẻ trong nước. Quan trọng hơn, trong khi Việt Nam đã
giảm dần sự bảo hộ của thị trường hàng hoá trong nước thông qua những cải
cách như đã đề cập, thì chúng ta lại tỏ ra rất chậm trễ trong việc nâng cao
sức cạnh tranh của ngành công nghiệp và mở cửa thị trường dịch vụ cho các
công ty nước ngoài. Điều này cũng gây ra tác động mạnh đối với các công ty
nước ngoài về quyền sở hữu trí tuệ và các nguyên tắc khác - vốn không phù
hợp với tiêu chuẩn WTO- buộc Việt Nam phải thực hiện để chính thức trở
thành thành viên của WTO.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tổ chức thương mại thế giới và triển vọng gia nhập của Việt Nam;
NXB chính trị quốc gia; Hà Nội; 1997.
2. Sản phẩm hội nhập: Việt Nam tự do hoá thương mại; NXB thông tin
văn hoá; 2002.
3. Đổi mới chính sách nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam
trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; NXB Lao Động; 2003.
4. Tìm hiểu pháp luật Hoa Kỳ trong điều kiện Việt Nam hội nhập kinh
tế khu vực và thế giới; NXB Chính trị Quốc gia; 2001.
5. Việt Nam và WTO; TS. Nguyễn Thanh Đức; Tạp chí Những vấn đề
Kinh tế Thế giới; số 4/2003

You might also like