You are on page 1of 4

*************************

BẢN THU HOẠCH


PHƯƠNG PHÁP LUẬN SÁNG TẠO
(PPLST)
*************************
1. Anh (chị) đã thu hoạch được những gì mới và ích lợi như thế nào so với trước khi học
theo học môn PPLST?
Trước hết, có thể khẳng định PPLST là một môn học hết sức lý thú và vô cùng bổ
ích. Với riêng cảm nhận cá nhân tôi, môn học đã cung cấp một hệ thống hết sức phong
phú và hiệu quả các phương pháp giúp tôi giải quyết các vấn đề thường gặp của cá nhân
cũng như những người xung quanh một cách hợp lý và đạt hiệu quả cao.
Dưới đây là một số tính “mới” và lợi ích mà tôi thu được sau khi trải qua khóa
học về PPLST:
• Về phương diện công tác, học tập: PPLST với hệ thống phong phú 40
nguyên tắc, phương pháp luận hệ thống và một loạt các phương pháp
tích cực hóa tư duy giúp tôi giải quyết các vấn đề thường gặp trong lĩnh
vực chuyên môn của mình - công nghệ thông tin – một cách sáng tạo.
Trước khi học PPLST, tôi thường giải quyết vấn đề gặp phải theo phương
pháp tư duy “thử và sai” và nhiều lần trải qua thất bại do không tìm được
một cơ chế định hướng cho mình, đồng thời thường chủ quan nóng vội và
ít khi xem xét những kết quả đã đạt được để có thể đưa ra thêm những
phương án tối ưu hơn nữa. Tôi tâm đắc nhất với các phương pháp tích
cực hóa tư duy vì những phương pháp này giúp tôi giải quyết những bài
toán vể thiết kế, phân tích các chương trình máy tính theo những hướng
mới mẻ và những kết quả đạt được tuy chưa lớn nhưng cũng đem lại lợi
ích thiết thực cho chính bản thân tôi và những đồng nghiệp khi cùng hợp
tác thực hiện dự án.
• Về phương diện tình cảm cá nhân, gia đình: thật sự sau khi học xong
PPLST, vẫn còn rất nhiều điểm tôi chưa lĩnh hội được cái tinh túy bên
trong, nhưng chỉ với tư duy hệ thống cũng đã giúp tôi rất nhiều trong việc
cải thiện các mối quan hệ với bạn bè, gia đình và cả… người yêu. PPLST
thực sự tác động đến suy nghĩ của tôi và thể hiện ra hành động bên ngoài,
làm ngạc nhiên tất cả những người thân, bạn bè…xung quanh tôi. Tôi tâm
đắc nhất với quan điểm điều chỉnh các mối quan hệ trong hệ thống khi
gặp vấn đề hơn là thay thế các yếu tố, chính quan điểm này đã giúp tôi
thay đổi hẳn quan niệm sống, “cho nhiều hơn nhận” mặc dù không phải
lúc nào cũng mang lại kết quả mỹ mãn. Những mối quan hệ trước đây
tưởng chừng đã có thể tan vỡ đã được tôi điều chỉnh một cách thích hợp
theo quan điểm tôi vừa trình bày ở trên.
Những kết quả nhận được mặc dù chưa lớn lao gì nhưng thực sự
đem lại cho tôi những ngạc nhiên và thích thú. Các mối quan hệ dần được
cải thiện, cuộc sống của tôi thoải mái hơn và tôi cũng bớt đi những phiền
muộn không đáng có trong lòng. Tôi nghĩ đây cũng chính là niềm vui lớn
lao cho những người thầy, người anh đi trước trong việc góp phần làm cho
PPLST lan tỏa trong từng con người, từng lĩnh vực trong đời sống, nói
theo quan điểm của thầy PHAN DŨNG và các thầy dạy PPLST là :“Góp
phần thay đổi những gì sát sườn nhất, thiết thực nhất giúp đưa con
người từ “bể khổ” sang “bể sướng””.
• Về phương diện tư duy khoa học: PPLST với cách tiếp cận 9n màn hình
hệ thống và một loạt các nguyên lý mang tính khái quát, định hướng cao
đã giúp tôi suy nghĩ một cách logic, chín chắn, điềm tĩnh khi nhận xét bất
kỳ vấn đề nào, nhìn sự vật theo những góc nhìn khác nhau để tìm ra được
bản chất của vấn đề, và như vậy giúp tôi giải quyết vấn đề một cách trọn
vẹn và hiệu quả hơn nhiều.
Tóm lại, PPLST đã góp phần thay đổi cuộc đời tôi theo một chiều hướng tốt đẹp
hơn và gây cho tôi một niềm tin yêu nơi cuộc sống cũng như tính đúng đắn của một môn
khoa học còn tương đối mới mẻ và cần sự khẳng định nhiều hơn này. PPLST thực sự là
ngọn đuốc sáng, kim chỉ nam dẫn đường cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ chúng tôi
trên con đường tìm tới hạnh phúc, vinh quang cho bản thân, gia đình và đất nước.

2. Anh (chị) bước đầu đã, đang và dự định áp dụng những điều học được như thế nào
cho bản thân và những điều xung quanh.
• Về kinh nghiệm áp dụng PPLST cho bản thân, tôi đã chia sẻ trong phần
một, ở đây chỉ xin nhấn mạnh lại một ý chính đó là PPLST thực sự hữu
ích cho tất cả mọi người, cho tất cả mọi lĩnh vực và chính là bí quyết mang
đến thành công cho mỗi người học.
• Về việc chia sẻ những kiến thức đã học được cho những người xung
quanh, tôi đã bước đầu trang bị cho các đồng nghiệp những kiến thức cơ
bản nhất về môn học này , cụ thể là đã sử dụng 3 phương pháp tích cực
hóa tư duy: “Phương pháp đối tượng tiêu điểm”, “Phương pháp phân
tích hình thái” và “Não công” để giải quyết các bài toán gặp phải trong
vấn đề phân tích thiết kế hay tìm ra các lời giải mới cho những chương
trình, dự án về phần mềm máy tính mà chúng tôi đang xây dựng và bước
đầu đã tạo nên những kết quả mặc dù không thật sự vĩ đại nhưng hết sức
đáng khích lệ. Các đồng nghiệp của tôi cũng hết sức thích thú khi cùng tôi
thực hiện “Não công” và chính các bạn ấy nhiều khi cũng hết sức ngạc
nhiên về những lời giải bất ngờ mà họ tạo ra. Với tinh thần đó, tôi dự định
sẽ trang bị thêm cho họ những kiến thức mới về quan điểm hệ thống cùng
hệ thống 40 thủ thuật, nguyên tắc sáng tạo để họ có thể cùng tôi giải quyết
một cách thích thú công việc của mình.
• Về lâu dài, tôi dự định sẽ phổ biến những kiến thức của mình tới người
thân và bè bạn khác, bản thân tôi giờ đây đã trở thành “tuyên truyền viên”
cho PPLST, môn học đã giúp tôi thay đổi cuộc sống bản thân.
3. Theo anh (chị), môn học này cần phát triển ở nước ta như thế nào? Những ai cần phải
học? Nên bắt đầu từ lứa tuổi nào là tốt nhất ? Anh hay chị có thể làm được gì để giúp
môn học phát triển ở nước ta.
• Theo quan điểm cá nhân tôi, PPLST nên là một môn học phát triển theo cả
chiều rộng lẫn chiều sâu vì tất cả những quan điểm mà PPLST trang bị cần
thiết cho tư duy của con người như hơi thở và thức ăn vậy.
• Cụ thể, về chiều rộng, nên tạo môi trường rộng khắp cho tất cả mọi người
có thể tiếp xúc được với PPLST giống như họ tiếp xúc với không khí hằng
ngày. Điều này có thể thực hiện một cách tổng hợp bằng việc kết hợp các
biện pháp hành chính và các yếu tố truyền thông: PPLST nên là môn học
cơ bản mở đầu cho tất cả các môn học khác, trong đó có thể tính toán để
lồng ghép các phương pháp đặc thù riêng của từng môn học với những
quan điểm cơ bản nhất của PPLST. PPLST cần được sự hỗ trợ của các
phương tiện thông tin đại chúng như: truyền hình, báo chí, đài phát thanh,
tờ rơi, ápphích, biển hiệu…Nhưng cần chú ý lồng ghép khéo léo nhẹ
nhàng như những mẩu chuyện vui, những vấn đề thực tế theo quan điểm
PPLST …như cách làm của trung tâm TSK trong suốt thời gian giảng dạy
vừa qua. Bên cạnh đó nên tổ chức càng nhiều các hội thảo, báo cáo chuyên
đề …rộng khắp trên cả nước để quảng bá cho PPLST, nếu làm được một
cách hiệu quả có thể tranh thủ được sự chung tay góp sức của các doanh
nghiệp, góp phần đưa PPLST ngày một lan rộng vào trong ý thức của từng
người dân. Cũng nên chú ý khai thác thế mạnh của Internet trong việc
quảng bá PPLST, cụ thể là tổ chức lại hoạt động của các diễn đàn trên
mạng mang tính tăng cường giao lưu với mọi người. Có trang web chính
thức của PPLST chẳng hạn: http://www.sangtaovietnam.com.
• Về chiều sâu, nếu được nhà nước cho phép có thể biến TSK thành một
Viện Nghiên cứu Sáng tạo Việt Nam với cơ chế họat động độc lập và là
đầu não tập trung các cán bộ, nhà nghiên cứu về sáng tạo với những công
trình khoa học mang tính chất tầm cỡ quốc gia và thế giới về ích lợi của
sáng tạo trong giai đoạn mới của thế giới hôm nay. Song song đó cũng
phải đi đôi với việc đào tạo huấn luyện một đội ngũ các giảng viên, nhà
nghiên cứu đủ năng lực và phẩm chất truyền đạt PPLST rộng khắp. Ngoài
ra, nếu được có thể thành lập các công ty trực thuộc Viện để tạo nguồn thu
và ứng dụng các kết quả nghiên cứu về PPLST trực tiếp vào trong sản xuất
và đời sống.
• Về đối tượng học, tôi cho rằng nên bắt đầu từ lứa tuổi nhỏ nhất, cụ thể có
thể là từ trẻ em vào mẫu giáo (3 tuổi). Chắc chắn là sẽ có nhiều ý kiến
phản đối nhưng riêng bản thân tôi, đây là lứa tuổi các em bắt đầu hình
thành những quan điểm về thế giới xung quanh mình, trong giai đoạn này
trí tưởng tượng của các em phát triển cực mạnh, ta có thể đưa những
phương pháp đơn giản ví dụ “Đối tượng tiêu điểm” dưới hình thức các trò
chơi giúp các em phát triển ngày càng nhiều trí tưởng tượng của mình và
vô hình chung đã trang bị cho các em năng lực giải quyết những vấn đề
trong cuộc sống và góp phần hình thành tính cách theo chiều hướng tốt
đẹp hơn.
Theo thời gian, ta có thể tăng dần độ khó theo từng lứa tuổi và chú
ý là trong từng giai đoạn nên trang bị những kiến thức phù hợp nhất cho
từng đối tượng. Giai đoạn trang bị những kiến thức cơ bản có thể chấm
dứt từ lứa tuổi phổ thông (hết cấp 3). Từ cấp bậc đại học trở lên có thể chú
trọng đi sâu vào các kiến thức chuyên sâu với sự trợ giúp của Viện Sáng
Tạo Việt Nam như đã nói ở trên.
• Về phần đóng góp của bản thân tôi cũng đã có đề cập kỹ ở phần 2, chỉ xin
nhắc lại một ý chính là bản thân tôi đã trở thành một “tuyên truyền viên”
cho PPLST, rất nhiều người thân và bạn bè tôi sau khi có được những kết
quả đáng khích lệ ban đầu đã tìm đến với TSK để hiểu sâu thêm về sáng
tạo, đó là điều vui mừng cho tất cả mọi người chúng ta.
4. Góp ý cho các giảng viên và trung tâm
• Về phần này, tôi không có gì hơn là lời chúc sức khỏe cho các thầy, các
cán bộ giảng dạy bộ môn PPLST tại TSK để tiếp tục theo đuổi con đường
mình đã chọn.
• TSK cũng nên tính đến việc đào tạo đội ngũ kế thừa sâu rộng và mạnh mẽ
như tôi có đề cập ở phần 3. Mặc dù biết rằng có rất nhiều khó khăn đang
chờ đón và chắc chắn mất rất nhiều thời gian để “hệ tiếp nhận yếu tố mới”
nhưng tôi tin các thầy sẽ có đủ dũng khí và nghị lực đi trọn con đường
mình đã chọn, con đường “sáng tạo Việt Nam” đầy rủi ro, bất trắc nhưng
chắc chắc sẽ vinh quang và thắng lợi.
5. Nguyện vọng của bản thân
Được theo học tiếp tục khóa Trung cấp PPLST tại TSK và sẽ tiếp tục thực hiện việc rèn
luyện các kiến thức thu được từ PPLST để “đổi mới hoàn toàn”.
6. Thông tin chiêu sinh
Báo Tuổi Trẻ, bạn bè.
Một lần nữa xin gửi lời cảm ơn chân thành của tôi đến tất cả các thầy trong TSK,
đến ông tổ của PPLST – Altshuller đã mang đến cho tôi một chân trời mới, chân trời
PPLST – môn học làm thay đổi cuộc đời tôi.
TPHCM, ngày 7 tháng 2 năm 2006
Phan Công Chánh

You might also like