You are on page 1of 7

BIỂU HIỆN CỦA NHÂN - TRÍ - DŨNG

QUA TẬP NHẬT KÝ TRONG TÙ CỦA HỒ CHÍ MINH


Nguyễn Thị Bình - Phó trưởng khoa Tiểu học

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, nhà cách mạng lỗi lạc, đồng thời là
một nhà văn, nhà thơ lớn. Một trong những di sản của người để lại cho chúng ta là
sự nghiệp văn học nghệ thuật. Sự nghiệp văn thơ của Người hết sức phong phú, đa
dạng gắn liền với cuộc đời cách mạng đầy gian nan thử thách và vô cùng vẻ vang
của Người.
Nhân dịp kỉ niệm 116 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, bản thân tôi
không có điều kiện để đi sâu tìm hiểu về chân dung, cuộc đời và sự nghiệp của
Người, tôi chỉ xin phép bày tỏ những cảm nhận của mình về vấn đề Nhân - Trí -
Dũng của người chiến sĩ cộng sản qua tập “ Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh.
Nhật ký trong tù - Một tập nhật ký bằng thơ được viết bằng chữ Hán, gồm có
133 bài, được Hồ Chí Minh sáng tác từ mùa thu năm 1942 đến mùa thu năm 1943,
trong những ngày Người bị giam cầm tại nhà lao tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc thời
Tưởng Giới Thạch. Trong bài “Đường đời hiểm trở”, Người đã viết:
“Ta là đại biểu dân Việt Nam,
Tìm đến Trung Hoa để hội đàm;
Ai ngỡ đất bằng gây sóng gió,
Phải làm “khách quý” tại nhà giam!”
Nhật ký trong tù ghi lại những điều Người đã chứng kiến và tâm tư của Người
trong những ngày lao tù đầy gian khó.
Mở đầu tập Nhật ký trong tù, Hồ Chí Minh viết:
“Ngâm thơ ta vốn không ham,
Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây;
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây,
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do”.
Thật đúng vậy, bởi Hồ Chí Minh từng quan niệm “Lập thân tối hạ thị văn
chương”. Đối với Người, văn thơ chỉ là phương tiên, là vũ khí phục vụ cho sự
nghiệp cách mạng của người chiến sĩ cộng sản.
Nhật ký trong tù thể hiện tình yêu thiên nhiên, con người, tình yêu cuộc sống,
lòng yêu nước thiết tha và khát vọng tự do của người chiến sĩ - thi sĩ Hồ Chí Minh.
Tất cả đã tạo nên cốt cách của một nhà hiền triết phương Đông với những phẩm
chất Nhân - Trí - Dũng.
1
Đây là những khái niệm cổ dùng để chỉ phẩm chất của những bậc hiền nhân
quân tử thời xưa. Nhiều người đã dùng khái niệm này để phân tích, ca ngợi tâm hồn
Bác thể hiện trong Nhật ký trong tù - tất nhiên dùng với nội dung đã đổi mới:
* Nhân là nhân đạo, ở đây là chủ nghĩa nhân đạo cộng sản. Nhật ký trong tù
mang một nội dung nhân đạo chủ nghĩa rộng lớn, sâu sắc, thể hiện ở những điểm
sau đây
+ Trong hoàn cảnh nhà tù hết sức khủng khiếp Bác ít quan tâm đến nổi khổ rất
lớn của mình, nhưng lại rất nhạy cảm với mọi cảnh ngộ xung quanh. Không có gì
liên quan đến sự sống, nỗi buồn vui của người nghèo khổ ở trong tù, ở ngoài tù mà
Bác để lọt qua con mắt đầy xót thương, thông cảm của mình. Cho nên Nhật ký
trong tù có cả một thế giới nhân vật gần xa của xã hội Trung Quốc thu nhỏ lại
(Người bạn tù thổi sáo, Vợ người bạn tù đến thăm chồng, Cháu bé trong nhà lao
Tân Dương, Gia quyến người bị bắt lính, Một người tù cờ bạc vừa chết, Phu đường,
Chiều tối…).
Bác xem những người tù là bạn hữu (người bạn cùng hoạn nạn)
“Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu
Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu
Muôn dặm quan hà khôn xiết nỗi
Lên lầu ai đó ngóng trông nhau”
Bốn câu thơ là một vở kịch - vở kịch một màn. Một anh tù thổi sáo. Âm điệu
véo von, sầu não. Một thính giả - người cùng hội cùng thuyền. Hiểu nhau nhiều,
cảm cảnh vô vàn vì nỗi nhớ nhung đất nước, “ngàn dặm quan hà”. Và cách tường
một người “khuê phụ” đang bước lên một tầng lầu trên để nghe cho thấu triệt hơn.
Ba nhân vật xa lạ, ở ba vị trí, ba cảnh ngộ, trong ba tư thế. Tuy vậy, giờ này một
tiếng sáo trúc véo von, da diết đã tập hợp họ lại trong một niềm đồng cảm véo von,
da diết.
Hay đó là hình ảnh vợ người bạn tù đến nhà lao thăm chồng đã được Bác ghi
lại với những vần thơ đầy xúc cảm.
“Anh ở trong song sắt
Em ở ngoài song sắt
Gần nhau trong tấc gang
Mà biển trời cách mặt
Miệng nói chẳng nên lời
Nói lên bằng khoé mắt
Chưa nói, lệ tuôn đầy
Tình cảnh đáng thương thật”
2
Lòng nhân đạo của Hồ Chí Minh có khi còn bao trùm đến cả những vật vô tri
vô giác. Một làn hương bơ vơ của cánh hồng tàn tạ “Cảnh chiều hôm”.
“Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng
Hoa tàn hoa nở cũng vô tình
Hương hoa bay thấu vào trong ngục
Kể với tù nhân nỗi bất bình”
Sự tàn nở của hoa là một quy luật của tự nhiên, của muôn loài. Câu thơ thứ 3
và thứ 4 - hoa đã được nhân cách hoá như một cái đẹp tìm đến với cái đẹp. Giữa tự
nhiên bao la mà vô tình kia, hoa không tìm thấy người tri kỷ. Vậy mà qua những
chấn song sắt nhà tù chật chội, tối tăm, hoa đã gặp được một trái tim nhạy cảm biết
hiểu và yêu cái đẹp, cũng như biết biến cái đẹp phù du thành vĩnh cửu, đó là người
tù - nhà thơ: hoa đã đi vào tâm tưởng của Người và kết tinh thành những vần thơ.
Một cái gậy bị đánh cắp cũng là đối tượng gần gũi trong thơ Bác
“Suốt đời ngay thẳng lại kiên cường,
Dìu dắt nhau đi mấy tuyết sương.
Giận kẻ bất lương gây cách biệt
Hai ta dằng dặc nỗi buồn thương”
(Lính ngục đánh cắp một chiếc gậy của ta)
+ Bác luôn hướng về Tổ quốc và đồng bào, đồng chí. Nỗi nhớ nước, thương
dân luôn canh cánh trong lòng khiến Người nhiều đêm mất ngủ.
“Một canh, hai canh… lại ba canh
Trằn trọc, băn khoăn giấc chẳng thành
Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”
(Không ngủ được)
Bác nóng lòng, sốt ruột mong thoát khỏi chốn lao tù.
Trời xanh cố ý hãm anh hùng,
Cùm xích tiêu ma tám tháng ròng
Tấc bóng nghìn vàng, đau xót thực
Bao giờ thoát khỏi chốn lao lung?
(Tiếc ngày giờ)

3
Trong chốn lao tù không lúc nào Người không nghĩ đến nhiệm vụ của người
chiến sĩ, Người tự trách cho số phận của mình.
Tráng sĩ đua nhau ra mặt trận
Hoàn cầu lửa bốc rực trời xanh
Trong ngục người nhàn nhàn quá đỗi
Chí cao mà chẳng đáng đồng chinh”
(Buồn bực)
+ Chủ nghĩa nhân đạo của Bác là chủ nghĩa nhân đạo cộng sản nên tình
thương của Bác đối với người cùng khổ không phải là thương hại của người đứng
trên mà là sự đồng cảm của người cùng cảnh ngộ, cùng giai cấp. Bác chia sẻ nỗi
buồn và cùng vui chung niềm vui cùng với họ. Bác buồn khi dân Long An - Đồng
Chính đại hạn mất mùa, Bác vui khi họ được mùa
“Tới đây khi lúa còn con gái
Gặt hái hôm nay quá nửa rồi
Khắp chốn nông dân cười hớn hở
Đồng quê vang dậy tiếng ca vui”
(Cảnh đồng nội)
Thật đúng như nhà thơ Tố Hữu đã từng ca ngợi về tình yêu thương của Bác đối
với con người và vạn vật.
“Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông mọi kiếp Người”.
Bác không chỉ là một bậc đại nhân mà Bác còn là một bậc đại trí.
* Trí là trí tuệ sáng suốt, người xưa hiểu trí là thông suốt được thiên lý, thiên
mệnh tức là vận mệnh của trời đất, của xã hội, của đời người, do đó mọi suy nghĩ,
mọi hành vi đều sáng suốt, hợp “lẽ trời”, hợp “đạo lí”, tư thế luôn ung dung, bình
tĩnh.
Đối với Bác Hồ, trí là nắm vững chủ nghĩa Mác Lê nin, do đó hiểu được quy
luật tất yếu của lịch sử: chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân nhất định sẽ bị diệt
vong, còn sự nghiệp cách mạng nhất định sẽ thành công. Cũng do đó mà trong hoạt
động cách mạng ở mọi tình huống dù khó khăn, phức tạp đến đâu cũng có đường
lối chiến lược, chiến thuật sáng suốt để giải quyết. Và do đó lúc nào Người cũng
thể hiện được tư thế ung dung của người làm chủ: làm chủ thế giới, làm chủ lịch sử,
làm chủ trong mọi tình thế và làm chủ bản thân.
Bài “Trời hửng” Bác mượn một quy luật của tự nhiên để nói lên quy luật tất
thắng của cách mạng.

4
“Sự vật vần xoay đã định sẵn
Hết mưa là nắng hửng lên thôi
Đất trời một thoáng thu màn ướt
Sông núi muôn trùng trải gấm phơi
Trời ấm, hoa cười chào gió nhẹ
Cây cao, chim hót rộn cành tươi
Người cùng vạn vật đều phơi phới
Hết khổ là vui vốn lẽ đời”.
Bài “Học đánh cờ”, thể hiện trí tuệ sáng suốt sắc sảo của một nhà chiến lược,
chiến thuật thiên tài, đặc biệt là trong nghệ thuật nắm bắt thời cơ.
I
Tù túng đem cờ học đánh chơi
Thiên bình vạn mã đuổi nhau hoài
Tấn công thoái thủ nên thần tốc
Chân lẹ, tài cao, ắt thắng người.
II
Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ
Kiên quyết không ngừng thế tấn công;
Lạc nước, hai xe đành bỏ phí
Gặp thời, một tốt cũng thành công
III
Vốn trước hai bên ngang thế lực
Mà sau thắng lợi một bên giành
Tấn công phòng thủ không sơ hở
Đại tướng anh hùng mới xứng danh.
Hồ Chí Minh không chỉ có trí tuệ sáng suốt mà còn là một Người có dũng khí
kiên cường, bất khuất trong mọi tình huống.
* Dũng: Khái niệm dũng thống nhất với khái niệm thép nhưng nghĩa hẹp hơn.
Trong Nhật ký trong tù thép bao hàm cả niềm khao khát tự do, khao khát chiến đấu
và tinh thần phê phán địch của nhà thơ cộng sản. Còn Dũng chỉ thu hẹp ở ý nghĩa:

5
tinh thần kiên cường bất khuất coi thường mọi gian khổ, ung dung tự chủ trong mọi
tình huống.
“Thà chết chẳng cam nô lệ mãi
Tung bay cờ nghĩa khắp trăm miền
Xót mình giam hãm trong tù ngục
Chưa được xông ra giữa trận tiền”.
(Ở Việt Nam có bạo động)

Người cười cợt với gian nguy và luôn tự động viên mình để chiến thắng hoàn
cảnh.
“Rồng quấn vòng quanh chân với tay,
Trông như quan võ đủ tua đai
Tua đai quan võ bằng kim tuyến
Tua của ta là một cuộn gai”
(Dây trói)

Bài thơ “Bốn tháng rồi” đã khắc hoạ đầy đủ chân dung của một người tù cộng
sản. Mặc dù trong tù bị thiếu thốn trăm bề, thân hình tiều tuỵ nhưng tinh thần và ý
chí của người cộng sản không hề bị nao núng. Tất cả đã tạo nên sức mạnh giúp cho
người tù cộng sản chiến thắng hoàn cảnh, tôi luyện ý chí để đến với ngày mai tươi
sáng.
Trong những ngày lao tù gian khổ, Bác bị giải đi từ nhà lao này đến nhà lao
khác, trong những thời điểm khắc nghiệt - Giải đi sớm là một ví dụ.
I
Gà gáy một lần đêm chửa tan
Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn
Người đi cất bước trên đường thẳm
Rát mặt đêm thu trận gió hàn
II
Phương đông màu trắng chuyển sang hồng
Bóng tối đêm tàn quét sạch không
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ
Người đi thi hứng bỗng thêm nồng
6
Bài thơ này thêm một lần nữa chứng tỏ Hồ Chí Minh là một người tù vĩ đại của
thế kỷ: vĩ đại về trí tuệ, về dũng khí và nhất là về tâm hồn nghệ sĩ, đầy nhạy cảm và
lạc quan.
Mỗi lần đọc lại tập Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh là mỗi lần nhắc nhở
chúng ta hãy học tập những phẩm chất đạo đức cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản
- một con người suốt đời vì dân vì nước, vì sự nghiệp cách mạng cao cả của loài
người.
Xin lấy mấy câu thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông thay cho lời kết của
mình:
“Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp
Ánh đèn toả rạng mái đầu xanh
Vần thơ của Bác vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”.

You might also like