You are on page 1of 2

http://hoangquang.wordpress.

com/2009/08/30/

30/08/2009

Phỏng vấn Tiến sĩ Phùng Liên Ðoàn về hiểm họa Trung Quốc đối với Việt Nam

Đỗ Quang Anh Thái Thực hiện

Ông Phùng Liên Ðoàn học trung học tại Hà Nội và Saigon; đi Mỹ năm 1958 và học tại Florida State
University và Massachusetts Institute of Technology. Ông về nước làm việc tại Trung Tâm Nguyên Tử
Ðà Lạt giữa những năm 1964-1967; sau đó làm việc tại Mỹ từ 1967 tới nay, chuyên về các ngành
nguyên tử và môi trường. Ông đã dùng tiền để dành và tiền hưu lập ra Vietnamese American
Scholarship Fund (VASF) năm 1989 và Fund for the Encouragement of Self-Reliance (FESR) năm
1997. Ông đã làm việc với hơn 15 hội từ thiện trong 40 năm qua xây nhiều trường học, phát nhiều ngàn
học bổng, mổ xẻ tay chân cho nhiều ngàn người tàn tật, và giúp hơn 12 ngàn phụ nữ có phương tiện sản
xuất buôn bán tự lập. Năm 2008 Liên Hiệp Quốc trao tặng cho FESR giải UN-HABITAT Civil Society
Innovation.
***
-ÐQAThái: Việt Nam đang phải đối diện trước chính sách bành trướng của Trung Quốc, theo tiến sĩ,
tình hình nghiêm trọng tới mức độ nào?

-Tiến Sĩ Phùng Liên Ðoàn: Theo tôi, tình hình rất nghiêm trọng. Vào các thập niên trước, các nước
Cộng Sản còn có chung một niềm tin đại đồng theo chủ nghĩa Marx Lenin, nhưng ngày nay họ biết chủ
nghĩa đó là không thể thực hiện, cái “thế giới đại đồng” là không tưởng và rốt cuộc họ cũng chỉ vì cái
lợi của quốc gia họ. Việc Nga tấn công tàn phá Georgia và Chechnya trước kia là “anh em ruột thịt” của
họ là một điển hình gần nhất. Trung Hoa ngày nay không còn là Trung Hoa của thế kỷ 19, 20 nữa. Việc
bành trướng quyền lực với các quốc gia láng giềng mà họ luôn luôn gọi là “man” là “di” sẽ còn tiếp tục
xảy ra trong thế kỷ này, nhất là tại những vùng có nhiều quyền lợi về tài nguyên hoặc quốc phòng. Với
sức mạnh của họ về Hải Lục và Không Quân, họ có thể đánh phá Việt Nam tan tành trong vòng một
tuần lễ, sau đó rút đi để mặc ta khâm liệm người chết và sống trong hoàn cảnh đồng đá. Khi quốc tế
biết đến thì là “chuyện đã rồi!”

Ngay cả việc “sống chung hòa bình” ta cũng khó thoát khỏi ý đồ “tầm ăn lá” của Trung Hoa, để rồi
trong vài ba thập niên nữa Việt Nam sẽ phải dùng hầu hết sản phẩm Trung Quốc, nhiều triệu phụ nữ
Việt Nam sẽ có chồng Tầu, và khắp Việt Nam sẽ có rất nhiều “Chợ Lớn” là nơi nói tiếng Tầu, theo
phong tục Tầu, và trung thành với nước Tầu. Chiến tranh biên giới 1979 đã có chứng cớ “người hàng
xóm minh hương tốt” trở thành hướng đạo cho quân đội Tầu từ biên giới đánh sang.

-ÐQAThái: Có cách nào lý giải được thái độ nín nhịn của giới lãnh đạo Hà Nội trước tình hình này?

-Tiến Sĩ Phùng Liên Ðoàn: Sự nín nhịn của lãnh đạo Hà Nội là có lý do. Bởi vì họ không thể chống đối
để làm Bắc Kinh nổi giận. Nhưng họ không nên khinh thường không cho người dân biết. Trung Hoa có
nhu cầu Ðại Hán để khích động người dân trong nước Tầu và quên đi những khó khăn trước mắt. Hiểm
họa chiến tranh sẽ dễ xẩy ra hơn nếu ta cứng rắn, và phần tàn phá, chết chóc chắc chắn sẽ về phíaViệt
Nam hứng chịu. Bất cứ ai ở địa vị của lãnh đạo Hà Nội cũng phải nhẫn nhục, một mặt hòa hiếu với Bắc
Kinh, một mặt sửa soạn quốc phòng, và một mặt thứ ba là tìm thêm đồng minh để cân bằng thế lực.
Còn một mặt thứ tư thì tôi chắc họ cũng thừa biết, đó là tuyên bố bằng nhiều cách cho anh khổng lồ
biết rằng “tôi là ớt hạt tiêu, nhỏ nhưng rất cay.” Ðó là phương pháp của Israel, có mưu ném bom đập
Aswan của Ai Cập vào những năm 1950s nếu Israel bị biển người Hồi Giáo dồn vào thế bị hủy diệt. Ðó
cũng là phương án “force de frappe” của De Gaulle vì sau Thế Chiến Thứ Hai và thua trận tại Việt
Nam, Pháp quá yếu so với Nga, Anh và Mỹ.

-ÐQAThái: Hơn 30 năm qua, người Việt hải ngoại lúc nào cũng trăn trở và ưu tư về mọi diễn biến tại
quê nhà và cũng luôn nỗ lực góp tay cho đồng bào tại Việt Nam trong nhiều lãnh vực; riêng lần này,
trước nguy cơ to lớn từ Trung Quốc, chúng ta làm gì để đạt hiệu quả?

-Tiến Sĩ Phùng Liên Ðoàn: Người Việt ta, trong nước cũng như ngoài nước, sự thực rất yếu. Ta ít chủ
động được việc gì có sức mạnh lớn bởi vì ta bị phân hóa bởi chiến tranh khiến ai cũng có những ưu tư,
uất hận riêng và không có lòng tin với bạn bè, láng giềng, chính phủ. Người Việt hải ngoại tuy có lòng
đối với đất nước trước hiểm họa Trung Quốc nhưng họ là công dân nước khác rồi. Họ chỉ có những tổ
chức lẻ tẻ ít có sự ủng hộ của các quyền lực to lớn cả trong nước Việt Nam và trên thế giới. Thậm chí,
họ còn bị chính phủ Việt Nam nghi ngờ và coi là thù địch. Theo tôi, đây là lần đầu từ 1975 người Việt
hải ngoại có thể bắt tay với người trong nước để làm việc cho tương lai của nước Việt Nam mà không
cần phải nhắc lại những sai trái và tang thương trong quá khứ. Nhưng ta phải đi từ từ, không quá khích,
tìm cách gây ảnh hưởng với các lãnh đạo ở xứ tự do để họ quan tâm đến các lo nghĩ của ta. Ta cũng
làm việc giúp các người trong nước những việc ta có thể làm mà không gây thêm khó khăn, mâu thuẫn,
chia rẽ. Ta cần làm việc giúp Việt Nam có tiếng nói lớn hơn và được quốc tế thông cảm hơn. Chỉ có
phương pháp ngoại giao với ảnh hưởng quốc tế mới giải quyết được mâu thuẫn với Trung Quốc. Và chỉ
có đoàn kết thì ta mới có sức mạnh, nhất là sức mạnh tâm huyết và trí tuệ là việc cần thiết ngày nay.

-ÐQAThái: Ðồng bào, nhất là giới trí thức trong và ngoài nước có kết hợp với nhau được không, để có
một tiếng nói chung về vấn đề này; nếu được thì bằng cách nào?

-Tiến Sĩ Phùng Liên Ðoàn: Theo tôi, trí thức trong và ngoài nước có thể kết hợp với nhau làm việc cho
tương lai của đất nước và để đối diện với nạn bá quyền của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự kết hợp này có
nhiều khó khăn ta cần biết trước để tránh làm hỏng mục đích chung. Mục đích chung là hòa bình và tự
do hạnh phúc cho người Việt Nam. Các khó khăn gồm sự ngăn cản của chính phủ, sự lũng đoạn của các
phần tử có ý đồ riêng tư, và sự khác biệt về tư tưởng và cách làm việc. Vì thế, theo tôi, ta nên hết sức
thận trọng, kính trọng ý kiến của mọi người, và làm việc có phương pháp và kỷ luật minh bạch.

-ÐQAThái: Cám ơn tiến sĩ đã trả lời phỏng vấn của Người Việt.

You might also like