You are on page 1of 3

http://trannhuong.

com/news_detail/3430/BÀI-HỌC-LỊCH-SỬ-ĐẦY-CẢM-ĐỘNG

BÀI HỌC LỊCH SỬ ĐẦY CẢM ĐỘNG


Vũ Cao Đàm

Đã sang năm mới và tiếp đó là, ngày thống nhất hai miền Nam – Bắc 30 tháng 4.
Cũng vào đúng tháng 4 của gần 150 năm trước, năm 1865, trong lịch sử thế giới
đã từng có một sự kiện hầu như rất giống sự kiện Tháng 4 năm 1975 của Việt
Nam: Đó là nước Mỹ trong thời Tổng thống Lincoln tại nhiệm. Khi đó Miền Bắc
Hoa Kỳ gồm những bang có nền công nghiệp phát triển, bước vào ngưỡng cửa
của xã hội tư bản công nghiệp. Trong khi đó Miền Nam Hoa Kỳ vẫn còn duy trì
chế độ nô lệ. Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Lincoln đã ra tuyên bố xóa bỏ
chế độ nô lệ. Do không chấp nhận chế độ tư bản công nghiệp Miền Bắc và chính
sách xóa bỏ chế độ nô lệ của Tổng thống Lincoln, 7 bang Miền Nam Hoa Kỳ
tuyên bố ly khai, sau tăng lên 11 bang. Các bang Miền Nam đã phát động chiến
tranh tấn công các bang Miền Bắc. Cuộc chiến diễn ra trong 4 năm (1861-1865),
được gọi là cuộc Chiến tranh Nam – Bắc. Kết thúc cuộc chiến, Miền Bắc đã giành chiến thắng .
Xét về tính chất của cuộc chiến, Chiến tranh Nam – Bắc của Hoa Kỳ hồi nửa sau thế kỷ XIX thực chất
cũng có thể xem là một cuộc chiến tranh có nguồn gốc từ sự đối đầu ý thức hệ.
Có một chuyện đáng nói là, sau khi quân đội Miền Bắc chiến thắng, ngày 9 tháng 4 năm 1865, tại toà
án khu vực Appomattox, Virginia, tướng miền Nam Robert E. Lee ký thỏa ước đầu hàng với sự hiện
diện của tướng miền Bắc Ulysses S. Grant. Lễ đầu hàng được tổ chức trọng thể, tề tựu hai hàng quân,
quân Miền Nam và quân Miền Bắc.

Trong lễ tiếp nhận đầu hàng của phe Miền Nam, Tướng Grant tuyên bố cho phép tất cả các hàng binh
được về quê quán làm ăn, được tiếp tục giữ lại những loại vũ khí nhẹ như súng lục bên hông để tự vệ,
hơn nữa được mang về nhà tất cả các phương tiện vận tải quân dụng thời đó như lừa ngựa để sản xuất.
Ông cũng long trọng tuyên bố xóa bỏ hận thù, đồng thời ra một quyết định quan trọng khác, là các
chiến sỹ trận vong của cả hai bên lâm chiến được quy tập về chôn cùng một nghĩa trang và tất cả đều
được Tổ Quốc Hoa Kỳ tưởng nhớ, chứ không xem một ai là “liệt sỹ” được “Tổ Quốc ghi công”.
Đến năm 1868, Tướng Ulysses S. Grant trúng cử tổng thống Hoa Kỳ và được tái cử trong nhiệm kỳ sau
đó. Tướng Grant được ghi nhớ như vị tổng thống tài ba, giầu lòng nhân ái, là người, đã cùng với Tổng
thống Lincoln, dang tay ôm kẻ thù Miền Nam, đã phát động chiến tranh và đã chiến bại, như đón một
nửa dân tộc ly khai trở về trong lòng Tổ Quốc Hoa Kỳ thống nhất.

Gần như trong một hoàn cảnh tương tự như thời Chiến tranh Nam – Bắc ở Hoa Kỳ hơn một trăm năm
trước đó, trong cuộc chiến tranh Việt Nam, giữa cộng đồng người Việt Nam cũng xuất hiện hai phe rõ
rệt đối đầu về ý thức hệ: Một bên là Miền Bắc, vẫn xem mình là tiền đồn của phe XHCN; Một bên là
chính quyền Sài Gòn, cũng được xem là tiền đồn của phe chống Cộng toàn thế giới. Nhưng sau khi
Miền Bắc giành chiến thắng và thống nhất đất nước, ở Việt Nam đã không diễn ra cái việc vĩ đại và
cảm động như ở Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Lincoln. Sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ, thì những
người chiến bại đã phải chịu đựng những năm dài bị dày vò về tinh thần và bị đầy đọa về thể xác trong
các trại cải tạo. Còn về kinh tế, toàn bộ các nền tảng kinh tế của Miền Nam đã bị tàn phá, dẫn đến một
Miền Nam đói nghèo sau chiến tranh.

Sau ngày thống nhất đất nước, tôi và Tiến sỹ An Khang được Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi đó là
Phó Thủ tướng phụ trách khoa học và giáo dục, cử vào Sài Gòn tiếp xúc với giới trí thức, để chuẩn bị
cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo Chính phủ với các nhà trí trức Miền Nam. Trong số những vị trí thức chúng
tôi có dịp hội kiến ngày đó, có những trí thức lớn như Giáo sư Lê Văn Thới, Tổng cục trưởng Cục
Năng lượng Nguyên tử Quốc gia, Giáo sư Nguyễn Xuân Oánh, cựu Phó thủ tướng Việt Nam Cộng hòa,
và nhiều vị khác, như Lâm Võ Hoàng, Phạm Hoàng Hộ, Nguyễn Văn Hai, v.v…
Chúng tôi đã được nhận những tình cảm thật nồng hậu từ họ. Họ chia sẻ với chúng tôi một niềm vui
thực sự , vì từ đây không còn người ngoại quốc trên đất Việt Nam.

Nhưng đáng tiếc những gì diễn ra sau đó đã làm họ hụt hẫng và hàng triệu người con của đất Việt đã
phải bỏ nước ra đi. Điều đáng suy nghĩ là, trong số những người bỏ nước ra đi, không chỉ có những
người là quân cán chính của Việt Nam Cộng hòa, mà còn có cả dân thường Miền Nam, còn có cả triệu
người dân Miền Bắc, hoặc là những người từ Miền Bắc di tản theo dòng thuyền nhân, hoặc là những
người ở lại nước ngoài sau khi kết thúc hợp đồng “xuất khẩu lao động”.

Trong số người bỏ nước ra đi có cả những nhà trí thức lớn mang đầy nhiệt tâm với Chính phủ Miền
Bắc chiến thắng. Trong số các nhà trí thức đó, tôi rất ấn tượng với tiến sỹ Nguyễn Văn Hảo, Phó thủ
tướng Chính phủ Sài Gòn. Sau 30/4/1975, ông Hảo đã đến tận kho vàng của Chính phủ Sài Gòn bàn
giao 16 tấn vàng cho Chính phủ Hà Nội. Tiếp đó, ông Hảo đã viết một bản nghị trình trên 200 trang về
chiến lược phục hồi kinh tế Việt Nam và gửi cho tất cả các vị ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm của
Đảng CSVN thời đó (tôi còn giữ một bản, mang tiêu đề Mở rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài và
một số vấn đề liên hệ). Ông Võ Văn Kiệt mời ông Hảo làm cố vấn kinh tế một thời gian, nhưng sau đó,
ông Hảo đã bỏ ra nước ngoài.

Ở đây, điều cần suy nghĩ là, vì sao thời chiến tranh chống Pháp, người Việt ở khắp mọi góc nẻo của thế
giới đã giương cao cờ đỏ sao vàng để ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh kháng chiến, kể cả trong quãng
thời gian suốt từ năm 1946 đến năm 1950, khi Chính phủ kháng chiến còn bị cô lập trên trường quốc
tế? Còn ngày nay, người Việt khắp thế giới lại giương cao những ngọn cờ khác để chống lại, thậm chí
còn họp mặt để tỏ thái độ phỉ báng những phái đoàn của chính giới Việt Nam? Hiện tượng này khi nào
chấm dứt? Bao giờ chấm dứt sự lúng túng của những phái đoàn chính giới Việt Nam, … phải đi cổng
sau để hội kiến với các nguyên thủ nước ngoài?

Tất cả điều đó nói lên một sự thực là: Dân tộc này vẫn đang ngày càng chia rẽ, có quá ít những tín hiệu,
dù mỏng manh về triển vọng hàn gắn lại. Sự chia rẽ đó tồn tại ở bất cứ nơi nào có sự hiện diện những
con dân của Tổ Quốc: Ở ngoài nước thì chia năm bè bẩy mối chống cộng và chống đối lẫn nhau; Ở
trong nước, thì dân chúng biểu tình khắp nơi, thậm chí có nơi rào làng chiến đấu như thời kháng chiến
chống Pháp (dân Uy Nỗ, ngoại thành Hà Nội); Có nơi dân chúng nổi lên gây sức ép phải thay đổi toàn
bộ bộ máy lãnh đạo của chính quyền và tỉnh ủy của một tỉnh (Thái Bình).

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập Đảng CSVN, đã để lại trong di chúc một tâm nguyện: “…xây
dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giẩu mạnh”. Tôi cho rằng, một người
nhạy cảm như Hồ Chí Minh, viết những dòng này là có suy nghĩ và day dứt nhiều lắm, không thể vì
“sơ sót” mà bỏ quên mục tiêu “xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Lời nói của người trước lúc lâm chung là
lời nói thành thực nhất. Chúng ta có thể hiểu, Hồ Chí Minh muốn gửi gắm ý nguyện cuối cùng của
mình vào mục tiêu thống nhất dân tộc, dân chủ và thịnh vượng của Tổ Quốc.

Nhân năm mới, một năm sẽ diễn ra Đại hội XI của Đảng CSVN, tôi muốn nhắc lại bài học lịch sử đầy
cảm động về sự hòa giải dân tộc của Hoa Kỳ sau cuộc chiến tranh ý thức hệ (1861-1865), để chúng ta
cùng suy nghĩ về tâm nguyện thống nhất dân tộc của người sáng lập Đảng CSVN – Hồ Chí Minh, với
hy vọng đóng góp một ý tưởng khiêm nhường vào quá trình chuẩn bị bản Cương lĩnh của Đại hội XI
của Đảng CSVN sắp diễn ra trong năm nay.
Phải chăng, bây giờ hơn lúc nào hết, Việt Nam cần giương cao ngọn cờ hòa giải và hòa hợp dân tộc vì
sự nghiệp chống kẻ thù xâm lược mang vỏ bọc ngọt ngào của “tình anh em cùng giai cấp”, của người
“láng giềng tốt” và “đồng chí tốt” trên tinh thần của “chủ nghĩa quốc tế vô sản”.
Đương nhiên, không thể nào lặp lại lịch sử năm 1975 theo những bài học đầy cảm động từ Tổng thống
Lincoln và Tướng Grant, nhưng có thể viết lại một trang sử khác trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân
tộc để quy tụ được sức mạnh của gần 90 triệu dân , đủ sức chống trả với những hành vi xâm lược trắng
trợn của bọn đế quốc mới sô-vanh bá quyền...
-------
Tôi tính theo công bố mới nhất về kết quả sơ bộ của cuộc tổng điều tra dân số quốc nội năm 2009, là
gần 86 triệu người, cộng thêm hơn 3 triệu người Việt hải ngoại.

Thứ 4 ngày 6/1/2010

You might also like