You are on page 1of 138

CHƯƠNG 1

BẢN CHẤT, CHỨC NĂNG, VAI TRÒ CỦA THUẾ


I. SỰ CẦN THIẾT VÀ BẢN CHẤT CỦA THUẾ
1. Nguồn gốc và tính tất yếu khách quan của thuế - Sự ra đời và phát triển của thuế

Thuế là một phạm trù kinh tế, đồng thời là một phạm trù lịch sử. Thuế ra đời, tồn tại, phát triển cùng Nhà nước -
một sản phẩm tất yếu của sự phân công lao động xã hội. Lịch sử tiến hóa và phát triển của xã hội loài người đã
chứng minh có 5 hình thái xã hội: Xã hội cộng sản nguyên thủy, Xã hội chiếm hữu nô lệ, xã hội phong kiến, xã
hội Tư bản chủ nghĩa và xã hội xã hội chủ nghĩa. Trải qua sự phát triển của xã hội loài người, giai cấp đã xuất
hiện và phân hóa thành giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. Số người đại diện trong giai cấp thống trị xã hội đó
dần dần hình thành nên các tổ chức bộ máy cai trị xã hội và nó ngày càng được củng cố, hoàn thiện qua các
chế độ xã hội - đó là Nhà nước. Nhà nước ra đời đại diện cho quyền lợi của giai cấp thống trị xã hội. Đó là phạm
trù lịch sử của Nhà nước. Nhà nước xét ở khía cạnh phân công lao động xã hội, đó là một tổ chức bộ máy với
nhiều hệ thống các cơ quan có chức năng nhiệm vụ khác nhau để tổ chức, cai quản xã hội. Để hoạt động được
Nhà nước cần phải có nguồn tài chính để chi tiêu, trước hết là chi cho việc duy trì và củng cố tổ chức bộ máy
Nhà nước từ trung ương đến cơ sở trong cả nước; chi cho những công việc thuộc chức năng Nhà nước như: quốc
phòng, an ninh, chi cho xây dựng và phát triển các cơ sở hạ tầng; chi cho các vấn đề phúc lợi công cộng, về sự
nghiệp, về xã hội trước mắt và lâu dài. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu chi tiêu của Nhà nước càng lớn, cả về
phạm vi và qui mô chi tiêu.

Vậy thì bộ máy Nhà nước bao gồm một số người không trực tiếp sản xuất, không tạo ra thu nhập, nhưng lại rất
cần có nguồn tài chính để chi tiêu, vậy nguồn tài chính đó lấy ở đâu ra? Nguồn tài chính đó chỉ có thể lấy từ việc
động viên đóng góp một phần thu nhập xã hội do các tầng lớp dân cư trong xã hội trực tiếp lao động sản xuất
tạo ra. Nhưng lấy bằng cách nào? Lịch sử ra đời và phát triển của Nhà nước trong các chế độ xã hội trước đây và
hiện nay đã chứng minh rằng Nhà nước có ba hình thức động viên một phần thu nhập xã hội để đáp ứng nhu
cầu chi tiêu của mình là quyên góp, vay của dân và dùng quyền lực của Nhà nước buộc dân phải đóng góp.
Trong 3 hình thức trên thì quyên góp phải tùy thuộc vào khả năng và sự tự nguyện của mọi người, do đó nó
không công bằng, không lâu dài, không bảo đảm đuợc yêu cầu chi tiêu của Nhà nước , cho nên nó không cơ bản
và chỉ được sử dụng trong những tình huống đặc biệt. Hình thức vay dân thì có vay phải có trả. Nhưng Nhà nước
không tạo ra thu nhập thì lấy gì trả? Do đó hình thức vay dân cũng không phải là cứu cánh mà nó chỉ đuợc sử
dụng trong một số hoàn cảnh đặc biệt. Rõ ràng chỉ có hình thức buộc dân đóng góp là cơ bản nhất, và đây cũng
chính là một trong những đặc trưng cơ bản của Nhà nước. Và hình thức để buộc dân đóng góp đó chính là thuế.

Từ sự phân tích trên ta có thể thấy: Thuế ra đời và tồn tại cùng với sự ra đời và tồn tại của Nhà nước; vì Nhà
nước và do Nhà nước. Nhà nước ra đời là một tất yếu khách quan; vì vậy thuế là một tất yếu khách quan với
chức năng chủ yếu và đầu tiên là nhằm bảo đảm nguồn tài chính phục vụ cho các nhu cầu chi tiêu theo chức
năng của Nhà nước.

Bên cạnh đó, thuế là một phần thu nhập do những người dân trực tiếp lao động sản xuất tạo ra và đóng góp cho
Nhà nước. Như vậy một vấn đề đặt ra là nếu số của cải vật chất do người dân sản xuất ra chỉ đủ nuôi sống bản
thân họ thì làm gì có phần đóng góp cho Nhà nước để nuôi bộ máy gián tiếp? Về vấn đề này Các Mác đã nghiên
cứu và phát hiện ra hai vấn đề quan trọng làm nền tảng cho những lý luận cơ bản về thuế là: quá trình tái sản
xuất giản đơn, tái sản xuất mở rộng là hai thuộc tính cơ bản quan trọng của hàng hóa sức lao động. Lao động
với tư cách là hàng hóa - một loại hàng hóa đặc biệt, qua hoạt động lao động nó tạo ra giá trị mới lớn hơn giá trị
của nó, phần mới sáng tạo ra đó được Mác gọi là thu nhập. Đó chính là cơ sở đảm bảo cho tái sản xuất mở rộng,
là nguồn cho sự động viên tài chính Nhà nước. Rõ ràng là thuế xuất hiện trong xã hội loài người với 2 điều kiện
cần và đủ là: sự xuất hiện của Nhà nước và sự xuất hiện thu nhập xã hội. Sự xuất hiện của Nhà nước tạo ra
quyền lực tập trung để Nhà nước ban hành các luật lệ về thuế buộc các thành viên trong xã hội phải thực hiện.
Sự hình thành thu nhập trong xã hội là cơ sở tạo khả năng cho nguồn động viên về thuế. Có thu nhập thì người
dân mới có thể đóng góp cho Nhà nước và ngược lại. Cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ
sản xuất xã hội, sự phát triển ngày càng cao của kinh tế hàng hóa, tiền tệ, sự gia tăng mạnh mẽ của quyền lực
Nhà nước đã phát sinh những yêu cầu chi tiêu to lớn, đa dạng và phức tạp, làm nảy sinh những biến đổi mới về
thuế, các quan hệ về thuế dưới hình thức giá trị đuợc hình thành và ngày càng phát triển có tính chất hệ thống,
các thứ thuế khác nhau lần lượt ra đời. Với bước tiến của lịch sử, chỉ dùng hình thức thuế không đủ để đáp ứng
yêu cầu chi tiêu; nhất là chi cho những công việc đột xuất, cấp bách, Nhà nước đã áp dụng hình thức phát hành
công trái hoặc phát hành giấy bạc. Tuy nhiên thuế vẫn là hình thức động viên tài chính chủ yếu và cơ bản nhất
của Nhà nước.

2. Khái niệm thuế, bản chất của thuế, các hình thức của thuế
a. Khái niệm thuế:

Thuế ra đời với những đặc trưng cơ bản như đã trình bày ở phần trên. Nhưng thuế là gì? Học thuyết về thuế là
một bộ phận cấu thành quan trọng của khoa học về tài chính. Học thuyết này nghiên cứu về các quan hệ sản
xuất trong sự tác động hỗ tương với lực lượng sản xuất và kiến trúc thượng tầng. Sự đa dạng của quan hệ sản
xuất - đã làm cho một số quan hệ phân phối tách ra thành các quan hệ tài chính và từ đó hình thành nên những
mối quan hệ phân phối mang hình thức thuế có tính độc lập tương đối.
Mặc dù còn tồn tại một số bất đồng, song hầu hết các nhà kinh tế đều thống nhất rằng: Thuế là một khoản đóng
góp bắt buộc của các thể nhân và pháp nhân, được Nhà nước qui định thông qua hệ thống pháp luật nhằm đáp
ứng các nhu cầu chi tiêu theo chức năng của Nhà nước.

Ngoài ra còn có một khái niệm thuế được OECD đưa ra: “Thuật ngữ thuế được giới hạn trong khuôn khổ các
khoản thanh toán có tính chất cưỡng chế, không có tính chất bồi hoàn lại cho chính phủ”.

b. Bản chất của thuế:

Từ nguồn gốc ra đời và khái niệm của thuế, rõ ràng thuế có bản chất kinh tế - chính trị - xã hội rất sâu sắc.

Bản chất kinh tế của thuế thể hiện trước hết thuế là một phần thu nhập của xã hội được tập trung để phục vụ
nhu cầu chi tiêu của Nhà nước. Kinh tế là cơ sở của thuế, thuế gắn chặt chẽ với sản xuất, kinh doanh và kiểm
soát thu nhập của mọi tổ chức và cá nhân để động viên và điều hòa thu nhập, điều tiết kinh tế (điều tiết sản
xuất và tiêu dùng). Nguồn thu từ thuế cho ngân sách Nhà nước chhỉ có thể tăng nhiều và nhanh trên cơ sở nền
kinh tế được phát triển và đạt hiệu quả cao. Ngược lại, qua thu thuế phải góp phần kích thích sản xuất kinh
doanh phát triển, thúc đẩy thực hành tiết kiệm về mọi mặt trong sản xuất và tiêu dùng một cách hợp lý để tạo
nguồn thu thuế ngày càng lớn hơn. Chính vì vậy nếu Nhà nước tăng mức động viên thuế quá cao chỉ nhằm mục
đích đơn thuần tăng thu ngân sách để đáp ứng yêu cầu chi tiêu của Nhà nước mà bỏ qua yêu cầu bảo đảm sự
tăng trưởng về kinh tế thì thường là gặp thất bại, dễ dẫn đến hậu quả xấu về nhiều mặt.

Tính chất thứ hai là tính cưỡng chế của thuế. Nó trở thành một phạm trù độc đáo và có nét riêng. Tính cưỡng
chế được thể hiện thông qua các điều khoản pháp luật. Thuế không thể xây dựng trên và dung hòa với tư tưởng
tự nguyện; khoản thuế thu được không thể trông chờ vào thiện chí hay nhiệt tình của dân chúng đối với Nhà
nước. Thuế thể hiện ý chí toàn dân chứ không riêng ai cả.

Đặc tính thứ ba của thuế là không có đối giá trực tiếp. Nộp thuế cho Nhà nước không giống chi tiền mua một
sản phẩm hay dịch vụ nào đó để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng riêng tư. Nộp thuế là một nghĩa vụ không thể
thoái thác và khối lượng các lợi ích mà người nộp thuế nhận được từ Nhà nước không liên quan gì đến khối lượng
thuế đã chi trả, thì việc trả tiền để nhận được một món hàng hoàn toàn mang tính chất tự nguyện và thường có
sự tương xứng về mặt giá trị. Sự khác biệt giữa thuế và giá cả của hàng hóa - theo Ricahrd Goode và Luc de
Wulf, hai chuyên gia của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) - thì “Những khác biệt của thuế và giá rất quan trọng và
chúng khác biệt đến độ thuế thường được xem như là nặng nề hơn là giá cho dù người nộp thuế có tán thành
các chi tiêu của Nhà nước, anh ta có thể không nhận thức được mối quan hệ trực tiếp nào giữa số lượng thuế đã
nộp và lợi ích cá nhân nhận được từ các hoạt động chung của Nhà nước. Mặt khác, các người tiêu dùng tuy có
phàn nàn về giá cả tăng cao nhưng lại nhận thức được một cái gì đó mình mong muốn. Nhưng cũng cần lưu ý là
mặc dù không đối giá trực tiếp nhưng mọi khoản thuế dân chúng đã nộp sẽ quay lại với họ bằng nhiều con
đường khác nhau thông qua chi tiêu từ ngân sách Nhà nước.

Đặc tính thứ tư của thuế là dùng vào chi tiêu công cộng. Đặc tính này giảm nhẹ ý niệm cưỡng bách của thuế.
Ngày nay, quyền lực công cộng đã thuộc về toàn thể dân chúng, bộ máy Nhà nước do dân chúng điều khiển,
còn Nhà nước dân chủ theo nghĩa nào và ở mức độ nào, thì ở đây không bàn đến, nên việc nộp thuế và sử dụng
tiền thu từ thuế cũng do dân chúng quyết định. Ngoài một phần cung cấp cho quản lý hành chánh, đại bộ phận
thuế thu được chuyển giao lại cho người dân khi Nhà nước chi ngân sách cho văn hóa, thông tin, thể dục thể
thao, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, cho các chương trình nghiên cứu khoa học, chống ô nhiễm môi truờng,
chống tệ nạn xã hội.

Đặc tính thứ năm của thuế là vĩnh viễn. Nộp thuế cho Nhà nước không giống cho Nhà nước vay, nên không thể
đòi lợi tức và vốn đáo hạn. Chúng ta biết rằng thuế dùng tài trợ công chi, mà phần lớn công chi là những khoản
cấp phát, cho không. Trên ý nghĩa đó, đóng thuế cho chính phủ là san sẻ một phần gánh nặng công chi.

Xét về bản chất, thuế là một hình thức tái phân phối thu nhập xã hội do các doanh nghiệp và dân chúng sáng
tạo, hình thành nên ngân sách nhà nước, nhằm tài trợ các nhu cầu chi tiêu công cộng. Xét về hiện tượng, thuế
là quá trình chuyển dịch một chiều thu nhập xã hội từ khu vực tư vào khu vực công cộng. Như vậy nộp thuế
thực chất là quá trình chuyển dịch chi tiêu tư thành chi tiêu vì lợi ích chung.

Khu vực tư bao gồm những hoạt động của các pháp nhân và thể nhân không thuộc quyền sở hữu của chính phủ.
Hoạt động của khu vực này trước hết vì lợi ích của chính nó và dựa trên cơ chế thị trường. Khu vực tư hoàn toàn
không thể cung cấp hoặc cung cấp kém hiệu quả những mặt hàng có tính không loại trừ hoặc không cạnh tranh
trong tiêu dùng. Đấy là thất bại của hệ thống thị trường tư.

Khu vực công bao gồm những hoạt động của các cơ quan chính phủ, chính quyền địa phương, các đoàn thể xã
hội và các doanh nghiệp nhà nước. Hoạt động của khu vực công nhằm tạo ra các hàng hóa dịch vụ công cộng
và được ví như nỗ lực của chính quyền các cấp trong việc sửa chữa những thất bại của thị trường, tức là trang bị
cho dân chúng những điều kiện tối thiểu khi bước vào đời sống kinh tế-xã hội mà hệ thống thị trường tư không
làm được.

Tái phân phối thu nhập xảy ra khi một tư nhân đóng một khoản tiền thuế cho nhà nước và nhận lại không tương
xứng “lợi ích” từ công chi. Nếu tư nhân đó nhận được “lợi ích” từ công chi tương xứng số tiền thuế anh ta đã nộp
thì không có sự tái phân phối. Tái phân phối thu nhập xã hội gồm: tái phân phối theo chiều dọc và tái phân phối
theo chiều ngang. Tái phân phối theo chiều dọc nhằm san sẻ thu nhập của các doanh nghiệp và cá nhân giàu;
tái phân phối ngang nhằm điều hòa thu nhập giữa các doanh nghiệp và cá nhân thuộc các ngành, lĩnh vực hoặc
các giới khác nhau. Trên thực tế, những khác biệt giữa hai loại tái phân phối nói trên rất mờ nhạt.

Tóm lại, đánh thuế là một đặc quyền chỉ thuộc về Nhà nước và thể hiện sức mạnh của Nhà nước trong đời sống
xã hội. Nhà nước dùng thuế tái phân phối thu nhập xã hội và điều chỉnh kinh tế vĩ mô. Trong xã hội dân chủ,
mặc dù không nhận đối giá trực tiếp từ số tiền thuế nhưng dân chúng cũng nhận được một cách gián tiếp thông
qua lợi ích từ công chi. Ở đây có điểm đáng nói, hành vi nộp thuế của người dân mang tính cụ thể, cá nhân và
trực tiếp, còn sự thụ hưởng lợi ích từ chi tiêu của chính phủ mang tính trừu tượng công cộng và gián tiếp. Do đó,
ngoài việc hành thu thuế thật tế nhị mà minh bạch, chính phủ cần phải công bố rõ ràng chương trình hành động
của mình và tăng cường giáo dục ý thức công dân về nghĩa vụ nộp thuế ngay từ bậc tiểu học. Như vậy, dân
chúng mới ý thức được sự cần thiết của thuế, mới xem nộp thuế là một việc làm tự nhiên và cần thiết cho cuộc
sống cộng đồng.

c. Các hình thức thuế (phân loại thuế):

Thuế ra đời cùng với sự ra đời của Nhà nước. Thời kỳ đầu khi hàng hóa chưa phát triển, thuế thường được thu
bằng hiện vật. Chế độ thu bằng hiện vật có mặt giản tiện cho người nộp thuế, làm ra thứ gì nộp thứ ấy; và Nhà
nước sử dụng ngay số thuế bằng hiện vật ấy để chi dùng vào những nhu cầu cần thiết, thích hợp. Nhưng thu
thuế bằng hiện vật có mặt bất lợi cho việc thu nộp, bảo quản, không linh hoạt trong cả việc thu thuế và sử dụng
số thuế thu được.

Cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất xã hội, kinh tế hàng hóa - tiền tệ ra đời và
phát triển, thuế được thu bằng tiền là chủ yếu. Thuế thu bằng tiền, các quan hệ về thuế dưới hình thức giá trị
được hình thành và ngày càng phát triển có tính hệ thống, các thứ thuế khác nhau lần lượt ra đời làm cho thuế
ngày càng đa dạng, phong phú linh hoạt.

Sự phát triển của các hình thức thuế trong lịch sử có thể giải thích phần lớn bởi lý do quản lý. Do đánh thuế vào
hàng nhập khẩu dễ dàng hơn là hàng hóa trong nội địa nên thuế nhập khẩu là một trong những loại thuế xuất
hiện sớm nhất. Tương tự thuế doanh thu là một loại thuế đơn giản đánh trên tổng giá trị hàng hóa ra đời rất lâu
trước thuế GTGT. Thuế đánh vào đầu người và thuế đánh vào bất động sản cũng tương đối dễ dàng thực thi nên
đây là hai loại thuế trực thu đầu tiên được sử dụng.

Phân theo góc độ người nộp thuế thì có thể chia làm hai loại. Thuế trực thu và thuế gián thu. Bản chất kinh tế
của thuế trực thu là người nộp thuế đồng thời là người chịu thuế. Căn cứ mức thuế qui định trong luật thuế,
người nộp thuế tự tính và trích một phần thu nhập của mình trực tiếp nộp cho Nhà nước, tức là thuế thu trực
tiếp vào thu nhập của người nộp thuế. Ưu điểm của thuế trực thu là động viên trực tiếp vào thu nhập của từng
tổ chức, cá nhân có thu nhập cho nên đảm bảo được tính công bằng xã hội: người có thu nhập cao thì phải nộp
thuế nhiều, người có thu nhập vừa thì phải nộp ít hơn, người không có thu nhập thì không phải nộp thuế. Thuế
trực thu còn cho phép tính đến những yếu tố có tính độc lập với thu nhập của người nộp thuế như: hoàn cảnh
bản thân; tình trạng hôn nhân; hoàn cảnh gia đình . . . Nhưng thuế trực thu cũng có những mặt bất lợi là: việc
tính toán phức tạp hơn, dễ dẫn đến tình trạng tính toán đúng thì nộp thuế đúng, tính toán không đúng thì nộp
thuế không đúng và thường là phải xác định rõ thu nhập thì mới thu được thuế cho nên thường rất chậm. Nhiều
trường hợp phải đến kỳ quyết toán mới thu được đủ thuế, có trường hợp thu thiếu thì phải nộp thêm, thu thừa
thì phải thoái trả. Một trở ngại khác là thuế thu trực diện vào thu nhập của tổ chức, cá nhân nên về tâm lý là dễ
bị phản ứng. Mặt khác nếu chỉ thu thuế trực thu thì diện quản lý thu thuế sẽ rất rộng. Tốn nhiều công sức mà
hiệu quả thấp. Chính vì vậy, để động viên vào tất cả mọi người trong xã hội, người ta sử dụng thuế gián thu
cùng với thuế trực thu hợp thành hệ thống thuế thống nhất, trong đó các loại thuế vừa thực hiện nhiệm vụ
chính của mình, vừa hỗ trợ nhau để phát huy tác dụng đồng bộ của cả hệ thống thuế.

Thuế gián thu thường là thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tiêu dùng, thuế nhập khẩu… Bản chất kinh
tế của thuế gián thu là người nộp thuế có thể chuyển dịch số thuế phải nộp sang cho người mua hàng hóa, dịch
vụ chịu thuế bằng cách cộng gộp số thuế đó vào giá bán hàng hóa, dịch vụ. Do đó người nộp thuế không phải là
người chịu thuế mà người chịu thuế chính là người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Thuế gián thu bảo đảm được sự
lựa chọn của người chịu thuế đối với các loại hàng hóa, dịch vụ mà họ quyết định mua; bảo đảm được tính tự
nguyện chịu thuế. Người sản xuất kinh doanh khi bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ sẽ thu thuế gián thu cùng với
giá bán hàng và nộp khoản thuế này vào ngân sách Nhà nước . Gọi là thuế gián thu vì Nhà nước thu thuế vào
người tiêu dùng nhưng lại không thu trực tiếp vào thu nhập của người tiêu dùng mà lại thu gián tiếp qua người
bán hàng hóa, dịch vụ. Trên ý nghĩa đó, người sản xuất kinh doanh thu thuế gián thu khi bán háng hóa, dịch vụ
nếu không nộp đầy đủ số thuế đã thu vào ngân sách Nhà nước thì có thể coi là hành động tham ô, chiếm đoạt
công quỹ.

Có thể nói thuế gián thu là loại thuế do toàn dân đóng góp; nghiệp vụ tính thuế và thu thuế đơn giản, thu kịp
thời hơn thuế trực thu; thuế gián thu nằm kín trong giá cả cho nên dễ thu hơn; người chịu thuế khó nhận biết là
mình phải nộp thuế nên ít phản ứng hơn. Thuế gián thu mang lại nguồn thu thường xuyên và tương đối ổn định
cho ngân sách Nhà nước vì bất luận trong hoàn cảnh nào thì sự tiêu dùng của con người và xã hội cũng luôn
diễn ra và có xu hướng ngày càng phát triển. Đối tượng quản lý thuế gián thu cũng hẹp hơn so với thuế trực thu,
chỉ cần quản lý vào số doanh nghiệp kinh doanh sản xuất hàng hóa, dịch vụ là có thể thu được thuế của tất cả
những người tiêu dùng hàng hóa dịch vụ trong xã hội. Đối với những nước có nền kinh tế chưa phá triển, thu
nhập còn thấp thì thuế gián thu thường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số thu của ngân sách Nhà nước. Mặt
nhược điểm của thuế gián thu chính là tính lũy thoái của nó. Vì thuế gián thu đánh như nhau trên cùng một loại
sản phẩm hàng hóa và số lượng như nhau thì chịu thuế như nhau, nhưng thực chất tỷ lệ động viên thuế gián thu
so với thu nhập thì người giàu chịu thuế thấp hơn người nghèo; người có thu nhập càng cao thì tỷ lệ nộp thuế
gián thu trên thu nhập càng thấp.

Nếu phân loại theo tính chất lũy tiến và lũy thoái thì có thể phân thành thuế lũy tiến, thuế theo tỷ lệ và thuế lũy
thoái.

Bảng 2-3: Các loại thuế được áp dụng phổ biến ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển.

· Thuế đất · Thuế nhà · Thuế doanh nghiệp


Thuế trực thu Thuế đánh trên tài sản
· Thuế đánh trên chứng khóan

· Thuế TNCN · Thuế lợi tức công ty

· Thuế lợi tức siêu ngạch

· Thuế lợi tức do nghề khai thác mỏ


Thuế thu nhập thể nhân và pháp nhân
· Thuế đánh vào sự gia tăng vốn

· Thuế đánh vào lợi tức có được từ vốn tiền tệ

· Thuế di sản và tặng vật · Thuế tài sản cá nhân

· Thuế Tiêu Dùng Cá Nhân (Thuế TTĐB)

- Thuế Bia - Thuế đường - Thuế xăng

· Thuế tiêu dùng tổng hợp

Thuế gián thu - Thuế đánh một lần (tổng gộp)

- Thuế đánhnhiều lần (nhiều giai đoạn)

· Thuế GTGT · Thuế muối

· Thuế thuốc lá · Thuế diêm . . .

Thuế độc quyền tài chính

· Theo nguồn gốc - Thuế xuất khẩu

- Thuế nhập khẩu - Thuế quá cảnh

· Theo mục đích

- Thuế để phục vụ cho huy động vốn NSNN

Thuế quan - Thuế bảo hộ mậu dịch

- Thuế siêu bảo hộ mậu dịch

- Thuế chống bán phá giá - Thuế ưu đãi

· Theo thuế suất - Thuế quan chuyên biệt

- Thuế quan tính trên giá - Thuế quan hỗn hợp


- Khoản nộp của người làm thuê
Bảo hiểm xã hội
- Khoản nộp của người sử dụng lao động.

Thuế lũy tiến là loại thuế theo đó tỷ lệ đóng thuế tăng lên theo thu nhập. Ở nhiều nước công nghiệp phát triển,
đặc biệt là ở Mỹ, người ta sử dụng thuế lũy tiến đánh vào thu nhập một cách rộng rãi

Thuế theo tỷ lệ là loại thuế tính bằng một tỷ lệ cố định trên thu nhập

Thuế lũy thoái là loại thuế đặt gánh nặng thuế lớn hơn lên đầu những gia đình có thu nhập thấp so với những
gia đình có thu nhập cao

Giữa tính lũy thoái hay lũy tiến và việc đánh thuế trực thu hoặc gián thu có quan hệ rất chặt chẽ, nhưng đôi khi
hơi mơ hồ đối với người nộp thuế.

Cấu trúc thuế của nước Mỹ đặt nặng vào thuế thu nhập là một loại thuế lũy tiến- để gieo ấn tượng đó là một loại
thuế công bằng. Tuy nhiên, cần chú ý vì từ “lũy tiến” có thể gây nhầm lẫn. Đó là thuật ngữ liên quan thuế đánh
vào những khoản thu nhập khác nhau. Sẽ là sai lầm nếu cho rằng từ lũy tiến có nghĩa tình cảm, tức là hiện đại
hoặc tự do, hoặc đặc biệt đúng đắn.

Nếu phân loại theo chế độ phân cấp quản lý, điều hành ngân sách

Dựa vào tiêu thức này, thuế thường được phân thành: Thuế nhà nước và thuế địa phương.

Thuế Nhà nước là loại thuế được huy động bởi chính phủ trung ương trên cơ sở pháp luật và được tập trung vào
ngân sách Nhà nước. Ở các nước công nghiệp phát triển thì thông thường thuế thu nhập, thuế TNCT, thuế
quan . . . thuộc nhóm này. Ở Việt Nam, thuế nhà nước có thể tạm hiểu là các loại thuế được thu 100% vào ngân
sách trung ương; còn thuế địa phương là các loại thuế được thu 100% vào ngân sách địa phương. Ngoài ra còn
có thể điều tiết giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phuơng; đây là các loại thuế được phân phối giữa
các cấp ngân sách theo những tỷ lệ nhất định nhằm góp phần bảo đảm cân đối một cách linh hoạt giữa các cấp
trong hệ thống NSNN

Thuế địa phương là loại thuế được chính quyền địa phương thu trên phạm vi lãnh thổ được phân công và được
nộp vào ngân sách địa phương. Thông thường, trong khuôn khổ nhất thể hóa về mặt cơ cấu thuế ở các nước
công nghiệp phát triển, chính quyền địa phương được ưu tiên thu và tập trung vào ngân sách địa phương thuế
tiêu dùng cá nhân và thuế tài sản.

Phân tích quan hệ tương quan giữa hai loại thuế này, các nhà kinh tế đều thống nhất rằng tại các nước công
nghiệp phát triển tốc độ tăng của thuế điạ phương vượt đáng kể tốc độ tăng của thuế Nhà nước. Bởi lẽ, Nhà
nước trung ương do phải đương đầu với tình trạng thâm hụt ngân sách đã trút các chi phí gắn liền với việc điếu
tiết kinh tế, đảm bảo xã hội sang tay chính quyền địa phương.

Nếu phân loại theo phương thức sử dụng có thể phân thành thuế tổng hợp và thuế chuyên dùng.

Thuế tổng hợp là loại thuế tuy được thu từ nhiều nguồn đơn lẻ khác nhau nhưng được tập trung vào một quỹ tập
trung thống nhất của Nhà nước và được sử dụng cho các mục đích phát triển kinh tế-xã hội có tính chất toàn
quốc.

Thuế chuyên dùng là loại thuế thu từ một nguồn hoặc một số nguồn đơn lẻ nhất định nào đó và được tập trung
vào một quỹ nhất định. Quỹ này được sử dụng gắn với những mục đích đã được xác định trước. Ví dụ điển hình
nhất là thuế xăng dầu ở các nước trong liên minh châu Âu. Chính phủ các nước này đánh thuế rất nặng vào mặt
hàng xăng dầu với các lý do như: khuyến khích việc tiết kiệm sử dụng năng lượng dầu mỏ, lấy tiền thuế thu
đuợc để dùng vào việc bảo vệ môi trường và đầu tư, nghiên cứu tìm ra các loại nguyên liệu sạch thay thế dầu
mỏ. Trên thực tế, đây là một nguồn thu lớn của ngân sách và các khoản thu được từ thuế xăng dầu - theo nhiều
người - lại được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau mà nhiều khi không dính dáng gì với các mục tiêu đã đề
ra.

Cách phân loại này đã được hình thành từ trước khi chủ nghĩa tư bản ra đời. Ngày nay, chính phủ các nước công
nghiệp phát triển chủ yếu là qui định các loại thuế tổng hợp. Tuy nhiên họ vẫn còn duy trì một vài loại thuế
chuyên dùng nhất định để thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, quan trọng. Một số nước còn đi xa hơn nữa
trong việc sử dụng thuế tiêu dùng, thuế bảo vệ môi trường như là các loại thuế chuyên dùng để bù đắp chi phí
xã hội trong việc đấu trang chống tệ nạn nghiện hút, sử dụng ma túy, tiêu dùng rượu quá mức nhằm lành mạnh
hóa môi trường xã hội và tự nhiên. . . Ở nước ta, một số lệ phí, ví dụ như phí giao thông có thể xem là một sắc
thuế chuyên dùng.
II. CHỨC NĂNG CỦA THUẾ

Trong thế kỷ XIX thì ý kiến phổ biến là thuế nên chủ yếu giữ vai trò tài trợ cho chính phủ nhưng cho đến nay thì
thuế còn được sử dụng để đạt đến nhiều mục tiêu khác nhau. Thông thường nhiều tác giả cho rằng thuế có hai
chức năng chủ yếu đó là: chức năng phân phối và phân phối lại và chức năng điều tiết kinh tế. Một cách nhìn
hơi khác - cũng tương đối hữu ích của một chuyên gia nổi tiếng về thuế của Mỹ là Richard A. Musgrave - cho
rằng thuế có ba mục tiêu chính: (i) phân phối các nguồn lực; (ii) tái phân phối thu nhập; và (iii) ổn định nền kinh
tế. Tăng trưởng hay phát triển kinh tế và khả năng cạnh tranh thường được coi như những mục tiêu riêng rẽ
nhưng nói chung có thể sắp xếp nó như một mục tiêu thuộc nhóm (iii).

Chức năng phân phối và phân phối lại của thuế là loại chức năng cơ bản, đặc thù nhất mà tất cả các nhà nước
đều phải dựa vào đó. Thông qua chức năng này, các quỹ bằng tiền của Nhà nước được hình thành. Đây chính là
sức mạnh cơ sở vật chất đảm bảo cho sự hoạt động và tồn tại của Nhà nước. Khi bàn đến chức năng tài chính
của thuế, một số người thường đơn giản cho rằng: thuế là phương tiện tạo nguồn thu nhập - theo nghĩa đơn
thuần trưng thu tiền - đối với Nhà nước. Điều đó không hoàn toàn chính xác, bởi lẽ Nhà nước có thể có tiền bằng
nhiều cách khác nhau: yêu cầu ngân hàng trung ương mở rộng tín dụng, phát hành thêm tiền . . . Nhưng việc sử
dụng những phương cách này đương nhiên phải được Nhà nước cân nhắc, bởi lẽ chúng chứa đựng những mầm
mống của nguy cơ lạm phát. Bởi vậy, ngoài việc phát hành tín dụng để đảm bảo nhu cầu chi tiêu, Nhà nước có
thể sử dụng thuế một cách thường xuyên và lâu dài. Mục tiêu thực sự của chính sách thuế theo nhiều nhà kinh
tế là “rút bớt sức mua khỏi những người đóng thuế để những người đóng thuế từ bỏ sự kiểm soát đối với các tài
nguyên kinh tế và làm cho tài nguyên này thành khả dụng đối với Nhà nước”. Theo John Mikesell, sự chuyển
dịch tài nguyên đó bao gồm:

a. Sự chuyển dịch khả năng mua hàng giữa các nhóm người trong khu vực các doanh nghiệp.

b. Sự dịch chuyển quyền kiểm soát đối với khả năng mua hàng từ khu vực các doanh nghiệp sang tay Nhà nước.

Lịch sử đã cho thấy: chức năng phân phối và phân phối lại có vị trí ngày càng tăng, nhất là vào thể kỷ XX, là thế
kỷ được đặc trưng bởi sự tăng lên chưa từng có của thu nhập của Nhà nước có nguồn gốc từ thuế. Điều này
được giải thích bởi sự mở rộng các chức năng của Nhà nước và việc thực hiện nhiều chính sách khác nhau, trong
đó có việc can thiệp của Nhà nước vào các quá trình kinh tế.

Trong những năm sau chiến tranh thế giới lần thứ II, thu nhập về thuế của các nước công nghiệp phát triển tăng
mỗi thập kỷ 1,5 lần hoặc hơn nữa (có tính đến yếu tố trượt giá). Đồng thời người ta ghi nhận có sự gia tăng số
thu về thuế so với thu nhập quốc dân. Trước chiến tranh thế giới thứ II, nếu tỷ lệ này là 20-25% thì vào nửa đầu
những năm 70; ở Nhật con số tương ứng là 34%, ở Pháp là 47% (có tính đến khoản tiền nộp vào quỹ bảo hiểm
xã hội). Vào giữa những năm 70 của thế kỷ này tốc độ tăng thu nhập về thuế hơi chậm lại, tỷ trọng của thuế so
với thu nhập quốc dân tương đối ổn định. Tuy nhiên, hiện nay hàng loạt các nước công nghiệp phát triển, tỷ
trọng của thuế cũng còn rất cao, trong khoảng từ 43-45% (ở Thụy Điển, Đan Mạch, Ireland tỷ trọng này đạt hơn
50%; ở Anh, Ý, CHLB Đức, Pháp, Áo, Bỉ, Hà Lan, Na Uy là khoảng 50%; còn ở Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Mỹ, Nhật tỷ
lệ thuế trên GNP xấp xỉ 1/3).

Chức năng phân phối và phân phối lại của thuế được Nhà nước vận dụng dẫn đến kết quả là diễn ra quá trình
“Nhà nước hóa” một bộ phận GDP dưới hình thức tiền tệ; tạo điều kiện khách quan vô cùng cần thiết cho sự can
thiệp của Nhà nước vào các hoạt động kinh tế. Do đó, chính chức năng phân phối và phân phối lại, trong một
chừng mực rất đáng kể, đã tạo điều kiện cho sự ra đời và phát huy tác dụng chức năng điều tiết kinh tế của
thuế.

Bàn đến chức năng điều tiết kinh tế của thuế có nghĩa là phải xem thuế như là một tác nhân tích cực của quá
trình tái phân phối và thông qua đó tác động đến quá trình tái sản xuất của doanh nghiệp. Chức năng này
không tách rời khỏi chức năng phân phối và phân phối lại của thuế, mà cả hai chức năng đều có quan hệ tác
động hỗ tương rất chặt chẽ. Khi sử dụng thuế với mục đích huy động một bộ phận GDP vào tay mình thì Nhà
nước đã đặt thuế vào thế tiếp cận với các yếu tố tham gia vào quá trình sản xuất.

Nếu các nhà nước ở Liên Xô và Đông Âu trước đây hầu như thụ động trong việc vận dụng chức năng điều tiết
kinh tế của thuế, thì tại các nước tư bản công nghiệp phát triển và ngày nay kể cả tại các nước đang phát triển,
chức năng điều tiết kinh tế ngày càng được chú ý và càng được tăng cường đáng kể.

Tại các nước công nghiệp phát triển và các nước đang phát triển có hệ thống thuế ổn định, thuế tác động vào
quá trình sản xuất của các doanh nghiệp trên cả ba yếu tố mà chúng sử dụng: sức lao động, đối tượng lao động
và tư liệu lao động. Công nhân và người làm thuê, sau khi nhận được tiền lương sẽ chi dùng số tiền cho việc
mua sắm hàng hóa, dịch vụ và nộp thuế. Vào lúc này, thuế sẽ tác động đến quá trình sản xuất theo 3 hướng:

Thứ nhất, thuế sẽ ảnh hưởng đến mức độ và cơ cấu của tổng cầu, đồng thời thông qua cơ chế của mức cầu thị
trường có thể thúc đầy hoặc kiềm hãm sản xuất. Điều này phụ thuộc rất lớn vào thu nhập mà người dân sử
dụng - thông thường là dành toàn bộ cho tiêu dùng - và vì thế sự thay đổi mức thuế đánh vào tiêu dùng ngay
lập tức tác động vào mức cầu và nói chung, ảnh hưởng đến tổng mức cầu có khả năng thanh toán được của nền
kinh tế. Nói một cách cụ thể hơn, ở đây có hai tác dụng:
Đầu tiên, thuế làm giảm thu nhập của nhân dân. Với việc làm nhỏ đi phần thu nhập có thể chi tiêu cho các hộ
gia đình, thuế cao hơn có xu hướng làm cho các hộ gia đình giảm mức chi cho tiêu dùng của họ, do đó làm giảm
mức cầu và GNP thực tế.

Ngoài ra, thuế còn có thể tác động đến mức sản lượng tiềm năng. Ví dụ: vào năm 1981 do chính quyền Reagan
đưa ra một số ưu đãi về thuế đánh vào thu nhập từ đầu tư kinh doanh máy mới nên các khoản đầu tư vào các
ngành kinh doanh máy móc, nhà máy đã gia tăng.

Thứ hai, mức độ đánh thuế trên thu nhập cũng ảnh hưởng đến việc xác định tiền lương, bởi vì khi tính toán tiền
lương giới chủ và người làm thuê bao giờ cũng chú ý đến tiền thuế như là một yếu tố của tiền lương phải được
xem xét tới.

Thứ ba, thuế còn tác động đến việc mua sắm, sử dụng và phục hồi tài sản cố định (TSCĐ) trong doanh nghiệp,
thông qua các qui định của Nhà nước về hình thành, sử dụng quỹ khấu hao. Như mọi người đều biết, TSCĐ tham
gia vào nhiều chu kỳ sản xuất, thường xuyên bị hao mòn hữu hình và hao mòn vô hình cho đến khi không còn
tác dụng nữa. Sau đời phục vụ của mình, TSCĐ cần được phục hồi. Việc phục hồi này được tiến hành bằng cách
lập quỹ khấu hao, là một loại quỹ, mà xét theo quan điểm của cơ quan thuế, được hình thành từ một bộ phận lợi
tức không phải chịu thuế. Quy mô của quỹ khấu hao - vốn là nguồn để tái sản xuất TSCĐ - trong chừng mực
đáng kể chịu sự tác động của mức thuế (nhất là thuế lợi tức).

Chế độ khấu hao là một bộ phận quan trọng trong các phương pháp kích thích các doanh nghiệp. Ví dụ: ở Ý, chi
phí khấu hao được loại khỏi lợi tức chịu thuế lên đến 16%, Pháp 10-11%, ở Nhật, Anh, Thụy Sĩ và Mỹ 5,5-8%.

Giữa hai chức năng (chức năng phân phối và phân phối lại và chức năng điều tiết kinh tế) của thuế tồn tại mối
quan hệ chặt chẽ. Mối quan hệ này - xét về bản chất - phản ánh sự thống nhất của hai mặt đối lập. Chức năng
phân phối và phân phối lại của thuế là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự vận động và phát triển của chức năng
điều tiết kinh tế. Một khi mà các nguồn tài chính mà nhà nước tập trung được dưới dạng thuế gia tăng đáng kể
thì lúc đó việc này lại tạo điều kiện khách quan để Nhà nước tác động trên diện tích rộng và cả theo chiều sâu
tới quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Ngược lại, việc điều tiết, sắp xếp sản xuất của Nhà
nước nhằm vào việc thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế lại tạo điều kiện để tăng thu nhập của các tầng
lớp nhân dân và đây chính là cơ sở quan trọng để mở rộng phạm vi tác động của chức năng phân phối và phân
phối lại. Do đó, các chức năng của thuế, trước hết quan hệ hỗ tương và tác động lẫn nhau.

Sự thống nhất nội tại của các chức năng hoàn toàn không loại trừ các mâu thuẫn tồn tại giữa chúng, bởi lẽ mỗi
chức năng phản ánh từng mặt nhất định của các quan hệ có tính chất thuế vẫn luôn luôn mâu thuẫn với nhau.
Chức năng phân phối và phân phối lại phản ánh các mối quan hệ giữa Nhà nước hướng tới người nộp thuế. Ngay
trong chức năng phân phối và phân phối lại đã chứa đựng những mầm mống của sự phát triển mâu thuẫn giữa
một bên là sự cần thiết mở rộng nguồn thu vế thuế của Nhà nước với một bên là sự phản kháng và sự không hài
lòng của các thành viên trong xã hội khi nộp thuế.

Mâu thuẫn của chức năng điều tiết kinh tế biểu hiện ở chỗ: nhu cầu thực tế của sự can thiệp của Nhà nước đối
với quá trình sản xuất kinh doanh đụng chạm phải lợi ích kinh tế của từng nhà doanh nghiệp. Trong khi hình
thành và vận dụng một chính sách thuế, nhiều chính phủ thuờng hay mắc sai lầm: không tôn trọng đầy đủ cả
hai chức năng, thường xem trọng chức năng này hơn chức năng kia và ngược lại; điều này rõ ràng làm tổn hại
đến chức năng còn lại và là nguyên nhân dẫn đến chính sách thuế thóat ly cơ sở hiện thực về kinh tế - xã hội
của đất nước. Trên thực tế, lỗi lầm phổ biến nhất của các chính phủ là do cần phải bù đắp những thiếu hụt của
ngân sách nên thường chú trọng tới chức năng phân phối và phân phối lại hơn là chức năng điều tiết kinh tế của
thuế, điều này dẫn tới giảm nhẹ vai trò của thuế đối với hoạt động của doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng tới sản
xuất và đời sống.

III. VAI TRÒ CỦA THUẾ TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
1. Thuế - công cụ phân phối thu nhập và ổn định hóa nền kinh tế

Ngoài chức năng phân phối, thuế còn đảm nhiệm việc tái phân phối thu nhập và ổn định mức cầu. Chức năng
này đã có một lịch sử lâu đời. Việc sử dụng thuế để tái phân phối hoặc làm chức năng ổn định hóa mới chỉ được
biết đến trong một thời gian gần đây.

1.1. Phân phối


Khi thị trường thực hiện việc phân phối thu nhập thì đòi hỏi của mỗi hộ gia đình đối với sản lượng đầu ra của nền
kinh tế lại phụ thuộc vào nguồn lực tài chính do con người hoặc không do con người tạo ra và các mức giá thị
truờng cho phép bù đắp được các chi phí. Thu nhập có được là từ tiền lương, lợi tức cho vay, tiền cho thuê và lợi
nhuận. Tổng thu nhập của mỗi cá nhân, mỗi hộ gia đình hoàn toàn không giống nhau. Một số hộ gia đình không
có lao động và cũng không có nguồn lực tài chính để từ đó nhận được thu nhập. Những người khuyến tật, già
yếu, bệnh hoạn, thất nghiệp không có bất kỳ tài sản nào được tích lũy lại cũng sẽ không thu hoạch được nguồn
thu nhập nào. Các hộ gia đình sống phụ thuộc vào các lao động không có kỹ năng sẽ nhận được ít thu nhập.
Ngược lại, có những người được thừa kế tài sản, vốn được tích lũy từ thế hệ trước hoặc tài năng thì có thể nhận
được thu nhập gấp hàng chục lần - thậm chí hàng trăm - lần so với những người thuộc tầng lớp trung lưu. Do đó,
thực hiện việc tái phân phối qua công cụ thuế là điều hợp lý. Ở đây người ta ghi nhận sự đồng tình, nhất trí giữa
các giới khác nhau đối với vấn đề sử dụng thuế với các lý do nói trên, nhưng các nhà kinh tế và các chính khách
lại khó đạt được những điểm chung căn bản nhất đối với vấn đề xác định phạm vi tái phân phối và mức độ sử
dụng thuế để đạt được mục tiêu này. Ở các nước phương Tây, một bộ phận mong muốn một sự can thiệp ở mức
độ tối thiểu bằng các công cụ thị trường. Họ cổ vũ cho sự nỗ lực làm giảm đói nghèo tuyệt đối và sử dụng nguồn
thu từ thuế đánh theo tỷ lệ để làm điều đó. Một bộ phận khác lại ủng hộ cho chủ trương làm giảm độ nghèo đói
tương đối lẫn tuyệt đối. Để đạt được mục tiêu này, theo họ, thì nên sử dụng một hệ thống thuế có tính chất lũy
tiến đánh theo nhiều tỷ lệ khác nhau căn cứ vào tùng bậc thu nhập không giống nhau và như vậy, người giàu sẽ
bị đánh thuế nhiều hơn người nghèo.

1.2. Ổn định hóa


Đây là một trong bốn chức năng kinh tế của chính phủ mới được thừa nhận gần đây, mặc dù còn tồn tại nhiều
quan điểm - nhất trí hay đồng tình - của các giới khác nhau và đã có nhiều tranh cãi gay gắt giữa những nhà
kinh tế và các chính trị gia về phạm vi phân phối và mức độ sử dụng. Một Nhà nước phúc lợi hiện đại thực hiện
bốn chức năng kinh tế: (i) định ra các khuôn khổ kinh tế - luật pháp, hiến pháp và các qui tắc của trò chơi kinh
tế; (ii) thiết lập chính sách ổn định hóa kinh tế vĩ mô để san bằng các đỉnh cao và đáy thấp của nạn thất nghiệp
và để kiềm chế lạm phát; (iii) phân bổ nguồn lực cho hàng hóa công cộng bằng cách đánh thuế, chi tiêu và điều
tiết khi có sự thất bại của thị trường; và (iv) phân phối lại tài nguyên bằng cách chuyển giao phúc lợi xã hội.
Nhưng khi bàn đến vấn đề dùng công cụ thuế để đáp ứng nhu cầu phân phối thì họ lại cùng nhau nhất trí rằng
việc phân phối qua công cụ thuế là một trách nhiệm phải có của chính phủ. Điều này không hề liên quan đến
cái được gọi là ổn định hóa. Các nhà kinh tế theo trường phái Keynes lập luận rằng để duy trì nền kinh tế luôn
luôn ở trạng thái ổn định thì cần thiết phải có sự quản lý của nhà nước. Các nhà kinh tế theo trường phái cổ điển
(trọng tiền) xem xét nền kinh tế như một thế ổn định, với các thị trường vận hành một cách tự do và toàn dụng,
như vậy tự bản thân nó đã ổn định rồi và sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế là không cần thiết. J.M.
Keynes đã đưa ra lý thuyết và chính sách của ông trong những năm chiến tranh - khi mà nước Anh lâm vào cuộc
đại khủng hoảng với mức độ cao, đồng thời người dân phải tự lực cánh sinh - không nhận được gì từ chính phủ
của họ cả. Quan điểm của ông như sau: nền kinh tế tư bản chủ nghĩa không tự nó đạt đến mức toàn dụng. Sự
toàn dụng trong quá khứ chỉ là do sự thiếu hụt của mức cầu và qui luật của J.B Say đưa ra - mức cung tự đẻ ra
mức cầu cho chính nó - là không hề có thật. Cần giành cho chính phủ một vai trò làm gia tăng mức cầu để từ đó
đạt đến mức toàn dụng. Chính phủ phải làm điều đó bằng cách gia tăng đầu tư để tận dụng hiệu ứng số nhân
xảy ra đối với việc làm và sản lượng”.

Tuy vậy chính sách của trường phái Keynes đầu tiên hàm ý rằng: không phải lúc nào cũng xảy ra thất nghiệp,
bởi lẽ trong chiến tranh thế giới thứ II, mức cầu và lạm phát gia tăng quá nhanh đã trở thành một vấn đề lớn.
Thuế tăng và các khoản tiết kiệm bắt buộc phát sinh do các khoản nợ sau chiến tranh đã làm giảm mức cầu của
người tiêu dùng và kìm giữ mức lạm phát ở 5% đến 11% một năm, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ đó trong thế
chiến thứ I (lạm phát lúc đó tăng khoảng 20% - 25% mỗi năm). Những vấn đề này không đi vào quên lãng và
năm 1944, một bản luận trình về chính sách và công ăn việc làm thừa nhận rằng cần phải dành cho chính phủ
nhiệm vụ kiểm soát nền kinh tế nhằm mục đích tránh được tình trạng thất nghiệp cao trong thời kỳ 1920-1930.

Sau những năm chiến tranh, tình trạng thất nghiệp đã được duy trì ở mức thấp. Tỷ lệ 3% - ranh giới giữa mức
toàn dụng và thất nghiệp - không phải chờ đến những năm 1960 mới đạt được. Người ta ghi nhận sự tồn tại của
một chu kỳ 5 năm sự trồi sụt kinh tế có thể chấp nhận được. Như vậy, điều tốt đẹp mà chức năng ổn định hóa
mang lại là vai trò chỉnh rõ tức là vai trò cố gắng đảm bảo một sự điều chỉnh mức cầu trong ngắn hạn để đạt
được những cân đối hết sức tinh tế giữa lạm phát thấp và chỉ tiêu công ăn việc làm. Các quyết định sửa đổi về
thuế tỏ ra xứng hợp với mục tiêu trên hơn so với các quyết định trung ương điều chỉnh về chi tiêu công.

Như vậy, mặc dù Keynes đã từng phác họa ra việc sử dụng đầu tư để thay đổi mức cầu, nhưng trên thực tế, các
chính phủ lại có xu hướng dựa vào công cụ thuế. Trong những năm được gọi là thời kỳ của chủ nghĩa trọng tiền,
tức là trước năm 1979, đã có nhiều công trình nghiên cứu thiên về chủ đề đánh giá hiệu năng của chính sách
thuế. Có một sự thống nhất cao đạt được giữa các tác giả, đó là: không có sự hiệu quả và sự mất ổn định thường
ở mức tệ hại. Điều này được tóm tắt qua câu: “quá nhiều, quá trễ”. Những kết luận này do những người theo
trường phái Keynes - những người theo đuổi chủ trương cải tiến sự vận hành của các chính sách - rút ra.

Những người phê phán theo trường phái trọng tiền đã nêu ra nhiều luận điểm có tính chất phản bác. Họ xem xét
nền kinh tế như một thể ổn định và lập luận: nếu thị trường được phép vận hành một cách tự do thì mức cung
bằng với mức cầu trên thị trường lao động cũng như trên thị trường hàng hóa. Họ cho rằng không cần thiết phải
điều chỉnh mức cầu, bởi vì điều này là không hợp lý và tốt hơn hết là chính phủ chỉ nên thực hiện chức năng đặt
ra các luật lệ hơn là trực tiếp can thiệp vào thị trường. Ở Anh, chính phủ của Đảng Bảo thủ đã theo quan điểm
này ngay từ năm họ bắt đầu cầm quyền thay thế cho chính phủ Công Đảng; còn ở Mỹ, ngược lại, dưới thời của
tổng thống Reagan, chính phủ đã thực hiện hai cuộc thí nghiệm thuyết trọng cung từ năm 1979 đến năm 1981
với nội dung cốt lõi là cắt giảm thuế để tác động vào sản lượng tiềm năng và từ đó giải quyết các gánh nặng về
công ăn việc làm và sức ép của lạm phát. Với biện pháp chủ yếu là cắt giảm 25% đối với tất cả các khoản TNCN,
được thực hiện làm ba giai đoạn và kết thúc vào tháng 7/1983, hậu quả xảy ra là làm giảm sút thu nhập liên
bang và thâm hụt ngân sách to lớn vào giữa những năm 1980. Một phần của tình trạng này do bởi những biện
pháp được thi hành dựa vào việc phân tích thực trạng của nước Mỹ theo quan điểm của đường cong Laffer một
cách thiếu căn cứ. Theo các tiêu chuẩn khoa học cổ điển, cuộc thí nghiệm năm 1981 gợi ý rằng các lý thuyết
trọng cung phải bị bác bỏ.

Tóm lại, từ những phân tích trên, có thể rút ra rằng, thuế là phạm trù tài chính và được sử dụng để tạo ra các
nguồn tài lực thực hiện các chức năng của nhà nước đương quyền, đồng thời nó cũng là công cụ điều tiết kinh tế
vĩ mô hiệu lực của nhà nước. Bằng vai trò to lớn đó, thuế không ngừng được hoàn thiện và thích ứng với những
chu kỳ của quá trình phát triển.

2. Thuế - công cụ khắc phục khiếm khuyết của thị trường

Qua phân tích từ đầu, có thể thấy rằng việc phân bổ các nguồn lực tài chính để thỏa mãn các nhu cầu vể hàng
hóa và dịch vụ công cộng là mục tiêu hàng đầu của thuế. về mặt lý thuyết, thị trường là nơi hoàn hảo để người
dân có thể thỏa mãn các nhu cầu trực tiếp của mình nhằm đạt đến mức độ tối ưu hóa các phúc lợi nhận được.
Nhưng kinh tế học hiện đại và thực tiễn chỉ ra rằng đôi khi thị trường phải chịu thất bại, như trường hợp mt số
hàng hóa, dịch vụ công cộng: người dân có nhu cầu nhưng thị trường không thể cung ứng nổi hoặc chỉ được
cung ứng dưới mức cầu. Đây là lúc mà cần phải có vai trò của thuế và các chi tiêu công cộng để sửa chữa sự
“bất lực” về phân phối của thị trường.

2.1 Hàng hóa công cộng


Thị trường hoàn toàn chịu thất bại trong việc cung cấp các hàng hóa công cộng. Điều này xảy ra bởi vì các loại
hàng hóa này có tính chất đặc biệt. Một hàng hóa hay dịch vụ mà được coi là công cộng nếu một hoặc cả hai
tính chất sau đây được thỏa mãn:

Sự phát sinh thêm một người tiêu dùng loại hàng hóa (hay dịch vụ) này hoàn toàn không làm tăng thêm chi phí.
Ví dụ: có thêm một người đi bộ trên một con đường được chiếu sáng vào ban đê không làm tăng thêm chi phí
thắp sáng đường sá; hoặc thêm một chiếc ô tô đi qua cầu vào lúc vắng xe cũng không làm phát sinh thêm chi
phí. Để đạt được mức phúc lợi tối đa qua việc thụ hưởng các hành hóa nêu trên, và các loại hàng hóa tương tự,
người dân cần được cung cấp chúng với giá bằng 0. Không một nàh tư nhân nào sẵn sàng làm việc này và chỉ có
Chính phủ mới phải đảm trách việc sản xuất và cung ứng chúng (tất nhien là qua trung gian của nhà thầu) miễn
phí. Ở đây, việc đánh thuế sẽ đóng vai trò cung cấp các nguồn lực tài chính.

Sự tồn tại của những ke ăn không. Điều đó có nghĩa rằng sự cung cấp của thị trường đối với hàng hóa công cộng
là không thể xảy ra được. Một kẻ “ăn không” là một người được tiêu dùng hàng hóa phải tốn kém mới sản xuất
ra được mà không phải trả tiền cho hàng hóa đó. Vấn đề kẻ ăn không đặc biệt được áp dụng cho hàng hóa công
cộng vì tính chất không thể phân chia của chúng. Ví dụ như vấn đề quốc phòng, giả sử có một thị trường được
thiết lập dành cho quốc phòng. Thậm chí mỗi người đều cảm thấy rằng chúng ta cần quốc phòng, thì ngược lại,
không một ai có động cơ để mua phần đóng góp của mình vào quốc phòng cả. Vì lượng quốc phòng mà tôi có
cùng bằng bất kỳ lượng của ai khác, cho nên tôi có động cơ rất mạnh là đợi cho bất kỳ ai khác mua hàng hóa đó
chứ không dại gì đóng góp phần công bằng của mình. Tôi sẽ được ăn không tất cả những thứ do bất kỳ ai khác
mua. Nhưng tất nhiên, nếu ai cũng được tất cả những người khác mua quốc phòng, thì sẽ không có hàng hóa
quốc phòng nữa.

Ngoài các ví dụ nêu trên, hàng hóa công cộng còn bao gồm các luật lệ và quy tắc, việc làm sạch đường, phòng
chống lũ lụt . . .

Để sửa chữa thất bại của thị trường trong việc cung cấp hàng hóa công cộng, chính phủ buộc phải đánh thuế
vào người dân, làm mọi người được hưởng hàng hóa công cộng.

Xét về một khía cạnh đơn giản hơn, hàng hóa công cộng khác vơi hàng hóa tư nhân ở đặc điểm sau đây: “Hàng
hóa công cộng là một loại hàng mà thậm chí có một người dùng tới rồi, thì những người khác vẫn dùng được”.
Trong khi đó hàng hóa tư nhân (hoặc cá nhân) là một loại hàng mà nếu được một người tiêu dùng rồi thì
ngườikhác không thể dùng được nữa.

Hàng hóa công cộng - dù là các hàng hóa đã được trình bày ở trên, hay là lúc bạn nghĩ về người sĩ quan cảnh
sát đi tuần, một loại vắc xin chống bệnh đậu mùa … hoặc bất cứ một hoạt động nào của chính phủ - có yếu tố
chung sau đây: “Lợi ích của một hàng hóa công cộng không giống như của một hàng hóa thuần túy tư nhân do
bởi việc một cá nhân tiêu dùng hàng hóa công cộng sẽ tạo ra những tác động tiêu dùng bên ngoài không phân
chia được đối với nhiều người chứ không phải chỉ một cá nhân đó. Ngược lại, nếu một mặt hàng có thể chia nhỏ
được có thể bán riêng từng phần với giá cạnh tranh cho một cá nhân mà không có tác động bên ngoài đối với
người khác thì đó là một mặt hàng tư nhân. Hàng hóa công cộng đòi hỏi phải có hành động tập thể trog khi
hàng hóa tư nhân có thể do thị trường cung cấp”.

2.2. Hàng hóa hỗn hợp


Có nhiều hàng hóa tuy do chính phủ cung cấp nhưng không được xếp vào nhóm hàng hóa công cộng, ví dụ như
giáo dục, chăm sóc sức khỏe và thu dọn rác… dù chúng cung cấp được lợi ích mang tính chất độc quyền; bởi lẽ
những người tiêu dùng thêm vào sẽ làm tăng chi phí và sự độc quyền lúc nào cũng có thể thực hiện được (dịc vụ
này có thể bị những kẻ ăn không chối từ). Tuy nhiên chúng lại được cung cấp bởi khu vực công và do đó chúng
đòi hỏi phải có thuế tài trợ. Có hai cách giải thích về điều này: thứ nhất, đó là những trục trặc trong việc phân
phối của thị trường và thứ hai, là các lý do liên quan đến viẹc tiêu dùng các mặt hàng khuyến dụng. Những
hàng hóa này được gọi là hàng hóa hỗn hợp. Đó là các hàng hóa tạo ra lợi ích bên ngoài cũng như lợi ích của cá
nhân nhưng nếu được cung cấp bởi thị trường thì mưc cung sẽ nằm dưới mức cầu. Thị trường của hàng hóa hỗn
hợp không phải chịu thất bại hoàn toàn như đối với hàng hóa công cộng, bởi vì sự độc quyền là hoàn toàn có thể
xảy ra và những sự ưu đãi được coi là có thể bộc lộ ra được; nhưng bên cạnh đó thị trường lại không cung cấp
được chất lượng tối ưu do việc cung cấp chỉ có tính chất tư nhân và điều này đồng nghĩa với việc cung cấp dưới
mức nhu cầu.

Được coi là hàng hóa hỗn họp là những hàng hóa có sự pha trộn giữa các đặc điểm của hàng hóa tư nhân (lợi
ích nội tại có tính chất cạnh tranh) và các đặc điểm của hàng hóa công cộng (lợi ích bên ngoài có tính chất đọc
quyền). Chúng bao gồm giáo dục, y tế, vận chuyển công cộng, thu gom rác và các dịch vụ phòng cháy chữa
cháy… Giáo dục cung cấp một lực lượng lao động có học thức, có khả năng tạo các sản lượng đầu ra và lợi tức
lớn hơn cho toàn thể cộng đồng. Y tế bảo vệ toàn thể cộng đồng bằng cách chữa chạy cho những người mắc
bệnh và bảo tồn lực lượng lao động cho đất nước. Vận chuyển công cộng làmgiảm sự tắc nghẽn giao thông và ô
nhiễm môi trường, và do đó, nó tạo ra lợi ích cho cả người sử dụng đường sá và tất cả cộng đồng.

Chính phủ có thể sửa chữa tình trạng cung cấp dưới mức nhu cầu đối với hàng hóa hỗn hợp bằng cách tự cung
cấp hàng hóa và dịch vụ hoặc thông qua việc trợ cấp để làm giảm giá và tăng sản lượng đầu ra. Vai trò của
thuế là cung cấp các nguồn lực tài chính để tài trợ cho việc cung cấp có tính chất công cộng hoặc tài trợ thông
qua các khoản trợ cấp. Trợ cấp, do đó, tự bản thân nó có thể được xem như là một khoản thuế âm.

2.3. Các lợi ích và chi phí ngoại ứng


Một ngoại ứng (ngoại tác) tồn tại khi việc sản xuất hoặc tiêu dùng một mặt hàng trực tiếp ảnh hưởng đến các
doah nghiệp và người tiêu dùng không can dự vào việc mua bán hàng hóa đó, những ngoại ứng này thường
không được phản ánh đầy đủ theo giá thị trường. Ví dụ như vấn đề ô nhiễm. Một hãng sản xuất hóa chất và
tống chất thải xuống sông. Chất thải gây ô nhiễm nguồn nước địa phương, giết hại cá và chim chóc và tạo ra
mùi hôi thối khó chịu. Các ảnh hưởng phụ bất lợi này thể hiện các chi phí đối với xã hội để sản xuất ra hóa chất
đó, chúng vẫn phải được thể hiện một cách thích ứng trong giá cả thị trường của loại hóa chất này nhưng thực
tế lại không như vậy. Giá thị trường của sản lượng do công ty hóa chất làm ra sẽ không phản ánh đầy đủ chi phí
sản xuất thực sự đối với xã hội, trừ phi công ty hóa chất này buộc phải thanh toán tiền cho những thiệt hại do sự
ô nhiễm của nhà máy gây ra. Trong trường hợp này, có một ngoại ứng trong việc sản xuất hóa chất.

Ngoại ứng có thể có lợi hoặc không có lợi cũng có thể gây hại. Vấn đề này có liên quan đến các lợi ích từ bên
ngoài của một hàng hóa với sự gia tăng phúc lợi của người dân không phải là người tiêu dùng trực tiếp hàng hóa
này. Ví dụ như nếu phần lớn dân số của một quốc gia được tiêm chủng ho gà thì thậm chí nếu không được chữa
bệnh, họ cũng được bảo vệ về mặt sức khỏe bởi vì họ ít tiếp xúc với loại bệnh này và như thế họ đã nhận được
các lợi ích từ bên ngoài. Một người chủ quét vôi lại căn nhà của ông ta thì những người láng giềng sẽ nhận được
lợi ích dôi ra do không phải nhìn cảnh căn nhà tróc sơn, ọp ẹp nữa. Trong tất cả các ngoại ứng, có một điều gì
đó ảnh hưởng đến các chi phí của hãng sản xuất hoặc phúc lợi của người tiêu dùng (ví dụ như sự ô nhiễm hoặc
cảnh quan của những ngôi nhà mới quét sơn phần lớn dân chúng được tiêm chủng ho gà) nhưng cái đó không
được trao đổi, buôn bán ngoài thị trường. Các nhà kinh tế thường nói các ngoại ứng như thế được gây ra bởi
“các thị trường vắng mặt”.

Thuế có thể được sử dụng để sửa chữa các trục trặc trong việc phân bổ các nguồn lực tài chính phát sinh bởi
các tác động âm tính từ bên ngoài (hoặc các chi phí ngoại ứng). Một ví dụ về loại chi phí ngoại ứng là sự ô
nhiễm không khí hay nguồn nước gây ra bởi các quá trình sản xuất. Điều này có thể làm phát sinh các loại chi
phí chẳng hạn như chi phí để làm sạch nước ở một dòng sông bị ô nhiễm, hoặc sự ô nhiễm không khí có thể làm
nảy sinh chi phí cho việc điều trị bệnh hoăc trả lại sự trong lành ở các hộ gia đình trong khu vực bị ô nhiễm,
hoặc mưa ãit ở các nơi khác. Các chi phí này là chi phí sản xuất nhưng chúng lại không nảy sinh từ phía người
sản xuất hoặc tiêu dùng sản phẩm, bởi lẽ tất cả các chi phí này không nằm trong giá sản phẩm nên mức giá
phản ánh thấphơn giá trị thực và sản lượng đấu ra cao hơn mức đạt tối ưu. Các hoạt động tiêu dùng cũng có thể
làm phát sinh chi phí ngoại ứng, như chi phí lái xe, hút thuốc, uống rượu là các ví dụ điển hình có thẻ nêu ra.
Đánh thuế vào nhiên liệu, thuốc lá và rượu hay nước giải khát có cồn có thể bù đắp được các chi phí ô hiễm,
bệnh tật và các tai nạn, đồng thời có thể giảm đi một cách tích cực chi phí tiêu dùng và chi phí ngoại ứng, bởi
giá cả caohơn sẽ làm thay đổi mức cầu thực tế của các sản phẩm nêu trên.

2.4. Độc quyền


Việc không thực hiện được vấn đề phân phối các nguồn lực thông qua cơ chế thị trường, cũng có thể xảy ra khi
vấn đề cạnh tranh gặp bế tắc. Độc quyền làm giảm đi sản lượng đầu ra nhằm mục đích thu được giá cả cao hơn
và sự trục trặc về mặt phân phối có thể xảy ra bởi vì sản lượng đầu ra nằm dưới mức cầu mà phúc lợi xã hội
được tối đa hóa. Nhà độc quyền là một người bán duy nhất nên họ không lo bị những người khác cạnh tranh với
giá thấp hơn và vì thế kết cục là người tiêu dùng phải trả một mức giá cao hơn mức mà lẽ ra họ phải trả.

Có một số lãnh vực độc quyền mà không sao tránh khỏi, các dịch vụ công cộng cơ bản (ví dụ như khí đốt và
điện năng) là những lĩnh vực độc quyền tiềm năng. Chính phủ có thể điều tiết các công ty kinh doanh trong lĩnh
vực này bằng cách kiểm soát giá cả mà họ được phép đòi phải trả hoặc chính phủ có thể tự mình đảm đương
việc cung cấp các sản phẩm có liên quan. Một số các độc quyền khác có thể là mang tính chất nhân tạo thông
qua sự thao túng của các hãng sản xuất. Ở đây chính phủ can thiệp vào bằng các luật cạnh tranh hoặc nhằm
mục đích loại trừ thế độc quyền hoặc kiềm chế sự độc quyền bằng cách kiểm soát giá cả. hiều người cho rằng,
thuế hoàn toàn không thể làm gì đơực để thay đổi mức sản lượng đầu ra mà tại đó nhà độc quyền có thể tối đa
hóa lợi nhuận. Nhưng một số nhà kinh tế khác lại lập luận: thuế có thể loại trừ được lợi nhuận độc quyền khi
thuế được thiết kế phù hợp với vai trò phân phối ma tự nó lúc nào cũng được khảng định.

2.6. Hàng khuyến dụng


Một số hàng hóa và dịch vụ do khu vực công sản xuất ra được gọi dưới tên là hàng khuyến dụng. Đây là những
hàng hóa mà xã hội (đại diện là nhà nước) cho rằng người dân nên tiêu dùng hoặc tiếp nhận, cho dù thu nhập
của họ ở mức nào đi nữa. Lý lẽ biện minh cho điều này thể hiện ở chỗ: người tiêu dùng có thể không biết được
lợi ích thực sự của một số hàng hóa, bởi lẽ họ không lập tức nhìn nhận vấn đề một cách rõ ràng (chẳng hạn như
đối với mặ hàng giáo dục), hoặc bởi lẽ người thụ hưởng lợi tức là một đứa trẻ (cũng lại với ví dụ về giáo dục) hay
là vì lý do việc thanh toán và lợi nhận được không trùng khớp về mặt thờigian (ví dụ bảo hiểm y tế và việc điều
trị). Một số nhà kinh tế đặt ra câu hỏi: “Liệu có một sự biện minh kinh tế nào cho sự can thiệp của chính phủ đối
với hàng khuyến dụng hay không?” và cũng tự trả lời như sau: “Xét theo một ý nghĩa nào đó thì luôn luôn có sự
biện minh như vậy, bởi vì cảnh tượng môt ai đó vô gia cư tạo nên một ngoại ứng khiến cho hết thảy mọi người
khác không vui. Bằng việc cung cấp nơi trú ngụ cho những người mà không thì sẽ lang thang ngoài phố, chính
phủ đã làm cho tất cả chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn”.

Có một số hàng hóa vừa có thể được xếp vào loại hàng hóa hỗn hợp, vừa có thể xếp vào loại hàng hóa khuyến
dụng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một khác biệt rõ ràng giữa các lý do cung cấp hàng hóa hỗn họp và nguyên cớ
cung ứng hàng hóa khuyến dụng. Hàng hóa hỗn hợp là một phần của chức năng phân phối, nó được cung cấp
phù hợp vói việc ưu đãi mang tính chất nội tại và ngoại vi của người tiêu dùng gắn liền với chức năng phân phối,
nhưng việc tiêu dùng chúng lại không chú ý đến sự ưu đãi đối với người tiêu dùng.

CHƯƠNG 2
KHÁI LƯỢC QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG THUẾ VIỆT NAM
TỪ 1945 ĐẾN NAY VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐỔI MỚI.
I. VÀI NÉT VỀ HỆ THỐNG THUẾ VIỆT NAM TỪ 1945 ĐẾN NAY

Có thể chia lịch sử của hệ thống thuế Việt Nam theo các giai đoạn chính dưới đây:

1. Giai đoạn từ sau Cách mạng tháng Tám tới 1954

1.1. Thời kỳ trước ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946


Đây là thời kỳ được đặc trưng bởi mâu thuẫn giữa thực trạng sức dân kiệt quệ, tình hình chính trị rối ren với nhu
cầu lớn và cấp thiết của nhà nước (tổ chức quân đội, tổ chức bộ máy chính quyền mới, bảo về đê điều, cứu đói,
trả món nợ cũ…) Đứng trước tình hình này Chính phủ ta chủ trương một số biện pháp như: Bãi bỏ thuế thân,
thuế thổ trạch ở thôn quê và một số tạp thuế vô lý; Miễn thuế điền thổ cho cùng bị lũ lụt và giảm thuế điền 20%
trong toàn quốc; Đình chỉ thu thuế ở Miền Nam.

Chủ trương này đã làm nguồn thu thuế bị giảm sút. Các thứ thuế còn lại thì rất khó thu do việc tuyên truyền giải
thích kém, nhân dân sẵn có thành kiến với thuế của thực dân nên cũng không đồng lòng đóng thuế. Cán bộ
chưa nhận thức đúng đắn về thuế nên không tích cực thu. Việc huy động tài chính chủ yếu dựa vào các hình
thức quyên góp tự nguyện.

1.2 Thời kỳ từ ngày toàn quốc kháng chiến đến giữa năm 1951
Thời kỳ này cũng diễn ra trong bối cảnh số chi đòi hỏi gia tăng nhiều nhưng số thu không lớn (chúng ta chỉ còn
4 loại thuế trực thu: thuế điền thổ, thuế môn bài, thuế lợi tức, thuế lương bổng thu bằng tiền nhưng không thu
được bao nhiêu; thuế quan và thuế gián thu cũng không đáng kể) nên nhà nước, một mặt bắt đầu cải tiến chế
độ thuế, tăng thuế suất nhiều loại thuế; mặt khác, vẫn tiếp tục dựa vào những đóng góp mới như: Quỹ “tham
gia kháng chiến, Quỹ “Công lương” và chuyển hướng thu một vài thứ thuế bằng hiện vật. Mặt khác Chính phủ
cũng động viên nhân dân cho nhà nước vay dưới các hình thức công phiếu và công trái, đồng thời còn dựa vào
nguồn phát hành tiền tệ.
Theo tác giả Vũ Ngọc Khuê, chính sách tài chính thời kỳ này có những nét chính sau đây:

Nhà nước chưa đặt vấn đề đóng góp của nhân dân dựa trên một chính sách hợp lý, còn dè dặt trong việc huy
dộng tài lực của nhân dân bằng thuế, cho nên trông chờ vào phát hành tiền để giải quyêt vấn đề tài chính.

Chính sách đóng góp cũng không công bằng, hợp lý vì căn bản vẫn là chế độ thuế của thời kỳ Pháp thuộc sửa
đổi lại. Do đó thuế không huy động được đúng khả năng của mọi tầng lớp nhân dân và không thích hợp với tình
hình kinh tế lúc bấy giờ. So với khả năng thì người nghèo đóng góp nhiều hơn người giàu, công nghiệp, thương
nghiệp đóng quá ít so với nông nghiệp

1.3. Thời kỳ từ 1951 đến ngày miền Bắc giải phóng 10/1954

Thời kỳ này mở đầu bằng chiến thắng biên giới và Đại hội lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương. Bên cạnh
việc thống nhất quản lý tài chính nhà nước, nhà nước còn ban hành chính sách thuế mới được xây dựng trên
nguyên tắc: công bằng, hợp lý thích hợp với hoàn cảnh kinh tế xã hội và điều kiện chiến tranh. Chính sách thuế
thống nhất gồm 7 thứ thuế là: thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp, thuế hàng hóa, thuế xuất khẩu,
thuế nhập khẩu, thuế sát sinh, thuế trước bạ, thuế tem

2. Thời kỳ từ năm 1954 đến năm 1975

2.1. Thời kỳ chuyển tiềp từ chiến tranh sang hòa bình, khôi phục kinh
tế (1954-1957)
Đây là thời kỳ mà nền tài chính đứng trước nhiều thuận lợi mới, rất cơ bản, nhưng đồng thời phải đối phó với
những di sản nặng nề do chiến tranh để lại. Bên cạnh đó, nó còn gặp nhiều khó khăn do tình trạng chia cắt của
đất nước, làm mất đi sự hỗ trợ cho nhau giữa hai miền. Về cơ bản, Chính phủ chỉ lần lượt ban hành các loại thuế
mới trên cơ sở sửa đổi, bổ sung các chế độ đã ban hành từ năm 1951 ở vùng tự do cũ để áp dụng thống nhất.

Kết quả của việc áp dụng một hệ thống thuế linh hoạt trong giai đoạn này đã dẫn đến gia tăng nguồn thu của
ngân sách một cách đáng kể. Nếu coi tổng thu ngân sách từ nguồn trong nước năm 1955 là 100 thì năm 1956 là
134 năm 1957 là 194, tong đó số thu về thuế chiếm tỷ trọng rất lớn: năm 1956 là trên 74% và năm 1957 là trên
87%.

2.2 Thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa và bước đầu phát triển kinh tế và
văn hóa (1958 – 1960)
Nếu như trước đây thuế công thương nghiệp chỉ bao gồm một hệ thống thuế suất tương đối ít thì vào lúc này nó
bao gồm một hệ thống và nhiều hình thức thuế khác nhau, áp dụng trên nhiều khâu của quá trình sản xuất, lưu
thông hàng hóa, sử dụng nhiều loại thuế suất khác nhau (cả thuế suất tỷ lệ, thuế suất lũy tiến lẫn thuế suất cố
định) có sự phân biệt giữa các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, phân biệt kinh tế tập thể và tư nhân và nhiều
biện pháp ưu đãi khác nhau.

2.3. Thời kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965)
Cho đến nắm 1960, các xí nghiệp quốc doanh nộp tích lũy tiền tệ vào ngân sách nhà nước thông qua hai hình
thức đóng góp là thuế và lợi nhuận, trong đó lợi nhuận chiếm tỷ trọng lớn và ngày càng tăng.

Chế độ thuế đối với các xí nghiệp quốc doanh lúc này cũng giống như khu vực kinh tế tư nhân bao gồm nhiều
thứ thuế: thuế doanh nghiệp, thuế hàng hóa… và thu ở nhiều khâu cả ở khâu sản xuất lẫn khâu lưu thông. Vì
những mặt phiền hà này, nhà nước đã cho áp dụng thí điểm chế độ thu mới gọi là thu quốc doanh. Mức thu
quốc doanh được xác định riêng cho từng mặt hàng tùy theo giá cả nhà nước qui định và chỉ thu ở khâu sản
xuất. Đồng thời từ năm 1962, nhà nước còn ban hành chế độ trích nộp và sử dụng lợi nhuận của các xí nghiệp.
Theo chế độ này, lợi nhuận của các xí nghiệp quốc doanh phải trích nộp một phần vào ngân sách nhà nước;
phần lợi nhuận còn lại, xí nghiệp được dùng để lập quỹ xí nghiệp, bổ sung kinh phí chuyên dùng, đầu tư một
phần vào việc kiến thiết cơ bản mở rộng của xí nghiệp và bổ sung vốn lưu động. Các xí nghiệp công ty hợp
doanh trong thời kỳ này được chuyển sang làm nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước như các xí nghiệp quốc
doanh, có nghĩa là phải nộp thu quốc doanh và lợi nhuận chứ không phải nộp thuế như trước.

2.4. Thời kỳ cả nước có chiến tranh, xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội
chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc (1966 –
1975)
Hai hình thức huy động tài chính chủ yếu đối với các doanh nghiệp trong thời kỳ này vẫn là thu quốc doanh và
chế độ trích nộp lợi huận, ngoài ra còn có chế độ nộp khấu hao cơ bản. Các chế độ này đã được sửa đổi bổ sung
tiếp sau đó vào các năm 1966, 1974.

3. Giai đọan từ 1975 đến 1990

3.1. Thời kỳ từ năm 1975 đến 1980


Trong thời kỳ này miền Bắc vẫn thực hiện hệ thống thu và thuế cũ, có sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới.
Còn miền Nam thì có áp dụng một số thuế cũ của chính quyền Sài Gòn trên cơ sở xóa bỏ một số sắc thuế phản
tiến bộ và sửa đổi bổ sung để thích ứng với điều kiện cả nước thống nhất.

3.2. Thời kỳ 1980 đến khi có cuộc cải cách thuế vào năm 1990
Mặc dù trong thời kỳ này, cả nước áp dụng hệ thống thu và thuế thống nhất nhưng việc áp dụng này còn nhiều
nhược điểm, gây cản ngại cho việc phát triển các yếu tố thị trường đang nảy sinh:

Đặc trưng của hệ thống này là có sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Các xí nghiệp quốc doanh thì
thực hiện chế độ thu quốc doanh, thu trích nộp lợi nhuận cùng các hình thức thu khác, trong khi các doanh
nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác lại chịu tác động của thuế. Điều này gây sự ngộ nhận và làm lệch lạc
nhận thức về bản chất của thuế.

Thu quốc doanh, mặc dù đã trải qua nhiều cuộc sửa đổi vào các năm tiếp theo đó: 1983, 1986, 1987 và lúc nào
cũng là nguồn thu quan trọng của NSNN nhưng tự bản thân nó đã bộc lộ nhiều nhược điểm căn bản. Về thực
chất nó là một loại thuế gián thu mà không bao giờ tồn tại trong bất kỳ một nền kinh tế thị trường nào, với đặc
điểm là một loại thuế huy động nguồn tài chính dựa trên cơ sở chi phí sản xuất bình quân chứ không phải là chi
phí biên tế và mức thu đã được ấn định trước trong giá cả, được kế hoạch hóa trong giá cả từng loại hàng hóa.
Do đó, đây là một loại thuế đa thuế suất, lên tới hàng trăm thuế suất; điều này đặc biệt gây khó khăn cho việc
quản lý và hành thu.

4. Giai đoạn từ năm 1990 đến nay

Từ giữa những năm 80, cùng với công cuộc đổi mới và mở cửa nền kinh tế, hệ thống thuế Việt Nam đã được
nghiên cứu và đến năm 1990 một hệ thống thuế mới đã được hình thành bao gồm hệ thống chính sách thuế và
hệ thống quản lý thuế. Giai đoạn này được đặc trưng bởi sự hình thành một hệ thống thuế hoàn chỉnh nhất từ
trước đến nay bao gồm 9 (chín) sác thuế: thuế nông nghiệp, thuế doanh thu; thuế TTĐB; thuế lợi tức, thuế xuất
khẩu, thuế nhập khẩu (mậu dịch và phi mậu dịch); thuế tài nguyên; thuế thu nhập; thuế nhà đất; thuế vốn
(khoản thu do việc sử dụng vốn của ngân sách nhà nước). Ngoài ra còn một phí và lệ phí. Tuy có nhiều loại thuế
nhưng mỗi doanh nghiệp chỉ áp dụng phổ biến 2 đến 3 loại.

Qua 10 cải cách hệ thống thuế đã đem lại các kết quả sau:

a. Số thu từ thuế, phí vào ngân sách nhà nước từ chỗ chiếm tỷ trọng
không lớn nay đã chiếm trên 95% NSNN. Đảm bảo được chi tiêu
thường xuyên và dành phần tăng dần cho đầu tư tích lũy. Giai
đọan 1996 – 2000 chi thường xuyên chiếm 76 % và đã dành bình
quân 24% thuế phí cho đầu tư tích lũy và trả nợ. Số thu về thuế
và phí đã tăng nhanh qua các năm.
Bảng tốc độ tăng thu về thuế và phí qua các năm

Đơn vị tính: %

1991 1992 1993 1994 1995 1996 1997 1998 1999 2000
72.3 100.5 36.7 23.7 24.8 20.7 7.6 5.9 2.5 5.5

Ghi chú: số liệu năm 2000 là ước tính

Bảng tỷ trọng thu thuế phí trong GDP

Đơn vị tính %
91 92 93 94 95 91-95 96 97 98 99 2000 96-2000
12.83 16.75 21.71. 21.78 21.59 19.97 22.69 21.56 19.82 19.38 19.0 20.2

Ghi chú: số liệu năm 2000 là ước tính

b. Về kinh tế
Thuế trở thành công cụ quản lý vĩ mô của nhà nước, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước, khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước, điều tiết toàn bộ nền kinh tế, điều chỉnh cơ cấu kinh tế có hiệu
quả; bảo hộ, khuyến khích phát triển sản xuất trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, thực hiện được lối đối ngoại của
Đảng và Nhà nước, mở rộng quan hệ kinh tế với các nước, thúc đẩy quá trình hội nhập của Việt nam với nền
kinh tế thế giới.

c. Về xã hội,
Hệ thống chính sách thuế được áp dụng thống nhất đối với mọi thành phần kinh tế đã tạo môi trường pháp lý
bình đẳng để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế thị trường. Mặt khác chính sách thuế đã
góp phần công bằng, bình đẳng xã hội, góp phần ổn định chính trị, xã hội.

d. Về nghiệp vụ đã luôn chú ý hướng tới đơn giản, công khai, minh bạch
và phát huy quyền dân chủ, tự chịu trách nhiệm trước nghĩa vụ
thuế của mỗi pháp nhân, mỗi thể nhân.
Tuy nhiên hệ thống trên cũng còn rất nhiều bất cập mà nhiều trong số đó bắt nguồn bản thân quan điểm về
kinh tế thị trường và việc sử dụng các công cụ vĩ mô của nhà nước Việt Nam.

Cùng với những kết quả đã đạt được so với những mục tiêu và yêu cầu đã đặt ra, còn một số tồn tại cần tiếp tục
nghiên cứu và hoàn chỉnh, cụ thể là:

Chính sách thuế được cải cách và đổi mới trong khi các cơ chế kinh tế khác liên quan và nền kinh tế đặc biệt là
các doanh nghiệp trình độ quản lý còn thấp, đổi mới chậm, chưa thích ứng kịp thời làm giảm hiệu quả của chính
sách mới ban hành gây khó khăn thêm cho quá trình thực hiện.

Việc nghiên cứu ban hành chính sách chậm, không kịp thời, không sát thực tiễn; mặt khác, việc chuẩn bị tuyên
truyền chưa chu đáo nên đã dẫn đến phản ứng không có lợi trong dư luận xã hội. Việc hướng dẫn luật thuế do
máy móc, thiếu thực tế nên có trường hợp chồng chéo, không rõ ràng làm cho người chấp hành gặp khó khăn,
dẫn đến phản ứng của cơ sở đối với thuế, hoặc làm cho thuế tác động đến hoạt động kinh tế trái ngược nhau,
cùng một sự việc, phía này thì tác động tích cực, phía khác lại tác động tiêu cực.

Nhiều khi công cụ thuế được sử dụng một cách tùy tiện, thiếu cân nhắc kết hợp với chính sách đầu tư, thương
mại… không đúng đắn đã làm cho môi trường kinh doanh trở nên thiếu lành mạnh. Chẳng hạn do thuế quan
được sử dụng tùy tiện nên cả đầu tư trong nước và ngoài nước vào Việt nam đã được hướng đến khu vực với
mức độ bảo hộ tương đối cao. Trên 50% vốn ĐTNN được tập trung vào các dự án sản xuất có thuế suất bảo hộ
cao hơn 34%. Tính theo tỷ lệ bảo hộ hữu hiệu (IRPs) thì có tới khoản 65% tổng mức có vốn ĐTNN được bổ vào
những ngành có tỷ lệ bảo hộ hữu hiệu cao hơn 60% mà những ngành này thường là những ngành không có lợi
thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, xét cả về dài hạn (CIE 1998). Một sắc thuế phải đối diện với nhiều mục
tiêu thường là trái ngược nhau gây nên tình trạng đa thuế suất và rất hay thay đổi bất ngờ. ( Ví dụ: Các qui định
về thuế doanh thu được sửa đổi liên tục chỉ trong thời gian ngắn chẳng hạn từ 1991 -1994 đã có 3 lần sửa đổi
bổ sung. Có tới 16 thuế suất, mức độ biến thiên lớn (từ 0 – 40%), tới lần sửa đổi ngày 28/10/1995 giảm còn 11
thuế suất (biến thiên từ 0-30%). Điều này gây méo mó rất lớn cho sản xuất và tạo cho các doanh nghiệp tâm lý
bất ổn, thiếu sự tin tưởng vào các chính sách kinh tế của nhà nước và việc thu thuế trở nên rất khó khăn, tạo
điều kiện cho cán bộ thuế tham nhũng, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Sử dụng công cụ thuế phục vụ quá nhiều các chính sách xã hội làm mất tính trung lập của thuế. Thời gian qua,
một số chính sách xã hội được đưa vào chính sách miễn giảm thuế đã phần nào làm phức tạp hệ thống thuế và
làm mất đi tính trung lập của thuế. Ví dụ: chính sách miễn giảm thuế TNDN đã đề cập giảm và miễn thuế TNDN
cho các đói tượgn là thương binh, người tàn tật, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ.

Tính khả thi, tính hợp lý của một luật thuế còn hạn chế nên xét trên giác độ từng sắc thuế thì dẫn đến sau thời
gian thực hiện phải sửa đổi bổ sung. Việc nghiên cứu để xây dựng một sắc thuế phù hợp với điều kiện và hoàn
cảnh ở Việt Nam là cần thiết nhưng trong nhiều trường hợp vì quá nặng nề về tính phù hợp của Việt Nam mà
thoát ly các nguyên tắc của thuế nên dẫn đế hậu quả phức tạp và khó quản lý.

Hệ thống chính sách thuế còn chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và chưa đảm bảo được tính tương thích với các
nền kinh tế thị trường khác trong khu vực.
Trong thời gian qua các sắc thuế vẫn chưa đạt được mục tiêu đơn giản, rõ ràng.

II. ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC CẢI CÁCH THUẾ VIỆT NAM TRONG GIAI
ĐOẠN TỪ 2001 – 2010.
1. Quan điểm cơ bản và mục tiêu yêu cầu cải cách thuế

Quan điểm cơ bản và mục tiêu yêu cầu cải cách thuế giai đoạn 2001-2010 là
tiếp tục hoàn thiện các mục tiêu của cải cách thuế bước 2. Việc động viên qua thuế và
phí vào NSNN phải vừa giải quyết hài hòa về lợi ích kinh tế giữa nhà nước và xã hội,
vừa bảo đảm nguồn thu tài chính để nhà nước thực hiện chức năng điều chỉnh vĩ mô nền
kinh tế, thực hiện các chính sách xã hội, bảo vệ an ninh, quốc phòng.
Với quan điểm cơ bản đó, mục tiêu yêu cầu cải cách thuế trong giai đoạn 2001 – 2010 là :

a) Về động viên
Thuế và phí là nguồn thu chủ yếu của ngân sách. Để khuyến khích đầu tư, tăng
cường khả năng tích lũy vốn cho doanh nghiệp, mức huy động thuế và phí là 19-20%
GDP.
b) Về kinh tế
Thuế đóng góp điều chỉnh các cơ cấu kinh tế theo hướng khuyến khích xuất
khẩu, phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế trang trại để tăng khối lượng sản phẩm
nông nghiệp, khuyến khích hoạt động chế biến nông sản để sử dụng nguyên liệu trong
nước phục vụ cho mục tiêu đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu, khuyến khích đầu tư
vào các ngành có lợi thế, giải quyết nhiều lao động, các vùng trọng điểm, phục vụ sự
nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
c) Về xã hội
Thuế đảm bảo bình đẳng, công bằng giữa các thành phần kinh tế đảm bảo tính
rõ ràng, ổn định.
Thuế đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện hội
nhập kinh tế với khu vực và thế giới
d) Về nghiệp vụ
Cải cách hành chính thuế theo hướng dẫn đơn giản, rõ ràng, công khai, tiến đến
thực hiện máy tính hóa.
2. Nội dung chiến lược cải cách chính sách thuế

Giai đoạn 2001-2010, hệ thống pháp luật về thuế sẽ gồm các Luật thuế chủ yếu
sau đây:
Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
Luật thuế GTGT;
Luật thuế TTĐB
Luật thuế TNDN;
Luật thuế TNCN;
Luật thuế tài nguyên
Luật thuế tài sản và thuế chuyển nhượng tài sản
Luật phí và lệ phí.
2.1. Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
Mục tiêu:
· Bảo hộ nền sản xuất trong nước một cách hiệu quả, thúc đẩy mạnh mẽ sự
chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu.
· Đưa biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phù hợp với những cam kết
quốc tế về cắt giảm thuế quan sau khi Việt Nam tham gia ký kết các điều ước
quốc tế.
· Bảo đảm sự động viên, đóng góp hợp lý cho NSNN, phù hợp với quá trình
cải cách hệ thống thuế nước ta.
· Giảm mức động viên về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu từ 20% hiện nay
xuống còn 10% trong tổng số thu từ thuế và phí
Nội dung cơ bản của việc điều chỉnh chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
· Xây dựng một biểu thuế nhập khẩu phù hợp với định hướng bảo hộ hiệu
quả các ngành kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế.
· Việc xác định trị giá hải quan theo yêu cầu của GATT/WTO
· Thu hẹp diện miễn giảm thuế
· Xây dựng thuế chống độc quyền, chống bán phá giá, thuế đối kháng.
Trong đó vấn đề thiết kế một biểu thuế nhập khẩu phù hợp với định hướng bảo hộ
hiệu quả các ngành kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế được coi là nội dung quan trọng
nhất của việc cải cách chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
2.2. Thuế GTGT
Mục tiêu chính của thuế GTGT:
· Khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là xuất khẩu
· Cùng với thuế nhập khẩu góp phần trong việc bảo vệ hợp lý sản xuất
trong nước.
· Phù hợp với thông lệ quốc tế.
· Đơn giản hoá chính sách, tăng cường tính trung lập của thuế.
Nội dung cơ bản điều chỉnh chính sách thuế GTGT:
· Về đối tượng chịu thuế: bổ sung các mặt hàng chịu thuế TTĐB ở khâu sản
xuất và nhập khẩu. Đưa vào diện chịu thuế một số sản phẩm, dịch vụ xuất
khẩu. Đồng thời giảm và hạn chế đối tượng không chịu thuế GTGT. Đến 2010
bổ sung đối tượng chịu thuế GTGT các mặt hàng là sản phẩm ở khâu sản
xuất nông nghiệp để đảm bảo thực hiện thuế GTGT liên hoàn và thống nhất ở
tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
· Về thuế suất: giảm số lượng tối đa còn 2 mức thuế suất. Điều chỉnh mức
thuế suất để đảm bảo thu NSNN trong khi thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu.
Mức thuế suất dự kiến (vào năm 2005 là 5% và 10%. Trong đó sắp xếp lại để
hạn chế các sản phẩm, dịch vụ thuộc nhóm thuế suất 5%, còn lại đa số sản
phẩm dịch vụ áp dụng mức thuế suất là 10%. Sau đó tiến tới một thuế suất
10%. Áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.
· Cải tiến và tiến tới hóa đơn bán hàng theo mẫu thống nhất và do doanh
nghiệp tư in.
2.3. Thuế TTĐB
Mục tiêu:
Cùng với việc giảm thuế nhập khẩu và đơn giản thuế suất thuế GTGT, cần thiết
mở rộng diện chịu thuế TTĐB đối với một số hàng hóa và dịch vụ để góp phần vào bảo
hộ sản xuất trong nước một cách có hiệu quả
Nội dung cơ bản điều chỉnh chính sách thuế TTĐB:
· Đối tượng chịu thuế TTĐB: bổ sung vào diện chịu thuế TTĐB một số sản
phẩm hàng hóa như: mỹ phẩm, nước hoa, đá quý, gas, ô tô, xăng ô tô, xổ
số, một số dịch vụ khác.
· Về thuế suất: điều chỉnh thuế suất các mặt hàng cho phù hợp và đồng bộ
với các luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế GTGT. Sửa đổi và áp dụng
một thuế suất thống nhất cho một nhóm sản phẩm, không phân biệt thuế
suất theo tính chất, nguồn nguyên liệu hình thành, hình thức của từng loại
sản phẩm. Nghiên cứu sửa đổi căn cứ tính thuế là số lượng sản phẩm và mức
thuế TTĐB trên đơn vị sản phẩm.
· Giá tính thuế: điều chỉnh sửa đổi giá tính thuế TTĐB đối với một số mặt
hàng cho phù hợp để khắc phục bất hợp lý về mức thuế phải nộp chịu ảnh
hưởng của yếu tố chi phí.
2.4. Thuế TNDN:
Mục tiêu:
Sử dụng tối đa thuế TNDN nhằm khuyến khích đầu tư mở rộng sản xuất, cơ cấu
lại nền kinh tế, nâng cao hiệu quả nền kinh tế.
Nội dung cơ bản sửa đổi chính sách thuế TNDN.
· Giảm mức động viên, tiến tới một mức thuế suất phổ thông cho tất cả các
loại doanh nghiệp. Mức đó có thể là 20%. Bãi bỏ thuế suất bổ sung.
· Về đối tượng nộp thuế TNDN: bổ sung đối tượng nộp thuế TNDN là các
công ty thường trú và không thường trú. Chuyển đối tượng nộp thuế là cá
nhân kinh doanh sang nộp thuế TNCN.
· Căn cứ tính thuế TNDN là thu nhập chịu thuế và thuế suất. Thu nhập chịu
thuế được chia thành thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ đầu tư. Thu
nhập từ kinh doanh được xác định là khoản thu nhập sau khi trừ đi mọi chi
phí liên quan đến kinh doanh. Thu nhập từ đầu tư là tiền lãi cho vay, lợi tức
cổ phần, chứng khoán. Trên cơ sở đó thu nhập chịu thuế phải bao quát được
tất cả các thu nhập mà doanh nghiệp có.
2.5. Thuế TNCN
Mục tiêu:
· Đảm bảo bình đẳng, công bằng
· Cùng với việc cải cách tiền lương, luật thuế TNCN phải bảo đảm là một
trong những nguồn thu chủ yếu của NSNN, tối thiểu đảm bảo tỷ trọng trên
10% trong tổng số thuế và phí (thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao
hiện chỉ chiếm 2-3%).
Nội dung cơ bản sửa đổi chính sách thuế TNCN:
· Về đối tượng chịu thuế: mở rộng diện cá nhân nộp thuế đạt từ 5-10% lao
động trong xã hội (thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao nay chỉ có
200.000 người)
· Về thu nhập chịu thuế: không phân biệt thu nhập thường xuyên và thu
nhập không thường xuyên; bổ sung thu nhập chịu thuế của cá nhân kinh
doanh và cá nhân hành nghề độc lập. Thu nhập từ kinh doanh được xác định
trên cơ sở doanh thu kinh doanh trừ đi các chi phí liên quan đến kinh
doanh; bổ sung các khoản thu nhập từ đầu tư, lãi tiền cho vay, lãi cổ phần,
trái phiếu, tiền bản quyền… Nói chung, thu nhập chịu thuế phải bao quát tất
cả các khoản thu nhập của cá nhân.
· Biểu thuế: áp dụng biểu thuế lủy tiến từng phần đối với các khoản thu
nhập từ kinh doanh, tiền lương và các khoản thu nhập khác. Áp dụng thuế
suất từng phần đối với một số khoản thu nhập như lãi tiền cho vay, lãi cổ
phần, lãi chuyển nhượng tài sản, trúng thưởng xổ số. Từng khoản thu nhập
cho trừ một mức nhất định trước khi tính thuế. Bãi bỏ thuế thu nhập bổ sung.
· Thời gian đầu tiếp tục duy trì 2 biểu thuế cho người Việt Nam và người
nước ngoài. Khi thu nhập của ngườiViệt Nam được nâng lên dần thì đưa về áp
dụng chung một biểu thuế thu nhập.
2.6. Thuế tài sản
Tài sản được hiểu là bất động sản và động sản của quốc gia, tài sản của cá nhân.
Bản thân chúng khi sử dụng có hoạt động chuyển nhượng.
Chính sách thuế được đề cập sẽ là: Thuế đối với việc sử dụng đất đai: diện tích đất
dùng vào các mục đích khác nhau, phải điều chỉnh ở 2 sắc thuế khác nhau: đất sử dụng
vào nông nghiệp thì chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp. Đất sử dụng làm đất ở, đất xây
dựng công trình thì chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh thuế nhà, đất. Để đơn giản và hạn
chế tâm lý nhiều sắc thuế đề nghị Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Pháp lệnh thuế
nhà, đất nên góp chung vào một Luật và gọi là Luật thuế sử dụng đất.
Ở nước ta trong những năm trước đây khi chưa có Luật đất đai, Nhà nước không
thừa nhận hoạt động chuyển quyền sử dụng đất. Nhưng trong thực tế, việc mua bán đất
đai vẫn diễn ra trên thị trường ngầm. Như vậy nếu không có chính sách phù hợp thì
nhà nước không quản lý được thị trường đất mà còn làm mất đi một nguồn thu đáng kể
của NSNN. Từ thực tế cho thấy: chuyển quyền sử dụng đất là một hoạt động có tính
khách quan của nền kinh tế thị trường. Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất phù hợp
với yêu cầu thực tế của công tác quản lý đất đai.
Tuy nhiên, nếu xét trên giác độ tài sản bao gồm cả động sản và bất động sản,
khi có hoạt động chuyển nhượng đều phát sinh một khoản thu nhập, có thể khoản thu
nhập đó so với trước cao hơn (lãi) hoặc thấp hơn (lỗ) nhưng ở Việt Nam chỉ có riêng loại
thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Việc chưa thực hiện một loại thuế đánh vào
hoạt động chuyển nhượng tài sản không chỉ làm mất đi nguồn thu mà còn không thực
hiện việc quản lý tài sản cũng như thu nhập của các tổ chức, các hộ gia đình và cá
nhân. Vì vậy vấn đề đưa ra một sắc thuế đánh vào thu nhập từ chuyển nhượng tài sản
trong điều kiện hiện nay là cần thiết. Loại thuế này chỉ đánh khi có hoạt động chuyển
nhượng các tài sản như: nhà, đất, ô tô, tàu, thuyền, các cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu…
Nếu áp dụng thuế chuyển nhượng tài sản thì những nội dung của chính sách
thuế chuyển quyền sử dụng đất hiện hành chỉ là một phần của nội dung hoạt động
chuyển nhượng tài sản. Và như vậy lệ phí trước bạ hiện nay thu vào hoạt động chuyển
nhượng tài sản là nhà, đất, xe máy, ô tô cần phải xem xét đưa chung vào sắc thuế này.
Đối với tài sản quốc gia (thu nhập tài nguyên, khoáng sản), pháp lệnh thuế tài
nguyên hiện hành đã điều chỉnh thu những nguồn thu được gọi là thu nhập về tài sản
quốc gia như dầu mỏ, sản phẩm rừng tự nhiên như gỗ, các cây đặc sản quý, sản phẩm
khai thác từ biển. Pháp lệnh này cần được nghiên cứu để nâng lên thành Luật thuế tài
nguyên để nâng cao tính pháp lý, thể hiện rõ chủ quyền của một quốc gia và đó là
nguồn thu đặc biệt.
Tóm lại, chiến lược cải cách thuế 10 năm 2001-2010 được xây dựng trên cơ sở
định hướng về chiến lược kinh tế xã hội, tiếp tục các mục tiêu cải cách thuế bước 2. Điều
đó có nghĩa là trên nền tảng hiện có của hệ thống chính sách thuế như thuế GTGT,
thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế TTDB, thuế TNDN, thuế thu nhập dành cho người
có thu nhập cao, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất, thuế tài nguyên mà
hoàn thiện lại cho hợp lý hơn. Không mở rộng thêm các loại thuế mà từng sắc thuế
phải được hoàn thiện theo xu hướng thuế trực thu tăng hơn thuế gián thu để đảm bảo tỷ
trọng hai loại thuế này tương đương nhau. trong thuế gián thu thì thuế xuất khẩu, thuế
nhập khẩu giảm, thuế GTGT và thuế TTĐB tăng; trong thuế trực thu thì thuế TNDN,
thuế tài nguyên, thuế TNCN tăng (chiếm tỷ 70% tổng số thuế trực thu). Các chính
sách ưu đãi đầu tư không phân biệt đầu tư trong nước và đầu tư ĐTNN. Trong 10 năm
tới là thời kỳ hội nhập thực hiện các cam kết quốc tế về thuế, nên chiến lược cải cách hệ
thống thuế trong nước phải phù hợp với hệ thống thuế trong khu vực và trên thế giới.

CHƯƠNG 3
THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG
I. KHÁI NIỆM VÀ CƠ SỞ CỦA THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG
1. Khái niệm

Thuế giá trị gia tăng là một loại thuế gián thu tính trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hóa dịch vụ phát sinh
trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.

Thực chất đó là một loại thuế doanh thu đánh vào mỗi giai đoạn sản xuất lưu thông hàng hóa kể từ khi còn là
nguyên liệu thô sơ cho đến thành phẩm và cuối cùng là giai đoạn tiêu dùng. Chính vì vậy mà có người gọi là
thuế doanh thu có khấu trừ số thuế đã nộp ở giai đoạn trước. Thuế giá trị gia tăng được phép tính cộng vào giá
bán hàng hóa, dịch vụ, và do người tiêu dùng chịu.

2. Cơ sở của Thuế giá trị gia tăng

Để hiểu chính xác cơ sở của thuế giá trị gia tăng, ta phải xét cơ chế thuế doanh thu ở Việt Nam qua ví dụ sau:

Nhà máy dệt A tạo ra một mét vải, bán với giá 10.000 đ/mét, thuế suất thuế doanh thu là 6%. Công ty may B
mua về, chế biến thành áo bán cho công ty thương nghiệp với giá 16.000 đ, thuế suất ngành may: 4%. Công ty
thương nghiệp bán lẻ cho người tiêu dùng với giá 20.000 đ, thuế suất ngành thương nghiệp: 2%.

Thuế doanh thu mà các đơn vị phải nộp như sau:

Nhà máy dệt A: 6% x 10.000 d/mét = 600đ/mét

Công ty may B 4% x 16.000 d/áo = 640 đ/áo

Công ty thương nghiệp: 2% x 20.000 đ/áo = 400 đ/áo

Đặc điểm của thuế doanh thu là nó nằm trong giá bán, rồi thuế suất lại đánh trên chính giá bán đã có thuế doanh
thu. Do đó, 600 đ thuế của nhà máy A nằm trong 10.000 đ; 400 đ của Công ty thương nghiệp nằm trong 20.000 đ.

Số tiền thuế 640 đ ở khâu thương nghiệp đánh lên của 640 đ thuế ở khâu may lẫn 600 đ thuế ở khâu dệt. Mô hình sau
biểu diễn điều này.

Như vậy với cơ chế tính thuế kiểu đó, thuế ở khâu sau đánh chồng lên thuế ở khâu trước làm phát sinh hiện tượng
chồng thuế.

Trong Thuế giá trị gia tăng, hiện tượng này được khắc phục, bởi thuế này không đánh trên toàn bộ giá bán của
hàng hóa, mà chỉ đánh vào những phần giá trị chưa từng bị đánh thuế.

Trong ví dụ của chúng ta, 10.000 đ/mét do Nhà máy dệt tạo ra đã nộp 600đ, nên khi chuyển sang khâu may,
10.000 đ này không tăng phải chịu thuế lần nữa, chỉ có phần giá trị tăng thêm ngoài nó (tức là phần giá trị 6.000 đ
do công ty may tạo ra) là chưa chịu thuế. Nếu đánh vào Công ty may, chỉ nên đánh vào giá trị mới sáng tạo ra mà thôi.

4% x 6.000 đ = 240 đ

Vậy cơ sở của Thuế giá trị gia tăng chính là phần giá trị sản phẩm do cơ sở sản xuất kinh doanh mới sáng tạo ra
chưa bị đánh thuế. Nói cách khác, cơ sở của thuế giá trị gia tăng là khoản chênh lệch giữa giá mua và giá bán hàng
hóa/ dịch vụ. Về nội dung, giá trị gia tăng gồm có chi phí về lao động và lợi nhuận.

3. Các nguyên tắc của Thuế giá trị gia tăng

Thuế giá trị gia tăng là một loại thuế đánh trên diện rộng, bởi lẽ qua loại thuế này, về mặt lý thuyết, mọi hàng hóa
và dịch vụ đều có thể đưa vào diện đánh thuế.

Thuế giá trị gia tăng đánh trên giá. Theo nguyên tắc này thì số tiền thuế phải trả được tính theo một tỷ lệ phần trăm
nhất định trên giá hàng hóa chứ không phải là một số tiền nhất định tính trên mỗi đơn vị hàng hóa, dịch vụ.

Thuế giá trị gia tăng là một loại thuế đánh trên nhiều giai đoạn của qui trình sản xuất, phân phối và tiêu dùng hàng
hóa và dịch vụ.

Thuế giá trị gia tăng là loại thuế trên số tiêu thụ cuối cùng, đặt trên cơ sở một sự bù trừ ở biên giới theo nguyên
tắc đáo xứ. Theo nguyên tắc này, gánh nặng thuế cuối cùng sẽ do quốc gia tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ gánh
chịu. Điều này đồng nghĩa với việc mọi hàng hóa tiêu dùng trong nền kinh tế đều phải chịu một hoặc một số
thuế suất như nhau) chứ không phải dựa trên nguyên tắc nguyên xứ ( là nguyên tắc mà dựa vào đó, không có bất cứ
một sự điều chỉnh tại biên giới đúng nghĩa nào được áp dụng đối với thuế giá trị gia tăng. Điều đó có nghĩa là mọi hàng
hóa sản xuất trong một năm tài khóa đều chịu thuế như nhau bất kể hàng hóa đó được tiêu thụ ở đâu). Do đó, thuế giá
trị gia tăng đảm bảo được tính trung lập trong những giao dịch quốc tế thông qua việc miễn thuế đối với những
hàng xuất khẩu và đánh thuế trên hàng nhập khẩu. Tất nhiên điều này dựa trên giả định phải có một hệ thống
kiểm soát tại biên giới và cơ quan hải quan sẽ chứng nhận số hàng xuất khẩu và đánh thuế hàng nhập khẩu. Nếu
điều này không thực hiện được thì khái niệm xuất khẩu, nhập khẩu – theo kinh nghiệm của khối EU – nên được
thay thế bằng khái niệm “giao hàng” và “nhận hàng”: các nghiệp vụ giao hàng trong trường hợp này được miễn
thuế, các trường hợp nhận hàng phải chịu thuế.

4. Tác dụng của Thuế giá trị gia tăng

- Thuế giá trị gia tăng không thu trùng như thuế doanh thu.

- Thuế giá trị gia tăng bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước.

- Thuế giá trị gia tăng kích thích xuất khẩu ( thuế suất 0%)

- Thuế giá trị gia tăng không là một khoản chi phí (ngoại trừ trường hợp các nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ theo
phương pháp trực tiếp) do đó không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

5. Cơ chế vận hành của Thuế giá trị gia tăng

5.1 Đối với người sản xuất (doanh nghiệp)


Thuế giá trị gia tăng có tác động trung tính đối với người sản xuất (là người nộp thuế) thể hiện ở cơ chế khấu trừ và
cơ chế tính thuế.

Chế độ khấu trừ thuế liên quan đến việc mua các hàng hóa và dịch vụ đầu vào (kể cả tài sản cố định). Doanh
nghiệp cần phải biết được rằng đối với thuế giá trị gia tăng đánh trên hàng hóa và dịch vụ đầu vào, khoản nào được
khấu trừ, khoản nào không. Chế độ khấu trừ thuế giá trị gia tăng được minh họa bằng sơ đồ sau:

DOANH THU CHỊU THUẾ

THUẾ ĐÁNH TRÊN DOANH THU

THUẾ SUẤT

THUẾ ĐÁNH TRÊN DOANH SỐ MUA HÀNG (THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG KHẤU TRỪ)

nhân (x)

bằng (=)

trừ (-)

bằng (=)

THUẾ GTGT ĐƯỢC HOÀN TRẢ

(nếu kết quả là số âm)

THUẾ GTGT PHẢI NỘP

(nếu kết quả là số dương)

ví dụ: giả định thuế là 10%, đơn vị tính là ngàn đồng.

Trường hợp 1:

- Doanh thu bán hàng: 200.000; Thuế giá trị gia tăng:20.000

- Doanh số mua hàng 150.000; Thuế giá trị gia tăng : 15.000

- Thuế giá trị gia tăng phải nộp: 5.000


Trường hợp 2:

- Doanh thu bán hàng: 180.000; Thuế giá trị gia tăng: 18.000

- Doanh số mua hàng: 200.000; Thuế giá trị gia tăng: 20.000

- Thuế giá trị gia tăng được hoàn trả: 2.000

5.2. Đối với người tiêu dùng


Để thấy được cơ chế vận hành của thuế giá trị gia tăng đối với người tiêu dùng như thế nào, hãy xem ví dụ như sau:

Các giả định:

· Chỉ có một mức thuế suất thuế giá trị gia tăng duy nhất là 10%.

· Chế độ khấu trừ thuế giá trị gia tăng được áp dụng ở tất cả mọi khâu.

· Việc khấu trừ thuế giá trị gia tăng được tiến hành ngay sau khi bán hàng.

Tình huống: một người nông dân (giả sử anh ta không phải bỏ ra bất kỳ chi phí nào trong khi sản xuất) thu
hoạch lúa mì và đem bán cho người thợ xay bột được 1.000 đ. Như vậy, toàn bộ số tiền 1.000 đ ở đây ngang bằng với
giá trị gia tăng của số lúa mì được đem ra bán.

Lúa mì được anh thợ xay xay thành bột và đem bán cho người làm bánh mì được 1.500 đ. Giá trị gia tăng qua khâu xay
bột đến tay người làm bánh mì là 500 đ.

Người thợ làm bánh mì từ số bột mì vừa mua đó làm ra bánh mì và đem bán cho cửa hàng được 2.500 đ. Giá trị gia
tăng qua khâu làm bánh đến tay người bán hàng là 1.000 đ.

Cửa hàng bán lẻ đem tất cả số bánh bán cho người tiêu dùng được 3000 đ. Giá trị gia tăng từ khâu bán lẻ đến khách
hàng là 500 đ.

Thuế giá trị gia tăng được tính toán cho ví dụ này như sau:

Người nộp

Doanh thu

GTGT

Thuế GTGT

Thực nộp

Ghi chú

Người trồng lúa

Người xay bột

1.000

1.500

1.000

500

100

150
100

50

Được khấu trừ 100 đ phần thuế GTGT của người trồng lúa đã nộp

Người làm bánh

2.500

1.000

250

100

Được khấu trừ 150 đ thuế GTGT của người trồng lúa và người xay bột đã nộp

Người bán lẻ

3.000

500

300

50

Được khấu trừ 250 đ phần thuế GTGT mà người trồng lúa, người xay bột và người làm bánh đã nộp

Tổng cộng

3.000

3.000

Trong số thuế giá trị gia tăng thực nộp trong ví dụ trên là 300 đ và tất cả sồ tiền này đều do người tiêu dùng cuối
cùng ( mua bánh mì từ người bán lẻ) chịu. Để thấy rõ điều này, hãy xem các phân tích về hóa đơn mua hàng phát
sinh qua các khâu của quá trình sản xuất, lưu thông và tiêu dùng qua ví dụ trên như sau:

Tại khâu thứ nhất: hóa đơn bán hàng của người trồng lúa mì giao cho người xay bột ghi:

- Giá chưa có thuế GTGT 1.000 đ

- Thuế GTGT 100 đ

- Cộng 1.100 đ

Có nghĩa là người trồng lúa mì, nói gọn lại, như sau:

- Thuế GTGT thu được 100 đ (10% x 1.000đ)

- Thuế GTGT được khấu trừ 00 đ

- Thuế GTGT thực nộp 100 đ

Tại khâu thứ hai: Hóa đơn bán hàng của người xay bột giao cho người làm bánh mì ghi:

- Giá chưa có thuế GTGT 1.500 đ

- Thuế GTGT 150 đ


- Cộng: 1.650 đ

Có nghĩa là người xay bột nhận được số tiền là 1.650 đ, trong đó gồm cả phần thuế GTGT phải nộp.

Đối với người xay bột:

- Thuế GTGT thu được 150 đ (10% x 1.500 đ)

- Thuế GTGT được khấu trừ 100 đ (phần do người trồng lúa mì đã nộp)

- Thuế GTGT thực nộp 50 đ

Tại khâu thứ ba: hóa đơn bán hàng của người làm bánh mì trao cho người bán lẻ ghi:

- Giá chưa có thuế GTGT 2500 đ

- Thuế GTGT 250 đ

- Cộng: 2750 đ

Có nghĩa là người làm bánh mì nhận được số tiền là 2.700 đ trong đó, bao gồm cả phần thuế GTGT phải nộp.

Đối với người làm bánh mì:

- Thuế GTGT thu được 250đ (10% x 2.500đ)

- Thuế GTGT được khấu trừ 150đ = (100 đ + 50 đ) đã nộp ở các khâu trước

- Thuế GTGT thực nộp 100 đ

Tại khâu thứ tư: hóa đơn bán hàng của cửa hàng bán lẻ trao cho người tiêu dùng ghi:

- Giá chưa có thuế GTGT 3.000đ

- Thuế GTGT 300đ

- Cộng: 3.300đ

Có nghĩa là người bán lẻ nhận được số tiền là 3.300 đ, trong đó bao gồm cả phần thuế GTGT phải nộp.

Đối với người bán lẻ:

- Thuế GTGT thu được 300đ (10% x 3.000đ)

- Thuế GTGT được khấu trừ 250đ = ( 100đ + 50đ + 100đ) đã nộp ở các khâu trước

- Thuế GTGT thực nộp 50đ

Tổng GTGT qua các khâu là 3.000đ, tổng số thuế GTGT mà cơ quan thuế thu được là 300đ. Nhưng trong hóa đơn bán
hàng mà người tiêu dùng nhận được, tổng số tiền mà họ phải trả là 3.300 đ, bằng tổng GTGT cộng tổng số thuế
GTGT phải nộp. Nói cách khác, ở đây người tiêu dùng chịu hoàn toàn tất cả số thuế đã phát sinh.

6. Vấn đề chọn lựa hình thức thuế GTGT

Thuế GTGT có thể tồn tại hai dạng:

· Loại thuế GTGT đặt căn bản trên hóa đơn.

· Loại thuế GTGT đặt căn bản trên tài khoản.

Giữa hai hình thức này có một số khác biệt, và mặc dù mỗi hình thức có các ưu nhược điểm riêng, nhưng hiện nay,
hầu hết các nước trên thế giới đều chọn hình thức thuế GTGT đặt căn bản trên hóa đơn, tức là dựa trên cơ sở
phương pháp khấu trừ. Riêng Nhật Bản lại áp dụng hình thức thuế GTGT đặt căn bản trên tài khoản. Đối với Việt
Nam, thuế GTGT đang áp dụng ở nước ta hiện nay là loại thuế GTGT đặt căn bản trên hóa đơn.

Bảng : Đặc điểm của hai loại thuế GTGT

Loại thuế GTGT đặt căn bản trên hóa đơn

Loại thuế GTGT đặt căn bản trên tài khoản

Số nợ về thuế gắn với nghiệp vụ phát sinh và hóa đơn là bằng chứng của sự hoàn thành nghiệp vụ.

Hóa đơn là bằng chứng hoàn hảo khi cần kiểm tra

Có thể áp dụng một hệ thống đa thuế suất

Bất cứ thuế nào cũng có thể áp dụng

Có thể dựa trên hóa đơn kiểm tra chéo ngầm giữa các doanh nghiệp có liên quan đến một khoản thuế phát sinh

Loại thuế GTGT này được nhận thức là loại thuế thu nhập (đối với doanh nghiệp) hoặc thuế lương bổng (đối với lao
động)

Không phải đặt ra vấn đề kiểm tra hóa đơn

Chỉ áp dụng được trong hệ thống một thuế suất đơn nhất.

Bất cứ các khoản thế GTGT nào cũng không phải là khoản thanh toán hàng năm đều phải được dự phòng do các
tài khoản chỉ được khóa lại một lần trong năm.

Không thể kiểm tra chéo ngầm giữa các doanh nghiệp

7. Ưu điểm của thuế GTGT so với các loại thuế doanh thu

Trước khi phân tích các ưu điểm của thuế GTGT so với các loại thuế doanh thu cần nhấn mạnh rằng về bản chất,
thuế GTGT nên được coi là phương pháp đánh thuế mới hơn là một sắc thuế độc lập, bởi vì theo giáo sư Mel Kraus của
trường Đại học Amsterdam và Petet O’Brien, nhà kinh tế học tại Geneva thì: “Khái niệm thuế GTGT có liên hệ
đến phương pháp hành thu chứ không liên hệ đến một thứ thuế riêng biệt thuộc một nhóm đặc biệt hay một hoạt
động kinh tế đặc biệt theo như nhiều người vẫn tưởng… về bản chất, thuế GTGT không phải là một thứ thuế đánh
trên chi phí tiêu thụ mà cũng không phải là một thứ thuế đánh trên lợi tức xuất phát từ các yếu tố sản xuất, nó
vốn là một cách thức đánh thuế trên căn bản từng cái một, từng giai đoạn một, nhằm tránh cách đánh thuế hai lần”.

Tuy còn nhiều tranh cãi, song không một ai phủ nhận tính tích cực của thuế GTGT đối với toàn bộ nền kinh tế
nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng. Có thể kể ra đây một số ưu điểm của thuế GTGT như:

Ưu thế quan trọng nhất là đặc tính trung lập của thuế này đối với các qui trình sản xuất, kinh doanh khác nhau
thông qua việc xóa bỏ được vấn đề thuế đánh chồng thuế. Trước khi áp dụng thuế GTGT, với hệ thống thuế đánh
chồng lên thuế, số thuế sẽ càng cao khi qui trình sản xuất, kinh doanh càng dài. Nếu có sáu công đoạn từ điểm
khởi đầu (bán nguyên vật liệu) đến điểm cuối (bán thành phẩm của doanh nghiệp bán lẻ), số thuế sẽ nặng hơn
nếu chỉ có ba công đoạn. Thuế đánh chồng có lợi cho những qui trình ngắn hơn những qui trình dài.

Ưu điểm thứ hai là thuế GTGT ít mang lại phản ứng nặng nề về phía người chịu thuế lẫn người nộp thuế, bởi đánh
thuế theo phương pháp này, dưới hình thức một loại thuế gián thu mà người nộp thuế không phải là người chịu thuế
được tổng kết là một cách đánh thuế khôn ngoan tiện lợi mà qua đó:

· Không làm lệch lạc các lựa chọn của các doanh nghiệp (người nộp thuế) trong việc tìm ra một giải pháp kinh tế
tối ưu.

· Dễ được chấp nhận từ phía người chịu thuế (là người tiêu dùng cuối cùng các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế
GTGT). Bởi lẻ thuế GTGT là một loại thuế gián thu, nó không trực tiếp đánh vào thu nhập của người chịu thuế và
cũng không nhằm một địa chỉ nhất định.

Ưu điểm thứ ba là thuế GTGT dễ hành thu vì gánh nặng của thuế được chuyển qua từng công đoạn để cuối cùng
qui vào người tiêu thụ sản phẩm. Hơn nữa, hệ thống GTGT yêu cầu, nếu muốn được khấu trừ thuế của các công
đoạn trước cần thiết phải ghi nhận khoản thuế GTGT trên hóa đơn bán hàng và ghi riêng, rõ ràng. Trên hóa đơn phải
thể hiện giá của sản phẩm chưa có thuế, số thuế GTGT liên hệ và giá của sản phẩm kể cả thuế.
Đối tượng và phạm vi chịu thuế GTGT rất rộng. Điều này cho phép chính phủ có thể qui định một thuế suất vừa
phải hơn là chạy theo một xu hướng vừa cổ điển lại dễ bị phê phán là việc tăng thuế suất.

Ưu điểm thứ tư của thuế GTGT là sự đơn giản trong công tác quản lý thu thuế. Thật vậy, chính người nộp thuế sẽ
tự mình xác định số thuế phải nộp và nộp trực tiếp cho cơ quan thuế. Như vậy, hệ thống thuế vận hành một cách
tự động, cơ quan thuế vụ không tham gia tính thuế mà chỉ thực hiện công việc kiểm tra sổ sách kế toán của doanh
nghiệp về sau.

Ưu điểm thứ năm là thuế GTGT là loại thuế trung tính đối với mức độ dài ngắn của quy trình sản xuất và phân
phối, nhưng lại không trung tính về mặt kinh tế do có tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế, vì thế thuế
GTGT có ưu điểm khuyến khích các nghiệp vụ đầu tư và xuất khẩu.

Ưu thế cuối cùng là thuế GTGT được chấp nhận tương đối dễ dàng và ít có trường hợp gian lận, ngoại trừ khu vực
doanh nghiệp có qui mô hoạt động nhỏ và khu vực cung ứng dịch vụ, khu vực có nhiều hoạt động ngầm không
khai báo.

Với những ưu điểm đó, thuế GTGT được một số người xem như một trong những cách tốt nhất của kỹ thuật đánh thuế
gián thu và một số người khác đánh giá là một sự cải cách vĩ đại về thuế trong thế kỷ 20.

II. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT THUẾ GTGT

Luật thuế GTGT của Việt Nam được ban hành ngày 22/05/1997 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/1999.
Sau khi ban hành luật thuế GTGT, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/1998/NĐ-CP ngày 11/05/1998 quy
định chi tiết thi hành Luật thuế GTGT và Bộ tài chính đã có Thông tư hướng dẫn số 89/1998/TT-BTC ngày
27/06/1998 quy định chi tiết thi và hướng dẫn thi hành Nghị định số 28/1998/NĐ-CP ngày 11/05/1998 quy định
thi hành Luật thuế GTGT. Sau đó Chính phủ đã có Nghị định số 79/2000/NĐ-CP ngày 29/12/2000 nhằm bổ sung
và sửa đổi một số nội dung của Nghị định 28/1998. Và Bộ tài chính cũng có thông tư số 122/2000 ngày
29/12/2000 nhằm hướng dẫn thi hành Nghị định số 79/2000 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Luật thuế
GTGT.

1. Đối tượng chịu thuế GTGT

Đối tượng chịu thuế là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam, trừ các đối
tượng không chịu thuế nêu tại Mục II Phần A Thông tư này.

2. Đối tương nộp thuế GTGT

Tất cả các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT ở Việt Nam,
không phân biệt ngành nghề, hình thức, tổ chức kinh doanh (gọi chung là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân
khác có nhập khẩu hàng hóa chịu thuế GTGT (gọi chung là người nhập khẩu) đều là đối tượng nộp thuế GTGT.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bao gồm:

- Các tổ chức kinh doanh được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp
Nhà nước và Luật Hợp tác xã;

- Các tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị vũ trang
nhân dân và các tổ chức, đơn vị sự nghiệp khác;

- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư
nước ngoài tại Việt Nam; các công ty nước ngoài và tổ chức nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam không
theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

- Cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, nhóm người kinh doanh độc lập và các đối tượng kinh doanh khác.

3. Đối tượng không chịu thuế GTGT

Theo qui đinh tại điều 4 Luật thuế GTGT, điều 4 Nghị định 79/2000/NĐ-CP của Chính phủ, các hàng hóa, dịch vụ
sau đây không thuộc diện chịu thuế GTGT:

3.1. Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm trồng rừng), chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chưa chế biến
thành các sản phẩm khác hoặc chỉ sơ chế thông thường của các tổ chức, cá nhân tự sản xuất và bán ra.

3.2. Sản phẩm muối bao gồm: muối sản xuất từ nước biển, muối mỏ tự nhiên, muối tinh, muối i-ốt.
3.3. Hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không phải nộp thuế GTGT ở khâu sản xuất, nhập
khẩu, kinh doanh dịch vụ đã chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt xuất khẩu được
áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% qui định của Thông tư 122/2000.

3.4. Hàng hóa nhập khẩu sau đây thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT:

- Thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ và vật tư xây dựng
thuộc loại trong nước chưa sản xuất được, cần nhập khẩu để tạo tài sản của doanh nghiệp;

- Máy bay, dàn khoan, tàu thủy thuê của nước ngoài dưới mọi hình thức dùng cho sản xuất kinh doanh (loại
trong nước chưa sản xuất được).

- Thiết bị máy móc, phụ tùng, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư cần thiết để tiến hành hoạt động tìm
kiếm thăm dò, phát triển mỏ dầu khí; phụ tùng, khí tài máy bay, thiết bị đặc chủng chuyên dùng cho máy bay
(loại trong nước chưa sản xuất được).

3.5. Chuyển quyền sử dụng đất thuộc diện chịu thuế chuyển quyền sử dụng đất;

3.6. Nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước do Nhà nước bán cho người đang thuê theo qui định tại Nghị định số 61/CP
ngày 5/7/1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở.

3.7. Dịch vụ tín dụng và quỹ đầu tư bao gồm hoạt động cho vay vốn, cho thuê tài chính của các tổ chức Ngân
hàng, tín dụng, tài chính, Quỹ đầu tư và hoạt động chuyển nhượng vốn theo pháp luật; hoạt động kinh doanh
chứng khóan.

3.8. Bảo hiểm nhân thọ; bảo hiểm học sinh và các dịch vụ bảo hiểm con người như bảo hiểm tai nạn thủy thủ,
thuyền viên, bảo hiểm tai nạn con người (bao gồm cả bảo hiểm tai nạn, sinh mạng, kết hợp nằm viện) bảo hiểm
tai nạn hành khách, bảo hiểm khách du lịch, bảo hiểm lái - phụ xe và người ngồi trên xe, bảo hiểm cho người
đình sản, bảo hiểm trợ cấp nằm viện phẩu thuật, bảo hiểm sinh mạng cá nhân, bảo hiểm người sử dụng điện…;
bảo hiểm vật nuôi cây trồng, bảo hiểm nông nghiệp khác và các loại bảo hiểm không nhằm mục đích kinh
doanh như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm lao động.

3.9. Dịch vụ khám chữa bệnh, phòng dịch bệnh, dịch vụ sinh đẻ có kế hoạch, dịch vụ điều dưỡng sức khỏe, phục
hồi chức năng cho người bệnh và dịch vụ thú y.

3.10. Các sản phẩm dịch vụ thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao dưới đây:

- Hoạt động văn hóa, triển lãm và thể dục, thể thao, tổ chức luyện tập, th đấu mang tính phong trào, quần
chúng, không thu tiền hoặc có thu tiền dưới hình thức bán vé vào xem, thu tiền luyện tập nhưng không nhằm
mục đích kinh doanh. Các khoản doanh thu khác như: bán hàng hóa, cho thuê sân bãi, gian hàng hội chợ, triển
lãm… phải chịu thuế GTGT.

- Hoạt động biểu diễn nghệ thuật như: tuồng, chèo, cải lương, a, múa, nhạc, kịch, xiếc; hoạt động biểu diễn
nghệ thuật khác và dịch vụ tổ chức nghệ thuật.

- Sản xuất phim các loại (phim đã ghi hình) không phân biệt chủ đề, loại hình phim.

- Nhập khẩu (phim đã ghi hình) phát hành và chiếu phim:

+ Đối với phim nhựa không phân biệt chủ đề, loại phim;

+ Đối với phim ghi trên băng hình, đĩa hình chỉ là phim tài liệu, phóng sự khoa học.

Loại phim và chủ đề phim được xác định theo các qui định của Bộ văn hóa – thông tin.

3.11. Dạy học, dạy nghề bao gồm: dạy văn hóa, ngoại ngữ, tin học, dạy múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể
dục, thể thao, nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức
chuyên môn nghiệp vụ cho mỗi người.

3.12. Phát sóng truyền thanh, truyền hình theo chương trình, bằng nguồn tiền ngân sách Nhà nước cấp.

3.13. In, xuất bản, nhập khẩu, phát hành: báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành, sách chính trị, sách giáo khoa (kể
cả dưới dạng băng hoặc đĩa ghi tiếng, ghi hình), giáo trình, sách văn bản pháp luật (sách in các văn bản pháp
luật, các Văn kiện, Nghị quyết, văn bản pháp quy khác); sách in bằng tiếng dân tộc thiểu số, tranh, ảnh, áp
phích tuyên truyền cổ động; in tiền và các chứng chỉ có giá trị như tiền (séc, trái phiếu, ngân phiếu, tín phiếu…);
tiền mặt từ nước ngoài chuyển về Việt Nam.
3.14. Dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh, thóat nước đường phố và khu dân cư; duy tu vườn thú, vườn hoa,
công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng; dịch vụ tang lễ; hàng hóa và dịch vụ công ích khác.

3.15. Duy tu, sửa chữa, phục chế, xây dựng các công trình văn hóa, nghệ thuật, công trình phục vụ lợi ích công
cộng, cơ sở hạ tầng và nhà tình nghĩa bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân và vốn viện trợ nhân đạo, kể cả
trường hợp được Nhà nước cấp hỗ trợ một phần vốn không quá 30% tổng số vốn thực chi cho công trình.

3.16. Vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt của các cơ sở vận tải xe buýt được thành lập và hoạt
động theo quy chế của Bộ Giao thông vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong nội thành, nội thị, trong
các khu công nghiệp hoặc giữa thành thị với khu công nghiệp lân cận theo tuyến đường, điểm đỗ, thời gian
chạy, giá vé cước do cấp có thẩm quyền quy định.

3.17. Điều tra, thăm dò địa chất, đo đạc, lập bản đồ thuộc loại điều tra cơ bản của Nhà nước, do Ngân sách Nhà
nước cấp phát kinh phí để thực hiện;

3.18. Tưới tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; nước sạch do tổ chức, cá nhân tự khai thác để phục vụ cho
sinh hoạt ở nông thôn, miền núi hải đảo, vùng sâu, vùng xa;

3.19. Vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng an ninh

3.20. Hàng nhập khẩu trong các trường hợp sau: hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại (bao gồm cả
hàng hóa nhập khẩu thuộc nguồn vốn ODA không hoàn lại) quà tặng cho cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị-xã
hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; quà biếu, quà tặng cho cá nhân ở
Việt Nam; đồ dùng của các tổ chức cá nhân nước ngoài theo tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao; hàng mang theo
người trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế; hàng là đồ dùng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi về
nước mang theo.

3.21. Hàng chuyển khẩu, quá cảnh, mượn đường qua Việt Nam, hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm
xuất khẩu, tái nhập khẩu; nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu theo hợp đồng sản
xuất; gia công xuất khẩu đã ký với nước ngoài.

3.22. Hàng hóa, dịch vụ cung ứng cho các đối tượng và trường hợp sau đây:

- Hàng hóa, dịch vụ cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế như: cung ứng nhiên liệu, nguyên liệu, phụ tùng,
nước và các loại thực phẩm, suất ăn phục vụ hành khách cho tàu biển, máy bay, tàu hỏa quốc tế; bốc xếp hàng
hóa xuất khẩu.

- Vận tải hàng hóa, hành khách quốc tế.

- Dịch vụ cung ứng cho các đối tượng tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, doanh nghiệp chế xuất, trừ dịch vụ sửa chữa
máy móc thiết bị, phương tiện vận tải cho nước ngoài và dịch vụ xuất khẩu lao động.

- Hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình, hạng mục công trình ở nước ngoài cho các doanh nghiệp chế xuất.

- Hàng hóa bán miễn thuế ở các cửa hàng miễn thuế tại các sân bay, bến cảng, nhà ga quốc tế và cửa khẩu
biên giới.

- Hàng dự trữ quốc gia do cơ quan dự trữ quốc gia bán ra.

- Hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp chế xuất xuất khẩu ra nước ngoài; hàng hóa, dịch vụ của các doanh
nghiệp chế xuất mua bán với nhau; hàng hóa, dịch vụ do các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp cho doanh
nghiệp chế xuất.

3.23. Chuyển giao công nghệ và phần mềm máy vi tính, trừ phần mềm xuất khẩu.

3.24. Vàng nhập khẩu dạng thỏi, miếng và các loại vàng chưa chế tác thành sản phẩm, mỹ nghệ, đồ trang sức
hay sản phẩm khác.

3.25. Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khóang sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác, cụ thể dưới
đây:

- Dầu thô;

- Đá phiến, cát, đất hiếm;

- Đá quý;
- Quặng măng-gan, quặng thiết, quặng sắt, quặng crôm, quặng êmêhít, quặng apatít.

3.26. Hàng hóa, dịch vụ của những cá nhân kinh doanh có mức thu nhập bình quân tháng thấp hơn mức lương
tối thiểu Nhà nước quy định đối với công chức nhà nước. Thu nhập được xác định bằng doanh thu từ hoạt động
kinh doanh từ chi phí hợp lý của hoạt động kinh doanh đó.

4. Căn cứ tính thuế

4.1. Giá tính thuế:

a. Đối với hàng hóa, dịch vụ do cơ sở sản xuất, kinh doanh bán ra hoặc cung ứng cho đối tượng khác là giá chưa
có thuế GTGT.

Giá tính thuế đối với các loại hàng hóa, dịch vụ bao gồm cả khoản phụ thu và phí thu thêm ngoài giá hàng hóa,
dịch vụ mà cơ sở kinh doanh được hưởng, trừ các khoản phụ thu và phí cở sở kinh doanh phải nộp Ngân sách
Nhà nước.

b. Đối với hàng hóa nhập khẩu là giá nhập khẩu tại cửa khẩu cộng (+) với thuế nhập khẩu, giá nhập khẩu tại
cửa khẩu làm căn cứ tính thuế GTGT được xác định theo các quy định về giá tính thuế hàng hóa nhập khẩu.

Ví dụ: Cơ sở nhập khẩu tivi nguyên chiếc, giá tính thuế nhập khẩu là 2.000.000 đ/chiếc.

Thuế suất thuế nhập khẩu là 30%, thuế GTGT là 10%.

Thuế nhập khẩu phải nộp 2.000.000 đ x 30% = 600.000 đ

Giá tính thuế GTGT là: 2.000.000 đ + 600.000 đ = 2.600.000 đ

Thuế GTGT phải nộp là: 2.600.000 đ x 10% = 260.000 đ.

Trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn, giảm thuế nhập khẩu thì giá tính thuế GTGT là giá hàng hóa nhập
khẩu cộng với (+) thuế nhập khẩu xác định theo mức thuế phải nộp sau khi đã được miễn, giảm.

c. Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, biếu tặng, hoặc để trả thay lương (trừ sản phẩm, hàng hóa
dùng để khuyến mãi, quảng cáo theo quy định tại Nghị định số 32/1999/NĐ-CP ngày 5/5/1999 về khuyến mãi
quảng cáo thương mại, hội chợ triển lãm thương mại không phải tính thuế GTGT), giá tính thuế GTGT được xác
định theo giá tính thuế của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại cùng thời điểm phát
sinh các hoạt động này.

d. Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cơ sở kinh doanh xuất để tiêu dùng không phục vụ cho sản xuất, kinh
doanh hoặc cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT thì phải tính thuế GTGT đầu ra.
Giá tính thuế tính theo giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại.

Đối với hàng hóa luân chuyển nội bộ như xuất hàng hóa để chuyển kho nội bộ, xuất vật tư, bán thành phẩm để
tiếp tục quá trình sản xuất trong một cơ sở sản xuất, kinh doanh không phải tính, nộp thuế GTGT.

e. Đối với dịch vụ do phía nước ngoài cung ứng cho các đối tượng tiêu dùng ở Việt Nam, giá tính thuế là giá dịch
vụ phải thanh toán cho phía nước ngoài.

Ví dụ: Công ty A ở Việt Nam thuê một công ty ở nước ngoài thiết kế xây dựng, giá thanh toán theo hợp đồng
phải trả Công ty B ở nước ngoài là 100 triệu đồng thì công ty A phải tính và nộp thuế GTGT 10% trên giá 100
triệu đồng.

f. Dịch vụ cho thuê tài sản bao gồm cho thuê nhà, xưởng, kho tàng, bến bãi, phương tiện vận chuyển; máy móc
thiết bị, …

Giá để tính thuế GTGT là giá cho thuê chưa có thuế. Trường hợp cho thuê theo hình thức thu tiền thuê từng kỳ
hoặc thu trước tiền thuê cho một kỳ hạn thuê thì thuế GTGT tính trên số tiền thu từng kỳ hoặc thu trước, bao
gồm cả các khoản thu dưới hình thức khác như thu tiền để hoàn thiện, sửa chữa, nâng cấp nhà cho thuê theo
yêu cầu của bên thuê.

Giá cho thuê tài sản do các bên thỏa thuận được xác định theo hợp đồng. Trường hợp pháp luật có qui định về
khung giá thuê thì giá thuê được xác định trong phạm vi khung giá quy định.

Đối với trường hợp thuê dàn khoan, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải của nước ngoài loại trong nước chưa
sản xuất được để cho thuê lại, giá tính thuế được trừ giá thuê trả cho nước ngoài.
g. Đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp, giá tính thuế là giá bán trả một lần chưa có thuế GTGT của
hàng hóa đó (không bao gồm lãi trả góp), không tính theo số tiền trả góp từng kỳ.

Ví dụ: Công ty kinh doanh xe máy bán xe Honda loại 100cc, giá bán trả một lần chưa có thuế GTGT là 25 triệu
đồng, giá trả góp 6 tháng là 25 triệu đồng, cộng lãi trả góp 0.3 triệu đồng, thì giá tính thuế tính theo giá 25 triệu
đồng/chiếc.

h. Đối với gia công hàng hóa, giá tính thuế là giá gia công chưa có thuế, bao gồm: tiền công, tiền nhiên liệu,
động lực, vật liệu phụ và các chi phí khác để gia công.

i. Đối với xây dựng, lắp đặt

Đối với trường hợp xây dựng, lắp đặt có bao thầu nguyên vật liệu thì giá tính thuế bao gồm cả giá trị nguyên vật
liệu.

Ví dụ: Công ty xây dựng A nhận thầu xây dựng công trình bao gồm cả giá trị vật tư xây dựng, tổng giá trị thanh
toán chưa có thuế GTGT là 1.500 triệu đồng trong đó giá trị vật tư xây dựng là 1.100 triệu đồng thì giá tính thuế
GTGT là 1.500 triệu đồng.

Đối với trường hợp, xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu thì giá tính thuế là giá trị xây dựng, lắp
đặt không bao gồm giá trị nguyên vật liệu.

Trường hợp xây dựng, lắp đặt thực hiện thanh toán theo hạng mục công trình hoặc giá trị khối lượng xây dựng
lắp đặt hoàn thành bàn giao thì giá tính thuế theo giá trị khối lượng công việc hoàn thành bàn giao chưa có thuế
GTGT.

j. Đối với các cơ sở kinh doanh được Nhà nước giao đất xây nhà, cơ sở hạ tầng kỹ thuật để bán, để chuyển
nhượng gắn với chuyển quyền sử dụng đất, giá tính thuế đối với nhà, cơ sở hạ tầng bán ra hoặc chuyển nhượng
là giá bán, giá chuyển nhượng chưa có thuế, trừ tiền sử dụng đất theo giá đất qui định khi giao đất.

Ví dụ: công ty đầu tư và phát triển nhà X được Nhà nước giao 10.000 m2 đất để xây dựng nhà bán, trong đó
3.000 m2 đất sử dụng làm đường nội bộ trong khu qui hoạch không phải nộp tiền sử dụng đất. Tiền sử dụng đất
phải nộp Ngân sách Nhà nước theo giá 200.000 đ/m2. Công ty bán một căn nhà có diện tích đất là 50m2, giá
bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất chưa có thuế GTGT là 300 triệu đồng (trong đó giá nhà 200 triệu, giá
chuyển quyền sử dụng đất là100 triệu.

Giá tính thuế GTGT đối với căn nhà trên là:

300 triệu đồng – (50 m2 x 200.000 đồng/m2) = 290 triệu đồng

Thuế GTGT đầu ra là:

290 triệu đồng x 5% = 14,5 triệu đồng

Đối với cơ sở kinh doanh được Nhà nước cho thuê đất để đầu tư cho thuê cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp,
khu công nghệ cao, khu kinh tế khác theo quy định của Chính phủ để cho thuê lại, giá tính thuế là giá cho thuê
chưa có thuế GTGT, trừ giá thuê đất phải nộp Ngân sách Nhà nước.

Ví dụ: Công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Y được Nhà nước cho thuê 500.000 m2 đất trong thời
gian 50 năm để xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho thuê. Giá cho thuê đất là 30.000 đ/m2/năm. Sau khi đầu tư hạ
tầng, Công ty Y cho công ty Z thuê 5.000 m2 trong 20 năm để xây dựng nhà máy sản xuất, giá thuê đất chưa có
thuế GTGT (chưa kể phí tiện ích công cộng) là 100.000 đ/m2/năm. Công ty Z trả tiền thuê hạ tầng một năm một
lần:

Giá tính thuế GTGT đối với tiền thu từ cho thuê hạ tầng một năm là:

(5.000 m2 x 100.000 đ) – (5.000m2 x 30.000đ) x 1 năm = 350.000.000 đ

Thuế GTGT là:

350.000.000 đ x 5% = 17.500.000 đ.

k. Đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, giá tính thuế GTGT được trừ giá đất chịu thuế chuyển quyền sử
dụng đất.
l. Đối với dịch vụ đại lý tàu biển, dịch vụ môi giới, ủy thác xuất nhập khẩu và dịch vụ khác hưởng tiền hoa hồng,
giá tính thuế là tiền công hoặc tiền hoa hồng được hưởng chưa có thuế GTGT.

Đối với đại lý vận tải, đại lý giao nhận hàng hóa, giá tính thuế là toàn bộ doanh thu bao gồm cả các khoản thu
hộ khách hàng. Trường hợp doanh thu có cước vận tải quốc tế và các khoản phát sinh ngoài lãnh thổ Việt Nam
thì doanh thu tính thuế được trừ cước vận tải quốc tế và phí phát sinh ngoài lãnh thổ Việt Nam.

m. Đối với vận tải, bốc xếp, giá tính thuế là giá cước vận tải bốc xếp chưa có thuế GTGT, không phân biệt cơ sở
trực tiếp vận tải, bốc xếp hay thuê lại.

n. Đối với hàng hóa, dịch vụ có tính đặc thù dùng các chứng từ như tem bưu chính, vé cước vận tải, vé xổ số
kiến thiết … ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT thì giá chưa có thuế được xác định như sau:

Giá thanh toán (tiền bán vé, bán tem…) 1 + (%) thuế suất của hàng hóa, dịch vụ đó

Giá chưa có thuế GTGT =

Đối với dịch vụ du lịch theo hình thức lữ hành, hợp đồng ký với khách hàng theo giá trọn gói thì giá trọn gói
được xác định là giá đã có thuế để tính thuế GTGT và doanh thu của cơ sở kinh doanh. Trường hợp giá trọn gói
bao gồm các khoản không chịu thuế GTGT như chi vé máy bay vận chuyển hành khách du lịch từ nước ngoài
vào Việt Nam, từ Việt Nam đi nước ngoài, các chi phí ăn, nghỉ, thăm quan ở nước ngoài (nếu có chứng từ hợp
pháp) thì các khoản chi này được tính giảm trừ trong giá (doanh thu tính thuế GTGT).

Ví dụ: Công ty du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện hợp đồng du lịch với Thái Lan theo hình thức trọn gói 50
khách du lịch trong 5 ngày tại Việt Nam với tổng số tiền thanh toán là 32.000 USD. Phía Việt Nam phải lo chi phí
toàn bộ vé máy bay, ăn, ở, thăm quan theo chương trình thỏa thuận; trong đó riêng tiền vé máy bay đi từ Thái
Lan sang Việt nam và ngược lại hết 10.000 USD. Thuế GTGT đầu ra theo hợp đồng này được xác định như sau:

Doanh thu chịu thuế GTGT là: 32.000 USD – 10.000 USD = 22.000 USD

Thuế GTGT đầu ra là:

Doanh thu của cơ sở được xác định để tính kết quả kinh doanh là:

32.000 USD – 2.000 USD = 30.000 USD

Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ xác định theo qui định để tính thuế GTGT phải nộp.

o. Đối với dịch vụ cầm đồ, giá tính thuế là tiền phải thu từ dịch vụ này bao gồm tiền lãi phải thu từ cho vay cầm
đồ và chênh lệch thu được từ bán hàng cầm đồ (doanh thu bán hàng phát mại trừ (-) phần phải trả khách hàng
(nếu có), trừ số tiền cho vay)

p. Đối với sách báo, tạp chí bán đúng theo giá phát hành (giá bìa) theo qui định Luật xuất bản thì giá bán đó
được xác định là giá đã có thuế GTGT để tính thuế GTGT và doanh thu của cơ sở (đối với loại chịu thuế GTGT).
Các trường hợp bán không theo giá bìa thì thuế GTGT tính trên giá bán ra.

Xuất bản là quá trình xuất bản ấn phẩm được tiến hành từ khâu bản thảo đến khâu phát hành xuất bản phẩm
cho người tiêu dùng.

q. Đối với dịch vụ in, giá tính thuế là tiền công in không bao gồm tiền giấy in. Trường hợp cơ sở in cung cấp giấy
cho khách hàng thì cơ sở in phải hạch toán riêng giá giấy và tiền công in để tính thuế riêng cho dịch vụ in và
doanh thu bán giấy in theo thuế suất của dịch vụ in và sản phẩm giấy.

r. Đối với dịch vụ giám định, đại lý xét bồi thường, đại lý đòi người thứ ba của dịch vụ kinh doanh bảo hiểm, giá
tính thuế là tiền công hoặc tiền hoa hồng được hưởng, bao gồm cả khoản phí tổn cơ sở kinh doanh bảo hiểm thu
được.

4.2.Thuế suất thuế GTGT:

a. Thuế suất 0% áp dụng đối với:

a.1. Hàng hóa xuất khẩu bao gồm cả hàng hóa gia công xuất khẩu, hàng hóa sản xuất chịu thuế tiêu thụ đặc
biệt xuất khẩu, sản phẩm phần mềm máy tính xuất khẩu.

Xuất khẩu bao gồm xuất khẩu ra nước ngoài, bán cho doanh nghiệp khu chế xuất và các trường hợp khác theo
quy định của Chính phủ.
Các trường hợp đưa hàng hóa ra nước ngoài để bán, giới thiệu sản phẩm tại hội chợ, triển lãm nếu có đủ căn cứ
xác định là hàng hóa xuất khẩu cũng được áp dụng thuế suất 0%.

Hàng hóa xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0% phải có các hồ sơ chứng từ chứng minh là hàng thực tế đã xuất
khẩu, cụ thể sau đây:

- Hợp đồng bán hàng hóa hoặc hợp đồng gia công, sản xuất hàng xuất khẩu ký với nước ngoài, hợp đồng ủy
thác xuất khẩu đối với trường hợp ủy thác xuất khẩu.

- Hóa đơn GTGT bán hàng hoặc xuất trả hàng gia công cho nước ngoài, doanh nghiệp chế xuất và cho các đối
tượng khác được xác định như xuất khẩu theo qui định của Chính phủ.

- Hàng hóa xuất khẩu cho thương nhân nước ngoài, doanh nghiệp chế xuất phải thanh toán qua Ngân hàng.
Chứng từ thanh toán với thương nhân nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Tờ khai Hải quan về hàng xuất khẩu có xác nhận hàng đã xuất khẩu của cơ quan hải quan. Trường hợp ủy thác
xuất khẩu thì phải có tờ khai hải quan về hàng hóa xuất khẩu của bên nhận ủy thác, nếu là bản sao phải có đơn
vị nhận ủy thác xuất khẩu ký, đóng dấu.

a.2. Sửa chữa máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, cung ứng dịch vụ phần mềm cho nước ngoài, cho doanh
nghiệp chế xuất; dịch vụ xuất khẩu lao động; xây dựng lắp đặt công trình ở nước ngoài và của doanh nghiệp
chế xuất.

Các trường hợp được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% trên đây phải có đủ điều kiện và hồ sơ sau:

- Hợp đồng sửa chữa máy móc, thiết bị phương tiện vận tải, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ xuất khẩu lao động, cung
ứng dịch vụ phần mềm ký với nước ngoài hoặc doanh nghiệp chế xuất;

- Hóa đơn GTGT thanh toán dịch vụ được áp dụng thuế suất 0%;

- Sửa chữa máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, cung ứng dịch vụ phần mềm cho nước ngoài hoặc doanh
nghiệp chế xuất; dịch vụ xuất khẩu lao động; xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và của doanh nghiệp
chế xuất phải thanh toán qua Ngân hàng. Chứng từ thanh toán với thương nhân nước ngoài theo quy định của
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

a.3. Một số trường hợp hàng hóa được coi như xuất khẩu áp dụng thuế suất GTGT 0%

a.3.1. Hàng hóa gia công xuất khẩu chuyển tiếp theo qui định tại điều 17 Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31-
7-1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công
và đại lý mua bán hàng hóa với nước ngoài.

Trường hợp này áp dụng đối với hàng hóa gia công xuất khẩu của cơ sở trực tiếp gia công theo hợp đồng gia
công cở sở đã ký với bên nước ngoài (gọi là cơ sở giao hàng), nhưng hàng gia công chưa được xuất khẩu ra nước
ngoài mà được giao chuyển tiếp cho cơ sở khác ở trong nước (gọi là cở sở nhận hàng) theo chỉ định của bên
nước ngoài để tiếp tục gia công thành sản phẩm hoàn chỉnh, tiền gia công do bên nước ngoài trực tiếp thanh
toán.

Khi xuất hàng gia công chuyển tiếp cho cơ sở khác theo chỉ định của phía nước ngoài, cơ sở giao hàng lập hóa
đơn GTGT ghi thuế suất 0%. Hàng hóa gia công xuất khẩu phải có đủ hồ sơ, chứng từ sau:

- Hợp đồng gia công xuất khẩu và các phụ kiện hợp đồng (nếu có) ký với nước ngoài, trong đó ghi rõ cơ sở nhận
hàng tại Việt Nam.

- Hóa đơn GTGT ghi rõ giá gia công và số lượng hàng gia công trả trước nước ngoài (theo giá qui định trong hợp
đồng ký với nước ngoài) và tên cơ sở nhận hàng theo chỉ định của phía nước ngoài;

- Phiếu chuyển giao sản phẩm gia công chuyển tiếp (gọi tắt là phiếu chuyển tiếp) có đủ xác nhận của bên giao,
bên nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp và xác nhận của Hải quan quản lý hợp đồng gia công của bên giao
bên nhận.

- Hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài phải thanh toán quan Ngân hàng. Chứng từ thanh toán với
thương nhân nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

a.3.2. Hàng hóa gia công xuất khẩu thông qua cơ sở trực tiếp ký hợp đồng gia công với nước ngoài.
Điều kiện hàng hóa gia công xuất khẩu thông qua cơ sở trực tiếp ký hợp đồng gia công với nước ngoài được áp
dụng thuế suất 0%.

Giá gia công trên hợp đồng gia công ký với nước ngoài phải bằng giá gia công quy định trong hợp đồng ký giữa
cơ sở trực tiếp gia công và cơ sở trực tiếp ký hợp đồng gia công với nước ngoài.

Cơ sở trực tiếp ký hợp đồng gia công với nước ngoài chỉ hưởng hoa hồng trên tiền gia công.

Hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài phải thanh toán qua Ngân hàng. Chứng từ thanh toán với
thương nhân nước ngoài theo qui định của ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Khi xuất hàng gia công cho cơ sở trực tiếp ký hợp đồng gia công với nước ngoài, cơ sở trực tiếp gia công hàng
xuất khẩu lập hóa đơn GTGT để thanh toán tiền công gia công, ghi thuế suất 0%.

Trong trường hợp này cơ sở gia công hàng hóa xuất khẩu phải có đủ hồ sơ, chứng từ sau để làm căn cứ áp dụng
thuế suất 0%

Hợp đồng gia công hàng hóa ký với nước ngoài của đơn vị trực tiếp ký hợp đồng gia công với nước ngoài (bản
sao) do cơ sở ký và đóng dấu;

Hợp đồng gia công xuất khẩu ký với cơ sở trực tiếp ký hợp đồng gia công hàng xuất khẩu với nước ngoài.

Tờ khai hàng hóa xuất khẩu của cơ sở trực tiếp ký hợp đồng gia công với nước ngoài có xác nhận của Hải quan
về số lượng, mặt hàng gia công thực tế đã xuất khẩu (bản sao). Trường hợp tờ khai Hải quan ghi chung hàng
hóa xuất khẩu của nhiều cơ sở gia công thì cơ sở trực tiếp ký hợp đồng gia công với nước ngoài phải sao gởi tờ
khai hải quan kèm theo xác nhận bảng kê cụ thể về số lượng, loại hàng gia công xuất khẩu ủy thác của đơn vị
gia công. Bên nhận ủy thác phải ký, đóng dấu vào bảng kê, bản sao tờ khai Hải quan và chịu trách nhiệm về số
liệu trên bảng kê.

Biên bản thanh lý hợp đồng gia công ủy thác xuất khẩu (trường hợp đã kết thúc hợp đồng) hoặc biên bản đối
chiếu công nợ định kỳ có ghi rõ số lượng sản phẩm gia công xuất khẩu đã giao, số lượng thực xuất khẩu, tiền
gia công phải thanh toán, đã thanh toán; ghi rõ số, ngày của chứng từ thanh toán với thương nhân nước ngoài
(chứng từ thanh toán của cơ sở trực tiếp ký hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài), hình thức thanh
toán qua ngân hàng.

Các hồ sơ trên nếu là bản sao phải có xác nhận sao y bản chính, chữ ký của giám đốc và đóng dấu của doanh
nghiệp lưu giữ bản chính.

Trường hợp xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ để trả nợ nước ngoài cho Chính phủ; hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu
thanh toán bằng hàng thì chứng từ thanh toán thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ tài chính.

b. Mức thuế suất 5% đối với hàng hóa, dịch vụ:

b.1. Than đá, than cám, than cốc, than bùn và than đóng cục, đóng bánh.

b.2. Sản phẩm cơ khí (trừ sản phẩm cơ khí tiêu dùng) bao gồm:

- Các loại máy móc, thiết bị như máy nổ, máy phay, máy tiện, máy bào, máy cán kéo, đột dập; các loại thiết bị
đồng bộ, thiết bị rời, thiết bị đo điện, đo nước, kết cấu dầm cầu, khung kho và sản phẩm kết cấu bằng kim loại;
các loại ô tô và phương tiện vận tải khác (kể cả tàu , thuyền các loại); các loại phụ tùng, bán thành phẩm của
các loại sản phẩm nói trên như pít tông, xilanh, phụ tùng thay thế các loại.

- Các loại công cụ sản xuất như: máy khoan, máy cơ khí nông nghiệp nhỏ, máy cưa các loại, máy bào, máy tuốt
lúa; máy bơm nước; máy móc, công cụ làm đất và thu hoạch.

- Các sản phẩm là công cụ sản xuất nhỏ như kềm, búa, cưa, đục, xẻng, cuốc, liềm hái, bộ đồ nghề là sản phẩm
cơ khí, đinh.

- Lưới rào bằng thép B27 đến B41, dây thép gai, tấm lợp bằng kim loại, dây cáp chịu lực bằng kim loại, băng tải
bằng kim loại.

b.3. Sản phẩm luyện cán, kéo, kim loại đen, kim loại màu, kim loại quí trừ vàng nhập khẩu qui định tại điểm 24,
mục II phần A Thông tư 122/2000.

b.4. Khuôn đúc các loại bao gồm các loại khuôn dùng làm công cụ để sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa được
tạo hình bằng khuôn như: khuôn đúc các chi tiết máy, khuôn để sản xuất các loại ống.
b.5. Hóa chất cơ bản gồm các loại:

Hóa chất ghi trong danh mục tại phụ lục số 1 ban hành kèm theo thông tư 122/2000.

b.6. Máy vi tính, cụm linh kiện máy vi tính.

b.7. Vật liệu nổ bao gồm thuốc nổ, dây cháy chậm, kíp nổ và các dạng được chế biến thành sản phẩm nổ
chuyên dùng nhưng không thay đổi tính năng, tác dụng của vật liệu nổ.

b.8. Que hàn

b.9. Lốp và bộ xăm lốp cỡ từ 900 -20 trở lên.

b.10. Hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt ở khâu kinh doanh thương mại nộp thuế GTGT theo pp khấu trừ thuế.

b.11. Đá mài

b.12. Giấy in báo

b.13. Bình bơm thuốc trừ sâu

b.14. Đất, đá, cát, sỏi (không bao gồm các sản phẩm được làm từ đất, đá, cát, sỏi như đá xẻ, đá ốplát, granitô).

b.15. Dây cáp điện sử dụng điện áp từ 600V trở lên.

b.16. Lưới, giây giềng và sợi đan lưới đánh cá bao gồm các loại lưới đánh cá, các loại sợi, dây giềng các loại
chuyên dùng để đan lưới đánh cá không phân biệt nguyên liệu sản xuất.

b.17. Nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt do các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước khai thác từ nguồn nước
tự nhiên cung cấp cho các đối tượng sử dụng nước (trừ nước sạch do các cơ sở tự khai thác ở nông thôn, miền
núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt ở vùng đó không thuộc diện chịu thuế và
các loại nước giải khát thuộc nhóm thuế suất 10%.

b.18. Phân bón, quặng để sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây
trồng.

b.19. Thiết bị máy móc và dụng cụ chuyên dùng cho y tế, như các loại máy soi, chiếu, chụp, dùng để khám,
chữa bệnh, các thiết bị, dụng cụ chuyên dùng để mổ, điều trị vết thương, ôtô cứu thương, dụng cụ đo huyết áp,
tim, mạch, bơm kim tiêm, truyền máu, dụng cụ phòng tránh thai và các thiết bị chuyên dùng cho y tế khác;
bông băng, gạc y tế và băng vệ sinh y tế.

b.20. Chân, tay giả, nạng, xe lăn và dụng cụ chuyên dùng khác cho người tàn tật.

b.21. Thuốc chữa bệnh, phòng bệnh cho người và vật nuôi (bao gồm cả văcxin, sinh phẩm, nước cất để pha chế
thuốc tiêm); sản phẩm hóa dược, dược liệu và nguyên liệu sản xuất, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh theo danh
mục mặt hàng qui định tại phụ lục số 1 và 2 ban hành kèm theo thông tư 122/2000.

b.22. Ống thủy tinh trung tính (ống tuýp và ống được định hình như ống tiêm để đụng thuốc tiêm, ống nghiệm).

b.23. Giáo cụ dùng để giảng dạy về học tập và các loại mô hình, hình vẽ, thước kẻ, bảng, phấn, compa dùng để
giảng dạy, học tập và các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm.

b.24. Đồ chơi cho trẻ em

b.25. Các loại sách trừ sách không chịu thuế GTGT qui định tại điểm 13 Mục II phần A thông tư 122/2000.

b.26. Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế làm sạch, ướp
đông, phơi sấy khô và các loại con giống, cây giống, hạt giống, trừ các sản phẩm do các tổ chức, cá nhân sản
xuất trực tiếp bán ra không chịu thuế GTGT theo qui định tại điểm Mục II phần A thông tư 122/2000.

b.27. Lâm sản (trừ gỗ, măng) chưa qua chế biến; thực phẩm tươi sống và lương thực

b.28. Sản phẩm bằng đay, cói, tre, nứa, lá là các loại sản phẩm được sản xuất, chế biến từ nguyên liệu chính là
đay, cói, tre, nứa như, thảm đay, sợi đay, bao đay, thảm xơ dừa, chiếu sản xuất bằng đay, cói, dây thừng, dây
buộc làm bằng tre nứa, xơ dừa; rèm màn bằng tre, trúc, nứa, chổi tre, nón lá…
b.29. Ván ép nhân tạo đuợc sản xuất từ nguyên liệu như tre, nứa, bột gỗ, dăm gỗ, sợi gỗ, mùn cưa, bã mía,
trấu… được ép thành tấm, không bao gồm sản phẩm gỗ dán.

b.30. Bông sơ chế từ bông trồng trong nước là bông đã được bỏ vỏ, hạt và phân loại (bông nhập khẩu đã qua sơ
chế, phân loại không thuộc nhóm này).

b.31. Mủ cao su sơ chế như mủ crếp, mủ tờ, mủ bún, mủ cốm, mủ đông.

b.32. Thức ăn gia súc gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác bao gồm các loại đã hoặc chưa được chế biến tổng
hợp như cám, bã khô lạc, bột cá, bột xương…

b.33. Xây dựng, lắp đặt, duy tu, sửa chữa, phục chế di tích lịch sử, văn hóa, bảo tàng, trừ hoạt động qui định tại
điểm 15 Mục II phần A thông tư 122/2000.

b.34. Nhà cơ sở hạ tầng do các cơ sở được nhà nước giao đất đầu tư xây dựng nhà, cơ sở hạ tầng để bán hoặc
chuyển nhượng (trừ hoạt động kinh doanh mua, bán nhà đất).

b.35. Cho thuê cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các cơ sở được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để đầu tư cơ sở
hạ tầng kỹ thuật để cho thuê trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế khác theo qui định của
Chính phủ.

b.36. Nạo vét luồng, lạch, cảng sông, cảng biển, hoạt động trục vớt, cứu hộ.

b.37. Vận tải bốc xếp bao gồm hoạt động vận tải hàng hóa, hành lý, hành khách và bốc xếp hàng hóa, hành lý,
không phân biệt cơ sở trực tiếp vận tải hay thuê lại, trừ hoạt động môi giới, đại lý chỉ hưởng hoa hồng.

b.38. Dịch vụ khoa học, kỹ thuật bao gồm các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, hướng dẫn về khoa học, kỹ
thuật cụ thể sau đây:

Dịch vụ đòi hỏi kỹ thuật cao như: phục hồi, sửa chữa, hiệu chỉnh máy móc thiết bị, dụng cụ thử nghiệm, phương
tiện đo kiểm, thiết bị khoa học kỹ thuật có bộ phận điều khiển tự động, kiểm định, thử nghiệm, kiểm tra chất
lượng, kiểm chuẩn các vật liệu, sản phẩm.

- Xử lý số liệu, tính toán, phân tích phục vụ trực tiếp nghiên cứu - triển khai;

- Lập báo cáo nghiên cứu khả thi và tiền khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường;

- Hướng dẫn và tổ chức triển khai áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất.

b.39. Dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp bao gồm các hoạt động như cày, bừa đất sản xuất nông
nghiệp; đào, đắp, nạo vét kênh mương, ao hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ
sâu, bệnh; thu hái sản phẩm nông nghiệp;

b.40. Phát hành và chiếu phim video.

b.41. Băng, đĩa đã ghi hoặc chưa ghi chương trình.

c. Mức thuế suất 10% đối với hàng hóa, dịch vụ:

c.1. Dầu mỏ, khí đốt, quặng và sản phẩm khai khóang khác.

c.2. Điện thương phẩm do các cơ sở sản xuất, kinh doanh điện bán ra.

c.3. Sản phẩm cơ khí tiêu dùng.

c.4. Sản phẩm điện tử.

c.5. Sản phẩm hóa chất (trừ hóa chất cơ bản), mỹ phẩm.

c.6. Sợi, vải, sản phẩm may mặc, thêu ren.

c.7. Sản phẩm bằng da, giả da.

c.8. Giấy và sản phẩm bằng giấy (trừ giấy in báo).


c.9. Đường, sữa, bánh, kẹo, nước giải khát và các loại thực phẩm chế biến khác.

c.10. Sản phẩm gốm, sứ, thủy tinh, cao su, nhựa, gỗ và sản phẩm bằng gỗ; xi măng, gạch, ngói và vật liệu xây
dựng khác (trừ các sản phẩm thuộc nhóm thuế suất 5%).

c.11. Dịch vụ bưu điện bưu chính, viễn thông.

c.12. Cho thuê nhà, văn phòng, kho tàng, bến bãi, nhà xuởng, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải.

c.13. Dịch vụ tư vấn, khảo sát, thiết kế; dịch vụ kiểm toán, kế toán; bảo hiểm, kể cả môi giới bảo hiểm, trừ loại
bảo hiểm không chịu thuế GTGT qui định tại điểm 8 Mục II phần A thông tư 122/2000.

c.14. Chụp, in, phóng ảnh; in băng, sang băng, cho thuê băng; sao chụp; quay video.

c.15. Uốn tóc, may đo quần áo, nhuộm, giặt là, hấp tẩy.

c.16. Khách sạn, du lịch, ăn uống.

c.17. Các loại hàng hóa, dịch vụ khác không qui định ở nhóm thuế suất 0%, 5%, 20%.

d. Mức thuế suất 20% đối với hàng hóa, dịch vụ sau:

d.1. Vàng, bạc, đá quý do cơ sở kinh doanh mua vào, bán ra.

d.2. Xổ số kiến thiết và các loại hình xổ số khác.

d.3. Đại lý tàu biển

d.4. Dịch vụ môi giới

5. Phương pháp tính thuế giá trị gia tăng

Thuế GTGT cơ sở kinh doanh phải nộp được tính theo một trong hai phương pháp: phương pháp khấu trừ thuế
và phương pháp tính trực tiếp trên GTGT. Trường hợp cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế theo phương
pháp khấu trừ thuế có hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ thì cơ sở phải hạch toán
riêng hoạt động kinh doanh này để tính thuế trực tiếp trên GTGT.

Đối tượng áp dụng và việc xác định thuế phải nộp theo từng phương pháp như sau:

5.1. Phương pháp khấu trừ thuế

5.1.1. Đối tượng áp dụng là các đơn vị, tổ chức kinh doanh, doanh nghiệp thành lập theo Luật doanh nghiệp,
Luật doanh nghiệp Nhà nước, Luật Hợp tác xã, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các đơn vị, tổ chức
kinh doanh khác, trừ các đối tượng áp dụng tính thuế trực tiếp trên GTGT.

5.1.2. Xác định thuế GTGT phải nộp:

Số thuế phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra - Số thuế GTGT đầu vào.

a) Số thuế GTGT đầu ra = Giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra nhân (x) thuế suất.

Cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng tính thuế theo phương pháp khấu trừ thuế khi bán hàng hóa, dịch vụ phải tính
và thu thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra. Khi lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ, cơ sở kinh doanh phải
ghi rõ giá bán chưa có thuế, thuế GTGT và tổng số tiền người mua phải thanh toán. Trường hợp hóa đơn chỉ ghi
giá thanh toán, không ghi giá chưa có thuế và thuế GTGT thì thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra phải tính
trên giá thanh toán ghi trên hóa đơn, chứng từ. Doanh thu chưa có thuế được xác định bằng giá bán trừ (-) thuế
tính trên giá bán.

Ví dụ: Doanh nghiệp bán sắt, thép, giá bán chưa có thuế GTGT đối với sắt Ф6 là: 4.600.000 đồng/tấn; thuế GTGT
5% bằng 230.000 đồng/ tấn, nhưng khi bán có một số hóa đơn doanh nghiệp chỉ ghi giá bán là 4.800.000
đồng/tấn, thì thuế GTGT tính trên doanh số bán ra được xác định bằng 4.800.000đ/tấn x 5% = 240.000đ/tấn
thay vì chỉ tính trên giá chưa có thuế là 4.600.000đ/tấn và doanh thu được xác định lại bằng 4.560.000 đ (=
4.800.000 đ – 240.000 đ). Doanh nghiệp mua thép cũng không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hóa
đơn mua không ghi thuế GTGT này.
b) Số thuế GTGT đầu vào (bằng) = Tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ (bao gồm
tài sản cố định dùng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT), số thuế GTGT ghi trên chứng
từ nộp thuế của hàng hóa nhập khẩu (hoặc nộp thay cho phía nước ngoài theo quy định tại điểm 9 mục II phần
C thông tư 122/2000) và số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ theo tỷ lệ 1% trên giá mua đối với:

- Hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT mua của cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương
pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng có hóa đơn bán hàng theo mẫu số 02/GTTT-3LL hoặc mẫu số 02/GTTT-
2LN.

- Hàng hóa là nông sản, lâm sản, thủy sản chưa qua chế biến mua của cơ sở sản xuất không chịu thuế GTGT ở
khâu sản xuất sử dụng hóa đơn GTGT qui định tại điểm 5.1 Mục IV Phần B Thông tư số 122/2000.

- Hàng hóa chịu thuế TTĐB cơ sở kinh doanh thương mại mua của cơ sở sản xuất để bán ra có hóa đơn bán
hàng (kể cả trường hợp mua của đại lý bán hàng chịu thuế TTĐB theo đúng giá của cơ sở sản xuất, hưởng hoa
hồng);

- Tiền bồi thường kinh doanh bảo hiểm của nghiệp vụ bảo hiểm thuộc đối tượng chịu thuế GTGT (tính trên giá trị
bồi thường bảo hiểm) thuộc trách nhiệm bồi thường của cơ sở kinh doanh bảo hiểm;

- Hàng hóa mua vào (có Bảng kê) là nông, lâm, thủy sản chưa qua chế biến; đất, đá, cát, sỏi, các phế liệu mua
của người bán không có hóa đơn. Riêng đối với cơ sở sản xuất sản phẩm là nông sản, lâm sản, thủy sản chưa
qua chế biến không chịu thuế GTGT, nếu cơ sở dùng các sản phẩm này để tiếp tục sản xuất, chế biến ra các
hàng hóa khác thuộc diện chịu thuế GTGT thì giá được tính khấu trừ theo tỷ lệ quy định là giá thành sản xuất
của mặt hàng nông sản, lâm sản, thủy sản.

Tỷ lệ (%) khấu trừ trên đây áp dụng cho các hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa, dịch vụ từ 1/10/2002 và áp dụng
thống nhất cho cả trường hợp kinh doanh trong nước và xuất khẩu.

- Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào là loại được dùng chứng từ đặc thù (kể cả hóa đơn mua hàng dự trữ
quốc gia của cơ quan dự trữ quốc gia) ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT thì cơ sở được căn cứ vào giá
đã có thuế và phuơng pháp xác định tại điểm 14 Phần “Giá tính thuế”

c) Xác định thuế GTGT đầu vào được khấu trừ:

- Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ là thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất kinh doanh hàng
hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT.

- Hàng hóa mua vào bị tổn thất do thiên tai, hỏa hoạn, bị mất, xác định do trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân
phải bồi thường thì thuế GTGT đầu vào của một số hàng hóa này được tính vào giá trị hàng hóa tổn thất phải
bồi thường, không tính vào số thế GTGT đầu vào được khấu trừ khi kê khai thuế GTGT phải nộp.

- Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào dùng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế
và không chịu thuế GTGT thì chỉ được khấu trừ số thuế đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh
doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT; số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ được tính vào chi phí của
hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT. Nếu hàng hóa, dịch vụ mua vào không sử dụng phục vụ cho sản xuất,
kinh doanh thì thuế GTGT đầu vào được tính vào chi phí của hoạt động đó.

Đối với tài sản cố định mua vào sử dụng riêng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế thì
thuế GTGT của tài sản cố định được tính vào nguyên giá của tài sản cố định.

- Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh
hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT.

Đối với hàng hóa, dịch vụ sử dụng chung cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu
thuế GTGT nhưng cơ sở không hạch toán riêng được thuế đầu vào được khấu trừ, thì thuế đầu vào được tính
khấu trừ theo tỷ lệ (%) doanh số của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT so với tổng doanh số của hàng hóa, dịch
vụ bán ra.

- Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ theo tỷ lệ doanh số bán ra củ hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được kê
khai tạm tính hàng tháng. Khi quyết toán năm, cơ sở phải tính lại số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ theo tỷ lệ
doanh số của năn quyết toán. Đối với cơ sở kinh doanh có cơ cấu doanh thu giữa hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và
không chịu thuế GTGT tương đối ổn định, cơ sở kinh doanh có thể đăng ký với cơ quan thuế tạm tính hàng tháng
theo tỷ lệ doanh số năm trước, khi quyết toán năm sẽ quyết toán theo thực tế.

- Thuế đầu vào của hàng hóa, dịch vụ, được khấu trừ phát sinh trong tháng nào được kê khai khấu trừ khi xác
định số thuế phải nộp của tháng đó, không phân biệt đã xuất dùng hay còn để trong kho. Trường hợp hóa đơn
GTGT hoặc chứng từ nộp thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào phát sinh trong tháng nhưng chưa
kê khai kịp trong tháng thì được kê khai khấu trừ vào các tháng tiếp sau, trường hợp do lý do khách quan thì
được khấu trừ trong thời gian tối đa 3 tháng tiếp sau.

- Cơ sở sản xuất hàng hóa chịu thuế TTĐB trực tiếp hoặc ủy thác xuất khẩu thì thuế GTGT đầu vào của hàng
hóa, dịch vụ dùng để sản xuất các mặt hàng chịu thuế TTĐB xuất khẩu được tính khấu trừ hoặc hoàn thuế theo
qui định.

d) Đối với hộ kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên GTGT được chuyển sang nộp thuế theo
phương pháp khấu trừ thuế, được khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào phát sinh kể từ tháng
được áp dụng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế; đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào trước tháng được
áp dụng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế thì không được tính khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

5.1.3. Căn cứ để xác định số thuế đầu vào được khấu trừ quy định trên đây là số thuế GTGT ghi trên hóa đơn
GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào, chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu, chứng từ nộp thuế GTGT
thay cho phía nước ngoài theo qui định tại điểm 1.1 Mục II Phần C thông tư 122/2000.

Cơ sở kinh doanh không được tính khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với trường hợp hóa đơn GTGT không ghi thuế
GTGT (trừ trường hợp đặc thù được dùng hóa đơn GTGT ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT và trường
hợp quy định tại Điểm 2 Mục IV Phần B Thông tư 122/2000.

- Đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT mua vào có hóa đơn bán hàng được khấu trừ thuế đầu vào theo tỷ lệ
1% trên giá mua theo quy định tại điểm 1.2 Mục III Phần B thông tư này chỉ được tính khấu trừ đối với các hóa
đơn bán hàng hợp pháp.

- Đối với hàng hóa là nông, lâm, thủy sản chưa qua chế biến, đất, cát, đá, sỏi, phế liệu mua của người bán
không có hóa đơn được khấu trừ thuế đầu vào theo tỷ lệ 1% trên giá mua quy định tại điểm 1.2 Mục III Phần B
Thông tư này là bảng kê hàng hóa mua vào (theo mẫu số 04/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này).

Đối với hàng hóa, dịch vụ đầu vào loại được tính khấu trừ theo tỷ lệ (%) trên giá mua, cơ sở kinh doanh chỉ được
hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh để tính thu nhập doanh nghiệp theo giá mua trừ (-) số tiền đã được
tính khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo tỷ lệ (%) quy định trên giá mua.

5.2. Phương pháp tính thuế trực tiếp trên giá trị gia tăng

5.2.1. Đối tượng áp dụng phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng

- Cá nhân sản xuất, kinh doanh là người Việt Nam.

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam không theo luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chưa thực
hiện đầy đủ các điều kiện về kế toán, hóa đơn chứng từ để làm căn cứ tính thuế theo phương pháp khấu trừ
thuế.

- Cơ sở kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ.

5.2.2. Xác định thuế GTGT phải nộp:

Số thuế GTGT phải nộp = GTGT của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế x Thuế suất thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ
đó

GTGT của hàng hóa, dịch vụ = Doanh số của hàng hóa, dịch vụ bán ra - Giá vốn của hàng hóa, dịch vụ bán ra

Giá trị gia tăng xác định đối với một số ngành nghề inh doanh như sau:

- Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh bán hàng là số chênh lệch giữa doanh số bán với doanh số vật tư,
hàng hóa, dịch vụ mua vào dùng cho sản xuất, kinh doanh. Trường hợp cơ sở kinh doanh không hạch toán được
doanh số vật tư, hàng hóa, dịch vụ mua vào tương ứng với doanh số hàng bán ra thì xác định như sau:

Giá vốn hàng bán ra = Doanh số tồn đầu kỳ + Doanh số mua trong kỳ - Doanh số tồn cuối kỳ

Ví dụ: Một cơ sở sản xuất đồ gỗ, trong tháng bán được 150 sản phẩm, tổng doanh số bán là 25 triệu đồng.

Giá trị vật tư, nguyên liệu mua ngoài để sản xuất 150 sản phẩm là 19 triệu đồng, trong đó

+ Nguyên liệu chính (gỗ) 14 triệu


+ Vật liệu và dịch vụ mua ngoài khác 5 triệu

+ Thuế suất thuế GTGT là 10%, thuế GTGT cơ sở A phải nộp được tính như sau:

+ GTGT của sản phẩm bán ra 25 triệu đồng – 19 triệu đồng = 6 triệu đồng

+ Thuế GTGT phải nộp 6 triệu đồng x 10% = 0,6 triệu đồng

- Đối với xây dựng, lắp đặt là số chênh lệch giữa tiền thu về xây dựng, lắp đặt công trình, hạng mục công trình
trừ (-) chi phí vật tư nguyên liệu, chi phí động lực, vận tải, dịch vụ và chi phí khác mua ngoài để phục vụ cho
hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình, hạng mục công trình.

- Đối với hoạt động vận tải là số chênh lệch giữa tiền thu cước vận tải, bốc xếp trừ (-) chi phí xăng dầu, phụ tùng
thay thế và chi phí khác mua ngoài dùng cho hoạt động vận tải.

- Đối với hoạt động kinh doanh ăn uống là số chênh lệch giữa tiền thu về bán hàng ăn uống, tiền phục vụ và các
khoản thu khác trừ (-) giá vốn hàng hóa, dịch vụ mua ngoài dùng cho kinh doanh ăn uống.

- Đối với hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ giá trị gia tăng là số chênh lệch giữa doanh số bán ra
vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ trừ (-) giá vốn của vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ bán ra.

- Đối với cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế có kinh doanh mua,
bán vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ áp dụng phương pháp tính trực tiếp trên GTGT, cơ sở phải hạch toán riêng thuế
GTGT đầu vào để kê khai thuế GTGT phải nộp của hàng hóa, dịch vụ theo từng hoạt động kinh doanh và phương
pháp tính thuế riêng.

Trường hợp không hạch toán được riêng thì xác định phân bổ thuế GTGT đầu vào được khấu trừ tương ứng với
tỷ lệ doanh thu của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế trên tổng doanh thu
bán hàng phát sinh trong kỳ.

- Đối với các hoạt động kinh doanh khác là số chênh lệch giữa tiền thu về hoạt động kinh doanh trừ (-) giá vốn
của hàng hóa, dịch vụ mua ngoài để thực hiện hoạt động kinh doanh đó.

Doanh số hàng hóa, dịch vụ mua vào quy định trên đây bao gồm cả các khoản thuế và phí đã tính trong giá
thanh toán hàng hóa, dịch vụ mua vào.

- Cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT không được tính
giá trị tài sản mua ngoài, đầu tư, xây dựng làm tài sản cố định vào doanh số hàng hóa, dịch vụ mua vào để tính
giá trị gia tăng.

5.3. Phương pháp xác định GTGT làm căn cứ tính thuế GTGT phải nộp đối với từng cơ sở kinh doanh như sau:

- Đối với cơ sở kinh doanh đã thực hiện đầy đủ việc mua, bán hàng hóa, dịch vụ có hóa đơn, chứng từ, ghi chép
sổ sách kế toán thì GTGT được xác định căn cứ vào giá mua, giá bán ghi trên chứng từ.

- Đối với cơ sở kinh doanh đã thực hiện đầy đủ hóa đơn, chứng từ bán hàng hóa, dịch vụ nhưng không có đủ hóa
đơn mua hàng hóa, dịch vụ thì GTGT được xác định bằng doanh thu nhân (x) với tỷ lệ (%) GTGT tính trên doanh
thu.

- Đối với cá nhân (hộ) kinh doanh chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ hóa đơn mua, bán hàng hóa dịch
vụ thì cơ quan thuế căn cứ vào tình hình kinh doanh của từng hộ ấn định mức doanh thu tính thuế; giá trị gia
tăng được xác định bằng doanh thu ấn định nhân (x) với tỷ lệ (%) giá trị gia tăng trên doanh thu.

Tổng cục thuế hướng dẫn các cục thuế xác định tỷ lệ (%) GTGT tính trên doanh thu làm căn cứ tính thuế GTGT
phù hợp với từng ngành nghề kinh doanh và hợp lý giữ các địa phương.

6. Hóa đơn chứng từ mua hàng hóa, dịch vụ

Cơ sở kinh doanh khi mua, bán hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ theo qui định của
pháp luật.

6.1. Cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế khi bán hàng hóa, dịch
vụ chịu thuế GTGT phải sử dụng hóa đơn GTGT (trừ trường hợp được dùng hóa đơn, chứng từ đặc thù ghi giá
thanh toán là giá đã có thuế GTGT).
6.2. Cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp trực tiếp trên GTGT khi bán hàng hóa, dịch vụ phải sử dụng
hóa đơn bán hàng.

6.3. Khi lập hóa đơn, cơ sở kinh doanh phải ghi đầy đủ, đúng các yếu tố quy định trên hóa đơn. Đối với hóa đơn
GTGT phải ghi rõ giá bán chưa thuế, phụ thu và phí tính thêm ngoài giá bán (nếu có), thuế GTGT, tổng giá thanh
toán đã có thuế, nếu không ghi tách riêng giá bán chưa có thuế và thuế GTGT, chỉ ghi chung giá thanh toán thì
thuế GTGT đầu ra phải tính trên giá thanh toán.

6.4. Hóa đơn, chứng từ hợp pháp được sử dụng là:

- Hóa đơn do Bộ tài chính (Tổng cục thuế) phát hành do cơ quan thuế cung cấp cho các cơ sở kinh doanh.

- Các loại hóa đơn, chứng từ đặc thù khác được phép sử dụng.

- Các loại bảng kê hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra theo quy định tại Thông tư 122/2000.

6.5. Một số trường hợp được sử dụng và ghi hóa đơn cụ thể như sau:

6.5.1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế bán hàng hóa, dịch
vụ sau đây: hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, bán hàng hóa, dịch vụ cho đối tượng
được miễn thuế GTGT, bán vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ phải sử dụng hóa đơn GTGT, trên hóa đơn GTGT chỉ ghi
dòng giá bán không có thuế GTGT, dòng thuế suất, số thuế không ghi và gạch bỏ. Hóa đơn ghi rõ là hàng hóa
không chịu thuế GTGT hoặc hàng hóa bán cho đối tượng được miễn thuế GTGT.

Riêng đối với hàng hóa chịu thuế TTĐB do cơ sở sản xuất bán ra, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTĐB sử dụng
hóa đơn bán hàng.

6.5.2. Cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế là đại lý bán hàng đúng giá theo qui định của
bên chủ hàng, hưởng hoa hồng, khi bán hàng đại lý sử dụng hóa đơn GTGT của cơ sở đại lý. Hóa đơn ghi rõ
hàng hóa bán đại lý, giá bán chưa có thuế, thuế suất, mức thuế GTGT và tổng cộng tiền thanh toán theo đúng
giá qui định của bên chủ hàng. Khi thanh toán hoa hồng, cơ sở đại lý phải lập hóa đơn GTGT để thanh toán, trên
hóa đơn chỉ ghi dòng giá bán là tiền hoa hồng, dòng thuế suất thuế GTGT không ghi và gạch bỏ.

Riêng đối với cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế là đại lý bán hàng chịu thuế TTĐB của
cơ sở sản xuất theo đúng giá qui định của cơ sở sản xuất, hưởng hoa hồng, khi bán hàng cơ sở sử dụng hóa đơn
bán hàng, trên hóa đơn ghi rõ là hàng bán đại lý.

- Cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT là đại lý bán hàng đúng
giá qui định của bên chủ hàng, hưởng hoa hồng sử dụng hóa đơn bán hàng của cơ sở đại lý. Giá bán hàng hóa,
dịch vụ ghi trên hóa đơn là giá đã có thuế GTGT theo qui định của bên chủ hàng. Khi thanh toán tiền hoa hồng
được hưởng do bán hàng đại lý, cơ sở làm đại lý phải lập hóa đơn bán hàng ghi tiền hoa hồng được hưởng để
bên chủ hàng thanh toán; trường hợp hàng hóa bán đại lý là hàng chịu thuế TTĐB của cơ sở sản xuất gửi bán,
trên hóa đơn phải ghi rõ là hàng bán đại lý.

- Cơ sở kinh doanh nhận làm đại lý mua hàng hóa theo đúng giá qui định của bên giao đại lý, hưởng hoa hồng,
khi mua, trả hàng đại lý thu mua sử dụng hóa đơn, chứng từ, mã số thuế của cơ sở.

6.5.3. Trường hợp cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu là đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ
thuế nhận nhập khẩu hàng hóa ủy thác cho các cơ sở khác, khi trả hàng cơ sở nhận ủy thác lập chứng từ sau:

- Cơ sở nhận nhập khẩu ủy thác khi xuất trả hàng nhập khẩu ủy thác, nếu đã nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu,
cơ sở lập hóa đơn GTGT để cơ sở đi ủy thác nhập khẩu làm căn cứ kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với
hàng hóa ủy thác nhập khẩu. Trường hợp cơ sở nhận nhập khẩu ủy thác chưa nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu,
khi xuất trả hàng nhập khẩu ủy thác, cơ sở lập phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ do Bộ tài chính (Tổng
cục thuế) phát hành kèm theo Lệnh điều động nội bộ làm chứng từ lưu thông hàng hóa trên thị trường. Sau khi
đã nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu cho hàng nhập khẩu ủy thác, cơ sở mới lập hóa đơn theo qui định trên.

Hóa đơn xuất trả hàng nhập khẩu ủy thác ghi:

a) Giá bán chưa có thuế GTGT bao gồm: giá trị hàng hóa thực tế nhập khẩu theo giá CIF, thuế nhập khẩu, thuế
TTĐB và các khoản phải nộp theo chế độ Nhà nước ở khâu nhập khẩu (Nếu có).

b) Thuế suất thuế GTGT và tiền thuế GTGT ghi theo Thông báo nộp thuế của cơ quan Hải quan.

c) Tổng cộng tiền thanh toán (= a + b)


Cơ sở nhận nhập khẩu ủy thác lập hóa đơn GTGT riêng để thanh toán tiền hóa hồng ủy thác nhập khẩu.

6.5.4. Cơ sở sản xuất kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế có hàng hóa xuất khẩu (kể cả cơ sở
gia công hàng hóa xuất khẩu, hàng chịu thuế TTĐB xuất khẩu) thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, khi xuất khẩu
hàng hóa, cơ sở sử dụng hóa đơn GTGT.

Khi xuất hàng hóa để vận chuyển đến cửa khẩu hay đến nơi làm thủ tục xuất khẩu, nếu chưa có căn cứ để lập
hóa đơn GTGT cơ sở sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ do Bộ tài chính (Tổng cục thuế) phát hành
kèm theo Lệnh điều động nội bộ làm chứng từ lưu thông hàng hóa trên thị trường. Sau khi làm xong thủ tục cho
hàng hóa xuất khẩu, cơ sở lập hóa đơn GTGT cho hàng hóa xuất khẩu.

Trường hợp ủy thác xuất khẩu hàng hóa (kể cả trường hợp ủy thác xuất khẩu hàn hóa gia công cho các cơ sở
khác), khi xuất hàng giao cho cơ sở nhận ủy thác, cơ sở đi ủy thác sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội
bộ do Bộ tài chính (Tổng cục thuế) phát hành kèm theo Lệnh điều động nội bộ. Khi hàng hóa xuất khẩu có
chứng nhận của cơ quan Hải quan, Căn cứ vào các chứng từ đối chiếu, xác nhận về số lượng, giá trị hàng hóa
thực tế xuất khẩu của cơ sở nhận ủy thác xuất khẩu, cơ sở có hàng hóa ủy thác xuất khẩu lập hóa đơn GTGT để
giao cho cơ sở nhận ủy thác.

6.5.5. Sử dụng hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa tiêu dùng nội bộ, cho, biếu, tặng, khuyến mãi:

- Đối với sản phẩm, hàng hóa xuất để tiêu dùng nội bộ, khuyến mãi, quảng cáo, phục vụ cho sản xuất, kinh
doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT, cơ sở sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng, trên
hóa đơn ghi rõ là hàng tiêu dùng nội bộ phục vụ cho sản xuất kinh doanh hay khuyến mãi, quảng cáo không thu
tiền. Đối với hóa đơn GTGT gạch bỏ dòng thuế suất và tiền thuế GTGT chỉ ghi dòng thanh toán là giá thành hoặc
giá vốn của hàng hóa.

- Đối với sản phẩm, hàng hóa dùng để trao đổi, thưởng hoặc trả thay tiền lương cho người lao động, tiêu dùng
nội bộ không phục vụ cho sản xuất, kinh doanh hoặc phục vụ cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không
chịu thuế GTGT thì cơ sở phải lập hóa đơn giá trị gia tăng (hoặc hóa đơn bán hàng), trên hóa đơn ghi đầy đủ các
chỉ tiêu và tính thuế GTGT như hóa đơn xuất bán hàng hóa cho khách hàng.

6.5.6. Hàng hóa, dịch vụ áp dụng hình thức giảm giá, thì giá bán ghi trên hóa đơn là giá đã được giảm.

Nếu việc giảm giá áp dụng căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa, dịch vụ thực tế mua đạt mức nhất định thì
số tiền giảm giá của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ lần mua cuối
cùng hoặc kỳ tiếp sau. Hóa đơn phải ghi rõ giảm giá hàng hóa bán của các hóa đơn nào.

6.5.7. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh xuất điều chuyển hàng hóa cho các cơ sở hạch toán phụ thuộc như các
chi nhánh, cửa hàng…ở khác địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) để bán hoặc xuất điều chuyển
giữa các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc với nhau; xuất trả hàng từ đơn vị hạch toán phụ thuộc về đơn vị kinh
doanh; xuất hàng hóa cho các cơ sở làm đại lý bán đúng giá, hưởng hoa hồng căn cứ vào phương thức tổ chức
kinh doanh và hạch toán kế toán, cơ sở có thể lựa chọn 1 trong 2 cách sử dụng hóa đơn, chứng từ như sau:

a) Sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng để làm căn cứ thanh toán và kê khai nộp thuế GTGT ở từng đơn vị và từng
khâu độc lập với nhau.

b) Sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ do Bộ tài chính (Tổng cục thuế) phát hành kèm theo lệnh
điều động nội bộ đối với hàng hóa điều chuyển nội bộ, sử dụng phiếu xuất, gửi bán đại lý với hàng hóa xuất cho
cơ sở làm đại lý (theo mẫu ban hành kèm theo thông tư này) kèm theo Lệnh điều động nội bộ.

Cơ sở hạch toán phụ thuộc làm đại lý khi bán hàng hóa phải lập hóa đơn theo qui định đồng thời lập bảng kê
hàng hóa bán ra (theo mẫu 02/GTGT) ban hành kèm theo thông tư này) gửi về cơ sở có hàng hóa điều chuyển
đến hoặc hàng hóa gởi bán đại lý để các cơ sở này lập hóa đơn GTGT cho hàng hóa thực tế tiêu thụ. Trường hợp
cơ sở có số lượng và doanh số hàng hóa bán ra lớn. Bảng kê có thể lập cho 5 ngày hoặc 10 ngày 1 lần. Trong
trường hợp hàng hóa bán ra có thuế suất thuế GTGT khác nhau phải lập bảng kê riêng cho từng hàng hóa bán
ra theo từng nhóm thuế suất.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ thực hiện 1 trong 2 cách sử dụng hóa đơn chứng từ tại điểm này, trước khi
thực hiện phải đăng ký với cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở.

6.5.8. Cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, người bán đã xuất hóa đơn, người mua đã nhận hàng nhưng do hàng
hóa không đúng qui cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hay một phần hàng hóa, khi xuất hàng phải trả lại cho
người bán, cơ sở phải lập hóa đơn, trên hóa đơn ghi rõ hàng hóa trả lại cho người bán không đúng qui cách, chất
lượng… Hóa đơn này là căn cứ để bên bán, bên mua điều chỉnh số thuế GTGT đã kê khai.

Trường hợp người mua là đối tượng không có hóa đơn, khi trả hàng hóa, bên mua và bên bán phải lập biên bản
hoặc thỏa thuận bằng văn bản, ghi rõ loại hàng hóa, số lượng, giá trị hàng trả lại theo hóa đơn bán hàng (có ký
hiệu, ngày, tháng của hóa đơn) lý do trả hàng kèm theo hóa đơn gởi cho bên bán. Biên bản này được lưu giữ
cùng với hóa đơn bán hàng để làm căn cứ điểu chỉnh kê khai thuế GTGT của bên bán.

Trường hợp trả lại một phần hàng hóa thì người bán lập lại hóa đơn cho hàng hóa người mua đã nhận và chấp
nhận thanh toán theo số lượng, chủng loại giá cả bên mua đã thỏa thuận.

Trường hợp người bán đã xuất hàng và lập hóa đơn, người mua chưa nhận hàng nhưng phát hiện hàng hóa
không đúng qui cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hàng hóa, khi trả lại hàng bên mua và bên bán phải lập
biên bản ghi rõ loại hàng hóa, số lượng, giá trị, lý do trả hàng hóa theo hóa đơn bán hàng (số, ký hiệu, ngày,
tháng của hóa đơn) đồng thời kèm theo hóa đơn để gởi trả bên bán làm căn cứ điều chỉnh doanh số và thuế
GTGT đầu ra.

6.5.9. Đối với cơ sở kinh doanh đã xuất bán, cung ứng hàng hóa, dịch vụ và lập hóa đơn do hàng hóa, dịch vụ
không đảm bảo chất lượng, qui cách… phải điều chỉnh tăng, giảm giá bán thì bên bán và bên mua phải lập biên
bản hoặc thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ số lượng, qui cách hàng hóa, mức giá tăng (giảm) theo hóa đơn bán
hàng (số, ký hiệu, ngày, tháng, của hóa đơn, thời gian ) lý do tăng (giảm) giá, đồng thời bên bán lập hóa đơn để
điều chỉnh mức giá được điều chỉnh. Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh, giá cho hàng hóa, dịch vụ tại hóa đơn số, ký
hiệu … căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh giá, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, đầu vào.

6.5.10. Cơ sở kinh doanh xuất hàng hóa bán lưu động sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ do Bộ tài
chính (Tổng cục thuế) phát hành kèm theo lệnh điều động nội bộ, khi bán hàng, cơ sở lập hóa đơn theo qui định.

6.5.11. Cơ sở kinh doanh trực tiếp bán lẻ hàng hóa, cung ứng dịch vụ có giá trị thấp dưới mức qui định không
phải lập hóa đơn, nếu người mua yêu cầu cung cấp hóa đơn thì phải lập hóa đơn theo qui định, trong trường hợp
không lập hóa đơn thì phải lập bảng kê bán lẻ theo mẫu (06/GTGT ban hành kèm theo thông tư 122/2000) để
làm căn cứ tính thuế.

6.5.12. Đối với công trình xây dựng có thời gian xây dựng kéo dài, việc thanh toán tiền theo tiến độ hoặc theo
khối lượng công việc hoàn thành bàn giao, khi lập hóa đơn thanh toán, khối lượng xây lắp bàn giao, cơ sở phải
xác định rõ doanh thu chưa có thuế và thuế GTGT.

6.5.13. Đối với cơ sở được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để đầu tư xây dựng nhà để bán; đầu tư cơ sở hạ tầng
để ch??o thuê, dịch vụ vận tải có doanh thu vận tải quốc tế thì lập hóa đơn như sau:

- Dòng giá bán ghi giá bán nhà, giá cho thuê cơ sở hạ tầng, doanh thu về dịch vụ du lịch trọn gói, doanh thu về
vận tải chưa có thuế GTGT.

- Ghi dòng giá tính thuế GTGT là bán nhà (hoặc giá cho thuê hạ tầng) đã trừ tiền sử dụng đất (hoặc tiền thuê
đất) phải nộp ngân sách Nhà nước; doanh thu du lịch đã trừ các chi phí phát sinh ở nước ngoài như ăn, ở, cước
vận chuyển; doanh thu vận tải đã trừ doanh thu của vận tải quốc tế.

- Dòng thuế suất, tiền thuế GTGT, giá thanh toán theo qui định.

6.5.14. Cơ sở kinh doanh mua các mặt hàng là nông sản, lâm sản, thủy sản chưa qua chế biến (hàng hóa không
chịu thuế GTGT ở khâu sản xuất bán ra) đất, đá, cát, sỏi, phế liệu của người bán không có hóa đơn theo chế độ
qui định phải lập bảng kê hàng hóa mua vào (Theo mẫu số 04/GTGT ban hành kèm theo thông tư 122/2000).

Bảng kê là chứng từ để tính thuế GTGT đầu vào. Bảng kê này được căn cứ vào chứng từ mua hàng, có ghi rõ số
lượng, giá trị các mặt hàng mua, ngày, tháng mua, địa chỉ người bán, ký nhận của bên bán và bên mua.

Trường hợp cơ sở kinh doanh kê khai giá mua hàng hóa trên bảng kê cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua
thì cơ quan thuế căn cứ vào giá thị trường địa phương tại thời điểm mua, ấn định mức giá để tính số thuế đầu
vào được khấu trừ.

6.5.15. Đối với khoản chi bồi thường bảo hiểm phải lập bảng kê theo chứng từ chi thực tế.

Các khoản chi bồi thường bảo hiểm, cơ sở kinh doanh bảo hiểm phải có hồ sơ sau:

- Hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ của tổ chức nhận bồi thường, nếu là bản sao phải có đóng dấu xác nhận
của tổ chức nhận bồi thường.

- Biên bản xử lý bồi thường của cơ sở kinh doanh bảo hiểm lập có chứng nhận của tổ chức cá nhân nhận bồi
thường.

- Biên lai thanh toán tiền bồi thường có ký nhận tiền của người nhận tiền bồi thường.
6.5.16. Đối với dịch vụ cho thuê tài chính, tài sản cho thuê thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thì cơ sở cho thuê tài
chính phải lập hóa đơn theo mẫu số 13/GTGT ban hành kèm theo thông tư 122/2000. Hóa đơn do các cơ sở kinh
doanh dịch vụ cho thuê tài chính tự in và đăng ký sử dụng với Bộ tài chính (Tổng cục thuế).

Cơ sở hoạt động cho thuê tài chính khi xuất tài sản cho thuê thuộc đối tượng chịu thuế GTGT phải có hóa đơn
GTGT (đối với tài sản mua trong nước) hoặc chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu (đối với tài sản nhập
khẩu); tổng số tiền thuế GTGT ghi trên hóa đơn dịch vụ cho thuê tài chính phải khớp với số tiền thuế GTGT ghi
trên hóa đơn GTGT (hoặc chứng từ nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu)

Các trường hợp tài sản mua để cho thuê không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT không có hóa đơn GTGT hoặc
chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu thì không được ghi thuế GTGT trên hóa đơn.

Khi thuế GTGT của tài sản thuê mua tài chính đã được khấu trừ hết và chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho cơ
sở đi thuê, bên cho thuê thực hiện việc chuyển cho cơ sở thuê các hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn mua tài sản
nhập khẩu cùng chứng từ nộp thuế GTGT của tài sản cho thuê tài chính.

6.5.17. Đối với hoạt động mua, bán ngoại tệ phát sinh ở nước ngoài, cơ sở lập bảng kê chi tiết doanh số mua
bán theo từng loại ngoại tệ. Cơ sở phải lưu giữ các chứng từ giao dịch với bên mua bán ở nước ngoài theo đúng
pháp lệnh kế toán, thống kê. Các hoạt động mua, bán ngoại tệ phát sinh ở trong nước phải lập hóa đơn theo
đúng qui định.

6.5.18. Đối với hoạt động mua, bán vàng, bạc, đá quý nếu cơ sở mua của cá nhân không kinh doanh không có
hóa đơn thì cơ sở lập bảng kê hàng hóa mua vào (theo mẫu số 04/GTGT ban hành kèm theo thông tư
122/2000).

6.5.19. Các doanh nghiệp chế xuất khi bán hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn bán hàng (hoặc hóa đơn tự phát
hành) theo qui định của Bộ tài chính.

6.6. Đối với cá nhân, đơn vị hành chánh sự nghiệp, có sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT
phát sinh không thường xuyên có nhu cầu sử dụng hóa đơn thì được cơ quan thuế cung cấp hóa đơn lẻ để sử
dụng cho từng trường hợp. Người cung cấp hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm gởi 01 liên hóa đơn (liên 3) giao
cho cơ quan thuế. Cơ quan thuế mở sổ theo dõi việc cấp, sử dụng hóa đơn đối với các đối tượng và trường hợp
này.

7. Đăng ký kê khai nộp thuế

7.1. Đăng ký nộp thuế

Cơ sở kinh doanh, kể cả các chi nhánh, cửa hàng trực thuộc cơ sở kinh doanh chính phải đăng ký nộp thuế với
Cục thuế hoặc Chi cục thuế nếu là cá nhân kinh doanh về địa điểm, ngành nghề kinh doanh, lao động, tiền vốn,
nơi nộp thuế và các chỉ tiêu liên quan khác theo mẫu đăng ký nộp thuế và hướng dẫn của cơ quan thuế.

Đối với cơ sở mới thành lập, thời gian đăng ký nộp thuế chậm nấht là 10 ngày kể từ ngày cơ sở được cấp giấy
chứng nhận đăng ký kinh doanh; trường hợp cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng
có hoạt động kinh doanh, cơ sở phải đăng ký nộp thuế trước khi tiến hành hoạt độngkinh doanh.

Các cơ sở đã đăng ký nộp thuế nếu có thay đổi ngành nghề kinh doanh, chuyển trụ sở kinh doanh sang các địa
điểm khác, sáp nhập, giải thể, phá sản, hợp nhất, chia, tách hay thành lập các cửa hàng, chi nhánh mới… phải
đăng ký bổ sung với cơ quan thuế chậm nhất là 5 ngày trước khi có sự thay đổi.

7.1.2. Cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh có trụ sở chính ở một địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương) nhưng có cơ sở hạch toán phụ thuộc kể cả trụ sở, văn phòng giao dịch làm thủ tục bán hàng ở một địa
phương khác thì cơ sở kinh doanh phải đăng ký nộp thuế với cơ quan thuế nơi đóng trụ sở, các cơ sở hạch toán
phụ thuộc cũng phải đăngký nộp thuế GTGT với cơ quan thuế địa phương nơi cơ sở phụ thuộc đóng trụ sở.

Riêng các tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ tư vấn, khảo sát, thiết kế hoặc các hợp đồng tư vấn, dịch vụ đăng
ký, kê khai nộp thuế với cơ quan thuế địa phương nơi đóng trụ sở.

7.1.3. Cơ sở xây dựng; lắp đặt phải đăng ký nộp thuế với cơ quan thuế địa phương nơi đóng trụ sở. Trường hợp
xây dựng, lắp đặt các công trình ở địa phương khác (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) do các cơ sở phụ
thuộc không có tư cách pháp nhân như tổ, đội, ban quản lý công trình thực hiện… thì cơ sở xây dựng đồng thời
phải đăng ký, kê khai, nộp thuế với cơ quan thuế địa phương nơi xây dựng công trình.

7.1.4. Cơ sở thực hiện cơ chế khóan cho tập thể, cá nhân kinh doanh theo phương thức tự chịu trách nhiệm về
kết quả kinh doanh thì tập thể, cá nhân nhận khóan phải trực tiếp đăng ký, kê khai, nộp thuế GTGT với cơ quan
thuế nơi kinh doanh.
7.1.5 Cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng áp dụng phương pháp tính thuế trực tiếp trên giá trị gia tăng, nếu thực
hiện được đúng đủ các điều kiện mua, bán hàng hóa, dịch vụ có đầy đủ hóa đơn chứng từ, ghi chép hạch toán
sổ kế toán đúng chế độ, kê khai nộp thuế GTGT đúng chế độ và tự nguyện đăng ký thực hiện nộp thuế GTGT
theo phơng pháp khấu trừ thuế thì được áp dụng tính thuế theo phương pháp khấu trừ thuế, Cơ sở phải lập và
gửi bản đăng ký nộp thuế (theo mẫu số 09/GTGT ban hành kèm theo thông tư 122/2000) cho cơ quan thuế nơi
cơ sở đăng ký nộp thuế, Cơ quan thuế khi nhận được đăng ký của cơ sở có trách nhiệm kiểm tra, thông báo kịp
thời cho cơ sở về việc được áp dụng hay không được áp dụng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế GTGT
(nêu rõ lý do không được áp dụng) trong thời hạn chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ
sở. Cơ sở chỉ thực hiện nộp thuế theo phương pháp khấu trừ khi cơ quan thuế thông báo cho áp dụng.

Những cá nhân (hộ) kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng
đã dược áp dụng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế, nếu trong quá trình thực hiện, cơ sở không thực
hiện đúng các điều kiện quy định thì cơ quan thuế áp dụng biện pháp ấn định thuế phải nộp và ra thông báo
đình chỉ việc nộp thuế theo phưpưng pháp khấu trừ thuế.

7.1.6. Về việc cấp mã số thuế cho đối tượng nộp thuế: Các cơ sở kinh doanh đã thự chiện đăng ký nộp thuế với
cơ quan thuế, cơ quan thuế có trách nhiệm cấp mã số thuế và Giấy chứng nhận đăng ký thuế cho cơ sở kinh
doanh.

Đối với các chủ dự án (hoặc đại diện được ủy quyền như ban quản lý công trình), nhà thầu chính nước ngoài là
đối tượng được hoàn thuế GTGT chưa có mã số thuế phải làm thủ tục với Cục thuế nơi đóng trụ sở để được cấp
mã số thuế.

7.2 Kê khai thuế GTGT

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nguời nhập khẩu hàng hóa phải kê khai thuế GTGT phải nộp theo quy định
như sau:

7.2.1. Các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT phải lập và gửi cho cơ quan thuế tờ khai tính
thuế GTGT từng tháng kèm theo bảng kê hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra theo mẫu qui định (mẫu số 01, 02,
03, 04, 05, 06, 07A, 07B và 07C/GTGT ban hành kèm theo thông tư 122/2000). Thời gian gửi tờ khai của tháng
cho cơ quan thuế chậm nhất là trong mười ngày đầu tháng tiếp theo.

7.2.2. Cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế, việc kê khai thuế phải nộp đối với một số
trường hợp cụ thể như sau:

- Trường hợp các cơ sở xây dựng, lắp đặt có tổ chức đơn vị phụ thuộc không có tư cách pháp nhân như: tổ, đội
xây dựng, ban quản lý công trình thực hiện xây lắp các công trình ở địa phương khác (tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương) nơi cơ sở đóng trụ sở chính không kê khai xác định thuế GTGT đầu vào, thuế đầu ra, thuế phải nộp
theo qui định thì đơn vị xây dựng, lắp đặt hoặc cơ sở chính phải kê khai doanh thu và thuế GTGT nộp tại địa
phương nơi xây dựng công trình theo tỷ lệ bằng 1% trên giá thanh toán công trình, hạng mục công trình chưa có
thuế GTGT. Cơ sở xây dựng, lắp đặt có trách nhiệm kê khai, quyết toán GTGT theo chế độ quy định với cơ quan
thuế nơi đóng trụ sở chính. Số thuế GTGT đã nộp nơi xây dựng công trình được tính vào số thuế đã nộp khi cơ sở
xây dựng kê khai nộp thuế GTGT tại văn phòng trụ sở chính. Các đơn vị hạch toán phụ thuộc thực hiện xây dựng
công trình, hạng mục công trình ở địa phương khác sử dụng mã số thuế, hóa đơn của đơn vị cấp trên; sử dụng
tờ khai thuế GTGT (theo mẫu số 07/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này).

Trường hợp cơ sở kinh doanh thực hiện thi công xây lắp những công trình hạng mục công trình liên quan tới
nhiều địa phương như: xây dựng đường giao thông, đường dây tải điện, đường ống dẫn nước, dẫn dầu, khí…
không xác định được doanh thu và chi phí phát sinh của công trình ở từng địa phương thì cơ sở kinh doanh thực
hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế GTGT ở địa phương nơi cơ sở đóng trụ sở.

Dịch vụ kinh doanh bảo hiểm không phải tính thuế GTGT cho các khoản thu dịch vụ, hàng hóa bán ra sau đây:

Thu bồi thường nhận tái bảo hiểm và các khoản thu bồi thường khác (nếu có).

Hoa hồng nhượng tái bảo hiểm và các khoản thu khác về nhượng tái bảo hiểm.

Phí nhận tái bảo hiểm các khoản thu khác về nhận tái bảo hiểm (bao gồm phí nhận tái bảo hiểm từ các doanh
nghiệp kinh doanh bảo hiểm hoạt động trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam).

Thu đòi người thứ ba.

Cơ sở có hàng bán thông qua đại lý (đại lý bán đúng giá quy định của bên chủ hàng, hưởng hoa hồng), căn cứ
vào hóa đơn lập cho hàng bán qua đại lý quy định tài điểm 5.2 Mục IV Phần B Thông tư này, cơ sở kê khai nộp
thuế hàng tháng đối với hàng hóa bán thông qua đại lý theo quy định tại Thông tư này.
Cơ sở là đơn vị hạch toán phụ thuộc ở khác địa phương với trụ sở của cơ sở chính như chi nhánh, cửa hàng…,
căn cứ vào hóa đơn đầu vào, đầu ra của hàng hóa nhận điều chuyển và hàng hóa do cơ sở trực tiếp mua vào để
kê khai, nộp thuế GTGT tại địa phương nơi cơ sở phụ thuộc đóng trụ sở.

Cơ sở đại lý bán hàng đúng giá theo quy định của bên chủ hàng, hưởng hoa hồng không phải kê khai, tính và
nộp thuế GTGT đối với hàng hóa bán đại lý và tiền hoa hồng thu được từ hoạt động đại lý nhưng hàng tháng
phải lập bảng kê hóa đơn đầu vào, đầu ra của hàng hóa nhận bán đại lý theo quy định tại điểm 5.2 Mục IV Phần
B Thông tư 122/2000.

Các cơ sở bán hàng đại lý theo giá quy định của chủ hàng, hưởng hoa hồng không phải nộp thuế GTGT đối với
hàng hóa bán đại lý và tiền hoa hồng phải có đủ điều kiện sau:

+ Có hợp đồng bán đại lý trong đó quy định rõ: hoa hồng được hưởng, giá bán theo quy định của bên giao đại
lý.

+ Hóa đơn lập cho hàng hóa bán đại lý đúng quy định tại Thông tư 122/2000.

+ Việc thanh toán tiền hàng và hoa hồng đại lý được thực hiện từng đợt sau khi đã hoàn thành việc bán số
lượng hàng hóa nhất định.

Các cơ sở bán hàng đại lý nếu không có đủ điều kiện trên thì phải kê khai, tính và nộp thuế GTGT cho hàng hóa
bán đại lý áp dụng như trường hợp hàng hóa mua đứt, bán đoạn.

Các trường hợp đại lý bán hàng hóa không đúng giá quy định của bên chủ hàng phải kê khai nộp thuế GTGT cho
hàng hóa bán đại lý. Nếu cơ sở bán đại lý phát sinh thuế GTGT đầu vào lớn hơn số thuế GTGT đầu ra do giá bán
thấp hơn giá quy định của bên chủ hàng thì không được hoàn thuế GTGT.

Cơ sở nhận làm đại lý thu mua đúng giá quy định của bên giao đại lý, hưởng hoa hồng phải kê khai, nộp thuế
GTGT cho hàng hóa thu mua đại lý. Cơ sở được khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định tại điểm 1.2b. Mục III
Phần B Thông tư 122/2000. Khi thanh toán tiền hoa hồng được hưởng, cơ sở nhận đại lý thu mua phải lập hóa
đơn; tiền hoa hồng không phải tính thuế GTGT.

- Đối với tài sản cố định đang sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT đã được khấu
trừ thuế đầu vào nay chuyển sang sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu
thuế GTGT hoặc sử dụng cho mục đích khác thì cơ sở phải tính thuế GTGT đầu ra trên giá trị của tài sản chuyển
mục đích sử dụng. Giá trị tài sản được xác định tương đương với giá bán của tài sản đó.

- Đối với cơ sở có sử dụng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nội bộ không phục vụ cho sản xuất kinh doanh như vận
tải, hàng không, đường sắt, bưu điện không phải tính thuế GTGT đầu ra, cơ sở phải có quy định rõ đối tượng và
mức khống chế hàng hóa dịch vụ sử dụng nội bộ, được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận bằng văn bản.

- Đại lý bán vé xổ số kiến thiết hưởng hoa hồng không phải kê khai, nộp thuế GTGT, thuế GTGT do các Công ty
xổ số kiến thiết kê khai, nộp tập trung tại công ty.

- Đối với các tổng công ty, Công ty có các cơ sở trực thuộc, việc kê khai thuế GTGT phải nộp thực hiện như sau:

+ Các cơ sở hạch toán độc lập và các cơ sở hạch toán phụ thuộc xác định được thuế GTGT đầu ra và thuế GTGT
đầu vào phải kê khai, nộp thuế GTGT tại địa phương nơi cơ sở kinh doanh đóng trụ sở.

+ Các cơ sở hạch toán phụ thuộc đóng trụ sở cùng địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) nơi có trụ
sở chính của đơn vị cấp trên như Công ty, Tổng công ty thì công ty, Tổng công ty thực hiện kê khai, nộp thuế
tập trung thay cho các cơ sở hạch toán phụ thuộc.

+ Các cơ sở sản xuất, kinh doanh hạch toán phụ thuộc ở khác địa phương nơi đóng trụ sở chính của Công ty nếu
không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu, cơ sở không hạch toán được đầy đủ thuế đầu vào thì thực
hiện kê khai, nộp thuế tập trung tại Văn phòng trụ sở chính của Công ty.

+ Các cơ sở sản xuất, kinh doanh hạch toán phụ thuộc ở khác địa phương nơi đóng trụ sở chính của công ty trực
tiếp bán hàng, phát sinh doanh thu thì thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT tại địa phương nơi đóng trụ sở của cơ
sở hạch toán phụ thuộc; nếu là hàng hóa điều chuyển nội bộ từ công ty về để bán thì lập hóa đơn theo quy dịnh
tại điểm 5.7 Mục IV Phần B Thông tư 122/2000.

Các tổng công ty, Công ty căn cứ vào tình hình tổ chức và hoạt động kinh doanh của cơ sở mình, xác định và
đăng ký cụ thể đối tượng thuộc diện phải kê khai, nộp thuế vơi cơ quan thuế nơi cơ sở kinh doanh. Trường hợp
cần áp dụng việc kê khai, nộp thuế GTGT khác với hướng dẫn trên đây thì Tổng công ty, Công ty phải báo cáo
với Bộ tài chính để có hướng dẫn riêng.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê tài chính không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với dịch vụ cho thuê tài
chính. Cơ sở phải kê khai, tính thuế đối với các tài sản cho đơn vị khác thuê mua tài chính thuộc đối tượng chịu
thuế GTGT theo hóa đơn lập qui dịnh tại điểm 5.16 Mục IV Phần B Thông tư 122/2000.

Cơ sở chỉ kê khai thuế GTGT đối với dịch vụ cho thuê tài chính theo qui định tại Thông tư này theo Bảng kê mẫu
số 02/GTGT và Bảng kê mẫu số 03/GTGT đối với tài sản cho thuê thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, trong đó
Bảng kê số 03/GTGT chỉ tiêu thuế GTGT “cột 7 thuế GTGT đầu vào” chỉ ghi tiền thúe GTGT của tài sản cho thuê
phân bổ phù hợp với hóa đơn GTGT lập cho doanh thu của dịch vụ cho thuê tài chính trong kỳ kê khai.

Trường hợp bên thuê không thực hiện hợp đồng dẫn đến bên cho thuê phải thu hồi tài sản, bên cho thuê phải
thông báo cho bên đi thuê và xác định rõ số thuế GTGT đã trả, số thuế GTGT chưa trả. Khi bên cho thuê tiếp tục
cho đơn vị khác thuê thì số thuế GTGT chưa thu đủ, cơ sở cho thuê tính để thu tiếp theo hợp đồng mới.

Trường hợp tài sản cho thuê một thời gian, cơ sở cho thuê bán lại cho cơ sở đi thuê hoặc cơ sở khác thì cơ sở
cho thuê phải tính thuế GTGT cho tài sản bán, lập hóa đơn GTGT, cơ sở chỉ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào
của tài sản chưa thu đó.

Trường hợp bên cho thuê và bên đi thuê cùng bỏ vốn mua tài sản, bên cho thuê chỉ thu tiền thuê (vốn và lãi)
tương ứng với số vốn bỏ ra thì hóa đơn mua tài sản cho thuê do cơ sở cho thuê quản lý đến khi chuyển quyền sở
hữu tài sản cho bên đi thuê. Số thuế GTGT tương ứng với số vốn bên cho thuê bỏ ra được tính vào hóa đơn thu
tiền lần đầu.

Trường hợp hợp đồng cho thuê tài chính đã thực hiện xông, số thuế GTGT đã được bên đi thuê trả hết, hai bên
thỏa thuận thuê tiếp thì hóa đơn lập cho doanh thu lần sau không tính thuế GTGT.

Cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế có hoạt động kinh doanh mua bán vàng, bạc, đá
quý, ngoại tệ nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT kê khai nộp thuế GTGT như sau:

Đối với hàng hóa, dịch vụ tính thuế theo phương pháp khấu trừ, cơ sở lập Tờ khai chi tiết theo mẫu số 01/GTGT
ban hành kèm theo Thông tư 122/2000), trên tờ khai không ghi các chỉ tiêu 1, 7, 8, 9.

Cỏ sở lập tờ khai chi tiết riêng cho hoạt động kinh doanh mua bán vàng, bạc, đá quý và hoạt động kinh doanh
ngoại tệ, ghi các chỉ tiêu tương ứng của hàng hóa, ngoại tệ.

Trên cơ sở các tờ khai chi tiết trên, cơ sở Tổng hợp lập tờ khai thuế GTGT (theo mẫu số 1/GTGT). Tờ khai chỉ ghi
các chỉ tiêu 1, 6, 8, 9, 10.

Riêng đối với các Công ty vận tải hàng không thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT của hoạt động vận tải hàng
không tại địa phương nơi công ty đóng trụ sở chính.

Cơ sở kinh doanh bán hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT cho đối tượng vá giá theo quy định của Nhà
nước được Nhà nước trợ giá, trợ cước vận chuyển, khi bán hàng phải tính thuế GTGT đầu ra để kê khai, nộp thuế
GTGT cho hàng hóa theo giá qui định của Nhà nước. Khoản tiền trợ giá, trợ cước được Ngân sách cấp không phải
tính thuế GTGT, cơ sở hạch toán vào thu nhập để tính thuế thu nhập doanh ghiệp.

Đối với Văn phòng Tổng công ty không trực tiếp kinh doanh, không thuộc đối tượng nộp thuế GTGT nếu bán tài
sản kể cả loại chịu thuế GTGT không phải tính, kê khai, nộp thuế GTGT đối với tài sản bán ra. Khi bán tài sản,
đơn vị phải lập hóa đơn theo mẫu HĐ/TS?TL-3L tại Quyết định số 55/2000?QĐ-BTC ngày 19-4-2000 của Bộ
trưởng Bộ tài chính về việc ban hành Quy chế quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại cơ quan hành chính sự
nghiệp (hóa đơn do Sở tài chính vật giá các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát hành). Các cơ sở sản
xuất, kinh doanh mua tài sản thanh lý không được khấu trừ GTGT đầu vào.

Cơ sở kinh doanh khi sát nhập, giải thể (kể cả trường hợp khi bán hàng thế chấp để thu nợ của các ngân hàng
thương mại, tổ chức tín dụng theo qui định của pháp luật) có bán tài sản là hàng hóa chịu thuế GTGT phải tính,
ke khai, nộp thuế GTGT đói với hàng hóa bán ra. Cơ sở kinh doanh hay tổ chức bán thanh lý khi bán hàng hóa
của cơ sở kinh doanh sát nhập, giải thể phải lập hóa đơn theo qui định và kê khai, nộp thuế GTGT.

Trường hợp bán tài sản của doanh ghiệp theo qui định tại Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 10-9-1999 của
Chính phủ “về giao, bán, khóan, kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp Nhà nước”, bán tài sản của các doanh
nghiệp phá sản theo qui định của luật phá sản doanh nghiệp không phải tính, kê khai, nộp thuế GTGT đối với tài
sản này.

Các tổ chức kinh tế, cá nhân nước ngoài hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tại Việt Nam
nhưng không có văn phòng hay trụ sở điều hành ở Việt Nam thì tổ chức, cá nhân ở Việt Nam trực tiếp ký hợp
đồng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ với tổ chức, cá nhân nước ngoài phải thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT thay
cho phía nước ngoài trước khi thanh toán tiền trả cho phía nước ngoài.
Cơ sở kinh doanh, người nhập khẩu có nhập khẩu hàng hóa chịu thuế GTGT phải kê khai và nộp tờ khai thuế
GTGT theo từng lần nhập khẩu cùng với việc kê khai thuế nhập khẩu với cơ quan hải quan thu thuế xuất khẩu.

Cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu có nhập khẩu ủy thác hàng hóa chịu thuế GTGT phải kê khai thuế GTGT như
sau:

Cơ sở nhận nhập khẩu ủy thác hàng hóa không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với hàng bán nhập khẩu ủy
thác nhưng phải kê khai hóa đơn GTGT lập cho hàng hóa nhập khẩu ủy thác đã trả cho cơ sở đi ủy thác nhập
khẩu với cơ quan thuế trên Bảng kê số 03/GTGT cùng với hóa đơn, chứng từ của hàng hóa, dịch vụ mua vào
khác. Hóa đơn đối với hàng hóa nhập khẩu ủy thác kê riêng trong Bảng kê.

Cơ sở kinh doanh buôn chuyến phải kê khai và nộp thuế theo từng chuyến hàng với Chi cục thuế nơi mua hàng,
trước khi vận chuyển hàng đi (trừ các trường hợp được miễn thuế GTGT theo qui định của chính phủ). Số thuế
phải nộp đối với hàng hóa buôn chuyến tính theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng.

Cơ sở kinh doanh nhiều loại hàng hóa, dịch vụ có mức thuế GTGT khác nhau phải kê khai thuế GTGT theo từng
mức thuế suất qui định đối với từng loại hàng hóa dịch vụ; nếu cơ sở kinh doanh không xác định được theo từng
mức thuế suất thì phải tính và nộp thuế theo mức thuế suất cao nhất của hàng hóa, dịc vụ mà cơ sở sản xuất
kinh doanh.

Trong trường hợp không phát sinh doanh số bán hàng hóa, dich vụ, thuế đầu vào, thuế đầu ra, cơ sở hàng hóa
vẫn phải kê khai và nộp tờ khai cho cơ quan thuế. Cơ sở phải kê khai đầy đủ, đúng mẫu tờ khai thuế và chịu
trách nhiệm về tính chính xác của việc kê khai. Trường hợp cơ sở kinh doanh đã gửi tờ khai cho cơ quan thuế,
sau ốo phát hiện có sự sai sót về số liệu kê khai, cơ sở phải thông báo cho cơ quan thuế biết đồng thơi lập lại tờ
khai thay cho tờ khai không đúng hoặc ghi điều chỉnh vào tờ khai thánh tiếp sau ( nếu phát hiện sai sót sau khi
cơ quan thuế đã ra thông báo nộp thuế).

Cơ sở kinh doanh mua bán vàng bạc, ngoại tệ, đá quý và cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính
thuế trực tiếp trên GTGT, thực hiện đầy đủ việc mua bán hàng hóa dịch vụ có hóa đơn chứng từ ghi chép sổ
sách kế toán, trường hợp kê khai thuế phải nộp của tháng phát sinh GTGT âm (-) thì không phải nộp thuế GTGT,
GTGT âm được kết chuyển để bù trừ vào GTGT phát sinh của tháng tiếp sau để tính thuế GTGT phải nộp và
quyết toán thuế cả năm nhưng không được kết chuyển phần GTGT âm của năn quyết toán thuế sang năm sau.

Đối với các đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khác có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế
GTGT thì các đơn vị này phải đăng ký, kê khai, nộp thuế GTGT, thuế TNDN theo luật định. Trường hợp đơn vị
không hạch toán và không xác định được riêng chi phí, thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế thì
thuế GTGT và thuế TNDN phải nộp được xác định căn cứ vào doanh thu và tỷ lệ phần trăm GTGT và tỷ lệ phần
trăm TNDN tính trên doanh thu do cơ quan thuế xác định để kê khai, nộp thuế.

Các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt nam không thuộc các hình thức đầu tư
theo luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (gọi chung là nhà thầu nước ngoài) thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT
theo qui định riêng của Bộ tài chính.

trường hợp các cơ sở kinh doanh ở Việt Nam ký hợp đồng với nhà thầu nước ngoài, nhà thầu nước ngoài không
thực hiện chế độ kế toán ở Việt Nam, việc kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT do
các cơ sở Việt Nam nộp thay nhà thầu nước ngoài thì cơ sở kinh doanh ở Việt nam được tính khấu trừ thuế GTGT
đầu vào số thuế GTGT đã nộp thay nhà thầu nước ngoài.

Đối với hàng hóa do các cơ sở đã trúng thầu trực tiếp nhập khẩu (kể cả nhập khẩu dưới hình thức ủy thác) hàng
hóa qui định tại điểm 4 mục II Phần A thông tư 122/2000 để bán cho các doanh nghiệp làm tài sản cố định cho
dự án đầu tư được duyệt không phải trả thuế GTGT của hàng hóa này. Khi xuất bán hoặc xuất trả hàng ủy thác
nhập khẩu, cơ sở lập hóa đơn theo qui định tại điểm I Mục IV Phần B Thông tư 122/2000.

Cơ sở kinh doanh khi lập bảng kê khai hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra kèm theo tờ khai thuế hàng tháng gởi
cho cơ quan thuế trong một số trường hợp được áp dụng kê khai như sau:

Đối với hàng hóa, dịch vụ bán ra trong trường hợp trực tiếp bán lẻ cho đối tượng tiêu dùng như điện, nước, xăng
dầu, dịch vụ bưu điện, dịch vụ khách sạn, ăn uống, vận chuyển hành khách và bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu
dùng khác thì được kê khai tổng hợp doanh số bán lẻ, không phải kê khai theo từng hóa đơn.

Hàng hóa, dịch vụ mua vào trong trường hợp thu mua, thanh toán với những người bán lẻ hàng hóa, dịch vụ thì
được lập bảng kê chung của hàng hóa, dịch vụ mua vào này, không phải kê chi tiết theo từng hóa đơn

7.3. Nộp thuế GTGT

Các cơ sở kinh doanh, người nhập khẩu thuộc đối tượng phải kê khai thuế quy định tại Mục II Phần C Thông tư
122/2000. và các cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ thuộc đối tượng nộp thuế GTGT tính theo mức ấn định doanh thu
để tính giá trị gia tăng và số thuế phải nộp có trách nhiệm nộp thuế GTGT đầy đủ, đúng hạn vào ngân sách Nhà
nước theo thông báo nộp thuế của cơ quan thuế.

Trình tự thủ tục nộp thuế thực hiện như sau:

a) Đối với cơ sở kinh doanh thực hiện nộp thuế hàng tháng theo thông báo nộp thuế của cơ quan thuế (theo
mẫu số 08A/GTGT và 08B/GTGT ban hành kèm theo Thông tư 122/2000); thời hạn nộp thuế của tháng chậm
nhất không quá ngày 25 của tháng tiếp theo.

Khi nhận được thông báo nộp thuế, căn cứ vào số thuế phải nộp ghi trên thông báo, cơ sở thực hiện nộp tiền
thuế trực tiếp vào ngân sách Nhà nước (tại Kho bạc Nhà nước). Đối với cơ sở có tài khoản tiền gửi ngân hàng, có
thể làm thủ tục đề nghị Ngân hàng trích chuyển tiền từ tài khoản của cơ sở kinh doanh nộp vào ngân sách Nhà
nước, thời gian nộp thuế vào Ngân sách Nhà nước được tính từ ngày ngân hàng trích chuyển tiền từ khoản của
cơ sở kinh doanh vào Ngân sách nhà nước. Trong trường hợp đã đến hạn nộp thuế mà cơ sở chưa nhận được
thông báo nộp thuế thì cơ sở căn cứ vào số thuế phải nộp theo kê khai của cơ sở để chủ động nộp thuế vào
Ngân sách Nhà nước.

Đối với những cơ sở có số thuế nộp hàng tháng lớn thì thực hiện tạm nộp số thuế phát sinh trong tháng theo
định kỳ 10 ngày hoặc 15 ngày một lần, khi kê khai số thuế phải nộp của cả tháng, trừ số thuế đã tạm nộp, cơ sở
nộp tiếp số thuế còn thiếu. Kỳ nộp thuế do cơ quan thuế xác định và thông báo cho cơ sở thực hiện.

Đối với những cá nhân (hộ) kinh doanh nộp thuế tính theo mức ấn định trên doanh thu, cơ quan thuế căn cứ vào
mức thuế đã được xác định để ra thông báo thuế. Thời gian thông báo nộp thuế của tháng đối với các hộ kinh
doanh do cơ quan thuế xác định phù hợp với từng ngành nghề và địa bàn nhưng chậm nhất không quá ngày 25
của tháng tiếp sau. Thời hạn nộp thuế là ngày ấn định ghi trên thông báo thuế.

Đối với những cá nhân (hộ) kinh doanh ( trừ đối tượng nộp thuế theo kê khai) ở địa bàn xa Kho bạc Nhà nước
hoặc kinh doanh lưu động, không thường xuyên thì cơ quan thuế tổ chức thu thuế và nộp vào Ngân sách Nhà
nước. Thời hạn cơ quan thuế phải nộp tiền thuế đã thu vào Ngân sách Nhà nước chậm nhất không quá 3 ngày
(kể từ ngày thu được tiền thuế); riêng đối với vùng núi, hải đảo, vùng đi lại khó khăn chậm nhất không quá 6
ngày.

b) Cơ sở kinh doanh và người nhập khẩu hàng hóa phải nộp thuế GTGT hàng hóa nhập khẩu theo từng lần nhập
khẩu. Thời hạn thông báo và thời hạn nộp thuế GTGT hàng hóa nhập khẩu thực hiện theo thời hạn thông báo
nộp thuế nhập khẩu.

Đối với hàng hóa không phải nộp thuế nhập khẩu hoặc có thuế suất thuế nhập khẩu bằng 0% thì thời hạn phải
kê khai, nộp thuế GTGT thực hiện như qui định đối với hàng hóa phải nộp thuế nhập khẩu.

Đối với hàng hóa nhập khẩu phi mậu dịch, nhập khẩu tiểu ngạch biên giới không áp dụng hình thức thông báo
nộp thuế phải kê khai, nộp thuế GTGT ngay khi nhập khẩu.

Đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc diện không phải nộp thuế GTGT khi nhập khẩu như: nguyên liệu nhập khẩu
để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, quà biếu, quà tặng, hàng viện trợ nhân đạo, hàng hóa viện trợ không
hoàn lại … nếu đêm bàn hoặc xuất dùng vào mục đích khác phải kêkhai, nộp thuế GTGT với cơ quan thúe trực
tiếp quản lý cơ sở như qui định đối với hàng hóa do cơ sở kinh doanh.

c) Cơ sở kinh doanh cố định, đi mua nguyên liệu, hàng hóa, vận chuyển hàng của cơ sở đi bán hoặc trao đổi với
cở sở khác, vận chuyển trong nội bộ cơ sở phải có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định chế độ hóa đơn chứng từ
đối với hàng lưu thông trên thị trường. Nếu không có đủ chứng từ theo qui định, cơ sở sẽ bị xử lý vi phạm về hóa
đơn, chứng từ, xử lý vi phạm về thuế hoặc bị tịch thu hàng hóa (đối với hàng hóa là hàng nhập khẩu có hóa đơn,
chứng từ hợp phàp) theo qui định của pháp luật.

Khi nộp thuế, cơ sở kinh doanh được cơ quan thuế hoặc cơ quan kho bạc Nhà nước cấp biên lai thu thuế hoặc
chứng từ xác nhận việc đã thu thuế cho người nộp thuế bằng biên lai, chứng từ do Bộ tài chính thống nhất phát
hành. Cơ quan thuế có trách nhiệm hướng dẫn kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực hiện chế độ sổ sách, ghi chếp
kế toán hạch toán rõ ràng số thuế GTGT trên hóa đơn chứng từ đẻ làm căn cứ tính số thuế GTGT phải nộp và số
thuế GTGT được khấu trừ.

d) Trong một kỳ tính thuế, nếu cơ sở kinh doanh có só thuế nộp thừa kỳ trước được trừ vào số thuế phải nộp của
kỳ tiếp theo, nếu kỳ trước nộp thíeu thì phải ộp đủ số kỳ trước còn thiếu.

Cơ sở kinh doanh di chuyển đến địa phương khác (quận, huyện đối với đối tượng nộp thuế do Chi cục thuế trực
tiếp quản lý; tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với đối tượng nộp thuế do Cục thuế trực tiếp quản lý)
phải nộp đủ số thuế GTGT còn thiếu và có xác nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi chuyển trụ sở.

Đối với các cơ sở nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế khi chuyển trụ sở nếu có số thuế GTGT đầu vào
chưa được khấu trừ hết hoặc nộp thừa thuế thì được khấu trừ hoặc bù trừ khi kêkhai, nộp thuế với cơ quan thúe
trực tiếp quản lý tại địa phương nơi cơ sở chuyển đến. Cơ sở kinh doanh phải lập bản tổng hợp về số thuế phát
sinh, số thuế đã nộp, số thuế nộp thừa gửi cục thuế xác nhận làm căn cứ kê khai tính thuế, nộp thuế với cơ
quan thuế nơi cơ sở kinh doanh chuyển đến.

Cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, nếu trong kỳ tính thuế có số thuế
đầu vào được khấu trừ lớn hơn số thuế phải nộp đầu ra thì được kết chuyển số thuế đầu vào chưa khấu trừ vào
kỳ tính thuế tiếp theo. Trong các trường hợp cơ sở kinh doanh đầu tư mới tài sản cố định có số thuế đầu vào
được khấu trừ lớn thì được khấu trừ dần hoặc được hoàn thuế theo qui định tại Phần D Thông tư 122/2000.

e) Thuế GTGT nộp vào ngân sách Nhà nước bằng Đồng Việt Nam.. Trường hợp cơ sở kinh doanh có doanh số
bán hoặc mua hàng hóa, dịch vụ thanh toán bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra Đồng Việt Nam theo tỷ
giá mua, bán thực tế bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công
bố tại thời điểm phát sinh hoạt động mua, bán hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ để xác định thuế GTGT phải
nộp.

7.4. Quyết toán thuế GTGT

Theo qui định tại điều 14 Nhgị định số 79/2000 thì tất cả các cơ sở kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế (trừ
hộ kinh doanh vừa và nhỏ nộp thuế theo mức ấn định doanh thu) đều phải thực hiện lập và gửi quyết toán thuế
GTGT hằng năm cho cơ quan thuế.

Năm quyết toán thuế được tính theo năm dương lịch, thời hạn cơ sở kinh doanh phải nộp quyết toán cho cơ
quan thuế chậm nhất không quá 60 ngày, kể từ ngày 31/12 của nămquyết toán thuế.

Trong trường hợp cơ sở kinh doanh sát nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, cơ sở cũng phải thực hiện
quyết toán thuế với cơ quan thuế trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày có quyết định sát nhập, hợp nhất, chia,
tách, giải thể, phá sản.

Cơ sở kinh doanh phải thực hiện quyết toán tài chính theo chế độ Nhà nước qui định; trên cơ sở quyết toánn tài
chính, cơ sở kinh doanh có trách nhiệm kê khai toàn bộ số thuế phải nộp, số đã nộp hoặc số thuế đã được hoàn
của năm hoặc thời hạn quyết toán, số còn thuế hay nộp thừa tính đến thời điểm quyết toán thuế. Cơ sở phải kê
khai đầy đủ, đúng các chỉ tiêu và số liệu theo mẫu quyết toán thuế; gửi bản quyết toán thuế (theo mẫu
11/GTGT ban hành kèm theo Thông tư 122/2000) đến cơ quan thuế địa phương nơi cơ sở đăng ký nộp thuế
yrong thời gian qui định trên đây. Trường hợp cơ sở kinh doanh được áp dụng quyết tóan tài chính khác với năm
dương lịch thì vẫn phải quyết toán thuế GTGT theo năm dương lịch.

Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm nộp số thuế GTGT còn thiếu vào NSNN su 10 ngày kể từ ngày nộp báo cáo
quyết toán thuế, nếu nộp thừa được trừ vào số phải nộp của kỳ tiếp sau, hoặc được hoàn thuế nếu cơ sở thuộc
trường hợp và đối tượng được hoàn thuế.

Các chủ dự án (không phải đối tượng nộp thuế GTGT), nhà thầu chính là đối tượng được hoàn thuế GTGT phải
quyết toán thuế GTGT được hoàn với cục thuế khi dự án hoàn thành. Nhà thấu nước ngoài là đối tượng được
hoàn thuế GTGT phải quyết toán thuế GTGT được hoàn trước khi kết thúc hợp đồng, trừ trường hợp có ủy quyền
cho các tổ chức Việt Nam thực hiện quyết toán thay.

Cơ sở kinh doanh phải chịu trách nhiệm về tính đúng đắn của số liệu quyết toán thuế, nếu cơ sở kinh doanh báo
cáo sai, để trốn, lậu thuế sẽ bị xử phạt theo qui định của pháp luật.

8. Hoàn thuế GTGT

8.1 Đối tượng và trường hợp được hoàn thuế GTGT:

8.1.1 Cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế được xét hoàn thuế trong các
trường hợp sau:

Cơ sở kinh doanh trong 3 tháng liên tục trở lên (không phân biệt niên độ kế toán có lũy kế số thuế đầu vào được
khấu trừ lớn hơn số thuế đầu ra được hoàn thuế. Số thuế được hoàn thuế đầu vào chưa đựơc khấu trừ hết của
thời gian xin hoàn thuế.

Ví dụ: Doanh nghiệp A kê khai thuế GTGT có số thuế GTGT đầu vào, đầu ra như sau:

Theo ví dụ trên, doanh nghiệp A lũy kế ba tháng liên tục có số thuế đầu vào lớn hơn thuế đầu ra. Doanh nghiệp
A thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT với số thuế là 150 triệu đồng.

Cơ sở kinh doanh trong tháng có hàng hóa xuất khẩu nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 200
triệu đồng trở lên thì được xét hoàn thuế theo tháng hoặc chuyến hàng (nếu xác định được thuế GTGT đầu vào
riêng của chuyến hàng).
Đốiv ới hàng hóa ủy thác xuất khẩu, gia công xuất khẩu qua một cơ sở khác ký hợp đồng gia công xuất khẩu,
gia công chuyển tiếp xuất khẩu, đối tượng hoàn thuế là cơ sở có hàng hóa đi ủy thác xuất khẩu, cơ sở trực tiếp
gia công hàng hóa xuất khẩu.

8.1.2 Đối với cơ sở mới thành lập, đầu tư tài sản mới đã đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế
nhưng chưa có phát sinh doanh thu bán hàng để tính thuế GTGT đầu ra, nếu tời gian đầu tư từ 1 năm trở lên
được xét hoàn thuế đầu vào theo từng năm. Số thuế GTGT đầu vào của tài sản đầu tư được hoàn có giá trị lớn từ
200 triệu đồng trở lên thì được xét hoàn thuế từng quý.

Ví dụ: Một cơ sở kinh doanh mới được tàhnh lập từ năm 1999, trong năm 1999 đầu tư phần giá trị xây lắp là 6 tỷ
đồng, giá trị máy móc thiết bị 2 tỷ.

Thuế GTGT đầu vào của vật tư dùng trong xây lắp là 400 triệu.

Thuế GTGT của máy móc, thiết bị là 200 triệu

Đến cuối năm 99 công trình chưa đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, chưa có doanh thu nên chưa phát sinh
thuế GTGT phải nộp. Sau khi lập báo cáo quyết toán thuế GTGT, năm 1999 xác định số thuế đầu vào 600 triệu,
thì cơ sở làm hồ sơ đề nghị cơ quan thuế giải quyết hoàn số tiền thuế GTGT là 600 triệu đồng cho cơ sở.

Trường hợp thuế đầu vào doanh nghiệp tổng hợp từng quý lớn hơn 200 triệu đồng thì doanh nghiệp có thể đề
nghị hoàn thuế từng quý.

Trường hợp cơ sở mới đầu tư nhưng chưa thành lập doanh nghiệp, hoặc đã thành lập doanh nghiệp nhưng
doanh nghiệp chưa đăng ký nộp thuế thì không thuộc đối tượng hoàn thuế GTGT theo qui định này.

8.1.3. Cơ sở kinh doanh quyết toán thuế khi sát nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản có thuế GTGT nộp
thừa, cơ sở có quyền đề nghị cơ quan thuế hoàn lại số thuế GTGT nộp thừa.

8.1.4. Cơ sở kinh doanh được hoàn thuế theo quyết định của cơ quan có thảm quyền theo quy định của pháp
luật.

8.1.5. Việc hoàn thuế GTGT đã trả đối với các dự án sử dụng vốn ODA như sau:

- Chủ dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại mua hàng hóa, dụch vừt các nhà cung cấp trong nước có thuế
GTGT để sử dụng cho các dự án này;

- Nhà thầu chính thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế sử dụng vốn ODA không hoàn
lại cung cấp các hàng hóa, dịch vụ cho dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại không phải tính thuế GTGT đầu
ra nhưng được tính khấu trừ hoặc hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua trong nước có thuế
GTGT.

Ví dụ: Công ty A thực hiện xây dựng công trình của dự án B sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại theo giá
thầu ký với chủ dự án, giá trị xây lắp không có thuế GTGT là 4 tỷ đồng. Chủ dự án B trực tiếp mua thiết bị trong
nước để giao cho công ty A lắp dặt, giá mua thiết bị chưa có thuế GTGT là 1 tỷ đồng, thuế GTGT là 100 triệu
đồng.

Nếu công ty A được thanh toán theo giá nhận thầu không có thuế GTGT là 4 tỷ đồng thì công ty A được khấu trừ
thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, vật tư mua vào phục vụ cho xây dựng dự án công trình B.

Chủ dự án B được hoàn thuế GTGT đầu vào của thiết bị mua trong nước là 100 triệu đồng.

- Các chủ dự án sử dụng vốn ODA vay hoặc vốn ODA hỗn hợp thuộc đối tượng được Ngân sách Nhà nước đầu tư
không hoàn trả toàn bộ hoặc một phần được khấu trừ thuế GTGT đầu vào hoặc hoàn thuế GTGT đối vói hàng
hóa, dịch vụ mua vào từ các nhà cung cấp có thuế GTGT hoặc hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế GTGT.

- Trường hợp chủ dự án giao thầu cho các nhà thầu chính thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp
khấu trừ thuế cung cấp các hàng hóa, dịch vụ theo giá không có thuế GTGT cho dự án này thì nhà thầu chính
không tính thuế GTGT đầu ra nhưng được khấu trừ hoặc hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng
cho dự án này.

8.1.6. Tổ chức ở Việt Nam sử dụng tiền viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại của tổ chức, cá nhân nước
ngoài để mua hàng hóa tại Việt Nam thì được hoàn tiện thuế GTGT đã trả ghi trên hóa đơn GTGT khi mua hàng.

Các cơ sở kinh doanh, tổ chức thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT theo quy định tại phải là đối tượng lưu giữ
sổ sách, chứng từ kế toán và có tài khoản tiền gủi tại Ngân hàng.
Các trường hợp cơ sở đã lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế thì không được tính bù trừ với số thuế đầu vào đã đề nghị
hoàn thuế vào số thuế nộp thiếu của tháng trước hoặc số thuế phát sinh của tháng tiếp sau thời gian đã lập hồ
sơ hoàn thuế.

Trường hợp tháng trước thời gian xin hoàn thuế cơ sở có số thuế GTGT nộp thừa thì cơ sở được tính cộng thuế
GTGT nộp thừa vào số thuế GTGT được hoàn của thời gian xin hoàn thuế tiếp sau.

Trường hợp cơ sở kinh doanh phát sinh lũy kế số thuế đầu vào lớn hơn thuế đầu ra từ 3 tháng trở lên nhưng cơ
sở không đề nghị hoàn thuế thì được tính khấu trừ vào các tháng tiếp sau, nếu sơ thuế GTGT đầu vào chưa được
khấu trừ hết thì cơ sở lầp hồ sơ hoàn thuế.

Đối tượng được hưởng ưu đãi miễn trừ ngoại giao theo pháp lệnh về ưu đã mĩen trừ ngoại giao mua hàng hóa,
dịch vụ tại Việt Nam được hoàn lại số thuế GTGT đã trả ghi trên hóa đơn GTGT. Cơ sở kinh doanh tại Việt Nam
bán hàng hóa, dịch vụ cho các đối tượng này khi lập hóa đơn GTGT vẫn phải tính thuế GTGT. Đối tượng, hàng
hóa, dịch vụ, thủ tục hồ sơ để được hưởng ưu đãi miễn trừ thuế GTGT hướng dẫn tại điểm này và mục I Thông tư
122/2000 theo hướng dẫn riêng của Bộ tài chính.

8.1.7. Phân loại đối tượng hoàn thuế:

a) Đối tượng áp dụng kiểm tra, thanh tra trước khi hoàn thuế:

- Cơ sở kinh doanh mới thành lập có thời gian kinh doanh dưới 1 năm, đề nghị hoàn thuế lần đầu;

- Cơ sở kinh doanh đã có các hành vi vi phạm gian lận về thuế GTGT theo hướng dẫn tại Mục Xử lý vi phạm;

- Cơ sở kinh doanh xuất khẩu hàng hóa là nông sản, lâm sản, thủy hải sản chưa qua chế biến theo đường biên
giới đất liền;

- Cơ sở kinh doanh chia tách, giải thể, phá sản.

b) Đối tượng áp dụng hoàn thuế trước kiểm tra sau: là các đối tượng không thuộc đối tượng qui định tại điểm a
trên đây.

Các trường hợp đã gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế đầy đủ đúng quy định nhưng đang trong giai đoạn bị điều tra,
khởi tố về các hành vi gian lận về thuế GTGT theo quyết định của các cơ quan chức năng thì tạm thời dừng việc
xem xét giải quyết việc hoàn thuế đến khi có quyết định xử lý.

Trường hợp cơ sở kinh doanh có hành vi gian lận về thuế GTGT, thuộc đối tượng áp dụng kiểm tra trước khi
hoàn thuế sau thời gian 12 tháng nếu đã chấp hành tốt các quy định của Luật thuế, chế độ quản lý sử dụng hóa
đơn, chứng từ sẽ được áp dụng hoàn thuế trước kiểm tra sau. Cơ quan thuế xem xét cụ thể từng trường hợp
này.

8.2 Hồ sơ hoàn thuế GTGT:

8.2.1 Hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với trường hợp nêu trong điểm 8.1.1 và 8.1.2 trên gồm:

- Công văn đề nghị hoàn thuế GTGT nêu rõ lý do hoàn thuế, số thuế đề nghị hoàn, thời gian hoàn.

- Bảng kê khai tổng hợp số thuế phát sinh đầu ra, số thuế đầu vào được khấu trừ, số thuế đã nộp (nếu có), số
thuế đầu vào lớn hơn số thuế đầu ra đề nghị hoàn lại.

- Bảng kê hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra trong kỳ liên quan đến việc xác định thuế GTGT đầu vào, đầu ra.

- Trường hợp hoàn thuế theo qui định tại điểm 8.1.1b (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, hoạt động xây
dựng lắp đặt công trình ở nước ngoài và của doanh nghiệp chế xuất) thì phải có bảng kê các hồ sơ có chữ ký và
đóng dấu của cơ sở. Bảng kê ghi rõ:

+ Số, ngày, tờ khai xuất khẩu củ hàng hóa xuất khẩu (trường hợp ủy thác xuất khẩu phải ghi số, ngày tờ khai
xuất khẩu của cơ sở nhận ủy thác);

+ Số, ngày hợp đồng xuất khẩu hoặc số, ngày hợp đồng ủy thác xuất khẩu đối với trường hợp ủy thác xuất
khẩu;

+ Số, ngày biên bản thanh lý Hợp đồng ủy thác xuất khẩu (Hợp đồng ủy thác gia công xuất khẩu) giữa bên ủy
thác xuất khẩu và bên nhận ủy thác; số lượng, giá trị, chủng loại hàng hóa ủy thác xuất khẩu; số, ngày tờ khai
xuất khẩu của cơ sở nhận ủy thác xuất khẩu (đối với trường hợp ủy thác xuất khẩu và trường hợp hướng dẫn tại
điểm 1.3b Muc II Phần B thông tư 122/2000);

+ Xuất khẩu hàng hóa rheo đường biên giới, đất liền, đường biển, đường hàng không; tên nước nhập khẩu.

Trường hợp việc kê khai thuế hàng tháng đã đầy đủ chính xác, phù hợp với Bảng kê khai tổng hợp, cơ sở không
phải nộp Bảng kê hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra các tháng đề nghị hoàn thuế. Trường hợp có điều chỉnh
thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, thuế GTGT đầu ra của các tháng trong thời gian hoàn thuế thì cơ sở phải kê
khai số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, thuế GTGT đầu ra phát sinh từng tháng trong thời gian hoàn thuế, số
thuế điều chỉnh phải giải trình rõ lý do.

8.2.2 Hồ sơ hoàn thuế đối với các cơ sở kinh doanh khi sát nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản có thuế
GTGT nộp thừa gồm:

Công văn đề nghị hoàn thuế GTGT nộp thừa vào Ngân sách Nhà nước.

Quyết định sát nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản của cấp có thẩm quyền.

Quyết toán thuế GTGT đến thời điểm sáp nhập giải thể.

8.2.3 Hồ sơ hoàn thuế đối với trường hợp sử dụng vốn ODA bao gồm:

- Quyết định đầu tư của cơ quan có thẩm quyền

- Xác nhận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về dự án sử dụng ngân sách Nhà nước không hoàn lại
(hoặc sử dụng nguồn vốn ODA vay thuộc diện được Ngân sách Nhà nuớc không hoàn trả) thuộc đối tượng được
hoàn thuế GTGT (bản sao có xác nhận của cơ sở).

Trường hợp hoàn thuế cho nhà thầu chính, nhà thầu chính phải gửi bổ sung thêm (lần đầu) văn bản xác định
của chủ dự án do trong giá thanh toán theo kết quả thầu không có thuế GTGT đề nghị hoàn thuế cho nhà thầu
chính.

8.2.4 Hồ sơ hoàn thuế đối với trường hợp nêu tại điểm 8.1.6 Phần hoàn thuế bao gồm các hồ sơ qui định tại
điểm 8.2.1 tên đây (trong đó gửi bảng kê tổng hợp thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và Bảng kê hàng hóa, dịch
vụ mua vào theo mẫu 3/GTGT ban hành kèm theo thông tư 122/2000 và gửi kèm theo:

- Bản sao quyết định phê duyệt các khoản viện trợ của cấp có thẩm quyền (Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng,
Chủ tịch UBND, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ, thủ trưởng các đoàn thể) theo qui định
tại điều % quyết định số 28/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ (bản sao có xác nhận của cơ sở).

- Văn bản xác nhận của Ban quản lý tiếp nhận viện trợ Bộ tài chính về khoản tiền viện trợ của tổ chức phi chính
phủ nước ngoài, trong đó nêu rõ tên của tổ chức viện trợ, giá tị khoản viện trợ, cơ quan tiếp nhận, quản lý tiền
viện trợ (bản sao có xác nhận của cơ sở).

8.3 Đối tượng được hoàn thuế có trách nhiệm

8.3.1 Lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế gửi cơ quan thuế. Hồ sơ hoàn thuế được qui định đối với từng trường hợp ở
Mục 8.2.

8.3.2 Trường hợp hồ sơ không rõ ràng hoặc không đầy đủ, cơ quan thuế yêu cầu bổ sung hồ sơ hoặc giải trình
thì cơ sở đề nghị hoàn thuế phải cung cấp hồ sơ bổ sung hoặc giải trình theo yêu cầu của cơ quan thuế.

8.3.3.Ngoài các hồ sơ phải gửi đến cơ quan thuế qui định tại Mục 8.2, các hồ sơ khác liên quan đến hoàn thuế,
khấu trừ thuế, các đối tượng được hoàn thuế phải lưu giữ đầy đủ tại cơ sở. Khi cơ quan thuế tiến hành kiểm tra,
thanh tra hoàn thuế tại các cơ sở, cơ sở có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ và hồ sơ có liên
quan làm cơ sở xác định số thuế GTGT phải nộp hoặc được hoàn.

8.3.4. Các đối tượng được hoàn thuế khi lập và gửi hồ sơ hoàn thuế đến cơ quan thuế phải kê khai đúng, trung
thực các số liệu kê khai và chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu kê khai. mọi trường hợp sai sót nếu kiểm
tra, phát hiện đều bị xử lý truy thu về thuế. tùy theo nguyên nhân và mức độ vi phàm còn bị phạt hoặc truy cứu
trách nhiệm hình sự theo pháp luật.

9. Xử lý vi phạm

Đối tượng nộp thuế vi phạm Luật thuế GTGT bị xử lý như sau:
9.1. Không thực hiện đúng những qui định về thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký kê khai, nộp thuế, quyết toán
thuế, kê khai lập sổ kế toán, giữ chứng từ hóa đơn liên quan đến việc tính thuế, nộp thuế thì tùy theo mức độ
nhẹ hoặc nặng mà bị cảnh cáo, hoặc phạt tiền.

9.2. Nộp chậm tiền thuế hoặc tiền phạt ghi trong thông báo thuế, lệnh thu thuế hoặc quyết định xử phạt, thì
ngoài việc phải nộp đủ số thuế hoặc tiền phạt theo luật định, mỗi ngày nộp chậm còn phải nộp phạt bằng 0,1%
số tiền nộp chậm.

9.3. Khai man, trốn thuế thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế theo qui định của Luật thuế GTGT, tùy theo tính
chất, mức độ vi phạm còn bị phạt tiền từ 1 đến 5 lần số tiền thuế gian lận; trốn thuế với số lượng lớn hoặc đã bị
xử phạt vi phạm hành chính về thuế mà còn có hành vi tiếp tục vi phạm nghiêm trọng khác thì bi truy cứu trách
nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

9.4. Không nộp thuế, nộp phạt sẽ bị xử lý như sau:

a/ Trích tiền gửi của đối tượng nộp thuế tại ngân hàng, kho bạc, tổ chức tính dụng để nộp thuế, nộp phạt;

Ngân hàng, kho bạc, tổ chức tín dụng có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của đối tượng nộp thuế để
nộp thuế, nộp phạt vào ngân sách nhà nước theo quyết định xử lý về thuế của cơ quan thuế hoặc cơ quan có
thẩm quyền trước khi thu nợ;

b/ Giữ hàng hóa, tang vật để bảo đảm thu đủ số thuế, số tiền phạt;

c/ Kê biên tài sản theo qui định của pháp luật để bảo đảm thu đủ số thuế, số tiền phạt còn thiếu.

Việc xử lý các vi phạm về thuế GTGT nói trên được thực hiện theo các thủ tục, trình tự qui định tại các văn bản
pháp luật về xử lý vi phạm vế thuế.

CHƯƠNG 4
THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT
I - ÐỐI TƯỢNG CHỊU THUẾ, ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ TTÐB
1. Ðối tượng chịu thuế

Ðối tượng chịu thuế TTÐB quy định tại Ðiều 1 Nghị định số 84/1998/NÐ-CP của Chính phủ là các hàng hóa, dịch
vụ sau đây, trừ các trường hợp không phải chịu thuế TTÐB quy định tại mục II phần A Thông tư này.

1.1 - Hàng hóa:


a) Thuốc lá điếu, xì gà;

b) Rượu;

c) Bia;

d) Ô tô dưới 24 chỗ ngồi;

đ) Xăng các loại, nap-ta (naphtha), chế phẩm tái hợp (reformade component) và các chế phẩm khác để pha chế
xăng;

e) Ðiều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống;

g) Bài lá;

h) Vàng mã, hàng mã;

1.2 - Dịch vụ:


a) Kinh doanh vũ trường, mát xa, ka-ra-ô-kê;

b) Kinh doanh ca-si-nô (casino), trò chơi bằng máy giắc- pót (jackpot);

c) Kinh doanh vé đặt cược đua ngựa, đua xe;


d) Kinh doanh gôn (golf): bán thẻ hội viên, vé chơi gôn.

2. Ðối tượng nộp thuế TTÐB:

Ðối tượng nộp thuế TTÐB quy định tại Ðiều 2 Nghị định số 84/1998/NÐ-CP của Chính phủ là tổ chức, cá nhân
(gọi chung là cơ sở) có sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTÐB.

-Tổ chức sản xuất, nhập khẩu hàng hóa, kinh doanh dịch vụ bao gồm:

+ Doanh nghiệp Nhà nước; tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị; tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ
chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân và các tổ chức đơn vị sự nghiệp khác; hợp tác xã;

+ Doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần;

+ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư
nước ngoài tại Việt Nam; các Công ty nước ngoài và tổ chức nước ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt
Nam không theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

- Cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa, kinh doanh dịch vụ bao gồm những cá nhân nhập khẩu, người sản
xuất, kinh doanh độc lập, hộ gia đình, các cá nhân hợp tác với nhau để cùng sản xuất, kinh doanh không hình
thành pháp nhân kinh doanh.

3.a/ Cơ sở sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTÐB phải nộp thuế TTÐB và không phải nộp thuế giá trị gia
tăng (GTGT) đối với hàng hóa này ở khâu sản xuất.

Ví dụ 1: Công ty A sản xuất thuốc lá điếu, khi Công ty bán thuốc lá điếu do Công ty sản xuất thì Công ty phải kê
khai nộp thuế TTÐB, Công ty không phải nộp thuế GTGT đối với doanh thu bán thuốc lá điếu đã chịu thuế TTÐB.

b/ Cơ sở nhập khẩu hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTÐB phải nộp thuế TTÐB đối với hàng hóa này ở khâu nhập
khẩu, không phải nộp thuế GTGT đối với số hàng hóa nhập khẩu đã chịu thuế TTÐB.

Ví dụ 2: Công ty B nhập khẩu mặt hàng rượu thì khi nhập khẩu Công ty phải kê khai nộp thuế TTÐB, không phải
nộp thuế GTGT khi nhập khẩu, khi bán rượu Công ty phải kê khai nộp thuế GTGT.

c/ Cơ sở kinh doanh dịch vụ thuộc diện chịu thuế TTÐB phải nộp thuế TTÐB đối với dịch vụ chịu thuế TTÐB khi
cung cấp các dịch vụ này, không phải nộp thuế GTGT đối với doanh thu các dịch vụ đã kê khai nộp thuế TTÐB.

II- CÁC TRƯỜNG HỢP HÀNG HÓA KHÔNG PHẢI CHỊU THUẾ TTÐB

Theo quy định tại Ðiều 3 Nghị định số 84/1998/NÐ-CP của Chính phủ, các hàng hóa quy định tại điểm 1.1 mục I,
phần A Thông tư này không phải chịu thuế TTÐB trong các trường hợp sau đây:

1. Hàng hóa do các cơ sở sản xuất, gia công trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài bao gồm cả hàng hóa bán, gia
công cho khu chế xuất, hàng hóa mang ra nước ngoài để dự hội trợ triển lãm. Cơ sở phải xuất trình với cơ quan
thuế các thủ tục, hồ sơ chứng minh là hàng đã thực tế xuất khẩu, cụ thể như sau:

+ Hợp đồng bán hàng hoặc hợp đồng gia công cho nước ngoài.

+ Hóa đơn bán hàng của số hàng hóa xuất khẩu hoặc trả hàng gia công.

+ Tờ khai hàng hóa xuất khẩu có xác nhận thực xuất khẩu của cơ quan Hải quan.

Cơ sở sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTÐB nếu tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu theo giấy phép tạm xuất
khẩu, tái nhập khẩu, trong thời hạn chưa phải nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo chế độ quy định thì khi
tái nhập khẩu không phải nộp thuế TTÐB, nhưng khi cơ sở sản xuất bán hàng hóa này phải nộp thuế TTÐB.

2. Hàng hóa do cơ sở sản xuất bán hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu theo hợp đồng
kinh tế. Cơ sở sản xuất phải có thủ tục hồ sơ:

+ Hợp đồng ủy thác xuất khẩu hoặc hợp đồng bán hàng để xuất khẩu của cơ sở sản xuất cho cơ sở kinh doanh
xuất khẩu.

+ Hóa đơn bán hàng, giao hàng phù hợp với hợp đồng kinh tế đã ký.
Hàng tháng hoặc định kỳ kê khai nộp thuế, cơ sở sản xuất có hàng bán xuất khẩu hoặc ủy thác xuất khẩu, khi
kê khai thuế phải lập bản kê toàn bộ số hàng hóa bán, ủy thác xuất khẩu kèm theo tên, địa chỉ của cơ sở kinh
doanh xuất khẩu gửi cùng tờ khai thuế TTÐB nộp cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở sản xuất. Trường hợp
hàng ủy thác xuất khẩu, khi hàng đã thực tế xuất khẩu phải có thanh lý hợp đồng ủy thác xuất khẩu và tài liệu
chứng minh hàng đã thực tế xuất khẩu.

Cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở sản xuất có trách nhiệm kiểm tra bản kê hàng hóa bán để xuất khẩu và
thông báo cho cơ quan thuế quản lý cơ sở kinh doanh xuất khẩu về tên đơn vị mua hàng để xuất khẩu, số lượng
và giá trị hàng hóa cơ sở đã mua để xuất khẩu, đồng thời kiểm tra hồ sơ và xác nhận về số lượng hàng xuất bán
để xuất khẩu không phải chịu thuế TTÐB.

3. Hàng hóa nhập khẩu trong các trường hợp sau:

a/ Hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại.

b/ Quà tặng của các tổ chức, cá nhân nước ngoài cho các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-
xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân. Quà tặng được xác định theo mức
quy định của Chính phủ hoặc của Bộ Tài chính.

c/ Ðồ dùng của tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao do Chính phủ Việt Nam
quy định phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

d/ Hàng mang theo người trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế nhập khẩu của cá nhân người Việt Nam và người
nước ngoài khi xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Việt Nam.

4. Hàng chuyển khẩu, quá cảnh, mượn đường qua Việt Nam theo các hình thức:

- Hàng hóa được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu không qua cửa khẩu Việt Nam;

- Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có qua cửa khẩu Việt Nam nhưng không
làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam;

- Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có qua cửa khẩu Việt Nam và đưa vào kho
ngoại quan, không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam;

- Hàng quá cảnh, mượn đường qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam trên cơ sở Hiệp định đã ký kết giữa hai Chính
phủ hoặc ngành, địa phương được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

5. Hàng tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu, nếu thực tái xuất khẩu trong thời hạn chưa phải nộp thuế nhập khẩu
theo chế độ quy định thì không phải nộp thuế TTÐB tương ứng với số hàng thực tái xuất khẩu.

6. Hàng tạm nhập khẩu để dự hội chợ, triển lãm nếu thực tái xuất khẩu trong thời hạn chưa phải nộp thuế nhập
khẩu theo chế độ quy định.

Hết thời gian hội chợ, triển lãm mà tổ chức, cá nhân không tái xuất hàng tạm nhập khẩu thì phải kê khai, nộp
thuế TTÐB; nếu tổ chức, cá nhân không kê khai mà bị kiểm tra, phát hiện thì ngoài việc truy thu thuế TTÐB còn
bị phạt theo quy định của pháp luật.

7. Hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu vào khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất.

-Thủ tục, hồ sơ, trình tự và thẩm quyền giải quyết không thu thuế TTÐB đối với các trường hợp quy định tại các
điểm 3, 4, 5, 6 và 7 nêu trên được thực hiện như quy định về thủ tục, hồ sơ, trình tự và thẩm quyền giải quyết
không thu thuế, miễn thuế nhập khẩu đối với các trường hợp này theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế
nhập khẩu.

8. Hàng nhập khẩu để bán tại các cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế ở các cảng biển, sân bay quốc tế, bán
cho các đối tượng được hưởng chế độ mua hàng miễn thuế theo quy định của Chính phủ.

Việc quản lý hàng hóa và xét để không thu thuế, quyết toán thuế TTÐB trong trường hợp này được áp dụng như
quy định đối với việc xét miễn thuế nhập khẩu.

Trong các trường hợp hàng nhập khẩu không phải chịu thuế TTÐB quy định tại điểm 3, 4, 5, 6 và 7 nêu trên, khi
thay đổi mục đích nhập khẩu như: hàng viện trợ sử dụng vào mục đích ngoài chương trình, dự án, hay nhập
khẩu do được hưởng quy chế miễn trừ phải tái xuất khẩu nhưng không tái xuất khẩu thì trong thời hạn 03 ngày
kể từ ngày mục đích nhập khẩu thay đổi so với quy định, chủ hàng nhập khẩu phải khai báo với cơ quan thu
thuế nhập khẩu nơi đã làm thủ tục nhập khẩu lô hàng để cơ quan thu thuế làm thủ tục thu đủ thuế TTÐB. Việc
xử lý thu thuế TTÐB trong trường hợp này được thực hiện như quy định về xử lý đối với thuế nhập khẩu

III - CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ THUẾ SUẤT

Căn cứ tính thuế TTÐB theo quy định tại Ðiều 4 Nghị định số 84/1998/NÐ-CP của Chính phủ là giá tính thuế của
hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTÐB và thuế suất thuế TTÐB.

1 - GIÁ TÍNH THUẾ TTÐB

Theo quy định tại Ðiều 5 Nghị định số 84/1998/NÐ-CP của Chính phủ, giá tính thuế TTÐB của hàng hóa, dịch vụ
được xác định cụ thể như sau:

a. Ðối với hàng sản xuất trong nước: Giá tính thuế TTÐB là giá bán của cơ sở sản xuất chưa có thuế TTÐB
được xác định cụ thể như sau:

Giá bán hàng


Giá tính thuế TTÐB = -------------------
1 + thuế suất

Giá bán của cơ sở sản xuất là giá bán ghi trên hóa đơn bán hàng của cơ sở.

Trường hợp cơ sở sản xuất bán hàng qua các chi nhánh, cửa hàng, cơ sở trực thuộc thì giá bán hàng làm căn cứ
tính thuế TTÐB là giá do các chi nhánh, cửa hàng, cơ sở trực thuộc của cơ sở sản xuất bán ra; cơ sở sản xuất
bán hàng thông qua đại lý bán theo đúng giá do cơ sở quy định, hưởng hoa hồng thì giá bán làm căn cứ xác
định giá tính thuế TTÐB là giá do đại lý bán ra chưa trừ hoa hồng.

Ví dụ: giá bán hàng của cơ sở sản xuất bia là 3.000đ/lít bia hơi, thuế suất đối với bia hơi là 50% thì:

3.000 đ 3.000 đ
Giá tính thuế TTÐB 1 lít bia hơi = ---------- = ---------- = 2.000đ/lít
1+ 50% 1,5

Thuế TTÐB phải nộp = 2.000đ/lít x 50% = 1.000đ/lít.

- Ðối với thuốc lá nhãn hiệu nước ngoài do các Nhà máy, Công ty thuộc Tổng công ty thuốc lá Việt Nam sản xuất
giao cho các chi nhánh thuốc lá nước ngoài tại Việt Nam: Giá bán làm căn cứ xác định giá tính thuế TTÐB là giá
do các Công ty, Nhà máy thuốc lá giao cho chi nhánh thuốc lá nước ngoài để tiêu thụ tại Việt Nam nhưng không
được thấp hơn 10% mức giá bình quân do các chi nhánh thuốc lá nước ngoài bán ra. Trường hợp các Công ty,
Nhà máy sản xuất không xác định giá tính thuế hợp lý thì cơ quan thuế căn cứ vào mức giá bình quân do các chi
nhánh thuốc lá nước ngoài bán ra trừ (-) 10% để ấn định giá tính thuế.

- Ðối với rượu sản xuất trong nước đóng chai: giá bán làm cơ sở xác định giá tính thuế TTÐB không bao gồm vỏ
chai. Trường hợp cơ sở sản xuất bán rượu, giá bán ghi trên hóa đơn bao gồm cả vỏ chai thì căn cứ doanh số bán
ghi trên hóa đơn bán hàng, cơ sở lập bảng kê về doanh số hàng bán ra, tách riêng phần doanh thu bán rượu để
tính thuế TTÐB phải nộp và doanh số vỏ chai (theo mẫu số 06/TTÐB ban hành kèm theo Thông tư này). Giá trị
vỏ chai được trừ trong giá bán khi tính thuế TTÐB là giá mua vào theo hóa đơn; đối với vỏ chai do cơ sở tự sản
xuất là giá thành sản xuất, nhưng chỉ được tính tối đa bằng giá mua vào của sản phẩm cùng loại.

- Ðối với bia sản xuất trong nước đóng chai: nếu cơ sở sản xuất bán bia chai theo phương thức thu đổi vỏ chai
thì giá bán làm căn cứ tính thuế TTÐB là giá bán bia không bao gồm vỏ chai. Khi lập hóa đơn bán hàng cơ sở
phải ghi giá bán thực tế. Trường hợp cơ sở bán luôn cả vỏ chai thì thuế TTÐB tính theo giá bán có cả vỏ chai.

Ví dụ: Giá bán theo phương thức thu đổi vỏ chai của một két bia chai Hà nội là 120.000đ/két thì giá tính thuế
TTÐB căn cứ vào giá bán 120.000đ/két.

120.000đ
Thuế TTÐB phải nộp của một két (24 chai) = ------------ x 75% = 51.428đ
1 + 75%

Nếu cơ sở bán luôn cả chai bia theo giá 168.000đ/két (24 chai), không thu đổi vỏ thì:

168.000đ
Thuế TTÐB phải nộp của một két (24 chai) = ------------ x 75% = 72.000đ
1 + 75%
b. Ðối với hàng nhập khẩu: Giá tính thuế TTÐB đối với hàng nhập khẩu thuộc diện chịu thuế TTÐB được xác
định như sau:

Giá tính thuế TTÐB = giá tính thuế nhập khẩu + thuế nhập khẩu.

Giá tính thuế nhập khẩu được xác định theo các quy định về giá tính thuế nhập khẩu. Trường hợp hàng hóa
nhập khẩu được miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu thì thuế nhập khẩu được xác định trong giá tính thuế TTÐB
theo số thuế nhập khẩu còn phải nộp.

c. Ðối với hàng hóa gia công là giá tính thuế của mặt hàng sản xuất cùng loại hoặc tương đương tại thời
điểm giao hàng. Trường hợp không có giá của sản phẩm cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm giao hàng thì
cơ quan thuế căn cứ giá bán sản phẩm đó trên thị trường hoặc giá bán do cơ sở đưa gia công nhận hàng về bán
ra để xác định giá tính thuế và thông báo cho cơ sở thực hiện.

d. Ðối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp là giá bán chưa có thuế TTÐB của hàng hóa bán theo
phương thức trả tiền một lần, không bao gồm khoản lãi trả góp.

e. Giá tính thuế đối với dịch vụ chịu thuế TTÐB là giá dịch vụ chưa có thuế TTÐB, được xác định theo công
thức sau:

Giá dịch vụ
Giá tính thuế TTÐB = -----------------
1 + thuế suất

Ví dụ: Doanh thu của kinh doanh vũ trường trong kỳ là 12.000.000 đồng.

12.000.000đ 12.000.000đ
Giá tính thuế TTÐB = ------------------ x ----------------- = 10.000.000đ
1 + 20% 1,2

Thuế TTÐB phải nộp = 10.000.000 đ x 20% = 2.000.000 đ.

Giá dịch vụ làm căn cứ xác định giá tính thuế TTÐB đối với một số dịch vụ quy định như sau:

- Ðối với kinh doanh vũ trường là giá vé vào vũ trường. Trường hợp không có vé vào vũ trường thì tính trên toàn
bộ doanh thu các hoạt động trong vũ trường; đối với kinh doanh mát-xa, ka-ra-ô-kê là doanh thu của các hoạt
động mát-xa, ka-ra-ô-kê, không bao gồm doanh thu của các hàng hóa, dịch vụ khác.

- Ðối với kinh doanh gôn là doanh thu thực thu về bán thẻ hội viên, bán vé chơi gôn, bao gồm cả tiền phí chơi
gôn do hội viên trả và tiền ký quỹ (nếu có). Trường hợp khoản ký quỹ được trả lại người ký quỹ thì cơ sở sẽ được
hoàn lại số thuế đã nộp bằng cách khấu trừ vào số phải nộp của kỳ tiếp theo, nếu không khấu trừ được thì sẽ
hoàn thuế theo quy định. Cơ sở kinh doanh gôn có kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ khác không thuộc
danh mục chịu thuế TTÐB thì các hàng hóa, dịch vụ đó không phải chịu thuế TTÐB. Ví dụ: cơ sở kinh doanh gôn
có tổ chức các hoạt động kinh doanh khách sạn, ăn uống, bán hàng hóa, hoặc các trò chơi thì các hàng hóa,
dịch vụ này không phải chịu thuế TTÐB.

- Ðối với dịch vụ ca-si-nô, trò chơi bằng máy giắc pót là doanh số bán đã trừ trả thưởng tức là bằng số tiền thu
được do đổi cho khách trước khi chơi tại quầy đổi tiền hoặc bàn chơi, máy chơi trừ đi số tiền đổi trả lại cho
khách.

- Ðối với kinh doanh vé số đặt cược đua ngựa, đua xe là doanh số bán vé số đặt cược đua ngựa, đua xe trừ số
tiền trả thưởng cho khách thắng cuộc. Doanh số bán vé xem đua ngựa, đua xe không chịu thuế TTÐB mà thuộc
diện chịu thuế giá trị gia tăng.

- Giá tính thuế TTÐB đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng là giá tính thuế
TTÐB của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này.

Giá tính thuế TTÐB đối với hàng hóa sản xuất trong nước, dịch vụ chịu thuế TTÐB bao gồm cả khoản thu thêm
tính ngoài giá bán hàng hóa, dịch vụ (nếu có) mà cơ sở được hưởng.

2 - THUẾ SUẤT THUẾ TTÐB

Theo quy định tại Ðiều 6 Nghị định số 84/1998/NÐ-CP của Chính phủ, thuế suất thuế TTÐB được áp dụng cụ thể
như sau:

Biểu thuế Tiêu Thụ Đặc Biệt


Mặt hàngThuế suất (%)
STT

I. Hàng hóa

1. Thuốc hút

Thuốc lá điếu có đầu lọc sản xuất chủ yếu bằng


a 65
nguyên liệu nhập khẩu, xì gà.

Thuốc lá điếu có đầu lọc sản xuất chủ yếu bằng


b 45
nguyên liệu trong nước

c Thuốc lá điếu không có đầu lọc 25

2. Rượu

a Rượu trên 40 o 70

b Rượu từ 30 o đến 40 o 55

c Rượu từ 200 đến dưới 30o. 25

đ Rượu thuốc 15

3. Bia

a Bia chai, bia tươi 75

b Bia hộp 65

c Bia hơi các loại 50

4. Ô tô

- Từ 5 chỗ ngồi trở xuống 100

- Từ 6 đến 15 chỗ ngồi 60

- Từ 16 đến dưới 24 chỗ ngồi và các loại ô tô, xe


cộ khác thiết kế vừa chở người, vừa chở hàng, xe 30
lam

5. Xăng các loại, nap-ta (naphtha), chế phẩm tái hợp


(reformade component) và các chế phẩm khác để pha 15
chế xăng

6. Ðiều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống 20

7. Bài lá 30

8. Vàng mã, hàng mã 60

II Dịch vụ

1 Kinh doanh vũ trường, mát-xa, ka-ra-ô-kê 20

2 Kinh doanh ca-si-nô (casino), trò chơi bằng máy


25
giắc-pót (jackpot)

3 Kinh doanh vé đặt cược đua ngựa, đua xe 20

4 Kinh doanh gôn (golf): bán thẻ hội viên, vé chơi


20
gôn

Việc áp dụng thuế suất thuế TTÐB đối với một số hàng hóa, dịch vụ trong Biểu thuế được quy định cụ thể như
sau:

1 - Ðối với hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTÐB, thuế suất thuế TTÐB không phân biệt hàng hóa nhập khẩu hay
hàng hóa sản xuất trong nước.
2 - Thuốc lá điếu có đầu lọc sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu nhập khẩu thuộc nhóm thuế suất 60% là loại
thuốc lá điếu sử dụng khối lượng nguyên liệu sợi thuốc nhập khẩu chiếm tỷ lệ từ 51% trở lên so với tổng khối
lượng nguyên liệu sợi thuốc dùng cho sản xuất sản phẩm đó.

3 - Mặt hàng rượu thuốc áp dụng thuế suất 15% không phân biệt theo độ cồn. Cơ sở sản xuất rượu thuốc phải
có giấy phép sản xuất rượu thuốc và giấy chứng nhận đăng ký tên, nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm rượu thuốc
do cơ quan y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp. Ðối với rượu thuốc nhập khẩu phải được cơ quan y tế hoặc cơ
quan có thẩm quyền xác định là rượu thuốc. Nếu không có đủ những giấy tờ quy định trên đây thì nộp thuế
TTÐB theo thuế suất của loại rượu có độ cồn tương ứng.

4 - Mặt hàng ô tô thuộc nhóm thuế suất 30% bao gồm: ô tô từ 16 đến dưới 24 chỗ ngồi, xe thiết kế vừa chở
người vừa chở hàng tương ứng với loại từ 16 đến dưới 24 chỗ ngồi và các loại xe lam.

5 - Hàng mã thuộc diện chịu thuế TTÐB áp dụng thuế suất 60% không bao gồm loại hàng mã là đồ chơi trẻ em
và các loại hàng mã dùng để trang trí.

IV - ÐĂNG KÝ, KÊ KHAI NỘP THUẾ, HOÀN THUẾ VÀ QUYẾT TOÁN THUẾ
1- ÐĂNG KÝ THUẾ, KÊ KHAI NỘP THUẾ VÀ HÓA ĐƠN, CHỨNG TỪ

a. Ðăng ký thuế:
Theo quy định tại Ðiều 7 Nghị định số 84/1998/NÐ-CP của Chính phủ, việc đăng ký thuế được quy định
cụ thể như sau:
Cơ sở sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTÐB, kể cả các đơn vị, chi nhánh, cửa hàng
trực thuộc cơ sở phải đăng ký thuế với cơ quan thuế nơi sản xuất, kinh doanh theo hướng dẫn về kê khai đăng
ký thuế và đăng ký mã số đối tượng nộp thuế quy định tại Thông tư số 79/1998/TT-BTC ngày 12/6/1998 của Bộ
Tài chính hướng dẫn thi hành Quyết định số 75/1998/QÐ-TTg ngày 4/4/1998 của Thủ tướng Chính phủ về mã số
đối tượng nộp thuế.
Ðối với cơ sở mới sản xuất, kinh doanh, thời hạn đăng ký thuế chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày được
cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, thay đổi ngành nghề kinh doanh
hoặc ngừng kinh doanh, cơ sở sản xuất kinh doanh phải khai báo với cơ quan thuế chậm nhất là 05 ngày trước
khi có những thay đổi trên.

b. Cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế TTÐB có sử dụng nhãn hiệu hàng hóa phải đăng ký mẫu nhãn
hiệu hàng hóa sử dụng với cơ quan thuế nơi cơ sở sản xuất, kinh doanh chậm nhất không quá 05 ngày, kể từ
ngày nhãn hiệu được sử dụng. Khi thay đổi nhãn hiệu hàng hóa cơ sở phải khai báo với cơ quan thuế và đăng ký
mẫu nhãn hiệu hàng hóa mới sử dụng chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày thay đổi nhãn hiệu.

Ðối với cơ sở sản xuất thuốc lá điếu, ngoài việc đăng ký nhãn hiệu như trên, còn phải đăng ký với cơ
quan thuế về định mức tiêu hao nguyên liệu sợi thuốc lá sản xuất cho từng loại thuốc lá điếu, trong đó ghi rõ
khối lượng sợi thuốc sản xuất trên đơn vị sản phẩm và tỷ lệ giữa khối lượng sợi thuốc nhập khẩu (nếu có) trên
tổng khối lượng sợi thuốc dùng để sản xuất sản phẩm làm căn cứ xác định chính xác thuế suất thuế TTÐB.

c. Kê khai thuế:
Theo quy định tại Ðiều 9 Nghị định số 84/1998/NÐ-CP của Chính phủ, cơ sở sản xuất, nhập khẩu hàng
hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTÐB phải kê khai thuế TTÐB theo các quy định sau đây:
c.1/ Cơ sở sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTÐB phải kê khai thuế TTÐB khi tiêu thụ
hàng hóa, dịch vụ, trả hàng gia công, trao đổi, biếu, tặng, tiêu dùng nội bộ. Việc kê khai thuế phải thực hiện
hàng tháng và nộp tờ khai thuế kèm theo Bảng kê chứng từ bán hàng (theo mẫu số 01/TTÐB và mẫu số
02/TTÐB ban hành kèm Thông tư này). Thời gian nộp tờ khai thuế TTÐB chậm nhất không quá ngày 10 của
tháng tiếp theo. Ví dụ: Tờ khai thuế của tháng 02/1999 cơ sở phải nộp cho cơ quan thuế chậm nhất không quá
ngày 10/3/1999.
Riêng đối với cơ sở sản xuất có số thuế TTÐB phát sinh phải nộp lớn thì kê khai thuế TTÐB phải nộp
định kỳ 05 ngày hoặc 10 ngày một lần và hàng tháng theo quy định sau:
+ Cơ sở sản xuất bia, cơ sở sản xuất thuốc lá điếu có công suất từ 10 triệu lít/năm, 10 triệu
bao/năm trở xuống, cơ sở sản xuất ô tô, sản xuất máy điều hòa nhiệt độ, cơ sở sản xuất rượu kê khai thuế
theo định kỳ 10 ngày một lần.
+ Cơ sở sản xuất bia, cơ sở sản xuất thuốc lá điếu có công suất trên 10 triệu lít/ năm, 10 triệu
bao/năm phải kê khai thuế theo định kỳ 05 ngày một lần.
Tờ khai thuế định kỳ nộp cho cơ quan thuế vào ngày tiếp sau của định kỳ 05 ngày, 10 ngày. Tờ khai
của cả tháng nộp theo thời hạn đã quy định.
Ðối với trường hợp cơ sở sản xuất bán hàng qua các chi nhánh, cửa hàng, cơ sở trực thuộc, bán hàng
thông qua đại lý bán đúng giá do cơ sở quy định, hưởng hoa hồng, xuất hàng bán ký gửi, cơ sở sản xuất chính
phải kê khai nộp thuế TTÐB cho toàn bộ số hàng hóa này tại nơi cơ sở sản xuất đăng ký kê khai nộp thuế. Các
chi nhánh, cửa hàng, cơ sở trực thuộc khi gửi báo cáo về cơ sở sản xuất thì đồng gửi một bản cho cơ quan thuế
nơi chi nhánh, cửa hàng, cơ sở trực thuộc bán hàng biết để theo dõi.
Trường hợp trong tháng không phát sinh thuế TTÐB thì cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn phải kê khai và
gửi tờ khai thuế theo quy định cho cơ quan thuế biết.
Ðối với trường hợp cơ sở sản xuất bán hàng qua các chi nhánh, cơ sở trực thuộc ở khác địa phương
(tỉnh, thành phố) thì kê khai căn cứ vào hóa đơn xuất hàng của cơ sở sản xuất và khi quyết toán thuế sẽ quyết
toán theo doanh số thực tế do chi nhánh, cơ sở trực thuộc bán ra.
c.2/ Cơ sở nhập khẩu hàng hóa phải kê khai và nộp tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo từng lần nhập
khẩu cùng với việc kê khai thuế nhập khẩu với cơ quan thu thuế nhập khẩu.
Trường hợp nhập khẩu ủy thác thì tổ chức nhập khẩu ủy thác là đối tượng kê khai, nộp thuế TTÐB.
c.3/ Cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế TTÐB bằng nguyên liệu đã chịu thuế TTÐB thì khi kê khai thuế
TTÐB ở khâu sản xuất được khấu trừ số thuế TTÐB đã nộp đối với nguyên liệu nếu có chứng từ hợp pháp. Số
thuế TTÐB được khấu trừ đối với nguyên liệu tối đa không quá số thuế TTÐB tương ứng với số nguyên liệu dùng
sản xuất ra hàng hóa đã tiêu thụ.
Việc khấu trừ tiền thuế TTÐB được thực hiện cùng với việc kê khai nộp thuế, xác định thuế phải nộp
trong trường hợp này theo công thức sau:

Thuế TTÐB phải Thuế TTÐB đã nộp ở khâu


Số thuế TTÐB nộp của hàng xuất nguyên liệu mua vào tương
= -
phải trong kỳ kho tiêu thụ trong ứng với số hàng xuất kho tiêu
kỳ thụ trong kỳ
Ví dụ:
Trong kỳ kê khai thuế, cơ sở A phát sinh các nghiệp vụ sau:
+ Nhập khẩu 10.000 lít bia nước, đã nộp thuế TTÐB khi nhập khẩu 25 triệu đồng.
+ Xuất kho 8.000 lít để sản xuất 24.000 hộp bia.
+ Xuất bán 20.000 hộp bia, thuế TTÐB phải nộp của 20.000 hộp bia xuất bán là 47 triệu đồng.
+ Thuế TTÐB đã nộp ở nước bia để sản xuất ra 20.000 hộp bia là 16,6 triệu đồng.
Thuế TTÐB cơ sở A phải nộp trong kỳ là:
47 triệu đồng - 16,6 triệu đồng = 30,4 triệu đồng.
Trường hợp chưa xác định được chính xác số thuế TTÐB đã nộp cho số nguyên vật liệu tương ứng với
số sản phẩm tiêu thụ trong kỳ thì có thể căn cứ vào số liệu của kỳ trước để tạm tính số thuế TTÐB được khấu trừ
và sẽ quyết toán theo số thực tế vào cuối tháng, cuối quý. Trong mọi trường hợp, số thuế TTÐB được phép khấu
trừ tối đa không vượt quá số thuế TTÐB tính cho phần nguyên liệu theo tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật
của sản phẩm. Cơ sở sản xuất phải đăng ký định mức kinh tế kỹ thuật của sản phẩm với cơ quan thuế trực tiếp
quản lý cơ sở.
c.4/ Cơ sở sản xuất nhiều loại hàng hóa và kinh doanh nhiều loại dịch vụ chịu thuế TTÐB có các mức
thuế suất khác nhau thì phải kê khai nộp thuế TTÐB theo từng mức thuế suất quy định đối với từng loại hàng
hóa, dịch vụ; nếu cơ sở sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ không xác định được theo từng mức thuế suất thì
phải tính và nộp thuế theo mức thuế suất cao nhất của hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở có sản xuất, kinh doanh.
c.5/ Cơ sở kinh doanh xuất khẩu mua hàng để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà bán trong nước
thì ngoài việc nộp thuế GTGT đối với việc bán hàng, chậm nhất 5 ngày sau khi xuất bán hàng, cơ sở kinh doanh
xuất khẩu phải kê khai và nộp đủ thuế TTÐB thay cho cơ sở sản xuất. Giá tính thuế TTÐB trong trường hợp nộp
thay này là giá mua vào của cơ sở kinh doanh xuất khẩu, nếu không xác định được giá mua vào thì tính theo giá
thực tế bán ra của cơ sở chưa có thuế TTÐB.

d. Hóa đơn, chứng từ:


Theo quy định tại Ðiều 13 Nghị định số 84/1998/NÐ-CP của Chính phủ, cơ sở sản xuất, nhập khẩu hàng
hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTÐB phải thực hiện đúng chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ khi mua, bán
hàng hóa, kinh doanh dịch vụ và vận chuyển hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Cơ sở sản xuất khi bán hàng, giao hàng cho các chi nhánh, cơ sở trực thuộc, đại lý đều phải sử dụng
hóa đơn bán hàng. Ðối với hàng xuất cho chi nhánh, đại lý bán đúng giá quy định hưởng hoa hồng, giá ghi trên
hóa đơn là giá bán do cơ sở sản xuất quy định cho chi nhánh, đại lý bán ra. Trường hợp chi nhánh, cửa hàng
trực thuộc đặt trên cùng một tỉnh, thành phố với cơ sở sản xuất hoặc hàng xuất chuyển kho thì cơ sở được sử
dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ.

e. Nộp thuế:
Theo quy định tại Ðiều 10 Nghị định số 84/1998/NÐ-CP của Chính phủ, thuế TTÐB được nộp vào ngân
sách nhà nước theo quy định sau đây:
e.1/ Cơ sở sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTÐB phải nộp thuế TTÐB vào Ngân sách
Nhà nước tại nơi cơ sở sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ theo thông báo nộp thuế của cơ quan thuế.
Thời hạn nộp thuế của tháng được ghi trong thông báo nộp thuế nhưng chậm nhất không quá ngày 20
của tháng tiếp theo.
Ðối với cơ sở có số thuế TTÐB phải nộp lớn thuộc đối tượng kê khai thuế theo định kỳ 05 ngày hoặc 10
ngày một lần và nộp theo thông báo nộp thuế của cơ quan thuế nhưng thời hạn nộp thuế của tháng chậm nhất
không quá ngày 20 của tháng tiếp theo.
Ðối với những cá nhân, hộ sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTÐB ở xa cơ quan kho
bạc nhà nước thì cơ quan thuế tổ chức thu thuế và nộp vào Ngân sách Nhà nước. Thời hạn cơ quan thuế nộp
tiền vào Ngân sách Nhà nước chậm nhất không quá 3 ngày kể từ ngày thu được tiền.
e.2/ Cơ sở nhập khẩu hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTÐB phải nộp thuế TTÐB theo từng lần nhập
khẩu tại nơi kê khai nộp thuế nhập khẩu. Thời hạn thông báo và thời hạn nộp thuế TTÐB đối với hàng hóa nhập
khẩu thực hiện theo thời hạn thông báo và nộp thuế nhập khẩu.
e.3/ Thuế TTÐB nộp vào Ngân sách Nhà nước bằng đồng Việt Nam. Trường hợp cơ sở sản xuất kinh
doanh có mua, bán hàng hóa dịch vụ bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá bình
quân mua, bán thực tế trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm
phát sinh doanh số để xác định số thuế TTÐB phải nộp. Ðối với hàng nhập khẩu, giá nhập khẩu tính bằng ngoại
tệ phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá quy định trên đây tại thời điểm tính thuế TTÐB.

g. Quyết toán thuế TTÐB:


Theo quy định tại Ðiều 11 nghị định số 84/1998/NÐ-CP của Chính phủ, các cơ sở sản xuất hàng hóa,
kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTÐB phải quyết toán thuế TTÐB theo quy định sau:
g.1/ Cơ sở sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTÐB phải thực hiện quyết toán tài chính
theo chế độ nhà nước quy định; trên cơ sở quyết toán tài chính, cơ sở thực hiện quyết toán thuế TTÐB hàng
năm với cơ quan thuế. Cơ sở phải kê khai toàn bộ các chỉ tiêu về số thuế phải nộp, số đã nộp, số còn thiếu hay
nộp thừa đến thời điểm quyết toán theo mẫu quyết toán thuế (mẫu số 05/TTÐB ban hành kèm theo Thông tư
này) và gửi đến cơ quan thuế trong thời hạn quy định. Năm quyết toán thuế được tính theo năm dương lịch,
trường hợp cơ sở kinh doanh được áp dụng năm quyết toán tài chính khác với năm dương lịch thì vẫn phải quyết
toán thuế TTÐB theo năm dương lịch.Thời hạn cơ sở sản xuất, kinh doanh phải nộp quyết toán thuế cho cơ quan
thuế chậm nhất không quá 60 ngày, kể từ ngày 31/12 của năm quyết toán thuế.
Trường hợp cơ sở sản xuất bán hàng qua chi nhánh, đơn vị trực thuộc ở khác địa phương với nơi sản
xuất, khi quyết toán thuế căn cứ vào doanh thu bán hàng thực tế của các chi nhánh, cơ sở trực thuộc bán ra.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh phải nộp số thuế TTÐB còn thiếu vào Ngân sách Nhà nước chậm nhất
không quá 10 ngày kể từ ngày nộp báo cáo quyết toán thuế, nếu nộp thừa được trừ vào số phải nộp của kỳ tiếp
theo hoặc được hoàn thuế theo quy định
g.2/ Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, thay đổi
ngành nghề kinh doanh thì cơ sở phải thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế và gửi báo cáo quyết toán
thuế cho cơ quan thuế trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày có quyết định về các thay đổi nêu trên và phải nộp
đầy đủ số thuế còn thiếu vào Ngân sách Nhà nước trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nộp báo cáo quyết toán;
nếu nộp thừa thì được trừ vào số thuế phải nộp của kỳ tiếp theo hoặc được hoàn thuế theo quy định.
Cơ sở sản xuất kinh doanh phải chịu trách nhiệm về tính đúng đắn, chính xác của số liệu quyết toán,
nếu cơ sở báo cáo sai để trốn, lậu thuế sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
2- HOÀN THUẾ TTÐB
Theo quy định tại Ðiều 12 Nghị định số 84/1998/NÐ-CP của Chính phủ, cơ sở sản xuất, nhập khẩu hàng
hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTÐB được hoàn thuế TTÐB đã nộp trong một số trường hợp với các căn cứ
xác định, thủ tục hồ sơ và thẩm quyền giải quyết hoàn thuế cụ thể như sau:

a. Ðối với hàng hóa nhập khẩu:


a.1/ Hàng tạm nhập khẩu đã nộp thuế TTÐB, khi tái xuất khẩu được hoàn lại số thuế TTÐB đã nộp
tương ứng với số hàng tái xuất khẩu;
Trường hợp hàng nhập khẩu đã nộp thuế TTÐB mà còn lưu kho, lưu bãi ở cửa khẩu nhập nhưng được
phép tái xuất khẩu cũng được xét hoàn thuế đối với số hàng tái xuất khẩu.
a.2/ Hàng nhập khẩu đã nộp thuế TTÐB theo khai báo, nhưng thực tế nhập khẩu ít hơn so với khai báo;
Hàng nhập khẩu trong quá trình nhập khẩu bị hư hỏng, mất có lý do xác đáng, đã nộp thuế TTÐB;
a.3/ Ðối với hàng nhập khẩu chưa phù hợp về chất lượng, chủng loại theo hợp đồng, giấy phép nhập
khẩu (do phía chủ hàng nước ngoài gửi sai), có giám định của cơ quan có thẩm quyền kiểm nghiệm và xác nhận
của chủ hàng nước ngoài mà được phép nhập khẩu thì cơ quan Hải quan kiểm tra và xác nhận lại số thuế TTÐB
phải nộp, nếu có số thuế đã nộp thừa thì được hoàn lại, nếu nộp thiếu thì phải nộp đủ số phải nộp.
Trường hợp được phép xuất khẩu trả lại nước ngoài thì được hoàn lại số thuế TTÐB đã nộp đối với số
hàng xuất trả lại nước ngoài;
Trường hợp trả lại hàng cho bên nước ngoài trong thời hạn chưa phải nộp thuế nhập khẩu theo chế độ
quy định thì cơ quan Hải quan kiểm tra thủ tục và thực hiện việc không thu thuế TTÐB phù hợp với số hàng
nhập khẩu trả lại nước ngoài.
a.4/ Hàng tạm nhập khẩu để dự hội chợ, triển lãm đã nộp thuế TTÐB, khi tái xuất khẩu được hoàn
thuế;
a.5/ Nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu;
Tổng số thuế TTÐB được hoàn lại tối đa không quá số thuế TTÐB đã nộp của nguyên liệu nhập khẩu để
sản xuất hàng xuất khẩu.
a.6/ Hàng nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam được phép nhập khẩu để làm đại lý giao, bán hàng
cho nước ngoài có đăng ký trước với cơ quan thu thuế ở khâu nhập khẩu thì được hoàn thuế đối với số hàng
thực bán xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.
* Về thủ tục, hồ sơ, trình tự và thẩm quyền giải quyết hoàn thuế TTÐB đối với hàng nhập khẩu trong
các trường hợp nêu trên được thực hiện theo quy định như đối với việc giải quyết hoàn thuế nhập khẩu theo quy
định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

b)
b.1/ Cơ sở sản xuất, kinh doanh quyết toán thuế khi sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản có số thuế
TTÐB nộp thừa, cơ sở có quyền đề nghị cơ quan thuế hoàn lại số thuế TTÐB nộp thừa, thủ tục hồ sơ như sau:
+ Công văn đề nghị hoàn lại thuế TTÐB đã nộp thừa.
+ Quyết định sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản của cấp có thẩm quyền.
+ Quyết toán thuế TTÐB đến thời điểm sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản.
Thẩm quyền quyết định hoàn thuế trong trường hợp này do Cục trưởng Cục thuế tỉnh, thành phố nơi cơ
sở sản xuất kinh doanh đã đăng ký, kê khai nộp thuế xét, quyết định.
b.2/ Cơ sở sản xuất, kinh doanh được hoàn thuế TTÐB trong trường hợp có quyết định của cơ quan có
thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu hoàn trả lại thuế
cho cơ sở.
* Cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, xác định số thuế phải hoàn, ra quyết định hoàn thuế đối
với trường hợp thuộc thẩm quyền tại điểm a nêu trên và thực hiện hoàn thuế cho các đối tượng nộp thuế bằng
cách khấu trừ vào khoản thuế phải nộp của kỳ sau, trường hợp không khấu trừ được thì gửi cơ quan tài chính
làm thủ tục hoàn trả theo đúng quy định tại mục 4 phần IV Thông tư số 103/1998/TT-BTC ngày 18/7/1998 của
Bộ Tài chính hướng dẫn việc phân cấp, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước.
V - GIẢM THUẾ, MIỄN THUẾ TTĐB

Theo quy định tại Ðiều 16 Nghị định số 84/1998/NÐ-CP của Chính phủ, việc giảm thuế, miễn thuế TTÐB được
quy định trong các trường hợp và với thủ tục, hồ sơ và trình tự như sau:

1. Các trường hợp được giảm thuế, miễn thuế và thủ tục hồ sơ : a/ Cơ sở sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế
TTÐB gặp khó khăn do thiên tai, địch họa, tai nạn bất ngờ, bị lỗ được xét giảm thuế TTÐB. Mức giảm thuế được
xác định trên cơ sở số bị lỗ do nguyên nhân bị thiên tai, định họa, tai nạn bất ngờ gây ra nhưng không vượt quá
giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi đã được bồi thường (nếu có) và không quá 30% số thuế phải nộp theo Luật
định của năm bị thiệt hại.

Ðể có căn cứ xét giảm thuế TTÐB theo quy định trên, cơ sở sản xuất phải có các hồ sơ thủ tục như sau:

+ Ðơn xin giảm thuế TTÐB, nêu rõ thời gian, lý do bị thiệt hại, giá trị tài sản bị thiệt hại, số lỗ do thiên tai, địch
họa, tai nạn bất ngờ gây ra, số thuế phải nộp, số thuế đề nghị giảm.

+ Biên bản xác định mức độ, giá trị thiệt hại về tài sản của cơ quan có thẩm quyền và có xác nhận của chính
quyền địa phương từ cấp huyện trở lên.

+ Bản quyết toán tài chính kèm theo giải trình phân tích xác định số bị thiệt hại, số lỗ do bị thiệt hại, quyết toán
thuế.

Các hồ sơ, tài liệu trên, cơ sở gửi tới cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở.

Cơ quan thuế quản lý cơ sở nhận hồ sơ, kiểm tra tài liệu và có văn bản kiến nghị kèm theo hồ sơ xin giảm thuế
của cơ sở gửi cơ quan có thẩm quyền quyết định giảm thuế.

Trong khi chưa có quyết định giảm thuế, cơ sở vẫn phải kê khai và nộp đủ thuế theo quy định. Khi có quyết định
giảm thuế, số thuế được giảm sẽ bù trừ vào số thuế phải nộp của kỳ tiếp theo.

Trường hợp cơ sở sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTÐB gặp khó khăn do thiên tai, địch họa, tai nạn bất
ngờ bị thiệt hại nặng, không còn khả năng sản xuất kinh doanh và nộp thuế thì được xét miễn thuế TTÐB đối với
số thuế TTÐB còn phải nộp không có khả năng nộp.Việc giải quyết miễn thuế do Bộ Tài chính xem xét và quyết
định từng trường hợp cụ thể. Thủ tục, hồ sơ đề nghị miễn thuế TTÐB trong trường hợp này như quy định đối với
việc xét giảm thuế nêu trên nhưng xác định rõ về việc cơ sở không còn khả năng sản xuất kinh doanh và nộp
thuế.

b/ Cơ sở sản xuất bia, đã thành lập và hoạt động từ trước ngày 1/1/1999 có công suất từ 10 triệu lít/ năm trở
xuống, nếu nộp đủ thuế TTÐB theo mức thuế suất quy định mà bị lỗ thì được xét giảm thuế TTÐB. Mức giảm
thuế tương ứng với số lỗ phát sinh trong năm giảm thuế nhưng tối đa không quá số thuế phát sinh phải nộp
trong năm. Việc xét giảm thuế thực hiện theo từng năm tính theo năm dương lịch. Thời gian xét giảm thuế
không quá 05 năm, kể từ ngày 1/1/1999.
Thủ tục hồ sơ xét giảm thuế trong trường hợp này như sau:

+ Ðơn xin giảm thuế của cơ sở sản xuất bia, nêu rõ là cơ sở đã hoạt động từ trước 1/1/1999, công suất thiết kế
của cơ sở, sản lượng thực tế sản xuất, số thuế phát sinh phải nộp theo Luật, số bị lỗ và số thuế TTÐB xin giảm.

+ Luận chứng kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư sản xuất bia, kể cả luận chứng hoặc dự án, phương án đầu tư
mở rộng, bổ sung; biên bản nghiệm thu, bàn giao công trình đưa vào sản xuất.

+ Quyết toán tài chính, quyết toán thuế của năm xin giảm thuế.

Cơ quan thuế quản lý cơ sở tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra xác nhận và kiến nghị giảm thuế cho cơ sở, kèm theo hồ
sơ gửi cơ quan có thẩm quyền quyết định giảm thuế.

Cơ sở sản xuất thuộc đối tượng xét giảm thuế TTÐB theo quy định trên, trong thời gian chưa có quyết định giảm
thuế chính thức, Cục thuế địa phương căn cứ quyết toán từng quý, xác định số lỗ và giải quyết cho cơ sở được
chậm nộp thuế TTÐB. Trường hợp có căn cứ xác định khả năng lỗ theo tháng thì giải quyết chậm nộp thuế TTÐB
từng tháng.

c/ Cơ sở lắp ráp, sản xuất ô tô được giảm 95% mức thuế suất quy định tại Luật thuế TTÐB trong 05 năm từ ngày
01/01/1999 đến hết ngày 31/12/2003. Cơ sở lắp ráp, sản xuất ô tô được xác định mức thuế TTÐB phải nộp trong
thời gian được giảm nêu trên đối với từng loại ô tô như sau:

- Ô tô từ 5 chỗ ngồi trở xuống: mức thuế suất quy định là 100%, được giảm 95%, mức còn phải nộp là 5%.

- Ô tô từ 6 đến 15 chỗ ngồi: mức thuế suất quy định là 60%, được giảm 95%, mức thuế còn phải nộp là 3%.

- Ô tô từ 16 đến dưới 24 chỗ ngồi: mức thuế suất quy định là 30%, được giảm 95%, mức thuế còn phải nộp là
1,5%.

Ví dụ: Năm 1999, trong kỳ kê khai thuế, cơ sở sản xuất ô tô A có tình hình như sau:

- Ô tô từ 5 chỗ ngồi trở xuống có doanh thu 15 tỷ đồng.

- Ô tô từ 6 đến 15 chỗ ngồi có doanh thu 10 tỷ đồng.

- Ô tô từ 16 đến dưới 24 chỗ ngồi có doanh thu 5 tỷ đồng.

Cơ sở phải tính, kê khai nộp thuế TTÐB trong kỳ như sau:

15 tỷ 10 tỷ 5 tỷ
Thuế TTÐB phải nộp = ------ x 5% + --------- x 3% + --------- x 1,5% =1,078 tỷ đồng
1+ 0,05 1+ 0,03 1 + 0,015

Sau 05 năm áp dụng giảm thuế theo quy định trên, việc xét giảm thuế TTÐB thêm từ 01 đến 05 năm nữa đối với
sản xuất ô tô thực hiện theo quy định của Chính phủ.

d/ Cơ sở kinh doanh gôn được giảm 30% mức thuế suất theo quy định của Luật thuế TTÐB trong thời gian 03
năm kể từ ngày 01/01/1999 đến ngày 31/12/2001. Mức thuế suất thuế TTÐB áp dụng đối với kinh doanh gôn
năm 1999, 2000 và năm 2001 là 14%.

Từ ngày 01/01/2002, cơ sở kinh doanh gôn phải kê khai, nộp thuế TTÐB đối với doanh thu kinh doanh gôn: bán
thẻ hội viên và vé chơi gôn với thuế suất quy định tại Luật thuế TTÐB là 20%.

2. Thẩm quyền và trình tự xét giảm, miễn thuế: a/ Thẩm quyền xét giảm, miễn thuế TTÐB trong các trường hợp
quy định tại điểm 1.a, 1.b nêu trên quy định như sau:

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế xét, quyết định đối với trường hợp có số thuế giảm, miễn dưới 500 triệu
đồng/năm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính xét, quyết định đối với trường hợp có số thuế giảm, miễn từ 500 triệu đồng/năm trở lên.

b/ Trình tự xét giảm, miễn thuế TTÐB:

Cục thuế, Chi cục thuế khi nhận được hồ sơ giảm, miễn thuế TTÐB do cơ sở gửi tới, có trách nhiệm kiểm tra hồ
sơ, xác định số thuế được giảm, miễn và có văn bản kiến nghị kèm theo hồ sơ gửi cơ quan thuế cấp trên trong
thời gian 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ; trường hợp hồ sơ Cục thuế tiếp nhận của Chi cục thuế gửi
tới thì thời hạn gửi kiến nghị lên cơ quan thuế cấp trên trong 10 ngày làm việc.

Tổng cục Thuế kiểm tra, xem xét, quyết định giảm thuế cho cơ sở trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ khi
nhận đủ hồ sơ.

Trường hợp cơ sở không thuộc đối tượng giảm thuế hoặc hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định thì trong thời hạn 10
ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ giảm, miễn thuế phải trả lời hoặc thông báo cho cơ sở biết, bồ sung hồ
sơ .

VI. XỬ LÝ VI PHẠM, KHEN THƯỞNG


1- XỬ LÝ VI PHẠM VỀ THUẾ
a. Ðối với đối tượng nộp thuế:
Theo quy định tại Luật thuế TTÐB và Nghị định số 84/1998/NÐ-CP của Chính phủ, đối tượng nộp thuế vi
phạm Luật thuế TTÐB bị xử lý như sau:
a.1/ Không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng những quy định về thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng
ký kê khai nộp thuế, quyết toán thuế, kê khai lập sổ kế toán và giữ hóa đơn, chứng từ liên quan đến việc tính
thuế, nộp thuế thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị cảnh cáo hoặc phạt tiền.
a.2/ Nộp chậm tiền thuế hoặc tiền phạt ghi trong thông báo thuế, lệnh thu thuế hoặc quyết định xử
phạt thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế hoặc tiền phạt theo Luật định, mỗi ngày nộp chậm còn phải nộp bằng
0,1% (một phần nghìn) số tiền chậm nộp.
a.3/ Khai man, trốn thuế thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế theo quy định của Luật thuế TTÐB, tùy theo
tính chất, mức độ vi phạm còn bị phạt tiền từ 1 đến 5 lần số tiền thuế gian lậu; trốn thuế với số lượng lớn hoặc
đã bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế mà còn có hành vi tiếp tục vi phạm nghiêm trọng khác thì bị truy cứu
trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
a.4/ Không nộp thuế, nộp phạt sẽ bị xử lý như sau:
- Trích tiền gửi của đối tượng nộp thuế tại ngân hàng, kho bạc, tổ chức tín dụng để nộp thuế, nộp phạt;
Ngân hàng, kho bạc, tổ chức tín dụng có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của đối tượng nộp
thuế để nộp thuế, nộp phạt vào ngân sách nhà nước theo quyết định xử lý về thuế của cơ quan thuế hoặc cơ
quan có thẩm quyền trước khi thu nợ;
- Giữ hàng hóa, tang vật để bảo đảm thu đủ số thuế, số tiền phạt;
- Kê biên tài sản theo quy định của pháp luật để bảo đảm thu đủ số thuế, số tiền phạt còn thiếu.
* Việc xử lý các vi phạm về thuế TTÐB nói trên được thực hiện theo các thủ tục, trình tự quy định tại
các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm về thuế.
b. Ðối với cán bộ thuế và cá nhân khác:
Theo quy định tại Ðiều 19 Luật thuế TTÐB, Ðiều 17 Nghị định số 84/1998/NÐ-CP của Chính phủ, cán bộ
thuế, cá nhân khác vi phạm Luật thuế TTÐB bị xử lý như sau:
b.1/ Cán bộ thuế, cá nhân khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng trái phép, chiếm đoạt tiền
thuế, tiền phạt thì phải hoàn trả đầy đủ cho nhà nước toàn bộ số tiền thuế, tiền phạt đã sử dụng trái phép,
chiếm đoạt và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo
quy định của pháp luật.
b.2/ Cán bộ thuế, cá nhân khác thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc xử lý sai gây thiệt hại cho người nộp
thuế thì việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự . Cán bộ thuế, cá nhân
khác gây ra thiệt hại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình
sự theo quy định của pháp luật.
b.3/ Cán bộ thuế, cá nhân khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thông đồng, bao che cho người vi
phạm Luật thuế TTÐB hoặc có hành vi khác vi phạm các quy định của Luật thuế TTÐB thì tùy theo tính chất,
mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
b.4/ Người cản trở hoặc xúi giục người khác cản trở việc thi hành Luật thuế TTÐB thì tùy theo tính chất,
mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2- KHEN THƯỞNG
Theo quy định tại Ðiều 20 Luật thuế TTÐB, Ðiều 18 Nghị định số 84/1998/NÐ-CP của Chính phủ, cơ
quan thuế, cán bộ thuế hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện
Luật thuế TTÐB; đối tượng nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế thì được khen thưởng.
CHƯƠNG 5
THUẾ XUẤT NHẬP KHẨU
I. TỔNG QUAN VỀ THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU
1. Khái niệm và vài nét lịch sử

Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hay còn gọi chung là thuế quan (tariff) là một loại thuế đánh vào các hàng hóa
được giao thương qua biên giới các quốc gia hoặc một nhóm các quốc gia đã thành lập liên minh thuế quan.
Mục tiêu của việc sử dụng thuế quan nói chung là để tăng thu nhập, bảo hộ công nghiệp nội địa hoặc cả hai. Với
mục tiêu tăng thu nhập thuế thì thuế quan có 3 ưu điểm. Dưới một số điều kiện nào đó thì nó lấy được thu nhập
từ những người nước ngoài mà không thể lầy được bằng cách nào khác nữa; thậm chí trong trường hợp mà việc
đánh thuế người nước ngoài là không khả thi thì sự xuất hiện trên bề mặt của việc đánh thuế vào họ hay hàng
hóa nước họ thường làm cho thuế quan dễ được chấp nhận về mặt chính trị hơn là đánh thuế trực tiếp vào hàng
hóa tiêu dùng trong nội địa; và trong nhiều trường hợp ở các nước đang phát triển thì việc thu thuế ở biên giới
dễ dàng hơn các hoạt động kinh tế trongnội địa.

Động lực thứ hai cho việc sử dụng thuế quan là để bảo hộ công nghiệp nội địa. Bằng việc làm tăng giá hàng
nhập khẩu , thuế quan cho phép các nhà cạnh tranh trong nội địa tăng giá hàng hóa của họ và kiếm thêm thu
nhập. Nếu các nhà cạnh tranh nội địa có thể tăng sản lượng và trở nên hiệu quả hơn, thuế quan có thể được
biện hộ như là một sự bảo vệ các ngành công nghiệp non trẻ. Một lập luận nữa là việc bảo hộ ngành công
nghiệp nội địa sẽ làm tăng việc làm. Tuy nhiên trên thực tế thì thuế quan cũng được sử dụng để bảo hộ cho
những ngành công nghiệp cũ, đã được xây dựng từ lâu vì nhiều lý do khác nhau vì không vận hành được một
cách có lợi nhuận nếu thiếu đi thuế quan.

Tuy các lập luận về việc sử dụng thuế quan trên đây có vẻ rất hấp dẫn nhưng mỗi lập luận này đều có những lý
lẽ chống lại. Chẳng hạn trong khi làm tăng thu nhập từ thuế, thuế quan cũng làm giảm tổng số hoạt động kinh
tế có thể bị đánh thuế. Mặc dù là có vẻ đánh thuế ngưòơi hay hàng hóa nước ngoài, nó thực sự là một loại thuế
gián thu và đôi khi là ngầm ẩn vào những người tiêu dùng nội địa và không làm gì để kích thích hiệu quả các
doanh nghiệp chế biến nội địa. Nếu mục tiêu là ưu đãi một số ngành công nghiệp nội địa nào đó, có những cáh
trực tiếp và hiệu quả hơn như sử dụng các khoản trợ cấp.

Thuế nhập khẩu là hình thức phổ biến và chủ yếu nhất của thuế quan. Như đã nói ở trên, nó có thể được đánh
cho mục tiêu thu nhập hoặc bảo hộ hoặc cả hai nhưng kết quả là nó lại khuyến khích những hoạt động sản xuất
phi kinh tế trong nội địa để sản xuất những hàng hóa bị đánh thuế. Thậm chí nếu hàng nhập khẩu đóng góp
một phần lớn vào cơ sở đánh thuế thì điều tốt hơn là đánh thuế mọi loại hàng tiêu dùng chứ không chỉ là tiêu
dùng hàng nhập khẩu để tránh những sự bảo hộ phi kinh tế.

Thuế nhập khẩu đã không còn đóng vai trò như một nguồn thu nhập quan trọng trong các nước phát triển. Ví dụ
ở Mỹ, thu nhập từ thuế nhập khẩu vào năm 1808 chiếm gấp đôi tổng chi tiêu của chính phủ, trong khi vào năm
1837 thì nó chỉ còn ít hơn 1/3 khoản chi tiêu này. Cho tới gần cuối thế kỷ 19, các khoản thu từ thuế quan chiếm
khoảng 6% trước khi kết thúch chiến tranh thế giới lần thứ II và từ đó còn sụt giảm hơn nữa.

Thuế xuất khẩu đã không còn đuợc sử dụng với một mức độ lớn nữa ngoại trừ việc đánh thuế một số khóang
sản và sản phẩm nông nghiệp. Một số nước giàu về tài nguyên phụ thuộc phần lớn vào thuế xuất khẩu. Thuế
xuất khẩu rất thông dụng rong quá khứ và là một công cụ chính sách quan trọng của chủ nghĩa trọng thương.
Chức năng chính của nó là để bảo vệ các nhà cung cấp nội địa hơn là để tăng thu nhập . Thuế xuất khẩu lần
đầu tiên xuất hiện ở Anh vào năm 1257 bởi một đạo luật đánh thuế vào da và len.

Hiện nay thuế xuất khẩu nói chung được đánh bởi các quốc gia sản xuất các nguyên liệu thô hơn là bởi các quốc
gia phát triển.

2. Quá trình hình thành thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ở Việt Nam

Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được nhà nước ban hành vào năm 1951. Lúc bấy giờ thuế xuất khẩu, thuế
nhập khẩu là công cụ để quản lý việc xuất, nhập hàng hóa giữa vùng tự do và vùng bị tạm chiếm, bảo vệ và
phát triển kinh tế vùng tự do, xúc tiến việc giao lưu hàng hóa tối cần thiết cho quân đội và nhân dân. Thuế tính
theo giá hàng và thuế suất cao hay thấp tùy theo yêu cầu hạn chế hay khuyến khích xuất nhập ít hay nhiều,
yêu cầu đấu tranh kinh tế với địch và có lợi cho ta. Hoạt động của thuế chủ yếu dựa trên phương châm đấu
tranh kinh tế với địch: đẩy mạnh sản xuất, tranh thủ nhập các thứ hàng cần thiết cho kháng chiến, cho sản
xuất, và đời sống nhân dân. Cho nên, Nhà nước miễn thuế nhập khẩu cho tất cả các thứ hàng của vùng tự do
(lâm thổ sản, hàng thủ công). Mặt khác, hạn chế nhập hàng từ vùng địch, hàng nhập gồm 116 thứ, thuế xuất từ
30% trở lên.

Qua nhiếu lần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, thuế nhập khẩu, thuế
xuất khẩu được ban hành thành luật tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa VIII vào ngày 26/12/1991, và được Chủ
tịch nước ký công bố bằng Lệnh số 64 – LCT/ HĐNN8 ngày 4/1/1992.

Nhưng trước những biến đổi và yêu cầu về kinh tế - xã hội những năm gần đây, Luật thuế nhập khẩu, thuế xuất
khẩu lại được sửa đổi bổ sung vào tháng 7 năm 1993 và gần đây nhất, kỳ họp Quốc hội khóa X đã dành thời
gian để thảo luận và thông quan Luật thuế sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập
khẩu ngày 20/5/1998 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/1999.

II. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU
1. Đối tượng chịu thuế
Tất cả hàng hóa được phép xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam trong các trường hợp sau
đây đều là đối tượng chịu thuế xuất khẩu hoặc thuế nhập khẩu.

Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của các tổ chức kinh tế thuộc các thành phần kinh tế được phép mua bán, trao
đổi, vay nợ với nước ngoài.

Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của các tổ chức kinh tế nước ngoài, của các hình thức ĐTNN tại Việt Nam.

Hàng hóa của các tổ chức nói trên (khoản 1 và 2 vừa nêu) được phép xuất khẩu vào các khu chế xuất tại Việt
Nam và hàng hóa của các xí nghiệp trong khu chế xuất được phép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.

Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, để làm hàng mẫu quảng cáo dự hội chợ tiển lãm.

Hàng hóa viện trợ hoàn lại và không hoàn lại.

Hàng hóa vượt quá tiêu chuẩn hành lý được miễn thuế mang theo người của cá nhân Việt Nam và người nước
ngoài khi xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu, biên giới Việt Nam.

Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vượt quá tiêu chuẩn miễn thuế của các tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao
nước ngoài tại Việt Nam và của các cá nhân người nước ngoài làm việc tại các tổ chức nói trên hoặc tại các
doanh nghiệp, tổ chức có vốn ĐTNN ở Việt Nam.

Hàng hóa là tài sản, dịch vụ chuyển vượt quá tiêu chuẩn miễn thuế của các tổ chức cá nhân nước ngoài xuất
khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt nam do hết thời hạn cư trú và làm việc tại Việt Nam và của cá nhân người Việt
Nam được hính phủ Việt nam cho phép xuất cảnh để định cư ở nước ngoài.

Hàng hóa mua bán, trao đổi tiểu ngạch qua biên giới của Việt nam với các nước tiếp giáp giữa cư dân khu vực
hai bên biên giới.

2. Đối tượng nộp thuế

Tất cả các tổ chức, cá nhân có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế quy định ở mục 1 nêu
trên đều là đối tượng nộp thuế.

3. Đối tượng không chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu:

Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thộuc diện không chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sau khi làm thủ tục Hải
quan gồm:

Hàng quá cảnh và mượn đường qua lãnh thổ Việt Nam.

Hàng kinh doanh theo phương thức chuyển khẩu, bao gồm các hình thức:

Hàng hóa được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu không qua cửa khẩu Việt Nam.

Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có qua cửa khẩu Việt Nam nhưng không làm
thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có qua cửa khẩu Việt Nam và đưa vào kho
ngoại quan, không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

Trong quá trình vận chuyển, lưu kho trên lãnh thổ Việt Nam hàng hóa quá cảnh, mượn đường, chuyển khẩu phải
chịu sự giám sát và quản lý theo qui định của cơ quan Hải quan từ khi nhập khẩu đến khi xuất khẩu, không tiêu
thụ tại thị trường Việt Nam. Trường hợp đặc biệt, hàng hóa tiêu thụ tại Việt Nam phải được phép của cơ quan
quản lý Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và phải làm đầy đủ thủ tục hải quan.

Hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu vào khu chế xuất, doanh ngiệp chế xuất và hàng hóa từ khu chế xuất,
doanh nghiệp chế xuất xuất khẩu ra nước ngoài (trực tiếp hoặc quá cảnh qua các cửa khẩu Việt Nam) hoặc
hàng hóa đưa từ khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất này sang khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất khác
trong cùng lãnh thổ Việt Nam.

Hàng viện trợ nhân đạo.

4. Căn cứ tính thuế:


Căn cứ tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là số lượng hàng hóa, giá tính thuế và thuế suất của mặt hàng xuất
khẩu, nhập khẩu.

4.1 Số lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:


Số lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu làm căn cứ tính thuế là số lượng từng mặt hàng thực tế xuất khẩu,
nhập khẩu.

4.2. Giá tính thuế:


4.2.1. Trường hợp áp giá tính thuế theo hợp đồng:

Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán ngoại thương, có đủ nội dung chủ yếu qui định tại điều
50 Luật Thưong mại ngày 10/05/1997 (trừ các mặt hàng thuộc danh mục mằt hàng Nhà nước quản lý giá tính
thuế) thì giá tính thuế được xác định theo hợp đồng ngoại thương phù hợp với các chứng từ có liên quan đến
việc mua, bán. Cụ thể:

a) Đối với hàng xuất khẩu là giá bán cho khách hàng tại cửa khẩu (giá FOB), không bao gồm phí bảo hiểm (I) và
chi phí vận tải (F).

b) Đối với hàng nhập khẩu là giá mua tại cửa khẩu nhập (CIF) bao gồm cả phí bảo hiểm (I) và chi phí vận tải (F).
Nếu nhập khẩu bằng đường bộ là giá mua theo diều kiện biên giới Việt Nam (DAF).

c) Giá tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu áp dụng đối với khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất tại Việt Nam là
giá thực tế mua, bán tại cửa khẩu khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất theo hợp đồng.

d) Đối với trường hợp hàng nhập khẩu, có bao gồm hàng bảo hành theo hợp đồng (kể cả trường hợp gửi hàng
sau) nhưng trong hợp đồng không tính thanh toán riêng đối với số hàng hóa bảo hành thì giá tính thuế trên hợp
đồng là giá bao gồm cả phần bảo hành,

e) Đối với máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải đưa ra nước ngoài để sửa chữa, thì giá tính thuế khi nhập khẩu
trử lại Việt Nam là chi phí sửa chữa theo hợp đồng đã ký với nước ngoài.

g) Đối với máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải đi thuê thì giá tính thuế là gía thuê theo hợp đồng đã ký với
nước ngoài.

h) Đối với hàng hóa do phía nước ngoài gia công cho phía Việt Nam, thì giá tính thuế khi nhập khẩu là giá trị
thực tế của hàng hóa nhập khẩu trừ đi già trị của nguyên vật liệu, vật tư, hàng hóa xuất ra nước ngoài để gia
công, theo hợp đồng đã ký (thuế suất thuế nhập khẩu tính theo mặt hàng gia công thực tế nhập khẩu và xuất
xứ của hàng hóa là xuất xứ của nước nhận gia công, giá trị thực tế hàng nhập khẩu được xác định theo giá tính
thuế qui định tại Mục II, Phần B Thông tư 172/1998.

i) Đối với hàng hóa nhập khẩu đã đưa vào sử dụng tại Việt Nam phải truy thu, thì giá tính thuế truy thu được xác
định trên cơ sở giá trị sử dụng còn lại của hàng hóa tại thời điểm tính truy thu thuế, theo kết quả giám định chất
lượng hàng hóa của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được tính cụ thể như sau:

- Giá trị sử dụng còn lại từ 30% trở xuống thì giá tính thuế bằng 10% của giá nhập khẩu hàng mới.

- Giá trị sử dụng còn lại trên 30% đến 50%, thì giá tính thuế bằng 20% của giá nhập khẩu hàng mới.

- Giá trị sử dụng còn lại trên 50% đến 70%, thì giá tính thuế bằng 30% của giá nhập khẩu hàng mới.

- Giá trị sử dụng còn lại trên 70% đến 85%, thì giá tính thuế bằng 45% của giá nhập khẩu.

- Giá trị sử dụng còn lại trên 85%, thì giá tính thuế bàng 60% của giá nhập khẩu hàng mới.

4.2.2. Đối với một số mặt hàng Nhà nước quản lý giá thì giá tính thuế là giá theo Bảng giá của Bộ tài chính qui
định. Trường hợp giá trên hợp đồng mua, bán ngoại thương cao hơn giá qui định tại Bảng giá của Bộ tài chính
thì tính theo giá hợp đồng.

4.2.3. Đối với hàng hóa nhập khẩu không đủ điều kiện để xác định giá tính thuế theo hợp đồng qui định tại
Thông tư số 82/1997/TT- BTC ngầy 11/11/1997 của Bộ tài chính, hoặc đối với hàng hóa nhập khẩu theo các
phương thức khác không thông qua hợp đồng mua, bán (như hàng biếu, tặng, xuất nhập khẩu phi mậu dịch,
hoạt động xuất nhập khẩu của cư dân biên giới…); không thanh toán qua ngân hàng (như hàng đổi hàng, hàng
trả gia công…) thì giá tính thuế được thực hiện theo Bảng giá tính thuế của Bộ tài chính qui định (đối với các
mật hàng Nhà nước quản lý giá) hoặc của Tổng cục Hải quan qui định (đối với các mặt hàng Nhà nước không
quản lý giá).

4.2.4. Tỷ giá tính thuế

Giá tính thuế được tính bằng đồng Việt Nam. Tỷ giá làm cơ sở để xác định giá tính thuế đối với hàng hóa xuất
khẩu, nhập khẩu là tỷ giá mua, bán thực tế bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngan hàng Nhà
nước Việt Nam công bố được đăng trên báo Nhân dân hàng ngày. Trường hợp vào các ngày không phát hành
báo Nhân dân hàng ngày (hoặc có phát hành nhưng không thông báo tỷ giá) thì tỷ giá tính thuế của ngày hôm
đó được áp dụng theo tỷ giá tính thuế của ngày trước đó.

Đối với các đồng ngoại tệ không có giao dịch trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng thì xác định theo nguyên
tắc tỷ giá tính chéo giữa tỷ giá đồng đô la Mỹ (ÚD) với đồng Việt Nam mua, bán thực tế bình quân trên thị
trường liên ngân hàng và tỷ giá giữa đồng đô la Mỹ với các ngoại tệ khác trên thị trường Quốc tế do Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam công bố.

4.2.5. Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được nộp bằng đồng Việt Nam. Trường hợp đối tượng nộp thuế muốn
nộp thuế bằng ngoại tệ thì phải nộp bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.

Những trường hợp phải nộp thuế bằng ngoại tệ do Bộ tài chính quyết định đối với từng trường hợp.

4.3. Thuế suất: 4.3.1. Thuế xuất thuế nhập khẩu:

Thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu gồm thuế suất thông thường, thuế suât ưu đãi và thuế suất ưu đãi đặc
biệt được thực hiện như sau:

a) Thuế suất ưu đãi là thuế suất chỉ áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu cóa xuất xứ từ nước hoặc khối nước có
thỏa thuận về đối xử tối huệ quốc trong quan hệ Thương mại với Việt Nam được qui định cụ thể cho từng mặt
hàng trong biêu thuế thuế nhập khẩu ưu đãi.

b) Thuế suất ưu đãi đặc biệt là thuế suất được áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước hoặc khối
nước mà Việt Nam và nước hoặc khối nước đó đã có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu theo thể chế
khu vực thương mại tự do, liên minh thuế hoặc để tạo thuận lợi cho giao lưu thương mại biên giới và trường hợp
ưu đãi đặc biệt khác. Thuế suất ưu đãi đặc biệt được áp dụng cụ thể cho từng mặt hàng theo qui định trong
thỏa thuận.

c) Thuế suất thông thường là thuế suất được áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước không có
thỏa thuận về đối xử tối huệ quốc trong quna hẹ thương mại với Việt Nam.

Thuế suất thông thường cao hơn 50% so với thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng quy định tại Biểu thuế thuế
nhập khẩu ưu đãi và được tính như sau:

Thuế suất thông thường = Thuế suất ưu đãi + Thuế suất ưu đãi x 50%)

Ngoài thuế xuất thông thường, thuế suất ưu đãi và thuế suất ưu đãi đặc biệt, hàng hóa nhập khẩu trong một số
trường hợp còn bị đánh thuế suất bổ sung và sẽ có hướng dẫn riêng.

Thuế suất thuế xuất khẩu:

Thuế xuất thuế xuất khẩu của từng mặt hàng thực hiện theo biểu thuế thuế xuất khẩu (được ban hành kèm
theo Quyết định số 193/2000/QĐ-BTC ngày 5/12/2000 của Bộ trưởng Bộ tài chính).

5. Phương pháp tính thuế

Căn cứ vào số lượng từng mặ t hàng xuất nhập khẩu, vào giá tính thuế và thuế suất, số thuế xuất khẩu, thuế
nhập khẩu được tính theo công thức.

Thuế xuất khẩu hoặc thuế nhập Số lượng hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập
= X Giá tính thuế X Thuế suất
khẩu khẩu
6. Đăng ký, kê khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và nộp thuế

6.1. Kê khai Hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:
Tổ chức, cá nhân mỗi lần có hàng hóa được phép xuất khẩu phải kê khai đầy đủ, chính xác nội dung theo qui
định của cơ quan Hải quan, nộp tờ khai hàng hóa xuất khẩu, và nộp thuế xuất khẩu cho cơ quan Hải quan nơi
làm thủ tục xuât khẩu.

Tổ chức, cá nhân mỗi lần có hàng hóa được phép nhập khẩu phải kê khai đầy đủ, chính xác các nội dung theo
qui định của cơ quan hải quan, nộp tờ khai hàng hóa nhập khẩu và nộp thuế nhập khẩu cho cơ quan Hải quan
nơi có cửa khẩu nhập khẩu hàng hóa.

Trường hợp hàng hóa nhập khẩu được phép làm thủ tục thông quan tại các địa điểm ngoài cửa khẩu nhập khẩu,
thì trình tự kê khai tính thuế được thực hiện như sau: Cơ quan Hải quan tại địa điểm thông quan có trách nhiệm
tiếp nhận tờ khai hàng nhập khẩu và toàn bộ hồ sơ có liên quan đến lô hàng nhập khẩu để làm thủ tục nhập
khẩu, sau đó chuyển cho cơ quan Hải quan có cửa khẩu nhập khẩu. Cơ quan Hải quan có cửa khẩu nhập khẩu
có trách nhiệm kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ nhập khẩu của lô hàng để đối chiếu với các chứng từ có liên quan đến
việc nhập khẩu và quyết định việc chuyển lô hàng về nơi làm thủ tục thông quan ngoài cửa khẩu. Sau khi kiểm
hóa, tính thuế cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục thông quan ngoài cửa khẩu phải có trách nhiệm bàn giao một
bộ hồ sơ hải quan nơi làm hàng nhập khẩu cho cơ quan hải quan cửa khẩu hàng nhập để lưu theo dõi. Hàng hóa
vận chuyển từ cửa khẩu nhập khẩu đến cửa khẩu làm thủ tục thông quan ngoài cửa khẩu phải chịu sự giám sát,
quản lý theo qui định của cơ quan Hải quan.

6.2 Thời diểm tính thuế và thời hạn thông báo thuế:
Thời điểm tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là ngày đối tượng nộp thuế đã nộp tơ khai hàng hóa xuất khẩu,
nhập khẩu cho cơ quan Hải quan. Quá 15 ngày kể từ ngày nộp tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cho cơ
quan Hải quan nhưng đối tượng nộp thuế chưa có hàng thực xuất khẩu, nhập khẩu thì tờ khai hàng hóa xuất
khẩu, nhập khẩu đã nộp cho cơ quan Hải quan không có giá trị làm thủ tục Hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập
khẩu. Khi có hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu đối tượng nộp thuế phải làm lại thủ tục kê khai và nộp tơ khai
hàng xuất khẩu, nhập khẩu cho cơ quan Hải quan, thời điểm tính thuế là ngày nộp tờ khai lần sau.

Thời hạn thông báo thuế theo qui định tại điều 4 Nghị định số 94/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 được thực hiện
cụ thể như sau:

Trong thời hạn 8 giờ làm việc kể từ khi tiếp nhận tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của đối tượng nộp
thuế, cơ quan Hải quan phải thông báo chính thức cho đối tượng nộp thuế về số thuế phải nộp theo kê khai của
đối tượng nộp thuế.

Trong thời hạn 8 giờ làm việc kể từ khi cơ quan Hải quan kiểm hóa xong lô hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu,
nếu có sự khác biệt về số thuế phải nộp so với thông báo theo kê khai ban đầu, thì cơ quan Hải quan phải thông
báo cho đối tượng nộp thuế số thuế còn thiếu hoặc thừa so với số thuế đã thông báo theo kê khai.

Đối với những trường hợp bắt buộc phải có giám định về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng để đảm bảo chính xác
cho việc tính thuế (như xác định tên mặt hàng, mã số tính thuế theo danh mục biểu thuế, chất lượng, tiêu
chuẩn kỹ thuật, tình trạng cũ, mới của hàng hóa nhập khẩu) thì thời hạn thông báo số thuế còn thiếu hoặc thừa
kéo dài hơn, nhưng tối đa không được quá 15 ngày làm việc.

Cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục Hải quan và thu thuế nhập khẩu khi kiểm hóa, tính thuế thấy không thể xác
định rõ ràng về mặt hàng, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tình trạng cũ, mới làm căn cứ tính thuế có quyền yêu
cầu giám định đối với trường hợp qui định tại điểm này, đồng thời phải thông báo lại cho đối tượng nộp thuế biết
lý do phải giám định. Kết quả giám định theo yêu cầu của cơ quan Hải quan là kết quả để làm căn cứ tính thuế
và thu thuế nhập khẩu.

6.3 Thời hạn nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
Đối tượng hàng xuất khẩu là 15 ngày (ngày theo lịch), kể từ ngày đối tượng nộp thuế nhận được thông báo
chính thức của cơ quan Hải quan về số thuế phải nộp.

Đối với hàng là vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu là 9 tháng (tính tròn là 275 ngày theo
lịch) kể từ ngày đối tượng nộp thuế nhận được thông báo thuế chính thức của cơ quan Hải quan về số thuế phải
nộp.

Điều kiện để được áp dụng thời hạn nộp thuế 9 tháng đối với vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng
xuất khẩu:

- Hợp đồng xuất khẩu hàng hóa.

- Đối tượng nộp thuế không nợ thuế quá thời hạn (tại thời điểm nhập khẩu) quy định của Luật thuế xuất khẩu,
thuế nhập khẩu.
- Bản đăng ký vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu;

Căn cứ vào hồ sơ quy định, cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu ra thông báo thời hạn nộp thuế cho
doanh nghiệp là 9 tháng, đồng thời mở sổ theo dõi việc nợ thuế của doanh nghiệp để quyết toán số nợ thuế khi
thực tế xuất khẩu sản phẩm.

Đối với hàng kinh doanh theo phương pháp tạm xuất – tái nhập hoặc tạm nhập – tái xuất thì thời hạn nộp thuế
là 15 ngày (ngày theo lịch), kể từ ngày hết thời hạn của cơ quan có thẩm quyền cho phép tạm xuất – tái nhập
hoặc tạm nhập – tái xuất ( áp dụng cho cả trường hợp được phép gia hạn) theo qui định của Bộ thương mại.

Đối với hàng tiêu dùng phải nộp xong thuế nhập khẩu trước khi nhận hàng. Danh mục hàng tiêu dùng thực hiện
theo qui định của Bộ thương mại.

Trường hợp đối tượng nộp thuế có sự bảo lãnh về số tiền phải nộp thì thời hạn nộp thuế là 30 ngày (ngày dương
lịch), kể từ ngày đối tượng nộp thuế nhận được thông báo thuế chính thức của cơ quan Hải quan về số thuế phải
nộp với điều kiện sau:

- Đối tượng đứng ra bảo lãnh phải là tổ chức tín dụng hoặc các tổ chức khác được phép thực hiện một số hoạt
động ngân hàng theo qui định của luật các tổ chức tín dụng.

- Nội dung bảo lãnh phải ghi rõ tên tổ chức đứng ra bảo lãnh, tên doanh nghiệp được bảo lãnh, số tiền thuế
được bảo lãnh, thời hạn bảo lãnh và cam kết của đối tượng đứng ra bảo lãnh.

Căn cứ vào giấy bảo lãnh của tổ chức đứng ra bảo lãnh, Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu ra thông báo thời
hạn nộp thuế là 30 ngày cho đối tượng nộp thuế tương ứng với số tiền thuế được bảo lãnh.

Quá thời hạn nộp thuế theo thông báo thuế của cơ quan Hải quan mà đối tượng nộp thuế chưa nộp thuế nhập
khẩu theo qui định, thì cơ quan Hải quan yêu cầu tổ chức đứng ra bảo lãnh nộp số tiền thuế vào ngân sách Nhà
nước thay cho đối tượng được bảo lãnh theo đúng qui định của luật các tổ chức tính dụng ngày 12/12/1997 và
các văn bản hướng dẫn. Đồng thời tổ chức đứng ra bảo lãnh phải nộp phạt chậm nộp thuế từ ngày đối tượng
nộp thuế nhận được thông báo thuế, nếu quá thời hạn nộp thuế 90 ngày mà tổ chức đứng ra bảo lãnh vẫn chưa
nộp thuế vào ngân sách nhà nước thì cơ quan Hải quan có quyền yêu cầu phong tỏa tài khoản của tổ chức đứng
ra bảo lãnh cho đến khi đủ số thuế, tiền phạt.

Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của cư dân biên giới thì
đối tượng nộp thuế phải nộp xong thuế trước khi xuất khẩu hàng ra nước ngoài hoặc nhập khẩu hàng vào Việt
Nam.

Đối với hàng hóa nhập khẩu không thuộc diện thực hiện nộp thuế qui định tại điểm 2, 3, 4 và 5 nêu trên thì thời
hạn nộp thuế là 30 ngày (ngày theo lịch) kể từ ngày đối tượng nộp thuế nhận được thông báo thuế chính thức
của cơ quan Hải quan về số thuế phải nộp.

Hàng hóa nhập khẩu có thời hạn nộp thuế khác nhau thì phải mở tờ khai hàng hóa nhập khẩu riêng theo từng
thời hạn nộp thuế.

7. Miễn thuế, xét miễn thuế, giảm thuế

7.1 Miễn thuế:

Tổ chức, cá nhân khi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc các trường hợp miễn thuế theo qui định tại điều 12
Nghị định 54/CP ngày 28/8/1993 của Chính phủ, gồm:

Hàng viện trợ không hoàn lại theo Dự án viện trợ hoặc Hiệp định giữa Chính phủ Việt nam với các tổ chức của
nước ngoài hoặc văn bản thỏa thuận viện trợ hoặc thông báo viện trợ;

Hàng tạm nhập – tái xuất; hàng tạm xuất - tái nhập để tham gia dự hội chợ triển lãm;

Hàng hóa là tài sản di chuyển được miễn thuế theo định mức như sau:

- Đối với tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân người nước ngoài khi được phép vào công tác, làm việc tại Việt
Nam thực hiện theo qui định tại Thông tư liên BỘ thương mại- Ngoại giao – Tài chính - Tổng cục Hải quan số
04/TTLB ngày 12/2/1996 và số 04BS/TTLB ngày 20/10/1996.

- Đối với hàng là tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân Việt Nam được phép đưa ra nước ngoài để kinh doanh
và làm việc khi hết thời hạn chuyển về nước được miễn thuế đối với những tài sản đã đưa ra nước ngoài nay đưa
trở về nước.
- Một số mặt hàng là hàng tiêu dùng (cụ thể như ôtô, xe máy, tivi, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, dàn âm thanh
đang sử dụng) của gia đình cá nhân ngừơi Việt Nam, người nước ngoài được phép định cư tại Việt Nam được
miễn thuế nhập khẩu mỗi thứ 1 chiếc cho mỗi hộ gia đình (hoặc cá nhân).

Hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế của khách xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu
Việt nam theo định mức qui định tại Nghị định số 17/CP ngày 6/2/1995 được sửa đổi tại Nghị định 79/1998.

Đối với hàng nhập, xuất khẩu của tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam
theo qui định của pháp luật Việt nam, và phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt nam đã ký kết hoặc tham
gia thực hiện theo hướng dẫn tại các Thông tư liên Bộ thương mại - Ngoại giao – Tài chính - Tổng cục Hải quan,
và hướng dẫn bổ sung việc nhập khẩu hoặc mua tại Việt nam tái xuất khẩu và chuyển nhượng những vật dụng
cần thiết phục vụ cho nhu cầu công tác và sinh hoạt của các cơ quan đại điện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ
quan đại diện các tổ chức quốc tế được quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam

Đối với hàng hóa nhập khẩu để phục vụ gia công cho phía nuớc ngoài rồi xuất khẩu theo hợp đồng đã ký, đuợc
miễn thuế đối với các truờng hợp:

- Vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để gia công.

- Vật tư tham gia vào quá trình sản xuất, gia công ( giấy, phấn, bút vẽ, bút vạch dấu, đinh ghim quần áo, mực
sơn, in, bàn chải quét keo, khung in lưới, kết tẩy, dầu đánh bóng …) nếu doanh nghiệp xây dựng được định mức
tiêu hao và tỷ lệ hao hụt.

- Hàng làm mẫu phục vụ cho gia công.

- Máy móc, thiết bị trực tiếp phục vụ gia công đuợc thỏa thuận trong hợp đồng gia công. Hết thời hạn thực hiện
hợp đồng gia công phải tái xuất; nếu không tái xuất thì phải kê khai nộp thuế theo qui định;

- Sản phẩm gia công xuất trả (nếu có thuế xuất khẩu).

Giám đốc doanh nghiệp nhận gia công chịu trách nhiệm về việc sử dụng nguyên liệu , phụ liệu, vật tư nhập
khẩu vào đúng mục đích gia công; truờng hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật.

- Thiết bị, máy, móc, nguyên liệu, vật tư, sản phẩm gia công do phía nuớc ngoài thanh toán thay tiền công gia
công khi nhập khẩu đều phải nộp thuế nhập khẩu theo qui định.

Máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải do các nhà thầu nước ngoài mang vào Việt Nam theo phương thức tạm
nhập, tái xuất để phục vụ thi công công trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) được
miễn thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu khi tái xuất

Khi kết thúc thời hạn thi công công trình dự án nhà thầu nước ngoài phải tái xuất, nếu không tái xuất phải kê
khai nộp thuế nhập khẩu theo qui định.

Bộ tài chính giao Tổng cục Hải quan căn cứ vào các qui định trên để tổ chức thực hiện việc giải quyết miễn thế
cho từng trường hợp. Khi giải quyết miễn thuế đối với các trường hợp nêu tại mục 1, 2, 3, 5, 6 và 7 cơ quan Hải
quan phải ra quyết định miễn thuế cho từng truờng hợp theo đúng thẩm quyền và tổ chức lưu giữ hồ sơ theo qui
định. Khi có quyết định miễn thuế cơ quan Hải quan phải thanh khoản số thuế nhập khẩu đuợc miễn và ghi rõ
trên tờ khai Hải quan hàng xuất nhập khẩu: “hàng miễn thuế theo qui định số … ngày … tháng … năm… của ”

7.2 Xét miễn thuế:


Các tổ chức, các nhân khi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc các trường hợp được xét miễn thuế phải có đầy
đủ các hồ sơ theo qui định sau:

a) Đối với hàng nhập khẩu chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng, nghiên cứu khoa học và
giáo dục, đào tạo:

- Hàng nhập khẩu chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng:

Công văn đề nghị xét miễn thuế của lãnh đạo Bộ chủ quản.

Danh mục cụ thể về số lượng, chủng laọi hàng nhập khẩu chuyên dùng cho an ninh, quôc phòng do lãnh đạo Bộ
chủ quản phê duyệt đã đuợc đăng ký và thống nhất với Bộ tài chính từ đầu năm (chậm nhất đến hết 31 tháng 3
hàng năm, Bộ chủ phải đăng ký kế hoạch nhập khẩu)

Giấy phép nhập khẩu do Bộ thương mại cấp (nếu có).


Tờ khai Hải quan hàng hóa nhập khẩu (đã thanh khoản và tính thuế).

Hợp đồng ủy thác nhập khẩu (nếu là hàng nhập khẩu ủy táhc)

- hàng nhập khẩu chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho nghiên cứu khoa học

Công văn đề nghị xét miễn thuế của đơn vị thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học.

Hồ sơ đề tài nghiên cứu khoa học gồm:

+ quyết định phê duyệt đề tài cấp bộ hoặc cấp nhà nuớc.

+ Danh mục hàng hóa cần nhập khẩu để thực hiện đề tài do cấp phê duyệt đề tài duyệt.

Tờ khai Hải quan hàng nhập khẩu (đã thanh khoản và tính thuế).

Hợp đồng ủy thác nhập khẩu (nếu là hàng nhập khẩu ủy thác)

- Hàng nhập khẩu chuyên dùng phục vụ cho giáo dục, đào tạo:

Công văn đề nghị xét miễn thuế của đơn vị thực hiện công tác giáo dục đào tạo

Quyết định phê duyệt dự án đầu tư trang thiết bị phục vụ cho công tác giáo dục, đào tạo của bộ chủ quản.

Danh mục trang thiết bị thuộc dự án do Bộ chủ quản phê duyệt.

Tờ khai Hải quan hàng nhập khẩu (đã thanh toán và tính thuế).

Hợp đồng ủy thác nhập khẩu (nếu là hàng nhập khẩu ủy thác).

Bộ tài chính xem xét và ra quyết định miễn thế cho từng truờng hợp trên cơ sờ hồ sơ qui định. Cơ quan hải quan
căn cứ vào quyết định miễn thuế của Bộ tài chính để thanh khoản số thuế nhập khẩu đuợc miễn và ghi rõ trên
tờ khai Hải quan hàng nhập khẩu: “hàng miễn thuế theo qui định số … ngày … tháng … năm .. của Bộ tài chính”

b. hàng nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nuớc ngoài và của bên nước ngoài hợp tác kinh doanh theo
luật đầu tư nước ngoài tại Việt nam qui định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 94/1998/NĐ- CP ngày 17/11/1998
của Chính phủ thực hiện theo hướng dẫn tại các Thông tư số 74TC/TCT ngày 20/10/1997 huớng dẫn thực hiện
qui định về thuế đối với các hình thức đầu tư theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Thông tư số 63/1998/TT-
BTC ngày 13/5/1998 hướng dẫn thực hiện một số qui định về thuế nhằm khuyến khích và bảo đảm hoạt động
đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam qui định tại Nghị định số 10/1998/NĐ –CP.

c. Hàng nhập khẩu của các nhà đầu tư trong nước theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước qui định tại khoản
3 Điều 2 Nghị định số 94/1998 thực hiện theo hướng dẫn riêng.

d. Đối với hàng là quà biếu, quà tặng của các tổ chức, cá nhân người nước ngoài cho các tổ chức cá nhân người
Việt Nam và ngược lại, phải có

- Công văn đề nghị xét miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

- Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu do cơ quan Hải quan cấp (nếu có).

- Thông báo hay quyết định hoặc thỏa thuận tặng hàng của chủ hàng.

- Hồ sơ liên quan đến việc xuất khẩu, nhập khẩu lô hàng là quà biếu, tặng.

Căn cứ vào các hồ sơ và quy định trên đây, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố ra quyết định giải quyết xét miễn
thuế cho các lô hàng là quà biếu, tặng, hàng mẫu của các tổ chức, cá nhân người nước ngoài cho cá nhân người
Việt Nam và của tổ chức, cá nhân người Việt Nam cho cá nhân người nước ngoài trong định mức qui định (không
quá 100USD). Các trường hợp là quà biếu, tặng, hàng mẫu khác Bộ tài chính giải quyết miễn thuế từng trường
hợp cụ thể. trên cơ sở quyết định miễn thuế cơ quan Hải quan phải thanh khoản số thuế được miễn và ghi rõ
trên tờ khai Hải quan hàng xuất nhập khẩu: “Hàng miễn thuế theo quyết định số … ngày … tháng … nắm … của
Bộ tài chính”.

Đối với hàng nhập khẩu để bán miễn thuế do cơ quan Hải quan quản lý theo chế độ quản lý giám sát hàng nhập
khẩu để bán miễn thuế quy định tại quy chế về cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế ban hành kèm theo Quyết
định số 205/1998/QĐ-TTg ngày 19/10/1998 của Thủ tướng chính phủ bảo đảm nguyên tắc: Hàng hóa từ khi
nhập khẩu đến khi bán phải chịu sự giám sát quản lý của cơ quan Hải quan.

Hàng nhập khẩu để bán miễn thuế tại các cửa hàng miễn thuế nếu đưa vào tiêu thụ tại thị trường Việt nam
hoặc bán cho đối tượng không được miễn thuế, doanh nghiệp kinh doanh cửa hàng miễn thuế phải kê khai nộp
thuế theo quy định.

Tổng cục Hải quan tổ chức thực hiện việc miễn thuế, quản lý hàng bán miễn thuế quy định tại điểm này.

7.3. Xét giảm thuế


Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong quá trình vận chuyển, bốc xếp (hàng hóa còn nằm trong sự giám sát,
quản lý của cơ quan Hải quan) bị hư hỏn, mất mát dcó lý do xác đáng, do cơ quan Hải quan tỉnh, thành phố ra
quyết định xử lý căn cứ vào mức độ tổn thất, hư hỏng đã được giám định, đối chiếu hồ sơ có liên quan để giảm
thuế tương ứng đối với từng trường hợp cụ thể.

8. Hoàn lại thuế, truy thu thuế

8.1 Hoàn thuế


8.1.1. Các truờng hợp được xét hoàn thuế

Các trường hợp được xét hoàn lại thuế theo quy định tại điều 16 Nghị định số 54/CP ngày 28/08/1993 của Chính
phủ, khi đề nghị xét hoàn lại tiền thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã nộp, các tổ chức, cá nhân bao gồm:

a) Hàng nhập khẩu đã nộp thuế mà còn lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu dưới sự giám sát của Hải quan, được phép
tái xuất;

b) Hàng xuất khẩu đã nộp thuế xuất khẩu nhưng không xuất nữa;

c) Hàng đã nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nhưng thực tế xuất khẩu hoặc nhập khẩu ít hơn;

d) Đối với hàng nhập khẩu chưa phù hợp về chất lượng quy cách, phẩm cấp so với hợp đồng thương mại đã ký
với phía nước ngoài, do phía nước ngoài gửi sai, có giấy giám định của cơ quan chwsc năng giám định nhà nước,
có xác nhận của chủ hàn nước ngoài thì Cục Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào kết quả
kiểm hóa hàn thực nhập khẩu và đối chiếu với các qui định hiện hành của nhà nước để xếmt quyết định cho
nhập khẩu hàng hóa hoặc buộc tái xuất. Đồng thời tính lại số thuế nhập khẩu phải nộp để thu thuế phù hợp với
hàng thực nhập khẩu trong trường hợp có sự thay đổi về thuế suất, giá tính thuế. Nếu doanh nghiệp đã nộp số
tiền thuế nhập khẩu quá số thuế nhập khẩu tính lại theo hàng thực nhập khẩu thì sẽ hoàn lại số đã nộp thừa,
nếu nộp thiếu thì phải nộp bổ sung;

e) Đối với trường hợp đối tượng nộp thuế nhầm lẫn trong kê khai thì được hoàn trả tiền thuế nộp quá trong thời
hạn một năm trở về trước (tính đến ngày nộp tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu) kể từ ngày kiểm tra, phát
hiện; hồ sơ đề nghị xét hoàn thuế;

g) Đối với hàng là vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu được hoàn thuế tương ứng với tỷ lệ
xuất khẩu thành phẩm;

Các trường hợp được xét hoàn thuế bao gồm:

- Các doanh nghiệp nhập nguyên liệu, vật tư rồi trực tiếp sản xuất hoặc tổ chức đưa gia công và nhận sản phẩm
về để xuất khẩu (kể cả trường hợp liên kết sản xuất hàng xuất khẩu);

- Các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước sau đó tìm được thị
trường xuất khẩu và đưa số nguyên liệu, vật tư này vào sản xuất hàng xuất khẩu, đã thực xuất khẩu sản phẩm
ra nước ngoài;

- Các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng xuất khẩu thuộc phần vốn góp đầu tư của
bên nước ngoài trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo luật đầu tư nước ngoài
tại Việt Nam, sau đó xuất khẩu cho khach hàng nước ngoài hoặc cho công ty chính (công ty mẹ) ở nước ngoài.

* Đối với trường hợp một loại nguyên liệu nhập khẩu về đế sản xuất nhưng thu được hai hoặc nhiều sản phẩm
khác nhau (nhập khẩu lúa mì để sản xuất bột mì thu lại được hai sản phẩm là bột mì và cám mì; Nhập khẩu
condensate để lọc dầu thu được sản phẩm là xăng và diesel…) nhưng chỉ xuât khẩu một loại sản phẩm sản xuất
ra thì số thuế nhập khẩu được hoàn tính theo phương pháp phân bổ như sau:
Số thuế nhập khẩu được hoàn (tương Tỷ lệ giữ trị giá của sản phẩm xuất khẩu Số thuế nhập khẩu của
= x
ứng với sản phẩm thực tế xuất khẩu) và tổng trị giá của cac sản phẩm thu được nguyên vật liệu nhập khẩu

h) Đối với hàng tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu hoặc hàng tạm xuất khẩu để tái nhập khẩu được xét hoàn thuế
nhập khẩu, thuế xuất khẩu và không phải nộp thuế nhập khẩu khi tái nhập, thuế xuất khẩu khi tái xuất trong
các trường hợp sau:

- Hàng tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu hoặc hàng tạm xuất khẩu để tái nhập khẩu theo phương pháp kinh
doanh hàng tạm nhạp – tái xuất; hàng tạm xuất – tái nhập và hàng nhập khẩu ủy thác cho phía nước ngoài;

- Đối với hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam được phép nhập để làm đại lý giao, bán hàng cho
nước ngoài; Hàng hóa nhập khẩu để bán cho các phương tiện của các hãng nước ngoài trên các tuyến đường
quốc tế qua cảng Việt Nam và các phương tiện của Việt Nam trên các tuyến đường quốc tế theo qui định của
Chính phủ;

Đối với đồ uống phục vụ trên các chuyến bay quốc tế thì tờ khai Hải quan hàng xuất khẩu được thay bằng phiếu
giao nhận đồ uống có xác nhận của Hải quan sân bay.

Trường hợp hàng tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu hoặc hàng hóa xuất khẩu để tái nhập khẩu, nếu đã thực tái
xuất khẩu hoặc tái nhập khẩu trong thời hạn nộp thuế qui định tại Mục III, phần C Thông tư 172/1998 nga2y
22/12/1998 thì không phải nộp thuế nhập khẩu hoặc thuế xuất khẩu tương ứng với số hàng thực tế đã tái xuất
hoặc tái nhập khẩu. Hồ sơ xét không thu thuế như qui định hồ sơ xét hoàn thuế (riêng biên lai nộp thuế dược
thay bằng thông báo thuế chính thức của cơ quan Hải quan).

i) Đối với hàng hóa từ thị trường nội địa xuất vào khu chế xuất hoặc doanh nghiệp chế xuất được thực hiện như
qui định hoàn thuế đối với các trường hợp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng xuất khẩu; tạm nhập
tái xuất nêu trên.

k) Hàng đã xuất khẩu nhưng vì lý do nào đó buộc phải nhập khẩu trở lại Việt Nam được xét hoàn thuế xuất khẩu
đã nộp và không phải nộp thuế nhập khẩu với điều kiện;

- Hàng được thực nhập trở lại Việt Nam trong thời hạn tối đa 1 năm kể từ ngày thực tế xuất khẩu.

- Hàng hóa chưa qua quá trình sản xuất, gia công, sửa chữa hoặc sử dụng ở nước ngoài;

- Hàng nhập khẩu trở lại Việt Nam phải cùng cửa khẩu đã xuất khẩu hàng hóa đó;

Trường hợp hàng xuất khẩu phải nhập khẩu trở lại Việt Nam cònt rong thời hạn nộp thuế xuất khẩu qui định tại
Mục II, Phân C Thông tư 172/1998 thì không phải nộp thuế xuất khẩu tương ứng với số hàng thực tế nhập khẩu
trở lại

Trường hợp hàng xuất khẩu là hàng của các doanh nghiệp Việt Nam gia công cho phía nước ngoài thuộc diện đã
được miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, phẩi nhập khẩu trở lại Việt Nam để sửa chữa, tái chế, tiêu thụ thì cơ
quan Hải quan quản lý, quyết toán hợp đồng gia công ban đầu phải tiếp tục thực hiện việc theo dõi, quản lý để
quyết toán hàng xuất khẩu, thuế nhập khẩu nguyên vật liệu theo qui định.

Trường hợp hàng xuất khẩu là hàng sản xuất từ nguyên vật liệu nhập khẩu; hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất
(thuộc đối tượng được hoàn thuế khi xuất khẩu) phải nhập khẩu trở lại Việt Nam thì doanh nghiệp phải truy nộp
số thuế nhập khẩu làn đầu đã được hoàn lại hoặc sẽ không được xét hoàn lại thuế (nếu chưa hoàn) tương ứng
với số hàng phải nhập khẩu trở lại Việt Nam. Khi thực tế xuất khẩu số hàng đã nhập khẩu trở lại Việt Nam thì
doanh nghiệp phải kê khai nộp thuế xuất khẩu (nếu thuộc đối tượng phải nộp thuế xuất khẩu) và được xét hoàn
thuế nhập khẩu theo qui định.

l) Hàng nhập khẩu nhưng vì lý do nào đó buộc phải tái xuất ra nước ngoài (xuất trả lại chủ hàng nước ngoài
hoặc tái xuất sang nước thứ ba) được xét hoàn thuế nhập khẩu đã nộp tườn ứng với số lượng tái xuất và không
phải nộp thuế xuất khẩu, với điều kiện:

- Hàng được tái xuất ra nước ngoài trong thời hạn tối đa 1 năm kể từ ngày thực nhập khẩu;

- Hàng hóa chưa qua quá trình sản xuất, gia công, sửa chữa hoặc sử dụng tại Việt Nam;

- Hàng tái xuất ra nước ngoài phải cùng cửa khẩu đã nhập khẩu hàng hóa đó.

Trường hợp hàng nhập khẩu kông phù hợp với hợp đồng thì pảhi có kết quả giám định hàng hóa của cơ quan có
chức năng giám định nhà nước.
m) Đối với số máy móc, thiết bị, dung cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm
nhập – tái xuất hoặc mượn – tái xuất để thực hiện các dự án dầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục
vụ sản xuất và các mục đích khác, khi nhập khẩu phải kê khai nộp thuế theo qui định, khi tái xuất ra khỏi Việt
Nam sẽ được hoàn thuế nhập khẩu. Số thuế nhập khẩu được hoàn được xác định trên cơ sở giá trị sử dụng còn
lại của máy móc, thíet bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển khi tái xuất khẩu tính theo thời gian sử dụng và lưu
lại Việt Nam (trường hợp thực tế đã hết giá trị sử dụng thì không được hoàn thuế ).

8.1.2. Trình tự giải quyết hoàn thuế được thực hiện như sau:

- Đối với trường hợp a, b, c, d, e của Phần trên thì bộ phận kiểm hóa hàng xuất khẩu., nhập khẩu xác nhận, bộ
phận tính thuế của Hải quan kiểm tra lại và làm thủ tục hoàn lại thuế, Cục trưởng Cụ Hải quan tỉnh thành phố ký
quyết định hoàn lại thuế. Số thuế xuất nhập khẩu được hoàn, được trừ vào số thuế phải nộp kỳ sau của đối
tượng được hoàn. Trường hợp số thuế phải hoàn lớn hoặc đối tượng được hoàn lại thuế không có hoạt động xuất
nhập khẩu ký sau thì Cục trưởng Cục Hải quan xác nhận về đề nghị Bộ Tài chính (Vụ Ngân sách Nhà nước) trực
tiếp hoàn lại thuế cho đối tượng được hoàn theo quyêt định hoàn thuế của Cục Hải quan.

- Đối với các trường hợp g, h, i, m của Phần trên, cơ quan Hải quan khi thu thuế được gửi vào một tài khoản
riêng của Cục Hải quan tỉnh, thành phố tại kho bạc. Khi đối tượng được hoàn lại thuế đề gnhị xét hoàn thuế thì
cục Hải quan tỉnh, thành phố căn cứ vào hồ sơ qui định để kiểm tra, xem xét và ký quyết định hoàn thuế (hoặc
không thu thuế) và thực hiện việc hoàn tlại thuế cho đối tượng được hoàn từ tài khoản tiền gửi nói trên vào kho
bạc.

- Đối với các trường hợp k, l Phần trên, Bộ Tài chính căn cứ vào hồ sơ qui định để kiểm tra, xem xét và ký quyết
định hoàn lại thuế (hoặc không thu thuế) cho các đối tượng. Căn cứ vào Qyết định hoàn thuế của Bộ tài chính,
Cục HẢi quan nơi tổ chức, cá nhân đăng ký Tờ khai hàng xuất nhập khẩu và nộp thuế, theo dõi để trừ vào số
tiền thuế phải nộp kỳ sau của đối tượng được hoàn. Trường hợp số thuế phải hoàn lớn hơn số thuế phải nộp của
kỳ sau hoặc đối tượng được hoàn không có hoạt động xuất nhập khẩu ký sau thì Cục trưởng Cục Hải quan xác
nhận và đề nghị Bộ tài chính (Vụ ngân sach Nhầ nước) trực tiếp hoàn lại số thuế cho đối tượng được hoàn thuế.

Khi giải quyết hoàn thuế theo các quyết định hoàn thuế, Cục hải quan phải thanh khoản số thuế được hoàn trên
từng Tờ khai Hải quan hàng hóa xuất nhập khẩu và ghi rõ: “Hoàn thuế …. đồng, theo Quyết định số …. ngày …
tháng …năm …của ..”

Trường hợp số thuế được hoàn được trừ vào số thuế phải nộp kỳ sau của đối tượng được hoàn thuế thì trên tờ
khai Hải quan hàng xuất nhập khẩu được trừ thuế cũng phải ghi rõ “Số tiền thuế được trừ … đồng, theo quyết
định hoàn thuế số… ngày…tháng … năm … của …”

8.1.3 Thời hạn nộp hồ sơ và thời hạn xét hoàn thuế:

- Thời hạn nộp hồ sơ:

Chậm nhất trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày xuất khẩu, nhập khẩu hoặc kể từ ngày thực hiện xong một hợp
đồng, thỏa thuận hợp đồng các đối tượng thuộc diện được xét hoàn lại thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải
hoàn thành hồ sơ theo qui định gửi cơ quan có thẩm quyền, để xem xét giải quyết hoàn lại thuế theo qui định.

- Thời hạn xét hoàn thuế:

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo đúng qui định của đối tượng được xét hoàn lại thuế, cơ
quan có thẩm quyền có trách nhiệm ký quyết định hoàn lại thuế cho các đối tượng được hoàn lại thuế theo
thẩm quyền qui định.

8.2 Truy thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

8.2.1 Các trường hợp phải truy thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu:

- Các trường hợp đã được miễn thuế, giảm thuế theo qui định Tại phần D Thông tư 172/1998, nếu đã sử dụng
khác với mục đích đã được miễ giảm thì phải truy thu đủ số thuế đã được miễn giảm.

- Trường hợp đối tượng nộp thuế nhầm lẫn trong kê khai hàng hóa xuất nhập khẩu thì phải truy thu tiền trong
thời hạn 1 năm trở về trước, kể từ ngày kiểm tra phát hiện có sự nhầm lẫn đó.

Các trường hợp nhầm lẫn trong kê khai là nhầm lẫn trong tính toán, sai mã số của Biểu thuế.

- Các trường hợp có sự gian lận, trốn thuế thì phải truy thu tiền thuế, tiền hạt trong thời hạn 5 năm trở về trước
kể từ ngày kiểm tra pháthiện có sự gian lận, trốn thuế. Gian lận, trốn thuế gồm tất cả các trường hợp đều phải
truy thu thúe ngoài hai trường hợp truy thu nêu trên.
8.2.2 Căn cứ để tính truy thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là giá tính thuế và thuế suất được áp dụng theo
qui định tại thời điểm tính truy thu thuế.

5.2.3 Thời hạn kê khai truy nộp thuế là 2 (hai) ngày kể từ ngày thay đổi mục đích sử dụng ghi trên các văn bản,
chứng từ, hóa dơn có liên quan. Trường hợp không có các chứng từ để xác định ngày thay đổi mục đích sử dụng,
thì ngày xác định để truy thu thuế là ngày đăng ký tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu.

8.2.4. Thời hạn nộp thuế phải truy thu thực hiện theo quy định tại mục III Phần C Thông tư172/1998. Nếu qua
thời hạn qui dịnh nêu trên mà đối tượng nộp thuế chưa nộp thì sẽ bị xử lý theo qui định.

9. Xử lý vi phạm

9.1 Đối với đối tượng nộp thuế:

a) Không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng những qui định về thủ tục đăng ký, kê khai hàng hóa xuất nhập
khẩu, thuế nhập khẩu, chứng từ liên quan đến việc tính thuế, nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì tùy theo
tính chất, mức độ vi phạm nhẹ hoặc nặng mà bị cảnh cáo hoặc phạt tiền về vi phạm hành chính về thuế.

b) Nộp chậm tiền thuế hoặc tiền phạt so với số ngày qui định phải nộp ghi trong thông báo thuế, quyết định
truy thu thuế hoặc quyết định xử lý về thuế thì ngoài việc phải nộp đủ tiền thuế, tiền phạt theo Luật định, mỗi
ngày nộp chậm cón phải nộp phạt bằng 0,1% số tiền nộp chậm.

c) Khai man thuế, trốn thuế thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế theo qui định của Luật thuế xuất khẩu, nhập
khẩu, tùy theo tính chất, mức đọ vi phạm cón bị phạt tiền từ 1 đến 5 lần số thuế gian lận. Cụ thể như một số
trường hợp:

- Không khai báo hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

- Khai báo sai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu so với thực tế xuất khẩu, nhập khẩu như sai tên hàng, giá, số
lượng chủng loại, phẩm cấp, chất lượng, xuất xứ hàng…;

- Lập hồ sơ chứng từ mua bán giả, cung cấp không đầy đủ, sai lệch hồ sơ có liên quan đến việc tính thuế cho cơ
quan Hải quan;

- Khai báo sai mục đích, thực trạng hàng hóa để được miễn giảm thuế, hoàn thuế;

- Sử dụng hàng hóa được miễn thuế, giảm thuế khác với mục đích đã được miễn, giảm thuế nhưng cố tình
không khai báo để kê khai truy nộp thuế, bán hàng miễn thuế sai đối tượng, đưa hàng bán miễn thuế vào thị
trường Việt Nam khi chưa được phép …

Trường hợp trốn thuế với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế mà còn tiếp tục vi phạm
hoặc ó hành vi vi phạm nghiêm trọng khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định của pháp luật.

d) Không nộp thuế, nộp phạt theo quyết định xử lý về thuế thì bị cưỡng chế thi hành bằng các biện pháp sau:

- Trích tiền gửi của đối tượng nộp thuế tại Ngân hàng, tổ chức tín dịng khác, kho bạc để nộp thuế, nộp phạt.

- Gửi hàng hóa, tang vật của dối tượng nộp thuế, nộp phạt để đảm bảo thu đủ số thuế, số tiền phạt.

- Kê biên tài sản theo qui định của pháp luật để đảm bảo thu đủ số thuế, số tiền phạt còn thiếu.

- Cơ quan hải quan không cho phép làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu cho các lô hàng tiếp theo của đối tượng
nộp thuế cho đến khi đối tượng đó nộp đủ thuế, tiền phạt.

Việc xử lý các vi phạm về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nó trên được thực hiện theo các thủ tục trình tự qui
định tại các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm về thuế.

9.2. Đối với các cán bộ thuế và các cá nhân khác vi phạm Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sẽ bị xử lý theo
qui định tại Điều 22 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ngày 26/12/1991 và điểu 20 Nghị định 54/CP ngày
28/8/1993 của Chính phủ, Cán bộ và cơ quan thu thuế cố tình xử lý sai thì vẫn phải truy thu đủ số thuế còn
thiếu, nếu việc tuy nộp đủ thuế mà gây thiệt hại cho đối tượng nộp thuế thì cán bộ, coq quan thuế phải bồi
thường theo qui định của Pháp luật.

CHƯƠNG 6
THUẾ TÀI NGUYÊN
I- ÐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ VÀ ÐỐI TƯỢNG CHỊU THUẾ

1- Mọi tổ chức cá nhân thuộc các thành phần kinh tế, bao gồm:

Doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân,
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh theo luật
Ðầu tư nước ngoài tại Việt Nam, hộ sản xuất kinh doanh, các tổ chức và các cá nhân khác không phân biệt
ngành nghề, quy mô, hình thức hoạt động, có khai thác tài nguyên thiên nhiên theo đúng quy định của pháp
luật Việt Nam đều phải đăng ký, kê khai và nộp thuế tài nguyên theo quy định tại điều 1 Pháp lệnh tài nguyên
(sửa đổi), trừ các trường hợp tại điểm 5, mục I thông tư 153/1998 ngày 26/11/1998.

2- Tài nguyên thiên nhiên thuộc diện chịu thuế là các tài nguyên thiên nhiên trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội
thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt
Nam, bao gồm:

a) Khoáng sản kim loại: Gồm khoáng sản kim loại đen (sắt, mangan, titan…) và khoáng sản kim lại màu (vàng,
đất hiếm, bạch kim, thiết, won fram, đồng, chì, kẽm, nhôm…)

b) Khoáng sản không kim loại, bao gồm: đất làm gạch, đất khai thác san lấp, xây dựng công trình, đất khai thác
sử dụng cho các mục đích khác; đá, cát, sỏi, than, đá quý…nước khoáng, nước nóng thiên nhiên thuộc đối tượng
quy định tại luật khoáng sản;

c) Dầu mỏ: là dầu thô được quy định tại khoản 2, Ðiều 3 Luật dầu khí;

d) Khí đốt: Là khí thiên nhiên quy định tại khoản 3, Ðiều 3 Luật dầu khí;

đ) Sản phẩm của rừng tự nhiên, gồm: Gỗ (kể cả cành ngọn, gốc, rễ…), tre, nứa, giang vầu; các loại dược liệu…
và các loại thực vật, động vật được phép khai thác là sản phẩm của rừng tự nhiên…

e) Thủy sản tự nhiên: các loại động vật, thực vật tự nhiên ở biển, sông, ngòi, hồ, ao đầm tự nhiên

g) Nước thiên nhiên: nước mặt, nước dưới lòng đất, trừ nước nóng, nước khoáng thiên nhiên thuộc nhóm b được
nêu trên;

e) Tài nguyên thiên nhiên khác: bao gồm các tài nguyên thiên nhiên không thuộc các nhóm trên;

Mọi trường hợp cố ý tiến hành khai thác các loại tài nguyên cấm khai thác đều bị xử lý theo pháp luật hiện
hành. Khi kiểm tra phát hiện những vụ việc vi phạm, cơ quan thuế phải thông báo và phối hợp với các cơ quan
có chức năng để tiến hành xử lý theo thẩm quyền.

Trường hợp tài nguyên thiên nhiên cấm khai thác bị bắt giữ, tịch thu và được phép bán ra thì tổ chức được giao
bán phải tính đầy đủ thuế tài nguyên trong giá bán và nộp vào ngân sách

3- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng đang trả
tiền tài nguyên hay nộp thuế tài nguyên theo mức cụ thể đã quy định trong giấy phép đầu tư cấp trước ngày 1-
06-1998 thì tiếp tục trả tiền tài nguyên hay nộp thuế tài nguyên theo quy định đó cho đến hết thời hạn của giấy
phép được cấp, sau đó phải thực hiện theo hướng dẫn tại thông tư 153/1998 ngày 26/11/1998 nếu được gia hạn
giấy phép đầu tư.

4- Theo quy định tại điều 3 pháp lệnh thuế tài nguyên (sửa đổi) và điều 3 nghị định số 68/1998/NÐ-CP ngày 03-
09-1998 của chính phủ, trường hợp doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài và hoạt động theo Luật Đầu Tư
Nước Ngoài tại Việt Nam mà bên Việt Nam góp vốn pháp định bằng các nguồn tài nguyên được ghi trong giấp
phép đầu tư thì doanh nghiệp liên doanh không phải nộp thuế tài nguyên đối với số tài nguyên mà bên Việt
Nam dùng góp vốn pháp định. Ðịnh kỳ 3 tháng, 6 tháng, Bên Việt Nam phải kê khai số tài nguyên phát sinh đã
góp vốn, báo cáo Bộ Tài chính để ghi vốn ngân sách nhà nước và quản lý theo chế độ hiện hành.

5- Trường hợp doanh nghiệp khai thác tài nguyên được thành lập trên cơ sở liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh
doanh và hợp đồng chia sản phẩm, thì thuế tài nguyên phải nộp của doanh nghiệp liên doanh hay của bên nước
ngoài phải được xác định trong hợp đồng liên doanh và tính theo phần sản phẩm chia cho bên Việt Nam, khi
chia sản phẩm, bên Việt Nam có trách nhiệm nộp thuế Tài nguyên vào ngân sách nhà nước theo quy định của
luật ngân sách.

II- CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ BIỂU THUẾ TÀI NGUYÊN

Số thuế tài nguyên phải phù hợp trong kỳ nộp thuế được tính như sau:
Số thuế tài nguyên
Thuế tài nguyên M Sản lượng tài nguyên Giá tính thuế
= x x Thuế suất - được miễn giảm
phải nộp trong kỳ thương phẩm thực tế đơn vị tài nguyên
(nếu có)

1. Sản lượng tài nguyên thương phẩm thực tế khai thác: là số lượng, trọng lượng hay khối lượng khai thác của
tài nguyên khai thác thực tế trong kỳ nộp thuế, không phục thuộc vào hiện trạng, mục đích khai thác tài nguyên
(để bán ngay, đem trao đổi, tiêu dùng nội bộ, dự trữ đưa vào sản xuất tiếp theo…)

- Ðối với loại tài nguyên không thể xác định được số lượng, trọng lượng hay khối lượng thực tế khai thác do chứa
nhiều chất khác nhau, hàm lượng tập chất lớn, thì thuế tài nguyên được tính trên số lượng, trọng lượng hay khối
lượng từng chất thu được do sàn tuyển, phân loại.

Ví dụ: Công ty trong kỳ nộp thuế phải sàn tuyển hàng nghìn m3 đất, đá, nước (không thể xác định được số
lượng), để thu được 2kg vàng cốm, 100 tấn quặng sắt… thì thuế tài nguyên được tính trên số lượng vàng cốm
và quặng sắt này.

- Trường hợp khai thác thủ công, phân tán hoặc khai thác lưu động, không thường xuyên, khó khăn trong việc
quản lý thì có thể thực hiện khoán số lượng tài nguyên khai thác theo mùa hoặc định kỳ. Cơ quan thuế phối hợp
với chính quyền địa phương và cơ quan quản lý chuyên ngành để ấn định số lượng tài nguyên thực tế khai thác
được khoán.

Cũng trong trường hợp nêu trên, nếu loại tài nguyên khai thác được tập trung vào đầu mối thu mua và được cơ
sở thu mua cam kết chấp thuận thì Cục thuế Tỉnh, thành phố có thể quyết định (bằng văn bản) để tổ chức, cá
nhân thu mua tài nguyên nộp thay thuế tài nguyên cho người khai thác.

2- Giá tính thuế: theo quy định tại điều 7 Nghị định số 68/1998/NÐ-CP ngày 03-09-1998 của chính phủ, giá tính
thuế tài nguyên là giá bán đơn vị của tài nguyên tại nơi khai thác tài nguyên và được xác định cụ thể trong từng
trường hợp như sau:

a) Loại tài nguyên xác định được sản lượng tại nơi khai thác và có thể bán ra ngay khi khai thác như : (đất, đá,
cát, sỏi, thủy sản…) thì giá tính thuế tài nguyên là giá thực tế tại nơi khai thác trừ thuế doanh thu hoặc chưa
bao gồm thuế giá trị gia tăng (nếu có) phải nộp. Nếu phát sinh chi phí vận chuyển, bốc xếp, lưu kho bãi từ nơi
khai thác đến nơi tiêu thụ thì chi phí đó được trừ khi xác định giá tính thuế tài nguyên; trường hợp này nếu
không bán ra (như: đưa vào quy trình sản xuất tiếp theo), thì áp dụng giá tính thuế do Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố quy định theo nguyên tắc nêu tại điền 7 Nghị định số 68/1998/NÐ-CP ngày 03-09-1998 của chính
phủ.

b) Loại tài nguyên xác định được sản lượng ở khâu khai thác, nhưng chưa thể bán mà phải chuyển qua sàng
tuyển, chọn lọc… mới bán ra được thì giá tính thuế tài nguyên là giá bán sản phẩm đã qua sàng tuyển, phân
loại, trừ (-) các chi phí phát sinh từ nơi khai thác đến nơi tiêu thụ và quy đổi theo hàm lượng tỷ trọng để xác
định giá tính thuế và giá bán của tài nguyên thực tế khai thác, có trừ thuế doanh thu hoặc không bao gồm thuế
giá trị gia tăng.

Ví dụ: Giá bán một tấn than sạch là 65.000đ/tấn, chi phí sàn tuyển, vận chuyển từ nơi khai thác đến nơi bán ra
là 10.000đ/tấn; tỷ trọng than sạch trong than thực tế khai thác là 80% thì:

Giá tính thuế tài nguyên mỗi tấn than tại nơi (65.5000 đ – 10.000 Thuế doanh thu hoặc thuế giá trị gia
= -
khai thác đ) x tăng

c) Loại tài nguyên không xác định được khối lượng ở khâu khai thác vì tạp chất lớn, có nhiều chất khác nhau thì
giá tính thuế là giá bán được thực tế của từng chất tại nơi khai thác trừ thuế doanh thu hoặc không bao gồm
thuế giá trị gia tăng.

Ví dụ: Vàng cốm, quặng sắt…

d) Loại tài nguyên khai thác và được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất trong sản xuất như: nước thiên nhiên
dùng cho sản xuất nước tinh lọc, nước khoáng, các loại bia và nước giải khát khác; đất làm nguyên liệu cho sản
xuất công nghiệp, thủ công thì giá tính thuế tài nguyên là giá bán sản phẩm cuối cùng trừ đi các chi phí sản
xuất ra sản phẩm đó (bao gồm thuế doanh thu hoặc thuế giá trị gia tăng phải nộp nhưng không bao gồm chi phí
khai thác tài nguyên), nhưng mức tối thiểu không thấp hơn giá tính thuế do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
quy định.

Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên chấp hành đầy đủ chế độ sổ sách kế toán, chuẩn mực kế toán theo quy
định, được tính toán và định giá tính thuế tài nguyên theo hướng dẫn tại điểm a, b, c hoặc d. Mọi trường hợp
khác và các trường hợp khai thác tài nguyên để sử dụng cho các mục đích khác không thuộc hướng dẫn tại các
điểm a, b, c, d thì áp dụng giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định theo các
nguyên tắc quy định tại điều 7 Nghị định số 68/1998/NÐ-CP ngày 03-09-1998 của chính phủ.
Cục thuế tỉnh, thành phố tham khảo ý kiến Sở tài chính - Vật giá và cơ quan quản lý ngành ở địa phương xác
định giá tính thuế tài nguyên, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định và báo cáo Tổng Cục Thuế.

e) Giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng sản xuất điện là giá bán thương phẩm, đối với gỗ là
giá bán tại bãi 2.

Riêng đối với dầu mỏ, khí đốt, giá tính thuế tài nguyên thực hiện theo quy định tại Luật Dầu khí và Ðiều 47 Nghị
định 84/CP ngày 17-02-1996 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật dầu khí.

3) Biểu thuế tài nguyên: Thực hiện theo biểu thuế hiện hành kèm theo Nghị định số 68/1998/NÐ-CP ngày 03-09-
1998 của Chính phủ.

Căn cứ vào giá trị của từng loại tài nguyên, điều kiện khai thác và yêu cầu quản lý đối với các loại tài nguyên
trong từng thời kỳ. Bộ hoặc ngành chủ quản tập trung các số liệu, tài liệu liên quan đến loại tài nguyên khai
thác, báo cáo Bộ Tài chính để xem xét điều chỉnh thuế suất thuế tài nguyên phù hợp với khung thuế suất quy
định tại Ðiều 6 pháp lệnh thuế tài nguyên. Việc chỉnh thuế suất thuế tài nguyên chỉ tiến hành trong trường hợp
cần thiết và theo loại tài nguyên cụ thể, không điều chỉnh thuế suất cho từng trường hợp cá biệt.

III- KÊ KHAI, ÐĂNG KÝ, NỘP THUẾ TÀI NGUYÊN

1. Căn cứ điều 9, nghị định số 68/1998/NÐ-CP ngày 03-09-1998 của chính phủ, tổ chức, cá nhân hoạt động khai
thác tài nguyên có trách nhiệm:

- Ðăng ký hoạt động khai thác tài nguyên với cơ quan thuế chậm nhất là 10 ngày kể từ khi được phép khai thác
tài nguyên hoặc chậm nhất là 5 ngày trước khi có sự sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản hay có sự
thay đổi trong hoạt động khai thác tài nguyên. Bản đăng ký được lập thành hai bản, một bản gởi cơ quan thuế
trực tiếp quản lý thu thuế, một bảng lưu tại cơ sở khai thác tài nguyên.

- Chấp hành đúng chế độ lập chứng từ mua hàng hóa, thu tiền; chế độ sổ sách kế toán quy định hiện hành.

- Hàng tháng trong thời gian chậm nhất là 10 ngày của tháng sau, tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên phải kê
khai thuế tài nguyên phải nộp của tháng trước, kể cả trường hợp không phát sinh thuế tài nguyên và nộp cho cơ
quan thuế. Tờ khai lập thành hai bản, có xác nhận của cán bộ trực tiếp quản lý thu thuế, một bản gởi cơ quan
thuế, một bản lưu tại cơ sở. Trường hợp cơ sơ khai thác tài nguyên khoáng sản không có điều kiện kê khai hàng
tháng thì thời gian kê khai có thể dài hơn, phù hợp với đặc thù hoạt động khai thác theo hướng dẫn bằng văn
bản của Cục thuế tỉnh, thành phố.

- Nộp thuế tài nguyên theo đúng thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan thuế, nhưng chậm nhất không được
quá ngày 25 của tháng sau tháng phát sinh thuế tài nguyên.

- Trong thời hạn 30 ngày sau khi kết thúc năm hoạt động hoặc hợp đồng khai thác, tổ chức, cá nhân khai thác
tài nguyên phải quyết toán việc nộp thuế tài nguyên với cơ quan thuế. Trong thời hạn 10 ngày sau khi cơ quan
thuế kiểm tra và ra thông báo, tổ chức cá nhân khai thác tài nguyên phải nộp đủ số thuế còn thiếu (nếu có) vào
Ngân sách; số thuế đã nộp thừa sẽ được hoàn trả cũng trong thời gian quy định đó hoặc tính vào số thuế tài
nguyên phải nộp của kỳ tiếp theo.

Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác thủ công, phân tán, hoạt động không thường xuyên…thì cơ quan thuế
chấp nhận nộp thuế theo phương thức khoán như quy định tại điểm 1 phần II thông tư 153/1998 ngày
26/11/1998 thì cơ quan thuế phải căn cứ vào tờ khai của cơ sở khai thác tài nguyên kết hợp với tài liệu điều tra
thực tế về nguồn tài nguyên, vốn, lao động, phương tiện khai thác, giá cả tài nguyên để xác định sát đúng sản
lượng tài nguyên khai thác thực tế và số thuế tài nguyên phải nộp. Việc ấn định mức khoán phải đảm bảo công
khai, dân chủ, sát đúng với khả năng hoạt động khai thác tài nguyên.

Việc khoán thuế tài nguyên có thể được tính toán để gắn liền việc khoán thu các loại thuế khác.

2- Cơ quan thuế có quyền ấn định mức thuế tài nguyên phải nộp cho cơ sở nộp thuế theo quy định tại điều 9
Pháp lệnh thuế tài nguyên (sửa đổi).

3- Mọi tổ chức, cá nhân khi vận chuyển tài nguyên thiên nhiên đều phải có hóa đơn bán hàng hoặc chứng từ
chứng minh đã thực hiện chính sách thuế tài nguyên.

4- Thuế tài nguyên là khoản thu ngân sách của nhà nước được nộp vào kho bạc nhà nước tại địa phương nơi
khai thác tài nguyên. Trường hợp cơ sở khai thác nhỏ, phân tán, số thuế tài nguyên nhỏ và ở xa kho bạc nhà
nước thì cơ quan thuế có thể trực tiếp thu thuế để chuyển nộp vào kho bạc. Căn cứ tình hình thực tế, cơ quan
thuế phải quy định rõ lịch nộp tiền theo số ngày và số tiền thu được.
IV- MIỄN, GIẢM THUẾ TÀI NGUYÊN

Theo quy định tại điều 10, pháp lệnh thuế tài nguyên (sửa đổi), Ðiều 12 nghị định số 68/1998/NÐ-CP cấp ngày
03-09-1998 của chính phủ quy định chi tiết thi hành pháp lệnh thuế tài nguyên (sửa đổi), việc miễn giảm thuế
tài nguyên thực hiện như sau:

1- Các dự án thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư quy định tại Luật Khuyến khích đầu tư trong nước và
các văn bản của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật khuyến khích đầu tư trong nước, nếu có khai
thác tài nguyên khoáng sản (trừ dầu khí) thì được giảm tối đa 50% thuế tài nguyên trong ba năm đầu kể
từ khi bắt đầu khai thác; đối với những dự án đã triển khai thuộc đối tượng trên thì xét giảm thuế thời
gian còn lại kể từ ngày Pháp lệnh thuế tài nguyên (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Cơ quan thuế trực tiếp quản lý căn cứ vào giấy phép thành lập, giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư
trong nước để quyết định giảm thuế trong trường hợp này.
2. Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên gặp thiên tai, địch họa, tai nạn bất ngờ, gây tổn thất tài
nguyên đã kê khai và nộp thuế được miễn thuế tài nguyên đã nộp cho số tài nguyên bị tổn thất. Trường
hợp đã nộp thuế tài nguyên thì được hoàn trả lại số thuế đã nộp hoặc bù trừ vào số thuế tài nguyên phải
nộp của kỳ sau nếu tổ chức, cá nhân nộp thuế chấp thuận. Xác định mức độ thiệt hại như sau:
- Ðối với tài nguyên bị thiệt hại về sản lượng cụ thể thì xác định thiệt hại theo sản lượng cụ thể.
- Ðối với loại tài nguyên bị thiệt hại làm giảm phẩm cấp, tỷ trọng tài nguyên thì đánh giá và xác
định lại giá tính thuế, mức thuế phải nộp. Số thuế tài nguyên được miễn bằng mức chênh lệch giữa số
thuế đã tính và kê khai trước đó với số thuế tài nguyên phải nộp tính sau khi xảy ra thiệt hại.
Ví dụ: Tỷ trọng than sạch là 80% trong than nguyên khai, nhưng trong kỳ mưa lũ làm tỷ trọng
than sạch giảm xuống còn 50% thì phải tính lại giá tính thuế, xác định mức chênh lệch thuế được miễn.
Thủ tục đề nghị giảm thuế phải có:
- Văn bản đề nghị, nêu rõ lý do, số tổn thất, số thuế xin giảm.
- Biên bản kiểm tra, xác định của cơ quan quản lý trực tiếp kèm theo đề nghị xét giảm thuế tài
nguyên. Cục trưởng cục thuế quyết định giảm thuế tài nguyên cho tổ chức, cá nhân khai thác bị thiệt hại.
3- Tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản ở vùng biển xa bờ bằng phương tiện có công suất
lớn, được miễn thuế tài nguyên trong 5 năm đầu từ khi được cấp giấy phép khai thác và giảm 50% thuế
Tài nguyên trong 5 năm tiếp theo.
Phương tiện có công suất lớn là các loại tàu, thuyền khai thác thủy sản lấp máy chính có công
suất từ 90 mã lực (CV) trở lên.
Căn cứ đơn đề nghị, giấy phép hoạt động khai thác thủy sản ở vùng biển xa bờ do tổ chức, cá
nhân khai thác được cấp xuất trình, thủ trưởng cơ quan thuế trực tiếp quản lý quyết định miễn giảm thuế
cho từng năm.
Các trường hợp đã hoạt động khai thác thủy sản ở vùng biển xa bờ trước ngày 01-06-1998 thì
việc xét miễn giảm thuế tài nguyên bắt đầu được tính vào ngày 01-06-1998 với đủ thời gian theo quy
định.
Ví dụ: Cơ sở A đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản ở vùng biển xa bờ vào tháng 12 năm
1997 thì cơ sở A sẽ được miễn thuế tài nguyên trong 5 năm và giảm 50% thuế trong 5 năm tiếp theo.
Thời gian tính bắt đầu từ ngày 01-06-1998.
Trong thời gian hoạt động, nếu tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản ở vùng biển xa bờ có sự thay
đổi về các điều kiện miễn, giảm làm giảm mức ưu đãi thuế thì phải kịp thời báo cho cho cơ quan thuế gần
nhất biết và xác nhận. Trường hợp không khai báo để tiếp tục hưởng miễn, giảm thuế đều bị coi là trốn
lậu thuế và bị xử lý theo quy định tại điều 11 Pháp lệnh thuế tài nguyên (sửa đổi).
Sau thời gian miễn và giảm thuế tài nguyên nêu trên (10 năm), nếu tổ chức, cá nhân khai thác
thủy sản ở vùng biển xa bờ còn bị lỗ thì sẽ được xét giảm thuế tài nguyên tương ứng với số lỗ của từng
năm trong thời gian không quá 5 năm liên tục tiếp theo.
4- Miễn thuế tài nguyên đối với sản phẩm rừng tự nhiên do dân cư trên địa bàn xã có rừng được
phép khai thác như: gỗ, cành, củi, tre, nứa, lá, giang, tranh, vấu, lồ ồ phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt
hàng ngày, kể cả có dư thừa bán ra. Phạm vi bán ra trong phạm vi địa bàn huyện nơi khai thác.
Căn cứ đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan kiểm lâm khu vực trực tiếp quản lý rừng,
thủ trưởng thuế trực tiếp quản lý quyết định giảm thuế tài nguyên cho đối tượng này. Quyết định phải ghi
rõ cụ thể loại tài nguyên được phép khai thác, địa điểm, hình thức khai thác, nơi tiêu thụ. Thời hạn ghi
trong mỗi quyết định không quá ba tháng sau đó cơ quan thuế phải tiến hành xem xét kiểm tra lại trước
khi ra quyết định miễn thuế tài nguyên.
Các trường hợp bị phát hiện lợi dụng việc miễn thuế tài nguyên để tổ chức khai thác bừa bãi
rừng tự nhiên, cơ quan thuế phải thu hồi quyết định miễn thuế (nếu có) và chuyển cơ quan thẩm quyền xử
lý theo pháp luật hiện hành.
5- Miễn thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng vào sản xuất thủy điện không hòa vào mạng
lưới điện quốc gia.
Căn cứ đơn đề nghị của tổ chức, cá nhân khai thác, có ý kiến của sở công nghiệp tỉnh, thành phố,
thủ trưởng cơ quan thuế trực tiếp quản lý quyết định miễn thuế tài nguyên cho trường hợp này.
6- Miễn thuế tài nguyên đối với đất khai thác để sử dụng vào các mục đích sau:
a) San lấp, xây dựng các công trình phục vụ an ninh quốc phòng.
b) San lấp, xây dựng các công trình đê điều, thủy lợi, trực tiếp phục vụ nông nghiệp, lâm nghiệp,
ngư nghiệp, làm đường giao thông.
c) San lấp, xây dựng các công trình mang ý nghĩa nhân đạo, từ thiện hoặc ưu đãi đối với người
có công với cách mạng.
d) San lấp, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng ở miền núi (trong địa bàn cấp huyện là huyện
miền núi) theo danh mục do Ủy ban Dân tộc Miền núi ban hành) phục vụ cho việc phát triển đời sống
kinh tế - xã hội trong vùng.
đ) Khai thác trong phạm vi đất được giao, được thuê để san lấp, tôn đất, xây dựng tại chỗ trong
phạm vi diện tích đó.
e) San lấp, xây dựng các công trình trọng điểm của quốc gia theo quyết định của Chính phủ cho
từng trường hợp cụ thể.
Trong các trường nêu tại các điểm a, b, c, d, đ, tổ chức, cá nhân khai thác phải có đơn đề nghị,
trình bày rõ lý do, có chứng nhận và đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cấ huyện (nếu công trình
chỉ thuộc phạm vi Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý) nơi xây dựng công trình để xuất trình cơ quan
thuế trực tiếp quản lý ở vùng khai thác quyết định miễn thuế.
V- XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHEN THƯỞNG - KHIẾU NẠI VÀ THỜI HIỆU

Việc xử lý vi phạm, khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện theo các điều 11, 13, 14 pháp lệnh thuế tài
nguyên.

Quyền khiếu nại và trình tự thẩm quyền giải quyết khiếu nại về thuế tài nguyên thực hiện theo các điều 15, 16
pháp lệnh thuế tài nguyên .

Nếu phát hiện và kết luận có sự khai man, trốn thuế hoặc nhầm lẫn về thuế, cơ quan thuế có trách nhiệm truy
thu tiền thuế, tiền phạt hoặc hoàn trả tiền thuế trong thời hạn 5 năm trở về trước, kể từ ngày kiểm tra phát hiện
có sự khai man, trốn thuế hoặc nhầm lẫn về thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên không kê
khai, nộp thuế thì thời hạn truy thu tiền thuế, tiền phạt kể từ khi cơ sở kinh doanh bắt đầu hoạt động.

CHƯƠNG 7
A. THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP
I. SƠ LƯỢC VỀ THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP

Thuế sử dụng đất nông nhiệp hay nói rộng hơn là thuế đánh trên khu vực nông nghiệp là một trong những vấn
đề quan trọng nhất được các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước mà khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng
chi phối đối với các khu vực còn lại, đặt trọng tâm chú ý hàng đầu.

Về mặt lý thuyết, việc đánh thuế một cách thích đáng vào nông nghiệp từ lâu đã được xem là một vấn đề quan
trọng trong tài chính phát triển. Các tác giả đầu tiên đề cập đến vấn đề này như Kaldor Nurske và Lewis, về cơ
bản đã ủng hộ cho việc đánh thuế cao vào nông nghiệp viện dẫn từ 3 lý do hoặc 3 vai trò mà nông nghiệp phải
đảm nhận: (i) tạo ra lương thực, thực phẩm cho khu vực thành thị hiện đại; (ii) cung cấp lao động cho khu vực
này; và (iii) cung ứng vốn cho việc hiện đại hóa đất nước. Các loại thuế đánh vào nông nghiệp đã từng được coi
là có vai trò quan trọng như là một phương tiện không chỉ để huy động các nguồn lực mà còn có tác động
khuyến khích tăng năng suất trong bản thân khu vực nông nghiệp bằng cách đưa vào sử dụng các nguồn lực
còn bị lãng phí.

Tuy nhiên, các tác giả thời kỳ sau theo chủ nghĩa xét lại như Richard Bird đã thừa nhận khía cạnh vừa phải thúc
đẩy tăng cường sự phát triển của khu vực nông nghiệp tại các nước đang phát triển vừa chú ý các ảnh hưởng tai
hại của việc đánh thuế cao trong lĩnh vực nông nghiệp (đặc biệt là thuế đánh vào hoạt động xuất khẩu, một loại
phương tiện đơn giản để huy động nguồn lực từ khu vực nông nghiệp). Mặc dù các tác giả này cũng tán thành
rằng thuế đất là phương cách tốt nhất để đảm bảo nguồn thu từ khu vực nông nghiệp nhưng họ ít đặt nặng
“nhu cầu” đánh thuế cao trong nông nghiệp.

Mặc dù có sự lôi cuốn rất mạnh mẽ về mặt lý thuyết đối với các loại thuế đánh vào đất nông nghiệp nhưng các
tài liệu có tính kinh nghiệm được viện dẫn - phần lớn được xuất hiện từ 10 đến 20 năm gần đây – đã có sự phê
phán rất gay gắt loại thuế này. Các phê phán này có thể tóm lại ở 4 điểm chính”

- Thuế đất tạo ra nguồn thu tương đối thấp.

- Thuế đất hiếm khi đạt được các mục tiêu phi tài khóa

- Thuế đất đôi khi làm giảm năng suất, không khuyến khích thúc đẩy sản xuất.

- Thuế đất thường không được lòng dân, tốn kém chi phí quản lý và có thể tạo ra tình trạng tham nhũng.

Nói một cách ngắn gọn, thuế đánh vào đất nông nghiệp thường được các nhà kinh tế học mô tả là không công
bằng đối với nông dân và không có lợi cho nhà nước. Mặt khác đây thường cũng là nguồn thu tương đối nhỏ
trong tổng thu nhập của chính phủ. Các số liệu thống kê tuy không được rõ ràng và chính xác lắm cũng cho
thấy rất ít các nước đang phát triển có thuế trực thu đánh vào nông nghiệp đạt tới 10% so với tổng nguồn thu
của Chính phủ. Không có quốc gia nào mà thuế đất chiếm hơn 20% tổng thu.

Ở Việt Nam, thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện nay có tiền thân là thuế nông nghiệp. Trong điều kiện nước ta,
cơ sở kinh tế - xã hội của thuế nông nghiệp là mối quan hệ giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng ruộng đất.
Ruộng đất thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước công nhận quyền sử dụng ruộng đất của các tổ chức, cá nhân vào
mục đích vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Cùng với việc sử dụng ruộng đất, người sử dụng có nghĩa vụ đóng
góp một phần thu nhập của mình, thông qua thuế nông nghiệp. Thuế nông nghiệp nước ta ra đời theo sắc lệnh
số 13 – SL ngày 1/5/1951 với mục đích góp phần tập trung nguồn tài chính phục vụ cho công cuộc kháng chiến
chống Pháp.

Trong suốt thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc, thuế nông nghiệp được bổ sung sửa đổi nhiều lần
cho phù hợp với quan điểm về phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước trong từng giai đoạn. Mục đích của
những bổ sung, sửa đổi là khuyến khích sản xuất nông nghiệp, đảm bảo động viên hợp lý thu nhập của người
nộp thuế và phục vụ cho công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nông thôn. Ở miền Nam điều lệ thuế nông nghiệp
ban hành theo Nghị định 185/CP ngày 25/9/1976 của Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ). Biểu thuế gồm 20
bậc với thuế suất lũy tiến toàn phần (tối thiểu 8%, tối đa 33%) tính trên hoa lợi ruộng đất bình quân nhân khẩu.
Khởi điểm chịu thuế là 200 kg thóc

Ngày 25/2/1983, nhà nước ban hành Pháp lệnh về thuế nông gnhiệp, áp dụng thống nhất trong cả nước thay
cho điều lệ thuế nông nghiệp ở hai miền. Chính sách thuế mới được xây dựng theo nguyên tắc: “chính sách thuế
nông nghiệp phải căn cứ vào diện tích và độ phì nhiêu của đất nhằm khuyến khích thâm canh, tăng vụ và mở
rộng diện tích, tăng cường quản lý và sử dụng ruộng đất”. Chính sách thuế mới – so với thuế nông nghiệp trước
đây – đã có những thay đổi căn bản về căn cứ tính thuế. Mức thuế được duy trì ổn định, không lũy tiến, chỉ phụ
thuộc vào số lượng và chất lượng đất.

Đầu những năm 90, chính sách thuế được cải cách đồng bộ. Trong bối cảnh đó, thuế nông nghiệp cũng được
hoàn thiện hơn nhằm đáp ứng các yêu cầu:

Nâng cao tính pháp lý của thuế nông nghiệp.

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, tức là khoan thử sức dân, thực hiện điều chỉnh giảm thuế và
ổn định nghĩa vụ nộp thuế.

Đẩy mạnh hơn nữa việc thâm canh tăng vụ, tận dụng đất đai đi vào sẩn xuất.

Chính sách thuế phải rõ ràng, đơn giản, hiệu quả.

Đáp ứng yêu cầu trên, ngày 10/7/1993, Quốc hội khóa IX đã thông qua luật thuế sử dụng đất nông nghiệp. Luật
thuế này có hiệu lực từ 1/1/1994, áp dụng thống nhất trong cả nước.

II. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP
1. Người nộp thuế: Tổ chức, cá nhân sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp có nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất
nông nghiệp (gọi chung là hộ nộp thuế) gồm:

a. Các hộ gia đình nông dân, hộ tư nhân và cá nhân;

b. Các tổ chức, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất dành cho nhu cầu công ích của xã;

c. Các doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản bao gồm nông trường, lâm trường, xí nghiệp, trạm trại
và các doanh nghiệp khác, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức xã hội và các
đơn vị khác sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

2. Đất chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp gồm: a. Đất trồng trọt là đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu
năm, đất trồng cỏ;

b. Đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản là đất đã có chủ sử dụng chuyên nuôi trồng thủy sản hoặc vừa nuôi
trồng thủy sản vừa trồng trọt, nhưng về cơ bản không sử dụng vào các mục đích khác.

c. Đất rừng trồng là đất đã được trồng rừng và đã giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, chăm sóc và khai thác,
không bao gồm đất đồi núi trọc.

Trong trường hợp không sử dụng đất thuộc diện chịu thuế quy định nêu trên, chủ sử dụng đất vẫn phải nộp thuế
theo qui định của luật thuế sử dụng đất nông nghiệp.

* Những loại đất không chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp bao gồm:

a. Đất rừng tự nhiên;

b. Đất đồng cỏ tự nhiên chưa giao cho tổ chức, cá nhân nào sử dụng;

c. Đất để ở, đất xây dựng công trình thuộc diện chịu thuế nhà đất;

d. Đất làm giao thông, thủy lợi dùng chung cho cánh đồng;

e. Đất chuyên dùng theo qui định tại Điều 62 của Luật đất đai là đất được xác định sử dụng vào mục đích không
phải là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và làm nhà ở.

f. Đất do Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện việc cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê theo qui
định tại Điều 29 của Luật đất đai.

3. Căn cứ tính thuế Căn cứ tính thuế sử dụng đất nông nghiệp là diện tích, hạng đất và định suất tính bằng kg
thóc trên một đơn vị diện tích của từng hạng đất.

Diện tích tính thuế được qui định như sau:

Diện tích tính thuế của từng hộ nộp thuế là diện tích đất thực tế sử dụng được ghi trong sổ địa chính Nhà nước
hoặc kết quả đo đạc gần nhất được cơ quan quản lý ruộng đất có thẩm quyền xác nhận theo qui định tại điều
14 của Luật đất đai. Trường hợp địa phương chưa lập sổ địa chính và số liệu đo đạc chưa chính xác, chưa có xác
nhận của cơ quan quản lý ruộng đất có thẩm quyền, thì diện tích tính thuế là diện tích đất ghi trong tờ khai của
hộ nộp thuế.

Diện tích tính thuế của từng thửa ruộng là diện tích thực sử dụng, được giao cho từng hộ nộp thuế phù hợp với
diện tích ghi trong sổ địa chính hoặc trong tờ khai của chủ hộ.

Cơ quan quản lý đất đai các cấp trong phạm vi quyền hạn qui định tại Điều 14 của Luật Đất đai, có trách nhiệm
phối hợp với cơ quan thuế xác định diện tích tính thuế trong địa phương mình.

4. Hạng đất Hạng đất là chỉ tiêu phân loại đối với đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm, đất có mặt nước nuôi
trồng thủy sản. Hạng đất phản ánh chất đất tốt hay xấu; điều kiện sản xuất thuận lợi hay khó khăn; năng suất
cao hay thấp.

Như vậy để xác định hạng đất, phải căn cứ vào các yếu tố: chất đất, vị trí đất, địa hình, điều kiện khí hậu, thời
tiết và điều kiện tưới tiêu.

Việc xác định hạng đất phải đảm bảo nguyên tắc:
· Ruộng đất được xếp hạng đất phải có cùng tiêu chuẩn 5 (năm) yếu tố (nếu chỉ có năng suất khác nhau thì
cũng vẫn cùng hạng đất).

· Ruộng đất cùng đạt năng suất như nhau nhưng khác nhau về tiêu chuẩn của 5 (năm) yếu tố, sẽ phân hạng
khác nhau.

Cơ quan thuế phối hợp với cơ quan quản lý ruộng đất nông nghiệp tổ chức phân hạng đất trên địa bàn địa
phương dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân các cấp. Sau khi được Ủy ban nhân dân các cấp xác nhận, các cơ
quan này sẽ báo cáo lên Bộ Tài chính để kiểm tra, tổng hợp và trình Chính phủ phê chuẩn.

Theo Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện hành, đất trồng cây hằng năm và đất có mặt nước nuôi trồng thủy
sản được phân thành sáu hạng đất. Đất trồng cây lâu năm được phân thành 5 hạng đất.

5. Định suất Định suất thuế một năm tính bằng kg thóc trên 1 hecta của từng hạng đất như sau:

a. Đối với đất trồng cây hằng năm và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản

Hạng đất Định suất thuế


123456 550 460 370 280 180 50

b. Đối với đất trồng cây lâu năm

Hạng đất Định suất thuế


12345 650 550 400 200 80

c. Đối với cây ăn quả lâu năm trồng trên đất trồng cây hằng năm chịu mức thuế như sau:

Bằng 1,3 lần thuế sử dụng đất trồng cây hàng năm cùng hạng, nếu thuộc đất hạng 1, hạng 2 và hàng 3.

Bằng thuế đất trồng cây hăng năm cùng hạng, nếu thuộc đất hạng 4, hạng 5 và hạng 6.

d. Đối với đất trồng các loại cây lâu năm thu hoạch một lần chịu mức thuế bằng 4% giá trị sản lượng khai thác.

6. Kê khai, tính thuế và lập sổ thuế Sổ thuế sử dụng đất nông nghiệp được lập một lần để sử dụng nhiều năm,
nếu căn cứ tính thuế có thay đổi thì số thuế phải được điều chỉnh lại chậm nhất vào tháng 3 hằng năm. Sổ thuế
sử dụng đất nông nghiệp được lập theo đơn vị hành chính, cụ thể như sau:

Hộ nộp thuế chỉ sử dụng đất trong một xã, phường, thị trấn thì lập sổ thuế tại phường xã, thị trấn.

Hộ nộp thuế có sử dụng đất ở nhiều xã phường, thi trấn trong một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì
lập sổ thuế tại huyện, quận, thị xã, thành phố đó. Nếu hộ nộp thuế có sử dụng đất ở nhiều huyện, quận, thị xã,
thành phố, thuộc một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thì lập sổ thuế ở huyện, quận, thị xã nơi hộ nộp
thuế đóng trụ sở chính. Nếu hộ nộp thuế có sử dụng đất ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thì đất
thuộc huyện, quận, thị xã nào, lập sổ thuế tại huyện, quận, thị xã đó.

7. Thu thuế và nộp thuế Năm thuế sử dụng đất nông nghiệp tính theo năm dương lịch từ ngày 1/1 đến hết ngày
31/12.

Thuế tính cả năm nhưng thu mỗi năm từ một đến hai lần tùy theo vụ thu hoạch chính của từng loại cây trồng ở
từng địa phương.

Hộ nộp thuế có thể nộp thuế trước khi đến hạn thu thuế và ở lần thu thuế đầu tiên có thể nộp hết số thuế phải
nộp cả năm.

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục thuế, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương qui định
thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc vụ thu thuế và công bố cho toàn dân biết.

Sổ thuế là căn cứ để làm thông báo thuế và thu, nộp thuế. Thuế sử dụng đất nông nghiệp tính bằng thóc, thu
bằng tiền; riêng đất trồng cây lâu năm thu hoạch một lần thuế tính theo sản lượng khai thác và giá bán thực tế.

Giá thóc thu thuế do chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc trung ương quyết định sát giá thị
trường và không được thấp hơn 10% so với giá thị trường địa phương.
Hộ nộp thuế có trách nhiệm trực tiếp nộp tiền thuế cho Kho Bạc nhà nước theo thông báo của cơ quan thuế.
Trong trường hợp cán bộ thuế buộc phải trực tiếp thu tiền thuế, thì mười ngày một lần cơ quan thuế, cán bộ
thuế phải nộp hết số tiền thuế đã thu được vào kho bạc Nhà nước. Đối với tiền thuế thu được có số lượng lớn, thì
phải nộp ngay cho kho bạc Nhà nước

8. Giảm thuế và miễn thuế: Miễn thuế cho đất đồi núi trọc dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất
trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.

Miễn thuế cho đất trồng cây lâu năm chuyển sang trồng lại mới và đất trồng cây hằng năm chuyển sang trồng
cây lâu năm, cây ăn quả trong thời gian xây dựng cơ bản và cộng thêm ba năm từ khi có thu hoạch.

Đất khai hoang là đất chưa bao giờ được dùng vào sản xuất hoặc bị bỏ hoang ít nhất năm năm tính đến thời
điểm khai hoang đưa vào sản xuất, nếu trồng cây hằng năm được miễn thuế 5 năm, nếu trồng cây lâu năm
được miễn thuế trong thời gian xây dựng cơ bản và cộng thêm 3 năm kể từ khi bắt đầu có thu hoạch, nếu trồng
các loại cây lâu năm thu hoạch một lần thì kể từ khi bắt đầu có thu hoạch mới phải nộp thuế bằng 4% giá trị sản
lượng thu hoạch.

Đất khai hoang bằng nguồn vốn cấp phát của Ngân sách Nhà nước dùng vào sản xuất nông nghiệp, nếu trồng
cây hàng năm ở miền núi, đầm lầy và lấn biển được miễn thuế 3 năm, ở các nơi khác được miễn thuế 2 năm;
nếu trồng cây lâu năm, kể cả trồng lại mới được miễn thuế trong thời gian xây dựng cơ bản và cộng thêm một
năm.

Bộ Tài chính đã có thông tư số 09/2002/TT-BTC ngày 23/1/2002 hướng dẫn việc miễn giảm thuế sử dụng đất
nông nghiệp kể từ năm 2002.

a. Đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp bao gồm:

Hộ gia đình, cá nhân HTX, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế - xã hội (dưới đây gọi là hộ sản xuất nông
nghiệp) có diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại các xã thuộc chương trình 135 của chính phủ. Các hộ này nếu
không phải là hộ nghèo thì chỉ được miễn thuế đối với diện tích đất sản xuất nông nghiệp trong hạn mức, diện
tích đất sản xuất nông nghiệp vượt hạn mức vẫn phải nộp thuế theo qui định.

Các hộ sản xuất nông nghiệp thuộc diện nghèo được miễn thuế toàn bộ diện tích đất sử dụng vào sản xuất
nông nghiệp.

b. Đối tượng được giảm 50% thuế sử dụng đất nông nghiệp bao gồm tất cả các hộ sản xuất nông nghiệp có sử
dụng đất vào sản xuất nông nghiệp không thuộc đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp nêu trên.
Mức giảm 50% thuế sử dụng đất nông nghiệp được xác định trên số thuế còn phải nộp sau khi đã trừ số thuế
được miễn, giảm theo chính sách xã hội và miễn, giảm do thiên tai (nếu có).

Ngoài ra còn một số trường hợp cụ thể được qui định rõ trong Thông tư này.

9. Xử lý vi phạm Việc xử lý vi phạm Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp được qui định như sau:

Tổ chức, cá nhân khai man, trốn lậu thuế thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế thiếu theo qui định còn bị phạt tiền,
vi phạm lần thứ nhất: 0,2 lần; lần thứ hai: 0,4 lần; lần thứ ba: 0,5 lần số thuế thiếu.

Tổ chức, cá nhân sử dụng đất mà không khai báo thì cơ quan thuế được quyền ấn định số thuế phải nộp sau khi
có ý kiến bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cùng cấp về diện tích và hạng đất tính thuế, ngoài việc truy nộp
đủ số thuế còn bị phạt tiền, vi phạm lần thứ nhất: 0,5 lần; lần thứ hai: 0,8 lần; lần thứ ba: 1,0 lần số thuế không
khai báo.

Tổ chức, cá nhân nộp chậm tiền thuế hoặc tiền phạt nếu quá 30 ngày kể từ ngày phải nộp ghi trong lệnh thu
thuế hoặc quyết định xử phạt mà không có lý do chính đáng ngoài việc phải nộp đủ số thuế hoặc tiền phạt còn
bị phạt tiền bằng 0,1% số thuế thiếu hoặc tiền phạt cho mỗi ngày nộp chậm.

Những trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự gồm:

Trốn thuế với số tiền tương đương trị giá của 5 tấn gạo trở lên

Đã bị ba lần xử phạt hành chính theo mục này mà còn tái phạm.

B. THUẾ CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT


I- PHẠM VI ÁP DỤNG

1-Ðối tượng nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất


Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất, khi chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật
về đất đai đều phải nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất (sau đây viết tắt là thuế CQSDÐ), trừ những trường hợp
quy định tại điểm 3 mục I thông tư này.

Trường hợp người đang sử dụng đất có một trong những loại giấy tờ quy định tại khoản 2, Ðiều 1, Nghị định số
17/1999/NÐ-CP ngày 29-03-1999 của Chính phủ về thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại,
thừa kế quyền sử dụng đất và thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất (sau đây gọi tắt là Nghị định số
17/1999/NÐ-CP của chính phủ) mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới, khi chuyển nhượng
quyền sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền xác nhận theo quy định cũng thuộc đối tượng nộp thuế CQSDÐ
theo hướng dẫn của thông tư này.

Những giấy tờ quy định tại khoản 2 Ðiều 3, Nghị định số 17/1999/NÐ-CP được xác định là giấy tờ hợp lệ cụ thể
như sau:

a) Quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất
đai;

b) Những giấy tờ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, trong quá trình thực hiện các
chính sách đất đai trong từng thời kỳ của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời
cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam mà người được giao đất vẫn liên
tục sử dụng từ đó đến nay;

c) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc người sử dụng
đất có tên trong sổ địa chính mà đất đó không có tranh chấp;

d) Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất mà người đó vẫn sử dụng đất
liên tục từ đó đến nay và không có tranh chấp.

đ) Giấy tờ về thừa kế nhà đất; tặng, cho đất trước khi có luật đất đai năm 1993 được Ủy ban nhân dân xã,
phường, thị trấn xác nhận và đất đó không có tranh chấp.

e) Bản án hoặc quyết định của Toà án nhân dân hoặc quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà
nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật.

g) Giấy tờ giao nhà tình nghĩa;

h) Giấy tờ chuyển nhượng đất đai, mua bán nhà ở kèm theo chuyển nhượng quyền sử dụng đất; người bán có
giấy tờ hợp lệ, người mua chưa làm thủ tục chuyển nhượng tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, kể cả trường
hợp đã chuyển nhượng qua nhiều chủ nay xin cấp chứng nhận quyền sử dụng đất; được Ủy ban nhân dân xã,
phường, thị trấn thẩm tra là đất không có tranh chấp và được Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố
trực thuộc tỉnh xác nhận kết quả kiểm tra của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thì người nhận chuyển
nhượng quyền sử dụng đất nay thuộc diện kê khai nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ.

2- Ðối tượng chịu thuế quyền sử dụng đất.


Ðối tượng chịu thuế CQSDÐ là giá trị diện tích đất chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật kể cả
đất có nhà và các công trình trên đó.

Giá trị diện tích đất chuyển quyền sử dụng đất được xác định như sau:

Giá trị diện tích chuyển quyền sử dụng đất = Diện tích chuyển quyền sử dụng đất (m2) x Giá đất (đ/m2)

Trường hợp trên đất chuyển quyền sử dụng có nhà và các công trình xây dựng trên đó thì thuế CQSDÐ chỉ tính
giá trị đất chuyển quyền, không tính giá trị nhà hoặc giá trị các công trình xây dựng trên đó.

3- Các trường hợp thuộc diện không chịu thuế


Những trường hợp không thuộc diện chịu thuế CQSDÐ được quy định tại điều 3 của nghị định 19/2000/NÐ-CP
ngày 08-06-200 của chính phủ quy định chi tiết thi hành luật thuế CQSDÐ và luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật thuế CQSDÐ (sau đay gọi tắt là nghị định 19/2000/NÐ-CP của Chính phủ), cụ thể như sau:

3.1- Nhà nước giao đất, cho thuê đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng theo quy định của pháp luật
về đất đai.
3.2- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trả lại đất cho nhà nước hoặc Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp
luật về đất đai.

3.3- Nhà nước bán nhà thuộc sở hữu nhà nước cùng với CQSDD (cho người mua nhà).

3.4- CQSDD (trong trường hợp ly hôn được pháp luật thừa nhận có phân chia quyền sử dụng đất do hai bên vợ,
chồng thỏa thuận được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận hoặc phân chia quyền sử dụng đất theo
luật hôn nhân và gia đình.

CQSDÐ trong trường hợp người nhận quyền sử dụng đất thừa kế theo di chúc hoặc chia quyền sử dụng đất theo
pháp luật về thừa kế.

3.5- CQSDÐ trong các trường hợp:

- CQSDÐ giữa vợ với chồng với nhau phải có bản sao sổ hộ khẩu ghi rõ ràng mối quan hệ vợ chồng hoặc giấy
kết hôn có chứng nhận của Ủy Ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu, mối quan hệ vợ chồng
đang tồn tại, được pháp luật thừa nhận, trong đó có ít nhất một người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất.

- CQSDÐ giữa cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi với con đẻ, con nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại với
cháu nội, cháu ngoại (hoặc ngược lại) trong đó người CQSDÐ phải có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất và phải có sổ hộ khẩu ghi rõ mối quan hệ với người nhận quyền sử dụng đất, hoặc giấy khai sinh để xác
nhận các mối quan hệ ông bà với cha mẹ, cha mẹ với các con hoặc các giấy tờ pháp lý khác chứng minh.

+ Trường hợp cha mẹ nuôi, con nuôi thì phải được pháp luật thừa nhận theo quyết định công nhận con nuôi của
cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Nghị định số 83/1998/NÐ-CP ngày 10-10-1998 của Chính phủ.

+ Trường hợp ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại với cháu nội, cháu ngoại phải có giấy khai sinh của cháu nội,
cháu ngoại và giấy khai sinh của bố mẹ cháu liên quan đến ông bà nội, ông bà ngoại của cháu hoặc sổ hộ khẩu
có ghi rõ mối quan hệ đó.

+ Trường hợp chuyển quyền sử dụng đất giữa anh chị em ruột với nhau phải có giấy khai sinh có chung bố mẹ
hoặc cùng bố khác mẹ, hoặc cùng mẹ khác bố, sổ hộ khẩu ghi rõ mối quan hệ đó hoặc có giấy tờ khác chứng
minh có quan hệ quyết thống.

3.6- Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước cho thuê đất có chuyển nhượng quyền sử dụng đất
thuê. Người chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê phải có hợp đồng thuê đất và ghi rõ số tiền thuê đất đã nộp
còn lại tính đế thời điểm chuyển nhượng và thời hạn thuê đất; người nhận quyền sử dụng đất thuê tiếp tục thực
hiện chế độ thuê đất theo quy định của Luật đất đai.

3.7- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hiến quyền sử dụng đất cho Ủy ban nhân dân các cấp hoặc cho tổ chức chính
trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội; tổ chức xã hội nghề nghiệp; tổ chức kinh tế để xây dựng các cơ sở
văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao; để xây dựng các cơ sở từ thiện gồm nhà tình thương, nhà tình nghĩa,
nhà trẻ mồ côi, nhà dưỡng lão, nhà nuôi dưỡng người già cô đơn và người tàn tật, các cơ sở có tính chất nhân
đạo khác mà không nhằm mục đích kinh doanh theo dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt
hoặc chấp thuận phù hợp với quy hoạch.

II- CĂN CỨ TÍNH THUẾ CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG ÐẤT

Căn cứ tính thuế chuyển quyền sử dụng đất là diện tích đất chuyển quyền, giá đất và thuế suất thuế chuyển
quyền sử dụng đất.

1- Diện tích đất. Diện tích đất tính thuế CQSDÐ là diện tích đất thực tế ghi trong hợp đồng chuyển quyển sử
dụng đất phù hợp với sổ địa chính, bản đồ địa chính của xã, phường, thị trấn. Trường hợp chưa có sổ địa chính,
bản đồ địa chính hoặc diện tích ghi trên sổ địa chính, bản đồ địa chính khác với diện tích ghi trong hợp đồng thì
phải tổ chức đo đạt, xác định mốc giới và được Ủy ban nhân dân, quận, huyện, thị xã thành phố thuộc tỉnh (gọi
chung là huyện) nơi có đất chuyển quyền sử dụng đất xác nhận đối với đất hộ gia đình, cá nhân; Sở địa chính
xác nhận đối với quyền sử dụng đất của các tổ chức.

Những nơi đã có đầy đủ sổ địa chính, bản đồ địa chính có trích lục bản đồ địa chính thì Ủy ban nhân dân huyện
hoặc Sở địa chính có thể ủy quyền cấp dưới trực tiếp của mình xác nhận diện tích đất, loại đất để làm thủ tục
chuyển quyền sử dụng đất.

2. Giá đất tính thuế chuyển quyền sử dụng đất : Giá đất tính thuế chuyển quyền sử dụng đất theo quy định tại
Ðiều 6 của Nghị định 19/2000/NÐ-CP ngày 08/6/2000 của Chính Phủ cụ thể như sau :
a. Giá đất tính thuế chuyển quyền sử dụng đất là giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
quy định theo khung giá các loại đất của Chính phủ và được niêm yết công khai tại cơ quan thuế, cơ quan địa
chính.

b. Trường hợp CQSDÐ theo phương thức đấu giá thì giá đất tính thuế là giá trúng đấu giá nhưng không thấp hơn
giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định theo khung giá các loại đất của chính
phủ quy định.

Trong trường hợp CQSDÐ cùng với bán tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá mà trong
giá trúng đấu giá không xác định riêng giá đất thì giá đất tính theo giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương quy định theo khung giá các loại đất của Chính phủ quy định.

c. Trường hợp bán căn hộ thuộc nhà nhiều tầng, nhiều hộ ở, cùng với việc chuyển quyền sử dụng đất có nhà
trên đó thì giá đất tính thuế được xác định theo hệ số phân bổ cho các tầng quy định tại Nghị định số
38/2000/NÐ-CP ngày 23-08-2000 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất.

d. Trường hợp chuyển quyền sử dụng đất là ao, đất vườn nằm trong khu vực dân cư nông thôn, đất đô thị giá
đất tính thuế CQSDÐ được xác định theo loại đất ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc theo theo
loại đất đang nộp thuế: nếu diện tích đất đang nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp thì giá đất tính thuế là giá đất
nông nghiệp; nếu diện tích đất đang nộp thuế nhà đất thì giá tính thuế là giá đất ở, đất xây dựng công trình.

Một số trường hợp CQSDÐ mà lô đất chưa có giá cụ thể thì trong bảng giá các loại đất của địa phương; hoặc lô
đất đã được quy hoạch, cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng làm cho giá trị lô đất tăng lên so với giá trị ban đầu khi
chưa quy hoạch cải tạo của lô đất; giá đất biến động quá bất hợp lý so với giá đất trong bảng giá thì cơ quan
thuế phối hợp với cơ quan Tài chính, cơ quan Ðịa chính tổ chức xác định lại giá đất cho phù hợp với thực tế (có
thể thành lập hội đồng định giá đất), trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định
giá đất cụ thể để tính thuế chuyển quyền sử dụng đất.

3- Thuế suất thuế CQSDÐ: Thuế suất thuế CQSDÐ được xác định tại đều 7, Nghị định số 19/2000/NÐ-CP ngày
08-06-2000 của Chính phủ cụ thể như sau:

a) Ðối với đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối, thuế suất là 2% (hai phần
trăm).

b) Ðối với đất ở, đất xây dựng công trình và các loại đất khác không thuộc các loại đất quy định tại điểm a trên
đây, thuế suất là 4% (bốn phần trăm).

III- KÊ KHAI VÀ NỘP THUẾ

1- Hồ sơ kê khai thuế chuyển quyền sử dụng đất: - Tờ khai thuế CQSDÐ theo mẫu cơ quan thuế phát hành kèm
theo thông tư này.

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy tờ được xác định là giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất
theo quy định tại điều 3, Nghị định số 17/1999/NÐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể tại điểm 1, mục I thông tư
này.

Các giấy tờ trên đây phải là bản chính, ngoài ra kèm theo một bản sao có kèm theo công chứng của cơ quan
nhà nước để cơ quan thuế lưu hồ sơ.

- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (theo mẫu số 02 quy định tại nghị số 17/1999/NÐ-CP của Chính
phủ giữa người chuyển quyền và người nhận quyền sử dụng đất có chứng nhận của Ủy ban nhân dân xã,
phường, thị trấn nơi có đất chuyển quyền.

Trường hợp chuyển quyền sử dụng đất trước ngày Nghị định số 17/1999/NÐ-CP ban hà nh ngày 29-3-1999 của
Chính phủ có hiệu lực thi hành, mà nay không còn hoặc không có hợp đồng chuyển nhượng thì phải có giấy tờ
mua bán, chuyển nhượng, thừa kế cho tặng tại thời điểm chuyển quyền sử dụng đất có xác nhận của Ủy ban
nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất chuyển quyền.

2- Kê khai và xác nhận số thuế phải nộp. Các đối tương nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất có trách nhiệm kê
khai thuế chuyển quyền sử dụng đất theo mẫu khai của cơ quan thuế và cung cấp các tài liệu cần thiết, liên
quan đến việc tính thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế và cung cấp các tài liệu cần thiết có liên quan đến việc
tính thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế và các giấy tờ liên quan đến việc giảm, miễn thuế.

Hồ sơ kê khai thuế CQSDÐ nộp tại chi cục thuế nếu thuộc diện Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố
trực thuộc tỉnh (gọi chung là huyện) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nộp tại Cục thuế nếu thuộc diện
UBND tỉnh, thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trường hợp địa phương có các thị trấn, thị xã ở xa trung tâm tỉnh lỵ, thành phố thì Cục thuế có thể phân cấp cho
các Chi cục thuế quận, huyện, thị xã làm thủ tục thu thuế CQSDÐ. Sau khi đối tượng nộp đủ thuế chuyển quyền
sử dụng đất thì hồ sơ được Chi cục thuế hoặc đối tượng nộp thuế chuyển về cơ quan có thẩm quyền để làm thủ
tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cơ quan thuế hướng dẫn đối tượng nộp thuế thực hiện đúng, đầy đủ việc kê khai. Khi nhận được tờ khai nộp
thuế chuyển quyền sử dụng đất, cơ quan thuế phải có biên nhận và mở sổ theo dõi hồ sơ. Cơ quan thuế tiến
hành kiểm tra, xác minh các tài liệu làm căn cứ tính thuế, xác định mức thuế phải nộp và ra thông báo nộp thuế
theo đúng thời hạn quy định tại điều 12 Nghị định số 19/2000/NÐ-CP ngày 08-06-2000 của chính phủ.

Trường hợp hồ sơ chưa đúng hoặc chưa đủ theo quy định, cơ quan thuế phải thông báo bằng văn bản để đối
tượng nộp thủ bổ sung đầy đủ hồ sơ theo quy định.

3- Nộp thuế Việc nộp thuế CQSDÐ được thực hiện theo quy định tại Điều 12, nghị định số 19/2000/NÐ-Cp của
Chính phủ được cụ thể thêm như sau:

Thuế CQSDÐ được nộp vào kho bạc nhà nước nơi có đất chuyển quyền sử dụng theo thông báo của cơ quan
thuế. Khi phát thông báo thuế cho đối tượng nộp thuế, người phát phải ghi rõ ngày, tháng mà đối tượng nộp
thuế nhận được thông báo thuế. Thuế CQSDÐ được nộp trong thời 30 ngày kể từ ngày người CQSDÐ nhận được
thông báo nộp thuế của cơ quan thuế. Khi thu thuế Kho bạc nhà nước hoặc cơ quan thuế trực tiếp thu thuế phải
cấp biên lai thuế hoặc chứng từ đã thu thuế do Bộ tài chính phát hành cho đối tượng nộp thuế. Trường hợp đối
tượng nộp thuế làm nhiều lần thì cơ quan thuế phải xuất chứng từ thu theo từng lần đã thu, khi nộp đủ tiền thuế
thì xác nhận đã nộp đủ tiền thuế theo thông báo để làm cơ sở cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất. Thuế CQSDÐ đã nộp vào ngân sách nhà nước ghi đúng vào mục, chương, loại,
khoản, hạng tương ứng của mục lục Ngân sách nhà nước hiện hành.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nhận quyền sử dụng
đất khi người chuyển quyền hoặc người nhận quyền sử dụng đất đã nộp đủ thuế (có biên lai hoặc giấy nộp tiền
và ngân sách nhà nước do Bộ tài chính phát hành hoặc giấy quyết định miễn giảm thuế của cơ quan thuế hoặc
trường hợp được ghi nợ thuế CQSDÐ theo quy định tại điểm 2g, Mục VII thông tư này.

Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với cơ quan địa chính hướng dẫn cụ thể thủ tục, hồ
sơ kê khai thuế và quy trình luân chuyển hồ sơ giữa cơ quan địa chính và cơ quan thuế theo quy định về chuyển
nhượng quyền sử dụng đất trong Nghị định số 17/1999/NÐ-CP của Chính phủ, đồng thời phù hợp với thực tế ở
địa phương, vừa đơn giản, thuận lợi cho đối tượng nộp thuế CQSDÐ vừa đảm bảo thu đủ, thu kịp thời thuế
CQSDÐ; quy trình kê khai luân chuyển hồ sơ thuế chuyển quyền sử dụng đất được thông báo công khai tại cơ
quan thuế và cơ quan địa chính để đối tượng nộp thuế biết và thực hiện.

IV- MIỄN, GIẢM THUẾ

1- Ðối tượng miễn, giảm thuế CQSDÐ. Ðối tượng miễn, giảm thuế CQSDÐ thực hiện theo quy định tại Điều 8,
Ðiều 9, Ðiều 10 Nghị định số 19/2000/NÐ-CP ngày 08-06-2000 của Chính phủ, cụ thể như sau:

1.1- Hộ gia đình, cá nhân CQSDÐ để di chuyển định cư tại các vùng kinh tế mới, miền núi, hải đảo theo quyết
định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

1.2- Người được nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt nam anh hùng” có chuyển quyền sử dụng đất;

1.3- Chuyển quyền sử dụng đất thuộc các xã nông thôn ở miền núi, hải đảo theo quy định của chính phủ;

1.4- Chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối cho nhau để phù hợp với
điều kiện canh tác.

1.5- Tổ chức kinh tế được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để đầu tư xây dựng nhà ở để bán; đầu tư
xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền sử dụng đất gắn với cơ sở hạ tầng đó thì
được miễn thuế CQSDÐ tương ứng với diện tích đã nộp tiền sử dụng đất theo từng dự án.

Các trường hợp kinh doanh bất động sản khác có CQSDÐ không thuộc diện miển thuế CQSDÐ theo quy định
trên đây.

2- Ðối tượng được giảm thuế CQSDÐ. Giảm 50% (năm mươi phần trăm) thuế CQSDÐ đối với những đối tượng
sau đây khi CQSDÐ:

2.1- Cá nhân thương binh hạng 1/4, hạng 2/4 và bệnh binh hạng 1/3, hạng 2/3;

2.2- Thân nhân liệt sĩ đang được hưởng chế độ trợ cấp của nhà nước;
2.3- Người tàn tật không có khả năng lao động, người chưa đến tuổi thành niên, và người già cô đơn không nơi
nương tựa….

3- Hồ sơ xin miễn, giảm thuế CQSDÐ gồm: 3.1- Ðối tượng thuộc diện được miễn, giảm thuế CQSDÐ ngoài các hồ
sơ quy định tại điểm 1, mục III Thông tư này, người xin miễn, giảm thuế phải có đơn đề nghị nêu rõ lý do hoặc
thuộc đối tượng thuộc diện được miễn, giảm thuế CQSDÐ.

3.2- Các đối tượng thuộc diện được miễn, giảm thuế CQSDÐ phải có giấy tờ chứng minh trường hợp cụ thể như
sau:

+ Trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển đến định cư tại các vùng kinh tế mới, miền núi, hải đảo phải có bản
sao quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được công chứng nhà nước xác nhận.

+ Trường hợp miễn, giảm thuế cho chủ hộ là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người được phong tặng
Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thì tùy từng trường hợp phải có giấy chứng nhận kèm bản sao có công chứng nhà
nước về loại thương binh, bệnh binh, Giấy chứng nhận bà mẹ Việt Nam anh hùng, giấy chứng nhận gia đình liệt
sĩ, sổ nhận trợ cấp hàng tháng của thân nhân liệt sĩ.

+ Trường hợp chuyển quyền sử dụng các loại đất thuộc xã nông thôn ở miền núi, hải đảo theo quy định về xã
miền núi, hải đảo của Chính phủ (trừ đất thuộc thành phố, thị xã, thị trấn).

+ Trường hợp chuyển đổi đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản đất làm muối cho nhau được
chính quyền xã, phường, thị trấn xác nhận.

+ Trường hợp người già cô đơn không nơi nương tựa, người chưa đến tuổi thành niên phải có giấy xác nhận của
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn theo từng trường hợp cụ thể; người tàn tật phải có giấy xác nhận của cơ
quan y tế quận, huyện, thị xã về mức độ tàn tật.

+ Trường hợp miễn thuế CQSDÐ cho tổ chức kinh tế được nhà nước gia đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện
dự án đầ tư xây dựng do cấp có thẩm quyền phê duyệt chỉ được miễn thuế CQSDÐ đối với các chủ đầu tư khi đã
xây dựng hoàn thành theo dự án đó như xây dựng xong nhà để bán cho các tổ chức, hộ dân cư sử dụng; xây
dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, khu dân cư để chuyển nhượng toàn bộ hoặc từng phần cho tổ chức
khác quản lý, sử dụng; các trường hợp chỉ xây dựng xong cơ sở hạ tầng các khu dân cư phân chia thành ô,
thành các nền nhà để chuyển nhượng thì không thuộc diện miễn giảm thuế CQSDÐ theo quy định này. Ðơn vị
được miễn thuế CQSDÐ phải có giấy phép đăng ký kinh doanh phù hợp với ngành nghề xây dựng đó, quyết định
giao đất, dự án đầu tư xây dựng được phê duyệt và chứng từ chứng minh đã nộp đủ tiền sử dụng đất theo quy
định.

Các giấy tờ quy định tại điểm 2 Mục này phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng nhà nước để cơ quan
thu thuế làm rõ hồ sơ lưu theo quy định.

4- Thẩm quyền xét miễn, giảm thuế. - Cục trưởng cục thuế các tỉnh thành phố có trách nhiệm xem xét và quyết
định việc miễn, giảm thuế CQSDÐ cho đối tượng kê khai nộp thuế CQSDÐ tại Cục thuế tỉnh, thành phố trực t

C. TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT


Đất đai thuộc sở hữu toàn dân và do Chính phủ thống nhất quản lý. Nhà nước giao cho các tổ
chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài. Ngược lại, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử
dụng đất được giao phải nộp tiền sủ dụng đất cho nhà nước. Khoản tiền này không có nghĩa là gia mua
đất.

Mức thu tiền sử dụng đất được xác định căn cứ vào diện tích đất được giao và giá mỗi m2 đất tại
thời điểm thu tiền sử dụng đất. Giá đất để tính thu tiền sử dụng đất là giá đất do Ủy ban nhân dân Tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương ban hành kèm theo khung giá đất qui định tại Nghị định 87/CP ngày
17/8/1994 của Chính phủ

D. TIỀN THUÊ ĐẤT

Phần I

I- ĐỐI TƯỢNG PHẢI NỘP TIỀN THUÊ ĐẤT


1- Các đối tượng được nhà nước cho thuê đất theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 04/2000/NĐ-CP ngày
11/2/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai (gọi
chung là Nghị định số 04/2000/NĐ-CP), (Phụ lục I kèm theo Thông tư này), phải nộp tiền thuê đất trên toàn bộ
diện tích đất thuê.

2- Tổ chức kinh tế được giao đất sử dụng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối
sau ngày 1/1/1999.

3- Các đối tượng được giao đất không thu tiền sử dụng đất qui định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 04/2000/NĐ-
CP nếu sử dụng một phần vào mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngoài mục đích sử dụng đất được giao
(Phụ lục I kèm theo Thông tư này), thì phải nộp tiền thuê đất đối với phần diện tích đất sử dụng vào sản xuất
kinh doanh dịch vụ.

4- Tổ chức kinh tế đã được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc đã nhận chuyển nhượng quyền sử
dụng đất mà đã nộp tiền sử dụng đất hoặc trả tiền nhận chuyển nhượng có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước
phải chuyển sang thuê đất và nộp tiền thuê đất.

5- Tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng v.v... hàng năm phải thực hiện nộp
tiền thuê đối với phần diện tích đất đang thực hiện khai thác.

II- ĐỐI TƯỢNG KHÔNG PHẢI NỘP TIỀN THUÊ ĐẤT

1- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định tại Điều 8 Nghị
định 04/2000/NĐ-CP (Phụ lục II đính kèm Thông tư này).

2- Các đối tượng được giao đất không thu tiền sử dụng đất qui định tại khoản 2, khoản 3 Điều 7 (Phụ lục II đính
kèm Thông tư này) và khoản 1 Điều 7 Nghị định số 04/2000/NĐ-CP (trừ phần đất sử dụng vào mục đích sản xuất
kinh doanh đã nói tại khoản 3 Mục I Phần I Thông tư này).

3- Tổ chức kinh tế đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác hoặc đã được nhà nước
giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền đó không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì không phải chuyển
sang thuê đất.

Trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp kèm theo chuyển mục đích
sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép mà tiền đã trả cho việc nhận chuyển nhượng,
chuyển mục đích sử dụng đất không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì không phải chuyển sang thuê đất
và không phải nộp tiền thuê đất.

4- Tổ chức đang sử dụng đất có nguồn gốc từ đất ở của hộ gia đình, cá nhân sử dụng hợp pháp sau khi được cơ
quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng diện tích đất đó để làm văn phòng, nhà xưởng để sản xuất,
kinh doanh thì không phải chuyển sang thuê đất, không phải nộp tiền thuê đất.

5- Tổ chức nhà nước được cơ quan Nhà nước cho phép sử dụng giá trị quyền sử dụng đất góp vốn liên doanh với
tổ chức, cá nhân nước ngoài.

6- Tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản trong lòng đất không phải nộp tiền thuê đất đối với phần
diện tích không sử dụng trên mặt đất.

III- XÁC ĐỊNH TIỀN THUÊ ĐẤT VÀ NỘP TIỀN THUÊ ĐẤT

1- Số tiền thuê đất 1 năm (đ/năm) được tính bằng diện tích đất thuê (m2) nhân với đơn giá thuê đất 1 năm
(đ/m2/năm).

- Diện tích tính tiền thuê đất là toàn bộ diện tích do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang quản lý, sử dụng vào sản
xuất kinh doanh. Diện tích này được xác định theo hợp đồng thuê đất và bản kê khai đăng ký nộp tiền thuê đất;
Trường hợp chưa có hợp đồng thuê đất thì căn cứ vào hồ sơ giao đất hoặc hồ sơ bàn giao cơ sở sản xuất kinh
doanh, hồ sơ thuê đất hoặc bản tự kê khai của người sử dụng đất. Khi xác định lại chính thức diện tích sẽ điều
chỉnh theo thực tế.

- Đơn giá thuê đất 1 năm được xác định như sau:

Giá 1m2 đất do UBND Hệ số tính giá thuê đất áp dụng cho từng nhóm ngành nghề kinh
Đơn giá thuê cấp tỉnh quy định doanh quy định tại Điều 2 Bản quy định khung giá cho thuê đất đối
đất một năm = theo khung giá các x với các tổ chức trong nước được Nhà nước cho thuê đất ban hành
(đ/m2/năm) loại đất của Chính kèm theo Quyết định số 1357 TC/QĐ/TCT ngày 30/12/1995 của Bộ
phủ. Trưởng Bộ Tài chính.
+ Đơn giá tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp (KCN), Khu Chế
xuất (KCX), Khu Công nghệ cao (KCNC) được tính bằng 80% đơn giá thuê đất theo cách xác định trên.

+ Tiền thuê đất tính cho năm đầu tiên và năm cuối cùng của thời hạn thuê đất được xác định theo số tháng cho
thuê thực tế.

Đối với phần diện tích đất xin trả lại Nhà nước thì tính tiền thuê đất đến thời điểm bàn giao. Trong trường hợp tổ
chức, hộ gia đình, cá nhân đã có văn bản đề nghị trả lại đất, nhưng Nhà nước chưa nhận bàn giao thì sau 01
tháng kể từ ngày có biên bản chấp thuận trả lại đất giữa bên thuê đất và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho
thuê đất, tổ chức không phải nộp tiền thuê đất đối với phần diện tích này.

2- Thời điểm tính tiền thuê đất: Thời điểm tính tiền thuê đất là thời điểm doanh nghiệp được bàn giao đất để sử
dụng.

3- Nộp tiền thuê đất:

- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng phải nộp tiền thuê đất phải nộp tờ kê khai đăng ký nộp tiền thuê
đất (Mẫu số 1 đính kèm Thông tư này) và các chứng từ liên quan cho cơ quan thu tiền thuê đất chậm nhất là 1
tháng kể từ thời điểm tính tiền thuê đất.

- Đất thuê (bao gồm cả khoản thu sử dụng vốn trong trường hợp sử dụng giá trị quyền sử dụng đất góp vốn liên
doanh quy định tại Phần II của Thông tư này) tại địa bàn (quận, huyện) nào thì tiền thuê đất nộp vào ngân sách
Nhà nước tại Kho bạc Nhà nước của địa bàn (quận, huyện) đó theo đúng Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

Việc nộp tiền thuê đất được thực hiện theo định kỳ mỗi năm 2 lần, mỗi lần nộp 50% số tiền thuê đất tính trong 1
năm. Lần đầu chậm nhất là ngày 30/6, lần sau chậm nhất là ngày 30/10 của năm.

- Tiền thuê đất nộp hàng năm và được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh hàng năm của đối tượng
thuê đất. Trường hợp nộp 1 lần cho nhiều năm thì được phân bổ theo số năm đã nộp tiền thuê đất và hạch toán
vào giá thành sản xuất kinh doanh tương ứng với số năm đó.

4- Nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi được nhà nước cho thuê đất:

4.1 - Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước cho thuê đất phải nộp tiền thuê đất đúng thời hạn, nộp đủ
tiền thuê đất vào Kho bạc Nhà nước và chịu sự hướng dẫn của cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu tiền thuê đất.

4.2- Đất sử dụng đã nộp tiền thuê đất theo quy định tại Thông tư này thì không phải nộp thuế sử dụng đất nông
nghiệp hoặc thuế nhà đất.

5- Miễn, giảm tiền thuê đất:

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước được nhà nước cho thuê đất được miễn hoặc giảm tiền thuê đất trong
các trường hợp sau đây:

5.1- Miễn tiền thuê đất trong thời gian dự án xây dựng cơ bản. Trường hợp dự án có nhiều hạng mục công trình
hoặc giai đoạn xây dựng độc lập với nhau thì tính miễn giảm tiền thuê đất theo từng hạng mục hoặc giai đoạn
xây dựng độc lập đó; Trường hợp không thể tính riêng được theo hạng mục hoặc giai đoạn xây dựng độc lập thì
thời gian xây dựng cơ bản được tính theo hạng mục công trình có tỷ trọng vốn lớn nhất.

5.2- Miễn tiền thuê đất kể từ ngày xây dựng cơ bản hoàn thành để thực hiện khuyến khích ưu đãi đầu tư trong
nước, (Phụ lục III đính kèm Thông tư này) theo phê duyệt dự án đầu tư của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

5.3- Miễn tiền thuê đất 3 năm kể từ ngày xây dựng cơ bản hoàn thành đối với doanh nghiệp có nhà máy, xí
nghiệp nằm trong nội thành phố, nội thị xã khi thực hiện quy hoạch di chuyển ra ngoại thành, ngoại thị.

5.4- Miễn, giảm tiền thuê đất cho Thương nhân hoạt động thương mại tại địa bàn miền núi, hải đảo và vùng
đồng bào dân tộc theo quy định của Nghị định 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 như sau:

- Miễn tiền thuê đất trong 5 năm đầu và được giảm 50% tiền thuê đất trong 5 năm tiếp theo cho Thương nhân
kinh doanh ở khu vực II.

- Miễn tiền thuê đất xây dựng, mở rộng cơ sở kinh doanh cho Thương nhân kinh doanh ở khu vực III.

5.5- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê đất mà trong cùng thời gian được hưởng nhiều mức miễn hoặc giảm tiền
thuê đất theo quy định tại tiết 5.2, 5.3, 5.4 khoản 5 này hoặc được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật
khác thì chỉ được hưởng một mức miễn hoặc giảm cao nhất.
Sau khi đã miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định tại tiết 5.1, 5.2, 5.3, 5.4, khoản 5 này mà tổ chức, hộ gia
đình, cá nhân nộp trước tiền thuê đất 01 lần cho nhiều năm ngay trong năm đầu, thì được giảm tiếp tiền thuê
đất như sau:

Nộp cho 5 năm thì được giảm 5% số tiền thuê đất của 5 năm đó, nộp cho thời hạn thuê đất trên 5 năm, thì cứ
mỗi năm tăng thêm được giảm cộng thêm 1% (nộp cho 6 năm được giảm 6%, nộp cho 7 năm được giảm 7%...),
nhưng tổng mức giảm không vượt quá 25% số tiền thuê đất phải nộp của thời gian đó; Trường hợp nộp tiền thuê
đất cho toàn bộ thời gian thuê đất trên ba mươi (30) năm thì được giảm 30% số tiền thuê đất phải nộp.

5.6- Đối với khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách hoạt động kinh doanh theo mùa vụ, nếu nộp đầy đủ tiền thuê đất
theo qui định tại Thông tư này mà bị lỗ thì được xét giảm tiền thuê đất. Số tiền được giảm tương ứng với số lỗ,
nhưng mức giảm tối đa là 50% số tiền thuê đất phải nộp.

5.7- Đối với đất thuê để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối
mà bị thiên tai, hoả hoạn làm thiệt hại sản lượng đựơc xét miễn giảm tiền thuê đất tương ứng với mức miễn
giảm của thuế sử dụng đất nông nghiệp cụ thể như sau:

+ Mức thiệt hại sản lượng của một năm từ 10 đến dưới 20% được giảm tiền thuê đất tương ứng với mức bị thiệt
hại;

+ Mức thiệt hại sản lượng của một năm từ 20 đến dưới 30%, giảm 60% tiền thuê phải nộp;

+ Mức thiệt hại sản lượng của một năm từ 30 đến dưới 40%, giảm 80% tiền thuê phải nộp;

+ Mức thiệt hại sản lượng của một năm từ 40% trở lên, miễn nộp tiền thuê đất một năm.

Việc xác định mức thiệt hại để miễn, giảm tiền thuê đất qui định tại tiết này được áp dụng theo phương pháp
xác định mức thiệt hại để giảm, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

5.8- Đối với đất thuê để sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh mà không phải là sản xuất nông nghiệp, lâm
nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối khi bị thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất khả kháng bị thiệt hại tài sản từ
20% đến dưới 50% giá trị tài sản thì được giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong một năm; Thiệt hại tài sản từ
50% trở lên được miễn nộp tiền thuê đất của cả năm. Tỷ lệ thiệt hại được tính bằng giá trị tài sản bị thiệt hại
trên tổng giá trị tài sản hiện có tại thời điểm ngay trước khi bị thiệt hại.

5.9- Số tiền thuê đất làm căn cứ để tính miễn hoặc giảm theo quy định tại tiết 5.6, 5.7, 5.8 là số tiền thuê đất
phải nộp sau khi đã trừ miễn hoặc giảm theo quy định tại tiết 5.1, 5.2, 5.3, 5.4 khoản 5 (nếu có).

5.10- Việc thực hiện miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định tại Thông tư này được áp dụng đối với tất cả các dự
án được nhà nước cho thuê đất trước và sau khi Thông tư này có hiệu lực thi hành.

- Đối với các dự án đang trong thời kỳ xây dựng cơ bản được giảm tiền thuê đất theo qui định tại Thông tư
70/TC-QLCS ngày 7/10/1997 thì nay được hưởng miễn tiền thuê đất theo qui định tại tiết 5.1 khoản 5 này cho
thời gian xây dựng cơ bản còn lại.

- Đối với dự án đã đi vào hoạt động kể từ ngày xây dựng cơ bản hoàn thành cho đến thời điểm Thông tư này có
hiệu lực mà vẫn còn thời gian được hưởng miễn hoặc giảm tiền thuê đất qui định tại tiết 5.2, 5.3, 5.4 khoản 5 thì
được miễn hoặc giảm tiền thuê đất cho thời gian được miễn hoặc giảm tiền thuê đất còn lại.

5.11- Để được miễn giảm tiền thuê đất, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải có đơn xin miễn hoặc giảm tiền thuê
đất kèm theo giấy tờ cần thiết gửi đến cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu tiền thuê đất, hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị miễn, giảm tiền thuê đất; Riêng trường hợp xin giảm, miễn theo quy định tại tiết 5.7, 5.8 khoản 5
này thì phải gửi kèm các hồ sơ, giấy tờ chứng minh có thiệt hại về sản xuất, tài sản.

- Giấy phép đầu tư hoặc đăng ký kinh doanh;

- Quyết định cho thuê đất hoặc tờ khai đăng ký nộp tiền thuê đất;

- Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có).

Phần II

góp vốn liên doanh bằng giá trị quyền sử dụng đất; xử lý

trường hợp đã nhận nợ và đã hoàn trả tiền thuê đất góp


vốn liên doanh, đã nộp tiền sử dụng đất hoặc đã nhận

chuyển nhượng quyền sử dụng đất

IV- Góp vốn liên doanh bằng giá trị quyền sử dụng đất với tổ chức, cá nhân trong nước

1- Đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp được giao khi dùng giá trị quyền sử dụng đất góp vốn liên doanh để tiếp tục
sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối thì giá trị quyền sử
dụng đất của bên có đất góp vốn liên doanh do các bên thoả thuận, nhưng giá đất để xác định giá trị quyền sử
dụng đất không được thấp hơn giá đất nông nghiệp do UBND cấp tỉnh quy định theo khung giá đất do Chính phủ
ban hành.

Bên có đất góp vốn liên doanh phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật, không phải
nộp tiền thuê đất, không phải nộp tiền thu về sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

2- Góp vốn trong trường hợp được phép chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp sang sử
dụng vào mục đích khác hoặc góp vốn bằng đất thuê thì giá trị quyền sử dụng đất góp vốn liên doanh được xác
định bằng tiền thuê đất nộp cho ngân sách Nhà nước theo mục đích sử dụng mới trong thời hạn liên doanh.

3- Trường hợp bên có đất góp vốn liên doanh mà đất đó đã nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Mục IV, Phần
II này thì bên có đất góp vốn liên doanh chỉ phải nộp thuế đất, không phải nộp tiền thuê đất, không phải nộp
tiền thu về sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

V- Góp vốn liên doanh bằng giá trị quyền sử dụng đất với tổ chức, cá nhân nước ngoài

Tổ chức bên Việt Nam được Nhà nước cho phép sử dụng giá trị quyền sử dụng đất (tiền thuê đất) để góp vốn
liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh với các tổ chức, cá nhân nước ngoài, thì giá thuê đất do các bên thoả
thuận, nhưng không được thấp hơn đơn giá thuê đất, mặt nước, mặt biển áp dụng đối với các hình thức đầu tư
nước ngoài tại Việt Nam. Qui định về góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất cụ thể như sau:

1- Đối với tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, tổ chức đã nhận chuyển nhượng quyền sử
dụng đất hợp pháp từ người khác mà tiền đó không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc sử dụng đất của
hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất hợp pháp nhưng không phải là đất do Nhà nước cho thuê, khi được
phép dùng giá trị quyền sử dụng đất góp vốn liên doanh thì không phải nộp tiền thu về sử dụng vốn ngân sách
nhà nước đối với giá trị quyền sử dụng đất góp vốn liên doanh, nhưng hàng năm phải nộp thuế sử dụng đất
(thuế đất) cho Nhà nước theo qui định của Pháp luật hiện hành.

2- Đối với tổ chức được nhà nước cho thuê đất:

2.1- Doanh nghiệp nhà nước được Nhà nước cho thuê đất, được sử dụng giá trị quyền sử dụng đất (tiền thuê
đất) góp vốn liên doanh với nước ngoài, thì số tiền thuê đất góp vốn liên doanh là phần vốn của Nhà nước đầu
tư cho doanh nghiệp (Bên Việt Nam) và doanh nghiệp phải nộp tiền thu về sử dụng vốn ngân sách nhà nước
theo quy định hiện hành. Thời điểm tính và nộp tiền thu về sử dụng vốn ngân sách nhà nước được tính từ thời
điểm sử dụng tiền thuê đất góp vốn liên doanh.

Trường hợp đã trả tiền thuê đất cho cả thời gian thuê đất, khi được Nhà nước cho phép dùng giá trị quyền sử
dụng đất góp vốn liên doanh trong thời hạn đã trả tiền thuê đất, thì không phải nộp tiền thu về sử dụng vốn
ngân sách nhà nước đối với giá trị quyền sử dụng đất góp vốn liên doanh.

2.2- Tổ chức không phải là doanh nghiệp nhà nước được Nhà nước cho thuê đất đã trả tiền thuê đất cho cả thời
gian thuê đất hoặc trả cho thời gian thuê đất còn lại ít nhất là 5 năm, khi được Nhà nước cho phép dùng giá trị
quyền sử dụng đất góp vốn liên doanh trong thời hạn đã trả tiền thuê đất, tổ chức phải nộp tiền thuê đất theo
bản quy định về tiền thuê đất, mặt nước, mặt biển áp dụng đối với các hình thức đầu tư nước ngoài tại Việt nam
ban hành kèm theo Quyết định 189/2000/QĐ-BTC ngày 24/11/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

3- Các doanh nghiệp nhà nước trước đây được phép dùng giá trị quyền sử dụng đất góp vốn liên doanh với tổ
chức, cá nhân nước ngoài, thì nay giá trị quyền sử dụng đất (tiền thuê đất) tính trong cả thời hạn góp vốn liên
doanh được chuyển thành vốn của ngân sách Nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp và nộp tiền thu về sử dụng
vốn ngân sách nhà nước. Thời điểm tính và nộp tiền thu về sử dụng vốn ngân sách nhà nước thực hiện theo qui
định tại khoản 2.1, Mục này.

3.1- Đối với doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng qui định tại khoản 1 Mục này; Nếu như đã nhận nợ và hoàn
trả tiền thuê đất cho ngân sách nhà nước theo hướng dẫn tại Thông tư 70/TC-QLCS ngày 7/10/1997 của Bộ Tài
chính thì số tiền thuê đất đã nộp được trừ vào số tiền thuế sử dụng đất (thuế đất) phải nộp tính từ thời điểm bàn
giao đất sử dụng để góp vốn liên doanh; Nếu còn nợ tiền thuê đất thì nay được chuyển sang nộp thuế sử dụng
đất (thuế đất) cho cả thời gian còn nợ tiền thuê đất. Trường hợp đã nộp tiền thuê đất lớn hơn thuế sử dụng đất
phải nộp cho cả thời hạn dùng giá trị quyền sử dụng đất góp vốn liên doanh, thì số tiền thuê đất đã trả lớn hơn
này được ngân sách nhà nước hoàn trả cho tổ chức.
3.2- Đối với doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng qui định tại khoản 2.1, Mục này; Nếu đã nhận nợ và hoàn
trả tiền thuê đất cho ngân sách nhà nước theo hướng dẫn tại Thông tư 70/TC-QLCS ngày 7/10/1997 của Bộ Tài
chính, thì số tiền thuê đất đã nộp được trừ vào số tiền thu về sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải nộp kể từ
thời điểm sử dụng tiền thuê đất góp vốn liên doanh; Nếu còn nợ tiền thuê đất thì nay được chuyển sang nộp
tiền thu về sử dụng vốn ngân sách nhà nước cho cả thời gian còn nợ tiền thuê đất; Trường hợp đặc biệt nếu đã
nộp tiền thuê đất lớn hơn số tiền sử dụng vốn phải nộp cho cả thời hạn dùng giá trị quyền sử dụng đất góp vốn
liên doanh, thì số tiền thuê đất đã trả lớn hơn này được ngân sách nhà nước hoàn trả cho doanh nghiệp.

VI- Ghi vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất góp vốn liên doanh:

1- Căn cứ vào đề nghị của tổ chức có đất góp vốn liên doanh và hồ sơ có liên quan bao gồm:

- Đề nghị của tổ chức có đất góp vốn liên doanh;

- Quyết định giao đất, cho thuê đất;

- Giấy phép đầu tư;

- Hợp đồng liên doanh;

- Các giấy tờ liên quan khác.

Hội đồng xác định vốn ngân sách nhà nước bằng giá trị quyền sử dụng đất do Sở Tài chính - Vật giá tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương chủ trì phối hợp với Sở Địa chính kiểm tra, xem xét xác định giá trị quyền sử dụng
đất góp vốn liên doanh.

Bên có đất góp vốn liên doanh phải ký biên bản xác định vốn ngân sách nhà nước bằng giá trị quyền sử dụng
đất (tiền thuê đất) góp vốn liên doanh với Sở Tài chính - Vật giá (theo Mẫu số 2 đính kèm Thông tư này);

2- Căn cứ Biên bản xác định vốn ngân sách nhà nước bằng giá trị quyền sử dụng đất (tiền thuê đất) góp vốn liên
doanh, Sở Tài chính -Vật giá ghi tăng vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp bên có đất góp vốn liên
doanh; Riêng đối với các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ
lập hoặc góp vốn thì Cục Tài chính doanh nghiệp ghi tăng vốn ngân sách nhà nước.

3- Đối với các trường hợp đã ký hợp đồng nhận nợ tiền thuê đất nếu không phát sinh việc điều chỉnh giá thuê
đất thì Sở Tài chính -Vật giá chủ trì phối hợp với Sở Địa chính và Cục Tài chính doanh nghiệp (đối với doanh
nghiệp Trung ương), căn cứ hợp đồng giao nhận nợ làm việc với doanh nghiệp bên Việt nam có đất góp vốn liên
doanh chuyển thành vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp.

Trường hợp đất được phép góp vốn liên doanh là đất đã nộp tiền sử dụng đất hoặc đã trả tiền thuê đất cho cả
thời gian thuê đất, thì huỷ hợp đồng giao nhận nợ tiền thuê đất trước đây. Bên có đất góp vốn liên doanh có đơn
kèm theo hồ sơ, chứng từ và gửi đến Sở Tài chính-Vật giá nơi doanh nghiệp nhận nợ. Hội đồng xác định vốn
ngân sách nhà nước bằng giá trị quyền sử dụng đất góp vốn liên doanh do Sở Tài chính- Vật giá chủ trì kiểm tra,
xem xét, nếu đúng với kê khai của tổ chức thì ra thông báo xoá hợp đồng giao nhận nợ, sau đó gửi thông báo
đến các cơ quan có liên quan.

VI- Đất được coi là đã nộp tiền sử dụng đất

Đất do nhà nước giao hoặc đất nhận chuyển nhượng mà tiền sử dụng đất đã nộp ngân sách Nhà nước và tiền
nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã trả là tiền không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì đất đó là
đất đã nộp tiền sử dụng đất, các trường hợp cụ thể như sau:

- Đất được giao đã nộp tiền đền bù thiệt hại theo Quyết định số 186/HĐBT ngày 31/5/1990 của Hội đồng Bộ
trưởng (nay là Chính phủ) về đền bù thiệt hại đất nông nghiệp, đất có rừng khi chuyển sang mục đích khác;

- Đất được giao đã nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước theo quy định tại Thông tư số 60 TC/TCT ngày
16 tháng 7 năm 1993 của Bộ Tài chính khi được giao đất thay cho thanh toán giá trị công trình;

- Đất do mua nhà cùng với nhận quyền sử dụng đất có nhà trên đó mà người bán nhà cùng với chuyển quyền sử
dụng đất đã nộp thuế thu nhập theo Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao;

- Đất do mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước kèm theo chuyển quyền sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số
61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở;

- Đất được giao đã nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Pháp luật đất đai;
- Đất nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử
dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp kèm theo chuyển mục đích sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm
quyền cho phép;

- Đất được giao từ sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng là đất nhà nước giao cho tổ chức kinh tế để
thanh toán giá trị công trình đã xây dựng.

Phần III

Xử lý vi phạm, khen thưởng và khiếu nại

1- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất thuộc đối tượng phải kê khai nộp tiền thuê đất không thực
hiện đúng việc kê khai nộp tiền thuê đất theo hướng dẫn tại Thông tư này thì cơ quan thuế căn cứ vào các tài
liệu điều tra và hồ sơ sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân do UBND xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan
địa chính cung cấp, có quyền quyết định các nội dung quy định tại Phần I về nộp tiền thuê đất theo Mẫu số 1
đính kèm Thông tư này và thông báo cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân biết để nộp tiền thuê đất, đồng thời
thông báo cho các cơ quan có liên quan biết.

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nộp tiền thuê đất hoặc nộp phạt không đúng thời hạn thì ngoài việc phải nộp đầy
đủ số tiền thuê và số tiền phạt theo quy định, mỗi ngày chậm nộp còn phải nộp phạt tiền bằng 0,1% trên số
tiền chậm nộp.

Trường hợp đối tượng thuê đất vẫn cố tình dây dưa, chây ỳ không chịu nộp tiền thuê đất và tiền phạt, thì cơ
quan thuế có quyền yêu cầu ngân hàng nơi đối tượng thuê đất mở tài khoản trích tiền từ tài khoản tiền gửi của
tổ chức, cá nhân đó để nộp tiền thuê đất, tiền phạt (nếu có) vào kho bạc Nhà nước; Không có tài khoản thì cơ
quan thuế báo cáo UBND cùng cấp thực hiện biện pháp cưỡng chế hành chính theo quy định hiện hành.

2- Tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm dụng, tham ô hoặc làm thất thoát tiền thuê đất thì
phải bồi thường cho Nhà nước toàn bộ số tiền đã chiếm dụng, tham ô hoặc thất thoát và tuỳ theo mức độ vi
phạm mà bị xử lý kỷ luật và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

3- Người có công phát hiện các hành vi vi phạm quy định tại Thông tư này thì được khen thưởng theo quy định
chung của Nhà nước.

4- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nộp tiền thuê đất có quyền khiếu nại những vấn đề có liên quan với Cục thuế
địa phương; trong khi chờ giải quyết, người khiếu nại phải nộp đủ và đúng thời hạn số tiền thuê đất và số tiền
phạt (nếu có) đã được thông báo. Tổ chức được phép sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn liên doanh
có quyền khiếu nại những vẫn đề có liên quan với Sở Tài chính- Vật giá địa phương. Trường hợp không đồng ý
với quyết định của cơ quan giải quyết thì có quyền khiếu nại lên cấp trên trực tiếp của cơ quan đã ra quyết định
giải quyết. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính là quyết định cuối cùng.

Cơ quan nhận đơn khiếu nại có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đơn.

CHƯƠNG 8
THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP
A. NỘI DUNG KINH TẾ VÀ VAI TRÒ CỦA THUẾ TNDN
Thuế TNDN hay còn gọi là thuế thu nhập công ty (thuế TNCT) (Corporate Income Tã). Ở Mỹ, thuế TNCT
được sử dụng lần đầu vào năm 1909 và cho tới Chiến tranh thế giới thứ II, thuế TNCT vẫn chiếm số lượng nhiều
hơn thuế thu nhập cá nhân nhưng sau đó thì xu hướng này đảo ngược và vào những năm 60 của thế kỷ XX thì
thuế TNCN đã lớn hơn gấp đôi thuế TNCT.
Ở Việt Nam, Luật thuế TNDN được Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 10/5/1997 và có
hiệu lực thi hành ngày 1/1/1999nhằm thay cho Luật thuế lợi tức trước đây. Thuế TNDN là loại thuế trực thu đánh
vào thu nhập sau khi trừ các chi phí liên quan đến thu nhập của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Thuế TNDN ban hành nhằm đảm bảo bao quát và điều tiết được tất cả các khoản thu nhập đã, đang và
se phát sinh của các cơ sở kinh doanh hoạt động trong nền kinh tế thị trường. Thuế TNDN còn nhằm khuyến
khích các nhà đầu tư vào Việt nam, khuyến khích các tổ chức và cá nhân trong nước bỏ vốn đầu tư phát triển
sản xuất kinh doanh. Vai trò này của thuế TNDN được biểu hiện rất rõ nét qua các ưu đãi về thuế suất và các
trường hợp miễn, giảm.
Mặt khác, thuế TNDN tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh
nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các qui định về thuế suất và các ưu đãi khác
được tập hợp rõ ràng, thống nhất trong luật thuế TNDN là một biểu hiện.
B. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT THUẾ TNDN
I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP
Theo qui định tại Điều 1, Điều 3 của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Điều 1 của Nghị định số
30/1998/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 1998 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh
nghiệp thì những tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (gọi chung là cơ sở kinh doanh) dưới
đây có thu nhập chịu thuế đều phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp:

1. Các tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ:
a) Doanh nghiệp Nhà nước, bao gồm cả doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kinh doanh và doanh nghiệp Nhà
nước hoạt động công ích;

b) Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần;

c) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh theo Luật
đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

d) Công ty nước ngoài và tổ chức nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam không theo Luật đầu tư nước
ngoài tại Việt Nam;

đ) Các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vű trang nhân dân và các đơn vị hành
chính, sự nghiệp có tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;

e) Hợp tác xã, tổ hợp tác;

f) Doanh nghiệp tư nhân;

g) Các tổ chức khác có sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

2. Cá nhân trong nước sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ:
a) Cá nhân và nhóm cá nhân kinh doanh.

b) Hộ cá thể.

c) Cá nhân hành nghề độc lập (trực tiếp kinh doanh): Bác sĩ, luật sư, kế toán viên, kiểm toán viên, họa sĩ, kiến
trúc sư, nhạc sĩ và những người hành nghề độc lập khác.

d) Cá nhân cho thuê tài sản như: Nhà, đất, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị và các loại tài sản khác.

3. Công ty nước ngoài hoạt động kinh doanh thông qua cơ sở thường
trú tại Việt Nam.
Công ty nước ngoài được coi là có thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua cơ sở thường trú tại Việt Nam
trong các trường hợp sau:

a) Công ty đó có tại Việt Nam: trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng (trừ văn phòng đại diện thương mại
không được phép kinh doanh theo pháp luật Việt Nam), nhà máy, xưởng sản xuất, kho giao nhận hàng hóa,
phương tiện vận tải, hầm mỏ, mỏ dầu hoặc khí đốt, địa điểm thăm dò hoặc khai thác tài nguyên thiên nhiên hay
các thiết bị, phương tiện phục vụ cho việc thăm dò tài nguyên thiên nhiên.

b) Công ty đó có tại Việt Nam: địa điểm xây dựng, công trình xây dựng, lắp đặt hoặc lắp ráp; các hoạt động
giám sát xây dựng, công trình xây dựng, lắp đặt, lắp ráp.

c) Công ty đó thực hiện việc cung cấp dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ tư vấn) ở Việt Nam thông qua nhân viên của
công ty hay một đối tượng khác được công ty ủy nhiệm thực hiện dịch vụ cho một dự án hay nhiều dự án.

d) Công ty đó có tại Việt Nam đại lý môi giới, đại lý hưởng hoa hồng hoặc bất kỳ một đại lý nào khác.

đ) Công ty đó ủy nhiệm cho một đối tượng tại Việt Nam có thẩm quyền ký kết các hợp đồng đứng tên công ty
hoặc không có thẩm quyền ký kết hợp đồng đứng tên Công ty nhưng có quyền thường xuyên đại diện cho công
ty giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.

Trong trường hợp Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết có qui
định khác về cơ sở thường trú thì thực hiện theo qui định của Hiệp định đó.
4. Cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam như: cho thuê tài sản,
cho vay vốn, chuyển giao công nghệ.

II. ĐỐI TƯỢNG KHÔNG THUỘC DIỆN NỘP THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP BAO GỒM

1. Hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ chức kinh tế tập thể khác có thu nhập từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, nuôi
trồng thủy sản.

2. Hộ gia đình, cá nhân nông dân sản xuất nông nghiệp có giá trị sản lượng hàng hóa từ 90 triệu đồng/năm và
thu nhập từ 36 triệu đồng/năm trở xuống.

III. Tạm thời chưa thu thuế TNDN

đối với hộ gia đình và cá nhân nông dân trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có giá trị sản lượng hàng hóa
trên 90 triệu đồng/năm và thu nhập trên 36 triệu đồng/năm.

IV. CĂN CỨ TÍNH THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

Căn cứ tính thuế thu nhập doanh nghiệp qui định tại Điều 6 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp là thu nhập chịu
thuế và thuế suất.

1. Thu nhập chịu thuế


Thu nhập chịu thuế (tính theo năm dương lịch hoặ cả năm tài chính) bao gồm thu nhập chịu thuế của hoạt động
sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, kể cả thu nhập chịu thuế từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở nước
ngoài và thu nhập chịu thuế khác.

Theo qui định tại Điều 7 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập chịu thuế được xác định như sau:

Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế = Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế - Chi phí hợp
lý trong kỳ tính thuế + Thu nhập chịu thuế khác trong kỳ tính thuế

2. Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế


2.1. Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế

Căn cứ điều 3 nghị định số 30/1998/NĐ-CP ngày 13/8/1998 của Chính phủ và điều 1 Nghị định số 26/2001/NĐ-
CP ngày 04/6/2001 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/1998/NĐ-CP ngày
13/5/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế TNDN, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là
toàn bộ tiền bán hàng, tiền cung ứng dịch vụ (không có thuế giá trị gia tăng) bao gồm cả trợ giá, phụ thu, phụ
trội mà cơ sở sản xuất, kinh doanh được hưởng.

Ví dụ: Trên hóa đơn giá trị gia tăng của doanh nghiệp A bán hàng thể hiện:

- Giá bán: 100.000 đồng.

- Thuế GTGT (10%): 10.000 đồng.

- Giá thanh toán : 110.000 đồng.

- Doanh thu doanh nghiệp A được hưởng để tính thu nhập chịu thuế là 100.000 đồng.

Nếu cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng, doanh thu để tính thu
nhập chịu thuế là giá bên mua thực thanh toán có cả thuế GTGT.

Cũng ví dụ trên trường hợp doanh nghiệp B thuộc đối tượng tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì
doanh nghiệp B phải sử dụng hóa đơn bán hàng. Trên hóa đơn bán hàng phản ánh giá thanh toán là 110.000
đồng (giá đã có thuế) thì đây cũng là doanh thu để tính thu nhập chịu thuế.

2.2. Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế

Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là thời điểm hàng hóa, dịch vụ đã được tiêu thụ, không
phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền, cụ thể:
a) Đối với hàng hóa thỏa mãn một trong hai điều kiện sau:

+ Đã giao hàng hoặc đã chuyển quyền sở hữu về hàng hóa.

+ Đã có hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng.

b) Đối với dịch vụ thỏa mãn một trong hai điều kiện sau:

+ Khi dịch vụ đã hoàn thành

+ Khi có hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng.

Trường hợp tiền thanh toán dịch vụ mà người cung cấp được hưởng dựa trên tỷ lệ % hoặc mức độ hoàn thành
công việc thì căn cứ vào thời điểm chấp nhận khoản tiền thanh toán từ phần dịch vụ hoàn thành đó hoặc khi có
hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng.

2.3. Doanh thu một số ngành đặc thù được quy định như sau:

a) Đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp hoặc trả chậm (quyền sở hữu hàng hóa chưa chuyển cho
người mua) thì doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là số tiền phải thu khi người mua trả tiền theo thời hạn quy
định của hợp đồng. Việc xác định doanh thu, chi phí đối với hàng hóa mua bán trả góp hoặc trả chậm thực hiện
theo nguyên tắc chi phí phải phù hợp với doanh thu.

Đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp hoặc trả chậm, nếu bên mua và bên bán có thỏa thuận chuyển
quyền sở hữu, thì doanh thu của hàng bán tính theo giá bán trả một lần kể từ khi giao hàng hoặc khi xuất hóa
đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng, không bao gồm lãi trả góp hoặc lãi trả chậm. Trường hợp này, lãi trả góp và
lãi trả chậm hạch toán vào thu nhập hoạt động tài chính.

b) Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, biếu, tặng, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được xác định
theo giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương trên thị trường tại thời điểm trao đổi,
biếu, tặng.

c) Đối với sản phẩm tự dùng, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là chi phí để sản xuất ra sản phẩm đó.

d) Đối với gia công hàng hóa, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là tiền thu về gia công bao gồm cả tiền
công, nhiên liệu, động lực, vật liệu phụ và chi phí khác phục vụ cho việc gia công hàng hóa. Doanh thu để tính
thu nhập chịu thuế được xác định khi bên nhận gia công đã viết hóa đơn, đồng thời với việc chuyển trả hàng
hóa đã gia công cho bên đưa gia công.

đ) Trường hợp bán hàng qua đại lý, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được xác định khi đại lý giao hàng cho
người mua hoặc khi:

+ Bên nhận đại lý chuyển quyền sở hữu cho người mua.

+ Bên nhận đại lý xuất hóa đơn.

Đồng thời, trong trường hợp này phải có hợp đồng đại lý bằng văn bản giữa bên giao và bên nhận đại lý, nếu
không có hợp đồng thì việc giao hàng cho đại lý sẽ coi như hoạt động bán hàng thông thường.

e) Đối với hoạt động cho thuê nhà, thuê tài sản, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là số tiền thu từng kỳ
theo hợp đồng. Trường hợp bên thuê trả trước cho nhiều năm thì doanh thu được tính phân bổ tương ứng theo
thời gian thuê từng năm trả trước.

Ví dụ: Một doanh nghiệp A cho doanh nghiệp B thuê nhà trong thời hạn 3 năm. Giả định hợp đồng cho thuê nhà
theo phương thức bên thuê trả trước với số tiền thuê 3 năm là 150 triệu đồng và hợp đồng có hiệu lực từ
1/1/2001. Như vậy doanh nghiệp A sẽ được phân bổ doanh thu cho thuê nhà và hạch toán năm 2001 là: 150 tr :
3 = 50 tr đồng; năm 2002 là 50 tr đồng ; năm 2003 là 50 tr đồng.

f) Doanh thu từ hoạt động cho vay, thu lãi tiền gửi, thu nghiệp vụ cho thuê tài chính là số lãi phải thu trong kỳ
được xác định theo nguyên tắc sau:

- Tổ chức tín dụng hạch toán số lãi phải thu đối với các khoản nợ trong hạn vào thu nhập. Đối với số lãi phải thu
của các khoản nợ quá hạn không phải hạch toán vào thu nhập, tổ chức tín dụng theo dõi ngoại bảng để đôn đốc
thu, khi thu được thì hạch toán vào thu nghiệp vụ.
- Số lãi phải thu của các khoản cho vay trong hạn đã hạch toán thu nhập nhưng khách hàng không thanh toán
được đúng hạn, sau 90 ngày khách hàng chưa thanh toán hoặc chưa đến 90 ngày nhưng khoản vay chuyển
sang nợ quá hạn thì Tổ chức tín dụng được hạch toán giảm thu và theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu, khi thu
được thì hạch toán vào thu nghiệp vụ.

g) Doanh thu vận tải hàng không là toàn bộ số tiền doanh nghiệp vận tải hàng không được hưởng từ việc vận
chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa sau khi đã hoàn thành quá trình vận chuyển, không phân biệt đã thu
được tiền hay chưa thu được tiền. Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là dịch vụ vận
chuyển đã hoàn thành.

h) Doanh thu bán điện là số tiền ghi trên hóa đơn GTGT. Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu
thuế căn cứ vào ngày cuối cùng ghi chỉ số công tơ trên hóa đơn tính tiền điện không phân biệt đầu tháng hay
cuối tháng. Ngày cuối cùng ghi chỉ số công tơ thuộc tháng nào thì tính vào doanh thu của tháng đó.

Ví dụ: hóa đơn phát hành tính tiền điện cho chỉ số công tơ tính từ ngày 5/12 đến ngày 5/1 thì doanh thu của hóa
đơn này được hạch toán vào tháng 1 năm sau. Nếu ngày ghi chỉ số công tơ từ ngày 29/1 đến ngày 29/2 thì
doanh thu của hóa đơn này được hạch toán vào tháng 2.

Đối với các dịch vụ có hoạt động xuất hóa đơn, thu tiền tương tự như: nước, bưu điện ... thì cũng xác định như
trên

i) Đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tái bảo hiểm, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là số tiền phải
thu về phí bảo hiểm gốc, phí đại lý giám định, phí nhận tái bảo hiểm, thu hoa hồng tái bảo hiểm và các khoản
thu khác.

k) Trong trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có doanh thu bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra
đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu ngoại tệ. Những ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
không công bố tỷ giá thì thống nhất quy đổi thông qua đồng đô la Mỹ. Tỷ giá quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam
thực hiện theo quy định tại Thông tư số 77/1998/TT-BTC ngày 6/6/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn tỷ giá quy
đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam sử dụng trong hạch toán kế toán ở doanh nghiệp.

3. Các khoản chi phí hợp lý được trừ để tính thu nhập chịu thuế
Căn cứ vào Điều 9 của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; Điều 4 của Nghị định số 30/1998/NĐ-CP ngày
13/5/1998 của Chính phủ và điều 1 Nghị định số 26/2001/NĐ-CP ngày 04/6/2001 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung
một số điều của Nghị định số 30/1998/NĐ-CP ngày 13/5/1998 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Luật thuế
thu nhập doanh nghiệp thì các khoản chi phí hợp lý liên quan đến thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế được
hướng dẫn cụ thể như sau:

3.1. Khấu hao tài sản cố định:

Tài sản cố định được trích khấu hao tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN, về nguyên tắc phải đảm bảo 2
yêu cầu sau:

- Tài sản cố định phải đầy đủ hóa đơn chứng từ hợp pháp chứng minh tài sản cố định thuộc quyền sở hữu của cơ
sở kinh doanh.

- Tài sản cố định phải được sử dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tạo ra thu nhập chịu thuế và
trích khấu hao tài sản cố định theo đúng quy định hiện hành (Chế độ quản lý, trích khấu hao TSCĐ ban hành
kèm theo Quyết định số 166/1999/QĐ-BTC ngày 29/12/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

Trường hợp bên Việt Nam tham gia góp vốn pháp định hoặc góp vốn hợp doanh với Bên nước ngoài bằng giá trị
quyền sử dụng đất thì việc trích khấu hao phải bảo đảm tính đủ giá trị quyền sử dụng đất và tính từ thời điểm
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc hợp doanh bắt đầu đi vào sản xuất , kinh doanh, dịch vụ cho đến
khi kết thúc dự án.

3.2. Chi phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa sử dụng vào sản xuất, kinh doanh dịch vụ
liên quan đến doanh thu và thu nhập chịu thuế trong kỳ, được tính theo định mức tiêu hao vật tư hợp lý và giá
thực tế xuất kho.

a) Mức tiêu hao vật tư hợp lý:

- Giám đốc doanh nghiệp phải xây dựng và duyệt định mức tiêu hao vật tư căn cứ vào định mức tiêu hao vật tư
do cấp có thẩm quyền ban hành và tình hình cụ thể của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp có Hội đồng quản
trị thì Tổng giám đốc xây dựng định mức tiêu hao vật tư để trình Hội đồng quản trị phê duyệt.
- Kết thúc năm doanh nghiệp phải thực hiện việc quyết toán vật tư bảo đảm không được vượt định mức tiêu hao
vật tư đã được duyệt và thông báo cho cơ quan thuế biết.

b) Giá vật tư thực tế xuất kho, bao gồm:

- Giá đối với vật tư mua ngoài gồm: giá ghi trên hóa đơn của người bán hàng (không có thuế giá trị gia tăng)
cộng chi phí thu mua như: chi phí vận chuyển, bốc xếp, bảo quản, phí bảo hiểm, phí hao hụt, tiền thuê kho bãi,
phí chọn lọc, tái chế. Nếu là hàng nhập khẩu giá trị vật tư, hàng hóa khi nhập khẩu được hạch toán vào chi phí
theo giá thực thanh toán phù hợp với hợp đồng ngoại thương được cộng thêm thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ
đặc biệt hoặc các khoản phụ thu (nếu có):

+ Trường hợp cơ sở kinh doanh kê khai giá để tính thuế nhập khẩu theo giá hợp đồng ngoại thương cao hơn giá
thực thanh toán thì tính theo giá thực thanh toán.

+ Trường hợp cơ sở kinh doanh kê khai giá để tính thuế nhập khẩu thấp hơn giá thực thanh toán thì doanh
nghiệp chỉ được tính vào chi phí theo giá kê khai tính thuế nhập khẩu.

- Đối với vật tư mua vào dùng để sản xuất sản phẩm mà sản phẩm này không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc vật
tư mua vào của doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp thì giá vật tư thực tế xuất
kho bao gồm cả thuế giá trị gia tăng.

- Giá đối với vật tư tự chế gồm: Giá vật tư thực tế xuất kho cộng với chi phí thực tế phát sinh trong quá trình tự
chế.

- Giá vật tư thuê ngoài gia công, chế biến gồm: Giá vật tư thực tế xuất kho đem giao gia công cộng với chi phí
gia công, chi phí vận chuyển, bốc dỡ từ kho của doanh nghiệp đến nơi gia công và từ nơi gia công về kho của
doanh nghiệp.

Giá các loại vật tư và các chi phí gia công chế biến, vận chuyển, bốc xếp, bảo quản, thu mua nói trên phải có
hóa đơn, chứng từ theo qui định của Bộ Tài chính. Trường hợp vật tư, hàng hóa là sản phẩm nông sản, lâm sản,
thủy sản chưa qua chế biến; đất, đá, cát, sỏi, phế liệu bán ra không có hóa đơn, doanh nghiệp phải lập bảng kê
ghi rõ họ, tên, địa chỉ người bán, số lượng hàng hóa, đơn giá, thành tiền; giám đốc doanh nghiệp duyệt chi và
chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- Trường hợp cơ sở kinh doanh kê khai giá mua hàng hóa trên bảng kê cao hơn giá thị trường tại thì điểm mua
thì cơ quan thuế căn cứ vào giá thị trường ấn định mức giá để xác định chi phí tính thuế thu nhập.

- Cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thì khoản chi phí được trừ không bao gồm thuế GTGT.
Đối với vật tư, hàng hóa được khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo tỷ lệ % trên cơ sở hóa đơn bán hàng và bảng kê
mua hàng thì cơ sở kinh doanh chỉ được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh để tính thu nhập doanh
nghiệp bằng doanh số mua trừ (-) số đã được khấu trừ thuế. Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp
trực tiếp thì chi phí bao gồm cả thuế GTGT.

3.3. Chi phí tiền lương, tiền công, tiền ăn giữa ca, các khoản mang tính chất tiền lương, tiền công.

Chi phí tiền lương của doanh nghiệp bao gồm các khoản tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất
lương trả cho người lao động tham gia vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Chi phí tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất tiền lương, tiền công trả cho người lao động đối
với từng loại hình doanh nghiệp được xác định như sau:

a) Đối với doanh nghiệp nhà nước: tiền lương được xác định căn cứ vào:

- Thông tư số 18/1998/TTLT/BLĐTBXH-BTC ngày 31/12/1998 của Bộ Lao động-Thương binh và xã hội và Bộ Tài
chính hướng dẫn xác định quỹ tiền lương thực hiện khi DNNN không đảm bảo chỉ tiêu nộp ngân sách và lợi
nhuận;

- Thông tư số 19/1999/TTLT/BLĐTBXH-BTC ngày 14/08/1999 của Bộ Lao động-Thương binh và xã hội và Bộ Tài
chính hướng dẫn bổ sung thông tư số 18/1998/TTLT/BLĐTBXH-BTC ngày 31/12/1998 về việc xác định quỹ tiền
lương thực hiện trong doanh nghiệp nhà nước;

- Thông tư số 05/2001/TT-BLĐTBXH ngày 29/01/2001 của Bộ Lao động- Thương binh và xã hội hướng dẫn xây
dựng đơn giá tiền lương và quản lý tiền lương, thu nhập trong doanh nghiệp nhà nước;

- Thông tư số 06/2001/TT- BLĐTBXH ngày 29/01/2001 của Bộ Lao động-Thương binh và xã hội hướng dẫn tính
tốc độ tăng năng suất lao động bình quân và tốc độ tăng tiền lương bình quân trong các doanh nghiệp nhà
nước;
- Các văn bản hiện hành khác (nếu có) của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

b) Đối với cơ sở kinh doanh khác: tiền lương, tiền công và các khoản mang tính chất tiền lương, tiền công phải
trả cho người lao động được xác định theo một trong các phương pháp sau đây:

- Nếu cơ sở kinh doanh đã xây dựng được đơn giá tiền lương trên cơ sở định mức phù hợp với đơn giá tiền lương
và khối lượng công việc hoàn thành như đối với doanh nghiệp nhà nước thì được trả lương theo đơn giá xây
dựng.

- Nếu cơ sở kinh doanh trả lương thông qua hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể thì tiền lương,
tiền công được xác định theo hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.

Các trường hợp trả lương nêu trên cơ sở kinh doanh phải đăng ký với cơ quan thuế (nơi đăng ký nộp thuế thu
nhập doanh nghiệp) cùng với việc nộp Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm. Nội dung đăng ký cụ thể
như sau:

+ Các cơ sở kinh doanh thực hiện xây dựng đơn giá tiền lương thì mẫu biểu đăng ký áp dụng như đối với doanh
nghiệp nhà nước quy định tại Thông tư số 05/2001/TT-BLĐTBXH ngày 29/01/2001 của Bộ Lao động- Thương binh
và xã hội.

+ Các cơ sở kinh doanh trả lương thông qua hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động thì doanh nghiệp phải
đăng ký Kế hoạch tiền lương trong đó nêu rõ: số lao động thực tế năm trước; số lao động dự kiến năm kế hoạch;
quỹ lương thực tế năm trước; quỹ lương kế hoạch; quy chế trả lương : mức lương tối thiểu, tối đa, thời gian xác
định nâng bậc lương, các quy định khác trong quy chế trả lương.

+ Trường hợp cơ sở kinh doanh không đăng ký tiền lương với cơ quan thuế thì việc quyết toán thuế thu nhập
doanh nghiệp căn cứ vào mức thu nhập bình quân của từng ngành nghề tại địa phương do ủy ban nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định để xác định chi phí tiền lương, tiền công tối đa được hạch toán
vào chi phí hợp lý làm cơ sở tính thu nhập chịu thuế.

- Cục thuế chịu trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý lao động các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
căn cứ vào chế độ tiền lương áp dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước, tình hình giá cả sinh hoạt tại địa phương
để xác định khung tiền lương, tiền công và phụ cấp tiền lương, tiền công cho từng ngành nghề tại địa phương
trình ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định cho từng thời kỳ.

- Không được tính vào chi phí tiền lương, tiền công các khoản chi phí sau:

+ Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ hộ cá thể sản xuất, kinh doanh dịch vụ.

+ Tiền lương tiền công của các sáng lập viên doanh nghiệp không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh
doanh dịch vụ.

Đối với các sáng lập viên trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh dịch vụ thì được hạch toán tiền
lương vào chi phí.

c) Chi phí tiền ăn giữa ca cho người lao động: do Giám đốc doanh nghiệp quyết định phù hợp với hiệu quả sản
xuất kinh doanh nhưng mức chi cho mỗi người không vượt quá mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định đối với
công chức nhà nước.

3.4. Chi phí nghiên cứu khoa học, công nghệ trừ phần kinh phí do Nhà nước hoặc cơ quan quản lý cấp trên hỗ
trợ; chi sáng kiến cải tiến; chi bảo vệ môi trường; chi phí cho giáo dục, đào tạo, y tế trong nội bộ doanh nghiệp
theo số thực chi nhưng không vượt quá 1,3 lần so với các khoản chi có định mức của Nhà nước. Đối với chi hỗ
trợ giáo dục cho bên ngoài như: đóng góp vào quỹ khuyến học, giúp đỡ trường học sinh tàn tật, học sinh không
nơi nương tựa... tuỳ theo tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng phải có chứng từ hợp pháp. Chi
thưởng sáng kiến cải tiến với điều kiện mang lại hiệu quả kinh doanh và có cơ chế quản lý.

3.5. Chi phí dịch vụ mua ngoài:

a) Điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, tiền thuê kiểm toán, tiền mua bảo hiểm tài sản phải có chứng từ,
hóa đơn theo qui định của Bộ Tài chính.

b) Đối với khoản chi phí thuê sửa chữa lớn tài sản cố định nhằm khôi phục năng lực của tài sản được hạch toán
vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong năm. Nếu chi sửa chữa phát sinh một lần quá lớn thì được phân bổ cho
năm sau. Đối với những tài sản cố định đặc thù, việc sửa chữa có tính chu kỳ thì doanh nghiệp được trích trước
chi phí sửa chữa lớn vào chi phí sản xuất, kinh doanh trên cơ sở dự toán chi sửa chữa lớn của doanh nghiệp. Nếu
khoản trích trước thấp hơn số thực chi sửa chữa thì doanh nghiệp được hạch toán thêm số chênh lệch vào chi
phí; nếu cao hơn thì hạch toán giảm chi phí trong năm.
c) Các khoản chi về mua và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ,
nhãn hiệu thương mại... không thuộc tài sản cố định được tính theo phương pháp phân bổ dần vào chi phí kinh
doanh.

d) Tiền thuê tài sản cố định được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh theo số tiền thực trả căn cứ vào
hợp đồng thuê. Trường hợp trả tiền thuê tài sản cố định một lần cho nhiều năm thì tiền thuê được phân bổ dần
vào chi phí sản xuất kinh doanh theo năm sử dụng tài sản cố định.

đ) Đối với nhà thầu, chi phí dịch vụ mua ngoài bao gồm cả chi phí trả cho nhà thầu phụ (nếu có)

e) Chi tiền phụ cấp tàu xe nghỉ phép đối với:

- Công nhân viên trong các doanh nghiệp đang công tác ở miền núi, hải đảo có nghỉ lao động hàng năm theo
chế độ quy định, được thủ trưởng cơ quan , xí nghiệp, đơn vị cấp giấy nghỉ phép năm để đi thăm người thân
(bao gồm cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con).

- Công nhân viên trong các doanh nghiệp có đủ điều kiện nghỉ lao động hàng năm theo chế độ quy định được
thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp, đơn vị cấp giấy nghỉ phép năm để đi thăm người thân (bao gồm cha, mẹ, vợ hoặc
chồng, con) bị ốm đau, tai nạn phải điều trị, bị chết.

f) Chi phí dịch vụ mua ngoài, thuê ngoài khác.

3.6. Các khoản chi cho lao động nữ theo qui định của pháp luật; chi bảo hộ lao động, chi bảo vệ cơ sở kinh
doanh, trích nộp quĩ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn theo chế độ qui định.

Mức trích nộp hình thành quỹ quản lý của Tổng công ty do Hội đồng quản trị Tổng công ty phê duyệt, thông
báo, sau khi có ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài chính có thẩm quyền.

Chi trang phục cho cán bộ công nhân viên của các cơ sở dùng trang phục thống nhất, nhưng mức chi tối đa cho
một người không quá 500.000 đồng một năm. Phần chi trang phục thực tế vượt mức khống chế phải sử dụng
nguồn thu nhập sau thuế để bù đắp.

3.7. Chi trả lãi tiền vay vốn của các tổ chức tín dụng và các đối tượng khác theo lãi suất thực tế khi ký hợp đồng
vay nhưng tối đa không quá lãi suất cho vay cao nhất của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tại thời điểm
sử dụng tiền vay (nhận tiền vay) theo hợp đồng vay.

Các khoản chi phí trả lãi tiền vay để góp vốn pháp định, vốn điều lệ của các doanh nghiệp đều không được tính
vào chi phí hợp lý, để xác định thu nhập chịu thuế.

3.8. Trích các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng công nợ khó đòi, dự phòng giảm giá chứng
khóan tại doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

3.9. Trợ cấp thôi việc cho người lao động theo chế độ hiện hành.

3.10. Chi về tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ bao gồm: chi phí bảo quản, chi bao gói, vận chuyển, bốc xếp, thuê kho
bãi, bảo hành sản phẩm, hàng hóa.

3.11. Chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, tiếp tân, khách tiết, chi phí giao dịch, đối ngoại, chi hoa hồng môi
giới, chi phí hội nghị và các loại chi phí khác phải có chứng từ theo qui định của Bộ Tài chính, gắn với kết quả
kinh doanh, không vượt mức khống chế qui định dưới đây:

a) Các ngành sản xuất, xây dựng, vận tải mới thành lập đi vào sản xuất trong 2 năm đầu không quá 7% trên
tổng số chi phí đã liệt kê trên, sau đó không quá 5% trên tổng chi phí đã liệt kê trên.

b) Đối với cơ sở hoạt động kinh doanh thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ không quá 7% trên tổng chi phí đã liệt
kê trên (đối với thương nghiệp trừ giá mua vào của hàng hóa bán ra).

c) Riêng một số ngành cần khuyến khích như: sản xuất thuốc chữa bệnh; sản xuất phân bón; thuốc trừ sâu; báo
chí (bao gồm báo viết, báo hình, báo nói) không quá 7% trên tổng chi phí đã liệt kê trên.

Một số trường hợp đặc biệt, khoản chi phí này cần phải có mức khống chế cao hơn so với mức khống chế nêu
trên thì phải có sự thỏa thuận của Bộ trưởng Bộ Tài chính bằng văn bản nhưng không vượt quá 7% trên tổng chi
phí.

3.12. Các khoản thuế, phí, tiền thuê đất phải nộp có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (trừ
thuế thu nhập doanh nghiệp) bao gồm:
a) Thuế xuất khẩu.

b) Thuế tiêu thụ đặc biệt.

c) Thuế giá trị gia tăng (đối với cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên giá trị
gia tăng và cơ sở sản xuất hàng hóa không chịu thuế GTGT).

d) Thuế môn bài.

đ) Thuế tài nguyên.

e) Thuế sử dụng đất nông nghiệp.

f) Thuế nhà, đất.

g) Lệ phí đường, phí qua cầu, qua phà, lệ phí sân bay, lệ phí chứng thư...

h) Tiền thuê đất...

3.13. Chi phí quản lý kinh doanh do công ty nước ngoài phân bổ cho cơ sở thường trú ở Việt Nam theo tỷ lệ giữa
doanh thu thu được ở Việt Nam và tổng doanh thu chung của công ty nước ngoài. Công thức phân bổ như sau:

Chi phí quản lý kinh doanh do công ty nước ngoài phân bổ cho cơ sở thường trú tại Việt Nam trong thời kỳ tính
thuế

Tổng doanh thu của cơ sở thường trú tại


Việt Nam trong thời kỳ tính thuế

= -------------------------------------------------------- X Tổng số chi phí quản lý kinh


doanh của công ty mẹ nước ngoài

Tổng doanh thu của công ty nước ngoài


trong kỳ tính thuế

3.14. Một số trường hợp chi phí hợp lý được xác định để tính thu nhập chịu thuế như sau:

a) Trường hợp bên thuê tài sản trả tiền thuê trước cho nhiều năm thì chi phí để tính thu nhập chịu thuế được
tính tưng ứng với tiền thuê của từng năm.

b) Đối với một số hoạt động kinh doanh đặc thù như: kinh doanh bảo hiểm, xổ số... Bộ Tài chính có hướng dẫn
riêng về chi phí hợp lý tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

3.15. Doanh nghiệp không được tính vào chi phí hợp lý để xác định thu nhập chịu thuế các khoản chi phí sau
đây:

a) Các khoản trích trước vào chi phí mà thực tế không chi hết như: chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định; phí bảo
hành sản phẩm hàng hóa, công trình xây dựng... trừ trường hợp có văn bản thỏa thuận của Bộ trưởng Bộ Tài
chính.

b) Các khoản chi không có chứng từ hoặc chứng từ không hợp pháp.

c) Các khoản tiền phạt vi phạm luật giao thông, phạt vi phạm chế độ đăng ký kinh doanh, phạt vay nợ quá hạn,
phạt vi phạm chế độ kế toán thống kê, phạt vi phạm hành chính về thuế và các khoản phạt khác. Đối với khoản
phạt vi phạm hợp đồng kinh tế sau khi bù trừ giữa số thu phạt và số bị phạt, nếu còn dư được đưa vào thu nhập
chịu thuế, ngược lại phải hạch toán vào thu nhập sau thuế.

d) Các khoản chi không liên quan đến doanh thu và thu nhập chịu thuế như: chi về đầu tư xây dựng cơ bản; chi
ủng hộ các đoàn thể, tổ chức xã hội và ủng hộ địa phương (trừ trường hợp đã có quy định của Chính phủ cho
tính vào chi phí kinh doanh); chi từ thiện và các khoản chi khác không liên quan đến doanh thu, thu nhập chịu
thuế.

đ) Các khoản chi do nguồn kinh phí khác đài thọ:

- Chi sự nghiệp.
- Chi ốm đau, thai sản.

- Chi trợ cấp khó khăn thường xuyên, khó khăn đột xuất.

- Các khoản chi khác do nguồn kinh phí khác đài thọ.

e) Chi phí không hợp lý khác.

4. Các khoản thu nhập chịu thuế khác, bao gồm:


4.1. Chênh lệch về mua, bán chứng khóan.

4.2. Thu nhập từ quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản:

a) Thu nhập về cho thuê tài sản.

b) Thu nhập cho sử dụng hoặc quyền sử dụng sở hữu trí tuệ.

c) Thu nhập khác về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.

4.3. Thu nhập từ chuyển nhượng tài sản, thanh lý tài sản:

Đối với thu nhập từ chuyển nhượng tài sản, thanh lý tài sản đưa vào thu nhập chịu thuế là thu nhập ròng còn lại
sau khi đã trừ giá trị (hay giá trị còn lại) của tài sản và các khoản chi phí liên quan đến chuyển nhượng, thanh
lý.

4.4. lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, lãi bán hàng trả chậm.

4.5. Chênh lệch do bán ngoại tệ.

4.6. Kết dư cuối năm các khoản: trích trước không chi hết, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng công nợ
khó đòi, dự phòng giảm giá chứng khóan tại doanh nghiệp.

4.7. Thu các khoản thu khó đòi đã bù đắp bằng khoản dự phòng nay đòi được.

4.8. Thu về tiền phạt vi phạm hợp đồng kinh tế sau khi đã trừ tiền bị phạt vi phạm hợp đồng.

4.9. Thu các khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ.

4.10. Các khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của những năm trước bị bỏ sót mới phát
hiện ra.

4.11. Các khoản thu nhập nhận được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở nước ngoài.

Đối với khoản thu nhập phát sinh tại nước đã ký Hiệp định quốc tế về tránh đánh thuế hai lần của Việt nam thì
thực hiện theo qui định tại Hiệp định thuế.

Đối với khoản thu nhập phát sinh tại nước chưa ký Hiệp định quốc tế về tránh đánh thuế hai lần của Việt nam,
nếu khoản thu nhập đó đã nộp thuế ở nước ngoài thì được trừ số thuế đã nộp ở nước ngoài nhưng số thuế được
trừ không vượt quá số thuế thu nhập phải nộp tính theo biểu thuế của Việt Nam

Ví dụ 1: Doanh nghiệp A nhận được khoản thu nhập 800 triệu đồng từ nước ngoài. khoản thu nhập này là thu
nhập còn lại sau khi đã nộp thuế thu nhập theo luật nước ngoài: 200 triệu đồng.

Phần thu nhập doanh nghiệp A nhận được từ nước ngoài được tính thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp
của Việt Nam như sau:

[(800 triệu đồng + 200 triệu đồng) x 32%] = 320 triệu đồng.

Vì doanh nghiệp A đã nộp thuế thu nhập ở nước ngoài 200 triệu đồng nên chỉ phải nộp:

320 triệu đồng - 200 triệu đồng = 120 triệu đồng.


Ví dụ 2: Cűng doanh nghiệp A nêu trên nhận được khoản thu nhập 800 triệu đồng từ nước ngoài. khoản thu
nhập này là thu nhập còn lại sau khi đã nộp thuế thu nhập theo luật nước ngoài là 540 triệu đồng.

khoản thu nhập của doanh nghiệp A nhận được ở nước ngoài được tính thuế theo Luật thuế thu nhập doanh
nghiệp của Việt Nam như sau:

(800 triệu đồng + 540 triệu đồng) x 32% = 428,8 triệu đồng.

Doanh nghiệp A chỉ được trừ số thuế đã nộp ở nước ngoài tương đương với số thuế tính theo Luật thuế thu nhập
doanh nghiệp của Việt Nam là 428,8 triệu đồng. Nói một cách khác là doanh nghiệp A không phải nộp thuế thu
nhập doanh nghiệp cho khoản thu nhập nhận được ở nước ngoài nêu trên.

4.12. Các khoản thu nhập liên quan đến việc tiêu thụ hàng hóa, cung cấp dịch vụ không tính trong doanh thu
như: thưởng giải phóng tàu nhanh, tiền thưởng phục vụ trong ngành ăn uống, khách sạn sau khi đã trừ các
khoản chi phí để tạo ra khoản thu nhập đó.

4.13. Các khoản thu nhập khác như: thu nhập về tiêu thụ phế liệu, phế phẩm sau khi đã trừ chi phí thu hồi và
tiêu thụ; quà biếu, quà tặng bằng hiện vật, bằng tiền của các tổ chức, cá nhân tặng cho cơ sở kinh doanh....

4.14. Cơ sở kinh doanh có thu nhập được chia do góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết kinh tế trong nước mà
đơn vị nhận phần vốn góp đã nộp thuế TNDN thì không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo thuế suất ổn
định, nhưng phải gộp vào phần thu nhập sau thuế để xác định thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (nếu có).

5. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp


1. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đối với cơ sở kinh doanh trong nước và tổ chức, cá nhân nước
ngoài kinh doanh ở Việt Nam không theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là 32%.

Một số trường hợp được áp dụng như sau:

a) Các cơ sở sản xuất, kinh doanh dưới đây được áp dụng thuế suất 25% trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày 01
tháng 01 năm 1999.

- Doanh nghiệp khai thác mỏ, khóang sản, lâm sản và thủy sản;

- Doanh nghiệp luyện kim;

- Doanh nghiệp sản xuất cơ khí;

- Doanh nghiệp sản xuất hóa chất cơ bản, phân bón, thuốc trừ sâu; doanh nghiệp chế biến cao su mủ tưi thành
mủ khô;

- Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (trừ sản xuất xi măng);

- Doanh nghiệp xây dựng (trừ khảo sát, thiết kế, tư vấn; giám sát);

- Doanh nghiệp vận tải (trừ vận tải hàng không, vận tải tắc xi).

b) Các cơ sở kinh doanh có thu nhập cao do địa điểm kinh doanh thuận lợi, ngành nghề kinh doanh ít bị cạnh
tranh mang lại thu nhập cao, sau khi nộp thuế thu nhập theo thuế suất 32% mà phần thu nhập còn lại cao hơn
20% vốn chủ sở hữu hiện có thì số vượt trên 20% phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung với thuế suất
25%. Thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung được xác định bằng cách lấy thu nhập còn lại (sau khi
nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo thuế suất 32%) trừ (-) 20% vốn chủ sở hữu hiện có.

b.1) Cách xác định vốn chủ sở hữu hiện có như sau:

(1) Đối với các doanh nghiệp áp dụng chế độ kế toán theo Quyết định số 1141 TC/QĐ/CĐKT ngày 01/11/1995 và
chế độ báo cáo tài chính doanh nghiệp theo quy định tại Quyết định số 167/2000/QĐ-BTC ngày 25/10/2000 của
Bộ trưởng Bộ Tài chính giá trị vốn chủ sở hữu được xác định bao gồm:

- Nguồn vốn kinh doanh;

- Chênh lệch đánh giá lại tài sản;

- Chênh lệch tỷ giá;


- Lợi nhuận chưa phân phối;

- Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản;

- Các quỹ hình thành từ lợi nhuận sau thuế (trừ quỹ khen thưởng, phúc lợi).

(2) Đối với các doanh nghiệp áp dụng chế độ kế toán theo Quyết định số 1177 TC/QĐ/CĐKT ngày 23/12/1996
của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành chế độ kế toán áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giá trị
vốn chủ sở hữu được xác định bao gồm:

- Nguồn vốn kinh doanh

- Chênh lệch tỷ giá và đánh giá lại tài sản

- Lợi nhuận chưa phân phối.

- Các quỹ hình thành từ lợi nhuận sau thuế (trừ quỹ khen thưởng và phúc lợi)

(3) Đối với các tổ chức tín dụng thực hiện hệ thống tài khoản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định thì giá
trị vốn chủ sở hữu bao gồm:

- Vốn của tổ chức tín dụng

- Các quỹ hình thành từ lợi nhuận sau thuế (trừ quỹ khen thưởng phúc lợi)

- Chênh lệch đánh giá lại tài sản

- Lợi nhuận chưa phân phối

(4) Cách xác định từng chỉ tiêu tại điểm (1), (2) và (3) nêu trên căn cứ vào báo cáo tài chính năm và được tính
theo phương pháp bình quân:

Số dư đầu kỳ + Số dư cuối kỳ

-------------------------------------------------------------------------------

Trường hợp số dư có giá trị âm (-) thì phải giảm trừ trong tổng nguồn vốn chủ sở hữu. Trường hợp không có só
dư đầu hoặc cuối kỳ thì cűng phải xác định theo công thức trên. Riêng cơ sở kinh doanh mới thành lập trong
năm quyết toán thuế chưa có số dư đầu năm thì sử dụng số dư cuối năm làm cơ sở xác định vốn chủ sở hữu,
không tính theo phương pháp bình quân nêu trên.

Ví dụ:

- Phần thu nhập còn lại sau khi nộp thuế TNDN theo thuế suất 32% là: 1.860 tr đồng

- Vốn chủ sở hữu hiện có : 8.966 tr đồng. phương pháp xác định vốn chủ sở hữu ( sau đây gọi tắt là vốn CSH) cụ
thể như sau:

đơn vị: tr đồng.

Chỉ tiêu

Số đầu kỳ

Số cuối kỳ

Tính vốn CSH

1/ Nguồn vốn KD
6.262

7.342

6.802

2/ Quỹ ĐTPT

1.510

850

1.180

3/Quỹ DPTC

448

530

489

4/Quỹ DP trợ cấp mất việc làm

170

212

191

5/LN chưa phân phối

132

468

300

6/Nguồn vốn đầu tư

Vốn chủ sở hữu hiện có:

8.966

- 20% vốn chủ sở hữu: 1.793 tr đồng

- Số thuế TNDN bổ sung phải nộp là:

(1.860 tr - 1.793 tr) x 25% = 16,75 tr đồng

(5) Trường hợp cơ sở sản xuất kinh doanh có hoạt động liên doanh thì vốn chủ sở hữu không tính phần vốn góp
của bên tham gia liên doanh và không tính giảm vốn chủ sở hữu phần vốn của cơ sở đem đi liên doanh khi tính
thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung.

b.2) Tạm thời chưa thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung đối với các cơ sở kinh doanh sau:
- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh được áp dụng thuế suất thuế TNDN 25% trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày
1/1/1999.

- Các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn khuyến khích đầu tư được hưởng mức thuế suất thuế thu
nhập doanh nghiệp ưu đãi.

- Cơ sở sản xuất nếu xuất khẩu trên 50% sản phẩm sản xuất ra hoặc có doanh thu xuất khẩu chiếm 50% tổng
doanh thu.

- Các hộ kinh doanh.

- Các đơn vị sự nghiệp hưởng kinh phí ngân sách cấp, không được cấp vốn kinh doanh thì không phải nộp thuế
thu nhập bổ sung. Trường hợp hoạt động có thu đã thực hiện chế độ kế toán theo pháp lệnh kế toán thống kê
hiện hành, xác định được vốn chủ sở hữu thì phải nộp thuế TNDN bổ sung (nếu có).

b.3) Trường hợp cơ sở kinh doanh vừa có hoạt động chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung, vừa có hoạt
động tạm thời chưa thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung hoặc được miễn thuế TNDN bổ sung thì doanh
nghiệp phải xác định số thuế TNDN phải nộp theo chế độ quy định, sau đó căn cứ tỷ trọng giữa thu nhập chịu
thuế TNDN bổ sung và tổng thu nhập chịu thuế TNDN để xác định số thuế TNDN bổ sung phải nộp.

Ví dụ: Doanh nghiệp A có thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (theo thuế suất 32%) là 2.000 tr đồng, thu
nhập chịu thuế TNDN (thuế suất 25%) là 500 tr đồng, vốn chủ sở hữu là 5.000 tr đồng.

Như vậy doanh nghiệp A sẽ phải nộp thuế TNDN thuế suất 32%:

2.000 tr x 32% = 640 tr đồng.

Số thuế TNDN phải nộp theo thuế suất 25% là:

500 tr x 25% = 125 tr đồng.

Tổng số thuế TNDN ổn định phải nộp:

640 tr + 125 tr = 765 tr đồng.

Tỷ trọng % thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung so với tổng thu nhập chịu thuế:

2.000 tr : ( 2.000 tr + 500 tr) = 80%

20% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp:

5.000 tr x 20% = 1.000 tr đồng.

Số thuế TNDN bổ sung phải nộp:

[(2.500 tr - 765 tr - 1.000 tr) x 25%] x 80% = 147 tr đồng.

c) Đối với các dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư được áp dụng thuế suất
thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

- Nếu thuộc các lĩnh vực, ngành nghề được ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ được hưởng mức thuế
suất ưu đãi là 25%.

- Nếu dự án đầu tư thuộc lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi đầu tư, đồng thời đầu tư vào huyện thuộc vùng dân tộc
thiểu số miền núi và hải đảo, vùng có khó khăn khác theo quy định của Chính phủ được hưởng mức thuế suất
20%.

- Nếu dự án thuộc lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi đầu tư, đồng thời đầu tư vào huyện thuộc vùng dân tộc thiểu số
ở miền núi cao theo qui định của Chính phủ được hưởng mức thuế suất 15%.

Các dự án đầu tư được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi theo qui định tại điểm này phải
đảm bảo đủ các điều kiện như sau:

- Có giấy phép đăng ký kinh doanh và hoạt động đúng đăng ký kinh doanh.
- Có giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư do cơ quan có thẩm quyền cấp ghi rõ điều kiện ưu đãi.

- Thi hành nghiêm chỉnh chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ, đăng ký nộp thuế, kê khai nộp thuế.

Khi các điều kiện ưu đãi không còn do thay đổi ngành nghề kinh doanh, chuyển địa điểm kinh doanh, cơ sở kinh
doanh không được hưởng mức thuế suất ưu đãi cho cả năm đó nếu điều kiện ưu đãi chấm dứt trong thời gian 6
tháng đầu năm. Trường hợp điều kiện ưu đãi chấm dứt trong thời điểm 6 tháng cuối năm thì bắt đầu từ năm
sau, cơ sở kinh doanh không được hưởng thuế suất ưu đãi.

Cơ sở kinh doanh không chấp hành nghiêm chỉnh chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ, kê khai hoặc kê khai không
đúng các căn cứ tính thuế thì không được hưởng mức thuế suất ưu đãi mà phải nộp thuế hàng tháng theo chế
độ khóan doanh thu và tỷ lệ thu nhập chịu thuế. Ngoài ra còn bị phạt vi phạm hành chính về thuế.

2. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Bên nước
ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh là 25%.

Một số trường hợp được áp dụng thuế suất như sau:

a) áp dụng mức thuế suất 20% trong thời hạn 10 năm, kể từ năm hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với dự án
đầu tư có một trong các tiêu chuẩn sau:

- Xuất khẩu ít nhất 50% sản phẩm;

- Sử dụng từ 500 lao động trở lên;

- Nuôi trồng, chế biến nông sản, lâm sản, hải sản;

- Sử dụng công nghệ tiên tiến, đầu tư nghiên cứu phát triển.

- Sử dụng nguyên liệu, vật tư sẵn có tại Việt Nam; chế biến, khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên tại Việt
Nam; sản xuất sản phẩm có giá trị nội địa hóa từ 40% trở lên.

b) áp dụng mức thuế suất 15% trong thời hạn 12 năm, kể từ năm hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các dự
án đầu tư có một trong các tiêu chuẩn sau:

- Xuất khẩu ít nhất 80% sản phẩm.

- Đầu tư vào lĩnh vực luyện kim, hóa chất cơ bản, cơ khí chế tạo, hóa dầu, phân bón, sản xuất linh kiện điện tử,
linh kiện ô tô, xe máy.

- Xây dựng kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng (cầu, đường, cấp thóat nước, điện, bến cảng).

- Trồng cây công nghiệp lâu năm.

- Đầu tư vào vùng khó khăn khác do Chính phủ quy định (kể cả dự án khách sạn).

- Chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam sau khi kết thúc thời hạn hoạt động (kể cả dự án
khách sạn).

- Các dự án có hai tiêu chuẩn tại điểm a nêu trên.

c) áp dụng mức thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm, kể từ năm sản xuất, kinh doanh đối với các dự án:

- Xây dựng kết cấu hạ tầng tại vùng khó khăn.

- Đầu tư vào miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

- Trồng rừng.

- Các dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư khác.

d) Đối với các dự án đầu tư theo hợp đồng BOT, BTO, BT; dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khu chế
xuất thì mức thuế suất ưu đãi 20%, 15%, 10% được áp dụng trong thời gian thực hiện dự án.
đ) Các thuế suất nêu tại tiết a, b, c, d khoản này không áp dụng đối với các dự án khách sạn (trừ trường hợp đầu
tư vào vùng khó khăn, miền núi, hải đảo; chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam); các dự
án tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, cung cấp dịch vụ, thương mại.

e) Thu nhập mà nhà đầu tư nước ngoài thu được do đầu tư theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (kể c số
thuế thu nhập được hoàn lại và số thu nhập thu được do chuyển nhượng vốn) nếu chuyển ra nước ngoài (hoặc
được giữ lại ngoài Việt Nam), để ở Việt Nam nhưng dùng thanh toán công nợ cho công ty mẹ, chi tiêu cho văn
phòng đại diện của công ty mẹ tại Việt Nam ... đều phải nộp thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

Thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài áp dụng như sau:

- Mức thuế suất 3% lợi nhuận chuyển ra nước ngoài áp dụng đối với:

+ Người VN định cư ở nước ngoài đầu tư về nước theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

+ Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao.

+ Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn pháp định hoặc vốn để thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh từ 10 triệu
USD trở lên.

+ Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thuộc danh mục địa
bàn khuyến khích đầu tư.

- Mức thuế suất 5% lợi nhuận chuyển ra nước ngoài áp dụng đối với:

+ Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn pháp định hoặc vốn để thực hiện Hợp đồng hợp tác kinh doanh từ 5 triệu USD
đến dưới 10 triệu USD.

+ Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, nghiên cứu
khoa học.

- 7% lợi nhuận chuyển ra nước ngoài đối với nhà đầu tư nước ngoài góp vốn pháp định hoặc vốn để thực hiện
hợp đồng hợp tác kinh doanh không thuộc các trường hợp được hưởng thuế suất 3% và 5% nêu trên.

f) Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và mức thuế suất thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài được ghi
tại giấy phép đầu tư do cơ quan có thẩm quyền cấp, sau khi có sự thỏa thuận của Bộ Tài chính bằng văn bản.

Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh được
thành lập và hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trước khi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp có
hiệu lực thi hành, được áp dụng theo mức thuế suất ghi trong giấy phép đầu tư cấp trước khi Luật thuế thu nhập
doanh nghiệp có hiệu lực thi hành.

3. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tiến hành
tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí là 50%. Khai thác tài nguyên quí hiếm khác mức thuế suất có thể từ 32%
đến 50% thu nhập chịu thuế do Bộ Tài chính quyết định cụ thể đối với các dự án đầu tư của tổ chức, cá nhân
trong nước; do cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài sau khi
thống nhất với Bộ Tài chính bằng văn bản.

4. Đối với các cơ sở kinh doanh có các hoạt động sản xuất, kinh doanh chịu thuế TNDN khác nhau thì cơ sở kinh
doanh phải hạch toán riêng cho từng hoạt động. Trường hợp cơ sở kinh doanh không hạch toán riêng thì thực
hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo thuế suất cao nhất của hoạt động sản xuất kinh doanh do cơ sở tiến
hành trong năm.

V. ĐĂNG KÝ, KÊ KHAI, NỘP THUẾ, QUYẾT TOÁN THUẾ

1. ĐĂNG KÝ THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP


a. Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm đăng ký thuế thu nhập doanh nghiệp cùng với việc đăng ký nộp thuế giá trị
gia tăng.

b. Các Tổng công ty, các công ty khi đăng ký thuế phải khai rõ cả các đơn vị trực thuộc hạch toán kinh doanh
độc lập và các đơn vị trực thuộc hạch toán báo sổ.

Các đơn vị trực thuộc Tổng công ty, công ty hạch toán độc lập hay báo sổ đều phải đăng ký thuế với cơ quan
thuế địa phương nơi đơn vị đóng.
c. Các đơn vị hạch toán độc lập thuộc Tổng công ty, công ty có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế
riêng. Các đơn vị hạch toán báo sổ phụ thuộc công ty, tổng công ty chỉ đăng ký thuế tại địa phương, không có
nghĩa vụ kê khai thuế, nộp thuế tại địa phương. Tổng công ty, công ty có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế, quyết toán
thuế phần kinh doanh của mình và của các đơn vị hạch toán phụ thuộc báo sổ.

2. KÊ KHAI THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP


a. Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm kê khai và nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo mẫu số 1a quy
định tại Thông tư này cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý chậm nhất vào ngày 25 tháng 1 hàng năm.

Căn cứ để kê khai là kết quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của năm trước và khả năng kinh doanh của năm tiếp
theo.

b. Sau khi nhận được tờ khai, cơ quan thuế kiểm tra, xác định số thuế tạm nộp cả năm và chia ra từng quý để
thông báo cho cơ sở kinh doanh tạm nộp thuế hàng quý.

Trường hợp kết quả sản xuất, kinh doanh có biến động thì căn cứ vào kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm để
xem xét điều chỉnh. Cơ sở kinh doanh phải làm đầy đủ hồ sơ đề nghị xin điều chỉnh số thuế tạm nộp và gửi cơ
quan thuế chậm nhất không quá ngày 30 tháng 7 hàng năm:

- Công văn đề nghị điều chỉnh số thuế tạm nộp cả năm trong đó nêu rõ lý do xin điều chỉnh, số thuế đã tạm nộp
6 tháng đầu năm và số thuế phải nộp 6 tháng cuối năm

- Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm gồm: bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, bản
thuyết minh báo cáo tài chính và kèm mẫu số 1c đính kèm Thông tư này .

- Sau khi xem xét các báo cáo trên, cơ quan thuế trực tiếp quản lý có thông báo cho cơ sở sản xuất kinh doanh
số thuế tạm nộp cả năm (điều chỉnh hoặc không được điều chỉnh) và số thuế còn phải nộp trong 2 quý cuối năm
chậm nhất là ngày 25 tháng 9 của năm.

Trường hợp đặc biệt thực hiện quý 1 cơ sở kinh doanh bị lỗ hoặc có lãi vượt quá cao so với số đã đăng ký tạm
nộp thì cơ sở kinh doanh làm hồ sơ điều chỉnh theo những quy định trên.

c. Nếu trong tờ khai, cơ sở kinh doanh không kê khai hoặc kê khai không rõ các căn cứ để xác định số thuế tạm
nộp cả năm thì cơ quan thuế có quyền yêu cầu cơ sở kinh doanh giải trình các căn cứ để xác định số thuế tạm
nộp cả năm. Trường hợp cơ sở kinh doanh không giải trình hoặc không chứng minh được các căn cứ đã ghi trong
tờ khai theo yêu cầu của cơ quan thuế thì cơ quan thuế có quyền ấn định số thuế tạm nộp cả năm.

d. Đối với cơ sở kinh doanh chưa thực hiện đầy đủ, đúng chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, việc kê khai tính
thuế căn cứ vào tỷ lệ thu nhập chịu thuế trên doanh thu và thuế suất như sau:

d.1) Cơ sở kinh doanh chưa thực hiện đầy đủ, đúng chế độ kế toán nhưng đã thực hiện bán hàng hóa, cung cấp
dịch vụ có hóa đơn, chứng từ phải kê khai doanh thu và tính thuế hàng tháng theo công thức sau:

Doanh thu x Tỷ lệ (%) thu nhập chịu thuế x Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tờ khai thuế phải nộp cho cơ quan thuế trước ngày 5 của tháng tiếp theo.

d.2) Hộ kinh doanh chưa thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ mua, bán hàng hóa, dịch vụ thì cơ quan
thuế căn cứ vào tình hình kinh doanh của từng hộ ấn định mức doanh thu để tính thu nhập chịu thuế và tính
thuế theo công thức:

Doanh thu x Tỷ lệ (%) thu nhập chịu thuế x Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.

Việc ấn định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế phải bảo đảm đúng quy trình, công khai, dân chủ.

Tổng cục Thuế hướng dẫn các Cục Thuế xác định tỷ lệ (%) thu nhập chịu thuế trên doanh thu làm căn cứ tính
thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với từng ngành nghề kinh doanh và hài hoà giữa các địa phương trong c
nước.

e. Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, nhưng có thu nhập tại Việt
Nam thì tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập cho tổ chức, cá nhân nước ngoài có trách nhiệm kê khai và khấu trừ
tiền thuế trước khi chi trả thu nhập.

3. NỘP THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP


a. Cơ sở sản xuất kinh doanh tạm nộp thuế hàng quý đầy đủ, đúng hạn theo thông báo của cơ quan thuế

Thời hạn nộp thuế được ghi trong thông báo thuế chậm nhất không quá ngày của tháng cuối quý. Trường hợp
đến thời hạn nộp thuế mà cơ sở kinh doanh chưa nhận được thông báo thuế của cơ quan thuế thì cơ sở kinh
doanh tự nộp thuế TNDN của quý theo số liệu mà cơ sở kinh doanh đã kê khai.

b. Cơ sở kinh doanh chưa thực hiện đầy đủ, đúng chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, tính thuế theo phương
pháp tỷ lệ thu nhập chịu thuế trên doanh thu, thời hạn phải nộp thuế như sau:

b.1) Cơ sở kinh doanh thực hiện việc bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có hóa đơn, chứng từ, kê khai thuế hàng
tháng, nộp thuế đầy đủ theo thông báo hàng tháng của cơ quan thuế. Thời hạn nộp thuế hàng tháng được ghi
trong thông báo chậm nhất không quá ngày 25 của tháng tiếp theo.

b.2) Hộ kinh doanh chưa thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ mua bán hàng hóa, dịch vụ, tính thuế căn
cứ vào mức doanh thu ấn định, thời hạn nộp thuế theo thông báo cùng với thuế giá trị gia tăng.

c. Tổ chức, cá nhân ở Việt Nam tr thu nhập cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh không có cơ sở thường
trú tại Việt Nam, có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế TNDN nộp vào Ngân sách nhà nước trước khi chuyển trả tiền
cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam không khấu trừ tiền thuế TNDN thì phải
chịu trách nhiệm nộp thay số tiền thuế TNDN cho phía nước ngoài và tiền phạt vi phạm hành chính về thuế theo
chế độ hiện hành.

d. Cơ sở kinh doanh buôn chuyến phải kê khai và nộp thuế TNDN theo từng chuyến hàng với cơ quan thuế nơi
mua hàng trước khi vận chuyển hàng đi cùng với việc kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng.

4. QUYẾT TOÁN THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP.


a. Cơ sở kinh doanh phải thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế (trừ trường hợp nộp thuế hàng tháng theo
tỷ lệ thu nhập chịu thuế tính trên doanh thu và thuế suất). Quyết toán thuế phải thể hiện đầy đủ các chỉ tiêu:
Doanh thu tính thuế; chi phí hợp lý; thu nhập chịu thuế; số thuế thu nhập phải nộp; số thuế thu nhập đã tạm
nộp trong năm; số thuế thu nhập đã nộp ở nước ngoài cho các khoản thu nhập nhận được từ nước ngoài; số
thuế thu nhập nộp thiếu hoặc nộp thừa... theo mẫu số 2a, 2b kèm theo Thông tư này.

Năm quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp được tính theo năm dương lịch bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 và kết
thúc vào ngày 31 tháng 12 cùng năm. Trường hợp cơ sở kinh doanh được phép áp dụng năm tính thuế khác với
năm tài chính nêu trên thì được quyết toán theo năm tài chính đó.

Đối với cơ sở kinh doanh bị sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản thì vẫn phải thực hiện quyết toán
thuế với cơ quan thuế đến thời điểm có quyết định sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản của cơ quan
có thẩm quyền.

a.1. Trường hợp doanh nghiệp là liên doanh của nhiều cơ sở kinh doanh khi có quyết định giải thể, phá sản
doanh nghiệp liên doanh nếu phát sinh lỗ thì phân bổ số lỗ cho từng cơ sở kinh doanh và được tổng hợp số lỗ
này vào kết quả kinh doanh chung của cơ sở kinh doanh khi quyết toán thuế.

a.2. Trường hợp cơ sở kinh doanh có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ, nhưng có lãi liên doanh thì cơ sở
kinh doanh có thể lựa chọn hạch toán nguyên số lỗ và áp dụng chuyển lỗ theo quy định hoặc dùng lãi liên
doanh được chia để bù lỗ cho hoạt động sản xuất kinh doanh tại cơ sở kinh doanh.

a.3.) Trường hợp trong năm quyết toán thuế, cơ sở kinh doanh vừa có hoạt động lỗ, vừa có hoạt động lãi:

- Nếu hoạt động kinh doanh có lãi thuộc đối tượng được miễn, giảm thuế TNDN, thì cơ sở kinh doanh có thể lựa
chọn:

+ Hạch toán riêng lãi của hoạt động được ưu đãi để thực hiện miễn giảm thuế theo qui định, hoạt động lỗ được
chuyển lỗ theo chế độ qui định;

+ Lấy lãi của hoạt động ưu đãi để bù lỗ, nếu còn lãi thì được ưu đãi, nếu còn lỗ thì được chuyển lỗ

- Ngược lại hoạt động kinh doanh được miễn, giảm thuế bị lỗ thì được bù lỗ từ hoạt động kinh doanh có lãi.

a.4. Trường hợp cơ sở kinh doanh sau khi nộp quyết toán thuế cho cơ quan thuế nếu có số thuế TNDN nộp thừa
thì được trừ vào số phải nộp của kỳ sau, cơ quan thuế có trách nhiệm điều chỉnh vào thông báo thuế phải nộp
của kỳ tiếp theo. Khi cơ quan thuế kiểm tra quyết toán thuế của cơ sở kinh doanh nếu có sự chênh lệch so với
quyết toán thuế thì cơ sở kinh doanh có trách nhiệm thực hiện theo biên bản kiểm tra của cơ quan thuế.
Ví dụ: Khi quyết toán thuế năm 2000, cơ sở kinh doanh A xác định nộp thừa 200 tr đồng so với số phải nộp theo
luật và đã nộp quyết toán thuế theo quy định. cơ quan thuế thông báo số thuế tạm nộp của quý I năm 2001 là
300 tr đồng thì cơ sở kinh doanh A được trừ số nộp thừa là 200 tr đồng, số còn phải nộp là 100 tr đồng. cơ quan
thuế có trách nhiệm thông báo số thuế phải nộp, số nộp thừa của kỳ trước chuyển sang, số còn phải nộp của
quý 1 là 100 tr đồng.

b. Cơ sở kinh doanh lập báo cáo quyết toán thuế và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của báo cáo
quyết toán thuế. Nếu cơ quan thuế kiểm tra phát hiện các số liệu trong báo cáo quyết toán thuế không đúng
chế độ qui định thì ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế, còn bị phạt tiền về hành vi khai man thuế, trốn thuế.

Trường hợp báo cáo quyết toán thuế của cơ sở kinh doanh bị sáp nhập, hợp nhất, chia tách, không đúng thì cơ
sở kinh doanh mới thụ hưởng số tài sản của cơ sở kinh doanh bị sáp nhập, hợp nhất, chia tách chịu trách nhiệm
nộp đủ thuế còn thiếu và tiền phạt vào Ngân sách Nhà nước.

c. Cơ sở kinh doanh phải nộp báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán thuế cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý
trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Đối với trường hợp sáp nhập, chia tách, giải thể, phá sản, thời gian nộp báo cáo quyết toán thuế là sau 45 ngày
kể từ ngày có quyết định sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản của cơ quan có thẩm quyền.

d. Cơ sở kinh doanh phải nộp số thuế còn thiếu theo báo cáo quyết toán thuế trong thời hạn 10 ngày, kể từ
ngày quy định phải nộp báo cáo quyết toán thuế cho cơ quan thuế. Nếu sau 10 ngày không nộp thuế thì ngoài
việc phải nộp đủ số thuế thiếu, cơ sở kinh doanh còn bị phạt về chậm nộp tiền thuế.

e. Việc kiểm tra báo cáo quyết toán thuế do Thủ trưởng cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc thủ trưởng cơ quan
thuế cấp trên quyết định.

Trong quá trình kiểm tra quyết toán thuế, nếu phát hiện giá mua, giá bán, chi phí kinh doanh của cơ sở kinh
doanh không đúng, cơ quan thuế có quyền xác định lại theo giá cả tại thời điểm mua, bán hàng hóa, bảo đảm
thu đúng, thu đủ số thuế thu nhập doanh nghiệp.

Kết thúc kiểm tra, cơ quan thuế phải lập biên bản và kiến nghị biện pháp xử lý. Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm
thực hiện theo biên bản kiểm tra của cơ quan thuế.

g. Điều chỉnh số liệu quyết toán thuế TNDN

- Giám đốc cơ sở kinh doanh phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu quyết toán thuế do cơ sở kinh
doanh lập gửi cơ quan thuế. Trong thời gian gửi báo cáo, cơ sở kinh doanh phát hiện sai sót và cần điều chỉnh số
liệu thì xử lý như sau:

+ Nếu cơ quan thuế chưa ra thông báo nộp thuế (kiểm tra bước 1) thì cơ sở kinh doanh gửi quyết toán thuế điều
chỉnh để thay thế quyết toán cű và đính kèm công văn nêu lý do thay thế quyết toán cű, ghi rõ thay thế quyết
toán thuế gửi ngày...

+ Nếu cơ quan thuế đã ra thông báo nộp thuế (kiểm tra bước 1) thì cơ sở kinh doanh gửi một báo cáo bổ sung
sửa đổi về các chỉ tiêu đã điều chỉnh.

- Trường hợp miễn giảm sau quyết toán thuế TNDN: Quyết định miễn giảm thuế căn cứ vào số thu nhập chịu
thuế phát sinh của từng năm, về nguyên tắc số miễn giảm phải được trừ vào số phải nộp của năm được miễn
giảm.Trường hợp cơ sở kinh doanh đã nộp thuế của năm được miễn giảm thì cơ sở kinh doanh được xác định số
thuế năm đó nộp thừa và được trừ vào số phải nộp của năm tiếp theo.

5. THỦ TỤC KEÂ KHAI, NỘP THUẾ, HOÀN THUẾ CHUYỂN LỢI NHUẬN RA
NƯỚC NGOAØI
1. Thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài được kê khai và nộp theo từng lần chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Đối
với trường hợp doanh nghiệp giữ lại lợi nhuận ở nước ngoài; thanh toán công nợ cho Công ty mẹ và chi tiêu cho
văn phòng đại diện của Công ty mẹ ở Việt Nam thì kê khai và nộp thuế hàng tháng.

2. Trước khi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài hoặc chậm nhất vào ngày 5 tháng sau (đối với trường hợp kê khai
và nộp thuế hàng tháng), Nhà đầu tư nước ngoài phải lập tờ khai thuế gửi cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý
doanh nghiệp, đồng thời nộp số thuế theo kê khai vào Kho bạc Nhà nước. Chỉ khi có chứng từ nộp thuế (do Kho
bạc giao), nhà đầu tư nước ngoài mới được làm thủ tục chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

3. Trường hợp đã nộp thuế nhưng không chuyển lợi nhuận ra nước ngoài hoặc nộp thừa, Ngân sách Nhà nước sẽ
hoàn tr lại số thuế đã nộp. hồ sơ hoàn trả thuế được gửi về Bộ Tài chính bao gồm:
a) Công văn đề nghị hoàn lại số thuế nộp thừa trong đó nêu rõ lý do nộp thừa; tên, địa chỉ; số tài khoản của nhà
đầu tư đề nghị hoàn trả thuế.

b) bảng kê số thuế đã nộp kèm theo các chứng từ đã nộp tiền vào Kho bạc (bản sao) và xác nhận của Kho bạc
về số thuế đã nộp (có ghi rõ đã nộp vào Chưng, loại, khoản, hạng theo Mục lục Ngân sách).

c) Xác nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp về số thuế nộp thừa và kiến nghị xử lý.

4. Hàng năm, chậm nhất là 90 ngày, kể từ khi kết thúc năm tài chính, nhà đầu tư nước ngoài phải báo cáo cơ
quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp về việc sử dụng lợi nhuận được chia và nộp thuế chuyển lợi nhuận ra
nước ngoài của năm tài chính đã qua.

D. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN THUẾ

1. Cơ quan thuế có nhiệm vụ hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thực hiện chế độ đăng ký, kê khai, nộp thuế theo
đúng quy định.

Việc đăng ký thuế thu nhập doanh nghiệp được thực hiện cùng với việc đăng ký thuế giá trị gia tăng.

Những cơ sở kinh doanh không thực hiện đúng các quy định về đăng ký, kê khai, nộp thuế thì cơ quan thuế có
quyền nhắc nhở bằng văn bản; Nếu đã nhắc nhở mà cơ sở vẫn không thực hiện đúng thì có quyền xử phạt vi
phạm hành chính về thuế.

2. Thông báo nộp thuế cho cơ sở kinh doanh đúng thời gian quy định. Thông báo nộp thuế phải gửi tới đối tượng
nộp thuế trước ngày phải nộp thuế (được ghi trong thông báo) tối thiểu là 3 ngày.

Nếu quá thời hạn nộp thuế ghi trên thông báo mà cơ sở kinh doanh chưa nộp thì cơ quan thuế tiếp tục ra thông
báo lần 2. Thông báo lần 2 bao gồm cả số tiền thuế chưa nộp và số tiền phạt chậm nộp được quy định tại khoản
2 Điều 24 của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu cơ sở kinh doanh không chấp hành nộp tiền thuế, tiền
phạt theo thông báo lần hai thì cơ quan thuế có quyền áp dụng các biện pháp xử lý quy định tại khoản 4 Điều
24 của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu đã thực hiện các biện pháp xử lý trên mà cơ sở kinh doanh vẫn
không nộp đủ số tiền thuế, tiền phạt thì cơ quan thuế chuyển hồ sơ sang các cơ quan chức năng để xử lý theo
quy định của pháp luật.

3. Kiểm tra, thanh tra việc kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế của cơ sở kinh doanh bảo đảm thực hiện đúng
pháp luật.

4. Xử lý vi phạm hành chính về thuế và giải quyết khiếu nại về thuế.

5. Yêu cầu cơ sở kinh doanh cung cấp sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và hồ sơ tài liệu khác có liên quan đến việc
tính thuế, nộp thuế; yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng và tổ chức, cá nhân có liên quan khác cung cấp tài
liệu có liên quan đến việc tính thuế và nộp thuế.

6. Lưu giữ và sử dụng số liệu, tài liệu mà cơ sở kinh doanh và đối tượng khác cung cấp theo chế độ quy định.

7. Cơ quan thuế có quyền ấn định thu nhập chịu thuế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở kinh
doanh trong các trường hợp sau:

a) Cơ sở kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ.

b) Không kê khai hoặc kê khai không đúng căn cứ để tính thuế hoặc không chứng minh được các căn cứ đã ghi
trong tờ khai theo yêu cầu của cơ quan thuế.

c) Từ chối việc xuất trình sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu cần thiết liên quan tới việc tính thuế thu
nhập doanh nghiệp.

d) Kinh doanh không có đăng ký kinh doanh mà bị phát hiện.

Cơ quan thuế căn cứ vào tài liệu điều tra về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở kinh doanh ấn
định doanh thu để xác định thu nhập chịu thuế hoặc ấn định thu nhập chịu thuế căn cứ vào thu nhập chịu thuế
của cơ sở kinh doanh có cùng ngành nghề và quy mô kinh doanh tương đương với cơ sở kinh doanh bị ấn định
thu nhập chịu thuế.

Ngoài biện pháp ấn định nêu trên, cơ quan thuế có thể sử dụng biện pháp xác định thu nhập chịu thuế của cơ
sở thường trú của Công ty nước ngoài trên cơ sở doanh thu như sau:
Thu nhập chịu Tổng doanh thu trong kỳ của Tổng thu
thuế trong kỳ của cơ sở thường trú tại Việt Nam nhập trong
= x
cơ sở thường trú Tổng doanh thu trong kỳ của kỳ của công
tại Việt Nam công ty nước ngoài ty nước ngoài

Để thực hiện được biện pháp ấn định thu nhập chịu thuế đối với cơ sở thường trú, công ty nước ngoài có trách
nhiệm xuất trình cho cơ quan thuế sổ sách, báo cáo kế toán của công ty đã được tổ chức kiểm toán độc lập xác
nhận để làm căn cứ phân bổ thu nhập chịu thuế cho cơ sở thường trú tại Việt Nam.

Trường hợp cơ sở kinh doanh không đồng ý với mức ấn định thu nhập chịu thuế thì có quyền khiếu nại lên cơ
quan thuế cấp trên trực tiếp. Trong khi chờ giải quyết, cơ sở kinh doanh vẫn phải nộp thuế theo mức thuế ấn
định.

VI. MIỄN THUẾ, GIẢM THUẾ, HOÀN THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

1. Những trường hợp được miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 1.1. Miễn thuế, giảm thuế đối với cơ sở
sản xuất trong nước mới thành lập.

a) Cơ sở sản xuất trong nước mới thành lập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm đầu, kể từ khi có thu
nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong thời gian 2 năm tiếp theo. Trường hợp thành lập ở
huyện thuộc vùng miền núi, hải đảo và vùng có khó khăn khác, thời gian giảm thuế được kéo dài thêm 2 năm.

b) Cơ sở sản xuất mới thành lập thuộc lĩnh vực, ngành nghề được ưu đãi đầu tư được miễn thuế thu nhập hai
năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong thời hạn 3 năm
tiếp theo.

c) Cơ sở sản xuất mới thành lập thuộc lĩnh vực, ngành nghề được ưu đãi đầu tư ở những huyện thuộc vùng dân
tộc thiểu số ở miền núi cao được miễn thuế thu nhập trong thời hạn 4 năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu thuế
và được giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong thời hạn 9 năm tiếp theo.

d) Cơ sở sản xuất mới thành lập thuộc lĩnh vực ngành nghề ưu đãi đầu tư ở những huyện thuộc vùng dân tộc
thiểu số, miền núi và hải đảo được miễn thuế thu nhập trong thời hạn 4 năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu
thuế và được giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong thời hạn 7 năm tiếp theo.

đ) Cơ sở sản xuất mới thành lập thuộc lĩnh vực ngành nghề ưu đãi đầu tư ở những vùng khó khăn khác được
miễn thuế thu nhập trong thời hạn 3 năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế thu
nhập phải nộp trong thời hạn 5 năm tiếp theo.

1.2. Miễn thuế, giảm thuế cho cơ sở kinh doanh, dịch vụ mới thành lập thuộc ngành nghề, lĩnh vực được ưu đãi
đầu tư.

a) Cơ sở kinh doanh, dịch vụ mới thành lập thuộc ngành nghề được ưu đãi đầu tư được giảm 50% số thuế thu
nhập phải nộp trong thời gian 2 năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu thuế.

b) Cơ sở kinh doanh, dịch vụ mới thành lập thuộc ngành nghề được ưu đãi đầu tư ở những huyện thuộc vùng
dân tộc thiểu số ở miền núi cao được miễn thuế thu nhập trong thời hạn 2 năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu
thuế và được giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong thời hạn 5 năm tiếp theo.

c) Cơ sở kinh doanh, dịch vụ mới thành lập thuộc ngành nghề được ưu đãi đầu tư ở những huyện thuộc vùng
dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo được miễn thuế thu nhập trong thời hạn 2 năm đầu, kể từ khi có thu nhập
chịu thuế và được giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong thời hạn 4 năm tiếp theo.

d) Cơ sở kinh doanh, dịch vụ mới thành lập thuộc ngành nghề được ưu đãi đầu tư ở những vùng khó khăn khác
được miễn thuế thu nhập trong 1 năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế thu nhập
phải nộp trong thời hạn 3 năm tiếp theo.

Cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ mới thành lập được miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo
hướng dẫn tại điểm 1, điểm 2 mục I này là những cơ sở mới được thành lập và được cấp giấy phép kinh doanh
kể từ ngày Luật thuế thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực thi hành. Những cơ sở đã thành lập trước đây nay chia,
tách, sáp nhập, hợp nhất, đổi tên, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp hoặc đầu tư xây dựng dây chuyền sản
xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất, bổ
sung mặt hàng, ngành nghề vào giấy phép kinh doanh không thuộc đối tượng được xét miễn thuế, giảm thuế
như cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới thành lập.

1.3. Cơ sở sản xuất trong nước đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ,
ci thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần thu
nhập tăng thêm của năm đầu và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tăng thêm do đầu tư mới
mang lại của hai năm tiếp theo.

Số thu nhập tăng thêm do đầu tư mới mang lại được xác định bằng chênh lệch giữa thu nhập chịu thuế của năm
công trình đầu tư hoàn thành so với thu nhập chịu thuế của năm trước khi đầu tư.

Ví dụ: Năm 1998 thu nhập chịu thuế của Công ty A là 500 triệu đồng. Đầu năm 1999 Công ty A hoàn thành công
trình mở rộng quy mô sản xuất đưa vào sử dụng. Năm 1999, 2000, 2001, mỗi năm có tổng thu nhập chịu thuế
là 800 triệu đồng.

Công ty A được miễn thuế, giảm thuế như sau:

- Năm 1999 Công ty A được miễn phần thu nhập chịu thuế là:

800 triệu đồng - 500 triệu đồng = 300 triệu đồng

- Năm 2000 và 2001, mỗi năm Công ty A được giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

50% x (800 triệu đồng - 500 triệu đồng) x 32% = 48 triệu đồng

1.4. Cơ sở kinh doanh trong nước di chuyển đến miền núi, hải đảo và vùng có khó khăn khác được miễn thuế
thu nhập 3 năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu thuế.

1.5. Miễn thuế thu nhập cho phần thu nhập của các cơ sở kinh doanh trong nước như sau:

a) Phần thu nhập từ việc thực hiện các hợp đồng nghiên cứu khoa học.

b) Phần thu nhập từ việc thực hiện các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp.

c) Phần thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của cơ sở kinh doanh dành riêng cho lao động là
người tàn tật. Đối với cơ sở kinh doanh được xác định là dành riêng cho lao động là người tàn tật phải có đủ các
điều kiện sau:

- Được ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công nhận là cơ sở sản xuất, kinh doanh dành
riêng cho lao động là người tàn tật (bao gồm c thưng binh, bệnh binh).

- Thực hiện nghiêm chỉnh việc mở sổ sách kế toán, sử dụng chứng từ mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo
quy định của chế độ hiện hành.

- Có giấy phép kinh doanh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.

- Có từ 10 lao động trở lên, trong đó có 51% lao động là người tàn tật có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm
quyền. Số lao động còn lại chủ yếu là thân nhân của người tàn tật, người góp vốn cổ phần và người có trình độ
quản lý, chuyên môn, khoa học - kỹ thuật.

- Có quy chế hoặc điều lệ hoạt động phù hợp với đối tượng lao động là người tàn tật.

d. Phần thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho người tàn tật, người dân tộc thiểu số, trẻ em hoàn cảnh
đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội.

Các hoạt động dạy nghề được xác định là dành riêng cho người tàn tật, người dân tộc thiểu số, trẻ em hoàn
cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội phải có đủ các điều kiện sau:

- Cơ sở dạy nghề của các doanh nghiệp, của các trung tâm dịch vụ việc làm, của các tổ chức, cá nhân được quy
định tại Điều 17 Nghị định số 72/CP ngày 31/10/1995; Điều 10 và Điều 13 của Nghị định số 81/CP ngày
23/11/1995; Điều 10 của Nghị định số 90/CP ngày 15/12/1995 của Chính phủ.

- Hoạt động đúng ngành nghề ghi trong giấy phép hành nghề hoặc ngành nghề đã đăng ký hoạt động với cơ
quan lao động - thưng binh và xã hội có thẩm quyền.

- Đăng ký nộp thuế đúng theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện nghiêm chỉnh việc mở sổ sách kế toán, sử dụng chứng từ, hóa đơn theo quy định của chế độ hiện
hành.
1.6. Hộ cá thể sản xuất kinh doanh, dịch vụ được xét miễn thuế, giảm thuế trong các trường hợp sau:

a) Hộ cá thể sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vừa và nhỏ chưa thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ mua,
bán hàng hóa, dịch vụ, tính thuế và nộp thuế trên mức doanh thu ấn định, nếu nghỉ kinh doanh liên tục từ 15
ngày trở lên trong tháng được xét giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp; nếu nghỉ cả tháng thì được xét miễn
thuế của tháng đó.

b) Hộ cá thể sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thu nhập bình quân tháng trong năm dưới mức lương tối thiểu do
Nhà nước quy định đối với công chức Nhà nước được miễn thuế cả năm.

1.7. Miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Bên nước
ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh như sau:

a) Các dự án được áp dụng mức thuế suất 20% trong thời hạn 10 năm kể từ khi hoạt động sản xuất kinh doanh,
được miễn thuế 1 năm đầu kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong
2 năm tiếp theo.

b) Các dự án được áp dụng mức thuế suất 15% trong thời hạn 12 năm kể từ khi hoạt động sản xuất kinh doanh,
được miễn thuế thu nhập trong thời hạn 2 năm đầu kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế
thu nhập phải nộp trong 3 năm tiếp theo.

c) Các dự án được áp dụng mức thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm, kể từ khi hoạt động sản xuất, kinh
doanh, được miễn thuế thu nhập trong 4 năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế
thu nhập phải nộp trong 4 năm tiếp theo.
d) Các dự án trồng rừng và các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng tại miền núi, hải đảo và các dự án khác đặc biệt
khuyến khích đầu tư được miễn thuế thu nhập trong thời hạn 8 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế.

Việc miễn thuế, giảm thuế tại các điểm a, b, c, d nêu trên không áp dụng đối với các dự án khách sạn (trừ
trường hợp đầu tư vào miền núi, hải đảo và vùng có khó khăn khác hoặc chuyển giao không bồi hoàn tài sản
cho Nhà nước Việt Nam sau khi kết thúc thời gian hoạt động), các dự án đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân
hàng, bảo hiểm, cung cấp dịch vụ, thương mại.

1.8. Miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài trong các trường hợp sau:

a) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư về nước theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được giảm
20% số thuế thu nhập phải nộp, trừ trường hợp được hưởng thuế suất thuế thu nhập là 10%.

b) Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp phần giá trị bằng sáng chế, bí quyết kỹ thuật, quy trình công nghệ, dịch vụ
kỹ thuật của các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn pháp định.

c) Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài chuyển nhượng phần vốn góp cho các
doanh nghiệp nhà nước hoặc các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối.

d) giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài chuyển nhượng phần vốn góp cho các
doanh nghiệp Việt Nam khác như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác
xã...

1.9. Cơ sở kinh doanh trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động sản xuất, xây dựng, vận
tải sử dụng nhiều lao động nữ được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Mức thuế TNDN được giảm tưng ứng với
số tiền thực chi cho lao động nữ dưới đây:

a) Chi thêm cho công tác đào tạo lại nghề cho chị em nữ công nhân viên, nếu nghề cű không còn phù hợp để
chuyển đổi sang nghề khác theo quy hoạch phát triển của doanh nghiệp.

khoản chi thêm này bao gồm: học phí đi học (nếu có) + chênh lệch tiền lương ngạch bậc (đảm bảo 100% lưng
cho người đi học).

b) Chi phí tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho cô giáo dạy ở nhà trẻ, mẫu giáo do doanh nghiệp tổ chức và
quản lý. Số cô giáo này được xác định theo định mức do hệ thống giáo dục đào tạo quy định.

c) Chi phí do tổ chức thêm 1 lần khám sức khoẻ trong năm (ngoài số lần khám đã được quy định) chủ yếu là
khám bệnh nghề nghiệp, mãn tính hoặc phụ khoa mà nữ công nhân viên mắc phải.

d) Chi bồi dưỡng thêm 1 lần cho người lao động nữ sau khi sinh con lần thứ nhất hoặc lần thứ hai. Mức chi không
quá 300.000 đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp ở thành phố, thị trấn, thị xã và không quá 500.000 đồng Việt
Nam đối với doanh nghiệp ở vùng sâu, xa, hải đảo để giúp đỡ người mẹ khắc phục một phần khó khăn do sinh
đẻ.
đ) Trong thời gian cho con bú, nếu vì lý do khách quan nào đó mà không về cho con bú, ở lại làm việc cho
doanh nghiệp, thì thời gian này được trả theo chế độ phụ cấp làm thêm giờ theo chế độ hiện hành.

Các khoản chi cho lao động nữ nêu trên được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với điều kiện phải có chứng từ
thực chi và có chữ ký của người nhận tiền.

e) Doanh nghiệp sản xuất, xây dựng, vận tải được coi là sử dụng nhiều lao động nữ khi có một trong các điều
kiện sau:

- Doanh nghiệp sử dụng thường xuyên từ 10 đến 100 lao động nữ và có số lao động nữ chiếm từ 50% trở lên so
với tổng số lao động có mặt thường xuyên của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp sử dụng thường xuyên trên 100 lao động nữ và có số lao động nữ từ 30% trở lên so với tổng số
lao động có mặt thường xuyên của doanh nghiệp.
Các đơn vị sự nghiệp, cơ quan văn phòng thuộc các Tổng công ty Nhà nước có đủ điều kiện nêu trên nhưng
không trực tiếp làm công việc kinh doanh thì không được giảm thuế theo điểm này.

1.10. Hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài dùng thu nhập được chia để tái đầu tư.

a) Điều kiện được hoàn thuế:

- Tái đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư.

- Vốn tái đầu tư được sử dụng 3 năm trở lên.

- Đã góp đủ vốn pháp định ghi trong giấy phép.

b) Tỷ lệ hoàn thuế thu nhập do tái đầu tư như sau:

- 100% số thuế đã nộp đối với trường hợp tái đầu tư vào các dự án được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập
doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm.

- 75% số thuế đã nộp đối với trường hợp tái đầu tư vào các dự án được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập
doanh nghiệp 15% trong thời hạn 12 năm.

- 50% số thuế đã nộp đối với trường hợp tái đầu tư vào các dự án được hưởng mức thuế suất 20% trong thời hạn
10 năm.

c) Số thuế thu nhập được hoàn trả cho phần thu nhập tái đầu tư được xác định như sau:

Trong đó:

- Th: Là số thuế được hoàn trả

- L: Số thu nhập được chia sau khi đã nộp thuế thu nhập đem tái đầu tư.

- S: Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ghi trong giấy phép đầu tư.

- T: Tỷ lệ hoàn thuế thu nhập.

1.11. Cơ sở kinh doanh trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sau khi quyết toán với cơ quan
thuế mà bị lỗ thì được chuyển lỗ sang những năm sau để trừ vào thu nhập chịu thuế. Thời gian chuyển lỗ không
quá 5 năm.

2. Thủ tục xét miễn thuế, giảm thuế Cơ sở kinh doanh thuộc diện được miễn thuế, giảm thuế phải gửi hồ sơ cho
cơ quan thuế có thẩm quyền theo từng trường hợp như sau:

2.1. Đối với trường hợp được miễn thuế, giảm thuế theo điểm 1, 2, 4 Mục 1 Phần này, cơ sở kinh doanh chỉ cần
làm công văn đề nghị miễn thuế, giảm thuế (trong đó nêu rõ lý do miễn thuế, giảm thuế) gửi cơ quan thuế trực
tiếp quản lý thu thuế. Sau khi kiểm tra các điều kiện được miễn thuế, giảm thuế cơ quan trực tiếp quản lý thu
thuế thông báo cho cơ sở kinh doanh biết có đủ điều kiện được miễn thuế, giảm thuế hàng năm. Trường hợp
không đủ điều kiện được miễn giảm thì cơ quan thuế cűng phải thông báo bằng văn bản cho cơ sở kinh doanh.

2.2. Đối với trường hợp được xét miễn thuế, giảm thuế theo điểm 1.3 Mục 1 phần này, hồ sơ gồm có:
a) Công văn đề nghị của cơ sở kinh doanh gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế, trong đó nêu rõ lý do
miễn thuế, giảm thuế, kèm theo những hồ sơ:

+ Đối với doanh nghiệp Nhà nước là luận chứng đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quyết toán công
trình và nguồn vốn xây dựng, mua sắm.

+ Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần là luận chứng đầu tư được Hội đồng quản trị phê duyệt;
quyết toán công trình và nguồn vốn xây dựng, mua sắm.
+ Đối với doanh nghiệp tư nhân là hợp đồng và bản quyết toán hợp đồng xây dựng, lắp đặt máy móc, thiết bị;
Trường hợp tự xây dựng phải xuất trình hóa đơn mua vật tư, máy móc thiết bị và thực tế máy móc thiết bị đã
được lắp đặt sử dụng.

b) Báo cáo quyết toán tài chính và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của cơ sở kinh doanh trước cả năm
đầu tư và năm sau đầu tư xin miễn thuế, giảm thuế.

2.3. Đối với trường hợp xét miễn thuế theo điểm 1.5a, mục 1 Phần này, hồ sơ gồm có:
a) Công văn đề nghị của cơ sở kinh doanh gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế nêu rõ lý do miễn thuế.

b) Quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền. Nếu là tổ chức tập thể, cá nhân phải có chứng nhận đăng
ký hoạt động nghiên cứu khoa học của cơ quan quản lý khoa học tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

c) Giấy phép kinh doanh.

d) Hợp đồng nghiên cứu khoa học có xác nhận của cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học đúng thẩm quyền.

đ) biên bản nghiệm thu hợp đồng.

e) Báo cáo quyết toán tài chính và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của cơ sở kinh doanh trong đó phản
ánh chi tiết kết quả nghiên cứu khoa học.

2.4. Đối với trường hợp xét miễn thuế theo điểm 1.5b, mục 1 Phần này, hồ sơ gồm có:
a) Công văn đề nghị của cơ sở kinh doanh gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế nêu rõ lý do miễn thuế.

b) Các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp và biên bản thanh lý hợp đồng.

c) Báo cáo quyết toán tài chính và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của cơ sở kinh doanh trong đó có số
liệu chi tiết về kết qu thực hiện các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp.

2.5. Trường hợp xét miễn thuế đối với cơ sở kinh doanh dành riêng cho lao động là người tàn tật (điểm 1.5c,
mục 1 Phần này), hồ sơ gồm:

a) Công văn đề nghị của cơ sở kinh doanh gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế nêu rõ lý do miễn thuế.

b) Quyết định của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác nhận là cơ sở kinh doanh dành
riêng cho lao động là người tàn tật.

c) Báo cáo quyết toán tài chính và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của cơ sở kinh doanh.

2.6. Đối với trường hợp xét miễn thuế theo điểm 1.5d, mục 1 Phần này, hồ sơ gồm:

a) Công văn đề nghị của cơ sở kinh doanh gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế nêu rõ lý do miễn thuế.

b) Giấy phép đăng ký hoạt động dạy nghề do Sở Lao động, Thương binh và xã hội cấp.

c) Giấy xác nhận của Sở Lao động, Thương binh và xã hội xác nhận cơ sở dạy nghề dành riêng cho người tàn
tật, người dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặt biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội.

d) Danh sách các học viên là người tàn tật, người dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối
tượng tệ nạn xã hội.

đ) Báo cáo quyết toán tài chính và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của cơ sở dạy nghề.

2.7. Đối với trường hợp miễn thuế, giảm thuế theo điểm 1.6, mục 1 Phần này, hồ sơ chỉ có đn đề nghị của hộ cá
thể sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nêu rõ nguyên nhân, lý do miễn thuế, có xác nhận của chính quyền phường,
xã. cơ quan thuế trực tiếp quản lý sau khi thông qua hội đồng tư vấn thuế cùng cấp có thông báo miễn thuế,
giảm thuế cho hộ cá thể sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

2.8. Các trường hợp miễn thuế, giảm thuế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Bên nước ngoài tham
gia hợp đồng hợp tác kinh doanh, cho các nhà đầu tư nước ngoài theo điểm 1.7, điểm 1.8 mục 1 Phần này được
ghi trong giấy phép đầu tư do cơ quan có thẩm quyền cấp sau khi được sự thống nhất của Bộ Tài chính.

2.9. Đối với trường hợp xét giảm thuế theo điểm 1.9, mục 1 Phần này, hồ sơ gồm:

a) Công văn đề nghị của cơ sở kinh doanh nêu rõ lý do giảm thuế.

b) Bản liệt kê danh sách lao động có mặt thường xuyên của cơ sở kinh doanh trong đó có lao động nữ. Bản liệt
kê danh sách lao động phải có xác nhận của cơ quan quản lý lao động có thẩm quyền.

c) Bản liệt kê các khoản chi phí tăng thêm cho lao động nữ có sự xác nhận, kiểm tra của cơ quan thuế trực tiếp
quản lý.

d) Báo cáo quyết toán tài chính và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của cơ sở kinh doanh.

2.10. hồ sơ hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài dùng thu nhập được chia để tái
đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư theo điểm 10, mục 1, Phần này gồm:

a) Công văn hoặc đn xin hoàn thuế thu nhập do tái đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài hoặc người được ủy
quyền. Nội dung đơn phải ghi rõ tên, địa chỉ, số tài khoản của nhà đầu tư hoặc người được ủy quyền.

b) Bản cam kết về sử dụng thu nhập để tái đầu tư từ 3 năm trở lên của nhà đầu tư.

c) Giấy phép đầu tư (bản sao công chứng) hoặc giấy phép điều chỉnh do cơ quan cấp giấy phép đầu tư cấp,
trong đó quy định rõ cho phép chủ đầu tư dùng lợi nhuận được chia để tái đầu tư và chủ đầu tư đáp ứng đủ điều
kiện được hoàn thuế do tái đầu tư.

d) Văn bản xác nhận đã góp đủ vốn pháp định của Hội đồng quản trị đối với doanh nghiệp liên doanh hoặc xác
nhận của cơ quan kiểm toán đối với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc bên nước ngoài hợp doanh (bản
chính hoặc bản sao công chứng).

đ) Tờ khai về thu nhập tái đầu tư theo mẫu đính kèm Thông tư này.

e) Các chứng từ đã nộp thuế của doanh nghiệp (bản sao) có xác nhận của Kho bạc Nhà nước về số thuế thu
nhập doanh nghiệp đã nộp.

Khi nhận được đủ hồ sơ, cơ quan thuế trực tiếp quản lý tiến hành kiểm tra, xác định số thuế đã nộp và tính số
thuế được hoàn cho chủ đầu tư, gửi hồ sơ về Bộ Tài chính (Vụ Ngân sách Nhà nước) để xem xét ra quyết định
thoái trả thuế cho nhà đầu tư.

Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Tài chính thông báo quyết định của mình cho nhà đầu tư.

Trường hợp nhà đầu tư đã được hoàn thuế nhưng thực tế không tái đầu tư thì ngoài việc phải nộp trả tiền thuế
đã được hoàn còn phải trả lãi tính theo lãi suất tiền gửi ngân hàng và bị xử lý theo pháp luật Việt Nam.

3. Trình tự và thẩm quyền xét miễn thuế, giảm thuế 3.1. Việc xét miễn thuế, giảm thuế được tiến hành hàng
năm sau khi cơ sở kinh doanh đã có báo cáo quyết toán tài chính và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
Để giảm bớt khó khăn cho các cơ sở kinh doanh, trong năm được xét miễn thuế, giảm thuế, cơ quan thuế có thể
cho tạm miễn thuế, tạm giảm thuế.

3.2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị miễn thuế, giảm thuế, cơ quan thuế có thẩm
quyền giải quyết phải quyết định tạm miễn thuế, giảm thuế hoặc quyết định chính thức miễn thuế, giảm thuế
cho cơ sở kinh doanh hoặc thông báo cho cơ sở kinh doanh biết lý do chưa giải quyết, không giải quyết

3.3. Thẩm quyền quyết định miễn thuế, giảm thuế:

a) Chi cục trưởng Chi cục thuế quyết định miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho hộ cá thể sản xuất,
kinh doanh, dịch vụ thuộc Chi cục quản lý thuế có mức thu nhập bình quân tháng trong năm dưới mức lương tối
thiểu do Nhà nước quy định đối với công chức Nhà nước và trường hợp nghỉ kinh doanh hàng tháng.
b) Cục trưởng Cục thuế quyết định miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ sở sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ trên địa bàn quản lý trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền của Chi cục trưởng Chi cục thuế nêu
trên.

Cục trưởng, chi cục trưởng chịu trách nhiệm trước pháp luật về số thuế miễn giảm. Các quyết định miễn thuế,
giảm thuế của Chi cục trưởng Chi cục Thuế, Cục trưởng Cục thuế ngoài việc gửi cho cơ sở kinh doanh phải gửi
báo cáo Tổng cục Thuế. Đồng thời các Cục thuế phải tổng hợp số thuế đã miễn, giảm trên địa bàn (tỉnh, huyện)
báo cáo Tổng cục thuế ( theo mẫu số 5 đính kèm), thời hạn gửi báo cáo trước ngày 15/02 hàng năm.

4. Nguyên tắc xét miễn giảm, thuế: Đối với những cơ sở kinh doanh cùng một lúc được hưởng ưu đãi về thuế
TNDN theo các Luật khác nhau như vừa thuộc diện được ưu đãi về thuế theo quy định Luật khuyến khích đầu tư
trong nước, vừa thuộc diện miễn giảm thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp... thì chỉ được xét hưởng ưu
đãi theo một trong các Luật nêu trên. Cơ sở kinh doanh được quyền lựa chọn hưởng ưu đãi theo một trong các
Luật mà cơ sở kinh doanh chịu sự điều chỉnh.

VII. XỬ LÝ VI PHẠM Đối tượng nộp thuế vi phạm Luật thuế thu nhập doanh nghiệp bị xử lý như sau:

1. Không thực hiện đúng những quy định về chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, kê khai, nộp thuế, quyết toán
thuế thì tuỳ theo tính chất, mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị cảnh cáo hoặc phạt tiền.

2. Nộp chậm tiền thuế hoặc tiền phạt ghi trong thông báo thuế, lệnh thu thuế hoặc quyết định xử phạt, thì
ngoài việc phải nộp đủ số thuế hoặc tiền phạt theo Luật định, mỗi ngày nộp chậm còn phải nộp phạt bằng 0,1%
(một phần nghìn) số tiền chậm nộp.

3. Khai man thuế, trốn thuế thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh
nghiệp, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị phạt tiền từ 1 đến 5 lần số tiền thuế gian lận; trốn thuế với số
lượng lớn hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế mà còn vi phạm hoặc có hành vi vi phạm nghiêm
trọng khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

4. Không nộp thuế, nộp phạt theo thông báo hoặc quyết định xử lý về thuế thì bị xử lý như sau:

a) Trích tiền gửi của đối tượng nộp thuế tại Ngân hàng, Kho bạc, tổ chức tín dụng để nộp thuế, nộp phạt. Ngân
hàng, Kho bạc, tổ chức tín dụng có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của đối tượng nộp thuế để nộp
thuế, nộp phạt vào Ngân sách Nhà nước theo quyết định xử lý về thuế của cơ quan thuế hoặc cơ quan có thẩm
quyền trước khi thu nợ.

b) Tạm giữ hàng hóa, tang vật để bảo đảm thu đủ tiền thuế, tiền phạt.

c) Kê biên tài sản theo quy định của pháp luật để bảo đảm thu đủ tiền thuế, tiền phạt còn thiếu.

Thủ tục, trình tự xử lý tại các điểm a, b, c theo qui định của pháp luật hiện hành.

CHƯƠNG 9
THUẾ THU NHẬP ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ THU NHẬP CAO
I. ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ

Đối tượng nộp thuế thu nhập theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 78/2001/NĐ-CP ngày 23/10/2001 của Chính
phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (dưới đây gọi tắt là thuế
thu nhập) bao gồm:

1. Công dân Việt Nam ở trong nước hoặc đi công tác, lao động ở nước ngoài có thu nhập;

2. Cá nhân là người không mang quốc tịch Việt Nam nhưng định cư không thời hạn tại Việt Nam có thu nhập
(sau đây gọi là cá nhân khác định cư tại Việt Nam);

3. Người nước ngoài có thu nhập tại Việt Nam bao gồm:

- Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam trong các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, văn hoá, xã hội... của Việt
Nam hoặc của nước ngoài, các văn phòng đại diện, các chi nhánh công ty nước ngoài; các cá nhân hành nghề
độc lập;

- Người nước ngoài tuy không hiện diện tại Việt Nam nhưng có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trong các trường
hợp như: thu nhập từ chuyển giao công nghệ, tiền bản quyền.
II. THU NHẬP CHỊU THUẾ

Thu nhập chịu thuế quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 78/2001/NĐ-CP ngày 23/10/2001 của Chính phủ
bao gồm thu nhập thường xuyên và thu nhập không thường xuyên.

1. Thu nhập thường xuyên gồm

1.1. Các khoản thu nhập dưới các hình thức tiền lương, tiền công, tiền thù lao; bao gồm cả tiền lương làm thêm
giờ, lương ca 3, lương tháng thứ 13 (nếu có), tiền trợ cấp thay lương nhận từ quỹ bảo hiểm xã hội; tiền ăn trưa,
ăn giữa ca (nếu nhận bằng tiền).

Trường hợp khi ký kết hợp đồng lao động nếu quy định thu nhập thực nhận không có thuế thu nhập ( thu nhập
NET ) thì thu nhập không có thuế phải quy đổi thành thu nhập có thuế để làm căn cứ xác định thu nhập chịu
thuế ( công thức qui đổi phụ lục số 1 đính kèm).

1.2. Tiền thưởng tháng, quý, năm, thưởng đột xuất nhân dịp ngày lễ, tết, ngày thành lập ngành từ các nguồn,
dưới các hình thức: tiền, hiện vật.

1.3. Thu nhập do tham gia hiệp hội kinh doanh, Hội đồng quản trị, Hội đồng quản lý, Hội đồng doanh nghiệp.

1.4. Các khoản thu nhập ổn định của các cá nhân nêu tại Điều 1 Nghị định số 78/2001/NĐ-CP ngày 23/10/2001
do tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ các loại không thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập doanh
nghiệp như: thiết kế, kiến trúc, dịch vụ tư vấn theo hợp đồng dài hạn, giảng dạy, luyện thi, biểu diễn văn hoá
nghệ thuật; hoạt động thể dục thể thao mang tính chuyên nghiệp;

1.5. Các khoản thu nhập do các tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập chi trả hộ tiền nhà, điện, nước. Riêng tiền nhà
tính theo số thực tế chi trả hộ nhưng không vượt quá 15% số thu nhập về tiền lương, tiền công, tiền thù lao.
Trường hợp cá nhân ở tại trụ sở làm việc thì thu nhập chịu thuế trong trường hợp này căn cứ vào tiền thuê nhà
hoặc chi phí khấu hao tính theo tỷ lệ giữa diện tích cá nhân sử dụng và diện tích của căn nhà và cűng được tính
tối đa 15%.

2. Thu nhập không thường xuyên gồm:

2.1. Thu nhập về quà biếu, quà tặng bằng hiện vật do các tổ chức, cá nhân từ nước ngoài gửi về cho các cá
nhân ở Việt Nam dưới các hình thức: gửi qua các tổ chức chi trả thu nhập như bưu điện, nhờ người mang hộ về
nước. Người nhận quà là các cá nhân người Việt Nam, người nước ngoài, chủ hoặc người đại diện của doanh
nghiệp tư nhân. Trường hợp hiện vật của bản thân cá nhân mang theo người vào Việt Nam đã kê khai trong tờ
khai hải quan khi làm thủ tục nhập cảnh thì không thuộc thu nhập chịu thuế về quà biếu, quà tặng;

2.2. Thu nhập về chuyển giao công nghệ theo từng hợp đồng, bao gồm:

- Chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp như sáng chế, kiểu dáng
công nghiệp, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu hàng hoá; nhãn hiệu thương mại;

- Chuyển giao thông qua việc mua bán, cung cấp (có hoặc không kèm theo thiết bị); bí quyết kỹ thuật, phương
án công nghệ, quy trình công nghệ, thiết kế hoặc mẫu thiết kế, công thức, bản vẽ, sơ đồ, bảng, biểu, thông số
kỹ thuật hoặc kiến thức kỹ thuật chuyên môn khác.

- Thực hiện các dịch vụ hỗ trợ và tư vấn sau:

+ Nghiên cứu, phân tích, đánh giá cơ hội, nghiên cứu tiền khả thi và khả thi các dự án đầu tư và đổi mới công
nghệ;

+ Hỗ trợ kỹ thuật, lựa chọn công nghệ, hướng dẫn lắp đặt thiết bị, vận hành thử các dây chuyền công nghệ;

+ Tư vấn về quản lý công nghệ, tổ chức và vận hành các quá trình công nghệ và sản xuất;

+ Đào tạo, huấn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật và quản lý của các cán bộ quản lý, cán bộ kỹ
thuật và công nhân (không bao gồm các hình thức đào tạo chuyên ngành);

+ Thực hiện dịch vụ về thu thập, xử lý và cung cấp thông tin về thị trường, công nghệ, pháp lý, tài nguyên và
môi trường.

- Chuyển giao việc sử dụng hoặc quyền sử dụng các thiết bị công nghiệp, thương nghiệp hoặc khoa học (không
bao gồm hoạt động thuần tuý nhập máy móc, thiết bị, vật tư...);
- Trường hợp chuyển giao công nghệ như quy định tại điểm 2.2.2 này dưới hình thức biếu tặng thì không phải
nộp thuế thu nhập không thường xuyên;

2.3. Thu nhập về tiền bản quyền các tác phẩm văn học, nghệ thuật;

2.4. Thu nhập về thiết kế kỹ thuật xây dựng, thiết kế kỹ thuật công nghiệp và các dịch vụ: tư vấn, đào tạo, dịch
vụ môi giới; thu nhập từ các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao không mang tính chất chuyên
nghiệp.

2.2.5. Thu nhập từ các hoạt động khoa học như: hội thảo, đề tài nghiên cứu khoa học các cấp;

2.2.6. Trúng thưởng xổ số do Nhà nước phát hành và các hình thức xổ số khuyến mại.

3. Tạm thời chưa thu thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập về lãi tiền gửi ngân hàng, lãi tiền gửi tiết kiệm,
lãi tiền cho vay vốn; lãi mua tín phiếu, trái phiếu, kỳ phiếu, cổ phiếu, thu nhập từ hoạt động đầu tư chứng
khoán, chênh lệch mua bán chứng khoán theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 78/2001/NĐ-CP.

4. Các khoản thu nhập không thuộc diện chịu thuế thu nhập quy định tại Điều 4 Nghị định số 78/2001/NĐ-CP
bao gồm:

4.1. Các khoản thu nhập do Nhà nước Việt Nam quy định dưới đây đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam:

4.1.1. Phụ cấp làm đêm (không bao gồm lương ca ba);

4.1.2. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những nghề hoặc công việc ở những nơi có điều kiện độc hại, nguy
hiểm như: hầm lò; giàn khoan ngoài biển; treo người trên cao; tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí độc, bụi độc;
làm việc ở nơi có phóng xạ, tia bức xạ trên mức cho phép; làm việc ở nơi có bệnh truyền nhiễm;

4.1.3. Phụ cấp trách nhiệm theo quy định của Nhà nước;

4.1.4. Phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút, phụ cấp đặc biệt đối với những nơi xa xôi hẻo lánh, khí hậu xấu, vùng
kinh tế mới, đảo xa đất liền, vùng biên giới có điều kiện khó khăn (không bao gồm phụ cấp xa Tổ quốc của
người nước ngoài);

4.1.5. Phụ cấp thâm niên đối với lực lượng vű trang; phụ cấp an ninh quốc phòng;

4.1.6. Phụ cấp đặc thù của một số ngành nghề: pháp y, mổ,

4.1.7. Phụ cấp lưu động áp dụng với một số nghề hoặc công việc phải thường xuyên thay đổi công việc và nơi ở.

4.1.8. Phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ hoạt động cách mạng trướcả năm 1945 và các khoản phụ cấp khác có
nguồn chi từ ngân sách Nhà nước.

Mức chi các khoản phụ cấp bằng tiền được xác định theo quy định của cấp có thẩm quyền và phù hợp với chế
độ quản lý tài chính hiện hành. Đối với người nước ngoài số phụ cấp được xác định trên cơ sở tiền lương cơ bản
theo hợp đồng và hệ số phụ cấp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chung cho mọi đối tượng.

4.2 Các khoản thu nhập không chịu thuế khác:

4.2.1. Tiền công tác phí trong các lần đi công tác là các khoản tiền trả cho phương tiện đi lại, tiền thuê phòng
ngủ có chứng từ hợp lý, tiền lưu trú theo chế độ. Trường hợp khoán công tác phí thì cűng chỉ được trừ những chi
phí trên;

4.2.2. Tiền ăn định lượng của một số công việc, một số nghề đặc biệt, bữa ăn tại chỗ, ăn trưa, ăn giữa ca (trừ
trường hợp nhận bằng tiền);

4.2.3. Các khoản trợ cấp xã hội của các đối tượng hưởng chính sách xã hội như: thương binh, bệnh binh, gia
đình liệt sỹ, người có công giúp đỡ cách mạng; trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp giải quyết các tệ nạn xã hội;

4.2.4. Tiền bồi thường bảo hiểm do tham gia bảo hiểm con người và tài sản;

4.2.5. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho các đối tượng theo quy định của Bộ luật lao động;

4.2.6. Trợ cấp điều động về cơ sở sản xuất theo quy định của Nhà nước bao gồm cả trợ cấp chuyển vùng một
lần của người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam;
4.2.7. Tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế phát minh, các giải thưởng quốc tế, các giải thưởng quốc gia
do Nhà nước Việt Nam tổ chức, công nhận (trừ tiền thưởng do các tổ chức, cá nhân khác tài trợ);

4.2.8. Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu do Nhà nước phoảng tặng như: Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng
lực lượng vű trang Nhân dân, Anh hùng Lao động, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nghệ sỹ Nhân
dân, Nghệ sỹ ưu tú...

4.3. Tiền nộp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ tiền lương, tiền công của người lao động;

4.4. Thu nhập của chủ hộ kinh doanh cá thể, của các cá nhân là người nước ngoài đã thuộc diện chịu thuế theo
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;

4.5. Thu nhập thường xuyên của người nước ngoài ở tại Việt Nam dưới 30 ngày trong phạm vi 12 tháng liên tục
kể từ ngày đến Việt Nam;

4.6. Các lợi ích được hưởng do cơ quan chi trả thu nhập thanh toán như: chi phí đào tạo nhân viên trả cho nơi
đào tạo, chi vé máy bay về phép của người nước ngoài về thăm gia đình, học phí cho con người nước ngoài trả
trực tiếp cho các trường học tại Việt Nam.

III. CĂN CỨ TÍNH THUẾ

Căn cứ tính thuế thu nhập là thu nhập chịu thuế và thuế suất

1. Đối với thu nhập thường xuyên

1.1. Thu nhập thường xuyên chịu thuế là tổng thu nhập của từng cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định
số 78/2001/NĐ-CP tính bình quân tháng trong năm, cụ thể:

1.1.1. Công dân Việt Nam ở trong nước hoặc đi công tác, lao động ở nước ngoài, cá nhân là người không mang
quốc tịch Việt Nam nhưng định cư không thời hạn tại Việt Nam: lấy tổng thu nhập thu được trong năm kể cả thu
nhập ở nước ngoài chia cho 12 tháng (theo năm dương lịch). Trường hợp công dân Việt Nam có thời gian làm
việc ở trong nước và ở nước ngoài thì thu nhập chịu thuế là tổng thu nhập phát sinh ở trong nước và ở nước
ngoài.

1.1.2. Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên (sau đây gọi là người cư trú tại Việt Nam) lấy
tổng số thu nhập phát sinh trong năm, bao gồm thu nhập phát sinh tại Việt Nam và thu nhập phát sinh ngoài
Việt Nam chia cho 12 tháng. Trường hợp kê khai thu nhập bình quân tháng ở nước ngoài thấp hơn thu nhập bình
quân tháng ở Việt Nam mà không chứng minh được thì lấy thu nhập bình quân tháng trong thời gian ở tại Việt
Nam để làm căn cứ tính thuế cho thời gian ở nước ngoài. Tháng tính thuế quy ước là 30 ngày.

1.1.3. Người nước ngoài ở Việt Nam từ 30 ngày đến 182 ngày thì thu nhập chịu thuế là tổng thu nhập phát sinh
do công việc làm tại Việt Nam trong khoảng thời gian đó không phân biệt nơi nhận thu nhập ở Việt Nam hay ở
nước ngoài.

1.2. Thuế suất đối với thu nhập thường xuyên áp dụng theo biểu thuế luỹ tiến từng phần quy định tại Điều 10
Pháp lệnh thuế thu nhập:

+ Biểu thuế đối với thu nhập thường xuyên của công dân Việt Nam và cá nhân là người không mang quốc tịch
Việt Nam nhưng định cư không thời hạn tại Việt Nam:

Đơn vị: 1000đ

Bậc

Thu nhập bình quân tháng/người

Thuế suất (%)

Đến 3.000

Trên 3.000 đến 6.000


10

Trên 6.000 đến 9.000

20

Trên 9.000 đến 12.000

30

Trên 12.000 đến 15.000

40

Trên 15.000

50

Đối với các cá nhân, sau khi đã nộp thuế thu nhập theo quy định tại Biểu thuế này, nếu phần thu nhập còn lại
bình quân trên 15.000.000 đồng/tháng thì thu bổ sung 30% số vượt trên 15.000.000 đồng.

+ Biểu thuế đối với thu nhập thường xuyên của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam và công dân Việt Nam lao
động, công tác ở nước ngoài:

Đơn vị: 1000đ

Bậc

Thu nhập bình quân tháng/người

Thuế suất (%)

Đến 8.000

Trên 8.000 đến 20.000

10

Trên 20.000 đến 50.000

20

Trên 50.000 đến 80.000

30
5

Trên 80.000 đến 120.000

40

Trên 120.000

50

Đối với người nước ngoài ở Việt Nam từ 30 ngày đến 182 ngày, áp dụng thuế suất thống nhất 25% trên tổng số
thu nhập.

Đối với người Việt Nam có thời gian làm việc ở trong nước và ở nước ngoài thì nộp thuế theo biểu thuế tương
ứng.

Thuế thu nhập thường xuyên được tính theo phương pháp luỹ tiến từng phần trong các bậc thuế. Cách tính được
cụ thể hoá biểu phụ lục số 2 đính kèm Thông tư này.

2. Đối với thu nhập không thường xuyên

2.1. Thu nhập không thường xuyên chịu thuế là số thu nhập của từng cá nhân không phân biệt người Việt Nam
hay người nước ngoài trong từng lần phát sinh thu nhập theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số
78/2001/NĐ-CP, cụ thể:

Thu nhập về quà biếu, quà tặng từ nước ngoài chuyển về được tính trên trị giá quà biếu, quà tặng từng lần, kể
cả trường hợp người nhận là chủ doanh nghiệp tư nhân.

Thu nhập về chuyển giao công nghệ, thiết kế kỹ thuật xây dựng, thiết kế kỹ thuật công nghiệp tính theo giá trị
quyết toán từng hợp đồng, không phân biệt số lần chi trả.

Thu nhập về trúng thưởng xổ số tính theo từng lần mở và nhận giải thưởng.

2.2. Thuế suất đối với thu nhập không thường xuyên áp dụng theo quy định tại Điều 12 Pháp lệnh Thuế thu
nhập, Điều 9 Nghị định số 78/2001/NĐ-CP:

2.2.1. Thu nhập không thường xuyên áp dụng biểu thuế luỹ tiến từng phần, trừ thuế suất qui định tại điểm 2.2.2
và 2.2.3 của điểm 2.2 này

Đơn vị: 1000đ

Bậc

Thu nhập mỗi lần phát sinh

Thuế suất (%)

Đến 2.000

Trên 2.000 đến 4.000

Trên 4.000 đến 10.000


10

Trên 10.000 đến 20.000

15

Trên 20.000 đến 30.000

20

Trên 30.000

30

2.2.2. Thuế suất 5% trên tổng thu nhập áp dụng đối với:

- Thu nhập về chuyển giao công nghệ trên 2 triệu đồng/lần.

- Thu nhập về quà biếu, quà tặng bằng hiện vật từ nước ngoài chuyển về trên 2 triệu đồng/lần

2.2.3. Thuế suất 10% trên tổng số thu nhập áp dụng đối với thu nhập về trúng thưởng xổ số trên 12,5 triệu
đồng/lần

IV. TỔ CHỨC KÊ KHAI THU NỘP THUẾ


1. Tổ chức quản lý thu

Điều 11 Nghị định số 78/2001/NĐ-CP quy định: Thuế thu nhập thực hiện theo nguyên tắc khấu trừ tại nguồn. Tổ
chức, cá nhân chi trả thu nhập ( gọi tắt là cơ quan chi trả thu nhập) có nghĩa vụ khấu trừ tiền thuế thu nhập để
nộp vào ngân sách Nhà nước trước khi chi trả thu nhập cho cá nhân.

Các trường hợp khác, cơ quan thuế trực tiếp tổ chức thu.

Cơ quan chi trả thu nhập bao gồm:

 Các tổ chức, cá nhân chi trả tiền lương, tiền công, tiền thưởng, tiền thù lao và các khoản có tính chất
tiền lương, tiền công;
 Các cơ quan quản lý, tuyển chọn, môi giới hoặc cung cấp lao động ở trong nước;
 Các cơ quan quản lý, tuyển chọn đưa người đi làm việc tại nước ngoài: các Bộ, các ngành, các doanh
nghiệp...
 Cơ quan ngoại giao, các tổ chức đại diện của cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài;
 Các tổ chức kiểm hoá, chi trả quà biếu, quà tặng từ nước ngoài chuyển về như: hải quan cửa khẩu,
bưu điện, các tổ chức, cá nhân làm dịch vụ chuyển quà biếu, quà tặng bằng hiện vật;
 Các cá nhân mang hộ quà biếu theo người về Việt Nam;
 Các tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao công nghệ hoặc mua bản quyền;
 Các tổ chức chi trả trúng thưởng xổ số, chi trả thưởng khuyến mại và chi trả thưởng khác;
 Các tổ chức, cá nhân chi trả về cung cấp dịch vụ và tư vấn;
 Các nhà thầu;
 Các tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, luyện thi, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, biểu diễn, thi đấu
thể dục thể thao, tổ chức hội thảo, nghiên cứu đề tài khoa học và các tổ chức cá nhân khác có chi trả
thu nhập cho các cá nhân;
 Các nhà xuất bản, tạp chí, báo, nhà sản xuất phảim, băng đĩa hình, âm thanh;

Trường hợp cơ quan quản lý không trực tiếp chi trả thu nhập, nhưng do chức năng, nhiệm vụ có thực hiện việc
quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức có cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế, nếu đảm bảo việc
thu thuế thu nhập tập trung kịp thời và được cơ quan thuế chấp nhận thì cűng được coi như là cơ quan chi trả
thu nhập;

Cơ quan chi trả thu nhập được hưởng khoản tiền thù lao tính trên số tiền thuế thu nhập đã khấu trừ trước khi
nộp vào NSNN để dùng vào mục đích trang trải các chi phí cho việc tổ chức thu nộp thuế và khen thưởng cho cá
nhân có thành tích trong việc tổ chức thu nộp theo tỷ lệ như sau:
 0,5% (năm phần ngàn) đối với số thuế thu được từ thu nhập thường xuyên.
 1% (một phần trăm) đối với số thuế thu được từ khoản thu nhập không thường xuyên và số thuế thu
nhập thu qua các nhà thầu nước ngoài.
2. Đăng ký thuế và cấp mã số thuế

2.1. Mọi cá nhân có thu nhập thường xuyên đến mức chịu thuế và các cơ quan chi trả thu nhập có cá nhân
thuộc diện chịu thuế thu nhập đều phải đăng ký với cơ quan thuế để được cấp mã số thuế (mẫu số 05/ĐK-TCT
ban hành kèm theo Thông tư này). Đối tượng nộp thuế thu nhập có trách nhiệm chấp hành các quy định về mã
số thuế tại Thông tư 79/1998/TT-BTC ngày 12/6/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Quyết định số
75/1998/QĐ-TTg ngày 4/4/1998 của Thủ tướng Chính phủ quy định về mã số đối tượng nộp thuế.

2.2. Các cá nhân nộp thuế thu nhập thường xuyên thông qua cơ quan chi trả thu nhập nộp tờ khai đăng ký thuế
thu nhập cá nhân cho cơ quan chi trả thu nhập. cơ quan chi trả thu nhập tổng hợp tờ khai đăng ký thuế thu
nhập của từng cá nhân và nộp cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý để được cấp mã số thuế cho từng cá nhân.

2.3. Cá nhân nộp thuế thu nhập trực tiếp cho cơ quan thuế nộp tờ khai đăng ký thuế thu nhập cá nhân cho cơ
quan thuế để được cấp mã số thuế.

2.4. Cơ quan chi trả thu nhập, cá nhân nộp thuế thu nhập phải thực hiện đăng ký thuế ngay sau khi phát sinh
thu nhập chịu thuế thu nhập. Các đối tượng nộp thuế thu nhập đã được cấp mã số thuế, khi kê khai nộp thuế
phải tự ghi mã số thuế vào ô mã số thuế trên tờ khai nộp thuế.

2.5. Mỗi cá nhân chỉ phải đăng ký để được cấp mã số thuế thu nhập một lần và được cấp một mã số thuế duy
nhất. Cá nhân đã được cấp mã số thuế sẽ sử dụng mã số thuế cho việc khai báo nộp thuế với cơ quan thuế hoặc
thông báo mã số thuế cho cơ quan chi trả thu nhập. Cá nhân cùng một lúc nộp thuế thu nhập cao qua nhiều tổ
chức chi trả thì thực hiện đăng ký thuế tại một đơn vị chi trả thuận lợi nhất để được cấp mã số thuế. Sau đó, cá
nhân phải thông báo mã số thuế được cấp với các cơ quan chi trả khác.

3. Kê khai thuế

3.1 Cá nhân có thu nhập chịu thuế (bao gồm thu nhập thường xuyên và thu nhập không thường xuyên) có trách
nhiệm chủ động khai báo về thu nhập với cơ quan chi trả thu nhập hoặc cơ quan thuế tại địa phương nơi làm
việc.

3.2 Đối với cơ quan chi trả thu nhập do cơ quan thuế cấp cục hoặc cấp chi cục quản lý thu thuế ( thuế GTGT,
Thuế TNDN) thì kê khai đăng ký, kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân với cấp quản lý thuế tương ứng.

3.3. Đối với cơ quan chi trả thu nhập không thuộc đối tượng do cơ quan thuế quản lý thu thuế GTGT, thuế TNDN
( không hoạt động sản xuất kinh doanh ví dụ: văn phòng đại diện, các tổ chức quốc tế...) thì kê khai đăng ký
thuế, kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân tại cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đơn vị đóng trụ
sở.

3.4. Đối với thu nhập thường xuyên, các đối tượng nộp thuế phải thực hiện kê khai tạm nộp thuế hàng tháng, cụ
thể:

- Việc kê khai của cơ quan chi trả thu nhập:

Cơ quan chi trả thu nhập có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thu nhập thường xuyên tính trên số thu nhập chịu
thuế do cơ quan trực tiếp chi trả cho cá nhân trong tháng. cơ quan chi trả phải lập tờ khai thuế thu nhập hàng
tháng (mẫu số 01- TNTX ban hành kèm theo Thông tư này) bảng kê các khoản chi trả cho từng cá nhân (có ghi
mã số thuế của từng cá nhân) để nộp cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế. Thời hạn nộp tờ khai cho cơ
quan thuế là trước ngày 15 của tháng sau. Trường hợp số lượng đối tượng nộp thuế hàng tháng trên 200 người
thì cơ quan chi trả thu nhập được kê khai vào bản tổng hợp thu nhập của từng phòng, ban, tổ sản xuất. Khi cơ
quan thuế yêu cầu kê khai chi tiết thì cơ quan chi trả thu nhập có trách nhiệm báo cáo.

- Đối với các khoản thu nhập thường xuyên ngoài tiền lương, tiền công như thu nhập do tham gia các hoạt động
kinh doanh dịch vụ không thuộc diện chịu thuế thu nhập doanh nghiệp cụ thể: dịch vụ tư vấn theo hợp đồng dài
hạn, dạy học, dạy nghề, luyện thi, biểu diễn văn hoá nghệ thuật do đặc điểm nhận không đều đặn hàng tháng,
để đm bo tổ chức thu nộp kịp thời, sau mỗi lần trả thu nhập thì cơ quan chi trả thu nhập tạm khấu trừ 10% trên
tổng thu nhập. cơ quan chi trả thu nhập có trách nhiệm kê khai nộp thuế và cấp biên lai thuế cho cá nhân có
thu nhập chịu thuế.

4. Nộp thuế - quyết toán thuế

4.1. Đối với thu nhập thường xuyên:

4.1.1. Nộp thuế:


Tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập, các đối tượng nộp thuế sau khi nộp tờ khai thuế có trách nhiệm nộp thuế vào
ngân sách Nhà nước ngay sau khi kê khai thuế. Thời hạn nộp thuế chậm nhất không được quá ngày 25 tháng
sau, quá thời hạn trên sẽ bị phạt nộp chậm tiền thuế theo qui định.

Căn cứ vào thực tế chi trả thu nhập hàng tháng, cơ quan chi trả thu nhập thực hiện việc khấu trừ tiền thuế và
nộp thuế vào ngân sách Nhà nước (mẫu số : 01-TNTX ban hành kèm theo Thông tư này) sau khi giữ lại tiền thù
lao được hưởng. Cá nhân khác kê khai nộp thuế tại cơ quan thuế theo mẫu số 03-TNTX ban hành kèm theo
Thông tư này.

Người nước ngoài vào Việt Nam nếu thời hạn cư trú tại Việt Nam đã được xác định trước thì việc nộp thuế được
thực hiện như sau:

- Dưới 30 ngày trong năm tính thuế không phải nộp thuế.

- Từ 30 ngày đến dưới 183 ngày nộp trên tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam.

- Từ 183 ngày trở lên nộp thuế đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam và thu nhập phát sinh tại nước ngoài
theo Biểu thuế luỹ tiến từng phần quy định tại Điểm 1.2 Mục 1 Phần II Thông tư này.

- Nếu chưa xác định trước được thời hạn cư trú thì tạm nộp theo thuế suất 25%, hết năm sẽ quyết toán chính
thức số phải nộp.

4.1.2. Quyết toán thuế:

4.1.2.1. Nguyên tắc quyết toán thuế

Thuế thu nhập đối với thu nhập thường xuyên quyết toán theo năm dương lịch, cuối năm hoặc sau khi hết hạn
hợp đồng, cá nhân tổng hợp tất cả các nguồn thu nhập trong năm thực hiện kê khai thuế thu nhập và nộp tờ
khai quyết toán thuế cho cơ quan chi trả thu nhập nếu chỉ nhận thu nhập ở một nơi. Trường hợp cá nhân trong
cùng thời gian của năm đồng thời làm việc và có thu nhập từ nhiều nơi thì phải tổng hợp, kê khai quyết toán
thuế thu nhập tại nơi có thu nhập ổn định hoặc nộp tờ khai và thực hiện quyết toán thuế tại cơ quan thuế theo
mẫu số 03-TNTX ban hành kèm theo Thông tư này.

Cơ quan chi trả thu nhập hoặc đối tượng nộp thuế tính số thuế phải nộp trên tờ khai cá nhân, đối chiếu với số đã
nộp để xác định số thuế thiếu phải nộp thêm hoặc số thuế nộp thừa được trừ vào số phải nộp của kỳ sau hoặc
hoàn lại và lập bảng tổng hợp quyết toán thuế:

- Đối với cơ quan chi trả thu nhập kê khai tổng hợp quyết toán thuế năm theo mẫu số 2A-TNTX ban hành kèm
theo Thông tư này và kê khai chi tiết thu nhập của từng cá nhân (mẫu số 2B-TNTX ban hành kèm theo Thông tư
này). Trường hợp có nhiều đối tượng nộp thuế thì cơ quan chi trả thu nhập có thể chuyển cho cơ quan thuế biểu
2B-TNTX bằng đĩa mềm.

Cơ quan chi trả thu nhập hoặc cá nhân thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế chậm nhất không quá ngày
28 tháng 2 năm sau hoặc 30 ngày kể từ khi hết hạn hợp đồng.

4.1.2.2 Một số trường hợp về quyết toán thuế:

- Trường hợp cá nhân trong thời gian khác nhau của năm mà làm việc ở nhiều nơi thì thuế thu nhập hàng tháng
được khấu trừ tại nguồn, hết năm phải kê khai, quyết toán tại nơi làm việc cuối cùng của năm.

- Trường hợp cá nhân trong năm có thu nhập do tham gia các hiệp hội kinh doanh, Hội đồng quản trị hoặc có
thu nhập thường xuyên khác ngoài thu nhập nơi làm việc chính thì phải tổng hợp kê khai thu nhập của mình
cùng với thu nhập tại nơi làm việc chính để nộp thuế, thanh quyết toán số thuế thu nhập theo chế độ.

- Trường hợp cá nhân đăng ký nộp thuế thông qua cơ quan chi trả thu nhập, nhưng trong năm có các khoản thu
nhập thường xuyên chịu thuế ở nơi khác thì kê khai bổ sung với cơ quan chi trả thu nhập để cơ quan chi trả tổng
hợp quyết toán thuế hoặc khai báo với cơ quan thuế để được quyết toán tại cơ quan thuế. Nếu quyết toán tại cơ
quan thuế thì đối tượng nộp thuế phải khai báo với cơ quan chi trả thu nhập để cơ quan chi trả thu nhập xác
định số thuế đã khấu trừ, số thuế đã nộp và biên lai nộp thuế thu nhập.

Quyết toán thuế thu nhập thường xuyên được tính trên số thu nhập thực tế nhận trong năm. Riêng đối với người
nước ngoài cư trú tại Việt Nam quyết toán thuế thu nhập thường xuyên tính trên số thu nhập phát sinh, không
phân biệt nơi chi trả thu nhập ở Việt Nam hay ở nước ngoài.

Trường hợp trong năm chỉ làm việc một số tháng sau đó không làm việc tại cơ quan chi trả thu nhập thì cá nhân
thực hiện quyết toán thuế thu nhập với cơ quan chi trả thu nhập cho số tháng đã làm việc để cơ quan chi trả
thu nhập cấp biên lai thuế thu nhập. Thời gian còn lại trong năm nếu làm việc ở nơi khác có thu nhập thì thực
hiện kê khai nộp thuế tại đơn vị mới và thực hiện quyết toán thuế thu nhập năm tại nơi đang làm việc. Nếu
không làm việc tiếp trong năm thì cuối năm thực hiện kê khai và quyết toán thuế năm tại cơ quan thuế.

a/ Quyết toán thuế đối với người Việt Nam, cá nhân là người không mang quốc tịch Việt Nam nhưng định cư
không thời hạn tại Việt Nam:

 Trong năm cá nhân chỉ làm việc ở trong nước thì cá nhân phải tổng hợp kê khai toàn bộ thu nhập
thường xuyên trong năm dương lịch chia cho 12 tháng để tính thu nhập chịu thuế bình quân tháng, nếu
một số tháng không có thu nhập thì cűng phải kê khai để tính bình quân. Căn cứ thu nhập chịu thuế
bình quân tháng và Biểu thuế quy định tại khoản 1.1 và khoản 1.2 Điểm 1 Mục II Thông tư này, khi
quyết toán tính số thuế phải nộp cả năm, đối chiếu với số đã nộp hàng tháng, xác định số thuế còn
thiếu phải nộp thêm (hoặc số nộp thừa cần hoàn lại).
 Trường hợp trong năm cá nhân có một số thời gian được cử đi học tập, công tác ngắn hạn ở nước
ngoài chỉ được đài thọ tiền công tác phí hoặc được đài thọ về đi, lại, ăn, ở trong thời gian đi công tác thì
các khoản này không phải kê khai để tính thu nhập chịu thuế.
 Trường hợp trong năm cá nhân vừa làm việc ở trong nước, vừa làm việc ở nước ngoài có thu nhập
phát sinh ở Việt Nam và ngoài Việt Nam: thu nhập chịu thuế cűng được tính bình quân tháng trên cơ sở
tổng thu nhập cả năm chia cho 12 tháng và xác định số thuế phải nộp theo biểu thuế tương ứng, cụ thể
là:
 Trong thời gian ở Việt Nam, nộp thuế theo Biểu thuế quy định tại khoản 3 Điều 1 Pháp lệnh
Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao.
 Trong thời gian ở nước ngoài, nộp thuế theo Biểu thuế quy định tại khoản 2 Điều 10 Pháp
lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao.
 Nếu trong tháng có số ngày ở Việt Nam và số ngày ở nước ngoài thì tính bình quân số thuế
phải nộp của một ngày theo biểu thuế tương ứng để xác định số thuế phải nộp của số ngày
(chưa đủ một tháng) ở Việt Nam hay ở nước ngoài . Tháng tính tròn là 30 ngày.
 Trường hợp trong năm tính thuế chỉ công tác, lao động ở nước ngoài: cá nhân tổng hợp, kê khai tổng
số thu nhập cả năm chia cho 12 tháng để tính thu nhập chịu thuế bình quân tháng và xác định số thuế
phải nộp theo Biểu thuế quy định tại khoản 2 Điều 10 Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu
nhập cao. Trường hợp đã nộp thuế thu nhập ở nước ngoài và có chứng từ nộp thuế tại các nước đó thì
được trừ số thuế đã nộp nhưng không vượt quá số thuế phải nộp theo Biểu thuế của Việt Nam, nếu ở
các nước đã ký Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với Việt Nam thì thực hiện theo nội dung của Hiệp định.

b/ Quyết toán thuế đối với người nước ngoài:

Thuế thu nhập đối với thu nhập thường xuyên của người nước ngoài được kê khai quyết toán theo tiêu thức cư
trú. Các cá nhân có trách nhiệm kê khai chính xác số ngày có mặt tại Việt Nam, thu nhập chịu thuế để tính thời
gian cư trú và tính thuế thu nhập phải nộp tại Việt Nam. Thời gian cư trú cho năm tính thuế đầu tiên được xác
định bằng cách cộng tất cả số ngày có mặt tại Việt Nam trong phạm vi 12 tháng liên tục kể từ ngày đến Việt
Nam; sau năm tính thuế đầu tiên được xác định theo năm dương lịch. Ngày đến ngày đi được tính là một ngày.
Trường hợp năm trước đã xác định là người cư trú, thì thời gian kế tiếp của năm sau cűng được xác định là cư
trú.

 Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam từ 30 ngày đến 182 ngày trong năm tính thuế: kê khai tổng số
thu nhập phát sinh tại Việt Nam và quyết toán số thuế phải nộp theo thuế suất thống nhất là 25%.
 Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế: kê khai tổng số thu
nhập phát sinh tại Việt Nam và thu nhập phát sinh ngoài Việt Nam trong năm tính thuế chia cho 12
tháng để tính thu nhập bình quân tháng và quyết toán số thuế phải nộp theo quy định tại khoản 2 Điều
10 Pháp lệnh Thuế thu nhập. Trường hợp kê khai thu nhập bình quân tháng ở nước ngoài thấp hơn thu
nhập bình quân tháng ở Việt Nam mà không chứng minh được, thì lấy thu nhập bình quân tháng ở Việt
Nam để làm căn cứ tính số thuế phải nộp cho thời gian ở nước ngoài. Trường hợp trong năm tính thuế
xác định được thời điểm rời hẳn Việt Nam mà không quay trở lại thì việc quyết toán thuế được tính cho
thu nhập chịu thuế tính đến tháng rời Việt Nam.

Trường hợp quyết toán thuế cho năm tính thuế thứ 2 (sau năm đầu tiên) mà có một số thời gian đã được xác
định vào thời gian tính thuế của năm đầu tiên theo thuế suất thống nhất 25% thì năm tính thuế thứ 2, số thuế
tính cho thời gian này vẫn được áp dụng thuế suất 25% (trừ trường hợp người nộp thuế muốn kê khai nộp thuế
theo biểu thuế luỹ tiến từng phần) nhưng thời gian cư trú được cộng trong tổng số ngày có mặt để tính cư trú
cho năm dương lịch thứ 2 (từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 31 tháng 12).

Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, khi kê khai quyết toán thuế phải thực hiện lập bảng kê số ngày cư trú tại
Việt Nam trong năm tính thuế (mẫu số 05/TNTX ban hành kèm theo Thông tư này). Trường hợp đã xác định là
đối tượng cư trú tại Việt Nam từ trên một năm thì không phải kê khai mẫu số 05/TNTX, mà chỉ phải kê khai năm
mà có tháng rời hẳn Việt Nam.

Người nước ngoài là đối tượng cư trú tại Việt Nam có trách nhiệm kê khai thu nhập toàn cầu. Để có cơ sở xác
định đúng thu nhập chịu thuế, cá nhân người nước ngoài có trách nhiệm xuất trình chứng từ chi trả thu nhập ở
nước ngoài

4.1.2.3. Quyết toán số thuế phải nộp:


 Cơ quan chi trả thu nhập sau khi nộp tờ khai quyết toán với cơ quan thuế nếu xác định số thuế phải
nộp lớn hơn số đã nộp thì cơ quan chi trả thu nhập phải khấu trừ, thu tiếp số còn thiếu để nộp vào ngân
sách nhà nước chậm nhất không quá 15 ngày kể từ ngày quyết toán. Trường hợp số thuế đã nộp lớn
hơn số phải nộp thì được hoàn lại tiền thuế bằng cách trừ vào số thuế phải nộp của kỳ sau. Trường hợp
cá nhân trong cơ quan chi trả thu nhập, khi quyết toán thuế có số thuế nộp thừa, nhưng cá nhân đó
không làm việc tại cơ quan chi trả thu nhập nữa thì việc làm các thủ tục xin hoàn thuế được thực hiện
tại cơ quan thuế: cá nhân phải làm đơn kê khai số thuế phải nộp, số thuế đã khấu trừ, số thuế đề nghị
hoàn, biên lai nộp thuế thu nhập có sự xác nhận của cơ quan chi trả thu nhập gửi cơ quan thuế để làm
các thủ tục hoàn trả.
 Đối với các cá nhân trực tiếp quyết toán thuế tại cơ quan thuế phải nộp số thuế còn thiếu trong thời
hạn 15 ngày kể từ ngày nộp tờ khai quyết toán thuế, trường hợp nộp thừa so với số thuế phải nộp thì
được hoàn lại bằng cách trừ vào số phải nộp của kỳ sau, nếu không có tiền thuế phải nộp của kỳ sau thì
được hoàn trả.

Qui trình và hồ sơ hoàn trả tiền thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao đã nộp vào ngân sách được thực
hiện theo qui định tại Thông tư số 68/2001/TT-BTC ngày 24/8/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn hoàn trả các
khoản thu đã nộp ngân sách nhà nước

4.2. Đối với thu nhập không thường xuyên.

Thuế thu nhập đối với thu nhập không thường xuyên nộp cho từng lần phát sinh thu nhập. cơ quan chi trả thu
nhập cấp tờ khai cho người có thu nhập để kê khai thu nhập chịu thuế và thực hiện tính thuế, khấu trừ tiền thuế
trước khi chi trả thu nhập. Việc quyết toán thuế giữa người nộp thuế và cơ quan chi trả thu nhập được thực hiện
ngay trên tờ khai.

 Hàng tháng chậm nhất là ngày 15, cơ quan chi trả thu nhập phải lập bảng kê số liệu của tháng trước
(mẫu số 06- TNKTX ban hành kèm theo Thông tư này) về số người, số thu nhập, số tiền thuế đã khấu
trừ, số tiền thù lao được hưởng, số tiền thuế phải chuyển nộp ngân sách nhà nước. cơ quan chi trả thu
nhập nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày quyết toán. Thời
hạn nộp thuế thu nhập không thường xuyên chậm nhất vào ngày 25 tháng sau. Quá thời hạn trên, cơ
quan chi trả thu nhập sẽ bị phạt nộp chậm tiền thuế theo qui định.
 Đối với các khoản thu nhập bằng hiện vật thì cơ quan chi trả thu nhập phải thu đủ tiền thuế thu nhập
trước khi chi trả thu nhập.
 Các khoản thu nhập mà người nhận thu nhập không có sự hiện diện như tiền chuyển giao công nghệ,
tiền bản quyền... thì cơ quan chi trả thu nhập phải kê khai thay cho người có thu nhập, thực hiện khấu
trừ tiền thuế để nộp ngân sách nhà nước trước khi chi trả thu nhập và thông báo cho người chịu thuế
biết.
 Người chuyển hộ quà biếu, quà tặng bằng hiện vật từ nước ngoài chuyển về phải kê khai và nộp thuế
thay cho người nhận quà biếu, quà tặng.
 Các trường hợp có thu nhập về thiết kế kỹ thuật công nghiệp, thiết kế kỹ thuật xây dựng... tiền thuế
khấu trừ theo số tiền được nhận từng lần và kê khai, quyết toán tiền thuế theo giá trị quyết toán hợp
đồng.

4.3. Cấp biên lai thu thuế thu nhập:

Cơ quan chi trả thu nhập có trách nhiệm cấp biên lai thu thuế thu nhập cho các cá nhân có nhu cầu cấp biên lai
xác nhận số tiền thuế thu nhập mà cơ quan chi trả đã thực hiện khấu trừ. Việc cấp biên lai chủ yếu áp dụng cho
các cá nhân sẽ phải quyết toán thuế thu nhập trực tiếp với cơ quan thuế. Hàng năm cơ quan chi trả thực hiện
quyết toán biên lai với cơ quan thuế theo chế độ qui định.

V. GIẢM THUẾ, MIỄN THUẾ


1. Giảm thuế, miễn thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Pháp lệnh Thuế thu nhập

Cá nhân người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, địch hoạ, tai nạn làm thiệt hại tài sản, thu nhập, ảnh hưởng
đến đời sống bản thân thì người nộp thuế được xét giảm thuế, miễn thuế trong năm tuỳ theo mức độ thiệt hại.
Số thuế được xét miễn, giảm bằng tỷ lệ giữa số tiền thiệt hại so với thu nhập chịu thuế trong năm nhưng không
vượt qua số tiền thuế phải nộp cả năm.

Thủ tục và thẩm quyền xét miễn, giảm thuế:

1.1. Cá nhân người nộp thuế làm đn xin miễn, giảm thuế có xác nhận của chính quyền địa phương (Uỷ ban Nhân
dân phường, xã) hoặc của cơ quan chi trả thu nhập gửi đến cơ quan thuế địa phương nơi cá nhân đăng ký nộp
thuế hoặc nơi cơ quan chi trả thu nhập đăng ký nộp thuế; đơn xin miễn thuế, giảm thuế phải nêu rõ lý do, số
tiền thiệt hại (kèm theo các chứng từ chứng minh), số thuế phải nộp và số thuế xin miễn, giảm;

1.2. Cơ quan thuế kiểm tra xem xét và ban hành quyết định miễn, giảm thuế hoặc kiến nghị cơ quan thuế cấp
trên xử lý theo phân cấp sau đây:
 Cục trưởng Cục Thuế được quyết định các trường hợp số thuế miễn, giảm dưới 5 triệu đồng/năm;
 Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế được quyết định các trường hợp số thuế miễn, giảm từ 5 triệu đồng
đến 100 triệu đồng/năm;
 Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định các trường hợp số thuế miễn, giảm trên 100 triệu đồng/năm.

1.3. Trong thời gian cơ quan thuế có thẩm quyền xét quyết định miễn, giảm thuế, người nộp thuế phải nộp đủ
số thuế theo Pháp lệnh; khi có quyết định miễn, giảm thuế thì được thoái trả số thuế được miễn, giảm bằng
cách trừ vào số thuế phải nộp của kỳ sau hoặc được tổ chức uỷ nhiệm thu trả lại tiền thuế đã khấu trừ theo
quyết định của cơ quan thuế. Trường hợp cá nhân trực tiếp nộp tiền thuế tại cơ quan thuế thì được trừ vào số
phải nộp của kỳ sau hoặc được ngân sách nhà nước thoái trả theo quyết định của cơ quan thuế.

2. Đối với trường hợp miễn, giảm thuế quy định tại khoản 2 Điều 20 Pháp lệnh Thuế thu nhập; khoản 2 Điều
18 Nghị định số 78/2001/NĐ-CP. Tổ chức, cá nhân có đơn xin miễn, giảm thuế gửi đến Bộ
Tài chính trong đó phân tích rõ lý do và các lợi ích về kinh tế, chính trị, xã hội của quốc
gia liên quan đến việc miễn, giảm thuế cho người nộp thuế. Bộ Tài chính kiểm tra hồ sơ
và có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định cho từng trường hợp cụ thể.
VI. XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHEN THƯỞNG
1. Xử lý vi phạm

1.1. Cá nhân, tổ chức không làm đúng những quy định về thủ tục kê khai, lập sổ sách, chứng từ kế toán về thuế
thu nhập, không khấu trừ số thuế thu nhập theo đúng quy định, thì bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế;

1.2. Cá nhân, tổ chức có hành vi khai man, trốn thuế thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế thu nhập theo quy định
của Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao còn bị phạt tiền từ một đến ba lần số thuế gian lận;
trốn thuế với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế mà còn vi phạm hoặc có hành vi vi
phạm nghiêm trọng khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật;

1.3. Cá nhân, tổ chức nộp chậm tiền thuế hoặc tiền phạt so với ngày quy định phải nộp hoặc quyết định xử lý về
thuế thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế, số tiền phạt, mỗi ngày nộp chậm còn bị phạt 0,1% số tiền nộp chậm;

1.4. Trường hợp cá nhân, tổ chức chi trả thu nhập, mang hộ quà biếu, quà tặng từ nước ngoài chuyển về nếu có
hành vi không khai báo, không đăng ký, kê khai các cá nhân thuộc diện chịu thuế, không khấu trừ tiền thuế thu
nhập trước khi chi trả thu nhập gây thất thu thuế thu nhập cá nhân thì phải chịu trách nhiệm bồi thường cho
ngân sách nhà nước số thuế bị thất thoát và bị xử phạt xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Số tiền thuế phải
bồi thường và số tiền nộp phạt được lấy từ thu nhập của cơ quan chi trả thu nhập, không được tính vào chi phí
khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

1.5. Cá nhân, tổ chức không nộp thuế, nộp phạt theo thông báo hoặc quyết định xử lý về thuế thì bị xử lý như
sau:

1.5.1. Trích tiền của tổ chức, cá nhân có tại kho bạc, tổ chức tín dụng để nộp thuế, nộp phạt. Kho bạc, tổ chức
tín dụng có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của tổ chức, cá nhân tại kho bạc, tổ chức tín dụng để nộp
thuế, nộp phạt vào ngân sách nhà nước trước khi thu hồi nợ;

1.5.2. Kê biên tài sản theo quy định của pháp luật để bảo đảm thu đủ tiền thuế, tiền phạt còn thiếu.

Các hành vi vi phạm hành chính về Thuế thu nhập được xử phạt theo các quy định cụ thể trong Nghị định số 22-
CP ngày 17-4-1996 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và Thông tư số
128/1998/TT-BTC ngày 22/9/1998, Thông tư số 30/2001/TT-BTC ngày 16/5/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn
thực hiện Nghị định số 22-CP.

2. Thẩm quyền xử lý vi phạm

2.1. Thủ trưởng cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế được quyền xử lý đối với các vi phạm của đối tượng nộp
thuế quy định tại các khoản 1.1, 1.2, 1.3 và 1.4 Mục VI của Thông tư này;

2.2. Thủ trưởng cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế được áp dụng các biện pháp xử lý quy định tại khoản
1.5 Mục VI của Thông tư này và chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật
đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1.2 Mục VI của Thông tư này.

3. Khen thưởng

Người có công phát hiện các vụ vi phạm Pháp lệnh Thuế thu nhập giúp cho cơ quan thuế truy thu tiền thuế được
trích thưởng theo các quy định cụ thể sau:
3.1. Cá nhân phát hiện các vụ vi phạm trốn lậu thuế thu nhập thông báo cho cơ quan thuế dưới các hình thức:
phản ánh trực tiếp, công văn, văn thư, đơn, nêu rõ tên, địa chỉ cá nhân hoặc tổ chức có hành vi trốn thuế.

3.2. Sau khi nhận được thông báo, cơ quan thuế tổ chức ngay việc kiểm tra, tính thuế tại cơ quan chi trả thu
nhập, lập biên bản xác định số thuế ẩn lậu và ra thông báo nộp thuế kèm theo quyết định xử phạt buộc các tổ
chức, cá nhân trốn lậu thuế nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan thuế.

3.3. Căn cứ vào số tiền thuế truy thu, tiền phạt đã thu vào tài khoản tạm giữ, cơ quan thuế ra quyết định trích
thưởng cho các tổ chức, cá nhân có công phát hiện và phối hợp với cơ quan thuế. Số tiền trích thưởng không
vượt quá 5% (năm phần trăm) số tiền thuế truy thu nộp vào ngân sách nhà nước.

3.4. Số tiền còn lại sau khi trích thưởng được nộp vào ngân sách nhà nước.

CHƯƠNG 10
LỆ PHÍ MÔN BÀI
I - MỨC THUẾ MÔN BÀI

1- Các tổ chức kinh doanh nộp thuế Môn bài theo 4 mức bao gồm:
a - Thuế Môn bài nộp theo mức thống nhất 3.000.000 đồng một năm đối với các cơ sở kinh doanh hạch toán
kinh tế độc lập gồm: Các doanh nghiệp nhà nước, Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Doanh nghiệp
tư nhân, Doanh nghiệp hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài, tổ chức và cá nhân nước ngoài có kinh doanh tại
Việt nam, các cơ sở kinh tế của cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, Đoàn thể, lực lượng vũ trang và tổ chức
kinh doanh hạch toán kinh tế độc lập khác.

b - Thuế Môn bài nộp theo mức 2.000.000 đồng một năm đối với các cơ sở kinh doanh là chi nhánh, cửa hàng
cửa hiệu hạch toán phụ thuộc hoặc báo sổ và các tổ hợp sản xuất kinh doanh.

c - Thuế Môn bài nộp theo mức 1.500.000 đồng một năm đối với Các Hợp tác xã ( trừ các HTX qui định ở tiết d
điểm này ).

d - Thuế Môn bài nộp theo mức 1.000.000 đồng một năm đối với:

 Các HTX hoạt động dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, HTX làm muối, HTX
đánh bắt hải sản, HTX tín dụng.

 Các cơ sở kinh doanh quy định tại tiết b, c điểm này nếu có các cửa hàng, quầy hàng, cửa hiệu, điểm
kinh doanh dịch vụ... ở các địa điểm khác không cùng địa điểm của cơ sở thì mỗi cửa hàng, quầy hàng,
cửa hiệu, điểm kinh doanh dịch vụ ... phải nộp thuế Môn bài theo mức 1.000.000 đồng một năm.

2 - Các đối tượng khác, hộ kinh doanh cá thể nộp thuế Môn bài theo 6
mức bao gồm:
 Hộ sản xuất kinh doanh cá thể.

 Người lao động trong các Doanh nghiệp (Doanh nghiệp NQD, Doanh nghiệp nhà nước, Doanh nghiệp
hoạt động theo Luật ĐTNN...) nhận khoán tự trang trải mọi khoản chi phí, tự chịu trách nhiệm về kết
quả sản xuất kinh doanh.

 Nhóm người lao động thuộc các Doanh nghiệp nhận khoán cùng kinh doanh chung thì nộp chung
thuế Môn bài theo qui định tại điểm 1.d nêu trên. Trường hợp nhóm cán bộ công nhân viên, nhóm người
lao động nhận khoán nhưng từng cá nhân trong nhóm nhận khoán lại kinh doanh riêng rẽ thì từng cá
nhân trong nhóm còn phải nộp thuế môn bài riêng.

 Các cơ sở kinh doanh trên danh nghĩa là Doanh nghiệp nhà nước, Doanh nghiệp hoạt động theo Luật
ĐTNN, các Công ty cổ phần, Công ty TNHH... nhưng từng thành viên của đơn vị vẫn kinh doanh độc lập,
chỉ nộp một khoản tiền nhất định cho đơn vị để phục vụ yêu cầu quản lý chung thì thuế Môn bài thu
theo từng thành viên.

Riêng xã viên, nhóm xã viên HTX ( gọi chung là xã viên HTX ) nhận nhiệm vụ HTX giao nếu đáp ứng đủ điều
kiện quy định tại tiết c điểm 1 phần II của Thông tư số 44/1999/TT-BTC ngày 26 tháng 4 năm 1999 của Bộ Tài
chính hướng dẫn về ưu đãi thuế đối với Hợp tác xã, thì không phải nộp thuế Môn bài riêng; nếu không đáp ứng
đầy đủ các điều kiện theo quy định thì phải nộp thuế Môn bài riêng.
Biểu thuế Môn bài áp dụng đối với các đối tượng nêu trên như sau:

Đơn vị: đồng

Bậc thuế Thu nhập 1 tháng Mức thuế cả năm

1 Trên 1.500.000 1.000.000

2 Trên 1.000.000 đến 1.500.000 750.000

3 Trên 750.000 đến 1.000.000 500.000

4 Trên 500.000 đến 750.000 300.000

5 Trên 300.000 đến 500.000 100.000

6 Bằng hoặc thấp hơn 300.000 50.000

II - NỘP THUẾ MÔN BÀI

1- Thời gian nộp thuế Môn bài:

Cơ sở kinh doanh đang kinh doanh hoặc mới thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế trong thời gian
của 6 tháng đầu năm thì nộp mức Môn bài cả năm, nếu thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế trong
thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức thuế Môn bài cả năm. Cơ sở đang sản xuất kinh doanh nộp thuế
Môn bài ngay tháng đầu của năm dương lịch; cơ sở mới ra kinh doanh nộp thuế Môn bài ngay trong tháng được
cấp đăng ký thuế và cấp mã số thuế.

Cơ sở kinh doanh có thực tế kinh doanh nhưng không kê khai đăng ký thuế, phải nộp mức thuế Môn bài cả năm
không phân biệt thời điểm phát hiện là của 6 tháng đầu năm hay 6 tháng cuối năm

2 - Cơ sở kinh doanh đăng ký nộp thuế với cơ quan thuế cấp nào thì nộp thuế Môn bài tại cơ quan thuế cấp đó.
Trường hợp cơ sở kinh doanh có nhiều cửa hàng, cửa hiệu trực thuộc nằm ở các điểm khác nhau trong cùng địa
phương thì cơ sở kinh doanh nộp thuế Môn bài của bản thân cơ sở, đồng thời nộp thuế Môn bài cho các cửa
hàng, cửa hiệu trực thuộc, đóng trên cùng địa phương. Các chi nhánh, cửa hàng, cửa hiệu đóng ở địa phương
khác thì nộp thuế Môn bài tại cơ quan thuế nơi có chi nhánh, cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh.

Sau khi nộp thuế Môn bài, cơ sở kinh doanh, cửa hàng, cửa hiệu được Cơ quan thuế cấp một thẻ Môn bài hoặc
một chứng từ chứng minh đã nộp thuế Môn bài ( biên lai thuế hay giấy nộp tiền vào ngân sách có xác nhận của
kho bạc) ghi rõ tên cơ sở kinh doanh, cửa hàng, cửa hiệu, địa chỉ, ngành nghề kinh doanh ...làm cơ sở để xuất
trình khi các cơ quan chức năng kiểm tra kinh doanh.

Cơ sở kinh doanh không có địa điểm cố định như kinh doanh buôn chuyến, kinh doanh lưu động, hộ xây dựng,
vận tải, nghề tự do khác ... nộp thuế Môn bài tại cơ quan thuế nơi mình cư trú hoặc nơi mình được cấp ĐKKD.

CHƯƠNG 11
THUẾ KHÁC VÀ LỆ PHÍ
LỆ PHÍ TRƯỚC BẠ
I. PHẠM VI ÁP DỤNG

Điều 1. Các tài sản quy định dưới đây phải chịu lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với cơ
quan Nhà nước có thẩm quyền :

1. Nhà, đất.

2. Phương tiện vận tải, bao gồm :

a) Tàu thuỷ, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy, vỏ, tổng thành máy.

b) Thuyền.

c) Ôtô, kể cả khung, tổng thành máy.


d) Xe máy kể cả khung, tổng thành máy.

3. Súng săn, súng thể thao.

Điều 2. Tổ chức, cá nhân có các tài sản thuộc đối tượng quy định tại Điều 1 Nghị định này phải nộp lệ phí trước
bạ trước khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, trừ các trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định này.

Điều 3. Các trường hợp sau đây không phải nộp lệ phí trước bạ:

1. Nhà, đất là trụ sở của cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự và nhà ở của người đứng đầu cơ quan
Lãnh sự của nước ngoài tại Việt Nam.

2. Tàu, thuyền, ô tô, xe gắn máy, súng săn, súng thể thao của tổ chức, cá nhân nước ngoài sau đây :

a) Cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự, cơ quan Đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp
quốc;

b) Viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự, nhân viên hành chính kỹ thuật của cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ
quan Lãnh sự nước ngoài, thành viên cơ quan các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc và thành viên
của gia đình họ không phải là công dân Việt Nam hoặc không thường trú tại Việt Nam được Bộ Ngoại giao Việt
Nam cấp chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ;

c) Tổ chức, cá nhân nước ngoài không thuộc đối tượng quy định tại điểm a, b khoản này, nhưng được miễn nộp
hoặc không phải nộp lệ phí trước bạ theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia hoặc thoả thuận.

3. Đất được Nhà nước giao cho các tổ chức, cá nhân sử dụng vào các mục đích sau đây :

a) Xây dựng đường giao thông, cầu, cống, vỉa hè, hệ thống cấp thoát nước, sông, hồ, đê, đập, thủy lợi, trường
học, bệnh viện, chợ, công viên, vườn hoa, khu vui chơi cho trẻ em, quảng trường, sân vận động, sân bay, bến
cảng, nhà ga, bến xe và các công trình công cộng khác theo quy định cụ thể của Chính phủ;

b) Thăm dò, khai thác khoáng sản, nghiên cứu khoa học theo giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

c) Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và làm muối;

d) Đất xây dựng nhà để kinh doanh nhà mà tổ chức, cá nhân được phép hoạt động kinh doanh nhà đã nộp tiền
sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

4. Đất thuê của Nhà nước hoặc thuê của tổ chức, cá nhân đã có quyền sử dụng đất hợp pháp.

5. Tài sản chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh áp dụng đối với các trường hợp sau đây :

a) Đất, nhà sử dụng vào quốc phòng, an ninh;

b) Tàu, thuyền, ôtô, xe gắn máy chuyên dùng vào mục đích quốc phòng, an ninh đăng ký tên cơ quan, đơn vị
thuộc Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an.

Các tài sản nêu tại điểm a, b trên đây nếu được dùng vào mục đích khác thì phải nộp lệ phí trước bạ.

6. Nhà, đất thuộc tài sản Nhà nước hoặc tài sản của Đảng, dùng làm trụ sở cơ quan, bao gồm : cơ quan hành
chính, sự nghiệp nhà nước; cơ quan tư pháp; cơ quan hành chính sự nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính
trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

7. Nhà, đất được đền bù (kể cả nhà, đất mua bằng tiền được đền bù) khi Nhà nước thu hồi nhà, đất mà nhà, đất
bị thu hồi đã nộp lệ phí trước bạ.

8. Tài sản của tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng khi đăng ký lại quyền sở
hữu, sử dụng không phải nộp lệ phí trước bạ trong những trường hợp sau đây:

a) Tài sản đã được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ cách mạng lâm
thời Cộng hoà miền nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền
thuộc chế độ cũ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng nay đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng
mới mà không thay đổi chủ sở hữu tài sản;

b) Tài sản của doanh nghiệp được cổ phần hoá thành sở hữu công ty cổ phần;
c) Tài sản đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng chung của hộ gia đình khi phân chia tài sản đó
cho các thành viên hộ gia đình đăng ký lại.

9. Tài sản của tổ chức, cá nhân đã nộp lệ phí trước bạ sau đó chuyển cho tổ chức, cá nhân khác đăng ký quyền
sở hữu, sử dụng không phải nộp lệ phí trước bạ trong những trường hợp sau đây:

a) Tổ chức, cá nhân, xã viên hợp tác xã đem tài sản của mình góp vốn vào tổ chức liên doanh, hợp doanh, hợp
tác xã hoặc khi tổ chức liên doanh, hợp doanh, hợp tác xã giải thể, phân chia tài sản của mình cho tổ chức, cá
nhân thành viên;

b) Tài sản của Tổng công ty, Công ty, doanh nghiệp điều động cho các đơn vị thành viên hoặc Tổng công ty,
Công ty, doanh nghiệp điều động tài sản giữa các đơn vị thành viên thuộc Tổng Công ty, Công ty, doanh nghiệp
theo hình thức ghi tăng, ghi giảm vốn;

b) Tài sản được chia hay góp do chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, đổi tên tổ chức theo quyết định của cơ quan có
thẩm quyền;

d) Tài sản chuyển đến địa phương nơi sử dụng mà không thay đổi chủ sở hữu.

10. Nhà tình nghĩa, kể cả đất kèm theo nhà đăng ký sở hữu, sử dụng tên người được tặng.

11. Xe chuyên dùng : xe cứu hoả, xe cứu thương, xe chở rác, xe tưới nước, rửa đường; xe chuyên dùng cho
thương binh, bệnh binh, người tàn tật, đăng ký quyền sở hữu tên thương binh, bệnh binh, người tàn tật.

12. Vỏ tàu và tổng thành máy tàu thuỷ, khung ôtô và tổng thành máy ô tô, khung xe máy và tổng thành máy,
xe máy thay thế mà phải đăng ký lại trong thời hạn bảo hành.

13. Tài sản là hàng hoá được phép kinh doanh của các tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động kinh doanh mà
không đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cũng không phải kê khai,
nộp lệ phí trước bạ theo quy định của Nghị định này.

II. CĂN CỨ TÍNH VÀ KÊ KHAI, NỘP LỆ PHÍ TRƯỚC BẠ

Điều 4. Căn cứ tính lệ phí trước bạ là giá tính lệ phí trước bạ và tỷ lệ (%) lệ phí trước bạ.

Điều 5. Giá tính lệ phí trước bạ là trị giá tài sản chịu lệ phí trước bạ theo giá thị trường trong nước tại thời điểm
tính lệ phí trước bạ.

Giá tính lệ phí trước bạ đối với một số trường hợp cụ thể được quy định như sau:

1. Đối với đất là giá đất được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định theo khung giá
đất của Chính phủ.

2. Đối với các tài sản khác là giá mua thực tế theo giá thị trường tại thời điểm tính lệ phí trước bạ.

3. Trường hợp tài sản không xác định được giá mua thực tế hoặc giá mua không phù hợp với giá thị trường tại
thời điểm tính lệ phí trước bạ thì được xác định theo bảng giá tối thiểu do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương quy định.

Căn cứ vào quy định tại Điều này, Bộ Tài chính hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương xác định và ban hành bảng giá tối thiểu tính lệ phí trước bạ áp dụng tại địa phương phù hợp với giá
cả thị trường trong từng thời kỳ.

Điều 6. Tỷ lệ (%) lệ phí trước bạ được quy định như sau:

1. Nhà, đất là 1%.

2. Tàu, thuyền là 1%. Riêng tàu đánh cá xa bờ là 0,5%.

3. Ô tô, xe máy, súng săn, súng thể thao là 2%. Riêng xe gắn máy đăng ký, nộp lệ phí trước bạ tại Việt Nam từ
lần thứ 2 trở đi là 1%.

Mức thu lệ phí trước bạ đối với tài sản quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này khống chế tối đa là 500 triệu đồng/1
tài sản. Riêng nhà xưởng sản xuất kinh doanh được tính chung cho nhà xưởng trong cùng một khuôn viên của
cơ sở sản xuất kinh doanh.
Điều 7. Tổ chức, cá nhân nhận tài sản thuộc đối tượng chịu lệ phí trước bạ có trách nhiệm:

1. Mỗi lần nhận (mua, được cho, được thừa kế ...) tài sản phải kê khai lệ phí trước bạ với cơ quan Thuế theo
đúng mẫu tờ khai và chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc kê khai.

Thời hạn quy định phải kê khai lệ phí trước bạ chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày làm giấy tờ chuyển giao tài sản
hợp pháp giữa hai bên hoặc ngày nhận được xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về hồ sơ tài sản
hợp pháp. Đối với các tài sản chuyển dịch trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nếu chưa kê khai lệ phí
trước bạ thì ngày phải kê khai lệ phí trước bạ được tính kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

2. Cung cấp đầy đủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ, chứng từ nguồn gốc hợp pháp của tài sản và
các căn cứ tính lệ phí trước bạ.

3. Nộp đủ lệ phí trước bạ theo thông báo của cơ quan Thuế. Lệ phí trước bạ được nộp bằng Đồng Việt Nam.

4. Đối với tài sản mua, bán, chuyển quyền sở hữu, sử dụng trước ngày ban hành Nghị định này mà người đang
sở hữu, sử dụng hợp pháp chưa nộp lệ phí trước bạ thì phải nộp lệ phí trước bạ và chỉ phải nộp một lần theo quy
định tại Nghị định này

Điều 8. Cơ quan Thuế có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây :

1. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có tài sản thuộc đối tượng chịu lệ phí trước bạ thực hiện việc kê khai lệ phí
trước bạ theo đúng quy định của Nghị định này.

2. Kiểm tra hồ sơ, tài liệu kê khai và đánh giá thực trạng tài sản để xác định giá tính lệ phí trước bạ. Trong
trường hợp tài sản không có hoá đơn mua, bán hợp pháp hoặc trị giá tài sản ghi trên hoá đơn không phù hợp với
giá thị trường thì cơ quan Thuế căn cứ vào biểu giá tính LỆ PHÍ TRƯỚC BẠ của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương quy định để tính lệ phí trước bạ. Trường hợp biểu giá chưa có quy định cụ thể thì cơ quan
Thuế căn cứ vào giá loại tài sản tương ứng để xác định giá tính lệ phí trước bạ.

3. Tính và thông báo cho tổ chức, cá nhân có tài sản kê khai lệ phí trước bạ về số tiền lệ phí trước bạ phải nộp,
thời hạn phải nộp tiền vào ngân sách Nhà nước. Chậm nhất là 07 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ
nguồn gốc tài sản hợp pháp và tài liệu kê khai lệ phí trước bạ của tổ chức, cá nhân gửi đến, cơ quan Thuế phải
ra thông báo nộp lệ phí trước bạ cho tổ chức, cá nhân thực hiện.

Nếu quá thời hạn nộp lệ phí ghi trên thông báo mà tổ chức, cá nhân đó chưa nộp thì tiếp tục ra thông báo về số
tiền lệ phí trước bạ và số tiền phạt chậm nộp. Thời hạn tính phạt chậm nộp lệ phí trước bạ tính kể từ sau ngày
phải nộp tiền vào ngân sách Nhà nước theo thông báo nộp lệ phí trước bạ của cơ quan Thuế.

4. Xử lý vi phạm hành chính đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm chế độ kê khai, nộp lệ phí trước bạ quy định
tại Điều 7 Nghị định này và giải quyết khiếu nại về lệ phí trước bạ theo thẩm quyền quy định tại Điều 11 Nghị
định này hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản có trách nhiệm:

1. Không tiếp nhận hồ sơ đăng ký, không cấp biển số đăng ký và giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng
tài sản cho các tổ chức, cá nhân không cung cấp tờ kê khai lệ phí trước bạ với cơ quan Thuế theo quy định của
Bộ Tài chính.

2. Phối hợp với cơ quan Thuế để kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lệ phí trước bạ của các tổ chức, cá nhân
đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng các tài sản thuộc đối tượng phải chịu lệ phí trước bạ.

III. GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHEN THƯỞNG

Điều 10. Tổ chức, cá nhân nộp lệ phí trước bạ có quyền khiếu nại, tố cáo cán bộ thuế hoặc cơ quan Thuế thu lệ
phí trước bạ vi phạm quy định của Nghị định này :

1. Trường hợp tổ chức, cá nhân khiếu nại không đồng ý với quyết định của cơ quan giải quyết khiếu nại hoặc
quá thời hạn quy định tại Điều 11 Nghị định này mà chưa giải quyết thì có quyền khiếu nại lên cơ quan Thuế
cấp trên trực tiếp của cơ quan nhận đơn.

2. Trường hợp tổ chức, cá nhân khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan Thuế thì
có quyền khởi kiện tại toà án theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan Thuế trong việc giải quyết khiếu nại :
1. Cơ quan Thuế trực tiếp nhận được đơn khiếu nại về lệ phí trước bạ phải xem xét, giải quyết trong thời hạn 15
ngày kể từ ngày nhận đơn. Đối với những vụ việc phức tạp thì thời hạn đó có thể kéo dài nhưng không được quá
30 ngày kể từ ngày nhận đơn. Nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền của mình thì phải chuyển hồ sơ hoặc báo
cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày
nhận được đơn khiếu nại.

2. Cơ quan Thuế nhận đơn khiếu nại có quyền yêu cầu người khiếu nại cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến
việc khiếu nại. Nếu người khiếu nại từ chối cung cấp hồ sơ, tài liệu mà không có lý do chính đáng thì cơ quan
Thuế có quyền từ chối xem xét, giải quyết khiếu nại.

3. Nếu phát hiện và kết luận tổ chức, cá nhân khai man, trốn nộp lệ phí trước bạ (để được cấp giấy chứng nhận
quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản) thì cơ quan Thuế có trách nhiệm truy thu tiền lệ phí trước bạ, tiền phạt
trong thời hạn 5 năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện có sự khai man, trốn nộp lệ phí trước bạ.

4. Cơ quan Thuế phải thoái trả số tiền lệ phí trước bạ, tiền phạt thu không đúng cho tổ chức, cá nhân trong thời
hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp lệ phí trước bạ vi phạm quy định của Nghị định này thì bị xử lý
như sau :

1. Trường hợp không thực hiện đúng các quy định về thủ tục kê khai lệ phí trước bạ theo quy định tại Điều 7
Nghị định này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt về hành vi vi phạm thủ tục kê khai, sử dụng
và lưu giữ chứng từ liên quan theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.

2. Trường hợp nộp chậm tiền lệ phí trước bạ, tiền phạt so với ngày quy định phải nộp ghi trên thông báo nộp
tiền của cơ quan Thuế hoặc theo quyết định xử lý phạt vi phạm hành chính thì ngoài việc phải nộp đủ số tiền lệ
phí trước bạ, số tiền phạt phải nộp, mỗi ngày nộp chậm còn phải nộp phạt bằng 0,1% (một phần nghìn) số tiền
chậm nộp.

3. Trường hợp không nộp đủ số tiền lệ phí trước bạ theo quy định thì không được cơ quan Nhà nước có thẩm
quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản. Nếu khai man, trốn nộp lệ phí trước bạ để
được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản thì ngoài việc phải nộp đủ số tiền lệ phí trước
bạ theo quy định của pháp luật, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị phạt tiền từ một đến ba lần số tiền lệ
phí trước bạ khai man, trốn nộp. Các trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Cán bộ thuế và tổ chức, cá nhân khác vi phạm quy định của Nghị định này thì bị xử lý như sau :

1. Trường hợp do thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc do xử lý sai gây thiệt hại cho người nộp lệ phí trước bạ thì
phải bồi thường thiệt hại cho người bị xử lý sai theo quy định của pháp luật và tuỳ theo tính chất, mức độ vi
phạm còn có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định
của pháp luật.

2. Trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm dụng trái phép tiền lệ phí trước bạ, tiền phạt hoặc làm sai
lệch hồ sơ tính lệ phí trước bạ làm mất số thu của Nhà nước thì phải hoàn trả cho Nhà nước toàn bộ số tiền (lệ
phí trước bạ, tiền phạt) đã chiếm dụng trái phép, hoặc bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra và
tuỳ tính chất, mức độ vi phạm còn có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách
nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thông đồng, bao che cho người vi phạm pháp luật về lệ phí trước
bạ hoặc có hành vi (khác) vi phạm quy định của Nghị định này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử
lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Cơ quan, cán bộ thuế và tổ chức, cá nhân có công phát hiện các vụ trốn nộp, gian lận lệ phí trước bạ
hoặc vi phạm các quy định của Nghị định này thì được khen thưởng theo quy định của Chính phủ

You might also like