You are on page 1of 29

I.

LỜI MỞ ĐẦU

Hòai Thanh, quả thật rất tinh tế khi đưa ra nhận xét: “ Đi tìm cái đẹp
trong tự nhiên là nghệ thuật và đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật là phê bình”.
Bắt đầu của phê bình là lòng khát khao thưởng thức tác phẩm cùng cảm hứng
được nói lên những cảm xúc, suy nghĩ, ý kiến của mình về tác phẩm ấy nhằm
chia sẻ với mọi người. Vậy phê bình thuộc lĩnh vực tiếp nhận nhưng không
dừng lại ở hành động “đọc” thuần túy mà còn đi tới hành động “viết”. Để có
những trang viết đạt chuẩn, hay, thú vị, nhà phê bình không chỉ ghi lại những
rung cảm tự nhiên, trực giác mà còn phải lí giải, cắt nghĩa, dùng khoa học để
tiếp cận nghệ thuật. Vậy nhà phê bình dựa vào lý thuyết lý luận và tác phẩm
văn học nhưng phải vượt lên trên, có cái nhìn khái quát, chọn những thông tin
khác nhau ở những điểm nhìn khác nhau…. Với chiếc chìa khóa là kiến thức lý
luận, họ đã tìm ra con đường thâm nhập vào thế giới tác phẩm. Đó là một công
việc hết sức lý thú nhưng cũng đầy gian nan, khó khăn, đòi hỏi ở người phê
bình sự rung cảm nghệ thuật và cả lý trí tỉnh táo, khách quan, khoa học để đem
ra những đánh giá khái quát có giá trị chính xác nhất về tác phẩm.

Khi xuất hiện trên văn đàn, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và tác phẩm của
ông đã tạo ra những ấn tượng mạnh mẽ có sức thu hút các nhà phê bình dày
công khám phá. Tạo nên không khí sôi động của phê bình văn học cuối thập
niên 80 của thế kỷ XX. Nhiều người viết báo, tham luận, khen, chê,… có
những cây bút chuyên nghiệp lẫn không chuyên….Hiện tượng Nguyễn Huy
Thiệp cho đến nay đã có phần lắng dịu nhưng những vấn đề trong cuộc tranh
luận này đã để lại rất nhiều điếu thú vị khi khám phá được những khía cạnh,
cách tiếp cận mới về tác phẩm. Điều đó được tổng hợp trong tuyển tập “ Đi tìm
Nguyễn Huy Thiệp” (Nhiều tác giả / NXB Văn Hóa – Thông tin / 2001).

1
II. VÀI SUY NGHĨ VỀ NHỮNG BÀI VIẾT TRONG TUYỂN
TẬP “ĐI TÌM NGUYỄN HUY THIỆP”

1. Bài viết “Đọc Nguyễn Huy Thiệp” của Văn Tâm

Trong bài viết của mình, Văn Tâm đã chỉ ra cách đọc Nguyễn Huy
Thiệp, theo ông là hợp lý nhất, với quan niệm: Khác với các trước tác khoa
học xã hội, tác phẩm văn chương về nội dung thường có tính đa tầng, về cấu
tạo là một chỉnh thể hữu cơ cao độ, về xu thế là một hệ thống mở… dẫn đến
quy luật về cảm thụ mỹ học phổ biến là một nhãn quan khẩu thị xuyên tầng,
một sự lĩnh hội toàn khối, và cảm hứng đồng tác giả, Quy luật cảm thụ mĩ học
phổ biến là :

- Một nhãn quan khẩu thị xuyên tầng, một sự lĩnh hội toàn khối (“Văn bản được
xếp gọn vào tâm trí người đọc ngay lập tức trong một giây”-Sêkhốp)

- Cảm hứng đồng tác giả (“Kẻ thưởng ngoạn thì vạch văn từ ra mà rót tình cảm
vào”- Lưu Hiệp)

Vậy không thể đọc truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (những sáng tạo thẩm mĩ)
bằng đôi mắt sử kí giáo khoa thư như nhà nghiên cứu Tạ Ngọc Liễn đã làm.
Phải dùng “biệt nhãn” để thẩm định đúng đắn hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp.

Có thể chia truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp làm 4 loại :cổ tích, thế sự , huyền
thoại và lịch sử với bốn nét phong cách lớn :

1.1. Sắc độ hiện đại thẫm: Không chỉ truyện ngắn tràn ngập ý vị hiện đại mà
“Dẫu là kể truyện cổ tích, Nguyễn Huy Thiệp trước sau vẫn viết về cuộc sống
ngày hôm nay (Hoàng Ngọc Hiến – Lời giới thiệu tập Tướng vê hưu)”

2
1.2. Cảm hứng huyền thoại mạnh : Sương mù huyền thoại bao phủ hầu hết
những trang sách Nguyễn Huy Thiệp , không những bao phủ dày đặc trong hai
loại truyện huyền thọai Con gái thủy thần và cổ tích Những ngọn gió Hua
tát mà còn bập bềnh mờ mịt giữa khá nhiều dòng truyện lịch sử Kiếm sắc,
Phẩm tiết và thế sự Chảy đi sông ơi. Nếu như chủ nghĩa hiện thực chân
phương kiểm soát chặt chẽ lí trí thì bút pháp huyền thoại tạo nên những “giấc
mơ ban ngày” của nghệ sĩ, mặc nhiên hỗ trợ đọc ra một số tín hiệu thuộc miền
tinh thần tiềm ẩn, siêu thực, thẳm sâu … …. Đặng nhận diện họ thấu triệt
hơn . Chính ở những sáng tác huyền thoại đắc ý tưởng như mơ hồ kín đáo
nhất, nghệ sĩ bất giác bị “lộ vở” nhiều nhất.

1.3. Tính nhiều tầng đa nghĩa cao: Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có
phong cách thơ : chữ nghĩa chắt lọc, sức khái quát lớn với những câu triết lí sắc
ngọt . Khi nghiên cứu không nên dừng lại ở phần “lộ thiên” mà cần lưu ý các
ẩn ngôn “bên trên” và các vô ngôn “phía sau”.

1.4. Tính hệ thống mở có khẩu độ lớn: Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
thường dành ra một vùng trống, đặc biệt phần kết thúc tác phẩm không khép
kín mạch truyện mà còn mở ra những chân trời bát ngát mơ hồ trong Con gái
thủy thần, có khi lại “rủ rê người đọc sáng tác chung với mình trong Vàng lửa.
Trước những sáng tạo nghệ thuật kiểu đó, các độc giả – đồng tác giả sẽ nắm
bắt nội dung ý nghĩa tác phẩm theo cảm hứng và suy luận của riêng mình dẫn
đến nhiều thái độ khen chê khác nhau. Ông nhận xét: Nguyễn Huy Thiệp
không chủ định viết về lịch sử, nhà văn xây dựng những hình tượng nghệ thuật,
cấu tạo tác phẩm, xây dựng những nhân vật lịch sử có tầm hoạt động lớn, lẽ ra
sử sách không thể không nói tới, nhưng tác giả tự nói luôn: không sử sách nào
nhắc đến. Nhà văn đã đưa vào tác phẩm của mình vô số những tình tiết hoang
đường. Thêm nữa, nhà văn lại có vẻ như sao y bản chính lịch sử bằng hàng loạt

3
những tín hiệu phụ như: lối dẫn truyện y như thật, lớp từ cổ được sử dụng rộng
rãi nhân vật ngôi thứ nhất tuy hư cấu nhưng người đọc truyện lại có cảm giác
như là người thật việc thật. Và, Văn Tâm kết luận: Nguyễn Huy Thiệp không
xuyên tạc lịch sử mà đã đề cập một hằng số lịch sử. Hằng số này lúc biến lúc
hiện, khi nó hiện ra sừng sững là tín hiệu sự cố lịch sử. mang thông điệp gửi
đến mọi người để báo động về sự suy vi của xã hội, khi nó được mã hoá.
Truyện Nguyễn Huy Thiệp tính lịch sử không cao, ngược lại, chứa đựng tinh
thần “ dĩ cố vi kim” cực lớn.

Thứ nhất: Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp nhân bản hay phi nhân
bản? Văn Tâm nhận định, nhận thức của con người phương Đông thường
mang tính nhị nguyên, thiện-ác, hữu-vô…, Nguyễn Huy Thiệp không nằm
ngoài quy luật đó. Hiện trạng con người bị tha hóa lần lượt hiện ra trong truyện
ngắn Nguyễn Huy Thiệp nhiều khi quái đản ghê rợn khiến người đọc rùng
mình. Mộng mị của các nhân vật cũng thật quái đản (ác mộng của Chương
trong Con gái thủy thần, của Khảm trong Không có vua). Đằng sau những
dòng chữ lạnh giá là một nỗi đau nhân tình. . Khi tác giả nói nhiều đến cái ác
thì mặc nhiên ý tưởng thiện cũng được xác lập làm cơ sở đối chiếu và phản
ứng. Theo logic đối đãi : con người biết kinh hòang trước cái bất nhân thì trong
tâm cũng đã có lí tưởng nhân từ. Đọc Nguyễn Huy Thiệp cần phải nắm bắt
toàn khối “cơ cấu nghệ thuật”, tổng hòa hiện với ẩn, cách cảm nhận xuyên tầng
.

Các cảm hứng tích cực, tinh thần nhân bản… … được mã hóa qua hiện
tượng nổi bật: tuyệt đại đa số nhân vật nữ đều có phẩm chất ưu mĩ tuyệt vời .
Đó là Hếch, vợ nhưng đồng thời là “người chị, người mẹ, một người đầy tớ của
ông Lù”(Nạn dịch). Nàng Bua đầu tắt mặt tối hoàn toàn quên mình vì chín đứa
con hoang; chị Thắm thánh thiện suốt đời cứu người chết đuối – nhưng khi chị

4
chết thì không ai cứu cả; Thu 7 tuổi nhưng có khả năng giải nguy lớn vì có “
tâm hồn mẹ”; Nàng Sinh cổ tích vất vả khốn khó với cô Sinh thế sự nhân hậu
sống giữa gia đình lão Kiến đầy những kẻ tật nguyền về thểxác hoặc tâm hồn,
tuy khổ nhục nhưng không đang tâm lìa bỏ.

Mã số lớn nhất trong hệ thống mã hóa trên là nhân vật nửa thực nửa hư.
Mẹ Cả “con gái thủy thần ” thường xuyên hiện ra trên dòng nước xiết để cứu
vớt biết bao con người chìm đắm . Đây là thiên đạo mà cũng là nhân đạo:
“Nhất âm nhất dương chi vị đạo” (Kinh dịch). Mẹ nhiệm mầu (Huyền Tẫn )
trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử,Thánh Mẫu Cơ Đốc Giáo, Phật Bà Quan âm,
Hằng nữ của thi hào Gớt …. …

Nói về cái ác, thái độ nhà văn khá lạnh lung, khiến độc giả có cảm giác
như tác giả vô tình. Thực sự, đằng sau nó lại là một nỗi đau nhân tình. Kết thúc
bài viết của mình, Văn Tâm bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc trước hiện tượng
Nguyễn Huy Thiệp. Ông cho rằng, nhà văn có tài mà cũng có tâm, cái tâm thức
lâu mới biết đêm dài. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sáng tạo nghệ thuật như con
chim làm tổ, con ong hút mật…

Thứ hai: Có thể nói cảm hứng huyền thoại mạnh trong sáng tác của
Nguyễn Huy Thiệp. Văn Tâm đã nhận xét: Sương mù huyền thoại bao phủ hầu
hết những trang sách Nguyễn Huy Thiệp, không những bao phủ dày đặc trong
hai loại truyện huyền thoại Con gái thuỷ thần, và cổ tích Những ngọn gió
Tua Hát, mà còn bập bềnh mờ mịt giữa khá nhiều dòng truyện lịch sử Kiếm
sắc, Phẩm tiết, và thế sự Chảy đi sông ơi. Nếu như chủ nghĩa hiện thực chân
phương kiểm soát chặt chẽ lý trí, thì bút pháp huyền thoại tạo nên những giấc
mơ ban ngày của nghệ sĩ, mặc nhiên hỗ trợ độc giả đọc ra một số tín hiệu
thuộc miền tinh thần tiềm ẩn, siêu thức thẳm sâu… đặng nhận diện họ thấu

5
triệt hơn. Chính ở những sáng tác huyền thoại đắc ý, tưởng như mơ hồ kín đáo
nhất, nghệ sĩ bất giác lại bị lộ vở nhiều nhất. Thật vậy, cái mà Văn Tâm gọi là
giấc mơ ban ngày của người nghệ sĩ, đã khiến ta suy nghĩ về tính chất huyền
thoại trong trang viết của Nguyễn Huy Thiệp. Những chi tiết hoang đường là
những phương tiện nghệ thuật để nhà văn chuyển tải đến người đọc những vấn
đề nhân sinh- thế sự trong đời sống hiện tại. Chất huyền thoại là một đặc điểm
nghệ thuật nổi bật nhất trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Chính tính chất
này đã khiến những nhân vật của nhà văn, tưởng chừng là những con người
lịch sử, hoá ra lại là phi lịch sử. Chỉ trừ có tên gọi, những phần còn lại trong hệ
thống nhân vật bị coi là con người lịch sử ấy, hoàng toàn được hư cấu, biến
dạng trong một bút pháp mang cảm hứng huyền thoại, trong một trí tưởng
tượng vượt thoát khỏi những khái niệm thuộc về lịch sử, thuộc về tính chân
thật của hiện thực. Ở đó, nhà văn tự do, thoải mái đàm đạo với độc giả về
những quan niệm chính thống hoặc phi chính thống, về những giá trị đích thực
của cuộc sống. Đặc biệt, trong những truyện về thế sự, yếu tố huyền thọai rất
đắc dụng dưới ngòi bút của nhà văn. Nó giải mã những ẩn số trong tác phẩm.
Nó khiến người đọc tự rút ra cái phần được xem là tinh tuý nhất của tác phẩm:
tài và tâm của người nghệ sĩ sáng tác văn chương. Đọc Muối của rừng, tôi
không làm sao quên được cái thời điểm mà hoa tử huyền nở. Loài hoa màu
trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta gọi hoa này là “muối của rừng”, cứ
ba mươi năm mới nở một lần. Hoa tử huyền nở vào lúc con người đã kiệt sức.
Kiệt sức vì họ đã dốc hết khả năng trước thách đố của số phận. Kiệt sức vì có
lúc họ đã tự lột trần mình ra, để đi đến tận cùng của cái ác. Kiệt sức vì họ bị sự
đeo bám của những giá trị tình cảm hồn nhiên, sơ khai nhất. Suy cho cùng,
dung yếu tố huyền hoặc hoa tử huyền nở, dường như nhà văn muốn gởi đến
chúng ta một thông điệp: cái thiện luôn hiện hữu, cái thiện đã làm nên giá trị

6
con người. Dù có lúc, để vươn đến cái thiện, con người phải trả bằng một giá:
Ông cứ trần truồng như thế, cô đơn như thế mà đi,….

2. Bài viết Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp của Đỗ Đức Hiểu

Mở đầu bài viết, Đỗ Đức Hiểu đã đánh giá nhà văn Nguyễn Huy Thiệp:
Trong hành trình đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, tôi thấy một giọt vàng rơi vào
trong lòng mình, giọt vàng ròng ngời sáng. Đó là truyện ngắn của anh. Anh tái
tạo truyện ngắn ở Việt Nam vào những năm cuối thế kỉ XX này và nâng nó lên
một tầm cao mới: thơ ca và triết lý, nó truyền thống và hiện đại, phương Đông
và toàn nhân loại. Tiếp theo, ông ghi nhận hành trình từ chuyện (dân gian) đến
truyện ngắn, sự khác nhau và những mối quan hệ mật thiết giữa chúng. Từ đó,
ông định hình truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Theo ông, truyện ngắn và
tính huyền ảo của chuyện (dân gian). Chất vàng ròng trong truyện ngắn
Nguyễn Huy Thiệp là thơ ca và triết lý. Ông viết: Thơ ca và triết lý là những
đặc trưng cơ bản của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Đó là tinh thần dân tộc
hay tính phương Đông của phong cách nhà văn. Trong chuyến đi ngắn, tìm cái
đẹp trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Đỗ Đức Hiểu đã bị ám ảnh bởi yếu
tố huyền thoại trong thơ ca và triết lý của nhà văn. Cái triết lý tôi đi tìm tôi,
được tìm thấy ở hang động của Chương đi tìm con gái thuỷ thần. Triết lý về
tình yêu được tìm thấy trong lời hát, giọng hát của Bạc Kỳ Sinh, trong điệu gọi
Ơ, ơi của cô Hương ở bến Tầm Xuân trên chuyến đò sang sông, trong cơn mưa
kì lạ, ông Pành biết thế nào là tình yêu và cũng chết vỡ tim vì tình yêu… Tài
năng của nhà viết truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là lựa chọn những tình thế
gay gắt, bước ngoặt, căng thẳng trong cuộc đời nhân vật để xây dựng một
không khí kì ảo, cả hư ảo nữa, gây đột biến, bất ngờ, ngạc nhiên.

7
Thơ ca và triết lí là những đăc trưng cơ bản của truyện ngắn Nguyễn Huy
Thiệp. Ngôn từ, cấu trúc rất hiện đại và cách viết vừa đơn giản vừa sâu sắc,
vừa trực giác vừa lí trí đã cuốn hút mọi loại độc giả. Đó là kiểu mẫu đẹp về sự
kết hợp tính truyền thống và tính hiện đại. Chương trong Con gái thủy thần
với cái Tôi bất an, không ổn định, luôn vùng vẫy, đau khổ, cô đơn, luôn luôn di
chuyển … … Chàng đi tìm con gái thủy thần chính là chàng đi tìm chính bản
thân mình.

Đời sống xã hội được lọc qua tâm hồn nghệ sĩ tức là qua cái nghe, cái cảm
nhận, trực giác và ý thức, tiềm thức và vô thức, siêu mẫu cộng đồng và siêu
mẫu cá nhân đã hình thành từ ngàn đời, trong con người nghệ sĩ.Và người nghệ
sĩ sáng tạo ra những nhân vật vàng ròng có tên chung là tình yêu.Thơ và tình
yêu trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp hòa quyện với nhau trong cấu trúc,
trong ngôn từ, từ những tiêu đề đến những kết thúc. “Không có vua” là không
có tình yêu, chỉ có thù hằn, điêu ngoa, dối trá, đôi khi lóe lên chút hy vọng của
tình yêu. Trương Chi ca : Ta là Trương Chi \ Ta hát cho tình yêu … … Đi tìm
Nguyễn Huy Thiệp ta thấy “những giọt vàng ” thơ ca và triết lí. Những câu thơ
không vần vừa gợi mở vừa đóng kín, nó bí ẩn và tiên tri khiến người đọc nghĩ
đến những chân trời khác .

Và kết thúc bài viết, Đỗ Đức Hiểu đã cảm nhận sắc thái Nguyễn Huy
Thiệp: Anh Thiệp tiếp chúng tôi dưới tượng Phật. Vẫn nụ cười hiền lành. Đôi
khi con mắt anh long lánh sáng và sắc hẳn lên, như có một ngọn gió Hua Tát
thổi qua, hoang vắng và man rợ, và đầy tình người, tôi nghĩ đến những dòng
sông huyền thoại, đến bến Cốc, bến Tầm Xuân…thơ ca và bí ẩn.

Như vậy, dù không trực tiếp đề cập đến chất huyền thoại trong trang viết
của Nguyễn Huy Thiệp, nhưng Đỗ Đức Hiểu đã mặc nhiên thừa nhận nó như là

8
một chất liệu không thể thiếu trong quá trình đi tìm chất vàng ròng, tiềm ẩn
trong câu chuyện của nhà văn. Chính nó đã khiến cho những triết lý-thơ ca của
Nguyễn Huy Thiệp có màu sắc riêng: Nó bí ẩn và tiên tri như những ngọn gió
Tua Hát, linh hồn những con người Tây Bắc ngày xưa, nay vẫn thấy thoáng
bay trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ở cuối thế kỉ này, những truyện tràn
ngập tính huyền thoại.

3. Bài viết Nguyễn Huy Thiệp của Trần Thị Mai Nhị

Trong bài viết, Trần Thị Mai Nhị đã bàn về chủ nghĩa nhân đạo trong
sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, và trích dẫn ý của nhà văn, tác giả cũng tự
nhận văn học của mình là văn học vương đạo chứ không phải văn học bá đạo.
Sau đó, bài viết đã minh chứng tính chất nhân đạo trong một số tác phẩm Sang
sông, Thương nhớ đồng quê. Và cuối cùng, bài viết lại đề cập đến việc sử dụng
huyền thoại trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Nó được bắt đầu bằng
nhận xét: Huyền thoại được sử dụng phổ biến trong văn học của một thời đại,
trong mọi trường phái văn học khác nhau tuỳ theo văn học tư tưởng, triết học
của từng người. Không thể coi việc sử dụng huyền thoại của trường phái này
hơn trường phái khác mà chỉ nên tính tới sự phong phú đặc thù của chúng. Bài
viết đã xếp loại sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp: chủ nghĩa hậu hiện đại. Cho
nên, tính chất huyền thoại không quy về cái có sẵn mà phải là một hành vi sáng
tạo mới. Trong sáng tác của nhà văn, Mai Nhị đã nhận ra, huyền thoại là miếng
đất giàu có về lương tri dân gian, tác giả đã khai thác nó triệt để, hầu làm cho
cuộc sống tâm linh của con người có chiều sâu như vô tận. Huyền thoại nào
cũng chứa đầy không tưởng, mà không tưởng đều mang một thông điệp, đều
hàm chứa một ước vọng thay đổi để từ chối thực tại do lí trí hay quyền lực nào
đó áp đặt.

9
Trong văn học hiện đại, con người tạo nên những giá trị bằng “sự thông
hiểu”, tức bằng những hành vi tức thời một cách vô tư không có sự kiểm soát
của lí trí. Khác với nhà khoa học, nhà văn không giải thích mà thông hiểu, lĩnh
hội lịch sử, tra vấn lịch sử, không phải cắt nghĩa lịch sử mà ban bố cho lịch sử
những ý nghĩa mà con người cần tới. Chính vì thái độ của văn học đối với lịch
sử nên những nhân vật lịch sử nổi tiếng như : Nguyễn Trãi, Quang Trung, Gia
Long, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương … … Dưới con mắt Nguyễn Huy Thiệp
không phải được nhận thức như “chính sự” tức như những nguyên tắc có sẵn
mà “thông hiểu” theo cuộc sống tâm linh của mỗi người.

Văn học hiện đại không muốn lặp lại sự vận động tâm linh đã có sẵn mà
chỉ của riêng mình. “Sự bôi xấu”những vĩ nhân đó không là sự phạm thượng
lếu láo mà chỉ muốn “bình dân hóa”vĩ nhân để họ trở thành người bình thường
trong đại chúng. Gỡ bỏ vòng hào quang của những những thánh nhân để giải
bỏ huyền thoại về ho.Thế tục hóa để họ cùng ăn ở, vui vầy với đại chúng. Tuy
nhiên sự cách tân nào cũng có giới hạn.

Chủ nghĩa hậu hiện đại một mặt vẫn tiếp tục chủ nghĩa hiện đại, mặt khác
lại muốn phủ định nó, vượt lên trên nó. Chủ nghĩa hậu hiện đại muốn đi vào
tâm trạng và ý thức đại chúng, vào thị hiếu hằng ngày của đời thường. Vì đi
vào đại chúng nên nó vừa là nguồn nuôi sống vừa bị những phương tiện đại
chúng chi phối.

Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ít có những con người “được lựa
chọn”, càng khó tìm những nhân vật với hai tuyến thiện và ác, tích cực và tiêu
cực rõ rệt . Ta chỉ gặp toàn một loại bình thường và có cả những dị dạng như :
lão đồ tể, tên tướng cướp, cô gái dở hơi, người bại liệt . Những nhân vật quái
gở ấy đã từng xuất hiện trong các dòng văn học khác kể cả văn học dân gian .

10
Nhưng những Trương Chi đã được thô kệch hóa thêm bước nữa . Đằng sau
những bộ mặt gớm ghiếc ấy , từ âm ỉ đến bùng lên một sự khôn ngoan , một sự
thông thái , một tâm linh “nguyên trinh”của con người. Đọc bài viết, tôi nghĩ
rằng, khi bàn luận về chủ nghĩa nhân đạo- hậu hiện đại, trong sáng tác của
Nguyễn Huy Thiệp, Trần Thị Mai Nhị muốn chỉ ra một cách thể hiện mới của
ý tưởng dùng đức để khai sáng tâm linh con người, một chủ nghĩa nhân đạo
được chứa đựng trong những yếu tố huyền thoại. Tôi đọc Sang sông nhiều lần.
Tôi cố tìm những yếu tố hoang đường, thuộc dạng những phép mầu, trong câu
chuyện. Rất may, tôi tìm được một chút ít: lời nói trông mặt đoán người của
nhà thơ tự xưng là nhà tiên tri thấu thị. Hoặc, thỉnh thoảng lại có câu văn tả
cảnh tạo không gian huyền thoại, nhưng mờ nhạt lắm! Và, tôi chợt nhận ra,
chính cái côn nhị khúc trong tay một kẻ có bộ dạng là một tên cướp, bổ mạnh
vào chiếc bình mới thật sự là một chi tiết hoang đường. Nó làm mọi người phải
sững sờ, thảng thốt. Nó khiến cho nhà sư uyên thâm kiến thức, đạo hạnh, dù đã
đến bến kia sông, thôi không lên bờ nữa, cùng chiếc đò quay về bến cũ. Tôi
đọc Thương nhớ đồng quê một dạo. Và, tôi ngờ rằng, trong câu chuyện đặc sệt
chất hiện thực ấy, tâm hồn con người có thể cất cánh bay lên cõi mông lung
huyền hoặc, ấy là nhờ âm hưởng của Bài hát phụ đồng bắt ếch, của những lời
văn ngỡ như là thơ, như là lời hát vậy. Chất huyền thoại trong văn chương của
Nguyễn Huy Thiệp hết sức đặc thù…

4. Bài viết Xung quanh hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp của Nguyễn Hải Hà-
Nguyễn Thị Bình

Trong bài viết này, hai tác giả đã trích dẫn rất nhiều, rất kỹ những ý kiến
của các nhà nghiên cứu phê bình văn học trong nước và cả nước ngoài, của
những người có tâm huyết với văn chương, từ những người một vài lần xuất
hiện, đến những người có tên tuổi, có vị trí quan trọng trên văn đàn: Vương Trí

11
Nhàn, Thu Bồn, Nguyễn Quang Sáng, Bùi Hiển… về cái được gọi là hiện
tượng Nguyễn Huy Thiệp. Khen chê đều có, nhưng lời khen vẫn là chính. Hai
tác giả có lần đã nhận xét: Cố gắng xuyên qua lớp sương mù huyền thoại và
những thủ pháp đánh lừa của nhà văn, hai ông ( Nguyễn Hải Hà và Nguyễn
Thị Bình nhận xét ý kiến của Trương Hồng Quang và Nguyễn Mai Xuân) nắm
bắt tiếng nói đích thực của tác giả. Tiếng nói này không hề chấp nhận sự
suồng sã, nó cũng hoàn toàn vượt lên cái mặc cảm về sự thanh khiết, như là
một sức mạnh giải thoát của tâm thức. Nó là tiếng nói của một sự nhận thức
đầy tính bi kịch và chỉ vang lên có một lần. Và ngay cả lần duy nhất này, nó
cũng không vang lên bằng ngôn ngữ trực tiếp của nhà văn. Đó là câu dân ca
được dùng để mở đầu thiên truyện: Đành lòng vậy…cầm lòng vậy…Như vậy,
mặc nhiên hai tác giả cũng đã thừa nhận, tính chất huyền thoại là một nét đặc
thù trong nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Huy Thiệp. Đằng sau những màu
sắc huyền thoại là những thông điệp mà nhà văn gửi đến cho bạn đọc suy ngẫm
về những giá trị của cuộc sống.

5. Bài viết Biển không có thuỷ thần của Đặng Anh Đào

Đặng Anh Đào là người ủng hộ nhiệt thành sự xuất hiện của Nguyễn
Huy Thiệp. Với giọng văn đầy cảm xúc, người viết đã bày tỏ một cách nhìn
khác về một số truyện Tướng về hưu, Muối của rừng, Con gái thuỷ thần,
Không có vua, của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Đó là những câu chuyện không
nên hiểu giản đơn: truyện mang bóng dáng cổ tích. Nó giống với huyền thoại
hơn là cổ tích: huyền thoại có khả năng sinh sôi, chuyện mẹ đẻ chuyện con,
hình tượng ý nghĩ cứ sản sinh ra mãi sau khi ta gấp trang sách lại. Nhận xét
này chính xác khi đề cập đến kết cấu của truyện Con gái thuỷ thần. Ngoài ra,
tác giả bài viết đã phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn, để làm
rõ Cổ tích hay phản cổ tích trong các tác phẩm trên. Nhân vật chính cũng thuộc

12
dạng nhân vật chàng ngốc, mồ côi, bất hạnh như truyện cổ tích, Trong suốt tuổi
thơ của nhân vật chậm trở thành người lớn ấy có một dòng sông tha thiết chảy,
ở đó có giao long , thủy thần . Và mỗi lần Chương gặp con gái thủy thần đều
gắn bó với dòng sông, và cứ mỗi lần nàng lại biến hóa trần tục hơn . Lần hiển
hiện cuối cùng của con gái thủy thần , lần hạnh phúc nhất cũng là lần đau khổ
nhất bởi chính cô khiến anh đi tìm cho ra con người của huyền thoại và kết
thúc bằng huyền thoại tan vỡ . Mẹ Cả là khúc gỗ mục không hình thù, không
có giao long, chỉ có ông Đòan Hữu Ngọc buôn nước mắm trên tỉnh. Còn lại
một biến thái của dòng sông đó là biển nhưng “ngoài biển không có thủy thần
”.

Nhân vật chính còn khác với cổ tích ở điểm anh ta xưng“tôi”. Ở Chương
có một nghịch lí phản cổ tích . Anh đầy ắp những huyền thoại mê tín và định
kiến, anh sống theo nhịp mùa màng hội hè lễ tiết và nghi thức cổ xưa, bên
những con người với dáng vẻ và lối nói đã tồn tại từ ngàn đời . Nhưng ở
Chương đã xuất hiện cái “ tôi” không đơn giản, một cái tôi có phần xa lạ với
chính một phần của bản thân nhân vật.

Nhưng nỗi bất hạnh của nhân vật không phát sinh từ những mâu thuẫn xã hội.
Nó hình thành từ sự mâu thuẫn trong chính bản thân nhân vật, nó là nỗi đau
đớn, khắc khoải về những ảo giác tâm linh, trái ngược với hiện thực trần trụi,
sỗ sàng. Nhân vật chính trong truyện là tôi. Nhưng không phải cái tôi của cộng
đồng, nói lên ước mơ, khát vọng về một xã hội công bằng, công lý. Nhân vật
tôi của nhà văn bị ám ảnh bởi những giấc mơ ban ngày. Cả hai người Văn Tâm
và Đặng Anh Đào, đều nói đến giấc mơ ban ngày của con người, trong truyện
Nguyễn Huy Thiệp. Tôi nghĩ, có lẽ, họ muốn đề cập đến phương thức mổ xẻ
thế giới nội tâm của con người đương đại trong sáng tác của nhà văn. Đó là
những con người bị ràng buộc chặt chẽ và khắc nghiệt trong những quy phạm

13
xã hội, luôn muốn vượt thoát nó. Con người của bi kịch, của những nỗi ám ảnh
và của sự cô đơn không lối thoát. Tất cả thế giới tâm linh đó, đã được nhà văn
xây dựng bằng bút pháp huyền thoại. Thêm nữa, Đặng Anh Đào còn đề cập
đến thời điểm khủng hoảng của nhân vật. Nghệ thụât miêu tả nhân vật của nhà
văn tuy lạ mà quen. Sự đan cài dị dạng-bình thường, cái bi đát và cái khôi hài,
lệch lạc và cân đối tiềm tàng trong triết lý và nghệ thuật lành mạnh của dân
gian, như một khát vọng, hoài niệm về sự hài hoà không thể có ở thế giới trần
tục, về sự đảo lộn trên dưới là phủ định những tín điều, những ranh giới cứng
nhắc. Lời nhận xét này, suy cho cùng, theo tôi, người viết múôn khẳng định
huyền thoại là một yếu tố nghệ thuật đặc sắc mà Nguyễn Huy Thiệp đã vận
dụng nó để gởi gắm: dù biển không có thuỷ thần, nhưng thuỷ thần luôn ở trong
mỗi con người.

6. Bài viết Nguyễn Huy Thiệp: những chuyện huyền kỳ, núi, sông và
nước…của Nguyễn Vy Khanh.

Đầu tiên, Nguyễn Vy Khanh đã đề cập đến nguyên nhân hình thành yếu
tó huyền thoại trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp: hoàn cảnh sống của nhà
văn: Khía cạnh nổi bật trong các truyện của nhà giáo sử từng sống nhiều năm
giữa những đồng bào Mường và Thái đen ở vùng thượng du Tây Bắc là những
chủ đề huyền thoại, truyền kỳ và lịch sử. Tiếp theo, người viết so sánh giữa
huyền thoại và truyền kỳ và kết luận: Nguyễn Huy Thiệp sử dụng cả hai thể
loại. Tiếp đến, Nguyễn Vy Khanh thâm nhập vào những tác phẩm, chỉ ra ý
nghĩa, mục đích việc sử dụng bút pháp và phương thức sáng tác huyền thoại
của nhà văn: Dùng huyền thoại, tác giả muốn người đọc thông hiểu thay vì lý
luận, phán xét. Cảm nhận bằng trực giác, kinh qua, cá nhân, riêng tư, thay vì
lý trí cái phải đưa đến một kết luận chung, hợp lý, hợp biện chứng hay đưa đến

14
một sự thực phổ quát mà trong thực tế và lịch sử, đã sản xuất những Lý Tư,
Tôn Ngô, Machiavel, Descartes, Hegel, Marx…

Thể huyền thoại không chứa phổ quát, không có chân lí, có chăng là chân
lí tự tại hay những giá trị đối với cá nhân, ai có khả năng hoặc thiên khiếu cảm
nhận sẽ đọc được sứ điệp của tác giả.Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp,
đời thường như huyền ảo, thơ mộng, huyền hoặc, các nhân vật như có tâm hồn
trong sạch, nguyên sơ lẫn khôn ngoan của con người đời thường. Mặt khác,
Nguyễn Huy Thiệp huyền thoại hóa một số nhân vật và đề tài lịch sử . Huyền
thoại là cách cảm nhận lịch sử khác đi, đương đại hóa cái quá vãng. Đây là nỗ
lực vượt thoát cái nhìn tập thể, bình thường để nhắc rằng cái hôm nay là hệ
quả của những hệ thống, danh nhân và lịch sử vẫn nghe thấy mỗi ngày hoặc
đang chìm khuất. Nhưng Nguyễn Huy Thiệp phê phán những huyền thoại dựng
đứng một cách nhân tạo, bá quyền.

Tiếp theo, người viết bài chỉ ra những biểu hiện khác nhau trong chất
huyền thoại của nhà văn:

• “Tướng về hưu”: huyền thoại anh hùng chiến tranh; huyền thoại
“người cha đã chết”, người cha vắng nhà và những đứa con mồ côi, đi
hoang. Nỗi bất lực của người anh hùng trong đời thường và báo động về
một xã hội suy đồi phong hóa, đạo đức.

• Trong “Kiếm sắc”, qua nhân vật Đặng Phú lân, tác giả viết về nhân
vật lịch sử như được nghe dân dã nói về họ, truyền tụng về họ. Huyền
thoại theo nghĩa đồn đại, ghi nhận bởi tứ phương thiên hạ.

• “Phẩm tiết” với hình tượng Ngô Thị Vinh Hoa hiện thân của vẻ đẹp
tuyệt đối.

15
• “Vàng lửa” – đọan mở đưa người đọc vào cõi mơ hồ của các biến cố
lịch sử. Còn kết thúc với ba đoạn kết nhưng không là kết cục lịch sử của
các sách sử. Tất cả nằm trong sự phỏng đóan huyền hoặc.

Nhân vật Gia Long được phản huyền thoại hóa, còn Nguyễn Du được
huyền thoại hóa là người “đại diện cho nhân dân ở phần u uất nhất, trữ tình
nhất nhưng cũng đáng thương nhất ”. Vấn đề đặt ra là cần phải đánh giá lại
quan hệ giữa nghệ thuật và chính trị như là điều kiện để xây dựng lại đất nước
sau chiến tranh. “Con gái thủy thần” tên Mẹ Cả, nhân vật huyền ảo. Chuyện là
cuộc tìm kiếm huyền ảo trong một đời thực khốn khó. “Những ngọn gió Hua
Tát” gồm mười truyện trong một bản nhỏ là một loại kí ức tập thể. Nhờ thể
huyền thoại, Nguyễn Huy Thiệp có những đọan truyện như là thơ, một thứ thơ
dân gian, xa chốn văn minh giả tạo. Đất, núi và nước là những yếu tố sinh động
làm nên đất nước. Đất là lẽ sống, người ta sản xuất trên đất và không gian núi
rừng bao phủ 10 truyện trong Những ngọn gio Hua tát đã đẩy con người về
nơi tận cùng ý thức cá nhân chính nó với muôn vàn thấp thỏm lo âu về chính
bản thân và cuộc sống. Nước là nhu cầu sống còn của con người và muôn vật
như trong Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần. Mặt khác nước cũng là tai họa
cho con người, làm chết đuối nhiều người, làm chết cả cô Thắm, người đã cứu
nhiều người chết đuối chảy đi sông ơi. Đạo làm người, trung đạo là đạo đứng
giữa Trời và Đất trong vị thế Tam Tài là đạo khó. Khó vì “trong thiên hạ không
chỉ có người mà có cả thánh nhân, yêu quái”.

Người đọc Nguyễn Huy Thiệp như chìm đắm trong không khí truyền kì xa xưa
của Lĩnh Nam chích quái và Việt Điện u linh mà đa số những cắt nghĩa văn
hóa về nguồn gốc dân tộc Việt, về ý niệm quốc gia hay về con người trên mảnh
đất văn hóa này.

16
Truyện và kịch của Nguyễn Huy Thiệp vừa rất “đời” và “tục” vừa làm
người đọc chìm đắm trong thế giới hoang dã. Với huyền thoại, tác giả muốn
theo lối mòn nhị nguyên, có ác thì tất phải có tốt. Ông phác họa cái xã hội
nguyên sơ, có khi thô sơ, hoang dã. Buổi sơ khai, tâm tình nguyên thủy với
tiềm thức và bản năng thời đại .Ông lạnh lùng với cái ác, với tai ương và nhất
là khi cái ác ở ngay chính bản thân mỗi người.

Nguyễn Huy Thiệp hạ cấp một số thần tượng lịch sử vì ông coi họ là tương đối
và thời nào cũng có. Ông trần tục hóa họ, mặc cho họ cái áo vải tầm thường
đầy sân si. Nguyễn Phúc Ánh và Nguyễn Huệ đều tàn nhẫn, dâm ô và hiếu sắc
như nhau. Huyền thoại trong nội dung câu chuyện và trở thành nghệ thuật ngôn
từ, chữ nghĩa. Huyền thoại là con đường hợp lí và văn khác sử ở chỗ có thể
khai thông những bế tắc lí luận.

Thể huyền thoại khiến Nguyễn Huy Thiệp hay úp mở, gợi tưởng tượng.
Truyện không có kết thúc hay không thực sự kết thúc; nếu có cũng huyền hoặc
như dẫn đưa của đầu và thân truyện trong Vàng lửa, Con gái thủy thần,
Trương Chi.

Một điểm nữa, bài viết nhận định nét đọc đáo trong trang viết của nhà văn:
Nhờ thể huyền thoại, Nguyễn Huy Thiệp có những đoạn truyện như là thơ, một
thứ thơ dân gian, xa chốn văn minh giả tạo và dối trá. Cũng ở tiêu mục này,
bài viết đã trực tiếp đề cập đến đất, núi và nước, những yếu tố của huyền thoại,
chảy trong những câu chuyện kể của Nguyễn Huy Thiệp, một dạng thức tư duy
huyền thoại cổ xưa trong triết lý về vũ trụ của người Phương Đông, nhưng
cũng rất đời.

Sau đó, bài viết như chốt lại vấn đề bằng một tên lạ: Huyền thoại phố
phường, để gọi tên cho tính chất huyền thoại hoà quyện với chất hiện thực, đời

17
thường trong sáng tác của nhà văn. Và bài viết kết luận: Từ huyền thoại bước
sang truyện dị thường chỉ là một bước nhỏ, khi tác giả phải nói đến thực tại và
đời thường hôm nay. Dị thường vì quá tầm với con người và dị thường vì có
dụng công của tác giả muốn gây suy nghĩ nơi người đồng thời và cả xã hội.

Nhìn lại quá trình lược thuật trên, ghi nhận những ý kiến của Nguyễn Vy
Khanh, tôi suy nghĩ…Phải chăng tác giả bài viết đã xây dựng một hệ thống đầy
những ẩn dụ, mà trong nhất thời, tôi chưa thể tiếp nhận, hay là một cách trình
bày quá mẫn cảm, nên tính hệ thống của bài viết bị tước bỏ? Tôi nghĩ, với một
tiêu đề độc đáo và hấp dẫn: Nguyễn Huy Thiệp: những chuyện huyền kì, núi
sông và nước…, đặc biệt là hình tượng núi, sông và nước, bài viết chắc chắn sẽ
đem lại những khám phá thú vị. Nhưng bài viết quá chú trọng đến huyền kỳ,
mà nhẹ phần khai thác hình tượng nghệ thuật đậm chất huyền thoại: núi, sông
và nước. Dù vậy, Nguyễn Vy Khanh đã có những nhận xét rất thú vị về hình
tượng này. Đất, núi, sông và nước tồn tại trong câu chuyện kể của Nguyễn Huy
Thiệp, như là một minh chứng rõ nét nhất của huyền thoại dân gian, nhưng nó
mang dấu ấn nhà văn. Nó trở thành công cụ nghệ thuật đắc lực đạt hiệu quả
thẩm mỹ cao. Nó biểu hiện sâu sắc nỗi cô đơn, bất lực cuả con người: Đất, núi
và nước là những yếu tố sinh động làm nên đất nước ( Thiên nhiên không hề
dối trá). Đất là lẽ sống…Rừng muôn đời là thế, vô tình, vô cảm, thản nhiên,
lạnh lung, tàn nhẫn. Tất cả đều đẩy con người về nơi tận cùng ý thức cá nhân
chính nó. Con người tự co lại như con sâu, cái kiến, thúc thủ trong phần sinh
linh vừa bé mọn, vừa cô đơn vừa bất lực….. Phải chăng, Nguyễn Huy Thiệp
đang phơi bày trước mắt bạn đọc. lên tiếng cảnh báo những ấu trĩ về chính trị,
kinh tế, văn hoá, nghệ thuật…, đang được một số người xem là kinh điển để
hành xử trong xã hội? Còn những cái thuộc về tình cảm của nhân dân, của dân
tộc, nhà văn không hề nhạo báng, mà làm sao lại có thể bỡn cợt được những

18
giá trị thuộc về nhân dân! Dĩ nhiên, không phải kiểu nhân dân trong cửa miệng
của một Xuân tóc đỏ.

7. Bài viết: Những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp như hình mẫu
các truyền thuyết văn học của T.N.Philimonova.

Bài viết đề cập đến yếu tố dân gian trong muời câu chuyện: Những ngọn
gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp. Người viết đã xác định thể loại những câu
chuyện này là truyền thuyết, đồng thời cũng phân biệt giữa truyền thuyết và
truyện cổ: Truyền thuyết như một thể loại thường được hiểu là một tác phẩm
văn xuôi dân gian truyền miệng, về nội dung ít nhiều gắn với những nhân vật
hoặc sự kiện lịch sử có thật, vì lý do nào đó còn lưu lại trong ký ức dân gian.
Ngoài ra chúng còn tính đặc trưng là sự cục bộ về địa lý và xã hội. Và, từ
những căn cứ trên, Philimonova (Lê Xuân Sơn dịch) đã gọi tên chính xác:
những truyền thuyết của Nguyễn Huy Thiệp trong mười câu chuyện đó là
truyền thuyết văn học. Dù vẫn còn lưu giữ những đặc điểm của truyền thuyết
dân gian, nhưng chúng có sự xử lý văn học rõ ràng của tác giả. Sau đó, bài viết
đã thuyết minh những truyền thuyết văn học ấy qua giọng điệu kể chuyện, cách
thức xây dựng cấu trúc tác phẩm, cách thức xây dựng nhân vật của nhà văn
trong mười câu chuyện trên. Ở phần dẫn truyện , tác giả dẫn người đọc vào
một không khí huyền bí và thấm đẫm các truyền thuyết “Ở Hua tát, những
truyện cổ giống như những bông hoa dại màu vàng nhạt, bé như khuy áo … …
Những người sống trong truyện cổ giờ không còn nữa. Ở Hua tát, họ đã biến
thành đất bụi và tro than cả. Tuy vậy, linh hồn họ vẫn bay thấp thoáng trên
các khau út nhà sàn. Như những ngọn gió”.

Theo định lệ của truyền thuyết các câu chuyện này đều kể cái gì đó về
những con người đặc biệt và những sự kiện không bình thường còn lưu lại

19
trong kí ức người dân địa phương. Trái tim hổ kể về Pùa xinh đẹp nhưng bị liệt
hai chân từ nhỏ và Chàng Khó mồ côi cha mẹ và bề ngoài dị dạng. Nhân vật
trong “Con thú lớn nhất” là người thợ săn già lão luyện “hiện thân của cái
chết” của tất cả thú rừng. Bua, nhân vật trong truyện ngắn tiếp theo là một
người không bình thường: nàng sống với 9 đứa con nhưng không biết đứa nào
là con của ai, điều làm đám đàn ông trong bản hài lòng nhưng đám đàn bà lại
không thích và gọi nàng là “đồ quỷ cái”. Nhân vật của Đất quên là ông già
Pành nổi tiếng vì đã ngoài 80 mà rất tráng kiện,có thể làm việc bằng ba, uống
bằng mười người khác. … ... …

Bằng cách này hay cách khác, những con người đặc biệt ấy có quan hệ với
những sự kiện lạ lùng và những hiện tượng bất bình thường trong thiên nhiên:
khi là sự xuất hiện của một con hổ khủng khiếp, vào một mùa đông khắc nghiệt
chưa từng có, làm cả vùng kinh hãi Trái tim hổ, khi là cuộc tấn công của bầy
con trùng lạ lùng màu đen vào rừng Chiếc tù và bị bỏ quên. Đó là trận dịch tả
cướp đi nhiều sinh mạng (Nạn dịch), nàng Bua bất ngờ tìm thấy chiếc vò cổ
đựng đầy tiền vàng, tiền bạc rừng Hua Tát có nhiều củ mài vô cùng. Nhân vật
80 tuổi trong đất quên gặp tình yêu cuối cùng của đời mình trong một cơn dông
dữ dội , ông đã yêu say đắm một cô gái trẻ măng và muốn cưới cô về làm cô
vợ,…. Một số nhân vật hướng đến một cái gì đó , muốn đạt một cái gì đó như
Khó muốn giết con hổ, lấy trái tim nó chế ra vị thần dược mà theo truyền tung
có thể chữa lành bệnh bại liệt cho Pua; Sạ chỉ nghĩ đến việc làm được một điều
gì đó không bình thường để được nổi tiếng,… Một số nhân vật khác, may mắn
đến với họ dường như bất ngờ: Lù gặp vận đỏ trong cờ bạc liên tục 9 ngày
liền ; Bùa tìm được vò tiền và đổi đời … Như vậy, trong truyền thuyết đều có
“thời điểm may mắn”- một đỉnh điểm độc đáo trong đời các nhân vật.

20
Tưởng chừng tất cả phải kết thúc có hậu nhưng trong 10 truyện chỉ có 3 truyện
là kết thúc có hậu: Tiệc xòe vui nhất, Chiếc tù và bị bỏ quên, Nàng Sinh. Các
truyền thuyết đó khởi đầu bằng một sự bất an nào đó (nạn hạn hán, cuộc đua tài
kén rể…) và kết thúc bằng sự may mắn, kết thúc có hậu. Cả ba truyện này có
thể xác định như những truyền thuyết cổ tích . Các nhân vật và sự kiện dường
như có thật trong các truyện ngắn – truyền thuyết này được bọc trong một cái
vỏ cổ tích, sử dụng các môtíp cổ tích và cũng giống như trong các truyện cổ
tích điều đóng vai trò quyết định trong số phận các nhân vật chính là các phép
lạ.

Trong“Tiệc xòe vui nhất” nhà văn sử dụng mô típ thi kén rể, “Chiếc tù và
bị bỏ quên” đó là mô típ khắc phục tai họa bằng loại nhạc cụ thần kì,
trong“Nàng Sinh” đó là mô típ cô gái nghèo thô kệch và người dị dạng biến
thành người xinh đẹp .Theo lí thuyết của Propp thì trong các truyền thuyết cổ
tích này, về mặt kết cấu, sau tình huống tai họa, thiếu hụt ban đầu không qua
lớp cấu trúc đầu tiên – một thử thách sơ bộ – mà lập tức bắt đầu ngay thử thách
chính trong đó người giúp đỡ thần kì hoặc vật kì diệu giúp cho các nhân vật .
Chỉ trong ba truyện này có sự xuất hiện của yếu tố kì lạ, hoang đường. Trong
các truyện còn lại có thể xảy những chuyện kì lạ, bất thường nhưng hoàn toàn
thực tế. Bảy truyện còn lại, sự may mắn lại trở thành tai họa đối với các nhân
vật và thường là dẫn đến cái chết: Chàng Khó giết được con hổ nhưng chính
anh cũng bỏ mạng; nàng Bua lấy được chồng và được mọi người vì nể cũng
chết khi sinh nở; con sói trong sói trả thù đã xé xác đứa con trai duy nhất của
người thợ săn khả kính … … Kết cục không may đều đến sau “thời điểm may
mắn”. Nói cách khác, sự may mắn, hạnh phúc mà con người hướng tới quay
ngược trở lại thành vận rủi, thành bi kịch.

21
Mười truyện ngắn trong Những ngọn gió Hua tát là tập truyện ngắn
thống nhất vì được sắp xếp theo chủ định . Phần dẫn truyện nói về bản Hua tát
được phần cuối cùng của loạt truyện này lặp lại . Các truyện liên kết nhau bởi
sự nhắc lại những nhân vật chính và phụ trong chúng. Dù có kết cục bi thảm ở
mức độ này hay mức độ khác nhưng nhà văn cũng sếp đặt chúng theo hướng
tích cực hơn lên ; cái may và cái không may liên tục đổi chỗ cho nhau.

Nguyễn Huy Thiệp rất thích sự cường điệu nhưng không phải là sự cường điệu
phi thực, chúng thực tế, mặc dù ở mức độ “thấp - nhất”.

Kể các truyền thuyết Nguyễn Huy Thiệp “hiện đại hóa chúng”; nhờ phép phân
tích đặc trưng của con người hiện đại và rất nhiều thủ pháp khác nhau, tác giả
đã nêu bật những vấn đề vĩnh cửu về cái thiện và cái ác, về số phận … … đang
dằn vặt con người hiện đại.

Đọc bài viết, tôi trân trọng những tìm tòi, khám phá của Philimonova.
Với tên gọi truyền thuyết văn học, người viết đã có một nhận định khá lý thú
về việc xác định thể loại văn học trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, trong
khi các nhà nghiên cứu phê bình của ta, phần lớn lại tranh luận với nhau về
ranh giới Văn- Sử, trong một số tác phẩm lớn của ông. Mười câu chuyện trong
Những ngọn gió Hua Tát không đủ để khái quát toàn bộ văn thể một đời văn.
Tuy nhiên, ở đó chúng đã thể hiện khá tập trung phong cách tác giả. Những
yếu tố hoang đường trong câu chuyện kể, không đơn thuần dẫn dắt người đọc
trở lại quá khứ để chiêm nghiệm. Nó là tiếng nói của con người thời đại, sống
trong những phương tiện hiện đại, nhưng không được hít thở trong một không
khí thoáng đãng, họ bị chôn chặt trong một không gian chật chội của cái tôi
nhỏ bé, cô đơn, lầm lụi. Ở đó, con người cố gắng vượt thoát những toan tính
của chính mình, nhưng bất lực. Dù vậy, khác với Philimonova, tôi vẫn muốn

22
gọi tên những câu chuyện của Nguyễn Huy Thiệp là truyện ngắn hiện đại, theo
thi pháp của chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo. Một hình thức kể chuyện được đặt
trong xu thế thời đại thế kỉ XX, đầu thế kỷ XXI, mà người khơi nguồn cho
dòng chảy của thi pháp này là Gabriel Garcia Marquez với Trăm năm cô đơn.

23
III. LỜI KẾT

Dù có những góc nhìn khác nhau, các bài phê bình đều có chung một
điểm: huyền thoại là chất liệu, đặc trưng, tiêu biểu trong sáng tác của Nguyễn
Huy Thiệp. Chất liệu này được sử dụng hết sức đa dạng và phong phú. Nó
không đơn giản là sự mô phỏng những mô típ các yếu tố thần kỳ của truyện cổ.
Huyền thoại trong sáng tác của nhà văn mang dấu ấn cá nhân rõ rệt. Bạn đọc
tìm thấy chân dung Nguyễn Huy Thiệp, vừa lãng đãng, phảng phất sương khói
mơ hồ của một cõi xa xăm, ở đó, người ta ngờ ngờ nhận ra những đường nét,
những hình hài được viền bằng ánh sáng của tâm linh; vừa phải đối diện với
những vẻ ngoa ngoắt, táo tợn, khinh khỉnh, chát đắng của một cây bút muốn tái
hiện chân dung con người thời đại, những vấn đề thời đại, một cách trần trụi
nhất, theo thi pháp của chủ nghĩa hiện thực thời hậu hiện đại. Như vậy, sự xuất
hiện của Nguyễn Huy Thiệp trên văn đàn đã trở thành một hiện tượng văn học
còn rất nhiều, nhiều điều tranh cãi. Theo tôi, tôi không gọi đó là một hiện
tượng văn học. Tôi gọi đó là một điểm tựa của một cái đòn bẩy, là một nốt son,
trong văn học Việt Nam. Văn học ta đang ở trong một giai đoạn mà nền kinh tế
thị trường đang dẫn dắt những giá trị sống phát triển theo những chiều kích
khác nhau. Thậm chí, những cái thuộc về kinh điển cũng đang được hoặc bị
nhìn lại, những đúng sai, phải trái, có lúc còn bị ngộ nhận. Vậy thì, đọc những
trang viết của Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta đã bắt gặp những chiều kích đó.
Đồng thuận hay không đồng thuận, vấn đề này tuỳ thuộc vào người tiếp nhận.
Nhưng rõ ràng, Nguyễn Huy Thiệp bằng sự nhạy cảm, bằng tài năng của người
nghệ sĩ, đã tạo một gương mặt mới cho văn học. Tuy nhiên, chân dung văn học
mới này không phải xuất hiện tức thời, bất kỳ, mang tính ngẫu nhiên. Nó được
manh nha từ một Nỗi buồn chiến tranh, Thời xa vắng, Bến không chồng,
Những thiên đường mù…

24
Chúng ta đang tồn tại trong một thời đại mà khoa học kỹ thuật đã phát
triển đến đỉnh cao. Sóng đôi với những mặt tốt đẹp của xã hội đương đại là
những bất cập, tất yếu nảy sinh. Văn học thời kỳ này đề cập đến phận người đã
có phần khác trước. Và, trong muôn vàn tiếng nói của những người tự mang
nghiệp thương vay khóc mướn cho đời, thi pháp huyền thoại một thời xa xưa,
dường như không hề vắng bóng trong trước tác của họ. Thậm chí, nó trở thành
một phương thức sáng tác đặc thù, tạo nên một dòng chảy riêng biệt, đầy ngẫu
hứng, đầy sáng tạo và tài hoa, được người đương thời mở lòng tiếp nhận. Nó là
những sắc màu huyền thoại trong văn học thời hậu hiện đại. “Sự phục sinh”
của huyền thoại trong văn học thế kỉ XX được thể hiện qua khuynh hướng sáng
tác huyền thoại hóa trong văn học phương Tây. Ở Việt Nam, tác giả Nguyễn
Huy Thiệp có ý thức sử dụng thi pháp huyền thoại trong tác phẩm của mình
nên người đọc bình thường rất cần sự định hướng của nhà phê bình (độc giả
đặc biệt) để hiểu tác phẩm một cách khoa học và chính xác nhất . Với những
tác phẩm đặc biệt này nếu nhà phê bình vẫn vận dụng cách đọc chung cho các
loại tác giả, tác phẩm sẽ không nhận ra cái độc đáo riêng của tác phẩm được
sáng tác theo khuynh hướng huyền thoại . Phải chăng trong nghiên cứu, phê
bình văn học nghệ thuật, đặc điểm cá nhân của sự sáng tạo, đặc điểm lịch sử xã
hội cụ thể không quan trọng bằng hình thức thể loại có tính chất chủng loại .
Và hình thức huyền thoại trong văn học là một thứ đồ án, đề cương phác họa
về một chân lí. Nhà phê bình có thể có nhiều cách tiếp cận tác phẩm nhưng để
nhận ra chân giá trị trong tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp thì phải đọc dưới ánh
sáng huyền thoại. Thực tế cho thấy những bài phê bình xác đáng, thuyết phục
nhất thuộc về lối phê bình theo khuynh hướng huyền thoại .

Trong cuộc hành trình“tìm kiếm Nguyễn Huy Thiệp”nhà phê bình Nguyễn
Vy Khanh đã giải mã những siêu mẫu núi, sông và nước- những yếu tố làm nên

25
một dân tộc- tồn tại trong vô thức tập thể. Nhà phê bình nhận ra “với bút pháp
huyền thoại, tác giả Nguyễn Huy Thiệp đã vượt thoát ra khỏi cái nhìn tập thể
bình thường để cảm nhận lịch sử và đương đại cái quá vãng”. Nhà nghiên cứu
văn học Nga T.N.Philimonova chú ý đến các tình tiết và sự kiện không bình
thường, sự xuất hiện của thời điểm may mắn, các phép lạ, kết thúc của truyện,
kết cấu truyện và hàng loạt môtip trong văn học dân gian được sử dụng trong
truyện . Nguyễn Huy Thiệp đã hiện đại hóa để nêu lên những vấn đề vĩnh cửu
của con người : số phận, thiện-ác,…đang dằn vặt con người hiện đại. Đỗ Đức
Hiểu nhận ra “trực giác và ý thức, tiềm thức và vô thức, siêu mẫu cộng đồng và
siêu mẫu cá nhân đã hình thành từ ngàn đời trong con người nghệ sĩ” được
chuyển vào tác phẩm văn học.

Khi nghiên cứu tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp, các nhà phê bình trên đã
theo quan điểm của Carl Gustav Jung (1875-1962)-nhà phân tâm học người
Thụy Sĩ. Tác phẩm có cội nguồn trong phạm vi của huyền thoại vô thức mà
hình tượng của nó là tài sản chung của toàn nhân loại. Đó chính là vô thức tập
thể- là tập hợp các quá trình và nội dung tâm lí nhưng do không tương thích
với ý thức nên bị dồn nén, bị kìm giữ dưới ngưỡng ý thức. Chúng bộc lộ trong
chất liệu đã được tạo tác về mặt lí thuyết với tư cách là những nguyên tắc điều
khiển sự tái lập chất liệu. Vậy nhà nghiên cứu, phê bình có thể tái lập nền đáy
khởi thủy của nguyên sơ tượng bằng cách đưa ngược tác phẩm hoàn chỉnh trở
về cội nguồn của nó. Tác phẩm được xem như hình tượng và hình tượng chỉ có
thể phân tích được khi nhận biết các biểu tượng trong nó. Và hình tượng được
triển khai trong tác phẩm nghệ thuật được đưa đến “nguyên sơ tượng tức“siêu
mẫu”của cái vô thức tập thể. Siêu mẫu là những giá trị di sản truyền thống của
nhân loại. Người nói bằng nguyên sơ tượng (siêu mẫu) không còn là tiếng nói
của thực thể cá nhân mà là tiếng nói của giống loài, giọng nói của toàn nhân

26
loại đã thức dậy. Quá trình sáng tạo là hà hơi sự sống cho siêu mẫu từ trong vô
thức, trải nó ra, tạo hình cho nó cho đến khi thành một tác phẩm nghệ thuật
hoàn chỉnh.

Người nghệ sĩ dịch nguyên sơ tượng sang ngôn ngữ đương thời. Như một
nhà giáo dục của thời đại, người nghệ sĩ sáng tạo ra kiểu tác phẩm cho ta
những kết luận về tính chất của thời đại mà nó xuất hiện. Nhà phê bình tiến
hành thao tác ngược lại để giải mã “siêu mẫu”, tìm kiếm ý nghĩa tâm lí và xã
hội học của các huyền thoại , kiến trúc huyền thoại trong tác phẩm không chỉ
được đem đối chiếu với lịch đại của nó mà cả với cách hiểu phong phú của nhà
phê bình. Huyền thoại trong tác phẩm văn học hiện đại đã bị biến đổi bởi tính
cách cá nhân tác giả và của hoàn cảnh lịch sử – văn hóa nên nhà phê bình phải
vượt thoát khỏi sự nghiên cứu cá nhân và vận dụng tổng hòa các hiểu biết về
văn hóa xã hội để tìm ra ẩn ý của tác giả.

Bên cạnh lòng yêu cái đẹp, hiểu và biết cảm thụ cái đẹp, nền tảng để nhà
phê bình viết về tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp là sự vận dụng trí tuệ, tri thức về
thể loại, về dân tộc học . Nhà phê bình Đặng Anh Đào đi từ các lễ hội dân gian
để nhận diện nhân vật ; thầy giáo Văn Tâm lí giải một cách thuyết phục về vấn
đề “xuyên tạc lịch sử hay hằng số lịch sử” dựa trên việc giải mã các thực trạng
đã được mã hóa và lối sáng tác theo khuynh hướng huyền thoại của tác giả.
Nhà phê bình có thể viết về nhiều khía cạnh khác nhau của tác phẩm từ những
góc nhìn khác nhau như lịch sử, đạo đức xã hội, chính trị ….nhưng yếu tố thể
loại phải được quan tâm đúng mức.

Huyền thoại được tác giả sử dụng như một chất liệu để thể hiện ý tưởng và
“đặc trưng quan trọng nhất của huyền thoại là tính biểu trưng”(Hêghen). Nhà
phê bình sẽ không giải thích đúng hiện tượng nếu chỉ dựa vào dòng văn hóa

27
hiện đại, chính thống. Cuộc tranh luận diễn ra xung quanh tác phẩm Nguyễn
Huy Thiệp không nằm ở quan điểm khác nhau mà mấu chốt quan trọng hơn là
cách đọc và hiểu tác phẩm. Với nhà phê bình, huyền thoại có giá trị khám phá
và phương pháp luận chứ không là quan điểm. Anh sáng lung linh huyền thoại
từ truyền thống dân tộc soi rọi tác phẩm để con người hiện đại hôm nay nhận ra
hiện trạng xã hội và bản thân con người đương đại.

Cuối cùng, chúng ta phải thừa nhận rằng, những trang viết đẫm sắc huyền
thoại của Nguyễn Huy Thiệp đã đặt nền văn học Việt Nam ta gắn bó chặt chẽ
với văn học thế giới, với xu thế mới của thời đại. Và, tiếp cận văn học dưới ánh
sáng của huyền thoại là một trong những phương thức nghiên cứu phê bình văn
học hiện nay./.

28
IV. TƯ LIỆU THAM KHẢO

1. Bài giảng Phê bình văn học Việt Nam thế kỷ XX của Tiến sĩ Nguyễn
Thị Thanh Xuân

2. Thần thoại là gì ?-E.M.Mêlêtinxky

3. Phương pháp phê bình huyền thoại học-Đỗ Lai Thúy

4. Bí ẩn của những siêu mẫu-C.G.Jung-Ngân Xuyên dịch

5. Những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp như hình mẫu các
truyền thuyết văn học-T.N.Philimonova.

6. Đọc Nguyễn Huy Thiệp-Văn Tâm

7. Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp-Đỗ Đức Hiểu.

8. Nguyễn Huy Thiệp-Trần Mai Nhị

9. Xung quanh hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp-Nguyễn Hải Hà, Nguyễn
Thị Bình.

10. Biển không có thủy thần-Đặng Anh Đào.

11. Nguyễn Huy Thiệp: Những câu chuyện huyền kỳ, núi, song và
nước…-Nguyễn Vy Khanh.

12. Mưa Nhã Nam- Nguyễn Huy Thiệp

29

You might also like