You are on page 1of 2

Lê Minh Khuê sinh năm 1949, quê ở Thanh Hóa, là cây bút chuyên về truyện

ngắn với ngòi bút miêu tả tinh tế (đặc biệt là nhân vật nữ). Trong kháng chiến
chống Mĩ, bà chủ yếu viết về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ trên tuyến đường
Trường Sơn. Sau năm 1975, tác phẩm của Lê Minh Khuê bám sát những chuyển
biến của đời sống xã hội và con người trên tinh thần đổi mới. Một trong những tác
phẩm nổi bật nhất là “Những ngôi sao xa xôi” viết năm 1971, lúc cuộc kháng chiến
chống Mĩ đang diễn ra ác liệt. Trong truyện, nhân vật Phương Định – nhân vật
chính và cũng là người kể chuyện –là hình ảnh tiêu biểu cho cho vẻ đẹp giản dị
trong tinh thần, tính cách và phẩm chất anh hùng của tuổi trẻ Việt Nam nói chung,
của thanh niên xung phong nói riêng trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Phương Định – nhân vật chính và là người kể câu chuyện – là một nữ sinh Hà
Nội, vào chiến trường đã được ba năm. Đó là một khoảng thời gian ngắn của cuộc
đời; nhưng đối với người ra chiến trường, ở giữa vùng trọng điểm nơi tập trung
nhiều bom đạn nhất trên tuyến đường Trường Sơn, hằng ngày phải phơi mình trên
cao điểm bị địch bắn phá kinh hoàng, ba năm thật dài và đầy gian lao, khốc liệt.
Giữa hoàn cảnh chiến tranh ác liệt đến vậy, lời văn của Lê Minh Khuê vẫn tràn đầy
lạc quan, bà đã để cho Phương Định tự nhận xét về mình: “Nói một cách khiêm tốn,
tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh
như đài hoa loa kèn”; còn đôi mắt cô thì dài, nâu, “có cái nhìn sao mà xa xăm”,
nheo lại như chói nắng. Về sở thích, cô thích ngắm mình trong gương, thích ngồi bó
gối mơ màng; thích những bài hành khúc bộ đội, dân ca quan họ dịu dàng,
thích“Ca-chiu-sa” của Nga, dân ca Ý… Phương Định mê hát đến nỗi bịa cả lời ra
mà hát. Đối với đồng đội, cô luôn yêu mến họ; cảm phục các anh bộ đội nhưng
không phải cái kiểu “săn sóc, vồn vã” mà trong thâm tâm, cô luôn nhủ rằng: “những
người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân
phục, có ngôi sao trên mũ”. Khi Nho bị thương, cô đã bế Nho lên rồi nhanh chóng
băng bó vết thương, pha sữa cho Nho uống. Phương Định quả là một cô gái Hà Nội
trẻ trung, xinh xắn, luôn quan tâm, chăm sóc và yêu thương đồng đội như chị em;
tâm hồn mơ mộng, nhạy cảm và trong sáng, hồn nhiên, có cả chút “kiêu” duyên
dáng và đầy nữ tính…

Bên cạnh tâm hồn mơ mộng hồn nhiên, trong một lần phá bom, tính cách của
Phương Định tiếp tục được Lê Minh Khuê miêu tả sinh động và rõ nét. Lúc đến gần
chỗ có bom, cô cũng sợ, nhưng “cảm thấy có ánh mắt các anh chiến sĩ dõi theo”,
lòng dũng cảm được kích thích sự tự trọng nên cô không sợ nữa, đàng hoàng bước
tới chứ không đi khom. Khi lưỡi xẻng chạm vào quả bom, một tiếng động sắc “gai
người”, Phương Định rùng mình và cố gắng thực hiện các động tác nhanh, chắc
chạy đua với thời gian nhưng vẫn cẩn trọng, nhẹ nhàng; chỉ cần sai sót nhỏ thôi là
bom sẽ nổ ngay lập tức. Xong nhiệm vụ, cô chạy tới chỗ ẩn nấp, hồi hộp chờ đợi, lo
lắng, “tim đập không rõ”, thần kinh căng thẳng cao độ. Cô có nghĩ đến cái chết,
nhưng mờ nhạt; tâm trí Phương Định chỉ còn băn khoăn việc bom có nổ không. Cô
không ngần ngại hi sinh; cái công việc khủng khiếp bóp ngạt trái tim này đâu chỉ
diễn ra hôm nay, những nguy hiểm không kể xiết ấy diễn ra từng ngày, trở thành
một điều quen thuộc. Cô chỉ sợ đường không thông, không hoàn thành nhiệm vụ.
Rồi khi bom nổ - một thức tiếng kì quái váng óc – ngực nhói, mắt cay, cô vẫn phủi
áo và chạy xuống ngay nơi nổ. Trong truyện, có lẽ đây là đoạn xuất sắc nhất; tâm lí
nhân vật được miêu tả vô cùng chi tiết. Khi cái chết im lìm và đáng sợ kề bên, mọi
cảm giác của Phương Định đều trở nên sắc nhọn. Chính sự khốc liệt của chiến
trường đã tôi luyện tâm hồn vốn nhạy cảm của một nữ sinh thành bản lĩnh của
người thanh niên xung phong kiên cường, bất khuất…

Trận mưa đá cuối đoạn trích đã góp phần tô đậm thêm nét tính cách độc đáo
của. Phương Định. Mưa đá bất ngờ ập đến, cô vui thích cuống cuồng, chạy ra nhặt
đá; những niềm vui con trẻ lại nở tung ra, say sưa, tràn đầy. Sau khi mưa tạnh, là cả
một dòng sông kí ức cùng nỗi nhớ da diết về gia đình và thành phố thân thương, tất
cả như trào dâng, xoáy mạnh trong tâm trí cô. Đến đây, giọng kể chậm lại, nhịp
điệu câu văn như giãn ra phù hợp với lời hồi tưởng. Nỗi nhớ đó vừa là niềm khao
khát, vừa làm dịu mát tâm hồn cô ngay giữa hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh. Giữa
chiến trường mịt mù khói lửa, tâm hồn Phương Định vẫn luôn tỏa sáng mộng mơ,
lạc quan yêu đời. Đó chính là một nét đáng yêu của của tuổi trẻ Hà Nội, đặc biệt là
của những sinh viên Hà Nội xung phong vào chiến trường gian khổ…

Lê Minh Khuê đã thành công trong việc lựa chọn ngôi kể thứ nhất, góp phần
làm nổi bật thế giới nội tâm của Phương Định nói chung, của những cô gái thanh
niên xung phong nói riêng. Vai kể là nhân vật chính, có cách kể linh hoạt, tự nhiên,
ngôn ngữ trẻ trung, sinh động. Đặc biệt, nhà văn sử dụng nhiều câu ngắn, câu rút
gọn, câu đặc biệt phù hợp với không khi căng thẳng, khẩn trương của chiến trường.
Nghệ thuật đồng hiện, bút pháp miêu tả, biểu cảm hợp lí. Nghệ thuật miêu tả tâm lí
nhân vật rất tinh tế và sinh động.

You might also like