You are on page 1of 10

Bài diễn văn của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

Thứ Ba 12/9/2006 tại Đại Học Regensburg về mối liên hệ giữa niềm tin
và lý trí để đối thoại

Cùng Quí Ngài Chức Sắc,

Cùng Quí Tôn Vị Nữ Nam,

Tôi lấy làm cảm kích được trở về với viện đại học này một lần nữa và
đã có thể cống hiến bài trình luận tại giảng đài này một lần nữa. Tôi nghĩ về
những năm, sau một thời gian sống thoải mái ở Freisinger Hochschule, tôi
bắt đầu giảng dạy ở Đại Học Bonn. Việc này xẩy ra vào năm 1959, vào
những ngày thuộc thời đại học cũ bao gồm những vị giáo sư bình thường. Có
những ghế giáo sư khác nhau thiếu cả các người phụ tá hay thư ký, nhưng bù
lại, có nhiều sự liên hệ trực tiếp với sinh viên và nhất là giữa thành phần giáo
sư với nhau. Chúng tôi gặp nhau trước và sau các lớp học, ở trong phòng
nhân viên giảng dạy. Có sự trao đổi trực tiếp sống động với thành phần sử
gia, triết gia, ngữ học gia và dĩ nhiên là giữa hai phân khoa thần học. Có lúc
trong một khóa học lại có cả vấn đề dies academicus, tức có những vị giáo sư
thuộc mọi phân khoa đến nói chuyện với sinh viên toàn trường đại học, chia
sẻ kinh nghiệm thực sự về universitas – một điều đã được cả ngài Viện
Trưởng vừa đề cập tới nữa – nói cách khác, về một thứ kinh nghiệm liên
quan đến sự kiện là, mặc dù chúng ta có những chuyên môn từng đi tới chỗ
khó thông đạt với nhau, chúng ta vẫn làm nên một khối chung, khi làm mọi
sự dựa trên sự hợp lý duy nhất tùy theo các khía cạnh khác nhau của nó, và
chia sẻ trách nhiệm về việc sử dụng lý trí một cách đúng đắn – thực tại này
đã trở thành một kinh nghiệm từng trải. Viện đại học này cũng rất hãnh diện
về hai phân khoa thần học của mình. Vấn đề đã trở thành hiển nhiên là, bằng
việc tìm cầu về tính cách hữu lý của đức tin, cả hai phân khoa này đều thực
hiện một công việc làm nên yếu tố cần thiết cho ‘toàn thể’ vấn đề universitas
scientiarum, mặc dù không phải mọi người đều có cùng một niềm tin được
các thần học gia đang tìm cách liên kết với lý trí như là một tổng thể. Cảm
quan sâu xa này về mối liên hệ trong đại học đây về lý trí đã không bị trục
trặc, đến nỗi có lần một đồng nghiệp nói rằng đại học chúng ta quái lạ, ở chỗ,
nó có hai phân khoa chuyên về một điều không hiện hữu là Thiên Chúa.
Thậm chí phải đối diện với một thứ nghi hoặc thực sự như vậy, vẫn cần thiết
và hợp lý trong việc nêu lên vấn đề về Thiên Chúa qua đường lối sử dụng lý
trí, cũng như trong việc thực hiện điều này theo chiều hướng của truyền
thống đức tin Kitô Giáo: ở trong viện đại học này nói chung thì điều này đã
được chấp nhận không có vấn đề gì.

Mới đây tôi đã được nhắc nhớ về tất cả những điều ấy, khi tôi đọc cuốn
sách của Giáo Sư Theodore Khoury (Munster) về đoạn đối thoại xẩy ra – có
lẽ xẩy ra vào năm 1391 ở các doanh trại mùa đông gần Ankara – giữa vị
hoàng đế Byzantine uyên bác là Manuel II Paleologus và một nhà trí thức Ba
Tư về vấn đề Kitô Giáo và Hồi Giáo và về sự thật của hai tôn giáo này.
Người ta cho rằng chính vị hoàng đế ấy là người đã viết lại cuộc đối thoại
này, trong giai đoạn thành Constantinople bị vây hãm vào thời khoảng 1394
và 1402; và điều này có thể giải thích về lý do tại sao những lập luận của ông
chi tiết hơn là những lập luận của nhân vật Ba Tư đối thoại với ông. Cuộc
đối thoại này liên quan nhiều tới những cấu trúc đức tin trong Thánh Kinh và
Sách Qur’an, và đặc biệt bàn luận tới hình ảnh về Thiên Chúa và về con
người, trong khi đó cuộc đối thoại này nhiều lần vẫn cần phải trở về với mối
liên hệ giữa – những gì được họ gọi là – tam ‘Luật’ hay ‘các qui luật sống’,
đó là Cựu Ước, Tân Ước và Sách Qur’an. Tôi không có ý định bàn đến vấn
đề này trong bài nói hôm nay; ở đây tôi chỉ muốn bàn đến một điểm duy nhất
– một điểm tự nó lại ở bên lề cuộc đối thoại nói chung này – một điểm, theo
chiều hướng của vấn đề ‘đức tin và lý trí’, tôi thấy lý thú và là điểm có thể
giúp mở màn cho việc tôi chia sẻ về vấn đề này.

Trong cuộc đàm thoại thứ bảy (*4V8,>4H - controversy) được Giáo Sư
Khoury thu thập, thì vị hoàng đế này đã chạm tới đề tài về cuộc thánh chiến.
Vị hoàng đế này chắc chắn biết được rằng Sura 2, 256, có câu ‘Không có vấn
đề võ lực nơi việc tin tưởng’. Theo các chuyên gia, thì đây là một trong
những chương Sura thuộc giai đoạn đầu, thời điểm mà Đức Mahommed vẫn
còn ở trong tình trạng bất lực và bị đe dọa. Tuy thế, bình thường thì vị hoàng
đề này cũng biết được những điều hướng dẫn, được khai triển sau này và
được ghi vào Sách Qur’an liên quan tới cuộc thánh chiến. Không đi sâu vào
những chi tiết như tính cách khác nhau liên quan tới việc xử sự nơi những ai
có ‘Cuốn Sách’ này với thành phần ‘vô tín ngưỡng’, vị hoàng đế này đã đột
ngột cộc lốc nói cùng nhân vật đối thoại với mình về vấn đề chính yếu liên
quan tới mối liên hệ giữa tôn giáo và bạo lực nói chung, mà rằng: ‘Xin tỏ cho
tôi thấy chỉ những gì Tiên Tri Muhammed đã viết có tính cách mới mẻ mà ở
đó nhà ngươi thấy được những gì chỉ toàn là sự dữ và phi nhân, chẳng hạn
như việc ngài truyền dạy hãy dùng gươm giáo để quảng bá niềm tin được
ngài rao giảng’ (‘Show me just what Mohammed brought that was new, and
there you will find things only evil and inhuman, such as his command to
spread by the sword the faith he preached’). Vị hoàng đế này, sau khi bày tỏ
chủ trương của mình thật là mạnh mẽ, tiếp tục giải thích cặn kẽ về những lý
do tại sao việc quảng bá niềm tin bằng võ lực là những gì phi lý.

Bạo động là những gì không thích hợp với bản tính của Thiên Chúa và
bản tính của linh hồn. Ông nói rằng: ‘Thiên Chúa không thích việc đổ máu –
và việc không tác hành một cách hợp lý (F×< 8`(T) là điều trái nghịch với
bản tính của Thiên Chúa. Niềm tin là những gì xuất phát từ linh hồn chứ
không phải từ thân xác. Ai dẫn người nào đó tới với niềm tin thì cần phải có
khả năng nói năng khéo léo và lý luận thích đáng, không có vấn đề bạo lực
và đe dọa… Để chinh phục một linh hồn biết suy nghĩ thì người ta không cần
đến thứ vũ khí mãnh liệt, hay bất kỳ một thứ khí giới này, hoặc bất cứ một
phương tiện đe dọa sát hại nhân sự nào khác…”

Lời phát biểu quyết liệt nơi lập luận này chống lại việc hoán cải bằng võ
lực là thế này: không hành động theo lý trí là việc phản lại bản tính của
Thiên Chúa. Nhà biên soạn Theodore Khoury nhận định rằng: Đối với vị
hoàng đế, một con người Byzantine chịu ảnh hưởng của triết lý Hy Lạp, thì
lời phát biểu này là những gì minh nhiên. Thế nhưng, đối với giáo huấn của
tín đồ Hồi Giáo thì Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn siêu việt. Ý muốn của
Ngài không bị ràng buộc bởi bất cứ một phạm trù nào của chúng ta, thậm chí
là phạm trù về lý lẽ. Đến đây giáo sư Khoury đã trích tác phẩm của một
người Pháp nổi tiếng theo chủ nghĩa Hồi Giáo là R. Arnaldez, nhân vật đã
vạch ra là Ibn Hazn đã đi quá xa khi nói rằng Thiên Chúa không bị ràng buộc
thậm chí bởi chính lời của Ngài, cũng như nói rằng không gì ép buộc được
Ngài phải mạc khải chân lý cho chúng ta. Nếu thực sự là ý Chúa muốn thì
thậm chí chúng ta cần phải tôn thờ cả đến ngẫu tượng nữa.

Đến đây, đối với vấn đề hiểu biết Thiên Chúa, và nhờ đó liên hệ tới vấn
đề cụ thể sống đạo, chúng ta đối diện với một vấn đề nan giải bất khả tránh.
Phải chăng ý nghĩ cho rằng tác hành một cách vô lý thì trái nghịch với bản
tính của Thiên Chúa chỉ là một ý nghĩ của người Hy Lạp, hay nó tự bản chất
bao giờ cũng đúng? Tôi tin rằng ở đây chúng ta có thể thấy được tính cách
hòa hợp sâu xa giữa những gì là Hy Lạp theo đúng nghĩa nhất của ngôn từ,
với kiến thức thánh kinh về niềm tin kính Thiên Chúa. Điều chỉnh lại câu đầu
tiên của Sách Khởi Nguyên, câu đầu tiên của toàn bộ Thánh Kinh, Thánh
Gioan đã mở đầu cuốn Phúc Âm của mình bằng những chữ: “Từ ban đầu đã
có 8`(@H”. Đó chính là những lời được vị hoàng đề này sử dụng: Thiên
Chúa hành động, F×< 8`(T, với logos. Logos vừa có nghĩa là lý trí vừa có
nghĩa là lời – một lý trí sáng tạo và có khả năng tự truyền đạt, chính vì nó là
lý trí. Vậy Thánh Gioan đã nói đến lời tối chung về quan niệm Thiên Chúa
theo thánh kinh, và nơi lời này, tất cả những gì thường là khó khăn cực nhọc
và những gì là quanh co uẩn khúc của niềm tin theo thánh kinh đều được đạt
tới tột đỉnh của mình và sự tổng hợp của mình. Từ ban đầu đã có logos và
logos này là Thiên Chúa, vị Thánh Ký viết. Cuộc hội ngộ giữa sứ điệp Thánh
Kinh đây với tư tưởng Hy Lạp không xẩy ra một cách ngẫu nhiên tình cờ
đâu. Thị kiến của Thánh Phaolô, vị đã thấy những con đường dẫn tới Á Châu
bị ngăn chặn và trong một giấc mơ ngài đã thấy một ngưoơi đàn ông
Macedonia van xin ngài rằng: ‘Xin hãy đến với Macedonia để giúp đỡ chúng
tôi!’ (x Tông Vụ 16:6-10) – thị kiến này có thể được hiểu như là một thứ
‘chưng cất’ liên quan tới nhu cầu nội tại của một thứ tái kết hữu nghị giữa
niềm tin theo Thánh Kinh và việc tra vấn của người Hy Lạp.

Thật ra thì việc tái kết hữu nghị này đã từng tiếp diễn mấy lần. Danh
xưng mầu nhiệm của Thiên Chúa này, được mạc khải từ bụi cây bừng cháy,
một danh xưng tách biệt vị Thiên Chúa này ra khỏi tất cả mọi thứ thần linh
khác mang nhiều tên gọi của họ, và là một danh xưng chỉ tuyên bố rằng ‘Ta
là’, đã trở thành một thách đố đối với quan niệm về thần thoại hoang đường,
một danh xưng mà triết gia Socrate đã có những suy loại khít khao để làm
tan biến đi cũng như để vượt lên trên những gì là thần thoại hoang đường.
Trong Cựu Ước, tiến trình được mở màn ở bụi cây bừng cháy ấy đã tiến đến
chỗ phát triển mới mẻ hơn nữa vào thời kỳ Lưu Đầy, khi vị Thiên Chúa của
dân Yến Duyên, một dân Yến Duyên bấy giờ bị mất đi mảnh đất của mình
cùng với việc phụng thờ của mình, đã tuyên bố mình như là vị Thiên Chúa
của trời đất, và diễn tả bằng một công thức giản dị âm vang những lời đã
được Ngài thốt ra ở bụi cây bừng cháy: ‘Ta là’. Kiến thức mới mẻ này về
Thiên Chúa được kèm theo một thứ minh thức, thứ minh thức tỏ ra khắc
nghiệt khi chế nhạo những vị thần linh chỉ là việc làm của loài người (x Ps
115). Bởi thế, mặc dù xẩy ra tình trạng xung khắc gay go với thành phần cai
trị theo nền văn hóa Hy Lạp muốn tìm cách bắt buộc đức tin Thánh Kinh
thích ứng với những thứ tục lệ và việc sùng bái ngẫu tượng của người Hy
Lạp, niềm tin thánh kinh, trong giai đoạn văn hóa Hy Lạp, cũng đã hội ngộ
với tư tưởng hay nhất của Hy Lạp một cách sâu đậm, kết quả bởi một cuộc
phong phú hóa lẫn nhau, rõ ràng được thấy một cách đặc biệt nơi thứ văn
chương khôn ngoan sau này. Ngày nay, chúng ta biết rằng bản dịch Cựu Ước
theo tiếng Hy Lạp đã được thực hiện ở Alexandria – tức Bản 70 – còn hơn là
một bản dịch từ bản văn theo tiếng Do Thái (mà bởi thế thực sự là một bản
dịch không thỏa đáng cho lắm): nó là một chứng từ nguyên văn có tính cách
độc lập, và là một bước tiến khác biệt và quan trọng trong lịch sử mạc khải,
một bước tiến đưa đến cuộc hội ngộ quan trọng cho việc khai sinh và phát
triển Kitô Giáo này. Một cuộc hội ngộ về đức tin và lý trí đang xẩy ra ở đấy,
một cuộc hội ngộ giữa minh thức đích thực và tôn giáo. Từ chính tâm điểm
của đức tin Kitô Giáo, cũng như từ tâm điểm của tư tưởng Hy Lạp, giờ đây
liên kết lại thành niềm tin, hoàng đế Manuel II đã có thể nói rằng: Việc
không tác hành ‘với logos’ là việc làm phản lại với bản tính của Thiên Chúa.

Người ta cần phải nhận định một cách hết sức thành thật rằng vào cuối
Thời Trung Cổ, chúng ta thấy có những chiều hướng nơi thần học làm tách
biệt cái tổng hợp giữa tinh thần Hy Lạp và tinh thần Kitô Giáo này. Ngược
lại với cái được gọi là duy lý trí của Âu Cơ Tinh và Tôma, xuất hiện nơi
Duns Scotus một chủ nghĩa duy ý chí là chủ nghĩa, qua những diễn tiến sau
này, dẫn đến chỗ cho rằng chúng ta chỉ có thể biết voluntas ordinate (ý muốn
bình thường) của Thiên Chúa mà thôi. Ngoài ý muốn bình thường này là
lãnh vực thuộc quyền tự do của Thiên Chúa, từ đó, Ngài có thể làm đảo lộn
hết mọi sự Ngài đã làm. Điều này làm phát sinh ra những chủ trương rõ ràng
là sát cận với những chủ trương của Ibn Hazn, thậm chí có thể dẫn đến hình
ảnh của một vị Thiên Chúa đồng bóng, một vị Thiên Chúa thậm chí không
liên hệ gì tới sự thật và sự thiện. Siêu việt tính của Thiên Chúa và cái khác
biệt của Thiên Chúa là những gì được đề cao đến nỗi, lý trí của chúng ta,
giác quan của chúng ta về sự thật và sự thiện, không còn là những gì thực sự
phản ảnh Thiên Chúa, Vị Thiên Chúa mà những năng thể sâu xa nhất của
Ngài vĩnh viễn trở thành những gì bất khả đạt và được dấu kín đằng sau
những quyết định thực sự của Ngài. Ngược lại với chủ trương này, đức tin
của Giáo Hội bao giờ cũng nhấn mạnh rằng giữa Thiên Chúa và chúng ta,
giữa Thần Linh Sáng Tạo hằng hữu của Ngài và lý trí thụ tạo của chúng ta có
một cái gì tương tự thật sự, như Công Đồng Chung Latêranô IV năm 1215 đã
nói, một sự tương tự với cái không giống vĩnh viễn là nhiều hơn là cái giống,
tuy nhiên không tới độ hủy loại đi cái tương tự cùng với ngôn từ của nó.
Thiên Chúa không trở thành thần linh hơn khi chúng ta đẩy Ngài ra khỏi
chúng ta theo chiều hướng duy ý chí hoàn toàn bất khả thấu; trái lại, vị Thiên
Chúa thực sự thần linh này là vị Thiên Chúa đã tỏ mình ra như logos – lời, và
như logos – lời, ngài đã tác hành và tiếp tục tác hành một cách yêu thương
đối với chúng ta. Tình yêu, như Thánh Phaolô viết, thực sự là những gì ‘vượt
trên’ kiến thức và vì thế có thể cảm nhận hơn là duy tưởng (x Eph 3:19); tuy
nhiên, nó vẫn là tình yêu của vị Thiên Chúa là Logos – Lời. Bởi thế, việc tôn
thờ của Kitô Giáo, cũng Thánh Phaolô nói, là "8@(46¬ 8"JD,\"", việc tôn
thờ hợp với Lời hằng hữu và với lý trí của chúng ta (x Rm 12:1).

Việc tái tấu mối hữu nghị nội tại giữa đức tin theo Thánh Kinh và triết
thức Hy Lạp là một biến cố hệ trọng thật là quyết liệt, chẳng những theo
quan điểm lịch sử các tôn giáo, mà còn theo quan điểm lịch sử thế giới nữa –
nó là một biến cố liên quan thậm chí tới chúng ta ngày nay nữa. Trước việc
qui hợp này, không lạ gì Kitô Giáo, cho dù việc bắt nguồn và phát triển của
nó ở Đông phương, cuối cùng lại mang tính cách quan trọng về lịch sử ở Âu
Châu. Chúng ta có thể diễn đạt vấn đề này một cách khác như sau: việc qui
hợp ấy, cùng với việc thêm thắt sau này của gia sản Rôma, đã là những gì
kiến tạo nên Âu Châu và tiếp tục là nền tảng cho những gì có thể đáng được
gọi là Âu Châu.

Luận đề cho rằng gia sản được can thận thanh tẩy là những gì hình
thành một phần nguyên vẹn của đức tin Kitô Giáo, là luận đề đã bị phản
kháng bởi tiếng gọi hãy giải thể văn hóa Hy Lạp khỏi Kitô Giáo – một tiếng
gọi càng ngày càng chi phối những cuộc bàn luận về thần học từ khi mở màn
thời đại tân tiến. Nhìn kỹ, người ta thấy có 3 giai đoạn trong tiến trình giải
thể văn hóa Hy Lạp này: mặc dù có liên hệ với nhau, song 3 giai đoạn ấy rõ
ràng là khác biệt hẳn nhau nơi những cái mới mẻ và mục tiêu của mình.

Việc giải thể văn hóa Hy Lạp đầu tiên liên quan tới những định đề của
phong trào Cải Cách ở thế kỷ 16. Khi nhìn vào truyền thống của nền thần
học kinh viện, thành phần Cải Cách nghĩ rằng họ phải đối đầu với một hệ
thống tin tưởng hoàn toàn bị điều kiện hóa bởi triết lý, tức là họ muốn nói
đến một sự kết nối của đức tin dựa trên một hệ thống tư tưởng ngoại lạ. Do
đó, đức tin không còn là một Lời sống động trong lịch sử mà chỉ là một yếu
tố của một hệ thống bị hệ thống triết lý bao trùm. Trái lại, nguyên lý duy
thánh kinh – sola srciptura lại tìm kiếm một niềm tin hoàn toàn mặc hình
thức tinh tuyền, nguyên khôi, như được thấy từ ban đầu ở Lời trong thánh
kinh. Siêu hình học đã trở thành như là một tiền đề được xuất phát từ một
nguồn mạch khác, là nơi đức tin đã được giải phóng để trở về với chính bản
chất của mình. Khi triết gia Kant nói rằng ông cần dẹp việc suy nghĩ ra ngoài
để lấy chỗ cho niềm tin, là ông đã tiền hành dự án này một cách cấp tiến
chưa từng thấy nơi thành phần Cải Cách. Bởi thế ông đã cột thắt niềm tin vào
thứ lý trí thực tiễn mà thôi, không để cho niềm tin tiến tới với toàn thể thực
tại.

Thần học giải phóng trong thế kỷ 19 và 20 đã mở màn cho giai đoạn hai
trong tiến trình giải thể văn hóa Hy Lạp, với Adolf von Harnack như nhân
vật tiêu biểu nhất của thứ thần học này. Khi tôi còn là một sinh viên, và vào
những năm đầu làm nghề giảng dạy của mình, thì cái cương lĩnh này cũng đã
có một ảnh hươởg lớn nơi thần học Công Giáo rồi. Nó được khởi đi từ chỗ
phân biệt của triết gia Pascal về vấn đề vị Thiên Chúa của thành phần triết
gia với vị Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp. Trong bài khai mạc
của tôi ở Bonn năm 1959, tôi đã cố gắng nói tới vấn đề này, và tôi không
muốn lập lại ở đây những gì tôi đã nói vào lúc bấy giờ, thế nhưng tôi muốn
diễn tả vắn gọn ít là những gì mới mẻ về giai đoạn thứ hai của việc giải thể
văn hóa Hy Lạp này. Ý tưởng chính yếu của Harnack đó chỉ là việc trở về
với con người Giêsu cũng như với sứ điệp bình thường của Người, một sứ
điệp nằm ở bên dưới những thứ bồi đắp của thần học và thực sự của nền văn
hóa Hy Lạp: sứ điệp bình thường này được thấy như là tột đỉnh của việc phát
triển về đạo giáo của nhân loại. Chúa Giêsu là vị được cho rằng đã chấm dứt
việc thờ phượng để hướng chiều về luân lý. Để rồi Người được trình bày như
là một người cha của thứ sứ điệp về luân lý nhân đạo. Nói cho cùng thì mục
đích của Harnack đó là đem Kitô Giáo vào cuộc hài hòa với thứ lý trí tân
tiến, tức là giải phóng Kitô Giáo khỏi những yếu tố có vẻ triết lý và thần học,
chẳng hạn như niềm tin tưởng vào thần tính của Chúa Kitô và vào Thiên
Chúa Ba Ngôi. Như thế, việc dẫn giải Tân Ước theo kiểm nhận về lịch sử,
như ông thấy, là những gì đã trả về cho thần học vị trí của thần học trong đại
học: thần học, đối với Harnack, là một cái gì đó có tính cách lịch sử thiết
yếu, bởi thế thần học hoàn toàn có tính cách khoa học. Những gì có thể nói
theo nhận định về Chúa Giêsu thực sự là một bày tỏ của thứ lý trí thực tiễn,
từ đó, nó có thể chiếm được thế đứng thật sự của mình ở đại học đường.
Đứng đằng sau việc suy nghĩ này là tính chất tự hạn hữu mới của lý trí,
những gì đã được đề cập đến theo kiểu cổ điển trong cuốn “Critiques” của
Kant, thế nhưng đồng thời lại được cấp tiến hóa hơn bởi ảnh hưởng của các
ngành khoa học tự nhiên. Quan niệm tân tiến này về lý trí, nói tóm lại, được
căn cứ vào một cuộc tổng hợp giữa chủ nghĩa Platonism (Cartesianism) và
chủ nghĩa duy nghiệm, một tổng hợp được củng cố bởi việc thành đạt của kỹ
thuật. Một đàng nó bao hàm cái cấu trúc toán học của chất thể, bao hàm cái
lý lẽ nội tại của cuộc tổng hợp này, cái lý lẽ để có thể hiểu được chất thể hoạt
động ra sao và việc sử dụng nó một cách hiệu năng: cái tiền đề căn bản này
thực sự là yếu tố của triết lý Plato nơi kiến thức tân tiến về thiên nhiên tạo
vật. Mặt khác, năng lực của thiên nhiên tạo vật đang bị khai thác cho các
mục đích của chúng ta, và ở nơi đây, chỉ có khả năng kiểm chứng hay xuyên
tạc bằng thử nghiệm mới có thể thật sự nắm vững được vấn đề mà thôi. Cán
cân giữa đúng sai này, tùy theo hoàn cảnh, có thể chạy từ bên này sang bên
kia. Là con người mạnh mẽ theo thực chứng chủ nghĩa, một tư tưởng gia như
J. Monod đã từng tuyên bố mình là thành phần chấp nhận chủ nghĩa
Plotonist/Cartesian.

Điều này làm phát sinh ra hai nguyên tắc hệ trọng đối với vấn đề được
chúng ta nêu lên. Nguyên tắc thứ nhất, đó là chỉ có thứ xác nhận nào xuất
phát từ việc tác động của các yếu tố toán học và thử nghiệm mới có thể được
coi là khoa học. Bất cứ điều gì cho là khoa học đều phải được căn cứ vào qui
chuẩn ấy. Bởi thế, các khoa học về nhân văn, như lịch sử, tâm lý, xã hội và
triết học, cần phải tuân hợp với qui luật của khoa học tính này. Nguyên tắc
thứ hai, một nguyên tắc quan trọng cho những suy tư của chúng ta, đó là, tự
bản chất của mình, phương pháp này là những gì loại trừ vấn đề về Thiên
Chúa, cho vấn đề ấy như là vấn đề phi khoa học hay tiền khoa học. Tóm lại,
chúng ta đang phải đối diện với một thứ thu ngắn phạm vi khoa học và lý trí,
một thứ thu ngắn cần được đặt lại vấn đề.

Tôi sẽ trở lại với vấn đề ấy sau này. Lúc này đây, vấn đề cần phải nhận
định là, theo quan điểm ấy thì bất cứ một nỗ lực nào muốn bảo trì việc cho
thần học là ‘khoa học’ đều tiến đến chỗ biến Kitô Giáo thành một đơn mảnh
thuộc bản chất trước kia của nó. Thế nhưng, chúng ta cần phải nói thêm là:
nếu tất cả khoa học là như thế và chỉ như thế mà thôi, thì chính con người
cuối cùng cũng bị biến giảm, vì những vấn đề đặc biệt về con người liên
quan tới nguồn gốc và định mệnh của chúng ta, những vấn đề được tôn giáo
và đạo lý gợi lên, bấy giờ không có chỗ đứng trong nhãn quan của thứ lý trí
vơ đũa cả nắm được cho là “khoa học”, được hiểu là như thế, và như vậy thì
các vấn đề đặc biệt ấy cần phải được chuyển sang cho lãnh vực chủ quan. Để
rồi chủ thể là người, căn cứ vào kinh nghiệm của mình, sẽ quyết định những
gì họ coi là khả thủ nơi các vấn đề về tôn giáo, và thứ “lương tâm” chủ quan
sẽ trở thành một thẩm phán viên độc đoán duy nhất về những gì có tính cách
đạo lý. Cho dù là như thế chăng nữa, luân thường đạo lý và tôn giáo cũng đã
mất đi quyền lực của mình trong việc kiến tạo nên một cộng đồng và hoàn
toàn trở thành một vấn đề riêng tư cá nhân. Đó là một tình trạng nguy hiểm
nơi những sự vụ giành cho nhân loại, như chúng ta thấy được từ những
chứng bệnh đáng lo ngại về tôn giáo và lý trí là những gì đang cần phải bùng
nổ, khi mà lý trí bị biến giảm đến nỗi những vấn đề về tôn giáo và đạo lý
không còn liên hệ gì với nó nữa. Những nỗ lực kiến tạo nên một thứ đạo lý
theo các qui luật của việc tiến hóa, hay theo tâm lý học và xã hội học, đều là
những gì sẽ tiến tới chỗ bị què cụt hụt hẫng mà thôi.

Trước khi tôi rút ra những kết luận từ tất cả những điều ấy, tôi cần phải
vắn tắt nói tới giai đoạn thứ ba của việc giải thể văn hóa Hy Lạp là giai đoạn
đang diễn tiến hiện nay. Theo kinh nghiệm của chúng ta về tính cách đa
nguyên của văn hóa, ngày nay người ta thường nói rằng cái tổng hợp với văn
hóa Hy Lạp đạt được ở Giáo Hội vào lúc ban đầu là một thứ hội nhập văn
hóa sơ khởi không có hiệu lực trên các nền văn hóa khác. Các nền văn hóa
khác này được cho rằng có quyền trở về với sứ điệp thuần túy của Tân Ước
trước cuộc hội nhập văn hóa ấy, để hội nhập sứ điệp ấy một cách mới mẻ vào
môi trường riêng biệt của chúng ta. Luận đề này chẳng những sai lầm; nó
còn tồi tệ và thiếu chính xác nữa. Tân Ước được viết bằng Hy ngữ và mang
dấu ấn của tinh thần Hy Lạp, một tinh thần đã tiến đến chỗ chín mùi như
Cựu Ước đã phát triển vậy. Thật thế, có những yếu tố trong cuộc tiến hóa của
Giáo Hội sơ khai không được hội nhập vào tất cả mọi nền văn hóa. Tuy
nhiên, những quyết định trọng yếu về mối liên hệ giữa đức tin và việc sử
dụng lý trí con người là những gì thuộc về chính đức tin; chúng là những tiến
triển hợp với bản chất của chính đức tin.

Giờ đây tôi đi đến phần kết luận của mình. Nỗ lực này, một nỗ lực được
vẽ vời bằng những đường nét phóng đại, theo một thứ nhận định từ bên trong
của lý trí tân tiến, không có liên quan gì tới việc quay ngược kim đồng hồ trở
lại với thời gian trước Thời Minh Tri, cũng như trong việc loại trừ đi những
minh thức của thời đại tân tiến hết. Những khía cạnh tích cực của tính cách
tân tiến đều được công nhận một cách dễ dàng: ở chỗ, tất cả chúng ta đều
cảm nhận đối với những tiềm năng tuyệt vời đang được mở ra cho nhân loại,
cũng như đối với việc tiến bộ chúng ta có được nơi nhân loại. Ngoài ra, tinh
thần của khoa học – như chính ngài Viện Trưởng đã nhắc tới – đó là ý muốn
tỏ ra thuận phục chân lý, nhờ đó, nó thể hiện một thái độ vốn thuộc về những
quyết định thiết yếu theo tinh thần Kitô Giáo. Ý hướng này ở đây không phải
là một ý hướng của sự cắt xén hay của vấn đề tiêu cực kiểm định, mà là của
việc nới rộng quan niệm của chúng ta về lý trí và về việc áp dụng của lý trí.
Trong khi chúng ta hoan hưởng nơi những tiềm năng mới mở ra cho nhân
loại thì chúng ta cũng thấy được những mối nguy hiểm xuất phát từ những
tiềm năng này ,nên chúng ta vần phải tự hỏi làm sao chúng ta có thể thắng
vượt được những thứ nguy hiểm ấy. Chúng ta sẽ thành công trong việc làm
điều này chỉ khi nào lý trí và đức tin cùng nhau sánh bước một cách mới mẻ,
chỉ khi nào chúng ta thắng vượt được cái hạn hữu tự áp đặt của lý trí đối với
những gì là khả thực theo thử nghiệm, và chỉ khi nào chúng ta một lần nữa
vạch ra được những vùng chân trời rộng lớn của lý trí. Theo chiều hướng này
thì thần học mới đáng thuộc về đại học đường và mới đáng thực hiện cuộc
đối thoại bao rộng với các khoa học, không phải chỉ như là một ngành về lịch
sử và một ngành của các khoa học nhân văn, mà thực sự là thần học, là việc
thẩm tra tính cách hợp lý của đức tin.

Chỉ như thế chúng ta mới có thể thực hiện một cuộc đối thoại với các
nền văn hóa và tôn giáo là những gì hết sức cần thiết ngày nay. Nơi thế giới
Tây phương, nhiều người chủ trương rằng chỉ có thứ lý trí có tính cách thực
chứng và những hình thức của triết học theo thứ lý trí này mới có giá trị phổ
quát. Tuy nhiên, các nền văn hóa về đạo giáo sâu xa của thế giới đều thấy
việc loại trừ thần linh này khỏi tính cách phổ quát của lý trí là một thứ tấn
công vào những niềm xác tín sâu xa nhất của những nền văn hóa ấy. Một thứ
lý trí tỏ ra câm điếc trước thần linh và đẩy tôn giáo vào lãnh vực của các thứ
hạ tầng văn hóa là một lý trí không thể nhập cuộc đối thoại với các nền văn
hóa. Đồng thời, như tôi đã cố gắng chứng tỏ, lý trí khoa học tân tiến có yếu
tố mang tính cách triết lý Plato sâu đậm chất chứa nơi mình một vấn đề
hướng về những gì ở ngoài chính nó và ở ngoài cả những tiềm năng nơi
phương pháp học của nó nữa. Lý trí khoa học tân tiến hoàn toàn dễ dàng
chấp nhận cái cấu trúc hợp lý của chất thể, cũng như cái tương hợp giữa tinh
thần của chúng ta với những cấu trúc hợp lý vốn có nơi thiên nhiên tạo vật là
những gì phương pháp học của lý trí khoa học tân tiến cần phải dựa vào. Tuy
nhiên, vấn đề tại sao sự việc này cần phải như thế là một vấn đề thực sự, và
là một vấn đề cần phải được các ngành khoa học tự nhiên trả về cho các kiểu
cách và lãnh vực suy tưởng khác – tức cho triết học và thần học. Đối với triết
lý, và cho dù bằng đường lối khác nhau, đối với cả thần học, thì việc lắng
nghe những cảm nghiệm và những minh thức cao cả nơi những truyền thống
tôn giáo của loài người, cũng như những cảm nghiệm cùng minh thức của
riêng đức tin Kitô Giáo, là một nguồn kiến thức, và việc coi thường việc lắng
nghe này sẽ là một thứ hạn chế bất khả chấp cho việc lắng nghe và đáp ứng
của chúng ta. Ở đây tôi nhớ tới điều triết gia Socrates nói với Phaedo. Trong
những cuộc đàm đạo đầu tiên của mình, có nhiều ý nghĩ sai lầm về triết lý đã
được nêu lên, nên Socrates đã nói: “Thật là dễ hiểu khi có người cảm thấy
khó chịu trước tất cả những thứ khái niệm sai lầm mà đối với cuộc đời còn
lại của mình họ tỏ ra kinh thường và chế nhạo tất cả những gì nói về hữu thể
– thế nhưng vì vậy mà họ lại bị hụt hẫng đi cái sự thật về việc hiện hữu và
phải chịu mất mát lớn lao”. Tây phương đã lâu bị nguy hiểm bởi thái độ
không ưa thích đối với những vấn nạn được tiềm tàng nơi tính chất hợp lý
của mình, và vì thế chỉ có thể phải chịu đựng cái tai hại cả thể. Can đảm dấn
thân cho tính cách bao rộng của lý trí và không chối bỏ tính cách cao cả của
nó – đó là chương trình từ đó một khoa thần học được bắt nguồn từ niềm tin
theo Thánh Kinh mới có thể tham gia vào những cuộc tranh luận của thời đại
chúng ta. “Việc không tác hành hợp lý, không hành động với logos, là điều
trái với bản tính của Thiên Chúa”, hoàng đế Manuel II đã nói như thế, theo
kiến thức Kitô Giáo của ông về Thiên Chúa, để đáp lại đối thoại viên người
Ba Tư của ông. Chính vì để tiến đến với cái logos cao cả này, đến với cái
rộng lớn của lý trí ấy, mà chúng ta kêu gọi đồng bạn của chúng ta hãy thực
hiện cuộc đối thoại về các nền văn hóa. Công việc cao cả của đại học đường
đó là liên lỉ tái nhận thức lý trí vậy.

You might also like