You are on page 1of 68

Báo cáo kết quả nghiên cứu thực tế 

 
 

Đánh giá nghèo


có sự tham gia của cộng đồng tại
Thành phố Hồ Chí Minh
*** 
Báo cáo được thực hiện bởi  
Trịnh Hồ Hạ Nghi 
Huỳnh Thị Ngọc Tuyết  
với phần bổ sung của Bill Tod 

Tháng 7‐8/ 2003 
ii
Mục Lục

Danh mục các Bảng và Khung  ............................................................................................iii 
Lời nói đầu của Nhóm hành động chống đói nghèo.........................................................v 
Lời cảm ơn .............................................................................................................................vii 
Những chữ viết tắt ................................................................................................................ ix 
Tóm tắt Báo cáo  ...................................................................................................................... 1 
Phần 1: Giới thiệu  .................................................................................................................. 4 
Phần 2: Địa điểm Nghiên cứu  .............................................................................................. 8 
Phần 3: Nhận thức về nghèo, xu hướng nghèo, động thái nghèo, việc làm, những       
              rủi ro và tính dễ tổn thương .................................................................................. 12 
Phần 4: Tham gia và Tăng cường Năng lực trong việc Đưa ra các Quyết định tại              
              Địa phương  ............................................................................................................. 25 
Phần 5: Cải cách Hành chính công  .................................................................................... 32 
Phần 6: Di dân và các Vấn đề Đô thị.................................................................................. 39 
Tài liệu Tham khảo  .............................................................................................................. 48 
PHỤ LỤC 1: Phương pháp nghiên cứu  ............................................................................ 49 
PHỤ LỤC 2: Số liệu Tóm tắt Tham vấn tại Địa bàn Nghiên cứu .................................. 51 
PHỤ LỤC 3: Danh sách thành viên nhóm khảo sát thực địa  ........................................ 54 
PHỤ LỤC 4: Các loại hình thức cư trú đối với quản lý hành chính ............................. 55 
PHỤ LỤC 5: Quan hệ đối tác trong Đánh giá nghèo theo vùng ................................... 57

iii
Danh mục các Bảng và Khung
Bảng
Bảng 1: Dân số huyện Bình Chánh, Thị Trấn An Lạc và Xã Tân Tạo .............................. 9  
Bảng 2: Dân số Quận 8, Phường 4 và Phường 5 ............................................................... 11 
Bảng 3: Tính đa khía cạnh của tình trạng nghèo .............................................................. 18 
Bảng 4: Ý kiến của cán bộ và người dân địa phương về các lĩnh vực  
              dân chủ cơ sở ........................................................................................................... 27 
Bảng 5: Ý kiến của cán bộ và người dân địa phương về cơ chế tăng cường sự  
               tham gia và đảm bảo việc phổ biến, trao đổi thông tin .................................... 29 
Bảng 6: Dân chủ cơ sở trực tiếp và đại diện ...................................................................... 30

Khung
Khung 1: Tiêu chí xác định hộ nghèo của chương trình Xoá Đói Giảm Nghèo........... 15 
Khung 2: Ý nghĩa của các nguồn lực chính trị và xã hội đối với người nghèo ............ 16  
Khung 3: Người nghèo nhận thức được chất lượng cuộc sống của họ thấp kém ....... 17 
Khung 4: Quy trình xét chọn hộ hưởng chương trình Xoá đói giảm nghèo  
                  tại khu phố ........................................................................................................... 31 
Khung 5: Rơi vào cảnh nghèo vì tác động của quy hoạch đô thị................................... 45 

iv
Lời nói đầu của
Nhóm hành động chống đói nghèo
 
Tháng 5 năm 2002, Chính phủ Việt Nam đã hoàn thành Chiến lược toàn diện về tăng 
trưởng  và  xoá  đói  giảm  nghèo  (CPRGS)  và  bắt  đầu  quá  trình  triển  khai  thực  hiện 
CPRGS  ở  cấp  địa  phương.  Thông  qua  các  chiến  dịch  thông  tin  và  hàng  loạt  các  hội 
thảo vùng, cán bộ của các bộ ngành chủ chốt đã giải thích cho đại diện của các chính 
quyền  địa  phương  về  các  phương  pháp  sao  cho  các  quy  trình  lập  kế  hoạch  của  địa 
phương có thể được thực hiện theo định hướng vì người nghèo hơn, dựa trên số liệu 
thực tế hơn, chú trọng vào kết quả hơn, cân đối tốt hơn trong các quyết định phân bổ 
nguồn lực và được giám sát tốt hơn.  
 
Năm 2003 Nhóm hành động chống đói nghèo (PTF) đã hỗ trợ thực hiện cho các đánh 
giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng (PPAs) ở 12 tỉnh của Việt Nam. Những đánh 
giá nghèo này đã sử dụng khung nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu chung để 
tìm hiểu những vấn đề nghèo đói mà các số liệu định lượng đã không mô tả được hết. 
Mục đích của việc làm này là đưa ra một nghiên cứu có thể sử dụng cùng với số liệu 
của Điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam để cung cấp thông tin cho Ban thư ký 
CPRGS về tiến độ thực hiện CPRGS cho tới nay. Đánh giá nghèo cũng được thiết kế 
để cung cấp thông tin cho các nghiên cứu mới về nghèo đói ở các vùng và trên toàn 
quốc  và  các  nghiên  cứu  này  cũng  đã  được  công  bố  riêng.  Các  đánh  giá  nghèo  theo 
vùng sẽ được sử dụng như những công cụ xây dựng năng lực cho các quy trình lập kế 
hoạch với định hướng vì người nghèo ở các cấp chính quyền địa phương.  
 
Tám nhà tài trợ đã đóng góp nguồn lực tài chính và nhân lực để hỗ trợ cho các đánh 
giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng, là cơ sở cho việc xây dựng báo cáo này và 
các đánh giá nghèo theo vùng bổ sung. Các nhà tài trợ bao gồm ADB, AusAID, DFID, 
GTZ, JICA, SCUK, UNDP và Ngân hàng Thế giới. Mỗi nhà tài trợ đóng vai trò chính ở 
một vùng của Việt Nam. Việc phân bố các vùng giữa các nhà tài trợ được tóm tắt ở 
Bảng A, và dựa trên định hướng hoạt động của các nhà tài trợ trong từng lĩnh vực. 
Bằng  cách  lựa  chọn  vùng  nào  mình  thấy  quen  thuộc  nhất,  thông  qua  các  dự  án  và 
hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, các nhà tài trợ có thể tận dụng hoàn toàn được những hiểu 
biết tích luỹ được khi đã làm việc tại vùng đó.  
 
Các nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng ở 43 
xã  rải  rác  trên  toàn  quốc.  Trong  số  đó  có  hai  tổ chức  phi  chính  phủ  quốc tế  (Action 
Aid và SCUK), các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam, 
bao gồm Trung tâm phát triển nông thôn, Viện xã hội học (IOS), Trung tâm Chăm sóc 
sức  khoẻ  ban  đầu  Long  An,  Trung  tâm  dịch  vụ  phát  triển  nông  thôn  (RDSC)  và 
Vietnam Solutions.  Ngoài ra, có hai nhà tài trợ đã tiến hành nghiên cứu bằng cách lập 
các nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia trong nước dưới sự quản lý trực tiếp của 
nhà  tài  trợ.  Kiến  thức  và  kinh  nghiệm  của  các  tổ  chức  phi  chính  phủ  và  cơ  quan 
nghiên  cứu  đóng  vai  trò  then  chốt  đối  với  chất  lượng  của  công  tác  này.  Một  cơ  chế 
phối hợp đã được hình thành cho công tác đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng 

v
đồng. Các thành viên của hầu hết các nhóm nghiên cứu đã tham gia xây dựng khung 
nghiên cứu và đi đến thống nhất về mục tiêu cần đạt được trong công tác nghiên cứu 
thực  địa.  Công  tác  thực  địa  đã  được  một  số  nhóm  tiến  hành  thí  điểm,  và  đề  cương 
nghiên cứu cũng được chỉnh sửa cho phù hợp với những bài học kinh nghiệm được 
rút  ra.  Khuôn  khổ  nghiên  cứu  cuối  cùng  bao  quát  những  lĩnh  vực  nghiên  cứu  như 
sau: 

• Nhận thức về nghèo đói và xu hướng nghèo, nguyên nhân dẫn tới nghèo và 
khả năng dễ bị tổn thương; 
• Tiến bộ trong công tác tăng cường dân chủ ở cấp cơ sở, đặc biệt là mức độ các 
hộ nghèo có thể tham gia một cách có ý nghĩa vào các quy trình xây dựng kế 
hoạch và lập ngân sách; 
• Những  thách  thức  trong  việc  cung  cấp  các  dịch vụ  cơ  bản,  tập  trung  vào  sự 
tương tác của các hộ gia đình nghèo với các nhà cung cấp dịch vụ và các hộ 
nghèo có thể được tăng cường quyền lực như thế nào để có thể yêu cầu quyền 
lợi được cung cấp các dịch vụ cơ bản một cách hiệu quả hơn; 
• Các cơ chế trợ cấp xã hội hiện nay (liên quan tới công tác xác định đối tượng 
ưu tiên ở trên) và cách thức cải thiện các cơ chế này;  
• Tình hình cải cách hành chính công ở các cấp chính quyền địa phương; 
• Những thách thức trong vấn đề di dân và mối liên hệ giữa sự di chuyển của 
hộ gia đình, nghèo đói và tiếp cận với dịch vụ; và, 
• Thông  tin  về  môi  trường  đối  với  người  nghèo  và  sự  thay  đổi  của  tình  hình 
này. 

Những Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng hiện nay đang được công bố 
thành bộ. Một báo cáo tổng hợp các kết quả của cả 43 xã và phân tích một cách tổng 
hợp hơn các chủ đề này cũng sẽ được công bố. Cũng sẽ có một báo cáo khác tóm tắt 
phương  pháp  tiếp  cận,  phương  pháp  nghiên  cứu  được  sử  dụng  và  những  câu  hỏi 
nghiên cứu chi tiết.  

vi
Lời cảm ơn
Chúng tôi xin chân thành cám ơn sự chỉ đạo và hỗ trợ quý báu và kịp thời của Ủy Ban 
Nhân  Dân  Thành  Phố  Hồ  Chí  Minh,  Ban  Chỉ  Đạo  Chương  Trình  Xóa  Đói  Giảm 
Nghèo  và  Việc  Làm  (Sở  Lao  Động  Thương  Binh  Xã  Hội),  chính  quyền  Huyện  Bình 
Chánh, Thị trấn An Lạc, Xã Tân Tạo, và chính quyền Quận 8, Phường 4, và Phường 5, 
trong suốt quá trình nghiên cứu. Đặc biệt, xin cảm ơn sự cộng tác nhiệt tình và đầy 
tính trách nhiệm của các cán bộ chuyên trách chương trình Xoá Đói Giảm Nghèo cấp 
thành phố, quận/huyện và phường/ xã/ thị trấn đã góp phần quyết định vào sự thành 
công của đợt khảo sát, đồng thời minh chứng cho tính tham gia là phương pháp chủ 
đạo của tất cả các cuộc đánh giá nghèo được thực hiện từ năm 1999 đến nay.  
 
Chúng tôi cũng xin cám ơn các tổ chức đoàn thể, các tổ trưởng tổ dân phố, ban vận 
động khu phố/ ấp được chọn khảo sát đã vận động người dân tham gia tích cực và tổ 
chức  chu  đáo  các  buổi  họp  dân,  tạo  ra  bầu  khí  cho  sự  tham  gia  tích  cực,  cởi  mở  để 
nhóm nghiên cứu có được các thông tin xác thực từ chính người dân địa phương. 
 
Xin  cám  ơn  T.S.  Martin  Rama,  Th.S.  Carrie  Turk  (Ngân  Hàng  Thế  Giới),  và  Th.S. 
Nguyễn Văn Thuần (Cơ quan Phát triển Quốc tế Úc), đã hỗ trợ công việc nghiên cứu, 
đặc biệt về phương pháp, trong suốt các giai đoạn chuẩn bị, thực địa, cũng như viết 
báo cáo. 
 
Cuối cùng, xin chân thành cám ơn những người dân đã trực tiếp tham gia nghiên cứu 
thông  qua  các  hoạt  động  thảo  luận  nhóm,  phân  hạng  kinh  tế  hộ,  phỏng  vấn  sâu 
trường hợp điển cứu và các ý kiến thực tế, chân tình, xây dựng để nghiên cứu này có 
thể hoàn thành tốt đẹp.  

vii
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

viii
Tóm tắt Báo cáo

Những chữ viết tắt


 
BHYT       Bảo Hiểm Y Tế 
CCHC       Cải Cách Hành Chính 
CG       Consultative Group (Nhóm Tư Vấn Các Nhà Tài Trợ) 
CP       Chính Phủ 
CPRGS       Chiến Lược Toàn Diện về Tăng Trưởng và Xoá Đói Giảm Nghèo 
DCCS       Dân Chủ Cơ Sở 
GDP       Gross Domestic Products (Tổng sản phẩm quốc nội) 
HDI       Human Development Index (Chỉ số phát triển con người) 
HĐND       Hội Đồng Nhân Dân 
LĐTBXH       Lao Động Thương Binh Xã Hội 
NĐ‐CP       Nghị Định Chính Phủ 
PPA       Participatory Poverty Assessment (Đánh giá Nghèo có sự tham gia của 
cộng đồng) 
SCUK       Save The Children United Kingdom (Tổ Chức Cứu Trợ Trẻ Em Anh) 
TDP       Tổ Dân Phố 
TPHCM       Thành Phố Hồ Chí Minh 
UBND       Ủy Ban Nhân Dân 
XĐGN       Xóa Đói Giảm Nghèo 

ix
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

x
Tóm tắt Báo cáo

Tóm tắt Báo cáo


Nhận thức về nghèo, xu hướng nghèo, động thái nghèo, việc làm, những rủi ro
và tính dễ tổn thương
Cuối  năm  nay  (2003),  Thành  phố  Hồ  Chí  Minh  phấn  đấu  xoá  nghèo  theo  tiêu  chí 
nghèo của Thành phố. Tuy nhiên, kết quả cuộc nghiên cứu Đánh giá tình trạng nghèo 
có sự tham gia này cho thấy có sự chênh lệch đáng kể giữa số hộ nghèo được chương 
trình Xoá Đói Giảm Nghèo xác định và con số hộ được người dân địa phương cho là 
nghèo.  Khi  phân  hạng  kinh  tế  hộ,  trong  mỗi  tổ  dân  phố,  người  dân  xác  định  có 
khoảng 30% đến 50% hộ gia đình là “nghèo” hay “rất nghèo” (so với hộ “khá giàu” và 
“trung bình”). Trong khi đó, chương trình Xoá Đói Giảm Nghèo thường xác định có 
từ 2 đến 7 hộ trong mỗi tổ dân phố, tức khoảng 4% đến 15% tổng số hộ là nghèo. 
 
Trong  khi  có  một  số  người  dân  được  tham  khảo  ý  kiến  cho  rằng  cuộc  sống  khá  lên 
trong vài năm qua (nhất là nhờ bán đất hay tài sản khác – dù điều này không đảm bảo 
sinh kế bền vững), số đông còn lại cho rằng cuộc sống trở nên khó khăn hơn và than 
phiền không đủ ăn, cho con cái nghỉ học sớm và sống lây lất qua ngày.  
 
Có  nhiều  nguyên  nhân  lý  giải  cho  cuộc  sống  ngày  càng  khó  khăn,  chứng  tỏ  rằng 
nghèo không chỉ là thu nhập ít ỏi, mà còn là chi phí sống cao, công việc bấp bênh, sức 
khỏe  kém,  không  được  học  hành,  nhà  cửa  không  an  toàn  và  kém  vệ  sinh,  các  mối 
quan hệ xã hội bị hạn chế, và cách biệt giàu nghèo ngày càng tăng.  
 
Công việc làm vẫn còn là thách đố lớn đặt ra cho người nghèo. Người nghèo gần như 
không thể tìm việc làm nhờ các trung tâm giới thiệu việc làm của nhà nước. Còn tìm 
việc nhờ các dịch vụ việc làm tư nhân thì có rủi ro cao, và có nhiều dịch vụ mang tính 
ʺlừa đảoʺ. Những công nhân không có tay nghề, lớn tuổi, hay sức khoẻ kém gặp nhiều 
trắc trở trên con đường tìm việc. Một khi tìm được, tình trạng thiếu luật lệ hoặc luật lệ 
không  được  thực  thi  làm  cho  quyền  lợi  của  công  nhân  thường  không  được  bảo  vệ. 
Công nhân nữ trẻ (chiếm 90% lực lượng lao động trong nhiều xí nghiệp) tỏ ra lo ngại 
về sự cô lập xã hội của họ. 

Tham gia và tăng cường năng lực trong việc đưa ra các quyết định tại địa
phương
Lúc đợt nghiên cứu đánh giá nghèo có sự tham gia này đang tiến hành, các phường/ 
xã/ thị trấn đang tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 29 (Dân chủ cơ sở – DCCS) chủ 
yếu tập trung vào các lĩnh vực sau: 14 việc dân biết đến, 6 việc dân bàn bạc và quyết 
định trực tiếp, 8 việc dân tham gia ý kiến, HĐND và UBND quyết định, 10 việc dân 
giám sát, kiểm tra. Các cán bộ và người dân địa phương đều đồng ý rằng đã có nhiều 
tiến bộ trong việc thực hiện các nội dung tuyên truyền, phổ biến DCCS và các chính 
sách  khác  của  nhà  nước,  thái  độ  tiếp  dân  tích  cực  hơn  trong  các  cơ  quan  nhà  nước, 
bầu  cử  đại  biểu  Hội  đồng  Nhân  dân,  đóng  góp  vào  các  khoản  quỹ  địa  phương  và 
phát triển cơ sở hạ tầng địa phương. Các cán bộ chính quyền quận/ huyện và phường/ 
xã/ thị trấn cho rằng khâu có nhiều hạn chế duy nhất là vấn đề công khai ngân sách 
địa phương. 
 

1
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

Tuy nhiên, người dân địa phương còn thấy được các điểm yếu kém khác như: những 
người dân nhập cư nghèo, thanh niên, và trẻ em ít tham gia hơn so với những nhóm 
dân thường trú; các tổ trưởng tổ dân phố (những người đóng vai trò thiết yếu trong 
việc  đưa  ra  các  ý  kiến  hướng  dẫn)  có  năng  lực  làm  việc  rất  khác  nhau;  đại  biểu  Hội 
đồng  Nhân  dân  thường  là  các  cán  bộ  địa  phương;  việc  thực  hiện  DCCS  chỉ  giới  hạn 
trong khuôn khổ UBND, không ít trường hợp bị hạn chế vì thiếu sự phối kết hợp với 
các cơ quan ngành dọc như giáo dục và quản lý đô thị. 
  
Ý kiến đề xuất chủ yếu là cần thay đổi bản chất tham gia từ khá bị động và một chiều 
(chẳng  hạn  như  được  thông  báo)  như  hiện  nay  trở  nên  chủ  động  hơn  và  có  sự  bàn 
bạc, trao đổi, tham khảo ý kiến hai chiều (ví dụ như về việc đóng các khoản phí ngoài 
học phí), và chuyển sang giám sát chủ động hơn sau này (chẳng hạn như xác định đối 
tượng hỗ trợ xã hội và giám sát việc thực hiện chương trình XĐGN). Cần phải thu hẹp 
khoảng cách nhận thức của các cán bộ địa phương và của người dân địa phương về 
các vấn đề vừa nêu trên. 

Cải cách hành chính


Các cán bộ địa phương và người nghèo ghi nhận có một số cải tiến đáng kể trong lĩnh 
vực dịch vụ quản lý hành chính, điển hình là dịch vụ “một cửa một dấu” cho chứng 
nhận các loại giấy tờ tuỳ thân. Tuy nhiên, theo ý kiến người nghèo, còn nhiều vấn đề 
tồn tại trong lĩnh vực nhà đất – địa chính và đăng ký nhân hộ khẩu, chẳng hạn như 
vẫn  còn  nhiều  các  thủ  tục  phức  tạp  và  làm  mất  nhiều  thời  gian,  tình  trạng  tham 
nhũng và năng lực, phẩm chất cán bộ địa phương làm việc trong các ngành này, đã và 
đang ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của họ. 
 
Về phân cấp quản lý, cán bộ cấp quận/ huyện và phường/ xã cho rằng còn có sự mơ 
hồ,  chồng  chéo,  không  phân  biệt  rõ  ràng  chức  năng,  nhiệm  vụ  của  các  cấp,  các  ban 
ngành.  Cán bộ  cả  hai  cấp  đều  tán  thành  phân  cấp  quản  lý  nhiều  hơn  cho  cấp  cơ  sở 
phường/ xã theo hướng vì người nghèo, tuy nhiên, sự phân cấp này phải đi cùng với 
các giải pháp nhằm nâng cao tính hiệu quả và hiệu lực, ví dụ như hợp lý hoá sự phân 
công phân cấp, cải thiện các luồng thông tin và các mối liên kết, phối hợp công tác, 
tăng cường tính công khai, minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục và quy định, tạo ra 
nhiều hơn sự kiểm tra, giám sát và xem xét việc phân bổ kinh phí và nhân sự cho phù 
hợp với thực tế tình hình các địa phương (có tính đến tốc độ phát triển và sự gia tăng 
dân số ở một số khu vực phường/ xã). 
 
Bản thân người nghèo có những nhận thức khác nhau, nhưng thường rất hạn chế, về 
cải  cách  hành  chính  và  các  ảnh  hưởng,  liên  quan  giữa  cải  cách  hành  chính  công 
(CCHC) với họ, đồng thời họ thấy mình khó tác động đến tiến trình thực hiện CCHC. 

Di dân và các vấn đề đô thị


Một số thông tin quan trọng nhất ghi nhận được về các quan tâm của cộng đồng về các 
vấn đề di dân và đô thị hóa tại hai quận huyện khảo sát có thể được tóm tắt như sau: 
 
‐    Có khoảng 34% ‐ 40% dân số không có hộ khẩu thường trú (đặc biệt ở một xã 
của huyện Bình Chánh, tỉ lệ này lên đến 65%) 
‐    Từ năm 1999 đến nay, số cư dân của các khu vực khảo sát tăng khoảng 28% 
đến 39% (có một xã của huyện Bình Chánh tỉ lệ tăng dân số lên đến 64%)  

2
Tóm tắt Báo cáo

Các hệ quả của tình trạng thiếu hộ khẩu thường trú một lần nữa lại được người dân 
nêu ra (tương tự như lần đánh giá nghèo năm 1999 và tham khảo ý kiến cộng đồng về 
Chiến lược tăng trưởng và giảm nghèo năm 2002), như: không bình đẳng quyền lợi 
trong  tiếp  cận  giáo  dục,  chăm  sóc  sức  khoẻ,  thụ  hưởng  chương  trình  Xoá  đói  giảm 
nghèo, các chương trình tín dụng và các hỗ trợ xã hội khác cũng như phải trả các chi 
phí cao cho điện, nước và các phí tổn cho gia hạn đăng ký tạm trú.  
 
Ngoài ra, trong khi người nhập cư là người phải  gánh chịu sự thiếu an toàn do tình 
trạng cư trú tạm thời của họ thì người dân nghèo tại chỗ là những người bị ảnh hưởng 
bởi các dự án quy hoạch đô thị lại phàn nàn nhiều về tình trạng bấp bênh, không ổn 
định, thiếu sự công khai rõ ràng, thiếu tư vấn cộng đồng và sự chậm trễ, kéo dài (trong 
một số trường hợp đến hơn 5 năm) của các dự án thuộc quy hoạch “treo”. 
 
Các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội không căn cứ trên số cư dân hiện đang sinh 
sống tại địa phương (vì chỉ có lực lượng công an nắm số liệu về số dân nhập cư để 
quản lý trật tự trị an) mà chỉ căn cứ trên số dân có đăng ký thường trú. Các kế hoạch 
này vì thế không theo hướng giảm nghèo, chí ít là xét trên khía cạnh không tính đến 
các nhóm dân nghèo mới di chuyển từ nông thôn vào thành phố. Cũng vì thế, người 
nhập cư là người nghèo không được nhận diện. 
 
Tuy  nhiên,  nếu  so  sánh  với  các  cuộc đánh  giá  nghèo  có  sự  tham  gia  của  cộng  đồng 
trước đây, có sự thay đổi đáng ghi nhận nhất về thái độ của các lãnh đạo và viên chức  
các cấp là hiện nay nhiều người cởi mở chấp nhận có những thiếu sót trong cách tiếp 
cận hiện hành, công nhận nhiều hơn các quyền lợi bình đẳng của người nhập cư với 
tư cách là những công dân Việt Nam như là những người Việt Nam khác, nhìn nhận 
vai trò quan trọng của họ trong sự phát triển kinh tế của Thành phố và vì thế cần có 
sự vận dụng mềm dẻo, linh hoạt hơn các quy định về đăng ký cư trú. 

3
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

Phần 1: Giới thiệu

Cơ sở và mục đích nghiên cứu


Theo số liệu chính thức năm 2003, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đạt thành 
tựu  về  tổng  sản  phẩm  quốc  nội  đầu  người  (GDP  per  capita)  cao  thứ  nhì1  và  chỉ  số 
phát triển con người (HDI) cao thứ ba2 trong 61 tỉnh thành trên toàn quốc. Theo Ban 
Chỉ Đạo Xóa Đói Giảm Nghèo và Việc Làm Thành phố, số người sống dưới ngưỡng 
nghèo  hiện  nay  đang  giảm  dần,  còn  1.74%  đến  tháng  10/20033,  và  Thành  phố  phấn 
đấu  cuối  năm  nay  sẽ  xóa  nghèo  theo  chuẩn  nghèo  hiện  tại.  Cũng  xin  lưu  ý  rằng 
ngưỡng nghèo Thành phố được quy định ở mức tương đối cao hơn nhiều so với các 
tỉnh thành khác. 
 
Tuy nhiên, các thông số trên chưa phản ánh tình trạng có một số lượng lớn người dân 
chưa  hoặc  không  đăng  ký  cư  trú,  hầu  hết  là  những  người  nhập  cư  từ  các  tỉnh  khác 
đến Thành phố mưu sinh, hoặc sinh sống tạm thời hoặc có thể định cư lâu dài tại đây. 
Mục  tiêu  nghiên  cứu  Đánh  giá  tình  trạng  nghèo  có  sự  tham  gia  lần  này4  nhằm  tìm 
hiểu  thực  chất  những  vấn  đề  nghèo  phát  sinh  trong  quá  trình  đô  thị  hóa  mạnh  mẽ 
đang diễn ra tại Thành phố mà các con số thống kê không đo lường được.  
 
Với mục tiêu như vậy, nghiên cứu này vừa là một nghiên cứu về vấn đề nghèo đô thị 
của  thành  phố  Hồ  Chí  Minh,  vừa  là  một  phần  của  nghiên  cứu  đánh  giá  tình  trạng 
nghèo trên cả nước, với khung nghiên cứu được Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng Thế 
giới, và Nhóm Hành động chống đói nghèo, các viện nghiên cứu và tổ chức phi chính 
phủ  Việt  Nam  cùng  thực  hiện;  với  công  tác  thực  địa  và  báo  cáo  được  Nhóm  Hành 
động chống đói nghèo, chính quyền địa phương các cấp, và người dân tại cộng đồng 
của 12 tỉnh thành thuộc 7 vùng trên toàn quốc cùng đồng loạt tiến hành. Vì vậy, kết 
quả của nghiên cứu này, cùng với các nghiên cứu Đánh giá Tình trạng nghèo (PPA) 
khác và Điều tra Mức sống Hộ gia đình 2002, sẽ đóng góp vào báo cáo tiến độ thực 
hiện Chiến lược Toàn diện về Tăng trưởng và Giảm nghèo, sẽ được trình bày tại cuộc 
họp Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ tháng 12 năm 2003, cũng như đóng góp vào bản Báo 
cáo Phát triển Việt Nam 2004 của các tổ chức tài trợ. Nói một cách khác, một mặt, kết 
quả của nghiên cứu này sẽ góp phần nâng cao năng lực cán bộ chính quyền ở cấp tỉnh 
thành và các cấp thấp hơn nhằm làm cho các quá trình lập kế hoạch địa phương nhận 
được  thông  tin  dữ  liệu  tốt  hơn  nhờ  các  công  trình  nghiên  cứu  phân  tích  được  xây 
dựng trên nền tảng tham gia mang tính chất đối thoại của người nghèo về chính sách. 
Mặt khác, kết quả nghiên cứu sẽ được hướng đến việc lấp đầy những khoảng trống 
phân tích trong Chiến lược Toàn diện về Tăng trưởng và Giảm nghèo và hỗ trợ tăng 
cường khung giám sát  Chiến lược, đặc biệt về những vấn đề liên quan đến quản lý 
nhà nước và cung cấp dịch vụ. 

1  5.209  đô‐la  Mỹ  (sau  Bà  Rịa  Vũng  Tàu:  14.470)  (Đổi  mới  và  Phát  triển  Con  người  ở  Việt  Nam.  Nhà  xuất  bản 

Chính trị Quốc gia. 2001.) 
2 0,796 (sau Bà Rịa – Vũng Tàu 0,835 và Hà Nội 0,798 (Đổi mới và Phát triển Con người ở Việt Nam. Nhà xuất 

bản Chính trị Quốc gia. 2001.) 
3 Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 16/10/2003, trang 1. 

4 Nghiên cứu Đánh giá tình trạng nghèo có sự tham gia vào năm 1999 (SCUK 1999) và Tham khảo ý kiến cộng 

đồng về  Chiến Lược Toàn Diện về Tăng Trưởng  và Xóa Đói Giảm Nghèo (CPRGS) vào cuối năm 2001 (SCUK 


2002) đã có một số phát hiện về các khía cạnh nghèo và mối tương quan giữa vấn đề nghèo và di dân. 

4
Phần 1: Giới thiệu

Mục tiêu cụ thể


Nghiên cứu Đánh giá Tình trạng nghèo này nhằm tìm hiểu quan điểm cấp cơ sở về 
nguyên nhân và xu hướng nghèo, và phản hồi của người dân nghèo về những nỗ lực 
thực hiện chính sách hướng về người nghèo như chính sách giảm nghèo, quy chế dân 
chủ cơ sở, cải cách hành chính, vấn đề di dân và các vấn đề đô thị khác. Cụ thể, đợt 
nghiên cứu này nhằm tìm hiểu các vấn đề sau: 
• nhận  thức  về  nguyên  nhân  và  xu  hướng  nghèo,  động  thái  nghèo,  việc  làm, 
những rủi ro, tính tổn thương  
• tiến  độ  tăng  cường  thực  hiện  dân  chủ  cấp  cơ  sở,  đặc  biệt  là  mức  độ  các  hộ 
nghèo  có  thể  tham  gia  một  cách  có  ý  nghĩa  vào  quá  trình  lập  kế  hoạch  và 
ngân sách ở địa phương  
• việc cải cách hành chính diễn ra ở cấp chính quyền địa phương như thế nào  
• vấn đề về di dân trong bối cảnh đô thị và những vấn đề liên quan.  

Phương pháp nghiên cứu


Nghiên  cứu  này  là  một  nghiên  cứu  Đánh  giá  Tình  trạng  nghèo  có  sự  tham  gia  của 
người dân (PPA), là một phương pháp không ngừng được công nhận trong thập kỷ 
vừa  qua  như  là  “một  công  cụ  để  ghi  nhận  quan  điểm  người  nghèo  trong  phân  tích 
vấn đề nghèo và hình thành các chiến lược để giảm nghèo bằng chính sách công”5. Là 
một PPA, trước hết nghiên cứu này nhằm nâng cao khái niệm và sự hiểu biết về vấn 
đề nghèo bằng cách tham vấn ý kiến người nghèo về nguyên nhân nghèo, dựa trên đó 
các chính sách giảm nghèo có thể được thực hiện hiệu quả hơn nhờ xác định những 
hành động ưu tiên giải quyết các vấn đề mà người nghèo nhận thấy quan trọng. Thứ 
hai,  nghiên  cứu  nhằm  tăng  cường  sự  tham  gia  của  người  nghèo,  nhờ  vậy  khuyến 
khích cơ chế hiệu quả hơn cho việc học hỏi và phản hồi về các kết quả của các chính 
sách và chương trình. Thứ ba, nghiên cứu cũng nhằm làm sáng tỏ mức độ các chính 
sách chủ yếu của nhà nước (như Nghị định Dân chủ cơ sở và Cải cách Hành chính) 
được  biết  đến  và  hiểu  như  thế  nào,  tác  động  được  người  dân  cảm  nhận  của  những 
chính sách này, và mức độ các cơ quan nhà nước khác nhau được người dân tin cậy 
để phân phối lợi ích6. 
 
Dùng các phương pháp và công cụ PPA, nghiên cứu này được thiết kế để bổ sung cho 
đánh giá nghèo rút ra từ cuộc Điều tra Mức sống Hộ gia Đình của Tổng Cục Thống Kê 
bằng  việc  cung  cấp  những  thông  tin  một  nghiên  cứu  định  lượng  như  cuộc  Điều  tra 
không thể thu thập nắm bắt được, như sự đa khía cạnh của tình trạng nghèo, đơn vị 
phân tích (phân tích các yếu tố nghèo ngoài đơn vị hộ gia đình như tác động của nghèo 
lên những cá nhân khác nhau về tuổi tác và giới tính trong nội bộ hộ gia đình, hoặc các 
yếu tố cộng đồng như tiếp cận cơ sở hạ tầng), tính dễ tổn thương và các quá trình động 
thái.  
 
Để  đạt  được  điều  trên,  nghiên  cứu  Đánh  giá  Tình  trạng  nghèo  này  dùng  một  loạt  các 
phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội như thu thập thông tin thứ cấp để có được bối 
cảnh, cơ sở, và đối chiếu các ghi nhận chính; thảo luận nhóm tập trung, quan sát trực 
tiếp, phân hạng kinh tế hộ gia đình7, phỏng vấn cá nhân không cấu trúc và bán cấu trúc.  

5 Norton, Andy. Đánh giá Tình trạng nghèo có sự tham gia của người dân – Lý thuyết và Thực hành. Overseas 

Development Institute. 2001. 
6 ibid.

7 Xem Phụ lục 1. 

5
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

 
Dựa  trên  mục  tiêu  và  phương  pháp  nghiên  cứu  trên,  cuộc  nghiên  cứu  tình  trạng 
nghèo có sự tham gia của người dân lần này được thực hiện ở Thị trấn An Lạc và Xã 
Tân Tạo thuộc Huyện Bình Chánh, Phường 4 và Phường 5 Quận 8, là các quận huyện 
đang đô thị hóa có những đặc điểm và tốc độ phát triển khác nhau. Nghiên cứu thực 
địa kéo dài hai tuần, từ ngày 3 đến ngày 16 tháng 8 năm 2003. Ngoài ra còn có các giai 
đoạn chuẩn bị nghiên cứu, tập huấn, viết và thông qua báo cáo kết quả nghiên cứu.  
 
Trong  mỗi  phường,  xã,  hoặc  thị  trấn,  để  tham  khảo  ý  kiến  người  nghèo,  có  4  cuộc 
phân hạng kinh tế hộ, mỗi cuộc có 4 tham dự viên; và có 9 cuộc thảo luận nhóm, mỗi 
cuộc  có  khoảng  12  tham  dự  viên,  gồm  phụ  nữ  nghèo  địa  phương,  nam  nghèo  địa 
phương, phụ nữ nghèo nhập cư, nam nghèo nhập cư (ở độ tuổi từ 35‐55), thanh niên 
nam  nữ  nghèo  địa  phương  và  thanh  niên  nam  nữ  nghèo  nhập  cư  (ở  độ  tuổi  18‐25), 
thiếu  nhi  nghèo  địa  phương  và  thiếu  nhi  nghèo  nhập  cư  (ở  độ  tuổi  12‐16  tuổi),  và 
chính quyền, ban ngành, đoàn thể địa phương.  
 
Tương tự ở cấp quận huyện, thông tin và ý kiến được thu thập qua các buổi thảo luận 
nhóm với chính quyền quận huyện và chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mỗi nhóm 
khoảng 12 người tham dự.  
 
Tổng cộng toàn đợt nghiên cứu có 16 cuộc phân hạng kinh tế hộ, 41 cuộc thảo luận 
nhóm,  và  20  cuộc  phỏng  vấn  sâu  các  trường  hợp  điển  cứu  với  457  người  tham  dự, 
được phân chia theo lứa tuổi, giới tính, và vị trí xã hội như sau (xem phụ lục 2):  
 
• Theo tuổi: 271 người lớn (35‐55 tuổi), 92 thanh niên (18‐25 tuổi), và 94 trẻ em 
(12‐16 tuổi)  
• Theo giới: 223 nữ và 234 nam 
• Theo  vị  trí  xã  hội:  70  cán  bộ  chính  quyền,  17  đại  diện  doanh  nghiệp  nhỏ  và 
vừa,  và  370  người  dân  địa  phương  (trong  đó  193  người  thuộc  diện  KT1  và 
KT2, 177 người thuộc diện KT3 và KT4)  
• Theo dân tộc: Đại đa số tham dự viên là người Kinh. Chỉ có một số rất ít (11 
người) là người Hoa, và một (01) người là dân tộc thiểu số (Tày). 
 
Tổng số thành viên tham gia nghiên cứu gồm 47 người từ các tổ chức chính quyền, 
đoàn thể, các cơ quan nghiên cứu và giáo dục, được điều phối bởi tổ chức phi chính 
phủ là Tổ chức Cứu Trợ Trẻ Em Anh (SCUK). Trong số này có 5 người là nghiên cứu 
viên của phía SCUK, 9 người từ các viện nghiên cứu và trường đại học, cao đẳng; 15 
người  là  cán  bộ  chính  quyền,  ban  ngành,  đoàn  thể  địa  phương  3  cấp  (thành  phố, 
quận/ huyện, phường/ xã/ thị trấn) đã tích cực tham gia như là các nghiên cứu viên 
chính thức (xem Phụ lục 3). Trung bình mỗi quận/ huyện có 3 cán bộ quận/ huyện và 
một số cán bộ phường/ xã/ thị trấn tham gia hỗ trợ thảo luận nhóm bằng cách cùng 
hướng dẫn thảo luận hoặc ghi biên bản. Ngoài ra, các tổ trưởng và trưởng ban nhân 
dân  khu  phố/  ấp  đã  tích  cực  hỗ  trợ  xác  định  người  dân  nghèo  tham  gia  phân  hạng 
kinh tế hộ, thảo luận nhóm, phỏng vấn trường hợp điển cứu để nhóm nghiên cứu thu 
thập ý kiến và ghi nhận thông tin.  
 

6
Phần 1: Giới thiệu

Phạm vi và hạn chế của nghiên cứu


Là một PPA, nghiên cứu này không nhằm đưa ra một bức tranh tổng thể về sự phát triển 
kinh tế xã hội của TPHCM, cũng không nhằm đánh giá việc thực hiện chương trình xóa 
đói  giảm  nghèo,  một  chương  trình  đã  đạt  được  nhiều  thành  tựu  đầy  sức  thuyết  phục 
trong thập kỷ qua. Mục tiêu nghiên cứu này nhằm tìm hiểu các khía cạnh của thực trạng 
nghèo tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2003 cũng như nêu bật những thách thức còn tồn 
tại trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân 
bằng  nhiều  biện  pháp  và  phương  thức  phát  triển  kinh  tế  xã  hội  và  giảm  nghèo  được 
khẳng định trong Chiến lược Toàn diện về Tăng trưởng và Giảm nghèo.  
 
Tham gia nghiên cứu này có 370 người dân địa phương nghèo (người lớn, thanh niên, 
và trẻ em), trong số 1.248 hộ nghèo (được chương trình Xóa đói Giảm nghèo xác định) 
tại các phường, xã, thị trấn nơi nghiên cứu được tiến hành. Vì vậy, để đảm bảo các kết 
luận được xác thực, đáng tin cậy và không thiên kiến, các phương pháp so sánh đối 
chiếu  thông  tin  dữ  liệu  được  áp  dụng  để  đưa  ra  thực  tiễn,  kinh  nghiệm,  ưu  tiên  và 
cảm nhận đại diện của người nghèo. 

Bố cục của báo cáo


Báo  cáo  này  được  chia  làm  6  phần.  Phần  1  giới  thiệu  chung  về  mục  tiêu,  địa  điểm, 
phương pháp và thành phần tham gia nghiên cứu. Các phần sau viết về bối cảnh của 
các địa bàn nghiên cứu thuộc TPHCM (Phần 2) và các thông tin liên quan đến nhận 
thức  về  nghèo  (Phần  3),  sự  tham  gia  và  trao  quyền  (Phần  4),  cải  cách  hành  chính 
(Phần 5), di dân và các vấn đề đô thị khác (Phần 6). Để tiện cho độc giả tham khảo, có 
một phần tóm tắt báo cáo (trang 1‐3), và ở đầu mỗi phần (từ Phần 3 đến 6) có phần 
tóm lược các thông tin ghi nhận chính.  

7
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

Phần 2: Địa điểm Nghiên cứu


Huyện Bình Chánh
Huyện Bình Chánh nằm phía tây nam Thành phố Hồ Chí Minh, nối liền Thành phố 
với Đồng bằng Sông Cửu Long bằng Quốc lộ 1. Huyện Bình Chánh có tổng diện tích 
30.458  héc‐ta,  trong  đó  có  khoảng  20.000  héc‐ta  đất  nông  nghiệp  và  3.000  héc‐ta  đất 
thổ cư. Huyện Bình Chánh có 1 thị trấn và 19 xã.  
 
Huyện có một (01) Trung tâm y tế, 3 phòng khám khu vực, 25 trường mẫu giáo, 53 
trường tiểu học và phổ thông cơ sở, 4 trường phổ thông và trung học cơ sở, một (01) 
trường đặc biệt bán tập trung cho trẻ khuyết tật, một (01) Trung tâm Dạy nghề (một 
cơ  sở  chính  và  4  cơ  sở  phụ)  trực  thuộc  Phòng  Lao  Động  Thương  Binh  Xã  hội),  một 
(01) Trung tâm Giáo dục Thường xuyên. 
 
Quá trình phát triển kinh tế và xã hội mạnh mẽ bắt đầu diễn ra tại Huyện Bình Chánh 
từ giữa những năm 1990. Quá trình này đã thu hút một làn sóng người nhập cư từ các 
quận huyện cũng như tỉnh thành khác đến. Hiện tại có 4 khu công nghiệp và khoảng 
900 xí nghiệp và doanh nghiệp (ngoài ra còn có hơn 11.000 hộ kinh doanh cá thể) hoạt 
động trên địa bàn Huyện, đa số tập trung vào một số xã như Tân Tạo, Lê Minh Xuân, 
Vĩnh Lộc A, và Thị trấn An Lạc. Vì vậy, dân số tăng trưởng với tốc độ hết sức nhanh, 
đến mức chính quyền địa phương cho rằng họ khó có thể đưa ra một con số thống kê  
chính xác về số lượng những người chưa/ không có hộ khẩu thường trú.  
 
Theo  thống  kê  vào  tháng  8  năm  2003,  có  43.733  hộ  gồm  461.647  người  cư  trú  tại 
Huyện Bình Chánh. Trong số này 182.449 người không có hộ khẩu thường trú (78.844 
diện  KT3  và  103.605  diện  KT4)  (xem  Phụ  lục  4  về  các  loại  hình  thức  cư  trú  đối  với 
quản  lý  hành  chính:  KT1,  KT2,  KT3,  và  KT4).  Sự  tăng  trưởng  dân  số,  đặc  biệt  là  số 
không có hộ khẩu thường trú đã tăng lên rất nhanh. So với thống kê điều tra dân số 
ngày 1 tháng 4 năm 1999, dân số đã tăng thêm khoảng 130.000 người (Bảng 1).

Thị trấn An Lạc


Thị trấn An Lạc có diện tích 600 héc‐ta, trong đó khoảng 170 héc‐ta đất thổ cư gồm 7 
khu  phố  và  185  tổ  dân  phố.  Nằm  dọc  theo  Quốc  lộ  1  và  là  cửa  ngõ  vào  đồng  bằng 
sông Cửu Long, thị trấn này đã chứng kiến quá trình đô thị hóa từ những năm 1980, 
sớm  hơn  khá  nhiều  so  với  những  xã  còn  lại  của  Huyện,  khi  các  xí  nghiệp  và  cơ  sở 
kinh doanh bắt đầu phát triển. Từ đó, quá trình đô thị hóa ở đây tiếp tục diễn ra cùng 
với  quá  trình  đô  thị  hóa  của  Huyện Bình  Chánh,  làm  cho dân  số  thị  trấn  cũng  tăng 
nhanh  tương  ứng.  Hiện  nay  thị  trấn  có  7.962  hộ  với  dân  số  47.920  người,  trong  đó 
khoảng 16.000 (tức một phần ba) người không trong diện đăng ký thường trú. Trong 
số này, đáng chú ý là gần 10.000 nhân khẩu thuộc diện KT4 chỉ được ghi nhận như là 
nhân khẩu chứ không được phân loại là hộ như các diện cư trú khác (KT1, KT2, KT3).  

Xã Tân Tạo
Xã Tân Tạo là một trong những xã có diện tích lớn nhất của Huyện Bình Chánh (1.738 
héc ta), với khoảng 70 héc ta đất thổ cư với 4 ấp và 158 tổ dân phố Tân Tạo cũng là một 
trong 4 xã có tiến trình đô thị hoá nhanh và mạnh nhất trong huyện. So với Thị trấn An 
Lạc, sự gia tăng dân số của Tân Tạo đột biến hơn nhiều. Đến nay, Tân Tạo có 61.023 cư 

8
Phần 2: Địa điểm Nghiên cứu

dân với khoảng hai phần ba (2/3) (khoảng 40.000) thuộc diện đăng ký KT3 và KT4. Cũng 
như ở Thị trấn An Lạc, trong số này, khoảng 35.000 nhân khẩu diện KT4 chỉ được ghi 
nhận như là nhân khẩu. Có sự gia tăng dân số cao đột biến như vậy là do trên địa bàn 
xã các khu công nghiệp và các xí nghiệp, doanh nghiệp lớn, nhỏ, và vừa liên tục thành 
lập  và  đi  vào  hoạt  động  trong  vòng  5  năm  qua.  Theo  số  liệu  thống  kê  mới  nhất  của 
UBND huyện, hiện tại xã có 3 khu công nghiệp và 116 xí nghiệp lớn mới thành lập. 

Bảng 1. Dân số Huyện Bình Chánh, Thị trấn An Lạc và Xã Tân Tạo.

Huyện Bình Chánh Thị trấn An Lạc Xã Tân Tạo

Diện tích (héc-ta) 30,458 600 1,738

Dân số 461,6478 47,9209 61,02310


- Có thường trú tại TPHCM (KT1 + KT2) 279,198 31,944 21,501
- Không có thường trú (KT3 + KT4) 182,449 15,976 39,522
(40%) (33%) (65%)

Mức độ tăng trưởng dân số (so với 129,558 9,911 38,940


Tổng điều tra dân số 1/4/1999)
(28%) (21%) (64%)

Dân tộc Kinh11 95.5% 88.9% 97.0%

Dân tộc Hoa12 4.3% 10.9% 2.8%

Dân tộc khác13 0.2% 0.2% 0.2%

* Lưu ý: các con số thống kê không hoàn toàn tương ứng do lấy từ vài nguồn khác nhau 

Quận 8
Quận 8, nằm ở phía tây nam TPHCM, cũng là một địa bàn gắn với cửa ngõ vào  Đồng 
Bằng Sông Cửu Long nhờ một số tuyến đường và quốc lộ mới xây dựng và mở rộng 
(Bắc Nhà Bè – Nam Bình Chánh). Đặc điểm địa lý của Quận 8 khác hơn nhiều quận 
huyện  khác  là  có  nhiều  hệ  thống  sông  rạch  và  kênh  đào  nhỏ,  chằng  chịt,  chiếm 
khoảng 14% của tổng diện tích toàn quận là 18,8 km2. Trải qua quá trình đô thị hoá 
nhanh  chóng,  Quận  8  đã  giảm  hẳn  số  phường  nông  nghiệp,  từ  4  (trên  tổng  số  16 
phường)  cách  đây  vài  năm,  nay  không  còn  phường  nông  nghiệp  nào;  toàn  bộ  16 
phường đã trở thành phường bán nông nghiệp.  
 
Quận 8 có một Trung tâm Y tế mới xây dựng, 17 trường mẫu giáo, 18 trường tiểu học, 
11  trường  phổ  thông  cơ  sở  và  phổ  thông  trung  học,  một  trường  đặc  biệt  cho  trẻ 
khuyết tật, một trung tâm giáo dục thường xuyên, và một trường dạy nghề.  
 
Dân số có đăng ký (thường và tạm trú) của Quận 8 là 538.547 người, trong số đó 89% 
là người Kinh, 10,39% là người Hoa, 0,44% người Chăm, và 0,17% người Khơ‐me và 

8 Số liệu do công an địa phương cấp 14/8/2003. 
9 Số liệu UBND cấp tháng 8/2003. 
10 Số liệu do công an địa phương cấp 29/8/2003. 

11 Số liệu theo Tổng điều tra dân số 1/4/1999. 

12 Số liệu theo Tổng điều tra dân số 1/4/1999. 

13 Số liệu theo Tổng điều tra dân số 1/4/1999.

9
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

dân tộc khác. Dân số đã tăng (theo chính quyền địa phương, chủ yếu tăng cơ học, tức 
do dòng người từ nơi khác đến) thêm 208.129 trong vòng 4 năm qua (xem Bảng 2). Số 
người không có hộ khẩu thường trú cũng khá cao: 182.449 người (34%). 
 
Một đặc thù của Quận 8 là có một số lượng đáng kể người dân sống dọc trong những 
khu  nhà  lụp  xụp  dọc  hai  bờ  các  kênh  rạch,  vốn  chiếm  một  diện  tích  đáng  kể  trong 
quận. Không có con số thống kê số người này trên toàn quận.  
 
Nghề  nghiệp  và  sinh  kế  của  người  dân  Quận  8  trong  những  năm  qua  đã  có  nhiều 
thay đổi, bị tác động bởi sự di dời ra ngoại thành của nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi 
trường (theo Quyết định 81 ngày 8/7/2002), đồng thời do sự chuyển đổi mục đích sử 
dụng  đất  trong  quá  trình  đô  thị  hoá. Trong  quá  trình  này,  có những  người  khá  lên, 
cũng  có  những  người  nghèo  đi.  Có  người  bán  đất  và  kinh  doanh  thành  công.  Có 
người đi làm cho các xí nghiệp và doanh nghiệp ở Phường 6, nơi có khu công nghiệp 
đang  phát  triển.  Nhiều  người  mất  việc  sau  khi  xí  nghiệp  di  dời  và  không  tìm  được 
việc. Một số phải cố gắng xoay sở sống qua ngày bằng cách tham gia vào thành phần 
kinh tế phi chính thức, như bán dạo, chạy xe ôm, bán vé số, buôn bán ʺhàng bôngʺ14 
và thức ăn ở gần chợ ,v.v...). Một số không xoay sở được và rơi vào cảnh nghèo túng. 

Phường 4
Phường 4 diện tích 144 héc ta, gồm 8 khu phố và 123 Tổ Dân Phố. Phường 4 có 6.534 
hộ  với  33.589  nhân  khẩu,  trong  số  đó  có  khoảng  18%  không  có  hộ  khẩu  thường  trú 
(xem bảng 2). Hầu hết dân cư làm lao động phổ thông và công nhật cho các xí nghiệp, 
cơ sở, hay làm thuê hoặc tự kinh doanh buôn bán nhỏ.  
 
Cũng như nhiều phường khác ở Quận 8, Phường 4 có nhiều người sống trên các kênh 
rạch chằng chịt. Trường Dạy Nghề thuộc Phòng Giáo Dục Quận 8 nằm trong địa bàn 
phường này. Tại phường 4 có một số cơ sở di dời ra khỏi phường theo Quyết định số 
81 ngày 8/7/2002. 

Phường 5
Phường 5 diện tích 160 héc ta gồm 10 khu phố và 130 tổ dân phố. Phường 5 có 6.641 
hộ  với  32.695  nhân  khẩu,  trong  đó  khoảng  16%  không  có  hộ  khẩu  thường  trú  (xem 
bảng 2). Phường 5 giáp với phường 6, nơi có khu công nghiệp mới được thành lập 2 
năm nay. Vì vậy, Phường 5 có một số người nhập cư từ các tỉnh đến làm hoặc tìm việc 
trong  các nhà  máy  xí  nghiệp  ở  khu  công  nghiệp này.  Trong vòng  2, 3  năm  gần  đây 
khoảng 20 xí nghiệp lớn đã di dời ra khỏi Phường 5 theo Quyết định 81 ngày 8/7/2002 
để tránh gây ô nhiễm trong các khu dân cư. Tuy nhiên, hầu hết các xí nghiệp vừa và 
nhỏ thường sản xuất kinh doanh các mặt hàng truyền thống của địa phương hiện vẫn 
còn hoạt động tại đây. 
 
 
 
 
 

14  Tức là rau cải tươi 

10
Phần 2: Địa điểm Nghiên cứu

Bảng 2. Dân số Quận 8, Phường 4 và Phường 5.

Quận 8 Phường 4 Phường 5

Diện tích (héc-ta) 19,17 km2 144 160

Dân số15 538,547 33,589 32,695


- Có thường trú tại TPHCM (KT1 + KT2) 356,098 27,454 27,498
- Không có thường trú (KT3 + KT4) 182,449 6,135 5,191
(34%) (18%) (16%)

Mức độ tăng trưởng dân số (so với Tổng 208,129 3,366 5,771
điều tra dân số 1/4/1999)
(39%) (10%) (18%)

Dân tộc Kinh16 89.00% 97.90% 94.12%

Dân tộc Hoa17 10.39% 1.93% 5.73%

Dân tộc khác18 0.61% 0.17% 0.15%

* Lưu ý: các con số thống kê không hoàn toàn tương ứng do lấy từ vài nguồn khác nhau 

15 Số liệu chính quyền địa phương cung cấp tháng 8/2003. 
16 Niên Giám Thống Kê Quận 8 năm 1995‐2000. 
17 Niên Giám Thống Kê Quận 8 năm 1995‐2000. 

18 Niên Giám Thống Kê Quận 8 năm 1995‐2000. 

11
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

Phần 3: Nhận thức về nghèo, xu hướng


nghèo, động thái nghèo, việc làm, những
rủi ro và tính dễ tổn thương

Tóm tắt ý chính


Cuối năm nay (2003), Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu xoá nghèo theo tiêu chí của Thành phố. 
Tuy nhiên, kết quả cuộc nghiên cứu Đánh giá tình trạng nghèo có sự tham gia này cho thấy có sự 
chênh lệch đáng kể giữa số hộ nghèo được chương trình Xoá Đói Giảm Nghèo xác định và con số 
hộ được người dân địa phương cho là nghèo. Khi phân hạng kinh tế hộ, trong mỗi tổ dân phố, 
người dân xác định có khoảng 30% đến 50% hộ gia đình là “nghèo” hay “rất nghèo” (so với hộ 
“khá giàu” và “trung bình”). Trong khi đó, chương trình Xoá Đói Giảm Nghèo thường xác định 
có từ 2 đến 7 hộ trong mỗi tổ dân phố, tức khoảng 4% đến 15% tổng số hộ là nghèo. 
 
Trong khi có một số người dân được tham khảo ý kiến cho rằng cuộc sống khá lên trong vài năm 
qua (nhất là nhờ bán đất hay tài sản khác – dù điều này không đảm bảo sinh kế bền vững), số 
đông còn lại cho rằng cuộc sống trở nên khó khăn hơn và than phiền không đủ ăn, cho con cái 
nghỉ học sớm và sống lây lất qua ngày.  
 
Có nhiều nguyên nhân lý giải cho cuộc sống ngày càng khó khăn, chứng tỏ rằng nghèo không 
chỉ là thu nhập ít ỏi, mà còn là chi phí sống cao, công việc bấp bênh, sức khỏe kém, không được 
học hành, nhà cửa không an toàn và kém vệ sinh, các mối quan hệ xã hội bị hạn chế, và cách biệt 
giàu nghèo ngày càng tăng.  
 
Việc làm vẫn còn là thách đố lớn đặt ra cho người nghèo. Người nghèo gần như không thể tìm 
việc làm nhờ các trung tâm giới thiệu việc làm của nhà nước. Còn tìm việc nhờ các dịch vụ việc 
làm tư nhân thì có rủi ro cao, và có nhiều dịch vụ mang tính ʺlừa đảoʺ. Những công nhân không 
có tay nghề, lớn tuổi, hay sức khoẻ kém gặp nhiều trắc trở trên con đường tìm việc. Một khi tìm 
được, tình trạng thiếu luật lệ hoặc luật lệ không được thực thi làm cho quyền lợi của công nhân 
thường  không  được  bảo  vệ.  Công  nhân  nữ  trẻ  (chiếm  90%  lực  lượng  lao  động  trong  nhiều  xí 
nghiệp) tỏ ra lo ngại về sự cô lập xã hội của họ. 

Chương này trước tiên đề cập đến nhận thức của các nhóm người nghèo khác nhau về tình 
trạng và xu hướng nghèo được trong vài năm qua, được thể hiện đan xen nhau thông qua các 
dáng  vẻ  và  các  nguyên  nhân  đa  dạng  của  nó.  Tiếp  theo  là  nêu  lên  các  cảm  nhận  của  họ  về 
nghèo như là một vấn đề đa khía cạnh, trong đó nổi lên những rủi ro và tính dễ bị tổn thương 
mà người nghèo thường dễ gặp phải. Sau cùng, báo cáo mô tả quá trình nỗ lực để có được sinh 
kế và việc làm của đa số người nghèo. 

Nhận thức về nghèo và xu hướng nghèo


Người nghèo được tham vấn trong nghiên cứu này có nhiều ý kiến khác nhau về tình 
trạng nghèo trong vài năm qua. 
 
Một  số  người  cho  rằng  cuộc  sống  trong  xóm  họ  được  cải  thiện,  thể  hiện  qua  việc 
nhiều người khá lên, sửa chữa và cất nhà mới và điều kiện sống của họ cũng khá hơn. 
Lý do khá hơn mà người nghèo được tham vấn thường đưa ra đầu tiên và có tần suất 
cao nhất là do có được một số tiền lớn nhờ bán đất hay được nhà nước đền bù cho 
nhà và đất bị giải toả. Ngoài ra, một số người nghĩ rằng dấu hiệu một cuộc sống khá 

12
Phần 3: Nhận thức về nghèo, xu hướng nghèo, động thái nghèo, việc làm và những rủi ro

hơn còn thể hiện qua sự xuất hiện của nhiều hàng quán trong khu phố. Sở dĩ có được 
những  thay  đổi  tốt  hơn  này  là  nhờ  cơ  sở  hạ  tầng  (nhỏ  như  hẻm,  đường  nội  bộ,  và/ 
hoặc là xa lộ) được nâng cấp; cũng như nhờ có nhiều người nhập cư đến, trở thành 
một nguồn tiêu thụ thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển: “Một số người xây dựng 
nhà  trọ  cho  công  nhân  ở  và  kiếm  được  nhiều  tiền”  (tất  cả  các  nhóm  người  lớn  và  chính 
quyền địa phương). Nhìn chung, khi người nghèo đề cập những trường hợp khá lên 
này, họ thường nói về người khác chứ không phải về chính bản thân họ.  
 
Tuy nhiên, người nghèo cũng nhận thấy rằng một mặt có những nguyên nhân tạo ra 
công ăn việc làm tốt hơn và bền vững. Song mặt khác lại có những nguyên nhân chỉ 
mang  đến  một  sự  sung  túc  nhất  thời  mà  không  tạo  ra  một  sinh  kế  bền  vững;  trong 
trường hợp như thế, họ bị sa sút, rơi vào nghèo đói và không còn khả năng đối phó 
một khi phải đối mặt với rủi ro. Nổi bật lên trong số những nguyên nhân trên là việc 
có được một số tiền nhờ chuyển nhượng đất đai, là hệ quả của quá trình đô thị hoá ở 
nhiều vùng ven của thành phố. Theo những người nghèo được tham vấn trong nghiên 
cứu này, khả năng được phất lên nhờ chuyển nhượng đất đai dường như cũng ngang 
ngửa với khả năng bị nghèo đi (vì dùng hết số tiền mà không đầu tư sinh lợi được), rồi 
trắng  tay,  và  thậm  chí  rơi  vào  tình  trạng  nợ  nần  chồng  chất,  ngày  càng  lún  sâu  và 
không  thể  thoát  ra  được. Người  nghèo  nêu  lên  nhiều  ví  dụ  sinh  động  về  các  trường 
hợp láng giềng chuyển nhượng đất, dùng số tiền có được để xây nhà, mua sắm những 
vật dụng tiêu dùng đôi khi quá xa hoa, mà không biết đầu tư sinh lợi để có sinh kế bền 
vững, phần lớn vì họ chưa từng làm ăn, mà trước giờ chỉ làm nông. Rốt cuộc họ ăn xài 
hết số tiền đó và phải bán hết đồ đạc, kể cả bán nhà và rơi vào cảnh nợ nần.  
 
Cũng có một số người cho rằng cuộc sống của họ khá lên đôi khi chút là nhờ có được 
việc làm ổn định nhờ con cái lớn đi làm và phụ giúp kinh tế gia đình, hay nhờ được 
thừa hưởng gia tài, của cải. Những phát hiện của nghiên cứu này cũng nhất quán với 
nghiên cứu tham khảo ý kiến người dân vào năm 1999 và 2001.    
 
Cũng có một số người khác khá hơn chút ít nhờ vào việc bán hàng bông và thức ăn 
cho các công nhân, nhập cư làm việc tại các khu công nghiệp  và chế xuất. Theo các 
nhóm nữ và nam nghèo thường trú và nhập cư, đặc biệt là tại xã Tân Tạo, Huyện Bình 
Chánh, việc hình thành 4 khu công nghiệp và hàng trăm các doanh nghiệp lớn đã tạo 
công ăn việc làm cho hàng ngàn dân nghèo: ʺNhờ có cái (xí nghiệp) Pou Chen thành lập, 
đi làm ở đó được có tiền” (nhóm nữ nghèo thường trú Tân Tạo).  
 
Cũng có một vài trường hợp cho rằng cuộc sống của họ khá hơn lên là do vay mượn 
quỹ tín dụng Xoá Đói Giảm Nghèo, Hội Phụ Nữ, CIDSE, CEP và làm ăn buôn bán có 
lời. Nhóm trẻ em ở Bình Chánh cũng như Quận 8 còn cho biết thêm rằng một số phụ 
nữ trở nên khá hơn là do kết hôn với người Đài Loan.  
 
Mặc dù vậy, một số lượng đáng kể người nghèo khác cho rằng cuộc sống của họ vẫn 
không có gì thay đổi. ʺTrong tổ tôi không ai khá lên, ít có người dư, còn lại từ đủ ăn đến 
thiếuʺ (nhóm nam nghèo An Lạc). Đa số người dân làm việc trong thành phần kinh tế 
phi chính thức như bán hàng rong, buôn gánh bán bưng, làm hồ, làm thuê mướn, bán 
vé số, v.v… thấy cuộc sống của họ không đỡ hơn chút nào. Họ cho rằng dù họ có cố 
gắng đến đâu đi chăng nữa thì cuộc sống cũng không thể khá lên được: “Tôi ở đây mấy 
năm chục năm, từ năm mười mấy tuổi se nhang đến nay đã 55 tuổi rồi, cũng cần kiệm mà 

13
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

không có dư”. “Tụi tui cũng tằn tiện lắm nhưng chỉ có đủ ăn, đâu có đủ để sắm này sắm nọ” 
(nhóm phụ nữ nghèo thường trú).  
 
Ở một góc tối của bức tranh nghèo, có thể thấy là vẫn còn đa số người nghèo được 
tham khảo ý kiến cho rằng cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn trong mấy năm 
qua. Nhiều người “không có đủ cái ăn”, phải cho con cái nghỉ học sớm. Họ chỉ biết sống 
tạm bợ, ʺlây lất cho qua ngàyʺ, ʺsống hôm nay không biết đến ngày maiʺ, hay ʺtới đâu hay 
tới đóʺ (tất cả các nhóm người lớn và thanh niên). 

Tất cả các nhóm thảo luận, kể cả nhóm trẻ em, cho rằng cuộc sống của họ vất vả hơn 
là do nhiều nguyên nhân khác nhau như:  

- Không có công ăn việc làm do trình độ học vấn thấp, thiếu tay nghề, thiếu mạng 
lưới  hỗ  trợ  xã  hội,  không  biết  thông  tin  tuyển  dụng  lao  động,  mất  việc  làm  cũ 
hoặc trở nên thất nghiệp do doanh nghiệp đóng cửa/ di dời đi nơi khác và do bị 
dẹp chợ (chợ tự phát). 
- Công việc, làm ăn, buôn bán không ổn định, như buôn gánh bán bưng, chạy xe 
ôm, làm hồ, làm thuê mướn. 
- Không biết làm ăn, thua lỗ, và mất hết vốn (có được nhờ bán đất hay được đền bù 
giải tỏa). 
- Bị tịch thu các phương tiện kiếm sống (do buôn bán trên vỉa hè, lề chợ). 
- Mù  chữ,  trình  độ  học  vấn  thấp,  không  có  tay  nghề,  kỹ  năng  chuyên  môn  để  có 
việc làm ổn định. 
- Bệnh tật và rơi vào cảnh nợ nần do chi phí khám chữa bệnh tốn kém. 
- Gia đình đông con (đặc biệt là những gia đình có con còn nhỏ, chưa đến tuổi đi 
làm). 
- Đóng các khoản phí cao để cho con đi học. 
- Sa vào tệ nạn như cờ bạc, ăn chơi phung phí, nghiện ngập xì ke ma túy, vì vậy rơi 
vào cảnh nợ nần. 

Hơn nữa, việc chi tiêu cần thiết để duy trì các mối quan hệ xã hội như thường xuyên 
tham dự các đám cưới, hỏi, ma chay, giỗ, tiệc tùng của xóm giềng cũng làm cho họ 
khó có thể có được số tiền để dành từ nguồn thu nhập khiêm tốn. 

Ngoài những nhận thức nghèo tương tự giữa tất cả các nhóm dân, có một số nhóm có 
thêm vài nguyên nhân đặc biệt khác cũng làm cho cuộc sống của họ nghèo đi. Dưới 
đây là một số nguyên nhân đáng chú ý. 

Người dân sống dọc kênh rạch ở Quận 8 còn phải chịu thiệt thòi vì tình trạng nhà cửa 
thường  xuyên  xuống  cấp.  Cứ  mỗi  khi  dành  dụm  được  một  số  tiền  họ  lại  phải  chi 
dùng vào việc sửa chữa nhà cửa, vì thế họ khó có thể thoát được cảnh nghèo. “Tụi tui 
ở  nhà  sàn  có  đóng  cừ  trên  kênh  nên  thường  cứ  2‐3  năm  phải  thay  cừ  để  nhà  khỏi  bị  sụp” 
(nhóm  nam  nghèo  và  nữ  nghèo  Quận  8).  Ngoài  ra  họ  còn  phải  chịu  các  rủi  ro  như 
ngập nước, cháy nhà vì thường sống trong các khu dân cư môi trường thấp kém nằm 
trong các hẻm nhỏ, sâu, ngoằn ngoèo chật chội hoặc ven kênh rạch.  

Riêng đối với nhóm nhập cư, còn có các yếu tố khác nữa khiến cho cuộc sống của họ 
không khá lên dù họ đã cố gắng làm việc và tiêu xài tằn tiện, có thể được kể tóm tắt 
như sau: 

14
Phần 3: Nhận thức về nghèo, xu hướng nghèo, động thái nghèo, việc làm và những rủi ro

- Trả tiền điện nước sinh hoạt hàng ngày với giá cao. 
- Thường bị trộm cắp vì họ ở phòng trọ. 
- Đóng các khoản phí dịch vụ giới thiệu việc làm quá cao.  
- Đóng  tiền  phạt  do  không  có  giấy  chứng  nhận  tạm  trú  tạm  vắng  hợp  lệ  (người 
nhập cư buộc phải trở về quê của họ để lấy giấy gia hạn 6 tháng một lần và trình 
cho công an địa phương). 

Tính đa khía cạnh của tình trạng nghèo


Ngoài việc thấy rõ các nguyên nhân nghèo, người nghèo cũng nhận thức được rằng 
nghèo  là  một  tình  trạng  có  rất  nhiều  khía  cạnh  khác  nhau.  Trong  các  bài  tập  phân 
hạng kinh tế hộ tiến hành tại các tổ dân phố, người dân địa phương đã đưa ra hành 
loạt  các  tiêu  chí  nghèo  đa  dạng  để  dựa  theo  đó  mà  phân  hạng  một  hộ  gia  đình  là 
“khá”,  “trung  bình”, “nghèo”,  hay “rất  nghèo”.  Các  tiêu  chí  này,  sau  khi được  tổng 
hợp lại, cho thấy nhiều điểm tương đồng nổi bật và nhìn chung có thể quy vào một số 
nhóm như giàu hay nghèo về vật chất (thu nhập, tài sản, điều kiện sống, chất lượng 
cuộc sống), khả năng và vốn con người (trình độ học vấn và sức khoẻ), các nguồn lực 
xã hội và chính trị (mạng lưới hỗ trợ xã hội, tiếng nói và trách nhiệm của cơ quan nhà 
nước, tiếp cận thông tin), và sự bấp bênh cũng như những tổn thương (xem Bảng 3).  

Theo kết quả của nghiên cứu đánh giá nghèo lần này, trung bình có khoảng 40% KT1 
và  KT2,  50%  hộ  KT3  và  30%  KT4  của  tổng  số  hộ  trong  tổ  dân  phố  được  cộng  đồng 
phân hạng là thuộc dạng “nghèo” và “rất nghèo”. Những con số này cho thấy một sự 
khác biệt rõ rệt giữa nhận thức về nghèo của người dân địa phương và tiêu chí xếp loại 
nghèo của chương trình Xoá Đói Giảm Nghèo (xem Khung 1), chủ yếu là dựa trên thu 
nhập. Theo chương trình này, thường có khoảng từ 2 đến 7 tức 4% đến 15% hộ trong tổ 
dân phố (tổng trung bình mỗi tổ có khoảng 48 hộ) là thuộc diện nghèo. Ngoài ra, có 
ghi nhận rằng bài tập phân hạng kinh tế hộ này đã bỏ sót một số lượng đáng kể các hộ 
và  nhân  khẩu  KT3  và  KT4,  những  người  tương  đối  không  được  các  phân  hạng  viên 
biết đến nhiều. Các con số khác nhau về số lượng người nghèo này cho thấy người dân 
nghèo ngày càng nhận thức về vấn đề nghèo là một vấn đề có nhiều khía cạnh đa dạng 
(không chỉ là thu nhập) và các khía cạnh của tình trạng nghèo có liên hệ chặt chẽ với 
nhau, tác động qua lại và tạo nên cái gọi là “vòng luẩn quẩn của đói nghèo”.

Khung 1: Tiêu chí xác định hộ nghèo của chương trình Xóa Đói Giảm Nghèo
Tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất để xếp loại hộ nghèo của chương trình Xoá Đói Giảm Nghèo là dựa 
trên  thu  nhập  (chủ  yếu  là  bình  quân  thu  nhập  đầu  người/  năm).  Ở  các  huyện  ngoại  thành  như  Huyện 
Bình Chánh, tiêu chí này là 2.500.000 đồng/người/năm (được áp dụng từ năm 1997 đến nay). Ở các quận 
nội thành như Quận 8 là 3.000.000 đồng/người/năm (được áp dụng từ năm 1997 đến nay). Tiêu chí thứ 
hai là hộ khẩu thường trú. Tuy nhiên, các tiêu chí này chỉ được xem là những điều kiện cần. Các điều kiện 
đủ bao gồm các: nhân khẩu có khả năng lao động và chịu khó làm ăn, không rượu chè, cờ bạc, đánh đề, hay 
nghiện ngập ma túy. Người nhập cư được xét chọn vào chương trình XĐGN nếu họ có nhà, có hộ khẩu 
KT3  và  công  việc  làm  ổn  định  (theo  kết  quả  phỏng  vấn  cán  bộ  XĐGN  cấp  quận  huyện  và  thành 
phố).

 
So với nghiên cứu Đánh giá tình trạng nghèo 1999 (SCUK 1999) cũng như Tham khảo 
ý kiến cộng đồng về chiến lược CPRGS năm 2001 (SCUK 2002), nghiên cứu Đánh giá 
tình trạng nghèo lần này không có những điểm khác biệt nổi bật về sự đa dạng khía 
cạnh của tình trạng nghèo. Nhìn chung tất cả các nhóm người nghèo không chỉ quan 

15
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

tâm đến các khía cạnh vật chất và hữu hình của tình trạng nghèo như thu nhập, của 
cải,  điều  kiện  nhà  cửa,  mà  còn  quan  tâm  những  khía  cạnh  khác  như  giáo  dục,  sức 
khoẻ,  các  mạng  lưới  hỗ  trợ,  sự  bấp  bênh,  công  việc  mùa  vụ,  và  tính  rủi  ro  dễ  tổn 
thương (xem bảng 3). Tuy nhiên, cũng có một số điểm đáng chú ý giữa nghiên cứu 
lần này và hai lần trước.  

Khung 2. Ý nghĩa của các nguồn lực chính trị và xã hội đối với người nghèo
“Người nghèo không có gì thế chấp/ không có ai dám bảo lãnh để mượn tiền XĐGN hay tiền nhà nước.” 
(nhóm nam và nữ nghèo địa phương và nhập cư) 
“Muốn  được  xét  XĐGN  cũng  phải  thân  cận  với  tổ  trưởng  chứ  đâu  phải  ai  cũng  được.”  (nhóm  nam 
nghèo địa phương) 
“Chẳng có người giúp đỡ” (nhóm nữ nghèo địa phương và nhập cư) 
“Cũng như dắt một bạn dưới quê lên đây đi, trắng tay không có đồng nào, người này chị giới thiệu là bạn 
của tui mà giờ khổ lắm, không có công việc làm, chị thương mà chị giúp dùm đi rồi làm từ từ có tiền trả. 
Tui bảo lãnh là chỉ giựt tui trả, thì vậy người ta mới bán”. (nhóm nữ nghèo nhập cư)

Trước  tiên  người  nghèo  tham  khảo  ý  kiến  lần  này  rất  quan  tâm  đến  các  cơ  hội  phát 
triển cũng như các nguy cơ bị mai một nguồn vốn con người. Họ đặc biệt quan tâm 
đến  việc  học  hành  con  cái  và  xem  đó  như  là  một  tài  sản  thiết  yếu  để  vượt  qua  đói 
nghèo và có cơ hội vươn lên trong xã hội. Tuy vậy chi phí cho con cái đến trường hoặc 
các trung tâm dạy nghề quá cao đã buộc họ phải cho con cái nghỉ học và không ít các 
trường hợp con cái của họ phải trở thành trẻ lao động sớm. Đến lượt những trẻ em này 
lớn lên lại trở thành những người thất nghiệp. Vì vậy, tình trạng nghèo từ thế hệ này 
sang thế hệ khác cứ tiếp diễn, kiểu “nghèo từ đời ông bà cha mẹ đến đời con cái” như một 
nam nghèo ở Phường 4 Quận 8 nói. Ngoài trình độ học vấn, sức khoẻ ngày càng được 
tất cả các nhóm nghèo, kể cả thanh niên và trẻ em nhận thức như là một phương tiện 
sản xuất tạo ra của cải. Sự hao mòn sức khỏe vì bệnh tật, tai nạn và bóc lột lao động 
làm cho họ cạn kiệt những khoản tiết kiệm và vô hiệu hoá mọi nỗ lực vươn lên của họ. 
 
Một điểm tương đồng nổi bật thứ hai giữa các nhóm là mối quan tâm càng nhiều về 
việc tiếp cận các dịch vụ và chương trình hỗ trợ của nhà nước, các nguồn lực chính trị 
và xã hội. Người nghèo ngày càng nhận ra rằng tình trạng thiếu tiếng nói của chính 
họ  và  sự  thiếu  cơ  chế  hữu  hiệu  đảm  bảo  tính  chịu  trách  nhiệm  với  dân  của  các  cơ 
quan nhà nước là một trong những yếu tố liên quan mật thiết đến tình trạng nghèo. 
Người nghèo được tham vấn tỏ ra hiểu rõ rằng việc thiếu hộ khẩu thường trú và chi 
phí  cao  đã  tạo  ra  những  rào cản  làm  cho họ  không  tiếp  cận được  dịch  vụ  xã  hội  cơ 
bản. Việc không tiếp cận được những dịch vụ cơ bản như nước, tín dụng, giáo dục, 
đào tạo tay nghề, và y tế không chỉ làm cho tài sản, nguồn lực tài chính và vốn con 
người bị cạn dần mà còn làm cho họ không thể tạo ra của cải vật chất. Những người 
có nguồn lực và phương cách xoay sở hạn hẹp rơi vào cảnh nợ nần và càng túng bấn 
hơn.  Nhìn  chung,  đa  số  người  nghèo  được  tham  vấn  chưa  cảm  thấy  các  biện  pháp 
giảm nghèo của nhà nước đã tạo những tác động tích cực cho cuộc sống của họ. Hơn 
nữa việc thiếu mạng lưới hỗ trợ xã hội, mà đặc biệt người nhập cư thường gặp phải, 
là một trở lực lớn đối với việc dành dụm tích lũy. Người nhập cư không được hưởng 
một số lợi thế mà người địa phương hưởng được nhờ là thành viên lâu năm của cộng 
đồng, như là mua chịu, hay mượn tiền với lãi suất thấp hay không có lãi suất từ hàng 
xóm của họ. 

16
Phần 3: Nhận thức về nghèo, xu hướng nghèo, động thái nghèo, việc làm và những rủi ro

Khung 3. Người nghèo nhận thức được chất lượng cuộc sống của họ thấp
kém
“Ăn uống không đủ chất/ thất thường/ cực khổ/ đạm bạc” (tất cả các nhóm người lớn) 
“Ăn cơm chùa, nhịn tiền chợ qua ngày mai” (nhóm nữ nghèo địa phương) 
“Có bữa có tiền mua gạo có bữa không/ bữa đói bữa no/ chạy ăn từng bữa” (tất cả các nhóm người lớn) 
“Nhà ở ven sông vạch nhà không số dù ở đây đã 20 năm và không có KT1, điện nước câu lại quá cao, nhà 
rách nát, ngập nước, không có phương tiện đi làm, kể cả xe đạp” (nhóm nam nghèo nhập cư) 
“Có tivi nội địa/ trắng đen/ người ta cho ” (nhóm nam nghèo và nữ địa phương) 
“Sống trong môi trường hôi thối bệnh nhiều” (tất cả các nhóm địa phương và nhập cư kể cả thanh 
niên và trẻ em) 
“Công việc bấp bênh không vững/ nghề nghiệp không ổn định/ kêu làm gì thì làm đó, buôn gánh bán bưng/ 
buôn bán bậy bạ lây lất, công việc mùa vụ” (tất cả các nhóm, kể cả thanh niên và trẻ em) 
“Con đi học lớp tình thương/ phổ cập vì không có tiền đi học trường ban ngày ” (nhóm nữ nghèo địa 
phuơng)  
“Con  cái  học  nửa  chừng  nghỉ/  học  tới  đâu  hay  tới  đó)”  (nhóm  nữ  và  trẻ  em  nghèo  địa  phương  và 
nhập cư) 
“Con cái suy dinh dưỡng” (nhóm nam, nữ, trẻ em nghèo địa phương và nhập cư) 
“Con thất học đi làm sớm nuôi gia đình/ con cái nghỉ học lao động sớm” (nhóm nữ và trẻ em nghèo địa 
phương và nhập cư) 
 “Đi bệnh viện không được chữa trị đàng hoàng vì chỉ có thẻ BHYT, không có tiền trả dịch vụ như người 
giàu” (nhóm nam và nữ nghèo địa phương) 
“Bà con anh em cũng nghèo nên không ai giúp ” (nhóm nam nghèo địa phương) 
“Tự ái nên ráng tiền chạy tiền để đi đám tiệc cho bằng với người khác ” (nhóm nữ nghèo địa phương) 
“Không có tiền tổ chức đám tiệc, tiền ăn còn không có/ đám cưới cũng nấu sơ sơ ở nhà” (nhóm nữ nghèo 
địa phương) 
“Không giao thiệp với nhà giàu/ mặc cảm với hộ khá hơn ” (tất cả các nhóm) 
“Nhà  giàu  chơi  tennis,  chạy  bộ.  Còn  tụi  tui  làm  đầu  tắt  mặt  tối/  từ  sáng  sớm  đến  chiều  tối  làm  sao  có 
chuyện chơi thể thao được?” (nhóm nam và nữ nghèo địa phương) 
“Không có gì để giải trí, nản chí sinh tật nhậu, đánh bài, chơi đề cầu may ” (tất cả các nhóm kể cả nhóm 
trẻ em)

17
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

Bảng 3. Tính đa khía cạnh của tình trạng nghèo.

Tiêu chí Nữ Nam Thanh niên Thiếu niên

Thu nhập tài Thu nhập không đủ ăn. Thu nhập không đủ mua thức ăn Không có đất, thiếu thu nhập. Thu nhập thấp hơn mức chi tiêu.
chính và của cải Thu nhập không đủ để đóng tiền học và quần áo, thu nhập quá thấp Không đủ tiền xài.
vật chất – điều cho con. không đáp ứng được nhu cầu của Không dư ăn, gạo không có để nấu.
kiện sống Thu nhập thấp. người trong nhà.

Tiện nghi gia đình rất hạn chế, Tiện nghi vật chất (đồ dùng,
không có giường tủ, bàn ghế. chén bát) không có
Không có phương tiện xe cộ để
đi học.

Không có khả năng lấp sàn nhà, Không có tiền sửa chữa nhà. Không có tiền sửa nhà. Thiếu nợ phải bán nhà.
không có tiền sửa, cừ mục. Nghèo đi vì phải bán nhà trả nợ.
Không có tiền sửa chữa nhà. Không có tiền sửa chữa nhà.

Nhà ở ven sông rạch. Không có chỗ ở.

Chất lượng cuộc Ở nhà sàn, nhà tranh. Nhà không đủ che mưa nắng, Nhà mưa ngập lầy lội, khổ, dơ. Phải ở nhà trọ.
sống Nhà nghiêng ngửa. mái dột, mưa nước ngập nền Ở nhà sàn, muỗi, ô nhiễm. Nhà suy sụp, ngập mưa, dột nát.
Nhà dột, che ny-lon bị rách, mục, nhà nhà, tôn mục nát.
có nhiều muỗi, lụp xụp.

Ăn uống thất thường, cực khổ, ăn Thiếu ăn thiếu gạo phải chạy ăn từng Bữa cơm bữa cháo.
uống đạm bạc, ăn uống không đủ bữa. Gạo không đủ ăn, áo không đủ
chất. mặc.
Có bữa có tiền mua gạo, có bữa
không, mua gạo từng ngày.

Cuộc sống không ổn định. Nước nôi không đủ, nước phèn, giếng
không lọc nên bị ghẻ ngứa, cả khu
nước giếng vàng, hôi, thuốc tẩy nặng
mùi.

Trẻ bị bệnh do phải sống trong môi Bệnh hoạn, không đủ khả năng chữa Bệnh không có tiền chữa bệnh.
trường ô nhiễm (cứ 10 trẻ thì có tới 8 chạy.
trẻ bị bệnh). Trẻ bị bệnh không tiền chữa trị.
Không có tiền mua thuốc.

18
Phần 3: Nhận thức về nghèo, xu hướng nghèo, động thái nghèo, việc làm và những rủi ro

Tivi nội địa/ người ta cho/ rẻ tiền. Chỉ có tivi trắng đen. Coi nhờ tivi.

Sinh kế Móc bọc ny-lon/lượm ve chai. Kinh tế khó khăn, kiếm đồng tiền cực Không có việc làm thì phải đi làm
Làm nhang ít tiền. những việc cực khổ như phụ hồ.

Gia đình cố làm nhưng không đủ ăn, Ba chạy xe honda ôm xe hay bị


chi tiêu tằn tiện, siêng năng làm hư phải sửa hoài, tiền làm ngày
nhưng vẫn không đủ sống. nào sửa xe ngày đó.
Ngồi bán ở lòng lề đường bị công
an bắt.

Việc làm bấp bênh, bữa có bữa không. Nghề nghiệp không ổn định. Thường xuyên thất nghiệp. Buôn bán ế ẩm.
Chồng thất nghiệp ở nhà coi con. Thất nghiệp thường xuyên. Làm ăn thất bại, bị cạnh tranh.

Không gặp may mắn trong công


ăn việc làm lại còn lo cho con ăn
học và công việc gia đình.

Nguồn vốn con Con cái thất học. Nhiều trẻ phải nghỉ học và lao Đóng tiền 90.000 đồng nên phải nghỉ Trẻ bị thiếu học, thất học, bỏ
người Con thất học đi làm nuôi gia đình. động sớm. học. học.

Một người lao động nuôi nhiều Phải nghỉ học để kiếm sống phụ gia Phải nghỉ học sớm để kiếm tiền
người. đình. nuôi cha mẹ, phụ giúp gia đình
(làm mướn thuê, giặt đồ thuê).

Con đi học không có tiền đóng học Không có tiền đóng tiền học,
phí, phải nghỉ học nửa chừng. không tiền mua sách vở nên phải
nghỉ học nửa chừng.
Không tiền nên không học được.
Không có tiền đóng tiền học nên
trẻ em phải bỏ học nửa chừng.

Bệnh đau suốt ngày nên làm bao Nuôi người già cả trong nhà.
nhiêu cũng không đủ.

Không có tay nghề chuyên môn, phải Không có trình độ học vấn. Ăn học kém, đi làm xí nghiệp đòi trình Không có nghề, không đủ tuổi đi
đi làm công. độ. làm, không có tay nghề nên
không làm ở xí nghiệp được.

Các nguồn vốn xã Không biết dựa vào đâu, không có Mối quan hệ với những người có chức Phải có quen biết thì mới vào làm
hội người thân giúp đỡ. có quyền để nhờ vả giúp đỡ với người trong xí nghiệp được.
Không nơi nương tựa, nhờ vả. nghèo chỉ là mơ thôi.

19
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

Trong xóm có quyên góp để giúp


đỡ người nghèo bị chết.
Ở trường có cho học bổng vì nhà
nghèo cho những học sinh học
giỏi.

Tiếp cận các dịch Không có số nhà nên không được điện Nhà không có số. Phải xài nước giếng. Nhà không có hộ khẩu.
vụ xã hội nước. Điện nước câu lại quá cao.
Điện nước phải câu lại giá cao.

Không có tiền thì nhà thương thành Đi khám bệnh có tiền thì mới
nhà ghét. được khám trước và đối xử tử tế,
không có tiền thì bị đối xử cộc
cằn.

Con học lớp tình thương, phổ cập. Con cái đi học không có tiền Không có giấy tờ nên không đi học/ trẻ Đi học khó khăn, không được học
đóng học phí, phải đi học lớp tình đi học tư vì không giấy tờ. trường chính quy.
thương. Học trò nghèo không có học thêm nên Không tiền nên không học được
bị thầy chèn ép, bị phân biệt đối xử. trường nhà nước, phải đi học lớp
học tình thương vào buổi tối.

Không vay vốn nhà nước được vì Không tài sản thế chấp để vay
không có gì để thế chấp. ngân hàng.

Không có nhà, không có bà con nên


không vay mượn, không ăn chịu được
(nhóm nhập cư)

Đời sống xã hội Thiếu tự tin. Không muốn chơi với nhà giàu vì sợ Trẻ bị ảnh hưởng về tinh thần,
và tinh thần Mặc cảm với hộ khá hơn, mặc cảm với mang tiếng, nhà giàu chơi có phe với mặc cảm.
người giàu, không dám giao tiếp với nhau nên không dám chơi. Bị người giàu kế bên nhà ghét.
người giàu. Hộ giàu thì tối ngày đóng cửa, không Giàu thì có tiền ăn chơi còn mình
nói chuyện, không có ai bị những nghèo thì phải kiếm sống.
chuyện gì làm cho bản thân thấy Người có chức có quyền, giàu có
thương tâm, tủi thân. khinh ghét người nghèo.
Khổ nhất là người nghèo bị thua thiệt
vì người giàu nghĩ người nghèo lợi
dụng mình, chơi để mượn tiền.

Đi làm ma cũ ăn hiếp ma mới. Ở nhà trọ người ta muốn đuổi thì


đuổi.

Không có việc làm, dễ nổi nóng trong Vợ chồng thường xuyên đánh Bị ép gả cho người ăn chơi,
gia đình do thiếu hụt; vợ chồng cãi vã. nhau, cắn đắng nhau trong gia không biết lo làm ăn.
đình.

20
Phần 3: Nhận thức về nghèo, xu hướng nghèo, động thái nghèo, việc làm và những rủi ro

Dính đến rượu chè, tệ nạn. Nhậu nhẹt. Nghèo dễ dẫn đến tệ nạn Con cái vướng vào ma túy, gia
Con em hút chích. đình có người bị bệnh Siđa.

Tính dễ tổn Chồng chết phải sống vậy nuôi con Tai nạn xe cộ, tai nạn trong khi làm Nhà bị cháy.
thương, rủi ro một mình. việc Trẻ bị khuyết tật, bệnh tật, chết.
Trẻ bị té ao khi cha mẹ đi làm xa.

Bị ép lương, ngày xưa làm 20.000 Bị tai nạn lao động.


đồng, bây giờ làm 15.000 đồng vẫn Gặp tai nạn khi đi bán vé số.
phải đi làm.

Bị giựt tiền.
Cha chạy xe honda ôm bị mất xe
phải kiếm tiền mua xe.

Trời mưa bão, hồ không làm được Người lao động trụ cột trong gia
(công việc mùa vụ) đình mất.

Nguồn lực, Mắc nợ cả năm trời vì phải trả lãi cao. Không trả hết nợ nổi (vay từ Nợ chồng chất. Vay nợ, cầm đồ đạc.
phương cách đối nhiều nguồn khác nhau) vì lãi Mượn tiền làm ăn. Làm ăn không khá lên và phải đi
phó với rủi ro, và suất cao. Mượn gạo. vay tiền nhà nước.
cơ hội thay đổi Đi xin.
cuộc đời
Tằn tiện nhưng không bao giờ đủ Cố gắng làm việc ngày đêm để
sống. kiếm tiền.
Gia đình cố làm nhưng không đủ ăn
chi tiêu tằn tiện.
Ăn cơm chùa, nhịn tiền chợ qua ngày
mai.

Làm việc đầu tắt mặt tối nhưng cũng


không đủ sống.
Siêng năng nhưng vẫn không đủ sống.

Các vấn đề về giới Chồng nhậu nhẹt, vô cớ chửi mắng và Chồng đi uống rượu, đánh bài, cờ
(bạo hành trong đánh đập vợ, không lo làm ăn. bạc và lấy vợ bé.
gia đình, bị bỏ Vợ chồng ly dị, bỏ rơi con cái.
rơi)

21
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

Điểm tương đồng nổi bật thứ ba là người nghèo bắt đầu chú ý đến cách biệt giữa chất 
lượng  cuộc  sống  của  họ  và  của  người  khá  giả.  Nghèo  không  chỉ  là  vấn  đề  có  hay 
không có, mà còn là vấn đề chất lượng của những gì người ta sở hữu. Khung 3 minh 
họa những ý kiến được ghi nhận nhiều nhất của người nghèo về hoàn cảnh của họ ở 
tất cả các địa bàn nghiên cứu.  
 
Ghi nhận cuối cùng là người nghèo cũng rất hiểu rõ về những rủi ro và tính dễ tổn 
thương làm cho họ có nhiều nguy cơ rơi vào nghèo đói không thể thoát ra được, dù 
họ cũng nhận thấy rằng họ không thể làm gì để xoay chuyển tình thế. Sự bấp bênh 
của sinh kế và công ăn việc làm khiến cho họ rất dễ rơi vào cảnh nợ nần và nghèo đói 
triền miên. Nhóm nam trung niên cho rằng họ rất dễ bị thất nghiệp và phải làm công 
việc mang tính thời vụ vì họ đã lớn tuổi. Thanh niên đặt biệt lo lắng về sự thiếu tin 
cậy của các dịch vụ giới thiệu việc làm, về tình trạng sức lao động của họ bị bóc lột, bị 
ép giá tiền lương, không có bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn, ốm đau bệnh tật, tai 
nạn,  ngộ  độc  thực  phẩm  tại  nơi  làm  việc,  sự  phụ  thuộc  vào  lao  động  làm  công  ăn 
lương, chủ đột ngột cắt thoả thuận lao động không hề báo trước. Những điều này làm 
cho họ bị thất nghiệp và dễ dàng rơi vào cảnh nợ nần. Trẻ em ở nhiều địa bàn, hầu hết 
là  trẻ  lao  động  sớm,  nêu  lên  những  lo  lắng  về  tình  trạng  thất  nghiệp  của  chính  bản 
thân và của gia đình, về bệnh tật ốm đau trong khi làm việc, việc không được đi học 
vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, những lường gạt trong khi đi làm (bán hàng rong, bán 
vé số, làm thuê mướn), các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, đánh đề, nghiện ngập 
ma túy, nợ nần, cha mẹ ly thân và ly dị.  

Việc làm và sinh kế


Con đường đi đến việc làm là một con đường chông gai đối với người nghèo. Cho dù 
họ làm trong các cơ sở kinh doanh, xí nghiệp, nhà máy hay trong thành phần kinh tế 
phi chính thức, người nghèo đều có những điểm giống nhau trên con đường tìm việc, 
trong quá trình làm việc cũng như khi không có việc làm nữa.  
 
Khi tìm việc, người nghèo đương đầu với nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông 
tin về việc làm. Người nghèo không tiếp cận các dịch vụ giới thiệu việc làm của nhà 
nước vì họ không biết có các dịch vụ này hoặc không biết có thể tiếp cận dịch vụ này 
ở đâu. Các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ nói rằng họ không bao giờ liên hệ với các 
dịch vụ giới thiệu việc làm của nhà nước để tuyển dụng vì họ cho rằng chất lượng các 
dịch vụ này không tốt. Khi cần tuyển dụng, họ thường thông báo cho công nhân của 
họ giới thiệu người quen vào làm. Vì vậy, người nghèo, đặc biệt là những người nhập 
cư, thường phải đến các dịch vụ giới thiệu việc làm của tư nhân. Các dịch vụ tư nhân 
thường yêu cầu phí dịch vụ (khá cao, từ 70.000 đến 100.000 đồng cho mỗi lần xin việc) 
sau khi người nộp đơn đã được tuyển dụng. Tuy nhiên, hầu hết người nghèo kể lại 
rằng những dịch vụ tư này không đáng tin cậy. Có không ít trường hợp các việc làm 
do  các  dịch  vụ  tư  nhân  giới  thiệu  thường  không  được  bền  lâu.  Những  người  được 
tuyển có thể chỉ làm trong một thời gian ngắn, chỉ được vài ngày hoặc vài tuần, do họ 
bị đuổi việc vì không đạt yêu cầu hay vì chính bản thân họ quyết định nghỉ vì lương 
quá thấp (không đúng như thỏa thuận ban đầu với dịch vụ giới thiệu việc làm) hoặc 
công việc quá nặng nhọc và bóc lột sức lao động. Người nghèo thẳng thắn nói rằng 
đây là một loại dịch vụ có tính lừa đảo hay lường gạt.    
 

22
Phần 3: Nhận thức về nghèo, xu hướng nghèo, động thái nghèo, việc làm và những rủi ro

Người nghèo diễn đạt tâm trạng bất an về phương kế sinh nhai hiện tại của họ. Nhiều 
người trong nhóm nam nghèo lo lắng về sự bấp bênh trong công việc lao động phổ 
thông ăn lương hàng ngày. Họ không chỉ bị làm thời vụ mà còn phải đương đầu với 
nhiều rào cản vì các luật lệ và đòi hỏi các giấy phép, các loại giấy tờ do nhà nước ban 
hành.  Nghị  định  36  NĐ‐CP  về  việc  cấm  buôn  bán  trên  lòng  lề  đường,  giống  như 
những  ghi  nhận  trong  hai  nghiên  cứu  tham  khảo  ý  kiến  người  dân  trước  đây,  vào 
năm 1999 và 2001 (SCUK 1999; SCUK 2002), nay cũng được người dân đề cập như là 
nỗi lo lớn. Họ lo lắng về khả năng bị tịch thu phương tiện sản xuất hay bị phạt hành 
chính  với  các  mức  phạt  tiền  mà  theo  họ  là  quá  nặng,  nhất  là  đối  với  những  người 
buôn gánh bán bưng qua ngày. Ngoài ra, các chính sách xã hội hay các quy định mới 
để  thiết  lập  lại  an  ninh  trật  tự  cũng  làm  người  nghèo  thêm  phần  khó  khăn.  Nhóm 
nam nghèo có ý kiến rằng quy định buộc người lái xe gắn máy trên 50 phân khối có 
bằng lái đã làm họ hạn chế lộ trình chở khách hay chở hàng vì họ không đủ trình độ 
học vấn để đi thi lấy bằng, trong khi đó khách lại không thích đi xe 50 phân khối cũ 
(không cần có bằng lái).  
 
Riêng  người  làm  công  ăn  lương  nhìn  chung  cho  rằng  họ  may  mắn  hơn  nhờ  có  thu 
nhập ổn định. Tuy nhiên nhiều người thổ lộ rằng họ cũng có nguy cơ mất việc vì họ 
không ký hợp đồng lao động và không có bảo hiểm xã hội. Nhiều thanh niên làm việc 
trong các nhà máy xí nghiệp lớn than phiền họ phải làm việc quá sức vì chủ kéo dài 
giờ làm và giờ giấc không ổn định. Và khi họ bị ốm đau nghỉ ngày nào thì không có 
tiền lương ngày đó; trong khi tần suất ốm đau ngày một cao theo thời gian làm việc. 
Nếu chẳng may gặp phải tai nạn lao động, khiến họ bị ốm nặng hoặc khuyết tật, họ 
càng dễ bị mất việc hơn mà không có cơ chế đền bù hay hỗ trợ nào. “Tôi bị sắt đè ở 
xưởng, đã hơn hai mươi ngày nay tôi không đi làm kiếm tiền được. Tôi phải vay “nóng” để trả 
tiền thuốc và tiêu xài mỗi ngày. Chẳng biết khi nào tôi mới đi làm lại được để trả hết số nợ 
này” (một nam nhập cư tuổi 30 ở Thị trấn An Lạc). Hầu hết người nghèo khẳng định 
rằng sự giúp đỡ duy nhất mà họ nhận được trong những tình huống như vậy là một 
ít tiền quà bạn bè đồng nghiệp góp lại cho ngay sau khi họ bị tai nạn. 
 
Nhóm  doanh  nghiệp  nhỏ  và  vừa  cho  biết  họ  hầu  như  không  có hợp  đồng  lao  động 
hay bảo hiểm tai nạn gì cho công nhân của họ. Họ thừa nhận rằng “nếu nói đến vấn đề 
hợp đồng lao động thì tất cả chúng tôi đều phạm luật.” Cũng như nghiên cứu tham vấn 
người dân trước đây năm 1999 và 2001, nghiên cứu này cũng ghi nhận là hầu hết các 
doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các nhà máy lớn đều đối xử với nhân viên của họ 
trên cơ sở “tình cảm”. Điều này đương nhiên không ràng buộc họ đảm bảo đáp ứng 
quyền lợi của công nhân. Nhìn chung, người nghèo nói rằng “Chủ nói họ sẽ không ký 
hợp đồng lao động vì họ chỉ cần chúng tôi làm việc trong thời gian ngắn. Mai mốt chưa chắc 
có hàng để làm. Nếu chúng tôi đồng ý làm thì làm” (nhóm thanh niên địa phương và nhập 
cư). Một số thanh niên làm việc trong các nhà máy lớn cho biết họ có nghe nói về bảo 
hiểm  xã  hội  nhưng  không  muốn  có  vì  không  thấy  bảo  hiểm  có  lợi;  hơn  nữa  “hàng 
tháng họ sẽ trừ lương tụi tui mấy ngàn”, hay “họ đòi hỏi giấy tờ rắc rối lắm” (nhóm thanh 
niên địa phương và nhập cư). Một chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa thừa nhận “Nếu công 
nhân có bảo hiểm xã hội họ cũng rất khó lãnh tiền đền bù. Họ phải điền vào nhiều giấy tờ rất 
mất thời gian. Nhiều khi họ phải về quê luôn. Vì vậy nếu chỉ để quay lại thành phố chỉ vì một 
số tiền quá ít, nhiều khi còn không đủ tiền xe, nên họ thấy không đáng.” Hầu hết chủ các 
doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng công nhân của họ không muốn có bảo hiểm xã hội 
vì  họ  không  muốn  bị  trừ  lương.  Theo  ý  kiến  của  người  nghèo  thì  trung  bình  có 

23
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

khoảng 20% công nhân đang làm việc dài hạn trong các xí nghiệp lớn có hợp đồng lao 
động và bảo hiểm xã hội. Còn trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, gần như không có 
hợp đồng lao động hay bảo hiểm xã hội.  
 
Khi đã mất việc, người nghèo trở nên càng khó khăn hơn nếu đi tìm việc khác. Những 
người  không  có  tay  nghề  chuyên  môn  phải  bắt  đầu  quá  trình  tìm  việc  lại  từ  đầu. 
Những  người  có  tay  nghề  nói  rằng  tay  nghề  của  họ  có  thể  không  áp  dụng  được  ở 
những cơ sở khác, nhất là khi họ đã lớn tuổi hơn và sức khoẻ kém hơn. Dòng thanh 
niên nhập cư liên tục cung cấp lao động chất lượng tốt hơn mà những người mất việc 
khó lòng cạnh tranh được.  
 
Bức tranh hiện tại không mấy sáng sủa của những công nhân trẻ cũng vẽ ra một viễn 
cảnh cho một tương lai bị đánh mất của họ. Điều này đặc biệt đúng với hoàn cảnh của 
những nữ thanh niên trẻ đang làm việc trong các cơ sở có số công nhân nữ trên 90% 
tổng  số  lực  lượng  lao  động.  Có  rất  nhiều  cơ  sở  như  vậy  trong  các  khu  công  nghiệp 
cũng như trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các khu dân cư. Bản thân những 
công nhân nữ cũng thừa nhận rằng họ ít thấy triển vọng lập gia đình vì thiếu giao tiếp 
với  đối  tượng  khác  phái,  một  phần  do  công  việc  chiếm  hết  thời  gian,  phần  khác  do 
thiếu  cơ  hội  giao  lưu  xã  hội.  Nhóm  nam  và  chủ  doanh  nghiệp  cũng  xác  nhận  điều 
này.  Theo  chính  quyền  địa  phương,  nhóm  doanh  nghiệp,  và  người  dân  có  việc  làm 
trong các nhà máy, xí nghiệp, Liên đoàn Lao Động chưa thể hiện vai trò gì tích cực 
trong vấn đề này.  
 
Những ghi nhận về việc làm của nghiên cứu này cũng như của cuộc tham khảo ý kiến 
cộng đồng năm 2001 (SCUK 2002), nêu rõ những thử thách lớn và lâu dài về việc bảo 
vệ quyền lợi của công nhân trong các cơ sở, xí nghiệp, doanh nghiệp dù là lớn, nhỏ 
hay vừa. Hơn nữa, ghi nhận của nghiên cứu đánh giá nghèo lần này nhấn mạnh rằng 
nếu không được nhà nước điều tiết và kiểm soát, việc phát triển các doanh nghiệp để 
thúc đẩy kinh tế sẽ tạo ra tác động mặt trái là làm cho một bộ phận thế hệ trẻ dễ bị 
hao mòn và không thể vực lại được nguồn vốn con người đang dần dần bị mai một.  

24
Phần 4: Tham gia và Tăng cường Năng lực trong việc Đưa ra các Quyết định tại Địa phương

Phần 4: Tham gia và Tăng cường Năng lực


trong việc Đưa ra các Quyết định tại
Địa phương

Tóm tắt ý chính


Lúc đợt nghiên cứu đánh giá nghèo có sự tham gia này đang tiến hành, các phường/ xã/ thị trấn 
đang tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 29 (Dân chủ cơ sở – DCCS) chủ yếu tập trung vào các 
lĩnh vực sau: 14 việc dân biết đến, 6 việc dân bàn bạc và quyết định trực tiếp, 8 việc dân tham gia 
ý kiến, HĐND và UBND quyết định, 10 việc dân giám sát, kiểm tra. Các cán bộ và người dân địa 
phương đều đồng ý rằng đã có nhiều tiến bộ trong việc thực hiện các nội dung tuyên truyền, phổ 
biến DCCS và các chính sách khác của nhà nước, thái độ tiếp dân tích cực hơn trong các cơ quan 
nhà nước, bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân, đóng góp vào các khoản quỹ địa phương và phát 
triển cơ sở hạ tầng địa phương. Các cán bộ chính quyền quận/ huyện và phường/ xã/ thị trấn cho 
rằng khâu có nhiều hạn chế duy nhất là vấn đề công khai ngân sách địa phương. 
Tuy nhiên, người dân địa phương còn thấy được các điểm yếu kém khác như: những người dân 
nhập cư nghèo, thanh niên, và trẻ em ít tham gia hơn so với những nhóm dân thường trú, các tổ 
trưởng tổ dân phố (những người đóng vai trò thiết yếu trong việc đưa ra các ý kiến hướng dẫn) 
có  năng  lực  làm  việc  rất  khác  nhau,  đại  biểu  Hội  đồng  Nhân  dân  thường  là  các  cán  bộ  địa 
phương. Ví dụ việc thực hiện DCCS chỉ giới hạn trong khuôn khổ UBND, không ít trường hợp bị 
hạn chế vì thiếu sự phối kết hợp với các cơ quan ngành dọc như giáo dục và quản lý đô thị. 
 Ý kiến đề xuất chủ yếu là cần thay đổi bản chất tham gia từ khá bị động và một chiều (chẳng hạn 
như được thông báo) như hiện nay trở nên chủ động hơn và có sự bàn bạc, trao đổi, tham khảo ý 
kiến hai chiều (ví dụ như về việc đóng các khoản phí ngoài học phí), và chuyển sang giám sát chủ 
động  hơn  sau  này  (chẳng  hạn  như  xác  định  đối  tượng  hỗ  trợ  xã  hội  và  giám  sát  việc  thực  hiện 
chương trình XĐGN). Cần phải thu hẹp khoảng cách nhận thức của các cán bộ địa phương và của 
người dân địa phương về các vấn đề vừa nêu trên.

Ghi nhận chung về việc thực hiện Nghị định Dân chủ cơ sở (DCCS)
Các cán bộ nhà nước ở nhiều cấp khác nhau được tham khảo ý kiến trong đợt nghiên 
cứu này ở tất cả các địa bàn cho biết DCCS đã từng bước được thực hiện kể từ khi được 
ban hành vào ngày 11 tháng 5 năm 1998 và được xem như là một bộ phận quan trọng 
của cuộc vận động chính trị và xã hội cả nước. Vào thời điểm tiến hành cuộc nghiên cứu 
này, các phường và xã đang hoàn tất các báo cáo về 5 năm thực hiện DCCS.  

Thảo luận nhóm ở các nhóm dân và các cán bộ nhà nước cho thấy tham gia dân chủ ở 
cấp cơ sở, bằng nhiều biện pháp khác nhau, đã được cải thiện đáng kể ở nhiều lĩnh vực 
khác nhau của các hoạt động tại địa phương. Qua quan sát trong suốt quá trình tiến 
hành nghiên cứu lần này, nhóm nghiên cứu nhận thấy người nghèo thường năng động 
hơn trong việc tham gia đóng góp ý kiến đồng thời cũng có một vốn hiểu biết đáng kể 
về các công cụ xoá đói giảm nghèo cũng như các chương trình, dự án và dịch vụ khác 
tại địa phương. Dù vậy, kết quả này không nhất quán ở tất cả các nhóm. Chẳng hạn 
như  người  dân  Quận  8  nhìn  chung  hiểu  biết  những  người  trong  xóm  nhiều  hơn  và 
cảm thấy không có gì khó khăn trong việc phát biểu các ý kiến và nêu lên những mối 
quan tâm của bản thân họ. Các nhóm thanh niên nhìn chung khá ngại ngùng và nhút 
nhát.  Thanh  niên  ở  Huyện  Bình  Chánh  thậm  chí  còn  rụt  rè  hơn  những  thanh  niên  ở 
Quận 8. Điều này cho thấy phần lớn các thanh niên không được tham gia vào các hoạt 
động  tại  địa  phương.  Những  sự  khác  biệt  này  tại  hai  quận  huyện  một  phần  có  thể 
được giải thích do sự quen thuộc của người dân với những người trong xóm họ cũng 

25
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

như do không gian mà họ đang sinh sống. Người dân Quận 8 sinh sống trong các con 
hẻm đông đúc và chật chội trong khi người dân Huyện Bình Chánh ở các khu dân cư 
rộng rãi hơn và người dân tại đây thay đổi nơi ở thường xuyên hơn do họ đến để mua 
đất hoặc đi nơi khác vì phải bán đất. Điều thú vị là trẻ em ở tất cả các nhóm đều thể 
hiện sự tham gia tích cực và năng động trong tất cả các hoạt động thảo luận.  

Kể từ khi DCCS được phổ biến rộng rãi ở cấp độ cơ sở, các cán bộ nhà nước đã ngày 
càng nhận thức được ý nghĩa chính trị và lợi ích thực tiễn của sự tham gia của người dân 
vào tiến trình phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Từ đó, điều này giúp tạo ra tinh 
thần trách nhiệm tốt hơn cho các cán bộ trong việc thực hiện các nghĩa vụ để trực tiếp và 
không ngừng khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động tại địa phương cũng 
như khiến họ trở nên có ý thức trách nhiệm hơn về hiệu quả công việc của họ.  

Tuy nhiên, có một điều thú vị là có sự cách biệt khá lớn giữa ý kiến của các cán bộ 
chính quyền và người dân địa phương về bản chất, quá trình và mức độ của việc thực 
hiện dân chủ cơ sở.  

Các lĩnh vực của sự tham gia cấp cơ sở


Các cán bộ nhà nước khẳng định rằng họ đã phổ biến rộng rãi DCCS cho người dân 
địa  phương.  Họ  đã  thực  thi  hầu  hết các nội  dung  của  DCCS.  Theo  các bản  báo  cáo, 
nhìn chung các lĩnh vực của việc thực hiện DCCS được chia thành 4 nhóm: “14 việc 
dân biết”, “6 việc dân bàn và quyết định trực tiếp”, “8 việc dân bàn, HĐND và UBND 
quyết định”, và “10 việc dân giám sát”. Vấn đề duy nhất mà hầu hết các cán bộ nhà 
nước đều thừa nhận họ vẫn còn một số hạn chế nhất định là việc công khai ngân sách 
địa phương. Cụ thể, có một số vấn đề chính trị‐xã hội và kinh tế‐xã hội đã cho thấy 
một  sự  cải  thiện  nào  đó  trong  dân  chủ  cơ  sở.  Tuy  nhiên,  có  nhiều  ý  kiến  khác  biệt 
nhau,  thậm  chí  đôi  khi  trái  ngược,  giữa  ý  kiến  của  chính  quyền  và  người  dân  địa 
phương (xem bảng 4). 

Về phía người dân địa phương, họ cho biết họ có nghe về “chính sách nhà nước về dân 
biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhưng lại không nắm rõ về nội dung cụ thể của 
chính sách, tức những gì họ nên biết, bàn, làm và kiểm tra. Một số người cho biết rằng 
họ chưa bao giờ nghe nói đến chủ trương này. Nhìn chung, người dân nghèo đều nói 
rằng họ có tham gia vào các hoạt động khác nhau liên quan đến quá trình phát triển 
kinh  tế  –  xã  hội  tại  cộng  đồng.  Cụ  thể,  họ  có  tham  gia  đóng  góp  các  khoản  quỹ  địa 
phương, được thông báo về việc sử dụng và ngân sách của các khoản quỹ này, tham 
gia vào những giai đoạn khác nhau trong các dự án nâng cấp hạ tầng cơ sở nhỏ do địa 
phương  phụ  trách,  tham  gia  vào  việc  xét  chọn  hộ  nghèo,  và  quá  trình  xác  định  đối 
tượng nhận hỗ trợ xã hội. Tuy nhiên, kết quả này không đồng nhất ở tất cả các địa bàn 
nghiên  cứu.  Riêng  về  những  người  nhập  cư  nghèo,  nhìn  chung  họ  hầu  như  không 
tham gia vào các hoạt động, chỉ trừ việc đóng góp các khoản quỹ địa phương. Hầu hết 
các dân nhập cư KT3 và KT4 đã có nhà riêng thì có đóng góp những khoản tiền này, 
còn  người  nhập  cư  KT4  thuê  phòng  ở  các  nhà  trọ  thì  không.  Thanh  niên  và  trẻ  em 
được tham khảo ý kiến hầu như hoàn toàn không tham gia vào các hoạt động trong 
những lĩnh vực dân chủ cơ sở.  

Một cách tổng quát, sự tham gia của người dân địa phương vào các hoạt động kinh 
tế‐xã hội rộng rãi hơn các hoạt động chính trị‐xã hội. Và việc xác định đối tượng hỗ 
trợ cho chương trình Xoá đói giảm nghèo và trợ cấp xã hội chỉ là vấn đề duy nhất có 
trọng tâm giảm nghèo rõ rệt trong việc thực hiện DCCS. 

26
Phần 4: Tham gia và Tăng cường Năng lực trong việc Đưa ra các Quyết định tại Địa phương

Bảng 4. Ý kiến của cán bộ và người dân địa phương về các lĩnh vực dân chủ cơ sở

Lĩnh vực thực hiện dân chủ cơ sở Cán bộ địa Người dân
phương địa phương

Dân biết cơ chế DCCS (Nghị định 29 NĐ-CP)


Dân biết các chính sách và pháp luật của nhà nước
Dân biết các quy định về thủ tục hành chính
Dân biết kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội dài hạn và hàng năm U
Dân biết kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất đai U
Dân biết các nghị quyết của HĐND và quyết định của UBND liên quan đến địa U
phương
Dân biết dự toán và quyết toán ngân sách địa phương hàng năm U U
Dân biết dự toán và quyết toán thu chi các quỹ, dự án, quỹ vận động xây dựng cơ
sở hạ tầng, công trình phúc lợi công cộng và kết quả thực hiện
Các chương trình dự án do nhà nước, các tổ chức tài trợ trực tiếp cho địa phương
Dân biết chủ trương, kế hoạch vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo
Dân biết công tác phòng chống tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự
Dân biết sơ kết, tổng kết hoạt động của HĐND, UBND U

Dân bàn và quyết định trực tiếp chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ
tầng, công trình phúc lợi công cộng (điện, đường, trường học, …)
Dân bàn và quyết định lập, thu, chi các loại quỹ trong khuôn khổ pháp luật
Dân bàn và quyết định giữ gìn an ninh trật tự, bài trừ tệ nạn xã hội
Dân bàn và quyết định thành lập ban giám sát công trình xây dựng do dân đóng
góp
Dân tham gia ý kiến về dự thảo quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội U
dài hạn, hàng năm
Dân tham gia ý kiến về dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai ở địa U U
phương
Dân tham gia ý kiến về kế hoạch và dự án huy động và sử dụng các khoản đóng U
góp của dân để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng do địa phương quản lý
Dân tham gia ý kiến về dự thảo kế hoạch triển khai chương trình quốc gia về y tế, U
nước sạch, vệ sinh môi trường
Dân tham gia ý kiến về chủ trương, phương án đền bù, giải phóng mặt bằng U

Dân tham gia giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND U
Dân giám sát, kiểm tra kết quả thực hiện nghị quyết của HĐND và quyết định của U
UBND
Dân giám sát, kiểm tra hoạt động của HĐND, và cán bộ UBND và cán bộ công U
chức nhà nước
Dân giám sát, kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân U
Dân giám sát, kiểm tra kết quả nghiệm thu và quyết toán công trình do dân đóng
góp xây dựng và các chương trình dự án do nhà nước, các tổ chức tài trợ trực tiếp
Dân giám sát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai U

Dân giám sát, kiểm tra việc thu, chi các khoản lệ phí theo quy định của nhà nước,
các khoản đóng góp của nhân dân
Dân giám sát, kiểm tra kết quả thanh tra, giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham U
nhũng liên quan đến cán bộ xã
Dân giám sát, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi, chính sách bảo
hiểm xã hội, cứu tế xã hội
Dân tham gia vào quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương U
 
Ghi chú: 
   Đã được thực hiện đầy đủ các nội dung. 
U   Chưa được thực hiện đầy đủ các nội dung/ chưa nghe nội dung này bao giờ/ chưa tham gia vào hoạt động/ nội dung 
này bao giờ. 
   Một số nội dung được thực hiện, một số nội dung không được thực hiện, hoặc  
Nội dung thực hiện ở một số điểm nghiên cứu, còn một số điểm nghiên cứu khác thì không.  

27
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

Cơ chế tăng cường sự tham gia và đảm bảo việc phổ biến trao đổi thông tin
Trước tiên, các phương tiện được sử dụng để tuyên truyền và phổ biến DCCS và các 
chính sách khác của nhà nước đến người dân bao gồm các điều tra cơ bản về hiểu biết 
của người dân địa phương đối với các chính sách nhà nước, tập huấn cho cán bộ địa 
phương, loa phát thanh, tủ sách pháp luật, và các biện pháp có sự tham gia trực tiếp 
của người dân như họp tổ dân phố (hàng tháng); họp chi hội, tổ hội của các tổ chức 
đoàn thể, họp với đại biểu Hội đồng Nhân dân, và các cuộc nói chuyện với người dân 
về các chủ đề liên quan mật thiết đến cuộc sống của họ như Luật Đất đai, Luật Hôn 
nhân Gia đình, Luật Lao động (xem Bảng 5). 
 
Kế đến, theo các cán bộ chính quyền, các kênh hoạt động bao gồm: tổ trưởng tổ dân 
phố và trưởng ban khu phố/ ấp, đại diện và thành viên các tổ chức đoàn thể, chuyên 
trách Xoá đói giảm nghèo, các cán bộ chính quyền và các đại biểu Hội đồng nhân dân.  
 
Tuy nhiên, người dân địa phương nói rằng họ chỉ gặp tổ trưởng tổ dân phố và cán bộ 
Xoá Đói Giảm Nghèo. Hầu hết đều tìm đến tổ trưởng tổ dân phố để được tham vấn 
hay giúp đỡ kịp thời. Ngoài ra các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ Nữ cũng được nhiều 
người  dân  tin  tưởng  và  trông  cậy  những  khi  gặp  khó  khăn.  Người  dân  thường  hay 
nhắc đến Hội Phụ Nữ nhờ những cuộc hội họp thường xuyên của các chương trình 
tín dụng tiết kiệm của Hội hay do Hội điều phối. Hội Phụ nữ (đặc biệt ở Quận 8) và 
Hội Nông dân (đặc biệt ở Bình Chánh) được nhiều người dân biết đến như là những 
tổ  chức  khá năng  động, hỗ  trợ  tích  cực  về  việc  vay  vốn  và  xin  học  bổng cho  trẻ  em 
nghèo.  
 
Tuy nhiên, có một số người khác tin rằng lẽ ra họ nên được hỗ trợ tốt hơn về việc thụ 
hưởng quyền lợi của hộ Xoá Đói Giảm Nghèo, chẳng hạn như số lượng tiền vay hoặc 
thời gian chờ đợi để nhận số tiền này; sử dụng thẻ Bảo Hiểm Y Tế ở đâu và như thế 
nào; làm cách nào để xin miễn giảm toàn phần các chi phí giáo dục và y tế. Ngoài ra, 
hầu hết người dân không biết Đại biểu Hội đồng Nhân Dân là ai và ai có chức năng, 
nhiệm vụ gì đối với người dân, dù họ thừa nhận rằng họ đã tham gia bầu cử những 
người này.  

28
Phần 4: Tham gia và Tăng cường Năng lực trong việc Đưa ra các Quyết định tại Địa phương

Bảng 5. Ý kiến của cán bộ và người dân địa phương về cơ chế tăng cường sự tham gia và
đảm bảo việc phổ biến, trao đổi thông tin.

Cơ chế tăng cường sự tham gia và đảm bảo việc Cán bộ địa Người dân
phổ biến, trao đổi thông tin. phương địa phương

Cách thức, Điều tra cơ bản hiểu biết của người dân về các chính n/a *
phương sách nhà nước
pháp
Tập huấn cho các cán bộ địa phương n/a *
Loa phát thanh cung cấp thông tin về các chính sách
nhà nước
Tủ sách pháp luật U

Họp tổ dân phố hàng tháng


Họp định kỳ của các tổ chức đoàn thể ☺
Họp với đại biểu Hội đồng Nhân dân U

Các cuộc nói chuyện với người dân về các chủ đề luật U
liên quan mật thiết đến cuộc sống của họ
Cách kênh Trưởng ban khu phố/ ấp U
hoạt động
Tổ trưởng tổ dân phố
Đại diện các ban ngành đoàn thể ☺
Cán bộ chuyên trách xóa đói giảm nghèo
Đại biểu Hội đồng Nhân dân U

Chú giải: Ý kiến về sự hữu ích của các cách thức, phương pháp và kênh thực hiện
n/a *: Không thích hợp áp dụng 
      Được thực hiện đầy đủ/ Có biết đến những cách thức, kênh hoạt động này.  
U     Chưa/Không được thực hiện/ Chưa biết việc/ người này bao giờ/ Chưa tham gia việc này/ chưa gặp người này bao giờ.  
      Được thực hiện trên một số địa điểm nghiên cứu, một số khác thì không. 
☺      Người dân có thái độ tích cực, cho rằng các cách thức, phương pháp và kênh thực hiện có hiệu quả hỗ trợ.  
      Người dân có ý kiến khác nhau (tích cực và tiêu cực) về hiệu quả hỗ trợ của các cách thức, phương pháp và kênh thực hiện  
         trên các địa bàn nghiên cứu.  
     Người dân có ý kiến tiêu cực về cách thức, phương pháp và kênh thực hiện, không cho rằng các phương tiện này có hiệu   
        quả. 

Bản chất và mức độ tham gia


Các cán bộ chính quyền nói rằng người dân địa phương tham gia trực tiếp và đầy đủ 
vào những hoạt động như đóng góp vào quỹ vận động và quỹ theo pháp lệnh, nâng 
cấp cơ sở hạ tầng nhỏ, xác định đối tượng được hưởng chương trình XĐGN, đề cử và 
bình bầu tổ trưởng tổ dân phố và Đại Biểu Hội Đồng Nhân Dân, vào các hoạt động 
liên quan đến việc lập kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Các cán bộ chính quyền 
trên tất cả các địa bàn nghiên cứu cho biết quá trình diễn ra như sau: “Đến cuối năm, 
chúng tôi trình bản dự thảo kế hoạch phát triển, trong đó có cả dự toán ngân sách cho tất cả 
các ban ngành, tổ chức đoàn thể, đại biểu Hội Đồng Nhân Dân. Các cán bộ này tuyên truyền, 
thông báo cho người dân tại các tổ dân phố và tham khảo ý kiến người dân rồi đóng góp ý kiến 
cuối cùng cho chúng tôi” (các nhóm chính quyền). 
 
Tuy nhiên, người dân địa phương lại cho rằng họ đã tham gia vào các hoạt động trên 
như sau (xem Bảng 6):  

29
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

Bảng 6. Dân chủ cơ sở trực tiếp và đại diện.

Các hoạt động người dân tham gia tại địa phương Bản chất của việc tham gia

Đóng góp quỹ vận động, quỹ theo pháp lệnh Được thông báo mức tiền phải
đóng mà không được bàn thảo
về mức đóng góp
Đóng góp quỹ để nâng cấp cơ sở hạ tầng nhỏ tại địa phương, biết Bàn bạc và quyết định
kế hoạch ngân sách về việc nâng cấp này, một số tham gia trực tiếp
vào việc thi hành và giám sát, một số khác thì không tham gia.
Rất ít khi tham gia đề cử hay bình bầu tổ trưởng tổ dân phố, Được thông báo
thường chỉ được thông báo đã có sẵn.
Bầu cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân nhưng không nhớ họ là ai sau Tham gia tượng trưng
cuộc bầu cử
Một số họp bình xét hộ Xoá đói giảm nghèo trong khu phố hàng - một số tham gia có ý nghĩa
quý/hàng tháng, người dân tham gia bình chọn hộ Xoá đói giảm - một số khác chỉ được thông
nghèo, hầu hết người dân được thông báo danh sách các hộ đã báo
được bình chọn Xoá đói giảm nghèo, không biết rõ ai là người quyết
định, chỉ nghĩ đó là tổ trưởng tổ dân phố
Tương tự, được thông báo việc những hộ được xác định hưởng hỗ được thông báo
trợ xã hội
Nghe thông tin trên loa phát thanh, nhưng không chú ý: “loa phát Không tham gia vào việc lập kế
thanh quá ồn”, “họ truyền thanh những thông tin không liên qua hoạch truyền thanh, không sử
đến chúng tôi” dụng đến các thông tin được
truyền thanh
Một số thoải mái tham gia phản ánh về công việc của chính quyền - một số tích cực phản hồi ý
địa phương trong buổi họp với các tổ trưởng tổ dân phố, một số kiến
không bao giờ tham gia họp tổ dân phố để phản ánh một cách - một số không cung cấp thông
chính thức, trong một số trường hợp, có phản ánh với chính quyền tin phản hồi
địa phương nhưng không thấy hồi đáp. Một nam nghèo thường trú - một số có ý kiến nhưng tỏ ra
tại phường 4 - Quận 8 đã nói: “Chúng tôi biết chúng tôi có quyền chán nản vì nghĩ rằng ý kiến
phản ánh và kiến nghị về việc làm của các cán bộ địa phương. của họ sẽ không được ai quan
Chúng tôi nói thẳng vào mặt họ nhưng chẳng được cái gì. Vì vậy tâm đến
chúng tôi không còn gì để nói nữa.”
Tham gia họp tổ dân phố hàng tháng, nội dung buổi họp chủ yếu về Được thông báo hơn là tham
an ninh trật tự, xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi gia đóng góp ý kiến
trường, khiếu kiện và tranh chấp và các chương trình phòng chống
tệ nạn xã hội
Đối với những phụ nữ thường trú là thành viên trong Hội Phụ nữ, Được thông báo và được mời
gặp gỡ làm việc với các cán bộ của Hội Phụ nữ để chủ động tổ chức các nhóm
và các hoạt động
Riêng đối với những người nhập cư, chỉ biết tổ trưởng tổ dân phố và Được mời đến trình báo để bảo
công an khu vực vì phải gặp họ thường xuyên để đăng ký tạm trú. đảm an ninh trật tự

Có sự khác biệt trong quan điểm của cán bộ và người dân địa phương về mức độ và 
bản chất việc thực hiện DCCS có thể hiểu là do thiếu những chỉ báo rõ ràng, cụ thể và 
có thể đo lường được. Tiêu chí “dân biết” thường được các cán bộ hiểu là việc cung 
cấp  thông  tin  một  chiều  từ  trên  xuống  mà  không  có  cơ  chế  nào  để  thu  nhận  ý  kiến 
phản hồi của người dân để đánh giá mức độ người dân hiểu thông tin như thế nào. 
Tiêu chí “dân biết” chưa được hiểu và chưa được chuyển thành một cách thức tạo sự 
tham gia để làm nền tảng cho DCCS như tạo ra thuận lợi cho việc tiếp xúc và trao đổi 
thông tin hai chiều giữa chính quyền và người dân địa phương.  
 
Kế đến, chủ trương “dân bàn” lẽ ra đã có thể trở nên ý nghĩa hơn thông qua sự hợp 
tác và tham gia toàn diện giữa người dân, tổ trưởng tổ dân phố, đại biểu Hội Đồng 
Nhân Dân, cán bộ chính quyền cấp phường xã, và các phòng, sở của quận huyện và 

30
Phần 4: Tham gia và Tăng cường Năng lực trong việc Đưa ra các Quyết định tại Địa phương

thành phố. Chẳng hạn, ở một số địa phương, người dân quyết định mức độ đóng góp 
tiền bạc và sức lực vào việc nâng cấp đường hẻm, nhưng ở hầu hết các địa phương 
khác người dân chỉ được thông báo về số tiền họ cần phải đóng. 

Khung 4. Quy trình xét chọn hộ hưởng chương trình Xóa đói giảm nghèo tại
khu phố
Quy trình này thường bắt đầu vào tháng 11 hàng năm, bao gồm việc rà soát lại các hộ Xóa đói giảm nghèo 
hiện  tại  cũng  như  bầu  chọn  những  hộ  mới  để  hưởng  trợ  cấp  nhà  nước.  Theo  nguyên  tắc,  các bước  bầu 
chọn được tiến hành ở khu phố diễn ra như sau:   
1. Tổ trưởng tổ dân phố tập họp dân để bàn bạc và trình bày tiêu chuẩn cũng như thống nhất ý kiến 
chọn hộ Xóa đói giảm nghèo, lập danh sách các hộ này và trình lên cho cán bộ chuyên trách Xóa đói 
giảm nghèo của UBND Phường / xã / thị trấn. 
2. Cán bộ chuyên trách Xóa đói giảm nghèo phường/xã cùng với tổ trưởng tổ dân phố thăm những hộ 
được đề cử Xóa đói giảm nghèo để điền bảng câu hỏi và chọn những hộ xứng đáng được hưởng.    
3. Lập danh sách những hộ được chọn Xóa đói giảm nghèo và thông báo cho dân trong khu phố để bàn 
bạc và thống nhất ý kiến. 
4. Dân trong khu phố phản hồi ý kiến và đưa ra quyết định cuối cùng trong buổi họp tổ dân phố. 

Một ví dụ khác là vấn đề cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện DCCS. Và nếu 
có nhiều cơ quan thực hiện, thì việc phối kết hợp sẽ diễn ra như thế nào. Điển hình 
như  trường  hợp  đóng  góp  các  khoản  trường  phí  ngoài  học  phí,  người  dân  nghèo 
không có tiếng nói gì trong vấn đề này. Trên nguyên tắc, Hội Phụ Huynh học sinh đại 
diện  người  dân.  Tuy  nhiên,  các  đại  diện  của  Hội  Phụ  Huynh  học  sinh  không  tham 
khảo  ý  kiến  người  dân  về  các  khoản  trường  phí  ngoài  học  phí  như  tiền  ở  cơ  sở  vật 
chất, tiền đồng phục và các khoản khác mà gộp lại trở thành một số tiền khá lớn đồng 
thời  trở  thành  một  gánh  nặng  quá  lớn  trên  vai  những  người  nghèo.  Cán  bộ  chính 
quyền địa phương giải thích rằng họ không có quyền bàn bạc vấn đề này vì trường 
học  nhận  kinh  phí  từ  cơ  quan  quản  lý  ngành  dọc,  tức  Phòng  Giáo  Dục  mà  Phòng 
không  có  nhiều  quyền  quyết  định  vì  họ  cũng  chỉ  nhận  kế  hoạch  ngân  sách  từ  trên 
xuống của Sở Giáo Dục. Những hạn chế liên quan đến các vấn đề về phân cấp quản lý 
sẽ được minh hoạ cụ thể trong chương tiếp theo về cải cách hành chính. 
 
Thêm một ví dụ liên quan đến việc công khai kế hoạch quy hoạch tổng thể. Cả người 
dân cũng như chính quyền địa phương không ai có được thông tin về kế hoạch quy 
hoạch. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến những người nghèo sống trong các khu vực 
có thể giải tỏa, làm họ cảm thấy không an tâm về tương lai và họ không thể tính toán 
gì cho cuộc sống cũng như sinh kế.  
 
Một ví dụ nữa về nội dung thực hiện dân chủ cơ sở có trọng tâm giảm nghèo là việc 
xác  định  đối  tượng  cho  chương  trình  XĐGN  và  hỗ  trợ  xã  hội.  Người  dân  đã  có  thể 
tham  gia  một  cách  ý  nghĩa  hơn  bằng  các  đảm  bảo  việc  xác  định  này  được  các  tổ 
trưởng thực hiện đúng phương thức và quy trình. Ở một số địa phương, quá trình xét 
chọn đối tượng hưởng hỗ trợ nhà nước được thực hiện theo đúng như nguyên tắc đã 
đề ra (xem Khung 4), nhưng có một số địa phương khác không thực thi như vậy. Về 
phía người dân, đa số không cảm thấy sự tham gia của họ có ảnh hưởng quan trọng 
trong quá trình xác định mục tiêu hỗ trợ này. Nhìn chung, họ chỉ được thông báo chứ 
không được chủ động tham gia vào quá trình ra quyết định.  

31
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

Phần 5: Cải cách Hành chính công

Tóm tắt ý chính


Các cán bộ địa phương và người nghèo ghi nhận có một số cải tiến đáng kể trong lĩnh vực dịch 
vụ quản lý hành chính, điển hình là dịch vụ “một cửa một dấu” cho chứng nhận các loại giấy tờ 
tuỳ thân. Tuy nhiên, theo ý kiến người nghèo, còn nhiều vấn đề tồn tại trong lĩnh vực nhà đất – 
địa chính và đăng ký nhân hộ khẩu, chẳng hạn như vẫn còn nhiều các thủ tục phức tạp và làm 
mất nhiều thời gian, tình trạng tham nhũng và năng lực, phẩm chất cán bộ địa phương làm việc 
trong các ngành này, đã và đang ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của họ. 
Về phân cấp quản lý, cán bộ cấp quận/ huyện và phường/ xã cho rằng còn có sự mơ hồ, chồng 
chéo, không phân biệt rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ban ngành. Cán bộ cả hai 
cấp đều tán thành phân cấp quản lý nhiều hơn cho cấp cơ sở phường/ xã theo hướng vì người 
nghèo, tuy nhiên, sự phân cấp này phải đi cùng với các giải pháp nhằm nâng cao tính hiệu quả 
và hiệu lực, ví dụ như hợp lý hoá sự phân công phân cấp, cải thiện các luồng thông tin và các 
mối liên kết, phối hợp công tác, tăng cường tính công khai, minh bạch và đơn giản hóa các thủ 
tục và quy định, tạo ra nhiều hơn sự kiểm tra, giám sát và xem xét việc phân bổ kinh phí và nhân 
sự cho phù hợp với thực tế tình hình các địa phương (có tính đến tốc độ phát triển và sự gia tăng 
dân số ở một số khu vực phường/ xã). 
Bản  thân  người  nghèo  có  những  nhận  thức  khác  nhau,  nhưng  thường  rất  hạn  chế,  về  cải  cách 
hành chính và các ảnh hưởng, liên quan giữa cải cách hành chính công (CCHC) với họ, đồng thời 
họ thấy mình khó tác động đến tiến trình thực hiện CCHC. 

Bối cảnh
Theo  Chiến  lược  toàn  diện  về  tăng  trưởng  và  giảm  nghèo  (CPRGS),  cải  cách  hành 
chính công được Chính phủ chọn vừa là một trong các mục tiêu cơ bản, vừa là một 
trong các biện pháp chính để đảm bảo tính hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế và phát 
triển xã hội. Theo đó, CCHC được thực hiện trên 4 lĩnh vực: cải cách thể chế; cải cách 
bộ máy hành chính, đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và cải 
cách tài chánh công để cán bộ, công chức, chính quyền thay đổi phong cách làm việc, 
có  trách  nhiệm  hơn  với  công  việc  và  người  dân  tiếp  cận  dễ  dàng  hơn  các  dịch  vụ 
công, đảm bảo công bằng xã hội. Tính công khai, minh bạch về ngân sách được đặc 
biệt đề cao. Mặt khác, Chiến lược còn nhắm đến việc thực hiện đầy đủ Quy chế dân 
chủ cơ sở, nhằm cải thiện và thu hút sự tham gia của người dân vào quá trình lập kế 
hoạch và thực thi các quyết định phát triển kinh tế ‐ xã hội cộng đồng19.  

Căn cứ trên các nội dung chính của CPRGS vừa nêu trên, mục tiêu xác định của cuộc 
nghiên cứu lần này tại TPHCM là:  

(1) thu thập ý kiến phản hồi của người nghèo và chính quyền địa phương về việc 
thực hiện CCHC công ở TPHCM ở cấp chính quyền cơ sở (phường/ xã, quận/ 
huyện),  
(2) xem  xét  ảnh  hưởng  của  CCHC  công  đối  với  người  nghèo  và  công  tác  giảm 
nghèo tại các địa phương khảo sát, qua đó có thể hình thành hình ảnh tổng 
quan về CCHC ở TPHCM, 
(3) ghi nhận ý kiến đề xuất của người dân (các nhóm người nghèo) và cán bộ địa 
phương về các biện pháp đẩy mạnh CCHC công theo hướng vì người nghèo. 

19 Theo Chiến lược toàn diện về Tăng trưởng và Xoá đói giảm nghèo (do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại 

Công văn số 2685/VPCP – QHQT, ngày 21/05/2002), Hà Nội, tháng 5 năm 2002, trang 4. 

32
Phần 5: Cải cách Hành chính công

Các tiến bộ của CCHC


Hầu hết các nhóm thảo luận của người nghèo  (phần lớn là người nghèo địa phương, 
phân biệt với các nhóm dân nghèo nhập cư) xác nhận rằng có sự cải thiện đáng kể dịch 
vụ hành chính tại cấp phường/ xã/ thị trấn. Đặc biệt, dịch vụ “một cửa một dấu” được 
người dân đánh giá cao hiệu quả. Các thể hiện tích cực của biện pháp cải cách này là sự 
rút ngắn thời gian chờ đợi UBND Phường cấp thị thực sao y các loại giấy tờ tùy thân 
hoặc các giấy chứng nhận về hộ tịch, hộ khẩu. Hiện nay, thường người dân chỉ phải tiếp 
xúc với một viên chức phụ trách, nếu cần thiết chỉ cần gặp Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch 
UBND Phường để lấy chữ ký sau đó gặp lại viên chức vừa tiếp xúc để đóng dấu, tất cả 
có thể chỉ cần 15‐20 phút, thay vì phải qua nhiều cửa, nhiều bàn, nhiều người như trước 
kia. “Mấy năm trước kia khi làm giấy tờ thì người này người kia cầm giấy tờ chạy lòng vòng từ 
bàn này sang bàn khác. Còn bây giờ thì chỉ đến một bàn, gặp một người, đợi chỉ khoảng 15 phút 
là có giấy tờ chứng thực. Nếu người có trách nhiệm giải quyết bận họp thì người ta cho ngày 
hẹn đến lấy, họ cũng giữ đúng hẹn là có” (nhóm nữ nghèo thường trú xã Tân Tạo, huyện 
Bình Chánh); hoặc như ý kiến của một viên chức địa phương “ngày xưa, tôi làm giấy tờ 
chạy  hết  chỗ  này  đến  chỗ  kia;  mình  là  cán  bộ  mà  còn  không  muốn  đi  nữa  huống  chi  là  dân; 
nhưng  nay  đã  khác,  dễ  hơn  rất  nhiều.”  (một  thành  viên  nhóm  chính  quyền,  đoàn  thể  xã 
Tân Tạo – Huyện Bình Chánh). Thời gian vì thế được rút ngắn 3 hoặc 5 lần so với trước. 
Mặt khác, việc rút ngắn thời gian chờ đợi và số lần đi lại còn có ý nghĩa lớn về giảm 
nghèo vì giúp người nghèo giảm chi phí di chuyển và không phải mất hoặc giảm thu 
nhập hàng ngày. 

Thái độ tiếp dân của nhiều viên chức địa phương cũng có nhiều thay đổi theo chiều 
hướng tích cực hơn, như: vui vẻ, hoà nhã, hướng dẫn thủ tục, quy định rõ ràng hơn. 
Một số lệ phí được trả, dưới hình thức dán tem, theo người dân là hợp lý, phù hợp với 
khả năng tài chánh của người nghèo. Theo nhiều nhóm thảo luận, thái độ tiếp dân tốt 
hơn trước và thể hiện tinh thần trách nhiệm của các viên chức cấp phường/ xã/ thị trấn 
có ý nghĩa rất quan trọng đối với người nghèo vì giúp họ giảm cảm giác e ngại, lo sợ, 
cảm thấy tự tin vì được tôn trọng hơn trước.  

Một  số  người  dân  nghèo  nhìn  nhận  rằng  trình  độ  học  vấn,  hiểu  biết  hạn  chế  của 
người nghèo là rào cản, khiến họ dễ làm sai hoặc sót các lại giấy tờ cần thiết theo thủ 
tục quy định, mặc dù nhân viên của UBND Phường đã hướng dẫn họ rõ ràng, chi tiết.  

Đăng ký, hợp thức hóa nhà đất


Tuy nhiên, theo tất cả các nhóm thảo luận, lĩnh vực còn nhiều bất cập nhất có lẽ là địa 
chính  –  nhà  đất.  Tất  cả  các  nhóm  thảo  luận  đều  than  phiền  về  các  khó  khăn,  phiền 
phức liên quan đến nhà đất ‐ địa chính. Tuy nhiên, do vị trí và góc độ nhìn nhận vấn 
đề khác nhau, có những khác biệt đáng kể giữa ý kiến của mỗi loại nhóm thảo luận 
khác nhau.  

Các nhóm dân than phiền nhiều về thủ tục còn nhiều rắc rối, đòi hỏi nhiều loại giấy tờ 
kê khai theo họ là không cần thiết. Sự gọn nhẹ, thông thoáng, tạo thuận lợi, giảm phiền 
hà  và  tốn  kém  cho  người  dân  theo  mục  tiêu  của  CCHC  trong  lĩnh  vực  cấp  giấy  chủ 
quyền nhà đất chưa thể hiện rõ bước tiến bộ nào đáng kể. Hơn thế nữa, ở một vài nơi, 
người dân nghèo còn than phiền rất nhiều về năng lực, tinh thần trách nhiệm và phẩm 
chất đạo đức của ủy viên nhà đất phường. Có sự không công bằng khi xét cấp số nhà, 
theo  nhiều  người  dân  là  do  sự  tiêu  cực,  đòi  hỏi  phải  có  “tiền  lót  tay”.  Sự  phê  bình 
thẳng thắn của người dân địa phương trong một số cuộc họp lấy ý kiến dân về cán bộ 

33
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

địa  phương  không  mang  lại  thay  đổi  gì  trong  bộ  máy  nhân  sự  của  phường  này. 
“Chính phủ (CP) quan tâm đến người dân, nhưng cán bộ địa phương làm không tốt, 
làm  ảnh  hưởng  đến  uy  tín  của  Chính  phủ,  Chính  phủ  phải  kiểm  tra  thường  xuyên. 
Chúng tôi biết mình được quyền phản ảnh. Nhưng nói trước mặt, nói thẳng thắn mà 
người đó vẫn ngồi ghế đó, người kia vẫn ngồi ghế kia thì tụi tôi chán ngán, bất mãn, 
không thèm nói nữa” (nhóm nam nghèo thường trú Phường 4, Quận 8).  

Do đó, theo ngưòi dân CCHC cần đi liền với sự kiểm tra giám sát của cấp trên đối với 
cấp  dưới,  nhất  là  trong  các  lĩnh  vực  “nóng”  có  quan  hệ  trực  tiếp  đến  quyền  lợi  của 
người dân như nhà đất, vì đây là yếu tố quyết định đối với nhiều hộ nghèo để họ có 
hộ  khẩu  và  tiếp  cận  với  các  dịch  vụ  xã  hội  cơ  bản  như  giáo  dục  cho  con  cái,  khám 
chữa bệnh, điện, nước, các nguồn vốn tín dụng chính thức. Người dân cho rằng nơi 
nào cấp nào có hiện tượng cán bộ địa phương không trong sạch, không được dân tín 
nhiệm, nếu nhiều lần phê bình không sữa chữa thì chủ tịch UBND Phường hay Quận 
phải  chịu  trách  nhiệm  liên  đới,  vì  hoặc  không  sâu  sát,  hoặc  không  kiên  quyết  xử  lý 
cán bộ dưới quyền hay làm “ô dù”, bao che. 

Phân cấp quản lý


Còn một số thành viên các nhóm chính quyền và ban ngành đoàn thể cấp Phường và 
Quận thì than phiền về mức độ phân cấp quản lý còn hạn chế trong lĩnh vực nhà đất, 
tạo  nên  tình  trạng  dồn  đọng  hồ  sơ,  quá  tải  cho  Phòng  quản  lý  đô  thị  cấp  quận.  Cấp 
phường/ xã cho đến nay chỉ được chứng nhận các giấy tờ cam kết nguồn gốc nhà, đất. 
Việc cấp giấy phép xây dựng hoặc sửa chữa nhà, cấp giấy chủ quyền nhà, giấy chứng 
nhận  quyền  sử  dụng  đất,  hiện  còn  ở  cấp  quận.  Theo  nhiều  cán  bộ  dự  họp  thảo  luận 
nhóm, cần phân cấp sâu và rộng hơn nữa trong lĩnh vực nhà đất (như cấp giấy phép 
xây dựng, sửa chữa nhà, cấp số nhà, hợp thức hoá nhà đất) cho cấp cơ sở là phường/ xã. 

Ngoài ra, sự phân cấp sâu rộng hơn cho cấp cơ sở phường/ xã trong nhiều lĩnh vực 
khác như xây dựng nâng cấp hạ tầng cơ sở, y tế, cũng được nhiều nhóm cán bộ chính 
quyền cấp quận và phường đề cập, như là một hoạt động quan trọng để đẩy mạnh 
CCHC  công  hiện  nay  ở  TPHCM.  Về  hạ  tầng  cơ  sở,  quy  định  trước  đây  là  các  công 
trình đường xá liên xã, liên ấp với mức kinh phí dưới 500 triệu được giao cho các xã 
phụ trách. Nhiều người đề nghị mức này cần được tăng lên là 1 tỉ. Việc phân cấp cho 
cấp phường/ xã có thể mang lại nhiều lợi điểm: giúp giảm nhiều chi phí trung gian 
làm nâng giá thực hiện công trình, nhờ đó, giảm rất nhiều mức đóng góp của người 
dân,  tạo  nhiều  cơ  hội  cho  người  dân  nghèo  thất  nghiệp  thường  xuyên  hoặc  thời  vụ 
tham gia xây dựng để hoặc có thu nhập hoặc đóng góp dưới hình thức công lao động 
thay  thế  cho  đóng  góp  bằng  tiền.  Thực  tế  vừa  qua,  một  số  công  trình  hạ  tầng  cơ  sở 
quận giao cho phường, xã phụ trách đã tiết kiệm được đến 30 ‐ 50% kinh phí. Vì thế, 
theo nhiều lãnh đạo địa phương, sự phân cấp quản lý có tác động trực tiếp đến việc 
giảm nghèo, đồng thời tiết kiệm được nguồn chi ngân sách của chính phủ.  

Một số việc khác liên quan đến “một cửa một dấu” cho thấy có khoảng cách giữa ý 
tưởng,  mục  tiêu  và  cách  thực  hiện.  Cụ  thể  là  việc  thực  hiện  một  số  điểm  của  Luật 
doanh nghiệp như cách cấp phát giấy phép sản xuất kinh doanh. Quy định mới giao 
cho Sở kế hoạch đầu tư trực tiếp cấp giấy phép, để đơn giản hoá theo kiểu “một cửa 
một  dấu”,  thay  vì  trước  đây  phải  đi  qua  2  –  3  cấp.  Cách  đổi  mới  này  tưởng  chừng 
thông thoáng, đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian hơn. Song quá trình thực hiện 
cho thấy có nhiều bất cập, không hợp lý, thiếu sự tham gia từ đầu của cấp cơ sở trong 

34
Phần 5: Cải cách Hành chính công

các  bước  duyệt  xét  nên  có  nhiều  kẻ  hở  về  kiểm  tra  địa  điểm  đặt  nhà  xưởng  và  loại 
hình  kinh  doanh  cũng  như  đánh  giá  mức  độ  ảnh  hưởng  đến  môi  trường  khu  vực, 
nhất là khu vực dân cư. Đồng thời, việc hậu kiểm giao trách nhiệm cho cấp cơ sở cũng 
tạo ra những khó khăn, bị động khi thực hiện.  

Nguyên nhân là thông tin từ cấp Thành phố đến cấp quận/ huyện và sau đó đến cấp 
phường/  xã  thường  rất  chậm,  không  kịp  thời.  Khá  phổ  biến  tình  trạng  thông  tin  về 
đến cấp cơ sở thì các doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động không còn tồn tại 
nữa  hoặc  thực  chất  là  chưa  hề  có  mặt  tại  đây.  Một  số  nơi,  khi  hậu  kiểm,  cấp  chính 
quyền  phường  phát  hiện  số  lượng  doanh  nghiệp  thực  tế  có  hoạt  động  chỉ  chiếm 
khoảng ½ hoặc  1/3 số giấy phép đã cấp phát. Nhiều cán bộ điạ phương cho rằng có 
tình trạng nhiều “doanh nghiệp ma” lợi dụng giấy phép để có các hành vi vi phạm 
luật pháp như mua bán hoá đơn, chứng từ giả, hoặc để trốn nghĩa vụ thuế phải nộp 
cho nhà nước; thậm chí, một số doanh nghiệp còn có hành vi lừa đảo.  

Từ đề xuất của nhiều cán bộ cấp quận và phường, có thể thấy có hai giải pháp cải tiến 
cho CCHC trong cấp giấy phép hoạt động của doanh nghiệp:  

(1) hoặc trở lại cách thức cũ là hồ sơ được nộp từ phường, UBND phường chịu 
trách nhiệm kiểm tra địa điểm đặt văn phòng, xưởng sản xuất, vốn hoạt động 
sau  đó  chuyển  hồ  sơ  và  đề  xuất  lên  Phòng  kinh  tế  quận  để  hoặc  cấp  quận 
hoặc cấp Thành phố ra quyết định cấp giấy phép; thời gian có thể chỉ cần 2 
tuần lễ từ lúc doanh nghiệp nộp đơn đến lúc nhận giấy phép. 
(2) hoặc nếu không muốn quay trở lại cách cũ đòi hỏi qua 2 – 3 cấp như trước, 
cấp TP cần thông báo cho cấp quận và phường trong lúc thẩm tra hồ sơ hoặc 
ngay sau khi cấp phát giấy phép để hai cấp này thực hiện việc hậu kiểm kịp 
thời, chặt chẽ hơn, tránh tình trạng lỏng lẻo và rối loạn trong sản xuất và kinh 
doanh, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật doanh nghiệp và luật pháp nói 
chung.  

Khi được hỏi về tác động của Luật Doanh nghiệp đối với sự phát triển của các doanh 
nghiệp  nhỏ và  vừa  của  thành  phố,  nhiều cán bộ cấp  quận và  phường  tỏ ra  còn  khá 
“lạnh nhạt” với ý tưởng có tác động tích cực của bản luật này. Có ý kiến cho rằng sự 
phát triển kinh tế của Thành phố là do sự phát triển của hạ tầng cơ sở đã tạo đà thúc 
đẩy cho doanh nghiệp phát triển, hơn là do tác động của Luật Doanh nghiệp.  

Khi nhận định về các thách thức phải đương đầu khi thực hiện việc phân cấp quản lý, 
nhiều cán bộ cấp quận cho rằng còn nhiều hạn chế về phân công, phân nhiệm phân 
bổ ngân sách do:  

(1) có nhiều từ ngữ hành chính còn mơ hồ, không rõ nghĩa.  
(2) sự phân công không rõ ràng cho các ban ngành, nên khó phân biệt rõ ngành 
nào, do ai đứng đầu chịu trách nhiệm chính. 
(3) không xác định rõ hình thức kỷ luật, xử phạt cán bộ vi phạm. 
(4) không  khuyến  khích cán  bộ,  viên  chức  năng nổ hoàn  thành nhiệm  vụ bằng 
chế độ lương thỏa đáng với công sức lao động đầu tư vào công việc vì phần 
lớn thu nhập chính của họ không từ lương chính thức do đơn vị trả (do đó, 
nếu không có thu nhập phụ chính đáng ngoài lương, cán bộ viên chức ở các 
khu vực có mức cầu dịch vụ gắn chặt với lợi ích thiết thân của người dân cao 

35
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

như nhà đất, hộ khẩu, tư pháp, thuế, v.v... người cán bộ công chức rất dễ bị 
sai phạm tiêu cực). 
(5) việc khoán quỹ lương có nhiều bất cập, không hợp lý và không thoả đáng ở 
các khu vực đang đô thị hoá với tốc độ quá nhanh, điển hình là Huyện Bình 
Chánh. Khi khoán quỹ lương cho cấp huyện, cấp Thành phố chưa tính đến 
mức gia tăng khối  lượng công việc do dân số gia tăng và nhu cầu dịch vụ gia 
tăng tương ứng. Vì thế “công việc hành chính làm thì nhiều nhưng hưởng lại ít, 
càng làm nhiều thì chi phí lại nhiều theo”. “Đô thị hóa nhanh, dân cần nhiều, tụi tôi 
làm  nhiều  thì  chi  phí  nhiều,  áp  lực  của  công  việc  càng  nặng,  nhưng  mức  lương 
khóan  vẫn  vậy,  không  tăng,  vì  vậy  mà    thu  nhập  nhân  viên  không  tăng  theo  công 
việc. Các nhà đưa ra cải cách hành chính ca ngợi cải cách ghê lắm, nhưng tụi tôi thấy 
mình làm nhiều cũng vậy.” (một thành viên nhóm thảo luận chính quyền đoàn 
thể huyện Bình Chánh). Do đó, nhiều người đồng tình rằng “CCHC ở địa bàn 
dân  cư  ổn  định  phải  khác  với  CCHC  ở  địa  bàn  không  ổn  định”.  Một  sự  đa  dạng 
hóa,  cụ  thể  hoá  hơn  nữa  “các  giải  pháp  CCHC  cho  phù  hợp  với  đặc  trưng  của 
từng vùng, từng khu vực ngay tại TPHCM là điều rất cần thiết, huống chi cho cả 
nước.” (nhóm thảo luận chính quyền đoàn thể huyện Bình Chánh).

Thông tin kiến thức pháp luật


Việc cung cấp kiến thức pháp luật (phần lớn được cụ thể hoá bằng các văn bản quy 
định dưới luật) cho người dân qua các kênh chính thức tại cấp phường chưa thực hiện 
được nhiều. Còn thiếu các hình thức phổ biến thông tin tại cộng đồng như bảng thông 
báo nơi đông dân cư qua lại, loa phát thanh, tờ bướm. Chỉ một số ít người dân nghèo 
có điều kiện hiểu biết về pháp luật và quy định nhờ đọc báo, xem tivi. Nhiều người 
nhập cư dự họp nhóm thảo luận cho biết phần lớn thông tin họ có được là tin truyền 
miệng, tin đồn ở vỉa hè, chợ búa, bạn bè đồng nghiệp, hơn là qua các kênh chính thức 
của  chính  quyền.  Vì  thế  họ  cũng  nhìn  nhận  rằng  các  thông  tin  họ  tiếp  nhận  được 
thường dễ bị sai lệch. Trong khi đó, truyền thông các kiến thức pháp luật qua các cuộc 
họp tổ dân phố là cấp gần dân nhất lại tuỳ thuộc khá nhiều vào việc tổ trưởng dân 
phố có tổ chức được các cuộc cuộc họp thường kỳ hàng tháng hay không. Trong thực 
tế, có sự khác biệt khá rõ rệt giữa các tổ dân phố ngay trong cùng một khu phố, tuỳ 
thuộc phần lớn vào năng lực, sự nhiệt tình, ý thức trách nhiệm và thời gian dành cho 
công  tác  cộng  đồng  của  tổ  trưởng  tổ  dân  phố.  Mặt  khác,  đại  đa  số  người  nhập  cư, 
người không đăng ký cư trú lại không được mời dự họp.  

Đăng ký hộ khẩu
Tương tự các cuộc Đánh giá nghèo có sự tham gia năm 1999 và tham khảo ý kiến cấp 
cơ sở về chiến lược toàn diện về tăng trưởng và giảm nghèo (CPRGS) cuối năm 2001, 
việc cung cấp và giải thích thông tin về cách thức, điều kiện, quy trình xin và cấp giấy 
chứng nhận tạm trú dài hạn KT3 theo nhiều người dân còn nhiều hạn chế, trở ngại. 
Việc  quản  lý  đăng  ký  nhân  hộ  khẩu  thuộc  trách  nhiệm  của  ngành  công  an.  Nhiều 
người dân còn e ngại khi tiếp xúc để hỏi hoặc đề đạt nguyện vọng. Hơn nữa, dường 
như ngay cả khi hội đủ các điều kiện để chuyển từ hộ khẩu KT4 lên KT3, việc có được 
hộ  khẩu  tạm  trú  dài  hạn  KT3  của  nhiều  hộ  dân  tạm  trú  lại  tuỳ  thuộc  phần  lớn  vào 
“quyền” của các công an khu vực và mối quan hệ giữa chủ hộ với công an, trong đó, 
có cả “phí ngoại giao không thành văn, ngoài quy định”. Một số các quy định về cách gia 
hạn đăng ký tạm trú ngắn hạn cấp từng 6 tháng đòi có giấy xin tạm vắng có chứng 
nhận của quê gốc theo nhiều người nhập cư là quá chặt chẽ, khó thực hiện và mất thời 

36
Phần 5: Cải cách Hành chính công

gian, ảnh hưởng nhiều đến việc làm và thu nhập của họ. Có người phải nghỉ việc 2 – 3 
ngày, về quê cũ xin giấy chứng nhận gia hạn mới; họ bị mất thu nhập và chi phí đi lại, 
ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống gia đình. Một số người ở các tỉnh xa, thiếu tiền cho 
chi phí đi lại đành chấp nhận bị công an phạt tiền vì vi phạm quy định gia hạn tạm 
trú có thời hạn. Nói cách khác, nhiều người dân cho rằng dường như còn thiếu sự rõ 
ràng và công bằng trong việc xét cho nhập hộ khẩu tạm trú dài hạn KT3. Sự can thiệp 
của chính quyền địa phương ‐ UBND phường ‐ dù muốn cũng ở mức độ rất hạn chế 
vì vấn đề này thuộc ngành công an.  
 
Từ các thông tin trên, nhóm nghiên cứu có một số đề xuất như sau:  
 
(1) cần có một cách thức quản lý mới nhân hộ khẩu, như thông qua mạng, máy vi 
tính, trao đổi thông tin giữa các tỉnh và thành phố. 
(2)  một sự công khai sâu rộng và thực hiện công bằng hơn các quy định về quản 
lý nhân hộ khẩu; qua đó góp phần đẩy mạnh CCHC trong lĩnh vực an ninh, 
trật tự trị an.   
 
Nhận thức về sự thay đổi vị trí từ cán bộ địa phương thành công chức nhà nước
Sự thay đổi vị trí từ cán bộ địa phương thành công chức nhà nước chưa được nhiều 
viên chức địa phương nhận thức rõ tác dụng đối với việc nâng cao vị trí của họ hay 
cải tiến chất lượng dịch vụ công họ đang thực hiện. Họ cũng không thấy rõ điều này 
ảnh hưởng gì nhiều đến quan hệ giao tiếp hay dịch vụ của họ với người dân. Phần 
lớn cán bộ cho rằng thay đổi lớn nhất là họ an tâm hơn vì chế độ lương rõ ràng hơn, 
chắc  chắn  hơn  vì  được hưởng  lương  ngân  sách của  chính  phủ  thay  vì  từ  các  nguồn 
thu của địa phương. Điều này đảm bảo cho họ các quyền lợi an sinh xã hội và phúc 
lợi xã hội khi thôi việc hay sau khi nghỉ hưu. 

Đề xuất các biện pháp cải tiến và đẩy mạnh CCHC


Qua các trưòng hợp điển hình về các bất cập trong việc thực hiện CCHC công tại hai 
địa phương được chọn khảo sát như trên, từ các nhóm thảo luận có thể tóm tắt lại như 
sau một số đề xuất về một số cải tiến, điều kiện để đẩy mạnh CCHC công tại TPHCM: 
 
- Cần tính đến sự khác biệt giữa khu vực dân cư ổn định và không ổn định (do đô 
thị hoá và di dân với tốc độ nhanh) khi phân cấp quản lý, cụ thể ở phân chia lại 
điạ giới hành chính, phân bổ số lượng cán bộ/ công chức, khoán quỹ lương, bằng 
cách cụ thể hoá, đa dạng hóa hơn nữa các quy chuẩn. 
- Phân cấp sâu và rộng hơn nữa cho cấp phường/ xã trong việc thực hiện các công 
trình  cải  thiện  hạ  tầng  cơ  sở,  y  tế,  dịch  vụ  nhà  đất,  tư  pháp,  cấp  giấy  phép  sản 
xuất‐ kinh doanh.v..v.. 
- Tăng  cường  các  kênh  truyền  thông  phổ  biến  kiến  thức  pháp  luật,  các  văn  bản 
dưới  luật,  các  quy  định  (nhất  là  về  an  ninh  trật  tự,  quản  lý  nhân  hộ  khẩu,  giao 
thông, kinh doanh, các quan hệ dân sự, hôn nhân – gia đình). 
- Tăng cường tính minh bạch, công khai, công bằng song song với đơn giản hoá thủ 
tục, điều kiện quy định và cách thức thực hiện trong các mảng công việc liên quan 
đến quyền lợi của người dân, nhất là dân nghèo, như: đăng ký, nhập hộ khẩu cho 
người nhập cư, cấp số nhà, hợp thức hoá nhà đất. 
- Đẩy  mạnh  hơn  nữa  sự  rõ  ràng  trong  phân  công phân  nhiệm  cho  các  ngành,  các 
cấp, các cá nhân chịu trách nhiệm chính.  

37
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

- Cải cách chế độ tiền lương và xử phạt nghiêm khắc các sai phạm. 
- Tăng cường sự trong sáng và chính xác của các từ ngữ sử dụng trong các văn bản 
pháp quy. 
- Tăng  cường  mối  quan  hệ,  phối  hợp  giữa  các  cấp  Thành  phố,  quận/  huyện, 
phường/  xã,  thông  qua  kênh  thông  tin  nhanh  nhạy,  kịp  thời,  trên  cơ  sở  phân 
nhiệm phân công rõ ràng hơn và tính chịu trách nhiệm cao hơn của từng cấp đối 
với cấp trên hoặc cấp dưới và với những người dân có liên quan. 
- Tăng cường hơn nữa sự giám sát, kiểm tra của cấp trên đối với kết quả công việc 
của cấp dưới, bằng cách trực tiếp tiếp xúc với người dân, nhất là dân nghèo, với 
cá nhân hoặc qua họp nhóm thảo luận giống như lần đánh giá giảm nghèo PPA 
lần này. Việc gặp và kiểm tra cần trực tiếp, do cấp trên chọn ngẫu nhiên thay vì 
qua chính quyền địa phương, để khách quan hơn, ngăn ngừa sự chuẩn bị có tính 
đối phó nhằm che dấu khuyết điểm, thiếu sót của chính quyền địa phương. 

38
Phần 6: Di dân và các Vấn đề Đô thị

Phần 6: Di dân và các Vấn đề Đô thị

Tóm tắt ý chính


Một số thông tin quan trọng nhất ghi nhận được về các quan tâm của cộng đồng về các vấn đề di 
dân và đô thị hóa tại hai quận huyện khảo sát có thể được tóm tắt như sau: 
‐ Có khoảng 34% ‐ 40% dân số không có hộ khẩu thường trú (đặc biệt ở một xã của huyện Bình 
Chánh, tỉ lệ này lên đến 65%) 
‐ Từ năm 1999 đến nay, số cư dân của các khu vực khảo sát tăng khoảng 28% – 39% (có một xã 
của huyện Bình Chánh tỉ lệ tăng dân số lên đến 64%)  

Các hệ quả của tình trạng thiếu hộ khẩu thường trú một lần nữa lại được người dân nêu ra (tương 
tự như lần đánh giá nghèo năm 1999 và tham khảo ý kiến cộng đồng về Chiến lược tăng trưởng 
và giảm nghèo năm 2002), như: không bình đẳng quyền lợi trong tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức 
khoẻ, thụ hưởng chương trình Xoá đói giảm nghèo, các chương trình tín dụng và các hỗ trợ xã hội 
khác cũng như phải trả các chi phí cao cho điện, nước và các phí tổn cho gia hạn đăng ký tạm trú.  

Ngoài ra, trong khi người nhập cư là người phải gánh chịu sự thiếu an toàn do tình trạng cư trú 
tạm  thời  của  họ  thì  người  dân  nghèo  tại  chỗ  là  những  người  bị  ảnh  hưởng  bởi  các  dự  án  quy 
hoạch  đô  thị  lại  phàn  nàn  nhiều  về  tình  trạng  bấp  bênh,  không  ổn  định,  thiếu  sự  công  khai  rõ 
ràng, thiếu tư vấn cộng đồng và sự chậm trễ, kéo dài (trong một số trường hợp đến hơn 5 năm) 
của các dự án thuộc quy hoạch “treo”. 

Các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội không căn cứ trên số cư dân hiện đang sinh sống tại địa 
phương (vì chỉ có lực lượng công an nắm số liệu về số dân nhập cư để quản lý trật tự trị an) mà 
chỉ căn cứ trên số dân có đăng ký thường trú. Các kế hoạch này vì thế không theo hướng giảm 
nghèo, chí ít là xét trên khía cạnh không tính đến các nhóm dân nghèo mới di chuyển từ nông 
thôn vào thành phố. Cũng vì thế, người nhập cư là người nghèo không được nhận diện. 

Tuy nhiên, nếu so sánh với các cuộc đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng trước đây, có 
sự thay đổi đáng ghi nhận nhất về thái độ của các lãnh đạo và viên chức  các cấp là hiện nay nhiều 
người cởi mở chấp nhận có những thiếu sót trong cách tiếp cận hiện hành, công nhận nhiều hơn 
các quyền lợi bình đẳng của người nhập cư với tư cách là những công dân Việt Nam như là những 
người Việt Nam khác, nhìn nhận vai trò quan trọng của họ trong sự phát triển kinh tế của Thành 
phố và vì thế cần có sự vận dụng mềm dẻo, linh hoạt hơn các quy định về đăng ký cư trú. 

Di  dân  là  một  trong  những  chủ  đề  được  sự  quan  tâm  của  cán  bộ,  viên  chức  chính 
quyền và đoàn thể ở cả 3 cấp thành phố, quận/ huyện, phường/ xã của TPHCM, nhất 
là ở nơi có tốc độ đô thị hóa “nhanh đến chóng mặt” (lời một cán bộ Ban chuyên trách 
Xoá đói giảm nghèo huyện Bình Chánh) theo tiến trình công nghiệp hóa như huyện 
Bình Chánh.  

Sự thay đổi nhận thức về tính chất, tác động và hệ quả của di dân nông thôn -
đô thị
Điều  khác  biệt  lớn  nhất  so  với các  cuộc  đánh  giá nghèo  trước đây  vào  năm  1999  và 
2001 là nhiều cán bộ địa phương có cách nhìn khác hơn về tác động của di dân nông 
thôn ‐ đô thị và vai trò của người nhập cư vào TPHCM, theo hướng cởi mở, tích cực 
hơn. Các thử thách và khó khăn được nêu ra khá nhiều cho công tác quản lý nhân hộ 
khẩu, an ninh trật tự, ngân sách đầu tư cho giáo dục, y tế, hạ tầng cơ sở. Theo nhiều 
cán bộ địa phương tham dự thảo luận đó là do sự bất cập giữa nhu cầu và mức độ 
đáp ứng vì hạn chế của kinh phí, số lượng cán bộ và sự thiếu cập nhật hóa kịp thời 
của công tác thống kê.  
 

39
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

Tuy  nhiên,  lần  này,  nhiều  cán  bộ  viên  chức  xác  định  rõ  cách  nghĩ  của  họ  về  người 
nhập cư một cách cởi mở, sẳn sàng tiếp nhận và thân thiện hơn. Họ cho rằng “chúng ta 
cần xóa bỏ thành kiến về dân nhập cư; ngay cả cách dùng từ dân nhập cư cũng cho thấy có sự 
kỳ thị, khiến cho họ có nhiều mặc cảm.”; do đó, “ chúng ta nên chú ý thay đổi cả cách dùng từ 
ngữ.”  (một  lãnh  đạo  cấp  ủy  thị  trấn  An  Lạc  –  huyện  Bình  Chánh,  trong  thảo  luận 
nhóm lãnh đạo chính quyền, đoàn thể). Cách nghĩ theo hướng nhận thức rõ hơn quy 
luật  khách  quan  của  hiện  tượng  di  dân  cũng  được  thể  hiện  rõ  hơn  các  cuộc  nghiên 
cứu PPA trước đây, như “xưa nay ở Việt Nam ta có câu đất lành chim đậu, chúng ta cũng 
biết vậy, song công an và các ban ngành của chính quyền vẫn cố gắng hạn chế nhập cư, nhưng 
vẫn không thể làm được.” (một nữ cán bộ Ban xóa đói giảm nghèo Quận 8, tại hội thảo 
xác định các thông tin cơ bản cấp Thành phố). Mặt khác, nhiều người công nhận rằng 
sự lựa chọn nhập cư vào TPHCM hay bất cứ nơi nào khác của người di dân là hợp 
thức, hợp pháp, phù hợp với hiến pháp và luật pháp Việt Nam “ hiến pháp nói rõ rồi, ai 
muốn sinh sống hay làm việc ở đâu là quyền của người ta.” (nhóm thảo luận chính quyền 
ban ngành huyện Bình Chánh và Phường 5 – Quận 8). 
 
Dường như tính phổ biến của hiện tượng di dân và các lợi ích đan xen, tương tác nhau 
giữa các nhóm trong cộng đồng đang tạo ra sự thay đổi cách đánh giá ngày càng công 
bằng  hơn  này.  Hầu  hết  các  nhóm  thảo  luận  của  chính  quyền,  đoàn  thể  và  các  nhóm 
thường trú nghèo của huyện Bình Chánh cho biết cả cán bộ địa phương (cấp phường, 
quận) lẫn nhiều tổ trưởng tổ dân phố cũng như người dân thường trú đều có các lợi 
ích từ các nhóm người nhập cư. Nhiều nhà trọ mọc lên quanh các khu công nghiệp, tạo 
thêm thu nhập cho những người có đất, có nhà rộng để kinh doanh cho thuê phòng 
trọ. Không ít cán bộ địa phương thừa nhận, nhờ có thu nhập từ cho thuê phòng trọ, họ 
mới  an  tâm  tư  tưởng,  hoàn  thành  chức  trách  một  cách  vô  tư,  giữ  vững  phẩm  chất, 
không bị tác động bởi tiêu cực. “Ở xã Tân Tạo được cái kinh doanh nhà trọ, nhà nào cũng có 
hết.”, “lương chính thức của tụi này lãnh ở cơ quan chỉ có 300.000 – 400.000 đồng, nhưng thu 
nhập có từ cho thuê phòng trọ là 3.000.000 – 4.000.000 đồng, nhờ đó mà sống đủ, có dư, nên 
mới  an  tâm  công  tác,  không  dính  vào  tiêu  cực.”  (nhóm  cán  bộ  chính  quyền  xã  Tân  Tạo, 
huyện  Bình  Chánh).  Người  nghèo  thường  trú  còn  sống  dựa  vào  nông  nghiệp  có  thể 
bán được nhiều hơn, chạy hơn nông sản hàng hóa như rau, trái cây. Người nghèo mua 
bán  nhỏ  ở  chợ  hợp  pháp,  chợ  tự  phát  hay  gánh  hàng  rong  có  thể  bán  được  các  mặt 
hàng thức ăn tươi sống hay chế biến cho người nhập cư. Theo nhịp độ phát triển của 
các nhà máy trong khu công nghiệp Tân Tạo và sự gia tăng tương ứng số công nhân 
phần lớn là thanh niên nhập cư, nhịp điệu kinh doanh mua bán, dịch vụ của thị trấn 
An Lạc và các xã lân cận có nhiều thay đổi theo chiều hướng gia tăng.  
 
Ở một số địa phương nghèo của các quận nội thành như Quận 8 đâu đó vẫn còn một 
số than phiền của người nghèo thường trú về sự cạnh tranh tìm việc làm của người 
nhập  cư  tạo  ra  sự  phá  giá  sức  lao  động,  sự  ép  giá  của  các  chủ  doanh  nghiệp.  Tuy 
nhiên,  nếu  so  với  các  lần  đánh  giá  trước  vào  năm  1999  và  2001,  mức  độ  gay  gắt  có 
chiều  giảm  đi.  Một  số  người  còn  chấp  nhận  “tụi  tôi  chê  cực,  trả  giá  rẻ,  gò  bó  giờ  giấc, 
không  làm,  họ  chấp  nhận  thì  họ  làm.”  (nhóm  nam  thường  trú  Phường  5  –  Quận  8). 
Ngược lại, ở khu vực có công nghiệp hóa với tốc độ nhanh như Bình Chánh, điều này 
xem ra không còn là vấn đề đáng kể. Hơn thế nữa, sức cầu lao động trẻ của các nhà 
máy liên doanh hay vốn 100% của doanh nghiệp nước ngoài còn cao hơn mức cung. 
Ngay cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng “cho người đi về các tỉnh tuyển lao động” 
hoặc “thưởng cho công nhân nào tìm được người mới, với mức thưởng 10.000 đồng cho mỗi 

40
Phần 6: Di dân và các Vấn đề Đô thị

lao động.” (nhóm doanh nghiệp huyện Bình Chánh). Vì thế, theo các cán bộ ban ngành 
huyện Bình Chánh, lao động nhập cư hiện nay chiếm khoảng 60 ‐ 70% lao động trong 
các xí nghiệp lớn, vừa và nhỏ của huyện nhà. Lao động nhập cư còn được đánh giá 
cao hơn lao động tại chỗ ở đặc điểm “cần cù, chăm chỉ, siêng năng, có tính kỹ luật cao, có 
ý thức trách nhiệm và bảo vệ tài sản công ty.” (nhóm doanh nghiệp huyện Bình Chánh và 
Quận 8). Đóng góp vào quá trình phát triển công nghiệp của huyện Bình Chánh nói 
riêng và TPHCM nói chung, của lao động nhập cư, xét trên góc độ cung ứng nguồn 
lao  động  trẻ  và  có  tính  chất  đặc  điểm  phù  hợp  với  yêu  cầu  của  doanh  nghiệp  như 
trên, cho thấy tác động tích cực của nhóm dân cư mới này đối với Thành phố.  
 
Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều thách thức và vấn nạn cần quan tâm giải quyết của chính 
quyền Thành phố. Đó là sự khác biệt trong:  
 
(1) đánh giá tác động của người nhập cư.  
(2) mức  độ  chấp  nhận  đáp  ứng  các  nhu  cầu  cơ  bản  của  các  nhóm  dân  mới 
này‐mà đa số là người nghèo. 
(3) mức độ nhân thức về các thay đổi cần có trong việc lập kế hoạch đô thị và 
thực hiện các dự án chỉnh trang, cải thiện môi trường. Các nội dung này sẽ 
được đề cập trong các phần tiếp sau. 

Tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nhập cư: các thách đố và khó khăn
Dù  nhìn  nhận  quy  luật  khách  quan  của  hiện  tượng  di  dân  và  sự  phù  hợp  với  Hiến 
pháp và luật pháp Việt Nam của những dòng người nhập cư, không ít cán bộ chính 
quyền và đoàn thể vẫn chưa công nhận quyền thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản 
của người nhập cư bình đẳng với người dân sở tại. “Nếu quan niệm họ cũng được hưởng 
quyền lợi như người địa phương là cào bằng, chứ không phải  là công bằng, là tạo thêm áp lực 
cho chính quyền địa phương.” (nhóm thảo luận chính quyền đoàn thể Phường 4 – Quận 
8). Nhiều lãnh đạo của huyện Bình Chánh công nhận quyền lợi chính đáng của người 
nhập cư và con cái họ về giáo dục, y tế “phải xem người nhập cư như là công dân Việt 
Nam, cần có sự giải quyết bình đẳng, phải xử sự công bằng, không ức hiếp.” (đại diện cấp 
ủy  Đảng,  thị  trấn  An  Lạc,  huyện  Bình  Chánh).  Song  họ  lại  cho  rằng  khả  năng  cung 
ứng không đáp ứng nổi trước mức tăng nhu cầu do dân số một số khu vực tăng lên 
đột biến, gấp nhiều lần trong vòng 2 ‐ 3 năm qua.  
 
Sự tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nhập cư do các nguyên nhân vừa kể 
trên còn ở mức độ rất hạn chế. Điều này chi phối mạnh đến khả năng thoát nghèo và 
thoát nghèo nhanh của người nhập cư, mặc dù người nghèo tại chỗ đánh giá cao sự 
cần kiệm, chi tiêu có kế hoạch và dè xẻn của người nhập cư và theo họ mức độ vươn 
lên của người nhập cư nghèo được trông thấy rõ hơn người thường trú nghèo. Tuy 
nhiên,  sự  hạn  chế  mức  độ  tiếp  cận  các  dịch  vụ  công  tạo  ra  các  gánh  nặng  lớn  cho 
người nhập cư trong cân đối ngân sách chi tiêu gia đình, đồng thời cuộc sống của họ 
tiềm tàng nhiều nguy cơ và rủi ro hơn. 
 
Như đã nói ở phần cải cách hành chính công, các quy định về việc nhập hộ khẩu và 
làm giấy tờ hợp thức hoá nhà có nhiều mâu thuẫn, không hợp lý, gây khó khăn cho 
người nhập cư. Khi người nhập cư cư ngụ lâu năm (ít nhất là trên 6 tháng theo quy 
định của ngành công an) và mua nhà (có thể là nhà chưa hợp thức hoá) liên hệ công 
an để xin đặng ký hộ khẩu KT3, công an đòi có giấy tờ nhà hợp thức hóa. Khi liên hệ 

41
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

ngành  nhà  đất  để  xin  hợp  thức  hoá nhà  thì  cán bộ  nhà đất đòi  có hộ  khẩu  KT3. Rõ 
ràng là sự vừa chồng chéo, vừa không tương thích giữa các quy định của các ngành 
tạo ra các khó khăn cho người nhập cư có được các giấy tờ liên quan trực tiếp đến lợi 
ích thiết thân của họ. Theo nhiều cán bộ địa phương, nghị định 51 của chính phủ còn 
nhiều  trở  ngại  do  “sự  chồng  chéo,  không  thống  nhất  giữa  hai  anh  công  an  và  nhà  đất‐địa 
chính.”  (theo  cán  bộ chuyên  trách  xoá  đói  giảm  nghèo  huyện Bình  Chánh,  trong  hội 
thảo xác định các thông tin chủ chốt của đợt nghiên cứu, tổ chức vào ngày 28/8/03).  
 
Ngoài lý do hạn chế của khả năng cung ứng các nguồn lực của ngành giáo dục về cơ 
sở trường lớp, việc học của con cái các hộ nhập cư gặp nhiều khó khăn khi ghi tên vào 
học các lớp phổ thông hệ chính quy ban ngày. Các em có hộ khẩu KT3 chỉ được thu 
nhận  nếu  trường  lớp  còn  chỗ  sau  khi  đã  nhận  các  em  có  hộ  khẩu  thường  trú  KT1, 
KT2.  Trong  khi  đó,  như  vừa  nói  ở  trên,  việc  có  hộ  khẩu  KT3 không  phải  là  điều  dễ 
dàng.  Xác  suất  các  em  hộ  khẩu  KT4  được  học  phổ  thông  chính  quy  vì  thế  hầu  như 
không  có.  Dù  các  lãnh  đạo  ngành  giáo  dục  cho  biết  họ  đã  cố  gắng  hết  sức,  nhưng 
nguồn lực có hạn. Một số hộ nhập cư tham gia thảo luận cho biết con họ đành học lớp 
phổ cập buổi tối với chất lượng kém hơn hẳn so với lớp chính quy ban ngày. Một số 
cho con học lớp tình thương. Số khác có khả năng tài chánh hơn cố gắng cho con học 
lớp hệ phổ thông dân lập với học phí cao hơn nhiều và vì thế họ cũng không dự đoán 
được còn gắng gượng cho con học đến đâu, “đến đâu hay đến đấy, bao giờ lo không nổi 
nữa thì  thôi, xuôi tay.” (nhóm nam nhập cư Phường 4 – Quận 8). Không ít hộ nhập cư 
cho con nghỉ học ở cấp I hoặc vài lớp đầu cấp II để lao động sớm, giúp cha mẹ mưu 
sinh  và  tham  gia  đội  ngũ  lao  động  phổ  thông  với  học  lực  thấp  và  thiếu  kỹ  năng 
chuyên môn của TPHCM. Ở thị trấn An Lạc ‐ huyện Bình Chánh, có em nghỉ học sớm 
chỉ vì trường phổ cập đêm chuyển địa điểm xa nơi các em ở và cha mẹ các em không 
dám cho con đi học xa nhà vì lý do an toàn (theo nhóm nữ nhập cư ). Hơn thế, nhiều 
người nghèo thường trú còn lo ngại về nguy cơ các em bị tác động bởi tệ nạn do rời 
ghế nhà trường quá sớm để chen vào trường đời nhiều cám dỗ “con cái người nhập cư 
phần lớn thất học do cha mẹ thường xuyên chuyển nơi ở vì không tiền trả tiến nhà; các em 
không được đi học, lang thang đi bán tối ngày dễ hư hỏng lắm.” (nhóm nữ nghèo thường 
trú Phường 4 – Quận 8).  
 
Trẻ nhập cư lao động sớm có dễ bị hư hỏng hay không có lẽ vẫn còn là sự lo ngại và 
suy đoán. Song điều có thể xác tín là các thông tin trên cho thấy rõ rằng sự thiếu tiếp 
cận nền giáo dục với học phí thấp và chất lượng tốt là thách thức cho việc các em có 
nền học vấn căn bản chí ít là phổ thông cơ sở (cấp II) để hội nhập vào tiến trình công 
nghiệp hóa, có việc làm ổn định và có cơ hội đổi đời so với thế hệ cha mẹ.  
 
Sự tiếp cận với các dịch vụ y tế với chi phí thấp và chất lượng đảm bảo của những 
người nhập cư nghèo không khác biệt gì đáng kể so với những người nghèo thường 
trú không thuộc diện xoá đói giảm nghèo (XĐGN). Nói cách khác, khi không có các 
quyền lợi từ thẻ bảo hiểm y tế  nhờ được công nhận hộ XĐGN, các hộ nghèo khác vẫn 
phải trả phí khám và chữa bệnh với chi phí cao, trong nền y tế xã hội hoá như hiện 
nay. Vì thế, một trong những rủi ro người nghèo lo sợ nhất là ngã bệnh hoặc tai nạn 
phải  vào  bệnh  viện.  Chi  phí  y  tế  cao  là  một  trong  những  nguyên  nhân  khiến  người 
nghèo cả nhập cư và thường trú bị nghèo hơn hoặc đã thoát nghèo lại tái nghèo. 
 

42
Phần 6: Di dân và các Vấn đề Đô thị

Phần lớn người nhập cư không có hộ khẩu KT3 phải trả chi phí điện và nước sạch với 
giá cao gấp nhiều lần so với giá chính thức: nước thường gấp 7 ‐ 8 lần, điện thường 
gấp hơn 4 ‐ 5 lần. Những nơi có hạ tầng cơ sở kém phát triển thuộc Quận 8, sự chênh 
lệch giá thường ở mức cao hơn với các nơi khác ở TPHCM. Tuy nhiên, theo một số 
cán bộ cấp cơ sở và cấp TP, khó khăn này là chung cho cả cộng đồng dân cư nơi có hạ 
tầng cơ sở kém của Quận 8, tất cả dân cư đều cùng chung hoàn cảnh, không riêng gì 
người nhập cư.  
 
Hầu như không có người nhập cư nào thuộc diện KT4 được tiếp cận với các nguồn 
vốn vay chính thức với lãi suất ưu đãi hiện hành tại địa phương. Một khi các chương 
trình  trợ  vốn  chính  thức  giúp  người  nghèo  hoặc  cận  nghèo  chưa  chú  trọng  vào  hai 
thành  tố  chính  làm  nên  tính  bền  vững  của  chương  trình,  vừa  là  điều  kiện  để  mọi 
người nghèo được tham gia dù không có hộ khẩu hay không có nhà là: tổ chức nhóm 
tự nguyện. Tiết kiệm đều đặn (theo ngày hay tuần), thì người nhập cư nghèo còn khó 
tiếp cận với các nguồn vốn này vì không có 2 yếu tố trên có ý nghĩa như là tín chấp 
(nhóm và tiết kiệm theo nhóm) thay thế cho cái họ đang thiếu là thế chấp (có giấy tờ 
nhà và sổ hộ khẩu thường trú). Các cán bộ chuyên trách XĐGN và những người đứng 
đầu các đoàn thể nói rằng “không dám cho họ vay vì lỡ mai kia mốt nọ họ cuốn gói rời khỏi 
nhà trọ thì tụi tôi làm sao thu hồi vốn.” (phần lớn các nhóm thảo luận của chính quyền 
và đoàn thể địa phương). Vì thế, chỗ dựa chính của đa số người nhập cư là ở hoặc bạn 
bè đồng nghiệp đồng hương, hoặc người cho vay nặng lãi. “Tụi em ai cũng có vay nợ 
ngoài,  lãi  suất  cao  hơn  của  nhà  nưóc  nhiều  nhưng  biết  làm  sao?  Vả  lại  chủ  nợ  cũng  không 
dám cho vay nhiều, chỉ tối đa 2 ‐ 3 triệu vì sợ mình không trả nổi, bỏ trốn.” (nhóm nhập cư 
nữ Phường 4 – Quận 8 ). Khi gặp việc đột xuất, một số ít người làm công ăn lương có 
thể vay mượn tạm ở người chủ, khi lãnh lương sẽ trừ vào khoản vay trước này (nhóm 
nam nhập cư thị trấn An Lạc – Huyện Bình Chánh). Nói cách khác, trong mạng lưới 
xã  hội  của  người  nhập  cư,  dường  như  không  có  hoặc  có  rất  ít  các  cá  nhân,  tổ  chức 
chính quy của chính quyền, đoàn thể và các tổ chức xã hội chính thức.  
 
Đối với các hỗ trợ có mục tiêu, nhiều cán bộ địa phương khẳng định rằng người nhập 
cư không được hưởng các khoản trợ cấp khó khăn thường xuyên. Lý do nêu ra là vì 
họ không có hộ khẩu thường trú, mà theo quy định thì phải là người thường trú mới 
được hưởng. Riêng trợ cấp khó khăn đột xuất dành cho người gặp tai biến, bất trắc 
lớn thì người nhập cư có thể được hưởng ngang bằng với người thường trú, vì không 
phân biệt tình trạng cư trú. Trong trường hợp này, tổ trưởng dân phố sẽ vận động các 
hộ  góp  tiền,  tương  trợ  theo  tinh  thần  “lá  lành  đùm  lá  rách”.  Một  số  người  nhập  cư 
tham gia thảo luận xác nhận rằng có người đã được giúp khi gặp hoạn nạn, nhờ vậy 
họ không chỉ đỡ khốn khó về vật chất mà còn thấy cảm kích vì được quan tâm và thấy 
gắn bó hơn với cộng đồng.  
  
Các khoản đóng góp của người nhập cư có ít hơn người thường trú, tương ứng với 
mức độ thụ hưởng quyền lợi ít hơn? Hầu hết người nghèo tham gia thảo luận và tổ 
trưởng tổ dân phố đánh giá cao sự đóng góp tự nguyện của người nhập cư khi được 
thông báo hay vận động. Số lượng các khoản người nhập cư đóng góp có khác nhau 
giữa các địa phương và tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan như tình trạng gia đình, 
tình trạng nhà ở, mức độ nghèo theo cảm nhận của cộng đồng, thông qua người đại 
diện là tổ trưởng tổ dân phố. Tuy có sự đa dạng, song nhìn chung, nếu người nhập cư 
là người đơn lẻ thuê phòng trọ thì các khoản đóng góp về an ninh quốc phòng, phí 

43
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

dân phòng, họ không phải đóng. Phần lớn các chủ nhà trọ đóng thay cho  người thuê 
nhà, như một cách làm tròn nghĩa vụ đóng góp vào các nguồn thu địa phương, thay 
vì phải đóng thuế thu nhập mà hiện nay chính quyền còn bỏ ngõ. Riêng nếu người 
nhập cư mướn nguyên căn nhà hay căn phòng và ở theo hộ gia đình, cư ngụ lâu dài 
tại địa phương (như ở trên 6 tháng hoặc hơn một năm), họ sẽ phải đóng các khoản phí 
dân phòng, lao động công ích, cứu trợ lũ lụt, cải thiện hạ tầng cơ sở như tráng hẻm, 
làm cống thoát nước, hệ thống chiếu sáng. Như những hộ nghèo thường trú, các hộ 
nhập cư quá nghèo có thể được miễn hoặc giảm, tuỳ thuộc vào tổ trưởng Tổ dân phố 
và cách người này phân chia các mức đóng góp của các hộ trong tổ. Riêng với các hộ 
nhập cư đã mua được nhà, dù có hộ khẩu KT3 hay không, họ vẫn đươc xem như là cư 
dân chính thức và có nghĩa vụ đóng góp như các hộ thường trú. Do tính chất đa dạng 
và tuỳ thuộc vào cách xử lý linh hoạt của những người lãnh đạo cộng đồng, khó có 
thể nói rằng có sự công bằng, hợp lý chưa giữa thụ hưởng quyền lợi và nghĩa vụ đóng 
góp của người nhập cư so với người thường trú.   

Quan hệ tương tác giữa các kế hoạch chỉnh trang đô thị và đời sống người dân
Hầu  hết  người  nghèo,  trong  đó  có  nhiều  hơn  những  người  nhập  cư  nghèo,  thường 
sống trong vùng môi trường bị ô nhiễm bởi nhiều tác nhân khác nhau, như: kênh rạch 
bị nhiễm bẩn bởi rác thải ứ đọng; nước thải sinh hoạt và công nghiệp thải xuống trực 
tiếp không qua xử lý; sự tồn tại của nhiều cơ sở sản xuất nhỏ và vừa xen lẫn với các 
khu dân cư. Người ta còn cho rằng sự gia tăng dân số cơ học những năm gần đây do 
các dòng người nhập cư vào các khu dân cư nghèo có giá thuê hoặc mua nhà tương 
đối thấp hơn ở nơi khác cũng góp phần tăng mức độ ô nhiễm.  
 
Nhiều người dân của xã Tân Tạo than phiền rất nhiều về tình trạng kênh dẫn nước từ 
kênh  Tham  Lương  ở  Quận  Tân  Bình  về  ngày  càng  nhiễm  bẩn,  gây  hối  thối  cho  cả 
vùng  dân  cư  rộng  lớn.  Có  nhiều  cách  giải  thích  khác  nhau  về  tác  nhân  chính  gây  ô 
nhiễm.  Người  cho  là  vì  các  nhà  máy  dệt  nhuộm,  thực  phẩm  của  Quận  Tân  Bình. 
Người cho là có nhiều người nhập cư về cư ngụ, làm tăng lượng rác, nước thải. Một 
số  ít  cho  tại  khu  công  nghiệp  Tân  Tạo  thải  rác  và  nước  thải  công  nghiệp  ra  sông  ra 
sông không qua xử lý, nhưng ý kiến này liền bị nhiều người khác phản bác vì họ tin 
rằng “các nhà máy này có hệ thống xử lý rác, nước thải riêng đúng theo tiêu chuẩn quy định 
vì là nhà máy mới và của nước ngoài, ắt hẳn nhà nước kiểm tra kỹ trước khi cấp giấy phép 
hoạt động.” (nhóm nữ nghèo thường trú xã Tân Tạo).  
 
Đa số các khu dân cư nghèo của Quận 8 sống sát cạnh hoặc gần kênh rạch bị ô nhiễm. 
Do đó, hầu hết rơi vào các dự án giải tỏa, di dời. Song điều đáng nói là chúng còn ở dạng 
quy hoạch “treo” vì không ai biết bao giờ sẽ được thực hiện và được thực hiện như thế 
nào. Ngay cả lãnh đạo chính quyền phường cũng không có thông tin chi tiết và cụ thể, 
dù cho trụ sở UBND phường 5 cũng thuộc diện sẽ bị giải toả vì nằm gần bờ sông.   
 
Tình trạng lơ lửng này tác động nhiều đến người dân nghèo, cả người dân  thường 
trú lẫn người nhập cư nghèo, cả cuộc sống vật chất lẫn tinh thần. “Lúc nào cũng sống 
trong tâm trạng hồi hộp, phập phòng”, “nghe phong phanh nhà không số được đền bù không 
bao  nhiêu,  đủ  tiền  đâu  mà  mua  nhà  khác,  nên  lúc  nào  cũng  hồi  hộp  như  vậy.”  (nhóm  nữ 
nghèo thường trú Phường 4 – Quận 8). Người nhập cư ở nhà không số, không có hộ 
khẩu KT3 thì lo “không biết có được hưởng quyền lợi tái định cư không, hay phải tự lo tìm 
chỗ  khác,  làm  sao  có  khả  năng  tiền  bạc.”  (nhóm  nhập  cư  nữ  Phường  5  –  Quận  8).  Mặt 

44
Phần 6: Di dân và các Vấn đề Đô thị

khác, hàng loạt các cản ngại khác do thuộc diện sẽ bị giải tỏa làm người nghèo càng 
nghèo hơn. Nhà không được cấp số, hộ khẩu thường trú nơi khác không được chuyển 
vào, người nhập cư KT4 không được vào hộ khẩu KT3 theo quy định chung dành cho 
các khu vực sẽ giải tỏa‐di dời tạo ra các rào cản đối với nhiều hộ nghèo muốn tiếp cận 
các dịch vụ y tế, giáo dục, điện nước với giá thấp. Nhiều hộ bị các công ty cấp điện, 
nước từ chối lắp đặt đồng hồ. Theo nhiều hộ dân cho biết, chi phí điện nước với giá 
cao thường chiếm 20 ‐ 30% tổng chi tiêu hàng tháng của hộ gia đình.  
 
Để  giảm  ô  nhiễm  và  tình  trạng  môi  trường  xuống  cấp  trong  các  quận  nội  thành, 
UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 81 ngày 8/7/2002 về việc di dời các cơ 
sở  sản  xuất  gây  ô  nhiễm  ra  ngoại  ô.  Nhiều  người  dân  Quận  8  đồng  tình  với  chủ 
trương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành dân cư đông 
đúc như Quận 8. Song một số người bị tác động mạnh đến cuộc sống, do mất việc làm 
vì  không  có  phương  tiện  di  chuyển  để  tiếp  tục  đi  làm  ở  nhà  máy  chuyển  đi  xa  đến 
huyện ngoại thành Bình Chánh. Những người công nhân lao động phổ thông và lớn 
tuổi khó tìm việc làm khác ở nhà máy khác. Phải chăng, về mặt quy hoạch, các nhà 
quản lý chưa tính đến các tác động xấu và chưa có các giải pháp thay thế dành cho 
những người bị mất việc làm? 
 
Khung 5. Rơi vào cảnh nghèo vì tác động của quy hoạch đô thị
“Anh  L.  trước  làm  ở  cơ  sở  sản  xuất  phân  cá  (một  loại  phân  bón  hữu  cơ).  Đời  sống  của  anh  cũng  như 
nhiều công nhân khác tuy không giàu có gì nhưng được xem như vững vàng, với thu nhập khoảng 50.000 
– 60.000 đồng/ngày khá cao so với thời giá vào những năm 90. Nhưng từ năm 1996 đến nay, nhà máy bị 
di dời ra ngoại thành vì bị xếp vào danh sách “đen” gây ô nhiễm. Anh không có xe gắn máy, lúc bấy giờ lại 
không có xe bus được trợ giá như bây giờ, nên anh đành nghỉ làm. Tuổi ngoài 40 lại không có tay nghề 
chuyên môn, anh không tìm được việc làm khác. Từ đó, anh lâm vào cảnh thất nghiệp và rơi xuống tình 
trạng  nghèo.  Dù  được  hưởng  các  tiêu  chuẩn  của  chương  trình  xoá  đói  giảm  nghèo,  gia  đình  anh  vẫn 
không thể thoát nghèo vì không thể có nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Điều anh mong mỏi nhất là có 
việc làm, để không phải thất nghiệp, sống nhờ vào lao động tảo tần của vợ con.” (một nam thường trú 
nghèo Phường 4 – Quận 8).  

Tình trạng ngoài lề của người nhập cư trong quá trình lập kế hoạch, chương
trình phát triển kinh tế - xã hội
Quá trình tiếp xúc với các tổ dân phố và UBND cấp cơ sở phường/ thị trấn trong đợt 
nghiên cứu này cho thấy các cấp quản lý hành chính không theo dõi, cập nhật hóa và 
lưu trữ hồ sơ về biến động nhân hộ khẩu. Trong danh sách các hộ do tổ trưởng tổ dân 
phố quản lý không có tên người và hộ nhập cư. Khi cần số liệu về biến động dân số, 
UBND phường cũng phải liên hệ với công an để có số liệu. Cho đến nay, xem ra việc 
cập nhật hoá và đánh giá mức độ chính xác của sự gia tăng dân số cơ học chưa được 
nhiều cấp quản lý lưu tâm và khi quan tâm là nhằm mục tiêu quản lý trật tự, trị an, 
hơn là tính đến trong các kế hoạch kinh tế xã hội. Mặt khác, ngay cả khi tính đến việc 
đưa vào kế hoạch và ngân sách hàng năm, vẫn còn sự chênh lệch khá lớn giữa các số 
liệu ước tính và các số liệu có trong thực tế. Ví dụ, trong ngành giáo dục, “hàng năm, 
dựa vào số liệu dân số tăng tự nhiên và ước tính số dân tăng cơ học khoảng 20%, huyện Bình 
Chánh làm kế hoạch tổng thể để xin ngân sách xây dựng trường lớp, nhưng thực tế tăng  cỡ 
này thì không thể nào tính nổi; chỉ riêng xã Bình Hưng Hoà lúc truớc chỉ có 15.000 nay đã có 
100.000  dân  nói  chung  thì  có  tính,  nhưng  tính  không  xiết.”  (Chuyên  trách  xoá  đói  giảm 
nghèo huyện Bình Chánh, trong hội thảo ngày 28/8/03, nhằm xác định các thông tin 
chính ghi nhận từ đợt khảo sát).  

45
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ngoài  ra,  như  đã nói  ở các  phần  trên,  do  quan  niệm  và  tiêu chuẩn  quy  định  về  xác 
định  các  hộ  nghèo  được  thụ  hưởng  các  chương  trình  giảm  nghèo  (điển  hình  là  Xoá 
đói giảm nghèo, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, tiết kiệm ‐ tín dụng của Hội Phụ 
Nữ,  hỗ  trợ  mục  tiêu  trợ  cấp  khó  khăn  thường  xuyên),  số  người/  hộ  nhập  cư  nghèo 
không có hộ khẩu KT3 và chưa có nhà vẫn chưa được tính đến khi lập kế hoạch và dự 
trù  phân  bổ  ngân  sách.  Yếu  tố  “ổn  định  cư  trú”  vốn  thường  được  nhiều  cán  bộ  địa 
phương hiểu là có nhà và thường được nêu ra như là tiêu chí chính mỗi khi xét duyệt 
đối  tượng  thụ  hưởng  các  chương  trình  giảm  nghèo.  Trong  thực  tế,  điều  hiển  nhiên 
việc mua nhà mua đất trong bối cảnh giá nhà đất đang tăng nhanh ở các khu vực dân 
cư là ước mơ ngoài tầm tay của nhiều người, nhiều hộ nhập cư nghèo, nhất là số đến 
Thành phố trong vòng 5 năm nay. Ở các địa phương khảo sát, có không ít hộ/ người 
nhập cư “ổn định cư trú” tại đây hơn 5 năm, 10 năm, song họ vẫn chưa mua nổi nhà. 
Hơn nữa, khi chưa có chương trình nhà ở cho người nghèo với phương thức mua trả 
góp dài hạn thì vẫn còn sự thiếu tương ứng và khoảng cách xa giữa “ổn định cư trú” 
và “có nhà”.  
 
Nói cách khác, do nhiều lý do khác nhau, trong các kế hoạch giảm nghèo của TPHCM, 
nhóm người nghèo mới bao gồm các hộ/ người nhập cư nghèo cho đến nay vẫn còn 
nằm  ngoài  các  kế  hoạch  ngắn  và  dài  hạn  của  các  chương  trình  giảm  nghèo.  Do  đó, 
nhóm nghiên cứu đề nghị là cần có sự điều chỉnh cách thức lập kế hoạch, theo hướng 
đi từ dưới lên, có sự tham gia của người dân (trong đó có cả các nhóm dân không phải 
là thường trú) và cấp chính quyền cơ sở, dựa vào số liệu cập nhật hoá nhanh, kịp thời 
hơn để tính đến và tính đủ số dân cư mới, không phân biệt tình trạng cư trú.  

Một số đề xuất về các giải pháp đáp ứng nhu cầu người nhập cư
Trong quá trình thảo luận về di dân và các thách thức, cơ hội có từ các dòng người 
nhập cư vào TPHCM, nhiều cán bộ chính quyền, đoàn thể thường nêu lên đề xuất cần 
có nhiều hơn sự đầu tư của chính phủ vào các tỉnh kém phát triển, bằng cách mở ra 
các khu công nghiệp mới, cùng lúc có nhiều hơn các giải pháp khuyến khích mở rộng 
các khu công nghiệp hiện có quanh TPHCM, thay vì chỉ tập trung vào các Thành phố 
lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Theo họ, đây mới là sự giải quyết căn cơ, từ gốc 
việc  nhập  cư  vào  TPHCM.  Chỉ  có  tạo  ra  các  lực  hút  mới  để  chia  xẻ  lực  hút  vào 
TPHCM mới mong hạn chế được sự nhập cư vượt quá tầm kiểm soát như hiện nay. 
Điều khác biệt so với các lần đánh giá nghèo trước đây là hầu như không còn nhiều 
người tin vào hiệu lực của các biện pháp hành chính, hay gây khó khăn trong đăng ký 
nhân hộ khẩu hay cung ứng các dịch vụ xã hội cơ bản. Không ít người thừa nhận rằng 
dù có hay không sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, dù dễ hay khó khi tiếp xúc 
với công an thì người nhập cư vẫn đến, một khi còn khoảng cách chênh lệch lớn giữa 
TPHCM  và các  tỉnh  nghèo,  giữa  khu  vực  công  nghiệp,  thương  mại,  dịch  vụ  và  khu 
vực nông nghiệp (nhóm lãnh đạo chính quyền và đoàn thể huyện Bình Chánh).  
 
Đầu tư vào công tác khuyến nông và mối quan hệ “ba nhà” (nhà nông, nhà khoa học 
và doanh nghiệp) hay “bốn nhà” (ba nhà trên cộng thêm nhà ngân hàng) để phát triển 
nông nghiêp bền vững, tăng giá trị nông sản hàng hóa trên một đơn vị diện tích cũng 
được một số người tham gia thảo luận nêu ra, như là một trong các đề xuất giải pháp 
của  hạn  chế  nhập  cư  vào  TPHCM  và  các  Thành  phố  lớn  nói  chung  (nhóm  doanh 
nghiệp thị trấn An Lạc, huyện Bình Chánh và nhóm chính quyền ban ngành đoàn thể 
huyện Bình Chánh). 

46
Phần 6: Di dân và các Vấn đề Đô thị

Riêng đối với những người nhập cư có ý định định cư lâu dài ở TPHCM, dường như 
vẫn còn nhiều điều cần tiếp tục thảo luận. Trước hết, có lẽ cần giải quyết thoả đáng và 
thống nhất từ trong nhận thức rằng người nhập cư có quyền được hưởng và các nhà 
quản lý có trách nhiệm, chấp thuận cam kết hay không việc cung ứng các dịch vụ xã 
hội cơ bản cho người nhập cư, một cách ngang bằng với người tại chỗ, không tính đến 
tình trạng cư trú, mà cụ thể là loại hộ khẩu nào. Nhóm nghiên cứu có đề xuất đây nên 
là một trong các vấn đề chủ chốt mà Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG), chính phủ Việt 
Nam  và  lãnh  đạo  chính  quyền,  đoàn  thể  các  cấp  cần  có  sự  đồng  tình  hay  tiếp  tục 
khẳng định sự cam kết, trước khi bàn đến các vấn đề khác. Trong quá trình thảo luận, 
các trở ngại như thiếu kinh phí, không được phân bổ ngân sách thường được nhiều 
lãnh đạo địa phương nêu ra, xem như là lý do chính cho tình trạng không cung ứng 
cho người nhập cư các dịch vụ xã hội cơ bản, bên cạnh lý do sự bảo tồn các nguồn vốn 
cho vay nhằm mục tiêu  giảm nghèo. Có lẽ điều này bắt nguồn từ việc lãnh đạo các 
cấp vẫn còn chưa tính đến số người nhập cư trong khi lập kế hoạch phát triển kinh tế 
xã  hội  dài  và  ngắn  hạn  và  khi  dự  toán  ngân  sách.  Nguyên  nhân  chính  một  phần 
dường như một phần xuất phát từ nhận thức xem người nhập cư không phải là một 
bộ phận của cư dân Thành phố do tính chất tạm thời, không ổn định của họ, trong khi 
thực tế đại bộ phận vẫn cố gắng trụ lại, xem Thành phố là nơi sinh sống lâu dài, thay 
vì  tạm  thời  như  nhiều  viên  chức  chính  quyền  thường  nghĩ.  Phần  khác,  có  khi  do 
không nắm được số liệu thống kê chính xác và kịp thời để đưa bộ phận dân cư mới 
này vào trong các kế hoạch và dự trù ngân sách. Do đó, nhóm nghiên cứu đề nghị nên 
có  sự  phối  hợp  đồng  bộ  hơn  giữa  công  tác  thống  kê  và  lập  kế  hoạch.  Để  làm  được 
điều này, trước hết, đề nghị cần đưa tất cả các vấn đề này vào chương trình nghị sự 
cuối năm của chính phủ Việt Nam với Nhóm tư vấn các nhà tài trợ. 
 
Quy chế quản lý người nhập cư vào TPHCM
Theo một số lãnh đạo các ban ngành của TPHCM, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở lao 
động thương binh xã hội soạn bản dự thảo quy chế quản lý người nhập cư để có thể 
ban hành quy chế này vào cuối năm 2003 này. Hiện nay bản dự thảo này đang trong 
quá trình xem xét, tham khảo ý kiến của các cấp, các ban ngành liên quan trước khi 
chính thức ban hành. Nhiều cán bộ chuyên trách XĐGN mong đợi bản quy chế này sẽ 
tác động trực tiếp đến tình trạng của người nhập cư. Một số lãnh đạo tin rằng bản quy 
chế này sẽ là giải pháp hữu hiệu để tăng cường trật tự trị an, nhờ tăng cường các quy 
định, nguyên tắc và kỹ luật quản lý nhân hộ khẩu và lao động. Theo một bài báo, bản 
quy chế sẽ mang đến các cơ hội thuận lợi hơn cho người nhập cư vì họ sẽ được chính 
thức  công  nhận  quyền  được  lao  động  và  được  bảo  vệ  các  quyền  lợi  lao  động  chính 
đáng của mình, qua Sở LĐTBXH và các Phòng lao động ‐ xã hội ‐ việc làm cấp quận 
huyện. Từ các nhận định ban đầu ghi nhận được qua các buổi thảo luận nhóm và hội 
thảo, có thể thấy rằng có sự nhấn mạnh các mục tiêu và tác động khác nhau của bản 
quy chế. Vì thế, theo nhóm nghiên cứu, làm sao để có các giải pháp vừa giải quyết hài 
hoà, thoả đáng các nhiệm vụ của quản lý trật tự, an ninh công cộng, vừa đảm đương 
trách  nhiệm  cung  ứng  các  dịch  vụ  xã  hội  cơ  bản  cho  người  nhập  cư  là  yêu  cầu  lớn 
nhất, quan trọng nhất đặt ra cho bản quy chế này.  

47
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

Tài liệu Tham khảo


Norton, Andy. Đánh giá Tình trạng nghèo có sự tham gia của người dân – Lý thuyết và 
Thực hành. Overseas Development Institute. 2001. 
 
Save the Children UK (SCUK). Đánh Giá Tình Trạng Nghèo tại Thành phố Hồ Chí Minh. 
SCUK. TPHCM: 1999.  
 
SCUK. Tham khảo ý kiến cấp cơ sở về Chiến lược Toàn Diện về Tăng Trưởng và Xóa Đói 
Giảm Nghèo tại Thành phố Hồ Chí Minh. SCUK. TPHCM: 2002.  
 
Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia. Đổi mới và Phát triển Con người ở 
Việt Nam. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. 2001. 

48
PHỤ LỤC 1: Phương pháp Nghiên cứu

PHỤ LỤC 1: Phương pháp Nghiên cứu


Phân hạng kinh tế hộ gia đình

Bài tập phân hạng kinh tế hộ gia đình này được bốn (04) phân hạng viên (hai nam, hai 
nữ) thực hiện. Các phân hạng viên được mời đến là người dân từ các tổ dân phố, là 
những gia đình đã sống tại địa phương lâu năm và tương đối nắm rõ tình hình của tất 
cả các hộ gia đình trong tổ dân phố. Để làm bài tập này, tất cả các tổ dân phố trong 
hai quận huyện tham gia nghiên cứu đánh giá nghèo đều dùng chung bốn (04) tiêu 
chí về phân hạng kinh tế (khá trở lên, trung bình, nghèo và rất nghèo). Tuy nhiên cách 
định nghĩa như thế nào là một hộ khá trở lên, trung bình, nghèo hay rất nghèo là do 
chính các phân hạng viên quyết định. Trong các buổi làm việc có các phân hạng viên, 
thường có mặt tổ trưởng tổ dân phố, có khi họ cũng là một phân hạng viên hoặc là để 
hỗ trợ cho các phân hạng viên khác khi họ thiếu các thông tin quan trọng.  

Thảo luận nhóm tập trung với người lớn và thanh niên

Các buổi thảo luận nhóm này được tập trung vào những câu hỏi và những chủ đề xác 
định trước. Tại mỗi phường/ xã/ thị trấn, nhóm đánh giá tiến hành ít nhất là 7 cuộc 
thảo luận nhóm tập trung dạng này trong đó có các nhóm như sau: nhóm nam nghèo 
địa  phương,  nữ  nghèo  địa  phương,  nam  nghèo  nhập  cư,  nữ  nghèo  nhập  cư  (bốn 
nhóm  này  độ  tuổi  từ  35‐55),  thanh  niên  địa  phương,  và  thanh  niên  nhập  cư  (nhóm 
thanh niên độ tuổi 18‐25), và chính quyền phường/ xã/ thị trấn. Ở cấp quận/ huyện, có 
một cuộc thảo luận nhóm với chính quyền quận/ huyện và đại diện các doanh nghiệp 
vừa và nhỏ (các nhóm này đa số độ tuổi 35‐55, có vài cán bộ Đoàn Thanh Niên và đại 
diện doanh nghiệp nhỏ và vừa trong độ tuổi 25‐34 tuổi).  
 
Việc bố trí thảo luận với các nhóm riêng tư như vậy giúp các thành viên trong nhóm 
cảm  thấy  tự  nhiên  thoải  mái  khi  thảo  luận.  Do  hầu  hết  các  thành  viên  trong  nhóm 
người  lớn  có  cùng  hoàn  cảnh  hoặc  tuổi  tác  như  nhau  họ  cũng  có  thể  tham  gia  vào 
cuộc thảo luận một cách bình đẳng hơn. Mỗi một cuộc thảo luận nhóm như vậy được 
diễn ra trong khoảng một buổi từ 3‐4 tiếng. Để hỗ trợ cho các cuộc thảo luận nhóm 
này, nhóm đánh giá đã sử dụng những công cụ nghiên cứu như: phát biểu ý kiến tự 
do, liệt kê, phân hạng, và phân tích các vấn đề khó khăn.  

Thảo luận nhóm với trẻ em

Trong quá trình đánh giá, nhóm đánh giá tại mỗi phường cũng tiếp xúc với các nhóm 
trẻ em. Các em trai và các em gái ở các nhóm tuổi từ 12‐16 được mời đến để thảo luận 
theo  từng  nhóm  riêng  về  các  chủ  đề  cảm  nhận  về  nghèo,  xu  hướng  nghèo,  nguyên 
nhân nghèo, những rủi ro, sự tham gia vào các hoạt động trong cộng đồng, các vấn đề 
di dân, đô thị, và môi trường sống. Nhóm nghiên cứu giúp các em đóng góp ý kiến 
bằng các phương pháp và công cụ thân thiện với trẻ như liệt kê, xếp hạng, ghi ra ý 
kiến của mình trên giấy, thảo luận và ghi bảng. 
 
 
 

49
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

Phỏng vấn cá nhân với trường hợp điển cứu

Các nghiên cứu viên đã tiến hành phỏng vấn sâu với một số cá nhân tại mỗi địa bàn 
đánh giá nhằm để có sự hiểu biết sâu hơn về một số gia đình hoặc để hiểu kỹ hơn về 
một số vấn đề đặc trưng nảy sinh trong quá trình đánh giá tại địa phương. Số lượng 
các trường hợp điển cứu không có giới hạn. Những trường hợp điển cứu này sẽ cung 
cấp  những  ví  dụ  cụ  thể  về  nguyên  nhân  hoặc  hậu  quả  của  nghèo  cũng  như  những 
phương cách xoay sở hoặc ứng phó với hoàn cảnh của người nghèo. Ngoài ra nhóm 
đánh  giá  cũng  đến  thăm  và  phỏng  vấn  sâu  với  các  hộ  gia  đình  có  người  khuyết  tật 
hoặc phỏng vấn trường hợp điển cứu với một số trẻ em nghèo lao động sớm. Một số 
nghiên cứu viên trong nhóm được phân công tìm hiểu sâu về những chủ đề chuyên 
môn ví dụ như vấn đề tiếp cận các dịch vụ xã hội và chương trình của nhà nước, môi 
trường và hoàn cảnh của những người địa phương và dân nhập cư, tuỳ theo đặc điểm 
của từng địa phương và con người cụ thể họ gặp tại cuộc phỏng vấn hộ gia đình. 
 
Nhóm đánh giá thường xuyên họp trao đổi kinh nghiệm

Đây  là  một  hoạt  động  quan  trọng  của  quá  trình  đánh  giá  tình  trạng  nghèo.  Nhóm 
đánh giá phải gặp nhau hằng ngày hoặc hai ngày một lần để cùng nhau chia sẻ những 
kinh  nghiệm  cũng  như  thông  tin  trong  nhóm  với  nhau  về  công  việc  thực  tế  những 
ngày qua có diễn tiến như kế hoạch hay không, hoặc có trở ngại gì hay không. Trên cơ 
sở đó cùng nhau đưa ra những quyết định. Cách làm việc linh hoạt này bảo đảm cho 
thành  viên  trong  nhóm  có  thể  kịp  thời  điều  chỉnh  khi  có  những  tình  huống  thực  tế 
không  khớp  với  phương  pháp  mà  họ  đã  được  tập  huấn.  Sau  khi  kết  thúc  công  tác 
thực địa xong nhóm đánh giá họp lại với nhau và sau đó tổ chức một cuộc hội thảo 
báo cáo lại những kết quả ghi nhận ban đầu đồng thời tham khảo ý kiến phản hồi của 
các cán bộ chính quyền địa phương và thành phố đã tham gia nghiên cứu. 

50
PHỤ LỤC 2: Số liệu Tóm tắt Tham vấn tại Địa bàn Nghiên cứu

PHỤ LỤC 2: Số liệu Tóm tắt Tham vấn tại


Địa bàn Nghiên cứu

Thành Phố Hồ Chí Minh


‐ Huyện Bình Chánh:  

• Thị trấn An Lạc (Khu phố 1 và 3)  

• Xã Tân Tạo (Ấp 2 và 3) 
Địa bàn nghiên cứu 
‐ Quận 8:  

• Phường 4 (Khu phố 3 và 8)  

• Phường 5 (Khu phố 6 và 8) 

Nữ Nam Tổng cộng

Người lớn 126 145 271

Tổng  số  người  tham  Thanh niên 45 47 92


gia  

Thiếu niên 52 42 94

Tổng cộng
(=Tổng 223 234 457
  1+2+3+4)

Nữ Nam Tổng cộng

Người lớn 99 87 186

Tổng  số  người  dân 


Thanh niên 43 47 90
địa phương tham gia 

Thiếu niên 52 42 94

Tổng 1 194 176 370

Nữ Nam Tổng cộng

Người lớn 50 44 94
Tổng  số  người  dân 
địa  phương  có  tình 
trạng  cư  trú  là  KT1  Thanh niên 23 21 43
và  KT2  tham  gia 
nghiên cứu  
Trẻ em 28 27 55

Tổng 1a 101 92 192

51
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

Nữ Nam Tổng cộng

Người lớn 49 43 92
Tổng  số  người  dân 
địa  phươngcó  tình 
trạng  cư  trú  là  KT3  Thanh niên 20 26 46
và  KT4  tham  gia 
nghiên cứu 
Trẻ em 24 15 39

Tổng 1b 93 84 177
 

Nữ Nam Tổng cộng

Tổng số cán bộ ở cấp  Người lớn 19 31 50


xã/  phường/  thị  trấn 
tham  gia  thảo  luận 
nhóm  Thanh niên 1 0 1

Tổng 2 20 31 51

Nữ Nam Tổng cộng

Tổng số cán bộ ở cấp 
quận  huyện  tham  Người lớn 5 13 18
gia thảo luận nhóm 
  Thanh niên 1 0 1
 

Tổng 3 6 13 19

Những  nhóm  tham  Nữ Nam Tổng cộng


gia  khác  (nhóm 
doanh  nghiệp  nhỏ 
và vừa)  Tổng 4 3 14 17

Nữ Nam Tổng cộng

Tổng  số  người  dân  Người lớn 6 3 9


tộc  thiểu  số  được 
tham vấn ý kiến  Thanh niên và
2 1 3
thiếu niên

Tổng 5 8 4 12

52
PHỤ LỤC 2: Số liệu Tóm tắt Tham vấn tại Địa bàn Nghiên cứu

Nữ Nam Tổng cộng

Cán  bộ  chính  quyền  Người lớn 1 4 5


tổ chức điều phối và 
tham gia nghiên cứu 
thực địa  Người lớn 10 23 33

Tổng 6 11 27 38

Thành  viên  nhóm  Nữ Nam Tổng cộng


nghiên  cứu  SCUK 
(hướng  dẫn  phân  Người lớn 10 3 13
hạng  kinh  tế  hộ, 
thảo  luận  nhóm,  và  Thanh niên 1 0 1
phỏng  vấn  trường 
hợp điển cứu)  Tổng 7 11 3 14

• phân hạng kinh tế hộ: 16  

Tổng  số  buổi  tham 


• thảo luận nhóm: 41 
vấn  ý  kiến  người 
dân  
• phỏng vấn trường hợp: 20 

53
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

PHỤ LỤC 3: Danh sách Thành viên nhóm


Khảo sát thực địa
Họ và tên Cơ quan Chức vụ
Trịnh Hồ Hạ Nghi Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Anh (SCUK) Điều phối tổ chức
Huỳnh Thị Ngọc Tuyết Viện KHXH TPHCM Trưởng nhóm
Phan Văn Tẻ Văn phòng Ban CĐXĐGN & VL Nghiên cứu viên
Lê Thanh Hạo Văn phòng Ban CĐXĐGN & VL Nghiên cứu viên
Phan Văn Tường Ban XĐGN Huyện Bình Chánh Nghiên cứu viên
Trần Ngọc Trung Ban XĐGN Huyện Bình Chánh Nghiên cứu viên
Trần Thị Nhỏ Chủ tịch Hội Phụ nữ H. Bình Chánh Nghiên cứu viên
Nguyễn Kim Oanh Cán bộ Hội Phụ nữ H. Bình Chánh Nghiên cứu viên
Võ Hồng Thủy Chuyên trách XĐGN TT An Lạc H. BC Nghiên cứu viên
Nguyễn Tuyết Mai UBDSGĐTE TT An Lạc H. BC Nghiên cứu viên
Lê Bạch Hào Chuyên trách XĐGN X. Tân Tạo H. BC Nghiên cứu viên
Nguyễn Thị Kim Thu UBDSGĐTE X. Tân Tạo H. BC Nghiên cứu viên
Bùi Hữu Phương Ban XĐGN Quận 8 Nghiên cứu viên
Vương Ngọc Tường Ban XĐGN Quận 8 Nghiên cứu viên
Nguyễn Ngọc Oánh Ban XĐGN Quận 8 Nghiên cứu viên
Kiều Thị Hồng Phượng Chuyên trách XĐGN P.4 Q.8 Nghiên cứu viên
Nguyễn Văn Ba Chuyên trách XĐGN P.5 Q.8 Nghiên cứu viên
Đào Xuân Diệu Minh Cộng tác viên SCUK Nghiên cứu viên
Đoàn Văn Bảnh Nhân viên xã hội Nghiên cứu viên
Lê Thị Minh Hiếu Thảo Đàn Nghiên cứu viên
Lê Thị Mỹ Hương Dự án Nâng cấp Đô thị VUUP Nghiên cứu viên
Lê Thị Ngọc Hân Cán bộ Dự án SCUK Nghiên cứu viên
Ngô Kim Dung Đại học Văn Hiến Nghiên cứu viên
Nguyễn Tam Giang Trợ lý Dự án SCUK Nghiên cứu viên
Nguyễn Thị Nhận Đại học Mở Bán Công Nghiên cứu viên
Nguyễn Việt Hưng Cán bộ Dự án SCUK Nghiên cứu viên
Trần Thị Tuyết Mai Dự Án Tân Hóa Lò Gốm 415 Nghiên cứu viên
Trương Thị Dừa Cao Đẳng Sư Phạm Nghiên cứu viên
Võ Đỗ Thị Minh Châu Trợ lý Dự án SCUK Nghiên cứu viên

54
PHỤ LỤC 4: Các loại Hình thức Cư trú đối với
Quản lý Hành chính

KT1  Dân thường trú có hộ khẩu chính thức. 

a) Người dân đăng ký hộ khẩu thường trú ở nơi khác trong Thành Phố 
Hồ Chí Minh nhưng sống tại địa phương. 
KT2 
b) Người dân đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa phương nhưng đã bán 
nhà và chuyển đi chỗ ở khác. 

Người  dân  nhập  cư  từ  tỉnh  khác  đến  trước  đây  sống  tại  địa  phương 
trong  hơn  6  tháng  và  có  công  việc  thường  xuyên  và  ổn  định.  Loại  này 
KT3 
cũng  bao  gồm  các  bộ  đội  xuất  ngũ  đã  hoàn  thành  nghĩa  vụ  quân  sự 
nhưng hộ khẩu chưa chuyển về thành phố Hồ Chí Minh.    

Những  người  mới  nhập  cư,  hoặc  nhập  cư  vào  thành  phố  theo  mùa  vụ 
hoặc bà con của người dân có hộ khẩu nhập chính thức. Loại này cũng 
KT4  bao gồm người nước ngoài hoặc Việt kiều. Dạng nhập cư này bao gồm 
tất cả những người nhập cư không có đăng ký và con số thống kê chính 
thức nhóm này là không được xác định không rõ.        

55
Đánh giá nghèo có sự tham gia của cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh

Bản  báo  cáo  tổng  hợp  này  được  thực  hiện  bởi  Th.S.  Trịnh  Hồ  Hạ  Nghi  và  T.S.  Huỳnh  Thị 
Ngọc Tuyết với phần bổ sung của Th.S. Bill Tod. Mọi thông tin trao đổi góp ý xin liên hệ:  
 
Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Anh 
218 Đội Cấn, Hà Nội  
ĐT:  +84  4  832 5319 
Fax:  +84  4  832 5073 
Email:  scuk@scuk.org.vn 
Webpage: www.savethechildren.net/vietnam  
 
Văn phòng Dự án Thành phố Hồ Chí Minh 
26 Đặng Tất, Phường Tân Định, Quận 1 
Thành phố Hồ Chí Minh 
ĐT:  +84  8  846 9495 
Fax:  +84  8  846 9466 
Email:  scuk@scukhcm.org.vn  

56
Phụ lục 5: Quan hệ đối tác trong Đánh giá nghèo theo vùng

Vùng Những tỉnh trong vùng Các nhà tài trợ chịu Đánh giá nghèo có sự tham gia của người dân Nhóm nghiên cứu chịu trách
trách nhiệm về đánh nhiệm đánh giá nghèo có sự
giá nghèo cấp vùng Tỉnh Huyện Xã tham gia

Bảo Thắng Bản Cầm


Miền núi Đông Bắc Hà Giang , Cao Bằng, Lào Cai Phong Niên Tư vấn Ageless
Lào Cai, Bắc Kạn, (tài trợ của DFID)
Mường Khương Pha Long
Lạng Sơn, DFID
Tả Gia Khâu
Tuyên Quang, và
Yên Bái, Thái Nguyên, UNDP Vị Xuyên Cao Bồ
Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thuận Hoá Action Aid
Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Giang (tài trợ của UNDP)
Đồng Văn Sang Tung
Quảng Ninh
Thai Pin Tung
Miền núi Tây Bắc Lai Châu, Sơn La,
Hòa Bình
Hải Dương Nam Sách Nam Sách
Đồng bằng Sông Hà Nội, Hải Phòng, Nam Trung
Hồng Hà Tây, Hải Dương, RDSC
Đan Phượng Thọ An (tài trợ của WB)
Hưng Yên, Hà Nam, WB
Liên Hà
Nam Định, Thái Bình,
Hà Tây
Ninh Bình Mỹ Đức Tế Tiêu
Phúc Lâm
Nghi Lộc Nghi Thái Viện Xã hội học
Bắc Trung bộ Thanh Hóa, Nghệ An, Nghệ An (tài trợ của JICA)
Tương Dương Tam Đinh
Hà Tĩnh, Quảng Bình, GTZ
Quảng Trị, và Hải Lăng Hải Sơn Nhóm nghiên cứu gồm Bộ
Thừa Thiên Huế JICA Quảng Trị Hải An LĐTBXH, Viện KHLĐXH, và các
nhà nghiên cứu độc lập
Gio Linh Gio Thành
(tài trợ của GTZ)
Linh Thường
Duyên hải miền Trung Đà Nẵng, Sơn Hà Sơn Bá Giải pháp Việt Nam
Quảng Nam, ADB Quảng Ngãi Sơn Cao (tài trợ của ADB)
Quảng Ngãi,
Tứ Nghĩa Nghĩa Thọ
Bình Định, Phú Yên,
Nghĩa An
Khánh Hòa

57
Phụ lục 5: Quan hệ đối tác trong Đánh giá nghèo theo vùng (tiếp theo)

Vùng Những tỉnh trong Các nhà tài trợ chịu trách Đánh giá nghèo có sự tham gia Nhóm nghiên cứu chịu
vùng nhiệm về đánh giá nghèo trách nhiệm đánh giá
cấp vùng Tỉnh Huyện Xã nghèo có sự tham gia của
người dân
Tây Nguyên Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak Đak Lak EaHleo Eaheo Action Aid
ADB Ea Ral (tài trợ của ADB)
Dacrlap Đao Nghĩa
Quang Tân
Thành phố Buôn Ma Thị trấn Ea Tam
Thuột
Đông Nam bộ TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Huyện Bình Chánh Thị trấn An Lạc Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Anh
Ninh Thuận, Bình Phước, TP Hồ Chí Minh Tân Tạo (tự tài trợ)
Tây Ninh, Bình Dương, Đồng
Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Ngân hàng Thế giới Quận 8 Phường 4
Vũng Tàu Phường 5
Ninh Phước Phước Hải Trung tâm phát triển nông
Ninh Thuận Phước Dinh thôn
(tài trợ của
Ninh Sơn Lương Sơn Ngân hàng Thế giới)
Mỹ Sơn
Long An, Đồng Tháp, An Tam Nông Phú Hiệp Trung tâm chăm sóc sức
Đồng bằng Sông Giang, Tiền Giang, Vĩnh Đồng Tháp Phú Thọ khoẻ ban đầu Long An
Cửu Long Long, Bến Tre, Kiên Giang, UNDP và AusAid (tài trợ của UNDP và
Tháp Mười Thanh Lợi
Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc AusAid)
Trang, Bạc Liêu, Cà Mau Thanh Phú Mỹ Hưng
Bến Tre Thới Thanh
Mỏ Cày Thành Thới

58

You might also like