You are on page 1of 4

BÀI TẬP CÁ NHÂN TUẦN THỨ NHẤT

----
Đề bài số 5: Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2005 qui định: “Trong trường hợp
pháp luật không qui định và các bên không có thoả thuận thì có thể áp dụng
tập quán”. Hãy chỉ ra những nguyên nhân, điều kiện áp dụng tập quán để
giải quyết các tranh chấp dân sự của các chủ thể. Nhận xét của bản thân về
việc pháp luật cho phép áp dụng tập quán.

BÀI LÀM
Trong thực tế hiện nay, để giải quyết các tranh chấp dân sự của các
chủ thể tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự, các cơ quan nhà nước có
thẩm quyền phải căn cứ vào những sự kiện xảy ra trong thực tế và căn cứ
vào những qui phạm pháp luật phù hợp với những sự kiện thực tế để đưa ra
những quyết định phù hợp với qui định của pháp luật. Tuy nhiên không phải
tất cả những sự kiện xảy ra trong thực tế đều có các qui phạm pháp luật trực
tiếp điều chỉnh. Chính vì vậy, để các quan hệ xã hội được điều chỉnh theo
qui định của pháp luật, Bộ luật dân sự đã đưa ra qui định “Trong trường hợp
pháp luật không qui định và các bên không có thoả thuận thì có thể áp dụng
tập quán…” (Điều 3). Như vậy, pháp luật đã cho phép áp dụng tập quán
trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự. Để việc áp dụng tập quán phát
huy hiệu quả cao khi tham gia điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực
dân sự, cần phải chỉ ra nguyên nhân và thống nhất về các điều kiện áp dụng
tập quán khi giải quyết các tranh chấp dân sự.
1) Khái niệm “tập quán” và “áp dụng tập quán”:
Tập quán là thói quen đã thành nếp trong đời sống xã hội, trong sản
xuất và sinh hoạt thường ngày, được cộng đồng nơi có tập quán đó thừa
nhận và làm theo như một qui ước chung của cộng đồng (Theo Điểm b, tiểu
mục 2.7, mục 2, phần II Nghị quyết số 04/2005/NQ – HĐTP ngày 17/9/2005
của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một
số qui định của Bộ luật TTDS về chứng minh và chứng cứ)
Áp dụng tập quán là sử dụng các xử sự được cộng đồng địa phương,
dân tộc thừa nhận như là chuẩn mực ứng xử đối với các thành viên trong
cộng đồng dân tộc, địa phương đó. Ví dụ: việc áp dụng các đơn vị đo lường:
giạ lúa; chục ở miền Nam hay việc chia thịt thú rừng ở các vùng dân tộc…
2) Nguyên nhân áp dụng tập quán trong giải quyết các tranh chấp dân sự:
Luật Dân sự điều chỉnh các quan hệ xã hội đa dạng, phức tạp về nhiều
phương diện: chủ thể, khách thể, nội dung. Hơn nữa những quan hệ này
không ngừng phát triển theo sự phát triển của xã hội nói chung, khoa học kĩ
thuật nói riêng. Vì vậy, khi ban hành các văn bản pháp luật, nhà lập pháp

1
không thể dự liệu hết được các quan hệ xã hội cần thiết phải điều chỉnh bằng
pháp luật. Việc này tạo lỗ hổng trong pháp luật dân sự bởi sẽ tồn tại những
quan hệ xã hội mà pháp luật chưa điều chỉnh tới. Trong khi đó các cơ quan
nhà nước không thể từ chối tranh chấp theo yêu cầu của người dân với lí do:
quan hệ pháp luật dân sự mà các bên tranh chấp chưa được pháp luật qui
định. Ví dụ: Pháp luật dân sự chưa có các qui định về thu mua hụi, họ… Để
khắc phục tình trạng này nhằm để các quan hệ xã hội được điều chỉnh theo
qui định của pháp luật, Bộ luật dân sự đã đưa ra nguyên tắc áp dụng tập
quán. Ngoài ra thì tập quán có đặc điểm: gần gũi, dễ đi vào đời sống nhân
dân hơn là các qui phạm pháp luật cho nên thứ tự áp dụng bao giờ cũng ưu
tiên tập quán so với áp dụng tương tự pháp luật. Có thể nói, việc chưa tồn tại
các qui phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh các quan hệ pháp luật dân sự là
nguyên nhân dẫn đến việc pháp luật cho phép áp dụng tập quán nhằm giải
quyết các tranh chấp dân sự của các chủ thể.
3) Điều kiện áp dụng tập quán trong giải quyết các tranh chấp dân sự:
Tập quán có thể được áp dụng với tính chất là một nguồn của luật dân
sự khi có đủ các điều kiện:
 Tập quán được áp dụng là tập quán đã trở thành thông dụng, được đông
đảo mọi người sinh sống trên cùng địa bàn hoặc cùng hành nghề trên cùng
một lĩnh vực thừa nhận:
Cùng với sự phát triển đa dạng và phức tạp của các quan hệ xã hội,
phong tục tập quán có thể mất đi hoặc phát sinh mới trong một cộng đồng,
một địa phương. Thậm chí cùng một phong tục tập quán ở một dân tộc, tôn
giáo, khu vực lại tồn tại ở nhiều cấp độ khác nhau. Trong sự trộn lẫn giữa
các hình thái phong tục, tập quán, Toà án cần xác định những phong tục tập
quán nào được đông đảo mọi người trong cộng đồng và khu vực thừa nhận;
những phong tục tập quán nào không có tính phổ biến, ít người thừa nhận.
Về nguyên tắc, toà án chỉ áp dụng những phong tục, tập quán đại diện cho
tính truyền thống, bản sắc văn hoá, thói quen xử sự của một cộng đồng hoặc
một khu vực..
 Tập quán đó không trái với các nguyên tắc qui định trong Bộ luật dân sự
Trước hết là các nguyên tắc cơ bản được qui định tại điều 5, 6, 8, 9,
10, 12 của Bộ luật dân sự. Trong đó đặc biệt là điều 8 qui định về nguyên tắc
tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp. Có thể khẳng định, Nhà nước và xã
hội chỉ tôn trọng và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp phù hợp với
đạo đức và truyền thống dân tộc. Tuy nhiên, tính chất tốt đẹp của phong tục
tập quán là một giá trị trừu tượng, khó xác định và có nội dung thay đổi theo
từng giai đoạn phát triển của xã hội, đồng thời nó được đánh giá theo nhiều
góc độ, nhiều quan điểm khác nhau. Chính vì vậy Nhà nước thường lấy các
nguyên tắc cơ bản của Luật làm tiêu chí xác định:

2
- Nguyên tắc bình đẳng (Điều 5)
- Nguyên tắc thiện chí, trung thực (Điều 6)
- Nguyên tắc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp (Điều 8)
- Nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự (Điều 9)
- Nguyên tắc tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền
lợi ích hợp pháp của người khác (Điều 10)
- Nguyên tắc hoà giải (Điều 12)
 Chỉ áp dụng tập quán nếu quan hệ xã hội đó chưa được pháp luật qui định
hoặc không có sự thoả thuận giữa các bên:
Chỉ khi quan hệ pháp luật dân sự mà các bên tranh chấp không được
pháp luật điều chỉnh hoặc trong tranh chấp các bên không thoả thuận được,
không có thoả thuận thì pháp luật mới cho phép áp dụng tập quán. Ví dụ: Ở
miền núi, bà con dân tộc có tập quán xác nhận quyền sở hữu của người đầu
tiên xác định tổ ong trong rừng bằng cách đánh dấu bằng cành lá có thể được
áp dụng trong trường hợp xảy ra tranh chấp, mặc dù căn cứ xác lập quyền sở
hữu này không được Bộ luật dân sự qui định. Pháp luật không điều chỉnh
những tranh chấp như vậy, hơn nữa các bên tranh chấp mà không tự thoả
thuận được thì sẽ áp dụng tập quán xác định quyền sở hữu này.
3) Nhận xét của bản thân về việc pháp luật cho phép áp dụng tập quán:
Việc pháp luật cho phép áp dụng tập quán trong giải quyết các tranh
chấp dân sự là tất yếu bởi pháp luật không thể bao quát hết được mọi lĩnh
vực của cuộc sống. Tuy nhiên thì việc áp dụng tập quán ngoài những ưu
điểm của nó thì cũng vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Ưu điểm của việc pháp luật
cho phép áp dụng tập quán đó là: làm cho tập quán có vai trò là một nguồn
bổ sung quan trọng cho những thiếu hụt trong qui định của pháp luật, những
lĩnh vực mà pháp luật chưa tác động, điều chỉnh đến thì có thể áp dụng tập
quán để giải quyết. Hơn nữa, do đặc điểm gần gũi, dễ đi vào cuộc sống của
tập quán nên việc pháp luật cho phép áp dụng tập quán khiến cho việc thực
hiện pháp luật trở nên gần gũi với đời sống nhân dân hơn, phù hợp với ý chí
của nhân dân và mang tính tự nguyện cao hơn bởi tập quán mang trong mình
nó yếu tố dân chủ sâu sắc hơn luật thành văn. Tuy nhiên, thì việc pháp luật
cho phép áp dụng tập quán cũng còn tồn tại không ít hạn chế bởi tập quán là
những cách xử sự được các cộng đồng địa phương công nhận nên không
tránh khỏi sự tuỳ tiện, không phù hợp với nguyên tắc pháp chế của pháp luật
xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, do tập quán xuất phát từ thực tiễn nên gây khó
khăn cho việc xác định, đánh giá tập quán, dễ dẫn đến sự nhầm lẫn về tập
quán, lúng túng trong việc áp dụng tập quán của các cơ quan xét xử. Hậu
quả là sẽ gây thiệt hại cho một trong hai bên tham gia tranh chấp. Vì vậy
pháp luật cần có những qui định rõ ràng về việc cho phép áp dụng tập quán
để thống nhất trong quá trình áp dụng.

3
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Giáo trình Luật dân sự Việt Nam. Tập 1. Nxb. Công an nhân dân. 2009.
Trường Đại học Luật Hà Nội.

2. Bộ luật Dân sự năm 2005.

3. Bài viết “Cụ thể hoá quan điểm về tập quán pháp theo Nghị quyết số 48/
NQ – TW của Bộ chính trị”. Tg: TS. Ngô Huy Cương – Khoa Luật – ĐH
Quốc gia Hà Nội.

4. Website: www.thongtinphapluatdansu.wordpress.com

You might also like