You are on page 1of 24

AFTA và quá trình tham gia của Việt Nam (phần 1)

Nội dung cơ bản của AFTA

AFTA là tên viết tắt tiếng Anh của Khu vực thương mại tự do ASEAN (ASEAN Free Trade Area).

Quyết định thành lập Khu vực thương mại tự do này được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN
lần thứ 4, tổ chức vào tháng 1/1992 tại Singapore. Theo kế hoạch ban đầu, AFTA được hoàn thành
vào năm 2008 với mục đích cơ bản là "tăng cường khả năng cạnh tranh của ASEAN như một cơ sở
quốc tế nhằm cung cấp hàng hóa ra thị trường thế giới". Tuy nhiên, trước sự phát triển và cạnh tranh
mạnh mẽ của các liên kết kinh tế toàn cầu khác, cũng như do sự tiến bộ của chính các quốc gia
ASEAN, năm 1994, khối này quyết định đẩy nhanh thời hạn lên năm 2003.

Sau đó, từ năm 1995 đến 1998, ASEAN kết nạp thêm 4 nước thành viên mới là Việt Nam, Lào,
Campuchia và Myanmar.

Cơ chế chính để thực hiện AFTA là Hiệp định thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (Common Effective
Preferential Tariff - CEPT). Về thực chất, CEPT là một thỏa thuận giữa các nước thành viên ASEAN
về việc giảm thuế quan trong nội bộ khối xuống còn 0-5% thông qua những kế hoạch giảm thuế khác
nhau. Trong vòng 5 năm sau khi đạt mức thuế ưu đãi cuối cùng, các nước thành viên sẽ tiến hành
xóa bỏ các hạn ngạch nhập khẩu và những hàng rào phi quan thuế khác.

Thời hạn thực hiện CEPT của các nước có khác nhau. Cụ thể là:

Với Brunei, Indonesia, Philippines, Singapore, Thái Lan: từ 1993 đến 2003.

Với Việt Nam: từ 1996 đến 2006

Với Lào, Myanmar và Campuchia: từ 1998 đến 2008.

Để thực hiện dần dần việc cắt giảm thuế quan, mỗi nước sẽ phải phân loại tất cả hàng hóa của mình
vào một trong các danh mục sau:

Danh mục giảm thuế (IL)

Danh mục loại trừ tạm thời (TEL)

Danh mục loại trừ hoàn toàn (GEL)

Danh mục nhạy cảm (SL)

Danh mục nhạy cảm cao

Danh mục giảm thuế (IL) bao gồm những mặt hàng sẽ được cắt giảm thuế quan để đến khi hoàn
thành CEPT sẽ có thuế suất 0-5%. Ngay sau khi ký CEPT, mỗi nước ASEAN phải đưa ra IL của mình
để bắt đầu giảm thuế quan từ năm 1993. Trên thực tế, không phải mặt hàng nào trong IL cũng thực
sự phải giảm thuế quan, vì có những mặt hàng trước khi đưa vào IL đã có thuế suất dưới 5%, thậm
chí bằng 0%.

Danh mục loại trừ tạm thời (TEL) bao gồm những mặt hàng chưa đưa vào giảm thuế quan ngay, do
các nước thành viên ASEAN phải dành thêm thời gian để điều chỉnh sản xuất trong nước thích nghi
với môi trường cạnh tranh quốc tế gia tăng.

Sau ba năm kể từ khi tham gia CEPT, các nước ASEAN phải bắt đầu chuyển dần các mặt hàng từ
TEL sang IL, tức là bắt đầu giảm thuế quan đối với những mặt hàng này. Quá trình chuyển từ TEL
sang IL được phép kéo dài trong 5 năm, mỗi năm phải chuyển được 20% số mặt hàng. Điều đó có
nghĩa là đến hết năm thứ tám thì IL đã mở rộng bao trùm toàn bộ TEL, và TEL không còn tồn tại.
Khi đưa mỗi mặt hàng vào IL, các nước đồng thời phải chỉ ra lịch trình giảm thuế quan của mặt hàng
đó cho đến khi hoàn thành CEPT.

Ví dụ: Khi tham gia CEPT vào năm 1993, IL của nước A bao gồm 50 mặt hàng, TEL của nước này có
100 mặt hàng. Từ năm 1996, nước A phải bắt đầu chuyển TEL sang IL. Nếu mỗi năm chuyển đều
20% thì năm 1996, IL của nước này có 50 + (100*20%) = 70 mặt hàng và TEL giảm đi còn 100 -
(100*20%) = 80 mặt hàng. Năm 1997, IL sẽ là 90 và TEL sẽ là 60. Ba năm tiếp sau đó, các con số
tương ứng sẽ là 110/40, 130/20 và 150/0. Đến năm 2000, IL của nước A sẽ bao gồm cả 150 mặt
hàng và TEL không còn mặt hàng nào nữa.

Danh mục loại trừ hoàn toàn (GEL) bao gồm những mặt hàng không có nghĩa vụ phải giảm thuế
quan. Các nước thành viên ASEAN có quyền đưa ra danh mục các mặt hàng này nhằm bảo vệ an
ninh quốc gia, đạo đức xã hội, bảo vệ sức khỏe con người, động thực vật; bảo tồn các giá trị văn hóa,
lịch sử, khảo cổ...

GEL không phải là Danh mục các mặt hàng Chính phủ cấm nhập khẩu (NK). Một số mặt hàng có
trong GEL vẫn được NK bình thường, nhưng không hưởng thuế suất ưu đãi như các mặt hàng trong
danh mục giảm thuế.

Ngoài cơ chế này, để hiện thức hóa AFTA, các nước ASEAN còn ký kết hàng loạt các thỏa thuận về
thống nhất và công nhận tiêu chuẩn hàng hóa giữa các nước thành viên, công nhận việc cấp giấy xác
nhận xuất xứ hàng hóa của nhau, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hải quan, bảo vệ quyền sở hữu
trí tuệ, phát triển công nghiệp và xây dựng Khu vực đầu tư ASEAN (ASEAN Investment Area - AIA).

Quá trình tham gia của Việt Nam

Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN và cam kết tham gia
AFTA. Thời hạn hoàn thành AFTA của Việt Nam năm 2006. Việt Nam bắt đầu thực hiện lộ trình giảm
thuế quan tham gia AFTA từ ngày 1/1/1996, khi đưa 875 mặt hàng đầu tiên vào thực hiện CEPT. Tất
cả những mặt hàng này đều đã nằm ở khung thuế suất 0-5%.

Đầu năm 1998, Việt Nam công bố lịch trình giảm thuế để thực hiện AFTA vào năm 2006. Trên thực tế
thì đến cuối năm 2002, 5.500 mặt hàng (chiếm khoảng 86% tổng số mặt hàng trong biểu thuế nhập
khẩu) đã được vào chương trình cắt giảm. Toàn bộ các mặt hàng này đã ở thuế suất dưới 20% và có
lộ trình cắt giảm trong thời kỳ 2002-2006. Trong số đó, 65% đã ở mức thuế 0-5%.

Theo số liệu của tờ Dow Jones, vào những ngày đầu năm 2003, mức thuế suất trung bình của Việt
Nam chỉ hơn 2% một chút, và Việt Nam đang là nước có mức thuế suất trung bình thấp thứ 3
ASEAN, sau Singapore và Brunei.

Theo đúng lộ trình thì việc cắt giảm thuế tham gia AFTA đã được áp dụng chính thức tại Việt Nam từ
ngày 1/1/2003. Tuy nhiên, ngày 10/1/2003, Bộ Tài chính đã thông báo việc cắt giảm đó sẽ được thực
hiện lùi lại 7 tháng, vào ngày 1/7.

Đến ngày 1/7, 1.416 mặt hàng thuộc TEL được chuyển sang IL. Đa số đó là những mặt hàng hiện
đang được bảo hộ với mức thuế suất rất cao (30-100%), hoặc đang được quản lý bằng hạn ngạch
như xi măng , giấy , hàng điện tử, điện gia dụng , cơ khí, vật liệu xây dựng...

http://www.nciec.gov.vn/index.nciec?2208

AFTA và quá trình tham gia của Việt Nam (phần 2)

Tác động của AFTA đối với nền kinh tế Việt Nam

Đối chiếu nội dung của AFTA cũng như những tác động có thể có của nó đối với các nước thành viên
nói chung, đối chiếu với tình hình cụ thể và tiến trình thực hiện AFTA của Việt Nam, AFTA có thể có
những tác động trên các mặt chính sau:
Thương mại

Nhập khẩu:

Trong những năm gần đây, hàng hóa từ ASEAN vào Việt Nam chiếm khoảng 25% kim ngạch nhập
khẩu (NK), trong đó nguyên vật liệu dùng cho sản xuất và hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn. Các
mặt hàng này đã có thuế suất dưới 5% trước khi thực hiện CEPT. Vì vậy, AFTA không có tác động
trực tiếp tới việc NK những mặt hàng này.

Ngoài ra, một số hàng NK có kim ngạch đáng kể ở Việt Nam như xăng dầu, xe máy... chưa được
đưa vào danh sách giảm thuế ngay nên trước mắt sẽ nằm ngoài phạm vi tác động của AFTA.

Về lâu dài, Việt Nam chắc chắn phải đưa thêm những mặt hàng từ danh mục loại trừ tạm thời có thuế
suất trên 20% vào diện cắt giảm ngay, và loại trừ dần các hàng rào phi thuế quan (nhất là những hạn
chế về số lượng nhập khẩu). Khi đó, rất có thể NK, nhất là những mặt hàng tiêu dùng từ các nước
ASEAN vào Việt Nam sẽ tăng lên nếu những mặt hàng cùng loại sản xuất trong nước không cạnh
tranh lại được.

Xuất khẩu:

Xuất khẩu sang các nước ASEAN khác:

Về lý thuyết và dài hạn, AFTA có tác động làm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị
trường ASEAN nhờ giảm thuế quan và loại bỏ các hàng rào phi thuế quan. Song trong vài năm tới,
khả năng AFTA làm tăng kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang các nước này không lớn do
các nguyên nhân sau:

Xét về cơ cấu hàng xuất khẩu (XK):

Những năm gần đây, ASEAN thường chiếm khoảng 20-23% kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam.
Đây là một con số đáng kể. Nhưng những mặt hàng được hưởng thuế suất CEPT lại chỉ chiếm gần
20% kim ngạch XK sang ASEAN, tương đương với dưới 4% tổng kim ngạch XK của Việt Nam năm
2001. Và mức tăng XK của những mặt hàng này sang các nước ASEAN khác cũng không lớn.

Hơn nữa, cơ cấu hàng hóa của Việt Nam và ASEAN khá tương đồng. Với trình độ thua kém hơn,
Việt Nam chỉ có thể cạnh tranh trên thị trường ASEAN nhờ tính độc đáo của chủng loại, mẫu mã và
do đó, chỉ mang tính bổ sung cho cơ cấu hàng hóa nước đối tác.

Xét về bạn hàng:

2/3 doanh số buôn bán của Việt Nam với ASEAN được thực hiện với Singapore. Phần lớn hàng Việt
Nam xuất sang Singapore sẽ được tái xuất sang các nước khác. Nhưng ở nước này, hệ thống thuế
xuất nhập khẩu trước AFTA vốn đã thấp, gần như bằng 0%. Do vậy, khi thực hiện CEPT trên toàn
khối ASEAN, 1/3 kim ngạch xuất nhập khẩu còn lại của Việt Nam với các nước ASEAN khác sẽ chưa
làm thay đổi nhiều XK Việt Nam nếu xét theo khía cạnh được hưởng ưu đãi thuế NK thấp.

Có thể kết luận rằng: Chỉ khi nào Việt Nam tạo được sự dịch chuyển cơ cấu sản xuất và XK theo
hướng tạo ra được nhiều chủng loại hàng hóa có sức cạnh tranh và nằm trong danh mục cắt giảm
của CEPT, các doanh nghiệp Việt Nam mới có thêm thuận lợi về yếu tố giá cả khi muốn XK sang
ASEAN.

Về phần XK sang các nước ngoài ASEAN:

Về dài hạn, AFTA có tác động gián tiếp làm tăng kim ngạch XK của Việt Nam sang các thị trường
ngoài ASEAN do nhập được đầu vào cho sản xuất XK với giá rẻ hơn từ các nước ASEAN. Mặt khác,
với tư cách một thành viên của AFTA, Việt Nam có điều kiện để khai thác những lợi thế mới trong
quan hệ thương mại với nước lớn.

Ví dụ, Việt Nam sẽ được hưởng hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập của Mỹ (General System of
Preference - GSP). Bởi GSP quy định "giá trị một sản phẩm được sản xuất tại một nước thành viên
của một hiệp hội kinh tế, khu vực thương mại tự do (như AFTA) thì được coi là sản phẩm của một
nước" và một sản phẩm NK vào Mỹ được hưởng GSP nếu "giá trị nguyên liệu NK để sản xuất ra nó
chiếm dưới 65% giá trị sản phẩm sau khi hoàn thành thủ tục hải quan vào Mỹ".

Điều đó có nghĩa là các nước ASEAN có thể nhập nguyên liệu từ các nước thành viên khác để sản
xuất hàng XK sang Mỹ, và hàng XK sẽ được hưởng GSP nếu giá trị nguyên liệu dưới 65% giá trị sản
phẩm. Và do đó, AFTA giúp Việt Nam tăng cường tiếp cận và thâm nhập thị trường Mỹ - đất nước có
kim ngạch NK vượt 1000 tỷ USD mỗi năm.

Tuy vậy, như trên đã nói, cơ cấu sản phẩm của các nước ASEAN xuất ra thị trường thế giới lại khá
tương đồng với Việt Nam. Và họ cũng được hưởng những lợi ích tương tự. Do đó, tham gia AFTA,
Việt Nam tiếp tục phải chấp nhận cạnh tranh rất quyết liệt với các thành viên khác trong hiệp hội
không chỉ trên thị trường khu vực.

Cũng cần nói thêm rằng, việc Việt Nam tham gia AFTA và tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình
Dương ( APEC ) tháng 11/1998 là những sự chứng minh, là bước chuẩn bị, tập dượt để gia nhập
WTO.

Đầu tư nước ngoài

Đầu tư từ các nước ASEAN khác

AFTA có tác động phân công lại các nguồn lực trong khu vực theo hướng hợp lý hóa. Khi không còn
bảo hộ, một số ngành công nghiệp của một số nước sẽ bộc lộ sự thua kém về khả năng cạnh tranh,
để tồn tại, hoặc để thu được nhiều lợi nhuận hơn, các nhà kinh doanh trong những ngành này sẽ đầu
tư sang các nước ASEAN khác có các yếu tố thuận lợi hơn, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, với tiến trình hiện thức hóa Khu vực đầu tư ASEAN (AIA), các nhà đầu tư ASEAN nói riêng
và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung sẽ có nhiều thuận lợi về thủ tục hành chính và tâm lý khi
đầu tư vào Việt Nam.

Đầu tư nước ngoài từ các nước khác

Về lý thuyết, một khu vực thương mại tự do sẽ làm tăng đầu tư từ ngoài khu vực. Đó là bởi các nhà
đầu tư có thể sản xuất hàng hóa tại một hay một số nước và đưa ra tiêu thụ ở tất cả các nước thành
viên với mức thuế thấp và hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ. Khi các nhà đầu tư nước ngoài đầu
tư vào một nước, họ sẽ có một thị trường tiềm năng rộng lớn hơn nhiều lần nước đó.

Áp dụng lý thuyết đó vào AFTA và Việt Nam, thì các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam,
họ sẽ không chỉ nghĩ đến một thị trường với 80 triệu dân, mà còn tính đến cả thị trường ASEAN với
trên 500 triệu người.

Nhưng trên thực tế, thuế chỉ là một trong rất nhiều yếu tố được xem xét để đi đến quyết định đầu tư.
Thuế thấp sẽ mất đi ý nghĩa thu hút đầu tư nước ngoài nếu không đi kèm với sự ổn định chính trị, xã
hội, luật đầu tư nước ngoài thông thoáng, nguồn lao động giá rẻ và có tay nghề cao... Có thể lấy ví dụ
đơn cử là Indonesia hiện nay. Mặc dù Indonesia đã hoàn thành AFTA, nhưng rất nhiều nhà đầu tư
nước ngoài như Sony , Matsushita... đã và đang rời bỏ nước này sang Trung Quốc, Malaysia hay Việt
Nam vì lo ngại và thất vọng trước nạn khủng bố, mâu thuẫn sắc tộc, bất ổn quyền lực và tham
nhũng...
Đó cũng thách thức chung cho tất cả các thành viên của AFTA. Vì nếu như trước đây, Indonesia hay
Việt Nam không phải là thành viên của AFTA, để vượt qua hàng rào thuế quan và các hạn chế NK
vào thị trường Indonesia hay Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài buộc phải đầu tư tại nước sở tại.
Nhưng nay Việt Nam đã là thành viên AFTA, nếu môi trường đầu tư vào Việt Nam không hấp dẫn, thì
thay vì đầu tư Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ đầu tư vào các nước ASEAN khác,
hoặc đơn giản hơn, chỉ cần mở rộng hoặc tăng thêm công suất của các nhà máy sẵn có tại các nước
AFTA, đặc biệt là đối với các dây chuyền sản xuất đã gần hết khấu hao nhưng vẫn vận hành tốt, rồi
từ đó bán hàng sang Việt Nam.

Như vậy, để tận dụng được những cơ hội thu hút đầu tư từ các nước khác mà AFTA đem lại, Việt
Nam cần phải tiếp tục cải thiện một cách đồng bộ và toàn diện môi trường đầu tư.

Công nghiệp

Về lâu dài, khi các ngành công nghiệp của những nước thành viên không còn được bảo hộ, AFTA sẽ
làm thay đổi cơ cấu công nghiệp khu vực theo hướng chuyên môn hóa và phân bổ các nguồn lực
một cách hợp lý hơn. Nhưng đây là sự thay đổi và phân bổ mang tính động và phụ thuộc chủ yếu vào
sự lựa chọn và nỗ lực chủ quan của từng nước.

Singapore sẽ đẩy mạnh phát triển các ngành hóa chất, trang thiết bị vận tải và linh kiện điện tử, trong
khi đó sẽ bỏ ngỏ các ngành cần nhiều lao động và khoáng sản. Malaysia thì có sự sắp xếp ngược lại.
Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động và nguyên liệu như công nghiệp giấy, chế biến gỗ,
may mặc và dệt sẽ tăng nhanh. Trong khi đó, các ngành thiết bị vận tải, hóa chất, đồ gỗ, thực phẩm
đã qua chế biến sẽ giảm mạnh.

Cũng giống như tại các nước ASEAN, ở một mức độ nào đó, AFTA sẽ làm thay đổi cơ cấu công
nghiệp của Việt Nam. Trong đó, một số ngành sẽ phát triển, một số ngành sẽ bị thu hẹp.

Tuy vậy, AFTA cũng tạo cho chúng ta điều kiện và thời gian để chuẩn bị và vươn lên để có thể đứng
vững và phát triển vì:

Thứ nhất, mọi thời hạn thực hiện và hoàn thành AFTA/CEPT đối với Việt Nam được cộng thêm 3
năm;

Thứ hai, cũng như các nước ASEAN khác, Việt Nam không cần phải đưa ngay một lúc tất cả các
danh mục hàng hóa vào chương trình giảm thuế. Những mặt hàng nào có tỷ trọng NK cao và có khối
lượng giá trị tiêu thụ lớn trên thị trường nội địa có thể sẽ đưa vào giảm thuế chậm hơn;

Thứ ba, sau khi một mặt hàng được giảm thuế, các hàng rào phi thuế quan (nếu có đối với mặt hàng
đó) sau đó 5 năm mới phải xóa bỏ;

Thứ tư, việc cắt giảm thuế NK đối với một số nguyên liệu, sản phẩm đầu vào sẽ làm giảm chi phí sản
xuất và do vậy, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho một số sản phẩm công nghiệp.

Vấn đề đặt ra đối với các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà kinh doanh là làm thế nào để
tận dụng được những cơ hội và thời gian một cách có hiệu quả, định hướng cơ cấu công nghiệp và
mặt hàng kinh doanh như thế nào để có thể phát huy được lợi thế so sánh của Việt Nam trong phân
công lao động khu vực.

Trên cơ sở định hướng phát triển công nghiệp theo cơ chế kinh tế mở, Nhà nước cần tạo môi trường
thuận lợi và đầu tư thích đáng, đồng thời áp dụng các biện pháp bảo hộ hợp lý trong thời gian cho
phép để các ngành có tiềm năng phát triển có thể cạnh tranh không những trên thị trường trong nước
mà còn trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, mọi sự bảo hộ của Nhà nước đều có giới hạn. Để đứng vững và phát triển, các doanh
nghiệp cần phải khẩn trương nghiên cứu nhu cầu thị trường trong nước và khu vực, khả năng cạnh
tranh của các nước ASEAN trong cùng lĩnh vực để kịp thời điều chỉnh cơ cấu sản xuất, đổi mới trang
thiết bị và công nghệ, nâng cao năng lực quản lý khi sự bảo hộ không còn nữa, đặc biệt trong bối
cảnh hiện nay khi Việt Nam về cơ bản sẽ hoàn thành AFTA vào năm 2005.

Ngân sách nhà nước

Tham gia AFTA và thực hiện chương trình cắt giảm thuế quan theo CEPT chắc chắn sẽ tác động tới
nguồn thu cho ngân sách, ít nhất là trong giai đoạn đầu khi Việt Nam thực sự cắt giảm thuế quan, tức
là từ 1/7 năm nay. Theo số liệu những năm gần đây, NK từ các nước ASEAN chiếm khoảng 20-23%
kim ngạch NK của Việt Nam, trong khi đó, thuế NK (trừ dầu thô) đóng góp khoảng 25% tổng số thu
ngân sách. Như vậy, về mặt số học đơn thuần, khi cắt giảm thuế quan, rõ ràng nguồn thu ngân sách
sẽ bị giảm.

Về dài hạn, AFTA sẽ làm tăng hiệu quả sản xuất trong nước. Như vậy, cơ sở để tính toán rằng, về
dài hạn, phần giảm của thuế NK do thực hiện CEPT sẽ được bù lại bằng tăng thu do kim ngạch buôn
bán tăng và tăng thu từ các loại thuế khác như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu
nhập công ty...

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là lý thuyết, thực tế còn phụ thuộc vào sự phát triển của sản xuất trong nước,
hiệu quả của hệ thống thuế và bộ máy thu thuế.

Tóm lại, tham gia ASEAN và AFTA là bước đi tất yếu đầu tiên của Việt Nam trên con đường hội nhập
với khu vực và thế giới. Sự kiện này mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội mới cũng như nhiều thách
thức to lớn. Cơ hội và thách thức đan xen lẫn nhau, đòi hỏi sự nỗ lực cả tầm vĩ mô và vi mô để khai
thác triệt để các cơ hội và hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực do các thách thức đưa
đến.

Không nên coi việc thực hiện AFTA như một quá trình hay hành động riêng biệt, mà phải đặt nó trong
lộ trình hội nhập và tự do hóa thương mại tổng thể, trong đó, mục tiêu nhất quán được xác định bởi
khuôn khổ WTO./.

http://www.nciec.gov.vn/index.nciec?2209

AFTA và những ảnh hưởng đối với kinh tế


các nước ASEAN

Tác giả: Rosalinda V. Tirona.

Tôi được yêu cầu viết tài liệu về chủ đề "AFTA và những ảnh hưởng đối với Việt Nam". Vì
tôi không phải là một chuyên gia nghiên cứu về kinh tế Việt Nam, nên tôi xin giới hạn báo
cáo của mình vào tính chất của AFTA, vào việc Philippines đã cơ bản chuẩn bị như thế nào
để đối phó với những thử thách và cơ hội mới. Tôi hy vọng rằng bản báo cáo này sẽ có ích
cho việc so sánh và từ đó hai nước chúng ta có thể học hỏi những kinh nghiệm của nhau.
Điều này có thể sẽ rất hữu ích vì Việt Nam và Philippines có một số điểm tương đồng.

AFTA là gì? AFTA trong bối cảnh tự do hóa mậu dịch trên toàn cầu.?
AFTA đại diện cho sự cố gắng của ASEAN trong việc biến khu vực thành một trung
tâm thương mại và đầu tư lớn của thế giới trong vòng 15 năm tới. Hội đồng AFTA gồm
mỗi nước thành viên một đại diện và Tổng thư ký ASEAN, có nhiệm vụ giám sát, điều
phối và xem xét việc thực hiện những thỏa thuận và giúp đỡ các bộ trưởng kinh tế
ASEAN trong tất cả các vấn đề có liên quan.
Mục tiêu của AFTA là tự do hóa thương mại trong các nước ASEAN thông qua việc
giảm đến mức tối thiểu các biểu thuế trong khu vực và xóa bỏ các hàng rào phi thuế
quan, thu hút đầu tư nước ngoài vào khu vực và khuyến khích các ngành kinh tế
ASEAN có một định hướng rộng hơn và mang tính thị trường khu vực hơn cho các nền
kinh tế trong lĩnh vực sản xuất và thị trường.
Chương trình thuế quan ưu đãi hiệu lực chung (CEPT) là một khâu quan trọng trong
việc thực hiện những mục tiêu của AFTA. Nó đưa ra một biểu từng bước cắt giảm thuế
và xóa bỏ hàng rào phi thuế quan đối với tất cả các loại hàng hóa, trừ những sản phẩm
nông nghiệp sơ đẳng. Biểu thuế phải được giảm xuống còn 0 - 5% trong vòng 15 năm kể
từ 1/1/1993. Những mức thuế trên 20% sẽ phải giảm xuống còn ít nhất là 20% trong
vòng 8 năm.
Chương trình CEPT bao gồm tất cả các loại hàng hóa chế tạo kể cả các vật liệu cơ bản
và các sản phẩm nông nghiệp đã qua chế biến. Một khi mức thuế của một loại hàng hóa
nào đó được giảm xuống 20% hay thấp hơn, thì thành viên của ASEAN có thể nhận
được mức giảm thuế thấp hơn nữa từ các nước ASEAN khác.
Trong chương trình CEPT có 2 loại loại trừ: danh mục loại trừ hoàn toàn và danh mục
loại trừ tạm thời. Danh mục loại trừ hoàn toàn bao gồm các loại hàng hóa không thể
đưa vào trong chương trình CEPT. Nó bao gồm các loại sản phẩm nông nghiệp thô hay
chưa qua chế biến và các loại hàng hóa tương tự đã được chế biến sơ qua. Danh mục
này còn bao gồm các loại hàng hóa có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, đạo đức xã hội,
bảo vệ cuộc sống và sức khỏe con người, động thực vật, và vật phẩm có giá trị lịch sử,
nghệ thuật và khảo cổ học.
Danh mục loại trừ tạm thời bao gồm những mặt hàng nhạy cảm mà một thành viên
ASEAN cho rằng chưa đủ điều kiện cho vào chương trình. Danh mục hàng hóa loại trừ
tạm thời sẽ được xem xét lại vào năm 2000 để có thể đưa ra quyết định cuối cùng cho
danh sách loại trừ.
Theo nguyên tắc "6-X" (6 thành viên trừ 1) (nay là 7 - 1) một thành viên của ASEAN có
thể loại bỏ bất kỳ sản phẩm nào trong danh mục CEPT, khi cảm thấy sản phẩm đó
chưa đủ điều kiện để được tính đến trong CEPT.
Thành viên đó cũng có thể hoãn lại các chương trình ưu đãi thuế cho các thành viên
khác, nếu như các chương trình ưu đãi thuế này gây ra những tổn thương nghiêm trọng
trong việc dự trữ tiền tệ. Một thành viên có thể áp đặt chế độ hạn ngạch hay thậm chí
cả những hạn chế phi thuế quan như giấy phép, các biện pháp hành chính và những yêu
cầu hạn chế nhập khẩu theo những điều khoản của GATT.

Xúc tiến việc hình thành AFTA

Tại hội nghị các Bộ trưởng kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 26 họp tại Chiangmai vào
tháng 9/1994, ASEAN đã quyết định xúc tiến việc thành lập AFTA trong vòng 5 năm, từ
1/1/2003, thay cho hạn cuối cùng trước đây quy định là năm 2008. Mục tiêu này sẽ giúp
cho ASEAN tiến nhanh hơn trong các thỏa thuận thương mại tự do đã được phác thảo
trong GATT và APEC. Để thực hiện mục tiêu này, một số các biện pháp thúc đẩy đã
được thông qua, bao gồm :
1. Thỏa thuận chuyển các mặt hàng trong "danh mục loại trừ tạm thời" của chương
trình CEPT - AFTA sang "danh mục cắt giảm" trong vòng 5 năm kể từ 1/1/1995, cứ
mỗi năm chuyển sang 20%.
2. Thỏa thuận thành lập một bộ phận AFTA
trong ban thư ký ASEAN để giải quyết các tranh chấp thương mại giữa các nước thành
viên..
3. Thỏa thuận về việc đưa các loại sản phẩm nông nghiệp chưa qua chế biến vào trong
chương trình CEPT.
Phù hợp với những thỏa thuận đạt được trong vòng đàm phán Uruguay, hội nghị AEM
tại Chiangmai cũng quyết định:
1. Xây dựng một hiệp định khung về hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ.
2. Mở rộng hợp tác trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong những lợi ích
công cộng và năng lượng.
3. Xây dựng một hiệp định khung của ASEAN về sở hữu trí tuệ.

Chính sách hạn chế số lượng và các loại hàng rào phi thuế quan khác.

Ngoài việc cắt giảm thuế, các thành viên ASEAN còn có mục đích loại bỏ các chính sách
hạn chế số lượng như: quota đối với tất cả các loại hàng hóa trong chương trình CEPT.
Các nước thành viên cũng có ý định bãi bỏ tất cả các loại hàng rào phi thuế quan khác
(NTBs) trong vòng 5 năm mà theo như một nghiên cứu của dự án Đầu tư tư nhân và các
cơ hội thương mại (PITO) thì đó là vật cản thương mại lớn nhất ở ASEAN. NTBs theo
nghiên cứu của PITO thì bao gồm hỗ trợ tín dụng tài trợ nghiên cứu và phát triển, khấu
hao tăng dần và các chính sách thuế ưu đãi đã tạo ra những rào chắn xâm nhập thị
trường gián tiếp thông qua những ảnh hưởng của chúng tới mức giá. Các loại NTBs
khác bao gồm quota, các loại quy định về giấy phép, các tập quán buôn bán của Nhà
nước, những yêu cầu về tiền đặt cọc trước, những ảnh hưởng của môi trường và yêu
cầu kỹ thuật.
Các loại NTBs đặc biệt được nhắc tới trong bản nghiên cứu bao gồm : các vấn đề có liên
quan tới hải quan ở Indonesia, Thái Lan và Malaisia, các thủ tục hành chính cồng kềnh
ở Indonesia và Malaisia, các tiêu chuẩn về sức khỏe, vệ sinh và an toàn ở Singapore các
quy định kiểm soát ngoại hối ở Philippines.

Những ảnh hưởng có thể xảy ra đối với các nước ASEAN

Một nghiên cứu do nhóm chuyên gia được ủy ban thường trực ASEAN bổ nhiệm tiến
hành đã chỉ ra rằng thậm chí nếu không có AFTA thì 50% số lượng thuế ưu đãi trong
nội bộ ASEAN cũng sẽ làm lợi rất nhiều cho tất cả các thành viên ASEAN. Nhưng dù
sao thì mọi thành quả và các ảnh hưởng tích cực sẽ tăng nhiều hơn khi tham gia vào chế
độ AFTA-CEPT. Xuất nhập khẩu trong nội bộ ASEAN sẽ tăng rất nhanh và sự tăng
trưởng trong buôn bán sẽ được phân phối đồng đều.
Theo như nghiên cứu này thì mức tăng trưởng nhập khẩu trong nội bộ ASEAN sẽ tăng
khoảng từ 40% (đối với Malaysia) đến 70% (đối với Thái Lan). Nhập khẩu của
Singapore sẽ tăng mạnh bởi vì Singapore đã có mức thuế ban đầu gần như là 0%.
Trong khi đó một tỷ lệ đáng kể trong mức tăng trưởng này sẽ là từ việc buôn bán với
các nước không thuộc khối ASEAN và một tỷ lệ lớn hơn sẽ xuất phát từ việc buôn bán
do AFTA tạo ra.
Tổng số lượng xuất khẩu của ASEAN sẽ tăng khoảng từ 1,5% (đối với Singapore) đến
5% (đối với Thái Lan) và tăng ít hơn đối với các nước thành viên khác, do khu vực tự
do hóa mậu dịch tạo ra. Không giống như trường hợp nhập khẩu, mức tăng xuất khẩu
sẽ không có hại cho việc xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới. Nói cách khác, các
thành viên ASEAN sẽ tiếp tục xuất khẩu thêm nhiều sản phẩm sang EC, Mỹ, Nhật và
các nước NICs.
Hơn nữa, một khu vực thương mại phát triển sẽ có ảnh hưởng tích cực tới việc phân bổ
các hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp giữa các nước thành viên ASEAN. Nhưng sẽ
không có một nước nào bá chủ khu vực. Bản báo cáo đã chỉ ra những ảnh hưởng có khả
năng xảy ra đối với mỗi nước thành viên ASEAN như sau:
Indonesia : Sự tăng trưởng sản xuất toàn diện đáng kể nhất sẽ diễn ra trong các ngành
cần nhiều đến sức lao động và tài nguyên như ngành dệt, các sản phẩm gỗ, giấy và các
sản phẩm chế tạo khác. Các ngành hàng suy giảm sẽ bao gồm: thực phẩm, các sản
phẩm phi kim loại và các phương tiện giao thông.
Malaysia : Các thành tựu công nghiệp phần lớn tập trung vào các ngành cần nhiều sức
lao động như may mặc, các sản phẩm gỗ và các ngành sản xuất máy móc cần nhiều vốn.
Các ngành hàng suy giảm sẽ bao gồm : thực phẩm, kính và các sản phẩm kính và phi
kim loại.
Philippines : Mức tăng sản lượng tập trung chủ yếu ở các loại sản phẩm cần nhiều vốn
đầu tư như các sản phẩm chế tạo phi kim loại, các loại máy điện và phi điện. Các sản
phẩm gỗ, hóa chất công nghiệp và các mặt hàng chế tạo sẽ có thể giảm đi đôi chút.
Singapore : Sản xuất sẽ tăng trong các ngành công nghiệp nặng như công nghiệp hóa
chất, sắt, thép, các phương tiện vận tải. Một vài ngành công nghiệp sử dụng nhiều sức
lao động như dệt, may mặc sẽ giảm.
Thái Lan : Quy mô sản xuất sẽ được mở rộng trong các ngành chế biến thực phẩm, sản
phẩm da, các sản phẩm kim loại và phi kim loại và các loại máy điện. Các sản phẩm gỗ,
máy móc và các sản phẩm công nghiệp cao cấp sẽ giảm. Theo chương trình AFTA, một
vài ngành hàng được dự đoán sẽ mang lại lợi nhuận, còn các ngành khác sẽ bị suy giảm.
Điều này phụ thuộc rất nhiều vào cơ cấu ngành và tính hiệu quả của từng ngành trong
mỗi quốc gia.
Chúng ta đều quan tâm theo dõi xem những dự đoán trên sẽ diễn ra như thế nào khi có
thêm sự tham gia của Việt Nam và thậm chí cả Lào, Campuchia và Myanmar.
Bản nghiên cứu trên còn chỉ ra rằng nếu tự do thương mại trong nội bộ các nước
ASEAN gắn liền với việc mở rộng hợp tác trên lĩnh vực công nghiệp và phối hợp trong
các chính sách có liên quan đến công nghiệp và thống nhất việc tiêu chuẩn hóa, thì lợi
ích của các thành viên ASEAN còn lớn hơn nhiều.
Cuối cùng bản nghiên cứu kết luận rằng AFTA sẽ tăng cường hỗ trợ, giảm bớt các khó
khăn về tài chính và cơ sở hạ tầng, củng cố cơ chế hành chính hỗ trợ cho thương mại.
Đối với trường hợp của Việt Nam, Việt Nam cũng sẽ có lợi thế kể trên khi Việt Nam sắp
xếp điều chỉnh lại các chính sách kinh tế của mình cho phù hợp với các nước thành viên
khác và thiết lập một cơ cấu cơ sở hạ tầng cơ bản.

Những thông tin mới về AFTA

Theo tài liệu của Ban thư ký ASEAN, việc tăng cường hợp tác kinh tế và việc thực hiện
các sáng kiến mới nhằm làm giảm chi phí sản xuất và giao dịch trong khu vực sẽ làm
buôn bán tăng nhanh trong nội bộ cũng như bên ngoài các nước ASEAN. Như vậy sẽ
biến khu vực ASEAN không chỉ thành một khu vực hoạt động hấp dẫn mà còn trở
thành một thị trường hấp dẫn. Sự hội nhập của Việt Nam sẽ làm tăng thêm vai trò kinh
tế này của khu vực. Xuất khẩu các sản phẩm CEPT trong nội bộ ASEAN sẽ tăng
18,68% trong giai đoạn từ 1994-1995, có nghĩa là tăng từ 47,4 tỷ USD lên 56,3 tỷ USD.
Xuất khẩu các sản phẩm CEPT và các sản phẩm không thuộc CEPT trong nội bộ
ASEAN sẽ tăng lên 19,77%, từ 57,5 tỷ USD lên 68,8 tỷ USD trong cùng khoảng thời
gian. Các lĩnh vực sản xuất máy móc các thiết bị cơ khí, các thiết bị điện và âm thanh sẽ
chiếm tỷ trọng lớn nhất trong buôn bán nội bộ ASEAN khoảng 58,2% trong năm 1995.
Tỷ lệ buôn bán trong nội bộ ASEAN tính trong toàn bộ kim ngạch buôn bán của
ASEAN giảm xuống còn 19,8% trong năm 1995 trước đó là 20,2% trong năm 1994.
Trong năm 1995 và 1996, ASEAN tập trung chủ yếu vào các biện pháp hỗ trợ thương
mại và mở rộng khu vực tự do mậu dịch bằng việc Việt Nam tham gia vào hiệp định
CEPT. Bước đầu việc hỗ trợ thương mại tập trung vào việc loại bỏ hàng rào phi thuế
quan và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hải quan chủ yếu tập trung vào 3 vấn đề trọng
điểm: lập các danh mục thuế, hệ thống cách định trị giá hải quan và các thủ tục hải
quan.
Tổng số các mặt hàng nằm trong Danh sách cắt giảm thuế hiện nay là 45.609 mặt hàng -
chiếm khoảng 94% tổng số mặt hàng của ASEAN. Hiện nay các nước ASEAN đang
chuẩn bị cho quá trình cắt giảm thuế được bắt đầu từ ngày 1/1/1997 và Danh mục các
sản phẩm được nằm trong Danh sách loại trừ tạm thời. Các sản phẩm nông sản chưa
qua chế biến (UAPs) chiếm một tỷ lệ lớn - khoảng 68% sẽ được đưa vào chương trình
cắt giảm thuế trong giai đoạn bắt đầu từ năm 1999 và kết thúc vào năm 2003.
Một số ít các mặt hàng nông sản nhạy cảm sẽ được đưa vào chương trình CEPT từ ngày
1/1/2010.

AFTA có ý nghĩa gì đối với Philippines

Khu vực mậu dịch tự do ở ASEAN có tác dụng xóa bỏ các trở ngại để mở rộng hơn nữa
buôn bán giữa các quốc gia thành viên. Chương trình này bao gồm việc xóa bỏ các mức
thuế cao đối với các loại hàng hóa buôn bán, loại bỏ chính sách Hạn chế số lượng nhập
khẩu. Đồng thời, mỗi thành viên sẽ có quyền được tự do áp đặt mức thuế cho hàng nhập
khẩu từ các nước không thuộc ASEAN.
Một thị trường rộng lớn hơn : Đối với các nhà xuất khẩu và sản xuất tiềm năng thì
AFTA ngay lập tức trở thành một thị trường rộng lớn hơn với hơn 420 triệu người tiêu
dùng thay thế cho thị trường nội địa nhỏ bé với 65 triệu dân Philippines.
Đầu vào rẻ hơn : Với mức thuế thấp áp dụng cho các sản phẩm của ASEAN, các nhà
sản xuất trong nước có thể mua được các nguồn vật liệu rẻ hơn dùng cho đầu vào sản
xuất từ các nhà cung cấp trong khu vực ASEAN.
Đầu tư nhiều hơn : Vì thị trường ASEAN rộng hơn và vì nguồn cung cấp nguyên vật
liệu cũng rẻ hơn, Philippines sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trong nước
và nước ngoài. Điều này có nghĩa là sẽ có thêm nhiều liên doanh mới, nhiều luồng phân
phối mới và nhiều công nghệ mới và tốt hơn.
Tính hiệu quả lớn hơn : AFTA là một bước tiến hướng tới tính hiệu quả toàn cầu bởi vì
các nhà sản xuất trong nước sẽ phải đối mặt với những sức ép cạnh tranh của hàng hóa
nhập khẩu.

Đối với Việt Nam, Việt Nam cũng sẽ có được những lợi ích kể trên và việc tham gia vào
AFTA sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi Việt Nam sang một cơ chế kinh doanh cởi mở
và tự do hơn góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới cùng với
các nước ASEAN khác.

AFTA và tự do thương mại ở Philippines

Kế hoạch phát triển trung hạn của Philippines (MTPDP) xác định rõ phương hướng
phát triển kinh tế trung hạn của chính phủ Ramos. Chính phủ Ramos cũng chỉ ra rằng
mục tiêu phát triển tổng thể là nâng cao chất lượng sống người dân Philippines bằng
cách trao quyền lãnh đạo cho nhân dân. Các mục tiêu kinh tế vĩ mô đề ra cho năm 1998
bao gồm: thu nhập tính theo đầu người đạt ít nhất 1000$, mức tăng trưởng GNP và
GDP đạt ít nhất là 10%, giảm tỷ lệ đói nghèo xuống còn 30%.
Khi quyết định trao quyền lực cho nhân dân, chính phủ Ramos đã có một cam kết rõ
ràng với kinh tế thị trường tự do : "Công cuộc phát triển sẽ được xuất phát từ những
khởi đầu kinh tế thị trường của mọi cá nhân, cộng đồng, hộ gia đình, công ty, hợp tác xã
hay một đơn vị chính quyền địa phương trong một hệ thống thị trường hoạt động hiệu
quả". Kế hoạch này đề ra 3 chiến lược lớn nhằm cụ thể hóa quyền lực của nhân dân.
1. Phát triển nguồn nhân lực - có nghĩa là trong bối cảnh phát triển chung toàn xã hội,
nói lên nhu cầu cho một đội ngũ lao động lành nghề với phẩm chất lao động thực sự và
một tầng lớp doanh nghiệp có khả năng nắm bắt nhanh nhạy cơ hội và thúc đẩy công
nhân làm việc có năng suất cao hơn.
2. Sức cạnh tranh quốc tế, điều này có nghĩa là khả năng sản xuất ra những sản phẩm và
dịch vụ ở cấp quốc tế sẽ buộc Philippines phải loại bỏ các chính sách thương mại và
công nghiệp bảo hộ các ngành sản xuất trong nước tới mức khuyến khích sự không có
hiệu quả.
3. Phát triển bền vững : Nhà nước thực hiện vai trò của người chăm sóc môi trường
nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho thế hệ hiện tại mà không phải hy sinh lợi ích
của thế hệ sau này.
Công việc quản lý hiện nay là tiếp tục thực hiện chương trình cải cách thương mại được
bắt đầu từ thập kỷ 80 đã được Chính phủ Aquino thông qua và xúc tiến. Thực chất,
Chính phủ Ramos đang cố gắng đạt được một biểu thuế thấp chung cho phù hợp với
các thông số mà Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) đã đề ra. WTO yêu cầu tất cả các
nước thành viên giảm các hàng rào thương mại xuống còn 0-5% vào năm 2004.
Chính phủ cũng đã cắt giảm mức thuế đối với hàng linh kiện thiết bị sản xuất xuống
còn 3-10%. Thuế đánh vào hàng may mặc, dệt và nguyên liệu dệt cũng đã được cắt
giảm.
Năm 1995 chính phủ đã thực hiện việc sửa đổi lại mức thuế các mặt hàng còn lại trong
Bộ luật Thuế và Hải quan. Mức thuế dành cho các nguyên liệu thô không được sản xuất
trong nước đã giảm xuống còn 3% vào năm 1999.
Thuế dành cho mặt hàng thành phẩm sản xuất trong nước sẽ vẫn được giữ ở mức hiện
nay cho đến năm 1997, và sau đó sẽ giảm xuống còn 10% vào năm 2003 trước khi thông
qua mức thuế chung 5% vào năm 2004.

Cố gắng sớm xóa bỏ bảo hộ mậu dịch

Với những lợi ích khả thi mà nền kinh tế mở cửa mang lại, Chính phủ Philippines, sau
vài năm áp dụng chính sách bảo hộ, cuối cùng cũng đã thực hiện một chính sách từng
bước tự do mậu dịch bắt đầu từ năm 1981. Chương trình này bao gồm 2 phần chính: 1)
Giảm và hợp lý hóa sự bảo hộ thuế; 2) Xóa bỏ hạn chế số lượng nhập khẩu.
Để phù hợp với chương trình đó, Chính phủ đã ban hành cắt giảm thuế (TRP) và đặt
nền tảng cho kế hoạch tự do nhập khẩu (ILP). Kế hoạch này đã dần loại bỏ mọi hình
thức của giấy phép nhập khẩu bắt đầu từ hàng hóa kém nhạy cảm nhất, với mục đích
không gây ra sự nhập khẩu tràn lan. Kết thúc vào năm 1985, TRP đã đạt được các
thành quả sau: 1) Giảm tỷ lệ thuế tối đa của mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu và mặt
hàng tiêu dùng không phân loại từ 100% xuống còn 70%; 2) Nâng mức thuế tối thiểu từ
0-5%; 3) Giảm mức thuế từ 14% xuống còn 10%.

Phát triển dựa trên những thành quả cải cách thương mại

Trong một phạm vi nhất định nào đó thì Chính phủ Aquino đã tiếp tục các cải cách
thương mại được thông qua năm 1981. Tuy nhiên các cuộc cải cách đã tập trung nhiều
vào vấn đề xóa bỏ hạn chế nhập khẩu và hạn chế số lượng thông qua đánh thuế. Dưới
chinh quyền Aquino, kế hoạch tự do thương mại đã được thực hiện trong hai giai đoạn.
Trong giai đoạn 1, xóa bỏ kiểm soát nhập khẩu đối với các mặt hàng mà ngành công
nghiệp tiêu thụ nhiều như là đầu vào. Giai đoạn 2 : xóa bỏ kiểm soát nhập khẩu đối với
hơn 156 mặt hàng nữa.
Chính quyền Aquino đã tự do hóa được
1488 mặt hàng nhập khẩu và tính từ năm 1981 đã nâng tổng số lên 2487 mặt hàng. Cuối
năm 1991, khoảng 4272 mặt hàng của Bảng tiêu chuẩn xếp loại hàng hóa Philippines đã
được tự do hóa. Hạn chế số lượng nhập khẩu đối với phần lớn 206 mặt hàng còn lại đã
nằm trong kế hoạch xóa bỏ hoặc thay thế bằng thuế. Khoảng 60 mặt hàng còn lại sẽ
được liệt vào danh sách những mặt hàng được bảo hộ vì lý do sức khỏe, an toàn và an
ninh quốc gia. Những mặt hàng này bao gồm hóa chất dùng cho sản xuất chất nổ, các
loại chất độc và các phụ tùng xe cộ thuộc chương trình phát triển xe tải nhỏ.
Dưới chính quyền Aquino mức thuế danh nghĩa gần như không thay đổi, mặc dù cũng
có cắt giảm thuế chút ít.
Năm 1989, các nhà hoạch định chính sách của chính phủ đã đưa ra một chương trình
cải cách thương mại mới thông qua Lệnh điều hành (EO) số 413. Chương trình này chỉ
đưa ra 4 mức thuế :
1) Một mức thuế tối thiểu là 3% cho hàng nguyên liệu thô.
2) 10% cho hàng nguyên liệu thô đã qua chế biến.
3) 20% cho hàng trung gian. 4) 30% cho hàng thành phẩm.
Theo chính sách mới này thì 4026 (khoảng 65%) trong tổng số 6192 biểu thuế sẽ phải
điều chỉnh lại và sẽ có nhiều thay đổi trong các ngành hóa chất, máy móc và giao thông
vận tải. Mục tiêu cơ bản của chính sách này là cắt giảm tỷ lệ thuế đối với mặt hàng
nguyên liệu thô, các mặt hàng trung gian và thành phẩm (riêng đối với mặt hàng thành
phẩm sẽ giảm thuế nhiều nhất). Các ngành công nghiệp trước đây phải nhập khẩu đầu
vào và ít phải cạnh tranh với hàng thành phẩm nhập khẩu sẽ có lợi nhất trong chương
trình cải cách thương mại này. Mặt khác, các ngành công nghiệp trước đây phải cạnh
tranh với hàng thành phẩm nhập khẩu và phải phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu đầu
vào sẽ bị thiệt thòi nhiều nhất.
Các ngành công nghiệp địa phương nhận thấy rằng cuộc cải cách thương mại rất quyết
liệt và sợ sẽ gây xô lệch trong ngành công nghiệp. Vì vậy, Tổng thống Aquino đã ký một
lệnh điều hành khác nhằm sửa đổi EO-413. Chương trình sửa dổi (EO470) đưa ra một
thời hạn 4 năm các biểu thuế quá độ để các ngành công nghiệp địa phương có đủ thời
gian điều chỉnh lại và đổi mới. Cuối khoảng thời gian điều chỉnh đó, mức thuế danh
nghĩa trung bình sẽ giảm xuống còn 20% so với trước đây là 28%. Năm 1995, khi
chương trình được hoàn tất thì cơ cấu thuế được giảm xuống còn 4 mức thuế: 3%;
10%; 20% và 30%.
Mặc dù phần lớn các mức thuế đã được cắt giảm nhưng thuế đánh vào các mặt hàng
như thịt, cá và các sản phẩm về cá, hàng may mặc, dệt, thủy tinh, dụng cụ gia đình, các
thiết bị truyền thống và vô tuyến cùng các loại hàng tiêu dùng khác vẫn được giữ ở mức
40 đến 50%. Khoảng 200 loại sản phẩm được coi là sản phẩm chiến lược sẽ vẫn bị tính
50% thuế. Trong số đó phải kể đến những mặt hàng như hoa tươi, các loại hoa quả tươi
và khô sẵn có ở trong nước, lúa gạo, nước hoa quả, rượu vang và rượu mạnh, thuốc lá,
mỹ phẩm, túi xách và va li, các loại phụ liệu may mặc bằng da, da lông thú, gỗ ép và gỗ
dán, đồ gốm sứ trang trí, mật và các loại kẹo (kể cả các loại sô-cô-la thanh). Thêm vào
đó một số mặt hàng hiện đang được xếp vào hàng hạn chế số lượng nhập khẩu sẽ bị
đánh thuế cao khoảng 75 hoặc 100% khi bỏ hạn chế về số lượng.
Nhìn chung, cơ cấu thuế tác động tới khoảng 94% trong số 5561 mặt hàng bị đánh thuế.
Bản sửa đổi mức thuế áp dụng cho các mặt hàng còn lại trong Bộ luật Thuế và Hải
quan, như đã sửa đổi, đang chờ hoàn tất vào đầu năm 1997.
Chương trình cắt giảm thuế sẽ làm giảm đi một phần đáng kể doanh thu của chính phủ.
Nhưng dù sao, về lâu dài chương trình này sẽ nâng cao tính cạnh tranh và khả năng
xuất khẩu của các ngành công nghiệp nội địa.
Đẩy mạnh xuất khẩu
Để thúc đẩy hơn nữa sự tăng trưởng, Chính phủ Ramos đã ban hành nhiều điều luật và
chính sách nhằm khuyến khích ngành công nghiệp xuất khẩu và cạnh tranh trên thế
giới. Các điều luật và chính sách này tập trung vào vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng và
các phương tiện giao thông vận tải, thông tin liên lạc để thành lập mạng lưới nối liền đất
nước với các thị trường xuất khẩu có tiềm năng.
Trong khi đó, Chính phủ cũng ra chỉ thị cho Bộ Thương mại và Công nghiệp đẩy mạnh
việc đa dạng hóa sản phẩm và thị trường để tăng nhiều số lượng xuất khẩu các mặt
hàng hiện có.
Các biện pháp này đều nhằm mục đích giúp đất nước đạt được mức xuất khẩu 50 tỷ
USD vào năm 2000 và một cán cân thương mại thặng dư trong vòng 10 năm. Kế hoạch
này nhằm đạt được mục tiêu duy trì tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu hàng năm ít nhất cao
hơn 5% so với tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu. Điều này cũng có ý nghĩa là mức tăng
trưởng xuất khẩu sẽ đạt mức 25% vào năm 2000.
Đặc biệt Bộ Thương mại và Công nghiệp đang đưa ra một lô mặt hàng xuất khẩu có
tiềm năng đã được sản xuất trong nước nhưng chưa được phổ biến rộng rãi trên thị
trường thế giới. Bộ đã thành công khi đưa lô hàng đầu tiên gồm 14 mặt hàng xâm nhập
vào thị trường xuất khẩu trong 3 năm trước đây. Trong số các mặt hàng phải kể tới đồ
điện tử, may mặc, giầy dép, vật liệu xây dựng, thực phẩm chế biến, đồ gốm, đồ gỗ, đồ
kim hoàn, thủy sản và hoa tươi.
Ngoài những mặt hàng xuất khẩu truyền thống (như dừa và các sản phẩm từ dừa) các
mặt hàng xuất khẩu hàng đầu còn bao gồm chuối tiêu, xoài, tôm hùm, tảo biển, động cơ
phát điện dùng cho ôtô và các phần mềm máy tính.
Đồng và cà phê cũng được coi là những mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng. Các mặt
hàng hiện đang được xuất khẩu dưới dạng thô sẽ được chế biến và tính thêm thuế giá
trị gia tăng.
Bộ Thương mại và Công nghiệp cũng muốn thúc đẩy hơn nữa việc xuất khẩu các sản
phẩm chế tạo hiện đang chiếm 85% tổng số mặt hàng xuất khẩu. Đồng thời, Bộ đã bắt
đầu tiến hành khai thác những thị trường không truyền thống như ấn Độ, Đông âu,
Nam Phi và Trung Đông. Bộ cũng đang tập trung cố gắng mở rộng tối đa tiềm năng của
thị trường ASEAN rộng lớn, với hơn 420 triệu dân.
Xuất khẩu của Philippines tới các nước ASEAN đã được củng cố mạnh mẽ đạt 79%
trong năm 1994. Quyết định đẩy mạnh việc thực hiện khu vực tự do mậu dịch của các
nước thành viên ASEAN đã góp phần đẩy mạnh xuất khẩu thêm một bước nữa.
Các nhà xuất khẩu đều lạc quan vì nhu cầu xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng. Các sản phẩm
của họ được xuất sang 174 quốc gia, 93% trong số đó cho thấy cán cân thương mại
thặng dư. Các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Philippines như thị trường Mỹ, đã
tăng nhu cầu đối với hàng hóa do Philippines sản xuất.
Một môi trường đầu tư thông thoáng
Chính phủ Aquino và Quốc hội đã tạo ra một bước chuyển lớn trong chính sách bảo hộ
hàng hóa của đất nước năm 1990-1991 bằng cách lập ra một bộ luật đầu tư nước ngoài
tự do. Chính phủ nhận thấy rằng để cứu vớt nền kinh tế và vượt qua sự nghèo đói trong
vòng 5-10 năm tới, đầu tư là hết sức cần thiết. Chính phủ cũng cho rằng để thu hút các
nhà đầu tư thì phải có được một môi trường đầu tư phù hợp với các nước ASEAN khác.
Chính quyền đã ban hành Điều luật Cộng hòa số 7042 hay còn gọi là Luật đầu tư nước
ngoài năm 1991, đã đơn giản hóa những thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh ở
Philippines bằng cách yêu cầu các nhà đầu tư mới chỉ cần đăng ký với Sở giao dịch và
chứng khoán (SEC), trừ khi họ đang tìm kiếm sự khuyến khích đầu tư của Hội đồng
đầu tư.
Quan trọng hơn, Điều luật này đã cho phép đầu tư vốn nước ngoài vào doanh nghiệp
nội địa hay sản xuất hàng xuất khẩu bao lâu tùy ý, trừ trường hợp dự án đầu tư đó bị
liệt vào danh sách cấm. Danh sách này gồm 3 phần: "A", "B", "C". Phần A của bảng
danh sách ngăn cấm đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực nhất định do những quy
định của hiến pháp. Vốn nước ngoài không được phép đầu tư vào các lĩnh vực như:
thông tin đại chúng, hợp tác xã, khai thác khoáng sản qui mô nhỏ tận dụng tài nguyên
biển và buôn bán, sản xuất lúa gạo và ngô trừ khi được phép của ủy ban Lương thực
Quốc gia. Phần B bao gồm các hoạt động doanh nghiệp và công nghiệp có liên quan tới
an ninh quốc phòng và ảnh hưởng tới sức khỏe và đạo đức cộng đồng. Phần C bao gồm
các lĩnh vực mà các nhà máy trong nước đã sản xuất đủ. Hiện tại, bảng danh sách này
vẫn còn trống.
Năm 1995, Ngân hàng Trung ương Philippines ban hành một chương trình nhằm tự do
hóa các quy định thị trường ngoại hối để nâng cao khả năng cạnh tranh trong xuất
khẩu thu hút vốn tư nhân vào hệ thống chính thức, hoàn thiện tự do hóa trong luật đầu
tư nước ngoài và thực hiện một tỷ giá hối đoái theo hướng thị trường. Chương trình này
đã xóa bỏ thủ tục nộp lại các hóa đơn đổi tiền, cho phép các nhà xuất khẩu giữ lại
những khoản tiền đôla thu được và sử dụng chúng với bất kỳ mục đích gì, nới lỏng các
quy định của ngân hàng về các khoản gửi ngoại tệ và về việc chuyển lợi nhuận và cổ tức
mang ra khỏi đất nước vì mục đích du lịch hay mục đích khác, và cho phép tự do mua
bán và sử dụng ngoại tệ.
Sau khi tự do hóa các giao dịch trong tài khoản, các hạn chế về vốn cũng được nới lỏng.
Các hạn chế trước đây về luồng ra vào của vốn nước ngoài đã được hủy bỏ, trong khi
đó hạn mức vốn đầu tư của các công dân Philippines ở nước ngoài được tăng lên. Các
quy định về cho vay quốc tế của các công ty tư nhân trong nước và của nhân dân đã
được đổi mới, mặc dù vẫn còn phải được các tổ chức tiền tệ thông qua trước hết.
Chương trình này đã đem lại những kết quả hết sức khả quan và nhanh chóng. Năm
1991, dự trữ ngoại tệ tăng 3 tỷ USD đạt mức 4,5 tỷ USD. Luồng đầu tư tăng mạnh và
thêm nhiều luồng chuyển tiền vào hệ thống ngân hàng chính thống. Số lượng giao dịch
hàng ngày trên thị trường tiền tệ tăng lên 10-20 tỷ, so với 10 năm trước chỉ có khoảng 1
triệu đôla/ngày.

Luật BOT (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao)

Bộ luật gốc về Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao được hình thành vào tháng 7/1990.
Bộ luật này quy định các nhà thầu tư nhân có thể đảm nhận một công trình xây dựng
bao gồm vấn đề tài chính, vận hành và bảo dưỡng cơ sở hạ tầng. Nhà thầu này sẽ điều
hành công trình trong một khoảng thời gian nhất định, trong khoảng thời gian đó nhà
thầu được phép thu đúng mức các loại phí để bù đắp hoạt động và bảo dưỡng, đầu tư
vào công trình với mức thu hồi thỏa đáng. Chính quyền quốc gia và địa phương sẽ đảm
nhận trách nhiệm quản lý thiết bị cơ sở hạ tầng khi kết thúc thời hạn quy định và thời
hạn đó không vượt qua 50 năm.
Luật BOT sau đó đã được sửa để nới rộng các thỏa thuận về thầu khoán của khu vực tư
nhân trong các dự án về cơ sở hạ tầng. Bộ luật BOT mới sửa đổi cho phép ít nhất 9 thể
loại thuộc BOT như: Xây dựng - Chuyển giao (BT); Xây dựng - Cho thuê - Chuyển giao
(BLT); Xây dựng - Sở hữu - Hoạt động (BOO); Phục hồi - Hoạt động - Chuyển giao
(ROT)...
Luật BOT mới còn đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận thu được theo giá thị trường - những tỷ lệ
phản ánh chi phí vốn đầu tư của Philippines và các nước khác trên thế giới bỏ ra, sẽ
được ưu tiên tính đến thông qua quá trình đấu thầu. Bộ luật mới còn cho phép tự đề
nghị đề xuất.
Tính cho đến tháng 5/1995, có ít nhất 36 dự án BOT được xây dựng đem lại hơn 6 tỷ
USD. Con số này chiếm khoảng hơn 50% tổng số vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong
giai đoạn 1994-1998. Nhiều dự án trong số đó là các dự án về cơ sở điện lực.

Tăng thêm thời gian thuê đất

Điều luật thuê dành cho các nhà đầu tư năm 1993 đã tăng thời hạn được phép thuê đất
lên 50 năm, thay cho trước đây là 25 năm. Còn đối với các nhà đầu tư xây dựng các cơ
sở công nghiệp, nhà máy, các công xưởng lắp ráp và chế tạo, các nhà máy công - nông
nghiệp sẽ được hưởng thời hạn là 75 năm. Tất cả các nhà đầu tư tham gia vào việc sử
dụng đất phát triển du lịch (với số vốn đầu tư ít nhất là 5 triệu USD) hay sử dụng đất
cho mục đích thương mại, công nghiệp, hay các ngành sản xuất ưu tiên phát triển đều
có lợi nhờ bộ luật này.

Kế hoạch ưu tiên đầu tư và các biện pháp khuyến khích đầu tư

Đầu tư vào một số lĩnh vực được nêu trong kế hoạch ưu tiên đầu tư sẽ được khuyến
khích. Các lĩnh vực ưu tiên là đầu tư vào các sản phẩm xuất khẩu không truyền thống,
các sản phẩm nông nghiệp chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản phẩm bò sữa. Các ngành
công nghiệp cơ bản như sắt thép, xi măng, khai thác mỏ, hóa chất, chế tạo da và lọc dầu
nếu đặt ở ngoài khu vực thủ đô (thủ đô Manila và vùng ngoại thành) hay trong các khu
quy hoạch nằm trong khu vực thủ đô.
Các ngành công nghiệp cơ khí, cơ sở hạ tầng và dịch vụ, du lịch, nhà cửa, sản xuất hàng
tiêu dùng, hiện đại hóa và phục hồi lại một số ngành công nghiệp bảo tồn và bảo vệ môi
trường sinh thái, các hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học và kỹ thuật, một số
dự án nằm trong khu vực tự trị Hồi giáo Mindanao, một bộ phận của phát triển khu
vực tăng trưởng Đông á Brunei - Indonexia - Malayxia - Philippines (BIMP-EAGA).
Các biện pháp khuyến khích mà ủy ban đầu tư đưa ra bao gồm: miễn thuế thu nhập từ
4-6 năm, cho nợ thuế đối với các thiết bị vật tư nhập khẩu, miễn thuế 10 năm các loại
vật nuôi và giống nhập khẩu, miễn thuế 10 năm cho các loại vật nuôi trong nước và
giống nhập khẩu, đơn giản hóa các thủ tục hải quan dành cho việc nhập các thiết bị phụ
tùng, nguyên liệu thô, các sản phẩm được chế tạo để cung cấp và xuất khẩu, không hạn
chế việc sử dụng các thiết bị ký gửi, thuê các nhân công nước ngoài làm giám sát, kỹ
thuật viên và tư vấn trong 5 năm, áp dụng chế độ cho nợ thuế đối với các khoản thuế
đánh vào nguyên vật liệu thô, các thiết bị, bán thành phẩm dùng cho sản xuất xuất
khẩu, được quyền lưu giữ hàng hóa trong kho để sản xuất và kinh doanh miễn phí nhập
cảng và thuế xuất khẩu, các loại thuế và phí (đặc biệt đối với hàng xuất khẩu không
truyền thống) cho các dự án mới.
Đối với các dự án nằm trong khu vực kém phát triển, sẽ được giảm 100% thuế thu nhập
cho các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng chính và thiết yếu trong suốt quá trình hoạt
động, thêm vào đó sẽ được giảm 100% thuế trả lương trực tiếp cho lao động lành nghề
và không lành nghề. Ngoài ra, những doanh nghiệp đầu tư vào khu vực kém phát triển
muộn hơn được phép là doanh nghiệp 100% sở hữu nước ngoài.

Tình hình hiện tại của nền kinh tế Philippines


Sau những năm đầu thập kỷ tăng trưởng gần như từ con số 0, Philippines không chỉ
đang trên con đường khôi phục, mà còn đang trên bờ của sự bùng nổ. Ba năm qua, sự
phát triển lớn mạnh đã làm biến đổi cái mà trước đây được coi là rọ kín thành một địa
điểm đầu tư hấp dẫn trong khu vực châu A'.
Số liệu từ ủy ban Thống kê Quốc gia (NSCB) đã chỉ ra nhịp độ tăng trưởng trong toàn
bộ nền kinh tế. Trong quý 1 năm 1995, trong toàn bộ nền kinh tế, tổng sản phẩm quốc
nội (GDP) tăng 4,7% so với 3,63% cùng kỳ năm ngoái. Người ta dự tính tốc độ tăng
trưởng trong năm nay sẽ còn tăng nhiều. Năm năm sau mức tăng trưởng trung bình
được ước tính vào khoảng 7-8%.
Nhưng sự tăng trưởng này là do cả đầu tư trong nước và nước ngoài tạo nên. Năm 1994,
ủy ban đầu tư (BOI) thông báo các dự án đăng ký tăng 400%, trị giá 450 tỷ pê-sô
(khoảng 18,49 tỷ USD), so với mức 3,76 tỷ năm 1993. Châu âu, Mỹ, Nhật, Hồng Kông,
Đài Loan và Singapore là những nước đầu tư lớn nhất.
Xuất khẩu của Philippines cũng tăng. Năm 1994, xuất khẩu tăng 19,5%, nhập khẩu đạt
17,9%. Trong quý đầu năm 1995 xuất khẩu tăng 30,35% so với cùng kỳ năm, nói cách
khác tăng từ 3,9 tỷ USD năm 1994 lên 5,09 tỷ USD năm 1995. Trong khi đó nhập khẩu
cũng tăng mạnh, phần lớn trong số đó là các tư liệu sản xuất như máy móc của nhà
máy. Mỹ và Nhật vẫn là những bạn hàng buôn bán lớn nhất với hơn 40% tổng số hàng
được xuất khẩu thẳng tới các nước này. Các thị trường tiêu thụ hàng xuất khẩu
Philippines nằm ở các nước công nghiệp mới như Hongkong, Đài Loan, Singapore và
Hàn Quốc.
Thị trường chứng khoán Philippines trở nên ngày càng hấp dẫn hơn đối với nguồn tài
chính quốc tế. Đầu tư vào cổ phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài tăng 45% từ 1,1 tỷ
USD lên 1,6 tỷ USD trong vòng 12 tháng kể từ tháng 7/1994. Từ 1992 đã có những lời
chào giá công khai đầu tiên trị giá khoảng 1,75 tỷ USD và hiện nay có 1,3 tỷ đang được
thảo luận để mua bán. Thị trường chứng khoán Philippines là một trong những thị
trường thực hiện nhiều giao dịch chứng khoán nhất trên thế giới trong năm 1994 và
1995.
Lần đầu tiên trong 20 năm, Chính phủ Philippines đã đạt được thặng dư trong ngân
sách. Chính phủ đã thu được 214,1 tỷ pê-sô, làm cho ngân sách nhà nước thặng dư 6,7
tỷ pê-sô. Sự tăng giảm thu chi đó đã làm giảm thâm hụt trầm trọng trong khu vực công
cộng.
Trong công cuộc phục hồi kinh tế phải kể đến vai trò lãnh đạo sáng suốt của tổng thống
Fidel V.Ramos. ông không chỉ dựa vào nhiều cuộc cải cách do cựu tổng thống Corozon
Aquino khởi xướng trong nhiệm kỳ 6 năm của bà, mà ông còn đem lại sự ổn định chính
trị và tăng niềm tin của các nhà đầu tư. ông đã đưa đất nước trở lại con đường phát
triển bằng cách tập trung vào các biện pháp phát triển đầu tư và nâng cao tính hiệu
quả.
Trong 3 năm đầu với cương vị là tổng thống, ông đã xóa bỏ tận gốc rễ sự trì trệ lâu đời
của nền kinh tế Philippines trong suốt 30 năm. Hơn bất cứ các vị tổng thống trước, ông
đã làm giảm bớt ảnh hưởng của chính sách bảo hộ và những can thiệp của nhà nước
vào kinh doanh bằng việc triển khai những bước chuyển mạnh dạn theo hướng xóa bỏ
các quy tắc điều lệ, tự do hóa và tư nhân hóa. Thật vậy, tất cả những nhân tố cần thiết
cho một sự phồn vinh lâu dài đã được tạo lập.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Philippines (PCCI) đã bày tỏ lòng tin của mình vào
sự cất cánh của nền kinh tế đất nước. Phòng Thương mại thường xuyên tư vấn cho
chính phủ trong việc thực hiện những cải cách lớn trong cơ cấu, đặc biệt là xóa bỏ
những hạn chế trong giao dịch ngoại hối, tự do hóa thương mại, ban hành Luật đầu tư
mang tính chất thị trường và cởi mở và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Cộng đồng quốc tế cũng đã bày tỏ lòng tin tưởng vào sự phát triển bền vững của đất
nước. Trong bản điều tra nghiên cứu của mình, công ty Solomon Brothers đã dự đoán
rằng công cuộc phục hồi kinh tế của đất nước sẽ còn tiếp tục diễn ra trong suốt năm
1996.
Điều này chỉ ra rằng khác với chu kỳ bùng nổ phát triển trước đây, sự tăng trưởng
ngày càng tăng theo xu hướng đầu tư và xuất khẩu hơn là theo nhu cầu tiêu dùng.

Kết luận

Từ những ý kiến trên đây, tôi muốn các bạn chú ý tới các điểm sau :
1. AFTA sẽ là phương tiện hợp tác kinh tế hữu hiệu hơn trong nội bộ ASEAN.
2. Để tận dụng được các cơ hội và đối phó với những thách thức do AFTA và những
trào lưu tự do hóa mậu dịch đang diễn ra trên toàn cầu như của WTO, các nước thành
viên ASEAN cần phải có những chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trên
toàn cầu để phù hợp với quy mô phát triển kinh tế và tương trợ lẫn nhau.
3. Để đối phó với những thách thức của AFTA, Philippines đã đưa ra những chính sách
tự do hóa thương mại, nâng cao khu vực xuất khẩu và cải thiện môi trường đầu tư của
đất nước. Đối với Việt Nam, ban hành luật mới về đầu tư nước ngoài là một bước tiến
theo hướng này.
4. "Bài học" chính mà Việt Nam có thể rút ra từ kinh nghiệm của Philippines đó là các
chính sách thương mại thông thoáng và một môi trường đầu tư rộng mở để có thể cuối
cùng có lợi cho nền kinh tế của mình. Tuy nhiên Việt Nam vẫn cần cố gắng nhiều để nổi
bật lợi thế so sánh của mình so với các nước thành viên ASEAN khác để tránh những
cạnh tranh có hại trong khi theo đuổi mục đích đôi bên cùng có lợi và trật tự kinh tế hài
hòa trong khu vực.
Với những tiềm năng sẵn có và khả năng thật sự của mình, Việt Nam có thể đối phó
được với những thách thức của AFTA. Rõ ràng là đã sẵn có ý chí chính trị để đạt được
thành công.
Tôi tin tưởng rằng, theo tinh thần đoàn kết của ASEAN, Philippines cũng như các nước
thành viên khác của ASEAN sẽ bằng mọi cách sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam phát triển
kinh tế để có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu./.

http://www.hocvienngoaigiao.org.vn/nr040730095659/nr040730100743/nr050517172414/ns
050523152309

WTO, APEC, AFTA: Một số tác động tới


quá trình

Tác giả: Nguyễn Anh Tuấn.

Một trong những phương hướng cơ bản trong chính sách đổi mới của Việt Nam là Việt Nam
sẽ theo đuổi lợi ích của mình trong khuôn khổ của nền kinh tế thị trường thế giới. Sự phát
triển các thoả thuận thương mại khu vực và toàn cầu sẽ là những yếu tố quan trọng cho việc
định hình sự phát triển kinh tế ở nước ta. Chúng ta đã có những cố gắng rất lớn trong việc
điều chỉnh chính sách trong lĩnh vực ngoại thương và đầu tư nước ngoài phù hợp với nguyên
tắc của khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã tham gia AFTA, và chuẩn bị gia nhập APEC.
Để đánh giá được tác động của WTO, APEC, AFTA đối với quá trình công nghiệp hoá ở Việt
Nam, bài viết sẽ điểm lại một số tình hình hiện nay của ba tổ chức này và từ đó có thể rút ra
một vài kết luận cho quá trình công nghiệp hoá ở nước ta xét trong bối cảnh toàn cầu hoá và
khu vực hoá.

I. Tổng quan về WTO, APEC và AFTA:

1. WTO : Một trong những kết quả quan trọng của cuộc họp Bộ trưởng thương mại các nước
thành viên GATT vào ngày 15/4/1994 tại Marakesh là thay đổi luật lệ và thể chế của GATT
để lập ra WTO. WTO tiếp tục theo đuổi các mục tiêu của GATT tức là tiếp tục tiến hành quá
trình giảm thuế cho các mặt hàng chế tạo ; thuế hoá các hàng rào phi thuế quan đối với các
hàng nông nghiệp để giảm bớt mức độ bảo hộ mậu dịch đối với mặt hàng này. Ngoài ra,
WTO còn thoả thuận những thể chế mới cho các vấn đề sau như : Hàng rào kỹ thuật thương
mại tiêu chuẩn ; nguồn gốc xuất xứ ; những biện pháp bảo hộ và khẩn cấp ; những vấn đề về
vệ sinh, kiểm dịch và môi trường. Điểm mới của WTO so với GATT là WTO đã thoả thuận
được các hiệp định trong các lĩnh vực mới như hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan
đến thương mại (TRIMS) ; quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPs) và hiệp
định chung về thương mại dịch vụ (GATS). Thêm vào đó, hiệp định đa sợi (MFA) trong
GATT được thay bằng hiệp định hàng dệt may (ATC), theo đó tiến trình tự do hoá được tiến
hành trong 10 năm, tức là đến năm 2005 mọi hạn chế về hàng dệt may sẽ được huỷ bỏ.
Kể từ khi chính thức đi vào hoạt động (1/1/1995), WTO đã tổ chức thành công Hội nghị bộ
trưởng thương mại đầu tiên của các nước thành viên (từ ngày 9 - 13/12/1996). Điểm thành
công nhất của Hội nghị là 70 nước thành viên của WTO kiểm soát trên 90% doanh số của thị
trường viễn thông đã thông qua hiệp định công nghệ thông tin (ITA) theo đó 300 sản phẩm
tin học (không tính hàng điện tử dân dụng) sẽ có mức thuế 0% vào năm 2000.
Tuy tiến xa hơn GATT về phạm vi thương lượng cơ cấu tổ chức, lĩnh vực thảo luận, nhưng
WTO cũng vấp phải những vấn đề đa dạng, phức tạp hơn. Vì vậy, WTO vẫn còn là người
trọng tài rất lúng túng trước những tranh chấp thương mại và đầu tư quốc tế.

2. APEC: Có thể nói APEC ra đời đã thúc đẩy quá trình hợp tác kinh tế CA-TBD lên một
bước mới. Nó ủng hộ hệ thống thương mại đa phương bằng cách khuyến khích tất cả các
nước thành viên của mình giảm hàng rào thuế quan đối với thương mại và đầu tư không
những cho các nước thành viên mà còn cho những nước ngoài APEC. Chính phủ các nước
này luôn luôn cố gắng tránh tất cả các thoả thuận mang tính phân biệt dối xử với các nước
không phải thành viên của APEC. Phần lớn các nước thành viên châu A' của APEC đều nhấn
mạnh đến tính chất tư vấn của nhóm với nghĩa là Hiệp hội kinh tế mở hay chủ nghĩa khu vực
mở.
Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư của APEC (tháng 11/1996 tổ chức tại Manila) các nước
APEC để thống nhất kế hoạch hành động Manila (MAPA'96) theo đó lộ trình tự do hoá
thương mại và đầu tư (cho toàn APEC cũng như cho từng nước thành viên) theo khung thời
gian do Hội nghị Bogo đề ra đã được tất cả các nước tán thành và sẽ bắt đầu từ ngày
1/1/1997.
Ngoài thuế quan, MAPA'96 còn có những yêu cầu xoá bỏ những trở ngại phi thuế quan, mở
cửa thị trường nhiều ngành dịch vụ như viễn thông, vận tải, du lịch cho các doanh nghiệp
nước ngoài. Tiến tới thiết lập một hệ thống thuế quan được vi tính hoá liên kết toàn khu vực,
công nhận các tiêu chuẩn kỹ thuật của nhau và có sự minh bạch rõ ràng trong các dự án đấu
thầu của nhà nước (Thời báo kinh tế Việt Nam 4/12/1996). Như vậy, bằng MAPA'96, APEC
đã chuyển từ quan điểm sang hành động và trở thành một thực thể kinh tế hùng mạnh bậc
nhất trên thế giới và sẽ trở thành khối mậu dịch tự do xuyên lục địa đầu tiên trên thế giới.
3. AFTA: Điểm mấu chốt của AFTA là các nước ASEAN cam kết giảm thuế quan cho hàng
nhập khẩu của các nước thành viên theo biểu thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT).
Theo CEPT, một kế hoạch giảm thuế cho hàng nhập khẩu trong phạm vi các nước ASEAN
như sau : a) Chương trình giảm thuế ngay ; b) Chương trình giảm thuế thông thường ; c)
Những sản phẩm tạm thời không nằm trong chương trình giảm thuế; d) Những sản phẩm nằm
trong danh mục hàng nhạy cảm ; e) Những sản phẩm hoàn toàn không bao giờ giảm thuế.
Ngoài CEPT các nước ASEAN còn mở rộng thoả thuận sang các lĩnh vực của WTO. Tại Hội
nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 5 tại Bangkok (tháng 12/1995), các nước ASEAN đã thoả
thuận một hiệp định khung trong lĩnh vực dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, trong Hội
nghị này, các nước ASEAN đã thống nhất với nhau về các tiêu chuẩn kỹ thuật, biện pháp và
quy tắc hành chính; thống nhất thủ tục và đánh giá hải quan. Ngoài ra, Uỷ ban tư vấn
ASEAN về tiêu chuẩn chất lượng (ACCSQ) cũng đã được lập ra để xoá bỏ mọi hàng rào phi
thuế quan liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật.
Đặc biệt ngày 14/6/1997, Bộ trưởng kinh tế các nước ASEAN đưa ra đề nghị soạn thảo tầm
nhìn 2020, theo đó các nước nhất trí với nhau, AFTA sẽ chuyển thành khu vực kinh tế
ASEAN. Đồng thời, khu vực đầu tư tự do ASEAN sẽ được xúc tiến theo hướng phấn đấu
hoàn thành trước năm 2010 nhằm thu hút nhiều hơn FDI trong và ngoài ASEAN.
Lào và Myanma vì mới được kết nạp vào ASEAN vào cuối tháng 7/1997, nên hai nước phải
bắt đầu thực hiện AFTA từ ngày 1/1/1998 và phải hoàn thành AFTA vào năm 2008. Ngoài
ra, hai nước này cũng phải từng bước tham gia các hiệp định đã được các nước ASEAN ký
kết. Tính đến tháng 5/1997, bảy mươi thành viên cũ đã đưa 42.253 mặt hàng nằm trong kế
hoạch giảm thuế nhập khẩu chiếm 91% tổng số các mặt hàng giảm thuế của AFTA. Với việc
kết nạp Myanma vào Lào, 9 nước thành viên sẽ có tổng số 45.119 mặt hàng ở trong kế hoạch
được giảm thuế (Bản tin kinh tế ngày 5/8/1997).

4. So sánh WTO, APEC, AFTA:

Tổ chức Nguyên tắc tự do hoá Mức độ ràng buộc Phạm vi tự do hoá


WTO Tối huệ quốc (có tính chất pháp lý, vi phạm sẽ bị phạt) Bị ràng buộc Thuế quan, phi
thuế quan đối với hàng hoá, dịch vụ và đầu tư
APEC Hành động đơn phương (ít bị ép buộc) Không bị ràng buộc Thuế quan, phi thuế quan
đối với hàng hoá, dịch vụ và đầu tư
AFTA Chế độ ưu đãi (có tính pháp lý, theo công thức 9 - x) Bị ràng buộc trong phạm vi
AFTA Thuế quan, phi thuế quan đối với hàng hoá
Nguồn : Yama zawa, 1997

II. Một số tác động và kiến nghị:

Sự hình thành và hoạt động của WTO, APEC, AFTA đã có những tác động tích cực tới quá
trình công nghiệp hoá của Việt Nam :
1. Việt Nam đã là một thành viên của AFTA kể từ khi chúng ta gia nhập ASEAN vào tháng 7
năm 1995. Bắt đầu từ năm 1996, Việt Nam đã công bố danh sách một số lượng lớn các loại
hàng hoá của ta nằm trong chương trình giảm thuế ngay. Đồng thời, chúng ta đã bắt đầu cắt
giảm thuế cho 875 mặt hàng, trong đó 57% lượng mặt hàng trên đã có mức thuế từ 0-5% rồi,
số mặt hàng đang có mức thuế 20% chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ khoảng từ 17 - 21%. Do đó,
có thể nói chúng ta có thể đáp ứng được yêu cầu của AFTA trong giai đoạn đầu. Tuy AFTA
không có tác động lớn với nguồn thu ngân sách, nhưng lại tác động ngay tới các doanh
nghiệp sản xuất hàng chế tạo của Việt Nam vì phải cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại nhập.
Tuy vậy, cần phải thấy rằng nếu không tính các ngành khai khoáng, tỷ trọng các ngành chế
tạo trong GDP của Việt Nam còn rất thấp, chỉ xấp xỉ 10% và chỉ có 15% trong số để xuất
khẩu được. Trên thực tế, khu vực này vừa mới được hình thành. Bởi vậy, nếu chúng ta buộc
nó phải cạnh tranh với hàng ngoại nhập ngay từ đầu ít ra là trên thị trường nội địa, nó mới có
thể phát triển lớn mạnh không ngừng để vươn ra thị trường quốc tế và mới có thể trưởng
thành được. Khi đó các ngành này sẽ nhanh chóng hội nhập vào thị trường thế giới và cạnh
tranh về chất lượng và giá cả để học hỏi thêm.
Chính vì thế, với mức thuế 5% của AFTA, Việt Nam nên mở rộng đến các sản phẩm từ các
nước không phải là thành viên của AFTA để giúp nền công nghiệp của Việt Nam có được
nguồn hàng rẻ hơn từ các nước khác trên thế giới, vì mục tiêu của ta là làm cho nền công
nghiệp của Việt Nam có thể cạnh tranh được trên thị trường trong nước và quốc tế, do đó,
Việt Nam không nên hạn chế việc nhập khẩu máy móc và nguyên liệu trong phạm vi các
nước thành viên của AFTA. Hơn nữa, Việt Nam nhập khẩu phần lớn công nghệ, tư liệu sản
xuất và nguyên liệu từ các nước ngoài ASEAN, do đó, việc giảm thuế nhập khẩu từ ngoài
ASEAN sẽ làm cho hàng hoá rẻ hơn. Còn nếu chúng ta chỉ mở cửa cho các sản phẩm của
ASEAN, chúng ta đã tự đặt mình trong hàng rào và mất đi cơ hội để có được các nguồn hàng
rẻ hơn từ các nước khác.
Tuy vậy, chính phủ cũng nên để một số lĩnh vực có mức thuế cao để tăng nguồn thu từ thuế
nhập khẩu cho ngân sách chừng nào các nguồn thu khác vẫn chưa đủ.

2. Cùng với quá trình thực hiện AFTA, hiện nay chúng ta đang tích cực để chuẩn bị trở thành
thành viên của WTO và APEC. Do đó, các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ và EU yêu cầu
Việt Nam phải làm tròn trách nhiệm của mình đối với việc ngăn chặn các hành vi giao
thương bất chính và đặc biệt là ngăn chặn việc ăn cắp bản quyền và thực hiện quyền sở hữu
trí tuệ. Mỹ và Việt Nam cũng đã có một thoả thuận về quyền sở hữu trí tuệ. Với thoả thuận
này, Việt Nam cam kết sửa đổi và thi hành luật lệ của mình cho phù hợp với các tập tục quốc
tế, cũng như cam kết sẽ đối xử công bằng giữa người nước ngoài và công dân của nước mình
để bảo vệ quyền lợi của người nước ngoài cũng như bảo vệ quyền lợi của công dân Việt
Nam. Tuy nhiên, theo liên minh quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ, việc thực hiện cam kết của
Việt Nam trong lĩnh vực này không phải hoàn toàn dễ dàng. Trong một bản tường trình đưa
ra đầu năm 1997, Liên minh này mô tả thị trường Việt Nam dường như hoàn toàn bị chi phối
bởi đạo tặc. Các chuyên viên ước tính rằng người Mỹ đã bị thiệt hại về bản quyền khoảng 50
triệu USD trong năm 1996 ở thị trường Việt Nam (trong đó gần 30 triệu USD bị mất trong
chương trình điện toán, 10 triệu USD trong phim ảnh và 10 triệu trong đĩa nhạc, băng nhạc).
Việt Nam đã ban hành bộ luật dân sự với nhiều dấu hiệu tích cực, nhưng nói chung luật lệ
của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm bất cập. Nghị định của Nhà nước không quy định đầy đủ
về nhiều khía cạnh chính như vấn đề đăng ký bản quyền, thi hành luật lệ và biện pháp đòi bồi
thường khi vi phạm.

Đối với Hiệp định TRIMs, Mỹ và các nước phát triển khác đã cụ thể hoá những nội dung của
Hiệp định này và có bổ sung một số khía cạnh cho dễ hoạt động tự do hơn. Chẳng hạn họ yêu
cầu được đầu tư không hạn chế vào các lĩnh vực mà Chính phủ ta quy định cấm. Mọi phương
thức, nội dung, hình thức đầu tư và hợp tác do các doanh nghiệp tự bàn lấy với nhau và tự
quyết định. Nếu ta chấp nhận những đề xuất trong điều khoản này thì Việt Nam phải sửa đổi
một cách cơ bản luật đầu tư nước ngoài của ta vừa mới ban hành tháng 12 năm 1996.

Trong lĩnh vực dịch vụ, các nước cũng yêu cầu Việt Nam phải để các công ty của nước họ
được tham gia không hạn chế và bình đẳng như các công ty Việt Nam trong lĩnh vực này.
GATT trong WTO là một quy định khung để trên cơ sở đó các nước thoả thuận với nhau.
nhưng hầu hết các nước đang phát triển còn e ngại, còn xem xét, còn chờ xây dựng và củng
cố các ngành dịch vụ trong nước, vì thực ra lĩnh vực này là rất mới mẻ đối với các nước đang
phát triển. Đối với Việt Nam, các ngành dịch vụ chỉ mới ở bước sơ khai và rất nhỏ bé, chúng
ta chưa có chiến lược, chưa có định hướng, chưa có cơ sở gì đáng kể. Do đó trong giai đoạn
đầu, tốt nhất, ta chưa nên đề cập đến khu vực này mà chỉ thoả thuận sẽ xem xét khả năng mở
rộng hợp tác từng bước, bởi vì nếu chúng ta chưa kịp ban hành hệ thống pháp lý chặt chẽ thì
việc mở cửa này sẽ rất có hại, đặc biệt đối với các ngành dễ bị tổn thương như bưu chính viễn
thông, du lịch, ngân hàng...

Tiến trình tự do hoá MFA được bắt đầu từ năm 1995, tuy vậy đến nay các nước xuất khẩu
hàng dệt (chủ yếu là các nước đang phát triển) vẫn cho rằng các nước nhập khẩu hàng dệt
(chủ yếu là các nước phát triển) mới chỉ thực hiện tối thiểu những nghĩa vụ do vòng đàm
phán Uruguay đề ra. Mặc dù cả Mỹ, EU và một số nước khác đều cam kết đảm bảo tiến trình
tự do hoá theo các giai đoạn như đã thoả thuận, nhưng trong trường hợp cụ thể, họ sẽ phóng
túng hoặc xiết chặt lại tuỳ thuộc vào sự mở cửa thị trường của các nước đang phát triển cho
các nước phát triển theo những quy định tại vòng đàm phán Uruguay. Đối với Việt Nam,
nhiều nước, đặc biệt là EU đã đình chỉ một thoả thuận về hàng dệt mới đây với ta vì họ nói
Việt Nam không thực hiện đầy đủ lời hứa của mình đối với việc mở cửa thị trường cho hàng
của EU vào. Do đó, EU đã phản ứng lại bằng cách chỉ bắt đầu thực hiện Côta hàng dệt mới
và cao hơn cho Việt Nam chừng nào Việt Nam thực hiện tốt cam kết của của mình mở cửa
thị trường Việt Nam cho hàng dệt của EU vào.

3. Việt Nam phải khẳng định lại cam kết thực hiện tự do hoá thương mại và công bố một
chính sách ngoại thương rõ ràng, lành mạnh, tức là cam kết duy trì môi trường chính sách
thương mại có thể dự báo được. Do đó, Chính phủ Việt Nam nên sớm công bố kế hoạch đơn
phương của mình nhằm đạt được các mục tiêu của AFTA và APEC. Tức là Việt Nam cần
phải công khai lộ trình giảm thuế quan và có các biện pháp cụ thể nhằm giảm hàng rào phi
thuế quan đối với hàng nhập khẩu theo yêu cầu của AFTA. Vấn đề Côta nhập khẩu nên được
huỷ bỏ càng sớm càng tốt trong khi các hàng rào phi thuế quan khác phải được xoá bỏ dần
trong vòng 5 năm, cho dù ta có thể nêu ra rất nhiều lý do xác đáng với các thành viên
ASEAN cho việc chậm xoá bỏ các hàng rào phi thuế quan. Khắc phục những qui chế mập
mờ, không rõ ràng thường bị phức tạp thêm vì hạ tầng cơ sở yếu kém, tệ quan liêu thái quá,
thiếu một hệ thống pháp lý thích hợp và thiếu chế độ sở hữu đất đai, dù rằng đã có cải tiến
nhiều trong vấn đề này. Tính minh bạch không chỉ là đòi hỏi của AFTA, mà còn là đòi hỏi
của APEC, WTO. Nếu chúng ta muốn trở thành hội viên của APEC, WTO thì bắt buộc chúng
ta phải nhanh chóng giải quyết việc này. Hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài thích hình thức
sở hữu 100% vốn của mình chứ không phải liên doanh với các đối tác của Việt Nam chính là
vì tính thiếu minh bạch trong chính sách của ta.

Tóm lại, chúng ta nên xem xét mối quan hệ giữa tự do hoá thương mại và bảo hộ theo hướng:

* Trong các ngành tỷ trọng nhập khẩu đầu vào cho sản xuất càng cao thuế quan càng thấp.
* Tỷ trọng lượng nhập khẩu phục vụ nhu cầu cuối cùng càng cao, thuế quan càng cao.
* Các ngành chiến lược chưa chắc đã được giảm thuế (Chang, 1987, tr. 142-148).

4. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2000, việc nhập siêu của Việt Nam vẫn còn tiếp tục, bởi vì
trong khi ta đưa hàng thủ công nghiệp lên hàng đoàn tầu xuất đi nhiều nước khác nhau suốt
cả năm trời thì kim ngạch cũng chỉ đủ để nhập một hai dây chuyền thiết bị toàn bộ hiện đại
mà khối lượng vận chuyển của chúng chỉ vẻn vẹn trong vài container tầu biển. Hơn nữa, ngay
cả các thiết bị toàn bộ hiện đại nhất nhập về cũng cần phải có một thời gian nhất định mới
chế tạo được những sản phẩm thay thế nhập khẩu. Do đó, vấn đề cơ bản là cơ cấu hàng nhập
khẩu sẽ phải thay đổi như thế nào để nâng cao tối đa hiệu quả của nhập siêu. Bởi vậy, hàng
nhập khẩu là máy móc, thiết bị, công nghệ sẽ tăng tỷ trọng từ 33% hiện nay lên tới khoảng
45% vào năm 2000. Tỷ trọng hàng tiêu dùng sẽ giảm mạnh và dần dần được thay thế bằng
hàng sản xuất trong nước. Thậm chí một số mặt hàng tiêu dùng chúng ta hiện vẫn phải nhập
với khối lượng lớn như xăng dầu, phân bón, đường... đến năm 2000 sẽ không còn phải nhập
nữa, vì khi đó Việt Nam còn có thể xuất khẩu được do sản xuất trong nước được đẩy mạnh.
(Thời báo kinh tế Việt Nam 10/5/1997).

Tóm lại, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng và quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu những mặt
hàng nằm trong danh mục ưu tiên là những biện pháp tích cực nhằm giảm nhập siêu và tăng
cường hiệu quả của công tác điều hành nhập khẩu. Tuy nhiên giải pháp được coi là tích cực
nhất chính là tăng cường xuất khẩu hơn nữa. Muốn thực hiện tốt chiến lược này, phải có
những chính sách ưu tiên cụ thể và thực sự khuyến khích xuất khẩu, đặc biệt lưu ý tới thương
mại vô hình thông qua phát triển dịch vụ du lịch, và vận tải quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh
hoạt động xuất khẩu của khu vực tư nhân cho tương xứng với tiềm năng vốn có của nó. Tư
nhân nắm nhiều đầu mối cung ứng hàng xuất khẩu quan trọng như gạo, cà phê, thuỷ sản...
nhưng họ lại không được phép kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp bất kỳ mặt hàng xuất
khẩu quan trọng nào. Ngược lại các doanh nghiệp tư nhân lại phải xuất khẩu sản phẩm của
mình thông qua các công ty xuất nhập khẩu lớn của nhà nước có quyền giao dịch trực tiếp với
nước ngoài với dịch vụ phí pháp định là 1,5%, song thường họ phải trả cao hơn ở mức 5%
hoặc thậm chí hơn 40%. Như vậy, các nhà chế tạo Việt Nam khó cạnh tranh được trên thị
trường quốc tế. Rõ ràng đứng trước tình trạng bất bình đẳng về đủ phương diện: thuế má
chồng chất, ngân hàng bất hợp tác, luật lệ và thủ tục rườm rà và đôi khi khó hiểu, cộng thêm
các món chi tiêu không thể lường trước được, các công ty nhỏ ở nước ta đã bị kẹt trong vòng
luẩn quẩn, chỉ có một cách lựa chọn duy nhất : 1/ tuân thủ pháp luật để rồi chịu chết; 2/ phá
luật, gian lận để tìm đường tiến thân. Hẳn các doanh nghiệp nhỏ sẽ phải chọn cách thứ hai.
Do đó, có thể nói rằng để công nghiệp hoá đất nước, chúng ta không chỉ phải đối xử công
bằng với cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân, với cả công ty lớn lẫn công ty nhỏ, mà cần có
những chương trình khuyến khích đặc biệt với các công ty nhỏ. Tất cả các công ty cần được
bình đẳng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, mua bán. Trong cả AFTA lẫn APEC đều có chương
trình hợp tác kỹ thuật giữa các công ty tư nhân vừa và nhỏ của các nước thành viên. Chỉ khi
các công ty vừa và nhỏ của nước ta được coi trọng đúng mức thì khi đó mới có thể nói tới
chuyện hợp tác với các công ty vừa và nhỏ của các nước thành viên. Hơn nữa, việc được đối
xử công bằng sẽ giúp xoá bỏ tình trạng tham nhũng đang lan tràn ở nước ta. Chính phủ nên
cấp giấy phép nhập khẩu dựa theo hoạt động xuất khẩu hay thay thế nhập khẩu của công ty
bởi vì chính những công ty xuất khẩu được sản phẩm của mình hoặc sản xuất ra các sản phẩm
thay thế được hàng ngoại nhập, thì khi đó chính các công ty đó đã tạo ra được những hàng
hoá có chất lượng cao và chi phí hạ. Những công ty đó lúc bấy giờ mới đáng được ưu tiên
nhập khẩu để kích thích xuất khẩu những hàng hoá của Việt Nam có sức cạnh tranh trên cả
thị trường trong nước và quốc tế.

5. Luồng FDI vào Việt Nam, ngoài những tác động tích cực, nó cũng là yếu tố gây ra tình
trạng nhập siêu của nước ta. Núp bóng dưới danh nghĩa là những mặt hàng được Nhà nước
Việt Nam khuyến khích nhập khẩu, một số công ty liên doanh đã đưa vào Việt Nam nhiều
máy móc, thiết bị lạc hậu với giá rất cao. Kết quả điều tra 14 xí nghiệp liên doanh năm 1996
cho thấy tổng giá trị thiết bị nhập khẩu khai khống là 11 triệu USD trên tổng giá trị thiết bị
được giám định xấp xỉ 100 triệu USD, nghĩa là chiếm tỷ lệ 11%. Trong khi đó hiện ta có trên
800 xí nghiệp liên doanh, mà phần góp vốn của nước ngoài (chủ yếu bằng máy móc thiết bị)
khoảng gần 4 tỷ USD. Vậy số vốn khai khống đó lên đến bao nhiêu. Đó là chưa kể công nghệ
thiết bị nhà đầu tư nước ngoài đưa vào thường chỉ ở trình độ trung bình của các nước và phần
lớn là những công nghệ thông dụng. Một nghiên cứu gần đây về nhập khẩu công nghệ của
các dự án nước ngoài đã rung chuông báo động vì hầu hết công nghệ đều lạc hậu, cũ kỹ, thậm
chí còn tồi hơn công nghệ hiện đang có ở Việt Nam, do vậy làm tăng chi phí sản xuất, gây ô
nhiễm môi trường và giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế.
Năm 1996, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập 2000 triệu USD mà xuất chỉ được có 780
triệu USD. Như vậy, khu vực này đã nhập siêu khoảng 1220 triệu USD, chiếm trên 31% tổng
lượng nhập siêu của Việt Nam. Những tháng đầu năm 1997, tình hình còn tồi tệ hơn nhiều vì
khu vực này xuất khẩu được 160 triệu USD, trong khi đó nhập đã tới gần 600 triệu USD. Khi
gia nhập APEC và WTO, chúng ta cũng phải tuân thủ những thoả thuận về tự do hoá các
luồng đầu tư. Vậy thì chúng ta phải làm gì với tình trạng này?

Thiết nghĩ, Việt Nam nên đổi mới cơ chế quản lý xuất nhập khẩu hàng hoá của các dự án có
vốn đầu tư nước ngoài theo hướng sau:
* Đối với các dự án nằm trong khu công nghiệp, chúng ta cần có sự phân cấp quản lý, giám
sát cho từng địa phương, ngành hàng xử lý. Chẳng hạn, việc xuất nhập khẩu theo đúng giấy
phép đầu tư và luận chứng kinh tế kỹ thuật đã được phê duyệt thì giao cho phòng xuất nhập
khẩu khu vực như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang, Đà
Nẵng làm thủ tục xuất nhập khẩu.
* Nếu việc xuất nhập khẩu của các dự án đã đi vào hoạt động ổn định, hằng năm chỉ nhập
khẩu nguyên, phụ liệu và xuất khẩu sản phẩm theo đúng luận chứng kinh tế kỹ thuật đã được
phê duyệt thì giao cho Hải quan làm thủ tục xuất nhập khẩu.
* Nếu những hàng hoá liên quan đến những bộ chuyên ngành đã có văn bản chấp thuận,
doanh nghiệp được phép làm thủ tục xuất nhập khẩu trực tiếp với hải quan.
* Bộ thương mại chỉ trực tiếp giải quyết các vấn đề sau:
- Hằng năm duyệt kế hoạch xuất nhập khẩu và tiêu thụ hàng hoá ở thị trường nội địa của các
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
- Duyệt những trường hợp doanh nghiệp xuất nhập khẩu không đúng với giấy phép đầu tư và
luận chứng kinh tế kỹ thuật đã được phê duyệt.
- Phê duyệt các hợp đồng gia công xuất nhập khẩu, duyệt phần nhập khẩu miễn thuế theo luật
đầu tư, duyệt phần xuất nhập khẩu thiết bị cũ.
- Duyệt Cota xuất khẩu nếu có, duyệt việc xuất khẩu những tài sản của bên nước ngoài sau
khi giải thể doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, làm đầu mối kiểm tra việc thực hiện xuất
nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

6. Ngoài ra, kể từ khi nhập siêu xuất hiện trở lại, chúng ta vẫn chưa có những biện pháp hữu
hiệu nhằm giảm đi tổng kim ngạch nhập khẩu, đặc biệt là con đường nhập khẩu không chính
thức.

Một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng kích thích nhập siêu, phá hoại sản xuất trong
nước đó là vấn đề tỷ giá hối đoái. Song song với tốc độ nhập siêu ngày càng nhanh là một
đồng tiền lên giá tới 25%. Với giá nhập khẩu rẻ đi 25% thì mức độ tàn phá trong nước là rất
ghê gớm. Bởi vậy thiết nghĩ Ngân hàng nhà nước cần phải thu mua ngoại tệ một cách hợp lý
để hạn chế sự tăng giá của đồng tiền Việt Nam so với USD.

Một yếu tố khác nữa thúc đẩy nhập siêu đó là việc quản lý nhập khẩu theo con đường tiểu
ngạch còn lỏng lẻo. Theo thống kê của Bộ thương mại lượng hàng tiêu dùng nhập khẩu theo
con đường tiểu ngạch tăng lên không ngừng mà cao nhất là vào năm 1996. Trong số gần 1,5
tỷ USD hàng tiêu dùng nhập khẩu thì nhập khẩu theo con đường tiểu ngạch đã tăng lên tới
700 triệu USD, gần bằng kim ngạch nhập khẩu hàng chính ngạch, mà chủ yếu là nhập lậu từ
Trung Quốc với giá trị là 500 triệu USD. Đó là một con số đáng lo ngại.
Bởi vậy, xu thế tự do hoá mậu dịch theo yêu cầu của AFTA, APEC, WTO sẽ buộc ta phải
thiết lập một biểu thuế nhập khẩu hợp lý, do đó, sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tiến hành
các hoạt động nhập khẩu theo đúng luật pháp quy định mà vẫn có lãi còn hơn là buộc phải
chấp nhận rủi ro buôn lậu hoặc thực hiện các biện pháp gian dối khác mà theo đó phải kéo
theo các chi phí phụ để giảm thuế hoặc trốn thuế.

*Nhanh chóng hội nhập vào các tổ chức kinh tế: WTO, APEC, AFTA là yêu cầu cấp thiết
của nước ta, và là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy công nghiệp hoá đất nước
ta một cách nhanh chóng, tránh được nguy cơ tụt hậu theo như Nghị quyết của Đại hội Đảng
toàn quốc lần thứ VIII đã vạch ra. Muốn vậy, đòi hỏi từng ngành, từng cấp phải có sự chuyển
mình và đổi mới cho phù hợp với những yêu cầu của các tổ chức kinh tế quốc tế này, đồng
thời vẫn bảo đảm được quyền lợi của đất nước. Thêm vào đó, quá trình này cũng đòi hỏi các
ngành, các cấp phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ với nhau để giải quyết tốt
mọi vấn đề nảy sinh.

Tài liệu tham khảo:

Tin kinh tế, ngày 16/12/1996, 7/8/96, 28/8/96. 21/5/97, 5/8/97.


Báo Nhân dân 12/1/1997, 7/12/96.
Thời báo kinh tế Việt Nam, 18/12/1996, 26/2/97, 26/6/96, 14/5/97, 21/12/96, 8/5/96, 22/5/96,
7/6/97.
Hà Nội mới, 5/5/1997, 10/12/96, 4/1/97.
Industry Canada, 1995, "Industry and the Uruguay Round", ESCAP, 1997, Bài giảng về
WTO.
Philip Raworth and Linda Reit, 1995, The Law of the WTO.
Industry Structure Council Japan, 1995, "Report on Unfair Trade Policies". Institute of
Southeast Asian Studies, 1996, "AFTA in the Changing International Economy".
Mari Pangestu, 1997, Regional Integration Initiatives and Indonesia, Imoan Lim, 1997,
Promoting Intra-economic Relations in Southeast Asia: Present Trends and Future Prospect.
ASEAN Secretariat, 1996, "AFTA Reader Vol. IV, the Filth ASEAN summit".
Mari Pangestu, 1997, "Trade and Investment Facilitation in ASEAN: the Evolving Role of
AFTA".
Vũ Xuân Trường, "Việt Nam - con đường tới WTO", Tạp chí Nghiên cứu quốc tế số tháng
8/1996.
Vũ Xuân Trường, "Tổ chức thương mại thế giới và các nước đang phát triển",
Tạp chí Nghiên cứu quốc tế số tháng 12/1995.
"Các tổ chức kinh tế và mậu dịch quốc tế", Viện kinh tế thế giới, 1996.
Yamazawa, Ippei, IAAT, Participating in open Economic Policy regime: challenges and
Requirements, Repont of seminar on Cooperation of CLV Countries ASEAN, Hà Nội tháng
8/1997./.

http://www.hocvienngoaigiao.org.vn/nr040730095659/nr040730100743/nr050517173318/ns
050525133749

You might also like