You are on page 1of 4

Một số vấn đề văn hoá trong Tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng vĩ đại, toàn bộ di sản tư tưởng
của Người là một kho báu của dân tộc Việt Nam. Trong đó, tư tưởng
Hồ Chí Minh về văn hoá chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Nó đã
trở thành những nguyên tắc lớn làm rường cột cho nền văn hoá nước
nhà. Việc học tập và nghiên cứu một cách có hệ thống những tư
tưởng đó của Người là một việc làm cần thiết, nhất là trong giai đoạn
hiện nay.

Trước khi trở thành lãnh tụ của Đảng, của nhân dân Việt Nam, cả quá
trình hoạt động cách mạng trong và ngoài nước Người đã từng là nhà giáo,
nhà báo, nhà văn, nhà thơ...Do vậy, quan điểm văn hoá của Hồ Chí Minh rất
hiện đại và hoàn chỉnh.
Năm 1943, trong một bài viết Hồ Chí Minh đã đưa ra quan niệm về
văn hoá như sau: “ Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài
người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp
luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh
hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ
những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp
của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người
đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự
sinh tồn”([1]).
Từ việc nhận thức được vị trí quan trọng của văn hoá, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã khẳng định vai trò, nhiệm vụ của văn hoá: “Văn hoá nghệ
thuật cũng là một mặt trận”([2]).
Để cho văn hoá thật sự trở thành một mặt trận và có ý nghĩa thiết
thực với phong trào cách mạng của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất
chú trọng tới việc xây dựng một nền văn hoá mới ngay cả khi nước ta
chưa giành được độc lập.
Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo
nhân dân ta tiến hành cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công,
mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc, đồng thời cũng đưa cách mạng
văn hoá lên tới đỉnh cao- văn hoá chủ nghĩa Mác- Lênin. Chủ tịch Hồ Chí
Minh xác định, khi đã giành được chính quyền về tay nhân dân, đất nước
được độc lập, tự do thì việc khai sinh một nền văn hoá mới là rất cần
thiết. Đó được xem là nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, gian khổ, là một
thách thức lớn đối với Đảng, đối với dân tộc nhưng đồng thời cũng là một
nhiệm vụ vẻ vang đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phấn đấu của toàn dân tộc.
Người nhấn mạnh: “Xúc tiến công tác văn hoá để đào tạo con người mới
và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc. Phải triệt để tẩy trừ
mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng của nô dịch của văn hoá đế quốc.
Đồng thời, phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc và
hấp thụ những cái mới của văn hoá tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền
văn hoá Việt Nam có tính dân tộc, khoa học và đại chúng”([3]).
Vừa mới giành được độc lập dân tộc ngày 02 tháng 09 năm 1945,
nước ta rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, phải đối mặt với nạn thù
trong giặc ngoài, nền kinh tế nghèo nàn, văn hoá- xã hội lạc hậu và chịu
sự nô dịch của thực dân Pháp. Nhận thức được yêu cầu lịch sử đặt ra lúc
bấy giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến tất cả các lĩnh vực, trong
đó, Người dành nhiều sự quan tâm đến lĩnh vực văn hoá. Người xác định:
Văn hoá là đời sống tinh thần của xã hội, thuộc về kiến trúc thượng tầng
của xã hội, Người cho rằng văn hoá phải được đặt ngang hàng với chính
trị- kinh tế- xã hội tạo thành bốn vấn đề chủ yếu của đời sống xã hội. Bốn
vấn đề chính trị- kinh tế-văn hoá-xã hội có quan hệ mật thiết với nhau,
thúc đẩy nhau cùng phát triển. Bởi vậy, ngay sau khi cách mạng tháng
Tám thành công Bác đã chỉ đạo cả nước thực hiện một nhiệm vụ rất quan
trọng đó là diệt giặc dốt. Bác chỉ rõ: “Dốt thì dại, dại thì hèn. Vì không
chịu dại không chịu hèn, cho nên thanh toán nạn mù chữ là một trong
những việc cấp bách của nhân dân các nước dân chủ mới”[4]. Bác còn
khẳng định: “Thanh toán nạn mù chữ là bước đầu nâng cao trình độ văn
hoá. Trình độ văn hoá của nhân dân nâng cao sẽ giúp cho chúng ta đẩy
mạnh công cuộc khôi phục kinh tế phát triển dân chủ. Nâng cao trình độ
văn hoá của nhân dân cũng là một việc cần thiết để xây dựng nước ta
thành một nước hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu
mạnh”([5]).
Độc lập- tự do là giá trị văn hoá đỉnh cao của dân tộc, là lý tưởng mà
Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã trọn đời cống hiến, là khát khao cháy bỏng của
cả dân tộc, là sự nghiệp cách mạng mà nhân dân ta đã phải hy sinh biết
bao xương máu mới giành được. Do vậy nền văn hoá mới- văn hoá
“Kháng chiến, kiến quốc”phải nhằm bảo vệ thành quả cách mạng, đập tan
văn hoá nô dịch của thực dân Pháp, xoá đi những tàn dư của văn hoá
phong kiến, xây mới những giá trị văn hoá cách mạng. Nền văn hoá mới
phải tạo điều kiện để toàn dân được hưởng trọn vẹn, đầy đủ quyền tự do,
độc lập.”Không có gì quý hơn độc lập, tự do”- đó là chân lý văn hoá Hồ
Chí Minh. Theo Người, mất độc lập, tự do là mất tất cả.
Để nhấn mạnh vai trò, nhiệm vụ của văn hoá, trong diễn văn khai
mạc Hội nghị văn hoá toàn quốc ngày 24-4-1946, Chủ Tịch Hồ Chí Minh
chỉ rõ: “Phải làm thế nào cho văn hoá đi sâu vào tâm lý của quốc dân,
nghĩa là văn hoá phải sửa đổi được tham nhũng, được lười biếng, phù
hoa, xa xỉ. Tâm lý của ta lại muốn lấy độc lập, tự do làm gốc. Văn hoá
phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng
thời, văn hoá phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quyên
mình, vì lợi ích chung mà quyên lợi ích riêng mình. Đối với xã hội, văn
hoá phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn
ông và đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc
của mình nên được hưởng.Số phận nhân dân ta là ở trong tay ta, văn hoá
phải soi đường cho quốc dân đi”([6]).
Xây dựng nền văn hoá mới, theo Hồ Chí Minh đó là một nền văn hoá
của dân, do dân, vì dân. Người đã cống hiến trọn đời mình cho mục tiêu độc
lập, tự do của dân tộc, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân xây dựng nền văn hoá
mới cũng là để cho nhân dân được hưởng trọn vẹn quyền độc lập, tự do ấy.
Xuất phát từ những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hoá,
Đảng ta đã ra nhiều chỉ thị, nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn
hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hội nghị lần thứ 4 BCH TƯ Đảng
khoá VII đã chỉ rõ: “Nền văn hoá mà Đảng ta lãnh đạo toàn dân xây
dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”([7]). Hội nghị lần
thứ 5 BCH TƯ Đảng lần thứ VIII đã ra nghị quyết riêng: “Về xây dựng
và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”8.
Đại hội đại biểu lần thứ IX của Đảng tiếp tục khẳng định: “Xây dựng nền
văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu vừa là động
lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội”9. Với mục tiêu là: xây dựng nền
văn hoá, phát huy chủ nghĩa yêu nước, truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý
thức độc lập tự chủ, tự cường để bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Chiến
lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2001-2010 của Đảng ta đã nhấn
mạnh: "Làm cho văn hoá thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình,
từng người, hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam, kế thừa các
giá trị truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá của loài
người, tăng sức đề kháng chống văn hoá đồi truỵ, độc hại. Nâng cao tính
văn hoá trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của
nhân dân" (10).
Trong những năm qua Đảng ta lãnh đạo sự nghiệp xây dựng nền văn
hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã đạt được những thành
tựu to lớn. Song bên cạnh đó cũng còn không ít những hạn chế như: tình
trạng suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ,
đảng viên và quần chúng; mặt trái của quá trình mở cửa hội nhập kinh tế
văn hoá đã xuất hiện xu hướng lai căng, Tây Âu hoá, Đông Âu hoá…Các
xu hướng đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống văn hoá tinh thần của
nhân dân, xâm phạm đến bản sắc văn hoá dân tộc, làm cản trở mức
hưởng thụ và năng lực sáng tạo văn hoá của quần chúng.
Dẫn đến tình trạng trên có thể kể tới nhiều nguyên nhân, trong đó có
những công tác thuộc lĩnh vực văn hoá thông tin cần phải khắc phục hơn
nữa. Đời sống văn hoá của nhân dân cơ bản đã được cải thiện song mức
độ hưởng thụ văn hoá đang có sự chênh lệch ngày càng cao giữa thành thị
và nông thôn, đặc biệt là giữa thành thị và miền núi.Phong trào “Toàn dân
đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã bước đầu thu được một số kết
quả đáng ghi nhận, song chưa có chiều sâu và nhiều nơi còn nặng về
hình thức. Phong trào chưa thực sự phát huy được sức mạnh của toàn
dân, của các cấp các nghành nên hiệu quả chưa cao. Hoạt động văn hoá,
nhất là khu vực dịch vụ văn hoá còn nhiều bức xúc. Phim ảnh, băng
đĩa…có nội dung thiếu tính nhân văn, tính giáo dục được bày bán công
khai trên thị trường. Nhiều di tích văn hoá,di tích cách mạng, đình chùa,
hang động, khu du lịch…bị xâm phạm. Hiện tượng chùa giả, đình giả
nhằm mục đích buôn thần, bán thánh hoạt động mê tín dị đoan để trục
lợi khá phổ biến. Công tác thi hành pháp luật, bảo vệ văn hoá chưa được
thực hiện nghiêm minh, trình độ các bộ làm công tác văn hoá chưa đáp
ứng được nhu cầu, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp với các cấp
chính quyền địa phương…
Trước thực trạng trên đòi hỏi chúng ta càng phải nghiêm túc hơn nữa
trong việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh, đặc biệt là trên lĩnh vực văn hoá, nhằm chấn hưng nền văn hoá
nước nhà trong giai đoạn hiện nay, góp phần tích cực vào thắng lợi của sự
nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội./.

You might also like