You are on page 1of 3

Bí quyết để luôn là một giáo viên năng nổ

Dạy học là một công việc rất nhiều thử thách. Cứ mỗi năm trôi qua lại xuất hiện những
thử thách mới vì thế giới luôn thay đổi từng ngày và giáo viên phải luôn sẵn sàng tiếp
nhận và truyền lại những kiến thức mới cho học sinh của mình.

Không những thế rất nhiều trách nhiệm trước đây là của phụ huynh và gia đình thì nay lại
do giáo viên và nhà trường đảm đương. Thêm vào đó, mỗi năm giáo viên lại phải đảm
đương thêm những trách nhiệm mới dù thời gian, tài liệu và các nguồn lực khác không hề
tăng lên.Chính vì lẽ đó, Globaledu hy vọng bài viết nhỏ dưới đây sẽ giúp thầy cô luôn
tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết để tiếp tục công việc “chèo đò” gian nan nhưng vô
cùng cao quý của mình.

Trước tiên, bạn cần xác định được cái gì nằm trong và cái gì nằm ngoài tầm kiểm soát
của bản thân. Việc tập trung vào những thứ nằm trong tầm kiểm soát của bản thân sẽ giúp
bạn củng cố uy tín và khiến mọi việc tiến triển theo hướng tốt hơn. Ví dụ: Bạn có thể
kiểm soát thời gian làm việc ngoài giờ. Hãy nghĩ lại xem có nên dành thời gian riêng vào
kỳ nghỉ cuối tuần để giải quyết công việc của lớp tại trường hay ở nhà. Cuối tuần là lúc
bạn có thời gian dành cho cuộc sống riêng tư ngoài công việc. Hãy nghĩ về những giáo
viên cũ mà bạn vô cùng yêu quý. Liệu bạn có yêu mến và nhớ đến họ vì họ đã trang trí
phòng học rất đẹp hay là vì cách mà họ tiếp xúc với học sinh? Điều gây ấn tượng với học
sinh là cách bạn tiếp xúc với chúng và những thứ mà chúng học được từ bạn. Quá mải mê
với những dự án của trường, bạn sẽ đánh mất đi thời gian để làm mới mình và nuôi
dưỡng lòng nhiệt tình dành cho công việc giảng dạy trực tiếp trên lớp. Tuy nhiên, việc
bạn không có đủ thời gian để thực hiện được tất cả những dự định của bạn trong một năm
học lại nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Ngay cả những giáo viên cực kỳ xuất sắc cũng
không thể thực hiện tất cả những gì họ mong muốn. Hãy thoát khỏi cảm giác mình chưa
hoàn thành trách nhiệm và tự hào vì bạn đã làm việc hết sức mình trong thời gian cho
phép.

Thứ hai, luôn giữ liên lạc chặt chẽ với phụ huynh học sinh. Hãy thiết lập một hệ thống
liên lạc thông suốt giữa nhà trường và gia đình. Việc này không cần thiết phải tốn kém,
cầu kỳ. Bạn chỉ cần viết ra một mẫu thư thông báo tình hình học tập cho phụ huynh,
trong đó có chia thành nhiều phần, mỗi phần là một ngày trong tuần. Cuối mỗi buổi học,
hãy hỏi ý kiến cả lớp xem nên viết gì vào phần ngày hôm đó. Vào buổi học cuối cùng
trong tuần, bạn có thể viết thông báo hoặc vài dòng nhận xét riêng cho từng em để chúng
mang về nhà. Thử dùng một màu sáng, bắt mắt để viết thứ thông báo đó. Những bức thư
kiểu này sẽ thu hút sự chú ý của phụ huynh dễ dàng hơn.

Thứ ba, sắp xếp giấy tờ trên bàn làm việc một cách quy củ. Giáo viên nào cũng có rất
nhiều giấy tờ đủ loại cần giải quyết. Nếu bàn của bạn đang chìm nghỉm trong đống giấy
tờ tương tự thì hãy dành chút thời gian sắp xếp và phân loại chúng. Bạn sẽ cần một chiếc
hộp (đủ lớn để chứa được các cặp đựng tài liệu) và một tá những cặp đựng tài liệu khổ
bạn cần. Ghi tên/ dán nhãn có chữ to, rõ ràng cho những cặp đựng tài liệu này. Bạn sẽ có:
Do Today (Hôm nay), Next Week (Tuần sau), Next Month (Tháng sau), Read Later (Đọc
khi có thời gian), Notes to Write (Ghi chú), Phone Calls to Make (Những cuộc điện thoại
cần gọi), Take to Office (Mang đến văn phòng). Khi đã quen với cách sắp xếp khoa học
này, bạn sẽ không bị rơi vào tình trạng lục tung mọi thứ chỉ để tìm một mẩu giấy nhắn.

Thứ tư, đặt những câu hỏi thông minh - tìm những câu trả lời sáng suốt: Hãy luôn tự hỏi
bản thân liệu có cách làm nào đơn giản hơn, dễ dàng hơn để thực hiện nhiệm vụ này
không? Trước khi tham gia vào bất kỳ công việc gì, hãy suy nghĩ kỹ lưỡng để đảm bảo
rằng bạn không “ôm” thêm những việc không cần thiết vì hiện giờ bạn đã rất bận rộn rồi.

Thứ năm, giảm bớt những thủ tục giấy tờ không cần thiết. Hãy tự hỏi xem liệu công việc
này có cần đến giấy bút không? Thay vì phải mất 20 phút chữa 26 phần bài tập của 26
học sinh, bạn hoàn toàn có thể chữa bài mà không phải đụng gì đến giấy bút. Ví dụ: nếu
bạn đang dạy dạng số nhiều có quy tắc của danh từ đếm được hãy phát cho mỗi học sinh
2 tấm các “s” hoặc “es”. Hãy viết những danh từ cần chuyển sang số nhiều và yêu cầu
học sinh giơ tấm các tương ứng. Bạn sẽ vẫn kiểm tra được mức độ hiểu bài của học sinh
mà lại không phải mất thời gian chữa bài cho từng em.

Thứ sáu, tận dụng từng phút bạn có mặt ở trường. Phân phối thời gian hợp lý để bạn có
thể làm việc với hiệu quả cao nhất khi ở trường. Mục đích là hạn chế tối đa lượng công
việc mà bạn phải mang về nhà giải quyết. Thay vì đi vào phòng giáo viên để tán gẫu với
đồng nghiệp trước giờ lên lớp, bạn có thể có thêm thời gian giải quyết những việc còn tồn
đọng trong phòng làm việc riêng của mình. Hãy tâm sự với đồng nghiệp rằng bạn đang
muốn giảm lượng công việc phải mang về nhà giải quyết nên bạn sẽ dành thời gian cho
họ vào thời gian nghỉ giữa giờ hoặc nghỉ ăn trưa. Chỉ cần dành khoảng 30 phút mỗi buổi
sáng để giải quyết công việc bạn sẽ bớt được 2 tiếng rưỡi thời gian làm việc ở nhà. Hãy
treo một tấm biển “Closed - Teacher at Work”. Mọi người sẽ biết bạn đang bận và không
làm phiền bạn bởi những câu chuyện tán gẫu.

Thứ bảy, cùng làm việc với những đồng nghiệp lạc quan và năng động. Hãy tìm và kết
bạn với những giáo viên lạc quan và năng nổ trong trường bạn. Họ là những người bạn có
thể ngồi cạnh lúc ăn trưa, khi đi họp và cùng hợp tác để triển khai một dự án nào đó. Làm
việc với những người lạc quan và năng động sẽ khiến ngày làm việc của bạn thú vị, vui
vẻ hơn rất nhiều.

Thứ tám, cân bằng công việc và cuộc sống riêng tư. Dạy học là một công việc tiêu tốn rất
nhiều thời gian - giáo viên nào cũng hiểu rõ điều đó. Hãy chắc chắn rằng bạn có tham gia
những hoạt động khác ngoài việc dạy học. Dành thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn vì bạn
xứng đáng được như vậy. Có rất nhiều hoạt động bạn có thể tham gia như: đi ăn sáng với
bạn bè hàng tuần; tham gia câu lạc bộ làm vườn; tham gia nhóm leo núi; học một môn
nghệ thuật như khắc gỗ, thêu thùa hay vẽ tranh; rủ bạn bè đi xem phim hay đi dạo cùng
họ .v.v… Hãy tìm kiếm những hoạt động, những mối quan tâm và những con người thú
vị để cuộc sống của bạn không chỉ có công việc.

Thứ chín, đầu tư cho bản thân. Dạy học vốn là một nghề đầy thử thách và khó khăn. Do
đó việc đầu tư, nâng cao trình độ bản thân là hết sức cần thiết. Không những thế việc đầu
tư, nâng cao trình độ sẽ không chỉ giúp bạn luôn cập nhật được thông tin mà còn là cách
bạn làm mới bản thân. Điều này chắc chắn sẽ khiến bạn cảm thấy năng nổ và nhiệt tình
hơn nhiều khi lên lớp.

Trong cuộc sống, bạn sẽ gặp ba kiểu nguời: những người tạo ra sự thay đổi, những người
ngồi quan sát mọi thứ xảy ra và những người không hề hay biết điều gì đang diễn ra
quanh mình. Chúng tôi hy vọng những ý tưởng mà bạn tìm thấy trong bài viết nhỏ này sẽ
giúp bạn tạo ra những chuyển biến tích cực cho bản thân và cho học sinh của bạn.

You might also like