You are on page 1of 3

Áo dài nữ sinh trên đường tuyệt chủng

Saturday, March 27, 2010

Trần Tiến Dũng/Người Việt


Chúng tôi di chuyển giữa một Sài gòn đầy lô-cốt và vấn nạn kẹt xe, đi từ quận 1,
quận 3 tới quận 5, quận 6, Tân Bình... chúng tôi tìm tới các trường trung học nổi
tiếng như Gia Long (Nguyễn Thị Minh Khai), Trưng Vương, Marie-Curie, Lê Quí
Ðôn, Hùng Vương, Mạc Ðỉnh Chi, Nguyễn Thượng Hiền... Trong ánh nắng cháy da
và khói bụi đến ngộp thở của cái nắng Sài Gòn, tất cả những trường trung học mà
chúng tôi đi qua tuyệt nhiên không còn một bóng áo dài trắng nữ sinh nào. Nữ
sinh Sài Gòn hôm nay chỉ mặc đồng phục váy màu, váy sọc, váy ngắn, váy dài. Áo
dài nữ sinh, vẻ đẹp tinh khiết, biểu tượng phẩm hạnh của tâm hồn thiếu nữ Việt
Nam đã mất thật rồi!

Nữ sinh trung học với đồng phục áo dài trắng truyền thống. (Hình: nusninh.vn)
Vứt bỏ áo dài nữ sinh
Trong một lần họp phụ huynh cho đứa con trai học lớp 12, trường Hùng Vương, tôi
được nghe lời đề nghị của nhiều phụ huynh có con là nữ sinh trong lớp về việc bỏ
cái áo dài. Một bà ở cùng xóm tôi nói: “Cảnh con tôi mặt cái áo dài trắng đi học
giữ trùng vây của xe cộ khói bụi mù trời trông tội nghiệp quá đi. Nhất là những
hôm trời mưa ngập đường hoặc triều cường nước cống lên đen thui, tôi chưa từng
thấy cảnh nào thảm thương bằng cảnh cái áo dài trắng, cái quần trắng của con
tui, thiệt là y như một mớ giẻ rách. Tội con tui, tội cái áo dài quá đi các ông ơi.”
Một ông khác, vốn là cán bộ cấp quận nói: “Tôi đưa đón con, ngày ngày luồn lách
giữa một rừng xe. Con tôi là con gái, gặp bữa trời nắng còn đỡ chớ trúng cơn mưa,
cha con che chung cái áo mưa nên khó tránh chuyện ướt, vậy là áo với quần của
nó chèm nhẹp, thịt da con tôi cứ lộ ra hết, nói thiệt chứ thấy mặt mấy thằng mất
dạy dòm lom lom tôi vừa tức vừa xấu hổ muốn chết.” Sau khi gom đủ ý kiến của
phụ huynh, kiến nghị bỏ áo dài trắng ra khỏi đời nữ sinh Hùng Vương được chuyển
lên ban giám hiệu nhà trường, thế là sau đó toàn bộ nữ sinh của trường này được
mặc áo kiểu thủy thủ và quần tây dài.

1
Ðây là trường trung học Nguyễn Thị Minh Khai tức trường nữ trung học Gia Long
cũ. Ngày nay, các nữ sinh của trường trở thành các cô đầm mặc váy tím, không
còn mặc áo dài tím (trước thời VNCH) hoặc màu xanh nhạt, màu trắng như trước
đây. (Hình: TTD)
Ở Sài Gòn hiện nay, người ta có thể nói và bàn về hình mẫu mặc đồng phục váy
của các trường nổi tiếng, như trường Gia Long cũ nữ sinh mặt đầm tím, áo trắng,
Trường Trưng Vương váy sọc ca rô... Sài Gòn ngày xưa chỉ có nữ sinh các trường
Tây và trường Tàu là mặc đầm. Còn ngày nay, cứ theo đà này, thì tất cả các nữ
sinh Việt Nam đều có nguy cơ mặc đồng phục sao cho giống Tây giống Tàu hết
ráo. Một tay doanh nhân đỏ chuyên chạy hợp đồng may đồng phục cho các trường
vui mừng nói: “Ông biết thị phần này lớn cỡ nào, nhưng ông đâu có biết phải chi
để bôi trơn bao nhiêu. Ông đừng kết án là tụi này giết áo dài. Tình trạng xuống
cấp của văn hóa xã hội mới là thủ phạm.”
Chúng tôi làm một cuộc phỏng vấn kiểu bỏ túi với một phụ huynh, bà mẹ này
chống lại việc bỏ cái áo dài ra khỏi đời các nữ sinh. Bà nói “Có một số người, sau
này đi làm công sở cũng mặc áo dài, nhưng đa phần con gái Việt Nam chỉ có
khoảng học trung học là được mặc áo dài thường xuyên và cũng là thời kỳ ai cũng
thấy mình đẹp nhất với chiếc áo dài. Tôi nói đại như vầy mà đúng lắm nghe. Nếu
họ bỏ áo dài cũng có nghĩa là cướp đi vẻ đẹp nhất của đời con gái Việt Nam.”
Chúng tôi được biết thêm là người mẹ này chỉ có một cậu con trai học lớp 12, và
có lẽ chuyện bà quan tâm đến áo dài nữ sinh cũng chỉ là “tiếng khóc” cuối mùa
tiếc nuối thời áo dài con gái của bà.
Tâm tình của nữ sinh
Chúng tôi lân la hỏi chuyện với một nữ sinh từng rất thích diện áo dài trắng. Cô nữ
sinh này nói. “Họ muốn mình mặc gì thì mình theo cho rồi, mặc đồ ngắn phóng
Honda vui hơn.”
Ở Việt Nam những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục đều cư xử với học
sinh như một bầy cừu. Không ai hỏi ý kiến, không cơ quan truyền thông nào thử
thăm dò dư luận học trò. Thật là một lối giáo dục phong kiến-độc tài toàn diện,
bắt mặc đồng phục gì, học sách giáo khoa gì... học trò cứ thế cúi đầu tuân theo
luật rừng.
Chúng tôi hỏi chuyện một cô gái tên L., trước đây học trường Nguyễn Thái Bình
trên đường Lý Thường Kiệt: “Lúc cháu học, trường cháu vẫn mặc áo dài, cháu tự
hào lắm!” Mẹ L. là hàng xóm với chúng tôi, bà chỉ là một nhân viên nấu ăn cho
một trường tiểu học bán trú. Bà nói: “Ai có con gái mới biết chuyện muốn trào

2
nước mắt khi nhìn thấy con mình lần đầu mặc chiếc áo dài đi học. Họ miệng thì
nói bỏ áo dài để tụi nhỏ ăn mặc gọn hơn, nhưng nói vậy thôi chớ ai chẳng biết áo
dài đâu may hàng loạt được như mấy loại váy đồng phục. Bây giờ nhà trường bán
váy đồng phục bắt học sinh mua, nói giá nào phải mua giá đó. Họ làm cái gì cũng
để tư lợi hết.”
Áo dài với một gia đình Việt kiều
Chúng tôi tiếp xúc với một người phụ nữ đang tìm mua áo dài ở chợ Tân Bình. Chị
cho biết chị là một Việt kiều về từ Canada. Chị đang tìm mua loại áo dài may sẵn,
chị nói: “Một người bạn tôi cũng là xếp của tôi, cô này người Nhật, cô thích áo dài
lắm, cô gởi cho tôi số đo với hy vọng là sẽ được mặc áo dài. Tôi về lu bu đủ thứ
chuyện nên quên, tới chừng gần ngày về mới nhớ nên không đặt may kịp. Thấy có
lỗi quá.”
Người Việt kiều này chỉ tìm mua được ở chợ Tân Bình mấy cái áo dài gấm trẻ con,
nhưng chị vui lắm, chị nói: “Mỗi năm tụi nhỏ bên đó chỉ được mặc áo dài ngày
mùng một Tết, nhưng đứa nào cũng mừng. Tôi về Việt Nam ăn hết cái Tết, đi chúc
Tết khắp nơi nhưng không thấy đứa trẻ nào mặc áo dài. Buồn lắm anh.”
Những gì mà người phụ nữ Việt kiều này tâm sự cũng là nỗi niềm của một nhà thơ
đang sống lưu vong ở Mỹ, chúng tôi nhớ anh đã nói: “Rồi đây, chiếc áo dài Việt
Nam sẽ chỉ tìm thấy đất sống trong tình cảm tha thiết ở cộng đồng người Việt hải
ngoại, trớ trêu vậy đó!”
Việc trẻ con sống trong nước không mặc chiếc áo dài trong những dịp lễ lạt trọng
đại của văn hóa Việt Nam vốn đã là chuyện ai cũng biết. Nhiều người chỉ tự an ủi
nhau rằng, may là ngày nay vẫn còn đó những người phụ nữ lớn tuổi cảm thấy
mắc cỡ trước tổ tiên, họ hàng nếu không mặc cái áo dài trong những ngày trọng
đại của gia đình và của dân tộc.
Khi chuyện về cái chết của áo dài nữ sinh Sài Gòn được bàn thảo trên bàn cà phê
của một nhóm văn nghệ sĩ, một họa sĩ nói: “Trong đám thủ phạm giết chết áo dài
nữ sinh, theo tôi phải kể tới đám thiết kế thời trang, đám này càng nổi tiếng lại
càng ăn bám vào cái áo dài, họ đưa áo dài xuất hiện như ruồi trên truyền hình,
trên các sân khấu thời trang rồi biến vẻ đẹp của áo dài thành thứ trang phục ẻo lả
nhảm nhí.” Khi áo dài không còn là thứ đồng phục của nữ sinh Việt Nam, không
còn là thứ y phục được sử dụng hằng ngày trong đời sống phụ nữ thì tất cả những
màn trình diễn áo dài diễn trên truyền hình, sân khấu chỉ là chuyện tuyên truyền
“bản sắc dân tộc” trơ trẽn.
Với chiếc áo dài nữ sinh Việt Nam, một lần nữa người ta vẫn có thể khẳng định,
không một thứ thời trang áo dài nào có thể sánh nổi vẻ đẹp thiên thần của nữ sinh
trong cái áo dài trắng. Và cái chết của áo dài nữ sinh ở Sài Gòn hôm nay cùng kéo
theo sự còi cọc của cái đẹp tâm hồn tuổi trẻ Việt Nam.

Copyright © 2002 - 2008 by Nguoi Viet, Inc.


Nguoi-viet Online
http://www.nguoi-viet.com/

You might also like