You are on page 1of 2

Sử Dụng Thuốc

Ds Nguyễn ngọc Lan & Bs Thú y Nguyễn thượng Chánh

Thuốc men là những chất rất đặc biệt. Có thứ giúp chúng ta giảm đau nhức, có thứ để bồi bổ sức khỏe cũng như có thứ thì để chuyên trị các bệnh
cảm nhiễm do vi trùng, v.v…Sử dụng thuốc cho đúng là việc rất quan trọng cho tất cả mọi người, nhất là đối với các bác lớn tuổi. Tuy chỉ chiếm
có 12% dân số Canada, nhưng giới cao niên đã tiêu thụ hàng năm từ 28% đến 40% số dược phẩm được kê toa. Ngoài ra cũng cần phải kể đến các
loại thuốc bán tự do không cần phải có toa, ai mua cũng được hết. Dù là thuốc có toa hoặc không có toa, nếu sử dụng không đúng phép thì vẫn
không tốt cho sức khỏe như thường.
Năm Cách Dùng Thuốc Cho Đúng Phép
1-ĐÚNG THUỐC: Uống đúng thuốc mới mong hết bệnh được. Bạn cần để ý nhớ hình dạng viên thuốc và viên thuốc đó có màu gì? Thuốc cần
nên được đựng trong chai lọ nguyên thủy để tránh nhầm lẫn với các thuốc khác.
2-ĐÚNG NGƯỜI: Thuốc của ai thì chỉ có người đó mới được dùng mà thôi, lý do là bệnh trạng mỗi người mỗi khác nhau. Phân lượng của món
thuốc và thời gian trị liệu được căn cứ trên thể trọng và tình trạng bệnh lý cá biệt của mỗi bệnh nhân. Không nên đưa thuốc của mình cho người
nào khác uống vì tưởng rằng bệnh của họ cũng giống như bệnh của mình.
3-ĐÚNG LÚC: Muốn được hiệu nghiệm, thuốc cần nên uống cho đúng lúc.
4-ĐÚNG LIỀU: Phải uống cho đúng liều như bác sĩ đã ghi trong toa. Muốn thay đổi liều lượng phải hỏi ý kiến của bác sĩ trước.
5-ĐÚNG CÁCH: Tùy loại, thuốc phải được sử dụng cho đúng cách. Có thứ uống thẳng, có thứ phải nhai cho nhỏ, có thứ thì ngậm dưới lưỡi hoặc
có thứ để hít, để xịt vào mũi hay có thứ để dùng ngoài da, để nhỏ vào mắt hoặc để dán như tem (timbre), để bơm hay để nhét, v.v…
Cẩn Thận Khi Sử Dụng Thuốc Không Toa
Các loại thuốc bán tự do, mua không cần có toa được gọi là OTC (over the counter), en vente libre hay médicaments sans ordonnance. Những
loại thuốc này rất phổ thông trong dân chúng để họ tự chữa trị lấy những trường hợp thông thường như ho hen, cảm cúm, nhức đầu, tiêu chảy, bồi
dưỡng sức khoẻ, v.v…Tuy vậy, một vài loại thuốc nếu được dùng không đúng cũng có thể hại cho sức khỏe. Chẳng hạn như một số thuốc nhỏ
mũi có tính gây ghiền, các thuốc dùng để giảm đau nhức lại có thể làm hại bao tử và một vài loại thuốc trị nghẹt mũi (décongestionnant) có thể có
ảnh hưởng không tốt đối với những ai bị bệnh cao huyết áp.
Để giúp người tiêu thụ sử dụng thuốc OTC một cách an toàn, Ordre des Pharmaciens du Québec, Canada đã đề ra các mã số (code médicament)
để chỉ dẫn và cảnh giác, gồm có 6 mẫu tự: A, H, X, B, D, E. Tùy theo từng loại thuốc, một hoặc nhiều mẫu tự vừa kể sẽ được ghi phía trên nhãn
giá tiền dán trên hộp thuốc.
*Các mã số A, H, X: Có tính chỉ dẫn chung chung cho tất cả mọi người.
-A: Gây buồn ngủ, tránh uống chung với rượu, hoặc với các thuốc an thần, nhất là lúc bạn phải lái xe.
-H: Gây ghiền nếu uống thường xuyên.
-X: Hãy coi chừng, nên tham khảo trước với dược sĩ.
*Các mã số B, D, E: Chủ đích nhắm vào các đối tượng đang có vấn đề sức khoẻ khá đặc biệt như:
-B: Phản chỉ định (contre-indication), có hại nếu bạn đang bị bệnh cao máu, bị triển dưỡng tiền liệt tuyến, bị bướu cổ (goitre), bị cường giáp trạng
(hyperthyroidie) hoặc bạn đang uống thuốc trị trầm cảm (antidépresseurs).
-D: Có chứa chất aspirine nên không hợp nếu bạn đang bị chứng thống phong (goutte), loét bao tử, suyễn hoặc nếu bạn đang uống các loại thuốc
kháng đông (anticoagulants) để làm loãng máu.
-E: Không được uống nếu bạn đang bị bệnh tiểu đường, có thể có phản ứng phụ bất lợi.
Tại Quebec, bạn có thể nhờ dược sĩ lập cho một thẻ mã số cá nhân, gọi là Mon code médicament personnalisé có ghi mẫu tự thích hợp với tình
trạng sức khoẻ của mình để biết mà ngừa và tránh sử dụng những loại thuốc có cùng mã số ghi trong thẻ.
Nên Uống Thuốc với Một Ly Nước Lạnh - Cách tốt nhất và cũng đơn giản nhất là nên uống thuốc với nước lạnh. Sữa và nước trái cây có thể
tương tác một cách bất lợi với một số thuốc... Tránh uống thuốc kháng sinh Tetracycline hoặc Cipro với sữa, vì chất calcium trong sữa sẽ phối
hợp với thuốc để tạo ra một hỗn hợp không thể hấp thụ được, các loại thuốc trị nấm như Griséofulvin, Kétoconazole (Nizoral) cũng không nên
dùng chung với sữa hoặc với các thức ăn có sữa như fromage, yogurt, v.v…
Tránh uống các loại nước trái cây có tính chua với Pénicilline (Amoxicilline, Ampicilline…) vì thuốc sẽ bị giảm tác dụng.
Nước bưởi cũng tránh uống chung với các thuốc trị cao áp huyết (Adalat, Plendil…); với các thuốc trị cholesterol (Lipitor, Mevacor, Zocor…);
với thuốc trị lo âu mất ngủ hay suy nhược tinh thần (Valium, Paxil, Desyrel, Anafranil…).
Nước trà cũng không nên uống chung với những supplements có chứa chất sắt vì nó sẽ cho ra một hỗn hợp không thể hấp thụ được.
Nên tránh uống rượu, uống beer chung với các loại thuốc an thần hay các thuốc có Codéine hoặc các thuốc chống dị ứng thường được gọi là các
loại antihistamines, vì rượu sẽ làm tăng tính ngầy ngật, buồn ngủ rất là nguy hiểm nếu bạn phải lái xe hay đang điều khiển máy móc.
Uống Lúc Tảng Sáng Hay Lúc Tối?
Để tránh các phản ứng phụ cũng như để có kết quả tốt chúng ta nên tuân theo lời chỉ dẫn của bác sĩ và dược sĩ về cách dùng thuốc. Một vài loại
thuốc trị cholesterol sẽ hữu hiệu hơn nếu được uống lúc ăn cơm chiều, vì cholesterol thường được cơ thể sản xuất nhiều lúc về đêm. Các thuốc trị
bệnh liên quan đến tuyến giáp trạng cũng như các loại thuốc cortisones nên uống vào buổi sáng để tôn trọng chu trình sinh học tự nhiên của cơ
thể.
Uống Lúc Bụng Đói Hay Uống Lúc Bụng No?
Có thuốc sẽ bị giảm tác dụng nếu được uống lúc ăn, còn gọi là bụng no hay bụng đầy...Bụng đói hay bụng trống được quy định là 1 giờ trước bữa
ăn hoặc là 2 giờ sau khi ăn xong. Một vài loại thuốc trị bệnh loãng xương (ostéoporose) thí dụ như Actonel (risedronate sodium) nên được uống
lúc bụng đói mới công hiệu, cũng như một vài loại thuốc trụ sinh như Tétracycline, Pénicilline nên uống lúc bụng đói...Còn các loại thuốc làm
giảm viêm sưng và chống đau nhức (Aspirine, Tylénol, Advil, Naproxen…) nên uống khi vừa ăn xong tức là lúc bụng no.
Uống Khi Cần - Uống Mỗi Ngày - Mỗi Tuần - Hoặc Uống Dài Hạn?
Có thuốc chỉ uống khi nào cần thiết mà thôi, như các thuốc trị tiêu chảy, thuốc trị bụng đầy hơi, hoặc các loại thuốc ngủ...Ngược lại, có những
thuốc cần phải được uống thường xuyên mỗi ngày và trong một thời gian lâu dài theo lời dặn của bác sĩ. Thí dụ như thuốc trị cao áp huyết, thuốc
trị cholesterol, thuốc trị bệnh tiểu đường, thuốc trị bệnh loãng xương cũng như thuốc trị một số bệnh mãn tính khác...Thuốc kháng sinh cần phải
uống đúng liều lượng liên tục và phải tôn trọng thời gian trị liệu. Nếu trong toa ghi uống trong 1 tuần lễ thì phải uống cho đúng 1 tuần lễ, chớ
không được ngưng ngang giữa chừng vì thấy đã bớt bệnh.
Có Thuốc Có Thể Gây Khó Chịu Hoặc Gây Dị Ứng
Đối với một số người lúc uống một loại thuốc nào đó, họ có thể cảm thấy khó chịu trong người vì các phản ứng phụ của thuốc gây nên. Buồn
nôn, táo bón hoặc tiêu chảy (như khi uống thuốc kháng sinh) là một vài thí dụ điển hình. Các triệu chứng vừa kể sẽ dần dần giảm đi theo thời gian
hoặc khi chúng ta thay đổi giờ uống thuốc trong ngày. Cũng có thuốc có thể gây ra dị ứng, như làm đỏ da, sưng phù, ngứa ngái và đôi khi gây
khó thở.
Vài Lời Dặn Dò Của Dược Sĩ (cho đồng hương đang sinh sống tại Canada)
Nên cho dược sĩ biết trước mình có thường hay bị dị ứng với một loại thuốc nào hay không, chẳng hạn với Aspirine hoặc với Pénicilline; có bị
cao huyết áp hay không, có bị tiểu đường hay không? (để tránh các loại sirop có đường); có theo một chế độ ăn uống gì đặc biệt hay không, thí dụ
như ăn chay hay ăn mặn?; ăn kiêng hoặc có cữ muối, cữ đường trong ăn uống không?; v.v...Đối với các cô, nếu đang mang thai cũng phải cho
dược sĩ biết vì có một số thuốc có thể ảnh hưởng không tốt đến bào thai.
*-Gọi điện thoại 2 hay 3 ngày trước khi sắp hết thuốc để lấy thêm đợt thuốc mới trong tháng (tại Canada, luật bắt buộc dược sĩ phải quản lý các
toa thuốc của bệnh nhân và chỉ bán một số thuốc đủ dùng trong một tháng mà thôi).
*-Xem trên lọ thuốc số lần được mua (REN). Nếu sắp hết, nhớ đi khám bác sĩ để xin toa mới.
*-Mỗi khi đổi bác sĩ hoặc lúc đi nằm bệnh viện, nhớ mang theo tất cả thuốc hiện đang sử dụng. Bạn cũng có thể ghi tên tất cả các loại thuốc trên
giấy và đưa cho bác sĩ xem.
*-Mỗi loại thuốc phải được đựng trong những lọ riêng biệt có dán nhãn hiệu hoặc có ghi chú rõ ràng. Không nên dồn chung 2-3 thứ thuốc vào
chung cùng một lọ cho nó gọn.
*-Các lọ onguent, crème được bào chế ngay tại pharmacie nên vứt bỏ đi sau 1 năm.
*-Các loại thuốc nhỏ mắt, các loại onguent có chứa kháng sinh để chữa mắt, nếu đã mở ra xài rồi, nên bỏ đi sau 1 tháng.
*-Cẩn thận với các loại thuốc thiên nhiên, thuốc Đông y...Thiên nhiên không phải hoàn toàn là vô hại nếu dùng không đúng cách, vì có vài loại
thuốc thiên nhiên có thể tương tác với thuốc Tây, làm thay đổi tác dụng hoặc có thể tạo ra nhiều phản ứng bất lợi.
*-Nên cất giữ thuốc men tại những nơi an toàn, khô ráo, mát mẻ và phải xa tầm tay của các cháu bé.
*-Nếu có dự định đi du lịch lâu ngày, nhớ báo trước cho dược sĩ biết để sắp xếp lấy đủ thuốc đem theo trong suốt thời gian đi xa.
Kết Luận
Nói chung, bất kỳ loại thuốc nào cũng đều có phản ứng phụ hết (side effects, effets secondaires). Sử dụng thuốc cho đúng phép là một việc hết
sức quan trọng cần phải quan tâm đến để bảo vệ sức khỏe và cũng để tránh cảnh tiền mất tật mang./.
Viết theo tài liệu:
-Hội Dược sĩ VN tại Québec, Cách sử dụng thuốc.
-Ordre des Pharmaciens du Québec, Prudence avec les médicaments sans ordonnance.
-H.M Blanchette, Les bonnes facons de prendre ses médicaments, Québec Pharmacie, Fev 2002.
-FDA, Food & Drug Interactions.

Montreal, June 27, 2007


Ds Nguyễn Ngọc Lan và Bs Thú Y Nguyễn Ngọc Chánh

>>>back>>>

You might also like