You are on page 1of 390

Cảm ơn bạn đã tải sách từ website nguonsusong.

com
Thánh Kinh Chỉ Nam
Tác giả: Manley
Vào đề
PHẦN I: KINH THÁNH LÀ MỘT TOÀN KHỐI
Chương I: Sự linh cảm và thẩm quyền
Chương II: Bản văn Kinh Thánh
Chương III: Kinh Điển
Chương IV: Chủ nghĩa phê bình hiện đại
Chương V: Các phép lạ
Chương VI: Các nguyên tắc giải kinh
PHẦN II: CỰU ƯỚC
Chương VII: Nền tảng lịch sử
Chương VIII: Câu chuyện Cựu Ước
Chương IX: Ngũ Kinh
Chương X: Lịch sử dân Hê-bơ-rơ
Chương XI: Thi ca Hy-bá-lai
Chương XII: Tiên tri Hy-bá-lai
Phần I: Từ Ê-sai đến Đa-ni-ên
Chương XIII: Tiên tri Hy-bá-lai
Phần II: Từ Ô-sê đến Ma-la-chi
PHẦN III: HƯỚNG VỀ SỰ TÁI LÂM CỦA ĐẤNG CHRIST
Chương XIV: Hi vọng về Đấng Mết-si-a
Chương XV: Từ Ma-la-chi đến sách Ma-thi-ơ
Chương XVI: Bối cảnh của Tân Ước
PHẦN IV: TÂN ƯỚC
Chương XVII: Đời sống Đấng Christ
Chương XVIII: Lời dạy của Đấng Christ
Chương XIX: Bốn sách Phúc Âm và Công Vụ Các Sứ Đồ
Chương XX: Các thư tín của Phao-lô
Chương XXI: Các thư tín tổng quát
Chương XXII: Sách Khải huyền
Chương XXIII: Diễn tiến và sự hoàn tất giáo lý Cơ Đốc
PHỤ LỤC
PHỤ LỤC I: Địa lý xứ Palestine
PHỤ LỤC II: Các phong tục tập quán Do Thái
PHỤ LỤC III: Bảng kê các ẩn dụ của Chúa chúng ta
PHỤ LỤC IV: Bảng liệt kê các phép lạ của Chúa chúng ta
VÀO ĐỀ
Quyển Chỉ Nam này giúp người đọc Thánh Kinh hiểu rõ Kinh Thánh đầy đủ
hơn, để có thể biết ý chỉ Đức Chúa Trời và kinh nghiệm được sự tương giao
mật thiết hơn với chính Đấng Christ. Vì lời tóm tắt thông điệp của Phúc Âm
Giăng có thể được áp dụng cho toàn bộ Kinh Thánh: “Các việc này đã chép,
để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Giê-xu là Đấng Christ, tức là Con Đức
Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống”.
Một hiểm họa cần cảnh giác là các sách nói về Kinh Thánh có thể tiếm vị
Kinh Thánh, do đó người đọc không nên để bị cám dỗ dành thì giờ quá
nhiều cho những sách khác, nhưng nếu dành riêng cho Kinh Thánh thì sẽ
được lợi ích nhiều hơn.
Vượt xa hơn các trang Kinh Thánh là chính Chúa, Đấng mà người đọc cần
tìm cầu; cần kinh nghiệm 'con đường về làng Em-ma-út', qua đó Đấng Christ
được phục sinh 'bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa
cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh Thánh'. Tuy nhiên
kinh nghiệm đó chỉ có được cho những ai nhận biết mình thiếu thốn và cần
được soi sáng. Ý nghĩa đầy trọn của Kinh Thánh, chân lý mạc khải thành
văn chỉ có thể trở nên rõ ràng cho chúng ta khi Đức Thánh Linh ban cho
chúng ta sự thông sáng và giúp chúng ta thấu hiểu. Do đó, mọi nỗ lực học
hỏi, nghiên cứu Kinh Thánh đều phải bắt đầu bằng sự cầu nguyện, và tùy
thuộc vào Đức Chúa Trời. Cũng cần nhớ rằng Thánh Linh của Đức Chúa
Trời mạc khải chân lý thiên thượng không phải để thỏa mãn tánh hiếu kỳ
hay nhu cầu tri thức, mà nhằm thúc đẩy sự vâng lời tích cực. Chỉ đồng ý về
mặt lý thuyết mà thôi thì chưa đủ. Điều Đức Chúa Trời đòi hỏi là một đức
tin thực tiễn, một sự sẵn sàng đích thân đáp ứng, áp dụng và tuân hành chân
lý mình đã cảm nhận được.
Đặc quyền có thể hiểu được nhờ sự xức dầu của Chúa Thánh Linh là ân tứ
Đức Chúa Trời ban cho mỗi tín hữu. Kinh nghiệm đã chứng minh rằng
không hề có một cá nhân riêng rẽ nào lại có thể thấy được toàn thể chân lý.
Chỉ bởi sự thông công với nhiều người khác, người ấy mới mong lãnh hội
được tính cách phong phú và những điều kỳ diệu của các chủ đích của Đức
Chúa Trời (Eph Ep 3:18). Chính vì lý do đó mà một quyển Chỉ Nam như
quyển này có thể cung ứng một số hướng dẫn cụ thể, trực tiếp về một số vấn
đề mà người đọc Kinh Thánh nghiêm cẩn chắc phải đối diện. Thánh Linh
Đức Chúa Trời dùng các Cơ Đốc nhân để giúp đỡ lẫn nhau. Đức Chúa Trời
đã khiến chúng ta tùy thuộc lẫn nhau, có thể giúp đỡ và cần được sự giúp đỡ
của nhau. Cần lưu ý là muốn đạt được kết quả, việc nghiên cứu Kinh Thánh
này phải triệt để và có hệ thống. Kinh Thánh không hề ban những trái ngon
quả ngọt thượng hạng cho kẻ năm thì mười họa mới tình cờ lật Kinh Thánh
ra đọc. Cho nên chúng tôi đề nghị dùng quyển Chỉ Nam này kết hợp chặt
chẽ với một công trình nghiên cứu có kế hoạch và có hệ thống, chẳng hạn
như với quyển Nghiên Cứu Kinh Thánh (Search the Scriptures của nhà xuất
bản Juter-Varsity Fellowship). Giáo trình đặc biệt nhằm dạy Kinh Thánh đó
giả định việc sử dụng một sách Thánh Kinh Chỉ Nam và có những trích dẫn
trực tiếp từ quyển sách này. Chúng tôi cũng xin bạn đọc lưu ý đến bộ Chú
Giải Kinh Thánh (The New Bible Commentary) do các giáo sư F.Davidson
Mục sư A.M.Stibbs và Mục sư E.F.Kevan xuất bản và bộ Thánh Kinh Tân
Từ Điển (The New Bible Dictionary) của giáo sư F.F.Bruce, Mục sư Tiến sĩ
J.D.Douglas, Mục sư Tiến sĩ J.I.Packer, giáo sư R.V.G. Tasker giáo sư
D.J.Wiseman. Không có phước hạnh nào đến với đất nước chúng ta quan
trọng hơn cơn phục hưng khiến mọi người đều đọc Kinh Thánh cách nghiêm
túc. Đặc biệt là người tín hữu Cơ Đốc cần được nuôi mình bằng 'bánh từ trời'
và nhiều người từng quả quyết rất hữu lý rằng lý do của sự sa sút thuộc linh
chính là việc chểnh mảng đọc Lời Đức Chúa Trời. John Chrysostom có nói:
“Nguyên nhân mọi điều xấu của chúng ta là không biết Kinh Thánh”. Vậy
thì, “hãy cầm lấy Kinh Thánh và đọc đi”.

SỰ LINH CẢM VÀ THẨM QUYỀN


Kinh Thánh được coi là quyển sách kỳ diệu nhất thế giới. Không giống bất
luận một quyển sách nào khác, Kinh Thánh đưa ra những lời tuyên bố quan
trọng nhất, gây được ảnh hưởng lớn lao nhất, được mọi tầng lớp độc giả yêu
thích nhưng cũng bị thù ghét hơn bất kỳ sách nào khác. Kinh Thánh đã bị
cấm, đã bị thiêu hủy, nhưng vẫn tồn tại và lan tràn. Kinh Thánh chứa đựng
những câu chuyện về lịch sử kỳ diệu nhất, nhưng nó không phải là một
quyển sử ký; Kinh Thánh là một kho tàng chân lý về điều thiện và điều ác,
nhưng nó không phải là sách giáo khoa đạo đức học; Kinh Thánh đi sâu vào
các vấn đề của đời sống hơn bất cứ một quyển sách nào khác, nhưng nó
không phải là sách chỉ nam triết học theo bất cứ ý nghĩa nào.
Kinh Thánh là quyển sách như thế nào và bí mật của Kinh Thánh là gì? Kinh
Thánh giống như công trình của Đức Chúa Trời trong cõi thiên nhiên với
những rặng núi cao chót vót, những thung lũng đầy hoa thơm cỏ lạ, khác hẳn
với thành phố do loài người dựng lên. In hằn trên Kinh Thánh là dấu tay của
Đấng Tạo Hoá.
Kinh Thánh gồm ba mươi chín quyển của Cựu Ước và hai mươi bảy quyển
của Tân Ước. Các sách trên họp thành toàn bộ Kinh Thánh, là Quyển Sách
lý tưởng được mọi thành phần trong Hội Thánh Cơ Đốc thừa nhận là được
thần cảm và là nền tảng của niềm tin Cơ Đốc. Muốn tìm hiểu bản tính và giá
trị của các quyển sách ấy chúng ta phải bắt đầu xem xét những lời công bố
của các sách đó.
NHỮNG LỜI CÔNG BỐ CỦA KINH THÁNH
a) Lời dạy dỗ của Đấng Christ.
Cựu Ước và Tân Ước được gắn liền vào nhau bất khả phân ly. Tân Ước giấu
kín trong Cựu Ước, còn Cựu Ước thì được Tân Ước giải bày (Augustine).
Chính Đấng Christ từng làm chứng cho Cựu Ước rằng phủ nhận sự thần cảm
của Kinh Thánh là trực tiếp thách thức thẩm quyền lời dạy dỗ của Ngài.
Ngài đã kết hợp lời của Kinh Thánh trước đó với các lời phán của Ngài,
giảng rộng ra, làm ứng nghiệm và xác nhận rằng đó là những lời sẽ chẳng
bao giờ qua đi (Mat Mt 5:17,18; 24:35; GiGa 5:46,47). Ngài viện dẫn các lời
ấy như là lời của Đức Chúa Trời, do đó, có thẩm quyền tối hậu (Mat Mt
19:4,5; Mac Mc 7:9-13; GiGa 5:37). Ngài phán: “Có lời chép rằng” là lời
biện minh chính tối hậu cho mọi hành động của Ngài, là nền tảng, trên đó
Ngài đặt cơ sở cho các nguyên tắc của chính mình. Đối với những vấn đề gai
góc, Ngài đáp bằng những lời đầy uy quyền của Cựu Ước. Ngài trích dẫn
lịch sử Cựu Ước với lòng tin cậy hoàn toàn và làm nổi bật ý nghĩa của
những khúc sách ít bị nghi ngờ hơn nhưng vốn rất quan trọng của sách ấy
(Thí dụ: LeLv 19:18, xem Mat Mt 19:19).
Ngài dùng Kinh Thánh để xua đuổi Sa-tan, sửa dạy phái Pha-ri-si, giáo huấn
các môn đồ, khẳng quyết sứ mạng của Ngài và cả khi trút linh hồn trên thập
tự giá. Chúa chúng ta đã chính thức chuẩn nhận ba phần vốn được mọi
người thừa nhận của Cựu Ước, tức là Các Sách Luật Pháp, Các Sách Tiên
Tri, và Các Thi Thiên (LuLc 24:44). Chính Ngài đã tuân giữ Luật pháp và
khích lệ những người khác giữ các lời dạy và tuân hành các giới mạng trong
đó (Mat Mt 23:2,3; Mac Mc 1:44; LuLc 10:26). Ngài chứng thực cho sứ
mạng từ trời của các nhà tiên tri (LuLc 11:49 đối chiếu IISu 2Sb 24:18-22)
và bằng chính lời nói và việc làm của mình, Ngài nhấn mạnh rằng các lời
tiên tri trong Kinh Thánh phải ứng nghiệm (Mac Mc 14:27,49; LuLc 21:32;
GiGa 13:18; 17:12). Ngài cho rằng một Thi Thiên đã được viết ra là do cảm
xúc của Đức Thánh Linh (Mac Mc 12:36). Những lời Ngài phán đều đầy
dẫy các hình ảnh của Cựu Ước, và những câu Ngài trích dẫn từ Cựu Ước lại
càng nhiều thêm khi Ngài càng đến gần thập tự giá và sau khi Ngài sống lại
(LuLc 25:45). Thật khó tìm ra một lời xác nhận mạnh mẽ nào cho nguồn gốc
và thẩm quyền của Cựu Ước là từ Đức Chúa Trời hơn là căn cứ vào lời nói
và việc làm của chính Ngài.
Lời dạy dỗ của Ngài về chủ đề ấy không thể cho là nhằm 'thích nghi hoá' với
tình trạng thiếu hiểu biết của những người nghe Ngài (điều đó làm sao giải
thích được việc Ngài quở mắng Sa-tan?) hay do các giới hạn của nhân tánh
Ngài (làm sao giải thích được điều đó sau khi Ngài sống lại?). Thẩm quyền
của Kinh Thánh vốn được kết hợp chặt chẽ với đời sống và giáo lý của Ngài,
đến nỗi người ta không bao giờ có thể dùng một giáo thuyết nào về linh cảm
để loại bỏ hay giải thích khác đi được. Vì trong khi Ngài khẳng định các hạn
chế của mình về sự hiểu biết trong tư cách Con Người (Mac Mc 13:32),
Ngài vẫn tự xưng là có uy quyền tối cao trên những lời Ngài dạy dỗ (Mac
Mc 13:31, đối chiếu Mac Mc 1:22; GiGa 12:48-50). Những lời khẳng định
của Ngài chẳng bao giờ cần phải thử nghiệm lại; những lời tiên báo của Ngài
là những lời chắc chắn; trong những lời Ngài dạy dỗ đã không hề có chút gì
để căn cứ vào đó mà cho là có sai lầm.
b) Lời dạy dỗ của Kinh Thánh.
Những lời Đấng Christ dạy về Cựu Ước rất phù hợp với những lời tuyên bố
của chính các trước giả. Môi-se nói rằng mình chép lại lời phán của Đức
Giê-hô-va (SaSt 1:3; XuXh 24:4; PhuDnl 29:1; 31:26), và các trước giả sau
ông cũng xác nhận như thế (Gios Gs 8:31; IIVua 2V 14:6; Thi Tv 19:7-11;
119:1). Các nhà tiên tri tuyên bố họ vốn được Đức Chúa Trời kêu gọi và nói
ra với tư cách sứ giả của Ngài: Các vị không nói ra những gì chính mình
nghĩ, nhưng công bố “Đức Giê-hô-va phán vậy” (ISa1Sm 3:15-21; EsIs 1:2;
6:9; Gie Gr 1:4-9; 6:9; 36:2; MiMk 6:1).
Những gì nghiệm đúng cho Cựu Ước cũng nghiệm đúng cho những lời
chính Đấng Christ phán ra. Những lời ấy được công bố bằng uy quyền (Mat
Mt 7:29); là thần linh và sự sống; đó không phải là lời của riêng Ngài, nhưng
do Ngài tiếp nhận từ Đức Chúa Cha (GiGa 6:63; 17:8).
Chính trong bản chất của vấn đề, nguồn gốc thiên thượng của các sách Tân
Ước không rõ ràng cho bằng các sách đã được sử dụng từ xưa; nhưng rất
hiếm ai đã nhận rằng Cựu Ước được linh cảm mà lại phủ nhận sự linh cảm
của Tân Ước. Đấng Christ từng phán dạy rõ ràng Kinh Thánh Cựu Ước chỉ
về chính Ngài và đang chờ đợi để được ứng nghiệm (Mat Mt 8:17).
Luật pháp và lời tiên tri có lúc phải chấm dứt (LuLc 16:16). Chúa Giê-xu
ban phát lời của sự sống đời đời sẽ chẳng bao giờ qua đi, và thông điệp Ngài
phó thác cho các môn đồ là dành cho mọi người thuộc mọi dân tộc và cho
đến tận thế (Mat Mt 24:35; 28:20; Mac Mc 14:9; LuLc 24:47). Vì cớ công
tác làm chứng mà Ngài giao phó cho họ, Ngài hứa ban Đức Thánh Linh để
giúp họ nhớ lại và hướng dẫn họ vào mọi lẽ thật (GiGa 14:26; 15:26; 16:13;
Cong Cv 1:8), một lời hứa đã ứng nghiệm đúng lúc (Cong Cv 15:28; ICo1Cr
2:12,13; Eph Ep 3:5; IGi1Ga 5:6). Thỉnh thoảng họ được nghe lời Chúa
phán từ trời để hướng dẫn, chỉ dạy họ (Cong Cv 10:13; 22:21), và cuối cùng,
Ngài sai thiên sứ Ngài đến với thánh Giăng để mạc khải về những điều sẽ
đến (KhKh 1:1).
Các trước giả Tân Ước tuyên bố rằng họ được Đức Thánh Linh hướng dẫn
(ICo1Cr 2:13; IPhi 1Pr 1:12; KhKh 1:10), và mong người ta tuân giữ những
điều họ dạy dỗ (ICo1Cr 14:37; IITe 2Tx 3:14). Họ biết rằng thông điệp của
họ vốn là lời của Đức Chúa Trời (ITe1Tx 2:13), được Ngài mạc khải cho
(GaGl 1:12; 2:2; KhKh 1:1), và Phi-e-rơ liệt kê các thư tín của Phao-lô vào
hàng Kinh Thánh được thần cảm (IIPhi 2Pr 3:16). Cuối cùng, các vị sứ đồ
và các trước giả Tin Lành đã nối gót Thầy mình trong cách nhận định về
Cựu Ước. Nhận định của họ ấy là 'Lời phán của Đức Chúa Trời' (RoRm 3:2,
đối chiếu Cong Cv 7:38), và sau khi trích dẫn SaSt 2:1-25 và Thi Tv 95:1-
11, trước giả thư Hê-bơ-rơ nói về các chứng cớ sách ấy là 'Lời Đức Chúa
Trời' (HeDt 4:4,7,12). Lời trong Kinh Thánh đã được trích dẫn như phán
quyết của toà án chung thẩm (Mac Mc 15:28; LuLc 2:23; 3:4; GiGa 19:24;
Cong Cv 1:16; 4:25; 13:34; RoRm 15:8-12; HeDt 1:1; Gia Gc 2:23; IIPhi
2Pr 1:21).
Như vậy, từ Sáng Thế Ký đến Khải Huyền, Kinh Thánh đều đưa ra những
lời công bố phi thường rằng đây là lời của Đức Chúa Trời phán cho loài
người.
SỰ MẶC KHẢI
a) Ý nghĩa và khả năng của sự mạc khải.
Từ ngữ 'mạc khải' (apocalypsis, cất đi tấm màn) có nghĩa là vén bức màn
trước đó đã che giấu một điều bí mật (RoRm 16:25; KhKh 1:1). Theo nghĩa
đó thì Đấng Christ đã tự giãi bày khi lần đầu Ngài mang lấy thân xác con
người, và sẽ tự phô bày một lần nữa khi Ngài tái lâm trong vinh quang
(LuLc 2:32; IPhi 1Pr 1:13). Trong nghĩa đó Đức Thánh Linh được coi là đã
mạc khải cho linh hồn một người vài chân lý ẩn giấu nào đó (ICo1Cr 14:26).
Các triết gia phủ nhận khả năng của sự mạc khải. Họ lý luận rằng làm thế
nào Đấng Vô Hạn lại có thể tương giao, thông cảm với vật hữu hạn, Đấng
Tạo Hoá có thể cảm thông, giao tiếp với vật thọ tạo? Chân lý tuyệt đối thì
làm sao có thể diễn tả được bằng ngôn ngữ tương đối của loài người? Chúng
ta có thể trả lời cho họ rằng tuy con người không thể tìm kiếm để khám phá
ra Đức Chúa Trời (Giop G 11:7), nhưng Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Ái,
Toàn Tri có thể có cách để tương giao với loài người. Nhà du lịch dùng lời
lẽ chỉ cái đã biết để mô tả cái chưa biết, người cha vẫn kiên nhẫn dùng từng
chữ từng hàng để dạy dỗ con mình. Cũng vậy, qua lời thành văn, qua Ngôi
Lời đã nhập thể, Đức Chúa Trời đã hạ mình xuống để diễn tả tư tưởng của
Ngài và tự giải bày, tự mạc khải mình ra cho loài người.
Rõ ràng là nếu có sự mạc khải thì phần chủ động phải là từ Đức Chúa Trời.
Vì ngay đối với các ý nghĩ trong lòng một người thì cũng chỉ người ấy mới
có thể truyền thông cho người khác mà thôi (ICo1Cr 2:11); và như Irenaeus
nói: “Trừ phi chính Đức Chúa Trời làm thầy giáo thì không ai có thể biết
được Ngài; như vậy, không bởi Đức Chúa Trời, chúng ta không thể biết
được Đức Chúa Trời”. Quả thật Đức Chúa Trời đã đến qua cách đó để cứu
giúp chúng ta: nếu mở Kinh Thánh ra, qua các trang sách ấy, chúng ta sẽ
thấy mình đang đối mặt với 'một thế giới mới vô cùng kỳ diệu, là thế giới
của Đức Chúa Trời'.
b) Sự mạc khải đã đến như thế nào.
Các trước giả Cựu Ước tin rằng chính Đức Chúa Trời đã phán với họ. Chúng
ta được biết 'Thời xưa, Thượng Đế đã dùng các nhà tiên tri dạy bảo tổ phụ
chúng ta nhiều lần nhiều cách' (HeDt 1:1 BDY). Lời của Đức Chúa Trời đến
với Áp-ra-ham trong một khải tượng (SaSt 15:1), với Môi-se giữa một bụi
gai đang cháy (XuXh 3:4), với A-rôn và Mi-ri-am từ trụ mây (Dan Ds 12:6),
cho cậu bé Sa-mu-ên bằng một tiếng gọi trong đêm (ISa1Sm 3:4), với Đa-vít
qua Na-than, là sứ giả được Đức Chúa Trời chọn (IISa 2Sm 12:1). Đức Chúa
Trời gọi và sai phái các sứ giả Ngài bằng những tiếng phán, bằng khải tượng
và chiêm bao. Ngài dạy rằng: “Đức Giê-hô-va đã sai các đầy tớ Ngài, là các
tiên tri đến cùng các ngươi, dậy sớm mà sai đến...” (Gie Gr 25:4, đối chiếu
LuLc 11:49). Ngài trao cho họ một thông điệp để truyền lại cho dân sự, và
họ đã không chút sợ hãi, tuyên bố rằng: 'Đức Giê-hô-va phán vậy' (XuXh
4:22; Dan Ds 24:13; Gios Gs 7:13; EsIs 6:7,8; Gie Gr 1:8; AmAm 2:11;
MaMl 1:2).
Khi những ngày ấy đã chấm dứt, Đức Chúa Trời đã phán dạy bởi Con Ngài:
Con Một sanh ra từ trong lòng Cha để công bố Đấng chưa từng có ai được
nhìn thấy bao giờ (GiGa 1:18). Thậm chí Ngài không hề nói về mình mà chỉ
nói ra những gì Đức Chúa Cha dạy Ngài nói (GiGa 8:28); và tuy chỉ nói
bằng tiếng A-ram đơn sơ, giản dị, lời Ngài vốn là thần linh và sự sống (GiGa
6:63). Các môn đệ Chúa làm chứng rằng họ đã nghe lời Đức Chúa Cha phán
từ trời xuống (Mac Mc 1:11; 9:7; GiGa 12:28; IIPhi 2Pr 1:17); Phao-lô nhận
được lời phán của Đấng Christ vinh hiển bằng khải tượng công khai giữa
ban ngày, hoặc trong lúc yên tịnh ban đêm (Cong Cv 9:4; 23:11); bằng tiếng
nói của một bạn đồng môn hay của một thiên sứ (Cong Cv 21:11; 27:24).
Chúng ta từng ghi nhận rằng 'sự mạc khải của Đấng Christ' đã được một
thiên sứ đem đến và tỏ ra cho thánh Giăng (KhKh 1:1).
Điều chúng ta đọc được trong các sách Tin Lành không phải chỉ là tiểu sử
của Chúa Giê-xu, cũng không phải chỉ là việc chép lại thụ động các sự kiện,
nhưng đó là 'lời chứng của Chúa Giê-xu' (1:2,9) mà thánh Giăng xem như
'lời của Đức Chúa Trời'. Đây chính là lời chứng (Cong Cv 1:8) của những
người từng biết Chúa Giê-xu trong xác thịt, bây giờ lại biết Ngài là Con đời
đời của Đức Chúa Trời, đã thăng thiên. Một môn đệ công bố những gì chính
ông đã thấy và nghe (IGi1Ga 1:3; GiGa 21:24), người khác viết lại theo thứ
tự, những việc mình từng mục kích về Ngôi Lời (LuLc 1:2,3). Các trước giả
Tân Ước chứng thực cho Tin Lành về ân sủng của Đức Chúa Trời (Cong Cv
20:24), thế nào Đức Chúa Trời đã sai Đức Chúa Con đến để làm Chúa Cứu
Thế (IGi1Ga 4:14); lời chứng này là thần linh của lời tiên tri (KhKh 19:10,
theo bản Anh văn), và hễ ai nhận lời chứng của họ thì cũng đóng ấn của
mình để chứng thực rằng Đức Chúa Trời là thật (GiGa 3:33).
Đó là cách Đức Chúa Trời đã tìm ra được phương pháp để truyền đạt thông
điệp của Ngài cho nhân loại, và ngày nay chúng ta có được bằng ngôn ngữ
loài người, đã được viết ra cho chúng ta học tập trong các trang Kinh Thánh
(RoRm 15:4). Chúng ta hãy lần lượt khảo xét công tác của Đức Thánh Linh
trong và qua Kinh Thánh, hay nói khác đi, là vấn đề linh cảm hay thần cảm
của Kinh Thánh.
SỰ LINH CẢM
a) Là việc làm của Thánh Linh.
Khi Phao-lô viết cho Ti-mô-thê rằng “Cả Kinh Thánh đều được Thượng Đế
cảm ứng” (IITi 2Tm 3:16 BDY), thì rõ ràng ông muốn ám chỉ các 'sách
thánh' (3:15) của Cựu Ước, những tác phẩm linh thánh, có thể khiến người
đọc trở nên khôn ngoan mà được cứu rỗi. Khi bảo các sách ấy vốn được cảm
ứng, soi dẫn, (theopneustos, Đức Chúa Trời hà hơi), ông có ý dạy rằng 'hơi
thở của Đức Chúa Trời ở trong từng câu Kinh Thánh cũng như người ta thở,
truyền sinh khí vào các lời nói, để chúng truyền đạt tư tưởng mình cho người
khác'.
Ngay từ khởi thủy, Hội Thánh đã tin quyết rằng Cựu Ước là công trình của
Đức Thánh Linh và 'các nhà tiên tri là phát ngôn viên của Đức Thánh Linh';
đó là yếu tố tiên khởi trong Bản Tín Điều của Đông Giáo hội. Cuối thế kỷ
thứ nhất giáo phụ Clement viết: “Kinh Thánh là do Đức Thánh Linh ban
cho”. Chính các nhà tiên tri vốn ý thức rằng các vị đã bị một quyền lực
mạnh hơn mình điều khiển (EsIs 8:11; 61:1; Gie Gr 1:9; Exe Ed 3:4); các vị
vốn bị Linh của Đức Chúa Trời cảm động (IIPhi 2Pr 1:21, bản Anh văn dịch
là 'đưa đi') mà nói ra. Về sau này, nhiều người đã nỗ lực khổ công suy nghĩ
nhằm định nghĩa sự linh cảm, tức là cách thức mà Đức Thánh Linh đã tác
động trên tâm trí các trước giả. Athenagoras ví hành động của Ngài với
người thổi sáo khiến ống sáo phát ra tiếng nhạc, tạo được âm thanh. Diễn
trình linh cảm nhất định không có tính cách máy móc, vì con người không
phải là một bộ máy, mà Đấng Tạo Hoá cũng không bao giờ xem con người
như một cái máy. Ngài kêu gọi con người làm sứ giả cho Ngài, giao phó
thông điệp của Ngài để qua trung gian là cá tính của họ, truyền đạt thông
điệp ấy với sự sinh động trong các tình huống mà Đức Chúa Trời thấy trước
(Gie Gr 1:5).
Thông điệp của Đức Chúa Trời cho Áp-ra-ham có một số nét đặc biệt nhắc
chúng ta nhớ lại các đồng cỏ, các bầy súc vật trên con đường ra khỏi Cha-
ran hướng về Đất Hứa. Đến phần ký thuật về Giô-sép khung cảnh thay đổi
hẳn đưa chúng ta đến xứ Ai-cập, để rồi chúng ta lại cùng Môi-se vượt qua sa
mạc, nghe tiếng sấm sét vang rền trên núi Si-na-i. Những bài ca du dương
của Đa-vít, những bài giảng như dao cắt của A-mốt, những lời kêu gào thê
lương của Giê-rê-mi, các phần ký thuật có thứ tự hẳn hoi của Lu-ca, hay
những lời thôi thúc đầy sức thuyết phục, những lời khuyên bảo đầy tình yêu
thương của Phao-lô, vốn hoàn toàn khác nhau. Chúng ta phải tạ ơn Chúa vì
có các yếu tố rất 'con người' đó trong Kinh Thánh, do đó, Kinh Thánh rất
xứng đáng cho chúng ta nghiên cứu, học hỏi. Chúng ta được lợi ích rất nhiều
trong bức chân dung theo bốn phương diện của Đấng Christ trong các sách
Tin Lành, mỗi phương diện đều thêm sức sống cho bức tranh; và đức tin
chúng ta được củng cố chẳng những nhờ lời chứng của Phao-lô, mà còn của
cả Gia-cơ, Phi-e-rơ, Giăng và Giu-đe nữa. Dù trong Kinh Thánh phương
diện 'con người' qua các trước giả khá nổi bật nhưng phương diện Đức Chúa
Trời luôn luôn là yếu tố chủ đạo ngự trị toàn diện.
b) Hai yếu tố về Đức Chúa Trời và loài người bất khả phân ly.
Hai yếu tố về Đức Chúa Trời và loài người trong Kinh Thánh không thể tách
rời nhau; ta không thể nói phần này là của loài người, phần kia là của Đức
Chúa Trời. Thỉnh thoảng có người mô tả Kinh Thánh là quyển sách chép lại
sự mạc khải; quả đúng như vậy, nhưng hơn thế nữa, vì chính việc ký thuật
cũng là một phần được linh cảm của sự mạc khải. Cũng vậy, thỉnh thoảng có
người bảo rằng Kinh Thánh chứa đựng Lời Đức Chúa Trời; điều đó đúng,
nhưng nếu nói Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời thì cũng đúng. Đã không
hề có hai phần riêng rẽ như một bức tranh được lồng vào một cái khung; bức
tranh là công trình của người nghệ sĩ, còn khung tranh là công việc của
người mua bán tranh. Không phải Đức Chúa Trời đã thêm lời của Ngài vào
lời của các nhà tiên tri, nhưng là Ngài dùng các nhà tiên tri làm trung gian để
nói ra lời của chính Ngài. Đức Thánh Linh không ban sứ điệp rồi để mặc các
vị tùy ý thêm thắt vào đó. Đó là điều rất hay cho chúng ta; vì thật quá ngu
dại nghĩ rằng, con người dốt nát, tội lỗi lại có thể phê phán Kinh Thánh và
bảo rằng 'phần này của người ta, và phần kia là của Đức Chúa Trời; phần
này là do người ta chép lại, còn phần kia là sự mạc khải'. Làm như vậy là
mắc bẫy Sa-tan và tự xem mình là thần (SaSt 3:5). Phần của chúng ta là phải
hạ mình, khiêm nhu để tiếp nhận lời đã trồng (Gia Gc 1:21) mà Ngài vui
lòng truyền cho chúng ta qua những người Ngài chọn làm công cụ cho Ngài
và mặc lấy Thánh Linh Ngài để hầu việc Chúa.
c) Sự linh cảm thành văn.
Thành ngữ 'linh cảm thành văn' không tìm thấy trong Kinh Thánh, nhưng ý
tưởng đó theo như Lightfoot nói thì 'ý liên quan đến một khái niệm cho rằng
không có mạc khải gì cả, bởi vì lời nói chỉ là công cụ truyền dạt, là phương
tiện để diễn tả các ý niệm'; hơn nữa, một từ ngữ đặc biệt nào đó tự nó có thể
hết sức quan trọng, thậm chí có tính cách quyết định nữa (xem Mat Mt
12:37; GiGa 10:35; GaGl 3:16). Học giả Hooker rất 'đứng đắn' bảo rằng
Kinh Thánh vốn được thiết kế hết sức hoàn chỉnh đến độ không hề thừa hoặc
thiếu một chữ nào, rằng 'các trước giả không hề nói hoặc viết một lời, một
chữ nào theo ý riêng, mà viết từng âm một như Đức Thánh Linh đã đặt vào
miệng họ'.
Nhưng Cơ Đốc nhân không nghĩ về các sách thánh của mình như người theo
Hồi giáo nghĩ về Kinh Coran rằng khi được dịch ra một thứ tiếng khác thì bị
mất đi đặc tính của nó; cũng không xem Kinh Thánh như người Ấn-độ giáo
đối với Kinh Vệ-đà, xem đó như một thứ bùa chú, chỉ có đủ quyền phép khi
ở trong Phạn ngữ mà thôi. Trái lại, Kinh Thánh có rất nhiều bản dịch, và Cơ
Đốc nhân rất vui mừng khi đem đến cho nhiều dân tộc khác các bản dịch
Kinh Thánh bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Vì giá trị đích thực của chữ nghĩa
không hề nằm trong hình thức đúng nguyên văn của chúng, mà nằm trong
tinh thần, trong ý nghĩa và trong bức thông điệp chúng muốn truyền đạt.
Kinh Thánh vốn được linh cảm đúng nguyên văn theo nghĩa như Gregory
từng nói, là nó truyền đạt cho chúng ta 'trái tim của Đức Chúa Trời bằng lời
của Đức Chúa Trời', trong những lời phán của Đức Chúa Trời (logia) vốn là
kho báu vĩ đại của dân Do-thái (RoRm 3:2), và trong những lời lẽ vốn là
'thần linh và sự sống' của Đấng Cứu Chuộc chúng ta (GiGa 6:63). Nhưng tuy
lời lẽ của Kinh Thánh được linh cảm, dưới giao ước mới, chúng phải được
tiếp nhận, không phải bằng lời theo đúng nguyên văn, nhưng bằng tinh thần,
không phải như được chạm khắc một cách máy móc thật chính xác trên đá
cứng với các đặc tính bất di bất dịch, nhưng như một thông điệp sống đi sâu
vào lòng người.
Nếu đã nhận định như vậy, thì những chỗ khác khau về cách phát biểu hoặc
những chỗ dường như trái ngược nhau nữa ở chỗ này chỗ kia giữa những
phần ký thuật khác nhau về cùng một biến cố, sẽ không gây ngạc nhiên hay
thắc mắc cho chúng ta; vì như hai ảnh trong kính xem hình nổi cho chúng ta
nhìn thấy một bức tranh nổi bật hẳn lên, thì cách trình bày về cùng một nhân
vật hoặc biến cố dưới nhiều góc cạnh khác nhau thật ra đã giúp chúng ta
hiểu rõ hơn. Ngay khi các trước giả sách Tin Lành ghi lại các câu nói của
Đấng Christ có khác nhau, chúng ta vẫn không hề bị mất niềm tin vào sự
linh cảm mà các vị đã nhận; vì những chỗ khác nhau một phần vốn do việc
phiên dịch từ tiếng A-ram, một phần vì ấn tượng khác nhau đã xảy ra đối với
những người đã nghe chúng, nhưng chúng thật sự đã bổ túc cho nhau và
chiếu sáng cho toàn thể sự việc, chẳng hạn như ba bản ký thuật về Sự Hoá
Hình, trong đó mỗi phần ký thuật đều giúp chúng ta củng cố thêm đức tin
vào các sự kiện, và các chi tiết khác nhau đều thêm cho bức tranh càng
phong phú hơn.
d) Lời chứng của Đức Thánh Linh.
Diễn trình linh cảm là công việc của Đức Thánh Linh, kết thúc khi Kinh
Thánh được viết ra lần đầu tiên; tiếp theo đó, Đức Thánh Linh tiếp tục công
tác soi sáng của Ngài khi thuyết phục và chiếu sáng cho linh hồn từng người
tin Chúa. Sự kiện này - mà các nhà cải cách tôn giáo gọi là 'nội chứng của
Đức Thánh Linh' - đưa ra câu giải đáp cho vấn đề vẫn thường được đặt ra là:
Làm thế nào chúng ta biết được Kinh Thánh quả thật là Lời Đức Chúa Trời?
Không hề có một nhân chứng nào là con người mà giải đáp được câu hỏi đó.
Lời Đức Chúa Trời tự chứng minh cho chính mình, và thêm vào đó có lời
làm chứng của Thánh Linh Đức Chúa Trời. Vậy khi Đức Chúa Trời phán thì
người ta chỉ có thể lắng nghe: 'Thà xưng Đức Chúa Trời là thật và loài người
là giả dối' (RoRm 3:2-4), 'Ai có tai, hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán'
(KhKh 3:6). Kinh nghiệm Cơ Đốc nhân xác nhận lời dạy dỗ này. Augustine
đã kể lại trước khi tin Chúa, Kinh Thánh đối với ông dường như kém xa văn
chương La-mã, nhưng sau đó lại trở thành niềm vui và sự thích thú của ông,
những chỗ trong Kinh Thánh khó hiểu đều tan biến, và ông thấy đó là chân
lý, là lời được linh cảm của Đức Chúa Trời.
Người không có đức tin có thể nghiên cứu Kinh Thánh như nghiên cứu văn
học, sử học, hoặc thậm chí như thần học nữa, nhưng sẽ không được chút ích
lợi thuộc linh nào. Cũng như chiếc máy thu thanh không bắt đúng làn sóng
của đài phát thanh sẽ không tạo được ấn tượng gì cho người nghe cả. Cũng
vậy, qua lời thành văn của Đức Chúa Trời, người nào không sẵn sàng tiếp
nhận tiếng phán của Đức Chúa Trời cũng sẽ chẳng được nghe Ngài phán với
mình tiếng nào cả (HeDt 4:2). Nhưng với một người đã được sanh lại, Kinh
Thánh sẽ trở thành một quyển sách mới cho người ấy. Bấy giờ, do ảnh
hưởng của Đức Thánh Linh, Kinh Thánh sẽ được nhìn thấy dường như từ
bên trong, và như ánh sáng phản chiếu của một tấm gương từ lâu bị mờ vì
dơ bẩn, bây giờ được ánh sáng của mặt trời vừa ló dạng chiếu vào, khiến vật
trước đó tưởng như thô kệch vô giá trị, bây giờ lại phong phú đầy ý nghĩa
với vẻ đẹp mới. Sự cần thiết của đức tin không có nghĩa là lý trí bị gạt qua
một bên, trái lại, nó còn khích động và chẳng bao giờ tỏ ra kiến hiệu cho
bằng khi nó lắng nghe tiếng nói của Đấng Cứu Chuộc. Bây giờ, Đức Thánh
Linh là Đấng đã hà hơi vào (linh cảm) Kinh Thánh sẽ hành động như người
giải thích Kinh Thánh do Đức Chúa Trời sai đến; chính Đấng ấy 'linh cảm ý
nghĩa đích thực cho những ai lấy lòng khiêm nhu, chăm chỉ tìm cầu Kinh
Thánh' (Chrysostom).
e) Lời hằng sống.
Trong khi chúng ta khẳng định rằng tự thân Kinh Thánh đã là Lời mạc khải
của Đức Chúa Trời, thì theo một ý nghĩa khác các thông điệp của Kinh
Thánh trở thành Lời phán hiện tại của Đức Chúa Trời hằng sống cho cá nhân
nào tiếp nhận bởi đức tin, và ứng dụng nó bởi công tác của Đức Thánh Linh
(IPhi 1Pr 1:23,25; ICo1Cr 2:12,15; ITe1Tx 2:13). Theo ý nghĩa này, Kinh
Thánh không phải là điều chúng ta chiếm hữu, nhưng trái lại, là điều đang
chiếm hữu chúng ta. Lời Kinh Thánh là hằng sống và có quyền năng (linh
nghiệm), luôn luôn phê phán tư tưởng và ý chí con người (HeDt 4:12). Giáo
sư Romanes làm chứng rằng trong thời gian theo phái Bất Khả Tri, khi ông
bắt đầu tra xét Kinh Thánh thì bỗng ý thức rằng chính Kinh Thánh đang tra
xét ông. Kinh Thánh dạy dỗ, thuyết phục và sửa dạy (IITi 2Tm 3:16), sự
khôn ngoan từ Kinh Thánh lưu xuất là sự khôn ngoan thiên thượng.
Lời thành văn là công cụ của Đức Chúa Trời, sống và cư trú trong chúng ta,
qua đó, Ngài phán thẳng với linh hồn chúng ta. Do đó, Lời ấy đến với chúng
ta với thẩm quyền, và giờ đây, chúng ta phải tìm hiểu phạm vi và bản chất
của thẩm quyền ấy.
THẨM QUYỀN
a) Bản chất của thẩm quyền.
Nguồn gốc thẩm quyền của Kinh Thánh là chính Đức Chúa Trời. Chân lý
chính yếu của Kinh Thánh là kết quả việc nó vốn bắt nguồn từ Đức Chúa
Trời. Chính Đấng Christ từng nhấn mạnh: “Lời Cha tức là lẽ thật” (GiGa
17:17). Augustine cho rằng sở dĩ Đức Chúa Trời ban cho loài người sự mạc
khải thành văn, là vì con người không thể nhờ lý trí của mình để tìm ra Ngài.
'Vì ánh sáng của lý trí chúng ta vốn quá yếu để tìm ra chân lý, do đó phải
cần đến thẩm quyền của Quyển Sách Thánh. Từ lúc đó, tôi đã bắt đầu tin
rằng nếu Ngài không muốn để được người ta tin tưởng và tìm cầu thì Ngài
đã không hề ban cho Kinh Thánh một thẩm quyền tuyệt diệu như thế'.
Giám mục Chillingworth, một tác giả có tư tưởng sâu sắc ở thế kỷ mười bảy
đã viết về vấn đề ấy như sau: 'Lý trí sẽ thuyết phục bất cứ ai, trừ người lãng
trí rằng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời. Do đó, không có lý trí nào
cao hơn điều này: Vì Đức Chúa Trời phán như vậy, điều đó phải là chân
thật'. Tuy nhiên ý kiến của Giáo Hội Cải cách (Protestant) không hề chủ
trương thẩm quyền của Kinh Thánh khiến cho lý trí không còn cần thiết nữa.
Nhưng con người không nên đặt tâm trí mình lên trên Lời Chúa, hoặc đề ra
hay chọn lựa xem cái gì là đúng, là sai, nhưng phải nhận thức rằng lý trí của
loài người vốn bị hạn chế và bất toàn, nên phải cố gắng luyện tập triệt để,
nhằm thấu triệt sự dạy dỗ của Kinh Thánh nhận lấy cho mình các lời hứa và
tuân hành các mạng lịnh trong đó, xem nó là 'triết lý cao siêu nhất', như
Isaac Newton đã nói. Niềm tin vào nguồn gốc thiên thượng của Kinh Thánh
đã quyết định thái độ của các nhà Cải cách Giáo hội. Họ đặt Kinh Thánh lên
trên các truyền thống của Giáo hội, là điều sẽ không có hiệu lực hay tính
cách bó buộc trừ phi được Kinh Thánh chứng minh; họ cũng đặt Kinh Thánh
lên trên uy quyền của các Giáo hội nghị chung (các công đồng), vì các Giáo
hội nghị ấy không được Đức Thánh Linh và Lời Đức Chúa Trời cai trị trọn
vẹn như đáng phải có. Kinh Thánh là thẩm quyền tối hậu; một câu Kinh
Thánh này có thể được một câu Kinh Thánh khác giải nghĩa, và không thể
giải nghĩa một câu Kinh Thánh nào trái với một câu Kinh Thánh khác.
Thẩm quyền thuộc về Kinh Thánh như một toàn khối duy nhất. Mối liên hệ
hỗ tương giữa Cựu và Tân Ước chặt chẽ và hòa hợp vào nhau đến nỗi không
thể nào chấp nhận phần này là Lời Đức Chúa Trời mà lại chối bỏ phần kia .
Lúc Đấng Christ quở Sa-tan bằng câu: “Có lời chép rằng: người ta sống,
chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức
Chúa Trời” (Mat Mt 4:4), là Ngài đã trích dẫn lời Môi-se chép trong sách
Phục Truyền Luật Lệ Ký, và như thế Ngài đã kết hợp cả Cựu Ước và Tân
Ước làm một.
b) Cựu Ước và Tân Ước liên hệ với nhau như thế nào.
Khi đọc Cựu Ước, chúng ta phải nhớ rằng nó khác với Tân Ước vì đặc tính
chưa hoàn tất, tạm thời và chỉ có mục đích chuẩn bị. Cựu Ước như con
đường dẫn đến cùng đích là Tân Ước. Luật pháp và lời tiên tri chỉ đến đời
Giăng Báp-tít là chấm dứt; từ đó Nước Trời được truyền giảng, và người ta
chen lấn nhau để vào đó (LuLc 16:16). Các sách tiên tri dọn đường cho
Chúa, các sách Tin Lành kể lại sự ra đời của Ngài và dẫn đến sự chết trên
thập tự giá và sự sống lại của Ngài, các sách khác thì hoặc nhìn lui về các
biến cố ấy, hoặc hướng tới sự tái lâm của Ngài.
1. Phải đọc Cựu Ước trong ánh sáng của Tân Ước. Ý nghĩa đích thực của
Luật pháp Môi-se là trong 5:1-7:29, qua đó nội dung đạo đức luật pháp Môi-
se được chú giải và mở rộng, được tóm tắt thành 'luật vàng' trong 7:12.
Chúng ta không nên nghĩ về Luật pháp theo cách của người Pha-ri-si, tức là
xem đó như một bộ sưu tập các luật lệ chi li nhỏ nhặt, nhưng nên coi là tiếng
kêu gọi để kính mến Đức Chúa Trời và yêu thương người lân cận (22:40),
một ngọn đèn soi sáng cho chúng ta bước đi, một kho chứa sự khôn ngoan
và những lời hứa rộng rãi do ân điển, sự vui mừng và thỏa lòng (Thi Tv
119:1-176). Các giới mạng về đời sống dân sự cũng như những câu châm
ngôn có tính cách triết lý trong dân Y-sơ-ra-ên là một tuyển tập di sản chung
của thế giới xưa, được ứng dụng cho nhu cầu của dân sự Đức Chúa Trời từ
đời này sang đời khác. Đền Tạm với các sinh tế và nghi lễ, chỉ bóng về Đấng
Christ và chức tế lễ thượng phẩm của Ngài như thư Hê-bơ-rơ đã dạy.
Các nhà tiên tri được Đức Chúa Trời sai phái để dạy dỗ dân sự và làm người
tiền hô cho Đấng Christ (Mac Mc 1:2,3); từ thời Áp-ra-ham trở đi, họ trông
đợi 'ngày' của Ngài và tiên báo những nỗi đau đớn và việc Ngài sẽ bước vào
sự vinh hiển (LuLc 24:25,26; GiGa 8:56; Cong Cv 3:21-24). Cách tốt nhất
đọc các sách lịch sử là noi gương Đấng Christ và các môn đệ của Ngài,
chúng ta phải tiếp nhận các phần ký thuật đó mà không hề thắc mắc, thấy
trong đó mạc khải về các công việc quyền năng và sự đoán xét công bằng
của Đức Chúa Trời (LuLc 17:26-29; Cong Cv 7:1-60), còn các phép lạ trong
các sách ấy cũng tương đương với những phép lạ trong các sách Tin Lành,
nghĩa là được thực hiện bởi lòng thương xót do cùng một bàn tay đầy quyền
năng.
2. Cựu Ước cũng cần thiết để lãnh hội ý nghĩa trọn vẹn của Tân Ước, trong
đó hàng trăm câu trích dẫn và đối chiếu đã viện đến uy quyền của Cựu Ước,
mà nếu bị phủ nhận thì lời dạy dỗ của các sứ đồ sẽ chẳng có giá trị gì. Tân
Ước là phần bổ túc cho Cựu Ước, do đó, thừa kế các ý niệm rõ rệt trong đó.
Sự thánh khiết và công chính của Đức Chúa Trời, sự đoán phạt và lòng
thương xót của Ngài; mục đích cứu chuộc và chuộc tội của Ngài qua sự đổ
huyết, Thánh Linh và Nhà Vua được xức dầu của Ngài, trước hết đã được
mạc khải cho Môi-se và các nhà tiên tri có những lời giáo huấn phía sau, và
giải thích ý nghĩa của các khái niệm trong các kỷ nguyên Cơ Đốc. Hơn nữa,
theo các môn đệ Ngài, về phần xác Đấng Christ là con trai Đa-vít, con trai
Áp-ra-ham, là người nối ngôi theo lời hứa, người thừa kế ngôi Đa-vít và là
sự vinh hiển của tuyển dân Đức Chúa Trời (EsIs 9:7; Gie Gr 23:5; Mat Mt
1:1; LuLc 1:32; Cong Cv 13:22; GaGl 3:16). Ngài là A-đam thứ hai, và
không có một tên nào trong bảng gia phổ rất dài của Ngài hoặc một biến cố
nào trong câu chuyện cứu chuộc của Cựu Ước lại không ít nhiều soi sáng
cho Con Người (Nhân cách) và công tác kỳ diệu của Ngài.
c) Phạm vi của Kinh Thánh.
Khi ứng dụng thẩm quyền của Kinh Thánh, đều quan trọng là phải giữ trong
phạm vi chủ đích của Kinh Thánh. Sách ấy không hề là một quyển tóm tắt
về tri thức cũng như không hề nhằm mục đích giúp chúng ta khỏi phải truy
tầm, tra cứu. Do đó, xin chúng ta đừng tìm đến Kinh Thánh để học về thiên
văn học, tuy có một nhà thiên văn học danh tiếng từng quả quyết rằng Kinh
Thánh không hề chứa đựng một sai lầm nào về thiên văn học. Cũng vậy,
chúng ta có thể tin rằng các luật lệ trong sách Lê-vi Ký nhằm bảo vệ sức
khỏe được Đức Chúa Trời phê chuẩn và cho con người có một tri giác đặc
biệt về các nguyên lý của y học, nhưng xin đừng nghĩ rằng các luật lệ ấy
được đưa ra là nhằm để đem sử dụng tại Âu Châu ngày nay. Ngay trong thời
đại của mình, các nhà cải cách tôn giáo đã nhận thấy cần phải vạch rõ rằng
các luật lệ dân sự đã được qui định cho dân Y-sơ-ra-ên tuy là các mạng lịnh
của Đức Chúa Trời, nhưng không nhằm bắt buộc mọi người thuộc mọi thời
đại phải tuân theo. Cho nên ngày nay, chúng ta có thể tin rằng các môn đồ
đầu tiên được Đức Thánh Linh hướng dẫn để nhập chung tài sản lại với
nhau, mà không nghĩ rằng việc đó nhằm mục đích dạy chúng ta phải theo
một chủ nghĩa phủ nhận quyền tư hữu. Mặt khác, Kinh Thánh là tiêu chuẩn
quyết định tối cao cho mọi vấn đề đức tin và cuộc sống. Trong mọi vấn đề
liên hệ đến phúc lợi thuộc linh, Cơ Đốc nhân cần tra cứu Kinh Thánh, và sau
đó khi đã biết chắc Kinh Thánh dạy gì, thì phải tin rằng đó là 'chân lý chắc
chắn và vô ngộ do Đức Chúa Trời mạc khải, và vì Ngài vốn có sự hiểu biết
vô hạn nên không thể bị lừa dối; vì cớ sự thánh khiết siêu việt, nên không
thể lừa dối ai'. Từ ngữ 'vô ngộ' khiến một số người khó hiểu, nên đáng được
suy xét cặn kẽ hơn.
d) Một sự hướng dẫn không sai lầm.
Bảo rằng Kinh Thánh vô ngộ không có nghĩa là Kinh Thánh khiến người
đọc sách ấy không sai lầm, mà có nghĩa là một khi đã được hiểu đúng, Kinh
Thánh luôn luôn hướng dẫn người ấy hành động đúng. Dường như đã có hai
ẩn ý trong câu Chúa chúng ta phán với người Sa-đu-sê: 'Há chẳng phải các
ngươi lầm, vì không biết Kinh Thánh, cũng không hiểu quyền phép Đức
Chúa Trời sao?' (Mac Mc 12:24). Trước hết Ngài bảo rằng sở dĩ họ sai lầm
là vì không hiểu hoặc hiểu sai Kinh Thánh và Đức Chúa Trời toàn năng, và
như thế Ngài cũng hàm ý rằng sự hiểu biết đúng Kinh Thánh chắc chắn sẽ
hướng dẫn họ hành động đúng. Thiếu đức tin và thiếu khôn ngoan có thể
ngăn trở không cho chúng ta hiểu đúng được ý nghĩa của Kinh Thánh. Ngôn
ngữ Đông Phương uyển chuyển và rất gợi hình, và chúng ta thường không
xác định đâu là một sự kiện lịch sử, đâu là một ẩn dụ. Ngay đến các học giả
từng dày công nghiên cứu Kinh Thánh vẫn không luôn luôn đồng ý với nhau
về mối liên hệ chính xác giữa một bối cảnh lịch sử với bối cảnh có tính cách
là sân khấu để diễn kịch của một số sách văn thơ như sách Gióp hoặc Nhã
Ca. Hơn nữa, quả quyết rằng các trước giả được linh cảm chép lại các bảng
gia phổ hay các tài liệu về kiến thức trong các sách xưa nhất thiết phải sửa
lại những điểm sai trong đó theo cách nghĩ quen thuộc của người Tây
Phương ở thế kỷ hai mươi này là một đòi hỏi quá đáng.
Nhưng những thận trọng như thế nói về sự giải thích Kinh Thánh không phải
là một thách đố chân lý vô ngộ của Kinh Thánh. Có một số học giả đã đi đến
kết luận rằng Kinh Thánh không thể vô ngộ được vì đó là việc làm của con
người bất toàn, và vì cớ những khuyết điểm, những mâu thuẫn thấy trong
bản văn hiện tại. Nhưng những nhận định về sau này không thể đem áp dụng
được cho những gì đã được viết ra trong nguyên văn; nguyên bản phải gánh
chịu hậu quả luận lý của sự việc ấy, vì rõ ràng là Đức Chúa Trời đã có thể
giúp cho các trước giả tránh được sai lầm. Vấn đề vô ngộ không thể quyết
định một cách tiên nhiên (a priori) bằng lý luận. Cuối cùng nó phải tùy thuộc
vào điều đã được mạc khải, và muốn tin nhận, người ta phải có đức tin vào
cả quyền phép của Đức Chúa Trời lẫn sự thông cảm thuộc linh. Nói cho
cùng thì chỉ một mình Đức Chúa Trời mới có thể làm chứng cho Ngài mà
thôi. Augustine đã có mấy lời khôn ngoan để hướng dẫn chúng ta. Sau khi
thảo luận dài dòng, ông đã đi đến câu kết luận này: “Tôi không nghi ngờ gì
về việc các trước giả trong đó đã không nhầm lẫn hay viết ra những điều sai
lầm. Nếu trong một sách nào đó, tôi gặp một điểm gì đó dường như mâu
thuẫn với chân lý, tôi không ngần ngại tự nhủ: hoặc bản sao của tôi bị sai,
hoặc dịch giả đã không lãnh hội được đầy đủ điều vốn được nói ra, hoặc
chính tôi đã không thấu hiểu”. Cho dù chúng ta có cố gắng hết sức mình thì
những khó khăn không giải quyết được vẫn tồn tại, cũng như trong thế giới
của khoa học và mọi lãnh vực khác của tư tưởng con người; nhưng chúng ta
vẫn tìm được lương thực thuộc linh trong những gì chúng ta hiểu, còn những
gì chúng ta chưa hiểu sẽ kích thích để chúng ta nghiên cứu tường tận hơn.
e) Lời nhập thể và lời thành văn.
Cơ Đốc nhân được sự dạy dỗ của Tân Ước hướng dẫn sẽ không bị nguy cơ
sa vào việc 'sùng bái Kinh Thánh' hay cho là sách ấy có thẩm quyền hơn cả
Đấng Christ, là Con Đức Chúa Trời và là Đấng duy nhất đáng được tôn thờ.
Nhưng người ấy sẽ không về phe cả với số người phủ nhận rằng Kinh Thánh
là 'Lời của Đức Chúa Trời đã được viết ra', và quả quyết ngược lại rằng
'thông điệp của Đức Chúa Trời đã được phán truyền dưới hình thức dứt
khoát và tối hậu qua một Thân Vị (Person, Người) chứ không phải qua một
quyển sách'. Rất dễ lẫn lộn về tư tưởng trong chủ đề này. Bảo rằng sự mạc
khải tối cao và tối hậu của Đức Chúa Trời vốn ở trong Con Ngài là Chúa
Cứu Thế, là một trong những giáo lý căn bản của Cơ Đốc giáo, và không hề
có thẩm quyền nào vượt được lời phán của Ngài. Nhưng các lời phán (và
việc làm) của Ngài là đối tượng của các kinh nghiệm trực tiếp của các sứ đồ
lại chỉ được truyền đạt cho chúng ta biết qua lời chứng của các vị ấy mà
thôi, và được lưu truyền qua các trang sách Tin Lành. Với chúng ta thì chính
là các văn phẩm ấy - chớ không phải là các kinh nghiệm đầu tiên của các
môn đệ đầu tiên của Chúa - mới là 'hình thức hoàn tất và dứt khoát' của bức
thông điệp. Sự mạc khải cho các Cơ Đốc nhân vẫn chưa hoàn tất trước ngày
lễ Ngũ Tuần và sau khi Tân Ước đã được viết ra, và chúng ta tin rằng sự linh
cảm cho sách ấy 'biện minh' cho các lời hứa của Chúa chúng ta với các vị sứ
đồ và những người theo các vị rằng sẽ có sự trợ giúp của Đức Chúa Trời và
sẽ có ân tứ đặc biệt của Đức Thánh Linh được ban xuống cho thời đại các sứ
đồ'. Nếu chân lý của Tân Ước không được bảo đảm, chúng ta sẽ bị trôi dạt
trong cả một vùng biển của sự suy lý. Có người phủ nhận việc Chúa chúng
ta do một trinh nữ sanh ra, người khác có thể phủ nhận sự sống lại của thân
thể Đấng Christ, trong khi một người thứ ba có thể cướp mất của chúng ta
một số trong những lời phán quí báu của Ngài, cho đến khi chúng ta chẳng
còn lại được gì cả, ngoài một Đấng Christ trong trí tưởng tượng của bất kỳ
một nhà phê bình nào mình tin. Hiển nhiên là mạc khải được ban cho chúng
ta trong Kinh Thánh chứ không trong điều chúng ta cố tìm ở đàng sau Kinh
Thánh. Chính là qua Kinh Thánh mà chúng ta biết được Con Người, và
chính vì Con Người ấy mà chúng ta có quyển Kinh Thánh. Lời nhập thể và
Lời thành văn đã hậu thuẫn nâng đỡ hỗ tương.
KINH THÁNH QUA CÁC THỜI ĐẠI.
Còn một việc nữa cần nói, ấy là Kinh Thánh đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế
giới từ sau khi bộ sách ấy được hoàn tất vào thế kỷ thứ nhất của kỷ nguyên
chúng ta. Trong khi các sách của Tân Ước đang được viết ra thì sứ điệp hàm
chứa trong đó đã được tiếp nhận như là Lời của Đức Chúa Trời (ITe1Tx
2:13), vì đã được Cựu Ước chuẩn nhận (Cong Cv 2:16; 17:2,3,11) cũng như
được các 'dấu lạ' kèm theo chứng thực cho (Mac Mc 16:20; Cong Cv 5:12;
19:18-20). Các dấu lạ chấm dứt, nhưng bằng chứng về lời tiên tri được ứng
nghiệm và bằng chứng của Đức Thánh Linh vẫn còn lại.
Trong thế kỷ thứ hai, Cựu Ước đã được cả người ngoại bang và nhiều người
tòng giáo do thẩm quyền của Đấng Christ và các môn đệ Ngài thừa nhận là
được Đức Chúa Trời linh cảm; đồng thời các sách của Tân Ước cũng được
thừa nhận là do các sứ đồ viết ra, và cũng được xem như có thẩm quyền
tương đương. Irenaeus bảo rằng các sách ấy là 'Lời phán của (Ngôi) Lời của
Đức Chúa Trời và Thánh Linh Ngài', còn Origen thì mô tả các trước giả sách
Tin Lành, qua sự trợ giúp của Đức Thánh Linh, là 'không thể lầm lẫn hay sơ
sót trong ký ức được'. Việc Diocletian và nhiều kẻ bách hại khác thiêu huỷ
Kinh thánh đã không thể ngăn chận được việc Hội Thánh Đấng Christ cứ
ngày càng bám chặt lấy Kinh Thánh. Bất chấp sự sa sút thuộc linh cả ở
Đông Phương lẫn Tây Phương, Kinh Thánh vẫn được chép tay và lưu truyền
đi thật xa và thật rộng rãi. Với cuộc phục hưng học hỏi của thế kỷ thứ mười
lăm, Kinh Thánh trở thành nền tảng để nghiên cứu trong các trường học và
đại học. Vào buổi bình minh của cuộc Cải Cách Tôn Giáo, năm 1538, Henry
VIII ra lịnh cấp cho mỗi Hội Thánh một quyển Kinh Thánh tiếng Anh.
Trong quyển Lịch Sử Dân Tộc Anh Giản Yếu, J.R.Green mô tả việc xảy ra
tiếp theo đó như sau: 'Kinh Thánh được đọc trong nhà thờ và nhà riêng, và
khắp nơi, hễ lời ấy lọt vào tai của những người mà các cổ tục chưa làm cho
điếc lác, thì đều được nhen nhúm thành một thái độ nhiệt thành hết sức lạ
lùng. Chưa hề có một sự đổi mới nào giống như vậy xảy ra trong dân chúng.
Anh Quốc trở thành dân tộc của một quyển sách, và quyển sách đó là Kinh
Thánh”. Viết trong bộ Authorized Version xuất bản năm 1.611,
G.M.Trevelyan bảo rằng việc nghiên cứu Kinh Thánh đã gây ảnh hưởng trên
'tính tình, óc tưởng tượng và trí khôn của toàn dân suốt gần ba thế kỷ tiếp
theo đó, hơn bất kỳ một phong trào văn học nào trong biên niên sử của
chúng ta, hoặc bất cứ phong trào tôn giáo nào kể từ khi xuất hiện của thánh
Augustine'. Thiết tưởng có thể nhân bội dễ dàng những lời làm chứng như
thế, nếu chúng ta trích dẫn các tác giả và các phát ngôn nhân hiện đại.
Thế kỷ vừa qua đã chứng kiến một công tác truyền giáo lan tràn hết sức sâu
rộng, và đồng thời, các bản dịch Kinh Thánh cũng được lưu truyền trong tất
cả các quốc gia. Tại Ấn-độ, Kinh Thánh được đọc rộng rãi hơn bất cứ sách
nào khác, và thường ở trên môi miệng của những người Hồi giáo có học vấn
nhưng chưa hề đọc Kinh Coran, cũng như những người Ấn giáo hoàn toàn
chẳng biết gì về Kinh Vệ-đà. Tại Uganđa, Kinh Thánh là quyển sách căn bản
cho những người biết đọc, và đã nâng bộ lạc Baganđa lên đứng đầu cả chủng
tộc Bantu. Tại Trung Hoa, nhiều người có địa vị cao ca tụng Kinh Thánh
như một kho báu vật. Sau đây là lời của Tưởng Giới Thạch lúc bị giam cầm
năm 1.937: 'Tôi đã là Cơ Đốc nhân gần mười năm nay, và suốt thời gian đó,
tôi vẫn thường xuyên đọc Kinh Thánh. Trước đây, quyển sách thường xuyên
ấy chưa bao giờ khiến tôi thích thú cho bằng trong hai tuần lễ tôi bị thảo
khấu cầm tù tại Tây An...Với những kẻ bắt tôi, tôi chỉ yêu cầu một điều duy
nhất là một quyển Kinh Thánh'.
Quả thật chúng ta có thể nói rằng: 'Các điều răn Ngài là chân thật. Cứ theo
chứng cớ Chúa tôi đã biết từ lâu rằng Chúa lập các điều răn ấy đến đời đời'
(Thi Tv 119:151,152).

BẢN VĂN KINH THÁNH


Trong số các kết quả của các công trình nghiên cứu bản văn Cựu và Tân
Ước của các học giả thuộc ba thế hệ vừa qua, kết quả quan trọng nhất là
niềm tin quyết căn cứ trên một chứng cớ hiển nhiên không chối cãi được là
ngày nay chúng ta đang có trong tay một quyển Kinh Thánh mà bản chất
không khác mấy với nguyên bản. Dĩ nhiên việc sao chép bằng tay qua nhiều
thế kỷ khiến cho các bản sách có khác đi là điều không tránh được, nhưng
không có trường hợp nào giáo lý đã bị sự thay đổi đó ảnh hưởng. Trong
trường hợp Cựu Ước, cách sao chép thận trọng của các thầy thông giáo
người Do Thái đã giữ được tính cách chính xác của bản văn; trong khi với
Tân Ước, chúng ta được giáo sư F.J.A.Hort cho biết rằng ngoại trừ một số
sai biệt vô nghĩa về văn phạm hay chính tả còn thì không có đến một phần
ngàn của toàn bộ Kinh Thánh bị ảnh hưởng do sự sao chép khác nhau.
CỰU ƯỚC
Trong khi rất có thể sách Sáng Thế Ký chứa đựng các yếu tố xưa cũ của thời
nguyên thủy, được viết trên các bảng đất nung bằng tiết hình tự (chữ hình
nêm) của người Ba-by-lôn, ngôn ngữ của Cựu Ước là văn tự Hy-bá-lai cổ, là
văn nói mà dân Do Thái đã sử dụng từ khoảng thế kỷ thứ mười bốn TC hoặc
sớm hơn, cho đến thời kỳ họ bị lưu đày sang Ba-by-lôn vào đầu thế kỷ thứ
sáu TC. Nhưng ngoại lệ duy nhất là một câu trong sách Giê-rê-mi và vài
phân đoạn của sách Đa-ni-ên và E-xơ-ra, được viết bằng chữ A-ram, một
ngôn ngữ Semitic cùng họ với chữ Hy-bá-lai, sở dĩ được gọi tên như vậy là
do tên xứ A-ram hay Sy-ri, nằm ở ranh giới phía Đông Bắc xứ Palestine, mà
người Do Thái từng tiếp xúc trong nhiều thời kỳ khác nhau. Có lẽ các vị tộc
trưởng đã dùng một trong số các thổ ngữ đó (SaSt 31:47; PhuDnl 26:5) Từ
thời kỳ lưu đày trở về sau, nó thay thế ngôn ngữ Hy-bá-lai trong địa vị tiếng
nói của xứ Palestine để rồi trở thành ngôn ngữ phổ thông (lingua franca) của
vùng Trung Đông. Về sau nó lần lần bị Hy văn thay thế. Tiếng A-ram là
ngôn ngữ mà Chúa chúng ta và các môn đệ Ngài thường nói.
Các thủ bản (Manuscript: bản chép tay) Cựu Ước bằng tiếng Hy-bá-lai.
Đã không có một thủ bản nào còn tồn tại đến ngày nay được định niên đại cổ
hơn thế kỷ thứ chín SC. Có một thủ bản thế kỷ thứ chín của Ngũ Kinh Môi-
se (pentateuch) tại Viện Bảo tàng Anh Quốc, một trong các sách tiên tri tại
Leningrad được ghi niên đại là năm 9l6, và một số nhiều hơn nữa ở Nga. Tại
Cambridge, có một thủ bản Hy-bá-lai ghi năm 856, nhưng các học giả cho
rằng niên đại đó không đúng. Tất cả các thủ bản Cựu Ước bằng tiếng Hy-bá-
lai còn tồn tại đều được biết là bản Massoretic. Các Massoretes là những Ra-
bi và học giả người Do Thái chuyên xuất bản Cựu Ước bằng tiếng Hy-bá-lai
từ thế kỷ thứ bảy trở đi. Họ làm cho các văn bản hoàn toàn giống nhau, bảo
đảm sự đồng nhất đó bằng nhiều qui luật tỉ mỉ nhằm hướng dẫn những người
sao chép sách. Sau khi một quyển sách được sao chép xong phải đếm số chữ
trong bản sao, và nếu có sai biệt thì bản sao bị loại bỏ. Các Massoretes thêm
các ký hiệu chỉ nguyên âm vào bản văn giúp cho văn bản gồm toàn các phụ
âm trở thành dễ hiểu hơn, nhưng vì thế đôi khi lại đưa vào những nghĩa sai.
Thái độ cực kỳ thận trọng của các Massoretes đối với bản văn là lý do khiến
chúng ta chỉ còn các thủ bản có niên đại không cổ lắm, vì khi đã được sao
chép kỹ lưỡng như vậy, người ta không cần phải bảo tồn các bản sao xưa
hơn khi đã được bảo đảm rằng chúng với các bản sao là hoàn toàn giống
nhau. Việc ấn hành và phát hành các bản Massoretes được căn cứ trên kinh
Talmud, là sách giải nghĩa và chú thích Cựu Ước, được định niên đại vào
khoảng 270-500SC. Như thế bản Massoretic vốn là bản Kinh Thánh Cựu
Ước chính thức của người Do Thái, đã được lưu truyền từ bản tiếng Hy-bá-
lai của thế kỷ thứ hai SC, đó là bản Kinh Thánh được biết và sử dụng vào
thời của Chúa chúng ta. Đàng sau kinh Talmud có bản Targums là bản dịch
theo cách diễn ý cổ bản Hy-bá-lai sang chữ A-ram và thuộc về thế kỷ thứ ba,
thứ tư SC. Bản văn dùng để diễn ý này là bản Kinh thánh thông dụng tại
Palestine vào thế kỷ thứ nhất TC. Nó có hơi khác với bản Massoretic là bản
chúng ta căn cứ vào đó để dịch các bản Kinh Thánh hiện đại.
Các bản dịch Cựu Ước.
Một trong những bản Cựu Ước dịch từ nguyên bản quan trọng nhất là sách
Ngũ Kinh Sa-ma-ri có lẽ có từ thế kỷ tám TC nhân các cơ hội được mô tả
trong IIVua 2V 17:24-28. Các bản sao còn lại được định niên đại từ các thế
kỷ thứ mười đến mười ba SC hoặc sớm hơn nữa, có một số ít cũng được sao
chép lại từ thủ bản hiện còn tại Nablus, Palestine mà có người cho là vốn có
từ các thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Cơ Đốc giáo. Bản này khác với bản
Massoretic khoảng sáu ngàn chỗ, phần lớn những điểm dị biệt là về văn
phạm, chẳng có gì quan trọng. Trong số những điểm còn lại, có một số là do
sự cố ý tạo ra (chẳng hạn như Ghê-ri-xim thay vì Ê-banh trong PhuDnl
27:4), một số là những câu giải thích hay nhắc lại, trong khi một số khác cho
thấy thật sự có khác nhau về cách đọc. Ở một số chỗ bản Sa-ma-ri phù hợp
với bản Bảy Mươi (xem dưới đây), và có độ ba mươi lăm chỗ như thế được
xem là đúng hơn những chỗ trong bản Massoretes.
Bản dịch Cựu Ước ra Hy văn được biết dưới tên Bộ Bảy Mươi (Septuagint)
vô cùng quan trọng. Việc phiên dịch bộ sách ấy được bắt đầu tại Alexandria
vào thế kỷ thứ ba TC, và trở thành quyển Kinh Thánh được công nhận của
những người Do Thái nói tiếng Hy Lạp. Tầm quan trọng của nó trong việc
dùng để rà soát lại bản Massoretic thật dễ hiểu. Nó được Hội Thánh Đấng
Christ trọng dụng như một bản dịch Cựu Ước được công nhận. Việc ấy
khiến nó bị người Do Thái chối bỏ, và một bản dịch mới từ một bản Hy-bá-
lai thông dụng ra Hy văn đã ra đời, mà đặc điểm là vô cùng sát nghĩa nguyên
văn, do Ra-bi Onkelos thực hiện khoảng năm l50 SC. Trong thế kỷ thứ hai,
còn có một bản dịch khác nữa được thực hiện bởi Theodotion, mà người ta
cho là một Cơ Đốc nhân người Do Thái, cũng từ bản Hy-bá-lai phổ thông,
nhưng dịch phóng khoáng hơn. Khoảng năm 200, một bản dịch thứ tư ra Hy
văn được Symmachus thực hiện. Tất cả bốn bản dịch trên đây đều được sắp
xếp thành bốn cột cùng với bản Hy-bá-lai và bản chuyển âm Hy văn của
Origen trong thế kỷ thứ ba, công trình này được gọi là bản Hexapla. Bản sao
bản Septuagint nguyên thủy đã được chính Origen xuất bản. Bản dịch tại
Alexandria tất nhiên tiêu biểu cho bản Hy-bá-lai cổ hơn bản Massoretic và
có nhiều chỗ khác với bản ấy. Khác ít nhất là phần Ngũ kinh, và nhiều hơn
là trong các sách Sa-mu-ên và Các Vua. Thứ tự các đoạn trong Giê-rê-mi có
khác hơn và khoảng một phần sáu của sách Gióp bị bỏ sót. Ý kiến của đa số
các học giả là ở những chỗ bản Bảy Mươi khác với bản Hy-bá-lai thì những
chỗ khác đó của bản Bảy Mươi đôi khi đúng, bởi vì đây đó được bản Sa-ma-
ri hậu thuẫn, nhưng nhìn chung thì bản Massoretic (bản Hy-bá-lai) đáng tin
cậy hơn.
Hầu như toàn bộ Cựu Ước Hy văn đều có cả trong thủ bản Vatican (Codex
Vaticanus) trong thư viện Vatican ở Rô-ma và thủ bản Alexandria (Codex
Alexandrinus) tại Viện Bảo Tàng Anh Quốc và một phần lớn thì có trong
thủ bản Si-na-i (Codex Sinaiticus), được Tischendorf phát giác năm 1.844,
hiện cũng được giữ tại Viện Bảo Tàng Anh Quốc. Các thủ bản quan trọng
này được định niên đại từ thế kỷ thứ tư hoặc thứ năm. Thủ bản Ephraemi tại
Paris còn gồm có cả một mảnh bản sao rất cổ. Thêm vào các bản chép tay
quan trọng kể trên còn có khoảng mười tám cổ bản chép bằng chữ in hoa
(uncial manuscripts) vào khoảng thế kỷ thứ năm đến thứ chín, và trên ba
trăm cổ bản chép theo kiểu chữ viết tay (cursives). Thiết tưởng cần giải thích
rằng 'codex' là thuật ngữ chỉ một quyển sách có hình thù như quyển sách
chúng ta dùng ngày nay, khác với loại sách cuộn là hình thức quyển sách đời
xưa.
Nhiều bản dịch Cựu Ước khác cũng đã được thực hiện trong các thế kỷ đầu
tiên của kỷ nguyên Cơ Đốc giáo. Bản Syriac được biết dưới tên Peshitta,
được thực hiện vào thế kỷ thứ hai hoặc thứ ba. Nó được lấy từ bản Hy-bá-lai
nhưng được nhuận chánh theo bản Bảy Mươi, do đó không đáng tin cậy
trong các vấn đề có sai biệt. Hai bản dịch ra tiếng Ai Cập cổ (Coptic) là
Bohairic và Sahidic xuất hiện vào thế kỷ thứ ba và có lẽ được trích từ bản
Bảy Mươi. Cũng có các bản dịch ra các thứ tiếng Ê-thi-ô-bi, Gô-tích, Ạt-mê-
ni, A-rập, Georgian và Slavonic nhưng không có bản nào có giá trị cao có
thể sử dụng nhằm mục đích phê bình bản văn. Bản dịch được biết là bản La-
tinh cổ có lẽ được thực hiện tại Bắc Phi vào thế kỷ thứ hai SC. Bộ ấy được
trích từ bản Bảy Mươi và đã tồn tại không đầy đủ giá trị của nó về mặt phê
bình nguyên văn, phần Cựu Ước vốn kém hơn phần Tân Ước. Cuối cùng là
bản dịch La-tinh được biết là bản Vulgate, quyển Kinh Thánh của thời trung
cổ và là bản dịch chính thức của giáo hội Công giáo La-mã ngày nay. Phần
lớn bộ ấy là công trình của Jerome và một phần dịch trực tiếp từ bản Hy-bá-
lai, một phần là bản nhuận chánh bộ Kinh Thánh chữ La-tinh có tham khảo
bản Hy văn và phần lớn sách Ngoại kinh (Apocrypha) là từ bản La-tinh cổ
chưa nhuận chánh.
TÂN ƯỚC
Đến nay chúng ta còn có trên bốn ngàn cổ bản Tân Ước hoặc thành phần của
các bộ sách ấy. Diễn trình lưu truyền Tân Ước tự chia làm ba giai đoạn, giai
đoạn giấy vỏ cây (từ thế kỷ đầu đến thế kỷ thứ tư), giai đoạn chữ in hoa (từ
thế kỷ thứ tư đến thế kỷ thứ chín) và giai đoạn của lối chữ viết tháu (từ thế
kỷ thứ chín đến thế kỷ thứ mười lăm). Cần biết rằng bằng chứng về bản văn
Tân Ước có nhiều hơn bất cứ một văn phẩm nào của thế giới cổ đại lưu
truyền lại cho chúng ta.
Giai đoạn giấy vỏ cây.
Vào đầu kỷ nguyên Cơ Đốc giáo, vật liệu để viết thông dụng là vỏ cây sậy
papyrus được chế biến cho thích hợp để viết chữ lên trên. Giống sậy này
mọc rất nhiều trên bờ sông Nin. Nhiều tài liệu viết trên giấy vỏ cây còn lại
đến ngày nay đã được tìm thấy trong năm mươi năm qua (kể từ ngày sách
này xuất bản năm 1.947) tại Ai Cập, trong đó có nhiều cổ bản Tân Ước. Một
trong những khám phá quan trọng nhất là ba sách vỏ cây đóng như quyển
sách ngày nay, có từ thế kỷ thứ ba và chứa đựng phần lớn Tân Ước. Chúng
được phát giác vào năm 1.930 và được ông A.Chester Beatty mua lại. Toàn
bộ Tân Ước hầu như chưa bao giờ được góp chung trong một quyển sách
hay cuộn sách vào giai đoạn này. Tuy Hội Thánh Đấng Christ ngày càng
phát triển và có ảnh hưởng lớn, nhưng Hội Thánh vẫn là một phong trào
thầm lặng bên trong đế quốc La-mã cho đến thế kỷ thứ tư. Giữ một bộ Kinh
Thánh hay một phần Kinh Thánh vốn vô cùng nguy hiểm trong giai đoạn
bách hại. Cơ Đốc nhân nói chung lại thuộc giai cấp nghèo khổ. Điều này có
nghĩa Kinh Thánh chắc phải thường được sao chép rất vội vàng do những
người không biết phân biệt các chú thích ghi bên lề với phần thật sự là Kinh
văn. Ta có thể dễ dàng tưởng tượng ra những nhầm lẫn do các hoàn cảnh
như thế tạo nên. Điều đáng ghi nhận là thực sự lại có rất ít những nhầm lẫn
như vậy.
Giai đoạn chữ in hoa.
Toàn thể viễn ảnh của vấn đề lưu truyền bản văn đã thay đổi khi Cơ Đốc
giáo được chính thức đỡ đầu vào thế kỷ thứ tư. Có hoàng đế đã tự đảm
nhiệm lấy trọng trách tìm kiếm và duy trì bản văn tốt nhất cho nên các bộ
sách lớn bằng giấy da mỏng đóng thành quyển như hình thức quyển sách
ngày nay đã ra đời. Lối chữ viết trong giai đoạn này nói chung được gọi là
chữ in hoa (uncial), trong đó phần lớn được viết theo lối chữ in hoa. Cách
viết chữ như vậy thật rõ ràng và có thể nói là đẹp nữa. Vào cuối giai đoạn
này, vì nhiều lý do khác nhau, cách viết chữ đó trở nên lỗi thời và được tiếp
nối bằng nhiều loại chữ theo lối viết tháu.
Giai đoạn chữ viết tháu.
Một bản chữ viết tháu là viết theo lối thông thường như viết thư. Một số bản
viết như vậy rất khó đọc. Theo các nhà phê bình bản văn, thì giá trị của các
cổ bản theo lối viết tháu là ở chỗ số bản viết tháu này có khá nhiều, cho phép
người ta đối chiếu nhiều bản văn với nhau. Các cổ bản viết tháu đã không
cung ứng một bản văn nào chưa được biết trong các giai đoạn trước đó,
nhưng thỉnh thoảng người ta vẫn duy trì một vài bản có những khác biệt
quan trọng.
Các loại bản văn.
Khi nghĩ đến các loại bản văn khác nhau dựa trên sự phân loại theo tài liệu
của các học giả, chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng đa số những khác biệt đều
tương đối không quan trọng. Năm 1.881 Westcott và Hort đã chia bản văn
Kinh Thánh ra làm bốn họ khác nhau. Nhóm thuộc loại thứ nhất được gọi là
Syrian vì người ta tin rằng bản văn ấy có nguồn gốc tại An-ti-ốt, tuy vào thời
gian gần đây người ta thích tên Byzantine hơn. Bản này chính yếu là nguyên
văn của bộ Codex Alexandrinus (đầu thế kỷ thứ năm). Đây là bản văn của ấn
bản đầu tiên Tân Ước Hy văn mà Erasmus đã thực hiện tại Basle năm 1.516.
Đó là ấn bản thứ ba của một thợ in người thành phố Paris là Stephanus cho
xuất bản năm 1.550, căn cứ theo Erasmus, và của bản Elzevir, xuất bản năm
1.624, không khác mấy so với các bản vừa kể trên. Nó được biết với cái tên
là 'bản văn tiếp nhận được' (the 'received text'), và tất cả những lần ấn hành
bộ Tân Ước Hy văn tiếp theo đó đều dựa trên bản này cho đến khi ấn hành
các bản phê bình hiện đại. Bản này dựa theo bản của Erasmus, căn cứ vào
một số ít cổ bản, lúc đó những thủ bản Kinh Thánh quan trọng nhất chưa
được khám phá. Một loại bản sao nữa được gọi là Trung Dung hay
Alexandrian. Bản này dựa trên hai cổ bản quan trọng là Codex Vaticanus và
Codex Sinaiticus. Westcott và Hort nhấn mạnh đến tính cách đáng tin cậy
của bản Alexandrian và nó được coi là bản gần với những nguyên bản tốt
nhất còn tồn tại ngày nay. Cũng cần chú ý đến những bản được gọi là Tây
Phương (Western) vì đó là bản dịch tiếng La-tinh cổ và xuất hiện trong các
thủ bản La-tinh, hoặc những quyển có cả hai bản Hy văn và La-tinh. Ngày
nay, người ta không còn nghĩ rằng chúng vốn có nguồn gốc Tây phương
nữa. Đại diện chính của thủ bản này là bộ Codex Bezae, tại Cambridge gồm
các sách Phúc Âm và Công Vụ Các Sứ Đồ. Từ thời của Westcott và Hort,
các học giả có khuynh hướng chia nhỏ thêm ra thành năm loại, thay vì bốn.
Đó là: 1. Bản Alexandrian, 2. Bản Tây Phương, 3. Bản Caesarean (tiêu biểu
là sách Phúc Âm Koridethi và bản giấy vỏ cây của Chester Beatty), 4. Bản
Antiochian (tiêu biểu là bản dịch tiếng Sy-ri cổ), 5. Bản Byzantine, nhưng
cần coi các loại đó ít có tính chất độc lập với nhau hơn trước kia. Có một số
nhóm cổ bản được coi là quan trọng hơn các nhóm khác, và có những học
giả cho là điều chắc chắn hợp lý, ấy là nguyên bản nếu tìm được thì phải phù
hợp với ít ra là hai hoặc hơn nữa trong số năm nhóm trên.
Các bản dịch Tân Ước.
Bản dịch sớm nhất là bản Diatessaron của Tatian, một sách dung hòa bốn
sách Phúc Âm được thực hiện vào thế kỷ thứ hai cho các Hội Thánh tại Sy-ri
sử dụng, nhưng nguyên bản Hy văn hay chữ Sy-ri thì không được rõ. Ngày
nay, sách ấy tồn tại trong một bản dịch ra tiếng A-rập, và một thành phần
trong Hy văn vừa mới được khám phá. Sách được căn cứ vào nhóm bản văn
Tây phương và có lẽ đã được sưu tập tại Rô-ma. Bản dịch cổ các sách Phúc
Âm ra tiếng Sy-ri có thể có vào khoảng năm 200. Cổ bản làm nền tảng có lẽ
thuộc nhóm Trung Dung, tuy bộ sách cho thấy có vài chỗ theo lối Tây
Phương, có lẽ do bản Diatessaron mà ra. Có người cho rằng nó đại diện cho
một văn bản loại độc lập. Bản dịch chính thức của các Hội Thánh Sy-ri từ
thế kỷ thứ năm trở về trước, được biết là bản Peshitta. Bản dịch bộ này
giống với nhóm được biết là Sy-rian hơn bất kỳ nhóm nào khác. Có ít nhất
năm bản dịch ra chữ Ai Cập tiêu biểu cho các thổ ngữ khác nhau của cổ ngữ
Ai Cập (Coptic). Hai bản chính là bản Bihairic, là thổ ngữ vùng hạ du Ai
Cập, và bản Sahidic, cho thấy một số điểm giống với nhóm Tây Phương. Ba
bản dịch còn lại dường như được căn cứ theo bản Sahidic. Các bản dịch cổ
khác là bản chữ Ạt-mê-ni, thế kỷ thứ năm. Bản này được pha lẫn bản
Georgian, là bản được gọi là Caesarean; bản Gô-tích, thế kỷ thứ tư, căn cứ
trên một bản văn thuộc loại Syrian; và bản chữ Ê-thi-ô-bi, thế kỷ thứ sáu
hoặc thứ bảy. Ở Tây Phương, chúng ta có các bản dịch La-tinh cổ, các bản
sớm nhất được thực hiện để dùng cho các Hội Thánh Bắc Phi. Có nhiều chỗ
khác nhau giữa các bản này với các bản được sử dụng tại Ý và các nơi khác.
Các bản chữ La-tinh cổ có từ thế kỷ thứ tư và cần phân biệt với bản dịch
quan trọng của Jerome, là bản dịch chính thức hiện hành của Giáo hội Công
giáo La-mã, và được biết với tên bản Vulgate. Về mặt lưu truyền các bản
Kinh Thánh thì bản Vulgate không có gì quan trọng lắm. Bản Vulgate của
Jerome được coi là có từ thế kỷ thứ tư hoặc thứ năm và dường như đã được
sưu tập từ các cổ bản Hi-văn thuộc loại Trung Dung, tuy có nhiều bản giống
với bản Tây Phương do ảnh hưởng của văn La-tinh cổ.
Các bản dịch Anh Ngữ.
Một số các bản dịch Thi Thiên và sách Phúc Âm đã có từ thời Anglo-Saxon.
Cuộc chinh phục của dân Norman kết thúc việc dịch Kinh Thánh ra các
tiếng bản xứ. Suốt ba trăm năm do ảnh hưởng của các giáo sĩ từ lục địa và
Pháp văn trở thành ngôn ngữ của các giai cấp thượng lưu và chuyên nghiệp.
Đến thế kỷ thứ mười bốn, việc phiên dịch được tái tục và có nhiều bản dịch
ra Anh văn của thời Trung cổ: Thi Thiên, Khải Huyền, Các Thư Tín của
Phao-lô, Công Vụ Các Sứ Đồ và Các Thư Tín Tổng Quát, trước khi có các
bản dịch của Wycliffe. Có hai bản dịch thuộc loại này, nhưng không bản nào
là do công trình của cá nhân Wycliffe đích thân thực hiện cả. Trong hai bản
thì bản sau dần dần thay thế bản trước, và chắc hẳn đã được sử dụng rộng rãi
trong xứ cho đến khi có cuộc cải chánh. Đến thế kỷ thứ mười bảy, có các
bản dịch của Tyndale và Coverdale, và nhiều bản dịch khác dựa vào các bản
dịch này, trong số đó, bản thông dụng nhất là bản Geneva, được xuất bản
năm 1560. Tuyệt đỉnh của các bản dịch này là bản Authorized Version vĩ đại
năm 1611, một tuyệt phẩm về văn phong và văn tài tự thể hiện trong đời
sống và trong văn chương của dân tộc Anh. Bản Revised Version năm 1881-
1884, tuy dựa trên nhiều cổ bản có giá trị, đã không thành công trong việc
thay thế bản Authorized Version, vốn được công chúng yêu thích hơn.
Nhiều bản dịch mới khác nhau cũng tiếp tục ra đời nhằm phục vụ cho nhu
cầu chung.

KINH ĐIỂN
I. CỰU ƯỚC
Nghĩa gốc của chữ 'canon' (Hy văn: kanon) là thước đo hay tiêu chuẩn để đo
lường một vật nào đó. Theo nghĩa ấy nó được ứng dụng cho 'vật được đo'
bằng một tiêu chuẩn có uy quyền. Từ ngữ ấy có thể áp dụng cho các sách
của Kinh Thánh theo cả hai nghĩa, chúng (1) là những sách qui tắc và hướng
dẫn do Đức Chúa Trời ban, và (2) là những sách phù hợp với tiêu chuẩn về
mạc khải. Tuy cách dùng từ kinh điển đã dần dần được ứng dụng cho các
sách của Kinh Thánh, rõ ràng là các sách ấy vốn có uy quyền, không phải vì
có một bộ phận, một ủy ban nào đó của loài người khiến cho các sách ấy trở
thành có uy quyền, nhưng vì chúng vốn đã mang sẵn dấu ấn về nguồn gốc từ
Đức Chúa Trời là điều khiến chúng được nhìn nhận và phân biệt được với
tất cả các sách khác.
Với quan điểm trên đây về ý nghĩa của từ 'canon' nghĩa là 'Lời có thẩm
quyền', chúng ta có thể dò tìm lại quá trình tuyển Kinh từ những ngày khi
người ta khởi đầu tin vào thẩm quyền của Kinh Thánh.
CÁC GIỚI HẠN CỦA KINH ĐIỂN
Giáo Hội Cải Chánh (Protestant Church) thừa nhận các sách được liệt vào
kinh điển giống y các sách của Do Thái giáo. Giáo Hội La-mã thì từ sau
Giáo Hội Nghị Trent (1.563) còn thêm vào các sách Ngoại Kinh
(Apocrypha). Thứ tự trong bộ Kinh Thánh Anh văn là thứ tự của Bộ Bảy
Mươi, nhưng trong bộ Kinh Thánh Hy-bá-lai, các sách được chia thành ba
nhóm: a) Các Sách Luật Pháp (Kinh Torah), từ Sáng Thế Ký đến Phục
Truyền Luật Lệ Ký; b) Các Sách Tiên Tri (Nêbiim) được chia thành (1) Các
Sách Tiểu Tiên Tri (Giô-suê, Các Quan Xét, Sa-mu-ên, Các Vua), (2) Các
Sách Hậu Tiên Tri (Ê-sai, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên và Sách của Mười Hai Nhà
Tiên Tri, từ Ô-sê đến Ma-la-chi); c) Các Văn phẩm (Kethubim) được Bộ
Bảy Mươi gọi là Hagiographa, được đề cập với tư cách 'Các Thi Thiên' trong
LuLc 24:44 và số sách còn lại được liệt vào Cựu Ước của chúng ta, kể cả
sách Đa-ni-ên.
Ba thành phần kể trên là chứng cớ cho thấy rõ ràng có ba giai đoạn, trong đó
trước nhất là các Sách Luật Pháp, kế đến là các Sách Tiên Tri, và cuối cùng
mới đến các Sách Văn Thơ, đã được liệt vào bộ Cựu Ước. Nhưng điều đó
không phải là chứng cớ hiển nhiên cho thứ tự liên tục về thời gian mà các
sách ấy được soạn thảo. Từ ngữ 'Torah' có nghĩa là 'dạy dỗ' nguyên được
dùng chỉ năm sách đầu của Kinh Thánh được người Do Thái thừa nhận từ
đầu là tác phẩm của Môi-se, người ban bố Luật Pháp.
Chức năng của một nhà tiên tri là nhiệm vụ của một người đã dâng trọn đời
mình để mạc khải các thông điệp và ý định của Đức Chúa Trời cho dân sự
Ngài. Nói trước tương lai chỉ là một phần nhỏ trong bức thông điệp của nhà
tiên tri. Sự mạc khải được phổ cập rộng rãi qua lời đã được truyền giảng và
về sau được viết lại thành sách; nhưng nó cũng đến với người ta qua các
phần ký thuật thành văn về cách thức Đức Chúa Trời đã đối xử với nhân
loại. Do đó, các sách lịch sử đã được người Do Thái liệt vào các sách tiên tri
là phải lẽ, vì các trước giả những sách ấy đều là các nhà tiên tri (như Na-
than, ISu1Sb 29:29 và Ê-sai, IISu 2Sb 32:32) và cũng vì nội dung các sách
ấy vốn thật sự là một thông điệp tiên tri.
Các sách Sử Ký, E-xơ-ra và Nê-hê-mi bị loại khỏi các sách tiên tri vì trước
giả của chúng không có vị nào vốn là nhà tiên tri đúng theo thuật ngữ của từ
ấy. Trong các Thi Thiên đa số do các tác giả nặc danh, nhiều bài khác thì
được gán cho vua Đa-vít. Trong Tân Ước, ông được gọi là một nhà tiên tri,
cả Đa-ni-ên cũng vậy, nhưng là theo nghĩa tổng quát, danh hiệu ấy được ứng
dụng cho tất cả các trước giả được linh cảm, dù về phương diện chuyên
nghiệp họ có là tiên tri hay không. Các sách Châm Ngôn, Truyền Đạo và
Nhã Ca được gán cho Sa-lô-môn, cũng là một nhà vua. Hai sách Gióp và Ê-
xơ-tê do các tác giả vô danh. Sách Ru-tơ và Ca Thương hiện nay được xếp
vào các sách văn thơ, ban đầu dường như được gắn liền với Các Quan Xét,
và sách Ca Thương gắn vào sách Giê-rê-mi - và như thế là được kể vào loại
các sách tiên tri khi mới bắt đầu phân chia thành nhóm. Về sau chúng được
chuyển sang các sách văn thơ cùng với ba sách khác trong cùng nhóm thành
năm quyển được gọi là 'các bộ sách' (Megilloth, đối chiếu Thi Tv 40:7); ba
quyển kia là Ê-xơ-tê, Nhã Ca và Truyền Đạo.
SỰ HÌNH THÀNH CỦA KINH ĐIỂN
Các sách được xếp loại tùy theo địa vị các trước giả viết ra chúng dưới chế
độ thần quyền (divine dipensation). Nền tảng thẩm quyền được dân chúng
thừa nhận là các sách đó phải rõ ràng là lời của những người được Đức Chúa
Trời linh cảm, viết ra.
Khi thừa nhận Ngũ Kinh là tác phẩm của Môi-se, chúng ta có thể thấy rằng
luật pháp ngay sau khi ban bố, được trông mong là sẽ được mọi người tôn
trọng như các sắc luật của chính Đức Chúa Trời, do đó, được viết ra và lưu
giữ, để chúng vừa nhắc nhở cho người ta về bản chất các sắc luật ấy, vừa
làm chứng cho sự kiện dân chúng đã chấp nhận như thế (xem XuXh 24:3,4
đối chiếu Mac Mc 7:9,10; HeDt 9:18-20). Các thế hệ về sau vẫn tiếp tục
xem Luật Pháp của Môi-se là các mạng lịnh của Đức Chúa Trời (Gios Gs
1:7,8; 11:15; Cac Tl 3:4; IVua 1V 2:3; IIVua 2V 14:6; IISu 2Sb 23:18). Lịch
sử chỉ đề cập rải rác việc dân sự đã thật sự thực thi luật pháp Môi-se; vì như
Môi-se từng tiên báo (PhuDnl 31:27) qua nhiều giai đoạn, dân sự đã trắng
trợn khinh thường luật pháp và sa vào các đường lối gian ác của các lân
bang. Thế nhưng uy quyền của luật pháp vẫn được các lãnh tụ thuộc linh
thừa nhận (như Sa-mu-ên, Đa-vít, Sa-lô-môn và Ê-xê-chia), và chính việc
thừa nhận thẩm quyền ấy, chớ không phải do một thẩm quyền khác được đặt
ra đã khiến Giô-si-a vô cùng bối rối khi khám phá ra rằng Luật pháp đã bị bỏ
phế qua một thời gian hết sức lâu dài (IIVua 2V 22:11).
Sau thời của Môi-se, nhiều nhân vật khác là người của Đức Chúa Trời cũng
có ban hành nhiều luật lệ khác. Các luật lệ ấy cũng được viết ra và lưu giữ y
như vậy, bởi vì ngay từ đầu, chúng vốn được xem như những điều bó buộc
đối với dân sự (Gios Gs 24:26,27; ISa1Sm 10:25).
Khảo xét các sách tiên tri, chúng ta nhận thấy chính các tiên tri cũng rõ ràng
tin rằng các vị đã nói với thẩm quyền. 'Đức Giê-hô-va phán như vầy' là lời
mở đầu thông thường cho những lời sấm truyền của các vị. Dân chúng được
dạy bảo hãy tiếp nhận những lời truyền giảng đó và phân biệt những kẻ giả
mạo với những người thật sự được Đức Giê-hô-va ban cho uy quyền
(PhuDnl 13:1-5; 18:18-22; XaDr 13:3). Nếu những lời vừa nói ra đã được
tiếp nhận ngay, thì huống chi những lời sấm truyền các nhà tiên tri được
lệnh phải ghi chép lại vì cớ giá trị vĩnh viễn của chúng (EsIs 8:16).
Giê-rê-mi đưa ra một bức tranh rõ nét về thế nào các lời tiên tri của ông đã
được chép lại (Gie Gr 36:1-32). Như vậy, sau mỗi thế hệ, có một phần các
văn phẩm được tiếp tục thêm vào được những người trung tín trong dân Y-
sơ-ra-ên tin là lời có thẩm quyền của Đức Chúa Trời và là sự mạc khải ý chỉ
Ngài. Chẳng những chỉ trong lời các nhà tiên tri lời nói của họ được chấp
nhận, mà các thế hệ sau cùng coi những lời ấy như của các tiên tri tiền bối
có uy quyền (IIVua 2V 17:13; Gie Gr 7:25; DaDn 9:2; XaDr 1:4). Các sách
lịch sử cũng do các tiên tri viết và được tôn trọng ngang hàng với những lời
truyền giảng, tức là các vị vốn là trước giả có uy quyền, đã được Đức Chúa
Trời giao phó trọng trách làm người mạc khải các ý định của Ngài.
Cựu Ước cung cấp ít bằng chứng hiển nhiên về các nền tảng theo đó uy
quyền của các sách Văn Thơ đã được thừa nhận, nhưng chúng ta biết rằng
đến thời Tân Ước, người ta đã rất quen mô tả ít nhất một vài sách Văn Thơ
đó như là lời phán của Đức Thánh Linh (Cong Cv 1:16). Đến giai đoạn nào
của lịch sử, việc làm đó đã được dành cho các sách đặc biệt ấy thì chúng ta
chưa biết rõ, nhưng chúng ta có thể tin chắc rằng lý do chúng được liệt vào
Kinh Thánh là vì chúng vốn được mọi người xem như là những sấm ký có
uy quyền của Đức Chúa Trời. Ở những sách mà trước giả khuyết danh thì
chính đặc điểm của các sách ấy đủ để ấn chứng rằng chúng được thần cảm.
NHỮNG GIAI ĐOẠN HOÀN CHỈNH
a) Các sách Luật pháp.
Kinh điển Cựu Ước là một phần của Kinh Thánh cứ liên tục tăng thêm và
hoàn chỉnh ở từng giai đoạn, đầu tiên là các pháp lệnh và ký thuật của người
ban bố luật pháp đầu tiên (XuXh 24:3,4; PhuDnl 31:9-11; Gios Gs 8:34,35),
và cứ từng ngày càng tăng thêm do công trình của từng nhà tiên tri kế tiếp.
Có người nghĩ rằng việc công bố quyển 'Sách Luật Pháp' (mà người ta cho là
sách Phục Truyền Luật Lệ Ký) do Giô-si-a thực hiện, là giai đoạn đầu tiên
của tiến trình kinh điển hoá, và giai đoạn thứ hai là khi E-xơ-ra 'đọc sách
luật pháp cho dân sự' (NeNe 8:18). Nhưng có lẽ đúng hơn là chúng ta nên
xem việc Giô-si-a và sau đó là E-xơ-ra đã long trọng tổ chức việc đọc sách
Luật Pháp chỉ là những cơ hội để nhắc lại và khắc sâu vào tâm trí dân sự sau
khi các sách ấy đã được thừa nhận từ nhiều thế kỷ qua rồi, vì dưới áp lực của
các biến cố xảy ra và do sự bê trễ của các thế hệ đi trước, sách ấy gặp cơ
nguy bị quên lãng khiến dân sự cũng lãng quên luôn trách nhiệm của họ đối
với Đức Chúa Trời. Sở dĩ E-xơ-ra chẳng đá động gì đến các sách tiên tri là
do cơ hội bấy giờ; vì điều ông muốn buộc chặt dân sự vào việc hứa nguyện
vâng lời đúng ra là vâng lời chính các điều răn của Luật Pháp.
Việc một bản dịch ra tiếng Sa-ma-ri của Ngũ Kinh bắt nguồn từ thời Ê-xê-
chia hoặc sớm hơn nữa là bằng chứng rằng Kinh Torah vốn được cả dân Y-
sơ-ra-ên lẫn Giu-đa thừa nhận ngay trước khi thành Sa-ma-ri thất thủ, và có
thể cả trước khi vương quốc bị chia đôi nữa. Vào thời đó, nhiều sách khác
cũng đã được viết ra, kể cả sách Giô-suê và Các Quan Xét, về sau được xếp
vào nhóm các Sách Tiên Tri, cùng với các Thi Thiên của Đa-vít. Các sách
này cấu thành hạt nhân của hai phần thứ hai và thứ ba của các sách được liệt
vào kinh điển.
b) Các sách Tiên Tri.
Chúng ta có thể bác bỏ truyền thuyết trong IIE-xơ-ra 14:19-48, bảo rằng tất
cả các sách trong Kinh Thánh đều đã bị lửa thiêu hủy, và E-xơ-ra đã được
linh cảm để viết lại tất cả trong vòng bốn mươi ngày. Cũng không có gì chắc
chắn trong lời truyền khẩu về sau bảo rằng việc chuẩn nhận kinh điển là do
'người của Nhà Hội Lớn' (The Great Synagogue) một ủy ban gồm 120 thành
viên do E-xơ-ra chủ tọa.
Lời tuyên bố trong IIMa-ca-bê 2:13 bảo rằng 'Nê-hê-mi...tìm ra một thư
viện, lưu trữ các sách của nhà vua và các nhà tiên tri, và các sách của Đa-vít,
và các thư từ của các vua về các tặng vật thiêng liêng', có thể cho thấy Nê-
hê-mi có góp phần vào việc sưu tập các bộ sách thánh ngoài Kinh Torah ra,
để đưa vào một bộ Kinh Thánh thống nhất. Bộ này bao gồm ít nhất một phần
lớn nhóm các sách được gọi là 'Sách Tiên Tri', và chắc cũng gồm luôn ít
nhất là một số các Thi Thiên của Đa-vít. Nhưng một công trình sưu tập như
thế có lẽ là quá trình hình thành vào thời của Đa-ni-ên, vì ông có đề cập 'các
sách' (DaDn 9:2) và có lẽ còn thêm vào đó các tác phẩm của Giê-rê-mi mà
ông trích dẫn.
Các Sách Tiên Tri được liệt vào kinh điển chắc hẳn đã kết thúc khi tiếng nói
tiên tri hiển nhiên đã bị rút lại, và chúng ta có thể thấy trong XaDr 13:2-5 và
MaMl 4:5, là những lời cuối cùng trong các sách tiên tri, những lời nói bóng
ám chỉ giai đoạn kết thúc cho kỷ nguyên của lời tiên tri chân chính, chuẩn bị
để dân chúng khỏi trông đợi những lời sấm ký thuộc loại như thế nữa. Chắc
chắn là vào thời của các anh em Ma-ca-bê, họ đã ý thức được rằng tinh thần
tiên tri đã lìa khỏi họ từ lâu (IMa-ca-bê 9:27), tuy đức tin vẫn hướng về
tương lai, chờ đợi một ngày khi sẽ có 'một tiên tri trung tín' dấy lên (14:41;).
Rõ ràng họ vốn có đầy đủ khả năng để phân biệt lời của Đức Chúa Trời với
những lời nói của người ta vốn không thiếu thời đó. Quá trình điển chế đã
chấm dứt không phải do một quyết định độc đoán của một hội đồng hay một
thầy thông giáo nào, nhưng là do sự vắng bóng của một tiếng nói tiên tri tiếp
theo.
c) Các Sách Văn Thơ.
Đã có rất ít chứng cứ về niên đại cho việc liệt các Sách Văn Thơ (Kethubim)
vào kinh điển. Được viết vào những thời kỳ khác nhau, chúng được sưu tập
và nhập vào kinh điển vì chúng cũng là những gì 'bởi Đức Thánh Linh cảm
động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời' (IIPhi 2Pr 1:21). Nhưng sách
'Sự khôn ngoan của Jesus ben Sirach' (Ecclesiasticus) viết ra khoảng năm
200 TC, trong các chương 44 đến 49 có đề cập tất cả các Sách Luật Pháp và
Tiên Tri, nhưng chỉ gồm một phần các sách Văn Thơ mà thôi. Lúc ấy, 'Mười
Hai Sách Tiên Tri' được xếp vào cùng một nhóm. Cháu nội của tác giả, trong
lời nói đầu bản dịch quyển sách ấy ra Hy văn (132 TC) có đề cập ba lần
'Sách Luật Pháp, Sách Tiên Tri và nhiều sách khác nữa của tổ phụ chúng tôi'
dường như tất cả đều được ông nội mình nghiên cứu cẩn thận. Do đó, rõ
ràng vào khoảng 200 TC hay ít nhất cũng là năm 132 TC, việc chia các sách
được liệt vào kinh điển thành ba nhóm chắc đã được ấn định rồi, và các sách
đã được liệt vào kinh điển gồm có một phần lớn, nếu không phải là tất cả,
những sách mà ngày nay chúng ta được biết là được liệt vào kinh điển.
KINH ĐIỂN Ở ĐẦU KỶ NGUYÊN CƠ ĐỐC GIÁO
Vào đầu kỷ nguyên Cơ Đốc từ ngữ 'Kinh Thánh' (Scriptures) có nghĩa là
một bộ phận nhất định của các văn phẩm đã được thần cảm, mà uy quyền đã
được hoàn toàn chấp nhận. Đó là nghĩa theo như Chúa chúng ta và người
đồng thời với Ngài hiểu khi Ngài phán 'Kinh Thánh không thể bỏ được'
(GiGa 10:34,35) chẳng hạn. Bằng nhiều lần đề cập và trích dẫn tương tự như
vậy từ Cựu Ước, Ngài đã đưa vào đó chính uy quyền của mình, khiến sách
ấy trở thành bộ sách hoàn toàn được Đức Chúa Trời mạc khải và bày tỏ ý
chỉ mình. Tuy Chúa không nêu tên sách ấy nhưng rõ ràng Ngài đã ám chỉ
toàn bộ Kinh Thánh khi nói với Cơ-lê-ô-ba và người bạn của ông (LuLc
24:1-53) để họ phải hiểu đó là mọi điều liên hệ đến Đấng Mết-si-a. Trong
câu 27 của sách ấy, Ngài đã đề cập ' Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên tri', và
trong câu 44 thì Ngài đề cập 'trong luật pháp Môi-se, các sách tiên tri, cùng
các Thi Thiên' (xem phần trên).
Các trước giả Tân Ước có nhắc đến tất cả các sách đã được liệt vào Cựu
Ước, ngoại trừ Áp-đia, Na-hum, E-xơ-ra, Nê-hê-mi, Ê-xơ-tê, Nhã Ca và
Truyền Đạo. Tuy nhiên Na-hum và Áp-đia thuộc về cùng một bộ sách là
Sách của Mười Hai Nhà Tiên Tri đã được trích dẫn rộng rãi; Ê-xơ-tê, Nhã
Ca và Truyền Đạo thì cùng thuộc về một toàn bộ gồm năm quyển là sách
Megilloth mà một trong sách ấy vốn được đọc thuộc lòng vào năm kỳ lễ
trọng của Do Thái giáo. Hai sách E-xơ-ra và Nê-hê-mi vốn hợp thành một
quyển với các sách Sử Ký.
Khi viết sách vào khoảng năm 100 SC, Josephus tuyên bố rằng: “Vì không
phải chúng ta có vô số các sách không đếm xuể, vừa bất đồng ý kiến với
nhau đồng thời cùng mâu thuẫn với nhau, mà chỉ có hai mươi hai quyển
chứa đựng tất cả các ký thuật về các thời đại đã qua, vốn được tin rất đúng là
do Đức Chúa Trời ban cho; trong đó năm quyển là của Môi-se chép lại các
luật pháp của ông và các truyền thống về nguồn gốc nhân loại cho đến khi
ông qua đời... Các nhà tiên tri viết lại những việc đã được thực hiện vào thời
của các vị trong mười ba quyển. Bốn trong số các quyển còn lại chép các bài
thánh ca dâng lên cho Đức Chúa Trời, và những lời giáo huấn về cách ăn nết
ở trong đời sống con người” (Contra Apionem, 1:8). Con số hai mươi hai
quyển sẽ hoàn toàn ăn khớp với số sách đã được liệt vào Cựu Ước của
chúng ta ngày nay, nếu chúng ta kể Mười hai sách Tiểu Tiên Tri chỉ là một
quyển, hai sách E-xơ-ra và Nê-hê-mi là một quyển, sách Ru-tơ được kết hợp
với sách Các Quan Xét, và sách Ca Thương nhập chung với sách Giê-rê-mi.
Cách phân nhóm của Josephus cũng giống với bộ Bảy Mươi, kể sách Đa-ni-
ên vào số các sách tiên tri, và sách từ E-xơ-ra cho đến Gióp vào các số sách
tiên tri và lịch sử. Josephus tiếp tục nói rằng các văn phẩm về sau cũng
không có cùng một uy quyền như thế vì 'đã không có sự thừa kế đúng đắn
cho các nhà tiên tri thời kỳ đó'. Ông nhấn mạnh việc mọi người đều rất tôn
trọng Kinh điển. 'Vì qua nhiều thời đại như vậy...đã không có ai dám táo bạo
hoặc thêm hay bớt, hay thay đổi điều gì trong đó; nhưng điều hết sức tự
nhiên đối với người Do Thái... là tôn kính các sách ấy, cho rằng chúng chứa
đựng các giáo lý của Đức Chúa Trời; họ cố gắng kiên trì tuân thủ các giáo lý
ấy và nếu có cơ hội thì sẵn sàng chịu chết vì chúng'. Những lời phát biểu
trên đây của Josephus phản ảnh niềm tin của dân chúng thời ông, phù hợp
với những lời xưng nhận ở phần trên, rằng việc các sách ấy được liệt vào
Kinh điển là tùy thuộc vào uy quyền của Đức Chúa Trời nơi các trước giả,
và rằng việc mọi người thừa nhận các sách ấy là Kinh điển vốn có trước bất
luận một quyết định nào của các trường phái, tuy một quyết định như thế có
thể đưa ra tại Hội nghị ở Jamnia khoảng năm 90 SC, khi những giới hạn các
sách được liệt vào Kinh điển đã được sự đồng ý chung và được chuẩn nhận
qua hội nghị chính thức đó.
Bằng chứng rằng các cấp lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên vốn được Đức Chúa Trời
hướng dẫn trong việc tuyển chọn các sách để liệt vào Kinh Thánh là do kết
quả của nó. Tương phản với các tác phẩm văn chương cổ của các dân tộc
Đông phương khác, rõ ràng Kinh Thánh không hề có những điều phi lý của
đa thần giáo hoặc những lời huênh hoang của các bậc anh hùng của họ. Bộ
Kinh Thánh của chúng ta gồm những ký thuật về lịch sử, các bảng gia phổ,
luật pháp và lời tiên tri, các thi thiên và châm ngôn, nhưng là một toàn bộ
thống nhất kết cấu với nhau bởi chủ đề nổi bật là việc Đức Chúa Trời tự mạc
khải, chuẩn bị cho việc giáng lâm của Con Ngài để cứu chuộc nhân loại.
II. TÂN ƯỚC
CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN
Ý nghĩa đưa ra trong chương trước cho từ ngữ 'Kinh điển' (canon) cũng
được áp dụng cho Tân Ước, hàm ý thừa nhận một số sách là thành phần của
Kinh Thánh đã được linh cảm và có uy quyền của Đức Chúa Trời, được Đức
Chúa Trời chuẩn nhận là Lời của Ngài. Trong cả hai trường hợp, việc thừa
nhận đó không do các quyết định hình thức hay xảy ra thình lình, nhưng là
kết quả của một quá trình lâu dài và tuần tự, được những người của Đức
Chúa Trời bởi Đức Thánh Linh hướng dẫn thực hiện trong khi đọc và suy
gẫm các tác phẩm của các nhà tiên tri và các sứ đồ, và được nghe tiếng phán
của Đức Chúa Trời qua các văn phẩm ấy. Sự hình thành Kinh điển là kết quả
chứ không phải là khởi điểm của quá trình đó.
Với các Cơ Đốc nhân ngày nay, hai vấn đề đã được đặt ra: 1) Tại sao tôi
phải tin rằng các sách này - và chỉ có các sách này mà thôi - là lời được linh
cảm ? và 2) Các sách ấy đã phải trải qua sự tuyển chọn như thế nào để được
Hội Thánh nguyên thủy đánh giá như vậy? Trong trường hợp của Tân Ước,
lời đáp cho các vấn đề trên không hoàn toàn giống với câu trả lời liên hệ đến
Cựu Ước. Vì lúc Chúa chúng ta sống trên đất này, Ngài với các môn đệ của
Ngài đã có quyển Kinh Thánh chung với dân Do Thái. Họ tôn kính Kinh
Thánh và trích dẫn như vốn có uy quyền của Đức Chúa Trời. Như chúng ta
thấy, chỉ chừng đó thôi cũng đủ lý do để giải thích tại sao chúng ta càng phải
kính trọng Kinh Cựu Ước y như Chúa chúng ta vậy. Nhưng với hai mươi
bảy sách của Tân Ước, chúng ta đã không được bảo đảm như vậy. Mặt khác,
chúng ta còn có nhiều chứng cớ hơn liên hệ đến các văn phẩm và phần lịch
sử tiếp theo của các sách trong Tân Ước, và chúng ta có thể thấy càng rõ
ràng hơn, khi cuối cùng, các sách ấy đã được sưu tập và liệt kê vào Kinh
điển như thế nào để ứng nghiệm lời Chúa hứa rằng Đức Thánh Linh sẽ dẫn
những người theo Ngài vào mọi lẽ thật.
Hai vấn đề 'như thế nào' và 'tại sao' đặt ra cho quá trình kinh điển hóa Tân
Ước liên hệ chặt chẽ với nhau, và khi diễn trình lịch sử đã được mô tả thì
các lý do tại sao chúng ta cần thỏa lòng với kết quả của việc tuyển kinh sẽ
xuất hiện.
DIỄN TRÌNH LỊCH SỬ
Để cho tiện, chúng ta sẽ chia lịch sử ra làm năm giai đoạn đánh dấu bằng
quá trình theo đó Tân Ước đã đạt đến địa vị hiện tại, dù việc này khiến cho
sự phát triển rất tự nhiên của Tân Ước mang vẻ giả tạo. Sự mở rộng tri thức
về Kinh Thánh, và sự đào sâu hiểu biết về ý nghĩa và đặc tính được linh cảm
của sách ấy không do một giai đoạn nào trong số các giai đoạn vừa nêu,
nhưng cứ liên tục không gián đoạn suốt ba thế kỷ. Tuy nhiên, chúng ta có
thể nhìn rõ hơn nếu đánh dấu bằng các giai đoạn sau đây:
1. Trong thế kỷ thứ nhất, các sách khác nhau đã được viết ra, chép lại và lần
đầu tiên được phân phát cho các Hội Thánh.
2. Trong tiền bán thế kỷ thứ hai, các sách ấy được nhiều người biết đến hơn,
được đọc trong các Hội Thánh và được trích dẫn có uy quyền.
3. Trong hậu bán thế kỷ thứ hai, các sách ấy được dành cho một địa vị bên
cạnh Cựu Ước, được xem như 'Kinh Điển', được phiên dịch ra các ngôn ngữ
khác, và đặt làm đề tài cho các sách chú giải.
4. Trong thế kỷ thứ ba, các sách ấy được sưu tập thành một toàn bộ, được đề
cập với tư cách Tân Ước, và do một quá trình sàng sảy, được tách rời khỏi
các sách vở Cơ Đốc khác.
5. Trong thế kỷ thứ năm, các văn phẩm của các giáo phụ vạch rõ rằng các
kết luận đạt được đã được toàn thể Cơ Đốc nhân nói chung công nhận, nói
khác đi, là quá trình điển chế đã ổn định.
Thế kỷ thứ nhất. Kinh Thánh được trứ tác.
Trong các phần nhập đề cho mỗi sách, sẽ có phần tài liệu liên hệ đến những
điều cần thiết về nhiều người. Người ta không biết rõ 'lời Chúa' (Cong Cv
20:35; ICo1Cr 7:10) đã được viết ra lần đầu tiên từ bao giờ. Có người cho là
lúc Ngài còn tại thế, hoặc có thể là ngay sau đó. Nhưng điều chắc chắn là khi
Lu-ca bắt đầu viết sách Phúc Âm của ông vào khoảng năm 58 thì nhiều
người đã bắt tay làm công việc đó rồi (LuLc 1:1). Thư của Phao-lô gửi cho
người Ga-la-ti có lẽ đã được viết rất sớm từ năm 49 SC, các thư cho người
Tê-sa-lô-ni-ca không thể có sau năm 53. Thư Gia-cơ chắc đã có từ trước
năm ông qua đời là năm 62; các thư tín của Phao-lô và Phi-e-rơ phải có
trước năm 68. Phần lớn các sách của Tân Ước đã được viết ra trước khiGiê-
ru-sa-lem thất thủ (70 SC), tạo ra nhiều biến chuyển lớn lao trong Hội Thánh
Đấng Christ. Việc một số thư tín đã lưu hành lúc ấy được IIPhi 2Pr 3:15,16
làm chứng. Sách Khải Huyền của Giăng được định cho các niên đại khác
nhau là dưới thời trị vì của Nero hoặc Domitian, còn sách Phúc Âm và thư
tín của ông - có lẽ là các sách cuối cùng của Tân Ước đã được viết - thì được
cho là vào những năm cuối cùng của thế kỷ ấy.
Các văn phẩm Cơ Đốc ngoài Tân Ước đều chứng tỏ rất quen thuộc với các
sách Phúc Âm và các Thư Tín, và đều hoặc trích dẫn các sách ấy, hoặc sử
dụng lời lẽ các sách ấy với độ chính xác hoặc ít hoặc nhiều. Clement ở La-
mã (khoảng năm 96 SC) trích dẫn đích danh ICô-rinh-tô, và tỏ ra rất am hiểu
nhiều phần khác của Tân Ước. Thư Tín của Ba-na-ba trích dẫn câu: “Nhiều
kẻ được gọi nhưng ít kẻ được chọn” với lời nhập đề: 'Như có chép rằng'.
Clement, Barnabas và Ignatius đều vạch rõ một giới tuyến giữa lời lẽ của các
vị ấy với những gì của các sứ đồ từng viết ra, mà các vị ấy cho là được linh
cảm và có uy quyền (IClement 1:47; Ign.Ad Rom.4).
Các tác giả này đã xác nhận Tân Ước bằng cách tiết lộ tình hình trong các
Hội Thánh Đấng Christ vào cuối thế kỷ thứ nhất, phù hợp chính xác với
những gì các sách ấy đưa chúng ta đến chỗ giả định như vậy. Thêm vào đó,
các vị còn cung cấp chứng cớ là vào thời kỳ rất sớm đó, các sách Phúc Âm
và các Thư Tín đã được lưu hành và được tôn trọng ở cả Đông lẫn Tây
Phương.
Tiền bán thế kỷ thứ hai. Kinh Thánh được đọc trong các Hội Thánh.
Bước vào thế kỷ thứ hai, Papias (khoảng năm 140) người từng được nghe
chính sứ đồ Giăng giảng dạy, làm chứng về thế nào tiếng nói của 'các trưởng
lão' đã được thay thế bằng thẩm quyền của lời thành văn. Cùng thời gian ấy,
sách vở của kẻ tà giáo là Marcion cho thấy ông ta sử dụng sách Phúc Âm
Lu-ca và mười trong số các thư tín của Phao-lô và cũng biết rõ sách Khải
Huyền. Justin Martyr (148) có đề cập 'những bút ký của các sứ đồ và các
môn đệ của các vị ấy' (Dial 103), đã được đọc trong các Hội Thánh. Đây là
một thói quen rất thịnh hành tại Rô-ma lúc bấy giờ, và lan tràn khắp nơi
trong thế hệ tiếp theo đó đến nỗi Gwatkin đã nói trong cuốn “Lịch sử Hội
Thánh đầu tiên": 'chúng tôi không thể khước từ việc khẳng định nguồn gốc
của tập tục đó là có trước khi Marcion xuất hiện một ít'.
Trong các văn phẩm thời kỳ đó, ta có thể tìm thấy nhiều trích dẫn rõ ràng
của tất cả các sách Tân Ước, trừ năm hoặc sáu thư tín ngắn hơn. Cả những
kẻ theo tà giáo lẫn chính thống giáo đều làm chứng cho uy quyền của các
sách ấy và dùng câu 'Như có chép rằng' để giới thiệu một phần trích dẫn.
Hậu bán thế kỷ thứ hai. Các bản dịch và sách chú giải.
Nửa sau thế kỷ thứ hai là thời kỳ bành trướng nhanh chóng và phát triển
mạnh mẽ của Hội Thánh Đấng Christ. Cơ Đốc giáo lan tràn khắp đế quốc
La-mã và vượt khỏi các ranh giới của nó nữa. Có người bảo rằng Pantaenus
đã du hành tận Ấn-độ và thấy tại đó một sách Phúc Âm Ma-thi-ơ bằng tiếng
Hy-bá-lai đã được sứ đồ Ba-thê-lê-my đưa sang. Việc nhiều người thuộc
mọi chủng tộc gia nhập Hội Thánh và số các học giả Cơ Đốc giáo có ý thức
về trách nhiệm của mình ngày càng gia tăng, đã đưa đến việc dịch Kinh
Thánh ra nhiều ngôn ngữ mới. Bản dịch La-tinh cổ cho dân chúng Bắc Phi,
bản tiếng Sy-ri cho người Đông phương, các bản dịch đầu tiên ra tiếng Ai
Cập cổ (Coptic) tại Ai Cập, đều có thể được đặt trở về thế kỷ thứ hai.
Các sách chú giải cũng bắt đầu xuất hiện. Papias viết các sách Chú giải Sấm
Ký của Dominica khoảng năm 140. Heracleon cũng viết một sách chú giải
về các sách Phúc Âm, và Melito, Giám Mục Sạt-đe (165) viết một sách chú
giải Khải Huyền. Ngay sau đó, Tatian, một đồ đệ của Justin Martyr viết sách
Diatessaron, dung hòa bốn sách Phúc Âm, hiện nay được thừa nhận là có uy
quyền độc nhất vô nhị.
Mảnh tài liệu gọi là Muratorian (khoảng 170) có một bảng liệt kê các sách
Tân Ước, trong đó sách Công Vụ Các Sứ Đồ được cho là của Lu-ca; 'sách
Phúc Âm thứ tư' và sách Khải Huyền là của sứ đồ Giăng; năm trong số các
sách hiện có của chúng ta không thấy có trong bảng liệt kê ấy, nhưng vì các
cổ bản không đầy đủ, cho nên chúng ta không thể rút ra một sự suy diễn
chắc chắn nào cả, Irenaeus (180) trích rộng rãi các sách Phúc Âm và thư tín,
xem đó là 'Kinh Thánh'. Đến khoảng cuối thế kỷ ấy, Clement ở Alexandria
(150-220) viết sách Bố Cục (Outlines) của mình, một bộ gồm bảy quyển chú
giải các sách Tân Ước gồm cả sách Giu-đe và các Thư Tín Chung khác,
thêm vào đó gồm có Thư Tín của Ba-na-ba và sách Khải Huyền của Phi-e-
rơ.
Thế kỷ thứ ba. Các sách Tân Ước được sưu tập và loại ra.
Thế kỷ tiếp theo đó chứng kiến nhiều tiến bộ lớn lao trong lãnh vực học hỏi
và tri thức của Cơ Đốc giáo. Origen là một tác giả vượt bực; có người bảo
rằng ông sử dụng đến bảy tốc ký viên, thay phiên nhau chỉ để làm việc với
một mình ông, ngoài bảy người sao chép ấy còn có các nữ thư ký để sao
chép bằng lối chữ thật đẹp.
Ngoài bộ sách lừng danh Hexapla, hay sáu bản sao Cựu Ước bằng tiếng Hy
Lạp, ông nhuận chánh bản Tân Ước, chủ trương Tân Ước được linh cảm,
viết nhiều sách chú giải và bài giảng về phần lớn các sách trong đó, nhưng
điều hết sức ý nghĩa là ông đã không hề đả động gì đến các sách khác. Tại
Alexandria Giê-ru-sa-lem, Sê-sa-rê, An-ti-ốt, Rô-ma và nhiều nơi khác, các
thư viện bắt đầu được thành lập, trong đó, các cổ bản Kinh Thánh và các
sách chú giải chiếm một phần quan trọng. Chính Tertullian (khoảng năm
200) là người đầu tiên đã gọi Kinh Thánh Cơ Đốc là 'Tân Ước', và như thế,
về phương diện linh cảm bộ sách ấy đã được xếp ngang hàng với các sách
cuả chế độ Cựu Ước.
Việc sưu tập các sách Phúc Âm và các tác phẩm khác để đưa vào thành một
bộ duy nhất, việc dịch các sách ấy ra nhiều ngôn ngữ khác, việc thừa nhận
chúng vốn là uy quyền của Cơ Đốc giáo, và giáo lý về sự linh cảm tất cả
được tổng hợp lại nhằm khiến mọi người phải coi trọng việc phân biệt rõ
ràng giữa phần Kinh Thánh được linh cảm với các sách Cơ Đốc giáo khác từ
lâu từng được đem ra đọc để gây dựng Hội Thánh. Các sách này bao gồm
trước hết là sách vở của các giáo phụ môn đồ của các vị sứ đồ, các văn phẩm
vốn có sự tiếp xúc với các sứ đồ, các thư tín của Clement, Baraba, Hermas,
Ignatius và Polycarp, và sách Didache. Một số trong các sách ấy được một
số người thuộc nhiều thời kỳ khác nhau thừa nhận là được linh cảm, nhưng
đã không có quyển nào được mọi người thừa nhận hay thừa nhận liên tục.
Một loại sách thứ ba cũng bắt đầu xuất hiện dưới dạng các sách Phúc Âm
Ngoại Kinh và các sách giả mạo khác, chẳng hạn như các sách Phúc Âm
thuở Ấu thời (The Gospel of the Infancy) và sách Khải Huyền của Phi-e-rơ.
Mọi việc đó, cùng với sự phát triển của các tà giáo và giáo lý sai lầm, nhấn
mạnh nhu cầu phải có một tiêu chuẩn đầy uy quyền cho một giáo lý, và đưa
đến việc sàng lọc và quá trình loại bỏ, do đó các sách Tân Ước được phân
biệt với tất cả các sách khác, là một công việc tương đương với việc hình
thành công tác tuyển kinh.
Một mặt, các trắc nghiệm được áp dụng là sự thống nhất ý kiến và thực hành
trong Hội Thánh, và mặt khác, là nội chứng về uy quyền của chính các tác
phẩm liên hệ. Những nghi ngờ cuối cùng cần đánh tan liên hệ đến các vấn đề
thật và giả của các sách IIPhi-e-rơ và Khải Huyền của Giăng, do một số
người nêu ra vì có sự khác nhau về bút pháp với các văn phẩm của các vị sứ
đồ ấy.
Thế kỷ thứ tư. Hoàn tất Kinh điển.
Vào đầu thế kỷ thứ tư phần lớn Hội Thánh đã công nhận các sách được liệt
vào Tân Ước như chúng ta có ngày nay. Eusebius để lại cho chúng ta một
câu phát biểu đầy tính chiết trung về thế nào vấn đề ấy đã được đặt ra cho
thời đại của ông (316).
1. Toàn thể Hội Thánh 'đồng ý' rằng các sách được liệt vào Tân Ước gồm có
bốn sách Phúc Âm, sách Công Vụ Các Sứ Đồ, các Thư Tín của Phao-lô
(gồm luôn thư Hê-bơ-rơ, dù có điều nghi vấn về trước giả), IPhi-e-rơ,
IGiăng, Khải Huyền.
2. Bị một số người 'dị nghị', tuy được đa số và chính Eusebius công nhận, là
các sách Gia-cơ, IIPhi-e-rơ, II và IIIGiăng và Giu-đe.
3. Bị coi là 'giả mạo' là các sách Công Vụ Của Phao-lô, sách Didache và
sách Người Chăn Chiên của Hermas. Ông còn một bảng liệt kê thứ tư các
sách 'tà giáo và phi lý'.
Một thế hệ sau đó, Athanasius công nhận toàn bộ Tân Ước như chúng ta có
ngày nay, và đến năm 397 SC, Giáo Hội Nghị Thứ Ba tại Carthage ra quyết
nghị rằng 'ngoài các sách đã được liệt vào Kinh Điển, không nên đọc các
sách nào khác với danh nghĩa là Kinh Thánh của Đức Chúa Trời'. Từ đó trở
đi mọi phản bác đều im tiếng. Khi nhìn lui về quá trình dài hơi mà các sách
ấy đã được viết ra, phân phát, sưu tập, và cuối cùng được công nhận là Lời
Đức Chúa Trời, chúng ta chỉ có thể vô cùng ngạc nhiên để ngưỡng mộ và ca
tụng quyền tể trị thần hựu đã đưa mọi việc đến chỗ thành tựu.
KẾT LUẬN
Tuy các sách được liệt vào Kinh Thánh đã được đồng ý như trên, các học giả
Cơ Đốc giáo trải qua mọi thời đại đã chẳng bao giờ ngừng đặt ra cho mình
những câu hỏi mới, chẳng hạn như hiện nay, rằng tại sao họ cũng phải đi đến
cùng một kết luận như vậy.
Augustine đã tìm được câu trả lời ngay trong đặc tính của các quyển sách ấy
với sự nhất trí của giới Cơ Đốc giáo và trong lời chứng của những giáo hội
bảo tồn được truyền thống tông đồ. Vào thời Cải Chánh, khi mọi phương
diện của Cơ Đốc giáo đều phải vượt trải qua mọi phê bình khe khắt, các sách
của Kinh Thánh cũng không được miễn trừ. Luther đã đi rất xa đến độ xếp
các thư Hê-bơ-rơ, Gia-cơ, Giu-đe và sách Khải Huyền vào cuối bản dịch
Tân Ước ra Đức văn của ông, bởi vì bốn sách ấy được Hội Thánh nguyên
thủy chấp nhận không đồng nhất lắm, trong khi ông khẳng định rằng những
sách còn lại gồm đủ mọi điều cần thiết cho sự cứu rỗi. Calvin đi tìm nền
tảng cho niềm tin của ông nơi 'nội chứng của Thánh Linh' cả trong mỗi cá
nhân lẫn trong mỗi giáo hội. Chúng ta đã thừa hưởng một gia tài đồ sộ, và
cùng những lý do đã thuyết phục các bậc tiền bối khôn ngoan nhất, cũng có
thể thuyết phục và thoả mãn chúng ta. Chúng ta biết những người đã chứng
kiến tận mắt các biến cố được ký thuật, đã thà chịu chết chớ không chịu phủ
nhận những gì họ đã từng thấy và nghe, và chúng ta đã có trước mắt lời
chứng của họ trong các sách vở đồng thời. Chúng ta có thể truy nguyên cách
thức qua đó lời xưng nhận Kinh Thánh được linh cảm đã được các học giả
Cơ Đốc nhiều nơi, nhiều thời đại khảo xét và tán đồng như thế nào; chúng ta
đã có phần nội chứng về lời tiên tri đã được ứng nghiệm, và sự thống nhất
lớn trong đó. Cuối cùng chúng ta còn có lời chứng của Đức Thánh Linh
trong lòng nữa.
Tân Ước đã đứng vững qua mọi hình thức phê bình và đã chịu được mọi
cuộc thử nghiệm. Còn lại một cuộc thử nghiệm tối cao ở ngay trong tầm tay
chúng ta, là việc ứng dụng thực tiễn; vì Lời Đức Chúa Trời sở dĩ được ban
cho là để Cơ Đốc nhân có thể nhờ đó mà sống (Mat Mt 4:4). Chỉ khi nào
người ấy tuân hành các giới mạng, noi theo sự chỉ dẫn của Kinh Thánh, đặt
lòng tin vào các lời hứa trong đó và nhận thấy có Cứu Chúa mình ở khắp nơi
trong Kinh Thánh, thì chừng đó chân lý mới thấm nhuần được linh hồn
mình, đến nỗi Kinh Thánh vốn không thiếu mà cũng không thừa một chữ
nào cả (KhKh 22:18,19).

PHẦN PHỤ LỤC CHO CHƯƠNG III


SÁCH NGOẠI KINH
NGUỒN GỐC
Ngoại Kinh (Apocrypha, nghĩa là 'giấu kín' hay 'bí mật') là tên dành cho
mười bốn quyển sách có trong bản Vulgate, nhưng không được liệt vào Kinh
điển Hê-bơ-rơ. Đó là các sách I và IIE-xơ-ra, Tobit, Judith, các phần thêm
vào cho sách Ê-xơ-tê, Sách Khôn Ngoan của Sa-lô-môn, Ecclesiasticus, Ba-
rúc, Bài Ca Của Ba Người Con, Câu Chuyện của Susanna, Bel và Con Rồng,
Bài Cầu Nguyện của Ma-na-se, và I và IIMa-ca-bê. Có nhiều chứng cứ hiển
nhiên cho thấy các sách ấy vốn chẳng hề được liệt vào Kinh Điển Do Thái
giáo, hay được công nhận là có phần trong Kinh Thánh được linh cảm, cả về
phía người Do Thái lẫn về phía các Cơ Đốc nhân trong các thế kỷ đầu tiên
của kỷ nguyên chúng ta (Josephus, Melito, Origen). Chúng không có địa vị
nào trong nguyên bản Massoretes, cũng không có liên hệ gì đến bất cứ bộ
Targum nào. Các sách ấy cũng không hề được trích dẫn trong Tân Ước.
Nguồn gốc các sách Ngoại Kinh rất mơ hồ; một số có từ thế kỷ thứ hai TC,
một số khác thuộc về thế kỷ thứ nhất hoặc thứ hai SC. Ban đầu chúng không
hề được đưa vào Bộ Bảy Mươi, nhưng lại được dần dần xen vào các bản sao
chép về sau ở những chỗ thích hợp, do đó, được Jerome đưa vào bộ Vulgate.
Đặc tính và giá trị các sách ấy cách biệt nhau rất xa, từ phần lịch sử chính
xác và các tư tưởng thánh khiết, đến những truyền thuyết vô giá trị và lời
viết ảm đạm khô khan. Chỉ cần nhìn thoáng qua cũng đủ thấy cái vực sâu
ngăn cách chúng với các phần Kinh Thánh được linh cảm. Vì lý do đó, và
bởi vì chúng không có trong Kinh điển Do Thái, cũng không được Tân Ước
trích dẫn, các nhà Cải chánh đã phân biệt chúng hết sức rõ rệt với Cựu Ước,
nhưng vẫn cho phép đọc một số các đoạn trong Hội Thánh, nêu các gương
sống, chỉ dẫn về tác phong, xem như các bài giảng, các bài thánh ca hay các
văn phẩm Cơ Đốc khác.
NỘI DUNG
IE-xơ-ra là sách E-xơ-ra của chúng ta với nhiều phần thêm vào; IIE-xơ-ra có
nhiều khải tượng; về thời kỳ tận thế, một phần có tính cách Do Thái giáo,
một phần có tính cách Cơ Đốc giáo. Sách Tobit, và Judith thì lãng mạn, là
những câu chuyện kể về các anh hùng và anh thư người Do Thái. Bảy
chương thêm vào cho sách Ê-xơ-tê chỉ là mở rộng thêm phần đã được công
nhận là các tài liệu gốc. Sách Khôn Ngoan mô phỏng sách Châm Ngôn, gồm
vài khúc khá cao thượng, chẳng hạn 3:2-9, 4:9-11; về đời sống của con
người công chính sau khi qua đời và các chương 7, 8 ca ngợi sự khôn ngoan.
Sách Ecclessiasticus hay sự khôn ngoan của Giê-xu, con trai Sirach, được
viết vào khoảng năm 200 TC bằng tiếng Hy-bá-lai và được cháu nội ông ta
dịch ra Hy văn năm 132 TC. Khúc sách từ chương 44-50:21 dành ca ngợi
những nhân vật danh tiếng, đã được viết rất hay. Sách Ba-rúc mô phỏng lời
tiên tri trong Cựu Ước rất vụng về .
Bài Ca của Ba Người Con (Benedicite) được xen vào DaDn 3:23, Câu
chuyện của Su-san-na được gắn vào đầu sách ấy, với sách Bel và Con Rồng,
trong đó sự khôn ngoan của Đa-ni-ên được ca ngợi sau chương 12. Bài cầu
nguyện của Ma-na-se phối hiệp nhiều khúc trong Cựu Ước lại với nhau.
Sách IMa-ca-bê, có lẽ được viết khoảng năm 100 TC có giá trị như một
quyển sử ký về cuộc nổi dậy của anh em Ma-ca-bê. Quyển thứ hai đề cập
một phần của cùng một giai đoạn đó, nhưng kém cỏi hơn với một phần ký
thuật, pha lẫn với phần truyền thuyết có ít giá trị.

CHỦ NGHĨA PHÊ BÌNH HIỆN ĐẠI


VIỆC DÙNG TỪ NGỮ.
Phong trào phê bình cao cấp (higher criticism) là nguyên nhân của nhiều
cuộc tranh luận, nên thiết tưởng cũng cần hiểu xem nó đã xảy ra như thế
nào. Theo đúng nghĩa về mặt ngữ pháp thì phê bình chỉ có nghĩa là vận dụng
sự phán đoán. Khi áp dụng vào văn học, 'phê bình bản văn' ám chỉ việc
nghiên cứu các cổ bản nhằm tìm ra nguyên bản đúng nhất, trong khi 'phê
bình cao cấp' (higher criticism) là chữ dùng chỉ việc thảo luận về cơ cấu,
niên đại, tác giả...căn cứ vào nội và ngoại chứng. Dùng theo nghĩa trung
dung thì phê bình Kinh Thánh - cả việc phê bình nguyên bản lẫn cao cấp -
thỉnh thoảng không những là điều được phép làm mà còn nên làm, nếu công
tác ấy được thực hiện một cách sùng kính và cẩn trọng. Theo đúng nghĩa của
từ ngữ ấy, việc nghiên cứu phê bình vốn đã được các giáo phụ đầu tiên, các
nhà Cải chánh và các học giả Cơ Đốc thực hiện từ xưa cho mãi tận ngày
nay, và tất cả mọi người đều tin quyết rằng Kinh Thánh có thẩm quyền của
Đức Chúa Trời. Nhưng trong giai đoạn tiếp sau 'nền thần học phá hoại của
hậu bán thế kỷ mười tám' (Delitzsch), một trường phái phê bình đã dấy lên
để nối gót nó. Những công trình nghiên cứu đầu tiên do Astruc (1.753),
Eichhorn (1.783), De Wette (1.805) và Ewald (1.823) đưa đến kết quả là một
'giả thuyết về tài liệu' của Ngũ Kinh được cho là bắt nguồn từ việc tổng hợp
rất nhiều tài liệu mà một số sớm nhất trong đó chưa hề được viết ra sau khi
Môi-se đã qua đời được bốn hoặc năm thế kỷ. Đến hậu bán thế kỷ mười
chín, sau nhiều đổi thay và san nhuận, giả thuyết ấy bắt đầu mặc lấy một
hình thức ổn định do hai học giả rất sáng giá về Hy-bá-lai văn là Graf và
Wellhausen. Không tin là có thể có phép lạ, họ đưa ra một lý thuyết rất công
phu, tỉ mỉ cho rằng tôn giáo của dân Y-sơ-ra-ên chỉ là sự tiến hóa tiệm tiến
của thuyết vạn vật hữu hồn sơ khai (Primitive aminism), đến giai đoạn Đức
Giê-hô-vađược coi là một vị thần của bộ lạc như các thần của người ngoại
đạo, cho đến khi nhờ ảnh hưởng của các nhà tiên tri về sau này, họ mới đạt
đến một độc thần giáo cao cấp. Toàn bộ Cựu Ước bị ảnh hưởng về phương
diện nền tảng của lý thuyết ấy; 'nguồn gốc' của nhiều sách được định niên
đại cho hợp với lý thuyết này, coi đó là tiêu chuẩn cho giai đoạn phát triển
mà những sách đó phản ảnh. Việc định niên đại trễ cho các tài liệu Kinh
Thánh mở đường cho việc gán các yếu tố siêu nhiên trong đó cho sự phát
triển của các thần thoại và truyền thuyết, và lịch sử được hoàn toàn xây dựng
lại từ quan điểm ấy. Một quan điểm chi tiết về giả thuyết ảnh hưởng đến
Ngũ Kinh được đề cập trong chương IX; ở đây, thiết tưởng chỉ cần ghi nhận
ba trong số các điểm căn bản của giả thuyết đó mà thôi.
1. Pháp chế về chức vụ tế lễ (P-The Priestly Legislation), được cho là thời
kỳ hậu lưu đày ở hình thức phát triển đầy đủ. Luật pháp của sách Lê-vi Ký
được quyết đoán là không phải do Môi-se, nhưng là sự phát triển của chức
vụ tế lễ, trong và sau thời gian bị lưu đày.
2. Bộ Luật của Phục Truyền Luật Lệ Ký (D-The Deuteronomic Code) và các
tài liệu liên hệ, được gán cho giai đoạn tiên tri và việc giới hạn sự thờ
phượng vào một đền thánh trung tâm được gán cho cuộc cải cách thời Giô-
si-a.
3. Phần lịch sử trước thời quân chủ được xem do các truyền thuyết chưa
được viết ra xây dựng lên.
PHẢN ỨNG ĐỐI VỚI THUYẾT CỦA WELLHAUSEN TẠI ANH QUỐC
Thoạt tiên các học giả người Anh đã bài bác kết luận ấy vì đặc tính duy lý và
cách mạnh của chúng, nhưng chúng đã được xây dựng hết sức khéo léo và
vô cùng công phu; dường như chúng giải thích được một số sự kiện và loại
bỏ được nhiều điểm khó giải quyết; bối cảnh của chúng hòa hợp với triết lý
tiến hóa đã đạt đến đỉnh cao của tiếng tăm vào cuối thế kỷ mười chín, nên
chúng sớm được nhiều người ủng hộ. Năm 1.891, giáo sư Driver xuất bản
quyển Văn Chương Cựu Ước (Literature of the Old Testament), ông theo sát
khuynh hướng Wellhausen đã nêu. Chẳng bao lâu, một nhóm học giả tuyên
bố rằng chủ trương mới đó là kết quả sau cùng của công trình khảo cứu hiện
đại nhất, và từ đó, nó đã len lỏi được vào các sách giáo khoa thần học bậc
cao đẳng và thấm nhập sinh hoạt tôn giáo tại Anh Quốc nói chung. Quan
điểm tổng quát về Cựu Ước mà giáo sư Driver đề ra, và sau đó còn thêm
Oesterley và Robinson, thành ba quyển sách bộ ba thường được đề cập là
học thuyết 'phê bình hiện đại' (tuy bấy giờ nó đã xưa gần một thế kỷ rồi), và
trong phần tiếp theo đây thỉnh thoảng nó sẽ được đề cập bằng cái tên này.
Nếu chúng ta ngạc nhiên khi thấy các lý thuyết cấp tiến như trên lại được
mọi người sẵn sàng chấp nhận, thì thêm vào với các lý do kể trên còn có các
lý do sau đây có thể được đưa ra để giải thích.
1. Việc Robertson Smith và Driver là hai học giả tiếng Hê-bơ-rơ lỗi lạc nhất
tận tình áp dụng phương pháp phân tích tài liệu đó đã tạo cho nó một khởi
điểm tuyệt vời. Khi các vị đặt quan điểm của mình trên các nền tảng ngữ học
và văn học, điều đó khiến nhiều người khác nghĩ rằng đây là các vấn đề của
các chuyên gia, cần phải nghe theo ý kiến của họ, đồng thời mối liên hệ với
quan điểm duy lý của các tác giả đầu tiên người Đức lại bị làm mù mờ đi. Cả
hai học giả người Anh này đều có địa vị chính thức trong Hội Thánh. Tại
Anh Quốc, câu khẳng định của Driver rằng kết luận của ông 'không ảnh
hưởng gì tới vấn đề linh cảm hay thẩm quyền của Kinh Thánh 'đã trấn an
được nhiều người. Tại Ái-nhĩ-lan, đã có chống đối hết sức mạnh mẽ:
Robertson Smith đã bị đưa ra xét xử bị kết án là tà giáo và bị cách chức giáo
sư. Việc ấy có vẻ như một sự bách hại do thành kiến, nên cuối cùng đã được
phản ứng lại để bênh vực cho ông. Khát vọng được nổi tiếng đã lôi cuốn
nhiều học giả trẻ đưa ra nhiều ý kiến mới. Họ dễ dàng đi theo các vết chân
của Wellhausen đã vạch ra, và Driver đã phổ cập, nên chẳng bao lâu đã có
thể công bố hệ thống ấy như là 'những kết quả bảo đảm' của chủ thuyết 'phê
bình cao cấp' (higher criticism).
2. Thoạt tiên, sự chống đối mãnh liệt nhất từ số người bám chặt hơn hết vào
các ý niệm và cách giải nghĩa cổ truyền cứng nhắc nhất. Việc làm ấy rất dễ
dàng bị cho là thành kiến. Việc họ nại ra uy quyền của Đấng Christ đã bị
ngăn chặn bằng giáo lý về kenosis hay là nhân tánh của Chúa chúng ta hạn
chế sự hiểu biết của Ngài, khiến cho lời dạy của Chúa cũng bị coi là hạn hẹp
trong phạm vi tư tưởng đương thời, do đó không hoàn toàn thích hợp. Đến
một thời gian sau đó ít lâu, khi các học giả danh tiếng như J.Robertson,
Sayce và Orr, ở Anh, và Hommel, Moeller, Naville,Orelli, Troelstra, và
nhiều người khác của Âu Châu đối đầu với các kẻ phê bình ngay trên phần
đất của họ, và đưa ra nhược điểm trong các luận cứ của họ cách chi tiết, họ
bị xem như một thiểu số vô nghĩa và có thể bị quên đi mà chẳng có hại gì.
3. Toàn thể hệ thống ấy đã được nghiên cứu cẩn trọng đến nơi đến chốn vốn
là đặc điểm của người Đức, với óc tưởng tượng minh bạch và tài năng. Dưới
sức chống đối, các nhược điểm được phát giác và điều chỉnh, cho đến khi nó
mặc lấy được một hình thức có cơ cấu mạch lạc và vững chắc. Trong cấu
trúc này, có nhiều chất liệu vừa xác thực vừa có giá trị, nhất là phần chiếu
sáng cho bối cảnh và ý nghĩa nguyên thủy của Kinh Thánh. Khi chào đón lý
thuyết này, nhiều người rất chính thống đã chẳng phân biệt được đâu là thật,
đâu là giả, do đó, cứ chấp nhận tất cả mà không cần biết nó sẽ đưa mình tới
đâu.
4. Trong những năm cuối cùng của thế kỷ mười chín, trường phái Tubingen
đã tấn công Tân Ước bằng một quan điểm tương tự và bị đánh trả bằng
những công trình nghiên cứu và luận cứ của các học giả Tân Ước lỗi lạc như
Salomon, Westcott, và Lightfoot. Lúc đó, thành lũy của Tân Ước có vẻ được
an toàn, và việc phòng thủ cho lịch sử và các phép lạ của Cựu Ước dường
như chỉ có tầm quan trọng chủ yếu. Kinh nghiệm về sau này đã chứng minh
rằng cái vẻ an toàn bề ngoài đó chỉ là giả tạo. Nhiều công trình phê bình Tân
Ước gần đây đã phát hiện một phương thức nghiên cứu duy lý đối với Tân
Ước, và một trường phái 'tân phái' đã ra đời, tự xưng là muốn bênh vực tín
điều của Cơ Đốc giáo trong khi lại phủ nhận các yếu tố phép lạ, kể cả việc
Chúa chúng ta do một trinh nữ sanh ra, và sự phục sinh thân xác của Chúa
chúng ta.
MỘT QUAN ĐIỂM HIỆN ĐẠI.
Gần đây, có một số tác giả nỗ lực kết hợp đức tin Phúc Âm của Tân Ước với
quan điểm của Wellhausen về Cựu Ước. Niềm tin của họ vào các phép lạ
của Đấng Christ tuy giúp họ không bị coi là theo chủ nghĩa duy lý, nhưng họ
đã không dễ dàng thoát được nhược điểm tiền hậu bất nhất. Thật vậy, họ đã
chấp nhận một tiêu chuẩn nước đôi. Trong khi vẫn chủ trương rằng ý nghĩa
của các biến cố như sự đóng đinh và sống lại của Đấng Christ dựa vào
những gì thật sự xảy ra, họ lại giảm thiểu nhu cầu phải có hậu thuẩn lịch sử
đối với các phép lạ trong câu chuyện về sự cứu chuộc của thời đại Cựu Ước.
Chắc chắn là Canon Phythian Adams (trong The Call of Israel, passim) có
cố gắng tìm một nền tảng có thật cho các phép lạ trong sách Xuất Ê-díp-tô
ký, đưa ra các đòi hỏi phải có các hiện tượng về núi lửa và điện lực nhằm
giải thích chúng nhưng ông lại kết luận rằng 'đã không hề có một tiếng nói
cao siêu, khủng khiếp' đã được nghe phát ra từ núi Si-na-i, và thừa nhận là
'rất nhiều truyền thuyết' có trong Ngũ Kinh mà người ta rất khó rút ra từ đó
phần sự thật lịch sử, vì phần lớn đó chỉ là việc phỏng đoán. Nhưng nếu đã
không có tiếng phán được nghe từ núi Si-na-i thì người ta có thể tin gì trong
các phần ký thuật về báp-tem hay sự hóa hình của Chúa Giê-xu? Và nếu
phép lạ chỉ là các 'biến cố trùng hợp ngẫu nhiên một cách lạ lùng' không hơn
không kém, thì chúng ta phải giải nghĩa thế nào việc Chúa Giê-xu đã hóa
bánh cho năm ngàn người ăn, hay việc Ngài khiến La-xa-rơ sống lại?
Thật là không thể nào tách rời ý nghĩa tôn giáo của các sự kiện với lịch sử
của chúng. Đấng Christ và các sứ đồ đã trích dẫn các trường hợp về hành
động của Đức Chúa Trời trong lịch sử của Cựu Ước để mạc khải cá tính của
Ngài, với hàm ý rằng phần ký thuật đó là đáng tin. Đây là việc khác xa với
việc chỉ xem chúng như một mớ truyền thuyết, và không được bài xích hoặc
bỏ qua sự khác biệt đó. Tiến sĩ Wheeler Robinson đã phản đối hết sức chí lý
'thái độ bảo thủ rụt rè' của lịch sử 'đòi hỏi chúng ta phải tin hơn cả người Hê-
bơ-rơ'. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là điều mà các tác giả và độc
giả của họ tin vốn khác xa với quan điểm hiện đại vừa được mô tả trên đây.
NHỮNG GIẢ ĐỊNH TRƯỚC.
Các vấn đề mà chủ nghĩa phê bình hiện đại đặt ra gồm cả các vấn đề đã ảnh
hưởng hết sức sâu xa đến đức tin Cơ Đốc đến nỗi rất khó tiếp cận chúng mà
không có những giả định trước hoặc xuất phát từ lý trí con người, hoặc từ
kinh nghiệm Cơ đốc. Những ai đã chịu ảnh hưởng sâu đậm thuyết tiến hoá
chắc muốn thấy trong mọi tôn giáo một sự phát triển chậm nhưng vượt lên
từ những khởi điểm sơ khai, trong khi những người chú trọng nhiều hơn với
phép lạ do ân điển của Đức Chúa Trời thắng hơn sự yếu đuối của loài người,
sẽ chẳng khó khăn gì tin rằng Đức Chúa Trời có thể thật dễ dàng tự tỏ mình
ra cho Môi-se cũng như các nhà tiên tri về sau. Người nào đã bị những
phỏng đoán tinh vi và óc hoài nghi của Wellhausen mê hoặc, có thể cho rằng
đền tạm chỉ là do óc tưởng tượng của một tác giả nào đó về sau này đã tạo
ra. Nhưng mặt khác, ai đã thấm nhuần tinh thần của thư Hê-bơ-rơ thì sẽ tin
vào tính cách thực hữu của đền tạm và các giới mạng liên quan đến đền tạm
chính là 'mẫu mực' do chính Đức Chúa Trời đưa ra.
Những ai cho rằng các truyện tích trong Cựu Ước chỉ là truyền thuyết thì
không thể nhìn các vấn đề liên hệ đến các truyện tích đó trong cùng một thứ
ánh sáng như số người khác xem chúng như 'một nguồn tri thức vô song về
lịch sử của nền văn minh tại một vùng đất quan trọng của thế giới thời cổ'.
Đối với các giả thuyết về các tài liệu và các phương pháp hậu thuẫn cho nó
cũng vậy. Một người dành cả đời sống để nghiên cứu những điều tế vi của
ngữ vựng và hình pháp Hy-bá-lai thường có khuynh hướng xây dựng một lý
thuyết về cách sử dụng các từ ngữ và thành ngữ đặc biệt, trong khi đó những
người có tư tưởng được hun đúc bằng luận lý sẽ hoài nghi một phương pháp
không đứng vững được khi đem áp dụng bằng cách áp dụng vào văn chương
hiện đại.
Trong khi đi tìm chân lý, cả những người bênh vực lẫn chống lại các lý
thuyết của Wellhausen đều khảo cứu với một số niềm tin có sẵn nào đó là
điều ảnh hưởng đến các kết luận của họ.
CHỦ NGHĨA DUY LÝ CHI PHỐI THUYẾT WELLHAUSEN
Nhiều phần khác nhau của lý thuyết phê bình Kinh Thánh nối kết với nhau
bằng một mối liên hệ luận lý không được bỏ qua. Những người khởi đầu phê
bình bằng sự chối bỏ phép lạ coi các phần ký thuật về phép lạ chỉ là truyền
thuyết hoặc thần thoại, do đó, điều hết sức hợp lý là họ bị bắt buộc phải tạo
ra một lý thuyết về các tài liệu và sự phát triển tôn giáo theo các ý niệm tiến
hóa của họ. Điều này bao gồm việc họ bỏ qua câu chuyện về sự mạc khải
như đã được kể lại trong Kinh Thánh để xây dựng lại cái mà họ quan niệm là
phần lịch sử đích thực ở đàng sau các câu chuyện ngụ ngôn và truyền khẩu.
Việc phân tích tài liệu giúp họ làm được việc ấy bằng cách gắn liền vào từng
tài liệu hay mảnh vụn của tài liệu, một niên đại phù hợp với quan điểm của
các nhà phê bình về lịch sử và sự tiến bộ của tôn giáo. Bởi đó, một quyển
sách tự nhận là có nội dung ký thuật chân thật phải do các nguồn gốc đồng
thời, về sau được đúc kết, hòa nhập vào nhau từ nhiều câu chuyện truyền
khẩu, thần thoại và truyền thuyết khác nhau.
Tất cả những điều đó được coi là hợp lý một khi có tiền đề nguyên thủy cho
rằng các phép lạ không hề có. Tuy nhiên, điều khá lạ lùng là có rất nhiều
người vốn chống duy lý chủ nghĩa lại không nhận ra được rằng sự đảo
ngược của một diễn trình lý luận cũng nhất thiết phải hợp luận lý như vậy.
Những người chấp nhận việc phê bình tài liệu với các niên đại tương ứng
với chúng và nghĩ họ phải chấp nhận như vậy dựa trên các nền tảng văn học,
chẳng chóng thì chầy sẽ thức tỉnh và thấy rằng Kinh Thánh không có các
phép lạ và lời tiên tri thì cũng là cuốn Kinh Thánh không đáng tin về phương
diện linh cảm và hoàn toàn khác với điều Kinh Thánh tự khẳng định.
Càng khảo xét vấn đề này kỹ lưỡng hơn, ta càng tin quyết rằng nó đã trở
thành điều mà chúng ta gọi là hai hệ thống tư tưởng, mỗi hệ thống ít nhiều
đều có mạch lạc và mỗi hệ thống đều được kết hợp chặt chẽ với quan điểm
chung. Đó là lý do những người cố gắng dung hòa hai quan điểm đã nhận
thấy mình đang tự dấn thân vào tình trạng tiền hậu bất nhất và bất ổn định.
Nó cũng giải thích tại sao các học giả như W.H.Green, R.D.Wilson, Orr,
Aalders và Allis, vốn cùng bắt đầu từ những sự kiện giống nhau với cùng
một kiến thức về Hy-bá-lai văn như nhau, lại đi đến kết luận trái ngược hẳn
với các kết luận của Wellhausen hay Driver.
Lẽ dĩ nhiên là nếu các phương pháp của hai vị sau này quả tình nhằm chứng
minh sự thật, thì chúng ta buộc phải theo đuổi vì cớ chân lý; nhưng bây giờ,
chúng tôi sẽ bắt đầu chứng minh là trường hợp ở đây không phải như vậy.
NHỮNG KHÁI NIỆM SAI LẦM LÀM SUY YẾU CÁC PHƯƠNG PHÁP
CỦA CHỦ NGHĨA PHÊ BÌNH HIỆN ĐẠI.
a) Thiếu ngoại chứng.
Khởi thủy, chủ nghĩa phê bình tự do đòi hỏi chúng ta phải xem một số tài
liệu, tác giả, nhà tổng hợp (các tài liệu) nào đó là thật mà không đưa ra một
mẫu ngoại chứng nào, dầu là rất nhỏ. Họ không hề để lại sau lưng một dấu
vết nào, dầu là trong văn học hay trong truyền thống Hy-bá-lai, một truyền
thống bền chắc là ký ức về những đại tác phẩm. Khi khảo xét về sức mạnh
và nguồn gốc của các tác phẩm ấy với ảnh hưởng sâu đậm của chúng vào
nếp sống dân tộc, thì chỉ một điểm đó thôi cũng đủ khiến chúng ta không thể
tin vào thuyết của họ. Cũng không có tác giả đáng tin cậy nào đó 'giải thích
tại sao các tài liệu khác nhau trong Ngũ Kinh mà họ khám phá ra hay tự tạo
nên, lại có tính cách linh thánh và đầy thẩm quyền như vậy'. Có thể nào tên
của tác giả sách Phục Truyền Luật Lệ Ký lại hoàn toàn bị quên lãng, trong
khi các tiểu tiên tri của thế kỷ thứ tám TC lại được bảo tồn quá cẩn thận như
vậy chăng?
Nhiệt tâm và nhiệt tình của một số học giả đã có khuynh hướng gia tăng con
số của các nhân vật giả định đó lên đến vô hạn. Hễ khi nào gặp khó khăn
hoặc mỗi khi giả thiết đòi hỏi, thì phần phân tích cứ được tiếp tục bằng
'những công cuộc giải phẫu càng phức tạp hơn lại được thực hiện trên tài
liệu J hoặc E, hoặc bất cứ một tài liệu hậu duệ nào của họ mà con số hiện
đang gia tăng hết sức nhanh chóng'.
Việc nhân bội các tác giả tưởng tượng này cần được phân biệt với việc sử
dụng các nguồn tài liệu cổ của các tác giả viết sử, là những tài liệu không bị
dị nghị. Điều rất khó tin, ấy là những bông hoa tươi đẹp nhất của nền văn
học Hi bá lai được tạo thành một công trình vá víu từ các mảnh vụn của các
tác giả vô danh đã bị lãng quên, hơn là bắt nguồn từ những vĩ nhân của lịch
sử mà tên tuổi họ đã được kết hợp lại với nhau bằng truyền thống là dây xích
không thể đứt.
b) Các nền tảng không chính đáng.
Wellhausen xây dựng phần lớn lý thuyết phê bình của ông ta trên hai nền
tảng, cả hai đều được chứng minh là không chính đáng. Nền tảng thứ nhất là
các phần ký thuật của Cựu Ước đã không được viết ra trước thời quân chủ
mà đã được lưu truyền qua các thời đại bằng truyền khẩu. Nền tảng thứ hai
là tôn giáo của dân Y-sơ-ra-ên vốn bắt đầu là bái vật giáo thờ vật tổ
(totemistic animism), nối tiếp theo giai đoạn đa thần giáo rất giống với các
tôn giáo của các dân tộc Ca-na-an láng giềng của họ, và chỉ trở thành độc
thần giáo vào thời đại các tiên tri mà thôi.
Quyết đoán đầu tiên đã được chứng minh là sai, và ngày nay đã bị loại bỏ.
Tại thành phố U-rơ của Áp-ra-ham vào thời của ông, chữ viết đã rất thông
dụng. Các bi ký có khắc những bộ luật chứng minh rằng luật pháp của các
dân tộc là một trong những điều đã được viết ra bằng chữ trước tiên và Sir
L.Woolley đã phác họa việc Áp-ra-ham có trang bị cho gia đình ông một
tuyển tập các luật lệ để hướng dẫn họ, và nhiều lời giáo huấn trong luật pháp
Môi-se đã được nhận thấy là giống với các lời giáo huấn trong bộ luật của
Hammurabi. Do đó, lịnh truyền cho Môi-se trong XuXh 34:7 là hãy chép lại
luật pháp, là điều tự nhiên và khả thể.
Các bảng gia phổ đã được ghi chép cẩn thận trên các bảng đá từ rất lâu trước
thời Áp-ra-ham, có lẽ là những thành phần xa xưa nhất đã cấu thành Kinh
Thánh, chớ không phải chỉ là dấu hiệu của sách vở thời kỳ lưu đày.
Thời kỳ dân Y-sơ-ra-ên định cư tại xứ Ca-na-an tuy về nhiều phương diện
vẫn còn thô sơ, khổ cực, nhưng không phải là không có văn hóa như
Wellhausen đã giả định, vì nhiều tài liệu ký thuật và thư tín của thời kỳ đó
được phát giác, cả bằng tiết hình tự của người Ba-bi-lôn, lẫn bằng cổ tự Hi-
bá.
Trong một loạt bài giảng chuyên đề, tiến sĩ E.Robertson giáo sư về ngôn ngữ
Semitic tại đại học đường Manchester đã lý luận rằng toàn bộ Ngũ Kinh đã
được viết ra vào thời kỳ của Sa-mu-ên, hoặc có thể là trước đó nữa.
Quyết đoán thứ hai bảo rằng tôn giáo thời Cựu Ước là sản phẩm của một
bước tiến lên từ bái vật giáo vốn không có nền tảng bằng sự kiện có thật. Ý
niệm cho rằng loài người từ giống khỉ lần lần tiến hóa để trở thành thiên
thần rất phổ thông vào thời của Darwin hơn là ngày nay, vì sự thoái hóa để
trở thành man rợ hơn trong hai cuộc thế chiến đã tiêu hủy những giấc mộng
về một xã hội lý tưởng của nhiều người.
Hiện có rất nhiều chứng cớ hiển nhiên cho thấy sự thoái hóa về tôn giáo đã
tràn lan như thế nào. Đa thần giáo đầy kiêu căng của Ấn-độ chắc chắn là một
trường hợp điển hình, vì văn học Phạn ngữ cho thấy càng lui xa vào thời
gian, thì người ta lại càng gần gũi với độc thần giáo. Nguồn gốc chung của
tên chỉ Thần - Cha trong chữ La-tinh, Hy văn và Phạn ngữ (Jupiter, Zeus
pater, Dyaus pitar) chỉ việc thờ phượng một vị Thần tối cao làm Cha trong
một quá khứ xa xưa trước khi có sự chia rẽ giữa các chủng tộc người Aryan.
Trong khi nhấn mạnh tính cách độc nhất vô nhị của tôn giáo Cựu Ước, giáo
sư Snaith cảnh cáo các học giả cổ ngữ Hy-bá-lai chớ có coi trọng không
thích đáng những công trình nghiên cứu tôn giáo đối chiếu nguyên thủy.
Hơn nữa, mấy năm gần đây đã có nhiều bằng cớ hiển nhiên ngày càng chồng
chất nhiều thêm rằng ngay giữa vòng các dân tộc sơ khai thờ bái vật giáo
ngày nay, vẫn còn một niềm tin nguyên thủy tổng quát và lan tràn vào một
'Thượng Đế cao cả', là Hữu Thể Tối Cao, là Cha và Đấng Tạo Hóa thế gian.
Giữa các chủng tộc Semitic ngay từ nguyên thủy, El xuất hiện nói chung
như 'danh của Đức Chúa Trời Chí Cao Vị Thần Vĩ Đại cao hơn tất cả và
khác hơn tất cả các thần và các linh thua kém hơn'.
Tiến sĩ Langdon, giáo sư môn học A-sy-ri tại trường đại học Oxford từng
tuyên bố ông tin rằng 'cả trong tôn giáo của người Sumerian lẫn người
Semitic, độc thần giáo đều có trước đa thần giáo và niềm tin vào các linh
thiện và ác'. Ông nói thêm 'Do đó, tôi hoàn toàn bác bỏ thuyết hiện đại. Các
tôn giáo người Ca-na-an và Hy-bá-lai nguyên thủy đều không phải là tôn
giáo thờ vật tổ sơ khai totem- (nếu qủa thật đạo ấy có giữa vòng họ) vào thời
gian mà chúng ta không có một thông tin xác định nào về chúng cả'.
Như vậy, chúng ta sẽ không chút phân vân khi công nhận lời khẳng định của
Kinh Thánh giữa sự hư hoại đang thắng thế trong nhân loại, có một đạo độc
thần thuần khiết hơn đã được một số người như Hê-nóc, Nô-ê, Áp-ra-ham và
Gia-cốp tuân giữ. Có một điều gì đó của cuộc chiến đấu giữa đức tin với đa
thần giáo đang vây quanh đã phản ánh trong cuộc đời của các nhân vật vừa
kể (SaSt 31:19; 35:2 so sánh với Gios Gs 24:2).
c) Việc định niên đại cho các tài liệu lệ thuộc vào thuyết về sự phát triển tôn
giáo.
Phương pháp an toàn duy nhất để định niên đại là căn cứ vào chính các sự
kiện đã được chép lại, hay vào các kiến trúc cổ. Có một số các tác giả ít chú
ý đến lịch sử hay truyền thống, đã định niên đại cho từng chương từng câu
tùy theo 'viễn ảnh tôn giáo' của nó. Nếu nó là 'phổ quát' thì người ta ghi nhận
là thuộc giai đoạn của người Ba-tư, nếu luật pháp được đề cập thì niên đại
không thể sớm hơn cuộc lưu đày, và chỉ có những phần nhuốm màu sắc của
'các ý niệm thô sơ về Đức Giê-hô-va' mới được cho là thuộc thời kỳ quân
chủ.
Việc làm này đòi hỏi phải có nhiều lần điều chỉnh các chứng cứ. Chẳng hạn
trường hợp Giê-rê-mi nhấn mạnh đến ngày sa-bát (Gie Gr 17:21-27) thì
được cho là đã thêm vào đó về sau này. Các ý niệm trong Ê-sai các chương
từ EsIs 24:1-27:13 bị cho là quá tiến bộ với thời đại của Ê-sai, vậy chúng
cũng được đặt xen vào đó trong thời kỳ lưu đày hay vào khoảng năm 300
TC hoặc cả sau đó nữa (các nhà phê bình chủ trương rất khác nhau), tuy
Delitzsch bảo rằng rất có thể có nhiều cơ sở tổng hợp lại để cho thấy tác giả
các chương ấy là Ê-sai, nếu người ta chịu nhận rằng 'không có nhà phê bình
nào có thể xác định được một cách tiên thiên (a priori) mức độ mạc khải của
Đức Chúa Trời'. Cũng vậy, một lý do đã được đưa ra để định niên đại muộn
về sau này cho P (Luật Tư Tế), là vì các sách tiên tri đã không đề cập gì về
luật pháp trong sách Lê-vi Ký. Để củng cố lập luận này, nhiều đoạn liên
quan đến luật pháp và có vẻ xác thật hiển nhiên lại bị tuyên bố là đã viết xen
vào sau. (Orr, Problem of the Old Testament, P.305).
Một khó khăn khác thuyết phê bình bản văn phải vượt qua là sự hiện diện
của những yếu tố như các bản gia phổ, hiển nhiên là rất cổ. Người ta đã phải
thú nhận, chẳng hạn như 'đã có các yếu tố xưa trong P', mặc dầu vậy, niên
đại muộn màng về sau gán cho P vẫn được giữ nguyên. Đã không có lời giải
thích nào được đưa ra để cho biết tại sao các bảng gia phổ ấy đã bị bỏ qua
trong các bảng J và E có từ một niên đại sớm hơn nhiều.
Đã có một thời người ta có khuynh hướng cho rằng phần ký thuật về cơn
nước lụt trong Sáng Thế Ký chỉ là mô phỏng các truyền thống của người Ba-
bi-lôn, do một trước giả nào đó của thời kỳ lưu đày thực hiện. Các công cuộc
sưu tập nghiên cứu sâu rộng hơn đã chứng minh tính cách độc lập nhau giữa
chúng, và ngày nay, người ta đã nhận rằng 'các phần ký thuật công cuộc
sáng tạo trời đất và cơn nước lụt trong P vốn xuất phát từ một nguồn...chắc
phải lùi xa về tận thời kỳ rất sớm của nền văn hóa Ca-na-an, tuy chúng đã
được sửa đổi rất nhiều qua thời gian nhiều thế kỷ, nên bây giờ chỉ mang rất
ít các dấu vết của sự giống nhau như đáng lẽ phải có trong hình thức nguyên
thủy'. Người ta không thấy có bóng dáng của một bằng chứng nào cho phần
sau của câu phát biểu đầy tin tưởng này, nhưng nó vốn cần thiết để hòa giải
phần niên đại muộn về sau này của P, với đặc tính nguyên thủy trong nội
dung của nó. Hơn nữa, còn có một yếu tố hết sức chủ quan trong việc định
niên đại cho các tài liệu bằng phương tiện là 'viễn ảnh của tác giả'. Điều này
được minh chứng bằng nhiều niên đại khác nhau được nhiều nhà phê bình
khác nhau gán cho sách Phục Truyền Luật Lệ Ký, đó là chưa nói đến những
suy diễn của họ liên hệ đến sách Thi Thiên.
Đặc tính chủ quan này cũng biểu hiện rất rõ trong việc dựng lại lịch sử, nơi
mà mọi sự chỉ là cả một đại dương gồm toàn phỏng đoán. Cả một nền văn
học hiện hữu dựa trên, chẳng hạn như thuyết về nguồn gốc 'đích thực' của
hòm giao ước và các vật chứa đựng trong đó, và nhiều vấn đề khác nữa mà
không có một tiêu chuẩn ngoại tại nào để kiểm tra óc tưởng tượng của người
ta.
d) Bản chất của phương pháp phân tích là độc đoán và vô định.
Chắc chắn là một số các trước giả Cựu Ước đã sử dụng nhiều tài liệu hiện có
đương thời ấy, vì một tài liệu như thế đã được nêu đích danh (chẳng hạn IISa
2Sm 1:18), và dựa vào những bằng chứng như thế được coi là hợp pháp.
Nhưng việc đó lại hoàn toàn khác với việc chuẩn nhận các tài liệu mà người
ta không rõ niên đại, hoặc tài liệu của các trường phái theo luật Môi-se hoặc
luật tư tế. Việc chuẩn nhận này không có giá trị cho đến khi xác định và
phân loại được tài liệu và bản thân việc xác định và phân loại này lại có tính
cách độc đoán.
Cả khi người ta biết rõ bút pháp của một tác giả căn cứ vào các văn phẩm đã
được công nhận là của ông ta thì việc xác định tài liệu đó có phải là của ông
ta hay không cũng khá khó khăn rồi, bằng chứng là đã có nhiều ý kiến rất
khác nhau giữa các nhà phê bình văn phẩm của Phao-lô hoặc Giăng. Nhưng
khi một quyển sách đã nổi tiếng và có dáng vẻ như chỉ có một tác giả duy
nhất mà lại bị đem chia cho bốn người, thì toàn thể diễn trình đó phải tùy
thuộc những giả định tiên khởi liên hệ đến bút pháp và dụng ngữ của các
nhân vật tương ứng, và mỗi lần có thay đổi những giả định thì việc phân tích
cùng thay đổi theo. Do đó, việc phân tích hoàn toàn lệ thuộc các giả định đã
được dùng.
Như thế, chúng ta đã thấy bút pháp của P được quyết đoán là 'pha trộn' và
'luật pháp', và dựa trên nền tảng đó, các khúc sách trong Sáng Thế Ký bắt
đầu bằng mấy chữ 'Đây là dòng dõi của...' được gán cho P. Như đã thấy ở
phần trên, khi bản tính nguyên thủy của các khúc sách đó cần phải được
công nhận thì người ta lại quyết đoán rằng hình thức của chúng đã bị 'sửa
đổi rất nhiều' rồi qua nhiều thế kỷ (tuy thật ra chúng giữ được dáng vẻ
nguyên thủy). Đáng lẽ phải quyết đoán rằng các bảng gia phổ ấy có đặc
điểm J hoặc E (Xem chương IX ở phần sau sách này) thì mới tự nhiên hơn,
nhưng như vậy thì kết quả của việc phân tích sẽ khác hẳn đi. Cách dùng tên
các thần làm đầu mối cho việc phân tích đã khiến những người dựa vào đó
rơi vào một vũng lầy đầy khó khăn. Họ đã phải thú nhận nhược điểm của
mình, nên sau mấy chương đầu của sách Xuất Ê-díp-tô Ký đã khôn ngoan từ
bỏ phương pháp đó. Rồi cũng cách đó được áp dụng cho sách Ê-sai, với
danh xưng: 'Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên' chứng minh cho tính cách thống
nhất của sách này. Cách đếm chữ cũng có thể được chứng minh là đã tạo ra
nhiều hậu quả khác nhau rất xa, tùy theo cách thức nó được dùng. Một vài
phân tích tỉ mỉ đã được thực hiện bằng cách gán nhiều tên người hoặc địa
điểm khác nhau cho nhiều tác giả khác nhau (thí dụ như Hô-rếp cho E, và
Si-na-i cho P và J), nhưng điều hiển nhiên là chỉ cần đảo ngược cách chen,
thì những khúc sách của P và J sẽ trở thành E, và ngược lại.
Về vấn đề 'bút pháp', giáo sư G.A.Smith nói 'các sự kiện' về bút pháp sẽ
được xem xét với thái độ hoài nghi đối với những ai biết là mình đã sử dụng
chúng cho cả hai phía như thế nào'. Để làm thí dụ cho việc đó, chỗ khác
nhau về bút pháp giữa các chương 1-39 với 40-66 của sách Ê-sai thường
được nêu ra như là bằng cớ có hai trước giả, nhưng nhiều người khác lại bảo
rằng người viết các chương sau đã bắt chước bút pháp của Ê-sai, hoặc là vào
một thời kỳ sau này chúng đã được thêm vào với phần đầu vì người ta tưởng
chúng vốn là của Ê-sai.
Giả định chi phối trong phần nhiều các công trình phân tích cho rằng không
một trước giả nào có thể sử dụng nhiều hơn là một bút pháp vốn sai lầm từ
căn bản. Newton từng viết sách về toán học và lời tiên tri và thảo luận về các
đề tài ấy rất khác nhau; Scott thì vừa làm thơ vừa viết văn xuôi. Các nhà phê
bình cho phép Hammurabi lưu truyền cho đời sau cả các sách ký thuật lại sự
nghiệp của ông ta lẫn các bộ luật; thế thì tại sao Môi-se lại không thể cũng
làm như vậy?
Việc các học giả của trường phái phê bình bản văn đồng ý với nhau về bút
pháp và hình thức của P và việc phục hồi phần tài liệu về bộ Luật Tư Tế đã
được đưa ra như một lý do để tài liệu này được công nhận. Nhưng sự đồng ý
với nhau đó đã đạt được như thế nào? Trước Wellhausen đã có nhiều bất
đồng ý kiến, cho đến khi, nhờ thay đổi một số nhiều khúc sách và tách rời
nhiều câu ra, người ta đã đạt được một sơ đồ khá rõ ràng. Sự đồng ý của
những người cùng áp dụng một phương pháp kể từ lúc đó, vẫn không chứng
minh được chân lý của nó chẳng hơn gì sự đồng ý của những người đã phản
đối nó từng chứng minh ngược lại.
NHỮNG KÝ THUẬT TRÙNG LẶP
Trong các lý do để đề nghị tổng hợp nhiều phần từ các tài liệu khác nhau,
giáo sư Driver nêu ra trước nhất là 'cùng một biến cố được chép lại hai lần'
và thoạt nhìn bảng liệt kê những sự trùng lặp mà ông viện ra để dẫn chứng
có vẻ hết sức khủng khiếp.
Rõ ràng Môi-se và các sử gia tiên tri đã có nhiều nguồn tài liệu, và có lẽ
người ta vẫn có thể dò tìm được nhiều dấu vết trùng lặp dù rằng bất cứ sự
khẳng định nào về giới hạn của chúng chỉ là phỏng đoán. Tuy nhiên, khảo
xét kỹ những cái gọi là trùng lặp đó, cho thấy phần lớn trong đó đều, hoặc là
1)những trường hợp 'mở rộng', mà phần sau bổ túc cho phần trước, hoặc 2)
liên hệ đến các biến cố khác nhau vốn có một điểm chung nào đó, hoặc 3)
hoàn toàn do óc tưởng tượng, được tạo nên do sự phân chia nhân tạo của
cùng một câu chuyện. Tài liệu khảo xét đầy đủ các trường hợp trong 'Ngũ
Kinh Đại Cương' (A Short Introduction to the Pentateuch) của Aalders,
tr.43-53, nhưng một ít thí dụ ở đây sẽ vạch rõ cái sai lầm của luận cứ đặt trên
nền tảng giả sử chúng có thật.
1. Thí dụ điển hình về trường hợp 'mở rộng'. Biến cố tạo thiên lập địa trong
SaSt 1-2:4 rõ ràng là một khải tượng đã được đặc biệt ban cho Môi-se, và
phần ký thuật kế tiếp thật tự nhiên, viết về những khởi điểm của nhân loại
trong 2:4-25. Nếu phần ký thuật này lại dựa vào những bảng đất nung cổ thì
chắc chắn bút pháp phải thay đổi.
Thí dụ thứ hai, trong SaSt 27; 28:1,2, khi Rê-bê-ca sai Gia-cốp đi xa để
tránh cơn giận của Ê-sau, và dặn phải tìm một người vợ trong vòng bà con
mình, thật ra, đã không hề có việc nhắc lại hay trùng lặp, mà chỉ là sự tiếp
nối tự nhiên của câu chuyện.
2. Có người đã vạch ra một 'trùng lặp' trong XuXh 20:4-6 và 34:7,17 và một
'mâu thuẫn' giữa 'tượng chạm' trong đoạn đầu và 'tượng đúc' trong đoạn sau.
Các cơ hội rõ ràng vốn khác nhau, và lý do đối chữ được làm sáng tỏ khi
đem đối chiếu với 32:8.
3. Việc bới tìm những 'trùng lặp' là hậu quả của việc chia các phần ký thuật
ra thành nhiều phần nhỏ theo lối đố nát óc chia một tấm hình ra nhiều phần
nhỏ, xáo trộn chúng rồi bảo người ta ráp lại. Sự 'trùng lặp' vốn do chính quá
trình đó tạo ra.
Một thí dụ cho việc này được tìm thấy trong SaSt 37:1-36, được nhiều sách
giáo khoa chọn làm một trường hợp rõ ràng có trùng lặp. Công cuộc phân
tích đã chặt chương sách ấy ra thành hai mươi sáu mảnh, trong đó có ba
mảnh chỉ là một phần ba của một câu. Có một chỗ, ý nghĩa đã bị thay đổi
theo cách câu 37:28 đã bị chia ra. Người ta đã khám phá ra một chỗ 'mâu
thuẫn' vì các lái buôn vừa được gọi là người Ma-đi-an vừa là dân Ích-ma-ên,
tuy rằng nếu đối chiếu với Cac Tl 8:24-26 sẽ cho thấy các lãnh tụ của người
Ma-đi-an vốn là các lái buôn đường dài, cũng được nổi tiếng với cái tên dân
Ích-ma-ên. Một sự trùng lặp về tên các chủng tộc như vậy đã được nhận thấy
trên các bia đá (nhưng lại không bị coi là trùng lặp). Các hành động liên tiếp
của Ru-bên và Giu-đa trong câu chuyện vốn tự nhiên đủ để người ta không
thể gán cho chúng là lấy từ những tài liệu khác nhau để nêu lên như một
mâu thuẫn khác nữa. Toàn thể câu chuyện đã được giáo sư Orr tả rất đúng là
một 'bài tập về tài khéo đặt sai chỗ'.
CÔNG VIỆC CỰC KỲ KHÓ KHĂN CỦA NHÀ BIÊN SOẠN
Các nhà biên soạn, san định Kinh Thánh có khá nhiều công việc phải đúc kết
nhiều mảnh mún cổ bản, so sánh để tìm ra những nhược điểm của toàn thể
hệ thống. Để xây dựng bộ sách đầy quyền năng như thế từ rất nhiều nguồn
tài liệu khác nhau, đòi hỏi không ít tài năng và khéo léo.
Việc phân tích được biện chính dựa trên nhiều cơ sở khác nhau, trên những
dị biệt về văn pháp và cú pháp, những kỹ thuật trùng lắp, những chỗ ngắt
quãng khi ký thuật, những dị nghĩa và mâu thuẫn. Tuy vậy, chính những cơ
sở trên lại hỗ trợ cho một số luận cứ mạnh mẽ tương đương để chống lại
việc tổng hợp.
Nếu người đúc kết có hai phần ký thuật đầy đủ trước mặt mình, chúng ta có
thể hiểu là ông ta sẽ luân phiên sử dụng chúng; nhưng đâu là lý do để chọn
dùng mảnh tài liệu nào trước, và mảnh nào sau? Chẳng hạn như trong SaSt
5:29, khi danh Giê-hô-va xuất hiện giữa một phần ký thuật P, thì phải đặt P
xuống để lấy một phần của J đặt xen vào. Nhưng động cơ nào đã thúc đẩy
người đúc kết lấy một mảnh nhỏ xíu ấy ra để thay cho câu tương ứng trong
P? Có thể xem đó là sự may rủi không? Rồi thí dụ như có hai phần ký thuật
khác nhau về cơn hồng thủy, tại sao ông ta lại chọn một ít từ cả hai đoạn
này, và để lại toàn thể phần còn lại đầy 'mâu thuẫn' 'trắng trợn'? Phải chăng
ông ta vốn tối dạ, không thấy rõ chúng, hay quá bất cẩn, chẳng bận tâm gì
đến chúng? Càng khó cắt nghĩa hơn nữa là tại sao từ ba nguồn tài liệu P,E,J
ông ta lại chọn hai mươi sáu đoạn nhỏ, rồi đan dệt lại với nhau để tạo ra một
bản sao, chắc chắn là hết sức lý thú, nhưng theo lý thuyết về phê bình, lại hết
sức thiếu thuần nhất?
Để đưa ra một thí dụ rõ ràng hơn nữa, XuXh 6:2-7:14 được gán cho P và cho
là trùng lắp với XuXh 3:1-22. Nội dung là các bảng gia phổ (rất phổ biến
trong P) và làm gián đoạn phần ký thuật vẫn suông sẻ từ 6:1 đến 7:15. Vậy
tại sao người đúc kết lại xen nó vào đây, trong khi đáng lẽ phải sắp xếp thế
nào để nó không làm gián đoạn một cách đột ngột phần ký thuật như thế?
Nếu ông ta biết rằng các lịnh truyền trong XuXh 3:1-4:31 thật ra vốn là
những ký thuật khác nhau về cùng một biến cố, tại sao ông ta lại khiến
chúng có vẻ khác nhau như vậy? Nếu ông ta tưởng chúng vốn khác nhau, thì
ông ta đã có thể làm đúng hay không?
Người ta đã nhấn mạnh rất nhiều trên XuXh 6:3, cho rằng câu ấy đã cung
cấp lý do tại sao 'P thận trọng tránh dùng danh Yahweh trong phần ký thuật
về công cuộc sáng tạo trời đất và câu chuyện về các vị tộc trưởng'. Theo giả
thiết, người đúc kết chắc phải biết rõ mình đang có trước mặt cả phần tài liệu
P chớ không phải chỉ có một vài mảnh còn lưu truyền đến cho chúng ta mà
thôi. Vậy ông ta đã suy nghĩ kỹ hay không, khi ném vào đó quá nhiều chất
liệu của J và E, đến nỗi khiến sự kiện quan trọng ấy trở thành hoàn toàn tối
nghĩa, khó hiểu?
Rất có thể các sách xưa vốn ít phải chịu sự thêm thắt san nhuận, nhưng
chúng vốn đã đạt đến trình độ này, là điều hoàn toàn không thể có được.
Kegel viết: “Cả lịch sử khó có thể sản sinh ra được một nhân vật nào khôi
hài hơn là người san định đúc kết Cựu Ước, người ấy khi thì ngu ngốc khó
tin, khi thì lại quá khôn ngoan”
NHỮNG NHƯỢC ĐIỂM KHÁC CỦA CHỦ NGHĨA PHÊ BÌNH HIỆN
ĐẠI
Điều còn lại bây giờ là vắn tắt nêu ra vài nhược điểm khác nữa của các
thuyết phê bình.
1. Ở phần trên, chúng tôi từng vạch rõ rằng các nguyên tắc để thực hiện việc
phân tích văn bản vốn không thể đem ra áp dụng một cách tổng quát được.
Đây là một thách thức quan trọng đối với giá trị của nó.
2. Luận cứ dựa trên sự im lặng của Kinh Thánh rõ ràng là rất nguy hiểm.
Luận cứ này lại được vận dụng trong những sự việc quan trọng (chẳng hạn
như lưu ý đến việc có rất ít câu đề cập luật pháp Môi-se trong các sách về
lịch sử). Điều đó cũng đúng cho những lời giải thích đáng ngờ những đoạn
văn riêng lẻ như XuXh 6:3 hay Gie Gr 7:22.
3. Việc căn cứ vào sự xuất hiện của một số chữ Aram hoặc các từ ngữ của
các dân tộc khác nữa trong một đoạn hay một sách để chứng minh rằng
chúng đã được trước tác vào một niên đại trễ hơn đã tỏ ra sai lầm khi có
những công trình sưu tầm nghiên cứu sâu rộng hơn đang tiếp tục đưa ra ánh
sáng nhiều thí dụ về việc sử dụng từ ngữ và thành ngữ như vậy ở những niên
đại rất sớm.
4. Kegel và nhiều tác giả đã tố cáo Wellhausen và nhiều người khác nữa là
lạm dụng quyền tự do đối với bản văn để hậu thuẫn cho việc tranh luận của
họ.
5. Nhiều sự kiện của khảo cổ học đã làm lung lay nhiều kết luận quan trọng
mà chỉ hậu thuẫn cho một số ít, chứng tỏ ra rằng rất xa lạ với J, E, D hay P,
nhưng lại hậu thuẫn rất vô tư đối với các sách về lịch sử.
6. Các thuyết phê bình, về cơ bản, đã chia rẽ nhau rồi, nên đã hoàn toàn
không thể giải thích được kế hoạch và chủ đích thống nhất hay xuyên suốt
từng sách và toàn bộ Kinh Thánh. Sự thống nhất đó không thể do việc sưu
tập may rủi các câu chuyện truyền khẩu, rồi chọn nhiều mẫu nhỏ, đem đan
dệt vào nhau mà có được.
7. Càng nghiêm trọng hơn nữa là nhiều tác giả của phái Phê bình Hiện đại
này đã không chịu chấp nhận những lời tự xưng của các sách trong Kinh
Thánh là chúng vốn chứa đựng sự mạc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời. Sự
mạc khải đó là nền tảng của nhiều sự dạy dỗ trong Tân ước. Việc loại bỏ các
yếu tố có tính cách tiên tri khiến người ta phải ngạc nhiên, sững sờ, không
giải thích được tại sao có quá nhiều lời tiên báo đã ứng nghiệm như vậy, cả
những lời tiên tri liên hệ đến chính Đấng Christ mà Ngài và các trước giả
sách Phúc Âm đã kêu gọi mọi người hãy chú ý; lẫn nhiều lời tiên tri khác
liên hệ đến các dân tộc, các nước đã được ứng nghiệm, hoặc về dân Do thái,
việc họ bị tan lạc, khốn khổ, mà một số đang diễn ra ngay trước mắt chúng
ta.
QUAN NIỆM THAY ĐỔI GẦN ĐÂY
Muốn đánh đổ một hệ thống tư tưởng ăn sâu vào tâm trí thiên hạ không phải
là chuyện dễ làm. Có một nền văn chương quan trọng đã ra đời, hậu thuẫn
cho cái được gọi là 'chủ nghĩa phê bình hiện đại', và cả một hệ thống phức
tạp đã được xây dựng lên chung quanh nó. Muốn xô ngã một ngôi nhà được
xây cất bằng nhiều công sức, công trình sưu tầm nghiên cứu bác học như
thế, để xây lên một ngôi nhà khác trên những nền tảng vững chắc hơn, là
việc không thể làm được trong chỉ một ngày. Nhưng hậu thuẫn cho nỗ lực
đó đã đến từ nhiều địa hạt thật bất ngờ.
Trong khi vẫn còn nhiều người sẵn sàng chấp nhận phong trào phê bình hiện
đại là 'khoa học' và coi 'chủ nghĩa truyền thuyết' là chống lại nó có sự chống
đối ngày càng tăng đối với hoài nghi chủ nghĩa bên trong các tác phẩm mới
được viết ra gần đây. Canon Phythian Adams đã chống lại việc 'tái tạo triệt
để' lịch sử, nhấn mạnh trên phần chân lý chính yếu của các câu chuyện về
các tộc trưởng, và chống lại các ý kiến cho rằng không thể xem Áp-ra-ham
là người theo độc thần chủ nghĩa được; ông đã trích dẫn Bohl trong việc hậu
thuẫn cho ý kiến của mình.
Giáo sư Snaith cũng vậy. Trong khi chấp nhận các nét chính trong việc phê
bình văn học, ông nghĩ rằng có những giới hạn mà khi đã vượt qua khỏi, ta
'không thể nào chèn ép mà không gây ra nhiều điều có hại hơn là có lợi'.
Hơn nữa, trong khi được tự do rút ra các sự kiện về nhân chủng học, ông
chống lại việc áp dụng cách cứng nhắc các thuyết của nó nhằm bắt buộc tôn
giáo của người Hy-bá-lai phải đi qua trên cùng một lối nào chung, bắt đầu
bằng tiền bái vật giáo hay việc thờ lạy ma quỉ, do đó, cũng phải trải qua một
giai đoạn chính thống của trường phái Tylor-Spencer-Frazer về tôn giáo
nguyên khai. Trong bài tựa quyển Các Khái Niệm Quan trọng của Cựu Ước
(Distinctive Ideas of the Old Testament) ông xin các giáo sư Cơ Đốc giáo
phải khẳng quyết rằng 'Kinh Thánh quả thật là Lời Đức Chúa Trời, mà Cựu
Ước là một thành phần chính thức của Lời ấy'.
Những câu phát biểu như thế lại càng có thêm ý nghĩa khi xuất phát từ các
tác giả dầu sao cũng chủ trương nhiều quan điểm phê bình. Giáo sư Danby
đặt vấn đề 'Có bao nhiêu sách phê bình như thế sẽ tiếp tục được công nhận là
thuần chánh...Phần lớn vốn 'chủ quan', và giáo sư E.Robertson thì đi xa hơn
khi ông nói về cái 'bóng tối ảm đạm' do giả thuyết Graf-Wellhausen đang
buông xuống trên Cựu Ước, và thêm (có lẽ quá bi quan chăng?) rằng 'Đây là
cái bóng tối mà phần lớn các học giả Cựu Ước ngày nay đang muốn thấy bị
cất đi'.
Một hệ thống đặt trên các nền tảng không chính đáng về phương diện luận lý
học và sai lầm về phương diện thuộc linh, cuối cùng không thể nào tránh
được sự sụp đổ; mặc dầu người ta có hao phí bao nhiêu công sức để vun đắp
cho nó.

CÁC PHÉP LẠ
CÁC PHÉP LẠ TRONG CỰU ƯỚC
Muốn tiếp cận với phép lạ thì đến với Cựu Ước là thích hợp nhất. Ở đây, cả
cõi thiên nhiên, bao gồm chính sự sống nữa, đều được trình bày như hoàn
toàn tùy thuộc ý chỉ của Đức Chúa Trời để được bảo tồn. Nhưng Đức Chúa
Trời đã được cho thấy là đang thực hiện nhiều kế hoạch vĩ đại, do đó, cõi
thiên nhiên phải phục vụ Ngài để thực hiện các chủ đích đó cho nên thật là
thừa khi bảo rằng cõi thiên nhiên vốn được các 'định luật' nhất định cai trị.
'Mọi biến cố trong thiên nhiên đều được xem như chỉ là một hoạt động của ý
chí tự do của Đức Chúa Trời, mưa cũng như nắng, động đất cũng như những
việc lạ lùng. Yếu tính của một phép lạ không phải là 'không tự nhiên', nhưng
đó là một bằng chứng đặc biệt rõ ràng, gây ngạc nhiên về quyền phép của
Đức Chúa Trời, và về quyền tự do của Ngài để giúp ích cho các đối tượng
Ngài muốn nhằm vào'.
Điều này đưa chúng ta đến ngay với nguyên tắc đầu tiên và là nguyên tắc
chủ đạo của phép lạ, đó là hành động của chính Đức Chúa Trời. Các phép lạ
thuộc về các giả định của hữu thần chủ nghĩa.
Tiếp theo, chúng ta nhận thấy rằng các phép lạ trong Kinh Thánh luôn luôn
có bối cảnh đạo đức và thuộc linh. Những ai tách rời chúng với toàn thể cơ
cấu chúng được đặt vào, và phê phán chúng cách riêng lẻ thì chẳng bao giờ
đối diện được với vấn đề thực sự mà chúng nêu ra. Phép lạ là những biến cố
nổi bật gây ngạc nhiên, liên hệ với những cứu cánh đạo đức, xảy ra theo lời
phán của Đức Chúa Trời hoặc khi Ngài nhậm lời cầu nguyện của các tôi tớ
Ngài. Chúng gây ra sự kinh sợ cũng như kinh ngạc, vì chúng đưa chúng ta
đến với sự hiện diện của Đức Chúa Trời hằng sống.
Chính là theo các nguyên tắc vừa nêu mà chúng ta phải hiểu giá trị đích thực
của các phép lạ về sự giải cứu tại Biển Đỏ, việc trừ diệt Cô-rê, Đa-than và
A-bi-ram, việc chữa trị cho một dân sự gặp tai họa nhờ trông vào con rắn
đồng, việc con lừa của Ba-la-am biết nói và các phép lạ của Ê-li-sê mà một
số có thể gọi là tầm thường, như việc khiến cho lưỡi rìu nổi lên và việc loại
chất độc khỏi nồi canh. Tất cả các phép lạ đó là những dấu hiệu chỉ cho dân
Y-sơ-ra-ên thấy rằng Đức Giê-hô-va không phải là vị thần ở xa, nhưng là
Đấng đang quan tâm mật thiết đến sinh hoạt của họ. Dân Y-sơ-ra-ên bị bao
vây bởi các dân tộc mà 'thần của họ có thể nhìn thấy, đụng chạm đến được,
còn chính Đức Chúa Trời của họ lại vô hình. Nếu không có các phép lạ đó,
Đức Giê-hô-va của họ sẽ chỉ là một khái niệm trừu tượng mà thôi.
Những tìm tòi tra cứu các tài liệu Cựu Ước cách công phu nhất đều có
khuynh hướng trả về cho chúng một niên đại rất gần với các thời kỳ chúng
được ký thuật lại, giá trị về phương diện bằng chứng của Cựu Ước vốn quan
trọng hơn nhiều so với điều thiên hạ từng giả định. Quả thật, bằng chứng của
từng phép lạ riêng rẽ được chép trong Cựu Ước không cùng loại hoặc cùng
một cấp bậc với các phép lạ của Tân Ước. Tuy nhiên, điều đó không hề làm
giảm sút tính cách đáng tin hay giá trị của chúng. Chúng hài hòa với môi
trường đạo đức của chúng và ăn khớp với toàn thể ý niệm về Đức Giê-hô-va
vốn luôn luôn hiện diện và hành động tích cực, mà Cựu Ước là phần mạc
khải đã được ký thuật lại. Chúng ta sẽ hàm ơn ngay cả đối với phép lạ ít ý
nghĩa nhất khi hiểu được phép lạ này trong tương quan với toàn thể phần
trình bày của Cựu Ước về công tác bảo tồn tất cả của Đức Chúa Trời, và thứ
đến, khi chúng ta nhìn phép lạ bằng ánh sáng phản chiếu sự mạc khải trọn
vẹn của Đức Chúa Trời trên con người và công tác của Đức Chúa Giê-xu
Christ chúng ta.
CÁC PHÉP LẠ CỦA TÂN ƯỚC
Bây giờ chúng ta bước vào khảo xét các phép lạ trong Tân Ước. Bằng chứng
về các phép lạ của Phúc Âm không thể đánh đổ được. Các phần ký thuật các
phép lạ này rất nghiêm chỉnh, cân đối, không thái quá, hoàn toàn không có
thái độ cuồng nhiệt gây tổn hại cho giá trị của bằng chứng. Lu-ca đã được
công nhận là một sử gia chính xác và cẩn trọng hơn hết, và cũng không hề
có cơ sở vững chắc nào phủ nhận tính cách đáng tin của các trước giả sách
Phúc Âm khác.
Chủ trương rằng các câu chuyện về phép lạ là phần tô điểm về sau này cho
chân lý sẽ không đứng vững được trước những phê bình cả về phương diện
lịch sử lẫn văn học. Các tài liệu đã được phổ biến rất sớm đến nỗi bất kỳ một
sai lầm nào trong đó đều có thể bị phát giác và phơi bày do không có cơ sở
nào để loại bỏ các phép lạ khỏi các phần ký thuật, ngoại trừ sự phản bác có
tính cách triết học.
Ngày nay, nhiều người từng cố gắng dựng lại các phần ký thuật trong các
sách Phúc Âm, và phục hồi lại điều mà các tác giả tưởng tượng ra và cho đó
là Giê-xu đích thực của lịch sử. Họ nỗ lực loại bỏ những điều họ cho là
truyền thuyết nhằm tô son vẽ phấn cho Chúa Giê-xu, và chỉ muốn giữ lại
những gì có tính cách con người, một ra-bi mà các đám đông đi theo để nghe
lời dạy dỗ.
Kết quả của các cố gắng ấy là gì? Người ta đã nhận thấy rằng lời dạy dỗ và
các phép lạ được đan dệt chặt chẽ với nhau, đến nỗi trừ phi lịch sử bị cắt xén
một cách độc đoán nhất thì người ta mới bị bắt buộc hoặc khước từ cả lời
dạy dỗ lẫn các phép lạ mà thôi. Chỉ cần mượn một thí dụ cũng minh họa cho
việc đó, tuy chúng ta có thể nêu ra rất nhiều. Bài Giảng Trên Núi của Chúa
chúng ta là phần giáo huấn hầu như được mọi người tán thưởng, và là điều
mà số người hậu thuẫn cho chủ trương Chúa Giê-xu không hề làm phép lạ
thường sẵn sàng chấp nhận. Ở cuối bài giảng ấy Chúa Giê-xu đã thách thức
kẻ nghe Ngài bằng câu: 'Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy
Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhơn danh Chúa mà nói tiên tri sao?
Nhơn danh Chúa mà trừ quỉ sao? Và lại nhơn danh Chúa mà làm nhiều phép
lạ sao? Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác, ta chẳng
biết các ngươi bao giờ' (Mat Mt 7:22,23). Mấy lời này chỉ có thể có nếu có
các phép lạ được nhiều người nhơn danh Ngài thực hiện.
Trong quá trình Đức Chúa Trời tự mạc khải, đương nhiên phải có phép lạ.
Mặc khải và phép lạ thuộc về cùng một lãnh vực. Điều đó được nhận thấy rõ
ràng nhất trong các phép lạ của các sách Phúc Âm. Có thể nói rằng trong
việc ký thuật về một Con Người như thế, với những lời tự xưng mình là Đức
Chúa Trời thì không phải sự hiện diện của các phép lạ, nhưng là sự vắng
bóng các phép lạ mới là điều cần được giải thích.
SỰ PHỤC SINH
Phép lạ trên tất cả các phép lạ, là sự sống lại của Đấng Christ. Một khi điều
này được công nhận thì tất cả các phép lạ khác đều được hậu thuẫn. Cho nên
chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi những kẻ chống lại phép lạ phải tập trung
để tấn công Cơ Đốc giáo tại điểm này. Bằng chứng hiển nhiên về sự sống lại
của Đấng Christ đứng sừng sững như một tảng đá giữa những cuộc tranh
luận như bão tố. Nhưng giả thuyết giải thích sự kiện phục sinh như thuyết
cho rằng Chúa chỉ ngất đi chớ không chết thật, hoặc Chúa đã chết nhưng các
môn đồ thấy khải tượng Chúa sống, hoặc các môn đồ gian lận, sai lầm,
truyền khẩu, ảo giác, cuồng tín, sự phát minh do lòng tin kính và tất cả các
thuyết khó bảo vệ giống như vậy đều được đưa ra chỉ để bị đánh đổ tan tành
khi chạm phải bằng chứng hiển nhiên vững mạnh của lịch sử mà Tân Ước và
lịch sử Cơ Đốc giáo đưa ra. Căn cứ vào các tác phẩm của Phao-lô và Lu-ca,
đồng bạn của ông, thì chắc chắn lúc Ê-tiên bị ném đá và Phao-lô đang bắt bớ
Hội Thánh, thì toàn thể bộ phận Cơ Đốc nhân dầu ở tại Giê-ru-sa-lem, Đa-
mách hay An-ti-ốt, đều tin vào việc Đấng Christ sống lại như điều khoản căn
bản cho đức tin của họ.
Trong các bảng liệt kê các nhân chứng Phao-lô nêu ra trong ICo1Cr 15:1-58,
chắc chắn ông từng gặp Phi-e-rơ và Gia-cơ, và rất có thể ông từng gặp nhiều
người khác nữa trong thời gian ông được củng cố thêm đức tin trong đạo
mới. Các phần ký thuật của bốn trước giả sách Phúc Âm về việc nhận ra
phần mộ đã trống không, đầu tiên là do các phụ nữ và sau đó bởi chính Phi-
e-rơ và Giăng, mỗi người hoàn toàn độc lập, trong lúc họ đang bỡ ngỡ và bất
ngờ, đến nỗi nếu bảo do lòng sùng mộ mà họ bày đặt ra, tức là xúc phạm đến
tất cả các qui luật về một chứng cớ hiển nhiên. Phần mộ ấy đã không hề trở
thành một địa điểm hành hương, 'ngày thứ nhất trong tuần lễ' được giữ lại
làm ngày cầu nguyện và thờ phượng, nhiều người đã hi sinh mạng sống để
làm chứng cho 'những điều họ đã thấy và nghe' và diễn tiến của lịch sử tiếp
theo đó đã mặc lấy đúng hình thức mà thực tại của sự sống lại đòi hỏi - một
hình thức mà người ta không thể căn cứ vào bất kỳ một cơ sở nào khác để
giải thích. Cần ghi nhận thêm rằng bằng chứng về sự sống lại đã xuất phát từ
những nguồn gốc giống nhau, đứng trên cùng một cấp bậc với những chứng
cứ về giai đoạn thương khó: người ta không thể có lý do gì để phủ nhận cái
này mà lại không phủ nhận cái kia.
Như thế, sự sống lại của Đấng Christ là đá thử vàng cho tất cả các phép lạ.
Nó đưa ra nguyên tắc về phép lạ và đưa các nguyên tắc ấy vào Cơ Đốc giáo
dưới hình thức rõ ràng hơn hết. Sau khi đã công nhận các phép lạ tối cao đó,
các phép lạ đó của Cơ Đốc giáo chỉ còn khảo xét bằng ánh sáng của chính
tính cách hiển nhiên của chúng.
Phép lạ vẫn còn là hào quang của Cơ Đốc giáo. Chúng tiêu biểu cho chính
trái tim của mối liên hệ giữa Đức Chúa Trời với thế gian. Chúng vạch rõ
rằng Đức Chúa Trời rất quan tâm đến thế gian, và phủ nhận chủ trương cho
rằng với tư cách là một vị thần, Đức Chúa Trời đã tạo ra thế gian này rồi bỏ
nó trôi giạt mặc ý. Ngài vẫn 'lấy quyền phép Ngài nâng đỡ muôn vật' (HeDt
1:3).
PHÉP LẠ VÀ LUẬT TỰ NHIÊN
Các phép lạ không hề phá bỏ các qui luật thiên nhiên mà trái lại, phải được
xem như đưa cái thế giới hỗn độn này trở lại có trật tự. Spinoza lý luận rằng
các phép lạ mâu thuẫn với chính quan niệm bảo rằng Đức Chúa Trời là Đấng
Toàn Tri, và chủ trương chúng hàm ý rằng công cuộc sáng tạo trời đất bất
toàn, rằng muôn vật là 'bất khả tư nghị' là điều không thể chấp nhận được.
Câu trả lời cho Spinoza hết sức rõ ràng. Thế gian này đã bị mất đi cái 'thiên
tánh' nguyên thủy của nó; trật tự thiên nhiên đã bị vi phạm thô bạo bởi tội
lỗi. Tội lỗi, với điều ác gắn liền với nó đã được gọi là sự bất pháp
(lawlessness) hay việc làm trái luật (IGi1Ga 3:4). Mặt khác, phép lạ từ một
thế giới cao hơn, thuần khiết hơn chen vào để phục hồi những bất hòa hợp
của thế gian, nhờ đó, trật tự của Đức Chúa Trời được tái lập, dầu chỉ trong
một khoảnh khắc mà thôi.
Cuộc tranh luận về phép lạ xưa nay đã bị trở ngại vì nhiều ngộ nhận về danh
từ. Tảng đá vấp chân đích thực gây ngộ nhận do sự hàm hồ về ý nghĩa của từ
'luật' mà ra. Chữ này thường được dùng dường như 'luật' có nghĩa là điều có
thể cấm đoán hay cho phép người ta làm một cái gì đó. Một định luật tự
nhiên chỉ là một cách nói ngắn gọn chỉ các kết quả của nhiều công trình
quan sát và thí nghiệm. Nó chỉ là câu phát biểu mà thôi: nó không hề có
năng lực để thực hiện điều mà nó phát biểu. Trình bày bằng ngôn ngữ bình
dân, thì theo luật, mặt trời mọc lên mỗi buổi sáng; nhưng một 'định luật' như
vậy không hề có năng lực khiến mặt trời mọc lên. Do đó, khi chúng ta bị
cám dỗ để nói rằng 'định luật bị đình chỉ', 'vi phạm qui luật', 'có sự can thiệp
của một định luật cao hơn', là chúng ta chỉ nói một câu vô nghĩa theo một
cách nghe cho kêu mà thôi. Yếu tố quyết định trong thiên nhiên không hề
nằm trong chính 'định luật' hay trong vật chất, mà trong tâm trí. Nếu chúng
ta chấp nhận điều đó thì tự do suy nghĩ là một yếu tố có thật trong cách
chúng ta quan niệm sự vật. Với người tin rằng có một Đức Chúa Trời đã
sáng tạo ra và nâng đỡ mọi sự, thì phần tâm trí ẩn đàng sau vũ trụ này là tâm
trí của Đức Chúa Trời, và Ngài là Đức Chúa Trời của trật tự. Nhưng sự đồng
nhất mà chúng ta quan sát được chỉ hình dung ra phương pháp thông dụng
của Đức Chúa Trời khi Ngài hành động trong cõi thiên nhiên; nhưng phải
nhớ rằng Đức Chúa Trời hoàn toàn tự do trong thế giới của Ngài. Câu hỏi
của Phao-lô về chủ đề này rất đúng khi ông chất vấn vua Ạc-ríp-ba: 'Các ông
há lại ngờ chẳng có thể tin được rằng Đức Chúa Trời khiến những kẻ chết
sống lại sao?' (Cong Cv 26:8). Đức Chúa Trời có thể tự ý thực hiện một
hành động phi thường nếu Ngài cho rằng làm như vậy sẽ đưa đến cứu cánh
tốt đẹp theo ý chỉ Ngài. Sở dĩ các định luật thiên nhiên đồng nhất, là vì Ngài
muốn như vậy, và sự đồng nhất đó chỉ được tiếp tục duy trì bao lâu Ngài còn
muốn như vậy.
KHOA HỌC VÀ PHÉP LẠ KHÔNG HỀ MÂU THUẪN NHAU
Tuy nhiên, tính cách đồng nhất trong thiên nhiên vốn có thật và có phạm vi
rộng rãi đến độ tạo ra trong nhiều người một thành kiến vững chắc chống lại
bất cứ việc gì có vẻ khác lạ, phi thường. Một quan điểm lệch lạc của khoa
học vật lý là việc mở rộng các định luật vật lý vào các lãnh vực luân lý và
thuộc linh là các lãnh vực không thể áp dụng được đã khiến người ta đi đến
chỗ cảm thấy tự do ý chí khác hẳn là ảo tưởng và rằng mọi vật đều đã được
tiền định một cách máy móc không gì lay chuyển được. Nhưng không ai chủ
trương rằng phần tinh thần và thuộc linh mới là những thực tại tối cao được
khích lệ bởi những phát triển gần đây của khoa học. Thuyết chủ trương một
vũ trụ khép kín loại bỏ mọi khả năng can thiệp của bất kỳ một lực lượng nào
khác hơn những lực lượng có thể đo lường được bằng các nguyên tắc cơ
học, ngày nay đã bị loại trừ khỏi chính khoa học. Vật chất là gì? Lực là gì?
Bản tính đích thực của nguyên nhân là gì? Các khoa học ngày nay đã loại bỏ
những câu giải đáp mà toán học từng trả lời cho các câu hỏi đó. Người ta đã
bắt đầu thấy rằng 'vật chất' vốn gần gũi với 'tinh thần' mà đường ranh giới
ngăn cách cả hai rất khó xác định. Người ta biết rất rõ rằng có một số các
nhà khoa học lừng danh vốn tin vào các phép lạ của Cơ Đốc giáo. Thiết
tưởng chỉ cần kể tên Newton, Faraday, Simpson, Kelvin và Lister cũng đã
đủ lắm rồi, và thêm vào đó, chúng ta còn có thể kể tên rất nhiều nhân vật
hiện còn sống nữa. Kelvin nhấn mạnh rằng theo quan điểm của ông, khoa
học chẳng những chỉ công nhận, mà còn tích cực đòi hỏi sự hiện hữu của
một Đấng Tạo Hóa, và mới đây, Sir James Jeans đã bảo: “chắc trước đây
phải có điều mà chúng ta gọi là 'công cuộc sáng tạo trời đất' vào một thời rất
xa xưa”; đó là một việc chắc chắn có tính cách khoa học. Theo quan điểm
của thuyết nguyên tử, Sir Arthur Eddington cũng chống lại quan điểm về
một vũ trụ có định mệnh, và tuyên bố rằng 'ý niệm về một tâm trí phổ quát
hay logos là điều rất có thể suy diễn ra từ hiện trạng của lý thuyết khoa học
ngày nay'. Vậy người ta không thể bảo rằng khoa học hiện đại duy trì bất cứ
một phản bác có giá trị nào chống lại các phép lạ vốn có thể xảy ra.
Các dữ kiện càng ngày càng nhiều trong lãnh vực tâm lý học đã chứng minh
ảnh hưởng của tâm trí trên vật chất cả trong việc gây bệnh và chữa bệnh.
Khoa tâm lý trị liệu không hề giải thích phép lạ, nhưng là một phương diện
điều nghiên đang chiếu sáng vào phần cơ cấu thiết yếu thuộc phạm vi tinh
thần của vũ trụ, và việc phương diện thần học của nó phải chịu phục tùng
tâm trí của Đức Chúa Trời. Người ta đã chứng minh rằng tâm trí có thể gây
ảnh hưởng trên các diễn biến hữu cơ của thân thể, là phần ảnh hưởng mà
người không chuyên môn cho rằng không phải là phép lạ. Trong một số điều
kiện, đặc biệt là trong trạng thái bị thôi miên người ta có thể dùng lời nói
miệng để tạo ra những mụn phồng, các vết mề đay trên da, giảm đau và
chống viêm bằng cùng phương pháp như thế.
CÁC PHẢN BÁC TRIẾT HỌC
Những sự kiện và vấn đề như trên đưa chúng ta đến chỗ kết luận rằng vấn đề
thật ra không phải là một vấn đề khoa học, nhưng là triết học. Vấn đề chẳng
liên quan gì đến chuyện cõi thiên nhiên đang vận hành như thế nào nhưng
liên hệ đến phần động cơ thúc đẩy nguyên thủy khiến cho thiên nhiên bắt
đầu chuyển động và vẫn tiếp tục biến dịch. Vấn đề trước thuộc lãnh vực
khoa học, nhưng vấn đề sau thuộc lãnh vực triết học.
Vấn đề thực sự ở đây cần phải thảo luận đến phép lạ là giáo lý của Cơ Đốc
giáo về thế giới, tức là vật chất sở dĩ hiện hữu là vì cớ tinh thần. Đó là điều
vẫn được quen biết thông thường là quan niệm mục đích luận về vũ trụ là
niềm tin rằng mọi sự đều bị lệ thuộc vào một chủ đích đó là yếu tính của
phép lạ; phần chủ đích gắn chặt phép lạ vào với chính trật tự của vũ trụ.
ĐỊNH NGHĨA PHÉP LẠ
Đến đây, chúng ta đang ở tại một vị trí có thể cố gắng đưa ra một định nghĩa
cho phép lạ. Tiến sĩ James Orr định nghĩa phép lạ là 'một sự sai lệch hay
vượt trên trật tự thiên nhiên do sự can thiệp của một nguyên nhân siêu
nhiên'. Tuy nhiên, định nghĩa này dường như vẫn chưa đầy đủ: nó dừng
ngay lại đúng chỗ mà chúng ta còn muốn cho nó phải tiến tới. Nó xếp phép
lạ vào loại những điều huyền bí không hơn không kém.
Tiến sĩ J.H.Bernard thì đi xa hơn khi ông nói: 'Có thể mô tả phép lạ là một
biến cố biểu hiện một chủ đích, xảy ra trong thế giới vật lý mà người ta
không thể bảo là do một trong số các lực lượng đã được biết, do đó, được
gán cho một nguyên nhân thuộc linh. Đây là một hành động can thiệp thông
thường của các lực lượng thiên nhiên của các tác giả cõi thiên nhiên - một
biến cố không do sự phối hợp của các lực lượng vật lý quan sát được, nhưng
do ý chỉ của Đức Chúa Trời'. Các điểm chính yếu của định nghĩa này là
muốn tập trung sự chú ý vào ba từ ngữ Tân Ước dùng để gọi phép lạ: a)
dunameis nghĩa là năng lực; b) terata nghĩa là 'lạ lùng', 'kỳ diệu'; và c)
semeria, nghĩa là 'dấu hiệu' (Xem Cong Cv 2:22). Do đó, chúng ta có một
phép lạ là khi có một hành động có quyền phép, khiến mọi người lấy làm lạ,
nhưng đồng thời cũng gợi lên một ý nghĩa gì đó. Chính hành động của Đức
Chúa Trời trong phép lạ sẽ khiến nó trở thành có ý nghĩa cho người có ít đức
tin, mà cũng ban cho phép lạ một địa vị hài hòa trong kế hoạch của Ngài.
Phép lạ là kết quả của những nguyên nhân thuộc về 'đời sau' (HeDt 6:5), là
một thế giới bị phân rẽ với chúng ta bằng một bức màn mỏng mà qua đó,
thỉnh thoảng chúng ta có thể thoáng trông thấy Đấng đang ngự trị ở đó.
NHỮNG PHẢN BÁC CỦA HUME VÀ HUXLEY
Chúng ta không có đủ chỗ để nhận xét luận cứ của Hume rằng: 'Không có
chứng cứ nào được coi là đầy đủ để xác lập một phép lạ, trừ phi chứng cứ
thuộc một loại mà sự sai lầm của nó còn kỳ lạ hơn cả sự kiện người ta cố
gắng xác lập. Hay nói cho ngắn gọn, phép lạ nào trái với thực nghiệm là
phép lạ thật, còn không trái với thực nghiệm là phép lạ giả'. Nhược điểm nổi
bật của luận cứ trên đây là nó muốn chứng minh quá nhiều điều. Nó muốn
chứng minh rằng Chúa Giê-xu của lịch sử không hề có thật, vì Ngài cũng
như việc Ngài làm quá độc đáo. Nhưng đó không phải là vết rạn nứt duy
nhất trong luận cứ của Hume, vốn còn chứa đựng nhiều sai lầm về lý luận đã
được Paley phơi bày và trả lời trong quyển Các Chứng Lý của Cơ Đốc giáo
(Evidences of Christianity).
T.H.Huxley lại xét vấn đề bằng chứng một cách khác. Ông ta khá tế nhị và
công nhận có thể phép lạ nhưng đòi hỏi một loại bằng chứng có 'giá trị khoa
học'. Chẳng hạn trong trường hợp Chúa hóa bánh cho năm ngàn người ăn,
quan điểm của Huxley là muốn xác lập đó là phép lạ, các ổ bánh và mấy con
cá phải được đem cân trước và sau khi biến cố xảy ra ngoài việc phải thâu
thập bằng chứng về việc tất cả mọi người đều được no nê. Làm như thế tức
là đòi hỏi một thứ bằng chứng mà theo bản tính của trường hợp này là điều
không thể có được. Chúng ta có thể đồng ý rằng vì diễn tiến của thiên nhiên
có trật tự, chúng ta phải đòi hỏi nơi phép lạ nhiều 'bằng cớ hơn là trong các
công việc theo kinh nghiệm thông thường hằng ngày, nhưng đòi hỏi phải
'chứng minh cách khoa học' lại là một việc khác hẳn. Tất cả những gì chúng
ta có cần để đánh tan việc không thể có như thế trước đó theo kinh nghiệm
chung, là bằng chứng về chủ đích của Đức Chúa Trời.
PHÉP LẠ GIẢ MẠO
Trước khi kết thúc chủ đề này, việc còn lại cần làm là nhận xét về những
điều xảy ra mà có người cho là phép lạ. Có một số sự việc của thời trung cổ:
các phép lạ của các thánh; có các 'phép lạ' của thông linh học; và các phép lạ
ngoại đạo bên Đông Phương. Chúng ta có đúng hay không khi đương nhiên
kết luận rằng các phép lạ của Công Giáo La-mã của các nhà thông linh học
là không có thật, còn các phép lạ của Ê-li-sê chẳng hạn, là có thật?
Cần ghi nhận rằng các giáo phụ đầu tiên của Hội Thánh đầu tiên từng thành
thật thú nhận rằng họ không hề kinh nghiệm thấy có phép lạ xảy ra, nghĩa là
các phép lạ cùng loại và có ý nghĩa như các phép lạ trong các sách Phúc Âm.
T.H.Huxley có kể lại dài dòng một số phép lạ được cho là của một người tên
là Eginhard hồi thế kỷ mười tám, kể lại câu chuyện 'Hai vị thánh tử đạo
Marcellinus và Petrus được cất lên trời'. Sau khi mô tả những việc lạ lùng
đó, gồm nhiều lần hút máu ra và nhiều cách 'chữa bịnh' khác nhau, Huxley
hỏi tại sao chúng ta không thể tin các phép lạ của Eginhard, mà lại tin nhận
các phép lạ của các sách Phúc Âm. Ông ta bảo rằng bằng chứng hiển nhiên
của tài liệu về Eginhard vốn cao hơn bằng chứng về các tài liệu của các sách
Phúc Âm, và nếu chúng ta chối bỏ các phép lạ trước mà tin nhận các phép lạ
sau là tiền hậu bất nhất. Câu trả lời của chúng tôi là rõ ràng và thẳng thắn.
Cứ cho là về phương diện tài liệu thì các chứng cớ về các phép lạ của
Eginhard là các tài liệu có các chứng cớ tốt, chúng tôi xin trả lời rằng chắc
chắn đó chỉ là một phương diện của vấn đề để căn cứ vào đó, người ta có thể
bảo là có giá trị cao hơn, Huxley đã quên mất trường hợp của chính ông ta.
Chính ông ta đã chứng minh rằng toàn thể khung cảnh trong đó người ta cho
là có phép lạ, là gian lận, lường gạt, và mê tín dị đoan, và trình độ thấp kém
về mục đích trong đó người ta nại đến các phép lạ, đã xếp các phép lạ ấy vào
một loại khác hẳn với loại phép lạ trong Kinh Thánh.
Huxley so sánh thời đại Tân Ước với giai đoạn các phép lạ trung cổ và tuyên
bố rằng trong Do Thái giáo, mọi người nói chung cũng trông đợi phép lạ y
như người của thế kỷ mười tám SC. Nhưng điều đó thì trái hẳn với mọi
chứng cớ hiển nhiên. Người Pha-ri-si không chịu tin rằng một người mù từ
thuở sinh ra lại có thể sáng mắt được, và tin tức về việc Chúa sống lại đã
được chào đón với thái độ vô tín, chẳng những giữa vòng các nhà cầm quyền
Do Thái, mà cả với chính các môn đệ của Chúa Giê-xu nữa.
Các lý do khiến chúng ta chối bỏ các phép lạ được cho là thuộc những thời
kỳ muộn hơn về sau này, là vì chúng không giống với các phép lạ của Đức
Chúa Trời như đã xảy ra trong Kinh Thánh, và bằng chứng về chúng trong
phần lớn các trường hợp đều hoàn toàn không đầy đủ.
Các phép lạ trong các sách Phúc Âm Ngoại Kinh thật ấu trĩ và phi lý, còn
các phép lạ của các thời kỳ về sau của các thánh thời trung cổ thì lại nhạt
nhẽo, vô nghĩa. Các động cơ và đặc điểm của các phép lạ trung cổ rất thấp
kém so với các phép lạ trong Kinh Thánh; Các việc của những người theo
thông linh học ngày nay cũng vậy. Các phép lạ của Phúc Âm nâng đỡ, củng
cố cho đức tin rất nhiều; nhưng chúng ta sẽ nói sao về các 'phép lạ' mà người
ta bảo là sở dĩ được thực hiện là nhằm hậu thuẫn cho các giáo lý như 'sự thai
dựng vô nhiễm' của trinh nữ Ma-ri, hay các sản phẩm ngớ ngẩn tạo ra trong
buổi chiêu hồn của những người theo thông linh học?
Khi chúng ta khảo xét vấn đề chứng cớ, thì tính cách cao hơn của các phép
lạ Phúc Âm có thể được chứng minh rõ ràng hơn. Phần lớn các phép lạ gán
cho các thánh chỉ được gán cho họ sau khi họ đã qua đời khá lâu; dĩ nhiên
người ta vẫn chờ đợi việc các thánh làm phép lạ. Do đó, nếu trong lịch sử
cuộc đời vị thánh ấy không thấy có chép về một phép lạ nào thì dường như
số người ái mộ ông ta sẽ 'bổ túc' vào. Nhưng ngoài phương thức đó, các
phép lạ thời trung cổ thiếu mất phần chứng cớ của người đồng thời. Phần
chứng cớ thêm vào đó thường là gắng gượng và vô giá trị, và trong nhiều
trường hợp còn được chứng minh là sai và giả mạo nữa.
Mozley nói: 'Sở dĩ chúng tôi khước từ khối các phép lạ muộn về sau này, là
vì chúng thiếu bằng chứng; không phải vì lý luận bắt buộc chúng tôi chối bỏ
tất cả các phép lạ dầu chúng có bằng cớ hay không'.
Tuy nhiên, hãy còn một điểm khác nữa không thể bỏ qua. Thỉnh thoảng có
chỗ này chỗ nọ trong Kinh Thánh đề cập các 'phép lạ dối giả' (PhuDnl 13:1-
3; IITi 2Tm 2:9), và dạy rằng nhiều biến cố vượt hẳn khả năng loài người có
thể được các tà linh thực hiện nhằm chủ đích xấu. Chủ đề này đầy huyền bí,
nhưng nguyên tắc thì hết sức rõ ràng, ấy là, cũng như phép lạ thật chứng
thực cho một giáo lý thế nào, thì cũng vậy, chân lý của giáo lý và bằng
chứng của mục tiêu thiên thượng cũng cần để chứng minh phép lạ đến từ
Đức Chúa Trời. Cho nên khi Đấng Christ bị tố cáo là cậy quyền Bê-ên-xê-
bun để trừ quỉ (Mat Mt 12:24), thì Ngài đã nại đến phần chủ đích tốt và kết
quả là làm ích lợi, để chứng minh trái lại.
PHÉP LẠ VÀ GIÁO LÝ.
Bây giờ, chúng ta quay sang với giá trị của phép lạ.Về phương diện giá trị,
phép lạ có tính cách của bằng chứng. Khảo xét các phép lạ trong bối cảnh
giáo lý, ta thấy nó hậu thuẫn cho giáo lý ấy.
Tuy nhiên, phải cẩn thận: 'Một phép lạ không chứng minh cho sự chân thật
của một giáo lý, hay cho sứ mạng từ Đức Chúa Trời của người thực hiện nó.
Ngay từ đầu, phép lạ giúp cho lời người được lắng nghe và chỉ ra người ấy
từ thiên đàng hay từ hỏa ngục đến. Trước hết, giáo lý phải tự bày tỏ cho
lương tâm rằng nó tốt lành và sau đó, phép lạ mới ấn chứng được giáo lý đó
là từ Đức Chúa Trời'. 'Hãy theo luật pháp và lời chứng nếu dân chẳng nói
như vậy chắc sẽ chẳng có rạng đông cho nó' (EsIs 8:20). Điều nào không
vượt qua được cuộc thử nghiệm này thì dù có bao nhiêu phép lạ đi nữa cũng
không chứng tỏ nó bắt nguồn từ Đức Chúa Trời. Cả giáo lý lẫn phép lạ đều
có dấu hiệu riêng của chân lý nằm ngay bên trong, và chỉ khi đó mới có thể
lấy cái này để khẳng định cái kia.
Các phép lạ được thực hiện để xác nhận thẩm quyền của vị sứ giả, và chỉ để
gián tiếp chứng minh cho sứ điệp ấy là thật mà thôi. Như thế, trong suốt quá
trình lâu dài Đức Chúa Trời tự bày tỏ chính Ngài, phép lạ đã có một giá trị
vượt trội, vì do chúng, Ngài đã vui lòng phó thác và xác nhận uy quyền của
những người đã nhận được sự mạc khải của Ngài. Pha-ra-ôn đã hành động
đúng khi đòi hỏi Môise một phép lạ (XuXh 7:9,10), và A-cha đã phạm một
trọng tội khi khinh dể một dấu hiệu mà Đức Chúa Trời ban (EsIs 7:10-13).
Người đem Phúc Âm và chân lý siêu nhiên phải có thể xuất trình các chứng
minh thư của mình. Ni-cô-đem đã có lý khi ông nói về Chúa Giê-xu: “Chúng
tôi biết thầy là giáo sư từ trời đến, vì những phép lạ mà thầy đã làm đó, nếu
Đức Chúa Trời chẳng ở cùng thì không ai làm được” (GiGa 3:2). Các việc
làm của Chúa Giê-xu cùng với phẩm cách từ trời đến của chức vụ Ngài đã
chứng minh rằng Ngài vốn 'từ trời đến', và trên cơ sở đó, Ni-cô-đem được
chuẩn bị nhận lời giáo huấn từ vị giáo sư được Đức Chúa Trời sai đến.
CÁC PHÉP LẠ LÀ PHƯƠNG TIỆN MẠC KHẢI.
Nhưng các phép lạ còn trổi vượt hơn các chứng minh thư, vì có mối liên hệ
hữu cơ với sự mạc khải mà từ đó chúng xuất phát. Chúng không được Đức
Chúa Trời ban cho để chỉ có tác dụng như tiếng mỏ nhằm lưu ý người ta hãy
lắng nghe lời rao báo sau đây. Các phép lạ là phương tiện của sự mạc khải,
chúng có liên hệ sống động với sự mạc khải và là một thành phần của sự
mạc khải. Các phép lạ của Đấng Christ là những việc làm mà Phúc Âm là lời
nói. Chúa chúng ta tự mạc khải là Cứu Chúa bằng những việc làm của một
Cứu Chúa, bằng cách chữa lành các bệnh tật của linh hồn và thân thể cho
mọi người. Các phép lạ không được thực hiện nhằm khiến người ta kinh
ngạc để qua đó mà có đức tin; nhưng trước hết, chúng nhằm ngỏ lời với
người đã có đức tin rồi, và nếu bị khinh dể, chúng sẽ trở thành cơ sở định tội
người ấy. Chính vì lý do ấy mà Kinh Thánh chép rằng Chúa Giê-xu đã
không làm được nhiều việc quyền năng tại thành phố quê hương của Ngài,
bởi vì dân chúng ở đó không tin (Mat Mt 13:58).Các phép lạ được thực hiện
như một thành phần của sự mạc khải. Cho nên khi Chúa chúng ta phán: “Ta
là sự sáng của thế gian”, thì Ngài cũng lập tức thực hiện việc chữa lành cho
người mù (GiGa 9:5-7) và khi Ngài phán với Ma-thê: “Ta là sự sống lại và
sự sống” thì đồng thời Ngài cũng gọi La-xa-rơ ra khỏi phần mộ (GiGa
11:25,43). Ngài giải thích việc hóa bánh cho năm ngàn người ăn bằng một
lời tự xưng sâu nhiệm: “Ta là bánh hằng sống” (GiGa 6:35). Tiến sĩ
R.E.D.Clark đã lý luận rất đúng rằng phép lạ cung cấp một mắc xích giữa
Đức Chúa Trời của sự mạc khải với Đức Chúa Trời của công trình sáng tạo
trời đất. Trong việc Chúa chúng ta bày tỏ Đức Chúa Trời ra, thì Ngài phải
làm nhiều phép lạ là điều thích hợp - là bằng chứng hiển nhiên rằng đó là
các việc làm của Đấng Tạo Hóa - là những phương tiện để qua đó, thực thi
lòng thương xót và yêu thương của Ngài. Kết quả của các phép lạ của Chúa
chúng ta là người ta thấy hợp lý khi tin vào những câu khẳng định của Ngài
rằng Đức Chúa Trời đang quan tâm chăm sóc cõi thọ tạo của Ngài. Thế thì,
tự chúng, mục đích cao nhất của phép lạ là sự mạc khải Đức Chúa Trời trong
Đấng Christ. Đời sống và việc làm diệu kỳ của Đấng Christ vốn bất khả
phân ly: cả hai chỉ là một. Chúa chúng ta phán: “Ví bằng ta không làm
những việc của Cha ta, thì các ngươi chớ tin ta; còn nếu ta làm, thì dầu các
ngươi chẳng tin ta, hãy tin những việc ta để các ngươi hiểu và biết rằng Cha
ở trong ta và ta ở trong Cha” (GiGa 10:37,38).
Như vậy, một phép lạ thật sự với chức năng làm 'dấu hiệu' của nó, là một
phương tiện để chuyên chở sự mạc khải chớ không chỉ là bằng chứng thêm
vào. Tiến Sĩ Wace nói: “Người ta ngày càng nhận thức rõ ràng hơn rằng
phép lạ không phải là cái gì từ bên ngoài phụ thêm cho đức tin Cơ Đốc,
nhưng là điều được buộc chặt bất khả phân ly với nó, và có sự đồng nhất
hoàn toàn trong việc biểu hiện bản tính của Đức Chúa Trời được ghi chép lại
trong Kinh Thánh.
Trước khi kết thúc đoạn nói về giá trị của bằng chứng các phép lạ, chúng tôi
còn một điều quan trọng cần lưu ý. Tuy giá trị của phép lạ rất lớn vì vừa để
chứng thực vừa thể hiện mạc khải, chúng không bao giờ thay thế được cho
đức tin. Lòng tin quyết của Cơ Đốc nhân không hề đặt cơ sở trên một sự
chứng minh nào đó được đưa ra một cách hoàn toàn khách quan; nó không
phải là một cái gì có thể được chứng minh bằng phương pháp toán học.
Chúa chúng ta từng quở trách thái độ sai lầm này: “Nếu các ngươi không
thấy phép lạ và điềm lạ, thì các ngươi chẳng tin” (GiGa 4:48).
Nỗ lực của những người muốn bênh vực Cơ Đốc giáo bằng cách thay thế
đức tin bằng một chứng cớ khách quan, khuôn thước, trong khi lòng người
vốn chỉ có thể thỏa mãn với một chứng cớ của đạo đức và tâm linh. Làm vậy
là gây tổn hại cho tâm hồn và là gieo ra những hột giống của sự vô tín trong
tương lai. Niềm tin quyết của người tin Chúa vốn đặt nơi Đức Chúa Trời,
không phải qua lời chứng ngoại tại là phép lạ, nhưng qua nội chứng của Đức
Thánh Linh. 'Chính Đức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta' (RoRm
8:16), và đó là uy quyền tối hậu, qua đó, niềm tin quyết đã đến với tấm lòng.

CÁC NGUYÊN TẮC GIẢI KINH


Mục đích chương sách này là đưa ra một số chỉ dẫn sơ đẳng và những gợi ý
thực tiễn cho những người được chuẩn bị trở thành cán bộ trong trường học
hiểu Kinh Thánh. Mục đích muốn hiểu cho đúng, không dễ đạt dược, nhưng
muốn theo đuổi nó, đòi hỏi phải hết sức chuyên cần trong tinh thần cầu
nguyện, chịu khổ công làm việc và tìm kiếm kiên trì.
HIỂU BẢN VĂN
1. Lợi dụng triệt để các sách chú giải, các bản dịch mới, các bản diễn nghĩa...
Đọc từng đoạn dài một bản dịch mới hay bản diễn nghĩa thường giúp chúng
ta hiểu đoạn sách một cách mới mẻ, tuy người đọc còn phải biết chắc là cách
diễn giải của tác giả có đúng với nguyên văn hay không. Còn phần giải
nghĩa chi tiết trong các sách chú giải cũng giúp hiểu đoạn sách phong phú
hơn.
2. Nhắm vào việc khám phá ý nghĩa thật sự của nguyên văn. Đây phải là
mục tiêu trước tiên của người đọc và cần phải theo đuổi xem đó là điều quan
trọng hơn, vì ý tưởng thường rất dễ nhầm lẫn. Có thể gặp cơ nguy là chúng
ta không thấy đúng điều Kinh Thánh thật sự muốn nói, mà lại thấy phản ánh
chính ý tưởng của chúng ta, hoặc chỉ dựa vào các thành kiến của chúng ta
mà tưởng tượng ra.
Ý nghĩa của Kinh Thánh được xác định bởi từ ngữ sử dụng, cho nên chữ nào
cũng đều quan trọng, nhất là khi chúng ta tin rằng sự linh cảm mở rộng đến
từng từ ngữ và đã chọn những từ ngữ đặc biệt thích hợp. Cần lưu ý là một
vài chữ dần dần mang nghĩa mới hoặc đặc biệt chỉ được dùng trong Kinh
Thánh, là kết quả của tiến trình mở rộng mạc khải.
Nếu ta không trở thành nhà chuyên môn về các ngôn ngữ nguyên văn, là Hy
văn và Hy-bá-lai văn, thì có một khả năng thứ hai là chúng ta có thể chỉ cần
đi nửa đường, nghĩa là tìm cách hiểu gần đúng nhất bằng cách sử dụng nhiều
sách được soạn thảo đặc biệt nhằm giúp những người nghiên cứu vốn bị hạn
chế như thế; thí dụ như một sách phù dẫn có phần phân tích và chuyển âm ra
mẫu tự La-tinh.
3. Khám phá ý nghĩa đối với độc giả đầu tiên của Kinh Thánh. Cố gắng suy
nghĩ bằng tâm trí của trước giả, tìm hiểu phản ứng của ông ta trong những
hoàn cảnh bấy giờ và chủ đích của ông ta khi viết. Điều này đòi hỏi ta phải
quen thuộc bối cảnh và khung cảnh lịch sử. Chính nhằm giúp người đọc thấu
hiểu những điều đó mà sách Chỉ Nam này đã được viết ra.
4. Khám phá đặc tính của bản văn. Nghĩa là nó thuộc lịch sử hay ẩn dụ, là
văn xuôi hay thi ca, là văn thuật chuyện hay luận thuyết, là độc thoại hay đối
thoại... Đừng nhất thiết tin vào cách chia chương, hay nhiều cách phân đoạn
khác vốn không hề có trong nguyên bản, nên lắm lúc có thể là không thích
hợp. Tìm cách nhận ra mối liên hệ rõ ràng hoặc có thể có của bất cứ một câu
hay đoạn sách nào, với thượng hạ văn.
5. Khám phá ra hình thức diễn tả. Nghĩa là phải hiểu theo nghĩa đen hay
nghĩa bóng, nghĩa thật sự hay bằng hình ảnh. Những chữ có nghĩa bóng thì
không thể hiểu theo nghĩa đen. Chú ý xem câu nói là theo trực thuyết cách
hay nghi vấn , hoặc mệnh lệnh, xác định hay có điều kiện, thật sự hay giả
định. Tìm cách hiểu rõ những điều nói bóng gió, dùng hình ảnh, và các thuật
ngữ liên hệ đến phong tục tập quán, hoàn cảnh mà độc giả đầu tiên đã hiểu.
Ở đây thì phần trợ giúp của sách chú giải và các công trình nghiên cứu của
giới học giả hiển nhiên là rất cần thiết.
6. Tìm hiểu đặc tính của sự mạc khải thiên thượng đã được cho thấy trong và
qua lịch sử. Đức Chúa Trời không chỉ phán bằng lời mà còn bằng và qua đời
sống của nhiều người, mà nhiều nhất là bằng và qua cuộc đời, sự chết và sự
sống lại của Con Ngài nhập thể. Do đó, điều quan trọng tương đương với
những lời của các tiên tri, và còn hơn cả lời và chữ nữa, chính là các việc
làm hoặc biến cố mà họ diễn giải. Cơ Đốc giáo là một mạc khải lịch sử. Do
đó, nguyên văn và ý nghĩa lịch sử của Kinh Thánh vốn có tầm quan trọng cơ
bản.
GIẢI NGHĨA BẢN VĂN
Cơ Đốc nhân sau khi đã hiểu được bản văn vẫn chưa đủ. Thật ra thì chỉ đến
lúc ấy, Cơ Đốc nhân mới bắt đầu trực tiếp sử dụng Kinh Thánh.
1. Giải nghĩa cách trung thực. Nghĩa là đúng theo điều bản văn thực sự
muốn nói. Các từ ngữ phải được hiểu theo đúng nghĩa của nó. Không thể
biện chính cho việc gán ép từ ngữ Kinh Thánh mang nghĩa không đúng với
bối cảnh của Kinh Thánh. Cũng cần cảnh giác đối với chủ nghĩa duy nghĩa
đen hay thuộc linh hóa Kinh Thánh. Phải phân biệt rõ ràng giữa những từ
ngữ vốn là những lời phán của Đức Chúa Trời và các sứ giả Ngài, với lời
của các nhân vật khác, chẳng hạn như của Sa-tan, được chép lại là nhằm gây
dựng chúng ta, chứ không nhất thiết bắt buộc chúng ta phải chấp nhận.
2. Giải nghĩa một thành phần trong mối liên hệ với toàn thể. Ý nghĩa của
một chữ, một câu thường thay đổi tùy theo chữ ấy, câu ấy liên hệ với từng
bản văn. Vậy bối cảnh của một chữ sẽ xác định ý nghĩa đặc thù, riêng biệt
của nó. Cũng phải chú ý đến đặc tính và chủ đích của toàn quyển sách hay
phân đoạn có các từ ngữ ấy.
Cũng vậy, phải luôn luôn ghi nhận tính cách nhất quán của sự mạc khải
trong Kinh Thánh với tư cách một toàn thể. Cho nên ta phải thận trọng đối
với khuynh hướng chỉ nhìn từng sách một cách độc lập. Trái lại phải luôn
luôn tìm cách vượt lên trên phần đóng góp của từng đoạn hay từng sách
riêng lẻ, để đạt tới một sự hiểu biết bao quát về tính cách hòa hợp và sự dạy
dỗ nhất quán của Kinh Thánh.
3. Thừa nhận chủ đích tổng quát của Kinh Thánh là bày tỏ đường lối của
Đức Chúa Trời cho loài người, nhất là sự cứu rỗi của Ngài cho tội nhân. Chỉ
những ai thừa nhận điều đó mới có thể sử dụng Kinh Thánh phải lẽ. Vì lời
Kinh Thánh không nhằm soi rọi trên tất cả các vấn đề hay giải đáp mọi thắc
mắc của loài người. Chúng chỉ nhắm vào một nhu cầu và một cứu cánh đặc
biệt.
4. Xem Đấng Christ là chủ đề chính của toàn thể Kinh Thánh. Tất cả các
phần trong Kinh Thánh đều làm chứng cho Đấng Christ, cho việc Ngài đến
với loài người như Một Người, hoặc để cứu rỗi, hoặc để phán xét. Ngài là
chủ đề lớn và là nhân vật tối hậu của cả sự mạc khải lẫn sự cứu chuộc. Trong
công tác lịch sử ấy, Ngài là lời tối cao của Đức Chúa Trời về sự cứu rỗi. Lời
thành văn chỉ là phần bổ túc hay phản ảnh của Ngôi Lời Hằng Sống. Nếu
không có Ngài thì cũng không có Kinh Thánh. Ta chỉ có thể tìm gặp sự nhất
quán và ứng nghiệm thật sự của Kinh Thánh trong Ngài. Do đó, mọi công
trình học hỏi, nghiên cứu Kinh Thánh đều phải tập trung vào Ngài. Ngài là
chiếc chìa khóa vạn năng để giải nghĩa đúng sách ấy.
5. Dùng Kinh Thánh giải nghĩa Kinh Thánh. Hãy dùng Cựu Ước để hiểu
Tân ước, và giải nghĩa Cựu Ước trong mối liên hệ và với sự phục tùng Tân
Ước. Rõ ràng là các trước giả Tân Ước tin rằng Kinh Cựu Ước đã được Đức
Chúa Trời ban cho nhằm giúp các vị thấu hiểu Tin Lành của Đức Chúa Giê-
xu Christ. Nói chung thì Kinh Thánh cũng phải được đem ra đối chiếu với
Kinh Thánh, để chính Kinh Thánh tự kiểm soát và xác nhận lời giải nghĩa
của một người nào đó về Kinh Thánh. Luôn luôn tuân thủ qui luật này có
nghĩa là đừng bao giờ giải nghĩa một đoạn Kinh Thánh này mâu thuẫn với
một đoạn Kinh Thánh khác. Tà giáo thường bắt đầu từ chỗ giải nghĩa quá
đáng một phương diện của chân lý.
6.Thừa nhận rằng chân lý là vô hạn và đa diện. Có thể có hơn một phương
diện hay quan điểm, thí dụ như Đấng Christ vốn vừa là 'sư tử' vừa là 'Chiên
Con' (KhKh 5:5,6). Đối với tâm trí hữu hạn của loài người, thì các phương
diện đối lập nhau của chân lý vô hạn có vẻ như mâu thuẫn hay bất khả dung
hòa. Người học Kinh Thánh khiêm hạ và cung kính sẽ đồng thanh với
Charles Simeon để thừa nhận rằng 'chân lý không ở chính giữa, cũng không
ở một đối cực, nhưng là ở cả hai đối cực'.
7. Thừa nhận các giới hạn cá nhân và kính trọng lời phê bình của các tín hữu
khác, nhất là điều mà các thánh đồ đã đồng ý với nhau. Chẳng những phải
nhớ rằng trí hiểu sáng suốt nhất của một người vốn có giới hạn, mà khả năng
của một cá nhân để lãnh hội chân lý lại càng bị hạn chế càng nhiều hơn nữa.
Tôn trọng lời giải nghĩa của người khác, nhất là khi lời giải nghĩa ấy đã được
đa số người, nếu không phải là toàn thể mọi người trong Chúa thừa nhận, là
khôn ngoan. Đừng độc đoán trong vấn đề mà đa số người cùng có lòng tin
kính như chúng ta đã không đồng ý .
8. Tìm cầu sự soi sáng và làm chứng của Đức Thánh Linh. Đây là điều sơ
đẳng mà cũng là điều có tầm quan trọng phổ quát. Chỉ nhờ Đức Thánh Linh
chúng ta mới có thể hiểu biết được chân lý mạc khải, và chỉ có sự chuẩn y
hay làm chứng của Ngài, chúng ta mới biết được chắc chắn rằng chân lý
mạc khải ấy là 'của Đức Chúa Trời'. Chính Ngài mới là vị giáo sư độc nhất
có đầy đủ khả năng để giải nghĩa đúng quyển sách giáo khoa do chính Ngài
linh cảm.
CÁC QUI LUẬT ĐẶC BIỆT CHO VIỆC GIẢI NGHĨA THÍ DỤ, VÀ
NHỮNG CÂU KINH THÁNH NGHĨA BÓNG HOẶC ẨN DỤ.
1. Tập trung chú ý vào tâm điểm của sự dạy dỗ chính. Nối kết mọi chi tiết
phụ vào ý tưởng chính tạo nên bức tranh toàn diện. Phải nhớ rằng trong tất
cả các trường hợp nói bóng có nhiều chi tiết chỉ có tính cách tô điểm, trang
trí mà thôi. Vậy đừng cố tìm ý nghĩa thuộc linh trong tất cả mọi chi tiết
(ngoại trừ các trường hợp đặc biệt). Không nên tìm sự phù hợp như vậy đối
với tất cả các chi tiết nếu không được Kinh Thánh cho thấy hết sức rõ ràng.
Thỉnh thoảng Chúa chúng ta cũng có làm như vậy (xem Mat Mt 13:3-9,18-
23,24-30,36-43). Nhưng hãy đối chiếu với cách ứng dụng của Ngài về người
Samari nhân lành (xem LuLc 10:37). Cần ghi nhận là có một số thí dụ chúng
ta không thể tìm được sự ăn khớp trong tất cả các chi tiết.
2. Mọi giáo lý đều phải dựa trên những câu khẳng định trực tiếp của Kinh
Thánh. Đặc tính của một hình ảnh chỉ có tính cách phụ thêm hoặc minh họa
mà thôi. Vậy, đừng bao giờ lấy đó làm nền tảng cho một điểm giáo lý, trái
lại, phải tìm một câu có thẩm quyền thật rõ rệt trong Kinh Thánh để giải
nghĩa hoặc ứng dụng cho các hình bóng, ẩn dụ và thí dụ. Chỉ thấy chỗ giống
nhau thì chưa đủ. Ta phải biết chắc là cái ý niệm nảy sinh từ một ẩn dụ, phải
là một chân lý của Kinh Thánh.
NHỮNG QUI LUẬT THỰC TIỄN ÁP DỤNG KINH THÁNH TRONG
NẾP SỐNG CƠ ĐỐC NHÂN.
1. Dùng Kinh Thánh như một qui luật của đức tin và cách ăn nết ở. Về
nguyên tắc, tất cả những gì bạn tin và hành động, với tư cách một Cơ Đốc
nhân đều phải đặt nền tảng trên Kinh Thánh và được Kinh Thánh biện minh.
Bạn cần hiểu thật rõ ràng Kinh Thánh dạy gì về phương pháp cứu rỗi của
Đức Chúa Trời đối với tội nhân, và hiểu rõ các chân lý mạc khải quan trọng
đối với hạnh phúc vĩnh cửu cho con người. Cũng vậy, hãy cố gắng chuẩn bị
cho mình một câu trả lời dựa trên Kinh Thánh biện minh cho đức tin trong
lòng mình (IPhi 1Pr 3:15). Tìm trong Kinh Thánh, không nhũng để khám
phá xem một Cơ Đốc nhân tin gì, mà còn là, tại sao tin, để có thể trả lời
không do dự và biện chính cho niềm tin quyết của mình.
2. Xem Kinh Thánh như một sách chỉ nam tôn giáo cá nhân, một phương
tiện để tiếp nhận được ân sủng mỗi ngày, thường xuyên sử dụng nó. Đức
Chúa Trời hiện vẫn còn phán dạy cho linh hồn nào muốn tìm kiếm Ngài
bằng lời thành văn của Ngài. Vậy, đừng bao giờ đọc Kinh Thánh như một
khách bàng quan. Hãy tìm trong đó trước nhất là phần chân lý thuộc linh có
thể trực tiếp ứng dụng cho chính hoàn cảnh của bạn. Nên tìm xem Kinh
Thánh đòi hỏi bạn phải làm gì. Nói khác đi, hãy trở thành người làm theo lời
Kinh Thánh chứ không phải chỉ biết đọc Kinh Thánh mà thôi. 3. Nhận biết
vai trò của lương tâm và sự phán đoán cá nhân. Kinh Thánh chỉ có thể phán
dạy mỗi người tùy theo trình độ mà người ấy đã đi vào ánh sáng, và đó
chính là điểm người ấy phải đáp ứng đối với sự thách thức, nếu muốn tiến
bộ trong sự hiểu biết Kinh Thánh.
4. Thừa nhận nhu cầu phải luôn luôn quay về, luôn luôn làm một công cuộc
cải cách mới mẻ để hành động đúng với Lời Đức Chúa Trời. Có một nhu cầu
liên tục là phải thường xuyên trở về với Đức Chúa Trời, để tự xét mình cách
mới mẻ trong ánh sáng của Lời Ngài, để được cáo trách ngay khi chúng ta
bắt đầu sa vào tội lỗi, để ý thức cách mới mẻ con đường tiến tới sự thánh
khiết và tình yêu thương hiện đang mở rộng.
5. Thừa nhận khả năng cứ ngày càng có thể tiến bộ trong sự hiểu biết và
vâng lời. Đừng bao giờ ngưng nghỉ tìm tòi, dường như chúng ta đã được biết
hết mọi sự và đã làm mọi sự trọn vẹn rồi. Bao giờ cũng còn có chỗ và có nhu
cầu phải khám phá càng nhiều hơn; sau đó, hãy bước đi trong ánh sáng mà
mình vừa mới nhận được.

NỀN TẢNG LỊCH SỬ


NHỮNG PHÁT GIÁC CỦA KHẢO CỔ HỌC
Đến cuối thế kỷ trước, mọi hiểu biết của chúng ta về thế giới thời cổ đều
xuất phát từ Kinh Thánh hoặc sách vở của các sử gia như Josephus,
Herodotus, hay các truyền thuyết văn học của người Hy Lạp, Ấn-độ và
nhiều dân tộc khác. Nhưng trong những năm gần đây, công cuộc sưu tầm
nghiên cứu khảo cổ học đã chiếu rọi nhiều ánh sáng cho phần lịch sử nguyên
thủy của loài người.
Nhiều đền đài từ lâu chỉ âm thầm làm chứng, cho đến khi phát giác được ý
nghĩa của cổ tự Ai Cập (hieroglyphics) đã mở đường cho một kỷ nguyên
mới. Những công cuộc khai quật của Layard tại Lưỡng Hà tiếp ngay sau đó,
và việc tìm ra chìa khóa cho tiết hình tự (chữ hình cái nêm - cuneiform) của
người Ba-by-lôn, cho đến khi cuối cùng, con đường đã được mở ra cho việc
khám phá và phiên dịch nhiều tài liệu ký thuật thời quá khứ. Chữ viết của cổ
ngữ Ai Cập nguyên là các hình vẽ, mỗi hình là một chữ hay một âm, phần
lớn được thấy khắc trên đá hoặc vật liệu cứng. Chữ hình cái nêm của người
Ba-by-lôn cũng gồm các biểu tượng, mỗi chữ gồm một âm. Chữ gồm nhiều
nhóm có hình cái nêm (tiết hình tự), viết thành hàng, được sắp xếp khác
nhau, xuất hiện nhiều nhất là trên các bảng đất sét nung. Chắc những người
chép sách đời xưa đã chọn một cục đất sét tại bờ sông Ơ-phơ-rát hay Nile,
tạo nó thành hình thức theo nhu cầu đòi hỏi, nhồi nó trên mặt phẳng, và
trong khi đất hãy còn ướt, đã dùng một ngọn bút bằng kim khí mà đầu nhọn
giống hình cái nêm, rồi khắc chữ lên mặt đất sét. Tấm bảng được phơi khô
dưới ánh nắng mặt trời hay hầm trong lò, cho đến khi cứng đủ để có thể lưu
giữ hàng mấy ngàn năm. Người ta đào dưới cát lên được hàng ngàn tấm
bảng như thế cùng với các bản văn được khắc trong các đền đài, trên các bia
đá, các vách nhà, để chúng kể lại cho chúng ta ngày nay câu chuyện của quá
khứ, có khi truyền thuyết hoặc thi ca, có khi là những ký thuật về sử ký của
thời đại đó với niên đại chính xác. Trong các bảng đất nung tìm được, có sổ
sách ghi chi thu, những tờ giao kèo, những chỉ dẫn hành chánh, bảng liệt kê
hàng hóa, sách về luật pháp, và nhiều vật khác nữa mà những con người văn
minh thường dùng. Ngoài số tài liệu được viết bằng chữ, người ta còn thu
thập được rất nhiều thông tin khác nhờ quan sát, suy luận từ các tàn tích của
đền đài, nhà cửa, và các ngôi mộ bị khai quật, với các đồ vật được tống táng
theo. Các vật dụng trong nhà, khí giới, công cụ, đồ trang sức bằng vàng, bạc
và đá quí, các bức tranh về săn bắn, chiến tranh, nông nghiệp, một kiểu
thuyền, một lò nướng bánh mì, một cây đàn hay một cái trâm cài tóc... tất cả
đều giúp chúng ta hiểu biết thêm về sinh hoạt và các phong tục tập quán của
một quá khứ xa xôi.
Như Sir Leonard Woolley nói, 'đào bới quá khứ lên', đã thành một tiến trình
khoa học. Người ta chọn một số các gò đống hay 'di chỉ' của những đống đổ
nát đời xưa, dọn dẹp những rác rến, tàn tích. Rồi các kho tàng nằm bên dưới
đó được từ từ tái phát hiện. Các di chỉ này là tàn tích các thành phố cổ khá
cao do tập quán bên Đông Phương, khi một thành phố bị đổ nát, thì người ta
lại xây một thành phố mới chồng lên đó. Như thế, mỗi di chỉ (Tell) là nhiều
đống đổ nát chồng chất lên nhau, lớp mới hơn nằm trên lớp cũ hơn, và lớp
xưa nhất thì nằm ở phần đáy. Chẳng hạn khi khai quật tại Giê-ri-cô, đống đổ
nát nằm gần trên mặt đất nhất thuộc giai đoạn Byzantine, phía dưới đó là
thành phố do Hi-ên, người Bê-tên xây lên (IVua 1V 16:34); rồi tới một lớp
đất rộng lớn là tro than, tàn tích của những ngôi nhà có người ở, trộn lẫn với
các vật dụng của thế kỷ mười lăm TC, là thành phố có vách bằng gạch xây
trên nền bằng đá đã bị Giô-suê thiêu hủy (Gios Gs 6:24); thấp hơn nữa, và
do đó thuộc về thời kỳ xa xưa hơn, có dấu vết của một thành phố được thành
lũy bảo vệ chắc chắn có niên đại trước năm 2.000 TC; rồi tới một lớp có đồ
gốm nguyên thủy và các công cụ bằng đá lửa mài của thời kỳ đồ đá mới; và
cuối cùng là những dụng cụ đá lửa thô sơ của thời đại đồ đá cũ nằm rải rác
trên một nền đất nện, chứng nhận là nơi đó đã có người ở từ thời tiền sử.
Niên đại của các tàn tích ấy được quyết định một phần do vị trí tương đối mà
chúng đã được tìm thấy, bằng một bia đá, một đồng tiền hay một con bọ
hung đá (con bọ hung được đẽo, chạm bằng đá, người Ai Cập xưa thờ như
một vị thần) có ghi niên đại, và một phần cũng do đặc tính của chính các đồ
vật ấy. Cũng như tại Anh Quốc, khi tìm thấy những viên gạch La-mã hay
kiểu xây của một công trình kiến trúc, chúng ta có thể được hướng dẫn để
định niên đại cho một công trình xây cất, thì bên Đông Phương, vật liệu
dùng xây dựng hoặc loại vật dụng, công cụ trong nhà phát giác được, có thể
được dùng để định là các vật đã tìm thấy đó thuộc thời kỳ nào. Tại xứ
Palestine năm mươi năm trước đây, giáo sư Flinders Petrie có nghiên cứu
đặc biệt hàng ngàn mẫu đồ gốm đã được đào lên, ghi lại cẩn thận địa điểm
và những vật kèm theo mỗi vật, và phân loại chúng thành từng nhóm. Như
thế người ta xác định được là vào một thời kỳ nào đó và tại một khu vực nào
đó, một loại đồ gốm nào đó đã được sử dụng, và các loại ấy hiện nay cung
cấp một 'tiêu chuẩn đúng nhất mà nhà khảo cổ học có được'. Tuy rất ít khi
định được một niên đại chính xác, cách định niên đại theo thứ tự trước sau
có thể được thực hiện với mức độ chính xác rất cao. Như thế, chúng ta có
thể biết các đồ vật là thuộc thời kỳ đầu, giữa hoặc cuối thời đại đồ đồng tại
xứ Palestine, và các từ ngữ ấy đề cập các giai đoạn liên tiếp nhau khoảng
năm 2.500, 2.000 và 1.600 TC.
Trước khi biết các kim loại, người ta đã làm các dụng cụ bằng đá lửa. Vào
đầu giai đoạn đồ đá hay thời kỳ đồ đá cũ, các dụng cụ ấy được chế tạo hết
sức thô sơ, nhưng về sau, đến thời đại đồ đá mới, các thứ vũ khí và vật dụng
khác được mài nhẵn và trau chuốt, cho thấy đã có một nền văn minh tiến bộ
hơn.
Những dấu vết như thế về sinh hoạt của con người đã được tìm thấy khắp
nơi tại Âu cũng như Á Châu, nhưng không đánh dấu cùng một thời kỳ ở
khắp các nơi. Tại Lưỡng Hà thời đại đồ đá mới kết thúc vào khoảng năm
4.000 TC, tại Palestine, khoảng vài thế kỷ sau đó, còn tại Anh Quốc thì mãi
gần đến kỷ nguyên Cơ Đốc mới kết thúc. Những nỗ lực nhằm định niên đại
cho các đồ đá cũ còn lại đến ngày nay vốn có tính cách suy luận cao độ, nên
sự ước lượng cũng khác nhau rất xa.
LƯU TRUYỀN KINH THÁNH
Các khám phá ấy đã thay đổi rất nhiều các quan điểm cũ về niên đại và tính
cách đáng tin của các phần ký thuật trong Kinh Thánh. Có một số tác giả cho
rằng các phần ký thuật về các vị tộc trưởng chỉ là truyền thuyết, và Áp-ra-
ham chỉ là một nhân vật do óc tưởng tượng tạo ra mà thôi. Nhưng ngày nay,
Sir Leonard Woolley nghĩ rằng sự kiện có một ông Áp-ra-ham 'đã được các
tài liệu thành văn xác nhận những tài liệu đó hầu như cũng có đồng thời với
ông'. Người ta đã phát giác được các bia đá tại Ai Cập lẫn Lưỡng Hà được
định niên đại từ trước năm 3.000 TC; người ta cũng đã đào lên được những
bộ luật thuộc thời kỳ của các vị tộc trưởng. Sir Leonard Woolley nói: 'Rất có
thể Áp-ra-ham đã chép lại nhiều luật lệ quen thuộc của Sumer là vì lợi ích
cho gia đình ông...vì ông nghĩ là chúng có thể đem ứng dụng cho đời sống
du mục của họ'. Người ta cũng tìm thấy nhiều bảng đất nung cả tại Ba-by-
lôn lẫn Ai Cập, có chép các bảng gia phổ và truyện tích các dòng họ, y như
trong sách Sáng Thế Ký vậy. Hơn nữa, nhiều khi chúng còn có các tiểu mục
như chúng ta gặp trong câu 'Đây là dòng dõi của...' hoặc 'Đây là sách về các
dòng dõi của A-đam' (SaSt 2:4; 5:1). Sepher là danh từ chỉ 'sách' có nghĩa là
một bảng ghi chép hay là một quyển sổ ghi chép, và tên 'Ki-ri-át Sê-phe',
hay sổ ghi chép của thành phố trong Gio Ge 15:15 cho thấy những quyển
sách ghi chép như thế được lưu trữ hết sức cẩn thận. Việc đó khiến người ta
tin rằng các bảng gia phả đã được Môi-se sao lại từ các bảng đất nung
nguyên là của các vị tộc trưởng, đã được Áp-ra-ham và con cháu ông lưu
giữ. Cần ghi nhận là đã có việc lưu giữ hết sức cẩn thận các lời hứa về một
dòng dõi cho Ê-va, cho Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp và các gia phổ đều
thuộc về những người có lời hứa. Sự thay đổi rõ rệt trong phần ký thuật ở
SaSt 12:1-20, số chi tiết thật đầy đủ, và đặc tính gia đình trong những gì xảy
ra tiếp theo đó, những câu nói rõ ràng trong đó các nhược điểm, những nghi
ngờ và sai lầm của Áp-ra-ham và Gia-cốp đều bị lột trần, thiết tưởng cũng
đủ để gợi ý rằng phần ký thuật đó nguyên từ chính tay các vị ấy. Nhiều khía
cạnh khác cho thấy đây là một việc khả thể. Chúng ta thấy có nhiều chỗ
giống nhau hết sức rõ ràng giữa các hành động của Áp-ra-ham, và Gia-cốp
với các luật lệ và phong tục tập quán mà ngày nay người ta được biết là vốn
thịnh hành giữa vòng các dân tộc láng giềng vào thời kỳ của các vị ấy.
Chẳng hạn có một bảng đất nung rất xưa của dân Hurrians nói rằng một ông
cha vợ tặng con rể các gia tài mình, được xem như di chúc chứng minh rằng
người con rể đó là kẻ thừa tự hợp pháp của ông ta; đó là lý do giải thích việc
Ra-chên đã ăn cắp 'các pho tượng thờ trong nhà cha mình' (SaSt 31:34).
Cũng tương tự như vậy về các phong tục tập quán và cách suy nghĩ của
người Ai Cập trong đời sống của Giô-sép và trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký.
Sự việc kể trên cũng được nhận thấy là đúng với những câu Kinh Thánh
nguyên thủy đề cập 'sách' và những điều đã được 'ghi chép'. Nhiều bảng gia
phổ xưa đã được đưa ra ánh sáng (SaSt 5:1) và các bộ luật (XuXh 24:4;
PhuDnl 31:26) cũng như nhiều bảng ký thuật về những trận chiến tranh thời
nguyên thủy vốn được lưu trữ (Dan Ds 21:14; IISu 2Sb 12:15). Do đó,
không thể nghi ngờ gì được việc 'các quyển sách' đã được đề cập vốn là
những phần ký thuật về những công việc đồng thời tương tự như vậy. Khảo
cổ học cũng xác nhận y như vậy về những câu đề cập các vật liệu đã được sử
dụng; người ta tìm được đồ gốm được sơn bằng mực chắc đã bị bôi đi (Dan
Ds 5:23), đã có việc dùng ngòi bút bằng sắt (Gie Gr 17:1) và cả người Ai
Cập lẫn người Ba-by-lôn đều sử dụng những ký lục chuyên nghiệp (thầy
thông giáo: scribes) (Cac Tl 5:14). Có hai loại chữ viết đã được đề cập, đó là
chữ tượng hình và chữ tiết hình, nhưng ngày nay người ta còn được biết một
loại chữ thứ ba đã được dùng giữa giống người Semitic từ thời Môi-se hoặc
trước đó nữa, tức là một bộ mẫu tự cùng loại nhưng khác về hình thức với
loại chữ Hy-bá-lai hình vuông của thời kỳ về sau mà ta có thể gọi là cổ tự
Hy-bá-lai đầu tiên. Những mẫu chữ đầu tiên đó đã được tìm thấy tại Serabit,
trong đồng vắng Si-na-i cùng với các mỏ lam ngọc (turquoise, loại đá dùng
làm bảng đá) nguyên được các công nhân người Semitic khai thác cho các
vua Ai Cập. Nhiều bảng có chữ viết như vậy cũng được tìm thấy tại Byblos,
Ghê-xe, Bết-sê-mết và La-ki; các niên đại định cho chúng là khoảng giữa
năm 2.000 và 1.500 TC.
Tại Ras Shamra gần bờ biển Sy-ri người ta đã đào lên được cả một thư viện
gồm các bảng dùng một bộ mẫu tự có hai mươi chín chữ cái tiết hình, trong
một ngôn ngữ tương tự như Hy-bá-lai. PhuDnl 6:9; 24:1 ngụ ý nói về chữ
viết đã được người Hy-bá-lai sử dụng; còn bằng chứng trước đó, tuy phần
nhiều tối nghĩa nhưng đã không là trở ngại cho việc tin rằng hàm ý trong
những câu Kinh Thánh trên là thật.
TỪ KHAI THIÊN LẬP ĐỊA ĐẾN CƠN NƯỚC LỤT.
Sách Sáng Thế Ký ký thuật lại chuyện Đức Chúa Trời đối xử với loài người
từ 'ban đầu' (một từ ngữ có lẽ mượn của người Ai Cập để chỉ 'từ thời nguyên
thủy'): bốn đoạn ở SaSt 1:1; 2:4; 5:1 và 6:9 gồm cả thời kỳ trước cơn nước
lụt. Đã có nhiều truyền thuyết kể lại công cuộc sáng tạo trời đất và cơn nước
lụt. Trong sách Zend-Avesta, Zoroaster kể lại chuyện tạo thiên lập địa, theo
thứ tự là trời, nước, cây cỏ, thú vật và con người; và về một địa đàng, nơi
Đức Chúa Trời đặt một người anh trai và một cô em gái, chính là tổ phụ tổ
mẫu của loài người. Mọi sự được tạo nên thật hoàn toàn, nhưng bị tà linh (ác
thần) khiến cho hư hỏng và sa ngã; sau đó, có một đoạn sử ký nói về cơn
nước lụt và chiếc tàu.
Các câu chuyện về khai thiên lập địa và nước lụt của người Ba-by-lôn được
tìm thấy trong bài anh hùng ca Gilgamesh là hình thức văn chương cổ nhất
được khắc trên một bảng đá gồm sáu cây cột, khoảng 3.000 TC. Trong đó sự
trong sáng vô tội nguyên thủy của con người ở địa đàng đã được mô tả cùng
với công cuộc sáng tạo trời đất, kết hợp với cơn hồng thủy là biến cố gắn
liền với tội lỗi của loài người. Một chiếc tàu lớn đã được chuẩn bị để cứu gia
đình của một người và cũng còn nhiều điểm giống nhau khác nữa. Nhưng
những chỗ giống nhau lại càng gây ngạc nhiên hơn. Các câu chuyện của
người Ba-by-lôn vốn đầy màu sắc của đa thần giáo nên thiếu tính cách đơn
sơ, chất phác, đặc tính luân lý và sự cao cả của độc thần chủ nghĩa của câu
chuyện theo Kinh Thánh. Sir Wallis Budge, một nhân vật rất có thẩm quyền
đưa ra ý kiến dứt khoát của ông, rằng 'phần ký thuật về cơn nước lụt của
sách Sáng Thế Ký không hề vay mượn câu chuyện của người Ba-by-lôn như
người ta vẫn thường bảo'.
Một phần tìm thấy trong một câu chuyện riêng rẽ của sách Boghaz Keui về
trận lụt của người Hurrians (xem phần dưới đây) có đưa tên của một người
anh hùng là Nahmoliel, chắc là một hình thức kéo dài ra của tên Nô-ê.
Nguồn gốc chung của tất cả các phần ký thuật trên chắc phải lui về một thời
kỳ rất sớm, có thể là chính thời gian của biến cố ấy.
Từ lâu, người ta đã biết sử gia Berossus (280 TC) có ghi rằng người Ba-by-
lôn tin có một cơn nước lụt, và đưa ra danh sách của mười nhà vua từng cai
trị trước nạn lụt suốt một giai đoạn mười hai sars, nghĩa là 432.000 năm, mà
người sau cùng là Xisuthros có đóng một chiếc tàu nhờ đó mà ông ta và cả
nhà đã được cứu, sau đó, ông ta dâng nhiều của lễ trên một ngọn núi, rồi
được tiếp lên trời. Ngày nay, người ta đã tìm thấy các bia đá đề cập mười
nhà vua đó, nhưng được gán cho những tên khác và tuổi thọ khác nhau.
Người ta đã không vạch ra đưọc thật chắc chắn là có mối liên hệ gì giữa các
vua này với mười ông tổ của Nô-ê.
Những công cuộc khai quật tại U-rơ và Ki-sơ đã tăng thêm kiến thức cho
chúng ta. Một trận đất sụp thật sâu tại U-rơ năm 1.929 đến tận lớp đất sơ
nguyên qua nhiều loại trầm tích cho thấy một lớp đất phù sa dày 2,4m hoàn
toàn không bị lẫn lộn với những mảnh vụn nào khác, nằm dưới đó là những
đồ gốm thuộc loại sơ khai lẫn lộn với các dụng cụ bằng đá lửa thuộc thời đại
đồ đá mới. Việc này, cùng với một hiện tượng cũng tương tự tại Ki-sơ, khiến
Sir Woolley kết luận rằng lớp trầm tích phù sa kia chỉ có thể là do một cơn
hồng thủy tạo ra, đã hoàn toàn quét sạch một chủng tộc và một nền văn hóa
trước đó, và dĩ nhiên, đó là trận lụt thấy trong Kinh Thánh cũng như trong
lịch sử và truyền thuyết của người Sumerian. Việc cơn nước lụt chỉ phủ trên
phần thế giới có dân cư theo như Nô-ê biết hay có phạm vi rộng lớn hơn, thì
trong mức độ hiểu biết của chúng ta ngày nay, vẫn là một vấn đề hãy còn bỏ
ngỏ.
Dưới lớp đất do cơn hồng thủy, và trên những địa tầng tương ứng, Woolley
tìm thấy cùng với các dụng cụ bằng đá lửa, còn có đồ gốm được sơn vẽ, vài
đồ vật bằng đất nung có in dấu ấn của sở hữu chủ, và một viên gạch là
những chứng tích của một nền văn minh. Những phát giác này xác nhận cho
truyền thuyết của người Sumerian bảo rằng, trước cơn nước lụt, tổ tiên họ đã
xuất phát từ một xứ có núi non bên Đông Phương, đã chế phục nhiều dân cư
vốn ở đó từ trước, và đem theo với họ các nghề canh nông, chế tạo kim khí,
và chữ viết. Vườn Ê-đen của SaSt 3:24 có lẽ cùng một chữ Edinnu của
người Ba-by-lôn nói lên một vùng cao nguyên hay thảo nguyên và được tìm
thấy trong tên Sippara ở Edinnu (so sánh SaSt 2:8).
Chúng ta có thể biết được gì về thời kỳ tiền hồng thủy từ chút ánh sáng lờ
mờ do các khám phá đó đem lại? Chúng khẳng định lời tuyên bố rằng ngay
từ thời đó, nhiều thành phố đã được xây dựng (SaSt 4:17), rằng người ta đã
biết sử dụng các công cụ bằng kim khí (4:22). Hãy còn nhiều ý kiến rất khác
nhau trong việc nhận diện sông Ghi-hôn chảy quanh xứ Cu-sơ (SaSt 2:13).
Có người nhận định khu vực ấy là vùng Kassite ở phía Đông chỗ bắt nguồn
của sông Tigre. Nếu thế thì sông Ghi-hôn chính là sông Araxes. Việc đề cập
hai con sông Tigre và Ơ-phơ-rát gợi ý rằng vị trí của vườn Ê-đen là ở một
chỗ nào đó vào điểm giao lưu của tất cả các con sông ấy tại miền nam
Lưỡng Hà, phù hợp với truyền thuyết Sumerian.
Theo điều chúng ta biết cho đến ngày nay, việc suy luận từ các di tích của
loài người rải rác trong một vùng hết sức rộng lớn, hay dựa vào thời gian tồn
tại của các thời kỳ đồ đá mới hoặc đồ đá cũ, thì không được chắc chắn lắm;
hay nhấn mạnh trên một giải nghĩa nào đó, hoặc theo nghĩa đen hay một
phương pháp nào khác, hoặc theo các dữ kiện bằng số của các bảng gia phổ
cổ xưa trong Sáng Thế Ký, thì không phải là khôn ngoan.
Theo các số liệu của bộ Bảy Mươi, trong SaSt 11:1-33, niên đại của nạn lụt
thời Nô-ê là vào khoảng trước năm 3.200 TC, thì Woolley gợi ý là có thể
phỏng đoán vào năm 3.500 TC hoặc sớm hơn. Điều rất có ý nghĩa, ấy là giai
đoạn tiếp ngay theo đó đã chứng kiến một nền văn minh đột biến và bùng nổ
đồng thời vào kỷ nguyên Minoan tại Cơ-rết, dưới triều đại các vua Menes tại
Ai Cập và tại Lưỡng Hà khoảng năm 3.400 TC.
TỪ CƠN NƯỚC LỤT ĐẾN LÚC ÁP-RA-HAM ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI
KÊU GỌI
Khi lịch sử bắt đầu thật sự xuất hiện rõ ràng, chúng ta thấy có hai chủng tộc
định cư tại đồng bằng Lưỡng Hà là dân Accadians vốn là chủng tộc Semites
ở phía Bắc, và dân Sumerians không thuộc chủng tộc Semites, ở phía Nam,
trong số các thành phố cổ nhất của họ có Accad (Agade), Erach, U-rơ và Ba-
bên (hay là Ba-by-lôn, SaSt 10:10). Từ các ngôi mộ tại U-rơ, được định niên
đại sau cơn nước lụt, người ta tìm được nhiều đồ trang sức tinh xảo bằng
vàng và đá quí, có một số dường như du nhập từ Ấn-độ. Cũng có bằng
chứng về tài năng âm nhạc (xem SaSt 4:21), có kiến thức về thiên văn học
và việc sử dụng chữ viết khá rộng rãi.
Rồi đến thời kỳ của các công trình xây cất đầy tham vọng, gồm nhiều cung
điện, đền đài. Các kim tự tháp Ai Cập được đẩy lui tận tiền bán thiên niên kỷ
thứ ba TC, còn các cung điện vĩ đại tại Knossos cũng được kể vào cùng một
thời gian ấy.
SaSt 10:1-32 là một bản ký thuật rất sớm về nhiều chủng tộc khác nhau của
loài người, và các vị trí địa dư của họ. Bảng liệt kê các dân tộc có tính cách
chọn lọc và mang nhiều dấu hiệu của thời cổ đại. Nên nhớ rằng các bảng gia
phổ của Kinh Thánh, tên người rất thường bị bỏ sót (như trong Mat Mt 1:1-
17), rằng chữ 'con' có thể chỉ cháu hay một hậu duệ nào khác, rằng việc các
tên được nhắc đi nhắc lại nhiều lần thường có một mục tiêu đặc biệt nào đó.
Ta không thể nào liên kết được tất cả các mảnh vụn của sử ký có thể tìm
thấy từ các bảng ký thuật của người Ba-by-lôn thời nguyên thủy, với phần
tài liệu vụn vằn manh mún như vậy trong hai chương 10:1-32 và 11:1-33 của
Sáng Thế Ký, vốn chứa đựng tất cả những gì Kinh Thánh cho biết về một
giai đoạn dài hơn một ngàn năm. Tuy nhiên, đã không có chỗ nào là thật sự
mâu thuẫn nhau, và phần ký thuật hết sức sơ sài của Kinh Thánh vẫn rất hài
hòa với nguồn gốc và đặc tính lịch sử nguyên thủy của nó. Chỗ tương hợp lạ
lùng giữa câu chuyện xây tháp Ba-bên với những gì khảo cổ học đã phát
giác được về cơ cấu lịch sử của các Ziggurats của người Ba-by-lôn không
thể chỉ là ngẫu nhiên, và chắc chắn ở đây chúng ta có một mẫu lịch sử sơ
nguyên. Các Ziggurats là những kim tự tháp dùng làm đền thờ, được xây
bằng gạch làm bằng đất sét phơi nắng và dùng bitumen (bitumen nguyên văn
Ba-by-lôn được giữ lại trong bản Hy-bá-lai) làm hồ, được xây từng tầng một
lên thật cao. Có nhiều chỗ ghi lại việc tu sửa các công trình ấy thỉnh thoảng
lại thấy xuất hiện câu 'ngọn nó thấu đến trời'. Người ta đã khám phá được
phần nền là tàn tích của một Ziggurat tại Ba-bên. Môi-se đặc biệt chú trọng
việc sử dụng một số vật liệu khác hẳn so với các vật liệu xây dựng của người
Ai Cập (SaSt 11:3). Trong số các nhân vật quan trọng của thời kỳ nguyên
thủy mấy thế kỷ sau nạn lụt đó, có một ông vua lừng danh là Sargon ở
Agade, bắt đầu trị vì tại thành phố ấy khoảng năm 2650 TC. Vua ấy chinh
phục vùng Lưỡng Hà và truyền khẩu quả quyết rằng ông ta từng vượt cả Địa
Trung Hải để chinh phục đảo Chíp-rơ. Woolley nói: 'Vua ấy rất có thể là
Nim-rốt của Cựu Ước, người đã sáng lập Ca-ne và là một thợ săn can đảm
trước mặt Đức Giê-hô-va. Đến gần thời đại của Áp-ra-ham hơn có nhiều bia
đá khắc ghi niên đại của các vua Ba-by-lôn và của nhiều thành phố khác.
Vua thứ sáu của triều đại thứ nhất tại Ba-by-lôn là Hammurabi, mà Woolley
và nhiều tác giả uy tín khác đã cho là Am-ra-phên của SaSt 14:1
(Hammurapiel). Ngoài điểm này, các đền đài và các di vật khai quật được đã
cho chúng ta một bức tranh rõ ràng về thành phố U-rơ của người Canh-đê,
và cái thế giới rộng rãi hơn của thời kỳ đó.
THẾ GIỚI THỜI ÁP-RA-HAM
a) Thành phố U-rơ.
Công cuộc khai quật tại U-rơ phơi bày ra nhiều đường phố nguyên vẹn vào
thời của Áp-ra-ham, với nhiều nhà hai từng, một số chứng tỏ là có mức chắc
chắn và tinh xảo cao độ. Cũng có nhiều đền thờ, và người ta tìm thấy nhiều
bảng đất nung chép các bài tụng ca từng được dùng trong đó. Những thành
tựu văn học được chứng minh bằng sự hiện hữu của nhiều thư viện và tự
điển, các bảng đất nung ghi chép về toán học và cả 'tập' chép bài của học
sinh nữa. Trên một bảng đất nung người ta thấy có bảng ghi tên Abarama, và
dường như nó ám chỉ một trại chủ nhỏ, có sớm hơn thời của Áp-ra-ham một
ít.
Có một ngôi đền lừng danh mà mô hình hiện có tại Viện Bảo Tàng Anh
Quốc, còn chứa bộ luật của Hammurabi, gồm nhiều giới mạng rất giống với
luật pháp Môi-se nhưng có nhiều chỗ khác nhau quan trọng. Nhiều bảng ký
thuật khác cho thấy một hệ thống hành chánh hết sức chặt chẽ, tỉ mỉ, và
nhiều hoạt động thương mại lớn. Văn khố của một ngôi đền còn lưu trữ
nhiều biên nhận của các tư tế ghi các của dâng và của cúng cho vị thần gồm
bánh sữa, một bầy chiên, một bành lông chiên, một số đồng nhập cảng của
ngoại quốc, vàng để đúc tượng và dầu cho các cửa. Cũng có một sổ chấm
công, và sổ sách kế toán hằng tháng. Do đó, Áp-ra-ham khi còn thanh niên
vốn là một công dân của thành phố không phải là nhỏ bé, vô danh; vào thời
của ông thì thế giới cũng đã có tuổi rồi!
b) Đường đi Ai Cập.
Khi bỏ U-rơ đến Cha-ran (Haran), và sau đó, nghe tiếng gọi để lại từ đó ra
đi, ông đã theo một con đường mà nhiều người khác từng đi qua, vì giữa một
dân tộc nầy với một dân tộc khác, đã có việc thường xuyên lui tới để giao
tiếp với nhau. Hàng hóa từ Ba-tư và Ấn-độ đem đến ở một đầu, và đầu kia là
từ đảo Cơ-rết xa xôi cũng thấy tại Ba-by-lôn. Gỗ bá hương nhập cảng từ Li-
ban, nhựa chai để xây nhà thì được nhập cảng từ Biển Chết. Tại Ma-ri nằm
trên con đường giữa U-rơ và Cha-ran, người ta đã tìm thấy nhiều bảng đất
nung về tôn giáo, thương mại và liên quan đến việc chế tạo kim khí, và cũng
có một tàn tích của một cung điện, có thể từng là nơi Áp-ra-ham dừng chân
trong cuộc hành trình của ông.
Tại Beni Hassan, Ai Cập, có một bức tranh vẽ trên vách một ngôi mộ vào
khoảng năm 2.100 TC, cho thấy một đoàn người Semites, gồm ba mươi bảy
người do một nhân vật tên Abishua chỉ huy đem sản phẩm của xứ họ đến đổi
lúa của một quan chức Ai cập. Họ được vũ trang bằng giáo, gậy gộc và cung
tên, có một con lừa chở một cây đàn lia theo kiểu Á Châu và một giỏ hàng
hóa. Nhiều bảng đá khác đề cập 'nhựa chai từ xứ Ca-na-an', nhũ hương và
một dược dùng làm hương liệu, và 'nô lệ người Sy-ri' đưa từ Đa-mách đến,
bởi con đường xưa vốn đi ngang qua Đô-than (so sánh SaSt 37:17; 43:11).
Nhiều con bọ hung vào một niên đại sớm hơn, khoảng năm 2.300 TC và một
trụ tròn có khắc chữ tìm dưới chân núi Ô-phên (Ophel) cho thấy rằng ngay
từ thuở ấy, Ai Cập và Ba-by-lôn vốn được nối liền bằng một con đường đi
ngang qua Giê-ru-sa-lem; cũng có một câu chuyện của người Ai Cập vào
cùng thời kỳ đó kể lại thể nào ông hoàng Si-nu-be đã trốn sang xứ Palestine
và trú ẩn trong một xứ có nhiều núi non để thưởng thức rượu và mật ong và
cưới một người vợ giữa vòng dân bản xứ.
c) Ha-bi-ru, dân A-mô-rít và Hê-tít.
Theo SaSt 14:13, Áp-ra-ham là một người Hê-bơ-rơ (ibri), và trong 10:21,
Sem là tổ phụ của Hê-be. Có người bảo rằng ý nghĩa của tên này là 'kẻ rày
đây mai đó', nhưng cho dù chữ đó xuất phát từ đâu, rõ ràng ở đây, nó đã
được dùng theo một nghĩa rộng hơn về sau, khi nó được giới hạn cho các
con cái Y-sơ-ra-ên, và gợi ý rằng trong những chuyến đi đây đi đó của mình,
chắc Áp-ra-ham đã có gặp gỡ những người thuộc cùng chủng tộc. Các bia đá
của Rim-sin, người tiền nhiệm của Hammurabi có kể lại chuyện vua ấy có
dùng người Ha-bi-ru (cùng một chữ) làm lính đánh thuê, và tên ấy xuất hiện
trong văn bản chữ Ba-by-lôn từ Ma-ri vào cùng một thời kỳ, trong các ký
thuật của người Hê-tít từ Boghaz-Keui, và trong các bản văn chữ Hurrian từ
Nuzi.
Kinh Thánh cũng chép Áp-ra-ham 'ở trong đồng bằng của Mam-rê người A-
mô-rít' và đã liên minh với ông ta và các anh em của ông ta. Từ ngữ này có
thể có nghĩa là 'người miền núi', dường như thỉnh thoảng được dùng theo
một nghĩa tổng quát hơn (xem SaSt 15:16; 48:22) và ở nhiều chỗ khác, theo
nghĩa hẹp hơn. Sargon ở Agade tự hào là mình từng cai trị trên dân Amurru,
cư ngụ tại 'xứ ở phía Tây', và lời tuyên bố ấy cũng được Hammurabi nhắc
lại. Dường như họ vốn thuộc chủng tộc Semitic, đã tràn vào xứ Palestine
trước thời Áp-ra-ham và buộc các thổ dân cư ngụ tại đó sớm hơn, thuộc
chủng tộc Hamitic (con cháu của Cham), phải nói tiếng của họ. Các bia đá
ghi rằng họ là dân miền núi, và các công tác khai quật cho thấy các thành
phố của họ đã có trên các xứ miền núi ở cả hai bên bờ sông Giô-đanh vào
thời của Giô-suê (Dan Ds 21:21; PhuDnl 3:5; Gios Gs 13:1-33), gồm nhiều
nhà cửa được thiết kế hẳn hoi, có vựa lúa, đường dẫn nước, những lối đi
ngầm dưới đất và các hệ thống dẫn thủy nhập điền.
Người Hê-tít hay Hatti (tiếng Ai Cập là Kheta) trước đây bị một số các nhà
phê bình nghi là không có thật, hiện được biết là một chủng tộc hùng cường,
từng thiết lập một vương quốc hùng mạnh. Họ xâm chiếm và cướp phá Ba-
by-lôn khoảng năm 1.800 TC, và một thời kỳ sau đó, còn đánh nhau ngang
sức với các vua xứ Ai Cập. Kinh đô của họ tại Boghaz được khai quật lần
đầu tiên vào năm 1.906 và một số rất nhiều bảng đất nung chữ tiết hình Hê-
tít và nhiều ngôn ngữ khác đã được phát giác. Các bảng ấy đã được dùng
làm chìa khóa cho tiếng Hê-tít. Họ nói một thứ tiếng Ấn-Âu rất giống tiếng
La-tinh cổ, và vốn từ Đông Phương di cư đến. Truyền thuyết Ba-by-lôn kể
lại một cuộc xâm lăng của dân Hatti vào khoảng năm 2.000 TC. Vương quốc
của họ từng trải rộng từ Cáp-ba-đốc cho đến Ơ-phơ-rát ở phía Đông, và đến
Ca-đe trên sông Orontes ở phía Nam. 'Dân họ Hếch' mà Áp-ra-ham gặp
(SaSt 33:3) chắc là dân đã di cư từ phía Bắc xuống.
Đó là các dân tộc ở trong và chung quanh xứ Ca-na-an.'Ta có thể nói chắc
chắn rằng kết quả tổng quát của những công cuộc khám phá đã xác nhận tính
cách chính xác chính yếu của bức tranh về sinh hoạt trong xứ Ca-na-an hồi
thiên niên kỷ thứ hai TC như đã được mô tả trong các phần ký thuật về các
vị tộc trưởng trong Sáng thế ký' (Hooke, Record and Revelation, tr.372).
TỪ ÁP-RA-HAM ĐẾN MÔI-SE
a) Áp-ra-ham được kêu gọi.
Sự kêu gọi này là giới tuyến rõ rệt phân chia sách Sáng Thế Ký. Các chương
trước của Sáng Thế Ký được ký thuật như là phần tóm tắt nhiều thế kỷ trong
vài câu ngắn ngủi, các chương tiếp theo trải rộng ra thành những chương tự
thuật như hình thức của những quyển tự truyện (autobiography). Các nhân
vật đời xưa trong SaSt 14:1-24 đều được mọi người thừa nhận. Như chúng
tôi đã nói trước đây, Am-ra-phên được đề cập trong chương ấy có lẽ là
Hammurabi. Những tên tương đương hay tương tự của Kết-rô Lao-me, A-ri-
óc được thấy trong danh sách các vua Ê-lam và Larsa (Ellasar), nhưng việc
xác định thì không chắc. 'Ti-đanh... có thể là Tudkhaliah, vua dân Hê-tít'
(Kenyon, The Bible and Archaeology, tr. 121). Petrie nêu ý kiến là không
thể có một tác giả nào sau thời Giô-suê lại có thể mô tả các địa điểm đã được
nêu tên trong SaSt 14:1-24 với các địa danh đã được sử dụng, còn tiến sĩ
N.Glueck, người đã thực hiện nhiều cuộc thăm dò sâu rộng tại Transjordan
thì nhấn mạnh rằng các sự kiện khảo cổ học hoàn toàn đồng ý với phần ký
thuật về các thành phố của vùng đồng bằng được đề cập trong chương sách
ấy.
b) Các vua Hyksos.
Vào một thời kỳ nào đó của giai đoạn các tộc trưởng, Ai Cập bị các vua
Hyksos (Haq-shasu, 'vua sa mạc') hay các nhà vua chăn chiên xâm chiếm; đó
là các nhà vua từ triều đại thứ mười ba đến mười bảy. Nói chung trong khi
mọi người đều đồng ý rằng thời trị vì của các vua Hyksos kết thúc vào
khoảng năm 1.580 TC thì có nhiều ý kiến rất khác nhau về khởi điểm cuộc
trị vì của họ (Petrie cho là khoảng 2.370 TC; S.A.Cook lại cho là khoảng
2.000 TC; các tác giả khác cho là muộn hơn về sau). Các cuộc khai quật tại
xứ Palestine, ở La-ki và Giê-ri-cô, Đê-bi-a, Hếp-rôn và Ghê-ra cho thấy dân
cư sống trong các hang đá tại thành phố ấy hồi nguyên thủy đã được kế tục
bằng một chủng tộc sống trong nhà được xây cất đàng hoàng, có những
thành phố xây bằng đá (chẳng hạn như Giê-ri-cô), sử dụng các đồ gốm trang
trí tinh xảo, và rào các thành phố của họ bằng một loại đồn lũy tinh vi rất
độc đáo. Nó gồm có một gò đất cao khoảng 6,5m, mặt ngoài thì nhẵn, hơi
dốc, có hào vây quanh, cửa vào duy nhất của thành phố được biến thành
chiến lũy giống như một bờ đê cao, dài, hơi dốc dần lên trên gò cao. Vậy
chắc chắn đó chính là các thành phố có 'thành trì thật vững vàng và rất lớn'
(Dan Ds 13:28; PhuDnl 9:1) mà các thám tử phúc trình lại.
Áp lực của các ảnh hưởng Semitic trên phía Nam xứ Palestine và Ai Cập đã
được phản ánh trong câu chuyện kể lại về các tộc trưởng. Áp-ra-ham xuống
Ai Cập để mua lúa (SaSt 12:10), tại Ghê-ra, ông gặp một vua người Semitic
có một quan tổng binh có tên Ai Cập (20:2; 21:22), và Ích-ma-ên thì cưới
được một người vợ tại Ai Cập (21:21). Địa điểm Ghê-ra đã được khai quật
và người ta nhận thấy rằng 'cung điện' nằm trên một gò đất cao nhìn thẳng
xuống khu đất duy nhất có thể đóng quân, hãy còn được dân du mục
(Bedouin) dùng để đóng trại (26:8).
c) Cuộc lưu cư của dân Y-sơ-ra-ên tại Ai Cập.
Đồng thời với câu chuyện Giô-sép đến Ai Cập, phần ký thuật trong sách
Sáng Thế Ký ghi đậm màu sắc Ai Cập. Các đền đài minh họa nhiều màu sắc
đó, y phục bằng vải gai mịn, nhẫn dùng làm ấn, dây chuyền vàng ban tặng
cho người được vua sủng ái, ngựa, xe, và chiến xa. Phần ký thuật gồm
những câu chuyện kể lại những giấc chiêm bao và phần lý giải, về việc các
nô lệ người Ca-na-an được nâng lên chức vị cao trọng, về những nạn đói tai
hại trong khi người ta thâu trữ thóc lúa trong các kho vựa lớn để lại đem ra
phân phát cho dân chúng suốt nhiều năm liên tục, và việc cung nhiều đồng
cỏ cho những người chăn chiên của Châu Á di cư đến. Tuy không tìm thấy
ghi lại tên Giô-sép, nhưng câu chuyện mà Kinh Thánh kể lại có nhiều chi
tiết ăn khớp với các điều kiện sinh sống và các địa danh của thời kỳ đó.
d) Cuộc đàn áp.
Tiếp theo việc các vua Hyksos bị trục xuất là một triều đại của các vua bản
xứ (triều đại thứ mười tám) còn để lại nhiều đền đài đồ sộ, và xứ Ai Cập
được mở rộng, phía Nam gồm cả Nu-bi-a, còn phía Bắc gồm luôn xứ
Palestine. Trong số họ 'có một vua mới lên ngôi, chẳng quen biết Giô-sép'
(XuXh 1:8). Có một bức tường được chạm khắc vào thời này, mô tả cảnh
xây cất đền thờ Amon tại Karnak do bọn cướp bị bắt làm nô lệ, rõ ràng dân
Semitic đang làm công tác khổ sai. Đứng trên là một đốc công nô lệ, hàng
chữ ghi như sau: “Đốc công nói với đám dân công: À! Cây roi đang ở trong
tay tao. Đừng có lười biếng”. Một mảnh giấy chỉ thảo cổ cũng có ghi lời
than phiền của một người Ai Cập làm chủ thầu: “Tôi chẳng được cung cấp
gì cả, không có người làm gạch, cũng chẳng có rơm trong khu vực”. 'Các
đốc binh' và 'phái viên' trong XuXh 5:13,14 phù hợp với hai cấp bậc quan
chức Ai Cập, các 'đốc công' thì áp bức và đánh đập họ, còn các 'thơ ký' thì
kiểm tra công tác và chấm công.
e) Việc xuất Ai Cập.
Hat-shep-sut, con gái của Thothmes I, một công chúa có cá tính mạnh, rất có
thể là vị 'công chúa của Pha-ra-ôn' đã nuôi dưỡng Môi-se. Vị Pha-ra-ôn đã
đàn áp dân Y-sơ-ra-ên có lẽ là anh của vị công chúa, Thothmes III, một vị
vua hùng cường, còn để lại nhiều công trình xây dựng và sách vở, mà một
trong các công trình ấy người ta có thể nhìn thấy hiện nay nơi 'Cây Kim của
Cleopatra' (The Cleopatra's Needle), trên bờ sông Thames. Một cây trụ trong
đền Karnak có khắc một bảng liệt kê những cuộc chinh phạt của vua ấy
trong xứ Palestine, trong đó hơn hai mươi thành phố đã được đề cập cũng
thấy xuất hiện trong câu chuyện kể lại của Kinh Thánh. Vua ấy đưa cuộc
viễn chinh đến tận Cạt-kê-mít, trên sông Ơ-phơ-rát, và sau khi đánh tan quân
Hê-tít và A-mô-rít, ông ta đã vô tình chuẩn bị cho Giô-suê đánh chiếm
Palestine. Garstang giải thích 'ong lỗ' của Gios Gs 24:12 là thế lực của Ai
Cập, ong lỗ vốn là chữ tượng hình mô tả quyền tể trị của các Pha-ra-ôn.
Thothmes III được Amenhotep II nối ngôi (1.447 TC); vua này là Pha-ra-ôn
của sách Xuất Ê-díp-tô Ký.
HÀNH TRÌNH TRONG SA MẠC
Hành trình của dân Y-sơ-ra-ên trong sa mạc vẫn chưa được xác định chắc
chắn. Các bi ký tại Serabit và nhiều sự kiện khác cho thấy có một đường
giao thông tại Ai Cập xuyên qua bán đảo Si-na-i đến xứ Ma-đi-an chung
quanh vịnh Akaba. Nó không phải là một vùng hoàn toàn không thể trú ngụ
được như có người đã tưởng; ngay trong sa mạc Si-na-i vẫn còn nhiều dấu
vết xưa để lại cho thấy đất vẫn phì nhiêu, và trong các rặng núi xứ Ma-đi-an
chắc đã có nhiều đồng cỏ cho việc chăn nuôi (xem XuXh 2:16). Cần chú ý
chữ Ca-đe, có nghĩa là 'thánh', hay 'biệt riêng ra', có lẽ vốn được dùng chỉ
nhiều chỗ khác nhau, chớ không phải chỉ địa điểm duy nhất, nơi đền tạm đã
dừng lại.
Trong các phần ký thuật của Xuất Ê-díp-tô Ký và Dân Số Ký, người ta có
thể vạch rõ phần ảnh hưởng của Ai Cập. Phần ký thuật các phép lạ có hương
vị của sông Nile; việc đề cập sự 'lập quốc của Ai Cập (XuXh 9:16,24) hoàn
toàn phù hợp với một bi ký của Thothmes III, và những gương soi bằng
đồng mà các phụ nữ đem dâng để làm cái chậu bằng đồng (XuXh 38:8) vừa
mới được tìm thấy và định niên đại vào cùng một thời kỳ ấy. Mẫu tự đó
cũng được suy diễn là bắt nguồn từ cổ tự chép lại bộ luật hay 'các hình phạt'
của các chương 21:1-23:33, rõ ràng là có thể đem áp dụng cho một dân tộc
sống bằng nông nghiệp. Nhiều điều luật trong đó giống với bộ luật của
Hammurabi có trước đó hàng nhiều thế kỷ (cũng như 21:16,23,28,29;
22:2,10,12,13). Một số có lẽ là những phong tục tập quán phổ cập thời đó;
một số khác như các điều luật bảo vệ quyền trưởng nam và đề ra quyền đối
xử với nô lệ, là những điểm độc đáo. Việc chúng có liên hệ với các hệ thống
luật lệ sớm hơn hay đồng thời, thì không phải dễ xác định ngoại trừ một điều
chắc chắn là đặc tính sơ nguyên của chúng.
CUỘC CHIẾM XỨ PALESTINE (1.400-1.010 TC)
Đối với hai sách Giô-suê và Các Quan Xét, giáo sư Garstang nói rằng sau
nhiều năm nghiên cứu, ông tin quyết 'chẳng những các phần ký thuật ấy nói
chung đều được xây trên một nền tảng vững chắc của các sự kiện, mà chắc
chúng còn được tham khảo từ các sách vở xưa, hầu như đồng thời với các
biến cố đã được mô tả, khiến phần thông tin của chúng rất chi tiết và đáng
tin'.
a) Thành Giê-ri-cô thất thủ.
Chắc Giô-suê đã không suy nghĩ gì nhiều khi ông truyền lịnh thiêu hủy
thành Giê-ri-cô và thế là ông đã giúp cho các học giả ba ngàn năm về sau
một phương pháp để xác định thật đúng niên đại của biến cố đó. Sự thật là
thế. Các công trình khai quật tại Giê-ri-cô cho thấy bằng chứng rõ ràng nó
đã bị thiêu hủy; những gạch cháy với tro tàn, cùng các chén bát với gia
dụng, các thùng gỗ chứa ngũ cốc chứng minh rằng cơn đại họa ấy đã giáng
trên thành phố ấy lúc đang có người ở. Dưới lớp tro, người ta tìm thấy một
thành phố thời các vua Hyksos (xem phần trên) đã bị phá hủy và xây lại
khoảng năm 1.600 TC, cùng với các đồ gốm đặc biệt của một thời kỳ hơi
muộn hơn. Trong một nghĩa địa tiếp giáp thành phố, người ta tìm thấy nhiều
đồ gốm tương tự như vậy, và một số những con bọ hung về trước và dưới
thời trị vì của Amenhotep III (1.411-1.375 TC), nhưng không có vật nào
thuộc thời kỳ muộn hơn về sau. Điều đó cùng với sự vắng bóng các trầm
tích thời Mykenaean trong các lớp đất của thời kỳ chiếm đóng, cũng như
nhiều chi tiết khác, gợi ý cho niên đại của việc thành Giê-ri-cô bị thiêu hủy
là vào khoảng năm 1.400 TC, phù hợp với câu chép trong IVua 1V 6:1. Do
đó, niên đại này có thể chấp nhận 'với niềm tin quyết là nó đã thỏa mãn được
ba điều kiện: những đòi hỏi của khảo cổ học, các dữ kiện của Kinh Thánh,
và chỗ giống nhau giữa các phần ký thuật của người Y-sơ-ra-ên và người Ai
Cập; chúng quá thuần nhất và đầy đủ đến nỗi không thể coi là sự trùng hợp
ngẫu nhiên'.
Các chiến lũy bảo vệ thành phố gồm hai vách thành xây bằng gạch, vách
ngoài dày hai mét, vách trong non bốn mét, cách nhau hơn bốn mét, khoảng
trống ở giữa được lót xà ngang bắc cầu để xây nhà bên trên. Người ta chỉ tìm
được một khung cửa. Ở phía Tây, vách ngoài đã đổ xuống phía ngoài dốc,
một phần lớn của vách trong cũng vậy, với nhà cửa còn lại giữa hai bức
vách. Nhà cửa dọc theo hai vách thành đều bị thiêu rụi, các mái nhà đổ sụp
xuống bên trên các đồ gốm gia dụng phía trong.
Đồ gốm bên trên lớp tro thuộc về một giai đoạn muộn hơn về sau rất nhiều,
vào khoảng thế kỷ thứ chín TC, cho thấy nhiều thế kỷ đã trôi qua trước khi
thành phố được xây dựng lại (IVua 1V 16:34). Các niên đại trên dựa vào
việc khảo sát gần 100.000 mảnh gốm và mấy chục con bọ hung. Chúng được
xác nhận chắc chắn hơn nhờ sự kiện các dấu hiệu của sự thiêu hủy đồng thời
với những gì người ta đã tìm được tại Bê-tên, Hát-so và nhiều thành phố
khác đã được sách Giô-suê đề cập.
b) Các biến cố đồng thời.
Ảnh hưởng của Ai Cập vẫn phủ trùm Palestine suốt thời gian Giô-suê chinh
phục đất ấy và giai đoạn bất ổn dai dẳng tiếp theo đó. Thời trị vì của
Amenhotep III (1.411-1.375 TC) có lẽ là giai đoạn huy hoàng nhất về
phương diện vật chất của Ai cập. Thothmes III (xem phần trên) đã mở rộng
các cuộc chinh phạt vượt khỏi xứ Palestine, đến vương quốc của Hê-tít và
hai bờ sông Ơ-phơ-rát. Nếu chúng ta có thể tin được các ký thuật của
Amenhotep về các đền thờ tráng lệ của Luxor, thì dường như vua này cũng
đã từng làm chúa tể vùng đất ấy. Các bảng đất nung đầu tiên của di tích Tel-
el-Amarna (xem phần dưới) thuộc về thời trị vì của vua ấy, và cho thấy các
vua thuộc miền Bắc vùng đó đều tìm cách mua chuộc để được ân huệ của
ông ta.
Người kế vị vua ấy là Akhenaten (hay Amenhotep IV), một trong những
gương mặt nổi bật nhất của lịch sử Ai Cập. Chẳng hiểu vì ảnh hưởng gì, rất
có thể là do kết hợp với tôn giáo người Hê-bơ-rơ, vua ấy cố gắng thiết lập
một thứ độc thần giáo để thay thế cho đạo thờ hình tượng chiếm ưu thế lúc
đó, và với những bài cầu nguyện của vua ấy ở vài chỗ rất gần gũi với ngôn
ngữ của các thi thiên. Vua ấy là một nhà tiên kiến hơn là một người đi chinh
phục nên dân Hê-tít và các vua khác từng khúm núm đầu phục vị tiên đế,
bấy giờ lại trở mặt tuyên bố độc lập, và bắt đầu đánh chiếm lại các vùng đất
lân cận. Có một bức tranh sống động về xứ Palestine vào thời ấy, cũng là
những ngày cuối cùng của Giô-suê, được hình dung ra trong bảng đất nung
tìm thấy tại Tel-el-Amarna, Ai Cập. Chúng được viết bằng tiết hình tự Ba-
by-lôn, một sự kiện được chứng minh xứ Palestine vốn chịu ảnh hưởng của
hai đại cường quốc lân bang.
Trong các bảng đất nung đó, các vua tư tế của xứ Palestine khẩn khoản
Akhenaten làm người bảo hộ hãy đến giúp họ chống lại các đạo quân xâm
lăng Semitic, được mô tả là người Ha-bi-ru. Một trong những bức thư đó là
của Abdikhiba, vua Urusalim (Giê-ru-sa-lem), viết rằng: 'Dân Ha-bi-ru đang
chiếm đóng các thành phố của vua, tất cả đều bị tàn phá'. Những lời cầu cứu
tương tự cũng được Ghê-xe, Ách-kê-lôn, và Mê-ghi-đô gởi tới. Các đạo
quân xâm lăng đó là ai? Từ ngày có những khám phá của giáo sư Garstang
tại Giê-ri-cô, nhiều học giả thuộc các trường phái tư tưởng khác nhau đều
chấp nhận các kết luận của ông rằng đó là dân Hê-bơ-rơ dưới quyền lãnh
đạo của Giô-suê.
Vì vậy, kết luận chắc chắn là ở đây, chúng ta có một quan điểm về cuộc xâm
chiếm xứ Palestine của các con cái Y-sơ-ra-ên, dưới cái nhìn của các dân
Ca-na-an, A-mô-rít và Giê-bu-sít.
c) Các bảng đất nung Ras Shamra: dân Hurrians.
Từ nhiều góc cạnh khác nhau, ánh sáng đã chiếu rọi trên các điều kiện nổi
bật tại các biên giới phía Bắc xứ Ca-na-an vào thời người Hê-bơ-rơ chiếm
đóng xứ ấy, do các phát giác tại Ras Shamra (gần duyên hải Sy-ri), Nuzi
(gần sông Ti-gơ-rơ) và nhiều nơi khác nữa. Các khám phá ấy đã cho thấy có
một nhóm người thuộc giống Ai Cập gọi là dân Hurri, và xuất hiện trong
Kinh Thánh dưới cái tên dân Hô-rít (SaSt 14:6; 36:20,29; PhuDnl 2:12). Có
một số học giả nghĩ rằng Hê-vít có lẽ cũng chỉ là một tên khác của Hô-rít.
Vào thời của sách Xuất Ê-díp-tô Ký, dường như họ ở rải rác khắp nơi tại
Lưỡng Hà, Sy-ri và Palestine, tuy họ vốn từ các miền núi xứ A-mô-rít di cư
tới.
Nhiều bảng đất nung tìm thấy tại Ras Shamra (hay Ugarit) được viết ra dưới
thời trị vì của một vua tên gọi Nigmed, có lẽ vào thế kỷ mười lăm TC, là giai
đoạn chịu ảnh hưởng của dân Hurrian, và có đặc tính tôn giáo. Vị thần tối
cao đã được đề cập là Ên (El) và xứ Ca-na-an được gọi là 'toàn xứ Ên' -
nhưng tôn giáo lại là đa thần, và Ên có vợ là Asherat, một cái tên rất thường
xuất hiện theo số nhiều là Asherim (xem XuXh 34:13). Có nhiều chỗ giống
với ngôn ngữ Kinh Thánh, gồm việc đề cập 'vị cầm đầu các thầy tế lễ', 'bánh
của Đức Chúa Trời' (LeLv 21:21), phần mười và các phần đề cập các của lễ
thiêu, của lễ chuộc sự mắc lỗi, và của lễ thù ân. Phong tục tập quán được mô
tả theo những gì luật Môi-se cấm đoán, chẳng hạn việc cấm nấu thịt dê con
trong sữa mẹ nó (XuXh 23:19). Tuy nhiên, phần ký thuật của người Hê-bơ-
rơ lại cho thấy một nét tương phản rõ rệt, như việc hoàn toàn vắng bóng nữ
thần, hay những câu chuyện về các thần âm mưu với nhau hay tranh chiến
lẫn nhau, hay những phô trương có tính cách huyền thoại được tìm thấy
trong các bảng đất nung.
CÁC QUAN XÉT
Các bảng khắc tại Karnak và Luxor, là thành phố Thebes cổ và là kinh đô
của Thượng Ai Cập cho thấy thế nào là cả giai đoạn Các Quan Xét, ảnh
hưởng của Ai cập đã trải rộng trên xứ Palestine và vượt cả ra ngoài nữa. Các
bi ký của Thothmes III trước sách Xuất Ê-díp-tô Ký vẽ lại cuộc tiến công
cách khải hoàn của vua ấy qua Ga-xa, Ta-a-nác, Mê-ghi-đô trong chiến dịch
chống lại dân Hê-tít, mà vua ấy bắt buộc phải nộp cống. Một thế kỷ sau đó,
các chiến công của Seti I và Rameses II được minh họa bằng các bức tranh
trong đó hình thức đặc biệt và phương pháp chiến tranh của người Hê-tít đã
được cho thấy rõ ràng.
Giáo sư Garstang từng vạch rõ rằng trong các giai đoạn ấy, khi trước giả
sách Các Quan Xét nói 'xứ được hòa bình' thì điều đó tương ứng chặt chẽ
với thời trị vì đầy thế lực của các Pha-ra-ôn; tám mươi năm yên nghỉ trong
Cac Tl 3:30 tương ứng với thời trị vì của Rameses II, và bốn mươi năm yên
nghỉ trong 8:28 tương ứng với thời trị vì của Rameses III. Những giai đoạn
xáo trộn xen kẽ, gồm việc họ bị áp bức và giải phóng ăn khớp với những lần
có rối ren hoặc suy nhược của Ai Cập, khi họ không còn kiểm soát được các
phần đất bên ngoài biên giới của họ. Tuy trước giả được linh cảm chẳng đề
cập gì Ai Cập, sự bỏ sót đó có lẽ là cố ý, nhưng theo quyền tể trị thần hựu
của Đức Chúa Trời thì sự tương ứng đó không phải là ngẫu nhiên.
Trong số các vật mà công cuộc khai quật tìm thấy, chứng tỏ chúng thuộc về
giai đoạn này gồm có nhiều đền thờ, nơi cao của dân Ca-na-an, các
'Asherim' và nhiều vật dụng thờ tự khác, phù hợp chính xác với phần mô tả
trong Kinh Thánh về ưu thế của sự thờ phượng và nếp sống man rợ của họ.
Năm 1.909, giáo sư Macalister khai quật Ghê-xe, địa điểm này đã được nhận
diện chắc chắn nhờ việc tìm thấy một tảng đá có khắc chữ 'biên giới của
Ghê-xe'. Trong số các tàn tích tìm thấy tại đó, cùng với các dấu chỉ có sự thờ
lạy Mô-lóc, có nhiều chum đất đựng xương con trẻ đã bị dâng làm của lễ
thiêu cho các thần (LeLv 18:21). Vì thiếu đức tin, các con cái Y-sơ-ra-ên đã
không chế phục được các dân ở trong xứ ấy, nhưng lại định cư chung với
chúng, rồi sa vào các đường lối gian ác của chúng; những nét vẽ như thế về
sinh hoạt trong giai đoạn ấy đã xác nhận cho bức tranh.
Dân Phi-li-tin.
Vào thời đó, người Phi-li-tin từ đảo Cơ-rết đến, đã dùng vũ lực xâm chiếm
xứ (xem SaSt 10:14; AmAm 9:7; Gie Gr 47:4); điều đó phù hợp với truyền
thuyết Hy-lạp. Quê hương nguyên thủy của họ có lẽ vốn ở Tiểu Á Châu.
Trong đền thờ của Medinet Hebu có những bức tranh về một trận thủy chiến
lớn giữa Rameses III và bọn người Phi-li-tin xâm lăng, dường như đã tấn
công Ai Cập cả đường thủy lẫn đường bộ. Tại miền Nam, họ định cư ở Ách-
kê-lôn, Ách-đốt, Gát, Éc-rôn và Ga-xa; còn ở phía Bắc thì người ta thấy có
họ rất xa tận Bết-san (ISa1Sm 31:10).
Các thành phố của họ, mà tàn tích được tìm thấy ngay trên mặt lớp đất khai
quật cho thấy các dấu vết của sự chiếm đóng Ai Cập, phơi bày ra một tình
trạng thịnh vượng và một nền văn minh tương đối cao. Dường như họ đã
được trang bị đặc biệt bằng những loại khí giới tinh vi. Trước đây, người ta
vẫn phỏng đoán rằng sắt chưa được du nhập vào xứ Palestine trước thời
quân chủ. Nhưng tại Ghê-ra, Ghê-xe, và nhiều nơi khác, người ta đã thấy có
nghề làm sắt, gồm có lưỡi cuốc, lưỡi cày, và nhiều lò nấu quặng, nhiều lò
nhỏ hơn để rèn và mài gươm, nhiều khuôn để đúc bánh chiến xa và nhằm
nhiều mục đích khác cũng được tìm thấy, tất cả đều được định niên đại từ
thời các Quan Xét (xem PhuDnl 3:11; Cac Tl 1:19).
ĐA-VÍT VÀ SA-LÔ-MÔN.
Sau khi Rameses III băng, đế quốc Ai Cập suy sụp; các tư tế và các vua
tranh quyền với nhau. Ba-by-lôn và A-sy-ri thì hoàn toàn bị bận rộn về chính
nội bộ của họ và tranh chấp lẫn nhau, nên cơ hội đã chín muồi cho dân Y-sơ-
ra-ên dưới thời Đa-vít và Sa-lô-môn vươn đến đỉnh cao của thế lực chính trị
và thịnh vượng, cao nhất trong cả lịch sử Y-sơ-ra-ên. Đặt Giê-ru-sa-lem làm
thủ đô, Đa-vít đã đem đến cho toàn dân một chính quyền thống nhất, hữu
hiệu và bao dung, trong khi các đạo quân của ông thì bành trướng vương
quốc vượt khỏi Đa-mách ở phía Bắc, và đến tận vịnh Akaba ở phía Nam.
Công cuộc khai quật trong thành phố Giê-ru-sa-lem và chung quanh đó đã
chứng thực và minh họa những gì mà các sách Samuên và Các Vua đã chép
về công trình xây dựng của Đa-vít và Sa-lô-môn. Núi Ô-phên về phía Đông
Nam khu vực đền thờ đã cho thấy đó chính là địa điểm của 'thành Đa-vít', và
cái rãnh nước (tsinnor) mà bởi đó Giô-áp lẻn vào được trong thành phố đã
được khai thông. Các phần trên cao của chiến lũy bằng đá của dân Giê-bu-
sít, Mi-lô, và tháp Đa-vít (IISa 2Sm 5:9) đã được phơi bày, nhiều phần của
công trình xây cất và tu bổ của Đa-vít đã được nhận diện (IVua 1V 11:27).
Các đền thờ của Sa-lô-môn, Xô-rô-ba-bên và Hê-rốt đã chẳng còn tông tích
từ lâu (Mat Mt 24:2), nhưng địa điểm chắc chắn cái sân đạp lúa của A-rau-
na người Giê-bu-sít, nơi dựng bàn thờ của lễ thiêu thì ngày nay vẫn còn
được thấy rõ bên dưới. Điện Đá Tảng (Dome of the Rock), được gọi là
Thánh Điện của Omar. Du khách là Cơ Đốc nhân sẽ rất hồi hộp khi nhìn vào
địa điểm này với cái hang đá bên dưới và một đường máng dẫn để huyết của
các con sinh chảy qua, hoặc khi bách bộ trên khu vực đền thờ được xây
dựng ven đồi, trên một cái nền lớn bằng đá do Sa-lô-môn đặt móng. Ngày
nay, người ta còn có thể nhìn thấy vài tảng đá như thế. Các dấu hiệu do công
nhân người Phê-ni-xi ghi lại đã được Sir Charles Warren phát giác, phù hợp
với các dấu hiệu tại những đống đổ nát xưa cũ nhất của Ty-rơ mà những lời
tiên tri về nó vốn đã ứng nghiệm từ lâu.
Đây là thời kỳ dân Y-sơ-ra-ên ngước cao đầu giữa các dân tộc, dầu là tranh
chiến với Sy-ri (IISa 2Sm 10:15) giao thương ngang hàng với Ty-rơ (IVua
1V 7:51), hay giao hảo với một công chúa của Ai Cập (IVua 1V 3:128:).
VƯƠNG QUỐC CHIA ĐÔI VÀ SA-MA-RI SỤP ĐỔ.
a) Vương quốc bị chia đôi.
Lúc Giê-rô-bô-am trốn sang Ai Cập chẳng bao lâu sau khi Sa-lô-môn băng
hà, một vua hùng cường là Si-sắc (Shishak) đã lên ngôi và phục hồi thế lực
cho Ai Cập. Năm thứ năm đời Rô-bô-am, Si-sắc kéo quân đến Giê-ru-sa-lem
để chứng minh rằng Pha-ra-ôn chẳng bao giờ chịu từ bỏ đòi hỏi phải thống
trị Palestine (xem IVua 1V 9:16 và 11:14-22). Trên một tấm vách tại hành
lang đền thờ lớn ở Karnak, vua ấy đã cho vẽ lại chiến dịch ấy và liệt kê 156
địa điểm đã bị chế phục, kể cả Mê-ghi-đô, Giê-ru-sa-lem và nơi gọi là 'cánh
đồng Áp-ra-ham'. Nếp sống xa hoa của Sa-lô-môn và sự ngông cuồng của
Rô-bô-am đã đến lúc phải gánh lấy hậu quả: vương quốc bị phân xé và vinh
quang đã ra đi.
b) Thế lực và ảnh hưởng của Sy-ri.
Từ lúc đó, thế lực của Ai Cập cứ suy tàn dần, cho đến khi chỉ còn là một
bóng mờ trong dĩ vãng. Trong biên niên sử của Y-sơ-ra-ên, nó chỉ được đề
cập rất ít, thay vào đó, chúng ta thấy phần đề cập với Sy-ri và A-sy-ri cứ
tăng dần. Trong hai quốc gia này, Sy-ri tuy kém thế lực hơn nhưng vì là lân
bang gần hơn, đã tiếp xúc mật thiết hơn suốt hai thế kỷ tiếp theo đó với cả
hai vương quốc miền Bắc và miền Nam, có khi với tư cách bạn thân, nhưng
lắm khi với tư cách nghịch thù. Sy-ri hay A-ram (nghĩa là Đất Núi) là một
vùng khó định ranh giới được, gồm phần trên cao của thung lũng sông Ơ-
phơ-rát nằm về phía Đông Bắc xứ Palestine, từ thời nguyên thủy đã có dân
cư thuộc chủng tộc Semitic nói tiếng A-ram, một ngôn ngữ có gốc rất gần
với tiếng Hy-bá-lai. Họ thờ một vị thần gọi là Hadad, một tên xuất hiện
trong tên Bên-ha-đát (Ben-hadad) và nhiều tên ghép giống như vậy. Sau thời
kỳ lưu đày, tiếng A-ram trở thành tiếng nói thông dụng của người Do Thái,
nhưng vì đã có sự tiếp xúc gần gũi giữa các dân tộc nên tiếng A-ram đã len
lỏi được vào văn nói của người Hê-bơ-rơ ngay từ nguyên thủy, vì thế sự hiện
hữu của nó hiện bị kể là không đáng tin cậy để làm chứng cứ cho việc định
niên đại.
Thành phố Đa-mách, về sau trở thành kinh đô của vương quốc Sy-ri, có lai
lịch từ thời thượng cổ xa xôi (SaSt 15:2). Nó từng triều cống cho Thothmes
III, được ghi trên các bảng đất nung Tel-el-Armana, và ở dưới quyền cai trị
của vua Đa-vít (IISa 2Sm 8:6). Chẳng bao lâu, nó phục hồi được quyền độc
lập và nhanh chóng trở thành trung tâm của một quốc gia đạt đến địa vị
cường quốc.
Đó là lý do khiến A-sa phải cầu viện vua Sy-ri để giúp mình chống lại Ba-ê-
sa, vua Y-sơ-ra-ên (IVua 1V 15:16-20) và được một vua đang muốn bành
trướng ảnh hưởng sẵn sàng nhận lời ngay. Bấy giờ, dân Y-sơ-ra-ên phải
khuất phục thế lực của Sy-ri, và suốt một thế kỷ từ đó về sau, đã liên tiếp bị
lân bang hùng cường hơn mình tấn công liên miên (xem IVua 1V 20:1-43).
Nhưng Y-sơ-ra-ên thua thì không phải là Giu-đa thắng, vì rồi nó cũng phải
chịu lệ thuộc Sy-ri.
c) A-háp, vua Sa-ma-ri.
Những liên minh của vua Y-sơ-ra-ên và Giu-đa với ngoại quốc chẳng dẫn
đến đâu chỉ đưa đến những chuyện tệ hại mà thôi. A-háp cưới Giê-sa-bên
làm vợ; bà ta là con gái vua Si-đôn, và tuy về hai phương diện chính trị và
thương mãi, vua ấy dường như đã có lợi, thì về phương diện thuộc linh, đó
lại là một thảm họa. Cha vua là Ôm-ri, nguyên là quan tổng binh, đã chiếm
lấy vương quốc, và xây lên một kinh đô mới trên vùng núi Sa-ma-ri, mà A-
háp tu bổ và xây lại, dựng lên một cung điện ngà, và bắt chước thói xa hoa
của các láng giềng ngoại đạo của mình (IVua 1V 16:24; 22:39). Công cuộc
khai quật đã phơi bày ra 'Cửa thành Sa-ma-ri' với các thành lũy kiên cố, và
địa điểm có cung điện của A-háp với những bức tranh bằng ngà được chạm
trỗ, một mảnh bình sứ có dấu ấn của một nhà vua Ai Cập đồng thời với A-
háp, và nhiều bình, lọ đựng mỹ phẩm (IIVua 2V 9:30). Người ta đã nhận
diện được cái ao tại Sa-ma-ri (IVua 1V 22:38), và tìm được một danh sách
các quản gia của A-háp, trong đó có tên của Áp-đia (18:3).
Tượng đá lừng danh với cái tên Tảng Đá Mô-áp, do Mesha vua Mô-áp dựng
(IIVua 2V 1:1; 3:4) hiện đặt tại Viện Bảo Tàng Louvre, vẽ một bức tranh
của dân Y-sơ-ra-ên vào thời đó dưới mắt một kẻ thù. Trong bảng khắc, có
câu 'Ôm-ri, vua Y-sơ-ra-ên, chống lại Mô-áp lâu ngày. Con trai Ôm-ri nối
gót hắn, và tuyên bố: Ta cũng đàn áp Mô-áp. Trong những ngày của ta, Kê-
mốt phán: 'Ta sẽ thấy ý muốn của ta được thực hiện trên hắn và nhà hắn, và
Y-sơ-ra-ên chắc chắn sẽ bị diệt vong đời đời'. Có một bảng liệt kê các thành
phố đã chiếm lại được của Ôm-ri được thêm vào đó, kể cả Mê-bô và Mê-đê-
ba (EsIs 15:2), Hô-rô-na-im và Ki-ri-a-tha-im (EsIs 15:5; Gie Gr 48:1.
d) Nước A-sy-ri khởi phát.
Từ thời A-háp trở về sau, A-sy-ri chiếm một địa vị quan trọng trong lịch sử
Kinh Thánh. Khoảng hai thế kỷ sau khi Hammurabi băng hà, một triều đại
mới của vua Kassites lên cai trị tại Ba-by-lôn, và trong thời gian đó, các lãnh
tụ người A-sy-ri cởi bỏ được ách thống trị của họ và thiết lập một vương
quốc độc lập. Từ đó trở về sau, hai vương quốc A-sy-ri và Ba-by-lôn tồn tại
sát nách nhau, khi thì nước này, khi thì nước kia chiếm được ưu thế.
Một đài kỷ niệm nổi tiếng khác, 'đài kỷ niệm đen' ghi lại các chiến thắng của
Shalmaneser III, trị vì A-sy-ri hồi thế kỷ thứ chín TC. Các bi ký công bố một
chiến thắng tại Qarqar (853 TC) chống lại liên minh gồm có 'A-háp của Y-
sơ-ra-ên' và Bên-ha-đát xứ Sy-ri, và về sau (842 TC) chiến thắng xứ Sy-ri
(IVua 1V 19:15; IIVua 2V 8:9-15). Nó cũng ghi lại số cống thuế 'Giê-hu,
con trai Ôm-ri' đã nộp cho vua ấy.
Việc cường quốc Sy-ri bị đập tan một phần có thể kể là do sự hưng thịnh về
vật chất của dân Y-sơ-ra-ên dưới thời Giê-rô-bô-am II. Tại Mê-ghi-đô người
ta tìm thấy một cái ấn bằng vân thạch có khắc một hàng chữ Hy-bá-lai:
'thuộc về Shema, tôi tớ của Giê-rô-bô-am', có lẽ là một sĩ quan của vua ấy.
Sau khi Giê-rô-bô-am băng hà, Sa-ma-ri trở thành sân khấu của những cuộc
nổi dậy và chống nổi dậy, đã đẩy nhanh nó đến sự suy tàn.
Rồi một vua khác của Giu-đa lại cầu viện một vua ngoại quốc khác, chẳng
những chỉ để gây rối cho Y-sơ-ra-ên, mà cả cho Giu-đa nữa. Khước từ lời
khuyên của Ê-sai (EsIs 7:1-25) hãy đặt lòng tin cậy vào Đức Giê-hô-va, A-
cha cầu viện Tiếc-la Phi-lê-se III, vua A-sy-ri (IIVua 2V 16:6-9). Vua ấy đã
chế phục được Ba-by-lôn và cai trị tại đó với cái tên là Phun (Pul). Từ đó trở
đi, vua ấy xâm chiếm Palestine, và Ô-xia được ghi tên bốn lần trong những
ký thuật của ông ta (IIVua 2V 15:19,29). Các ký thuật đó cho chúng ta biết
thế nào nhằm đáp ứng lời cầu viện của A-cha, ông ta đã kéo quân đánh Đa-
mách và chiếm lấy, rồi tiếp tục tiến đánh xứ Y-sơ-ra-ên. Vua ấy 'lật đổ
Paqaha (Phê-ca) vua họ, và đặt Ausi'a (Ô-sê) cai trị trên họ'. Việc đó xảy ra
vào năm 734 TC và mười hai năm sau, năm 722 TC, đại họa cuối cùng đã
xảy đến sau khi Ô-sê âm mưu với Sô (Sakaba), vua Ai Cập. 'Phương pháp
đàn áp nổi dậy của người A-sy-ri nhanh gọn và hữu hiệu; các thành phố và
làng mạc của những hộ nổi loạn bị thiêu hủy, chính những kẻ phản loạn thì
bị giết chết hoặc thiêu sống hay chôn sống, còn phụ nữ, các bầy súc vật, bầy
chiên đều bị lưu đày. Dân A-sy-ri là một dân tàn ác...'
Như thế, việc Sa-ma-ri thất thủ đã được ghi vào biên niên sử của Sa-gôn:
'Vào đầu đời trị vì của ta, ta vây thành Sa-ma-ri; ta đánh chiếm, 27.820 cư
dân nó bị ta lưu đày' (IIVua 2V 18:10; EsIs 20:1). Đã có một thời người ta
bảo rằng việc Ê-sai đề cập Sa-gôn là một nhầm lẫn, nhưng bây giờ thì mọi
người đều biết rằng trong lúc Sanh-ma-na-se vây Sa-ma-ri, thì Sa-gôn cướp
ngôi, triệt hạ Sa-ma-ri và đánh nhau cả với La-ki và Ách-đốt. Trong thời vua
ấy, Mê-rô-đác Ba-la-đan (IIVua 2V 20:12) cướp ngôi tại Ba-by-lôn và cai trị
tại đó, cho đến khi bị Sa-gôn đánh đuổi vào năm 709 TC.
NHỮNG NGÀY TÀN CỦA VƯƠNG QUỐC (721-586 TC).
Cường quốc A-sy-ri lúc bấy giờ đang ở những ngày thịnh trị, và suốt một thế
kỷ, đã là nỗi kinh hoàng 'từ phương Bắc đến' (EsIs 14:31; Gie Gr 1:14; 4:6)
đối với xứ Palestine và các lân bang. San-chê-ríp, trị vì từ 705-681 TC, có
ghi lại các chiến dịch chống lại vùng cực Nam xứ Palestine, và trong những
điều ông ta viết lại, tên của các nhân vật trong triều đình A-sy-ri đã được
giải thích. Ráp-sa-kê (IIVua 2V 18:17) là thủ tướng hay tể tướng; Ta-tân là
tổng binh, Ráp-sa-ri là lãnh tụ giai cấp quí tộc (IIVua 2V 18:17), Ráp-ma là
đầu các bác sĩ (Gie Gr 39:3). Cuộc vây hãm La-ki đã được vẽ lại (IIVua 2V
18:14) bằng lời và mô tả như sau: 'San-chê-ríp ngự trên ngôi, trong khi của
cướp được ở La-ki diễn hành qua trước mặt'. Việc thành phố Giê-ru-sa-lem
được giải cứu chỉ được xác nhận gián tiếp bằng sự vắng bóng của những lời
khoe khoang về việc nó đã bị chinh phục, trong khi câu ấy viết rằng: 'Ê-xê-
chi-ên cũng như con chim bị ta nhốt trong lồng, tại Giê-ru-sa-lem'. Tai họa
giáng trên đạo quân của ông ta từng được cả Herodotus lẫn Berossus đề cập.
Horodotus cho là do cả một đạo quân chuột, do các thần sai đến.
Rất có thể vì cuộc vây thành của San-chê-ríp mà Ê-xê-chia đã cho đào một
đường dẫn nước để tiếp tế cho thành phố khi nó bị quân thù tấn công (IIVua
2V 20:20 cũng xem EsIs 7:3; 22:8-11). Các ao và đường dẫn nước đó đã
được tra xét kỹ, và ngay trung tâm con đường hầm Si-lô-am, Sir Charles
Warren tìm thấy một tấm bia của thời đó, do các công nhân của Ê-xê-chia
làm.
Sau khi bị hai con trai ám sát, người kế vị cho San-chê-ríp là Ê-sạt-ha-đôn
(IIVua 2V 19:36). Người ta tìm thấy tại Kuyunjik một bia đá hình lăng trụ
có ghi các cơ hội đã đưa vua ấy lên ngôi và tố cáo các anh em của vua ấy là
đã 'rút gươm ra một cách vô đạo'. Vua này - mà chúng ta có thể nhìn thấy
trong một bức chân dung lớn chạm chìm tại Viện Bảo Tàng Anh Quốc - là
người đã đưa dân cư của các thành phố Lưỡng Hà đến tái định cư vùng cực
Bắc xứ Palestine (IIVua 2V 17:24; Exo Er 4:2), và ghi lại rằng 'Ma-na-se,
của thành phố Giu-đa' là một trong số các vua chư hầu đã thần phục mình.
Vua tỏ ra nhiệt thành với tôn giáo bằng cách cho phục hồi việc thờ phượng
trong đền thờ và tái lập các ban thầy tế lễ tại Ba-by-lôn, một việc làm đã
chiếu thêm ánh sáng lý thú cho hành động của vua ấy là phái một thầy tế lễ
đến Sa-ma-ri (IIVua 2V 17:27). Có lẽ nhờ thầy tế lễ này mà dân Sa-ma-ri
nhận được các bản sao đầu tiên của Ngũ Kinh Môi-se, để học hỏi các phong
tục tập quán sơ đẳng mà họ còn giữ được đến tận ngày nay.
Cường quốc Ai Cập thì đã suy sụp từ lâu. A-cha đã nhận thấy nó là 'cậy sậy
gãy' (IIVua 2V 18:21); Ê-xê-chia được dạy đừng nương dựa vào đó. Ê-sạt-
ha-đôn mở chiến dịch vào tận Ai Cập, thắng Tiệt-ha-ca, là nhà vua người Ê-
thi-ô-bi và chiếm Men-phi (IIVua 2V 19:9). Nhưng dưới thời Pha-ra-ôn Nê-
cô, Ai Cập lại hưng thịnh, và kéo quân đi để trợ giúp quân A-sy-ri chống lại
Ba-by-lôn. Giô-si-a đã chận đường ông ta, và bị giết tại Mê-ghi-đô (612
TC). Nhưng A-sy-ri bị suy yếu vì những cuộc tấn công của dân Sy-the mà
Herodotus mô tả là đã hoạt động rất tích cực trong thời gian đó (xem Gie Gr
1:14) mà không bị ai ngăn chận đáng kể cả. Khi rút quân về, Nê-cô truất phế
Giô-a-cha và đặt Giê-hô-gia-kim lên ngôi.
CUỘC LƯU ĐÀY (586-537 TC)
a) Ba-by-lôn, công cụ đoán phạt của Đức Chúa Trời.
Một kỷ nguyên mới đã mở ra cho thế giới Đông Phương và các biến cố diễn
biến hết sức nhanh chóng. Cường quốc đang lên là Ba-by-lôn đã tự phô
trương thanh thế dưới thời trị vì của Nabopolassar (625-604 TC) bằng cách
cưới con gái của Astyages, vua Mê-đi, cho con trai mình là Nê-bu-cát-nết-
sa. Vua thu hồi độc lập cho Ba-by-lôn và chiếm Ni-ni-ve năm 612 TC. Ngay
sau đó, Nabopolassar sai con trai mình thực hiện một cuộc viễn chinh chống
Ai Cập. Một trận đánh lớn đã xảy ra tại Cạt-kê-mít (605 TC), quân Ai Cập
bị đánh bại hoàn toàn và Ba-by-lôn trở thành bá chủ của thế giới Đông
Phương. Từ năm đó, Giê-rê-mi được Đức Thánh Linh hướng dẫn, đã nỗ lực
thuyết phục các vua Giu-đa hãy tìm cầu hòa bình bằng cách thần phục Ba-
by-lôn, nhưng ông chỉ phí công vô ích. Lời khuyên của Giê-rê-mi bị bỏ
ngoài tai, và tuy cả Giê-hô-gia-kim lẫn Giê-hô-gia-kin đều lần lượt bị bắt
phải thần phục, vua Sê-đê-kia thiếu suy nghĩ lại làm phản, cứ ngoan cố mưu
tìm sự trợ giúp của Ai Cập. Việc ấy đưa đến cuộc vây hãm Giê-ru-sa-lem
của Nê-bu-cát-nết-sa, rồi thành bị chiếm và phá hủy năm 586 TC. Vua Ai
Cập cuối cùng được Cựu Ước nhắc tên là Hóp-ra, xuất hiện trong lời tiên tri
của Giê-rê-mi rằng Ai Cập cũng như Y-sơ-ra-ên đều sẽ sa vào tay Ba-by-lôn
(Gie Gr 43:8-13; 44:30; 46:14 cũng xem Exe Ed 30:1-26). Trong thế kỷ này,
các công cuộc sưu tầm của Sir Flinders Petrie tại Tác-pha-mết đã minh
chứng các lời tiên tri đó đã được ứng nghiệm theo đúng nguyên văn.
b) Cuộc lưu đày và hồi hương.
Sân khấu Kinh Thánh được chuyển sang Ba-by-lôn năm mươi năm ròng, nơi
một số lãnh tụ Giu-đa đã bị lưu đày từ nhiều năm dưới thời Nê-bu-cát-nết-sa
(IIVua 2V 24:15). Vua này là một nhà xây dựng quan trọng theo như rất
nhiều các bi ký ông ta để lại đã chứng minh. 'Vua xây lại toàn diện kinh đô
của mình đến nỗi các nhà khai quật hiện đại rất khó tìm được một dấu vết
nào của thời kỳ trước đó - “Đây há không phải là Ba-by-lôn lớn mà ta đã
xây dựng để làm nhà ở cho vương quốc bởi quyền năng ta, và để tôn vinh vẻ
oai nghi của ta, hay sao?"' (Woolley, Ur of the Chaldees, tr.185). Đền
Ziggurat mà vua ấy đã tu sửa rồi được xây đi cất lại rất nhiều lần nữa ngay
trên phần nền móng đầu tiên, những khu vườn treo lừng danh đã được
Diodorus và Strabo mô tả, và các giếng nước mà người ta từng lấy nước để
tưới cho các vườn ấy bằng máy quay nước, chiếc cầu dài 150 mét vua bắc
ngang trên sông Ơ-phơ-rát với khu vực kế cận được lót đá, các đền thờ thần
Bên và Nê-bô (EsIs 46:1,2) mà vua tu bổ và trang hoàng đã được nhận diện
trong đống đổ nát hoang tàn cùng với nhiều công trình xây dựng khác nữa.
Bức tường đôi (Gie Gr 51:58), mỗi bức rộng non 8m với khoảng trống chính
giữa non 30m, có chiều dài 16km vây quanh thành phố. Nê-bu-cát-nết-sa tự
hào về công trình xây dựng của mình nên đã để lại rất nhiều bảng đá có khắc
chữ lên trên, xác nhận đầy đủ ấn tượng về tính cách vĩ đại của đế quốc Ba-
by-lôn mà sách Đa-ni-ên đã gợi lên cho chúng ta.
Nê-bu-cát-nết-sa cũng tu bổ lại các đền thờ tại U-rơ, và tại đây, chính Sir
L.Woolley đã phát giác được đều mà ông mô tả như việc mới lạ liên hệ đến
sự thờ phượng vào thời ấy. Người ta đã lập một khu đất trống, ở một đầu là
phần làm nền cho một pho tượng, tất cả rõ ràng là có dụng ý để đặt lên đó
một pho tượng hầu làm một 'hình thức thờ phượng đại hội mà toàn thể thần
dân đều bị bắt buộc phải tham dự'. Ông cho rằng chỗ giống nhau giữa các sự
kiện của đống đổ nát hoang tàn đó với câu chuyện trong DaDn 3:1-30 là 'hết
sức rõ ràng' để chứng minh cho mối liên hệ đó.
Cho đến những năm rất gần đây, nhiều trường phái hãy còn chối bỏ sách Đa-
ni-ên, bảo rằng sách ấy không đúng với lịch sử. Trong số đó các lý do nêu
lên có sự kiện là tên của Bên-xát-sa đã không được tìm thấy trên các bảng
khắc đó. Nhưng người ta lại tìm được những tháp hình trụ chứng minh
không thể nghi ngờ gì được rằng Bên-xát-sa vốn là trưởng nam của
Nabonidus. Có bốn cái tháp như vậy đã ghi những lời cầu nguyện của cha
vua Bên-xát-sa cho vua ấy. Chúng cũng cho thấy rằng trước khi vua cha
băng hà, Bên-xát-sa đã làm phụ chính hay là phó vương của vương quốc,
còn các phần ký thuật của DaDn 5:29 thì gọi Đa-ni-ên là người thứ ba tham
dự công việc nhà nước. Người ta đã tìm được ba bảng giao kèo của Bên-xát-
sa, được niêm trong các phong bì bằng đất nung có đóng ấn và ký tên, và đặt
trong các chum đất (xem Gie Gr 32:14).Điều Sir L.Woolley mô tả như sự 'tu
hành' của người em gái làm nữ tư tế của Bên-xát-sa đã được tìm thấy tại U-
rơ, với nhiều bảng đá và di tích lý thú. Đồng thời, các khám phá ấy cũng xóa
bỏ được nhiều phản bác có tính cách lịch sử trước đây đã được đưa ra để
chống lại sách Đa-ni-ên, và tiếp theo đó là một phản ứng nhằm hậu thuẫn,
bênh vực sách ấy.
Ba-by-lôn đã sụp đổ thình lình hết sức bi thảm (539 TC). Dường như trước
nhất, Nabonidus đã bị đánh bại ngoài chiến trường rồi, và sau đó các đạo
quân của Si-ru dưới quyền đại tướng Gobryas, đã đào cho con sông chảy qua
thành phố tẻ đi ngã khác, và có lẽ cũng do lừa gạt mà vào được tuyến phòng
thủ và cung điện ở phía Tây bờ sông, khiến Bên-xát-sa bị giết và Đa-ri-út
chiếm được ngôi vua. Người ta vẫn thường coi Đa-ri-út là Gobryas. Si-ru áp
dụng chính sách ôn hòa đối với tôn giáo, và tu sửa nhiều đền thờ. Đề cập
một trong số các đền thờ ấy, Woolley viết: 'Các bảng khắc lên gạch có một
âm hưởng quen thuộc: 'Các vị thần vĩ đại đã phó toàn xứ vào tay ta', đó là
phần bắt đầu, khiến chúng ta nghĩ đến lời công bố của Si-ru trong sách E-xơ-
ra'. Tiếp theo đó là chiếu chỉ của Si-ru về việc tu bổ các đền thờ. Thế là các
vương quốc đã khởi phát rồi lại qua đi, và trong lịch sử của chúng chứng
minh rằng 'Đấng Rất Cao cai trị trong nước loài người, và Ngài muốn ban
cho ai tùy ý' (DaDn 4:32).
THỜI ĐẠI BA-TƯ (539-331 TC).
Trong khải tượng về pho tượng lớn, Đa-ni-ên đã thấy trước bốn đế quốc trên
thế giới; và đế quốc thứ hai là đế quốc của người Mê-đi và người Phe-rơ-sơ,
kéo dài từ thời của Si-ru cho đến khi A-lịch-sơn Đại Đế bị lật đổ (539-331
TC).
Si-ru băng hà năm 529 TC và được Cambyses lên kế vị (vua này là người đã
chinh phục Ai Cập và tiếp theo là Smerdis (522) và Darius Hystaspes (521-
486 TC). Trong thời các vua này, đền thờ đã được Sết-ba-sa là Xô-rô-ba-bên
tu sửa (Exo Er 1-6; AgKg Ag1:1-2:23) giữa sự chống đối và sau khi bị trì
hoãn nhiều lần.
Đa-ri-út được Xerxes (vua A-suê-ru của sách Ê-xơ-tê) nối ngôi năm 486, và
đến năm 464 thì Artaxerxes Longimanus lên ngôi, là người đã phái Nê-hê-
mi trở về xây lại vách thành Giê-ru-sa-lem, và công tác ấy đã được ông hoàn
tất năm 445. Ngày nay, người ta còn có thể tìm lại đến hơn phân nửa các dấu
vết của phần nền này, và thấy được ở nhiều chỗ. Lúc giám mục Gobat xây
ngôi trường của ông tại Giê-ru-sa-lem hồi thế kỷ trước, phần móng của tấm
vách làm hàng rào phía ngoài được lấy từ số đá mà các công nhân thời Nê-
hê-mi đã đào; các vết đẽo trên mặt đá gồ ghề vẫn còn được nhìn thấy rất rõ
ràng.
Số giấy chỉ thảo phát giác tại Elephantine gần Aswan, từ một khu định cư
Do Thái cho thấy họ từng ở đó từ trước cuộc xâm chiếm của người Ba-tư,
nghĩa là từ thời kỳ lưu đày hay sớm hơn nữa (xem Gie Gr 44:1; SoXp 3:10),
đã chiếu vào đó một phần ánh sáng gián tiếp. Các giấy chỉ thảo ấy được viết
bằng chữ A-ram (xem EsIs 19:18-22) và được định niên đại từ 471-407 TC.
Vào năm cuối cùng vừa nêu, có một bức thư gửi cho quan tổng trấn Giu-đê
người Ba-tư bảo rằng đền thờ Chúa (Yahu), với mái lợp bằng gỗ bá hương,
đã bị phá hủy và thỉnh cầu cho đền thờ ấy được xây lại. Thư ấy đề cập San-
ba-lát là quan tổng trấn Sa-ma-ri, và Giô-ha-nan là thầy tế lễ thượng phẩm
tại Giê-ru-sa-lem EtEt 10:6; NeNe 4:1,2), và diễn tả mối lo sợ của họ rằng
các thầy tế lễ đã không thể đem đến đền thờ 'các của lễ thù ân, hương và các
của lễ thiêu' như ngày xưa. Tuy nhiên, cách thờ phượng của họ được pha
trộn với các hình tượng đê tiện, cũng như những người vào thời kỳ của Giê-
rê-mi vậy (Gie Gr 44:14-28), mà có lẽ con cháu họ vốn biết và vẫn giữ phần
nghi lễ theo luật pháp, nhưng đã không hết lòng phục vụ Đức Giê-hô-va.
KẾT LUẬN.
Lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên phù hợp hoàn toàn với cái khung ngoại sử xây
dựng từ các đền đài và các bi ký của quá khứ. Trong câu chuyện Kinh Thánh
kể lại, chúng ta có thể thấy các điều kiện sinh hoạt, và đi lại trong thiên niên
kỷ thứ hai TC, sự hùng cường của Ai Cập trong các triều đại thứ mười tám
và mười chín, ảnh hưởng của các dân Hê-tít, Sy-ri và các bộ tộc, quốc gia
chung quanh, sự khởi phát và suy tàn của A-sy-ri với Ba-by-lôn.
Điều đúng với lịch sử cũng đúng y như vậy với ngôn ngữ viết nên lịch sử đó,
vì như một nhà ngữ học tăm tiếng đã nói là ở khắp nơi người ta đều thấy
ngôn ngữ đã phơi bày dấu chân của các dân tộc từng đưa ra các ý niệm của
họ đúng vào thời gian mà nhiều loại sách khác nhau đã được trước tác.
Kết quả của các công trình nghiên cứu khảo cổ học 'xác nhận điều mà đức
tin phát biểu, ấy là hễ kiến thức càng tăng, thì Kinh Thánh càng thêm lợi
thế'.

PHỤ LỤC CHO CHƯƠNG VII


BỐ CỤC NIÊN BIỂU CỦA CỰU ƯỚC.
Bố cục niên biểu sau đây nhằm đưa ra một cái nhìn bao quát về các biến cố
chính yếu theo thứ tự thời gian trong lịch sử Y-sơ-ra-ên, có ảnh hưởng đến
các dân tộc chung quanh. Các học giả uy tín vốn có ý kiến nhiều khi rất khác
nhau liên hệ đến một vài niên đại. Các niên đại chúng tôi nêu ra đây được
căn cứ phần lớn trên bộ Giải nghĩa lại Cựu Ước (The Old Testament, A
Reinterpretation) của S.A.Cook. Suốt quá trình lưu truyền, nhiều con số
trong sách Các Vua đã bị hư rách nên nhiều chỗ không được rõ ràng. Chứng
cứ lấy từ các nguồn khác thường chỉ là vụn vằn manh mún, nhưng thỉnh
thoảng vẫn đòi hỏi phải san nhuận lại các niên đại đã từng được thừa nhận
trước đó. Tuy nhiên, các niên đại nêu ra trong các trang sau đây sẽ giúp
chúng ta hiểu được thứ tự của các biến cố đã từng xảy ra.
Niên đại TC
Y-sơ-ra-ên
Các dân khác
Khoảng 3.500
Nạn lụt
” 3.400
Triều đại đầu tiên tại Ai Cập
Triều đại Minoam đầu tiên
” 3.100
Triều đại đầu tiên tại U-rơ
” 2.650
Sargon of Agade
” 2.000
Áp-ra-ham vào Ca-na-an
Hammurabi
Triều đại XII tại Ai Cập
Khoảng 1.785
Gia-cốp qua Ai Cập
” 1.580
Các vua Hyksos bị trục xuất
” 1.501
Thothmes III
” 1.447
Amenhotep II
” 1.440
Xuất Ai Cập
” 1.411
Amenhotep III
” 1.400
Giê-ri-cô sụp đổ
1.300 - 1.234
Rameses II
1.202 - 1.170
Rameses III
Khoảng 1.050
Sa-mu-ên
” 1.010
Đa-vít (lên ngôi)
” 974
Sa-lô-môn
” 970
Lễ Khánh Thành đền thờ
” 937
Vương quốc chia đôi
Niên đại TC
Giu-đa
Y-sơ-ra-ên
Các dân khác
937
Rô-bô-am
Giê-rô-bô-am I
875
A-háp
872
Giô-sa-phát
853
Trận Qarqar
783
Giê-rô-bô-am II
780
Ô-xia
745
Tiếc-la Phi-lê-se III, vua A-sy-ri
727
Sanh-ma-na-se V của A-sy-ri
726
Ê-xê-chia
722-1
Sa-ma-ri thất thủ
Niên đại TC
Giu-đa
Các dân khác
705
San-chê-ríp của A-sy-ri
700
San-chê-ríp vây Giê-ru-sa-lem
681
A-sa-hạt-đôn của A-sy-ri
669
Ashurbanipal
637
Giô-si-a
612
Ni-ni-ve thất thủ
608
Giê-hô-gia-kim
605
Trận Cạt-kê-mít
604
Nê-bu-cát-nết-sa II
597
Sê-đê-kia
586
Giê-ru-sa-lem thất thủ
550
Si-ru, vua Ba-tư
539
Si-ru chiếm Ba-by-lôn
537
Hồi hương với Xô-rô-ba-bên
521
Darius Hystaspes, vua Ba-tư
520
Xa-cha-ri và A-ghê
464
Artaxerxes Longimanus
458
E-xơ-ra
445
Sứ mạng đầu tiên của Nê-hê-mi
433
Sứ mạng thứ hai của Nê-hê-mi
331
A-lịch-sơn Đại Đế đánh bại Ba-tư, viếng Giê-ru-sa-lem
323
A-lịch-sơn băng hà. Triều đại Seleucid tại Sy-ri, các vua Ptolemies tại Ai
Cập.
Khoảng 250
Bộ Bảy Mươi được bắt đầu dưới thời Ptolemy Philadelphus
167
Antiochus Epiphanes làm ô uế đền thờ
165
Giu-đa Ma-ca-bê thanh tẩy đền thờ
63
Pompey chiếm Giê-ru-sa-lem
37
Hê-rốt Đại Đế được phong vương cai trị dân Do Thái
Y-sơ-ra-ên và Giu-đa
Niên đại TC
Các dân khác
Quân chủ thống nhất khoảng 1.050-937
1.000
900
Quân chủ phân chia 937-721
800
Thời kỳ A-sy-ri 853-612
700
Giu-đa tồn tại 721-586
Thời kỳ Ai Cập 612-605
Cuộc lưu đày 586-537
600
Thời kỳ Ba-by-lôn 605-539
500
Thời kỳ Ba-tư 539-331
Giu-đa phục quốc 537-165
400
300
Thời kỳ Hy-lạp 331-146
200
Giu-đa độc lập 165-63
100
Dưới ách đô hộ La-mã 63-
Thời kỳ La-mã 146-

CÂU CHUYỆN CỰU ƯỚC


Lịch sử Cựu Ước không thể hiểu đúng nếu tách rời khỏi Tân Ước, vì Tân
Ước bổ túc và làm ứng nghiệm Cựu Ước. Theo lời một học giả đương thời
thì 'hai bộ Cựu và Tân Ước chỉ là một theo ý nghĩa là trong âm nhạc, các
thành phần của một nhịp là một. Nếu không có hợp âm cuối nhịp điệu chưa
hoàn tất; đó là một diễn trình chưa đạt đến mục tiêu; mặt khác, hợp âm cuối
dầu có hay đẹp đến đâu, cũng thiếu hẳn ý nghĩa đầy đủ nếu không có những
hợp âm đi trước nó. Hai bộ Cựu Ước và Tân Ước chỉ là một theo nghĩa là cả
hai đã họp thành một toàn khối duy nhất. Cả hai bộ Cựu và Tân Ước là phần
ký thuật mà Đức Chúa Trời tự mạc khải chính Ngài cho loài người, với tuyệt
đỉnh là khi kỳ mãn với sự tự mạc khải trong chính Đức Chúa Giê-xu Christ.
Đức Chúa Trời của Kinh Thánh lúc nào cũng vẫn là Đức Chúa Trời hằng
sống, nên Ngài đã tự bày tỏ Ngài ra qua hành động. Chương sách này nhằm
phác họa chủ đích và đặc tính của sự mạc khải của Đức Chúa Trời 'Đấng từ
ngàn xưa, từng phán dạy chúng ta nhiều lần nhiều cách bởi các đấng tiên tri'.
Chúng ta nhận thấy ngay và hết sức rõ ràng rằng Đức Chúa Trời vốn đồng
thời là Đấng Tạo Hóa, vừa là Đấng Cứu Chuộc, hành động bằng cách phán
xét thánh khiết và bằng ơn khoan hồng cứu rỗi để cứu chuộc loài người khỏi
tội, để đưa họ trở về mối thông công đầy tình thương với chính Ngài. Rõ
ràng mục tiêu của Đức Chúa Trời khi tự mạc khải luôn luôn là để tạo ra một
dân thánh, làm cơ nghiệp của Ngài. Việc ấy sẽ lần lần được thực hiện qua
việc kêu gọi và tuyển chọn một gia tộc, một dân tộc, một nước, và một số
dân còn sót lại từ nước ấy, cho đến chính số dân còn sót lại đó tự nó sẽ được
tái tạo trong Đấng Christ. Như thế Tân Ước tóm tắt tất cả mọi điều đã đi
trước trong mạc khải của Cựu Ước 'Anh em là dòng giống được chọn, là
chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời...' (IPhi
1Pr 2:9).
LỊCH SỬ CÁC TỘC TRƯỞNG
Cựu Ước khởi đầu bằng những chương mô tả rất uy nghi công cuộc sáng tạo
vũ trụ như một phần diễn trình tự mạc khải của Đức Chúa Trời. Loài người
được tạo nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời, là tuyệt đỉnh của công trình sáng
tạo trời đất. Bao hàm trong tên sách, Sáng Thế Ký là quyển sách của các cội
nguồn, với những bức tranh phác họa bằng ngòi bút, phần ký thuật về sự
cám dỗ và sa ngã của loài người, sự xâm nhập của tội lỗi và sự chết, sự phát
triển của nếp sống suy đồi bất pháp, cho đến khi bị đoán phạt bằng cơn đại
hồng thủy. Việc Nô-ê được bảo tồn chứng minh rằng con đường phước hạnh
không thể là nẻo đường nào khác hơn sự vâng lời và rằng đức tin là sự tin
cậy đáp ứng mạc khải đã được ban cho. 'Bởi đức tin Nô-ê được Chúa mách
bảo cho về những việc chưa thấy, và người...đóng một chiếc tàu để cứu nhà
mình...và trở nên kẻ kế tự của sự công bình đến từ đức tin' (HeDt 11:7 so
sánh với Cong Cv 10:34,35).
Một biến cố có tầm quan trọng hàng đầu là sự kêu gọi Áp-ra-ham tại U-rơ,
xứ Canh-đê, một thành phố đã được Sir Leonard Woolley bỏ rất nhiều công
sức khai quật. Vào khoảng năm 2.000 TC, nghe lời kêu gọi của Đức Chúa
Trời, Áp-ra-ham đã đi đến Cha-ran, rồi đến xứ Ca-na-an, sống đời du mục
(so sánh Cong Cv 7:2). Sự kêu gọi này mang một ý nghĩa thuộc linh có tính
cách quyết định: nó là nhân chứng cho bước chủ động đầu tiên mà Đức
Chúa Trời đã làm trong việc tuyển chọn cho chính Ngài một dân tộc từ đêm
tối của ngoại giáo. Trong phần ký thuật các chuyến đi tiếp theo của Áp-ra-
ham, Kinh Thánh có liên hệ với lịch sử thế tục đồng thời (SaSt 14:1-24).
Nhưng Kinh Thánh không chú trọng vào phần lịch sử đó, mà chỉ quan tâm
đến mục đích của Đức Chúa Trời muốn thành lập một dân riêng cho Ngài.
Do đó Chúa đã tiếp tục tuyển chọn Y-sác, Gia-cốp và Giô-sép. Những sự
'kêu gọi' đó không hề lệ thuộc vào dòng giống hay công lao, chúng chỉ bắt
nguồn từ ân điển và lòng thương xót của Chúa Cao Cả, là Đấng đã cứu
chuộc họ.
RA KHỎI AI CẬP.
Sách Xuất Ê-díp-tô Ký bắt đầu với sự chuẩn bị thần hựu và việc rèn luyện
Môi-se thành tôi tớ của Đức Chúa trời để giải phóng Y-sơ-ra-ên khỏi gông
xiềng Ai Cập. Dân Y-sơ-ra-ên vốn được tiếp rước tử tế và cho định cư tại
vùng thung lũng sông Nile rất phì nhiêu nhân một nạn đói, đã trở thành nô lệ
vì triều đại thay đổi khiến chính sách đối với họ cũng bị thay đổi theo (so
sánh Cong Cv 7:18). Môi-se là công cụ được Đức Chúa Trời chọn để thực
hiện công cuộc giải phóng ấy, nên sau khi đã thi hành nhiều tai vạ khủng
khiếp bi thảm, dân Y-sơ-ra-ên đã đi thoát được. Nơi đến gần nhất của họ là
núi Si-na-i. Tại đó, trong khung cảnh uy nghiêm gây ấn tượng đáng sợ, một
giao ước đã được thiết lập giữa Đức Chúa Trời với dân Ngài. Nền tảng của
giao ước là việc họ đã được cứu chuộc khỏi Ai Cập, không phải vì dân Y-sơ-
ra-ên trội vượt hơn các dân tộc khác về phương diện tinh thần hay vật chất,
nhưng chỉ là do tình yêu thương vô điều kiện của Đức Chúa Trời đối với họ
mà thôi (PhuDnl 7:7 và tt). Ân điển ban cho kẻ chẳng có gì xứng đáng nhận
lãnh đòi hỏi họ phải vâng lời. 'Các ngươi hãy nên thánh, vì ta là Giê-hô-va
Đức Chúa Trời các ngươi, vốn là thánh'. Mười điều răn tóm tắt các tiêu
chuẩn của sự thánh khiết của Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi dân Ngài. Từ đó trở
đi, lời thừa nhận trong khi thờ phượng về phương diện tôn giáo đã được kết
hợp bất khả phân ly với việc sống đạo, trong khi điều kiện để nhận được
phước hạnh của Đức Chúa Trời là sự vâng lời và phục vụ Ngài. Đồng thời,
việc dâng sinh tế đã được truyền rao như các phương pháp hữu hình nhờ đó
kẻ lầm lỗi sẽ được tha thứ. Cần ghi nhớ rằng tiền công của tội lỗi là sự chết,
và nếu không có sự đổ huyết, thì cũng không có sự tha tội.
Sự quản trị dân Chúa đòi hỏi Môi-se phải trở thành nhà tiên tri và người ban
bố luật pháp, vì thế Môi-se đương nhiên trở thành phát ngôn nhân của Đức
Chúa Trời còn A-rôn giữ chức tư tế. Vì không vâng lời, Môi-se bị truất đặc
quyền được vào Đất Hứa, nên sau khi ông qua đời, Giô-suê được đưa lên
lãnh đạo dân sự. Hiện diện của Đức Chúa Trời được biểu thị trong việc vượt
qua sông Giô-đanh, và trong việc chiếm lấy thành Giê-ri-cô vào khoảng năm
14 TC. Việc khinh thường những lời chỉ dẫn minh thị, tội lỗi và sự thỏa hiệp
với các dân bản xứ đã đưa đến hậu quả là dân Y-sơ-ra-ên đã không hoàn
toàn chế phục được cả xứ, nên ngược lại, họ đã bị dẫn đến chỗ bất pháp và
theo tà giáo. Mười hai chi phái vào cư ngụ tại nhiều nơi khác nhau trong xứ,
nhưng cơ sở của họ đều không an toàn và ý thức giữ lòng trung tín của họ rất
kém. Đức Chúa Trời trừng phạt việc họ ngoan cố phạm tội bằng cách bắt họ
phải làm nô lệ cho đến khi biết ăn năn thống hối và kêu cầu Đức Chúa Trời
giải cứu cho, Ngài đã sai các Quan Xét đến để giải phóng cho họ.
THỜI QUÂN CHỦ
Vị Quan Xét cuối cùng là Sa-mu-ên đã đảm nhận nhiều chức vụ, ông vừa là
lãnh tụ quân sự, vừa là nhà tiên tri, thầy tế lễ, rồi khi dân sự yêu cầu thiết lập
một nền quân chủ, thì chế độ thần trị cáo chung. Từ đó trở đi, quyền lãnh
đạo về phương diện tôn giáo và dân sự bị chia thành hai về lý thuyết, nhưng
về mặt thực hành thì lại không phải như vậy. Chính thể thần trị nhấn mạnh
trên mối liên hệ có một không hai giữa Đức Chúa Trời và dân Ngài - sự kiện
Đức Chúa Trời là Đấng Cai Trị và là Vua của họ. Tuy mối liên hệ đó vẫn
tồn tại, việc lập nên một người trung gian đã khiến nó bị lu mờ, nên dân Y-
sơ-ra-ên chấp nhận một hình thức chính trị cứ ngày càng giống hệt với các
lân bang của họ. Vâng lời Đức Chúa Trời, Sa-mu-ên xức dầu cho Sau-lơ làm
vua, còn chính ông thì hiến thân cho các nhiệm vụ làm thầy tế lễ và nhà tiên
tri. Quyền lãnh đạo song phương đó đã đổ vỡ khi Sau-lơ phạm tội tiếm
quyền để tự mình thực hành các chức vụ tế lễ, và sau đó, lại bất tuân các
mạng lịnh trực tiếp của Đức Chúa Trời nữa. Đa-vít, một thanh niên người
Bết-lê-hem, đi chăn chiên, đã được Đức Chúa Trời kêu gọi và được Sa-mu-
ên xức dầu cho để đảm nhận chức vị lãnh đạo về mặt quân sự trên dân Y-sơ-
ra-ên. Sau khi biết mình đã trở thành thù địch với Đức Chúa Trời, Sau-lơ
bám víu vào việc đồng bóng, và bị giết cách nhục nhã trong chiến trận. Đa-
vít phải đương đầu với tình trạng chia rẽ. Thoạt tiên, chỉ có người Giu-đa
thừa nhận ông; sức mạnh về quân sự và chính sách hòa giải của ông đã chinh
phục được các chi phái ở miền Bắc. Ông củng cố chiến thắng về phương
diện chính trị đó bằng việc đánh chiếm thành Giê-ru-sa-lem của dân Giê-bu-
sít vào năm thứ bảy đời trị vì của mình, và như thế, đem đến cho vương
quốc của ông một kinh đô có địa thế tự nhiên thật tốt đẹp. Nhưng Giê-ru-sa-
lem còn hơn một trung tâm chính trị nữa, nó còn trở thành một trung tâm tôn
giáo do việc thiết lập ngôi đền thánh trung ương. Như vậy, núi Si-ôn là địa
điểm mà Đức Chúa Trời đã tuyển chọn trên tất cả các nơi khác để khiến nên
thánh bằng sự hiện diện của Ngài, đã trở thành trung tâm thờ phượng và
dâng tế lễ. Đối với các thế hệ tiếp theo, các giai đoạn những kẻ thù của dân
Y-sơ-ra-ên bị chế phục, hòm giao ước được đưa vào Giê-ru-sa-lem, các bài
thi thiên được tấu vang, được xem như chỉ bóng về kỷ nguyên của Đấng
Mết-si-a. Nhưng lời hứa về Đấng Mết-si-a được tập trung vào một nhà vua,
và Đa-vít được xem như hình ảnh có trước về một nhà vua lý tưởng, là sao
mai sáng chói, chồi mống và là hậu tự của Đa-vít (Cong Cv 13:23; KhKh
22:16).
Sa-lô-môn nối ngôi cha và được giao phó đặc quyền cao trọng là xây cất đền
thờ. Thời trị vì của ông bề ngoài có vẻ huy hoàng thành công, với việc xây
dựng cả đền thờ lẫn cung điện (tuy rõ ràng vẻ huy hoàng tráng lệ vật chất
của cung điện lại vượt xa đền thờ) với việc củng cố thành Giê-ru-sa-lem và
việc giao thương với ngoại quốc. Nhưng cái mặt tiền của bề ngoài đó lại xây
trên những nền móng hư nát. Sự phóng túng và vô luân của Sa-lô-môn khiến
ông cưới nhiều vợ ngoại bang đem theo các thần tượng ngoại đạo của họ,
trong khi các kế hoạch vĩ đại về xây cất của ông lại đòi hỏi nhiều nhân công
khổ sai đã tạo ra sự bất mãn sâu xa trong xã hội. Hậu quả chồng chất của
những việc vừa kể chẳng bao lâu đã trở thành hết sức rõ rệt.
VƯƠNG QUỐC BỊ CHIA ĐÔI
Khi Sa-lô-môn băng hà năm 937 TC, các chi phái ở phía Bắc bộc lộ thái độ
bất mãn của họ. Con trai Sa-lô-môn là Rô-bô-am lại nghe lời sàm tấu mà
không chịu nhượng bộ, kết quả là các chi phái miền Bắc đã theo Giê-rô-bô-
am nổi loạn. Như vậy vương quốc thống nhất chỉ vỏn vẹn ba thế hệ. Giờ
đây, hai vương quốc Giu-đa và Y-sơ-ra-ên bị phó mặc cho may rủi để luôn
luôn thay ngôi đổi chủ, nhiều vua chẳng ra gì đã liên tiếp nối ngôi nhau, và
đã dại dột tham dự cuộc tranh hùng với các đại cường quốc ở vùng Trung và
Cận Đông. Vị trí địa dư của Palestine lại là một cơ nguy phụ trội khiến xứ ấy
bị tàn phá bởi những cuộc chiến tranh tàn khốc liên miên. Các nhà tiên tri đã
tìm đủ cách để kêu gọi hai vương quốc hãy trở về với định mệnh đích thực
là dân sự của Đức Chúa Trời, nhưng chỉ phí công vô ích. Cơ hội chủ nghĩa
và sự bóc lột đã thắng nguyên tắc và lẽ phải, cho đến khi cái chén tội lỗi đã
đầy trọn.
a) Vương quốc miền Bắc.
Hàng loạt những cuộc đảo chánh đã đẩy nhanh vương quốc miền Bắc Y-sơ-
ra-ên vào con đường hủy hoại. Dưới triều A-háp, Ê-li thi hành chức vụ tiên
tri, và nhân cơ hội đáng ghi nhớ trên núi Cạt-mên, Đức Chúa Trời đã báo
đáp cho kẻ tôi tớ Ngài trong một trận chiến đấu dứt khoát với các tiên tri của
Ba-anh. Nhưng bài học đó chẳng được ai lưu ý, và Ê-li được lịnh xức dầu
cho Giê-hu để cai trị thay cho kẻ bội đạo là A-háp. Hành động này nhắc cho
mọi người phải nhớ rõ rằng ông sống trực tiếp dưới quyền tối thượng của
Đức Chúa Trời, và quyền thế trần gian phải ở dưới quyền đó. Áo choàng của
Ê-li đã rơi xuống trên Ê-li-sê, nhân vật phải đối đầu với những vấn đề tương
tự là việc pha trộn tôn giáo và thờ lạy hình tượng. Đến năm 783 TC, Giê-rô-
bô-am II lên ngôi mở màn cho một thời trị vì với binh lực hùng hậu và giao
thương phát đạt có thể so sánh với thời huy hoàng của Sa-lô-môn. Nhưng
thành công bên ngoài lại gắn liền với sự gian ác bên trong, và sự suy vi để đi
đến chỗ bần cùng của kẻ nghèo đồng thời với nếp sống xa hoa phô trương
của kẻ giàu, đã lớn tiếng kêu gào phải có việc sửa sai. A-mốt nhà tiên tri của
sự công chính không chịu thỏa hiệp, được sai đến từ vương quốc miền Nam
để quở trách những bất công xã hội trong xã hội người Y-sơ-ra-ên. Ông đã ý
thức rằng mình đã được ý chí không dò lường được của Đức Chúa Trời kêu
gọi để thi hành nhiệm vụ đó: 'Ta không phải là đấng tiên tri, cũng không
phải con đấng tiên tri, nhưng ta là một kẻ chăn... Đức Giê-hô-va đã bắt ta từ
sau bầy, và Đức Giê-hô-va phán cùng ta rằng: Hãy đi, nói tiên tri cho dân Y-
sơ-ra-ên ta'. Bất chấp lời làm chứng của các nhà tiên tri rằng chỉ có sự ăn
năn mới khiến họ tránh được thảm họa, dân chúng vẫn trông cậy vào tôn
giáo hình thức không thuộc linh, không chịu nhận biết đặc quyền được làm
con dân của Đức Chúa Trời ngụ ý rằng phải có trách nhiệm sống như một
dân thánh. Sự mục nát về phương diện đạo đức và thuộc linh cứ tiếp tục, cho
đến khi họ bị quân A-sy-ri xâm lăng, đánh chiếm Sa-ma-ri vào năm 721 TC,
và như thói lệ của thời bấy giờ; dân sự bị bắt lưu đày.
b) Vương quốc miền Nam.
Các biến cố diễn biến tại vương quốc Giu-đa ở miền Nam cũng không khác
bao nhiêu, tuy sự đoán phạt được trì hoãn lâu hơn. Sự thịnh vượng vủa
vương quốc miền Bắc dưới thời Giê-rô-bô-am II có thể coi như tương tự với
thời gian trị vì lâu dài của Ô-xia. Vào năm vua ấy băng, Ê-sai đã thấy khải
tượng về Đức Chúa Trời thánh khiết, ông bị tràn ngập bởi ý thức về chính
tội lỗi của mình và tội lỗi tập thể của Giu-đa, và nhờ ân điển của Đức Chúa
Trời thanh tẩy, ông nghe được tiếng kêu gọi phục vụ. Thông điệp của ông
khai triển chính từng trải sơ khởi đó: toàn xứ đã bị hư hoại vì cớ tội lỗi, và
chỉ có thể có phục hưng nếu họ ăn năn và được Đức Chúa Trời tha thứ.
Trong địa hạt chính trị, ông đề nghị một chính sách hoàn toàn trung lập.
Giu-đa chỉ có thể tồn tại nếu quốc gia ấy mặc nhiên tin cậy Đức Chúa Trời
và lánh xa mọi dính líu về chính trị. Phải chống lại vẻ hấp dẫn của sự liên
minh với Ai Cập. Dưới thời trị vì của Ê-xê-chia, khi quân đội A-sy-ri do
San-chê-ríp cầm đầu đến đe dọa Giê-ru-sa-lem, chính sách của ông là yên
lặng, trông cậy nơi Đức Chúa Trời và nhà vua đã được báo trả thật bất ngờ.
Một tai họa thình lình giáng xuống trên quân đội A-sy-ri, và đạo quân của
San-chê-ríp bị bắt buộc phải rút lui. Tuy nhiên, Giu-đa vẫn không chịu ăn
năn, nên cuối cùng Ê-sai thấy rằng dân ấy chỉ có thể được thanh tẩy với sự
đoán phạt bằng lửa và máu, sau đó, chỉ sẽ còn một số người sót lại và được
tinh luyện mà thôi. Sau cơn hoạn nạn, sẽ có sự chữa lành qua trung gian của
Đấng phải gánh thay tội lỗi cho dân sự (EsIs 53:1-12). Kinh nghiệm của
cuộc lưu đày cũng vạch cho mọi người thấy rõ tánh cách phù du của việc thờ
hình tượng, sự hư không của hình tượng để chẳng bao giờ dân Giu-đa lại rơi
vào cạm bẫy đó nữa.
Nhưng trong khi chờ đợi, sự thờ hình tượng và hư hoại vẫn được duy trì qua
các đời vua tiếp theo, ngoại trừ một lời hứa ngắn ngủi về cải cách dưới thời
của Giô-si-a. Trong đời trị vì của vua này (637-608 TC) 'sách luật pháp'
được tìm thấy trong khi tu bổ đền thờ, và như vậy cuộc cải cách tôn giáo sâu
rộng tiếp theo đó cho thấy, nó gồm luôn việc tìm lại được những giáo huấn
của sách Phục Truyền Luật Lệ Ký về việc phải tập trung việc thờ phượng
(IIVua 2V 22:1-20). Nhưng cái chết thảm khốc của Giô-si-a tại Mê-ghi-đô
khi đánh trận với người Ai Cập, vốn là dấu hiệu cho việc toàn dân sẽ lại sa
vào con đường cũ. Chính vào thời gian này, Giê-rê-mi đã bắt đầu chức vụ
tiên tri của ông. Ông nhấn mạnh rằng thờ hình tượng là một sự sa sút hai
mặt: lìa bỏ Đức Chúa Trời và tìm cầu thần giả. Đó chính là lời than phiền
của Đức Chúa Trời: 'Dân ta đã làm hai điều ác: chúng nó đã lìa bỏ ta, là
nguồn nước sống, mà tự đào lấy hồ, thật, hồ nứt ra, không chứa được nước'
(Gie Gr 2:13). Ông cũng thấy sự đoán phạt không thể tránh được, và nói tiên
tri rằng tiếp theo đó họ sẽ bị lưu đày bảy mươi năm tại Ba-by-lôn (25:11).
Sở dĩ phải có việc đó là để đến cuối cùng họ được cứu (so sánh HeDt 12:11).
Trong lò luyện của sự đau khổ, một phần còn sót lại sẽ được tinh lọc, và sau
khi đã được ban cho một tấm lòng mới, họ sẽ phục vụ Đức Chúa Trời ngay
trên đất nước họ (Gie Gr 24:6,7). Sự suy sụp cuối cùng của Giu-đa đã xảy ra
hết sức nhanh chóng, vì hấp tấp nổi dậy chống lại quyền thống trị của Ba-
by-lôn. Nê-bu-cát-nết-sa đã kéo quân đến thực thi sự đoán phạt khủng khiếp
đó: Giê-ru-sa-lem bị chiếm và bị phá hủy năm 586 TC, Sê-đê-kia bị móc mắt
và đày sang Ba-by-lôn; nhiều người khác cũng cùng bị lưu đày.
CUỘC LƯU ĐÀY
Trong khi dân sự bị lưu đày, Đức Chúa Trời đã không lìa bỏ họ. Ê-xê-chi-ên
giải thích ý chỉ Đức Chúa Trời cho những kẻ bị lưu đày đang ngồi khóc bên
bờ sông tại Ba-by-lôn (Thi Tv 137:1-9). Ông tuyên bố rằng sau khi cơn
thạnh nộ của Đức Chúa Trời đã nguôi, một số dân còn sót lại sẽ hồi hương,
và số dân sót lại ấy sẽ được sanh lại, làm mới lại, nhờ được ban cho một tinh
thần (linh) mới. Một giao ước mới - sâu sắc hơn và có tính cách cá nhân - sẽ
được ký kết để hoàn tất điều mà giao ước bằng luật pháp đã không thực hiện
được. Trong khi chờ đợi, những kẻ bị lưu đày sẽ sống một cuộc đời yên lặng
của kẻ tạm trú để chờ cho đến khi thời gian lưu đày chấm dứt. Sách Đa-ni-ên
về những câu chuyện bất tử về lòng tận trung không gì lay chuyển nổi đối
với Đức Chúa Trời và việc phục vụ Ngài, đề cập giai đoạn này của lịch sử
Y-sơ-ra-ên. Dưới bàn tay nhơn lành của Đức Chúa Trời, một chuyển biến có
ý nghĩa đã xảy ra trong thời gian này. Vì không thể thờ phượng Đức Chúa
Trời trong đền thờ được nữa, dân sự đã quay sang thờ phượng Đức Chúa
Trời bằng cách cầu nguyện và đọc sách Torah. Chuyển biến này cuối cùng
đã trở nên hình thức thờ phượng trong nhà hội, được duy trì vĩnh viễn trong
sinh hoạt của dân Do Thái.
VIỆC HỒI HƯƠNG
Si-ru, vua Ba-tư, là công cụ không ai đoán biết trước được để thực hiện chủ
đích của Đức Chúa Trời trong việc cứu chuộc dân Ngài. Chính sách của Si-
ru đã tạo nhiều dễ dàng cho các dân tộc bị lưu đày được hồi hương, và phù
hợp với tập tục đó, một chiếu chỉ đã được ban hành năm 537 TC, một thời
gian ngắn sau khi dân Do Thái bị đày sang Ba-by-lôn, họ đã được phép hồi
hương. Một khung cảnh hoang tàn chào đón những người trở về. Nhưng tiên
tri A-ghê và Xa-cha-ri đã đem lại khích lệ mạnh mẽ cho những kẻ lưu đày
nghèo khó và mất hết tinh thần. Hai ông khuyến khích dân sự xây lên ngôi
đền thờ thứ hai mà nền móng đã được đặt vào năm 520 TC. Về sau, dưới
quyền lãnh đạo của E-xơ-ra (khoảng 458 TC) và Nê-hê-mi (445-433 TC) là
một kết hợp tốt đẹp giữa giáo quyền và thế quyền. Luật pháp được tái lập và
các vách thành được xây lại.
Thế là, trong thời gian hậu lưu đày, chức vụ tiên tri, thầy tế lễ và chính
khách đã được kết hợp nhau tại trong một nỗ lực có hệ thống nhằm nhấn
mạnh trên sự thuần khiết về đạo đức và trong sạch trong nghi lễ. Những
cuộc kết hôn pha trộn với dân ngoại bị bắt buộc phải cắt đứt, nghề cho vay,
sự thề thốt bị kết án, việc giữ ngày sa-bát được củng cố. Các nhà tiên tri
trông đợi ngày mà 'một suối nước sẽ mở ra cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-
sa-lem vì tội lỗi và sự ô uế' (XaDr 13:1), và khi mà chính trên những chiếc
lục lạc đeo cho ngựa có khắc chữ rằng 'Thánh cho Đức Giê-hô-va' (XaDr
14:20).
Kinh điển Cựu Ước đã kết thúc với lời thách thức sâu sắc của Ma-la-chi cho
cả thầy tế lễ lẫn dân chúng, và với lời hứa đầy ân sủng: 'Về phần các ngươi
là kẻ kính sợ danh ta, thì mặt trời công bình sẽ mọc lên cho, trong cánh nó
có sự chữa lành'.

NGŨ KINH
TÁC QUYỀN
Có hai quan điểm về nguồn gốc của Ngũ Kinh. Quan điểm thứ nhất chú
trọng vào giá trị trước mắt của năm quyển sách ấy và cho rằng phần lớn là
của Môi-se. Quan điểm thứ hai cho rằng Ngũ Kinh là một tập hợp các tài
liệu đã có suốt một thời gian dài đã có từ thời trước Môi-se cho đến khoảng
năm 400 TC. Quan điểm đầu chiếm ưu thế tuyệt đối cho đến cuối thế kỷ thứ
mười tám; từ đó trở đi, thuyết thứ hai đã lần lần nổi lên. Tuy các nhà chủ
trương thuyết thứ hai chẳng bao giờ đồng ý với nhau về niên đại và cách
phân chia các tài liệu nhưng họ đều đồng ý gán cho Môi-se chỉ một phần rất
nhỏ trong các sách ấy mà thôi.
Thuyết này lập thành chủ trương của các trường đại học và cao đẳng hồi đầu
thế kỷ này, đây là sự kiện đã tạo thành kiến trên việc khảo xét các chứng cứ
trái lại những gì đã được tích lũy từ lâu.
KHẲNG QUYẾT CỦA CÁC SÁCH NGŨ KINH
Lời chứng của bất kỳ quyển sách nào về trước giả của chính nó, không thể bị
coi nhẹ và gạt qua một bên; và nếu càng có nhiều những lời khẳng định trực
tiếp cũng như những gợi ý gián tiếp bao nhiêu, thì giá trị của chúng sẽ càng
lớn. Đã có ba trong năm sách từng đề cập Môi-se là người viết và chép các
sách ấy. Trong XuXh 17:8-14, Môi-se đã viết ra một bài tường thuật trận
đánh với dân A-ma-léc; trong XuXh 24:4,7, ông viết ra điều kiện của một
giao ước (nghĩa là các chương 21:1-23:33 và có thể là cả chương 20 nữa) và
đọc chúng từ một quyển sách cho dân sự nghe; trong Dan Ds 33:2, ông ghi
lại các chuyến đi của dân sự. PhuDnl 31:9-12, 24-26 (so sánh 28:58-61) lại
còn có tính cách dứt khoát hơn. Ở đây, Môi-se đã dứt khoát tuyên bố ông đã
viết ra bảng luật pháp như đã được ban hành trong Phục Truyền Luật Lệ Ký,
và đặt sách ấy bên cạnh hòm giao ước.
Sự kiện những chỗ kể trên là những câu duy nhất trực tiếp đề cập Môi-se là
trước giả thiết tưởng không gây ngạc nhiên cho chúng ta. Ông đã được công
bố hai lần là đã chép lại sử ký thời của ông, và hai lần là đã chép lại bộ luật
mà Đức Chúa Trời đã ban bố. Do đó, cũng rất có thể chính ông là người viết
ra phần còn lại của bộ sử ký và các luật lệ khác. Điều này có thể đặc biệt áp
dụng cho phần sau, vì phần lớn, chúng đều được Đức Chúa Trời ban truyền
cho chính Môi-se trước nhất. Nếu ông đã nhận được chúng, và nếu nhờ được
giáo dục tại Ai Cập, ông có đủ tư cách để viết, thì chúng ta có đủ lý do để
kết luận rằng, quả thật chính ông là trước giả.
Như thế, bốn sách sau trong Ngũ Kinh đều ẩn tàng lời tuyên bố rằng chính
Môi-se là người đã viết; và chưa hề có ai dám chủ trương rằng sách Sáng
Thế Ký không họp với bốn sách kia để thành một bộ thống nhất. Do đó, nếu
Môi-se được thừa nhận là trước giả của những đoạn viết về luật pháp, thì ta
cũng phải thừa nhận chắc chắn rằng ông cũng là trước giả sách Sáng Thế
Ký.
Tuy nhiên, các từ ngữ 'tác giả', 'tác quyền' phải được sử dụng có điều kiện.
Khi nói 'trước giả', chúng ta chỉ ngụ ý bảo rằng Môi-se đã viết các quyển
sách ấy, và từ ngữ ấy không có ý bảo rằng ông đã trực tiếp nhận chúng do
Đức Chúa Trời đọc cho ông, hay bằng một cách đặc biệt nào khác. Cách nói
như thế bỏ ngỏ vấn đề Đức Chúa Trời đã mạc khải ý chỉ Ngài như thế nào
cho Môi-se. Lắm khi, dường như đã có một tiếng phán trực tiếp; nhiều lần
khác, có lẽ là do một ấn tượng, một cảm tưởng nảy sinh trong lòng, đóng ấn
của Đức Chúa Trời trên việc áp dụng các luật lệ đã được thừa nhận giữa
vòng các dân tộc Semitic.
Về sách Sáng Thế Ký thì Môi-se đã viết ra chủ yếu như một biên tập viên
đúc kết tài liệu. Cũng như các sử gia khác, ông sử dụng các bản ký thuật
cùng thời với các biến cố chúng mô tả. Có lẽ trong nhiều trường hợp, ông đã
hành động như một dịch giả hay người thông dịch, cắt nghĩa lại rõ ràng
những câu chuyện xưa cho người thời ông hiểu.
Quyền trước giả của Môi-se nói chung cũng phù hợp với một số ít những
đoạn được thêm vào về sau, như Dan Ds 12:3; 21:14, và phần ký thuật về sự
qua đời của Môi-se; và sở dĩ có những đoạn sách đó là nhằm giúp cho người
đọc, hoặc cập nhật hóa các quyển sách, chẳng hạn như SaSt 12:6; 13:7 và
nhiều phần trong 36:9-43. Các địa danh cũ có thể đã được hiện đại hóa.
XuXh 1:11 đưa ra một thí dụ gần giống như vậy vì theo những bằng chứng
tốt nhất thì không hề có một Pha-ra-ôn nào có tên là Rameses trị vì trước
thời Môi-se, trong khi người ta được biết là Rameses II (1.300-1.225) là
người vẫn thường nhận vơ công trình của các vua tiền bối, và lấy tên mình
đặt lại cho nhiều thành phố. Cũng rất có thể Môi-se đã viết ra tên chính của
các thành phố ấy, nhưng khi người ta thấy rằng tên ấy đã lỗi thời, thay vào
bằng tên mới.
Cũng có giả thiết cho rằng thỉnh thoảng có người thêm một chút chi đó vào
chính luật pháp nhằm đáp ứng một vấn đề vốn chưa được đặt ra vào thời của
Môi-se. Toàn bộ luật pháp vẫn được gọi là 'luật pháp Môi-se' theo nghĩa là
đã có một vài thêm thắt nhỏ vào công trình cốt yếu của ông.
Nếu có một số học giả Kinh Thánh chủ trương rằng các phần ký thuật quả
thật là của Môi-se đã được sắp xếp lại để có phần hình thức như hiện nay
vào thời của Giô-suê hay một thời gian ngắn sau đó, nhưng vẫn nhấn mạnh
rằng tất cả những gì đã được viết hoặc nói ra nhất định vốn thật sự là của
ông, thì chẳng có gì bất nhất cả.
GIẢ THUYẾT CỦA WELLHAUSEN
Ở đây, thiết tưởng không cần phải vạch ra những nét chính, lịch sử và sự
phát triển của điều mà ngày nay mọi người vẫn gọi là giả thuyết của
Wellhausen. Ở một chỗ khác trong sách này, chúng tôi đã lưu ý đến các
thuyết duy vật đầy thiên kiến và chống lại siêu nhiên. Thành kiến này không
thể giải quyết được vấn đề chân lý hoặc ngụy lý trong các kết luận của lý
thuyết này và sẽ được khảo xét ở đây.
Bố cục sau đây tiêu biểu cho các kết luận tổng quát của các học giả tiêu biểu
như J.Wellhausen, S.R.Driver, W.O.E.Oesterley và T.H.Robinson. Chúng
tôi chỉ có thể đưa ra những kết luận tổng quát mà thôi, vì thường có sự bất
đồng ý kiến rất lớn về các vấn đề chi tiết.
Người ta đã tưởng tượng rằng có một thời kỳ, dân Y-sơ-ra-ên không có ký
thuật thành văn. Trong các thành phố, quanh ngọn lửa trại, người ta kể lại
cho nhau những chuyện tích của thời xa xưa và những việc lớn lao Đức
Chúa Trời đã làm. Các nơi thánh và đền thờ ở khắp nơi trong xứ là các trung
tâm sưu tập những chuyện kể ấy. Các đền thờ ấy tranh đua nhau truy nguyên
nguồn gốc đền thờ mình từ một trong các vị anh hùng xa xưa nào đó, hoặc
từ một hành động nào đó của các vị anh hùng ấy, là do sự hiển linh của một
vị thần. Các thầy tế lễ của các đền thờ thường được nhờ cậy để đưa ra những
quyết định có tính cách hợp pháp và đạo đức, và những quyết định như thế
thường được ghi nhớ và tạo thành một bộ phận nhỏ của sách Torah hay 'sách
luật pháp'.
Có hai trước giả giữa những năm 900 và 750 TC, đã viết lại một số các câu
chuyện và luật pháp đó. Vị đầu tiên trong hai vị ấy được biết là J, vì ông ta
tin rằng tên thiêng liêng của Giê-hô-va (Jehovah hay Yahweh) vốn đã được
loài người biết đến ngay từ thời nguyên thủy. Ông ta chú ý phần lớn đến
vương quốc miền Nam, cũng như dân cư và các đền thờ tại đó. Quan niệm
của ông ta về Đức Chúa Trời đơn giản và ấu trĩ: Đức Giê-hô-va đã lấy đất
sét nặn nên loài người, đi dạo trong vườn, ngự xuống để xem người ta xây
tháp Ba-bên. Trước giả này chú trọng đến nguồn gốc các tên người, như tên
A-đam tên các con trai Gia-cốp. Các câu chuyện của ông nhấn mạnh vào bài
học là Đức Chúa Trời phạt ác, thưởng thiện.
Trước giả thứ hai là E, quan tâm nhiều hơn đến vương quốc miền Bắc, tuy
ông ta rất quen thuộc với các vấn đề Ai Cập. Ông không tin rằng danh Giê-
hô-va đã được người ta biết đến trước khi Ngài tự mạc khải cho Môi-se
trong bụi gai cháy (XuXh 3:14,15). Do đó, ông ta gán danh Ê-lô-him cho
Đức Chúa Trời trước giai đoạn đó. Quan điểm của ông về Đức Chúa Trời ít
có hình dáng giống như con người hơn, cho nên thích được thấy Đức Chúa
Trời tự bày tỏ Ngài ra, mạc khải ý chỉ Ngài, qua những giấc chiêm bao (SaSt
20:3)hoặc bằng những tiếng phán từ trời (SaSt 21:17).
Cả J lẫn E đều có một bộ phận luật pháp được bảo là do Đức Chúa Trời ban
bố cho Môi-se trên núi. Bản E thường được gọi là 'sách giao ước' và xuất
hiện trong XuXh 20:22; 23:19. Bản J cũng vậy, tuy ngắn hơn, và có thể tìm
thấy trong XuXh 34:10-28.
J và E có thể được xem là công trình của hai cá nhân hoặc mỗi tập tài liệu là
kết quả của nhiều tác giả. Vào một niên đại rất sớm, J và E được đúc kết lại
thành một quyển sách duy nhất. Thỉnh thoảng người làm công tác để các
đoạn sách trong hai tập tài liệu cũ riêng rẽ nhau, nhưng 'thỉnh thoảng chúng
được đan dệt vào nhau chặt chẽ, mật thiết đến nỗi không ai có thể tách rời ra
một cách chính xác và chắc chắn được' (Oesterley và Robinson).
Tập tài liệu sau đó được biết là D, vì nó gồm phần lớn sách Phục Truyền
Luật Lệ Ký (Deuteronomy). D có liên hệ với E, do đó, có liên hệ với miền
Bắc. Nó có thể chính là quyển sách luật pháp đã được tìm thấy trong đền thờ
dưới thời trị vì của Giô-si-a năm 62 TC (IIVua 2V 22:1-23:37). Lý do đồng
nhất hóa như vậy là vì công cuộc cải cách của Giô-si-a đi theo các đường lối
đã được qui định trong D, nhất là trong mối liên hệ với ngôi đền thờ duy
nhất, là nơi thờ phượng Đức Giê-hô-va. Người ta phỏng đoán rằng sách ấy
do một nhóm người thuộc linh, sốt sắng của vương quốc miền Bắc, có liên
hệ ít nhiều với các nhà tiên tri hồi thế kỷ thứ tám, nhất là với Ô-sê, đã đúc
kết ra. Các trước giả có quan điểm nhân bản mạnh mẽ, có nhiều thiện cảm
với những kẻ nghèo và người bị áp bức. Cùng một trường phái các nhà viết
sách ấy cũng đã viết phần sử ký và các luật pháp nguyên thủy (nhưng không
viết sách Sáng Thế Ký) và có thêm thắt, chú giải một vài chỗ.
Một tài liệu khác nữa được tìm thấy trong LeLv 17:1-26:46 đề cập chủ yếu
sự tẩy sạch của nghi lễ. Do đó, nó được gọi là H, chỉ về sự thánh khiết
(Holiness). Có chỗ rất giống nhau giữa H và sách Ê-xê-chi-ên và người ta
lấy đó để chủ trương rằng sách Ê-xê-chi-ên có trước H. Nhưng nhiều tác giả
ngày nay tin rằng sách Ê-xê-chi-ên lệ thuộc H, và H có trước cả D, trong khi
D với miền Bắc, còn H thì thuộc về miền Nam.
Cuối cùng có một tài liệu P hay Luật về chức vụ tế lễ (Priestly Code) đã
được viết ra. P được nhận ra do phần 'bút pháp cao xa nhưng đúng đắn, cách
sắp xếp có thứ tự, các bảng gia phổ được ghi chép cẩn thận, việc thích đưa ra
các chi tiết chính xác của các con số và các niên đại, và việc quan tâm đến
tất cả những gì có liên hệ đến phần lễ nghi. Cũng như E, P không tin rằng
danh Giê-hô-va đã được biết từ thời Sáng Thế Ký, vì ông có một đoạn nêu
danh đó trong XuXh 6:3. Các thí dụ điển hình của P là câu chuyện sáng tạo
trời đất cách có thứ tự trong SaSt 1:1-2:4 các chi tiết của đền tạm và phần
nghi lễ trong các của lễ.
Cho dù P chứa đựng phần tài liệu sớm hơn, hình thức cuối cùng của nó được
phe các thầy tế lễ viết ra trong thời gian lưu đày. Vì bị cắt đứt khỏi đền thờ,
bị ngoại giáo bao vây, họ đã cố công ra sức kiến tạo luật Do Thái giáo độc
quyền, nhấn mạnh và phục hồi mọi sự trong lịch sử và sự thờ phượng của
người Do Thái khiến người ta phân biệt dễ dàng với ngoại giáo. P được cho
là quyển sách luật pháp thông dụng, đã được E-xơ-ra đọc cho toàn dân nghe
trong NeNe 8:1-18. Theo niên đại được định cho E-xơ-ra, tài liệu này chắc
đã có vào khoảng năm 398 TC.
Sau cùng, có một người hoặc một nhóm người đúc kết đã kết hợp tất cả các
tài liệu vừa kể thành một toàn khối tức là bộ Ngũ Kinh của chúng ta ngày
nay. Qua những lần tái bản và san nhuận, thỉnh thoảng cần có những điều
phải thêm vào, và có một vài phần được vá víu nhiều hơn những phần khác.
'Nhưng ngay từ đầu thế kỷ thứ hai TC, luật pháp đã được xem như một toàn
khối duy nhất, rõ ràng là không bị dị nghị gì về nguồn gốc phức hợp của nó.
Chúng ta sẽ không sai lầm lắm nếu gán cho việc nó được hoàn tất lần cuối
cùng một niên đại trễ hơn năm 300 TC'.
NGOẠI CHỨNG
Điều thừa nhận được trích dẫn trong phân đoạn trên đây rất quan trọng. Đó
là sự kiện “đầu thế kỷ thứ hai TC, luật pháp được xem như một toàn khối
duy nhất, và hiển nhiên không bị nghi ngờ về nguồn gốc phức hợp của nó”.
Thấy rằng Ngũ Kinh phải là phần đầu tiên của Cựu Ước cần được dịch sang
Hi văn, cho nên vào thế kỷ thứ ba, bản dịch đó đã được bắt đầu. Nhưng thật
là khó dung hòa việc đó với việc nó vừa được hoàn tất chỉ mấy năm trước
đó.
Các niềm tin và tập tục tôn giáo luôn luôn có khuynh hướng trở thành cố
định, nhất là giữa vòng dân Do Thái, và bất kỳ một sự canh tân nào cũng gây
nên chống đối dữ dội. Ta có thể nào tin được rằng làm sao có cả một bộ luật
mượn danh Môi-se đem ra áp đặt trên toàn dân mà lại không bị đem ra để
đặt thành vấn đề hay không?
Vấn đề này lại trở thành đặc biệt bén nhọn khi được biết còn có một bộ Ngũ
Kinh Sa-ma-ri. Ngoài một vài chỗ cách viết có khác nhau, phần cốt yếu của
bản ấy giống y các nguyên bản Massoretes và Bảy Mươi. Do đó, rõ ràng là
hoặc nó có nguồn gốc sau niên đại mà giới phê bình hiện đại gán cho bộ
Ngũ Kinh được hoàn tất, hoặc là toàn thể thuyết ấy phải được triệt để duyệt
xét lại.
Bản sao bộ Ngũ Kinh hiện được cộng đồng nhỏ bé người Sa-ma-ri giữ tại
Nablus được viết bằng chữ vàng theo lối cổ tự được sử dụng trước lối chữ
Hy-bá-lai vuông, thông dụng vào khoảng đầu kỷ nguyên Cơ Đốc giáo. Có
một ghi chú bảo rằng sách ấy được viết ra năm thứ mười ba sau khi 'Abisa
con trai A-rôn' đánh chiếm xứ Palestine; mà điều này chắc chắn phù hợp với
một truyền thống rất xưa. Nhiều bản sao khác hiện có tại Thư viện John
Rylands, Manchester, có một bản được giáo sư Robertson xếp vào 'nhiều thế
kỷ' trước một bản khác được định niên đại là năm 1.211 SC.
Bất chấp truyền thống, nhiều học giả vẫn đề nghị nhiều niên đại khác nhau
cho lần đầu tiên bộ Ngũ Kinh được đặt vào tay cộng đồng Sa-ma-ri. Người
ta bảo rằng (1) nó là một (hay nhiều) bản sao được giữ lại của vương quốc
miền Bắc từ thời Rô-bô-am, hoặc (2) nó được thầy tế lễ được đề cập trong
IIVua 2V 17:28, được phái trở về dạy dỗ người Y-sơ-ra-ên và các dân mới
di cư đến biết 'phải thờ lạy Đức Giê-hô-va làm sao', đem về.
Thiết tưởng không cần nói rằng nếu một trong bất cứ giả thuyết nào trong số
các giả thuyết trên là đúng, thì toàn thể thuyết phê bình về cách định niên đại
đều bị đổ nhào.
Josephus có một câu chuyện (trong Antiquities 11:7,8) kể rằng, dưới thời A-
lịch-sơn Đại Đế (khoảng 330 TC), có một người tên là Ma-na-se, em trai
thầy tế lễ thượng phẩm, cưới một con gái của San-ba-lát và bị trục xuất khỏi
Giê-ru-sa-lem. San-ba-lát xây ngay cho ông ta một đền thờ trên núi Ghê-ri-
xim. Do đó, có người nghĩ rằng bộ Ngũ Kinh đã do Ma-na-se đem về cho
dân Sa-ma-ri. Nhưng theo NeNe 13:28, thì dường như Josephus nhầm lẫn về
niên đại, đáng lẽ phải xếp vào khoảng năm 430 TC. Nhưng chính việc này
cũng làm hại cho số người đã định niên đại cho việc số tài liệu P đã được
đưa vào xứ Palestine khoảng ba mươi năm sau đó, và việc hoàn tất bộ Ngũ
Kinh vào một niên đại còn muộn màng hơn nữa. Chính giả thuyết đó tự nó
cũng có vẻ không đúng, vì nó ép buộc dân Sa-ma-ri tiếp nhận một quyển
sách luật của kẻ thù mà họ cay cú nhất, và bộ luật ấy lại áp đặt trên họ những
hạn chế vốn là nguyên nhân chính đã gây ra mối thù ấy.
Nếu không thừa nhận niên đại Josephus đưa ra là phải chấp nhận một diễn
trình càng dễ bị phê phán hơn khi phải bày đặt ra một San-ba-lát khác, để tái
hành động như câu chuyện trong NeNe 13:1-31. Mà nó cũng không hoàn
toàn giải tỏa được chỗ khó khăn, vì mối thù giữa dân Do Thái và Sa-ma-ri
lúc ấy không hề giảm bớt, và toàn bộ Ngũ Kinh theo thuyết ấy - vẫn chỉ còn
là một bộ sách mới được biên soạn.
Những ai chấp nhận thuyết Wellhausen còn phải vượt qua một khó khăn
nữa, vì họ chủ trương rằng hệ thống phân tích của họ có thể chứng minh
được rằng Giô-suê có thể được chia ra cho cùng các trước giả J, E, D và P,
do đó Ngũ Kinh của Môi-se phải kết hợp với Giô-suê thành một toàn khối
duy nhất. Nếu thế thì tại sao người Sa-ma-ri lại không chịu chấp nhận như
vậy? Câu trả lời được đưa ra, là vì người Do Thái đã tách rời sách Giô-suê ra
khỏi các sách kia vì chiếc hố to rộng dường như đã phân cách chúng với
nhau, và việc chia cắt ấy hoàn toàn có tính cách giả tạo. Tuy nhiên, đã không
hề có ngoại chứng hiển nhiên nào được đưa ra để hậu thuẫn cho việc đó.
Chính từ ngữ Ngũ Kinh (Pentateuch) mà các tác giả Cơ Đốc thời kỳ đầu tiên
(như Origen, Tertullian) dùng được kết hợp với truyền thống cổ của Do Thái
giáo bảo rằng năm sách ấy là 'năm phần năm của luật pháp'.
Khảo xét thật cẩn thận mấy trăm khúc sách trong Cựu Ước liên hệ đến luật
pháp và cho thấy các khúc sách ấy đã ám chỉ rất nhiều đến nội dung của năm
quyển sách đầu tiên, nhưng đã không hề có lời ám chỉ nhỏ nhoi nào ngụ ý
rằng sách Giô-suê được kể là một trong số các sách đó.
Nếu chúng ta chấp nhận phần ký thuật các sách ấy nói về chính chúng, thì
những điểm khó khăn sẽ tan biến, và các sự kiện trong đó cho phép chấp
nhận một cách giải thích tự nhiên. Gợi ý của giáo sư E.Robertson bảo rằng
Sa-mu-ên và trường dạy tiên tri chịu trách nhiệm việc hoàn tất bộ Ngũ Kinh
đã thoát khỏi các phản bác vừa được nêu ra trên đây, và là một bằng chứng
quan trọng chống lại bất kỳ một niên đại muộn màng nào; nhưng cho dù Sa-
mu-ên hay bất luận một ai khác đã có đóng một vai trò nào trong việc sắp
xếp bộ Ngũ Kinh để có phần hình thức cuối cùng như hiện có, sự thật vẫn là
đã không hề có tên một nhân vật nào khác hơn Môi-se đã được gán cho Ngũ
Kinh. Về phương diện này, chúng ta có thể so sánh Ngũ Kinh với Thi Thiên.
Tuy truyền thống gán Thi Thiên cho Đa-vít, các nhan đề vẫn truyền lại nhiều
tên khác. Nhưng trong toàn thể nền văn học Hy-bá-lai người ta đã không
thấy có một tác giả Do Thái nào đã bênh vực hay tranh luận về vấn đề truyền
thống liên hệ đến bộ Ngũ Kinh.
BẰNG CHỨNG NGỮ HỌC
Trong cuốn Thánh Kinh Chỉ Nam này, chúng tôi không thể viết đầy đủ chi
tiết về vấn đề ngữ học. Các bạn quan tâm xin tìm đọc các sách của giáo sư
R.Dick Wilson, nhan đề 'A Scientific Investigation of the Old Testament' và
'Is the Higher Criticism Scholarly?'. Giáo sư Dick Wilson là một nhà ngôn
ngữ học uyên thâm về các cổ ngữ Đông Phương. Có hậu thuẫn rất mạnh mẽ
về phương diện ngữ học cho quan điểm bảo thủ do sự kiện tuy tìm thấy
nhiều từ ngữ Ba-tư trong các sách Sử Ký, E-xơ-ra, Nê-hê-mi, Ê-xơ-tê và Đa-
ni-ên, người ta đã không tìm được một chữ nào trong bộ Luật về chức vụ tế
lễ (P), tuy người ta đã giả định rằng bộ luật ấy do trường phái được kết hợp
với E-xơ-ra. Từ một quan điểm khác, giáo sư A.S.Yahuda đã chứng minh
rằng có rất nhiều dấu vết về ảnh hưởng của Ai Cập trên ngôn ngữ và tư
tưởng của bộ Ngũ Kinh, như để minh chứng rằng Môi-se là trước giả.
Không ai chối cãi việc đã có khác nhau về bút pháp và cách diễn tả trong
Ngũ Kinh, nhưng việc đó có thể cho là do sự kiện trong Sáng Thế Ký, Môi-
se đã sử dụng tài liệu trước đó do nhiều tác giả khác nhau để lại, và nhiều
chủ đề khác nhau đòi hỏi nhiều bút pháp và từ vựng khác nhau là điều không
thể nào tránh được. Nhà phê bình chân chính không thể tìm trong các khúc
sách thiên về hình thức, như bảng gia phổ, các giao ước trang trọng và
những hướng dẫn về nghi lễ để độc đoán gán cho nhiều tác giả khác nhau
căn cứ vào phần từ vựng chính xác và đúng hình thức tìm thấy ở đó.
NỘI CHỨNG
Lập luận cho rằng Ngũ Kinh có nhiều tác giả, nêu lên những chỗ bất đồng và
mâu thuẫn là một thanh gươm hai lưỡi. Các học giả hiện đại đã cung ứng
cho chúng ta một con số khá đầy đủ về các nhà biên tập và đúc kết đã 'nhồi
nặn' một tài liệu để tạo ra sự hài hòa như một toàn khối. Phải chăng đã
không hề có ai trong họ đã khám phá được những mâu thuẫn thường được
nhấn mạnh là 'hiển nhiên'? Mặt khác, điều hết sức thông thường trong giới
phê bình, ấy là ở những chỗ mâu thuẫn càng có vẻ hiển nhiên trên bề mặt lại
rất có thể là đã không hề mâu thuẫn gì cả, mà chỉ cần một lời giải thích đơn
giản thường là tất cả các sự kiện được phơi bày dưới mắt chúng ta là những
điều tác giả hay nhà biên tập đã biết.
Phần lớn sự bất đồng ý kiến nêu ra đều giả tạo. Thí dụ như việc nghiên cứu
cẩn thận các luật lệ sẽ chứng minh rằng chúng thuộc về cùng một toàn thể
đồng nhất, nếu phần ký thuật được cho là đúng, như bố cục dưới đây sẽ vạch
rõ:
1. Mười Điều Răn (XuXh 20:1-26 là bộ luật đạo đức do chính Đức Giê-hô-
va truyền phán trực tiếp cho hội chúng mà tai họ đã nghe (PhuDnl 5:22).
2. Trong XuXh 20:22; 23:33; 24:3-9, công bố qua Môi-se một số những lời
giáo huấn về tôn giáo, đạo đức và xã hội tạo thành nền tảng của một giao
ước mà dân sự chấp nhận.
3. Trong XuXh 24:12, cho đến 31:1-18, Môi-se nhận được Mười Điều Răn
bằng chữ viết, cùng với những huấn thị chi tiết liên hệ đến đền tạm.
4. Giao ước đã được tái lập trong XuXh 34:10-27 vì dân sự đã phá vỡ giao
ước và thờ lạy bò vàng. Vì chỉ phần bên Đức Chúa Trời bị vi phạm, nên
cũng chỉ có phần ấy là được tái lập, cùng với những lời cảnh cáo mới chống
lại sự thờ hình tượng.
5. Trong Lê-vi Ký, Môi-se nhận được trong đền tạm những lời chỉ giáo về
đời sống và sự thờ phượng của một dân tộc đã được gọi đến sự nên thánh, và
đã được chép lại, có lẽ được dùng như một quyển chỉ nam dành cho các thầy
tế lễ.
6. Các đoạn về luật pháp trong Dân Số Ký ghi lại nhiều loại luật lệ đa tạp và
những huấn thị cho tổ chức chính trị.
7. Phục Truyền Luật Lệ Ký là sách tóm tắt các luật lệ đã được ban bố khi đa
số những kẻ hiện còn sống đã không có mặt tại núi Si-na-i, một bài giải luận
cho dân chúng để chuẩn bị cho họ vào đất hứa.
Với Cơ Đốc nhân thì việc Đấng Christ thừa nhận truyền thống Do Thái
không phải là không quan trọng. Không ai có thể phủ nhận việc Ngài rất
quen biết Ngũ Kinh, vì Ngài gán các phần đề cập luật pháp cho Môi-se (Mat
Mt 8:4; 19:8; Mac Mc 7:10; LuLc 20:37; GiGa 7:19). Ngài đã quở trách dân
Do Thái là chỉ 'giữ theo truyền khẩu của người ta', nhưng chẳng bao giờ xếp
luật Môi-se vào số các truyền khẩu mà họ đã gán cho Môi-se đó. Nếu những
chỗ khó hiểu, ý tưởng mâu thuẫn, thô thiển mà quan trọng đến nỗi có người
muốn cho chúng ta phải biết, phải tin, thì chắc con mắt thấu suốt của Đấng
Christ đã không hề bỏ qua.
Không nên bảo rằng không có những điểm khó khăn, cũng không hề bảo
rằng chỉ phần nội chứng thôi đã đủ chứng minh rằng Môi-se là trước giả bộ
sách ấy. Nhưng chúng tôi chỉ dành vừa đủ chỗ cho các phương pháp tư
tưởng theo lối Đông Phương và cho các yếu tố chưa biết rõ về một thời kỳ
quá xa xôi trong lịch sử thế giới, để bảo rằng chỉ cần đọc kỹ phần ký thuật
đã đủ thấy chẳng có gì là không kết hợp được với quan điểm chủ trương
rằng bộ Ngũ Kinh, như hiện có là do Môi-se viết, hoặc đúc kết từ các tài liệu
đồng thời với ông và phần lớn là do chính ông viết.
SÁNG THẾ KÝ
TRƯỚC GIẢ, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Vấn đề trước giả đã được bàn đến trong phần dẫn nhập cho đoạn này, nhưng
có thể thêm vào vài điểm. Khi nói Môi-se là trước giả Sáng Thế Ký, phải
nhớ rằng các nội dung trần thuật đã có từ rất lâu trước đó, và phần lớn được
coi là những bản gia phả đã được cha truyền con nối, như điều chắc chắn có
thật giữa các dân tộc đã văn minh của thế giới thời cổ.
Phần trần thuật của các tộc trưởng chắc cũng đã được Gia-cốp và các con
đem sang Ai Cập. Họ là những người đã kể lại đầy đủ chi tiết đời sống Áp-
ra-ham và Gia-cốp. Các chương đầu Gia-cốp chắc chắn có mang dấu vết về
ảnh hưởng của Ba-by-lôn, và có lẽ cũng đã được phiên dịch và đó là điều
cần nhớ khi chúng ta gặp trong bản văn những khó khăn về văn học. Có thể
nhận thấy ảnh hưởng Ai Cập trong cả sách, và tốt nhất là nên kể tới giả định
Môi-se đã đúc kết Sáng Thế Ký trong lúc ông ở Ai Cập.
PHÂN TÍCH
SaSt 1:1-5:32.
Công cuộc sáng tạo trời đất và thời nguyên thủy của loài người.
SaSt 6:1-9:29.
Cơn nước lụt.
SaSt 10:1-11:32.
Nguồn gốc các dân tộc.
SaSt 12:1-18:33.
Cuộc đời Áp-ra-ham.
SaSt 19:1-26:35.
Cuộc đời Y-sác.
SaSt 27:1-36:43.
Cuộc đời Gia-cốp.
SaSt 37:1-50:26.
Những ngày cuối của Gia-cốp và cuộc đời Giô-sép.
NỘI DUNG
Cũng như đặc điểm của toàn bộ Kinh Thánh, các câu chuyện chép trong
Sáng Thế Ký được chọn không phải vì lý thú hay có tầm quan trọng chính
trị, nhưng vì liên hệ với chủ đích cứu chuộc lớn lao của Đức Chúa Trời, và ý
nghĩa trọng đại trong cách đối xử của Đức Chúa Trời với nhân loại.
Bắt đầu với công cuộc sáng tạo vũ trụ, chúng ta được cho biết con người
được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời, để thế gian được có dân cư là
những sinh vật biết bước đi theo đường lối Ngài. Tiếp theo là sự xâm nhập
của tội lỗi, và khi tội ác cứ gia tăng, Đức Chúa Trời đã đoán phạt bằng nạn
lụt. Nhưng giữa những gian ác đó, Kinh Thánh đã ghi lại, Hê-nóc là người
đồng đi cùng Đức Chúa Trời, và Nô-ê là người công chính cùng gia đình
được bảo tồn trong một chiếc tàu.
Ngay từ lời ám chỉ đầu tiên về việc một Cứu Chúa hay Đấng Chinh Phục sẽ
đến trong [dc Sa 3:15 , chúng ta thấy Đức Chúa Trời đang chuẩn bị một dân
làm phương tiện mạc khải tối hậu về chính Ngài cho thế giới trong tình yêu
thương. Giao ước của Ngài với Áp-ra-ham không những chỉ liên quan đến
dòng dõi ông, nhưng còn là phước hạnh cho cả nhân loại qua hậu duệ của
Áp-ra-ham (SaSt 12:2,3 so sánh với GaGl 3:16). Dòng phước hạnh tiếp tục
mà chúng ta có thể tìm thấy trong các bảng gia phổ đã được lưu giữ hết sức
cẩn thận cái giá trị gắn liền với việc thừa kế phước hạnh được phán hứa.
Các con trai Gia-cốp đã họp thành một quốc gia gồm nhiều chi tộc, được
mệnh danh là dân Chúa; Giu-đa được chọn để nắm quyền 'cho đến chừng
Đấng Si-lô hiện tới' (SaSt 49:10). Sáng Thế Ký phải được đọc trong ánh
sáng của Tân Ước để có thể rút ra các bài học về đức tin (HeDt 11:1-40), về
chủ đích của Đức Chúa Trời muốn xây dựng cho Ngài một đền thờ thuộc
linh (Cong Cv 7:1-60), để thấy trước hình bóng về chức vụ tế lễ của Đấng
Christ (HeDt 7:1-28)và để liên kết những ngày đầu tiên của loài người trong
vườn Ê-đen với mục đích tối hậu của họ trong thiên đàng của Đức Chúa
Trời (KhKh 22:1-21).
Công cuộc sáng tạo trời đất.
Ta có thể tìm được phần ngoại sử về thế giới được biểu hiện qua các đền đài
của quá khứ trong chương 7. Ở đây, có một sổ ghi chú đối với những phần
đặc biệt trong câu chuyện Kinh Thánh nhằm giúp dễ hiểu hơn.
Câu chuyện về công cuộc sáng tạo trời đất được kể lại bằng hai phần ký
thuật kế tiếp nhau ([dc Sa 1:1-2:3 và 2:4-25); mấy lời mở đầu 2:4 phải được
đọc là 'sự việc đã xảy ra như sau' trong những khúc sách tương tự. Phần ký
thuật đầu tiên liên quan đến vũ trụ; rõ ràng là chịu ảnh hưởng văn hóa Ai
Cập (chú ý trong câu 2:21, chữ được dịch là cá lớn là tannin: cá sấu, chớ
không phải cá voi), và có thể được xem như một khải tượng đã được ban cho
Môi-se. Câu chuyện thứ hai kể lại nguồn gốc loài người theo quan điểm của
A-đam, và chắc là tiêu biểu cho một câu chuyện truyền khẩu rất xưa. Câu
chuyện trước phù hợp hết sức lạ lùng với các phát giác khoa học, chẳng hạn
như ánh sáng vốn có trước, mà vận tốc của nó là yếu tố căn bản trong thuyết
tương đối của Einstein. Các giai đoạn lần lượt xuất hiện muôn loài, nước rồi
đất, cây cỏ, đời sống trong nước, các sinh vật biết bay, loài thú và con người,
tương hợp với các ghi nhận của địa chất học. Chắc chắn là chương sách này
không hề được viết ra nhằm dạy khoa học hay giúp con người đỡ tốn công
nghiên cứu nên thật vô lý nếu giả thiết rằng trước giả nói đúng những điều
vừa kể do may rủi hay dựa vào các thần thoại Ba-by-lôn bằng một quá trình
lọc lựa, và nếu vậy thì còn kỳ lạ hơn cả quan điểm chủ trương phần ký thuật
này do mạc khải.
Trong văn học Hy-bá-lai chữ 'ngày' không luôn luôn hiểu theo nghĩa đen, và
ở đây cũng vậy. (chẳng hạn xem EsIs 2:12 và so sánh với GiGa 5:17, với
HeDt 4:3 và tt, liên hệ với ngày thứ bảy; cũng xem thêm IIPhi 2Pr 3:8). Các
ngày có thể chỉ các giai đoạn trong sự mạc khải hay các thời đại; dầu sao,
chúng cũng chỉ về một diễn biến có trật tự. Điểm nhấn mạnh của chương
sách kỳ diệu này khiến nó xứng đáng mở đầu cho phần ký thuật của Đức
Chúa Trời, là nhấn mạnh đến Đức Chúa Trời với tư cách Đấng Tạo Hóa
muôn vật và đến con người là tạo vật theo hình ảnh của chính Ngài.
Chương hai mở rộng câu chuyện tạo dựng con người. Các sự việc được trình
bày theo thứ tự luận lý hơn là theo thứ tự thời gian. Như thế, việc tạo nên thú
vật được đề cập tạo một vị trí thích hợp để giải thích đã không có một con
vật nào có thể kết bạn cho xứng với A-đam được (SaSt 3:19,20). Đã không
có phần mô tả công cuộc sáng tạo đời sống thảo mộc nguyên thủy, nhưng
chương sách chỉ đề cập việc tạo ra hay lợi dụng các cây cỏ và hoa quả ăn
được tại một vùng đặc biệt nào đó trên địa cầu, bằng một hình thức thích
hợp là gieo trồng (SaSt 2:8,9). Có thể ghi nhận rằng một vài nhà nhân loại
học từng định niên đại cho con người văn minh hiện đại - vì nó vốn khác xa
các loại người nguyên thủy - căn cứ vào các dấu hiệu đầu tiên về việc canh
tác, mà họ xếp vào khoảng 6.000-8.000 năm TC. Các chi tiết về địa dư đã
được đề cập ở trang 83-85.
Các bảng gia phổ.
Trong chương 5 chúng ta có loạt đầu tiên các bảng gia phổ tiêu biểu. Chúng
ta thử xem chúng từ đâu ra. Không ai thấm nhuần tư tưởng Hy-bá-lai lại
dám cho các bảng gia phổ ấy là bịa đặt, và nói chung thì các học giả đều
thừa nhận rằng chúng vốn rất cổ. Chúng không thể được dùng làm nền tảng
cho việc tính toán các niên đại, và chúng cũng không hề được các sách xưa
sử dụng vào việc đó. Mục đích các bảng gia phổ là nhằm nêu lên các bài học
thuộc linh, trong đó có sự thành tín của Đức Chúa Trời đối với những kẻ
được thừa kế lời hứa. Lu-ca vạch ra tổ tiên theo dòng giống tự nhiên của
Đấng Christ là A-đam, con người đầu tiên; Ma-thi-ơ thì phăng theo dòng
vua, qua Áp-ra-ham. Trong bảng gia phổ cuối cùng, cần chú ý là có một vài
tên đã bị bỏ sót để làm tròn ba danh sách gồm ba nhóm, mỗi nhóm mười bốn
người và rất có thể là trong SaSt 5:1-32, chúng ta cũng chỉ có một danh sách
chọn lọc gồm những nhân vật tối quan trọng thôi.
Con người cổ đại.
Việc phát giác các bộ xương (hay một phần các bộ xương) người
Neanderthal và các giống người khác - hay các sinh vật giống người - đã đặt
ra nhiều vấn đề mà trong tình trạng hiểu biết hiện nay của chúng ta, vẫn
chưa thể trả lời dứt khoát. Các giai đoạn bao la của thời cổ đại mà một số
các nhà nhân chủng học gán cho chúng được căn cứ trên những cơ sở hết
sức bấp bênh, còn số người biết suy nghĩ nghiêm túc thì chỉ phát biểu hết
sức dè dặt về các di tích tiền sử ấy. Một số tác giả nghĩ rằng phải đẩy lùi
việc tạo dựng A-đam trở về thật xa, và 'những con vật-người' ấy có lẽ là
những chủng tộc vô cùng man rợ, 'thoái hóa'; một số khác thì cho đó là
những loài sinh vật ở cấp bậc thấp hơn con người, rồi đến thời của A-đam,
Đức Chúa Trời mới lấy sinh khí thổi vào ông để tạo ra giống người thật sự,
có thể thông công với Ngài.
Sự sa ngã.
Hai chương SaSt 2:1-3:24 có nhiều điểm rất giống với hai chương cuối cùng
của sách Khải Huyền, và trong các chương ấy, thật là khó đoán định đến đâu
thì nghĩa đen chấm dứt và nghĩa biểu tượng bắt đầu. Nhưng một Cơ Đốc
nhân nhận thức được tấm lòng đầy tội lỗi của mình thì không thể nào đọc
câu chuyện về sự sa ngã mà không tin chắc sâu xa vào phần chân lý cốt yếu
của nó, và nó vốn tiềm tàng trong phần giáo lý của Tân Ước (RoRm 5:12;
ICo1Cr 15:21; KhKh 2:7). A-đam vốn được tạo dựng như một hữu thể xoay
quanh Đức Chúa Trời, tùy thuộc Đức Chúa Trời ở mọi mặt của đời sống và
cứu cánh là được thông công với Ngài. Ông cũng đồng thời được tạo dựng
với quyền tự do chọn lựa để biết rõ điều thiện, điều ác, và để trở thành người
tự quyết định đời mình theo mức độ hiểu biết đó và vì thế, có khả năng tự kỷ
trung tâm (Self-centred). Do lòng kiêu ngạo, ông đã sa ngã và trở thành -
như danh từ của Brunner - 'Con Người Nổi Loạn', mà hậu quả là tình trạng
vô trật tự và chết. Điều đó không đòi hỏi chúng ta tin rằng trước khi loài
người sa ngã, đã không có loài thú nào phải chết cả, nhưng nó chỉ có nghĩa
rằng sự chết của loài người là sự hình phạt đối với tội lỗi.
TrongSaSt 3:15 đã có lời hứa đầu tiên về sự cứu chuộc, được ứng nghiệm tại
Gô-gô-tha, khi tuy là nhằm giờ của quyền lực của sự tối tăm, vua của đời
này đã bị xua đuổi (LuLc 22:53; GiGa 12:31; KhKh 12:9,11). Trong SaSt
3:21, phần ký thuật nhấn mạnh sự kiện Đức Chúa Trời đã làm những 'chiếc
áo bằng da thú', gợi ý rằng sự hi sinh mạng sống là cần thiết để 'che đậy' tội
lỗi và xấu hổ của loài người.
Cơn nước lụt.
Các nhà phê bình chia phần ký thuật về cơn nước lụt ra giữa hai tập tài liệu
P và J, và bằng cách phân tích phần ký thuật, đã tạo ra những 'trùng lắp' và
'mâu thuẫn' nhất là về thời gian nước lụt và số thú vật sạch được đưa vào tàu,
trong khi những chỗ khó hiểu đó có thể được giải thích dễ dàng khi chúng ta
đọc cả câu chuyện một lượt. Cần ghi nhận rằng câu chuyện của người Ba-
by-lôn về cơn nước lụt được một số các nhà phê bình cho đó là nguồn tài
liệu cho câu chuyện nạn lụt trong Sáng Thế Ký, có nhiều yếu tố giống với cả
hai tập tài liệu P và J. Lịnh truyền trong SaSt 7:2,3 là phần mở rộng lịnh
truyền trong SaSt 6:19 (sở dĩ đem nhiều thú vật thanh sạch xuống tàu có lẽ
là vì khi có nạn lụt thì người ta cần có thực phẩm), còn các phương pháp để
nhận biết, thì thỉnh thoảng là bằng số ngày, nhiều khi lại bằng niên đại.
Truyền thuyết về cơn nước lụt vốn được phổ biến rộng rãi giữa các dân tộc
trên thế giới, còn bằng chứng về địa dư thì đã được Sir Henry Howorth và
nhiều nhà khoa học lỗi lạc khác nêu rõ rằng cơn nước lụt đã lan tràn khắp
thế giới. Mặt khác, có bằng chứng hiển nhiên về một nạn lụt đặc biệt rộng
lớn tại đồng bằng sông Ơ-phơ-rát vào một giai đoạn muộn màng về sau này,
có thể bảo là một cơn đoán phạt chỉ xảy ra tại vùng trung tâm của thế giới có
dân ở đầu tiên. Cần ghi nhận rằng hai từ ngữ được dịch là 'đất'(adamah và
erets) trong bản Authorized Version đã được các bản khác dịch là 'mặt đất'
(thí dụ SaSt 2:6,7) và 'xứ' (như 2:11), và không hề hàm ý khắp thế giới; còn
việc giữ lại các loài thú cũng chỉ cần giải thích là để chỉ vừa đủ cho một sự
bắt đầu mới.
Loài người lan tràn.
SaSt 10:1-32 nói về các nguồn gốc của một số các dân tộc, theo như Áp-ra-
ham được biết vào thời của ông. Chắc chắn trong đó là có một số quan niệm
về dân tộc học và phổ hệ học rất xưa. Một mặt, hai chương SaSt 10:1-32 và
11:1-32 không thể được xem như quan niệm dân gian, nhưng mặt khác cũng
không được xem như những khảo luận khoa học hiện đại. Chúng tạo thành
chiếc mắc xích nối liền Nô-ê với Áp-ra-ham qua dòng dõi Sem, nên tuyệt
đối chẳng có lý do gì để nghi ngờ phần cơ sở lịch sử của nó. Việc làm lộn
xộn tiếng nói được đề cập trong SaSt 10:25 cách thức được thực hiện đã
không được nhấn mạnh. Có người nghĩ rằng việc chống lại lịnh truyền của
Đức Chúa Trời dạy loài người hãy tản ra khắp trên mặt đất (SaSt 9:7,19) đã
được vạch rõ trong 11:4.
Điều có ý nghĩa là từ đó trở đi, Ba-by-lôn đang chiếm được địa vị ưu thế đối
với dân Chúa (so sánh Gie Gr 51:7,8; KhKh 18:2). Câu SaSt 11:1 không nên
hiểu là mâu thuẫn với câu đề cập 'nhiều tiếng nói' của 10:31, vì từ ngữ 'xứ'
(erets: đất) có thể chỉ về một địa phương nào đó mà thôi.
Áp-ra-ham.
Sau 11:9, Sáng Thế Ký rời bỏ câu chuyện về các dân tộc, để chỉ quan tâm
đến dòng dõi do đó dân Y-sơ-ra-ên sẽ nảy sinh, cho nên bước sang câu
chuyện của Áp-ra-ham. Cuộc di cư của Tha-rê và Áp-ra-ham đến Cha-ran ở
phía Bắc (11:31)có thể là một trong nhiều lần di chuyển bình thường của các
dân A-ram mà người Ha-bi-ru hay Hê-bơ-rơ có liên hệ. Việc này được SaSt
25:20 và PhuDnl 26:5 xác nhận.
Chương SaSt 14:1-24 có một phần ký thuật về sử ký thình lình giới thiệu
nhiều nhân vật lịch sử. Về Mên-chi-xê-đéc, chúng ta không được biết gì
khác hơn những điều đã chép ở đây. Lúc đó, chức vụ thầy tế lễ kết hợp với
vua không phải là hiếm có, và dường như cũng giống Áp-ra-ham, Mên-chi-
xê-đéc vẫn giữ được phần tri thức về Đức Chúa Trời chân thật duy nhất.
Như thế, ông trở thành hình bóng của Đấng Mết-si-a (Thi Tv 110:1-7; HeDt
5:1-7:28).
Như tiến sĩ Kuyper nói, danh xưng Đức Chúa Trời Chí Cao (El Elyon) được
dùng ở đây, đặc biệt xuất hiện trong Kinh Thánh khi 'người ta đứng ngoài
giao ước của ân điển', nghĩa là khi lãnh vực mạc khải của Đức Chúa Trời
chạm vào thế giới các dân ngoại (xem Dan Ds 24:16; DaDn 3:26).
Ở đây ta có thể ghi nhận rằng trong các chương từ SaSt 1:1-17:33, người ta
có thể tìm thấy bốn danh hiệu để chỉ Đức Chúa Trời, mỗi danh hiệu đều có ý
nghĩa và thích ứng cho từng chỗ. Đức Chúa Trời (El hoặc Elohim) được
dùng như một danh từ chung, nói lên một vị thần, cũng được dùng chỉ các
thần ngoại đạo nữa. Chúa (Đức Giê-hô-va) là danh từ riêng chỉ Đức Chúa
Trời chân thật (SaSt 4:26; XuXh 3:15; PhuDnl 32:3; GiGa 17:6), đặc biệt
thích hợp khi đề cập thân vị Ngài, các đặc tính và mối liên hệ giao ước với
dân Ngài, và sự mạc khải đầy về quyền năng cứu chuộc của Ngài trong việc
giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi Ai Cập (XuXh 6:3). Ngài hiện ra với Áp-ra-
ham (SaSt 17:1-27), với tư cách Ên-sa-đai (El Shaddai) là Đấng Toàn Năng
khi lời hứa ban cho ông một con trai cứ bị trì hoãn, được nhắc lại và sắp ứng
nghiệm; và một lần nữa cũng bằng danh hiệu ấy với Gia-cốp (35:11; 48:3)để
bảo đảm rằng những gì Ngài đã hứa thì Ngài có thể thực hiện.
Khi nghiên cứu về mạc khải chưa được phơi bày rõ ràng của Đức Chúa Trời,
cần ghi nhận nhiều lời hứa đã được dành cho Áp-ra-ham.
1. Trong SaSt 12:1-3 (xem Cong Cv 3:25; GaGl 3:8) lời hứa thoạt tiên là cho
toàn dân, rằng ông sẽ trở thành một dân lớn, sau đó mới mở rộng ra cho
phạm vi phổ quát, rằng ông sẽ trở thành nguồn phước cho cả thế gian.
2. Trong SaSt 15:1-6 có lời hứa về một người kế tự và việc ban toàn xứ cho
dòng dõi ông, được đóng ấn bằng sinh tế. Câu trả lời của ông đã được trích
dẫn như một thí dụ về việc xưng công bình bởi đức tin trong RoRm 4:1-25;
GaGl 3:6; Gia Gc 2:23. Có một lời tiên tri về việc giải cứu khỏi Ai Cập (câu
SaSt 15:13-16; Cong Cv 7:7,8).
3. Trong SaSt 17:1-27 có lời hứa về một hậu duệ (dòng dõi) đặc biệt (so
sánh GaGl 3:16)và dấu hiệu phép cắt bì được ban truyền.
4. Trong SaSt 22:1-24, sau khi đức tin của ông đã được thử nghiệm bằng
việc đem dâng Y-sác làm sinh tế, các lời hứa được nhắc lại, đức tin ông 'nhờ
việc làm mà được xưng công bình' (Gia Gc 2:21,22).
Trong SaSt 17:5, nói có việc đổi tên từ Ápram thành Áp-ra-ham, chúng ta có
một thí dụ về việc người Hy-bá-lai vốn rất thích 'chơi chữ' (cha của một
đoàn dân dông vô số: Ab-hamon) một thí dụ khác cũng thấy nơi Y-sác (SaSt
17:19). Việc 'chơi chữ' để đổi tên như vậy không nên hiểu như có liên hệ với
ngữ căn một cách khoa học, mà phải hiểu như khi người ta nói: 'Vì anh có
tên Giàu, vậy anh sẽ trở nên giàu có'.
Phép cắt bì được ban cho như một dấu hiệu, tuy nó vốn là một phong tục tập
quán đã có sẵn, cũng như trước đó 'cái mống trên mây' sở dĩ được ban cho là
để nhớ lại lời hứa của Đức Chúa Trời.
Việc thử nghiệm đức tin của Áp-ra-ham trong lịnh truyền dâng Y-sác làm
sinh tế đã được trình bày như việc bắt chước các dân ngoại xung quanh dâng
trẻ con làm sinh tế. Như được lý giải trong Gia Gc 2:21 và HeDt 11:17-19,
đó không phải là một trắc nghiệm tình yêu của Áp-ra-ham, mà là trắc
nghiệm đức tin. Đức tin của ông đã chiến thắng, và sự việc xảy ra là một
hình bóng tuyệt diệu cho việc Đấng Christ là một sinh tế chịu chết thay để
chuộc tội (GiGa 3:16).
Gia-cốp.
Đời sống của Y-sác chỉ được lướt sơ qua, và tiếp theo là cuộc đời của Gia-
cốp chúng ta đọc thấy như một tập tự truyện; và chắc đó là hình thức nguyên
thủy của nó, cách ông đối xử không tốt với anh mình, việc ông nuông chiều
Giô-sép không được ai khen, nhưng vẫn được ghi lại hết sức rõ ràng; và
cũng rõ ràng không kém là sự trừng phạt ông đã từng trải, những năm phải
lưu vong, sự gian lận bị báo trả, và những đau buồn, thử thách mà các con
ông đã gây cho ông. Không có nhà văn viết tiểu sử nào sau này, lại có thể
viết nổi một phần ký thuật như thế, cũng không có một tiểu thuyết gia nào
lại có thể dựng lên những câu chuyện như vậy. Nhưng mặc dầu ông phạm
nhiều lỗi lầm, đức tin của ông vẫn đặt vào lời hứa của Đức Chúa Trời (SaSt
25:23)mà mẹ ông đã dạy. Lời hứa đó nổi bật hẳn lên, giống như một ngọn
đèn, soi sáng từng nẻo đường ông đi cho đến cuối cùng (HeDt 11:21). Ông
đã được đặt cho cái tên rất đúng là Y-sơ-ra-ên (SaSt 32:28)và câu chuyện về
cuộc đời ông là điều khích lệ cho toàn thể các tội nhân biết ăn năn thống hối.
Giô-sép và các anh em mình
Có nhiều truyện tích đã được kể lại về các con trai Gia-cốp, nhưng mục đích
chính của sách Sáng Thế Ký bây giờ là vạch rõ thế nào dân Y-sơ-ra-ên đã
đến Ai Cập, và Đức Chúa Trời đã thiết lập kế hoạch để giải phóng họ ra sao.
Như thế nhân vật chính là Giô-sép. Chương SaSt 37:1-36 được xem như đã
cung cấp một hậu thuẫn mạnh mẽ cho thuyết hiện đại về việc biên soạn Ngũ
Kinh. Thuyết này cho rằng đặc biệt là đoạn kết luận chứng tỏ sách ấy đã
được viết ra từ nhiều nguồn tài liệu mâu thuẫn nhau. Các câu chuyện chia ra
cho J và E như sau:
J: câu 2-4, 12-18, 21, 25b-27, 28b, 31-35.
E: câu 5-11, 19,20, 22-25a, 28a (đến 'hố nước'), 28c-30, 36.
Chỉ đọc phần ký thuật của J mà thôi thì Giô-sép đã được Giu-đa cứu mạng,
rồi ông bị các anh bán cho dân Ích-ma-ên, chứ không bị quăng xuống hố.
Theo ký thuật của E thì ông được Ru-bên cứu mạng, rồi các anh ném ông
xuống hố; sau đó, ông mới bị một đoàn người Ma-đi-an bắt lên và đem đi.
Nhưng câu chuyện vẫn có thể được hiểu y như chép trong Kinh Thánh. Sở dĩ
Ru-bên gợi ý ném Giô-sép xuống hố, vì định sẽ có cơ hội cứu ông về sau.
Nhưng sau đó, Giu-đa muốn cứu ông khỏi cái chết chắc chắn dưới hố nên
mới bán ông để lấy tiền. Kinh Thánh để chúng ta giả định rằng có một lúc
Ru-bên đã vắng mặt nên ông không biết có chuyện kéo Giô-sép lên khỏi hố
để bán đi. Chỗ khó giải quyết về dân Ích-ma-ên và dân Ma-đi-an biến thành
vấn đề hai từ ngữ ấy có thể được dùng lẫn lộn để chỉ về cùng một dân tộc
hay không. Cả hai đều là dòng dõi Áp-ra-ham (SaSt 25:2), có thể ngụ ý con
cháu Áp-ra-ham có một số đã đi theo bọn họ và trở thành hạt nhân của một
bộ lạc. Bộ lạc của Ích-ma-ên có thể là đã đứng hàng đầu, và các bộ lạc kém
hơn đã tập hợp lại chung quanh Ích-ma-ên một thời gian. Ta không thể
không biết gì đến Cac Tl 8:24. Trong câu đó, chúng ta thấy dân Ma-đi-an
cũng chính là dân Ích-ma-ên. Chúng ta không thể nói được tại sao ở đây
trước giả lại viết cả hai tên ấy thay đổi cho nhau, nhưng những chỗ khác
nhau không có lý do rõ rệt như vậy vẫn thấy có trong văn chương Anh.
Còn chống lại việc giới phê bình phân chia chương sách cho hai tập tài liệu
khác nhau ở đây, chúng ta có thể ghi nhận rằng tuy E được giả định là không
biết đến chuyện Giô-sép bị các anh bán đi, thế nhưng trong SaSt 45:4,5 cũng
là một đoạn của E, Giô-sép bảo các anh ông đã bán ông.
Giô-sép tại Ai Cập.
Giáo sư Yahuda và nhiều học giả khác chứng minh rằng đã có ảnh hưởng Ai
Cập rất mạnh mẽ trong các phần ký thuật về Giô-sép ở Ai Cập. Có lẽ một
phần câu chuyện được viết bằng chữ Ai Cập. Vì các biến cố đã xảy ra trong
một môi trường vây quanh không phải của người Do Thái, tên Elohim chỉ
Thượng Đế nói chung đã được sử dụng, ngoại trừ một lần trong chương SaSt
39:1-23 rõ ràng là thuộc về hồi ức cá nhân của Giô-sép, và một lần khác
trong 49:18, là chỗ Gia-cốp sử dụng tên theo giao ước. Trong số nhiều thí dụ
về ảnh hưởng của Ai Cập, ta có thể kể ra:
1. Vua Ai Cập chỉ được gọi là 'Pha-ra-ôn', không có tên riêng kèm theo. Đây
là thói quen của người Ai Cập giữa các thế kỷ mười tám và mười chín TC.
Đến thời Sa-lô-môn thì người ta có thói quen thêm vào mấy chữ 'vua Ai
Cập' hay tên riêng của Pha-ra-ôn, thí dụ như trong IVua 1V 9:16; IIVua 2V
23:29.
2. Trong SaSt 41:14 có chép Giô-sép 'cạo mặt mày' trước khi vào yết kiến
Pha-ra-ôn. Đây là bề ngoài thích hợp tại Ai Cập trái với quan niệm của dân
Semitic cho rằng râu là dấu hiệu của phẩm giá con người.
3. Trong SaSt 42:30,33 và rất thường trong 43:1-34, Giô-sép được gọi là
'người'. Đây là tước hiệu của quan tể tướng, là người đứng đầu trong cả
nước, vì Pha-ra-ôn tự xếp mình vào hạng thần thánh. Giô-sép đảm nhận mọi
trọng trách của một tể tướng như được thấy trên một mộ bia khoảng một thế
kỷ sau đó. Tấm bia đã mô tả những trọng trách y như vậy.
Đến đoạn cuối của quyển sách, lời hứa về Đấng Mết-si-a đã chói ngời lên
thật rõ ràng một lần nữa trong lời chúc phước cho Giu-đa (SaSt 49:10). Ở
đây, Giu-đa được vẽ ra như một nhà vua đang đứng cầm vương trượng
chống giữa hai chân như một tiêu biểu của vương quyền. Ông nắm lấy
vương quyền đã được phó thác cho mình 'cho đến chừng Đấng Si-lô hiện
tới'. Câu cuối cùng này vốn được dân Do Thái lẫn các Cơ Đốc nhân nguyên
thủy giải nghĩa là ám chỉ Đấng Mết-si-a tuy phần đông các nhà giải nghĩa
đời xưa dường như không chịu cho rằng chữ 'Si-lô' chỉ về một người, cho
nên họ đã dịch theo nhiều nghĩa khác nhau. Bản Kinh Thánh của chúng ta
dịch là 'Đấng Si-lô', và chúng ta cũng có thể dịch, hoặc là 'Cho đến chừng
nào điều phải đến sẽ đến' hoặc 'Đấng phải đến sẽ đến'. Chỗ rất giống nhau ở
đây với Exe Ed 21:27 ('trong tay hữu ngươi') gợi ý rằng cách dịch sau rất có
thể đúng.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Trong tất cả các chủ đề lớn của Kinh Thánh, đề tài nào có thể giúp bạn
truy nguyên 'sự khởi đầu' trong Sáng Thế Ký?
2. Đức Chúa Trời thích tự xưng là 'Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, của Y-
sác và của Gia-cốp' (XuXh 3:6, 15 Mat Mt 22:32). Lịch sử đã gợi lên các lý
do nào khiến Ngài lựa chọn các tên đó?
3. Trong đời sống Gia-cốp, đã có những hình bóng nào báo trước việc dân
Y-sơ-ra-ên sẽ được kêu gọi và tuyển chọn đặc biệt? (so sánh EsIs 44:1,2;
Gie Gr 30:10; OsHs 11:1).
4. Nghiên cứu các sinh tế được ký thuật trong Sáng Thế Ký có liên hệ với
sinh tế tại Gô-gô-tha như thế nào?
5. Có những nét nào trong sự nghiệp và cá tính của Giô-sép biện minh cho
việc chúng ta xem ông như một hình bóng chỉ về Đấng Christ?
6. Nghiên cứu các tên của Đức Chúa Trời được chép trong các SaSt 1:1-31;
21-25;; 14:124; 17:1-27; 31:1-55; 48:1- 49:33. Trong ánh sáng của các cơ
hội khi danh ấy được dùng đến, chúng gợi lên ý gì về đặc tính của Đức Chúa
Trời?

XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH.
Sách này chép rằng Môi-se đã viết phần ký thuật về trận đánh với dân A-ma-
léc (XuXh 17:14)và 'chép hết mọi lời Đức Giê-hô-va đã phán dạy trên núi'
(24:4). Ta cũng có thể đoán định rằng chính Môi-se cũng đã viết lại chi tiết
có các đặc điểm của đền tạm cho Bết-sa-lê-ên và Ô-hô-li-áp phải noi theo
(25:9; 36:1). Như vậy, chính quyển sách đã đòi hỏi tác quyền cho Môi-se.
Ở đây, các luận cứ của số người bảo rằng có nhiều đoạn về đền tạm là tác
phẩm của P trong thời kỳ lưu đày, quả là khó có thể tin theo. Bản đồ đền tạm
và vật dụng trang bị trong đó không giống như đền thờ, và thật là khó hiểu
nổi tinh thần của một tác giả (hay nhiều tác giả) đang trông đợi việc phục
hồi đền thờ của Sa-lô-môn lại có thể bày vẽ ra một đền tạm được trau chuốt
công phu khác hẳn với ngôi đền thờ, và bảo rằng đó là do mạc khải trực tiếp
của Đức Chúa Trời.
Sách bắt đầu tại Ai Cập hơn tám mươi năm trước biến cố Xuất Ai Cập (7:7)
và kết thúc một năm sau biến cố ấy (40:2 so sánh Dan Ds 1:1) với việc dựng
đền tạm. Niên đại của sách Xuất Ê-díp-tô Ký không những có thể xác định
căn cứ vào chính Kinh Thánh, mà còn được dựa vào các khám phá khảo cổ
học, nhất là công cuộc khai quật tại Giê-ri-cô (xem chương VII. Bối cảnh
lịch sử). Chuyện trong sách đã xảy ra vào giữa thế kỷ thứ mười lăm TC, có
thể là nhằm đầu đời trị vì của Amenhotep II.
PHÂN TÍCH.
XuXh 1:1-22. Dân Y-sơ-ra-ên bị áp bức tại Ai Cập.
XuXh 2:1-10:22. Môi-se ra đời và được giáo dục.
XuXh 2:11-4:31. Môi-se tại Ma-đi-an. Mặc khải trong bụi gai cháy.
XuXh 5:1-13:22. Các tai vạ và việc xuất Ai Cập.
XuXh 14:1-15:27. Vượt Hồng Hải.
XuXh 16:1-19:25. Hành trình vất vả đến núi Si-na-i.
XuXh 20:1-21:36. Mười Điều Răn Đức Chúa Trời truyền cho dân sự.
XuXh 20:22-23:33. Các điều kiện của giao ước được ban cho Môi-se tại núi
Si-na-i.
XuXh 24:1-18. Giao ước được phê chuẩn.
XuXh 25:1-31:18. Bản đồ đền tạm.
XuXh 32:1-35. Bò con vàng.
XuXh 33:1-34:35, Môi-se thấy vinh quang của Đức Chúa Trời. Phần của
Đức Chúa Trời trong giao ước. Giao ước bị vi phạm và được tái lập.
XuXh 35:1-40:38. Đền tạm được dựng lên.
NỘI DUNG
Nếu sách Sáng Thế Ký bắt đầu với việc tạo dựng loài người trong tình trạng
trong sáng và đẹp đẽ, và kể lại việc họ đã sa ngã và cứ miệt mài trong tội lỗi,
thì quyển sách thứ hai này của Kinh Thánh kể lại câu chuyện về việc dân Y-
sơ-ra-ên sống trong xích xiềng nô lệ đã được cứu chuộc, và cung cấp nhiều
bức tranh về sự cứu rỗi do Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm lớn của chúng ta đã
thực hiện, còn có giá trị và đầy vinh quang hơn cả Môi-se, vì chính Ngài là
Con Đức Chúa Trời (HeDt 3:1-6). Lễ Vượt qua (ICo1Cr 5:7), bánh Ma-na
(GiGa 6:32), Tảng Đá bị đập vỡ (ICo1Cr 10:4)và các của lễ (HeDt
10:11,12), đều nói về Đấng Christ và công lao cứu chuộc của Ngài.
Sách Xuất Ê-díp-tô Ký được chia làm hai phần: chương XuXh 1:1-19:25,
chính yếu là thuật sự, XuXh 20:1-40:38, gồm phần lớn là luật pháp và qui
tắc. Phần thuật sự nổi bật vì có các phép lạ. Đối với những phép lạ này cần
lưu ý đến một số phương pháp tư tưởng và diễn tả bằng chữ nghĩa của người
Đông Phương, và các quan điểm khác nhau về phạm vi mà Đức Chúa Trời
có thể đã sử dụng các lực lượng thiên nhiên để thực hiện các dấu lạ đó.
Chẳng hạn như có người đã gợi ý rằng việc biến nước sông Nile ra 'huyết' là
do sự hoạt động của núi lửa ở gần các nguồn của sông ấy đã tạo ra một chất
có màu đỏ cho nước sông, khiến nó trở thành thuốc độc, và người ta kêu gọi
sự chú ý đến việc tất cả các dòng nước về phía đảo St.Pierre đã bị nhiễm độc
lúc núi lửa hoạt động vào năm 1.902. Theo cách giải nghĩa đó, thì năm tai vạ
tiếp theo đó có lẽ là hậu quả của sự nhiễm độc ấy.
Cho dù có đúng như thế đi nữa, thì việc các con đầu lòng của người Ai Cập
đều bị giết, còn dân Y-sơ-ra-ên không bị tổn hại gì, không thể được giải
thích cách nào theo lẽ 'tự nhiên' cả. Nếu việc Xuất Ai Cập đã xảy ra dưới
thời trị vì của Amenhotep II thì có chứng cứ hiển nhiên là các con đầu lòng
đã bị giết. Người kế vị vua ấy là Thothmes IV không phải là trưởng nam, vì
có một bảng khắc trên một phiến đá hoa cương bảo rằng Thothmes IV lúc
còn bé, từng nằm mơ thấy những con nhân sư (tượng đầu người sư tử) bảo
rằng về sau, cậu ta sẽ làm vua Ai Cập. Rõ ràng là nếu ông ta là người được
nối ngôi theo lẽ tự nhiên, thì giấc mộng kia đã chẳng có ý nghĩa gì cả. Cũng
cần lưu ý rằng chương 15 là một bài thơ.
Luật Pháp.
Khi bước vào hệ thống luật pháp chép trong sách này và sách kế tiếp, chúng
ta được biện minh về mọi phương diện, cả do chính ký thuật này lẫn từ lời
dạy dỗ của Đấng Christ và các sứ đồ Ngài, để xem đó là sự mạc khải trực
tiếp của Đức Chúa Trời (Thi Tv 19:7; Mac Mc 7:9; RoRm 7:12,14; HeDt
8:5,9). Khi khảo xét chủ đích của sách này, cần lưu ý đến các điều kiện về
thời gian. Các con cái Y-sơ-ra-ên đã được kêu gọi khi đang làm nô lệ để trở
thành một quốc gia theo chế độ thần trị. Họ phải được huấn giáo bằng trực
ngôn, bằng giới mạng và luật lệ, bằng những việc quyền năng rằng Đức Giê-
hô-va không phải như các thần của Ai Cập; họ phải được dạy bảo rằng Đức
Giê-hô-va đang ở giữa họ, và Ngài vốn thánh khiết; họ cần có trước mặt một
bộ luật đạo đức dưới một hình thức đơn giản và dễ hiểu.
Hơn nữa, điều cần thiết là luật pháp phải là một hình ảnh có nghĩa bóng chỉ
về những điều tốt lành tương lai (HeDt 9:8,9; 10:1)và là một khuôn mẫu của
Đức Chúa Trời về những điều ở trên trời, đã được ứng nghiệm trong Đấng
Christ. Thánh Phao-lô gọi luật pháp là 'thầy giáo' dẫn người ta đến với Ngài
(GaGl 3:24).
Các lời giáo huấn đặc biệt của luật pháp có thể được xếp vào các loại thuộc
linh, đạo đức và xã hội, liên hệ đến tình yêu của Đức Chúa Trời và đối với
người lân cận.
Các lời giáo huấn thuộc linh gồm phần lớn các luật lệ về nghi lễ cho thấy
bản tính của Đức Chúa Trời, và dạy con người về sự vâng lời cũng như vẻ
đẹp của sự thánh khiết. Bàn thờ xông hương là một bài học thường trực về
sự cầu nguyện, bàn để bánh trần thiết vẽ ra nhu cầu phải luôn luôn có sự
tương giao, chân đèn về nhu cầu của ánh sáng thiên thượng, trụ mây và lửa
về nhu cầu được Đức Chúa Trời hướng dẫn.
Luật đạo đức được tóm tắt trong Mười Điều Răn, được áp đặt cho thời nay
cũng như thời bấy giờ, và được mở rộng trong XuXh 20:22-23:33 (được biết
dưới cái tên 'sách của sự giao ước') thành nhiều chi tiết, một số được áp
dụng vào những trường hợp đặc biệt. Các ra-bi xếp các lời giáo huấn khác
nhau của luật pháp dưới các tiểu mục là Mười Điều Răn.
Các luật lệ xã hội phần lớn nhằm vào giai đoạn đầu của quốc gia Y-sơ-ra-ên
tại Đất Hứa. Vì dân chúng mong được vào xứ ngay, cho nên theo lẽ tự
nhiên, các luật lệ về nhà cửa, đất đai và tài sản được đề cập đến.
Các luật lệ nghi lễ đã được ứng nghiệm trong Đấng Christ, nên nhu cầu về
chức tế lễ và các sinh tế trở thành lỗi thời, còn các chi tiết của luật dân sự thì
không thể nào đem áp dụng cho các nền văn minh phức tạp của thời đại
chúng ta. Tuy nhiên, các nguyên tắc ẩn tàng vẫn tồn tại, và nghiên cứu để
thực hành chúng sẽ đưa đến một thế giới tốt đẹp hơn cái thế giới chúng ta
đang sống.
Khi cho rằng toàn thể luật pháp là do Đức Chúa Trời trực tiếp chỉ dẫn và
mạc khải thì không nên sai lầm cho rằng bộ luật ấy không hề có một yếu tố
nào có trước thời Môi-se. Việc sát nhân vốn đã bị cấm đoán ngay từ thời
nguyên thủy, cũng như bởi bộ luật về đạo đức. Nhiều quốc gia lân cận cũng
có các định chế xã hội tương tự như các phần ký thuật trong Kinh Thánh, mà
một số đã có ngay từ thời Áp-ra-ham hoặc xa xưa hơn nữa. Nhưng chúng đã
được xác nhận hay tái lập tại núi Si-na-i.
Người ta vẫn thường đem đối chiếu hai bộ luật của Môi-se và của Ham-mu-
ra-bi, là vua cai trị xứ Ba-by-lôn từ rất lâu trước đó. Đến cuối thời trị vì của
mình vị vua này ban hành một bộ luật được đem khắc trên một cây trụ cao
hơn hai mét và có đường kính hơn 0,5 mét. Trụ đá ấy bị người Ê-lam cướp
đi hồi thế kỷ mười hai TC và dựng lên như một chiến lợi phẩm tại Su-sa, là
nơi người ta tìm thấy nó hồi đầu thế kỷ này. Một số các luật lệ trong đó đã
có từ trước thời ấy nữa. Vì trên cây trụ có ghi rằng vào khoảng năm 2.700
TC một nhà vua tên Urukagina đã ban hành một bộ luật, nhưng không còn
lưu giữ được.
Bộ luật của Ham-mu-ra-bi có 282 điều, chiếm ba mươi trang trong một bản
dịch ra Anh văn. Chúng đề cập theo thứ tự các vấn đề trộm đạo, cướp bóc,
đất đai, nhà cửa, địa chủ và tá điền, doanh gia và người làm công, nhà cửa
công cộng, nợ nần, ly dị, thừa kế, nhận con nuôi, bồi thường thiệt hại vì bị
hành hung, chi phí trị bịnh, việc xây cất nhà và trách nhiệm của người xây
cất nếu ngôi nhà bị hư hỏng, tiền thuê công nhân, súc vật và hàng hóa, và
cuối cùng là vấn đề nô lệ.
Những điểm tương đồng và dị biệt giữa các luật lệ của Ham-mu-ra-bi và
Môi-se rất lý thú. Nói chung thì có thể bảo rằng luật Môi-se nhấn mạnh hơn
đến việc bảo vệ con người còn Ham-mu-ra-bi thì nhấn mạnh nhiều hơn đối
với tầm quan trọng của tài sản, và trong khi luật của Ba-by-lôn có nhiều
phân biệt quan trọng giữa 'người quí phái' với 'kẻ bình dân' thì bộ luật trong
Kinh Thánh đối xử với kẻ nghèo và người giàu như nhau, và tỏ ra khoan
hồng với kẻ nghèo thiếu và bị áp bức.
Các điều luật được chọn lọc sau đây sẽ cho chúng ta một ý niệm về bản chất
của bộ luật Hammurabi.
Điều 117 : Khi một người tự do bị bán vì mắc nợ thì sẽ được tha ra sau ba
năm (so sánh XuXh 21:2-6).
Điều 195 : Tội đánh cha bị chặt cả hai tay (so sánh XuXh 21:15).
Điều 206 : Nếu có ai gây thương tích bất ngờ cho người khác khi gây lộn,
người ấy phải chịu tiền y phí cho bác sĩ (so sánh XuXh 21:18,19).
Điều 268 : Nếu có tai nạn xảy ra cho chiên trong một ràn chiên, 'người chăn
thuê phải tự biện minh trước mặt Đức Chúa Trời' còn chủ ràn chiên phải
chịu thiệt hại (so sánh XuXh 22:10,11).
Các đoạn sách trong Xuất Ê-díp-tô Ký chỉ dạy cách thức để người ta đến gần
Đức Chúa Trời dựa trên một nền tảng khác hơn các luật lệ xã hội. Ở đây,
dân chúng phải ý thức sự công chính thánh khiết của Đức Chúa Trời trong
lúc khuynh hướng tôn giáo Đông Phương hướng về một sự thờ phượng thoái
hóa của nhục cảm. Hơn nữa, phần qui tắc để đến gần Đức Chúa Trời qua các
nghi lễ trong đền tạm tiêu biểu cho một điều mà vào thời ấy người ta chưa
hiểu được. Thư Hê-bơ-rơ có đưa ra một phần nhập đề giải thích rất đúng các
ý nghĩa hình bóng của đền tạm. Từ đó trở đi, các giáo phụ nguyên thủy và
học giả Cơ Đốc giáo đã thêm nhiều cách giải thích khác nữa; và trong khi
phải thú nhận rằng có một vài nhà giải kinh có thêm thắt một phần óc tưởng
tượng của riêng mình so với nguyên bản, vẫn còn có khá đầy đủ những điều
đáng ngạc nhiên trong việc ứng dụng đó để có thể bảo rằng nó không phải là
kết quả của may rủi. Người có đức tin được khích lệ là phải nhìn thấy các
mạng lịnh trong bản giao ước đầu tiên một hình bóng, một mẫu mực của
những điều thuộc về trời do Đức Thánh Linh hoạch định (HeDt 9:1,8,9,23).
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Trong phạm vi nào các nguyên tắc thuộc linh và đạo đức ẩn tàng trong
mười điều khoản của luật pháp có thể đem ra thực hiện trong sinh hoạt quốc
gia và cá nhân của chúng ta?
2. Nghiên cứu Hê-bơ-rơ các chương 8-10 với phần giải thích trong đó về đền
tạm trong ánh sáng của Đấng Christ.

LÊ-VI KÝ
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Những người gán một phần lớn sách Lê-vi Ký cho P (bộ luật về chức vụ tế
lễ) và đặt nó tiếp theo sau sách Ê-xê-chi-ên nêu ra các lý do: (1) nó có nhiều
chỗ giống với quyển sách mà họ cho là chỉ rõ nguồn gốc của một số phần,
và (2) bản tính chi tiết và theo đúng hình thức của hệ thống sách Lê-vi Ký.
Tuy nhiên, phần nghi lễ tế vi không nhất thiết là dấu hiệu cho một niên đại
muộn, vì các lễ nghi tôn giáo của các nền văn minh lớn vào thời Môi-se và
trước Môi-se vốn đã được qui định hết sức cẩn trọng. Các bảng đất nung Ras
Shamra mới phát giác được, với niên đại từ thời sách Xuất Ê-díp-tô Ký và
phản ảnh các tập tục nguyên thủy, có đề cập các của lễ chuộc sự mắc lỗi, và
có nhiều điểm khác giống như trong sách Lê-vi Ký.
Do đó, không có đủ lý do để nghi ngờ niên đại rất sớm và tác quyền của
Môi-se trên sách này. Đoạn từ LeLv 17:1-26:46 được biết là luật pháp thánh
khiết (hay bộ luật thánh) được một số người phủ nhận tác quyền của Môi-se
nhìn nhận là có nhiều nét cổ xưa có niên đại sớm hơn sách Phục Truyền luật
lệ ký chút ít. Trong các chương sách ấy, chúng ta thấy những lời chỉ dạy các
thầy tế lễ về sinh hoạt thường nhật của dân chúng mà phần đông chắc vốn vô
học nên phải nhờ những người biết chữ đọc phần giáo huấn ấy cho.
Trong Xuất Ê-díp-tô Ký, Đức Chúa Trời phán qua tiếng sấm trên núi Si-na-i,
nhưng vì bây giờ dân Y-sơ-ra-ên đã lập giao ước với Ngài, nên Ngài mạc
khải thêm cho họ trong 'Hội Mạc' (LeLv 1:1). Đối chiếu XuXh 40:2 với Dan
Ds 1:1 sẽ cho chúng ta biết các lời giáo huấn ấy được tiếp nhận trong vòng
một tháng tròn. Trong hai mươi bảy chương sách đó, có năm mươi sáu lần
lời công bố đã được lặp lại rằng chính Đức Giê-hô-va đã ban bố các luật lệ
ấy cho Môi-se. Do đó, phủ nhận tác quyền của Môi-se trên các chương ấy
tức là trực tiếp thách thức phần chân lý của các lời phát biểu ấy.
Các sách tiên tri và sinh tế.
Có vài chỗ trong các sách tiên tri khiến một số người giả thiết rằng các vị
không biết luật về sinh tế đã áp đặt cho dân Y-sơ-ra-ên tại núi Si-na-i. Nếu
được giải thích thật đúng trong ánh sáng của những khúc sách tương tự (thí
dụ ISa1Sm 15:22; Thi Tv 40:6; EsIs 1:11)thì chúng dạy ta một bài học khác
hẳn. Các sách tiên tri chú trọng đến cái thái độ của tâm trí cho rằng Đức
Chúa Trời thích các sinh tế như là cứu cánh, hậu quả là các sinh tế nhiều vô
số đã thay thế cho nếp sống công chính. Ngôn ngữ mạnh bạo của các nhà
tiên tri phải được giải thích như chỉ có ý nghĩa tương đối mà thôi như OsHs
6:6 đã chép: 'Vì ta ưa sự nhơn từ mà không ưa của lễ, ưa sự nhìn biết Đức
Chúa Trời hơn là của lễ thiêu'. Cùng một cách giải nghĩa như thế cũng
nghiệm đúng cho MiMk 6:6-8. Câu hỏi trong AmAm 5:25 chấp nhận một
câu trả lời khẳng định chứ không phải phủ định như Oesterley có vạch rõ
trong quyển sách của ông nhan đề Các sinh tế trong nước Y-sơ-ra-ên cổ
(Sacrifices in Ancient Israel). Nhưng cả khi người ta cho nó một câu trả lời
phủ định, thì rất có thể suốt bốn mươi năm trong đồng vắng, các của lễ cá
nhân hầu như đã không có, vì thiếu súc vật. Thoạt nhìn thì Gie Gr 7:21-23
có chỗ khó hiểu. Tuy nhiên, nhiều nhà giải kinh đã vạch rõ rằng chữ đã được
dịch là 'về' trong câu 7:22 đã được dịch ở nhiều chỗ khác là 'nhân danh' hoặc
'bởi vì' (thí dụ SaSt 12:17; PhuDnl 4:21). Như thế, câu này sẽ có ý nghĩa
hơn. Đức Chúa Trời phán rằng Ngài đã không hề phán dạy tổ phụ họ vì các
sinh tế, mà vì sự vâng lời.
PHÂN TÍCH
LeLv 1:1-6:7.
Luật lệ về sinh tế. Của lễ thiêu ( 1); của lễ chay ( 2); của lễ thù ân ( 3); của lễ
chuộc tội ( LeLv 4:1-5:13); của lễ chuộc sự mắc lỗi (5:14-6:7).
LeLv 6:8-7:38.
Những chỉ dẫn cho các thầy tế lễ về cùng các sinh tế ấy
LeLv 8:1-9:24.
Việc phong chức cho các thầy tế lễ.
10:1-20.
Cái chết của Na-đáp và A-bi-hu.
LeLv 11:1-15:33.
Các luật về ô uế và tẩy sạch: thú vật sạch và không sạch (LeLv 11:1-47);
việc sanh con (LeLv 12:1-8); bịnh phung (LeLv 13:1-14:57 các vấn đề khác
(LeLv 15:1-33).
LeLv 16:1-34.
Ngày đại lễ chuộc tội.
LeLv 17:1-20:27.
Cách thực thi các tập tục xã hội và tôn giáo cho dân sự.
LeLv 21:1-22:33.
Những lời chỉ dạy các thầy tế lễ.
LeLv 23:1-25:55.
Lịch của các mùa dâng của tế lễ.
LeLv 26:1-46.
Phước lành dành cho kẻ vâng lời, và tai họa cho kẻ không vâng lời.
LeLv 27:1-34.
Các luật lệ về lời thề.
NỘI DUNG
Sách Sáng Thế Ký mô tả số phận con người, sách Xuất Ê-díp-tô Ký mô tả
cách sống của người được chuộc, còn Lê-vi Ký thiết định con đường sự sống
cho một dân đã được cứu chuộc. Sách quan tâm đến bước đi hằng ngày của
một con người phải sống thánh khiết, và nhắc nhở người ấy rằng chỉ có cách
ăn nết ở thuần túy theo cách loài người thì chưa đủ. Đức Chúa Trời muốn
rằng loài người phải chấp nhận đòi hỏi của Ngài đối với cả đời sống của
người ấy, và phải thánh khiết trong tâm linh, trong linh hồn và cả trong thân
thể nữa. Lợi ích của Cơ Đốc nhân khi nghiên cứu luật lệ trong Lê-vi Ký sẽ
được cái lợi là được sự chiếu sáng trong các nguyên tắc thuộc linh sâu nhiệm
sẽ cho người ấy một ý nghĩa mới khi ứng dụng vào con người và công tác
của Đức Chúa Giê-xu Christ.
Có ba nét nổi bật:
-Các của lễ.
-Sự chuộc tội bằng huyết.
-Chức vụ tế lễ.
a) Các của lễ.
Thư Hê-bơ-rơ dạy rằng các của lễ chỉ bóng về việc Đức Chúa Giê-xu Christ
tự hiến thân làm sinh tế (HeDt 9:23; 10:2)và chúng ta có thể nghiên cứu vấn
đề đó trong nhiều sách chú giải khác nhau. Của lễ thiêu phơi bày Đấng
Christ trong sự trọn lành của Ngài, hoàn toàn tự hiến thân trên thập tự giá;
của lễ chay là cá tính hỗn hợp trọn vẹn của Ngài với tư cách bánh hằng sống;
của lễ thù ân nói lên ý nghĩa của việc được vui hưởng sự bình an của Ngài
ban cho; của lễ chuộc tội cho thấy Đấng Christ với tư cách Đấng tự làm nên
tội lỗi vì chúng ta (RoRm 8:3); của lễ chuộc sự mắc lỗi vạch rõ Đấng Christ
chuộc cả những việc lỗi lầm mà mọi người thừa nhận phải có ít nhiều đền bù
nào đó.
b) Được cứu chuộc bởi huyết.
Điểm này được nhấn mạnh trong sách Lê-vi Ký. Khúc sách chìa khóa là
LeLv 17:11. Huyết trên bàn thờ sở dĩ chuộc tội được vì đó là mạng sống đổi
cho mạng sống đã bị thất bại vì tội lỗi. Huyết chỉ có giá trị chuộc tội khi nó
bị đổ ra trên bàn thờ và con sinh phải chết đi; nếu không, nó sẽ không có
công hiệu gì cả. Cũng vậy, trong Tân Ước, huyết Đức Chúa Giê-xu Christ
bao giờ cũng ám chỉ huyết mà Ngài đã đổ ra trên thập tự giá.
Huyết đã được chỉ định trong nhiều của lễ khác nhau. Có việc đổ huyết và
rưới huyết trên và chung quanh bàn thờ (LeLv 1:5; 4:7.) ngụ ý tận hiến cho
Đức Chúa Trời cho đến chết; huyết được rảy ra trên hay trước bức màn
trong đền tạm (4:6)ngụ ý rằng thân thể làm người của Đấng Christ (HeDt
10:20)phải được đánh dấu bằng huyết của sinh tế. Tư tưởng này lại tái hiện
trong những lời chỉ dẫn về ngày đại lễ chuộc tội, khi thầy tế lễ thượng phẩm
vào phía trong bức màn, đem theo huyết, nói lên một của lễ đã hoàn tất.
Cách khác sử dụng huyết cũng được nhận thấy cả đến những phần thiêng
liêng nhất của đền tạm cũng được rưới huyết để được thanh tẩy vì cớ sự hiện
diện của chúng giữa một dân đầy tội lỗi (LeLv 16:14-19). Phần ứng dụng
trong HeDt 9:23,24 chỉ hình bóng về toàn cõi vũ trụ, kể cả 'những vật ở trên
trời' cũng cần đến các hiệu quả của sự chuộc tội. Trong việc tẩy sạch bịnh
phung, huyết phải được rảy trên người (LeLv 14:6,7)là một thí dụ minh họa
cho HeDt 9:22 'Theo luật pháp thì hầu hết mọi vật đều nhờ huyết mà được
sạch; không đổ huyết thì không có sự tha thứ'.
c) Chức vụ tế lễ của A-rôn.
Theo Hê-bơ-rơ luận giải bản chất 'hình bóng' chức vụ tế lễ của A-rôn bằng
cách cẩn thận vạch ra thật tỉ mỉ từng chi tiết các hành động của thầy tế lễ
nhân ngày đại lễ chuộc tội (LeLv 16:1-34; HeDt 9:1-10:39). Bởi một của lễ
trọn vẹn duy nhất, một của lễ vì cớ tội một lần đủ cả, sau khi được dâng lên,
Đấng Christ đã khiến mọi chức vụ tế lễ và cầu thay trở thành không cần thiết
và vô giá trị.
Hình bóng của A-rôn bổ túc cho hình bóng của Mên-chi-xê-đéc (HeDt 5:6),
còn hình bóng của thầy tế lễ thì bổ túc cho hình bóng của các của lễ và của
đền tạm. Sự thống nhất của tất cả những điều đó là điều đòi hỏi phải có để
vạch rõ sự vinh hiển trọn vẹn của Đấng Christ.
Thêm vào các phần đó trong sách đã được ứng nghiệm trọn vẹn trong Đấng
Christ, các luật lệ về những vật sạch và không sạch cũng rất lý thú. Các tác
giả viết về y học đã chứng minh rằng các luật lệ về những gì là sạch ẩn tàng
nhiều lý do chính đáng. Đó không hề là những điều cấm kỵ phi lý. Đức
Chúa Trời muốn cho dân Ngài đạt được tình trạng tốt nhất về mặt tâm linh,
trí tuệ và thân xác, và muốn vậy điều cần thiết là phải có các qui tắc cho
từng lãnh vực của đời sống. Một trong số các nhu cầu chính yếu là phòng
ngừa bệnh tật, sự nhiễm trùng và các bệnh dịch. Có một số luật lệ trong Lê-
vi Ký phải được nghiên cứu theo quan điểm đó. Chẳng hạn như LeLv 11:32-
37 đề cập cách xử lý các khí mạnh hay đồ dùng trong nhà bị đụng chạm với
xác chết của bất kỳ một sinh vật ô uế nào. Các vật ấy phải được lau rửa thật
sạch, có khi phải hủy đi, và không có món ăn hay thức uống nào từng tiếp
xúc với chúng lại có thể đem ra dùng. Qui tắc này chỉ áp dụng cho các sinh
vật không sạch khi nó đã chết mà thôi (11:32), và có dụng ý ngăn ngừa sự
lây lan do tiếp xúc với các thi thể đang thối rữa. Điều này cũng thấy xuất
hiện trong mấy câu 11:39,40 khi người tiếp xúc với một thây đã chết của cả
đến một con thú sạch cũng phải tạm thời bị cách ly và tắm rửa cẩn thận.
Chắc các của lễ đã dễ dàng trở thành một chỗ cho ruồi nhặng bu lại mà hậu
quả là khiến các vi trùng lan tràn. Ngoài ý nghĩa thuộc linh, khía cạnh vệ
sinh chắc cũng cần đối với các luật lệ về việc dâng của lễ. Sau khi sinh tế đã
được dâng, sẽ không có vật gì được giữ lại. Sinh tế thì bị thiêu trên bàn thờ,
phần còn lại phải đem ăn ngay, càng sớm càng tốt (7:15-18). Các phần khác
phải đem ra ngoài trại quân mà thiêu hủy đi (4:11,12). Ta cũng có thể đoán
được rằng tất cả những vật gì khác không thể để lại trong trại quân thì cũng
phải đem ra đó để thiêu đi. Huyết được đổ ra dưới chân bàn thờ sẽ thấm vào
đất, hoặc cát, và chắc chắn là luôn luôn có đất mới đắp lên trên. Như vậy,
chính cơ nguy do ruồi nhặng gây ra có thể bị ngăn chận đến mức tối thiểu.
Có một chứng bịnh hết sức nguy hiểm là bịnh phung. Vốn là bịnh nan y,
nhưng người ta có thể cách ly con bệnh nhằm tránh lây lan, và trong LeLv
13:1-59 chính là cách chứng bịnh ấy đã được xử lý ngay lúc người ta nghi
ngờ là có một người nào đó mắc phải. Nhiều thế kỷ về sau, đó cũng là cách
mà người ta bài trừ bệnh phung tại Anh Quốc.
Các luật lệ về những thú vật sạch và không thanh sạch rất lý thú. Phần lớn
các kinh nghiệm hiện đại đồng ý với những hạn chế của LeLv 11:1-47.
Chẳng hạn người ta vẫn thường vạch ra rằng nếu ngày nay chúng ta có thể
ăn thịt heo an toàn, thì đó là một loại thịt rất mau hư thối và trở thành nguy
hiểm nếu con thịt không được giết đúng cách và giữ lại theo các điều kiện
thích nghi. Luật Môi-se đã tỏ ra khôn ngoan khi cấm ăn món thịt đó.
Có một điểm vẫn được gọi là một trong những 'sai lầm' của Môi-se, đó là
trong LeLv 11:5,6 khi ông bảo rằng con chuột rừng (đồng) và con thỏ rừng
đều nhơi, trong khi thật ra thì hai con vật ấy không thuộc loại thú vật nhai lại
các thức ăn của chúng. Nhưng các qui tắc ở đây chỉ nhằm vào mọi sự việc
qua con mắt quan sát thông thường thoáng qua; và vì các con vật ấy thoạt
nhìn thì dường như có nhơi, và chừng đó cũng đủ rồi. Lúc ấy, người ta vẫn
chưa sống trong thời đại của kính hiển vi và các y cụ để mổ xẻ.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Khảo sát bịnh phung và các hình thức ô uế khác được đề cập trong sách
này ở phương diện chung chỉ bóng về tội lỗi.
2. Nghiên cứu các phương diện của công lao Đấng Christ bày tỏ qua các
sinh tế và của lễ khác nhau.
DÂN SỐ KÝ
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Sách này, cũng như hai quyển trước, kết hợp biến cố xảy ra với giới mạng
được ban truyền. Nếu có người bảo rằng không thể có việc ghi chép lại các
giới mạng như phần ký thuật gợi ý, hoặc đã không thể có một tác giả nào ghi
chép lại cả hai, thì sách này là một luận cứ thêm vào để hậu thuẫn cho đặc
tính thống nhất và đương thời của Ngũ Kinh. Câu chuyện kể lại đã nối tiếp
theo phần ký thuật hết sức tự nhiên để chép lại từ đầu đến cuối các cảnh
tượng đã xảy ra trong những chuyến lưu lạc qua đồng vắng, nhưng đã không
có một niên đại nào được vạch rõ giữa năm thứ hai và năm thứ bốn mươi.
Việc ghi lại tên các cá nhân mà sau đó người ta đã quên đi, những mảnh vụn
của một bài ca nguyên thủy trong Dan Ds 21:1-35, các luật lệ mà cả nội
dung của chúng đã đề cập một hoàn cảnh không thể còn có được sau thời
của Môi-se, việc ám chỉ rất thường đến Ai Cập và các thức ăn tại đó, và
chính cái khó khăn do số quá nhiều vật liệu cho đền tạm gây ra, và nhân số
của Y-sơ-ra-ên, tất cả đều chứng thực rằng sách này đã được viết vào thời
của Môi-se.
Nhan đề tiếng Hy-bá-lai của sách này là 'Trong đồng vắng'. Xin độc giả chớ
để cho từ ngữ này dẫn mình đi lạc để nghĩ rằng ở đây chỉ có một sa mạc
mênh mông toàn cát. Ngày nay, tại bán đảo Si-na-i, có nhiều ốc đảo và suối
nước. Các chứng cứ địa lý và lịch sử cho thấy là trong quá khứ, vùng đất ấy
còn có nhiều cây cỏ hơn nữa.
Rít-ma có nghĩa là 'chỗ có những cây táo', và Hát-sê-rốt có nghĩa là 'làng
mạc' hay những nơi đóng trại có hàng rào phòng thủ (33:18). Dân chăn chiên
người Ma-đi-an có đồng cỏ và nước uống cho các bầy chiên của họ (XuXh
2:15,16), và càng đến gần xứ của người Ma-đi-an và người Ê-đôm, thì
dường như các đồng cỏ và giếng nước có nhiều hơn nữa (Dan Ds 33:37).
Việc sắp xếp các trại quân theo thứ tự ( 2) không hề chứng minh được rằng
dân Y-sơ-ra-ên luôn luôn kết chặt lại thành một toàn khối thống nhất, nhưng
chắc họ đã chia thành nhiều nhóm để các bầy súc vật của họ có thể tìm được
đồng cỏ và luân phiên nhau sử dụng các đồng cỏ ấy (xem phần sau, tiểu mục
Các chuyến đi).
PHÂN TÍCH
Dan Ds 1:1-2:34.
Dân số các chi tộc và thứ tự trong trại quân.
Dan Ds 3:1-4:49.
Nhiệm vụ của người Lê-vi.
Dan Ds 5:1-8:26.
Luật về sự cách ly; người Na-xi-rê; các của lễ và việc biệt riêng người Lê-vi.
Dan Ds 9:1-10:36.
Lễ Vượt Qua đầu tiên và dân sự ra đi.
Dan Ds 11:1-12:16.
Sự phàn nàn và phản loạn; chỉ định bảy mươi trưởng lão. Thêm những sự
phiền trách khác.
Dan Ds 13:1-14:45.
Bản phúc trình của các thám tử. Nói tiên tri về việc dân sự phải đi lưu lạc
suốt bốn mươi năm.
Dan Ds 15:1-19:22.
Nhiều luật lệ và biến cố qua suốt ba mươi bảy năm lưu lạc. Sự phản loạn của
Cô-rê. Cây gậy của A-rôn trổ hoa.
Dan Ds 20:1-29.
Nước chảy ra từ vầng đá. A-rôn qua đời.
Dan Ds 21:1-35.
Con rắn đồng. Óc và Si-hôn thất trận.
Dan Ds 22:1-24:25.
Ba-lác và Ba-la-am.
Dan Ds 25:1-18.
Tội của Ba-anh Phê-ô.
Dan Ds 26:1-65.
Cuộc kiểm tra dân số lần thứ hai.
Dan Ds 27:1-30:17.
Luật về thừa kế, các của lễ và lời thề nguyện.
Dan Ds 31:1-54.
Dân Ma-đi-an bị tiêu diệt.
Dan Ds 32:1-42.
Chia phần đất phía Đông sông Giô-đanh.
Dan Ds 33:1-34:29.
Phần ký thuật các chuyến đi trong đồng vắng và ranh giới các xứ.
Dan Ds 35:1-34.
Các thành ẩn náu.
Dan Ds 36:1-14.
Sản nghiệp cho con gái.
NỘI DUNG
Tuy sách này trình bày khá rõ ràng những nỗi khó khăn, những lời phiền
trách, những lần sa vào tội lỗi, và đặc tính cứng đầu cứng cổ hay phản loạn
của dân sự, chủ đề chính là sự nhẫn nhục chịu đựng và lòng khoan dung của
Đức Giê-hô-va và thế nào Ngài đã đưa họ an toàn ra khỏi đồng vắng rùng
rợn để vào Đất Hứa (Thi Tv 78:1-72).
Con người và cá tính Môi-se nổi bật hẳn lên trong phần ký thuật, nhưng ông
vốn là đầy tớ có một không hai trong cả nhà Đức Giê-hô-va (HeDt 3:5). Đức
Chúa Trời là Vua và là Đấng ban bố luật pháp tối cao; chế độ thần trị được
thiết lập. Tiếp sau những lần dân sự bị hình phạt vì phản loạn (Dan Ds 14:1-
45) Ngài đã an ủi họ bằng cách nhắc lại lời hứa về xứ mà Ngài đã ban cho
họ (15:2)và ban cho họ bộ luật cho những ngày ấy.
Việc kiểm tra chiến sĩ (Dan Ds 1:1-54) khiến họ trở thành một dân; việc họ
đóng quân có trật tự khiến họ trở thành một bộ phận về chính trị, và việc
phong chức cho người Lê-vi đã kết chặt họ lại với nhau thành một cộng
đồng tôn giáo. Cuộc kiểm tra tôn giáo lần thứ hai kết thúc với việc họ làm lễ
kỷ niệm số người đã ngã chết trong sa mạc (26:65)là việc nghiêm trọng nhắc
lại sự mất mát do thiếu đức tin, dầu vậy, Đức Chúa Trời không hề bỏ rơi dân
Ngài, mà vẫn gia ân cứu vớt và phục hồi địa vị cho họ.
Các chuyến đi.
Dan Ds 33:1-56 đưa ra một bảng liệt kê phác họa các địa điểm dân Y-sơ-ra-
ên từng đi qua suốt bốn mươi năm, nhưng hành trình đã không thể được vẽ
lại cách chắc chắn, vì người ta không xác định được hơn mười hai trong số
bốn mươi hai địa danh đã được nêu lên. Sau khi qua miền Nam của bán đảo
Si-na-i rồi chuyển lên phía Bắc, tới Ca-đe Ba-nê-a, họ lại quay trở về phía
Nam, và suốt ba mươi tám năm đã đi quanh quẩn trong vùng phụ cận vịnh
A-ka-ba. Chúng ta không biết họ đã vào được bao xa trong khu vực Hejaz
của A-rập. Ca-đe (thánh) có lẽ là một tên đã được dùng để chỉ nhiều địa
điểm có liên hệ với đền tạm, và tại một nơi như vậy, dường như đã có một
con suối lừng danh tên gọi En Mích-ba, nghĩa là 'Suối Xử Đoán' (SaSt 14:7).
Dân số Y-sơ-ra-ên
Số người trên hai mươi tuổi đã ra khỏi Ai Cập được cho biết là 603.550
(Dan Ds 1:46 so sánh XuXh 12:37,38), chắc tương ứng với một dân số tổng
cộng khoảng hai triệu. Những con số này đã được một số người cho là khó
tin được và hoàn toàn bịa đặt mà thôi. Họ còn đưa ra một vấn đề, chẳng hạn
như rất khó dung hòa con số này với con số quá ít oi của người Lê-vi
(22.000, Dan Ds 3:21-39)và số các con trai đầu lòng (22.273, Dan Ds 3:43).
Nhưng cho dù đáp số cho bài toán họ đã nêu ra có là thế nào đi chăng nữa,
các con số ấy dường như cũng không thể nào do người ta giả tạo ra. Chúng
ta sẽ gần với sự thật hơn nếu bảo rằng hầu như chắc chắn chúng vốn do một
phần ký thuật cổ xưa nào đó mà ra, và chính sự kiện những điều khó giải đáp
chúng nêu ra cũng đủ để biện minh cho chúng đối với lời tố cáo là chúng do
người ta bày đặt hay giả tạo.
Giáo sư Flinders Petrie chủ trương rằng chữ 'ngàn' mà tiếng Hy-bá-lai là
Eleph ở đây và trong XuXh 12:1-50 phải được đọc là 'họ (gia đình 'hoặc
'nhóm người' như trong Cac Tl 6:15 so sánh Gios Gs 22:14; ISa1Sm 23:23;
MiMk 5:2). Nhưng nếu việc làm này có cất đi vài khó khăn, thì lại đưa vào
nhiều khó khăn khác. Đề nghị của Wiener lại có lý hơn là cho rằng việc chép
lại các con số đã bị những người chép sách sao lầm.
Trong mọi trường hợp có những con số như vậy, cần nhớ rằng việc dung hòa
chỉ có thể thực hiện được khi tất cả các yếu tố liên quan đều được biết rõ.
Trong trường hợp ở đây cần ghi nhận là các yếu tố siêu nhiên đã được đan
dệt hết sức chặt chẽ vào với sử ký. Con số đặc biệt lớn của dân sự (XuXh
1:9 và việc Đức Chúa Trời đã cung cấp mọi sự cho họ một cách lạ lùng
(PhuDnl 8:3,4)đều được nhấn mạnh. Những ai sẵn sàng tin là có thể có phép
lạ, thì không cần phải phân vân khi chấp nhận phần ký thuật y như sách đã
chép bất chấp việc giải nghĩa chi tiết.
Ba-la-am
Khi những chuyến đi lưu lạc qua đồng vắng kết thúc, câu chuyện nổi bật hơn
hết là câu chuyện về Ba-la-am, ông ta có sự hiểu biết cá nhân về Đức Giê-
hô-va. Ông nói là mình từ xứ A-ram đến (Dan Ds 23:7) và sử chép rằng vua
Môáp sai người đến tìm ông tại Phê-thô-rơ 'trên mé sông (tức sông Ơ-phơ-
rát) trong xứ của con cái dân sự mình' (22:5). Câu trên cho thấy Ba-la-am từ
khu vực Pha-đan A-ram đến, có lẽ là từ Cha-ran nơi Áp-ra-ham và gia đình
ông từng tạm trú một thời gian (SaSt 11:31), cũng là nơi sinh cơ lập nghiệp
của La-ban (SaSt 28:5). Lời lẽ ông ta nói ra được cho là lời tiên tri được
truyền thông trong một cơn xuất thần, hay điều ông nhớ được là đã thấy
trong một cơn xuất thần (Dan Ds 24:3,4). Những câu đề cập tương lai xuất
hiện trong lời tiên tri cuối cùng (24:15-24). Có một số trong đó rất lộn xộn,
nhưng 'ngôi sao ra từ Gia-cốp' dường như ám chỉ Đấng Mết-si-a.
Các học giả của trường phái Wellhausen thường định niên đại cho mấy lời
sấm ký này là vào thế kỷ thứ chín, nhưng mới đây giáo sư W.F.Albright đã
chứng minh rằng những ám chỉ trong đó không đòi hỏi một niên đại muộn
hơn thời của Ba-la-am.
Có kẻ bảo rằng câu chuyện con lừa của Ba-la-am nói tiếng người là một
truyền thuyết dân gian. Tuy nhiên, ta có thể hiểu nó theo nghĩa đen, hoặc
ngụ ý rằng con lừa đã gây ấn tượng trên nhà tiên tri, để ông hiểu là nó đã nói
như vậy. Cách giải thích trước thì tự nhiên hơn để ứng dụng cho IIPhi 2Pr
2:16.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. 'Những sự ấy có nghĩa hình bóng để khuyên bảo (làm gương cho) chúng
ta' (ICo1Cr 10:11). Những câu kể lại trong sách này khích lệ và cảnh cáo
chúng ta như thế nào?
2. Sách này chứa đựng những điều chỉ bóng và những lời tiên tri nào về
Chúa Giê-xu?
PHỤC TRUYỀN LUẬT LỆ KÝ
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Mục đích sách này là đưa ra các bài giảng mà Môi-se đã truyền cho dân Y-
sơ-ra-ên ngay trước khi họ vào xứ Ca-na-an, với một phụ lục kể lại biến cố
ông qua đời. Đã không có lý do nào đủ giá trị thuyết phục để phủ nhận lời tự
khẳng định đó.
1. Phần khẳng định đã được nêu lên cách minh nhiên và nhấn mạnh, với đầy
đủ chi tiết về thời gian và nơi chốn (PhuDnl 1:1-6; 4:44-46; 29:1). Nếu mấy
câu này không đúng, thì thật khó tha thứ được tội giả mạo cho trước giả.
2. Lời lẽ trong sách là trực giác thiết tha, nồng nàn của một đại lãnh tụ đối
với một dân tộc mà mình từng chia ngọt xẻ bùi cũng như cùng chịu gian
khổ. Đặc điểm của sách là sự liêm chính ngay thẳng, và sự thống nhất về tư
tưởng, với một âm hưởng của hiện thực hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh,
không thể xảy ra ở một thời gian hay nơi chốn nào khác.
3. Các chi tiết về địa lý trong những chương 1:1-10:36 mang đầy đủ dấu
hiệu của một bản ký thuật cổ xưa từng nói về xứ Ai Cập.
4. Những sửa đổi luật lệ của Lê-vi Ký là nhằm vào việc trong tương lai, dân
sự sẽ vào trú ngụ trong xứ (Ca-na-an); các viễn tượng về chiến thắng và hòa
bình sẽ chẳng bao giờ được thực hiện hoàn toàn, cho thấy đây không phải là
điều được bày ra.
5. Không hề có gì động chạm đến một huyền thoại hay truyền thuyết được
phóng đại nếu là một câu chuyện truyền khẩu qua nhiều thế kỷ, cũng không
có vẻ gì là óc tưởng tượng ngông cuồng của một tay sáng chế.
Tính cách thống nhất của sách thường bị chỉ trích qua các chương PhuDnl
32:1-33:29, là bài ca và lời chúc phước của Môi-se. Người ta gán chúng cho
một tác giả khác, vào một niên đại khác, nhưng không hề có lý do đầy đủ.
Bài ca có điểm giống với bài ca trong XuXh 15:1-27, với các tư tưởng về
tính cách vĩ đại của Đức Chúa Trời và khuynh hướng hay phản loạn của dân
Y-sơ-ra-ên, vốn chạy suốt qua phần đầu của quyển sách. Hình thức thi ca
giúp người ta dễ học thuộc lòng, nếu không thì thật khó nhớ hết toàn bài.
Phần chúc phước rất phù hợp với hoàn cảnh ở đây, và rất tự nhiên để xuất
phát từ môi miệng của một nhân vật tự ý thức rằng mình là người cha của
dân tộc mình. Tên Giê-su-run (người công chính nhỏ nhoi) được cho là tên
rút ngắn để tỏ ra âu yếm đối với dân Y-sơ-ra-ên và nếu quả đúng như vậy thì
thật là tự nhiên và cảm động đối với Môi-se, lúc ấy đã cao tuổi. Những chỗ
ám chỉ có hơi tối nghĩa, là dấu hiệu cho thấy quyển sách có nguồn gốc rất cổ
xưa. Chương kết thúc (Dan Ds 34:29) rõ ràng là do một người về sau viết.
Nhằm chống lại tác quyền của Môi-se và một niên đại gần với thời Môi-se,
Wellhausen và những người theo ông gán sách Phục Truyền Luật Lệ Ký cho
thời trị vì của Giô-si-a hay sớm hơn chút ít, còn tác giả là một nhóm thầy tế
lễ ngoan đạo, có thể là khi vương quốc miền Bắc bị đưa đi đày, đã đúc kết
sách ấy căn cứ vào các tài liệu xưa hơn. Sau đó, quyển sách hoặc đã bị mất
hoặc bị cố ý cất giấu trong đền thờ, và được thầy tế lễ Hinh-kia tìm thấy khi
Giô-si-a ra lịnh thanh tẩy nhà của Đức Chúa Trời, rồi trở thành cơ sở cho
công cuộc cải cách tiếp theo đó (IIVua 2V 22:1-23:30).
Lý do gán cho sách Phục Truyền cái niên đại muộn màng như thế là vì âm
hưởng tiên tri và quan điểm của nó, có một số nhỏ không ăn khớp với luật
pháp theo Lê-vi Ký, nhất là 'luật về nơi thánh trung ương' là điều chưa hề
được biết tới trước đó, mà chỉ được ban hành lần đầu tiên dưới thời trị vì của
Giô-si-a mà thôi.
Vì cơ cấu phê bình thường được căn cứ trên cách định niên đại của J, E, D
và P cho phù hợp với thời quân chủ nguyên thủy, giai đoạn của các nhà tiên
tri, và cuộc lưu đày hoặc sau đó, nên điều khá lý thú là các học giả của
những năm gần đây chịu chấp nhận phương pháp phân tích tài liệu, lại công
kích niên đại nêu trên. Giáo sư A.C.Welch xếp một phần lớn của sách vào
một thời kỳ sớm hơn nhiều, Holscher và Kennett đặt nó vào thời kỳ lưu đày,
còn giáo sư Edward Robertson thì nghĩ rằng chính Sa-mu-ên đã bổ túc để nó
có được cái hình thức hiện đại. Các kết luận khác biệt nhau đó cho thấy
chúng chỉ là kết quả của suy luận. Vấn đề 'nơi thánh trung ương' sẽ được đề
cập sau đây.
Trong PhuDnl 31:9-12,24, chép là Môi-se đã viết ra bộ luật này để cứ mỗi
bảy năm lại đem ra đọc lớn tiếng. Có lẽ điều này ám chỉ các phần về luật
pháp, nhưng nếu áp dụng cho cả quyển sách thì phù hợp hơn (xem PhuDnl
1:5 và Gios Gs 1:8). Chắc các thầy tế lễ về sau không thể để cho lời ám chỉ
ấy có một ý nghĩa bất xác định như vậy.
PHÂN TÍCH
PhuDnl 1:1- 4:43.
Bài giảng nhập đề, nhắc lại các kinh nghiệm quá khứ.
PhuDnl 4:44 -11:32.
Mười Điều Răn và những lời khuyên phải vâng lời, đặc biệt nhấn mạnh hai
điều răn đầu tiên.
PhuDnl 12:1 - 26:19.
Tóm tắt luật lệ có ảnh hưởng đến dân chúng bao gồm nơi chốn và cách thức
dâng tế lễ, các thức ăn sạch và không sạch, các ngày lễ trong năm, các nhiệm
vụ của vua và các mạng lịnh khác về xã hội, tư pháp và tôn giáo.
PhuDnl 27:1 - 30:20.
Các phước lành và sự nguyền rủa, những khẳng định long trọng.
PhuDnl 31 :1- 34:12.
Việc viết luật pháp, bài ca của Môi-se, lời chúc phước của ông, và sự qua
đời của Môi-se.
NỘI DUNG
Ta có thể tránh được nhiều rắc rối khi đọc sách này nếu in trí rằng dân Y-sơ-
ra-ên đã được Môi-se giảng dạy trong những hoàn cảnh như thế nào, và các
đối tượng mà ông nhằm vào. Bấy giờ đã là bốn mươi năm sau khi luật pháp
được ban bố tại Si-na-i, và tất cả những người từ hai mươi tuổi trở lên lúc ấy
đều đã chết hết (Dan Ds 14:29-33, 26:64,65). Do đó, Môi-se đưa ra cho thế
hệ mới một bảng tóm tắt về phần lịch sử vừa qua và giải luận các luật lệ để
toàn thể hội chúng có thể hiểu được đồng thời ân cần khuyên giục và thúc ép
tuân giữ với tất cả lòng sốt sắng.
Sách Lê-vi Ký đã được viết rồi, dưới hình thức một quyển chỉ nam cho các
thầy tế lễ và người Lê-vi, nên các bài giảng được ghi lại trong Phục Truyền
Luật Lệ Ký tập trung vào tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và người
lân cận (PhuDnl 6:4,5; 15:7 so sánh Mac Mc 12:29 và tt). Mười Điều Răn
được nhắc lại trong chương 5, và phần tiếp theo đó có thể được xem phần
lớn là lời giải thích về các điều răn ấy.
Nội dung của các sách trước đã được công nhận một cách đương nhiên,
chẳng hạn như trong PhuDnl 24:8,9 ngụ ý ám chỉ LeLv 13:6; 14:2 và Dan
Ds 12:10. Chỉ một thí dụ duy nhất ấy thôi cũng đủ chứng minh rằng sách Lê-
vi Ký không thể có sau Phục Truyền Luật Lệ Ký, và chỗ khác nhau về mục
đích mà người ta nhận thấy là trong Phục Truyền Luật Lệ Ký có ít những
câu ám chỉ dứt khoát hơn là trong Lê-vi Ký.
Do sự kiện dân sự sắp thay đổi nếp sống lưu lạc để vào định cư trong xứ
(Ca-na-an) cần chú ý là có một vài sửa đổi trong luật pháp. Như PhuDnl
12:1-32 cho nhiều quyền tự do để giết thú vật làm thức ăn hơn là LeLv 17:1-
16 PhuDnl 16:1-22 thêm giọng vui mừng hớn hở cho những lời chỉ dẫn
trong LeLv 23:1-44; PhuDnl 15:23 thêm ý niệm về sự khoan dung để tha
cho kẻ mắc nợ vào phần đã chép trong LeLv 25:1-55.
Có một điểm giáo lý về tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với dân
Ngài, và việc Ngài chăm lo cho kẻ nghèo khổ đói khát đã bộc lộ rõ hơn
trong lần ban bố luật pháp 'thứ hai' này. Không nên xem các luật lệ đặc thù
như có ý định đặt cái ách trên vai dân sự. Họ đã qua được thời kỳ thử thách
(PhuDnl 8:3), và giờ đây, vì cớ tình yêu thương của Ngài đối với họ (7:8),
Đức Chúa Trời ban bố cho họ các giới mạng cũng như sự phán đoán để giúp
họ có thể bước đi trên các nẻo đường của Ngài (8:6)và làm điều tốt lành, lợi
ích cho họ (8:16). Những lời giáo huấn ấy đều rất nhân đạo và lành mạnh.
Các thầy tế lễ và người Lê-vi.
Tất cả thầy tế lễ đều là người Lê-vi, nhưng không phải ai là người Lê-vi
cũng đều làm thầy tế lễ; cũng như các giám mục, nhà truyền đạo, chấp sự
đều thuộc hàng 'giáo phẩm' nhưng có phẩm trật khác nhau. Cho nên trong
Phục Truyền Luật Lệ Ký, mấy câu nói 'các thầy tế lễ người Lê-vi' (năm lần),
các thầy tế lễ con trai Lê-vi' (hai lần), và 'các thầy tế lễ' (bảy lần), đều chỉ về
một số người giống nhau. Trong PhuDnl 20:2 'thầy tế lễ' có thể ám chỉ thầy
tế lễ thượng phẩm. Người Lê-vi cũng được đề cập mười bốn lần, và có khi
câu ấy ám chỉ cả chi phái Lê-vi. Ta không nhất thiết phải hiểu là có mâu
thuẫn trong những câu nói có nhiều ý nghĩa tổng quát của sách Phục Truyền
và có nhiều tính cách chỉ dẫn chi tiết trong sách Lê-vi Ký.
Đền thánh trung ương
Sở dĩ lời dạy dỗ của sách Phục Truyền Luật Lệ Ký liên hệ đến việc tập trung
sự thờ phượng được gán cho một vai trò quan trọng đặc biệt là vì có nhiều
học giả chủ trương rằng mệnh lệnh ấy chưa hề có trước thời trị vì của Giô-
si-a và rằng vào thời kỳ sớm hơn, việc dâng của lễ tại 'các nơi cao' vốn được
cho phép thật tự do, trái với điều đã được nhấn mạnh trong Ngũ Kinh.
Nhưng khảo xét thật kỹ những câu trong Cựu Ước liên hệ đến nơi dâng sinh
tế, chúng ta sẽ thấy trái lại rằng, nếu được đọc trong toàn bản văn, chúng
vốn họp thành một toàn thể tự nhiên. Khi đem đối chiếu với những câu giả
định trên kia, thì chẳng có chỗ rắc rối nào quan trọng còn tồn tại cả.
1. Vào thời các vị tộc trưởng, nhiều bàn thờ đã được dựng lên ở nhiều nơi
khác nhau, hoặc là tại những nơi mà một tôi tớ Đức Chúa Trời tạm trú dài
ngày (SaSt 12:8), hoặc tại nơi mà Đưc Chúa Trời đã đặc biệt tự tỏ mình ra
(SaSt 35:7).
Sau khi dân Y-sơ-ra-ên được giải thoát khỏi Ai Cập, Môi-se đã lập một bàn
thờ tại Rê-phi-đim để kỷ niệm chiến thắng dân A-ma-léc (XuXh 17:15).
Ngay sau đó, Môi-se đã nhận được một chỉ thị về những bàn thờ như thế
(XuXh 20:22-26). Khúc sách này (khi đem gán cho J hoặc E) đã được giải
thích là trái ngược với các luật lệ của D và P sau này. Nhưng khi đọc trong
mối liên hệ với phần ký thuật trong đó có nó, thì người ta thấy đó là mạng
lịnh tổng quát dạy phải tránh việc thờ hình tượng, và là một chỉ dẫn trực tiếp
cho thời kỳ lúc đền tạm chưa được dựng lên, như đã được Môi-se vạch ra
ngay sau đó (XuXh 24:4,5). Đồng thời với những chỉ dẫn ấy là lời hứa của
Đức Chúa Trời ban phước cho 'nơi nào có ghi danh ta' (XuXh 20:24).
'Phàm nơi nào' ám chỉ toàn Đất Hứa, nên có thể chỉ cả những lần Đức Chúa
Trời sẽ hiện ra trong tương lai (xem Cac Tl 6:24; IISa 2Sm 24:25;)hoặc nó
cũng có thể chỉ tất cả những nơi nào mà đền tạm sẽ dừng lại, với viễn ảnh
thấy trước là tại Si-lô và Giê-ru-sa-lem (Gie Gr 7:12). Nhưng nếu có thể
được thì các bàn thờ phải được dỡ khỏi 'các nơi cao' càng nhiều càng tốt, vì
sau đó, chúng đã trở thành cạm bẫy cho tuyển dân.
2. Sau khi đền tạm hoàn tất, đã có những chỉ dẫn minh nhiên trong LeLv
17:1-16 về việc dâng súc vật làm sinh tế (17:1-7)và người ta được phép ăn
thịt chúng (17:10-16). Luật về của lễ thù ân (LeLv 3:1-17; 7:11-21)cho phép
kẻ dâng lễ ăn một phần thịt đã được dâng lên đúng phép trên bàn thờ. Trong
các trường hợp khác, họ có thể giết con vật và ăn thịt theo cách thông
thường.
Câu đề cập 'ma quỉ' trong LeLv 17:7 ám chỉ những mê tín dị đoan và tập tục
thờ lạy hình tượng rõ ràng là rất thịnh hành lúc ấy, nhưng chính xác đó là gì
thì vẫn không rõ lắm. Việc kéo tuyển dân ra khỏi sự thờ hình tượng là một
trong những đối tượng chính yếu của luật lệ trong Lê-vi Ký.
3. Sách Phục Truyền Luật Lệ Ký họp thành bước tiếp theo, sau khi các qui
tắc trước đó đã được duyệt xét lại, và các kế hoạch đã được thiết lập cho thời
kỳ dân sự sẽ định cư trong xứ Ca-na-an và được an nghỉ, không còn bị kẻ
thù quấy rối nữa (PhuDnl 12:10), bấy giờ, các sinh tế sẽ được dâng lên 'tại
nơi Đức Giê-hô-va sẽ chọn' (câu 12:11).
'Nơi được chọn' cũng không được xác định. Trước hết, dường như ám chỉ
đền tạm, đã được dựng lên tại Si-lô sau khi toàn xứ bị chinh phục (Gios Gs
18:1). Việc hai chi phái rưỡi dựng lên một bàn thờ lớn bên kia sông Giô-
đanh đã bị các chi phái còn lại dưới quyền lãnh đạo của Phi-nê-a phản đối
quyết liệt (Gios Gs 22:1-34) cho đến khi sự việc ấy được giải thích không
phải là với ý định thiết lập một nơi thánh thù nghịch, nhưng chỉ là một đài
kỷ niệm mà thôi. Đặc tính đồng thời của phần ký thuật này hết sức rõ ràng,
đầy đủ.
4. Trong những ngày loạn lạc thời Các Quan xét, dân sự rất dốt nát về luật
pháp và thường bội đạo 'Ai nấy làm theo ý mình lấy làm phải' (Cac Tl
21:25). Nhiệm vụ của các thầy tế lễ là phải dạy bảo dân chúng (PhuDnl
31:9-12), cha mẹ phải dạy dỗ con cái, và viết các thành phần của luật pháp
đặt tại những nơi mà mọi người có thể nhìn thấy rõ ràng (6:6-9). Nhưng
ngay trong các gia đình trung tín, điều đó cũng chỉ có thể áp dụng đối với
những lời giáo huấn quan trọng hơn mà thôi (như trong vòng người Do Thái
ngày nay). Các bản sao trọn vẹn luật pháp chắc chắn rất hiếm; có lẽ người ta
có đặt một bản gần hòm giao ước tại Si-lô, do đó, chỉ có một số ít người là
được dạy bảo (xem PhuDnl 31:9-13 và ISa1Sm 1:3). Giữa vòng những
người ít tin kính hơn, thì việc thờ lạy tại 'các nơi cao' chẳng những chỉ là
không chính thống, mà thường thường, và phần lớn, có lẽ còn là thờ hình
tượng nữa.
5. Si-lô mất hết ý nghĩa khi hòm giao ước bị dân Phi-li-tin cướp đi (ISa1Sm
4:1-22), và từ đó đến khi một đền thờ được xây lên, thì cứ chiến tranh loạn
lạc luôn. Các điều kiện hòa bình được dự kiến trong PhuDnl 12:1-32 đã
không thành tựu, và Sa-mu-ên dâng sinh tế tại Mích-ba (ISa1Sm 7:9)và
nhiều nơi khác, còn Sa-lô-môn thì dâng tại Ghi-bê-ôn (IVua 1V 3:4). Trong
thời gian này, việc dâng sinh tế tại các nơi cao được châm chước chính trên
nền tảng đó (3:2,3).
6. Việc dân sự được hoàn toàn thống nhất dưới thời Sa-lô-môn, việc tái lập
hòa bình và xây cất đền thờ là các điều kiện cần thiết để tập trung sự thờ
phượng tại Giê-ru-sa-lem. Việc dâng của lễ tại các nơi cao vẫn còn được
thực thi, nhưng từ đó trở đi luôn luôn bị xem là vô giá trị.
7. Khi vương quốc bị chia đôi thì các điều kiện bị thay đổi một lần nữa. Giê-
rô-bô-am cho xây cất các nơi thánh tại Bê-tên và Đan, để ngăn chận số
người ngoan đạo, không cho họ đến Giê-ru-sa-lem. Tại vương quốc miền
Bắc, nhiều bàn thờ cho Đức Giê-hô-va được dựng lên tại nhiều địa điểm, và
Ê-li kêu gào việc phá hủy chúng vì đó là dấu hiệu của sự bội đạo (IVua 1V
18:30; 19:10). Ở Giu-đa, việc thờ hình tượng tại nơi cao cũng được tiếp tục,
khi thì hướng về Đức Giê-hô-va, nhưng thường hơn thì lại hướng về các
thần của xứ ấy. Việc làm đó được A-cha khuyến khích (IIVua 2V 16:4),
nhưng dưới thời Ê-xê-chia, chúng đã bị thẳng tay bài trừ (IIVua 2V 18:4).
8. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi sự thờ hình tượng được thịnh hành suốt
năm mươi bảy năm dưới thời Ma-na-se và được tiếp tục dưới thời con trai
vua ấy là A-môn, đã khiến cho luật pháp hoàn toàn bị lãng quên. Biện pháp
áp dụng tiếp theo việc tìm được sách luật pháp trong đền thờ (IIVua 2V
22:8)không phải là điều mới lạ, mà chỉ là một công cuộc cải cách theo đúng
nghĩa; và được vạch rõ cả bằng phần ký thuật đi trước lẫn bằng danh từ đã
được sử dụng. 'Quyển sách luật pháp' (chớ không phải là một quyển sách về
luật pháp hay một cuộn sách chép về luật pháp nào đó) không thể có ý nghĩa
nào khác hơn là quyển sách luật pháp của Môi-se (Bộ Ngũ Kinh) dầu là về
phương diện văn phạm hay lịch sử. Danh từ được dùng để chứng minh nó
ám chỉ một quyển sách đã được mọi người biết rõ, chớ không phải một
quyển sách mới được đưa ra ánh sáng lần đầu tiên.
Lời làm chứng của Giê-rê-mi (Gie Gr 7:12-14)với phần trích dẫn công nhiên
PhuDnl 12:11 và đề cập trực tiếp Si-lô là một bằng chứng phụ trội rằng Giô-
si-a không hề ban hành một điều gì mới lạ, mà chỉ khiến cho dân sự quay trở
về với luật pháp đã được Môi-se ban bố, đã được tổ phụ tuân thủ một thời
gian rồi thôi. Chính tính cách mơ hồ của luật pháp trong Phục Truyền Luật
Lệ Ký là một dấu hiệu chứng minh rằng luật pháp trong đó là chân thật. Đã
không có lý do thỏa đáng nào giải thích tại sao các nhà sưu tập đúc kết luật
pháp dưới thời trị vì của Giô-si-a lại chẳng cần gì phải nêu tên Giê-ru-sa-lem
ra.
Mối liên hệ với Tân Ước.
Sách Phục Truyền Luật Lệ Ký có một lời tiên tri trực tiếp về Đấng Mết-si-a.
Đức Chúa Trời đã hứa với Môi-se rằng Ngài sẽ dấy lên một nhà tiên tri
giống như ông (PhuDnl 18:15-19), và việc đề cập điều đó trong phần thêm
vào về sau ở 34:10-12 cho thấy có sự trông đợi câu ấy sẽ ứng nghiệm vào
một cá nhân. Câu này được Phi-e-rơ ứng dụng cho Đấng Christ trong Cong
Cv 3:22, và Ê-tiên thì ứng dụng cho Ngài trong Cong Cv 7:37.
Là một nhà tiên tri, Đấng Christ đã thường xuyên và trực tiếp tuyên bố về
Đức Chúa Cha (GiGa 1:18; Dan Ds 12:6-8; PhuDnl 24:10), và với tư cách là
Đấng Trung Bảo, Ngài thiết lập một giao ước tốt hơn và tồn tại mãi mãi
(HeDt 9:15-28).
Sách Phục Truyền đã được Tân Ước trích dẫn hoặc đề cập khoảng mười tám
lần. Như thế là sách ấy đã được Tân Ước đề cập nhiều hơn bất kỳ một sách
nào khác (chú ý đặc biệt đến RoRm 10:6-8; HeDt 12:29; 13:5). Chúa chúng
ta từng trích dẫn toàn những câu trong Phục Truyền để chống lại kẻ cám dỗ
(PhuDnl 6:13,16; 8:3; Mat Mt 4:4,7,10); và cho phần đầu của lời Ngài tóm
tắt về luật pháp và lời tiên tri (PhuDnl 6:4,5; Mat Mt 22:37,38).
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Dùng một quyển Kinh Thánh có phần đối chiếu, ghi ra những câu trong
Tân Ước trích dẫn Phục Truyền Luật Lệ Ký, và tóm tắt sự dạy dỗ chứa đựng
trong đó.
2. Tập họp lại và tóm tắt các khúc sách dạy về tình yêu thương và sự chăm
sóc của Đức Chúa Trời đối với dân Ngài, đối với kẻ nghèo khó và bị áp bức.
LỊCH SỬ DÂN HÊ-BƠ-RƠ
Dưới nhan đề các sách lịch sử, chúng ta có thể kể sách Giô-suê, Các Quan
Xét, Ru-tơ, I và IISa-mu-ên, I và IICác Vua, I và IISử Ký, E-xơ-ra - Nê-hê-
mi, và Ê-xơ-tê. Trong số các sách nêu trên, năm quyển sau được bản Hy-bá-
lai xếp vào nhóm 'Các Sách Văn Thơ'; các quyển sách được xếp vào nhóm
'Các Sách Tiên Tri Truớc' mà phần mô tả ý nghĩa không thể bỏ qua. Các
sách Giô-suê, Các Quan Xét, Ru-tơ và sách Sa-mu-ên ký thuật việc thành
lập nền quân chủ; các sách Các Vua và Sử Ký kể lại câu chuyện song song
cho đến khi bị đi đày; sách E-xơ-ra và Nê-hê-mi kể lại câu chuyện hồi
hương; sách Ê-xơ-tê lọt vào thời đế quốc Ba-tư.
Ngoại trừ hai sách E-xơ-ra và Nê-hê-mi, nói theo nghĩa hẹp thì các sách
khác đều có tác giả khuyết danh. Hai sách Giô-suê và Sa-mu-ên chắc phải
nhờ phần lớn tài liệu của hai lãnh tụ đó (so sánh ISu1Sb 29:29), nhưng rõ
ràng là đã được đúc kết sau khi họ đã qua đời. Nhiều sách Tiên Tri và Sử Ký
đã được trích dẫn như những nguồn thông tin; và nói chung thì các sách ấy
có đầy đủ chứng cứ là có một sự quan tâm đến tính cách chính xác, tương tự
như mối quan tâm của Lu-ca khi viết sách Phúc Âm của ông vậy (LuLc 1:1-
4).
Chúng cũng giống sách Phúc Âm Lu-ca ở chỗ không phải chỉ là sử ký mà
thôi. Dầu sách ghi lại kinh nghiệm của các cá nhân hay của toàn dân, cách
Đức Chúa Trời đối xử với họ mới là chủ đề chính. Giao ước của Đức Chúa
Trời đối với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp đã ảnh hưởng đến hình thức và
nội dung của các bảng gia phổ được đưa vào sách, và là lý do để đưa vào
nhiều biến cố cho thấy phần ứng nghiệm của câu chuyện. Trong lịch sử của
dân Y-sơ-ra-ên phần tài liệu đã được chọn lọc đặc biệt để nhấn mạnh việc họ
đã được giải phóng khỏi ách nô lệ tại Ai Cập, họ được kêu gọi làm tuyển
dân của Đức Chúa Trời, với chức năng là người tiếp nhận những sấm truyền
của Ngài (RoRm 3:2).
Thời trị vì của các vua được đánh giá tùy theo họ có làm điều thiện trước
mặt Đức Giê-hô-va và noi theo các đường lối của Đa-vít, tổ phụ họ, hay noi
theo Giê-rô-bô-am con trai Nê-bát. Sách không những chỉ dành chỗ cho các
việc làm và đặc điểm của các vị anh hùng dân tộc như Giô-suê, Đa-vít, Sa-
lô-môn và nhiều người khác nữa, mà còn cho nhiều nhân vật khác ít được ai
biết đến có cơ hội lên tiếng nói như Mi-chê, con trai Giêm-la và các câu
chuyện về những phụ nữ khiêm hạ đã phục vụ Ê-li và Ê-li-sê.
Như vậy, các sách ấy ghi lại những hành động kỳ diệu của Đức Chúa Trời
(Thi Tv 111:4), về cách Ngài đã đánh hạ kẻ mạnh và tôn cao những người
khiêm cung, nhu mì. Cũng bày tỏ sự thánh khiết, sự nhẫn nhục, lòng thương
xót khoan dung, việc Đức Chúa Trời tha thứ khi họ ăn năn, Ngài luôn luôn
tìm kiếm kẻ lạc mất, và niềm vui của Ngài khi họ quay về. Sách ghi lại kinh
nghiệm của các tiên tri và cách thế họ đã hoàn thành sứ mạng của mình.
Trong việc ký thuật, các sách ấy ghi lại những việc làm cho phù hợp với
phần chân lý mà các sách tiên tri công bố bằng chữ. Chẳng những chúng ghi
lại những lời tiên báo, mà chép lại cả phần ứng nghiệm nữa. Chúng cho
chúng ta một cái nhìn xuyên suốt vào việc Đức Chúa Trời đang thực hiện
chủ đích cứu chuộc vĩ đại của Ngài trong lịch sử, và vạch rõ thế nào con
đường đã được dọn sẵn cho sự giáng lâm của Con Ngài.
Trong các sách này cũng như trong các sách tiên tri, chúng ta thấy có sự diễn
tiến về tư tưởng từ khi dân Y-sơ-ra-ên là một quốc gia được tuyển chọn, tiến
đến một dân Y-sơ-ra-ên chân chính nằm trong dân tộc Y-sơ-ra-ên, nghĩa là
số người trung tín ít ỏi còn sót lại; rồi ngay trong số dân còn sót lại đó, các
sách ấy còn chỉ về người Đầy Tớ được tuyển chọn, là Chồi Mống, hậu tự
Đa-vít và là Con Rất Yêu Dấu của Đức Chúa Trời nữa. Lịch sử cũng như lời
tiên tri luôn luôn chỉ tới như một loạt những bảng chỉ đường, hướng về Đấng
hầu đến. Các bảng gia phổ và các biến cố họp thành một sợi dây xích lịch sử
nối liền chủ đích sơ khởi của Đức Chúa Trời trong A-đam với chủ đích tối
hậu của Ngài cho nhân loại trong Đấng Christ.
Cần nghiên cứu thật kỹ việc Đấng Christ đã tỏ thái độ của Ngài đối với lịch
sử Cựu Ước. Ngài đã không hề nghi ngờ chút gì liên hệ đến các nét chính
yếu cũng như các chi tiết nhỏ nhặt của nó. Ngài đề cập biến cố về Đa-vít với
bánh thánh (Mac Mc 2:26), vinh quang của Sa-lô-môn (Mat Mt 6:29), việc
nữ hoàng Sê-ba đến thăm Sa-lô-môn (Mat Mt 12:42), sứ mạng của Ê-li đối
với người quả phụ Sa-rép-ta (LuLc 4:26)và việc Na-a-man được chữa lành
bịnh phung (LuLc 4:27). Ngay đến các nhà phê bình khe khắt nhất cũng nhìn
nhận rằng Ngài tin vào tính cách chân thật của sử ký, và chúng ta cũng có
thể tin như vậy, không chút phân vân.
Tuy nhiên, các sách này trên hết được Tân Ước xem là sự mạc khải chớ
không phải là sử ký, và Cơ Đốc nhân có bổn phận phải nghiên cứu. Chúng
được trích dẫn nhằm làm bộc lộ cá tính của Đức Chúa Trời trong những việc
làm của Ngài, như các lời hứa đầy ân điển của Ngài từ đời nọ sang đời kia,
và chương trình cứu chuộc của Ngài trong Đấng Christ, là Con Trai Đa-vít;
và cuối cùng, chúng kể lại thế nào Đức Chúa Trời đã sai phái các tiên tri, và
thế nào bức thông điệp của họ đã bị khước từ (Mat Mt 21:33-46)dẫn đến
việc Ngài phải sai chính Con Ngài đến.
SÁCH GIÔ-SUÊ
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Trong phần hai của Kinh Thánh Hy-bá-lai, là các Tiền Tiên Tri (The Former
Prophets) thì sách Giô-suê là mắc xích nối liền phần 'luật pháp'(tức là Kinh
Torah hay phần giáo huấn) với việc vận dụng nó vào thực tiễn trong phần sử
ký về sau. Tính cách liên tục về bút pháp và chủ đích của nó với các quyển
sách đi trước từng khiến nhiều nhà phê bình gần đây xếp nó chung với các
quyển sách ấy như là quyển cuối cùng trong bộ Lục Kinh (xem Gios Gs 1:8;
24:26), nhưng việc nó đề cập 'Quyển Sách Luật Pháp' trong 8:31 và 23:6 rõ
ràng đã đề cập một thẩm quyền Kinh Thánh riêng và độc lập.
Không có một điều nào trong các sách lịch sử - bắt đầu là sách Giô-suê - gợi
ý rằng chúng không cùng một trình độ linh cảm như các sách khác, giống
như các sách Phúc Âm và Công Vụ Các Sứ Đồ chẳng thua kém chút nào về
phương diện linh cảm so với các Thư Tín. Việc chúng được mô tả là Các
Sách Tiên Tri Trước không phải chỉ do bản tính của phần dạy dỗ và nội
dung của chúng, mà còn do sự kiện chúng được chính các nhà tiên tri và tiên
kiến ký thuật (so sánh ISu1Sb 29:29), có một số vốn sống đồng thời với các
biến cố được ghi lại, một số khác thì sử dụng các nguồn tài liệu đương thời.
Họ làm chứng cho các hành động quyền năng của Đức Chúa Trời hằng
sống, trình bày việc dân sự vốn rất quen biết với các chủ đích của Ngài và
cách thức Ngài đã đối xử với họ, cả đối với các cá nhân lẫn với toàn dân.
Trong các thành phần khác nhau của Kinh Thánh, chúng đã được đề cập và
trích dẫn như chính sử, và là một thành phần thiết yếu trong Kinh Thánh, có
thể khiến chúng ta trở nên khôn ngoan để được cứu rỗi.
Uy quyền của sách Giô-suê để được liệt vào Kinh Điển Cựu Ước, đã không
hề bị dị nghị. Có nhiều chỗ trong các sách về sau đã đề cập nội dung sách
này (ISu1Sb 2:7; 12:15; Thi Tv 44, 48, 114; EsIs 28:21; HaKb 3:11-13).
Procopius, một tác giả có uy tín và đáng tin cậy của thế kỷ thứ sáu kể lại
rằng có một bia đá tại Tingis, xứ Mauretania ghi rằng: 'Chúng tôi là những
kẻ (tị nạn) đã chạy trốn để khỏi phải thấy mặt Giô-suê, là tên cướp, con trai
của Nun'.
Tên Giô-suê gợi cho người ta nghĩ đến một vị anh hùng hơn là một người
viết sách, tuy truyền thống Do Thái chủ trương rằng chính ông la trước giả
sách ấy. Danh từ 'trước giả' ở đây không có nghĩa chính ông là người cầm
bút viết lại câu chuyện, nhưng có nghĩa đây là một sách ghi lại các biến cố
có tầm quan trọng và có ý nghĩa nổi bật, đến nỗi không thể nào loại bỏ được
sự kiện là chính Giô-suê là người đã đốc thúc để mọi sự phải được ghi lại, vì
chắc chắn việc viết sách này đã có thể thực hiện được vào thời của ông
(Gios Gs 8:32; 24:26). Thành ngữ 'cho đến ngày nay', đã xuất hiện trong
sách khoảng mười bốn lần. Ba chỗ (22:3, và 23:8,9)ở vào sinh thời của Giô-
suê. Các chi tiết thường đưa ra rất tỉ mỉ, rõ ràng do chính một người đồng
thời viết (Thí dụ 15:6; 18:17). Khi đối chiếu 15:63 với IISa 2Sm 5:7-9 và
16:10 với IVua 1V 9:16, và khi ghi nhận việc không có câu nào ám chỉ việc
vương quốc bị chia đôi, ta có thể suy luận rằng sách này vốn đã được hoàn
tất trước thời của Rô-bô-am.
Ít có các phần nào trong Kinh thánh lại kết chặt với nhau cho bằng mười hai
chương đầu của sách này. Những nét tương phản bề mặt giữa một số câu
trong phần này với phần còn lại trong sách đều tan biến hết khi văn bản
được khảo xét cẩn thận, và khi người ta hết sức chú ý đến chúng, chẳng hạn
như câu trong Gios Gs 11:18 'Giô-suê đánh giặc cùng các vua này lâu ngày'.
Trong một cuộc chiến tranh 'vận động chiến' như thế, phần hình ảnh luôn
luôn thay đổi; nhiều yếu tố và vấn đề mới luôn luôn xuất hiện trong một thời
gian đồng thời với việc thay đổi các chiến trường, từ khi quân đội Y-sơ-ra-
ên hãy còn thống nhất, cho đến khi các chi phái đã được định cư xong xuôi.
Chẳng hạn đã không hề có mâu thuẫn giữa 12:10 với 15:63 nếu chúng ta nhớ
rằng 'Giê-ru-sa-lem' trong câu trước nói về thành phố, còn trong câu sau thì
đề cập khu vực hành chánh (cũng xem 15:8). Giữa 11:23 và 19:51 lại còn
một thời gian cách biệt.
Sau khi thừa nhận niên đại của Xuất Ê-díp-tô Ký là 1.440 TC Keil gợi ý
rằng, sách này đã được 'một trưởng lão đồng thời với Giô-suê còn sống sót'
đúc kết. Ý kiến này khá hấp dẫn, và ngoài ra, còn cho sách Giô-suê một niên
đại phù hợp với việc xuất hiện nhiều lần câu 'cho đến ngày nay'. Như thế còn
có lý hơn là bảo rằng đây là truyền khẩu qua nhiều thế kỷ của tất cả chi tiết
đã họp thành nội dung của quyển sách. Các ghi chú trong những bảng đất
nung Tel el Amarna về việc các con cái Y-sơ-ra-ên - mà các bảng ấy gọi là
Ha-bi-ru - xâm chiếm xứ Palestine không thể nào so sánh được với giá trị sử
ký của phần ký thuật trong sách Giô-suê. Tuy không thể nào có được việc tất
cả các chi tiết đều ăn khớp với nhau như đã có đầy đủ lý do để tin rằng các
bức thư ấy là lời lẽ của kẻ thù của dân Y-sơ-ra-ên, nên thật ra, chúng đã trình
bày mặt trái của bức tranh, còn sách Giô-suê mới là mặt phải. Việc cầu viện
cấp bách với Pha-ra-ôn, tình trạng bất ổn định trong xứ và số các thành phố
được nêu tên, tất cả đều phù hợp với phần ký thuật của Kinh Thánh. Tôn
giáo của dân Ca-na-an như được phản ánh trong các bảng (đá và đất nung)
của các di chỉ Ras Shamra và Amarna hầu như đồng thời với cuộc chinh
phục, và như các đền đài khác trong cùng một thời kỳ ấy đã vẽ ra, cũng cho
thấy nhu cầu phải có những lời cảnh cáo chống lại việc thờ hình tượng vốn
rất thường gặp và vẫn được nhấn mạnh trong các tác phẩm của Môi-se và
Giô-suê.
Làm quen với bản đồ là điều thiết yếu để có thể hiểu rõ tình hình vào giai
đoạn ấy. Từ Bắc xuống Nam là vùng cao nguyên trung du trải dài, các miền
núi chính gồm có Si-chem, Si-lô, Bê-tên, Giê-ru-sa-lem, và Hếp-rôn; và giữa
đó với Địa Trung Hải, là các vùng chân núi (Sê-phê-la) và đồng bằng duyên
hải. Dọc theo bờ biển, là quan lộ Ai Cập chạy lên phía Bắc đến Mê-ghi-đô
rồi Hát-so và miền Đông. 'Các vùng chân núi (Sê-phê-la)...tạo thành một tấm
bình phong cũng như một chiến lũy, khiến khi các đạo quân của Pha-ra-ôn
kéo qua thì không thể trông thấy, các sứ giả của các vua ấy có đi qua lại
cũng không bị chú ý' (Garstang). Suốt bốn mươi năm lưu lạc sự kiểm soát
của Ai Cập đối với dân Y-sơ-ra-ên vốn có phần nào được nới lỏng, nhưng
nhiều đội quân trú phòng nho nhỏ vẫn đột kích vào con đường và nội địa.
Nhằm đứng vững tại các vị trí then chốt đó, việc chứng kiến nhiều hiện
tượng lạ lùng xảy ra, chắc chắn đã khiến Giô-suê thấy trong đó quả đúng là
có bàn tay của Đức Chúa Trời.
PHÂN TÍCH
Gios Gs 1:1-5:15.
Chuẩn bị cuộc chinh phục. Vượt sông Giô-đanh.
Gios Gs 6:1-8:35.
Chiếm Giê-ri-cô và A-hi. Tội của A-can.
Gios Gs 9:1-12:23.
Các cuộc chinh phục tiếp theo. Thỏa hiệp với dân Ga-ba-ôn.
Gios Gs 13:1-19:51.
Phân chia xứ cho các chi phái.
Gios Gs 20:1-22:34.
Các thành ẩn náu. Các thành cho người Lê-vi. Hai chi phái rưỡi trở về.
Gios Gs 23:1-24:33.
Lời khuyên bảo của Giô-suê. Ông qua đời.
NỘI DUNG
Sách Giô-suê tiếp theo phần lịch sử sau sách Phục Truyền, gần giống như
sách Công Vụ Các Sứ Đồ tiếp nối các sách Phúc Âm vậy. Phần ký thuật
chứng minh thế nào sự vâng lời và trung thành sẽ được thành công, y như
sách Các Quan Xét vạch rõ sự bội đạo chắc sẽ đưa đến thất bại như thế nào.
Muốn hiểu rõ và lãnh hội thật đúng, phải tiếp cận sách này bằng tinh thần và
đức tin của vị tổng tư lịnh vốn là nhân vật chính của sách này. Điều này đã
được minh họa rất hay trong biến cố các thám tử (Dan Ds 13:1-33; 14:6-10;
PhuDnl 1:38), việc tất cả - kể luôn chính Giô-suê nữa - đều phải đối diện với
cùng một chứng cứ hiển nhiên về tính cách bất khả chiếm lĩnh và sự khó
khăn, nhưng không phải mọi người đều có cùng một đức tin vào số phận của
dân Y-sơ-ra-ên. Đức tin của Giô-suê và Ca-lép là xứ ấy thật tốt lành, và
chẳng có lý do gì để sợ hãi một khi Đức Chúa Trời đang ở với họ, điều mà
Môi-se đã truyền dặn dân sự trong một bài tín điều ở PhuDnl 4:34 và tt; 6:4
và tt; 11:18 và tt, là lý do cho cả cuộc tiến lên của toàn dân. Như thế, phần
ký thuật đòi hỏi độc giả là Cơ Đốc nhân phải có một đức tin và một cái nhìn
xuyên suốt như đức tin mà các lãnh tụ của dân Y-sơ-ra-ên đã được Đức
Chúa Trời hà hơi cho, và đưa họ vào Đất Hứa.
Độc giả hiện đại không thể tách khỏi những khó hiểu khi đọc sách này. Lịnh
truyền của Giô-suê cho mặt trời dừng lại (Gios Gs 10:12, cước chú: yên
lặng) trên Ga-ba-ôn là tảng đá vấp chân cho nhiều người, nhưng phần ký
thuật có đầy đủ dấu hiệu cho thấy sự việc quả đã thật sự xảy ra như vậy lúc
ấy và là một cái gì vượt xa óc tưởng tượng trong thi ca. Cũng như với việc
'cả xứ đều trở nên tối tăm' lúc Chúa Giê-xu bị đóng đinh, ta không thể tách
rời phép lạ ấy với tầm quan trọng của cơ hội lúc nó xảy ra. E.W.Mauder đã
đưa ra quan điểm của ông về đặc tính thiên văn học của biến cố ấy (xem
Trans. Victoria Inst., Vol. LIII (1.921). Cũng xem Garstang Joshua and
Judges tr. 179).
Một khó khăn khác là trong lịnh truyền phải tận diệt dân Ca-na-an như tại A-
hi (Gios Gs 8:2 so sánh 6:21). Dầu vậy không một tín hữu biết suy nghĩ nào
khi khảo sát lịch sử lại không thấy rằng quả thật Đức Chúa Trời vẫn đoán
xét các dân tộc cũng như từng cá nhân, chẳng những riêng đối với A-sy-ri và
Ba-by-lôn như các nhà tiên tri đã báo trước, mà cả đến các dân tộc của thế
giới ngày nay nữa. Chính Đức Chúa Giê-xu Christ đầy tình yêu thương
không ai phủ nhận được cũng đã dạy rất rõ ràng về điều đó (LuLc 17:26-30),
và tội lỗi của dân Ca-na-an vốn không phải là dân đáng ghét bằng tội lỗi của
các thành phố vùng đồng bằng (Sô-đôm và Gô-mô-rơ). Cũng chính mình
Ngài đã tiết lộ cho tôi tớ Ngài là Giăng, vị sứ đồ của tình yêu thương, rằng
Ngài 'sẽ lấy lẽ công bình mà xét đoán và chiến đấu' (KhKh 19:11-16). Khi
được nghiên cứu dưới ánh sáng của Tân Ước,'chính những khúc sách khó
hiểu có thể dạy chúng ta nhiều bài học về sự khiêm nhu do cái nhìn quá
thiển cận của chúng ta, do các ý niệm quá thiếu sót của chúng ta về sự thánh
khiết và lòng căm ghét tội lỗi của Đức Chúa Trời, và về lòng thương xót vô
hạn của Ngài trong Đấng Christ, khi Ngài cứu chúng ta khỏi điều tai họa nào
mà theo lẽ công bình thì chúng ta rất xứng đáng phải nhận chịu'
(H.E.Guillebaud).
Nói chung có thể cho rằng sách đã ghi lại những hoạt động qua đó Giô-suê
thấy rõ có sự vùa giúp của Đức Chúa Trời; các sự kiện về một diễn tiến
hướng đến một mục tiêu tối hậu và cuối cùng là các kết quả có ý nghĩa
trường cửu. Thoạt tiên, tổng hành dinh của Giô-suê được đặt tại Ghinh-ganh
(Gios Gs 4:19), sau đó, được dời đến Si-lô (18:9)rồi Si-chem (24:1). Hòm
thánh, biểu tượng của sự hiện diện Đức Chúa Trời, được đời đi từ trạm này
đến trạm khác, để sau cùng, đến thời Các Quan Xét, thì được tìm thấy tại Si-
lô (ISa1Sm 1:1-28)
Sách dạy về tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp Đức Chúa Trời và
những đạo đức của nó đối với những ai muốn trở thành công cụ cho Đức
Chúa Trời; và hơn nữa là về sự cần thiết của sự tận hiến của bản ngã (Gios
Gs 14:9)cũng nhằm cứu cánh đó. Đặc biệt là trong phần đầu, sách chứa đầy
những điều dạy dỗ thuộc linh có giá trị hơn hết. Câu chuyện của Ra-háp và
các thám tử, việc vượt sông Giô-đanh, và các biến cố đầy phấn khởi khác,
tất cả đều có ý nghĩa vượt xa các sự kiện lịch sử, cho chúng ta nhận biết các
điều kiện mà do đó, Đức Chúa Trời sẽ ban cho hoặc rút lại các phước hạnh
thuộc linh quan trọng nhất.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Liệt kê các lời hứa của Đức Chúa Trời với Giô-suê và chú ý đến các điều
kiện của những lời hứa đó. Nghiên cứu Đất Hứa như hình bóng chỉ về một
đời sống đầy đẫy Đức Thánh Linh.
2. Theo bạn, ý nghĩa thuộc linh của việc vượt sông Giô-đanh là gì? Cần ghi
nhận đó là điều kiện cần thiết trước khi Đức Chúa Trời có thể làm những
việc lạ lùng trong chúng ta. Nó có liên hệ gì với hai mục đích chính của
phép lạ, được nói đến trong Gios Gs 3:10 và 4:23,24
3. Khảo xét các nguy cơ của sự thỏa hiệp như được minh họa trong chuyện
dân Ga-ba-ôn. Chú ý đến lòng trung tín của Giô-suê và đối chiếu với Thi Tv
15:1-5.
4. Khảo xét Giô-suê như hình bóng về Đấng Christ (HeDt 4:8). Suy gẫm ý
nghĩa tên ông, việc ông lãnh đạo dân Chúa để đưa họ vào Đất Hứa, việc ông
kế vị Môi-se (như Phúc Âm kế tục luật pháp, theo Cong Cv 13:39).
5. Những tảng đá làm chứng, cơ nghiệp được hứa ban, phép cắt bì, các thành
ẩn náu gợi ý về những điểm tương tự nào trong Tân Ước?
SÁCH CÁC QUAN XÉT
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Truyền thống của các ra-bi khẳng định rằng 'Sa-mu-ên đã viết sách Các
Quan Xét và Ru-tơ'. Dù các giáo phụ Cơ Đốc giáo nguyên thủy chấp nhận
như thế, ý kiến đó cũng chưa đủ. Tuy nhiên, đối với bất cứ ai chịu khó sưu
tập các phần ký thuật manh mún đó lại với nhau đều thấy tất cả các chứng
cứ hiển nhiên bênh vực quan điểm cho rằng chúng được viết vào thời Sa-
mu-ên. Sự kiện khả dĩ chúng đã được viết ra từ một thời rất xa xưa đã được
chứng minh, không những do chứng cứ về cách viết mẫu tự theo lối cổ mà
còn bằng các bảng (đá và đất nung) của di chỉ Tel el Amarna. Hơn nữa, ngay
trong văn bản, tình cờ lại có ghi sự kiện 'một đứa trai trẻ ở Su-cốt...viết' (Cac
Tl 8:14)khai tên các quan trưởng và trưởng lão. Phần ký thuật về một giai
đoạn lâu hàng mấy trăm năm đến nỗi nếu nói rằng nó được bảo tồn đưa vào
truyền khẩu, là đã giả thiết rằng phải có một phép lạ cho trí nhớ!
Các công cuộc sưu tầm khảo cổ học chứng minh cho tính cách chính xác của
các chi tiết về địa dư và các điều kiện để chúng có thể được thu thập lúc đó,
nhất là liên hệ đến các chướng ngại vật tự nhiên mà người ta phải gặp, và
những đoạn đường dài phải vượt qua. Mê-ghi-đô nằm trên đường chuyển
quân của kinh đô A-sy-ri và Ai Cập khi chúng kéo qua rặng núi Cạt-mên,
được đề cập trong các bảng (đá và đất nung) của cả hai đế quốc ấy, trong đó
cũng có thấy ghi Tha-a-nác nữa (Cac Tl 1:27; 5:19). Những công cuộc khai
quật tại Hếp-rôn, Si-chem và Bết-san cũng chứng minh tính cách chính xác
của bản văn Kinh Thánh cả đến các chi tiết rất nhỏ nhặt. Rất nhiều di tích
các công cụ bằng sắt thuộc giai đoạn đó được tìm thấy tại Mê-ghi-đô, Tha-a-
nác và nhiều nơi khác (xem 1:19; 4:3 so sánh Gios Gs 8:31; ISa1Sm 13:20),
khiến chủ trương cho rằng sắt xuất hiện lần đầu tiên vào một thời kỳ trễ hơn
về sau đã không thể đứng vững được.
Một dấu chỉ khác cho một niên đại rất sớm là 'trong sách thường có những
đoạn cho thấy dân Y-sơ-ra-ên lìa bỏ Đức Giê-hô-va để chạy theo Ba-anh và
Át-tạt-tê (Cac Tl 2:13), hoặc họ cưới vợ gả chồng và sống chung lộn với
người Ca-na-an và thờ lạy các thần của vợ hoặc của các con rể họ (3:6),
hoàn toàn phù hợp với các kết luận của các công trình nghiên cứu về tên
riêng' (Hommel, Ancient Hebrew Tradition, tr. 384). Năm chương cuối có
vẻ như tách rời với phần ký thuật chính yếu, kể lại câu chuyện lạ lùng về
một tôn giáo lệch lạc của Mi-ca, một người cháu nội của Môi-se (Cac Tl
18:30), và câu chuyện về cách cư xử đáng ghê tởm và vô nhân đạo của dân
Ghi-bê-a, vào thời Phi-nê-a còn sống. Chính sự tách rời đó làm chứng cho sự
kiện các nhà viết sách thánh đã cảm thấy rằng nội dung của chúng đề cập
những hành động hết sức bất thường và ra ngoài luật lệ. Josephus đã chuyển
các chương này lên đặt trước chương 1 vì cho rằng các biến cố ấy thuộc về
thời kỳ đầu của giai đoạn ấy (Antiquities 5; 2.8-12). Đặc tính thô sơ và chân
chất là bằng chứng chúng là thật, cũng như không thể có một tác giả nào
thuộc các thời kỳ về sau lại có thể bày đặt một câu chuyện như vậy về thành
phố quê hương của Sau-lơ.
Câu được nhắc đi nhắc lại 'đương lúc đó chẳng có vua nơi Y-sơ-ra-ên' (Cac
Tl 18:1; 21:25)chỉ vẻ một niên đại không sớm hơn thời của Sau-lơ trong khi
trong 1:21 (so sánh Gios Gs 15:63 và Cac Tl 19:11 'Giê-bu') hàm ý rằng việc
này xảy ra trước các biến cố đã được ký thuật lại trong IISa 2Sm 5:4.
Lời lẽ trong Cac Tl 18:30,31 (so sánh Thi Tv 78:60,61)gợi ý rằng có lẽ
quyển sách đã được đúc kết vào thời nơi thánh tại Si-lô không còn nữa, có lẽ
do hậu quả một chiến dịch của Phi-li-tin (cũng xem Gie Gr 7:14; 26:6). Con
số những câu đề cập Ép-ra-im và các câu chuyện được kể hết sức tỉ mỉ liên
hệ đến chi phái ấy, phù hợp với một lời phỏng đoán rằng việc đúc kết quyển
sách được dựa vào số tài liệu đã được lưu trữ trong nơi thánh tại đó.
Trong sách này, được biết bắt đầu xuất hiện người Na-xi-rê, mà A-mốt, khi
nhìn lại thời kỳ này đã xếp loại họ với các tiên tri được Đức Chúa Trời dấy
lên (Cac Tl 2:11). Việc Cac Tl 13:5-7; 16:17)đề cập đến nhóm người này tạo
thành chiếc mắc xích nối liền - và giải thích - mấy câu trong Dân Số Ký và
A-mốt chương 2, mà nếu không có, chúng sẽ bị lẻ loi không dính nhập vào
đâu cả. Cũng như nhóm người Rê-cáp của những thời kỳ về sau (IIVua 2V
10:36;)họ tiêu biểu cho thành phần nòng cốt những người trung tín đã duy trì
sự sống cho các lý tưởng thuộc linh của tôn giáo được lồng trong luật pháp
Môi-se. Người ta thề nguyện với Đức Giê-hô-va tại nhiều nơi, và điều quan
trọng cần chú ý là đã không hề có sự giới hạn về gia tộc hay chi phái: Giép-
thê là người Ga-la-át, Sam-sôn người thuộc chi phái Đan, còn Sa-mu-ên là
một người Lê-vi ở Ép-ra-im. Tinh thần của sự biệt riêng ra cho Đức Chúa
Trời (nazar, phân rẽ) là đặc điểm của số người sẽ trở thành các lãnh tụ được
linh cảm và là cứu tinh của dân tộc. Thần của Đức Giê-hô-va đã đáp đậu trên
họ (Cac Tl 3:10), Ngài 'nhập vào' Ghê-đê-ôn (nguyên văn 'Ngài mặc lấy
Ghê-đê-ôn như một chiếc áo', bản Kinh Thánh của chúng ta dịch là 'Ngài
cảm hóa Ghê-đê-ôn'(6:34), và 'cảm động (đến trên) Sam-sôn rất
mạnh'(14:6). Trước giả là nhà tiên tri của sách này đã không hề rời mắt khỏi
Đức Chúa Trời.
PHÂN TÍCH
Cac Tl 1-3:6.
Vào đề. Hành trình riêng rẽ của các chi tộc. Dân Y-sơ-ra-ên không chế phục
được các kẻ thù xung quanh.
Cac Tl 3:7-31.
Ốt-ni-ên và Ê-hút giải cứu dân sự khỏi các kẻ thù ở phía Đông
Cac Tl 4:1- 5:31.
Đê-bô-ra và Ba-rác giải cứu dân sự khỏi liên minh các bộ lạc phương Bắc.
Bài ca của Đê-bô-ra.
Cac Tl 6:1-8:35.
Chuyện Ghê-đê-ôn, người giải cứu dân sự khỏi tay dân Ma-đi-an, nhưng lại
sa vào tội thờ hình tượng.
Cac Tl 9:1-10:18.
Chuyện A-bi-mê-léc, Thô-la và Giai-rơ.
Cac Tl 11:1-40.
Giép-thê giải cứu dân sự khỏi tay dân Am-môn. Lời thề của ông.
Cac Tl 12:1-15.
Lời than phiền của người Ép-ra-im và trắc nghiệm Si-bô-lết. I-ếp-san, Ê-lôn
và Áp-đôn làm Quan Xét.
Cac Tl 13:1-16:31.
Mười hai chiến công của Sam-sôn trên dân Phi-li-tin.
Cac Tl 17:1-18:31.
Câu chuyện của Mi-ca và việc lập đền thờ tại Đan.
Cac Tl 19:1-21:25.
Sự gian ác của dân thành Ghi-bê-a. Chúng bị trừng phạt.
NỘI DUNG
Nhan đề sách này trong bộ Kinh Thánh Hy-bá-lai (Shophetim, so sánh
Mishpat 'đoán xét') là một chữ có ý nghĩa đặc biệt. 'Các Quan Xét' là chữ
tương đương gần nhất. Nó gồm nhiều nghĩa như 'nhà giải phóng', 'nhà cai trị'
(vua, quan trưởng: ruler), hay 'quan án, quan tòa', được dùng để chỉ một
người dấy lên đưa sinh hoạt của dân sự vào đường lối của luật pháp Đức
Chúa Trời (XuXh 18:16; Cac Tl 2:18; 3:9). Chỉ theo nghĩa đó, chúng ta mới
hiểu được 'Quan Xét' có được địa vị xứng đáng trong lịch sử lâu dài của dân
sự Đức Chúa Trời. Như thế, họ đã 'được cứu để phục vụ' Ngài, một niềm tin
chúng ta thấy tự hiển lộ trong Tân Ước (LuLc 1:74; HeDt 11:32-34).
Nói chung thời gian dành cho mỗi quan xét tỉ lệ thuận với ảnh hưởng mà đời
sống và việc làm của vị ấy đã tạo được đối với dân tộc. Phần chi tiết quan
trọng hơn của các kỳ công của Sam-sôn có lẽ do chúng có liên hệ gần gũi
hơn với thời của trước giả. Diễn tiến cuộc chinh phạt chớp nhoáng của Giô-
suê được phản ánh trong hai chương Cac Tl 1:1-2:23, còn đặc tính của giai
đoạn tiếp theo đó được chép trong các chương từ 2:6 đến 3:6. Đức Giê-hô-
va đã nêu ra hai lý do (2:20-23)cho kinh nghiệm mà dân Y-sơ-ra-ên phải trải
qua. Lý do đạo đức, nhằm trừng phạt tội không vâng lời; lý do thuộc linh là
để thử nghiệm lòng trung thành của họ. Trước giả còn thêm một lý do thứ ba
nữa về phương diện chính trị, ấy là các thế hệ phải được dạy dỗ trong chiến
đấu để giành lấy một chỗ đứng giữa các dân tộc khác (3:1-4).
Phần trung tâm sách Cac Tl 3-16)chép về nhiều 'quan xét' khác nhau, và trải
suốt một thời gian khoảng ba thế kỷ, từ thời của Ốt-ni-ên cho đến thời Hê-li.
Ba trăm năm của Cac Tl 11:26 có lẽ là từ 1.400-1.100 TC. Đây là một giai
đoạn suy thoái đối với các lý tưởng cao cả và các nguyên tắc đạo đức vĩ đại
Môi-se và Giô-suê đã thiết định. Những dấu hiệu của tình trạng vô chính
phủ, bạo động, hỗn loạn, đạo đức suy đồi và sự chia rẽ giữa các chi tộc đã tái
hiện. Ý thức quốc gia bị mất và chỉ được phục hồi nhờ một số đại lãnh tụ.
Họ chế phục được kẻ thù và phấn hưng đạo đức trong một thế hệ nhưng
thường lại mất vì sự suy thoái của thế hệ tiếp nối. Đây là câu chuyện dài của
các chu kỳ được lặp đi lặp lại: quật khởi, hồi tỉnh, ăn năn thống hối, phục
hưng và yên nghỉ.
Tuy vậy ý thức về sự thống nhất quốc gia và tiếng gọi 'bước đi theo đường
lối của Đức Giê-hô-va' đã chẳng bao giờ bị mất hoàn toàn, như bài ca của
Đê-bô-ra đã chứng minh. Bà là một người 'mẹ' của dân Y-sơ-ra-ên, còn họ là
'dân sự của Chúa' (Cac Tl 5:7-11). Ý nghĩa thực sự của bài ca ấy vốn thường
bị bỏ qua, xem nhẹ, ngay cả ngày nay. Chẳng những nó đánh đổ thuyết cho
rằng các chi phái Y-sơ-ra-ên đã vào xứ Ca-na-an vào nhiều thời kỳ khác
nhau, từ nhiều hướng và do nhiều nguồn xuất phát khác nhau, mà còn chứng
minh rằng toàn dân đã biết thờ phượng Đức Giê-hô-va với tư cách một toàn
thể thống nhất rất lâu trước khi họ được vào Đất Hứa do việc sách này khẳng
định rằng cả đến các chi tộc ở cách nhau rất xa vẫn được tập hợp với nhau
khi nghe tiếng hiệu triệu của Đức Chúa Trời. Mối liên hệ với Ai Cập đã
được thảo luận trong chương VII sách này. Việc các đạo quân Ai Cập kéo
qua con đường hành lang duyên hải từ Ách-ca-lôn đến núi Cạt-mên là những
'mũi gai' đâm vào hông dân Y-sơ-ra-ên, vì họ đã không chế phục được dân
A-mô-rít (2:3; 6:9; 10:11,12). Bia đá Merneptah (khoảng 1.220 TC) tại Viện
Bảo Tàng Anh Quốc ghi rằng :
'Đất Hê-tít được hòa bình - vùng bị cướp phá là Ca-na-an - bằng đủ thứ tai
họa - Ách-ca-lôn bị bắt đi - Ghê-xe bị chiếm - Giê-nô-am bị khiến như
không còn nữa - Y-sơ-ra-ên bị phá hoang - dòng giống nó không còn...'
Việc đặt chồng tên Y-sơ-ra-ên lên tên Giê-nô-am là vùng mà Đê-bô-ra từng
chiến thắng ngay ít lâu sau đó (1.200 TC) là điều khá lý thú.
Các câu chuyện được kể lại trong sách này có đề cập một tình trạng man rợ
mô tả rất sống động một thời kỳ man dã, khiến chúng ta phải đặt vấn đề vai
trò của các câu chuyện kể lại ấy là gì trong lịch sử cứu chuộc. Ngoài vai trò
của các quan xét trong sự phát triển của dân Y-sơ-ra-ên của lịch sử và chức
năng của lời thành văn trong việc thực hiện các chương trình của Đức Chúa
Trời (xem Thi Tv 102:18), câu trả lời có lẽ là nhằm phơi bày tính cách trống
rỗng vô nghĩa của lịch sử, để qua đó, chúng ta thấy rằng Đức Giê-hô-va
đang hành động. Các giai đoạn 'yên nghỉ' khá dài đã trôi qua trong sự im
lặng tương đối trừ khi Đức Chúa Trời can thiệp để trừng phạt tội lỗi hoặc
dấy lên các cứu tinh đáp lại tiếng kêu cứu của dân sự Ngài. Các hành động
của Đức Chúa Trời cho thấy Ngài vốn là Đức Chúa Trời thương xót, khoan
dung, nhưng cũng là Đức Chúa Trời của sự phán xét 'ban ơn đến ngàn đời,
xá đều ác, tội trọng và tội lỗi; nhưng chẳng kể kẻ có tội là vô tội' (XuXh
34:7). Cơn thạnh nộ của Ngài giáng trên các con cái không vâng phục (Eph
Ep 5:6, xem Cac Tl 2:14,20; 3:8; 10:7), nhưng khi lâm hoạn nạn, dân Chúa
kêu cầu thì Ngài dức dấy những nhà giải phóng, các nhà tiền phong và Cứu
Chúa tiêu biểu (làm hình bóng) để lật đổ các kẻ thù của họ và ban sự yên
nghỉ cho dân Ngài.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Khảo xét sự dạy dỗ của sách Các Quan Xét về thần hựu của Đức Chúa
Trời, nhất là qua các công cụ lạ lùng Ngài sử dụng để thực hiện các chủ đích
thánh khiết.
2. Chú ý các lý do của thất bại. Các cơ nguy tương ứng trong sinh hoạt thuộc
linh là gì (Cac Tl 2:11-19 so sánh Mat Mt 9:29)?
3. Việc bớt số quân trong đạo quân của Ghê-đê-ôn có ý nghĩa thuộc linh thế
nào? (xem PhuDnl 20:8; ISa1Sm 14:6; Mac Mc 6:7; ICo1Cr 1:26).
4. Nghiên cứu những lần xuất hiện của thiên sứ trong sách Giô-suê và Các
Quan Xét và mối liên hệ của vị thiên sứ ấy với sự nhập thể (so sánh XuXh
34:5).
5. Chú ý việc chọn lọc các thí dụ về 'đức tin' trong HeDt 11:32-34, và nghiên
cứu xem đức tin ấy đã được thể hiện như thế nào?
SÁCH RU-TƠ
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Trong bộ Kinh Thánh Hy-bá-lai, sách Ru-tơ được xếp vào các sách Văn Thơ
(The Writings), là phần thứ ba của Cựu Ước. Bộ Bảy Mươi và Vulgate đã
xếp Ru-tơ tiếp sau sách Các Quan Xét là hợp lý vì rất có thể đó chính là vị
trí của sách này trong các cổ bản mà các dịch giả hai bộ Kinh Thánh ấy đã
dựa vào. Như nhiều cước chú vạch rõ, sách này có nhiều điểm tương đắc
(affinities) với sách kia, mặc dầu có nhiều tương phản về chủ đề. Origen bảo
rằng người Hê-bơ-rơ (nghĩa là người Hê-bơ-rơ chịu ảnh hưởng văn hóa Hi-
lạp) 'nhập chung Các Quan Xét và Ru-tơ thành một quyển duy nhất'.
Đây là một kiệt tác về văn miêu tả mà lại sử dụng ít ngôn từ một cách lạ
thường: Chỉ có người rất quen biết với các phong tục tập quán của thời kỳ ấy
và sống hòa nhập với giới bình dân, mới có thể vẽ ra được một bức tranh về
sinh hoạt của dân Y-sơ-ra-ên cách sống động đến thế. Trước giả đang mô tả
một cuộc đời mình rất quen thuộc. Điều không phải không có ý nghĩa, ấy là
ba câu chuyện trong Cac Tl 17:1-13 và tiếp theo), và Ru-tơ đều kể lại các
biến cố đã lần lượt xảy ra tại miền cực Bắc (chi phái Đan) trung tâm (Si-lô)
và cực Nam (Bết-lê-hem) của xứ Ca-na-an giúp chúng ta biết tường tận khía
cạnh sinh hoạt ở nông thôn, và các phong tục tập quán vào những ngày xa
xưa ấy. Mối liên hệ rõ rệt của sách Ru-tơ với sách Quan Xét là do nhiều câu
sau đây, tất cả đều càng mạnh mẽ hơn nhờ ở hàm ý; chớ không ở chỗ có liên
quan trực tiếp: Ru R 1:1 (Cac Tl 2:16 và 17:7); Ru R 1:8 (Cac Tl 1:24); Ru
R 1:13 (Cac Tl 2:15); Ru R 1:15 (Cac Tl 11:24); Ru R 2:20 (Cac Tl 17:2);
Ru R 3:1 (Cac Tl 14:2 và tt); Ru R 3:7 (Cac Tl 16:19; 19:6); Ru R 3:13 (Cac
Tl 8:19). Cần ghi nhận là trong Cac Tl 3:1 cuộc hôn nhân là do cha mẹ xếp
(Cac Tl 14:2 và tt).
Truyền thống gán tác quyền cho Sa-mu-ên, và nói chung, các chứng cứ hậu
thuẫn cho một niên đại rất sớm của thời kỳ quân chủ. Bảng gia phổ chỉ ghi
đến đời của Đa-vít, và cách mô tả tỉ mỉ các biến cố xảy ra thì chống lại một
quan điểm chủ trương cho một thời gian trước tác muộn hơn. Mặt khác, việc
mô tả hành động 'cổi giày ra' như dấu hiệu từ bỏ (Ru R 4:7 so sánh PhuDnl
25:8,9) đưa đến kết luận là Ru-tơ đã được viết vào một thời kỳ rất sớm. Nạn
đói (Cac Tl 1:1)chắc phải lan tràn rộng khắp và khiến mọi người nhớ lại rõ
ràng, rất có thể là hậu quả của cuộc xâm lăng của dân Ma-đi-an (Cac Tl 6:2-
6). Khuynh hướng sử dụng tiếng A-ram trong sách dù ít, nhưng có thể là dấu
hiệu của một thời kỳ rất sớm. Điểm đáng lưu ý quan trọng hơn đó là tính
cách thuần túy của bút pháp cổ điển, có thể nhận rõ là khác với sách Ê-xơ-tê
và Sử Ký. Về tên người thì Ru-tơ và Ọt-ba là tên Mô-áp, còn Ê-li-mê-léc thì
trong các bảng (đất nung hoặc đá) của di chỉ Tel el Amarna viết là Ilumilki.
Na-ô-mi có nghĩa là 'người dễ kết bạn'. Việc thiếu vắng những chữ 'khiên,
gươm và chiến trận', bầu không khí ngoan đạo đơn sơ thấm nhuần trong câu
chuyện, ý thức về quyền tể trị thần hựu, và khung cảnh của một góc yên tịnh
của xứ Giu-đa, đều khiến chúng ta nhớ lại câu chuyện xuất phát trực tiếp từ
tấm lòng và ý thức của một người Hê-bơ-rơ về số phận mà Đức Chúa Trời
dành cho họ sẽ đạt đến sự vinh hiển về sau.
PHÂN TÍCH
Sách này dường như có thể sẵn sàng để được xem như một vở kịch, chia
thành bốn màn:
Ru R 1:1-22.
Xứ Mô-áp. Ru-tơ trìu mến và ái mộ Na-ô-mi; nàng quyết tâm xem 'Đức
Chúa Trời của mẹ là Đức Chúa Trời của tôi' về phương diện tôn giáo.
Ru R 2:1-23.
Trong cánh đồng Bết-lê-hem. Nỗi khổ của Na-ô-mi. Người bà con hào hiệp
(chữ Hy-bá-lai là goel) là Bô-ô hay giúp đỡ khách lạ.
Ru R 3:1-18.
Tại sân đạp lúa. Bô-ô tỏ ra cao thượng và đưa ra một lời hứa.
Ru R 4:1-22.
Tại cửa thành. Trước mặt các nhân chứng, người bà con gần rút lui; Bô-ô
giữ trọn lời hứa cưới Ru-tơ. Gia phổ của Đa-vít.
NỘI DUNG
Mục tiêu của trước giả là muốn chứng minh rằng sự khởi phát của Đa-vít
không do tình cờ, ngẫu nhiên, nhưng do sự sắp xếp thần hựu; do 'bàn tay của
Đức Giê-hô-va' (Ru R 1:13). Đến đây sự kiện xảy ra còn lạ lùng hơn cả điều
người ta có thể tưởng tượng nữa. Bảng gia phổ không phải là điều được
thêm vào, nhưng có tính cách căn bản, cổ xưa và khiến câu chuyện trở thành
có ý nghĩa; vẻ đẹp và sự đơn sơ của nó thừa đủ để đánh đổ thuyết cho rằng
đây là một câu chuyện nhằm mục đích tuyên truyền, viết ra để chống lại
công cuộc cải cách hôn nhân dưới thời E-xơ-ra và Nê-hê-mi. Trong sự kiện
Ru-tơ một người ngoại đạo được cá tính của Na-ô-mi cảm hóa đã thề nguyện
giữ lòng son sắt với bà gia và với Đức Chúa Trời của bà, chúng ta thấy tinh
thần truyền giáo chân chính của quyển sách được biểu hiện rõ ràng. Ru-tơ đã
suy luận rất đúng rằng sở dĩ Na-ô-mi có lòng tốt như vậy là do Đức Giê-hô-
va vốn nhân từ, thương xót (Ru R 1:8; 2:20; 3:10). Đây là sự bao dung của
giao ước mới (IICo 2Cr 3:6)gồm luôn các khách lạ (Eph Ep 2:12)vốn bị luật
pháp loại ra (PhuDnl 23:3)và ban cho họ phước hạnh của sự thông công trọn
vẹn EtEt 2:14). Trong việc cai trị thế gian bằng quyền năng thần hựu của
Đức Chúa Trời, lòng tin kính chân chính là khả năng quan trọng nhất để làm
điều thiện dầu bề ngoài của nó có vẻ yếu đuối, mỏng manh. Quả thật 'kẻ nhu
mì sẽ hưởng được đất'. Vở kịch vĩ đại nhất của mọi thời đại đã được mở màn
tại cùng một địa điểm và trong một bối cảnh tương tự với sách Ru-tơ, vốn
không phải là chuyện trùng hợp.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Đối chiếu với hoàn cảnh của Rê-bê-ca, Ra-háp và Ru-tơ đều là những
người được đưa vào dòng dõi của Đấng Mết-si-a theo lời hứa. Đối chiếu
Cong Cv 10:34,35 với HeDt 11:31.
2. Viết ra những điểm giống nhau giữa Đấng Toàn năng trong LuLc 1:46-55
với câu chuyện Ru-tơ.
3. Ghi nhận những câu đề cập 'người bà con' và 'quyền chuộc lại sản nghiệp'
của người ấy (so sánh LeLv 25:25-31,47-55; PhuDnl 25:5-10 và Giop G
19:25)để thấy trong các câu đó hình bóng của Đấng Christ, Người Bà Con
và là Đấng Cứu Chuộc chúng ta.
SÁCH I VÀ II SA-MU-ÊN
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Trong nguyên văn Hy-bá-lai, hai sách Sa-mu-ên không bị tách rời; sự phân
chia bắt nguồn từ Bộ Bảy Mươi rồi được đưa sang bộ Vulgate. Ngay từ
nguyên thủy, toàn quyển được biết dưới cái tên 'sách' của Sa-mu-ên
(Talmud, Origen) nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa chính Sa-mu-ên
là tác giả. Cũng vậy, nhan đề 'sách Ru-tơ' hay 'sách Ê-xơ-tê' không hàm ý
rằng vị anh thư trong câu chuyện đã viết ra quyển sách mang tên mình.
Có một số Thi Thiên của Đa-vít vẽ lại các hoàn cảnh y hệt các khung cảnh
mà sách này mô tả. Chẳng hạn như Kirkpatrick viết về Thi Tv 18:1-50 (IISa
2Sm 22)là 'cho chúng ta thấy ngay một ví dụ minh họa rõ ràng nhất về đời
sống và cá tính của Đa-vít, và là chứng liệu cao thượng nhất về thi tài của
ông'.
Trong sách này có nhiều câu trích dẫn sách vở (tài liệu thành văn) của thời
kỳ ấy. Sa-mu-ên là người viết 'luật pháp của nước' (ISa1Sm 10:25), còn Giô-
sa-phát thì ghi lại những thành tích của Đa-vít (vì là quan thái sử); trong khi
Sê-ra-gia là 'thầy thông giáo' hay 'ký lục' (IISa 2Sm 8:16,17). Người chép
sách Sử Ký có trước mặt 'các sách Sử Ký' của Sa-mu-ên, Na-than và Gát
(ISu1Sb 19:29, cước chú: 'lời'). Ta không thể khẳng định rằng quyển đầu
tiên trong số sách ấy là sách Sa-mu-ên này của chúng ta, nhưng rất có thể
ông ta biết quyển sách này. Nếu chúng ta có thể tin được câu viết trong sách
IIMa-ca-bê 2:13 rằng 'Nê-hê-mi thành lập một thư viện, sưu tập các sách về
các vua, các nhà tiên tri và các sách của Đa-vít', chắc số sách này phải gồm
luôn sách Sa-mu-ên, do đó, nó phải nằm trong số sách đã được liệt vào Kinh
Thánh trước thời Ma-ca-bê.
Trong sách có một bức tranh thật cổ xưa, sống động và chi tiết bắt buộc
chúng ta phải kết luận rằng trước giả đã sống rất gần với các biến cố. Các sự
kiện địa dư đều rất tỉ mỉ, chính xác, và giáo sư Hommel từng vạch rõ rằng sự
vắng bóng các tên ghép với Ba-anh rất phù hợp với ảnh hưởng do Sa-mu-ên
tạo ra. Sự tin tưởng cổ xưa rằng Sa-mu-ên đã viết ISa-mu-ên chương
ISa1Sm ISa1:1-24:23, còn phần còn lại được Na-than và Gát đúc kết đã
được Kirkpatrick thừa nhận là đúng về cơ bản. Ông thêm: 'Vậy, nếu sách Sa-
mu-ên đã được đúc kết phần lớn căn cứ vào các sử liệu của Sa-mu-ên, Na-
than và Gát, thêm vào đó là các ký thuật khác của các trường phái tiên tri, thì
kết quả là nó đã được căn cứ trên số tài liệu có uy tín nhất có thể có được'.
Một số các nhà phê bình phân tích quyển sách thành hai nguồn tài liệu chính
từ J và E, và bảo là nó chứa đựng các quan điểm khác nhau của Sa-mu-ên
(một mặt là một nhà tiên kiến vô danh, và mặt khác, là một nhân vật lịch sử
vĩ đại) với nhiều thêm thắt. Nhiều người khác lại chia sách này ra làm nhiều
phần hơn. Họ phân biệt hai phần ký thuật khác nhau về (1) Phần giới thiệu
Đa-vít cho đến Sau-lơ (ISa1Sm 16:17; 17:55); (2) Cái chết của Sau-lơ (IISa
2Sm 1:1-27 và ISa1Sm 31:1-13); và (3) Nguồn gốc của câu châm ngôn 'Sau-
lơ cũng vào các số tiên tri ư?'(ISa1Sm 10:11; 19:24) và một số các biến cố
khác. Về phần cuối cùng này, đa số được hiểu dễ dàng hơn là nhiều biến cố
khác nhau (chẳng hạn việc Đa-vít tha mạng cho Sau-lơ trong ISa1Sm 24:3
và tt, 26:9). Phần ký thuật cuộc gặp gỡ giữa Sau-lơ với Đa-vít trong ISa1Sm
17:55 có phần khó hiểu, nhưng trận đánh nhau với Gô-li-át phải xảy ra sớm
hơn (so sánh ISa1Sm 17:15 với 16:19) và có thể đã được đưa vào đây để bổ
túc cho bức tranh. Dầu sao thì một vài sự phô trương tài năng và sự nhanh
nhẹn của tuổi trẻ chắc đã được thực hiện để khêu gợi sự ghen tị của Sau-lơ,
nên có lẽ Sau-lơ đã thấy cần phải điều tra kỹ lưỡng hơn về lai lịch của Đa-
vít. Mặt khác, rất có thể là ông ta chỉ giả bộ như không biết mà thôi. Chuyện
người A-ma-léc trong câu chuyện Sau-lơ từ trần có thể chỉ là bịa đặt, còn
câu tục ngữ thì có thể căn cứ vào một hoặc cả hai câu chuyện. Những nhận
định ấy không phải là yếu tố quan trọng để có thể chống lại sự thống nhất
của bố cục và bút pháp, vì quyển sách đã cung cấp những thí dụ hay nhất về
thể văn xuôi Hy-bá-lai vào thời vàng son của nền văn học Hy-bá-lai. Nó
cũng đánh dấu sự khác nhau ấy với các quyển sách tiếp theo đó bằng sự
vắng bóng của tất cả những câu đề cập 'luật pháp Môi-se' (so sánh IVua 1V
2:3 và những chỗ khác của hai sách Các Vua) và việc sách này sử dụng danh
hiệu 'Đức Giê-hô-va vạn quân'.
Vấn đề có hai thái độ đối với nền quân chủ là do việc gán cho nhiều tác giả
những khúc sách trong đó vương quốc được nhìn theo nhiều quan điểm khác
nhau, quan điểm của con người và quan điểm của Đức Chúa Trời. Dân sự
đòi cho kỳ được một vua theo nghĩa chính trị, như các lân bang (cũng xem
Cac Tl 8:23; GiGa 6:15). Khi theo sự chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va, Sa-mu-ên
đã nhượng bộ trước đòi hỏi của họ, ông được Ngài chỉ Sau-lơ cho và bảo
hãy xức dầu để Sau-lơ làm vua (Tiếng Hy-bá-lai là nagid, nghĩa là lãnh tụ)
để cứu dân khỏi tay các kẻ thù (ISa1Sm 9:16). Từ ngữ này cũng được dùng
cho Đa-vít (IVua 1V 13:14) nhân một cơ hội trước đó để chỉ việc ông đã
được lập làm vua, theo nghĩa chính trị việc pha lẫn hai dòng sự việc - một
mặt là nguyện vọng của dân chúng và mặt kia là chủ đích thuộc linh của
Đức Chúa Trời - được nhân cách hóa nơi Sau-lơ và Đa-vít, đã chạy xuyên
suốt cả quyển sách.
Sách bao trùm một giai đoạn khoảng một thế kỷ, và như thế, đã được nối
liền với các biến cố của Cac Tl 13:1-14:20. Tính cách chính xác và sống
động của cả hai bộ sách Sử Ký này đưa chúng ta đến chỗ suy luận rằng các
biến cố đã được ký thuật không lâu lắm sau khi xảy ra. Chẳng hạn như Hê-li
đã được giới thiệu trong ISa1Sm 1:3 mà không có lời giải thích nào cả, như
một nhân vật mà người ta hãy còn nhớ một cách sống động. Nghiên cứu IISa
2Sm 9:1-20:25 thật kỹ, cũng bắt buộc chúng ta phải thấy rằng tác giả các
chương ấy là một người hoặc đã chứng kiến tận mắt, hoặc trực tiếp thủ đắc
nguồn tin.
Thời kỳ này là một giai đoạn chuyển tiếp, cả về phương diện chính trị lẫn
thuộc linh. Chế độ thần quyền dưới thời Môi-se và Giô-suê đã bị thay đổi
bằng những cuộc tranh chấp được ghi lại trong Các Quan Xét, và giờ đây,
con đường đã được dọn sẵn cho việc thiết lập chế độ quân chủ. Sử Ký thuộc
linh của các thế kỷ này đã được kể lại trong Thi Tv 78:65-72. Đức Chúa
Trời sắp phải chọn 'một người theo lòng Ngài' để tiêu biểu và làm tiền phong
cho Đấng Mết-si-a. Tổ chức phôi thai, cổ xưa của các nhà tiên kiến đang
nhường chỗ cho tổ chức mới và bền vững hơn, là nhà dòng của các tiên tri.
Những hồi ức của Đa-vít về cuộc đời mình với tư cách kẻ bị đặt ra ngoài
vòng pháp luật nói riêng, chắc phải do hoặc chính nhà vua hoặc một người
bạn thân của nhà vua cung cấp (ISa1Sm 24:3,7,22; 26:6). Việc này nhất thiết
xác định một niên đại vào phần tư đầu tiên của thế kỷ thứ mười TC.
PHÂN TÍCH
ISa-mu-ên.
ISa1Sm 1:1-3:1-21.
Sự ra đời, thời thơ ấu và sự kêu gọi Sa-mu-ên.
ISa1Sm 4:1-717;.
Chiến tranh với dân Phi-li-tin, hòm giao ước bị cướp và được trả về.
ISa1Sm 8:1-10:27.
Sa-mu-ên đoán xét dân Y-sơ-ra-ên. Sau-lơ được xức dầu làm vua.
ISa1Sm 11:1-14:1-52.
Vương quyền của Sau-lơ được xác nhận. Các chiến thắng trên dân Phi-li-tin.
ISa1Sm 15:1-35.
Chiến tranh với dân A-ma-léc. Sự không vâng lời của Sau-lơ.
ISa1Sm 16:1-18:30.
Đa-vít được xức dầu; ông chiến thắng Gô-li-át và biết cư xử khôn ngoan.
ISa1Sm 19:1-24:23.
Đa-vít và Giô-na-than. Đa-vít trở thành kẻ bị đặt ngoài vòng pháp luật.
ISa1Sm 25:1.
Sa-mu-ên qua đời.
ISa1Sm 25:2- 30.
Đa-vít và A-bi-ga-in. Rút lui về Gát. Sau-lơ lần lần bị lu mờ.
ISa1Sm 31:1-13.
Sau-lơ và Giô-na-than thất trận và tử trận.
IISa-mu-ên.
IISa 2Sm 1:27.
Đa-vít than khóc Sau-lơ và Giô-na-than.
IISa 2Sm 2:1-5:25. Đa-vít được tôn vương tại Hếp-rôn, và cai trị tại Giê-ru-
sa-lem trên cả dân Y-sơ-ra-ên.
IISa 2Sm 6:1-10:19.
Hòm giao ước được đưa đến Si-ôn. Các chiến thắng của Đa-vít và sự khoan
hồng nhà Sau-lơ.
IISa 2Sm 11:1-13:39.
Tội của Đa-vít và lời quở trách của Na-than. Áp-sa-lôm chạy trốn.
IISa 2Sm 14:1-18:33.
Áp-sa-lôm làm phản. Đa-vít chạy trốn. Áp-sa-lôm chết.
IISa 2Sm 19:1-21:22.
Đa-vít hồi cung và đối xử với nhiều người.
IISa 2Sm 22:1-23:38.
Các bài ca chiến thắng và chiến công.
IISa 2Sm 24:1-25.
Cuộc kiểm tra dân số và tai vạ. Bàn thờ lập tại sân đạp lúa của A-rau-na.
NỘI DUNG
Sách này chép các biến cố chính đã xảy ra trong đời sống của Sa-mu-ên,
Sau-lơ và Đa-vít, nhưng bỏ qua những điều liên quan đến chương trình của
Đức Chúa Trời. Mỗi nhân vật kể trên đều trải qua một thời gian huấn luyện
sơ khởi. Sự nghiệp của cả ba trùng lắp lên nhau. Câu chuyện được kể lại với
số chi tiết vừa đủ cho chúng ta vẽ lại diễn tiến các biến cố để dẫn đến chiến
thắng sau cùng. Trước hết là thuở thiếu thời của Sa-mu-ên (ISa1Sm 1:1-
7:17); rồi tới công tác tiên tri của ông (8:1-25:44). Mở đầu là việc xức dầu
cho Sau-lơ và các biến cố xảy ra khi ông công bố là vua (8:1-10:27). Vào
những ngày đầu đời trị vì của Sau-lơ, Đa-vít đã được âm thầm xức dầu (
16:1-23;). Rồi sau khi Sa-mu-ên và Sau-lơ qua đời thì quyển sách thứ hai kể
tiếp câu chuyện thời trị vì của Đa-vít (IISa 2Sm 2:1-21:22;).
Mở đầu, chúng ta thấy Si-lô là tiêu điểm của quốc giáo, từ đó phát ra sự giáo
huấn về luật pháp (xem Thi Tv 105:45), còn dân sự thì kéo nhau đến đó
dâng tế lễ. Đây là trụ sở chức vụ tế lễ truyền thống, của đền tạm và hòm giao
ước Đức Chúa Trời. Tại đây, người mộ đạo Ên-ca-na và An-ne đã dâng Sa-
mu-ên - nếu chưa phải để làm người Na-xi-rê thì cũng để 'biệt riêng ra' cho
Đức Chúa Trời. Sự biệt riêng ra như vậy nhằm kêu gọi dân sự nhớ lại tính
cách đơn sơ của lịnh truyền của Môi-se vào những ngày đầu tiên của dân Y-
sơ-ra-ên, với sự phân biệt rõ rệt với ngoại đạo của các lân bang.
Dưới quyền lãnh đạo của Sa-mu-ên, chúng ta thấy chức vụ tiên tri được phát
triển khi ông 'đi khắp nơi trong xứ' để xét đoán dân sự (ISa1Sm 7:16,17) và
cầm đầu 'trường học của các đấng tiên tri' (19:18-24), trong đó người của
Đức Chúa Trời luôn luôn tiếp xúc với Đức Giê-hô-va. Chính Sa-mu-ên đã
viết bộ 'luật pháp của nước' mà ông đặt 'trước mặt Đức Giê-hô-va' tại Mích-
ba (ISa1Sm 10:25, so sánh PhuDnl 17:14-20), do đó, đã dọn đường cho sự
chuyển tiếp từ chế độ thần chủ sang quân chủ.
Việc lập Đa-vít làm vua trên vương quốc được nối tiếp (IISa 2Sm 7:29)
bằng lời tiên tri báo trước một dòng dõi các nhà vua sẽ nối ngôi ông, và
Đấng mà quyền cai trị sẽ tồn tại mãi mãi, và như thế là nối liền lời hứa tộc
trưởng với Giu-đa (SaSt 49:10) với sự ứng nghiệm đã xảy ra nhằm ngày
Chúa Giáng Sinh đầu tiên (LuLc 1:69; 2:11).
Qua sách này, có rất nhiều dấu hiệu về nhiều phương diện cho thấy rằng luật
pháp Môi-se - tuy không hề được đề cập bằng cái tên ấy, và tuy nó chỉ được
tuân thủ một phần - vẫn tồn tại chớ không hề bị hoàn toàn quên lãng. Ngày
mà PhuDnl 18:18 hướng tới vẫn chưa đến, nhưng đang gần kề.
Như thế, đọc về của lễ thiêu và của lễ thù ân, chúng ta có thể tham chiếu các
luật lệ về sinh tế (ISa1Sm 2:12-17; 9:24; 15:15-22; IISa 2Sm 24:25). Chúng
ta được đọc về đền tạm về hòm giao ước với chê-ru-bin, hương và bánh trần
thiết (ISa1Sm 2:22-28; 4:4; 21:4). Có những điều đề cập đến A-rôn và người
Lê-vi (ISa1Sm 2:27; 6:25; IISa 2Sm 15:24), về việc cấm ăn huyết (ISa1Sm
12:6). Bản chất bất ngờ của những lần đề cập đó còn tăng thêm giá trị cho
chúng.
Đức Chúa Trời đã được cho biết chính là tác giả tạo ra các biến cố, nhất là
khi chúng có liên hệ với các tôi tớ Ngài, nhằm hoàn thành chủ đích của
Ngài. Cũng như trong PhuDnl 18:15 'Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ lập lên'
trong Cac Tl 2:18 'Đức Giê-hô-va dấy lên', thì trong ISa1Sm 2:35 'Ta sẽ lập
cho ta một thầy tế lễ trung tín', trong ISa1Sm 2:8, 'Ngài nhắc người nghèo
lên' (so sánh AmAm 2:11). Trong tất cả các trường hợp, động từ đều được
dùng theo hình thức là nguyên nhân làm phát sinh; cùng một từ ngữ ấy cũng
đã được chính Chúa chúng ta phán ra đầy quyền năng khi gọi con gái Giai-
ru sống lại (Mac Mc 5:41). Ba thuộc tính là công bình, thương xót và thánh
khiết đã được minh họa rõ ràng trong sách 'ơn của Đức Chúa Trời' (IISa
2Sm 9:3; 10:2; 3:8; 9:1,7, so sánh ISa1Sm 20:8); 'thánh' (ISa1Sm 2:2; 21:5);
'công bình' (IISa 2Sm 23:3).
Sa-mu-ên (và Đa-vít) đã đứng trên luật đạo đức tiêu biểu cho chân lý vĩnh
cửu để hành động, và trong lần giải quyết dứt khoát với Sau-lơ (ISa1Sm
15:1-37) ông đã diễn tả bằng những câu nói cổ điển của nguyên tắc về sự
vâng lời đối với luật đạo đức, xem đó như vượt trội hẳn việc chỉ 'dâng của lễ'
như một động tác đầu phục bề ngoài mà thôi; đó chính là nguyên tắc về sự
vâng lời của Phúc Âm. Không thể thay thế cho việc tuân thủ các luật lệ đạo
đức bằng cách thờ kính hòm giao ước mà nó tượng trưng (ISa1Sm 4:5; IISa
2Sm 6:21).
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Hãy nghiên cứu các bài cầu nguyện đã được ghi lại ở đây, và sự kiện
chúng được nhậm.
2. Xét xem chức vụ của Đấng Christ với tư cách Nhà Tiên Tri, Thầy Tế Lễ
và Nhà Vua đã được nói bóng và minh họa trong các sách này như thế nào.
3. Đa-vít là hình bóng về Đấng Christ trong con người, chức vụ và đời sống
như thế nào?
4. Các Thi Thiên sau đây đã minh họa các biến cố khác nhau trong đời sống
Đa-vít như thế nào: (a) Thi Tv 24:1-10, Thi Tv 101:1-5, (b) Thi Tv 20:1-9,
Thi Tv 21:1-13, Thi Tv 60:1-11, (c) Thi Tv 32:1-11, 51:1-19, (d) Thi Tv 3:1-
8, Thi Tv 4:1-8, Thi Tv 26:1-28:9.
SÁCH I VÀ II CÁC VUA
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Truyền thống Do Thái bảo rằng Giê-rê-mi là trước giả hai sách I và II Các
Vua, nhưng đã không hề có một chứng cớ nào khác Các Vua II lại có chép
những niên đại quá muộn về sau vì thế ông không thể là trước giả của cả hai
sách. Trong nguyên văn Hy-bá-lai cả hai quyển đều được xem như một,
nhưng Bộ Bảy Mươi đã chia làm hai. Hai sách được viết giống nhau cho
thấy chúng chỉ do một người đúc kết lại từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau.
Các nguồn tài liệu đã được nêu tên trong hai sách Các Vua, là các sách Công
Vụ của Sa-lô-môn, sách Sử Ký Các Vua Giu-đa (mười lăm lần), sách Sử Ký
Các Vua Y-sơ-ra-ên (mười bảy lần) - để lưu ý độc giả nên tham khảo thêm.
Dường như các sách ấy đã ghi lại các công trình xây cất, những cuộc chiến
tranh, các biến cố chính trị, cũng như các đền đài, bi ký thuộc về nước A-sy-
ri và nhiều dân tộc khác mà người ta đã tìm thấy được. Nhiều nhà phê bình
còn giả thiết là có một bộ sưu tập ký thuật về Ê-li và Ê-li-sê cũng đã được sử
dụng như một nguồn tài liệu riêng biệt, nhưng chúng ta phải coi đó là một
nghi vấn. Điều còn đáng nghi ngờ hơn nữa, là có một số người tự khoe là có
thể tìm được các nguồn tài liệu khác nhau dành cho từng tiên tri vừa kể, như
một sách được gọi là 'Công Vụ của A-háp'.
Đa số các học giả hiện đại định niên đại hữu lý cho việc đúc kết hai sách
Các Vua là vào cuối thế kỷ thứ bảy, vì theo họ, sự nghiệp của các vua dường
như đã được phê phán trong ánh sáng của cuộc cải cách được thực hiện dưới
thời trị vì của Giô-si-a. Có những khúc sách (thí dụ như IVua 1V 8:8) ngụ ý
rằng đền thờ, và có lẽ là phần còn lại của thành phố Giê-ru-sa-lem nữa, hãy
còn đứng vững lúc các sách này được đúc kết, mà điều đó đòi hỏi một niên
đại trước khi Giê-ru-sa-lem thất thủ, là năm 586. Tuy nhiên, sử ký của
vương quốc miền Nam còn được chép lại cho đến sau thời kỳ đó, mãi đến
sau năm 560 về sau này, cho nên phần cuối của quyển thứ hai có lẽ đã được
thêm vào hơi muộn về sau.
Hai sách Các Vua liên kết chặt chẽ với hai sách Sa-mu-ên, và bổ túc cho câu
chuyện của các vương quốc Hê-bơ-rơ mà hai sách trước đã bắt đầu.
PHÂN TÍCH
I Các Vua.
IVua 1V 1:1-11:43.
Sa-lô-môn lên ngôi và trị vì.
IVua 1V 12:1-16:34.
Vương quốc chia đôi và A-háp lên ngôi.
IVua 1V 17:1-22:54.
Ê-li.
II Các Vua.
IIVua 2V 1:1-2:11.
Ê-li (tiếp theo).
IIVua 2V 2:12-13:25.
Ê-li-sê.
IIVua 2V 14:1-17:41.
Vương quốc miền Bắc suy sụp và bị tiêu diệt.
IIVua 2V 18:1-23:37.
Từ Ê-xê-chia đến Giô-si-a.
IIVua 2V 24:1-25:30.
Những ngày tàn của vương quốc Giu-đa.
NỘI DUNG
Trước giả đã giải quyết thật khéo léo vấn đề phải viết song song sử ký của
hai vương quốc miền Bắc và miền Nam. Ông khởi sự với vua đầu tiên của
Y-sơ-ra-ên và tiếp tục cho đến hết thời trị vì của vua ấy, rồi bắt đầu sử ký
của Giu-đa và tiếp tục cho đến cuối thời trị vì của nhà vua sau chót trùng lắp
với thời trị vì của nhà vua Y-sơ-ra-ên đầu tiên. Vậy là ông chuyển từ vua
này sang vua kia, luôn luôn cẩn thận ghi vào năm nào của thời trị vì của nhà
vua miền Bắc đó, là năm bắt đầu thời trị vì của nhà vua miền Nam tiếp theo,
và ngược lại. Ông cũng cho biết chi tiết tuổi của nhà vua khi bắt đầu lên
ngôi, và tên của mẹ vua ấy. Mọi người đều đồng ý rằng chúng ta đang có
trước mặt một quyển sử ký chính xác.
Một trong những đặc điểm lý thú của hai sách Các Vua, là trước giả có thói
quen đưa ra một câu phê phán theo quan điểm tôn giáo và cuối đời trị vì của
hầu như tất cả các vua ấy. Thỉnh thoảng đó là bản kết án hoàn toàn không
thuận lợi (chẳng hạn IVua 1V 15:34), và có khi, nhưng không thường lắm, là
một lời phê phán hoàn toàn thuận lợi (chẳng hạn IIVua 2V 18:4-7). Thường
hơn thì đó là một câu thuận lợi nhưng có ý dè dặt (thí dụ IIVua 2V 12:2,3).
Các lầm lỗi ông thường kết án hơn hết là những việc như không phá hủy các
nơi cao, không thờ phượng Đức Chúa Trời cách phải lẽ. Ông thường nói về
các vua Y-sơ-ra-ên là bước theo các nẻo đường của Giê-rô-bô-am, con trai
Nê-bát, khiến dân Y-sơ-ra-ên phạm tội; trong khi các nhà vua công chính
của Giu-đa thì được cho là đã noi theo các bước của Đa-vít (thí dụ IVua 1V
15:11), và như thế là nhằm nhấn mạnh đặc tính thần quyền của dòng dõi Đa-
vít.
Căn cứ vào điều kể trên, chúng ta thấy rằng tuy hai sách I và II Các Vua là
sử ký chính xác, phần sử ký ấy đã được viết theo quan điểm tôn giáo. Chẳng
hạn cần chú ý rằng trong các vua Y-sơ-ra-ên thì phần ngoại sử về Ôm-ri cho
thấy dường như vua ấy là quan trọng nhất, thì ở đây ông ta chỉ được dành có
nửa chương sách. Sở dĩ như vậy không phải vì có một viễn ảnh sai lầm về
lịch sử, nhưng thời trị vì của vua ấy không có ý nghĩa gì quan trọng theo
quan điểm tôn giáo của trước giả. Phần việc của ông ta không phải là ký
thuật chính xác và đầy đủ tất cả những gì đã xảy ra trong xứ Y-sơ-ra-ên và
Giu-đa. Các sách tác giả dùng làm tài liệu gốc đã làm công việc đó rồi; còn
ông ta thì chỉ chọn lọc theo quan điểm mình muốn viết mà thôi.
Hai sách Các Vua ký thuật về một khoảng thời gian bốn thế kỷ, trong khi hai
sách Sa-mu-ên chỉ viết vào khoảng một thế kỷ mà thôi. Do đó, các sự việc
phải được kể lại vắn tắt hơn với số chi tiết ít hơn, nhưng không vì thế mà có
sự vội vã, và rõ ràng là nhiều bức chân dung của các nhân vật đã nổi bật hẳn
lên. Quả tình là có tranh chấp giữa điều thiện và điều ác, đưa đến tuyệt đỉnh
là hai cơn khủng hoảng, một ở miền Bắc, khi trên núi Cạt-mên, Ê-li thách đố
các tiên tri Ba-anh của Ty-rơ, và một ở miền Nam, lúc Giê-hô-gia-đa bảo tồn
được mạng sống của ấu vương Giô-ách và thắng được A-tha-li, kẻ đã cố tình
du nhập việc thờ lạy hình tượng của Ty-rơ.
Như thế giai đoạn của hai sách này là giai đoạn của sự hoạt động quan trọng
về tôn giáo của một thiểu số người tin kính trong dân chúng, và các sách này
cho chúng ta một bối cảnh lịch sử về công tác của các nhà đại tiên tri của thế
kỷ thứ 8 TC, và của Giê-rê-mi. Suốt thời kỳ này, nói tiên tri không phải chỉ
là vấn đề hành động để bênh vực cho Đức Chúa Trời, mà còn là vấn đề phải
dạy bảo thật chi tiết và truyền rao ý chỉ Ngài nữa. Lời kêu gọi giờ đây đã
được viết ra thành tài liệu thành văn để nhắc nhở dân chúng, kêu gọi họ trở
về với Đức Chúa Trời (IIVua 2V 22:1-23:37). Trong giai đoạn này, các nhân
vật như A-mốt, Ô-sê, và Giê-rê-mi, tuy hầu như không được hai sách này đề
cập, đều đang thực hiện công tác phi thường của các vị, là truyền giảng đức
công chính, tình yêu thương của Đức Chúa Trời, và thái độ sẵn sàng của
Ngài để lập một giao ước mới với dân Ngài, là dân nhiều lần vi phạm giao
ước cũ với Ngài. Nếu không có hai sách Các Vua này, chúng ta sẽ chẳng
được biết gì về bối cảnh đương thời của phần mạc khải quan trọng cho thời
đại ấy.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Chú ý thật kỹ những lời cầu nguyện đã được ghi trong hai sách này, các
cơ hội, nội dung và việc chúng đều được nhậm.
2. Đời sống các nhà vua đã gặt hái các hậu quả xấu vì kết bạn với thế gian và
thỏa hiệp với tà giáo, cảnh cáo chúng ta như thế nào?
3. Đối chiếu để tìm nét tương phản giữa đời sống của Ê-li với Ê-li-sê. Được
chứng kiến những điều đó, chúng ta học được những bài học gì? Chú ý
những lần các sách Phúc Âm đã đề cập cả hai vị.
4. Các công cuộc cải cách của Ê-li, Giô-ách và Giô-si-a dạy cho Hội thánh
và dân tộc ta những bài học nào?
5. Việc xây cất và thờ phượng trong đền thờ có vai trò gì trong việc chuẩn bị
cho sự giáng lâm của Đấng Christ? Chú ý Cong Cv 7:1-60; ICo1Cr 3:16;
IICo 2Cr 6:16; KhKh 11:19; 15:5; 21:22).
SÁCH I VÀ II SỬ KÝ
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Trong bộ Kinh Thánh Hy-bá-lai, hai sách Sử Ký được nhập một, và cùng
với sách E-xơ-ra, Nê-hê-mi, được tách riêng khỏi các sách lịch sử (Các Sách
Tiên Tri Trước) để họp thành một phần của sách Kethubim (Văn Thơ,
Writings) hay Hagiographa là phần chót của Kinh Thánh Hy-bá-lai, được
xếp ở cuối các sách ấy là quyển cuối cùng của bộ Kinh Thánh Hy-bá-lai.
Nhan đề tiếng Hy-bá-lai cho hai sách ấy là 'Lời Của Các Ngày' hay 'Nhật
Ký' ám chỉ đặc tính thiên về phân tích của chúng, còn bộ Bảy Mươi thì mô
tả chúng là 'những sách bỏ bớt' (paraleipomena) gợi ý rằng hai sách ấy bổ
túc cho các sách Sa-mu-ên và Các Vua. Tên 'Sử Ký' là do Jerome đặt cho
chúng.
Địa vị của chúng trong nhóm Hagiographa hay 'thánh văn' là nhằm vạch rõ
chúng theo quan điểm tôn giáo chớ không phải chỉ có quan điểm sử ký mà
thôi. Trước giả đã không tiếp tục phần sử ký tại điểm mà sách IICác Vua bỏ
dở, mà bao quát cùng một giai đoạn lịch sử với các sách IISa-mu-ên, I và
IICác vua. Tuy nhiên, ông ta không cố ý bao quát toàn thể phần nền của các
sách ấy, mà chỉ chọn các biến cố có ý nghĩa tôn giáo, nhất là theo quan điểm
của chức vụ tế lễ, và tập trung vào vương quốc miền Nam. Về nhiều phương
diện có thể bảo sách này có liên hệ với các sách Sử Ký sớm hơn, cũng giống
như mối liên hệ của sách Phúc Âm 'thuộc linh' thứ tư, tập trung vào các diễn
biến tại Giê-ru-sa-lem, với các sách Phúc Âm Cộng Quan vậy.
Các vấn đề tác quyền và niên đại được nhập chung với vấn đề nhập làm một
các sách Sử Ký với E-xơ-ra - Nê-hê-mi. Có người cho rằng các sách ấy
nguyên chỉ là một quyển. Các lý do chính của quan điểm ấy như sau:
1. Những câu cuối của IISử Ký giống hệt các câu đầu của sách E-xơ-ra.
2. Quan điểm của trước giả trong cả hai đều là quan điểm của thầy tế lễ, và
tỏ ra rất chú trọng đến sự thờ phượng và phần nghi lễ trong đền thờ, đến
người Lê-vi và việc tuân thủ luật pháp.
3. Bút pháp của các sách ấy rất giống nhau, và tất cả đều có các bảng gia phổ
và các danh sách.
4. Truyền thống Hê-bơ-rơ gán cho E-xơ-ra là trước giả chung của tất cả các
quyển sách ấy.
Đã không có sự kiện nào trong các sự kiện vừa kể chứng minh dứt khoát
được rằng các sách Sử Ký và E-xơ-ra - Nê-hê-mi do cùng một trước giả đúc
kết, mà nhập chung lại, ít nhất chúng cũng gợi ý rằng tất cả đều xảy ra cùng
một giai đoạn. Nhiều nhất là chúng ta có thể nói rằng chúng do E-xơ-ra hay
do một trước giả nào đó đúc kết, mà quan tâm của ông ta là sự quan tâm của
một thầy tế lễ chớ không phải của một nhà tiên tri.
Các sách Sử Ký và E-xơ-ra - Nê-hê-mi đã được định niên đại rất khác nhau.
Có người bảo rằng có dấu hiệu chứng tỏ chúng được đúc kết vào giai đoạn
đế quốc Hi-lạp (332 TC trở về sau), nhưng bằng chứng hiển nhiên cho một
niên đại muộn màng như thế hết sức mong manh. Mấy câu (ISu1Sb 3:17-24)
đề cập phổ hệ con cháu Đa-vít đến đời thứ sáu sau Xô-rô-ba-bên, có thể chỉ
là một phần được thêm vào về sau.
Các nguồn tài liệu mà trước giả sách Sử Ký sử dụng dường như là Ngũ
Kinh, có thể là các sách Sa-mu-ên và Các Vua, sách Ê-sai (IISu 2Sb 26:22),
sách truyện các vua (IISu 2Sb 24:27), và sách của nhà tiên tri Y-đô cùng một
số các sưu tập những 'lời' của nhiều nhà tiên tri khác nhau mà ông trích dẫn
(ISu1Sb 29:29; IISu 2Sb 9:29; v.v...). Các tác phẩm tiên tri đó có lẽ cũng là
những nguồn tài liệu đã được sử dụng cho việc đúc kết các sách Sử Ký về
trước. Người viết sử thường nêu đích danh các sách ấy, và yêu cầu độc giả
hãy tìm đọc chúng để biết rõ hơn.
Các nguồn tài liệu đã được liệt vào Kinh Thánh là số tài liệu duy nhất chúng
ta có để đối chiếu với tác phẩm của trước giả sách Sử Ký, thỉnh thoảng đã
được trích dẫn từng chữ từng tiếng. Có nhiều thiếu sót có thể nhận thấy
ngay, và nói chung thì trước giả sách Sử Ký tự giới hạn trong phạm vi của
vương quốc miền Nam. Sở dĩ ông làm vậy, một phần chắc vì vương quốc
miền Bắc đã không còn nữa từ nhiều năm trước khi ông bắt đầu viết sách,
một phần là vì ở phía Nam mới là nơi ông tìm thấy mọi đều mà ông quan
tâm nhất, tập trung tại đền thờ và phần nghi lễ trong đó. Kittel tuyên bố là đã
tìm được các dấu vết của các giai đoạn theo đó sách Sử Ký đã được đúc kết,
nhưng thoạt nhìn qua cũng đủ thấy có sự thống nhất thiết yếu của cả hai
quyển, khiến cho điều ông nói rất khó có thể là đúng được.
Đối chiếu các sách Các Vua và Sử Ký cho thấy một số điểm dường như sai
biệt mà nhập chung với một niên đại muộn màng của hai sách Sử Ký, đã
khiến nhiều học giả xem như chỉ có hai sách các vua mới thật sự là sử liệu
đáng tin cậy của giai đoạn ấy. Nhiều điểm sai biệt như thế là về các nhân vật
và niên đại, có thể là do nhiều phương pháp tìm hiểu khác nhau, và do các
cổ bản đã bị sao chép sai. Nhiều sai biệt khác dường như là do mục đích
khác nhau, hoặc do sự kiện trước giả sách Sử Ký, tại những điểm đó, đã sử
dụng các nguồn tài liệu khác nhau. Cũng như trong trường hợp các sách
Phúc Âm, một ký thuật theo hai phương diện mở rộng thêm cho kiến thức
của chúng ta về các sự kiện và xác nhận đặc tính lịch sử của chúng. Những
điểm dị biệt chi tiết như thế có thể tìm thấy trong các sách chú giải Các Vua
và Sử Ký của Keil.
PHÂN TÍCH
I Sử Ký.
ISu1Sb 1:1-9:44.
Tóm tắt về gia phổ.
ISu1Sb 10:1-14.
Sau-lơ tử trận.
ISu1Sb 11:1-16:43.
Đa-vít lên ngôi, các danh tướng của vua, hòm giao ước được rước về.
ISu1Sb 17:1-2130;.
Lời hứa của Đức Chúa Trời với Đa-vít, các chiến thắng của vua, và việc
kiểm tra dân số.
ISu1Sb 22:1-29:30.
Đa-vít chuẩn bị đưa Sa-lô-môn lên ngôi, cho việc xây cất và phụng vụ trong
đền thờ.
II Sử Ký.
IISu 2Sb 1:1-8:18.
Bài cầu nguyện của Sa-lô-môn; việc xây cất và lễ cung hiến đền thờ. 9.
Cuộc viếng thăm của nữ hoàng Sê-ba. Sa-lô-môn băng hà.
IISu 2Sb 10:1-28:27.
Vương quốc bị phân xé.
IISu 2Sb 29:1-32:33.
Các công cuộc cải cách của Ê-xê-chia và sự giải cứu khỏi quân A-sy-ri.
IISu 2Sb 33:1-25.
Thời trị vì gian ác của Ma-na-se.
IISu 2Sb 34:1-35:26.
Các công cuộc cải cách của Giô-si-a, đọc luật pháp và giữ lễ Vượt Qua thật
long trọng.
IISu 2Sb 36:1-23.
Những ngày tàn của vương quốc Giu-đa.
NỘI DUNG
Hai sách Sử Ký có bốn phần chính:
1. ISu1Sb 1:1-944;. Ở đây chúng ta có một loạt bảng gia phổ từ thời A-đam,
được xen kẽ với những ghi chú lịch sử. Cần ghi nhận là chỉ có các dòng dõi
của Đa-vít và thầy tế lễ thượng phẩm là còn được tiếp tục cho đến thời hậu
lưu đày, vào khoảng thời của E-xơ-ra, và những cuốn sổ đầy đủ nhất đều
thuộc về ba chi phái Giu-đa, Lê-vi và Bên-gia-min, tạo thành phần nòng cốt
cho số người lưu đày hồi hương.
2. ISu1Sb 10:1-19:19. Chương 10 đề cập ngắn gọn sự tử trận của Sau-lơ; và
cả phần còn lại của đoạn này nói về thời trị vì của Đa-vít. Nhiều bảng danh
sách không thấy có trong IISa-mu-ên đã được đưa vào đây, còn nhiều câu
chuyện lý thú đã được kể trong đó thì bị nhà chép sách Sử Ký bỏ qua. Ông
chỉ đặc biệt ký thuật các câu chuyện cho thấy vương quốc hùng cường của
Đa-vít và những chuyện lý thú theo quan điểm của một thầy tế lễ.
Các chương này bao trùm thời trị vì của Sa-lô-môn, và phần lớn liên hệ đến
đền thờ và phần nghi lễ trong đó.
4. IISu 2Sb 10:1-36:23. Các chương này đề cập lịch sử của vương quốc miền
Nam, từ thời chia đôi cho đến khi bị lưu đày. Đã không có nỗ lực nào nhằm
ghi lại sử ký của vương quốc miền Bắc, ngoại trừ khi nó có liên quan đến
vương quốc miền Nam, và ngay đến Ê-li và Ê-li-sê cũng bị bỏ qua, ngoại trừ
có một lần đề cập Ê-li (21:12-15).
Trước giả sách Sử Ký vạch rõ hậu quả của việc các vua Giu-đa bị dao động,
không trọn lòng thờ phượng chỉ một mình Đức Giê-hô-va mà thôi. Ông có
tìm được rất nhiều thí dụ minh họa cho sự việc đó trong câu chuyện của xứ
Y-sơ-ra-ên, nhưng ông cảm thấy trong tài liệu về sử ký của xứ Giu-đa đã có
quá đầy đủ rồi. Có một số nhà vua trung thành với Đức Giê-hô-va và một số
khác thì bất trung. Sự bất trung đi kèm với sự đoán phạt, còn sự trung thành
thì được phước hạnh. Các vua gian ác bị tố cáo về việc thờ hình tượng và vi
phạm luật pháp; các minh quân thì được khen ngợi vì biết noi theo các
đường lối của Đức Giê-hô-va và khiến dân sự hướng lòng về Ngài (IISu 2Sb
14:2-4; 33:3,4).
Trước giả sách Sử Ký nhấn mạnh siêu việt tính của Đức Chúa Trời (ISu1Sb
29:11-13). Nhưng Đức Chúa Trời siêu việt ấy không bị tách rời với thế gian
mà hoạt động trong đó. Con mắt của Ngài 'soi xét khắp thế gian đặng giúp
sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài' (IISu 2Sb 16:9). Bất kỳ điều
gian ác nào cũng đem đến cho họ 'gươm đao, đoán phạt, dịch lệ hoặc đói
kém'; và nếu họ ăn năn, hướng về nhà của Đức Chúa Trời để cầu nguyện, thì
Ngài sẽ nhậm lời và giải cứu cho (IISu 2Sb 6:24-31; 20:9).
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Nếu phải tiếp tục danh sách các vị anh hùng của đức tin trong HeDt 11:1-
40 sang đến thời quân chủ, bạn sẽ ghi thêm các tên nào trong sách vào đó, và
vì cớ những hành động nào?
2. Hai sách này nói gì về giá trị và tầm quan trọng của sự tán tụng và thờ
phượng Đức Chúa Trời?
3. Đa-vít và những người nối ngôi ông đã biểu hiện tình yêu đối với nhà Đức
Chúa Trời như thế nào?
4. Các đức hạnh và tội lỗi nào của các cấp lãnh đạo và dân sự đã đưa đến
việc Đức Chúa Trời ban phước hay hình phạt họ?
SÁCH E-XƠ-RA - NÊ-HÊ-MI
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Hai sách E-xơ-ra và Nê-hê-mi nối tiếp các sách Sử Ký. Trong Kinh Thánh
Hy-bá-lai, E-xơ-ra và Nê-hê-mi được nhập một, nên ở đây chúng tôi cũng
xem hai sách ấy như chỉ là một quyển. Các vấn đề trước giả và niên đại của
các sách ấy đã được thảo luận trong I và IISử Ký. Kết luận là hai sách Sử Ký
và cả hai sách E-xơ-ra - Nê-hê-mi đều phát xuất từ cùng một trường phái tư
tưởng và cùng một giai đoạn, và rất có thể là cũng do cùng một người đúc
kết.
Dường như trước giả đã dùng các nguồn tài liệu sau đây:
1. Tập hồi ký của E-xơ-ra. Sách Exo Er 7:27-9:15 viết theo ngôi thứ nhất,
còn các khúc sách lại viết theo ngôi thứ ba, cho phép chúng ta suy đoán rằng
phần lớn chúng có thể được trích từ cùng một nguồn tài liệu.
2. Tập hồi ký của Nê-hê-mi. Bảy chương đầu và 13:4-31 của sách Nê-hê-mi
được viết theo ngôi thứ nhất, nhưng dường như đều được căn cứ vào các hồi
ức cá nhân của Nê-hê-mi.
3. Các tài liệu chữ A-ram. Exo Er 4:7b-6:18 và 7:12-26 được viết bằng chữ
A-ram. Các khúc sách ấy phần lớn được trứ tác dựa trên các tài liệu chính
thức của nhà nước, các thư từ trao đổi giữa các vua Ba-tư, và các sắc chỉ do
các vua ấy ban hành. Căn cứ vào tập tài liệu giấy vỏ cây ở Elephantine (The
Elephantine Papyri), chúng ta được biết rằng dưới thời của đế quốc Ba-tư,
chữ A-ram được sử dụng làm ngôn ngữ quốc tế để trao đổi thư từ với nhau.
Chính người đúc kết sách đã viết các đoạn ấy bằng chữ A-ram, ngay cả khi
không trích dẫn từ một tài liệu chính thức.
4. Những danh sách chính thức. Bao gồm một danh sách những kẻ lưu đày
trở về vào thời Xô-rô-ba-bên, chép trong Exo Er Exo2:1-61 và trong NeNe
7:6-63 thì hơi khác một chút. Những bảng danh sách khác là ở Exo Er
Exo10:18-44 và NeNe 10:1-27; 11:4-12:26; 12:32-42. Một phần những danh
sách này có vẻ chiếm một phần tập hồi ký của E-xơ-ra và Nê-hê-mi. Những
danh sách còn lại được người đúc kết lấy từ các tài liệu khác.
Một số các nhà phê bình đã nêu vấn đề chẳng hay dưới thời Xô-rô-ba-bên,
chuyến hồi hương của những kẻ bị lưu đày, được chép trong Exo Er 1:1-
4:24 có thật sự xảy ra hay không. Họ viện dẫn rằng một nhà vua Ba-tư
không thể ban hành một hình thức chiếu chỉ như chiếu chỉ của Si-ru (Exo Er
Exo1:2-4) rằng A-ghê và Xa-cha-ri không hề đề cập đến một chuyến hồi
hương nào cả, rằng rất có thể chính số người Do Thái được kể lại trong xứ
đã tái thiết đền thờ, người chép sử đã xây dựng lại phần sử ký đó mà không
có đầy đủ sự kiện, nhưng chỉ viết theo ý riêng của ông ta về những chuyện
đã xảy ra mà thôi. Quan điểm đó đã không được đa số học giả ngày nay tán
thành. Người ta biết rằng các vua Ba-tư đã tỏ ra khoan dung với các tôn giáo
khác và một tài liệu giấy vỏ cây ở Elephantine được viết năm 419 TC chép
rằng Đa-ri-út II đã thật sự truyền lịnh cho cộng đồng Do Thái tại Yeb tổ
chức một số đại lễ Do Thái. Điều hết sức vô lý là số dân Do Thái được Nê-
bu-cát-nết-sa để lại trong xứ lại có thể tái thiết nổi đền thờ, vì họ vốn là kẻ
bần cùng nhất trong dân sự, và theo Exe Ed 33:25...họ thiếu lòng tin kính,
tận tụy với Đức Giê-hô-va. Đã không có lý do chính đáng nào để phủ nhận
việc có một đợt người hồi hương từ cuộc lưu đày vào năm 537, như sách E-
xơ-ra đã chép.
Còn một vấn đề nữa của các nhà phê bình, là chẳng hay trong hai nhân vật
chính, ai là người bắt tay vào việc trước. Ngay trong sách thì chép việc hồi
hương của một số đông người bị lưu đày dưới quyền lãnh đạo của E-xơ-ra
năm 458 TC dưới thời trị vì của Ạt-ta-xét-xe I, và cũng chính vua ấy đã bổ
nhiệm Nê-hê-mi làm quan tổng trấn năm 444 TC; một hay hai năm sau đó,
E-xơ-ra và Nê-hê-mi đã xuất hiện bên nhau. Mấy năm gần đây, một số học
giả đã bài bác phần thứ tự của các biến cố theo Kinh Thánh, và tuyên bố
rằng E-xơ-ra đã không hề bắt tay vào làm việc trước mà là sau Nê-hê-mi,
rằng người đúc kết sách đã sắp xếp công tác của E-xơ-ra và Nê-hê-mi theo
một thứ tự sai lầm. Không có một luận cứ nào dựa trên quan điểm này được
xem là có nhiều giá trị.
1. Sự kiện E-xơ-ra không xuất hiện trong sách Nê-hê-mi trước NeNe 8:1 có
thể là do ông vắng mặt tại Giê-ru-sa-lem trong thời gian đó, hoặc ông đã
không hề dự phần gì vào các biến cố đã được mô tả.
2. Câu Exo Er 9:9 đề cập Đức Chúa Trời đã ban cho dân sự Ngài 'một vách
thành (nơi ở) trong xứ Giu-đa và thành Giê-ru-sa-lem' không thể bị gán ép
để cho là vách thành đã được xây dựng lại xong rồi. Chữ được dùng có
nghĩa là một 'nơi tạm trú' hoặc một mái che.
3. Có người bảo rằng con số người nhỏ nhoi được đề cập trong NeNe 7:4
cho thấy một tình trạng có lẽ có trước đã được mô tả trong Exo Er Exo10:1,
nhưng khảo xét kỹ, thì rõ ràng là câu sau này không hề đề cập tình trạng
bình thường của công việc tại Giê-ru-sa-lem nhưng nói về một hội chúng 'từ
trong dân Y-sơ-ra-ên tập họp nhau lại' khi 'toàn thể các con cái bị lưu đày'
đều được lịnh phải trở về Giê-ru-sa-lem với nguy cơ là có thể bị mất hết tài
sản (Exo Er 10:1,7, 13).
4. Sau cùng, có người viện lý rằng nếu Nê-hê-mi là người đồng thời với thầy
tế lễ thượng phẩm Ê-lê-a-síp, thì E-xơ-ra phải là người đồng thời với cháu
nội ông ta là Giô-ha-nan (NeNe 3:1, 12:10 và tt; Exo Er 10:6). Tuy nhiên, E-
xơ-ra không hề bảo rằng lúc ấy Giô-ha-nan là thầy tế lễ thượng phẩm, mà
chỉ nói rằng' E-xơ-ra đi vào phòng của Giô-ha-nan con trai Ê-li-a-síp'. Theo
bản tài liệu giấy vỏ cây ở Elephantine, thì Giô-ha-nan làm thầy tế lễ thượng
phẩm năm 408 TC; nhưng rất có thể là lúc hãy còn thanh niên, ông ta có một
phòng riêng trong đền thờ và có lẽ có thiện cảm với chính nghĩa của E-xơ-ra
vào năm 458 TC. Sở dĩ tên ông được đề cập lúc ấy, vì điều đáng chú ý là sau
này, ông đã trở thành thầy tế lễ thượng phẩm.
Dầu sao thì cũng thật vô lý nếu một người viết về một biến cố một trăm năm
sau khi nó xảy ra, đã cẩn thận tra xét các nguồn tài liệu gốc, lại có thể nhầm
lẫn về một vấn đề thứ tự thời gian quan trọng như vậy.
PHÂN TÍCH
Sách E-xơ-ra.
Exo Er 1:1-2-70.
Những kẻ lưu đày hồi hương xây lại đền thờ.
Exo Er 3:1-13.
Lập bàn thờ và đặt móng đền thờ.
Exo Er 4:1-24.
Công tác bị chống đối và bắt buộc đình chỉ.
Exo Er 5:1-17.
Công tác được tiếp tục.
Exo Er 6:1-22.
Đền thờ được hoàn chỉnh.
Exo Er 7:1-8:36.
Chuyến đi của E-xơ-ra đến Giê-ru-sa-lem.
Exo Er 9:1-10:44.
Các công cuộc cải cách được E-xơ-ra đề xướng.
Sách Nê-hê-mi.
NeNe 1:1-11.
Dân Do Thái gặp hoạn nạn và lời cầu nguyện của Nê-hê-mi.
NeNe 2:1-20.
Sứ mạng được giao phó cho Nê-hê-mi xây lại các vách thành Giê-ru-sa-lem.
NeNe 3:1-32.
Danh sách các công nhân và công việc của họ.
NeNe 4:1-6:14.
Công tác được tiếp tục dưới quyền lãnh đạo của Nê-hê-mi bất chấp sự chống
đối.
NeNe 6:15-7:4.
Các vách thành được hoàn tất và thành phố được bảo vệ.
NeNe 7:5-73.
Sổ ghi tên những người cùng hồi hương với Xô-rô-ba-bên.
NeNe 8:1-18.
Đọc và giải bày luật pháp. Lễ Lều Tạm.
NeNe 9:1-38.
Dân sự ăn năn và xưng tội.
NeNe 10:1-39.
Giao ước về sự vâng lời.
NeNe 11:1-12:26.
Danh sách dân cư Giê-ru-sa-lem.
NeNe 12:27-47.
Lễ cung hiến các vách thành và các của dâng cung cấp cho việc phụng vụ
trong đền thờ.
NeNe 13:1-31.
Các công cuộc cải cách của Nê-hê-mi và chuyến viếng thăm Giê-ru-sa-lem
lần thứ hai.
NỘI DUNG
Có ba loạt biến cố chính được ghi lại trong sách E-xơ-ra - Nê-hê-mi:
1. Exo Er 1:1-4:24 kể lại cuộc hồi hương của một số đông người bị lưu đày
dưới quyền lãnh đạo của Xô-rô-ba-bên và Giê-sua, và việc xây lại đền thờ.
2. Exo Er 7:1-10:44 kể lại cuộc hồi hương của một số đông thứ hai dưới
quyền lãnh đạo của E-xơ-ra và việc ban bố luật pháp.
3. Sách Nê-hê-mi kể lại chuyện Nê-hê-mi được bổ nhiệm làm tổng trấn, và
công tác xây lại vách thành Giê-ru-sa-lem của ông, phục hồi việc thờ
phượng tại đền thờ và áp dụng luật pháp.
Cần đọc hai sách A-ghê và Xa-cha-ri đồng thời với sách E-xơ-ra, và sách
Ma-la-chi đồng thời với sách Nê-hê-mi.
Cũng như trong hai sách Sử Ký, chúng ta gặp trong sách E-xơ-ra - Nê-hê-mi
cùng một tình yêu thương đối với thành phố Giê-ru-sa-lem, và việc chú
trọng vào việc thờ phượng và nghi lễ tại đền thờ, và việc tuân thủ luật pháp.
Trong các sách này, không thấy có các phép lạ, ít có tiếng phán trực tiếp của
Đức Chúa Trời mà chúng ta vốn rất quen gặp trong các sách về lịch sử đó
(Đức Giê-hô-va phán...); tuy nhiên, không vì thế mà các sách này ít có tính
cách tôn giáo hơn. Cả E-xơ-ra lẫn Nê-hê-mi đều ý thức có 'bàn tay nhơn lành
của Đức Chúa Trời' trên họ (Exo Er 7:6,9,28; 8:18,22,31; NeNe 2:8,18). Nếu
hai ông không nhấn mạnh rằng mình được nghe lời phán của Đức Chúa
Trời, thì cả hai đều ý thức rằng chính Ngài đã đặt vào lòng người ta cái ý chí
muốn làm theo ý chỉ Ngài (Exo Er Exo7:27; NeNe 2:12; 7:5). Qua suốt
quyển sách, có ý thức về tầm quan trọng sống chết của các biến cố, ghi lại sự
sống còn của dân Do Thái và tất cả những gì mà đền thờ và luật pháp Ngài
đứng vững để thực hiện các chủ đích của Đức Chúa Trời, và trước giả đã kể
lại câu chuyện về sự phục hồi địa vị và công cuộc cải cách với niềm vui rõ
rệt và lòng biết ơn.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Nghiên cứu tình yêu thương của E-xơ-ra đối với luật pháp và nhà của Đức
Chúa Trời trong mối liên hệ với Thi Tv 119:1-176 và Thi Tv 122:1-9.
2. Chúng ta có thể học hỏi được trong hai sách này những nguyên tắc nào về
sự thánh khiết và sự xa lìa thế gian?
3. Nghiên cứu Nê-hê-mi với tư cách một con người hành động, một con
người thánh thiện và một con người cầu nguyện.
4. Chúng ta có thể tìm thấy ở đây những nguyên tắc nào có giá trị cho việc
tái xây dựng ngày nay.
SÁCH Ê-XƠ-TÊ
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Đã không có nội cũng như ngoại chứng cho biết ai là trước giả sách Ê-xơ-tê,
cũng có rất ít dấu chỉ về niên đại sách ấy. A-suê-ru trong câu chuyện này, là
Xét-xe, làm vua Ba-tư từ 486 đến 464 TC. Câu chuyện bắt đầu vào năm thứ
ba đời trị vì của vua ấy (EtEt 1:3), và vua cưới Ê-xơ-tê làm hoàng hậu vào
năm thứ bảy (2:16). Chúng ta không biết quyển sách hiện có đã được viết ra
bao giờ. Có người định cho nó một niên đại rất muộn tận năm 130 TC vì cho
rằng quan điểm ái quốc nhiệt thành trong đó phản ánh khí thế của giai đoạn
các vua Ma-ca-bê. Tuy nhiên, có khá đầy đủ chứng cớ về tinh thần ái quốc
mạnh mẽ giữa vòng dân Do Thái vốn đã có rất lâu trước thời bách hại của
Antiochus Epiphanes, khi ông ta dùng lửa hừng để sàng sảy họ.
Ngôn ngữ của sách Ê-xơ-tê (EtEt 1:2) gợi ý rằng nó đã được viết ra một thời
gian khá lâu sau giai đoạn sách ấy mô tả, nhưng, đồng thời, cũng có quá
nhiều chi tiết chẳng quan trọng bao nhiêu để tồn tại sau nhiều thế kỷ, nhất là
những ghi chú về thời điểm và các tên chi tiết các tổ tiên của Mạc-đô-chê,
của các quan thượng thư của A-suê-ru, của các con trai Ha-man, khiến
chúng ta nghi ngờ mọi cố gắng muốn định cho sách ấy một niên đại thật
muộn màng về sau. Trước giả rất khéo léo khi viết sách, rất tiết kiệm lời lẽ,
nên rất khó nghĩ rằng ông đã đưa vào sách quá nhiều chi tiết chẳng liên quan
trực tiếp gì đến chính câu chuyện, trừ phi khi chúng đáng chú ý và quan
trọng đối với độc giả của mình. Ngôn ngữ trong sách rất gần với trước giả
các sách Sử Ký, và có lẽ chúng đã thuộc về cùng một giai đoạn.
Tuy rõ ràng sách Ê-xơ-tê đã vắng bóng danh Đức Chúa Trời nhưng sách đã
kể lại câu chuyện về quyền năng thần hựu để giải phóng dân Ngài và đưa ra
lời giải thích cho lễ kỷ niệm Phu-rim mà dân Do Thái đã giữ hằng năm (EtEt
9:26-32). Trước giả tái khẳng định với dân Do Thái rằng những kẻ âm mưu
và chống lại họ sẽ không được may mắn, và kể chuyện bằng tài năng viết
kịch rất cao. Nhiều học giả từng cố gắng đi tìm nguồn gốc cho lễ Phu-rim,
hoặc là (1) trong phong tục tập quán về năm mới của người Ba-by-lôn; (2)
trong đại lễ mừng xuân của người Ba-tư, hoặc (3) một lễ cho người chết của
đạo Zoroaster, nhưng đều không đứng vững nổi về phương diện triết lý cũng
như về nền tảng lịch sử.
PHÂN TÍCH
EtEt 1:1-22.
Bữa tiệc của A-suê-ru. Hoàng hậu Vả-thi bị phế.
EtEt 2:1-23.
Ê-xơ-tê được phong làm hoàng hậu. Mạc-đô-chê phát giác một mưu phản.
EtEt 3:1-4:17.
Ha-man được thăng chức và lập kế hoạch tuyệt diệt dân Do Thái.
EtEt 5:1-7:17.
Ê-xơ-tê cầu thay khiến cho âm mưu ấy thất bại. Mạc-đô-chê được tôn vinh,
Ha-man bị xử tử.
EtEt 8:1-10:3.
Mạc-đô-chê được thăng quan tiến chức, và dân Do Thái được giải cứu. Lễ
Phu-rim.
NỘI DUNG
Sách Ê-xơ-tê là một toàn quyển liên tục, một câu chuyện tuần tự diễn tiến
cho đến phần cao điểm kết thúc thật bất ngờ. Sách bắt đầu bằng phần mô tả
một đại tiệc do vua Ba-tư khoản đãi các quan chức cấp tỉnh, dẫn đến việc
hoàng hậu Vả-thi bị truất phế, và kể lại chuyện Ê-xơ-tê, một thiếu nữ Do
Thái, đã được tuyển để thay thế vào địa vị của bà ta, việc Ha-man đã thuyết
phục được nhà vua ban chiếu chỉ tuyệt diệt dân Do Thái, rồi nhờ lời cầu thay
của Ê-xơ-tê đã đảo ngược được chiếu chỉ chống lại dân Do Thái, khiến cuối
cùng, họ được để cho sống bình an. Câu viết rằng Ê-xơ-tê được 'lập làm
hoàng hậu' phải hiểu là được lập làm một (trong nhiều) hoàng hậu. Vị hoàng
hậu 'chính cung' hay hợp pháp của Xét-xe là Amestris, con gái của một đại
tướng Ba-tư. Herodotus chép rằng lúc ấy Xét-xe đang tự an ủi về những trận
ông ta bị người Hi-lạp đánh bại, đang muốn giải khuây ở hậu cung, và kể lại
tính khí của ông ta với cả một vương quốc rộng lớn hoàn toàn ăn khớp với
những gì chúng ta đọc thấy trong sách Ê-xơ-tê.
Tuy nhiên, Olmstead, theo bản Bảy Mươi, lại nhận diện A-suê-ru là Ạt-ta-
xét-xe II (404-355 TC) và thêm vào nhiều sự kiện của nhiều tác giả ngoại
đạo liên hệ với đời trị vì của vua ấy, hoàn toàn phù hợp với câu chuyện của
Kinh Thánh.
Có một sự kiện đáng chú ý là trong sách Ê-xơ-tê, danh Đức Chúa Trời
không được đề cập, nhưng điều cũng đáng chú ý là ý niệm về quyền năng
thần hựu của Đức Chúa Trời đã được nói lên thật kiến hiệu trong câu chuyện
mà không cần phải nêu danh Ngài ra. Nhiều người đã đưa ra nhiều cách
khác nhau cho vấn đề ấy, chẳng hạn như quyển sách cốt yếu vốn được trích
từ các tài liệu chính thức của vương quyền Ba-tư ra (EtEt 2:23; 6:1), nên
danh ấy không được viết để khỏi xúc phạm đến các độc giả người Ba-tư,
hoặc vì sợ e danh ấy bị phàm tục hóa vì là người ngoại đạo đọc. Dù lý do là
gì đi nữa vẻ đẹp của tác phẩm và giá trị các bài học trong đó vẫn tồn tại. Có
một số người lên án cái gọi là tinh thần quốc gia hẹp hòi trong sách, nhưng
chúng ta phải nhớ rằng dân Do Thái đã có một triết lý về lịch sử đặt nền tảng
trên niềm tin vào một Đức Chúa Trời đang cầm quyền tuyển dân của Ngài.
Nếu đã như vậy thì sự tồn tại của họ còn vượt xa tầm quan trọng có tính
cách quốc gia dân tộc. Dân Y-sơ-ra-ên sẽ không hoàn thành sứ mạng Đức
Chúa Trời đã chỉ định cho họ trong thế gian trừ phi họ được Đức Chúa Trời
bảo vệ khỏi các kẻ thù để ứng nghiệm lời tiên tri của Ê-sai rằng: 'Phàm binh
khí chế ra nghịch cùng ngươi sẽ chẳng thạnh lợi' (EsIs 54:17). Các biến cố
thảm khốc của trận đệ nhị thế chiến cho chúng ta một thí dụ hiện đại minh
thị cho sách này, và đánh tan lời bài bác của các nhà phê bình đã có lần bảo
rằng một âm mưu tuyệt diệt dân Do Thái như vậy là 'không có lý' hoặc
không thể nào có được.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Nghiên cứu sách Ê-xơ-tê như một thí dụ minh họa cho hai nguyên tắc của
Tân Ước:
a) 'Bởi vì ai tự nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống, sẽ
được nhắc lên' (LuLc 14:11).
b) 'Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa
Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định' (RoRm 8:28).
2. Thông điệp của sách Ê-xơ-tê về cách đối xử với người thiểu số, có thể
ứng dụng cho thời nay như thế nào?
3. Cuộc đời của Mạc-đô-chê giống với cuộc đời của Giô-sép ở Ai Cập và
Đa-ni-ên ở Ba-by-lôn như thế nào?

THI CA HY-BÁ-LAI
Thi Ca là phương tiện tự nhiên để chuyên chở tư tưởng khi các cảm xúc bị
kích động, và giữa những người Hê-bơ-rơ thì nó đã có ngay từ thời nguyên
thủy (SaSt 4:23,24; 9:25-27). Cho nên chúng ta từng gặp một bài ca cho việc
đào giếng (Dan Ds 21:17), những bài ca chiến thắng (Dan Ds 21:27; Cac Tl
5:1-31), và những bài ca thương vì bị mất mát (IISa 2Sm 1:17). Các Thi
Thiên là thi ca tôn giáo lý tưởng của người Y-sơ-ra-ên, nhưng các sách
Gióp, Châm Ngôn, Nhã Ca và Ca Thương phần lớn cũng có hình thức của
thi ca.
Thi Ca Hy-bá-lai không có vần, nhưng được phân biệt với văn xuôi nhờ nhịp
điệu và cách sắp xếp đối ứng, bằng từ vựng và bút pháp đặc biệt, và bằng
một nét đặc biệt gọi là song đối, gồm ba loại:
1. Đồng nghĩa, khi nửa phần thứ hai của một câu lặp lại nội dung của phần
đầu hay gần như vậy, nhưng bằng lời lẽ khác (thí dụ Dan Ds 23:8; Thi Tv
37:2,6,10,12).
2. Đối nghĩa, khi có sự tương phản, hay phản đề ở vế thứ hai (thí dụ Thi Tv
37:9).
3. Tổng hợp, khi phần thứ hai khai triển tư tưởng của phần đầu, hoặc như kết
quả hoặc mở rộng ra (thí dụ Thi Tv 2:6, 37:4,5,13; ChCn 16:3,5).
Thỉnh thoảng chúng ta chỉ gặp đúng ba chữ họp thành ý nghĩa của một dòng,
khiến cách diễn tả có vẻ 'cộc lốc', 'nhát gừng' đặc biệt.
Một số bài thơ có hình thức sắp xếp theo thứ tự mẫu tự nghĩa là các câu hay
đoạn bắt đầu bằng chữ cái theo mẫu tự Hy-bá-lai. Khoảng cách là một dòng
trong Thi Tv 111:1-112:10 hai dòng trong Thi Tv 25:1-17; 34:1-22; 114:1-8;
ChCn 31:10-31; CaAc 4:1-22 ba dòng trong 1:1-22; 2:1-22; 3:1-66, bốn
dòng trong các Thi Tv 9:1-20; 10:1-18; 37:1-40 và mười sáu dòng trong Thi
Tv 119:1-176. Trong trường hợp sau cùng, mỗi khổ thơ gồm tám cặp câu
đều bắt đầu bằng cùng một chữ đặc biệt trong mẫu tự.
Trong nguyên văn Hy-bá-lai, câu thơ có vẻ mạnh mẽ và thích ứng không
phải dễ phiên dịch; chẳng hạn như ngôn ngữ của Thi Tv 2:1-12 vốn 'nhát
gừng' và xô bồ trong mấy câu 1-3, lại trở thành bình lặng, trang nghiêm
trong những câu tiếp theo.
Các 'Bài Ca Của Si-ôn' rất nổi tiếng (Thi Tv 137:3). Nhan đề của các Thi
Thiên chứng minh cho sự kiện chúng đã được hát lên theo các âm điệu mà ai
ai cũng biết, và có nhạc khí đệm theo. Hình thức thơ của sách Châm ngôn
khiến chúng rất dễ học thuộc lòng, còn hình thức thi ca của sách Gióp và
Nhã Ca của Sa-lô-môn rất dễ đưa lên sân khấu.
SÁCH GIÓP
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Vấn đề tác quyền tùy thuộc người ta xem sách ấy là sách ký thuật lại sự
kiện, là một vở kịch ẩn dụ, hay một thể loại văn chương nằm giữa hai thể
loại đó. Truyền Đạo thống xưa dầu không phải là không có ngoại lệ - thừa
nhận sách này là sử ký, và cho rằng Môi-se là trước giả một phần lớn sách
Gióp. Trong bản dịch ra tiếng Sy-ri, sách Gióp được xếp giữa hai sách Phục
Truyền Luật Lệ Ký và Giô-suê.
Luther thừa nhận nó là 'sử ký đích thực' nhưng nghĩ rằng hình thức kết cấu
của nó phải do một nhân vật 'tin kính, có học thức' nào đó viết ra; Grotius
nói: 'Mọi việc đó quả thật đã xảy ra, rồi được diễn tả bằng thơ'. Những con
số biểu tượng, bản tính các cuộc tranh luận và hình thức kịch của quyển sách
đã kết hợp nhau để xác nhận cho ý kiến ấy, rằng nó là một bài thơ bác học
có nền tảng lịch sử.
Một số các nhà phê bình xem những lời giảng thuyết của Ê-li-hu như phản
ánh một niên đại muộn màng về sau này hơn là phần còn lại của quyển sách,
nhưng ngôn ngữ được dùng thì lại không gợi ý như vậy. Những bài giảng
thuyết đưa ra nhiều yếu tố mới mẻ và 'do phần mô tả vẻ uy nghiêm của Đức
Chúa Trời, đã dọn đường cho việc Đức Giê-hô-va từ trong cơn giông lên
tiếng phán dạy'(J.H.Raven, Old Testament Introduction).
Luther và Delitzsch thì chủ trương trước giả sách Gióp là Sa-lô-môn hay
người đồng thời với vua ấy. Để hậu thuẫn cho lý lẽ đó, J.H.Raven nói: 'Cách
lý luận chủ động và độc đáo các vấn đề về 'sự khôn ngoan' trong sách Gióp
gợi ý về một niên đại muộn màng về sau này, khi nền văn chương về sự
khôn ngoan đã có hình thức rõ rệt và được nhiều người mô phỏng'.
Trong tất cả các vấn đề thảo luận về tác quyền và niên đại, điều quan trọng
là cần phân biệt thời đại quyển sách đã được viết ra, với thời gian mà các
biến cố được mô tả đã thật sự xảy ra. Việc Gióp là một nhân vật lịch sử ẩn
tàng trong phần ông được mô tả là 'một người trong xứ Út-xơ' và trong các
câu ám chỉ ông trong Exe Ed 14:14 và Gia Gc 5:11 và điều đáng chú ý là đã
không có tên nào trong sách là tên biểu tượng cả. Mặt khác, rất có thể trước
giả đã sống ở các thế kỷ sau này và đã lồng câu chuyện nguyên thủy vào
hình thức thơ ca để dùng nó tạo một cơ hội cho mọi người phải bàn cãi sâu
rộng vấn đề đau khổ. Nếp sống được giả định trong sách là của thời kỳ các
tộc trưởng (thí dụ sự giàu có được căn cứ vào số gia súc, Gióp dâng của lễ
mà không cần có thầy tế lễ...) đã tồn tại rất nhiều thế kỷ bên cạnh sự phát
triển của một nền văn minh có hình thức cao hơn khiến thời đại của trước
giả với các vị anh hùng của các bài thơ có thể vốn gần nhau hơn là điều
nhiều người vẫn nghĩ.
Bối cảnh của bài thơ nằm bên ngoài các bờ cõi xứ Y-sơ-ra-ên. Nói chung,
thì mọi người đều nghĩ rằng vị trí của xứ Út-xơ là trong đất Ê-đôm (xem
ISu1Sb 1:42 và CaAc 4:21). Các nhân vật không phải là người Y-sơ-ra-ên,
nhưng các vấn đề lại được thảo luận theo quan điểm của dân Do Thái. Tên
Giao ước của Đức Giê-hô-va chỉ được sử dụng trong các ký thuật bằng văn
xuôi ở đoạn đầu và đoạn cuối của quyển sách mà thôi. Chính Gióp cùng ba
người bạn của ông và Ê-li-hu đều đề cập Đức Chúa Trời là El, Eloah,
Shaddai và Elohim, là những danh đã được dùng vào thời các tộc trưởng và
cho thấy nguồn gốc nguyên thủy của quyển sách.
Chủ đề của quyển sách là vấn đề muôn thuở liên quan đến việc thực thi công
lý của Đức Chúa Trời. Vào thời của trước giả, chủ đề này càng phức tạp
thêm do:
1. Giáo lý về Đức Chúa Trời thưởng thiện phạt ác tương xứng ngay trong
đời này (so sánh Thi Tv 64:1-11; 73:1-20; 37:25).
2. Một quan niệm tiêu cực hoàn toàn về âm phủ, chỗ ở của các linh sau khi
qua đời (so sánh Giop G 30:23; Thi Tv 6:5; 30:9; 88:11,12).
3. Một ý thức phát triển về giá trị và việc mỗi cá nhân phải tính sổ (với Đức
Chúa Trời), đòi hỏi người ta phải tìm tòi tra vấn thêm về sự kiện ở đời.
Vấn đề này từng được nhấn mạnh ở những chỗ khác, như TrGv 8:14 và Gie
Gr 12:1-3. Sách Gióp trình bày giải pháp chơn chất của truyền thống, và đề
ra một giải pháp khác cho vấn đề trên một mức độ sâu nhiệm hơn.
PHÂN TÍCH
Giop G 1:1-2:13.
Lời nói đầu, hai khung cảnh trên thiên đàng, và các thân hữu của Gióp đến.
Giop G 13:1-11.
Đối thoại.
Chu kỳ một. Giop G 3:1-14:22 Gióp - Ê-li-pha - Gióp - Binh-đát - Gióp -
Sô-pha Gióp. Các lý thuyết ước lệ bị phê bình.
Chu kỳ hai. Giop G 15:1-21:34 Ê-li-pha - Gióp - Binh-đát - Gióp - Sô-pha -
Gióp.
Chu kỳ ba. Giop G 22:1-31:40 Ê-li-pha - Gióp - Binh-đát - Gióp.
Giop G 32:1-37:1-24.
Bài giảng thuyết của Ê-li-hu. Cứu cánh đầy phước hạnh của hoạn nạn, nhục
nhã và chịu trừng phạt trên đời.
Giop G 38:1-42:6.
Đức Giê-hô-va phán và Gióp đáp lời.
Giop G 42:7-16.
Lời bạt. Gióp được báo đáp và ban thưởng.
NỘI DUNG
Sách gồm một phần đối thoại bằng thơ, với lời nói đầu và lời bạt bằng văn
xuôi.
Trong lời nói đầu (Giop G 1:1-2:13) sự kết hợp của nếp sống công chính với
sự hưng thịnh vật chất nơi con người ông Gióp đã khiến Sa-tan phật ý. Nó
vốn là kẻ thù của nhân loại với câu chế giễu luôn ở trên môi 'Gióp há kính sợ
Đức Chúa Trời luống công sao?' (1:9). Nó được Đức Chúa Trời cho phép,
trước nhất, là đụng chạm đến tài sản của Gióp, thứ đến là chạm vào con
người ông, để do đó, chứng thực cho việc ông bám chặt vào Đức Chúa Trời.
Như thế, độc giả được cho thấy lý do Gióp đã phải gặp hoạn nạn ngay khi
màn được kéo lên như trong một vở kịch Hy Lạp, và tiếp theo là những nỗ
lực của ba người bạn thân của Gióp với Ê-li-hu cùng với chính Gióp, đã
chiến đấu cật lực với vấn đề đau khổ của ông có phải là điều mà ông đáng
phải nhận chịu hay không.
Trong phần đối thoại (Giop G 3:1-31:40) ba người bạn của Gióp là Ê-li-pha
người Thê-man, Binh-đát người Su-a và Sô-pha, người Na-a-ma đều bắt đầu
từ cùng một tiền đề là hoạn nạn lớn lao vốn là hậu quả của những tội lỗi thật
nặng; họ nhiều lần cố gắng thuyết phục Gióp hãy nhận tội (thí dụ Ê-li-pha ở
Giop G 4:7,8 Binh-đát ở 8:3 Sô-pha ở 11:20). Nhưng, tuy thoạt đầu Gióp
chấp nhận tiền đề của họ (đến 21:7-15 thì ông bác bỏ), ông vẫn không chịu
bỏ qua sự liêm chính của mình (xem 6:24,25,29; 7:20,21; 23:11,12;
27:6,31). Tuy ông có vô tình phạm tội (xem Dan Ds 15:22-31), nhưng một
tội lỗi đáng bị trừng phạt nặng nề như trường hợp của ông thì không thể là
một tội không cố ý được.
Đây là nan đề của Gióp. Hoặc ông đã không có lương tâm trong trắng, hoặc
Đức Chúa Trời vốn không phải là thánh thiện. Có thể nào Gióp công minh
hơn Đức Chúa Trời sao? Phải chăng Đức Chúa Trời là kẻ thù của Gióp? (
Giop G 16:1-22). Tại sao lại không mở ra một cuộc xử án công khai để Gióp
có thể tự biện hộ trước mặt Đấng Toàn Năng (23:3,4). Tại sao lại không có
một trọng tài (9:33) đặt hai tay trên hai đàng để đem đến sự thông cảm
nhau?
Trong khi chờ đợi, một tư tưởng khác đã xen vào cuộc thảo luận. Ấy là sự
đau khổ của Gióp không phải là sự hình phạt, mà chỉ là một phương pháp để
thử nghiệm cá tính, một tiếng vọng từ các cảnh tượng đã xảy ra ở trên trời.
Tư tưởng này đã được đưa vào trong bài giảng thuyết đầu tiên của Ê-li-pha
(5:17). Nó tái hiện trong bài giảng thuyết của Ê-li-hu (33:15-18; 35:9-11;
36:15). Gióp vẫn không chịu rời bỏ niềm tin quyết rằng Đức Chúa Trời vốn
là bạn thiết của ông. Dầu sao chăng nữa, dầu ở đâu và bất luận lúc nào, Đức
Chúa Trời vẫn can thiệp và báo đáp cho kẻ tôi tớ Ngài. Đức tin có thể xuyên
thủng mây mù, và tuyệt đỉnh đã đạt được trong câu nói hi hữu: 'Còn tôi, tôi
biết rằng Đấng Cứu Chuộc tôi vẫn sống. Đến cuối cùng, Ngài sẽ đứng trên
đất' (19:25).
Bài giảng thuyết của Đức Giê-hô-va ( 38:1-41:34) xác nhận nội kiến đó của
Gióp và sự thánh thiện cùng tính cách vĩ đại của Đức Chúa Trời. Đấng đã
sáng tạo và đang bảo tồn thế gian này bằng tất cả quyền phép lạ lùng, không
hề rời mắt khỏi những khổ đau của Gióp. Đấng ban sức mạnh cho con trâu
nước (behemoth, 40:15) và con cá sấu (leviathan, 41:1) cũng mạnh mẽ để
bênh vực cho kẻ thật lòng tin cậy Ngài.
Đã không hề có lời giải đáp trực tiếp nào cho vấn đề chịu đau khổ của Gióp.
Nhưng thái độ đứng đắn đã được vạch rõ, ấy là lòng tin cậy trọn vẹn vào
Đức Chúa Trời chống lại mọi động cơ thúc đẩy khác (xem 13:15a). Gióp đã
'nhận thấy là Đức Giê-hô-va luôn luôn ở bên cạnh mình; Ngài không hề xa
lạ với mình hơn vào những ngày thịnh vượng xưa kia, mà còn được nhận
biết thiết thân hơn' (Gray). Thế là con đường đã được dọn sẵn cho một mạc
khải đầy đủ hơn, tức là 'phần thưởng đích thực cho những người công chính
không phải là sự hưng vượng vật chất, nhưng là sự sống đời đời trong hiện
diện của Đức Chúa Trời' (Kissane).
Trong lời bạt, Gióp được phục hồi sự thịnh vượng gấp đôi khi trước; việc
ông được ban lại gấp đôi chứng minh cho sự thiện hảo dư dật của Đức Chúa
Trời.
Sách Gióp là một trong các Sách Thi Ca, và ở đây, tâm trí của Đức Chúa
Trời liên hệ đến sự đau khổ của loài người đã được mạc khải rõ ràng hơn bất
cứ chỗ nào khác trong Cựu Ước. 'Đây là một trong những vấn đề đầu tiên,
xưa cũ nhất và vô tận của thân phận con người và đường lối của Đức Chúa
Trời dành cho họ trên đất này. Nó thật quan trọng trong tính cách chân thật,
đơn giản, là giai điệu của một bản anh hùng ca và là chỗ yên nghỉ để phục
hòa. Theo thiển ý thì trong cả Kinh Thánh và ngoài Kinh Thánh nữa, đã
không hề có một văn phẩm nào có giá trị văn chương tương đương (với sách
Gióp)' (Carlyle). Còn về phương diện sách này chuẩn bị cho Phúc Âm, thì
J.B.Mozley đã nói rất đúng: 'Nếu người Do Thái phải chấp nhận một Đấng
Mết-si-a phải sống một cuộc đời buồn khổ, nhục nhã và phải chịu đóng đinh
giữa hai tên trộm cướp, thì điều cần thiết là ở đâu đó phải có lời dạy dỗ rõ
ràng rằng trên đời này không phải hễ là đức hạnh thì luôn luôn được ban
thưởng, do đó, không thể căn cứ vào hoạn nạn nhục nhã của một người để
rút ra một luận cứ chống lại con người đã phải chịu đựng nó'. Từ ý niệm này,
chỉ cần một bước ngắn để tiến sang ý niệm về sự chịu khổ để chuộc tội, là
một nét của EsIs 53:1-12 và đã ứng nghiệm trong Đấng Christ.
Những câu nói giống nhau rõ ràng nhất với các khúc sách khác trong Cựu
Ước là trong 7:17 (Thi Tv 8:4); 3:10 (Gie Gr 20:14-18); và 28:28 (ChCn
9:10). Các học giả bảo là có sự lệ thuộc vào nhau hoặc là của sách này hay
sách kia. Trong Tân Ước 'sự nhịn nhục của Gióp' được đề cập trong Gia Gc
5:11 và 5:13, được trích dẫn trong ICo1Cr 3:19. Ngoài ra không có chỗ trích
dẫn rõ rệt nào khác.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Truy nguyên sự phát triển tư tưởng của Gióp căn cứ vào lời thuyết giảng
của ông, đặc biệt là về thái độ của ông đối với (a) Đức Chúa Trời; (b) chính
mình; (c) cùng các lý thuyết ước lệ về tội lỗi và sự đau khổ.
2. So sánh 38:2 với 42:7. Mỗi trường hợp đã đề cập điều gì, và hai câu này
có thể được dung hòa như thế nào?
3. Phao-lô (ICo1Cr 3:19) trích dẫn Giop G 5:13 để minh họa tính cách hư
không của sự khôn ngoan loài người, còn Gia-cơ (Gia Gc 5:11) dùng câu
chuyện của Gióp để minh họa cho chủ đích và sự thương xót của Đức Chúa
Trời. Hãy nghiên cứu sách Gióp theo hai phương diện đó.
4. Tìm những câu trích dẫn chứng minh rằng sự đau khổ đã được quan niệm
là (a) sự báo trả; (b) sự sửa phạt; (c) sự rèn thử (thử thách để rèn luyện, tập
tành); và (d) đưa đến một kinh nghiệm sâu nhiệm hơn về lòng thương xót
của Đức Chúa Trời. Liên hệ với vấn đề này, hãy tìm những câu trích dẫn ghi
bên lề (marginal references) trong Tân Ước.
SÁCH THI THIÊN
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH.
Các nhan đề.
1. Tên trước giả. Hai phần ba các Thi Thiên có phần đặt ở phía trước gán
cho một trước giả nào đó. Vì chúng đã có trong Bộ Bảy Mươi, chắc ít nhất
chúng cũng có trước năm 150 TC, và vì chúng được gắn liền với các Thi
Thiên xưa (tiền lưu đày), có thể chúng đã có từ rất lâu đời. Các trước giả như
sau:
Môi-se, một (Thi Tv 90:1-17); Đa-vít, bảy mươi ba (phần lớn trong Quyển I
và II); Sa-lô-môn, hai (72:1-20 và 127:1-5 A-sáp; mười hai ( 50:1-23; 73:1-
83:18); con cháu Cô-rê, mười một ( 42:1-49:20; 84:1-85:13; 87:1-7); Hê-
man người Ếch-ra-hít, một ( 88:1-18); Ê-tham người Ếch-ra-hít, một ( 89:1-
52).
Như thế, phân nửa sách Thi Thiên đã được kết hợp với Đa-vít, và tên ông
thường được nêu lên cho toàn bộ sưu tập. Do đó các nhà phê bình triệt để
không nhận Đa-vít có viết một Thi Thiên nào cả, hoặc xếp tất cả Thi Thiên
vào giai đoạn hậu lưu đày (như Duhm), đều không nhận thấy được sức mạnh
của một truyền thống rất cổ xưa của phần lớn sách Thi Thiên chúng ta có thể
viện dẫn các lý do sau đây:
a) Thi Ca về tôn giáo hay bán tôn giáo đã có từ rất lâu trước thời của Đa-vít.
Người ta đã tìm được tại Ai Cập và Ba-by-lôn nhiều bài Thánh Ca đã có rất
sớm, vào khoảng thế kỷ 15 TC, và ngay trong Kinh Thánh, cũng đã có bài ca
Giếng (Dan Ds 21:17,18), Bài Ca và Chúc Phước của Môi-se (PhuDnl 32:1-
33:29), Bài Ca của Đê-bô-ra (Cac Tl 5:1-31) và Các Sấm Ký của Ba-la-am
(Dan Ds 24:1-25).
b) Chính Đa-vít rất thích hợp là người hát Thi Thiên (xem ISa1Sm 16:15-23;
IISa 2Sm 1:19-26 (Bài ca khóc Sau-lơ và Giô-na-than), và IISa 2Sm
3:33,34). Việc ông là 'chiến sĩ' (ISa1Sm 16:18) và từng phạm nhiều tội nặng
không hề biến ông thành một người không có óc tưởng tượng hay không thể
có những cảm xúc sâu xa. 'Thói quen phủ nhận các khả năng phức tạp của
các nhân vật trong Kinh Thánh sẽ thật hết sức liều lĩnh và chẳng có gì là
chắc chắn, khi sử ký có đầy đủ các thí dụ về việc một người duy nhất có
nhiều đức tính rất khác nhau' (J.Robertson). Thiết tưởng cần chú ý đến câu
ghi chú bên lề IISa 2Sm 23:1 trong bản R.V.: 'làm kẻ hát êm dịu (psalmist)
của Y-sơ-ra-ên'.
c) Giai đoạn đầu của thời kỳ quân chủ là thời kỳ phục hưng của tinh thần
quốc gia. Đất nước đã đứng vững trước các kẻ thù, sự giao thương phát
triển, hòm giao ước bấy giờ lập tại đó; đền thờ sắp được xây cất. Người ta sẽ
phải ngạc nhiên nếu không thấy có dấu hiệu nào của thời kỳ đó liên hệ đến
những sáng tác trữ tình.
d) Nhiều lời tiên tri vốn có hình thức giống như các Thi Thiên. 'Việc các nhà
tiên tri rập khuôn phần hình thức các Thi Thiên giả thiết sự hiện hữu của các
Thi Thiên đích thực vào thời (các lời tiên tri ấy) để được viết ra'
(Gressmann).
Tuy chúng ta không bị bắt buộc phải thừa nhận tất cả những nhan đề gán
cho các Thi Thiên - dầu là cho Đa-vít hay những người khác - đều đúng, đều
thật, chúng ta phải chú ý rằng các nhan đề ấy đều là một thành phần của bản
văn đã được lưu truyền đến chúng ta với tư cách là các Thi Thiên. Trong Hy
văn, câu 'của Đa-vít' có thể có nghĩa là 'thuộc về' hay 'cho', 'dành cho' Đa-vít,
và không nhất thiết ngụ ý rằng Đa-vít là trước giả; nhưng điều đang chú ý là
chính Đấng Christ từng chứng thực rằng Đa-vít là trước giả của Thi Tv
110:1-7; (Mac Mc 12:36, và Công Vụ Các Sứ Đồ thì bảo rằng ông đã được
linh cảm để viết Thi Tv 2:1-12 (Cong Cv 2:34; 4:35).
2. Lịch sử và miêu tả. Cùng với phần ghi chú gán một bài Thi Thiên cho một
trước giả, các nhan đề còn có phần ghi chú về lịch sử, nhằm mô tả, nói về
âm nhạc, hay kinh kệ. Các ký chú về cơ hội bài Thi Thiên được viết ra nhiều
khi soi sáng được rất nhiều điều (thí dụ các Thi Tv 3:1-8; 18:1-50; 51:1-19);
nhưng thỉnh thoảng dường như cũng chỉ soi sáng được rất ít cho bài Thi
Thiên. Sự kiện sau này, đồng thời với phần đề cập tối nghĩa, chứng thực cho
thời đại và tính cách chân thực của chúng.
Về những từ ngữ nhằm mô tả, như 'Bài ca' (thí dụ Thi Tv 45:1-17) dường
như phải được phân biệt với 'Thi Thiên' (thí dụ Thi Tv 19:1-14) như là một
bài ca được hát lên mà không có nhạc khí phụ họa. Có một số bài đã được
mô tả là 'Bài Cầu Nguyện' (thí dụ Thi Tv 17) và một bài được mô tả là 'Thơ
Ngợi Khen' (Thi Tv 145:1-21). Maschil hàm ý là suy gẫm hay dạy dỗ;
Michtam là một lời công bố hay thơ châm biếm (cũng xem Thi Tv 38:1-22;
20:1-9; 100:1-5).
3. Các chỉ dẫn về âm nhạc. Bộ Bảy Mươi dịch chữ Selah là diapsalma, nghĩa
là dấu nghỉ trong âm nhạc, có lẽ chính là nghĩa đúng của nó. Có một số nhan
đề nói về các nhạc khí. Neginoth (thí dụ Thi Tv 4:1-8) có nghĩa là đàn dây
(so sánh ISa1Sm 16:16) và Nehiloth (thí dụ Thi Tv 5:12) là đàn gió (kèn,
sáo, phải thổi). Alamoth (Thi Tv 46:1-11;) có lẽ có nghĩa là giọng nữ, còn
Sheminith (bát âm) có lẽ có nghĩa là giọng nam. Jeduthun (xem Thi Tv 39)
là tên của một ca trưởng vào thời của Đa-vít (ISu1Sb 16:41), và 55 Thi
Thiên được đề tặng cho 'thầy nhạc chánh'. Nhiều chỉ dẫn được cho là ngụ ý
ám chỉ một số giai điệu nổi tiếng (thí dụ Thi Tv 9:1-20; 56:1-57:11).
Các niên đại đúc kết.
Các Thi Thiên thuộc về phần thứ ba trong bộ Kinh Thánh Hy-bá-lai, gọi là
'Các Sách Văn thơ'. Vì sách Thi Thiên là quyển đầu, nên nó thường được
dùng chỉ chung cho cả phần ấy (so sánh LuLc 24:44, nơi cả ba phần của Cựu
Ước được gọi là 'Sách Luật Pháp, các Sách Tiên Tri cùng các Thi Thiên').
Thi Thiên là quyển Thánh Ca của người Do Thái. Có lẽ Thi Tv 90:1-17
(xem nhan đề) là bài hát xưa nhất. Thi Tv 137:1-9 chắc chắn là có niên đại
vào thời kỳ lưu đày; các Thi Tv 74:1-23 và 79:1-13 được mọi người cho là
của thời kỳ hậu lưu đày. Đàng sau cách sắp xếp hiện tại, có thể còn có nhiều
bộ sưu tập xưa hơn nữa. Câu ghi chú ở cuối Thi Tv 72:1-20 có lẽ ám chỉ còn
nhiều bài Thi Thiên khác nữa.
Người Do Thái chia cả sách Thi Thiên ra làm năm quyển, nghĩa là: Quyển I,
Thi Tv 1:1-41:13 Quyển II, Thi Tv 42:1-72:20 Quyển III, Thi Tv 73:1-89:52
Quyển IV, Thi Tv 90:1-106:48 Quyển V, Thi Tv 107:1-150:6. Mỗi quyển
đều kết thúc bằng một bài ca tán tụng. Thi Tv 1:1-6 và 150:1-6 thích hợp
cho phần nhập đề và kết luận cho toàn bộ sưu tập.
Một nhà giải kinh mới đây có đề nghị sắp xếp các nhóm như sau:
a. Bộ sưu tập của Đa-vít (Thi Tv 3:1-41:13). Ở đây Đức Chúa Trời được gọi
bằng tên Đức Giê-hô-va (Chúa), trừ vài ngoại lệ.
b. Bộ sưu tập hỗn hợp (Thi 42:1-89:13;). Đức Chúa Trời thường được gọi là
Elohim (Đức Chúa Trời). Những ghi chú gán các Thi Thiên cho 'con cháu
Cô-rê', 'Đa-vít', 'A-sáp' có thể chỉ về các bộ sưu tập xưa hơn (Thi Tv 84:1-
89:52 phần lớn dùng danh Đức Giê-hô-va).
c. Bộ sưu tập khuyết danh (Các Thi Tv 90:1-150:6) gồm cả mười lăm bài
được gán cho Đa-vít). Dùng danh Đức Giê-hô-va. Phần nhiều là các Thi
Thiên được dùng như những bài kinh, được dùng cho việc thờ phượng trong
đền thờ.
Các Thi Tv 1:1-6 và 2:1-12 là phần vào đề, và có một Thi Thiên được tìm
thấy trong hơn một bộ sưu tập, xuất hiện với tư cách Thi Tv 14:1-7 và 53:1-
7, với danh Đức Chúa Trời được thay đổi.
Cơ hội và bối cảnh.
Không phải tất cả các Thi Thiên đều được soạn thảo để sử dụng trong việc
thờ phượng công cộng. Chúng gồm cả các bài thơ suy gẫm, bài học, các bài
thơ học thuộc lòng về lịch sử; thật ra, chúng đã ra đời nhân nhiều cơ hội
khác nhau, vừa do nhu cầu cá nhân, vừa do sự đòi hỏi của cả quốc gia, dân
tộc.
Không phải bao giờ tiếng 'tôi' của các tác giả Thi Thiên cũng chỉ rõ ràng một
cá nhân, hay chỉ là người phát ngôn trong một cộng đồng đang thờ phượng.
Nỗ lực nhằm xem tất cả các Thi Thiên đều có tính cách 'cộng đồng' đã
không thành công, nhưng 'cộng đồng thì không bao giờ ở xa cả'
(Montefiore).
Giới học giả gần đây có khuynh hướng xem bối cảnh lịch sử lệ thuộc cách
diễn tả trong kinh kệ, đề cập các nhu cầu luôn luôn cứ gặp đi gặp lại luôn.
Trong PhuDnl 26:1-19, có một loạt từ ngữ họp thành một hình thức bắt buộc
đối với người Y-sơ-ra-ên đến dâng các hoa quả đầu mùa cho Đức Giê-hô-va.
Một công thức khác giống như vậy cùng xuất hiện trong PhuDnl 21:7,8.
Cũng theo cách đó, Thi Tv 116:1-19 có thể được một người đến trả lời thề
nguyện sau khi được lành bịnh, sử dụng nhân một trong các kỳ đại lễ (xem
câu 116:14), còn Thi Tv 107:1-43 là do một số người đồng thanh dâng lên
một công thức cảm tạ hàm súc. Các Thi Tv 113:1-118:29 được biết dưới cái
tên 'Những bài ca Ha-lê-lu-gia vĩ đại' được hát lên nhân ba ngày đại lễ hằng
năm là lễ Vượt Qua, lễ Lều Tạm và lễ Ngũ Tuần và là bài Thánh Ca được đề
cập trong Mat Mt 26:30.
Trong khi tiếp nhận phần ánh sáng phụ trội mà ý niệm này chiếu rọi trên sự
phát triển của một vài Thi Thiên, ta phải nhớ là điều đó chỉ có thể ứng dụng
thật hạn chế mà thôi. Các Thi Thiên phơi bày một sự tươi mới và độc đáo,
không phải là những khuôn sáo đã được đúc sẵn. Dường như điều hiển nhiên
là một số lớn vốn bắt nguồn từ một bối cảnh cá nhân, rồi sau đó mới được
góp nhặt lại để công chúng cùng sử dụng trong đền thờ và tại tư gia.
Thêm vào các dấu hiệu nội tại của các bộ sưu tập đã kể trên mà chúng tôi
vừa ghi nhận, còn có nhiều gợi ý về việc hình thành các bộ sưu tập ấy vào
thời Đa-vít (ISu1Sb 15:16), Ê-xê-chia (so sánh ChCn 25:1), E-xơ-ra và Nê-
hê-mi (NeNe 8:1-9:38).
NỘI DUNG.
Sách Thi Thiên là một kho báu về sự cầu nguyện và xưng tội dành cho việc
dưỡng linh (devotion) chung và riêng. Nhờ đó mà vô số các thánh đồ, cả
người Hê-bơ-rơ lẫn các Cơ Đốc nhân sung sướng ra mắt Đức Chúa Trời với
những lời Thi Thiên đó. Trong những giờ phút nguy cấp, tự nhiên dân Chúa
sẽ đến với Thi Tv 46:1-11, với niềm tin quyết rằng Đức Chúa Trời là 'nơi ẩn
náu và là sức lực của chúng tôi'; sự ăn năn thống hối của họ được diễn tả
bằng lời lẽ Thi Tv 51:1-19 lòng tin quyết vào sự yêu thương chăm sóc của
Đức Chúa Trời dựa trên Thi Tv 23:1-6. Edward Wilson trong đoàn thám
hiểm Bắc cực từng ý thức được nỗi kinh hoàng giữa các khung cảnh hoang
vu bao la nhờ cách diễn tả hết sức trung thực của các Thi Thiên.
Ta có thể hỏi tại sao sách Thi Thiên là quyển thánh ca chính thức của một
trong những cộng đồng độc đáo trên thế giới, lại được ứng dụng phổ cập
rộng rãi như thế. Lord Ernle (R.E.Prothero) đã đưa ra câu trả lời trong tác
phẩm đầy sức quyến rũ của ông, quyển 'Các Thi Thiên trong đời sống con
người' (The Psalms in Human life). Trong sách, ông nói: “Thi Thiên đã vẽ ra
một bức tranh bằng những màu sắc tươi sáng, không phải về cuộc chiến đấu
trên bình diện đạo đức của con người cho mọi thời đại...sự mạc khải về một
tâm hồn sau khi ý thức sâu xa về tội, bằng một giọng nghẹn ngào hổ thẹn với
lòng thống hối và đầy hi vọng, tái lập sự tương giao cá nhân với Đức Chúa
Trời. Chính điều này đã đem cho các Thi Thiên chân lý vĩnh cửu”.
a) Bản chất của Đức Chúa Trời.
Con người phải đến với Đức Chúa Trời với lòng cung kính, nhưng ở thời
Tân Ước còn được 'đến gần' Ngài với sự bạo dạn thánh khiết (Eph Ep 3:12).
Danh Ngài là 'Đức Giê-hô-va' được nhận biết và yêu mến; cá tính Ngài được
thử nghiệm và biết chắc: 'Lời Chúa rất là tinh sạch (bản Anh văn dịch là
được thử nghiệm cho đến tận cùng) nên kẻ tôi tớ Chúa yêu mến lời ấy' (Thi
Tv 119:140).
Đức Chúa Trời luôn luôn là một Thân Vị (a Person: một con người), độc tôn
không đối thủ. Mấy chữ 'các thần' luôn luôn được nhắc đi nhắc lại, có thể chỉ
vì đó là ngôn ngữ của thi ca, chỉ nhằm thay thế cho cách nói quá bình dân
(W.E.Barnes). Ngài là Đấng Tạo Hóa tể trị trên toàn vũ trụ và tác động trực
tiếp trên các vật thọ tạo của mình. Đối với tác giả Thi Thiên thì không có
'định luật tự nhiên' nào là có uy quyền độc lập cả; chính Đức Chúa Trời trực
tiếp kiểm soát giông bão cũng như gió mưa.
b) Đức Chúa Trời và con người.
Đối với loài người thì Đức Chúa Trời là Chúa, là Vua tối cao. Ngài có một
đạo đức đòi hỏi đối với thần dân Ngài (so sánh Thi Tv 15:1-5). Đạo đức
quan trọng hơn nghi lễ (Thi Tv 50:1-23). Đồng thời Ngài cũng là người cha
yêu thương (Thi Tv 103:1-22). Sự thành tín (Thi Tv 89:1), chân lý (31:5) và
lòng nhân từ (Thi Tv 36:7) của Ngài được nhấn mạnh. Người ta có thể đến
gần Ngài không qua trung gian, và được biết Ngài cách thân mật: 'Đức Chúa
Trời tôi'. Tội lỗi đã được xưng nhận cách cảm động cao độ (thí dụ Thi Tv
51:4), với sự hạ mình sâu xa (8:4). Có nhiều câu dường như ngụ ý về sự
công bình riêng không thích đáng (Thi Tv 18:23) phải được hiểu theo nghĩa
tương đối và gợi ý về sự trung tín chớ không phải là tình trạng trọn vẹn,
hoàn toàn.
c) Đức Chúa Trời và dân Y-sơ-ra-ên
Đức Chúa Trời đã bước vào giao ước có tính cách bền vững với dân Y-sơ-
ra-ên, và nhiều Thi Thiên ghi lại đầy dẫy các công việc quyền năng của Đức
Giê-hô-va để bênh vực tuyển dân Ngài (Thi Tv 48:1-14; 76:1-12, 78:1-72;
81:1-16; 105:1-45; 106:1-48; 114:1-8). Họ được kêu gọi hãy làm chứng cho
quyền năng và sự thiện hảo của Ngài, nhưng việc phục vụ Đức Chúa Trời thì
không phải chỉ dành riêng cho dân Y-sơ-ra-ên mà thôi (xem Thi Tv 67:1-7
và 87:1-7). Ai Cập và Ê-thi-ô-bi sẽ giơ tay ra hướng về Ngài; Ba-by-lôn,
Phi-li-tin và Ty-rơ sẽ chấp nhận sự cai trị của Ngài.
d) Thưởng và phạt
Tội phải bị phạt, còn đức hạnh sẽ được thưởng. Nhưng tác giả Thi Thiên
thường ý thức bén nhạy những điều dường như bất công. Có khi, như trong
Thi Tv 37:1-24 ông thấy giải pháp trong sự phán xét của Đức Chúa Trời
trong đời này; nhưng trong Thi Tv 73:1-28, ông lại hướng đến giáo lý về sự
thưởng và phạt sau khi người ta đã chết, (xem đặc biệt mấy câu 73:23-26),
và về mối thông công với Đức Chúa Trời mà sự chết không thể đụng chạm
đến. Nhưng giáo lý về sự bất tử cho đến lúc đó vẫn còn là một niềm hi vọng,
chớ chưa phải là một niềm tin chắc chắn; cho nên sự gần gũi với Đức Chúa
Trời giúp tác giả Thi Thiên đối diện với mọi hoàn cảnh thay đổi trong đời
với lòng tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ không hề lìa bỏ con cái Ngài (xem
31:1-24; 77:1-20; 116:1-29; 124:1-8).
e) Các Thi Thiên nguyền rủa.
Về các Thi Thiên, (thí dụ như 69:1-36; 109:1-31) khẩn xin Đức Chúa Trời
hãy đoán phạt các kẻ thù của tác giả hay của dân sự ông, cần chú ý các điểm
sau đây:
1. Các tác giả Thi Thiên tin quyết vào 'phản đề tuyệt đối giữa những người
được chọn và những kẻ chống lại Đức Chúa Trời' (A.Kuyper) và nói ra với
tư cách các nhà vô địch của Đức Chúa Trời trong một thế giới phản loạn
chống lại Ngài. Lời kêu nài đoán phạt của họ được căn cứ trên các lời hứa
bảo vệ của Đức Chúa Trời và trên chính nghĩa công chính của họ (Thi Tv
88:1-18; 137:8); họ tránh việc đích thân báo thù, và phó thác chính nghĩa
của mình cho Đức Chúa Trời.
2. Họ được khoác cho các hình thức tư tưởng của dân tộc và của thời đại họ.
Với một người Hê-bơ-rơ, tất cả đều có tính cách cá nhân; tội nhân được
đồng nhất hóa với tội lỗi, người phạm tội được đồng nhất hóa với gia đình
anh ta, và phương pháp duy nhất để thanh lọc một thành phố khỏi tội lỗi là
hủy diệt kẻ ác.
3. Những lời chúc dữ và nguyền rủa vốn có cả trong Tân Ước lẫn Cựu Ước
(Mat Mt 13:49,50; 16:27; 23:13-33; GiGa 5:29; RoRm 6:23; KhKh 6:10;
18:6). Nhưng dưới thời Cựu Ước đã không có ánh sáng rõ ràng cho tương lai
hay tin lành về tình yêu thương cứu chuộc, và sự công bằng đòi hỏi dường
như chỉ thuộc về đời này mà thôi. Chúa chúng ta đã qui định nguyên tắc
rằng các Cơ Đốc nhân bị đòi hỏi một tiêu chuẩn cao hơn, vì họ đã được soi
sáng đầy đủ hơn (Mat Mt 5:43,44 so sánh 19:8).
g) Các Thi Thiên trong Tân Ước.
Chúa Giê-xu đặc biệt yêu mến các Thi Thiên. Những câu Thi Thiên cảm
động luôn luôn ở trong tâm trí Ngài, kể cả lúc ở trên thập tự giá, vì câu cuối
cùng Ngài thốt ra là Thi Tv 31:5, còn tiếng kêu: 'Đức Chúa Trời tôi ôi, sao
Ngài lìa bỏ tôi' là câu mở đầu của Thi Tv 22:1-30. Phần còn lại của Thi
Thiên này mô tả chi tiết những nỗi đau khổ trên đồi Gô-gô-tha, như ta có thể
tìm thấy ở bất kỳ chỗ nào khác trong Kinh Thánh. Các tác giả Thi Thiên đã
nói những điều 'khôn ngoan hơn là điều họ biết' (theo bản Anh văn) trong
khúc sách này và những khúc sách tương tự (IPhi 1Pr 1:10-14), Đức Thánh
Linh là tác giả thật sự của Kinh Thánh, đã soi sáng cho tâm trí họ.
Hi vọng về Đấng Mết-si-a ngời sáng trong các Thi Tv 2:1-12; 45:1-17; 72:1-
20 và 110:1-7. Đấng Mết-si-a được mô tả là một vua hùng cường được dân
Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời ủng hộ. Các Thi Thiên khác ( 96:1-100:5) đề
cập vương quốc ngày càng mở rộng thêm của Ngài cho đến khi tràn lan khắp
thế giới trong Thi Tv 47:1-9.
h) Phân loại đề tài.
Việc làm này là vô cùng, và mọi cố gắng phân loại tổng quát đều bỏ sót
nhiều tư tưởng và những kinh nghiệm thuộc linh đặc sắc khác nhau, vốn là
đặc điểm của rất nhiều Thi Thiên.
1. Cầu nguyện: 17:1-15; 86:1-17; 90:1-17; 102:1-28; 142:1-7.
2. Ca tụng: 8:1-9; 19:1-14; 81:1-16; 92:1-15; 95:1-100:5; 145:1-150:6
3. Cầu xin giải cứu: 6:1-10; 16:1-11; 38:1-22; 39:1-13; 41:1-13
4. Xưng nhận đức tin: 8:1-9; 33:1-22; 94:1-23; 104:1-35
5. Xưng tội: 6:1-10; 32:1-11; 38:1-22; 51:1-19; 102:1-28; 130:1-8; 143:1-12
(các Thi Thiên ăn năn thống hối).
6. Cầu thay:
Cho vua: 20:1-9; 21:1-13; 61:1-8. Cho dân Y-sơ-ra-ên và các dân tộc khác:
67:1-7 Cho nhà Đa-vít: 89:1-52 Cho Si-ôn: 121:1-8; 122:1-9; 132:1-18.
7. Nguyền rủa: 35:1-28; 59:1-17; 69:1-36; 109:1-43.
8. Giáo huấn: 37:1-40; 45:1-17; 49:1-20; 78:1-72; 103:1-107:43.
9. Suy gẫm: 49:1-20; 73:1-28; 94:1-23.
10. Đề cao luật pháp: 19:1-14, 119:1-176.
11. Trông đợi Đấng Mết-si-a: 16:1-11; 22:1-30; 24:1-10; 40:1-13, 68:1-33;
69:1-36; 110:1-7; 118:1-29
Tân Ước rất thường trích dẫn Thi Thiên, cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Những
chỗ trích dẫn trực tiếp quan trọng hơn hết là:
Thi Tv 2:7 (Cong Cv 13:33; HeDt 1:5; 5:5); Thi Tv 8:2 (Mat Mt 21:16); Thi
Tv 8:4,5; (HeDt 2:6,7); Thi Tv 22:7,8,18; (Mat Mt 27:35,39-48); Thi Tv
31:5 (LuLc 23:46); Thi Tv 32:1,2 (RoRm 4:6-8); Thi Tv 40:6 (HeDt 10:5 và
tt); Thi Tv 45:6 (HeDt 1:8,9); Thi Tv 110:1 (Mat Mt 22:44; Cong Cv 2:34;
HeDt 1:13;).
Tất cả những câu trên đều chỉ về Đấng Christ là Đấng làm ứng nghiệm các
lời tiên tri trong Cựu Ước.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Dùng bảng phân loại trên đây, rút ra sự dạy dỗ trong các Thi Thiên, theo
từng đề tài một.
2. Nghiên cứu sự dạy dỗ trong các Thi Thiên 'thích ứng' với lễ Giáng sinh
(Thi Tv 19:1-14; 45:1-17; 85:1-13; 89:1-52; 110:1-7; 132:1-18;); ngày Thứ
Sáu Thương Khó ( 40:1-17; 54:1-7; 69:1-36; 88:1-18); lễ Phục Sinh (7:1-17;
140:1-13; 113:1-9; 114:1-8; 118:1-29); lễ Thăng Thiên ( 5:1-12; 108:1-13;
24:1-10; 47:1-9;); và lễ Ngũ Tuần ( 68:1-33; 104:1-35; 145:1-21), như là
những lời tiên tri về các biến cố mà các ngày lễ ấy kỷ niệm.
3. Viết tóm tắt về đức tin của Cơ Đốc nhân hàm chứa trong các câu Thi
Thiên được Tân Ước trích dẫn (xem phần trên) theo quan điểm của những
người đã trích dẫn các câu ấy.
4. Tuyển chọn một số ít câu có thể dùng khi (1) cầu nguyện, (2) cảm tạ, (3)
ca tụng.
5. Từng câu trong LuLc 24:46-48 đã được các Thi Thiên tiên báo như thế
nào?
SÁCH CHÂM NGÔN
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Sách Châm ngôn gồm có một phần nhập đề ( ChCn 1:1-9:18) dành cho việc
ca ngợi sự khôn ngoan và những lời khuyên giục hãy tìm cầu nó, tiếp theo là
một loạt Châm Ngôn (10:1-25:1) và 'những lời của sự khôn ngoan' (22:17;
24:23).
Theo 25:1 thì dường như 'các người của Ê-xê-chia' trong số đó có lẽ có cả
Môi-se và Mi-chê, có trước mặt các bộ sưu tập được trích ra từ 10:1 đến
24:34, mà họ đã thêm ít nhất là phần 25:1-29:27 vào. Cho dù hai chương
cuối có được thêm vào lúc đó hay về sau, chúng ta không thể xác nhận cũng
như không được biết gì về A-gu-rơ và Lê-mu-ên, là những người đã viết
hoặc sưu tập hai chương ấy. Chúng ta cũng không thể căn cứ vào 1:1 để giải
quyết xem các chương 1-9 có phải là công trình của Sa-lô-môn hay của số
người về sau sẽ hoàn tất quyển sách. Keil quả quyết rằng các chương 1:1-
29:27; phơi bày xuyên suốt cùng một bối cảnh lịch sử duy nhất, tương ứng
về mọi phương diện với các điều kiện trong thời trị vì của Sa-lô-môn, do đó,
phải xem như tất cả đều do Sa-lô-môn soạn.
Dầu sao cũng không có lý do nào để nghi ngờ điều rất hợp lý là tên của Sa-
lô-môn đã được gắn chặt vào bộ phận chính của các câu châm ngôn, một
tuyển tập có lẽ do sự mạc khải đã khiến ông viết ra ba ngàn câu châm ngôn,
được đề cập trong IVua 1V 4:32 tuy điều không thể loại trừ là rất có thể
chúng còn được 'các người của Ê-xê-chia' thêm vào. Các Châm ngôn vốn có
từ trước thời của Sa-lô-môn (Dan Ds 21:27; ISa1Sm 24:13) và nhiều câu
trong sách này có lẽ là những lời khôn ngoan cổ xưa nhưng được mặc cho
phần hình thức trong sách.
Rõ ràng là toàn quyển sách như chúng ta hiện có vốn không được hoàn tất
trước thời của Ê-xê-chia. Nhiều luận cứ ngữ học đã đưa các nhà phê bình
đến chỗ kết luận rất trái ngược nhau, khiến người ta rất khó có thể tin cậy
vào đó. Chẳng hạn như Eichhorn cho rằng sách này đã có vào thế kỷ thứ
mười, Hitzig thì vào thế kỷ thứ chín, còn Edward thì tính vào thế kỷ thứ sáu
TC.
PHÂN TÍCH
ChCn 1:1-9:18.
Giá trị và kết quả của sự khôn ngoan thật.
ChCn 10:1-22:16.
'Các Châm Ngôn của Sa-lô-môn'.
ChCn 22:17-24:31.
'Lời của sự khôn ngoan'.
ChCn 25:1-29:27.
Tuyển tập của 'các người của Ê-xê-chia'.
ChCn 30:1-33.
Các Châm Ngôn của A-gu-rơ.
ChCn 31:1-31.
Các Châm Ngôn của Lê-mu-ên. Người nữ tài đức.
NỘI DUNG
Từ ngữ Hy-bá-lai cho Châm Ngôn (mashal) có nghĩa là một sự so sánh hay
tổng quát hóa. Các Châm Ngôn trong những chương 10:1-24:31 phần lớn là
những cặp mệnh đề có hình thức song đối, những châm ngôn cực ngắn chỉ
gồm một câu duy nhất hàm chứa một chân lý đạo đức hay một sự khôn
ngoan thực tiễn được minh họa bằng một số việc tương tự. Lời lẽ cũng có
thể đem ứng dụng cho một ẩn dụ (Dan Ds 23:7; Thi Tv 49:4; Exe Ed 17:2)
trong đó bài học phải rút ra từ sự việc tương tự đó đã bị bỏ ngỏ, không được
giải thích. Trong các chương chót nhiều châm ngôn dài đến hai hoặc bốn
câu. Trong chương 31:1-24 hai mươi hai câu cuối cùng được xếp mẫu tự thứ
tự (như Thi Tv 119:1-176), các câu bắt đầu bằng một chữ cái theo thứ tự
mẫu tự Hy-bá-lai.
Phần ca ngợi sự khôn ngoan trong các chương 1-9 cũng có thể xem như mở
rộng thêm phần 'Châm Ngôn'. Nó vươn tới những đỉnh cao tuyệt vời, khiến
Cơ Đốc nhân cảm thấy như tác giả của nó được mạc khải để diễn tả những
tư tưởng sẽ ứng nghiệm nơi Đấng vốn vừa là sự khôn ngoan, vừa là quyền
năng của Đức Chúa Trời (so sánh ChCn 8:22-31 với GiGa 1:1-5; 17:5; CoCl
1:15-17).
Tác giả tuyên bố rằng mục đích của ông là ban cho sự tri thức và thận trọng
trong lời nói (ChCn 1:4). Nếu Thi Thiên là sách chỉ nam cho sự cầu nguyện,
tĩnh tâm, thì sách Châm Ngôn là sách chỉ nam về đạo đức thực tiễn. Khi ứng
dụng chúng, phải nhớ rằng:
1. 'Sự kính sợ Đức Giê-hô-va' phải đứng ở hàng đầu (ChCn 1:7; 14:27;
23:17); chỉ nhờ sức lực Ngài ban, người ta mới có thể đem chúng ra thực
hành được.
2. Chúng không phải là vô giới hạn, và có thể có ngoại lệ .
3. Chúng được minh họa rõ ràng nhất bằng các thí dụ rút ra từ nhiều tài liệu
về tiểu sử mà Kinh Thánh cung cấp. Tân Ước có trích dẫn nhiều câu quan
trọng của sách này (xem RoRm 3:15; 12:16-20; Gia Gc 4:6 IPhi 1Pr 4:18;
IIPhi 2Pr 2:22).
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Giáo chức ngày nay có thể dùng những chỉ dẫn nào trong sách này để
giúp đỡ những người trẻ?
2. Nghiên cứu các khúc sách có đề cập 'Đức Giê-hô-va' (Chúa) và thu thập
sự dạy dỗ trong đó.
3. Tập họp các khúc sách đề cập (1) Sự khôn ngoan và người khôn ngoan;
(2) Kẻ ngu dại và gièm pha; (3) Kẻ lười biếng. Tóm tắt những lời dạy dỗ
liên hệ.
4. Tập họp các khúc sách, nhất là từ chương TrGv 1:1-9:18, dường như làm
hình bóng cho sự khôn ngoan được nhập thể trong Đấng Christ.
5. Đời sống và cá tính của Sa-lô-môn đã soi rọi gì cho sách này?
SÁCH TRUYỀN ĐẠO
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Tên Hy-bá-lai của sách này là Qoheleth có nghĩa là người hướng dẫn hay
diễn giả trong một hội chúng. Từ ngữ tương đương trong Hy văn là
Ecclesiastes, và Nhà Truyền Đạo (Nhà Truyền Giảng) tuy không sát lắm,
nhưng cũng lột được khá đầy đủ ý nghĩa ấy. Trong phần nhập đề, trước giả
mượn lời Sa-lô-môn, và tuy tên ông không được nêu lên người ta thấy rõ
ràng là sách ngụ ý nói đến ông (TrGv 1:1). Nhưng khảo xét kỹ hơn, người ta
có thể hoài nghi không biết Sa-lô-môn là trước giả của toàn quyển sách, hay
chỉ xuất hiện ở phần vào đề mà thôi, để làm phần trình bày lý tưởng cho
quan điểm của Sa-lô-môn, nhằm giới thiệu phần tiếp theo.
Câu 'Ta...đã làm vua' (TrGv 1:12) có thể ngụ ý chỉ một cái nhìn hồi tưởng,
mấy chữ 'tại Giê-ru-sa-lem' và nhiều câu khác (chẳng hạn 1:16) có thể được
suy diễn là vương quốc đã bị chia đôi, và một số chỗ đề cập các vua, các
quan trưởng, các nhà cầm quyền áp bức dân sự sẽ tự nhiên hơn cho thời kỳ
vương quốc đã suy tàn (4:13,14; 10:16,17). Nó thiếu hẳn những ký chú riêng
tư là điều đáng lẽ phải có nếu quả thật nó do chính vua Sa-lô-môn đã viết lúc
tuổi già và với tinh thần ăn năn thống hối, như thường có. Tuy nhiên, hai
chương mở đầu có thể được căn cứ trên một vài tập hồi ký cổ xưa nào đó,
chẳng hạn sách 'Công Vụ của Sa-lô-môn' (IVua 1V 11:41) hay các tác phẩm
của các nhà tiên tri đồng thời với ông (IISu 2Sb 9:29). Có một truyền thống
kỳ lạ theo sách Talmud đã xếp các sách Châm Ngôn, Truyền Đạo và Nhã Ca
vào với số sách do 'Ê-xê-chia và các người của vua ấy' viết ra (xem ChCn
25:1).
Vậy, nếu cùng với Hengstenberg, C.H.H.Wright và nhiều học giả bảo thủ
khác, chúng ta đi tìm một trước giả khác hơn là Sa-lô-môn, thì niên đại của
sách sẽ chỉ là một vấn đề phỏng đoán. Nó phải sớm hơn năm 200 TC, vì đã
được liệt vào Kinh điển và được sách Ecclesiasticus đề cập. Bút pháp trong
nguyên văn Hy-bá-lai giống với các văn phẩm hậu lưu đày còn giọng bi
quan xuyên suốt quyển sách, sẽ rất phù hợp với thời kỳ hồi hương.
PHÂN TÍCH
TrGv 1:1,2:26.
Sự hư không của mọi sự 'ở dưới mặt trời', kể cả chuyện mới lạ, vui thú, và
thành quả của lao khổ; nhưng Đức Chúa Trời ban sự khôn ngoan, tri thức và
niềm vui cho người thánh thiện.
TrGv 3:1-6:12.
Sự hư không càng tăng khi có áp bức, tham lam và khi bóng sự chết bao
trùm tất cả. Cần vui hưởng những gì Đức Chúa Trời ban cho, nhưng chớ lấy
đó làm mục đích của cuộc đời.
TrGv 7:1-10:20.
Sự khôn ngoan hơn sự ngu dại, và sự kính sợ Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ
được phần thưởng. Công việc của Đức Chúa Trời không thể dò lường được.
TrGv 11:1-12:14.
Tuổi thiếu niên và thời thanh xuân rồi sẽ kết thúc bằng tuổi già và sự chết.
Kết luận tối hậu: Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài.
NỘI DUNG
Muốn thấu hiểu bức thông điệp sâu nhiệm của quyển sách được (Đức Thánh
Linh) soi sáng này, cần phải hình dung ra được thật rõ ràng hướng nhìn và
phương pháp của trước giả. Có thể nhìn thấy điều đó trong lời tựa (so sánh
RoRm 8:20), trong đoạn kết (12:13,14 so sánh Mat Mt 19:17), và trong các
điệp khúc cứ được nhắc đi nhắc lại qua suốt quyển sách; sự 'hư không' của
mọi sự 'dưới mặt trời'; các bài học kinh nghiệm nhìn thấy trước mắt; và 'tìm
cho ra' các đường lối của Đức Chúa Trời trong quá khứ. Trước giả tự để tâm
suy xét từng đối tượng một đã kích thích sự ham muốn của loài người và
đem chúng ra đặt trước mặt mình, tức là sự khoái lạc, vui thú, lao khổ, tóm
thâu của cải, học thức; và ông nhận thấy rằng 'mọi sự ở dưới mặt trời', kể cả
những điều tự chúng vốn là tốt lành, khôn ngoan, cuối cùng, đều chỉ là 'hư
không và phiền muộn'. Khi nói 'ở dưới mặt trời' trước giả ngụ ý nói về tất cả
những gì người thế gian tìm kiếm trong cuộc sống ở trần gian, bất kể cuối
cùng của chúng chỉ là sự chết, và quên mất là còn có Đức Chúa Trời ở trên
cao.
Trong những cuộc thám hiểm thuộc linh ông nhận thấy có nhiều điều có vẻ
'khá hơn', 'tốt hơn', và có giá trị ở vị trí của chúng, ngay trong đời này, sự vui
hưởng cách phải chăng những điều tốt lành mà Đức Chúa Trời ban cho
(TrGv 3:13; 5:18,19; 8:15; 9:7-10), một tâm hồn bình lặng, phóng khoáng
(4:6), một đời sống công chính (3:12,22) và sự khôn ngoan, tri thức với niềm
vui vốn là phần thưởng của Đức Chúa Trời dành cho người thánh thiện
(2:24-26). Cũng như Gióp, ông nhận thấy trong đời sống có rất nhiều điều
mình không thể giải thích được, và thường thường bối rối khi tìm cách hiểu
các đường lối của Đức Chúa Trời, nhưng ông tin quyết rằng đến cuối cùng,
Đức Chúa Trời vẫn thực hiện sự công chính của Ngài.
Bên cạnh những câu vốn là tinh hoa của sự khôn ngoan trần gian, luôn luôn
có những ám chỉ được lặp đi lặp lại về Đấng không 'ở dưới mặt trời', mà là
Đức Chúa Trời tể trị trên tất cả, ngự trên ngôi cao cả và thánh khiết của
Ngài.
Cho nên, bằng phương pháp qui nạp do kinh nghiệm, được soi rọi bằng
những tia sáng của đức tin từ trên cao, ông đạt đến câu kết luận quan trọng
rằng chẳng hề có đối tượng trần gian nào có thể đem hạnh phúc đến cho con
người, rằng tất cả bổn phận của con người chỉ là kính sợ Đức Chúa Trời và
giữ gìn các điều răn Ngài, nhớ lại trách nhiệm của con người đối với Ngài.
Người ta thấy rất rõ sự nông cạn của một số nhà phê bình chống lại sách
này, kẻ thì đề cao các thú vui nhục dục người thì đề cao sự khôn ngoan, một
hạng thứ ba nữa lại đề cao lòng mộ đạo. Tất cả chỉ là một toàn thể rộng lớn,
đầy những câu đố nát óc, và chính cuộc đời vốn đầy dẫy mâu thuẫn, bối rối,
thất vọng khi người ta gạt ra ngoài 'sự kính sợ Đức Chúa Trời'. Cho dù Sa-
lô-môn có phải là trước giả sách này hay không, cuộc đời của vua và các con
trai vua là Rô-bô-am nhập chung lại, đã cung cấp một lời giải nghĩa hết sức
rõ ràng cho quyển sách có một không hai này; còn một lời giải thích khác có
thể tìm thấy trong bức tranh Chợ Hư Hoa của Bunyan trong Thiên Lộ Lịch
Trình. Nếu được đọc trong ánh sáng đích thực của nó, sách này sẽ cung ứng
cho chúng ta một bảng xếp hạng quan trọng cái hướng nhìn duy vật vốn ngự
trị đời sống và nền văn học hiện đại, và chứa đựng một bài học hết sức cần
thiết cho người làm tín đồ Đấng Christ đang bị cám dỗ đi tìm sự thỏa mãn
nơi những gì mà thế gian này có thể cung ứng cho, chớ không tìm nó nơi sự
sung mãn của đời sống mà chỉ một mình Đấng Christ mới có thể ban cho
chúng ta.
Trong ẩn dụ Người Giàu Ngu Dại, Đấng Christ đã dạy cùng một bài học về
nhu cầu phải 'giàu có nơi Đức Chúa Trời', và hầu như bằng từng chữ từng lời
của Nhà Truyền Đạo TrGv 6:2; 8:15; 12:14), Phao-lô đã khai triển thêm
trong cùng một chủ đề ở thơ RoRm 8:18-25.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Lập một bảng liệt kê những điều 'tốt hơn' đã được kể chi tiết ở đây. Bạn
giải thích thế nào về những điều tốt hơn của HeDt 11:40
2. Giả sử đây là một quyển sách của một người già gởi cho một thanh niên,
theo nhận xét của bạn thì nó còn hợp thời đến mức độ nào cho một thanh
niên hiện đại?
3. Ghi ra tất cả những câu đề cập Đức Chúa Trời và xem xét chúng họp nhau
lại như thế nào để giải nghĩa RoRm 11:33,34; 12:1,2;
4. Tìm những điểm tương đồng giữa sách Truyền Đạo với Bài Giảng Trên
Núi.
5. Tóm tắt sự dạy dỗ chính yếu trong sách này và đối chiếu với sự mạc khải
đầy đủ hơn của Tân Ước về cách nhìn đời của Cơ Đốc nhân.
SÁCH NHÃ CA CỦA SA-LÔ-MÔN
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Nhan đề và truyền thống nhất quán cho rằng trước giả sách này là Sa-lô-
môn, còn nhan đề 'Bài Ca Của Các Bài Ca' có nghĩa rằng trong tất cả các bài
vua ấy viết (IVua 1V 4:32) thì đây là bài ca tuyệt diệu nhất.
Có lý do chính đáng để tin rằng sách này thuộc về thời của vua Sa-lô-môn.
Thi vị của nó đã được thừa nhận là tuyệt vời, và nhiều học giả có uy tín xem
ngôn ngữ và bút pháp của nó chính là của thời vàng son trong văn học Hy-
bá-lai. Trong nhiều từ ngữ hiếm hoi gặp trong sách có những tên của những
loài thảo mộc quí hiếm hoặc những mặt hàng được đưa vào do việc giao
thương với ngoại quốc dưới thời của nhà vua vĩ đại ấy. Các từ ngữ khác có
lẽ là ngôn ngữ của các tỉnh miền Bắc, vì các địa danh cho thấy trước giả rất
quen thuộc với các vùng ở phía Bắc, nhất là khu vực Li-ban. Các câu đề cập
những cái khiên trong tháp Đa-vít (Nha Dc 4:4), Hết-bôn (7:4) về sau lọt vào
tay dân Mô-áp (EsIs 15:4), và Thiệt-sa (Nha Dc 6:4) mà vinh quang bị tàn
lụi dưới thời Ôm-ri, tất cả đều hậu thuẫn cho một niên đại rất sớm.
Quan điểm của một số các nhà phê bình bảo rằng đây là một bộ sưu tập
nhiều đoản khúc có thể bị loại bỏ do chủ trương của một số các nhà phê bình
khác nhấn mạnh là rõ ràng đã có một bố cục thống nhất, thí dụ như của
những câu luôn luôn được lặp đi lặp lại (Nha Dc 2:7; 3:5; 8:4; 2:16; 6:3;
7:10; 2:6; 6:10; 8:5), và do việc đã có các phân đoạn hết sức rõ rệt. Trong
Kinh điển Hy-bá-lai, sách này được xếp vào phần Kethubim hay Sách Văn
Thơ, trước các sách Thi Thiên, Châm Ngôn và Gióp, và tiếp theo nó là sách
Ru-tơ. Điều đó cho thấy sách ấy được liệt vào các sách sớm nhất.
Khi đọc sách Nhã Ca, chúng ta thấy dường như Sa-lô-môn xuất hiện như vai
chính chớ không phải là tác giả, và có người phỏng đoán cách tế nhị rằng
sách do một nhà tiên tri dưới thời trị vì của Sa-lô-môn viết ra và dâng lên
cho nhà vua đang lầm lạc với hi vọng kéo vua trở về với nếp sống trong
sạch. Mặt khác, tình yêu đối với hoa và hương liệu, sự giống nhau rõ rệt
trong tư tưởng và cú pháp với sách Châm Ngôn, và một số đặc điểm đã nêu
ở phần trên lại hậu thuẫn cho tác quyền của Sa-lô-môn. Người Do Thái tin
rằng Sa-lô-môn đã viết bài Nhã Ca này vào thời kỳ ông còn rất trẻ, sách
Châm Ngôn vào thời trung niên còn sách Truyền Đạo vào lúc tuổi già.
PHÂN TÍCH
Nha Dc 1:2-2:7.
Trong thượng uyển của Sa-lô-môn. Tân nương đi tìm và gặp nhà vua.
Nha Dc 2:8-3:5.
Tân nương một mình, nhớ lại hai kinh nghiệm quá khứ.
Nha Dc 3:6-5:1.
Giê-ru-sa-lem. Sắp đến ngày đại hội trong triều. Đôi bạn tình và buổi dạ yến.
Nha Dc 5:2-6:9.
Trong cung điện. Tân nương mô tả cảnh (trong mơ) nàng lạc mất tân lang và
tìm lại được.
Nha Dc 6:10-8:4.
Trong vườn cây ăn trái của Sa-lô-môn tại Ê-tam. Tân nương yêu kiều nhưng
khiêm nhu được các bạn ngưỡng mộ, và được nhà vua đến thăm.
Nha Dc 8:5-14.
Ngôi nhà ở miền quê của tân nương. Đôi bạn tình ở bên nhau.
NỘI DUNG
a) Bố cục.
Nhã Ca có bố cục của một bi kịch đồng quê, và chỉ có thể hiểu trong cái nhìn
đó. Sách gồm những câu nói của nhiều diễn viên khác nhau như trong một
vở thoại kịch, mà Sa-lô-môn và tân nương là các vai chính. Các vai khác
gồm có 'các con gái Giê-ru-sa-lem', các 'anh em' của tân nương và nhiều
nhân vật bên lề. Không có đoạn nào là văn thuật sự hay miêu tả; người ta chỉ
có thể căn cứ vào chữ nghĩa để tưởng tượng ra khung cảnh và những người
phát ngôn (tiếng Hy-bá-lai có thể vạch rõ số (nhiều, ít) và giống (nam, nữ)
của các đối tượng, theo một cách thức mà các bản dịch không thể diễn đạt
nổi.
Sáu đoạn dựa theo phần phân tích quyển sách, cho thấy bố cục tổng quát, và
các tiểu mục trong bản Authorized Version ghi rõ ai là những người phát
ngôn. Chúng tôi xin nêu ra đây danh sách những người ấy, và câu khi họ bắt
đầu lên tiếng: (Nha Dc 1:2) tân nương; (1:8) các bạn; (1:9) Sa-lô-môn;
(1:12) tân nương; (1:15) Sa-lô-môn; (1:16) tân nương; (2:2) Sa-lô-môn;
(2:3) tân nương; (2:15) các anh em; (3:6,7,9) ba công dân; (4:1) Sa-lô-môn;
(4:16) tân nương; (5:1) Sa-lô-môn; (5:2) tân nương; (5:9) các bạn; (5:10) tân
nương; (6:1) các bạn; (6:2) tân nương; (6:4) Sa-lô-môn; (6:10) các bạn;
(6:11) tân nương; (6:13a) các bạn; (6:13b)tân nương; (7:1) Sa-lô-môn;
(7:10) tân nương; (8:5a) người làng; (8:5b) Sa-lô-môn; (8:6) tân nương;
(8:8) anh em; (8:10) tân nương; (8:13) Sa-lô-môn; (8:14) tân nương.
b) Giải nghĩa.
Tân nương được gọi là Su-la-mít, có thể có nghĩa là 'con gái của hòa bình'
tương ứng với Sa-lô-môn là 'vua hòa bình', hoặc cũng có thể có nghĩa là
người Su-la-mít, nói lên quê quán nàng. Hình thức diễm tình của quyển sách
chống lại cách giải nghĩa thiên về nghĩa đen. Ngay từ thời nguyên thủy
người Do Thái đã thấy rằng đó là một bức tranh mô tả mối tình của Đức
Giê-hô-va đối với dân Ngài. Hình ảnh mộc mạc của mối tình và sự tận hiến
cho nhau giữa hai người đó đã cống hiến một bức tranh tuyệt đẹp về tình yêu
con người, nhưng cũng là một hình ảnh tuyệt đẹp về tình yêu của Đức Chúa
Trời đối với loài người nữa. Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã giáng xuống
để hiện ra như một tân lang (EsIs 62:5; Gie Gr 3:1; Exe Ed 16:8) và Chúa
Giê-xu dùng cùng một hình ảnh ấy (Mat Mt 9:15; 22:2; 25:1), rồi các sứ đồ
đã trau chuốt nó trong phần dạy dỗ để nói lên mối liên hệ giữa Đấng Christ
với Hội thánh Ngài (Eph Ep 5:23-32; KhKh 21:9).
Cho nên chúng ta chỉ có thể ứng dụng sách này theo cùng một ý nghĩa như
vậy. Origen bảo rằng nội dung sách Truyền Đạo được ứng dụng trong lãnh
vực tự nhiên, còn Nhã Ca của Sa-lô-môn trong lãnh vực thần bí; và từ đó trở
đi, các Cơ Đốc nhân đã lấy làm thích thú đối với các tư tưởng mà sách này
gợi ý về Hội Thánh là cảnh vườn của Chúa, và như tân nương đã tìm và gặp
được người mình yêu, được toại nguyện với sự hiện diện của Ngài. 'Biết
được tình yêu giữa Đấng Christ và người tín đồ bằng kinh nghiệm là cách
giải nghĩa hay nhất cho toàn thể bài ca có nghĩa bóng này' (Tổng Giám Mục
Leighton).
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Viết ra cách ứng dụng bức thông điệp đã được giải thích là ám chỉ mối
tình của Đức Giê-hô-va đối với dân Y-sơ-ra-ên, việc Ngài đã hạ mình đến
với họ, sự chung thủy và trọn vẹn của mối tình đó.
2. Lấy KhKh 22:17,20 làm nền tảng, hãy ghi nhận tất cả những lời mời gọi
'hãy đến' và ứng dụng cho Đấng Christ và Hội Thánh.
3. Tìm những điểm tương đồng của sách này với Thi Tv 45:1-17 và Eph Ep
5:23-32.

HI VỌNG VỀ ĐẤNG MẾT-SI-A


Từ ngữ 'Đấng Mết-si-a' (Messiah) của Cựu Ước chỉ là viết lại cách đơn giản
nguyên văn Hy-bá-lai chữ Mashiach, có nghĩa là 'người được xức dầu'. Cả
bộ Bảy Mươi lẫn bộ Tân Ước Hi văn đều dịch chữ ấy bằng từ ngữ Christos,
có cùng một ý nghĩa. Trong Cựu Ước, từ ngữ ấy thường được dịch là 'người
được xức dầu', chẳng hạn như ' kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va' trong
CaAc 4:20 'người được Đức Giê-hô-va xức dầu', trong I và IISa-mu-ên;
'Đấng chịu xức dầu của ta' (ISa1Sm 2:35); 'Đấng chịu xức dầu của mình'
(HaKb 3:13); 'Đấng chịu xức dầu của Ngài' (Thi Tv 2:2). Những từ ngữ ấy
đúng lý ra đã có thể được dịch là 'Đấng Mết-si-a của Đức Giê-hô-va', 'Đấng
Mết-si-a của Ngài', 'Đấng Mết-si-a ta'... Các bản dịch Tân Ước của chúng ta
thích dùng từ ngữ Hy Lạp là 'Christ' hơn 'Đấng chịu xức dầu', do đó, từ ngữ
ấy đã trở thành một danh từ riêng áp dụng cho Đấng vốn là Đức Chúa Trời
nhưng đã trở thành người, làm ứng nghiệm trọn vẹn cho ý nghĩa ấy. Đời
xưa, 'Đấng Mết-si-a' thích ứng với bất cứ ai được đặc biệt dành riêng cho
một chức vụ nào đó, và để tỏ ra bằng biểu tượng ấn chứng cho việc ấy,
người đó được xức bằng dầu thánh. Việc ấy đã được thi hành đối với các tộc
trưởng (Thi Tv 105:15), với Si-ru (EsIs 45:1), với thầy tế lễ thượng phẩm
trong dân Y-sơ-ra-ên (LeLv 4:3,5,16), cho nhà vua được xức dầu (DaDn
9:25), và trên hết, là cho nhà vua cao cả nhất trong cả lịch sử dân Hê-bơ-rơ,
là 'Đấng chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va' hay 'Đấng chịu xức dầu của Đức
Chúa Trời của Gia-cốp', chỉ đặc biệt vào dòng dõi Đa-vít.
CÁC ĐẶC TÍNH TỔNG QUÁT
Hy vọng về Đấng Mết-si-a phát sinh rất sớm trong câu chuyện kể lại về loài
người, được trình bày trong cả Cựu Ước như một điều hoàn toàn bắt nguồn
từ Đức Chúa Trời. Niềm hy vọng ấy đã được ban cho loài người. Từ đó,
những câu Cựu Ước đề cập về Đấng Mết-si-a trình bày một lãnh vực vô
cùng rộng lớn về hành vi cứu chuộc thiên thượng của Đức Chúa Trời. Cho
dù 'người được xức dầu' là ai, một 'hậu duệ' của loài người, một vị tộc
trưởng, một nhà tiên tri, một thầy tế lễ, một nhà vua, người ấy đều là đại
diện của Đức Chúa Trời là Đấng Cứu Chuộc. Hy vọng ấy cho toàn thể dân
tộc càng được củng cố thêm khi sự mạc khải càng xác định hơn, hướng dẫn
cho các ước vọng của các thời đại tập trung vào một con người duy nhất.
Tuy đã từ lâu, danh Đấng Mết-si-a không thuộc độc quyền của Nhà Vua
phải đến - vì như chúng ta đã thấy, danh từ ấy được ứng dụng cho Si-ru,
người giải phóng dân Y-sơ-ra-ên khỏi cuộc lưu đày - điều chắc chắn là trước
kỷ nguyên Cơ đốc giáo từ ngữ ấy rõ ràng được kết hợp với 'con cháu vua
Đa-vít', và dân Do Thái vẫn chờ đợi sự giáng lâm của một Đấng Mết-si-a
xuất chúng và thuộc hoàng tộc (LuLc 2:26; GiGa 4:25).
Giờ đây, chúng ta đang ở một vị trí để lần theo sợi chỉ vàng của sự mạc khải
và truy cứu từ chính Chúa Giê-xu trở lui về lần đầu tiên có việc ám chỉ một
Đấng Cứu Chuộc của Đức Chúa Trời. Chúng ta đang có trong tay chiếc chìa
khóa nhờ đó mở được các huyền nhiệm của sự mạc khải. Những câu đề cập
khác nhau của Tân Ước về sự giải phóng của Đấng Mết-si-a giờ đây có thể
được giải thích trong ánh sáng của phần kết cuộc, và người ta có thể gọi tên
và giải nghĩa về hột giống ngay khi đóa hoa xuất hiện. Đây là một điểm cần
chú ý vì nó cung ứng cho chúng ta một nguyên tắc thuần chánh để giải kinh,
tức là chúng ta sẽ không căn cứ vào một câu trích dẫn duy nhất nào cả để
suy diễn, nhưng là liên hệ vào những bối cảnh lịch sử của lời tiên tri. Niềm
hy vọng về Đấng Mết-si-a diễn tiến hướng về một mục tiêu, sự kết thúc hiện
hữu của thế gian, sự đến của Nước Trời, và của Đấng Mết-si-a. Tóm lại, hy
vọng về Đấng Mết-si-a có một nền tảng rộng lớn, có tính cách tiệm tiến và
xuyên suốt lịch sử. Nó phát xuất từ Đức Chúa Trời chớ không phải do loài
người. Nó phát triển hướng về tuyệt đỉnh của chương trình cứu chuộc của
Đức Chúa Trời và thể hiện trong Đức Chúa Giê-xu Christ, là Đấng Mết-si-a
lý tưởng và đích thực, là Cứu Chúa của thế gian.
NƯỚC CỦA ĐẤNG MẾT-SI-A
Hy vọng về Đấng Mết-si-a thoạt đầu đã được kết hợp với việc phục hồi và
tái lập vương quốc Hê-bơ-rơ, một lý tưởng vượt hơn công trình của Sa-lô-
môn. Nó là niềm mong đợi của quốc gia chứ không phải chỉ có tính cách cá
nhân, và được tập trung vào việc sẽ được Đức Chúa Trời hiển hiện trọn vẹn
cho dân sự Ngài và sẽ thường xuyên ngự trị giữa vòng họ. Nó hướng về
'ngày của Đức Giê-hô-va', được xem như một kỷ nguyên trường cửu. Thật
vậy, nó có nghĩa là một thời đại hoàng kim mà dân Y-sơ-ra-ên đang vươn
tới, là vương quốc của một nhà vua chiến thắng, thời trị vì của Đấng Mết-si-
a. Các dấu hiệu của nó là sự phán xét và sự cứu rỗi. 'Ngày của Đức Giê-hô-
va' chẳng những chỉ đưa đến việc trừng phạt cân xứng đối với toàn thể các
kẻ thù của Đấng Mết-si-a, còn đem đến sự khen thưởng công bằng cho tất cả
những ai nhìn nhận Đấng chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va. Cám dỗ đối với
tuyển dân là chủ trương một quan điểm máy móc chớ không phải đạo đức về
vương quốc của Đấng Mết-si-a dường như nước ấy sẽ tự động đến, và chỉ
ban sự cứu rỗi cho riêng họ mà thôi. Đối với ý tưởng nông cạn và sai lệch
đó, nhà tiên tri đầu tiên trong các tiên tri viết sách đã lên tiếng báo động:
'Khốn thay cho các ngươi là kẻ trông mong 'ngày của Đức Giê-hô-va'. Ấy là
ngày tối tăm, không phải là ngày ánh sáng' (AmAm 5:18, 20). Trong khi hy
vọng về thời đại hoàng kim phải có một sự phán xét công bằng trừng phạt là
chắc chắn, thì viễn ảnh căn bản về nó được chuyển thành một niềm vui. Các
Thi Thiên về Đấng Mết-si-a (thí dụ Thi Tv 2:1-12; 16:1-11; 45:1-17; 72:1-
20; 93:1-; 96:1-13; 97:1-12; 98:1-9; 99:1-9; 110:1-7; 118:1-29;), gợi ý rõ
ràng về niềm hoan lạc, vì cớ đặc tính của Đức Chúa Trời đã được mạc khải
cho loài người là sứ mạng đầy khoan dung của Ngài đối với họ.
'Hãy hát cho Đức Giê-hô-va một bài ca mới, vì Ngài đã làm những sự lạ
lùng: Tay hữu và cánh tay thánh của Ngài đã giải cứu Ngài (bản Anh văn: đã
đem chiến thắng đến cho Ngài). Đức Giê-hô-va đã tỏ cho biết sự cứu rỗi
Ngài, và lộ ra sự công bình Ngài trước mặt các nước. Ngài đã nhớ lại sự
nhơn từ và sự thành tín Ngài đối cùng nhà Y-sơ-ra-ên, các đầu cùng đất đã
thấy sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời chúng tôi' (Thi Tv 98:1-3).
Sự báo trả khủng khiếp của Đức Chúa Trời đối với kẻ thù Ngài được thắp
sáng bằng ánh sáng và tình yêu.
'Vì ngày của Đức Giê-hô-va đã gần trên hết thảy các nước...Nhưng sẽ còn lại
những người trốn khỏi trên núi Si-ôn; núi ấy sẽ là thánh, và nhà Gia-cốp sẽ
được sản nghiệp mình' (ApOv 15:17).
Thời đại hay vương quốc của Đấng Mết-si-a theo quan điểm của nhiều nhà
tiên tri, sẽ là một kỷ nguyên mà xã hội sẽ hoàn toàn biến đổi, cả đến mặt đất
cũng trở thành môi trường xứng hợp:
'Nhiều dân tộc sẽ đến mà nói rằng: Hãy đến, chúng ta hãy lên núi Đức Giê-
hô-va, nơi nhà Đức Chúa Trời của Gia-cốp; Ngài sẽ dạy chúng ta về đường
lối Ngài, chúng ta sẽ đi trong các nẻo Ngài. Vì luật pháp sẽ ra từ Si-ôn, lời
Đức Chúa Trời sẽ ra từ Giê-ru-sa-lem. Ngài sẽ làm sự phán xét trong các
nước đoán định về nhiều dân. Bấy giờ, họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi cày, lấy giáo
rèn lưỡi liềm. Nước này chẳng có giá gươm lên nghịch cùng nước khác,
người ta chẳng còn tập sự chiến tranh' (EsIs 2:3,4).
Bằng các giọng điệu còn oai nghiêm hơn nữa, chúng ta có lời tiên tri đáng
ghi nhớ về Chồi Mống sẽ nứt ra từ gốc rễ Gie-sê, trong đó cả đến loài thú
cũng được hưởng phước hạnh nữa (EsIs 11:1-9).
VUA MẾT-SI-A
Quan niệm tổng quát về thời của Đấng Mết-si-a thoạt đầu đã lóe lên cho
tuyển dân trong khuôn khổ mạc khải của Đức Chúa Trời trước khi ý niệm về
Đấng Mết-si-a làm vua được đầy đủ. Nhưng nhà vua và vương quốc bất khả
phân ly trong diễn tiến lịch sử của niềm hy vọng ấy. Nhà vua là thiết yếu của
vương quốc. Ngài là nguyên động lực tối cao để nước ấy sẽ xuất hiện và
được thiết lập. Chỉ cần nhìn lui lại, chúng ta sẽ chứng minh được rằng hai ý
niệm ấy được gắn chặt vào nhau bất khả phân ly. Đấng Mết-si-a cũng còn
được mô tả như một Nhà Tiên Tri và Thầy Tế Lễ, nhưng phương diện đế
vương đã chiếu sáng cho hai chức vụ kia. Trong tư tưởng của dân Chúa, các
chức vụ ấy luôn luôn được kết hợp chặt chẽ và thường được kiêm nhiệm.
Môi-se báo trước sự xuất hiện của một nhà tiên tri giống như chính ông
trong PhuDnl 18:15-22 'Từ giữa anh em ngươi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời
ngươi sẽ lập lên một đấng tiên tri như ta; các ngươi khá nghe theo đấng ấy';
và trong Môi-se, cả hai chức vụ lãnh tụ dân sự và người phát ngôn của Đức
Chúa Trời đã luôn luôn đi đôi cũng như đối với Sa-mu-ên về sau. Khi ký
thuật lại bài giảng của Phi-e-rơ, Đa-vít được vị sử gia của Tân Ước xem như
một nhà tiên tri (Cong Cv 2:29-31). Bức chân dung của nhà vua Mết-si-a
được phác họa trong EsIs 11:1-10 như một nhân vật phú bẩm các ân tứ bởi
'Linh của Đức Giê-hô-va'.
Về chức vụ tư tế của vị vua đó cũng không phải là điều bất thường, vì ngay
cả bên ngoài phạm vi của dân Hê-bơ-rơ, nhà vua đời xưa cũng đến gần các
thế lực siêu nhiên để cầu thay cho dân chúng và thực thi phần nghi thức tế
lễ. Vì vậy, chức vụ tế lễ của Đấng Mết-si-a gồm luôn trong vương quyền của
Ngài. Thi Thiên 110 đã mô tả Nhà Vua làm chức tế lễ hết sức rõ ràng:
'Đức Giê-hô-va phán cùng Chúa tôi rằng: Hãy ngồi bên hữu ta, cho đến
chừng ta đặt kẻ thù nghịch ngươi làm bệ chơn cho ngươi...Đức Giê-hô-va đã
thề không hề đổi ý, rằng: Người là thầy tế lễ đời đời, theo ban Mên-chi-xê-
đéc'.
Nhà Vua Mết-si-a của Thi Tv 2:1-12 đã được tôn vương trong đền thờ: 'Dầu
vậy, ta đã lập vua ta, trên Si-ôn là núi thánh ta'. Câu kết luận hết sức thích
hợp, ấy là chức vụ tiên tri của Môi-se, chức vụ tư tế của A-rôn và ngôi của
Đa-vít, tất cả đều bao gồm trong ý niệm và lý tưởng về Đấng Mết-si-a. Đấng
chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va là Nhà Tiên Tri - Thầy Tế Lễ và Nhà Vua
trọn vẹn.
MÔ TẢ ĐẤNG MẾT-SI-A
Tập hợp các biểu tượng, hình ảnh và cách nói bóng khác nhau về Đấng Mết-
si-a là điều rất hay vì nhờ đó quan niệm về Ngài đã được truyền đạt cho
tuyển dân và niềm hy vọng về Đấng Mết-si-a được giữ cho sống mãi.
a) Em-ma-nu-ên
'Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai và đặt tên là Em-ma-
nu-ên' (EsIs 7:14). Trong khi từ ngữ Hy-bá-lai trong nguyên văn 'almah' có
nghĩa là một phụ nữ trẻ và không nhất thiết phải là một trinh nữ, thì bộ Bảy
Mươi Hi văn dịch là parthenos, là từ ngữ dứt khoát chỉ một trinh nữ. Dấu
hiệu này đã được ban cho nhà Đa-vít - tuy tai họa sẽ giáng trên ngôi vua,
nhưng sẽ có một nhân vật được dấy lên, là 'Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta'
(Em-ma-nu-ên). Cũng chính nhà tiên tri ấy đã mô tả hoàng nam này cặn kẽ
hơn như sau:
'Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta;
quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài, Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ Lùng, là
Đấng Mưu Luận, là Đức Chúa Trời Quyền Năng, là Cha Đời Đời, là Chúa
Bình An' (EsIs 9:6).
b) Người Đầy Tớ khốn khổ
Trong sách Ê-sai có một loạt 'Các bài thơ về Người Đầy Tớ', đạt đến tuyệt
đỉnh trong chương sách quen thuộc gọi là 'nỗi thống khổ vàng' trong EsIs
53:1-12 (EsIs 42:1-4; 49:1-6; 50:4-9; 52:13-53:12). Tất cả các bài thơ đó đều
ám chỉ trực tiếp tình hình lịch sử thời bấy giờ, nhưng ít có ai dám phủ nhận
rằng chúng đã ứng nghiệm trong đời sống, sự chết, và sự sống lại của Đức
Chúa Giê-xu Christ, rằng chúng chỉ về một Con Trai làm Đầy Tớ lý tưởng;
mà sự thương khó chịu thay đem lại sự chuộc tội cho dân Ngài. Thoạt tiên
khải tượng trong tâm trí nhà tiên tri dường như là hình ảnh của quốc gia Y-
sơ-ra-ên được nhân cách hóa và lý tưởng hóa (49:3), hoặc nhóm thiểu số dân
sót ở chốn lưu đày, được coi là 'dân tộc trong một dân tộc'; nhưng cuối cùng,
điều ông nhìn thấy là một gương mặt của một cá nhân (52:14) mà ngay đến
các rabi cũng phải đồng nhất hóa gương mặt ấy với Đấng Mết-si-a. Trọng
tâm của lời tiên tri này là tội lỗi loài người và tất cả các hậu quả ghê gớm đã
được chính Đức Chúa Trời đổ hết trên Đấng Được Xức Dầu. Đức Chúa Trời
đã kéo dài sự sống của Đấng Mết-si-a trên đất để dùng sự đau đớn của Đấng
ấy làm phương tiện để nhiều người được xưng công chính. Nội kiến
(insight) Cựu Ước ở đây giúp chúng ta hiểu thấu sâu sắc hơn huyền nhiệm
về sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời qua sự chết và sự sống lại của Đấng
Mết-si-a.
c) Chồi Mống (Nhánh Công Bình)
Đấng Mết-si-a cũng từng được giới thiệu là một Nhánh, một Chồi, nứt ra từ
gốc Đa-vít, tuy rằng dòng vua này đã sa xuống đến bậc thấp nhất của chiếc
thang lịch sử. Ý niệm về một sự đâm chồi siêu nhiên, và hy vọng về một sự
hồi sinh do phép lạ hàm ngụ trong từ ngữ Hy-bá-lai 'Nhánh' (tsemach, từ
một ngữ căn có nghĩa là 'đâm chồi, nảy lên').
'Trong những ngày ấy và kỳ đó, ta sẽ khiến nảy lên một nhánh của sự công
bình cho Đa-vít, Đấng ấy sẽ làm ra sự công bình chánh trực trong đất này'
(Gie Gr 33:15 so sánh EsIs 4:2; Gie Gr 23:5; XaDr 3:8; 6:12).
d) Con Người
Danh hiệu này được dùng trong Thi Tv 8:1-9 theo ý nghĩa thuần túy nhất
của loài người là việc tin cậy vào Đức Chúa Trời Toàn Năng. 'Loài người là
gì, mà Chúa nhớ đến? Con loài người là chi mà Chúa thăm viếng nó?'. Theo
nghĩa này, các từ ngữ ấy cũng đã được dùng trong sách Ê-xê-chi-ên để chỉ
chính nhà tiên tri. Trong DaDn 7:13,14 câu ấy lại được giải nghĩa khác. Ở
đây, danh hiệu ấy đã được nhìn nhận là ám chỉ Đấng Mết-si-a. Giọng điệu
của cả sách Đa-ni-ên là giọng văn thế mạt luận, và nó trở thành yếu tố quyết
định trong việc hình thành niềm vui về Đấng Mết-si-a của giai đoạn trước kỷ
nguyên Cơ Đốc. Dường như danh hiệu ấy vẫn chưa được thông dụng vào
thời Chúa chúng ta để mô tả Đấng Mết-si-a, vì rõ ràng là trong các sách
Phúc Âm, Chúa Giê-xu đã dùng danh từ 'Con Người' với tư cách một bức
màn che chớ không phải như một mạc khải cho địa vị Đấng Mết-si-a của
Ngài.
e) Con Trai Đa-vít
'Ta sẽ giảng ra mạng lịnh: Đức Giê-hô-va phán cùng ta rằng: Ngươi là Con
ta; ngày nay ta đã sanh ngươi' (Thi Tv 2:7) Thi Thiên thứ hai được nhìn
nhận là một Thi thiên có tính cách xác định nhất trong số những mạc khải về
Đấng Mết-si-a trong Cựu Ước. Nó trình bày Nhà Vua Thiên Thượng với
vương quốc phổ quát của Ngài: 'Hãy cầu ta, ta sẽ ban cho Con các ngoại
bang làm cơ nghiệp, và các đầu cùng đất làm của cải' (so sánh Cong Cv
2:25; 4:25; 13:33; HeDt 1:5; 5:5). Khải tượng về quyền tể trị vô giới hạn đã
được tập trung vào con trai Đa-vít từ lời tiên tri của Na-than (IISa 2Sm
7:12,13), và trở thành một niềm hy vọng sống về Đấng Mết-si-a tuy nó
không hề trở thành một thực tại lịch sử cho đến ngày Chúa Giê-xu sẽ trở
thành người kế tự lý tưởng sáng chói đó.
f) Ngôi sao và cây phủ việt (vương trượng)
'Tôi thấy người, nhưng chẳng phải ở gần; một ngôi sao hiện ra từ Gia-cốp,
một cây phủ việt trồi lên từ Y-sơ-ra-ên'.
Ba-la-am tuy hám lợi vật chất và tham lam bẩn thỉu, vẫn bị Linh của Đức
Chúa Trời thắng hơn khiến ông thốt ra lời tiên tri lừng danh này trước mặt
Ba-lác là kẻ đã thuê ông ta để nguyền rủa tuyển dân (Dan Ds 24:15-17). Cây
phủ việt là biểu tượng của vương quyền (xem Thi Tv 45:6 so sánh SaSt
49:10; AmAm 1:5,8). Cách nói bóng về ngôi sao trong bối cảnh này được
mở rộng cho tất cả những gì thuộc về chức vị vua. Vua Ba-by-lôn đã được
Ê-sai mô tả là một ngôi sao từ trời sa xuống (14:12). Như thế hình ảnh này
không phải là xa lạ khi nhà tiên kiến của Tân Ước giới thiệu Chúa Giê-xu
tuyên bố rằng 'Ta là Chồi và hậu tự của Đa-vít, là sao mai sáng chói' (KhKh
22:16). Các nhà giải kinh Do Thái xem câu nói của Ba-la-am có ý nghĩa ám
chỉ Đấng Mết-si-a, vì bản diễn ý tiếng A-ram dịch câu sau đây trong bản
Targum: 'Một Vua sẽ dấy lên từ cái sừng của Gia-cốp, và một Đấng Mết-si-a
sẽ được xức dầu từ nhà Y-sơ-ra-ên'. Không có cách nói bóng nào lại gợi ý về
hy vọng mạnh mẽ hơn là dùng hình ảnh của một ngôi sao đang mọc. Rất có
thể là các đạo sĩ từng theo sao đến Bết-lê-hem đều am hiểu lời tiên tri của
Ba-la-am.
g) Si-lô
'Cây phủ việt chẳng hề dời khỏi Giu-đa, kẻ lập pháp không dứt khỏi giữa
chơn nó, cho đến chừng Đấng Si-lô hiện tới' (SaSt 49:10).
Câu này rất khó hiểu, nhưng ý nghĩa ám chỉ Đấng Mết-si-a thì đã được thừa
nhận từ rất lâu rồi. Có nhiều quan điểm khác nhau về cách hiểu câu này:
1. Si-lô là một danh từ riêng và được thừa nhận là danh hiệu của Đấng Mết-
si-a tương đương với 'Chúa Bình An'. Từ ngữ này có liên hệ với từ ngữ Ba-
by-lôn: Shêlu, 'vua'.
2. Si-lô là địa danh, nơi Giô-suê dựng đền tạm, có nghĩa là 'cho đến chừng
người (Giu-đa) tới Si-lô', nghĩa là đến để nhận tước vị đặc biệt tại đó.
3. Si-lô có thể được xem là hai chữ (như trong các bản dịch cổ) và được dịch
là 'điều vốn là của người'. Rabi J.H.Hertz dịch câu này như sau: 'Cây phủ
việt sẽ chẳng hề dời khỏi Giu-đa, kẻ lập pháp cũng không bị dứt khỏi giữa
chân nó, cho đến chừng điều vốn thuộc về người sẽ đến', nghĩa là cho đến
khi người đến với dân mình, và tất cả các chi phái sẽ đầu phục quyền cai trị
của người.
Cho dù dịch thế nào đi nữa, từ ngữ này đều ám chỉ Đấng Mết-si-a, đó là điều
không ai chối cãi.
h) Tân lang là Vua
Xem Thi Tv 45:1-17. Bài ca mừng hôn lễ này ca ngợi hôn lễ của một nhà
vua Hê-bơ-rơ nào đó, có lẽ là Sa-lô-môn với công chúa Ai Cập. Bài Thi
Thiên này được mọi người nhìn nhận là ám chỉ Đấng Mết-si-a do ý nghĩa
sâu nhiệm của nó và được giải thích là hình dung hôn lễ thần bí của Nhà
Vua Mết-si-a với Hội Thánh, là Tân nương Ngài. Có một số câu được viết
bằng chữ vàng, vĩnh viễn ứng dụng cho Đấng được xức dầu của Đức Giê-
hô-va (xem các câu 45:2, 6, 7, 13, 14 so sánh Mat Mt 22:1-14; Eph Ep 5:32;
KhKh 19:6-9).
i) Đá góc nhà
'Này, ta đặt tại Si-ôn một hòn đá để làm nền, là đá đã thử nghiệm, là đá góc
quí báu, làm nền bền vững; ai tin sẽ chẳng gấp rút' (EsIs 28:16).
Thoạt tiên câu này có thể ám chỉ vương quốc của Đấng Mết-si-a là vững
chắc, không hề suy tàn, tương phản rõ rệt với các vương quốc của A-sy-ri và
Ai Cập, và có thể là với cả vương quốc Giu-đa nữa, vì đế quốc của Đa-vít
chỉ là cái bóng của vương quốc trường tồn của Đức Chúa Trời. Theo cách
giải nghĩa này, thì cách bàn mộng của Đa-ni-ên cho Nê-bu-cát-nết-sa có thể
được nhìn nhận là một xác định (DaDn 2:34-44). Nhưng một cách sống
động hơn, tảng đá này, tảng đá đã được thử nghiệm, tảng đá góc nhà quí báu
dùng làm nền vững chắc tiêu biểu cho chính Đấng Mết-si-a. Đây là một cách
khác nữa để giới thiệu con người và công tác của Ngài. Người ca sĩ Y-sơ-ra-
ên có giọng hát truyền cảm đã dùng cái biểu tượng ấy theo ý nghĩa đó.
'Hòn đá mà thợ xây loại ra, đã trở nên đá đầu góc nhà. Điều ấy là việc của
Đức Giê-hô-va; một sự lạ lùng trước mắt chúng tôi' (Thi Tv 118:22,23).
Trong ẩn dụ về Các Tá Điền Gian Ác, Chúa chúng ta đã lấy hình ảnh bóng
gió đó ứng dụng cho chính Ngài, trong việc Ngài bị dân Do Thái chối bỏ
(LuLc 20:17). Ý niệm ấy rất quen thuộc với Hội Thánh nguyên thủy, và sứ
đồ Phi-e-rơ không ngần ngại dùng nó để diễn tả không chút hàm hồ khi ông
viết về 'hòn đá mà bị thợ xây nhà loại ra, bèn trở nên đa góc nhà' (IPhi 1Pr
2:4-7).
j) Thiên sứ của Đức Giê-hô-va (Hy-bá-lai: mal'akh Yahweh)
Có một dòng mạc khải trong Cựu Ước, có thể được coi là phân biệt với phần
mạc khải về Đấng Mết-si-a đã chạy xuyên qua Cựu Ước để bày tỏ về Đức
Chúa Trời (SaSt 16:1-11; 18:1-50; 22:1-30; XuXh 3:1-22; Gios Gs 5:1-15;
Cac Tl 6:1-27). Người ta tin rằng 'vị thiên sứ bí mật đó của Đức Giê-hô-va'
là một người giống như Đức Giê-hô-va, nhưng lại cũng khác với Ngài. Tiến
sĩ Charles Hodge tóm tắt quan điểm đã được canh tân ấy như sau: 'Vị thiên
sứ ấy đã hiện ra với A-ga, Áp-ra-ham, Môi-se, Giô-suê, Ghê-đê-ôn và Ma-
nô-a, được gọi bằng Đức Giê-hô-va và được thờ phượng như Adonai
(Chúa), tự xưng bằng danh hiệu của Đức Chúa Trời, và thi hành quyền phép
của Đức Chúa Trời, là Đấng mà các tác giả Thi Thiên và các Tiên tri coi là
Con Đức Chúa Trời, là Chúa Bình An và là Đức Chúa Trời Quyền Năng, là
Đấng mà các vị đã nói tiên tri rằng sẽ được sinh ra bởi nữ đồng trinh và là
Đấng mà mọi đầu gối đều quì xuống và mọi lưỡi đều tôn vinh trên mọi vật
trên trời, dưới đất, và bên dưới đất, đó chẳng ai khác hơn là Đấng ngày nay
chúng ta thừa nhận và thờ phượng với tư cách Đức Chúa Trời và Cứu Chúa
chúng ta là Đức Chúa Giê-xu Christ' (Systematic Theology, Vol I, tr. 490).
CON NGƯỜI ĐẤNG MẾT-SI-A
Đến các giai đoạn cuối cùng, niềm hy vọng về Đấng Mết-si-a tập trung vào
một con người xác định. Mục tiêu là một Đấng Mết-si-a lý tưởng mà các nét
vẽ cứ ngày càng rõ rệt hơn, các đặc điểm cứ ngày càng nổi bật hơn trong tiến
trình mạc khải. Ta có thể vạch ra ba phương diện chính trong Cựu Ước nói
về con người của Đấng Mết-si-a.
a) Phương diện Đức Chúa Trời
Đấng Mết-si-a được truyền rao là Đức Giê-hô-va (EsIs 40:3 so sánh MaMl
4:5; Mat Mt 3:3; 11:10-14). Ngài là 'Đức Chúa Trời Quyền Năng' (EsIs 9:6-
7). Ngài là Em-ma-nu-ên (EsIs 7:14). Ngài là 'Con ' đời đời (Thi Tv 2:7 so
sánh Cong Cv 13:33; HeDt 1:5; LuLc 2:11). Ngài là 'Vua đời đời' (Thi Tv
45:1,6 so sánh HeDt 1:8). Ngài là 'Đấng Tạo Hóa Bất Biến' (Thi Tv 102:25-
27; HeDt 1:10-12). Ngài là 'Vua Thiên Đàng' (Thi Tv 110:1 so sánh Mat Mt
22:41-45). Ngài là 'Chúa từ trời xuống' (Thi Tv 68:18 so sánh Cong Cv 1:9;
Eph Ep 4:8).
b) Phương diện loài người
Trong phương diện này, cần thấy sự mạc khải đã tiến triển khởi đầu bao
quát, nhưng thu hẹp dần để chỉ vào một con người xác định. Không có một
mạc khải nào trong Cựu Ước mà diễn tiến đã xảy ra hết sức rõ ràng và dễ
nhận thấy như vậy.
Dòng dõi người nữ. 'Ta sẽ làm cho mày cùng người nữ, dòng dõi mày cùng
dòng dõi người nữ nghịch thù nhau'. Đây là câu nhấn mạnh đầu tiên về một
Đấng Giải Phóng và được mọi người gọi là câu 'báo trước về Phúc Âm'
(Protevangelium), (SaSt 3:15 so sánh Mat Mt 1:18; HeDt 2:14,15).
Dòng dõi Áp-ra-ham. Đức Giê-hô-va phán với Áp-ra-ham: 'Các chi tộc trên
thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước' (SaSt 12:1,3; 22:18; 26:4 so sánh Mat
Mt 1:1; Cong Cv 3:25,26; GaGl 3:8,16).
Dòng dõi Y-sác. 'Do nơi Y-sác, sanh ra dòng dõi lưu danh Ngài' (SaSt 21:12
so sánh RoRm 9:7; GaGl 4:28).
Dòng dõi Gia-cốp. 'Các chi họ nơi thế gian sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được
phước' (SaSt 28:14 so sánh Mat Mt 1:2).
Dòng dõi Giu-đa. 'Cây phủ việt chẳng hề dời khỏi Giu-đa, kẻ lập pháp
không dứt khỏi giữa chơn nó, cho đến chừng Đấng Si-lô hiện tới' (SaSt
49:10 so sánh HeDt 7:14; KhKh 5:5).
Dòng dõi Y-sai (Gie-sê). 'Có một chồi sẽ nứt lên từ gốc Ysai, một nhánh từ
rễ nó sẽ ra trái. Thần của Đức Giê-hô-va sẽ ngự trên Ngài' (EsIs 11:1,2 so
sánh Mat Mt 1:6; LuLc 3:32).
Dòng dõi Đa-vít. 'Ta đã lập giao ước cùng kẻ được chọn của ta, ta đã thề
cùng Đa-vít, kẻ tôi tớ ta mà rằng: Ta sẽ lập dòng dõi ngươi mãi mãi, và dựng
ngôi ngươi cho vững bền đến đời đời' (Thi Tv 89:3,4; và 35:1-37:40 so sánh
IISa 2Sm 7:12,13; KhKh 3:7; 22:16; IITi 2Tm 2:8 cũng xem IVua 1V 9:5).
Trinh nữ sanh con. 'Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, và sanh một con
trai, người ta sẽ đặt tên là Em-ma-nu-ên' (EsIs 7:11).
Nơi sanh. 'Hỡi Bết-lê-hem Ép-ra-ta, ngươi ở trong hàng ngàn Giu-đa là nhỏ
lắm, nhưng từ nơi ngươi sẽ ra cho ta một Đấng cai trị trong Y-sơ-ra-ên, gốc
tích người bởi từ đời xưa, từ trước vô cùng' (MiMk 5:2 so sánh Mat Mt 2:1
và tt;LuLc 2:4,15; GiGa 7:42).
c) Phương diện chịu khổ thay người
Nhân vật Trời-Người đó cũng được Cựu Ước mô tả là chịu đau khổ thay cho
dân mình, và ý nghĩa đầy đủ của sự thương khó Ngài với tư cách một người
vô tội, một nhà vua chịu khổ, chỉ hiện rõ trong đời sống và sự chết của Đức
Chúa Giê-xu Christ mà thôi. Chỉ khi điều đó ứng nghiệm, người ta mới có
thể lãnh hội ý nghĩa về sự chết để thay thế tội lỗi loài người của Đấng Mết-
si-a, tức là sợi chỉ điều xuyên suốt các trang Thánh Kinh Cựu Ước.
Đấng Mết-si-a bị phản bội. 'Đến đỗi người bạn thân tôi đã ăn bánh tôi, cũng
giơ gót lên nghịch cùng tôi' (Thi Tv 41:9 so sánh GiGa 13:18).
Ngài giữ im lặng, vừa để tỏ ra xứng đáng vừa có tính cách tố cáo. 'Người bị
hiếp đáp, nhưng khi chịu khốn khổ, chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị
dắt đến hàng làm thịt như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng
từng mở miệng' (EsIs 53:7 so sánh Mat Mt 27:14; Cong Cv 8:32).
Ngài đã bị đánh đòn tàn bạo. 'Bởi lằn roi Ngài chúng ta được lành bịnh'
(EsIs 53:5; 50:6 so sánh Mat Mt 27:26).
Ngài bị cho đội mão gai. 'Mặt mày người (bị) xài xể lắm hơn kẻ nào khác'
(EsIs 52:14 so sánh Mat Mt 27:29).
Ngài bị đóng đinh vào thập tự giá. 'Chúng nó đâm lủng tay và chân tôi' (Thi
Tv 22:16). 'Chúng nó sẽ nhìn xem ta là Đấng chúng nó đã đâm' (XaDr 12,10
so sánh GiGa 19:18,37).
Ngài bị chế nhạo, mắng nhiếc. 'Hễ kẻ nào thấy tôi đều nhạo cười tôi; trề môi,
lắc đầu mà rằng: Người phó thác mình cho Đức Giê-hô-va, Ngài khá giải
cứu người, vì Ngài yêu mến người' (Thi Tv 22:7,8 so sánh Mat Mt 27:39-43)
Áo xống Ngài bị chia nhau. 'Chúng nó chia nhau áo xống tôi, bắt thăm áo
dài tôi' (Thi Tv 22:8 so sánh GiGa 19:23).
Tiếng kêu thảng thốt. 'Đức Chúa Trời tôi ôi, Đức Chúa Trời tôi ôi, sao Ngài
lìa bỏ tôi' (Thi Tv 22:1 so sánh Mat Mt 27:46; Mac Mc 15:34).
Ngài kêu lớn: 'Ta khát'. 'Chúng nó ban mật đắng làm vật thực tôi, và cho tôi
uống giấm trong khi khát' (Thi Tv 69:21 so sánh GiGa 19:28; Mat Mt
27:34).
Ngài bị nguyền rủa và treo lên cây gỗ. 'Kẻ nào bị treo ắt bị Đức Chúa Trời
rủa sả' (PhuDnl 21:23; GaGl 3:13).
Ngài là 'Chiên Con của Đức Chúa Trời' XuXh 12:3; GiGa 1:29). Huyết Ngài
đã ấn chứng cho giao ước (XuXh 24:8; LuLc 22:20), và trong việc dâng thân
thể Ngài một lần là đủ cả, các của lễ của Luật Pháp đều không còn giá trị
nữa (HeDt 10:4-9).
Như thế, mục tiêu về niềm hy vọng của Đấng Mết-si-a, là Đức Chúa Trời
làm người, về mọi phương diện đã thật sự 'vì sự gian ác chúng ta mà bị
thương, vì tôị lỗi chúng ta mà bị vết' trên cây thập tự giá tại Gô-gô-tha. Cái
lý tưởng lâu đời đã thành tựu trong sự nhập thể, đời sống, cái chết, sự sống
lại và sự thăng thiên lúc Chúa Giê-xu người Na-xa-rét trong lịch sử, Đấng
mà sự tái lâm sẽ làm ứng nghiệm trọn vẹn mọi niềm hy vọng.

SÁCH TIÊN TRI HY-BÁ-LAI PHẦN II: TỪ Ô-SÊ ĐẾN MA-LA-CHI


SÁCH Ô-SÊ
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Sách tiên tri này có nhan đề là 'Lời của Đức Giê-hô-va phán cùng Ô-sê, con
trai Bê-ê-ri' (OsHs 1:1). Đó là sách thứ nhất đứng đầu danh sách mười hai
sách tiểu tiên tri trong bộ Kinh Thánh Hy-bá-lai. Câu này có thể đem đối
chiếu với câu mở đầu cho các sách đại tiên tri (EsIs 1:1).
Thông điệp của Ô-sê chính yếu hướng về dân Y-sơ-ra-ên, nhưng không phải
chỉ dành riêng cho họ mà thôi. Có lẽ mấy năm sau đó, chính ông cũng đã
viết phần ký thuật về chính đời sống mình, tạo thành phần bối cảnh đầy ý
nghĩa ( OsHs 1:1-3:5), và sáng tác các bài thơ chiếm phần lớn sách ( 2:123
và 4:14).
Trong những ngày tăm tối dưới triều Giê-rô-bô-am, ông vâng lời Đức Giê-
hô-va và cưới một người vợ tên Gô-me, đã tỏ ra bất xứng và bất trung, như
đã được tiên báo. Những đứa con đã ra đời, nhưng ông buộc phải kết luận
rằng chúng không phải là con ông (1:2). Nhưng ông vẫn thừa nhận chúng
(1:4,6,9) và cả khi Gô-me bỏ đi, tình yêu của ông vẫn theo đuổi nàng. Ông
gặp nàng lâm cảnh ô nhục và bị ruồng rẫy, có lẽ là bị bán làm nô lệ, nhưng
mặc dầu vậy, ông đã chuộc nàng, và giáo dục nàng, rồi đưa trở về nhà mình
(3:1-5).
Ngày nay, các học giả đều đồng ý rằng các chương thuật sự này là một bản
tường trình về một kinh nghiệm có thật. Lịch sử cũng chứng minh rằng kinh
nghiệm của nhà tiên tri là một ẩn dụ về cách Đức Chúa Trời đã đối xử với
tuyển dân lầm lạc của Ngài. Cuộc đời của Ô-sê là một câu chuyện thu nhỏ
lại để báo trước sự nghiệp tiếp theo đó của dân Y-sơ-ra-ên. Tên Gít-rê-ên
tiêu biểu cho sự tan rã của đế chế miền Bắc (1:4,5), Lô-ru-ha-ma - sự thương
xót đã bị cất đi khỏi đó (1:6,7), và Lô-am-mi - sự kêu gọi một dân mới (1:9
so sánh RoRm 9:24-26). Việc phục hồi địa vị cho Gô-me chứng minh tình
yêu không hề vơi cạn của Đức Chúa Trời đối với dân Y-sơ-ra-ên, bất chấp
mọi sa sút của họ (3:4,5; so sánh 1:11). Có một số các nhà phê bình xem
những câu ám chỉ nước Giu-đa và các khúc sách về lời hứa (chẳng hạn 2:14-
23) là những phần thêm vào về sau, nhưng đã có rất ít lý do để biện minh
cho sự quyết đoán đó.
Bắt đầu các lời tiên tri của mình trong thời đại trị vì của các vua Ô-xia tại
Giu-đa và Giê-rô-bô-am II tại Y-sơ-ra-ên, và kết thúc chúng trước khi Sa-
ma-ri thất thủ, Ô-sê đã nói tiên trí ít nhất là năm mươi năm, nghĩa là trong
giai đoạn suy tàn rồi sụp đổ của vương quốc miền Bắc (khoảng 775-725
TC). Những nỗ lực của các vua nhằm tự cứu bằng cách bám vào ngoại bang
chỉ kéo cho họ ngã xuống nhanh chóng hơn mà thôi (5:13; 10:6). Cuối cùng
thì đế chế đang chao đảo đã sụp đổ (10:15).
Rõ ràng Ô-sê đã biết rõ nguồn gốc của tai họa chính là sự bội đạo, xa lìa
giao ước của Môi-se (8:1 so sánh XuXh 24:7). Các chi tiết của luật pháp đều
được mọi người biết rõ, nhưng bị cho là không thích hợp với thời đại nữa
(OsHs 8:12), trong khi hệ thống tế lễ nguyên thủy bị băng hoại do các của lễ
giả dối (8:13). Chẳng những người ta hoàn toàn chẳng biết gì đến quyển
sách của giao ước, mà toàn thể hệ thống về người Lê-vi đều bị băng hoại
(9:3-5). Ô-sê ý thức rằng các cơn đoán phạt được báo trước trong Phục
Truyền Luật Lệ Ký đã gần kề, không thể tránh được nữa (11:8 so sánh
PhuDnl 29:23). Tâm trí ông quay trở về với nhân vật vĩ đại là Môi-se (12:13
so sánh PhuDnl 18:15). Ông đã thấy việc thờ lạy con bò vàng với tất cả các
hình tượng liên hệ, cuối cùng, đã làm ô uế tính cách thuần khiết và cao cả
của nguyên văn bộ luật Môi-se (13:2).
Ô-sê sinh sống và nói tiên tri tại vương quốc miền Bắc. Khung cảnh tiên tri
chuyển từ A-háp và vùng Gít-rê-ên của Ê-li (1:4,5) sang thung lũng sông
Giô-đanh nóng bỏng và A-cô (2:15) đi ngang qua núi Tha-bô lịch sử của Đê-
bô-ra (5:1). Ghi-bê-a của Sau-lơ trong vùng đất đồi núi của Bên-gia-min
cũng thường làm khung cảnh cho lời tiên tri (5:8), và Ô-sê cũng đến viếng
vùng đất bên kia sông Giô-đanh (6:8). Ép-ra-im, lãnh tụ của Y-sơ-ra-ên, xuất
hiện trong phần lớn của quyển sá Ô-sê biết rõ kinh đô của nó (7:1), cũng
thấy tận mắt các đồn lũy của Giu-đa (8:14). Các nơi thánh tại Ghinh-ganh
(9:15) và Bê-tên (10:15) đều được nghe tiếng ông, nơi ông nhắc lại câu
chuyện của Gia-cốp (12:12 so sánh SaSt 28:2), và hướng về phương Bắc,
ông tìm được nguồn cảm hứng từ vùng núi Li-ban đầy tuyết phủ (OsHs
14:5-7).
Có những tiếng đồn từ xa cũng như từ các lân bang. Ai Cập (7:16, Mem-phi
(9:6) và Ty-rơ (9:13) thường được coi là kẻ cướp của giết người. Tiếng ầm ĩ
của chính sách A-sy-ri và dấu chân các lính chiến của chúng được nói đến
trong suốt cả sách (5:13; 8:9; 10:6), và cuối cùng là cuộc hủy diệt Sa-ma-ri
(11:5; 13:16).
PHÂN TÍCH
OsHs 1:1-2:23.
Ô-sê và ba đứa con của ông.
OsHs 3:1-5.
Cuộc đời về sau của Ô-sê.
OsHs 4:1-6:3.
Y-sơ-ra-ên và tội phạm của các lãnh tụ và hy vọng phục hưng.
OsHs 6:4-11:12.
Tội lỗi của Ép-ra-im và Giu-đa, hy vọng nảy sinh cho Giu-đa.
OsHs 12:1-13:14.
Sự điên dại của Y-sơ-ra-ên nảy sinh hy vọng sẽ chiến thắng sự chết.
OsHs 13:15-14:9.
Viễn ảnh về sự thạnh vượng sau cùng.
NỘI DUNG
Lời tiên tri khi thì nồng nhiệt, sinh động, khi thì tha thiết dịu dàng. Tình
trạng sa ngã một cách tuyệt vọng (OsHs 4:16; 11:7; 14:4) chạy xuyên suốt
cả sách và có thể tìm thấy các ý niệm chủ đạo sau đây:
1. Tội lỗi do cách thờ phượng Đức Giê-hô-va như cách người ta thờ lạy hình
tượng, và sự lẫn lộn giữa Đức Giê-hô-va với Ba-anh. Các sinh tế của tà giáo
là không thật (6:6) và không thể chấp nhận được (8:13). Càng nhiệt cuồng
về tôn giáo, càng lún xuống sâu hơn (13:2).
2. Mọi điều đưa đến cách sống vô luân. Xứ bị tràn ngập cỏ dại xấu xa (1:2;
4:1,2,12-14; 6:9; 7:4).
3. Tội lỗi của vương quốc miền Bắc (1:4; 5:1; 10:7,15).
4. Việc đó cũng đưa các lãnh tụ dân Y-sơ-ra-ên vào một chính sách đầy tội
lỗi của ngoại bang y như vậy (5:13; 8:9; 10:6; 11:5).
5. Tình yêu thương duy trì được sợi dây liên kết giữa Đức Giê-hô-va với dân
Y-sơ-ra-ên, và các cá nhân người Y-sơ-ra-ên với nhau. Ô-sê nhấn mạnh sự
thánh khiết của Đức Chúa Trời vốn ghê tởm tội lỗi (2:2,3; 6:5,10; 9:9;
12:14...), nhưng cũng nhấn mạnh đến tình yêu của Đức Chúa Trời đối cùng
dân Ngài nữa (3:1; 11:1-4). 'Nói cho cùng, thì tội lỗi trong hình thức khủng
khiếp nhất của nó là sự bất trung trong tình yêu. Nó gây tổn thương cho Đức
Chúa Trời. Nó tiêu diệt tội nhân Đức Chúa Trời không bao giờ dung tha tội
lỗi, nhưng Ngài có thể và thật sự cứu chuộc tội nhân' (Campell Morgan,
Voices of Twelve Hebrew Prophets).
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Ô-sê đã đề cập các biến cố và nhân vật lịch sử nào của quá khứ, và tại sao
vậy?
2. Mô tả sinh hoạt tôn giáo và xã hội vào thời của Ô-sê (cũng xem IIVua 2V
14:23-27).
3. Sách này giúp được gì cho việc giải đáp vấn đề sự thánh khiết và tình yêu
thương, lòng thương xót và sự đoán phạt của Đức Chúa Trời?
4. Ô-sê đã đưa ra hy vọng gì cho những kẻ ý thức được sự sa sút?
SÁCH GIÔ-ÊN
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Giô-ên nghĩa là 'Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời', và là một tên thông
thường trong Kinh Thánh. Tất cả những gì ta được biết về ông là câu mở đầu
quyển sách của ông, rằng ông là 'con trai của Phê-thu-ên'. Trong sách cho
biết ông là người Giu-đa cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, và là tiên tri của vương
quốc miền Nam - không phải là thầy tế lễ (Gio Ge 1:13,14; và 2:17). Bút
pháp của ông gợi hình và mạnh mẽ, đầy tiết tấu và thi vị.
Tính thống nhất của sách đã bị tấn công, và những khúc sách có tính cách
'khải huyền' bị cho là đã 'xen kẽ' vào sau, nhưng sự đồng nhất của bố cục và
bút pháp đã đưa ra một câu trả lời đầy đủ cho vấn nạn ấy.
Chính quyển sách không ghi niên đại nhưng chúng ta phải căn cứ vào các
nội chứng để xác định. Niên đại được cho là hoặc trước thời trị vì của A-cha
(742-726 TC), hoặc sau thời kỳ lưu đày, vì không thấy đề cập gì đến Sy-ri,
A-sy-ri hay Ba-by-lôn trong số các kẻ thù của Y-sơ-ra-ên. Đề án trước được
nhiều người thích hơn đề án sau vì các lý do dưới đây:
1. Các kẻ thù được đề cập trong 3:4,19 (dân Phê-ni-xi, Phi-li-tin, Ai Cập và
Ê-đôm) thuộc về giai đoạn trước, và trong những năm thời trị vì của Giô-si-a
(khoảng 800 TC, xem IISu 2Sb 21:16,17).
2. Việc đề cập các thầy tế lễ và trưởng lão mà chẳng đá động gì đến nhà vua
phù hợp với giai đoạn này.
3. AmAm 1:1,2 dường như là tiếng vang của Gio Ge 3:16.
4. Bút pháp và bối cảnh chung rất giống với các sách tiên tri sớm, và tương
phản rõ rệt với A-ghê, Xa-cha-ri và Ma-la-chi.
5. Những người chủ trương một niên đại muộn màng về sau thấy 3:1,2 là
cảnh Giê-ru-sa-lem thất thủ được hồi tưởng. Tuy nhiên, nó được viết theo
hình thức một lời tiên tri, và là một điều tương đồng với A-mốt 9:14.
PHÂN TÍCH
Gio Ge 1:1-2:17.
Nạn cào cào và lời kêu gọi ăn năn.
Gio Ge 2:18-32.
Lời hứa đổ Đức Thánh Linh xuống.
Gio Ge 3:1-21.
Ngày của Chúa; sự phán xét các dân tộc và phước hạnh của Giê-ru-sa-lem.
NỘI DUNG
Một nạn cào cào khủng khiếp đã tạo cơ hội cho nhà tiên tri cảnh cáo dân sự
về sự đoán phạt của Đức Giê-hô-va đối với tội lỗi họ. Trừ phi họ ăn năn, sự
hình phạt sẽ chắc chắn xảy đến, và các phước hạnh mà Đức Chúa Trời vẫn
dành cho dân Ngài sẽ chẳng bao giờ thuộc về họ. Tư tưởng về sự ăn năn là
cánh cửa mở vào các phước hạnh dồi dào được khai triển trong phần thứ hai
của quyển sách. Sự gần kề của 'ngày của Chúa' chạy suốt qua sách tiên tri
này như một điệp khúc, luôn luôn được nhắc đi nhắc lại.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Chú ý cách dùng 2:28-32 của thánh Phi-e-rơ trong Cong Cv 2:1-47 và
Phao-lô trong RoRm 10:13, để nhận xét tính cách thích nghi của các câu
Kinh Thánh ấy cho công cuộc truyền giáo.
2. Tìm các dấu vết của sách tiên tri này được trích dẫn trong Mat Mt 24:1-51
và KhKh 9:1-21.
SÁCH A-MỐT
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Sách tiên tri này được mô tả là 'lời của A-mốt, người trong bọn chăn chiên ở
Thê-cô-a'. Tính chất chân thật của nó không bị ai dị nghị, và được chứng
thực bằng biến cố lịch sử đã được ghi lại trong AmAm 7:10-17, bằng tính
cách nhất quán xuyên suốt toàn quyển, và bằng việc nó phù hợp chặt chẽ với
các điều kiện ngoại tại, mà lời tiên tri đã được truyền phán.
Thê-cô-a nằm trong vùng đất núi hoang vu ở sáu dặm phía Nam Bế-lê-hem,
nhìn xuống Biển Chết. Lời tiên tri đầy đẫy những hình ảnh về đồng cỏ và
công việc chăn bầy do vùng chung quanh đó tạo ra (AmAm 1:2; 2:13; 3:4,5;
4:7; 5:8; 6:12; 7:1; 8:1; 9:6). Gần đó là quan lộ từ Giê-ru-sa-lem đi Hếp-rôn
và Bê-e-sê-ba, nơi A-mốt chắc đã thấy và gặp những đoàn khách hành
hương qua lại (5:5; 8:12). Trong các trang sách của ông, chúng ta còn nghe
nhiều lần tiếng ồn ào của các đoàn người tải hàng hóa, và các phiên chợ, thế
nào tai họa đang tiến đến trên Ai Cập (6:10), những câu chuyện xấu xa về
chợ nô lệ của người Phê-ni-xi (1:9), những ký thuật về các ngày đại lễ và
chợ phiên (5:21 và tt), về việc áp bức kẻ nghèo và nếp sống xa hoa, vô tâm
của kẻ giàu.
Là người chăn chiên, chắc A-mốt từng đem lông chiên đến các phiên chợ
của vương quốc miền Bắc nước Y-sơ-ra-ên, nơi ông căn cứ vào để vẽ ra bức
tranh sống động về đời sống thị thành, việc buôn bán, và nghi lễ tại các ngôi
đền thờ đồ sộ của xứ ấy. Trong số các thành phố đó, có Bê-tên là trung tâm
của sự thờ lạy Đức Giê-hô-va theo tà giáo, trong hình tượng bò con, và tại
Ghinh-ganh, bảy dặm xa hơn về hướng Bắc (4:4; 7:10,13).
Qua suốt sách tiên tri này, việc Đức Chúa Trời đoán phạt bằng chiến tranh
đã lan tràn khắp nơi, và chẳng bao lâu đã được ứng nghiệm trên các dân tộc
chung quanh, và cuối cùng là trên xứ Y-sơ-ra-ên, do tay người A-sy-ri.
'Nhà tiên tri đã viết ra y như cách ông nói, giữ lại mọi tác động của một
phương pháp truyền giảng sắc bén và đầy kịch tính, với giọng trữ tình nồng
nhiệt tạo cho lối văn hùng biện kiểu người Hê-bơ-rơ một nét duyên dáng đặc
biệt' (Robertson Smith, Prophets of Israel, tr. 127).
Các lời tiên tri đã được rao báo suốt bốn mươi năm thịnh trị của Giê-rô-bô-
am II (1:1; 7:10 so sánh IIVua 2V 14:23), và có lẽ là vào cuối đời vua ấy.
Cơn động đất mà A-mốt đã tiên báo (1:1; 8:8; 9:5;) xảy ra chẳng bao lâu sau
đó, và đã dược nhớ rất lâu (XaDr 14:5). Một hiện tượng nhật thực toàn phần
đã xảy ra ngày 26 tháng 6 dương lịch năm 763 TC, có lẽ đã được ám chỉ
trong AmAm 8:9.
A-mốt mô tả Đức Chúa Trời đã phán với riêng ông (7:8; 8:2) và kêu gọi ông
(7:14,15) như thế nào. Tiếng gọi đã đến vào những ngày hưng thịnh vật chất
nhưng suy đồi đạo đức. Giữa cảnh xa hoa, sung túc, các đền thờ đầy đẫy
người thờ phượng, nhưng tuy việc thờ lạy Ba-anh đã bị Giê-hu trừ diệt, sự
dâng tế lễ cho Đức Giê-hô-va đó cũng chỉ là đổi tên một chút mà thôi. Mê
tín dị đoan và dâm loạn đã chiếm chỗ của lòng chân thành và đức tin, và tuy
Đức Giê-hô-va được thờ phượng, tiếng phán của Ngài vẫn bị xem thường và
luật pháp Ngài không hề được tuân thủ. Bên trong quốc gia có mầm mống
của sự suy tàn, và ở chân trời xa, người ta đã thấy cường quốc A-sy-ri dấy
lên, chẳng bao lâu nữa sẽ là công cụ để Đức Chúa Trời đoán phạt dân Y-sơ-
ra-ên.
Trong những hoàn cảnh như thế, A-mốt đã tuyên cáo bức thông điệp của
ông như sấm vang, nhắc lại các ý niệm cơ bản của sự mạc khải của Môi-se
khi Đức Chúa Trời giải phóng dân Y-sơ-ra-ên khỏi Ai Cập do ân điển nhưng
không của Ngài, và gọi họ là dân Ngài (2:10; 9:7), ban bố cho họ luật pháp
và các điều răn (2:4). Nhưng họ đã khinh dể tất cả, chỉ giữ sự thờ phượng bề
ngoài (4:4; và tt, 5:21; và tt), nhưng lòng họ thì rất cách xa Ngài. Ngay tại
nơi thánh ở Bê-tên, ông đã lớn tiếng báo động (5:27; 6:14; 7:10 và tt) và tiên
báo sự phán xét của Đức Chúa Trời.
Như thế là A-mốt, nhà tiên tri cuối cùng của vương quốc Y-sơ-ra-ên miền
Bắc đã công bố những lời cảnh cáo rất cảm động của ông cho một thế hệ
trước khi Sa-ma-ri thất thủ, cũng như lời phán xét của Đấng Christ (Mat Mt
24:34-36) đã ứng nghiệm một thế hệ sau đó trong việc thành Giê-ru-sa-lem
bị triệt hạ.
PHÂN TÍCH
AmAm 1:1-2:16.
Từ Si-ôn, trung tâm đích thực của chế độ thần quyền, A-mốt tuyên cáo bức
thông điệp.
AmAm 1:3-2:16.
Ông mô tả sự đoán xét của Đức Giê-hô-va bằng lửa chiến tranh chống lại
Đa-mách, Ga-xa, Ê-đôm, Mô-áp, Giu-đa, và cuối cùng là Y-sơ-ra-ên.
AmAm 3:1-4:13.
Giờ đây, ông khẩn thiết kêu gọi họ chú ý, trước nhất là dân Y-sơ-ra-ên, sau
đó là những người mộ đạo và những người giàu có.
AmAm 5:1-6:14.
Một lời kêu gọi tiếp theo hướng về vương quốc Y-sơ-ra-ên ở phía Bắc, được
kết thúc bằng hai lời chúc dữ đối với những kẻ quá tin cậy vào việc giữ đạo
của họ (5:18,19) và vào thái độ hoàn toàn vô tâm (6:1,2).
AmAm 7:1-9:10.
Một loạt năm khải tượng chứng thực và minh họa cho bức thông điệp của
ông. Trong số đó, khải tượng về dây chuẩn mực đánh dấu một khúc quanh
tiếp theo là hai khải tượng về sự phán xét.
AmAm 9:11-15.
Lời hứa sáng chói về một ngày, khi vương quốc của Đa-vít sẽ được phục
hồi, và tiếp theo là các phước hạnh của hòa bình.
NỘI DUNG
Một số các nhà phê bình nối gót Wellhausen gán những lời tiên tri của 9:8-
15 cho giai đoạn hậu lưu đày, nhưng tiến sĩ Driver đã chứng minh chủ
trương ấy không có đủ nền tảng. Độc giả khiêm cung phải nhận thấy sách
tiên tri này là một toàn thể có tính cách cân đối cao độ, đã chấm dứt theo
cung cách một sách tiên tri chân chính; bằng một thông điệp gồm ba phương
diện về hy vọng và sự khích lệ: nhiều cá nhân sẽ được chừa lại (9:9), Đấng
Mết-si-a sẽ đến (9:11), và dân Y-sơ-ra-ên sẽ hưng vượng (9:15).
A-mốt đã hăng say đưa ra lời kêu gọi cấp bách dân Y-sơ-ra-ên hãy trở lại
tìm cầu Đức Giê-hô-va (5:4,6,14). Đây là trung tâm, là trái tim bức thông
điệp của ông. Bằng cách nói rõ ràng không tây vị, ông phơi bày và tố giác
tính cách nông cạn và băng hoại trong việc thờ phượng của họ (4:4; 5:21),
sự gian ác và bất công xã hội vốn là các trái đắng của chúng (2:6-8; 4:1;
5:12; 6:3; 8:5). Nổi bật trên phần bối cảnh đen tối đó là những tia sáng lóe
lên cho thấy đức tin cao cả của ông và Đức Giê-hô-va, là Đấng Tạo Hóa mọi
sự (4:13; 5:8), Đấng Cai Trị các dân các nước (1:5; 5:27; 9:7), Đấng giải
phóng họ trong quá khứ, vẫn còn kêu gọi họ để tội lỗi họ được tha thứ, để họ
tìm kiếm mặt Ngài và được sống (5:6).
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Bạn thấy những điểm giống nhau, hoặc khác nhau nào trong đời sống lúc
còn niên thiếu, sự kêu gọi và sứ mạng của Môi-se với A-mốt?
2. Viết ra tất cả những câu trích dẫn (hoặc ám chỉ) Ngũ Kinh, cả về lịch sử
lẫn các mạng lịnh, trong sách tiên tri này.
3. Lập một bảng liệt kê các tội lỗi cá nhân cũng như của toàn dân, mà A-mốt
quở trách. Các tội nào giống với những tội hiện có ở xứ ta ngày nay?
4. Chúng ta phải nói gì về tính cách vĩ đại và sự thiện hảo của Đức Chúa
Trời trong sách này?
5. Thông điệp trung tâm của sách này là trong hai mạng lịnh ở 5:4 TÌM VÀ
SỐNG (nguyên văn Hy-bá-lai), Đức Chúa Trời đã dùng phương pháp nào để
cố gắng giúp dân Ngài tìm kiếm Ngài?
6. Ghi chú và viết lại những khúc sách vạch rõ tính cách hư không của việc
tìm cầu Đức Chúa Trời bằng lễ nghi không chân thành.
SÁCH ÁP-ĐIA
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Tuy tên Áp-đia rất quen thuộc trong Cựu Ước, và có nghĩa là 'tôi tớ của Đức
Giê-hô-va', người ta đã không đồng nhất hóa được trước giả sách này với
những người mang tên ấy.
Niên đại lệ thuộc việc giải thích điều đã được đề cập trong mấy câu ApOv
1:11-14. Một số các nhà chú giải cho rằng mấy câu đó ám chỉ các biến cố
xảy ra dưới thời trị vì của Giô-ram (IISu 2Sb 11:16,17), hoặc của A-cha
(IISu 2Sb 28:17). Nhưng càng có lý hơn, là cũng như Giê-rê-mi 49:14-16,
chúng ám chỉ vai trò xấu xa mà Ê-đôm đã đóng trong vụ Giê-ru-sa-lem bị
vây. Trong trường hợp này, Áp-đia sẽ là người sống đồng thời với Giê-rê-
mi, và mối liên hệ chặt chẽ của các khúc sách ở đây sẽ được giải thích khá
dễ dàng; chẳng hạn như, rất có thể là chúng đã được Giê-rê-mi công bố và
được Áp-đia nghe thấy hoặc được người khác kể lại với ông. Điều cần chú ý
là trong khi chữ Ê-đôm thuộc giống đực, Áp-đia bảo là 'ngươi' (trong bản
dịch Anh văn là 'her', giống cái) trong câu 1 có lẽ là theo Gie Gr 49:13,14
khi mấy câu này đề cập Bốt-ra (giống cái), là kinh đô của Ê-đôm.
PHÂN TÍCH
Câu ApOv 1:1-9.
Sự sụp đổ của Ê-đôm, bất chấp lòng tin cậy của nó vào các chiến lũy bất khả
xâm phạm.
Câu ApOv 1:10-14.
Tội Ê-đôm phải bị trừng phạt.
Câu ApOv 1:15-21.
Ngày của Đức Giê-hô-va đã gần kề để Ê-đôm sẽ bị trừng phạt, và Y-sơ-ra-ên
sẽ chiến thắng.
NỘI DUNG
Gánh nặng của sách tiên tri này là thái độ không chút xót thương của Ê-đôm
đối với Y-sơ-ra-ên. Một số trừng phạt được tiên báo sẽ ứng nghiệm cho Ê-
đôm trừ phi nó có một tinh thần mới trong cách đối xử với Y-sơ-ra-ên. Tuy
nhiên, lời hứa ban phước được dành cho Y-sơ-ra-ên.
Quyển sách ngắn ngủi này sở dĩ có giá trị là vì những lời tiên tri rõ ràng, đã
được ứng nghiệm hết sức rõ ràng, như nhiều du khách đến viếng Petra ngày
nay làm chứng lại cũng như những gì còn lại tại Petra. Tuy Đức Chúa Trời
đã phán xét Ê-đôm, Ngài vẫn nhớ lại lời hứa với Gia-cốp và chừa lại một số
người sống sót, nhờ đó phước hạnh trong 'sự cứu rỗi và thánh hóa' (1:17) đã
đến với Hội Thánh.
LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
Ghi ra những điểm tương đồng và dị biệt giữa lời tiên tri của Áp-đia, với Gie
Gr 49:7-22 và Exe Ed 35:1-14.
SÁCH GIÔ-NA
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Tên này có nghĩa là 'chim bồ câu', và chỗ khác duy nhất đề cập Giô-na là
trong IIVua 2V 14:25, cho biết ông đã nói tiên tri cho Giê-rô-bô-am II rằng
'người khôi phục bờ cõi Y-sơ-ra-ên từ nơi giáp Ha-mát cho đến biển'. Có lẽ
việc này đã xảy ra rất sớm trong thời trị vì của Giê-rô-bô-am (khoảng 780
TC). Sách tiên tri này không ghi niên đại, và có lẽ đã được viết ra ngay sau
khi ông từ Ni-ni-ve trở về. Giô-na là người quê ở Gát-hê-phe, vài dặm cách
Na-xa-rét về phía Bắc, là người đồng thời với A-mốt. Tuy trong sách không
có hàm ý rằng đích thân Giô-na viết ra nó, nhưng căn cứ vào nan đề và nội
dung, giả thuyết chủ trương chính ông là trước giả sách này, là hợp lý hơn
hết.
Tuy nhiên, đã có người khẳng quyết rằng không phải Giô-na là trước giả, và
vào thế kỷ 4 TC thuyết ấy được số người nghi ngờ việc có thể có phép lạ đề
ra. Nhưng với những người chấp nhận có phép lạ trong Kinh Thánh, thì các
lý do sau đây sẽ chứng minh cho sử tính của nó:
1. Về bút pháp sách này có cách viết lịch sử đơn giản, các địa danh và tên
người đều không có ý nghĩa biểu tượng, chủ đề là sức mạnh của sự ăn năn
chạy suốt qua quyển sách, thực chứng cho tính thống nhất của nó.
2. Vẻ huy hoàng của Ni-ni-ve trước đây bị các nhà phê bình phủ nhận nhưng
lần lần đã được các công trình khai quật chứng minh. Đường giao thông ở
phía trong vòng thành dài đến tám dặm (trên 12km) và có nhiều khu ngoại ô.
3. Sử tính của sách đã được người Do Thái thừa nhận. Họ vốn có khả năng
để phân biệt chính sử với những câu chuyện ẩn dụ, và Chúa chúng ta dường
như ngụ ý cho rằng các biến cố ấy là thật khi Ngài đề cập chúng trong Mat
Mt 12:39-41.
4. Các luận cứ phản bác xuất phát từ những nhà nghiên cứu tiếng Aram, và
giả thuyết bảo rằng có chỗ tương đồng trong Gie Gr 51:34, và một vài Thi
Thiên chẳng có giá trị bao nhiêu.
Do đó, chúng ta có thể kết luận rằng sách Giô-na đã được liệt vào số Các
Sách Tiên Tri là hợp lý, vì cả đặc tính tiên tri lẫn nội dung và trước giả sách
ấy.
PHÂN TÍCH
Gion Gn 1:1-17.
Giô-na không vâng lời Đức Chúa Trời và bị trừng phạt.
Gion Gn 2:1-10.
Lời cầu nguyện của Giô-na, ông được giải cứu.
Gion Gn 3:1-10.
Bài giảng của Giô-na. Người Ni-ni-ve ăn năn.
Gion Gn 4:1-11.
Giô-na oán trách.
NỘI DUNG
Nội dung sách Giô-na rất quen thuộc. Đó là các chủ đích đầy ân sủng của
Đức Chúa Trời được mở rộng vượt ra ngoài quốc gia Y-sơ-ra-ên chính là bài
học được nhấn mạnh qua tiên tri Giô-na. Ni-ni-ve là một trường hợp để trắc
nghiệm, và tinh thần quốc gia ích kỷ của Giô-na đã đẩy ông đến chỗ muốn
trốn tránh trách nhiệm truyền giảng thông điệp của Đức Chúa Trời tại đó. Cả
đến sự ăn năn tiếp theo đó của Ni-ni-ve cũng khiến nhà tiên tri phật ý, trong
khi chính bản thân ông là một thí dụ điển hình về ân điển dồi dào, sung mãn
của Đức Chúa Trời.
Chúng ta phải luôn luôn ghi tâm khắc cốt các bài học vẫn còn mãi của sách
này. Chẳng những chúng ta được dạy về ý nghĩa hàm ngụ mình thật trong sự
hối cải cá nhân và quốc gia trong một câu chuyện chứng minh thật phong
phú sự chăm sóc của Đức Chúa Trời cho các dân ngoại, mà cả trong việc
Giô-na đã được giải cứu cách lạ lùng, là biểu tượng của sự phục sinh của
Đấng Christ nữa.
Cần chú ý là chữ đã được dịch là 'cá voi' (whale, trong bản Anh văn, Mat Mt
12:40) không thể bị ép nghĩa để chỉ bất cứ một con vật nào khác hơn cách
dùng của các trước giả, cả ở đây lẫn trong sách Phúc Âm, là 'một con cá lớn'
(như bản dịch Việt Ngữ của chúng ta).
LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
So sánh và nêu lên những nét tương phản giữa kinh nghiệm của Giô-na với
Phao-lô trong Cong Cv 27:1-44.
SÁCH MI-CHÊ
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Trong bộ Bảy Mươi, sách tiên tri này được bắt đầu bằng câu 'Lời của Đức
Chúa Trời phán cho Mi-chê' (MiMk 1:1), sách đứng thứ ba trong các sách
tiểu tiên tri, tiếp sau Ô-sê và A-mốt. Mi-chê là cây cầu giữa một bên là Ô-sê
và A-mốt bên kia là sách đại tiên tri của Ê-sai. Ô-sê và A-mốt lo cho vương
quốc miền Bắc, Ê-sai thì lo cho vương quốc miền Nam (EsIs 1:1). Mi-chê
bận tâm lo cho cả Sa-ma-ri lẫn Giê-ru-sa-lem, thủ đô của cả hai nước (MiMk
1:1).
Tên Mi-chê có nghĩa là 'ai (là người) giống như Đức Giê-hô-va?', là tên rút
ngắn của Micagia (Micaiah). Những lời cuối cùng của người tiền nhiệm hãy
còn văng vẳng bên tai ông (IVua 1V 22:28, so sánh 1:2), và thêm vào khải
tượng về sự phán xét của mình, ông còn thêm lời an ủi nữa (IVua 1V 22:17,
so sánh 2:12). Dường như có nhiều lúc ông đang ở trong một tình trạng được
mạc khải (1:8) với thái độ sôi động (3:8) tương phản rõ rệt với những lúc
tâm trạng chiếu lệ không hứng khởi (3:5-7). Những lời lẽ khủng khiếp của
ông cho Sa-ma-ri (1:6) và sự phán xét cũng khủng khiếp tương đương đối
với Si-ôn (3:12) đã ngăn chặn được Ê-xê-chia, gây ảnh hưởng trên các quan
trưởng và đưa đến cơn phục hưng (IISu 2Sb 30:2,6 8-27; Gie Gr 26:16-19).
Nỗi cô đơn của Mi-chê thật là đau lòng (MiMk 7:6,7) nhưng ông bình tĩnh
kết luận rằng mình vẫn tin cậy vào Đức Chúa Trời (7:18).
'Mi-chê người Mô-rê-sết' vốn quê quán ở Mô-rê-sết-gát (1:14) trong khu vực
Sê-phê-la. Làng của ông nằm 'đối diện với đồng vắng Thê-cô-a, độ mười bảy
dặm (28km) trong vùng có nước tưới cùng khắp. Nếu quê hương của A-mốt
là sa mạc hoang vu, thì quê hương của Mi-chê rất tươi đẹp và phì nhiêu. Khu
vực này là cửa ngỏ để vào Giê-ru-sa-lem cho các bầy ngựa từ Ai Cập đưa về
(1:13), hoặc cho các đạo binh giáp A-sy-ri (5:5,6).
Bút pháp của ông rất sôi nổi, mạnh bạo và sắc bén, ở những nét tương phản
và những khi có chuyển biến tư tưởng. Các lời tiên tri có tính cách rời rạc rõ
ràng là đã được sắp xếp lại cho một toàn thể có thứ tự, có lẽ do chính Mi-chê
thực hiện.
Sách tiên tri bắt đầu vào thời Giô-tham (1:1), giai đoạn khoảng năm 745-715
TC. Bối cảnh chính trị là A-sy-ri (5:5,6; 7:12), với Ba-by-lôn ở phía chân
trời xa (4:10). Sau 120 năm Mi-chê vẫn còn được nhắc nhở cách sống động
(Gie Gr 26:18).
Cũng như hai sách A-mốt và Ô-sê, chúng ta có thể đoán định rằng Mi-chê
rất am hiểu Ngũ Kinh. Chính yếu là nhằm vào Giu-đa, lời tố cáo bội đạo tuy
có ít bén nhọn hơn, nhưng bối cảnh của sách Phục Truyền Luật Lệ Ký (3:5,7
so sánh PhuDnl 18:15-22) và những cấm đoán của sách ấy (5:12 so sánh
PhuDnl 18:10) cũng như các hình phạt đều có thật và được thừa nhận (6:15
so sánh PhuDnl 28:38). Nhà tiên tri sống trong cảnh Xuất Ai Cập (MiMk
6:4; 7:15) và công cuộc chinh phạt (6:5), trong khi các gương mặt lớn của
Môi-se (6:4) và của các tộc trưởng (7:20) vẫn nổi bật lên như những ngọn
tháp chọc trời. Ông rất quen thuộc với nền thi ca anh hùng sau đó (1:4 so
sánh Cac Tl 5:5; 1:10 so sánh IISa 2Sm 1:20) và sử ký cùng một thời đại ấy
cũng được liệt kê vào phạm vi phục vụ của ông (7:10 so sánh IIVua 2V
9:33).
Mi-chê có một thông điệp riêng cho từng làng tại nơi ông cư trú (MiMk
1:10-16). Vũ khí để ông tiêu diệt các bất công xã hội sắc bén và mạnh mẽ
(2:1-3; 3:1-4; 6:10-15; 7:1-4). Cả tại vùng thôn quê lẫn trong thành thị, ông
đều hiểu biết như người trong nhà. Ông đề cập các thác nước trong núi (1:4),
các bầy súc vật (2:12), những buổi diễn tuồng (3:6), sân đạp lúa (4:13),
sương móc và mưa rào (5:7), các núi đời đời (6:1,2), con rắn trên đất (7:17).
Ông ghi lại cảnh chợ bán hình tượng (1:7), những mưu đồ làm ăn lớn (2:1),
sự sành sõi về giới quí tộc (3:3), các thành lũy và chiến xa của Giê-ru-sa-lem
(4:8; 5:10), sự giả dối của các con buôn (6:11) và sự phân hóa của sinh hoạt
trong gia đình (7:6).
Thông điệp của nhà tiên tri dường như đã được nhắc đi nhắc lại trên khắp
xứ: 'Hỡi toàn dân, hãy nghe' (1:2 so sánh Gie Gr 26:18), 'Hỡi mọi người
trong xứ Giu-đa' (cũng xem MiMk 2:12; 5:2; 6:1,2; 7:11,12,14).
PHÂN TÍCH
Tiếp theo lời nói đầu là ba phần đúc kết các lời tiên tri, mỗi phần mở đầu
bằng câu 'Hãy nghe' (so sánh A-mốt;).
MiMk 1:2-2:13.
'Hỡi toàn dân, hãy nghe'. Phần này bao gồm các lời phán cho Sa-ma-ri (1:5)
và vùng quê của chính ông (1:10 và tt), và một lời chúc dữ cho những kẻ
làm điều ác với lời kết án tổng quát các việc làm ác (2:1 và tt), kết thúc bằng
hy vọng (2:12,13).
MiMk 3:1-5:15.
'Các trưởng của Gia-cốp...hãy nghe'. Phần này dành cho các quan trưởng
(3:1) và các nhà tiên tri (3:5 và tt), và mọi sự phán xét đang dành sẵn (3:8);
nhưng cũng mô tả sự vinh hiển hầu đến của Giê-ru-sa-lem ( 4:1-13) và sự
hiện ra của Đấng Mết-si-a, nhà vua lý tưởng, và ảnh hưởng của Ngài trên
các dân các nước ( 5:1-15)
MiMk 6:1-7:20.
'Hỡi các núi...hãy nghe'. Phần này chứa đựng một lời kêu gọi quá khứ (6:3
và tt), một phần mô tả tình trạng không xứng đáng cá nhân (6:6 và tt), tương
phản với sự giả dối của dân sự (6:10 và tt). 'Khốn nạn cho ta' (7:1 so sánh
2:1) là gánh nặng của loạt những lời tiên tri cuối cùng. Tấm ảnh trắc diện
của điều ác đã được vẽ ra hết sức rõ rệt (7:2-6), nhưng nét tương phản được
tăng thêm, đến nỗi cuối cùng điều thiện phải thắng hơn (7:7), ánh sáng phải
chiếu ra (7:8 và tt). Đức Chúa Trời sẽ ban cho dư dật (7:14 và tt) và nhưng
không (7:16-20).
NỘI DUNG
Có một số các nhà phê bình nhận định rằng chỉ có ba chương đầu là lời tiên
tri của Mi-chê mà thôi. Nhưng sau khi nhấn mạnh 'trong Kinh Thánh không
có sách nào mà niên đại của các phần khác nhau lại được bàn cãi nhiều hơn'
G.A.Smith kết luận rằng phần lớn của toàn quyển sách có niên đại của thời
Mi-chê. Những ai hoàn toàn chấp nhận câu 2 là có ý nghĩa quyết định và là
lời tiên báo của Đức Chúa Trời sẽ sẵn sàng đồng ý rằng có lẽ chính Mi-chê
cũng đã nói thêm trong MiMk 2:12,13; 4:8-10; và 7:8-13; để tiên báo những
lần giải phóng dân tộc hãy còn nằm trong tương lai xa. Chắc chắn 3:12 là
một thí dụ rõ ràng về việc phần ứng nghiệm của một lời tiên tri đã được
hoãn lại vì cớ sự ăn năn của Ê-xê-chia. Mấy câu 4:1-3 (so sánh EsIs 2:2-4)
dường như là sự an ủi của Mi-chê đã rút ra từ những lời phán của nhà tiên tri
về tin lành trước đó, khắp nơi đều có những điểm tương đồng (1:9; EsIs
10:28-32; 2:2; EsIs 5:8; 3:6; EsIs 8:10; 5:3,7,8; EsIs 11:11; 6:9; EsIs 10:5;
7:11; EsIs 5:5). Việc sắp xếp lại cho có thứ tự các lời tiên tri của Mi-chê là
công tác của Thần Lẽ Thật.
Phần đóng góp chính yếu là cá tính của sách chớ không phải tính cách sáng
tạo độc đáo. Những khúc sách cảm động hơn hết đều được viết ở ngôi thứ
nhất. Trong 6:6 và tiếp theo, đã có những đoạn mô tả cao siêu nhất trong cả
Kinh Thánh về trách nhiệm cá nhân theo phương diện thuộc linh. Tính cách
vĩ đại (1:2-4) và thánh khiết (6:5) của Đức Chúa Trời; tội lỗi của loài người
trong việc rời xa quá khứ (6:3,4) trong một bức thông điệp đã được sửa đổi
đi (3:5-7) và trong sự bất công xã hội (6:10-15) - tất cả đều thấy có như ở A-
mốt, Ô-sê và Ê-sai. Vậy sách tiên tri của Mi-chê là một mắc xích nối liền tất
cả các sách ấy lại với nhau.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Đối chiếu cá tính và công tác của Ê-li và Mi-chê.
2. Chú ý chữ 'vậy nên' và ở những nơi có thể được, hãy dùng lời lẽ của riêng
bạn để diễn tả các mối liên hệ tư tưởng.
3. Liệt kê các nét chính của tình hình quốc gia và quốc tế trong nước.
4. Căn cứ vào sách tiên tri này, hãy mô tả sinh hoạt bên trong của thành thị,
nhất là của Giê-ru-sa-lem.
5. Phân biệt những lời tiên tri đã ứng nghiệm và chưa ứng nghiệm trong sách
này.
6. Chuyển 6:6-9 thành một bức thư càng đầy đủ càng tốt để khuyên một Cơ
Đốc nhân về phương diện thuộc linh.
SÁCH NA-HUM
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Tên Na-hum có nghĩa là 'cảm thương', và chi tiết duy nhất chúng ta được
biết về ông, là ông được gọi là 'người Ên-cốt' (NaNk 1:1). Người ta không
biết chắc chắn Ên-cốt ở đâu, và gợi ý của Jerôme rằng Ên-cốt nằm ở phía
Bắc xứ Ga-li-lê có thể là đúng nhất. Câu đề cập Giu-đa (1:15) ngụ ý ông
sinh sống tại vương quốc miền Nam, và có lẽ là người đồng thời với Sô-phô-
ni.
Lời tiên tri có thể định niên đại chắc chắn là giữa cuộc đánh chiếm Nô-a-
môn (hay Thebes, Tê-bết) năm 664-3 TC và của Ni-ni-ve sụp đổ (612 TC),
vì biến cố trước đã được đề cập như đã xảy ra rồi (3:8), còn biến cố sau thì
được tiên báo, có lẽ nhằm lúc Ni-ni-ve đang bị đe dọa tấn công.
PHÂN TÍCH
NaNk 1:1-15.
Vẻ uy nghi, sự kiên trì nhẫn nhục, và sự phán xét công bằng của Đức Chúa
Trời.
2:1-3:19.
Tiên báo việc Ni-ni-ve bị vây, sụp đổ và trở nên hoang vu.
NỘI DUNG
Bằng một bút pháp có lẽ kém hơn một mình Ê-sai mà thôi, nhà tiên tri mô tả
tội lỗi của Ni-ni-ve, kinh đô của A-sy-ri và là kẻ đại thù của Y-sơ-ra-ên, và
hậu quả ấy là thành phố bị sụp đổ và trở thành một đống hoang tàn.
G.A.Smith viết: ' Lời lẽ của ông thật mạnh mẽ và xuất sắc, tiết điệu của ông
vang động và vang dội, như những cái nhảy vọt, những tia chớp, giống như
các kỵ binh và chiến xa mà ông mô tả'.
Nếu có ai cho rằng giọng điệu của ông có vẻ đầy hằn thù thì phải nhớ rằng
trước giả, một nhà ái quốc người Do Thái, đã viết sách này sau nhiều năm bị
áp bức tàn bạo không gì sánh kịp. Các tượng chạm A-sy-ri cho thấy cảnh hãi
hùng của một cuộc vây thành, là phần minh họa sâu sắc cho hai chương
NaNk 2:1-3:19.
Tuy nhiên, ẩn phía sau mọi điều đó là lòng kiên trì nhẫn nhục và thiện hảo
của Đức Chúa Trời đối cùng kẻ tin cậy Ngài, là bối cảnh cần thiết phải có để
chúng ta thấy rõ sự phán xét và báo thù cuối cùng của Ngài.
LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
Đối chiếu các lời tiên tri liên hệ đến A-sy-ri theo thứ tự sau đây: Ê-sai 10:24-
11:11, Giô-na, Na-hum và Sô-phô-ni (2:13).
SÁCH HA-BA-CÚC
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Nguồn gốc tên này vẫn còn là nghi vấn, và nó có thể có nghĩa là 'người được
ôm choàng'. Trước giả nói tiên tri trong xứ Giu-đa vào thời đại trị vì của
Giê-hô-gia-kim (608-597 TC), và là một người đồng thời với Giê-rê-mi.
Cách sắp xếp bài Thi Thiên trong chương 3 thành một bài hát lễ khiến một
số người nghĩ rằng ông là một người Lê-vi, và là thành viên trong ca đoàn
của đền thờ.
Niên đại có thể định vào thời gian cuối cùng của thế kỷ 7 TC, vì những câu
đề cập người Canh-đê trong sách. Có nhiều nhà phê bình nghi ngờ tính cách
chân thật của HaKb 2:9-20, và của chương 3:1-19 nhưng vì thiếu lý do đầy
đủ, nên các học giả có tiếng đều thừa nhận tính cách thống nhất của cả
quyển sách. Những lời chúc dữ trong 2:9-20 đã nối tiếp phần đi trước thật tự
nhiên, và lời cầu nguyện trong chương chót rõ ràng là đã không do cùng các
biến cố như phần còn lại của sách tiên tri này mà ra.
PHÂN TÍCH
HaKb 1:1-4.
Tội ác của Y-sơ-ra-ên.
HaKb 1:5-2:4.
Người Canh-đê kéo quân đến.
HaKb 2:5-20.
Tội lỗi và sự phán xét người ngoại đạo.
HaKb 3:1-19.
Một lời cầu nguyện bởi đức tin.
NỘI DUNG
Tuy chính tội lỗi của Giu-đa gây ấn tượng trên Ha-ba-cúc (1:1-4), ông còn
xúc động nhiều hơn vì cớ sự gian ác của người ngoại. Cũng như Na-hum,
chẳng những ông dạy về lòng khoan dung và kiên trì nhẫn nhục của Đức
Chúa Trời, mà còn nói về sự phán xét không tránh được của Ngài. Có người
đã bảo rằng Ha-ba-cúc cũng tỏ ra bối rối về cách Đức Chúa Trời đối xử với
các dân các nước, y như Gióp từng bối rối về chính các cơn hoạn nạn của
riêng ông vậy.
Có một số các khúc sách nổi bật hẳn lên: 2:4 (so sánh RoRm 1:17; GaGl
3:11; HeDt 10:38), đã được Luther vận dụng với tất cả sức mạnh trong giáo
lý về sự xưng công bình của ông; 2:3 (so sánh HeDt 10:37 khi được ứng
dụng cho sự tái lâm), và HaKb 3:1-19, một Thi Thiên diệu kỳ cho đức tin
trong vẻ oai nghiêm của Đức Chúa Trời. Chỉ duy có nhà tiên tri chân chính
mới có thể viết nổi những lời lẽ mà tự chúng có thể chứng minh được là một
mạc khải cho mọi thời đại (xem các câu 3:3,17,19).
Những câu trích trong 3:3-16 từ các sách sớm hơn của Cựu Ước (Cac Tl
5:4,5; Thi Tv 18:1-50; 48:1-14; PhuDnl 33:1-29;) đáng được chú ý, liên hệ
đến niên đại khi các sách ấy được soạn thảo.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Nghiên cứu 2:4; và 3:17-19; trong mối liên hệ với các câu trích dẫn trên
đây của Tân Ước, và các thí dụ về đức tin trong HeDt 11:1-40.
2. Khảo xét tinh thần chủ thắng của đức tin chỉ có trong một mình Đức Chúa
Trời mà thôi như được nhận thấy trong 3:17-19, và đối chiếu khúc sách đó
với các khúc sách tương tự trong PhuDnl 33:1-29; Thi Tv 18:1; 27:1-14, và
trong Tân ước.
SÁCH SÔ-PHÔ-NI
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Sô-phô-ni có nghĩa là 'Người được Đức Giê-hô-va giấu kín hay bảo vệ'. Tên
Ê-xê-chia trong bản gia phổ của ông đã được nhiều người cho là vua Ê-xê-
chia. Chi tiết này chiếu thêm nhiều ánh sáng cho sách tiểu tiên tri này. Sô-
phô-ni có lẽ là người đồng thời với Giô-si-a, có thể đã hết sức quan tâm đến
công cuộc cải cách của vua ấy (IISu 2Sb 34:3-7), cũng là người đồng thời
với Giê-rê-mi và Na-hum.
Phần ghi chú ở đầu sách đặt nó vào thời trị vì của Giô-si-a (637-608 TC), và
nhiều học giả cho là nó có trước công cuộc cải cách của Giô-si-a năm 621
TC. Việc ám chỉ kẻ thù đang đến gần có lẽ chỉ vào dân Sy-the, đã xâm lăng
miền cực Tây Châu Á vào khoảng thời gian đó (theo Herodotus). Vậy sách
tiên tri này có thể được định niên đại giữa 626-621 TC.
PHÂN TÍCH
SoXp 1:1-18.
Ngày của Đức Giê-hô-va, sự phán xét tội lỗi.
2:1-3:7.
Lời kêu gọi các dân các nước và Giê-ru-sa-lem, hãy ăn năn.
3:8-20.
Lời kêu gọi hãy vui mừng về việc được phục hồi địa vị, và hãy chờ đợi sự
cứu rỗi.
NỘI DUNG
Phi-li-tin, Mô-áp, Am-môn, Ê-thi-ô-bi, A-sy-ri và Giu-đa,tất cả đều được
cảnh cáo về sự phán xét của Đức Chúa Trời đang chờ đợi vì cớ tội lỗi của
các vua ấy, nhưng nhất là Giu-đa, đã được cảnh cáo cách riêng trong chương
1. Sô-phô-ni tả vẽ cảnh kinh hoàng của ngày thạnh nộ cuối cùng, cũng sống
động như bất kỳ một trước giả nào khác trong Cựu Ước. Ngôn ngữ của ông
đã gợi ý cho việc sáng tác bài thánh ca lừng danh của thời Trung cổ có nhan
đề là Dies Irae. Sự tương phản rõ ràng về bút pháp được thấy trong đoạn
cuối cùng (xem 3:16,17;) mô tả các phướchạnh của một Giê-ru-sa-lem được
phục hồi.
Những lời quở trách của Sô-phô-ni sẽ được hiểu sắu sắc hơn nếu được đọc
trên bối cảnh là cuộc cải cách của Giô-si-a. Bản tính nhân loại luôn luôn
giống nhau; thái độ lạnh nhạt và xa lìa Đức Chúa Trời vẫn còn bị kết án. Tuy
nhiên, khác với Giê-rê-mi, nhà tiên tri đã không hề thiết tha liên hệ cho công
cuộc cải cách. Trái lại ông tìm cách khuấy động tình trạng đời sống thuộc
linh tê liệt và đạo đức suy đồi của đồng bào ông bằng cách nhấn mạnh đến
ngày của Đức Giê-hô-va. Đây là một chủ đề đã được nhận thấy là tương
đồng với chủ đề của Tân Ước (so sánh 1:15,16 với RoRm 2:5; KhKh 6:17).
CÁC ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU
1. 'Ngày của Đức Giê-hô-va gần rồi' (EsIs 13:6; Gio Ge 1:15; SoXp 1:7; Mat
Mt 3:2; IITe 2Tx 2:2; KhKh 1:3). Chú ý xem điệp khúc ấy đã chạy xuyên
suốt Kinh Thánh như thế nào, và nghiên cứu ý nghĩa của nó.
2. Đối chiếu các lời tiên tri của Sô-phô-ni và Ma-la-chi theo phương diện
chúng đã kết hợp lời cảnh cáo với phước hạnh.
SÁCH A-GHÊ
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Ngoại trừ tên A-ghê (có nghĩa là 'lễ tiệc' hay 'lễ của Đức Giê-hô-va'), chúng
ta không được biết gì thêm về tiểu sử cá nhân của trước giả; truyền khẩu kể
rằng ông sinh tại Ba-by-lôn và hồi hương cùng với Xô-rô-ba-bên. Tính cách
chân thật của quyển sách được xác nhận bởi câu đề cập trong Exo Er 5:1;
6:14; về A-ghê và nhân vật đồng thời với ông là Xa-cha-ri, trong những
hoàn cảnh phù hợp chặt chẽ với điều đã được mô tả trong hai sách tiên tri
này. Trong bộ Bảy Mươi các Thi Tv 137:1-9; 144:1-148:14 đã được kết hợp
với A-ghê và Xa-cha-ri.
Nhà tiên tri có đưa ra niên đại chính xác cho bốn cơ hội ông lên tiếng (xem
AgKg 1:1; 2:1; 10,20). Đa-ri-út trị vì từ năm 521-486 TC. Do đó, các lời tiên
tri của A-ghê đã được rao truyền trong những tháng tương ứng với tháng
9,10 và 12 dương lịch của chúng ta, năm 520 TC.
Cần đọc sách E-xơ-ra, nhất là các chương 5 và 6, để làm bối cảnh lịch sử
cho chức vụ và các bức thông điệp mà Đức Chúa Trời đã ban cho A-ghê.
Nhờ một chiếu chỉ của Si-ru năm 537 TC, những người Do Thái hồi hương
đã về đến Giê-ru-sa-lem, với quyết định dứt khoát sẽ xây lại đền thờ (Exo Er
1:1-11). Công tác đã bắt đầu ngay sau khi họ trở về nhưng những lần gián
đoạn tiếp theo đó đã khiến nó bị đình trệ. Dân Do thái chẳng còn quan tâm
đến nhà Chúa nữa, nhưng lại khá bận rộn lo xây cất và trang hoàng nhà
riêng. Sau khi Đa-ri-út lên ngôi, A-ghê và Xa-cha-ri đã đến như các sứ giả
của Đức Chúa Trời nhằm kích thích dân sự hãy bắt tay trở lại để xây dựng
đền thờ Ngài.
PHÂN TÍCH
AgKg 1:1-11.
Lời tiên tri thứ nhất. Quở trách vì để cho nhà Đức Giê-hô-va đổ nát. Đất bị
hạn hán là sự trừng phạt trực tiếp việc họ bỏ bê không tôn vinh Đức Giê-hô-
va.
AgKg 1:12-15.
Xô-rô-ba-bên và Giê-hô-sua bắt đầu công tác và kết quả là được Đức Chúa
Trời bảo đảm sẽ ban ơn cho.
AgKg 2:1-9.
Lời tiên tri thứ hai. Lời khích lệ số người đang xây dựng đã ngày càng ngã
lòng. Nguồn ơn phước của Đức Chúa Trời dự trữ cho người thuộc về Ngài là
vô hạn. Các chủ đích của Ngài cho việc xây dựng một đền thờ càng vinh
quang hơn và rộng khắp thế gian.
AgKg 2:10-19.
Lời tiên tri thứ ba. Tánh ích kỷ làm ô uế, nhưng phước hạnh sẽ bắt đầu ngay
từ ngày đặt móng cho nhà của Đức Giê-hô-va.
AgKg 2:20-23.
Lời tiên tri thứ tư. Người đầy tớ được chọn của Đức Giê-hô-va là Xô-rô-ba-
bên, một biểu tượng cho Đấng Mết-si-a, được hứa ban cho một thời trị vì ổn
định, khi các vương quốc thế gian đều bị lật đổ.
NỘI DUNG
A-ghê không đưa ra lời tố giác việc thờ hình tượng và quở trách các tội ác về
mặt đạo đức và xã hội như phần đông các tiên tri khác. Chủ đề chính của
ông là việc xây cất lại đền thờ. Thái độ của dân Do Thái đối với công tác
này phản ảnh lòng họ đối với Đức Giê-hô-va. Do đó, nhà tiên tri được Thánh
Linh cảm thúc, đã nhấn mạnh rằng phước hạnh mà Đức Chúa Trời sẽ giáng
trên xứ sở và công lao khổ nhọc của họ lệ thuộc vào mức độ họ quan tâm đối
với danh Ngài được tỏ ra trong việc bắt tay dựng lên và trang bị cho đền thờ.
Ngôi đền thờ trên đất đó sẽ được tôn vinh bằng sự hiện diện nhập thể của
Đấng Mết-si-a, người mà đến ngày cuối cùng của Đức Giê-hô-va, khi mọi
vật chất đều bị rúng động và mọi thế lực trần gian đều bị lật đổ, sẽ bảo đảm
sự tồn tại và cứu rỗi cho những ai đã tìm cầu vinh quang của Đức Chúa Trời
bằng cách đích thân quan tâm đến Ngài. Đó là hy vọng cuối cùng để có thể
được tồn tại. Như thế, A-ghê kết hợp chân lý về đời sống trong các hoàn
cảnh cận tiếp với các sự kiện trọng đại hơn khi mọi sự đều đi đến chỗ kết
thúc là bị tiêu hủy trong ngày của Đức Giê-hô-va.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Sự thịnh vượng của những người được Đức Chúa Trời dựng nên lệ thuộc
đến mức độ nào vào việc họ tôn vinh Ngài? Xem Mat Mt 6:33; Cong Cv
3:6; Phi Pl 4:11 và tt.
2. Sách này dạy gì về tỉ lệ thì giờ và tiền bạc mà Cơ Đốc nhân phải dành cho
công việc Nước Trời, nghĩa là cho các chi hội và công cuộc truyền giáo, so
với phần dành cho các nhu cầu cá nhân và sự xa xỉ? Xem IICo 2Cr 9:6-15.
3. Đối chiếu AgKg 2:6,7,22,23 với HeDt 12:26. Các vật thọ tạo và các nước
thế gian đều có một giá trị nào đó. Chúng có địa vị như thế nào trong đời
sống Cơ Đốc nhân?
SÁCH XA-CHA-RI
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Xa-cha-ri ('người Đức Giê-hô-va nhớ'), là con trai Ba-ra-chi và cháu nội Y-
đô (Exo Er 5:1 và 6:1 gọi là 'con trai Y-đô' tức là vượt một thế hệ) là người
đồng thời với A-ghê. Có lẽ ông đã cũng trở về Giê-ru-sa-lem với đoàn người
bị lưu đày được phóng thích đầu tiên, trong số đó, ông nội ông là Y-đô đứng
đầu một trong mười hai ban thầy tế lễ (NeNe 12:4). Về sau, Xa-cha-ri thừa
kế ông nội mình chức vụ thầy tế lễ này (NeNe 12:16), do đó, chúng ta có thể
suy luận rằng ông còn rất trẻ khi bắt đầu nói tiên tri vào những năm đầu tiên
sau khi được hồi hương (XaDr 2:4 so sánh ISa1Sm 17:33).
Nhiều nhà phê bình hiện đại gán chương chót của sách này cho một trước
giả vô danh, bằng cách nêu lên phần nội chứng, cho rằng: (1) các hoàn cảnh
trong đó không phải là hoàn cảnh vào thời của Xa-cha-ri; (2) bút pháp khác
với bút pháp của trước giả đã viết các chương XaDr 1:1-8:23. Các luận cứ
ấy đã bị bác bỏ vì các sự kiện sau đây:
1. Căn cứ vào phần nội chứng thì không thể gán các chương ấy cho một giai
đoạn đặc biệt nào khác cả. Ngay chính các nhà phê bình ấy hầu như cũng
không đồng ý với nhau về niên đại tiền lưu đày và một niên đại muộn hơn
thời Xa-cha-ri nhiều, nhưng các lời tiên tri vốn rất phù hợp với thời của Xa-
cha-ri.
2. Bút pháp khác nhau với các chương đầu có thể là do có thay đổi đề tài, và
do thời gian cách xa nhau trong đời sống trước giả. Dầu vậy người ta vẫn có
thể đối chiếu để vạch ra mối liên hệ về bút pháp giữa hai phần của quyển
sách. Tất cả mười bốn chương đều rất có thể toàn là tác phẩm của Xa-cha-ri.
Lời tiên tri được ghi lại trước nhất của Xa-cha-ri được ông tuyên rao hai
tháng sau lời tiên tri đầu tiên của AgKg 1:1 ba tháng sau đó là lời tiên tri thứ
hai của ông (1:7) và hai năm sau nữa mới tới lời tiên tri thứ ba (7:1). Do đó,
chúng bao trùm một giai đoạn giữa tháng 11 dl 520 TC đến tháng 12 dl 518
TC. Các hoàn cảnh của những lời tiên tri sớm đó tương ứng với các hoàn
cảnh của sách A-ghê, khi sự hăng hái buổi đầu tiên của dân sự lúc mới từ
cuộc lưu đày trở về mười bảy năm trước đó đã bị thay thế bằng thái độ lạnh
lùng và chểnh mảng. Các chương 9:1-14:21 có lẽ đã được tuyên rao nhiều
năm về sau, khi Xa-cha-ri đã cao tuổi, nhưng chúng ta không được biết cụ
thể là trong những hoàn cảnh nào.
PHÂN TÍCH
XaDr 1:1-6.
Vào đề và lời kêu gọi ăn năn.
XaDr 1:7-6:15.
Tám khải tượng, kết thúc bằng một hành động biểu tượng.
XaDr 1:7-17.
Vị thiên sứ giữa những cây sim.
XaDr 1:18-21.
Bốn cái sừng và những người thợ rèn.
XaDr 2:1-13.
Người cầm dây đo.
XaDr 3:1-10.
Giê-hô-sua được bênh vực trước mặt Sa-tan. CHỒI MỐNG.
XaDr 4:1-14.
Chơn đèn và hai cây ô-li-ve.
XaDr 5:1-4.
Cuốn sách bay, sự phán xét kẻ ác.
XaDr 5:5-11.
Cái ê-pha, tội lỗi được cất đi.
XaDr 6:1-8.
Bốn cỗ xe.
XaDr 6:9-15.
Hành động biểu tượng; lễ đăng quang của Giê-hô-sua, tiêu biểu sự trị vì của
Đấng Mết-si-a.
XaDr 7-8:23.
Câu trả lời liên hệ đến những ngày kiêng ăn để kỷ niệm. Một lời kêu gọi hãy
sống công chính và nhiệt thành, tiếp theo là một lời hứa phục hồi địa vị cho
Giê-ru-sa-lem và sự hưng vượng cho xứ.
XaDr 9:1-14:21.
Các lời tiên tri về những ngày cuối cùng. Sự giáng lâm của Nhà Vua sẽ giải
phóng dân mình khỏi người ngoại bang áp bức họ, 9. Việc lật đổ hình tượng
và những kẻ chăn giả dối; dân Y-sơ-ra-ên được tăng cường sức lực, 10.
Người chăn thật bị chối bỏ và kẻ chăn giả được thắng hơn, 11. Giê-ru-sa-lem
được giải cứu. Nhà Đa-vít than khóc tội lỗi mình, 12. Suối tẩy sạch, 13.
Người chăn bị đánh và bầy chiên bị tan lạc. 14. Việc thiết lập Nước Trời do
sự giáng lâm của Đấng Mết-si-a và chiến thắng sau cùng của Ngài.
NỘI DUNG
Các hoàn cảnh tạo cơ hội cho những lời tiên tri đầu tiên của cả A-ghê lẫn
Xa-cha-ri vốn giống nhau, nhưng Đức Thánh Linh đã hướng dẫn để mỗi vị
nói về chủ đề khác nhau. A-ghê hầu như quan tâm trọn vẹn về việc xây lại
đền thờ và tái lập tất cả những gì ngôi đền thờ hữu hình vốn là biểu tượng;
còn Xa-cha-ri thì nhìn thấy sự kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên trong bối cảnh là thế
giới này, và nói lên những lời tiên tri về Đấng Mết-si-a cách có quyền năng
và hết sức rõ ràng. Qua trung gian là các khải tượng và bằng tiếng gọi trực
tiếp, ông truyền ra lời Đức Chúa Trời kêu gọi họ ăn năn tội, những tội lỗi sẽ
khiến Đức Giê-hô-va giáng cơn đoán phạt trên tuyển dân Ngài; những lời
hứa của Ngài sẽ giải phóng họ khỏi các dân các nước đang hà hiếp họ; và sự
giáng lâm của Nhà Vua Mết-si-a sẽ phục hồi địa vị, thánh hóa và dùng họ
làm trung gian để cứu chuộc các dân ngoại và thành lập vương quốc của
Ngài trên đất trong những ngày cuối cùng. Ngoài Ê-sai ra, Xa-cha-ri đã được
các trước giả Tân Ước trích dẫn nhiều hơn bất cứ trước giả nào khác, những
lời tiên tri hết sức rõ ràng và thường xuyên của ông liên hệ đến Đấng Christ
và Hội Thánh Ngài, tức là dân Y-sơ-ra-ên do đức tin. Ông tả vẽ chi tiết
những nỗi thống khổ và vinh quang của Đấng Mết-si-a trong hành động cứu
chuộc của Ngài, cả khi Ngài giáng lâm lần đầu lẫn lúc Ngài tái lâm trên đất
vào ngày cuối cùng của Đức Giê-hô-va. Luther gọi sách này là 'tinh túy của
các sách tiên tri'.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Tìm chi tiết địa vị của dân Y-sơ-ra-ên giữa các dân các nước. Điều đó
được ứng dụng đến mức độ nào cho Hội Thánh của Đấng Christ, và cho dân
Do Thái với tư cách một dân tộc.
2. Dùng Thánh Kinh Phù Dẫn, tìm âm vang của sách này trong Khải Huyền.
3. Sưu tập tất cả những lời tiên tri về Đấng Mết-si-a và những câu trích dẫn
việc các lời tiên tri ấy đã được ứng nghiệm trong các sách Phúc Âm.
SÁCH MA-LA-CHI
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH.
Ma-la-chi có nghĩa là 'sứ giả ta'. Các nhà chú giải Kinh Thánh đã không dám
chắc chắn đây là tên của chính nhà tiên tri, hay một nhan đề có mục đích mô
tả, định nghĩa nhiệm vụ của một trước giả khuyết danh (MaMl 3:1). Tất cả
mười một nhà tiểu tiên tri đều tự giới thiệu tên mình, nên rất có thể trước giả
này cũng noi theo truyền thống đó, nên Ma-la-chi có thể là tên một người.
Không ai biết gì về ông, nhưng các nhà giải kinh đều đồng ý về tính chân
thực và sự thống nhất của cả quyển sách.
Giờ đây, đền thờ đã được xây lại, vì các sinh tế đã được đem đến (1:7,10;
3:1). Dưới chế độ của người Ba-tư, có một quan tổng đốc cai trị trên dân Do
Thái, và quan tổng đốc này có thể là Nê-hê-mi; so sánh 1:8 với NeNe
5:14,15. Ma-la-chi tố giác cùng những điều ác vốn thịnh hành như trong thời
của Nê-hê-mi (so sánh 3:8-10 với NeNe 13:10-12; 2:10-16 với NeNe 13:23-
28; 2:8 với NeNe 13:29). Do đó, các lời tiên tri này có lẽ đã được tuyên rao
trong lúc Nê-hê-mi đang ở tại Su-sơ, vào khoảng các năm 433-432 TC. Ma-
la-chi là nhà tiên tri cuối cùng của Cựu Ước.
PHÂN TÍCH
MaMl 1:1-5.
Tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với dân Ngài và sự loại bỏ Ê-đôm.
MaMl 1:6-2:9.
Các thầy tế lễ bị quở trách vì các sinh tế đáng chê trách của họ; sự không
thành thật và chểnh mảng đối với giao ước.
MaMl 2:10-17.
Chống lại sự kết hôn với kẻ vô đạo.
MaMl 3:1-12.
Sự giáng lâm của Chúa nhập thể để tinh luyện và phán xét, để quở trách và
ban phước.
MaMl 3:13-4:1.
Ngày phán xét hầu đến; quyển sách để ghi nhớ.
MaMl 4:2-6.
'Mặt Trời Công Bình' mà 'Ê-li' cao rao.
NỘI DUNG
Bất chấp ân huệ mà Đức Chúa Trời đã tỏ ra với dân sự Ngài, danh Đức Chúa
Trời vẫn bị khinh dể, các thầy tế lễ cũng như dân chúng đều ăn cắp những gì
đáng lẽ phải thuộc về Ngài; họ chỉ giữ phần hình thức của tôn giáo mà luật
pháp Môi-se đã qui định, nhưng khiến cho các sinh tế và sự phụng vụ trong
đền thờ bị xem nhẹ, làm ô uế những điều thánh khiết trong sinh hoạt gia
đình. Ma-la-chi kêu gọi phải chân thật trong việc phụng vụ Đức Chúa Trời
và sống một cuộc đời thánh khiết; ông tiên báo Đức Chúa Trời sẽ dấy lên từ
người ngoại bang những kẻ sẽ 'lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Ngài'
(so sánh GiGa 4:21-24).
Theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, tác giả sách cuối cùng của Cựu
Ước này, đã kết hợp khéo léo toàn thể sự mạc khải của cả Tân Ước bằng
việc kêu gọi toàn dân hãy tuân thủ luật pháp đời đời, do Môi-se ban bố
(MaMl 4:4) và truyền rao lời của các nhà tiên tri (do Ê-li đại diện, 4:5), ông
cũng tiên báo Đấng Mết-si-a sắp đến để phán xét dân Ngài theo tiêu chuẩn
luật pháp Ngài, đồng thời cứu rỗi và thanh tẩy những ai biết kính sợ Đức
Giê-hô-va. Tân Ước bắt đầu ở chỗ Cựu Ước chấm dứt. Sứ giả của Đức Chúa
Trời là Giăng Báp-tít xuất hiện (Mat Mt 3:1; Mac Mc 1:2; LuLc 1:76); ánh
sáng thật đang lóe lên và đem sự chữa lành cho thế gian (4:2; GiGa 8:2;
9:5); và trên Núi Hóa Hình, người ta được nhìn thấy Môi-se và Ê-li làm
chứng cho sự ứng nghiệm của Cựu Ước trên thập tự giá tại đồi Gô-gô-tha
(MaMl 4:4,5; LuLc 9:30,31).
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Nghiên cứu các lãnh vực khác nhau của tác phong, trong đó điều loài
người rêu rao tương phản với những gì Đức Chúa Trời đòi hỏi ('...Đức Giê-
hô-va phán... nhưng các ngươi nói...') và đối chiếu chúng với những nét
chính yếu của sinh hoạt xã hội hiện đại, cả về phương diện tôn giáo lẫn thế
tục.
2. Ứng dụng sự dạy dỗ của Ma-la-chi về các của lễ đối chiếu với 'của lễ
sống' trong sinh hoạt Cơ Đốc nhân. RoRm 12:1,2.
3. Nghiên cứu những việc trong Tân Ước làm ứng nghiệm các lời tiên tri về
Đấng Mết-si-a trong sách này, so sánh 3:1 với Mat Mt 11:10...

HI VỌNG VỀ ĐẤNG MẾT-SI-A


Từ ngữ 'Đấng Mết-si-a' (Messiah) của Cựu Ước chỉ là viết lại cách đơn giản
nguyên văn Hy-bá-lai chữ Mashiach, có nghĩa là 'người được xức dầu'. Cả
bộ Bảy Mươi lẫn bộ Tân Ước Hi văn đều dịch chữ ấy bằng từ ngữ Christos,
có cùng một ý nghĩa. Trong Cựu Ước, từ ngữ ấy thường được dịch là 'người
được xức dầu', chẳng hạn như ' kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va' trong
CaAc 4:20 'người được Đức Giê-hô-va xức dầu', trong I và IISa-mu-ên;
'Đấng chịu xức dầu của ta' (ISa1Sm 2:35); 'Đấng chịu xức dầu của mình'
(HaKb 3:13); 'Đấng chịu xức dầu của Ngài' (Thi Tv 2:2). Những từ ngữ ấy
đúng lý ra đã có thể được dịch là 'Đấng Mết-si-a của Đức Giê-hô-va', 'Đấng
Mết-si-a của Ngài', 'Đấng Mết-si-a ta'... Các bản dịch Tân Ước của chúng ta
thích dùng từ ngữ Hy Lạp là 'Christ' hơn 'Đấng chịu xức dầu', do đó, từ ngữ
ấy đã trở thành một danh từ riêng áp dụng cho Đấng vốn là Đức Chúa Trời
nhưng đã trở thành người, làm ứng nghiệm trọn vẹn cho ý nghĩa ấy. Đời
xưa, 'Đấng Mết-si-a' thích ứng với bất cứ ai được đặc biệt dành riêng cho
một chức vụ nào đó, và để tỏ ra bằng biểu tượng ấn chứng cho việc ấy,
người đó được xức bằng dầu thánh. Việc ấy đã được thi hành đối với các tộc
trưởng (Thi Tv 105:15), với Si-ru (EsIs 45:1), với thầy tế lễ thượng phẩm
trong dân Y-sơ-ra-ên (LeLv 4:3,5,16), cho nhà vua được xức dầu (DaDn
9:25), và trên hết, là cho nhà vua cao cả nhất trong cả lịch sử dân Hê-bơ-rơ,
là 'Đấng chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va' hay 'Đấng chịu xức dầu của Đức
Chúa Trời của Gia-cốp', chỉ đặc biệt vào dòng dõi Đa-vít.
CÁC ĐẶC TÍNH TỔNG QUÁT
Hy vọng về Đấng Mết-si-a phát sinh rất sớm trong câu chuyện kể lại về loài
người, được trình bày trong cả Cựu Ước như một điều hoàn toàn bắt nguồn
từ Đức Chúa Trời. Niềm hy vọng ấy đã được ban cho loài người. Từ đó,
những câu Cựu Ước đề cập về Đấng Mết-si-a trình bày một lãnh vực vô
cùng rộng lớn về hành vi cứu chuộc thiên thượng của Đức Chúa Trời. Cho
dù 'người được xức dầu' là ai, một 'hậu duệ' của loài người, một vị tộc
trưởng, một nhà tiên tri, một thầy tế lễ, một nhà vua, người ấy đều là đại
diện của Đức Chúa Trời là Đấng Cứu Chuộc. Hy vọng ấy cho toàn thể dân
tộc càng được củng cố thêm khi sự mạc khải càng xác định hơn, hướng dẫn
cho các ước vọng của các thời đại tập trung vào một con người duy nhất.
Tuy đã từ lâu, danh Đấng Mết-si-a không thuộc độc quyền của Nhà Vua
phải đến - vì như chúng ta đã thấy, danh từ ấy được ứng dụng cho Si-ru,
người giải phóng dân Y-sơ-ra-ên khỏi cuộc lưu đày - điều chắc chắn là trước
kỷ nguyên Cơ đốc giáo từ ngữ ấy rõ ràng được kết hợp với 'con cháu vua
Đa-vít', và dân Do Thái vẫn chờ đợi sự giáng lâm của một Đấng Mết-si-a
xuất chúng và thuộc hoàng tộc (LuLc 2:26; GiGa 4:25).
Giờ đây, chúng ta đang ở một vị trí để lần theo sợi chỉ vàng của sự mạc khải
và truy cứu từ chính Chúa Giê-xu trở lui về lần đầu tiên có việc ám chỉ một
Đấng Cứu Chuộc của Đức Chúa Trời. Chúng ta đang có trong tay chiếc chìa
khóa nhờ đó mở được các huyền nhiệm của sự mạc khải. Những câu đề cập
khác nhau của Tân Ước về sự giải phóng của Đấng Mết-si-a giờ đây có thể
được giải thích trong ánh sáng của phần kết cuộc, và người ta có thể gọi tên
và giải nghĩa về hột giống ngay khi đóa hoa xuất hiện. Đây là một điểm cần
chú ý vì nó cung ứng cho chúng ta một nguyên tắc thuần chánh để giải kinh,
tức là chúng ta sẽ không căn cứ vào một câu trích dẫn duy nhất nào cả để
suy diễn, nhưng là liên hệ vào những bối cảnh lịch sử của lời tiên tri. Niềm
hy vọng về Đấng Mết-si-a diễn tiến hướng về một mục tiêu, sự kết thúc hiện
hữu của thế gian, sự đến của Nước Trời, và của Đấng Mết-si-a. Tóm lại, hy
vọng về Đấng Mết-si-a có một nền tảng rộng lớn, có tính cách tiệm tiến và
xuyên suốt lịch sử. Nó phát xuất từ Đức Chúa Trời chớ không phải do loài
người. Nó phát triển hướng về tuyệt đỉnh của chương trình cứu chuộc của
Đức Chúa Trời và thể hiện trong Đức Chúa Giê-xu Christ, là Đấng Mết-si-a
lý tưởng và đích thực, là Cứu Chúa của thế gian.
NƯỚC CỦA ĐẤNG MẾT-SI-A
Hy vọng về Đấng Mết-si-a thoạt đầu đã được kết hợp với việc phục hồi và
tái lập vương quốc Hê-bơ-rơ, một lý tưởng vượt hơn công trình của Sa-lô-
môn. Nó là niềm mong đợi của quốc gia chứ không phải chỉ có tính cách cá
nhân, và được tập trung vào việc sẽ được Đức Chúa Trời hiển hiện trọn vẹn
cho dân sự Ngài và sẽ thường xuyên ngự trị giữa vòng họ. Nó hướng về
'ngày của Đức Giê-hô-va', được xem như một kỷ nguyên trường cửu. Thật
vậy, nó có nghĩa là một thời đại hoàng kim mà dân Y-sơ-ra-ên đang vươn
tới, là vương quốc của một nhà vua chiến thắng, thời trị vì của Đấng Mết-si-
a. Các dấu hiệu của nó là sự phán xét và sự cứu rỗi. 'Ngày của Đức Giê-hô-
va' chẳng những chỉ đưa đến việc trừng phạt cân xứng đối với toàn thể các
kẻ thù của Đấng Mết-si-a, còn đem đến sự khen thưởng công bằng cho tất cả
những ai nhìn nhận Đấng chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va. Cám dỗ đối với
tuyển dân là chủ trương một quan điểm máy móc chớ không phải đạo đức về
vương quốc của Đấng Mết-si-a dường như nước ấy sẽ tự động đến, và chỉ
ban sự cứu rỗi cho riêng họ mà thôi. Đối với ý tưởng nông cạn và sai lệch
đó, nhà tiên tri đầu tiên trong các tiên tri viết sách đã lên tiếng báo động:
'Khốn thay cho các ngươi là kẻ trông mong 'ngày của Đức Giê-hô-va'. Ấy là
ngày tối tăm, không phải là ngày ánh sáng' (AmAm 5:18, 20). Trong khi hy
vọng về thời đại hoàng kim phải có một sự phán xét công bằng trừng phạt là
chắc chắn, thì viễn ảnh căn bản về nó được chuyển thành một niềm vui. Các
Thi Thiên về Đấng Mết-si-a (thí dụ Thi Tv 2:1-12; 16:1-11; 45:1-17; 72:1-
20; 93:1-; 96:1-13; 97:1-12; 98:1-9; 99:1-9; 110:1-7; 118:1-29;), gợi ý rõ
ràng về niềm hoan lạc, vì cớ đặc tính của Đức Chúa Trời đã được mạc khải
cho loài người là sứ mạng đầy khoan dung của Ngài đối với họ.
'Hãy hát cho Đức Giê-hô-va một bài ca mới, vì Ngài đã làm những sự lạ
lùng: Tay hữu và cánh tay thánh của Ngài đã giải cứu Ngài (bản Anh văn: đã
đem chiến thắng đến cho Ngài). Đức Giê-hô-va đã tỏ cho biết sự cứu rỗi
Ngài, và lộ ra sự công bình Ngài trước mặt các nước. Ngài đã nhớ lại sự
nhơn từ và sự thành tín Ngài đối cùng nhà Y-sơ-ra-ên, các đầu cùng đất đã
thấy sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời chúng tôi' (Thi Tv 98:1-3).
Sự báo trả khủng khiếp của Đức Chúa Trời đối với kẻ thù Ngài được thắp
sáng bằng ánh sáng và tình yêu.
'Vì ngày của Đức Giê-hô-va đã gần trên hết thảy các nước...Nhưng sẽ còn lại
những người trốn khỏi trên núi Si-ôn; núi ấy sẽ là thánh, và nhà Gia-cốp sẽ
được sản nghiệp mình' (ApOv 15:17).
Thời đại hay vương quốc của Đấng Mết-si-a theo quan điểm của nhiều nhà
tiên tri, sẽ là một kỷ nguyên mà xã hội sẽ hoàn toàn biến đổi, cả đến mặt đất
cũng trở thành môi trường xứng hợp:
'Nhiều dân tộc sẽ đến mà nói rằng: Hãy đến, chúng ta hãy lên núi Đức Giê-
hô-va, nơi nhà Đức Chúa Trời của Gia-cốp; Ngài sẽ dạy chúng ta về đường
lối Ngài, chúng ta sẽ đi trong các nẻo Ngài. Vì luật pháp sẽ ra từ Si-ôn, lời
Đức Chúa Trời sẽ ra từ Giê-ru-sa-lem. Ngài sẽ làm sự phán xét trong các
nước đoán định về nhiều dân. Bấy giờ, họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi cày, lấy giáo
rèn lưỡi liềm. Nước này chẳng có giá gươm lên nghịch cùng nước khác,
người ta chẳng còn tập sự chiến tranh' (EsIs 2:3,4).
Bằng các giọng điệu còn oai nghiêm hơn nữa, chúng ta có lời tiên tri đáng
ghi nhớ về Chồi Mống sẽ nứt ra từ gốc rễ Gie-sê, trong đó cả đến loài thú
cũng được hưởng phước hạnh nữa (EsIs 11:1-9).
VUA MẾT-SI-A
Quan niệm tổng quát về thời của Đấng Mết-si-a thoạt đầu đã lóe lên cho
tuyển dân trong khuôn khổ mạc khải của Đức Chúa Trời trước khi ý niệm về
Đấng Mết-si-a làm vua được đầy đủ. Nhưng nhà vua và vương quốc bất khả
phân ly trong diễn tiến lịch sử của niềm hy vọng ấy. Nhà vua là thiết yếu của
vương quốc. Ngài là nguyên động lực tối cao để nước ấy sẽ xuất hiện và
được thiết lập. Chỉ cần nhìn lui lại, chúng ta sẽ chứng minh được rằng hai ý
niệm ấy được gắn chặt vào nhau bất khả phân ly. Đấng Mết-si-a cũng còn
được mô tả như một Nhà Tiên Tri và Thầy Tế Lễ, nhưng phương diện đế
vương đã chiếu sáng cho hai chức vụ kia. Trong tư tưởng của dân Chúa, các
chức vụ ấy luôn luôn được kết hợp chặt chẽ và thường được kiêm nhiệm.
Môi-se báo trước sự xuất hiện của một nhà tiên tri giống như chính ông
trong PhuDnl 18:15-22 'Từ giữa anh em ngươi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời
ngươi sẽ lập lên một đấng tiên tri như ta; các ngươi khá nghe theo đấng ấy';
và trong Môi-se, cả hai chức vụ lãnh tụ dân sự và người phát ngôn của Đức
Chúa Trời đã luôn luôn đi đôi cũng như đối với Sa-mu-ên về sau. Khi ký
thuật lại bài giảng của Phi-e-rơ, Đa-vít được vị sử gia của Tân Ước xem như
một nhà tiên tri (Cong Cv 2:29-31). Bức chân dung của nhà vua Mết-si-a
được phác họa trong EsIs 11:1-10 như một nhân vật phú bẩm các ân tứ bởi
'Linh của Đức Giê-hô-va'.
Về chức vụ tư tế của vị vua đó cũng không phải là điều bất thường, vì ngay
cả bên ngoài phạm vi của dân Hê-bơ-rơ, nhà vua đời xưa cũng đến gần các
thế lực siêu nhiên để cầu thay cho dân chúng và thực thi phần nghi thức tế
lễ. Vì vậy, chức vụ tế lễ của Đấng Mết-si-a gồm luôn trong vương quyền của
Ngài. Thi Thiên 110 đã mô tả Nhà Vua làm chức tế lễ hết sức rõ ràng:
'Đức Giê-hô-va phán cùng Chúa tôi rằng: Hãy ngồi bên hữu ta, cho đến
chừng ta đặt kẻ thù nghịch ngươi làm bệ chơn cho ngươi...Đức Giê-hô-va đã
thề không hề đổi ý, rằng: Người là thầy tế lễ đời đời, theo ban Mên-chi-xê-
đéc'.
Nhà Vua Mết-si-a của Thi Tv 2:1-12 đã được tôn vương trong đền thờ: 'Dầu
vậy, ta đã lập vua ta, trên Si-ôn là núi thánh ta'. Câu kết luận hết sức thích
hợp, ấy là chức vụ tiên tri của Môi-se, chức vụ tư tế của A-rôn và ngôi của
Đa-vít, tất cả đều bao gồm trong ý niệm và lý tưởng về Đấng Mết-si-a. Đấng
chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va là Nhà Tiên Tri - Thầy Tế Lễ và Nhà Vua
trọn vẹn.
MÔ TẢ ĐẤNG MẾT-SI-A
Tập hợp các biểu tượng, hình ảnh và cách nói bóng khác nhau về Đấng Mết-
si-a là điều rất hay vì nhờ đó quan niệm về Ngài đã được truyền đạt cho
tuyển dân và niềm hy vọng về Đấng Mết-si-a được giữ cho sống mãi.
a) Em-ma-nu-ên
'Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai và đặt tên là Em-ma-
nu-ên' (EsIs 7:14). Trong khi từ ngữ Hy-bá-lai trong nguyên văn 'almah' có
nghĩa là một phụ nữ trẻ và không nhất thiết phải là một trinh nữ, thì bộ Bảy
Mươi Hi văn dịch là parthenos, là từ ngữ dứt khoát chỉ một trinh nữ. Dấu
hiệu này đã được ban cho nhà Đa-vít - tuy tai họa sẽ giáng trên ngôi vua,
nhưng sẽ có một nhân vật được dấy lên, là 'Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta'
(Em-ma-nu-ên). Cũng chính nhà tiên tri ấy đã mô tả hoàng nam này cặn kẽ
hơn như sau:
'Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta;
quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài, Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ Lùng, là
Đấng Mưu Luận, là Đức Chúa Trời Quyền Năng, là Cha Đời Đời, là Chúa
Bình An' (EsIs 9:6).
b) Người Đầy Tớ khốn khổ
Trong sách Ê-sai có một loạt 'Các bài thơ về Người Đầy Tớ', đạt đến tuyệt
đỉnh trong chương sách quen thuộc gọi là 'nỗi thống khổ vàng' trong EsIs
53:1-12 (EsIs 42:1-4; 49:1-6; 50:4-9; 52:13-53:12). Tất cả các bài thơ đó đều
ám chỉ trực tiếp tình hình lịch sử thời bấy giờ, nhưng ít có ai dám phủ nhận
rằng chúng đã ứng nghiệm trong đời sống, sự chết, và sự sống lại của Đức
Chúa Giê-xu Christ, rằng chúng chỉ về một Con Trai làm Đầy Tớ lý tưởng;
mà sự thương khó chịu thay đem lại sự chuộc tội cho dân Ngài. Thoạt tiên
khải tượng trong tâm trí nhà tiên tri dường như là hình ảnh của quốc gia Y-
sơ-ra-ên được nhân cách hóa và lý tưởng hóa (49:3), hoặc nhóm thiểu số dân
sót ở chốn lưu đày, được coi là 'dân tộc trong một dân tộc'; nhưng cuối cùng,
điều ông nhìn thấy là một gương mặt của một cá nhân (52:14) mà ngay đến
các rabi cũng phải đồng nhất hóa gương mặt ấy với Đấng Mết-si-a. Trọng
tâm của lời tiên tri này là tội lỗi loài người và tất cả các hậu quả ghê gớm đã
được chính Đức Chúa Trời đổ hết trên Đấng Được Xức Dầu. Đức Chúa Trời
đã kéo dài sự sống của Đấng Mết-si-a trên đất để dùng sự đau đớn của Đấng
ấy làm phương tiện để nhiều người được xưng công chính. Nội kiến
(insight) Cựu Ước ở đây giúp chúng ta hiểu thấu sâu sắc hơn huyền nhiệm
về sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời qua sự chết và sự sống lại của Đấng
Mết-si-a.
c) Chồi Mống (Nhánh Công Bình)
Đấng Mết-si-a cũng từng được giới thiệu là một Nhánh, một Chồi, nứt ra từ
gốc Đa-vít, tuy rằng dòng vua này đã sa xuống đến bậc thấp nhất của chiếc
thang lịch sử. Ý niệm về một sự đâm chồi siêu nhiên, và hy vọng về một sự
hồi sinh do phép lạ hàm ngụ trong từ ngữ Hy-bá-lai 'Nhánh' (tsemach, từ
một ngữ căn có nghĩa là 'đâm chồi, nảy lên').
'Trong những ngày ấy và kỳ đó, ta sẽ khiến nảy lên một nhánh của sự công
bình cho Đa-vít, Đấng ấy sẽ làm ra sự công bình chánh trực trong đất này'
(Gie Gr 33:15 so sánh EsIs 4:2; Gie Gr 23:5; XaDr 3:8; 6:12).
d) Con Người
Danh hiệu này được dùng trong Thi Tv 8:1-9 theo ý nghĩa thuần túy nhất
của loài người là việc tin cậy vào Đức Chúa Trời Toàn Năng. 'Loài người là
gì, mà Chúa nhớ đến? Con loài người là chi mà Chúa thăm viếng nó?'. Theo
nghĩa này, các từ ngữ ấy cũng đã được dùng trong sách Ê-xê-chi-ên để chỉ
chính nhà tiên tri. Trong DaDn 7:13,14 câu ấy lại được giải nghĩa khác. Ở
đây, danh hiệu ấy đã được nhìn nhận là ám chỉ Đấng Mết-si-a. Giọng điệu
của cả sách Đa-ni-ên là giọng văn thế mạt luận, và nó trở thành yếu tố quyết
định trong việc hình thành niềm vui về Đấng Mết-si-a của giai đoạn trước kỷ
nguyên Cơ Đốc. Dường như danh hiệu ấy vẫn chưa được thông dụng vào
thời Chúa chúng ta để mô tả Đấng Mết-si-a, vì rõ ràng là trong các sách
Phúc Âm, Chúa Giê-xu đã dùng danh từ 'Con Người' với tư cách một bức
màn che chớ không phải như một mạc khải cho địa vị Đấng Mết-si-a của
Ngài.
e) Con Trai Đa-vít
'Ta sẽ giảng ra mạng lịnh: Đức Giê-hô-va phán cùng ta rằng: Ngươi là Con
ta; ngày nay ta đã sanh ngươi' (Thi Tv 2:7) Thi Thiên thứ hai được nhìn
nhận là một Thi thiên có tính cách xác định nhất trong số những mạc khải về
Đấng Mết-si-a trong Cựu Ước. Nó trình bày Nhà Vua Thiên Thượng với
vương quốc phổ quát của Ngài: 'Hãy cầu ta, ta sẽ ban cho Con các ngoại
bang làm cơ nghiệp, và các đầu cùng đất làm của cải' (so sánh Cong Cv
2:25; 4:25; 13:33; HeDt 1:5; 5:5). Khải tượng về quyền tể trị vô giới hạn đã
được tập trung vào con trai Đa-vít từ lời tiên tri của Na-than (IISa 2Sm
7:12,13), và trở thành một niềm hy vọng sống về Đấng Mết-si-a tuy nó
không hề trở thành một thực tại lịch sử cho đến ngày Chúa Giê-xu sẽ trở
thành người kế tự lý tưởng sáng chói đó.
f) Ngôi sao và cây phủ việt (vương trượng)
'Tôi thấy người, nhưng chẳng phải ở gần; một ngôi sao hiện ra từ Gia-cốp,
một cây phủ việt trồi lên từ Y-sơ-ra-ên'.
Ba-la-am tuy hám lợi vật chất và tham lam bẩn thỉu, vẫn bị Linh của Đức
Chúa Trời thắng hơn khiến ông thốt ra lời tiên tri lừng danh này trước mặt
Ba-lác là kẻ đã thuê ông ta để nguyền rủa tuyển dân (Dan Ds 24:15-17). Cây
phủ việt là biểu tượng của vương quyền (xem Thi Tv 45:6 so sánh SaSt
49:10; AmAm 1:5,8). Cách nói bóng về ngôi sao trong bối cảnh này được
mở rộng cho tất cả những gì thuộc về chức vị vua. Vua Ba-by-lôn đã được
Ê-sai mô tả là một ngôi sao từ trời sa xuống (14:12). Như thế hình ảnh này
không phải là xa lạ khi nhà tiên kiến của Tân Ước giới thiệu Chúa Giê-xu
tuyên bố rằng 'Ta là Chồi và hậu tự của Đa-vít, là sao mai sáng chói' (KhKh
22:16). Các nhà giải kinh Do Thái xem câu nói của Ba-la-am có ý nghĩa ám
chỉ Đấng Mết-si-a, vì bản diễn ý tiếng A-ram dịch câu sau đây trong bản
Targum: 'Một Vua sẽ dấy lên từ cái sừng của Gia-cốp, và một Đấng Mết-si-a
sẽ được xức dầu từ nhà Y-sơ-ra-ên'. Không có cách nói bóng nào lại gợi ý về
hy vọng mạnh mẽ hơn là dùng hình ảnh của một ngôi sao đang mọc. Rất có
thể là các đạo sĩ từng theo sao đến Bết-lê-hem đều am hiểu lời tiên tri của
Ba-la-am.
g) Si-lô
'Cây phủ việt chẳng hề dời khỏi Giu-đa, kẻ lập pháp không dứt khỏi giữa
chơn nó, cho đến chừng Đấng Si-lô hiện tới' (SaSt 49:10).
Câu này rất khó hiểu, nhưng ý nghĩa ám chỉ Đấng Mết-si-a thì đã được thừa
nhận từ rất lâu rồi. Có nhiều quan điểm khác nhau về cách hiểu câu này:
1. Si-lô là một danh từ riêng và được thừa nhận là danh hiệu của Đấng Mết-
si-a tương đương với 'Chúa Bình An'. Từ ngữ này có liên hệ với từ ngữ Ba-
by-lôn: Shêlu, 'vua'.
2. Si-lô là địa danh, nơi Giô-suê dựng đền tạm, có nghĩa là 'cho đến chừng
người (Giu-đa) tới Si-lô', nghĩa là đến để nhận tước vị đặc biệt tại đó.
3. Si-lô có thể được xem là hai chữ (như trong các bản dịch cổ) và được dịch
là 'điều vốn là của người'. Rabi J.H.Hertz dịch câu này như sau: 'Cây phủ
việt sẽ chẳng hề dời khỏi Giu-đa, kẻ lập pháp cũng không bị dứt khỏi giữa
chân nó, cho đến chừng điều vốn thuộc về người sẽ đến', nghĩa là cho đến
khi người đến với dân mình, và tất cả các chi phái sẽ đầu phục quyền cai trị
của người.
Cho dù dịch thế nào đi nữa, từ ngữ này đều ám chỉ Đấng Mết-si-a, đó là điều
không ai chối cãi.
h) Tân lang là Vua
Xem Thi Tv 45:1-17. Bài ca mừng hôn lễ này ca ngợi hôn lễ của một nhà
vua Hê-bơ-rơ nào đó, có lẽ là Sa-lô-môn với công chúa Ai Cập. Bài Thi
Thiên này được mọi người nhìn nhận là ám chỉ Đấng Mết-si-a do ý nghĩa
sâu nhiệm của nó và được giải thích là hình dung hôn lễ thần bí của Nhà
Vua Mết-si-a với Hội Thánh, là Tân nương Ngài. Có một số câu được viết
bằng chữ vàng, vĩnh viễn ứng dụng cho Đấng được xức dầu của Đức Giê-
hô-va (xem các câu 45:2, 6, 7, 13, 14 so sánh Mat Mt 22:1-14; Eph Ep 5:32;
KhKh 19:6-9).
i) Đá góc nhà
'Này, ta đặt tại Si-ôn một hòn đá để làm nền, là đá đã thử nghiệm, là đá góc
quí báu, làm nền bền vững; ai tin sẽ chẳng gấp rút' (EsIs 28:16).
Thoạt tiên câu này có thể ám chỉ vương quốc của Đấng Mết-si-a là vững
chắc, không hề suy tàn, tương phản rõ rệt với các vương quốc của A-sy-ri và
Ai Cập, và có thể là với cả vương quốc Giu-đa nữa, vì đế quốc của Đa-vít
chỉ là cái bóng của vương quốc trường tồn của Đức Chúa Trời. Theo cách
giải nghĩa này, thì cách bàn mộng của Đa-ni-ên cho Nê-bu-cát-nết-sa có thể
được nhìn nhận là một xác định (DaDn 2:34-44). Nhưng một cách sống
động hơn, tảng đá này, tảng đá đã được thử nghiệm, tảng đá góc nhà quí báu
dùng làm nền vững chắc tiêu biểu cho chính Đấng Mết-si-a. Đây là một cách
khác nữa để giới thiệu con người và công tác của Ngài. Người ca sĩ Y-sơ-ra-
ên có giọng hát truyền cảm đã dùng cái biểu tượng ấy theo ý nghĩa đó.
'Hòn đá mà thợ xây loại ra, đã trở nên đá đầu góc nhà. Điều ấy là việc của
Đức Giê-hô-va; một sự lạ lùng trước mắt chúng tôi' (Thi Tv 118:22,23).
Trong ẩn dụ về Các Tá Điền Gian Ác, Chúa chúng ta đã lấy hình ảnh bóng
gió đó ứng dụng cho chính Ngài, trong việc Ngài bị dân Do Thái chối bỏ
(LuLc 20:17). Ý niệm ấy rất quen thuộc với Hội Thánh nguyên thủy, và sứ
đồ Phi-e-rơ không ngần ngại dùng nó để diễn tả không chút hàm hồ khi ông
viết về 'hòn đá mà bị thợ xây nhà loại ra, bèn trở nên đa góc nhà' (IPhi 1Pr
2:4-7).
j) Thiên sứ của Đức Giê-hô-va (Hy-bá-lai: mal'akh Yahweh)
Có một dòng mạc khải trong Cựu Ước, có thể được coi là phân biệt với phần
mạc khải về Đấng Mết-si-a đã chạy xuyên qua Cựu Ước để bày tỏ về Đức
Chúa Trời (SaSt 16:1-11; 18:1-50; 22:1-30; XuXh 3:1-22; Gios Gs 5:1-15;
Cac Tl 6:1-27). Người ta tin rằng 'vị thiên sứ bí mật đó của Đức Giê-hô-va'
là một người giống như Đức Giê-hô-va, nhưng lại cũng khác với Ngài. Tiến
sĩ Charles Hodge tóm tắt quan điểm đã được canh tân ấy như sau: 'Vị thiên
sứ ấy đã hiện ra với A-ga, Áp-ra-ham, Môi-se, Giô-suê, Ghê-đê-ôn và Ma-
nô-a, được gọi bằng Đức Giê-hô-va và được thờ phượng như Adonai
(Chúa), tự xưng bằng danh hiệu của Đức Chúa Trời, và thi hành quyền phép
của Đức Chúa Trời, là Đấng mà các tác giả Thi Thiên và các Tiên tri coi là
Con Đức Chúa Trời, là Chúa Bình An và là Đức Chúa Trời Quyền Năng, là
Đấng mà các vị đã nói tiên tri rằng sẽ được sinh ra bởi nữ đồng trinh và là
Đấng mà mọi đầu gối đều quì xuống và mọi lưỡi đều tôn vinh trên mọi vật
trên trời, dưới đất, và bên dưới đất, đó chẳng ai khác hơn là Đấng ngày nay
chúng ta thừa nhận và thờ phượng với tư cách Đức Chúa Trời và Cứu Chúa
chúng ta là Đức Chúa Giê-xu Christ' (Systematic Theology, Vol I, tr. 490).
CON NGƯỜI ĐẤNG MẾT-SI-A
Đến các giai đoạn cuối cùng, niềm hy vọng về Đấng Mết-si-a tập trung vào
một con người xác định. Mục tiêu là một Đấng Mết-si-a lý tưởng mà các nét
vẽ cứ ngày càng rõ rệt hơn, các đặc điểm cứ ngày càng nổi bật hơn trong tiến
trình mạc khải. Ta có thể vạch ra ba phương diện chính trong Cựu Ước nói
về con người của Đấng Mết-si-a.
a) Phương diện Đức Chúa Trời
Đấng Mết-si-a được truyền rao là Đức Giê-hô-va (EsIs 40:3 so sánh MaMl
4:5; Mat Mt 3:3; 11:10-14). Ngài là 'Đức Chúa Trời Quyền Năng' (EsIs 9:6-
7). Ngài là Em-ma-nu-ên (EsIs 7:14). Ngài là 'Con ' đời đời (Thi Tv 2:7 so
sánh Cong Cv 13:33; HeDt 1:5; LuLc 2:11). Ngài là 'Vua đời đời' (Thi Tv
45:1,6 so sánh HeDt 1:8). Ngài là 'Đấng Tạo Hóa Bất Biến' (Thi Tv 102:25-
27; HeDt 1:10-12). Ngài là 'Vua Thiên Đàng' (Thi Tv 110:1 so sánh Mat Mt
22:41-45). Ngài là 'Chúa từ trời xuống' (Thi Tv 68:18 so sánh Cong Cv 1:9;
Eph Ep 4:8).
b) Phương diện loài người
Trong phương diện này, cần thấy sự mạc khải đã tiến triển khởi đầu bao
quát, nhưng thu hẹp dần để chỉ vào một con người xác định. Không có một
mạc khải nào trong Cựu Ước mà diễn tiến đã xảy ra hết sức rõ ràng và dễ
nhận thấy như vậy.
Dòng dõi người nữ. 'Ta sẽ làm cho mày cùng người nữ, dòng dõi mày cùng
dòng dõi người nữ nghịch thù nhau'. Đây là câu nhấn mạnh đầu tiên về một
Đấng Giải Phóng và được mọi người gọi là câu 'báo trước về Phúc Âm'
(Protevangelium), (SaSt 3:15 so sánh Mat Mt 1:18; HeDt 2:14,15).
Dòng dõi Áp-ra-ham. Đức Giê-hô-va phán với Áp-ra-ham: 'Các chi tộc trên
thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước' (SaSt 12:1,3; 22:18; 26:4 so sánh Mat
Mt 1:1; Cong Cv 3:25,26; GaGl 3:8,16).
Dòng dõi Y-sác. 'Do nơi Y-sác, sanh ra dòng dõi lưu danh Ngài' (SaSt 21:12
so sánh RoRm 9:7; GaGl 4:28).
Dòng dõi Gia-cốp. 'Các chi họ nơi thế gian sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được
phước' (SaSt 28:14 so sánh Mat Mt 1:2).
Dòng dõi Giu-đa. 'Cây phủ việt chẳng hề dời khỏi Giu-đa, kẻ lập pháp
không dứt khỏi giữa chơn nó, cho đến chừng Đấng Si-lô hiện tới' (SaSt
49:10 so sánh HeDt 7:14; KhKh 5:5).
Dòng dõi Y-sai (Gie-sê). 'Có một chồi sẽ nứt lên từ gốc Ysai, một nhánh từ
rễ nó sẽ ra trái. Thần của Đức Giê-hô-va sẽ ngự trên Ngài' (EsIs 11:1,2 so
sánh Mat Mt 1:6; LuLc 3:32).
Dòng dõi Đa-vít. 'Ta đã lập giao ước cùng kẻ được chọn của ta, ta đã thề
cùng Đa-vít, kẻ tôi tớ ta mà rằng: Ta sẽ lập dòng dõi ngươi mãi mãi, và dựng
ngôi ngươi cho vững bền đến đời đời' (Thi Tv 89:3,4; và 35:1-37:40 so sánh
IISa 2Sm 7:12,13; KhKh 3:7; 22:16; IITi 2Tm 2:8 cũng xem IVua 1V 9:5).
Trinh nữ sanh con. 'Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, và sanh một con
trai, người ta sẽ đặt tên là Em-ma-nu-ên' (EsIs 7:11).
Nơi sanh. 'Hỡi Bết-lê-hem Ép-ra-ta, ngươi ở trong hàng ngàn Giu-đa là nhỏ
lắm, nhưng từ nơi ngươi sẽ ra cho ta một Đấng cai trị trong Y-sơ-ra-ên, gốc
tích người bởi từ đời xưa, từ trước vô cùng' (MiMk 5:2 so sánh Mat Mt 2:1
và tt;LuLc 2:4,15; GiGa 7:42).
c) Phương diện chịu khổ thay người
Nhân vật Trời-Người đó cũng được Cựu Ước mô tả là chịu đau khổ thay cho
dân mình, và ý nghĩa đầy đủ của sự thương khó Ngài với tư cách một người
vô tội, một nhà vua chịu khổ, chỉ hiện rõ trong đời sống và sự chết của Đức
Chúa Giê-xu Christ mà thôi. Chỉ khi điều đó ứng nghiệm, người ta mới có
thể lãnh hội ý nghĩa về sự chết để thay thế tội lỗi loài người của Đấng Mết-
si-a, tức là sợi chỉ điều xuyên suốt các trang Thánh Kinh Cựu Ước.
Đấng Mết-si-a bị phản bội. 'Đến đỗi người bạn thân tôi đã ăn bánh tôi, cũng
giơ gót lên nghịch cùng tôi' (Thi Tv 41:9 so sánh GiGa 13:18).
Ngài giữ im lặng, vừa để tỏ ra xứng đáng vừa có tính cách tố cáo. 'Người bị
hiếp đáp, nhưng khi chịu khốn khổ, chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị
dắt đến hàng làm thịt như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng
từng mở miệng' (EsIs 53:7 so sánh Mat Mt 27:14; Cong Cv 8:32).
Ngài đã bị đánh đòn tàn bạo. 'Bởi lằn roi Ngài chúng ta được lành bịnh'
(EsIs 53:5; 50:6 so sánh Mat Mt 27:26).
Ngài bị cho đội mão gai. 'Mặt mày người (bị) xài xể lắm hơn kẻ nào khác'
(EsIs 52:14 so sánh Mat Mt 27:29).
Ngài bị đóng đinh vào thập tự giá. 'Chúng nó đâm lủng tay và chân tôi' (Thi
Tv 22:16). 'Chúng nó sẽ nhìn xem ta là Đấng chúng nó đã đâm' (XaDr 12,10
so sánh GiGa 19:18,37).
Ngài bị chế nhạo, mắng nhiếc. 'Hễ kẻ nào thấy tôi đều nhạo cười tôi; trề môi,
lắc đầu mà rằng: Người phó thác mình cho Đức Giê-hô-va, Ngài khá giải
cứu người, vì Ngài yêu mến người' (Thi Tv 22:7,8 so sánh Mat Mt 27:39-43)
Áo xống Ngài bị chia nhau. 'Chúng nó chia nhau áo xống tôi, bắt thăm áo
dài tôi' (Thi Tv 22:8 so sánh GiGa 19:23).
Tiếng kêu thảng thốt. 'Đức Chúa Trời tôi ôi, Đức Chúa Trời tôi ôi, sao Ngài
lìa bỏ tôi' (Thi Tv 22:1 so sánh Mat Mt 27:46; Mac Mc 15:34).
Ngài kêu lớn: 'Ta khát'. 'Chúng nó ban mật đắng làm vật thực tôi, và cho tôi
uống giấm trong khi khát' (Thi Tv 69:21 so sánh GiGa 19:28; Mat Mt
27:34).
Ngài bị nguyền rủa và treo lên cây gỗ. 'Kẻ nào bị treo ắt bị Đức Chúa Trời
rủa sả' (PhuDnl 21:23; GaGl 3:13).
Ngài là 'Chiên Con của Đức Chúa Trời' XuXh 12:3; GiGa 1:29). Huyết Ngài
đã ấn chứng cho giao ước (XuXh 24:8; LuLc 22:20), và trong việc dâng thân
thể Ngài một lần là đủ cả, các của lễ của Luật Pháp đều không còn giá trị
nữa (HeDt 10:4-9).
Như thế, mục tiêu về niềm hy vọng của Đấng Mết-si-a, là Đức Chúa Trời
làm người, về mọi phương diện đã thật sự 'vì sự gian ác chúng ta mà bị
thương, vì tôị lỗi chúng ta mà bị vết' trên cây thập tự giá tại Gô-gô-tha. Cái
lý tưởng lâu đời đã thành tựu trong sự nhập thể, đời sống, cái chết, sự sống
lại và sự thăng thiên lúc Chúa Giê-xu người Na-xa-rét trong lịch sử, Đấng
mà sự tái lâm sẽ làm ứng nghiệm trọn vẹn mọi niềm hy vọng.

TỪ MA-LA-CHI ĐẾN SÁCH MA-THI-Ơ


Khi đọc từ Ma-la-chi là sách cuối cùng của Cựu Ước sang các trang đầu tiên
của Tin Lành Ma-thi-ơ trong Tân Ước, độc giả thấy ngay mình đã bước vào
một khung cảnh khác hẳn. Dường như đang lạc vào một thế giới mới. Tuy
nhiên, chúng ta sẽ không ngạc nhiên vì sự biến đổi đột ngột ấy nếu nhớ rằng
giữa các sách sử ký của E-xơ-ra, Nê-hê-mi, các sách tiên tri của A-ghê, Xa-
cha-ri, Ma-la-chi và 'khi kỳ mãn' tức lúc Chúa Giê-xu ra đời tại Bết-lê-hem
là khoảng thời gian hơn 400 năm.
Để đối chiếu với khoảng thời gian lịch sử này, chúng ta hãy tưởng tượng
một người dân Luân-đôn nằm ngủ vào cuối đời của vua Henry VIII, và cứ
ngủ vùi cho mãi đến thời đại chúng ta mới thức dậy. Người đó sẽ thấy những
tên như Trafalgar, Waterloo, Nelson và Napoleon chẳng có ý nghĩa gì, và
khi đến nhà thờ, ông ta cũng không thể nào hiểu được sinh hoạt thờ phượng
trong giáo đường. Vì thế, suốt bốn trăm năm giữa sách Ma-la-chi và Ma-thi-
ơ, nhiều trận đánh quyết định như các trận Issus và Actium đã xảy ra, các
nhân vật lừng danh như A-lịch-sơn, Julius Caesar đã nổi bật hẳn lên trong
lịch sử. Giai đoạn ấy cũng dức dấy các phái Pha-ri-si và Sa-đu-sê, đã sản
sinh ra bộ Bảy Mươi, là bản dịch Kinh Thánh ra Hy văn. Mục đích của
chương sách này là vạch rõ mọi điều ấy đã ảnh hưởng trên dân Y-sơ-ra-ên
như thế nào, để nêu ra nguồn gốc và ý nghĩa của một số từ ngữ vốn không
thấy có trong Cựu Ước, nhưng lại xuất hiện trong Tân Ước mà không được
giới thiệu trước.
Lịch sử của giai đoạn này theo sát phần bố cục tiếp theo nhau của các đế
quốc trên thế giới, là Ba-by-lôn, Mê-đi Ba-tư, Hy Lạp và La-mã, là các đề
tài trong giấc chiêm bao của Nê-bu-cát-nết-sa về pho tượng khổng lồ, và lời
giải nghĩa của Đa-ni-ên, như đã được chép trong DaDn 2:31-43. Điều không
thể tránh là dân Y-sơ-ra-ên phải lần lượt tiếp xúc với tất cả các đế quốc ấy.
Chỉ cần liếc qua bản đồ vùng Trung Đông là thấy ngay xứ Palestine nằm
như một trái độn giữa các nền văn minh lớn của thung lũng Lưỡng Hà
(Mesopotamia) phía Đông Bắc, và thung lũng sông Nin phía Tây Nam.
Cũng như trong những năm quá khứ, những nước Âu Châu nhỏ bé hoàn toàn
bị các nước láng giềng cường thịnh chi phối như thế nào thì số phận của xứ
Palestine cũng bị buộc chặt với các nước hùng mạnh hơn chung quanh như
vậy.
ĐẾ QUỐC BA TƯ
Quyền thống trị của đế quốc Ba-by-lôn kết thúc và giai đoạn khởi đầu thời
đại Ba-tư đã được chép trong các sách của Cựu Ước. Tuy nhiên, muốn có
được viễn ảnh cần thiết, chúng ta nên nhớ rằng Si-ru, vua Ba-tư, sau khi
chinh phục Mê-đi, đã sát nhập các lực lượng của xứ ấy để đánh chiếm Ba-
by-lôn năm 539 TC. Năm 537 TC, Si-ru ra chiếu chỉ cho phép một đoàn
người bị lưu đày được hồi hương lần đầu tiên, do hoàng thân (quan trưởng)
Xô-rô-ba-bên và thầy tế lễ Giô-sua (Giê-hô-sua) lãnh đạo. E-xơ-ra và Nê-hê-
mi nối gót họ khá lâu hơn về sau, E-xơ-ra vào khoảng năm 458 TC và Nê-
hê-mi khoảng năm 445 TC.
Cho nên giai đoạn giữa sách Ma-la-chi và Ma-thi-ơ bắt đầu với những năm
cuối cùng của đế quốc Ba-tư, trên dưới một thế kỷ giữa khoảng 433 và 333
TC. Nê-hê-mi đến thăm Giê-ru-sa-lem lần thứ hai vào năm 433 TC và năm
333 TC là năm sụp đổ của đế quốc Ba-tư. Với dân Do Thái, thời gian này
tương đối không có biến động. Có những cuộc tranh chiến với Hy lạp ở rất
xa về phía Tây, và với người Bạt-thê ở phía Đông, nhưng hoàng đế Ba-tư
nắm vững quyền bính bất khả tranh chấp trên cả Ai Cập lẫn Lưỡng Hà,
khiến xứ Palestine nằm giữa nó, đã được hoàn toàn yên ổn. Tuy nhiên, cũng
cần ghi nhận một số nét trong những năm ấy như sau.
Sau khi bị lưu đày, tên 'Do Thái' (Jew) trước kia vốn dành riêng cho dân cư
xứ Giu-đa mà thôi, giờ đây được áp dụng cho toàn thể con cái Y-sơ-ra-ên,
và một số người từ Ba-by-lôn hồi hương đã được chữa lành hẳn khỏi tội thờ
hình tượng. Dĩ nhiên là căn bịnh đã được chữa lành hoàn toàn đến nỗi một
nguy cơ mới lại xuất hiện hết sức rõ ràng: thay vì đồng hóa với các dân tộc
chung quanh, thì lại phát sinh một thái độ khinh miệt thậm tệ. Một hệ thống
gọi là chủ thuyết thông giáo (Scribism) nhấn mạnh việc phân biệt dòng máu
Do Thái và đề cao chút vinh quang Y-sơ-ra-ên còn sót lại, là bộ luật Môi-se.
Từ ngữ thông giáo (Scribe: Sopher) nguyên thủy dùng chỉ bất cứ một văn sĩ
hay ký lục nào, nhưng từ thời E-xơ-ra trở về sau (Exo Er Exo7:10-12) đã trở
thành biệt hiệu của một giai cấp những người hiến thân trọn vẹn để làm công
tác bảo vệ, nghiên cứu và giải nghĩa luật pháp, chú ý đến từng câu từng chữ,
nhưng lại bỏ qua phần tinh thần luật pháp (LuLc 11:42). Chắc chắn thái độ
tự tôn dân tộc quá đáng này có vai trò của nó trong kế hoạch thiên định
nhằm hoàn thành phần chuẩn bị cho Đấng Mết-si-a. Nhưng cũng thật dễ
thấy chính sự phân rẽ, dựa trên một ý thức sai lầm về niềm tự tôn chủng tộc,
đã bắt đầu gieo mầm mống cho những đặc tính tệ hại của chủ nghĩa Pha-ri-si
(Chủ nghĩa Biệt lập).
Trong những ngày lưu đày, xa cách đền thờ và việc phụng tự, dân Do Thái
đã lần lần phát triển được một hình thức thờ phượng đơn giản hơn chú trọng
đến việc đọc Luật Pháp, là sinh hoạt trở thành gắn bó với nhà hội. Về
phương diện thờ phượng và trật tự nhóm họp, Cơ Đốc nhân mắc nợ nhà hội
rất nhiều vì thế chúng ta không được bỏ qua tầm quan trọng của sự phát triển
mới mẻ này. Một thay đổi khác nữa trong giai đoạn của người Ba-tư là tầm
quan trọng về phương diện chính trị của chức thượng tế. Tuy tòa tổng trấn
người Ba-tư cũng được dùng như đồn binh tọa lạc hướng về khu vực đền
thờ,người Ba-tư bằng lòng trao quyền cai trị cho các thầy tế lễ thượng phẩm.
Cả nước thấy nơi ông ta là một điểm tụ hội; còn những kẻ thống trị thì thấy
ông ta là một công cụ chính trị hữu ích. Như thế, cả giới chính khách Ba-tư
lẫn các nhà ái quốc Do Thái đều hài lòng.
Thiết tưởng cũng cần đề cập những khởi điểm của Tòa Công Luận
(Sanhedrin), một từ ngữ sau này sẽ trở thành một danh từ ô nhục vì nó liên
quan đến việc xét xử Chúa Giê-xu. Tòa Công Luận đã được tổ chức (có thể
nói là phát xuất) vào thời kỳ này. Rất có thể nó đã ra đời từ 'Nhà Hội Lớn'
của E-xơ-ra, được thành lập như một hội đồng tư vấn gồm bảy mươi trưởng
lão người Do Thái.
Dựa trên quan điểm đã nói về tính thuần túy của huyết thống thái độ tự tôn
chủng tộc, cho nên chúng ta không mấy ngạc nhiên khi ghi nhận một biến
chuyển khác nữa cũng xảy ra trong thời kỳ này. Những kẻ lưu đày cùng đem
về với họ ngôn ngữ của những kẻ thống trị, tiếng Canh-đê hay A-ram, một
ngôn ngữ gần với tiếng Hy-bá-lai, đã xâm nhập xứ Palestine qua ảnh hưởng
của số người A-sy-ri và Ba-by-lôn đến định cư tại đấy. Tiếng Hy-bá-lai vẫn
được duy trì làm ngôn ngữ của sự thờ phượng và mạc khải, nhưng từ nay trở
đi, tiếng A-ram đã trở thành ngôn ngữ của dân chúng và chúng ta cần nhớ là
Chúa chúng ta đã nói tiếng A-ram, mà một số từ ngữ Ngài thực sự sử dụng
vẫn còn lưu truyền đến chúng ta trong các sách Tin Lành (thí dụ Mac Mc
5:41; 15:34).
ĐẾ QUỐC HI LẠP
Người Ba-tư đã không hề thành công trong các nỗ lực bành trướng về phía
Tây vào Âu Châu. Các trận đánh tại Marathon (490), Salamis (480) và
Plataea (479) đều được ghi nhớ vì các kết quả có tính cách quyết định trong
việc ngăn chặn bước tiến của người Ba-tư, cũng như sự kháng cự anh dũng
của các quốc gia đô thị Hi lạp. Đến khoảng năm 336 TC, chính Hy Lạp đã
sẵn sàng để chinh phục cả thế giới, và kết hợp với tinh thần đó là thiên tài
cầm quân của A-lịch-sơn, vừa nối ngôi cha mình là Phi-líp của Ma-xê-đoan
ngay trong năm đó. Trước hết A-lịch-sơn kiểm soát được các quốc gia đô thị
của Hy Lạp, rồi tấn công người Ba-tư, đánh bại họ trong trận Issus năm 333
TC. Khoảng năm 330 TC, toàn thể đế quốc Ba-tư đã bị ông ta kiểm soát.
Cách đối xử của A-lịch-sơn với người Do Thái không phải là không thuận
lợi. Người ta bảo rằng lúc còn làm học trò của Aristotle, ông ta có thể hiểu
được giá trị của dân tộc ấy qua nền văn học cổ xưa và nền văn học đặc thù
của nó. Một trong những hành động đầu tiên của ông ta sau khi chinh phục
Ai Cập là thiết lập một đồ án để Alexandria chẳng bao lâu trở thành một nơi
mà người Do Thái đã được chào đón niềm nở. Cuối cùng, hai trong năm khu
vực cư dân tại đó dần dần trở thành khu Do Thái, và chẳng bao lâu, con số
người Do Thái cư trú tại Ai Cập đã vượt hẳn con số dân Do Thái cư ngụ
ngay trong xứ Palestine.
Ở điểm này chúng ta cần nói thêm về phong trào Dân Tan Lạc (Diaspora).
Trong thời gian những người yêu nước từ chốn lưu đày hồi hương, đa số dân
chúng vẫn còn ở lại Ba-by-lôn. Giờ đây, một số định cư còn đông đảo hơn
nữa đã thiết lập một 'xứ Palestine lớn hơn' tại Ai Cập. Nhờ sự phát triển giao
dịch giữa Âu Châu, Phi Châu và Á Châu, kết quả của các cuộc chinh phục
của A-lịch-sơn, số người Do Thái lưu vong cứ ngày càng tăng thêm tại khắp
nơi ở Bắc Phi và Tiểu Á Châu. Đây là một trong nhiều đường lối mà Đức
Chúa Trời đã chuẩn bị thế giới vùng Địa Trung Hải cho các hoạt động
truyền giáo của thế kỷ đầu tiên trong kỷ nguyên Cơ Đốc giáo. Khiến trong
Cong Cv 15:21, Gia-cơ có thể tường trình rằng: 'Trải bao nhiều đời nay,
trong mỗi thành đều có người giảng luật pháp Môi-se'. Các khu định cư của
người Do Thái đó đã trở thành các căn cứ chiến lược cho các nhà truyền bá
Cơ Đốc giáo.
Chúng ta hãy trở lại với lịch sử của đế quốc Hy Lạp. A-lịch-sơn băng hà
năm 323 TC, trước khi được sống những ngày cuối cùng của năm ba mươi
ba tuổi. Sau khi A-lịch-sơn băng hà, đế quốc bị phân xé vì các đại tướng của
ông ta bất hòa nhau, để cuối cùng, những người kế nghiệp vua ấy (Diadochi)
khoảng năm 315 TC, đã chia thế giới thành bốn vương quốc: (1) Ma-xê-
đoan, (2) Ba-tư, (3) Sy-ri và Lưỡng Hà, (4) Ai Cập với phần cực Nam xứ
Sy-ri (xem DaDn 8:21,22). Qua hơn một trăm năm, miền Nam xứ Palestine
đã bị dòng dõi các vua Ptolemies ở Ai Cập cai trị, ngoại trừ hai lần gián
đoạn ngắn ngủi, cho đến năm 198 TC, khi một vua hùng cường của Sy-ri
thuộc triều đại Seleucid là Antiochus III (Đại Đế) kiểm soát được vùng đất
phía Bắc. Các tài liệu ký thuật về thế kỷ này - tức là thế kỷ thứ ba TC - của
người Do Thái vốn rất hiếm hoi, nhưng dường như cả thời gian đó là một
giai đoạn hòa bình. Dân Do Thái tiếp tục sinh cơ lập nghiệp tại Ai Cập được
các vua Ptolemies khuyến khích, trong khi các vua Seleucids vì muốn duy trì
tinh thần hữu nghị với các dân tộc sinh sống tại các biên giới xứ họ, cũng
hoan nghênh những người Do thái đến định cư tại An-ti-ốt và các thành phố
Sy-ri và Tiểu Á Châu.
Trong thế kỷ do các vua Ptolemies cai trị này, đã bắt đầu một công trình có
một tầm quan trọng hết sức sâu rộng. Ptolemy Philadelphus (285-247 TC)
một nhà vua có văn hóa và sự sáng suốt đặc biệt, đã khuyến khích dịch Cựu
Ước ra Hy văn, ngày nay vẫn còn nổi danh là Bản Bảy Mươi (Septuagint), là
con số các học giả bắt đầu công tác đó dưới quyền bảo trợ của vua ấy. Bộ
Bảy Mươi đã giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc truyền bá lời dạy
dỗ của Cựu Ước giữa vòng dân Do Thái bị tan lạc cũng như cho các dân
ngoại. Các tác giả Tân Ước cũng tỏ ra rất quen biết với bản dịch Hy văn này
trong các phần Kinh Thánh họ trước tác.
Qua suốt thế kỷ này, ảnh hưởng Hy văn cũng xâm nhập rộng rãi và sâu sắc
hơn trong xứ Palestine. Các thành phố mọc lên trong các vùng phía Đông
sông Giô-đanh, do đó, tạo thành vùng Đê-ca-bô-lơ (Decapolis) một khu vực
gồm mười thành phố mà chúng ta thấy được đề cập trong Mac Mc 5:20 và
7:31. Người ta bảo rằng Tòa Công Luận, là hội đồng của các trưởng lão quí
tộc và có thế lực đã được tổ chức theo cách thức của người Hy Lạp . Ảnh
hưởng Hy Lạp có mặt tốt, nhưng đó là sự hấp dẫn của nếp sống và phong tục
tập quán theo lối Hy Lạp, cái nhìn hoài nghi tinh tế Hy Lạp, tánh vị kỷ và
kiêu căng Hy Lạp mà các cấp lãnh đạo Do Thái hấp thụ. Chức vụ thượng tế
đã bị thoái hóa thành chức vụ có tính cách hình thức lễ nghi. Các vua
Ptolemies thấy việc sử dụng thầy thượng tế như người đại diện thường trú
của họ là điều rất thuận lợi, và lối sống Hy Lạp cũng tỏ ra hấp dẫn đối với
gia đình thầy thượng tế ít nhất cũng ngang hàng với truyền thống Do Thái.
Do đó, cho đến đây, rõ ràng đã có hai khuynh hướng đang tác động trong
xứ. Có một số người chịu ảnh hưởng Hy Lạp, muốn sống theo tư tưởng và
nếp sống Hy Lạp. Mặt khác cũng còn nhiều người muốn kiên trì bám sát các
truyền thống của tổ tiên họ, tin tưởng vào cách sống phân biệt, cách ly, mà
E-xơ-ra từng truyền dạy. Các niềm hy vọng về tương lai của dân Do Thái
nằm trong khuynh hướng truyền thống, nhưng cũng cần phải có kèn thức
tỉnh phái Biệt Lập, là đảng 'mộ đạo' (Hy-bá-lai văn: Chasidim) bắt tay hành
động. Một khi tiếng gọi đã vang ra, thì công cụ của Đức Chúa Trời cũng đã
sẵn sàng. Nhà vô địch của Ngài là Giu-đa Ma-ca-bê.
CUỘC KHỞI NGHĨA CỦA ANH EM MA-CA-BÊ
Như phần trên đã nêu rõ, đến năm 198 TC, xứ Palestine được chuyển sang
quyền kiểm soát của các vua Sy-ri thuộc triều đại Seleucid. Antiochus III -
Đại Đế - băng hà năm 187 TC. Nối ngôi vua ấy là Antiochus Philopator
(187-176 TC), và khi vua này băng hà thì nối ngôi là 'một vua có bộ mặt
hung dữ' (DaDn 8:23) mà tên tuổi đã trở thành tục ngữ chỉ sự gian ác. Đó là
Antiochus IV, Epiphanes Lừng Danh. Tân vương là người chịu ảnh hưởng
Hy Lạp cuồng nhiệt, quyết định đoàn kết các nước chư hầu của mình bằng
cách gán ép nếp sống Hy Lạp trên họ. Bị cướp mất thành quả chiến thắng
của một chiến dịch quân sự tại Ai Cập do can thiệp của người La-mã, mà thế
lực ngày càng gia tăng và tràn sang phương Đông, trên đường về vua ấy đã
dừng lại và dốc đổ cơn giận dữ đến điên cuồng của mình trên Giê-ru-sa-lem.
Bấy giờ, có chuyện rắc rối xảy ra do các hành động xấu xa của thầy tế lễ
thượng phẩm, và Antiochus nhất định xóa sạch Do Thái giáo một lần cho
dứt khoát. Đền thờ bị vây, một tượng thần Zeus của núi Olympia được dựng
lên tại hành lang đền thờ, một con heo được dâng lên trên bàn thờ của lễ
thiêu, 'sự gớm ghiếc làm ra sự hoang vu' của DaDn 11:31. Đó là vào năm
167 TC.
Cuộc kháng chiến nghiêm túc đầu tiên được một thầy tế lễ cao tuổi tên Ma-
ta-thia phát động. Ông thuộc dòng họ Hasmonaean, đã giết một sĩ quan Sy-ri
khi hắn đến làng Modin nhằm bắt buộc dân làng phải thi hành các chiếu chỉ
của Antiochus tàn ác kia. Hành động can cường đó của thầy tế lễ là tín hiệu
cho cuộc khởi nghĩa. Ông thét to: 'Ai là người nhiệt thành với luật pháp và
giữ giao ước, hãy theo tôi!', khi ông cùng với năm người con trai chạy trốn
lên núi ở Giu-đê. Nhiều người trong đảng Chasidim theo họ, và chẳng bao
lâu, đã có một bộ phận kháng chiến quân được tổ chức trong xứ. Khi Ma-ta-
thia qua đời năm 166 TC, quyền lãnh đạo lọt vào tay con trai thứ ba của ông
là Giu-đa Ma-ca-bê hay Giu-đa Búa. Bằng một loạt chiến thắng hầu như khó
tin nổi (và chúng ta phải nhớ là từ hơn ba trăm năm rồi, người Giu-đa không
quen chiến trận), Giu-đa Ma-ca-bê đẩy lui quân Sy-ri, nên vào ngày hai
mươi lăm tháng Kít-lơ của dân Do Thái, năm 165 TC, ông đã tẩy uế được
đền thờ, và phục hồi các của lễ hằng dâng tại Giê-ru-sa-lem. Biến cố trọng
đại này về sau đã được kỷ niệm bằng Lễ Khánh Thành Đền Thờ, một quốc
lễ xuất hiện bấy giờ là lần đầu tiên trong lịch sử dân Y-sơ-ra-ên. chúng ta
thấy những câu đề cập ngày lễ ấy trong GiGa 10:22. Hiểu rõ các cảm nghĩ
của người Do Thái, lúc ấy đang ở dưới gót giày người La-mã thì không có gì
khó khi họ tập họp chung quanh Chúa Giê-xu, và bị thôi thúc khi nhớ ngày
kỷ niệm giải phóng do anh em Ma-ca-bê thực hiện, nên họ đã hỏi Chúa Giê-
xu: 'Thầy để chúng tôi nghĩ vơ vẫn cho đến khi nào? Nếu thầy là Đấng
Christ, hãy nói rõ cho chúng tôi'.
CÁC CON TRAI CỦA MA-TA-THIA (MATTATHIAS)
Giu-đa tiếp tục chiến đấu chống Sy-ri cho đến khi ông tử trận năm 161 TC.
Sau đó, quyền lãnh đạo được trao cho Giô-na-than là người con út, tạm thời
rút lui xuống miền Nam để tập họp lực lượng. May mắn cho ông ta là đã
nắm quyền lãnh đạo vào lúc tại Sy-ri có xáo trộn lớn nhân việc nối ngôi.
Vốn có tài về chính trị cũng như anh em mình là Giu-đa vốn dũng cảm trong
chiến trận, Giô-na-than nhanh chóng nhận thức được rằng sự xáo trộn đó có
thể chuyển thành lợi thế cho dân tộc mình như thế nào. Các đối thủ tranh
ngôi vua Sy-ri gồm có Đê-mê-triu (Demetrius) (từng thực sự làm vua từ năm
162 TC) và kẻ muốn giành ngôi là Alexander Balas, tự xưng là con trai của
Antiochus IV gian ác, cả hai đều muốn tranh thủ sự hậu thuẫn của các vị
lãnh tụ dòng họ Ma-ca-bê. Alexander đến trước với một cây thập tự bằng
vàng và một chiếc áo dài màu tía để bổ nhiệm Giô-na-than làm 'Thầy Tế Lễ
Thượng Phẩm Toàn Quốc'.
Chúng ta có thể suy gẫm ý nghĩa của sự bổ nhiệm này: Chỉ mới mấy năm
trước đó, Giô-na-than là kẻ lưu lạc trong miền rừng núi xứ Giu-đê. Giờ đây,
ông ta lại được bổ nhiệm vào chức vị tôn giáo cao nhất trong xứ, một chức
vị từ gần mười ba thế kỷ rồi vẫn được lưu truyền trong dòng dõi A-rôn. Thế
mà truyền thống ấy lại bị một hoàng thân Sy-ri, một người hoàn toàn xa lạ
với dân Do Thái gạt qua một bên. Việc làm đó là hậu quả không tránh được,
và đã không hề bị dân chúng phản đối. Gia đình thầy tế lễ thượng phẩm
hoàn toàn bị mất tín nhiệm trong cuộc khởi nghĩa của các anh em Ma-ca-bê
khi các con trai của Ma-ta-thia đã rõ ràng trở thành những nhân vật nổi bật
của dân tộc, và từ khi hồi hương sau thời kỳ lưu đày, toàn dân vẫn trông chờ
được một thầy tế lễ thượng phẩm lãnh đạo. Vậy còn gì tự nhiên hơn là
phong chức cho Giô-na-than thuộc dòng họ Hasmonaean làm thầy tế lễ
thượng phẩm? Phải chăng chức vị thầy tế lễ thượng phẩm của Mên-chi-xê-
đéc đã được chuyển sang cho họ nhân cơ hội này? Tuy nhiên, chúng ta cần
ghi nhận rằng nhiều người trong đảng Chasidim đã không hề hài lòng với
việc bổ nhiệm mới này. Họ cảm thấy các ý niệm của Giô-na-than về quyền
độc lập chính trị đã vượt khỏi các mục tiêu tôn giáo một cách không cần
thiết trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến đấu. Hơn bao giờ hết, dân tộc
này đang suy nghĩ hướng về quá khứ, về các truyền thống cao cả và vinh
quang của luật pháp. Chiếc hố ngăn cách cứ ngày càng được đào sâu thêm
giữa giới thầy tế lễ và giới thầy thông giáo, cuối cùng tạo ra hai đảng phân
biệt và thù địch nhau.
Cuối cùng Giô-na-than đã sa vào chiếc bẫy do Trypho, một đại tướng của
Alecxander Balas giăng ra, và bị xử tử năm 142 TC. Bây giờ thì Si-môn,
người còn sống sót cuối cùng trong năm con trai của Ma-ta-thia đã trở thành
lãnh tụ. Ông ta là một nhà cai trị có tài, và trong thời ông sinh tiền, dân Do
Thái cứ ngày càng hưng thịnh. Tuy trên danh nghĩa, người Sy-ri vẫn kiểm
soát trong xứ, dưới thời Si-môn, xứ Giu-đê đã thực sự được hưởng quyền
độc lập. Các đạo quân trú phòng Sy-ri từ nhiều năm nay vẫn chiếm đóng
Acra là đồn quân của đền thờ, bây giờ bị bắt buộc phải đầu hàng. Thương
mại phát triển nhờ hải cảng Gióp-bê được mở rộng cho sự giao thông dưới
quyền kiểm soát của Si-môn; luật pháp được đặt lên vị trí tôn trọng trong xứ.
Giô-na-than đã được kẻ tiếm ngôi người ngoại đạo bổ nhiệm làm thầy tế lễ
thượng phẩm giờ đây, địa vị ấy đã được điều chỉnh, và vào năm 140 TC
chức vị thầy tế lễ thượng phẩm cha truyền con nối đã được chuyển sang cho
dòng họ Hasmonaean về hình thức. Thời kỳ lãnh đạo hưng thịnh của Si-môn
kết thúc khi ông ta bị chính con rể mình là Ptolemy mưu sát năm 135 TC.
CÁC CON CHÁU CỦA MA-CA-BÊ
1. John Hyrcanus (135-105 TC). Ảnh hưởng Do Thái càng gia tăng trước
thời gian con trai Si-môn là John Hyrcanus kế vị cha làm thầy tế lễ thượng
phẩm. Có hai biến cố đáng chú ý đặc biệt. Các biên giới quyền lực Giu-đa
bây giờ được đẩy xa hơn về phía Bắc, phía Nam và phía Đông; và trong
cuộc Bắc tiến, thành phố Si-chem và ngôi đền thờ của Sa-ma-ri trên núi Ga-
ri-xim bị phá hủy. Lúc ấy, Sy-ri vì quá bận rộn với những rắc rối của chính
mình, nên không đủ điều kiện để can thiệp. Cần nhớ rằng số người đi lưu
đày hồi hương, vì quá tự cao với dòng máu thuần túy và độc quyền Do Thái
của họ, đã khước từ sự trợ giúp mà số dân cư hỗn tạp tại Sa-ma-ri đề nghị.
Cuối cùng, sự thù địch ngày càng bị đào sâu thêm để biến thành sự thù ghét
không hòa giải nổi, và một ngôi đền thờ đã được dựng lên trên núi Ga-ri-
xim. Nguyên đền thờ ấy đã bị John Hyrcanus phá hủy, và hành động này
càng tăng thêm sự cay đắng giữa hai dân tộc. Người đọc Tân Ước chắc rất
quen thuộc với bầu không khí thù địch giữa dân Do Thái với người Sa-ma-ri
(GiGa 4:9). Lúc người phụ nữ tại giếng nước Si-kha (Si-chem) nói với Chúa
Giê-xu 'Tổ phụ chúng tôi thờ lạy tại trên núi này' là bà ta ám chỉ núi Ga-ri-
xim, nơi ngôi đền thờ đã được dựng lên để đối đầu với ngôi đền thờ tại Giê-
ru-sa-lem trước kia.
Biến cố quan trọng thứ hai của giai đoạn này là việc chinh phục và bắt buộc
dân Ê-đôm, một dân tộc ở biên giới phía Nam xứ Giu-đê phải cải giáo. Ý
nghĩa của việc này sẽ rõ ràng hơn khi chúng ta đến với thời vua Hê-rốt. Sau
khi người Ê-đôm bị chinh phục và sát nhập vào dân Do Thái, họ lại trở thành
những người nhiệt tình nhất trong dân Do Thái. Có một điều mỉa mai trong
lịch sử, ấy là con cháu số người Ê-đôm bị thù ghét, từng khước từ không cho
dân Y-sơ-ra-ên mượn đường đi qua xứ họ để vào đất hứa (Dan Ds 20:14-
21), thì vào những năm sau này, lại hết sức quan trọng trong giới người Do
Thái.
Chúng ta đã từng đề cập đến khuynh hướng Hy Lạp hóa đảng của thầy tế lễ
thượng phẩm, và khuynh hướng chính thống bảo thủ của phe Chasidim. Giờ
đây, đã đến lúc hai đảng đối lập nhau xuất hiện. Những người chủ trương
dung hợp nhất là số người thuộc gia tộc thầy tế lễ thượng phẩm và các giai
cấp quí tộc, truy nguyên dòng họ mình trở lui về tận thầy tế lễ Xa-xốc, đã trở
thành phái được biết tên là Sa-đu-sê - các con cháu Xa-xốc. Bên cạnh đó,
phái Chasidim muốn được độc quyền càng nhiều hơn, nên nhất định 'lập một
hàng rào chung quanh luật pháp' và được nổi tiếng như phái biệt lập - phái
Pha-ri-si. Từ ngữ Sa-đu-sê ám chỉ một giai cấp, từ ngữ Pha-ri-si chỉ về một
giáo phái có tổ chức. Cả hai tên đó đều được dành cho một vai trò quan
trọng trong Tân Ước. Thoạt đầu, John Hyrcanus thiên về phía người Pha-ri-
si, tuy ông ta là thầy tế lễ thượng phẩm, nhưng về sau lại ngã theo phái Sa-
đu-sê.
2. Alexander Jannaeus (104-78 TC). John Hyrcanus băng hà năm 105 TC,
con trưởng là Aristobulus kế vị, và sau một thời gian trị vì ngắn ngủi, đã
được em trai là Alexander Jannaeus nối ngôi. Giai đoạn này đánh dấu sự suy
tàn của dòng họ quí phái, là gia đình Ma-ta-thia. Thời trị vì lâu dài của
Alexander là một thời cai trị tàn bạo đầy tham dục của việc chinh phục và tự
phô trương. Đã có lần lãnh thổ của ông ta vượt hẳn phần cơ nghiệp nguyên
thủy của mười hai chi phái. Nhưng suốt thời gian ấy, luôn luôn có nội loạn,
nhất là hai phái Pha-ri-si và Sa-đu-sê, mà Alexander ủng hộ phái Sa-đu-sê.
Kết thúc cho cuộc nội chiến cay đắng, lần đầu tiên trong lịch sử dân Do Thái
chúng ta nghe cách xử tử bằng việc đóng đinh vào thập tự giá, khi có một
cuộc bạo loạn tại Giê-ru-sa-lem, Alexander đã ra lịnh xử đóng đinh vào thập
tự giá tám trăm lãnh tụ của phái Pha-ri-si. Không đầy một trăm năm sau đó,
thập tự giá 'đứng sừng sững vượt trên mọi tàn tích của thời gian' - đã được
dựng lên phía bên ngoài các vách thành của cùng thành phố ấy.
3. Nội chiến và loạn lạc (78-65 TC). Alexander Jannaeus băng hà năm 78
TC, và vợ góa của vua ấy là Alexandra còn cai trị khá khôn ngoan và trong
khung cảnh tương đối hòa bình được mấy năm nữa; rắc rối chính xảy đến
cho bà ta là do hai đứa con trai. Bà ta đã lập Hyrcanus là trưởng nam làm
thầy tế lễ thượng phẩm - người này vốn nhu nhược lại nhiều tham vọng.
Nhưng khi bà ta qua đời, thì người con trai thứ là Aristobulus - vốn táo bạo
và hiếu chiến - đã nhờ sự trợ giúp của Antipater, một người Y-đô-mê (Ê-
đôm) đã cướp được chính quyền tại xứ mình, để tiếm ngôi. Trong khi hai
nhân vật bề trên đang tranh giành nhau, thì cường quốc La-mã xuất hiện trên
sân khấu.
ĐẾ QUỐC LA MÃ
1. Sự can thiệp của Pompey. Bấy giờ đại tướng La-mã là Pompey đang bận
rộn với các cuộc chinh phục ở Đông Phương, và vào năm 65 TC, phó tướng
của ông là Scaurus xuất hiện tại Đa-mách. Cả hai anh em Hyrcanus và
Aristobulus đều tức tốc cầu viện ông ta. Sự trợ giúp được dành cho
Aristobulus nhưng đến năm 63 TC, Pompey đích thân đến Giê-ru-sa-lem, thì
lại quyết định rằng người anh là Hyrcanus mới là nhà vua hợp pháp. Thêm
vào đó, viên tướng La-mã này biết rõ rằng một ông vua nhiều tham vọng sẽ
là một con bù nhìn hữu dụng. Sau khi bị vây ba tháng và 12.000 người Do
Thái bị tàn sát, thành Giê-ru-sa-lem thất thủ, và trước sự kinh hoàng của dân
chúng, Pompey đã liều lĩnh đi vào nơi chí thánh bên trong đền thờ. Nhưng
lần này lại là sự kinh ngạc của chính ông ta: bên trong bức màn, ông ta
chẳng thấy có hình tượng hay vật để thờ nào cả. Tacitus viết rằng đó chỉ là
Vacuam sedem, inania arcana (một ngôi đền trống, những điều bí mật rỗng
không). Chúng ta sẽ thấy nhẹ nhõm khi nhớ điều này, ấy là qua nhiều thế kỷ
xáo trộn và băng hoại, Nơi Chí Thánh vẫn gây được cho người chứng kiến
cái ấn tượng về một nơi thờ phượng thiêng liêng, như Đức Chúa Trời đã
định như thế từ khởi thủy.
Pompey bắt đầu hành động nhanh chóng với tốc độ và hiệu quả điển hình
của La-mã. Hyrcanus được cho phép giữ lại chức thầy tế lễ thượng phẩm,
nhưng không còn là vua nữa. Thay vào đó, ông ta được gọi là 'ethnarch', vua
chư hầu. Toàn thể các lãnh thổ trước đó của ông ta đều bị tách rời khỏi xứ
Giu-đa, khiến cho nhà vua chư hầu mới này chỉ còn cai trị trên vương quốc
tí hon của mình là xứ Giu-đê mà thôi; xứ Ga-li-lê ở phía Bắc và xứ Sa-ma-ri
ở trung bộ, bây giờ là các khu vực riêng biệt. Nền độc lập của Giu-đa đã kết
thúc. Rồi khi Pompey trở về La-mã và tổ chức đại lễ chiến thắng long trọng
chưa từng thấy, một trong số tù binh đoàn diễn hành đó là Aristobulus, đã
từng làm vua dân Do Thái.
2. Antipater được bổ nhiệm làm tổng đốc của chính quyền La-mã. Giờ đây,
Hyrcanus là vua chư hầu xứ Giu-đê, nhưng quyền lực trên địa phương ấy
thật ra nằm trong tay của Antipater người Y-đu-mê. Đối với ông ta, thì sự
can thiệp của La-mã đã đem lại một mối lợi lớn, nên ông ta quyết định duy
trì tình hữu nghị với kẻ đang làm bá chủ thế giới đó. Nhưng các kế hoạch đã
gặp trở ngại khi Aristobulus với một trong các con trai là Antigonus trốn
thoát khỏi La-mã và trở về xứ Palestine, tổ chức lại cuộc chiến đấu. Chẳng
bao lâu, Aristobulus thình lình qua đời, nhưng Antigonus vẫn còn sống, mưu
đồ tóm thâu quyền bính, nhưng chỉ phí công vô ích mà thôi.
Năm 49 TC, nội chiến bùng nổ giữa các đại tướng La-mã là Pompey và
Caesar. Antipater và Hyrcanus hậu thuẫn cho chủ họ là Pompey; nhưng khi
Caesar thắng Pompey tại Pgarsalia (48 TC), thì Antipater bỏ chủ cũ, vội
vàng đến La-mã để tỏ tình thân thiện và ủng hộ kẻ chiến thắng.
Năm 47 TC, Antipater được ban cho quyền công dân La-mã và được bổ
nhiệm làm tổng đốc xứ Giu-đê, một danh từ mà các độc giả Tân Ước rất
quen thuộc, liên hệ với phần ký thuật về việc Chúa chúng ta bị đóng đinh
dưới thời quan tổng đốc La-mã là Bôn-xơ Phi-lát. Julius Caesar tỏ ra ưu đãi
dân Do Thái: miễn thuế cho họ, cho họ được tự do tôn giáo, cho phép họ xây
lại các vách thành Giê-ru-sa-lem mà Pompey đã phá hủy. Cho nên, họ đã
thật lòng thương tiếc khi được tin Caesar băng hà năm 44 TC. Năm sau đó,
chính Antipater lại bị đầu độc, nhưng ông ta đã bổ nhiệm một trong các con
trai mình là Phasael làm tổng đốc Giê-ru-sa-lem, và một người con trai khác
là Hê-rốt, làm tổng đốc xứ Ga-li-lê. Việc đề cập tên Hê-rốt nhắc chúng ta đã
đến gần thời kỳ Đấng chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va sẽ giáng lâm.
3. Nhân vật cuối cùng của dòng họ Hasmonaean. Alexander Jannaeus để lại
ba con trai: Hyrcanus, vẫn còn là thầy tế lễ thượng phẩm tại Giê-ru-sa-lem,
Aristobulus mà người con trai là Antigonus đang ở ngoài vòng cương tỏa, và
Alexander đã chết, để lại một con gái là Mariamme, và một con trai, cũng
tên Aristobulus. Tình hình xáo trộn chung tiếp sau việc Julius Caesar bị ám
sát, đã kéo Hê-rốt và Hyrcanus lại với nhau, và giờ đây, mối liên hệ đó còn
được củng cố thêm bằng cuộc hôn nhân của Hê-rốt với Mariamme. Nhưng
Antigonus vẫn còn là vật chướng ngại cho sự thăng tiến của nhân vật người
Y-đu-mê, và năm 40 TC, ông ta kéo quân vào Giê-ru-sa-lem nhờ sự trợ giúp
của người Bạt-thê. Hyrcanus bị phân thây vô cùng tàn bạo, Phasael tự sát
trong ngục. Nhưng Hê-rốt với Ma-riamme và em trai nàng là Aristobulus thì
trốn thoát được. Vậy, Aristobulus tự xưng làm vua và thầy tế lễ thượng
phẩm một thời gian ngắn ngủi và vô nghĩa.
Trong khi đó, Hê-rốt vốn là kẻ tinh ranh, đã tìm đến trực tiếp đến La-mã,
giành được hậu thuẫn của Antony và Octavian để Aristobulus được bổ
nhiệm. Nhưng có lẽ chính ông ta cũng vô cùng kinh ngạc và thích thú khi
thấy sắc chỉ của La-mã lại bổ nhiệm chính ông ta làm vua dân Do Thái. Hê-
rốt trở về Giê-ru-sa-lem, và năm 37 TC, thành phố ấy lọt vào tay của đạo
quân hỗn hợp của đảng Hê-rốt và người La-mã. Thời trị vì ngắn ngủi và bất
hạnh của Aristobulus đã bị kẻ thừa hành cho La-mã cắt đứt. Thế là nhà vua
cuối cùng của dòng họ Hasmonaean đã băng hà, chấm dứt luôn một trong
những dòng họ quan trọng nhất trong lịch sử. Thật ra thì hãy còn ba kẻ sống
sót, nhưng họ đã không sống được lâu lắm. Hyrcanus đã cao tuổi, chàng
thanh niên Aristobulus và người chị là Mariamme, tất cả đều trở thành nạn
nhân của tính đa nghi của Hê-rốt và đều bị ám hại. Josephus đã viết về dòng
họ Hasmonaean như sau: 'Đây là một dòng họ huy hoàng và lừng danh cả về
nguồn gốc quí phái và về phẩm giá của chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm, lẫn
về các hành động vẻ vang mà tổ tiên họ từng thực hiện cho dân tộc ta, nhưng
các nhân vật này đã đánh mất chính quyền vì bất hòa nhau, cho nên nó mới
lọt vào tay Hê-rốt, vốn thuộc về một dòng họ tầm thường không hơn không
kém, chẳng có công lao nổi bật nào, ngoại trừ việc sẵn sàng chịu đầu phục
các vua chúa'.
4. Hê-rốt Đại Đế xây lại đền thờ. Trong những nét sơ phác lịch sử này,
chúng ta không thể đi vào chi tiết chân dung vua Hê-rốt. Ông ta được gọi là
'Đại Đế', vì quả thật ông ta 'vĩ đại' ở những tội ác và các tài vặt cá nhân. Suốt
đời trị vì, ông ta bị dân Do Thái oán ghét: dưới mắt họ ông ta chỉ là người Y-
đu-mê, kết bạn với La-mã, để thay thế một triều đại được lòng dân nhiều
hơn, là dòng họ Hasmonaean. Vào những năm đầu tiên trị vì, Hê-rốt đã gặp
khó khăn liên miên do các âm mưu ngay trong triều, cuối cùng những năm
là u ám do chính các con trai ông ta gây rối. Bị kẹt giữa vòng nước xoáy của
các âm mưu gian ác đó, ông ta rơi vào hết đối cực này đến đối cực khác, loại
trừ tất cả những ai có vẻ như cản trở bước đi của ông ta, kể cả người vợ
được sủng ái là Mariamme. Trong cuộc tranh chấp quyền bính giữa Antony
và Octavian tại La-mã, việc Hê-rốt kết thân với Antony đã khiến ông ta ở thế
bất lợi. Sau khi Antony thua trận Actium năm 31 TC, nhà vua người Y-đu-
mê này vội vàng chào mừng kẻ chiến thắng, và đã thành công trong việc kết
thân.
Qua suốt đời trị vì, Hê-rốt đã cố giữ cho đất nước ít ra một vẻ hòa bình thịnh
trị bề ngoài. Tài tổ chức xuất sắc của ông ta đã có ưu thế lớn nhất là trong
các công trình công cộng phi thường và các kiến trúc tráng lệ huy hoàng.
Ông ta xây lại đền thờ nguy nga đến nỗi làm lu mờ cả thời vinh quang của
Sa-lô-môn (GiGa 2:20). Sự hiện hữu của một 'đảng Hê-rốt' trong thời Tân
Ước là dấu chỉ cho thấy đã có một số người trong dân chúng tán thưởng các
nỗ lực của ông ta (Mac Mc 3:6; 12:13). Mặt khác lại có đảng gọi là Xê-lốt
(những người ái quốc nhiệt thành, LuLc 6:15) đã đi xa hơn cả người Pha-ri-
si trong việc không chịu thề nguyện trung thành hay nộp thuế cho Hê-rốt
hoặc cho La-mã.
Những ngày cuối cùng của Hê-rốt là cả một thảm kịch. Thân thể ông ta mắc
một chứng bịnh đáng ghê tởm, còn tâm trí thì bị các tội ác dày vò, khiến ông
ta luôn luôn lo sợ. Cho nên người ta chẳng ngạc nhiên bao nhiêu, khi 'các
nhà thông thái từ Đông Phương' đến kinh đô xứ Giu-đê và hỏi rằng 'Vua dân
Do Thái mới sanh tại đâu', thì Hê-rốt đã vô cùng lo sợ. Phải chăng chính ông
ta, tên bạo chúa từ nhiều năm nay từng vững tay lèo lái ngôi vua của mình
vượt được mọi thác ghềnh, mọi oán ghét và âm mưu, lại phải chịu bại trận
vào giờ thứ mười một? Cuộc tàn sát đám trẻ thơ vô tội tại Bết-lê-hem vốn
chẳng có nghĩa lý gì, khi qua suốt đời trị vì của mình, việc thủ tiêu những
nhân vật vĩ đại nhất của xứ sở vốn là chính sách của đảng Hê-rốt.
Thế là chúng ta đã đi đến chỗ kết thúc câu chuyện bao trùm giai đoạn từ
sách Ma-la-chi đến sách Ma-thi-ơ. Chúng ta đã đến thời của 'vua Hê-rốt'
(Mat Mt 2:1) khi 'Sê-sa Au-gút-tơ ra chiếu chỉ phải lập sổ dân trong cả thiên
hạ' (LuLc 2:1) để mọi người đều sẽ nộp thuế. Sê-sa Au-gút-tơ này chính là
Octavian mà Hê-rốt đã vội vàng tìm đến để cầu thân sau trận Actium. Cho
nên chuyện đã xảy ra là trong lúc Hê-rốt đang lăn lộn với cơn đau đớn dày
vò mình trong cung điện tại Giê-ru-sa-lem, thì ông Giô-sép và bà Ma-ri lại
đang trên đường từ xứ Ga-li-lê đi xuống phía Nam hướng về Bết-lê-hem, là
thành phố của Đa-vít. Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban
Con Một của Ngài.

BỐI CẢNH CỦA TÂN ƯỚC


Trong đời vua Hê-rốt, hoàng đế Au-gút-tơ ra chiếu chỉ kiểm tra dân số toàn
đế quốc để thu thuế. Như thế, hoàng đế La-mã đã trở thành công cụ vô thức
để Đức Chúa Giê-xu Christ giáng sinh tại Bết-lê-hem. Phao-lô viết: 'Khi kỳ
hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời sai con Ngài đến thế gian'. Ngay từ thời
các sứ đồ, Cơ Đốc nhân đã tin rằng lịch sử thế giới, cứ tuần tự tiến, nhưng
vẫn được quyền năng thần hựu của Đức Chúa Trời sắp xếp tể trị dọn đường
cho Phúc Âm. Trong một thời gian dài, đế quốc La-mã quả có thù nghịch
với Cơ Đốc giáo, bách hại Hội Thánh qua nhiều thế kỷ, nhưng ở nhiều
phương diện, vào những ngày đầu kỷ nguyên chúng ta, rõ ràng hoàn cảnh
lịch sử rất thuận lợi cho việc truyền bá một niềm tin phổ quát; và đúng vào
thời điểm đó, Đấng Christ đã đến rao giảng Phúc Âm để khiến muôn dân trở
nên môn đồ Ngài.
QUYỀN LỰC CỦA LA MÃ
Sự kiện nổi bật trong tình hình thế giới bấy giờ là sự thống nhất về các
phương diện chính trị, xã hội và văn hóa của thế giới chung quanh Địa
Trung Hải, dưới quyền đô hộ của La-mã. Sau nhiều thế kỷ dài chiến tranh và
xung đột xã hội gần như là liên miên, các nước ở ven bờ Địa Trung Hải cuối
cùng đã được thu về dưới một trật tự chính trị vững mạnh và ổn định, sẽ bảo
đảm cho họ được hòa bình và thịnh vượng suốt hai trăm năm, một thành đạt
xuất sắc, tốt đẹp. Hiển nhiên, kết quả này một phần do chủ nghĩa đế quốc
bóc lột thành công. Có người cho rằng loài người đã tự đấu tranh đến tột
cùng và đã đạt tới tình trạng ngưng đọng. Nhưng điều đó dường như không
đúng với Virgil hoặc Phao-lô. Với Virgil thì dường như Augustus đã hoàn
thành nhiệm vụ mà số phận đã dành cho La-mã, đã giải quyết thỏa đáng và
vĩnh viễn vấn đề chính trị của loài người, và có thể đã mở màn cho một
hoàng kim thời đại nữa. Nhưng Phao-lô thì ít nhất cũng chắc chắn rằng 'các
thế lực trần gian thì đều do Đức Chúa Trời đặt định'. Dưới mắt ông, chúng là
những công cụ của Đức Chúa Trời để vùa giúp người lành, và hạn chế kẻ ác.
Chỉ trừ ra viện quí tộc La-mã, là cơ quan đã mất quyền bóc lột các tỉnh để
kiếm lợi riêng thì mọi người đều hân hoan chào mừng chế độ mới ra đời.
Nhìn lại, với một quan điểm hoàn toàn tách rời khỏi thời đại này, cộng thêm
kinh nghiệm đau thương về một thế giới bị phân hóa, chúng ta phải ca ngợi
đế quốc La-mã đã tạo được trong thời đại của nó một thế giới an toàn để tiến
tới văn minh, để có thể tạo ra trong thực tế một tôn giáo thống nhất.
Cùng xuất hiện với một chính quyền ổn định, là có các phương tiện giao
thông an toàn và dễ dàng, đường bộ, đường biển đều được tổ chức quy cũ,
đã đưa chẳng những binh đội và các viên chức đi khắp nơi, mà cũng tạo điều
kiện dễ dàng cho các thương khách cùng hàng hóa, các nhà du lịch và các
giáo sư du thuyết đem theo các tư tưởng mới mẻ của họ. Cũng không có sự
hạn chế di cư từ phần này sang phần khác của đế quốc. Các thành phố lớn là
nơi tập trung các thành phần dân cư hết sức hỗn tạp, mà thành phần nhỏ hơn
hoàn toàn bị mất cá tính khi hòa nhập vào một toàn thể lớn hơn. Chủ nghĩa
công dân yêu nước thuộc các thời đại cổ điển tuy chưa hoàn toàn biến mất
hẳn nhưng bây giờ lại có khuynh hướng thiên về cá nhân và thế giới chủ
nghĩa.
Không như A-lịch-sơn Đại Đế, các hoàng đế La-mã đã không tìm cách trực
tiếp gia tăng hợp nhất nhân loại, nhưng thật ra một cách gián tiếp, cách cai
trị của họ đã khuyến khích điều đó. Chính sách của họ là duy trì các đặc
quyền cho công dân La-mã, bao gồm các chủng tộc người Ý-đại-lợi. Lần lần
quyền công dân La-mã cũng được mở rộng cho các dân tộc của các tỉnh lẻ.
Vào năm 211 SC, khi được phổ cập cho toàn thể đế quốc, nó trở thành một
dấu hiệu không phải chỉ là đặc quyền, nhưng là của sự thần phục nữa. Tuy
nhiên, ý niệm của phái Khắc Kỷ (Stoicism) về nhân loại vốn là huynh đệ với
nhau đang tác động mạnh mẽ trên tâm trí số người biết quan tâm. Phao-lô
không hề giới thiệu ý niệm huynh đệ này cho thế giới, nhưng chắc chắn ông
ta khẳng định có ý niệm này khi giảng rằng 'Trong Christ, chẳng còn phân
biệt người Do Thái hay người Hy Lạp...người dã man hay người Sy-the,
người tôi mọi hay người tự chủ' CoCl 3:11).
Chính quyền La-mã đế quốc do Augustus thiết lập đã được mô tả là 'phát xít
mềm dẻo' chắc chắn đó là một chính quyền bảo thủ, không thích canh tân,
cho canh tân như là một hiểm họa không thể tránh. Nó chống đối không
khoan nhượng bất kỳ một phong trào mới mẻ nào đe dọa lật ngược trật tự.
(Dĩ nhiên điều đó không phải là cách Phao-lô đã mô tả sứ mạng của ông).
Chính quyền La-mã nghi ngờ tất cả mọi 'hội kín', xem như đều có thể tạo
phản, nên ngăn cấm. Nhiệm vụ của một quan tổng đốc là giữ an ninh cho
tỉnh mình bằng mọi phương tiện. Quyền lực của ông ta bị giới hạn đối với
các công dân La-mã, nhưng là tuyệt đối trên các cư dân tỉnh lẻ. Tuy vậy số
người này phần nào được bảo vệ khỏi cách cai trị quá độc tài do sự kiện
quan tổng đốc vẫn còn ở dưới sự giám sát của hoàng đế. Vì vậy, người dân
vẫn còn khá nhiều quyền tự do. Các thành phố với các phán quan do chính
họ bầu lên nên được hưởng nhiều quyền tự trị; các phán quan này nếu duy trì
được an ninh trật tự thì không phải e ngại gì quan trấn thủ La-mã cả. Ngoài
việc phải nộp thuế, các thành phố vẫn bảo tồn được các luật lệ và tập quán
cũ. Các cá nhân cũng được quyền tự do di chuyển và tự do tư tưởng. Trong
các vòng du hành truyền giáo rộng lớn của mình, Phao-lô đã gặp nhiều hình
thức cai trị địa phương, các phán quan thành phố, các đại diện của hoàng đế,
các quan khâm sai của nghị viện. Ông đã từng vào tù, và đã có lần bị đánh
đòn bất hợp pháp. Nhưng trước khi ứng hầu trước tòa án Sêsa, ông đã làm
chứng rằng mình đã được chính quyền bảo vệ về mọi mặt, một sự trợ giúp
tích cực chống lại các kẻ thù của sứ mạng truyền giáo.
Đế quốc La-mã được bành trướng cùng với nền văn minh Tây Phương. Tất
nhiên toàn thể dân cư không thể có cùng một trình độ văn hóa nhưng ở khắp
nơi số người có giáo dục được trưởng dưỡng bằng cùng một nền văn học,
đều quen thuộc với cùng một loại ý niệm, tư tưởng và có cách sống khá
giống nhau. Khác với thế giới phi Cơ Đốc giáo ngày nay các nước như Ấn-
độ, Trung Hoa và Phi Châu đều nêu lên nhiều vấn đề khác nhau cho các giáo
sĩ Cơ Đốc trong khi đế quốc La-mã lại là một khu vực truyền giáo đồng
nhất. Sở dĩ như vậy ít nhất một phần cũng vì Phao-lô đã không giới hạn hoạt
động của ông vào một vùng nhất định nào. Sứ mạng truyền giáo của ông là
cho toàn đế quốc, nghĩa là cho cả thế giới Tây Phương nói chung. Công tác
của ông hữu hiệu, chứng tỏ quan niệm truyền giáo đó của ông là đúng. Câu
nói “ruộng là thế giới” đối với chúng ta ngày nay, đã khác xa biết bao! Ưu
điểm rõ rệt nhất của thời Phao-lô là ông không hề gặp trở ngại về ngôn ngữ
ở bất cứ đâu. Tiếng Hy Lạp đã trở thành ngôn ngữ phổ thông của thế giới
chung quanh Địa Trung Hải từ lâu và là ngôn ngữ thông dụng cho tất cả các
tỉnh phía Đông. Đó là tiếng nói của các thành phố của đảo Sicile và miền
Nam nước Ý, của vùng đất Magna Graecie cổ, mà cũng là của xứ Massilia
thuộc Gaul. Đó là tiếng mẹ đẻ của đại đa số cư dân La-mã, và là sinh ngữ
thứ hai cho nhiều giai cấp có giáo dục tại đó. Plutarch khi đến viếng La-mã
khoảng năm 90 SC, đã không cần học tiếng La-tinh mới có thể diễn thuyết
hay giao tế xã hội được. Phao-lô đã viết thư cho người La mã bằng Hy văn,
còn Marcus Aurelius thì cũng suy gẫm bằng Hy văn. Thật vậy, dường như
Hy văn đã được an bài để trở thành ngôn ngữ cho toàn thể đế quốc La mã,
một đế quốc mà phần lớn nền văn hóa tri thức đều là vay mượn của Hy Lạp
và ít nhất, Hy văn là ngôn ngữ của Cơ Đốc giáo suốt hai thế kỷ.
TÌNH HÌNH TÔN GIÁO
Tuy nhiên, trong thế giới La-Hi đã không có sự thống nhất tôn giáo, mà thế
lực đế quốc cũng không dám mơ tưởng sẽ áp đặt nổi điều đó. Trái lại, chẳng
những nó khoan dung mà còn khuyến khích nhiều tôn giáo khác nhau, trên
nguyên tắc là mọi người ở khắp nơi đều buộc phải tôn thờ các thần của tổ
tiên họ. Nhưng luật khoan dung tôn giáo này trước thời đại Cơ Đốc giáo đã
có những ngoại lệ đó là các cách thờ phượng vô nhân đạo như việc dâng con
người làm sinh tế, thì phải bị cấm. Các tôn giáo trong đế quốc có thể xếp
thành ba loại: (1) Các tôn giáo có tính cách chính trị; (2) các tôn giáo thần
bí; và chúng ta còn có thể kể thêm: (3) các tôn giáo triết lý.
1. Các tôn giáo chính trị. Đây là tôn giáo của các cộng đồng chính trị, mà
điển hình là chính cộng đồng tại La-mã. Dù ở địa phương nào, loại tôn giáo
này chỉ được các công dân La-mã quan tâm. Nó được hình thành ngay khi
thành phố mới ra đời bởi Romunus và Numa như là phương tiện để giữ cho
thành phố được hòa thuận với các thần để các vị này gia ơn cho thành phố.
Các nghi lễ được thực hiện dưới quyền giám sát của vị thượng tế và tập đoàn
các tư tế và thầy bói. Các vị phán quan này không nhất thiết phải là tín đồ
hay thần học gia, mà nói chung là những người thường tuân giữ các lễ nghi
cổ truyền, xem đó như là bổn phận tối quan trọng của người công dân. Dĩ
nhiên toàn thể nếp sống công cộng như riêng tây của người La-mã đều thấm
nhuần việc tuân giữ tôn giáo hình thức. Cicero vốn tự xưng là hoài nghi, vẫn
có thể giữ chức vụ thầy bói, và ở nơi công cộng, vẫn sẵn sàng tuân thủ các
qui luật của các Trưởng Tế. Ông ta còn tuyên bố rằng dân La-mã là những
con người sùng đạo hơn hết, vì họ đã nộp cho các thần những gì cần phải
nộp.
Người ta thường bảo rằng quốc giáo La-mã xem như một đạo, đã chết vào
cuối thế kỷ cộng hòa. Đối với các giai cấp thống trị thì điều đó có thể đúng.
Chắc chắn đối với chúng ta, nó có vẻ như một thủ đoạn chính trị chớ không
phải là một tôn giáo. Nhưng Augustus thì nghĩ rằng làm cho nó sống lại thì
cũng không uổng công. Ông ta còn tự nhận lấy chức vụ Thượng Tế, một
chức vụ sẽ còn được những người kế vị ông ta đảm nhiệm cho đến năm 382,
khi nó bị hoàng đế Gratian theo Cơ Đốc giáo hủy bỏ. Một tôn giáo thuộc
loại như thế vẫn còn sinh động đã được chứng minh bằng sự cuồng nhiệt
trong tiếng reo hò tại Ê-phê-sô: 'Vĩ đại thay là nữ thần Đi-anh của người Ê-
phê-sô'. Bất cứ một đại họa công cộng nào xảy ra, cũng có thể là cơ hội cho
lòng nhiệt cuồng về tôn giáo như vậy bùng nổ.
Một hình thức khác nữa của tôn giáo chính trị là sự thờ lạy các vua, đã xâm
nhập thế giới Hy Lạp khởi đầu với A-lịch-sơn Đại Đế. Nó xuất hiện trong
danh hiệu như Euergetes (ân nhân) và Soter (cứu tinh) gán cho những người
kế vị ông ta, mà ưu điểm là tiêu biểu cho lòng biết ơn đối với các lợi ích mà
luật pháp và trật tự chính quyền đã đem đến. Nhưng thường thì đó là cách
bộc lộ sự nịnh bợ, như việc vua Ạc-ríp-ba đã được dân Ty-rơ hoan hô trong
Cong Cv 12:22. Ít ra cũng có một gợi ý về việc đó trong cái tên Augustus, là
người chắc chắn đã được tôn thờ như một vị thần, có những đền thờ và các
phẩm trật tư tế đặc biệt trong các thành phố của Tiểu Á Châu. Tại La-mã và
thế giới La-tinh Tây Phương, sự thờ lạy ấy đã không bám rễ được, tuy các
hoàng đế kế tiếp cũng đều được phong thần sau khi băng hà. Sự thờ lạy
hoàng đế có lẽ chỉ được coi như một hành vi bày tỏ lòng trung thành hơn là
một tôn giáo, và cũng chính vì lý do ấy mà nó đã được chứng minh là khó
khăn nghiêm trọng nhất đối với các Cơ Đốc nhân. Họ không thể nào thừa
nhận một hoàng đế là thần - tuy chỉ về mặt hình thức mà thôi - do đó, họ có
vẻ như những kẻ bất trung.
2. Các tôn giáo thần bí. So với tôn giáo chính trị, tôn giáo thần bí dễ nhận ra
hơn nhiều. Các tôn giáo thần bí là của thế giới chịu ảnh hưởng văn hóa Hy
Lạp. Dù khác nhau về nơi chốn, nguồn gốc và tính cách độc đáo, các tôn
giáo ấy đều có những nét chung nhất. Đó là các tôn giáo có tính cách cá
nhân và tự nguyện, trong đó các cá nhân tự ý tham gia thờ phượng. Có thể
gọi đó là những tôn giáo trong nghĩa chúng kêu gọi con người ta với tư cách
là con người bất chấp chủng tộc, công dân của quốc gia hay của thành phố
nào hoặc giai cấp nào. Lợi ích các tôn giáo đó đem đến là về mặt tinh thần
chớ không phải vật chất. Chúng hứa hẹn với người nhập giáo sự tái sanh, sự
cứu rỗi khỏi vòng luân hồi và khỏi thân xác vẫn coi là nhà tù đối với linh
hồn, cùng với sự bất tử nhờ kết hợp với Thượng Đế. Những tôn giáo này dựa
trên thần thoại về một vị thần chịu đau khổ, nhưng cuối cùng đã chiến thắng.
Khi thờ cúng, người theo đạo được dự phần vào sự đau khổ và chiến thắng
của vị thần đó qua các nghi lễ có tính cách biểu tượng, hào nhoáng. Những
tôn giáo như thế rất hấp dẫn đối với tấm lòng và cảm xúc hoàn toàn không
thấy có trong các tôn giáo chính trị, do đó, được phổ biến rộng rãi trong dân
chúng. Nhưng không phải là chúng không hề hấp dẫn lý trí vì rất rõ ràng là
một số các triết gia đã chịu ơn chúng rất nhiều.
Thiết tưởng không cần phải đi sâu vào chi tiết của tất cả các tôn giáo thần bí.
Ta chỉ cần nêu lên hai tôn giáo điển hình là hai tôn giáo Ai Cập cổ đã lan
tràn khắp thế giới Hy Lạp suốt giai đoạn có ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp, và
rêu rao rằng triết gia Plutarch vốn là một tín đồ sùng đạo. Tôn giáo ấy thờ
mẹ Isis, có con trai là Osiris bị thất lạc rồi tìm lại được. Năm 43 TC, sau một
cuộc chiến đấu dai dẳng với thành kiến La-mã thâm căn cố đế, chính La-mã
đã phải thừa nhận nó, và trở thành phổ cập trong khối người ngoại quốc và
phụ nữ. Thứ hai là đạo của Mithras, bắt nguồn tại Ba-tư, ghi dấu vết ở
phương Tây có phần trễ hơn. Mithras là mặt trời không gì chiến thắng nổi, là
cứu tinh của loài người khỏi quyền lực của bóng tối. Phụ nữ không được
phép gia nhập vì tôn giáo này có khuynh hướng bi tráng hóa cuộc chiến đấu
đầy gian lao của điều thiện chống điều ác. Vì vậy nó đã trở thành tôn giáo
của binh sĩ, và các dấu vết của nó được tìm thấy khắp nơi dọc theo các vùng
biên giới quân sự của đế quốc. Hồi thế kỷ thứ hai, Justin Martyr đã được biết
đến đạo ấy, mà ông ghi nhận có một số điểm giống với Cơ Đốc giáo, và giải
thích chúng là sự bắt chước chánh đạo cách quỉ quyệt. Đến thế kỷ thứ ba, nó
bị nghiêm cấm trong vòng các binh sĩ hoàng đế và của quốc gia.
Các tôn giáo khác nhau đó không hề thù địch và bình thường thì không bao
giờ tấn công lẫn nhau, mà vui vẻ chung sống hòa bình. Theo quan điểm Cơ
Đốc giáo, thì tất cả những gi khác nhau ở chúng lại là cái 'tinh thần ngoại
đạo'. Thật vậy, những tôn giáo đó có khuynh hướng vay mượn lẫn nhau các
tư tưởng cũng như nghi lễ, do đó, hầu như bị hòa trộn lại. Diễn trình này
được gọi là 'hòa đồng tôn giáo', vốn rất thịnh hành trước khi Cơ Đốc giáo
xuất hiện, nhưng đã đạt đến tuyệt đỉnh trong tôn giáo của Julian, Kẻ Bội Đạo
vào giữa thế kỷ thứ tư. Ông đã hy vọng tìm được trong việc nhào nặn các
tôn giáo do bàn tay loài người đó một lực lượng kiến hiệu để đánh thăng
bằng với Hội Thánh đang chiến thắng.
3. Tôn giáo triết lý. Kể từ thời của Plato và Aristotle triết học đã có một lịch
sử lâu dài. Nếu nó ít đặc tính sáng tạo hơn, thì lại gây được ảnh hưởng sâu
rộng hơn. Các trường phái của Plato và Arsitotle vẫn tồn tại, nhưng các phái
Khắc Kỷ (Stocism) và Hưởng Lạc (Epicurism) với các quan niệm đối lập
của họ về một nếp sống hạnh phúc, đã chinh phục được sự chú ý của dân
chúng. Nhằm chống lại chủ nghĩa giáo điều quá dễ dãi của họ, những người
thừa kế Plato đã từ bỏ thần bí chủ nghĩa của thầy, để tự hài lòng với chủ
nghĩa phê bình của các trường phái mới. Họ tự xưng là hoàn toàn theo hoài
nghi chủ nghĩa. Cho đến khoảng năm 80 SC, triết học thù địch với tôn giáo,
tuy trước công chúng, phần lớn các triết gia đều theo quốc giáo. Chính
Cicero đã theo trường phái Hoài nghi nhưng ngay từ những năm ông còn đi
học, thế giới triết học đã bắt đầu chuyển biến. Hai trường phái Academics và
Khắc Kỷ vì quá mệt mỏi với những bút chiến đã mở đường cho sự phục
hưng của chủ thuyết Plato đích thực. Triết học lại một lần nữa đã tỏ ra có
thiện cảm với tôn giáo, và tuy họ vẫn chỉ trích huyền thoại chủ nghĩa xưa cũ
của các thi sĩ, nhưng đã sẵn sàng biện giải cho một tôn giáo tích cực và thực
tế. Nó đưa ra một nền thần học tự nhiên được trau chuốt hết sức công phu,
bao gồm các giáo lý độc thần, quyền năng sắp xếp thần hựu, sự bất tử bất
diệt của linh hồn, và một sự phán xét trong tương lai. Bên cạnh đó nó còn
thêm vào một đạo đức học nhân bản nữa. Thật vậy, Seneca đã rất gần với Cơ
Đốc giáo trong nhiều lời giáo huấn thần học và đạo đức, đến nỗi các Cơ Đốc
nhân bảo là ông đã được Phao-lô cải giáo. Rõ ràng đối với nhiều người, học
thuyết của Plato đã dọn đường cho Cơ Đốc giáo.
Tất nhiên chúng ta không được phép phóng đại tính cách sẵn sàng của thế
giới La-Hi đối với việc tiếp nhận Cơ Đốc giáo. Vẫn phải cần đến ba thế kỷ
truyền giáo cật lực, làm chứng đạo như những anh hùng, Cơ Đốc giáo mới
thắng nổi sự kiêu ngạo và thái độ tự mãn do một nền văn minh vững mạnh
sáng chói như vậy sản sinh ra. Nhưng trật tự trong xã hội, khát vọng đối với
những điều thuộc linh sâu nhiệm, và nỗ lực mò mẫm tìm kiếm chân lý, đều
là những yếu tố bảo đảm rằng thế giới La-Hi là một vùng đất tốt, khi Người
Gieo Giống đến với hạt giống tốt của Ngài là Lời (Đạo) của Đức Chúa Trời.
Tuy nhiên, Đấng Gieo Đạo phải đến từ một thế giới rất khác biệt, vì 'sự cứu
rỗi vốn từ người Giu-đa mà đến'.
DÂN DO THÁI VÀ SỰ TAN LẠC
Trong chương trước, chúng ta đã thấy đối với người La-mã xứ Giu-đê là một
tỉnh rắc rối. Dân cư không chịu cộng tác với chính quyền đô hộ, và nổi loạn
là một bệnh dịch đặc biệt của vùng này. Do đó, người La-mã giao quyền cai
trị cho một nhà vua chịu lệ thuộc vào họ là Hê-rốt Đại Đế, trị vì trên phần
vương quốc vốn là vương quốc của vua Đa-vít xưa kia. Khi Hê-rốt băng hà
(4 TC) nước được chia cho các con trai ông ta. A-chê-la-u là con trưởng, cai
trị xứ Giu-đê cho đến khi bị truất phế năm 6 SC, và xứ ấy được chuyển sang
tay các quan tổng đốc La-mã để họ trực tiếp cai trị một thời gian, trong số đó
có Bôn-xơ Phi-lát là người được biết đến nhiều nhất. Hê-rốt An-ti-ba làm
vua chư hầu tại Ga-li-lê cho đến năm 39 SC. Năm 41, một cơn lốc chính trị
nổi lên do hoàng đế Caligula phát động, truyền rằng phải dựng tượng của
ông ta ngay trong đền thờ để thờ lạy, buộc Claudius phải trở lại cai trị theo
cách của một nhà vua, và Hê-rốt Ạc-ríp-ba, cháu nội của Hê-rốt Đại Đế, thì
trị vì từ năm 41-44 để kết thúc đời mình với một cái chết kinh hoàng (Cong
Cv 12:1-25). Từ đó về sau lại có các quan tổng đốc (chẳng hạn như Phê-lít
và Phê-tu trong Công Vụ Các Sứ Đồ) cho đến khi cuộc chiến điêu tàn bùng
nổ, kết thúc bằng việc đền thờ bị hủy phá vào năm 70 SC.
Các vua Hê-rốt và các quan tổng đốc đều không can thiệp vào việc thờ
phượng theo tôn giáo của dân Do Thái, và dành cho Tòa Công Luận được
rộng rãi về mặt giáo quyền. Các vua Hê-rốt còn cố gắng hành động để chính
họ được dân Do Thái thừa nhận là những nhà vua Do Thái ái quốc. Họ được
phần nào những người phái Sa-đu-sê là số người được thừa kế chức tế lễ
trong đền thờ ủng hộ nhưng điều lạ lùng là họ lại tránh xa những người nhiệt
thành đối với đạo giáo đương thời. Ở đối cực kia của chiếc thang, là đảng
Xê-lốt (ái quốc nhiệt thành) vốn hung hăng và cuồng tín, luôn luôn chống lại
chính quyền La-mã. Giữa hai đối cực đó là đại đa số dân chúng ngưỡng mộ
và theo phái Pha-ri-si, tuy không phải họ theo tất cả mọi chi tiết của chủ
nghĩa duy luật. Trong các nhà hội, họ nghe đọc và giải nghĩa sách Luật Pháp
và Các Sách Tiên Tri, học tập thờ kính Đức Chúa Trời của tổ tiên họ, vâng
theo ý chỉ Ngài, và tin vào các lời hứa về sự cứu rỗi do Đấng Mết-si-a. Ngay
từ thời thơ ấu, Chúa Giê-xu đã có thói quen đến nhà hội vào ngày Sa-bát, và
cũng tại một nhà hội, Ngài đã truyền giảng sứ điệp đầu tiên rằng Kinh Thánh
đã ứng nghiệm nơi chính Ngài. 'Người đến với dân mình, nhưng dân mình
đã chẳng hề tiếp nhận'. Nhưng chính tại xứ Ga-li-lê, Ngài đã tuyển mộ các
môn đồ đầu tiên. Mảnh đất một phần nào đã được dọn sẵn cho hột giống.
Niềm hy vọng về một Đấng Mết-si-a đã chỉ về Phúc Âm của Nước Đức
Chúa Trời (GiGa 1:45).
Xứ Palestine là quê hương của vô số người đang sống bên ngoài biên cương
của nó. Căn cứ vào sách Công Vụ và nhiều nguồn tài liệu khác, chúng ta
được biết dân Do thái đã bị tan lạc sâu rộng khắp thế giới La-Hi. Tại mỗi
thành phố đều có khu định cư riêng của người Do Thái. Người ta bảo rằng
tại Alexandria và Ai Cập, đã có tới một triệu người Do Thái. La-mã cũng có
khu phố riêng của dân Do Thái. Việc họ hoàn toàn không dính líu và chế
nhạo hình tượng khiến họ bị các láng giềng thù ghét, khiến đây đó thỉnh
thoảng lại nổi lên những cuộc biểu tình bài Do Thái. Ngay cả những người
có học thức như Tacitus vẫn sẵn sàng tin và viết ra những điều vô lý nhất
nhằm nhục mạ niềm tin và cách hành đạo của họ. Tuy nhiên, chính quyền
của đế quốc vẫn thừa nhận các cộng đồng tôn giáo của họ là hợp pháp, và
bảo vệ việc thực thi các tập tục của tổ tiên họ. Các nhà cầm quyền địa
phương của nhà hội được phép xét xử các vấn đề có liên hệ đến luật pháp
Môi-se. Ga-li-ôn, quan trấn thủ xứ A-chai biết rõ mình không nên can thiệp
vào những vấn đề như thế (Cong Cv 18:14). Dân Do Thái được đặc miễn
việc thờ cúng của công dân, việc thờ lạy hoàng đế và việc phải đến tham dự
các phiên tòa nhằm ngày Sa-bát. Họ cũng không bị cưỡng bách tòng quân.
Như thế, họ là một dân tộc được biệt riêng ra, và ngay trong tình trạng bị tan
lạc, họ vẫn đoàn kết chặt chẽ với nhau bằng cách giữ lòng trung thành đối
với luật pháp. Họ cũng duy trì được việc liên lạc chặt chẽ với Giê-ru-sa-lem
là thành phố mẹ của họ, với hy vọng là ít nhất một lần trong đời cũng được
trở về thăm nó một lần.
Tuy vậy, với tất cả đặc điểm dân tộc độc đáo đó, Do Thái giáo của số người
bị tan lạc đó là một tôn giáo đã được tuyên truyền hết sức cuồng nhiệt trước
khi Cơ đốc giáo dấy lên (Mat Mt 23:15). Việc cải giáo các công dân La-mã
là bất hợp pháp, thế nhưng chúng ta vẫn được nghe nhiều người có chức vị
cao đã bị xử tử vì đã gia nhập 'vô thần chủ nghĩa' của người Do Thái. Nhưng
điều này không có ảnh hưởng gì đến thần dân, và chúng ta thấy nhiều nhà
hội của những người nói tiếng Hy Lạp của nhiều thành phố đã bị vô số
người đổ xô đến bao vây, nam có mà nữ lại đông hơn; họ không trở thành
người Do Thái theo ý nghĩa đầy đủ của từ ngữ ấy - nghĩa là tiếp nhận mọi lễ
nghi mà luật pháp đòi hỏi - nhưng là 'những người thờ phượng Đức Chúa
Trời'.
BỘ BẢY MƯƠI (SEPTUAGINT)
Nói về một cơ quan truyền giáo thì địa vị hàng đầu phải dành cho bản dịch
bộ Kinh Thánh Hy-bá-lai xưa tại Alexandria được đem ra đọc và giải nghĩa
trong các nhà hội của những người Do Thái bị tan lạc. Dĩ nhiên đây không
phải là bộ sách dành cho người học thức, vì họ không thích bút pháp cũng
như nội dung của bộ sách ấy. Hiểu theo nghĩa tổng quát, thì đây không phải
là loại sách văn chương hay triết lý. Nhưng nó có một sức hấp dẫn kỳ lạ do
chính tính cách 'thông tục, thô thiển' và sự khôn ngoan lạ thường của nó. Nó
cũng có tính chất cổ xưa quan trọng, giọng điệu đầy uy quyền, nhấn mạnh
đến sự công chính và sự phán xét của Đức Chúa Trời. Numenius đã từng
hỏi: 'Plato là gì? Chẳng qua chỉ là Môi-se nói tiếng Hy Lạp cổ'.
JOSEPHUS
Với người học thức, Josephus, một thầy tế lễ Do Thái giáo, mà cũng là
người được các hoàng đế Flavian quí mến, đã viết lại lịch sử của dân tộc
mình bằng bút pháp văn chương Hi lạp. Ông mô tả các niềm tin và phong
tục tập quán của họ, với màu sắc Hi lạp. Những cách tuân thủ luật pháp đều
được giải thích cách tượng trưng. Các vị tộc trưởng trở thành những nhà
hiền triết, Môi-se là người sáng lập một quốc gia lý tưởng, và các đảng phái
Do Thái giáo về sau này, là những trường phái triết học. Theo cách đó, toàn
thể sự khôn ngoan của người Hy Lạp, độc thần chủ nghĩa và các ý niệm đạo
đức, các châm ngôn của họ đều được chứng minh là bắt nguồn từ Môi-se,
người đã sinh sống vào một thời đại còn sớm hơn cả Homer.
PHILO
Nhưng chính tại Alexandria là nơi có đông đảo người Do Thái, việc truyền
bá tư tưởng Do Thái mới nổi bật hơn hết, và được diễn tả bằng một nền văn
học biện giải hết sức phong phú. Nhân vật nổi bật hơn hết là Philo (khoảng
20 TC - 40 SC). Ông vốn thuộc về một dòng họ Do Thái giàu có và có nhiều
thế lực, là người đồng thời với Phao-lô, nhưng chẳng đề cập gì đến Cơ Đốc
giáo. Ông ta là một người Do thái tin kính, sốt sắng và yêu nước, nhưng
đồng thời cũng chịu ảnh hưởng sâu xa của triết học Hy Lạp. Phần lớn các
văn phẩm của ông đều nhằm giải nghĩa Cựu Ước, nhưng phương pháp giải
nghĩa theo hình bóng của ông khiến ông đi quá xa đến mức hủy hoại cả phần
ý nghĩa đích thực của nó. Đức Chúa Trời trở thành một hữu thể hoàn toàn
trừu tượng, gồm toàn các thuộc tính tiêu cực mà thôi. Vì không thể nào nghĩ
về Ngài là Đấng có liên hệ trực tiếp với thế giới như Đấng Tạo Hóa, hay
Đấng Quản Trị lịch sử nhân loại. Philo buộc phải tìm một tác nhân trung
gian nên đã khai triển quan niệm Hy Lạp cổ xưa về Logos Thiên Chúa, là
Lời Thượng Đế hay Sự Khôn Ngoan, mà ông gọi là Con Đức Chúa Trời,
nhưng lại không quan niệm đó là một thân vị. Theo Philo, Logos không
tương đương với Đấng Christ. Trái lại, đó là một dòng tiềm năng tạo hình
thể cho vật chất bảo tồn vũ trụ, điều khiển lịch sử nhân loại và rọi như ánh
sáng lý trí trong tâm trí con người . Dầu vậy, các nhà thần học Cơ Đốc bắt
đầu với Giăng đã dùng cùng một từ ngữ ấy để giới thiệu Đức Chúa Giê-xu
Christ cho thế giới Hy Lạp, như là (Ngôi) Lời và là Sự Khôn Ngoan của Đức
Chúa Trời là Cha. Các tác phẩm của Philo đã được Hội Thánh bảo tồn như
những thứ binh giáp giáo lý và biện giáo có giá trị.
Phúc Âm đã được truyền giảng trước nhất trong vùng Palestine thuộc Do
Thái, nơi ít ra cũng có một số người đang trông mong sự ứng nghiệm các lời
hứa trong Cựu Ước. Chẳng bao lâu, nó gây được tiếng vang khắp thế giới
Do Thái, được đem ra thảo luận, được tiếp nhận hoặc chối bỏ, trong tất cả
các nhà hội, và nhờ đó Phúc Âm đã đến được với thế giới ngoại bang. Các
hội chúng Cơ Đốc đầu tiên phần lớn người Do Thái và những người ngoại
bang theo Do Thái giáo, đã tìm thấy trong Cơ đốc giáo tất cả chân lý mà từ
lâu họ vẫn trông tìm trong nhà hội, mà không vướng mắc gì với phần nghi lễ
của luật pháp. Trong vòng người ngoại bang, Phúc Âm được giới bình dân
chất phác hoan nghênh, huấn giáo của triết học thì cung ứng cho các giáo sư,
các nhà biện giải Cơ Đốc giáo một công cụ để nhờ đó đưa thành phần học
thức tin theo đạo.
Càng khảo xét kỹ hoàn cảnh lịch sử vào thời bắt đầu kỷ nguyên của chúng
ta, cả của thế giới người Do Thái lẫn thế giới ngoại bang, chúng ta càng tin
quyết vào chân lý của Phao-lô trong câu 'Khi kỳ hạn đã trọn, thì Đức Chúa
Trời sai Con Ngài đến thế gian'.

ĐỜI SỐNG ĐẤNG CHRIST


Điều chúng tôi định viết ở đây là một bố cục thật ngắn gọn về diễn tiến các
biến cố đã xảy ra trong đời sống của Chúa Giê-xu. Quan điểm của chúng tôi
dựa vào các tín điều chính yếu của Cơ Đốc giáo xem Chúa Giê-xu là 'Vua
Vinh Hiển', 'là Con Đời Đời của Đức Chúa Cha' và tuyên bố rằng lý do Ngài
xuất hiện trên đất này là 'vì cớ loài người chúng ta và vì cớ sự cứu rỗi chúng
ta'. Như thế, chương này nghĩ về đời sống của Chúa Giê-xu nằm giữa hai
phép lạ song đôi, là sự giáng sinh đồng trinh và sự phục sinh.
Số tài liệu quá phong phú hàm chứa trong bốn sách Phúc Âm, thoạt tiên có
thể làm chúng ta lúng túng, nhưng chẳng bao lâu, nếu cứ tiếp tục chú mục
vào những biến cố nổi bật và những khúc quanh quan trọng, chúng ta sẽ nắm
được các đầu mối hướng dẫn chúng ta nghiên cứu.
SỰ GIÁNG SINH
Chúa Giê-xu được sinh ra tại Bết-lê-hem, cách Nam Tây Nam Giê-ru-sa-lem
khoảng sáu dặm (10 Km), rất có thể không phải vào ngày 25 tháng 12 dl, và
dường như là vài năm sớm hơn niên lịch mà Cơ Đốc giáo nêu ra. Hai trong
bốn sách Phúc Âm của chúng ta, sách thứ nhất và thứ ba, cho thấy Chúa
Giê-xu do một trinh nữ sinh ra; Ma-ri là một thiếu nữ ngoan đạo, cư ngụ tại
một làng nhỏ trong xứ Ga-li-lê là Na-xa-rét. Việc Chúa Giê-xu được một
trinh nữ sinh ra không hề là một khó khăn không vượt qua nổi đối với người
thật sự tin vào thần tánh trọn vẹn của Ngài, và đã suy nghĩ cặn kẽ về tất cả
những điều đó có ngụ ý gì. Như Denny đã minh định trong quyển Nghiên
Cứu Thần Học (Studies in Theology, tr.64) của ông: 'Toàn thể các sứ đồ đều
tin rằng Ngài vốn từ Đức Chúa Trời đến theo một ý nghĩa là đã không hề có
ai được như vậy; như thế, phải chăng cách thức Ngài đã đến cũng là con
đường mà chưa từng có ai trải qua?'. Những ai muốn tra xét đầy đủ hơn mọi
vấn đề có liên hệ đến chuyện này, cần tra cứu tác phẩm hết sức đầy đủ của
tiến sĩ J.Gresham Machen, nhan đề Đấng Christ được trinh nữ sinh ra (The
Virgin Birth of Christ). Trong quyển sách rất có giá trị của Sir William
Ramsay nhan đề Phải chăng Đấng Christ được sanh ra tại Bết-lê-hem ? (Was
Christ born at Bethlehem?), tác giả đã thảo luận mọi vấn đề liên quan tới
Cyrenius (Qui-ri-ni-u) và chiếu chỉ của hoàng đế (LuLc 2:1,2), và nhiều vấn
đề khác có liên hệ với sự ra đời của Chúa Giê-xu.
NHỮNG NĂM IM LẶNG
Chúa Giê-xu đã sống ẩn dật khoảng ba mươi năm tại Na-xa-rét, ở miền núi
xứ Ga-li-lê, trong một gia đình nghèo, và nhiều người nghĩ rằng các dấu vết
về sự nghèo túng đó được tìm thấy trong lời dạy dỗ của Ngài về những chiếc
áo vá và loại thức ăn rẻ tiền nhất là thịt chim sẻ. Rõ ràng Ngài từng làm thợ
mộc tại đó (Mac Mc 6:3). Có nhiều sách Phúc Âm ngoại kinh kể lại những
chuyện phi lý về các phép lạ Ngài làm thuở ấu thời (lấy đất sét nắn nên
những con chim sẻ rồi thả cho chúng bay,...), những câu chuyện hoàn toàn
tương phản với tính cách lành mạnh và đáng tin của các ký thuật trong Kinh
Thánh. Trong các sách Phúc Âm của Kinh Thánh, biến cố duy nhất phá tan
sự im lặng của ba mươi năm đó đã được kể lại trong LuLc 2:42-52. Năm
Ngài được mười hai tuổi chúng ta thấy Chúa Giê-xu đã ý thức mối liên hệ có
một không hai giữa Ngài với Đức Chúa Trời khi Ngài bảo rằng Đức Chúa
Trời là Cha Ngài. Sự tương phản giữa mấy tiếng 'cha con' của bà Ma-ri và
'Cha tôi' trên môi miệng Chúa Giê-xu (LuLc 2:48,49) rất đáng cho chúng ta
suy ngẫm.
PHÉP BÁP TEM
Đây là mốc đánh dấu quan trọng đầu tiên trong chức vụ của Chúa Giê-xu, là
khởi điểm chính thức của chức vụ Ngài, dẫn tới và chuẩn bị cho chức vụ ấy
bằng lời truyền giảng của Giăng Báp-tít. Tất cả các sách Phúc Âm đều nhấn
mạnh tầm quan trọng của chức vụ của Giăng. Lu-ca đã cẩn thận ghi niên đại
cho nó, vạch rõ sự khổ công của một sử gia đã cẩn thận muốn ghi lại thật
chính xác địa điểm ấy trong toàn bộ thế giới sử (LuLc 3:1,2). Đây là biến cố
duy nhất được ghi niên đại trong Tân Ước. Có lẽ Giăng Báp-tít đã giảng đạo
vào năm 26-27 SC, và Chúa Giê-xu chịu báp tem hoặc hai tháng trước ngày
lễ Vượt Qua năm 27 SC.
Giăng công bố rằng các lời tiên tri trong Cựu Ước sắp được ứng nghiệm và
rằng Đấng Mết-si-a đang đứng trước cửa. Ông kêu gọi toàn dân ăn năn dọn
lòng đón Ngài. Giăng không kiêng nể ai dù là người Pha-ri-si hay đám binh
sĩ và kết quả của những lời giảng rất nghiêm khắc ấy là một cuộc phục hưng
tôn giáo đã lan tràn khá sâu rộng (xem đặc biệt Mat Mt 3:5,6). Giăng đã
khiến mọi người ý thức sâu xa về tội lỗi, nhưng ông không thể cất tội lỗi đi
được: đó là công việc của Chúa Giê-xu (GiGa 1:29). Ngài sẽ làm phép báp
tem bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa, như thế, mới dẫn truyền được một sự
sống thuộc linh mới mẻ và quyền năng cho các linh hồn thống hối. Khi Ngài
cùng với các tội nhân khác chịu phép báp tem, ấy là để làm ứng nghiệm một
phần lời tiên tri về Người Đầy Tớ của Đức Giê-hô-va, 'Người bị kể vào hàng
kẻ dữ' (EsIs 53:12; Mat Mt 3:15). Ở đây, chúng ta thấy Chúa Giê-xu đang
hướng mặt Ngài về phía thập tự giá ngay lúc Ngài bắt đầu thi hành chức vụ.
'Bóng cây thập tự' mà Holman Hunt với nội kiến sâu sắc đã thấy ngả trên
thân thể Chúa Giê-xu tại Na-xa-rét, đã ngả ngay trên tâm hồn Ngài tại đây,
ngay bên bờ sông Giô-đanh.
Augustine nói: 'Hãy đến sông Giô-đanh, bạn sẽ được thấy Đức Chúa Trời Ba
Ngôi'. Sự hiện diện đầy trọn của Đức Thánh Linh đã đáp đậu trên Chúa Giê-
xu để trang bị cho nhân tánh Ngài mọi tài năng và ân điển cần thiết để trở
thành công cụ cho Ngài, hầu thực hiện công tác bởi đó Ngài đã đến để thực
thi. Những lời Đức Chúa Cha đã phán với Ngài đưa chúng ta trở lại với Thi
Tv 2:7 và EsIs 42:1, khiến hai quan niệm của Cựu Ước về Đấng Mết-si-a
với tư cách là Vua và là Người Đầy Tớ Thống Khổ, đã hòa lẫn vào nhau tại
đây.
SỰ CÁM DỖ
'Đức Chúa Giê-xu đầy dẫy Đức Thánh Linh...được Đức Thánh Linh đưa đến
trong đồng vắng...bốn mươi ngày' (LuLc 4:1), và tại đó, Ngài chịu sự cám
dỗ mật nhiệm. Biết được quan niệm sai lầm của thời bấy giờ về Đấng Mết-
si-a giúp chúng ta hiểu điều này dễ dàng hơn. Kẻ cám dỗ đã tìm cách khiến
Chúa Giê-xu chứng tỏ Ngài là Đấng Mết-si-a bằng cách hóa đá thành bánh
để thỏa mãn các nhu cầu xác thịt của con người và bỏ qua các nhu cầu sâu
xa hơn, nhu cầu về bánh thuộc linh. Nó tìm cách xúi giục Chúa Giê-xu thực
hiện nhiều phương pháp ngoạn mục, gây kinh ngạc để được lòng người ta,
thay vì phương pháp gây ảnh hưởng thầm lặng bởi Đức Thánh Linh. Nó tìm
cách gài bẫy cho Ngài từ bỏ con đường gian khổ dẫn đến thập tự giá, để
Ngài thỏa hiệp với điều ác. Mọi cuộc tấn công vào tâm hồn Chúa Giê-xu đều
bị đẩy lui, 'ma quỉ dùng hết cách cám dỗ Ngài' (LuLc 4:13) nhưng Ngài đều
thắng hơn nó; 'Đức Chúa Giê-xu được quyền phép Đức Thánh Linh, trở về
xứ Ga-li-lê' (LuLc 4:14). Từ đó trở đi, trên con đường thi hành chức vụ,
Ngài đã tự trói buộc mình bằng sợi dây yêu thương đối với số môn đệ hàng
đầu của mình (GiGa 1:35-51). Tại Ca-na xứ Ga-li-lê, Ngài đã làm phép lạ
đầu tiên (GiGa 2:1-11).
CHỨC VỤ TẠI XỨ GIU-ĐÊ
Sách Phúc Âm thứ tư (các chương 2:1-3:1-36) chép câu chuyện về chức vụ
của Chúa Giê-xu tại Giê-ru-sa-lem và xứ Giu-đê trước khi Ngài bước vào
chức vụ tại xứ Ga-li-lê mà các sách Phúc Âm Cộng quan đã đề cập rất nhiều.
Tại Giê-ru-sa-lem, nhân ngày lễ Vượt Qua, Chúa Giê-xu đã thanh tẩy đền
thờ (GiGa 2:13-22). Cũng trong sách Giăng, chúng ta có bản tường trình về
hai lần gặp gỡ tay đôi lừng danh của Chúa Giê-xu với hai nhân vật hầu như
hoàn toàn trái ngược nhau về cá tính, một là với một giáo sư nổi tiếng người
Do Thái (GiGa 3:1-25) và một lần khác là với một phụ nữ người Sa-ma-ri
(GiGa 4:1-54). Tuy có vài cá nhân đã được tiếp xúc với Chúa Giê-xu và chịu
ảnh hưởng của Ngài, các kết quả của chức vụ Ngài hết sức ít oi. Rõ ràng là
phải mở rộng ra phần công tác chuẩn bị để kêu gọi mọi người ăn năn tội và
chịu báp tem. Rồi đúng lúc Giăng Báp-tít bị bắt giam, Chúa Giê-xu đã bắt
đầu chức vụ tại Ga-li-lê, nơi Ngài 'tự tỏ mình ra' với những tâm hồn đơn sơ,
với cả những kẻ kiêu ngạo và đầy thành kiến tại Giu-đê, là bản doanh của
giai cấp thầy tế lễ và giai cấp thượng lưu tri thức (Mat Mt 4:12; LuLc 4:18).
TOÀN THỂ CHỨC VỤ
Sau khi đã cẩn thận tra xét tất cả các sự kiện liên hệ, chúng ta thiên về quan
điểm chủ trương toàn thể chức vụ của Chúa Giê-xu đã kéo dài ba năm. Chắc
chắn nếu xem xét kỹ lưỡng, thuyết chủ trương chức vụ Chúa chỉ kéo dài
trong một năm không thể đứng nổi; người ta không thể nào quan niệm được
rằng sự phát triển của đức tin cũng như lòng vô tín đối với lời chứng của
Phúc Âm, nhiệm vụ của mười hai sứ đồ và bảy mươi môn đồ, và các vòng
truyền giáo khác nhau của Chúa Giê-xu, lại có thể chỉ xảy ra trong một thời
gian quá ngắn ngủi như thế. Cần vạch rõ là sách Phúc Âm thứ nhất đã cho
thấy hai khúc quanh quan trọng trong chức vụ mà chúng ta cần hết sức chú
ý. Trong Mat Mt 4:17, chúng ta đọc thấy: 'Từ lúc đó, Đức Chúa Giê-xu khởi
giảng dạy', (đây là lúc bắt đầu chức vụ trong xứ Ga-li-lê). Trong Mat Mt
16:21, chúng ta đọc thấy: 'Từ đó trở đi (nghĩa là tại Sê-sa-rê Phi-líp) Đức
Chúa Giê-xu mới tỏ cho môn đồ biết rằng mình phải chịu nhiều sự khốn
khổ...'. Có thể chia chức vụ của Chúa Giê-xu ra làm ba giai đoạn: 'năm âm
thầm' (tại xứ Giu-đê), 'năm được công chúng hoan nghênh ', và 'năm bị
chống đối'.
NĂM ĐƯỢC CÔNG CHÚNG HOAN NGHÊNH
Trong năm này - hoàn toàn xảy ra trong xứ Ga-li-lê - trừ lần viếng thăm Giê-
ru-sa-lem được mô tả trong GiGa 5:1-47, các đoàn dân đông đã chờ đợi và
vây lấy Chúa Giê-xu ở khắp mọi nơi, vì bị các phép lạ cũng như lời dạy dỗ
của Ngài lôi cuốn. Về các phép lạ, chúng tôi cho đó là tác động do một việc
Ngài đã làm chính những ngày đầu tiên tại Ca-bê-na-um: 'Cái gì vậy? Sự
dạy mới sao? Người này lấy quyền phép sai khiến đến tà ma mà nó cũng
phải vâng lời?' (Mac Mc 1:27). Các phép lạ là dấu hiệu về sự hiện diện và
hành động cứu rỗi của Đức Chúa Trời (LuLc 11:20). Còn về lời dạy dỗ,
chúng tôi cho là ấn tượng sâu đậm trên những kẻ đã được nghe 'bản tuyên
ngôn của Nhà Vua' (Mat Mt 5:1-7:29).
Đây là những ngày kỳ diệu, và khi việc Ngài làm cứ ngày càng rõ thêm,
Chúa Giê-xu đã kéo được cho mình một đoàn gồm mười hai môn đệ là hạt
nhân cho một Y-sơ-ra-ên mới, và sai phái họ đi vào các chiến dịch truyền
giáo. Đối với các môn đệ Ngài thì những ngày ấy đôi lúc có vẻ như họ được
dự tiệc cưới bất tận. Nhưng, đã có dấu hiệu về rắc rối sắp xảy ra. Ngay vào
thời kỳ đầu này, (LuLc 5:17) chúng ta đọc thấy những người Pha-ri-si từ
khắp các thành phố của xứ Giu-đê, xứ Ga-li-lê và từ Giê-ru-sa-lem đều đổ
xô đến để theo dõi và hạch sách Ngài. Câu này đã vô tình làm chứng cho sự
kiện Ngài đã thi hành chức vụ tại miền Nam trước, như đã được mô tả trong
sách Phúc Âm thứ tư. Có một ngày, giữa đám môn đệ đang vui mừng, Chúa
Giê-xu đã nói mấy lời mà đối với nhiều người đã trở thành lời báo trước một
chuyện gì đó hết sức kinh dị, thảm khốc, như một cơn dông thình lình kéo
đến trong một ngày hè (Mac Mc 2:20).
Kết quả của năm ấy ra sao? Đã có một số kết quả tốt, như Ngài đã thông báo
với Giăng Báp-tít khi ông sai sứ giả đến hỏi Ngài, lúc ông bị giam trong nhà
tù Machaerus (Mac Mc 11:4,5). Nhưng Ngài cần phải quở trách các thành
phố trong đó Ngài đã làm nhiều phép lạ mà họ không ăn năn (Mat Mt 11:20)
Ngài đang dấn thân vào chiến dịch chống lại tội lỗi, và Chúa Giê-xu rất đau
lòng vì nhiều người đã không chịu ăn năn dầu họ đang có trước mặt một nhà
truyền đạo có quyền phép khiến người ta ăn năn hơn cả nhà tiên tri Giô-na
(Mat Mt 12:41). Nhưng Ngài có thể an lòng trong ý chỉ tể trị của Cha Ngài
(Mat Mt 11:25,26), và vẫn có thể cứ tiếp tục gọi người ta đến với Ngài để
tìm được sự yên nghỉ trong chính Ngài (Mat Mt 11:28-30).
Có lẽ vào cuối năm ấy, khi sự chống đối đã bắt đầu đạt đến cao độ, Chúa
Giê-xu mới khởi sự nói ra bằng ẩn dụ nhằm tạm thời giấu kín những điều
thuộc về Nước Trời cho một số người, và đánh thức những tâm trí thật sự
quan tâm để họ nghĩ sâu hơn và tra vấn cặn kẽ hơn. Trước hết, ẩn dụ đầu
tiên về Người Gieo Giống có thể được xem như mô tả các kết quả của chính
chức vụ Ngài cho đến thời điểm ấy.
Đến cuối năm được quần chúng hoan nghênh đó, ít lâu sau ngày Giăng Báp-
tít qua đời, một cơn khủng hoảng rõ rệt đã xảy ra. Phép lạ hóa bánh cho năm
ngàn người ăn là phép lạ duy nhất đã được tất cả bốn sách Phúc Âm ký
thuật. Nó vốn có một tác động bao trùm trên đoàn dân đông tại bờ biển, và
họ muốn ép Ngài để tôn lên làm vua (GiGa 6:15); họ muốn Ngài trở thành
lãnh tụ cho cuộc khởi nghĩa của Đấng Mết-si-a. Dường như đây là giờ cao
điểm của sự thành công, nhưng Chúa Giê-xu đã lẩn tránh các ước muốn trần
tục của họ, và ngày hôm sau, tại nhà hội ở Ca-bê-na-um, Ngài đã nói với họ
về bản chất đích thực của việc Ngài đến thế gian. Họ đang mong chờ một
nhà vua có thể ban bánh cho họ, nhưng chủ đích của ngài là muốn ban cho
họ một loại bánh khác tốt hơn, được ban cho qua sự chết của Ngài (GiGa
6:35,51,53,54). Kết quả là nhiều kẻ theo Ngài đã lui đi và 'không cùng đi với
Ngài nữa'. Đám đông tan rã, và Chúa Giê-xu bị bỏ lại với mười hai sứ đồ,
mà một người trong đám họ là 'quỉ' (GiGa 6:70). Tuy nhiên, từ môi miệng
Phi-e-rơ đã xuất phát lời xưng nhận quan trọng của đức tin (GiGa 6:68,69),
tiên báo cho lời xưng nhận mà mấy tháng sau đó ông sẽ phát biểu tại Sê-sa-
rê Phi-líp.
NĂM BỊ CHỐNG ĐỐI
Sự chống đối được khai triển chống lại Chúa Giê-xu và cứ ngày càng trở
thành sâu xa, cay đắng hơn có thể được xem là do gốc gác dân giả của Ngài,
do số người Ngài đang kết bạn ở bên, và việc Ngài coi nhẹ các truyền thống.
Chỗ khác nhau giữa Chúa Giê-xu với các lãnh tụ tôn giáo trong dân Y-sơ-ra-
ên đã đặc biệt nổi bật hẳn lên trong vấn đề ngày Sa-bát, một trong những
món quà tặng quan trọng nhất của Đức Chúa Trời cho loài người, mà người
Pha-ri-si lại biến thành một gánh nặng thay vì một phước hạnh.
Suốt sáu tháng của năm cuối cùng Chúa Giê-xu sống trên đất, dường như
Ngài đã giảm bớt công tác truyền giảng và làm phép lạ, để xa lánh các đám
đông và sự chống đối ngày càng tăng, hầu có thì giờ ở riêng với mười hai sứ
đồ. Tương lai đang ở trong tay các vị, và Ngài đã tận tụy, tận hiến để huấn
luyện họ. Ngài thực hiện những vòng đi thật xa đến các vùng hẻo lánh của
xứ Ga-li-lê, đến tận Ty-rơ và Si-đôn ở xa về phía cực Tây Bắc, đến vùng Đê-
ca-bô-lơ ở phía Đông, và đến Sê-sa-rê Phi-líp ở miền cực Bắc.
Sê-sa-rê Phi-líp
Sê-sa-rê Phi-líp nằm dưới chân núi Hẹt-môn uy nghi, và sông Giô-đanh bắt
nguồn từ vùng phụ cận của thành phố. Tại đây xảy ra một việc có tầm quan
trọng chính yếu. Trong khung cảnh còn đầy những biểu tượng của việc thờ
lạy hình tượng trên các tảng đá quanh mình, Phi-e-rơ đã xưng nhận Chúa
Giê-xu là Đấng Mết-si-a, Con Đức Chúa Trời hằng sống. Chúa Giê-xu đã
tiếp nhận lời xưng nhận đó với niềm vui vô hạn, và thừa nhận con người đã
đưa ra lời xưng nhận ấy cùng với số người mà chính ông là người thay mặt
để phát ngôn, là hạt nhân của Hội Thánh tương lai, là dân Y-sơ-ra-ên mới
(Mat Mt 16:17-19). 'Từ đó trở đi' (Mat Mt 16:21) Chúa Giê-xu bắt đầu nói
rõ ràng về thập tự giá Ngài. Trước đó, Ngài từng đề cập đến sự thương khó
bằng lời lẽ ẩn giấu, mơ hồ (thí dụ như Mat Mt 12:40; Mac Mc 2:20; GiGa
3:14, 6); nhưng bây giờ Chúa nói 'tỏ tường' (Mac Mc 3:32). Khi Phi-e-rơ cố
lái Ngài ra khỏi con đường dẫn đến thập tự giá, Chúa đã nhận thấy trong
tiếng can gián sai lầm đó âm vang lời cám dỗ trong đồng vắng, thấy quỉ Sa-
tan lần này đang ẩn nấp sau tình yêu thương lệch lạc và thiển cận của một
môn đồ Ngài (Mat Mt 16:23; Mac Mc 8:33).
Sự Hóa hình
Biến cố quan trọng này chắc đã xảy ra trên núi Hẹt-môn một tuần lễ sau
những biến cố tại Sê-sa-rê Phi-líp, và phải được nghiên cứu trong mối liên
hệ chặt chẽ với các biến cố ấy. Tại một nơi nào đó giữa các cánh đồng hiu
quạnh đầy tuyết phủ của núi Hẹt-môn, vẻ rạng rỡ bị che giấu của Con Người
Chúa Giê-xu đã lóe sáng trong một vài khoảnh khắc chớp nhoáng. Có thể
đúng khi chúng ta bảo rằng điều đó đối với Chúa Giê-xu có nghĩa là một sự
nếm trước vinh quang tương lai, nhưng trên hết, nó đem đến cho ba môn đồ
được chứng kiến một thông điệp đặc biệt. Ngài đã biến hình 'trước mặt các
người ấy' (Mat Mt 17:2). Kinh nghiệm này sẽ tăng cường đức tin họ trong
những ngày sắp tới, cho một khải tượng được thấy trước điều Phaolô gọi là
'thân thể vinh hiển' của Ngài (Phi Pl 3:21). Cho dù loài người có nói gì về
'câu chuyện sỉ nhục về thập tự giá', họ đều nghĩ khác về điều đó trên thiên
đàng.
Trên núi Hẹt-môn lúc ấy, đã có Môi-se hiện ra - đại diện cho luật pháp - và
Ê-li - đại diện cho các nhà tiên tri - để trò chuyện với Con Đức Chúa Trời
nhập thể. Lu-ca cho chúng ta biết rằng các vị ấy đã nói về 'sự ra đi (bản Anh
văn là exodus) sắp xảy ra tại Giê-ru-sa-lem' (LuLc 9:31). 'Ra đi' là một từ
ngữ quan trọng, nhắc nhở cuộc giải phóng Ai Cập và hướng tới, không
những thập tự giá, mà cả sự phục sinh và toàn thể vinh hiển theo sau. Một
lần thứ hai, Đức Chúa Cha đã nói với Chúa Giê-xu như lúc Ngài chịu phép
báp tem, thêm vào mấy tiếng 'hãy vâng theo người' (Mac Mc 9:7).
Hành trình đến Giê-ru-sa-lem
Ngay sau khi hóa hình, Chúa Giê-xu 'quyết định đến thành Giê-ru-sa-lem'
(LuLc 9:51). Dọc đường, Chúa Giê-xu sai bảy mươi môn đồ đi trước (LuLc
10:1). Chúng ta không được biết chính xác từng chặng đường, nhưng dường
như đây là một chuyến đi khá lâu ngày. Sau đó chúng ta lại thấy Ngài ở
miền Nam Ga-li-lê, giáp ranh với Sa-ma-ri, nơi Chúa đã kể ẩn dụ về Người
Sa-ma-ri Nhơn Lành, cũng là nơi Ngài chữa bịnh cho mười người phung
được sạch (LuLc 10:25-37 và 17:11-19), rồi tại Bê-rê, bên kia sông Giô-
đanh (Mac Mc 10:1 so sánh với những khúc sách tương tự). Nhưng mục
đích Ngài nhắm vào là Giê-ru-sa-lem. Như Bengel nói, trong những ngày
đó, 'Ngài đang sống trong Sự Thương Khó'. Các môn đồ không thể nào xâm
nhập cái thế giới tư tưởng lạ lùng đó, và đôi lúc cảm thấy cực kỳ kinh ngạc
(Mac Mc 10:32). Lúc Chúa đang lầm lũi bước, các môn đệ theo sau, bỗng
Ngài dừng lại, và lần thứ ba, đã nói với họ về nỗi thống khổ gần kề, và lần
đầu tiên, đã tiết lộ cho họ sự kiện Ngài sắp bị đóng đinh vào thập tự giá (Mat
Mt 20:19). Ngay sau đó, Ngài dùng nhiều lời cao trọng nói về giá chuộc tội
nhân (Mat Mt 20:28; Mac Mc 10:45).
Đoạn sách khá dài trong sách Phúc Âm thứ ba (LuLc 9:51-19:27) khi thì
được gọi là 'phần bổ sung quan trọng', có lúc được gọi là 'tài liệu về chuyến
đi', gồm có những lời dạy của Chúa Giê-xu trong chuyến đi lên Giê-ru-sa-
lem.
Trước chuyến viếng thăm Giê-ru-sa-lem lần cuối cùng đó, Ngài từng đến đó
hai lần, một lần nhằm tháng Chín, tháng Mười dl nhân lễ Lều Tạm (GiGa
7:1-8:59), và một lần nhằm tháng Chạp dl nhân lễ Khánh Thành Đền Thờ
(GiGa 9:1-10:42). Trong cả hai lần đó, Ngài đều nói ra những lời lẽ sâu
nhiệm nhất, và cùng với lần thăm viếng thứ hai, chúng ta có câu chuyện, 'kẻ
cùng đinh nhưng có lý luận đinh thép' đã bị người Pha-ri-si dứt phép thông
công (GiGa 9:34), nhưng đã được Chúa Giê-xu mở cho một cánh cửa mà
không ai đóng lại được (GiGa 9:9).
Đến Giê-ru-sa-lem.
Ngay trước khi Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem lần cuối cùng, đã có
phép lạ quan trọng nhất mà Ngài từng làm, đó là việc khiến La-xa-rơ sống
lại (GiGa 11:1-57;). Đến tuần lễ cuối cùng của đời sống Ngài, chúng ta thấy
các biến cố xảy ra đều được ghi lại thật đầy đủ các chi tiết, chứng minh rằng
các sách Phúc Âm vốn hài hòa với các Thư Tín về cái chết của Chúa Giê-xu
cũng như với biến cố quan trọng nhất trong sự nghiệp của Ngài.
Ngài đã vào thành Giê-ru-sa-lem ngày Chúa Nhựt, không phải giữa các toán
vệ binh có binh giáp sáng ngời, nhưng là cỡi trên một lừa con, 'đường bệ
một cách khiêm tốn', với tư cách Vua dân Y-sơ-ra-ên, ứng nghiệm lời tiên tri
của Xa-cha-ri (XaDr 9:9). Ngày thứ Hai, Ngài rủa cây vả không có trái (một
biểu tượng về sự nguyền rủa sắp giáng xuống trên dân Y-sơ-ra-ên;) và tẩy
sạch đền thờ lần thứ hai.
Ngày thứ Ba là một ngày trọng đại, vì có cuộc tranh luận với người Pha-ri-si
và Sa-đu-sê. Ngài khiến mọi người trong bọn họ phải ngậm miệng, còn
'đoàn dân đông vui lòng nghe Ngài' (Mac Mc 12:37). Nhìn lần cuối vào tôn
giáo của người Y-sơ-ra-ên, Ngài khám phá ra trong cái sa mạc mênh mông
khô cằn đó một bông hoa tươi đẹp, ngát hương của lòng sùng kính và hy
sinh qua sự dâng hiến của bà goá (Mac Mc 12:41-44; LuLc 21:1-4). Khi
được biết có mấy người Hy-lạp tìm, linh hồn Ngài khởi đầu một cuộc tranh
chiến âm thầm, báo trước cho một cuộc chiến dữ dội hơn trong vườn Ghết-
sê-ma-nê (GiGa 12:21-33). Ngài nói về sự chết của Ngài như hột giống sau
khi đã gieo xuống đất thì phải 'kết quả', như một thỏi nam châm sẽ cuốn hút
'mọi người' đến với chính Ngài, và như một sự phán xét thế gian, một biến
cố địa cầu trong đó Ngài để cho loài người chọn lấy cho mình một trong hai
định mệnh. Như người xâm nhập vào tận trại quân của kẻ thù, Ngài công bố
những 'lời chúc dữ' khủng khiếp chống lại người Pha-ri-si (Mat Mt 23:1-39),
'một cơn giông tố đầy sấm rền và chớp giật biến thành một trận mưa nước
mắt' khi những lời lẽ tha thiết và hy vọng sâu lắng nhất xuất phát từ cùng
một môi miệng đã nói lên những lời lẽ nghiêm khắc và nóng bỏng về sự
phán xét: 'Ôi Giê-ru-sa-lem! Ôi Giê-ru-sa-lem!...' Tiếp theo đó là lời tiên tri
về sự hủy phá Giê-ru-sa-lem, báo trước việc cả thế gian sẽ bị phán xét, và
việc vương quốc của Đấng Christ sẽ được thành lập khi Ngài tái lâm.
Tối thứ Năm, chỉ có mình Chúa Giê-xu với các môn đệ giữ lễ Vượt Qua,
khiến cho ngày lễ kỷ niệm Cựu Ước ấy hòa lẫn thật đẹp với ngày kỷ niệm và
thông công của Tân Ước; Ngài đưa ra những lời giáo huấn quan trọng về
giao ước mới sẽ được thiết lập bằng chính huyết mình, với sự tha tội là
phước hạnh căn bản, ứng nghiệm lời tiên tri của Giê-rê-mi (Gie Gr 31:31-
34). Ở đây Giăng đã ghi lại cho chúng ta những đoạn quí báu nhất trong 'câu
chuyện mạn đàm' của Chúa Giê-xu (GiGa 13:1-16:33) và Lời Cầu Nguyện
với tư cách Thầy Tế lễ Thượng Phẩm của Ngài (GiGa 17:1-26).
VƯỜN GHẾT-SÊ-MA-NÊ VÀ ĐỒI GÔ-GÔ-THA
Một trong mười hai sứ đồ là Giu-đa đã bán Thầy lấy ba mươi miếng bạc, và
tên tuổi của Giu-đa vẫn còn nói với chúng ta về một sự phản bội đê tiện
nhất. Nỗi thống khổ huyền nhiệm trong linh hồn của Chúa Giê-xu ở vườn
Ghết-sê-ma-nê trước hết không phải là dấu hiệu báo trước cơn đau đớn thể
xác, là điều các thiên sứ có thể can thiệp để ngăn ngừa được (Mat Mt 26:53),
nhưng là do gánh nặng tội lỗi của nhân loại mà Ngài sắp phải gánh thay
(IPhi 1Pr 2:24; IGi1Ga 2:2), và tiếp theo đó là Cha Ngài đã phải giấu mặt
với Ngài. Đây là phần cay đắng nhất của chén mà Ngài phải uống cạn (Mac
Mc 14:36).
Về câu chuyện đóng đinh vào thập tự giá thì thiết tưởng không cần phải viết
chi tiết, vì mọi người đều đã biết rất rõ rồi. Đây là hình thức cư xử nhục nhã
nhất được biết xưa nay, bao hàm một cơn đau đớn cực kỳ bi thống. Nhưng
như một thần học gia Thanh Giáo đã nói: 'Cơn thống khổ của linh hồn Ngài
là linh hồn của sự thống khổ Ngài', và chúng ta không thể nào hiểu đầy đủ
về nó nếu không thấy rằng việc Ngài phải chịu hình phạt đó là do tội lỗi toàn
nhân loại. Những lời kinh hoàng trong tiếng nấc: 'Đức Chúa Trời tôi ôi, Đức
Chúa Trời tôi ôi, sao...?' chắc chắn cũng chỉ về cùng một hướng ấy.
Đã có một bài giảng với đề mục 'Quyền phép của Đấng Christ cả trong lúc
hấp hối' lấy Mat Mt 27:51-53 làm nền tảng, nhưng sự biểu hiện quyền năng
còn vĩ đại hơn của Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập tự giá, ấy là đến giờ
thứ mười một, Ngài đã mở cửa Nước Trời cho một kẻ ô uế đầy tội lỗi cũng
đang hấp hối trên cây thập tự bên cạnh (LuLc 23:39-43), 'Từ trên cây, Đức
Giê-hô-va cai trị' (Thi Tv 96:10, theo một vài cổ bản thời các giáo phụ đầu
tiên;).
SỰ SỐNG LẠI
Lời chứng nhất trí và không gì lay chuyển được của tất cả các sách Phúc
Âm, ấy là vào lúc sáng sớm ngày thứ ba, ngôi mộ đá trong khu vườn của
Giô-sép người A-ri-ma-thê được nhận thấy là trống không, và mọi người đều
giải thích rằng Chúa Giê-xu đã sống lại từ cõi chết. Cả Tân Ước đều vang đi
rồi dội lại với cùng lời công bố khải hoàn ấy. Điều này chắc chắn cũng như
bất luận một sự kiện nào khác, đến nỗi chỉ bảy tuần lễ sau khi Ngài bị đóng
đinh, Phi-e-rơ đã truyền giảng tại Giê-ru-sa-lem rằng Chúa Giê-xu đã sống
lại, đã được tôn vinh và đang trị vì. Thái độ mạnh dạn và tin quyết của Phi-
e-rơ với các môn đồ khác tương phản hoàn toàn với sự buồn rầu và hèn nhát
của họ bảy tuần lễ trước, đòi hỏi phải có một lời giải thích, và lời giải thích
của họ cũng rất hiển nhiên. Chính sự kiện Chúa Giê-xu phục sinh đã ban cho
Hội Thánh nguyên thủy quyền phép và sức sống khải hoàn. Những thành
quả vĩ đại đòi hỏi phải có các chính nghĩa vĩ đại giải thích chúng, các
nguyên nhân phải vĩ đại đủ để giải thích tất cả các kết quả vĩ đại.
Dò tìm lại diễn tiến chính xác của các biến cố đã xảy ra trong lịch sử về các
lần hiện ra khác nhau của Chúa phục sinh tại Giê-ru-sa-lem và xứ Ga-li-lê,
không phải là chuyện dễ dàng. Học viên cũng cần am hiểu các thuyết hoài
nghi mà người ta đã nghĩ ra về các lần hiện ra ấy, nhưng tất cả đều phi lý khi
được đem ra mổ xẻ tỉ mỉ.
Đã có rất nhiều sách về chủ đề ấy, cả cũ lẫn mới, nhưng những ai đã từng
trải quyền phép của Đấng Christ phục sinh trong chính đời sống mình sẽ tin
nhận với lòng biết ơn các lời chứng trong sáng, chân thật của những người
đã từng thấy Ngài sống suốt bốn mươi ngày ấy, cả khi chính họ cũng không
kết nối mọi chi tiết của các hoàn cảnh lúc đó để tạo thành một bức tranh hài
hòa.
SỰ THĂNG THIÊN
Suốt thời gian bốn mươi ngày sau khi sống lại, Chúa Giê-xu đã thỉnh thoảng
hiện ra cho các môn đệ Ngài. Rồi Ngài được 'cất lên trong sự vinh hiển'
(ITi1Tm 3:16), và Ngài hiện 'ngự bên hữu ngôi Đức Chúa Trời, trong sự
vinh hiển của Đức Chúa Cha'. Giờ đây, các Cơ Đốc nhân khuyến giục 'hãy
tìm các sự ở trên trời, là nơi Đức Chúa Giê-xu Christ ngồi bên hữu Đức
Chúa Trời' CoCl 3:1). Họ được nhắc nhở rằng trong lúc đi ra 'khiến muôn
dân trở nên môn đồ' Ngài, họ sẽ được Chúa Hằng Sống và đang trị vì hiện
diện với họ, qua Đức Thánh Linh. Như Ngài đã phán khi đứng trước ngôi:
'Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta...và này, ta thường
ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế' (Mat Mt 28:18-20).

LỜI DẠY CỦA ĐẤNG CHRIST


So với một giáo sư, Chúa Giê-xu trổi vượt vô cùng, nhưng Ngài đã làm giáo
sư, và vô số người đã bị lời dạy dỗ của Ngài bắt phục rất lâu trước khi họ bắt
đầu phân biệt được các yếu tố sâu nhiệm hơn trong Con Người (Person) và
công vụ của Ngài. Ngày nay cũng như vào thời người ta được nghe Ngài lên
tiếng tại xứ Palestine, họ đều cảm nhận được tính cách độc đáo có một
không hai của những điều Ngài nói. Theo các sách Phúc Âm Cộng Quan
'đoàn dân lấy đạo Ngài làm lạ vì Ngài dạy như là có quyền, chớ không giống
các thầy thông giáo' (Mat Mt 7:28,29), còn theo sách Phúc Âm thứ tư, người
ta nói về Ngài rằng 'Chưa hề có người nào nói như người này' (GiGa 7:46).
'Chưa hề có ai nói như người này'. Điều này quả đúng so với cách thức Ngài
giảng dạy. Nó thuyết phục người nghe, và khiến họ phải suy nghĩ và lấy làm
thích thú. 'Ngài luận về hoa huệ, cây nho và cây lúa, chim sẻ và loài quạ',
khiến chúng trở thành các giáo sư dạy dỗ phần chân lý sâu nhiệm nhất về
Đức Chúa Trời và người ta. Ngài dùng những đồ vật và các sự việc thông
thường nhất xảy ra ở xung quanh, biến chúng thành các phương tiện để
truyền đạt chân lý bất tử cho thế giới, còn các truyện tích Ngài hay kể, thì
đến tận ngày nay, vẫn còn chinh phục được trí tưởng tượng của mọi người.
Nhưng trong vấn đề Chúa chúng ta giảng dạy, thì tính cách độc đáo nổi bật
rõ ràng nhất. Giờ đây, chúng ta sẽ bàn đến một vài chủ đề hàng đầu trong số
đó.
ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ CHA
Đấng Christ đến là để giãi bày Cha (Mat Mt 11:27; GiGa 14:9). Quan niệm
đó đã được tiên báo trong Cựu Ước làm nức lòng người, như trong Thi Tv
103:13 và EsIs 63:16, nhưng trong lời giảng của Chúa Giê-xu, quan niệm ấy
là tâm điểm và dứt khoát. Đức Chúa Trời vốn vô cùng gần gũi, mặc cho
những đóa hoa chóng tàn chóng héo ngoài đồng vẻ đẹp mà các y phục thiết
triều lộng lẫy của Sa-lô-môn cũng không vượt nổi được (Mat Mt 6:29), Ngài
nuôi dưỡng các loài chim trời bằng đủ thứ lương thực hết sức dồi dào (Mat
Mt 6:26), Ngài hiện diện với cả những con chim sẻ sắp chết sa xuống đất
(Mat Mt 10:29). Cũng không có con chim sẻ nào là thừa ra cho người ta ném
vào chuyện mua bán, hơn thua (Mat Mt 10:29 so sánh LuLc 12:6) mà bị Đức
Chúa Trời quên, không biết đến. Đức Chúa Trời vốn là Đức Chúa Trời của
tình yêu thương vô hạn, luôn luôn muốn ban điều 'tốt lành, lợi ích' cho các
con cái Ngài (Mat Mt 7:11) 'lấy nhơn từ đối đãi kẻ bạc và kẻ dữ' (LuLc
6:35). Lúc Chúa Giê-xu kể cho chúng ta nghe câu chuyện người cha chờ đợi
đứa con hoang đàng trở về đã chạy ra ôm choàng lấy nó mà hôn trong khi nó
hãy còn mặc trên người bộ quần áo rách rưới bẩn thỉu đem từ xứ xa về, chắc
chúng ta phải nghĩ: 'Quả thật đó là Đức Chúa Trời', qua trung gian Đấng
Christ, đã đi ra xa hơn nửa đường để tiếp đón một tội nhân ăn năn thống hối
quay về.
Nhưng quyền năng siêu việt và vinh quang của Đức Chúa Trời cũng đã được
Chúa Giê-xu nhấn mạnh. Ở đây, tất cả những điều dạy dỗ của Cựu Ước về
vấn đề ấy đều đã được xác nhận và được dùng làm bối cảnh: Đức Chúa Trời
là Cha chúng ta 'ở trên trời', 'Cha vô cùng oai nghi'. Ngài là tốt lành thiện
hảo, Đấng duy nhất có thể gọi được là toàn thiện toàn hảo theo đúng ý nghĩa
tuyệt đối của từ ngữ ấy (Mat Mt 19:17). Ngài là trọn vẹn (Mat Mt 5:48).
Ngài là 'Cha Thánh' (GiGa 17:11), 'Cha công chính' (GiGa 17:25). Trong
Đức Chúa Trời, có một cái gì đó khiến người ta kính sợ. Chúng ta được
khuyến giục phải kính sợ Đức Chúa Trời (Mac Mc 10:28 và LuLc 12:5), mà
đừng sợ ma quỉ.
Theo Chúa Giê-xu thì Tình Phụ Tử của Đức Chúa Trời không phải như tình
phụ tử phổ quát, bình thường. Trong sách Phúc Âm thứ tư, Ngài đã nói với
một số người rằng: 'Các ngươi bởi cha mình là ma quỉ mà sanh ra' (GiGa
8:44). Trong các sách Phúc Âm Cộng Quan, chúng ta nghe Ngài đề cập 'các
con cái của Nước thiên đàng' và 'các con cái của ma quỉ' (Mat Mt 13:38).
Ngài phán với các môn đệ: 'Hãy yêu kẻ thù nghịch,...hầu cho các ngươi được
làm (trở thành - genesthe) con của Cha các ngươi ở trên trời...' (Mat Mt
5:44,45). Con cái Đức Chúa Trời được phân biệt với kẻ khác nhờ đức tin,
tình yêu thương và sự vâng lời, và như thế, họ mới trở thành các con cái
được thừa nhận bởi ân điển.
LIÊN HỆ ĐẾN CHÍNH NGÀI
Những lời nói đầu tiên của Ngài được ghi lại là vào năm Ngài mười hai tuổi:
'Há chẳng biết tôi phải lo việc Cha tôi sao?' (LuLc 2:49, nguyên văn: việc
trong nhà Cha tôi). Câu nói đó nêu ý thức rõ ràng về mối liên hệ có một
không hai với Đức Chúa Trời, với tư cách Con Đức Chúa Trời. Trong sách
Phúc Âm thứ tư, chúng ta có phần giáo huấn hết sức phong phú của chính
Ngài về Cha và Con, và trong sách Phúc Âm ấy, Chúa Giê-xu nói hết sức rõ
ràng rằng Ngài vốn là Con Một, Con Đời Đời của Đức Chúa Trời. Trong
cách nói đó, đã không hề có mâu thuẫn với những gì Ngài đã dạy dỗ trong
các sách Phúc Âm Cộng Quan. Lời tuyên bố quan trọng của Chúa Giê-xu
trong các sách Phúc Âm Cộng Quan đã được biện chính cho phần mạc khải
đầy đủ hơn đưa ra trong sách Phúc Âm thứ tư về Ngài vốn thật sự đã là và
đang là ai.
Bằng giọng nói đặc biệt, Chúa chúng ta đã tự xưng Ngài là Đấng Phán Xét
tối hậu của loài người, vào ngày Ngài sẽ sai các thiên sứ thâu góp kẻ được
chọn từ khắp bốn phương trời (Mat Mt 24:31), lúc Ngài sẽ ngự trên ngôi
vinh hiển để phán xét mọi người (Mat Mt 25:31 và tt). Khi tuyên bố những
câu như thế, lẽ tất nhiên Chúa Giê-xu 'đang âm thầm ngự trên ngôi Đức
Chúa Trời'.
Trong các sách Phúc Âm Cộng Quan, chúng ta thấy ghi lại những câu quan
trọng đó, chứa đựng yếu tính của sách Phúc Âm thứ tư (Mat Mt 11:27; LuLc
10:22). 'Đức Chúa Cha' và 'Đức Chúa Con' đang ở trong một mối liên hệ hỗ
tương mầu nhiệm: Đức Chúa Cha là huyền nhiệm đối với mọi người, ngoại
trừ đối với Đức Chúa Con, nhưng điều còn mầu nhiệm hơn nữa, ấy là Đức
Chúa Con là huyền nhiệm đối với mọi người, ngoại trừ đối với Đức Chúa
Cha. Trong sự hiện hữu của Ngài, phải có một nền tảng siêu hình, một mối
liên hệ đời đời với Đức Chúa Trời nên Ngài mới có thể thốt lên những lời lẽ
như vậy, vì chúng hoàn toàn đồng nghĩa với những lời đã được ghi lại trong
GiGa 8:58; 10:30-38. Những câu như thế là một tia chớp mạc khải thoát ra
từ nơi sâu thẳm không dò lường được của ý thức đời đời của Ngài.
Danh hiệu 'Con Người' mà Chúa Giê-xu dùng chỉ về chính Ngài trong
khoảng bốn mươi cơ hội khác nhau, dường như gồm hai phương diện. Có
mười chín khúc trong các sách Phúc Âm danh hiệu ấy được dùng liên hệ với
nhân tánh đích thực và khiêm hạ của Chúa Giê-xu, hoặc liên hệ với nỗi
thống khổ của Ngài; có mười lăm khúc sách trong đó danh hiệu ấy được
dùng liên hệ với sự vinh hiển tương lai, là Vua và Đấng Phán Xét. Danh
hiệu ấy dựa trên DaDn 7:13 và tt. Chắc Chúa ám chỉ câu Kinh Thánh đó khi
nói với thầy tế lễ thượng phẩm lúc Ngài bị đem ra xét xử (Mat Mt 26:64;
Mac Mc 14:62). Trong DaDn 7:1-28, chúng ta có một khải tượng về Đấng
đứng đầu của Nước Trời, một nhân vật siêu phàm, là Đấng cùng ở với 'Đấng
Thượng Cổ'.
Có nhiều điều biện chính cho thuyết chủ trương rằng sở dĩ Chúa Giê-xu tự
chọn danh hiệu ấy cho chính Ngài, vì nó cho phép hòa trộn hai quan niệm
tương phản nhau của Cựu Ước về Đấng Mết-si-a, quan niệm về Người Đầy
Tớ thống khổ của Ê-sai, và quan niệm về Nhà Vua Mết-si-a. Mấy tiếng 'cất
lên' và 'được tôn vinh' trong GiGa 12:23, 32-34 có thể là mắc xích nối liền ý
niệm Con Người với Người Đầy Tớ thống khổ.
ĐỨC THÁNH LINH
Phần lớn lời dạy của Chúa chúng ta về Đức Thánh Linh là ở trong sách Phúc
Âm thứ tư trong đoạn Chúa từ biệt các môn đệ tại phòng cao. Nhưng trong
các sách Phúc Âm Cộng Quan, cũng có một số các khúc sách quan trọng dạy
về Đức Thánh Linh. Sự ban cho Đức Thánh Linh là ân ban tối cao trong số
'những điều ích lợi' mà Đức Chúa Cha ban cho chúng ta (LuLc 11:13 so
sánh với Mat Mt 7:11). Các môn đệ Ngài, khi bị điệu đến trước tòa án các
dân ngoại, sẽ được Đức Thánh Linh ban cho từng lời phải nói ra để tự bào
chữa khi có cần (Mat Mt 10:18-20; Mac Mc 13:13:11; LuLc 11:1-12:59).
Tội phạm đến Đức Thánh Linh thì không thể tha thứ vì đó là tội của cá tính
đã trở thành cố ý, sự chống đối cố tình với sự thiện hảo; tội lỗi đó thuộc loại
'tội lỗi đời đời' (Mac Mc 3:29). Trong Mat Mt 28:19, chúng ta có công thức
về phép báp-tem do Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Có người đã nghi ngờ, chẳng
hay Chúa chúng ta có thật sự phán những lời ấy hay không, nhưng cần chú ý
là chúng vốn được tìm thấy trong tất cả các cổ bản Hy văn còn tồn tại đến
ngày nay, dầu là các cổ bản được sao chép bằng chữ hoa hay chữ tháu và
trong tất cả các bản sao còn tồn tại đến ngày nay, còn có nhiều phần đó của
sách Ma-thi-ơ. Như Plummer nói trong quyển Chú Giải Sách Ma-thi-ơ của
ông, 'có nhiều giáo lý về Ba Ngôi Đức Chúa Trời trong Tân Ước rất khó giải
thích, ngoại trừ căn cứ vào giả thuyết chủ trương rằng chính Chúa Giê-xu có
vài câu nói liên quan'.
Trong sách Phúc Âm thứ tư, bốn lần Chúa chúng ta đã mô tả Đức Thánh
Linh là Đấng Yên Ủi (Paraclete) (GiGa 14:16,26; 15:26; 16:7). Từ ngữ Hy
Lạp Paraklètos chỉ xuất hiện một lần khác nữa trong Tân Ước ở IGi1Ga 2:1
và được dịch là 'Đấng Cầu Thay'. Westcott cho rằng ngay trong sách Phúc
Âm, nghĩa thích hợp nhất là 'Đấng Cầu Thay' khuyên bảo, người biện hộ,
thuyết phục, khuyến cáo trong trường hợp gặp nghịch cảnh nghiêm trọng,
Ngài một mặt thêm sức và mặt khác là bảo vệ, đẩy lui mọi cuộc tấn công
khủng khiếp'. Trong sự giáng lâm của Đức Thánh Linh, chính Chúa Giê-xu
sẽ đến với những người thuộc về Ngài bằng sự thông công càng mật thiết
hơn lúc Ngài còn sống trong xác thịt, khiến họ sẽ không còn cảm thấy 'cô
đơn' nữa (GiGa 14:18). Trên hết, Ngài là Thần Lẽ Thật (Linh của Chân Lý);
Chúa chúng ta đã gọi Ngài ba lần danh hiệu ấy (GiGa 14:17; 15:26; 16:13).
Ngài sẽ hướng dẫn môn đồ vào mọi lẽ thật (GiGa 16:13). Ngài sẽ nhắc họ
nhớ lại mọi điều Chúa Giê-xu từng phán dạy (GiGa 16:26); đó là phần trang
bị để họ viết ra các sách Phúc Âm, Ngài sẽ cho họ thấy 'những việc phải xảy
đến' (GiGa 16:13), một lời hứa phần ứng nghiệm chính yếu là trong sách
Khải huyền. Đức Thánh Linh sẽ trang bị cho các môn đệ để phục vụ và làm
chứng (GiGa 15:26,27). Ngài sẽ chuẩn bị thế gian cho công cuộc chứng đạo
của các sứ đồ (GiGa 16:8-11).
Cũng cần nghiên cứu hai câu khác nữa của Chúa Giê-xu phán trong sách
Phúc Âm thứ tư. GiGa 3:8 đề cập tác động bí nhiệm của Đức Thánh Linh
trong linh hồn người ta; Ngài 'hành động ở đâu, khi nào và theo cách nào tùy
ý'. GiGa 7:38 mô tả các ảnh hưởng làm tươi mới và ban sự sống từ đời sống
được đổ đầy Đức Thánh Linh tuôn trào ra; cho nên Giăng đã giải thích các
lời phán đó của Chúa chúng ta trong GiGa 7:39.
NƯỚC TRỜI
Quan niệm về Nước Trời (Nước thiên đàng) rất đa diện, và ở đây, chúng tôi
chỉ có thể bàn đến một số ít phương diện mà thôi. Ý niệm căn bản của thành
ngữ ấy là sự cai trị hay trị vì của Đức Chúa Trời trên tấm lòng và ý chí con
người. 'Nước Thiên Đàng (Đức Chúa Trời) ở trong các ngươi' dường như là
cách dịch sát nghĩa nhất cho các câu nói của Chúa Giê-xu trong LuLc 17:21
nhiều dịch giả Kinh Thánh đã hiểu câu ấy như thế. Tuy Bài Cầu Nguyện
Chung, chúng ta được dạy nên cầu nguyện 'Nguyện Nước Cha được đến, ý
Cha được nên ở đất như trời', dường như có nghĩa là Chúa dạy chúng ta cầu
xin cho Nước Trời được tiến triển trên đất này, tỉ lệ với mức độ loài người
làm theo ý chỉ Đức Chúa Trời.
Nước Trời luôn luôn hiện diện trong hành động cứu rỗi của Chúa Giê-xu.
'Nếu ta cậy ngón tay của Đức Chúa Trời mà trừ quỉ, thì Nước Đức Chúa
Trời đã đến với các ngươi rồi' (LuLc 11:20). Khi Chúa Giê-xu đi đây đi đó,
chữa lành những người đau ốm bệnh tật, đuổi quỉ, cứu vớt những tội nhân tệ
hại hơn hết, thì Đức Chúa Trời đang hiện diện. Nước Trời là một thực tại
đang hiện diện, và Nước ấy đã được trù định là từ những khởi điểm nhỏ
nhoi, sẽ tăng trưởng để đạt nhiều thành quả lớn lao (các thí dụ về Hột cải và
Men). Sự trị vì của Đức Chúa Trời ngụ ý là Ngài sẽ ngày càng thi hành
quyền cai trị ấy đầy đủ hơn trong mọi lãnh vực hoạt động của loài người,
trong sinh hoạt chính trị thế giới, trong việc giao dịch buôn bán, trong văn
học, trong đời sống gia đình, ở khắp nơi.
Nước Trời cũng hướng về tương lai, theo nghĩa là chiến thắng cuối cùng và
trọn vẹn vẫn chưa được bộc lộ rõ ràng. Khi Chúa Giê-xu nói về nhiều người
từ khắp nơi trên thế giới kéo đến dự tiệc của Đấng Mết-si-a dọn trong Nước
Đức Chúa Trời (Mat Mt 8:11; LuLc 13:29) là Ngài đang nghĩ đến Nước ấy
trong tình trạng đã hoàn tất. Theo ngôn ngữ thần học, thì có 'một vương
quốc của ân điển' và 'một vương quốc vinh hiển'.
Các câu nói của Chúa Giê-xu được ghi lại trong Mat Mt 16:28; Mac Mc 9:1;
LuLc 9:27; Mat Mt 26:64; Mac Mc 14:62; LuLc 22:69, có thể được giải
thích là việc Nước Trời đến trong Hội Thánh. 'Trong Hội Thánh đầu tiên, đã
có rất nhiều biểu hiện phi thường của quyền phép Đức Thánh Linh, phi
thường đến nỗi theo nhiều phương diện, chúng báo trước những hiện tượng
sẽ nhận thấy trong kỳ tận thế. Hội Thánh thật sự có các quyền phép của đời
hầu đến...Nó là mắc xích trung gian giữa đời sống hiện tại và sự sống đời
đời' (G.Vos, Lời dạy dỗ của Chúa Giê-xu về Nước Trời và Hội Thánh,
tr.156).
Có khi Nước Trời (hay sự tể trị của Đức Chúa Trời;) có nghĩa là các phước
hạnh phong phú mà những người ở dưới quyền cai trị của Đức Chúa Trời
được hưởng, các phước hạnh được vui hưởng ngay tại đây và ngay bây giờ,
ít nhất cũng theo mức độ mà 'kẻ có lòng nghèo khó' (Mat Mt 5:3) đang được
hưởng. Các phước hạnh ấy vốn là một kho tàng quí báu đến nỗi người ta sẵn
lòng từ bỏ hết mọi điều mình đang có, để được chúng (Mat Mt 13:44-46).
LOÀI NGƯỜI VÀ TỘI LỖI
Con người, với tư cách một hữu thể thuộc linh, được tạo dựng để tương giao
với Đức Chúa Trời, có giá trị hơn cả thế gian (Mac Mc 8:36). Nhưng loài
người đã bị mất liên lạc với Đức Chúa Trời, đã bị hư mất, như ba ẩn dụ
trong LuLc 15:1-32 đã công bố. Chúa Giê-xu đã quan tâm sâu xa đến tình
trạng phạm tội ấy. Loài người đang mắc một chứng bệnh chết người (Mat
Mt 9:12,13), bị bắt làm nô lệ, và ở ngoài số người nhà của Đức Chúa Trời
(GiGa 8:34 và tt). Sở dĩ cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên con
người, là vì người ta đã không chịu vâng lời Ngài (GiGa 3:36). Có thể Chúa
Giê-xu đã dạy một bài học về nguyên tội khi Ngài phán: 'Nếu các ngươi vốn
là xấu...' (Mat Mt 8:11). Ngài đã không dừng lại để tranh luận mà coi là
đương nhiên. 'Vì từ trong lòng mà ra...' (Mat Mt 15:19; Mac Mc 7:16-23). Vì
thế loài người cần sự tái sanh từ bên trong hơn là chỉ thay đổi bề ngoài. 'Nếu
một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được Nước Đức Chúa Trời'
(GiGa 3:3). 'Ai chẳng nhận lấy Nước Đức Chúa Trời như một đứa trẻ, thì
chẳng được vào đó bao giờ' (Mac Mc 10:15). Về điều này, Warfield đã nói:
'Con cái Nước Trời vào Nước Trời y như trẻ con ra đời, trần truồng như một
trẻ sơ sinh, mà người ta phải làm hết mọi sự cho nó, còn nó thì không thể
làm gì được.
Tình trạng của con người thật khủng khiếp. Nhưng Chúa Giê-xu đã xác định
Ngài đến với sứ mạng thương xót kẻ hư mất (LuLc 19:10) và Ngài đến, như
lương y đối với các linh hồn bệnh hoạn (LuLc 5:31,32), như người giải
phóng các nô lệ bị tội lỗi cầm buộc (LuLc 4:17-21). Sự cứu rỗi Chúa Giê-xu
đem đến đã được Ngài nối kết với sự chết của Ngài
Ý NGHĨA SỰ CHẾT CỦA CHÚA GIÊ-XU
Trong các sách Phúc Âm Cộng Quan, có hai câu nói nổi bật của Chúa Giê-
xu liên hệ đến ý nghĩa và chủ đích sự chết của Ngài. Câu đầu được tuyên
phán trong chuyến đi cuối cùng lên thành Giê-ru-sa-lem. 'Con người đã đến,
không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và
phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người'. (Mat Mt 20:28; Mac Mc
10:45). Trong câu này, Chúa Giê-xu coi Ngài là Người Đầy Tớ của Đức
Giê-hô-va trong EsIs 53:11,12, 'Tôi tớ công bình của ta sẽ lấy sự thông biết
về mình làm cho nhiều người được xưng công bình; và người sẽ gánh lấy tội
lỗi họ'. Ý nghĩa của hai câu đều giống nhau, và sự sống của Ngài, một đời
sống vô tội duy nhất, sẽ là giá chuộc phải trả, để nhiều người được giải
phóng khỏi tội lỗi.
Sự thay thế đã được dạy rất rõ ở đây. Chúa Giê-xu phải phó mạng sống Ngài
làm giá chuộc thay cho (anti) nhiều người. Trong bộ Bảy Mươi, từ ngữ
Lutron đã được dùng chỉ về giá chuộc phải trả để giải phóng một tên nô lệ
(LeLv 19:20); một tù binh (EsIs 45:13); một sinh mạng (XuXh 21:30; Dan
Ds 35:31). Cùng một chữ ấy cũng được dùng trong thế giới Hy Lạp vào thế
kỷ thứ nhất để chỉ số tiền phải trả để giải phóng một nô lệ. Chính trong
phạm vi của những ý niệm như thế mà chúng ta phải đi tìm đầu mối cho ý
nghĩa của những lời Chúa Giê-xu đã nói. Ngài tuyên bố rằng sự chết của
Ngài là một tấm gương cao cả về sự phục vụ, thì sự chết đó còn có ý nghĩa
rộng rãi hơn. Đó là giá chuộc để giải phóng loài người. Giáo lý của Phaolô
về sự chuộc tội chú giải cho câu nói ấy.
Câu nói quan trọng thứ hai được tuyên phán tại Giê-ru-sa-lem, liên hệ với
việc thiết lập tiệc thánh. 'Này là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho
nhiều người được tha tội' (Mat Mt 26:28 so sánh Mac Mc 14:24; LuLc
22:20; ICo1Cr 11:25,26). Mấy chữ 'cho nhiều người được tha tội' chỉ thấy có
trong sách Ma-thi-ơ, nhưng không có lý do xác đáng nào để giả định rằng lời
đó do Ma-thi-ơ nói thêm. Ở đây, Chúa Giê-xu đang nghĩ đến lời tiên tri quan
trọng của Giê-rê-mi về giao ước mới, đây chính là một trong các đỉnh cao
nhất của sự mạc khải trong Cựu Ước (Gie Gr 31:31-34). Theo lời tiên tri đó,
trong giao ước mới, sự tha tội là phước hạnh căn bản, từ đó mọi phước hạnh
khác đã hứa sẽ tuôn trào ra, và Chúa Giê-xu thông báo rằng Ngài đang thiết
lập giao ước đó bằng giá phải trả là chính mạng sống Ngài.
Phần lễ nghi trong Cựu Ước đã dạy loài người rằng không có liên hệ giao
ước giữa Đức Chúa Trời và loài người, không thể có tương giao giữa Đức
Chúa Trời thánh khiết với tội nhân, ngoại trừ một giao ước lập nền trên sinh
tế để chuộc tội. Để phê chuẩn cho giao ước cũ tại núi Si-na-i, huyết phải đổ
ra (XuXh 24:5-8), và Chúa Giê-xu mô tả sự chết Ngài là nhằm phê chuẩn
cho giao ước mới, giao ước trọn vẹn và đời đời, cung cấp và bảo đảm cho sự
tương giao giữa Đức Chúa Trời với một nhân loại mới, đã được tẩy sạch tội
lỗi.
Hai câu nói của Chúa Giê-xu chúng ta vừa suy gẫm, chính là mầm mống
giúp toàn thể lời giáo huấn của các sứ đồ về ý nghĩ sự chết của Đấng Christ
được nẩy nở và phát triển.
ĐỊNH MỆNH CON NGƯỜI
Phước của những kẻ chết là vẫn 'sống' (Mat Mt 22:32; Mac Mc 12:27). Họ
sống cho Đức Chúa Trời (LuLc 20:38). Chúa Giê-xu phán rằng họ sẽ được ở
với Ngài trong Ba-ra-đi (LuLc 23:43). sẽ có 'sự sống lại của người công
chính' dành cho họ (LuLc 14:14), sự 'sống lại để sống' (GiGa 5:29). Trong
Nước trọn vẹn của Đức Chúa Trời, họ sẽ được dự bữa tiệc của Đấng Mết-si-
a chép trong EsIs 25:6-8. Với họ, sẽ có 'Nhà của Cha' với nhiều 'chỗ ở'(GiGa
14:2).
Theo lời dạy rõ ràng của Chúa Giê-xu, cũng có 'sự sống lại để chịu phán xét'
(GiGa 5:29); có phần bên ngoài phòng tiệc, phía 'ngoài tối tăm' nơi sẽ có
khóc lóc, nghiến răng, mà so với sự khóc lóc và nghiến răng trên đời này sẽ
chẳng có nghĩa lý gì (Mat Mt 8:12; LuLc 13:28). Ngôn ngữ nghiêm khắc và
khủng khiếp nhất trong Kinh Thánh về đề tài đáng sợ này đã xuất phát từ
chính miệng Chúa Giê-xu bảo rằng nơi ấy sẽ có sâu bọ chẳng hề chết và
ngọn lửa chẳng hề tắt (Mac Mc 9:48 cũng xem Mat Mt 25:46; Mac Mc
3:29).
Cơ đốc nhân không thể nhắm mắt làm ngơ đối với khía cạnh nghiêm khắc và
đen tối đó của chân lý, đồng thời cũng phải nhớ rằng đó chính là Phúc Âm
người ấy được kêu gọi để rao giảng, tin mừng về sự cứu rỗi được ban vô
điều kiện cho kẻ đứng đầu các tội nhân.
SỰ TÁI LÂM
Chúa Giê-xu bao giờ cũng là Đấng 'sắp đến'. Đó là điều chính Ngài đã từng
thừa nhận khi trả lời cho các sứ giả được Giăng Báp-tít phái đến (Mat Mt
11:3; LuLc 7:19 so sánh GiGa 1:15). Đặc tính Mết-si-a nổi bật qua việc Ngài
vào thành Giê-ru-sa-lem (Mat Mt 21:5-9), về thần tánh Ngài, là những lời
Ngài nói về việc Ngài vào trong thế gian, và việc hoàn thành mục đích bởi
đó Ngài đã đến (Mac Mc 10:45; LuLc 5:32; GiGa 8:42; 9:39; 10:5,10;
12:46; 18:37).
Chúa Giê-xu dạy rằng Ngài sẽ trở lại với cùng tính chất Mết-si-a và với
quyền năng thiên thượng đó. Trong bài thuyết giảng quan trọng liên hệ đến
ngày tận thế, Ngài đã nói như vậy dựa trên lời tiên tri của Đa-ni-ên (Mac Mc
13:26; DaDn 7:13,14), và trong khi ám chỉ có sự trì hoãn khá lâu (Mat Mt
25:19; Mac Mc 13:34), Ngài tuyên bố rằng nó sẽ xảy đến thình lình, không
ai biết trước (Mac Mc 13:32,36).
Ma-thi-ơ cho biết thêm về sự tái lâm (24:27, 37-39,42-44) được gọi là
parousia (sự đến), từ ngữ đã được Hội Thánh nguyên thủy sử dụng (ICo1Cr
15:23; ITe1Tx 2:19;3:13; 4:15; 5:23; IITe 2Tx 2:1; Gia Gc 5:7,8; IIPhi 2Pr
1:16; 3:4,12; IGi1Ga 2:28). Chủ đích sự tái lâm được nhấn mạnh trong các
bài thuyết giảng cho môn đệ trong bữa ăn cuối cùng (GiGa 14:3), và tại bờ
hồ Ngài lại đề cập vấn đề ấy một lần nữa sau khi Ngài phục sinh (GiGa
21:22,23), và cuối cùng là từ ngôi Ngài đang ngự (KhKh 22:12,20).
Lạy Chúa Giê-xu, xin hãy đến.

BỐN SÁCH PHÚC ÂM VÀ CÔNG VỤ CÁC SỨ ĐỒ


LỜI CHỨNG CỦA CÁC SỨ ĐỒ
Bốn sách Phúc Âm và Công Vụ Các Sứ Đồ có thể được gọi là các sách lịch
sử của Tân Ước, nghĩa là chỉ có năm trong hai mươi bảy quyển đã được viết
bằng lối văn thuật sự. Cả năm quyển đều có chủ đề là lời chứng của các sứ
đồ: bốn sách Phúc Âm ghi nội dung những điều các vị sứ đồ đã truyền bá và
giảng dạy, còn sách Công Vụ Các Sứ Đồ mô tả công tác làm chứng của một
số môn đồ suốt ba mươi năm tiếp sau sự chết của Đấng Christ và kết quả của
việc làm đó.
Đúng hơn, có thể gọi bốn sách Phúc Âm là Phúc Âm theo bốn phương diện.
Việc dùng từ ngữ Phúc Âm (Hi văn, euangelion) cho từng sách chỉ là thứ
yếu; các nhan đề 'Sách Phúc Âm theo Ma-thi-ơ', Phúc Âm theo
Mác'...nguyên thủy chỉ có nghĩa là một Phúc Âm duy nhất của Đức Chúa
Trời đã được bốn trước giả ấy ký thuật. Khi cả bốn quyển được sưu tập lại
thành một quyển (ít lâu sau năm 100 SC), quyển ấy được biết là 'Sách Phúc
Âm', và bốn thành viên đóng góp vào đó đã được phân biệt bằng mấy chữ
thêm vào 'theo Ma-thi-ơ', 'theo Mác'...
Tin mừng các sứ đồ đã truyền giảng vào những ngày đầu tiên của Hội Thánh
Đấng Christ có bố cục như đã ghi trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ và các
Thư Tín; bố cục ấy đã được bốn trước giả sách Phúc Âm khai triển. Bố cục
của bức thông điệp ấy có thể được tóm tắt như sau: 'Đức Chúa Trời đã thăm
viếng và cứu chuộc dân Ngài bằng việc phái Đấng Mết-si-a đến khi kỳ mãn,
đúng theo điều Ngài đã hoạch định và mạc khải trong Kinh Thánh Cựu Ước.
Đấng Mết-si-a đã đến, như các nhà tiên tri từng báo trước từ dân Y-sơ-ra-ên,
thuộc chi phái Giu-đa, là dòng dõi Đa-vít, nơi con người Chúa Giê-xu ở Na-
xa-rét, đã chịu chết trên thập tự giá vì cớ tội lỗi chúng ta, đã bị chôn và đã từ
kẻ chết sống lại vào ngày thứ ba, như các nhà tiên tri đã báo trước rồi được
tôn cao bên hữu Đức Chúa Trời; từ đó, Ngài sẽ trở lại để phán xét người
sống và kẻ chết, và để khai mạc vương quốc hữu hình của Đức Chúa Trời
trên đất'.
Trong các sự kiện cơ bản về Chúa Giê-xu là Đấng Mết-si-a, thì thập hình và
sự phục sinh là chính yếu và điểm nhấn mạnh ấy được phản ảnh rất rõ trong
các sách Phúc Âm. Nếu chủ đích của các trước giả chỉ thuần túy là nhằm
vào tiểu sử của Chúa Giê-xu, thì phần ký thuật hai sự kiện này là quá nhiều.
Trong khi phần lớn nội dung các sách Phúc Âm có lẽ chỉ là yếu tố minh họa
cho sự rao giảng buổi đầu, trong khi đó sự thương khó và sự phục sinh đã
được kể lại một cách độc lập và coi đó là nội dung chính của sự rao giảng.
Nói chung và có lý do chính đáng để nhiều người chủ trương rằng phần ký
thuật về thời gian thương khó, từ bữa ăn tối cuối cùng cho đến khi Chúa
sống lại là phần đã được viết trước tiên trong câu chuyện Phúc Âm đã được
kể lại nối tiếp nhau - và rằng tất nhiên là nó đã được kể lại như vậy ngay từ
đầu, mà các sứ đồ là những chứng nhân.
Theo lời làm chứng của các sứ đồ thì người ta có thói quen phân biệt phần
“truyền giảng” (Hi văn, Kerygma) với “lời giáo huấn” (Hi văn, didache).
Phần trước kể lại những gì Chúa Giê-xu đã làm, gồm các đoạn thuật sự và
trước nhất nhằm truyền đạt cho những người chưa phải là Cơ Đốc nhân, để
đưa họ đến với đạo (đức tin) Đấng Christ. Phần sau nhắc lại lời dạy của
Chúa Giê-xu, thường được chia xẻ giữa vòng những người đã tiếp nhận
Phúc Âm rồi. Trong bốn sách Phúc Âm của chúng ta, sách Mác gồm phần
lớn các đoạn thuật sự nghĩa là chép lại phần truyền giảng; còn ba sách kia
chứa đựng phần truyền giảng và giáo huấn hầu như với tỉ lệ tương đương
nhau, đan dệt vào nhau theo nhiều cách khác nhau.
VẤN ĐỀ CÁC SÁCH PHÚC ÂM
Đã từ lâu, ta thường quen nhập chung ba sách Phúc Âm đầu tiên vào một
nhóm, và để sách Phúc Âm thứ tư đứng riêng một mình. Ở một số mặt, sự
phân chia này thuận lợi, dù vậy chúng ta không nên để nó che mờ sự kiện cả
bốn sách đều nhằm vẽ lại chân dung Chúa Giê-xu như một Hữu Thể siêu
nhiên, Đấng Mết-si-a và Con Đức Chúa Trời. Lời tuyên bố và chủ đích của
sách Phúc Âm Giăng cũng đúng cho cả bốn sách: 'Các việc này đã chép để
cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Giê-xu Christ, tức là Con Đức Chúa Trời,
và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống' (GiGa 20:31).
Ba sách Phúc Âm đầu thường được gọi là các sách Phúc Âm 'Cộng Quan',
một cái tên dường như đã được học giả nghiên cứu văn bản là J.J.Griesbach
khoảng cuối thế kỷ thứ mười tám, đặt cho trước tiên. 'Cộng Quan' theo nghĩa
đen là 'có thể được nhìn chung với nhau', và sở dĩ được áp dụng cho ba sách
Phúc Âm ấy là vì các sách đó cho nhiều tài liệu giống nhau, phần lớn được
sắp xếp theo một trật tự như nhau khiến người ta có thể đặt chúng cạnh nhau
thành ba cột song song trong một hình thức gọi là cộng quan (nhìn chung) để
thoạt nhìn vào, đã có thể nhận thấy các điểm tương đồng và dị biệt.
Mối liên hệ với ba sách Phúc Âm ấy đã tạo ra chủ đề chính yếu của 'vấn đề
Cộng Quan'. Nghiên cứu đối chiếu các sách Phúc Âm Cộng Quan cho thấy
trong 1068 câu của sách Phúc Âm Ma-thi-ơ, có khoảng 500 câu chứa đựng
(bằng hình thức có phần nào cô đọng lại) đại ý của 606 trong số 661 câu của
sách Mác, trong khi trong số 1.149 câu của sách Lu-ca có khoảng 320 câu
giống với sách Mác. Sự xuất hiện của quá nhiều tài liệu của sách Mác trong
hai sách Ma-thi-ơ và Lu-ca đó, ngày nay thường được giải thích bằng thuyết
cho rằng sách Phúc Âm Mác (hay số tài liệu rất giống với sách ấy), vốn là
các nguồn thông tin chính yếu cho hai sách Phúc Âm Cộng Quan kia. 'Giả
thuyết về sách Mác' đó đã được Lachman đưa ra năm 1835 trên cơ sở rằng
trong khi sách Ma-thi-ơ và Mác thỉnh thoảng phù hợp nhau về diễn tiến các
sự kiện khác với Lu-ca, và sách Lu-ca với sách Mác lại thường phù hợp hơn
khác với sách Ma-thi-ơ, thì sách Ma-thi-ơ và Lu-ca chẳng bao giờ phù hợp
nhau ở điểm nào khác với sách Mác, cho nên thứ tự trong sách Mác dường
như là mẫu mực mà thỉnh thoảng hai sách kia lại lệch đi một chút. Ngoài vấn
đề về thứ tự, trên bình diện phê bình văn chương có vẻ như hầu hết ở các
khúc sách có chung trong cả ba sách Cộng Quan đó, thì hình thức của sách
Mác vốn có trước hai sách kia. Người nghiên cứu Hi văn có thể tự khảo sát
vấn đề này với sự trợ giúp của một sách có giá trị về Phúc Âm đối chiếu như
quyển của Huck và sách về bằng chứng ngôn ngữ học như cuốn Horoe
Synopticoe nổi tiếng của John Hawkin. Trên hết, các sự kiện ẩn phía sau
thuyết về sách Mác vạch rõ rằng một trong các nguồn chính của truyền
thống cộng quan là lời giảng dạy của các sứ đồ như đã được Mác ghi lại, và
một lần nữa, điều này đã được các tác giả là Cơ Đốc nhân buổi đầu khẳng
định là đã trở thành đại ý lời truyền giảng của Phi-e-rơ (xem phần về sách
Mác trong chương này).
Khi đối chiếu hai sách Ma-thi-ơ và Lu-ca, chúng ta thấy rằng ngoài các vấn
đề có chung với sách Mác, hai sách ấy có gần 250 câu khác chung nguồn tài
liệu, nhưng không thấy có trong sách Mác. Các câu ấy có thể được phân biệt
bằng ký hiệu Q, nhưng không nhất thiết hàm ý Q là một tài liệu riêng biệt.
Phần lớn tài liệu Q là các câu của Chúa Giê-xu, và có thể đã rút từ một sưu
tập khá sớm những câu nói của Chúa Giê-xu được Ma-thi-ơ đúc kết lại bằng
tiếng A-ram, rồi sử dụng trong bản ký thuật của mình. Cũng có thể là từ bộ
sưu tập đó, Ma-thi-ơ cũng lấy ra phần giáo huấn của Chúa Giê-xu mà chỉ
một mình ông chép lại. Nhưng ở đây chúng ta không cần đi vào chi tiết, mà
chỉ muốn dùng để đưa ra kết luận rằng vấn đề các sách Phúc Âm Cộng Quan
có nguồn tài liệu chung là cuối cùng đều lệ thuộc vào phần truyền giảng của
các sứ đồ, đặc biệt là do chính Phi-e-rơ nói ra và được Mác viết lại; và phần
dạy dỗ của các sứ đồ, có thể trước tiên đã do Ma-thi-ơ viết.
Bốn trước giả sách Phúc Âm, mỗi người đều đã viết theo một quan điểm
riêng biệt, và các việc làm, lời nói của Chúa Giê-xu do mỗi vị viết lại đều
được chọn lọc phù hợp với quan điểm đó. Nhiều chỗ khác nhau trong các
phần tường trình của các trước giả sách Phúc Âm có thể giải thích được khi
chúng ta xét đến phần chủ đích mà mỗi vị muốn lưu ý. Các chỗ dị biệt khác
có thể dễ dàng cho là tiêu biểu của các bản văn bằng tiếng A-ram phụ trợ.
Nhưng cũng như một bức chân dung vẽ khéo có thể tạo cho chúng ta ấn
tượng đúng về một người hơn một tấm ảnh chụp thể nào, thì cũng vậy, sách
Phúc Âm theo bốn phương diện, tuy có nhiêu điểm dị biệt, vẫn giới thiệu với
người đọc một ấn tượng đầy đủ và bao quát về Thân vị, và những lời dạy dỗ
của Đấng Christ, hơn là khi nó chỉ được giới thiệu bằng vỏn vẹn một câu
phát biểu, cho dù câu ấy có đúng nguyên tắc đến đâu đi nữa.
Việc nghiên cứu của 'Chủ nghĩa phê bình hình thức' từng được hăng say theo
đuổi suốt ba mươi năm gần đây, nhằm đào sâu, vượt qua cả các nguồn tài
liệu thành văn của các sách Phúc Âm, để đạt đến tận các 'hình thức' hay mẫu
mực hoặc khuôn khổ, theo đó các loại biến cố hay câu nói khác nhau đã
được phát biểu ở giai đoạn truyền khẩu nguyên thủy. Giá trị của cách làm
này thường được phóng đại nhưng nó vẫn hữu ích trong phạm vi nó gây
được ấn tượng trên chúng ta (1) về sự thiếu sót của các lý thuyết về tài liệu
mà không chú trọng đến hiện tượng của các sách Phúc Âm của chúng ta, (2)
về khuynh hướng đồng nhất hóa của thế kỷ thứ nhất SC muốn rập khuôn
theo 'các hình thức' mà mọi loại tuyên truyền tôn giáo đều sử dụng để trình
bày, (3) về sự kiện chân dung của Chúa Giê-xu với tư cách Con Đức Chúa
Trời đã thấm nhập mọi tầng lớp của các sách Phúc Âm, cả đến lớp sơ
nguyên nhất, dù chúng ta có phân loại và chia cắt như thế nào chăng nữa.
Một kết quả khác nữa của phương pháp này khi áp dụng cho những lời phán
được ghi lại của Chúa Giê-xu, là người ta thấy các câu nói ấy thường xuyên
được đưa ra dưới hình thức thi ca, phô bày đặc tính song đối và giàu tiết điệu
của ngôn ngữ Semitic, và (khi chúng ta cố gắng nhìn phía sau bản dịch ra Hi
văn, nguyên văn A-ram là thứ tiếng mà Chúa Giê-xu đã nói) cả đến âm vận
nữa. Ở điểm này, Chúa chúng ta đã tự đặt mình tiếp nối các nhà tiên tri Cựu
Ước, mà các sấm ký của họ phần lớn là bằng văn vần.
PHÚC ÂM THEO MA-THI-Ơ
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Nói một cách khắt khe thì tất cả các sách Phúc Âm đều có tác giả khuyết
danh; đã không có sách nào mang tên chính trước giả viết ra nó. Bằng cớ
hiển nhiên để kết hợp sách Phúc Âm thứ nhất với tên Ma-thi-ơ là do ngoại
chứng, và có thể truy nguyên đến câu phát biểu của Papias, giám mục Hi-ê-
ra-bô-li xứ Phi-ri-gi hồi đầu thế kỷ thứ hai (do Eusebius ghi lại trong quyển
Lịch Sử Giáo Hội (Ecclesiastical History) của ông, chương Mat Mt 3:39
'Ma-thi-ơ đúc kết sách logia bằng tiếng Hy-bá-lai, và mọi người đều cố dịch
sao cho hay nhất' Papias và tất cả các tác giả nhắc lại tài liệu này với nhiều
chi tiết thêm vào đều đồng ý rằng, bất luận Ma-thi-ơ đã viết gì, ông đều viết
bằng tiếng Hy-bá-lai (có lẽ có nghĩa là tiếng A-ram, như việc thông thường
đối với Tân Ước). Từ ngữ logia có nghĩa là 'lời nói' hay 'lời sấm', tuy câu nói
của Papias không nhất thiết ngụ ý rằng Ma-thi-ơ chỉ đúc kết một bộ sưu tập
các lời nói mà thôi (Logia đã được Phao-lô dùng trong RoRm 3:2 để nói về
Cựu Ước nói chung). Bằng chứng ấy dường như gợi ý rằng Ma-thi-ơ đã
soạn thảo một sách bằng tiếng A-ram, gồm những Lời Nói của Chúa Giê-xu
lồng trong một bản trần thuật, và rằng bản dịch quyển sách ấy ra Hi văn đã
tạo thành nguồn gốc chính yếu và đặc biệt nhất cho quyển sách Phúc Âm
đầu tiên của chúng ta, và như thế, sách ấy được gọi là sách Phúc Âm theo
Ma-thi-ơ thì không phải là không chính đáng.
Niên đại sách Ma-thi-ơ không thể xác định chắc chắn, nó là sản phẩm của
thế kỷ thứ nhất, như chúng ta có thể suy diễn từ sự kiện nó đã được Ingatius
trích dẫn hồi đầu thế kỷ thứ hai; và giọng điệu tổng quát của nó gợi ý rằng
nó chỉ đạt đến hình thức như hiện có, một phần lớn nếu không nói là toàn
quyển, vào một thời gian muộn hơn là lúc thành Giê-ru-sa-lem bị thất thủ
năm 70 SC. Giáo sư C.C.Torrey đã đi rất xa đến độ bảo rằng trong bốn sách
Phúc Âm, không có sách nào niên đại muộn hơn năm 50 SC. Trong tất cả
các sách Phúc Âm, Ma-thi-ơ là sách có âm hưởng Do Thái giáo hơn cả, đôi
lúc có thể nói là có giọng điệu của giới ra-bi nữa. Địa vị của nó đứng hàng
đầu các sách được liệt vào Kinh Thánh Tân Ước là chính đáng, không phải
vì thứ tự thời gian của quyển sách, mà vì nó nối liền câu chuyện kể lại về
Phúc Âm từ khởi đầu với dòng chính của lịch sử Cựu Ước, và vì theo thuật
ngữ của Cựu Ước thì nó là 'Sách gia phổ của Chúa Giê-xu là Đấng Mết-si-a
(Christ), con cháu Đa-vít và Áp-ra-ham' (so sánh SaSt 5:1). Việc Chúa Giê-
xu là hậu duệ của Đa-vít trong chương 1 đã được phăng theo dòng dõi kế
thừa hợp pháp qua các vua Giu-đa và những người thừa kế, không luôn luôn
giống với cha truyền con nối. Ma-thi-ơ biết rõ sự giáng sinh đồng trinh,
nhưng về phương diện pháp lý, thì Chúa Giê-xu là con trai Giô-sép, là người
thừa kế ngôi vua của Đa-vít.
Nhưng nếu chương 1 giới thiệu Chúa Giê-xu với tư cách người thừa kế niềm
hy vọng của dân Do Thái, thì chương 2 vạch rõ Ngài cũng làm ứng nghiệm
kỳ vọng của các dân ngoại: các nhà thông thái từ Đông Phương đã đến thờ
phượng Ngài theo tinh thần của lời tiên tri: 'Các dân tộc sẽ đến nơi sự chói
sáng đã mọc lên trên ngươi' (EsIs 60:3). Lời tiên tri này không được trích
dẫn trong sách Ma-thi-ơ; nhưng nhiều lời tiên tri khác đã được trích dẫn, và
cần chú ý là một phần trong đó sở dĩ đã được đưa vào, là nhằm vạch rõ thế
nào Đấng Mết-si-a sẽ đích thân tóm lược lịch sử dân Ngài, chẳng hạn như
câu 'Ta đã gọi Con ta ra khỏi nước Ê-díp-tô' (Mat Mt 2:15) là trích dẫn OsHs
11:1, nguyên văn ám chỉ quốc gia Y-sơ-ra-ên.
Việc đưa các dân ngoại vào rất sớm trong chương 2:1-23 cho thấy sách Phúc
Âm này không chỉ dành riêng cho người Do Thái, và điều này còn được mở
rộng ra do câu kết thúc sách Ma-thi-ơ, ghi lại nhiệm vụ mà Chúa giao phó
cho các môn đệ Ngài, hãy đi khắp thế gian, 'khiến muôn dân trở nên môn đồ
ta' (Mat Mt 28:19). Các Cơ Đốc nhân người Do Thái nói tiếng Hy Lạp
dường như là số người đã trước nhất được phó thác sứ mạng này - theo
Harnack, vốn là những người đã thừa kế nơi Ê-tiên về phương diện thuộc
linh, và từ giữa họ đã phát sinh các nhà truyền giáo đã giảng Phúc Âm trước
nhất cho người ngoại bang (tại An-ti-ốt). Do các Cơ Đốc nhân đã lìa bỏ xứ
Palestine sau cơn đại họa đó, mà sách Phúc Âm Ma-thi-ơ đã đưa sang Tiểu
Á Châu và các trung tâm Cơ Đốc giáo khác.
PHÂN TÍCH
Mat Mt 1:1-17.
Gia phổ
Mat Mt 1:18-4:11.
Sự giáng sinh, phép báp-tem và chịu cám dỗ của Đấng Christ.
Mat Mt 4:12-25.
Truyền giảng và kêu gọi các môn đệ.
Mat Mt 5:1-7:29.
'Bài Giảng Trên Núi'.
Mat Mt 8-16:12.
Phần giáo huấn tổng quát, truyền giảng và chữa bịnh, phần lớn là tại xứ Ga-
li-lê.
Mat Mt 16:13-18:30.
Lời xưng nhận của Phi-e-rơ, sự hóa hình và các bài thuyết giảng.
Mat Mt 19:1-20:34.
Chuyến đi Giê-ru-sa-lem.
Mat Mt 21:1-23:39.
Đấng Christ vào thành Giê-ru-sa-lem. Những lời cảnh cáo và 'chúc dữ' cuối
cùng.
Mat Mt 24:1-25:4.
Lời giáo huấn về 'những điều hầu đến'.
Mat Mt 26:1-28:20.
Bị phản nộp, thiết lập Tiệc Thánh, chịu xét xử, chịu chết, sống lại và hiện ra
tại Ga-li-lê.
NỘI DUNG
Sách Ma-thi-ơ rất dễ phân đoạn. Nét nổi bật của sách là năm nhóm các bài
thuyết giảng quan trọng, mỗi nhóm được đánh dấu ở phần kết thúc bằng câu:
'Khi Đức Chúa Giê-xu phán những lời ấy xong...' (Mat Mt 7:28; 11:1; 13:53;
19:1; 26:1). Tiếp sau mỗi nhóm như thế là một đoạn thuật sự, khiến phần
thân bài của sách Ma-thi-ơ có thể nói là được chia thành năm phần mỗi phần
gồm một đoạn thuật sự tiếp theo là một bài thuyết giảng. Các phần lớn đó
được mở đầu bằng một phần nhập đề (các chương 1:1-24; 2:1-23), gồm một
bảng gia phổ và phần thuật sự về sự giáng sinh, và được nối tiếp bằng các
chương 26:1-28:20, gồm các phần ký thuật về sự thương khó và sự sống lại.
Sự phân chia làm năm phần đó đã được giải thích (chẳng hạn bởi Delitzsch)
là căn cứ trên sự sắp xếp luật pháp theo năm phương diện trong Cựu Ước;
Tiến Sĩ Levertoff nhận thấy rằng 'sự nối tiếp nhau của các biến cố rất phù
hợp với thứ tự thời gian của các mùa tụng niệm của Do Thái giáo'.
Chúng ta có thể đặt tên cho năm bài thuyết giảng như sau:
1.( Mat Mt 5:1-7:29):
Luật pháp về Nước Trời.
2.( Mat Mt 10:5-42):
Bài giảng về Nước Trời.
3.( Mat Mt 13:3-52):
Sự tăng trưởng của Nước Trời.
4.( Mat Mt 18:3-35):
Sự thông công trong Nước Trời.
5.( Mat Mt 24:1-25:46):
Sự kết thúc của Nước Trời.
Chủ đề chính của cả năm bài thuyết giảng là Nước Đức Chúa Trời, hay như
sách Ma-thi-ơ thích gọi là Nước thiên đàng (tiếng A-ram, malkuthadi-
shemayya), giữ được nghĩa đen của một thành ngữ A-ram, có lẽ là ngôn ngữ
đã được chính Chúa chúng ta sử dụng. Dĩ nhiên, Nước Trời là chủ đề riêng
của sách Ma-thi-ơ nói theo một ý nghĩa đặc biệt, và chính Chúa Giê-xu đã
được nhìn qua suốt sách Ma-thi-ơ trước nhất, là Nhà Vua Mết-si-a.
Giáo sư N.B.Stonehouse nói: 'Chủ đích của trước giả sách Phúc Âm này là
phác họa Chúa Giê-xu với tư cách Nhà Vua Mết-si-a mà lịch sử ứng nghiệm
phần mạc khải của Cựu Ước, và việc Ngài đến trong xứ có một nhà vua Do
Thái đang cai trị tạo ra một cuộc khủng hoảng, trong đó do hành động của
Đức Chúa Trời, nhà vua mới ra đời đã được cứu mạng và đến cư ngụ tại Na-
xa-rét'.
Phần ký thuật về sự giáng sinh được nối tiếp bằng một phần mô tả chức vụ
của Giăng Báp-tít, và phép báp-tem của Chúa Giê-xu. Cần chú ý là muốn ăn
khớp với khuynh hướng chung của sách Phúc Âm này, ở đây Giăng đã được
phác họa như một người tiền hô (tiên triệu) cho Nước Trời; câu tóm tắt lời
giảng dạy của Chúa Giê-xu và các môn đồ Ngài trong sách Ma-thi-ơ, cũng
được gán cho cả Giăng nữa: 'Vì Nước thiên đàng đã đến gần, vậy các ngươi
phải ăn năn' (3:2).
Phần ký thuật về sự cám dỗ ở 4:1-16 được nối tiếp bằng một phần tóm tắt
chức vụ tại xứ Ga-li-lê, cũng được trình bày như là để làm ứng nghiệm lời
tiên tri trong Cựu Ước, là lời sấm của EsIs 9:1,2. Phần tóm tắt này được đưa
vào bằng câu 'Từ lúc đó...'(Mat Mt 4:17), dường như để đánh dấu một
chuyến đi mới tại giai đoạn này của câu chuyện, cũng như câu trong 16:21,
sau lời xưng nhận của Phi-e-rơ tại Sê-sa-rê Phi-líp vậy. Phần tóm tắt này
nhập đề cho Bài Giảng Trên Núi, được sách Ma-thi-ơ trình bày như một
Kinh Torah mới, có nghĩa là 'giáo huấn', Đấng Christ là Đấng làm trọn luật
pháp Cựu Ước (5:17). Nhưng trong lời dạy Ngài làm trọn luật pháp không
phải bằng cách theo đúng các qui tắc của các ra-bi, nhưng bằng cách rút ra
phần nguyên tắc trong Cựu Ước, và áp dụng chúng không phải chỉ bằng
cách hành động bề ngoài, mà ứng dụng từ trong tư tưởng và các ý hướng của
tấm lòng, bằng cách ăn nết ở xuất phát tự trong lòng. Ngài công bố cách có
uy quyền rằng sự thịnh vượng hay suy tàn của cuộc sống con người tùy
thuộc cách họ đáp ứng lời dạy dỗ ấy của Ngài (7:24-27).
Hai chương tiếp theo (8:1-9) phần lớn ghi lại các trường hợp chữa bịnh, qua
đó Nhà Vua được mô tả là đã sử dụng uy quyền tối thượng của Ngài để trục
xuất bệnh tật, ma quỉ và ngay đến sự chết nữa. Việc chữa bệnh còn là cách
khác nữa bày tỏ sự hiện diện của Nước thiên đàng, và trước giả sách Phúc
Âm này nhận định rằng nó làm ứng nghiệm phần Cựu Ước nói về Người
Đầy Tớ của Đức Giê-hô-va, Đấng 'đã mang sự đau đớn (tật nguyền) của
chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta' (8:17, trích dẫn EsIs 53:4).
Nằm rải rác giữa các biến cố đó, là những câu trả lời cho những kẻ muốn
theo Ngài (8:19-22), việc truyền khiến cơn bão yên tĩnh (8:23-27) và sự kêu
gọi Ma-thi-ơ, với những cuộc tranh luận tiếp sau đó (9:9-17). Trong những
cuộc tranh luận ấy, Nhà Vua Mết-si-a cũng đã bày tỏ chính mình.
Bài diễn giảng thứ hai, lời căn dặn mười hai sứ đồ, được giới thiệu bằng một
phần ký thuật vắn tắt việc sai phái họ, được nêu lên từng tên. Bài giảng luận
này có nhiều đặc điểm nguyên thủy hết sức rõ rệt. Lời hứa 'các ngươi đi
chưa hết các thành dân Y-sơ-ra-ên, thì Con Người đã đến rồi' (10:23) do tính
cách khó hiểu của nó, đã tự chứng minh là có rất sớm; chắc chắn không phải
do trước giả bày đặt ra sau khi thành Giê-ru-sa-lem thất thủ, và phải được
hiểu theo giá trị bề ngoài của nó, là nhiệm vụ mà Chúa Giê-xu giao cho các
sứ đồ liên hệ đến sứ mạng Ngài truyền cho họ ngay lúc Ngài tại thế. Các
giới hạn của sứ mạng này tương phản rõ rệt với sứ mạng Chúa truyền sau
khi Ngài sống lại trong 28:19,20.
Còn về 10:23 là câu bác sĩ Albert Schweitzer đã xây trên đó một cơ cấu nặng
nề nhưng không cân đối một 'thế mạt luận hoàn toàn', thì chúng ta có thể
xem câu ấy và câu tương tự như vậy trong 16:28 ứng nghiệm vào việc Chúa
phục sinh đã thiết lập Hội Thánh Ngài.
Phần ký thuật tiếp theo đó ( 11:12:50) bắt đầu bằng câu trả lời của Chúa
chúng ta cho Giăng Báp-tít, và tiếp tục bày tỏ thái độ của Ngài đối với
những kẻ chối bỏ lời Ngài, dẫn đến nhóm bài giảng luận thứ ba, gồm các ẩn
dụ trong đó chúng ta được tiết lộ cho biết các sự mầu nhiệm của Nước thiên
đàng, vạch rõ thế nào từ những khởi điểm nhỏ nhoi, không nhìn thấy được,
Nước Trời bỗng xuất hiện, trưởng thành và đầy quyền năng (13:1-52).
Phần ký thuật tiếp theo (13:53-17:27) theo đúng thứ tự trong Mac Mc 6:14-
9:32 (xem dưới đây), thỉnh thoảng được mở rộng ra chỗ này, chỗ nọ, đáng
chú ý nhất là trong câu chuyện Phi-e-rơ xưng nhận Chúa tại Sê-sa-rê Phi-líp,
nơi chỉ có một mình Ma-thi-ơ ghi lại lời Đấng Christ đã phán với Phi-e-rơ
bắt đầu bằng câu 'Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi có phước đó...' (16:17-19)
bên trong có lời ám chỉ Hội Thánh đầu tiên trong Tân Ước (đầu tiên theo thứ
tự được nói ra chứ không phải được viết ra). Câu ám chỉ thứ hai ở trong Mat
Mt 18:17, và đây là hai chỗ duy nhất, từ ngữ ekklesia đã xuất hiện trong các
sách Phúc Âm. Đàng sau hai chữ đó, có lẽ chúng ta cần phân biệt từ A-ram
kenishta được dùng chỉ cả toàn thể 'hội chúng' Y-sơ-ra-ên, lẫn một nhà hội
riêng biệt nào đó. Viện trưởng W.A.Curtis nói: 'Hai khúc sách ấy không có
dấu hiệu nào là không đúng nguyên văn để có thể dùng hỗ trợ cho quan
điểm nghi ngờ chúng vốn do hàng giáo phẩm cố ý đặt xen vào để biện minh
cho danh hiệu và hình thức sinh hoạt của một thế hệ sau đó, và...đã thật sự
giúp chúng ta giải thích việc thừa nhận phổ quát tên Ecclesia (Hội Chúng,
Hội Thánh) ngay sau khi chức vụ của Chúa Giê-xu kết thúc'. Ngoài ra, như
C.F.Burney đã vạch rõ, Mat Mt 16:17-19 có thể được chuyển trở lại thành
tiếng A-ram rất phong phú về tiết tấu.
Đoạn ký thuật này kết thúc bằng câu chuyện đồng tiền trong miệng cá, đặc
biệt của sách Ma-thi-ơ. Thái độ của Chúa Giê-xu đối với vấn đề nộp thuế
cho đền thờ phải bị xem như tiền lệ, khi vấn đề thực tế ấy được đưa để biểu
quyết trong Hội Thánh Giê-ru-sa-lem nguyên thủy.
Bài giảng luận trong chương 18:1-35 đề cập nhiều phương diện khác nhau
của sự thông công Nước Trời, bắt đầu với bản tính đích thực của địa vị 'làm
lớn', và tiếp tục đề cập thái độ thích đáng phải đối xử với trẻ con, việc dàn
xếp sự tranh cạnh riêng tây bên trong cộng đồng mới, và bổn phận phải tha
thứ vô số lần đối với những ai đã kinh nghiệm sự tha thứ của Đức Chúa
Trời.
Đoạn thuật sự tiếp theo (19:1-22:46) cũng theo thứ tự của Mac Mc 11:1-
12:37, có thêm vào cuộc thảo luận về hôn nhân và ly dị (19:3-12); ẩn dụ về
những người làm công trong vườn nho (20:1-16); việc trích dẫn lời tiên tri
của Xa-cha-ri XaDr 9:9 liên hệ với việc Chúa chúng ta vào thành Giê-ru-sa-
lem (so sánh GiGa 12:15) mà phần thuật sự trong sách Ma-thi-ơ đúng y
nguyên văn đến từng chi tiết (21:7); ẩn dụ về Hai con trai (21:28-32) và về
Tiệc cưới, phụ thêm biến cố về người đi dự tiệc cưới mà không có áo lễ
(22:1-14).
23 thâu thập những lời chỉ trích của Chúa chúng ta đối với các khuynh
hướng đương thời của chủ nghĩa thông giáo, kết thúc bằng lời chúc dữ trên
Giê-ru-sa-lem (do Chúa Giê-xu nói ra với tư cách là Sự Khôn Ngoan của
Đức Chúa Trời như chúng ta được biết trong khúc sách tương đương ở LuLc
11:49).
Bài thuyết giảng về thế mạt luận của Mat Mt 24:1-51 (tương đương với Mac
Mc 13:37;) được mở rộng bằng việc thêm vào các ẩn dụ thế mạt luận của
Mat Mt 25:1-46 Mười Trinh Nữ, Các Ta-lâng, và Sự Phán Xét Muôn Dân.
Phần ký thuật về sự thương khó của sách Ma-thi-ơ (26:1-27:66) theo rất sát
phần ký thuật trong sách Mác, nhưng còn thêm các biến cố về sự ăn năn và
tự sát của Giu-đa, giấc chiêm bao của vợ Phi-lát, việc Phi-lát rửa tay, việc
nhiều thánh đồ đã sống lại sau khi Chúa Giê-xu chết, và việc cắt lính canh
mộ.
Chỉ có phân ký thuật của sách Ma-thi-ơ là có ghi lại cơn động đất, vị thiên
sứ ngồi trên tảng đá, việc chạy trốn và bọn lính canh được hối lộ. Nó kết
thúc với việc các sứ đồ giữ lời hẹn với Chúa trên ngọn núi đã được chỉ định
trước trong xứ Ga-li-lê, và tại đó, họ đã tiếp nhận sứ mạng cuối cùng, là đi
khắp thế gian, truyền giảng, làm phép báp-tem, và dạy dỗ, kèm theo lời hứa
là Ngài sẽ luôn luôn hiện diện với họ cho đến tận thế (28:20).
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Tìm ra cách thức theo đó sách Phúc Âm này được kết hợp Cựu và Tân
Ước lại với nhau.
2. Tự nó, Bài Giảng Trên Núi có liên hệ gì với (1) luật pháp, (2) Phúc Âm?
Đây có phải là luật lệ cho Cơ Đốc nhân không? Đối chiếu với CoCl 3:1-4:6.
3. Lập một bảng liệt kê các khúc sách chỉ ra Đấng Christ và Nhà Vua Mết-
si-a.
4. Truyền thống cho rằng sách Ma-thi-ơ được viết cho người Do Thái.
Nghiên cứu sách này theo quan điểm bối cảnh Do Thái của nó.
5. Theo ý nghĩa nào có thể nói là ngay từ lúc bắt đầu, Phúc Âm đã dẫn đến
sứ mạng quan trọng trong 28:16-20.
SÁCH PHÚC ÂM THEO MÁC
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Lời chứng sớm nhất cho sách Phúc Âm thứ hai được tìm thấy trong câu phát
biểu của một 'Trưởng Lão' vô danh được Papias ghi lại: 'Mác là người thông
ngôn (interpreter, người giải thích) của Phi-e-rơ, đã viết lại chính xác tất cả
những gì ông nói; cả về các lời phán lẫn các việc làm của Đấng Christ, bất
chấp thứ tự, vì Mác không phải là người từng được nghe hay là bạn đồng
hành của Chúa Giê-xu. Như tôi vừa nói, về sau này ông mới theo Phi-e-rơ,
người đã ứng dụng những lời dạy dỗ của mình tùy theo nhu cầu đòi hỏi, chứ
không cố tình đúc kết lại các lời phán của Chúa Giê-xu. Cho nên Mác đã
không hề nhầm lẫn khi viết lại những gì Phi-e-rơ nói, vì ông chỉ chú ý đến
việc làm duy nhất đó thôi, tức là không bỏ sót bất cứ điều gì mình được
nghe, ông không hề thêm vào đó một câu nào không thật'.
Các tác giả về sau chỉ gia giảm đôi chút lời chứng ấy mà không thêm gì
nhiều cho giá trị độc lập của nó. Lời nói đầu viết cho sách Mác để chống lại
Marcion có niên đại khoảng năm 170 còn cho biết rằng Mác đã viết sách
Phúc Âm của ông 'tại nhiều nơi ở Ý-đại-lợi' sau khi Phi-e-rơ qua đời. Điều
này có thể đúng, ít nhất là đối với hình thức sách Mác còn được lưu truyền
đến cho chúng ta, chẳng hạn như chúng ta sẽ nhận thấy là các phần giải
nghĩa về phong tục tập quán của người Do Thái không cần thiết tại xứ
Palestine (so sánh Mac Mc 7:3 và tt); và việc thỉnh thoảng có sự pha lẫn các
từ ngữ và cú pháp La-tinh trong Hi văn của sách Mác cũng có thể là dấu chỉ
về cùng một hướng đó. Như vậy, nó có thể là dấu chỉ cho một niên đại giữa
năm 60 và 65 SC (xem phía trước).
Ngoại chứng về thẩm quyền của Phi-e-rơ đàng sau Mác cũng được một số
nội chứng hậu thuẫn cho. Chẳng hạn nhân xưng đại danh từ số nhiều và nói
trổng (impersonal) trong sách Mác (chắc là phản ảnh tiếng 'chúng tôi' của
Phi-e-rơ) thường được các sách Phúc Âm khác thay thế bằng chữ 'Ngài'; các
trước giả ấy vốn chỉ nghĩ đến Chúa chúng ta mà thôi.
Khi các tác giả khác nói rằng Mác là người 'thông giải' của Phi-e-rơ, thiết
tưởng chúng ta không cần phải loại ra khỏi chữ ấy phần ý nghĩa là 'thông
dịch viên' của nó, vì ở nhiều chỗ, Hi văn của sách Mác có dấu hiệu cho thấy
nguyên văn tiếng A-ram ẩn tàng trong đó. Truyền thống nguyên thủy đồng
nhất hóa Mác, trước giả sách này, với Giăng Mác xuất hiện trong Cong Cv
12:12 và sau đó trong Tân Ước, và chúng ta không có lý do gì để nghi ngờ
sự nhận diện đó.
PHÂN TÍCH
Mac Mc 1:1-8.
Chức vụ của Giăng Báp-tít.
Mac Mc 1:9-11.
Chúa Giê-xu chịu phép báp-tem.
Mac Mc 1:12,13.
Sự cám dỗ.
Mac Mc 1:14-45.
Các bước đầu của chức vụ tại xứ Ga-li-lê.
Mac Mc 2:1-3:35.
Chống đối gia tăng tại Ga-li-lê.
Mac Mc 4:1-34.
Các ẩn dụ về Nước Trời.
Mac Mc 4:35-7:23.
Chức vụ chung quanh hồ Ga-li-lê.
Mac Mc 7:24-9:29.
Chúa Giê-xu và các môn đồ tại miền Bắc xứ Palestine; lời xưng nhận của
Phi-e-rơ, sự hóa hình, và những lời tiên báo đầu tiên về sự thương khó.
Mac Mc 9:30-10:31.
Kết thúc chức vụ trong xứ Ga-li-lê.
Mac Mc 10:32-12:44.
Chuyến đi Giê-ru-sa-lem, bị chống đối trong thành phố ấy.
Mac Mc 13:1-37.
Bài thuyết giảng về thế mạt luận.
Mac Mc 14:1-16.
Phần thuật sự về sự thương khó và phục sinh.
NỘI DUNG
Vì không để ý đến điều Papias đã nói rằng sách Mác không được viết theo
đúng thứ tự, nên một số học giả thuộc thế hệ trước đã quá nhấn mạnh đến
tính cách nối tiếp và liên tục trong thời gian của sách ấy. Gần đây hơn, người
ta lại có khuynh hướng ngược lại, nhằm phủ nhận việc có thể căn cứ vào
sách Mác để truy nguyên diễn tiến chức vụ của Chúa Giê-xu theo thứ tự thời
gian. Sự thật có lẽ nằm ở giữa hai đối cực trên. Công trình có tầm quan trọng
đặc biệt, là khám phá của giáo sư C.H.Dodd rằng những phần tóm tắt ngắn
nối liền các đoạn thuật sự khác nhau tạo thành phần nòng cốt cho sách Mác
không những chỉ là 'chất xi măng của người viết sách', mà khi được xếp
chung lại với nhau, còn chứng minh là tạo ra một bố cục giống như một bộ
xương, có thể so sánh được với các bố cục của phần kerygma mà người ta có
thể vạch ra trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ và các Thư Tín. Cái bố cục như
bộ xương đó mà các đoạn thuật sự được xen kẽ vào, cung cấp một sự nối
tiếp theo thứ tự thời gian nào đó xuyên suốt sách Phúc Âm Mác, dẫn đến
phần thuật sự về sự thương khó, để tạo thành một khối thống nhất ngay từ
đầu cho lời truyền giảng của vị sứ đồ.
Câu đầu tiên của sách Mác là tên của tác phẩm ấy; đây là 'Đầu (khởi điểm
của) Phúc Âm' (Chúng ta có thể đối chiếu với đặc điểm Lu-ca nêu ra cho
sách Phúc Âm của ông là 'mọi điều Đức Chúa Giê-xu đã làm và dạy từ ban
đầu' (Cong Cv 1:1). Khởi điểm của Phúc Âm được bắt đầu với phép báp-tem
của Giăng, tự nó vốn là một chủ đề của lời tiên tri trong Cựu Ước (như Mác
đã vạch rõ). Phần ký thuật ngắn ngủi về chức vụ của Giăng tạo thành bối
cảnh cho việc giới thiệu Chúa Giê-xu, việc Ngài chịu phép báp-tem, chịu
cám dỗ, việc Ngài xuất hiện trong xứ Ga-li-lê sau khi Giăng bị cầm tù với
bức thông điệp: 'Kỳ đã trọn, Nước Đức Chúa Trời đã đến gần, các ngươi hãy
ăn năn và tin (đạo) Phúc Âm' (Mac Mc 1:15). Rồi đến việc kêu gọi các môn
đệ đầu tiên, tiếp theo là bức tranh ngoạn mục gây ấn tượng mạnh mẽ của
một ngày công tác tại Ca-bê-na-um, chắc là với ý định nêu lên một khuôn
mẫu cho loại sự việc đã xảy ra khắp nơi, khi Ngài đi đây đi đó suốt mấy tuần
lễ trước của chức vụ tại xứ Ga-li-lê.
Từ Mac Mc 2:1-3:6, chúng ta có một loạt 'các câu chuyện mở màn' mà theo
Dibelius, là đã thấy nổi bật trong giai đoạn rao giảng sơ khai, và ông đã gọi
khá hợp lý là những 'mẫu mực'. Đây là những sự việc dẫn đến những lời
tuyên bố mạnh mẽ không thể quên được của Chúa Giê-xu. Nhiều câu trong
số đó, như mấy câu trong đoạn này, có hàm chứa một yếu tố gây tranh luận
và tính cách nổi bật của yếu tố đó ngay ở phần đầu của sách Mác, đã nhấn
mạnh vào giọng điệu tranh luận vốn khá rõ ràng trong sách Phúc Âm này.
Mâu thuẫn ngày càng gia tăng giữa Chúa Giê-xu và kẻ thù lại thể hiện trong
việc Ngài không còn được hoan nghênh giảng dạy trong các nhà hội, khi
Ngài không còn được lòng các thầy thông giáo. Và nó bùng nổ thật sự, khi
một phái đoàn từ Giê-ru-sa-lem đã được sai đến để dò xét các hoạt động của
Ngài, gán việc Ngài đuổi quỉ là nhờ vào quyền phép của Bê-ên-xê-bun,
khiến Ngài phải nghiêm khắc cảnh cáo về cơ nguy của tội phạm đến Đức
Thánh Linh, rằng việc cố ý nhắm mắt lại đối với ánh sáng chắc chắn là tội
không thể cứu chữa được (3:22 và tt).
Đến đây (4:1 và tt) thì các ẩn dụ về Nước Trời đã được đưa vào thật đúng
lúc. Tuy các lãnh tụ tôn giáo chối bỏ Ngài, nhưng hột giống đã gieo ra sẽ có
kết quả khi rơi vào chỗ đất tốt. Còn về những kẻ phạm tội đối với ánh sáng,
những kẻ nhìn qua mà không thấy, nghe mà không hiểu, thì toàn thể bức
thông điệp về Nước Trời chỉ là một câu đố nát óc; nhưng với những người
tin, thì sự mầu nhiệm chưa hề có ai biết về Nước Trời sẽ được mạc khải cho.
Rất khó thiết lập thứ tự thời gian hay địa dư liên tục trong bốn chương kế
tiếp ( 5:1-8:38), nhưng phần sắp xếp phần nội dung không phải là do ngẫu
nhiên. Cần lưu ý rằng sự trùng lặp các sự việc đạt đến cao điểm là việc hai
lần hóa bánh cho nhiều ngàn người ăn có một ý nghĩa thần học; việc Chúa
chúng ta lặp lại cho người ngoại bang ở giáp giới với xứ Ga-li-lê các hành
động như Ngài từng làm trong vòng lãnh thổ hoàn toàn thuộc người Do
Thái. Các biến cố trên dẫn đến biến cố lịch sử là việc Phi-e-rơ xưng nhận
Chúa tại Sê-sa-rê Phi-líp, vốn là điểm phân ranh của sách Phúc Âm này .
Khi đọc đến chỗ Phi-e-rơ xưng nhận Chúa (8:27 và tt), chúng ta lại thấy sự
liên tục tự nhiên về thứ tự thời gian. Tầm quan trọng của biến cố này được
đánh dấu bằng lời Chúa báo trước cho các môn đệ lần đầu về việc Ngài sắp
bị bắt và chịu chết (8:31) - và nhắc lại trong 9:31 và 10:33 và những câu tiếp
theo. Với lời cảnh cáo ấy, Ngài đưa ra lời thách thức những ai muốn theo
Ngài, về việc phải vác thập tự giá - một thách thức phải được cân nhắc trong
ánh sáng của vương quốc vị lai, trong đó có ba môn đệ đã được nhìn thoáng
qua trên Núi Hóa Hình (9:1-13).
Chương 10 bắt đầu với việc Chúa chúng ta bỏ xứ Ga-li-lê qua bên kia sông
Giô-đanh và xứ Giu-đê, và trong câu 32, ta thấy Ngài cương quyết đặt chân
lên con đường định mệnh dẫn đến Giê-ru-sa-lem. Việc Gia-cơ và Giăng
muốn được đối xử đặc biệt trong Nước Trời đã tạo cơ hội rút được từ Ngài
bài học về sự cao trọng thật, trong đó Ngài tự chỉ vào mình như gương mẫu
phải noi theo, 'vì Con Người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình,
song để hầu việc người ta, và phó mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều
người' (10:45) - những lời tưởng như âm vang của lời sấm về Người Đầy Tớ
trong EsIs 53:1-12 chúng ta vẫn thường nghe Chúa Giê-xu giải thích về sứ
mạng của đời sống Ngài.
Rồi đến việc vào thành Giê-ru-sa-lem (Mac Mc 11:1 và tt), trong khi quần
chúng đi dự lễ Vượt Qua hoan nghênh Ngài như Đấng Phải Đến. Câu
chuyện diễn biến rất nhanh đạt đến cao điểm; tất cả những gi được ghi chép
lại đều có ý nghĩa: việc rủa sả và làm khô cây vả không trái (một ẩn dụ bằng
động tác về sự suy sụp của dân tộc Do Thái là điều không thể tránh), việc
dọn sạch đền thờ, và ẩn dụ về Vườn Nho, trong đó lời tự xưng là Đấng Mết-
si-a đã trở thành rõ ràng và không cần gì phải thật sự tuyên bố rằng: 'Chính
ta là Đấng Mết-si-a đây!' Chương 12:10-44, các biến cố liên quan đến các
phe nhóm nổi tiếng vẫn thường chống đối nhau, khi các đảng viên Hê-rốt và
người Sa-đu-sê được Chúa trả lời các câu hỏi vụng về của họ, một trong các
thầy thông giáo thích thú nghe Chúa tóm tắt luật pháp bằng hai điều răn hàm
súc về tình yêu thương, và chính Chúa Giê-xu nêu lên vấn đề về mối liên hệ
giữa Đấng Mết-si-a với Đa-vít, vì trong Thi Tv 110:1-6, Ngài đã được gọi là
Chúa của Đa-vít.
Bài thuyết giảng thế mạt luận trong Mac Mc 13:1 (bài thuyết giảng dài nhất
được ghi lại trong sách Mác) làm nảy sinh nhiều vấn đề. Rất có thể là nó đã
được viết ra và lưu hành trước cả chính sách Phúc Âm Mác, có lẽ nhân cơn
khủng hoảng năm 40 SC, khi Caligula muốn đem tượng của mình dựng lên
trong đền thờ tại Giê-ru-sa-lem. Vào một giai đoạn như thế, lời Đấng Christ
nói về Sự Tàn Nát Gớm Ghiếc được nhớ lại và viết ra là chuyện tự nhiên.
Chúng ta có thể thấy ảnh hưởng của bài thuyết giảng đó trong phần Phao-lô
mô tả 'Người Tội Ác' trong IITe 2Tx 2:4 và trong sách Khải Huyền.
Với Mac Mc 14:1-72, phần thuật sự về giai đoạn thương khó thật sự bắt đầu
và nhanh chóng dẫn đến phần kết cuộc trên thập tự giá và ngôi mộ trống.
Phần ký thuật gồm luôn câu chuyện Chúa được xức dầu tại Bê-tha-ni, việc
Ngài bị phản nộp việc chuẩn bị và ăn Lễ Vượt Qua, việc tiết lộ hiện diện của
kẻ phản bội, việc thiết lập Tiệc Thánh (trong Mac Mc 14:24, chúng ta có thể
khám phá ra việc nhắc lại EsIs 53:1-12 một lần nữa) việc tiên báo các môn
đệ sẽ tan lạc và lời hứa đã dẫn họ đến xứ Ga-li-lê sau khi Chúa phục sinh, lời
khoe khoang của Phi-e-rơ và lời cảnh cáo của Chúa. Rồi tới cơn thống hối
trong vườn Ghết-sê-ma-nê, việc Chúa bị bắt, bị Tòa Công Luận xử tử và kết
án tử hình sau khi Ngài công bố rõ ràng rằng mình chính là Đấng Mết-si-a -
một lời tự xưng bằng lời lẽ của Thi Tv 110:1 và DaDn 7:13. Rồi Ngài bị giải
giao cho Phi-lát, và sau khi đám quần chúng muốn phóng thích Ba-ra-ba
thay vì trả tự do cho Ngài, ông ta giao Chúa Giê-xu cho bọn lính dẫn đi đóng
đinh vào thập tự giá. Cuối cùng, câu chuyện về thập tự giá đã được kể lại
bằng giọng điệu buông xuôi, sầu thảm, cho đến khi tiếng thét to của Chúa
Giê-xu trước khi trút linh hồn khiến cả đến viên đội trưởng ngoại đạo cũng
phải nhìn nhận rằng Ngài là Đức Chúa Trời.
Có một câu khá lý thú xen vào phần tường thuật về sự thương khó, là câu
nhận xét về một thanh niên đã chứng kiến việc Chúa bị bắt (Mac Mc 14:51
và tt); đã không có cách giải thích nào cho việc đó hay hơn là chàng thanh
niên ấy thật ra là chính trước giả sách Phúc Âm này. Nếu quả là như vậy, thì
ít nhất một phần trong đoạn ký thuật về sự thương khó vốn là bằng cớ hiển
nhiên do chính một nhân chứng đích thân mục kích nội vụ đưa ra.
Mười hai câu cuối cùng của sách Mác dường như là một bản tóm tắt giáo lý
của thời kỳ đầu về sự hiện ra của Chúa Giê-xu sau khi phục sinh, đúng như
các sứ đồ đã giảng dạy và được kèm theo sách này như một phụ lục. Mọi
người đều cho rằng đoạn kết nguyên thủy của sách Mác đã bị thất lạc, nhưng
Tiến Sĩ Stonehouse đã lập luận rằng theo ý của Mác thì câu 16:8 chính là
câu kết thúc rất thích hợp cho câu chuyện đã được sách Phúc Âm này kể lại.
Phần mộ trống theo lời giải thích của người thanh niên mặc áo trắng là dấu
hiệu tạm thời cho biết rằng Đấng Nằm Trong Mộ đã sống lại rồi, và sự kinh
hãi tiếp theo đó của mấy phụ nữ đã chấm dứt hết sức thích hợp cho quyển
sách ký thuật này.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Sách Phúc Âm này đã làm chứng thế nào cho Đấng Christ (1) là Con
Người, và (2) Con Đức Chúa Trời?
2. Có nội chứng nào về uy quyền của Phi-e-rơ đàng sau sách Mác?
3. Nêu ra những đối kháng và tranh chấp trong cả sách Phúc Âm này.
4. Người 'Đầy Tớ Đức Giê-hô-va' đã được mô tả trong EsIs 42:1-25, 49:1-
26, 52:13- 53. Hãy tìm những điểm tương đồng giữa các lời tiên tri ấy với
Đức Chúa Giê-xu, như được thấy trong sách Phúc Âm này.
5. Có người đã gọi các phép lạ là 'ẩn dụ bằng động tác' (Parables in action)
Hãy rút ra sự dạy dỗ của các phép lạ đã được Mác ghi lại.
SÁCH PHÚC ÂM THEO LU-CA
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Theo truyền thống chúng ta có thể tin nhận thì sách Phúc Âm thứ ba và sách
Công Vụ Các Sứ Đồ được gán cho người bạn đồng hành của Phao-lô trong
CoCl 4:14 mà ông gọi là 'Lu-ca là thầy thuốc rất yêu dấu'. Hai sách này phải
được xem là hai quyển sử ký viết về các nguồn gốc của Cơ Đốc giáo được
viết riêng vì lợi ích của một nhân vật tên là Thê-ô-phi-lơ, nhằm giúp thêm
cho ông vững tin vào chân lý của Phúc Âm đã được trần thuật.
Rất có thể sách Công Vụ Các Sứ Đồ đã được viết ra không lâu lắm sau ngày
biến cố cuối cùng chép trong đó xảy ra, tức là sau hai năm Phao-lô bị quản
thúc tại La-mã (Cong Cv 28:30). Giọng điệu lạc quan về giai đoạn lịch sử đó
chỉ thị một niên đại trước cơn bách hại của Nero năm 64 SC. Sách Phúc Âm
chắc chắn đã được viết sớm hơn bao lâu thì không thể nào nói được.
Lu-ca là một người ngoại bang đã thừa kế truyền thống của các tác phẩm
tiểu sử và lịch sử Hi-lạp. Ông là một sử gia được đánh giá cao, Sir
W.M.Ramsay đã tóm tắt phẩm cách ấy của ông trong câu: 'Sách sử ký của
Lu-ca về phương diện đáng tin cậy thì không có ai vượt nổi' và 'phải xếp ông
ngang hàng với các đại sử gia'. Trong các trước giả Phúc Âm, chỉ mình ông
đặt câu chuyện Phúc Âm trong cái khung của lịch sử thế giới chẳng hạn, như
trong bản danh sách những người đương thời ở chương LuLc 3:1 và tt và
việc ông rất thường đề cập các hoàng đế và các quan chức của đế quốc, cũng
như các vua chư hầu. Cũng khác với các trước giả sách Phúc Âm khác, là ở
ông, chúng ta có thể phân biệt một sự chú ý đặc biệt nào đó về tiểu sử của
Đấng Christ, như được thấy trong số tài liệu nhiều chi tiết hơn của ông trong
các phần ký thuật về thuở ấu thời của Ngài. Tuy vậy, phần cốt lõi của sách
Phúc Âm ông, cũng như của các trước giả sách Phúc Âm khác, đều là lời
truyền dạy của các sứ đồ.
Một số các thần học gia trước đây có vạch ra rằng, nếu Ma-thi-ơ giới thiệu
Chúa Giê-xu với tư cách Vua dân Y-sơ-ra-ên, Mác giới thiệu Ngài là Đầy
Tớ của Đức Giê-hô-va, thì Lu-ca mô tả Ngài là Con Người, và điều này quả
rất đúng. Chẳng hạn như, nếu bản gia phổ trong sách Ma-thi-ơ ghi lại dòng
dõi của Giê-xu lui về qua Đa-vít đến Áp-ra-ham, thì Lu-ca lui trở về qua Đa-
vít (nhưng không qua trung gian các vua Giu-đa) cho đến Ađam; và qua
sách Phúc Âm ấy, nhân tánh của Chúa chúng ta đã được nhấn mạnh hết sức
rõ nét. Lu-ca thích trình bày mối quan tâm của Chúa đối với những người
hèn hạ, không có đặc quyền, như phụ nữ, người Sa-ma-ri, người nghèo, ông
nhấn mạnh: 'Ngài đã làm cho kẻ đói được đầy dẫy thức ngon, và đuổi kẻ
giàu về tay không' (LuLc 1:53). Bản tính của sự giàu có thật cũng được mạc
khải, vì 'sự sống của người ta không phải cốt ở tại của cải mình dư dật đâu
(12:15). Trong sách Lu-ca, có nhiều lời dạy dỗ có thể gọi là 'chính sách của
vương quốc (Nước Trời)', được thấy trong các ẩn dụ về Kẻ Giàu Mà Dại,
Người Quản Gia Bất Trung (16:1 và tt), Người Nhà Giàu và La-xa-rơ (16:19
và tt) và trong lời khuyên người mời Ngài dùng bữa trong 14:12-14.
Thêm vào nguồn tài liệu của Mác và phần vốn được gọi là Logia (xem phía
trước), Lu-ca còn nắm được nhiều tài liệu khác nữa; khoảng phân nửa chất
liệu trong sách Phúc Âm của ông không thấy có trong các sách Phúc Âm
khác. Với các nguồn tài liệu đặc biệt của ông, chúng ta có các phần thuật sự
về sự giáng sinh trong các 1:1-2:28, như Sanday nói 'những mảnh cổ bản
(hay tài liệu) xưa nhất trong Tân Ước, và dầu sao thì cũng là phần cổ kính
nhất trong toàn bộ'; và nhiều biến cố cũng như ẩn dụ quen thuộc khác, phần
lớn đã được Lu-ca đưa vào trong đoạn sách không sử dụng đến tài liệu của
thánh Mác, từ 9:51-18:14. Có lẽ ông đã thâu thập được số thông tin cho hai
LuLc 1:1-2:28 tại Giê-ru-sa-lem khi cùng đến đó với thánh Phao-lô năm 57
SC (Cong Cv 21:15 và tt), có lẽ vào lúc ông gặp gỡ vài vị trong số Mười Hai
Sứ Đồ, và những 'người chứng kiến từ lúc ban đầu' (LuLc 1:2), và có lẽ là cả
mẹ Chúa nữa. Người ta đã đưa ra nhiều luận cứ được chứng minh là rất có
thể, rằng phần lớn số tài liệu đặc biệt khác của ông đó, vốn được thâu thập
trong nhà riêng của nhà truyền đạo Phi-líp tại Sê-sa-rê (so sánh Cong Cv
21:8 và tt, và v.v...).
Tài văn chương Lu-ca dùng để dan dệt những phần thuật sự khác nhau của
ông cho liền lạc với nhau đã khiến chúng ta khó sắp xếp chúng cho có thứ tự
trong tâm trí, hơn cái thứ tự đã được thánh Ma-thi-ơ đơn giản hóa chẳng
hạn.
PHÂN TÍCH
LuLc 1:1-2:52.
Sự ra đời và thuở ấu thời của Chúa chúng ta và Giăng Báp-tít.
LuLc 3:1-4:13.
Chức vụ truyền giảng của Giăng; Chúa chịu phép báp-tem và cám dỗ.
LuLc 4:14-9:50.
Chức vụ trong xứ Ga-li-lê.
LuLc 9:51-19:28.
Các chuyến đi hướng về Giê-ru-sa-lem; chức vụ bên ngoài xứ Ga-li-lê.
LuLc 19:29-21:37.
Những ngày dạy dỗ công khai cuối cùng.
LuLc 22:1-24:52.
Bữa ăn tối cuối cùng, Chúa bị bắt, bị xét xử, chịu chết và sống lại.
NỘI DUNG
Bốn câu đầu của sách Phúc Âm này không chỉ nhằm dùng lời nói đầu cho
sách Phúc Âm này mà thôi, nhưng còn được dùng cho cả bộ sách sử ký của
Lu-ca nữa. Nếu chủ đích nguyên thủy của bộ sử này là nhằm cung cấp cho
Thê-ô-phi-lơ một phần ký thuật theo thứ tự các sự kiện của Cơ Đốc giáo,
chúng ta còn có thể vạch ra nhiều động cơ phụ thuộc khác nữa mà một trong
số đó là nhằm chứng minh rằng ngay từ khởi thủy, phong trào Cơ Đốc giáo
vô can đối với lời tố cáo nào cho rằng đạo ấy đã chống lại luật pháp của đế
quốc. Phần động cơ ấy được thấy nổi bật hơn trong sách Công Vụ Các Sứ
Đồ; nhưng dường như ngay trong sách Lu-ca, sự đồng ý với nhau giữa Hê-
rốt An-ti-ba với Bôn-xơ Phi-lát rằng Chúa Giê-xu vốn chẳng có làm việc gì
đáng chết cả (LuLc 23:14 và tt), cũng đã chứng minh rõ ràng cho mục đích
ấy.
Nếu các chương đề cập sự giáng sinh cho thấy rõ ràng một bầu không khí Hi
bá lai, thì ngay trong đó, việc Phúc Âm đã được bành trướng rộng rãi, cũng
đã được thông báo trước. Chẳng những Đức Chúa Trời đã thăm viếng và
cứu chuộc dân Ngài, mà Con Trẻ sanh ra tại Bết-lê-hem vốn cũng là ánh
sáng để soi rọi cho các dân ngoại bang cũng như Ngài vốn là vinh quang của
dân Y-sơ-ra-ên. Cũng vậy, các thiên sứ trong bài ca Sáng Danh Chúa Trên
Các Từng Trời Rất Cao chẳng những thông báo cảnh thái bình cho số người
là đối tượng của thiện chí của Đức Chúa Trời, mà trong bài hát đó cũng
không có một giới hạn cho dân tộc nào cả. Nhưng nếu các chương đó có
phác họa sự bành trướng của Phúc Âm đến các dân ngoại thì đồng thời,
chúng cũng nhấn mạnh rằng đều đó đã bắt rễ hết sức vững chắc trong sự
mạc khải của Cựu Ước rồi. Những lời lẽ cụ Si-mê-ôn tuổi tác đã chào mừng
Đấng Mết-si-a mới ra đời là âm vang của lời tiên tri về Người Đầy Tớ của
Ê-sai, trong một khúc sách (EsIs 49:6) mà sau này sẽ được Phao-lô trích dẫn,
khi tại An-ti-ốt xứ Bi-si-đi, ông bỏ người Do Thái để đi giảng cho các dân
ngoại bang (Cong Cv 13:47).
Cùng một nốt nhạc đó cũng đánh lên trong chương LuLc 4:1-43 đoạn ký
thuật về bài giảng của Chúa chúng ta trong nhà hội tại Na-xa-rét vạch rõ tiền
cảnh của chức vụ công khai của Ngài, và cả chương trình để thực hiện Nước
Ngài trong bài giảng đó. Bản văn làm nền tảng cho bài giảng ấy là khúc sách
mở đầu cho EsIs 41:1-29, tuy không phải thật sự là một trong các bài ca về
Người Đầy Tớ, nhưng đã được cùng một tinh thần ấy cảm thúc; còn chính
bài giảng đó thì đã nhấn mạnh phương diện rộng lớn hơn của sự thăm viếng
của Đức Chúa Trời, sự bành trướng của Phúc Âm cho dân ngoại, và việc họ
sẽ tin nhận Phúc Âm ấy đã được Cựu Ước báo trước trong các biến cố về
người quả phụ ở Sa-rép-ta và về Na-a-man, người Sy-ri.
Câu chuyện sự đánh cá lạ lùng ở 5 đặc biệt chỉ được chép trong sách Lu-ca,
và tiếp theo là một khối tài liệu (LuLc 5:12-6:19) giống với Mac Mc 1:40-
3:19. Phần trình bày Bài Giảng Vĩ Đại trong Lu-ca đã được tường thuật và
mở rộng trong Ma-thi-ơ, các Mat Mt 5:1-7:29. Nội dung một phần dường
như xuất phát từ một nguồn tài liệu khác hơn là nguồn tài liệu của sách Ma-
thi-ơ. Chẳng hạn theo nguồn đó thì những lời chúc dữ tiếp sau phần trình
bày các Phước Lành ngắn gọn hơn của Lu-ca (LuLc 6:20-26) dường như
cũng từ đó mà ra.
Cũng như trong sách Ma-thi-ơ, tiếp theo bản tường trình về Bài Giảng là
việc chữa lành cho người đầy tớ viên đội trưởng (7:2 và tt) và tiếp theo đó
nữa, là việc gọi chàng thanh niên ở Na-in sống lại, việc Giăng Báp-tít phái
người đến hỏi Chúa, biến cố về người phụ nữ tội lỗi trong nhà Si-môn, và
phần ghi chú về số người phụ nữ đã tiếp trợ Đấng Christ khi Ngài đi đây đi
đó để thi hành chức vụ.
Đoạn tiếp theo (8:4-56) cũng giống với Mac Mc 4:1-5:43 một phần lớn;
LuLc 9:1-17 ghi lại Vòng Truyền Giáo của Mười Hai Sứ Đồ và Phép lạ Hóa
bánh cho năm ngàn người ăn (so sánh Mac Mc 6:7-44). Lu-ca không chép
sự qua đời của Giăng Báp-tít là sự kiện chỉ được để trong ngoặc ở Mac Mc
6:17-29, nhưng ông chép rõ việc Hê-rốt tò mò muốn biết việc Chúa Giê-xu
(9:7-9). Trong Lu-ca, không thấy có chỗ nào giống với Mac Mc 6:45-8:26,
một sự kiện từng được mọi người bàn tán như là 'một sơ sót quan trọng'.
LuLc 9:18-50 giống với Mac Mc 8:27-9:40, gồm có lời xưng nhận tại Sê-sa-
rê Phi-líp và sự Hóa hình.
Rồi tới cả một đoạn dài không có trong sách Mác, LuLc 9:51-18:14 thỉnh
thoảng được gọi là 'đoạn sách dài hơn được xen vào', hay 'đoạn về Bêrê', hay
'tài liệu đi đường', tất cả các tên ấy đều bị phản bác không nhiều thì ít. Đoạn
sách này gồm phần lớn các ẩn dụ và ký thuật riêng biệt của sách Lu-ca;
trong đó, chúng ta được thêm các ẩn dụ về người Sa-ma-ri Nhơn Lành,
Người Giàu Dại Dột, Tiệc Yến Lớn, Đứa Con Trai Hoang Đàng, Người
Quản Gia Bất Trung, Người Nhà Giàu và La-xa-rơ, Người Quả Phụ Gây
Rối, Người Pha-ri-si và Người Thâu Thuế. Đoạn sách bắt đầu bằng một câu
nói về thời gian (9:51), có lẽ ám chỉ một cơ hội nhằm khoảng tháng chín dl
khoảng năm 29 SC, khi Chúa chúng ta rời xứ Ga-li-lê lần sau cùng.
Sau đoạn sách dài này, Lu-ca lại theo phần ký thuật của Mác để thức tỉnh về
chuyến đi cuối cùng đến Giê-ru-sa-lem và các biến cố của Tuần Lễ Thánh,
với vài đoạn riêng biệt của chính ông, như câu chuyện về Xa-chê (19:1-10);
ẩn dụ về Các Nén Bạc (19:11-27) (tuy giống nhưng không y hệt với các ẩn
dụ Các Ta-lâng của Ma-thi-ơ); và việc than khóc trên thành phố Giê-ru-sa-
lem (LuLc 20:41-44). Phần trình bày bài thuyết giảng thế mạt luận của Lu-
ca (LuLc 21:1-37) có vài câu khác, khiến có người đã nghĩ - nhưng không
nhất thiết phải như thế - là chỉ về một niên đại sau khi Giê-ru-sa-lem thất thủ
năm 70 SC. Để cho chắc chắn, câu 20 trong sách Mác đề cập 'sự tàn nát gớm
ghiếc' đã được thay bằng câu 'khi các ngươi sẽ thấy quân lính vây thành Giê-
ru-sa-lem', dầu câu này vốn có trong bài thuyết giảng nguyên thủy hay do
chính Lu-ca viết nó cho người ngoại bang, cách ông giải thích như thế cho
họ có thể là vô nghĩa. Việc thành Giê-ru-sa-lem bị các quân thù địch bao vây
là một nét rõ ràng của chương trình đã được Cựu Ước hoạch định cho Kỳ
Tận Thế.
Phần thuật sự của Lu-ca về sự Thương Khó phần lớn cũng phù hợp với sách
Mác, đây đó có vài chỗ thêm vào, như khi thiết lập Tiệc Thánh và câu
chuyện tiếp theo sau đó (LuLc 22:24-38), việc Chúa bị giải giao cho Hê-rốt
(23:7 và tt), biến cố về đám phụ nữ khóc lóc trên Con Đường Đau Khổ
(23:27-31), đoạn ký thuật về tên trộm cướp biết ăn năn (23:39-43); và trong
số những lần Chúa hiện ra sau khi sống lại (trong Lu-ca tất cả đều xảy ra tại
xứ Giu-đê), chúng ta được thêm câu chuyện bất tử trên con đường dẫn đến
Em-ma-út (24:13-35).
Lu-ca đã kết thúc sách Phúc Âm của ông - cũng như ông đã bắt đầu - bằng
câu đề cập việc làm ứng nghiệm lời tiên tri Cựu Ước 'Có lời chép rằng Đấng
Christ (Mết-si-a) phải chịu đau đớn dường ấy, ngày thứ ba, sẽ từ kẻ chết
sống lại và người ta sẽ nhơn danh Ngài mà rao giảng cho dân các nước sự ăn
năn để được tha tội, bắt đầu từ thành Giê-ru-sa-lem' (24:46 và tt). Tuy là một
người ngoại bang viết cho người ngoại bang, Lu-ca hết sức trung thực với
các sự kiện và nhấn mạnh tính cách trung thực của Cơ Đốc giáo với sự mạc
khải của Cựu Ước, vốn là nguồn xuất phát của đạo ấy.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Hãy sưu tập phần giáo huấn của sách Phúc Âm này liên hệ đến sự cầu
nguyện và ca ngợi.
2. Có những dấu hiệu nào chứng tỏ trước giả sách này là một người ngoại
bang quan tâm đến việc truyền bá Tin lành cho cả thế gian?
3. Nêu rõ lời dạy của Chúa chúng ta có các hình thức khác nhau khi được
dành cho các thầy thông giáo, những tiện dân và những người đơn sơ, chất
phác.
4. Giáo lý về ân điển nhưng không và nhiều điểm khác nữa trong lời dạy dỗ
của Phao-lô được nổi bật ở sách này như thế nào?
5. Các chủ đề chính của của sách Phúc Âm này được đề cập trước tiên trong
hai chương đầu như thế nào?
SÁCH PHÚC ÂM THEO GIĂNG
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Trong quyển 'Luận cứ của tôi về sách Phúc Âm thứ tư' John Calvin đã viết:
'Tôi đã quen gọi sách Phúc Âm này là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa để
thấu triệt các sách (Phúc Âm) khác'. Gần đây hơn, tổng giám mục William
Temple cũng nhắc lại cái cảm xúc ấy: 'Các sách Phúc Âm Cộng Quan phán;
nhưng hãy để cho sách Giăng chuẩn bị lỗ tai cho chúng ta để nghe được
chúng'.
Tuy vậy sách Phúc Âm này vẫn thường bị đặt nghi vấn vì nó có nhiều điểm
khác với các sách Phúc Âm kia. Nhiều điểm khác thì quả là có; nhưng nếu
chúng ta xét theo chính tiêu chuẩn của nó, thì thật sự khó tránh được câu kết
luận rằng sách Phúc Âm đã được viết ra hoặc là bởi một người đã chứng
kiến tận mắt, hoặc theo hồi ức của một người đã chứng kiến tận mắt. Một
nhà phê bình vô tư, học giả theo truyền thống các ra-bi là Israel Abrahams
đã ghi lại niềm tin quyết của ông rằng 'sách này là ngôi đền chứa đựng một
truyền thống chân chính về một phương diện của lời dạy dỗ của Chúa Giê-
xu vốn không thấy có trong các sách Phúc Âm Cộng Quan'; còn mọi người
khác thì chú ý đến 'sức mạnh chồng chất của các luận cứ do các tác giả
người Do Thái đưa ra hậu thuẫn cho tính cách chân thực của các bài thuyết
giảng trong sách Phúc Âm thứ tư, nhất là mối liên hệ với các hoàn cảnh
được ghi nhận là có cơ hội nói ra'.
Về vấn đề trước giả sách này hầu như các tác giả Cơ Đốc giáo nguyên thủy
có quan điểm nhất trí còn lưu truyền đến ngày nay đều đồng ý rằng sách
Phúc Âm Giăng được viết vào thời kỳ cuối cùng của đời sống vị sứ đồ
(khoảng năm 90-100), tức là Giăng, con trai Xê-bê-đê. Sách Phúc Âm này
đã được trích dẫn hoặc ám chỉ ngay từ những năm đầu tiên của thế kỷ thứ
hai trở về sau bởi Ignatius, Basilides, Justin Martyr, Tatian, v.v...Một trong
những mảnh văn bản sớm nhất còn lại của các tác phẩm Tân Ước là một
mảnh giấy vỏ cây chép sách Giăng thuộc về tiền bán thế kỷ thứ hai được tìm
thấy tại Ai Cập năm 1.917, Irenaeus (vốn có liên hệ cả với Tiểu Á Châu lẫn
với xứ Gaul), Clement ở Alexandria, Theophilus ở An-ti-ốt, Tertullian ở
Carthage, và nhà trí huệ phái Heracleon ở Ý-đại-lợi, cùng với tập tài liệu
Muratorian Canon và Lời nói đầu trong sách Phúc Âm chống Marcion (cả
hai đều xuất phát từ La-mã) đều chấp nhận niềm tin phổ quát rằng trước giả
viết sách Phúc Âm này là sứ đồ Giăng.
Nội chứng vạch rõ vị sứ đồ ấy chính là 'người môn đồ được Chúa Giê-xu
yêu' mà chúng ta đọc thấy trong GiGa 21:24 'Ấy chính là môn đồ đó làm
chứng về những việc này và đã chép lấy; chúng ta biết lời chứng của người
là thật. Những người bảo rằng 'chúng ta biết' đó dường như là các môn đệ
của thánh Giăng, đã viết lại những gì ông đã đọc cho họ chép, và đem lưu
hành sau khi ông qua đời; quan điểm này phù hợp với phần ngoại chứng
sớm nhất. Nếu chúng ta giả định rằng cả sách Phúc Âm này vốn do một môn
đệ chấp bút, viết ra khi vị sứ đồ đọc lại và bằng uy quyền của chính ông, thì
về phương diện thực tế, cũng chẳng có gì khác nhau cả.
Việc có một ông 'Giăng Trưởng Lão' là nhân vật thường được đề cập, đã
được Eusebius suy luận theo nhận định của Papias liên hệ đến các nguồn tài
liệu của ông rằng: 'Bất cứ ở trường hợp nào khi tôi gặp một người vốn từng
theo chân của các trưởng lão, tôi đều tra hỏi về các bài giảng của các vị
trưởng lão - những gì Anh-rê, Phi-e-rơ, Phi-líp, Thô-ma, Gia-cơ, Giăng hay
Ma-thi-ơ, hoặc bất kỳ một môn đệ nào của Chúa từng nói, và những gì
Aristion, hay trưởng lão Giăng, các môn đệ của Chúa, nói'. Eusebius, trong
lúc đi tìm một trước giả không phải là sứ đồ để có thể gán cho sách Khải
Huyền, đã kết hợp câu trên đây với một bản tường trình được Dionysius,
giám mục ở Alexandria (khoảng năm 270) đề cập, rằng có hai ngôi mộ đã
được xây tại Ê-phê-sô để kỷ niệm Giăng và kết luận rằng ở đây Papias đã đề
cập hai ông Giăng trước hết là sứ đồ Giăng và nhân vật thứ hai được ông gọi
là 'trưởng lão'. Giám mục Lightfoot cũng đồng ý rằng Papias có ý nói về hai
người khác nhau, tuy đã khăng khăng chủ trương rằng sứ đồ Giăng là trước
giả sách Phúc Âm này. Tuy nhiên, nhiều người hiện nay vẫn cho rằng nhân
vật có cái bóng là 'Trưởng Lão Giăng' đó, là trước giả sách Phúc Âm này.
Nhưng 'ta không nhất thiết tin rằng câu phát biểu của Papias đã đề cập hai
ông Giăng', và Zahn cùng nhiều người khác thì chủ trương rằng 'trưởng lão
Giăng' cũng chính là vị sứ đồ mà ông ta vừa kể trong một bảng liệt kê các
'Trưởng Lão' và 'môn đệ của Chúa'; việc thay thì của động từ, từ 'từng nói'
(trước) sang 'nói' (sau) cho thấy Giăng cũng như các vị khác trong Mười Hai
Sứ Đồ vốn thuộc về thế hệ trước, nhưng cũng như Aristion, lúc ấy hãy còn
sống. Cách giải thích này càng hữu lý hơn do sự kiện chính Eusebius, trong
bộ 'Biên Niên Sử' của ông, đã đề cập Papias như là 'người từng nghe (học
hỏi với) Giăng, nhà thần học và là Sứ Đồ.
PHÂN TÍCH
GiGa 1:1-18.
Lời nói đầu. (Ngôi) Lời đời đời trở nên xác thịt và ở giữa chúng ta.
GiGa 1:19-51.
Lời chứng của Giăng Báp-tít và các môn đệ đầu tiên.
GiGa 2:1-4:43.
Các dấu lạ và lời dạy dỗ giữa vòng người Do Thái, Sa-ma-ri và người xứ
Ga-li-lê.
GiGa 5:1-38.
Việc chữa lành người liệt bại tại Bê-tết-đa, bắt đầu cuộc tranh chấp giữa
Đấng Christ với dân Do Thái.
GiGa 6:1-49.
Phép lạ hóa bánh cho năm ngàn người ăn.
GiGa 7:1-52.
Chúa Giê-xu trong ngày lễ Lều Tạm; dân chúng chia làm hai phe; nỗ lực
nhằm bắt Chúa.
GiGa 7:53-8:11.
Người đàn bà tà dâm bị bắt quả tang.
GiGa 8:12-59.
Chúa Giê-xu là sự sáng của thế gian và là ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU.
GiGa 9:1-62.
Người mù được chữa lành; sự mù tối càng tăng.
GiGa 10:1-42.
Chúa Giê-xu là Người Chăn Hiền Lành, Ngài vốn là một với Đức Chúa Cha.
GiGa 11:1-54.
Chúa Giê-xu là sự sống lại và sự sống.
GiGa 12:1-59.
Chúa Giê-xu sắp trải qua sự chết và được tôn vinh.
GiGa 13:1-17:37.
Chúa Giê-xu tỏ mình ra với các môn đệ trong bài thuyết giảng giã biệt và bài
cầu nguyện của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm.
GiGa 18:1-21:37.
Chúa Giê-xu được tôn vinh trong việc Ngài bị bắt, bị xét xử, chịu thương
khó và sống lại.
NỘI DUNG
Cơ Đốc học của Giăng về cơ bản không khác với Cơ Đốc học của sách Mác.
Trong cả hai, Chúa Giê-xu là Đấng Mết-si-a, Con Đức Chúa Trời, được Đức
Chúa Cha sai đến. Cả Ma-thi-ơ lẫn Lu-ca đều có viết một câu vô cùng hàm
súc được gọi là 'sách Phúc Âm thứ tư thu gọn vào một chiếc vỏ sò', một câu
mà cả tư tưởng lẫn cú pháp đều hoàn toàn là của thánh Giăng (xem Mat Mt
11:27; LuLc 10:22). Sự có mặt rất sớm của Cơ Đốc học cao cấp này tại xứ
Palestine và các Hội Thánh phụ cận đã tự diễn tả bằng cú pháp không phải là
không giống với sách Giăng, và được minh chứng thêm do bộ sưu tập các
bài thánh ca Cơ Đốc của thế kỷ thứ nhất, được đặt cho một nhan đề khá lạ
lùng là 'Những bản tụng ca của Sa-lô-môn' (Odes of Salomon) đã chứng
minh thêm cho điều đó. Cũng một Cơ Đốc học cao cấp này xuất hiện cách
độc lập trong các thư tín của thánh Phao-lô, và thư Hê-bơ-rơ, dĩ nhiên, có
người từng lý luận rằng khúc sách nổi tiếng về Cơ Đốc học trong Phi Pl 2:6
và tt vốn là một bài thánh ca Palestine của thời sơ khai.
Phần tiểu dẫn của sách Giăng ký thuật thế nào (Ngôi) Lời vốn ở cùng Đức
Chúa Trời từ ban đầu (so sánh ChCn 8:22), cùng chia xẻ yếu tính với Ngài
và hành động với tư cách Đấng Trung Bảo của Ngài trong công cuộc sáng
tạo trời đất, đã nhập thể và nhập thế, để từ đó chiếu ra sự vinh hiển của Đức
Chúa Trời. Trước giả nói: 'Chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài', và
đây là một trong các chủ âm của Phúc Âm, những công việc kỳ diệu mà
Đấng Christ đã làm, thường xuyên được sách Phúc Âm Giăng gọi là 'dấu lạ'-
nghĩa là vinh quang của Đức Chúa Trời từng bị giấu kín đối với người ngoài
nhưng người có đức tin thì nhìn thấy được. Các dấu lạ đó là: việc hóa nước
thành rượu (GiGa 2:1-11); việc dọn sạch đền thờ (2:13-22); việc chữa lành
cho con trai quan thị vệ (4:46-54); việc chữa lành người bại liệt tại ao Bê-tết-
đa (5:1-16); việc hóa bánh cho vô số người ăn (6:1-14); việc đi bộ trên mặt
biển (6:15-21); việc chữa lành người mù (9:1-38); việc gọi La-xa-rơ từ kẻ
chết sống lại (11:1-46); và cuối cùng dấu lạ do chính Ngài báo trước trong
2:18 và tt, là sự phục sinh của Ngài. Dĩ nhiên, đây là tột đỉnh của việc Ngài
bày tỏ sự vinh hiển của mình ra; và chú ý là giữa nhiều từ ngữ khác, chữ 'sự
vinh hiển' đã được kết hợp từ dấu lạ đầu tiên đến dấu lạ cuối cùng, tức là từ
nhà có yến tiệc (2:11) đến nơi có tang chế, khóc lóc (11:4,40).
Chủ đích của sách Giăng đã được diễn tả trong 20:31 'Các việc này đã chép,
để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Giê-xu là Đấng Christ, tức là Con Đức
Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống'; và
những lời làm chứng liên tục cho Ngài vốn là nét nổi bật qua suốt quyển
sách Phúc Âm này - bắt đầu với Giăng Báp-tít (1:26-34), và tiếp tục qua lời
chứng của Anh-rê (1:41), Phi-líp (1:45), Na-tha-na-ên (1:49), Ni-cô-đem
(3:2), người đàn bà Sa-ma-ri (4:19,29), dân chúng tại Si-kha (4:42), đám
quần chúng tại Ga-li-lê (6:14), Phi-e-rơ (6:68 và tt), và nhiều người nữa, cho
đến khi chúng ta đạt đến tuyệt đỉnh là lời xưng nhận của Thô-ma: 'Lạy Chúa
tôi, và Đức Chúa Trời tôi' (20:28) với câu trả lời cuối cùng là Lời Chúc
Phước từ đó cho toàn thể tín hữu 'Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà
đã tin vậy'. Lẽ dĩ nhiên, làm chứng và tin là hai chủ âm khác nữa của sách
Phúc Âm này.
Tuy nhiên, những lời chứng đó cùng với việc Chúa Giê-xu tự bày tỏ ra trong
sách Phúc Âm này (thí dụ như 4:26; 9:37) họp thành một trong những điểm
khó khăn chính yếu đã được nêu lên khi đem đối chiếu sách Giăng với các
sách Phúc Âm Cộng Quan. Cảm tưởng chúng gợi lên cho chúng ta, ấy là
Chúa Giê-xu đã không hề tự xưng là Đấng Mết-si-a trước lúc Phi-e-rơ xưng
nhận Ngài như thế tại Sê-sa-rê Phi-líp. Tuy nhiên, đó lại là trở ngại để có thể
chấp nhận phần ký thuật của thánh Giăng vốn có giá trị lịch sử nếu chúng ta
xem ấn tượng các trước giả sách Phúc Âm khác (nhất là Mác) đã gợi ra cho
chúng ta là đầy đủ và chặt chẽ đến nỗi không thể có một ấn tượng nào khác
lại có thể biện chính được về mặt lịch sử. Nhưng có một phương pháp thực
hiện khôn ngoan hơn đó là cho phép các ấn tượng của các sách Cộng Quan
và sách Giăng tạo ra biến đổi lẫn nhau. Làm như vậy, chúng ta có thể đồng ý
với nhau rằng trong khi lời chứng của Giăng Báp-tít đã dẫn các môn đệ của
ông đến chỗ đón nhận Chúa Giê-xu như là Đấng Mết-si-a ngay trong đợt
sóng dâng cao đầu tiên của chức vụ Ngài, thì các kinh nghiệm đầy hoang
mang khiến các cấp lãnh đạo tôn giáo chối bỏ Ngài, và các sự kiện trái
ngược với các thành kiến về vai trò của Đấng Mết-si-a, rất có thể khiến họ
đổi ý, thì phải có một điều gì đó cao hơn điều chỉ là một lời chứng của một
người (Mat Mt 16:17) mới có thể thuyết phục được họ rằng Thầy họ quả
nhiên là Đấng mà Giăng từng công bố, tức là Con Đức Chúa Trời.
Sự kiện Giăng chủ yếu chỉ bàn đến phần hoạt động của Chúa chúng ta, trái
với bối cảnh của xứ Ga-li-lê trong các sách Phúc Âm Cộng Quan, có thể có
điều gì đó liên hệ với vấn đề này. Giáo sư C.E.Raven nói: 'Nếu khi tiếp xúc
với đám đông quần chúng chất phác và nhiều nhiệt tình cách mạng hơn tại
Ga-li-lê, Ngài đã không chịu để cho người ta loan truyền chức vụ là Đấng
Mết-si-a của Ngài ra khắp nơi, thì đó cũng là điều tự nhiên vì cớ quan niệm
của Ngài về đặc tính của chức vụ ấy'. Mặt khác, tại Giê-ru-sa-lem Ngài phải
thách thức dân chúng để họ phải thừa nhận lời tự xưng của Ngài và ngay tại
đó, Ngài làm việc ấy bằng cách để họ bị rơi vào tình trạng bán tín bán nghi;
vì vào tháng Chạp, trước giai đoạn thương khó, người ta đã cố hỏi Ngài một
câu trong đền thờ để mong nhận được một câu trả lời minh bạch: 'Thầy để
chúng tôi nghĩ vơ vẩn mãi cho đến khi nào? Nếu thầy là Đấng Christ, hãy
nói rõ cho chúng tôi' (GiGa 10:24).
Yếu tố địa lý này cũng giúp chúng ta giải thích điểm dị biệt về cách nói của
Ngài trong sách Giăng là tương phản với các sách Cộng Quan. Nhiều bài
thuyết giảng trong sách Giăng là thuyết giảng cho những tay biện bác thông
thạo thần học đang muốn tranh luận với Ngài, và như chúng ta đã thấy các
học giả Do Thái đã thừa nhận rằng họ đã sử dụng các hình thức phổ thông
của phương pháp biện chứng của Do Thái giáo. Nhưng Chúa đã biết phải nói
chuyện như thế nào với nhiều giới cử tọa khác nhau. Cho nên người ta sẽ
không nói gì được đối với quan điểm rằng trước giả sách Phúc Âm này đã
'chuyển sang cung điệu khác' các bài thuyết giảng mà ông ghi lại, và dầu sao
thì chúng cũng vốn được nói ra bằng ngôn ngữ Semitic.
Bất cứ ở chỗ nào sách Giăng được đem đối chiếu với các sách Cộng Quan
về vấn đề thứ tự thời gian, người ta đều thấy rằng đây chính là sách Phúc
Âm duy nhất, được trình bày gần đúng với kế hoạch của chức vụ Ngài theo
thứ tự thời gian, một kế hoạch mà nhiều học giả đã sẵn sàng chấp nhận và có
khuynh hướng mở rộng sự thừa nhận đó về phương diện sử tính sang cho
các phần khác của sách Phúc Âm này nữa. Như thế, bất cứ chỗ nào có vẻ
như có sự khác nhau về thứ tự thời gian giữa Giăng và các trước giả khác,
chúng ta sẽ cảm thấy được an toàn khi lấy sách Giăng làm mẫu mực, và giải
thích các dữ kiện trong các sách Cộng Quan bằng ánh sáng của những câu rõ
ràng hơn trong sách Giăng. Thí dụ sự việc quả đúng như vậy đối với các vấn
đề rắc rối như việc tẩy sạch đền thờ là chỉ có một lần hay hai lần, và ngày
của lễ Vượt Qua cuối cùng trong mối liên hệ với ngày Chúa bị đóng đinh.
Liên hệ với việc Chúa bị đóng đinh, có một chỗ khác nhau đáng ngạc nhiên
nữa, là vai trò của việc La-xa-rơ được gọi sống lại, mà các sách Cộng Quan
đã chẳng đá động đến. F.C.Burkitt đã phủ nhận sử tính của phép lạ này, chỉ
vì người ta không thể lồng nó vào sơ đồ của sách Mác. Ngày nay, ít còn có
ai gán cho sách Mác là vốn có cái thứ tự hoàn toàn đến mức độ ấy, và tốt
hơn hết là phải đem các bằng chứng hiển nhiên trong sách Mác và các sách
Cộng Quan khác để lồng vào cái sơ đồ của Giăng. Khi làm như vậy thì một
bức tranh có tính thuyết phục hết sức lạ lùng về diễn biến các biến cố của
chức vụ Chúa chúng ta sẽ hiện ra.
Chức vụ trong xứ Ga-li-lê được ký thuật trong các sách Cộng Quan có thể
thấy ở khoảng giữa hai chương 5 và 7 của sách Giăng; nó kéo dài một năm
và kết thúc vào tháng Mười dl trước giai đoạn thương khó. Các biến cố của
GiGa 1:1-5:47 đề cập giai đoạn khởi đầu chức vụ, trước ngày Giăng Báp-tít
bị bắt giam. Đây là biến cố mở đầu phần ký thuật của các trước giả sách
Cộng Quan (Mac Mc 1:14).
Mặc dầu có nhiều chỗ khác nhau giữa sách Giăng và các sách Phúc Âm
khác, sách này không vì thế mà chứa đựng ít hơn Phúc Âm nòng cốt do các
sứ đồ giảng dạy. Giáo sư Dodd nói: 'Trong sách Phúc Âm thứ tư, chúng ta
có thể phân biệt phần bố cục rõ ràng chẳng kém gì sách Ma-thi-ơ và Lu-ca
về một đoạn sử ký về sự giảng dạy (kerygma) như trong Công Vụ Các Sứ
Đồ các chương Cong Cv 10:1-48 và 13:1-52 chức vụ của Giăng Báp-tít, việc
Chúa Giê-xu được xức dầu bằng Đức Thánh Linh, sự giảng dạy và các việc
làm của lòng thương xót và quyền phép tại Ga-li-lê; chức vụ Ngài tại xứ
Giu-đê và Giê-ru-sa-lem, việc Ngài bị bắt và bị xét xử trước mặt Phi-lát,
việc Ngài bị đóng đinh, bị chôn rồi sống lại'.
Những lần hiện ra đầu tiên sau khi Chúa sống lại được ký thuật trong sách
GiGa 20:1-31 đã xảy ra tại Giê-ru-sa-lem và câu 20:31 dường như là câu kết
thúc tự nhiên cho sách Phúc Âm này. Chương cuối cùng có thể đã được
những người phát hành sách ấy thêm vào (chữ 'chúng ta' trong 21:24) như
phần ký thuật lại một lần Chúa xuất hiện khác nữa - và lần này là tại xứ Ga-
li-lê - mà họ được nghe trước giả sách Phúc Âm này kể lại. Cho dù sự việc
có thế nào, nhiều Cơ Đốc nhân thuộc mọi thời đại, khi đọc 'sách Phúc Âm
thuộc linh này' - như Clement đã gọi, đều bị bắt buộc phải nhắc lại lời chứng
của số người đã chứng kiến tận mắt mọi sự việc lần đầu tiên, nói về trước
giả rằng: 'Chúng ta biết lời chứng của người là thật', bất chấp mọi vấn đề mà
các nhà phê bình đã đặt ra.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Sách Phúc Âm này cho chúng ta biết gì về Giăng con trai của Xê-bê-đê,
và có dấu chỉ nào cho thấy rằng ông chính là trước giả?
2. Hãy khảo xét sách Phúc Âm này trong ánh sáng của GiGa 20:31, và vạch
rõ những điểm đáng tin cũng như không đáng tin từ đó mà ra.
3. Lập một bảng liệt kê các 'dấu lạ' đã được ký thuật trong sách này. Chúng
chỉ về gì?
4. Có gì trong sách Phúc Âm này chứng thực thần tánh của Chúa chúng ta?
5. Căn cứ theo bốn sách Phúc Âm lập một bảng liệt kê các lần hiện ra sau
khi Chúa sống lại (1) vào ngày đầu tiên, (2) sau đó tại xứ Giu-đê, và (3) tại
Ga-li-lê. Chú ý lúc ấy lời giáo huấn được ban phát như thế nào đã dẫn đến
việc làm chứng (đạo) của các sứ đồ?
SÁCH CÔNG VỤ CÁC SỨ ĐỒ
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Sách này - từ thế kỷ thứ hai đã được gọi là 'Công Vụ Các Sứ Đồ'- tiếp nối
phần khởi đầu của lịch sử Cơ Đốc giáo chép trong sách trước nó là Phúc Âm
Lu-ca.
Mở đầu là câu Lu-ca đề cập đến phần trước bộ sử ký của ông, trong đó ông
mô tả mối bận tâm đối với 'mọi điều Chúa Giê-xu đã làm và dạy từ lúc ban
đầu' mà sự suy diễn tự nhiên là phần thứ hai này sẽ tiếp tục đề cập những gì
Chúa Giê-xu đã làm và dạy sau khi Ngài thăng thiên, bởi Thánh Linh Ngài
đang ngự trong các Sứ Đồ. Chắc chắn sách Công Vụ Các Sứ Đồ đã nhấn
mạnh vai trò của Đức Thánh Linh kể từ ngày lễ Ngũ Tuần trở về sau.
Không thể gọi sách này là 'Công Vụ của toàn thể các Sứ Đồ' như một tài liệu
cổ (the Muratorian Canon), nó được giới hạn vào sự phát triển Phúc Âm dọc
theo con đường từ Giê-ru-sa-lem đến La-mã, mà nhân vật chính là sứ đồ
Phao-lô. Trong vài cơ hội, chính Lu-ca đã có mặt trong các biến cố ông ký
thuật; đó là lúc ông chuyển từ ngôi thứ ba sang ngôi thứ nhất số nhiều
(chúng ta). Cho nên các khúc sách có sự thay đổi đặc biệt đó đã được gọi là
những khúc sách của 'chúng ta'; có ba chỗ như vậy: Cong Cv 16:10-17;
20:5-21:18; 27:1-28:16;.
Trong những chuyến đi đây đi đó với Phao-lô, Lu-ca có cơ hội nắm được
nhiều nguồn tài liệu chính xác, quan trọng, nhất là nếu truyền khẩu của thế
kỷ thứ hai là đúng, cho rằng ông là người quê quán tại An-ti-ốt, xứ Sy-ri.
Một chủ đích rõ rệt trong Công Vụ Các Sứ Đồ - và dĩ nhiên cũng là chủ đích
của toàn bộ sử ký của Lu-ca - là để biện giải. Lu-ca chứng minh cho thấy các
nhà chức trách khắp đế quốc đều nhìn nhận Cơ Đốc giáo không hề trái luật.
Quan trấn thủ đảo Chíp-rơ rất tử tế với Phao-lô và Ba-na-ba (Cong Cv 13:7-
12). Các thượng quan tại Phi-líp đã xin lỗi Phao-lô và Si-la về cách đối xử
tàn tệ với hai ông (16:35-40); các quan lớn tại Ê-phê-sô vốn là bạn thân với
Phao-lô (19:31), và viên thơ ký của thành phố ấy đã bênh vực cho ông chống
lại lời tố cáo của dân chúng (19:35-40), Ga-li-ô, quan trấn thủ xứ A-chai đã
không nghe lời người Do Thái tại Cô-rinh-tô tố cáo Phao-lô, xem chúng như
không thuộc phạm vi trách nhiệm của luật La-mã (18:12-17). Tại Sê-sa-rê,
các quan tổng đốc Phê-lít và Phê-tu, với vua chư hầu Hê-rốt Ạc-ríp-ba II đều
phát biểu niềm tin của họ về sự vô tội của ông (24:22 và tt, 25:14 và tt,
26:31 và tt;).
Vậy thì tại sao sự tiến bộ của Cơ Đốc giáo lại phải gặp nhiều rắc rối đến thế?
Để trả lời, Lu-ca đã chỉ vào người Do Thái ở khắp nơi trong đế quốc. Tất cả
các cuộc tấn công Cơ Đốc nhân mà ông ký thuật đều do sự sách động của
người Do Thái, ngoại trừ trường hợp bị đánh đòn, bắt giam tại Phi-líp và
cuộc nổi loạn tại Ê-phê-sô xảy ra vì Phúc Âm đe dọa mối lợi của người
ngoại bang. Từ thành phố này sang thành phố khác, Phao-lô và các đồng bạn
ông đều giảng Phúc Âm 'trước hết cho người Do Thái' từ nhà hội này sang
nhà hội kia; nhưng hầu như thông điệp của ông đều bị họ chối bỏ, nên các vị
mới quay sang người ngoại bang, cho nên trong khi các phần ký thuật trong
sách Công Vụ Các Sứ Đồ ghi lại sự tiến bộ của Phúc Âm trong các cộng
đồng người ngoại bang khắp đế quốc, thì chúng cũng kể lại việc người Do
Thái thường chối bỏ thông điệp ấy, được tóm tắt vào phần cuối của quyển
sách bằng một câu được Phao-lô trích dẫn EsIs 6:9 và tt, từng được Chúa
Giê-xu trích theo cùng một ý nghĩa như vậy.
PHÂN TÍCH
GiGa 1:1-11.
Vào đề. Sứ mạng của người làm sứ đồ.
1:12-8:3.
Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem.
8:4-11:18.
Hội Thánh tại Giu-đê và Sa-ma-ri.
11:19-13:3.
Hội Thánh lan tràn đến An-ti-ốt.
13:4-21:16.
Các vòng du hành truyền giáo của Phao-lô
(a) 13:4-15:35. Vòng du hành truyền giáo thứ nhất, tiếp theo là chuyến viếng
thăm Giê-ru-sa-lem.
(b) 15:36-18:22. Vòng du hành truyền giáo thứ hai.
(c) 18:23-21:16. Vòng du hành truyền giáo thứ ba.
21:17-23:31.
Phao-lô tại Giê-ru-sa-lem.
24:32-28:31.
Sê-sa-rê, Man-tơ, La-mã.
NỘI DUNG
Năm chương đầu gồm những đoạn khác nhau mô tả sinh hoạt nguyên thủy
tại Hội Thánh Giê-ru-sa-lem. Sau khi Đấng Christ thăng thiên, các sứ đồ và
tín hữu khác tại Giê-ru-sa-lem gồm một trăm hai mươi người rất vững vàng,
ở trong thành phố để chờ đợi lời hứa được ban cho Thánh Linh, đồng thời
bầu Ma-thia vào chỗ trống của Mười Hai Sứ Đồ, vì Giu-đa đã phản bội và tự
sát. Việc Đức Thánh Linh giáng lâm nhằm ngày lễ Ngũ Tuần (Cong Cv 2:1
và tt) được tiếp nối bằng việc 'nói các thứ tiếng', rồi khi quần chúng bị hiện
tượng đó thu hút, Phi-e-rơ đã nhận cơ hội ấy, truyền giảng về Chúa Giê-xu
là Đấng Mết-si-a, bị đóng đinh theo đòi hỏi của các cấp giáo quyền Do Thái,
nhưng đã sống lại và được Đức Chúa Trời cất lên bên hữu Ngài. Quyền năng
tiếp theo bài giảng đó là có ba ngàn người chịu cáo trách về tội đã gây ra cái
chết cho Đấng Mết-si-a, đã tin nhận Phúc Âm và bày tỏ lòng ăn năn thống
hối của họ bằng cách chịu báp-tem và họp thành Hội Thánh đầu tiên của
Đấng Christ.
Phong trào lan rộng, các sứ đồ được cảm tình của dân chúng, càng tăng thêm
khi có một người mù được chữa lành tại hành lang đền thờ (3:1 và tt), khiến
những người phái Sa-đu-sê phải hết sức cố gắng dập tắt hoạt động của các
sứ đồ nhưng vô hiệu (4:1 và tt). Số người gia nhập Hội Thánh cứ tăng lên,
và cả hai mặt tương phản trong việc góp chung của cải nhằm phục vụ lợi ích
đã được minh họa, một mặt bởi lòng hào hiệp của Ba-na-ba (4:36 và tt) và
mặt khác, bởi số phận đáng buồn của A-na-nia và Sa-phi-ra (5:1-11). Biến
cố này - không phải là khó xảy ra giữa cao điểm của lòng nhiệt thành - đã
gây kinh hoàng cho số người xem nhẹ việc gia nhập Hội Thánh; dầu vậy,
phong trào mới vẫn lan tràn càng mạnh mẽ hơn.
6 đưa chúng ta vào một bầu không khí mới, trong đó các thành viên của Hội
Thánh và số người Do Thái nói tiếng Hi-lạp (Hellenists) đã tạo được chỗ
đứng của họ. Trong số bảy chức viên được chỉ định để lo việc cấp phát từ
kho dự trữ chung, Ê-tiên nổi bật hẳn lên như một người biết nhìn xa trông
rộng; khi thấy rõ vết rạn nứt giữa niềm tin cũ và mới. Về nhiều phương diện,
ông nhìn thấy trước quan điểm của Phao-lô và của trước giả thư Hê-bơ-rơ.
Việc ông tuyên bố sau đó rằng Đấng Christ vượt trên sự thờ phượng tại đền
thờ - một quan điểm khiến người Do Thái tại Giê-ru-sa-lem bừng bừng nổi
giận - đã được các cấp chính quyền đưa ông ra xét xử theo lời tố cáo của dân
chúng, và bài giảng của ông (như đã được ghi lại trong 7) không phải là lời
biện minh cho bằng một bài vạch rõ lập trường của ông, trong đó ông khai
triển hai chủ đề: (1) Dân sự của Đức Chúa Trời là một dân đang hành
hương, do đó, đền tạm di chuyển trong sa mạc thích hợp hơn ngôi đền đặt
nguyên vị tại Giê-ru-sa-lem; (2) Dân Y-sơ-ra-ên luôn luôn phản loạn cùng
Đức Chúa Trời qua suốt lịch sử, và họ đã đạt đến cao điểm của sự phản loạn
đó khi xử tử 'Đấng Công Chính'. Người ta đã tranh luận về vấn đề ném đá Ê-
tiên xảy ra tiếp theo đó là một hành động bất chấp luật pháp hay lạm dụng
luật pháp; nhưng dầu sao thì nó cũng là dấu hiệu của một chiến dịch đàn áp
toàn diện, do một ra-bi trẻ là Sau-lơ người Tạt-sơ lãnh đạo (8:1 và tt). Hội
Thánh Giê-ru-sa-lem bị tan lạc khắp xứ Palestine và vượt cả biên giới của xứ
ấy nữa (tuy sự kiện Mười Hai Sứ Đồ vẫn ở lại Giê-ru-sa-lem cho thấy các vị
vẫn còn được biết đến). Sự tan lạc đó có nghĩa là Phúc Âm sẽ được truyền
bá rộng rãi hơn; một nét sớm nhất là bước đầu tiên do Phi-líp - một thành
viên khác trong số bảy chấp sự - thực hiện khi ông giảng Tin lành tại Sa-ma-
ri (8:5 và tt).
Dưới mắt Lu-ca, sự kiện Sau-lơ qui đạo được ông ký thuật tiếp theo đó (9:1-
30;) là một biến cố có tầm quan trọng hàng đầu; tuy chiều dài của phần ký
thuật ấy bị hạn chế, ông cũng đã ghi lại ba lần với khá đầy đủ chi tiết (ở đây
và trong 22:3-21; 26:4-18). Cuộc bách hại dường như đã tàn lụi sau khi kẻ
đầu đảng bách hại qui đạo (9:31), nhưng ích lợi vẫn còn tồn tại. Công cuộc
giảng Tin lành của Phi-e-rơ cho các thành phố lẫn người ngoại bang ở phía
Tây xứ Palestine, Ly-đa và Gióp-bê (9:32-43), đã đưa ông đến nhà một
người ngoại bang tại Sê-sa-rê để truyền giảng Phúc Âm ở đó (10:1 và tt).
Chẳng bao lâu, những Cơ Đốc nhân nói tiếng Hi lạp đã đi thật xa đến tận
An-ti-ốt, và cũng lại giảng Phúc Âm theo một qui mô lớn hơn (11:19-21),
khiến ngay từ một niên đại rất sớm, Hội Thánh đã gồm đa số là người ngoại
bang. Thành phần Do Thái tại Giê-ru-sa-lem đã đặt vấn đề đối với sáng kiến
đó của Phi-e-rơ (11:1 và tt), và tuy ông đã khiến họ hài lòng, rất có thể Mười
Hai Sứ Đồ đã bị mất phần nào thiện cảm của đám quần chúng người Do
Thái; chuyện vốn không phải là ngẫu nhiên khi sau đó Hê-rốt Ạc-ríp-ba I
(vua xứ Giu-đê từ năm 41-44) đã xử tử Gia-cơ, rồi 'thấy việc đó đẹp lòng
dân Do Thái', ông ta lại bắt giam Phi-e-rơ mà bản án trước mắt có lẽ cũng y
như thế (12:125;).
Tin tức về những tiến bộ tại An-ti-ốt đến tai các sứ đồ, và Ba-na-ba được
phái đi để xem xét tình hình tại đó (11:22 và tt), Ba-na-ba rất hài lòng về
những việc tốt đẹp, đến nỗi ông sai người đến Tạt-sơ tìm Sau-lơ, bảo hãy
đến gặp ông tại An-ti-ốt. Ngay sau đó, cả Ba-na-ba lẫn Sau-lơ đều được sai
từ An-ti-ốt đến Giê-ru-sa-lem với tư cách đặc phái viên mang các tặng phẩm
về cho số người nghèo thiếu của 'mẫu hội', vì nạn đói tại đó, (chúng ta được
Suetonius cho biết rằng dưới thời trị vì của Claudius từ năm 41-54, xứ ấy đã
bị thất mùa nhiều năm liên tiếp).
Giờ đây, An-ti-ốt trở thành trung tâm để Cơ Đốc giáo được truyền bá càng
sâu rộng hơn. Từ đó, Ba-na-ba và Sau-lơ đã ra đi để truyền giảng Phúc Âm
cho đảo Chíp-rơ và nhiều nơi thuộc Tiểu Á Châu, và trong vòng lưu hành
truyền giáo ấy đã thành lập các Hội Thánh trong tỉnh Ga-la-ti của La-mã, và
Thư gởi người Ga-la-ti đã được viết ( 13:1-14:28). Khi từ vòng truyền giáo
đó trở về, hai vị đã nhận thấy vấn đề các điều kiện để người ngoại bang được
tiếp nhận làm thành viên chính thức của Hội Thánh đã được đem ra tranh
luận sôi nổi (15:1 và tt). Người An-ti-ốt đã nhận người ngoại bang vào cộng
đồng Hội Thánh theo những điều kiện ngang hàng với người Do Thái (và
thánh Phao-lô với Ba-na-ba cũng làm như vậy trong các vòng truyền giáo
của hai vị) mà không đòi hỏi họ phải chịu cắt bì (như số người cải giáo Do
Thái), cũng không bị bắt buộc phải tuân giữ luật pháp Môi-se; nhưng các
thành viên khe khắt hơn của Hội Thánh Đấng Christ người Do Thái tại Giê-
ru-sa-lem lại nhấn mạnh là phải đòi hỏi các điều kiện đó. Tại giáo hội nghị
Giê-ru-sa-lem tiếp ngay sau đó, có Phao-lô và Ba-na-ba cầm đầu một phái
đoàn của An-ti-ốt đến thảo luận vấn đề ấy, đã quyết định là sẽ không đòi hỏi
các điều kiện như thế đối với người ngoại bang, nhưng để cho sự giao tiếp
xã hội được dễ dàng, cũng như để các Cơ Đốc nhân người ngoại bang và
người Do Thái có thể thông công nhau trong việc ngồi chung vào một bàn
ăn, các Cơ Đốc nhân người ngoại bang được khuyên không nên ăn thịt đã
cúng các thần tượng hoặc thịt mà phần huyết trong đó chưa chảy ra hết, cũng
phải tuân thủ các luật lệ cao cả về đạo đức của dân Do Thái. Một khi nguyên
tắc chính yếu đó được bảo đảm, Phao-lô sẵn sàng thực hiện các bước đi khá
dài trong công việc hòa giải; và các điều kiện của quyết nghị ấy đã được ông
thông báo cho các độc giả của mình trong các Thư Tín.
Rồi chúng ta đến hai vòng lưu hành truyền giáo lấy An-ti-ốt làm căn cứ -
một do Ba-na-ba thực hiện với người em họ của ông là Mác, đi đảo Chíp-rơ
(15:39), vòng kia do Phao-lô và Si-la, một Cơ Đốc nhân người Giê-ru-sa-
lem, cùng đi Tiểu Á Châu (15:40 và tt). Phao-lô và Si-la đi thăm các Hội
Thánh đã được thành lập trong chuyến đi trước, phân phát cho họ bảng
quyết nghị của các sứ đồ, xem đó như bản hiến pháp về sự tự do của Cơ Đốc
giáo. Tại Lít-trơ, hai vị nhận Ti-mô-thê nhập đoàn; Ti-mô-thê vốn được
trưởng dưỡng theo Do Thái giáo, chàng có mẹ là người Do Thái và cha là
người ngoại bang. Khi Thánh Linh ngăn không cho tiếp tục theo quan lộ
chính đi về hướng Tây để đến Ê-phê-sô (16:6), các vị chuyển sang hướng
Bắc cho đến bờ biển tại Trô-ách, và từ đó, có Lu-ca tháp tùng, xuống thuyền
vượt biển Á-để-á và đổ bộ lên Nê-a-bô-li (nay là Kavalla). Từ đây, các vị đi
vào đất liền đến Phi-líp, một thuộc địa của La-mã, và sau khi thành lập một
Hội Thánh tại đó, thì tiếp tục đi Tê-sa-lô-ni-ca (17:1) là một thành phố khác
nữa của xứ Ma-xê-đoan, nơi một Hội Thánh khác nữa được thành lập, là kết
quả của ba ngày giảng đạo nhằm các ngày Sa-bát trong các nhà hội. Bị bắt
buộc phải rời Tê-sa-lô-ni-ca vì số dân Do Thái tại địa phương ấy cáo gian
với các quan án, các vị phải phân tán lực lượng để đi xuống phía Nam.
Phao-lô dừng lại ở A-thên (17:15 và tt), nơi có đầy dẫy các chi tiết lý thú và
màu sắc địa phương chính xác, để thuyết giảng tại A-rê-ô-ba, một phương
pháp kiểu mẫu trong việc giới thiệu Cơ Đốc giáo cho thế giới người ngoại
bang, mà sau đó trở thành phổ biến.
Từ A-thên, ông đi Cô-rinh-tô, một thuộc địa La-mã khác (18:1 và tt); tại đó,
Si-la và Ti-mô-thê đến với ông, và các vị làm việc tại đây suốt mười tám
tháng. Cuối giai đoạn ấy, Phao-lô đến thăm xứ Palestine một thời gian ngắn
(18:21-23), rồi trở ra biển Á-để-á, và lần này định cư tại Ê-phê-sô, nơi ông
lưu lại hai năm rưỡi, giảng Phúc Âm chẳng những ngay trong thành phố, mà
còn cho các vùng phụ cận có đông đảo dân cư, đến nỗi đe dọa cả tôn giáo
đang thịnh hành tại Ê-phê-sô là việc thờ nữ thần Artemis (Đi-anh, 19:1-40).
Chức vụ tại Ê-phê-sô được nối tiếp bằng chuyến đi thăm xứ Ma-xê-đoan và
Hi-lạp (20:1-3), rồi Phao-lô và phái đoàn của ông trở về Giê-ru-sa-lem (và
như các thư tín cho biết, ông có mang theo số tiền của Hội Thánh ngoại bang
quyên góp để cứu trợ số người nghèo trong Hội Thánh Giê-ru-sa-lem).
Chuyến đi đến Giê-ru-sa-lem này đã dẫn đến một cuộc nổi loạn, trong đó
Phao-lô bị tố cáo là xúc phạm sự thánh khiết của đền thờ (21:27 và tt), rồi
khi ông được đồn binh La-mã cứu khỏi bị đám đông hành hung, ông bị quản
thúc hai năm trong tổng hành dinh của quan trấn thủ tại Sê-sa-rê (24:27), cho
đến khi vì sợ Phê-tu sẽ giao ông cho người Do Thái để ông tự giải quyết lấy
với họ, Phao-lô đã kêu nài đến Sê-sa (25:11) và được gởi đi La-mã, tuy các
nhà cầm quyền xứ Palestine đều đồng ý rằng nếu ông không làm như vậy thì
có thể được trả tự do (26:31 và tt).
Câu chuyện du hành đến La-mã ( 27:1-44) là một áng văn đẹp nhất mô tả
trong Tân Ước, và là một tài liệu có tầm quan trọng hàng đầu cho sự hiểu
biết của chúng ta về chuyện vượt biển đời xưa. Bị đắm tàu tại Man-tơ, thủy
thủ đoàn và các hành khách phải qua mùa đông năm 59-60 tại đó (28:1-11).
Phao-lô đến La-mã vào mùa xuân và phần thuật sự kết thúc ở chỗ ông sống
hai năm ở trung tâm của đế quốc, truyền bá Phúc Âm cho tất cả mọi người
đến với ông, chẳng phải e dè gì cả (28:30 và tt). Bengel nói: 'Chiến thắng
của Lời Đức Chúa Trời - Phao-lô tại La-mã - là tuyệt đỉnh của Phúc Âm, là
kết cuộc của sách Công Vụ Các Sứ Đồ... Tại đây, Hội Thánh đã hình thành .
Hỡi giáo hội! Hãy giữ lấy điều người đã được phó thác. Hãy bảo vệ nó!'.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Vẽ lại sự phát triển công cuộc truyền giáo của Hội Thánh tại Giu-đê, Sa-
ma-ri và vượt xa hơn. Đâu là phần tự động tự phát, và đâu là phần có
phương án hẳn hoi?
2. Trình bày sự vận hành (tác động) của Đức Thánh Linh, so sánh với lời
dạy dỗ trong Phúc Âm Lu-ca và GiGa 14-16.
3. Sách này chứa đựng những bài học gì về (1) Sự cầu nguyện (2) Lòng can
đảm khi gặp bắt bớ, bách hại, và (3) Tình huynh đệ giữa các tín hữu với
nhau?
4. Thánh Phao-lô đã chuẩn bị thế nào cho công tác của đời sống ông bằng
(1) các tài năng tự nhiên và thuộc linh, và (2) các từng trải thuở đầu đời?
5. Sưu tập sự dạy dỗ trong các bài giảng liên hệ đến (1) các Cơ Đốc nhân, và
(2) người chưa tin Chúa.

CÁC THƯ TÍN CỦA PHAO-LÔ


Trong số hai mươi bảy sách của Tân Ước, đã có không dưới hai mươi mốt
quyển là các bức thư, trong đó mười ba quyển chắc chắn của Phao-lô, riêng
thư Hê-bơ-rơ thì còn nghi vấn. Chính các nhu cầu và hoàn cảnh của các cá
nhân và cộng đồng Cơ Đốc đã quyết định nội dung của chúng, các thư ấy
đều đóng góp cách riêng cho việc hoàn tất Kinh Thánh. Không ai nghi ngờ
gì về quyền năng tể trị và sắp xếp thần hựu, khiến cho một số nhiều chân lý
mạc khải như thế đã được lưu truyền đến cho chúng ta dưới hình thức ấy,
một phần quá nhiều mạc khải của Đức Chúa Trời đã được đan dệt vào nhau
thành cả một bộ sách có tính cách lịch sử như vậy.
Người có nhiều thư nhất đã góp phần vào Tân Ước là một công dân La Mã
ngay từ thuở sơ sinh, một người Do Thái quê ở Tạt-sơ, một người Hê-bơ-rơ
thuần túy, được trưởng dưỡng dưới chân Ga-ma-li-ên, nhưng lại trở thành nô
lệ và là nhà truyền giáo của Đức Chúa Giê-xu Christ; đó là những gì chính
ông đã mô tả. Chúa của ông đã gọi ông để 'làm một đồ dùng ta, để đem danh
ta đồn ra trước mặt các dân ngoại, các vua, và con cái Y-sơ-ra-ên' (Cong Cv
9:15). Cá tính đa diện của ông đã bộc lộ qua các thư tín của ông và sách
Công Vụ Các Sứ Đồ; một con người có ý chí mạnh mẽ mặc dầu có thân thể
yếu đuối; đã có lần nhiệt thành với luật pháp, và sau đó với Tin lành; một
con người chịu lao khổ không biết mệt mỏi, sẵn sàng sống hoặc chết vì Đấng
Christ; một người Do Thái chân chính, đề cao Kinh Thánh, các tổ tiên và các
lời hứa (RoRm 3:1,2; 9:4,5), nhưng cũng là một sứ đồ cho dân ngoại bang,
tự tuyên dương chức vụ của mình (RoRm 11:13).
Phao-lô có bản chất rất người. Tình yêu tha thiết dịu dàng của ông không hề
bị giới hạn bởi chủng tộc hay địa vị xã hội mà được biểu lộ một cách bình
đẳng, đối với đồng bào Do Thái cũng như với các tín hữu ngoại bang được
ông dẫn dắt qui đạo, với Ô-nê-sim là tên nô lệ cũng như với Phi-lê-môn chủ
của anh ta. Những lời chào thăm trong các thư tín của ông cho thấy cá nhân
ông vốn yêu thương và thiện cảm với các đồng bạn cũng như với các tín hữu
bạn, là các Cơ Đốc nhân.
Nhưng điều ông biết rất rõ và là điều chính yếu khiến ông có đủ phẩm cách
để trở thành nhà truyền đạo và giáo sư ấy là ân điển và ơn kêu gọi của Đức
Chúa Trời (ICo1Cr 15:9-11). Đây là nguồn mạch làm phát sinh số công tác
hết sức phong phú và thành công của ông, mà kết quả là các bức thư này đã
chứa đựng được nhiều kho tàng kinh nghiệm và những lời dạy về con đường
và chân lý của Đức Chúa Trời.
LỜI DẠY CỦA PHAO-LÔ
Mục tiêu các bức thư của Phao-lô thiết yếu có tính cách thực tiễn. Chúng
không được viết như những tác phẩm văn chương, cũng không nhằm xây
dựng một hệ thống, nhưng là để khích lệ, trợ giúp và hướng dẫn độc giả.
Từ ngày ăn năn trở lại đạo, Đấng Christ là chính sự sống của Phao-lô (GaGl
2:20), và ông viết thư cho những người hiện đang 'ở trong Đấng Christ'
giống như ông vậy CoCl 1:2) Tuy các thư tín của ông có bút pháp đàm thoại
và liên hệ đến tình hình sinh hoạt hằng ngày, với chủ đề bao giờ cũng là
Đấng Christ, là Cứu Chúa hằng sống và đầy quyền năng. Do đó, những lời
khuyến giục liên hệ đến các bổn phận nhỏ nhặt nhất cũng đều được Phao-lô
đặt trên cơ sở là các nguyên tắc của sự cứu rỗi, đức tin, đặc quyền và quyền
năng thuộc linh, tất cả đều bắt nguồn từ chính từng trải của ông về Đấng
Christ đã được tôn vinh nhưng vẫn đang ngự trị trong ông.
Phần giáo huấn, rõ ràng một cách lạ lùng trong thư Ga-la-ti về sự cứu rỗi bởi
Đấng Christ bị đóng đinh trên thập tự giá, sự xưng công bình bởi đức tin và
sự tự do của Cơ Đốc nhân, tất cả đều liên quan đến cơ nguy thật sự mà các
Hội Thánh tại Ga-la-ti đang lâm vào đó là có thể lại rơi vào ách nô lệ đối với
luật pháp Môi-se. Mối liên hệ giữa dân Do Thái và người ngoại bang trong
các thành phố lớn của mẫu quốc tại La Mã đã tạo cơ hội cho phần trình bày
quan trọng các nguyên tắc của sự xưng công bình và nên thánh có thể đem
áp dụng cho cả người Do Thái lẫn ngoại bang như nhau (RoRm 1:1-11:36)
và tiếp theo đó là những lời khuyến giục thực tiễn được đặt cơ sở trên đó.
Cũng vậy, khi các Cơ Đốc nhân tại Cô-rinh-tô muốn được nghe khuyên bảo
về các vấn đề hôn nhân, tham dự các đám tiệc ngoại bang hay về sự sống lại
của thân thể, họ đã được những câu giải đáp dứt khoát và hết sức thực tiễn,
nhưng tất cả đều được xoay quanh Đấng Christ, đến nỗi chỗ nào trong bức
thư cũng đều có sự dạy dỗ của Đấng Christ trong đời sống và đời sống trong
Đấng Christ.
Đem đối chiếu các thư tín của Phao-lô với các sách Phúc Âm, với các bài
giảng trong Cong Cv 1:1-12:21, và với số các Thư Tín còn lại, chúng ta thấy
không có một giáo lý quan trọng nào trong những phần đó mà lại không thấy
có ở những chỗ khác. Luther từng bảo rằng 'Sách Phúc Âm Giăng, các Thư
tín của Phao-lô, nhất là các Thư Rô-ma, Ga-la-ti và Ê-phê-sô, và IPhi-e-rơ -
là các quyển sách chỉ cho bạn về Đấng Christ, và dạy tất cả những gì cần
thiết và phước hạnh mà bạn phải biết'; và thêm vào đó, chúng ta đồng ý với
ông, mà không phủ nhận giá trị cũng như tính cách quan trọng của các phần
Kinh Thánh khác.
Thật vậy, 'giáo lý của Phao-lô' chính là giáo lý của Hội Thánh nguyên thuỷ
dựa trên các sự kiện về sự giáng sinh, chịu đóng đinh, sống lại và thăng thiên
của Đấng Christ, sự mạc khải liên hệ đến thân vị và công lao của Đấng
Christ, Phao-lô đã nhờ Thánh Linh để truyền giảng ra giáo lý đó cũng như
các sứ đồ và các nhà truyền đạo khác (ICo1Cr 15:11).
BỐ CỤC ĐỜI SỐNG PHAO-LÔ
Những nét chính của đời sống Phao-lô được phác họa dưới đây nhằm giúp ta
hiểu rõ hơn về thời kỳ và hoàn cảnh của từng bức thư liên quan đến đời sống
Phao-lô và với diễn tiến trong đó các Hội Thánh đã lan tràn và phát triển.
Các niên đại chỉ nên xem như gần đúng mà thôi.
Năm SC
33
Phao-lô qui đạo (Cong Cv 9:1-9). Về các biến cố trước khi ông ăn năn, xin
xem Cong Cv 22:3-5; 26:4,5; ITi1Tm 1:12-16. Về các biến cố xảy ra tiếp
ngay sau đó, xin xem Cong Cv 9:19-30; 22:17-21; 26:19,20; GaGl 1:15-20.
33-46
Phao-lô tại Tạt-sơ, Sy-ri và Si-li-si (Cong Cv 9:30; GaGl 1:21; IICo 2Cr
12:2,3) gồm cả thời gian ở An-ti-ốt (Cong Cv 11:25,26).
46
Đến Giê-ru-sa-lem (Cong Cv 11:27-30; 12:25; GaGl 2:1-10).
47
Vòng truyền giáo thứ nhất: An-ti-ốt, Chíp-rơ, An-ti-ốt xứ Bi-si-đi, Y-cô-ni,
Lít-trơ và Đẹt-bơ (Cong Cv 13,14).
49
Những bất hòa với phe người Do Thái tại An-ti-ốt (GaGl 2:11-14). Từ An-ti-
ốt, viết thư Ga-la-ti.
50
Phao-lô đến Giê-ru-sa-lem có mặt tại Giáo Hội Nghị Cơ Đốc Giáo (Cong Cv
15:1-35).
51
Vòng truyền giáo thứ hai: An-ti-ốt, Si-li-si, Ga-la-ti, Trô-ách, Phi-líp, Tê-sa-
lô-ni-ca, Bê-rê, A-thên và Cô-rinh-tô (Cong Cv 15:36-18:1).
51-53
Ở lại Cô-rinh-tô (Cong Cv 18:1-18). Viết I và II Tê-sa-lô-ni-ca.
53
Trở về Giê-ru-sa-lem qua Ê-phê-sô và Sê-sa-rê; lại đến An-ti-ốt (Cong Cv
18:18-22).
Vòng truyền giáo thứ ba: An-ti-ốt, Phi-ri-gi, và Ga-la-ti đến Ê-phê-sô (Cong
Cv 18:23,24).
53-56
Ở lại Ê-phê-sô (Cong Cv 19:1-20:1). Viết I và II Cô-rinh-tô.
56-57
Tiếp tục vòng truyền giáo thứ ba: Ma-xê-đoan, Hi-lạp, Cô-rinh-tô, Phi-líp,
Mi-lê (Họp với các trưởng lão Ê-phê-sô), Ty-rơ, Tô-lê-mai, Sê-sa-rê, Giê-ru-
sa-lem (Cong Cv 20:1-21:17). Viết thư Rô-ma từ Cô-rinh-tô.
57-59
Bị bắt tại Giê-ru-sa-lem, bị giam hai năm tại Sê-sa-rê (Cong Cv 21:18-
26:32).
59-60
Chuyến đi đến Cơ-rết, Man-tơ, Rê-ghi-um và La Mã (Cong Cv 27:1-44).
60-62
Tại La Mã, chờ xét xử, bị quản thúc (Cong Cv 28:1-31). Viết các thư Cô-lô-
se, Phi-lê-môn, Ê-phê-sô, Phi-líp.
62-65
Được tha ra, trở lại thăm viếng các Hội Thánh. Viết ITi-mô-thê và Tít.
66 hay 67
Bị bắt giam tại La Mã. Viết II Ti-mô-thê ngay trước khi qua đời.
THƯ RÔ-MA
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Chúng ta có thể chắc chắn rằng toàn thể thư tín này là tác phẩm của Phao-lô.
Tuy nhiên, cũng có lý do để thắc mắc chẳng hạn các chương RoRm 15:1-
16:27 có thuộc bản gốc của thư tín này không. Bài ca tán tụng (16:25-27)
được tìm thấy trong vài cổ bản ở cuối đoạn 14 hoặc 15; và một số học giả
gợi ý rằng đoạn 16 nguyên thuộc về một bức thư viết cho người Ê-phê-sô
chứ không phải cho người La Mã. Tuy nhiên, giả thuyết ấy có thể bị bác bỏ
vì 'thiếu chứng cứ'; và đoạn phụ 15:1-13 tiếp tục phần tư tưởng xuyên suốt
14, dường như không có trong nguyên văn của cả bức thư, mà được thêm
vào về sau. Có thể giải thích sở dĩ có chỗ khác nhau trong các cổ bản như
vậy của thư tín này, là vì đặc tính tổng quát của nó, truy nguyên được viết
cho người La Mã, như chúng ta vẫn nói, nhưng về sau cũng được nhiều Hội
Thánh khác sử dụng, nhưng không ghi lại địa phương và những phần đề cập
riêng các cá nhân.
Thư tín này đã được Phao-lô viết từ Cô-rinh-tô trong chuyến lưu hành truyền
giáo thứ ba, ít lâu sau khi ông kết thúc thời gian dài lưu lại Ê-phê-sô, ngay
trước khi ông đem đến Giê-ru-sa-lem số tiền quyên trợ cho các thánh đồ
nghèo, và khi lần đầu tiên ông hy vọng đến La Mã trên đường đi Tây-ban-
nha, khoảng năm 56 hay 57 SC (Cong Cv 19:21; 20:2,3; RoRm 15:23-28).
Vì Phao-lô gởi gắm bà Phê-bê cho các độc giả thư ông (16:1,2), nên dường
như là bà sắp đi La Mã. Ngay từ những ngày đầu tiên, mọi người đều nhìn
nhận bà chính là người mang bức thư này đi.
Hội Thánh tại La Mã
La Mã là trung tâm của thế giới văn minh, là thành phố 'mẫu quốc' quan
trọng của đế quốc rộng lớn. Phao-lô là một công dân La Mã và có thể nói về
'các bậc cầm quyền là các chức dịch của Đức Chúa Trời' nhằm phục vụ điều
thiện (RoRm 13:1-6), lúc đó có nhiều Cơ Đốc nhân ở tại La Mã. Không có
bằng chứng rõ ràng cho thấy Phúc Âm đầu tiên đã được truyền đến đó như
thế nào, và truyền thống cho rằng Phi-e-rơ đã lập Hội Thánh tại đó là không
chắc chắn. Phao-lô chắc đã không viết thư cho một Hội Thánh do Phi-e-rơ
thiết lập (dc Ro 15:20-24;). Rất có thể có một số người đã trở thành Cơ Đốc
nhân tại xứ Palestine, Sy-ri, Tiểu Á Châu, Ma-xê-đoan hay Hi-lạp, du hành
đến La Mã, và giảng đạo Chúa tại đấy. A-qui-la và Bê-rít-sin có thể đã là Cơ
Đốc nhân trước khi bị bắt buộc phải rời bỏ La Mã năm 51 SC (Cong Cv
18:1,2). Trước khi có thư tín này, họ đã trở lại La Mã và phục vụ rất đắc lực
cho Cơ Đốc giáo tại đó (16:3-5). Rõ ràng là Hội Thánh tại La Mã gồm có cả
người Do Thái lẫn ngoại bang, và là một cộng đồng hỗn hợp cả về mặt xã
hội lẫn chủng tộc. Phao-lô đã dựa trên chức vụ sứ đồ cho người ngoại bang
để ngỏ lời với họ (15:15,16 so sánh 1:5,6; 11:13); mặt khác, rõ ràng bức thư
bao gồm cả phần tri thức Cựu Ước và các ý niệm của Do Thái giáo, và một
số vấn đề được đề cập ngụ ý có sự hiện diện trực tiếp của người Do Thái.
Cơ hội và mục đích viết thư
1. Lý do chính Phao-lô viết bức thư này là vì ông hy vọng chẳng bao lâu
nữa, ông sẽ đến La Mã. Kế hoạch của ông là muốn dùng La Mã làm căn cứ
để sang truyền đạo tại Tây-ban-nha. Cho nên ông viết thư này để báo cho
các Cơ Đốc nhân tại La Mã biết rõ ý định đó (Cong Cv 15:23,24).
2. Rất có thể Phao-lô không bị thúc đẩy bởi các bản tường trình về tình hình
ngay tại La Mã mà viết thư này, tuy có lẽ do được biết về Cơ Đốc nhân tại
đó theo lời A-qui-la và Bê-rít-sin kể lại, nên ông đã quyết định chọn một số
điểm để đề cập đặc biệt (thí dụ 14:1-15:13).
3. Từ lâu, ông đã mong có dịp đi La Mã để thăm các Cơ Đốc nhân tại đó.
Tuy vậy, bây giờ ông không biết chắc sẽ có gì xảy đến cho ông trong chuyến
đi Giê-ru-sa-lem sắp tới (15:25,30-32), sợ e không thể đích thân nhìn thấy
họ, ông vội vàng lợi dụng cơ hội này để phục vụ họ bằng cách viết thư.
4. Sự kiện ông đang viết thư cho các Cơ Đốc nhân tại thủ đô của đế quốc,
đồng thời biết rằng những ngày còn lại của mình không còn bao nhiêu đã
khiến ông cố gắng trình bày một cách thật súc tích các chân lý của Phúc Âm.
Thư gửi cho người Ê-phê-sô cũng cùng mục đích và bổ túc cho thư Rô-ma.
PHÂN TÍCH
RoRm 1:1-15.
Vào đề. Phần đề cập riêng tư.
RoRm 1:16,17.
Đề tài chính: Phúc Âm. Phúc Âm là gì và có công dụng gì.
RoRm 1:18-5:21.
Sự xưng công chính cho tội nhân. Phương pháp của sự công chính của Đức
Chúa Trời. Nhu cầu phổ quát của loài người. Mọi người đều đã phạm tội. Ân
ban nhưng không của Đức Chúa Trời nhờ sự chết chuộc tội của Đấng Christ,
với điều kiện là phải có đức tin. Các kết quả: được phục hòa với Đức Chúa
Trời, được hưởng ân điển hiện tại và sự vinh hiển tương lai.
RoRm 6:1-8:39.
Kết quả là sự cứu rỗi trọn vẹn dành cho người tin Đấng Christ. Lời kêu gọi
hãy sống cho Đức Chúa Trời. Quyền năng để thắng hơn xác thịt: Thánh Linh
của Đấng Christ. Lời bảo đảm về chiến thắng hiện tại và sự cứu chuộc tối
hậu.
RoRm 9:1-11:36.
Chiến thắng của sự sắp xếp thần hựu liên hệ với vấn đề lòng vô tín của dân
Y-sơ-ra-ên. Ý chỉ Đức Chúa Trời tể trị trên tất cả. Dân Y-sơ-ra-ên đã khước
từ phương pháp của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời vẫn hành động cho điều
tốt lành: Ngài thương xót mọi người.
RoRm 12:1-15:13.
Đạo đức học thực tiễn ứng dụng vào sinh hoạt hằng ngày. Lời kêu gọi hãy
nên thánh. Các bổn phận xã hội của Cơ Đốc nhân với tư cách thành viên của
Hội Thánh và là công dân. Hướng dẫn cho các vấn đề có các phán đoán mâu
thuẫn. Nguyên tắc cao nhất cho việc cư xử: Tình yêu thương.
RoRm 15:14-16:27.
Đoạn kết có tính cách riêng tư. Các công tác và kế hoạch của Phao-lô. Cảnh
cáo phải chống lại các giáo sư giả. Lời chào thăm và chúc phước.
NỘI DUNG
Phần trung tâm của bức thư này (RoRm 1:16-15:13) có thể gọi là một bài
khảo luận lồng trong một bức thư. Chủ đề qua suốt bức thư là Phúc Âm của
Đức Chúa Giê-xu Christ (xem RoRm 1:1-3,16; 16:25). Trong phần tóm tắt
vào đề (1:16,17) Phúc Âm được công bố là liên quan đến Đấng Christ, là
'của Đức Chúa Trời', nghĩa là bắt nguồn từ Đức Chúa Trời, là một hành động
quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu rỗi, đem lợi ích khôn lường cho mọi
người, cả Do Thái lẫn ngoại bang, với điều kiện duy nhất là đức tin cá nhân.
Tiếp theo là phần trình bày chi tiết Phúc Âm ấy. Đầu tiên, Phao-lô chứng
minh hành động cứu rỗi đó của Đức Chúa Trời là cần thiết (1:18-3:20). Vì
mọi người đều sẽ chịu phán xét. Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời được tỏ rõ
là chống lại mọi sự không công chính, mà con người thì không có ai là công
chính cả, dầu một người cũng không. Có người chối bỏ lời chứng của tạo vật
về Đấng Tạo Hóa, thờ hình tượng, và trở thành hư hỏng băng hoại về
phương diện đạo đức cả trong tư tưởng lẫn trong việc làm. Nhiều người khác
thì bị chính lương tâm họ là nhân chứng lên án. Trong khi phán xét kẻ khác,
họ cũng đồng thời thừa nhận một tiêu chuẩn đạo đức, theo đó, chính họ đã bị
phán xét. Dân Do Thái tuy có lợi điểm được Đức Chúa Trời ban cho nhiều
đặc quyền vẫn không được ưu quyền để phạm tội. Trái lại, do sự hiểu biết
đó, trách nhiệm của họ lại càng nặng nề hơn; và họ cũng bị thấy là đã phạm
tội rõ ràng hơn.
Tiếp theo đó (3:21- 5:21), Phao-lô đưa ra một con đường mới cho việc được
nhận là công chính như một tặng phẩm cho không của Đức Chúa Trời nhờ
sự chết thay của Đức Chúa Giê-xu Christ, cho tất cả những người tin. Điều
này hoàn toàn mới mẻ, vì đã không hề có ai nhờ việc làm theo luật pháp mà
được coi là công chính. Nhưng nguyên tắc này đã được ám chỉ từ trước,
trong các biểu tượng và lời hứa mạc khải của Cựu Ước, và được vạch rõ
trong trường hợp của Áp-ra-ham: đức tin của người ta là điều kiện cần thiết
để được hưởng phước hạnh của Đức Chúa Trời. Những ai tin lập tức sẽ được
phục hòa với Đức Chúa Trời, hưởng được sự thông công và ân điển cứu rỗi
ngay trong hiện tại, cũng như được hy vọng chắc chắn về sự giải thoát cuối
cùng và được vào nước vinh hiển. Những gì nhân loại đã đánh mất trong A-
đam thì trong Đấng Christ, sẽ được phục hồi càng phong phú hơn. Sự cai trị
của tội lỗi được thay thế bằng sự ngự trị của ân điển.
Trong sáu chương tiếp theo (6:1-11:36;) Phao-lô lần lượt vạch ra tính cách
đầy đủ vinh quang của Phúc Âm bằng cách trả lời hai câu hỏi chính. Phúc
Âm này có vĩ đại đủ để (1) cung cấp sự cứu rỗi trọn vẹn khi đối diện với
điều ác, cả điều ác của xác thịt bên trong và của thế giới bên ngoài, và (2)
bao trùm và giải thích được các nan đề của kinh nghiệm và lịch sử, mà tiêu
biểu là việc dân Do Thái đã trắng trợn chối bỏ Đấng Christ, hay không?
1. Trong các 6:1-8:39, Phao-lô vạch rõ Phúc Âm trọn vẹn chẳng những đầy
đủ để ban cho loài người một địa vị ân điển, mà còn có thể thay đổi cách ăn
nết ở của họ nữa, khiến họ trở thành những người làm điều công chính, và
bảo đảm cho họ chiến thắng khi đối đầu với nghịch cảnh. Thánh Linh mà
Đấng Christ ban cho tất cả những kẻ thuộc về Ngài, sẽ giải phóng Cơ Đốc
nhân, thiết đặt trong người lòng tin quyết và hy vọng, và giúp người sống
cách xứng đáng là con cái Đức Chúa Trời. Chính trong niềm tin Đức Chúa
Trời đang hành động trong họ, các Cơ Đốc nhân biết rằng cho dù có gì xảy
ra chăng nữa, họ vẫn luôn luôn được an toàn; vì ngày cứu chuộc toàn diện
cho thể xác đã hầu đến và trong khi chờ đợi, sẽ chẳng có gì phân rẽ họ được
với tình yêu thương của Đức Chúa Trời.
2. Trong các 9:1-11:33, Phao-lô minh chứng về ơn thần hựu của Đức Chúa
Trời. Bởi vì Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời, cho nên Ngài có thể hành
động và đã thực sự hành động tùy ý Ngài. Tuy nhiên, những việc Ngài làm
không hề là độc đoán hay thiếu tình thương. Dân Y-sơ-ra-ên đã ngoan cố
không chịu noi theo con đường công chính bằng đức tin đặt vào Đức Chúa
Giê-xu Christ, cho nên họ bị loại bỏ là lỗi của họ. Thế nhưng sự vô tín và
chối bỏ Chúa của dân Y-sơ-ra-ên đã được Đức Chúa Trời sử dụng để đem
đến một cứu cánh có lợi là người ngoại bang được đưa vào. Hơn nữa, sự sa
ngã của dân Y-sơ-ra-ên không hề loại trừ họ khỏi hy vọng được phục hồi địa
vị nhờ cùng một Phúc Âm đầy khoan dung đối với kẻ không vâng lời, vì
Đức Chúa Trời chẳng bao giờ rút lại những gì Ngài đã hứa. Tính cách đầy
đủ và trọn vẹn hết sức đơn giản của Phúc Âm đã được chứng minh bằng
nguyên tắc nòng cốt là sự tha tội nhưng không. Giờ đây, cả người Do Thái
lẫn ngoại bang đều được chứng minh rằng họ là tội nhân, chỉ có Đức Chúa
Trời mới có thể tỏ lòng khoan dung đối với tất cả mọi người y như nhau mà
thôi. Như thế quyền năng sắp xếp thần hựu của Đức Chúa Trời bao trùm tất
cả. Nguyện Ngài được tôn vinh đời đời.
Trong đoạn tiếp theo (12:1-15:13) Phao-lô chuyển sang các lời khuyến giục
hãy sống đạo đức. Ông chỉ rõ việc ứng dụng thực tiễn Phúc Âm vào sinh
hoạt hằng ngày của người tín hữu. Kinh nghiệm ơn thương xót của Đức
Chúa Trời đòi hỏi chúng ta phải đáp lại bằng sự tận hiến. Theo ý thức mới
được bày tỏ, Cơ Đốc nhân phải dâng thân thể mình làm sinh tế sống để phục
vụ ý chỉ của Đức Chúa Trời. Cơ Đốc nhân được kêu gọi hành động theo hai
hướng chính về mặt xã hội: (1) với tư cách là thành viên của Hội Thánh,
thân thể của Đấng Christ; và (2) với tư cách công dân hay thành viên của
quốc gia. Đối với điều trước, người ấy phải làm tròn bổn phận cách khiêm
hạ và đầy tình yêu thương. Với điều sau dưới sự hướng dẫn và bắt buộc của
chính lương tâm mình, người ấy phải thuận phục các nhà cầm quyền do Đức
Chúa Trời thiết định, và cố gắng hết sức mình để hậu thuẫn và đẩy mạnh
việc thực thi công lý trong cộng đồng. Tình yêu thương phải là nguyên tắc
tối cao tể trị trên mọi hành động của người ấy; và khi nhìn vào viễn ảnh của
ngày cứu rỗi gần đến người ấy phải thấy đó là một động cơ phụ thúc đẩy
sống một cuộc đời có kỷ luật. Rồi Phao-lô đề cập đặc biệt một số vấn đề trực
tiếp khiến các Cơ Đốc nhân La Mã bận tâm; ông cho thấy các Cơ Đốc nhân
có quan điểm khác nhau về cách hành đạo phải thu xếp cách ăn nết ở và giao
thiệp với nhau theo luật của tình yêu thương, noi gương của Đấng Christ.
Trong phần kết luận (15:14-16:27;) Phao-lô trở lại với bút pháp của một bức
thư. Ông nói về các kế hoạch của mình và cho thấy hy vọng đặc biệt của ông
là muốn đến thăm La Mã, và yêu cầu các Cơ Đốc nhân người La Mã hãy cầu
nguyện cho ông. Tiếp theo là những lời chào thăm và chúc phước có tính
cách riêng tư; cũng có một lời cảnh cáo chống lại các giáo sư giả.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Viết một bài tóm tắt tỉ mỉ nội dung của Phúc Âm như đã được Phao-lô
giải thích trong các Cong Cv 1:1-8:39.
2. Nghiên cứu đặc tính và các bước tiến trong đời sống đức tin.
3. Sưu tập tất cả những câu đề cập Đức Thánh Linh và xếp lại thứ tự những
gì chúng ta có thể học được về Thân vị và việc làm của Ngài căn cứ vào các
câu đó.
4. Nghiên cứu các 9:1-11:36 trong ánh sáng của giai đoạn lịch sử của người
Do Thái và của các nỗ lực truyền giáo.
5. Những nguyên tắc chủ đạo nào phải hướng dẫn cách ăn nết ở và sự giao tế
xã hội của một Cơ Đốc nhân?
THƯ CÔ-RINH-TÔ THỨ NHẤT
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Chưa hề có thắc mắc quan trọng nào đã được nêu lên liên hệ đến tác quyền
của Phao-lô đối với bức thư này. Cá tính đẹp đẽ và mạnh mẽ của vị sứ đồ đã
lan tỏa xuyên suốt thư tín này, và thật khó tưởng tượng ra được một bàn tay
nào khác hơn ông có thể viết nổi những lời lẽ khôn ngoan do biết nhìn xa
trông rộng như vậy. Ngoại chứng về tính cách chân thực của bức thư đã
được nhận thấy từ trước cuối thế kỷ thứ nhất trong thư tín gởi người Cô-
rinh-tô của Clement người La Mã, trong đó, bức thư đã được trích dẫn đích
danh; và nó cũng hầu như chắc chắn được Ingatius (khoảng 110), Polycarp
(khoảng 116), cũng như rất có thể là đã được Hermans (khoảng 120) dùng
đến nữa. Các chi tiết trong thư tín này trùng hợp cả với những điểm đặc biệt
hết sức nhỏ nhặt của phần ký thuật trong sách Sứ Đồ, với điều được biết
khác với những điều kiện của Hội Thánh và của thành phố Cô-rinh-tô, và
với các giả định trước đó về giáo lý và kinh nghiệm của Phao-lô, như đã
được diễn tả trong hai thư Ga-la-ti và Rô-ma.
a) Tình hình xã hội tại Cô-rinh-tô
Do vị trí địa dư, Cô-rinh-tô làm chiếc gạch nối giữa phần phía Tây của Địa
Trung Hải với biển Á-để-á (Aegean sea, phía Đông Hi-lạp), hồi thế kỷ thứ
nhất SC, Cô-rinh-tô đảm nhiệm một vai trò quan trọng về thương mại trong
đế quốc La Mã. Đây là thủ phủ xứ A-chai, là trung tâm thương mãi và tràn
ngập cư dân là người thuộc mọi sắc dân trên thế giới. Các cuộc tranh tài thể
thao của vùng Eo Đất nổi tiếng khắp đế quốc, các thi sĩ ca ngợi sự giàu có
của Cô-rinh-tô, với các kiến trúc huy hoàng tráng lệ nhất thế giới thời cổ.
Nhưng đồng thời với sự hưng thịnh về văn hóa và vật chất, Cô-rinh-tô cũng
mang tiếng xấu về tội ác và hư hoại. 'Sống theo lối người Cô-rinh-tô' có
nghĩa là sống vô luân.
b) Phao-lô và thành Cô-rinh-tô
Theo thói quen, vị sứ đồ luôn luôn tìm cách truyền bá Phúc Âm tại một
trung tâm ở đó ông có thể tiếp xúc được với dân tứ xứ, mà Cô-rinh-tô là nơi
có đông dân thuộc địa người Do Thái vô cùng hỗn tạp, đã tạo ra cho ông một
sự thách thức và một cơ hội hết sức quan trọng. Từ A-thên ông đã đến đó
trong chuyến lưu hành truyền giáo thứ hai (Cong Cv 15:36-41; 18:1),
khoảng năm 51 SC. Sau khi bắt tay với A-qui-la và Bê-rít-sin là hai người
Do Thái mới bị Claudius trục xuất khỏi La Mã (Cong Cv 18:2,3 so sánh
ICo1Cr 16:19), và được tăng cường lực lượng, ông bắt đầu giảng dạy trong
nhà hội, nhưng vì cứ bị chống đối luôn, ông đã quay sang người ngoại bang
(Cong Cv 18:5-11). Trong suốt thời gian hơn mười tám tháng, với sự trợ
giúp của Si-la và Ti-mô-thê (Cong Cv 18:5,11 so sánh IICo 2Cr 1:19), và
nhờ cách truyền giảng Phúc Âm thật rõ ràng và đơn sơ (ICo1Cr 1:14-17,21-
24; 2:1-5) Hội Thánh Man-tơ đã được thành lập gồm phần lớn - nhưng
không phải chỉ gồm toàn - những người thuộc giai cấp hạ lưu (ICo1Cr 1:26-
28; Cong Cv 18:8). Sau đó, sự chống đối về phía người Do Thái càng tăng
thêm (Cong Cv 18:12-17), nên cuối cùng, Phao-lô phải ra đi cùng với A-qui-
la và Bê-rít-sin mà ông để lại Ê-phê-sô trên đường trở về An-ti-ốt (Cong Cv
18:18-22). Trong thời gian đó, có lẽ Phao-lô đã viết một thư cho người Cô-
rinh-tô rồi nhưng đã bị thất lạc, trong đó, ông cảnh cáo họ về tính cách
nghiêm trọng của tội tà dâm trong Hội Thánh (xem ICo1Cr 5:9,10). Ngay
sau khi Phao-lô rời An-ti-ốt để thực hiện vòng lưu hành truyền giáo thứ ba
(Cong Cv 18:23), có một người Do Thái ở Alexandria tên A-bô-lô đến Ê-
phê-sô, và sau khi được A-qui-la và Bê-rít-sin chỉ bảo thêm, đã đến Cô-rinh-
tô để giúp đỡ cho Hội Thánh tại đó (Cong Cv 18:24-28 so sánh ICo1Cr 3:6).
Trong khi đó, Phao-lô trở lại Ê-phê-sô và ở lại hai năm (Cong Cv 19:1-10).
Tại đây, ông nhận được một thư từ Cô-rinh-tô gởi đến để xin ý kiến về một
số vấn đề (ICo1Cr 7:1), có lẽ do A-bô-lô làm nảy sinh (ICo1Cr 16:12), và
nhà Cơ-lô-ê cũng đem đến cho ông các tin tức về những bất hòa và tội ác
trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô (ICo1Cr 1:11; 5:1; 11:18). Tuy ông đã phái
Ti-mô-thê sang Cô-rinh-tô bằng con đường đi qua xứ Ma-xê-đoan (Cong Cv
19:22; ICo1Cr 4:17; 16:10), ông thấy cần thiết phải viết ngay một bức thư,
và có lẽ đã gởi thư ấy qua tay Tít (IICo 2Cr 2:13; 7:6; 8:6). Bức thư ấy được
biết là viết tại Ê-phê-sô vì có đề cập đến A-qui-la và Bê-rít-sin (16:19) bấy
giờ đang ở tại Ê-phê-sô (Cong Cv 18:19) và nói về cơ hội mà ông gặp tại
thành phố ấy (15:32; 16:8,9). Niên đại của thời gian Phao-lô lưu lại tại Ê-
phê-sô có thể là từ 53-56 SC.
PHÂN TÍCH
ICo1Cr 1:1-9.
Chào thăm và tạ ơn.
ICo1Cr 1:10-4:21.
Việc Phao-lô không tán thành sự chia rẽ trong Hội Thánh vì họ không biết
sự khôn ngoan thật là gì, và mối liên hệ giữa các lãnh tụ Cơ Đốc giáo với
nhau và với Hội Thánh (so sánh 11:17-19; 12:14-31; 16:14).
ICo1Cr 5:1-6:20.
Đòi hỏi toàn thể Hội Thánh phải có ý kiến phê phán kiến hiệu một thuộc
viên trắng trợn phạm tội tà dâm.
ICo1Cr 7:1-40.
Trả lời các câu hỏi của họ về hôn nhân.
ICo1Cr 8:1-11:1.
Sự tư do của Cơ Đốc nhân và việc phải tự chế trong vấn đề ăn thịt đã cúng
cho hình tượng. Gương của chính Phao-lô là không thỏa hiệp với hình tượng
(so sánh 4:1-5).
ICo1Cr 11:2-34.
Thứ tự trong các hội chúng Cơ Đốc nhân (so sánh 14:27-36).
ICo1Cr 12:1-14:40.
Địa vị của các ân tứ thuộc linh và giá trị tối cao của tình yêu thương.
ICo1Cr 15:1-58.
Sự sống lại của người chết.
ICo1Cr 16:1-24.
Những lời khuyên quyên trợ cho Giê-ru-sa-lem, các kế hoạch cho tương lai
(so sánh 4:18-21; 11:34), lời từ biệt.
NỘI DUNG
Trong một thành phố quốc tế lớn với nhiều dị biệt về bối cảnh và cá tính như
Cô-rinh-tô, sự hiệp một thuộc linh của Hội Thánh nhất định phải bị đe dọa
(so sánh Cong Cv 18:12). Hội Thánh bị chia nhiều phe phái (1:11,12), trong
đó, phe gây rắc rối nhiều nhất tự xưng (với chẳng có bao nhiêu lý do chính
đáng) họ ở dưới quyền lãnh đạo của A-bô-lô là người có học thức (1:12; 3:4-
6; 4:6 so sánh Cong Cv 14:24-28). Nhóm này theo một cách thức tương tự
như số người theo tà giáo Trí Huệ Phái về sau, tự xưng họ có thông hiểu sâu
sắc hơn về chân lý (1:19-2:5; 3:18-23; 4:6-10,18,19; 5:2; 8:1-3,10,11; 12:8;
14:2,20,37), lợi dụng điều họ cho là tri thức cao hơn đó để sống buông thả
về xác thịt (3:1,16,17; 5:1-13; 6:1-20) và chống lại uy quyền của vị sứ đồ
(4:1-5,18,19; 9:3; 11:16; 14:37; 15:12; 16:22). Điều quan trọng là nên chú ý
các nền tảng trên đó Phao-lô khẳng định uy quyền của chính ông với tư cách
người đã thành lập Hội Thánh tại Cô-rinh-tô (2:16; 3:10; 4:14-21; 5:3-5;
11:1,2,16,34; 14:18,37; 15:1-3). Ta có thể nhìn xuyên suốt tình hình và
những khó khăn của Hội Thánh nguyên thuỷ nhờ những câu đề cập việc cử
hành Tiệc Thánh (11:17-34) và các cơ nguy của việc các Cơ Đốc nhân đòi
được sống phóng túng bằng cách so bì với nếp sống vô đạo, dâm loạn của
người Cô-rinh-tô (6:12-20; 11:2-16). Nhưng bên cạnh các chi tiết đặc biệt có
tính lịch sử đó, Phao-lô đã giải quyết những vấn đề địa phương bằng cách
ứng dụng các nguyên tắc thuộc linh cơ bản, cũng có thể ứng dụng cho cả
chúng ta ngày nay nữa, và gồm nhiều khúc sách có tầm quan trọng lớn lao
về phương diện giáo lý.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU.
1. Nghiên cứu các nguyên tắc theo đó sự tự do của Cơ Đốc nhân cần phải
kết hợp với mối quan tâm về sự yếu đuối của lương tâm người khác (so sánh
ICo1Cr 8:1-10:33 với RoRm 14:1-40).
2. Thư tín này vạch rất rõ mối liên hệ đích thực giữa các tôi tớ Chúa với
những người họ đang sống giữa đó để phục vụ (ICo1Cr 3:5-11; 4:1-16; 12:1-
14:40. Các nguyên tắc ấy có thể được hiểu và đem ứng dụng cho Hội Thánh
ngày nay trong phạm vi nào?
3. Tìm các biến cố trong đời sống Đấng Christ minh họa cho quan niệm về
tình yêu theo Cơ Đốc giáo được nêu lên trong 13:1-13.
4. Những điểm nào trong 15:1-11 đã được các sách Phúc Âm xác nhận trong
phần ký thuật về sự sống lại, và ngoài ra, còn có những điểm nào đã được
thêm vào? Đối chiếu bố cục đó của Phúc Âm với các 1:1-3:23, và với bài
giảng của Phao-lô trong Cong Cv 13:16-41 và 17:22-31. Sự sống lại phải
đóng vai trò nào trong việc truyền bá Phúc Âm ngày nay?
THƯ CÔ-RINH-TÔ THỨ HAI
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Thư thứ hai gửi cho người Cô-rinh-tô đã được lưu hành chậm hơn bức thư
thứ nhất, và dường như đến cuối thế kỷ thứ nhất, Clement ở La Mã vẫn chưa
biết đến nó. Rất có thể là chẳng bao lâu sau đó, nó đã được Polycarp
(khoảng 115) sử dụng, được Marcion (khoảng 140) tiếp nhận, được đưa vào
tập tài liệu Muratorian Canon (khoảng 170) và được Irenaeus trích dẫn, xem
như của Phao-lô (khoảng 180). Tính cách chân thật của toàn thể bức thư này
đã được phần nội chứng hỗ trợ mạnh mẽ. Không có kẻ giả mạo nào lại có
thể ngụy tạo hay bày đặt ra được mối liên hệ thân thiết giữa Phao-lô với
người Cô-rinh-tô, hay nhấn mạnh được bằng cách diễn tả tình yêu thương và
sự lo sợ riêng tư trong bức thư này. Có một số người gợi ý rằng khúc sách từ
IICo 2Cr 6:14-7:1 giới thiệu một chủ đề hoàn toàn mới và cắt đứt sự liên tục
của tư tưởng giữa 6:13 và 7:2 vốn là một mảnh rời bị xếp sai chỗ của bức
thư đã được đề cập trong ICo1Cr 5:9. Nhưng chỗ gián đoạn đó có thể là do
sự gián đoạn trong tư tưởng của Phao-lô. Sự nhất trí tuyệt đối trong cổ bản
không cho phép có thể có chuyện đặt xen gì vào đó sau này, và các luận cứ
đặt cơ sở trên sự khác nhau về ngữ vựng vẫn có thể đem áp dụng cho những
đoạn mà tính cách chân thật vốn không hề bị nghi ngờ gì cả. Nghi vấn cho
rằng các IICo 2Cr 10:1-13:14 tiêu biểu cho một bức thư 'nghiêm khắc' hơn
trước đó, vốn cũng thiếu chứng cứ hiển nhiên của tất cả các cổ bản. Không
có lý do gì để phần tác động đã được mô tả trong 2:3,4; và 7:8-12 lại không
phải là kết quả của các phần trong ICô-rinh-tô (nhất là các 3:1-6:18), và
IICô-rinh-tô các 10-13 lại không đề cập lời đòi hỏi phải trừng phạt kẻ phạm
tội (so sánh IICo 2Cr 2:5-11).
Sau khi viết ICô-rinh-tô, Phao-lô còn ở lại Ê-phê-sô một thời gian cho đến
khi cuộc nổi loạn về vụ nữ thần Đi-anh khiến ông phải rời khỏi đó (Cong Cv
19:22-41; 20:1). Không rõ ông có thăm lại Cô-rinh-tô lần nào nữa trước khi
ông viết thư tín thứ hai hay không, như IICo 2Cr 12:14 và 13:1,2 đã gợi ý;
và khi làm như vậy, chính cá nhân ông đã bị sỉ nhục (2:5-11; 7:12; 11:20).
Việc ông giải thích tại sao ông phải hoãn lại, không đến thăm họ sớm hơn
trong 1:17-2:4 có thể cho thấy rằng 12:14 và 13:1,2 chỉ ám chỉ một ý định
không thành mà thôi. Khi đến Trô-ách (2:12,13) ông đã gặp nhiều rắc rối, có
lẽ do hậu quả của bức thư trước đó, khiến ông phải sang Ma-xê-đoan, nơi
ông gặp Tít với những tin vui về kết quả của bức thư ông đã viết về trước
(7:5-16). Sau khi thăm viếng nhiều Hội Thánh trong xứ Ma-xê-đoan (8:1;
9:2), dường như Ti-mô-thê đã đến với ông (1:1) tại Phi-líp có lẽ là nơi viết
bức thư này. Chẳng bao lâu sau đó, ông sang Cô-rinh-tô (Cong Cv 20:2,3 so
sánh IICo 2Cr 9:4; 10:2,11; 12:14,20,21; 13:1,2), là lúc bức thư cho người
La Mã được viết (so sánh RoRm 16:1,2,21,23).
PHÂN TÍCH
IICo 2Cr 1:1-11.
Chào thăm và cảm tạ.
IICo 2Cr 1:12-2:11.
Giải thích việc ông chậm trễ chưa đến thăm họ được, và tha thứ cho kẻ đã
xúc phạm đến ông.
IICo 2Cr 2:12-4:6.
Tuyên bố về sự thanh liêm của ông trong chức vụ người phục vụ giao ước
mới.
IICo 2Cr 4:7-6:10.
Nhược điểm và tính cách thất thường của thân thể; sự bù trừ cho nỗi thống
khổ của Phao-lô.
IICo 2Cr 6:11-7:16.
Ông được an ủi vì họ đã đáp ứng lại bức thư của ông, và khẩn thiết xin họ xa
lánh điều ác (so sánh ICo1Cr 10:14-22).
IICo 2Cr 8:1-9:15.
Kêu gọi họ quyên trợ cho Giê-ru-sa-lem theo gương người Ma-xê-đoan.
IICo 2Cr 10:1-12:13.
Uy quyền của ông không đặt cơ sở trên tài năng thuộc thể, nhưng trên tình
yêu thương trìu mến của ông đối với họ và trên những thống khổ nhân danh
Đấng Christ.
IICo 2Cr 12:14-13.
Lời tuyên bố về tình yêu thương trìu mến cuối cùng, lời cảnh cáo chống tà
giáo và lời từ biệt.
NỘI DUNG
Hơn bất cứ thư tín nào khác, bức thư này cho chúng ta một cái nhìn xuyên
suốt tận đáy lòng trước giả. Chúng ta cảm thấy được niềm an ủi phi thường
của ông khi người Cô-rinh-tô đã đáp ứng thuận lợi đối với bức thư trước là
thư ông đã viết để khiển trách họ (IICo 2Cr 2:3-14; 7:4-16 so sánh ICo1Cr
5:1-8), và chúng ta có thể nhìn tận nơi sâu thẳm của lòng ông để thấy rõ tình
yêu thương của ông đối với Hội Thánh (IICo 2Cr 1:6; 15-2:4,10; 4:5,15;
6:11-13; 7:2-4; 11:1,2,7-11; 12:11-20; 13:9,10) cùng với niềm tin cậy nơi họ
đã được phục hồi trong ông (1:7,14,15; 2:3; 3:2-4; 7:4,16; 8:24; 9:2-4). Tuy
nhiên, cơ nguy chia rẽ và bội đạo tại Cô-rinh-tô vẫn chưa qua hẳn (IICo 2Cr
11:3; 12:20,21; 13:5-7,11). Có một số thành viên đã chống lại uy quyền của
vị sứ đồ, tố cáo ông là điên dại (IICo 2Cr 1:17-20) và lạm dụng số tiền
quyên trợ cho Giê-ru-sa-lem (8:20,21; 9:8-12; 12:13-18 so sánh ICo1Cr 9:1-
17). Họ còn lôi cả các khuyết tật về phương diện thể xác của ông ra nữa
(IICo 2Cr 10:1,3,10; 11:6,29,30; 12:5-10; 13:3,4). Những người ấy có một
số chứng cớ nào đó (3:1; 5:12; 10:12,17,18;), nhấn mạnh trên việc tuân giữ
một số nghi thức bề ngoài (5:12;10:7; 11:18), xuyên tạc Phúc Âm (2:17;
11:4) và tìm cách 'tròng ách nô lệ' lên đầu Hội Thánh. Họ có những đặc
điểm tương tự số người về phe với người Do Thái tại Ga-la-ti (GaGl 1:6-9;
4:1-5:1; 6:13) gợi ý rằng phe đảng tại Cô-rinh-tô tự xưng họ 'thuộc về Đấng
Christ' có lẽ là nhóm người chỉ nhận Chúa Giê-xu là Đấng Mết-si-a của dân
Do Thái mà thôi (ICo1Cr 1:12,13 so sánh IICo 2Cr 3:1-18; 10:7; 11:13-15;
22,23). Để chống lại sự giả mạo đó, Phao-lô tái xác nhận các nền tảng cho
thẩm quyền sứ đồ của ông, kết hợp những lời diễn tả lòng yêu thương trìu
mến của ông và những lời chống đối mạnh mẽ với tư cách người lãnh đạo
thuộc linh (1:12-14,24; 3:1-3,6,12; 4:1-6; 5:11-13; 20-6:10; 7:2-4; 8:8-10,23;
10:8-18; 11:5;(16-12:13 ???Xem trang 364 dòng 20) 13:10). Trong vấn đề
này dường như ông đã thành công, vì bốn mươi năm sau, Clement ở La Mã
đã có thể nói về sự thuần chánh của Hội Thánh Cô-rinh-tô trong sự thông
biết, trong sự tự do mà không bị sai lạc, và trong đời sống không chỗ trách
được của các phụ nữ.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Nghiên cứu tất cả các câu đề cập sự chết của Đấng Christ, và căn cứ vào
đó để suy diễn ra lời giáo huấn của Phao-lô liên hệ đến sự chuộc tội. Xem
đặc biệt IICo 2Cr 5:14-21.
2. Căn cứ vào những câu đề cập các nhược điểm về thể xác và những nỗi
đau đớn mà Phao-lô phải cam chịu để phác thảo một triết học Cơ Đốc về sự
đau khổ và vai trò của nó trong kế hoạch của Đức Chúa Trời (so sánh 1:3-
11; 3:4,5; 4:5-5:10; 6:4-10; 7:5,6; 11:16-12:10; 13:3-10).
3. Trong hai chương 8,9 có những bài học nào về quản lý trong Cơ Đốc
giáo? (so sánh ICo1Cr 16:1-24).
4. Người tín hữu phải có thái độ như thế nào đối với các Cơ Đốc nhân bạn
đang sai lệch về giáo lý hay trong việc hành đạo?
THƯ GA-LA-TI
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Không có học giả nào thắc mắc lắm về tác quyền của Phao-lô đối với Ga-la-
ti. Nó cũng không bị cắt xén ra thành nhiều phần nhiều đoạn nhỏ như số
phận của nhiều quyển khác trong Kinh Thánh. Sự nhất trí liên hệ đến trước
giả và tính cách thống nhất của quyển sách không do ngoại chứng vì thư này
đã rất ít được các giáo phụ nguyên thuỷ trích dẫn. Nhưng nó do đặc tính của
chính bức thư, đã thấm nhuần các cảm xúc riêng hết sức tha thiết khiến nó
không thể là tác phẩm của kẻ giả mạo hay của một tác giả nào khác được.
Vấn đề thư Ga-la-ti nêu lên cũng thuộc về một giai đoạn rất sớm trong lịch
sử Hội Thánh.
Bức thư được gởi cho các Hội Thánh trong xứ Ga-la-ti, nên các độc giả đã
được mô tả là người Ga-la-ti. Vào thế kỷ thứ nhất SC, 'Ga-la-ti' có thể hiểu
khác nhau. Về phương diện nhân chủng, thì Ga-la-ti là khu vực trung tâm
của Tiểu Á Châu (gần trọn vẹn là khu vực Ankara ngày nay) từ thế kỷ thứ ba
TC đã bị các chi phái Gallic chiếm ngụ, đó là các sắc dân từ trung tâm Âu
Châu xâm nhập. Năm 25 TC, người La Mã sát nhập vương quốc Ga-la-ti
vào đế quốc của họ, và lập ra tỉnh Ga-la-ti, còn có nhiều khu vực rộng lớn ở
phía Nam chưa hề có các chi phái Gallic định cư, tuy vài vùng bị đặt dưới
quyền đô hộ của họ. Trong các khu vực mới thêm vào đó, thì các thành phố
chính là An-ti-ốt xứ Bi-si-đi, Y-cô-ni và Lít-trơ. Cho nên vấn đề cần giải
quyết là chẳng hay Phao-lô đã viết thư này cho các Hội Thánh của chính xứ
Ga-la-ti hay cho các Hội Thánh ở phía Nam.
Căn cứ vào sách Công Vụ Các Sứ Đồ, chúng ta biết Phao-lô từng đến viếng
miền Nam xứ Ga-la-ti trong vòng lưu hành truyền giáo thứ nhất của ông
năm 47 SC (Cong Cv 13:1-52). Căn cứ vào việc Lu-ca thích dùng các danh
từ nhân chủng, cũng như dựa vào phương diện văn phạm, thì rất có thể là
trong Công Vụ Các Sứ Đồ chương 6:1-15, đã có các phần ký thuật cuộc
thăm viếng của vị sứ đồ ở miền Bắc xứ Ga-li-lê; và trước đây, người ta nghĩ
rằng Phao-lô đã viết bức thư này cho các Hội Thánh thuộc khu vực đó trong
chuyến du hành truyền giáo thứ ba, có lẽ vào khoảng thời gian ông viết bức
thư cho người La Mã, như thế là sau Giáo Hội Nghị trong Cong Cv 15:1-41.
Tuy nhiên có ý kiến chống lại niên đại này, là sự kiện chính trong Giáo Hội
Nghị ấy đã được giải quyết xong rồi; đó là vấn đề từng gây rắc rối cho Hội
Thánh Ga-la-ti, tức là việc làm phép cắt bì cho các Cơ Đốc nhân người
ngoại bang, nhưng trong thư này không thấy Phao-lô đề cập gì đến Giáo Hội
Nghị ấy hay biểu quyết của Giáo Hội Nghị là điều sẽ hậu thuẫn hết sức vững
vàng cho lập trường của ông, mà chính ông cũng phải thông báo cho số độc
giả của ông ở đây (Cong Cv 16:4) để giải quyết vấn đề ấy cho một lần dứt
khoát. Vậy, chúng ta phải suy diễn rằng bức thư này vốn được viết trước khi
các điều khoản đã biểu quyết được công bố. Nếu vậy, chắc thư này phải
được gởi cho miền Nam xứ Ga-la-ti, như các phần ký thuật trong sách Công
Vụ Các Sứ Đồ đã cho thấy không có cuộc thăm viếng nào đến miền Bắc cho
đến khi Giáo Hội Nghị đã kết thúc, và số người nhận thư phải là những
người ở trong các Hội Thánh Phao-lô đã thiết lập trong vòng lưu hành
truyền giáo đầu tiên. Theo quan điểm này, và rất có thể đây là quan điểm
đúng, thì thư Ga-la-ti là thư tín đã được viết sớm nhất của Phao-lô (Xem lại
bố cục đời sống của Phao-lô ở phía trước).
Cơ hội thúc đẩy Phao-lô phải viết bức thư rất sống động này là cuộc tấn
công của một số Cơ Đốc nhân còn nặng đầu óc Do Thái giáo vào Phúc Âm,
để gởi cho các Hội Thánh trong xứ Ga-la-ti. Các giáo sư giả kia dạy rằng
Phúc Âm theo như cách Phao-lô giảng mới chỉ là bước đầu tiên của sinh
hoạt Cơ Đốc mà thôi, rằng những người đã theo đạo như thế cần phải bước
sâu hơn nữa để được hưởng phước trọn vẹn hơn nhờ tuân giữ luật pháp Môi-
se (GaGl 3:3). Các luận cứ của giáo sư giả ấy cũng có một số đặc điểm. Họ
có thể chỉ về Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, nơi các Cơ Đốc nhân thuần thành
vẫn tuân thủ luật pháp Môi-se (Cong Cv 21:20). Họ tố cáo Phao-lô là tiền
hậu bất nhất, vì chính ông tuân giữ luật pháp, nhưng lại không đòi hỏi số
người ông đã cải giáo cho phải tuân giữ. Điểm họ muốn tấn công là muốn
bài xích uy quyền của Phao-lô, bảo rằng ông giảng một Phúc Âm khác với
Phúc Âm của Mười Hai Sứ Đồ, rằng ông không có quyền làm như vậy, vì uy
quyền của ông vốn từ các vị ấy mà có. Các khẳng định như thế rõ ràng là đã
thành công trong việc dẫn dắt một số đông người được Phao-lô đưa về với
Chúa tại Ga-la-ti đi sai lạc. Tình hình quả là nghiêm trọng. Vì chuyện xảy ra
ở Ga-la-ti cũng có thể xảy ra cho bất cứ một Hội Thánh nào khác đã do vị sứ
đồ thiết lập. Cho nên ông phải tức tốc gửi thư này đi.
PHÂN TÍCH
GaGl 1:1-2:21.
Phao-lô bênh vực chức vụ sứ đồ của ông bằng cách nêu ra lịch sử và từng
trải của chính ông.
GaGl 3:1-5:1.
Phao-lô chứng minh chân lý của Phúc Âm mà ông truyền giảng bằng cách
vạch rõ rằng đức tin cao trọng hơn luật pháp.
GaGl 5:2-6:10.
Phần trình bày về Phúc Âm và ứng dụng nó vào thực tế.
GaGl 6:11-18.
Phần kết luận bằng tiểu sử do chính trước giả viết.
NỘI DUNG
Phao-lô tuyên bố rằng chính Chúa đã trực tiếp sai phái ông đi truyền giảng
Phúc Âm, chứ không qua trung gian của Mười Hai Sứ Đồ. Để chứng minh,
ông cho thấy mình rất ít có liên hệ với các sứ đồ, hơn nữa, trong bất cứ lần
tiếp xúc nào giữa ông với các vị ấy tại Giê-ru-sa-lem và An-ti-ốt, Phúc Âm
của ông vẫn được tán thưởng. Ông và các sứ đồ vốn đồng ý với nhau về
Phúc Âm, theo đó một người công chính là do Đấng Christ, chứ không nhờ
luật pháp. Chính Đức Thánh Linh đã xác chứng điều này và đó là kết quả
của Phúc Âm, chứ không phải của luật pháp. Trong cách Đức Chúa Trời đối
xử với Áp-ra-ham cũng cho thấy Phúc Âm là lời hứa của Đức Chúa Trời ban
cho người có đức tin, lại có trước và cao trọng hơn luật pháp. Phao-lô tiếp
tục bênh vực cho chính nghĩa của ông bằng cách trình bày ra, bằng cách nêu
lên lời kêu gọi của cá nhân ông, và bằng một luận cứ tỉ mỉ (GaGl 4:21-5:1)
được viết bằng bút pháp của pháp lý Do Thái giáo, nhằm chống lại những kẻ
'muốn ở dưới luật pháp'. Luận cứ này thật dứt khoát: 'Kinh Thánh dạy gì?
Hãy đuổi con đòi và con trai nó đi đi'. Thế là những kẻ bênh vực cho luật
pháp đã bị bẽ mặt. Phúc Âm là đức tin tác động qua tình yêu thương. Toàn
thể luật pháp đã được giữ trọn bằng một chữ duy nhất: Hãy yêu người lân
cận như chính mình. Vậy, hễ khi nào có cơ hội, chúng ta hãy làm điều thiện
cho mọi người, mà nhất là cho những người vốn ở trong cùng một gia đình
của đức tin (đạo).
'Làm thế nào để một người được Đức Chúa Trời kể là ngay thẳng, công
chính?'. Vấn đề muôn thuở đó cũng là vấn đề của Phao-lô và người đồng
thời của ông. Vị sứ đồ thừa nhận rằng nếu một người giữ được trọn vẹn luật
pháp của Đức Chúa Trời, thì người ấy sẽ là ngay thẳng, công chính trước
mặt Đức Chúa Trời (GaGl 3:12,21). Nhưng cứ theo kinh nghiệm riêng và
theo Kinh Thánh thì loài người không thể nào làm được việc đó (GaGl
2:16). Chỉ một sơ sẩy nhỏ cũng đủ khiến cho sự ngay thẳng công chính của
một người bị tổn thương thảm hại (so sánh Gia Gc 2:10). Tuy nhiên, qua
Phúc Âm, Phao-lô biết được rằng bởi đức tin nơi Đức Chúa Giê-xu Christ,
một người có thể nhìn được thấy là ngay thẳng, công chính trước mặt Đức
Chúa Trời (GaGl 2:16; Cong Cv 13:39) không phải là nhờ chính việc làm
ngay thẳng công chính của người ấy, nhưng là nhờ đức công chính của Đức
Chúa Giê-xu Christ (Phi Pl 3:9). Nhờ hiệp làm một với Đấng Christ bởi đức
tin, Cơ Đốc nhân được tham dự đức công chính của Đấng Christ, và được
thừa hưởng lời hứa của Đức Thánh Linh.
Giá trị nội tại của thư tín này là phần nó trình bày bản chất của Cơ Đốc giáo.
Nó vạch rõ chiếc hố sâu giữa luật pháp chủ nghĩa và đạo giáo của Thánh
Linh. Tôn giáo theo luật pháp chủ nghĩa hấp dẫn và dễ hiểu đối với con
người tự nhiên, vì nó không đòi hỏi người ta phải được tái sanh. Nhưng nó
lại là kẻ thù tế vi và dai dẳng của đức tin chân chính của Cơ Đốc giáo. Để
chống lại nó, Phao-lô khẳng định rằng sự tái sanh là nền tảng của Cơ Đốc
giáo (GaGl 6:15) và tình yêu thương là biểu lộ thực tế của tấm lòng đã được
biến đổi đó (GaGl 5:6). Hơn nữa, sự sống mới đó không phải được đưa vào,
được vui hưởng nhờ người ta làm các công việc luật pháp đề ra, nhưng là
nhờ đặt trọn đức tin vào Đấng Christ hằng sống, mà như Phao-lô nói 'là
Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi' (GaGl 2:20). Trong thư
tín này, Hội Thánh Đấng Christ có thể luôn luôn đọc đi đọc lại để học biết
điều mà Martin Luther đã khám phá dứt khoát, tức là: 'người công bình sẽ
sống bởi đức tin' (GaGl 3:11).
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Phao-lô đã tuyên bố gì về bản thân ông và lịch sử quá khứ của ông? Tại
sao ông lại đưa ra các chi tiết ấy?
2. Phúc Âm Phao-lô truyền giảng là gì? Sưu tập và tóm tắt cẩn thận phần
chứng cứ hiển nhiên của thư tín này.
3. Phao-lô đã đưa ra các luận cứ nào để chứng minh rằng người ta chỉ có thể
được phước là nhờ đức tin vào Đấng Christ, chớ không phải là nhờ các việc
làm theo luật pháp?
4. Chúng ta có thể học hỏi được từ thư tín này những điều gì liên hệ đến:
a) Phương pháp nhận được Đức Thánh Linh.
b) Các kết quả do sự ban tặng đó của Đức Chúa Trời?
THƯ Ê-PHÊ-SÔ
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Ngoại chứng đã khẳng định Phao-lô viết bức thư này. Có lẽ đây là thư tín đã
được các tác giả thời Hội Thánh nguyên thuỷ trích dẫn nhiều nhất. Nó được
đề cập trong bảng liệt kê của Marcion, trong tài liệu gọi là Muratorion
Canon, và bởi Irenaeus.
Trong thời gian gần đây, có một số học giả đặt vấn đề tác quyền của Phao-
lô, dùng nội chứng làm luận cứ, nhưng các luận cứ ấy chủ quan và không
thuyết phục được ai, nên không đủ để bài bác tất cả những gì đã được phía
đối lập nêu ra.
Hơn nữa, sự giống nhau giữa sách Cô-lô-se và Ê-phê-sô đã khiến một số
người đi đến kết luận rằng quyển này đã bắt chước quyển kia, và đều không
phải là của Phao-lô; nhưng họ lại không nhất trí với nhau về quyển nào là
nguyên bản. Sự thật dường như cả hai đều chân thực, được soạn thảo đồng
thời và đều được Ti-chi-cơ mang đi (Eph Ep 6:21,22; CoCl 4:7-9).
Sự thiếu vắng những lời chào thăm riêng cho một Hội Thánh mà Phao-lô
từng lưu lại hơn hai năm, và sự kiện có một số cổ bản không có mấy chữ 'ở
Ê-phê-sô' trong Eph Ep 1:1 đã đưa đến giả thuyết rằng thư tín này nhằm vào
các Hội Thánh vùng A-si cũng như Hội Thánh tại Ê-phê-sô, cho nên trong
một số các bản cổ sao khác, đã có một khoảng chừa trống để các tên khác có
thể điền vào. Lightfoot gợi ý rằng bức thư được CoCl 4:16 đề cập là 'bức thư
ở Lao-đi-xê gởi đến' mà người Cô-lô-se cũng cần phải đọc, có lẽ là một bản
sao của thư tín này.
Ê-phê-sô nối liền với biển bằng một thuỷ đạo trong nội địa, và rất nổi tiếng
với hí viện và đền thờ Đi-anh (Cong Cv 19:27; ICo1Cr 15:32). Nó là thủ phủ
của tỉnh A-si và là trung tâm hành chánh của đế quốc La Mã. Đó là một
thành phố đông dân, giàu có và rất đặc sắc. Phao-lô đã thành lập được một
Hội Thánh tại đó. Thư tín này có lẽ được viết tại La Mã, trong thời gian
Phao-lô bị cầm tù tại đây, khoảng năm 61 hay 62 SC, nhân dịp Ê-pháp-ra
đem các tin tức của Hội Thánh Cô-lô-se đến. Điểm hậu thuẫn cho chi tiết
này là ở chỗ, Phao-lô có tự nói về mình là 'kẻ tù' (Eph Ep 3:1; 4:1); và như
sách Công Vụ Các Sứ Đồ đã kết thúc khi ông bị cầm tù tại La mã. Ông đã có
thể thuê nhà trọ riêng và được chút ít tự do để dạy dỗ và truyền giảng (Cong
Cv 28:30; Eph Ep 6:19,20 và CoCl 4:3,4); nơi thích hợp nhất cho người nhà
của Sê-sa cũng là La Mã (Phi Pl 4:22). Một tên nô lệ bỏ trốn, nhất là trốn
chủ mình (Phil Plm 1:18)rất có thể cũng đến trốn tại La Mã hơn là một nơi
nào khác. Việc Phao-lô mong sớm được trả tự do (Phi Pl 2:23,24; Phil Plm
1:22) không thể có được ở Sê-sa-rê, vì tại đó, ông đã khiếu nại để được đến
La Mã, và chắc phải sau một thời gian lâu mới có thể được tha. Bút pháp và
chủ đề chứng tỏ đã có sự phát triển nơi tư tưởng Phao-lô, chỉ rõ có một thời
gian khá dài đã trôi qua sau khi ông đã viết các thư tín trước đó. Câu
'tôi...làm sứ giả' (Eph Ep 6:20) có thể gợi ý về việc ông đã có mặt tại thủ đô
của đế quốc La Mã.
PHÂN TÍCH
Eph Ep 1:1,2.
Chào thăm.
Eph Ep 1:3-14.
Một bài ca tán tụng mở rộng. Chủ đích của Đức Chúa Trời trong Đấng
Christ.
Eph Ep 1:15-3:21.
Một bài cầu nguyện mở rộng với nhiều lời dẫn giải.
Eph Ep 1:15-2:10.
Quyền năng của Đức Chúa Trời hiển hiện trong việc khiến Đấng Christ sống
lại.
Eph Ep 2:11-22.
Địa vị của người ngoại bang, trước là người ngoài, bây giờ qua trung gian
Đấng Christ, được hiệp làm một với dân Do Thái với tư cách đồng là công
dân trong nhà Đức Chúa Trời.
Eph Ep 3:1-13.
Huyền nhiệm của Phúc Âm, và vai trò của Phao-lô trong việc truyền giảng.
Eph Ep 3:14-21.
Bài cầu nguyện kết thúc và lời chúc tụng.
Eph Ep 4:1-6:20.
Lời khuyên dựa trên giáo lý đã trình bày.
Eph Ep 4:1-16.
Tính cách thống nhất trong sự dị biệt của Hội Thánh với tư cách là thân thể
của Đấng Christ.
Eph Ep 4:17-24.
Tương phản giữa sự sống cũ với sự sống mới.
Eph Ep 4:25-5:5.
Lối sống mới.
Eph Ep 5:6-21.
Tương phản giữa tối và sáng.
Eph Ep 5:22-6:9.
Các bổn phận của Cơ Đốc nhân trong gia đình.
Eph Ep 6:10-20.
Lời kêu gọi mặc lấy binh giáp của Đức Chúa Trời và sống như các chiến sĩ
của Đấng Christ.
Eph Ep 6:21-24.
Lời kết luận.
NỘI DUNG
Thư này chứa đựng một số trong những tư tưởng cao siêu hơn hết, có lời
khuyến giục sùng tín, lời khuyên cáo trìu mến,, giáo lý sâu nhiệm, bút pháp
linh hoạt sôi nổi từng thấy trong Tân Ước. Thư Ê-phê-sô đầy dẫy các luận
chứng giáo lý, rất chặt chẽ về cá tính cùng sự cao trọng, vĩ đại của Đấng
Christ và Hội Thánh Ngài. Phần thứ nhất (Eph Ep 1:1-3:14;) là một bài cầu
nguyện có tính cách nâng đỡ và cho nhiều vấn đề. Phần thứ hai ( 4:1-6:18) là
một lời khuyến giục liên hệ đến nếp sống Cơ Đốc nhân.
Chủ đích đời đời của tình yêu thương Đức Chúa Trời là cứu chuộc loài
người qua trung gian Đấng Christ, là Đầu duy nhất của toàn thể tạo vật được
cứu chuộc. Nhờ hiệp một với Đấng Christ, các tín hữu được Đức Thánh
Linh ấn chứng, là của tin về vinh hiển tương lai. Trong Đấng Christ, người
ngoại bang vốn xa cách được đưa lại gần. Chân lý quan trọng đó đã được
phó thác cho Phao-lô, ông đã được đặc biệt sai phái để công bố 'sự mầu
nhiệm' đó cho người ngoại bang; cho nên người ngoại bang vốn là mối bận
tâm chính đối với ông, và ông cầu nguyện cho họ. Ông không còn dành lại
chỗ nào cho cái tôi (bản ngã ích kỷ) của ông cả, và tất cả vinh quang đều
thuộc về Đức Chúa Trời, qua Đấng Christ.
Đặc quyền lớn làm chi thể trong Đấng Christ và được thông công với các
thánh đồ, phải được bày tỏ trong hành vi và cuộc sống. Người ngoại bang
cần phải nhớ rằng họ là các thành phần của cùng một Chúa, với một đức tin
và một phép báp-tem duy nhất, một Đức Chúa Trời là Cha của mọi người, là
Đấng cầm quyền tể trị, đang hành động và ngự trị bên trong và xuyên qua tất
cả. Mỗi Cơ Đốc nhân đều có ân tứ riêng để hành xử làm ích lợi cho toàn
thân. Trong các thư tín trước, dường như Phao-lô nghĩ trước hết đến Hội
Thánh ở nhiều địa phương khác nhau, mỗi Hội Thánh đều độc lập đối với
các Hội Thánh khác. Nhưng ở đây đã nảy sinh tư tưởng về một Hội Thánh
duy nhất, vô hình, thuộc linh và một sự thông công bao trùm tất cả, gồm
thâu toàn thể các tín hữu trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Hội Thánh là
thân thể và Đấng Christ là Đầu, Hội Thánh là tân nương của Đấng Christ, là
đối tượng của tình yêu thương đặc biệt của Ngài, mà nếu không có, thì chính
Ngài cũng chưa được trọn vẹn.
Trong đoạn sách bàn về vấn đề thực tiễn, Phao-lô tố giác các thói hư tật xấu
xưa cũ của người ngoại bang và vạch ra rằng phải tìm cầu bản tính mới
giống Đấng Christ. Cần phải vun trồng các mỹ đức Cơ Đốc. Họ phải bước đi
trong ánh sáng,lợi dụng đời sống ngắn ngủi này cách khôn ngoan và tiết độ,
đầy lòng biết ơn và khiêm hạ. Họ phải quan tâm đến gia đình; người nô lệ
phải phục vụ như là phục vụ Đấng Christ, người làm chủ phải nhớ rằng
mình cũng còn một chủ khác (4:17-6:9).
Kẻ thù là linh, và 'toàn bộ binh giáp của Đức Chúa Trời' là tuyệt đối cần
thiết cho cuộc chiến đấu. Họ phải cầu nguyện không ngừng nghỉ, nhất là hãy
nhớ đến Phao-lô; Ti-chi-cơ sẽ tường trình cho họ về tình trạng của ông. Một
câu chúc phước giã biệt được đính kèm cho 'hết thảy những kẻ lấy lòng yêu
thương chẳng phai mà kính mến Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta'.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Đức Chúa Trời 'đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi
thứ phước thiêng liêng' (Eph Ep 1:3). Làm thế nào thư tín này đã chứng
minh điều đó là thật? Hãy lập một bảng liệt kê các phước hạnh.
2. Thư Ê-phê-sô hậu thuẫn cho niềm tin của chúng ta vào Ba Ngôi Đức
Chúa Trời như thế nào?
3. Chủ đích đời đời của Đức Chúa Trời đã được biểu hiện trong Đấng Christ.
Thư Ê-phê-sô đã khẳng định điều đó bằng những phương cách nào?
4. Làm thế nào để Cơ Đốc nhân có thể thiết lập được tình huynh đệ hòa bình
thế giới?
5. Hãy viết ra tất cả những gì bạn khám phá được về nguồn gốc, phương
pháp thành lập, các thành viên, sự kêu gọi và số phận tối hậu của Hội Thánh.
THƯ PHI-LÍP
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Tính cách chân thực của thư tín này không bị nghi ngờ và chắc chắn đây là
một thư tín của Phao-lô. Giọng điệu trong thư hết sức chân thành, nội dung
cũng không hàm chứa một động cơ nào khiến người ta phải giả mạo. Phần
ngoại chứng khá vững chắc. Clement ở La Mã (90 SC) đã biết thư tín này,
và Ignatius (110 SC) có trích dẫn. Vì có một chỗ, giọng văn bỗng đột ngột
thay đổi, nên có người tự hỏi không biết đoạn đầu ở 3:2 có phải một phần
của một thư tín khác của Phao-lô hay không. Nhưng người ta lại không nhất
trí với nhau, là đoạn văn giả sử được thêm vào đó chấm dứt ở đâu. Cho nên,
điều hợp lý nhất là nên xem thư tín như đã có là một đơn vị thống nhất. Phần
bắt đầu tươi sáng và phần tố giác đột ngột xuất hiện ở Phi Pl 3:2 tốt nhất là
nên xem như thình lình ông hồi tưởng lại trường hợp người Do- thái chống
đối ông trước kia.
Thành phố Phi-líp ở phía Đông xứ Ma-xê-đoan, nằm cách biển tám dặm
(khoảng 13km) xéo bên quan lộ đi từ Bosphoyus đến biển Á-để-á trên
đường đến La Mã. Nó được Augustus lập làm thuộc địa của La Mã để kỷ
niệm một chiến thắng ở gần đó và nhiều cựu chiến binh đã được đưa đến
định cư ở đấy. Cũng như phần đông những kẻ đi chiếm thuộc địa, họ tự hào
về mối liên hệ của mình với thành phố 'mẫu quốc' đó. Các dấu vết ấy được
thấy rõ trong Cong Cv 16:21 và Phi Pl 3:20. Phao-lô đi đến Phi-líp lần thứ
nhất sau giấc chiêm bao của ông tại Trô-ách. Số người được ông đưa về với
Chúa gồm có cả Ly-đi ở Thi-a-ti-rơ, và người đề lao (Cong Cv 16:9-40).
Ông đã trở lại thăm thành phố ấy nhiều lần sau đó (Cong Cv 20:1,6; Phi Pl
2:24; ITi1Tm 1:3) và luôn luôn nhắc đến Hội Thánh Phi-líp với một tình
cảm yêu thương trìu mến.
Thư tín này được viết trong ngục (Phi Pl 1:7). Căn cứ vào sách Công Vụ Các
Sứ Đồ, chúng ta biết Phao-lô từng bị cầm tù tại Sê-sa-rê và La Mã, cộng
thêm đêm ông bị giam trong nhà ngục tại Phi-líp. Clement ở La Mã bảo rằng
Phao-lô đã bị cầm tù nhiều lần; và chính ông khi viết thư vào khoảng năm
55 SC, đã kể với người Cô-rinh-tô rằng ông từng là 'tù rạc nhiều hơn' (IICo
2Cr 11:23), khi lần duy nhất ông bị cầm tù trước đó là tại Phi-líp. Vậy, ít
nhất Phao-lô cũng từng bị cầm tù nhiều hơn một lần theo như Lu-ca đã ghi
lại trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ, và gần đây, có người gợi ý rằng ông đã
bị giam một lần như thế trong thời gian hai hay ba năm lưu tại Ê-phê-sô. Các
câu Kinh Thánh để đối chiếu là ICo1Cr 15:30-32; IICo 2Cr 1:8,9; 6:9; Cong
Cv 20:19 và chúng được một số ngoại chứng xác nhận.
Vậy thì thư Phi-líp đã được viết tại đâu? Không phải tại Sê-sa-rê, vì Phao-lô
đang trông mong mình sắp được trả tự do (Phi Pl 2:24), nhưng tại Sê-sa-rê,
ông biết mình sắp phải đi La Mã. Những lần thăm qua lại giữa Phao-lô và
người Phi-líp như được đề cập trong thư này (2:19,25; 4:14-18) được coi là
hậu thuẫn cho ý kiến chủ trương Ê-phê-sô là địa điểm gốc gần với Phi-líp
hơn là La Mã. Mặt khác, sự đi lại vừa an toàn, dễ dàng, tiện lợi và chắc chắn
trong đế quốc La Mã. Cho nên rất có thể và nói chung thì chủ trương truyền
thống rằng La Mã là nơi Phao-lô đã viết thư này thì tự nhiên và hợp lý nhất,
nhất là căn cứ vào những câu đề cập 'chốn công đường' (1:13) và 'người nhà
Sê-sa' (4:22) rất có thể ám chỉ La Mã hơn bất luận nơi nào khác.
PHÂN TÍCH
Phi Pl 1:1,2.
Chào thăm.
Phi Pl 1:3-11.
Cảm tạ và cầu nguyện cho người Phi-líp.
Phi Pl 1:12-26.
Kể lại tình hình của Phao-lô.
Phi Pl 1:27-2:16.
Những lời khuyên giục thực tiễn phải sống xứng đáng là Cơ Đốc nhân và
nhận thức được nhờ bị sỉ nhục mà mọi người hiệp một với nhau, noi gương
Đấng Christ.
Phi Pl 2:17-30.
Những cuộc di chuyển mà Phao-lô và các bạn ông, Ti-mô-thê và Ê-pháp-ra,
mong đợi.
Phi Pl 3:1.
Kêu gọi hãy vui mừng trong Chúa.
Phi Pl 3:2-4:1.
Cảnh cáo chống lại các kẻ thù ngăn trở tiến bộ thuộc linh, được khai triển
thành bản tuyên ngôn về mục đích của đời sống Phao-lô. Kêu gọi hãy đứng
vững trong Chúa.
Phi Pl 4:2-9.
Những lời khuyên bảo khác về sự hiệp một, vui mừng, cầu nguyện v.v...
Phi Pl 4:10-20.
Đề cập các tặng phẩm của người Phi-líp và lời cám ơn.
Phi Pl 4:21-23.
Từ giã.
NỘI DUNG
Phao-lô đã quyết định sai Ê-pháp-ra trở về Phi-líp (Phi Pl 2:25-30) nên ông
viết thư này nhờ ông ta đem về cho người Phi-líp để (1) Cám ơn họ về các
tặng phẩm (4:10-19); (2) cho họ biết tin tức của ông (1:12-26; 2:17-24); (3)
Khích lệ họ hãy tìm nơi Đấng Christ niềm vui và sự bình an liên tục của tâm
hồn (2:14,18,28; 3:1; 4:4-7); (4) Khuyến giục họ hãy hiệp một với nhau - bỏ
đi óc bè phái, muốn tìm cầu hư vinh cần mặc lấy sự khiêm hạ với tinh thần
phục vụ quên mình (1:27-30; 2:1-5; 4:2,3); (5) Cảnh cáo họ phải chống lại
một số rất nhiều kẻ thù thuộc linh, như sự công bình riêng, sự tự mãn và tư
lợi cá nhân (3:2-21).
Đây là bức thư đầy dẫy lời lẽ lưu luyến và vui mừng nhất trong các thư tín
của Phao-lô. Nó vẽ ra một bức tranh sống động về lòng tin cậy không gì lay
chuyển nổi và thái độ lạc quan vui vẻ đặc biệt của vị đại sứ đồ. Thư nhấn
mạnh niềm vui, sự bình an và hy vọng mà các Cơ Đốc nhân được trông đợi
là phải có trong mọi hoàn cảnh. Sứ điệp nổi bật là nhu cầu phải có sự đoàn
kết giữa các Cơ Đốc nhân, sự hiệp một phải đạt được bằng thái độ khiêm hạ
và tình yêu thương noi gương Đức Chúa Giê-xu.
Ở đây, người ta được thấy chính con người của Phao-lô. Khi ông tán thưởng
sự thành công của các nhà truyền đạo Cơ Đốc khác, ông không hề tỏ ra ghen
tị; ông không hề sợ sệt khi đối diện với cái chết, mà chỉ vui mừng về những
gì mình đã được nếm biết trước; ông không hề hối tiếc khi duyệt xét lại cuộc
đời mình, nhớ lại các ưu điểm mà mọi người đều ao ước, nhưng chính ông
đã liều bỏ, hầu nắm lấy Đấng Christ và được chính Ngài. Trong những lời
Phao-lô tạ ơn người Phi-líp về sự hào hiệp của họ, chúng ta được thấy các
tình cảm thiết tha, trìu mến, giữa ông và các bạn bè tại Phi-líp của ông.
Chúng ta cũng nhận thấy sự quân bình tế nhị giữa việc ông tiếp nhận các
tặng phẩm của họ, với việc ông khẳng định hy vọng của mình vào Đấng
Christ trong mọi sự.
Thư tín này có chứa đựng hai khúc sách quan trọng về giáo lý, cả hai đều
được đưa vào có phần bất ngờ để minh họa cho các chủ đề thực tiễn hơn.
Trong 2:5-11 là một phần của lời khuyên phải khiêm hạ, Phao-lô đã đề cập
Đấng Christ vốn có từ trước vô cùng và có thần tánh trọn vẹn, sự khiêm hạ
của Ngài trong việc nhập thể và chịu chết, và kết quả là Ngài đã được tôn
cao và được quyền Chúa tể. Trong 3:7-14, khi mô tả sự mãn nguyện ông đã
tìm được và vẫn còn tìm cầu với Đấng Christ, thánh Phao-lô tuyên bố rõ
ràng rằng nguyên tắc của sự cứu rỗi không phải là sự công bình riêng nhờ
công việc người ta đã làm, nhưng là một ân ban của Đức Chúa Trời, một quà
tặng không, cho tất cả những ai đặt đức tin của mình 'trong Đấng Christ'.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Sưu tập về lời dạy dỗ trong thư tín này về (1) Sự cầu nguyện; (2) Sự thỏa
lòng và vui mừng; (3) Sự hiệp một.
2. Cơ Đốc nhân phải có cao vọng gì cho chính mình? Hãy lập một bảng liệt
kê (1) Những điều phải ham muốn, (2) Những điều phải xa lánh - trong đời
sống làm thành viên của một tập đoàn Cơ Đốc.
3. Ghi ra chi tiết thế nào mối liên hệ của một tín hữu với Chúa phải làm thay
đổi (1) Chính điều kiện sinh sống của người ấy, (2) Thái độ của người ấy đối
với hoàn cảnh, (3) Mối liên hệ giữa người ấy với tha nhân.
4. (1) Ti-mô-thê và (2) Ê-pháp-ra đã có các đức tính nào có thể nêu gương
cho các Cơ Đốc nhân?
THƯ CÔ-LÔ-SE
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Giới học giả hiện đại ngày càng có khuynh hướng khẳng định truyền thống
cho Phao-lô là trước giả sách này. Chủ trương này đã được các tác giả Cơ
Đốc buổi đầu chứng thực, kể cả Irenaeus, Clement ở Alexandria, và
Tertullian. Sự tương đồng giữa hai thư Cô-lô-se và Ê-phê-sô rất dễ giải thích
nếu chính Phao-lô đồng thời viết cả hai bức thư ấy - và có thể đó là điều
chắc chắn.
Tính chân thực của Thư gởi cho Phi-lê-môn được xem là điều bảo đảm cho
tính cách chân thực của Thư gởi cho người Cô-lô-se, nhất là vì Ô-nê-sim đã
được gởi gắm trong cả hai bức thư CoCl 4:9; Phil Plm 1:16) - một chi tiết
chẳng liên hệ gì đến vấn đề tại Cô-lô-se và sẽ trở thành lạc lõng trong thư
này, trừ phi nó được chính Phao-lô viết vào lúc Ô-nê-sim trở về Cô-lô-se.
Lẽ tự nhiên là ngữ vựng và bút pháp của thư này có khác với các bức thư
khác của Phao-lô, bởi vì ông đang thảo luận về một số vấn đề hoàn toàn mới
mẻ và việc ông dùng nhiều từ ngữ mới trong thư tín này mà ông chưa dùng
ở đâu khác, có thể có nghĩa rằng ông đã dùng chính lời lẽ của Ê-pháp-ra khi
ông này mô tả những chuyện rắc rối tại Cô-lô-se.
Cô-lô-se, Lao-đi-xê và Hi-ê-ra-bô-li đều nằm trên bờ sông Lycus, xứ Phi-ri-
gi, cách Ê-phê-sô chừng một trăm dặm (160 km) trên con đường trong đất
liền. Dân chúng phần đông là dân bản xứ Phi-ri-gi, nói chung là mê tín dị
đoan và cuồng tín; có một số khách thương Hi-lạp, có tài biện luận như tất
cả những người Hi-lạp khác (so sánh Cong Cv 17:21) và nhiều phần tử Do
Thái vốn có ảnh hưởng mạnh mẽ trên dân chúng. Phao-lô chưa hề đến thăm
các thành phố này (CoCl 2:1), nhưng dường như họ đã tiếp nhận Phúc Âm
qua Ê-pháp-ra (CoCl 4:12,13) là người Cô-lô-se; giờ đây, ông đến với Phao-
lô tại La Mã để tường trình cả về sự tiến bộ cũng như các cơ nguy mà các
Hội Thánh Cơ Đốc trong thung lũng Lycus đang đối diện.
Kết luận là các thư tín Ê-phê-sô, Cô-lô-se và Phi-lê-môn đều được Phao-lô
từ La Mã gởi đi do cùng một sứ giả vào cùng một niên đại đã được ấn định
là khoảng năm 62 SC. Ê-pháp-ra đã tường trình cho Phao-lô về một thứ tà
giáo đặc biệt vừa khởi phát tại Cô-lô-se mà rõ ràng là ông không đủ sức đối
phó, nên phải đi hỏi ý kiến của vị sứ đồ. Phao-lô đã quyết định tự tay mình
viết thư cho người Cô-lô-se. Vì chính Ê-pháp-ra cũng bị cầm tù tại La Mã,
nên Phao-lô phải gởi bức thư cho người Cô-lô-se qua tay Ti-chi-cơ, với một
người cùng đi là Ô-nê-sim, một nô lệ bỏ chủ trốn nhưng nay đã ăn năn theo
đạo và bây giờ thì trở về với chủ mình là Phi-lê-môn tại Cô-lô-se CoCl 4:7-
9; Phil Plm 1:23).
PHÂN TÍCH
CoCl 1:1,2.
Chào thăm.
CoCl 1:3-14.
Cảm tạ và cầu nguyện cho người Cô-lô-se.
CoCl 1:15-2:3.
Sự khôn ngoan thật là hoàn toàn ở trong Đấng Christ. Thân vị của Ngài;
kinh nghiệm của họ; chức dịch của vị sứ đồ.
CoCl 2:4-3:4.
Cảnh cáo chống lại sự khôn ngoan giả.
CoCl 3:5-4:6.
Những lời khuyên dạy thực tiễn.
CoCl 4:7-18.
Các việc riêng tư, chào thăm v.v...
NỘI DUNG
Phao-lô nhân danh chính mình và Ti-mô-thê, chào thăm Hội Thánh ở Cô-lô-
se. Ông vui mừng vì được tường trình về sự vững vàng trong đức tin, hy
vọng và tình yêu thương của họ. Ông tỏ lời khen ngợi Ê-pháp-ra đã tỏ ra
xứng đáng khi đại diện cho họ. Niềm vui các thư tín ông đem đến thúc đẩy
Phao-lô cầu nguyện để họ được thông biết rõ ràng tri thức thuộc linh càng
hơn (CoCl 1:1-12).
Nhằm đối đầu với tà giáo, Phao-lô giải luận một cách tích cực chân lý về
Đấng Christ. Đấng Christ là người đại diện hữu hình của Đức Chúa Trời vô
hình; Ngài đã sáng tạo mọi sự; Ngài là Đầu Hội Thánh. Đức Chúa Trời đã
chọn để phục hòa mọi sự với Ngài, qua trung gian Đấng Christ (CoCl 1:13-
20).
Chính người Cô-lô-se đã kinh nghiệm sự phục hòa ấy; đó là phần nền tảng
vững chắc mà họ phải bám chặt lấy. Người phục vụ Đấng Christ cũng phải
tìm thấy niềm vui giữa những khốn khổ, đứng vững trong sứ mạng và từng
trải về 'Đấng Christ ở trong anh em, là sự trông cậy về sự vinh hiển' (CoCl
1:20-29).
Tiếp theo đó là phần diễn tả mối bận tâm sâu xa đối với các Hội Thánh trong
thung lũng Lycus (CoCl 2:1). Có những số giáo sư khéo nói muốn dẫn họ đi
sai lạc, họ phải nhớ rằng mình đã tin nhận Đấng Christ, và hành động trong
mối liên hiệp sống động với Ngài. Đấng Christ là sự đầy dẫy của Đức Chúa
Trời; trong Ngài, họ trở nên toàn vẹn; phép báp-tem chính là phép cắt bì của
họ. Chỗ Đấng Christ đã chiến thắng mọi điều ác là thập tự giá; trong Ngài,
họ đã được ban cho sự sống. Họ không còn phải tuân thủ các nghi thức của
Do Thái giáo, cũng không cần đến trung gian của các thiên sứ nữa; chỉ tuân
giữ luật pháp theo bề ngoài thì không thể thắng được tội lỗi và bản ngã; họ
phải vượt lên trên điều đó. Đấng Christ là mọi sự và trong mọi sự; trong
Ngài không có chia rẽ, không có giáo phái, không có bè đảng (CoCl 2:1-23
và 3:1-11).
Thư tín này chuyển từ lời quở trách đối với tà giáo, sang việc mô tả đời sống
một Cơ Đốc nhân chân chính. Một đời sống mới kết hợp với Đấng Christ
bao gồm việc từ bỏ mọi thứ tội lỗi và mặc lấy sự thánh khiết; phải rèn luyện
cho mình mọi đức hạnh giống như Đấng Christ. Phải làm tất cả vì sự vinh
hiển của Đức Chúa Trời và nhân danh Đấng Christ (CoCl 3:12-17).
Có phần khuyên bảo thực tiễn đối với người làm chồng, làm vợ, làm con,
làm chủ và nô lệ. Ông muốn họ cầu nguyện để ông lại được hoàn toàn tự do
truyền giảng Phúc Âm. Họ được dặn dò trao thư này cho tín hữu tại Lao-đi-
xê cùng đọc, ngược lại, họ phải đọc bức 'thơ ở Lao-đi-xê gởi đến' nữa (CoCl
3:18-4:18). Bức thư ấy hoặc đã bị thất lạc, hoặc chính là thư Ê-phê-sô của
chúng ta hiện nay (xem phần về thư Ê-phê-sô).
Tà giáo tại Cô-lô-se
Các cơ nguy đích thực mà Phao-lô cảnh cáo người Cô-lô-se và giáo thuyết
của các giáo sư giả, có thể thâu thập ngay trong thư tín này. Tà giáo này
nhấn mạnh phải tuân thủ nghiêm nhặt các luật lệ của Do Thái giáo (CoCl
2:16-20); pha lẫn vào đó còn có một 'triết lý' - một danh từ thời thượng lúc
đó (CoCl 2:8) - và việc thờ lạy các thiên sứ (CoCl 2:18). Cũng có việc khắc
khổ ép xác (CoCl 2:23) nữa. Tất cả mọi việc đó đã được truyền dạy như là
một 'huyền nhiệm' cho những người mới theo đạo, và được giấu kín (CoCl
2:20). Mọi thể lệ như thế vốn thuộc về tà giáo được biết dưới cái tên Trí Huệ
Phái (Gnosticism) rất thịnh hành vào cuối thế kỷ thứ nhất, nên không có gì
để nghi ngờ rằng các ý niệm tương tự cũng đã lan tràn ngay trước giai đoạn
ấy. Nó kết hợp với các yếu tố tôn giáo bình dân của vùng Tiểu Á Châu, kể
cả việc thờ lạy Cybele và các nghi thức ma thuật, với một số khái niệm về
công cuộc sáng tạo trời đất phổ cập giữa vòng người Do Thái, và với các ý
niệm rút ra từ triết học Hi-lạp.
Phao-lô đã chống lại những dạy dỗ ấy bằng cách khẳng định rằng (1) Phúc
Âm là sự khôn ngoan thật (CoCl 2:2-4); (2) Đấng Christ là Đấng Trung Bảo
duy nhất và hội đủ mọi điều kiện (CoCl 1:15-20); (3) Các việc làm khắc khổ
để ép xác là sai lầm và vô dụng (CoCl 2:20-23); (4) Phương thuốc thích ứng
là một đời sống mới 'trong Đấng Christ' (CoCl 3:1-5); (5) Phúc Âm này là
dành cho mọi người chứ không phải cho một 'huyền nhiệm' chỉ dành riêng
cho một số ít người chọn lọc mà thôi (CoCl 1:26-28, 3:11).
Cơ Đốc giáo
Giá trị nội tại của thư tín này được tìm thấy trong phần dạy dỗ về con người
và công tác của Đấng Christ. Lời dạy dỗ này được chứng minh là đã trả lời
đầy đủ cho các vấn đề mà tà giáo tại Cô-lô-se đã nêu lên. Đấng Christ là
Đấng Trung Bảo tuyệt đối và duy nhất giữa Đức Chúa Trời và toàn cõi thọ
tạo. Về một phương diện về phía Đức Chúa Trời, Ngài chính là 'Đức Chúa
Trời', hình ảnh của Đức Chúa Trời vô hình, có đầy đủ mọi sự của Ba Ngôi
Đức Chúa Trời (CoCl 1:15,19; 2:9). Mặt khác, về phía loài người, trong mối
liên hệ với cõi thọ tạo tự nhiên, Ngài là Chúa tể cả vũ trụ. Mọi sự đều thuộc
về Ngài, bởi Ngài mà có, và để dành cho Ngài. Ấy là 'trong Ngài' mà chúng
hiện hữu; 'trong Ngài' mà chúng tiếp tục được kết hợp lại với nhau; 'trong
Ngài' chúng sẽ đạt đến điểm tận cùng (1:15-17). Hơn nữa, về phương diện
sáng tạo thuộc linh, Ngài là Đầu của Hội Thánh. Nhờ dòng huyết Ngài đã đổ
ra trên thập tự giá mà mọi sự được phục hòa với Đức Chúa Trời. Hội Thánh
bắt nguồn từ Ngài, được gây dựng và khiến nên thành toàn. Mỗi một chi thể
trong thân thể đều có mối liên hệ trực tiếp và sống động với Đấng vốn là
Đầu. Ngài nối kết mọi chi thể lại với nhau và với Đức Chúa Trời (1:18-22,
2:13-15,19). Vậy, Ngài đứng hàng đầu trong mọi sự (1:18).
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Bản chất của sự dạy dỗ sai lầm tại Cô-lô-se là gì, Phao-lô đã bài bác như
thế nào? Ngày nay, có những tà giáo tương tự như vậy không?
2. Theo ý bạn, vấn đề nào là quan trọng nhất: Hệ thống của một giáo thuyết
hay sự bộc lộ thực tiễn của đức tin người ta? Hai điều đó liên hệ với nhau
như thế nào?
3. Sưu tập và hệ thống hóa thật cẩn thận mọi bằng chứng mà thư tín này đưa
ra liên hệ đến con người và công tác của Đấng Christ.
4. Tại sao Phao-lô cho rằng một Cơ Đốc nhân bận tâm với việc tuân giữ
phần nghi thức bề ngoài là đang lui bước?
THƯ TÊ-SA-LÔ-NI-CA THỨ NHẤT
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Ngoại chứng hậu thuẫn cho tác quyền của Phao-lô rất mạnh mẽ. Thư tín này
được liệt vào bảng liệt kê của Marcion và phần còn sót lại của tài liệu gọi là
Muratorian Canon. Irenaeus trích dẫn đích danh thư tín này. Nội chứng cũng
có sức thuyết phục như vậy. Nếu không thật thì không tài nào cắt nghĩa được
những câu nhắn gởi riêng. Những chỗ nói khác với sách Công Vụ Các Sứ
Đồ cho thấy hai sách do hai trước giả khác nhau, nhưng không có nền tảng
nào để nghi ngờ tính cách chân thực của thư tín này. Căn cứ vào đó như
chứng cứ hiển nhiên hàng đầu, chúng ta có thể biết được một số điều về
Phao-lô là người như thế nào, và ông đã viết các loại thư từ nào.
Thư tín này được viết tại Cô-rinh-tô, rất có thể là vào năm 51 SC (Cong Cv
18:1-28). Sau khi được phóng thích, Phao-lô cùng Si-la rời Phi-líp để đến
Tê-sa-lô-ni-ca (Salonika ngày nay), một trung tâm thương mại và là thủ phủ
của một trong bốn vùng lớn của xứ Ma-xê-đoan. Phao-lô giảng suốt ba ngày
Sa-bát liên tiếp trong nhà hội Do Thái (xem nội dung các bài giảng trong
Cong Cv 17:2-4). Ta có thể căn cứ vào ITe1Tx 1:9 và 2:4 để suy luận rằng
ông đã tạm trú giữa vòng người ngoại bang, vì có một số người ngoại bang
rất đông đã gia nhập vào Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca. Đám người Do thái
không chiụ tiếp nhận lời ông truyền giảng đã xui giục thiên hạ chống lại, và
Phao-lô bị bắt buộc phải lìa khỏi thành phố. Sau khi dừng lại tại Bê-rê và
đến thăm A-thên, ông ở lại Cô-rinh-tô mười tám tháng. Ông sai Ti-mô-thê
đến Tê-sa-lô-ni-ca để lấy tin tức của Hội Thánh, và chính lời phúc trình của
Ti-mô-thê tại Cô-rinh-tô cho ông đã đưa đến việc ông viết thư tín này.
Rất có thể Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca gồm phần đông là người ngoại bang.
Đây là thành phố bị khuynh hướng thờ lạy hình tượng và lối sống vô luân,
dâm loạn chi phối. Số người Do Thái không chịu tin Chúa, vì ghen tị với
thành công của Phao-lô, và lợi dụng việc ông rời thành phố và không trở lại
để bảo rằng đó là dấu hiệu ông chẳng quan tâm gì đến Hội Thánh cả. Họ
tuyên bố rằng Phúc Âm của ông chỉ là ảo tưởng, và nhấn mạnh rằng ông đã
giảng đạo chỉ vì lợi lộc cá nhân. Chắc Ti-mô-thê đã phúc trình rằng tinh thần
của các tín hữu tại Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca đang dao động vì họ đang trông
đợi sự tái lâm gần kề của Đấng Christ và nỗi lo sợ rằng số Cơ Đốc nhân đã
qua đời sẽ chẳng được dự phần gì vào sự vinh hiển hầu đến khi Chúa tái lâm
(Parousia). Dường như các cấp lãnh đạo Hội Thánh cũng được tôn trọng, và
một số người ngoại bang mới tin đạo đã không chịu dứt khoát từ bỏ nếp
sống tà dâm. Khi đọc sách này, chúng ta phải nhớ rằng đây là một bức thư
mà một nhà truyền giáo đã viết cho Hội Thánh hãy còn ấu trĩ.
PHÂN TÍCH
ITe1Tx 1:1-10.
Chào thăm. Cảm tạ Chúa vì họ đã ăn năn tin Chúa và về cách ăn nết ở của
họ.
ITe1Tx 2:1-12.
Bênh vực cách truyền giảng và cách sinh sống của ông.
ITe1Tx 2:13-20.
Những lời cảm tạ khác; ám chỉ việc bị người Do Thái chống đối.
ITe1Tx 3:1-13.
Bản phúc trình của Ti-mô-thê. Phao-lô hy vọng sẽ trở lại thăm họ.
ITe1Tx 4:1-12.
Khuyên phải sống thánh khiết, yêu thương nhau như anh em và yên lặng làm
việc.
ITe1Tx 4:13-18.
Sự tái lâm của Đấng Christ để tập họp các thánh đồ của Ngài.
ITe1Tx 5:1-11.
Nhu cầu phải thức canh và tiết độ.
ITe1Tx 5:12-28.
Những lời khuyên giục và chào thăm.
NỘI DUNG
Ba chương đầu của thư tín này đầy những câu đề cập chuyện riêng tư; hai
chương sau cùng thiên về giáo lý nhiều hơn. Phao-lô bắt đầu nhắc lại cho
độc giả bức thông điệp (bài giảng trước đó) của ông, bản tính chức vụ của
ông, và nhắc lại tình yêu thương và đức tin của họ. Lòng yêu thương trìu
mến sâu xa của ông đối với Hội Thánh đã tuôn trào ra, thành lời cầu nguyện
cảm tạ thiết tha. Hai chương ITe1Tx 4:1-18 và ITe1Tx 5:1-27 được dành ra
để trả lời một số vấn đề mà bản phúc trình của Ti-mô-thê đã nêu lên. Phao-lô
nhắc lại nhiều yếu tố khác nhau trong lời dạy dỗ của ông (4:1,2, 5:2) và
thêm lời giải thích. Ông đề cập nhược điểm của sinh hoạt trong Hội Thánh,
và đưa ra một số lời khuyên tổng quát. Mọi sự được kết thúc bằng việc ông
phó thác cho Đức Chúa Trời và nhắc lại tình yêu thương của ông đối với họ.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Đọc Cong Cv 17:1-9 để thấy thế nào phần ký thuật ấy đã giúp chúng ta
hiểu thêm thư tín này.
2. Trích từ các ITe1Tx 1:1-3:13 những gì liên hệ đến cá tính của Phao-lô,
nhà truyền giáo và là mục sư.
3. Khảo sát các nhược điểm bộc lộ trong Hội Thánh của hai sách Tê-sa-lô-
ni-ca, và Phao-lô đã cầu nguyện cho họ như thế nào?
4. Viết ra chi tiết, thế nào Cơ Đốc nhân có thể bộc lộ cách thực tiễn đức tin,
tình yêu thương và hy vọng của mình.
5. Thư tín này dạy chúng ta điều gì về (1) tính cách chắc chắn và cách thức
Đấng Christ sẽ tái lâm; và (2) thế nào niềm hy vọng ấy ảnh hưởng đến đời
sống của Cơ Đốc nhân? So sánh với ICo1Cr 15:1-58.
THƯ TÊ-SA-LÔ-NI-CA THỨ HAI
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Ngoại chứng cho tính cách chân thật của thư II Tê-sa-lô-ni-ca còn mạnh mẽ
hơn cả I Tê-sa-lô-ni-ca nữa. Thêm vào việc sách này từng được Marcion đề
cập, việc sách ấy vốn có trong phần còn lại của tập tài liệu gọi là Muratorian
Canon, việc được Irenaeus trích dẫn, dường như còn được Polycarp,
Ignatius, và Justin biết đến nữa. Sau năm 200 SC sách ấy đều được mọi
người thừa nhận. Một số học giả hiện đại nhận thấy có chỗ khó giải thích ở
phần nội dung. Chẳng hạn như họ xem phần dạy dỗ về thế mạt luận là không
thống nhất với thư tín thứ nhất. Những chỗ khác nhau do điểm người ta nhấn
mạnh; ở đây, Phao-lô muốn sửa lại chỗ người ta đã hiểu lầm điều ông đã viết
trong I Tê-sa-lô-ni-ca bằng cách vạch ra nhiều góc cạnh khác nhằm bổ túc,
chứ không phải nói trái lại với những gì ông đã nói trước. Sự thiếu sót và tự
tạo ra khó khăn của những nhà phê bình như thế được chứng minh bằng sự
kiện có người đã nêu lên những tương đồng, trong khi người khác lại nêu lên
những điểm dị biệt giữa hai thư tín để viện lý do nghi ngờ tác quyền của
Phao-lô trên IITê-sa-lô-ni-ca. Cũng đã không có lý do thỏa đáng nào cho
việc gợi ý là đã có việc soạn thảo một bức thư giả mạo. Do đó, các học giả
có uy tín nhất đều chịu thuyết phục đối với tính cách chân thực của cả hai
thư tín này. Bức thư thứ hai gởi cho người Tê-sa-lô-ni-ca đã được viết từ
Cô-rinh-tô rất có thể chỉ một hay hai tháng sau thư tín thứ nhất. Hoàn cảnh
thúc đẩy Phao-lô viết các thư tín ấy dường như giống nhau.
PHÂN TÍCH
IITe 2Tx 1:1-12.
Chào thăm; sự vững vàng của họ trong khi bị bách hại và hy vọng về phần
thưởng khi Chúa tái lâm.
IITe 2Tx 2:1-12.
Sự tái lâm của Đấng Christ và sự hiện ra của kẻ bất pháp.
IITe 2Tx 2:13-3:5.
Hy vọng và cầu nguyện.
IITe 2Tx 3:6-18.
Các mạng lịnh về việc làm và sửa phạt. Kết luận
NỘI DUNG
Giữa vòng các Cơ Đốc nhân tại Tê-sa-lô-ni-ca đã có hiểu lầm nghiêm trọng
liên hệ đến sự tái lâm của Đấng Christ. Vì họ tưởng rằng biến cố ấy gần kề,
nên một số người đã bị xúc động mạnh đến nỗi bỏ bê công việc để chỉ ở
dưng, và chờ đợi anh em cung phụng cho mình. Nhiều kẻ khác cũng sợ e
mình cũng đã bị bỏ lại vì Chúa đã tái lâm rồi nên đâm ra hoảng sợ khi nghe
có người khẳng định như vậy. Hậu quả là sinh hoạt của các Cơ Đốc nhân
bỗng trở thành hỗn loạn. Họ đang có khuynh hướng oán trách chính nghĩa
của Đấng Christ. Cho nên Phao-lô viết thư cho họ để giải thích rõ hơn chân
lý về thì giờ Chúa sẽ tái lâm, và để khiến trách những kẻ vô tâm, chỉ biết ăn
không ngồi rồi. Ông cũng lợi dụng để khích lệ những người đang bị bách hại
do việc họ trông chờ sự phán xét công bằng và phần thưởng chân chính khi
Chúa tái lâm.
Sự tái lâm của Christ
Đề tài này là chủ đề nổi bật của hai thư tín Tê-sa-lô-ni-ca. Phao-lô luôn luôn
nghĩ đến niềm hy vọng quan trọng đó khi ông đưa ra những lời vừa kêu gọi
vừa cảnh cáo. Cho nên, rõ ràng đây là một phần quan trọng của Phúc Âm
nguyên thuỷ. Cụ thể là nó đưa ra một lời giới thiệu thích hợp về Phúc Âm
cứu rỗi đối với tâm trí người ngoại bang. Cuộc xung đột triệt để giữa hai đế
quốc của Đấng Christ và của Sê-sa bấy giờ đã trở thành rõ rệt, và đó chỉ là
để diễn tả về một trận chiến tranh sâu sắc hơn giữa Đức Chúa Trời và Sa-tan
- một trận chiến tranh đang nhìn nhận trong II Tê-sa-lô-ni-ca là sẽ đưa đến
việc xuất hiện đầy đủ nhất quyền lực của Sa-tan, tức là Kẻ bất pháp hay
Anti-Christ, và việc hắn sẽ bị hoàn toàn lật đổ và bị phán xét khi quyền năng
của Đức Chúa Trời được hiển lộ lần cuối cùng lúc Chúa Giê-xu sẽ tái lâm,
hay sẽ từ chối hiện đến.
Để mô tả sự kết thúc tận cùng đó, Phao-lô đã tự do tận dụng lối nói bóng
như Chúa chúng ta đã dùng trong các bài diễn giảng trong thế mạt luận, một
lối nói rất thông dụng giữa vòng dân Do Thái (so sánh Mat Mt 24:4,24,30,31
với ITe1Tx 4:16,17 và IITe 2Tx 2:3,9,11). Loại ngôn ngữ ấy một phần có
tính cách bí mật, chỉ những người nhận thư hiểu mà thôi; có một số điều liên
quan đến những biến cố đương thời chỉ có nghĩa đối với họ, mà chúng ta
không tài nào hiểu thật đầy đủ. Tuy vậy, vẫn có thể học được một số điều
trong các nguyên tắc lớn về mục tiêu thiên thượng.
Muốn có một quan điểm cân bằng về sự tái lâm, phải cẩn thận đối chiếu lời
dạy dỗ của hai chương sách này với Mat Mt 24:11-51; ICo1Cr 15:1-58, và
KhKh 1:1-20; 19:1-21; 20:1-15. Không có việc gì xảy ra ở ngoài thời gian
dành cho nó. Kẻ ác sẽ bị phơi bày trong một cuộc phản loạn cố ý hay bị sa
ngã (Hy văn, apostasia). Cuối cùng, quyền tể trị của Đức Chúa Trời sẽ được
thể hiện trong việc lật đổ kẻ ác đã bị phơi bày đó bằng sự tái lâm của Đấng
Christ, và trong việc thâu góp về cho Ngài số người đã được tuyển chọn
cách quang vinh. Cho nên, với chúng ta là người còn sống, cũng như với các
Cơ Đốc nhân nguyên thuỷ, cần phải sống theo niềm hy vọng đã được linh
cảm, đồng thời cũng bị ép buộc do sự lo sợ trước viễn tượng đó.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Căn cứ vào I và IITê-sa-lô-ni-ca với Mat Mt 24:1-51 để tự xây dựng lấy
phần giải thích của riêng bạn về các dấu hiệu và biến cố tiếp sau việc Đấng
Christ tái lâm.
2. Phao-lô đã (1) cảm tạ, và (2) cầu nguyện về những điều gì trong IITê-sa-
lô-ni-ca?
3. Chúng ta có thể học hỏi được gì trong sự kêu gọi kiến hiệu, quyền tể trị
sắp xếp thần hựu, và sự thành tín đời đời của Đức Chúa Trời? Những điều
đó phải khiến chúng ta sống khác đi như thế nào?
CÁC GIÁM MỤC THƯ
Ba thư tín họp thành nhóm cuối cùng các văn phẩm của Phao-lô trong Tân
Ước, gồm I và IITi-mô-thê với Tít, được mọi người biết dưới tên Giám Mục
Thư. Sở dĩ chúng được gọi như vậy vì phần lớn các bức thư ấy đề cập công
tác chăn bầy (mục sư) trong Hội Thánh và các nhiệm vụ của người phục vụ
Cơ Đốc. Tên này thích hợp với ITi-mô-thê và Tít hơn là IITi-mô-thê, vì thư
này có tính cách cá nhân nhiều hơn, tuy nó phải được kết hợp bất khả phân
ly với hai thư tín kia.
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Suốt một trăm năm về sau này, tác quyền của Phao-lô trên các thư tín ấy là
đề tài của nhiều tranh luận; một số các nhà phê bình đã đi khá xa đến độ gán
chúng cho một tác giả vô danh vào giữa thế kỷ thứ hai; nhưng điều rất có ý
nghĩa là ngày nay, quan điểm cực đoan ấy đã bị hoàn toàn chối bỏ, và số học
giả còn chưa chịu nhận các thư tín ấy trong hình thức hiện tại là tác phẩm
của Phao-lô, thường thừa nhận rằng chúng là phần đúc kết của một số tư
tưởng của vị sứ đồ ấy, và cả một vài trích đoạn của văn phẩm mà chính ông
đã thực sự viết ra. Về một phương diện, nhiều học giả có uy tín về Tân Ước,
trong khi thừa nhận có những điểm khó giải quyết, vẫn bênh vực mạnh mẽ
cho tác quyền của Phao-lô đối với Giám Mục Thư và vạch rõ nhược điểm
của lập trường phê bình. Phần ngoại chứng cho tính cách chân thực của các
thư tín này rõ ràng là rất vững chắc: 'Đã không có một tí chứng cứ hiển
nhiên nào về phương diện lịch sử đã chống lại các bức thư này. Lời chứng
của Hội Thánh nguyên thuỷ cho địa vị của chúng trong Tân Ước và tác
quyền của Phao-lô hết sức rõ ràng, đầy đủ, chẳng có gì phải phân vân, y như
lời chứng dành cho các thư tín khác'. (G.G.Findlay, The Epistles of Paul,
p.211) Vào thế kỷ thứ hai chúng đã được Ignatius, Polycarp, Irenaeus,
Tertullian, và Clement ở Alexandria trích dẫn hoặc đề cập, toàn thể các vị ấy
đều xem chúng quả thật là văn phẩm của vị sứ đồ.
Thật vậy, việc phản bác hoàn toàn là một vấn đề hiện đại; từ thế kỷ thứ hai
đến thế kỷ thứ mười chín, đã không hề có ai nghi ngờ việc chúng do Phao-lô
viết ra. Nếu các thư tín ấy quả thật là sách giả mạo của thế kỷ thứ hai, thì
chúng ta có thể hỏi tại sao qua các thời đại, đã không hề có một nghệ sĩ có
văn tài nào lại dám nghi ngờ chúng như thế. Đã có những phản bác sau đây
được đưa ra.
1. Tại sao thư tín này không được đề cập trong suốt những đoạn viết về đời
sống của Phao-lô được ký thuật trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ, và rằng các
vòng lưu hành truyền giáo mà vị sứ đồ đó ám chỉ trong các Giám Mục Thư
đều không tương ứng với hành trình trong phần ký thuật của Lu-ca. Điểm
khó khăn này sẽ được giải tỏa nếu ta chấp nhận quan điểm truyền thống rằng
cuộc đời của Phao-lô vẫn chưa chấm dứt sau lần bị cầm tù đầu tiên tại La
Mã (Cong Cv 28:1-31), nhưng ông đã được tha ra và tiếp tục các vòng lưu
hành truyền giáo một thời gian lâu hơn nữa. Nếu quả đúng vậy, và nếu các
thư tín này thuộc về giai đoạn cuối cùng của đời sống ông, thì chúng có giá
trị đặc biệt của làn ánh sáng chiếu rọi trên những năm cuối cùng của vị sứ
đồ.
2. Có người quả quyết rằng ngôn ngữ của Giám Mục Thư không phải là của
Phao-lô; rằng chúng gồm nhiều từ ngữ không thấy có trong các tác phẩm
của ông; và bút pháp cũng khác. Luận cứ này là con dao hai lưỡi, vì chúng ta
có thể quyết đoán rằng nếu có kẻ giả mạo, thì nhất định hắn ta phải cẩn thận
tránh việc làm đó. Các chữ mới có thể được cho là do bút pháp tài hoa của
Phao-lô và do các đề tài mới mẻ mà ông đề cập. Đã không có bức thư nào
ngụ ý về một niên đại muộn màng về sau này, và gần phân nửa trong số đó
đã thấy có trong bộ Bảy Mươi. Những điểm dị biệt tương tự về bút pháp và
ngữ vựng cũng từng được nhận thấy trong các thư tín sớm hơn của Phao-lô.
3. Các vấn nạn khác đã được nêu lên để chống lại việc các Giám Mục Thư
quả thực là của Phao-lô, chẳng hạn các vấn nạn căn cứ trên việc đề cập tà
giáo, giáo lý, tổ chức Hội Thánh, không đưa ra được những điểm đặc biệt
khó khăn, và hoàn toàn hậu thuẫn cho, chớ không phải là chống lại, một niên
đại sớm hơn cho thư tín ấy. Chẳng hạn đã có người bảo rằng quan điểm về
chức dịch như đã được trình bày trong các thư tín là quá tiến bộ, không phù
hợp với thời Phao-lô viết ra chúng, và đòi hỏi một niên đại vào thế kỷ thứ
hai. Nhưng điều trái ngược lại cũng nghiệm thấy là đúng. Các khúc sách
ITi1Tm 3:1-7 và Tit Tt 1:5-9 chứng minh dứt khoát rằng khi các thư tín này
được viết ra, thì các 'giám mục' và 'trưởng lão' chỉ là một và các chức vụ
hoàn toàn như nhau, trong khi sang thế kỷ thứ hai chức vụ ấy đã khác nhau,
như các bức thư của Ignatius (110 SC) đã chứng minh.
Vậy, một khi đã thừa nhận tác quyền của Phao-lô trên các thư tín này, và
việc ông đã được trả tự do sau lần bị giam giữ đầu tiên (Cong Cv 28:1-31)
như là phù hợp với các sự kiện, thì dường như ông ta đã được hưởng ba hoặc
bốn năm tự do nữa để phục vụ thêm cho công cuộc truyền giáo. Trong thời
gian đó, rất có thể ông đã thực hiện được các hy vọng là đến Tây-ban-nha
(RoRm 15:24), và rất có thể ông cũng đã làm tròn được lời hứa đến thăm
Cô-lô-se (Phil Plm 1:22) và trở lại thăm Phi-líp (Phi Pl 2:24).
Điều hoàn toàn chắc chắn là trong khi thực hiện những chuyến đi đó, ông đã
đến thăm và truyền giáo tại đảo Cơ-rết với Tít; và khi ra đi, ông để Tít ở lại
đó để 'sắp đặt mọi việc chưa thu xếp...mà lập những trưởng lão trong mỗi
thành' Tit Tt 1:5). Cũng theo cách đó, ông đã giao cho Ti-mô-thê phụ trách
Hội Thánh tại Ê-phê-sô (ITi1Tm 1:3), tuy có lẽ là chính Phao-lô đã không
đích thân đến thăm Ê-phê-sô một lần nữa (xem Cong Cv 20:25). Rất có thể
cuộc chia tay đầy nước mắt được đề cập trong IITi 2Tm 1:4 đã xảy ra tại Mi-
lê (so sánh IITi 2Tm 4:20). Sau đó vị sứ đồ đã vượt qua xứ Ma-xê-đoan qua
ngả Trô-ách (IITi 2Tm 4:13); và tại đó, rất có thể là vào mùa hè năm 64 SC,
ông đã viết bức thư thứ nhất cho Ti-mô-thê.
Dường như đồng thời, ông cũng đã viết thư cho Tít tại Cơ-rết, trong thư đề
cập kế hoạch ông dự trù sẽ thực hiện tại Ni-cô-bô-li trong mùa đông, và yêu
cầu Tít hãy đến gặp ông tại đó Tit Tt 3:12). Tuy nhiên, trước khi thực hiện
được kế hoạch, ông đã bị bắt lại và bị cầm tù tại La Mã; và chính là từ một
nhà giam ở La Mã, ngay trước khi chịu tuận đạo (66 hay 67 SC), vị sứ đồ đã
gởi bức thư thứ hai của mình cho Ti-mô-thê, với lời khẩn khoản cấp bách:
'Hãy cố gắng đến cùng ta cho kịp' (IITi 2Tm 4:9).
Căn cứ vào những gì kể trên, rõ ràng thứ tự theo thời gian của các thư tín
này là ITi-mô-thê, Tít, IITi-mô-thê. Chúng ta sẽ khảo xét từng quyển một
cách riêng lẻ, theo trình tự ấy.
THƯ TI-MÔ-THÊ THỨ NHẤT
Ti-mô-thê ăn năn trở lại đạo khi còn là thanh niên, nhân chuyến thăm Lít-trơ
lần đầu tiên của Phao-lô, và sau đó, khi đến thăm thành phố ấy lần thứ hai,
Phao-lô đã chọn ông làm người phụ tá và bạn đồng hành (Cong Cv 16:1-3).
Căn cứ vào lần đề cập sau này, chúng ta được biết cha ông là người Hy Lạp,
và căn cứ vào IITi 2Tm 1:5 và 3:15, thì mẹ ông là một phụ nữ Do Thái
ngoan đạo. Cũng như trường hợp của Phao-lô và Ba-na-ba (Cong Cv 13:1-3)
việc sai phái Ti-mô-thê dường như theo lời tiên tri đã báo trước (ITi1Tm
1:18), và Phao-lô cũng đề cập việc đặt tay lúc ấy hay một lần nào khác
(ITi1Tm 4:14; IITi 2Tm 1:6). Lời 'làm chứng tốt' của ông (ITi1Tm 6:12) có
lẽ đã được thực hiện nhân cơ hội ấy, nếu không, có thể ám chỉ việc ông chịu
phép báp-tem thì thích hợp hơn.
PHÂN TÍCH
ITi1Tm 1:1-20.
Vào đề. Lời khuyên phải trung tín vì có nhiều giáo sư giả, được tăng cường
bằng việc đề cập chính chức vụ của Phao-lô.
ITi1Tm 2:1:15.
Những hướng dẫn liên hệ đến việc cầu nguyện giữa hội chúng, và lời đề cập
đặc biệt về địa vị của phụ nữ trong sự thờ phượng của Hội Thánh.
ITi1Tm 3:1:16.
Các phẩm cách của người phục vụ Chúa.
ITi1Tm 4:1-16.
Những lời cảnh cáo chống lại các giáo sư tà giáo và lời khuyên liên hệ đến
đời sống riêng của Ti-mô-thê.
ITi1Tm 5:1:1-25.
Những lời chỉ giáo về cách cư xử của riêng ông đối với các hạng người khác
nhau trong Hội Thánh, việc phải đặc biệt quan tâm đến các Cơ Đốc nhân và
quả phụ.
ITi1Tm 6:1:1-21.
Những lời cảnh cáo và khuyến giục cuối cùng.
NỘI DUNG
Phao-lô viết thư cho Ti-mô-thê để khích lệ ông trong đức tin, thúc giục ông
hãy đánh trận tốt lành (ITi1Tm 1:18,19); và dạy rằng ông cần biết mọi người
phải cư xử thế nào trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời hằng sống (ITi1Tm
3:15). Những lời chỉ giáo đã được nêu ra, liên hệ đến việc tổ chức buổi cầu
nguyện công cộng, việc chọn người thích hợp với chức vụ, việc chăm sóc
các quả phụ, và thái độ phải có đối với các hạng người và thành viên khác
nhau, trong khi ông nhắc đi nhắc lại nhu cầu phải nắm vững giáo lý thuần
chánh và có một đời sống thánh khiết. Rõ ràng trong những câu đề cập ở đây
và ở Tit Tt 1:1-16, từ ngữ 'giám mục' (episcopoi) và 'trưởng lão'
(presbuteroi) cùng chỉ một người. Alford, Lightfoot và nhiều tác giả khác
từng vạch rõ rằng chức giám mục theo nghĩa ngày nay không có trong Tân
Ước.
Phao-lô cũng viết cho Ti-mô-thê để lưu ý ông phải giữ mình đối với một số
giáo sư giả, đang truyền bá sai lầm và gây bất hòa trong Hội Thánh Ê-phê-sô
(ITi1Tm 1:3-7; 4:1-3l; 6:3-10,20,21). Rất có thể tà giáo là một hình thức của
Trí Huệ Phái, tương tự như điều ông đề cập trong thư Cô-lô-se. Việc ngẫu
nhiên là điều này cung ứng một bằng chứng phụ thêm cho niên đại rất sớm
của bức thư. Về cơ nguy này, Ti-mô-thê phải giữ vững đức tin, trung tín
trong chức vụ để 'giữ lấy điều đã được giao phó' của Phúc Âm (6:20). Mục
đích thứ ba của Phao-lô là khích lệ đặc biệt đối với trường hợp của Ti-mô-
thê là phải thắng vượt tánh nhút nhát và dè dặt quá đáng của ông vì cớ công
tác khó khăn và đầy trọng trách này (1:18,19; 4:12-16; 6:11,12,20).
THƯ TÍT
Những gì chúng ta được biết về thư Tít đều hoàn toàn rút ra từ chính Thư tín
nầy, thư Ga-la-ti và IICô-rinh-tô; tên ông không thấy xuất hiện trong Công
Vụ Các Sứ đồ. Ông thuần túy là người ngoại bang (GaGl 2:3), do Phao-lô
dắt dẫn ăn năn tin Chúa Tit Tt 1:4) nên khi gặp cơ hội thuận tiện đã trở thành
nhà truyền giáo đồng hành với ông. Tít được phái đến Cô-rinh-tô ba lần với
tư cách đặc phái viên của vị sứ đồ để giám sát việc quyên tiền cứu trợ cho
các Cơ Đốc nhân tại Giê-ru-sa-lem (IICo 2Cr 8:6; 12:18) và sứ mạng khó
khăn, tế nhị ấy chứng tỏ mức độ tin cậy của Phao-lô đối với ông. Sau việc
đó, chúng ta không biết gì thêm cho đến khi lại thấy vị sứ đồ giao phó cho
ông một công tác quan trọng khác, là coi sóc Hội Thánh tại Cơ-rết sau lần
Phao-lô đến viếng đảo ấy. Chính nhân cơ hội đó mà Phao-lô phải viết thư tín
này. Câu cuối cùng trong Tân Ước nói đến ông là trong IITi 2Tm 4:10.
PHÂN TÍCH
Tit Tt 1:1-16.
Dẫn nhập. Những chỉ thị về việc tuyển lập các trưởng lão vì hiện diện của
những kẻ bất tuân luật lệ trong Hội Thánh Cơ-rết.
Tit Tt 2:1-15.
Lời khuyên thực tiễn về cách ăn nết ở của các Cơ Đốc nhân đối với sinh hoạt
trong gia đình, lời kêu gọi đặt cơ sở trên ân điển của Đức Chúa Trời, để cứu
rỗi loài người.
Tit Tt 3:1-15.
Những lời khuyến giục liên hệ đến sinh hoạt dân chính và xã hội, với những
lời khuyến cáo cuối cùng chống tà giáo, và những lời chào thăm cá nhân.
NỘI DUNG
Rõ ràng chuyến viếng thăm của Phao-lô tại đảo Cơ-rết rất ngắn ngủi, nên Tít
đã được để lại đó để củng cố và mở rộng công tác (Tit Tt 1:1-1:5). Cho nên
mục đích của bức thư - viết ngay sau khi Phao-lô ra đi - là uỷ quyền cho Tít
và chỉ bảo ông liên hệ đến việc tổ chức Hội Thánh tại Cơ-rết, đặc biệt hơn
nữa là vì có nhiều điều khó giải quyết do hoàn cảnh tại đó lúc bấy giờ (Tit Tt
1:10-16; 3:9-11). Tuy phần lớn trong bức thư được dành cho các vấn đề thực
tiễn như các chức vụ của người phục vụ (minister: mục sư) và các mối liên
hệ xã hội, cũng có ba khúc sách quan trọng về giáo lý gồm những bảng tóm
tắt đáng chú ý về sự cứu rỗi và thánh hóa trong Phúc Âm vinh hiển là 1:1-3;
2:11-14; 3:3-7.
THƯ TI-MÔ-THÊ THỨ HAI
PHÂN TÍCH
IITi 2Tm 1:118.
Dẫn nhập. Khuyến giục hãy can đảm và trung tín.
IITi 2Tm 2:1-26.
Những lời khuyên về kỷ luật cá nhân và bổn phận công khai.
IITi 2Tm 3:1-17.
Sẽ có những kẻ bội đạo, và nhu cầu phải trung tín bám sát Kinh Thánh là lời
được linh cảm.
IITi 2Tm 4:1-21.
Lời nghiêm khuyến cuối cùng cho Ti-mô-thê, tiếp theo là những lời dặn dò
và yêu cầu về chuyến ra đi của ông.
NỘI DUNG
Lúc Phao-lô viết bức thư thứ hai này cho Ti-mô-thê, ông lại đang bị cầm tù
tại La mã, can đảm chờ đợi ngày qua đời (IITi 2Tm 4:6-8). Ông giục Ti-mô-
thê nên gấp rút đến với ông càng sớm càng tốt, đem cho ông chiếc áo
choàng (vì đã sắp đến mùa đông rồi) với một số sách bằng giấy da (IITi 2Tm
4:9-13). Toàn thể bức thư là một lời kêu gọi nồng nhiệt hãy giữ lòng trung
thành với Đấng Christ và Phúc Âm của Ngài, với những lời cảnh cáo chống
lại các cơ nguy thuộc phạm vi luân lý và giáo lý (IITi 2Tm 2:14-3:9).
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Hãy căn cứ vào sách Công Vụ Các Sứ Đồ và các thư tín để hình dung lại
'cuộc đời' của Ti-mô-thê.
2. Đối chiếu cá tính của Ti-mô-thê và Tít. Có những lý do nào khiến chúng
ta tin rằng trong hai người đó thì Ti-mô-thê trẻ tuổi hơn, có cá tính không
mạnh mẽ bằng Tít, và được Phao-lô đặc biệt trìu mến ông?
3. Ghi nhận và nghiên cứu năm 'lời đáng tin' trong các thư tín này.
4. Lập một bảng liệt kê các bạn thân của Phao-lô đã được các thư tín này đề
cập. Dùng Thánh Kinh Phù Dẫn tra cứu những chỗ khác trong Kinh Thánh
đã nói gì về họ.
5. Nghiên cứu những lời cảnh cáo liên hệ đến các giáo thuyết sai lầm, và
ứng dụng chúng cho các tà giáo và tội ác ngày nay.
6. Chú ý nghiên cứu các từ ngữ sau đây: (1) 'Cứu Chúa' và 'sự cứu rỗi'; (2)
'hiểu biết' (knowledge: tri thức); (3) 'việc lành'; (4) đạo 'lành' (thuần chánh:
sound, ITi1Tm 4:6); (5) 'tin kính'; (6) 'nghiêm trọng' (nghiêm chánh, ITi1Tm
3:8).
7. Căn cứ vào những gì các thư tín này đề cập, hãy vẽ lại hình ảnh của (1)
người phục vụ (mục sư: minister) lý tưởng; (2) người thành viên lý tưởng
của Hội Thánh.
8. Nghiên cứu các khúc sách quan trọng bàn về giáo lý trong các thư tín này
và chú ý đến cá tính đặc biệt của Phao-lô, chẳng hạn ITi1Tm 2:3-7; 3:16; Tit
Tt 2:11-14; IITi 2Tm 1:9-11; 3:16,17.
9. Ghi nhận những câu đề cập sự tái lâm của Chúa chúng ta trong từng thư
tín một và khảo xét chúng trong mối liên hệ với thuyết hiện đại chủ trương
rằng Phao-lô đã từ bỏ niềm tin ấy vào cuối đời mình.
THƯ PHI-LÊ-MÔN
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Thư tín này chắc chắn là tác phẩm của Phao-lô. Hiện thực lịch sử đã in đậm
nét trên từng câu một; lời văn mạnh mẽ bộc trực, hầu như khiến không ai có
thể nghi ngờ gì được tính cách chân thực của nó. Ngoại chứng cho thấy nó
được bao gồm vào các bảng liệt kê sớm nhất về các thư tín của Phao-lô.
Lúc viết thư này, Phao-lô đang bị cầm tù (Phil Plm 1:10) và bức thư đã được
gởi đi từ La mã (xem thư Ê-phê-sô) khoảng năm 62 SC, lúc Phao-lô đang
chờ ngày đem ra xét xử. Trong thời gian ấy, ông có tiếp xúc với Ô-nê-sim,
một tên nô lệ trốn chủ mình là Phi-lê-môn, một người Cô-lô-se đã được cải
đạo. Ô-nê-sim này cũng được cải đạo theo Cơ đốc giáo, nên Phao-lô quyết
định gởi Ô-nê-sim trả về cho chủ anh ta, kèm theo một bức thư, xin Phi-lê-
môn tha thứ cho anh.
Dưới thời đế quốc La Mã, cư dân phần đông là nô lệ. Họ không có bà con
thân thuộc, chẳng được quyền lợi nào về mặt pháp lý. Số phận của kẻ nô lệ
hoàn toàn nằm trong tay chủ; chỉ cần một lầm lỗi nhỏ, người ấy có thể bị
đánh đòn, huỷ hoại thân thể, đóng đinh vào thập tự giá, hoặc ném cho thú dữ
xé xác. Khối đa số dân sự đó chỉ bị chế phục vì sợ các cực hình khủng khiếp
ấy mà thôi.
NỘI DUNG
Thư gởi cho Phi-lê-môn là bức thư duy nhất trong số các thư tín của Phao-
lô, vì nó đã được gởi cho một cá nhân về một việc riêng. Nó cũng độc đáo ở
tính cách đơn sơ trang trọng, lịch duyệt tế nhị, và rất ân cần trìu mến.
Sau phần chào thăm Phi-lê-môn, Áp-bi, A-chíp và Hội Thánh họp tại nhà
ông, vị sứ đồ bày tỏ lòng biết ơn Đức Chúa Trời vì cớ đức tin vững vàng của
Phi-lê-môn. Rồi ông đề cập đến mục đích bức thư, một điều mà ông có thể
mạnh dạn truyền bảo. Nhưng, ông lại thích khẩn khoản để được gia ơn hơn,
tức là ông xin Phi-lê-môn hãy tha thứ cho Ô-nê-sim.
Thư tín này minh họa cho ảnh hưởng thuần hóa của Phúc Âm. Con người
tên Sau-lơ thành kiến chống trả Cơ Đốc giáo, với bản tính thô lỗ nguyên
thuỷ, luôn luôn tìm cách bắt bớ, gây tàn hại cho Hội Thánh, kéo cả các phụ
nữ vào nhà tù (Cong Cv 8:3; 9:1) đã được thư tín này chứng minh là một
người đã được Đức Thánh Linh cải hóa trở thành một tấm gương bổi bật về
thái độ nhân hậu chân chính, biết yêu thương, coi trọng người khác.
Tên Ô-nê-sim có nghĩa là 'được lợi'. Trước kia, anh ta đã sống không đúng
với cái tên của mình, vì đã trộm cắp tài sản của chủ và trốn đi; giờ đây, anh
ta đã trở thành có lợi không phải chỉ tạm thời mà thôi, nhưng là mãi mãi.
Chính Phao-lô cũng nhận thấy sự có mặt của anh ta bên cạnh mình là ích lợi,
vì Ô-nê-sim rất cần cho ông; nhưng ông đã gởi trả anh ta cho chủ cũ vì xem
đó như một bổn phận, không phải để anh ta sẽ bị trừng phạt, nhưng để anh ta
cũng trở thành có ích cho Phi-lê-môn, vì bây giờ anh ta không phải là một
tên nô lệ nữa, nhưng là một 'anh em yêu dấu', một Cơ Đốc nhân bạn. Những
gì Ô-nê-sim đã nợ Phi-lê-môn thì Phao-lô nhận lấy về phần mình; tuy nhiên,
những gì Phi-lê-môn nợ Phao-lô thì ông ta sẽ chẳng bao giờ trả nổi. Phao-lô
mong được tha ra để có thể đến ở với Phi-lê-môn một thời gian, gởi kèm
những lời cầu nguyện của ông, và kết thúc bức thư bằng một lời chào thăm
đặc biệt nhiều người khác từng quen biết Phi-lê-môn hiện đang ở La Mã. Vị
sứ đồ không hề truyền lịnh phải phóng thích nô lệ vì đó là một bổn phận của
Cơ Đốc nhân, nhưng chỉ mạnh dạn công bố một nguyên tắc mà rốt cuộc, đã
được chứng minh là một đòn trí mạng đánh vào chế độ nô lệ.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Chúng ta nên đánh giá người khác căn cứ trên giai cấp xã hội hay vị trí
thuộc linh của họ?
2. Từ ngữ 'giải phóng' dường như đã xuất hiện trên đôi môi mấp máy của vị
sứ đồ, nhưng ông vẫn chưa nói ra. Đưa ra một lịnh truyền và ngầm nêu lên
một nguyên tắc, điều nào là quan trọng hơn?
3. Đối chiếu hành vi của Phao-lô trong Cong Cv 8:1-40 và 9:1-43 với thái độ
của ông trong thư này. Bạn có tìm thấy trong Tân Ước những nhân vật nào
từng có sự thay đổi tương tự hay không?
THƯ HÊ-BƠ-RƠ
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Thư tín của Clement ở La Mã, khoảng năm 95 SC, trích dẫn thư tín này coi
như Kinh Điển và có thẩm quyền của một vị sứ đồ nào đó ở đàng sau, nhưng
Clement đã không nêu tên tác giả. Trong nhánh Phi Châu của Giáo Hội Tây
Phương, Tertullian nói: 'Hãy còn một thư tín gởi cho người Hê-bơ-rơ của
Ba-na-ba'. Rồi ông đồng nhất hóa nó là thư tín gởi cho người Hê-bơ-rơ của
chúng ta bằng cách trích dẫn HeDt 6:4-8.
Trong Giáo Hội Đông phương cuối thế kỷ thứ hai, Clement ở Alexandria
khẳng định Phao-lô đã viết thư Hê-bơ-rơ, và Lu-ca đã cẩn thận dịch ra Hy
văn. Ít lâu sau đó, Origen viết: 'Tôi phải nói rằng các tư tưởng là của Phao-
lô, nhưng ngôn ngữ và viết ra thì lại của một người khác'. Càng về sau thì sự
tin tưởng ở Alexandria càng dứt khoát hơn, và cuối cùng quan điểm cho tác
quyền hoàn toàn là của Phao-lô lan khắp trong Hội Thánh; ảnh hưởng mạnh
mẽ của Jerome và Augustine vào khoảng cuối thế kỷ thứ tư đã khiến toàn
Giáo Hội Tây Phương thừa nhận quan điểm này.
Đã có dị biệt rõ rệt giữa văn pháp của thư Hê-bơ-rơ với các thư tín Phao-lô,
một sự khác biệt cảm nhận được ngay trong những câu đầu chững chạc, cân
đối, vang vọng. Chỗ khác nhau đó cũng được cảm thấy và giải thích ngay
cho Hội Thánh những thế kỷ đầu do các học giả Hi-lạp như Origen. Đây là
loại văn viết gần với văn chương cổ điển Hi-lạp hơn bất kỳ loại văn nào
trong các sách khác của Tân Ước, rất có thể là ngoại trừ hai sách Lu-ca và
Công Vụ Các Sứ Đồ. Luther và Calvin đã thắc mắc về tác quyền của Phao-
lô và ghi nhận nét tương phản giữa HeDt 2:3 với GaGl 1:1-18, khi Phao-lô
tự xếp mình ngang hàng với các môn đồ đầu tiên, nhưng thật ra chúng ta vẫn
không biết trước giả thư này là ai. Delitzch đưa ra một nhận định vui rằng
thư tín này đã đến với chúng ta cũng bất ngờ như chính một nhân vật trong
đó là Mên-chi-xê-đéc 'vốn không cha, không mẹ'. Cũng như Mên-chi-xê-
đéc, thư tín này sừng sững tiến bước với tư cách một nhà vua cô đơn, một
thầy tế lễ uy nghi, và cũng như Mên-chi-xê-đéc, nhà vua này vốn không có
phổ hệ.
Sách này chắc phải đưọc viết ra khá lâu trước năm 95 SC, vì Clement trích
dẫn nó như một tài liệu mà uy quyền đã được vững lập từ lâu. Chắc sách này
đã phải được viết ra từ năm 70 SC. Tuy người viết sách đề cập phần nghi lễ
thờ phượng tại đền tạm trong đồng vắng, chứ không phải tại đền thờ,
phương pháp tự nhiên nhất để hiểu thư tín này là nghĩ đến đền thờ như hãy
còn đó, với các của lễ vẫn còn được dâng lên. Nếu như tấn thảm kịch khủng
khiếp của năm 70 SC, khi Giê-ru-sa-lem và ngôi đền thờ bị phá hoang đã
thuộc về quá khứ so với thời gian trước giả viết bức thư này, chắc ông không
thể không đả động gì đến cơn đoán phạt kinh khiếp của Đức Chúa Trời đối
với phần nghi lễ cổ xưa. Như vậy, chúng ta có thể xem thư tín này đã được
viết ngay trước ngày xảy ra cơn khủng hoảng nghiêm trọng của thời đại ấy,
một ngày mà cơn đoán phạt đang áp sát dân Do Thái hết sức nhanh chóng
(HeDt 8:13; 10:25; 12:26 và tt). Cuộc bách hại đẫm máu của Nero đã bắt
đầu khoảng năm 65 SC, và rất có thể phải định niên đại cho thư tín này trước
đó một chút, vì một khi cơn bách hại đã bắt đầu, thì trước giả sẽ không còn
có thể nói được với các độc giả rằng: 'Anh em chống trả với tội ác còn chưa
đến nỗi đổ huyết...'(HeDt 12:4).
Có lẽ thư tín này đã được gởi đến Giê-ru-sa-lem, Alexandria, hay một nhóm
Cơ Đốc nhân ở một nơi nào đó trong nước Ý, có lẽ là La Mã. Thuyết sau
cùng này có nhiều phần đúng hơn. Cách giải thích tự nhiên nhất cho câu
'Các thánh đồ ở Y-ta-li gởi lời chào thăm anh em' (HeDt 13:24) dường như
là một số Cơ Đốc nhân người Ý đang ở với trước giả lúc ông viết thư này đã
lợi dụng cơ hội để gởi lời chào thăm các tín hữu bạn ở quê nhà. Hơn nữa khi
lần đầu tiên chúng ta được nghe nói về bức thư này, thì đó là lúc các Cơ Đốc
nhân tại La Mã đang có nó giữa vòng họ, và như chúng ta đã thấy, là
Clement ở La Mã rất thường sử dụng nó vào khoảng năm 95 SC.
Những người nhận thư là người Do Thái đã xưng nhận là Cơ Đốc nhân từ
lâu (HeDt 5:12). Nhưng họ đã không tăng trưởng trong ân điển như đáng
phải có; họ vẫn còn ngồi ở lớp ABC của trường học Đấng Christ (HeDt
5:12-14). Họ không tiến bộ gì trong nếp sống Cơ Đốc (HeDt 6:1-4). Vì
không ai có thể đứng yên một chỗ nên đang gặp cơ nguy lớn là có thể sa ngã
trôi ngược về với Do Thái giáo, bị các lượn sóng mạnh mẽ là ảnh hưởng quỉ
quyệt của thế gian chung quanh đùa đi (HeDt 2:1). Họ đang lâm nguy trầm
trọng 'kẻo ai trong anh em có lòng dữ chẳng tin chăng' (HeDt 3:12). Vì ý
thức được các cơ nguy thuộc linh đang đe dọa độc giả của mình, trước giả đã
gởi cho họ nhiều lời khuyên và cảnh cáo nghiêm trọng (HeDt 2:1; 3:6,14;
6:9,11,12; 13:1 và tt...). Ông lý luận rằng chỉ cần họ thấy được sự vinh hiển
đích thực của Đấng Christ và sự cứu rỗi của Ngài, mọi điều nghi ngờ của họ
sẽ tan biến ngay. Chừng đó, họ sẽ không còn bị dồi dập để trôi lạc đây đó
qua khắp các vùng biển đầy nguy hiểm nữa, mà sẽ được lượn sóng đầy
quyền phép của Đức Thánh Linh đưa đến chỗ trọn lành (6:1).
PHÂN TÍCH
HeDt 1:1-2:4.
Thân vị và sự cao trọng của Đấng Christ.
HeDt 2:5-4:13.
Đấng Christ - mà sự thống khổ là cần thiết để cứu rỗi chúng ta - vốn cao
trọng hơn Môi-se và Giô-suê.
HeDt 4:14-16.
Chức tư tế của Đấng Christ.
HeDt 4:14-5:10.
Chức vụ tế lễ của Đấng Christ giống như Mên-chi-xê-đéc.
HeDt 5:11- 6:20.
Tính cách cấp thiết của sự bền đỗ trong đức tin.
HeDt 7:1-8:6.
Chức vụ tế lễ đời đời của Ngài không giống chức vụ A-rôn.
HeDt 8:7-10:18.
Đối chiếu hai giao ước mới và cũ.
HeDt 10:19-39.
Tính cách cấp thiết của việc cứ bền đỗ trong đức tin.
HeDt 11:1-40.
Gương đức tin của các thánh trong Cựu Ước.
HeDt 12:1-29.
Khuyên giục hãy có đức tin, nhịn nhục và tin kính.
HeDt 13:1-25.
Kêu gọi hãy sống thánh khiết, ca ngợi và làm việc lành.
NỘI DUNG
Chủ đề của trước giả là Cơ Đốc giáo vượt trổi hơn Do Thái giáo. Có thể nói
chữ chìa khóa là 'tốt hơn', đã xuất hiện mười ba lần: một giao ước tốt hơn,
những lời hứa tốt hơn, các sinh tế tốt hơn v.v...
Trong mấy câu mở đầu, sự mạc khải được bày tỏ trong Đấng Christ sở dĩ
được bảo là vượt trổi hơn vì sự mạc khải ấy được thực hiện 'trong Con Ngài',
Con là sự chói sáng của vinh hiển Đức Chúa Trời và là hình ảnh biểu tượng
chính xác cho bản thể Ngài. Nhằm chứng minh thế nào Đấng Christ vốn cao
trọng hơn thiên sứ, Môi-se, Giô-suê (HeDt 4:8), hơn các thầy tế lễ thuộc
dòng dõi A-rôn, trước giả vạch rõ tính cách hiện thực, và công tác trọn vẹn
của Đấng Christ. Sự so sánh này chiếm trọn bảy chương sách đầu.
Rồi sau một bảng tóm tắt ngắn gọn những gì đã viết (8:1), trước giả bắt đầu
chứng minh sự cao trọng hơn của giao ước mới đối với giao ước cũ, là điều
đang cũ mòn, hư hỏng, thờ cúng với các nghi lễ trong đó đã gần kề. trong
các luận cứ tiếp theo, có nhiều điểm đáng chú ý. Trước giả đưa độc giả quay
về giao ước đầu tiên đã được ban bố tại Si-na-i, trở về với đền tạm, với thời
kỳ dân sự đang tiến đến gần Đất Hứa. Các của lễ và chức vụ tế lễ được khai
sinh lúc ấy, bây giờ phải chấm dứt; chúng chỉ là cái bóng của sinh tế duy
nhất để chuộc tội đời đời. Từ đó trở đi, chức vụ tế lễ không còn cần thiết
nữa, vì con đường đến với Đức Chúa Trời đã được mở rộng cho mọi người
qua sinh tế một lần đủ cả trên đồi Gô-gô-tha. Không còn có sinh tế nào là
cần thiết nữa, cũng không nên dâng lên một của lễ nào nữa cả (HeDt 9:24-
28; 10:16,26). Từ đó trở đi, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của chúng ta ở trên
thiên đàng và qua trung gian của Ngài, chúng ta dâng lên các của lễ và lời
cảm tạ (13:10-15). Như vậy, qua suốt thư tín này, tư tưởng của độc giả được
đưa từ đất lên trời (HeDt 3:1; 4:14; 5:4; 7:26; 8:1,5; 9:22-24; 11:16; 12:22).
Bằng một luận cứ chặt chẽ, ông trình bày việc đền tạm do Đức Chúa Trời
dựng lên và sự cứu rỗi đời đời được thực hiện trong đó trổi hơn ngôi đền tạm
đầu tiên, do loài người dựng lên và phục vụ trong đó (HeDt 9:1-10:18). 'Sự
chuộc tội đời đời' (9:12) đã được Đấng Christ hoàn tất qua sự hy sinh của
chính Ngài; từ ngữ 'đời đời' là một trong những từ ngữ quan trọng của thư
tín này. Sau khi chứng minh đặc tính toàn vẹn và đời đời của đạo Đấng
Christ, trước giả đưa ra một lời kêu gọi mạnh mẽ độc giả của ông hãy 'nắm
chặt lấy điều mình đang nắm' để đến gần Đức Chúa Trời với đức tin chắc
chắn, đầy trọn, nắm chặt lấy lời xưng nhận của niềm hy vọng mình, và khích
lệ nhau trong tình yêu thương (10:19-25); và ông nhấn mạnh thêm bằng
những lời cảnh cáo nghiêm trọng (10:26-31) và nhắc lại 'tình yêu thương lúc
ban đầu' của họ (10:32-39). Ông trình bày dưới mắt họ cuộc diễn hành cao
quí của các anh hùng đức tin, và cuối cùng, hướng cái nhìn của họ vào Chúa
Giê-xu, là nhà tiền phong và là người hoàn tất đức tin (12:1-4). Những thử
thách mà họ gặp chỉ là sự sửa phạt của Chúa, có ngày sẽ kết quả tốt đẹp và
đưa đến sự cứu rỗi quang vinh (12:5-29).
Trong chương chót, chúng ta có một số các huấn thị thực tiễn và lời chúc
phước hàm súc thật đẹp đẽ, nhấn mạnh một lần nữa các chủ đề chính yếu
của thư tín này, tức là 'giao ước đời đời' với 'Chúa Giê-xu chúng ta' trong
phẩm giá và sự vinh hiển không gì so sánh được của Ngài, với tư cách Đấng
Trung Bảo (HeDt 13:20,21).
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Sưu tập những câu đề cập bản tính trọn vẹn và đời đời của công tác Đấng
Christ.
2. Ghi lại tất cả những câu đề cập Cựu Ước và bằng cớ hiển nhiên mà chúng
làm chứng cho địa vị, chủ đích và giá trị của nó.
3. Thư tín này dạy gì về (1) thiên đàng; (2) nhu cầu phải luôn luôn tiến bộ
trong cuộc sống Cơ Đốc (3) sự chuộc tội?
4. Nghiên cứu lời dạy dỗ về tư cách trung gian của các thầy tế lễ giữa con
người và Đức Chúa Trời đã chấm dứt.

CÁC THƯ TÍN TỔNG QUÁT


THƯ GIA-CƠ
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Phần đông các học giả đồng ý gán thư tín này cho Gia-cơ 'em trai của Chúa'
(GaGl 1:19) chứ không phải con trai Xê-bê-đê, hay vị sứ đồ khác, là Gia-cơ,
con trai A-phê. Các lý do như sau: Gia-cơ, anh của Giăng đã bị Hê-rốt giết
như phần ký thuật của Cong Cv 12:2, nên rất khó có thì giờ để viết một thư
tín như thế. Vị sứ đồ thứ hai tên Gia-cơ chỉ được đề cập trong các bảng danh
sách các sứ đồ, và cũng có thể là trong danh sách các phụ nữ chung quanh
thập tự giá trong câu nói về “Ma-ri, là mẹ Gia-cơ nhỏ, và Giô-sê” (Mac Mc
15:40). Một nhân vật gây quá ít ấn tượng trong phần ký thuật về Tin Lành
như thế dường như không thể tương ứng với một người có cá tính mạnh mẽ
mà người ta cảm thấy là ẩn mình phía sau thư tín này. Nhưng căn cứ vào
những gì chúng ta được biết về Gia-cơ, em trai Chúa, là người chủ tọa Hội
Thánh tại Giê-ru-sa-lem, thì dường như ông chính là tác giả hợp lý nhất về
bức thư này.
Câu sớm nhất trực tiếp đề cập thư tín này là 'Thư tín của Gia-cơ' là do
Origen (khoảng 200 SC), tuy chính ông cũng tuyên bố rằng mình không biết
chắc chắn Gia-cơ này là ai. Những câu đề cập gián tiếp thư tín này được cho
là có trong nhiều tác phẩm hồi thế kỷ thứ hai trước thời Origen, lui về tận
Clement ở La-mã, người từng viết sách vào cuối thế kỷ thứ nhất. Tuy nhiên,
những câu đề cập ấy đều gián tiếp, chỉ phản ảnh những câu có trong thư tín
này thôi. Như thế, dường như thư tín này đã không được nghiên cứu rộng rãi
trong Hội Thánh ban đầu, nên lẽ dĩ nhiên Eusebius cho chúng ta biết nó
không được thừa nhận rộng rãi. Nhưng khi đích thân nghiên cứu thư tín này
và khảo xét bản tính của nó, có lẽ chúng ta tìm được lý do tại sao sách ấy bị
các Cơ Đốc nhân người ngoại bang xem nhẹ, bởi vì nó sẽ được hiểu rõ hơn
nếu người ta biết rằng nó vốn được gởi cho các Cơ Đốc nhân người Do Thái,
mà điều đó thì phù hợp với quan điểm chủ trương rằng Gia-cơ, em trai Chúa
là tác giả.
Tên những người trong gia đình Chúa Giê-xu từng được nêu ra trong Mat
Mt 13:55, là Gia-cơ, Giô-sép, Si-môn và Giu-đe, và hai người trong số đó
vốn được tin là tác giả các thư tín Tân Ước. Tuy trước giả sách Tin Lành
dùng từ ngữ thông dụng là 'em trai' trong câu này, nhiều nhà chú giải Kinh
Thánh vẫn tìm cách sửa đổi ý nghĩa tự nhiên của nó đi.
Giáo hội Hy Lạp chủ trương rằng bốn 'anh em trai' này phải xem là các anh
cùng cha khác mẹ với Chúa Giê-xu, con trai của Giô-sép với một người vợ
trước; Giáo hội Công Giáo La-mã coi đó là các anh họ, con trai của một bà
chị của trinh nữ Ma-ri; chỉ có các nhà chú giải Kinh Thánh cải chánh là thừa
nhận ý nghĩa tự nhiên đầy đủ của từ ngữ 'em trai' này. Có lẽ chúng ta nên có
một tinh thần phóng khoáng nhưng cần chú ý là Phao-lô cũng dùng từ ngữ
thông thường chỉ 'anh em' mô tả Gia-cơ trong mối liên hệ với Chúa chúng ta
trong GaGl 1:19.
Dường như Gia-cơ và các em trai khác của Chúa đã không thừa nhận Đấng
Christ là Đấng Mết-si-a - ít ra là trong giai đoạn đầu của chức vụ Ngài (xem
Mac Mc 3:21; GiGa 7:5) - nhưng trong ICo1Cr 15:7, Phao-lô bảo rằng Chúa
phục sinh đã hiện ra cho 'Gia-cơ', và vì Gia-cơ là em trai Chúa được đề cập
rõ ràng bởi chính tác giả ấy trong GaGl 1:19 ngụ ý ám chỉ tầm quan trọng
của ông trong Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, nên lẽ tự nhiên, chúng ta có thể
kết luận rằng ông đã được Chúa hướng dẫn quay lại tin Ngài sau đó, và trở
thành lãnh tụ cộng đồng Cơ Đốc nhân tại đấy theo sự đồng ý của mọi người.
Như thế, chắc cũng chính Gia-cơ này đã chủ tọa Giáo Hội Nghị đầu tiên như
được ghi lại trong Cong Cv 15:1-41, cũng như chủ tọa Giáo Hội Nghị được
ám chỉ trong Cong Cv 21:18-25. Các tác giả ngoài Tân Ước, như Josephus,
Clement ở Alexandria và Hegesippus (hai vị sau này đều được Eusebius
trích dẫn), đều làm chứng cho một nhân vật lãnh đạo tên Gia-cơ. Căn cứ vào
các nguồn thông tin đó, chúng ta được biết ông còn có biệt danh là Người
Công Chính, và cuối cùng, đã bị người Do Thái xử tử. Hegesippus bảo rằng
ông đã qua đời trước khi thành Giê-ru-sa-lem bị vây (70 SC), nhưng
Josephus thì bảo là từ mười năm trước đó.
Thật là khó căn cứ vào những câu đề cập ngoài Kinh Thánh để xác nhận
niên đại của thư tín này, mà khảo xét nội dung bức thư, thì hầu như sự việc
cũng y như vậy. Tuy nhiên suy diễn từ chứng cứ hiển nhiên sau này, nhiều
học giả đã xếp nó vào một thời kỳ rất sớm - vào những thập kỷ bốn mươi
của thế kỷ thứ nhất. Điều này sẽ dễ dàng hơn để giải thích việc thư tín này
đã không nói gì đến Giáo Hội Nghị được đề cập trong Cong Cv 15:1-41,
trong khi có thể cuộc bách hại được nói đến trong 2:15-18 sẽ được giải thích
là các biến cố đã được ghi lại trong Cong Cv 9:1-43 và 12:25. Một vài luận
cứ bênh vực chủ trương thư tín này được viết vào những thập kỷ sáu mươi
để có thì giờ cho vấn đề thảo luận tại Giáo Hội Nghị được mô tả trong Cong
Cv 15:1-41, đã lần lần bị mai một; nhưng nói chung thì mọi người thích một
niên đại sớm hơn.
Vì thư tín này được gởi cho 'mười hai chi phái ở tan lạc', dường như Gia-cơ
đã được thúc giục để viết cho đồng bào Y-sơ-ra-ên đồng đạo, nhiều người
chắc từng đến viếng Giê-ru-sa-lem nhân các ngày đại lễ, và sẽ vui mừng khi
nhận được những huấn thị thuộc loại này, vạch rõ Cơ Đốc nhân phải sinh
hoạt hằng ngày như thế nào, rằng Cơ Đốc giáo không phải chỉ là vấn đề ở
nơi cửa miệng, nhưng dẫn người ta tới sự công chính 'vượt trổi hơn thầy
thông giáo và người Pha-ri-si'.
PHÂN TÍCH
Gia Gc 1:1-18.
Việc kiên trì nhẫn nhục chịu thử thách.
Gia Gc 1:19-27.
Nghe và làm theo lời Đức Chúa Trời.
Gia Gc 2:1-13.
Tôn trọng người khác.
Gia Gc 2:14-26.
Mối liên hệ giữa đức tin và việc làm.
Gia Gc 3:1-12.
Kiểm soát cái lưỡi.
Gia Gc 3:13-18.
Sự khôn ngoan thuộc về đất và thuộc về trời.
Gia Gc 4:1-17.
Tội ác của sự tranh cạnh, sống theo đời này và nói hành.
Gia Gc 5:1-11.
Các tội lỗi của kẻ giàu; an ủi và khuyên dạy những người nhẫn nhục chịu
khổ.
Gia Gc 5:12-20.
Việc thề thốt; quyền năng của sự cầu nguyện, phước hạnh của việc đưa
người khác đến tin Chúa.
NỘI DUNG
Có người bảo rằng không có thư tín nào, trong một phạm vi nhỏ hẹp như
thế, lại bao quát được nhiều cách ám chỉ lời dạy dỗ của Đấng Christ hàm
chứa trong các sách Tin Lành, như thư Gia-cơ. Thật vậy, thư tín này đưa ra
rất nhiều lời phán của Đấng Christ dưới hình thức tham chiếu rất thoáng mà
chỉ một nhân vật thân cận với Chúa mới sử dụng được. Thí dụ như Gia Gc
1:2; Mat Mt 5:11; Gia Gc 2:5; Mat Mt 5:3; Gia Gc 3:12; Mat Mt 7:16; Gia
Gc 5:12; Mat Mt 5:34-37 cũng so sánh Gia Gc 4:6 với Mat Mt 18:4; Gia Gc
5:1 với LuLc 6:24. Cách sử dụng rộng rãi - tuy gián tiếp - lời giáo huấn của
Chúa Giê-xu như vậy khiến thư Gia-cơ trở thành một trong những bức thư lý
thú và quan trọng nhất Tân Ước.
Rồi nhân cách của trước giả cũng được biểu lộ rất sắc nét trong lời giáo huấn
của thư tín này. Chúng ta phải kết luận rằng ông là một con người không dễ
dàng chấp nhận những kẻ ngu dại, tuy về bản chất ông là người ôn hòa nhã
nhặn ('hỡi anh em yêu dấu của tôi', Gia Gc 1:16), không hề tự xưng là đạo
đức mà không có một đời sống thiện hảo kèm theo (1:23), không hề tin cậy
vào sự giàu có (1:10 và 5:1-3), và hết sức ưu ái đối với kẻ nghèo (2:5), xem
việc kiềm hãm cái lưỡi là đức tính quan trọng nhất (3:5), xem việc chịu khổ
vì danh Đấng Christ là niềm vui (1:2 và 5:11).
Niềm tin của trước giả cũng mạnh mẽ và trong sáng. Ông xem Đức Chúa
Trời như 'Đấng Đời Đời Bất Biến' từ đó xuất phát mọi điều tốt lành (1:17)
và mọi chi tiết nhỏ nhặt trong đời sống đều nằm dưới quyền sắp xếp thần
hựu của Ngài (4:15). Ông giữ một niềm tin vững chắc vào sự cầu nguyện
(5:16), và trông đợi sự tái lâm của Đấng Christ (5:7). Ông khuyến giục mọi
người hãy tìm cách kêu gọi những kẻ làm ác ăn năn tin đạo, tập tành yêu
thương bằng cách che đậy tội lỗi hơn là đưa ra ánh sáng (5:19, xem ChCn
10:12).
Có lẽ thư tín này còn được biết đến nhiều hơn do lời dạy dỗ của nó (dường
như trái ngược với Phao-lô) về bản tính và mối liên hệ giữa đức tin và việc
làm. Phao-lô nói: 'Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin' (RoRm
5:1); Gia-cơ thì nói: 'Người ta cậy việc làm được xưng công bình, chớ chẳng
những cậy đức tin mà thôi' (Gia Gc 2:24). Tuy nhiên, khi khảo xét thật kỹ cả
hai trước giả; chúng ta sẽ thấy họ đồng ý với nhau về cơ bản. Cùng với Gia-
cơ, Phao-lô vẫn khuyến giục độc giả hãy làm việc lành, nhưng đó là kết quả
tự nhiên và 'bông trái' của đức tin (RoRm 12:1-21; GaGl 5:18,22,23; Eph Ep
2:10; Tit Tt 2:7), mà không để cho công việc của luật pháp trở thành yếu tố
để đòi được xưng là công nghĩa.
Gia-cơ khẳng định mạnh mẽ nhu cầu phải có đức tin, nhưng chủ trương rằng
một đức tin sống khác hẳn với chính thống giáo chết, phải tự minh chứng
bằng việc làm (Gia Gc 2:14-26). Như thế những lời giáo huấn của Phao-lô
và Gia-cơ không hề mâu thuẫn nhau, tuy nhiên câu phát biểu rút ra từ hai
ông có vẻ như đối nghịch. Khảo cứu về ý nghĩa của sự linh cảm như được
minh chứng trong Kinh Thánh, cần phải để ý đến những khác biệt này.
Thư tín này có rất nhiều câu cách ngôn rất hay, đáng cho chúng ta chú ý:
'Người phân tâm, phàm làm việc gì đều không định' (1:8); 'Cơn giận của
người ta không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời' (1:20); 'Làm bạn
với thế gian tức là nghịch thù với Đức Chúa Trời' (4:4); 'Hãy chống trả ma
quỉ, thì nó sẽ lánh xa anh em' (4:7); 'Người công bình lấy lòng sốt sắng cầu
nguyện, thật có linh nghiệm nhiều' (5:16); cũng có vài cách so sánh đáng ghi
nhớ (xem 1:6; 3:3,4; 4:14).
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Đức tin và việc làm liên hệ với nhau như thế nào trong đời sống người
được chọn?
2. Giữa thư Gia-cơ và IPhi-e-rơ có những điểm tương đồng và dị biệt nào?
3. Đời sống và lời giáo huấn của Chúa Giê-xu có thể được tìm thấy khá
nhiều trong thư tín này như thế nào? Có những khúc sách nào được coi là
âm vang của Bài Giảng Trên Núi?
THƯ PHI-E-RƠ THỨ NHẤT
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Ngoại chứng cho sự chân thật của thư tín này rất vững mạnh, không thể chối
cãi gì được. 'Không có sách nào của Tân Ước đã được chứng thực sớm hơn,
mạnh mẽ hơn hay đầy đủ hơn thư tín này' (Tiến sĩ C.Bigg). Nó được trích
dẫn coi như tác phẩm của sứ đồ Phi-e-rơ trong phần lớn sách vở của các tác
giả như Clement ở Alexandria, Irenaeus ở xứ Gaul, và Tertullian ở Bắc Phi.
Eusebius bảo rằng nó đã được Papias và Polycarp biết rõ và trích dẫn, và
một câu đề cập trong IIPhi 2Pr 3:1 là bằng chứng cho thấy thư IPhi-e-rơ đã
được biết rõ và chấp nhận trước cuối thế kỷ thứ nhất. Lời phản bác cho rằng
các Cơ Đốc nhân chưa bị bắt bớ bách hại vì là Cơ Đốc nhân (IPhi 1Pr 4:16)
cho đến một thời kỳ rất muộn về sau này đã được giải đáp đầy đủ, đó là sự
bắt bớ bách hại thông thường - phân biệt với sự bách hại do đế quyền - đã có
ngay từ khởi thuỷ. Cũng không có luận cứ nào cho rằng Phi-e-rơ không hề
biết tiếng Hy Lạp lại đứng vững vì ông luôn luôn có Mác và Sin-vanh ở một
bên (5:12,13).
Các nét chính yếu về đời sống và công việc của vị sứ đồ có thể vẽ lại như
sau: GiGa 1:35-42 kể lại lần đầu tiên Phi-e-rơ gặp Đấng Christ; LuLc 5:1-11
ghi lại đầy đủ việc ông được kêu gọi; Mat Mt 16:13-20 ký thuật lời xưng
nhận trọng đại của ông; Mat Mt 26:1-75 chép các biến cố dẫn đến việc ông
chối Chúa; GiGa 21 là những lời cuối cùng Chúa đã trao đổi với ông trước
khi Ngài thăng thiên. Trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ, ông là nhân vật chính
trong mười hai chương đầu, chúng ta nhìn thoáng thấy ông trong GaGl 1:1-
2-21; Cong Cv 15:1-41 và ICo1Cr 9:5. Có lẽ ông đã qua đời tại La-mã
khoảng năm 67 SC. Bức thư này xoay quanh một số các ý tưởng của Cong
Cv 1:1-12:25 cuộc đời và các thư tín của Phi-e-rơ đã tự xác nhận lẫn cho
nhau.
Vị sứ đồ viết cho các Cơ Đốc nhân sống 'rải rác' trong các tỉnh được kể tên ở
IPhi 1Pr 1:1 và số người được đọc thư này gồm cả người ngoại bang lẫn Do
Thái (xem IPhi 1Pr 1:14; 2:10; 3:6; 4:3). Các anh em này đang chịu khổ vì
bị người ngoại đạo bắt bớ (4:4,5). Dường như trước đó, Sin-vanh đã từng
đến thăm họ (5:12). Ông này dường như chính là 'Si-la' của Cong Cv
15:22,32,40 và là 'Sin-vanh' của ITe1Tx 1:1,2; IITe 2Tx 1:1; IICo 2Cr 1:19.
Điều này rất quan trọng, vì cho biết trường hợp quen biết Phi-e-rơ và rất
quan tâm đến các Hội Thánh Đấng Christ tại A-si, mà trước đó, ông từng
đến thăm một vài nơi cùng với Phao-lô. Mác cũng từng ở với ông (IPhi 1Pr
5:13) và hiện diện của hai người này đã đủ để chứng tỏ ông rất quen biết với
các thư tín của Phao-lô vốn được mọi người thừa nhận, mà có lẽ họ đã mang
theo nhiều bản sao (IIPhi 2Pr 3:15). Rất có thể những điểm tương đồng với
RoRm 12:1-13:52 của cả hai thư tín đã bắt nguồn từ sách yếu lý thông dụng
để dạy dỗ những người tân tòng.
Thư này được viết từ 'Ba-by-lôn' (IPhi 1Pr 5:13) và có một lời chào thăm do
một 'bà' ở đó, có lẽ ám chỉ một cá nhân nổi tiếng nào đó, hoặc ám chỉ chính
Hội Thánh. Giáo hội La-mã từng khẳng định (nhưng chắc chắn là không
đúng) rằng Phi-e-rơ là vị giám mục đầu tiên tại La-mã, xem 'Ba-by-lôn' là
tên chỉ bóng về thành phố vĩ đại ấy, một ý kiến cũng được nhiều người khác
chủ trương.
Đó là quan điểm cổ truyền, nhưng các lý do chống lại cũng rất nghiêm trọng.
Đã không có lý do rõ rệt nào được đưa ra để biện minh cho việc tại sao lại
không nói thẳng là La-mã nếu quả thật đó là điều bức thư muốn ám chỉ ở
đây, cũng như việc bỗng dưng lại đưa vào bức thư một chữ có nghĩa bóng
giữa một số rất nhiều câu đơn giản và những sự kiện hết sức rõ ràng. Nếu
Phi-e-rơ thật sự đã tuận đạo tại La-mã, thì thời gian giữa lúc ông đến đó và
khi ông qua đời không đủ dài lâu để cho phép ông viết cả hai thư tín mang
tên ông; và nội dung của cả hai thư tín này cũng không phù hợp với giả
thuyết ấy. Cuối cùng, thứ tự theo đó các tỉnh đã được kể tên - từ Đông sang
Tây - cũng hậu thuẫn cho địa điểm xuất phát là từ phía Đông.
Nhiều tác giả Cải Chánh nối gót Erasmus và Calvin tin rằng tên này ngụ ý
ám chỉ thành phố Ba-by-lôn nằm trên sông Ơ-phơ-rát. Việc này lại khiến
nhiều người phản đối. Theo truyền thống xưa thì không hề nghe nói gì đến
việc Phi-e-rơ từng đặt chân đến phần đất này, hay Mác và Sin-vanh từng
được gặp ở đấy. Thành phố cổ xưa ấy đã bị đổ nát từ lâu, và khu định cư của
dân Do Thái tại đó được Josephus cho biết là phần lớn đã được dời đến Xi-
li-xi dưới thời trị vì của Caligula.
Một thuyết thứ ba do Hội Thánh Ai Cập cổ chủ trương và được giám mục
Pearson với một số người khác thừa nhận, thì tên này ám chỉ thành phố Ba-
by-lôn nằm trên sông Nin (ngày nay được gọi là Cairo cổ), một địa điểm
từng là một khu định cư rất xưa của người Do Thái, được Strabo đề cập như
là nơi đóng binh của một binh đoàn La-mã mà ngày nay người ta vẫn còn
nhìn thấy những đống đổ nát của một thành lũy La-mã cổ cũng như vòng rào
làm vách thành. Người ta bảo rằng đây chính là nơi gia đình thánh (ông Giô-
sép bà Ma-ri và con trẻ Giê-xu) từng tạm trú khi trốn sang Ai Cập, tại đây
cũng có một cộng đồng Cơ Đốc ngay từ những ngày đầu. Cho dù câu đề cập
'bà được chọn' trong IPhi 1Pr 5:13 ám chỉ một con người hay một Hội
Thánh, nó sẽ thích hợp hơn nếu ta gắn liền nó với một bộ phận Cơ Đốc nhân
nhỏ hơn là với một thành phố mẫu quốc quan trọng. Giả thuyết này được
hậu thuẫn do sự kiện nhiều truyền khẩu cũng từng kết hợp tên Mác với Ai
Cập. Người ta bảo rằng ông từng ở đó vào những năm 61,62 SC trước khi
đến gặp lại Phao-lô tại La-mã, và từng bổ nhiệm người đã được ông dắt dẫn
tin Chúa là Annianus làm giám mục Alexandria.
Về các Hội Thánh mà thư tín này được gởi đến, thì xứ Bông là nơi A-qui-la
chào đời và A-si là quê hương sau đó của ông (Cong Cv 18:2; ICo1Cr 16:19;
IITi 2Tm 4:19); trong khi các xứ Bông, Cáp-ba-đốc và A-si đều có đại diện
trong ngày lễ Ngũ Tuần. Các khu vực nằm trên bờ Bắc Hải cách xa những
con đường lớn đi từ La-mã đến xứ Palestine, nên khi nghe tin họ gặp nhiều
thử thách, vị sứ đồ đã nhờ đôi tay luôn luôn sẵn sàng của Sin-vanh để gởi
cho họ những lời an ủi, làm chứng và khuyến giục tuyệt diệu này.
PHÂN TÍCH
IPhi 1Pr 1:1-25.
Đặc quyền và số phận của các tín hữu, cái giá phải trả và chủ đích của việc
họ được cứu chuộc.
IPhi 1Pr 2:1-10. Hội Thánh là một đền thờ với Đấng Christ là đá góc nhà.
IPhi 1Pr 2:11-3:7.
Các bổn phận xã hội của Cơ Đốc nhân với tư cách công dân, người đầy tớ,
người làm vợ, làm chồng.
IPhi 1Pr 3:8-4.
Sự thông công với Đấng Christ trong sự cầu nguyện và phục vụ, trong lúc bị
thử thách và quở trách.
IPhi 1Pr 5:14.
Các bổn phận của bậc trưởng thượng và người trẻ tuổi. Chào thăm.
NỘI DUNG
Thư tín này sở dĩ có giá trị đặc biệt là do sự kiện trước giả của nó là người
đã mục kích (IIPhi 2Pr 1:16) quyền năng và vẻ oai nghiêm của Đấng Christ.
Điều này tăng thêm sức thuyết phục cho lời dạy của ông về sự cứu chuộc
(IPhi 1Pr 1:11-19; 2:21-24; 3:18; 4:13), sự sống lại (1:3; 2:7; 3:18,21); và sự
tái lâm (1:5,7; 3:22; 4:5,13; 5:4). Lời giáo huấn liên hệ đến sự tái sanh (1:18-
25; 2:2) và Hội Thánh với tư cách một cộng đồng tín hữu (2:4-10) cũng đơn
giản và dứt khoát. Sau khi đã trình bày các giáo lý đó bằng những lời lẽ thật
rõ ràng (1:1-2:11), phần còn lại của bức thư được dành cho lời khuyến giục
thực tiễn. Đây là thư tín lý tưởng cho con người thực tiễn phải mạnh dạn
đứng vững vì Chúa mình như cách Phi-e-rơ từng làm sau ngày lễ Ngũ Tuần.
Về mối liên hệ với IIPhi-e-rơ, xin xem trong phần về thư tín đó.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Nghiên cứu con người, đời sống và công tác của Đấng Christ theo như thư
tín này mô tả.
2. Ghi nhận các điểm tương đồng giữa đời sống và các bài giảng của Phi-e-
rơ, với lời dạy của ông trong thư tín này.
3. Có ánh sáng nào soi vào vấn đề chịu khổ và mối liên hệ của sự chịu khổ
với sự thương khó của Đấng Christ?
4. Đối chiếu khúc sách IPhi 1Pr 2:4-10 với Thi Tv 118:22; EsIs 8:14; 28:16;
Mat Mt 16:18. Từ đó, chúng ta có thể suy diễn ra điều gì?
5. Lối sống của Cơ Đốc nhân trình bày trong RoRm 12:1-13:14 có âm vang
nào trong thư tín này ?
THƯ PHI-E-RƠ THỨ HAI
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Vị trí của thư tín này trong Kinh Điển đã bị nghi ngờ rất lâu. Origen từng
trích dẫn và coi là của Phi-e-rơ, nói đến 'hai tiếng kèn trong các thư tín của
ông', nhưng 'tiếng kèn thứ hai' bị một số người nghi ngờ. Eusebius xếp IIPhi-
e-rơ cùng với thư Gia-cơ và Giu-đe vào các loại sách 'bị nghi vấn'
(antilegomena), nhưng lại được đa số người thừa nhận.
Tính cách ngắn gọn và hoàn cảnh từ đó nó bắt nguồn có thể xem là lý do
khiến nó được nói tới trong hai thế kỷ đầu tiên và về tiến trình thừa nhận sau
này hết sức chậm chạp. Đến thế kỷ thứ hai và thứ ba, khi đã có nhiều tác
phẩm giả mạo xuất hiện (gồm cả một sách Khải Huyền được cho là của Phi-
e-rơ), các đại học giả Cơ Đốc giáo đã có lý khi tỏ ra hết sức thận trọng trong
việc thừa nhận xem sách nào đáng được liệt vào Kinh Thánh, và việc ấy có
thể khiến chúng ta tin cậy vào sự thẩm định tối hậu của họ. Đến thế kỷ thứ
tư Jerome ghi nhận rằng nhiều người không chịu nhận thư tín này là của Phi-
e-rơ vì bút pháp của nó khác hẳn với thư tín trước; nhưng ông đã thừa nhận
nó là chân thực và gạt qua một bên điểm khác nhau về bút pháp, vì Phi-e-rơ
đã dùng hai thư ký (interpreters: người giải thích, thông ngôn) khác nhau để
viết thư cho ông. Từ thế kỷ thứ tư trở đi thì thư tín này được mọi người thừa
nhận.
Nội chứng hậu thuẫn mạnh mẽ cho thư tín này là của Phi-e-rơ mặc dầu ở
đây đã có những cách diễn tả khác với IPhi-e-rơ, vốn là cơ sở chính yếu để
bị hoài nghi. Như Jerome đã nghĩ, ta có thể gán sự khác biệt đó là do việc sử
dụng những người chấp bút khác nhau; nhiều chỗ khác có thể là do các cơ
hội và chủ đề khác nhau. Khảo xét chi tiết những điểm dị biệt và nhiều điểm
tương đồng tinh tế đã có, chứng minh rằng đã không thể có người giả mạo
nào vào thời gian đó lại có thể làm như vậy. Đã có rất nhiều điểm tương
đồng với thư tín thứ nhất và với các bài giảng của Phi-e-rơ trong sách Công
Vụ Các Sứ Đồ. Tại Giê-ru-sa-lem, Phi-e-rơ nổi tiếng với tên Si-môn (Cong
Cv 15:14) và việc dùng tên đó trong IIPhi 2Pr 1:1 là hết sức tự nhiên đối với
ông, trong khi nếu là một kẻ vô danh nào đó, chắc chắn ông ta sẽ chép lại
IPhi 1Pr 1:1. Việc dùng hai lần từ ngữ dỗ dành (IIPhi 2Pr 2:14,18, nguyên
văn: nhử mồi) nhắc lại lời kêu gọi trước đó của ông, và việc dùng các từ ngữ
'nhà tạm' và 'đi' (sau khi tôi đi: chết, qua đời) chung với nhau (1:14,15) phù
hợp với phần ký thuật sự hóa hình của Lu-ca, tự nó phản ảnh các tư tưởng và
lời lẽ của Phi-e-rơ (LuLc 9:31-33); câu đề cập lời tiên tri của Đấng Christ
trong IIPhi 2Pr 1:14 và việc nó được ghi trong GiGa 21:18,19 đã cung cấp
một sự xác nhận hỗ tương.
Do đó, thiết tưởng chúng ta không cần phải nghi ngờ gì tính cách chân thực
và sự mạc khải của bức thư này. Nó phù hợp với cá tính của vị sứ đồ mà nó
mang tên; thư tín này đã tiến chậm nhưng chắc, trên con đường khiến mình
được Hội Thánh nguyên thuỷ thừa nhận; nó đã đứng vững sau khi đã bị giới
phê bình thử nghiệm; và cũng như nhiều sách khác của Tân Ước, nó có
mang dấu ấn của Thánh Linh và nói ra lời phán của Đức Chúa Trời cho từng
người, từng linh hồn nào muốn lắng nghe.
Dường như thư tín này được gởi cho cùng nhóm độc giả Cơ Đốc như thư tín
trước (3:1), nhưng không chỉ giới hạn vào nhóm độc giả này, và vào lúc
dường như ngày qua đời của Phi-e-rơ (xem GiGa 21:18) đã gần kề (1:14).
Do đó, niên đại của nó sẽ là vào năm 66 hay 67 SC. Ông đã được nghe tin
tức, như Phao-lô cũng đồng thời được nghe (xem ITi1Tm 4:1,2; 6:5,20; IITi
2Tm 4:1-7) về các giáo sư, bằng giáo lý dối giả và bằng gương xấu đang gây
rối cho Hội Thánh non trẻ, nên ông viết thư để cảnh cáo và làm vững mạnh
thêm cho các độc giả của mình trong sự thông biết chân lý, và trong sự trông
đợi ngày Chúa mình trở lại.
Thư Phi-e-rơ thứ hai rất giống thư Giu-đe (xem các câu Giu Gd
1:2,4,6,11,17). Tiến Sĩ Bigg có gợi ý khá lý thú rằng những điều sai lầm mà
cả hai thư tín này tố giác bắt nguồn từ Cô-rinh-tô, rằng chuyện rắc rối đang
lan tràn, khiến Phi-e-rơ phải vội vàng viết bức thư thứ hai này, gởi một bản
sao cho Giu-đe với lời cảnh cáo là cơ nguy đang rất cấp bách, và Giu-đe
cũng tức tốc viết một bức thư cho các Hội Thánh mà chính ông đang quan
tâm. Cách giải thích này, cũng như cách giải thích nào tương tự như thế, sẽ
được sự hậu thuẫn của Giu Gd 1:3-4. Cho nên suy diễn rằng hai thư tín này
đã được viết đồng thời là điều tự nhiên.
PHÂN TÍCH
IIPhi 2Pr 1:1-21.
Các Cơ Đốc nhân phải tin chắc vào việc mình đã được kêu gọi và tuyển
chọn vì sứ điệp Tin Lành có nền tảng vững chắc.
IIPhi 2Pr 2:1-22.
Lời cảnh cáo phải chống lại những kẻ làm điều ác và các giáo sư giả.
IIPhi 2Pr 3:1-18.
Cách thức và tính cách chắc chắn của việc Chúa tái lâm.
NỘI DUNG
Các chủ âm của thư tín này là đời sống thánh khiết, sự hiểu biết chân lý, và
việc trông đợi sự tái lâm của Chúa. Vị sứ đồ bắt đầu bằng lời khích lệ hãy
tiến bộ trong sinh hoạt làm Cơ Đốc nhân, cả về mặt tri thức lẫn về mặt đức
hạnh, sự mạc khải mới mẻ trong Đấng Christ kết hợp với những gì được lưu
truyền từ xưa qua các nhà tiên tri.
Việc này được tiếp nối bằng bức tranh tương phản về thế nào một giáo
thuyết giả dối luôn luôn kèm theo lối kiêu căng của một đời sống xấu xa
gian ác, không thể thoát khỏi sự trừng phạt, như đã được Cựu Ước minh
họa.
Nhìn về tương lai, Phi-e-rơ đề cập sự trông đợi ngày Chúa tái lâm, là điều
làm tăng sự nóng cháy cho lời kêu gọi sống một cuộc đời không chỗ chê
trách và gia tăng sự thông biết Đức Chúa Trời qua Kinh Thánh. Bút pháp rất
gợi hình và đầy năng lực, cũng như trong thư tín thứ nhất vậy.
Việc đề cập đến thư tín của Phao-lô có tính cách ám chỉ trong thư tín trước,
thì lại được minh thị ở đây, và sự thật quan trọng được công bố là chúng có
thể được xếp ngang hàng với các phần Kinh Thánh được linh cảm.
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. So sánh các hiểm họa khác nhau được Phi-e-rơ cảnh giác các độc giả phải
chống lại, với các hiểm họa đang đe dọa Hội Thánh cũng như cá nhân tín
hữu trong thời đại ngày nay.
2. Ứng dụng cho thời đại hiện nay lời dạy dỗ của II Phi-e-rơ liên hệ đến các
sai lầm trong giáo lý và làm thế nào để tránh được chúng.
3. Thư tín này có những bài học gì liên hệ đến một đời sống thánh khiết, sự
tái lâm, và sự linh cảm của Kinh Thánh. Hãy đối chiếu chúng với lời dạy dỗ
của IPhi-e-rơ.
I, II VÀ III GIĂNG
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Qua suốt lịch sử, ba thư tín được gọi theo tên Giăng này đã được mọi người
hoàn toàn đồng ý gán cho sứ đồ Giăng. Cũng không có vấn đề gì trong việc
đồng nhất hóa ông Giăng này với vị sứ đồ, nếu không có một câu trong khúc
sách lừng danh của Papias, đã được Euebius ghi lại (xem chương XIX).
Nói chung các học giả đều đồng ý rằng trước giả sách Tin Lành Giăng cũng
chính là người đã viết ra ít nhất là bức thư thứ nhất, vì nó rất gần gũi với
sách ấy về tư tưởng và ngôn ngữ. Việc thừa nhận ngay thư tín này vào Kinh
Thánh là bằng chứng cho thấy ngay từ đầu đây là tác phẩm của vị sứ đồ; và
các nét đặc biệt của ba bức thư, giọng điệu đầy uy quyền, lời khuyến giục xa
lánh các giáo sư giả, việc nhấn mạnh vào tình yêu thương, và việc dùng
thành ngữ 'các con cái bé mọn', tất cả đều ăn khớp chặt chẽ với điều mà
truyền thống đã kể lại về những ngày cuối cùng của người con trai tuổi tác
của Xê-bê-đê. Chúng cho thấy một điểm dị biệt rõ rệt về thẩm quyền cũng
như phẩm cách thuộc linh, đối với các văn phẩm không được liệt vào Kinh
Thánh của thế kỷ thứ hai.
THƯ GIĂNG THỨ NHẤT
PHÂN TÍCH
IGi1Ga 1:1-10.
Bước đi trong sự sáng, sự tha thứ và sự tẩy sạch.
IGi1Ga 2:1-29.
Đấng Christ là Đấng Biện Hộ cho chúng ta; lời khuyên bậc làm cha, các
thanh niên và trẻ con.
IGi1Ga 3:1-24.
Con cái của Đức Chúa Trời; tình yêu thương được chứng minh bằng hành
động.
IGi1Ga 4:1-21.
Linh của chân lý và của sự giả ngụy, tình yêu thương của Đức Chúa Trời.
IGi1Ga 5:1-21.
Đức tin, sự cầu nguyện và những điều được biết.
NỘI DUNG
Hoàn cảnh gợi ra trong thư tín này là vào giai đoạn cuối thời đại các sứ đồ.
Chúng ta có thể đoán là lúc đó đã có một cộng đồng Cơ Đốc nền nếp - 'sự tối
tăm đã tan rồi, và sự soi sáng thật đã soi sáng' (IGi1Ga 2:8) - thế mà các Cơ
Đốc nhân lại phải được nhắc nhở rằng họ phải yêu thương nhau; nói khác đi,
là các tiêu chuẩn phàm tục của đời sống cộng đồng đã chi phối Hội Thánh
Đấng Christ. Một lần nữa, các giáo sư giả khởi phát, và một tinh thần sâu
sắc hơn bây giờ đã có thể phân biệt được các giáo lý sai lầm, điều Giăng gọi
là Kẻ địch lại Đấng Christ (Anti Christ). Phong trào sâu rộng hơn này bao
gồm việc phủ nhận Đấng Christ đã lấy xác thịt mà ra đời (4:1-3) và dường
như rất giống với tà giáo nổi tiếng được gọi là Trí Huệ Phái (Gnostic, Khả
tri) đã lan tràn vào thế kỷ thứ hai. Một niên đại vào thập kỷ cuối cùng của
thế kỷ đầu tiên phù hợp với các điều kiện vừa kể trên, cũng như với niềm tin
truyền thống liên hệ đến nguồn gốc thư tín này.
THƯ GIĂNG THỨ HAI VÀ THỨ BA
PHÂN TÍCH
IIGi 2Ga 1:1-13.
Những lời khuyến giục hãy yêu thương. Cảnh giác đối với các giáo sư giả.
IIIGi 3Ga 1:1-15.
Gai-út được khen ngợi vì hiếu khách, Đi-ô-trép bị chê trách vì tự chuyên.
NỘI DUNG
Hai tài liệu ngắn ngủi này có thể nhập chung lại với nhau, vì chúng giống
nhau về nhiều phương diện. Cả hai dường như đều được gởi đến cho các cá
nhân, tuy các cá nhân này có nhiều tín hữu Cơ Đốc khác vây quanh (câu 1
trong cả hai thư tín, và câu 6 trong IIIGiăng). Trong cả hai, vị sứ đồ đều tỏ
lòng ước ao được nói chuyện 'mặt đối mặt', và mong sớm được gặp số người
mà ông đang viết thư cho (IIGi 2Ga 1:12 và IIIGi 3Ga 1:14). Và trong cả
hai, sự cần thiết của tình yêu thương trong Đấng Christ đều được nhấn
mạnh, cũng như đã thấy trong thư tín thứ nhất (IIGi 2Ga 1:5; và IIIGi 3Ga
1:8).
Trong thư tín thứ hai có đề cập việc một tà giáo mới dấy lên, phủ nhận việc
'Đấng Christ đã lấy xác thịt mà đến' (IIGi 2Ga 1:7), và trước giả tuyên bố
rằng 'Ấy đó thật là kẻ dỗ dành và kẻ địch lại Đấng Christ'. Lời cảnh cáo này
nhắc chúng ta nhớ lại thư tín thứ nhất, và kết hợp bức thư ấy với bức thư
sau, xem như chúng do cùng một người viết; và như thế là cả ba thư tín đều
có thể được gán cho sứ đồ Giăng, và xem như đã được viết ra rất muộn về
sau, lúc vị sứ đồ đã rất cao tuổi.
Các tài liệu ngắn gọn này đã cho thấy nổi bật cá tính của Giăng. Một con
người vốn ôn nhu, dịu dàng như một người cha, nhưng lại mẫn cảm nhất đối
với điều xấu xa gian ác và nhanh chóng quở trách ngay. Một cá tính như thế
phải chăng đã phản ảnh đúng chính cá tính của Đức Chúa Trời, và đã được
biểu hiện qua toàn bộ Kinh Thánh?
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Thư tín thứ nhất dạy gì về sự tha tội và thắng hơn tội lỗi? Hãy đối chiếu
5:5 với KhKh 2:7; 21:7.
2. Hãy đối chiếu IGi1Ga 1:6 với IGi1Ga 2:4 và 3:4; GiGa 14:17; 16:13;
17:17. Có mối liên hệ nào giữa chân lý trong giáo lý và thực hành?
3. Đối chiếu lời dạy dỗ về AntiChrist trong IGi1Ga 4:1-3 với IITe 2Tx 2:1-
17; ITi1Tm 4:1-16; IIPhi 2Pr 3:1-18; KhKh 13:1-18. Bạn học hỏi được gì
trong các chương sách đó để minh họa cho khúc sách thứ nhất?
4. Nghiên cứu thái độ phải có đối với những người cố ý dạy tà giáo (IIGi
2Ga 1:9,10) hay tự tôn tự đại (IIIGi 3Ga 1:9). Đối chiếu ITi1Tm 6:5; IITi
2Tm 2:16-18; Tit Tt 3:10).
5. Ta có thể học hỏi được gì từ các thư tín này và các thư tín của Phao-lô về
cách thực thi cho phải lẽ lòng hiếu khách của Cơ Đốc nhân?
THƯ GIU-ĐE
TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Thư Giu-đe là một trong những bức thư ngắn nhất trong Tân Ước, nhưng tự
nó có nét đặc sắc riêng biệt. Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu về trước giả.
Mở đầu là câu: 'Giu-đe, tôi tớ của Đức Chúa Giê-xu Christ, và em của Gia-
cơ' (Giu Gd 1:1). Đây là câu trước giả tự giới thiệu, khiến chúng ta tin rằng
ông là một trong bốn người em trai của Chúa, Gia-cơ sở dĩ được đề cập đặc
biệt là vì địa vị quan trọng của ông trong Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem.
Cần chú ý là trong LuLc 6:16, bản Hy văn chỉ viết là 'Giu-đe của Gia-cơ' thì
bản dịch A.V. đã viết là 'em trai' để đồng nhất hóa vị sứ đồ trung tín là Giu-
đe, với Giu-đe, người viết thư tín này. Việc làm đó không có gì chắc chắn
cả, cho nên bản R.V. lại dịch là 'con trai', nói lên sự suy diễn hữu lý hơn.
Như vậy, người viết thư tín này không phải là một trong các sứ đồ, và việc
này phù hợp với 1:17, nói về các sứ đồ như một nhóm người mà dường như
người viết sách này không có phần trong đó. Lời lẽ trong IIPhi 2Pr 3:2 tuy
tương tự, cũng không hề gợi ý về một ấn tượng như vậy.
Đã có chứng cứ rộng rãi về sự hiện hữu của thư tín này và việc nó vốn được
gán cho Giu-đe là em trai Chúa, nơi các học giả thế kỷ thứ hai, như
Tertullian và Clement ở Alexandria; nó được liệt kê trong danh sách phần
còn lại của tập tài liệu gọi là Muratorian Canon, và cũng được đưa vào bản
dịch cổ ra tiếng La-tinh của Tân Ước.
Khi đọc thư tín này, chúng ta thấy không thể xếp nó vào giai đoạn đầu tiên
của thời kỳ các sứ đồ, vì có lời dề cập các sứ đồ như các nhân vật đã hoàn
thành việc truyền rao các thông điệp, cũng vì cớ các dấu hiệu về điều ác
trong Hội Thánh đã trở thành rõ rệt. Mặt khác, nếu thư Giu-đe được viết
trước IIPhi-e-rơ, nó cũng không thể nào có sau năm 67. Trong các tác phẩm
của Hegesippus (do Eusebius giữ lại) có kể câu chuyện về hai người cháu
nội của Giu-đe - vốn là nông dân - đã bị đòi đến trước mặt hoàng đế
Domitian (81-96 SC) để chịu chất vấn về 'Nước Trời' mà họ thuộc về; việc
này phù hợp với niên đại vào khoảng năm 65 SC.
PHÂN TÍCH
Giu Gd 1:1-4.
Chào thăm. Mục đích của bức thư.
Giu Gd 1:5-19.
Cảnh cáo chống các giáo sư gian ác mà sự phán xét đang chờ đợi họ.
Giu Gd 1:20-25.
Lời khuyến giục và bài ca tán tụng.
NỘI DUNG
Thư tín này được gởi đến cho những người trung tín tại các chi hội địa
phương để cảnh cáo chống lại các giáo sư mới xuất hiện (mấy 'kẻ lẻn vào',
Giu Gd 1:4) dường như là để dẫn dắt họ đi sai lạc. Giu-đe thúc giục họ 'vì
đạo mà tranh chiến, là đạo đã truyền cho các thánh một lần đủ rồi' (Giu Gd
1:3). Nhưng việc bảo vệ đức tin (đạo) đó phải được thực hiện bằng một tinh
thần nào đó, không phải dùng lời 'nhiếc móc' (Giu Gd 1:9) nhưng là bởi
quyền năng của Đức Thánh Linh - 'tự lập lấy trên nền đức tin rất thánh của
mình, và nhơn Đức Thánh Linh mà cầu nguyện' (Giu Gd 1:20). Thông điệp
này cũng được ứng dụng cho thời đại hiện nay. Có hai câu viết trong thư mà
người ta không thấy có chỗ nào khác trong Kinh Thánh, nhưng thấy có ở
trong hai tác phẩm ngoại kinh của thế kỷ thứ nhất. Câu thứ nhất (Giu Gd
1:9) được tìm thấy trong tác phẩm có nhan đề Lời Quyết Đoán của Môi-se
(The Assumption of Moses) được lưu truyền đến chúng ta qua phần trích
dẫn của vài giáo phụ người Hy Lạp, và trong bản dịch ra tiếng La-tinh không
được đầy đủ. Câu thứ hai (Giu Gd 1:14) có thể là một câu trích dẫn tự do từ
một tác phẩm được biết là Sách của Hê-nóc, nhưng niên đại của cả hai sách
ấy đều không được biết chắc chắn. Tất nhiên chúng ta sẽ hỏi: 'Giu-đe dùng
các câu ấy nhằm xác nhận chúng có thẩm quyền, hay ông chỉ sử dụng các ý
niệm thông dụng để dạy dỗ những bài học thuộc linh?'. Cả hai chủ trương ấy
đều có thể chấp nhận đồng thời với việc tin cậy trọn vẹn vào phần linh cảm
của thư Giu-đe. Chúng ta có thể nhớ lại thế nào có lần chính Phao-lô cũng
từng sử dụng cả đến văn chương ngoại đạo để làm y như vậy (xem Cong Cv
17:28; Tit Tt 1:12).
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Nội dung của 'đạo đã truyền cho các thánh một lần đủ rồi' (so sánh
ICo1Cr 15:3; ITi1Tm 3:16) là gì?
2. Đối chiếu thư Giu-đe với IITi 2Tm 2:1-26 để hướng dẫn chúng ta phương
pháp đối với các giáo sư giả.
3. Quyền năng bảo vệ, giữ gìn của Đấng Christ (so sánh RoRm 8:38,39).

SÁCH KHẢI HUYỀN


TÁC QUYỀN, NIÊN ĐẠI VÀ HOÀN CẢNH
Sách Khải huyền do một người Hê-bơ-rơ là Cơ Đốc nhân ở Palestine viết;
ông là người đến định cư tại Tiểu Á Châu sau thời gian bị đày ra đảo Bát-
mô. Tên ông là Giăng (KhKh 1:1). Truyền thống nguyên thủy đồng nhất hóa
ông với vị sứ đồ có tên ấy, tuy việc đó chỉ là phỏng đoán căn cứ trên số
thông tin mà chính quyển sách ấy cung ứng. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận
là, hơn bất cứ sách nào khác của Tân Ước, ai là tác giả sách này là vấn đề rất
quan trọng. Sách Này là 'sự mặc thị của Đức Chúa Giê-xu Christ mà Đức
Chúa Trời đã ban cho Ngài...và Ngài sai thiên sứ đến tỏ những điều đó cho
Giăng tôi tớ Ngài' (GiGa 1:1).
Chứng cứ hiển nhiên liên hệ đến việc sứ đồ Giăng là trước giả rất phong
phú, chẳng hạn:
1. Lời làm chứng cho tác quyền của vị sứ đồ do các giáo phụ đầu tiên
(Justin, Irenaeus, Hippolytus, Tertullian, Origen).
2. Sự phù hợp với cá tính của Giăng trong các sách Phúc Âm Cộng Quan với
cá tính của người thấy khải tượng ở đây.
3. Uy quyền chẳng có ai thắc mắc gì được của trước giả trên các Hội Thánh
tại Tiểu Á Châu, người chỉ giới thiệu đơn giản là 'Giăng' giả thiết đã không
có một lãnh tụ Cơ Đốc giáo nào khác tên Giăng trong khu vực ấy khiến
người ta có thể nhầm lẫn với ông.
Các phản bác chính đã được đưa ra là:
1. Có nhiều điểm khác nhau rõ ràng về bút pháp và cách dùng từ ngữ giữa
sách Khải huyền với sách Phúc Âm thứ tư và thư tín của Giăng.
2. Có dị biệt về giáo lý trong sách Khải huyền với sách Phúc Âm thứ tư và
các thư tín của Giăng.
3. Truyền khẩu về việc sứ đồ Giăng đã tử đạo rất sớm.
Căn cứ vào các cơ sở đầy đủ do công trình nghiên cứu của các học giả,
chúng ta có thể loại bỏ ngay hai điểm phản bác sau. Điểm phản bác quan
trọng duy nhất là điểm thứ nhất, đối với nhiều người, đây là điểm quyết định
chống lại việc tất cả các sách vừa kể trên do cùng một trước giả. Swete nhấn
mạnh việc tách rời vấn đề tác quyền sách Khải huyền với tác quyền của sách
Phúc Âm và các thư tín; ông chủ trương rằng rất có thể Giăng đã viết Khải
huyền chứ không viết sách Phúc Âm Giăng và các thư tín. Rất có thể là thẩm
quyền của ông đàng sau Phúc Âm Giăng còn gần gũi chặt chẽ hơn là Phi-e-
rơ đàng sau Phúc Âm Mác, và rằng chính Giăng đã tự tay viết sách Khải
huyền.
Gwatkin thì nghĩ rằng 'chúng ta có thể an toàn khi nói rằng điểm dị biệt của
sách này với sách Phúc Âm thứ tư là điều đương nhiên, nếu nó đã được viết
ngay sau khi Giăng đến Á Châu, còn sách Phúc Âm thì được định niên đại
vào những thời kỳ yên tĩnh hơn nhiều, có lẽ là hai mươi năm sau đó, khi tư
tưởng của ông đã chín muồi, và Hy văn của ông cũng tiến bộ'; ông thêm
rằng Hegesippus và Irenaeus có lẽ đã sai lầm về niên đại nhiều hơn là về
trước giả. Việc thấy có ảnh hưởng ngôn ngữ Semitic trong sách là một yếu
tố quan trọng; nếu Giăng viết sách Khải huyền bằng tiếng A-ram dưới thời
Nero, rồi có ai đó phiên dịch nó, trong khi sau đó, chính ông lại viết sách
Phúc Âm bằng Hy văn, thì chỗ khó giải nghĩa sẽ không còn nữa. Điều đáng
kể là khi viết vào năm 1.906, Swete đã không chịu đưa ra một kết luận cuối
cùng liên hệ đến vấn đề ấy vì thiếu chứng cứ, và Kiddle, khi viết năm 1.941,
cũng làm như vậy.
Quyển sách tiết lộ rằng một cơn bách hại chưa từng có về phương diện
cường độ và tầm hạn, sắp giáng xuống trên Hội Thánh. Cơn khổ nạn này đặc
biệt sẽ giáng trên các Cơ Đốc nhân tại Tiểu Á Châu, nhưng cuối cùng cũng
bao trùm trên toàn thể các Hội Thánh thuộc mọi quốc gia (so sánh lời kêu
gọi phổ quát trong lời hứa cho những kẻ chiến thắng trong KhKh 2:7,11,17,
v.v...và tất cả những chỗ khác). Sự kiện một lãnh tụ hàng đầu của Cơ Đốc
giáo như Giăng đã bị trục xuất khỏi một tỉnh của đế quốc La-mã và đưa đi
đày, có thể ám chỉ một chiếu chỉ của chính quyền đế quốc chống lại các Cơ
Đốc nhân nói chung, với ý định tận diệt Cơ Đốc giáo trong đế quốc. Các lời
tiên tri cho thấy việc thần thánh hóa hoàng đế và việc cưỡng bách mọi người
phải thờ lạy hoàng đế. Các điều kiện như thế là có thật tại Tiểu Á Châu vào
cuối thời trị vì của Domitian, khoảng năm 95SC. Điều này phù hợp với phần
làm chứng chính yếu của Patrick, người gán cho sách này niên đại đó.
Eusebius bảo rằng Domitian lưu đày các Cơ Đốc nhân vì họ trung thành với
đạo, chẳng hạn như đã đày chính cháu của hoàng đế là Flavia Domitilla và
nhiều Cơ Đốc nhân khác đến tận đảo Pontia. Pliny viết sớ cho hoàng đế
Trajan (khoảng 112) rằng trong xứ Bi-thi-ni, nhiều Cơ Đốc nhân đã bội đạo
khoảng hai mươi năm trước đó, nghĩa là khoảng năm 92SC. Nếu các 'thiên
sứ' của các Hội Thánh mà các bức thư trong hai chương 2:1-29 và 3:1-22
được gởi đến cho được hiểu là các 'giám mục' như một số người chủ trương,
thì điều đó sẽ hậu thuẫn cho một niên đại muộn màng hơn về sau.
Toàn thể chứng cứ đó chỉ vào khoảng năm 95SC là niên đại sách Khải
huyền đã được viết ra, khi bầu không khí đang dự báo cho các Cơ Đốc nhân
sắp phải đối đầu với cơ nguy mà mạng sống họ bị đe dọa vì vấn đề 'Đấng
Christ hay Sê-sa'. Tuy nhiên, Lightfoot và một số học giả khác lại thiên về
niên đại dưới thời Nero. Giáo sư Ramsay vạch rõ rằng đây không phải chỉ là
khải tượng trong vòng một ngày, nhưng 'thể hiện phần suy gẫm và cái nhìn
xuyên suốt' trong đó ' cái chết dần mòn tại Bát-mô là thời gian rèn luyện cần
thiết mà ông phải kinh qua để có thể viết nổi sách Phúc Âm thứ tư'. Viễn ảnh
về thế giới của trước giả hẳn đã có ngay khi ông bắt đầu bị lưu đày, và chắc
đã kéo dài suốt nhiều năm.
PHÂN TÍCH
Trong phần phân tích sau đây, những lần phán xét của Đức Chúa Trời được
xem như gồm ba loạt, mà ít nhất trong một phạm vi nào đó, song song nhau,
mỗi loại được kết thúc bằng một cái nhìn về vương quốc hầu đến và được
mở rộng ra cho một số vấn đề đòi hỏi phải có để có thể thấu hiểu trọn vẹn.
KhKh 1:1-3.
Nhan đề quyển sách.
KhKh 1:4-20.
Lời nói đầu. Khải tượng về Đấng Christ thăng thiên.
KhKh 2:1-3:22.
Các bức thư gởi cho các Hội Thánh.
KhKh 4:1-5:14.
Khải tượng về Đức Chúa Trời ngự trên ngôi và về Chiên Con.
KhKh 6:1-19.
Những cuộc phán xét của Đức Chúa Trời.
KhKh 6:1-8:5.
Bảy cái ấn, gồm cả việc đóng ấn cho 144.000 người và chiến thắng khải
hoàn của đoàn người đông vô số.
KhKh 8:6-11:19.
Bảy cái kèn (loa), gồm cả khải tượng về vị thiên sứ cầm quyển sách nhỏ,
việc đo đền thờ và lời chứng của hai nhân chứng.
KhKh 12:1-14:20.
Người đàn bà với Con Trẻ, con rồng và hai con thú, chiến thắng của 144.000
người, Ba-by-lôn sụp đổ, mùa gặt và hái nho trên đất.
KhKh 15:1-16:21.
Bảy bát thạnh nộ dẫn đến kết cuộc.
KhKh 17:1-19:21.
Ba-by-lôn sụp đổ và sự phán xét của Đấng Mết-si-a tại Hạt-ma-ghê-đôn.
KhKh 20:1-15.
Nước một ngàn năm và sự phán xét sau cùng.
KhKh 21:1-8.
Trời mới và đất mới.
KhKh 21:9-22:5.
Thành Giê-ru-sa-lem trên trời.
KhKh 22:6-15.
Lời bạt.
KhKh 22:16-21.
Tính cách chân thật của sách này và lời chúc phước.
NỘI DUNG
Quyển sách đã được đưa ra dưới hình thức một thư luân lưu với một 'lời đạt'
(KhKh 1:1-3) và một 'chữ ký' (KhKh 22:16-21). Chưa hề có một bức thư
nào lại được bố cục cẩn thận đến thế. Nó phát ra một tiếng kèn đồng kêu gọi
hãy có đức tin, can đảm và nhẫn nhục, vì Đấng Christ đã ngự trên ngôi. Nó
đòi hỏi các Cơ Đốc nhân phải tự xét mình, ăn năn những thất bại và tái hiến
mình cho Christ, cho dù phải chịu tuận đạo. Nhằm khích lệ họ, một số lời
hứa rộng rãi nhất trong Kinh Thánh đã được ban cho những ai kiên trì nhẫn
nhục, và sau đó, sẽ chiến thắng. Đó là mục đích của bức thư này đối với các
Hội Thánh. Các khải tượng tiếp sau đó khiến họ phải nhìn lên để thấy Chúa
và Đức Chúa Trời mình đang ngự trên ngôi thống trị toàn cõi vũ trụ, lèo lái
số phận của các dân các nước qua mọi biến chuyển đầy kinh hoàng, để thành
lập nước của Đức Chúa Trời trên đất, và đưa đến tình trạng cuối cùng là trời
mới đất mới. Như thế là nhà tiên tri vạch rõ rằng số phận của những người
theo gót Chiên Con sẽ không phải là đi tránh hoạn nạn, nhưng là phải đi vào
đó, xuyên qua đó để đạt đến chiến thắng khải hoàn cho Đức Chúa Trời. Họ
phải tham dự vào đó và giữ lòng trung tín cho đến cuối cùng.
Sách trình bày tính cách vô cùng kinh khiếp của sự phán xét Đức Chúa Trời
chống lại các tội nhân, để cho chân lý này chiếm được một tỉ lệ thích hợp
của nó trong tâm trí chúng ta. Sách mạc khải sự ứng nghiệm trọn vẹn của
mọi chương trình của Đức Chúa Trời; để không có ai trong chúng ta còn có
chút bi quan, lười nhác nào, mà sẽ tin quyết để lao khổ. Sách nổi bật hẳn lên
là một quyển sách cho sự thờ phượng để ngay từ bây giờ, tâm linh chúng ta
bị bắt phục hầu dâng lên bài ca hân hoan không gì có thể so sánh được.
Quyển sách làm vang lên tiếng reo hò của chiến thắng khải hoàn, để chúng
ta cứ đứng vững mà chiến thắng. Nó đề cập việc Đấng Christ sẽ mau chóng
tái lâm, đổ đầy lòng chúng ta mong ước và hi vọng.
Diễn giải
Sách Khải huyền là đề tài cho nhiều hệ thống diễn giải khác nhau. Suốt ba
thế kỷ đầu tiên, mọi người đều trông mong Đấng Christ sẽ tái lâm thật sớm,
và tiếp theo đó là thời trị vì một ngàn năm (thiên hi niên) của Đấng Christ
theo đúng nghĩa đen của danh từ ấy. Thế lực bách hại đã được vẽ ra trong
các KhKh 13:1-17:18 được quyết đoán là chính đế quốc La-mã ngoại đạo,
Hippolytus thấy Hội Thánh Đấng Christ trong người đàn bà của 12:1-17, và
trong mười cái sừng của 13:1-18 là mười nước sẽ dấy lên để thay thế cho đế
quốc La-mã.
Các nhà cải cách thấy phát triển ba hệ thống được gọi là Quá khứ, Lịch sử
và Tương lai, cả ba đến nay vẫn còn được nhiều người bênh vực. Hệ thống
thứ nhất xem lời tiên tri (trong sách Khải huyền) như đã ứng nghiệm cả rồi
trong hoàn cảnh và thời gian lúc có lời tiên tri ấy. Giáo hội La-mã theo chủ
trương này, và ở đối cực kia, các nhà phê bình theo quan điểm duy lý. Hệ
thống Lịch sử được một số đông các nhà cải cách tôn giáo (Reformers) nói
chung thừa nhận, về sau còn có Sir Isaac Newton và Bengel nữa; quan điểm
này nhận diện giáo hoàng La-mã là thế lực bách hại, và thấy những lần phán
xét khác nhau đã tuần tự diễn tiến qua dòng lịch sử. Trường phái Tương lai
thấy trong 2:1-29 và 3:1-22 một bức tranh phác họa lịch sử Hội Thánh và
chờ đợi sự ứng nghiệm phần còn lại, hoặc ít hoặc nhiều theo nghĩa đen liên
hệ với sự tái lâm của Đấng Christ.
Một nhà chú giải Kinh Thánh gần đây có đề nghị chia sách này ra làm bảy
phần, tức là các 1:1-3:22; 4:1-7:17; 8:1-11:19; 12:1-14:20; 15:1-16:21; 17:1-
19:21; 20:1-22:21, và mỗi phần phải được xem là bao trùm một giai đoạn
trong toàn thể lịch sử Cơ Đốc giáo, được nhìn thấy từ các góc cạnh khác
nhau.
Nên ghi nhớ những điểm sau đây:
1. Quyển sách quả thật đã được viết ra cho nhu cầu của các độc giả ở những
thế kỷ đầu cũng như bất kỳ một bức thư nào khác của Tân Ước. Do đó, đừng
bao giờ quên bối cảnh lịch sử lúc ấy.
2. Mặt khác, trọng tâm của quyển sách là sự kết thúc quang vinh của mọi sự
trong việc Chúa Giê-xu sẽ hiện đến (Parousia) để thiết lập Nước của Đức
Chúa Trời trên khắp thế gian. Sự kiện này không nên để bị che mờ bởi từ
ngữ 'mau kíp' được lặp đi lặp lại nói về những điều sẽ đến. Tính cách gấp rút
của Nước Đức Chúa Trời chạy xuyên suốt cả Kinh Thánh và mang bản chất
tiên tri. Do đó, một phần lớn sách Khải huyền vẫn chưa ứng nghiệm, và một
số nhà chú giải Kinh Thánh hiện đại cho rằng rồi đây chúng sẽ ứng nghiệm.
(so sánh ICo1Cr 14:22 'lời tiên tri không dành cho người vô tín, song cho
người tin').
3. Vì Đức Chúa Trời không hề hành động tùy hứng, cho nên cần phân biệt
trong lời tiên tri các nguyên tắc áp dụng cho đời sống cá nhân và đời sống
quốc gia. Thỉnh thoảng trong lịch sử, chúng ta thấy có những 'ứng nghiệm
phụ' lời của thánh Giăng, và chính ở đây thì phương pháp giải kinh theo lịch
sử đã được biện chính phần nào.
Địa vị sách Khải huyền trong Kinh Thánh
Vì chủ đề của nó, việc đưa sách Khải huyền để kết thúc số tác phẩm được
liệt vào Kinh Thánh là hết sức thích đáng. Tuy nhiên, địa vị ấy cũng rất
xứng đáng vì lý do nó là sách duy nhất đã dùng đến các sách khác của Kinh
Thánh. Giăng dường như đã không nói điều gì mà không ám chỉ một câu
nào đó trong Cựu Ước. Đặc biệt là ông mắc nợ rất lớn đối với Đa-ni-ên và
hầu như cũng tương đương như vậy, với Ê-sai và Ê-xê-chi-ên; những câu
trích dẫn Xuất Ê-díp-tô Ký, Thi Thiên, Giê-rê-mi, Giô-ên và Xa-cha-ri cũng
được tìm thấy trong Khải huyền (xem Swete, Sách Khải huyền). Người ta
nghĩ rằng ông thường có các sách Phúc Âm Cộng Quan trước mặt mình;
chắc chắn là ông đã biết rõ các tài liệu đó; bài thuyết giảng quan trọng về thế
mạt luận của Chúa chúng ta là một trong những viên đá tảng lớn để làm nền.
Người ta cũng tìm thấy nhiều dấu vết của các thư tín của Phao-lô và các thư
tín khác. Những chỗ khó hiểu và nhiều thuyết thái quá của một số các nhà
chú giải Kinh Thánh đã khiến một số Cơ Đốc nhân bỏ qua quyển sách kết
thúc cho bộ Kinh Thánh này.
Nhưng chúng ta không thể bỏ quên nó mà khỏi bị thiệt thòi. Nó bổ túc các
sách Phúc Âm và các thư tín, dạy dỗ cùng những chân lý ấy, nhưng khiến
chúng tràn ngập ánh sáng và màu sắc tươi mới. Giăng tự biết mình là một
nhà tiên tri và biết trước lời lẽ của mình sẽ tồn tại cho đến thời kỳ cuối cùng.
Trong số tất cả các lời sấm ông nói ra đã không có lời nào nghiệm đúng với
kinh nghiệm, hơn là lời chúc phước mà chính ông cảm nhận nơi chính mình:
'Phước cho kẻ nào đọc cùng những kẻ nghe lời tiên tri này, và giữ theo điều
đã viết đây. Vì thì giờ đã gần rồi' (KhKh 1:3).
CÁC LUẬN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1. Ta có thể học hỏi được gì trong hai KhKh 1:1-20 và KhKh 22:1-21 về
thân vị (the Person) của Đấng Christ? Truy cứu các đặc điểm ấy qua suốt
quyển sách.
2. Căn cứ vào KhKh 2:1-29 và 3:1-22, suy diễn chủ đích của trước giả đối
với các Hội Thánh mà ông viết thư cho lúc ấy và lưu ý chủ đích ấy đã thành
tựu như thế nào căn cứ vào những việc xảy ra tiếp theo đó.
3. Đối chiếu các 4:1-11 và KhKh 5:1-14 với EsIs 6:1-17; Exe Ed 1:1-28 và
RoRm 8:1-18, ghi nhận các biểu tượng được nhắc đi nhắc lại. Ở đây có dạy
dỗ gì về mối liên hệ giữa cõi thọ tạo với Đấng Tạo Hóa?
4. Nghiên cứu các lời hứa, lời bảo đảm và các điều kiện để chiến thắng.
5. Khảo xét các lời tiên tri trong DaDn 2:1-49; 7:1-28 và 9:1-27 và Mat Mt
24:51. Sách Khải huyền có soi sáng gì cho các phần tiên tri đã ứng nghiệm,
và những lời tiên tri hãy còn trong tương lai?
6. Nghiên cứu các sắc thái của Khải huyền đã khiến nó xứng đáng là quyển
sách kết thúc Kinh Thánh.

DIỄN TIẾN VÀ SỰ HOÀN TẤT GIÁO LÝ CƠ ĐỐC


Trước khi hiểu được diễn tiến và sự hoàn tất giáo lý Cơ Đốc, có ba điều cần
chú ý.
GIÁO LÝ CƠ ĐỐC LÀ SỰ MẠC KHẢI
Như được thấy ở đây, giáo lý Cơ Đốc không phải là lời dạy của con người,
nhưng là sự mạc khải của Đức Chúa Trời. Tính cách độc nhất vô nhị của đạo
Đức Chúa Giê-xu Christ chính là sự kiện nó giãi bày việc Đức Chúa Trời
tìm kiếm con người, chớ không phải con người tìm kiếm Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời phán dạy con người, nhưng người ta chỉ có thể nghe thấy khi
tiếng nói của Ngài phá tan im lặng. Cơ Đốc giáo nhấn mạnh việc Đức Chúa
Trời đi tìm kiếm loài người, chớ không phải loài người tìm kiếm Đức Chúa
Trời. Bước đầu tiên chủ động là hoàn toàn do Đức Chúa Trời. Giáo lý Cơ
Đốc bắt đầu từ ân sủng tối cao của Đức Chúa Trời, Đấng đã tự hạ mình
giáng thế để tự mạc khải cho nhân loại sa ngã. Như thế, sự mạc khải là mối
tương giao tương thông giữa Đức Chúa Trời với con người, không tách rời
các yếu tố, các nhân tố từ phía con người. Trong việc xây dựng và trình bày
giáo lý Cơ Đốc, con người bao giờ cũng có vai trò của mình. Nhưng trước
hết thì con người chỉ là kẻ tiếp nhận. Con người lắng nghe khi có tiếng 'Đức
Giê-hô-va phán'. Con người không sáng tạo được chân lý: Chân lý vốn ở
ngoài con người cho đến khi con người hấp thu, tiếp nhận chân lý.
GIÁO LÝ CƠ ĐỐC LÀ LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI
Nơi tàng trữ giáo lý Cơ Đốc là Kinh Thánh. Cũng như các đạo khác, Cơ Đốc
giáo có các tài liệu và tiêu chuẩn riêng, và chúng được sưu tập thành các
Kinh Điển Cựu và Tân Ước. Cơ Đốc giáo thừa nhận Kinh Thánh là Lời của
Đức Chúa Trời, được thần cảm và gồm có Phúc Âm của Đức Chúa Giê-xu
Christ, là tin mừng về việc người ta có thể được cứu khỏi tội. Không có một
quyển sách nào trên thế gian này đã vạch ra cho loài người con đường để
thoát khỏi tội lỗi, cho biết bí quyết để nhận thức được chính mình và khơi
dậy hi vọng về sự sống đời đời.
Trong bất luận sự lượng định nào về giáo lý Cơ Đốc trong Lời của Đức
Chúa Trời, điều phải đặc biệt chú ý là chính giáo lý ấy không phải là lý
thuyết về chân lý, nhưng là một quyền lực thực tiễn. Đức Chúa Trời đã
không đến gần loài người chỉ bằng một triết thuyết về đời sống mà thôi;
nhưng bằng một hành động cứu chuộc. Nói khác đi, sự mạc khải là một diễn
trình lịch sử và Kinh Thánh là phần ghi lại sự can thiệp cứu rỗi đó bên trong
các sinh hoạt của nhân loại. Chính những gì Đức Chúa Trời đã làm là nền
tảng của sự mạc khải trong Kinh Thánh. 'Ngài bày tỏ cho Môi-se đường lối
Ngài, và cho Y-sơ-ra-ên biết các công việc Ngài' (Thi Tv 103:7). Toàn thể
hành động cứu rỗi này vượt lên trên sự tiết lộ suông chân lý khách quan để
tạo thành các dữ kiện của giáo lý Cơ Đốc đều được bảo tồn cho chúng ta
trong Lời Đức Chúa Trời.
GIÁO LÝ CƠ ĐỐC LÀ MỘT KHỐI THỐNG NHẤT HỮU CƠ
Đây là một cách nói khác để bảo rằng có một dòng ân điển chính yếu đã
chạy xuyên suốt lịch sử của sự cứu chuộc và qua tất cả các trang Kinh
Thánh. Đã có một sự liên tục hết sức rõ ràng giữa Cựu và Tân Ước, mà ngay
từ những ngày đầu tiên, đã được Hội Thánh nguyên thủy thừa nhận. Giao
ước này bổ túc cho giao ước kia. Cả hai đều thiết yếu để thấu hiểu sự mạc
khải trọn vẹn về Đức Chúa Giê-xu Christ. Giao ước cũ tập trung tại núi Si-
na-i; giao ước mới tập trung tại núi Gô-gô-tha.
Quan điểm đó đối với sự mạc khải của Kinh Thánh là tối quan trọng, vì sự
phát triển giáo lý không thể dựa trên bất cứ một giả thuyết nào khác. Quan
điểm trên đây giả định trước là có một bàn tay hướng dẫn duy nhất qua suốt
lịch sử nhân loại với một tâm trí chủ đạo duy nhất qua mọi thời đại. Giáo lý
của Cựu và Tân Ước đã không có chỗ dị biệt căn bản nào. Sự mạc khải đã
bắt nguồn từ cùng một Linh của chân lý (Thần Lẽ Thật); toàn thể Kinh
Thánh chỉ được thần cảm do cùng một Đức Thánh Linh duy nhất mà thôi.
Có thể có nhiều loại, nhiều cấp bậc linh cảm mà tâm trí loài người kinh
nghiệm, nhưng trong việc đó thì linh cảm loài người của Kinh Thánh là độc
nhất vô nhị, cho nên, trong tất cả sách vở từng tự hào là được 'cảm hứng', thì
chỉ một mình Lời Đức Chúa Trời mới là phương tiện, là phương pháp duy
nhất để ban phát ân điển do chính Đức Chúa Trời chỉ định. Đây là Lời Hằng
Sống kêu gọi đến nhân cách toàn diện của con người. Một khi đã được tiếp
nhận bằng đức tin cũng như bằng lý trí, nó sẽ tác động trong tâm hồn hay
bản ngã, để đưa người ta đến chỗ được cứu rỗi, và thánh hóa. Sự linh cảm
của Kinh Thánh đã đứng vững được qua trắc nghiệm của thời gian, và giáo
lý chân chính của Kinh Thánh đã tác động hữu hiệu qua đời sống của rất
nhiều nhân chứng.
Thừa nhận tính cách chân chính đó của sự mạc khải, sự thuần chánh đó của
giáo lý Cơ Đốc, là tránh được việc đánh giá thấp Cựu Ước và bất luận một
nhấn mạnh giả tạo nào vào bất cứ một phương diện nào của chân lý khi nó
xuất hiện trong dòng lịch sử. Tính cách liên tục và thống nhất của chân lý
như đã được mạc khải trong Lời Đức Chúa Trời cung cấp một viễn ảnh đích
thực cho việc Đấng Christ hiện ra trọn vẹn và thi hành công tác trên thế gian
này. Việc cho rằng có hai Đức Chúa Trời, một trong Cựu và một trong Tân
Ước, hay quan điểm về việc có sự phát triển bên trong bản tính của Đức
Chúa Trời mà kết quả là có sự tăng trưởng trong bản tính của Đức Chúa
Trời, là do người ta hoàn toàn hiểu sai phương pháp tiếp cận của một Đức
Chúa Trời hằng sống và chân thật duy nhất, là Đức Chúa Trời và là Cha Đức
Chúa Giê-xu Christ chúng ta, với những kẻ đã được Ngài tạo nên, nhưng vì
sa ngã mà bị bại hoại.
Một khi đã thừa nhận các tiền đề đó, rằng trước nhất giáo lý Cơ Đốc vốn là
một sản phẩm của Đức Chúa Trời chớ không phải là của loài người tuy nó
qua trung gian loài người mà có; rằng nó được tác nhân siêu nhiên đặt để
trong Lời Đức Chúa Trời, và rằng nó là một khối thống nhất hữu cơ, là
chúng ta đã dọn sạch được một nền tảng để tiến tới việc khảo xét, suy
nghiệm về sự tiến triển để đạt đến chỗ đầy đủ trọn vẹn của nó.
Giáo lý Cơ Đốc phát triển song song và đồng thời với phong trào cứu chuộc
lịch sử. Sự tiến triển của nó không phải là một cơn phục hưng về học thức
trong đó sức lực và ánh sáng được gia tăng từ thời đại này sang thời đại
khác. Kinh Thánh nhấn mạnh rằng mạc khải đòi hỏi một sự thức tỉnh và mở
rộng tầm nhìn của tinh thần, những khải tượng về chân lý không hề bị pha
trộn với tư tưởng của loài người như người ta pha lẫn các loại chỉ khác nhau
trong một khung máy dệt. Việc dân Y-sơ-ra-ên được tái sinh để trở thành
một dân tộc thuộc linh lan tràn khắp thế gian là một ý niệm vượt khỏi các
thế lực yếu đuối của loài người. Hi vọng về sự cứu rỗi khỏi tội không hề có
mầm mống trong tâm trí loài người cho đến khi nó được đem trồng vào đó
bằng sự can thiệp cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Như Kinh Thánh chép: 'Ấy
là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng người chưa nghĩ đến, nhưng Đức
Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài' (ICo1Cr 2:9).
Sự phát triển giáo lý Cơ Đốc không bắt đầu trong lãnh vực chiêm ngưỡng
chủ quan, mà trong sự mạc khải khách quan. Đức Chúa Trời luôn luôn đi
trước người thuộc về Ngài một bước, để hướng dẫn họ trên con đường hành
hương tìm đến chủ đích cứu rỗi của Ngài.
CÁC QUI LUẬT TIẾN TRIỂN
Có một số qui luật tiến triển được xác định rõ ràng đã chỉ đạo cho sự mạc
khải chân lý của Đức Chúa Trời trong lịch sử ngày nay và vẫn còn tác động.
a) Giáo lý Cơ Đốc tiến triển qua sự chọn lựa
Chân lý được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ kia bằng những con đường
dẫn truyền chọn lọc. Tác giả Thi Thiên có thể ca ngợi tính cách hợp pháp
của phần hiểu biết thuộc linh ông có nhờ số người trước ông từng được ở với
Đức Giê-hô-va trong nơi kín mật. '(Chúa) đã ban cho tôi cơ nghiệp của
những người kính sợ danh Chúa' (Thi Tv 61:5). Kinh Thánh chép rằng lúc
nhân loại hãy còn ấu trĩ, Đức Chúa Trời đã dạy cho nhân loại thời trước nạn
lụt về nếp sống của Ngài nhưng họ đã khước từ con đường công chính. Ngay
từ nguyên thủy, về phương diện đạo đức nhân loại đã chia thành hai nhánh
khác nhau hết sức rõ rệt, và sự mạc khải được lưu truyền qua dòng dõi Sết.
Dòng dõi được tuyển chọn này hầu như đã bị xóa sạch, đến thời của con
người công chính Nô-ê, nhân loại được ban cho một khởi điểm mới, các tổ
tiên vô đạo, bất kỉnh của họ đã bị tận diệt. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ.
Một lần nữa, dòng dõi loài người bị tách riêng ra, để qua đó Đức Chúa Trời
có thể tự bày tỏ Ngài ra và thông báo về chủ đích cứu chuộc của Ngài. Con
cháu của Sem đã được tuyển chọn. Nhân vật trung tín là Áp-ra-ham trở
thành tổ tiên của Y-sơ-ra-ên, là tuyển dân, mà định mệnh muốn họ phải
truyền dạy cho thế gian sự hiểu biết về Đức Chúa Trời và chuẩn bị một môi
trường cho sự nhập thể của Con Ngài và là Cứu Chúa chúng ta. Đã không ở
đâu khác ngoài hành động cứu chuộc của Đức Chúa Trời, nguyên tắc tuyển
chọn lại được chứng minh rõ ràng hơn trong việc tuyển chọn một dòng
giống, một chi phái, một họ và những con người cho sự nhập thể của Đấng
Mết-si-a. Cũng theo cùng một qui luật ấy, chân lý đã được lưu truyền qua
mọi thời đại. Những người được chọn đã được Thánh Linh của Đức Chúa
Trời dắt dẫn để thấu hiểu đầy đủ, trọn vẹn huấn nhiệm về Nước Đức Chúa
Trời.
b) Giáo lý Cơ Đốc tiến triển tùy theo khả năng con người
Ánh sáng chỉ được tăng thêm tùy theo sự gia tăng của khả năng tiếp nhận.
Khả năng tiếp thu luôn luôn ở dưới quyền giám sát của Đức Chúa Trời cả
trong mối liên hệ với các dân tộc lẫn với các cá nhân. Nó điều chỉnh sự mạc
khải. Qui luật này tác động ngay trên câu chuyện về nhân loại và được chính
Chúa Giê-xu công bố và thực thi. 'Ấy bởi nhiều lời thí dụ (ẩn dụ) như cách
ấy mà Ngài giảng đạo cho họ tùy theo họ nghe được' (Mac Mc 4:33). Đức
Chúa Trời đã hết sức nhẫn nại khi đối xử với người thuộc về Ngài. Ngũ
Kinh ghi lại sự phản loạn của dân Y-sơ-ra-ên sau khi Xuất Ai Cập, và việc
họ đã bị sửa phạt. Một dân tộc nô lệ chỉ được biến thành một dân tộc tự do
từ từ, để có tâm trí được giải phóng để tán tụng Đức Chúa Trời. Các điều răn
của Đức Chúa Trời được ban bố từ khung cảnh hãi hùng của núi Si-na-i. Bộ
luật ấy đem áp dụng cho một cộng đồng đã an cư lạc nghiệp vẫn còn là lý
tưởng tồn tại lâu dài về đạo đức và tôn giáo. Giai đoạn các quan xét là một
thời gian suy thoái khi các chi phái tại một địa phương này hoặc địa phương
khác sa vào tội lỗi, mê tín dị đoan và ngu dốt. Đây là tấn thảm kịch của lịch
sử trong đồng vắng tái diễn. Qua suốt giai đoạn quân chủ, vừa thống nhất
vừa phân rẽ, Đức Chúa Trời đã giáo dục dân Ngài, để qua các kinh nghiệm
ngọt bùi cũng như cay đắng, biến họ thành môi trường trung gian của sự
mạc khải. Lần lần, chân lý bắt đầu xuất hiện trên dân tộc Hê-bơ-rơ rằng họ
nằm trong bàn tay nhào nặn của Đức Chúa Trời và kinh nghiệm bi thảm của
cuộc lưu đày mở cửa cho cả một trận lụt ánh sáng - các bài học về điều
thuộc linh, về sự hi sinh và về phổ quát tính. Dường như đến giai đoạn hậu
lưu đày, tính cách độc quyền triệt để của luật pháp đã bị lung lay, nhưng
trong sự sắp xếp thần hựu, nó là diễn trình của việc duy trì chủng tộc và tôn
giáo, trong đó phần có lợi cho sự tiến bộ của sự mạc khải đã được bảo tồn.
Đến khi kỳ hạn đã được trọn, khi dân tộc chịu sửa phạt đã sẵn sàng như sự
việc đáng phải có để Đấng Mết-si-a có thể giáng lâm, và khi các dân tộc
ngoại đạo đã quá mòn mỏi với các thần của họ, thì Chúa Giê-xu đã đến với
tư cách là 'sự sáng của thế gian'.
c) Giáo lý Cơ Đốc tiến triển qua nhân cách
Có một qui luật quan trọng khác về sự phát triển của sự mạc khải, là việc nó
được truyền từ người này sang người khác. Thỉnh thoảng có những nhân vật
vĩ đại đã ra đời, như Áp-ra-ham, Môi-se hay Đa-vít; đó là những đặc ân mà
Đức Chúa Trời đã ban cho nhân loại. Đó là những người đã nêu cao ngọn
đuốc sáng chói phản ánh chân lý của quá khứ và phát ra những tia sáng mới
mẻ cho chính thời đại của họ, cho đến khi sự mạc khải đạt được mục đích
nơi con người vốn là sự sáng của thế gian. Đến lượt mình, thì Ngài giao thác
toàn bộ lời giáo huấn của mình cho một số môn đệ chọn lọc để họ lại dạy dỗ
nhiều người khác hầu tạo nên một sợi dây xích của sự sống và ánh sáng.
Chúa Giê-xu đã không diễn tả tâm trí Ngài trong một quyển sách nào, hay
kết tinh lời giáo huấn của Ngài vào một bài tín điều nào cả. Tất cả những gì
Ngài từng viết ra mà chúng ta được cho biết, chỉ gồm vài chữ trên mặt cát,
mà chẳng hề ai biết được là chữ gì (GiGa 8:6-8). Ngài đã viết trên đời sống
người ta, mà đến lượt họ đã gây ảnh hưởng trên người khác.
Cả ba nguyên tắc trên đây - sự tuyển chọn, khả năng tiếp nhận của con
người và sự lưu truyền từ người này sang người khác - đánh dấu một tiến
trình có một khởi điểm và có một mục đích hết sức dứt khoát. 'Ngay từ ban
đầu, Đức Chúa Trời', là định lý căn bản của Cơ Đốc giáo, trong khi qua suốt
con đường của sự mạc khải, cũng chính Đức Chúa Trời đã đích thân điều
chỉnh và tăng thêm ánh sáng để nó luôn luôn thích hợp với trình độ, với khả
năng của loài người. Tuyệt đỉnh đã đạt được khi Con Đức Chúa Trời nhập
thể được thiên đàng sai xuống bước vào đời sống loài người.
CÁC CHIỀU HƯỚNG PHÁT TRIỂN
Có thể ghi nhận vài nét chính về sự phát triển theo đó giáo lý Cơ Đốc đã tiến
triển từ thời đại này sang thời đại khác. Một số ý niệm được tạo thành trong
đời sống và chạy song song với hành động cứu chuộc của Đức Chúa Trời, và
rõ ràng là có một số đã hướng dẫn trên con đường đi đến sự mạc khải đầy
đủ, trọn vẹn.
a) Sứ điệp Phúc Âm
Một thí dụ nổi bật về sự tiến triển để đạt đến chỗ đầy đủ trọn vẹn của giáo lý
Cơ Đốc là sự phát triển của sứ điệp của Phúc Âm qua lời công bố ngay trong
Cựu Ước và Tân Ước về phương pháp cứu rỗi. Nó bắt đầu với lời tuyên bố
báo trước về Phúc Âm trong SaSt 3:15 'Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ
nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày, còn mày sẽ cắn gót chân
người'. Chủ đề này được khai triển dần; luôn luôn có sự kết hợp giữa việc
được giải cứu khỏi tội với con người của một Đấng Giải Phóng. Quả thật là
ngay từ đầu, sự cứu rỗi được hình dung cả về phương diện vật chất lẫn về
phương diện quốc gia dân tộc; nhưng về sau, nó được biến thành một cái gì
có tính cách cá nhân và thuộc linh. Cần ghi nhận thế nào lời giảng nguyên
thủy của các sứ đồ bắt nguồn từ các ý niệm của Cựu Ước và bắt rễ ngay từ
phần mạc khải đã được ban cho các giáo phụ. Các công trình nghiên cứu gần
đây về sự giảng dạy nguyên thủy đã xác nhận sự phát triển đó. Xuất phát từ
bốn bài giảng của Phi-e-rơ (Cong Cv 2:1-4:37), nội dung sứ điệp Phúc Âm
nguyên thủy đã được tóm tắt như sau:
1. Kỷ nguyên của sự ứng nghiệm đã bắt đầu: 'Đây là điều đấng tiên tri...đã
nói tiên tri rằng...' (Cong Cv 2:16). 'Đức Chúa Trời đã làm cho ứng nghiệm
lời Ngài phán tiên tri bởi miệng các Đấng tiên tri...' (Cong Cv 3:18). 'Hết
thảy các tiên tri đã phán, từ Sa-mu-ên và các Đấng nối theo người cũng đều
có rao truyền những ngày này nữa' (Cong Cv 3:24).
2. Chúa Giê-xu của lịch sử là Đấng Trung Bảo (trung gian) để thực hiện điều
đó theo kế hoạch nhất định và sự biết trước của Đức Chúa Trời.
3. Sự sống lại và thăng thiên của Chúa Giê-xu đã chứng nghiệm cho địa vị
Chúa Tể và là Đấng Mết-si-a, là Đầu của dân Y-sơ-ra-ên mới. 'Vậy, cả nhà
Y-sơ-ra-ên khá biết chắc rằng Đức Chúa Trời đã tôn Giê-xu này...làm Chúa
và Đấng Christ' (Cong Cv 2:36).
4. Đức Thánh Linh trong Hội Thánh là dấu hiệu về quyền năng và sự vinh
hiển hiện nay của Đấng Christ (Cong Cv 2:17-21,33 so sánh Gio Ge 2:28-
32).
5. Kỷ nguyên của Đấng Mết-si-a chẳng bao lâu nữa sẽ kết thúc bằng sự tái
lâm của Đấng Christ (Cong Cv 3:21).
6. Bức thông điệp bao giờ cũng kết thúc bằng một lời kêu gọi hãy ăn năn, và
đề nghị ban sự tha tội và Đức Thánh Linh và lời hứa về sự cứu rỗi (Cong Cv
2:38,39 so sánh Gio Ge 2:32; EsIs 57:19).
Thông điệp Tin lành của vị sứ đồ đó là phần mở rộng lời truyền giảng của
Chúa Giê-xu như đã được ghi lại trong bốn sách Phúc Âm (Mac Mc
1:14,15). Giáo lý của Phao-lô là sự khai triển phần kerygma (lời truyền
giảng) nguyên thủy, nhấn mạnh thần tánh của Chúa chúng ta, giá trị của sự
chết chuộc tội của Ngài, và việc Ngài tiếp tục cầu thay bên hữu Đức Chúa
Trời.
b) Luật pháp
Theo nghĩa rộng rãi nhất, chức năng của luật pháp là dạy dỗ; Kinh Torah của
Đức Chúa Trời là lời giáo huấn. Về phương diện pháp lý, luật pháp bày tỏ
bản chất của tội lỗi là đem đến cái chết, và luật pháp cũng được công bố là
một thầy giáo (người giữ trẻ) dẫn người ta đến với Đấng Christ. Theo một
thần học gia Tô Cách Lan xưa, thì một 'công việc luật pháp' là cần thiết đối
với bất cứ kinh nghiệm cứu rỗi nào. Chúa Giê-xu nhấn mạnh rõ ràng hơn
rằng mục đích Ngài đến thế gian không phải để phá hủy, nhưng là để làm
trọn luật pháp. Qua suốt thời gian thi hành chức vụ, Ngài luôn luôn tôn trọng
sự mạc khải về việc phải suy nghĩ đúng, sống đúng và thờ phượng Đức Chúa
Trời phải phép. Phần tóm tắt luật đạo đức của Ngài là điều đáng cho chúng
ta ghi nhớ: 'Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa là Đức
Chúa Trời...Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình' (Mat Mt 22:37,39). Khi
trình bày luật pháp trọn vẹn này Chúa Giê-xu đã làm ba việc:
1. Dành lấy uy quyền tái giải thích ý nghĩa nguyên thủy của luật pháp. Chính
Ngài là tiêu chuẩn của các giá trị đạo đức. 'Nhưng, ta nói cùng các ngươi'.
2. Đưa ra ý nghĩa sâu nhiệm hơn cho luật pháp xưa, bao gồm cả phần động
cơ thúc đẩy từ bên trong cũng như bằng hành động bên ngoài.
3. Mở rộng luật pháp để bao gồm cả các hành động khác không thuộc về lễ
nghi khiến luật pháp bao gồm cả sinh hoạt hằng ngày.
Các trước giả Tân Ước, kể cả sứ đồ Phao-lô, đều chấp nhận việc Đấng
Christ hủy bỏ luật pháp, nhưng chống lại thuyết chủ trương chỉ cần đức tin
mà không cần việc làm.
c) Lời tiên tri
Chúa Giê-xu đã làm trọn luật pháp thế nào thì Ngài cũng làm ứng nghiệm
các lời tiên tri y như vậy. Sự tiến triển của lời tiên tri qua các thời đại, là việc
các nhà tiên tri tự mình nghiên cứu lời tiên tri. Có những đại tiên tri đã có
trước các tác giả được liệt vào Kinh Điển vào thế kỷ thứ tám TC, chẳng hạn
như Sa-mu-ên, Ê-li, Ê-li-sê. Những người của Đức Chúa Trời đó từng hoàn
thành nhiệm vụ đích thực của một nhà tiên tri bằng cách nói ra nhân danh và
bằng uy quyền của Đức Chúa Trời cho thời đại và thế hệ mình. Các vị là
những nhà tiền hô cho các nhân vật mà lời nói đã được lưu truyền cho chúng
ta trong Kinh Thánh. Toàn thể các nhà tiên tri đều đồng thanh thông báo tính
cách thuộc linh của tôn giáo. Chúng ta hàm ơn họ trong việc thấu hiểu sự thờ
phượng và đồng đi cùng Đức Chúa Trời. T.W.Manson đã vạch rõ là có ba
quan niệm sơ khởi trong tôn giáo của người Y-sơ-ra-ên.
1. Quan niệm về một Đức Chúa Trời hằng sống duy nhất được bày tỏ ra
trong lịch sử.
2. Ý thức về việc Đức Chúa Trời đã lập giao ước để 'tuyển chọn' dân Y-sơ-
ra-ên là dân Ngài.
3. Tính cách bất khả phân ly của đạo đức với tôn giáo.
Theo một ý nghĩa cao cả nhất, Chúa Giê-xu đã làm trọn sự mạc khải tiên tri
đó.
1. Ngài chính là hiện thân của Đức Chúa Trời trong lịch sử, xuất hiện vào
một thời điểm và địa điểm nhất định, sinh sống qua một thời gian nhất định.
2. Bằng sự tuyển chọn do ân điển, Ngài tự kêu gọi cho mình số người thuộc
về Ngài (GiGa 15:16).
3. Ngài thiết lập một vương quốc cho chính mình, phân biệt với các nước thế
gian. Ngài luôn luôn nhấn mạnh bằng đời sống và cái chết của mình rằng
một đời sống thuộc linh phải tự bộc lộ bằng nếp sống đạo đức và rằng tôn
giáo vô nghĩa nếu không có việc làm thực tiễn. Ngài dạy rằng Cơ Đốc giáo
không phải là triết thuyết, nhưng là một 'lối' sống.
d) Sự hi sinh (sinh tế)
Có một vạch màu đỏ chạy suốt từ Cựu Ước và Tân Ước, để đạt đến tuyệt
đỉnh tại Gô-gô-tha. Một số học giả phủ nhận sự liên tục của ý niệm về sự hi
sinh đó trong Kinh Thánh. Quan điểm của họ là sự hi sinh vốn xa lạ với
dòng mạc khải và nguồn gốc ngoại đạo; và trên tất cả mọi người, chính các
nhà tiên tri đã giải phóng dân Y-sơ-ra-ên thuộc linh khỏi ách nô lệ. Họ bảo
rằng chính các vị đã luôn luôn công kích sự thờ phượng trong đền thờ và lên
án toàn bộ nghi thức về sinh tế. Những khúc sách như EsIs 1:11; Gie Gr
7:21-23; AmAm 5:25-27 đã được nêu ra để làm chứng cứ cho thái độ ấy, do
đó, mối liên hệ giữa sinh tế tối cao tại thập tự giá với nghi lễ cổ xưa của Tân
Ước đã bị phủ nhận.
Một sự khước từ như thế - không nhận rằng Đấng Christ chính là Thầy tế lễ
trọn vẹn đồng thời cũng là Con Sinh trọn vẹn - có liên quan trực tiếp đến
việc giải thích sự chết của Chúa Giê-xu và đưa đến một giáo thuyết sai lầm
về sự chuộc tội. Trái lại, thái độ của các nhà tiên tri Cựu Ước đối với sinh tế
có thể được giải thích như sau:
1. Các nhà tiên tri đạo đức là một với các thầy tế lễ vì cùng là chi thể trong
thân thể và diễn tả cùng một tâm trí của Đức Chúa Trời. Bản thân họ đều giữ
luật pháp và phần nghi thức thờ phượng trong đền thờ. Họ khác hẳn với các
thầy tế lễ chỉ 'hành nghề' mà thôi.
2. Các vị không hề chống lại hệ thống tế lễ, mà chống lại việc lạm dụng hệ
thống ấy. Các vị không hề muốn hủy bỏ mà chỉ muốn cải cách phần nghi lễ
mà thôi.
3. Các vị không hề xem các của lễ là cứu cánh của chính chúng, nhưng chỉ là
biểu tượng ám chỉ về một chân lý sâu nhiệm hơn. Sự thống khổ làm khuôn
vàng thước ngọc trong EsIs 53:1-12 là gương mẫu lý tưởng của việc tìm cầu
một thực tại vĩnh cửu và ánh sáng của một sự ứng nghiệm chắc chắn.
e) Con người Đấng Christ
Đây là dòng tiến triển trung tâm mà mọi dòng nước khác của Phúc Âm đều
đổ vào đó, cả luật pháp, lời tiên tri, của lễ, và mọi giáo lý khác. Sự thống
nhất của giáo lý Cơ Đốc không nằm trong một nguyên lý, nhưng nơi một
con người. Quả thật là hi vọng về Đấng Mết-si-a ngay từ lúc vừa manh nha -
và cả về sau, vào giai đoạn giữa ngày nữa - đã được kết hợp rõ rệt với vương
quốc hơn là với Nhà Vua; nhưng hai ý niệm này bất khả phân ly. Càng lâu
về sau, người ta cũng nhận thức được rằng vương quốc không thể đến được
nếu không có Nhà Vua. Điều này đã trở thành nổi bật nơi chính Con Người
Nhà Vua. Với thông điệp Phúc Âm cũng vậy. Tâm điểm của nó là Cứu
Chúa, Con Đức Chúa Trời và là Con Người, một Con Người gồm cả Trời và
Người. Luật pháp cũng chỉ được ứng nghiệm, được giữ trọn, trong sự vâng
lời trọn vẹn của Chúa Giê-xu trong lịch sử, và phần mạc khải đầy đủ của nó
được thành tựu trong đời sống và công tác của Ngài. Cũng tương tự như vậy,
các canh chỉ của lời tiên tri chỉ được Nhà-Tiên-Tri-là-Đức-Chúa-Trời tháo
gỡ, Ngài là người phát ngôn tối hậu của Đức Chúa Trời. Một sinh tế lại chỉ
có thể trở nên trọn vẹn và có hiệu lực nhờ con sinh không tì vết tại núi Gô-
gô-tha. Bởi vì do chính thân vị Ngài, Đấng Christ đã trở thành nhân vật tối
cao của sự mạc khải cả trong Cựu lẫn Tân Ước, cho nên Ngài đã được gọi
rất đúng là 'Chiếc Chìa Khóa của Kinh Thánh'.
Sách luật pháp và các sách tiên tri, phần sử ký cũng như thi ca và sự khôn
ngoan của Cựu Ước, tất cả đều thành tựu trong đời sống và công lao của
Đấng Christ. Trong Đấng Christ 'đã giấu kín mọi sự quí báu về khôn ngoan
thông sáng' 'vì sự đầy đẫy của bổn tánh Đức Chúa Trời ở trong Đấng Christ
như có hình' CoCl 2:3,9). Chúa Giê-xu đã diễn tả sự 'đầy đủ trọn vẹn' đó
bằng ba đường lối khác nhau: những gì Ngài phán, những gì Ngài làm, và
Ngài vốn như thế nào. Lời dạy dỗ, các hành động và cá tính của Ngài đã nói
lên cùng một ngôn ngữ, và cùng đưa ra một lời làm chứng chung.
TÍNH CÁCH CHUNG QUYẾT CỦA GIÁO LÝ
Tính cách đầy đủ trọn vẹn của giáo lý Cơ Đốc bao hàm định lý về tuyệt đối
của đạo Chúa Giê-xu. Quả quyết rằng Đấng Christ làm ứng nghiệm toàn thể
mạc khải trong Kinh Thánh và tất cả sự dạy dỗ của Cơ Đốc giáo đều được
đầy đủ trọn vẹn trong Ngài, tức là tuyên bố rằng ngoài Ngài thì chẳng còn có
gì hơn nữa cả, rằng không hề còn có gì khác vượt khỏi chính Ngài. Chính
tính cách chung quyết đã gây bất mãn cho nhiều nhà tư tưởng ngày nay. Tại
sao Đấng Christ lại là điểm kết thúc của mọi khôn ngoan thuộc linh? Thật
đơn giản bởi vì Ngài chính là Con Đức Chúa Trời. Chính tính cách chung
quyết của Chúa Giê-xu đòi hỏi chúng ta phải tin nhận một giáo lý Cơ Đốc
cao siêu bằng đức tin. Thư Hê-bơ-rơ đã được viết ra để chứng minh rằng Cơ
Đốc giáo đã làm ứng nghiệm các lý tưởng cao cả nhất của Do thái giáo, do
đó, phải kể là nó đã lỗi thời. Tuy nhiên, Chúa Giê-xu hôm qua, ngày nay và
cho đến đời đời vẫn y nguyên. Tuyệt đối chính của Chúa Giê-xu thuộc về sự
hiện hữu từ trước vô cùng và bản tính đời đời của Ngài. Tính cách chung
quyết của Chúa Giê-xu được diễn tả bằng đức tin rằng trong đời sống, lời
nói, sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Giê-xu Christ, có tình yêu thương
đời đời của Đức Chúa Trời, tất cả đều tập trung vào sự kiện độc nhất vô nhị
là Đấng Christ. Sự kiện về Đấng Christ là hành động của Đức Chúa Trời.
Những gì đã xảy ra trong sự chết và sống lại của Chúa Giê-xu tuy đã xảy ra
một thời điểm của lịch sử, nhưng đều là những sự việc vô thời gian tính.
Truyền giảng tính cách chung quyết của giáo lý Cơ Đốc không hề tương
đương với việc chấp nhận một hệ thống về mạc khải khép kín. Chính Chúa
Giê-xu từng tuyên bố rằng chức năng của Đấng Yên Ủi là sẽ dẫn các môn đệ
Ngài vào mọi chân lý. Tuy công tác và sự cứu chuộc của Đấng Christ đã
hoàn tất và lời thành văn đã đầy trọn, sự đầy đủ trọn vẹn của giáo lý chỉ
được mọi người biết đến khi nào toàn thể ý chỉ của Đức Chúa Trời đều sẽ
được nên (GiGa 7:17).
ĐỊA LÝ XỨ PALESTINE
Xứ Palestine (từ Hy văn Syria Palaistiné, Phi-li-tin Sy-ri) nguyên được gọi là
xứ Ca-na-an (có thể do một từ ngữ Hurrian có nghĩa là xứ của màu tía) nằm
tại phía cực Tây Nam của “vùng đất phì nhiêu hình bán nguyệt” nối liền
đồng bằng Ơ-phơ-rát Ti-gơ-rơ với đồng bằng Nin. Lịch sử chính trị xứ này
được kết hợp chặt chẽ với địa lý của nó, nhưng lịch sử thuộc linh của nó là
một tấm gương nổi bật của các điều kiện địa lý siêu tuyệt của nó. Vốn là giãi
đất bắc cầu hai khối lục địa lớn của Đông Bán Cầu là lục địa Eurasia và Phi
Châu, xứ Palestine nằm trên các giao lộ của nền văn minh cổ đại. Con
đường lớn từ Ai-Cập đi Sy-ri và xa hơn nữa chạy ngang xứ Palestine, là một
trong những con đường quan trọng nhất của thế giới cổ thời cả về mặt
thương mại lẫn chiến lược, và tầm quan trọng của nó vẫn chưa bị mất đi.
Trong thời bình, các nhà cầm quyền xứ Palestine được lợi lộc nhờ những
chuyến đi lại giao thương qua lãnh thổ của họ. Chẳng hạn như Sa-lô-môn
từng đứng trung gian buôn bán ngựa và xe ngựa giữa Ai Cập và Si-li-si
(IVua 1V 10:28 và tt) mà thâu được nhiều lợi tức. Trong thời chiến, xứ
Palestine trở thành bãi chiến trường cho các đế quốc miền Bắc và miền Nam
chạm trán nhau, và là phần thưởng chiến lược cho cường quốc nào chiếm và
giữ được nó.
Con đường lớn đi từ Ai Cập lên phía Bắc qua vùng đất thấp phía Tây xứ
Palestine, cho đến khi không còn đi lên được nữa vì bị dãy núi nằm tại trung
tâm xứ ấy chạy từ núi Cạt-mên ra Địa Trung Hải - cản lại. Hàng rào cản này
khiến con đường quay sang hướng Đông, qua đèo Mê-ghi-đô (là bãi chiến
trường cho những trận đánh có tính cách quyết định qua hơn ba thiên niên
kỷ rưỡi và mãi đến tận ngày nay) để vào đồng bằng Gít-rê-ên (hay Ếch-tra-
lôn theo tên gọi của người Hy Lạp). Nó chạy qua sông Giô-đanh ở phía Bắc
biển Ga-li-lê rồi tiếp tục đi về hướng Đông Bắc cho đến Đa-mách.
Nằm giữa Địa Trung Hải và sa mạc Sy-ri, vùng lãnh thổ Palestine của Kinh
Thánh gồm bốn vòng đai nằm hơi song song nhau chạy từ Bắc xuống Nam.
Ở phía Tây, là đồng bằng Sa-rôn, dọc duyên hải; rồi tới một cao nguyên
bằng phẳng những ngọn đồi thấp được Kinh Thánh gọi là Sê-pha-la. Đó là
vùng đất bằng phẳng từ núi Cạt-mên chạy xuống biển. Về phía Đông, nó từ
từ đi xuống cho đến khi gặp vòng đai thứ ba, là đồng bằng Giô-đanh, nằm
tại Kẻ Nứt Lớn. Nó tiếp tục đi xuống phía Nam qua Biển Chết và sa mạc A-
ra-ba (vùng đất thấp nằm giữa Biển Chết và vịnh A-ra-ba) xuống tận Biển
Đỏ để vào Phi Châu. Đồng bằng sông Giô-đanh nằm thấp hơn mặt biển Ga-
li-lê 255 mét (685 bộ) và thấp hơn mặt Biển Chết, là vùng mặt nước nằm
thấp nhất trên hoàn cầu 383 mét (1.275 bộ). Như vậy, hệ thảo mộc vùng
đồng bằng Giô-đanh hầu như thuộc vùng nhiệt đới xanh tươi rạng rỡ; vùng
rừng rậm dọc hai bên sông là vùng “rừng già Giô-đanh” nơi mà vào thời
Cựu Ước, đã có “tiếng gầm của sư tử”. Biển Chết mà sông Giô-đanh chảy
vào, vào nhiều thế kỷ trước, vốn kéo dài xuống miền Nam. Nằm dưới phần
ngập nước của nó là những đống đổ nát của Si-đôm và các thành phố khác
của đồng bằng Giô-đanh (SaSt 19:25), trước kia vốn thuộc về một vùng đất
đẹp đẽ, phì nhiêu, cho đến khi bị những cơn địa chấn được ghi lại trong SaSt
19:1-38, làm sụp đổ tan tành. Giữa sông Giô-đanh và vùng sa mạc phía
Đông là vùng cao nguyên bên kia sông Giô-đanh, trước khi bị dân Y-sơ-ra-
ên chinh phục, vốn là vương quốc của người Ba-san, Hết-bôn, Am-môn,
Mô-áp và Ê-đôm (hai dân tộc đầu bị người Y-sơ-ra-ên lật đổ khi họ tiến vào
xứ Ca-na-an).
Lúc vương quốc Y-sơ-ra-ên bị chia đôi sau khi Sa-lô-môn băng hà, vương
quốc miền Bắc nằm choán ngang con đường lớn đi từ Bắc xuống Nam, còn
vương quốc miền Nam là xứ Giu-đê với Kinh đô Giê-ru-sa-lem, thì nằm xa
con đường “đánh nhau” trong vùng núi Giu-đê về phía Nam của vùng cao
nguyên trung tâm xứ Palestine. Do đó, vương quốc miền Bắc phải đụng
chạm nhiều với các thế lực ngoại bang hơn là vương quốc miền Nam (tuy
vương quốc miền Nam vẫn không hoàn toàn thoát khỏi được), nên vẫn
thường phải nhập cuộc trong nhiều lần tranh chấp, trước hết là với cường
quốc A-sy-ri ở phía xa hơn. Các lý do địa lý được xem phần lớn là nguyên
nhân của sự kiện vương quốc miền Bắc phải sụp đổ hơn một thế kỷ, trước
khi vương quốc Giu-đa bị tiêu diệt. Các nhà tiên tri đã nhấn mạnh rằng sự an
toàn của vương quốc miền Nam vốn nhờ vào việc bị cô lập khỏi những cuộc
đụng chạm rắc rối với ngoại quốc - tuy không nói ra là do các nhận xét về
điạ lý như trên đã nói - nhưng cũng rất phù hợp với tình hình địa lý, theo
như điều không được nghiệm đúng với vương quốc miền Bắc.
Bờ biển xứ Palestine không có hải cảng lớn. Người ta thấy hậu quả của
giòng chảy của sông Nin là giãi đất dài dọc duyên hải. Sê-sa-rê, hải cảng
được Hê-rốt Đại Đế xây dựng, chủ yếu là một hải cảng nhân tạo nó không
tồn tại được lâu. Cả đến Ty-rơ cũng mất đi tính cách quan trọng là một hải
cảng lớn ở phía Nam, tuy tàu bè vẫn còn có thể đến ẩn náu ở phía Bắc của
nó. Hải cảng hiện đại là Haife nằm trong vùng vịnh được núi Cạt-mên tạo
thành, vì nó chạy thẳng ra biển. Như thế, xứ Palestine rất ít được khích lệ
trong việc phát triển các đường giao thông bằng đường biển. Hải cảng E-xi-
ôn Ghê-be nằm tại đầu vịnh A-ra-ba chỉ có thể được người Y-sơ-ra-ên và
Giu-đa sử dụng khi người Ê-đôm liên minh với họ hay bị họ cai trị, như dưới
các thời trị vì của Sa-lô-môn và Giô-sa-phát.
Con sông đáng kể duy nhất của xứ Palestine là sông Giô-đanh, nằm quá sâu
thấp hơn mặt biển để có thể sử dụng cho việc dẫn thủy nhập điền. Do đó, sự
phì nhiêu của xứ này lệ thuộc vào lượng mưa đều đặn, mà nếu không được
như thế, như vào đời Ê-li, thì hậu quả sẽ rất đáng buồn. Mùa mưa kéo dài từ
tháng mười một đến tháng ba hay tháng tư dương lịch; đặc biệt có mưa
nhiều là vào đầu và giữa giai đoạn ấy (do đó mà có các danh từ mưa “đầu”
mùa và “cuối” mùa). Tại khắp nơi trong xứ, người ta xây nhiều hồ và đào
nhiều ao để nhận và giữ nước mưa (Gie Gr 2:13). Những cơn mưa đầu mùa
khiến cho đất mềm ra, sẵn sàng để cày lên, còn mưa cuối mùa thì tưới cho
hột giống.
Đặc tính địa lý của xứ ấy nói lên tôn giáo của các dân tộc cư ngụ tại đó trước
dân Y-sơ-ra-ên. Hai thần Ba-anh và Ách-ta-nốt mà người Ca-na-an thờ lạy,
vốn là các thần của thảo mộc, và hình thức thờ lạy là lối thờ phượng vị thần
khiến cho phì nhiêu (hoa quả thì nhiều, con người và súc vật thì sanh sản
nhanh để thêm đông đúc), cho nên qua suốt một thời gian dài, dân Y-sơ-ra-
ên cũng gặp nguy cơ sa vào đó. Tuy nhiên, thỉnh thoảng trong xứ cũng nhận
được những luồng gió mát từ sa mạc thổi vào, cho nên tôn giáo của dân Ca-
na-an đã kết hợp hai loại thần thánh, thần Ba-anh của các nông dân, và các
thần của những người sống trong sa mạc.
Các giống ngũ cốc chính yếu được trồng là lúa mạch và lúa mì, được thâu
gặt giữa tháng tư và tháng sáu dương lịch. Nho và ô-liu cũng được trồng trên
các triền đồi núi, và được thâu gặt vào cuối mùa hè. Việc trồng trọt trong xứ
phần lớn vốn bị bỏ bê từ nhiều thế kỷ qua, đến thế kỷ này lại được thực hiện
hăng say, và một lần nữa, nó bắt đầu phục hồi khung cảnh đã được mô tả
trong PhuDnl 11:9-12.

CÁC PHONG TỤC TẬP QUÁN DO THÁI


SINH HOẠT HẰNG NGÀY
NHÀ TRẠI
Các nhà sáng lập quốc gia Y-sơ-ra-ên vốn là dân sống trong các nhà lều, nhà
trại. Lều trại đã được đề cập vào những ngày đầu tiên của sử ký, và dường
như được kết hợp rất tự nhiên với lối sống du mục (SaSt 4:20). Những lều
trại đầu tiên đã được lập bằng da thú (XuXh 26:14) nhưng phần lớn các lều
trại được Kinh Thánh đề cập vốn được lập bằng lông dê, do phụ nữ xe thành
chỉ rồi dệt (XuXh 35:26). Nhà trại hồi nguyên thủy có lẽ có hình chữ nhật,
cao từ 2,5 đến 3 mét ở chính giữa. Một nhân vật quan trọng nhiều khi có đến
ba, bốn nhà trại: một cho riêng mình, một trại khác cho các vợ, một nhà trại
thứ ba và thứ tư cho tôi tớ và khách lạ (SaSt 24:67). Tuy nhiên, thông
thường nhất thì một nhà trại rất rộng được giăng màn để chia thành hai hoặc
ba ngăn.
NHÀ CỬA
Rất có thể rằng người Y-sơ-ra-ên đã được thấy nhiều ngôi nhà đẹp tại Ai
Cập. Tuy nhiên, khi vào xứ Palestine, họ chiếm lấy các ngôi nhà mà số dân
cư trú ngụ tại đó trước họ để lại, rồi sau đó, mới tự xây cất lấy nhà cửa cho
mình theo cùng một kiểu mẫu như thế. Ngành kiến trúc nhà ở chắc có tiến
bộ dưới thời quân chủ. Cung điện của Sa-lô-môn được xây cất với sự trợ
giúp của người Phê-ni-xi, chắc đã nói lên nhiều tiến bộ. Gie Gr 21:14 vạch
rõ công trình xây cất có phần đồ sộ, và vào thời của Chúa chúng ta, thì các
công trình thiết kế của nhiều ngôi nhà lớn dường như là do ảnh hưởng của
ngành kiến trúc Hy Lạp.
Nhà cửa của dân nghèo nói chung, vốn được xây cất bằng đất, do đó, trở
thành những hình ảnh rất thích hợp để ám chỉ tính cách mong manh, phù du
của đời sống con người. Vách nhà rất dễ bị đập vỡ hay “đào khoét”, và nhà
cửa vốn rất dễ bị phá hủy (Giop G 24:16; Exe Ed 12:5; Mat Mt 6:19).
Nhà cửa của người giàu thì thuộc một loại khác hẳn. Nói chung thì chúng có
bốn mặt, một mặt hướng ra đường cái là mặt có trổ cửa ra vào duy nhất, phía
trên có một hoặc hai cửa sổ nhỏ. Cửa mở ra một hành lang dẫn tới một cửa
hông vào phòng đợi; phòng này lại mở vào một sân có vách bốn phía, có
phần mở trên cao, và có những vách trong của ngôi nhà vây quanh. Dọc theo
vách là những lối đi lót đá, và trên đó là một hành lang có cùng kích thước.
Đối diện với những lối đi từ phòng đợi ra sân, là phòng khách (LuLc 22:11),
nơi chủ nhà tiếp khách và thỉnh thoảng bàn bạc chuyện làm ăn. Nóc nhà
bằng phẳng, được những tấm vách có chừa lỗ hay xây bít vây quanh, và phía
gần sân thì có một bao lơn có chấn song. Những chiếc thang để lên mái nhà
hoặc lên mỗi tầng gác, nói chung được đặt trong một góc gần cửa vào nhất,
sao cho mỗi người khách trèo lên mái nhà hay các phòng khỏi phải đi qua
các phòng bên dưới. Đến mùa hè, người ta ngủ trên mái nhà, thường cũng
được dùng làm chỗ để tĩnh tâm, than khóc khi có tang chế, và để nghỉ ngơi.
Đến ngày lễ Lều Tạm, thì các lều trại được dựng lên tại đây, và qua suốt kỳ
lễ vui mừng công cộng này, khách khứa thường tụ tập nhau trong khung
vuông phía dưới, có khi được che lại (xem PhuDnl 22:8; ISa1Sm 9:25; IISa
2Sm 11:2; EsIs 22:1; Mac Mc 2:4; 13:15; Cong Cv 10:9.
VẬT DỤNG TRONG NHÀ
Các vật dụng dùng trang trí trong nhà bên Đông Phương thường rất ít và nhỏ
nhắn. Trong phòng đợi thì có ghế ngồi hoặc ghế nhỏ, thỉnh thoảng cũng có
bàn (Mac Mc 14:54). Ghế ngồi thì hoặc bằng một tấm ván bằng phẳng trên
đó người ta ngồi xếp bằng tròn, hay thâu hai đầu gối lên rồi nghiêng trên đó,
hoặc một ghế ngồi có chân giống như cái bệ đặt chân (ISa1Sm 1:9; IVua 1V
2:19; ChCn 9:14; Mat Mt 21:12). Giường ngủ nói chung gồm những tấm
nệm và tấm trải giường nhồi bông. Tấm trải giường, mền và ván lót giường
là những vật không được biết đến, tuy trên nóc nhà có một tấm ván hoặc
những khung có chân bằng nhánh chà là hoặc cả bằng ngà nữa, được dùng
để nâng đỡ cái giường (Thi Tv 132:3; AmAm 6:4).
Các vật gia dụng thông thường, đều bằng đất, bằng đồng và một ít là bằng
da. Chúng gồm có bình lọ, ấm, bầu da (bình rượu) đĩa, cốc, v.v...Đèn được
thắp bằng dầu ô-liu và được chế tạo bằng đất hay kim khí; trong các nhà
giàu, chúng được đặt trên các chân đèn, và thỉnh thoảng có những chân đèn
gồm nhiều nhánh cho nhiều ngọn đèn (SaSt 15:17; XuXh 25:31-40). Người
ta thường chong đèn suốt đêm (Giop G 18:6; ChCn 20:20).
TRANG PHỤC
Trang phục của người Do Thái gồm hai phần: một là một áo ngắn bó sát
người, thường có hai vạt dài đến khỏi đầu gối một chút, để lộ mắt cá ra;
phần kia là một chiếc áo dài rộng, dài đến vài ba mét, quấn quanh đôi vai và
thân thể. Phần áo thứ nhất thường được mặc riêng trong nhà mà thôi. Tuy
nhiên, nó được xem như chẳng có mặc gì cả, cho nên không thể mặc nó để
đi ra đường hay thăm viếng ai. Do đó mà người chỉ mặc một bộ quần áo lót
đó thôi bị Kinh Thánh bảo là trần truồng hay đã lột bỏ y phục (EsIs 20:2,4;
Gia Gc 13:4; 21:7).
Các tay áo nói chung đều dài đủ để che đôi bàn tay, và được dùng trong
những cuộc thăm viếng theo đúng nghi thức để che giấu chúng. Nhưng khi
cần phải nỗ lực hay cố gắng liên tục, thì bàn tay có thể được phơi trần ra, và
tay áo có thể được vén lên hay cất đi (EsIs 52:10; Exe Ed 4:7)
Áo ngoài là một loại áo khoác, có khi được dùng để đắp về đêm hoặc dùng
làm giường ngủ (XuXh 22:27; PhuDnl 24:13). Lúc người Y-sơ-ra-ên rời
khỏi xứ Ai Cập, họ gói ghém tất cả quần áo họ có vào đó. Các nhà tiên tri và
nhiều người khác thì kéo nó lên trùm đầu lại để tỏ lòng kính trọng hay đau
buồn (IVua 1V 19:13; IISa 2Sm 15:30; EtEt 6:12), hoặc nhiều khi là để che
mưa gió. Áo ngắn thì được dùng để đựng đồ vật mang đi (AgKg 2:12). Phần
lớn của cải của nhiều dân tộc Đông Phương gồm có các loại trang phục này,
vốn rất dễ đem ra trao đổi với nhau, và thường được tặng nhau để thề
nguyện, để bộc lộ tình cảm và lòng tôn kính (SaSt 45:22; IVua 1V 5:22).
Thay vì mặc độc một chiếc áo ngắn, nhiều khi giới giàu có mặc một áo vải
gai mịn và một áo ngoài khác nữa bằng vật liệu thô hơn, chiếc áo ngoài được
mặc như áo khoác thêm bên ngoài. Vẻ đẹp của các y trang này không phải ở
nơi kiểu dáng, vốn chẳng có gì khác nhau cả, nhưng là ở màu trắng của
chúng TrGv 9:8), và chúng bị xé đi là biểu hiện của sự đau buồn hay ăn năn
(SaSt 37:34; Giop G 1:20)
Áo trong thường được chế tạo bằng vải gai hay bông vải; áo ngoài nói chung
đều bằng len dạ, hay len dạ pha trộn lông thú. Rõ ràng là người ta cũng đã
biết nghệ thuật thêu thùa (XuXh 35:35; Cac Tl 5:30), và có một dòng họ
dường như được nổi tiếng về nghề chế tạo vải gai mịn (ISu1Sb 4:21). Các
màu trắng, xanh lơ, và nhiều sắc thái của màu đỏ và tía, vốn là những màu
được nhiều người thích dùng may áo; rõ ràng là Kinh Thánh không còn nói
đến các màu sắc nào khác.
Thỉnh thoảng người ta có một chiếc thắt lưng để bọc chiếc áo ngắn hay áo
trong lại. Nó được làm bằng da và buộc chặt lại bằng móc gài (IVua 1V 1:8)
hoặc bằng vải gai quấn nhiều vùng quanh thắt lưng (Gie Gr 13:1; Mat Mt
3:4). Người ta còn dùng một dây thắt lưng thường hơn nữa là để buộc quanh
gáy; được thắt lưng như trên là cần thiết khi đi đây đi đó, hay khi cần cố sức
để làm một việc gì. Một con dao hay một thanh gươm thường được giấu bên
trong, còn trong trường hợp các văn nhân, thì lận theo chiếc sừng mực hay
cây viết (IISa 2Sm 20:8; Exe Ed 9:2). Nhiều đồ vật giá trị khác cũng được
mang theo trong đó (ISa1Sm 25:13; IISa 2Sm 18:11; Mat Mt 10:9).
LƯƠNG THỰC
Như phần đông người Đông Phương, dân Y-sơ-ra-ên ăn uống sơ sài. Bữa ăn
của họ gồm có bánh mì, mật ong, sữa, bơ, và bánh sữa (pho-mát), với chút ít
thịt. Luật pháp cấm ăn thịt loài thú không nhơi và không có móng chân rẽ ra,
và những loài cá không có vây, có vảy (LeLv 11:1-28). Huyết và mỡ, tấm da
mỏng bọc gan và hai trái cật cũng bị cấm ăn. Gà ít khi được ăn thịt, chim bò
câu và các loại gia cầm thông thường, là loài chim duy nhất được “nuôi
mập” để cung ứng cho bàn ăn của Sa-lô-môn và Nê-hê-mi (IVua 1V 4:23;
NeNe 5:18). Trứng chỉ được đề cập như là một thức ăn, và tuy người ta vốn
biết rõ việc đánh cá (Giop G 19:6; 41:1; EsIs 19:8; 51:20), nhưng hình như
cá không phải là món ăn phổ thông. Ao cá được đề cập trong Nha Dc 7:4, và
có một trong các cửa thành có tên là Cửa Cá, dường như là nơi đã được dùng
làm chợ cá (IISu 2Sb 33:14; NeNe 3:3).
Có thể ăn châu chấu, cào cào (LeLv 11:22), và đó là một món ăn phổ thông
bên Đông Phương (Mat Mt 3:4).
Bánh mì không được nướng thành ổ, nhưng làm thành những mẫu bánh dẹp,
lớn, nhỏ như bánh “bích qui”, và mỗi gia đình tự làm lấy hằng ngày. Nó
được nướng ở ngoài lò, nhiên liệu để bên trong. Có nhiều cách làm bánh:
những lá bánh dày được nướng ngay trên lò nung nóng, còn loại lá bánh
mỏng hơn thì được nướng trên chão bằng kim khí hoặc cuộn quanh các vật
dụng bằng đất nung, hay trong một hầm lò dưới nền nhà (SaSt 18:6; LeLv
2:2,4,5). Công việc này, cũng như việc xay các loại ngũ cốc, thoạt tiên do
đàn bà con gái làm (SaSt 18:6; ISa1Sm 13:6,8; Gie Gr 7:18), nhưng về sau,
trong một số trường hợp, được giao cho bọn tôi tớ (ISa1Sm 8:13). Bánh mì
thông dụng vốn quá cứng để có thể cắt ra bằng dao, nên phải bẻ ra (động từ
Anh văn được dùng ở đây là to break: đập vỡ - EsIs 58:7 CaAc 4:4; Mat Mt
14:19).
Người Do Thái thường ăn mỗi ngày hai bữa, một vào buổi sáng giữa giờ thứ
ba và thứ sáu, và bữa kia, là bữa ăn chính, vào giờ thứ mười một (5 giờ
chiều) khi trời đã mát dịu. Khi dùng bữa, toàn thể thực khách đều ngồi dựa
ngửa về phía trái trên những chiếc gối chung quanh một bàn tròn. Ở tư thế
này, đầu của một khách dùng bữa này nằm gần ngực của người kế cận mình,
nên người ta bảo rằng đầu người ấy dựa vào ngực người kia. Nhờ đó, mà
Chúa Giê-xu đã nói với Giăng về kẻ sắp phản nộp Ngài, mà các môn đệ
khác không nghe được lời mô tả của Ngài GiGa 13:23). Bất cứ ai bước vào
phòng, đều phải trước tiên chạm vào chân của những người đang ngồi dựa
ngửa quanh bàn ăn (LuLc 7:38). Do đó mà Kinh Thánh chép rằng người phụ
nữ lau chân Chúa chúng ta đứng đàng sau Ngài. Thói quen này vốn được
vay mượn của người Ba-tư: đời xưa, rất có thể là dân Do Thái dùng ghế
hoặc ngồi - như thói quen hiện nay bên Đông Phương - quanh một chiếc bàn
chỉ cao khỏi mặt đất một chút mà thôi.
Thức ăn được “bốc” bằng tay mà không có dao nỉa chi cả; do đó mới có tập
tục rửa tay trước khi dùng bữa (Mac Mc 7:5). Vào thời thượng cổ, mỗi
người khách được chia phần riêng (SaSt 43:34; ISa1Sm 1:5), nhưng về sau,
tất cả mọi người đều cùng ăn chung trong một đĩa.
Thức uống được dùng sau, chớ không phải là đang khi ăn, có nước hay rượu
pha nước. Có một loại rượu chua được pha với nước như vậy, đã được dịch
là “dấm”, và là thức uống thông thường của công nhân và binh lính EtEt
2:14; Mat Mt 27:48). Đó là thức uống mà bọn lính đã đưa lên cho Chúa
chúng ta khi Ngài kêu lên: “Ta khát”. Thức uống người ta đưa cho Ngài
trước đó, “dấm và mật” hay “rượu và một dược” (Mat Mt 27:34; Mac Mc
15:23) vốn được cấp cho người sắp bị hành quyết, cho bị mê đi. Chúa chúng
ta đã từ chối mà không uống.
Mỗi khách ngồi bàn được trao cho một chiếc chén riêng, do đó, từ
ngữ"chén” thường dùng theo nghĩa là “phần dành riêng” hay “số phận” của
mỗi người (Thi Tv 11:6; EsIs 51:22; Mat Mt 26:39). “Rượu pha” trong bản
dịch Kinh Thánh của chúng ta không phải là rượu pha nước, nhưng là rượu
được thêm hương liệu vào cho mạnh hơn (ChCn 23:30). “Rượu mạnh” là
một loại rượu có nhiều độc tố được điều chế từ trái chà là và nhiều loại bột
khác (LeLv 10:9; ISa1Sm 1:15).
THUẾ
Hệ thống thuế khóa được áp dụng tại Palestine trước thời của người La-mã ,
đã không được định nghĩa rõ ràng. Tuy nhiên, hoa lợi của hoàng gia gồm
một phần là các của dâng (ISa1Sm 10:27, 16:20; IISu 2Sb 17:5); là sản
phẩm do các bầy gia súc (ISa1Sm 21:7; IISu 2Sb 26:10; 32:28,29); là đất đai
và vườn nho, hoặc tịch thu hoặc lấy từ các phần đất mà hoàng gia được
quyền hưởng hoa lợi (IVua 1V 21:9-16; ISu1Sb 27:28); là cống vật, có thể là
một phần mười lợi tức của dân sự (ISa1Sm 8:15; 17:25); là chiến lợi phẩm
(IISu 2Sb 27:5); và các sắc thuế mà thương khách phải nộp khi đi ngang qua
lãnh thổ (IVua 1V 10:15). Về sau, chúng ta sẽ thấy có một sắc thuế như thuế
gián thâu (tiêu thụ) của chúng ta, có lẽ là được đánh thay vào chỗ các loại
thuế vừa kể trên (Exo Er 4:14,19,20).
Đến thời của Chúa chúng ta, thì người ta được biết nhiều hơn về hệ thống
thuế khóa. Ngay sau khi xứ Giu-đê được biến thành một tỉnh của Đế quốc
La-mã , công dân trong xứ phải đăng ký để chịu một loại thuế “đầu người”
hay “thuế thân” do các thẩm phán tại mỗi thành phố thâu nhận. Điểm này đã
gây ra nhiều cuộc nổi loạn (Cong Cv 5:37). Thuế này phải nộp cho người
thâu thuế bằng tiền La-mã (đồng đơ-ni-ê) hay bằng tiền Hy Lạp (drachma).
Tuy nhiên, đồng tiền sau phải đem đổi cho những kẻ buôn bạc hay đổi tiền,
vì kho bạc La-mã chỉ thâu tiền La-mã mà thôi.
Thêm vào đó, còn có các nghĩa vụ về phong tục tập quán, hay các sắc thuế
xuất nhập cảng (Mat Mt 9:9), được luật pháp ấn định, được các tôi tớ của
các chủ thầu thâu rồi đem nộp lại cho chủ. Các tôi tớ này được Tân Ước gọi
là “người thâu thuế”, còn các chủ thầu thì được biết dưới cái tên là chủ của
bọn thâu thuế. Những người thâu thuế này bị cám dỗ nặng nề và nói chung
đều bị dân chúng khinh ghét.
Sắc thuế công cộng thứ ba tại Giu-đê, là thuế phân nửa siếc-lơ bị luật pháp
bắt buộc mỗi người Do Thái phải nộp cho kho bạc đền thờ (XuXh 30:13).
Nó được tất cả người Do Thái nộp bằng tiền Do Thái, cả những người sinh
sống ngoài xứ Palestine. Những kẻ đổi bạc ngồi tại đền thờ đổi tiền Do Thái
lấy tiền Hy Lạp và La-mã (Mat Mt 21:12; GiGa 2:16). Sắc thuế này được
cho là phải nộp cho Đức Chúa Trời cho nên khi Chúa chúng ta bảo với Phi-
e-rơ rằng các con cái bổn quốc được miễn thuế là Ngài ngụ ý bảo rằng Ngài
chính là Con Đức Chúa Cha (Mat Mt 17:26).
Nguyên văn Tân Ước và nói chung là các bản dịch đều luôn luôn phân biệt
các sắc thuế.
CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐO LƯỜNG
Thật là khó đưa ra các định chuẩn chính xác, vì các hệ thống cân và đo của
người Do Thái vốn chịu ảnh hưởng của nhiều dân tộc khác như dân Ai Cập,
Phê-ni-xi, Ba-by-lôn, và các nhà cầm quyền Do Thái lại thường bất đồng ý
kiến với nhau. Tuy nhiên, chúng tôi xin nêu ra những con số có thể là gần
đúng nhất.
THƯỚC ĐO
Ngón tay, bàn tay, gang tay tự chúng đã giải nghĩa được thật đầy đủ rồi. Cu-
đê là định chuẩn chung, là chiều dài của cánh tay, từ cùi chõ cho đến đầu
ngón tay giữa, do đó, được ước lượng từ 17 đến 22 tấc Anh (mỗi tấc Anh:
inch, là 2,54 cm, do đó; 20 x 2,54 =; 0,50 mét = thước mộc). Có loại cu-đê
đời xưa, và về sau có loại cu-đê được kéo dài thêm ra (Exe Ed 40:5; 41:8),
nhưng kích thước đúng của chúng thì không được biết chắc. Bia đá Si-lô-ê
được tìm thấy năm 1.880 trên vách Đường Hầm của Ê-xê-chia “trong trũng
Kết-rôn, từ chỗ ghềnh đá đến Ao Si-lô-ê” dường như đo được 1.200 cu-đê,
khi đo lại, thì người ta thấy được 1.658 bộ Anh (foot = 0,3048 mét). Như
vậy, vào thời của Ê-xê-chia, chiều dài của một cu-đê là vào khoảng 17 3/5
tấc Anh. Đến thời Tân Ước, thì một cu-đê chắc chắn là dài hơn, có lẽ là giữa
20 và 21 tấc Anh.
Bảng kê sau đây tính ra thước tây (mét) các chiều dài tương đương của
những cây thước đo khác nhau đã được sử dụng.
Ngón tay (Gie Gr 52:21) = khoảng 1,9 cm
Bàn tay = 4 ngón tay (XuXh 25:25); 7,5 cm
Gang tay = 3 bàn tay (XuXh 28:16; ISa1Sm 17:4); 21,5 cm
Cu-đê = 2 gang, thay đổi từ 42-53 cm
Cây sậy của Ê-xê-chi-ên = khoảng 3 mét
Tay = 4 cu-đê, từ 1,8 đến 2,1 mét. Chỉ thấy trong Tân Ước.
Ếch-ta-đơ (LuLc 24:13; GiGa 6:19; 11:18) = 180-200 mét
Dặm (Mat Mt 5:41) = 3.000 cu-đê hay 7,5 ếch-ta-đơ, khoảng 1.600 mét.
Quảng đường đi trong một ngày Sa-bát (chỉ có trong Cong Cv 1:12 mà thôi)
theo truyền thống, là 2.000 cu-đê , khoảng 1 km
ĐƠN VỊ ĐO DIỆN TÍCH
Có một đơn vị đo diện tích chỉ được nói đến một lần: mẫu (tsemed= EsIs
5:10). Mẫu của người La-tinh (ingerum) dài 720 mét, ngang 360 mét, mẫu
Anh (arce) là 4.046 mét vuông. Rất có thể rằng tsemed nhỏ hơn mẫu Anh,
nhưng không rõ diện tích là bao nhiêu.
ĐƠN VỊ ĐO LƯỜNG
Các đơn vị đo lường chất khô và chất lỏng có nhiều điểm tương đồng. Trong
cả hai định chuẩn, phần dung tích vốn bằng nhau. Trong việc đong lường
chất lỏng: bát, và đong lường chất khô: ê-pha chứa hơi nhiều hơn 8,25
gallons (khoảng 1 giạ = 40 lít) (Exe Ed 45:11).
Đong lường chất lỏng
Lốt (chỉ chép trong LeLv 14:1-57 mà thôi) 1/12 của hin
Hin (thường gặp trong Ngũ Kinh Môi-se) = 12 lốt = 6,2 lít
Bát (IVua 1V 7:38; Exe Ed 45:10) = 6 hin = 40 lít
Bình (Mac Mc 7:4) =; nửa lít
Đong lường chất khô
Ô (Qab, chỉ chép trong IIVua 2V 6:25) =; 2 lít
Dấm (chỉ chép trong KhKh 6:6) = Qab (ô) của Cựu Ước
Ô-mê (XuXh 16:36) = một phần mười của ê-pha (LeLv 14:10 v.v...)
Seah (SaSt 18:6; ISa1Sm 25:18 dịch là đấu) = phân nửa ê-pha
Ê-pha, đơn vị đong lường chuẩn, xem bát.
Hô-me trong Ngũ Kinh Môi-se và Ê-xê-chi-ên = 10 ê-pha
Côrơ (IVua 1V 5:11) như ô-me, dùng đong lường chất lỏng
CÂN
Ở đây thì siếc-lơ (shegel) Trọng lượng của “siếc-lơ của nơi thánh” (XuXh
30:13) được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Ý kiến đúng nhất dường như
đó chính là đơn vị định chuẩn đích thực cho việc cân lường, được giữ trong
đền tạm và được thẩm quyền của nơi thánh chứng thực], là đơn vị định
chuẩn. Việc chi trả được thực hiện bằng cách cân trước khi có tiền đúc.
Ghê-ra = 1/20 siếc-lơ (XuXh 30:13; LeLv 27:25; Dan Ds 3:47, 18:16)
Be-ga = 1/2 siếc-lơ
Siếc-lơ = khoảng 1/2 ounce (ounce = 28,35 gr)
Mơn (maneh) = 50 siếc-lơ (IVua 1V 10:17; Exe Ed 54:12)
Ta-lâng = 3.000 siếc-lơ (XuXh 38:24,25; IIVua 2V 5:5)
Cân trong Tân Ước (GiGa 12:3; 19:39), cân La-mã = 5,5 siếc-lơ (11 ounces)
TIỀN TỆ
Tiền bạc được cân, đúng ra được gọi là tiền đúc vốn không có tại Palestine
trước thời kỳ lưu đày. Trong tiếng Hy-bá-lai, động từ “trả tiền” có nghĩa đen
là “cân” (SaSt 23:15,16; 33:19; Exo Er 8:25; Gie Gr 32:9). Cách chi trả bằng
miếng (nén) bạc trong SaSt 33:19; Gios Gs 24:32; Giop G 42:11, ngày nay
chỉ được hiểu là “một đồng tiền” giá trị không được biết rõ, chỉ ước lượng
khoảng 14 siếc-lơ.
Siếc-lơ là đơn vị chuẩn cho giá trị cũng như việc cân lường, cho nên từ ngữ
ấy thường bị bỏ qua không nói tới: “một trăm...bạc” có nghĩa là một trăm
siếc-lơ bạc. Nó được đúc thành tiền lần đầu tiên vào khoảng năm 140 TC,
dưới thời Si-môn Ma-ca-bê để đánh dấu nền độc lập của dân Do Thái.
Nhưng đồng siếc-lơ, nửa siếc-lơ và một phần tư siếc-lơ được đúc bằng vàng,
bạc, và đồng, nói chung đều mang chữ Hy-bá-lai, viết rằng: “Sự cứu chuộc
Si-ôn”
Từ ngữ siếc-lơ không thấy trong Tân Ước, nhưng đồng bạc (4 drachmas Hy
Lạp) được xem là tương đương với nó (Mat Mt 17:27). Việc sử dụng cả tiền
đúc của Hy Lạp, La-mã, với tiền đúc của xứ Palestine đã gây nhiều rắc rối,
do đó mà phải nhờ vào các tay đổi bạc, nhất là tại khuôn viên đền thờ, nơi
các thầy tế lễ chỉ nhận tiền trong xứ mà thôi.
Sau đây là bảng liệt kê các loại tiền đúc được Tân Ước đề cập:
Đồng tiền ăn một phần tư xu (lepton = Mac Mc 12:42) một phần tám của
đồng as La-mã
Đồng tiền (quadrans, Mat Mt 5:26; Mac Mc 12:42)
Đồng tiền (assariaon, LuLc 12:6) được nhiều dịch giả dịch ra khác nhau
Đơ-ni-ê (denarion) cũng được định giá khác nhau
Đồng bạc (drachme, LuLc 15:8,9) nói chung được cho là tương đương với
đồng đơ-ni-ê, nhưng cũng có dịch giả cho nó một giá trị khác.
Tiền nộp thuế (Mat Mt 17:24). Từ ngữ này có nghĩa là hai drachmas, tương
đương với nửa siếc-lơ
Đồng bạc (Stater, Mat Mt 17:27), tương đương với một siếc-lơ
(Miếng, đồng;) Bạc (argurion, Mat Mt 26:15; 27:3; và tt;). Rõ ràng là ám chỉ
đồng siếc-lơ.
Như trên cho thấy, diễn tả giá trị các đồng tiền này theo thị trường hiện nay,
thì không phải là chuyện dễ dàng. Cả khi có đưa ra một giá trị nào đó, thì
người ta cũng chẳng nói lên được gì về mãi lực của chúng.
THỜI GIAN
Ngày tự nhiên đối với người Do Thái là từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt
trời lặn. Sau thời kỳ lưu đày, nó được chia thành mười hai giờ có chiều dài
bằng nhau. Ngày dân sự, tức là ngày được nhìn nhận phổ biến, là từ sáu giờ
chiều đến sáu giờ chiều hôm sau. Nó được chia thành đêm và ngày, có chiều
dài bằng nhau.
Vào thời rất xa xưa, đêm được chia thành ba canh: canh một kéo dài đến
mười hai giờ (CaAc 2:19); canh hai đến ba giờ sáng (Cac Tl 7:19) và canh
ba, đến sáu giờ (XuXh 14:24)
Tuy nhiên đến thời của Chúa chúng ta, đêm được chia thành bốn canh, mỗi
canh ba giờ (Mac Mc 13:35), canh thứ ba được gọi là “gà gáy” (Mat Mt
26:34). Ngày được gọi theo đúng tên của nó, được chia thành mười hai giờ,
trong đó các giờ thứ ba, thứ sáu, thứ chín được dành cho việc hành lễ thờ
phượng công cộng. Cách chia giờ này vẫn còn giữa vòng người Do Thái.
CÁC THÁNG TRONG NĂM
Năm thánh Năm dân Tên Các ngày lễ
sự
1 7 A-bíp hay Ni-san (30 ngày) 14. Giết chiên con lễ vượt qua. Lễ V
XuXh 12:2; 13:4; Qua.
Exo Er Exo7:9; NeNe 2:1; 15-21. Lễ Bánh Không Men.
EtEt 3:7 16. Dâng các bó lúa mạch đầu mùa.
2 8 Y-gia hay Xíp (29 ngày) 14. Lễ Vượt Qua thứ hai
IVua 1V 6:1 (Dan Ds 9:10,11) cho những ai khôn
tham dự lễ trước.
3 9 Si-van (30 ngày) 6. Lễ Ngũ Tuần. Bó lúa mì đầu mùa
(LeLv 23:17,20) và trái đầu mùa toà
EtEt 8:9 diện (XuXh 23:19;
PhuDnl 26:2,10).
4 10 Tha-mu (29 ngày).
5 11 Áp (30 ngày) Exo Er 7:9.
6 12 Ê-lun (29 ngày)
NeNe 6:15.
7 1 Ti-sơ-ri hay E-tha-min 1. Lễ Thổi Kèn
(30 ngày) IVua 1V 8:2. (LeLv 23:24; Dan Ds 19:1). 10. Ngà
Chuộc tội
(LeLv 23: 27,28).
15-21 Lễ Lều Tạm hay Thâu Gặt M
Màng (XuXh 23:16;
LeLv 23:34) Trái đầu mùa cho rượu
dầu (LeLv 23:39).
8 2 Ma-kê-su-an hay Bu-lơ
(29 ngày) IVua 1V 6:38.
9 3 Kít-lêu (30 ngày) 25. Lễ Khánh thành đền thờ
XaDr 7:1; NeNe 1:1. (GiGa 10:22,23).
10 4 Tê-bết (29 ngày)
EtEt 2:16
11 5 Sê-bát (30 ngày)
XaDr 1:7
12 6 A-đa (29 ngày) 14,15. Lễ Phu-rim EtEt 9:21-27
Exo Er 6:15 Vê-A-đa hay A-đa
thứ hai
NĂM DO THÁI Dân Do Thái có hai loại năm: năm thánh và năm dân sự
(thường). Năm thánh được bắt đầu vào tháng ba hay tháng tư dương lịch
(tùy theo mặt trăng) là tháng các con cái Y-sơ-ra-ên được giải phóng khỏi Ai
Cập; còn năm dân sự bắt đầu vào tháng chín hay tháng mười dương lịch, là
loại năm đầu, còn người thường và làm nghề nông thì dùng loại năm sau.
Năm được chia làm mười hai tháng theo tuần trăng, cộng thêm một theo
tuần trăng, cộng thêm một tháng thứ mười ba khoảng mỗi ba năm. Từ sau
khi bị lưu đày và được hồi hương, các tháng ấy không còn tên riêng nữa,
ngoại trừ tháng thứ nhất, được gọi là Abip, là tháng “bông lúa xanh”, hay
tháng Ni-san, tháng “chạy trốn” EtEt 3:7). Tháng thứ nhất của năm thánh là
tháng mà ngay rằm tiếp sau tiết thanh minh. Vì năm của người Do Thái có
354 ngày (12 tháng có 30 và 29 ngày luân phiên nhau) cho nên nó ngắn hơn
năm thật tính theo vòng quay của mặt trời gồm 11 ngày 1/4, sự sai lệch tính
theo chu kỳ mặt trăng mỗi 19 năm sẽ lên đến khoảng 213 ngày 1/4. Để sửa
lại chỗ sai lệch này, tháng nhuận Vê-a-đa (hay tháng A-đa thứ hai) được
thêm vào cho bảy năm trong số các năm của chu kỳ. Vấn đề chỉ định tháng
Ađa phụ trội được các thầy tế lễ công bố khi cần tuân thủ, sao cho ngày lễ
hoa quả đầu mùa và mùa gặt lúa mạch phải sẵn sàng vào ngày 16 tháng Ni-
san. BẢNG KÊ CÁC ẨN DỤ CỦA CHÚA CHÚNG TA ĐƯỢC CHÉP LẠI
TRONG BA SÁCH PHÚC ÂM Người gieo giống (Mat Mt 13:3-23; Mac
Mc 4:3-20; LuLc 8:4-15) Hột cải (Mat Mt 13: 31,32; Mac Mc 4:30-32; LuLc
13:18,19) Những kẻ trồng nho gian ác (Mat Mt 21:33-41; Mac Mc 12:1-9;
LuLc 20:9-16) ĐƯỢC CHÉP LẠI TRONG HAI SÁCH PHÚC ÂM Men
(Mat Mt 13:33; LuLc 13:20,21) Con chiên lạc (Mat Mt 18:12-14; LuLc
15:3-7) ĐƯỢC CHÉP LẠI TRONG MỘT SÁCH PHÚC ÂM Cỏ lùng (Mat
Mt 13:24-30) Của báu chôn (Mat Mt 13:44) Ngọc châu cao giá (Mat Mt
13:45,46) Tay lưới (Mat Mt 13:47-50) Người đầy tớ không chịu tha thứ
(Mat Mt 18:23-35) Những người làm công trong vườn nho (Mat Mt 20:1-16)
Hai con trai (Mat Mt 21:28-32) Tiệc cưới con trai nhà vua (Mat Mt 22:1-14)
Mười trinh nữ (Mat Mt 25:1-13) Mười ta lâng (Mat Mt 25:14-30) Hột giống
âm thầm mọc lên (Mac Mc 4:26-28) Ông chủ nhà và đám đầy tớ (Mac Mc
13:34-37) Hai con nợ (LuLc 7:41-43) Người Sa-ma-ri nhơn lành (LuLc
10:25-37) Người bạn đến lúc nửa đêm (LuLc 11:5-10) Kẻ giàu dại dột
(LuLc 12:16-21) Các quản gia và chủ nhà vắng mặt (LuLc 12:41-48) Cây vả
dưng (LuLc 13:6-9) Tiệc yến lớn (LuLc 14:16-24) Đồng bạc mất (LuLc
15:8-10) và Người con trai hoang đàng (LuLc 15:11-32) Người quản gia bất
trung (LuLc 16:1-9) Người giàu và La-xa-rơ (LuLc 16:19-31) Đầy tớ vô ích
(LuLc 17:7-10) Quan án và quả phụ bất hạnh (LuLc 18:1-8) Người Pha-ri-si
và kẻ thâu thuế (LuLc 18:9-14) Các nén bạc (LuLc 19:12-27) BẢNG LIỆT
KÊ CÁC PHÉP LẠ CỦA CHÚA CHÚNG TA ĐƯỢC KÝ THUẬT
TRONG CẢ BỐN SÁCH PHÚC ÂM Hóa bánh cho năm ngàn người ăn
(Mat Mt 14:15-21; Mac Mc 6:35-44; LuLc 9:12-17; GiGa 6:5-14) ĐƯỢC
KÝ THUẬT TRONG BA SÁCH PHÚC ÂM Quở yên cơn bão (Mat Mt
8:23-27; Mac Mc 4:35-41; LuLc 8:22-25) Bầy quỉ nhập vào bầy heo (Mat
Mt 8:28-34; Mac Mc 5:1-20; LuLc 8:26-39) Gọi con gái Giai-ru sống lại
(Mat Mt 9:18-19, 23-26; Mac Mc 5:22-24, 35-43; LuLc 8:41-42, 49-56)
Chữa lành người phụ nữ xuất huyết ( Mat Mt 9:20-22; Mac Mc 5:25-34;
LuLc 8:43-48) Chữa lành người bại tại Ca-bê-na-um (Mat Mt 9:1-8; Mac
Mc 2:1-12; LuLc 5:17-26) Chữa lành người phung tại Ghê-nê-xa-rét (Mat
Mt 8:1-4; Mac Mc 1:40-45; LuLc 5:12-15) Chữa lành bà gia Phi-e-rơ (Mat
Mt 8:14-17; Mac Mc 1:29-31; LuLc 4:38,39) Phục hồi bàn tay teo (Mat Mt
12:9-13; Mac Mc 3:1-5; LuLc 6:6-11) Chữa lành cậu bé điên loạn (Mat Mt
17:14-21; Mac Mc 9:14-29; LuLc 9:37-42) Đi bộ trên mặt biển (Mat Mt
14:22-23; Mac Mc 6:45-52; GiGa 6:19-31) Chữa lành người mù Ba-ti-mê
(Mat Mt 20:29-34; Mac Mc 10:46-52; LuLc 18:35-43) ĐƯỢC KÝ THUẬT
TRONG HAI SÁCH PHÚC ÂM Chữa lành em bé gái người Sy-rơ Phê-ni-xi
(Mat Mt 15:21-28; Mac Mc 7:24-30) Hoá bánh cho bốn ngàn người ăn (Mat
Mt 15:32-39; Mac Mc 8:1-9) Cây vả bị rủa (Mat Mt 21:17-22; Mac Mc
11:12-14, 20-24) Chữa lành đầy tớ viên đội trưởng (Mat Mt 8:5-13; LuLc
7:1-10) Chữa lành người bị quỉ ám trong nhà hội (Mac Mc 1:23-26; LuLc
4:33-36) Chữa lành người bị quỉ đui và câm ám (Mat Mt 12:22; LuLc 11:14)
ĐƯỢC KÝ THUẬT TRONG MỘT SÁCH PHÚC ÂM Hai người mù được
chữa lành (Mat Mt 9:27-31) Người bị quỉ câm ám được chữa lành (Mat Mt
9:32-33) Đồng bạc trong miệng cá (Mat Mt 17:24-27) Chữa lành người điếc
và ngọng (Mac Mc 7:31-37) Chữa lành người mù tại Bết-sai-đa (Mac Mc
8:22-26) Phép lạ đánh cá I (LuLc 5:1-11) Khiến con trai quả phụ ở Na-in
sống lại (LuLc 7:11-16) Chữa lành người phụ nữ tàn tật (LuLc 13:10-17)
Chữa lành người bệnh thủy thủng (LuLc 14:1-6) Làm sạch mười người
phung (LuLc 17:11-19) Chữa tai cho Man-chu (LuLc 22:49-51) Hóa nước
thành rượu (GiGa 2:1-11) Chữa lành con trai quan thị vệ tại Ca-na (GiGa
4:46-54) Chữa lành người bại tại Bê-tết-đa (GiGa 5:1-16) Mở mắt cho kẻ
mù từ thuở sơ sinh (GiGa 9:1-8) Khiến La-xa-rơ sống lại (GiGa 11:1-45)
Phép lạ đánh cá II (GiGa 21:1-14)

You might also like