You are on page 1of 53

Lịch Sử Hội Thánh ( Giản Lượt )

SÁU THỜI KỲ TRONG LỊCH SỬ HỘI THÁNH


Có sáu biến cố nổi bật đánh dấu (Kết thúc một giai đoạn và Khởi điểm giai
đoạn mới) sáu thời kỳ quan trọng của Lịch sử Giáo hội.
I. THỜI KỲ HỘI THÁNH THỜI CÁC SỨ ĐỒ
1. Khởi đầu: Từ núi Ôlive khoảng năm 30. SC sau khi Chúa thăng thiên,
gồm một nhóm nhỏ người DoThái nhóm tại Giêrusalem trong giới hạn
DoThái giáo
2. Phát triển: Dần dần quan điểm và chức vụ mở rộng thêm ở ngoài các giới
hạn DoThái giáo để thu phục cả thế giới về cho Đấng Christ
3. Lãnh tụ: Dưới sự lãnh đạo của Phierơ, Phaolô và các thánh đồ kế tiếp,
trong hơn hai thế hệ (30. SC - 100. SC) Hội thánh đã được thành lập tại hầu
hết các nước từ sông Ơphơrát đến Tiber, từ Hắc hải đến sông Nile.
4. Biến cố: Thời đại chấm dứt bằng cái chết của Sđ Giăng khoảng 100. SC.
II. THỜI KỲ GIÁO HỘI BỊ BÁCH HẠI
1. Thời gian: Hơn hai trăm năm Từ 100. SC đến 313. SC
2. Đặc điểm: Đế quốc Lamã đã dùng quyền bính để cố gắng tuyệt diệt cái
mà họ gọi là “Óc mê tín Cơ-Đốc giáo”. Nhưng càng bị bách hại, Hội thánh
càng phát triển, chiếm đến phân nửa dân số của đế quốc Lamã
3. Biến cố: Constantine lên ngôi hoàng đế, tin theo Đấng Christ, ra chiếu chỉ
chận đứng làn sóng tàn sát người theo Chúa.
III. THỜI KỲ GIÁO HỘI THỜI CÁC HOÀNG ĐẾ LAMÃ
1. Thời gian: Hơn 150 năm từ 313. SC đến 476. SC.
2. Đặc điểm: Giáo hội trở thành giáo hội của các hoàng đế Lamã. Hình thập
tự giá thay cho hình chim phượng hoàng trên quốc kỳ và Cơ-Đốc giáo trở
thành quốc giáo. Kinh đô Cơ-Đốc giáo là Constantinople thay cho kinh
thành Lamã.
3. Biến cố: La mã thất thủ năm 476 (Sự suy tàn của Tây Đế quốc Lamã).
IV. THỜI KỲ GIÁO HỘI TRUNG CỔ
1. Thời gian: Kéo dài gần 1000 năm từ 476. SC đến 1453. SC.
2. Đặc điểm: Âu châu trở nên một khối hổn loạn và nhiều vương quốc được
thành lập. Giáo hoàng cai trị cả giáo hội lẫn thế giới trần tục. Trong khi đó,
Hồi giáo và đế quốc của Mahomed chinh phục các nước Cơ-Đốc giáo
nguyên thủy. Thập tự quân được thành lập nhưng không kháng cự nổi đế
quốc Hồi giáo.
3. Biến cố: Năm 1453, Contantinople thất thủ chấm dứt lịch sử Trung Cổ.
V. THỜI KỲ GIÁO HỘI CẢI CHÁNH
1. Thời gian: Gần 200 năm từ 1453 đến 1648.
2. Đặc điểm: Về chính trị Âu châu bừng tỉnh trong thế kỷ l5. Về Tôn giáo,
Martin Luther đóng bản tuyên ngôn trước cửa thánh đường, tự biện hộ trước
hoàng đế Đức, đập vỡ chiếc còng trói buộc lương tâm nhân loại.
3. Kết quả: Các dân tộc Bắc Âu ly khai khỏi giáo hội Lamã đồng thời với
các cuộc phản cải chánh tại các xứ Công giáo.
4. Biến cố: Sau 30 năm nội chiến, tàn sát, khủng bố tại Đức, Hòa ước
Wesphalie năm 1648 phân định ranh giới Giáo hội Công giáo và giáo hội
Tin Lành.
VI. THỜI KỲ GIÁO HỘI CẬN ĐẠI
1. Thời gian: Từ 1648 đến thế kỷ 20.
2. Giáo phái: Nhiều phong trào như Thanh giáo, John Wesley, Duy lý, Công
giáo Anh quốc. . phát triển thành những giáo phái Cơ-Đốc ngày nay.
3. Đặc điểm: Dù hình thức và Danh nghĩa khác nhau nhưng liên kết thành
một Hội Thánh duy nhất không những rao truyền Danh Chúa mà còn phục
vụ nhân loại trong các lãnh vực xã hội đem đến cho nhân loại đời sống toàn
hảo hơn.
HỘI THÁNH CỦA LỄ NGŨ TUẦN
I. ĐỊNH NGHĨA HỘI THÁNH
Hội thánh Đấng Christ thuộc mọi thời đại gồm tất cả những người tin Chúa
Jesus là Con Đức Chúa Trời, là Đấng Christ, Vua nước trời, nhận Ngài làm
Cứu Chúa của mình và vâng giữ Lời Ngài.
II. NGÀY KHAI SINH
1. Lễ Ngũ Tuần: Lịch sử Hội Thánh khởi đầu bằng Lễ ngũ tuần cuối mùa
xuân năm 30. SC, ngày các môn đồ được Báptem bằng Đức Thánh Linh
2. Đấng Mêtsia: Mếtsia (Hybálai) và Christ (Hylạp) đều có nghĩa là Đấng
được xức dầu. Môn đồ tin Chúa Jesus là Đấng Mếtsia mà dân Ysơraên mong
đợi
III. ÂN TỨ BAN CHO HỘI THÁNH
1. Biến cố Lễ ngũ tuần: Trong lúc 120 môn đồ nhóm lại cầu nguyện, Đức
Thánh Linh đã giáng trên họ cách lạ lùng. Họ thấy lưỡi bằng lửa từ trời
giáng xuống đậu trên đầu của tất cả những người hiện diện
3. Ba từng trải:
a. Linh quang: Tâm tri họ được soi sáng để nhận thức mới mẻ về nước trời
như một vương quốc thuộc linh chứ không phải vương quốc chính trị
b. Quyền năng: Đức Thánh Linh ban cho họ quyền năng, tinh thần hăng say
và khẩu tài để thuyết phục kẻ nghe
c. Thánh Linh hiện diện: Cùng làm việc với họ, hiện diện trong Hội Thánh
và trong mỗi cá nhân, sở hữu, hướng dẫn và sử dụng người ấy
IV. ĐỊA ĐIỂM
1. Môi trường hoạt động: Những năm đầu tiên chỉ ở Giêrusalem và các vùng
phụ cận rồi tràn ra khắp xứ nhất là ở Galilê (nhưng không có tài liệu chính
thức).
2. Trụ sở đầu tiên: Phòng cao trên núi Siôn và Hành lang Salômôn.
V. THUỘC VIÊN
Gồm toàn người DoThái. Không ai dám nghĩ đến việc nhận người ngoại
bang vì có lẽ họ nghĩ rằng người ngoại bang phải trở nên Do Thái trước.
Thời đó ,người DoThái có 3 loại đều có đại diện trong Hội Thánh :
1. Người Hybá lai: Người Ysơraên chính gốc. Ngôn ngữ là Hybálai nhưng
đã biến thành thổ ngữ Aram (Syri Canhđê). Kinh điển vẫn dùng Cổ ngữ
Hybálai phải được dịch ra ngôn ngữ bình dân thông dụng.
2. Người Hêlênít: Người Hylạp (Hellen: Hylạp) gốc DoThái do thời kỳ lưu
lạc trước đó tạo ra. Họ có nhà cửa hoặc tổ tiên ở ngoại quốc. Họ rất đông,
giàu có, thông minh có tinh thần cởi mở và ưa tự do.
3. Người ngoại quốc theo DoThái giáo: Chiếm thiểu số. Họ nhận luật Do
Thái, chịu cắt bì để gia nhập DoThái giáo, hưỡng mọi ưu quyền như Do
Thái. Họ khác với nhóm “mộ đạo”hay “kính sợ Đức Chúa Trời”chỉ từ bỏ
hình tượng nhưng chưa gia nhập DoThái giáo dù có đến họp ở nhà hội.
VI. VIỆC QUẢN TRỊ
1. Các Lãnh tụ: Trong 6 đoạn đầu công vụ, Phierơ luôn là người “Bày mưu
thiết kế”, làm phép lạ, che chở Hội Thánh. Ông là người có tinh thần lãnh
đạo, là người thực tế và quyết định nhanh chóng. Bên cạnh Phierơ là Giăng:
Trầm tư, ít nói nhưng rất được tín hữu tôn trọng.
2. Việc Quản Trị: Hội thánh ít người, lại cùng dòng giống, cùng thành phố,
thông công trong cùng Thánh Linh nên quản trị dễ dàng. Việc quản
trị giao cho 12 sứ đồ mà phát ngôn nhân là Phierơ.
VII. CÁC GIÁO LÝ.
Thoạt tiên tín điều rất đơn giản, chỉ hệ thống hóa sau nầy bởi Phaolô. Trong
bài giảng Phierơ có ba giáo lý chính yếu nổi bật :
1. Chúa Jesus là Đấng Cứu thế: Là giáo lý quan trọng nhất. Ngài là Đấng
Christ, Đấng Mếtsia mà dân chúng mong đợi từ lâu.
2. Sự phục sinh của Chúa Jesus: Ngài đã chết và đã sống lại để làm Đầu Hội
Thánh của Ngài.
3. Sự Tái lâm của Chúa Jesus: Chúa dạy rằng không ai biết ngoài Đức Chúa
Trời, nhưng môn đồ hy vọng Chúa sẽ tái lâm trong thế hệ của họ.
VIII. SỰ PHÁT TRIỂN
1. Sự Làm chứng: Dù Kinh Thánh chỉ ghi bài giảng Phierơ nhưng 120 người
đầy dẫy Đức Thánh Linh đã là những nhà truyền đạo. Khi tín đồ gia tăng thì
người làm chứng cũng gia tăng. Cuối giai đoạn là Êtiên, nhà truyền đạo sáng
chói nhất.
2. Các phép lạ: Hội thánh lúc đầu chỉ là một nhóm nhỏ không ưu thế xã hội
nhưng có thể biến đổi cả giáo quyền lẫn thế quyền nhờ Chúa giúp đỡ họ qua
các phép lạ. Gồm có phép lạ chữa bệnh và phép lạ đoán phạt (Anania). Phép
lạ như “Hồi chuông kêu gọi dân chúng đến thờ phượng Chúa”. Kết quả có
vô số người trở lại đầu phục Chúa.
IX. ƯU KHUYẾT ĐIỂM
1. Tình Huynh đệ: Tình yêu Đấng Christ tràn ngập tấm lòng khiến họ yêu
mến nhau: Hiệp một, Cảm thông, hy sinh lợi riêng giúp kẻ nghèo thiếu. Đây
là một xã hội chủ nghĩa cực đoan do tình nguyện, thể hiện nguyên tắc Bài
giảng trên núi, được phát huy do lòng mong đợi Chúa tái lâm.
2. Thất bại: Dù dâng hiến rộng rãi đáng cổ võ nhưng việc góp chung tài sản
đã thất bại đưa đến sự nghèo thiếu của Hội Thánh và phát sinh tệ trạng đạo
đức như tánh vị kỷ của Anania Saphiara. . .
3. Khuyết điểm duy nhất: Là nhiệt tâm truyền giáo ra ngoại quốc. Mọi người
đều ở nhà trong khi đáng ra phải đem Tin Lành khắp thế giới.
SỰ PHÁT TRIỂN GIÁO HỘI
Từ Bài giảng Êtiên (35. SC) đến Giáo Hội nghị (50. SC)
TẦM QUAN TRỌNG
1. Vấn đề đặt ra: Cơ Đốc giáo chỉ hạn hẹp trong DoThái hay phải mở
rộng cho toàn thế giới?
2. Giải quyết: Trong thời gian ngắn ngủi nhưng rất quan trọng, Hội Thánh đã
phát triển sâu rộng, đặt nền vững chắc tại Syri, Tiểu Á châu và tràn sang Âu
Châu. Tín đồ đa số là ngoại bang vì thế dù ngôn ngữ tại các Hội nghị là
Hybálai hoặc Aram nhưng ở địa phương thì dùng tiếng Hylạp.
I. BÀI GIẢNG CỦA ÊTIÊN
1. Cơ hội: Êtiên được cử làm một trong 7 người lo việc phát tiền cho người
nghèo do lời than phiền của người Hêlênít bị bỏ rơi. Nhưng ông thật là
người đầy Đức tin và Đức Thánh Linh.
2. Công tác: Tuy được cử làm việc “đời”nhưng Êtiên được nổi tiếng là nhà
truyền đạo giảng lời Chúa cả cho người DoThái lẫn người ngoại quốc. Ông
là người đầu tiên có khải tượng Tin Lành cho toàn thế giới và đã tử đạo vì
khải tượng đó.
II. SỰ BÁCH HẠI CỦA SAULƠ
1. Saulơ: Người Tạtsơ, là một thanh niên trí thức, học trò của Gamaliên đã
từng nghe Êtiên giảng và tham dự vào cái chết của Êtiên.
2. Bách hại: Saulơ cầm đầu phong trào đàn áp tín đồ Đấng Christ khiến Hội
Thánh Giêrusalem tạm thời tan rả, tín hữu tản lạc khắp nơi. Nhưng đi đến
đâu, họ cũng giảng Tin Lành và thiết lập Hội Thánh.
III. PHILÍP TẠI SAMARI
1. Philíp: Là chấp sự cùng làm việc với Êtiên, phát tặng phẩm cho người
nghèo. Khi Êtiên bị giết, Philíp trốn đến Samari là một dân tạp chủng.
2. Kết quả: Hội Thánh tại Samari được Phierơ và Giăng thừa nhận. Ông còn
lập Hội Thánh tại Gaxa, Giốpbê và Sêsarê là thành ngoại bang.
IV. PHIERƠ TẠI GIỐPBÊ và SÊSARÊ
1. Bối cảnh: Phierơ đi quan sát tình hình giáo hội, chữa lành Ênê ở Lyđa,
đến Giốpbê, kêu Tabitha sống lại và sống tại nhà Simôn thợ thuộc da.
2. Tin Lành cho dân ngoại: Phierơ được giải phóng khỏi luật khắt khe của
tập tục DoThái nhờ khải tượng từ trời và sự dẫn dắt của Thánh Linh. Ông đã
đến nhà Cọtnây ở Sêsarê, giảng Tin Lành và rồi làm báp tem cho gia đình,
bạn hữu Cọtnây sau khi chứng kiến Lễ ngũ tuần của dân ngoại.
V. SAULƠ TRỞ LẠI ĐẠO
1. Gặp Chúa: Có lẽ ngay trước khi Phierơ đến Sêsarê, Saulơ bị chận lại trên
đường Đamách bởi khải tượng về Chúa Jesus là Đấng thăng thiên.
2. Biến đổi: Saulơ trở nên kẻ bênh vực Tin Lành mạnh mẽ hơn hết, và đẩy
mạnh phong trào đem Tin Lành cho dân ngoại giống như Êtiên !
VI. HỘI THÁNH TẠI ANTIỐT
1. Thành lập: Các tín hữu tản lạc đến Antiốt giảng về Chúa Jesus trước tiên
trong nhà hội cho người Do Thái và sau đó cho cả người ngoại bang.
2. Phát triển: Banaba được mẫu hội Giêrusalem cử tới đã vui mừng ở lại
tham gia phong trào đem Tin Lành cho người ngoại và đi mời Saulơ cộng
tác khiến Hội Thánh phát triển mạnh mẽ với những lãnh tụ và giáo sư của
Antiốt. Tại đây, danh hiệu ‘Cơ Đốc nhân”được dùng để chỉ người tin theo
Chúa.
VII. HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO THỨ NHẤT
1. Công tác tập thể: Hội Thánh Antiốt theo sự hướng dẫn của Thánh Linh cử
Banaba và Saulơ chuyên lo truyền giáo cho cả người DoThái lẫn ngoại bang
và Saulơ nhanh chóng trở nên người hướng đạo.
2. Cộng sự viên: Thanh niên Giăng Mác được mời đi nhưng sau bỏ cuộc.
3. Địa bàn họat động: Họ đến các thành phố lớn Salamin, Baphô (Chíprơ)
Antiốt và Ycôni (Bisiđi), Líttrơ và Đẹtbơ (Lycaoni). Họ giảng tại các nhà
hội, tiếp xúc với người DoThái và người ngọai bang kính sợ Chúa.
4. Trở lại thăm viếng: Từ Đẹtbơ họ trở lại các Hội Thánh mới thành lập để
tuyển lập các trưởng lão theo tổ chức nhà hội DoThái.
VIII. GIÁO HỘI NGHỊ GIÊRUSALEM
1. Tranh chấp: Nhóm bảo thủ chủ trương ngoài dân Ysơraên không ai được
cứu rỗi vì thế người ngoại bang phải làm cắt bì và giữ luật DoThái. Nhóm
cấp tiến do Phaolô và Banaba tuyên bố Tin Lành ban cho DoThái và dân
ngọai y như nhau do đức tin chứ không do luật pháp DoThái.
2. Giáo hội nghị: Với sự tham dự của các sứ đồ,các trưởng lão và các đại
biểu Hội Thánh, sau lời Phierơ và Giacơ, hội nghị biểu quyết luật pháp chỉ
có tính cách bó buộc với dân DoThái chứ không câu thúc người ngoại bang,
mở đầu giai đoạn chuyển tiếp từ Hội Thánh DoThái sang Hội Thánh của mọi
dân tộc.
HỘI THÁNH GIỮA CÁC DÂN NGOẠI
Từ Giáo Hội nghị đến khi Phaolô tuận đạo
I. HỘI THÁNH GIỮA DÂN NGOẠI( 50-68 )
1. Sau Giáo hội nghị: Tín đồ DoThái tiếp tục tuân giữ luật pháp nhưng được
giải thích theo một tinh thần rộng rãi. Người ngoại bang bước vào nếp sống
Cơ Đốc nhờ đức tin đơn sơ vào Đấng Christ.
2. Tài liệu: Căn cứ Công vụ, các thư tín Phao Lô, Phierơ và theo một số
truyền thuyết được nhiều người công nhận.
3. Địa bàn: Toàn đế quốc LaMã gồm các tỉnh bao bọc Địa Trung Hải và phụ
cận.
4. Thuộc viên: Tín đồ ngoại bang gia tăng và Tín đồ DoThái giảm đi. Chính
người DoThái đã phát động phong trào chống lại Tín đồ Đấng Christ.
5. Lãnh tụ: Có ba lãnh tụ sáng chói:
a. Thứ nhất là Phaolô người sáng lập các Hội Thánh và là nhà thần học.
b. Phierơ là một trong những cột trụ Hội Thánh, theo truyền thuyết có quản
trị Hội Thánh Lamã một thời gian và tuận đạo tại đó năm 67 SC.
c. GiaCơ, em Chúa, cầm đầu Hội Thánh Giêrusalem, bênh vực tập quán
DoThái dù không chống đối Tin Lành cho ngoại bang, bị giết trong đền thờ
khoảng năm 62 SC.
II. CÁC HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO CỦA PHAOLÔ.
1. Hành trình truyền giáo thứ nhất: Tại Chíprơ và Tiểu Asi (bài trước).
2. Hành trình truyền giáo thứ Hai: Trong ba năm, với bạn đồng hành mới là
Sila (Sinvanh) từ Antiốt đi thăm các Hội Thánh đã thành lập. Từ Trôách
(thành Troy) qua Âu châu lập Hội Thánh tại Philíp, Têsalônica, Bêrê, Athen,
Côrinhtô. Tại Côrinhtô ông viết hai thư Têsalônica, hai thơ sớm nhất còn tồn
tại. Sau đó trở về Asi đến Êphêsô rồi vượt biển đến Sêsarê, Giêrusalem và về
Antiốt (Syri).
3. Hành Trình truyền giáo thứ Ba: Sau khi nghĩ ngơi, ông cùng với Timôthê
từ Antiốt đi thăm các Hội Thánh tại Syri và Silisi rồi theo đường vòng tuyền
giáo thứ nhất và hai nhưng đến Phirigi ông lại quayvề Êphêsô ở đó hơn hai
năm, khiến Tin Lành truyền khắp cả Asi. Hành trình truyền giáo nầy chấm
dứt tại Giêrusalem khi Phaolô bị bắt. Ông được lính Lamã giải cứu đem về
đồn Mark Antony.
Hành trình thành công nhất tại Êphêsô. Ông cũng viết thơ Lamã vạch
nguyên tắc Tin Lành và thư Galati giúp tín hữu khỏi lung lạc bởi giáo sư
DoThái.
4. Hành trình Truyền giáo thứ Tư: Ở tù hơn 5 năm: Tại Giêrusalem, tại
Sêsarê 3 năm và ít ra là 2 năm tại Lamã. Từ Sêsarê đến Lamã được xem là
hành trình truyền giáo thứ Tư vì dù xiềng xích, ông vẫn tận dụng mọi cơ hội
để giảng Tin Lành. Có lẽ Luca và Aritạc đồng đi với Phaolô. Cuối cùng ông
đến được Lamã, mục tiêu ông hằng mong đợi, dù bị xiềng với 1 tên lính, ông
được thuê nhà và tiếp xúc với người DoThái rồi quay sang người ngoại
bang. Tại đây ông viết 4 thư tín.
Sau hai năm, ông được tự do có lẽ đã đi Côlôse, Milê và Êphêsô, đến đảo
Cơrết để Tít ở lại và tới Nicôbôli. Ông viết thơ I. Timôthê, Tít. Theo truyền
thuyết ông bị bắt giải về Lamã . Tại đây ông viết II. Timôthê và tuận đạo
năm 68.
III. CUỘC BÁCH HẠI ĐẦU TIÊN CỦA HOÀNG ĐẾ LAMÃ
1. Nguyên nhân: Nêron buộc tội các tín hữu phóng hỏa đốt thành Lamã năm
64.
2. Kết quả: Vì thế hàng ngàn người bị tra tấn, xử tử. Phierơ bị đóng đinh
năm 67, Phao lô bị chém đầu năm 68 và cung điện Nêrôn là nơi thiêu sống
vô số tín đồ nhưng nay lại là nơi xây điện Vatican và giáo đường Thánh
Phêrô !
IV. CÁC SÁCH ĐƯỢC VIẾT
1. Trước Giáo hội nghị (50 SC): Chưa có sách nào (Có thể có Galati 49).
2. Lúc kết thúc giai đoạn (68 SC):Đã có Tin Lành Mathiơ, Mác, Luca. Các
thư tín của Phaolô, Giacơ và Phierơ. Thơ Hêbơrơ có lẽ viết sau khi Phaolô
tuận đạo.
THỜI ĐẠI TỐI TĂM
Từ PhaoLô tuận đạo đến Giăng qua đời
I. DẪN NHẬP
1. Phần ký thuật: Bị bỏ dỡ mãi đến năm 120 mới có các tác phẩm của các
giáo phụ đầu tiên cho ta thấy một Hội thánh khác hẳn Hội Thánh thời
PhaoLô, Phierơ.
2. Giêrusalem thất thủ: Chủ quan giải thích sai Kinh Thánh Cựu Ước, người
DoThái công khai nổi loạn chống Lamã năm 66 SC. Titus con của Thống
tướng Vespasian chỉ huy trận đánh đè bẹp dễ dàng cuộc nổi loạn.
Giêrusalem thất thủ,vô số người bị giết, hàng ngàn bị bán làm nô lệ. Người
DoThái phải xây vận động trường Lamã và vô số người kiệt sức chết. Sau 13
thế kỷ tồn tại, quốc gia DoThái bị xóa khỏi bản đồ thế giới cho đến 1948.
Nhờ lời cảnh cáo của Chúa, các môn đồ trốn đến Fella thung lũng Giôđanh
nên không ai bị thiệt mạng nhưng mối liên hệ giữa DoThái giáo và Tín đồ
Đấng Christ bị cắt đứt vĩnh viễn. Nhóm tín hữu DoThái chỉ tồn tại hai thế
kỷ. Họ tụ tập thành dân Ebionites không được Hội thánh thừa nhận mà cũng
bị đồng bào từ bỏ.
II. CUỘC BÁCH HẠI LẦN THỨ HAI
1. Hoàng đế Domitian: Năm 90 SC phát động bách hại, tàn sát tín đồ nhất là
tại Lamã và Ý đại lợi. Cuộc bách hại có nhiều giai đoạn và có tính cách địa
phương.
2. Sứ đồ Giăng: Sứ đồ cuối cùng, ở tại Êphêsô bị bắt giam tại Batmô. Tại
đây ông viết sách Khải huyền. Có thể Giăng qua đời tại Êphêsô năm 100 SC.
3. Các Sách cuối cùng: Hêbơrơ, II. Phierơ ?, Ba thư tín và Sách Tin Lành
của Giăng, Giuđe và Khải huyền đã được viết ra trong thời kỳ nầy.
III. TÌNH TRẠNG HỘI THÁNH
1. Sự bành trướng: Hội thánh bành trướng từ Tiber đến Ơphơrát, từ Hắc hải
đến Bắc Phi, có thể lan đến Tây ban Nha, Anh Quốc. Tín đồ lên đến hàng
triệu người. Bức thư của Pliny gửi cho Trajan năm 112 là bằng chứng (đền
miếu bị phế bỏ, tín đồ gia tăng vô số tại các miền Tiểu Asi) . Trong Hội
Thánh, quý tộc và nô lệ được xem bình đẳng. Một nô lệ có thể làm giám
mục của ông chủ mình.
2. Hệ thống giáo lý: Cuối thế kỷ I, giáo lý của Phaolô trong thơ Lamã và lời
giáo huấn của Phierơ và Giăng là tiêu chuẩn của đức tin Cơ Đốc.
3. Các Lễ chính:
a. Lễ Báptem: Nghi thức gia nhập giáo hội. Phải ngâm trọn mình trong nước
(năm 120 có báptem bằng đổ nước trên đầu) .
b. Ngày Chúa nhật: Toàn Hội Thánh tuân giữ nhưng không quá khắt khe.
c. Tiệc Thánh: Thoạt tiên có tính cách gia đình. Sau đó trở thành bữa ăn tối
chung mà mỗi người đem thức ăn riêng góp vào (có lẽ ngừa việc bách hại) .
Chỉ có tín đồ mới được dự.
d. Chúa nhật Phục sinh: Lễ hằng năm kỷ niệm Chúa sống lại, ban bố như
một luật.
4. Các chức vụ trong Hội Thánh:
a. Sứ đồ: Không có người thừa kế chức vụ nầy sau khi Giăng qua đời.
b. Trưởng lão và Giám mục: Xem như giống nhau nhưng đến cuối thế kỷ
thứ nhất có khuynh hướng nâng một trưởng lão lên làm Giám mục.
c. Chấp sự: Chức viên trong Hội Thánh (Phêbê là nữ chấp sự).
5. Sự Thờ phượng: Giống sự thờ phượng trong nhà hội: Đọc Cựu Ước, thơ
tín họăc sách Tin Lành. Hội chúng hát Thánh ca, Thánh Thi trong Kinh
Thánh. Lời cầu nguyện tự phát từ tấm lòng. Sau giờ thờ phượng là Lễ Tiệc
Thánh.
6. Tình Trạng thuộc linh: Cao hơn những ngày đầu tiên. Hội thánh khắp nơi
đều mạnh mẽ, giữ địa vị ưu thắng khắp đế quốc La Mã.
CUỘC BÁCH HẠI CỦA CÁC HOÀNG ĐẾ LAMÃ
Từ khi Giăng qua đời đến chiếu chỉ Constantine
Cuộc bách hại không liên tục nhưng tái diễn nhiều lần bởi các hoàng đế
khôn ngoan tài giỏi của đế quốc Lamã !
I. NGUYÊN NHÂN
1. Ngoại giáo dung nhận các thần mới: Cơ Đốc giáo chủ trương độc thần và
khước từ, không chịu đặt Chúa ngang hàng với thần tượng trong các đền thờ.
2. Việc thờ hình tượng: Đâu đâu cũng có hình tượng nhưng tín đồ không thể
tham dự nên bị xem là chống lại xã hội, là bệnh hoạn, có ý chia rẽ.
3. Tôn sùng hoàng đế: Tượng hoàng đế dựng tại mỗi thành phố như một vị
thần. Hình thức thờ phượng được xem là cách trắc nghiệm lòng trung thành
với hoàng đế. Vì thế tín đồ bị xem là bất trung, âm mưu nổi loạn.
4. DoThái giáo được thừa nhận: Nhưng Cơ Đốc giáo không còn liên hệ nào
với Do Thái giáo nên không được một luật lệ nào bảo đảm.
5. Những cuộc họp mật: Bị nghi ngờ, bôi nhọ do việc không cho người
ngoại dự Tiệc Thánh. Các hoàng đế xem là mầm mống cách mạng cần phải
tiêu trừ.
6. Sự bình đẳng trong giáo hội: Khiến giai cấp thống trị bất mãn xem tín đồ
là kẻ gây hổn loạn xã hội, kẻ thù của quốc gia.
7. Quyền lợi bị đe dọa: Những kẻ đúc tượng, xây chùa miễu và các nghề tội
lỗi bị mất quyền lợi khi Cơ Đốc giáo bành trướng.
II. CÁC GIAI ĐOẠN BÁCH HẠI
Khác với cuộc bách hại của Neron, Domitian chỉ là sự cuồng nộ của bạo
chúa có tính bất thường, tạm thời.
1. Từ Trajan đến Antonius Pius (96-161): Cơ Đốc giáo không được công
nhận nhưng chưa bị bách hại trầm trọng. Họ không cần biết đến Cơ Đốc
giáo. Tuy nhiên nếu bị tố cáo mà không bỏ đạo vẫn bị xử tử. Như:
. Simeon (Simôn Mác 6:3) kế vị Giacơ tại Giêrusalem, bị đóng đinh 107
(Trajan).
. Ignatimus, giám mục Antiốt Syri bị ném cho thú dữ tại hí trường Lamã
năm 108.
2. Marcus Aurelius (161-180): Một trong các hoàng đế tài giỏi nhất, cũng là
triết gia luân lý. Ông nệ cổ nên chống Cơ Đốc giáo, cho rằng họ có ý canh
tân.
. Polycarp:Giám mục Simiệcnơ: “Suốt 86 năm phục vụ Chúa, Ngài chỉ làm
ơn cho tôi, làm sao tôi có thể nguyền rủa Ngài là Cứu Chúa tôi”. Bị thiêu
sống 155 SC.
. Justin Martyr: Là triết gia trở lại tin Chúa, viết nhiều sách. Tuận đạo năm
156 SC.
3. Septimius Severus ( 202-211): Bách hại dữ dội khắp nơi nhất là ở Aicập
và Bắc Phi sau một thời gian yên tĩnh vì nội chiến họăc thú vui riêng của
các hoàng đế.
. Leonidas, thân phụ của Origen bị chém đầu tại Alexandria năm 202
. Phụ nữ quý tộc Perpetua và nô bộc Felicitas bị thú dữ xé xác tại Carthage
203.
4. Bốn mươi năm yên tĩnh: Do đổi ngôi liên tiếp. Hoàng đế Caracalla (211-
217) ban quyền công dân cho tất cả mọi người không phải là nô lệ, vô tình
có lợi cho tín đồ.
5. Decius (249-251): Bách hại khốc liệt trở lại cho đến khi thăng hà.
6. Valerian: Năm 257 Xử tử Cyprian, giám mục tại Carthage và năm 258 xử
tử Sextus, giám mục tại Lamã.
7. Diocletian (303-310): Bách hại có phương pháp và khủng khiếp nhất: Đốt
Kinh Thánh, phá hủy nhà thờ, đăt người tin Chúa ra ngoài vòng pháp luật.
Nhiều nơi họ tập trung tín hữu vào nhà thờ và phóng hỏa. Hồ tắm rộng lớn
của Diocletian là do xương máu tín đồ. Giáo đường Santa Maria Degli
Angeli khánh thành năm 1561 chính là công trình của Diocletian.
8. Chiếu chỉ khoan dung 313: Constantine đồng trị với cha dù chưa tin Chúa
đã ban chiếu chỉ khoan dung khiến Cơ Đốc giáo được thừa nhận và hợp
pháp.
GIÁO HỘI BỊ BÁCH HẠI
Dù bị bách hại, Hội Thánh đã phát triển đáng kể về tổ chức và sinh hoạt giáo
hội.
I. SỰ HÌNH THÀNH KINH ĐIỂN TÂN ƯỚC
1. Sự Hoàn tất: Các sách Tân Ước đã hoàn tất ngay từ đầu thế kỷ thứ hai
(có lẽ 110 SC).
2. Sự Thừa nhận như một giáo quy: Không dễ dàng và nhanh chóng. Thí dụ:
Hêbơrơ, Giacơ, II. Phierơ và Khải thị không được phương Tây thừa nhận
trong thời gian khá lâu. Trái lại nhiều sách đã được thừa nhận thì ngày nay
bị xem là ngụy kinh Tân Ước như Người chăn chiên của Hermas, Thư tín
Banaba, Giáo huấn của 12 sứ đồ, Khải thị của Phierơ. Bộ Tân Ước hiện nay
có lẽ đã được thừa nhận sau năm 300.
II. SỰ BÀNH TRƯỚNG CỦA TỔ CHỨC GIÁO PHẨM
1. Chức vụ sứ đồ: Do Chúa Jesus tuyển chọn nên được kính trọng, xem như
người được Đức Thánh Linh cảm thúc đặc biệt, lãnh đạo Hội Thánh.
2. Giáo hội nghị Giêrusalem: Gồm các sứ đồ và các Trưởng lão là đại diện
tín đồ.
3. Giám mục trị: Sau năm 125, mỗi giáo khu do một Giám mục điều khiển,
dưới quyền là các Trưởng Lão và chấp sự. Sau năm 150 giáo hội nghị chỉ
dành cho Giám mục.
III. NGUYÊN NHÂN THAY ĐỔI TỔ CHỨC
1. Các sứ đồ qua đời: Không có người tương xứng kế vị suốt năm sáu mươi
năm.
2. Giáo hội bành trướng: Khắp cả đế quốc Lamã đến tận Parthia và ranh giới
Ấn độ nên việc tổ chức và điều hành trở nên cần thiết.
3. Những cuộc bách hại: Khiến Hội Thánh đoàn kết lại, cần được quản trị,
cần những lãnh tụ lèo lái con thuyền Hội Thánh.
4. Việc Tà giáo: Tà giáo nổi lên đòi hỏi uy quyền củng cố đức tin với những
biện pháp kỷ luật để bảo đảm sự hiệp nhất đức tin trong giáo hội.
5. Mô phỏng chính quyền Lamã: Từ dân chủ bình quyền đến tập trung quyền
hành vì người ta vốn quen với lối cai trị của chính quyền, nhưng chưa có cá
nhân tập quyền.
IV. SỰ PHÁT TRIỂN GIÁO LÝ
1. Thời các sứ đồ: Đức tin chỉ ở trong lòng. Đó là Đầu phục Đấng Christ,
vâng theo mọi lời Chúa dạy.
2. Giáo lý: Dần dần Đức tin chuyển hoá thành đối tượng của tâm trí, một
niềm tin nơi hệ thống giáo lý. Bài tín điều các sứ đồ là bản tuyên ngôn sớm
nhất và giản dị nhất.
V. CÁC TRƯỜNG PHÁI THẦN HỌC
Có ba trường phái thần học lớn ở Alexandria, Tiểu Á châu và Bắc Phi. Thoạt
tiên chỉ để hướng dẫn người ngoại hứa nguyện tin Chúa nhưng sau là Khảo
cứu Giáo lý. Tác phẩm của họ là tài liệu vô giá về sinh hoạt giáo lý của giáo
hội.
1. Trường phái Alexandria (180) do Pantaenus, vốn là triết gia phái khắc kỷ
Stoicism nhưng sau tin Chúa, trở thành giáo sư nhiệt thành với tài hùng biện.
Kế vị Panteanus là Clement (150-215) viết nhiều sách chống ngoại giáo.
Quan trọng nhất là Origen (185-254) học rộng, viết nhiều sách, được xem là
nhà tư tưởng và chú giải Kinh Thánh lỗi lạc nhất thời bấy giờ.
2. Trường phái Tiểu Á châu: Không có địa điểm trung tâm, do một nhóm
giáo sư và tác giả thần học. Đại diện là Iranaeus di cư sang Pháp làm giám
mục và tử đạo năm 200.
3. Trường phái Bắc Phi: Trụ sở tại Carthage đóng góp nhiều nhất vào việc
hình thành tư tưởng thần học Âu châu. Hai nhân vật quan trọng là Tertullian
(160-220) và Cyprian, một giám mục bảo thủ, tuận đạo năm 257 dưới thời
Valerian.
GIÁO HỘI BỊ BÁCH HẠI (tt)
VI. SỰ XUẤT HIỆN CỦA CÁC GIÁO PHÁI ( TÀ THUYẾT )
Giáo hội dung nạp người Hylạp theo thuyết thần bí tạo ra những tà thuyết,
lần lần chiếm ưu thế. Trong thế kỷ 2 và 3 giáo hội phải đối đầu cả bách hại
bên ngoài lẫn tà thuyết bên trong :
1. Trí huệ phái: (Gnostics do chữ gnosis: tri thức) Xuất hiện tại tiểu Á châu.
Họ tin từ Thượng Đế tối cao lưu xuất một số thần thánh hạ đẳng cả thiện lẫn
ác. Họ giải thích Kinh Thánh theo lối ẩn dụ. Phát triển mạnh và suy tàn vào
thế kỷ thứ hai.
2. Phái Ebionites: (Từ Hybálai nghĩa là “nghèo”) Gồm những tín đồ DoThái,
nhấn mạnh tuân giữ luật pháp, phủ nhận tác phẩm Phaolô. Họ bị cả dân
DoThái lẫn tín đồ ngoại bang xem là bội đạo. Chỉ tồn tại trong thời gian
ngắn vào thế kỷ thứ 2.
3. Phái Manichees hay Manicheans: Từ Batư do Mani sáng lập (Batư xử tử
năm 276). Chủ trương vũ trụ gồm hai vương quốc ánh sáng và bóng tối, phủ
nhận Chúa Jesus nhưng tin vào một “Đấng Christ chốn không trung”. Họ
sống khổ hạnh, độc thân. Trước khi tin Chúa, Augustine cũng thuộc phái
nầy.
4. Phái Montanist: Do Montanus sáng lập. Họ theo thanh giáo (Puritans)
quay về nếp sống Cơ Đốc giáo nguyên thủy. Mọi giáo hữu đều là thầy tế lễ
chứ không căn cứ phẩm trật. Nhấn mạnh ơn nói tiên tri của mọi tín hữu.
ĐượcTertullian và John Wesley tán đồng.
VII. TÌNH TRẠNG GIÁO HỘI
1. Một giáo hội thuần khiết: Cuộc bách hại đã sàng sãy, thanh lọc, loại bỏ
những người không thực tâm theo Chúa, chỉ giữ lại những người tin Chúa
công khai sẵn sàng trung tín cho đến chết.
2. Sự thống nhất giáo lý: Những cuộc tranh luận với các tà thuyết đã làm
sáng tỏ chân lý đạo Chúa vì thế giáo lý thống nhất dù Hội Thánh trải rộng
khắp đế quốc Lamã.
3. Một giáo hội có tổ chức: Tổ chức chặt chẽ, chia thành nhiều giáo khu với
các giám mục đứng đầu. Giáo hội như một quân đội có kỷ luật, tràn đầy sinh
lực và nắm trọn ưu thế tinh thần.
4. Một giáo hội đang tăng trưởng: Theo sử gia Gibbon thời ấy, Hội Thánh
cuối thời kỳ bách hại chiếm 1 / 10 dân số đế quốc (Lamã: 120 triệu) . Theo
sử gia cận đại thì tỉ số là 1 / 2. (Vì dựa vào các mộ bia. . có khoảng 7 triệu
hài cốt tín hữu được chôn tại đó).
GIÁO HỘI THỜI CÁC HOÀNG ĐẾ LA MÃ
Từ chiếu chỉ Constantine 313 đến Lamã thất thủ 476
SỰ CHIẾN THẮNG CỦA CƠ ĐỐC GIÁO
Vào năm 305, khi Dioclectian thoái vị, Cơ Đốc giáo còn bị nghiêm cấm
nhưng 10 năm sau Cơ Đốc giáo đã trở thành quốc giáo của đế quốc Lamã.
I. CONSTANTINE THEO CƠ ĐỐC GIÁO (312-337)
1. Trận đánh Milvian (312) : Khi Dioclectian thoái vị, bốn người dòm ngó
ngai vàng đã tranh chiến nhau. Mạnh nhất là Maxentius và Constantine.
Maxentius chủ trương bách hại Hội Thánh còn Constantine có thiện cảm với
Hội Thánh. Năm 312 họ dàn quân tại cầu Milvian. Constantine thuật lại rằng
có thấy trên trời dấu hiệu thập tự giá sáng rực với chữ “Hoc Signo
Vinces”(nhờ dấu hiệu nầy ngươi sẽ thắng trận) vì thế ông dùng biểu tượng
ấy cho quân kỳ và thắng trận còn Maxentius chết chìm dưới sông.
2. Chiếu chỉ Constantine: Năm 313, Constantine ban chiếu chỉ chấm dứt
bách hại và năm 323 ông thống nhất sơn hà và Cơ Đốc giáo chiếm địa vị độc
tôn.
3. Cá tính Constantine: Dù không toàn hảo nhưng nói chung rất công chính.
Ông quan tâm đến sự hiện hữu Cơ Đốc giáo hơn là phẩm chất của nó vì thế
đến ngày băng hà ông mới nhận lễ Báptem.
II. NHỮNG KẾT QUẢ TỐT CHO HÔI THÁNH
1. Sự Bách hại chấm dứt: Vĩnh viễn từ năm 313 khi Constantine ban chiếu
chỉ.
2. Các giáo đường: Được trao trả, tái thiết, mở cửa bên cạnh những giáo
đường mới.
3. Chấm dứt tế lễ ngoại giáo: Dù thờ phượng ngoại giáo chưa bị cấm chứng
tỏ các lễ nghi ngoại giáo chỉ có tính cách hình thức.
4. Đền miếu được cung hiến làm đền thờ: Tại các thành phố nhưng tại thôn
quê thờ phượng ngoại giáo còn kéo dài nhiều thế kỷ (Pagan: dân quê: ngoại
đạo).
5. Giáo hội được tài trợ: Ngân quỹ đền miếu chuyển cho giáo hội. Giám
mục, tư tế và các chức viên được lãnh trợ cấp của chính phủ.
6. Đặc quyền cho hàng giáo phẩm: Do sắc lệnh hoàng đế và theo thói quen
trở thành luật: Hàng giáo phẩm miễn nộp thuế, chỉ bị xử tại tòa án hàng giáo
phẩm. Điều nầy có lợi tạm thời nhưng sau nầy đã gây tai hại cho nhà nước
lẫn giáo hội.
7. Giữ ngày Chúa nhật: Trở thành phổ quát khắp đế quốc. Năm 321
Constantine cấm các phiên tòa xử vào Chúa nhật ngoại trừ trường hợp trả tự
do cho nô lệ.
III. NHỮNG KẾT QUẢ TỐT CHO QUỐC GIA
1. Bãi bỏ hình phạt đóng đinh: Vì thập tự giá được xem như biểu tượng Cơ
Đốc giáo và của quân kỳ của Constantine.
2. Chận đứng sát hại trẻ con: Trước đây người cha có quyền giết hoặc bỏ
con nếu không muốn nuôi tạo cơ hội cho kẻ nuôi trẻ con bán làm nô lệ.
3. Cải cách chế độ nô lệ: Hơn phân nửa dân số là nô lệ. Chủ không còn được
giết nô lệ mà phải đối xử nhân đạo. Nô lệ có quyền tố cáo chủ trước toà án.
Việc giải phóng nô lệ cũng được khuyến khích.
4. Huỷ bỏ các trò chơi giác đấu: Tuy nhiên tại hí trường Lamã các trận giác
đấu vẫn tồn tại đến năm 404 khi tu sĩ Telemachus nhảy vào đấu trường can
các đấu thủ và bị giết tại đó.
IV. NHỮNG HẬU QUẢ XẤU
1. Mọi người đều gia nhập giáo hội: Cả kẻ tốt lẫn kẻ xấu mưu tìm lợi lộc
khiến tinh thần giáo hội thoái hóa rất nhiều.
2. Các tập tục ngoại giáo: Thờ phượng càng thêm uy nghi nhưng càng kém
thiêng liêng và thành kính với các hình thức, lễ nghi ngoại giáo, các đại lễ
ngoại giáo xen vào giáo hội. Năm 405 tượng các thánh tử đạo đem vào nhà
thờ để kỷ niệm rồi được tôn kính và thờ lạy. Sự thờ lạy nữ thần Venus,
Diana thay bằng thờ lạy Trinh nữ Maria. Tiệc thánh biến thành cuộc tế lễ và
Trưởng lão trở thành tư tế.
3. Giáo hội bị thế tục hoá: Thay vì thay đổi thế gian. Khiêm nhường thánh
thiện bị thế chỗ bởi kiêu ngạo và tham vọng ngay trong hàng giáo phẩm.
4. Đồng hóa giữa giáo quyền và thế quyền: Đưa đến hai hậu quả: Phía đông
chính quyền thống trị giáo hội khiến giáo hội mất năng lực; Phía tây giáo hội
lần lần cướp chính quyền biến Cơ Đốc giáo thành ra tà giáo, thành guồng
máy chính trị kiểm soat các quốc gia Âu châu.
GIÁO HỘI THỜI CÁC HOÀNG ĐẾ LA MÃ
I. THIẾT LẬP KINH ĐÔ CONSTANTINOPLE
1. Nhu cầu: Nhận thấy Lamã bị ảnh hưỡng ngoại giáo và truyền thống ngoại
đạo đè nặng, hơn nữa Lamã ở một địa thế dễ bị quân thù tấn công nên phải
tìm nơi khác.
2. Byzantium: Constantine chọn Byzantium của người Hylạp là một thành
phố có từ ngàn năm trước là giao điểm giữa Âu và Á. Byzantium được ngăn
cách với hai lục địa bằng eo biển Bosphorus phía bắc và eo biển Hellespont
phía nam. Suốt 25 thế kỷ nhờ địa thế thiên nhiên nên ít bị quân thù xâm
chiếm. Thành phố được đổi tên là Constantinople (thành của Constantine)
nay là thành Istanbul.
3. Kinh đô mới và giáo hội: Tại kinh đô mới, vua và giáo trưởng (Patriarch)
sống gần nhau. Dù giáo hội được trọng vọng nhưng uy quyền hoàng đế bao
trùm tất cả, giáo hội trở nên “đầy tớ”chính quyền (dù vài trưởng lão như
John Chrysostum vẫn khẳng định tính cách độc lập của giáo hội).
4. Sancta Sophia: Là giáo đường do Constantine xây cất, sau đó bị phá hủy
và tái thiết năm 537 trở thành giáo đường lớn nhất suốt 11 thế kỷ cho đến
1453 bị người Thổ nhỉ kỳ chiếm lấy và biến thành thánh đường Hồi giáo cho
đến nay.
II. SỰ PHÂN CHIA ĐẾ QUỐC LA MÃ
1. Lý do: Vì đế quốc quá rộng lớn khó kiểm soát và vì thành lập kinh đô
mới. Điều nầy đã được Dioclectian khởi xướng năm 305 nhưng đến năm 375
thì vua Theodosius hoàn tất việc phân chia.
2. Sự phân chia: Đế quốc Lamã được chia làm hai: Đông đế quốc được gọi
là Hylạp (nói tiếng Hylạp) và Tây đế quốc được gọi là Latinh. Chính sự
phân chia nầy đã dọn đường cho sự đổ vỡ giáo hội.
III. XÓA SẠCH NGOẠI GIÁO
1. Sự khoan dung của Constantine đối với ngoại giáo: Constantine chỉ phổ
biến Cơ Đốc giáo chứ không ép dân chúng theo đạo. Vua còn giữ lại một vài
phẩm tước mà ngoại giáo dành cho hoàng đế như “Pontifex maximus”(thầy
tế lễ của cả đạo trưởng) được giáo hoàng giữ đến nay.
2. Sự khe khắt của các hoàng đế kế vị: Họ cưỡng bách theo đạo, tịch thu
ngân quỹ tư tế ngoại đạo chuyển qua giáo hội, nghiêm phạt nghi lễ thờ
phượng ngoại giáo, xử tử và tịch thu tài sản người thờ lạy hình tượng. . . làm
xoá sạch ngoại giáo trải 3,4 thế hệ.
IV. NHỮNG CUỘC TRANH LUẬN VÀ GIÁO HỘI NGHỊ
Mầm mống mâu thuẩn từ thời giáo hội bị bách hại nay mới bùng nổ. Có ba
cuộc tranh luận quan trọng nhưng chỉ các giám mục mới có quyền đầu
phiếu.
1. Sự chống đối của Arius (Giáo lý Ba Ngôi): Trưởng lão tại Alexandria
năm 318 chủ trương Bản tính Đấng Christ tuy cao hơn nhân tính nhưng lại
thấp hơn bản tính của Đức Chúa Trời. Bản tính ấy không hiện hữu đời đời
mà có một khởi điểm. Athanasius chống quan điểm ấy, chủ trương sự hiệp
một của Đức chúa Cha và Đức chúa Con. Vua Constantine phải triệu tập hội
nghị các giám mục tại Nicea thuộc Bithini năm 325. Dù Athanasius chỉ là
chấp sự chỉ có quyền phát biểu nhưng đã thuyết phục được đa số đại biểu lên
án chủ trương của Arius bằng bài tín điều Nicea nhưng Arius nhờ thế lực
của hoàng tử và giới thượng lưu khiến Athanasius bị lưu đày năm lần. Ông
vẫn tuyên bố: “Dù cả thế giới chống lại ông thì ông cũng sẽ chống lại cả thế
giới”. Khá lâu sau khi ông chết quan điểm ông mới được hoan nghênh và
Tín điều Athanasius được tin là do chính ông viết ra.
2. Sự chống đối của Apollineuris: Giám mục Laodicea năm 360 về bản tánh
Đấng Christ. Ông cho rằng thần tánh đã chiếm chỗ của nhân tánh trong
Đấng Christ. Chúa Jesus không phải là người mà là Đức Chúa Trời mang
hình thể loài người. Giáo hội nghị Constantinople (381) lên án Apollinarius
và ông ly khai giáo hội.
3. Cuộc chống đối của Pelagius: Cuộc tranh luận dai dẳng nhất. Pelagius là
một tu sĩ từ Anh quốc đến La mã năm 410 chủ trương con người không thừa
hưởng tội lỗi do Ađam truyền lại. Augustine chống lại quan điểm nầy cho
rằng Ađam đại diện cả nhân loại nên cả nhân loại đều phạm tội khi Ađam
phạm tội. Loài người hư hoại không thể tự ý tiếp nhận sự cứu rỗi mà chỉ nhờ
ý chỉ của Đức Chúa Trời. Giáo hội nghị Carthage năm 418 lên án Pelagius
và chấp nhận quan điểm Augustine là mẫu mực. Mãi đến năm 1600 nhờ
Arminius ở Hoà Lan và John Wesley (Thế kỷ 18) người ta mới tránh khá xa
hệ thống giáo lý của Augustine (Tiền định).
V. TU VIÊN CHỦ NGHĨA
1. Nguồn gốc: Tinh thần trần tục lần lần len lõi vào Hội Thánh khiến nhiều
người muốn tìm một đời sống cao thượng phải lánh ra, sống riêng lẽ từng
người hoặc từng nhóm cố tìm cách tu dưỡng bằng suy tư, cầu nguyện va
sống khổ hạnh. Tinh thấn tu trì nầy bắt đầu tại Aicập.
2. Các nhà sáng lập: Anthony là người đầu tiên chủ xướng vào năm 320,
sống đơn độc trong hang đá tại Aicập. Lối sống độc đáo của ông thu hút
hàng ngàn đệ tử. Họ trở thành một giòng tu (cenobites) từ Aicập tràn vào
giáo hội miền đông.
3. Các thánh tu trên cột: Người đầu tiên là Simon tu sĩ xứ Syri, tục gọi là
Styllites (ở trên cột). Ông rời tu viện năm 423 khởi xây nhiều cây cột càng
ngày càng cao (20 mét) rông chừng 1,2 mét. Ông sống trên cột ròng rã 37
năm. Được hưởng ứng ở Syri nhưng Âu châu không hưởng ứng.
4. Tu viện chủ nghĩa tại Âu châu: Phong trào ẩn tu Âu châu chậm hơn Á
châu. Cuối cùng các tu viện được thành lập. Tại đó, các tu sĩ vừa làm việc
vừa cầu nguyện. Bộ luật Benedict năm 529 là nền tảng tổ chức và điều hành.
Phát triển mạnh thời Trung cổ và tồn tại mãi trong lịch sử giáo hội.
GIÁO HỘI THỜI CÁC HOÀNG ĐẾ LA MÃ
Trong khi Constantinople là kinh đô thế giới thì Lamã muốn trở thành kinh
đô của giáo hội. Giáo hội Lamã nhiều tiếng tăm và thế lực nên Giám mục
Lamã tự xưng là Giáo hoàng đòi thống trị Cơ Đốc giáo dù phải chờ đến thời
trung cổ mới thực hiện được.
I. NGUYÊN NHÂN GIA TĂNG QUYỀN HÀNH GIÁO HỘI LA MÃ
1. Mô phỏng lối cai trị của chính quyền: Chính quyền độc tài tập trung
quyền hành vào hoàng đế. Giáo hội chia làm nhiều Giáo khu có Giám mục
kiểm soát . Giám mục Trưởng tại các thành phố lớn được gọi là Giám mục
mẫu hội (Metropolitans) sau là Giáo Trưởng (Patriarch). Giữa 5 vị giáo
trưởng tại Giêrusalem, Antiốt, Alexandria, Constantinople và Lamã thường
có sự tranh chấp quyền hành nhưng cuối cùng Vị Trưởng Lão tại
Constantinople và Vị Giáo hoàng (Pope lúc ấy chỉ có nghĩa là Cha) tại Lamã
được chọn làm người cầm quyền Giáo hội.
2. Phê chuẩn chức vị Sứ đồ: Giáo hội Lamã đòi quyền đó vì Phierơ và
Phaolô được kể là hai sứ đồ sáng lập Hội Thánh Lamã và Phierơ là Giám
mục đầu tiên mà ông là sứ đồ trưởng nên phải có uy quyền trên toàn giáo
hội. Vì thế các người kế vị ông là các “Giáo hoàng” phải tiếp tục giữ chức
vụ ấy. (Vòm thánh đường Phierơ tại Lamã ghi Ma 16:18 và “Hãy chăn chiên
Ta”. )
3. Đặc tính của Giáo hội và Giám mục Lamã: Về trình độ: Đa số Giám mục
Lamã có trình độ vượt xa các Giám mục tại Constantinople. Họ cương nghị,
khôn ngoan, tạo được nhiều uy tín. Ngoài ra tinh thần vương giả của Lamã
cũng ảnh hưởng. Về mặt giáo lý: thì Hội Thánh Lamã bảo thủ, ít bị ảnh
hưởng tà thuyết. Tinh thần thực tiển của Hội Thánh Lamã: Quan tâm chăm
sóc kẻ nghèo, bệnh tật trong Hội Thánh lẫn người ngoại. Họ quyên trợ rời
rộng giúp các Hội Thánh ở các tỉnh.
4. Sự dời đô : Khiến các Giáo hoàng Lamã thêm uy tín vì tại kinh đô mới
các Giám mục bị áp lực chính quyền trở nên khép nép, sợ sệt trong khi các
Giáo hoàng Lamã được tự do hành chức nên có uy quyền, được Âu châu
kính nể nên dễ dàng trở nên lãnh tụ .
II. SỰ SỤP ĐỔ CỦA ĐẾ QUỐC LA MÃ
A. Sự sụp đổ: Tây đế quốc bắt đầu suy sụp. Dưới thời Constantine, phòng
thủ chắc chắn nhưng tiềm tàng suy đồi về luân lý và chính trị. Chỉ trong 25
năm sau khi Constantine chết các tiền đồn biên giới phía Tây bị thất thủ và
các đạo quân man rợ (Không phải Lamã, DoThái, Hylạp) thành lập các
vương quốc độc lập và chỉ trong vòng không đầy 140 năm đế quốc Lamã
hoàn toàn tan rã sau hàng ngàn năm ngự trị.
B. Các Nguyên Nhân
1. Sự phú cường của Lamã: Gợi lòng tham của các dân tộc nghèo đói, hiếu
chiến ở ngay bên kia biên giới dù các hoàng đế rất chú tâm phòng thủ biên
giới.
2. Dân Lamã không quen chiến trận: Sau nhiều thế kỷ sống trong hòa
bình, dần dà kỷ luật quân đội lỏng lẻo. Đạo binh Lamã phần nhiều là lính
đánh thuê với cấp chỉ huy phần lớn thuộc dòng dõi các dân tộc “man rợ”.
3. Nội chiến làm suy yếu: Do nhiều người có tham vọng chiếm ngai vàng.
Thượng nghi viện không còn tuyển chọn hoàng đế mà các đạo quân từ các
tỉnh kéo về để đề cử ứng viên của mình khi hoàng đế bị ám sát (phần lớn !)
và nội chiến xãy ra.
4. Sự di cư của các bộ lạc Á châu: Là nguyên nhân trực tiếp. Họ được gọi là
Hung nô, có lẽ do khí hậu, hạn hán họ di cư tìm đất sống. Dưới sự lãnh đạo
của Attila, quân Hung nô trở thành kẻ thù lợi hại nhất của Lamã.
C. Các cuộc Xâm lăng La Mã
1. Các bộ lạc Xâm lăng: Đầu tiên do dân Visigoths (Người Goths phía Tây)
ở giữa Danube và biển Baltic do Alaric cầm đầu tràn qua Hylạp và Ý đại lợi,
chiếm giữ, cướp phá Lamã rồi thiết lập vương quốc ở miền Nam nước Pháp.
. Sau đó dân Vandals do Geneseric cầm đầu băng qua Pháp đến Tây Ban
Nha, Bắc Phi.
. Dân Burgundians vượt sông Rhine lập vương quốc lấy Strasbourg làm
trung tâm.
. Dân Franks (bộ lạc Đức) chiếm Bắc xứ Gaul đặt tên là Francia. Vua Clovis
tin Chúa nên toàn dân đều tin theo và họ dùng áp lực bắt các dân tộc bắc Âu
tin Chúa.
. Dân Saxons và Angles từ Đan mạch xâm lấn Anh quốc khi thấy Lamã rút
khỏi đây, loại hẳn Cơ Đốc giáo.
2. Trận Chalons (451): Năn 450 Attila chỉ huy hung nô đánh Lamã, hăm dọa
tiêu diệt cả Lamã lẫn các Vương quốc mới thành lập nên Lamã huy động các
dân Goths, Vandals, Franks liên minh đánh tan Hung Nô Á châu trong trận
Chalons.
3. Lamã thất thủ: Năm 476 dân Heruli, một bộ lạc nhỏ của Đức dưới quyền
Vua Odoacer chiếm Lamã, truất ngôi Ấu vương Romolus Augustus
(Augustus the Little). Odoacer lấy vương hiệu là Vua Ý đại lợi. Tây đế quốc
không còn nữa.
D. Giáo hội và các Rợ: Hầu hết bộ lạc xâm lăng đều theo ngoại giáo trừ dân
Goths đã theo Cơ Đốc giáo của dân Arian. Họ có Kinh Thánh bằng ngôn
ngữ riêng. Cơ Đốc giáo vẫn còn sống động để chinh phục các giống dân xâm
lăng, tạo ra một Âu châu mới và Giáo hội Lamã vẫn giữ được uy thế trong
lãnh vực giáo quyền.
III. CÁC LÃNH TỤ GIÁO HỘI
1. Athanasius (293-373) tranh luận với Arius tại Giáo hội nghị Nicea năm
325. Năm 33 tuổi, làm Giám mục Alexandria. Bị lưu đày 5 lần nhưngvẫn
giữ đức tin.
2. Ambrose ở Milan (340-397) Giáo phụ Latinh đầu tiên được bầu làm Giám
mục khi còn là tín đồ chưa Báptem. Có lần quở trách hoàng đế Theodosius
buộc phải xưng tội, ăn năn. Được hoàng đế tôn trọng và chọn giảng trong lễ
an táng của mình.
3. John Chrysostum (345-407 ) được tặng biệt danh Chrysostum (cái miệng
vàng) nhờ tài hùng biện. Sinh tại Antiốt, làm Giám mục và Giáo Trưởng tại
Constanti nople năm 398. Thẳng thắn, cải cách đã làm phật ý triều đình. Bị
lưu đày và qua đời năm 407 nhưng sau khi chết được phục chức đưa về an
táng tại Constantinople.
4. Jerome (340-420) có trình độ học thức cao nhất trong các giáo phụ Latinh
nhưng từ bỏ vinh dự trần gian để sống khổ hạnh. Lập tu viện tại Bếtlêhem.
Tác phẩm giá trị nhất là Bản dịch Kinh Thánh ra tiếng Latinh với tên là
Vulgate.
5. Augustine (354-430) lỗi lạc nhất giai đoạn nầy. Lúc trẻ là học giả xuất sắc
nhưng sống trụy lạc. Năm 30 tuổi tin Chúa nhờ mẹ, được giáo huấn bởi
Ambrose ở Milan và qua các thư tín Phaolô. Giám mục Bắc phi năm 395.
Tác phẩm “Thành của Đức Chúa Trời”và “Thú Tội”. Là nhà thần học và chú
giải Kinh Thánh lỗi lạc nhất sau thánh Phaolô.
SỰ BÀNH TRƯỚNG QUYỀN BÍNH GIÁO HOÀNG
Sự bành trướng thế lực Giáo hoàng là một sự kiện rất quan trọng suốt 10 thế
kỷ của thời đại Trung Cổ. Đây là sự bành trướng thế lực giáo quyền lẫn thế
quyền.
I. GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN
1. Gregory I: Bắt đầu với Gregory I và đạt tuyệt đỉnh với Gregory VII
(Hildebrand). Khi Giám mục Gregory I thấy 1 tù binh Anh thì được khải
tượng truyền giảng tại Anh cùng các dân tộc ngoại giáo. Giáo hoàng đem
chính thống giáo đến cho người Visigoths gốc Arian tại Tây Ban Nha, thành
công trong việc chống Giáo trưởng tại Constantinople đòi làm Tổng Giám
mục. Giáo hoàng cũng tạo cho giáo hội một thực lực trong các tỉnh chung
quanh Lamã dọn đường cho việc cướp đoạt thế quyền.
Giáo hoàng cũng phát triển một vài giáo lý: Thờ lạy ảnh tượng, Ngục luyện
tội và Sự Biến thể của Bánh và rượu nho trong Tiệc Thánh. Gregory ủng hộ
Ẩn tu vì vốn là Tu sĩ. Gergory I được gọi là “Đại giáo hoàng”, là nhà cai trị
tài ba nhất giáo hội Lamã.
2. Các nguyên nhân bành trướng thế lực:
a. Một quyền bính về sự công nghĩa: Giáo hoàng làm trung gian giữa dân
chúng và vua, bênh vực quyền lợi kẻ cô thê & đề phòng nạn độc tài, duy trì
sự cai trị tốt đẹp.
b. Tình trạng bấp bênh của thế quyền: Do sự chống đối chính trị. Âu châu
đang xáo trộn, không chính quyền nào tồn tại lâu. Vua chúa, lãnh tướng
tranh chiến giành ngôi báu. Hổn loạn kéo dài đến khi đế quốc của
Charlemagne được thiết lâp vào thế kỷ thứ 9. Nhưng phần lớn người kế vị
nhu nhược để giáo hội có thể thao túng chính trường.
c. Sự nhất trí của giáo hội: Với tổ chức hết sức chặt chẽ. Dù tu viện chủ
nghĩa phát triển mạnh nhưng từ Viện trưởng đến tu sĩ đều ủng hộ các tư tế
và Giám mục trong tất cả các cuộc tranh đoạt quyền uy.
d. Các ngụy thư: Xưng là của các tín đồ mộ đạo làm hậu thuẩn cho uy quyền
giáo hội như “Di chúc của Constantine” ban cho Giám mục Lamã là
Sylvester I uy quyền tối cao, cai trị các hoàng đế trong các tỉnh Âu châu
thuộc Lamã vì thế vua phải dời đô! Hoặc “Chiếu chỉ của vua Isidore” xác
nhận uy quyền tối cao của giáo hoàng và tính cách độc lập bất khả xâm
phạm của giới tăng lữ . . Không ai nghi ngờ gì cho đến thế kỷ 16 khi cải
chánh bắt đầu chứng minh đó là nguỵ thư vì không phải là văn tự Latinh
nguyên thủy của thế kỷ 1 và 2; các phẩm tước và kiều kiện lịch sử không
phù hợp với thời đế quốc Lamã; các câu Kinh Thánh được lấy từ bản
Vulgate (sau năm 400). Ngoài ra còn có việc không phù hợp thời gian
(Victor 220 lại gửi thư cho Theophilus năm 400 cách nhau 2 thế kỷ !) .
II. GIAI ĐOẠN HOÀNG KIM ( 1073 - 1216 )
1. Hildebrand (Gregory VII): Tuyệt đỉnh của quyền bính giáo hoàng. Giáo
hoàng duy nhất được biết dưới tên thật, cai trị như một quyền bính núp sau
ngai vàng.
a. Cải cách trong giới tăng lữ: Chấm dứt tình trạng mua phẩm tước trong
giáo hội, đẩy mạnh việc sống độc thân của các vị tư tế.
b. Độc lập giáo hội: Không cho vua chúa chỉ định hay bổ nhiệm chức vụ
Giáo hoàng hay Giám mục. Đòi hỏi Tòa án riêng của hàng giáo phẩm và
chấm dứt việc tuyên thệ của Giáo hoàng tân phong trước mặt nhà vua.
c. Uy quyền giáo hội: Hildebrand khiến giáo quyền vượt xa chính quyền.
Vua Henry IV triệu tập các Giám mục Đức truất phế Giáo hoàng bị Giáo
hoàng dứt phép thông công và cho phép dân Đức không trung thành với
hoàng đế. Henry sau đó phải xin Gregory tha tội nhưng chẳng bao lâu Henry
nắm quyền hành trở lại và đuổi Giáo hoàng khỏi Lamã. Hildebrand để chúc
thư: “Tôi yêu công nghĩa, ghét tội ác, vì thế, tôi phải chết trong khi bị lưu
đày”.
2. Innocent III (1198-1216):
a. Lời tuyên bố: Trong diễn văn nhậm chức ông tuyên bố: “Người kế vị
Thánh Phierơ đứng giữa Đức Chúa Trời và loài người; ở dưới Đức Chúa
Trời nhưng ở trên loài người, có quyền xét xử mọi người mà không chịu ai
xét xử”. Ông cũng tuyên bố: “Giáo hoàng có quyền trên toàn thế giới, ban
vương miện cho các hoàng đế và các chức vụ khác”.
b. Chọn hoàng đế: Innocent III đã chọn Otho ở Trunswick làm hoàng đế, sau
đó truất phế và chọn vua khác. Ông đã đoạt quyền cai trị thành phố Lamã,
thiết lập hệ thống chính phủ dưới quyền trực tiếp của Giáo hoàng.
c. Sự thuận phục của vua nước Pháp, nước Anh: Giáo hoàng buộc vua Philip
Augustus nước Pháp lấy lại người vợ mà vua đã ly dị bất công. Vua John
của Anh cũng phải trả lại vương miện cho vị đại diện Giáo hoàng và phải
thần phục.
III. GIAI ĐOẠN SUY ĐỒI
1. Boniface VIII: Thế lực giáo hoàng bắt đầu suy tàn. Giáo hoàng đòi hỏi
quyền tối cao nhưng không được nghe. Ông cấm Edward I đánh thuế tài sản
giáo hội thì các Giám mục phải tặng một phần lợi tức cho nhu cầu vương
quốc Anh. Vua Philip le Beau nước Pháp bắt giáo hoàng hạ ngục và từ 1303
đến hơn 70 năm sau, Giáo hoàng được Vua nước Pháp tuyển lập và phải
tuân phục ý muốn của vua.
2. Cuộc lưu đày (1305-1378): Theo lệnh vua nước Pháp, tòa thánh phải dời
sang Avignon miền nam nước Pháp (được xem là “lưu đày sang Babylôn”).
Nhiều người tại Lamã tự xưng là giáo hoàng, sắc lệnh giáo hoàng không
được tôn trọng. . .
3. Giáo hội nghị Constance: Năm 1378, Giáo hoàng Gregory XI trở về
Lamã. Năm 1414 giáo hội nghị Constance truất phế 4 người tự xưng là Giáo
hoàng để tuyển chọn một vị mới. Từ đó, Giáo hoàng tiếp tục ở lại Lamã
nhưng không thể đòi hỏi quyền tối cao như trước.
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THẾ LỰC HỒI GIÁO
Tôn giáo và Đế quốc Hồi giáo do Mohamed sáng lập đầu thế kỷ thứ 7 đã
nuốt lần từng tiĩnh của các Hoàng đế tại Constantinople. Trong khi đó Đông
giáo hội suy sụp hầu như nô lệ chính quyền. Vì thế sau 13 thế kỷ, Hồi giáo
đã thống tri trên 200 triệu người Âu châu và cả Phi Châu
I. NGƯỜI SÁNG LẬP
1. Mohammed: Sinh năm 570 tại Mecca (Ả rập). Bắt đầu như một tiên tri và
nhà cải cách năm 610 (40 tuổi). Đệ tử (Moslem) gia tăng rất chậm và cũng
bị bách hại.
2. Niên lịch Hồi giáo: Là ngày Mohammmed trốn khỏi Mecca năm 622. Ông
kêu gọi các bộ lạc Ả rập tan lạc gia nhập đạo và chấp nhận uy quyền rồi trở
về Mecca như một kẻ chiến thắng.
3. Qua đời năm 632: Được xem như Tiên Tri và Vua của dân Ả rập.
II. TÔN GIÁO CỦA MOHAMMED
1. Độc thần: Hồi giáo (Islam) có nghĩa là đầu phục, vâng theo ý Trời. Họ thờ
một thần là Allah (Elohim của Hêbơrơ).
2. Tiền định: Mọi biến cố đều do Thượng Đế sắp đặt.
3. Thiên sứ: Gồm cả thiện lẫn ác. Tuy vô hình nhưng luôn tiếp xúc với loài
người.
4. Kinh Coran: Là Lời mặc khải của Thượng Đế.
5. Tiên tri: Thượng Đế sai phái nhiều tiên tri như Ađam, Môise, các tiên tri,
Jesus, các sứ đồ nhưng trên hết là Mohammed.
6. Đời sau: Sẽ có sự sống lại và sự phán xét cuối cùng với thiên đàng và địa
ngục.
III. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA HỒI GIÁO
1. Dùng ảnh hưởng của luân lý: Vào lúc mới thành lập.
2. Dùng bạo lực: Nhưng sau đó, đệ tử Mohammed đi đến đâu cũng đưa ra ba
giải pháp: Hoặc TIN, hoặc TRIỀU CỐNG hoặc CHẾT nếu chống lại. Bằng
lưỡi gươm, các quốc vương (Caliphs) đã thiết lập đế quốc Hồi giáo tràn qua
Palestine, Syrie, Ba tư, Ấn độ. Phía Tây họ tràn qua Ả rập, Bắc Phi và phần
lớn Tây Ban Nha. Kinh đô là Bagdad nằm trên sông Tigris.
3. Charles Martel: Năm 732 Charles Martel tập hợp các bộ lạc Franks chiến
thắng quân Hồi giáo tại Tours, chận đứng bước tiến của Hồi giáo vào Châu
Âu.
IV. NHỮNG YẾU TỐ KHIẾN HỒI GIÁO BÀNH TRƯỚNG
1. Niềm tin và lòng can đảm của người Hồi giáo: Tín đồ Hồi giáo Ả rập
hung hăng hiếu chiến lại có niềm tin mãnh liệt nơi Mohammed.
2. Người Hylạp nhu nhược: Họ ngây thơ, sẵn sàng thần phục. Hàng giáo
phẩm chỉ cầu nguyện chứ không chiến đấu.
3. Ưu điểm Hồi giáo: Hồi giáo hơn hẳn ngoại giáo trong khi Cơ Đốc giáo
Đông giáo hội mất năng lực, không truyền giáo và chỉ thiên về suy lý .
V. CÁC LỢI ĐIỂM CỦA HỒI GIÁO
1. Giáo lý đơn giản: Tin vào một vị thần độc nhất mà mình phải vâng phục.
Không có hệ thống thần học huyền bí gây tranh luận vô bổ. Ai cũng có thể
hiểu được tín điều.
2. Chống đối hình tượng: Ngay cả tượng Maria.
3. Phủ nhận vai trò trung gian: của các tư tế, các thánh. . . để mỗi người
được trực tiếp đối diện với Thượng Đế.
4. Cấm rượu mạnh: Nhưng hiện nay không được triệt để tuân theo do tiếp
xúc với Tây phương.
5. Văn học và Khoa học: Được chú ý và khuyến khích. Tiến bộ đáng kể là số
Ả rập (1,2,3. . ) thay thế cho số Lamã. Họ cũng có bảng liệt kê ngôi sao.
Kinh đô Bagdad là trung tâm văn học. Tại Tây Ban Nha, tín đồ Hồi giáo có
trình độ cao hơn tín đồ Cơ Đốc giáo. Tuy nhiên, khi người Thổ nhỉ kỳ man
rợ thay thế người Saracens lãnh đạo Hồi giáo thì tiến bộ trí thức bị chận
đứng.
VI. NHỮNG KHUYẾT ĐIỂM CỦA HỒI GIÁO
1. Phương pháp truyền giáo: Bằng lưỡi gươm tạo ra thù hận với những cảnh
xử tử đàn ông, hãm hiếp đàn bà và bắt con trẻ cải tạo. . .
2. Tôn giáo bị thế tục hóa: Hồi giáo cổ xem quốc gia và tôn giáo là một và
dùng quyền bính để truyền đạo và diệt “tà”đạo. Trước thế chiến I, hoàng đế
Thổ nhĩ kỳ là quốc vương Hồi giáo (Caliph). Đến khi Thổ nhĩ kỳ trở thành
nước cộng hòa, quốc vương bị truất ngôi và việc thừa kế Mohammed bị bãi
bỏ. Năm 1932 tại Istambul lần đầu tiên kinh Coran được đọc bằng tiếng Thổ
nhĩ kỳ tại thánh đường Sancta Sophia.
3. Quan niệm về Đức Chúa Trời: Dựa trên Cựu Ước, Thượng Đế được
người Hồi giáo hình dung như một bạo chúa đông phương chuyên chế, tàn
ác, thiếu tình thương.
4. Về Đấng Christ: Loại bỏ Đấng Christ, xem Ngài không phải là Con Đức
Chúa Trời, Cứu Chúa của nhân loại mà chỉ là một tiên tri thấp hơn
Mohammed mọi phương diện.
5. Về Thiên đàng: Không có tính cách thuộc linh mà chỉ duy cảm giác.
6. Coi thường nhân phẩm phụ nữ: Xem họ như nô lệ và đồ chơi của đàn ông.
Tại Thổ nhĩ kỳ năm 1930 Phụ nữ có quyền bầu cử và ứng cử nhưng các
nước Hồi giáo khác thì nhân phẩm phụ nữ vẫn còn ít được tôn trọng.
7. Thiếu chính khách: Hồi giáo có những người phi thường trong các cuộc
chinh phạt nhưng lại thiếu những chính khách cai trị đế quốc họ đã thiết lập.
Các xứ Hồi giáo là các quốc gia có nền cai trị tồi tệ nhất.
THÁNH QUỐC LA MÃ và CHIA RẼ LA HY
I. THÁNH QUỐC LA MÃ
Thánh quốc La mã còn có tên là đế quốc Đức có một cơ cấu chính trị độc
đáo nhất Châu Âu suốt 10 thế kỷ thành lập giữa lúc Âu châu phía tây
Adriatic đang xáo trộn.
1. Người sáng lập Charlemagne (742-814):
. Con người vĩ đại của thế kỷ 9. Người Đức xưng là Karl Đại đế, người Pháp
tôn là Charlemagne. Ông tự đưa mình lên ngôi bá chủ cực Tây Âu châu, Bắc
Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Hòa lan, Áo , Ý.
. Lễ giáng sinh năm 800,vua Charles đến viếng Lamã, được giáo hoàng Léo
III cử hành lễ đăng quang phong làm Hoàng đế Lamã, đặt cho biệt hiệu
Charles Augustus.
. Charles cai trị đế quốc bằng uy quyền và sự khôn ngoan. Ông được xem là
nhà chinh phục, nhà cải cách, nhà lập pháp, nhà giáo dục và là người đỡ đầu
giáo hội.
2. Đế quốc: Tồn tại 1000 năm nhưng uy quyền thực sự trên Âu châu chỉ
trong thời gian ngắn do sự nhu nhược bất tài của con cháu Charlemagne, sự
phát triển quốc gia và sự tranh giành quyền lợi. Vì thế sau đó uy quyền chỉ
giới hạn tại Đức quốc và một phần nhỏ Ý đại lợi.
3. Các Hoàng đế lỗi lạc: Có 54 hoàng đế kế vị Charlemagne trong đó có vài
vị được xem là lỗi lạc nhất :
a. Henry I (the Fowler) (919-936): Phục hưng đế quốc đang suy sụp. Vua có
con trai là Ortho I dù chưa được phong vương nhưng được xem là người
sáng lập đế quốc Đức tách rời với người Lamã.
b. Frederic Barbarossa (Râu đỏ): Nhiều thế lực nhất, nhưng không may bị
chết chìm tại Tiểu Á châu khi thân chinh trong cuộc viễn chinh thứ 3 của
Thập tự quân.
c. Frederic III: Cháu nội Barbarossa, được xem là “Kỳ quan và sự bí mật của
lịch sử”có tinh thần cấp tiến, sáng suốt, cởi mở. Dù bị giáo hoàng dứt phép
thông công hai lần nhưng trong cuộc viễn chinh thứ 5 Thập tự quân đã tự
xưng là Vua Giêrusalem.
d. Rudolph of Hapsburg: Sáng lập các dòng Vua Áo quốc. Lên ngôi bắt các
tiểu vương và Nam tước thần phục khiến Áo quốc trở nên hùng mạnh nhất.
e. Charles V: Cai trị đầu thời cải chánh, dùng mọi nổ lực để giữ đạo cũ
nhưng vô ích. Năm 1556 phải tự thoái vị và sống ẩn dật 2 năm cuối đời.
4. Hoàng đế và Giáo hoàng: Luôn có sự tranh chấp âm thầm hoặc công khai.
Nhưng sau cải chánh, tranh chấp lắng dịu và chấm dứt với những ranh giới
giữa giáo hội và quốc gia được xác định.
5. Sự suy tàn của Thánh quốc: Khi Áo quốc mở rộng thì nhiều quốc gia độc
lập cũng được hình thành khiến Hoàng đế Thánh quốc chỉ còn là hư vị.
Voltaire đã nói: Thánh quốc La mã không phải là Thánh, không phải La mã
cũng không phải là đế quốc.
Năm 1806 Nã phá luân đạt đến tột đỉnh uy quyền đã chấm dứt Thánh quốc
Lamã và Hoàng đế Thánh quốc là Francis II bị buộc thoái vị để trở thành
Hoàng đế Áo quốc.
II. SỰ CHIA RẼ GIÁO HỘI LA HY ( 1054 )
1. Sự chia rẽ: Chính thức từ thế kỷ 11 nhưng trên thực tế đã có từ lâu với sự
tranh chấp địa vị giữa Giáo hoàng và Giáo Trưởng. Năm 1054 sứ giả Giáo
hoàng đặt trên bàn thờ thánh đường Sancta Sophia sắc lệnh dứt phép thông
công và Giáo Trưởng Constantinople cũng trả đòn tương tự.
2. Nguyên nhân: Có 4 nguyên nhân chính:
a. Về Giáo lý: Khác biệt về Tín lý “Sự lưu xuất của Đức Thánh Linh”trong
tiếng Latinh là “Từ Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con”, trong khi Giáo hội
Hylạp bỏ hẵn chữ “Từ Đức Chúa Con” khiến tranh luận bằng bút mực lẫn
gươm đao.
b. Về luật lệ và tập tục: Sự kết hôn của tư tế bị cấm ở Tây giáo hội trong khi
được chấp nhận ở Đông giáo hội. Tây giáo hội thờ Ảnh và Tượng còn Đông
giáo hội chỉ có ảnh.
Tiệc Thánh: Tây giáo hội dùng bánh không men còn Đông giáo hội dùng
bánh thường.
Tây giáo hội cấm ăn thịt ngày thứ 7 sau đó đổi qua ngày thứ 6. Đông giáo
hội không quan tâm về việc nầy.
c. Về chính trị: Là nguyên nhân sâu xa nhất. Sau khi Cựu đế quốc sụp đổ, tư
tưởng đế quốc La mã vẫn tồn tại khi Thánh quốc Lamã được thiết lập và độc
lập với các hoàng đế tại Constantinople. Quốc gia độc lập cũng cần có giáo
hội độc lập.
d. Các đòi hỏi về giáo quyền: La mã cứ đòi quyền thống trị giáo hội và đòi
Giáo hoàng Lamã làm Giám mục phổ thông (Universal Bishop). Trong khi
giáo hội La mã lần lần thống trị quốc gia thì Đông giáo hội bị chính quyền
thống trị. Do đó có sự chia rẽ giáo hội nhưng La mã vẫn chiếm nhiều ưu thế.
CÁC ĐOÀN THẬP TỰ QUÂN
Bắt đầu từ thế kỷ 11 và tồn tại trong 300 năm.
I. NGUỒN GỐC
Đông đế quốc càng ngày càng suy yếu bị người Hồi giáo đe dọa nên Hoàng
đế Alexis yêu cầu Giáo Hoàng Urban. II đem quân đội Âu châu đến tiếp tay.
II. CÁC CUỘC VIỄN CHINH
1. Cuộc viễn chinh I (1095-1099): Cuộc viễn chinh đầu tiên trong 7 cuộc
viễn chinh lớn là do Giáo hoàng Urban II công bố năm 1095 tại Giáo hội
nghị Clermont, biểu quyết lấy Thập tự giá làm phù hiệu và mộ quân đánh
dân saracens (Hồi giáo).
. Peter the Hermit: Trước khi cuộc viễn chinh chính thức tổ chức, tu sĩ Peter
đã triệu tập một đoàn người (có thể lên đến 40. 000) tiến về phía đông, mong
chiến thắng bằng phép lạ nhưng toán quân ô hợp nầy đã thất bại nặng nề.
. Godfrey of Bouillon: Cầm đầu cuộc viễn chinh chính thức với 275. 000
quân tinh nhuệ nhưng vì sự bất đồng ý kiến giữa các lãnh tụ và quân đội
thiếu kỷ luật nên phải nhiều lần rút lui. Cuối cùng họ cũng chiếm được
Giêrusalem và hầu hết Palestine năm 1099. Họ thiết lập một vương quốc và
phong Godfrey làm “Nam tước và Người Bảo vệ Thánh địa”. Godfrey qua
đời, em là Balwin xưng vương và vương quốc tồn tại đến năm 1187 dù bị
Hồi giáo bao vây ba phía, trừ phía biển.
2. Cuộc viễn chinh II (1147-1149): Khi Hồi giáo chiếm các tỉnh ven biển và
đe dọa Giêrusalem, Louis VII vua nước Pháp và Conrad vua nước Đức đi
tiếp cứu thánh địa. Dù thua nhiều trận nhưng cuối cùng cũng đến được
Giêrusalem.
3. Cuộc viễn chinh III (1189-1191): Saladin chỉ huy Hồi giáo chiếm
Giêrusalem. Ba vua phát động viễn chinh thứ ba là Frederick Barbarossa
(Đức), Philip Augustus (Pháp) và Richard I (Anh). Nhưng Frederick chết
đuối còn Philip và Richard gây gỗ nhau nên tan rã. Dù vậy Richard I cũng đã
ký với Saladin hiệp ước cho các tín đồ Cơ đốc hành hương thánh mộ.
4. Cuộc viễn chinh IV (1201-1204): Thất bại đem hậu quả tai hại. Các đoàn
Thập tự quân cướp phá Constantinople, đặt vua mình cai trị đế quốc Hylạp.
5. Cuộc viễn chinh V (1228-1229): Vua Frederick II đem quân đến
Palestine, ký hiệp ước theo đó Giêrusalem, Giốpbê, Bếtlêhem và Naxarét
được nhượng lại cho Cơ Đốc giáo. Vua tự xưng là Vua Giêrusalem. Do bất
hòa với Giáo hoàng, viễn chinh thất bại và năm 1244 Giêrusalem bị Hồi giáo
chiếm lại.
6. Cuộc viễn chinh VI (1248-1254): Vua Louis IX cầm đầu. Lúc đầu thành
công nhưng sau Vua bị Hồi giáo cầm tù phải trả tiền chuộc mạng rất đắt.
7. Cuộc viễn chinh VII (1270-1272): Do Louis IX liên minh với Hoàng tử
Edward Plantagenet (Edward I nước Anh) tiến quân ngã Bắc Phi nhưng đến
Tunis thì Louis băng hà còn Edward thì trở về Anh để lên ngôi vua.
III. NGUYÊN NHÂN THẤT BẠI
1. Các vua và tướng lãnh cầm đầu luôn gây gỗ nhau , lo quyền lợi riêng hơn
là chính nghĩa trong khi quân Hồi giáo gan dạ và nhất trí tuân theo một lãnh
tụ duy nhất.
2. Quan điểm “Phản chính trị”: Là nguyên nhân sâu xa. Các thủ lĩnh không
nhìn xa trông rộng. Họ không được tiếp tế và tăng cường liên tục. Hơn nữa
cuộc viễn chinh biến thành cuộc Xâm Lăng hơn là Giải phóng, biến dân
Giêrusalem thành nô lệ khiến họ thấy sống dưới Hồi giáo nhẹ nhàng hơn .
IV. VÀI KẾT QUẢ TỐT ĐẸP
1. Tín đồ hành hương được bảo vệ: Bởi người Thổ nhỉ kỳ, khiến Bếtlêhem,
Naxarét và Giêrusalem gia tăng dân số và trở nên phồn thịnh.
2. Hồi giáo bị chận đứng ở Âu châu: Âu châu thức tỉnh trước tai họa Hồi
giáo. Dân Tây Ban Nha đánh đuổi dân Moors (theo Hồi giáo) . Phiá cực
đông Balan và Áo quốc đẩy lui làn sóng xâm lăng của Thổ nhĩ kỳ trong
chiến thắng lớn gần Vienne 1683.
3. Các dân tộc quen biết nhau hơn: Vua chúa, tướng lãnh, quân đội gặp gỡ
nhau nẩy sinh bầu không khí thân thiện và những liên minh được hình thành.
4. Giao thương được phát triển: Do những đòi hỏi về nhu cầu khí giới, thực
phẩm, tàu bè. . đã thúc đẩy việc chế tạo và buôn bán những phẩm vật đó. Sự
buôn bán trao đổi các phẩm vật giữa Tây Âu và Đông phương trở thành
phồn thịnh.
5. Tăng uy thế giáo hội: Giai đoạn đầu, uy thế hàng giáo phẩm gia tăng. Lúc
vua chúa vắng mặt thì các giám mục, giáo hoàng nắm quyền trong xứ.
Nhưng sự phú cường và tham vọng lạm dụng uy quyền đã gây bất mãn và
dọn đường cho cuộc cải chánh.
NGHỆ THUẬT VĂN HỌC VÀ TU VIỆN
I. PHÁT TRIỂN TU VIỆN CHỦ NGHĨA
Sinh hoạt ẩn tu xuất hiện từ thế kỷ thừ 4 và lớn mạnh suốt thời kỳ Trung Cổ.
1. Các Dòng Tu: Khác Đông phương, các tu sĩ sống trong hang đá hay căn
lều riêng; các nhà tu Tây Âu sống thành những cộng đồng. Theo thời gian có
4 dòng tu lớn :
a. Dòng Benedictines: Do thánh Benedict khởi xướng năm 529 tại Mont
Lassino giữa Lamã và Naples. Dòng Tu lớn nhất Châu Âu. Thoạt đầu chủ
trương Truyền bá Cơ Đốc giáo và văn minh cho miền Bắc. Họ chủ trương
các tu sĩ phải sống nghèo khó, vô sản và thanh sạch. Họ chú ý đến kỹ nghệ:
Phá rừng, trồng trọt, dạy dân chúng tiểu công nghệ.
b. Dòng Cistercians: Năm 1098 nhằm củng cố kỷ luật lỏng lẻo của dòng
Benidictines Dòng Cistercians do thánh Robert sáng lập tại Citeaux. Năm
1112 được thánh Bernard củng cố. Họ chú ý đến nghệ thuật, kiến trúc và văn
học.
c. Dòng Franciscans: Mặc áo xám, do thánh Francis ở Assisi thiết lập. Từ Ý
lan khắp Âu châu và trở nên dòng tu đông nhất (Có 124. 000 tu sĩ
Franciscans bỏ mạng khi lo cho những người hấp hối trong nạn dịch đen càn
quét Âu châu vào thế kỷ 14).
d. Dòng Domicans: Gốc Tây Ban Nha do thánh Dominic sáng lập năm 1215
tràn khắp Âu châu nhằm đi khắp nơi củng cố đức tin tín hữu chống các tà
giáo đang đe dọa. Họ mặc áo đen, được gọi là khất sĩ vì sống nhờ sự bố thí
từ nhà nầy sang nhà khác.
2. Ưu điểm của Tu viện chủ nghĩa: Lúc đầu các tu sĩ là người dám hy sinh cả
đời mình với những mục tiêu cao cả:
a. Về Xã hội:Tu viện là trung tâm yên tĩnh cho người hoạn nạn, kẻ lỡ đường,
đau yếu, nghèo khó. Một số tu viện trở thành khách sạn, bệnh viện.
b. Về văn học: Thư viện họ còn giữ nhiều sách giá trị với những tác phẩm
tôn giáo quý giá của Bernard, Kempis. . . là những nguồn tài liệu phong phú
về Trung Cổ.
c. Về giáo dục: Phần lớn Trường học, Cao đẳng đều mở tại các Tu viện.
d. Về Truyền giáo: Tu sĩ là những nhà truyền giáo đưa những người man rợ
trở lại đạo. Augustine đã từ Lamã đi truyền giáo tại Anh (597) , Patrick
truyền giáo đầu tiên tại Ái nhỉ Lan (440).
3. Các Khuyết điểm:
a. Nếp sống độc thân: Được đề cao làm vô số người lìa gia đình và tách rời
cả nếp sống xã hội. Họ thong dong trong các tu viện trong khi xã hội rối
reng đang cần họ.
b. Đời sống xa hoa: Sự giàu có của tu viện khiến kỷ luật lỏng lẻo mở đường
nếp sống xa hoa, phù phiếm và phạm tội công khai.
c. Sưu cao thuế nặng: Lúc đầu tu sinh tự túc nhưng sau đó họ sống trên sưu
thuế của dân chúng trong khi mọi bất động sản của Tu viện được miễn thuế.
Đến thế kỷ 16 tu viện bị dân chúng coi rẽ và các tu sinh lại phải tự túc.
II. NGHỆ THUẬT và VĂN HỌC TRUNG CỔ
Dù bị xem là “Thời ám thế” nhưng thời Trung Cổ đã để lại những di sản tinh
thần quý giá do ảnh hưởng trực tiếp của giáo hội bấy giờ.
1. Các Đại học: Hầu hết đại học danh tiếng đều do hàng giáo phẩm sáng lập.
Như Đại học đường Balê dưới thời Abelard (thế kỷ 11) quy tụ 30. 000 sinh
viên. Đại học đường Oxford, Cambridge, Bologne là nơi sinh viên khắp
châu Âu đến học.
2. Các Thánh đường: Các đại thánh đường được kiến trúc kiểu “Gôtích”mà
thế giới ngày nay khó sánh kịp.
3. Sự phát triển văn học nghệ thuật: Văn học Trung Cổ đã thức tỉnh đầu tiên
tại Ý với bộ “Divine Comedy”của Dante năm 1303 và tiếp tục với các tác
phẩm của Petrach (1340) và Boccaccio (1360). Công trình nghệ thuật cũng
được bắt đầu với Giotto (1298) và tiếp theo là các họa sĩ, điêu khắc gia lỗi
lạc. Nghệ thuật được dùng hoàn toàn để phục vụ giáo hội.
BƯỚC ĐẦU CẢI CHÁNH GIÁO HỘI
I. BƯỚC ĐẦU CẢI CHÁNH
Khi cuộc cải chánh phát khởi, có nhiều phong trào lẻ tẻ khắp nơi nhưng đều
bị dập tắt vì thiếu chuẩn bị và không được đa số quần chúng làm hậu thuẩn.
Có 5 phong trào:
1. Nhóm Albigenses hay Cathari hay Thanh giáo (Puritan): Chiếm ưu thế tại
miền Nam nước Pháp năm 1170. Họ phủ nhận thẩm quyền truyền thống,
chống lý thuyết về luyện tội và thờ hình tượng. Họ phổ biến Tân Ước nhưng
phủ nhận Cựu Ước. Năm 1208 bị Giáo hoàng Innocent II đàn áp và tàn sát.
2. Nhóm Waldensians: Do Peter Waldo sáng lập tại Lyon. Chống các tập tục
và giáo lý sai lầm của giáo hội và phổ biến Kinh Thánh. Họ được mệnh danh
là “Những người nghèo khó của thành phố Lyon”. Phong trào chỉ tồn tại một
thời gian ngắn. Sau phải trốn qua Ý lập nhóm “Thệ phản”(Protestants) tại
đây.
3. Nhóm John Wycliff ( 1324-1384 ) : Tại Anh quốc do John Wycliff đỗ tiến
sĩ thần học tại Oxford. Phủ nhận uy quyền giáo hoàng tại Anh, chống tu viện
chủ nghĩa và các tu sĩ khất thực. Ông viết nhiều sách phản đối “Biến thể
thuyết”.
Công tác quan trọng nhất là dịch Kinh Thánh Tân Ước ra Anh văn hoàn tất
năm 1380. Sau đó nhờ bạn bè giúp đỡ xuất bản Cựu Ước năm 1384 tức năm
ông qua đời. Dù bị đàn áp và tận diệt nhưng đã dọn đường cho cải chánh
giáo hội nhờ phiên dịch Kinh Thánh.
4. John Huss (1369-1415): Chịu ảnh hưởng Wycliff, John Huss viện trưởng
Đại học đường Prague cải chánh tại Xứ Bohemia Tiệp khắc. Bị giáo hoàng
dứt phép thông công, ông về ở ẩn. Nhưng năm 1415 khi đối chất với Hội
nghị Công giáo tại Constance, ông bị kết án thiêu sống khiến cuộc cải chánh
tại Tiệp khắc càng nổi dậy mạnh mẽ.
5. Jerome Savonarola: Là Tu sĩ dòng Dominican tại Ý đã lên tiếng tố cáo tội
ác xã hội, các chính khách cùng hàng giáo phẩm. Hàng ngàn giáo dân đã đến
Đại giáo đường Thánh Mác nghe ông giảng. Năm 1498 bị kết án treo cổ và
hỏa thiêu tại Florence.
II. CONSTANTINOPLE THẤT THỦ
1. Đế quốc Hy lạp suy sụp: Từ ngày bị các đoàn Thập tự quân chinh phạt
(1204) không còn thể hồi phục. Các tỉnh lần lượt bị thôn tính cho đến khi chỉ
còn thủ đô.
2. Constantinople thất thủ: Năm 1453, Mahomed chỉ huy quân Thổ nhỉ kỳ
chiếm đóng Constantinople biến thành kinh đô Thổ nhĩ kỳ và Sancta Sophia
làm thánh đường Hồi giáo. Sự kiện nầy được các sử gia dùng làm mức phân
chia Thời Trung Cổ và Thời Cận Đại.
III. CÁC HỌC GIẢ VÀ CÁC LÃNH TỤ
Văn hóa Trung Cổ được xem là nổi bật nhất qua các thời đại với nhiều học
giả:
1. Anselm (1033-1109): Sinh năm 1033 tại Bắc Ý, theo học tại Tu viện Bec
(Normandy), được phong làn Tổng Giám mục Canterbury và Tổng giáo
trưởng Giáo hội Anh quốc năm 1093. Là tác giả nhiều sách triết học và thần
học. , chủ trương “Tin để Biết”. Tác phẩm quan trọng: Cur Deus Homo,
Monologium, Proslogium. . .
2. Abelard (1079-1142): Có tư tưởng táo bạo, sáng lập Đại học đường Balê,
có khuynh hướng Duy Thực ôn hòa. Chủ trương “Biết để Tin” (trái với
Anselm, Augustin) và sự chết của Chúa Jesus là để bày tỏ tình yêu cho con
người.
3. Bernard (1091-1153): Sinh trưởng trong gia đình quyền quý ở Pháp
nhưng khước từ phục vụ triều đình để vào tu viện. Năm 1115 sáng lập tu
viện cho dòng Cistercians tại Clairvaux. Kết hợp tư tưởng thần bí và Duy
Thực thời Trung Cổ. Ông có tinh thần cởi mở bao dung phản đối đàn áp
người Do Thái nhưng hô hào viễn chinh lần II. Ông là tác giả các thánh ca
“Thánh Thủ”, “Jesus ơi, tôi chỉ suy niệm Ngài”. . .
4. Thomas Aquinas (1226-1274): Mệnh danh là “Bác sĩ của thiên thần”vì sự
hiểu biết uyên thâm của ông. Sinh tại Aquino xứ Naples, theo học tại Monte
Cassino và đại học Naple và trở thành tu sĩ Dominican. Liên kết Triết học
thiên nhiên của Aristote với thần học Thiên Chúa giáo. Chủ trương Duy thực
ôn hòa. Chủ trương có thể nhờ triết học cảm nhận sự hiện hữu của Thượng
Đế và bất tử của linh hồn nhưng phải nhờ mặc khải của Thượng Đế để biết
Chúa nhập thể. Ông tổng hợp đức tin và lý trí trong tác phẩm nổi tiếng
”Summa Theologiae”chủ trương đức tin và Lý trí không mâu thuẩn vì cùng
đến từ Thượng Đế.

Từ 1453 đến 1648


CUỘC CẢI CHÁNH TẠI ĐỨC
Các nhà tư tưởng thời Trung cổ (đa số là hàng giáo phẩm) luôn tìm cách đạt
chân lý trong tôn giáo nên họ đặt nặng vấn đề tương quan giữa triết học và
tôn giáo.
I. CÁC LỰC LƯỢNG TIỀN PHONG
1. Thời Phục hưng: Sau thời Trung cổ, Âu châu bừng tỉnh, bắt đầu tách rời
văn học nghệ thuật khỏi tôn giáo. Mục tiêu và phương pháp tư tưởng đều đổi
hướng. Thêm vào đó là ánh sáng của khoa học hiện đại khiến Âu châu có
một bộ mặt mới.
a. Mục tiêu văn học: Phong trào phục hưng không do tăng lữ mà do những
người thường đề xướng. Bắt đầu với mục tiêu thuần túy văn học tuy nhiên
không công khai chống lại tôn giáo. Sinh viên Ý tách rời các sinh hoạt tôn
giáo. Cả giáo hoàng cũng nổi bật về phương diện văn hóa hơn là thần học.
b. Mục tiêu tôn giáo: Miền bắc rặng núi Alpes, phong trào phục hưng thiên
về tôn giáo: Quan tâm đến Kinh Thánh, khảo cứu Hylạp và Hybálai, truy
tầm nền tảng xác thực của niềm tin hơn là tuân theo giáo điều độc đoán của
giáo hội.
2. Sáng chế máy in Gutenberg 1455: Hổ trợ phong trào cải chánh trong việc
tuyên truyền và ấn hành Kinh Thánh. Quyển sách đầu tiên do máy in
Gutenberg là Kinh Thánh. Kinh Thánh phổ biến khắp Âu châu cùng với các
bài tiểu luận khiến nhiều người thấy rõ giáo hội đã vượt quá xa khỏi những
lý tưởng của Kinh Thánh.
3. Tinh thần quốc gia: Tình thần quốc gia, lòng ái quốc biểu lộ khi họ phủ
nhận uy quyền ngoại bang cai trị trên Hội Thánh quốc gia. Họ không chịu
Giáo hoàng tuyển lập Giám mục, Viện trưởng, vv. . . , cũng không đóng góp
tiền xây giáo đường Lamã.
II. CUỘC CẢI CHÁNH TẠI ĐỨC do Martin Luther
1. Bùa xá tội: Martin Luther, giáo sư Đại học đường Wittenberg lên tiếng tố
cáo việc bán bùa xá tội của Giáo hoàng Leo X (Vì cần tiền xây thánh đường
Phierơ tại Lamã nên cho phép John Tezel đi khắp Hội Thánh Đức bán bùa
xá tội mà người mua và thân nhân đều sẽ được tha hết mọi tội, không cần đi
xưng tội cùng linh mục).
2. Các luận đề 1517: Niên đại chính xác bắt đầu cải chánh là ngày 31. 10.
1517 khi Martin Luther đóng trên cửa thánh đường Wittenberg tấm da ghi
95 điều khoản hầu hết nói về bùa xá tội. Hàng giáo phẩm vừa vuốt ve, vừa
làm áp lực nhưng vô hiệu.
3. Đốt sắc chỉ Giáo hoàng 1520: Tháng 6. 1520 Leo X dứt phép thông công
Luther và giao cho Vương hầu Frederic giải Luther đến toà án trị tội nhưng
ông nầy lại dùng thế lực che chở cho Luther. Luther xem đó là “Sắc lệnh khả
ố của AntiChrist nên công khai đốt tại cửa thành Wittenberg ngày 10. 12.
1520 luôn cả bản giáo quy và bộ luật do nhà cầm quyền Lamã ban hành.
4. Phiên tòa tại Worms 1521: Được vua Charles V hứa bảo vệ nên Luther đi
phó hội và tuyên bố: Tôi sẽ đến Worms dù quỷ sứ rình rập tôi nhiều như
ngói trên mái nhà. Ngày 17. 4. 1521 Luther ra tòa can đảm giữ vững lập
trường.
5. Lâu đài Wartburg: Trên đường về, Frederic cho binh sĩ đem Luther về
Wartburg để bảo vệ ông. Ông cải trang và sống ở đó gần một năm giữa lúc
chiến tranh sôi sục. Trong thời gian nầy Luther dịch Tân Ước ra tiếng Đức,
được xem như nền tảng của tu từ học nước Đức. Sau đó Ông trở về
Wittenberg cầm đầu cải chánh.
6. Toà án tối cao Spires 1529: Phong trào cải chánh chia nước Đức làm hai:
Miền Bắc theo cải chánh, miền Nam theo Lamã. Năm 1529 toà án Spires
triệu tập để hòa giải nhưng vô ích. Các vương hầu theo chủ thuyết Luther
phản đối và từ đó có biệt danh “Những kẻ thệ phản”(Protestants).
CUỘC CẢI CHÁNH TẠI CÁC XỨ KHÁC
Phong trào cải chánh của Luther lan rộng khắp nơi. Ở Nam Âu (Ý, Tây Ban
Nha) bị dật tắt thẳng tay nhưng ở Bắc Âu, phong trào chiếm nhiều ưu thế
I. CẢI CHÁNH TẠI THỤY SĨ
1. Ubric Zwingly: Lãnh đạo cải chánh đồng thời với Luther nhưng không
liên hệ gì với Luther. Ông công kích việc “Chuộc tội”nhờ hành hương đến
đền đức mẹ tại Einsieldn năm 1517. Dứt khoát ly khai giáo hội Lamã năm
1522. Bị đàn áp và bị giết năm 1531.
2. John Calvin: Nhà thần học lỗi lạc Calvin tiếp tục cuộc cải chánh. Bộ sách
“Các nền tảng thần học”năm 1536 lúc ông 27 tuổi là mẫu mực của giáo lý
Tin Lành.
II. CẢI CHÁNH TẠI THỤY NA ĐAN
Tại Thụy điển, Na uy, Đan mạch, quan điểm Luther ảnh hưởng rất lớn dù có
những tranh chấp chính trị và những cuộc nội loạn.
III. CẢI CHÁNH TẠI PHÁP
1. Đặc tính: Dù Công giáo Lamã được tự do hơn các nước khác nhưng cải
chánh tại đây lại bùng nổ rất sớm và bách hại cũng thường xãy ra.
2. Jaques Lefèvre: Năm 1512 đã đề xường giáo lý “Xưng nghĩa bởi đức tin”.
Nhiều vị vua có danh là Công giáo Lamã nhưng đôi khi cũng thiên về cải
chánh. Tuy nhiên cũng có nhiều cuộc bách hại : 1572 ngày kỷ niệm thánh
Bartholomew có hàng ngàn người bị tàn sát.
IV. CẢI CHÁNH TẠI HÒA LAN
1. Đặc tính: Vì người Tây Ban Nha còn đô hộ nên cuộc cải chánh nhằm cả
mục tiêu tôn giáo lẫn đòi hỏi chính trị.
2. William the Silent: Lãnh đạo cuộc chiến dai dẵng và giàng được độc lập.
Tuy nhiên độc lập thật sự chỉ có vào năm 1609 (20 năm sau khi ông chết).
Hòa lan theo cải chánh nhưng nước Bỉ phía nam vẫn chịu ảnh hưởng Công
giáo Lamã.
V. CẢI CHÁNH TẠI ANH
1. Đặc tính: Trải qua nhiều giai đoạn và thường liên quan đến chính trị.
2. Thời Henry VIII: Cải chánh bắt đầu với một nhóm sinh viên trẻ. Lãnh tụ
Tyndale đã dịch Tân Ước ra tiếng Anh. Lãnh tụ Thomas Cranmer, Tổng
giám mục Canterbury sau khi biến Anh quốc theo cải chánh lại chối đạo
dưới thời Mary, nhưng sau ăn năn và bị thiêu sống. Cuộc cải chánh thời
Henry vừa được trợ giúp, vừa bị ngăn trở: Vua ly khai Lamã chỉ vì Giáo
hoàng không phê chuẩn vua ly dị nữ hoàng Katharine, em vua Charles V.
Vua thiết lập Công giáo Anh quốc do vua cầm đầu nên cả Công giáo lẫn cải
chánh đều bị vua kết án.
3. Thời Edward VI: Tổng giám mục Cranmer thành lập giáo hội Anh quốc.
4. Thời Mary: Cải chánh bị đàn áp. Năm năm trị vì đã giết hơn 300 tín đồ
Tin Lành.
5. Nữ hoàng Elizabeth (1558-1603): Tài ba nhất Anh quốc. Chấm dứt bách
hại: Mở cửa tù, kẻ lưu đày trở về, lưu hành Kinh Thánh tự do. Tái lập giáo
hội Anh quốc và mang một bộ mặt mới cho đến ngày nay.
VI. CẢI CHÁNH TẠI TÔ CÁCH LAN
1. Đặc tính: Lúc đầu yếu ớt vì Tôcáchlan bị hai nhà độc tài cai trị là Hồng y
Beaton và nữ hoàng nhiếp chính Mary of Guise.
2. John Knox: Khi Beaton bị giết và Mary băng hà, John Knox lãnh đạo cải
chánh, quét sạch mọi tàn tích giáo hội cũ, thiết lập một giáo hội hoàn toàn
mới.
VII. CÁC NGUYÊN TẮC CẢI CHÁNH
Dù các cuộc cải chánh tại các quốc gia độc lập và có những dị biệt về giáo lý
và cách tổ chức giáo hội, nhưng tất cả đều gặp nhau ở những nguyên tắc
chính:
1. Theo đúng Kinh Thánh: Giáo hội Lamã dùng uy quyền giáo hội thế chỗ
Kinh Thánh, cho giáo hội là vô ngộ và Kinh Thánh có uy quyền là nhờ giáo
hội. Nhưng cải chánh tuyên bố Kinh Thánh chứa đựng mẫu mực của đức tin
và hành đạo. Trả Kinh Thánh về cho dân chúng và đưa Kinh Thánh lên địa
vị uy quyền tuyệt đối.
2. Hợp lý: Tôn giáo phải hợp lý. Dù lý trí phải thuận phục mặc khải nhưng
lý trí cũng là một ân tứ thuộc linh. Vì thế, giáo lý, kỷ luật, thờ phượng phải
hợp lý.
3. Cho cá nhân: Tôn giáo phải là của riêng từng cá nhân chứ linh mục không
thể là người giữ chìa khoá tương giao giữa Chúa và kẻ thờ phượng Ngài.
Mỗi người phải đến với Chúa Jesus chứ không qua linh mục. Chúa là Đấng
trực tiếp tha tội và ban ơn cho loài người nên mỗi người phải trực tiếp đến
với Chúa.
4. Thuộc linh: Tôn giáo phải nhấn mạnh thuộc linh hơn là lễ nghi hình thức.
Đạo Chúa vốn đơn giản. Chỉ cần “tâm thần và lẽ thật”. Sự cứu rỗi đến bởi
đức tin và chính sinh hoạt tâm linh nội tại sẽ đưa đến sự sống của Chúa
chiếm hữu linh hồn.
5. Có tính cách quốc gia: Giáo hội có tính cách quốc gia, biệt lập không chịu
áp lực ngoại bang. Cải chánh thiết lập các giáo hội quốc gia tự trị, độc lập,
phù hợp với từng dân tộc. Ngôn ngữ thờ phượng phải là tiếng mẹ đẻ của
người thờ phượng.
GIÁO HỘI CẢI CHÁNH
I. CÁC PHẢN ỨNG ĐỐI VỚI CẢI CHÁNH
Khi phong trào cải chánh bộc phát thì giáo hội công giáo bắt đầu nổ lực thu
hồi địa vị và ảnh hưởng đã mất với các phong trào phản công chống lại cải
chánh:
1. Cải tổ nội bộ: Các giáo hội nghị được thường xuyên tổ chức tại Trent
(Áo) quy tụ các giám mục, tu viện trưởng, nhằm cải tổ nội bộ, tìm cách
chấm dứt những nguyên nhân phát sinh cải chánh. Họ hy vọng san bằng hố
sâu ngăn cách Công giáo với Tin Lành để tái thống nhất. Nhờ đó các giáo
hòang khôn khéo hơn.
2. Dòng Jesuits (Dòng Tên): Ảnh hưởng nhiều nhất. Do Ignatius Loyale
sáng lập năm 1534. Áp dụng kỷ luật khắt khe tạo lòng trung thành cao độ
với giáo hội và dòng tu. Phương pháp chống đối vừa bí mật vừa công khai
có uy thế rất lớn.
3. Đàn áp: Mỗi ngày một lan rộng. Tại Anh, đàn áp mang màu sắc chính trị
hơn là tôn giáo. Tây Ban Nha lập Tối cao pháp viện xử người “ly khai”,
thiêu sống hàng ngàn người. Tại pháp, trong ngày kỷ niệm Bartholomew
1572 tàn sát 100 ngàn người. Đàn áp thành công tại Tây Ban Nha, Bohemia
đè bẹp được cải chánh .
4. Các đoàn truyền giáo Công giáo: Phần lớn xuất phát từ dòng Tên. Kết quả
dân bản xứ Nam Mỹ, Mễ tâycơ, Gia nã đại đã trở lại đạo, Xavier truyền giáo
Ấn độ, làm gia tăng số tín hữu và uy thế cho giáo hội Công giáo.
5. Trận chiến ba mươi năm (1618-1648): Với sự tham dự của các địch thủ
chính trị và tôn giáo, gây thiệt hại nặng nề cho Đức. Chấm dứt với hòa ước
Wesphalie năm 1648 xác định ranh giới giữa Công giáo và Tin Lành.
II. CÁC LÃNH TỤ
1. Desiderius Erasmus (1466-1536): Sinh tại Hòa lan, học giả lỗi lạc thời
phục hưng và cải chánh. 1492, bỏ chức linh mục theo văn học, không ngừng
viết sách chỉ trích giáo hội Lamã như “Praise of Folly”. Xuất bản Kinh
Thánh Tân ước Hyvăn và bản dịch Latinh. . Ông chỉ trích cả hai phe Công
giáo và Tin Lành.
2. Martin Luther (1483-1546): Nổi bật nhất, là “Nhà sáng lập văn minh Tin
Lành”. Con một thợ mỏ, học tại đại học Erfurt và Tu viện St Augustine. Nhờ
tài năng vượt bực, được đi Lamã 1511. Tại đây, ông thất vọng vì tinh thần
trần tục của giáo hội. Năm 1517 dán 95 luận đề trước cửa giáo đường
Wittenberg phản đối bùa xá tội. Bị giáo hoàng Leo dứt phép thông công.
1521 đọc bài biện hộ lừng danh tại Worms. Viết nhiều sách nhưng đáng kể
nhất là dịch Tân ước ra tiếng Đức
3. John Calvin (1509-1564): Nhà thần học lỗi lạc nhất sau Augustine. Sinh
tại Pháp. 1528 hưởng ứng cải chánh bị trục xuất khỏi Balê. Tác phẩm “Nền
tảng Thần học”. Thần học Calvin và Luther có điểm chung là hợp lý trí, cấp
tiến, thúc đẩy các phong trào giải phóng sau nầy, xây dựng chế độ dân chủ.
4. Thomas Cranmer (1489-1556): Lãnh đạo cải chánh Anh quốc. Được
Henry VIII cử làm đại sứ nhiều nơi và tấn phong Tổng giám mục
Canterbury. Bị Mary cách chức và tra tấn, ông đã phủ nhận Tin Lành nhưng
sau ăn năn trước khi bị thiêu sống và đưa bàn tay đã ký vào tờ chối đạo để bị
thiêu trước.
5. John Knox (1505-1572): Sáng lập giáo hội Tô Cách lan. Được tấn phong
Linh mục nhưng lại hành nghề giáo sư. 1547 tham gia cải chánh bị đày sang
Pháp. Được tha sang Geneve gặp Calvin. 1559 về lãnh đạo cải chánh
Tôcáchlan. Lập một chi nhánh Trưởng lão và can đảm thiết lập trật tự xứ
Tôcáchlan. 1572 Norton tuyên bố trong lễ an táng ông:”Đây là nơi an nghỉ
của người không bao giờ sợ hãi”.
6. Ignatius (1491-1556): Lãnh tụ Công giáo, sinh tại Tâyban nha trong gia
đình quý tộc. Sau khi ra trận bị thương, ông hiến mình phục vụ giáo hội.
1534 lập dòng tu Jesuits, truyền bá giáo lý Công giáo Lamã. Viết sách
“Luyện tập thuộc linh”.
7. Francis Xavier (1506-1552): Lãnh tụ Công giáo, sinh tại Tây Ban Nha,
gia nhập dòng Tên. Đặt nền tảng cho Công giáo Lamã tại Ấn độ, Nhật bản
và các xứ viễn đông. Chết vì sốt rét tại Trung hoa 1552. Là người mềm
mỏng, bao dung được sự cảm phục của cả Công giáo lẫn Tin Lành.
GIÁO HỘI CẬN ĐẠI
Trong khi Giáo hội Lamã vẫn tiếp tục con đường truyền thống thì Giáo hội
cải chánh có nhiều phong trào gây nhiều ảnh hưởng quan trọng.
I. PHONG TRÀO THANH GIÁO
1. Lịch sử: Sau giai đoạn cải chánh, tại Anh quốc có ba hệ phái xuất hiện:
. Nhóm thân Công giáo muốn tìm cách kết hiệp lại với toà thánh La mã.
. Nhóm ôn hòa mãn nguyện với những cải cách dưới thời Henry 8 và
Elisabeth.
. Nhóm cấp tiến muốn thành lập một giáo hội giống như ở Geneve và
Tôcáchlan.
2. Chi nhánh: Nhóm cấp tiến được gọi là “Thanh giáo”gây nhiều ảnh hưởng
hơn. Nhiều lãnh tụ bị lưu đày. Thanh giáo cũng chia làm hai: Nhóm theo
hình thức Trưởng lão (Presbyterian) và nhóm cấp tiến hơn chủ trương
“Nhóm độc lập”hay “Cộng đồng”(Independents, Congregationalists).
3. Ảnh hưởng: Nhóm Thanh giáo chiếm nhiều ưu thế hơn trong sự tranh
chấp với vua Charles I và Thượng viện dưới sự lãnh đạo của Oliver
Cromwell. Đến thời Charles II thì Anh quốc giáo đàn áp Thanh giáo xem
như Tà giáo.
4. Kết quả: Sau cách mạng 1688, Thanh giáo độc lập với Anh quốc giáo với
kết quả là ba giáo hội xuất hiện: Trưởng lão, Cộng đồng và Báptít.
II. CUỘC PHỤC HƯNG CỦA WESLEY
1. Nhu cầu: Tiền bán TK 18, giáo hội Anh suy đồi về lễ nghi và hình thức
thờ phượng, niềm tin thiếu năng lực tinh thần.
2. Lãnh tụ: Hai anh em Wesley với George Whitefield cầm đầu phong trào
cảnh tỉnh giáo hội. Whitefield là nhà hùng biện, Charles Wesley là thi sĩ
sáng tác Thánh ca và John Wesley là chính khách tài ba.
3. Sự bành trướng: John Wesley bắt đầu bằng các bài giảng về “Sự làm
chứng của Đức Thánh Linh”, kêu gọi gia nhập phong trào. Ông thành lập
nhóm “Truyền đạo tình nguyện”đi giảng giáo lý khắp nước Anh và các
thuộc địa. Môn sinh ông được gọi là “Người của hội Giám lý Wesley
(Wesleyan Methodists).
4. Liên hệ với giáo hội: Dù bị Anh quốc giáo chống đối kịch liệt, Wesley
vẫn giữ lập trường và xem hội đoàn của ông vẫn còn trong Anh quốc giáo.
Tuy nhiên sau cách mạng 1784 Hoa kỳ, ông thành lập giáo hội riêng với 14.
000 tín hữu do giám mục quản trị (Episcopal plan) do “Quản
lý”(Superintendants) cầm đầu.
5. Kết quả: Thức tỉnh hàng giáo phẩm và tín đồ ly khai, đưa họ vào sinh hoạt
mới mẻ, quyền năng. Phong trào cũng phát sinh nhiều Hội Thánh Giám lý
khác nhau. Đầu thế kỷ 20 tín đồ Giám lý tại Mỹ châu là sáu triệu.
III. PHONG TRÀO DUY LÝ
Phong trào cải chánh chủ trương chính cá nhân tự thẩm định giá trị của tôn
giáo. Một số người chủ trương lý trí chứ không phải Kinh Thánh mới có uy
quyền tối cao. Họ đòi giải nghĩa Kinh Thánh hợp lý, có thể hiểu được
1. Nguồn gốc: Mầm mống phát sinh tại Anh và Đức từ đầu thế kỷ 18 và trở
thành phong trào với Johann Semler (1725-1791). Semler tuyên bố Truyền
thống phải có bằng chứng xác thực, phép lạ Kinh Thánh phải được xét lại và
Chúa Jesus chỉ là một người thường chứ không có thần tánh.
2. Bành trướng: Ảnh hưởng hầu hết đại học Đức, lên tuyệt đỉnh khi tác phẩm
“Đời sống Chúa Jesus”của Frieddrich Strauss xuất bản năm 1835, chứng
minh ký thuật Phúc âm chỉ là huyền thoại .
3. Suy tàn: Sang thế kỷ 19 thì suy tàn khi Schliermacher,Neander, Tholuck
chuyển tư tưởng duy lý qua chính thống.
4. Kết quả: Dù từng đe dọa lật đổ Cơ Đốc giáo nhưng nhờ nó mà các học giả
chuyển sang đường lối tra cứu Kinh Thánh mới mẻ hơn, sâu rộng và thấu
triệt hơn.
IV. PHONG TRÀO CÔNG GIÁO ANH QUỐC
1. Danh hiệu: Xuất hiện đầu thế kỷ 19 với những danh hiệu :“Phong trào
Công giáo Anh quốc”(mục tiêu), “Phong trào Oxford”(nơi xuất phát),
“Phong trào truyền đơn”(phương pháp) , hoặc “Chủ thuyết Pusey”(lãnh tụ).
2. Mục tiêu: Phục hồi giáo hội Anh quốc bấy giờ đã thành cải chánh, quay
về hình thức Hội Thánh đầu tiên. Đánh dấu bằng bài giảng của Keble 1833
tại Oxford với đề tài “Sự bội đạo của quốc gia”với các truyền đơn về giáo
hội Anh quốc.
3. Lãnh tụ: John Henry Newman nổi tiếng về các truyền đơn và bài giảng.
Canon Edward B. Pusey tài ba, học rộng, mộ đạo. Họ phủ nhận tinh thần
quay về giáo hội Lamã nhưng lại chống cải chánh nên cuốu cùng cũng thiên
về giáo hội Lamã.
GIÁO HỘI CẬN ĐẠI (tt)
V. PHONG TRÀO TRUYỀN GIÁO CẬN ĐẠI
1. Giáo hội nguyên thủy: Trong 4 thế kỷ đầu, Cơ Đốc giáo đã chinh phục đế
quốc Lamã vốn theo ngoại giáo và tiếp tục đẩy mạnh truyền giáo. Đến thế
kỷ 10, do tranh chấp quyền hành giữa giáo quyền, thế quyền, tinh thần
truyền giáo tàn lụn. Cải chánh cũng chỉ cải tổ chứ không khuyếch trương
giáo hội. Sau cải chánh Francis Xavier khởi xướng truyền giáo nâng tín đồ
Công giáo lên hàng triệu người.
2. Giáo phái Moravians: Thành lập các hội truyền giáo từ 1732 phái giáo sĩ
đến Greenland, Bắc Mỹ và Đông phương. Dù ít hội viên nhưng kết quả đáng
kể.
3. Hội Truyền giáo Anh quốc William Carey: William Carey vốn là thợ
giày, tự học trở thành Mục sư Báptít 1789, được cử truyền giáo tại Ấnđộ.
Nhờ ý chí mãnh liệt, đã trở nên một học giả Phạn ngữ và các ngôn ngữ đông
phương. Các sách văn phạm và tự điển của ông nay vẫn được dùng. Là giáo
sư văn chương tại trường cao đẳng Fort William ở Calcutta 1800-1830. Qua
đời năm 1834, được xem là nhà truyền giáo vĩ đại nhất thế giới.
4. Các hội Truyền giáo Hoa Kỳ: Năm 1811 Ủyban Truyền giáo ngoại quốc
được thành lập tại trường cao đẳng Williams, Massachusette. Lúc đầu liên
giáo phái, sau chỉ thuộc về giáo phái cộng đồng. Ủy ban cử Newell và Hall
đi Ấnđộ, Judson và Rice đi viễn đông nhưng hai ông nầy rút khỏi ủy ban, gia
nhập Báptít và đến Miến điện.
5. Tình hình chung: Hiện nay mọi xứ đều được nghe Tin Lành.
VI. CÁC LÃNH TỤ
1. Richard Hooker (1553-1600): Tác giả những sách ảnh hưởng đến sự thành
lập Giáo hội Anh quốc. Gia đình nghèo, được trợ cấp đi học Oxford sau làm
Giảng sư đại học. Tấn phong Mục sư 1582. Tác phẩm: “Bộ luật cho chính
thể giáo phẩm”, không bài xích, chỉ bày tỏ quan điểm
về chế độ Giám mục. Qua đời lúc 47 tuổi.
2. Thomas Cartwright (1535-1603): Được xem là nhà sáng lập Thanh giáo
Anh quốc. Giáo sư thần học tại Cambridge 1569. Bị sa tải vì tác phẩm chống
Nữ hoàng và giám mục. Theo ông Kinh Thánh chứa đựng cả giáo lý lẫn luật
lệ quản trị Hội Thánh, Giáo hội phải độc lập khỏi chính quyền và vượt
trêncả quốc gia. Ông chấp nhận giáo lý Calvin và đề nghị giáo hội theo hệ
thống Trưởng lão.
3. Jonathan Edward (1703-1758): Triết gia và Thần học gia Hoa kỳ, phối
hợp triết học và thần học đến tuyệt điểm. Tốt nghiệp cao đẳng Yale năm 17
tuổi. Mục sư Hội Thánh cộng đồng 1727. Giáo sĩ cho người da đỏ từ 1750-
58. Tác phẩm: “Sự tự do của Ý chí”. Năm 1858 làm khoa trưởng Princeton
vài tuần rồi qua đời lúc 55 tuổi.
4. John Wesley (1703-1791): Sinh tại Epworth, miền Bắc Anh, chịu ảnh
hưởng Thanh giáo của mẹ. 1724 tốt nghiệp Christ church, được phong Mục
sư Anh quốc giáo. Gia nhập nhóm sinh viên Oxford, quyết tâm sống thánh
khiết (nhóm nầy gọi là Giám lý vì sống có phương pháp). Năm 1735 cùng
em làm giáo sĩ tại Georgia, giúp đỡ rất nhiều cho nhóm Moravians, sau 2
năm về Anh đi khắp Anh quốc giảng dạy và tổ chức Hội Thánh.
5. John Henry Newman (1801-1890): Nhờ văn tài và nhiệt tâm, trở thành
lãnh tụ phong trào Công giáo Anh quốc. Tốt nghiệp Trinity, Oxford 1820.
Tấn phong Mục sư 1828. Tấn phong Hồng Y năm 1879.
6. William Carey (1761-1834): Sáng lập các hội Truyền giảng Tin Lành cận
đại. Đài kỷ niệm khích lệ tinh thần truyền giáo và chủ trương giáo dục đã
thay đổi được thế giới ngoại đạo.
VII. GIÁO HỘI THẾ KỶ 20
1. Giáo lý: Đầu thế kỷ 20 khác thế kỷ 19. Các giáo phái có chung tín điều,
hiệp một đức tin và hàng giáo phẩm có thể chuyển từ giáo phái nầy qua giáo
phái khác.
2. Tinh thần hiệp một: Giáo hội đoàn kết, thường đống chung trong các công
tác quan trọng. 1925 kết hợp Giám lý cộng đồng với một phần Trưởng lão.
1929 Giáo hội Tôcáchlan và Liên hiệp tự do cũng kết hiệp. Đáng kể là năm
1931 có thống nhất Giáo hội Cơ đốc và Giáo hội cộng đồng ở Hoa kỳ và
năm 1932 có thống nhất các giáo hội Giám lý tại Anh.
3. Tinh thần phục vụ: Nổi bật hơn cả. Thay vì kéo nhiều người vào Hội
Thánh thì mục tiêu là “Cơ đốc hoá trật tự xã hội”, nghĩa là đem tinh thần
Cơ Đốc vào mọi sinh hoạt xã hội.
CÁC GIÁO HỘI CƠ ĐỐC TẠI HOA KỲ
Từ năm 1970, tại Hoa Kỳ đã có ít nhất 265 giáo phái Cơ Đốc gồm khoảng
265. 500 chi hội và khoảng 86 triệu tín đồ.
I. CÔNG GIÁO LA MÃ
1. Công giáo Tây Ban Nha: Giáo hội Công giáo La mã đầu tiên tại Mỹ Châu
được thiết lập do các nhà thám hiểm Tây Ban Nha, Bồ đào nha, Pháp. . .
. Bắt đầu bởi hai Linh mục trong đoàn thám hiểm của Khaluânbố, các nhà
thờ đầu tiên là ở Florida 1565 và tại New Mexico 1600.
. Phương pháp truyền giáo là cưỡng bách thổ dân làm nô lệ và theo đạo.
Hiện nay vẫn còn thấy di tích các nhà thờ đồ sộ xưa kia tại Texas và
California .
2. Công giáo Pháp: Sau khi Tây Ban Nha kiểm soát miền Nam, Pháp chiếm
cứ miền Bắc thuộc Gianãđại, thành lập thành phố Quebec 1608 và Montréal
1644. Từ số dân 2. 500 người năm 1663, dân Pháp gia tăng nhanh chiếm cả
vùng St. Lawrence.
. Phương pháp truyền giáo là sử dụng tình bạn, hành động tử tế, vô vị lợi đối
với người da đỏ. Các tu sĩ dòng Tên ( Jesuits ) đã hy sinh rất nhiều để truyền
giáo.
. Chỉ có giải đất hẹp dọc duyên hải Đại Tây dương chịu ảnh hưởng Tin Lành
của người Anh. Mãi đến năm 1759 Anh chiếm Gianãđại, nhượng Louisiana
và Texas cho Hoa Kỳ thì Tin Lành mới chiếm nhiều ưu thế tại Bắc Mỹ.
3. Công Giáo Anh: Công giáo bị cấm chỉ tại các thuộc địa Anh. Mãi đến
năm 1790 khi vị Linh mục Công giáo đầu tiên được tấn phong tại Hoa Kỳ,
Công giáo mới được tự do với số tín đồ lúc ấy là 30. 000 người.
4. Sự di cư của tín hữu Công giáo: Năm 1845, làn sóng di cư vĩ đại từ Ái nhĩ
lan, Đức, Ý làm gia tăng tín hữu Công giáo khiến giáo hội tiến bộ nhanh
chiếm 1/3 tín đồ Cơ Đốc (28 triệu).
5. Quản trị và Tổ chức: Thuộc giáo hoàng Lamã. Toàn xứ chia làm 110 giáo
khu do Giám mục, chỉ định bởi Giáo hoàng. Các Tổng Giáo khu do các
Tổng giám mục cai quản. Trên hết là 6 Hồng Y cũng do La Mã chỉ định.
II. GIÁO HỘI TIN LÀNH THEO CHẾ ĐỘ GIÁM MỤC
1. Tại Virginia: Giáo hội Anh Quốc là tổ chức đầu tiên được chính thức
thành lập tại Hoa Kỳ 1607 đồng thời với thuộc địa đầu tiên của Anh tại
Jamestown, Virginia.
2. Tại Newyork: Năm 1664, New York từ Hòa Lan trở thành thuộc địa của
Anh thì giáo hội Anh quốc cũng được thành lập với giáo khu Trinity 1693
tại New York và giáo khu Christ Church tại Philadelphia.
3. Giai đoạn cách mạng: Hàng giáo phẩm phải thề trung thành với Anh
Hoàng.
4. Giám mục đầu tiên: 1784, giám mục Samuel Seabury ở Connecticut được
các giám mục Tôcáchlan tấn phong, không cần lời thề với Anh Hoàng. Năm
1787, William White và Samuel Provoost được giám mục Canterbury tấn
phong và giáo hội Hoa Kỳ đi theo truyền thống giáo hội Anh quốc, lấy tên là
Giáo hội Tin Lành theo thể chế Giám mục (The Protestant Episcopal
Church). Tín đồ khoảng 3. 500. 000.
5. Tổ chức: Có ba cấp giáo phẩm: Giám mục, Mụcsư (Priest) và Chấp sự.
Áp dụng hầu hết các điều khoản giáo hội Anh quốc. Đại hội tổ chức ba năm
1 lần gồm các Giám mục và các đại biểu tín đồ được đề cử tại các giáo khu.
III. CÁC GIÁO HỘI CỘNG ĐỒNG
1. Hội của những người hành hương (The Pilgrims): Đã Tin Lành hóa vùng
New England. Họ thuộc nhóm Độc lập hay Cộng đồng (Cấp tiến của Thanh
Giáo), đổ bộ lên Plymouth 1620 sau khi bị lưu đày sang Hòa Lan.
2. Tổ chức: Hướng dẩn bởi Thống đốc và một ủy ban do họ bầu lên. Lúc đầu
họ tự xem là cải chánh, không ly khai với giáo hội Anh quốc. Chi hội địa
phương hoàn toàn tự trị, không lệ thuộc giáo phẩm nào ở trên. Các gia đình
sống trong vùng phải nộp thuế cho giáo hội nhưng chỉ các tín đồ mới được
quyền bầu cử.
3. Sự phát triển: Thành lập hai trường cao đẳng: Havard tại Cambridge và
Yale tại New Haven tạo nên sự tiến bộ văn hoá cho vùng New England.
4. Giáo lý: Như Trưởng Lão, họ thừa nhận giáo lý Calvin và Bản tuyên ngôn
Westminster. Năm 1931, giáo hội Cộng đồng và Cơ Đốc họp tại Seattle
thành lập Tổng hội Cộng Đồng Cơ Đốc khoảng 1. 200. 000 tín đồ.
IV. CÁC GIÁO HỘI CẢI CHÁNH
1. Tại Mỹ Châu: Năm 1613 New York là thuộc địa Hòa Lan, được gọi là
Tân Hoà Lan và thành phố là Tân Amsterdam. Năm 1628 giáo hội Cải chánh
Hòa Lan là giáo hội chính thức của thuộc địa, thành lập các chi hội tại New
Jersey và hai bên Hudson river. Năm 1664, Anh quốc chiếm và đổi tên là
New York với quốc giáo là Giáo hội Anh quốc. Năm 1867, giáo hội Tin
Lành cải chánh Hòa Lan đổi thành Giáo hội cải chánh tại Mỹ châu với
khoảng 184. 000 tín đồ ở Trung bộ và Viễn Tây.
2. Tại Hoa Kỳ: Năm 1835 một giáo hội khác được thành lập là “Giáo hội
Cải chánh chân chánh”tin giáo lý Calvin và Tín lý cương yếu Heidelberg.
Chi hội địa phương điều hành bởi Ban quản trị. Các Ban quản trị họp thành
Cấp hội, Cấp hội họp thành Khu Hội (Synod), Các Khu hội họp thành Tổng
Hội.
V. GIÁO HỘI BÁP TÍT
1. Các nguyên tắc: Là giáo hội quan trọng có 16 triệu tín đồ tại Mỹ. Họ nhấn
mạnh vào điều kiện làm Báp tem (Xưng nhận đức tin vào Đấng Christ) và
Phương pháp làm Báp tem (Nhúng cả người trong nước).
2. Tổ chức: Giống Cộng đồng, Chi hội địa phương tự trị, tự ấn định các luật
lệ riêng, không có tuyên ngôn chung về đức tin.
3. Tinh thần: Hiệp một mạnh mẽ và luôn trung thành với các nguyên tắc
giáo hội.
4. Tại Âu châu: Đầu tiên tại Thụy sĩ 1623 lan sang Đức, Hòa Lan. Lúc đầu
là Ana Baptists vì làm bép tem lần nữa. Ở Anh họ lúc đầu ở trong nhóm
Cộng đồng.
5. Tại Mỹ châu: Bắt đầu với Roger Williams, bất tuân Giáo hội cộng đồng,
bị đuổi khỏi Massachusetts đến New England lập thuộc địa Rhode Island,
lan khắp lục địa
6. Các hệ phái Báptít: Có 10 phân bộ, quan trọng là Báptít miền Nam thành
lập năm 1845 có 7 triệu tín đồ, Báp tít quốc gia Hoa Kỳ có 4 triệu, Báp tít
quốc gia có 2 triệu và giáo hội Ý chí tự do Báptít có 1 triệu rưỡi tín đồ.
7. Giáo hội Truyền giáo Báptít: Lập hội truyền giáo sớm nhất ( 1792 ) với
các nhà truyền giáo tiên phong William Carey, Adoniram Judson, Luther
Rice và vẫn luôn thành công trong lãnh vực truyền giáo cho đến nay.
VI. HỘI THÂN HỮU ( Quakers )
1. Lãnh tụ George Fox: Khởi xướng năm 1647, không bao giờ dùng danh
hiệu giáo hội, chống hình thức bên ngoài và tổ chức giáo phẩm.
2. Giáo huấn: Theo Fox, Báptem, tiệc thánh, thông công phải thuộc linh
chứ không phải hình thức bề ngoài. Ai thờ phượng Chúa đều có thể giảng
dạy theo Thánh Linh cảm động. Chủ trương bình đẳng Nam Nữ trong Hội
Thánh.
3. Bách hại: Được người bất mãn tinh thần độc đoán của Anh quốc giáo
hoan nghênh nhưng bị Anh quốc giáo và Thanh giáo đàn áp mãnh liệt: 15.
000 tín hữu bị giam, hàng trăm người bị trục xuất, bán làm nô lệ. Họ phải
lánh nạn sang Rhode Island, New Jersey, Maryland, Virginia.
. Năm 1681 vua Charles II cấp cho William Penn, lãnh tụ Hội Thân hữu,
miền Pensylvania và năm 1682, thành phố Philadelphia được thành lập.
4. Bành Trướng: Sau cách mạng 1688, họ được tự do giảng đạo, thành lập
nhiều hội đoàn, kỷ luật khắt khe. Họ cấm chỉ chế độ nô lệ, nổ lực văn minh
hóa và Cơ đức hóa người da đỏ, cấm kết hôn với người ngoại, cấm sử dụng
vũ khí khi chiến tranh.
5. Sự phân rẽ: Năm 1827 có sự chia rẽ giữa hai phái “Chính thống” và phái
‘Hicks”. Hicks không thừa nhận Đấng Christ là Đức Chúa Trời, chỉ chiếm
thiểu số.
6. Tổ chức: Tổ chức hoàn toàn dân chủ. Con cái tín đồ đương nhiên là thuộc
viên cùng với mọi người gia nhập đêưu có quyền dự phần trong các buổi
họp. Ngoài 13 buổi họp hàng năm còn có các buổi họp mỗi 5 năm. Năm
1974 tín đồ Quakers là 120. 000 người.
CÁC GIÁO HỘI CƠ ĐỐC TẠI HOA KỲ (TT)
VII. CÁC GIÁO HỘI THEO TRUYỀN THỐNG LUTHER
Sau cuộc cải chánh của Luther, các Hội Thánh tại Đức, Thụy điển, Nauy,
Đan Mạch lấy tên là Giáo hội theo truyền thống Luther (Lutherans).
1. Tại New York: Tổ chức nhóm rất sớm tại New Amsterdam. Năm 1652
xin thành lập Hội Thánh nhưng bị giáo hội cải chánh Hòa Lan phản đối nên
phải nhóm âm thầm. Mãi đến năm 1644 khi Anh chiếm New Amsterdam họ
mới được tự do nhóm họp.
2. Trên sông Deleware: 1638 một số tín đồ Thụy điển đến định cư trên sông
Deleware xây đền thờ đầu tiên. 1710 bị trục xuất khỏi Palatinate nên phải
dời đến New York và Pensylvania. Tổ chức Đại hội đầu tiên tại Philadelphia
năm 1748 và phát triển nhanh. Năm 1974 có khoảng 6 triệu rưỡi tín đồ.
3. Giáo Lý: Công nhận tuyên ngôn Augsburg, giáo lý xưng nghĩa của
Luther. Báp tem, Tiệc Thánh vừa có tính cách kỷ niệm vừa có giá trị dẫn
truyền thiên ân. Hội Thánh tổ chức thành Khu Hội (Synod) họp thành Tổng
Hội, dành nhiều quyền cho chi hội.
VIII. GIÁO HỘI TRƯỞNG LÃO
1. Nguồn gốc: Có hai nguồn gốc: Sớm nhất là Trưởng Lão Tô Cách Lan của
John Knox, sau đó là phong trào Thanh giáo Anh quốc ly khai khỏi Anh
quốc giáo.
Hội Thánh Trưởng Lão sớm nhất tại Hoa Kỳ là Chi hội Snow Hill, Maryland
do Mục sư Francis Makemie từ Áinhĩlan 1684. Năm 1705 Makemie với 60
mụcsư họp tại Philadelphia lập Giáo Khu (Presbytery). Năm 1716 tổ chức
Khu Hội gồm 4 giáo khu với 17 chi hội.
2. Trong chiến tranh cách mạng: Năm 1775 khi chiến tranh bùng nổ, họ có
170 mục sư, Khu hội có 7 giáo khu. Họ triệt để hậu thuẩn cho quyền lợi
thuộc địa chống George III. Ms John Witherspoon, lãnh tụ của họ đã ký tên
vào Tuyên ngôn độc lập. Sau chiến tranh, họ phát triển mạnh, có đến 4 Khu
Hội.
3. Các phân hội: Theo nguyên tắc Trưởng Lão và với bản tính dân
Tôcáchlan, Áinhĩlan, họ có khuynh hướng táo bạo, độc lập về giáo lý nên đã
phát sinh nhiều phe phái. Kết quả đưa đến sự thành lập Giáo hội Trưởng Lão
Cumberland tại Tennessee 1810, rồi đến Texas và Missouri. Năm 1837 hai
trường phái Tân và Cổ gây chia rẽ trầm trọng nhưng 32 năm sau tại kết hiệp
lại (1869). Khi chiến tranh bùng nổ năm 1861, miền Nam có Giáo hội
Trưởng Lão Liên Quốc, miền Bắc có Giáo hội Trưởng Lão Liên Quốc Mỹ.
4. Giáo Lý: Với 3 triệu tín đồ và 10 chi nhánh, họ thừa nhận giáo lý Calvin
như tuyên ngôn Đức tin Westminster. Chi hội địa phương đặt dưới quyền
quản trị của một Ủy ban gồm Mụcsư và các Trưởng Lão. Chi hội họp thành
Giáo khu, giáo khu họp thành Khu hội.
5. Quản trị: Mỗi năm có họp Đại hội. Những thay đổi lớn trong quản trị hoặc
giáo lý phải được đa số trong Ủy ban Lập pháp phê chuẩn và Đại hội chấp
thuận.
IX. GIÁO HỘI GIÁM LÝ
1. Sự hình thành: Thành lập năm 1766 do hai nhà truyền giáo Áinhĩlan thuộc
tổ chức Wesley là Philip Embury và Robert Strawbridge. Lúc đầu nhóm tại
Frederic County sau đó xây nhà nguyện tại John Street 1768. 1769 John
Wesley cử hai giáo sĩ, rồi 7 nhà truyền giáo đến quản lý và khuếch trương
giáo hội, trong đó Asbury là một nhà truyền giáo lừng danh, không rời khỏi
xứ dù chiến tranh bùng nổ. Hồi đồng Giám lý đầu tiên họp năm 1773 do
Thomas Rankin chủ tọa. Năm 1784 hội nghị tại Baltomore cử Asbury làm
Giám mục.
2. Các chi nhánh: Giám lý theo tổ chức giám mục và là tổ chức chính tại
Hoakỳ nhưng vì nhiều dị biệt về chủng tộc, ngôn ngữ, chính trị, về vấn đề nô
lệ nên có nhiều Phân Chi. Tháng 4. 1939 Hội nghị thống nhất các phân chi
gồm các đại diện của Giám lý Giám mục, Giám lý Giám mục miền Nam và
Giám lý Tin Lành.
3. Giáo lý: Với trên 11 triệu tín đồ, họ thiên về thuyết Jacob Arminius (Ý chí
Tự do), chống lại thuyết tiền định của Calvin. Các giáo hội Giám lý đều có
Chi hội địa phương họp thành Khu vực do 1 Trưởng Lão làm Chủ tịch. Các
khu vực họp mỗi năm 1 lần. Đại Hội đồng họp 4 năm 1 lần. Mục sư chi hội
do Vị Giám Mục chủ tọa Hội đồng chỉ định với nhiệm kỳ 4 năm mà thôi.
X. HỘI ANH EM THỐNG NHẤT
1. Nguồn gốc: Hiện nay là Anh Em trong Đấng Christ là giáo hội đầu tiên
xuất phát tại Hoakỳ do Otterbein và Boehm tại Pensylvania và Maryland,
giảng bằng tiếng Đức, thành lập các Hội Thánh nói tiếng Đức, không theo
giáo phái nào. Năm 1767 trong buổi nhóm vĩ đai tại Lancaster, Otterbein ôm
choàng Boehm, reo lên “Chúng ta là Anh Em”, tên giáo hội có từ đó. Hội
nghị Frederick County thêm”trong Đấng Christ”.
2. Tổ chức: 1800 Otterbein và Boehm được cử làm Giám mục, quản trị
phỏng theo chế độ dân chủ Hoa kỳ. Các chức vụ được cử 4 năm 1 lần. Họ
tin theo thần học Arminius, có khuynh hướng bảo thủ trong trang phục và
thề hứa. Lần lần tiếng Anh thay thế tiếng Đức trong buổi nhóm. Trụ sở trung
tâm đặt tại Dayton Ohio.
3. Phân hội: Sau tranh chấp, nhóm cấp tiến thành lập giáo hội mới, nhóm tự
do được cấp tài sản giáo hội. 1946 hội nghị Johntown liên hiệp Giáo hội Tin
Lành và Giáo hội Anh Em thống nhất . Tín hữu khoảng 700 ngàn.
XI. CÁC MÔN ĐỆ ĐẤNG CHRIST
1. Nguồn gốc: Còn có tên là “Hội Thánh Đấng Christ”, phát xuất tại Hoa Kỳ
năm 1804 khi Ms Barton W. Stone ly khai với Trưởng Lão, tổ chức Hội
Thánh riêng tại Can Ridge, Bourton Country, Kentucky. Vài năm sau Ms
Alexandre Campbell từ Áinhĩlan đến lập Hội Thánh Báptít. Năm 1827 hai
ông kết hiệp hai nhóm thành giáo hội mang cả hai danh hiệu.
2. Mục tiêu: Nhằm kết hợp Cơ Đốc nhân thành một Tổ chức duy nhất, với
tín điều là “Đức tin nơi Đấng Christ”,và mang danh hiệu “Môn đệ”hay “Cơ
Đốc Nhân”.
3. Giáo lý: Nhận cả Cựu Ước lẫn Tân Ước nhưng chỉ có Tân Ước là mẫu
mực của tín đồ. Chỉ làm Báptem cho người thật lòng Tin Chúa vì “Báptem
bảo đảm sự xóa tội và đẹp lòng Chúa”. Như Cộng đồng, mỗi chi hội hoàn
toàn độc lập nhưng hiệp tác với nhau để lo việc truyền giáo.
5. Bành Trướng: Thành công trong việc phổ biến Tin Lành, t1in đồ lên đến 1
triệu rưỡi. Năm 1931 tổ chức “Cơ Đốc Nhân”kết hợp với Giáo hội Cộng
đồng.
XII. CÁC GIÁO HỘI THỐNG NHẤT
1. Giáo lý: Thoát thai từ nhóm Arius thế kỷ thứ 4, họ nhấn mạnh Nhân tính
và Phủ nhận Thần tánh của Chúa Jesus, xem Thánh Linh chỉ là một Năng
lực, Phủ nhận Ba Ngôi hiệp một, chống thuyết Tiền định, tin tưởng vào ý chí
tự do, Xem Kinh Thánh như một Sưu tập chỉ có giá trị văn chương, không
hàm chứa giáo lý !
2. Nguồn gốc: Do một nhóm tín đồ Episcopal tại King’s Chapel ở Boston,
loại bỏ giáo lý Ba ngôi và tự chọn Mục sư. Năm 1805 Henry Ware theo
quan điểm Thống nhất được bổ làm Giáo sư thần học tại đại học Harvard,
năm 1819 trường phái Thống nhất được thành lập. Danh hiệu “Thống
nhất”có từ 1815.
3. Tín đồ: Khỏang 75. 000 tổ chức như Công đồng, mỗi chi hội tự trị và độc
lập, không có tín điều, tuyên ngôn đức tin vì thế giáo lý không chắc chắn.
Họ tích cợc trong cải cách và phục vụ xã hội.
XIII. HỘI CÁC NHÀ KHOA HỌC CƠ ĐỐC
1. Người sáng lập: Năm 1876, Bà Mary Baker Glover Eddy thành lập Hiệp
hội các khoa học gia tín đồ Đấng Christ gồm 26 hội viên rồi sau đó tổ chức
thành Hội Thánh do bà làm Mục sư.
2. Tổ chức: Nhóm trong ngôi nhà tráng lệ gọi là “Mẫu hội”kiểm soát các chi
hội. Năm 1910 bà Eddy qua đời không người kế vị. Giáo thuyết chứa đựng
trong tác phẩm “Khoa học và Sức khoẻ”. Chi hội không có Mục sư chỉ có
“Đệ nhất thuyết trình viên”đảm trách hành lễ.
3. Niềm tin: Nhằm chữa trị các bệnh tâm thần và thể xác. Chủ trương
nguyên nhân và hậu quả bệnh tật đều thuộc lãnh vực tinh thần. Tội lỗi, bệnh
tật, sự chết sẽ bị tiêu diệt bởi sự “thấu triệt đúng mức các nguyên lý thiên
thương”của Chúa Jesus.
4. Tín đồ: Giáo hội cấm kiểm tra dân số nên không biết số tín đồ nhưng năm
1974 họ có trên 3. 000 chi hội !
CÁC GIÁO HỘI TẠI GIA NÃ ĐẠI
I. CÁC NHÀ TRUYỀN GIÁO TIỀN PHONG
1. Thành phần: Vào thế kỷ 17, trong khi các các linh mục Công Giáo LaMã
khác nổ lực truyền giáo qua các xứ Ấn độ, Moluccas, Trung Hoa, Nhật Bản,
Ba Tây, Paraguay thì các giáo sĩ dòng Tên (Jesuits) cũng đã thu phục những
người da đỏ ở miền Huron, tức tỉnh Ontario bây giờ.
2. Trung tâm truyền giáo: Ngay từ năm 1626, Han de Frebeuf đã thành lập
trung tâm truyền giáo tại khu rừng Vịnh Georgian . Và đâu đâu cũng có
những người mặc áo đen nhẫn nhục trong sứ mạng làm Vinh Danh Thiên
Chúa.
II. GIÁO HỘI CÔNG GIÁO LA MÃ
1. Công tác: Các tín đồ La Mã đã xây những nhà thờ đầu tiên. Đặc biệt tại
Quebec, giáo hội đã hướng dẫn và sửa đổi các phong tục, tập quán của người
Pháp
2. Tín đồ: Năm 1974 tín đồ Công giáo La Mã ở Gia Nã Đại là 11 triệu rưỡi,
trong đó tại Quebec đã có gần 3 triệu và tại Ontario gần 1 triệu.
III. GIÁO HỘI ANH QUỐC
1. Ảnh hưởng: Giáo hội Anh Quốc chiếm ưu thế từ những ngày đầu tiên.
Giáo hội dạy dân chúng các nếp sống của người Anh, trung thành với Anh
Hoàng và tận tụy với Thống Đốc người Anh. Giáo hội cũng giữ vai trò quan
trọng trong Giáo Dục và Cai Trị các tỉnh.
2. Tín đồ: Năm 1974 có khoảng 2 triệu, phần lớn tại Ontario và Colombia.
IV. GIÁM LÝ VÀ TRƯỞNG LÃO
1. Giám Lý: Do sự tranh chấp nội bộ về vấn đề Thượng Giáo Hội (High
Church đề cao Uy quyền Giáo hội và Hàng Giáo phẩm) và Hạ Giáo hội
(Low Church theo quan điểm ôn hòa, dân chủ), giáo hội Giám Lý tại Anh đã
chia thành 3 phân hội: Giám lý nguyên thủy, Giám lý theo truyền thống
Wesley và Thánh Kinh Cơ Đốc giáo hội. Trong khi đó tại Hoa Kỳ và Gia Nã
Đại, Giám Lý lại khai sinh thêm Giám Lý theo tổ chức Giám mục và Tân
Giáo Hội Giám lý liên kết.
2. Trưởng Lão: Giáo hội Trưởng Lão cũng chia thành 5 phân hội: Giáo hội
Tô Cách Lan tại Gia Nã Đại, Giáo hội Khu bộ Tự do (Free Church Sunod),
Giáo hội Trưởng Lão các tỉnh Bình Nguyên, Giáo hội Trưởng Lão Thống
Nhất, Giáo hội Trưởng Lão Gia Nã Đại.
3. Tài trợ: Tât cả các giáo phái trên đều được các Hội Truyền giáo tại Anh
Quốc giúp đỡ tài chính. Giám Lý và Trưởng Lão còn được tài trợ bởi Anh
quốc Nghị viện và Chính phủ Luân đôn.
V. GIÁO HỘI THỐNG NHẤT GIA NÃ ĐẠI
1. Thành phần: Năm 1925 Giáo hội Giám Lý kết hợp với Giáo hội Cộng
Đồng và một phần của Trưởng Lão để trở thành Giáo Hội Thống Nhất Gia
Nã Đại. Tín đồ khoảng hơn 2 triệu.
2. Trưởng Lão: Nhiều chi hội Trưởng Lão không chịu gia nhập nên vẫn tiếp
tục duy trì với khoảng 250. 000 tín đồ.
VI. GIÁO HỘI BÁP TÍT VÀ GIÁO HỘI TRUYỀN THỐNG LUTHER
1. Báp Tít: Như Giáo hội truyền thống Luther, giáo hội Báp Tít đã gây ảnh
hưởng sâu rộng trong sinh hoạt quần chúng. Giáo hội Báp Tít lưu tâm đến
vấn đề Giáo Dục. Họ có khoảng 500. 000 tín đồ, phần lớn tại Ontario, New
Brunswick và Nova Scotia.
2. Giáo hội theo truyền thống Luther: Có khoảng 400. 000 đa số tại
Saskatchewan và Ontario.
VII. GIÁO PHÁI DOUKHOBORS
1. Nguồn gốc: Đến từ Nga khoảng đầu thế kỷ 20, phần đông định cư tại
Saskatchewan và Colombia. Tín đồ khoảng 16. 000
2. Đặc tính: Họ sống hòa nhã, không cấp tiến, không chú ý đến Giáo dục và
không chịu đánh giặc.
VIII. CÁC GIÁO PHÁI KHÁC
Ngoài ra, từ năm 1974, tại Gia Nã Đại còn có các giáp phái như Mennonite
(125. 938 tín đồ), Cơ Đốc Phục lâm (18. 000), Anh Em và Anh Em thống
nhất (15. 000), Cơ Đốc (11. 5000), Hội Thánh Đấng Christ và Môn đệ Đấng
Christ (20. 000), Khoa học gia Cơ Đốc (20. 000) , Hiệp hội Tin Lành (37.
000).
BÀI THI LỊCH SỬ HỘI THÁNH
1. Khải tượng truyền giáo của Gregory có được nhờ:
a. Giáo hội suy đồi
b. Không có người tin Chúa
c. Ông thấy 1 tù binh Anh
d. Ba câu đều đúng.
2. Gregory:
a. Là “Đại giáo hoàng”
b. Ủng hộ Ẩn Tu
c. Thành công trong việc chống Giáo Trưởng Constantinople
d. Ba câu đều đúng
3. Gregory VII :
a. Tên thật là Hilderbrand
b. Cải cách trong giới tăng lữ
c. Khiến giáo quyền vượt xa chính quyền
d. Ba câu đều đúng
4. Giai đoạn suy đồi của quyền bính giáo hoàng bắt đầu dưới thời:
a. Gregory I
b. Gregory VII
c. Boniface VIII
d. Ba câu đều sai
5. Mohammed:
a. Sinh năm 750 tại Mecca
b. Bắt đầu làm tiên tri lúc 40 tuổi
c. Đệ tử lúc đầu gia tăng rất nhanh
d. Ba câu đều đúng
e. Ba câu đều sai
6. Tôn giáo của Mohammed:
a. Theo đa thần
b. Chống thuyết tiền định
c. Phủ nhận các tiên tri
d. Ba câu đều sai
e. Ba câu đều đúng
7. Hồi giáo phát triển nhờ:
a. Niềm tin và lòng can đảm của tín đồ
b. Giáo lý đơn giản
c. Dùng bạo lực để thiết lập đế quốc
d. Ba câu đều đúng
8. Khuyết điểm của Hồi giáo:
a. Phương pháp truyền giáo bằng bạo lực
b. Tôn giáo bị thế tục hóa
c. Coi thường phụ nữ
d. Thiếu chính khách
e. Bốn câu đều đúng
9. Thánh quốc La Mã:
a. Là Đế quốc Đức
b. Tồn tại 13 thế kỷ
c. Do Nã phá luân phát triển cường thạnh
d. Ba câu đều đúng
e. Ba câu đều sai
10. Charlemagne :
a. Con người vĩ đại của thế kỷ thứ 9
b. Người Đức xưng là Karl đại đế
c. Có biệt hiệu là Charles Augustus
d. Ba câu đều đúng
e. Ba câu đều sai
11. Giáo hội La Hy chia rẽ vì:
a. Giáo lý về Đức Thánh Linh
b. Luật lệ tập tục khác nhau
c. Thánh quốc LaMã được thiết lập
d. Ba câu đều đúng
12. Napoléon đã nói về thánh quốc LaMã:
a. Không phải Thánh
b. Không phải La Mã
c. Không phải đế quốc
d. Ba câu đều đúng
e. Ba câu đều sai
13. Nguồn gốc Thập tự quân là:
a. Đông đế quốc càng ngày càng suy yếu
b. Thế lực Hồi giáo phát triển
c. Vua Alexis cầu cứu giáo hoàng
d. Ba câu đều đúng
14. Người lãnh đạo viễn chinh thứ Nhất thành công là:
a. Tu sĩ Peter the Hermit
b. Godfrey of Bouillon
c. Saladin
d. Ba câu đều sai
15. Cuộc viễn chinh cuối cùng:
a. Là cuộc viễn chinh thứ 7
b. Do Vua Louis IX và Edward
c. Chỉ đến được Tunis ở Bắc Phi
d. Ba câu đều đúng
16. Nguyên nhân thất bại của Thập tự quân:
a. Các tướng lãnh gây gỗ nhau
b. Không được tiếp tế tăng cường liên tục
c. Xâm lăng hơn là giải phóng
d. Ba câu đều đúng
17. Dòng tu đầu tiên là:
a. Dòng Tên Jesuit
b. Dòng Benedictines
c. Dòng Franciscans
d. Ba câu đều sai
18. Ưu điểm của Tu viện chủ nghĩa là:
a. Truyền giáo cho các dân tộc bán khai
b. Đề cao nếp sống độc thân
c. Giải quyết xã hội rốireng
d. Ba câu đều đúng
19. Khuyết điểm của Tu viện chủ nghĩa:
a. Xuất thế chứ không nhập thế
b. Kỷ luật lỏng lẻo khi giài có
c. Sưu cao thuế nặng trên dân chúng
d. Ba câu đều đúng
20. Phong trào cải chánh lúc đầu bị dập tắt vì:
a. Hoạt động lẻ tẻ
b. Thiếu chuẩn bị
c. Không được đa số dân chúng làm hậu thuẩn
d. Ba câu đều đúng
21. Nhóm Thanh giáo:
a. Ở miền Nam nước Pháp
b. Chống thuyết luyện tội và thờ hình tượng
c. Phủ nhận Cựu Ước
d. Ba câu đều đúng
22. Nhóm John Wycliff:
a. Tại Đức quốc
b. Chống biến thể thuyết
c. Dịch Kinh Thánh ra tiếng Đức
d. Ba câu đều đúng
23. John Huss:
a. Ở Tiệp khắc
b. Chịu ảnh hưởng Wicliff
c. Bị kết án thiêu sống khiến cải chánh nổi lên mạnh mẽ
d. Ba câu đều đúng
24. Sự kiện nổi bật năm 1455 là:
a. Martin Luther bắt đầu cải chánh
b. Máy in Gutenberg
c. Bùa xá tội của Tezel
d. Ba câu đều sai
25. Niên đại chính xác cải chánh là:
a. 31. 10. 1517
b. 30. 11. 1517
c. 31. 10. 1527
26. Martin Luther:
a. Đóng 95 luận đề tại cửa thành Wittenberg
b. Chống lại Bùa xá tội
c. Đốt sắc chỉ giáo hoàng ngày 30. 11. 1517
d. Ba câu đều đúng
27. Người bảo vệ Martin Luther là:
a. Vua Charles V
b. Vương hầu Frederic
c. Charles IV
d. Ba câu đều sai
28. Tại lâu đài Wartburg, Martin Luther đã:
a. Lãnh đạo cuộc cải chánh
b. Dịch Tân Ước ra tiếng Đức
c. Đi dự phiên tòa tại Worms
d. Ba câu đều đúng
29. Cải chánh tại Anh:
a. Bắt đầu với nhóm SV trẻ
b. Có nhiều giai đoạn
c. Thường liên quan đến chính trị
d. Ba câu đều đúng
30. Thomas Cranmer:
a. Là Tổng giám mục Canterbury
b. Thành lập Anh quốc giáo
c. Đưa bàn tay chối đạo chịu đốt trước khi bị thiêu sống
d. Ba câu đêưu đúng
31. Các nguyên tắc cải chánh là:
a. Theo đúng Kinh Thánh
b. Hợp lý
c. Thuộc linh cho từng cá nhân
d. Ba câu đều đúng
32. Phong trào phản cải chánh gồm có:
a. Cải tổ nội bộ giáo hội Lamã
b. Dòng Franciscans truyền giáo khắp nơi
c. Ru ngũ bằng sự ôn hòa
d. Ba câu đều đúng
33. Cuộc chiến ba mươi năm:
a. Cả chính trị lẫn tôn giáo
b. Gây thiệt hại nặng cho Đức
c. Chấm dứt bằng hòa ước Wesphalie
d. Ba câu đêưu đúng
34. John Calvin:
a. Là người Thụy sĩ
b. Viết tác phẩm”Nền tảng thần học”
c. Chống lại thuyết tiền định
d. Ba câu đều đúng
35. Phong trào Thanh giáo tại Anh:
a. Là nhóm cấp tiến
b. Chia làm Trưởng lão và Cộng đồng
c. Độc lập với Anh quốc giáo sau 1688
d. Ba câu đều đúng
36. Phong trào Wesley:
a. Whitefield là chính khách
b. John Wesley là thi sĩ
c. Charles wesley sáng tác Thánh Ca
d. Ba câu đều đúng
37. William Carey:
a. Vốn là thợ giày
b. Truyền giáo tại Ấn độ
c. Giáo sư văn chương tại Calcutta
d. Ba câu đều đúng
38. Giáo hội đầu tiên tại Hoa kỳ:
a. Là Công giáo La Mã
b. Do hai linh mục trong đoàn Khaluân bố c
. Truyền giáo bằng cưỡng bách
d. Ba câu đều đúng
39. Giáo lý Cộng Đồng:
a. Thừa nhận giáo lý Calvin
b. Chống thuyết tiền định
c. Không tin giáo lý ba ngôi
d. Ba câu đều đúng
40. Tổ chức Báptít:
a. Giống Cộng Đồng
b. Chi hội địa phương tự trị
c. Không có tuyên ngôn chung về Đức tin
d. Ba câu đều đúng
41. Hội Quakers:
a. Không dùng danh hiệu giáo hội
b. Chống hình thức tổ chức giáp phẩm
c. Ai cũng có thể giảng dạy nếu Thánh Linh cảm đông
d. Ba câu đều đúng
42. Giáo hội Luther:
a. Bắt đầu tại New Amsterdam
b. Tin Báptem và tiệc thánh dẫn truyền thiên ân
c. Tin giáo lý xưng nghĩa của Luther
d. Ba câu đều đúng
43. Giáo hội Trưởng Lão:
a. Hậu thuẩn thuộc địa chống Anh hoàng
b. THứa nhận giáo lý Calvin
c. Tổ chức thành giáo khu, Khu hội
d. Ba câu đều đúng
44. Hội Anhem thống nhất:
a. Đầu tiên là Hội Thánh nói tiếng Pháp
b. Lúc đầu phi giáo phái
c. Có khuynh hướng cấp tiến, tự do về trang phục
d. Ba câu đều đúng
45. Hội thánh Đấng Christ:
a. Là giáo hội Anh Em
b. Phủ nhận Cựu Ước
c. Tin Báp tem bảo đảm sự xoá tội và đẹp lòng Chúa
d. Ba câu đêưu đúng
46. Giáo hội Thống nhất:
a. Tin thuyết tiền định
b. Phủ nhận giáo lý ba ngôi
c. Xem Kinh Thánh là mẫu mực sống
d. Ba câu đều đúng
47. Cơ Đốc Khoa Học:
a. Do Bà Eddy sáng lập
b. Mục đích chữa bệnh bằng phương pháp siêu hình, thôi miên
c. Không tin Đức Chúa Trời ba ngôi
d. Ba câu đều đúng
48. Truyền giáo tiền phong tại Gianãđại:
a. Là Linh mục công giáo
b. Dùng áp lực thu phục dân da đỏ
c. Vào thế kỷ 18
d. Ba câu đều đúng
49. Giáo phái Doukhobors:
a. Do người Nga
b. Không chú ý đến giáo dục
c. Không chịu đánh giặc
d. Ba câu đều đúng
50. Đặc điểm Truyền giáo Giám lý Trưởng Lão là:
a. Phát triển mạnh mẽ nhất
b. Được tài trợ bởi chính quyền Anh
c. Đoàn kết chặc chẽ
d. Ba câu đều đúng
51. Cảm nghĩ sau khi học Lịch sử Truyền giáo

You might also like