You are on page 1of 3

Vụ nổ lớn - Phần 2: Lý Thuyết Bigbang

Thursday, 30 April 2009 13:39

Mô tả lý thuyết

Dựa trên các phép đo về sự giãn nở của vũ trụ bằng siêu tân tinh loại I, các phép đo về sự trồi
sụt của bức xạ phông vi sóng vũ trụ và các phép đo về hàm liên kết của các thiên hà, người ta
xác định được tuổi của vũ trụ là 13.7 + 0.2 tỷ năm. Kết quả giống nhau của ba phép đo độc lập
này được coi là bằng chứng thuyết phục cho một mô hình gọi là mô hình Lambda-CDM mô tả
chi tiết tính chất của vũ trụ.

Vũ trụ vào giai đoạn sớm là một vũ trụ đồng nhất và đẳng hướng với mật độ, năng lượng, nhiệt
độ và áp suất cực cao. Sau đó vũ trụ nở ra, lạnh đi và trải qua một quá trình chuyển pha giống
như sự ngưng tụ của hơi nước hoặc sự đóng băng của nước khi nhiệt độ giảm xuống, tất nhiên
là không phải sự chuyển pha của phân tử nước mà là của các hạt cơ bản.

Khoảng 10^-35 giây sau kỷ nguyên Planck, một loại chuyển pha làm cho vũ trụ trải qua giai
đoạn phát triển theo hàm mũ được gọi là giai đoạn lạm phát vũ trụ. Sau khi quá trình lạm phát
kết thúc, thành phần của vũ trụ gồm các plasma quark-gluon (gồm tất cả các hạt khác, một số
thực nghiệm gần đây gợi ý có thể vũ trụ lúc đó là một loại chất lỏng quark-gluon)[1]. Các hạt này
đều chuyển động tương đối. Khi vũ trụ tiếp tục gia tăng kích thước thì nhiệt độ tiếp tục giảm. Tại
một nhiệt độ nhất định, một giai đoạn mà hiện nay người ta vẫn chưa biết hết về nó gọi là quá
trình sinh hạt baryon, tại đó, các quark và gluon kết hợp với nhau để tạo nên các hạt baryon,
như là proton và neutron, và bằng cách nào đó mà thể hiện tính phi đối xứng giữa vật chất và
phản vật chất. Nếu tiếp tục hạ nhiệt độ thì sẽ dẫn đến nhiều quá trình chuyển pha có tính đối
xứng bị phá vỡ hơn và làm cho các lực vật lý và các hạt cơ bản tồn tại ở trạng thái như chúng ta
thấy ngày nay. Sau đó, một số proton và neutron kết hợp với nhau để hình thành các hạt nhân
nguyên tử deuterium và hêli, quá trình này gọi là sự tổng hợp hạt nhân vụ nổ lớn. Khi vũ trụ tiếp
tục bị nguội đi, vật chất không còn chuyển động với vận tốc tương đối nữa và mật độ năng
lượng do khối lượng nghỉ thể hiện dưới dạng hấp dẫn sẽ thống trị mật độ năng lượng thể hiện
dưới dạng bức xạ. Khoảng 300.000 năm sau vụ nổ lớn, các điện tử và các hạt nhân kết hợp với
nhau tạo nên các nguyên tử (phần lớn là hiđrô); do đó, bức xạ được tách khỏi vật chất và tiếp
tục truyền trong không gian mà hầu như không bị cản trở. Dấu vết của bức xạ này tồn tại đến
ngày nay chính là bức xạ phông vi sóng. 

Theo thuyết Vụ Nổ Lớn, vũ trụ bắt nguồn từ một trạng thái vô cùng đặc và vô cùng nóng (điểm
dưới cùng). Từ đó, không gian đã mở rộng cùng với thời gian và làm cho các thiên hà di chuyển
xa nhau hơn.

1/3
Vụ nổ lớn - Phần 2: Lý Thuyết Bigbang
Thursday, 30 April 2009 13:39

Theo thời gian, một số vùng có mật độ vật chất cao hơn sẽ hút nhau do lực hấp dẫn và càng
làm cho các vùng đó đặc hơn nữa để hình thành nên các đám mây vật chất, các ngôi sao, các
thiên hà và các cấu trúc vũ trụ mà chúng ta quan sát được ngày nay. Chi tiết của quá trình này
phụ thuộc vào lượng và loại vật chất trong vũ trụ. Có ba loại vật chất được biết là vật chất tối
lạnh, vật chất tối nóng và vật chất thường. Các phép đo thực nghiệm cho thấy rằng dạng vật
chất tối lạnh thống trị vũ trụ, nó chiếm đến hơn 80% khối lượng, trong khi hai loại vật chất kia
chỉ chiếm chưa đến 20% khối lượng.

Về mặt năng lượng thì vũ trụ hiện nay có vẻ như bị thống trị bởi một dạng năng lượng bí ẩn
được gọi là năng lượng tối. Khoảng 70% mật độ năng lượng toàn phần của vũ trụ tồn tại ở dạng
này. Sự có mặt của dạng năng lượng này được suy ra từ sự sai khác giữa sự giãn nở của vũ trụ
và công thức liên hệ giữa tốc độ - khoảng cách làm cho không thời gian giãn nở nhanh hơn
trông đợi tại các khoảng cách lớn. Năng lượng tối xuất hiện như là một hằng số vũ trụ trong các
phương trình Einstein của lý thuyết tương đối rộng. Nhưng bản chất, các chi tiết về phương trình
trạng thái, và mối liên hệ với mô hình chuẩn của vật lý hạt vẫn còn chưa sáng tỏ và cần được
nghiên cứu cả về lý thuyết lẫn thực nghiệm.

Tất cả các quan sát đều được giải thích bằng mô hình Lambda-CDM, trong đó, mô hình toán
học về vụ nổ lớn có sáu thông số tự do. Bí ẩn xuất hiện khi người ta quan sát gần điểm khởi
đầu, khi mà năng lượng của các hạt lớn hơn năng lượng mà các thực nghiệm chưa đạt được.
Hiện không có mô hình vật lý nào mô tả vũ trụ ở thời điểm trước 10^-33 giây, trước thời điểm
chuyển pha được gọi là lý thuyết thống nhất lớn. Tại thời khắc ngắn ngủi đầu tiên này, lý thuyết
Einstein về hấp dẫn tiên đoán một điểm kỳ dị hấp dẫn, tại đó mật độ vật chất trở nên vô hạn.
Để giải quyết nghịch lý vật lý này, người ta cần đến lý thuyết lượng tử hấp dẫn. Đó là một trong
những vấn đề chưa giải quyết được trong vật lý.

Cơ sở lý thuyết
 
Lý thuyết Vụ Nổ Lớn ngày nay dựa trên ba giả thuyết sau:

1. Tính phổ quát của các định luật vật lý


2. Nguyên lý vũ trụ học
3. Nguyên lý Copernic

Ban đầu, các giải thuyết trên chỉ được thừa nhận nhưng ngày nay có rất nhiều thực nghiệm
kiểm tra tính đúng đắn của chúng. Tính phổ quát của các định luật vật lý được chứng minh là
đúng đắn vì các sai số lớn nhất về hằng số cấu trúc tinh tế trong một khoảng thời gian bằng tuổi
của vũ trụ chỉ cỡ khoảng 10^-5. Tính dị hướng của vũ trụ xác định nguyên lý vũ trụ và được
kiểm nghiệm với độ chính xác 10^-5 và vũ trụ được xác định là đồng nhất trên quy mô lớn với
độ sai số khoảng 10%. Hiện nay người ta vẫn đang trong quá trình kiểm tra nguyên lý Copernic
bằng cách nghiên cứu tương tác giữa các đám thiên hà bằng CMB thông qua hiệu ứng
Sunyaev-Zeldovich với độ chính xác 1%.

Lý thuyết Vụ Nổ Lớn sử dụng giả thuyết Weyl để đo thời gian tại bất kỳ thời điểm nào sau kỷ
nguyên Planck. Các phép đo này dựa trên các tọa độ quy chiếu trong đó khoảng cách quy
chiếu và thời gian quy chiếu đã loại bỏ sự giãn nở của vũ trụ trên quan điểm của các phép đo

2/3
Vụ nổ lớn - Phần 2: Lý Thuyết Bigbang
Thursday, 30 April 2009 13:39

không-thời gian. Khoảng cách quy chiếu và thời gian quy chiếu được định nghĩa sao cho các
vật thể chuyển động trong các vũ trụ giãn nở khác nhau có cùng một khoảng cách và các chân
trời hạt hay các giới hạn quan sát (của một vũ trụ nào đó) được xác định bởi thời gian quy
chiếu.

Vì vũ trụ có thể được mô tả bởi các tọa độ như vậy, vụ nổ lớn không phải là một vụ nổ trong đó
vật chất được phóng ra và lấp đầy một vũ trụ trống rỗng; cái đang giãn nở chính là không-thời
gian. Đó chính là sự giãn nở làm cho khoảng cách vật lý giữa hai điểm cố định trong vũ trụ của
chúng ta tăng lên. Các vật thể liên kết với nhau (ví dụ bị liên kết bởi lực hấp dẫn) thì không giãn
nở cùng không-thời gian vì các định luật vật lý điều khiển chúng được giả thiết là đồng nhất và
độc lập với các giãn nở metric. Hơn nữa, sự giãn nở của vũ trụ tại nấc thang cục bộ ngày nay
quá nhỏ nên nếu có sự phụ thuộc nào của các định luật vật lý vào sự giãn nở thì sự phụ thuộc
đó cũng rất nhỏ làm cho các máy đo không thể xác định được.

(Còn nữa...)
Phan Thanh Hiền (Tổng hợp Wikipedia Tiếng Việt)
thienvanbachkhoa.org

3/3

You might also like