You are on page 1of 4

CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA KẾ TOÁN

1. Cơ sở dồn tích
Nội dung:
- Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính của doanh nghiệp liên quan đến tài sản, nợ phải trả, nguồn
vốn chủ sở hữu, doanh thu, chi phí phải được ghi sổ kế toán vào thời điểm phát sinh, không
căn cứ vào thời điểm thực tế thu hoặc thực tế chi tiền hoặc tương đương tiền.
Ví dụ:
- Hoạt động mua bán chịu: nếu theo phương pháp kế toán dồn tích thì doanh thu được ghi nhận
vào sổ kế toán khi doanh nghiệp phát hành hóa đơn, giao hàng thay vì chờ đến thời điểm thu
được tiền.
- Hoạt động thanh toán: việc thanh toán cho nhà cung cấp được ghi nhận khi quyền sở hữu
hàng được chuyển giao.
- Ghi nhận chi phí: Chi phí được ghi nhận phải liên quan đến hoạt động kinh doanh trong kì
không phụ thuộc vào việc đã chi tiền hay chưa.
Ý nghĩa:
- Phương pháp này đưa ra một bức tranh chính xác hơn về tình hình tài chính hiện tại của
doanh nghiệp. Phương pháp kế toán dồn tích được xem là phương pháp thực hành kế toán tiêu
chuẩn đối với hầu hết các doanh nghiệp.

2. Hoạt động liên tục


- Về mặt kế toán, một công ty được giả định là sẽ hoạt động trong một thời gian vô hạn định,
trừ khi có những bằng chứng cụ thể về việc phá sản hay ngừng hoạt động.
Nội dung:
- Báo cáo tài chính của doanh nghiệp phải được lập trên cơ sở giả định là doanh nghiệp hoạt
động liên tục và sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần, nghĩa là
doanh nghiệp không có ý định cũng như không buộc phải ngừng hoạt động hoặc phải giảm
đáng kể quy mô hoạt động của mình.
Ảnh hưởng:
- Khi một doanh nghiệp còn tồn tại dấu hiệu hoạt động liên tục thì giá trị tài sản được ghi nhận
theo nguyên tắc giá gốc mà không quan tâm đến giá trị thị trường mặc dù trong quá trình hoạt
động kinh doanh giá trị thị trường của những tài sản này có thể biến động theo thời gian.
Trường hợp có sự giảm giá hệ thống và liên tục thì sẽ sử dụng nguyên tắc khác để chi phối.

- Nguyên tắc hoạt động liên tục là cơ sở để có thể thực hiện các nguyên tắc kế toán, chính sách
kế toán. Nguyên tắc này được thừa nhận như một nguyên tắc để lập báo cáo tài chính. Trường
hợp thực tế doanh nghiệp không còn tuân theo giả định hoạt động liên tục thì doanh nghiệp
phải lập báo cáo tài chính trên cơ sở khác và phải giải thích giả định đó trên bảng thuyết minh
báo cáo tài chính. Khi đó giá trị thị trường dự kiến sẽ trở nên có ích trong việc đánh giá giá trị
tài sản của doanh nghiệp.

3. Giá gốc
- Đây là nguyên tắc kế toán cơ bản được vận dụng trong công tác hạch toán kế toán, đặc biệt là
kế toán tính giá các loại tài sản trong đơn vị.
Nội dung:
- Tài sản phải được ghi nhận theo giá gốc. Giá gốc của tài sản được tính theo số tiền hoặc
tương đương tiền đã trả, phải trả hoặc tính theo giá trị hợp lý của tài sản đó vào thời điểm tài
sản đó được ghi nhận. Trường hợp tài sản được hình thành từ một vật đền bù khác với tiền thì
chi phí được đánh giá theo giá thị trường tương đương với vật đền bù đó. Giá gốc của tài sản
không thay đổi trừ khi có quy định khác trong chuẩn mực kế toán cụ thể.
Ảnh hưởng:
- Kế toán giả thiết rằng sự thay đổi của sức mua đồng tiền không đủ lớn để ảnh hưởng đến sự
đo lường kế toán. Trường hợp lạm phát lớn, đồng tiền mất giá đồng loạt thì kế toán phải sử
dụng giải pháp riêng để giải quyết.
Kế toán quan tâm đến giá gốc hơn giá thị trường vì:
+ Giá thị trường thường xuyên biến động nên rất khó ước tính, mặt khác giá đó
phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của con người.
+ Khái niệm hoạt động liên tục làm cho giá thị trường trở nên không cần thiết.
- Nguyên tắc giá phí được áp dụng để tính giá trị hàng hóa, nguyên giá tài sản cố định, và cả
các thành phần sản xuất.
Hạn chế:
- Kế toán không phản ánh giá trị thực tài sản của doanh nghiệp tại thời điểm lập báo cáo kế
toán.
Ví dụ:
Doanh nghiệp A có mua một mảnh đất cách đây vài năm. Giá của mảnh đất này vào thời điểm
mua là một trăm sáu mươi triệu đồng. Cuối năm nay, một vài đại lý bất động sản cho biết giá
mảnh đất này có thể được bán với giá hơn một trăm sáu mươi triệu đồng. Theo nguyên tắc giá
gốc, giá trị tài sản sẽ vẫn được ghi nhận là một trăm sáu mươi triệu.
Lưu ý:
- Nguyên tắc giá gốc còn liên quan đến đo lường nợ phải trả, doanh thu, chi phí.

4. Phù hợp
Nội dung:
- Nguyên tắc này đòi hỏi: Việc ghi nhận doanh thu và chi phí phải phù hợp với nhau. Khi ghi
nhận một khoản doanh thu đồng thời phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng liên quan đến
việc tạo ra doanh thu đó.
- Ghi nhận chi phí: chi phí được ghi nhận theo nguyên tắc phù hợp phải liên quan đến doanh
thu của những sản phẩm hàng hóa được tạo ra trong kì bất kể đã trả tiền hay chưa trả tiền. Chi
phí tương ứng liên quan đến việc tạo ra doanh thu bao gồm:
Chi phí được ghi nhận trong kì có thể thực chi trong kì, đã chi ở các kì trước (chi phí trả trước
được phân bổ vào kì này), hoặc sẽ chi ở kì sau (chi phí phải trả được trích trước vào chi phí
trong kì).
Ảnh hưởng:
- Doanh thu và chi phí xác định lợi nhuận phù hợp với nhau làm cho lợi nhuận của kì kế toán
được xác định hợp lý, phản ánh đúng hiệu quả hoạt động kinh doanh trong kì của đơn vị.
Ví dụ:
- Doanh nghiệp A mua tài sản với giá trị 35.000.000đ, ước tính sử dụng để tạo ra thu nhập
trong vòng 5 năm. Doanh nghiệp sử dụng phương pháp khấu hao đường thẳng để tính khấu
hao đối với tài sản này. Vậy chi phí khấu hao được ghi nhận hàng tháng hoặc hàng năm là bao
nhiêu để phù hợp với doanh thu tạo ra?
- Tiền lương công nhân trực tiếp sản xuất sản phẩm không được ghi nhận vào chi phí xác định
lợi nhuận cho đến khi sản phẩm thật sự được bán. Khi sản phẩm được bán chi phí được ghi
nhận vào chi phí giá vốn hàng bán.
5. Nhất quán
Nội dung:
- Các chính sách và phương pháp kế toán doanh nghiệp đã chọn phải được áp dụng thống nhất
ít nhất trong một kì kế toán năm. Kế toán chỉ được thay đổi chính sách và phương pháp kế
toán khi sự thay đổi đó làm tăng tính hữu ích của thông tin và phải giải trình lý do và ảnh
hưởng của sự thay đổi đó trong phần thuyết minh.
Mục đích:
- Để báo cáo tài chính có thể so sánh được giữa các thời kì.
- Để báo cáo tài chính có thể so sánh giữa các doanh nghiệp.
- Nguyên tắc này được đặt ra vì yêu cầu số liệu kế toán phải so sánh được giữa các kì kế toán
trong một doanh nghiệp. Ngoài ra, nếu các phương pháp và chính sách kế toán thay đổi thì số
liệu phản ánh trên báo cáo tài chính sẽ không phản ánh chính xác khuynh hướng hoạt động của
doanh nghiệp.
Ví dụ: nếu doanh nghiệp đã chọn hình thức khấu hao tài sản cố định theo phương pháp đường
thẳng thì phương pháp này phải được áp dụng trong suốt kì kế toán đó cho toàn bộ tài sản cố
định.

6. Thận trọng
Nội dung:
- Thận trọng là việc xem xét, cân nhắc, phán đoán cần phải lập các ước tính kế toán trong các
điều kiện không chắc chắn. Nguyên tắc thận trọng đòi hỏi:
- Phải lập các khoản dự phòng nhưng không lập quá lớn.
- Không đánh giá cao hơn giá trị các tài sản và các khoản thu nhập.
- Không đánh giá thấp hơn giá trị các khoản nợ phải trả và chi phí.
- Doanh thu và thu nhập chỉ được ghi nhận khi có bằng chứng chắc chắn về khả năng thu được
lợi ích kinh tế, còn chi phí có thể được ghi nhận khi có bằng chứng chắc chắn về khả năng phát
sinh chi phí.
Ảnh hưởng:
- Phương pháp đánh giá hay phương pháp hạch toán khác nhau sẽ dẫn đến kết quả khác nhau
trên báo cáo tài chính. Dựa vào nguyên tắc thận trọng có thể lựa chọn phương pháp hạch toán
để ghi nhận giá trị tài sản không vượt quá giá trị thực của tài sản, cũng như không thổi phồng
kết quả hoạt động.
Ví dụ: Một khách hàng của doanh nghiệp đang có nguy cơ phá sản, doanh nghiệp cần lập một
khoản dự phòng đối với khoản nợ phải thu khách hàng đó.

7. Trọng yếu
Nội dung:
- Thông tin được coi là trọng yếu trong trường hợp nếu thiếu thông tin hoặc sự thiếu chính xác
của thông tin đó có thể làm sai lệch đáng kể báo cáo tài chính, làm ảnh hưởng đến quyết định
kinh tế của người sử dụng báo cáo tài chính.
- Tính trọng yếu của thông tin phải được xem xét trên cả phương diện định lượng và định tính.
Tính trọng yếu phụ thuộc vào độ lớn và tính chất của thông tin hoặc sai sót được đánh giá
trong hoàn cảnh cụ thể và mối quan hệ giữa giá trị hay bản chất của nó và các nhân tố khác.
Ảnh hưởng:
- Kế toán chỉ theo dõi và công khai những sự việc được xem là quan trọng và có thể bỏ qua
không quan tâm đến những sự việc được xem là không quan trọng.
- Có thể bỏ qua các yêu cầu của một nguyên tắc kế toán khi nó không làm ảnh hưởng lớn đến
các báo cáo tài chính.
- Cho phép có sai số khi sai số đó có thể chấp nhận được và nó không làm ảnh hưởng đến sự
trung thực, hợp lý của các báo cáo tài chính.
Ví dụ:
Vận dụng nguyên tắc trọng yếu trong quá trình hạch toán, kế toán có thể lựa chọn cách phân
loại tài sản hay phân bổ chi phí.
- Mua văn phòng phẩm nên được dàn trải ghi nhận trong 6 tháng hay ghi nhận tất cả chi phí
trong một tháng? Dựa trên nguyên tắc trọng yếu, vì số tiền là quá nhỏ, không trọng yếu nên kế
toán ghi nhận tất cả chi phí văn phòng phẩm phát sinh vào chi phí trong một tháng thay vì dàn
trải trong 6 tháng. Nếu số tiền nhỏ mà ghi nhận trong 6 tháng thì sẽ tốn kém chi phí cho việc
theo dõi: chi phí giấy, chi phí nhân lực theo dõi…
- Doanh nghiệp B mua một máy trị giá 6.875.000 đồng. Doanh nghiệp ghi nhận toàn bộ số tiền
liên quan đến việc mua máy vào chi phí hay ghi nhận chiếc máy như một tài sản cố định?
Theo nguyên tắc trọng yếu, Doanh nghiệp ghi nhận chi phí liên quan đến chiếc máy như chi
phí vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh vì giá trị của cái máy là quá nhỏ không đủ điều
kiện để ghi nhận như một tài sản cố định.

You might also like