You are on page 1of 26

LỜI MỞ ĐẦU

Lãi suất là công cụ quan trọng nhất để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia của
Ngân hàng Trung Ương. Vì thế, cơ chế điều hành lãi suất luôn trở thành tâm
điểm chú ý của người làm chính sách, cộng đồng kinh doanh và giới nghiên cứu.

Hoa Kỳ là nền kinh tế đứng đầu thế giới. Chỉ một thay đổi nhỏ trong chính sách
tiền tệ của FED có thể làm ảnh hưởng đến cả phần còn lại của thế giới. Người ta
hay nói vui rằng “một cái hắt hơi sổ mũi của chủ tịch FED” cũng đủ làm chao
đảo nền kinh tế thế giới cũng có lý trên một vài phương diện nào đó.

Chính từ những lý do trên mà nhóm nghiên cứu chúng em đã chọn đề tài “Cơ
chế điều hành lãi suất của FED trong những năm gần đây” cho bài tiểu luận cuat
mình. Bài viết của chúng em có kết cấu gồm 3 phần:

Phần 1: Tổng quan về lãi suất

Phần 2: Cơ chế điều hành lãi suất của FED trong những năm gần đây

Phần 3: Liên hệ Việt Nam

Mặc dù chúng em đã rất nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu để có thể hoàn thành bài viết
này nhưng do kiến thức còn hạn chế nên bài viết của chúng em không tránh khỏi
có những sai sót. Chúng em rất mong nhận được những nhận xét quý báu từ cô
giáo và các bạn để bài viết được hoàn thiện hơn.

Chúng em xin chân thành cảm ơn!


PHẦN 1 : TỔNG QUAN VỀ LÃI SUẤT .

1. Khái niệm.

1.1 Định nghĩa :

Lãi suất là giá cả của quyền được sử dụng vốn vay trong một thời
gian nhất định mà người sử dụng trả cho người sở hữu nó .

1.2 Vì sao lại có lãi suất?

Lãi suất phải được trả vì qui luật giá trị thời gian của đồng tiền: đồng
tiền nhận được ngày hôm nay có giá trị hơn đồng tiền đó nhận được
trong tương lai. Người cho vay chuyển quền sử dụng vốn cho người
khác có nghĩa là anh ta đã hi sinh quyền sử dụng tiền tệ ngày hôm nay
của mình với hi vọng có một lượng lớn hơn trong tương lai . Nếu
không có phần lớn thêm đó hoặc nó không đủ bù đắp cho giả trị thòi
gian của tiền tệ thì sẽ không có chuyển nhượng vốn .

1.3 Ảnh hưởng của lãi suất:

Lãi suất ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của cá nhân trong việc
hình thành tỉ lệ giữa tiêu dùng và tiết kiệm . Lãi suất cũng ảnh hưởng
đến các quyết định phân bổ vốn đầu tư cảu doanh nghiệp và các hộ
gia đình: nên đầu tư vào nhà xưởng máy móc hay gửi tiết kiệm. Xét ở
phạm vi toàn xã hội , các quyết định này sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ tăng
trưởng và thất nghiệp của quốc gia.

2. Phân loại lãi suất.

2.1 Phân loại theo chủ thể trong quan hệ tín dụng:

- Lãi suất tín dụng thương mại được áp dụng khi các DN cho nhau
vay dưới hình thức mua bán chịu hàng hóa.

- Lãi suất tín dụng ngân hàng áp dụng trong quan hệ giữa ngân hàng
với công chúng và DN trong việc thu hút tiền gửi và cho vay , trong
hoạt động tái cấp vốn của NHTW cho các NHTM , và trong quan hệ
giữa các ngân hàng với nhau trên thị trường liên ngân hàng.

- Lãi suất tiền gửi được áp dụng để tính tiền lãi phải trả cho người gửi
tiền.

- Lãi suất tiền vay được áp dụng để tính lãi tiền vay mà khách hàng
phải trả cho ngân hàng.

- Lãi suất tái cấp vốn áp dụng khi NHTW tái cấp vốn cho các ngân
hàng dưới dạng chiết khấu các giấy tờ có giá ngắn hạn chưa đến hạn
thanh toán hoặc cho vay cầm cố các giấy tờ có giá.

- Lãi suất liên ngân hàng là lãi suất các ngân hàng áp dụng khi cho
nhau vay trên thị trường liên ngân hàng.

- Lãi suất cơ bản là lãi suất được các ngân hàng sử dụng làm cơ sở để
ấn định mức lãi kinh doanh của mình.

- Lãi suất tín dụng nhà nước áp dụng khi Nhà nước đi vay các chủ thể
khác nhau trong xã hội dưới hình thức phát hành tín phiếu hoặc trái
phiếu.

- Lãi suất tín dụng doanh nghiệp là lãi suất áp dụng khi đi vay các chỉ
thế khác nhau trong xã hội thông qua phát hành trái phiếu.

2.2 Phân loại theo giá trị thực của lãi suất:

- Lãi suất danh nghĩa : là lãi suất được tính theo giá trị danh nghĩa của
tiền tệ vào thời điểm nghiên cứu hay nói cách khác là lãi suất chưa
loại trừ tỉ lệ lạm phát.

- Lãi suất thực tế : là lãi suất đã được điều chỉnh lại đúng theo những thay
đổi về lạm phát hay nói cách khác là lãi suất đã loại trừ tỉ lệ lạm phát.

2.3 Phân loại theo bản chất hợp đồng tài chính:

- Lãi suất cố định là lãi suất được giữ cố định trong suốt thời gian vay.
- Lãi suất thả nổi là lãi suất có thể thay đổi theo lãi suất tham chiếu hoặc
chỉ số lạm phát.

2.4 Phân loại theo cách đo lường lãi suất:

- Lãi suất đơn : là lãi suất tính 1 lần trên số vốn gốc trong suốt thời gian
vay.

CTTQ tính lãi đơn : I = C0.i.n

Trong đó C0 là vốn gốc , i là lãi suất , n là số thời kì gửi vốn.

- Lãi suất kép : là mức lãi suất có tính đến giá trị đầu tư lại của lợi tức thu
được trong thời hạn sử dụng tiền vay.

CTTQ tính lãi suất kép = (1+ i )n -1

- Lãi suất hiệu quả : tương tự như lãi suất kép nhưng tính cho 1 năm.

- Lãi suất hoàn vốn : là lãi suất làm cân bằng giá trị hiện tại của tiên thu
nhập nhận được trong tương lai từ một khoản đầu tư với giá trị hôm
nay của khoản đầu tư đó.

• CT tính LSHV với công cụ vay đơn : LSCK = lãi suất đơn.

• CT tính LSHV trái phiếu giảm giá: i = (F-Pd)/Pd

F, Pd là mệnh giá và giá thị trường của trái phiếu giảm giá .

• CT tính LSHV vay hoàn trả cố định

TV =FP/ (1+i) + FP/(1+i)2 + … + FP/(1+i)n

FP là số tiền trả cố định hàng năm , TV là tổng tiền vay.

• CT tính LSHV vay trả lãi theo định kì (trái phiếu coupon)

PB = C/(1+i) + C/(1+i)2 +…+ C/(1+i)n + F/(1+i)n

C: tiền coupon hàng năm , F mệnh giá, PB :giá trị hiện thời của trái
phiếu, n: thời hạn còn lại của trái phiếu (tính theo năm).
3. Các nhân tố ảnh hưởng đến lãi suất thị trường .

3.1 Nhìn từ góc độ cung cầu quĩ cho vay:

*Cầu quĩ cho vay : là nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất , kinh doanh
hoặc tiêu dùng của các chủ thể trong nền kinh tế.

Đường cầu biểu diễn mối quan hệ giữa lãi suất và cầu quĩ cho vay là
đường dốc xuống. Mọi nhân tố làm dịch chyển đường cầu quĩ cho
vay đều ảnh dưởng đến lãi suất:

•Lợi tức dự tính của cơ hội đầu tư tỉ lệ thuận với lãi suất. Khi tỉ lệ
dự tính của cơ hội đầu tư tăng thì cầu quĩ cho vay tăng, đường cầu quĩ
cho vay dịch chuyển sang phải lãi suất tăng và ngược lại.

•Lạm phát dự tính tỉ lệ thuận với lãi suất: lạm phát dự tính tăng làm
cho chi phí thực dự tính so với lãi suất trước đó giảm , người đi vay
có lợi do đó nhu cầu vay vốn tăng, cầu quĩ cho vay tăng, đường cầu
quĩ cho vay dịch chuyển sang phải dẫn tới lãi suất tăng và ngược lại.

Tình trạng thâm hụt ngân sách Nhà nước: mức độ thâm hụt lớn thì
nhu cầu vay ở mọi mức lãi suất để bù đắp thâm hụt lớn làm đường
cầu quĩ cho vay dịch chuyển sang phải khiến lãi suất tăng.

*Cung quĩ cho vay : là khổi lượng vốn dùng để cho vay kiếm lời của
các chủ thể khác nhau trong xã hội.

Đường cung biểu diễn mối quan hệ giữa lãi suất và cầu quĩ cho vay là
đường dốc lên . Mọi nhân tố làm dịch chyển đường cung quĩ cho vay
đều ảnh dưởng đến lãi suất:

•Tài sản và thu nhập của các chủ thể kinh tế trong xã hội : khi tài
sản và thu nhập tăng làm tăng lượng cung quĩ cho vay, đường cung
dịch chuyển sang phải làm lãi suất giảm và ngược lại.
•Tỷ suất lợi tức dự tính của công cụ nợ : trong trường hợp lãi suất
thị trường có xu hướng tăng lên trong tương lai, giá thị trường của các
công cụ nợ dài hạn giảm , do đó tỷ suất lợi tức dự tính của nó giảm.
công cụ nợ hiện tại trở nên kém hấp dẫn làm giảm nhu cầu mua của
các chủ thể kinh tế, cung quĩ cho vay giảm , đường cung dịch chuyển
sang trái ,lãi suất tăng và ngược lại.

•Rủi ro : khi rủi ro của các công cụ nợ tăng làm nhu cầu nắm giữ
các công cụ này giảm xuống khiến lượng cung quĩ cho vạy giảm,
đường cung quĩ cho vay dịch chuyển sang trái , lãi suất tăng và ngược
lại.

•Tính lỏng của các công cụ nợ: nếu tính lỏng của các công cụ nợ
cao hơn các công cụ khác làm tăng nhu cầu nắm giữ công cụ nợ ,
lượng cung quĩ cho vay tăng, đường cung quĩ cho vay dịch chuyển
sang phải khiến lãi suất giảm và ngược lại.

3.2 Nhìn từ góc độ cung cầu tiền tệ:

Mức cầu tiền : là lượng tiền mà các DN , tổ chức, cá nhân muốn nắm
giữ để đáp ứng nhu cầu chi tiêu trong hiện tại và tương lai với giá cả và
các biến số kinh tế khác cho trước.

Đường cầu tiền là đường dốc xuống. Các nhân tố làm dịch chuyển
đường cầu tiền thì đều tác động đến lãi suất:

•Thu nhập thực tế : thu nhập thực tế tăng các chủ thể sẽ tăng đồng
thời cả lượng tiền dự trữ và chi tiêu. Do đó cầu tiền tăng , đường cầu tiền
dịch chuyển sang phải , lãi suất tăng và ngược lại.

•Mức giá cả : khi mức giá cả tăng sức mua của tiển tệ giảm, nhu
cầu nắm giữ tiền cao hơn làm tăng lượng cầu tiền , đường cầu tiền dịch
chuyển sang phải, lãi suất tăng và ngược lại.

Mức cung tiền là tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng và tiền
gửi không kì hạn có phát hành séc.
Mức cung tiền do NHTW đưa ra làm mục tiêu cố đinh với mọi mức lãi
suất nên đường cung tiền là đường thẳng đứng. Các nhân tố làm dịch
chuyển đường cung tiền thì đều tác động đến lãi suất:

Khi NHTW tăng lượng cung ứng tiền sẽ gây tác động đến lãi suất:
trong ngắn hạn khi đường cung tiền dịch chuyển sang phải làm lãi suất
giảm. nhưng trong dài hạn việc tăng lượng cung ứng tiền có thể dẫn đến
lãi suất thị trường tăng tùy theo tác dụng của các nhận tố thu nhập, mức
giá và lạm phát dự tính tới lãi suất so với tác dụng tính lỏng của sự tăng
lượng tiền cung ứng tới lãi suất.
PHẦN 2: CƠ CHẾ ĐIỀU HÀNH LÃI SUẤT CỦA FED TRONG NHỮNG
NĂM GẦN ĐÂY

1. Các công cụ chính để điều hành lãi suất của FED

Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (viết tắt là FED) là cơ quan thực hiện các chính
sách tiền tệ quốc gia của Hoa Kỳ mà trong đó chính sách về lãi suất là một mảng
rất quan trọng đối với bất kì quốc gia nào. Về cơ bản FED đang điều hành lãi
suất thông qua hai công cụ quan trọng đó là Lãi suất chiết khấu (Discount rate)
và Lãi suất quĩ dự trữ liên bang (Federal Funds Rate – FFR).

1.1. Lãi suất quỹ dự trữ liên bang (Federal Funds Rate – FFR)

FFR là công cụ được FED sáng tạo muộn hơn so với công cụ lãi suất chiết khấu.
Nó bắt đầu được FED sử dụng từ những năm đầu thập niên 20 của thế kỉ XX.
Trong khi đó công cụ lãi suất chiết khầu được sử dụng ngay từ khi FED thành
lập.

Quỹ dự trữ liên bang hình thành từ lượng tiền dự trữ bắt buộc của tất cả các
trung gian tài chính nhận tiền gửi tại FED. Cũng chính vì thế mà FFR có tên gọi
là “lãi suất quỹ dự trữ liên bang” . FFR được ủy ban thị trường mở công bố sau
các phiên họp định kỳ và nó không mang tính chất ấn định cụ thể mà thực chất
chỉ là lãi suất mục tiêu để Fed thực hiện trên thị trường mở nhằm đạt đến lãi suất
mục tiêu đã công bố. FFR là lãi suất thấp nhất mà các trung gian nhận tiền gửi
có thể vay để bù đắp thiếu hụt dự trữ bắt buộc .

Mặc dù công cụ này được FED áp dụng chưa lâu nhưng FED lại thực hiện chính
sách tiền tệ chủ yếu thông qua định hướng loại lãi suất này. Fed sẽ cố gắng tác
động tỷ lệ này ở con số mong muốn bằng cách bổ sung hoặc hạn chế nguồn
cung tiền tệ thông qua hoạt động của nó trên thị trường.

1.2. Lãi suất chiết khấu

Bên cạnh nhu cầu đảm bảo dự trữ bắt buộc, các trung gian tài chính còn có nhu
cầu đảm bảo thanh khoản, an toàn chi trả. Lãi suất chiết khấu của Fed chính là
lãi suất cho các trung gian tài chính vay để đáp ứng các nhu cầu này. Về
nguyên tắc, lãi suất liên ngân hàng thông thường sẽ thấp hơn lãi suất chiết khấu
vì nếu không, trung gian tài chính sẽ không vay liên ngân hàng mà sẽ vay từ Fed
để được hưởng lãi suất chiết khấu thấp hơn.

Lãi suất chiết khấu thường thường cao hơn lãi suất FFR và có ba mức lãi suất
chiết khấu áp dụng cho ba loại cho vay khác nhau là tín dụng chính (Primary
credit), tín dụng mở rộng (Secondary credit) và tín dụng thời vụ (Seasonal
credit) .

2. Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 – Phản ứng của Fed

Khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ 2007-2009 là cuộc khủng hoảng trong nhiều lĩnh
vực tài chính (tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán) diễn ra từ năm 2007 . Cuộc
khủng hoảng này bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tín dụng nhà ở thứ cấp . Và
bản thân nó lại là nguồn gốc trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu
vừa qua .

Cuộc khủng hoảng này là nguyên nhân chính làm cho Hoa Kỳ rơi vào tình trạng
suy thoái từ tháng 12 năm 2007. Đây là đợt suy thoái nghiêm trọng nhất ở Hoa
Kỳ kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Bình quân mỗi tháng từ tháng 1 đến tháng
9 năm 2008 có 84 nghìn lượt lao động Hoa Kỳ bị mất việc làm, hàng loạt tổ
chức tài chính trong đó có những tổ chức tài chính khổng lồ bị phá sản đẩy nền
kinh tế Hoa Kỳ vào tình trạng đói tín dụng.

2.1. Điều chỉnh FFR

Ngay khi khủng hoảng tín dụng nhà ở thứ cấp nổ ra, Fed bắt đầu can thiệp bằng
cách hạ lãi suất. Đến khi tình hình phát triển thành khủng hoảng tài chính từ
tháng 8 năm 2007, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã tiếp tục tiến hành các
biện pháp nới lỏng tiền tệ để tăng thanh khoản cho các tổ chức tài chính. Cụ thể
là lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng đã được giảm từ 5,25% qua 6 đợt
xuống còn 2% chỉ trong vòng chưa đầy 8 tháng (18/9/2007-30/4/2008).
Hình 1: Diễn biến lãi suất cơ bản của FED 2007-2009

Nguồn: Cục dữ trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED)

2.2. Điều chỉnh lãi suất chiết khấu

FED cũng hạ lãi suất chiết khấu áp dụng với các khoản vay trực tiếp từ FED cho
các ngân hàng và các công ty chứng khoán từ mức 1,25% xuống còn 0,5%.

Hình 2: Diễn biến lãi suất chiết khấu

Ngày, Năm Lãi suất chiết


tháng khấu
19-2 2010 0,75
16-12 2008 0,5
29-10 2008 1,25
8-10 2008 1,75
30-4 2008 2,25
18-3 2008 2,5
17-3 2008 3,25
30-1 2008 3,5
22-1 2008 4,00
11-12 2008 4,75
31-10 2008 5,00
18-9 2008 5,25
17-8 2008 5,75
Nguồn: Cục dữ trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED)

2.3. Tác dụng của chính sách lãi suất trong việc đối phó khủng hoảng

2.3.1. Đối với Mỹ

FED mong muốn rằng việc cắt giảm các loại lãi suất có thể giúp khôi phục lòng
tin của các nhà đầu tư, giảm bớt chi phí vay bao gồm các khoản cho vay doanh
nghiệp và cho vay tiêu dùng . Từ đó giúp các doanh nghiệp khôi phục và mở
rộng kinh doanh, kích thích tiêu dùng nội địa làm đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế .

Tuy nhiên, mong muốn và thực tế không phải lúc nào cũng song hành . Giới đầu
tư Mỹ thực sự nắm được thực trạng nền kinh tế Mỹ. Họ đã tin rằng động thái
của FED cũng không thể cứu vãn gì được nếu như suy thoái đã thực sự diễn ra.

Với thực trạng là khủng hoảng tín dụng cho vay bất động sản (BĐS) từ tháng 7
của Mỹ đang ngày một lún sâu hơn . Điển hình là hàng loạt các ông lớn trên thị
trường tài chính Mỹ như Citygroup, JPMorgan Chase, Merill Lynch... đồng loạt
thông báo các khoản thua lỗ liên quan đến cho vay BĐS lên đến 97 tỷ đôla Mỹ
(theo Bloomberg), Với tỉ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 3 năm qua (5%), giá
BĐS tiếp tục giảm mạnh (thấp nhất kể từ năm 1991), khủng hoảng trong cho
vay thế chấp ngày càng lún sâu, cộng với sự căng thẳng chính trị quốc tế đang
làm cho các nhà đầu tư Mỹ tin rằng một cuộc suy thoái kinh tế đã và đang xảy
ra, giải pháp của FED là muộn và cần thời gian để phát huy tác dụng.

Hơn thế nữa, chính động thái gấp gáp của FED càng làm cho nhận định trên là
có thật và thị trường chứng khoán Mỹ có chiều hướng xấu đi là khó tránh khỏi .

2.2. Đối với các nước khác

Động thái của FED đã tạo ra niềm tin cho các nhà đầu tư từ hai châu lục Á và
Âu rằng chính phủ Mỹ sẽ bằng mọi cách cứu vãn thị trường tài chính mà rộng
hơn là nền kinh tế nước này cũng giống như những lần cắt giảm lãi suất trước
của FED (năm 2001)

Ở Việt Nam, trong khi quyết định của NHNN về việc tăng dự trữ bắt buộc đối
với các NHTM phần nào sẽ tiếp tục làm giảm cung tiền thì thông báo của FED
làm cho giá đô la chưa kịp phục hồi (do chính sách mua ngoại tệ của NHNN) lại
tiếp tục xuống dốc, thị trường vàng bất ngờ tăng trở lại, khiến nhiều nhà đầu tư
ngắn hạn vốn đã thiếu niềm tin với thị trường và nhà quản lý đã quyết định
chuyển qua đầu tư trên thị trường vàng làm cho TTCK Việt Nam đã ảm đạm lại
càng ảm đạm thêm.

3. Cơ chế điều hành lãi suất của FED thời kì hậu khủng hoảng

3.1. Đối với lãi suất FFR

Ngày 10/8/2010 trong thông báo được đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban Thị
trường Mở Liên bang (FOMC), FED cho biết sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất ở
mức thấp kỷ lục thêm một thời gian nữa, đồng thời sẽ kéo dài các khoản đầu tư
thời kỳ hậu khủng hoảng và bơm tiền vào nền kinh tế.

Dưới sự đánh giá của một số chuyên gia, việc duy trì lãi suất ở mức thấp này là
một con dao hai lưỡi.: Duy trì tỷ lệ lãi suất thấp kỷ lục (0,25%) là chơi một canh
bạc nguy hiểm, về lâu dài có thể gây tổn thương cho nền kinh tế đang trong quá
trình phục hồi mong manh của Mỹ. Đây là nhận định đáng lưu tâm của Thomas
Heonig, Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ tại thành phố Kansas, được
đưa ra chỉ vài ngày sau khi Cục dự trữ liên bang (FED) quyết định mua các
khoản nợ chính phủ, tiếp tục các gói kích thích đồng thời duy trì mức lãi suất
thấp kỷ lục nhằm hỗ trợ đà phục hồi kinh tế đang có chiều hướng chậm lại trong
những tháng gần đây.

Nguyên nhân mà ông Heonig đưa ra là tỷ lệ lãi suất gần 0% này đã duy trì gần 2
năm qua có thể dẫn tới tình trạng lạm phát và tạo ra các bong bóng đầu cơ mới.
Ngoài ra, lãi suất thấp khuyến khích người dân và các doanh nghiệp ỷ lại vào
các khoản nợ và đòn bẩy tài chính của chính phủ. Điều này sẽ vô hình trung đẩy
Mỹ rơi trở lại những sai lầm trước đây mà hậu quả chính là cuộc suy thoái được
đánh giá là tồi tệ nhất kể từ năm 1930. Theo ông Heonig, trong giai đoạn ngắn
hạn, ngân hàng trung ương cần tăng lãi suất cơ bản lên mức 1% và chờ đợi để
nền kinh tế tự điều chỉnh trước khi tiếp tục tăng lên mức 2% - là thời điểm nền
kinh tế đã đi đúng quỹ đạo phục hồi.

3.2. Đối với lãi suất chiết khấu

Ban điều hành chính sách của FED đã nâng lãi suất chiết khấu đối với các ngân
hàng vay tiền trực tiếp của FED thêm 0.25% lên mức 0.75% và cho rằng điều
này đảm bảo cho các thể chế tài chính hoạt động vững chắc hơn trong thị trường
tiền tệ hơn là tập trung giải quyết những khoản vay ngắn ngày để giải quyết tính
thanh khoản.

Quyết định tăng lãi suất chiết khấu của FED bắt đầu có hiệu lực từ 19.2.2010.
Ban điều hành FED cho biết họ vẫn điều hành chính sách tiền tệ như trước và
cho biết ngân hàng trung ương này thẩy rằng các điều kiện kinh tế đảm bảo lãi
suất sẽ ở mức thấp trong một thời gian dài nữa.

Tuy FED nói rằng không thắt chặt tiền tệ nhưng đồng đô la ngay lập tức tăng
điểm khiến thị trường trái phiếu giảm điểm nhanh. Cụ thể là đồng đô la tăng
0.7% lên mức $1.3514 so với euro vào lúc 5:19 p.m. giờ New York. Trước đó,
đồng eur đã ở mức $1.3607 trong ngày hôm qua . Cặp tỷ giá này đã giảm xuống
$1.3502, mức giảm thấp nhất kể từ tháng 5 năm ngoái .

Thị trường cho rằng FED đã tiến một bước nữa trong việc thu hồi các khoản tiền
kích thích kinh tế. Khoản tiền này lên tới hàng trăm tỷ đô la được cung cấp bằng
các khoản tín dụng cho các ngân hàng, cho các nhà môi giới trái phiếu, bằng các
giấy nợ thương mại và bằng các khoản tiền cứu trợ các thể chế tài chính sắp phá
sản như AIG là một ví dụ.

Có thể nói điều này hoàn toàn là một bất ngờ khi các nhà đầu tư đang trông chờ
FED sẽ không thay đổi đường lối giữ nguyên lãi suất ở mức thấp trong thời gian
đến cuối năm 2010.

Đây là lần nâng lãi suất chiết khấu đầu tiền của FED trong ba năm vừa qua. Các
chuyên gia Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ Ltd tại New York cho rằng FED
đang quay trở lại đường lối hoạt động khi môi trường kinh tế kinh doanh diễn ra
bình thường. Họ cho rằng ngày hôm nay FED nâng lãi suất, cho dù thời gian gần
họ chưa nâng lãi suất ngay thì sớm hay muộn FED cũng sẽ nâng lãi suất cơ bản.

Khi tăng mức lãi suất chiết khấu mà các ngân hàng phải trả cho các khoản vay
khẩn cấp, FED nói rằng không nên coi bước đi này là dấu hiệu cho thấy họ sẽ
sớm tăng lãi suất đối với các khoản vay tiêu dùng và doanh nghiệp.
PHẦN 3: LIÊN HỆ VIỆT NAM

1. Nhìn lại cơ chế điều hành lãi suất của Việt Nam qua các thời kì trước tháng 5
năm 2008

Chính sách lãi suất là một trong những công cụ chính của chính sách tiền tệ. Tùy
thuộc vào từng mục tiêu của chính sách tiền tệ mà NHNN áp dụng cơ chế điều
hành lãi suất cho phù hợp nhằm ổn định và phát triển thị trường tiền tệ, tạo điều
kiện thuận lợi cho hoạt động ngân hàng và sự phân bổ có hiệu quả nguồn vốn
trong nền kinh tế.

1.1. Trước tháng 6 năm 1992

NHNN can thiệp ở mức độ cao và trực tiếp vào lãi suất thông qua ấn định các
mức lãi suất tiền gửi và lãi suất tiền vay. Cơ chế lãi suất âm và mang nặng tính
chất bao cấp được duy trì suốt thời kì này : lãi suất cho vay với DN nhà nước
thấp hơn với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh ; lãi suất danh nghĩa nhỏ hơn tỉ
lệ lạm phát; lãi suất cho vay ngắn hạn lớn hơn lãi suất cho vay dài hạn; lãi suất
gửi tiết kiệm cao hơn lãi suất tiền gửi các tổ chức kinh tế.

Tình trạng này dẫn đến lãi suất không thực hiện được chức năng vốn có của nó,
lãi suất không còn là đòn bẩy nhu cầu gửi tiền cảu công chúng , phát huy tính
hiệu quả trong quá trình sử dụng vốn và đảm bảo lội nhuận cho ngân hàng.

1.2. Từ tháng 6/1992 đến năm 1995

NHNN có nhiều bước điều chỉnh trong cơ chế điều hành lãi suất ; chuyển từ cơ
chế lãi suất thực âm sang cơ chế lãi suất thực dương để đảm bảo cho người dân
gửi tiền và ngân hàng đều có lợi, xóa bỏ về cơ bản sự chênh lệch lãi suất cho
vay giữa các thành phần kinh tế, thay vì ấn định lãi suất cụ thể bằng quản lí lãi
suất theo một khung bao gồm lãi suất tối thiểu về tiền gửi và lãi suất tối đa về
tiền vay.

Bắt đầu từ tháng 10/1993 trần lãi suất cho vay có 2 loại (1,8% /tháng đối với
DNNN và 2,1%/ tháng đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh ) và NHNN cho
phép NHTM thỏa thuận lãi suất với khách hàng(áp dụng cho huy động vốn bằng
kì phiếu). Thời kì nãy lãi suất đã bắt đầu được sử dụng như một công cụ của
chính sách tiền tệ cùng với lãi suất tái cấp vốn.

Những thay đổi trên thể hiện chính sách lãi suất đã được cải cách theo hướng
linh hoạt hơn và phù hợp hơn với cơ chế thị trường. sự thay đổi từ việc ấn định
các mức lãi suất cụ thể sang qui định trần và sàn lãi suất cho phép các tổ chức
tín dụng chủ động tự quyết định mức lãi suất cụ thể của đơn vị mình là bước
chuyển biến quan trọng để tiến tới quá tình tự do hóa lãi suất làm cho lãi suất
linh hoạt hơn, hạn chế thấp nhất sự can thiệp trực tiếp của NHNN tới hoạt động
của NHTM. Mặc dù vậy cơ chế này vẫn khống chế trực tiếp lãi suất trên thị
trường. Điều này làm giảm tác dụng kích thích và điều tiết hoạt động kinh doanh
của các ngân hàng.

1.3. Từ năm 1996 đến năm 2000

Trần lãi suất được điều hành linh hoạt trong thời kỳ từ năm 1996 đến tháng 7-
2000. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã bước đầu thực hiện tự do hóa lãi
suất huy động. Thay thế cho khung lãi suất tối thiểu về tiền gửi và tối đa về tiền
vay, NHNN chỉ quy định các mức lãi suất "trần" theo thời hạn cho vay và khống
chế chênh lệch giữa lãi suất cho vay với lãi suất huy động vốn bình quân ở mức
0,35%/tháng (tương đương 4,2%/năm).

Quy định này nhằm khắc phục tình trạng hầu hết các ngân hàng thương mại đều
có mức lợi nhuận cao trong khi doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do biến
động kinh tế khu vực và thế giới. Tới cuối tháng 1-1998, quy định chênh lệch lãi
suất được xóa bỏ, chỉ giữ lại quy định trần lãi suất cho vay.

Song hành với việc nới lỏng kiểm soát lãi suất, NHNN liên tục điều chỉnh trần
lãi suất cho vay theo hướng giảm ngưỡng trần và mức khống chế, đặc biệt trong
hai năm 1998-1999. Lãi suất tái cấp vốn được điều chỉnh giảm để phù hợp với
chỉ số lạm phát, quan hệ cung – cầu vốn trên thị trường và thực hiện giải pháp
kích cầu của Chính phủ. Lãi suất tái cấp vốn năm 1997 là 1,1%/tháng, giảm
xuống còn 0,7%/tháng kể từ ngày 4-9-1999.
Các nghiệp vụ chiết khấu và tái chiết khấu giấy tờ có giá cho ngân hàng thương
mại cũng được đưa vào sử dụng để bổ sung thêm công cụ điều chỉnh lãi suất.
Lãi suất tái chiết khấu được qui định ở mức thấp hơn 0,05%/tháng so với lãi suất
tái cấp vốn. Từ tháng 7-2000, nghiệp vụ thị trường mở được áp dụng với lãi suất
hình thành qua các phiên giao dịch.

Cơ chế điều hành lãi suất với một mức cơ bản kèm biên độ dao động được
NHNN áp dụng kể từ tháng 8-2000 thay cho cơ chế lãi suất trần. Chỉ tiêu này
được công bố chính thức định kỳ hàng tháng và điều chỉnh kịp thời trong trường
hợp cần thiết.

1.4. Từ năm 2001 đến trước tháng 5/2008

Đến tháng 5-2001, NHNN từng bước chuyển sang áp dụng hình thức cho vay
bằng ngoại tệ. Và kể từ sau tháng 5-2002, cơ chế lãi suất thỏa thuận được áp
dụng trong hoạt động tín dụng đã xóa bỏ biên độ khống chế lãi suất cho vay ,
cho phép các tổ chức tín dụng được tự thỏa thuận lãi suất cho vay bằng đồng
Việt Nam dựa theo quan hệ cung cầu vốn và mức độ tín nhiệm đối với khách
hàng.

Sau những tháng đầu năm 2003 NHNN tiếp tục điều chỉnh cơ chế điều hành lãi
suất mà theo đó , lãi suất tái cấp vốn đóng vai trò lãi suất trần , lãi suất tái chiết
khấu là lãi suất sàn trên thị trường tiên tệ liên ngân hàng , lãi suất thị trường mở
đóng vai trò là công cụ điều hành thường xuyên của NHNN. Ngoài hình thức
tái cấp vốn thông thường NHNN áp dụng lãi suất cho vay qua đêm trong thanh
toán điện tử liên ngân hàng và thanh toán bù trừ . NHNN còn áp dụng lãi suất
tiền gửi của các tổ chức tín dụng tại NHNN làm phương tiện thường xuyên điều
tiết lãi suất liên ngân hàng tiếp tục công bố lãi suất cơ bản nhằm mục đích định
hướng lãi suất thị trường .

Cơ chế lãi suất này nhằm đảm bảo tính thị trường của lãi suất và tạo điều kiện
khai thác triệt để sức mạnh của cơ chế thì trường trong các hoạt động điều tiết
kinh tế vĩ mô và kinh tế vi mô . Các tổ chức tín dụng đã chủ động và linh hoạt
hơn trong quyết định đưa ra lãi suất kinh doanh của mình . Các nguồn lực đã
được khai thác nhiều hơn cho sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên hiệu quả cảu
chính sách lãi suất vẫn còn hạn chế do cá yếu tố nên tảng của cơ chế này đang
trong quá trình hoàn thiện.

2. Cơ chế điều hành lãi suất của NHNN Việt Nam hiện nay – Những vấn đề đặt
ra

2.1. Chính sách lãi suất của NHNN Việt Nam từ tháng 6/2008 đến nay

Cùng với tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế qua các năm thì áp lực lạm phát
đã gia tăng từ những tháng đầu năm 2008. Thêm vào đó là dấu hiệu của cuộc đại
suy thoái kinh tế thế giới mà khởi nguồn từ cuộc khủng hoảng tín dụng ở Mỹ. Vì
thế mà chính sách tiền tệ thắt chặt đã được NHNN thực thi từ đầu năm 2008.
Việc thắt chặt chính sách tiền tệ là quyết định tất yếu để ngăn chặn đà lạm phát
đang gia tăng mạnh.

Công cụ lãi suất được phát huy tối đa, liên tục có điều chỉnh và triển khai quyết
liệt. Từ giữa tháng 1-2008, dự trữ bắt buộc đã tăng thêm 1% với tiền gửi nội tệ
và ngoại tệ từ không kỳ hạn tới dưới 12 tháng. Lãi suất tái cấp vốn cũng tăng
gấp hai lần trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6-2008. Mức lãi suất
chiết khấu so với cuối năm 2007 tăng thêm 8,5%, ở mức 13%/năm kể từ 10-6-
2008. Thời điểm này, NHNN điều chỉnh lãi suất cơ bản lên 14%/năm. Với quy
chế điều hành là cho phép tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh không
vượt quá 150% lãi suất cơ bản, trần lãi suất cho vay lên tới 21%/năm.

Đặc điểm đáng chú ý trong giai đoạn các ngân hàng gặp khó khăn thanh khoản
này là lãi suất huy động ngắn hạn bằng, thậm chí cao hơn lãi suất huy động dài
hạn.

Cơ chế lãi suất đã có tác động tích cực bình ổn thị trường trong thời kỳ khủng
hoảng, và các cú sốc bởi những thay đổi chính sách để chống lạm phát và suy
giảm kinh tế . Tuy nhiên, vai trò lịch sử đó đã đến lúc phải dừng lại cho phù hợp
với những diễn biến mới của tình hình thị trường khi mà những tác động tích
cực đã giảm dần và những tác động bất lợi đã xuất hiện: lãi suất đã không phản
ánh được quan hệ cung – cầu trên thị trường; các TCTD đã lách “trần cho vay”
bằng các khoản phí...

Mặt khác, những bất cập trong cơ chế “lãi suất trần” đã làm thay đổi cơ cấu
nguồn vốn huy động của các TCTD: nguồn vốn huy động ngắn hạn tăng lên,
trong khi nhu cầu vốn vay trung – dài hạn là rất lớn, điều này có thể làm rủi ro
mất cân đối kỳ hạn vốn tăng lên.

Chính vì vậy, ngày 26/2/2010 NHNN đã ban hành Thông tư số 07/2010/TT-


NHNN cho phép các ngân hàng được phép áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận
với các khách hàng vay trung và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất,
kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển. Cơ chế này cũng áp dụng với các
khoản vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn để trực
tiếp phục vụ đời sống của cá nhân và hộ gia đình của khách hàng vay; các hoạt
động cho vay tiêu dùng thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng.

Thông tư 07 có hiệu lực đã nhận được rất nhiều phản ứng tích cực từ các TCTD,
các chuyên gia, các doanh nghiệp và toàn xã hội . Các chuyên gia nhận định một
số điểm tích cực của Thông tư 07:

• Thông tư 07 có hiệu lực sẽ hình thành mặt bằng lãi suất cho vay minh
bạch, rõ ràng và phản ánh đúng tín hiệu của thị trường. Cho phép áp dụng
lãi suất thỏa thuận vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay được vốn với
giá thỏa thuận minh bạch, vừa chấm dứt tình trạng phí “ngầm” trong bản
thân mỗi tổ chức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước cũng khó kiểm soát.

• Với việc vận hành theo cơ chế của thị trường thì các NHTM sẽ thay đổi
mức lãi suất cho vay dựa trên các yếu tố: chi phí vốn đầu vào của ngân
hàng; mức độ rủi ro của từng khách hàng; lĩnh vực, ngành nghề kinh
doanh của họ và một số yếu tố liên quan khác.

Những phản ứng tích cực của thị trường là cơ sở khẳng định tính đúng đắn của
Thông tư 07 . Và những phản ứng này là một tín hiệu tốt để NHNN thực hiện
những bước tiếp theo nhằm tự do hóa hoàn toàn lãi suất.
Như vậy, trong thời gian vừa qua, việc NHNN tiếp tục áp dụng cơ chế điều hành
lãi suất cơ bản là một giải pháp thích hợp, phù hợp với các mục tiêu kinh tế vĩ
mô, cung-cầu vốn thị trường.

Trong những thập kỷ gần đây, thị trường tài chính - tiền tệ thế giới có sự phát
triển vượt bậc về quy mô và chiều sâu, cơ chế điều hành lãi suất của Ngân hàng
Trung ương (NHTW) các nước thay đổi theo hướng tự do hoá. Tuy nhiên, ở mỗi
nước, NHTW căn cứ vào luật định, điều kiện và bối cảnh phát triển kinh tế - xã
hội, thị trường tài chính - tiền tệ, cũng như địa vị pháp lý của NHTW, mục tiêu
của chính sách tiền tệ (lạm phát hoặc đa mục tiêu) để áp dụng cơ chế điều hành
lãi suất phù hợp trong từng thời kỳ.

2.2. Những vấn đề đặt ra

2.2.1. Lãi suất chạm đỉnh

Lãi suất cho vay trên thị trường hiện đang phổ biến ở mức 15-17%, lãi suất huy
động thực tế của nhiều ngân hàng cũng vượt khá xa so với trần 10.5%. Mức lãi
suất này được xem là khá cao so với những năm trước đây (trừ năm 2008), đồng
thời cao hơn rất nhiều so với lãi suất tái chiết khấu (7%) và tái cấp vốn (6%).
Ngoài ra, lãi suất cho vay cũng cao hơn khá nhiều so chỉ số giá tiêu dùng hiện
tại.

Có thể nói lãi suất hiện nay đang rất cao cũng như tại thời điểm diễn ra cuộc
chạy đua lãi suất năm 2008. Tuy nhiên, có nhiều khác biệt giữa thời điểm năm
2008 và thời điểm tháng 3/2010.

Năm 2008 Tháng 3/2010

Ngày 17/03/2008, Phát hành tín phiếu Không còn tín phiếu bắt buộc, tiếp tục
bắt buộc 20,300 tỷ đồng các chính sách tiền tệ mở rộng
1/04/2008 tỷ lệ dự trữ bắt buộc nâng Tỷ lệ dự trữ bắt buộc 1% đối với tiền
lên 11%, lãi suất cơ bản điều chỉnh gửi kỳ hạn trên 12 tháng, không kỳ hạn
tăng từ 8.75 lên 12%. và dưới 12 tháng 3%.

19/05/2008, lãi suất tái chiết khấu tăng Lãi suất cơ bản 8%, lãi suất tái cấp vốn
từ 11 lên 13%. 7%, lãi suất tái chiết khẩu 6%.

Ngày 1/06/2008, lãi suất tái cấp vốn Lãi suất chiết khấu, tỷ lệ dự trữ bắt
tăng từ 13 lên 15%, lãi suất cở bản buộc tiếp tục duy trì ở mức thấp
điều chỉnh tăng lên 14%.

Lạm phát trung bình năm 22.97%, lãi Lạm phát mục tiêu 7%, tăng trưởng tín
suất cho vay trung bình trong năm dụng mục tiêu 25%, tăng trưởng GDP
13.46%. Tăng trưởng tín dụng 25.4%, mục tiêu 6.5%.
tăng trưởng GDP 5.19%.

Như vậy, một vấn đề rất nóng đặt ra là tại thời điểm lạm phát thấp và NHNN
đang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng mà lãi suất huy động và cho vay của
các ngân hàng đều rất cao. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:

• trong thời gian qua xuất hiện tình trạng chênh lệch khá lớn giữa tốc độ
tăng trưởng vốn huy động và cho vay. Tình trạng này kéo dài suốt từ năm
2007 đến nay. Mức chênh lệch kéo dài và quá lớn trên buộc các ngân
hàng phải tăng lãi suất huy động để hút tiền, đồng thời tăng lãi suất cho
vay để giảm cầu tiền.

• Việc nâng lãi suất huy động và cho vay là một hệ quả của việc tăng
trưởng tín dụng nóng năm 2009. Gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất đã tạo
ra hơn 400.000 tỷ đồng vốn giá rẻ cho người đi vay. Năm 2010, áp lực trả
nợ đè nặng lên nhiều doanh nghiệp bởi việc chi tiêu "quá đà" trong năm
trước. Ngoài ra, NHNN đặt mục tiêu kiểm soát tín dụng ở mức 25% để
phòng ngừa nguy cơ lạm phát khiến cho nguồn vốn ngân hàng càng trở
nên khan hiếm.

2.2.2. Bỏ lãi suất cơ bản trong cơ chế điều hành lãi suất. Nên hay không?

Đối với vấn đề này hiện nay có hai dòng ý kiến trái chiều:

a) Nên bỏ lãi suất cơ bản


Những bất hợp lí trong cơ chế điều hành lãi suất áp dụng lãi suất cơ bản ở nước
ta:

• LSCB do NHNN Việt Nam công bố có tích chất hành chính vì nó được
dùng làm cơ sở để xác định trần lãi suất cho vay nhưng NHNN lại không
có cơ chế “bảo vệ” hữu hiệu cho mức lãi suất đã công bố nên trong thực
tế khi thị trường khan hiếm vốn các NHTM tìm cách lách trần lãi suất.
Ngược lại khi thị trường rơi vào cảnh thừa vốn mức trần được tính từ lãi
suất này không còn tác dụng.

• LSCB dường như tách rời không có liên hệ đáng kể với hai công cụ còn
lại của NHNN là lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu.

• Việc điều chỉnh LSCB ngày lập tức tác động trực tiếp đến dân chúng và
DN bởi nó tác động trực tiếp đến lãi suất cho vay chứ không tác động
gián tiếp như cách điều hành lãi suất ở các nước phát triển.

Việc sử dụng cơ chế LSCB như vừa qua ở VN tuy đã góp phần nhất định cho
việc bình ổn lãi suất trong giai đoạn khủng hoảng nhưng đó chỉ là việc làm khi
mà hai công cụ lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu không phát huy
được hiệu quả cần phải có.

Nếu tiếp tục sử dụng LSCB như vừa qua thì việc điều hành lãi suất sẽ vẫn còn
“hành chính hóa ” cản trở tiến trình tự do hóa lãi suất để từ đó tự do hóa tài
chính theo lộ trình như đã dự kiến. bên cạnh đó khi vẫn còn trong tay công cụ
LSCB để sử dụng điều hành như vừa qua NHNN sẽ khó tập trung sức mạnh và
nguồn lực để cải tổ nhằm đảm bảo hiệu lực thực sự của cặp công cụ lãi suất tái
cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu.

Mặt khác, ngay cả khi bỏ LSCB như dự thảo vừa qua trình Quốc hội , NHNN
vẫn không mất đi vai trò định hướng điều tiết lãi suất trên thị trường nếu sử
dụng hữu hiệu cặp công cụ lãi suất tái cấp vốn (để có vai trò tương tự lãi suất
chiết khấu mà FED ấn định) và lãi suất tái chiết khấu (để có vai trò tương tự
như lãi suất FFR mà FED định hướng). Tất nhiên khi đó NHNN cần phải xác
định rõ lãi suất mục tiêu là lãi suất tái cấp vốn hay lãi suất tái chiết khấu.

b) Không nên bỏ lãi suất cơ bản

Từ giữa tháng 5/2008 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam áp
dụng cơ chế điều hành lãi suất cơ bản mà theo đó, các NHTM ấn định lãi suất
cho vay tối đa bằng 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố trong từng thời kỳ.
Đây là công cụ trực tiếp để kiểm soát lãi suất kinh doanh của NHTM; đồng thời,
NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt các mức lãi suất nghiệp vụ thị trường mở ,
lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu để điều tiết lãi suất thị trường tiền tệ. Lãi
suất cơ bản được xác định và công bố trên cơ sở xu hướng biến động cung - cầu
vốn thị trường, mục tiêu của chính sách tiền tệ và các nhân tố tác động khác của
thị trường tiền tệ, ngoại hối ở trong và ngoài nước.

Có nhiều chuyên gia cho rằng không nên bỏ lãi suất cơ bản trong cơ chế điều
hành lãi suất của NHNN vì một số nguyên nhân:

- Việc áp dụng kịp thời cơ chế điều hành lãi suất cơ bản đã có những hiệu ứng
tích cực:

• Ngăn chặn được nguy cơ xáo trộn thị trường tiền tệ và mất khả năng
thanh toán của các NHTM trong những tháng đầu năm 2008, nhất là đối
với NHTMCP quy mô nhỏ chuyển đổi mô hình từ nông thôn.

• An toàn hệ thống ngân hàng được đảm bảo, củng cố lòng tin của các nhà
đầu tư, doanh nghiệp và người dân đối với hệ thống ngân hàng.

• Khắc phục được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong huy động
vốn giữa các NHTM bằng cách đẩy lãi suất lên cao

- Cơ chế truyền dẫn của các biện pháp điều hành lãi suất đã có hiệu lực và hiệu
quả đối với hoạt động kinh doanh của NHTM và lãi suất thị trường, thể hiện là
lãi suất thị trường liên ngân hàng đã biến động xoay quanh các mức lãi suất chủ
đạo của NHNN; lãi suất huy động và cho vay của các NHTM biến động theo
cung - cầu vốn và tăng, giảm theo sự thay đổi của các mức lãi suất điều hành của
NHNN, đã tác động làm thu hẹp hoặc mở rộng tín dụng.

- Việc điều hành linh hoạt lãi suất cơ bản, vừa là công cụ điều tiết thị trường,
vừa là động thái phát tín hiệu về chủ trương của Chính phủ và giải pháp điều
hành chính sách tiền tệ của NHNN là "thắt chặt" hay "nới lỏng" tiền tệ, đã và
đang trở thành một chỉ số kinh tế quan trọng trên thị trường tài chính, tiền tệ,
được các doanh nghiệp, người dân, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các
NHTM quan tâm, theo dõi, dự báo và có phản ứng khá nhanh nhạy, tích cực về
hoạt động đầu tư, tiết kiệm và tiêu dùng. Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng,
thể hiện được vai trò và những tác động tích cực của chính sách tiền tệ đối với
việc kiềm chế lạm phát và điều tiết kinh tế vĩ mô.

Có thể thấy rằng ý kiến nào cũng có những lập luận riêng. Theo nhóm nghiên
cứu trong thời gian tới - giai đoạn hậu khủng hoảng kinh tế, việc tiếp tục áp
dụng cơ chế điều hành lãi suất cơ bản là một giải pháp thích hợp. Tuy nhiên,
NHNN cần phải căn cứ vào các tín hiệu của thị trường để có những chính sách
phù hợp với tình hình kinh tế Việt Nam.
KẾT LUẬN

Cơ chế điều hành lãi suất đã, đang và sẽ luôn có vai trò rất quan trọng trong việc
góp phần bình ổn và phát triển kinh tế. Trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế
đang bước vào thời kì hội nhập, các chính sách lãi suất đang chuyển hướng theo
con đường tự do hóa nên sẽ đặt ra nhiều cơ hội và thách thức mới cho những
nhà làm chính sách. Phải làm sao có những chính sách phù hợp để nắm bắt được
cơ hội cũng như đối phó được những khó khăn mà hội nhập kinh tế mang lại quả
thực không phải đơn giản.

Sau khi hoàn thành bài viết này nhóm nghiên cứu đã hiểu rõ hơn về lãi suất và
cơ chế điều hành nó của FED cũng như của NHNN Việt Nam. Chúng em mong
rằng trong tương lai không xa với cơ chế điều hành lãi suất đúng đắn nền kinh tế
Việt Nam sẽ có những bước tiến vượt bậc rút ngắn khoảng cách với nền kinh tế
Hoa Kỳ .
DANH SÁCH NHÓM THỰC HIỆN.

1. Đình Trang Bình.

2. Nguyễn Tuấn Minh

3. Chử Thanh Nga

4. Nguyễn Thị Thanh Nga

5. Trương Quốc Phương

6. Trần Quốc Quân

7. Nguyễn Vân Anh

8. Phùng Thị Tươi

You might also like