You are on page 1of 9

Một số giải pháp thu hút vốn FPI vào Việt Nam trong chiến lược

phát triển đất nước đến năm 2020

Trên thế giới, nguồn vốn đầu tư nước ngoài ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với sự
phát triển kinh tế - xã hội của các nước, đặc biệt là với những nước đang phát triển. Nguồn
vốn này thường phân thành đầu tư trực tiếp (FDI), viện trợ phát triển chính thức (ODA) và
đầu tư gián tiếp (FPI), trong đó FPI được xem là một kênh thu hút vốn quan trọng của thị
trường tài chính. So với vốn đầu tư trực tiếp thì vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt
Nam vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 2-3% GDP. Vì thế, việc khơi thông và duy trì dòng vốn
này là thực sự cần thiết.

Thực trạng thu hút dòng vốn gián tiếp vào Việt Nam

Ngay từ những năm đầu của thập niên 90, khi Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách mở
cửa nền kinh tế và cho ra đời Luật Công ty và Luật Đầu tư nước ngoài, dòng vốn FPI đã
được đổ vào Việt Nam. Đây được coi là làn sóng FPI thứ nhất vào Việt Nam.

Trong giai đoạn 1991-2000, hoạt động đầu tư gián tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài
(NĐTNN) ở mức độ rất khiêm tốn, chủ yếu là thông qua các quỹ đầu tư. Giai đoạn này chỉ
có khoảng 70 công ty cổ phần của Việt Nam có vốn đầu tư gián tiếp với tổng số vốn
khoảng 200 triệu USD. Hầu hết các tổ chức đầu tư nước ngoài đều là những quỹ đầu tư
nhỏ đã hoạt động lâu ở Việt Nam. Đến năm 1997, có 08 quỹ đầu tư nước ngoài được thành
lập với tổng số vốn được huy động khoảng trên 400 triệu USD. Đó là các quỹ: The
Vietnam Fund Ltd; Beta Vietnam Fund; Beta Mekong Fund; Vietnam Frontier Fund;
Templeton Vietnam Opportunities Fund; Vietnam Enterprise Investments Ltd; Lazard
Vietnam Fund Ltd và Vietnam Enterprise Investments Ltd “C share” issue. Và trong
khoảng thời gian từ năm 1992-1997, 03 trong 08 số quỹ đã lần lượt chấm dứt hoạt động,
giá cổ phiếu của 4 quỹ đầu tư còn lại sụt giảm và chỉ được giao dịch trên 43-48% giá trị tài
sản ròng. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do thiếu thị trường đầu tư, bởi suốt từ
năm 1992-1998, cả nước chỉ có 38 doanh nghiệp tư nhân được thành lập và 128 doanh
nghiệp nhà nước được cổ phần hóa.

Thời kỳ khủng hoảng và hậu khủng hoảng tài chính - tiền tệ Châu Á (1998-2000), các
dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài đổ vào châu Á bị chững lại và Việt Nam
cũng chịu ảnh hưởng chung của xu hướng này. Trong số 08 quỹ đầu tư kể trên đã có 06
quỹ rút khỏi Việt Nam, 01 quỹ thu hẹp trên 90% quy mô quỹ, chỉ còn duy nhất Quỹ
Vietnam Enterprise Investments Ltd được thành lập 7/1995 với quy mô vốn 35 triệu USD
(nhỏ nhất trong số 8 quỹ) là còn hoạt động. Suốt thời gian này, hoạt động FPI ở Việt Nam
hết sức mờ nhạt.
Những năm 2001-2009 chứng kiến sự phục hồi trở lại của dòng vốn FPI vào Việt Nam.
Sau 4 năm khủng hoảng tài chính tiền tệ Châu Á, làn sóng FPI thứ hai đã được khởi động
lại vào tháng 4/2002 với sự xuất hiện của quỹ Mekong Enterprise Fund. Những nỗ lực và
quyết tâm của Chính phủ trong cải cách kinh tế nói chung và trong việc cổ phần hóa các
doanh nghiệp nhà nước nói riêng đã thổi một làn gió mới vào các hoạt động đầu tư kể cả
đầu tư trong nước, FDI và hoạt động FPI.

Hoạt động giao dịch của các NĐTNN tại Sở GDCK TP.HCM giai đoạn 2001-2009

Khối lượng giao dịch (1 CK) Giá trị giao dịch (Tỷ đồng)
Năm Toàn thị
Toàn thị ĐTNN ĐTNN
ĐTNN (mua) ĐTNN (bán)
trường (mua) (bán)
trường
2001 7.900.522 161.600 45.000 537 12,1 2,4
2002 35.715.939 3.699.979 867.979 958 107,2 25,2
2003 26.822.600 3.176.020 331.910 481 79,7 6,0
2004 72.894.288 13.497.910 2.364.495 1.970 452,9 65,0
2005 94.846.187 11.941.248 4.515.127 2.784 425,7 144,5
2006 246.080.058 32.638.357 8.169.511 7.267 1.089,8 245,4
2007 2.389.522.805 513.754.396 348.566.437 263.055 66.616,1 43.131,4
2008 3.404.397.430 592.773.623 526.263.995 152.580 38.045,6 30.928,5
2009 6.278.179.829 1.171.643.133 891.124.454 429.632 106.829,2 74.548,5

Nguồn: Tổng hợp từ Website của Sở GDCK TP.HCM, http://www.hsx.vn.

Hoạt động giao dịch ngày càng sôi động của khối NĐTNN đã cho thấy sự quan tâm của
khối này đối với TTCK Việt Nam , đặc biệt vào năm 2007. Năm 2001, khối lượng giao
dịch và giá trị giao dịch của khối này chỉ chiếm tương ứng là 2,62% và 2,69% so với giao
dịch của toàn thị trường tại Sở GDCK TP. HCM thì đến năm 2007, con số này tăng gấp
18-20 lần, tương ứng đạt 36,09% và 41,72%. Điều này cho thấy sức hút mạnh mẽ của
TTCK Việt Nam kể từ sau thời điểm Việt Nam gia nhập WTO.

Tuy nhiên, bước sang năm 2008, do phải đối mặt với cuộc đại suy thoái kinh tế toàn cầu,
TTCK Việt Nam gặp phải sự sụt giảm khá sâu về giá trị của các cổ phiếu. Do đó, tuy khối
lượng giao dịch của các NĐTNN có tăng lên nhưng xét về giá trị giao dịch thì sụt giảm
khá nhiều so với năm 2007. Năm 2009, trái với những lo ngại về dư âm của cuộc khủng
hoảng, thị trường đã có sự khởi sắc trở lại cùng với sự gia tăng về khối lượng và giá trị
giao dịch của khối ngoại, lần lượt chiếm tương ứng là 32,86% và 45,21% so với giao dịch
của toàn thị trường.

Tỷ trọng quy mô giao dịch của NĐTNN tại Sở GDCK TP. HCM giai đoạn 2001-
2009

Tỷ trọng KLGD Tổng GTGD của Tỷ trọng GTGD


Tổng KLGD của
của nhà ĐTNN nhà ĐTNN của nhà ĐTNN
Năm nhà ĐTNN (1
CK)
(%) (tỷ đồng) (%)
2001 206.600 2,62 14,5 2,69
2002 4.567.958 12,79 132,5 13,83
2003 3.507.930 13,08 85,7 17,82
2004 15.862.405 21,76 517,9 26,29
2005 16.456.375 17,35 570,2 20,48
2006 40.807.868 16,58 1.335,2 18,37
2007 862.320.833 36,09 109.747,5 41,72
2008 1.119.037.618 32,87 68.974,2 45,21
2009 2.062.767.587 32,86 181.377,7 42,22

Nguồn: Tổng hợp từ Website của Sở giao dịch TP.HCM

Quy mô dòng vốn đầu tư gián tiếp giai đoạn 2001-2007

Đơn vị: Tỷ USD

Chỉ
2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009
tiêu
Vốn
0,02 0,03 0,07 0,17 1,19 1,9 6,3 5,7 5,2
FPI

Nguồn: Tổng hợp từ Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước

Trong giai đoạn 2001-2009, dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam đã có bước tăng trưởng đáng kể,
tăng mạnh nhất là năm 2007, đạt 6,3 tỷ USD. Dòng vốn FPI chảy mạnh vào Việt Nam trong giai đoạn này
chủ yếu là thông qua TTCK và bất động sản. FPI vào TTCK Việt Nam dần dần gia tăng từ quý III/2006
đến quý I/2008. Trong thời kỳ này, lượng vốn FPI đổ vào thị trường trái phiếu chiếm ưu thế (chiếm
khoảng 60% - 70%). FPI đã trở thành nguồn tài trợ chính cho lượng thiếu hụt ngoại tệ của Việt Nam. Tuy
nhiên, cần lưu ý rằng dòng vốn FPI mang tính đầu cơ cao và chảy mạnh vào Việt Nam với kỳ vọng mang
lại lợi nhuận nhanh chóng vì thế, có thể tạo nên rất nhiều bong bóng kinh tế.

Tỷ lệ FPI/FDI giai đoạn 2001-2009


Đơn vị: %

Chỉ tiêu 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009
Tỷ lệ
0,5 1,2 2,3 3,7 17,5 15,8 29,6 8.9 24,2
FPI/FDI

Nguồn: Tổng hợp từ Bộ Tài chính và tính toán.

Một số giải pháp thu hút và quản lý dòng vốn FPI

Thứ nhất, xây dựng và thực hiện chiến lược thu hút vốn và đầu tư có trọng điểm để phát
triển nền kinh tế

Thực tiễn phát triển TTCK Việt Nam (trong đó có việc thu hút đầu tư FPI) thời gian qua cho thấy, sự lúng
túng, bất cập trong hoạch định và thực hiện chiến lược, cũng như kế hoạch phát triển TTCK nói chung và
thu hút FPI nói riêng. Trong 15 - 20 năm tới, khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra hàng năm là 8 -
8,5%, nhu cầu vốn sẽ rất lớn, trong khi kênh huy động vốn truyền thống không thể đáp ứng được thì việc
thu hút FPI là rất cần thiết. Và, việc định hướng nguồn vốn này vào lĩnh vực gì để tạo nên sự bứt phá là
điều vô cùng quan trọng. Bởi, trong điều kiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung, của doanh
nghiệp nói riêng còn kém, yếu tố công nghệ còn nhiều bất cập, việc chọn hướng đầu tư đúng sẽ giúp Việt
Nam rút ngắn thời gian, nhanh chóng phát triển ngang bằng các nước trong khu vực. Lĩnh vực cần phải
ưu tiên hàng đầu là đầu tư cho công nghệ cao và đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Thực tế, việc này cũng
đã có định hướng của Chính phủ, song chưa có những chính sách khuyến khích thiết thực với những biện
pháp cụ thể có tính bứt phá nên chưa có sự phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, cũng cần hiểu rằng, đầu tư vào
khoa học công nghệ cao đòi hỏi nhiều vốn, thời gian thu hồi được vốn rất lâu, mức độ rủi ro cao nên cần
phải có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính đối với những nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này.

Thứ hai, tạo dựng hành lang pháp lý đầy đủ và đồng bộ để thu hút và quản lý nguồn vốn
này

Việc ban hành các văn bản pháp lý và cơ chế chính sách về FPI, trước hết là thể chế FPI
liên quan đến thị trường tài chính nói chung và đến nhà ĐTNN nói riêng phải được chuẩn
hóa với một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của
các nhà đầu tư cũng như các chủ thể liên quan.

Ngoài ra, cần tiến hành rà soát, hoàn chỉnh các quy định hiện hành, so sánh với các quy
định của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các quy định của WTO cũng như những cam kết
song phương và đa phương của Việt Nam nhằm đảm bảo một hành lang pháp lý an toàn,
ổn định và dài hạn, tạo điều kiện tốt cho các dòng đầu tư gián tiếp từ nước ngoài vào thị
trường trong nước.

Thiết lập các quy định cụ thể về mua bán, sáp nhập, hợp nhất các doanh nghiệp; quy
định về việc chuyển nhượng vốn và dự án giữa các nhà đầu tư; quy định về việc chuyển
đổi từ hình thức đầu tư gián tiếp sang đầu tư trực tiếp với sự tham gia quản lý điều hành
của NĐTNN; quy định về thủ tục phá sản, tái cấu trúc doanh nghiệp; quy định về quản lý
ngoại hối và mức độ tự hóa tài khoản vốn; quy định về việc kiểm soát các nguồn vốn vào
và ra trong những tình huống đặc biệt... Đó là những quan hệ kinh tế chắc chắn sẽ nảy sinh
trong quá trình thu hút và hoạt động của các luồng vốn đầu tư gián tiếp ở nước ta. Vì vậy,
cần phải được thể chế hóa bằng luật pháp càng sớm càng tốt.

Thứ ba, tăng cường tính minh bạch của TTCK và các doanh nghiệp cổ phần

Trước hết, cần xây dựng, triển khai áp dụng các chuẩn mực quốc tế về quản lý và điều
hành doanh nghiệp. Nhanh chóng ban hành quy chế về quản trị công ty niêm yết trên
TTCK, hệ thống công bố thông tin công khai theo các chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, áp
dụng các chuẩn mực về thông lệ tốt nhất trong quản trị công ty, tạo sự bình đẳng giữa các
doanh nghiệp tham gia TTCK. Các NĐTNN có tổ chức xem quản trị công ty như một tiêu
chuẩn cơ bản khi đưa ra quyết định đầu tư. Thông lệ quản trị công ty tốt tạo ra tính hiệu
quả của vốn đầu tư và hạn chế rủi ro. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức và xây dựng cơ chế
bắt buộc các doanh nghiệp phải áp dụng các chuẩn mực quản trị và điều hành, các bộ tiêu
chuẩn đạo đức nghề nghiệp theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, cần phải có những cơ chế
để đảm bảo sự thực thi của các quy định này. Bản thân các quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ
cũng phải tuân thủ các quy định này.

Tiếp đến, cần có những biện pháp triển khai đồng bộ hệ thống chuẩn mực kinh tế và kiểm
toán mới vào thực tế, biến chúng trở thành văn hóa kinh doanh của từng doanh nghiệp, làm
cầu nối thông tin giữa TTCK trong nước và thị trường quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho
các NĐTNN có đủ tự tin đầu tư vào Việt Nam. Hệ thống kế toán và công bố thông tin
hoàn thiện hơn sẽ giúp các NĐTNN đầu tư tốt hơn. Đồng thời, các quy định và quy chế
chuẩn hóa sẽ giúp hệ thống tài chính hiệu quả hơn, đặc biệt là khả năng chịu đựng các cú
sốc từ bên ngoài.

Thứ tư, xếp hạng tín nhiệm để thu hút đầu tư

Việt Nam cần phải coi định mức tín nhiệm như một công cụ hỗ trợ đầu tư, góp phần tăng
cường tính minh bạch, chất lượng của các công ty trong nước cũng như mức độ tín nhiệm
quốc gia của Việt Nam trong con mắt các nhà đầu tư quốc tế. Do đó, cần có biện pháp thúc
đẩy sự ra đời và hoạt động của các tổ chức phân hạng tín nhiệm của Việt Nam. Nhà nước
với vai trò “bà đỡ” cần đứng ra thành lập các tổ chức phân hạng tín nhiệm. Sau một thời
gian có thể chuyển đổi hình thức sở hữu thành các công ty cổ phần hoạt động độc lập kết
hợp với việc kêu gọi đầu tư với mô hình 100% vốn nước ngoài hoặc kết hợp hỗn hợp các
hình thức nêu trên

Trong điều kiện thị trường vốn Việt Nam còn nhỏ bé và định mức tín nhiệm còn là một
khái niệm hết sức mới mẻ thì các tổ chức định mức tín nhiệm ở Việt Nam chỉ nên triển
khai một số nghiệp vụ cơ bản, cần thiết cho sự phát triển của thị trường vốn trong
nước.Trước mắt, có 4 đối tượng cần được ưu tiên triển khai việc định mức tín nhiệm:
Một là, xếp hạng các công cụ nợ dài hạn, bao gồm việc xếp hạng tổ chức phát hành nợ dài
hạn và xếp hạng đợt phát hành nợ dài hạn. Xếp hạng tổ chức phát hành nợ liên quan tới
việc đưa ra đánh giá chung về năng lực của tổ chức phát hành nợ, của tổ chức bảo lãnh
hoặc cung cấp các hỗ trợ tín dụng nhằm đáp ứng các cam kết tài chính liên quan đến các
nhà phát hành nợ hoạt động trên thị trường tài chính Việt Nam. Còn xếp hạng đợt phát
hành nợ dài hạn là việc đánh giá khả năng của công ty hoàn trả vốn gốc và lãi vay.

Hai là, xếp hạng tiền gửi và khả năng tài chính của các ngân hàng thương mại quốc doanh
và thương mại cổ phần Việt Nam. Điều này liên quan tới khả năng của một ngân hàng có
thể đáp ứng đúng hạn các nghĩa vụ nợ của mình đối với các tổ chức hoặc cá nhân gửi tiền
trong và ngoài nước. Còn xếp hạng khả năng tài chính của ngân hàng liên quan tới đặc tính
an toàn và chất lượng hoạt động của một ngân hàng, thường tính tới các yếu tố như các chỉ
số tài chính cơ bản, giá trị mạng lưới hoạt động, sự đa dạng hóa tài sản đầu tư và cả các
yếu tố liên quan tới môi trường hoạt động của ngân hàng, triển vọng của nền kinh tế...

Ba là, xếp hạng các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn đã và đang tiến hành cổ phần
hóa, các doanh nghiệp đang niêm yết trên TTCK Việt Nam. Việc tiến hành định mức tín
nhiệm đối với các đối tượng này cần được coi là một điều kiện bắt buộc nhằm bảo vệ công
chúng đầu tư nói chung, vì đại bộ phận trong số họ còn chưa có đầy đủ kiến thức và kinh
nghiệm trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán.

Bốn là, xếp hạng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) của Việt Nam. Hiện SMEs chiếm
tới 95% tổng số doanh nghiệp Việt Nam và được coi là khu vực có nhiều tiềm năng phát
triển xen lẫn rủi ro cao. Một trong những vấn đề nghiêm trọng cản trở việc vay vốn ngân
hàng cho đầu tư phát triển của khu vực SMEs chính là sự thiếu minh bạch thông tin và
thiếu những nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy về tình hình tài chính của các SMEs. Vì
thế, việc xếp hạng các SMEs được coi là một bước đi quan trọng trong việc đem lại những
lợi ích cho chính các SMEs cũng như cho các tổ chức cho vay và sự phát triển nói chung
của kinh tế Việt Nam.

Thứ năm, thực thi chính sách mở cửa thu hút vốn

Trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến khuyến khích đầu tư nước
ngoài và đầu tư nói chung. Bao gồm: (1) Nới lỏng, tối đa hóa mức khống chế tỷ lệ nắm giữ
cổ phiếu, cổ phần, chứng khoán của các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài trong các doanh
nghiệp cổ phần Việt Nam hoạt động thuộc các ngành nghề, lĩnh vực cho phép đầu tư 100%
vốn trực tiếp nước ngoài; mở rộng tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài trong các doanh
nghiệp Việt Nam trên nguyên tắc đảm bảo mặt bằng chung về tỷ lệ tham gia giữa đầu tư
trực tiếp và đầu tư gián tiếp. (2) Thu hẹp đối tượng ngành nghề Nhà nước cần nắm giữ
100% vốn hoặc nắm giữ cổ phần chi phối. Nói cách khác, tiếp tục giảm nhanh các doanh
nghiệp và lĩnh vực hạn chế đầu tư nước ngoài (cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp),
trong đó có lĩnh vực dịch vụ trình độ cao như ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, điện lực,
hàng không, công nghệ thông tin và báo chí, điện ảnh. (3) Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa
các DNNN lớn và giảm thiểu tỉ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước cũng như của các nhà
đầu tư sáng lập trong các doanh nghiệp này. (4) Rà soát điều chỉnh, hoàn thiện các quy
định liên quan về việc chuyển đổi giữa các loại hình, phương thức đầu tư (gián tiếp - trực
tiếp, công ty trách nhiệm hữu hạn - công ty cổ phần...) một cách thuận tiện, nhanh chóng;
về các quy định thủ tục mua - bán, sáp nhập doanh nghiệp và tài sản doanh nghiệp; về việc
chuyển nhượng dự án và chuyển nhượng vốn giữa các nhà đầu tư (trong đó có sự chuyển
nhượng giữa các nhà đầu tư trong nước và NĐTNN). (5) Cần có chính sách ưu đãi đặc biệt
(trước hết là chính sách thuế và giảm chi phí đầu vào, chi phí vận hành) để phát triển các
công ty cổ phần đa sở hữu tổ chức theo quy mô tập đoàn kinh tế, công ty mẹ - con, hoạt
động xuyên quốc gia và các quỹ đầu tư, trong đó có quỹ đầu tư mạo hiểm và các quỹ đại
chúng, các quỹ đầu tư có vốn nước ngoài... Đảm bảo sự liên thông và hội nhập các định
chế và quy tắc, tiêu chuẩn vận hành, chất lượng hàng hóa trên TTCK Việt Nam với các
yêu cầu, tiêu chuẩn và xu hướng hoạt động chung của thị trường vốn khu vực, quốc tế.

Thứ nữa, phát triển các công ty quản lý quỹ, khuyến khích thành lập các công ty liên
doanh quản lý quỹ, lập văn phòng đại diện và cho phép lập chi nhánh công ty quản lý quỹ
nước ngoài tại Việt Nam. Khuyến khích lập các quỹ đầu tư nước ngoài để huy động vốn
đầu tư vào thị trường Việt Nam. Đa dạng hoá các loại hình quỹ đầu tư như quỹ đóng, quỹ
mở, quỹ dạng hợp đồng, quỹ đầu tư là pháp nhân...

Bên cạnh đó, thiết lập các chính sách bình đẳng về ưu đãi đầu tư, chính sách thuế, phí, lệ
phí giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chính phủ tiếp tục thực hiện bảo hộ tài sản
của các NĐTNN tại Việt Nam dưới mọi hình thức.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách tự do hóa tài khoản vãng lai để tạo điều kiện thu
hút nguồn từ nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển các nguồn thu nhập
hợp pháp của các nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài. Ở đây hệ thống ngân hàng đóng
vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát các giao dịch của tài khoản vốn.

Ngoài ra, tăng cường an ninh của hệ thống tài chính, thực hiện kiểm soát các dòng vốn khi
cần thiết. Tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và chính sách
thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan
ngân hàng - tài chính - chứng khoán trong việc quản lý các dòng vốn nhằm đảm bảo sự an
toàn, vững chắc và lành mạnh của hệ thống tài chính. Vì dòng vốn đầu tư gián tiếp di
chuyển giữa các quốc gia, các khu vực và mang tính toàn cầu nên sự hợp tác, phối hợp trên
không chỉ giới hạn trong nước mà phải mang tính quốc tế liên quốc gia, liên thị trường thì
mới có hiệu quả.

Thứ sáu, tạo sân chơi bình đẳng và tăng khả năng hấp thụ vốn FPI một cách hiệu quả

Rõ ràng, khả năng thẩm thấu vốn đầu tư gián tiếp của khối các doanh nghiệp nhà
nước được cổ phần hoá còn rất mỏng trong khi đây lại là khu vực có tiềm năng nhất. Vì
thế, muốn tăng khả năng hấp thụ nguồn vốn FPI phục vụ phát triển kinh tế, không có cách
nào khác là phải đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn. Đối với các
doanh nghiệp mà Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối, phải mạnh dạn bán cổ phần
rộng rãi kể cả cho các NĐTNN để vừa thu hút vốn từ bên ngoài, vừa là tiền đề để cải thiện
tình trạng lãng phí, trì trệ, kém hiệu quả của khối doanh nghiệp này. Song song với việc
đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, cần phải có biện pháp thúc đẩy các doanh nghiệp cổ
phần niêm yết trên sàn giao dịch và phát triển hoạt động giao dịch thứ cấp trên TTCK Việt
Nam. Đây sẽ là kênh thu hút vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài chủ chốt trong tương lai
khi TTCK của Việt Nam phát triển hơn. Bởi, ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư gián tiếp
nước ngoài là cổ phiếu của các công ty niêm yết, đặc biệt là các loại cổ phiếu có tính thanh
khoản cao. TTCK phát triển, sự đa dạng về chủng loại hàng hóa, quy mô lớn về giá trị thị
trường và tính thanh khoản cao của các loại chứng khoán hàng hóa chắc chắn sẽ hấp dẫn
các NĐTNN. Đó được xem là cầu nối hết sức quan trọng giúp các NĐTNN có thể nhanh
chóng tiếp cận được vốn trên thị trường đầu tư tiềm năng của Việt Nam.

Đối với khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước, để có thể tăng khả năng hấp thụ vốn
FPI trong dài hạn, cần thiết phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển
không những cả về số lượng, quy mô mà còn cả về trình độ quản lý, kỹ năng giao thương
và các mối quan hệ kinh tế quốc tế. Đây cũng đồng thời là xu hướng tất yếu khi gia nhập
WTO.

Thứ bảy, điều tiết sự di chuyển của dòng vốn đầu tư gián tiếp

Để điều tiết được sự di chuyển của dòng vốn FPI, người ta có thể áp dụng một loạt
các chính sách khác nhau từ điều tiết tỷ giá hối đoái, thắt chặt tài chính và kiểm soát vốn
cho tới việc điều tiết thận trọng đối với hệ thống ngân hàng và xây dựng hệ thống thu thập
và xử lý thông tin về sự di chuyển vốn nước ngoài ra và vào trong nước, bằng các biện
pháp hành chính hoặc mang tính thị trường hoặc kết hợp cả hai.

Việt Nam cần thận trọng trong việc thiết lập một hình thức điều tiết cụ thể (có thể là công
cụ tỷ giá, có thể là công cụ thuế...), song cần tránh gây ra sự hiểu lầm để dẫn đến việc nhà
đầu tư rút vốn ồ ạt, gây bất ổn cho thị trường tài chính.

Thứ bảy, tăng cường an ninh của hệ thống tài chính

Cần tăng cường sự vững chắc của hệ thống tài chính trong nước đảm bảo có khả năng
chống chọi những rủi ro, bất ổn gây ra từ các dòng vốn này thông qua việc tăng dự trữ
ngoại tệ của quốc gia, nâng cao chất lượng các khoản đầu tư và chất lượng tài sản, phát
triển các sản phẩm và các dịch vụ thị trường. Muốn vậy, cần tăng cường phối hợp giữa
chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và chính sách thu hút vốn FPI; nâng cao sự phối hợp
giữa các cơ quan ngân hàng - tài chính - chứng khoán trong việc quản lý các dòng vốn
nhằm đảm bảo sự an toàn, vững chắc và lành mạnh của hệ thống tài chính.
Bên cạnh đó, áp dụng các biện pháp kiểm soát các dòng vốn vào và dòng vốn ra trong
những trường hợp cần thiết nhằm giảm áp lực đối với tỷ giá thực tế, đối phó với các biểu
hiện méo mó của thị trường tài chính hoặc giảm tính dễ dịch chuyển của vốn gây mất ổn
định kinh tế.

Ngoài ra, việc quản lý rủi ro, bảo vệ tài sản khách hàng, tăng cường năng lực quản
trị công ty, quản lý các nhà đầu tư quốc tế cũng như năng lực của hệ thống quản lý nhằm
đảm bảo khả năng giám sát và can thiệp khi cần thiết là những điều rất quan trọng cho việc
đảm bảo an toàn của thị trường.

Các biện pháp nêu trên liên quan đến nhiều lĩnh vực từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đến
ban hành thể chế, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát... Để thu hút FPI có hiệu quả, và
quản lý được nguồn vốn này cần sự nỗ lực cao của nhiều Bộ, ngành trên cơ sở nhận thức
rõ rằng: hiệu quả của FPI luôn đi kèm những thách thức nảy sinh từ chính FPI.

You might also like