You are on page 1of 8

DÂY CHUYỀN CÔNG NGHỆ XỬ LÝ NƯỚC RÁC TẠI MỘT SỐ ĐÔ

THỊ VIỆT NAM

GS. TS Trần Hiếu Nhuệ


Trung tâm Kỹ thuật Môi trường Đô thị và Khu Công nghiệp
Trường Đại học Xây dựng

Trong thập kỷ này vấn đề chất


thải rắn đô thị ở Việt Nam đã
được Nhà nước ta, các nhà quản
lý, các nhà hoạt động khoa học
chuyên môn và toàn thể cộng
đồng quan tâm, vì chất thải rắn là
một trong những nguồn gây ô
nhiễm môi trường quan trọng,
gây nguy hại đến sức khoẻ cộng
đồng, làm mất cảnh quan, mỹ
quan và sinh thái đô thị,...

Từ trước tới năm 1998, chúng ta chưa xây dựng được bãi chôn lấp nào
đúng quy cách, hợp vệ sinh. Năm 1996 Bộ Xây dựng đã ban hành quy
phạm thiết kế, xây dựng, vận hành và kiểm soát bãi chôn lấp hợp vệ
sinh. Tới năm 1998 - 1999, chúng ta đã có định hướng và chiến lược
về quản lý chất thải rắn đô thị, chất thải rắn nguy hại và mới đây năm
1999 Bộ Y tế đã ban hành quy chế quản lý chất thải y tế. Trong mấy
năm gần đây hàng loạt dự án về bãi chôn lấp hợp vệ sinh đã, đang
được thực hiện tại Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí
Minh, Cần Thơ, ... Đó là những bước tiến quan trọng trong việc quản lý
chất thải rắn ở nước ta.

1. Vấn đề thu gom rác từ những bãi chôn lấp hợp vệ sinh.

Nước rác hay nước rò rỉ trong bãi thải là loại chất lỏng thấm qua các
lớp rác của các ô chôn lấp và kéo theo các chất bẩn dạng lơ lửng, keo
và tan từ chất thải rắn vào tầng đất ở dưới đáy bãi chôn lấp.

Nước rác hình thành từ nhiều nguồn gốc khác nhau và bao gồm: nước
có sẵn trong rác; nước ngầm dâng lên từ dưới đáy, nước từ ngoài thấm
qua thành vách các ô chôn lấp; nước từ khu vực khác chảy tới; nước
mưa từ bản thân khu vực chôn lấp và từ khu vực khác chảy tới.
Trong đa số trường hợp nước rác bao gồm phần dịch lỏng tạo thành từ
quá trình phân huỷ chất thải rắn và phần nước từ bên ngoài thấm vào
như nước mặt, nước mưa và nước ngầm. Phần dịch lỏng qua lớp chất
thải rắn đang bị phân huỷ bao gồm tất cả những sản phẩm phân huỷ
sinh học và hoá học. Những sản phẩm này bị lôi cuốn bởi dòng nước
thấm từ ngoài vào.

Hệ thống thu gom nước rác thải được thiết kế sao cho có thể thu gom
toàn bộ nước rác từ đáy bãi chôn lấp và tập trung, dẫn về khu xử lý
trước khi xả ra nguồn tiếp nhận nhưng với lượng nước ít nhất có thể.
Nếu nước rác được dẫn ngay ra trạm xử lý thì sẽ không có nước đọng
lại trong lớp rác và áp suất tạo ra đối với lớp chống thấm là thấp nhất.
Hệ thống thu gom nước rác tại bãi chôn lấp Nam Sơn, huyện Sóc Sơn,
Hà Nội bao gồm:

1) Ống chính tổng thể thu gom, tập trung toàn bộ nước rác từ ống dọc
của từng ô.

2) Ống dọc, thu gom nước rác từng ô. Ống này được đặt dọc nền đáy
từng ô chôn lấp và nằm trên tầng chống thấm của đáy ô chôn lấp hoặc
trên màng tổng hợp chống thấm.

3) Mạng lưới ống nhánh thu nước rác được đặt ở bên trong từng ô để
thu gom nước rác trên toàn bộ đáy mỗi ô chôn lấp. Mạng lưới đường
ống nhánh có đường kính tối thiểu 150 - 200mm, độ dốc tối thiểu 1%,
ống dọc và ống nhánh đều là những ống có khoan lỗ.

4) Các ống đứng được nối với các ống dọc và mạng lưới ống nhánh và
sẽ được nối cao dần khi chiều cao lớp rác được đổ dầy thêm. Tổng
chiều cao lớp rác giai đoạn 1 của bãi chôn lấp Nam Sơn là 26m. Khi
giai đoạn 2 đưa vào vận hành, cột rác của giai đoạn 1 và 2 sẽ tăng tới
36m. Như vậy ống đứng có chức năng là những ống thông khí. Ngoài
ra khi chiều cao lớp rác được đổ khá lớn, tuỳ thuộc khả năng thấm
nước của các lớp rác và các lớp đất phủ, người ra có thể đặt thêm các
ống thu gom nước rác trung gian theo chiều cao. Mạng lưới ống thu
gom nước rác này còn có chức năng thông khí cho bãi rác.

5) Lớp vật liệu lọc bằng sỏi bao quanh đường ống thu gom nước rác
sao cho nước rác tự chảy nhanh nhất xuống hệ thống ống thu gom.

6) Ngoài ra còn có hồ chứa nước rác và trạm bơm nước rác đến trạm
xử lý.

Theo không gian và phương thức thu gom người ta phân biệt:
Rãnh thoát nước mưa và nước mặt: Có thể là rãnh hở hoặc rãnh kín,
được bố trí xung quanh bãi. Chức năng của nó là thu gom nước mưa
và nước mặt không cho chảy vào bãi rác đồng thời thu gom nước rác
không cho chảy vào nguồn nước mặt hay nước ngầm mạch nông.
Những bãi chôn lấp rác đã có hệ thống thu gom nước rác ở đáy, cũng
phải có rãnh thoát nước xung quanh.

Trong trường hợp bãi chôn lấp rác nổi thì rãnh thoát nước có thể thay
thế hay kết hợp với hệ thống thu gom và thoát nước đáy.

Bơm nước rác từ giếng lên: Việc thu gom nước rác bằng bơm từ các
giếng ở trong hay xung quanh bãi là phương thức khá phổ biến ở
những bãi chôn lấp rác hiện đang hoạt động vì ở đó không có hệ thống
thu gom nước rác đáy hoặc yêu cầu phải bổ sung thêm. Nhược điểm
của phương thức thu gom này là nước ngầm bị ô nhiễm và phải bơm
cả hỗn hợp nước rác thấm từ trên các lớp rác với nước ngầm, do đó
khối lượng nước phải bơm và xử lý rất lớn.

Hệ thống thu gom và thoát nước đáy: Đây là hệ thống có diện tích thu
gom khá lớn. Hệ thống này có thể là mương rãnh xây và đậy tấm đan
có lỗ hoặc ống khoan lỗ. Đối với bãi chôn lấp Nam Sơn là hệ thống ống
khoan lỗ như trên đã mô tả.

2. Thành phần tính chất nước rác.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới thành phần và tính chất nước rác như
bản chất của rác hay chất thải rắn; điều kiện môi trường bao quanh
như khí hậu, độ ẩm, thời gian, độ pha loãng với nước mặt, nước ngầm,
nước mưa,... Bảng 1 là thành phần nước rác theo quy định thiết kế,
xây dựng, vận hành và kiểm soát bãi chôn lấp phế thải sinh hoạt đô thị
TC 9423.

Bảng 1: Thành phần nước rác từ bãi chôn lấp rác sinh hoạt (mg/l trừ
pH) /1/

Bảng 2: Thành phần nước rác từ bãi chôn lấp Tây Mỗ

Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo và Tư vấn Môi trường (CERECE), Viện
Cơ học đã tiến hành phân tích thành phần nước rác ở Bãi chôn lấp rác
Tây Mỗ vào tháng 7 và 8 năm 1998 /2/ được thể hiện ở bảng 2. Kết
quả cho thấy: COD dao động trong khoảng 2.000 - 30.000 mg/l, hàm
lượng cặn lơ lửng trong khoảng: 200 - 1.000 mg/l, N-NH4 trong
khoảng 1 - 800 mg/l. Các nghiên cứu khác của thành phố Hồ Chí Minh
cũng cho những kết quả tương tự.
3. Công nghệ xử lý nước rác.

Các số liệu nghiên cứu cho thấy, nước rác rò rỉ chứa nhiều chất ô
nhiễm khác nhau. Mỗi loại nước rác, theo đặc điểm thành phần, tính
chất của nó, đòi hỏi phải có các phương pháp xử lý khác nhau. Theo
bản chất của mình, các phương pháp xử lý được chia ra:

- Phương pháp xử lý cơ học: Các lực trọng trường, lực ly tâm được áp
dụng để tách các chất không hoà tan ra khỏi nước thải. Phương pháp
xử lý cơ học thường đơn giản, rẻ tiền, có hiệu quả xử lý chất lơ lửng
cao. Các công trình, thiết bị xử lý cơ học thường dùng như song chắn,
lưới chắn rác, lưới lọc, bể lặng, bể lọc với vật liệu lọc là cát thạch
anh,... Nhiều khi để tách các chất lơ lửng không tan và dầu mỡ người
ra còn dùng bể tuyển nổi.

- Phương pháp xử lý hoá học: Sử dụng các phản ứng hoá học để xử lý
nước thải. Các công trình xử lý hoá học thường kết hợp với công trình
xử lý cơ học. Mặc dù có hiệu quả cao, nhưng phương pháp xử lý hoá
học thường đắt tiền và đặc biệt thường tạo thành các loại sản phẩm
phụ độc hại.

- Phương pháp xử lý sinh học: Với việc phân tích và kiểm soát môi
trường thích hợp, hầu hết các loại nước thải đều có thể được xử lý
bằng phương pháp sinh học. Mục đích của phương pháp này là keo tụ
và tách các hạt keo không lắng và ổn định (phân huỷ) các chất hữu cơ
nhờ sự hoạt động của vi sinh vật hiếu khí hoặc kỵ khí nhằm giảm nồng
độ các chất hữu cơ, giảm chất dinh dưỡng như nitơ và phôtpho. Có 5
nhóm chính: quá trình hiếu khí, quá trình anoxic, quá trình kỵ khí, quá
trình hiếu khí - anoxic - kỵ khí kết hợp, quá trình hồ sinh vật. Ưu điểm
của phương pháp này là rẻ tiền và có khả năng tận dụng các sản phẩm
phụ làm phân bón (bùn hoạt hoá) hoặc tái sinh năng lượng (khí
mêtan).

4. Nguyên tắc lựa chọn công nghệ xử lý nước rác.

Trong điều kiện thực tế ở Việt Nam, việc lựa chọn công nghệ xử lý
nước rác phải theo các nguyên tắc sau:

- Công nghệ xử lý phải đảm bảo chất lượng nước sau khi xử lý đạt tiêu
chuẩn xả vào nguồn. Nước sau khi xử lý có thể xả vào sông hoặc hồ
gần nhất,

ngoài ra có thể dùng cho trồng trọt.


- Công nghệ xử lý phải đảm bảo mức độ an toàn cao trong trường hợp
có sự thay đổi lớn về lưu lượng và nồng độ nước rò rỉ giữa mùa khô và
mùa mưa.

- Công nghệ xử lý phải đơn giản, dễ vận hành, có tính ổn định cao,
vốn đầu tư và chi phí quản lý phải là thấp nhất.

- Công nghệ xử lý phải phù hợp với điều kiện Việt Nam, nhưng phải
mang tính hiện đại và có khả năng sử dụng trong một thời gian dài.

- Việc lựa chọn công nghệ xử lý nước rác dựa trên các yếu tố sau:

+ Lưu lượng và thành phần nước rác.

+ Tiêu chuẩn thải nước rác sau khi xử lý vào nguồn.

+ Điều kiện thực tế về quy hoạch, xây dựng và vận hành của bãi chôn
lấp.

+ Điều kiện về địa chất công trình và địa chất thuỷ văn.

+ Điều kiện về kỹ thuật (xây dựng, lắp ráp và vận hành).

+ Khả năng về vốn đầu tư.

- Công nghệ xử lý phải có khả năng thay đổi dễ dàng khi áp dụng các
quá trình xử lý mới có hiệu quả cao.

- Công nghệ xử lý phải có khả năng tái sử dụng các nguồn chất thải
(năng lượng, phân bón...).

5. Lựa chọn công nghệ xử lý cho bãi chôn lấp Nam Sơn Hà Nội,
Thành phố Hạ Long và thành phố Đà Nẵng.

Ở Hà Nội, trên cơ sở nguyên tắc lựa chọn công nghệ, thành phần và
lưu lượng nước rác, điều kiện địa phương (khí hậu, kinh tế và kỹ
thuật...) hai sơ đồ công nghệ xử lý đã được lựa chọn để xử lý nước rác
cho bãi chôn lấp Nam Sơn giai đoạn 1.

Sơ đồ công nghệ truyền thống


(Hình 1). Đó là quá trình xử lý cơ
học kết hợp xử lý sinh học hiếu
khí trong bể aêrôten với bùn hoạt
hoá. Ưu điểm của sơ đồ này là
hiệu quả xử lý cao, dễ dàng vận hành vì là công nghệ truyền thống, cổ
điển, đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm ở các nước; nước sau khi xử
lý đạt tiêu chuẩn loại B theo TCVN 5945 - 1995. Tuy nhiên sơ đồ này
có những nhược điểm là tiêu tốn nhiều năng lượng; tạo nhiều bùn
loãng, vốn đầu tư và chi phí quản lý và vận hành lớn; phải vận hành
liên tục cả lúc không có nước đến; khả năng vận hành kém và cho hiệu
quả xử lý thấp lúc vượt tải.

Sơ đồ công nghệ (Hình 2) là sơ đồ


công nghệ sử dụng bể tuyển nổi
áp lực, kết hợp xử lý sinh học kỵ
khí với lớp bùn lơ lửng, dòng nước
hướng lên (bể UASB) và xử lý
sinh học hiếu khí trong bể aêrôten
với bùn hoạt hoá. Nước rác được
tập trung vào bể thu và nhờ bơm
đưa nước vào bể tuyển nổi áp lực.
Hiệu suất tách cặn lơ lửng ở bể tuyển nổi đạt cao hơn so với bể lắng,
tạo điều kiện tốt cho bể UASB hoạt động. COD của nước sau khi qua
bể UASB giảm từ 4.000 - 6.000 mg/l xuống khoảng 300 - 500 mg/l
đảm bảo tốt cho quá trình sinh học hiếu khí trong bể aêrôten. Nước
sau xử lý cũng thoả mãn yêu cầu xả ra nguồn theo tiêu chuẩn loại B.
Ưu điểm của sơ đồ này là tính ổn định cao, hiệu suất xử lý cao hơn, ít
tiêu tốn năng lượng đồng thời lại tạo khí tái sinh năng lượng, lượng
bùn tạo ra ít hơn, linh hoạt hơn khi tải lượng thay đổi theo hướng vượt
tải, về mùa mưa khi nồng độ chất hữu cơ trong nước rác thấp chỉ cần
vận hành bể UASB, có khả năng thay đổi công nghệ và ứng dụng các
quá trình xử lý hiện đại khi cần thiết cải tạo. Tuy nhiên vì bể UASB là
loại công nghệ mới và việc vận hành khởi động đưa công trình vào
hoạt động đòi hỏi thời gian lâu và tay nghề vận hành cao.

Trên cơ sở xem xét hai sơ đồ công nghệ trên, để xử lý nước rác ở bãi
chôn lấp Nam Sơn đã chọn sơ đồ 2 để áp dụng cho giai đoạn 1. Trên
cơ sở kinh nghiệm vận hành của giai đoạn 1, hướng cho giai đoạn 2
cũng sẽ lựa chọn sơ đồ công nghệ này.

Công suất của trạm xử lý giai đoạn 1 là 400m3/ngđ

Các thông số kỹ thuật chính của trạm xử lý giai đoạn 1:

Bể tuyển nổi áp lực:

- Thùng áp lực: D x H = 1,2 x 2,0m


- Bể tuyển nổi: B x L x H = 1,5 x 3,5 x 2m. - Máy bơm: Q = 16 -
20m3/h; H = 3 - 3,5 atm

- Máy nén khí: Q = 8m3/h; H = 6 atm

Bể UASB: 8 bể mỗi bể kích thước:

- Bể UASB: D x H = 2,4 x 6,0 m

Thiết bị điều áp

- Máy bơm: Q = 17m3/h; H = 1,0 atm

Bể AÊRÔTEN: 4 bể

- Mỗi bể kích thước: B x L x H = 2,4 x 8,0 x 2,5 m

- Máy sục khí: số lượng 10, công suất mỗi máy 1 KW

Bể lắng đợt hai:

- Bể lắng (4 bể)

kích thước mỗi bể: B x L x H = 2,4 x 8,0 x 2,5 m

- Bơm bùn: Q = 120 m3/h; H = 6m

Toàn bộ công trình được thiết kế bằng thép Inox dạng thùng container
để dễ vận chuyển và sử dụng cơ động.

* Tại thành phố Hạ Long và thành phố Đà Nẵng thì chọn phương pháp
xử lý nước rác bằng phương pháp hoá học (Vôi trộn) kết hợp xử lý sinh
học ở hồ kỵ khí trong điều kiện tự nhiên. Tuy nhiên các dự án này còn
đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

6. Kết luận:

- Đây là một bước tiến mới trong việc quản lý chất thải rắn của Hà Nội,
Hạ Long, Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung. Hà Nội đã mạnh
dạn áp dụng công nghệ mới trong việc xử lý nước rác ở bãi chôn lấp.

- Tuy nhiên đây mới là bước đầu và trong giai đoạn thử nghiệm. Chúng
ta còn phải mất nhiều công sức trong việc vận hành, khảo sát, nghiên
cứu để xác định, lựa chọn những sơ đồ công nghệ phù hợp cũng như
xác định các tham số tính toán công nghệ cho các trạm xử lý nước rác
nói riêng và xử lý nước thải đô thị và công nghiệp nói chung.

Tài liệu tham khảo

1. Quy định thiết kế, xây dựng, vận hành và kiểm soát bãi chôn lấp
phế thải sinh hoạt đô thị. TC 9423 - Bộ Xây dựng. Hà Nội 1996.

2. Báo cáo khảo sát mô hình, chọn sơ đồ dây chuyền công nghệ xử lý
thích hợp nước rò rỉ từ bãi chôn lấp rác tại Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội.
Trung tâm nghiên cứu, đào tạo và Tư vấn Môi trường (CERECE), Hà
Nội tháng 9-1998.

3. Dự thảo Chiến lược quản lý chất thải rắn đô thị và khu công nghiệp
Việt Nam. Bộ Xây dựng, Hà Nội tháng 9 năm 1998.

4. Dự thảo nghiên cứu tiền khả thi bãi chôn lấp Nam Sơn giai đoạn 2
và hệ thống trung chuyển rác thải. Nippon Koe Co. Ltd - Ex-
Corporation - tháng 10 năm 1999.

5. Báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án xây dựng các bãi
chôn lấp chất thải rắn ở Thành phố Đà Nẵng. Công ty GHD - KINHILL
(Ôxtrâylia) và Công ty Tư vấn Cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam
(VIWASE) - Công ty Môi trường Đô thị TP. Đà Nẵng. Tháng 4-1998.

6. Báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án xây dựng các bãi
chôn lấp chất thải rắn ở thành phố Hạ Long. trung tâm Tư vấn và Công
nghệ Môi trường - Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Công ty Môi trường Đô thị, tỉnh Quảng Ninh. Tháng 10 - 1998.

You might also like