You are on page 1of 15

http://truongnhantuan.ifrance.

com/pierre
-bernard%20lafont%20bien%20gioi
%20tren%20bien.htm
I - Biên-giới trên Biển của Việt-Nam
[La frontière maritime du Vietnam, Pierre-Bernard Lafont, trong quyển Les Frontières du
Vietnam do P.B. Lafont làm chủ-biên, nxb Harmattan, Paris 1989, trang 235-243; Les
archipels Paracels et Spratley (Un conflit de frontières en Mer de Chine Méridionale),
cùng tác-giả, trang 244-260. Trương Nhân Tuấn lược dịch]

Bờ biển Việt-Nam dài khoảng 2500 cây số, trải dài từ vĩ-tuyến 8° 30’ đến vĩ-tuyến 23°
16’ Bắc. Phía Ðông-Bắc tiếp-giáp vịnh Bắc-Bộ, phía Ðông tiếp-giáp Biển-Ðông (Trung-
Hoa gọi là Nam-Hải, thế-giới gọi là biển Nam Trung-Hoa) và bờ phía cực Tây-Nam thì
giáp vịnh Xiêm-La.
Chúng ta đã biết theo Lin Yi Ji, từ khoảng cuối thế-kỷ thứ 5 đã có nhiều thương-thuyền
đi dọc bờ biển của nước Chàm1, Biển-Ðông vì thế đã có nhiều thuyền-bè qua lại. Nhưng
nếu ta tìm trong những sử-liệu của Chàm, của những thương-buôn Trung-Hoa, của Việt-
Nam hay của thương-buôn các nước Tây-Phương, từ thế-kỷ thứ 18, thì dường như đã
không ghi lại một chi-tiết nào liên-quan đến khái-niệm chủ-quyền về biển ở Biển-Ðông.
Người ta cũng không tìm thấy qua các bản-đồ của Ả-Rập, Bồ-Ðào-Nha hay Hòa-
Lan2 hay trong những nhật-ký hải-hành, bất-kỳ một hình-thức công-bố về chủ-quyền của
một nước nào về Biển Ðông, là vùng biển bao-bọc nơi đây. Nếu việc công-bố chủ-quyền
vùng biển này đã có thể xãy ra thì trong các quyển nhật-ký hải-trình của các tàu-bè qua
lại nơi đây đã không thể không ghi lại, đặc-biệt tại vùng cận bờ của Chàm và Việt-Nam,
bởi vì cho đến cuối thế-kỷ thứ 17, tất cả tàu-bè đi từ Poulo Condor cho đến Quảng-Ðông
(Canton) đều đi theo chung một hải-trình: đi dọc theo bờ biển của hai nước nầy cho đến
khoảng vĩ-tuyến thứ 15, mà không bao giờ mạo-hiểm đi ra ngoài biển khơi, vì họ tin-
tưởng rằng ở ngoài khơi cách bờ khoảng 200 dặm có một vùng rộng lớn có đá ngầm
nguy-hiểm.
Việc nầy cho thấy rằng từ thời-kỳ xa-xưa cho đến góc tư cuối của thế-kỷ thứ 19, giới-hạn
lãnh-thổ của các xứ trong vùng tiếp-giáp vùng cực Tây của Biển-Ðông, thì có lẽ ngừng
lại ở đường cận-duyên dọc theo bờ biển hay cận các hải-đảo. Nhưng, từ cuối thế-kỷ thứ
18, thì người ta thấy rằng triều-đình Việt-Nam đã phản-đối việc nhiều nhóm thuyền-bè
của Trung-Hoa cặp bến ở các vùng bờ biển Việt-Nam, thí-dụ như vào năm 1832 vua
Minh-Mạng đã từ-chối sự đề-nghị của chính-quyền Quảng-Ðông cho phép chiến-thuyền
của Trung-Hoa vào dẹp bọn cướp biển Tàu đóng sào-huyệt trên các vùng biển Việt-Nam
và vào năm 1833 nhà vua cũng ra lệnh cho một nhóm thuyền đánh cá Trung-Hoa phải rời
khỏi vùng Vân-Ðồng. Một số các tác-giả vì thế cho rằng những nhà cầm-quyền thời đó
đã có một khái-niệm rõ-rệt về một lãnh-hải3. Tuy-nhiên không có tài-liệu nào trong sử-
sánh cho phép đặt giả-thuyết như vậy, nhưng những sử-gia trên vẫn giữ-nguyên quan-
điểm về sự hiện-hữu của một khái-niệm về lãnh-hải vào cuối thế-kỷ thứ 18. Những người
nầy dựa lên sự việc dân đánh cá Trung-Hoa bị phạm-tội đối với triều-đình Việt-Nam vì
thuyền-bè của họ đã đi vào vùng cận bờ của Việt-Nam. Nhưng dường như, lo-ngại về sự
phát-triển của vấn-đề di-dân hơn là về việc vi-phạm lãnh-hải, mà triều-đình Huế đã nảy-
sinh ra khuynh-hướng chính-trị chống lại thuyền-bè của dân Trung-Hoa.
Nhưng cho dầu thế nào thì quan-niệm hiện nay của Việt-Nam về một biên-giới trên biển
thì có nguồn-gốc mới đây, vì nó chỉ bắt đầu từ thời-kỳ Pháp-thuộc, nguyên-thủy đến từ
nước ngoài, bởi vì nó bắt nguồn từ tập-quán luật-lệ của Tây-Phương.
Vừa khi đặt chân tại Việt-Nam thì người Pháp đã lo-lắng về sự phân-định biên-giới trên
biển giữa thuộc-địa mới của họ với Trung-Hoa. Bởi vì trong vịnh Bắc-Việt, rải-rác có rất
nhiều đảo dùng làm sào-huyệt cho bọn cướp4. Bọn nầy không những chỉ tấn-công và
cướp bóc các tàu buôn ở ngoài biển khơi mà chúng còn mở ra các cuộc đánh phá trên bờ.
Bởi thế, mong muốn cho thuộc-địa mới của họ tránh xa bọn cướp nầy mà sự đông-đảo
của chúng đem lại từ sự hỗn-loạn thời đó đã làm khủng-hoảng nuớc Trung-Hoa, Pháp-
quốc muốn xác-định nhanh-chóng giới-hạn lãnh-hải của Việt-Nam và Trung-Hoa ở vịnh
Bắc-Việt. Vấn-đề nầy được nhập chung vào với công-việc thương-thảo về biên-giới giữa
hai bên Pháp và Trung-Hoa, cuối cùng đuợc cụ-thể hóa vào ngày 26 tháng 6 năm 1887
qua việc ký-kết một công-ước, được biết qua tên Công-Ước Constans, mà qua điều 2 của
nó, đường kinh-tuyến 105° 45’ kinh-độ Ðông so với kinh-độ Paris, có nghĩa là đường
kinh-tuyến 108° 03’ 18’’ kinh-độ Ðông Geenwich, là đường biên-giới trong vịnh Bắc-
Việt.
Nhưng chỉ rất lâu sau nầy Pháp-Quốc mới áp-dụng tại Ðông-Dương khái-niệm về lãnh-
hải. Thật vậy, tới năm 1926 lãnh-hải ở Ðông-Dương mới được phân-định, trước tiên là 3
hải-lý cách bờ, phù-hợp theo luật-lệ thời đó. Ðến năm 1936 lãnh-hải được tính là 10 hải-
lý, bắt đầu từ đường cơ-bản cận bờ.
Ở miền Nam, sau khi thiết-lập nền thuộc-địa tại Nam-Kỳ và nền bảo-hộ tại Cam-Bốt,
nước Pháp đã rất chậm-trễ trong việc phân-định biên-giới trên biển giữa Việt-Nam và
Cam-Bốt. Nắm cả hai xứ, nước Pháp đương-nhiên thấy không khẩn-cấp như là Việt-Nam
hay Cam-Bốt vì hai bên cùng dành chủ-quyền một nhóm đảo nhỏ cận bờ và đảo Phú-
Quốc. Những đảo nầy thì ở trong vùng nối dài của biên-giới trên bộ. Hơn nữa, phủ Toàn-
Quyền thấy không có lợi để giải-quyết việc nầy, nó có thể sẽ gây bất-mãn cho quốc-
vương Khmer, nước nầy dựa lên lịch-sử để dành chủ-quyền, hay gây sự phản-đối của cư-
dân Việt-Nam đang sinh-sống trên đó. Sau cùng, vấn-đề hành-chánh thúc-đẩy, ngày 31
tháng 1 năm 1939, Toàn-Quyền Brévié xác-định đường phân-định chia khu-vực biển
giữa hai xứ thuộc-địa Cam-Bốt và bảo-hộ Nam-Kỳ như sau: “một đường thẳng góc với
đường bờ biển tạo thành một góc 140 Grade với đường vĩ-tuyến Bắc... đường phân-dịnh
được xác-định như trên đi vòng qua phía Bắc đảo Phú-Quốc, cách những điểm cực Bắc
của đảo nầy 3 Km”. Nhưng qua thông-tri nầy ông Brévié cũng đã thận-trọng chính-thức
ghi thêm rằng đường nầy chỉ sử-dụng cho “hành-chánh và cảnh-sát” và nó không dùng để
phân-định giữa xứ thuộc-địa Nam-Kỳ và xứ bảo-hộ Cam-Bốt. Những vấn-đề lãnh-thổ
thuộc về xứ nào của các đảo phía trên và phía dưới đường nầy thì vẫn để nguyên-trạng.
Ðiều nầy có nghĩa sâu xa là đường nầy không phải là đường phân-định lãnh-hải giữa
Việt-Nam và Kam-Pu-Chia.
Tình-trạng nầy giữ nguyên như thế cho đến khi Việt-Nam dành lại được độc-lập. Trong
thời-kỳ chia đôi đất nước, nếu phe Việt-Nam Cộng-Hòa nhiều lần ra tuyên-cáo chính-
thức liên-quan đến vùng biển của họ thì Việt-Nam Dân-Chủ Cộng-Hòa (Bắc-Việt), chắc
là tập-trung vào chiến-tranh, đã có một thái-độ im-lặng về lãnh-hải ở Biển-Ðông. Thật
vậy, từ ngày cách-mạng tháng 8 năm 1945 cho đến lúc thống-nhứt đất nước, người ta
không thấy một tuyên-bố nào của VNDCCH về biên-giới trên biển. Họ chỉ xác-định lãnh-
hải là 12 hải-lý, tính từ bờ. Ngược lại, từ khi được thành-lập cho đến ngày sụp đổ, chính-
phủ VNCH đã xác định năm 1964 lãnh-hải 12 hải-lý tính từ bờ biển (nước ròng) trên đất
liền hay là bờ của các đảo do VNCH kiểm-soát hay thuộc chủ-quyền của VNCH. Sau đó
năm 1965, VNCH thành-lập một thêm “vùng tiếp-cận”, lãnh-hải mở rộng hơn 12 hải-lý
và trong vùng nầy VNCH cho cảnh-sát và quan-thuế tuần-tiểu. Năm 1972 VNCH tuyên-
bố một vùng đánh cá độc-quyền rộng 62 hải-lý và cho tàu chiến canh-phòng để can-thiệp
các tàu vi-phạm. Cuối cùng VNCH cũng xác-định thềm lục-địa của mình tương-ứng độ
sâu 200 thước, phù-hợp với công-ước Genève 1958.
Quan-hệ ngoại-giao giữa Sài-Gòn và Cam-Bốt mỗi lúc một tệ-hại, Chính-phủ VNCH
cũng nhìn-nhận chủ-quyền các đảo ở phía trên đường Brévié (văn-thư ngày 9 tháng 3
năm 1960), vì thế mở rộng lãnh-hải thêm trong vịnh Thái-Lan nhờ diễn-dịch nội-dung
của thông-tri 31 tháng 1 năm 1939 của ông Brévié theo ý của mình.

Tình-trạng hiện-thời của biên-giới.


Sau khi Hoa-Kỳ rút khỏi Nam VN thì Hà-Nội mới bắt đầu mong-muốn phân-định chính-
thức với Trung-Hoa đường biên-giới trong vịnh Bắc-Việt. Ðể làm việc nầy, Hà-Nội qua
một văn-thư đề-nghị với chính-quyền Bắc-Kinh vào ngày 26 tháng 12 năm 1973 để mở
cuộc thương-thảo “nhằm phân-định một cách chính-thức đường biên-giới giữa Việt-Nam
và Trung-Hoa trong vịnh Bắc-Việt”. Việc thương-thảo bắt đầu ngày 15 tháng 8 năm
1974, Hà-Nội đề-nghị với Trung-Hoa xác-định song-phương cửa vịnh và xác-định vĩnh-
viễn vùng biển thuộc về mỗi nước và việc nầy dựa trên Công-Ước Pháp-Thanh 1887.
Bắc-Kinh bác-bỏ đề-nghị nầy và tuyên-bố rằng công-ước được nhắc tên đã không xác-
định biên-giới trong vịnh Bắc-Việt mà nó chỉ phân-chia các đảo ở trong vịnh. Trung-
Cộng đề-nghị hai bên bắt đầu thương-thảo về việc phân-chia vịnh và Hà-Nội trả lời sẵn-
sàng ghi-nhận những ý-kiến của Trung-Cộng.

II - Quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa


(Cuộc tranh-chấp biên-giới ở Biển-Ðông)
Nguyên-thủy chữ Paracels là đến từ chữ parcels (récifs), có nghĩa là đá ngầm, ghi lầm
trên bản-đồ Bồ-Ðào-Nha (Portugal). Quần-đảo Paracels (Hoàng-Sa) và Spratley (tức
Trường-Sa) tọa-lạc ở Biển Ðông.
Quần-đảo Paracels, ngày xưa gọi theo tiếng Việt-Nam là Cát-Vàng hay Tây-Sa, hôm nay
gọi là Hoàng-Sa, hiện-thời ghi trên bản-đồ Trung-Hoa dưới tên Xisha. Quần-đảo nầy
gồm có 15 đảo cũng như một số dãi cát và đá ngầm. Nó kéo dài từ 15° 45’ đến 17° 05’
vĩ-tuyến Bắc và 111° đến 113° kinh-tuyến Ðông. Tại điểm gần nhất thì cách 170 dặm Ðà-
Nẵng và đảo Hải-Nam. Quần-đảo Spratley, ngày xưa được gọi theo Việt-Nam là Nam-Sa
và hiện nay là Trường-Sa, gọi theo Trung-Hoa là Nansha. Gồm có khoảng 100 đảo lớn
nhỏ rải-rác trong một vùng kéo dài từ 6° 50’ đến 12° vĩ-tuyến Bắc và từ 111° 30’ đến
117° 20’ kinh-tuyến Ðông, chiếm một diện-tích khoảng 160.000 cây-số vuông và trung-
tâm của nó thì ở giữa khoảng-cách hai bờ biển Việt-Nam và Phi-Luật-Tân.
Nhiều quốc-gia trong vùng Biển Ðông tranh-chấp hiện nay chủ-quyền trên hai quần-đảo
nầy. Quần-đảo Hoàng-Sa thì hoàn-toàn ở trong tay nước Cộng-Hòa Nhân-Dân Trung-
Hoa. Nước nầy dùng vũ-lực tấn-công quân-đội Việt-Nam Cộng-Hòa trấn giữ nơi đây để
chiếm Hoàng-Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974. Nước Cộng-Hòa Xã-Hội Chủ-Nghĩa Việt-
Nam lên tiếng nhìn-nhận chủ-quyền và đòi hỏi phải trả lại toàn-bộ. Ðài-Loan cũng lên-
tiếng đòi chủ-quyền. Quần-đảo Trường-Sa, các nước Việt-Nam, Phi-Luật-Tân, Ðài-Loan
và Mã-Lai chiếm-đóng một hay nhiều đảo, Việt-Nam dành chủ-quyền trên toàn-bộ các
đảo tại đây, cũng như Trung-Cộng và Ðài-Loan. Phi-Luật-Tân thì đòi hỏi tất-cả các đảo,
trừ một. Mã-Lai thì chỉ đòi hỏi các đảo ở phía Nam.
Tình-trạng vì thế rất phức-tạp. Người ta có thể đặt câu hỏi vì sao có tới bấy nhiêu các
nước lại quan-tâm đến những đảo san-hô không có người sinh-sống, đất-đai thì không
thích-hợp cho việc trồng-trọt, nước-nôi thiếu-thốn, còn chịu-đựng những điều-kiện thời-
tiết khắc-nghiệt (thống-kê từ năm 1911 dến 1965 cho thấy rằng trung-bình có tới 9,6 cơn
bão hàng năm trong vùng Biển Ðông) và xây-dựng một cách tốn-kém những công-sự
quân-độ tại các đảo mà họ đã chiếm. Chắc-chắn việc nầy không nhằm để bảo-vệ những
ngư-phủ lui tới đánh cá trong vùng nầy từ thời rất xa-xưa, hay là vì những mỏ
1
phosphates - ước-lượng khoảng 10 triệu tấn – có ở trên một vài đảo. Trọng-tâm vấn-đề
chắc-chắn phải có tầm quan-trọng khác.
Trước hết, tầm quan-trọng các đảo nầy là tự-tại. Thật vậy, các đảo không người sinh-sống
nầy 2 được các nước trong vùng quan-tâm vì lý-do vị-trí của nó, bởi vì sẽ dễ-dàng từ
Hoàng-Sa kiểm-soát việc thông-thương hàng-hải vùng phía Bắc của Biển-Ðông, và từ
Trường-Sa những hải-trình nối Thái-Bình Dương hay Ðông-Á với Ấn-Ðộ Dương. Việc
nầy giải-thích tại sao nước Pháp – lúc đó ở Ðông-Dương – đã chiếm đóng hai quần-đảo
nầy từ thập-niên 30 và vì sao mà quân-đội Nhật đã chiếm đóng trong khoảng thời-gian
Ðệ-Nhị Thế-Chiến. Khi cuộc-chiến nầy kết-thúc, sự phát-triển vượt bực của ngành hàng-
không cũng như những tiến-bộ về các kỹ-thuật quốc-phòng đã làm cho tầm quan-trọng về
chiến-lược của hai quần-đảo nầy tăng hơn. Bởi vì nước nào kiểm-soát hai quần-đảo nầy
không những kiểm-soát Biển Ðông mà còn sử-dụng chúng như những căn-cứ không-
quân chống lại các nước chung-quanh.
Sau gần ba thập-niên, sự phát-triển nhanh-chóng luật-lệ về biển và những khám-phá các
túi dầu khí có thể khai-thác được dưới thềm lục-địa của các đảo nầy đã làm cho vùng nầy
có thêm một tầm quan-trọng mới. Không những tranh-chấp chỉ vì các đảo, mà vì các đảo
nầy còn là phương-tiện để có thể đòi hỏi sở-hữu vùng biển bao quanh đảo. Thật vậy, luật
mới về biển cho phép các quốc-gia có chủ-quyền tại các hải-đảo hay quần-đảo có được
quyền sở-hữu về những nguồn tài-nguyên thiên-nhiên ở dưới nước (cá), dưới đáy biển
(nodules) hay dưới thềm đáy biển (dầu hỏa, khí đốt) thuộc các đảo nầy cho tới 200 dặm
tính từ bờ. Vì vậy các quốc-gia chung-quanh Biển Ðông khẳng-định chủ-quyền của mình
ở các đảo nầy, họ dựa lên lịch-sử, luật quốc-tế hay dựa lên công-ước liên-quan luật về
biển 1982 để công-bố lập-trường; nhiều bản-đồ của các quốc-gia được in ra, vẽ lại đường
biên-giới bao gồm luôn những vùng biển vào trong lãnh-thổ quốc-gia 4.
Sự quan-trọng về chính-trị, chiến-lược và kinh-tế của hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-
Sa lớn đến nỗi không có một sự nhìn-nhận chủ-quyền mà không gây những phản-đối dữ-
dội. Cũng vậy, những vấn-đề liên-quan tại đây thì được đưa vào trong một tranh-chấp
tổng-quát về biên-giới, việc nầy đã làm xấu đi những liên-hệ ngoại-giao trong vùng nầy.
Tranh-chấp gay-gắt nhất là tranh-chấp giữa Trung-Cộng và Việt-Nam, hai bên cùng dành
chủ-quyền trên toàn-bộ hai quần-đảo và đưa ra những chứng-cớ lịch-sử cũng như luật-
pháp.
Vấn-đề Hoàng-Sa và Trường-Sa đặt ra không giống nhau. Sẽ hợp lý nếu nghiên-cứu hai
vấn-đề này riêng rẽ với nhau.
****
Hoàng-Sa

Hoàng-Sa là vấn-đề tranh-chấp giữa Trung-Cộng và Việt-Nam. Sẽ hữu-ích khi nhắc lại
một vài chi-tiết trong hồ-sơ mà hai phía đưa ra để dành lẽ phải về mình.
Trung-Hoa dựa trên sự việc “khám-phá”, droit de la découverte, để cho rằng Hoàng-Sa
thuộc chủ-quyền của mình. Nếu sử-sách của Trung-Hoa có những dòng chữ lâu đời nhất
để mô-tả, dưới nhiều tên khác nhau 5, quần-đảo Hoàng-Sa - bộ Fu Nam Zhuan viết vào
thế-kỷ thứ 3 mô-tả đó là “những hòn đảo san-hô, trên những nền đá bằng phẳng”; bộ Nan
Zhou Yi Wu Zhi, cũng viết vào thế-kỷ thứ 3, xác-định vị trí những đảo nầy trên hải-trình
nối miền Hoa-Nam cho đến bán-đảo Mã-Lai, trong một vùng “nước không sâu” – thì
người ta cũng biết là những đảo đó cũng đã được ngư-nhân Tàu cũng như Việt-Nam lui
tới từ thời-kỳ xa-xưa nhất, như đã được ghi lại trong Phủ-Biên Tạp-Lục, viết vào thế-kỷ
thứ 18, khai-mào cho việc đối-thoại về vấn-đề biển cả.
Cho đến thế-kỷ thứ 18, ngược lại với những gì mà hai bên đã trình-bày, không có gì cho
phép để nói rằng quần-đảo thuộc về Trung-Hoa hay về Việt-Nam. Bởi vì không phải là
những cuộc thám-hiểm chính-thức của người Tàu như vào thế-kỷ thứ 13 với ông Shi-Bi
hay vào thế-kỷ 15 với thủy-sư đô-đốc Zheng-He - việc nầy đã được ghi lại tỉ-mỉ trong
Hai Gou Wen Jian Lu – đã đi ngang qua vùng biển, hay đi gần, đến quần đảo Hoàng-Sa;
hoặc là tại vì nhà Nguyễn đã gởi chính-thức hàng năm vào cuối mùa đông một đội thuyền
chèo để thu-nhặt ở đó những phẩm-vật của các tàu bị chìm như đã ghi trong Toàn-Tập
Thiên-Nam Tứ Chí Lộ Ðồ Thư - tiền bán thế-kỷ thứ 18 – hay trong Phủ-biên Tạp-Lục,
mà người ta có thể kết-luận quần-đảo nầy đã thuộc về nước nầy hay nước kia.
Ghi chú đầu tiên chỉ-định chủ-quyền của Hoàng-Sa thì tìm thấy trong một bản pháp-ngữ
(Lettres édifiantes et curieuses, Vol. III), là một nhà truyền-giáo đi ngang vùng biển nầy
vào năm 1701, trên chiếc thuyền mang tên “Amphitrite”, ghi lại vỏn-vẹn: “Le paracels est
un archipel qui dépend de l’empire d’Annam” mà không ghi chú thêm chi-tiết hay nguồn
tin nầy xuất-phát từ đâu. Riêng về những sử-liệu có thể được xem là một sự nhìn-nhận
chủ-quyền, phía Trung-Hoa được ghi lại trong Quangdong Tong Zhi, đệ trình lên vua
năm 1731, trong Wanzhou Zhi và Qiong-zhoufou Zhi, viết: “Wanzhou (một huyện thuộc
Hải-Nam) bao gồm Qianlichangsa và Wanlishitang (có thể là tên cũ của hai quần-đảo)”.
Về phía Việt-Nam, năm 1833, Ðại-Nam Thực Lục Chính Biên (đệ nhị kỷ, quyến thứ
104), ghi lại một biến-cố có thể xem như là một hành-động nhìn-nhận chủ-quyền tại quần
đảo Hoàng-Sa. Ðó là vào thời-điểm nầy, vua Minh-Mạng ra lệnh dựng một đền thờ thần
đảo trên đảo Bạch-Sa, dựng một bia đá và đóng cừ vùng đất nầy. Việc nầy chỉ được
hoàn-thành vào năm 1835 6. Vào năm sau, cũng do sách nầy ghi, vua Minh-Mạng ra lệnh
cho viên chỉ-huy lực-lượng thủy-quân lấy trắc-đồ Hoàng-Sa đồng-thời cắm trên 10 đảo
của quần-đảo nầy 10 mốc giới bằng gỗ, ghi trên đó như sau “vào năm Bính-Thân, tức
năm Minh-Mạng thứ 17, Thủy-Sư Ðô-Ðốc Phạm Hữu Nhật nhận chiếu-chỉ lãnh sứ-mạng
đi Hoàng-Sa để vẽ bản-đồ, đến đây cắm mốc nầy để ghi dấu muôn đời”. Từ lúc đó, mỗi
năm lại có gởi đoàn công-tác ra Hoàng-Sa, quần-đảo nầy vì vậy chính-thức chiếm đóng
và kiểm-soát bởi Việt-Nam, như Gutzlaff ghi: “We should not mention here the Paracels
(Katvang)... if the king of Cochichina did not claim these as his property... The Annam
government, perceiving the advantage wich it might derive if a toll was raised, kept
revenue cutters and a small garrison on the spot to collect the duty on all visitors, and to
ensure protection to its own fishermen7”. Việc đáng nói là trong cả thế-kỷ thứ 19, việc
sát-nhập nầy không hề gây một sự chống-đối nào từ Trung-Hoa.
Lúc mới đặt chân lên Ðông-Dương thì người Pháp không mấy quan-tâm đến Hoàng-Sa,
mặc dầu đã có lúc Trung-Hoa tuyên-bố chính-thức là quần-đảo nầy không thuộc về mình,
vào các năm 1895 và 1896, 8 các năm này có hai thuyền lớn bị đắm ở đây. Nhưng vào
tháng 6 năm 1909, nhân cơ-hội người Pháp lơ-là tại đây, Tổng-Ðốc Canton gởi một đội
ghe thuyền đến cắm cờ Trung-Hoa trên đảo nầy và ngày 20 tháng 3 năm 1921 ra sắc-lệnh
số 831, ban chỉ-đạo quân-đội Hoa-Nam sát nhập quần-đảo nầy vào Hải-Nam. Pháp không
lên tiếng gì về vấn-đề nầy, bởi vì theo công-ước 1896, Trung-Hoa đã từ bỏ quyền
thượng-quốc tại An-Nam mà quần-đảo nầy tùy-thuộc vào An-Nam. Ngược lại, vào năm
1931, lúc Trung-Hoa khai-thác các mỏ Phosphates tại đây thì Paris đã hai lần phản-đối,
dựa trên những lý-do đảo nầy thuộc Việt-Nam, là xứ bảo-hộ của Pháp. Trung-Hoa bác-bỏ
phản-đối của Pháp vào ngày 29 tháng 9 năm 1932, trả lời rằng nước Việt-Nam là chư-hầu
của họ lúc vua Gia-Long sát-nhập quần-đảo nầy vào Việt-Nam, lý-lẽ nầy đứng trên quan-
điểm luật-học thì không có một giá-trị nào. Nước Pháp vì thế sát-nhập hành-chánh quần-
đảo nầy vào tỉnh Thừa-Thiên. Pháp cũng đề-nghị với Trung-Hoa một trọng-tài giải-quyết
việc bất-đồng vào ngày 18 tháng 1 năm 1937, nhưng không được Trung-Hoa trả lời. Pháp
đổ quân chiếm đóng quần-đảo mà tại đây Trung-Hoa nhắc lại chủ-quyền của họ ở các
đảo đó.
Trong khoảng thời-gian Ðệ-Nhị Thế-Chiến quân-đội Nhật chiếm đóng Hoàng-Sa. Sau
khi đầu-hàng, theo các điều-khoản trong các thỏa-ước, Trung-Hoa có bổn-phận giải-giới
quân-đội Nhật tại quần-đảo nầy mà tại đó Pháp đã chiếm-đóng tạm-thời vào tháng 5 năm
1946. Sau đó, thấy Pháp không còn lên tiếng về các đảo nầy phe Trung-Hoa Quốc-Gia
(Tưởng Giới Thạch) đổ quân lên đảo Boisée (Phú-Lâm) ngày 7 tháng 1 năm 1947. Trước
hành-động nầy chính-phủ Pháp lên tiếng phản-đối - tích-cực hơn Tuyên-Ngôn tại Caire
ngày 27 tháng 11 năm 1943. Hội-nghị tại Caire được hội-đàm San Francisco năm 1951
tiếp-nối mà kết-quả hội-đàm nầy không hề ghi Hoàng-Sa và Trường-Sa là những vùng
đất bị quân-đội Mikado chiếm đóng phải trả lại cho Trung-Hoa. Tuy-nhiên, vì không
thành-công trong việc buộc Trung-Hoa phải rời khỏi nơi đây, Pháp mới gởi một đạo-quân
hỗn-hợp Việt-Pháp lên đóng tại đảo Hoàng-Sa (Pattle), việc nầy gây sự phản-đối mãnh-
liệt ở chính-phủ Tưởng Giới Thạch (tiếp-tục từ-chối một sự trọng-tài giải-quyết do Pháp
đề-nghị), cho đến lúc chính-phủ nầy sụp-đổ, dẫn đến việc thay-thế tại đây bằng quân-đội
Trung-Cộng vào tháng 4 năm 1950, và họ vẫn chiếm-đóng liên-tục ở đó.
Năm 1954, lúc rút khỏi Việt-Nam, quân-đội Pháp rời đảo Hoàng-Sa (Pattle) và được
quân-đội Việt-Nam Cộng-Hòa thay-thế tức-khắc sau đó.
Từ lúc đó, Trung-Cộng và VNCH cùng dành chủ-quyền trên toàn quần-đảo, trở thành hai
địch-thủ đối-đầu.
VNCH mở rộng sự kiểm-soát của mình trên những đảo khác thuộc nhóm Nguyệt-Thiềm
(Croissant), mà tại đây ngư-dân Tàu tiếp-tục tới đánh cá, đã gây ra nhiều căng-thẳng.
Song-song với những hoạt-động kiểm-soát, chính-quyền VNCH tổ-chức phân-bổ hành-
chánh Hoàng-Sa, làm như họ kiểm-soát hoàn-toàn vùng nầy. Sau đó, đặc-biệt là vào ngày
15 tháng 7 năm 1971, xác-định chủ-quyền của mình tại Hoàng-Sa, nhắc lại những lý-do
như đảo nầy đã từng do “Công-Ty Hoàng-Sa” khai-thác từ năm 1702, quần-đảo nầy có
trên bản-đồ VN từ 1834 do triều-đình Huế 9 thực-hiện, và Việt-Nam “thỏa-mãn tất-cả
những điều-kiện đặt ra do công-ước 1885, liên-quan đến vấn-đề chủ-quyền về lãnh-thổ”,
có nghĩa là có một sự chiếm-đóng thực-sự và có những tài-liệu chính-thức.
Sau khi Hoa-Kỳ rút quân, trong lúc cuộc tấn-công của quân miền Bắc vào miền Nam vẫn
liên-tục thì Trung-Cộng mở cuộc tấn-công vào ngày 19 tháng 1 năm 1974 lên các đảo do
quân-đội VNCH kiểm-soát, việc nầy đã gây một sự chống-đối liên-tục và vô cùng dữ-dội
ở bộ Ngoại-Giao VNCH, cho đến khi VNCH sụp-đổ.
Như vậy, khi mà CSVN chiếm được miền Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, Trung-
Cộng đã chiếm hoàn-toàn Hoàng-Sa.
Nhưng dường như cho đến thời điểm trên, mặc dầu bận-rộn trong công-việc “giải-phóng”
miền Nam, phe CSVN không hề quan-tâm đến những phần lãnh-thổ ở ngoài biển, thậm-
chí, nếu chúng ta dựa trên những lý-lẽ của Trung-Cộng, thì CSVN đã ba lần công-nhận
chủ-quyền của Trung-Cộng tại đó.
CSVN đầu tiên đã công-nhận vào năm 1956, dựa trên một tài-liệu do Bắc-Kinh công-bố
ngày 30 tháng 1 năm 1980, mà bản dịch tiếng Pháp được thấy trên Bản Tin Bắc-Kinh -
Beijing Information (N° 7, 1980, trang 22) ghi lại như sau:
“Ngày 15 tháng 6 năm 1956, thứ-trưởng bộ Ngoại-Giao Việt-Nam Dân-Chủ Cộng-Hòa là
Ung Văn Khiêm, tiếp-kiến Ðại-Sứ lâm-thời của Trung-Hoa tại Việt-Nam là Li Shimin,
chính-thức tuyên-bố như sau: “theo những tài-liệu mà Việt-Nam hiện có, những quần-đảo
Tây-Sa (Xisha) và Nam-Sa (Nansha), trên quan-điểm sử-học, thì thuộc về Trung-Hoa”.
Ông Lê-Lộc, chủ-tịch lâm-thời Châu-Á Sự-Vụ, cũng có mặt... đã nói rằng: “trên quan-
điểm lịch-sử, các quần-đảo Xisha và Nansha đã thuộc về Trung-Hoa từ thời nhà Tống”10.
Cũng theo Trung-Cộng, CSVN đã công-nhận lần thứ hai vào ngày 14 tháng 9 năm 1958
tiếp theo sự việc công-bố của Bắc-Kinh vào ngày 4 tháng 9 năm 1958. Lời công-bố nầy
được dịch ra tiếng Việt trên trang nhất tờ Nhân-Dân ngày 6 tháng 9 năm 1958. Người ta
đọc và thấy rằng Trung-Cộng quyết-định mở vùng biển nội-địa của họ lên 12 dặm và việc
mở rộng nầy áp-dụng cho toàn-bộ lãnh-thổ của Trung-Cộng, bao gồm luôn các “đảo
Bành-Hồ, Ðông-Sa, Tây-Sa (tên cũ Việt-Nam để chỉ Hoàng-Sa), Trung-Sa, Nam-Sa (tên
cũ của VN chỉ Trường-Sa) cũng như tất-cả những đảo khác thuộc Trung-Hoa...”. Từ việc
tuyên-bố nầy, thủ-tướng CSVN trả lời vào ngày 14 tháng 9 năm 1958: “Chúng tôi trân-
trọng thông-báo đến quí-vị rằng: Chính-Phủ nước Việt-Nam Dân-Chủ Cộng-Hòa ghi-
nhận và công-nhận tuyên-bố vào ngày 4 tháng 9 năm 1958 của nước Cộng-Hòa Nhân-
Dân Trung-Hoa liên-quan đến lãnh-hải của Trung-Hoa. Chính-Phủ nước VNDCCH tôn-
trọng quyết-định nầy và sẽ ra lệnh cho các cơ-quan liên-hệ phải triệt-đễ tôn-trọng vùng
biển nội-địa của Trung-Hoa được xác-định là 12 hải-lý trong mọi tương-quan trên biển
với Trung-Hoa. Thưa Ðồng-Chí Thủ-Tướng, xin nhận nơi đây lời chào trân-trọng của
tôi.”11
Cũng theo Trung-Cộng, CSVN đã công-nhận lần thứ 3, lúc cho đăng trên trang nhất tờ
Nhân-Dân, bài tuyên-bố bằng tiếng Việt như sau: “Chính-phủ của chúng ta tuyên-bố
rằng: Chủ-quyền của nước Việt-Nam thuộc về dân-tộc Việt-Nam. Chính-phủ Hoa-Kỳ
không được quyền đem quân vào chiến-đấu ở bất-kỳ một nơi nào thuộc lãnh-thổ Việt-
Nam, kể cả vùng biển kế-cận nước Việt-Nam”, bài báo nầy bắt đầu như sau: “Ngày 24
tháng 4 năm 1965, Tổng-Thống Hoa-Kỳ ông Johnson đã quyết-định rằng toàn-bộ lãnh-
thổ Việt-Nam và vùng biển của nước nầy tính từ bờ ra 100 hải-lý, cũng như một phần
lãnh-hải của Trung-Cộng trong quần-đảo Hoàng-Sa, sẽ quân-lực hoa-Kỳ xem như là
“vùng chiến-đấu” - “zone de combat”.”
Mặc dầu cơ-quan ngôn-luận chính-thức của đảng CSVN chỉ đăng lại trong tờ ra ngày 6,
tháng 9 năm 1958, lời tuyên-bố của Bắc-Kinh, và trong tờ số ra ngày 10 tháng 5 năm
1965 chỉ nhắc lại quyết-định của Tổng-Thống Hoa-Kỳ, vấn-đề là qua bài viết vào ngày
14 tháng 9 năm1958, hay qua bài tuyên-bố ngày 9 tháng 5 năm 1965, Hà-Nội đã không
công-bố một lời phòng-hờ (réserve) nào, và cũng không công-bố một bản điều-chỉnh nào
về hai bài viết công-nhận hai quần-đảo hoàng-Sa và Trường-Sa là của Trung-Hoa, việc
nầy có thể được hiểu như là CSVN mặc-nhiên nhìn-nhận các quần-đảo nầy thuộc Trung-
Hoa. Và Trung-Cộng không bỏ một dịp nào để khơi lên việc nầy trong tất-cả những văn-
thư chính-thức mà họ sẽ công-bố sau đó, tệ nhất là CSVN đã không lên tiếng gì qua lời
tuyên-bố của Trung-Cộng đúng 8 ngày trước khi tấn-công Hoàng-Sa, tức ngày 11 tháng 1
năm 1974, rằng Hoàng-Sa và Trường-Sa thuộc về lãnh-thổ Trung-Hoa và Trung-Cộng sẽ
không tha-thứ mọi hành-động xúc-phạm đến lãnh-thổ của họ.
Năm 1975, sau khi thống-nhứt được Việt-Nam, CSVN mới nghĩ đến việc xác-định biên-
giới của quốc-gia. Vấn-đề chủ-quyền ở các đảo nầy làm cho quan-hệ với Bắc-Kinh bị xấu
đi. Nhưng để không làm tan-rã sự đoàn-kết trong phe xã-hội chủ-nghĩa, hai bên không
bên nào tiết-lộ sự khác biệt nầy. Chỉ đến khi sự bất-đồng về lý-tưởng trở nên trầm-trọng
thì hai bên mới lên tiếng ám-chỉ, nhưng cố-gắng không đề-cập tới đối-tượng 12. Phải chờ
cho đến năm 1978, trong lúc ngoại-giao giữa hai nước đang ở bên bờ sự đỗ-vỡ, thì vào
ngày 30 tháng 12, có nghĩa là đúng 7 ngày sau khi quân Khmer đỏ đánh Tây-Ninh,
CSVN xác-nhận trước công-luận chủ-quyền của Việt-Nam tại Hoàng-Sa. Chỉ hai tháng
sau cuộc tấn-công của Trung-Cộng 17 tháng 1 năm 1979 qua lãnh-thổ Việt-Nam, CSVN
cho rằng Trung-Cộng không còn nằm trong khối xã-hội chủ-nghĩa đồng-thời đưa ra công-
luận quốc-tế những mâu-thuẫn về biên-giới với Trung-Cộng qua việc công-bố một giác-
thư thiết-lập lại những sự việc Trung-Cộng lấn đất của Việt-Nam từ năm 1954. CSVN tố-
cáo trong đó việc chiếm-đóng quần-đảo Hoàng-Sa “thuộc lãnh-thổ Việt-Nam”, “dân-tộc
Việt-Nam đã khám-phá và khai-thác”, trên quần-đảo nầy “Chúa Nguyễn hợp-thức hóa
chủ-quyền lãnh-thổ của việt-Nam”, trên quần đảo nầy “nước Pháp đã nhân-danh Việt-
Nam thành-lập hai đơn-vị hành-chánh và một trạm thời-tiết mà trạm nầy đã cung-cấp
không ngưng-nghỉ trong nhiều thập-niên những dữ-kiện cho Tổ-Chức Thời-Tiết Quốc-
Tế”. CSVN cũng đưa ra, như chính-phủ VNCH đã trình-bày, những quan-hệ lịch-sử lâu
đời chứng-minh quần-đảo thuộc Việt-Nam. Bản giác-thư nhấn mạnh trên vấn-đề là Việt-
Nam đã sử-dụng (exercer) liên-tục chủ-quyền của mình một cách rõ-ràng và không thể
chối cãi ở các đảo nầy.
Trung-Cộng phản-biện lại những lời tuyên-bố nầy vào ngày 26 tháng 4 năm 1979, vào
Ðại-Hội khoá hai Thương-Thuyết Việt-Trung, trong một “đề-nghị cơ-bản để giải-quyết
những liên-hệ giữa Trung-Hoa và Việt-Nam”, điểm 5 có ghi như sau: “Những quần-đảo
Xisha (tức Hoàng-Sa) và Nansha (Trường-Sa) luôn là một phần lãnh-thổ bất-khả chuyển-
nhượng của Trung-Hoa. Phía Việt-Nam sẽ trở lại quan-điểm cũ của mình đó là nhìn-nhận
sự việc nầy. Việt-Nam sẽ tôn-trọng chủ-quyền của Trung-Hoa tại hai quần-đảo nầy và rút
về tất-cả nhân-sự của họ đóng tại Nansha (Trường-Sa)”. Trả lời việc nầy, vào ngày 4
tháng 5 năm 1979, trưởng-đoàn thương-thuyết Việt-Nam cho rằng “đề-nghị” nầy chứa
đựng những đòi-hỏi “phi-lý và xất-xược” đó là đòi hỏi Việt-Nam phải chối bỏ chủ quyền
của mình trên hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa “mà chúng đã luôn luôn thuộc về
Việt-Nam”.
Ba tháng sau, ngày 30 tháng 7 năm 1979, Trung-Cộng công-bố trong một “Bạch-
Thư”, một số tài-liệu để bào-chữa cho sự chiếm đóng quần-đảo nầy và làm một bộ hồ-sơ
nhằm dựa lên đó để cho rằng Hoàng-Sa thuộc về họ. Việt-Nam trả lời ngày 7 tháng 8
năm 1979, qua hình-thức một “Bạch-Thư” khác nhằm phản-biện lại những lý-lẽ của
Trung-Cộng.
Từ đó, sự tranh-luận tiếp-diễn. CSVN phản-đối dữ-dội mỗi khi Bắc-Kinh có một quyết-
định liên-quan đến quần-đảo. Sự tranh-luận vẫn tiếp-tục trong những buổi họp của đại-
hội thương-thuyết vấn-đề giữa Việt-Nam và Trung-Hoa, hay là xuyên qua những hồ-sơ
được hai bên công-bố. Cuối cùng vào tháng 9 năm 1979, sự tranh-cãi đưa ra trước Liên-
Hiệp-Quốc cũng như trước những tổ-chức chuyên-ngành trực-thuộc cơ-quan nầy. Từ khi
Hội-Ðàm Hành-Chánh Quốc-Tế về Truyền-Thông của U.I.T, tổ-chức tại Genève vào
tháng 3 năm 1978 quyết-định rằng “những băng-tầng phân-bổ cho vùng 6 G chỉ được sử-
dụng độc-quyền cho những trạm hàng-không của Trung-Cộng”, dựa vào việc nầy Trung-
Cộng cho rằng đây là một sự công-nhận “thực-tại” - de facto – trên bình-diện quốc-tế
chủ-quyền của họ tại các quần-đảo.

Trường-Sa

Quần-đảo Trường-Sa thì có các nước Việt-Nam, Phi-Luật-Tân, Ðài-Loan và Trung-Cộng


cùng đòi chủ-quyền hoàn-toàn trên quần-đảo. Việt-Nam chiếm đóng những đảo trung-
tâm và các đảo thuộc về phía Tây, Ðài-Loan thì chiếm đảo Itu Aba, Phi-Luận-Tân thì
chiếm một số đảo ở trung-tâm và những đảo ở về hướng Ðông, riêng về Trung-Cộng thì
từ năm 1987 đã gởi chiến-hạm đến vùng biển nầy 13. Phe Mã-Lai thì chỉ đòi hỏi chủ-
quyền ở một đảo và hai vùng san-hô mà họ đã chiếm một vùng. Vấn-đề vì thế phức-tạp
hơn. Mặc khác, nơi đây những nước tranh-chấp đều chủ-trương chiếm-đóng và sẵn-sàng
bành-trướng ra phía trung-tâm - hay toàn-bộ - biển Ðông.
Những lý-lẽ mà Ðài-Loan – nhân-danh Trung-Hoa - dựa vào để dành chủ-quyền đó là
quyền khám-phá và việc ngư-dân Trung-Hoa đã lui tới vùng nầy từ nhiều thế-kỷ. Họ
cũng dựa vào việc sau khi Nhật-Bản đầu-hàng năm 1945 để tuyên-bố rằng hai quần-đảo
Hoàng-Sa và Trường-Sa thuộc về họ vì hai quần-đảo nầy được giao cho họ quản-lý.
Nhưng họ nói vậy không đúng vì trong Tuyên-Ngôn tại Caire năm 1943 cũng như Hiệp-
Ước Hòa-Bình 1951 không hề ghi như vậy. Vào thời đó Tưởng-Giới-Thạch chỉ được,
nhân-danh Ðồng-Minh, lãnh nhiệm-vụ giải-giới quân-đội Nhật-Bản ở về phía Bắc vĩ-
tuyến 16, việc nầy không có nghĩa những phần đất nầy thuộc về Trung-Hoa và cũng
không cho phép họ đổ quân tại Trường-Sa vì đảo nầy ở phía Nam vĩ-tuyến 16. Nhưng họ
Tưởng vẫn đổ quân vào đây và ở từ năm 1946 đến 1950.
Sau khi Tưởng-Giới-Thạnh chạy ra Ðài-Loan, xứ nầy tuyên-bố rằng quần-đảo Trường-Sa
thuộc về Trung-Hoa từ thế-kỷ thứ 15 và đổ quân chiếm đảo Thái-Bình (Itu Aba) (còn
chiếm đến hôm nay). Ngày 9 tháng 2 năm 1982 Ðài-Loan tuyên-bố chủ-quyền của mình
tại hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa, việc nầy VN có phản-đối mạnh-mẽ.
Về phần Phi-Luật-Tân, viện lý-do ở gần, tổng-thống Quirino năm 1951 đã tuyên-bố chủ-
quyền của Phi tại Trường-Sa, có tên Phi là Kalayan. Dựa lên lý-do gần-gũi địa-lý và lý-
thuyết “terra nullius”, Phi chiếm đóng 7 đảo, ngày 11 tháng 6 năm 1978 chính-phủ Phi
tuyên-bố chủ-quyền trên toàn quần-đảo Trường-Sa, ngoại trừ đảo Trường-Sa. Việt-Nam
và Trung-Cộng phản-đối mạnh-mẽ việc nầy.
Một vấn-đề khác, đó là sự tranh-chấp giữa Mã-Lai và Việt-Nam về đảo An-Bang (Caye
d’Amboine) và các bãi san-hô Commodore và Swallow. Ðảo ghi trên thì VN chiếm-đóng
nhưng bãi san-hô Swallow thì Mã-Lai chiếm-đóng. Hai nước đều dựa vào lý-do ở gần và
dựa lên luật về biển để cho rằng ba đảo nầy thuộc về mình. Nhưng hai bên cùng đồng-ý
rằng sẽ giải-quyết vấn-đề bằng đường-hướng ngoại-giao.
Việt-Nam thì tuyên-bố chủ-quyền trên toàn quần-đảo Trường-Sa sau khi đưa ra nhiều lý-
do, như ngày xưa ngư-dân VN đã từng tới-lui tại các đảo nầy, cũng như chúng đã được
vẽ trên bộ Ðại-Nam Nhất-Thống Toàn Ðồ. Vào thời-kỳ sau nầy, trước 1945, thì nước
Pháp, nhân-danh Việt-Nam, đã chiếm-hữu thực-sự quần-đảo Trường-Sa vào năm 1933,
việc làm nầy không gây phản-đối ở một nước nào, ngoại trừ chính-phủ Nhật-Bản14. Sau
đó Nhật-Bản có tuyên-bố ngày 31 tháng 3 năm 1939 rằng họ đã đặt các đảo dưới quyền
kiểm-soát của họ vào ngày hôm trước, nhưng Pháp đã phản-đối và việc nầy được Foreign
Office công-nhận trước Hội-Ðồng vào ngày 5 tháng 4 năm 1939, vì thế Pháp vẫn giữ
nguyên chủ-quyền của mình trên các đảo nầy. Vào thời-kỳ sau Thế-Chiến Thứ Hai, Việt-
Nam đặt căn-bản trên Hiệp-Ước Hoà-Bình ký tại San Francisco ngày 5 tháng 9 năm 1951
trên điều-khoản Nhật-Bản từ bỏ mọi đòi hỏi chủ-quyền của họ tại Hoàng-Sa và Trường-
Sa. Việt-Nam cũng dựa lên lý-lẽ địa-lý vì các đảo nầy ở gần và tuyên-bố rằng đảo gần
nhất thì ở trên thềm lục-địa Việt-Nam và cách bờ 200 hải-lý. Việt-Nam cũng dựa vào
những lý-do từ sự chiếm-hữu liên-tục và trên chúng-cứ lịch-sử. Hai quần-đảo Hoàng-Sa
và Trường-Sa sau khi Pháp rút lui thì được Việt-Nam Cộng-Hòa tiếp-thu vào tháng 8
năm 1956 - việc nầy Trung-Cộng có phản-đối – sau đó là chính-phủ Cách-Mạng Lâm-
Thời Miền Nam vào ngày 5 và 6 tháng 5 năm 1975, cuối cùng là do Cộng-Hòa Xã-hội
Chủ-Nghĩa Việt-Nam (chiếm-đóng các đảo ở trung-tâm và về phía Tây, gồm có đảo
Trường-Sa).
Trung-Cộng cũng dành chủ-quyền trên toàn quần-đảo Trường-Sa. Họ không những dựa
lên những lý-do về “quyền khám-phá” từ thế-kỷ thứ 11 cũng như ngư dân của họ tới lui
tại đây từ thời-kỳ xa xưa, nhưng họ cũng tuyên-bố rằng “những chính-quyền nối tiếp của
Trung-Hoa đã liên-tục kiểm-soát tại Hoàng-Sa và Trường-Sa” 15 . Trong những năm sau
nầy Trung-Cộng cũng dựa lên vị-trí địa-lý của quần đảo, họ tuyên-bố rằng Trường-Sa thì
ở trên thềm lục-địa của Trung-Hoa (tuyên-bố của bộ Ngoại-Giao Trung-Cộng ngày 21
tháng 7 năm 1980). Trung-Cộng cũng dựa lên công-hàm ngày 14 tháng 9 năm 1958 của
thủ-tướng Phạm Văn Ðồng về vấn-đề Hoàng-Sa cho rằng VN đã nhìn-nhận chủ-quyền
của Trung-Cộng tại Hoàng-Sa và Trường-Sa. Trung-Cộng cũng dựa lên sự việc xãy ra
vào tháng 10 năm 1955, tổ-chức hàng-không dân-sự quốc-tế đã yêu-cầu Ðài-Loan “củng-
cố thêm việc quan-sát thời-tiết trên đảo Nam-Sa” (Beijing Information, số 7 năm 1980,
trang 20), Trung-Cộng cho rằng đây là một hành-động của quốc-tế hàm-ý công-nhận chủ-
quyền của Trung-Cộng trên đảo nầy.
Tương-tự như trường-hợp của quần-đảo Hoàng-Sa, việc tranh-chấp về chủ-quyền tại
Trường-Sa vẫn tiếp-tục. Nếu việc nầy có ảnh-hưởng đáng kể lên sự ngoại-giao giữa Việt-
Nam và Trung-Cộng, nhưng sẽ không mấy đúng thực tế khi mỗi bên xác-nhận thường-
xuyên rằng sẽ thương-lượng những khác biệt với phe bên kia. Riêng về phần Ðài-Loan,
sự tranh-chấp giữa nơi nầy với Việt-Nam thì hai bên cương-quyết giữ-nguyên lý-lẽ của
mình. Ðối với Mã-Lai và Phi-Luật-Tân, những tranh-chấp với Việt-Nam chắc-chắn sẽ
được giải-quyết theo thời-gian bằng sự thương-lượng hòa-bình.
**
Sau khi tóm-tắt hồ-sơ của sự tranh-chấp, sẽ là hữu-ích đối-chiếu những lý-lẽ đã đưa ra từ
hai bên Trung-Cộng và Việt-Nam, bởi vì chỉ hai nước nầy đòi hỏi chủ-quyền trên toàn
hai quần-đảo16.
Theo luật quốc-tế, khái-niệm về chủ-quyền lãnh-thổ của một quốc-gia đã có những thay-
đổi, vì nó đã bước qua từ “quyền khám-phá” (droit de la découverte), đến sự chiếm-đóng
giả-định (occupation fictive), để đi đến nguyên-tắc chiếm-đóng thực sự (occupation
effective). Nhằm chứng-minh chủ-quyền của mình tại Hoàng-Sa và Trường-Sa, Trung-
Cộng dựa lên những lý-lẽ, vào thời-kỳ xa xưa, là quyền khám-phá. Việt-Nam đã phản-
bác lý-lẽ nầy trong quyển Bạch-Thư năm 1981 “về sự khám-phá của Trung-Hoa, nếu như
việc nầy đúng, thì nó cũng không có giá-trị pháp-lý nào để chứng-minh rằng, từ thời-kỳ
đó, những quần-đảo mà Trung-Hoa gọi là Tây-Sa (Xisha) và Nam-Sa (Nansha) thì thuộc
về chủ-quyền của Trung-Hoa” (trang 31), và trong hồ-sơ “Quần-Ðảo Hoàng-Sa và
Trường-Sa” ghi “giả-sử rằng người Trung-Hoa đã khám-phá thực-sự Hoàng-Sa và
Trường-Sa, ý-nghĩa nào người ta có thể dành cho sự việc nầy... Làm thế nào sự khám-phá
của một quốc-gia nào đó về một vùng đất lại có thể cho rằng nước đó duy-nhất có chủ-
quyền tại vùng đất nầy ? Mặc khác, có vô-số thuyền-bè của nhiều nước qua lại ở Biển-
Ðông ...”. Trung-Cộng cũng đưa ra lý-lẽ, liên-quan đến Hoàng-Sa, một lý-thuyết về sự
chiếm-đóng giả-định: “Trên những đảo Tây-Sa vẫn còn những miểu thờ âm-hồn vất-
vưỡng dựng lên vào thời nhà Minh và nhà Thanh17”. Việt-Nam phản-biện việc nầy viện-
dẫn lý-do là có nhiều dấu-vết về văn-hóa Trung-Hoa hiện-hữu ở mọi nơi tại các nước
Ðông-Nam Châu-Á và đây không phải là một nền-tảng pháp-lý về việc Trung-Hoa chiếm
đóng đảo nầy. Mặc khác, vua Minh-Mạng cũng có dựng ở đảo Hoàng-Sa một ngôi đền và
một bia đá đồng-thời trồng những cột mốc trên các đảo, và nước Pháp đã dựng vào năm
1938 một cột trụ chủ-quyền18. Trung-Cộng cũng nhắc lại sự việc năm 1909 đã đổ bộ lên
Hoàng-Sa trong vòng 24 tiếng đồng-hồ và trong thời-gian nầy hải-quân hoàng-gia đã cắm
một lá cờ lên một đảo tại đây. Việt-Nam trả lời bằng sự việc gởi lại bài viết của H.
Cucherousset19, theo đó sự việc nầy hoàn-toàn không có giá-trị - tương-tự như việc sát-
nhập năm 1921 - bởi vì chính-quyền địa-phương tỉnh Quảng-Ðông chưa bao giờ được
Pháp công-nhận như là một chính-quyền tự-trị và độc-lập. Trung-Cộng cũng viện-dẫn
thêm lý-lẽ về quần-đảo Hoàng-Sa, về sự chiếm-đóng thực-tế sau khi dựa lên những
khám-phá do những nhà khảo-cổ Trung-hoa ở đảo nầy đó là “dấu-vết sinh-sống từ thời
Tang (Tần) và Song (Tống)”, hay là giếng nước, miếu-đền và mồ-mả “có từ thời Minh
và Thanh”, có (bình, lọ) sứ làm từ Trung-Hoa và những đồng tiền đồng. Việc khám-phá
nầy làm động-lực cho tờ Nhân-Dân - Renmin Ribao - ngày 25 tháng 11 năm 1975, viết
rằng những vật trên góp phần chứng-minh rằng người Hoa đã sinh-sống trên các đảo nầy
từ một thời-kỳ xa xưa nhất. Việt-Nam trả lời việc nầy, thứ nhứt “về phương-diện khoa-
học, khoa khảo-cổ không có một vài-trò nào trong việc công-nhận hay phản-biện chủ-
quyền của một quốc gia về một vùng đất nào đó”, thứ hai là đời sống con người trên đảo
san-hô sẽ gặp rất nhiều khó-khăn thời-tiết và thổ-nhưỡng, chưa nói đến việc thiếu nước
ngọt, để mà có thể sống thường-trực, vì thế mà “Công-Ty Hoàng-Sa” không ở tại đây
suốt năm, và mặc khác, trong những cổ-sử của Việt-Nam cũng như những sử-liệu của
những nhà du-hành tây-phương thì ghi-nhận rằng những đảo nầy không người sinh-sống
mà chỉ có dân đánh cá lui tới.
Vào thời-kỳ hiện-đại thì Trung-Cộng chứng-minh chủ-quyền của họ tại Hoàng-Sa bằng
cách dựa lên những bộ địa-dư-chí xuất-bản dưới thời Minh và Thanh, theo đó Hoàng-Sa
thuộc về Trung-Hoa. Việt-Nam phản-đối việc diễn-giải của Trung-Cộng ở một vài trích-
dẫn, bằng cách dựa lên bộ địa-dư-chí chính-thức của Trung-Hoa năm 1842 mà theo bộ
nầy thì không hề nhắc đến các đảo trên, cũng như trên các bản-đồ của đế-quốc Trung-
Hoa các đảo nầy cũng không hiện-hữu. Mặc khác, Việt-Nam cũng đặt nghi-vấn về sự
hiện-hữu của những bản-đồ mà qua đó Trung-Cộng dựa lên làm chứng-cớ, nhưng Trung-
Cộng đã không công-bố những bản-đồ nầy. Trung-Cộng cũng đưa ra các bản-đồ do các
nước khác in ra, đặc-biệt là bản-đồ của Liên-Xô, Nhật-Bản và của các nước Ðông-Âu –
theo kiểu-mẫu của Bắc-Kinh – cho Hoàng-Sa và Trường-Sa những cái tên của Tàu và
chúng thì thuộc về Trung-Hoa. Việt-Nam ghi-nhận dữ-kiện nầy và cho rằng “lịch-sử của
các quần-đảo thì cực-kỳ phiền-phức”, nhưng một bản-đồ của Anh-Quốc năm 1969 thì
cho rằng các quần-đảo nầy thuộc Việt-Nam. Trung-Cộng công-bố một tài-liệu ngày 30
tháng 1 năm 1980, cho rằng các đảo mà Việt-Nam gọi là Hoàng-Sa và Trường-Sa chỉ có
thể là “những đảo và những cồn cát gần bờ biển miền Trung của Việt-Nam”, chúng
không phải là Nam-Sa và Tây-Sa mà Bắc-Kinh đề-cập. Trung-Cộng căn-cứ một mặt lên
bộ Hồng-Ðức Bản-Ðồ mà Việt-Nam có trích-dẫn, cho rằng người ta không thể từ bờ đi ra
Hoàng-Sa trong một ngày hay một ngày rưỡi, vì thế “đây là việc bất-khả cho thuyền
buồm” để đến Tây-Sa; một mặt Bắc-Kinh dựa lên bộ Phủ-Biên Tạp-Lục mà Việt-Nam
cũng có trích-dẫn để chứng-minh chủ-quyền, trong đó có ghi rằng Hoàng-Sa có “tổng-
cộng hơn 300 đỉnh”, trong lúc Tây-Sa thì “thấp và bằng-phẳng” và “chỉ có 35 đảo”; “đảo
Hoàng-Sa có chiều dài ước-lượng 30 lý” trong lúc “đảo lớn nhất của Tây-Sa của Trung-
hoa chỉ đo không quá 2 cây số (4 lý) chiều dài và diện-tích chỉ có 1,85 Km². Hà-Nội bắt-
bẻ lại rằng tất-cả những bộ sách của Việt-Nam thì có phân-biệt một cách rõ-ràng giữa
Hoàng-Sa và những đảo ven bờ đồng-thời trích-dẫn trong Phủ-Biên Tạp-Lục cho thấy
Hoàng-Sa cách bờ ba ngày ba đêm (đi thuyền). Việt-Nam đưa vào thêm bản-đồ của
Giám-Mục Tabert cho thấy có sự phân-biệt rõ-rệt – cũng như những bản-đồ của Tây-
Phương – các đảo ven-bờ và các đảo “Cát-Vàng”, tức Hoàng-Sa. Trung-Cộng cho rằng,
quan-trọng nhất, là văn-kiện ngày 14 tháng 9 năm 1958 của Thủ-Tướng Ph ạm Văn
Ðồng, công-nhận chủ-quyền của Trung-Hoa tại hai quần-đảo nầy. Ngày 7 tháng 8 năm
1979 Việt-Nam có đưa bản tuyên-bố, điều 2, cho rằng sự diễn-dịch của nhà cầm-quyền
Trung-Cộng là “bóp méo sự thật một cách vụng-về, bởi vì theo tinh-thần và ý-nghĩa từ
chữ của văn-bản nầy thì chỉ công-nhận lãnh-hải của Trung-Cộng là 12 hải-lý”. Và trong
hồ-sơ “Hoàng-Sa và Trường-Sa” xuất-bản năm 1981, người ta cũng có thể đọc được ở
trang 33, liên-hệ đến tuyên-bố của Trung-Cộng ngày 4 tháng 9 năm 1958 nhằm mở rộng
lãnh-hải lên 12 hải-lý: “Họ đưa vào một cách nhẹ-nhàng (sic) rằng điều qui-định nầy áp-
dụng trên toàn lãnh-thổ Trung-Cộng, kể cả các đảo ... Ðông-Sa, Tây-Sa, Zhongsha, Nam-
Sa và những đảo khác thuộc Tàu. Thực sự qua cái trò xảo-thuật nầy đã thấy cái ý-đồ xấu
của Trung-Cộng”. Và xa hơn “... qua sự tuyên-bố nầy họ “bắt bí” Việt-Nam, một nước
đang ở trong tình-trạng vừa mới qua khỏi cuộc kháng-chiến chống Pháp, phải làm mọi
cách có thể được để tránh cảnh một lúc đối-đầu nhiều kẻ thù.Vì thế cho nên văn-bản của
Thủ-Tướng Phạm Văn Ðồng ngày 14 tháng 9 năm 1958 gởi cho Chu Ân Lai, qua đó,
bằng những ngôn-từ vắn-tắt nhưng rõ-rệt, Phạm Văn Ðồng xác-nhận rằng Việt-Nam tôn-
trọng chiều rộng của lãnh-hải Trung-Hoa và cố ý bỏ qua những danh-từ Nansha, Xisha có
ghi trong văn bản của phe Trung-Cộng”. Trung-Cộng, cũng trong Bạch-Thư công-bố
ngày 30 tháng 7 năm 1979, cho rằng lời tuyên-bố của Việt-Nam ngày 9 tháng 5 năm
1965 (Nhân-Dân 10 tháng 5 năm 1965) như là một tài-liệu công-nhận chủ-quyền của Tàu
tại Hoàng-Sa. Về việc nầy, Bộ-Trưởng Bộ Ngoại-Giao Việt-Nam, tuyên-bố ngày 7 tháng
8 năm 1979 (điểm 3), trả lời, sau khi tóm gọn quyết-định của Hoa-Kỳ - nhưng không
nhắc đến câu “lãnh-hải của Trung-Cộng ở đảo Hoàng-Sa” - rằng “Vào lúc đó nhân-dân
Việt-Nam đang chống Mỹ cứu nước nên phải chiến-đấu bằng mọi cách để bảo-vệ toàn-
vẹn lãnh-thổ. Vã lại, vào thời-kỳ đó Việt-Nam và Trung-Cộng dính liền với nhau do tình
hòa-hảo bạn-bè. Vì thế bản tuyên-bố của chính-phủ Việt-Nam Dân-Chủ Cộng-Hòa ngày
9 tháng 5 năm 1965 chỉ có giá-trị trong khung-cảnh lịch-sử đó”.
*****

Như thế Việt-Nam và Trung-Cộng cùng đòi chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-Sa và
Trường-Sa, viện-dẫn những bằng-chứng - vào thời-kỳ trước 1945 – là những tài-liệu lịch-
sử. Việt-Nam thêm vào một sự chiếm-hữu thực-tế và liên-tục cũng như những bản cáo-tri
chính-thức do người Pháp thay mặt triều-đình An-Nam thực-hiện 20. Sự chiếm-hữu nầy
liên-tục cho đến khi Nhật-Bản chiếm-đóng nhân Thế-Chiến Thứ 2.
Về thời-kỳ sau khi Nhật-Bản thua trận, hai bên Việt-Nam và Trung-Cộng cùng viện-dẫn
lý-lẽ đã chiếm đóng Hoàng-Sa thực-sự - nhưng thật ra mỗi bên chiếm một nhóm đảo – và
đòi chủ-quyền trên toàn quần-đảo, mà việc nầy - Việt-Nam cũng đã nhắc lại – là đã được
Pháp chuyển-giao lại vào năm 1954. Nhưng Trung-Cộng đã lên tiếng về việc nầy như sau
“di-sản về một lãnh-thổ đã chiếm từ một nước khác bằng một phương-tiện xâm-lăng thì
không hợp-lệ, như vậy nó không có giá-trị nào trong tương-lai”. Việt-Nam cũng phản-
biện lại rằng việc xâm-chiếm bằng vũ-lực của Trung-Cộng quần-đảo Hoàng-Sa vào năm
1974 không thể “thiết-lập tính chính-thống về lãnh-thổ của quốc-gia chiếm đóng”. Về
quần-đảo Trường-Sa, các nước Việt-Nam, Phi-Luật-Tân và Ðài-loan đều đòi hỏi chủ-
quyền trên toàn quần-đảo, các lý-do dựa vào là đã thực-tế chiếm-đóng một số đảo. Ở
điểm nầy thì Việt-Nam chiếm trước hai nước kia do trung-gian của Pháp. Về phía Trung-
Cộng thì cho đến năm 1987 thì vắng mặt tại đây, nhưng họ viện-dẫn lý-do lịch-sử, cũng
như Việt-Nam và Ðài-Loan, để đòi hỏi chủ-quyền. Phi-Luật-Tân thì dường như không
đưa ra những bằng-chứng lịch-sử.

Nếu ta đối-chiếu qua luật về biển, sự tiến-hoá nhanh-chóng của nó trong vài năm nay đã
góp phần gây thêm nhiều nguyên-nhân để tranh-chấp.
Về quần-đảo Hoàng-Sa, Việt-Nam cũng như Trung-Cộng đều dựa lên việc gần-gũi địa-lý
và thềm lục-địa21 để đòi chủ-quyền ở đây. Hai nước đều cho rằng quần-đảo Hoàng-Sa thì
nằm trên thềm lục-địa của nước mình.
Về quần-đảo Trường-Sa, Phi-Luật-Tân dựa vào khoảng-cách gần để đòi chủ-quyền, bởi
vì một số đảo chỉ cách Palawan có 100 hải-lý. Vì thế nước nầy vội-vã chiếm thêm một số
đảo bởi vì hố sâu chia cách Palawan và Trường-Sa không cho phép nước nầy dựa lên lý-
thuyết về thềm lục-địa. Việt-Nam cũng dựa lên lý-do khoảng-cách địa-lý; đảo Trường-Sa
hiện do Việt-Nam chiếm đóng, theo nước nầy thì ở trên thềm lục-địa và chỉ cách Việt-
Nam có 200 hải-lý. Trung-Cộng vì không thể dựa vào lý do gần-gũi, cho rằng Trường-Sa
nằm trên thềm lục-địa của mình (theo tuyên-bố của bộ ngoại-giao Trung-Cộng ngày 21
tháng 7 năm 1980), nhưng Trung-Cộng không thể dựa trên lý-thuyết về 200 hải-lý để
dành chủ-quyền. Ðài-Loan thì không thể viện-dẫn lý do gần-gũi cũng như thềm lục-địa.
Riêng Mã-Lai, nước nầy đòi đảo Caye d’Amboine, viện dẫn lý-do đảo nầy ở gần Bornéo
và dẫn trên Công-Ước mới của Luật về Biển.
Cuối cùng, để việc phúc-tạp hơn, luật về biển ghi-nhận rằng một quốc-gia xây-dựng một
hải-đăng trên một hải-đảo hay một bãi san-hô thì các đảo nầy có thể được xem là một
“địa-phận”, và vì thế chúng có thể đòi-hỏi một lãnh-hải 12 hải-lý và vùng khai-thác kinh-
tế 200 hải-lý, như là lãnh-thổ của quốc-gia đó.
Nếu ta hướng về vấn-đề “de facto”, người ta phải ghi-nhận rằng sự chiếm-đóng thực-tế là
một căn-bản tốt nhất cho một quốc-gia nhằm đòi hỏi chủ-quyền ở một lãnh-thổ, vì nó có
ưu-điểm hơn quyền khám-phá. Mặc khác, sự chinh-phục vẫn còn là một phương-thức để
chiếm-hữu một lãnh-thổ, vì nó được luật quốc-tế công-nhận.
1
L. Aurousseau. Tường-trình của G. Maspero “Vương-Quốc Chàm” trong BEFEO XIV – 9 (1914), p. 13.
2
P. Y. Manguin. Les Portugais sur les côtes du Vietnam et du Chapa. Etude sur les routes maritimes et les
relations commerciales, d’après les sources portugaises (XVIe, XVIIe, VVIIIe siècles), Paris (Publi. EFEO)
1972.
3
G. F. Mourachev... Mouscou 1980, p 347
4
Linh-Mục Jean Louis trong quyển “Geographico Imperii Annamitici” in năm 1838, đặt tên các đảo ngoài
khơi Quảng-Ninh hiện nay là “Iles des Pirates” Ðảo Cướp Biển.
1
M. Clerget. Constribution à l’étude des iles Paracels. Les Phosphates, (Institut Océanographique de
l’Indochine. Note 20), 1932.
2
Xem các bài viết của Sơn Hồng Ðức, Nguyễn Huy, Trịnh Tuấn Anh trong “Ðặc-khảo về Hoàng-Sa và
Trường-Sa” trong tập-san Sử-Ðịa số 29 (Saigon 1975) về tính-chất thiên-nhiên và các nguồn tài-nguyên tại
đây.
4
Những bản-đồ do Bắc-Kinh công-bố – cũng như Ðài-Loan - đặt 4/5 toàn-thể vùng Nam biển Trung-Hoa
thuộc về lãnh-thổ Trung-Hoa, trong đó có cả hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa (là nơi có nhiều phản-
đối)
Năm 1976, Việt-Nam công-bố, nhằm gây chú-ý hòa-đàm luật về biển sẽ được tổ-chức tại Nữu-Ước, những
bản-đồ bao-gồm hai quần-đảo hoàng-Sa và Trường-Sa vào nước mình (việc nầy đã gây nhiều chống-đối).
Mã-Lai cho công-bố năm 1979 một bản-đồ biển nội-địa của nước nầy bao gồm đảo Caye d’Emboine và
các bãi đá ngầm Commodore và Swallow (việc nầy gây nên sự phản-đối của Việt-Nam, ngày 25-3-1983,
tuyên-bố rằng các đảo nầy thuộc về Việt-Nam). Phi-Luật-Tân cũng công-bố một bản-đồ cho thấy phần phía
Ðông của vùng biển nầy thuộc Phi (việc nầy gây sự phản-đối ở Trung-Hoa và Việt-Nam, nhất là vào ngày
27 tháng 9 năm 1979).
5
Vào năm 1947 chính-quyền tỉnh Nanking đặt tên Xisha cho quần-đảo Hoàng-Sa và tên Nansha cho quần-
đảo Trường-Sa. Hai tên nầy đã được Trung-Cộng dùng lại.
6
Việc xây-cất đền thờ và dựng bia trên đảo nầy được xác-định trong Khâm-Ðịnh Ðại-Nam Hội-Ðiền Sự-Lệ
và trong Ðại-Nam Nhất-Thống Chí tỉnh Quảng-Ngãi.
Vào năm 1820, J.B Chaigneau ghi lại trong quyển sách của ông Mémoire sur la Cochinchine (B.A.V.H
1923-2) rằng vua Gia-Long đã chiếm quần-đảo Hoàng-Sa năm 1816. Giáo-sĩ J. Lasan Tabert, khâm-sứ
Giáo-Hoàng tại Cochichine ghi lại trong The Journal of The Asiatic Society of Bengal (9-1837): “năm
1816 vua Gia-Long đã đến tận nơi (Hoàng-Sa), long-trọng cắm một ngọn cờ của hoàng-gia, vì thế chính-
thức chiếm-hữu những đảo nầy mà không ai có quyền tranh-cãi được”. Nhưng các quyển sử-ký của việt-
Nam đã không ghi lại chính-xác việc nầy, chỉ ghi đơn-giản là vào năm 1816 một công-tác tại Hoàng-Sa đã
được “công-Ty Hoàng-Sa” hoàn-tất như mọi năm để thu-nhặt những tàu bè bị đắm (Ðại-Nam Thực-Lục
Chính-Biên (Ðệ-nhất kỷ, quyển thứ 52).
7
“Geography of th Cochinchinese Empire” , trong “Journal of th Geographical Society of London, 1849,
Vol XIX, p. 93.
8
theo P. Pasquier qua bài “L’histoire moderne des iles Paracels”, trong “l’Eveil économique de
l’Indochine” so^ó 741 (12 juin 1932).
9
trong Ðịa-Dư Chí (1821) và Hoàng-Việt Ðịa-Dư Chí (1833) của Phan Huy Chú, có ghi rằng Hoàng-Sa
trực-thuộc tỉnh Quảng-Ngãi.
Trên bản-đồ “Ðại-Nam Nhất-Thống Toàn Ðồ” được vẽ vào các năm 1838 và 1862 lãnh-thổ của Việt-Nam,
có vẽ không xa bờ hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa (Võ Long Tê, Hoàng-Sa và Trường-Sa theo cổ-
thư Sử-Ký và Ðịa-Lý của Việt-Nam, SAigon, 1974, bản số XXXVI – thì dựa lên Hồng-Ðức Bản-Ðồ,
Saigon, 1962, trang 94-95)
10
Ngày 15 tháng 5 năm 1979 tờ Da Gong Bao, ra tại Hồng-Kông, có đăng một bài viết nội-dung cho rằng
ngày 15 tháng 6 năm 1956, thứ-trưởng bộ Ngoại-Giao CSVN đã chính-thức công-nhận rằng dựa theo lịch-
sử thì hai quần-đảo nầy thuộc Trung-Hoa.
11
Hình chụp lá thư nầy được đăng trên Beijing Information số 7, 1980, trang 22.
12
Xem các tựa đề các bài báo tượng-trưng trong Tạp-Chí Quân-Ðội Nhân-Dân tháng 11 năm 1975, Renmin
Ribao ngày 25 tnáng 11 năm 1975, Nhân-Dân ngày 22 tháng 12 năm 1975.
13
Sau khi bộ Ngoại-Giao Trung-Cộng tuyên-bố ngày 15 tháng 1 năm 1987 xác-nhận lần nữa chủ-quyền
nước nầy tại quần-đảo Trường-Sa thì nhà cầm-quyền Việt-Nam cũng lần nữa tuyên-bố, vào ngày 16 tháng
4 năm 1987, là hai quần-đảo Hoàng-Sa lẫn Trường-Sa thì thuộc chủ-quyền của Việt-Nam. Ngày 14 tháng 6
năm 1987, VN lên án hành-động của Trung-Cộng gởi tàu “thám-hiểm cũng như có những hành-động bất-
hợp-pháp trong vùng biển của Việt-Nam” chung quanh quần-đảo Trường-Sa và “tổ-chức ngày 16 tháng 5
đến 5 tháng 6 những buổi tập-trận quân-sự trong vùng biển của mình”. Ngày 20 tháng 2 năm 1988, VN đã
lên án hành-động của Trung-Cộng “đã gởi nhiều chiến-hạm vi-phạm vùng biển nội-địa của VN ở quần-đảo
Trường-Sa”. Trả lời những tuyên-bố của VN, Trung-Cộng xác-định quyền “thám-hiểm, nghiên-cứu và đi
tuần-tiễu” trong vùng chung-quanh, hay trong vùng quần-đảo Trường-Sa, là lãnh-thổ Trung-Hoa thuộc tỉnh
Hải-Nam. Và những việc nầy liên-tục được hải-quân Trung-Cộng thực-hiện từ 1987, bằng-chứng là đã có
sự đụng-chạm với hải-quân VN vào ngày 14 tháng 3 năm 1988. Kể từ lúc nầy không còn một tin-tức nào
khả-tín để kiểm-nhận rằng Trung-Cộng có chiếm một hay nhiều đảo thuộc quần-đảo nầy.
14
Trong một bài viết mang tựa-đề “Chineses Islands in the South China Sea”, đăng năm 1956 trên People’s
China (N°13), có ghi ở trang 26 rằng chính-phủ Trung-Hoa đã có một dự-án phản-đối nhưng ngươi ta
không tìm ra được một dấu vết nào về việc nầy.
15
Theo tài-liệu của bộ Ngoại-giao Trung-Cộng công-bố ngày 20 tháng 6 năm 1980 trên tờ Beijing
Information (số 7, 1980), Trung-Cộng cũng nhắc đến việc khai-thác và tầm quan-trọng của các đảo nầy.
Việt-Nam trả lời việc nầy qua tờ “Courrier du Viet-Nam số 7 năm 1984, trang 8, là VN đã khai-thác các
đảo nầy với công-ty Hoàng-Sa.
16
Nếu sự đòi hỏi chủ-quyền của Ðài-Loan tại Trường-Sa thì không thể bỏ qua vì xứ nầy chiếm đóng đảo
Itu Aba, việc nầy sẽ không giống trường-hợp Hoàng-Sa, Ðài-Loan lên tiếng đòi chủ-quyền nơi đây chỉ do
sự cần-thiết nhắc lại sự “hiện-hữu” của đảo-quốc nầy.
17
“Bản Sơ-Thảo về cuộc khảo-cứu khảo-cổ lần thứ hai thực-hiện tại đảo Tây-Sa thuộc tỉnh Quảng-Ðông”
trong Wen Wu, số 9, tháng 9 năm 1976, hay xem Beijing Information, số 7, 1980, trang 16.
18
Trong Bạch-Thư mà Hà-Nội công-bố năm 1979 có đăng một tấm hình ở trang 35.
19
“La Question des Paracels”, đăng trong l’Eveil Economique de l’Indochine, số 777 (26 tháng 2 năm
1933)
20
Mặc dầu là thái-độ của người Pháp thì chỉ có tính-cách “không liên-tục” và “do-dự trong hành-động”,
nhưng nó cũng “đem lại một giá-trị bảo-lưu mà hiệu-quả chỉ thấy được sau khi nó hoàn-tất” (Ch Rousseau,
Revue Générale de Droit Internationale Public, Juillet-Septembre 1972 p 836)
21
Tìm hiểu định-nghĩa của “thềm lục-địa” đọc Third United Nation Conference on the Law of the Sea;
Official Records, Vol. IV, Part VII, pp 155 et 162. Công-Ước về Luật về Biển ngày 30 tháng 4 năm 1882
ghi-nhận rằng chủ-quyền của một quốc-gia có thể mở rộng 200 hải-lý tính từ bờ hay là đến 350 hải-lý trong
những trường-hợp đặc-biệt.

You might also like