You are on page 1of 2

Phân tích bài Mùa xuân nho nhỏ

C1: Khi mùa xuân đến gõ cửa từng nhà, nhà thơ Thanh Hải đã diễn tả cảm xúc của
mình bằng một bài thơ mang tựa đề “Mùa xuân nho nhỏ”. Cảm xúc của nhà thơ đi từ
mùa xuân của thiên nhiên đến mùa xuân của đất nước và cuối cùng ước nguyện làm
một mùa xuân nho nhỏ để dâng cho đời. Từ cảm xúc ấy bài thơ toát lên tấm lòng
yêu tha thiết quê hương đất nước của nhà thơ nói riêng và của mọi người nói chung
đồng thời nhắc nhở mọi người phải sống có ích để cống hiến cho đất nước quê
hương.
C2: Mùa xuân là đề tài của thơ, ca, nhạc, họa. Có rất nhiều nhà thơ đã thành công
khi viết về đề tài này. Còn Thanh Hải, nhà thơ thân thương của xứ Huế, dù đang vất
vả với bệnh tật nhưng tâm hồn của ông vẫn tràn đầy cảm xúc và khát khao làm một
mùa xuân nho nhỏ để dâng cho đời. Khát vọng ấy được thể hiện trong bài “Mùa
xuân nho nhỏ” sáng tác năm 1980, trước khi ông qua đời chưa đầy một tháng.
Cảm xúc của tác giả về vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc”
Trong hai câu đầu tác giả sử dụng phép đảo ngữ, đưa vị ngữ lên đầu câu nhằm
nhấn mạnh ý. Hình ảnh mùa xuân tươi đẹp đang ngập tràn trên quê hương xứ Huế
thân thương. Mùa xuân ấy đang được điểm tô bởi dòng sông xanh và bông hoa tím
biếc. Mùa xuân còn rộn ràng hơn bởi có tiếng chim hót vui say:
“Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
Chim chiền chiện một loài chim quen thuộc của miền Trung đang tung ra những
tiếng hót vang trời như mời xuân đến, như gọi xuân về. Tiếng hót vui say của loài
chim này đã làm xúc động tâm hồn nhà thơ. Ông ngỡ ngàng không chỉ lắng nghe
bằng đôi tai mà còn cảm nhận âm thanh ấy bằng ánh mắt và đôi bàn tay. Tiếng chim
như ngưng đọng thành từng giọt long lanh đang rơi rơi mà tác giả có thể đưa tay ra
hứng lấy rồi mang về. Đây là một hình thức ẩn dụ chuyển đổi cảm giác trong thơ có
tác dụng diễn tả niềm say sưa ngây ngất của nhà thơ khi mùa xuân đến đồng thời
thể hiện tấm lòng yêu tha thiết thiên nhiên, yêu cuộc đời của nhà thơ Thanh Hải khi
mỗi độ xuân về.
Cảm xúc của tác giả về mùa xuân của đất nước và cách mạng.
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ”
Khi nói về mùa xuân của đất nước và cách mạng tác giả đã lưa chọn hai hình ảnh
tiêu biểu đó là “người cầm súng” và “người ra đồng”. “Người cầm súng” tượng trưng
cho những chiến sĩ ngày đêm chiến đấu canh giữ bầu trời Tổ quốc quê hương.
“Người ra đồng” tượng trưng cho người nông dân đang ngày đêm miệt mài lao động
sản xuất làm ra hạt lúa, hạt gạo để nuôi sống con người. Trong cảm quan của nhà
thơ những cành lá ngụy trang, những nương mạ xanh rờn chính là lộc. Như vậy,
ngoài nghĩa đen lộc là cành non, chồi biếc thì còn có nghĩa bóng tượng trưng cho
sức trẻ, sức xuân, sức vươn lên của toàn dân tộc. Mùa xuân người chiến sĩ mang
sức trẻ sức xuân chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc còn người còn người nông dân
mang sức trẻ, sức xuân lao động xây dưng đất nước quê hương. Mỗi người tuy một
nhiệm vụ khác nhau nhưng họ đều là những người đi gieo mùa xuân trong khí thế
hối hả khẩn, khẩn trương của toàn dân tộc:“Tất cả như hối hả.Tất cả như xôn xao”
Trong khí thế hối hả,khẩn trương ấy tác giả nhắc đến lịch sử oai hùng của bốn nghìn
năm dựng nước và giữ nước. Có biết bao gian lao, vất vả nhưng dân ta vẫn vượt
lên, vẫn vững vàng đi lên phía trước như các vì sao
“Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”
Hình ảnh đất nước như vì sao là phép so sánh giúp ta liên tưởng đến ngôi sao vàng
năm cánh rực rỡ giữa nền đỏ của lá cờ Tổ quốc, là linh hồn của dân tộc, là khát
vọng tự do bao đời nay. Từ trong gian lao, vất vả đất nước ta đã đi lên và giờ đây
Đảng tỏa sáng như những vì sao. Hình ảnh thơ này thể hiện cách nhìn lạc quan, tinh
tưởng của nhà thơ về một tương lai tươi sáng.
Ước nguyện của tác giả được làm một mùa xuân nho nhỏ để dâng cho đời
“ Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.”
Mùa xuân nho nhỏ là hình ảnh ẩn dụ chỉ cuộc đời đẹp có ích của mỗi con người. Mỗi
người là một mùa xuân nho nhỏ góp vào sẽ thành một mùa xuân rộng lớn. Hình ảnh
mùa xuân nho nhỏ chứa đựng sự khiêm tốn, khiêm nhường mà cũng rất tự hào, tự
tin của tác giả khi ý thức được giá trị chân chính của cuộc đời và niềm hạnh phúc
được hiến dâng, được cống hiến.
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”
Trong muôn vàn loài hoa tác giả chỉ xin làm một loài hoa để tỏa hương sắc cho đời.
Trong muôn vàn loài chim tác giả chỉ xin góp mình làm một loài chim dâng tiếng hót
vui cho đời. Và trong bản nhạc nhiều cung bậc giai điệu tác giả chỉ xin làm một nốt
nhạc trầm. Nốt nhạc ấy không réo rắc vang xa nhưng là nốt nhạc nền không thể
thiếu trong bản hòa ca. Điệp ngữ “ta làm” được tác giả nhắc lại hai lần cùng với
những hình ảnh đẹp của thiên nhiên, những âm thanh đẹp của cuộc sống đã làm
toát lên một khát vọng sống cao đẹp: sống là để phục vụ đất nước, nhân dân. Lẽ
sống cao đẹp ấy cũng được nhà thơ Tố Hữu thể hiện qua bốn câu thơ sau đây:
Đã làm con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.
Sự cống hiến này theo nhà thơ Thanh Hải là phải cống hiến trọn đời kể từ lúc tuổi
đời còn xanh cho đến lúc đã già, đầu đã bạc.
Kết thúc bài thơ là niềm vui sướng của nhà thơ Thanh Hải khi đã làm tròn bổn phận,
trách nhiệm với dân, với nước, với sự nghiệp cách mạng. Ông không đòi hỏi gì cho
riêng mình, chỉ xin được trở về quê hương, xứ sở có dòng sông Hương thơ mộng,
có núi Ngự Bình hùng vĩ để được nghe những làn điệu dân ca, những câu Nam ai
Nam bình ngọt ngào, tha thiết
“Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam ai Nam bình
Nhịp phách tiền đất Huế’
Bài thơ giàu hình ảnh, giàu nhạc điệu đã được nhạc sĩ Trần Hoàng phổ nhạc thành
một bài hát quen thuộc đối với mọi người và mỗi chúng ta. Trong thơ tác giả sử dụng
các phép nghệ thuật đặc sắc như điệp từ, điệp ngữ, so sánh, ẩn dụ. Trình tự cảm
xúc cũng như bố cục bài thơ chặt chẽ, rõ ràng. Bài thơ là niềm yêu tha thiết thiên
nhiên đất nước. Và lẽ sống cao đẹp của tác giả Thanh Hải mang tặng cho đời như
một lời giáo dục có giá trị nhân sinh cao cả, giúp chúng ta thêm yêu quê hương đất
nước và sống, học tập, tu dưỡng tốt để giúp ích cho đời.

You might also like