You are on page 1of 6

TỪ ĐỒNG NGHĨA

1. Khái niệm

Từ đồng nghĩa là những từ tương đồng với nhau về nghĩa, khác nhau về âm
thanh và có phân biệt với nhau về một vài sắc thái ngữ nghĩa hoặc sắc thái
phong cách,... nào đó, hoặc đồng thời cả hai.

Từ đồng nghĩa không phải là những từ trùng nhau hoàn toàn về nghĩa. Chúng nhất
định có những dị biệt nào đó bên cạnh sự tương đồng (mặc dù phát hiện sự dị biệt
đó không phải lúc nào cũng dễ dàng). Chính sự dị biệt đó lại là lí do tồn tại và làm
nên những giá trị khác nhau giữa các từ trong một nhóm từ đồng nghĩa.

VD: + Cố, gắng, cố gắng

+ Dừng, ngừng

+Mồm, miệng

2. Phân loại từ đồng nghĩa(kẻ bảng)


Nhìn chung có hai hướng quan niệm chính:

2.1. Đồng nghĩa hoàn toàn

* Căn cứ vào nghĩa sở chỉ tức dựa vào đối tượng được gọi tên.

* Từ đồng nghĩa là từ gọi tên cho cùng một đối tượng.

VD: + Phi cơ, máy bay

+ Hùm, hổ, cọp

+ Ba, cha, bố, thầy, cậu

+ Má, mế, mẹ,u, bầm, mợ

Ta có thể nhận thấy trường hợp này chủ yếu dành cho danh từ.

2.2. Đồng nghĩa bộ phận.

* Căn cứ vào nghĩa sở thị của từ tức nội dung mà từ biểu thị.
2.2.1. Một từ đơn nghĩa trùng với một nghĩa của từ đa nghĩa.

VD: Cặp từ “cư xử” và “ăn ở” thì từ “ăn ở” có hai nghĩa, một nghĩa trùng
với nghĩa của từ “cư xử”, một nghĩa là “ở nói chung”.

2.2.2. Một nghĩa của từ đa nghĩa trùng với một nghĩa của từ đa nghĩa khác.

VD: Từ “trông” và “dựa” cùng biểu hị ý nghĩa “nương vào” (Trăm điều
hãy cứ trông (dựa) vào ta).

“Trông”: _trông, nhìn, ngó, nhòm, liếc

_ trông, trông coi, chăm sóc

_ trông, cậy, tựa, dựa, nương

“Dựa”: _nương vào

_ theo, căn cứ vào

3. Nhóm từ đồng nghĩa

* Được hình thành nên do sự kết hợp của những từ đồng nghĩa.

3.1. Những từ đồng nghĩa với nhau không nhất thiết phải tương đương với nhau về
số lượng nghĩa, tức là các từ trong một nhóm đồng nghĩa không nhất thiết phải có
dung lượng nghĩa bằng nhau: Từ này có thể có một hoặc hai nghĩa, nhưng từ kia có
thể có tới dăm bảy nghĩa. Thông thường, các từ chỉ đồng nghĩa ở một nghĩa nào đó.
Chính vì thế nên một từ đa nghĩa có thể tham gia vào nhiều nhóm đồng nghĩa
khác nhau. Ở nhóm này nó tham gia với nghĩa này, ở nhóm khác nó tham gia với
nghĩa khác.

VD1: Từ “coi” trong tiếng Việt là một từ đa nghĩa. Tuỳ theo từng nghĩa được nêu
lên để tập hợp các từ, mà “coi” có thể tham gia vào các nhóm như:

+ coi – xem: coi hát – xem hát

+ coi – giữ: coi nhà – giữ nhà

VD2: Từ “trông” có thể thăm gia ba loạt nghĩa:

+ trông, nhìn, ngó


+ trông, trông coi, chăm sóc

+ trông, trông cậy, nương tựa

3.2. Trong mỗi nhóm từ đồng nghĩa thường có một từ mang nghĩa chung, được
dùng phổ biến và trung hoà về mặt phong cách, được lấy làm cơ sở để tập hợp
và so sánh, phân tích các từ khác. Từ đó gọi là từ trung tâm của nhóm.

VD1: Yếu, yếu đuối, yếu ớt _ “yếu” là từu trung tâm

VD2: Sợ, sợ hãi, sợ sệt _ “sợ” là từ trung tâm

VD3: Yêu, yêu thương, yêu mến, yêu chiều _ “yêu” là từ trung tâm

*** Chú ý: Để xác định được từ trung tâm của nhóm từ đồng nghĩa ta phải dựa vào
tiêu chí tần số xuất hiện cao (hay được sử dụng) hoặc khả năng kết hợp rộng.

Chẳng hạn, trong các nhóm từ đồng nghĩa tiếng Việt như: hồi, thuở, thời; hoặc
chờ, đợi; hoặc chỗ, nơi, chốn,... rất khó xác định từ nào là trung tâm.

3.3. Phân tích nhóm từ đồng nghĩa

3.3.1. Lập danh sách các từ trong nhóm

Mỗi nhóm đồng nghĩa có thể nhiều hay ít tuỳ theo tiêu chí đưa ra để tập hợp nhưng
phải luôn luôn dựa vào nghĩa biểu niệm của từ.

Trước hết phải chọn một từ đưa ra làm cơ sở để tập hợp các từ. Từ này
thường cũng chính là từ trung tâm của nhóm, chẳng những nó được lấy làm
cơ sở để tập hợp các từu khác mà còn là cơ sở để so sánh, phân tích và giải
thích chúng. Ví dụ: Với từ “sợ” của tiếng Việt, ta tập hợp thêm một số từ khác
và lập thành nhóm đồng nghĩa: sợ – hãi – kinh – khiếp – sợ hãi – khiếp sợ – ...

3.3.2. Phân tích nghĩa của từng từ trong nhóm

Ở bước này phải phát hiện những tương đồng và dị biệt giữa các từ trong nhóm với
nhau. Công việc cụ thể phải làm là:
**Bước 1:

Cố gắng phát hiện và xác định cho được từ trung tâm của nhóm. Từ trung tâm
thường là từ mang nghĩa chung nhất, dễ dùng và dễ hiểu nhất. Về mặt phong cách,
nó mang tính chất trung hoà.

VD: Trong nhóm “mồ – mả – mộ – mồ mả” thì “mộ” là từ trung tâm.

Trong tiếng Việt, từ trung tâm có nhóm đồng nghĩa, nói chung có một số biểu hiện
hình thức như sau:

• Nếu trong nhóm có cả từ đơn tiết lẫn đa tiết thì từ trung tâm thường là
từ đơn;
• Nếu trong nhóm có những từ không có khả năng tạo từ phái sinh hoặc
tạo từ phái sinh rất ít, thì còn lại, từ nào có khả năng phái sinh lớn nhất,
từ đó cũng thường là từ trung tâm.
• Nếu một từ trực tiếp trái nghĩa với một từ trung tâm của một nhóm
đồng nghĩa khác thì nó cũng sẽ chính là từ trung tâm trong nhóm của
mình.( Lập bảng)

Chẳng hạn, xét hai nhóm:

1/ hiền – lành – hiền lành – hiền hậu – hiền từ – nhân hậu – nhân từ

2/ ác – dữ – độc ác – hiểm độc – ác nghiệt

Ta thấy ở nhóm 1, “hiền” là từ trung tâm vì nó thoả mãn tất cả những đặc điểm vừa
nêu trên. Trong nhóm 2, “ác” sẽ được coi là từ trung tâm cũng vì những lí do như
vậy và nó trái nghĩa với “hiền”.

Tuy nhiên, một từ đa nghĩa có thể đồng thời tham gia vào nhiều nhóm đồng nghĩa
khác nhau nên có thể ở nhóm này nó là từ trung tâm nhưng ở nhóm khác thì lại
hoàn toàn không có tư cách đó.

*** Bước 2:

Lần lượt đối chiếu các từ trong nhóm với từ trung tâm và đối chiếu giữa các từ
không phải là từ trung tâm với nhau ta sẽ phát hiện những tương đồng và dị
biệt về nghĩa. Sự tương đồng sẽ có ở tất cả mọi từ, còn dị biệt thì sẽ có ở từng
từ trong nhóm.
4. Sự dị biệt giữa các từ đồng nghĩa(Kẻ bảng)
4.1. Dị biệt về một số sắc thái ý nghĩa bổ sung như: mức độ trừu tượng, khái quát
của khái niệm; hoặc phương thức, công cụ, chủ thể tiến hành, tiếp nhận hành động;
hoặc thái độ của người nói đối với người nghe; hoặc sự đánh giá của người nói,...

Ví dụ: xét hai từ “cố” – “gắng”.

Nét chung của hai từ này là: Đưa sức ra nhiều hơn bình thường để làm cho được
việc gì đó.

Nét riêng (dị biệt) của “cố” so với “gắng” là ở mục đích của hành động này: làm
cho kì được, kì xong công việc mà chủ thể biết là khó khăn. Ví dụ: cố làm cho
xong, cố quên những việc không vui đi, cố nhớ lại xem hôm qua đã nói gì.

Nét dị biệt của “gắng” so với “cố” là: làm cho tốt công việc mà biết là nên làm.
Chẳng hạn, có thể nói: gắng lên chút nữa học cho giỏi, gắng chịu đựng khó khăn
để động viên nhau.

4.2. Dị biệt về phạm vi sử dụng hoặc sắc thái phong cách, thái độ bình giá của
người nói. Ví dụ:

“quả” – “trái”: “quả” có phạm vi sử dụng rộng hơn “trái”

“phụ nữ” – “đàn bà”: “phụ nữ” có sắc thái trang trọng hơn “đàn bà”.

“Cho” – “tặng” – “biếu”: +“tặng” có thái độ trân trọng, thân tình đối với
người nhận và nhìn nhận, đánh giá vật đem tặng về mặt giá trị tinh thần là
chính.

+ “biếu” có thái độ trân trọng hoặc tôn kính đối với


người nhận.

4.3. Dị biệt về khả năng kết hợp cú pháp và kể cả kết hợp từ vựng. Ví dụ:

Ta có: trái na, trái bưởi, mặt trái xoan,.. nhưng không thể có: *trái chuông, *trái
trứng vịt, *mặt quả xoan,...
Ta có: một mực, rất mực, mẫu mực, mức sống, mức lương, định mức, vượt mức,...
chứ không có: *một mức, *rất mức, *mẫu mức, *mực sống, *mực lương, *định
mực, *vượt mực,... mặc dù hai từ “mức” và “mực” là hai từ đồng nghĩa, trong rất
nhiều trường hợp chúng thay thế được nhau.

5. Đồng nghĩa lâm thời

Có những từ vốn không phải là đồng nghĩa với nhau, nhưng trong một ngữ
cảnh nào đó lại lâm thời được sử dụng như những từ đồng nghĩa. Đó được
gọi là đồng nghĩa lâm thời và các từ tương đồng với nhau ở một nghĩa
chuyển, nhĩa mới phái sinh nào đó.

VD: + Lão đội Tuần chết rồi.

+ Lão đội Tuần đứt rồi.

You might also like