You are on page 1of 19

1.

3 Qúa trình tiếp cận và tiếp nhận tiểu thuyết của trẻ em hôm nay
1.3.1 Khả năng tiếp cận tiểu thuyết của thiếu nhi

Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển về kinh tế, càng cần nhiều sách
hay và bổ ích cho lứa tuổi nhi đồng và thiếu niên hơn nữa. Về người viết cho
thiếu nhi, phần lớn họ là những cây viết trẻ hoặc một số cây viết đã từng viết
nhiều cho thiếu nhi trước giải phóng. Họ còn hăng hái viết và sẽ tiếp tục cho
ra đời các tác phẩm cho các em hơn nữa. Số cây bút này được thiếu nhi quen
biết và yêu thích, tích cực cộng tác nên có sự thuận lợi cho việc đầu tư và
phát triển hoạt động của mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó tình trạng các loại
sách thương mại đang tràn ngập thị trường cũng như tình trạng thiếu vắng
các tác phẩm hay và sự “tan rã” đáng buồn của đội ngũ những nhà văn tâm
huyết cho thiếu nhi đang là một thực trạng đáng nói đến. Dạo một vòng
quanh các cửa hàng sách lớn ở thành phố, chúng ta thấy sách cho thiếu nhi
bày ra nhan nhãn, đủ mọi loại hình từ tiểu thuyết dày cộp đến những cuốn
truyện tranh bé xíu bắt mắt, từ sách dịch cho đến sách biên soạn… Nhưng
hình như, trong biển sách ồ ạt và có phần “hỗn loạn” đó, thì mảng sách văn
học dành cho thiếu nhi trong nước thực sự đang “lép vế”. Hiển nhiên là nền
văn học thiếu nhi Việt Nam mấy chục năm qua phát triển trong những điều
kiện không bình thường, cách mạng và chiến tranh liên tục, nên có nhiều hạn
chế, nó đang cần được chăm nom, bảo vệ, gạn đục, khơi trong thì gặp phải
nền cơ chế thị trường nên nó dễ dàng bị ảnh hưởng là điều tất nhiên. Mấy
năm gần đây, số lượng các tác phẩm viết cho thiếu nhi của các nhà văn trong
nước thực sự không có nhiều và những tác phẩm thành công lại càng hiếm
hoi. Thiếu một đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp và tâm huyết, hơn nữa có
quá ít những tác phẩm hấp dẫn bạn đọc nhỏ tuổi và thiếu cả một công nghệ
quảng bá sách hay đến với các em… đó là những khoảng trống trong mảng
sách văn học trong nước dành cho thiếu nhi. Xu hướng thực dụng, thương
mại, kiếm sống đã lan tràn vào “mảnh đất thiêng” là văn học thiếu nhi.

Hơn thế nữa, giá thành của sách báo tăng vọt lên trông thấy. Cho nên
các bậc cha mẹ không còn nhiệt tình và thiết tha mấy đến việc mua sách cho
con như trước đây nữa. Hầu như cả hệ thống thư viện nhà trường, thư viện
trong các câu lạc bộ xã, phường đều tan rã, chỉ còn các câu lạc bộ quận,
huyện trở nên “thoi thóp” tồn tại một cách cố hữu.
Cùng với những thay đổi của thế giới, nước ta từ ngày chuyển đổi cơ
chế bao cấp sang cơ chế thị trường đã sinh ra biết bao khó khăn cho hoạt
động văn học nghệ thuật phục vụ thiếu nhi. Nhiều chế độ, chính sách không
phù hợp với tình hình như hiện nay. Cùng với thời thế đổi thay và biến động
thì tâm lý, thị hiếu trẻ em nay đã khác so với trước nhiều. Kinh nghiệm sáng
tác đã qua, nhất lại là của thế hệ cũ chưa đủ, cần trang bị thêm nhiều kiến
thức mới, để có cách viết phù hợp với đối tượng đã và đang thay đổi không
ngừng. Chưa bao giờ mảng sách văn học ở các nhà xuất bản lại dường như
lép vế hơn so với các loại sách khác như hiện nay. Do sự phù hợp của đặc
điểm tâm sinh lý lứa tuổi, cùng với điều kiện học tập, sinh hoạt và nhu cầu
giải tri tức thời trong quỹ thời gian eo hẹp của trẻ em, truyện tranh – một thể
loại ở ngoại vi các sản phẩm văn học đích thực – dần trở thành món ăn tinh
thần không thể thiếu của trẻ. Nói như nhà văn Tô Hoài thì truyện tranh bây
giờ được xem như “cơm bữa” của thiếu nhi. Mặt khác, văn hóa nghe nhìn
như phim hoạt hình trên màn ảnh nhỏ, trẻ em ngày nay sống chung với
những tiến bộ vượt bậc về khoa học kĩ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin,
tiếp xúc với vô vàn những trò chơi trên Internet rất hấp dẫn. Rồi sự cạnh
tranh tràn ngập, tranh giành thị phần khốc liệt của các loại truyện tranh làm
cho khả năng tiếp cận ngày càng có xu thế tăng cao, có nhiều cơ hội lựa
chọn hơn. Trong khi trò chơi điện tử, sách chưởng, kiếm hiệp, chuyện ái tình
ướt át…bày bán la liệt ở các vỉa hè đã công khai cạnh tranh ráo riết với sách,
báo nghiêm túc (khô khan và giáo huấn) là mặt hàng ta vẫn “sản xuất” cho
trẻ. Nó đã mau chóng cuốn hút niềm say mê của trẻ và thế là chúng thờ ơ
ngay với sách báo, phim ảnh ta làm ra cho chúng là điều tất nhiên. Ngoài ra,
sự sống còn của một tờ báo, tạp chí, tập san…cũng khiến người ta ngại ngần
khi lựa chọn đối tượng là văn học thiếu nhi. Thậm chí có người xem sáng tác
cho trẻ con là bộ phận có tính chất phụ trợ để “lấp chỗ trống” mà thôi. Đó là
chưa kể đến những sách với thị hiếu tầm thường, rẻ tiền, có nội dung thiếu
lành mạnh đang bày bán nhan nhãn ngoài thị trường trên các quầy sách, sạp
sách…mà chúng ta chưa kiểm soát được.

Ngoài ra, vai trò của các quý bậc phụ huynh trong gia đình cũng là
nhân tố quan trọng trong việc góp phần vào việc định hướng văn hóa đọc
cho các em. Có khá nhiều vị phụ huynh không muốn hướng con mình theo
nghiệp văn học, chưa có những định hướng tốt giúp trẻ lựa chọn một cách có
hiệu quả loại sách mà các em cần đọc. Có nhiều bậc cha mẹ chẳng những
không khuyến khích mà trái lại không tạo điều kiện cho con sáng tác, làm
cản trở và xem đó là việc làm viển vông, vô bổ, thiếu thực tế…Ngày nay,
các bậc cha mẹ đã quan tâm đến con cái rất nhiều, chăm chút từng li từng tí
một từ chi phí học tập, ăn mặc, ở, đi lại…cho con họ theo kịp các tiện nghi
hiện đại. Ấy thế, mà điều thiếu sót ở đây là một tủ sách văn học cho trẻ em
trong nhà. Tuy rằng là nhỏ nhưng lại có một ý nghĩa vô cùng quan trọng
trong bồi dường thêm đời sống tâm hồn trẻ, biết được điều hay lẽ phải và giá
trị đạo lý ở đời để sống tốt hơn và đẹp hơn. Dẫn đến điều kể trên không chỉ
là trách người mua mà còn do tác phẩm chưa đủ sức lôi cuốn, đam mê. Một
phần trong số đó là những nhà văn sáng tác cho các em đến nay chuyển sang
sáng tác ở lĩnh vực khác hoặc không còn sáng tác nữa khi mà chưa xuất hiện
một lực lượng kế tiếp để thay thế cho thế hệ đi trước. Một số người đã cố
gắng sáng tác cho các em nhưng hình như chưa tìm được “tiếng nói chung”.
Văn học thiếu nhi trong nước trong hàng chục năm nay vẫn bị ý thức “văn dĩ
tải đạo”, mang nặng tính giáo điều cũ kỹ, và rất nhiều người từng lên tiếng
về sự “già” của nó. Vì vậy, dù các bậc phụ huynh có “định hướng” đến mấy
cũng vô ích nếu tác phẩm không thực sự hấp dẫn và “sống” được trong lòng
các em. Có lẽ đó cũng do một phần các nhà văn “già” vẫn phải gánh vác
trách nhiệm này mà chưa có sự tiếp nối nhiệt tình của thế hệ trẻ. Thực ra thì
số lượng các nhà văn viết cho thiếu nhi trên thế giới thực sự thành công cũng
không phải là nhiều, tài năng lại càng hiếm. Chúng ta cũng không nên kỳ
vọng nhiều. Có được một hiện tượng như Nguyễn Nhật Ánh, Trần Hoài
Dương hay Nguyễn Ngọc Thuần là đã nên lấy làm mừng rồi. Tuy nhiên,
trong dòng chảy liên tục của văn học thiếu nhi, rõ ràng có sự hẫng hụt và
một nỗi lo thiếu vắng các cây bút trẻ tài năng và tâm huyết. Giữa rất nhiều
loại hình sách cho trẻ em, sách văn học bao giờ cũng chiếm vị trí đặc biệt.
Nhưng tại sao bức tranh văn học cho tuổi thơ giai đoạn này vẫn chưa thể
sáng, đẹp bằng “cái “thời hoàng kim của nó? Nguyên nhân chính nằm ở chỗ
vẫn còn khoảng cách lớn từ các sáng tác văn học với người đọc. Làm sao
cho khối lượng tác phẩm đồ sộ này đến được với các em, để đại chúng hóa
tên tuổi người viết, để việc thưởng thức văn chương trở thành một nhu cầu
không thể thiếu của trẻ…là một trăn trở lớn không chỉ riêng đội ngũ nhà văn
viết cho thiếu nhi hôm nay. Một năm trước đây, vào tháng 9-2007, NXB
Kim Đồng cũng đã làm nên “hiện tượng” hiếm có đối với sách văn học, đặc
biệt là sách cho thiếu nhi khi phát hành tới 10 nghìn bản cuốn “Cha và con”
của nhà văn Hồ Phương. Cuốn tiểu thuyết viết về thời thơ ấu của Bác Hồ
đão tạo nên cơn sốt đối với các độc giả nhỏ tuổi. Một cuốn sách mang tính
giáo dục cao, đã phát hành rất thành công và đến với công chúng nhanh
chóng là nhờ kết hợp công nghệ quảng bá phù hợp.

Khi mà đất nước ta đang từng ngày triển khai nền kinh tế thì thị
trường càng cải cách và mở cửa, con em chúng ta càng cần được trang bị tốt
hơn về nhiều mặt. Bên cạnh bản lĩnh chính trị vững vàng, một trình độ văn
hóa và kĩ thuật hiện đại, một khả năng ứng xử linh hoạt…cần thiết phải có
một thế giới tinh thần đậm đà truyền thống dân tộc và những giá trị nhân
bản.
Những năm tháng trước đây, các thế hệ nhà văn Tô Hoài, Phạm Hổ,
Võ Quảng, Xuân Quỳnh, Định Hải đã thành công khi viết cho lứa tuồi thiếu
nhi, nhi đồng và thiếu niên nhỏ. Ở trung ương và địa phương đã xuất hiện
hàng loạt tờ báo cho từng đối tượng cụ thể, như Nhi đồng – cho nhi đồng;
Thiếu niên tiền phong và Khăn quàng đỏ - cho thiếu niên; Tuổi xanh, Mực
tím, Hoa học trò…cho tuổi mới lớn. Sự sàng lọc tự nhiên của cơ chế thị
trường sẽ loại dần những sách yếu kém. Nhà xuất bản muốn bán được sách
thì phải đi tìm người viết giỏi và như thế là bản thân mỗi người sáng tác
cũng sẽ phải tự đổi mới mình, chăm chút cho tác phẩm hay hơn, đẹp hơn.
Song song với việc khơi đầu ra, cần hướng dẫn thị hiếu độc giả nhỏ tuổi
bằng mạng lưới truyền thông đại chúng như báo, đài và truyền hình,
Internert…

Văn học nghệ thuật đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống trẻ
thơ, để giúp các em hình thành nhân cách con người. Vì một thế giới ngày
mai tươi sáng hơn, chúng ta hãy quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển của
dòng văn học thiếu nhi. Bên cạnh đó, có thể dễ dàng nhận thấy một khoảng
cách về hình thức trình bày giữa sách dịch và sách trong nước. Nếu những
cuốn sách dành cho thiếu nhi dịch từ nước ngoài trung thành với nguyên bản
về hình thức trình bày, rất đẹp và hấp dẫn, thì sách văn học thiếu nhi trong
nước trông chưa được bắt mắt và lôi cuốn cho lắm.

Cụ thể hơn, văn học thiếu nhi là nỗ lực đáp ứng và thích ứng với nhu cầu,
khả năng của trẻ em. Thông qua sự lựa chọn ngôn ngữ, vấn đề, hình thức,
phong cách… tương ứng với từng độ tuổi phát triển, cũng như với yêu cầu
về mức phát triển của chúng, văn học thiếu nhi nỗ lực nối khoảng cách giữa
những kẻ, mà sự xa cách về tuổi tác và kinh nghiệm, tâm lý, trình độ ngôn
ngữ… có thể khiến họ trở thành những “tâm hồn xa lạ”. Có thể hình dung
văn học thiếu nhi như một cây cầu, mà ở phía này, khi đã cách xa điểm khởi
đầu, người lớn bắt đầu nhìn lại và, hoặc thèm muốn trở lại điểm xuất phát –
một ham muốn bất khả thực hiện trong thực tế, hoặc khao khát được thấu
hiểu những đứa trẻ ở đầu kia đang bắt đầu hành trình như chính mình đã
từng ở thời điểm bắt đầu đó, hoặc nỗ lực (một - nỗ - lực - từ - xa) muốn hối
thúc những đứa trẻ tiến nhanh về phía con đường người lớn đang đi… Trong
cơ chế thị trường, văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi không thể tàn lụi.
Chúng ta hãy cùng nhau khơi dòng cho các sáng tác dành cho thiếu nhi cùng
chảy giữa muôn dòng chảy đang ồn ào, náo nhiệt của cơ chế thị trường. Đặc
biệt trong lĩnh vực tiểu thuyết đang có những chuyển động đáng kể và đạt
được thành công nhất định. Một số tác phẩm có được tiếng vang như Miền
thơ ấu, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Côi cút giữa cảnh đời, Chó Bi đời lưu
lạc hay Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ…Trong tấm gương phản chiếu đó, tác
phẩm có thể thu nhận rất nhiều mặt của cuộc sống trẻ em hôm nay bên cạnh
những câu chuyện cách xa với thời đại mà các em đang sống. Một nhãn
quan mới mẻ, lối viết hiện đại và tinh thần thực sự vì trẻ thơ của người viết
đã giúp nhiều tác giả có được chỗ đứng trong lòng các độc giả nhỏ tuổi.
1.3.2 Những chuyển biến trong tiếp nhận tiểu thuyết của thiếu nhi
Trong giai đoạn 1986 cho đến nay, không phải ngẫu nhiên mà khi xóa
bỏ bao cấp, thị trường sách thiếu nhi (và cả người lớn) dồn về loại truyện cổ,
truyện thần kì, truyện nghĩa hiệp. Nó thỏa mãn trí tưởng tượng và tâm lí
hướng về những giá trị vĩnh cữu : chân, thiện, mĩ. Dĩ nhiên cái gì cũng có
giới hạn của nó. Vài chục năm trước, chúng ta được biết đến những tác
phẩm như Cô gái ở hồ Đen, Con chó Đin-gô cùng với việc xuất hiện đủ các
loại báo, sách về tình bạn tình yêu lứa tuổi học trò với những cảm xúc bâng
khuâng thời áo trắng dung dị…Dường như, những câu chuyện cổ tích đã
không còn hấp dẫn các em như trước đây, thay vào đó là những tập truyện
tranh, một số ít trong đó có nội dung thiếu lành mạnh. Nhu cầu, thói quen
đọc sách của các em do đó bị mai một dần. Phải chăng là sách văn học giờ
đây không vào được lớp bạn đọc nhỏ tuổi, sách đã chậm chạp, lạc hậu với
đời sống các em, sách nói những chuyện các em không hiểu và không quan
tâm. Nhiều tác giả viết về đề tài nhà trường và sinh hoạt của các em thiếu
nhi gắn với nhà trường đang “dậm chân tại chỗ”
Xã hội hiện đại cùng với những tiến bộ khoa học đã tạo cho các em sự
nhận thức mới và trình độ hiểu biết sâu sắc. Trẻ bây giờ thông minh, hiểu
biết hơn trước nhiều. Sự tự tin và khả năng phát triển tinh thần khá mạnh, sự
khát khao hiểu biết cùng với một trình độ cao rộng về mọi lĩnh vực, cách
ứng xử linh hoạt đối với nhiều vấn đề của cuộc sống là những đặc trưng dễ
nhận thấy. Chính cuộc sống sôi động và có phần xô bồ gây cho các em hứng
thú đọc sách báo. Và cái các em kiếm tìm ở đây là sự thay đổi, những điều
khác với cái hằng ngày các em đang sống. Thiếu nhi bây giờ già hơn trong
suy nghĩ và hành động, nhưng non hơn trong cảm xúc so với thế hệ trước.
Hằng ngày, trẻ phải sống trong các mối quan hệ xã hội của người lớn chứ
không chỉ đơn thuần là quan hệ giữa chúng với nhau. Những tiếp nhận trong
tiểu thuyết cho thiếu nhi vẫn còn nhiều hạn chế. Một phần là do chúng ta
không thực sự có một lực lượng nhà văn “chuyên nghiệp” dành cho mảng
văn học thiếu nhi. Trong số những nhà văn thế hệ trước, có những người cả
đời đam mê sáng tác cho thiếu nhi và cho đến giờ họ vẫn tiếp tục viết. Điển
hình là nhà văn Trần Hoài Dương, với một giọng văn trong trẻo ẩn chứa vẻ
đẹp tinh khiết của thế giới tuổi thơ. Dù tuổi đã cao, ông vẫn liên tiếp cho ra
những tác phẩm mới và luôn có mặt trong các tủ sách dành cho thiếu nhi.
Tiếp nối, Nguyễn Nhật Ánh đã làm nên một “hiện tượng” đáng quý với các
tác phẩm tạo thành “làn sóng đọc sách” trong các em nhỏ. Thành công của
Nguyễn Nhật Ánh cũng mở ra nhiều hy vọng cho văn học thiếu nhi. Một
năm về trước, “Cha và con” của nhà văn Hồ Phương trở thành hiện tượng
hiếm hoi của văn học nói chung và sách thiếu nhi nói riêng với con số ấn
hành mười nghìn bản.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này không phải ở bản thân người viết
không “mặn mà” với đối tượng, mà đơn giản là họ đã có rất nhiều cái khác :
cuộc sống khác, suy nghĩ khác, nhu cầu khác, cách nhìn khác…nên hướng
viết chưa đi sâu sắc lắm. Vấn đề tuổi tác, danh vị người viết cũng là những
nhân tố quan trọng. Hơn nữa, một số người viết mới chuyển sang lãnh vực
này chưa lâu nên kinh nghiệm còn hạn chế. Hơn nữa, mảnh đất văn học cho
thiếu nhi lại chẳng màu mỡ, “béo bở” chút nào. Chọn viết cho trẻ em là một
thử thách khắc nghiệt so với viết cho người lớn, thực tế văn học thiếu nhi
vẫn chưa nhìn nhận đúng giá trị của nó. Có những quan điểm sai lầm và ngộ
nhận cho rằng, ngày nay các em không thích đọc sách, báo nên việc cảm thụ
văn học ngày càng thấp và việc học văn đang xuống cấp vì vậy mà để bán
chạy người ta sẵn sàng làm ra những tác phẩm “giật gân”, bạo lực bất chấp
những tác hại trong chúng đưa ra. Nhưng có thể khẳng định rằng, một tập
truyện, tiểu thuyết có nội dung hay, lành mạnh, hấp dẫn, hình thức đẹp thì
vẫn được các em chấp nhận. Vấn đề ở chỗ các tác phẩm ấy có phản ánh
đúng tâm tư tình cảm, khát vọng có phù hợp với tâm sinh lí của các em hay
không. Việc cho ra đời những tác phẩm hay do chính các em sáng tác vừa để
tạo điều kiện tiếp cận vừa nâng lên một tầm nhận thức cao hơn. Đó là các
em cũng viết rất giỏi, biết phê bình, nhận xét xác đáng, luôn đòi hỏi bài viết,
sách hay hơn. Điều đó chứng tỏ rằng thế hệ các em không hề thua kém các
thế hệ cha anh đi trước chút nào. Chẳng hạn như chính các em đã tạo ra một
phong cách của một tờ báo, một phong cách rất học trò: lãng mạn, hồn nhiên
và rất nghịch ngợm. Những tác phẩm của chính các em ra đời tuy là gần gũi
với đời sống thực nhưng vẫn còn thiếu chiều sâu. Đó cũng là điều dễ hiểu vì
các em còn thiếu sự từng trải, sự lịch lãm. Và như thế là chỉ còn có thể bổ
sung bằng các sáng tác của các nhà văn, nhà thơ. Chính bản thân mỗi em
cũng đang mong mỏi, đòi hỏi điều đó vì các em đang từng bước hình thành
thế giới quan, chưa có kinh nghiệm sống nên “khuynh hướng toát ra từ hình
tượng” phải rõ ràng, dễ hiểu, không mập mờ, hiểu thế nào cũng được.
Để việc tiếp nhận các tác phẩm thiếu nhi đi theo chiều hướng tốt thì
điều đầu tiên và quan trọng nhất là hướng dẫn thị hiếu lành mạnh, đúng đắn
và nâng cao trình độ thẩm mỹ cho các em trong việc thưởng thức văn học.
Cho nên trong việc giáo dục các em bằng sách báo thì cần có loại sách này
hay sách kia, sách nào cần có để mà đọc ,mà giáo dục. Mà muốn có sách hay
không gì khác ngoài việc tạo được niềm hứng thú, hồ hởi cho người viết
kèm theo những giải thưởng có giá trị. Hơn trên hết, chúng ta phải giáo dục
làm sao cho các em biết chọn lựa sách mà đọc cho phù hợp với lứa tuổi của
mình. Không thể để cái tình trạng mà học sinh cuối cấp 1,đầu cấp 2 mặt đỏ
bừng, mắt long lanh với những trang văn cợt nhã, ỡm ờ trong quan hệ bạn bè
và cả trong quan hệ thầy trò…Chúng ta không thể xem thường, bỏ qua sự
tiếp nhận của bạn đọc, một bạn đọc gồm nhiều lứa tuổi và luôn luôn biến
đổi. Theo những nghiên cứu mô hình đối tượng dành cho thiếu nhi dựng
theo kiểu định nghĩa “Trẻ em là tương lai đất nước” là lớp người kế thừa
cách mạng nên thường tìm những điển hình tiêu biểu để chứng minh. Lối đặt
nặng tính chất chủ quan đó đôi khi dẫn đến những kết luận có thể cực đoan
là “Trẻ em có khả năng làm chủ tập thể hơn người lớn”. Cách tiếp cận theo
cách này đã đi đến cách làm sách chỉ chú ý đến cái các em cần chứ không
phải là cái các em thích mà những cái cần ấy lại xuất phát từ những suy nghĩ
rất chủ quan của người lớn. Chẳng trách gì mà sách nặng chất giáo huấn xa
xôi và khô khan. Tính đến thời điểm hiện nay, tình hình đã chuyển sang một
cực khác. Do sức ép của thị trường, thị hiếu, nên sách báo đã tìm mọi cách
để chiều theo cái thích của các em. Vì vậy sách báo cho thiếu nhi nặng về
phần giải trí, ít tính giáo dục. Mối quan hệ bàn tới ở đây là giữa người viết
và người làm sách cho thiếu nhi với bạn đọc nên vừa là bạn vừa là thầy. Là
bạn để biết được sở thích của các em, nói lên điều mà các em quan tâm. Là
thầy để hướng con đường và dẫn dắt cho các em đi tới.
Để có sự tiếp nhận chu đáo và toàn diện, nay đã có nhiều nhà xuất bản
có tiếng tăm. Nó như là chiếc cầu nối liền các đồng chí và bạn đọc với
phương hướng chính là chức năng giáo dục và tư tưởng. Vì vậy những tác
phẩm ra đời phải rõ ràng, dễ hiểu. Tuy nhiên, sự dễ hiểu đó không phải là sự
dễ dàng hay dễ dãi của người viết. Phải thực sự có các nhà văn có tài và làm
việc hết sức mình mới có thể nói với các em những điểu cao cả, những lý
tưởng chói sáng, những nét tinh tế linh diệu nhất trong thế giới tâm hồn của
chúng một cách dung dị, dễ hiểu. Những tác phẩm thường chứa đựng trong
đó là truyền thống cách mạng vì dân tộc ta gắn chặt với lịch sử dân tộc.
Chẳng hạn như trong Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán), qua các tấm gương của
các đảng viên, đoàn viên trong đội quân Vệ quốc thì chủ nghĩa yêu nước đã
kết hợp với phẩm chất cộng sản. Cùng với việc đặt chức năng giáo dục lên
hàng đầu, nhưng cùng không kém phần xem nhẹ chức năng nhận thức. Các
em không bị nhồi nhét những giáo lý, tín điều mà là đưa đến cho các em
những bài học sống thú vị và bổ ích. Cuộc sống mở ra trên từng trang sách,
đọc sách các em sẽ biết được nhiều điều mới mẻ, nhiều tấm gương, nhiều lời
khuyên nhủ mà thực tế đôi khi nó còn có giá trị hơn việc cha mẹ cứ nhắc đi
nhắc lại nhiều lần. Ở đó, là một cuộc sống toàn vẹn, có người lớn và có trẻ
em, có ngày hôm qua và cả hôm nay để các em biết quý trọng hơn giá trị và
ý nghĩa của cuộc sống. Bên cạnh các sản phẩm có gốc gác từ truyền thống là
không ít câu bổ bã, bụi bặm của thời mở cửa: “ dân ngu tối dạ, học giả yếu
chim”, “ Rằng giận thì giận mà thương thì thương. Anh không lên giường thì
em không ngủ được”(Chó Bi đời lưu lạc); “ vào thì bẩm bẩm thưa thưa – ra
thì văng tục có chừa ai đâu”, “ thôi tôi chẳng lấy ông đâu – Ông đừng cạo
mặt cạo râu tốn tiền” “ vì quan đú đởn nên dân nó nhờn” (Côi cút giữa cảnh
đời),…
3.3 Ngôn từ nghệ thuật
Nếu như xem mỗi tác phẩm văn học là một công trình nghệ thuật hoàn
chỉnh hằn in dấu vết thời đại bên cạnh cá tính sáng tạo của chính nhà văn thì
ngôn từ - chất liệu đặc trưng của sản phẩm tinh thần đặc biệt đó – sẽ là nhân
tố thứ nhất của sự kết tinh thay đổi của đặc trưng thể loại của văn học trước
mỗi bước ngoặc chuyển mình của lịch sử - xã hội. Hệ thống ngôn từ nghệ
thuật trong văn học thiếu nhi thời Đổi mới cũng không nằm ngoài quy luật
ấy. Trước hết là chủ tâm, nỗ lực đời thường hóa ngôn ngữ văn học, đưa sáng
tác lại gần với trẻ con hơn. Việc sử dụng biện pháp tu từ với tần số cao cùng
với hệ thống ngôn từ mang sắc thái địa phương đã góp phần mang lại nhiều
mĩ cảm, sức mạnh tạo hình ,giá trị biểu cảm của các hình tượng nghệ thuật
và đặc biệt hơn là để lại dấu ấn văn hóa của từng vùng miền.
3.3.1 Sự lên ngôi của hệ thống ngôn từ mang sắc thái địa phương
Nỗ lực đáng trân trọng của người viết trên phương diện ngôn ngữ văn học có
thể dễ dàng nhận thấy ở sự khai thác thế mạnh của ngôn ngữ mang sắc thái
địa phương, vùng miền để tạo dư vị, sức hút cho tác phẩm. Nhờ vậy, “thực
đơn” của văn học đương đại cho thiếu nhi có cảm giác không còn độc tôn
như trước mà đa dạng hơn, đậm đà, khó quên hơn. Vì vậy, với tấm lòng tri
ân trân trọng, nhà văn có ý thức trách nhiệm làm thể nào để bồi bổ tiếng nói
dân tộc phải "giàu thêm mãi về cả chữ dùng, cả cách nói của ngôn ngữ Việt.
Mỗi khi cầm bút, ông trải cái vốn từ phong phú mà mình chiếm lĩnh ra để
chọn lấy một từ chính xác trong sáng nhất, nhưng cũng ít người dùng nhất,
đặt đúng vị trí trong câu văn. Người đọc khi gặp, lập tức phản xạ với cái vốn
quen dùng của mình mà rung lên xúc cảm, khắc vào ký ức như biết thêm
một từ thần, như nhớ thêm một câu thơ hay, một cách dùng độc đáo, mà học
theo để nâng dần năng lực ngôn ngữ của mình.
Từ một mảng đề tài muôn thuở (chiến tranh, lịch sử, cách mạng),
nhưng bằng tài năng và tình cảm của mình, Phùng Quán đã biết tìm cho
mình một lối đi riêng cho tác phẩm của mình – Tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội.
Xuất hiện với một dáng dấp mới lạ, hấp dẫn người đọc nhờ những sắc thái
địa phương của chính quê hương mình – xứ Huế mộng mơ với sông Hương
và núi Ngự cùng truyền thống đấu tranh quật cường của người dân nơi đây.
Chúng ta dễ dàng bắt gặp cái nắng đổ lửa, cái mưa dầm dề, của dòng Hương
Giang – nó được xem như là một điểm nhấn bộc lộ tâm huyết của nhà văn
suốt bề dài tiểu thuyết. Nó còn là bức tranh đời sống thể hiện qua những
món ăn dân dã với những nét đẹp trong văn hóa ẩm thực, là cách sinh hoạt,
lời ăn tiếng nói hằng ngày của con người. Hơn hết là hơn tám mươi tên đất,
tên làng sống động, chân thực với những sự kiện , những chiến công của
quân nhân thành Huế nhân hậu, thủy chung và rất đỗi quật cường. Với 1346
từ địa phương trên gần 800 trang sách – một con số không nhỏ thể hiện rõ sự
dụng công và ý đồ nghệ thuật của người viết. Bằng cách sáng tạo và sử dụng
khéo léo hệ thống phương ngữ này, Phùng Quán đã tạo nên những hiệu quả
đặc biệt lôi cuốn người đọc say mê vào từng trang sách. Nhờ sức mạnh của
bút pháp trần thuật có nghề, bằng sự nặng lòng với Huế, bằng chính vốn
sống và kí ức tuổi thơ sống động, rất tươi mới của nhà văn…, Tuổi thơ dữ
dội đã trở thành một trường thiên tiểu thuyết rất có hồn vừa mang đậm chất
sử thi, vừa trĩu nặng tình đất, tình người. Với tình cảm của một con người xa
quê và bằng tài năng của một nhà văn nhạy cảm với cuộc sống, Phùng Quán
đã sử dụng linh hoạt các yếu tố mang sắc thái địa phương để nó trở thành
một trong những yếu tố tạo nên những giá trị đích thực của tác phẩm. Cũng
chính nhờ vậy mà tuy Tuổi thơ dữ dội mang đậm “chất Huế” nhưng người
đọc không thấy khó chịu, nhàm chán mà trái lại như một liều thuốc tinh thần
kích thích mạnh mẽ hơn nữa lật sang những trang kế tiếp. Và họ không
ngừng cảm thấy hứng thú trên các hành trình xuyên suốt tám trăm trang của
tác phẩm.
3.3.2 Sự gia tăng chất liệu ngôn từ mang đậm dấu ấn của cuộc sống hiện
đại
Cuộc sống đang thay đổi từng ngày, đi cùng với nó là dấu ấn của cuộc sống
hiện đại đó. Những mặt của đời sống hiện tạo dường như được phản ánh một
cách trung thực vào từng trang viết của các nhà văn, nhà thơ. Những tưởng
bấy lâu nay, thứ ngôn ngữ đó chỉ xuất hiện trong những tác phẩm viết cho
người lớn, chứ không nằm trong các câu chuyện viết cho lứa tuổi nhỏ như
truyện cổ tích, truyện thần kì. Nhưng từ giai đoạn 1986 trở đi, chất liệu ngôn
từ đang có chiều hướng gia tăng về chất lẫn về lượng mang đậm dấu ấn của
cuộc sống hiện đại. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra điều này khi đọc đến
hai tác phẩm là Chó Bi- đời lưu lạc và Côi cút giữa cảnh đời của Ma Văn
Kháng. Cả hai đều nói đến cuộc sống của người dân trong thời buổi bao cấp
tiến lên chủ nghĩa xã hội cuộc sống của người dân đang còn cơ cực. Như
một sự cộng hưởng với âm thanh và sắc màu cuộc sống đa dạng và phong
phú, địa hạt dành cho dòng văn học thiếu nhi hôm nay có những sắc diện,
những biến điệu và dư vị riêng của nó. Sự trở về và sáng tạo độc đáo của lớp
lớp tác giả ra đời sau này đã mang lại cho tiểu thuyết viết cho thiếu nhi từ
1986 đến nay nét mới mẻ, hấp dẫn riêng, gợi cảm xúc mạnh mẽ trong khi
vẫn không ngừng bám sát những sinh hoạt gần gũi của trẻ thơ. Nhịp sống
hối hả của hiện đại đã thổi hồn vào những trang giấy khiến nó hiện lên một
cách sống động và chân thực nhất. Một nét mới nữa trong ngôn ngữ tiểu
thuyết thiếu nhi hơn hai mươi năm qua là sự “đa dạng, mới mẻ trong giọng
điệu”. Không còn là hình thức đơn âm, thiên về ngợi ca, hào sảng về truyền
thống anh hùng như giai đoạn trước nữa, lúc này giọng điệu của các sáng tác
cho trẻ em như là một bản hòa âm của rất rất nhiều cung bậc của cuộc sống:
có đùa vui bông lơn của con trẻ, có xót xa tiếc nuối về những việc đã qua, có
hồn nhiên thơ trẻ nhưng cũng lắm lúc nặng lòng day dứt…Chất hiện đại ở
đây còn là những gì gần gụi, quen thuộc với con trẻ trong thời buổi hôm nay
để đưa chúng ta vào cuộc hành trình khám phá thú vị của những bài học về
cuộc đời khuất sau con chữ. Bên cạnh các sản phẩm có gốc gác truyền thống
là không ít câu bồ bã, bụi bặm của thời mở cửa: “Dân ngu tối dạ, học giả yếu
chim”, “Rằng giận thì giận mà thương thì thương. Anh không lên giường thì
em không ngủ được”(Chó Bi, đời lưu lạc); “Vào thì bẩm bẩm thưa thưa – Ra
thì văng tục có chừa ai đâu”, “ Thôi tôi chẳng lấy ông đâu – Ông đừng cạo
mặt, cạo râu tốn tiền”, “Vì quan đú đởn nên dân nó nhờn”(Côi cút giữa cảnh
đời)…Ở những tác phẩm ấy ta còn thấy xuất hiện một lớp ngôn từ được sử
dụng trong thời kì kinh tế mở cửa mà trước đây không có như có ông chủ
tịch phường, công an tỉnh, chúa Đảo…hay là những câu nói đầy sức triết lý
của ông Thuần là “Lịch sử là một dòng chảy tự nhiên. Kinh tế tự nó mở
đường đi. Chính trị là lợi ích. Nếu chính trị thực sự là khoa học thì nó cũng
được đối xử như khoa học, tức là được phán xét, sửa chữa. Chúng ta còn bắt
gặp những câu nói đùa đại loại như đạo đức là sự lười biếng và nhát gan của
một số bộ phận trong xã hội hiện đại. Bằng lối kể chuyện hóm hỉnh và hài
hước, Ma Văn Kháng đã đưa chúng ta đi tìm hiểu thực tế cuộc sống trong
giai đoạn bấy giờ: có thủ đoạn gian manh và xảo quyệt của những kẻ thời
cơ, có những tại trại khỉ nuôi nhằm mục đích thí nghiệm và giải trí, những
vụ thu hoạch thuốc phiện hay là việc mọi người đổ xô đi đãi vàng…và còn
nhiều thứ khác nữa xây dựng nên một tác phẩm Chó Bi – đời lưu lạc rất
riêng và ấn tượng – không lẫn với bất cứ ai.
3.3.3 Hệ thống ngôn ngữ gắn liền với yếu tố tâm thức của cộng đồng dân
tộc
Nhắc đến yếu tố tâm thức của cộng đồng dân tộc chúng ta không thể không
kể đến sự gia tăng chất liệu dân gian với hệ thống các câu tục ngữ, ca dao,
dân ca, sấm truyền….như một sự “lắp ghép” nhuần nhuyễn vào cấu trúc tác
phẩm cũng là một cách tân đáng ghi nhận của sáng tác cho trẻ em trong
những năm gần đây. Xuất hiện trong những tiểu thuyết có tiếng vang như
Bông sen vàng, Côi cút giữa cảnh đời, Chó Bi – đời lưu lạc…với tần suất
của văn hóa truyền miệng này khá cao và thực sự phát huy lợi thế của nó
trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Việc vay mượn, sử dụng ngôn ngữ
dân gian phần lớn đều rất tự nhiên, không hề gượng ép do đặt đúng chỗ,
đúng người và thường cô đọng, hàm súc vì vậy nhiều khi chúng có ưu thế
hơn hẳn so với cách nói hiện đại. Có những truyện, dung lượng lời ăn tiếng
nói hẳng ngày của quần chúng nhân dân rất lớn và tỏ ra có hiệu quả thực sự
đối với sự phát triển của mạch câu chuyện, sự khắc họa tính cách nhân vật,
hoàn cảnh đặc thù…Có những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao được sử dụng
nguyên văn: “Sinh con sáng dạ làu làu – Nhớ mẹ ngày trước chăm lau đĩa
đèn”, “Sinh con quý tử khó nuôi – Trồng cây ngon trái lắm người lăm le”,
“Nhà có phúc sinh con giỏi lội – Nhà có tội sinh con hay trèo”, “Con dại cái
mang”, “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, “Oan hồn thì hồn hiện”, “Nghe như
vịt nghe sấm”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Mồ côi cha ăn
cơm với cá, mồ côi mẹ vét lá đầu đường”, “Bao giờ bánh đúc có xương -
Bao giờ mẹ ghẻ lại thương con chồng”, “Cha già con cọc”, “Không ai giàu
ba họ, chẳng ai khó ba đời”, “Dẫu thơm dẫu đẹp hoa lài - Đàn bà con gái
chớ cài lên khăn”, “Người hiền nuôi sói hóa nai - Người ác nuôi thỏ lại lai
lợn lòi”, “Sống mỗi người một nết, chết mỗi người một bệnh”, “Đưa con vô
Nội mất con - Phò mã tốt áo chẳng còn cố tri”,… (Bông Sen Vàng). Có
trường hợp được tái tạo lại dưới dạng lời dẫn gián tiếp – một thành phần
trong ngôn ngữ đối thoại của nhân vật: “Con nhà tông, giống lông giống cả
cánh”, “Ăn vóc học hay… Cái chữ cho con mắt còn cần hơn cả miếng cơm
cho cái miệng vậy”, “Ai đứt bữa, ai tối lửa tắt đèn, bà chìa tay giúp đỡ trong
tình lá lành đùm lá rách”, “Con nòi của giống, ông cha nói nỏ có sai”, “Cậu
là con nhà khoa bảng, con nhà thầy, nhà quan mà đến nhà tui, phận bần hàn
ni là rồng đến nhà tôm”, “Anh em mình nhỏ đầu nên dễ chui, hai anh nhể”,
“Con phải nhớ câu: “Nhịn miệng thết khách”. Không ai lại làm cái việc:
“Đãi khách nhẹ dầu tăm, mình ăn gắp nặng đũa”. Những kẻ vô tâm mới cắm
đầu ăn cho no bụng mình chẳng nghĩ đến phần ai. Nhà mình tuy ít của
nhưng biết có miếng ăn chia cho đều, có cái tình thì thương cho khắp. Của
ăn thì hết, của cho thì còn. Con nhớ kĩ cái điều ấy” (Bông Sen Vàng)…
Chiếm số lượng ít hơn là câu đố: “Thuyền gỗ, chèo sắt, đi dắt về
chèo” (cái hộp mực kẻ của thợ mộc); những cách chơi chữ dân gian độc đáo:
“Cớ sự vì sao mà cứ sợ - Dời chưng (chân) nỏ được hãy dừng chơi “, “Rầu rĩ
rầu ri, râu ria ra rậm rạp - Rờ râu râu rụng, răng rứa rõ ra ri”… Có trường
hợp nôm na, chân mộc nhưng cũng không ít lúc khởi phát từ những câu nói
hàm súc, thâm thúy của người học rộng: “Ẩm thủy tư nguyên” (uống nước
nhớ nguồn), “Hữu chí giả, sự cánh thành” (người có chí thì việc ắt sẽ nên).
Có câu dẫn ra để minh họa, đồng tình, nhưng cũng có lúc chúng là nguyên
cớ cho sự đối thoại, bộc lộ chính kiến, nội tâm nhân vật như lời cậu bé Côn
nói với mẹ: “Mẹ ơi, cái tục lệ coi bông hoa lài như cô gái không đứng đắn,
nó thế nào ấy? Lại còn gán cho những người đàn bà con gái cài hoa lài lên
khăn cho thơm cũng bị coi là người hư hỏng? Sao các cụ, các thầy lại thích
uống trà ướp hoa lài? Ồ! Tục lệ ấy ngẫm thấy không hay mà còn dở nữa mẹ
ạ” (Bông Sen Vàng).
Những đại diện ưu tú của văn học dân gian này vẫn tồn tại đẳng lập
bên cạnh những ngôn từ uyên thâm của Nho gia: “Hổ phụ sinh hổ tử”, “Dân
vi quý, quân vi khinh”, “Quốc dĩ dân lập”, “Dân dĩ quốc tồn”, “Cố quốc dân
tất ái quốc”; “Ngọc bất trác bất thành khí”, “Quân chi thị thần như khuyển
mã, tắc thần thị quân như khấu thù”, “Háo vấn, tắc dụ, tự dụng, tắc tiểu”,
“Thập thiên thụ mộc, bách tuế dục tài”, “Hoàng thiên bất phụ hảo nhân
tâm”, “Ngôn dĩ hành nan”v.v… (Bông Sen Vàng). Việc vay mượn, sử dụng
ngôn ngữ văn chương truyền khẩu phần lớn đều tự nhiên, không gượng ép
do đặt đúng chỗ, đúng người và thường cô đọng, hàm súc vì vậy nhiều khi
chúng có ưu thế hơn hẳn so với cách nói hiện đại. Chất dân gian đan xen
một cách hợp lí, với dung lượng vừa phải góp phần thể hiện rõ tính cách
nhân vật, khẳng định căn cốt của sự hình thành nhân cách con người phải từ
nguồn cội nước nhà. Điều đó cho thấy quan niệm nghệ thuật tiến bộ của
người viết: Con người, đặc biệt là những bậc vĩ nhân, luôn là sự lắng đọng
tinh hoa văn hóa của lịch sử cộng đồng; đó là điểm tựa của lí tưởng, lẽ sống,
nhờ thế lúc nào, ở đâu trong trong tâm hồn họ cũng hiện diện rõ ràng một
gương mặt quê hương.
Còn trong Chó Bi đời lưu lạc cũng có những câu tục ngữ được sử
dụng nguyên văn: “Con chó mà có móng treo – Khỏi lo ăn trộm bắt heo bắt
gà”, “Ai mà nuôi chó một râu – Trời cho chủ nó sắp giàu đến nơi”, “Tháng
mười chưa cười đã tối”, “Đãi cứt sáo lấy hạt đa”còn trong Côi cút giữa cảnh
đời là “Chim chích mà ghẹo bồ nông – Đến khi nó mổ lạy ông tôi chừa”,
“Bốn giờ cắp nón ra đi – Mặt chó không biết mặt gà cũng không”, “Tốt lễ
thì dễ van”, “Chém tre phải dè đầu mặt”, “Dây thẳng mất lòng cây gỗ queo”
v.v…”.Có câu được tái tạo lại dưới dạng lời dẫn gián tiếp – một thành phần
trong ngôn ngữ đối thoại của nhân vật: “Rõ nghênh ngáo như cáo trông
trăng chưa kìa!”, “ Khổ, rắn đổ nọ cho lươn là thế!”(Chó Bi đời lưu lạc);
“Lợn lành trói cho chặt”, “Ông thầy ăn một, bà cốt ăn hai, còn cái thủ, cái tai
thì đem biếu chú. Để chú, khi vui nước nước non non. Khi buồn thì giở quân
son bài ngà” (Côi cút giữa cảnh đời). Còn đó những lời sấm truyền có tính
chất dự báo, thể hiện niềm tin vào sức mạnh huyền vi: “ Cua đổi càng, vàng
lộ thiên”(Chó Bi đời lưu lạc); những cách chơi chữ dân gian rất độc đáo: “
Nhà khoa học tập sự mải miết trên bàn học giờ đây trẩn văn cời, quần xắn
tới bẹn, suốt ngày cặm cụi với đường bào, lỗ đục”(chó Bi, đời lưu lạc), “ cớ
sự vì sao mà cớ sự _ dời chưng (chân) nỏ được hãy dừng chơi”, “Rầu rĩ rầu
ri, râu ria ra rậm rạp – Rờ râu râu rụng, răng rứa rõ ra ri” (Bông sen vàng)…
Có trường hợp nôm na dân gian nhưng cũng không ít lúc khởi nguồn từ
những câu nói hàm súc của người có học “ Âm thủy tư nguyên”(Uống nước
nhớ nguồn), “ Hữu chí giả, sự cánh thành” (người có chí thì ắt việc sẽ nên)
(Bông sen vàng) , “ tiền trở hậu thành” (Chó Bi, đời lưu lạc). Và đến cả chân
dung nhân vật cũng lộ rõ dấu ấn dân gian : “Da ông (Thuần) săn đỏ. Mắt ông
sáng nhóng nhánh như hai ánh lửa. Ngoài chòm râu cằm, ria mép ông mọc
thêm, rậm rà một vệt đen nhánh, khiến mặt ông thêm dữ dội và phong trần.
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao, súng trên vai, đài Mẫu Đơn bên
hông, cùng da, rìu, vị Tân Chúa đảo thật đáng bậc mày râu, vừa oai phong
khí phách, vừa ngang tàng cao ngạo, rất xứng với thần thái câu thơ cổ: “ Tối
thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt”(Chó Bi, đời lưu lạc). Việc vay
mượn, sử dụng ngôn ngữ dân gian phần lớn đều tự nhiên như Ma Văn
Kháng, để tạo ấn tượng cho nhân vật trung tâm – chó Bi đời lưu lạc có
nghĩa, cực kì thông minh và chung thủy – đã phải “tựa” vào minh triết dân
gian: “ Quen thân đến mức hình bóng chó có cả trong văn thơ, trong các
thành ngữ, tục ngữ của người nữa kia. Chó có váy lĩnh. Chó đen giữ mực.
Đánh chó ngó chủ. Chó gầy hổ mặt người nuôi. Giàu bán chó khó bán con.
Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang…”Chất dân gian đan xen một
cách hợp lí, đúng lúc, với dung lượng vừa phải góp phần thể hiện rõ tinh
cách nhân vật , khẳng định cái cốt của sự hình thành nhân cách của con
người phải từ cội nguồn dân tộc. Cái duyên của người viết ở đây là biết cách
vận dụng, cài đặt đúng chỗ, đúng người, đúng việc nhờ vậy mạch truyện
không hề bị đứt đoạn và cắt vụn mà rất liên hoàn, thuyết phục. Do đó, tính
giáo dục được nâng lên một mức cao hơn và đạt hiệu quả cao. Yếu tố cộng
đồng dân tộc còn được biết đến trong Bí mật hồ cá thần qua những lời căn
dặn của bà em Mon. Đó là truyền thống tín ngưỡng về thần linh là Ông Cá,
về những bài học cho con cháu…
Đến với Cha và con, một mảng đề tài viết về Bác nhưng lại khác dưới cây
bút của Hồ Phương. Cũng sự kiện ấy, nhân vật ấy nhưng với chất liệu ngôn
từ khác tạo nên dấu ấn rất riêng. Với chất liệu dân tộc ở đây, chúng ta bắt
gặp qua những câu hò ví dặm, những câu hát đối rất hay và ý nghĩa…

You might also like