You are on page 1of 3

Lịch sử phát triển của xã hội loài người đã chứng minh rằng thuế ra đời là

một sự cần thiết khách quan gắn liền với sự ra đời, tồn tại và phát triển của Nhà
nước.
Nhà nước là một tổ chức chính trị, đại diện quyền lợi cho giai cấp thống trị,
thi hành các chính sách do giai cấp thống trị đặt ra để cai trị xã hội. Để có nguồn
lực vật chất bảo đảm cho sự tồn tại và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của
mình, Nhà nước phải dùng quyền lực chính trị vốn có để huy động một bộ phận
của cải của xã hội. Việc huy động tập trung nguồn của cải xã hội vào trong tay
Nhà nước có thể thực hiện bằng nhiều cách khác nhau: đóng góp bắt buộc, vận
động dân đóng góp tự nguyện hoặc vay, trong đó, biện pháp huy động, tập trung
của cải có tính bắt buộc đối với mọi thành viên trong xã hội được gọi là thuế.
Trên góc độ phân phối thu nhập, người ta đưa ra khái niệm thuế như sau:
Thuế là hình thức phân phối và phân phối lại tổng sản phẩm xã hội và thu nhập
quốc dân nhằm hình thành nên quĩ tiền tệ tập trung lớn nhất của Nhà nước (quỹ
ngân sách nhà nước) để đáp ứng nhu cầu chi tiêu cho việc thực hiện các chức
năng, nhiệm vụ của Nhà nước.
Trên góc độ người nộp thuế thì thuế được định nghĩa như sau: thuế là
khoản đóng góp bắt buộc mà mỗi tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ đóng góp cho
Nhà nước theo Luật định để đáp ứng nhu cầu chi tiêu cho việc thực hiện các chức
năng, nhiệm vụ của Nhà nước; người đóng thuế được hưởng hợp pháp phần thu
nhập còn lại.
Trên góc độ kinh tế học, thuế được định nghĩa như sau: thuế là biện pháp
đặc biệt, theo đó, Nhà nước sử dụng quyền lực của mình để chuyển một phần
nguồn lực từ khu vực tư sang khu vực công nhằm thực hiện các chức năng kinh tế-
xã hội của Nhà nước.
Đã có nhiều khái niệm khác nhau về thuế. Tuy nhiên, để hiểu rõ bản chất
của thuế, khi nghiên cứu khái niệm về thuế cần chú ý các đặc điểm sau:
- Thứ nhất, thuế là khoản trích nộp bằng tiền: Về nguyên tắc, thuế là một
khoản trích nộp dưới hình thức tiền tệ, điều này trái ngược với các hình thức thanh
toán bằng hiện vật đã tồn tại trước đây.
- Thứ hai, thuế là khoản trích nộp bắt buộc được thực hiện thông qua con
đường quyền lực: Dù được thực hiện dưới hình thức nào, thuế vẫn thể hiện tính
chất bắt buộc, được thực hiện thông qua con đường quyền lực Nhà nước (qua hệ
thống pháp luật thuế). Do đó, đối tượng nộp thuế không có quyền trốn thuế hoặc
mong muốn tự mình ấn định hay thoả thuận mức đóng góp của mình mà chỉ có
quyền chấp thuận. Những đối tượng nộp thuế vi phạm luật sẽ bị cơ quan nhà nước
có thẩm quyền xử lý vi phạm hoặc cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật
Đây là điểm khác biệt giữa thuế với các khoản đóng góp mang tính tự nguyện.
- Thứ ba, thuế là khoản thu có tính chất xác định: Thuế là khoản thu xác
định của các tổ chức thụ hưởng, đó là Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương.
Trái ngược với vay, thuế không được hoàn trả trực tiếp.
- Thứ tư, thuế là một khoản thu không có đối khoản cụ thể, không hoàn trả
trực tiếp nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước trong việc thực hiện các
chức năng quản lý xã hội, chức năng kinh tế - xã hội của Nhà nước:

Như vậy, có thể nói:


- Thuế là nghiệp vụ chuyển giao tài sản từ khu vực tư sang khu vực công.
Khu vực tư bao gồm những hoạt động của các pháp nhân và thể nhân không thuộc
quyền sở hữu của chính phủ.Hoạt động của khu vực này trước hết vì lợi ích của
chính nó và dựa trên cơ chế thị trường. Khu vực công bao gồm những
hoạt động của các cơ quan chính phủ, chính quyền địa phương, các đoàn thể xãhội
và các doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể là chuyển giao trực tiếp bằng tiền. Nó
giống như một phần tiền mà doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phải nộp cho Nhà
nước khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh hay sử dụng của cải xa hội. Thông
qua thuế, Nhà nước bằng quyền lực của mình đã tập trung một bộ phận nguồn lực
của cải xã hội vào ngân sách nhà nước để đáp ứng với nhu cầu chi tiêu của nhà
nước thích ứng từng giai đoạn phát triển của đời sống kinh tế – xã hội. Thuế còn là
công cụ quan trọng góp phần phân phối lại nhằm đảm bảo công bằng xã hội, tích
cực giảm bội chi ngân sách, giảm lạm phát, ổn định kinh tế - xã hội, chuẩn bị điều
kiện và tiền đề cho việc phát triển đất nước lâu dài. Thuế trở thành nguồn thu chủ
yếu, bộ phận cơ bản của nền tài chính quốc gia lành mạnh. Năm 2007, Nhà nước
ta huy động được trên 180 nghìn tỷ đồng tiền thuế, 2008 là trên 250 tỷ đồng. Mục
tiêu của Quốc hội nước ta đề ra trong những năm tới là động viên về thuế chiếm
khoảng 20 đến 25% GDP và ổn định mức đóng góp về thuế. Mức động viên trên
đây là phù hợp với khả năng kinh tế, phù hợp với sức đóng góp của nhân dân, bảo
đảm phần lớn các nhu cầu chi tiêu của ngân sách nhà nước, nguồn vốn để xây
dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế theo hướng có lợi cho quốc kế dân sinh.
Với việc đưa ra nhiều sắc thuế với nhiều cơ cấu khác nhau, áp dụng thống
nhất giữa các ngành nghề, các thành phần kinh tế, các tầng lớp dân cư ( thuế
GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu,….) không những đảm bảo tính
công bằng về nghĩa vụ và quyền lợi mà còn giúp nhà nước đạt được hiệu quả kinh
tế cao.
Đáng chú ý là thuế không hoàn trả trực tiếp cho người nộp thuế (tuy nhiên,
một phần thuế được hoàn trả gián tiếp cho người nộp thuế thông qua các khoản
phúc lợi xã hội, phúc lợi công cộng). Sự không hoàn trả trực tiếp được thể hiện ở
cả trước và sau khi thu thuế. Trước khi thu thuế, Nhà nước không hề cung ứng
trực tiếp một dịch vụ nào cho người nộp thuế. Sau khi thu thuế, Nhà nước cũng
không có sự bồi hoàn trực tiếp nào cho người nộp thuế. Cũng như vậy, người nộp
thuế không thể phản đối việc thực hiện nghĩa vụ thuế với lý do họ sử dụng ít các
dịch vụ công cộng; họ cũng không có quyền đòi hỏi được hưởng nhiều dịch vụ
công cộng hơn so với số thuế họ phải trả vì lý do này hay lý do khác; và họ cũng
không thể từ chối nộp thuế với lý do họ đã phải thanh toán cho các khoản chi trái
với nguyên tắc này. Qua đó, của cải xã hội được chuyển từ khu vực tư sang khu
vực công theo con đường trực tiếp và chiều ngược lại được thực hiện một cách
gián tiếp.
Như vậy, xét về bản chất, thuế là một hình thức tái phân phối thu
nhập xã hội do các doanh nghiệp và dân chúng sang tạo, hình thành nên
ngân sách nhà nước, nhằm tài trợ các nhu cầu chi tiêu công cộng. Xét
về hiện tượng, thuế là quá trình chuyển dịch một chiều thu nhập xã hội từ khu vực
tư vào khu vực công cộng. Như vậy nộp thuế thực chất là quá
trình chuyển dịch chi tiêu tư thành chi tiêu vì lợi ích chung
- Thuế là giá cả của hàng hóa công cộng.
Hàng hóa công cộng là hàng hóa và dịch vụ mang hai tính chất: không cạnh
tranh và không thể loại trừ.
+ Không thể loại trừ: tính chất không thể loại trừ cũng được hiểu trên giác
độ tiêu dùng, hàng hóa công cộng một khi đã cung cấp tại một địa phương nhất
định thì không thể hoặc rất tốn kém nếu muốn loại trừ những cá nhân không trả
tiền cho việc sử dụng hàng hóa của mình. Ví dụ: quốc phòng là một hàng hóa công
cộng nhưng quân đội không thể chỉ bảo vệ những người trả tiền còn không bảo vệ
những ai không làm việc đó.
+ Không cạnh tranh: tính chất không cạnh tranh được hiểu trên góc độ tiêu
dùng, việc một cá nhân này đang sử dụng hàng hóa đó không ngăn cản những
người khác đồng thời cũng sử dụng nó. Ví dụ pháo hoa khi bắn lên thì tất cả mọi
người đều có thể được hưởng giá trị sử dụng của nó. Điều này ngược lại hoàn toàn
so với hàng hóa cá nhân: chẳng hạn một con gà nếu ai đó đã mua thì người khác
không thể tiêu dùng con gà ấy được nữa. Chính vì tính chất này mà người ta cũng
không mong muốn loại trừ bất kỳ cá nhân nào trong việc tiêu dùng hàng hóa công
cộng.
Đặc tính của thuế là được dùng vào chi tiêu công cộng. Đặc tính này giúp
làm giảm nhẹ ý niệm cưỡng bách của thuế. Ngày nay, quyền lực công cộng đã
thuộc về toàn thể dân chúng, bộ máy Nhà nước do dân chúng điều khiển, còn Nhà
nước dân chủ theo nghĩa nào và ở mức độ nào, thì ở đây không bàn đến, nên
việc nộp thuế và sử dụng các khoản tiền thu từ thuế cũng do dân chúng quyết định.
Ngoài một phần cung cấp cho quản lý hành chính, đại bộ phận thuế thu được
chuyển giao lại cho người dân khi Nhà nước và chính quyền địa phương, các đoàn
thể xã hội chi ngân sách cho văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, giáo dục, y tế,
bảo trợ xã hội, cho các chương trình nghiên cứu khoa học, chống ô nhiễm môi
truờng, chống tệ nạn xã hội, an ninh quốc phòng…Mà những cái cụ thể nhất ta sử
dụng hàng ngày chính là việc đi trên đường hay sử dụng các phương tiện công
cộng, xem các chương trình phát thanh truyền hình…Đây đều là những hàng hóa
không thể loại trừ và không cạnh tranh.
Như vậy, thuế được hoàn trả gián tiếp cho các cá nhân thông qua các loại
hàng hóa công cộng trên. Chính vì phần lớn thuế được sử dụng để tạo ra các loại
hàng hóa công cộng phục vụ toàn xã hội cho nên thuế được xem là giá cả của hàng
hóa công cộng.

You might also like