You are on page 1of 16

MỤC LỤC

PHẦN I.LỜI NÓI ĐẦU

Trong số các cây thực phẩm thì dưa chuột bao tử là cây trồng ngắn ngày cung cấp
nguyên liệu cho ngành chế biến rau quả xuất khẩu, được nhiều quốc gia ưa thích.
Kết quả nghiên cứu cho thấy dưa chuột bao tử là cây có giá trị dinh dưỡng cao,
trong quả chứa nhiều vitamin A, B, B6, E…và đặc biệt có nhiều men tiêu hóa có
lợi cho quá trình đồng hóa và hấp thụ thức ăn tốt hơn. Nhận thấy được vai trò của
dưa chuột bao tử những năm gần đây đã có nhiều cơ quan, doanh nghiệp trong và
ngoài nước khảo sát nghiên cứu và chọn Việt Nam là nơi sản xuất dưa chuột bao
tử làm nguyên liệu để chế biến cho xuất khẩu sang các nước như Nhật, Mỹ, Nga
và một số nước Đông Âu.

Xuất khẩu dưa chuột bao tử của Việt Nam trong những năm qua không
ngừng tăng lên. Sản xuất và xuất khẩu dưa chuột bao tử của Việt Nam đã có
những bước tiến đáng kể. Nhu cầu tiêu dùng dưa chuột và các sản phẩm chế biến
từ dưa chuột tăng mạnh từ cuối năm 2008 đến nay. Theo số liệu thống kê của tổng
cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu dưa chuột và các chế phẩm từ dưa chuột 5
tháng đầu năm 2009 đạt hơn 22,2 triệu USD tăng 155% so với cùng kỳ 2008, ước
tính trong tháng 6 kim ngạch có thể đạt tới gần 1,9 triệu USD, nâng tổng kim
ngạch lên 24,1 triệu USD. Có 33 thị trường nhập khẩu dưa chuột từ Việt Nam,
trong đó Liên Bang Nga là nước có kim ngạch cao nhất với 12,3 triệu USD, đây
cũng là thị trường có kim ngạch cao nhất trong nửa đầu năm 2008.

So với các cây trồng ngắn ngày khác, cây dưa chuột bao tử có nhiều ưu thế
như chi phí cho sản xuất không cao, vòng quay thu hồi vốn nhanh, thời gian thu
hoạch ngắn, bình quân 35 – 40 ngày có thể cho thu hoạch và thời gian thu hoạch
kéo dài từ 60 – 80 ngày.

Hưng Yên nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, trong vùng kinh tế trọng điểm phía
bắc, là tỉnh đồng bằng không có rừng, núi và biển, địa hình tương đối bằng phẳng.
Đất nông nghiệp 61.037 ha, diện tích cây hàng năm là 55.645 ha (chiếm 91%), còn
lại là đất trồng cây lâu năm, mặt nước nuôi trồng thủy sản, đất chuyên dùng và đất
sử dụng cho các mục đích khác. Đất chưa sử dụng khoảng 7.471 ha, toàn bộ diện
tích trên đều có khả năng khai thác và phát triển sản xuất nông nghiệp. Về khí hậu:
nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, nhiều nắng. Nhìn chung, so với đặc điểm khí hậu của
nhiều vùng trên cả nước, Hưng Yên rất thuận lợi cho việc trồng cây rau màu, trong
đó có cây dưa chuột bao tử làm nguyên liệu cho sản phẩm dưa chuột dầm dấm
xuất khẩu.

Xuất phát từ những vấn đề trên chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “ Tìm hiểu
tình hình sản xuất, tiêu thụ dưa chuột bao tử ở tỉnh Hưng Yên”.
PHẦN II. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

2.1. Tình hình sản xuất dưa chuột trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Cây dưa chuột còn gọi là dưa leo. Tên khoa học là Cucumis sativus, thuộc họ Bầu
bí( Cucurbitaceae). Dây cao. Tua cuốn đơn. Lá chia thùy nhỏ. Hoa đơn tính mọc ở
nách, màu vàng. Quả mọng. Là một loại rau quả, dưa chuột được tiêu dùng rộng
rãi trong nước và xuất khẩu vì hầu như mọi người trong xã hội đều có nhu cầu sử
dụng rau quả trong cuộc sống hàng ngày. Nhất là dưa chuột đứng hàng đầu trong
bảng công hiệu lợi tiểu, thành phần có 96% là nước, ngoài ra còn cung cấp chất
xơ, các loại Vitamin, khoáng chất, dinh dưỡng có tác dụng trong việc phòng chống
và chữa bệnh như điều tiết huyết áp, dự phòng cơ tim căng thẳng quá mức, xơ
cứng động mạch. Ngoài ra còn có tác dụng an thần, khỏe hóa hệ thống thần kinh,
làm tăng trí nhớ, cho làn da đẹp và khoẻ mạnh hơn…
Với ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng, người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh
giá rất cao chất lượng, mẫu mã dưa chuột dầm dấm xuất khẩu sản xuất tại tỉnh
Hưng Yên. Chính vì vậy mà vài năm trở lại đây việc trồng, chế biến dưa chuột
xuất khẩu đã trở thành một nghề phát triển mạnh đưa Hưng Yên trở thành một
trong những tỉnh có diện tích khá lớn trồng cây dưa chuột xuất khẩu. Là loại rau
ăn quả ngắn ngày, trồng được nhiều vụ trong năm, cây dưa chuột xuất khẩu đã trở
thành cây rau có thế mạnh trong cơ cấu cây trồng của tỉnh nhà, đem lại giá trị kinh
tế cao cho bà con nông dân. Theo tính toán và kinh nghiệm của các hộ dân, trồng
dưa bao tử tuy mất nhiều thời gian nhưng cho thu nhập cao. Cây dưa chuột xuất
khẩu bình quân cho thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/sào và trồng được cả hai vụ trong
năm. Với năng suất 1 sào dưa bình quân đạt từ 1,2 - 1,5 tấn, trừ chi phí người
trồng còn lãi trên 3 triệu đồng/sào. Nhiều hộ nông dân thoát nghèo, thu nhập ổn
định từ trồng, chế biến dưa chuột. Với những mô hình thâm canh như 2 vụ lúa + 1
vụ dưa, 1 vụ dưa + 1 vụ rau + 1 vụ lúa... đã giúp nhiều nông dân, nhiều địa
phương tìm ra hướng phát triển kinh tế ổn định, vững chắc.

Đặc biệt từ năm 2007 đến nay diện tích trồng cây dưa chuột xuất khẩu trên địa
bàn tỉnh luôn đạt khoảng 700-800 ha, sản lượng trung bình khoảng 16.000 tấn,
doanh thu hàng năm đạt 60 - 70 tỷ đồng. Riêng vụ xuân 2009, diện tích loại cây
trồng này đạt khoảng 480 ha, sản lượng đạt gần 12.000 tấn, doanh thu hàng trăm
tỷ đồng. Các địa phương có diện tích trồng nhiều là Phù Cừ, Tiên Lữ, Kim
Động… ( Xem bảng 1 và 2)

Bảng 1. Tổng hợp cơ cấu cây dưa chuột xuất khẩu theo từng vụ sản xuất

Nội dung Năm 2008 Năm 2009 Năm 2010

Vụ Xuân Vụ Đông Vụ Xuân Vụ Đông Vụ Xuân Vụ Đông

Diện tích ( ha) 273 397 480 428 313


Năng suất (tạ/ha) 235,86 223,75 248,94 206,64 240,34

Sản lượng (tấn) 6.439 8.88. 11.949 8.844 7.523

(* Nguồn số liệu: Sở NN tỉnh Hưng Yên)

Bảng 2. Tổng hợp diện tích trồng cây dưa chuột xuất khẩu theo vùng( ha):

Địa bàn Năm 2008 Năm 2009 Năm 2010

Vụ Xuân Vụ Đông Vụ Xuân Vụ Đông Vụ Xuân Vụ Đông

Tiên Lữ 70 150 154 200 102

Phù Cừ 100 125 159 200 110

(* Nguồn số liệu: Sở NN tỉnh Hưng Yên)

Trong những năm qua, tỉnh Hưng Yên cũng có những chính sách phù hợp, quan
tâm, tạo điều kiện nhằm phát triển cây dưa chuột xuất khẩu trên địa bàn; đưa chế
biến nông sản vào trong nhóm đầu tư tích cực nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tăng
thu nhập cho người lao động và hiệu quả sản xuất của loại hình doanh nghiệp này.
Hoạt động hỗ trợ này đầu tư cho các doanh nghiệp từ khâu lập dự án mới, đào tạo
nhân lực, xây dựng thương hiệu, ứng dụng, trình diễn công nghệ, quy trình sản
xuất hiện đại và hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, điều hành, xúc tiến thương mại.
Tổng số tiền hỗ trợ trong 3 năm ( 2006-2009) cho khối doanh nghiệp này lên đến
trên 540 triệu đồng với hơn 10 lượt doanh nghiệp, hơn 600 công nhân, lao động
được hưởng lợi từ chương trình. Ngành sản xuất chế biến dưa chuột dầm dấm xuất
khẩu đã thúc đẩy vùng nguyên liệu phát triển. Nông dân được hỗ trợ về vốn, kỹ
thuật, được bao tiêu sản phẩm. Năng suất và chất lượng cây trồng được nâng cao,
tránh những tổn thất sau thu hoạch. Sản phẩm do được chế biến sẽ cho chất lượng
tốt, tăng giá trị sản phẩm, thời gian bảo quản lâu hơn do vậy có thể vận chuyển và
tiêu thụ thị trường nội địa cũng như nước ngoài, đáp ứng nhu cầu trong nước và
xuất khẩu. Ngành nghề này đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, tăng thu
nhập cho người nông dân và góp phần tăng thu ngân sách trên địa bàn

2.2.Tình hình tiêu thụ sản phẩm dưa chuột trên địa bản tỉnh Hưng YêN

2.2.1 Tình hình thu gom mua tạo nguồn hàng cho xuất khẩu trên địa bàn
Tỉnh Hưng Yên

Từ khi có quyết định 80/2002/QĐ – TTg về việc sản xuất hàng hóa gắn với
ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hàng năm đã được người dân và các doanh nghiệp
đón nhận và triển khai. Từ đó diện tích canh tác, sản lượng rau quả phục vụ chế
biến ngày càng tăng lên và làm cho đa dạng hóa các sản phẩm rau quả hàng hóa,
phù hợp với thực tế nhu cầu của thị trường.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh các công ty chế biến trên địa bàn huyện có hai
hình thức thu gom dưa chuột bao tử đó là hình thức thu gom trực tiếp từ các hộ
nông dân và hình thưucs thứ hai đó là thu gom từ các đại lý

+ Đối với việc thu gom từ các hộ nông dân: Thì các công ty thu gom thông
qua một cơ quan ở địa phương để thu gom đó là Hợp Tác Xã, các hợp tác xã ngay
từ đầu vụ đã tổ chức bàn bạc và thống nhất với các doanh nghiệp tiêu thụ dưa
chuột bao tử cho các hộ dân, thống nhất giá, chất lượng, thời gian giao hàng và
phương thức thanh toán. Các công ty sẽ làm hợp đồng với các hộ nông dân để có
nguồn cung hàng ổn định, các công ty sẽ thông qua các hợp tác xã để thu mua sản
phẩm cho mình. Một số tiêu chuẩn khi thu mua sản phẩm của các hộ nông dân
như:

Ví dụ:

Dưa loại 1: đường kính không quá 1,5cm, dài 3,5 – 5cm , giá 6000 đ/kg.

Dưa loại 2: đường kính không quá 2cm, dài 5 – 6cm, giá 3000 đ/kg.

Sơ đồ:

Hộ nông dân Hợp tác xã thu gom Công ty thu mua, chế biến
Đầu tư

Trên đây là sơ đồ về hình thức thu muẩn phẩm trực tiếp từ các hộ nông dân,
ở hình thức thu mua này có ưu điểm là các các công ty sẽ gắn kết hơn với các hộ
nông dân, họ hiểu được tâm tư nguyện vọng của người nông dân, các công ty thu
mua sẽ quay lại đầu tư lại cho các hộ nông dân như giống và phân bón. Tuy nhiên
hình thức này có hạn chế là hình thức thu mua qua các hợp tác xã nhiều khi chất
lượng quả không đều nhau do các hợp tác xã không có các dụng cụ để tiến hành.
Hiện nay với hình thức thu mua trực tiếp từ các hộ nông dân thông qua các hợp
đồng đảm bảo đầu ra ổn định nên số hộ tham gia vào liên kết với các công ty đã
tăng nên rất nhiều.

Để thuận tiện cho việc thu mua sản phẩm của công ty đối với các hộ nông
dân nên công ty đã bố trí 12 trạm thu mua sản phẩm tại các thôn của xã nhằm đáp
ứng được nhu cầu bán sản phẩm của nông dân được nhanh chóng, tránh hao hụt và
đảm bảo chất lượng

+ Thu gom qua đại lý thu mua: Các đại lý trên địa bàn tỉnh sẽ đứng nên thu
mua sản phẩm của các hộ nông dân , chủ yếu là các hộ không tham gia vào hình
thức liên kết hợp đồng với các công ty hay các nông dân có liên kết nhưngn vẫn
lén bán hàng cho các đại lý do giá bán cao hơn. Hàng sau khi được thu gom sẽ
được vận chuyển tới cổng nhà máy chế biến. Hình thức này có ưu điểm là các đại
lý sẽ lựa chọn những sản phẩm đủ tiêu chuẩn cho chế biến rồi bán cho các công ty,
bên cạnh đó công ty sẽ không phải mất chi phí để cung cấp đầu vào cho các hộ
nông dân. Tuy nhiên hình thức này có nhược điểm là các doanh nghiệp sẽ không
hình thành được mối liên kết với các hộ nên lượng cung sẽ không ổn định, bên
cạnh đó thì do các công ty thu mua sản phẩm thông qua trung gian nên giá mua
sản phẩm sẽ cao hơn nên ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty.

Sơ đồ hình thức thu mua từ các đại lý


Hộ nông dân Đại lý thu mua Công ty chế biến

Tuy nhiên ở tỉnh Hưng Yên các công ty thường thu mua theo hình thức thu
mua từ các hộ nông dân nhiều hơn là việc thu mua từ các đại lý nhằm đảm bảo
nguồn cung, đồng thời nâng cao việc gắn kết giữa công ty với người dân, được thể
hiện rõ nhất đó là việc các công ty thương cung cấp giống cho các hộ dân

2.2.2. Kênh xuất khẩu sản phẩm dưa chuột bao tử thành phẩm
Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu dưa chuột chế biến trong tháng
3/2010 đạt hơn 2,1 triệu USD. Tính chung kim ngạch xuất khẩu dưa chuột chế
biến trong 3 tháng đầu năm 2010 đạt 8,3 triệu USD, giảm 24,5% so với cùng kỳ
2009

Đơn giá xuất khẩu sản phẩm dưa chuột trong quý I/2010 tiếp tục giảm nhẹ: Qua
bảng giá FOB xuất khẩu dưa chuột có thể thấy giá xuất khẩu dưa chuột bao tử dầm
dấm loại 720 ml sang Mông Cổ đã giảm 20% xuống còn 0,4 USD/lọ so với cùng
kỳ 2009. Đơn giá xuất khẩu Dưa chuột trung tử dầm dấm720 ml sang Ukraina
giảm 20% xuống còn 5,2 USD/thùng. Tuy nhiên, đơn giá xuất khẩu dưa chuột
muối sang thị trường Nga tăng 39,3% đạt mức 0,39 USD/lọ.
Đúng như dự báo, theo thống kê của Tổng cục Hải quan kim ngạch xuất khẩu dưa
chuột chế biến trong tháng 3/2010 giảm nhẹ đạt hơn 2,1 triệu USD giảm 32,3%.
So cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu dưa chuột chế biến vẫn tăng nhẹ
10,5%.
Tính chung 3 tháng đầu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu dưa chuột chế biến đạt
8,3 triệu USD giảm 24,5% so cùng kỳ năm 2009. Theo diễn biến xuất khẩu dưa
chuột chế biến hàng năm, dự báo trong quý II/2010 kim ngạch xuất khẩu dưa
chuột chế biến sẽ tiếp tục tăng nhưng tăng nhẹ do nguồn cung hạn chế.
Trong quý I/2010, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dưa chuột chế biến sang các thị
trường hầu hết đều giảm so cùng kỳ 2009. Có 31 thị trường nhập khẩu dưa chuột
chế biến từ Việt Nam, tăng 12 thị trường so với 3T/2009. Đó là các thị trường như:
Slovakia, Trung Quốc, NewZealand, Ôxtrâylia, Amenia, Singapo, Slovenia,
Ixraen, Đan Mạch, Saudi Arabia, Bỉ và Belarut.
Trong quý I/2010, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dưa chuột chế biến sang thị
trường Nga vẫn đạt cao nhất với hơn 4 triệu USD chiếm 53,8% tổng kim ngạch
xuất khẩu dưa chuột ;giảm 41,5% so cùng kỳ năm 2009.
Tiếp đến, kim ngạch xuất khẩu dưa chuột sang thị trường CH Séc đạt hơn 955,2
nghìn USD, tăng 15,8% so cùng kỳ. Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt 284,6
nghìn, giảm rất mạnh tới hơn 91%. Xuất khẩu sang thị trường Mông Cổ đạt 246,2
nghìn USD. Đúng như dự báo, đây là thị trường có kim ngạch nhập khẩu dưa
chuột chế biến từ Việt Nam tăng trưởng khá cao trong quý I/2010 với mức tăng
hơn 132,1%.
Đáng chú ý, trong quý I/2010 kim ngạch xuất khẩu dưa chuột sang các thị trường
như Mỹ, Đức tăng rất mạnh so cùng kỳ năm 2009. Cụ thể: kim ngạch xuất khẩu
dưa chuột sang thị trường Mỹ tăng gần 750%, đạt 148,8 nghìn USD; xuất sang
Đức tăng gần 600%, đạt 199,5 nghìn USD,... Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu dưa
chuột chế biến sang thị trường Nhật Bản giảm 91% đạt 284,6 nghìn USD; xuất
sang Rumani giảm 82,5% đạt 138,9 nghìn USD
Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dưa chuột trong quý I/2010 đều giảm. Trong
đó, giảm mạnh nhất là dưa chuột dầm dấm 540 ml đạt 20,7 nghìn USD giảm
92,5%. Tiếp đến là dưa chuột trung tử dầm dấm vị tỏi 720 ml, giảm 90,2%; dưa
chuột muối đạt 457,8 nghìn USD, giảm 86%...
Trong số các sản phẩm dưa chuột xuất khẩu thì kim ngạch xuất khẩu dưa chuột
dầm dấm 720 ml đạt kim ngạch cao nhất với hơn 2,1 triệu USD, giảm gần 24% so
cùng kỳ 2009.
Tiếp đến là dưa chuột bao tử dầm dấm 720 ml đạt 1,2 triệu USD, giảm 51,3%,...
Tuy nhiên, cũng có một số sản phẩm có tốc độ tăng trưởng cao như: dưa chuột
trung tử dầm dấm 1500 ml đạt 50,1 nghìn USD tăng 145,6%; dưa chuột bao tử
dầm dấm vị hạt tiêu 500 ml đạt 118,1 nghìn USD tăng 116,6%; dưa chuột bao tử
dầm dấm vị hành tây 500 ml đạt 118,1 nghìn USD tăng 71,5%;...
Đơn giá xuất khẩu sản phẩm dưa chuột trong quý I/2010 tiếp tục giảm nhẹ: Qua
bảng giá FOB xuất khẩu dưa chuột có thể thấy giá xuất khẩu dưa chuột bao tử dầm
dấm loại 720 ml sang Mông Cổ đã giảm 20% xuống còn 0,4 USD/lọ so với cùng
kỳ 2009. Đơn giá xuất khẩu dưa chuột muối sang thị trường Nga tăng 39,3% đạt
mức 0,39 USD/lọ trong khi giả 11,9% xuống còn 4,76 USD/thùng. Đơn giá xuất
khẩu Dưa chuột trung tử dầm dấm720 ml sang Ukraina giảm 20% xuống còn 5,2
USD/thùng

2.3. Những khó khăn của hoạt động sản xuất và tiêu thụ dưa chuột trên địa
bàn tỉnh Hưng Yên

Thực tế là doanh nghiệp, cơ sở chế biến dưa chuột xuất khẩu của tỉnh nhiều nhưng
nhìn chung quy mô sản xuất nhỏ, đầu tư trung bình từ vài trăm triệu đến vài tỷ
đồng, trình độ khoa học công nghệ thấp, sản xuất chưa ổn định, dây chuyền không
đồng bộ. Chỉ có một vài doanh nghiệp có công nghệ chế biến hiện đại hoặc bán tự
động, có quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm một cách bài bản, còn lại là chế
biến thủ công, nhất là các cơ sở chế biến. Hầu hết các doanh nghiệp đều phát triển
từ mô hình kinh tế hộ gia đình, vốn hạn chế nên thường tận dụng mặt bằng sẵn có
và ít có điều kiện đầu tư mở rộng nhà xưởng, lắp đặt công nghệ sản xuất hiện đại.
Thậm chí ở các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ mà quy trình sản xuất từ khâu thu gom, sơ
chế, đóng lọ, dán nhãn… đều làm bằng phương pháp thủ công.

Khảo sát tại một số cơ sở, doanh nghiệp chuyên chế biến dưa chuột xuất khẩu tại
thành phố Hưng Yên, các huyện Phù Cừ, Tiên Lữ, Kim Động cho thấy, hầu hết
các doanh nghiệp, cơ sở đều tận dụng mặt bằng của gia đình hoặc thuê nhà xưởng
để sản xuất. Các sở sản xuất trung bình mỗi năm xuất khẩu hàng chục tấn nông
sản song mặt bằng nhà xưởng chỉ vỏn vẹn vài chục mét vuông; một số doanh
nghiệp do nhà xưởng chật hẹp nên thực hiện “cách đánh du kích”, nghĩa là nguyên
liệu ở đâu thuê nhà xưởng sơ chế ở đó. Phương pháp chế biến này có ưu thế là rau
quả tươi, mẫu mã đẹp, ít hao nguyên liệu nhưng khó kiểm soát chất lượng sản
phẩm.
Bên cạnh đó chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phần lớn không có trình độ chuyên
môn, trình độ tay nghề mà chủ yếu lao động phổ thông. Hầu hết các doanh nghiệp
chưa có thị trường ổn định, sản xuất mang tính tự phát, không có chiến lược lâu
dài trong kinh doanh, nhất là chưa có chiến lược đầu tư cho vùng nguyên liệu và
chiến lược thị trường trong và ngoài nước. Thông tin dự báo về thị trường nói
chung là ít ỏi và thiếu chính xác, khi thị trường có biến động về nhu cầu tiêu thụ,
về giá làm cho các doanh nghiệp và người dân chịu nhiều thiệt hại. Chính vì vậy
sản phẩm làm ra của doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh thấp, không thâm nhập
vào được các thị trường lớn, tiềm năng nhưng có những quy định, đòi hỏi khắt
khe, nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm.

Việc mở rộng sản xuất cây vụ đông nói chung và cây dưa chuột nói riêng phục vụ
chế biến, xuất khẩu gặp không ít khó khăn. Hợp đồng ký kết giữa một số doanh
nghiệp với nông dân chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng phá vỡ hợp đồng. Khi giá thị
trường lên cao, nông dân bán sản phẩm ra ngoài, ngược lại khi giá xuống thấp lại
“ép” doanh nghiệp phải thu mua. Phần lớn sản phẩm tiêu thụ qua nhiều khâu trung
gian nên giá thu mua thấp. Trong khi đó chất lượng vệ sinh an toàn chưa bảo đảm.
Nhiều hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc kích thích sinh
trưởng tùy tiện nên sản phẩm không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, chế biến.

Một khó khăn khác là cây trồng chưa được quy hoạch thành vùng nguyên liệu tập
trung, áp dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế nên năng suất, chất lượng chưa đáp
ứng được yêu cầu. Hầu hết các nhà máy, cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh chưa phát
huy tối đa công suất. Cũng vì các doanh nghiệp chế biến nông sản của tỉnh sản
xuất không ổn định, mặt hàng dưa chuột dầm dấm là chủ lực, lại sản xuất theo
mùa vụ, phụ thuộc phần lớn vào đơn hàng gia công nên bình quân các doanh
nghiệp chỉ hoạt động từ 40-45% công suất, vào vụ đông là thời điểm nhiều nguyên
liệu chế biến nhất, công suất cũng chỉ đạt 60-65%.

Kể từ vụ dưa đông 2009( tháng 11-tháng 1) và vụ dưa xuân năm 2010( tháng 4
đến tháng 6), do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới và nhu cầu tiêu thụ
sản phẩm của thị trường, nhất là thị trường Nga giảm mạnh, sản lượng dưa chuột
xuất khẩu trên địa bàn tỉnh sụt giảm nghiêm trọng, lượng hàng tiêu thụ đạt 50% so
với các vụ trước và vụ xuân 2010 chỉ đạt khoảng 30% . Tính đến tháng 8 năm
2010, lượng sản phẩm tồn kho của các doanh nghiệp là khá lớn, chủ yếu sản xuất
vụ đông 2009, ảnh hưởng phần nào đến chất lượng sản phẩm và hoạt động của
doanh nghiệp. Có doanh nghiệp còn nợ tiền dưa nguyên liệu của nông dân và tiền
công lao động, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn để đầu tư tái sản xuất. Trong thời
gian tới tình hình trên không được sớm cải thiện và có những giải pháp khắc phục
kịp thời sẽ dẫn đến không ít cơ sở sản xuất chế biến mặt hàng này phải đối diện
với nguy cơ phá sản… Do tình hình dưa chuột xuất khẩu hiện rất khó khăn về đầu
ra nên diện tích trồng cây dưa chuột xuất khẩu cũng bị thu hẹp đáng kể, giá dưa
nguyên liệu giảm mạnh (dưa bao tử 4-6 cm vụ xuân 2010 có lúc giá chỉ còn 2.200
đồng/ kg, dưa trung tử 6-8 cm giá 1.000 đồng/ kg ) dẫn đến việc trồng không có lãi
nên một số hộ dân đã từ bỏ hoặc thay thế cây dưa chuột xuất khẩu bằng cây trồng
khác đem lại giá trị cao hơn.

Nguyên nhân của thực trạng nêu trên, theo người viết có những nguyên nhân sau
đây:

- Doanh nghiệp khi đầu tư chế biến rau quả xuất khẩu chưa gắn việc đầu tư công
nghệ chế biến một cách đồng bộ, hiện đại, với việc phát triển các vùng nguyên liệu
tập trung, chuyên canh.

- Vùng nguyên liệu dưa chuột xuất khẩu tự phát manh mún, việc quy hoạch, quản
lý phát triển nghề tự phát, thiếu quy hoạch định hướng nên gây tình trạng tranh
mua, tranh bán hoặc ép giá khi thiếu, thừa nguyên liệu chế biến.

- Việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất của nông dân nhìn chung còn
thấp, đa số chưa có đầy đủ kiến thức cơ bản về sản xuất, chế biến và thị trường
tiêu thụ sản phẩm; việc trồng trọt, chăm sóc cây dưa chưa đảm bảo tuân thủ đúng
quy trình sản xuất, vẫn có hộ dân trồng, chăm sóc cây dưa xuất khẩu dựa theo kinh
nghiệm có sẵn.
- Giống dưa chuột cho chế biến xuất khẩu chủ yếu của nước ngoài có chất lượng
tốt nhưng giá giống khá cao, 450-500 USD/kg, làm giảm lợi nhuận của người
trồng, giảm tính cạnh tranh. Một số giống dưa xuất khẩu được chọn lọc, lai tạo
trong nước tuy giá thành thấp hơn song không được sử dụng phổ biến do chất
lượng giống chưa được đảm bảo, nguyên nhân khác do tâm lý dùng quen, ngại
thay đổi của chủ doanh nghiệp và của người nông dân đối với sản phẩm giống.

- Các doanh nghiệp chưa chủ động trong việc tìm hiểu nhu cầu thị trường trong
nước và xuất khẩu. Hoạt động của Hiệp hội chế biến rau quả tỉnh còn mang yếu tố
hình thức chưa phát huy được vai trò tổ chức, định hướng, gắn kết, hay hỗ trợ, tạo
điều kiện cho các doanh nghiệp trong ngành trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu

PHẦN III. KIẾN NGHỊ

Để ngành chế biến rau quả nói chung và chế biến dưa chuột xuất khẩu nói riêng
trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có thể phát triển bền vững, tận dụng được tối đa những
lợi thế của nông nghiệp địa phương, khắc phục được tình trạng chế biến xuất khẩu
còn yếu kém hiện nay thì cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

3.1. Quy hoạch và đầu tư cho vùng sản xuất dưa chuột nguyên liệu theo tiêu
chuẩn VIET GAP.

Muốn các nhà máy hoạt động có hiệu quả thì phải quy hoạch, có cơ chế, có vùng
nguyên liệu, và nó phải phù hợp vùng nguyên liệu chung của tỉnh. Vấn đề trên
không chỉ là trách nhiệm của một phía, mà cần có sự liên kết, phối hợp đồng bộ
giữa các cấp, các ngành có liên quan với doanh nghiệp, người dân. Cần tiến hành
rà soát và hoàn thiện lại công tác quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung, tránh
manh mún, nhỏ lẻ.

Thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn Việt Nam về an toàn
chất lượng và truy nguyên được nguồn gốc (VIET GAP) bắt đầu từ khâu làm đất,
gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, sau thu hoạch, tồn trữ và bảo quản; kể cả những
yếu tố liên quan đến sản xuất như môi trường, các chất hoá học và thuốc bảo vệ
thực vật, bao bì, đều phải tuân thủ quy trình “sạch”. Đồng thời chú trọng việc
chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sử dụng các giống dưa mới,
năng suất cao và chất lượng tốt vào sản xuất phục vụ chế biến xuất khẩu. Sử dụng
các loại phân bón vi sinh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm vừa đảm bảo thân
thiện với môi trường. Tổ chức tập huấn, hỗ trợ giống, vốn, bao tiêu sản phẩm cho
nông dân, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, mở hướng làm giàu cho nông dân.

3.2. Tăng cường vấn đề thị trường.

Phải xây dựng được tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm riêng cho mỗi chủng loại và
tuỳ theo yêu cầu của khách hàng phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng phù hợp cho
từng thị trường riêng biệt. Dù tiêu thụ nội địa hay xuất khẩu đều cần phải xây
dựng thương hiệu và tổ chức tốt mạng lưới tiêu thụ, xúc tiến thương mại. Mở rộng
mạng lưới tiêu thụ trong nước, chú trọng xây dựng chiến lược thị trường và sản
phẩm cho mặt hàng chủ lực. Tập trung giữ vững và mở rộng các thị trường xuất
khẩu hiện có, nhất là các thị trường trọng điểm. Đẩy mạnh công tác xúc tiến
thương mại, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại như việc thành lập
văn phòng đại diện tại nước ngoài, tăng cường xúc tiến thương mại qua Internet,
tham gia hội trợ nông sản, xây dựng thương hiệu sản phẩm…Tăng cường nắm bắt
thông về hoạt động sản xuất và xuất khẩu để kịp thời đưa ra định hướng cho hoạt
động sản xuất của doanh nghiệp, nhằm khắc phục tình trạng sản xuất tràn lan, sản
xuất những nguyên liệu có sẵn mà không phải là những sản phẩm thị trường cần.

3.3. Chú trọng công nghệ chế biến:

Tăng cường ứng dụng hiệu quả các biện pháp công nghệ trong bảo quản tươi, chế
biến sau thu hoạch dưa nguyên liệu. Thực hiện việc lựa chọn, phân loại, làm sạch
tại nơi thu mua. Đầu tư các kho lạnh để bảo quản dưa nguyên liệu khi vào chính
vụ, lượng dưa thu hoạch số lượng lớn không thể chế biến kịp thời nhằm kéo dài
thời gian bảo quản, giảm thiểu tổn thất về dưa nguyên liệu.
Phát triển ứng dụng phương pháp kiểm soát, phân tích nhanh dư lượng thuốc bảo
vệ thực vật và vi sinh vật, độc tố trong sản phẩm để đảm bảo vệ sinh ATTP. Từ đó
có các khuyến cáo và biện pháp ngăn chặn kịp thời đối với sản phẩm không đảm
bảo tiêu chuẩn chất lượng. Thực hiện tiêu chuẩn hoá quản lý chất lượng, nhất là
sản phẩm xuất khẩu theo quy trình công nghệ hiện đại.

3.4. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà máy chế biến rau quả

Tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành các sản phẩm theo hướng đa dạng hoá
sản phẩm phù hợp với mùa vụ và vùng sinh thái để kéo dài thời gian hoạt dộng
của dây chuyền, thiết bị trong năm, giảm khấu hao tối đa và có giải pháp hữu hiệu
về xử lý môi trường.

Các nhà máy cần đầu tư chiều sâu, đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị công nghệ
đồng bộ, tận dụng mặt bằng, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để hạ giá thành sản
phẩm, tăng khả năng cạnh tranh.

3.5. Các doanh nghiệp thiếp lập và mở rộng các quan hệ liên kết trong sản
xuất và xuất khẩu rau quả.

Sự phối hợp giữa các chủ thể sản xuất nguyên liệu, các doanh nghiệp chế biến,
các doanh nghiệp xuất khẩu với nhau là cách thức quan trọng nâng cao khả năng
ứng phó với các áp lực cạnh tranh của các chủ thể kinh tế nước ngoài trong các
quan hệ thương mại quốc tế.

3.6. Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội chế biến rau
quả của tỉnh.

Các cấp, các ngành địa phương cần có chính sách phù hợp, quan tâm tạo điều kiện
cho doanh nghiệp chế biến rau quả: hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, thị trường, cơ sở
hạ tầng cho các vùng chuyên canh. Bình đẳng các chính sách về vay vốn, thuê đất
lâu dài, tiêu thụ sản phẩm… Đặc biệt phải có chính sách cụ thể nhằm khuyến
khích người sản xuất và các doanh nghiệp chế biến rau quả xuất khẩu trên địa bàn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. http://rauquahungphu.com

2. http://tailieu.vn/

3. http://tailieuhay.com/

4. http://www.sonongnghiephungyen.vn/

You might also like