You are on page 1of 1

Nấm mối - quà tặng của đất (Trần Thanh Thư)

Khoảng tháng 4, tháng 5 âm lịch có mưa, người miệt đồng quen gọi là mưa già. Mưa như muốn trút hết nguồn
nước từ trời cao xuống, khơi dậy những chồi mầm cho trái sinh sôi nẩy nở.

Rồi khi ngọn nắng hưng hửng bừng lên, mùi đất xông lên nồng nồng phảng phất mùi xác rêu, lá mục, thì đó là
mùa đầy hứa hẹn của nấm mối.

Nấm mối mọc khoảng từ tháng tư đến tháng bảy tùy miền. Có nhiều loại như nấm nếp màu trắng, màu xám tẻ
hay xám pha đen... ở miền đồng bằng Nam Bộ, khi những cơn mưa già đủ ngấm vào lớp đất thịt làm úng
những ổ mối có hình dáng xù xì giống như những củ khoai mỡ hang hốc, thì từ ổ mối đó mọc lên những hạt
meo màu trắng xanh lẫn vào đất, rồi những tai nấm đội đất trồi lên sau những tháng ngày ngủ quên dưới lớp
thân cánh mềm mại của bầy mối vàng, cần cù đùn đất đắp lên thành gò, thành ụ.

Quá trình cần cù làm việc của bầy mối kết hợp với nhóm vi khuẩn tạo men cho đất sinh ra những tai nấm mối.
Điều kỳ lạ hơn là ổ mối năm trước mọc vào tháng nào, thì năm sau nó vẫn tiếp tục mọc đúng vào tháng ấy trừ
khi mối dời ổ đi nơi khác.

Nấm mối mọc rộ vào tháng 5 sau tết Đoan ngọ. Nơi ổ mối mọc thành gò, cây cối vẫn xanh tốt bình thường.
Nếu không chú ý, nhìn kỹ thế đất nơi ấy hơi cao hơn nơi khác thì ta khó lòng tìm ra nấm mối.

Đi hái nấm cũng là một niềm vui cộng với sự may rủi bởi màu sắc của nấm, thân nấm trắng ngà, xám đen
khiến ta dễ nhầm lẫn với màu đất, màu cây lá chung quanh. Nấm mối vừa mọc ngày hôm trước đã vội tàn lụi
vào ngày hôm sau. Vì thế, quà tặng của đất cũng là một đặc sản được ưa thích, có giá khá cao.

Nấm mối đã giúp vào bữa ăn dân dã thêm đậm đà hương vị đồng quê. Nấu canh nấm mối với mướp hương
vừa thơm nước, vừa ngọt canh. Nấu nấm với canh rau tập tàng, nêm thêm chút mắm, càng đậm đà. Nấm mối
còn chiên với trứng vịt, chưng với bún tàu, làm nhân bánh xèo. Nấm mối cuốn lá cách nướng thịt, hay cuốn
mỡ chài thịt bò. Ngoài cái ngọt đậm vì tai nấm, lại thêm mùi lá cách cháy mang hương đất, hương quê gợi
nhớ mảnh vườn, bờ tre, mái lá nơi làng quê ta sinh sống.

"Mưa dầm nấm mối mọc chưa?

Cho nồi canh ngót chiều thưa ngọt long

Ngày mai chị có theo chồng

Hương quê vị đất trong lòng chị mang".

Bạn có dịp về quê vào mùa nấm mối, trong buổi chiều mưa lâm thâm ngồi bên nồi cơm nóng, ăn món canh
tập tàng gồm nhiều loại rau hái quanh sân, trong vườn, bờ nương, nêm thêm chút mắm cùng những tai nấm
mối thơm lựng, ngọt không kém gì thịt cá. Bữa cơm tuy đạm bạc nhưng không thiếu hương vị nghĩa tình làng
quê, vừa chan vừa húp, vừa nhớ về những kỷ niệm một thời gắn bó.

Ăn mà nhớ khôn thôi.

nguồn: Văn hóa Nghệ thuật ăn uống

http://www.suutap.com/huongviquehuong/default.asp?id=3079&nhom=1&so=23&trang=1

You might also like