You are on page 1of 3

Ca khúc nghệ thuật là gì?

NXL
15-05-2010, 03:26 PM
Không ít người đã từng thắc mắc “ca khúc nghệ thuật” là gì? Vậy có loại ca khúc “phi nghệ thuật”
không? Trong các loại hình được trao giải thưởng hàng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng có giải
thưởng cho thể loại ca khúc nghệ thuật.

Đâu là tiêu chuẩn xếp loại, đánh giá thể loại này? Đâu là điểm để phân biệt giữa ca khúc (theo
nghĩa chúng ta thường dùng) và ca khúc nghệ thuật?

Bản chất của ca khúc là gì?

Giọng người là một nhạc cụ tự nhiên với những khả năng độc đáo. Lời nói và âm nhạc đã kết hợp
với nhau từ những lúc đầu sơ khai của con người, nên có lẽ ca khúc là một trong những hình thức
âm nhạc xưa nhất. Định nghĩa đơn giản của ca khúc là “một tác phẩm âm nhạc được biểu diễn bởi
giọng người, có hoặc không có nhạc đệm”, hoặc là “một bài thơ được dệt nhạc”. Âm nhạc làm nổi
bật từ ngữ bằng những khả năng xúc cảm mà lời nói đơn thuần không chuyển tải được.

Ca khúc từ lúc nào?

Tuy có thể nói ca khúc gắn liền với lịch sử con người nhưng để nghiên cứu, cần phải có bản ký âm.
Do đó, chúng ta coi như lịch sử ca khúc bắt đầu từ thời Trung đại. Mặc dù vào giữa Tk. 16 khi nhạc
đa âm phát triển cao, trong đó, các bè giai điệu có khi phát triển độc lập (theo ngôn ngữ của âm
nhạc đa âm), có khi cùng phát ra một lúc (ngôn ngữ hòa điệu), có khi được đệm bằng nhạc cụ, có
khi không có phần đệm, nhưng vẫn chưa thể gọi là ca khúc bởi vì trong các thể loại này, ca từ vẫn
chỉ là một yếu tố phụ thuộc, là “kẻ phục vụ” cho âm nhạc. Đến Tk.17, trong âm nhạc ca kịch có một
sự cải tiến về thể loại ca khúc tương tự như ca khúc nghệ thuật (art song) sẽ được đề cập đến dưới
đây. Sự khác nhau ngày càng rõ nét giữa thể loại recitative và aria đưa đến việc aria gần như thống
trị trong các vở opera, oratorio và cantata. Aria là một nguồn gốc quan trọng cho các loại ca khúc
hát đơn sau này trong Tk. 18.

Ca khúc nghệ thuật và Dân ca

Trong âm nhạc phương Tây, người ta thường phân biệt giữa dân ca, ca khúc phổ thông và ca khúc
nghệ thuật. Dân ca là loại ca khúc thường được đệm bởi một hay vài nhạc cụ đơn giản, hoặc không
nhạc đệm. Đặc điểm của loại ca khúc này là không rõ tác giả và được truyền từ thế hệ này sang thế
hệ khác bằng cách truyền khẩu, truyền ngón, không có bản ký âm. Ca khúc nghệ thuật thì ngược
lại, do những nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn, có bản ký âm và có ghi phần đệm piano hay nhóm
nhạc, dàn nhạc. Ca khúc phổ thông nằm ở giữa dân ca và ca khúc nghệ thuật, xét về độ khó kỹ
thuật và độ tinh tế.

Dân ca thường đi kèm những hoạt động của con người như nghi lễ tôn giáo, nhảy múa, lao động,
giao duyên nam nữ hay nhằm mục đích kể chuyện. Giai điệu của chúng thường đơn giản. Ca từ
thường gồm những chữ được lặp lại. Cả nhạc lẫn lời ca đều dễ hiểu. Theo truyền thống âm nhạc
châu Âu, ca khúc nghệ thuật ít khi liên quan đến các hoạt động của con người. Lời ca và âm nhạc
của chúng có khuynh hướng tinh tế, hoa mỹ, ở “đẳng cấp cao” hơn, đòi hỏi nhiều yếu tố lặp lại (về
mặt thính giác) để có thể thưởng thức và hiểu được trọn vẹn. Cũng giống như âm nhạc cổ điển, ca
khúc nghệ thuật cơ bản là một “hiện tượng thành thị”, một sản phẩm còn sót lại của giới qúy tộc,
thượng lưu có nguồn gốc từ triều đình trung đại, các trường đại học, nhà thờ, thành phố.

Ca khúc nghệ thuật gồm những yếu tố nào?

Như đã nói trên, có thể định nghĩa ca khúc nghệ thuật “một bài thơ được dệt nhạc thường dùng cho
những giọng ca có huấn luyện và có phần đệm piano đi kèm”. Một ca khúc như vậy thường dài
khoảng 3 phút trở lên. Người Đức gọi ca khúc kinh điển như vậy là lied (hay lieder, số nhiều). Để
nhấn mạnh hơn ý nghĩa ca khúc nghệ thuật, người Đức còn dùng thuật ngữ kunstlied. Với Mahler,
ông dùng tên gọi gesänge thay cho lieder. Ở Pháp, người ta gọi ca khúc nghệ thuật là mélodie;
người Ý dùng thuật ngữ romanza hay canzoni; còn người Tây Ban Nha gọi là canciones hay
canciones líricas.
Trong ca khúc nghệ thuật, có sự kết hợp hoàn hảo giữa 4 yếu tố: nhà thơ, nhà soạn nhạc, ca sĩ và
người đệm đàn. Nhà soạn nhạc sử dụng những nguồn mạch nghệ thuật mình có để trang điểm cho
ca từ của nhà thơ. Nhà soạn nhạc tạo nên một song tấu giữa ca sĩ và người đệm đàn. Ca khúc nghệ
thuật đã vẽ nên bức tranh mà nhà thơ chỉ mới mường tượng ra. Và việc biểu diễn một ca khúc nghệ
thuật như thổi hơi vào bức tranh ấy để tạo nên một thực thể sinh động, là kết qủa của sự phối hợp
hoàn chỉnh cả 4 yếu tố đã nói. Ở các tiết mục biểu diễn của Tk. 17, 18, ca sĩ là người diễn đạt chính
ca từ, mặc dù các phần đệm piano đã xuất hiện khá nhiều ở khoảng cuối giai đoạn này. Các nhà
soạn nhạc Kinh điển (classical) như Haydn, Mozart, Beethoven đều đã viết những ca khúc được
đánh giá như những tác phẩm lớn. Đến khoảng nửa đầu Tk. 19, ca khúc nghệ thuật đã đạt đến đỉnh
cao của kỹ thuật diễn tả, nghệ thuật thưởng thức và sự hoàn thiện. Nhưng ca khúc nghệ thuật-như
chúng ta hiểu ngày nay-thực sự bắt đầu với Schubert, người đã làm cho ca khúc từ một tiểu phẩm
trở thành một tác phẩm nghệ thuật lớn được thu nhỏ lại. Đó cũng chính là một trong những đặc
điểm mới của âm nhạc thời kỳ Lãng mạn. Schubert là người viết ca khúc hàng đầu của thời kỳ Lãng
mạn, ông đã biết cách khai thác kỹ thuật biến tấu một giai điệu được xây dựng theo khổ thơ. Dựa
trên một khuôn khổ căn bản cho mỗikhổ thơ, ông đã thay đổi giọng hát và các các chi tiết phần
đệm đàn một cách rất nghệ thuật và phù hợp với bản văn lời ca.

Có thể nói âm nhạc và lời thơ đã có một hôn nhân hoàn hảo trong các ca khúc của Schubert. Sự hài
hòa này đạt đến đỉnh cao trong các ca khúc của Hugo Wolf sau đó. Các nhà soạn nhạc Tk. 20 tiếp
tục khám phá mối liên quan giữa giọng hát và phần đệm, tiếp tục mở rộng âm vực và kỹ thuật diễn
tả của ca sĩ, thậm chí đôi khi còn coi giọng hát như nhạc cụ (trong thể loại vocalise). Ở một số nền
âm nhạc mới như Mỹ, ca khúc nghệ thuật còn được xây dựng trên nền tảng dân ca như trong các
sáng tác của Aaron Copland, Charles Ives và ở Anh có Benjamin Britten. Mặc dù phần đệm đàn vẫn
giữ vai trò đệm, phục vụ cho lời ca, như từ giữa Tk. 19, các tác giả đã có khuynhhướng cho phần
nhạc cụ góp vai trò ngày càng quan trọng hơn, coi như một thành phần không thể tách rời khỏi ca
khúc. Ngay từ Schumann, đã có thêm những phần mở đầu (prelude),đoạn gian tấu (interlude) và
phần kết (postlude) đầy kỹ thuật và nghệ thuật làm phong phú thêm cho ca khúc.

Trong ca khúc nghệ thuật, nghệ sĩ piano trở thành một “đối tác bình đẳng” với ca sĩ, chứ không chỉ
là người đệm đàn. Cho dù có một vài nhà soạn nhạc sử dụng dàn nhạc để “làm đối tác” với ca khúc
của họ như trường hợp của Richard Strauss với tác phẩm “Four Last Songs” (Bốn bài ca cuối),
nhưng vai trò của piano vẫn rất quan trọng cho thể loại này.
[Link và hình ảnh đã được ẩn. Bạn cần đăng nhập hoặc đăng kí]

Ca khúc nghệ thuật phát triển mạnh từ thời kỳ Lãng mạn đến Tk. 20, vượt ra ngoài biên giới nước
Đức. Tại Đức (và cả Áo) có những nhà soạn nhạc được coi là kế thừa Schubert trong lãnh vực ca
khúc nghệ thuật có Robert Schumann, Johannes Brahms (1833-1897) nhưng ngoài ra còn nhiều tác
giả khác có công không nhỏ trong việc phát triển nghệ thuật này như: Felix Mendelssohn (1809-
1847), Richard Wagner (1813-1883), Franz Liszt (1811-1886), Hugo Wolf (1860-1903), Richard
Strauss (1864-1949), Gustav Mahler, Arnold Schönberg (1874-1951), and Alban Berg (1885-1935).
Trong số các nhà soạn nhạc người Pháp đã đóng góp nhiều cho mélodies có: Hector Berlioz (1803-
8169), Charles Gounod (1818-1893), Jules Massenet (1842-1912), Claude Debussy (1862-1918),
Gabriel Fauré (1825-1924), Henri Duparc (1848-1933), Maurice Ravel (1875-1937), Reynaldo Hahn
(1874-1947), và Francis Poulenc (1899-1963). Trường phái ca khúc nghệ thuật của Nga có những
nhà soạn nhạc chính như: Mikhail Ivanovich Glinka (1804-1857; vẫn được coi là cha đẻ của ca khúc
nghệ thuật Nga), Modest Petrovich Mussorgsky (1839-1881), Alexander Porfiryevich Borodin (1833-
1887), Nikolai Rimsky-Korsakov (1884-1908), Peter Ilyitch Tchaikovsky (1840-1893), và Sergei
Vasilievich Rachmaninov (1873-1943). Ở Anh, Ralph Vaughn Williams (1872-1958) và Benjamin
Britten (1913-1976) được coi là những nhân vật chính trong lãnh vực ca khúc nghệ thuật. Tại Mỹ,
thể loại này còn sống và phát triển tốt. Không kể đến Gershwin, Copland, thì Charles Ives (1874-
1954) đã để lại một di sản phong phú các ca khúc nghệ thuật. Bên cạnh đó, các nhà soạn nhạc
đương đại như Ned Rorem, Jake Heggie cũng có những đóng góp quan trọng cho thể loại này.

Mỗi quốc gia châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn quốc, Úc, Nga, v.v… đều có một truyền thống phát triển cao
về ca khúc nghệ thuật. Các thi sĩ đã gợi hứng cho những bậc thầy sáng tác viết ca khúc cho giọng
hát và piano. Ở Việt Nam, trong lịch sử 50 năm của nền âm nhạc thính phòng-giao hưởng đã có
nhiều ca khúc nghệ thuật ra đời. Tuy nhiên, một số không ít trong đó không phải là ca khúc nghệ
thuật chính thống bởi phần đệm piano (hoặc dàn nhạc) không do chính tác giả tư duy và sáng tạo
nên mà được phối lại bởi người khác.

Trong số các nhạc sĩ sáng tác của miền Nam trước năm 1975, nổi bật (và có thể là duy nhất) khuôn
mặt của Cung Tiến trong thể loại ca khúc nghệ thuật. Ông viết không nhiều nhưng đa số là những
ca khúc nghệ thuật rấtnhưng đa số là những ca khúc nghệ thuật rất phổ cập như: Hương xưa,
Nguyệt cầm, Thu vàng, Hoài cảm. Sau năm 1975, trong âm nhạc thính phòng của miền Nam, ca
khúc nghệ thuật vẫn được những nhà soạn nhạc chuyên về thể loại lớn như Nguyễn Văn Nam, Ca Lê
Thuần, Hoàng Cương sáng tác. Trong đó, nổi bật nhất là tác giả Hoàng Cương với 40 ca khúc nghệ
thuật, và một số đã được ông tuyển chọn để xuất bản trong Album-CD về ca khúc nghệ thuật Ca
khúc Hoàng Cương (2004). Có lẽ đây là CD đầu tiên ở Việt Nam ghi lại những ca khúc nghệ thuật
của cùng một tác giả. Trong số các ca khúc nghệ thuật của ông có những ca khúc nổi tiếng, đã được
trình diễn nhiều lần bởi nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: Tháng giêng, Mùa xuân còn sót lại (thơ Lê Thị
Kim), Hà Nội vào thu nhớ mẹ, Ballade Con đường sầu đông trong bài viết này chúng tôi không dùng
từ “nhạc sĩ” để gọi các tác giả Việt Nam đuợc đề cập đến trên đây mà thay vào đó, dùng thuật ngữ
“nhà soạn nhạc”. Bởi có lẽ không nơi nào trên thế giới mà việc trở thành nhạc sĩ lại dễ dàng như ở
Việt Nam. Cứ hễ ai đó có một vài bài hát, thậm chí là những ca khúc “có vấn đề”, được phổ biến
trong công chúng là “tự phong” hoặc được gọi là nhạc sĩ.

Hơn thế nữa, từ “nhạc sĩ” còn được dùng thiếu chính xác: cứ nói tới “nhạc sĩ” là người ta hiểu “người
đó có sáng tác ít nhất là một ca khúc nào đó”. Cũng trong ý nghĩa lệch lạc đó mà Hội Nhạc Sĩ
ViệtNam đã và đang có những chú trọng về lãnh vực sáng tác hơn là các lãnh vực khác của âm
nhạc. Trong phạm vi giới hạn của bài viết này, chúng tôi không muốn đi lạc đề để phân tích các
phạm trù: musician (nhạc sĩ), song-writer (người viết ca khúc) và composer (nhà soạn nhạc). Trong
tình hình “loạn nhạc sĩ” và “loạn ca khúc” trên thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay, thật là may
mắn khi ngày nay ca khúc nghệ thuật vẫn còn được sáng tác, biểu diễn và thu âm. Việc biểu diễn ca
khúc nghệ thuật đã có một quá khứ phổ biến trong các xã hội có văn hóa trước khi xuất hiện loại
truyền thông tự động như radio, phim ảnh, MTV, internet, v.v…Những phương tiện hiện đại này dù
sao đi nữa cũng làm mờ đi những cảm xúc, giác quan của chúng ta thay vì sự phấn khích khi được
tham dự một buổi hòa nhạc live. Trình diễn ca khúc nghệ thuật trở thành một nghề ít được thực
hiện trong cái xã hội hiện đại, cơ giới hóa, và mọi thứ đều được “đóng gói, bao bì trước”. Có lẽ vì
vậy mà gần đây, việc sáng tác và biểu diễn ca khúc nghệ thuật đang có những dấu hiệu hồi sinh.
Mong rằng các nhà soạn nhạc, nghệ sĩ biểu diễn sẽ giúp cho thính giả, những người đã từng quay
lưng lại với thể loại này tìm lại được cảm giác thích thú và coi đây là một thể loại âm nhạc quan
trọng cần được bảo trì. Chúng tôi nghĩ rằng vẻ đẹp tự nhiên của ca khúc nghệ thuật sẽ giúp thính
giả nối kết lại với những kinh nghiệm đích thực về âm nhạc kinh điển đã và đang bị xa rời, quên
lãng.

Nguyễn Bách ANVN8 (03/2010)

Songnhac

You might also like