You are on page 1of 23

Tạp chí Sông Hương

Từ cái nhìn tham chiếu phân tâm học qua một số truyện ngắn
hiện đại Việt Nam
Bài viết được đăng lúc 01.01.1970, 7:00:00 AM
HỒ THẾ HÀ

Phân tâm học ra đời đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc
nhận thức những vấn đề thầm kín, vi diệu nhất của tâm sinh lý con
người. Nó trở thành khoa học phân tích tâm lý chiều sâu của mọi hành
vi trong đời sống ý thức và vô thức của mỗi cá thể người.

Từ khi hình thành và phát triển, phủ định, bổ sung bởi các thế
hệ phân tâm học gia, khoa học phân tích tâm lý này đã có tiến
trình gần hàng trăm năm lịch sử.Điều ấy cho thấy sức mạnh và
sức quyến rũ của nó đối với các chuyên gia và đối với công
chúng tiếp nhận qua nhiều giai đoạn là một thực tế.
Phân tâm học đã trở thành vấn đề toàn cầu, có ảnh hưởng tích
cực trong nhiều lĩnh vực khoa học, trong đó, có lĩnh vực sáng
tạo và tiếp nhận văn học. Từ hệ qui chiếu phân tâm học qua
cách xây dựng tính cách và hình tượng trong tác phẩn văn học,
ta thấy các nhà văn đã tự giác hoặc không tự giác, ít hặc nhiều
đều có đề cập đến vấn đề vi diệu nói trên một cách đa dạng và
sáng tạo nhằm minh chứng cho những gì còn thắc mắc về lý
thuyết, nhưng lại có khả năng hấp dẫn, thuyết phục trong cách
lý giải và cắt nghĩa tâm sinh lý con người trong cuộc sống đời
thường thông qua từng mâu thuẫn, xung đột và chi tiết của
nhân vật.

Trước khi đi vào phân tích một số truyện ngắn Việt Nam tiêu
biểu từ góc nhìn tham chiếu phân tâm học, chúng tôi muốn
điểm qua một số khái niệm và phức cảm bản chất của phân
tâm học, chủ yếu là của S.Freud-ông tổ của phân tâm học, đã
quan niệm và lý giải. Đó là khái niệm Tâm thần bộ
(psychisme) trong cấu tạo của con người. Freud cho rằng,
trong tâm thần bộ, có 3 topiques hoạt động và chi phối nhau
đối với từng trạng thái tâm sinh lý của con người. Ba topiques
đó là: cái siêu ngã (le surmoi) mà trung tâm của nó là tiềm
thức (subconscience) được xem là bộ phận có tổ chức đặc biệt
cái tôi (le moi) mà trung tâm của nó là ý thức (conscience) và
cái đó (le ça) mà trung tâm của nó là vô thức (inconscience).
Trong cuộc sống hằng ngày, giữa cái đó và cái tôi có sự va
chạm, quan hệ và đấu tranh với nhau thường xuyên. Và kết
quả của sự va chạm, quan hệ và đấu tranh đó sẽ cho ba hệ quả
đáng chú ý trong hoạt động tình cảm và sinh lý của con người.
Hệ quả thứ nhất, nếu ý thức thắng vô thức thì con người sẽ
bình thường, làm chủ và điều tiết được các hoạt động của
mình. Hệ quả thứ hai, nếu vô thức thắng ý thức thì khả năng
tính dục (libido) sẽ trỗi dậy, chi phối, lấn áp các hoạt động ý
thức của con người, khi đó, sự đòi hỏi xác thịt, đòi hỏi thỏa
mãn tính dục, tạo nên những xung năng mãnh liệt, có khi dẫn
đến sự suy đồi tính dục. Hệ quả thứ ba, nếu giữa ý thức và vô
thức tạm thời cọ xát, hòa hoãn, dằn co nhau thì sẽ dẫn đến tình
trạng rối loạn sinh lý, bất bình thường. Điều này được Freud lý
giải rằng sớm muộn gì cũng sẽ dẫn đến triệu chứng của bệnh
tâm thần mà tiêu biểu nhất là bệnh hysterie, dẫn đến những
hành vi lệch chuẩn và những trạng thái sinh lý bất bình thường
do sự ức chế tâm sinh lý gây ra. Nếu kéo dài trạng thái ức chế
(refoulement) thì có thể gây ra hậu quả xấu về hành vi tính dục
khó lường được.

Liên quan đến tâm thần bộ, học thuyết của Freud còn có các
phức cảm cần phải được làm sáng rõ: Đó là khái niệm mặc
cảm tính dục ấu thơ (complexe de sexualité enfantile), mặc
cảm hoạn (complexe de castration), mặc cảm Œdipe
(complexe d’Œdipe) mà trong bài viết ngắn này, chúng tôi
không thể trình bày nội hàm của chúng. Qua đây, chúng tôi
muốn đi vào phân tích một số truyện ngắn hiện đại Việt Nam
tiêu biểu, có liên quan và vận dụng những khái niệm, những
phức cảm trong miêu tả và lý giải tính cách nhân vật.
Tuyện ngắn Năm ngày của Phạm Thị Hoài được miêu tả trong
một không gian hẹp của căn phòng và chiếc giường ngủ cũ kỹ,
ọp ẹp và trong thời gian ban đêm, ở đó, những trạng thái tình
cảm, tâm lý của hai vợ chồng diễn ra sự xung đột đều đặn giữa
đêm và ngày. Ban ngày là thế giới của “lãnh cảm, nhăn
nhúm”, ban đêm là thế giới của nhục cảm, trụi trần. Họ không
còn yêu nhau nữa là có thật, nên trong ý thức, họ quyết định sẽ
chia tay. Nhưng đến đêm về-đêm họ vừa chờ, vừa không
mong đợi lại diễn ra trò ái ân muôn thuở của nhân loại một
cách nồng say, đến nỗi người chồng lúc nào cũng có “gương
mặt đần độn vì hạnh phúc”. Và rồi, ai cũng thấy xấu hổ vì
đống chăn nệm nhàu nát đêm qua. Cuối cùng, người vợ cũng
đã ra đi, nói lời chia tay với người chồng đơn giản của mình,
trong khi đó, người chồng vẫn cứ lập lại ý nghĩ cũ kỹ rằng:
“Em cứ giận đi. Rồi đêm về em sẽ biết. Chúng ta sẽ sống với
nhau đến đầu bạc, răng long”. Ở đây, người vợ đã thực sự chủ
động hơn người chồng, ở chỗ, cô ta đã từ thỏa hiệp, nhượng
bộ khi vô thức (libido) chi phối trong đêm, khiến nàng “đắm
say như một cô gái mới lớn”. Vì vậy, chàng không thể “chối
từ niềm khát thèm say đắm của nàng”. Cứ thế, họ có bốn đêm
“tân hôn” tuyệt diệu trong đời. Nhưng cũng chỉ đến ngày thứ
năm, thì cái trò chơi ái ân muôn thuở ấy của nhân loại cũng
chấm dứt. Đêm thứ năm không còn nữa với hai người. Bởi vì
cô chỉ muốn có hạnh phúc thật sự cả đêm lẫn ngày. Ở đó, có
sự hòa hợp, hạnh phúc, cho cả cái đó và cái tôi. Truyện có ý
nghĩa tích cực, khi tác giả, sau khi miêu tả sức mạnh của cái
đó (libido) đã để cho cái tôi (ý thức) chiến thắng. Chỉ có sự
hòa hợp của hai tâm hồn biết làm chủ mình là cơ sở của hạnh
phúc vững bền nhất.

Truyền thuyết về quán Tiên của Xuân Thiều cũng là truyện


ngắn khai thác yếu tố phân tâm học ở trạng thái dồn nén, ẩn ức
dẫn đến căn bệnh hystérie và tình trạng lưỡng phân ở nhân vật
Tuyết Lan và nhân vật Mùi. Tuyết Lan mang chứng co giật vì
thiếu tình cảm với đàn ông để rồi chị trở lại bình thường khi
quan hệ với nhân vật Hon. Từ đấy, chị mang khát vọng làm
mẹ cháy bỏng, dù số phận không mỉm cười với chị, do sự ấu
trĩ trong quan niệm một thời. Còn chị Mùi-người phụ trách
quán Tiên, qua bao nhiêu giữ gìn, thận trọng và ép xác, cuối
cùng cũng vì hành động và cái chết của chú khỉ-biệt danh là
dũng sĩ áo đen thắt nơ trắng luôn đeo đuổi mình mà Mùi đã
không thể yên bình được nữa. Đấu tranh, giằng co giữa vô
thức và ý thức để cuối cùng, chị khóc rũ rượi trong đêm,
không có cách chi để tự dỗ dành được cơn ức chế của mình,
đành phải phân thân trong trạng thái vừa muốn được thỏa mãn
sinh lý vừa dị ứng trước vòng tay chân thành của đồng đội
Trần Văn Thiệt, khi chính chị yêu cầu người ấy ôm và hôn
mình.

Vận dụng yếu tố phân tâm học ở dạng trên, Xuân Thiều muốn
phản ánh những bi kịch tâm sinh lý của con người trong chiến
tranh do những quan niệm giản đơn và ấu trĩ của nội bộ chúng
ta gây ra, dẫn đến những đau xót có tính bản thể cho từng cá
nhân con người. Vì vậy, truyện có giá trị nhận thức và nhân
bản sâu sắc. Chính nhờ cắt nghĩa dưới góc độ tâm lý học như
trên, nhân vật mới chân thật và xúc động hơn.

Cùng chủ đề này, Võ Thị Hảo rất sắc sảo khi miêu tả bi kịch
của các cô gái ở rừng Cười, vì sống trong cảnh thiếu thế giới
đàn ông quá lâu ngày đã biến họ thành nạn nhân của chính
mình. Căn bệnh hystérie đã làm cho họ, có lúc, tự xấu hổ vì
những hành vi lạ lùng của mình. Nhưng biết làm sao được khi
chiến tranh đã cướp đi của họ những gì bình thường và thiêng
liêng nhất, để mãi mãi niềm vui không bao giờ chờ họ ở phía
trước. Năm cô gái ở rừng Cười đã đi vào thế giới của huyền
thoại, dù mỗi người có một số phận khác nhau. Đọc Người sót
lại của rừng Cười của Võ Thị Hảo khiến ta xé lòng, quặn thắt.
Số phận của các cô gái được ví như “huyền thoại về loài chim
yến huyết ngoài biển khơi đã nhả từng hạt máu để dệt nên
chiếc tổ màu hồng quý giá. Rồi khi sức cùng lực kiệt, chim
yến bay vút lên không trung, lao mình vào vách đá nhọn hoắc
cho ngực vỡ nát”. Đó là cái chết trinh bạch và có sức lay động
lớn đối với chúng ta để mãi mãi trong đời, chúng ta luôn biết
yêu thương và căm giận những gì đồng nghĩa với hạnh phúc
và đồng nghĩa với sự hủy hoại sự sống đích thực của con
người. Qua câu chuyện, tưởng còn nghe đâu đây những tiếng
cười man dại ở rừng Cười mà thấm nỗi đau đắng như hạnh
phúc và kéo dài ra trong lòng biết ơn và xa xót của con người
hôm nay.

Truyện ngắn Ánh trăng của Nguyễn Bản lại khai thác từ góc
nhìn mặc cảm tính dục ấu thơ. Hai chị em có họ hàng nhau,
những đêm trời nóng, chị đến ngủ chung với em trai. Chàng
trai xúc động khi ánh trăng phản chiếu trên bộ đồ lót lụa màu
mỡ gà, tóc dài mượt xoã trên bờ vai “tạo hoá như không hề có
chút khiếm khuyết nhỏ nào trên cơ thể và khuôn mặt chị”,
“dáng chị nằm như bơi trong trăng”. Đôi chân chị Vân gác lên
chân Hoàng, khiến chàng rung động lặng im cho đến khi chị
gỡ chân ra. Và như định số, từ những đêm trăng ấy, tình cảm
của người em trai ấy luôn đeo đuổi và nghĩ về chị cho đến
nhiều năm về sau. Dù vào bộ đội, dù trưởng thành được nhiều
người con gái yêu qúi và hai lần ly hôn, nhưng anh vẫn luôn tơ
tưởng và nghĩ về chị. Về sau, mỗi lần gặp chị là môt xúc động
mới mẻ dù chị vẫn coi anh như cậu bé ngày nào. Chị lại lấy
chồng muộn, khiến người em luôn thắc mắc và càng thấy
mình không thể nào quên mối tình kỳ lạ ấy. Anh luôn đồng
nhất hóa hình ảnh những người con gái khác thông qua mối
tình thơ dại với chị. Nguyễn Bản đã ghi lại cái khoảnh khắc
trong đời mà thành định mệnh trong tâm lý chàng trai bằng
giọng văn trữ tình, nhẹ nhàng, giàu chất thơ, khiến người đọc
bất giác hiểu rằng, con người-ngoài những trạng thái bình
thường, vẫn có lúc len lén trong tim những cảm xúc kỳ diệu
không thể thổ lộ cùng ai. Freud thường chú ý đến những cảm
xúc thời thơ trẻ mà nó có khả năng lưu giữ, ám ảnh họ cho đến
hết cuộc đời là thế: Hoàng “vẫn đi tìm ánh trăng. Ánh trăng từ
chị hắt ra từ đêm hôm ấy, cái đêm tôi còn là một thiếu niên
trong trắng, ngây thơ. Ánh trăng và mùi phấn rơm làm tôi xao
xuyến, chơi vơi mãi trong đời. Và chị có cho là tôi yêu chị
không?”.

Phân tâm học ngày càng được các nhà văn vận dụng thể hiện
trong tác phẩm của mình.Trần Thùy Mai, Nguyễn Huy Thiệp,
Nguyễn Thị Thu Huệ, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Bảo
Ninh, Hồ Anh Thái, Tạ Nguyên Thọ, Phạm Hoa, Nguyễn
Quang Thân… là những tác giả có ý thức sáng tạo từ góc nhìn
phân tâm học, nhưng biến ảo, đa dạng hơn trong từng quan hệ,
hoàn cảnh của nhân vật. Ở đó, từ góc nhìn tâm lý có pha chút
ít yếu tố sex, các nhà văn cố gắng thể hiện chiều sâu những ẩn
ức, khát khao và xung động tính dục để lý giải đời sống tâm lý
của con người hiện đại một cách có cơ sở nhất.

Nguyễn Quang Thân cũng trong cách cắt nghĩa này, đã thể
hiện vừa bi kịch vừa hài kịch qua hình tượng một người đàn
bà ngoại tình và xem đó như là lạc thú có tính bản năng. Bà
sẵn sàng ngoại tình và cặp bồ với tất cả những người có chức,
có quyền và có tiền để thực hiện những trò ái ân vô độ và vô
nghĩa lý của họ. Bà không cần tình, bà chỉ cần tiền và cần cảm
giác lạ. Đối với bà, mọi người đàn ông đều nhục dục, trơ trẽn
và tầm thường. Vì vậy, bà thay tình như thay áo. Khi không
thỏa mãn dục tính thì bà sẵn sàng đạp đổ thần tượng. Và cứ
thế, bà lao vào chuyện mây mưa như một nhu cầu thường trực.
Bà chủ động đến với từng người, bà sẵn sàng gợi ý chuyện
làm tình không giấu giếm. Con người bản năng của bà sẵn
sang đón nhận những va chạm xác thịt, đến nỗi, vị tiến sỹ khả
kính thất nghiệp mà bà thuê về dạy cho đứa con 3 tuổi của bà
những từ tiếng Anh thông dụng nhất như con vẹt và nhiệm vụ
chính là đổ bô cho nó, cũng phải ngỡ ngàng. Đáp lại, bà trả
lương khá cân xứng. Nhưng rồi, vị tiến sỹ ấy cũng phải trở
thành con người ngoan ngoãn và lãnh cảm ra đi khi bà đến
phòng riêng của anh gợi ý sát sườn về chuyện làm tình với bà.
Không chịu nổi cơn quằn quại hằng đêm, bà bèn chửi tất cả
những vị “quan to”, những người trí thức từng đi qua đời bà,
để cuối cùng, bà chấp nhận chung chạ với anh lái xích lô mà
bà gợi ý cho để nhờ xe ở nhà bà ban đêm và ngủ luôn ở đó với
bà. Nguyễn Quang Thân, qua Vũ điệu của cái bô đã lên án thói
dâm dục và hành vi đê tiện của những người có tiền và có
quyền; đồng thời, nói lên bi kịch của người trí thức trong thời
bao cấp rất đáng cảm thông và chia xẻ.

Mặc cảm hoạn và mặc cảm Œdipe cũng được các nhà văn vận
dụng, thể hiện thành những dạng, kiểu khác nhau thông qua
từng nhân vật trong tác phẩm. Đùa của tạo hóa của Phạm Hoa
là truyện ngắn xuất sắc về kiểu mặc cảm Œdipe nói trên qua
hình tượng người mẹ quá yêu con đến “bệnh hoạn” mà ganh
ghét với con dâu của mình. Và quá trình ghen tuông ấy dẫn tới
xung đột không thể điều hòa, khi bà muốn thằng Tuần-con trai
bà phải vĩnh viễn ở trong vòng tay bà như bà đã từng yêu
thương, chiều chộng nó từ thuở lọt lòng đến ngày khôn lớn,
học hành thành danh. Bà Thuận mất chồng từ thuở thanh
xuân. Chồng bà là sĩ quan quân đội hy sinh trong kháng chiến
chống Pháp. Bà đẹp và thủ tiết ở vậy nuôi con. Bà tự hào về
nết na, đức hạnh của mình, nhưng tự trong sâu thẳm cõi lòng,
bà khát khao ân ái. Ở cái tuổi hồi xuân, bà đã không dấu nổi
sự thao thức, thèm mùi da thịt đàn ông. Sự chín lại trong tâm
sinh lý của một người đàn bà kéo dài sự trống vắng quá lâu đã
làm cho bà đau khổ, nhưng phải tự ép xác, dấu sâu trong đáy
lòng mình.Bà dồn tất cả tình yêu cho con trai. Và giờ đây, bà
cố công tìm cho nó một người vợ xứng đáng, ít ra là phải đẹp
và có đủ các tiêu chuẩn về hình thức và nội dung mà bà yêu
cầu. Nhưng trớ trêu thay, sau đám cưới linh đình của con trai,
lại là chuỗi ngày bà ốm dần, ốm mòn vì cái “lỗ thủng không
đáy” của con dâu bà đang làm cho thằng Tuấn hao kiệt. Cả bà
cũng hao kiệt. Thế là “đùa của tạo hóa” lại diễn ra. Đó là nỗi
đau thương và ghen tỵ trỗi dậy trong con người bản năng của
bà. Rồi đến ngày việc gì đến sẽ đến. Bà đã xua đuổi Tuấn và
cô dâu ra khỏi nhà, không có cách chi để hàn gắn, dù Tuấn
van xin bà tha thứ. Nhưng không xong, “Một là thằng Tuấn,
hai là xéo tất cả”. Họ đành phải ra đi trong đêm đen thăm
thẳm. Họ ở giữa thiên nhiên nhân hậu ấm áp, nhưng sao thiếu
vắng tình thương của con người! Bà Thuận, kết cục cũng là
một bi kịch-bi kịch tuy không phải dai dẳng và không phải là
tất cả, nhưng là bi kịch khắc nghiệt do “trò đùa của tạo hóa”
trong nghịch cảnh trớ trêu của bà Thuận.

Qua tìm hiểu sự tham chiếu của phân tâm học trong một số
truyện ngắn hiện đại Việt Nam như trên, chúng tôi thấy rằng
các nhà văn rất có ý thức trong việc vận dụng các yếu tố tích
cực của nhiều trường phái, nhiều khuynh hướng và học thuyết
để tích hợp nghệ thuật và biến chúng thành các thủ pháp hữu
hiệu, mới mẻ để thể hiện cuộc sống và con người bằng hình
tượng, góp phần cắt nghĩa và lý giải những vấn đề xảy ra trong
cuộc sống hôm nay. Chính sự vận dụng tích cực các yếu tố tối
ưu nói trên của phân tâm học đã làm cho quá trình phân tích
tâm lý, tính cách nhân vật có chiều sâu và đạt đến trình độ
hiện đại hơn so với truyện ngắn trước đây, đặc biệt là trong
lĩnh vực tâm lý và sự sống thật của con người, giúp rút gần
giữa tác giả và hiện thực, giữa tác giả và nhân vật, giữa nhân
vật và người đọc. Đó là thành tựu và là định hướng có lựa
chọn, nằm trong ý thức sáng rõ của chủ thể sáng tạo trong quá
trình chiếm lĩnh hiện thực cuộc sống và quan niệm nghệ thuật
về cuộc sống và con người mà bài viết của chúng tôi cũng chỉ
là sự tiếp cận ban đầu.
H .T .H
(nguồn: TCSH số 235 - 9 - 2008)
Một sự thể nghiệm phân tâm học Freud trong văn học Việt Nam (*)
Bài viết được đăng lúc 5:14:32 PM, 30.09.2008

TRẦN THỊ THANH NHỊ

“Tôi bị thôi thúc bởi một thứ khao khát hiểu biết có liên quan đến những quan hệ giữa người với
người hơn là với các đối tượng tự nhiên.”
(Sigmun Freud)

Học thuyết S.Freud ra đời ở châu Âu cuối thế kỉ 19 được xem là bước ngoặt của thế kỉ
trong việc khám phá con người. S.Freud đã cung cấp cho nhân loại một công trình tuyệt
vời để hiểu đến chỗ thẳm sâu nhất của tâm hồn nhân loại. Lý thuyết của ông đã đề cập
đến vấn đề nhạy cảm nhất của tâm hồn nhân loại và bị lẩn tránh nhắc đến nhất lúc bấy
giờ là vấn đề tình dục. Có thể xem Freud là một trong những người tiên phong căng
buồm đến khám phá đại dương mờ tối, bí ẩn của vô thức. Với vai trò như sợi dây Adrian ,
Freud đã dò tìm ra con đường khám phá thế giới bên trong chưa từng biết tới của con
người. Công lao của ông không chỉ dừng lại ở việc khám phá chinh phục mà ông đã soi
sáng thế giới ấy để cả nhân loại được biết. Ánh sáng diệu kì ấy phát ra từ trí tuệ tuyệt vời
và đã để lại các công trình danh tiếng như: Những nghiên cứu về Hysteri (1885), Nghiên
cứu về chứng loạn thần kinh (1885), Ba tiểu luận về tình dục (1905), Dẫn luận phân tâm
học (1910), Vật tổ và cấm kỵ (1913), Nguyên tắc thực tiễn và nguyên tắc khoái lạc
(1920), Những bài giảng mới về phân tâm học (1932)...

Trong các công trình của mình, Freud đã đề cập đến những vấn đề quan trọng làm thế
giới kinh ngạc: Sự hiện hữu của một tâm linh vô thức, sự can thiệp của vô thức vào đời
sống ý thức. Tâm linh ý thức của chúng ta có thể tạo nên nhiều lý lẽ rất hợp lý nhưng giả
tạo và bịa đặt. Ông chia kết cấu con người ra làm ba hệ thống: hệ thống ý thức, hệ thống
tiền ý thức, hệ thống vô thức. Ông đi sâu vào tìm hiểu về vô thức con người từ đó lý giải
căn nguyên bệnh tâm thần. Ông cũng tìm hiểu và lí giải nhiều về giấc mơ. Giấc mơ là sự
trung gian giữa cuộc sống của những tình cảm được che giấu và cuộc sống được đem đặt
dưới sự chi phối của lý trí chúng ta. Nhờ đó chúng ta có thể học được nhiều điều mà khi
thức chúng ta từ chối không muốn biết. Không một giấc mơ nào hoàn toàn phi lý, mỗi
giấc mơ với tính cách là một hành vi tâm linh trọn vẹn, có ý nghĩa chính xác. Mọi giấc
mơ tiết lộ ý muốn thân tình nhất vì vậy giấc mơ là các van tình cảm giúp giải phóng tình
cảm của chúng ta khỏi những ám ảnh, phiền muộn bị nhốt cả ngày. Theo Freud, Tính dục
(Libido) điều khiển vô thức theo một cơ chế nhất định. Thứ nhất là nguyên tắc khoái lạc
và nguyên tắc thực tại. Nguyên tắc khoái lạc là chỉ những hành động nhằm giảm bớt
những căng thẳng đau đớn của cơ thể và đem đến những khoái lạc nhưng quy phạm xã
hội buộc con người từ bỏ và thay vào đó là những quy phạm tập thể (Nguyên tắc thực
tại). Thứ hai là: Bản năng sống và bản năng chết. Nguyên nhân xuất hiện của những bản
năng này là do con người phải duy trì giữa ham muốn cá nhân và thực tế cuộc sống. Một
trong những điểm chính của lý thuyết Freud nêu ra là sự lý giải về sự xung đột của Cái
Ấy (Id), Cái Tôi (Eg) và Siêu tôi (Superego), giữa các xung năng và các lực dồn nén. Sự
hình thành, phát triển tạo ra sự cân bằng giữa ba yếu tố cũng là giai đoạn phát triển nhân
cách (Theo Freud là bốn giai đoạn: Giai đoạn miệng, giai đoạn hậu môn, giai đoạn âm và
giai đoạn dương vật, giai đoạn dậy thì). Đóng góp của Freud thể hiện trên nhiều phương
diện: y học, tâm lý học, triết học, xã hội học, văn học nghệ thuật.

Ở Việt , có nhiều tác giả giới thiệu chủ nghĩa Freud cũng như vận dụng vào phê bình
sáng tác. Các tác giả và các công trình tiêu biểu như Nguyễn Hảo Hải (Người đàn ông có
nhiều ảnh hưởng đến văn chương: Sigmun Freud), Phạm Minh Lăng (Sigmun và Phân
tâm học),Nguyễn Ngọc Bích (Tâm lí học nhân cách), đặc biệt là Đỗ Lai Thúy với các
công trình biên soạn: Phân tâm học và văn hóa tâm linh, Phân tâm học và văn hóa nghệ
thuật, Phân tâm học và tình yêu. Góp phần và khẳng định vị thế của mình vào dòng chảy
này là nhà nữ nghiên cứu trẻ TRẦN THANH HÀ với công trình Học thuyết S.Freud và
sự thể hiện của nó trong văn học Việt .

Phân tâm học là lý thuyết khổng lồ của một người khổng lồ thế kỉ 19, dung lượng
139/348 trang của cuốn sách này quả là nhỏ bé. Tuy vậy, Trần Thanh Hà đã tỏ ra là một
người biết thẩm định và chọn tinh những vấn đề cốt lõi nhất để giới thiệu cùng bạn đọc.
Chẳng hạn: Sự ra đời và phát triển của phân tâm học, vô thức, giấc mơ, nguyên tắc khoái
lạc và nguyên tắc thực tại, bản năng sống và bản năng chết, tính dục, những vấn đề đời
sống văn học liên quan đến tính dục bộc lộ qua tôn giáo, đạo đức, văn minh, văn học
nghệ thuật. Vì thế nó đáp ứng nhu cầu cho những người bước đầu tìm hiểu phân tâm học
cũng như có cái nhìn tổng quát về nó.

Phần thứ hai, tác giả chứng minh sự thể hiện của học thuyết này trong văn học Việt . Có
thể nói, ở Việt chưa có công trình nào lớn, đáp ứng một lúc hai yêu cầu là tầm rộng và độ
sâu để thể hiện ảnh hưởng của chủ nghĩa Freud vào văn học Việt . Sự căng thẳng và áp
lực chắc hẳn đã đè nặng lên đôi vai nhà nữ nghiên cứu trẻ. Nhưng, như Stephan Zweig đã
viết về Nietzsche: “Cái búa càng nện mạnh xuống ông thì cái khối đồng thau của ý chí
ông càng vang vọng trong suốt hơn”, sự căng thẳng, áp lực, khó khăn không hề làm
người viết lùi bước mà càng tăng thêm một ý chí, lòng nhiệt tâm cho sự ra đời của một
công trình đáp ứng tính thời sự này. Thành công của quyển sách không thể không công
nhận, Trần Thanh Hà đã dày công cố gắng chứng minh sự thể hiện của học thuyết Freud
vào văn học Việt ở nhiều khía cạnh. Bên trong mỗi luận điểm lớn ấy là một hệ thống
mạng lưới các luận điểm nhỏ hơn giăng mắc tạo thành một kết cấu mạng lưới chặt chẽ,
khoa học. Mỗi luận điểm riêng nhưng hòa bện, đan kết vào nhau, nâng đỡ làm khai sáng
lẫn nhau. Trần Thanh Hà tỏ ra là một nhà khai quặng triệt để, chịu khó, không chỉ thỏa
mãn với những kết quả ban đầu tìm kiếm được. Sức dẻo dai, tinh tế của một người phụ
nữ; ý chí của một người đàn ông; sự sắc sảo, tài hoa của một nhà nghiên cứu đã đẩy
những phát hiện của chị đến tầm sâu cốt lõi của vấn đề. Nếu Freud dò đến đáy sâu tâm
hồn nhân loại thì Trần Thanh Hà cũng dò tìm đến những điểm sâu nhất biểu hiện của nó
trong văn học Việt . Vì thế, giấc mơ không chỉ dừng lại ở “chức năng điềm báo, màu sắc
tôn giáo, bộc lộ niềm tin tín ngưỡng, gửi gắm khát vọng công bằng hạnh phúc của người
lao động” (tr248) mà là những giấc mơ tình dục, giấc mơ ám ảnh, giấc mơ khát vọng.
Qua cái nhìn sắc nhọn của Trần Thanh Hà cách xử lí tính dục của các nhà văn hiện lên
chính xác: “Với Phạm Thị Hoài khi phản ánh con người bản năng xuất hiện trong xã hội
đương thời thì bản năng mà chị muốn nói đến bao gồm “mọi lạc thú ăn ngủ đụ ị ở đời”
(Mari sến - Phạm Thị Hoài)... Tạ Duy Anh xoay quanh một vấn đề tình dục, bóc trần sức
mạnh cũng như sự hủy diệt của nó mà lý thuyết Freud đã đề cập đến. Nhà văn đã diễn tả
nhiều nhân vật với đời sống tình dục khác nhau: bình thường như sự kích động và thỏa
mãn tình dục... Riêng Hồ Anh Thái viết về lối sống bản năng với mục đích săn tìm cực
khoái ở những nhân vật đầy thú tính” (tr 244). Freud đề cập đến việc khi có sự mâu
thuẫn giữa nguyên tắc khoái lạc và nguyên tắc thực tiễn là: Khi có ẩn ức dồn nén, con
người sẽ tìm cách thỏa mãn, hoặc những ẩn ức đó không được thỏa mãn sẽ làm người bị
mắc tâm thần, và một hình thức giải tỏa khác là sáng tạo nghệ thuật. Lý thuyết này được
Trần Thanh Hà thể hiện sáng rõ qua ba tác phẩm: Người đàn bà trên đảo, Tấm ván phóng
dao, Thân phận tình yêu.

Với người làm khoa học, nhất là lý luận phê bình nói chung và lý luận phê bình văn học
nói riêng thì một trong những điều kiện cần thiết là phải tìm cho mình một giọng văn, lối
văn phong khoa học chuẩn xác, rành mạch. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thôi thì chưa đạt
đến đỉnh cao. Văn phê bình, lý luận cũng phải đạt đến tính nghệ thuật, giàu chất thơ. Vừa
khoa học rành mạch, vừa nghệ thuật, vừa triết lý, vừa ý vị thấm đẫm chất thơ như là hai
luồng sợi dọc và ngang dệt nên tấm thảm Học thuyết Freud và sự thể hiện của nó
trong Việt . Có thể thấy những điều trên qua các dẫn chứng sau: “Tình yêu mạo hiểm
biến thành một trò chơi thích thú, biến thành đam mê không gì cưỡng lại được. Đó giống
như sự lựa chọn hưng phấn trong một trò chơi thích thú khi cuộc sống không mang đến
cho họ những điều gì có ý nghĩa.” (tr 186); “Những con người cô đơn trên mỏm núi cao
của dục vọng đã tự thả trôi mình cho xúc cảm khoái lạc bởi “Tình dục vô thức quyết định
mọi tình yêu”. Bởi vậy, ở thời đại ngày nay mà yêu một cái lý tưởng, hà tiện, cứ trung
thành thì cũng coi như “Trồng cây si một chỗ” (tr 176); “Nỗi đau làm người không phải
từ lúc được sinh ra mà từ lúc con người biết ý thức và có ý chí. Biết phân biệt thiện ác
nỗi đau mới nảy sinh. Nỗi đau trở thành cần thiết không? Nếu trong một xã hội xuất hiện
nhiều cái ác thì nỗi đau thật đáng quý. Nỗi đau không phải ta sinh ra ngoài ý muốn mà
là nỗi đau đã sống không được như ý muốn. Tất nhiên có những ý muốn cao đẹp, những
ý muốn xấu xa và từ đó cũng nảy sinh những nỗi đau đáng trân trọng và những nỗi đau
thường tình” (tr 224) v.v.

Công trình của Trần Thanh Hà ra đời đáp ứng yêu cầu thời sự. Tuy nhiên, đây chưa phải
là công trình hoàn toàn làm thỏa mãn nhu cầu của độc giả. Trong dòng chảy thơ văn
từ dân gian đến nay, Trần Thanh Hà chỉ lướt qua các giai đoạn và thể loại để rồi lẩy ra
văn xuôi hiện đại. Làm như vậy, vừa là chỗ thành công, sự khôn ngoan của người viết
sách (biết chọn điểm sáng, tập trung), nhưng phần nào làm công trình này hạn chế.
Khuyết thiếu ở đây là tầm rộng. Ở phần này, tác giả chủ yếu thể hiện học thuyết Freud
vào văn học Việt qua các luận điểm về tính dục, vô thức, giấc mơ, nguyên tắc khoái
lạc và nguyên tắc thực tế. Với sự nhạy cảm, tri thức sâu rộng, tài năng văn học đã
giúp tác giả có nhiều kiến giải hấp dẫn, lý thú. Tuy nhiên, ở một số phần, tác giả hơi
tham đi quá nhiều vào Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, gây ra cảm giác hơi hụt cho những
phần khác.

Phần nghệ thuật có thể được xem là phần thành công của tác giả. Tuy dung lượng ít
nhưng thể hiện bản lĩnh khái quát vấn đề của tác giả. Trần Thanh Hà đã giúp chúng ta
thấy được sự cách tân nghệ thuật qua: quan niệm nghệ thuật về con người, không thời
gian, kết cấu...
Một cuốn sách mang biết bao tâm huyết của một con người, song không thể tránh khỏi
khuyết thiếu. Mặc dù vậy, phải khẳng định là sức mạnh tác phẩm sẽ tự bộc lộ khi chúng
ta khám phá. Công trình cho thấy sự nhiệt thành, tâm huyết của tác giả, là một tài liệu có
giá trị thời sự và văn học, một cuốn sách nên đọc và nên có.
T.T.T.N
(nguồn: TCSH số 235 - 9 - 2008)

..................
(*) Trần Thanh Hà, Học thuyết S.Freud và sự thể hiện của nó trong văn học Việt , Nxb Đại học Quốc gia
Hà Nội, 2008.

Hướng tiếp cận từ phân tâm học trong truyện ngắn việt nam sau 1975
Bài viết được đăng lúc 3:22:07 PM, 09.06.2008

Thuyết phân tâm học của S.Freud và về sau là C.G.Jung và các người kế nghiệp đã có ảnh hưởng
sâu rộng đến tư tưởng của con người hiện đại, bao gồm cả nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực văn
học nghệ thuật. Tuy vậy, ở ta, do nhiều lý do chủ quan và khách quan, chưa có công trình nào đi sâu
nghiên cứu về sự ảnh hưởng của phân tâm học trong văn học - nhất là văn học hiện đại Việt .

Trong khi đó, nhà văn - qua các giai đoạn, luôn có ý thức vận dụng những yếu tố, nội
dung tích cực của phân tâm học vào trong sáng tác của mình ngày càng đa dạng, phong
phú và có sáng tạo tích cực.
Thực chất của việc vận dụng những yếu tố phân tâm học vào sáng tác, các nhà văn đã có
ý thức học hỏi và đạt những thành tựu đáng kể, làm cho văn xuôi nước ta có những cách
tân quan trọng về thi pháp và hiệu quả nghệ thuật, nhằm thể hiện nội dung xã hội và tâm
lý con người một cách vi tế và đa dạng; đồng thời thể hiện sự cách tân thi pháp, phù hợp
với tầm đón nhận của độc giả thời hiện đại.
Phân tâm học du nhập vào Việt , ngay từ đầu đã chứng tỏ sức năng động của nó. Trong
lĩnh vực sáng tác, các nhà văn đã có ý thức vận dụng Phân tâm học trong tác phẩm của
mình. Cụ thể là từ 1930 đến 1945, các nhà văn thuộc trào lưu văn học hiện thực phê
phán và Tự lực văn đoàn đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Phân tâm học để miêu tả tính
cách nhân vật và cuộc sống một cách có hiệu quả như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nhất
Linh, Khái Hưng… Chưa kể trong lĩnh vực thi ca, các thi sĩ lãng mạn cũng đã có ý thức
vận dụng Phân tâm học để thể hiện sự thăng hoa cảm xúc và những trạng thái dục tính,
tâm linh của mình.
Riêng ở miền Nam từ 1954 đến 1975, các nhà văn xem Phân tâm học như là lĩnh vực
đắc địa nhất để thể hiện tính cách nhân vật và thị hiếu độc giả. Họ lạm dụng quá
ngưỡng nhằm miêu tả cuộc sống bản năng, thác loạn, kiểu yêu đương theo lối sống gấp,
sống vội và vô luân. Những nhà văn tiêu biểu cho khuynh hướng này là Nguyễn Thị
Hoàng, Thanh Tâm Tuyền, Thuỵ Vũ, Nhã Ca…
Và đặc biệt, từ 1975 đến 2005, các nhà văn Việt Nam - đặc biệt là các nhà văn trẻ - đã
có ý thức vận dụng những yếu tố tích cực của Phân tâm học (từ S.Freud đến
C.G.Jung…) như là một thủ pháp nghệ thuật độc đáo để xây dựng tác phẩm. Phải nói
rằng, ở giai đoạn này, việc vận dụng Phân tâm học của các nhà văn đã nhuần nhuyễn
hơn, đa dạng hơn; có biến hoá, tích hợp và sáng tạo mới trên cơ sở nền tảng của lý
thuyết Phân tâm học. Tác phẩm của họ thực sự đem lại hiệu quả nghệ thuật mới mẻ và
độc sáng. Tiêu biểu cho giai đoạn này là Nguyễn Huy Thiệp, Xuân Thiều, Chu Lai, Bảo
Ninh, Nguyễn Quang Lập, Phạm Thị Hoài, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phạm
Hoa, Tạ Duy Anh, Nguyễn Đình Chính, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn
Việt Hà…
Trong bài viết ngắn này, tôi muốn điểm qua những thành tựu trên qua một số tác phẩm
của các tác giả tiêu biểu.
Nguyễn Huy Thiệp với Cún đã khắc hoạ tâm trạng cô đơn và bất hạnh của nhân vật
Cún ngay từ lúc mới chào đời để suốt đời anh ta mang mặc cảm tàn phế đầy xa xót
rằng: “anh ta không phải là người, nó kỳ hình dị dạng”. Nhưng rồi Cún cũng đã có con
với cô Diệu. Và trước giây phút đứa con ra đời, Cún đã thực sự vui niềm vui “bỗng
dưng được trút hết cả đi, khuây khoả lạ lùng”.
Với Ánh trăng, qua tâm lý lưỡng phân của nhân vật Hoàng, Nguyễn Bản lại vận dụng
nội hàm khái niệm mặc cảm tính dục ấu thơ để khắc hoạ tâm lý cậu bé 13 tuổi biết xúc
động trước chị Vân - người bà con bởi những đêm được ngủ chung với chị, nhìn “bộ đồ
lót lụa màu mỡ gà qua ánh trăng” và “gương mặt tuyệt đẹp hơi ngửa như hứng trăng,
hai tay vươn ra như đang đón ai, đùi nọ ấp hở đùi kia”. Hoàng đã mê hoặc “mùi phấn
rơm” và “rùng mình nhận ra đùi chị mịn như nhung, lúc ấm lúc mát” để rồi “không dám
cựa quậy, sợ chị rút chân về”. Những ký ức trẻ thơ đêm trăng ấy đã theo suốt cuộc đời
Hoàng để rồi sau bao lần dang dở tình duyên, anh vẫn nhớ như in hình bóng chị Vân
như một định mệnh trái ngang của một mối tình câm lặng, tự giấu kín trong lòng mình.
Trong lý thuyết Phân tâm học của S.Freud, có khái niệm liên quan đến vở bi kịch Ơđíp
làm vua của Sophocle nói về một đứa trẻ “giết bố lấy mẹ”, sau đó, Ơđíp biết chuyện
đau lòng này, anh đã chọc mù đôi mắt của mình để đi lang thang như một sự tự trừng
phạt. Nhân vật Đoài và Tốn trong Không có vua của Nguyễn Huy Thiệp mang hai kiểu
mặc cảm. Ở Đoài là mặc cảm Ơđíp. Anh ta ham muốn chị dâu đến mức vì bảo vệ Sinh
mà có thể sẽ giết chết anh trai của mình “anh mà đụng vào cô ấy là tôi chém liền”,
“Nếu Sinh yêu tôi, tôi sẽ gây sự tống cổ anh ra đường”. Còn ở Tốn dù “bị bệnh thần
kinh, người teo tóp, dị dạng” nhưng trong bản năng vô thức vẫn muốn đem lại niềm vui
cho mọi người, đặc biệt là với chị dâu (Sinh) nên lúc nào cũng vừa quét nhà vừa hát câu
hát đầy gợi tình do hắn nghĩ ra: “Tớ với mình dây dưa, tình với tính hay chưa?”. Kiểu
mặc cảm này đối với nữ giới được Phạm Hoa và Nguyễn Thị Thu Huệ khai thác ở góc
khuất nội tâm đặc biệt. Đó là sự ganh ghét đến bệnh hoạn của một người đàn bà đối với
một người đàn bà khác đang được hạnh phúc và sung sướng trong vật chất và tình yêu.
Ở đây, được các nhà văn miêu tả thành các dạng thức: Lòng ghen của mẹ chồng đối với
con dâu. Bà Thuận (Đùa của tạo hoá - Phạm Hoa) vì quá yêu thương thằng Tuấn - con
trai duy nhất của mình đến nỗi phải ghen với Loan - cô dâu xinh đẹp nhất làng do bà
dày công kén chọn. Dạng thứ hai là mâu thuẫn giữa người em đối với người chị. Đó là
Mỵ - người luôn bị bản năng tính dục chi phối nên cô luôn ganh tị với hạnh phúc của
chị mình vì chị được sung sướng, được ở thành phố và được chồng yêu thương hết
mực, dù “chị đã hết thời, vừa già vừa xấu hơn cô rất nhiều”. Có lúc lòng ghen đó lên
đến đỉnh cao qua sự đôi co, xúc phạm đến người chị.
Cùng vận dụng các kiểu mặc cảm trên, còn có nhiều tác giả thể hiện thành công: Chị
Hai ơi! (Trần Thuỳ Mai), Tầm tã mưa ơi! (Nguyễn Bản), Vũ điệu của cái bô (Nguyễn
Quang Thân), Bóng đè (Đỗ Hoàng Diệu)… Ở nội tâm nhân vật có sự đấu tranh quyết
liệt giữa ý thức và vô thức để dẫn đến hành động vừa lưỡng phân, vừa bất ổn để gây ra
sự xáo động trong hành vi - đặc biệt là hành vi tính dục. Chúng tôi đơn cử Năm ngày
của Phạm Thị Hoài. Nhân vật Vi và người chồng luôn phải đấu tranh giữa sự rạn vỡ và
bản năng tính dục trong cuộc sống thường nhật giữa ngày và đêm. Ngày thì lãnh cảm,
nhăn nhúm; đêm thì nhục cảm, trụi trần. Đêm là lúc vô thức thắng ý thức nên bản năng
tính dục đã dẫn dắt họ vượt qua sự thờ ơ ban ngày để thoả mãn diễn cái trò ái ân muôn
thuở của nhân loại đến nỗi người chồng lúc nào “cũng có gương mặt đần độn vì hạnh
phúc”. Truyện có kết cục bất ngờ, khi Vi - người vợ bỏ đi để tìm ý nghĩa sự sống đích
thực của mình.
Trong Chị Hai ơi! (Trần Thuỳ Mai), mối tình của Út Hiệp (21 tuổi) và chị Trúc (goá
phụ 27 tuổi) diễn ra một cách mãnh liệt mà xuất phát điểm là ở Hiệp - từ xúc động hoàn
cảnh chị Trúc đã đi đến cảm mến và ham muốn được gần gũi và ân ái với chị Trúc. Và
cuối cùng là Út Hiệp nhận lấy vết cắn của chị Trúc. Nhưng trớ trêu thay, đến lượt mình,
sự phản kháng của chị Trúc cũng bị ngủ quên, để không thể thờ ơ trước vẻ đẹp và sức
quyến rũ của chàng trai nhỏ hơn mình 6 tuổi.
Truyền thuyết về quán Tiên của Xuân Thiều cũng ở dạng này, nhưng đặc biệt hơn. Nhân
vật Tuyết Lan bị bệnh tâm thần (hystérie) và cuối cùng đã giải phóng ức chế
(refoulement) bằng việc quan hệ với cu Hon - người cùng phục vụ tại quán Tiên. Hoặc
chị Mùi cũng vậy, vì phải đè nén và bị ám ảnh cao độ trước nhiều tình huống, trong đó
có sự hối hận vì đã lấy thân thể của mình để giết chú khỉ (biệt danh là dũng sĩ áo đen
thắt nơ trắng). Sau đó, chị bị ức chế và khóc rũ rượi trong đêm với sự giận hờn rằng con
người không hiểu mình. Và cũng vì tình trạng này mà chị Mùi đã không có mặt trên cõi
đời này trước sự thờ ơ và hiểu lầm của đồng đội.
Hai tác phẩm Người suy tư và Người đoán mộng giỏi nhất thế gian của Phạm Thị Hoài
đặt ra hai tâm trạng và suy nghĩ rất đặc biệt. Một người luôn chìm đắm trong suy tư,
dửng dưng với các mối quan hệ chung quanh, một người luôn hiện hữu những giấc mơ
đến quái gỡ, mê muội, để rồi cả hai đều dẫn đến tình trạng, một thì bị ghép tội “hành
nghề mê tín dị đoan có hệ thống, có tổ chức”; còn một thì luôn luôn nghĩ đến đàn bà để
khẳng định cái tôi dục năng của mình. Ngoài những phức cảm mà Phân tâm học quan
tâm được các nhà văn vận dụng đa dạng, sáng tạo như trên, ta thấy còn có vấn đề then
chốt của Phân tâm học là giấc mơ cũng được họ tiếp thu và thể hiện rất có hiệu quả.
Đùa của tạo hoá của Phạm Hoa, Người suy tư của Phạm Thị Hoài, trong nhiều truyện
ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Võ Thị Hảo, Đỗ Hoàng Diệu… thể hiện giấc mơ như là
một thủ pháp nghệ thuật rất thành công. Bà Thuận (Đùa của tạo hoá) luôn mơ trong
cơn hưng phấn đặc biệt, khiến bà như mệt lả vì ức chế.
Thông thường, trong thực tế những ước mơ của con người - nhất là về dục tính nếu
không thực hiện được sẽ dẫn đến rối loạn, ức chế, khi ấy, trạng thái lưỡng phân giữa ý
thức và vô thức càng đẩy nhân vật đến những hành vi không bình thường. Đó là triệu
chứng của những bản năng thác loạn và ám ảnh tâm linh, làm cho con người không làm
chủ được mình trong từng tình huống, dẫn đến sự đau khổ, dằn vặt, uất ức. Thổ cẩm của
Nguyễn Huy Thiệp, Xin hãy tin em của Nguyễn Thị Thu Huệ, Yêu pháp của Triệu
Thuấn, gần đây nhất là Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, Cánh đồng bất tận của Nguyễn
Ngọc Tư… và nhiều tác giả, tác phẩm khác, nhưng trong bài viết ngắn này chúng tôi
không có dịp để minh chứng một cách đầy đủ.
Sự phức cảm, phức điệu trong cuộc sống tâm lý của từng cá nhân được các nhà văn
ngày càng quan tâm khắc hoạ đa dạng, biến ảo, giúp ta thấy được sự sáng tạo của họ là
đáng ghi nhận. Họ không chỉ vận dụng rập khuôn, máy móc mà thật ra, họ sáng tạo lại
Phân tâm học và lý giải từ góc nhìn nghệ thuật. Các tác giả lớp sau càng dày dặn và
kinh nghiệm trong việc khẳng định bút pháp của mình như: Người sót lại của rừng cười
(Võ Thị Hảo), Truyền thuyết về quán Tiên (Xuân Thiều), Vũ điệu của cái bô (Nguyễn
Quang Thân), Sông lấp (Nguyễn Bản), Mại (Nguyễn Thị Thu Huệ), Goá phụ đen (Võ
Thị Hảo), Lửa của khoảnh khắc (Trần Thuỳ Mai), Năm ngày (Phạm Thị Hoài), Hạnh
phúc trần gian (Từ Nguyên Tĩnh), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư)… Qua điểm
tựa của các yếu tố Phân tâm học, các tác giả thoả sức thể hiện thế giới nội tâm phức tạp
của con người trong từng thời khắc, từng hoàn cảnh.

Trong không khí hội nhập của thời hiện đại và đương đại, có thể nói Phân tâm học có
điều kiện phát triển, khẳng định lại vai trò của mình trong đời sống tâm-sinh-lý của con
người. Và dĩ nhiên là trong phạm trù nghệ thuật, Phân tâm học lại được vận dụng đa
dạng, có sự cách tân đáng kể để phù hợp với con người cá nhân cá thể trong ý thức sáng
tạo của nhà văn. Và may thay, chúng không mất đi, không trở thành vô nghĩa mà là
những giá trị, những đặc trưng nghệ thuật độc sáng trong dòng chung của truyện ngắn
hiện đại Việt Nam 1975-2005, tạo ra những tích hợp nghệ thuật mới, làm hiện lên bức
tranh cuộc đời đầy đa đoan và phức tạp. Và quan trọng hơn là tạo ra tính hiện đại cho
truyện ngắn 1975-2005 với các kiểu thể hiện theo “dòng ý thức”, “cách viết tự động”,
lắp ghép kiểu điện ảnh, và phần nào vận dụng đến yếu tố trực giác, ấn tượng, huyền ảo,
tâm linh, vô thức, tiềm thức để khắc hoạ tính cách và tâm lý nhân vật vi tế và đa dạng
hơn, phù hợp với cấu trúc nội tâm và con người hiện đại. Đó là điều đáng ghi nhận của
văn học nói chung và truyện ngắn sau 1975 nói riêng. Chúng ta có quyền hy vọng vào
sự phát triển trên cơ sở phá và thay của các tác giả trẻ với trình độ điêu luyện hơn, hoàn
hảo hơn. Và vì vậy, Phân tâm học vẫn đang là thành tựu chưa kết thúc. Nó đang hướng
về đường chân trời của những thể nghiệm mới.

HỒ THẾ HÀ
(nguồn: TCSH số 232 - 06 - 2008)

I. GIỚI THIỆU VỀ THUYẾT PHÂN TÂM CỦA FREUD


Một trong những học thuyết về tâm lý có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong
nhiều lĩnh vực cuộc sống và có giá trị thực tiễn cho đến ngày hôm nay là
thuyết phân tâm học. Nó gắn liền với tên tuổi của thiên tài Sigmund Freud
và đã trở nên quá quen thuộc với nhiều người. Ý nghĩa và giá trị của học
thuyết có ảnh hưởng rất lớn đến lịch sử phát triển của tâm lý học. Chính
Freud đã cho rằng sự ra đời của phân tâm học đã tạo ra cú sốc thứ ba cho
lịch sử phát triển loài người sau phát hiện của Côpernius và học thuyết của
Charler Đarwin.
Học thuyết phân tâm Freud đã nổi tiếng đối với nhiều tầng lớp, nhiều lĩnh
vực: tâm lý, ý thức học, giáo dục, văn học nghệ thuật, tôn giáo, đạo đức…
Sau 40 năm ngày mất của ông tạp chí “New week” đánh giá rằng tư tưởng
của Freud đã đi sâu vào ý thức chúng ta đến nổi khó mà tưởng tượng thế
kỉ XX lại thiếu ông. Ông thuộc về một trong số ít nhà tư tưởng làm thay
đổi cái nhìn căn bản của chúng ta về bản thân mình.
Phần cống hiến quan trọng trong học thuyết phân tâm của Freud là quan
điểm về cấu trúc nhân cách con người. Ông đã vạch ra hướng nghiên cứu
mới về nhân cách trong cách nhìn mới với sự xuất hiện vai trò của vô
thức.
Bất kì học thuyết về nhân cách nào bao giờ cũng chứa đựng trong nó hệ
thống các đơn vị cấu trúc nhân cách. Vì vậy chúng tôi đi sâu vào tìm hiểu
hệ thống đơn vị cấu trúc nhân cách trong học thuyết phân tâm học của
Freud.
1.Tiểu sử về cuộc đời và sự nghiệp của Freud
Sigmund Freud sinh ngày 6/5/1856 tại Freibeirg, Moravi, Áo. Cha ông là
một nhà buôn vải, một người khắc nghiệt và gia trưởng. Thuở nhỏ đối với
cha Freud có thái độ pha lẫn sợ hãi và yêu mến. Trái ngược với cha, mẹ
Freud là người phụ nữ dịu dàng chu đáo vì vậy ông luôn cảm thấy có sự
gắn bó mật thiết với mẹ. Khi còn đi học ông luôn là học sinh xuất sắc, tốt
nghiệp phổ thông loại ưu.
Năm 1873 Freud đỗ vào ngành y học trường đại học tổng hợp Viên. Năm
1884 ông cho xuất bản một công trình về những ưu thế trong việc sử
dụng Côcain nhưng bị phản đối quyết liệt từ phía xã hội. Năm 1881 Freud
nhận được học vị tiến sĩ y học và thực hành với tư cách nhà thần kinh lâm
sàng.
Năm 1882-1885 Freud làm việc tại Viện đa khoa Viên, đi sâu về phần não
và bệnh lý học thần kinh. Tại đây ông làm quen với Breuer vừa là người
thầy vừa là người bạn tri kỉ. 10/1885 Freud qua Pari, tại đây ông được làm
việc với Charcot (nhà thần kinh học nổi tiếng), Freud đã tích cực sử dụng
phương pháp thôi miên và thanh trừ. Nhưng sau đó ông đưa ra môt kĩ
thuật trị liệu mới: phương pháp liên tưởng tự do. Năm 1885 Freud cùng
với Breuer xuất bản cuốn “Nghiên cứu về Hysteri”. Đây được coi là khởi
đầu chính thức của phân tâm học .
Năm 1896 Freud đọc báo cáo tại Hội tâm thần và thần kinh học Viên về
hiệu quả tiến hành các buổi chữa bệnh rối nhiễu tâm lý bằng liên tưởng tự
do.
Năm 1900 cho ra đời cuốn “Đoán giải những giấc mơ” một tác phẩm chính
và đánh dấu sự thành công của ông. Giai đoạn 1990-1910 vị thế chuyên
môn của Freud được cũng cố một cách nhanh chóng. 1905 xuất bản cuốn
“Ba tiểu luận về học thuyết tính dục”. Những năm sau đó Freud đã cho ra
đời hàng loạt tác phẩm: Dẫn luận phân tâm học (1910), Totem và cấm kỵ
(1913), Nguyên tắc siêu việt và khoái lạc(1920), Tự ngã và bản
ngã(1923)…1902 ông cùng A.Adler thành lập Hội các nhà phân tâm học.
Năm 1908, Chi hội phân tâm học quốc tế ra đời ở Viên, 1910 thành lập
Hội phân tâm quốc tế, 1918 thành lập nhà xuất bản phân tâm học và năm
1924 công bố những tập đầu của Toàn Tập Freud.
Năm 1923 Freud bị ung thư vòm họng, hơn 16 năm bị dày vò bệnh tật.
23/9/1939 ông mất tại London.
Suốt cuộc đời Freud đã làm việc với nghị lực, sức lực, ý chí, lòng dũng cảm
phi thường và thái độ cầu thị khoa học hiếm có.Mặc dù bị chỉ trích từ
nhiều phía nhưng cái đó không ngăn cản được ông, không làm ông chùn
bước trên con đường đã chọn và ông đã đạt đến bến bờ vinh quang.
2.Cơ sở cho sự hình thành và phát triển phân tâm học của Freud
Học thuyết phân tâm học của Freud ra đời chịu sự ảnh hưởng bởi nhiều
yếu tố. Có thể tóm về ba nhóm chính:
2.1Các học thuyết triết học về vô thức và khoa học tự nhiên
2.1.1Tiền đề triết học:
Thuyết đơn phân tử của G. W.Leibniz (1646-1716) nhà triết học, nhà toán
học người Đức: mỗi đơn tử là một bản thể tâm lý không có độ dài. Theo
ông, về mặt lý thuyết tính tích cực của đơn tử trong các hành động tâm lý
hoàn toàn có thể diễn ra với các mức độ ý thức khác nhau: từ hầu như
hoàn toàn vô thức đến ý thức một cách sâu sắc.
Thuyết ngưỡng ý thức của nhà triết học người Đức Fridric Herbart: các ý
tưởng tác động lẫn nhau giống như sức mạnh máy móc. Những ý tưởng
nằm dưới một ngưỡng nhất định không được ý thức gọi là vô thức.
Người thật sự có công khai sáng và ảnh hưởng mạnh mẽ đến Freud là
Schopenhaur với chủ nghĩa phi lý tính: triết học quay trở về với thế giới
nội tâm của mình, tìm tòi bản tính thật sự của con người và thế giới.
Cái vô thức là đối tượng quan tâm và nghiên cứu phổ biến trong không khí
học thuật ở Châu Âu vào những năm 80 của thế kỉ XIX.
2.1.2 Ảnh hưởng của khoa học tự nhiên
Freud đã ảnh hưởng khá nhiều bởi tư tưởng của các nhà tâm vật lý như
Fexner. Hình ảnh tâm lý như tảng băng trôi, phần lớn hoạt động tâm lý
được giấu dưới cái vỏ ý thức và chịu sự tác động mạnh mẽ của những sức
mạnh không nhìn thấy được. Một số luận điểm quan trọng trong học
thuyết của Freud được lấy từ những tác phẩm của Fexner.
Freud đã sử dụng khái niệm “Năng lượng và định luât bảo toàn năng
lượng” của trường phái Helmholtz.
Học thuyết của Charles Darwin: Darwin chính là con người đã dẫn đường
cho các ý tưởng của Freud và góp phần vào cuộc cách mạng phân tâm
học. Darwin cho rằng loài người chịu ảnh hưởng tác động của các sức
mạnh sinh học. Đặc biệt là bản năng sinh tồn nòi giống và bản năng tìm
thức ăn. Theo ông thì bản năng này là nền tảng của mọi hành vi. Tư tưởng
của Darwin về vai trò quan trọng của tính dục trong động lực về hành vi,
quan điểm về các quá trình và xung đột vô thức trong tâm lý về vai trò
giấc mơ, sự phát triển của trẻ em đã trở thành nền tảng của phân tâm
học.
2.2 Những nghiên cứu về tâm bệnh học
Trước khi là nhà phân tâm học Freud là nhà nghiên cứu nguồn gốc và trị
liệu các rối nhiễu tâm lý. Chính trong lĩnh vực này ông đã học tập được ở
nhiều bậc tiền bối. Sự phát triển, tiến bộ trong các cách nhìn nhận và
chữa bệnh cho những người bị rối nhiễu tinh thần. Có nhiều nhà tâm thần
học đã nghiên cứu và tìm ra phương pháp chữa trị cho họ như Benjamin
Ras(1745-1813).Ông cho rằng nghiên cứu của những hành vi phi lý là do
thừa hoặc thiếu máu. Suốt thế kỉ XIX trong lĩnh vực tâm thần luôn có sự
đấu tranh giữa hai trường phái: phái thực thể và phái tâm lý, phân tâm
học xuất hiện như là sự phản ứng chống lại khuynh hướng thực thể.
Franz Anton Mesme là người đầu tiên sử dụng thôi miên để chữa bệnh.
Phương pháp này dần được thừa nhận, sử dụng phổ biến. Khái niệm thanh
trừ đã xuất hiện trong các tác phẩm của Freud, ông đã có những nghiên
cứu về nguyên nhân tâm lý của các bệnh tâm thần và sử dụng phương
pháp thôi miên trong việc phân tích, điều trị các chứng bệnh.
2.3 Ảnh hưởng của đời sống xã hội Châu âu thế kỉ XIX
Quan điểm của Freud cũng chịu ảnh hưởng của đời sống tinh thần trong
thời đại mà ông đang sống, đó là thái độ của xã hội đối với vấn đề tình
dục. Một xã hội mà tôn giáo và pháp luật đã mất đi sức mạnh, lấy cái tôi
làm trung tâm, khuynh hướng vô chính phủ của con người không được
kiểm soát, hướng dẫn.
Ở thời đại này chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ chống đè nén tính dục
trong xã hội khổ hạnh, có hàng loạt nghiên cứu về bệnh tính dục, tính dục
trẻ em và ảnh hưởng của những dồn nén ham muốn tính dục đến sức
khoẻ tinh thần, thể chất. Năm 1897 Abber Moll đã viết cuốn sách về vấn
đề tính dục ở trẻ em và ham muốn của trẻ đối với cha mẹ khác giới của
mình. Nhà tâm lý học người Pháp đã xuất bản công trình nghiên cứu về
lệch lạc tính dục, trong công trình này ông đưa ra thuật ngữ “Libido”.
Dấu ấn đời sống thơ ấu đã ảnh hưởng rất lớn đến quan điểm của Freud,
góp phần vào việc hình thành phương pháp lý luận trong phân tâm học.
Những tổn thương từ tuổi thơ đã tạo ra các ám ảnh vô thức.
Freud còn chịu ảnh hưởng từ rất nhiều của các khuynh hướng đa dạng
phong phú từ lí luận và thực tiễn. Nhưng cái công lớn nhất của ông là đã
biết liên kết các ý tưởng rời rạc thành một hệ thống lí luận hoàn chỉnh.
II. II. Hệ thống đơn vị cấu trúc nhân cách trong thuyết phân tâm học của
Freud
Một học thuyết nhân cách bao gồm 6 đơn vị cấu trúc:
1. Cấu trúc nhân cách
Cấu trúc tâm lý của nhân cách là sự sắp xếp các tính chất, các thành phần
của nhân cách thành một chỉnh thể trọn vẹn tương đối ổn định trong mối
liên hệ và quan hệ nhất định. Có rất nhiều quan điểm về cấu trúc nhân
cách, nó tuỳ theo quan niệm về bản chất nhân cách của tác giả như thế
nào?
Như Catell: thông qua lí giải 16 cặp nét nhân cách cốt lõi biểu hiện ở các
nhân cách, mỗi nhân cách sẽ có những biểu hiện khác nhau. Hay theo
Platonov cho nhân cách bao gồm 4 tiểu cấu trúc: tiểu cấu trúc có nguồn
gốc sinh học, tiểu cấu trúc về đặc điểm của các quá trình tâm lý, tiểu cấu
trúc về vốn kinh nghiệm, tiểu cấu trúc xu hướng nhân cách. Còn ở Việt
Nam có quan điểm coi cấu trúc nhân cách gồm hai mặt đức và tài thống
nhất với nhau dưới sự chỉ đạo của thức bản ngã. Đức được tổng hợp bởi ba
yếu tố: ý thức đạo đức, tình cảm đạo đức, hành vi đạo đức. Tài cũng được
tổng hợp từ ba yếu tố: năng lực trí tuệ, tình cảm trí tuệ và hành động trí
tuệ.
Quan niệm phân tâm học của Freud về nhân cách :
Theo Freud tâm lý con người được cấu tạo bởi ba khối: vô thức , tiền ý
thức, ý thức. Tương ứng với ba khối này, Freud đã đưa ra ba thành phần
cấu trúc nhân cách: cái nó(id), cái tôi(ego) và cái siêu tôi(superego) gọi là
bộ máy tâm thần.
Khối vô thức là khối bản năng, trong đó bản năng tình dục giữ vị trí trung
tâm, cung cấp nguồn năng lượng Libido chi phối toàn bộ hoạt động đời
sống tâm thần. Khối bản năng có một số tính chất sau:
- Đặc điểm chung của bản năng là bị kiềm nén, nó là nguồn động lực, sức
mạnh cho hoạt động.
- Mục đích của bản năng là hướng tới sự thoả mãn bằng cách trực tiếp hay
gián tiếp.
- Bản năng hướng tới khách thể, thế giới bên ngoài là đối tượng để thoả
mãn. Bản năng đòi hỏi khách thể phải thoả mãn ngay lập tức và trực tiếp.
- Nó chi phối toàn bộ đời sống hoạt động tâm thần của con người.
Tương ứng với cái vô thức là cái nó(id), cái nó là nguồn gốc nguyên thuỷ
của các ham muốn sinh vật, là thùng chứa năng lượng tinh thần, là cái
chảo sùng sục những khát vọng, bản năng. Cái nó hoạt động theo nguyên
tắc khoái cảm, nghĩa thoả mãn ngay tức khắc những khát vọng bản năng.
Khối ý thức tương ứng với cái tôi (ego), n ó xuất hiện sau cái nó. Cái tôi
được hình thành do áp lực thực tại bên ngoài đến toàn bộ khối bản năng.
Nó đảm bảo cho các chức năng tâm lý như chú ý, trí nhớ… Hoạt động của
cái tôi theo nguyên tắc thực tại. Con người phải dùng một năng lượng
đáng kể để kiềm chế và kiểm soát những bản năng phi lý của cái ấy.
Nhiệm vụ của cái tôi là làm cho cái ấy thoả mãn mà không làm tổn hại
đến cơ thể, làm giảm sự căng thẳng một cách tốt nhất. Cái tôi có tính chất
tự chủ, nó tự chủ về nguồn năng lượng từ trong cấu trúc riêng của nó
hoặc trong thùng năng lượng của bản năng tình dục được trung hoà. Nó
còn tự chủ với môi trường chọn ra những kích thích của môi trường. Cái tôi
và cái nó tồn tại không tách rời, cái tôi tìm kiếm nguốn sức mạnh trong cái
nó. Nó hướng vào việc tạo thuận lợi cho việc thực hiện cái nó. Cái nó phải
được điều chỉnh , kiểm soát nếu không cái tôi lý tính sẽ bị vứt bỏ và dẫm
nát. Freud nhấn mạnh rằng cái tôi vừa là đầy tớ vừa là chủ nhân của cái
nó.
- Cái siêu tôi (superego) là nhân tố đạo đức trong nhân cách bao gồm mọi
khái niệm xã hội về cái đúng, cái sai, cái tốt, cái xấu. Nó được hình thành
từ cái tôi, nó là hiện thân của những lý tưởng, và cố gắng đạt tới sự hoàn
thiện thay vì sự thoả mãn hay thực tại. Cái siêu tôi là các chuẩn mực bên
ngoài được phóng chiếu vào bên trong do kết quả nhập tâm của những lời
dạy bảo của gia đình, của nền giáo dục, nền văn hoá. Nó hoạt động theo
nguyên tắc kiểm duyệt, nó là một cỗ máy ngăn chặn không cho con người
bộc lộ những bản năng tính dục và hiếu chiến theo cách có thể gây ra ảnh
hưởng xấu đến xã hội và trật tự xã hội. Chức năng chủ yếu của cái siêu tôi
là giám sát cái tôi, đảm bảo cái tôi không vi phạm quy tắc đạo đức. Cái
siêu tôi luôn có ý đồ áp chế hoàn toàn những dục vọng của cái ấy.
Theo Freud mọi thành phần trong cấu trúc thực hiện những chức năng
khác nhau. Nó được ví với việc lái một chiếc ôtô, cái nó tương ứng với cái
động cơ, cái tôi tương ứng với tay lái và cái siêu tôi là nguyên tắc chuyển
động. Chính sự đòi hỏi tức thì, mạnh mẽ của cái nó và sự trấn áp không
khoan nhượng của cái siêu tôi tạo ra trạng thái căng thẳng lo âu của cái
tôi. Để giải toả trạng thái này trong cái tôi xuất hiện các cơ chế tự vệ: cơ
chế chèn ép, cơ chế phóng chiếu, cơ chế thay thế, cơ chế hợp lý hoá, cơ
chế hành động đối nghịch, cơ chế thoái lui, cơ chế phủ nhận, cơ chế thăng
hoa. Những cơ chế này để dung hoà hai lực, kiểm soát sự sợ hãi để quay
về trạng thái cân bằng.
Nói về vai trò của vô thức và ý thức, Freud đã nhiều lần mượn hình ảnh
tảng băng trôi trên biển để nói về vai trò của hai yếu tố này. Phần nhỏ bé
nổi trên mặt nước được ví là tầng ý thức, phần giáp gianh là tiền thức, còn
toàn bộ khối băng chìm trong lòng biển là vô thức. Phần nằm dưới nước
lớn hơn nhiều lần phần nổi, qui định trọng tâm, phương hướng vận động
và số phận của cả tảng băng ấy.
Mối quan hệ giữa hệ thống vô thức - ý thức với bộ máy tâm thần cá nhân:
Freud ví ý thức như một chiếc máy chiếu quét sáng trên sân khấu, những
gì nằm ngoài vùng chiếu sáng nhưng vẫn trong tầm chiếu của nó sẽ trở
thành tiền ý thức, việc điều khiển máy chiếu là trách nhiệm của cái tôi.
Nhưng cơ chế này được cái ấy nuôi dưỡng, được cái siêu tôi quản lý. Cái
tôi chỉ điều khiển được nó khi có sự trợ giúp của cái nó và cái siêu tôi. Dù
hợp lực của những lực ấy như thế nào, thì bao giờ cũng có những khu vực
nằm ngoài tầm của máy chiếu. Trong trạng thái bình thường những khu
vực này không bao giờ được chiếu sáng, đó chính là vô thức. Freud không
tách rời hai lĩnh vực riêng: vô thức- ý thức và bộ máy tâm thần. Nói cách
khác, ông không quan niệm trong đời sống tinh thần của cá nhân nhân
một bên gồm vô thức- ý thức và bên kia là cái ấy- cái tôi- cái siêu tôi.
Thực ra, chúng thể hiện các góc độ nhìn, trong thế đối lập giữa các mặt-
một cách nhìn đặc trưng của Freud.
2. Động cơ hệ:
Việc quan tâm đến cái gì thúc đẩy hành vi của con người là vấn đề của
nhiều học thuyết tâm lý học như Cant- nhà duy tâm chủ quan cho rằng:
“cái đẹp không phải ở đôi má ngưòi thiếu nữ má ở đôi mắt của kẻ si tình”.
Còn theo tâm lý học hành vi thì: một phản ứng hành vi nào đó xuất hiện
là do một kích thích, một hoàn cảnh xác định. Công thức là “kích thích -
phản ứng”(S-R)
Freud là người đầu tiên nghiên cứu về động cơ hệ. Theo quan điểm phân
tâm học của Freud: tư tưởng và hànhđộng của con người là do những
động cơ gây ra. Vậy động cơ đó từ dâu mà có?
Ông cho rằng: toàn bộ sức mạnh tác động ở phía sau những nhu cầu cấp
bách của cái ấy và biểu hiện những yêu cầu thuộc loại thể chất trong tâm
thần là xung lực. Xung lực này có bản chất sinh học rất đa dạng. Nói cách
khác xung lực bắt nguồn từ những nhu cầu cơ thể. Nó có thể chuyển từ
đối tượng này sang đối tượng khác, năng lượng của xung lực này có thể
chuyển sang xung lực khác.
Trong các xung lực vốn có của cá nhân có hai xung lực cơ bản: xung lực
tình dục (bản năng tình dục) gọi là Eros, xung lực phá huỷ (bản năng huỷ
diệt) gọi là Thanatos. Freud tin rằng mọi hành vi của con ngưòi đều được
thúc đẩy bởi hai xung lực này.
Xung lực tình dục (Eros) giúp duy trì sự tồn tại, nó hướng tới những hành
động nhằm duy trì sự sống như hô hấp, ăn uống, tình dục và các hành
động đáp ứng toàn bộ những nhu cầu khác của cơ thể.
Xung lực phá huỷ (Thanatos) là lực chết, là tập hợp những xung lực tàn
phá có ở tất cả mọi người. Nếu năng lượng của Thanatos đạt tới giới hạn
nhất định thì bản năng chết chóc sẽ bộc lộ bằng cách nào đó, như những
hành động đốt phá, đánh đấm, tàn sát, chiến tranh thậm chí cả những
loạn dâm chích đau đớn.
Nhưng Freud cho rằng Eros mạnh hơn Thanatos nên nó giúp chúng ta tồn
tại chứ không phải huỷ diệt. Phân tích các xung lực Eros, Freud đi đến
khẵng định nó không phải là tính nhu cầu tình dục nói chung mà đó là
xung lực khát dục, tức là khoái lạc tình dục cá nhân gọi là Libido. Theo
cách hiểu của Freud, Libido giống như sự đói ăn nói chung, con ngưòi đói
tức là nhu cầu tiêu thụ thức ăn cần được thoả mãn, cũng vậy con người
khát dục khi có nhu cầu nhục dục cần được thoả mãn. Xung lực Libido
chính là sự tạo ra khoái lạc nhục dục do nhu cầu tình dục được thoả mãn.
Nó là năng lượng nguyên thuỷ: có liên hệ trực tiếp và cơ bản với xung
năng tình dục nói chung, tạo nên nguồn năng lượng vốn có ngay từ khi
mới sinh ra và tồn tại từ đầu đến tuổi già, dưới hình thức đó Libido không
cố định vào một đối tượng cụ thể nào mà là một khối sôi sục cần được
thoả mãn. Freud khẳng định: hành động của con ngưòi chịu sự chi phối
của hai loại xung năng Eros và Thanatos.Và trên thực tế chúng cũng là hai
nguyên tắc: khoái lạc và cưỡng bức lặp lại. Ngoài ra Freud còn có nguyên
tắc hiện thực cũng ảnh hưởng đến hành vi của con người.
Những bản năng này nằm ở vùng vô thức, con người không ý thức được
về nó.Nhưng nó luôn tồn tại và điều khiển mọi hành vi của con người. Nó
biểu hiện dưới dạng biến cải, vẫn biểu lộ mà không gây xung đột. Nên cái
mà chúng ta mô tả về hành vi của mình là giả dối. Do đó cần phải khám
phá tầng vô thức và nó được thể hiện trong giấc mơ, lỡ lời…
3. Sự phát triển nhân cách
Nhân cách con người sẽ thay đổi đến mức độ nào, yếu tố nào quyết định
đến sự phát triển
Theo Vưgôtxki sự phát triển nhân cách tuân theo một số quy luật nhất
định:
- Phát triển hình thành các chức năng tâm lý bậc cao của con người
- Phát triển tính văn minh, nét văn hoá của hành vi con người gắn với sự
phát triển lịch sự xã hội của nhân loại.
-Chuyển hoá chức năng từ bên ngoài vào bên trong bản thân con người là
một quá trình biến đổi mang tính qui luật.
Quan điểm của Freud về sự phát triển của nhân cách: sự phát triển của
nhân cách bao gồm hàng loạt các xung đột giữa một bên là cá nhân luôn
mong muốn được thoả mãn các thúc đẩy bản năng với một bên là xã hội –
cái thường xuyên kiềm hãm, hạn chế những mong muốn đó của cá nhân.
Trong sự phát triển, cá nhân tìm ra những phương thức vừa thoả mãn
được những mong muốn của bản thân vừa chịu sự kiềm hãm của xã hội.
Chiến lược thích nghi này tạo thành nhân cách.
Theo Freud: Ông coi bản năng tình dục là bộ phận cơ bản của cái nó, sự
phát triển của cái nó quyết định cho sự phát triển nhân cách. Từ xung lực
Eros(Libido) tức là những khoái lạc tình dục của cá nhân chính nó tạo ra
khoái lạc nhục dục do nhu cầu tính dục được thoả mãn. Nó liên hệ trực
tiếp và cơ bản với xung năng tính dục nói chung, taọ nên nguồn năng
lượng vốn có ngay từ khi mới sinh ra và tồn tại đến tuổi già. Dưới một
hình thức libido không cố định vào một đối tượng cụ thể nào, mà là một
khối sôi sục cần được thoả mãn. Sự đầu tư vào đâu, theo cách nào để
thoả mãn nó là thước đo quan trọng nhất để xác định trình độ phát triển
tâm thần và tính chất bình thường hay bệnh lý của cá nhân. Việc phát
hiện ra vai trò của xung lực khát vọng được Freud xem là phát hiện quan
trọng thứ hai sau vô thức. Nó là chìa khoá để ông giải quyết các vấn đề về
sự phát triển tâm lý – tính dục của trẻ.
Vì vậy, Freud đã chia sự phát triễn nhân cách từ sơ sinh đến trưởng thành
trải qua 5 giai đoạn:

Các giai đoạn tuổi Vùng tập trung Libido Nhiệm vụ - kinh nghiệm
Môi - Miệng (Oral stage) 0 – 18 tháng Môi miệng là trọng tâm các cảm xúc
vui thích của trẻ khi trẻ bú và cắn. Từ bỏ các thói quen dể tách mình ra
bằng cơ thể độc lập (trước hết là với người mẹ)
Hậu môn
(Anal stage) 1,5 - 3 tuổi Hậu môn là trung tâm cảm xúc thú vị của trẻ khi
trẻ biết kiềm chế bài tiết. Học được cách tự kiểm soát. Trước hết là tự
kiểm soát các quá trình của cơ thể liên quan đến vệ sinh, hình thành
chuẩn phát triển: kiểm soát được quá trình cơ thể. Nếu không tự kiềm chế
được thì sẽ phát triển lệch lạc.
Dương vật (Penital stage) 3 – 6 tuổi Trẻ em phát triển tính tò mò tình dục
và đạt được sự hài lòng khi chúng thủ dâm. Chúng có khả năng tưởng
tượng tình dục về cha mẹ là khác giới và cảm thấy có tội về những tưởng
tượng đó. Bắt chước các hình mẫu, hành vi của người lớn, đồng nhất về
mặt giới tính với hành vi của người lớn.
Tiềm ẩn (Latent stage) 6 – 12 tuổi Thôi thúc tình dục bị dồn nén. Trẻ em
tập trung vào điều bí mật về các kĩ năng được người lớn coi trọng Mở rộng
tiếp xúc xã hội với bạn cùng tuổi.

Dậy thì
(Genital stage) Sau 12 tuổi đến
trưởng thành Thanh niên có khao khát tình dục của người lớn và chúng
tìm cách để thoả mãn Xác lập các quan hệ gần gũi thân tình và đóng góp
thành quả lao động cho xã hội.

Freud có quan điểm cho rằng những trải nghiệm tình dục tuổi thơ có ảnh
hưởng đến nhân cách trưởng thành.
Ba giai đoạn đầu là giai đoạn tiền sinh dục. Lúc này cá nhân thiên về chú
ý bản thân mình. Ở giai đoạn sinh dục, cá nhân bắt đầu chú ý đến người
khác, có ham muốn tình dục với người khác giới và có khuynh hướng thực
hiện đầy đủ vai trò xã hội của một người trưởng thành bình thường. Theo
Freud thì cá nhân có thể bị cố định vào một trong ba giai đoạn tiền sinh
dục nếu như người đó vấp phải nhiều thất vọng hoặc những sung chấn
tâm lý gây gắt. Khi đã trưởng thành, cá nhân đó sẽ có những hội chứng
cấu trúc nhân cách. Thông thường, kết quả của sự định hoá không đến nổi
bi đát. Chúng phụ thuộc vào chổ sự cố định hoá xảy ra vào thời điểm nào,
vào giai đoạn nào của sự phát triển. Trong 5 giai đoạn lớn về sự phát triển
nhân cách Freud khẳng định rằng: nhân cách được hình thành vào cuối
giai đoạn ba (lúc gần 5 tuổi). Sau đó con người phát triển các chiến lược
chủ yếu để bộc lộ bản năng là cái tạo thành hạt nhân của nhân cách.
4. Tâm bệnh học
Như chúng ta đã biết con đường phát triển của phân tâm học đi từ kĩ
thuật, phương pháp phân tích tâm lý và triệu chứng bệnh tâm thần đến
luận thuyết về sự phát triển tâm lý người. Từ chỗ là thầy thuốc chữa bệnh
cho những người bị bệnh thần kinh mà Freud đã xây dựng phân tâm học
nên tâm bệnh học là một vấn đề quan trọng trong học thuyết phân tâm
của Freud.
Tại sao một số người không thích ứng được với cuộc sống bình thường.
Theo các nhà thần kinh học: nguyên nhân của các chứng bệnh thần kinh
từ tính duy truyền nghĩa là từ trong gia đình bệnh nhân đã có ai đó trong
cha ông họ đã mắc chứng bệnh này. Nói một cách khác là ở tất cả những
người mắc các chứng bệnh thần kinh đều đã có sẵn trong người họ những
hạt nhân di truyền để khi có điều kiện thích hợp là phát bệnh. Vậy là khoa
học đành bó tay hoặc tìm cách thay đổi gen hoặc thuyên giảm những triệu
chứng đó mà không trị tận gốc.
Còn theo Freud : ông quan tâm và nghiên cứu về các nhóm bệnh như
hysteri, trạng thái lo âu, sự rối loạn ám thị. Và ông đưa ra những khám
phá sau:
- Những trải nghiệm tuổi thơ có ảnh hưởng đến nhân cách trưởng
thành.Tất cả bệnh nhân đều nhớ lại quá khứ, phần lớn ở giai đoạn tuổi thơ
thậm chí cho tới thời kì còn bú gọi là ám thị.
- Các triệu chứng rối nhiễu được hình thành do sự thúc đẩy của động cơ
vô thức. Nói cách khác, triệu chứng bệnh rối nhiễu tâm lý là kết quả của
một hoạt động vô thức bị ngăn chặn, chèn ép.
- Nguồn gốc của các triệu chứng lá các cảm giác từ bên ngoài được ý thức,
sau đó trở thành vô thức và bị quên lãng. Mục đích của triệu chứng đó là
có khuynh hướng được ý thức hoá trở lại. Việc mất trí nhớ của người bệnh
có liên quan đến nguồn gốc vô thức của triệu chứng, tức là có liên quan tới
biến cố làm nền tảng cho triệu chứng.
- Vai trò của vô thức, khuynh hướng được ý thức hoá và bị dồn ép chống
lại của ý thức đối với vô thức chính là căn nguyên của các ấm ức tâm lý,
căn nguyên của bệnh nhiễu tâm (theo cơ chế hoạt động của vô thức và ý
thức).
- Các triệu chứng nhiễu tâm đều liên quan tới ham muốn tình dục. Những
nhiễu loạn tinh thần của các bệnh nhân thường chỉ xoay quanh các xung
đột tính dục mà chúng phải kiềm nén. Nghĩa là bị đẩy ra khỏi ý thức dồn
vào vô thức. Freud đã tóm tắt căn nguyên tình dục này thành công thức:

Ngoài ra sự cố định và thoái lui của các xung lực khoái cảm tính dục của
cá nhân trong các giai đoạn tuổi thơ là căn nguyên của hàng loạt bệnh mà
Freud gọi chung là sa đoạ tình dục. Freud đã chỉ rõ các cơ chế sai lệch và
rối nhiễu tâm lý.
5. Sức khoẻ tâm lý
Một nhân cách khoẻ mạnh về mặt tâm lý là như thế nào? Theo thuyết tâm
lý học nhân văn Rogers thì cho rằng một con người khoẻ mạnh về mặt
tâm lý là một con người phi văn hoá nghĩa là không bị lệ thuộc vào các
chuẩn mực thông thường của cộng đồng con người.
Theo Freud cho rằng: một nhân cách lành mạnh, trưởng thành là một tập
hợp năng lượng được kiềm chế và giữ thăng bằng. Cái nó sản sinh ra
những nhu cầu cơ bản, cái tôi kiềm chế những xung năng của cái nó đủ
lâu để tìm những giải pháp thực tế làm thoả mãn những nhu cầu này, còn
cái siêu tôi quyết định liệu kế hoạch giải quyết vấn đề của tôi có được
chấp nhận về phương diện đạo đức hay không mâu thuẫn giữa hai mặt
này là mâu thuẫn vĩnh viễn. Rõ ràng là cái tôi ở giữa và phải đáp ứng hai
thế lực bằng cách hướng tới sự công bằng giữa hai đòi hỏi trái ngược nhau
của cái ấy và cái siêu tôi. Cần phải trợ giúp cái tôi đủ sức để giải quyết
mâu thuẫn nội tại trong nhân cách của con người. Một khi cái tôi đủ sức
giải quyết mâu thuẫn này thì con người sống khoẻ mạnh và nhân cách
phát triển bình thường.
Trong cuộc sống không phải mọi người đều bình thường một cách hoàn
hảo, những dị thường hay những thói tật có thể nảy sinh nếu những năng
lượng tinh thần phân phối không đồng đều giữa cái ấy, cái tôi, cái siêu
tôi.Chẳng hạn có thể có một cái ấy mạnh mẽ, một cái tôi bình thường và
một cái siêu tôi mờ nhạt sẽ tạo ra một nhân cách kém cõi về mặt đạo đức
xã hội, một nhân cách nặng nề về bản năng (tham lam, ích kỷ hoặc đam
mê tình dục …)Trái lại một nhà đạo dức thực thụ có thể có một nhân cách
mà trong đó hầu hết những năng lượng tinh thần được kiểm soát bởi một
cái siêu tôi.
6. Sự thay đổi nhân cách dưới tác dụng của biện pháp tâm lý:
Sau khi tìm ra cơ chế gây ra các hiện tượng sai lệch và rối nhiễu tâm lý.
Nhiệm vụ của tất cả các học thuyết tâm lý là tìm ra phương pháp điều trị,
chữa bệnh. Các nhà tâm bệnh học đã làm như thế nào để điều chỉnh hành
vi lệch chuẩn.
Như Glaser: Thay đổi nhân cách bằng liệu pháp hành vi. Còn Rogers thì
cho rằng: Sự phát triển nhân cách bao gồm cái đang diễn ra trong quá
trình trị liệu chủ yếu là nói đến sự thay đổi trong “cái tôi” thông qua con
đường giáo dục.
Theo Freud: Ở người bệnh đã xảy ra sự chuyển hoá quan trọng, từ cái hữu
thức trở thành vô thức. Nghĩa là người ta chỉ mắc bệnh tâm thần khi nào
người ta để cái hữu thức trở thành vô thức tạo ra các lỗ hỗng trong trí nhớ
và mất trí nhớ. Như thế nghĩa là những biến cố xảy ra cơn xúc động không
tự nó làm phát sinh ra bệnh khi nó còn nẳm trong lĩnh vực ý thức. Chỉ khi
nào nó bị đẩy ra khỏi lĩnh vực ý thức và trở thành vô thức thì khi đó mới
tạo ra sự mất cân bằng trong đời sống tinh thần của con người. Theo
hướng này ta sẽ thấy phâm tâm học mở ra một khả năng lớn để chữa trị
cho các chứng bệnh tâm thần. Vấn dề là làm thế nào để cho cái vô thức
trở về thành cái hữu thức thì các triệu chứng đó sẽ mất đi và người bệnh
sẽ trở lại bình thường, lành mạnh.
Triệu chứng của người bị bệnh là có tính chất vô thức, là biểu thị của
những ý tưởng vô thức sâu xa trong người bệnh. Nguyên nhân của tình
trạng này theo các nhà phân tâm là do có một vài hoạt động tinh thần nào
đó không đi tới được ý thức nên còn ở vòng cương toả của cái vô thức và
dẫn đến việc phát sinh ra triệu chứng. Và như thế thì triệu chứng chẳng
qua chỉ là một hoạt động tinh thần nào đó bị ngăn chặn không thể phát
triển bình thường do một nguyên nhân nào đó làm cho rối loạn. Theo phân
tâm học là tạo ra những lỗ hỗng trong trí nhớ và làm mất trí nhớ.
Trong trị liệu tâm lý Freud đã xuất phát từ quan điểm: vô thức bị ngăn
chặn đường vào ý thức và ở ngưỡng của nó là do sự kiểm duyệt. Những
dục vọng, ham muốn bị dồn ép không bị mất hết năng lượng của mình và
do đó cố gắng đột phá vào ý thức. Đôi khi chúng có thể làm được những
điều này bằng cách nhượng bộ và xuyên tạc. Những ham muốn xuyên tạc
được che đậy đánh lừa tính cảnh giác của kiểm duyệt và xâm nhập vào ý
thức. Nơi nó ở mà không bị nhận dạng và tại đó nhà nghiên cứu tìm thấy
chúng và phân tích chúng, giải phóng chúng. Nghĩa là làm cho cái vô thức
được ý thức hoá. Đó là nhiệm vụ của nhà phân tâm học.
Freud đã nói một cách khiêm tốn rằng điều trị các bệnh tâm thần theo
phân tâm học chẳng qua chỉ là sự trả lại cho người bị bệnh cái con người
của họ khi họ chưa mắc bệnh, nếu có được thêm cái gì đó thì cái đó là làm
cho họ thông minh hơn, khôn hơn, có kinh nghiệm hơn thôi. Dĩ nhiên sự
thông minh, sự khôn ngoan, có kinh nghiệm này mang nội dung của một
nhân cách chân chính, một người phát triển toàn diện biết hướng những
hoạt động của mình vào những mục tiêu nhân bản.
Phương pháp trị liệu của phân tâm học là làm cho cái vô thức thành cái
hữu thức họăc lấp hết lỗ hổng trong trí nhớ, huỷ bỏ bệnh mất trí nhớ. Nó
trợ giúp cho cái tôi có đủ sức để giải quyết mâu thuẫn nội tại trong nhân
cách.
Phương pháp phân tích tâm lý của Freud được tiến hành theo hai giai
đoạn: thu thập thông tin bằng quan sát lâm sàng và giai đoạn phân tích
tâm lý. Ưng dụng vào trị liệu Freud đã đưa ra các ph ương pháp trị liệu
sau:
Phương pháp Liên tưởng tự do: ông để người bệnh ngồi trên vàng quay
lưng về người thầy thuốc. Mục đích để người bệnh không nhìn thấy thầy
thuốc (nhằm tránh sự e ngại của bệnh nhân). Trong tư thế thoải mái như
vậy người bệnh có thể nói ra mọi suy nghĩ thoáng qua, chợt hiện ra trong
đầu tự do liên hệ tới một sự kiện có thể. Trong trường hợp cần người thầy
thuốc có thể gợi ra hoặc để bệnh nhân tự nguyện nói ra những điều mình
quan tâm. Sự liên kết tự do cho phép nhà phân tích và bệnh nhân vạch
trần vô thức. Cuối cùng cũng bộc lộ những cội nguồn của chứng loạn thần
kinh. Nhưng trong quá trình điều trị, bệnh nhân có xu hướng kháng cự
một cách vô thức mọi sự điều trị của thầy thuốc sự kháng cự của bệnh
nhân giúp nhà phân tích nhận ra những miền vô thức mà người bệnh đang
gặp trở ngại và giúp giải phóng cái vô thức.
Một điểm quan trọng nữa trong phương pháp trị liệu của phân tâm học
Freud là phân tích và lý giải giấc mơ. Theo ông giấc mơ là một hình thức
bị che đậy của việc thoả mãn những ham muốn bị chèn ép. Bản chất của
chúng được thể hiện ở việc được dung để thoả mãn những ham muốn.
Giấc mơ thì có nội dung rõ ràng hay ẩn ngầm. Nọi dung rõ ràng là cái mà
con người kể về giấc mơ của họ, nhớ lại những sự kiện diễn ra trong giấc
mơ. Tuy nhiên ý nghĩa thực sự của giấc mơ thể hiện ở bộ phận ẩn ngầm
của nó và chỉ được khám phá trong quá trình giải thích biểu tượng. Freud
đã cắt nghĩa những giấc mơ bằng việc nhận thức những hài lòng tiềm ẩn
được đại diện bởi một vài biểu tưọng của giấc mơ.Tầm quan trọng của việc
phân tích giấc mơ là cung cấp cho chúng ta một phương pháp khác để tìm
hiểu sự hài lòng của vô thức trong giấc mơ.
Phương pháp phân tích sự thay đổi(thuyên chuyển): Trong việc thuyên
chuyển những cảm xúc mạnh mẽ của tình yêu hay lòng thù hận, được trực
tiếp hướng tới cha mẹ hay người khác trong năm đầu của người bệnh sau
đó chuyển trực tiếp hoặc nguỵ trang trong giấc mơ hay sự liên tưởng tự do
sang nhà phân tích. Sự di chuyển giúp nhà phân tích hiểu rõ về hoạt động
vô thức của bệnh nhân và cuối cùng trợ giúp bệnh nhân hiểu thấu hơn
những động cơ vô thức quan trọng liên quan đến hoạt động hiện thực của
họ …Sự thay đổi được xem là yếu tố cần thiết cho việc trị liệu thành công
và nhà phân tích khiến nó phát triển.
Phương pháp học lại các xúc cảm.
III. III.Đánh giá học thuyết phân tâm học của Sigmund Freud:
Phân tâm học của Freud ngay từ khi mới ra đời đã có một số phận đặc
biệt. Nó được dánh giá với nhiều thái độ khác nhau, sự ghẻ lạnh của giới y
học và xã hội, động nghiệp xa lánh và bắt bỏ ông. Nhiều người còn de doạ
bỏ tù ông, lên án ông là kẻ tội phạm lớn nhất đối với nền văn hoá Chân
Âu. Nhưng không ai có thể phủ nhận được tầm quan trọng, ý ghĩa ứng
dụng thực tiễn sâu rộng của học thuyết phân tâm. Những nghiên cứu của
Freud vẫn còn có giá trị ứng dụng phổ biến cho đến ngày nay. Đánh giá
học thuyết phân tâm học của Freud dưới góc dộ tâm lý học thì có những
ưu điểm và nhược điểm như sau:
1.Ưu điểm
Freud đã đưa ra một lí thuyết trọn vẹn về nhân cách, nó đầy dủ và cho
phép giải quyết nhiều vấn dề tâm lý có ứng dụng thực tế mà đến nay vẫn
còn được ứng dụng
Ông còn đ ược đánh giá cao khi là người đã khám phá ra một lĩnh vực
nghiên cứu mới của tâm lý học: vô thức. Có công lớn trong việc nghiên
cứu động lực hành vi vủa con người là động cơ vô thức. Và đưa ra những
khái niệm: Sự dồn nén, cơ chế tự vệ, sự đồng nhất hoá, xung đột, sự xã
hội hoá…Vấn đề các động cơ bị che giấu của bệnh nhân trong lâm sàng và
ý nghĩa của nhân tố này đối với các nhà lâm sàng.
Có nhận xét: Ông được coi là người dũng cảm nhất thế giới bởi dám vạch
trần bộ mặt đao đức giả của nhân loại.
2. Nhược điểm
Phân tâm học đã đối lập hoàn toàn với các nguyên tắc cơ bản của tâm lý
học duy vật biện chứng. Nó tách biệt hoàn toàn nhân cách với những điều
kiện xã hội của sự hình thành nhân cách, đề cao cái vô thức, cái sinh vật
lên hàng đầu. Yếu tố sinh học thuần tuý là bât biến. Đây là chủ nghĩa sinh
vật điển hình. Hạ thấp vai trò của ý thức, không xem ý thức là đối tượng
của tâm lý học.
Thuyết phân tâm của Freud về sau được phát triển thành phân tâm học
mới (phân tâm học hiện đại) với các tên tuổi Jung, Iromm…đã đưa ra một
số cải biến cho mô hình truyền thống.

You might also like