You are on page 1of 12

Ngồi thiền - một cách tăng cường sức khoẻ

Thứ ba, 13 Tháng 7 2010 15:09 helloworld.vn


Thiền là những phương pháp giúp hình thành thói quen tập
trung tư tưởng để làm đúng công việc mà chúng ta muốn và
đang làm. Nó giúp điều chỉnh tình trạng mất cân bằng giữa
hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh - hậu quả của quá trình
sinh hoạt và làm việc căng thẳng.

Có nhiều phương pháp thiền khác nhau, nhưng tựu trung vẫn
là giúp người luyện tập tập trung chú ý vào một điểm ở trong
hoặc ngoài cơ thể, tập trung vào một đề tài, hình ảnh hoặc câu
“chú” nhất định nhằm đưa cơ thể tiến dần vào tình trạng nhập tĩnh, trong tâm
không còn bất cứ ý niệm nào. Các bước thông thường của một lần ngồi thiền
bao gồm:

1. Chuẩn bị

Trước khi ngồi thiền, cần hoàn tất các công việc thường nhật trong ngày để tư
tưởng khỏi vướng bận. Tắm rửa sạch sẽ, nới lỏng quần áo, chọn một nơi yên
tĩnh, thoáng mát, không có ruồi muỗi.

2. Tư thế

Có thể chọn tư thế ngồi xếp bằng thông thường, ngồi bán già hoặc kiết già. Lưng
thẳng, cằm hơi đưa vào để cột sống được thẳng. Đầu lưỡi chạm nhẹ nướu răng
trên. Hai bàn tay buông lỏng đặt trên hai đùi hoặc đan chéo nhau để trước bụng,
miễn sao hai tay cảm thấy thoải mái, dễ giãn mềm cơ bắp là được.

Tư thế kiết già (thế hoa sen) đặc biệt thích hợp cho việc ngồi thiền: Ngồi xếp
bằng tự nhiên, dùng hai bàn tay nắm bàn chân phải từ từ gấp chân lại và đặt bàn
chân lên đùi trái, gót chân ép sát bụng, lòng bàn chân ngửa lên trời. Kế tiếp,
dùng hai bàn tay nắm bàn chân trái gấp lại, đặt bàn chân trái lên đùi phải, kéo
nhẹ gót chân vào sát bụng, bàn chân ngửa lên trời.

Các đạo sư Yoga cho rằng, vị thế khóa nhau của hai chân trong tư thế kiết già
sẽ tạo sức ép lên hai luân xa ở dưới cùng của cơ thể, khiến dòng năng lượng có
khuynh hướng đi lên để nuôi dưỡng các trung tâm lực dọc theo cột sống và kiểm
soát toàn bộ hệ thần kinh. Những thí nghiệm khoa học về Yoga cho thấy, chỉ cần
ngồi tư thế hoa sen, dù ta không cố gắng tập trung tư tưởng, vẫn có một sự thay
đổi ở sóng não từ nhịp beta khoảng 20 chu kỳ mỗi giây xuống nhịp alpha khoảng
8 chu kỳ mỗi giây. Nhịp alpha là tình trạng sóng não của một người đang trầm
tĩnh và minh mẫn.

Kết quả trên cũng phù hợp với lý luận của y học cổ truyền, rằng ở thế kiết già,
xương mác ở cẳng chân trái đã tạo một sức ép khá mạnh lên đúng vị trí huyệt
Tam âm giao ở chân phải (chỗ lõm bờ sau xương chày, trên mắt cá chân trong
khoảng 6 cm). Như vậy, trong suốt thời gian ngồi kiết già, huyệt này sẽ được
kích thích liên tục. Tam âm giao là huyệt giao hội của 3 đường kinh âm Tỳ, Can
và Thận; nên kích thích này sẽ có tác dụng “thông khí trệ”, “sơ tiết vùng hạ tiêu”
và điều chỉnh những rối loạn (nếu có) ở những kinh và tạng có liên quan. Những
người có dấu hiệu căng thẳng thần kinh, bệnh nhân “âm hư hỏa vượng” hay gặp
các cơn bốc hỏa về chiều và những phụ nữ đang ở tuổi mãn kinh sẽ dễ dàng
cảm nhận được hiệu quả khi ngồi ở thế kiết già.

3. Giảm các kích thích giác quan

Một trong những yếu tố quan trọng để dễ nhập tĩnh là không bị các kích thích
bên ngoài quấy nhiễu. Người xưa gọi là “bế ngũ quan”.

Trên thực tế, những quan sát qua điện não đồ cho thấy, chỉ cần nhắm mắt để
loại bỏ thị giác là đã giảm được 50% các kích thích từ bên ngoài. Do đó, nên
nhắm mắt lúc ngồi thiền (mắt chỉ cần khép hờ để bảo đảm không có sự căng cơ
ở vùng mặt).

4. Giãn mềm cơ bắp

Ngày nay, khoa học đã biết rất rõ tác động qua lại giữa 2 yếu tố thần kinh và cơ.
Khi thần kinh căng thẳng, trương lực cơ bắp cũng gia tăng. Ngược lại, nếu điều
hòa trương lực cơ bắp ở mức thư giãn thì thần kinh cũng sẽ được ổn định.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy điều này khi quan sát một người đang giận dữ. Khi
tức giận, gân cổ nổi lên, cơ bắp căng cứng, bàn tay nắm chặt... Đó là lúc thần
kinh quá căng thẳng. Ngược lại, hãy nhìn một người đang ngồi ngủ gật trên xe.
Lúc người này thiếp đi là lúc thần kinh thư giãn, tâm không còn ghi nhận ý niệm
gì cụ thể; cơ bắp cũng giãn mềm nên đầu dễ dàng ngoẹo sang một bên. Vì vậy,
trong quá trình hành thiền, việc chủ động giãn mềm cơ bắp sẽ thúc đẩy nhanh
quá trình thư giãn, nhập tĩnh.

Trên thực tế, chỉ cần quan tâm giãn mềm cơ mặt và cơ bàn tay là đủ. Điều này
căn cứ vào hai quy luật. Thứ nhất, mặt và hai bàn tay là những vùng phản chiếu,
có các điểm tương ứng với toàn bộ cơ thể. Do đó, nếu thư giãn được vùng mặt
hay hai bàn tay thì sẽ thư giãn được toàn thân. Thứ hai, theo học thuyết Paplop,
khi tập trung gây ức chế thần kinh một vùng hoặc một điểm ở vỏ não (qua hiệu
ứng thư giãn) thì sự ức chế này sẽ lan tỏa gây ức chế toàn bộ vỏ não.

5. Tập trung tâm ý

Đây là giai đoạn chính của buổi hành thiền. Như đã nói ở phần trên, thiền chính
là sự tập trung tư tưởng vào một điểm hoặc một đề mục duy nhất để dần dần đạt
đến tình trạng trống rỗng, không còn vướng mắc vào bất cứ một ý niệm nào. Để
thư giãn thần kinh hoặc để chữa bệnh, chỉ cần duy trì tình trạng tập trung vào
này trong một thời gian nhất định. Điều quan trọng là nên tập đều đặn hằng
ngày, mỗi ngày một hoặc hai lần. Lúc đầu, ngồi khoảng 15 phút mỗi lần, dần dần
tăng lên. Sau một thời gian, khi não bộ đã ghi nhận thói quen thiền thì việc ngồi
vào tư thế, nhắm mắt, việc đầu lưỡi chạm nhẹ nướu răng trên hoặc ám thị giãn
mềm cơ bắp sẽ hình thành nên những phản xạ có điều kiện để đưa người tập
vào trạng thái thiền định.

Về điểm để tập trung tư tưởng, nhiều trường phái thường chọn huyệt Đan điền
(bụng dưới, cách dưới rốn khoảng 3 cm). Nên tập trung vào điểm này vì nhiều
lẽ. Theo y học cổ truyền, “thần đâu khí đó”. Khi tập trung vào một điểm ở vùng
dưới cơ thể thì khí và huyết sẽ lưu chuyển về phía dưới, làm nhẹ áp lực ở vùng
đầu, dễ dẫn đến nhập tĩnh. Đan điền còn gọi là Khí hải hay Khí huyệt, ngụ ý là
nơi “luyện thuốc”, là “bể chứa khí”. Đan điền là một huyệt quan trọng trong việc
luyện dưỡng sinh của các đạo sĩ, các nhà khí công.

Những người tâm dễ xao động cần một phương pháp kiểm soát tâm chặt chẽ
hơn. Nên kết hợp quan sát hơi thở với việc tập trung tại Đan điền bằng cách
quan sát sự phồng lên và xẹp xuống tại bụng dưới. Lúc hít vào, bụng dưới hơi
phồng lên; lúc thở ra, bụng dưới hơi xẹp xuống. Chỉ cần thở bình thường. Không
cần quan tâm đến thở sâu hay thở cạn, đều hay không đều. Điều quan trọng ở
đây là tập trung quan sát để biết rõ ta đang hít vào hay đang thở ra thông qua
chuyển động phồng lên hay xẹp xuống ở bụng dưới. Sở dĩ chọn quan sát hơi
thở ở bụng dưới mà không phải ở đầu mũi hoặc ở ngực là nhằm tạo quán tính
thở sâu kết hợp với việc phát sinh nội khí ở Đan điền như đã nói ở phần trên.
Thỉnh thoảng sẽ có những lúc tâm bị phân tán, các tạp niệm xen vào. Điều này là
bình thường. Chỉ cần khi nhớ ra thì tập trung trở lại Đan điền hoặc tiếp tục quan
sát hơi thở vào ra là đủ. Lâu dần, những tạp niệm sẽ bớt đi, thời gian tập trung
sẽ dài hơn, hơi thở sẽ đều, chậm và nhẹ hơn, cho đến lúc không còn ý niệm và
quên luôn cả hơi thở. Nếu thường xuyên đạt đến tình trạng này, có nghĩa người
tập đã tiến được một bước rất dài.

6. Xả thiền

Sau khi ngồi thiền, trước khi đứng dậy, cần làm một số động tác để cơ thể hết tê
mỏi và khí huyết lưu thông bình thường. Từ từ buông thõng hai chân, xoay
người qua lại nhiều lần, xoay ở vùng hông và vùng cổ. Dùng hai tay vuốt nhẹ hai
bên sống mũi, từ đầu mũi xuống chót cằm, vuốt ấm vành tai. Xoa hai lòng bàn
tay vào nhau cho ấm rồi áp vào mắt. Dùng hai bàn tay xoa bóp dọc theo hai
chân, từ đùi dài xuống bàn chân. Xoa ấm hai lòng bàn chân.

Việc xả thiền tùy thuộc vào mỗi buổi thiền. Nếu chỉ thiền khoảng 15 phút hoặc
khi có công việc cần đứng lên gấp thì chỉ cần co duỗi hai chân và xoay người,
hoặc lắc cổ qua lại nhiều lần là đủ.

Một vấn đề mà những người mới tập thiền thường thắc mắc là liệu ngồi thiền có
gây nguy hiểm gì không? Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào phương pháp và động cơ
của việc ngồi thiền. Một số phương pháp thiền phối hợp với vận khí hoặc có sự
hỗ trợ khai mở các trung tâm lực trong cơ thể nhằm thúc đẩy nhanh quá trình
sinh khí và gia tăng nội lực. Các phương pháp này có thể gây những nguy hiểm
nếu người tập thiếu những kiến thức về khí công, về y học truyền thống, hoặc
không có đạo sư hướng dẫn để vận dụng và kiểm soát kịp thời nguồn năng lực
mới phát sinh.

Trái lại, nếu ngồi thiền để đạt đến sự tĩnh lặng trong tâm trí, thư giãn thần kinh và
tăng cường sức khỏe, không vận khí, không bám víu vào bất cứ ảo giác, âm
thanh hoặc hình ảnh nào thì không có gì nguy hiểm.

(Theo Sức Khoẻ & Đời Sống)


Lần cập nhật cuối ( Thứ ba, 13 Tháng 7 2010 15:17 )
Những chú ý quan trọng khi ngồi thiền
Tháng 8 03, 2009 Thiền, YOGA | No Comment

Thiền là nét văn hoá đặc sắc của phương Đông. Từ đầu thế
kỷ 20, sau khi du nhập vào phương Tây, thiền đã nhanh
chóng được tiếp nhận như một phương pháp chữa lành
những căn bệnh tâm lý của xã hội hiện đại.

Nhiều nghiên cứu khác nhau của các giáo sư Mỹ, Nhật,
Pháp… cho thấy thiền giúp cải thiện các chức năng sinh lý
của cơ thể, giúp phát triển trí não, tăng cường khả năng tập
trung tư tưởng và cải thiện lão hoá; trị các chứng bệnh do
căng thẳng tâm lý gây ra, giúp cải thiện những thói quen
xấu. Đối với những người bình thường, thiền giúp tinh thần thoải mái, lạc quan, nâng cao
chỉ số thông minh, cảm xúc…

Nên bắt đầu thiền vào sáng sớm, trước khi tập thể dục và ăn sáng. Nếu thiền trước khi
ngủ sẽ bất lợi vì người tập dễ bị cơn buồn ngủ lôi kéo hoặc có thể trong đầu còn nhiều tạp
niệm chưa giải quyết được sau một ngày làm việc.

Để ngồi thiền hiệu quả, sự chuẩn bị và luyện tập đòi hỏi cũng phải rất công phu. Khi
thiền, nên mặc quần áo bằng vải mềm, rộng rãi. Chuẩn bị một tấm nệm vuông dày
khoảng 5cm, ở giữa đặt lên một cái gối ngồi nhỏ. Nửa mông sau đặt trên gối và ngồi ngay
thẳng.

Có nhiều cách ngồi, nhưng với người mới bắt đầu có thể ngồi kiểu Miến Điện hay ngồi
bán kiết già. Khi đã quen nên chọn thế toàn kiết già. Những người thường mặc âu phục
có thể thiền trên ghế hay ngồi theo kiểu Nhật Bản.

Ngồi kiểu Miến Điện: cả hai chân xếp chéo nhau đặt trên nệm.

Ngồi bán kiết già: đặt chân trái lên đùi phải hoặc ngược lại.

Ngồi toàn kiết già: hai chân khoá vào nhau. Đặt bàn chân phải lên đùi trái rồi đem bàn
chân trái đặt lên đùi phải. Kéo sát chân vào trong thân để ngồi được lâu. Bàn tay trái để
lên bàn tay phải, hoặc ngược lại. Hai bàn tay để lên hai lòng bàn chân, những ngón tay
chồng lên nhau, hai đầu ngón tay cái chạm vào nhau nằm ngay chiều rốn, cùi chỏ vừa ôm
hông là được. Đây là tư thế thiền đúng cách và hữu hiệu nhất.

Ngồi kiểu Nhật Bản: ngồi trên một ghế nhỏ, hai chân để dưới chân ghế.

Ngồi trên ghế: sử dụng ghế chân cao, ngồi lên, hai bàn chân đặt trên mặt đất.
Với bất cứ kiểu ngồi thiền nào, xương sống cũng phải ở vị thế thẳng đứng, không
nghiêng trái, ngả phải; không cúi tới, ngả lui. Lỗ tai thẳng với vai, lỗ mũi ngay nơi rốn.
Lưỡi chạm hàm trên, miệng ngậm, mắt nhắm hờ. Hít sâu bằng mũi đầy bụng rồi thở ra
bằng miệng nhẹ nhàng.

Điều quan trọng của thiền là “tâm toạ”, tức là tâm không được đi “dong duổi ta bà”.
Muốn vậy, phải giảm thiểu từ từ những ý nghĩ miên man trong đầu. Tập trung tư tưởng
vào một điểm hoặc một đề mục duy nhất để dần dần đạt đến tình trạng trống rỗng, không
còn vướng mắc vào bất cứ ý niệm nào.

Nên tập thiền đều đặn hàng ngày, mỗi ngày một hoặc hai lần. Lúc đầu, ngồi khoảng 15
phút, dần dần tăng lên. Thỉnh thoảng sẽ có những lúc tâm phân tán. Điều này bình
thường, chỉ cần khi nhớ ra hãy tập trung trở lại.

Xả thiền

Sau khi ngồi thiền, trước khi đứng dậy cần làm một số động tác để cơ thể hết tê mỏi và
khí huyết lưu thông.

Từ từ buông thõng hai chân. Dùng hai tay vuốt nhẹ hai bên sóng mũi từ đầu mũi xuống
chót cằm, vuốt ấm vành tai. Xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho ấm rồi áp vào mắt. Dùng
hai bàn tay xoa bóp dọc theo hai chân, từ đùi dài xuống bàn chân. Xoa ấm hai lòng bàn
chân.

Việc xả thiền tuỳ mỗi buổi thiền. Nếu chỉ thiền khoảng 15 phút hoặc khi có công việc cần
đứng lên gấp thì chỉ cần co duỗi hai chân và xoay người, hoặc lắc cổ qua lại nhiều lần là
đủ.

(Theo SGTT)
Thiền để tăng sức đề kháng
Tháng 9 07, 2009 Thiền, YOGA | No Comment

Ngày nay, nhiều người đã lạm dụng quá mức việc điều trị
bằng thuốc mà quên đi sức mạnh đề kháng bệnh tồn tại
ngay bên trong của cơ thể mình.

Một số căn bệnh như SARS, cúm gia cầm, viêm màng
não, nhiễm khuẩn do tụ cầu, bệnh than, tiêu chảy, dại, sốt
xuất huyết, viêm phổi, dịch hạch, cúm và các bệnh nhiễm
khuẩn khác là những nguyên nhân làm suy yếu hệ thống
miễn dịch cơ thể. Khi cơ thể con người bị virus tấn công,
hệ thống miễn dịch sẽ tự động tạo ra các thành tố (gọi là kháng thể) để chống lại virus,
nhằm tiêu diệt các nguy cơ gây bệnh.

PGS.TS Lili Feng – chuyên gia về miễn dịch và sinh học phân tử (Đại học Y Baylor của
Mỹ) – cho rằng: Tất cả các bộ phận trong cơ thể con người có mối liên quan một cách
chặt chẽ đến lĩnh vực miễn dịch tinh thần. Miễn dịch tinh thần có thể tạo ra sự an bình
trong tâm hồn, giúp cơ thể chống lại một số bệnh nào đấy. Muốn vậy, một trong những
biện pháp huy động sức mạnh của hệ miễn dịch là sử dụng phương pháp thiền.

Ngày nay, nhiều người đã lạm dụng quá mức việc điều trị bằng thuốc. Cũng chính sự lệ
thuộc vào thuốc ngày càng nặng nề, mà họ quên đi sức mạnh đề kháng bệnh tồn tại ngay
bên trong của cơ thể mình. Điều quan trọng là phải bảo đảm cho hệ thống miễn dịch, luôn
bảo vệ cơ thể tấn công lại các dịch bệnh.

Đối với những người thường xuyên rèn luyện cơ thể theo phương pháp thiền, sức để
kháng của cơ thể sẽ được tăng lên, đồng thời giữ được sự cân bằng tâm lý và thư thái tinh
thần, điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh
thần. Khi thiền là lúc cơ thể con người được nghỉ ngơi thư thái. Sự nghỉ ngơi này thoải
mái hơn khi chúng ta ngủ và năng lượng trong người được tích tụ lại, để nuôi dưỡng cơ
thể cho những hoạt động tiếp theo. Trên thực tế, những người luyện cơ thể theo phương
pháp thiền trong thời gian dài thường có lối sống lạc quan, tự tin và làm chủ bản thân
trong cuộc sống.

Có nhiều hình thức thiền khác nhau, việc lựa chọn phương pháp nào cho phù hợp với bản
thân là tùy thuộc vào lối sống, sức khỏe và sự tiện lợi của mỗi người. Lời khuyên của các
chuyên gia y học là mỗi người nên luyện tập thiền hàng ngày, hoặc đều đặn vài ngày một
lần bởi thiền là "vaccine của sức khỏe tinh thần", giúp cho đầu óc con người tỉnh táo và
minh mẫn. Không giống như các loại thuốc chữa bệnh, thiền không tạo ra các biến cố hay
phản ứng phụ cho cơ thể con người sau mỗi lần tập luyện mà giúp cho cơ thể “giải độc”,
sống lành mạnh, sảng khoái và khỏe mạnh.

(Theo TGPN)
Thở – Thiền: Giúp giảm stress
Tháng 8 03, 2009 Thiền, YOGA | No Comment

Nhiều người cho rằng, thở là một động tác đơn giản trong hô
hấp hàng ngày, thở thế nào cũng được. Tuy nhiên, ít ai biết
được, nhịp hít thở của chúng ta có thể mang đến sự tĩnh tâm,
một chút thiền, một cảm giác thư giãn trong cuộc sống.

Không phải là chủ doanh nghiệp, không là sếp một bộ phận


nào, chỉ là một nhân viên bình thường, nhưng tôi luôn gặp
stress. Định đăng ký học một lớp yoga để kiềm tính nóng
nảy, nhưng tôi lại không thể có được sự kiên nhẫn ngồi thiền
trong một lớp học như thế. Thế là, một người bạn đưa cho
tôi quyển sách “Tìm về cảm giác thư thái”. Tôi quan tâm nhất chuyện hít thở và khám
phá thêm sự huyền diệu của hơi thở. Tôi chia sẻ ra đây cùng mọi người.

Hơi thở và cảm giác điềm tĩnh

Hít thở là hành động trao đổi cơ bản nhất giữa chúng ta với thế giới xung quanh. Và trong
hít thở, tuy nhiên ít người biết được hô hấp sao cho đúng. Chính vì vậy, học cách thở
đúng sẽ mang lại vô vàn lợi ích cho cả sức khoẻ thể chất cũng như trạng thái lành mạnh
tinh thần của chúng ta.

Hơi thở cạn hay sâu, nhanh hay chậm, đều hay ngắt quãng đột ngột chính là thuốc đo
trạng thái thể chất, cảm xúc của chúng ta, đặc biệt nó cũng là một trong những dấu hiệu
đầu tiên cho biết, bạn có bị stress hay không. VÌ vậy, mỗi khi bạn cảm thấy bồn chồn, lo
lắng thì hơi thở như kiềm lại, cảm xúc cũng bị nén lại, chúng ta thường gồng thân mình,
thường nói hết hơi và thở hổn hển. Và cứ dồn nén như thế, cứ thở như thế một thời gian
dài, bạn sẽ bị stress. Hơi thở sẽ khó nhọc hơn, sau đó chúng ta dễ rơi vào cảm giác mỏi
mệt, thậm chí chán chường, biểu hiện dễ thấy nhất là thở dài ngao ngán.

Hít thở đúng, đơn giản cũng giúp giải toả bớt nỗi lo âu, sầu muộn của chúng ta đấy!

Hít thở cùng “vật nhắc nhở”

Theo như tác giả Mike George của quyển sách thì chúng ta nên lập ra thời gian dễ bị
stress nhất trong ngày, lập kế hoạch sự kiện trong tuần gần nhất có thể gây stress. Sau đó,
nghĩ ra một vật nhắc nhở trực quan và đặt chúng ở địa điểm thích hợp. Nhưng bản thân
tôi không đồng ý với kiểu lên kế hoạch hít thở giải stress như thế này.

Chuyện bạn phải nghĩ đến thời gian nào có thể bị stress cũng đủ khiến bạn bị stress, nên
tôi không chọn phương pháp này cho bài tập hít thở của mình. Tôi chọn phương án 2 mà
Mike George đề ra là chọn một vật nhắc nhở trực quan gần gũi với mình nhất như: ngón
tay cái, chiếc nhẫn, để ngay khi thấy mình bị căng thẳng, stress là tập trung vào nó trong
vòng vài phút, hít thở thật sâu và đều mỗi khi vật nhắc nhở lôi kéo sự chú ý của bạn trở
lại trạng thái cân bằng.

Bạn đã lấy lại được sự lắng dịu của tâm hồn khi bị căng thẳng rồi đấy.

Nhịp thở đối với thiền

Bài tập thiền đơn giản này sẽ giúp bạn giữ cho nhịp thở trần lắng lại. Đây cũng là bài tập
bước đầu để bạn tự kiểm tra bản thân trong lúc đối mặt với những tình huống khó khăn.

- Ngồi hoặc thả lưng trong một căn phòng yên tĩnh với đôi mắt khép. Hãy tưởng tượng
những suy nghĩ của bạn giống như bọt xà phòng. – Chầm chậm thở ra bằng miệng. Khi
thở ra, bạn hình dung tất cả những suy nghĩ – bọt xà phòng – đang được thổi tung đi. Bạn
sẽ bắt đầu cảm thấy thư thái hơn.

- Bây giờ thì hãy hướng toàn bộ sự chú ý của bạn vào mũi. Hít vào và thở ra bằng mũi,
khi làm vậy, hãy tưởng tượng luồng khí đi qua mũi theo sự điều khiển của bạn.

- Cố hết sức tập trung thở ra dài, nhẹ, sau đó cứ tự động hít vào.

- Nếu suy nghĩ trong tâm trí bạn bắt đầu đi lang thang, lung tung thì đừng vội nản lòng.
Bạn chỉ cần hướng tập trung trở lại mũi và cố gắng để cho hơi thở làm đầy ý thức.

Thực hành bài tập này mỗi ngày – giờ nào cũng được – miễn bạn thấy thoải mái, sự thiền
đơn giản này sẽ giúp bạn thấy mình hít thở tự nhiên.

(Theo Tintuc)

Thiền là Phương Pháp Bồi Dưỡng Nhân Cách


Tháng 10 30, 2008 Thiền | No Comment

Nhân cách thông thường được hình thành ngang qua sự hun đúc của
các nền giáo dục, đạo đức, nghệ thuật v.v… nhưng điều đó chưa hẳn là hình thành một
nhân cách trọn vẹn.

Trong dòng chảy cuộc sống, có một số người vì bị mê hoặc bởi các dục vọng, như danh
lợi, quyền thế v.v… mà họ đành phải núp mình trong các nền giáo dục, nghệ thuật…, khi
đứng trước mọi người họ luôn tỏ ra là một người có nhân phẩm cao thượng, hoặc hành vi
trong sáng, nhưng thật chất trong tâm họ lại chứa đầy những dã tâm đáng sợ và những âm
mưu quỉ quyệt. Chúng ta có thể gọi những người đó là những người có nhân cách hai
mặt.

Do đó chúng ta không thể hoàn toàn tin tưởng các nền giáo dục, đạo đức, nghệ thuật có
thể vun thành một nhân cách hoàn mỹ.

Những luân lý giáo dục, hoặc các tiêu chuẩn đạo đức, hoặc những thẩm mỹ nghệ thuật dù
có cao đẹp đến đâu, chúng cũng là những phẩm chất được truyền dẫn từ bên ngoài vào
mà thôi, cho đến những áp lực uy quyền cũng chỉ là những dục cầu bên trong cá nhân, tất
cả đều không khế hợp với một nhân cách hoàn mỹ.

Thiền là phương pháp tốt nhất để bồi dưỡng nhân cách, bởi thiền là sự tự giác cao độ phát
xuất từ nội tâm mà đạt được sự thăng hoa nhân cách. Giáo dục, đạo đức, nghệ thuật đối
với người hành thiền mà nói, chúng chẳng có tác dụng gì; vì chúng có thể thay đổi theo
hoàn cảnh, thời đại, và đối tượng. Thiền là trực nhận ra cái trạng thái tĩnh lặng, tự do vô
biên tuyệt đối nơi mình, nên thiền không vay mượn ngoại duyên, cũng chẳng cần lập văn
tự. Vì thế thiền là pháp môn huấn luyện tâm linh muôn đời không thay đổi.

Thực tập hành thiền là sự lột bỏ các lớp vọng niệm của cái tôi, giống như chúng ta lột bỏ
thân cây chuối vậy, lột mãi lột mãi cho đến khi nào bóng dáng của cái tôi không còn nữa.
Cho nên người hành thiền không cần phải trang sức, trau chuốt gì trước mặt người khác
mà tự nó trong sáng; hoặc cũng không vì sửa đổi mà phải chấp nhận phục tùng những áp
lực bên ngoài, điều đó chẳng khác nào gồng mình chịu mọi đau đớn để cắt bỏ đi khối u.

Hành thiền là tuân theo phương pháp tu tập, dần dần dứt bỏ các vọng niệm, cho đến khi
đạt được trình độ vô niệm, lúc bấy giờ bạn mới thực sự nhận ra rằng, những cái tồn tại
trước đây chẳng qua chỉ là một chuỗi vọng niệm phiền não mà thôi, đó chẳng phải là con
người thật của bạn. Con người thật của bạn luôn hiện hữu với sự vật khách quan, cả hai
không thể tách rời. Bởi sự vật khách quan tồn tại, tức là chủ thể bạn tồn tại, hay nói cách
khác là sự vật tồn tại chính là con người bạn đang hiện hữu. Cho nên bạn không cần phải
truy cầu cái gì, và cũng chẳng cần bỏ cái gì, trách nhiệm của bạn là xây dựng con người
bạn hoàn mỹ hơn .

Hành thiền một khi đã đạt đến trình độ vô niệm, lúc bấy giờ bạn là người rất yêu nhân
loại, yêu chúng sanh, mọi hành vi động tác của bạn đều được soi sáng, hướng dẫn đúng
mức. Một nhãn quan mới về nhân sinh, vũ trụ được mở ra, cõi lòng này sẽ không còn là
biển khổ, hay một bức tranh gớm ghiếc, mà là một bức họa, một bản hợp tấu tuyệt vời,
bạn sẽ nhìn đời bằng cặp mắt bình đẳng và đầy tràn tình thương.

Đức Phật đã dạy: ‘Trí tuệ và phước đức của chúng sanh không đâu không bằng Phật’.
Nếu như bạn siêng năng thực hành thiền thì nguyện vọng của bạn nhất định sẽ thành hiện
thực. Bất luận là già trẻ gái trai, không phân biệt kẻ trí người sơ, kẻ mạnh người gầy mòn,
cũng chẳng màng đến chức danh địa vị tôn giáo, cánh cửa thiền luôn rộng mở chào đón
bạn.
Trước khi dứt lời, người viết muốn nói rằng, nếu một khi bạn đã quyết tâm thực hành
thiền thì bạn nên đến tham vấn các thiền sư. Ðây chỉ là một bài văn thảo luận về thiền, và
chỉ mong giúp bạn một chút tri thức về thiền . Chúc bạn một mùa xuân an lạc.

Thích Thông Tịnh

Sự cần thiết của thiền


Tháng 10 30, 2008 Thiền | No Comment

Giảm đè nén và căng thẳng

Thế giới ngày nay đầy những đè nén và căng thẳng về tâm trí. Con người luôn luôn tất
bật mà cũng chẳng có đủ thời giờ để hoàn tất mọi việc mà họ đã hoạch định. Tốc độ và
mức hoạt động cao của thế giới hiện đại đang làm tổn hại trí óc và hệ thần kinh nhạy cảm
của chúng ta.

Muốn chống trả hữu hiệu với sự đè nén và căng thẳng gây ra bởi cuộc sống trong môi
trường ngày càng gay gắt này, con người cần phải đạt được sự hiểu biết sâu xa cũng như
kiểm soát được trí óc của mình. Trí óc là trung khu của mọi suy nghĩ và cảm giác của
chúng ta, và nó cũng là một bộ phận của con người bị tác động nhiều nhất bởi những điều
kiện của môi trường sống. Muốn giảm thiểu nhưng tác dụng phụ có hại của môi trường
gây ra, chúng ta phải biết điều chỉnh cách thức chúng ta liên hệ với môi trường.

Khát vọng cái vô hạn

Tất cả các tôn giáo trên thế giới dường như tập trung vào ba điều:

- Khám phá chân lý

- Nhận thức được Đấng Tối Cao

- Đạt đến cuộc sống vĩnh cửu hoặc cõi vĩnh phúc.

Tất cả đều nói đến một hình thức hiện hữu cao hơn và họ đã gọi điều đó bằng những cái
tên khác nhau, chẳng hạn như thượng giới, thiên đường, cứu rỗi, cõi phúc, Satori, niết
bàn, giải thoát.v.v. Tôn giáo bắt nguồn từ khát vọng của con người là muốn vượt lên trên
cuộc sống vật chất và tâm trí để bước vào thế giới mà chúng ta gọi là cõi tâm linh. Nỗi
khát vọng tinh thần này dường như là một cá tính căn bản của con người. Như một nhà
“duy linh” đã nói, “Con người luôn có một niềm khát vọng về cái vô hạn”

Ngày nay, vấn đề về cõi tâm linh đã gây ra nhiều bối rối và thất vọng. Nhiều người, đặc
biệt là giới trẻ, đã mất lòng tin vào những truyền thống tôn giáo chính thống và đã không
làm cho họ đạt được các mục tiêu. Nhiều vấn nạn đã được đưa ra, không biết các tôn giáo
có biểu hiện được những gì mà các người đề xướng đã nêu ra hay không. Có điều gì bị bỏ
quên hay không? có phải đức tin đã trở thành dị đoan hay không? Hoặc nhận thức đã trở
thành giáo điều?

Những làn sóng thức tỉnh mới về tôn giáo và tâm linh đã sống dậy từ những đổ nát của
các tôn giáo lạc hậu, nhấn mạnh đến chính yếu tính của nhiệm vụ của họ: kinh nghiệm và
nhận thức về Chân lý. Trong số những phong trào tâm linh mới thức tỉnh này, khoa học
cổ xưa của Yoga và Thiền, bắt nguồn từ phương Đông, ngày càng được phương Tây
quan tâm.Một trong những lý do của tình hình này là phương pháp thực tiễn và khoa học
của nó.

Cùng với trào lưu tiến bộ của khoa học kỹ thuật…giới trẻ ngày nay không sẵn sàng chấp
nhận bất cứ lý thuyết hoặc giáo điều nào nếu nó không phù hợp với những khám phá
khoa học và không dựa trên luận lý.Yoga nhấn mạnh khía cạnh thực tiễn của con đường
tâm linh chúng ta. Nó không cần đến vẻ hào nhoáng bên ngoài, cũng không cần đến
những bước lễ nghi hoặc chấp nhận kinh điển nào. Người ta có thể thuộc bất cứ đức tin
nào (hoặc không có đức tin nào cả) mà vẫn tham gia vào Yoga và Thiền. Vì thế nên
không có tranh chấp giữa Yoga và các tín điều tôn giáo. Thường xuyên luyện tập Thiền
giúp cho con người được sáng suốt hơn trong tín điều của mình (hoặc không có tín điều
nào) vì chân trời tâm trí dần dần mở rộng và con người sẽ dễ tiếp nhận trạng thái thăng
hoa của nhận thức.

You might also like