You are on page 1of 3

TỔNG HẠNH PHÚC QUỐC GIA

Chu Hảo

Vào năm 1987, trước sự chỉ trích của báo chí nước ngoài về sự phát
triển chậm của Bhutan (một đất nước thanh bình, có gần một triệu dân, nằm
sâu trong lục địa Nam Á, dưới chân Hy Mã Lạp Sơn, giữa Trung Quốc và
Ấn Độ), nhà Vua đã trả lời rằng: Đối với Bhutan “Tổng hạnh phúc Quốc
gia” còn quan trọng hơn Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP). Đây cũng là lời
cam kết của nhà Vua trong việc xây dựng một nền kinh tế thích hợp với nền
văn hóa độc đáo và môi trường sinh thái tuyệt vời của Bhutan, dựa trên các
giá trị tinh thần của Phật giáo Tây Tạng truyền thống.

Cho đến nay “ Tổng Hạnh phúc Quốc gia” vẫn chỉ là một ẩn dụ, đó là
một thông điệp hơn là một chỉ số đo lường. Nó khác với chỉ số Hạnh phúc
(HPI), gần đây được bổ sung vào chỉ số Phát triển Con người ( HDI ), gồm
ba yếu tố: Mức độ thỏa mãn cuộc sống, Tuổi thọ trung bình , và quan trọng
nhất là “Dấu chân sinh thái” (mức độ ô nhiễm môi trường). Chính vì một
mặt nó quá chú trọng đến khía cạnh môi trường sinh thái, đặc biệt là lượng
khí thải công nghiệp (CO2); mặt khác “Mức độ thỏa mãn cuộc sống” lại khá
là mơ hồ, cho nên dễ gây ra ngộ nhận. Chẳng hạn năm 2009 chỉ số Hạnh
phúc của Việt Nam xếp thứ 5, đứng trên xa Thụy Sĩ (52), Pháp (71) và Mỹ
(114), trong số 143 quốc gia được xếp hạng, là bởi vì “dấu chân sinh thái”
của Việt Nam chỉ bằng cỡ 1/4, hoặc thấp hơn, của họ. Nếu căn cứ vào đó mà
tự hào rằng dân Việt Nam ta đang có một cuộc sống hạnh phúc vào loại
hàng đầu thế giới thì quả là một ngộ nhận hết sức tai hại.

Cái Hạnh phúc thật sự trong thông điệp về “ Tổng Hạnh phúc Quốc
gia” nói trên không phải chỉ, hoặc trước hết là, được đảm bảo bởi sự sung
túc, tiện nghi trong đời sống vật chất. Điều quan trọng hơn là sự An lạc
trong cuộc sống tinh thần. Không phải Bhutan thiếu sự lựa chọn chiến lược
phát triển, ngược lại, như nhận xét của nhiều chuyên gia kinh tế thế giới:
Bhutan có thể trở thành bất kỳ một quốc gia nào, song không một nước nào
có thể trở lại giống như Bhutan! Trước trào lưu công nghiệp hóa ồ ạt, tầng
lớp lãnh đạo của đất nước này đã chọn con đường phát triển dành ưu tiên
cho bảo tồn các giá trị văn hóa và môi trường sinh thái, không chạy theo
công nghiệp và du lịch để tăng trưởng GDP bằng bất cứ giá nào.
Đó là một sự lựa chọn thông minh. Sau hơn ba thế kỷ phát triển kinh
tế - xã hội dựa trên khoa học và kỹ thuật, loài người bắt đầu hoài nghi vào
tính hữu dụng tuyệt đối của nó. Ngày nay không mấy ai còn tin rằng khoa
học và kỹ thuật là chiếc chìa khóa vạn năng mở mọi cánh cửa dẫn đến sự
nắm bắt mọi quy luật của vũ trụ để chế ngự thiên nhiên, nhằm thúc đẩy tiến
bộ xã hội, mang lại hạnh phúc cho loài người. Thực tế đã diễn ra không phải
như vậy. Càng ngày chúng ta càng thấy rõ khoa học và kỹ thuật hầu như
không tạo ra tiến bộ xã hội; mà ngược lại, nó tạo ra của cải vật chất càng
nhanh, càng nhiều thì văn hóa đạo đức xã hội càng đi xuống, bất công và
bạo lực càng gia tăng dưới các hình thức tinh vi hơn nhưng tàn bạo hơn.
Chính loài người, vì không được giáo dục tốt trên nền tảng tư tưởng của các
chính đạo cổ xưa (như Đạo Phật và Đạo Kitô …), đã dùng chính các thành
tựu khoa học và kỹ thuật của chính mình để tàn phá ngôi nhà chung - Trái
Đất và tự đẩy mình vào các cuộc đấu tranh sinh tồn bất tận. Nếu được làm
lại, chắc chắn loài người sẽ chọn con đường phát triển dựa trên tinh thần vị
tha, yêu thương đồng loại và sống hòa hợp với thiên nhiên…như Bhutan, đất
nước của Phật giáo Tây tạng truyền thống, đang làm.

Việt Nam ta đang ở vị trí rất cao trong bảng xếp hạng chỉ số Hạnh
phúc năm 2009 của Quỹ Kinh tế mới (NEF) và có tốc độ tăng trưởng GDP
liên tục ở mức khá cao (khoảng 7%/năm) trong mươi năm gần đây, nhưng
“Tổng Hạnh phúc Quốc gia” của chúng ta là mấy? Không thể đo đếm được
một cách cụ thể, nhưng có thể cảm nhận được một cách rõ ràng: Không
nhiều! Vì sao?
Vì thành tựu kinh tế mà chúng ta đạt được, tuy chưa phải đã nhiều và vững
chắc, đã đi kèm theo với sự xuống cấp văn hóa nghiêm trọng. Xuống cấp
văn hóa không phải chỉ đơn giản là nói về những tiêu cực trong lĩnh vực văn
hóa hiểu theo nghĩa hẹp, mà là sự xuống cấp văn hóa chung, mang tính nền
tảng phát triển của xã hội, một sự suy thoái đạo đức, tinh thần… Sự xuống
cấp ấy biểu hiện trước hết ở chỗ khủng hoảng niềm tin của nhân dân vào nền
quản trị quốc gia và nền giáo dục quốc dân; ở sự dối trá và đảo lộn giá trị
trong mọi quan hệ ở mọi lĩnh vực; ở tình trạng tham nhũng tràn lan, và gia
tăng bạo lực.

Xuống cấp văn hóa không phải là cái giá tất yếu phải trả cho sự phát
triển kinh tế, mà có lẽ do chúng ta đã chọn một mô thức phát triển sai. Trong
bối cảnh của thế giới hiện đại, mô thức phát triển nào là thích hợp cho mỗi
quốc gia, vẫn là một câu hỏi khó. Nhưng không chạy theo tăng trưởng GDP
bằng bất cứ gia nào, mà chú trọng phát triển “Tổng Hạnh phúc Quốc gia”
dựa trên sự bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và môi trường sinh thái,
như Bhutan đang làm, có lẽ làm một kinh nghiệm tốt cho chúng ta.

You might also like