You are on page 1of 13

THỬ NGHIỆM SẢN XUẤT THỰC PHẨM CHỨC NĂNG TỪ HỖN HỢP CAO CHIẾT

CAPSAICIN, CURCUMIN, PIPERINE, GLYCYRRHIZIN


VÀ ĐÁNH GIÁ MỘT SỐ TÁC DỤNG DƯỢC LÝ CỦA SẢN PHẨM
I. Đặt vấn đề
Các nhà khoa học trên thế giới đã dự báo rằng: Thức ăn của con người trong thế kỷ XXI sẽ
là các thực phẩm chức năng. Các hoạt chất mà thực phẩm chức năng mang lại cho con người
chính là những vị thuốc quý, giúp con người phòng và chữa bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo.
Đối với nước ta, đây là lĩnh vực có nhiều triển vọng, bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú
và đa dạng, bởi giàu kinh nghiệm y học cổ truyền, và chúng ta cũng đã đạt được những thành
công bước đầu đáng ghi nhận. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ sinh học, thực
phẩm chức năng ngày càng được nghiên cứu và ứng dụng hiệu quả. Tuy nhiên, do đây là một
dạng thực phẩm mới nên cơ chế phân loại, quản lí còn lỏng lẻo, nhiều doanh nghiệp chạy theo cơ
chế thị trường mà không quan tâm đến tính an toàn và hiệu quả của sản phẩm. Do đó, điều quan
trọng là phải phân biệt những thực phẩm chức năng có ích đã được khoa học chứng minh khá
đầy đủ với những loại cần nghiên cứu thêm, và những loại mới cần được nghiên cứu đầy đủ.
Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy các gia vị mà chúng ta ăn hằng ngày như ớt, tiêu,
nghệ... ngoài vai trò là gia vị còn có tác động rất tốt đến sức khỏe. Nhiều hoạt chất trong các gia
vị này đã được chứng minh khả năng kháng viêm, giảm đau, kháng oxi hóa, thanh lọc cơ thể,
điều trị tim mạch, ung thư... Hơn nữa, một số nghiên cứu gần đây kết hợp các hoạt chất capsaicin
từ ớt, curcumin từ nghệ, piperine từ tiêu cho thấy khả năng hấp thu và hiệu quả tác động tăng lên
đáng kể. Tuy nhiên, theo đông y các gia vị này thường có tính nóng nên khi sử dụng cần kết hợp
với các thảo dược có tính mát như cam thảo để cân bằng dược tính. Hơn nữa, cam thảo cũng đã
được chứng minh có tác dụng rất tốt trong kháng viêm, kháng oxi hóa và đặc biệt là trong điều
trị ung thư.
Một vấn đề đặt ra khi nghiên cứu tác dụng của những hoạt chất có trong gia vị và thảo
dược đối với sức khỏe con người là khi sử dụng riêng lẻ, hoặc dùng kết hợp với nhau hằng ngày
với vai trò là gia vị thì an toàn, nhưng tác dụng đến cơ thể lại thấp do đòi hỏi thói quen ăn uống
và sử dụng trong thời gian dài. Liệu rằng, khi sử dụng chúng với vai trò là thực phẩm chức năng
hỗ trợ sức khỏe thì có an toàn và hiệu quả cao hay không?
Từ những lí do trên, cùng với mong muốn tạo ra một dạng thực phẩm chức năng mới tổ
hợp các hoạt chất thiên nhiên có khả năng tăng cường chất lượng cuộc sống cho con người (đặc
biệt là những bệnh nhân đang điều trị căn bệnh hiểm nghèo ung thư), nhóm chúng tôi đưa ra
hướng nghiên cứu: “Thử nghiệm sản xuất thực phẩm chức năng từ hỗn hợp cao chiết capsaicin,
curcumin, piperine, glycyrrhizin và đánh giá một số tác dụng dược lý của sản phẩm”.
II. Tổng quan tài liệu
1. Capsaicin
Capsaicin (trans-8-methyl-N-vanilly-6-noneamide) là alkaloid làm nên vị cay hăng chủ yếu
trong các loại thảo dược thuộc họ Capsicum, thường được tìm thấy nhiều trong quả ớt. Capsaicin
từ lâu được biết đến nhiều bởi tác dụng giảm đau nên đã được sử dụng trong điều trị một số
chứng đau như đau cơ, đau đầu, đau sau khi phẫu thuật, đau loét do tiểu đường… [1]. Capsaicin
cùng các hợp chất thuộc nhóm vanilloid ngoài tác dụng giảm đau còn có khả năng giảm viêm
thông qua việc gắn với một thụ thể thần kinh màng đặc biệt là TRPV1 (Transient Receptor
Potential V1). Thụ thể TRPV1 đóng vai trò trung tâm trong các thụ thể thần kinh gây đau, viêm
và sung huyết [2]. Capsaicin làm mất chức năng của các dây thần kinh cảm giác, ngăn ngừa và
cải thiện các triệu chứng viêm.
Trong thời gian gần đây, capsaicin thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học
bởi tiềm năng của nó trong việc điều trị ung thư. Năm 2007, Jun cùng các cộng sự nhận thấy
capsaicin có khả năng gây phân mảnh DNA và apoptosis trong tế bào ung thư biểu bì tạo hắc tố
bằng cách làm giảm sự biểu hiện của protein ngăn chặn apoptosis như Bcl-2 [3]. Capsaicin cũng
thể hiện hiệu quả trong việc ức chế các tế bào ác tính trong in vitro bằng cách giảm hoạt động
của NADH oxidase – một enzyme cần thiết cho việc sản xuất ATP hoặc năng lượng của tế bào
[4]. Một nghiên cứu gần đây cho thấy capsaicin gây apoptosis trên các tế bào ung thư bạch cầu
bằng cách ức chế NF-βκ, cơ chế dẫn đến sự biểu hiện của một số gen liên quan đến viêm nhiễm
và sự phát triển của ung thư [5]. Với những nghiên cứu trên, capsaicin mở ra một hi vọng mới
trong lĩnh vực điều trị ung thư.
Bên cạnh đó, vị cay nóng của ớt do capsaicin không những không gây hại mà còn có tác
dụng bảo vệ dạ dày khỏi các tác nhân nguy hiểm [6]. Theo các nhà khoa học, dạ dày là nơi tập
trung một lượng lớn các sợi thần kinh có mang thụ thể TRPV1 [7], capsaicin gây giãn mạch,
tăng độ nhớt trong dịch dạ dày thông qua sự phóng thích các oxit nitric và CGRP nhờ thụ thể
TRPV1. Vì vậy, capsaicin thường được dùng chung với các thuốc chống viêm không có steroid
(NSAID) để làm giảm tỉ lệ loét dạ dày ở bệnh nhân.
2. Curcumin
Curcumin là một hydrophobic polyphenol được chiết xuất từ củ nghệ (Curcuma longa,
thuộc họ Gừng- Zingiberacea). Curcumin là một chất chống oxi hóa rất mạnh, theo nghiên cứu
của Khopde cùng các cộng sự vào năm 1999 khả năng chống oxi hóa của nó cao gấp 10 lần so
với các chất khác, thậm chí hơn cả vitamin E [8]. Curcumin còn giúp hỗ trợ điều trị các bệnh về
tim mạch bởi khả năng ngăn ngừa thiếu máu cục bộ, ức chế sự gia tăng của các tế bào máu ngoại
vi và các tế bào cơ trơn mạch máu, giảm mức nồng độ cholesterol trong huyết thanh, chống xơ
vữa mạch máu bằng cách ức chế quá trình oxy hóa của các lipoprotein mật độ thấp, hạ lipid
máu…
Curcumin còn hoạt động như một chất chống ung thư tích cực. Curcumin có khả năng tiêu
diệt tế bào ung thư bằng cách cảm ức apoptosis, thông qua ức chế protein tyrosine kinase, protein
kinase C, ức chế biểu hiện c-Myc và Bcl-2. Ngoài ra, curcumin hạn chế sự phát triển của khối u
bằng cách ức chế sự hình thành mạch máu mới trong khối u, kìm hãm chu kì tế bào của các tế
bào ung thư… Đặc biệt, theo nghiên cứu của Madhuri Kakarala cùng cộng sự vào năm 2009 thì
curcumin cùng với piperine có khả năng can thiệp vào quá trình tự làm mới của tế bào gốc ung
thư vú thông qua tín hiệu Wnt [9].
Ngoài ra, curcumin còn có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, trị xơ gan, thông mật nhờ
tạo co thắt túi mật, điều trị tiểu đường, bệnh Alzaheimer [10].Tuy có nhiều hoạt tính như vậy
nhưng curcumin có một hạn chế là sinh khả dụng thấp dẫn đến sự chuyển hóa nhanh chóng tại
gan và thành ruột.
3. Piperine
Piperine là một alkaloid được chiết xuất từ các loại thảo mộc thuộc họ Piperaceae, chiếm
khoảng 5,7% thành phần hạt tiêu. Piperine có tác dụng chống viêm và chống thấp khớp thông
qua việc ức chế sản phẩm của hai tiền cytokinine viêm quan trọng là IL6 (interleukine - 6) và
PGE2 (prostaglandin - E2) trong sự tăng sinh nguyên bào sợi. Việc ức chế sản phẩm PGE2 là rất
quan trọng do PGE2 đóng vai trò trung tâm trong quá trình gây viêm [11]. Đối với ung thư,
piperine gây ra cái chết tế bào bằng nhiều cơ chế như ức chế sự hình thạch mạch máu mới trong
khối u, làm giảm sự vận chuyển năng lượng trong ti thể tế bào thông qua giảm enzyme cyt – 450
[12]. Piperine ngăn chặn phát sinh đột biến, ung thư bằng cách ức chế sự hình thành các sản
phẩm quá trình oxi hóa lipid, tăng cường hoạt động của các enzyme chống oxi hóa, ngăn chặn
suy giảm của glutathione – một chất có khả năng làm tăng miễm dịch của cơ thể, nó suy giảm
theo tuổi và sự suy giảm này có liên quan đến sự tấn công của bệnh tật [13].
Ngoài ra, piperine có khả năng làm tăng sinh khả dụng của một số chất như curcumin, beta
– caroretene, coenzyme Q 10… bởi nó kích thích hoạt động của các amino acid vận chuyển
trong đường ruột, ức chế p-glycoprotein, các bơm protein giúp đưa các chất ra khỏi tế bào, làm
giảm sản xuất acid glucuronic trong đường ruột, từ đó giúp đưa các chất này vào cơ thể dưới
dạng hoạt động. Do đó, các chất này có thể đi đến và thâm nhập vào trong các tế bào mục tiêu
của chúng với thời gian lâu hơn so với những trường hợp khác.
4. Glycyrrhizin
Glycyrrhizin có công thức hóa học C42H65O16, là một saponin có mặt chủ yếu trong cam
thảo (Glycyrrhiza uralensis Fisch, thuộc họ Đậu - Fabaceae), có vị ngọt gấp 50 lần so với đường
nguyên chất [14], được sử dụng rộng rãi trong thực phẩm, thuốc lá và cả trong y học truyền
thống cũng như hiện đại. Hippocrates đã từng dùng cam thảo trong điều trị bệnh suyễn, ho khan,
và các bệnh về hô hấp. Ở Trung Quốc, cam thảo được dùng chữa bệnh lao, loét dạ dày, Addison,
viêm khớp…
Glycyrrhizin từ lâu được sử dụng để giảm viêm. Ở Trung Quốc và Nhật Bản,
glycyrrhizin thường được sử dụng trong điều trị viêm gan siêu vi mãn tính nhưng cơ chế kháng
virus của nó vẫn còn chưa được biết nhiều. Glycyrrhizin giúp chống lại các tác nhân gây ung thư
gan như CCl4, ethanol… bằng cách thay đổi tính lỏng của màng tế bào, hoặc ức chế sự oxi hóa
lipid trên màng tế bào gây ra bởi CCl4 [15]. Glycyrrhizin là một chất ức chế mạnh các acid mật
gây ra apoptosis và hoại tử các tế bào gan, và còn có khả năng điều chỉnh t-BHP – chất gây ra
apoptosis trong tế bào gan [16]. Glycyrrhizin còn có khả năng chống lại các tác nhân ung thư,
cũng như ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư phổi, ung thư da, ung thư gan… Bằng kĩ
thuật phân tích dòng chảy tế bào, Abe cùng các cộng sự đã cho thấy glycyrrhizin kìm hãm chu kì
tế bào của các tế bào ung thư ác tính B16 ở pha S và G2/M… Ngoài ra, glycyrrhizin còn có tác
dụng trong chống loét dạ dày, giảm hàm lượng đường trong máu ở mô hình chuột bị tiểu đường
không phụ thuộc insulin…
5. Sự phối hợp các hoạt chất
Từng hoạt chất capsaicin, curcumin, piperine, glycyrrhizin đã được chứng minh là có một
số tác dụng sinh học tương tự nhau như chống viêm, chống oxi hóa, hỗ trợ điều trị ung thư…
trên lâm sàng cũng như trong in vitro hoặc là trên mô hình động vật.
Tuy nhiên, mỗi chất có cơ chế tác động khác nhau, cũng như hiệu quả không cao khi sử
dụng riêng lẻ. Vì vậy, khi sử dụng chung, chúng làm tăng các con đường tác động lên mục tiêu,
nhờ đó hiệu quả điều trị sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, khi kết hợp capsaicin, curcumin, piperine,
glycyrrhizin với nhau có thể giúp tăng hiệu quả tác dụng lên nhiều lần. Cụ thể:
Tiềm năng của capsaicin, cucurmin và piperine trong phòng trị bệnh rất lớn, tuy nhiên một
hạn chế là khả năng hấp thụ của chúng trong cơ thể người thấp, nhanh chóng bị chuyển hóa tại
gan và ruột. Một nghiên cứu của D. Suresh và K. Srinivasan thực hiện vào năm 2007 về khả
năng hấp thụ của 3 chất này trên mô hình chuột đã kết luận rằng khả năng hấp thụ của chúng sẽ
tăng lên nhiều khi sử dụng kết hợp với nhau nhờ vào tác dụng tăng sinh khả dụng của piperine
[17]. Theo một nghiên cứu của Shoba G cùng các cộng sự cho thấy piperine có khả năng tăng
sinh dụng của curcumin lên đến 2000% [18].
Với glycyrrhizin, ngoài tác dụng phòng và trị bệnh, nó còn có tác dụng điều hòa dược tính
cho những hoạt chất khác, ví dụ như khi dùng với những loại thảo dược có tính bổ thì có thể làm
giảm chậm, hòa hoãn tác dụng bớt tính bổ. Nếu dùng với các thảo dược có tính tả có thể hòa
hoãn tính tả (xổ tẩy) của thuốc để tả không nhanh, phát huy đầy đủ lực thuốc mà không làm hại
vị khí. Nếu phối dùng với các thảo dược có tính hàn thì nó hòa hoãn tính hàn của thảo dược để
phòng thương vị, còn dùng với các loại có tính nhiệt thì hòa hoãn tính nhiệt, nóng. Phối dùng với
các thuốc cay ấm phát tán thì hòa hoãn dược tính bảo vệ vị khí, phòng khi ra mồ hôi làm thương
tân dịch...
Mặt khác, những hoạt chất này có nguồn gốc từ các nguyên liệu gần gũi, không quá đắt
nên có thể phổ biến rộng rãi. Trong dân gian, chúng cũng được sử dụng kết hợp làm gia vị từ lâu
mà chưa có dấu hiệu gây độc.
III. Mục đích nghiên cứu
Xu hướng đi sâu nghiên cứu, xác minh các kinh nghiệm của y học cổ truyền và tìm kiếm
các hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học cao từ dược liệu để làm thuốc hoặc thực phẩm chức
năng ngày càng thu hút được nhiều sự quan tâm ở trong nước cũng như trên thế giới. Nhằm đem
lại sự hiểu biết nhất định về tác dụng của một số loại thảo dược, góp phần làm phong phú thêm
hệ thống cây thuốc chữa bệnh trong tự nhiên.
Từ xưa đến nay, các thảo dược thường được sử dụng chủ yếu theo kinh nghiệm dân gian,
một nghiên cứu tác dụng dược lý có tính cơ sở khoa học sẽ chứng thực được những công dụng
đó, và đem lại sự tin tưởng cho người sử dụng.
Việc nghiên cứu tác dụng dược lý của thảo dược một cách có hệ thống, và bằng các
phương pháp nghiên cứu thích hợp sẽ dễ dàng phát hiện, sàng lọc được đâu là tác dụng dược lý
chủ yếu của một thảo dược.
Từ việc nghiên cứu tác dụng dược lý sẽ hiểu được phương thức tác động, liều lượng, hiệu
quả của thảo dược đối với một đặc tính trị bệnh nào đó.
Với những mục đích chung đó, chúng tôi tiến hành hướng nghiên cứu với mục đích cụ thể
như sau:
1. Tạo thành công sản phẩm viên nang tổng hợp từ các cao chiết capsaicin, curcumin,
piperine và glycyrrhizin.
2. Đánh giá được một số tác dụng dược lý như độc tính, kháng viêm, giảm đau, tăng lực,
kháng oxi hóa, kháng ung thư của sản phẩm.
3. Kết luận về những tác dụng dược lý tối ưu của sản phẩm và tiềm năng ứng dụng làm
thực phẩm chức năng.
IV. Đối tượng nghiên cứu
1. Các nguyên liệu tự nhiên: ớt, nghệ, tiêu, cam thảo
2. Chuột nhắt trắng Mus musculus var. Albino, khỏe mạnh, trọng lượng trung bình khoảng
18 – 20 g, mua từ viện Pasteur Tp HCM.
3. Dòng tế bào ung thư gan HepG2
V. Các phương pháp nghiên cứu
1. Phương pháp tạo hỗn hợp cao chiết và sản xuất thử nghiệm viên nang
a. Phương pháp thu cao chiết
− Nguyên liệu tươi rửa sạch, để ráo nước.
− Xay nhuyễn nguyên liệu bằng máy xay sinh tố.
− Chia đều nguyên liệu đã xay vào các bình thủy tinh có thể tích 500 ml.
− Cho cồn 960 vào ngập nguyên liệu, đậy kín bằng 1 lớp nhựa nilon và một lớp giấy
bên ngoài, riêng cam thảo ngâm trong cồn 700.
− Ngâm dịch chiết trong vòng 24 giờ.
− Loc bằng giấy lọc, thu dịch chiết.
− Thêm cồn vào phần bã còn lại, ngâm và thu dịch chiết thêm 3 lần nữa.
− Bay hơi dung môi bằng phương pháp cô quay, thu được cao sệt.
− Định lượng các hoạt chất capsaicin, curcumin, piperine, glycyrrhizin có trong các
cao chiết tương ứng thu được bằng kĩ thuật phổ khối lượng mode ESI và phương
pháp sắc kí lỏng cao áp ghép đầu dò tử ngoại (HPLC – UV).
b. Phương pháp sấy phun tạo bột cao nghệ, cao ớt, cao tiêu, cao cam thảo
− Dùng máy phun sương hiệu KBC-PS-02, sấy các dịch chiết đã thu ở chế độ: nhiệt độ sấy 112
0
C, tốc độ đĩa phun 1416 vòng/phút, nhiệt độ gió ra 41 0C, hiệu điện thế 225 V, dòng
điện: 2,3 A.
− Bột thu được bảo quản trong các hũ nhựa sạch, kín.
c. Phương pháp thu cao chiết ớt đặc
− Riêng cao chiết ớt tiến hành dùng máy cô quay ở nhiệt độ 60 0C, tốc độ quay 110
vòng/phút để thu được cao chiết ớt dưới dạng cao sệt.
− Cao chiết thu được, đem sấy trong tủ sấy MEMMERT ở nhiệt độ 60 0C trong 24 giờ để
thu được cao chiết capsaicin dạng đặc quánh.
d. Phương pháp đóng viên
− Phối trộn các loại bột cùng với cao chiết thu được ở trên với tá dược – bột sắn dây
theo tỉ lệ đã tính toán trước.
− Hỗn hợp bột sau đó được đổ ra khay và sấy khô ở nhiệt độ 600C bằng tủ sấy,
khoảng 30 phút trộn đều một lần.
− Tạo cốm: bằng cách dùng máy xay trộn hỗn hợp bột đã sấy khô hoàn toàn ở trên
chung với chất kết dính Aerosil.
− Dập viên nang capsule với lượng 500 mg nguyên liệu/1 viên nang.
− Tất cả các thao tác trong quá trình đóng viên được thực hiện trong phòng vô trùng,
ở nhiệt độ 20 0C và độ ẩm 30 %.
− Kiểm tra, đánh giá sản phẩm theo các tiêu chí sau:
Bảng II.1. Yêu cầu kết quả chỉ tiêu cảm quan đối với sản phẩm

Tên chỉ tiêu Yêu cầu

1. Màu sắc Đặc trưng của sản phẩm

2. Mùi Đặc trưng của sản phẩm, không có mùi lạ

3. Vị Đặc trưng của sản phẩm, không có vị lạ

4. Trạng thái Khô, bóng, đều

− Sản phẩm được bảo quản trong lọ sạch, kín có chứa các gói hút ẩm và giữ ở nhiệt
độ phòng.
2. Phương pháp khảo sát độc tính
a. Phương pháp khảo sát độc tố cấp tính
Được tiến hành theo phương pháp “up and down” trong hướng dẫn 425 về khảo sát độc
tính hoạt chất tự nhiên của tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD (Organization for
Economic Co-operation and Development).
Bước 1: thử nghiệm ở liều đơn 2000 mg/kg
Bố trí thí nghiệm:
− Dùng 5 con chuột nhắt trắng cho liều thử nghiệm này.
− Phương thức cho uống: chuột được cho uống sản phẩm thông qua một kim hơi
cong có đầu tù, được cho uống vào 8 giờ sáng mỗi ngày để đảm bảo khi đó dạ dày
đã tiêu hóa bớt, giúp hấp thụ sản phẩm tốt hơn, cũng như tránh tình trạng căng quá
mức của dạ dày chuột.
− Chuột được chăm sóc trong cùng một điều kiện phòng thí nghiệm
− Tiến hành quan sát biểu hiện mọi mặt của chuột như ăn uống, đại tiểu tiện, sắc
thái, lông, mắt… trong vòng 72 giờ, ghi nhận lại số chuột chết.
Đánh giá kết quả
− Trường hợp 1: có 1 hoặc 2 chuột chết, suy ra giá trị LD50 thuộc khoảng tiệm cận
trên của 2000 mg/kg. Tiến hành thử nghiệm ở liều 2200 mg/kg, 2500 mg/kg, 2800
mg/kg.
− Trường hợp 2: có 3 chuột chết trở lên, suy ra giá trị LD50 thuộc khoảng tiệm cận
dưới của 2000 mg/kg. Tiến hành thử nghiệm ở liều 1200 mg/kg, 1500 mg/kg,
1800 mg/kg.
− Trường hợp 3: cả 5 con chuột đều sống. Tiến hành bước 2, thử nghiệm ở liều đơn
5000 mg/kg.
Bước 2: Thử nghiệm ở liều đơn 5000 mg/kg
Bố trí thí nghiệm:
− Tương tự bước 1
Đánh giá kết quả
− Trường hợp 4: có 1 hoặc 2 chuột chết, suy ra giá trị LD50 thuộc khoảng tiệm cận
trên của 5000 mg/kg. Tiến hành thử nghiệm ở liều 5200 mg/kg, 5400 mg/kg, 5600
mg/kg.
− Trường hợp 5: có 3 chuột chết trở lên, suy ra giá trị LD50 thuộc khoảng tiệm cận
dưới của 2000 mg/kg. Tiến hành thử nghiệm ở liều 4400 mg/kg, 4600 mg/kg,
4800 mg/kg.
− Trường hợp 6: cả 5 con chuột đều sống, suy ra sản phẩm không có độc tố cấp tính,
kết thúc thí nghiệm.
b. Quy trình khảo sát độc tính bán trường diễn
Động vật thí nghiệm: 20 con chuột nhắt trắng, cân nặng khoảng 18 – 20 g.
Bố trí thí nghiệm:
− Chuột nhắt trắng được chia làm 4 lô, mỗi lô gồm 5 con chuột.
− Lô 1 (lô đối chứng - ĐC): chuột được cho uống nước cất liều 0,2 ml/con/ngày.
− Lô 2 (lô thí nghiệm – TN1): chuột được cho uống sản phẩm ở liều 150 mg/kg bwt/con/
ngày.
− Lô 3 (lô thí nghiệm – TN2): chuột được cho uống sản phẩm ở liều 200 mg/kg
bwt/con/ngày.
− Lô 4 (lô thí nghiệm – TN3): chuột được cho uống sản phẩm ở liều 250 mg/kg bwt/con/
ngày.
Cho chuột uống sản phẩm liên tục trong 14 ngày, các chuột thí nghiệm được nuôi trong
cùng một chế độ, cùng điều kiện phòng thí nghiệm.
Các chuồng được cho ăn cùng một lượng thức ăn 5 g/con/ngày, uống nước đầy đủ.
Đánh giá kết quả
− Chuột được theo dõi biểu hiện, màu mắt, tình trạng lông... thường xuyên. Cân
trọng lượng, xác định số lượng hồng cầu và bạch cầu trong máu ở các ngày 0, 7
và 14.
− Khi chuột chết tiến hành giải phẫu ngay, xác định nguyên nhân gây chết.
− Sau 14 ngày khảo sát, giết toàn bộ chuột còn sống ở các lô, quan sát tình trạng các
cơ quan nội tạng, đặc biệt ở gan, ruột, dạ dày.
− Tính toán LD50 theo phương pháp của Karber.
3. Phương pháp khảo sát tác dụng tăng cường sức khỏe
Động vật thí nghiệm: 15 chuột nhắt trắng, cân nặng khoảng 18 – 20 g, được mua từ viện
Pasteur.
Bố trí thí nghiệm:
− Chuột được chia làm 3 lô, mỗi lô gồm 5 con.
− Lô 1 (lô đối chứng – ĐC: chuột được cho uống nước cất liều 0,2 ml/con/ngày.
− Lô 2 (lô thí nghiệm – TN1): chuột được cho uống sản phẩm ở liều 150 mg/kg bwt/ngày.
− Lô 3 (lô thí nghiệm – TN2): chuột được cho uống sản phẩm ở liều 200 mg/kg bwt/ngày.
Chuột được uống sản phẩm liên tục trong 14 ngày.
Đánh giá kết quả
− Đánh giá kết quả bằng mô hình chuột bơi kiệt sức: sử dụng bể chứa nước cao 20
cm (mực nước 15 cm), cột vào đuôi chuột miếng kim loại nặng 6g, thả chuột vào
bể nước, đo thời gian từ thời điểm thả vào đến khi chuột không thể đưa mũi lên
khỏi mặt nước (hình 1 – phụ lục 17 trang 78).
− Khảo sát thời gian bơi của chuột vào các ngày 0, ngày 7 (trước khi dùng sản
phẩm) và ngày 14 (sau khi kết thúc dùng sản phẩm).
− Đánh giá tác dụng tăng cường sức khỏe bằng cách so sánh thời gian bơi của chuột
trước và sau khi dùng sản phẩm ở lô thí nghiệm và lô đối chứng.
4. Phương pháp khảo sát tác dụng kháng viêm
Động vật thí nghiệm: 15 chuột nhắt trắng đực, cân nặng khoảng 28 – 30 g, được mua từ
viện Pasteur.
Tạo mô hình chuột viêm đùi sau bằng phương pháp tiêm formol 2% vào cơ đùi liều đơn
0,1 ml/chuột (hình 3 – phụ lục 17 trang 78).
Bố trí thí nghiệm:
− 15 chuột nhắt trắng đực đã gây viêm, chia làm 3 lô thí nghiệm, mỗi lô gồm 5 con
chuột.
− Lô 1 (đối chứng âm – ĐC (–)): chuột được cho uống nước cất liều 0,2
ml/con/ngày trong 5 ngày.
− Lô 2 (đối chứng dương – ĐC (+)): chuột được cho uống Alpha chemotrypsin với
liều 50 mg/kg/ngày trong 5 ngày.
− Lô 3 (lô thí nghiệm – TN): chuột được cho uống sản phẩm ở nồng độ 200
mg/kg/ngày trong 5 ngày.
Đánh giá kết quả
− Xác định thể tích đùi sau của chuột bằng phương pháp đo trực tiếp dùng dây và thước
vạch 1mm.
− Khảo sát liên tục 1 lần/ngày trong 5 ngày, sau 5 ngày, chỉ quan sát và tính thời điểm
chuột lành hẳn ở các lô (hết viêm và đi bình thường).
− Xác định thể tích V0 của chân chuột trước khi gây viêm bằng formol.
− Xác định thể tích chân chuột V1, V2, V3, V4, V5 tại các ngày 1, 2, 3, 4 và 5 sau khi gây
viêm.
− Xác định tỉ lệ phù chân theo công thức:

Trong đó: X là tỷ lệ phù chân chuột


Vt là thể tích chân chuột ở thời điểm t sau khi gây viêm
Vo là thể tích chân chuột trước khi gây viêm.
− Tác dụng kháng viêm của sản phẩm được đánh giá bằng cách so sánh tỷ lệ phù
chân giữa các lô chuột.
5. Phương pháp khảo sát tác dụng giảm đau
Động vật thí nghiệm: 15 chuột nhắt trắng cái, cân nặng khoảng 25 g, được mua từ viện
Pasteur.
Tạo mô hình chuột gây đau nội tại bằng acid acetic: tiêm acid acetic 1% vào màng bùng
chuột với liều đơn 0,2 ml/chuột.
Bố trí thí nghiệm:
− 15 chuột nhắt trắng cái đã gây đau được chia làm 3 lô, mỗi lô gồm 5 con.
− Lô 1 – đối chứng âm (ĐC –): chuột được cho uống nước cất liều 0,2 ml/chuột.
− Lô 2 – đối chứng dương (ĐC +): chuột được cho uống aspirin với liều 50 mg/kg.
− Lô 3 – thí nghiệm (TN): chuột được cho uống sản phẩm với liều 250 mg/kg.
Đánh giá kết quả
− Quan sát biểu hiện đau của chuột thông qua sự đau quặn ở bụng (co thắt bụng,
duỗi thẳng ít nhất một chân sau như hình 2 – phụ lục 17 trang 78).
− Tính thời gian từ khi gây đau đến khi xuất hiện lần đau quặn đầu tiên.
− Đếm số lần đau quặn của chuột trong 5 phút, kể từ khi xuất hiện cơn đau đầu tiên.
Đánh giá tác dụng giảm đau của sản phẩm bằng cách so sánh số lần đau quặn cũng như
thời gian bắt đầu đau giữa các lô thí nghiệm.
6. Phương pháp khảo sát khả năng kháng ung thư in vitro
Sử dụng dòng tế bào ung thư gan HepG2 nuôi trong môi trường DMEM F12 10% FBS,
0,1% kháng sinh. Đánh giá khả năng ức chế của sản phẩm lên sự tăng sinh của tế bào ung thư
bằng phương pháp MTT (xác định IC50). Đánh giá khả năng sản phẩm cảm ứng tế bào ung thư đi
vào apoptosis bằng phương pháp nhuộm kép với hematoxylin và eosin, quan sát dưới kính hiển
vi (400x). Đánh giá cơ chế tác động của sản phẩm lên tế bào ung thư thông qua sự biểu hiện của
2 gen Bcl-2 và Bax bằng phương pháp RT-PCR.
7. Phương pháp khảo sát khả năng kháng oxi hóa
Khảo sát khả năng kháng oxi hóa của sản phẩm theo phương pháp giảm gốc tự do của
Blois (Blois và cs, 1958) và phương pháp FRAP (ferric-reducing antioxidant power) của Benzie
và Strain (Benzie & Strain, 1999).
8. Phương pháp xử lý thống kê
Số liệu thu được từ các thí nghiệm được xử lý theo phương pháp thống kê mô tả và trình
bày ở dạng số trung bình ± sai số chuẩn trung bình bằng phần mềm Microsoft Excel 2007. Thực
hiện so sánh sự khác biệt về các chỉ tiêu đánh giá giữa các lô thí nghiệm bằng kiểm định t – Test:
Two sample Assuming Unequal Variances – so sánh giá trị trung bình có phương sai khác nhau,
với độ tin cậy 95%.

Cam thảo Nghệ Tiêu Ớt

Cao ethanol 960 Cao ethanol 960


0
Cao ethanol 70 Cao ethanol 960

VI. Tóm tắt nội dung nghiên cứu


Bột Cao đặc

Phụ
gia Viên nang

Khảo sát tác dụng dược lý Khảo sát độc tính

Độc tính bán trường


Kháng oxi hóa Độc tố cấp tính
diễn
GĐ,KV,TL Kháng UT
VII. Kết quả dự kiến
1. Công thức phối trộn và qui trình tạo viên nang sản phẩm tổng hợp từ các hoạt chất
capsaicin, curcumin, piperien, glycirrhizin
2. Kết luận về các tác dụng dược lý của sản phẩm và tiềm năng ứng dụng dưới dạng thực
phẩm chức năng
3. Một bài báo khoa học đăng trên tạp chí uy tín trong nước (dự kiến: tạp chí sinh học hoặc
công nghệ sinh học)
4. Một luận văn thạc sĩ
5. Hai luận văn cử nhân khoa học
VIII. Thời gian tiến hành
Dự kiến: 12 tháng
IX. Kinh phí thực hiện
Dự kiến: 80.000.000 VNĐ (tám mươi triệu đồng)
X. Nơi hợp tác thực hiện hướng nghiên cứu
1. Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc, trường Đại học Khoa học Tự
nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Viện Công nghệ sinh học, trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Khoa Dược, Viện Y học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Bộ môn Sinh hóa, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ
Chí Minh.
XI. Tài liệu tham khảo
1. Winter, J., Bevan, S., Campbell E.A. Capsaicin and pain mechanisms. Brish Journal of
Anaesthesia, 1995.
2. Caterina, M.J, et al. The capsaicin receptor: a heat-activated ion channel in the pain
pathway. Nature, 1997.
3. Jun, et al. Capsaicin induced apoptosis of B16-F10 melanoma cells through down-
regulation of Bcl-2. Food and Chemical Toxicology, 2007.
4. Motterlini, et al. Curcumin, an antioxidant and anti-inflammatory agent, induces heme
oxygenase-1 and protects endothelial cells against oxidative stress. Free Radic Biol Med,
2000.
5. Han, S.S, et al. Suppression of phorbol ester – induced NF-kB activation by capsaicin in
cultured human promyelocytic leukemia cells. Arch Pharma Res, 2002.
6. Mo´zsik, G., Szolcsa´nyi, J., Ra´cz, I. Gastroprotection induced by capsaicin in healthy
human subjects. World J Gastroenterol, 2005.
7. Winter, J., Bevan, S., Campbell, E.A. Capsaicin and pain mechanisms. Brish Journal of
Anaesthesia, 1995.
8. Khopde, et al. Free radical scavenging ability and antioxidant efficiency of curcumin and
its substituted analogue. Biophysical Chemistry, 1999.
9. Madhuri Kakarala, et al. Targeting breast stem cells with the cancer preventive compounds
curcumin and piperine. Breast Cancer Research and Treatment, 2009.
10. Perakis, C., Louli, V., Magoulas, K. Supercritical fluid extraction of black pepper oil. J
Food Eng, 2005.
11. Jun Soo Bang, et al. Anti-inflammatory and antiarthritic effects of piperine in human
interleukin 1β-stimulated fibroblast-like synoviocytes and in rat arthritis models. Arthritis
Research & Therapy, 2009.
12. Selvendiran, K., et al. Chemopreventive effect of piperine on mitochondrial TCA cycle and
phase-I and glutathione-metabolizing enzymes in benzo(a)pyrene induced lung
carcinogenesis in Swiss albino mice. Molecular and Cellular Biochemistry, 2005.
13. Selvendiran, K., et al. In vivo effect of piperine on serum and tissue glycoprotein levels in
benzo (a)pyrene induced lung carcinogenesis in Swiss albino micee. Pulmonary
Pharmacology &Therapeutics, 2006.
14. Isbrucker, R.A and Burdoc, G.A. Risk and safety assessment on the consumption of
Licorice root (Glycyrrhiza sp.), its extract and powder as a food ingredient, with emphasis
on the pharmacology and toxicology of glycyrrhizin. Regulatory Toxicology and
Pharmacology, 2006.
15. Isbrucker, R.A and Burdoc, G.A. Risk and safety assessment on the consumption of
Licorice root (Glycyrrhiza sp.), its extract and powder as a food ingredient, with emphasis
on the pharmacology and toxicology of glycyrrhizin. Regulatory Toxicology and
Pharmacology, 2006.
16. Tripathi, M., Singh, B.K, and Kakkar, B. Glycyrrhizic acid modulates t-BHP induced
apoptosis in primary rat hepatocytes. Food and Chemical Toxicology, 2009.
17. Suresh, D. and Srinivasan, K. Studies on the in vitro absorption of spice principles –
Curcumin, capsaicin and piperine in rat intestines. Food and chemical Toxicology, 2007.
18. Shoba, G., et al. Influence of piperine on the pharmacokinetics of curcumin in animals and
human volunteers. Planta Med, 1998.

You might also like