You are on page 1of 6

Công tác chủ nhiệm

Không thể phủ nhận vai trò của giáo viên chủ nhiệm ở trường Trung Học Phổ Thông nếu như xác định
đúng vị trí, nhiệm vụ, biết tổ chức giáo dục. Những đặc điểm tâm lý, trình độ hiểu biết, vốn sống của học
sinh phổ thông còn nhiều hạn chế, vì vậy không thể không cần có một người thường xuyên hướng dẫn
giúp đỡ, chỉ bảo cho các em. Để làm tốt điều này, giáo viên chủ nhiệm phải thực hiện tốt những nhiệm vụ
của một thầy cô giáo phải nắm được đường lối quan điểm lí luận giáo dục đồng thời giáo dục những phẩm
chất đạo đức rèn luyện năng lực để trở thành công dân tốt mai sau.

a. Chức năng, nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm lớp - Giáo viên chủ nhiệm lớp, trước hết phải quản lý
toàn diện lớp học, quản lý học sinh lớp học và cần nắm nắm vững:

+ Hoàn cảnh và những thay đổi, những tác động của gia đình đến học sinh của lớp chủ nhiệm.

+ Hiểu biết những đặc điểm của từng em học sinh (về sức khỏe, sinh lý, trình độ nhận thức, năng lực hoạt
động, năng khiếu, sở thích, nguyện vọng, quan hệ xã hội, bạn bè….)

+ Nắm vững mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục cấp học, lớp học và khả năng thực hiện, kết quả
của lớp phụ trách so với mục tiêu giáo dục về mọi mặt (học tập, rèn luyện đạo đức, thể dục thể thao, văn
nghệ và các hoạt động khác…).

+ Quản lý toàn diện đặc điểm học sinh của lớp, nắm vững mục tiêu đào tạo, giáo dục cả về mặt nhân cách
và kết quả học tập của học sinh, đồng thời nắm vững hoàn cảnh của từng em để kết hợp giáo dục.

b. Nhiệm vụ, nội dung công tác chủ nhiệm

- Nhiệm vụ chủ yếu của người giáo viên chủ nhiệm bao gồm:

+ Người giáo viên chủ nhiệm, trước hết phải thực hiện tốt những nhiệm vụ của một thầy cô giáo, nói chung
đó là mẫu mực về đạo đức, gương mẫu trong việc chấp hành luật pháp và những qui định của nhà nước,
nắm vững đường lối quan điểm lý luận giáo dục, biết vận dụng sáng tạo vào thực tiễn giáo dục thế hệ trẻ,
làm tốt công tác giáo dục, vũ trang tri thức khoa học, phát triển trí tuệ của học sinh. Đồng thời, giáo viên
chủ nhiệm giáo dục những phẩm chất đạo đức, rèn luyện năng lực để học sinh trở thành những công dân
tốt mai sau. Người giáo viên chủ nhiệm phải tham gia các hoạt động chính trị xã hội với tư cách là lực
lượng tri thức trong công cuộc đổi mới, giác ngộ học sinh từ bỏ những thói hư tật xấu, phát huy những
truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng cao nhận thức, tình cảm, tham gia có hiệu quả vào công cuộc xây
dựng đất nước văn minh hiện đại…

+ Sự khác nhau trong việc thực hiện những nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm lớp với thầy cô giáo bình
thường khác ở chỗ: người giáo viên chủ nhiệm phải thực hiện tốt hơn, tự đòi hỏi rèn luyện ở mức cao hơn,
thường xuyên hơn, đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ và cũng là vinh dự vì học sinh, được phụ huynh tin yêu,
gửi gắm trách nhiệm giáo dục con em vào tay mình.

+ Giáo viên chủ nhiệm còn có trách nhiệm nắm vững tình hình học sinh của lớp về mọi mặt, báo cáo cho
hiệu trưởng và ban giám hiệu biết theo định kỳ hoặc đột xuất nếu có vấn đề cần giải quyết. Được sự ủy
quyền của hiệu trưởng trực tiếp, kịp thời chỉ đạo, giải quyết kiểm tra, đánh giá công bằng, khách quan quá
trình rèn luyện, phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện của từng học sinh trong lớp.

+ Thường xuyên liên hệ với gia đình, cộng đồng các tổ chức trong và ngoài nhà trường để cùng phối hợp
giáo dục, động viên giúp đỡ từng học sinh nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện phát triển trí tuệ, năng
lực.

+ Có kế hoạch tổ chức hoạt động của tập thể học sinh thực hiện nhiệm vụ chung của nhà trường cùng với
các tập thể lớp học khác làm cho lớp chủ nhiệm trở thành thành viên tích cực của cộng đồng nhà trường.
Thông qua tổ chức tự quản hoạt động của tập thể mà rèn luyện nhân cách, khả năng ứng xử, năng lực tổ
chức sáng tạo, khả năng vận dụng tri thức lý luận vào thực tiễn cuộc sống.

+ Cùng với các giáo viên bộ môn, phối hợp với các lực lượng xã hội khác tổ chức cho học sinh có điều
kiện tham gia vào các hoạt động của cộng đồng địa phương và hoạt động xã hội. Thông qua đó mà phát
huy tác dụng của nhà trường trong xã hội, góp phần vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng quê hương đất
nước theo mục tiêu của Đảng và nhà nước trong từng giai đoạn. - Nội dung công tác của người giáo viên
chủ nhiệm lớp

+ Nghiên cứu nắm vững đường lối quan điểm, lí luận giáo dục để vận dụng vào công tác chủ nhiệm lớp.
Đặc biệt cần nắm vững phương pháp, nghệ thuật sư phạm. Ví dụ: các yếu tố ảnh hưởng tới sự hình thành
nhân cách, vai trò của giáo dục, hoạt động. Mối quan hệ giữa thầy giáo và học sinh, các phương pháp tác
động song song, tác động tay đôi, bùng nổ sư phạm… Đó là những lí luận giáo viên chủ nhiệm cần phải
hiểu.

+ Nắm vững mục tiêu giáo dục nói chung, mục tiêu lớp học, kế hoạch, nhiệm vụ, giáo dục, dạy học của
năm học. Đòi hỏi giáo viên phải nghiên cứu hiểu những yêu cầu giáo dục của nhà trường, trên cơ sở ấy
mới biết vận dụng cụ thể hóa vào tình hình của lớp chủ nhiệm. Việc hiểu toàn bộ kế hoạch của nhà trường
trong từng năm học có ý nghĩa rất lớn đối với người giáo viên chủ nhiệm thì giáo viên chủ nhiệm mới chủ
động định hướng cho học sinh lớp chủ nhiệm thực hiện chủ động, sáng tạo nhiệm vụ của lớp vào phong
trào chung của nhà trường.

+ Hiểu sâu sắc chức năng nhiệm vụ của các tổ chức trong nhà trường, hiểu cán bộ phụ trách các mặt hoạt
động và đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn học ở lớp chủ nhiệm. Đồng thời cần tìm hiểu tiềm năng cơ
sở vật chất, trang thiết bị sẵn có của nhà trường, tìm hiểu cơ cấu tổ chức, phân công phụ trách của các tổ
chức trong nhà trường (Ban giám hiệu; Đoàn thanh niên…). Hiểu biết đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn
học để thường xuyên liên hệ năm tình hình học tập, rèn luyện của học sinh, tổ chức việc học tập của tập
thể lớp để có phương pháp ứng xử phù hợp, tận dụng, lôi cuốn mọi người vào hoạt động giáo dục của lớp
chủ nhiệm.

+ Có kế hoạch nghiên cứu đặc điểm gia đình và đặc điểm của từng học sinh của lớp chủ nhiệm, biết phân
loại học sinh theo các đặc điểm để có giải pháp tác động phù hợp. Nghiên cứu đặc điểm gia đình học sinh
và đặc điiểm tâm sinh lý của học sinh lớp học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác của người
chủ nhiiệm lớp. Nghiên cứu để hiểu gia đình là tìm hiểu về đặc điểm trình độ, tâm lý của cha mẹ học sinh,
sự quan tâm của cha mẹ đối với con cái, phương pháp giáo dục của cha mẹ đối với con của họ trong gia
đình. Tất cả việc nghiên cứu gia cảnh của học sinh nhằm hai mục đích, trước hết để kết hợp trong giáo
dục học sinh của lớp, mặt khác hiểu thêm nguyên nhân, những yếu tố tích cực hoặc tiêu cực, những thuận
lợi hoặc khó khăn tác động đến học sinh để có giải pháp giáo dục. Song, quan trọng hơn cả là hiểu được
đặc điểm của mỗi học sinh về các mặt tâm sinh lý, tính cách năng lực…Nội dung nghiên cứu về học sinh
bao gồm: sức khỏe, năng lực phát triển trí tuệ, cần nghiên cứu để hiểu từng học sinh về sự tập trung chú
ý, nhận thức, nắm vững sở thích, nguyện vọng, động cơ học tập, hoạt động. Lưu ý tới tính cách, phẩm
chất đạo đức, quan hệ, cách ứng xử của học sinh trong gia đình, ở trường, ở cộng đồng với bạn bè của
các em.

+ Ở tuổi học sinh phổ thông, nhiều năng lực chưa được bộc lộ, nhất là năng lực hoạt động xã hội, xu
hướng nghề nghiệp. Do đó, giáo viên chủ nhiệm phải biết tổ chức hoạt động cho học sinh lớp chủ nhiệm
có mục đích giáo dục.

+ Muốn hiểu biết tâm lí học sinh lớp chủ nhiệm, giáo viên cần quan sát vào hoạt động thực tế của học sinh
ở lớp học, cộng đồng, gia đình… Cần trao đổi với gia đình, bạn bè và những người có quan hệ với các em,
hiểu biết các em ở cộng đồng, đoàn thể trong và ngoài nhà trường. Nghiên cứu đặc điểm học sinh là một
trong những nội dung quan trọng đầu tiên của giáo viên chủ nhiệm lớp vì chỉ trên cơ sở hiểu biết từng em
mới có khả năng phân loại nhóm học sinh theo các đặc điểm học lực, tính cách, năng lưc, hoàn cảnh….

+ Để làm tốt công tác chủ nhiệm, giáo viên chủ nhiệm phải đặt kế hoạch tự hoàn thiện bản thân về mọi
mặt. - Nâng cao không ngừng trình độ học vấn, văn hóa chung - Trình độ chuyuên môn phương pháp. -
Rèn luyện đạo đức tác phong. - Trao đổi kinh nghiệm, lý luận sư phạm. - Mẫu mực trong giao tiếp xã hội,
đồng nghiệp, thầy trò. - Xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh.

c. Phương pháp tác động cá biệt và giáo dục tập thể

- Người giáo viên chủ nhiệm nắm vững vận dụng mọi phương pháp giáo dục cá biệt, phương pháp giáo
dục tập thể và biết kết hợp chúng trong hoàn cảnh cụ thể. Phương pháp giáo dục cá biệt ở đây không nên
hiểu là giáo dục học sinh đặc biệt (hư, ngoan) như quan niệm thường thấy ở một số người.

- Cần hiểu phương pháp giáo dục cá biệt là sự tác động tới từng cá nhân một cách chuyên biệt để đảm
bảo tính phù hợp với đối tượng. Ví dụ: cùng một biểu hiện hư như nhau, nhưng có em phải phê bình
nghiêm khắc, có em thì nhắc nhẹ, có khi chỉ nhắc chung hoặc có khi phải trực tiếp, có khi thông qua bạn
bè, gia đình tập thể…

- Bằng uy tín và vị thế của giáo viên chủ nhiệm, phương pháp tác động trực tiếp đem lại hiệu quả giáo dục
tức thời, ví dụ: học sinh nói chuyện trong giờ học, không làm bài đầy đủ hoặc có nhiều biểu hiện hành vi tốt
như làm bài hay, sáng tạo thì giáo viên chủ nhiệm có thể nhắc nhở, tuyên dương, động viên, khen thưởng
bằng lời, cho điểm tốt…

- Nếu giáo viên chủ nhiệm không đo được mức độ của hành vi, sử dụng không tương ứng, dẫn tới phản
tác dụng giáo dục, không đáng khen mà khen quá lời cũng không tốt, chỉ đáng nhắc nhở mà vì lẽ gì giáo
viên chủ nhiệm cảnh cáo phê bình sẽ dễ làm cho học sinh hậm hực, mất lòng tin, bi quan.

- Muốn phát huy hiệu qủa của phương pháp giáo dục trong tập thể, giáo viên chủ nhiệm trước hết phải là
người có uy tính, có trách nhiệm, nắm vững đối tượng, xây dựng được tập thể học sinh thành một tập thể
vững mạnh:

+ Đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ chung của từng thành viên của lớp.

+ Tổ chức những hoạt động chung để thực hiện mục tiêu.

+ Lớp có đội ngũ tự quản có uy tín, có trách nhiệm, có năng lực, bản lĩnh.

+ Có kỉ luật chặt chẽ, có qui định, nội qui phải rõ ràng, được mọi người tôn trọng và tự giác chấp hành.

+ Có dư luận tập thể lành mạnh, dư luận của tập thể là phản ánh sức mạnh, là bản lĩnh của mỗi thành
viên. Phương pháp tiến hành công tác chủ nhiệm lớp ở trường THPT, ở nội dung này nhằm trang bị cho
học sinh về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, nội dung cách thức tổ chức lớp học của giáo viên chủ nhiệm, công tác
chủ nhiệm coi cá thể học sinh là đối tượng đầu tiên của giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm phải
nhiệt tình, hăng say với nghề nghiệp, yêu thích học sinh và phải có những biện pháp tối ưu nhất thì kết qủa
bao giờ cũng mỹ mãn.

Đặng Thị Thu Mai - GV GDC

CÔNG TÁC TUYỂN CHỌN VÀ BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN CHUYÊN

CÔNG TÁC BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI

Bùi Văn Phúc

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam được thành lập từ năm 1985, đến nay đã được
25 năm. Trong suốt quá trình hoạt động và phát triển, thày và trò trường THPT Chuyên Hà Nội -
Amsterdam luôn ý thức được trọng trách lớn lao của mình, không ngừng phấn đấu, ra sức xây dựng
trường theo hình mẫu của nền giáo dục tiên tiến, đi đầu trong đổi mới và đã tạo cho mình một thế
phát triển vững mạnh, trở thành một trường THPT chuyên hàng đầu của Việt Nam, sánh ngang tầm
các trường danh tiếng trong khu vực và vươn ra quốc tế.

- Năm học 2010 - 2011 tới đây, trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam được tiếp nhận một
cơ sở mới, có hệ thống cơ sở vật chất khang trang, hiện đại.Việc trường sẽ khánh thành cơ sở mới
trong dịp kỷ niệm "1.000 năm Thăng Long" không chỉ là một mốc son lịch sử mà quan trọng hơn nữa
là giá trị của một ngôi trường hiện đại của người Hà Nội - Ngôi trường lý tưởng cho đội ngũ thày và
trò phát huy năng lực của mình ở mức độ cao.

Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế trong giáo dục đem
đến cho ngành giáo dục Thủ đô nói chung và trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam nói riêng
nhiều thời cơ nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức trong công tác học sinh giỏi. Đó là:
-Tình trạng thiếu nguồn nhân lực kế cận dạy bộ môn chuyên:
+ Đến thời điểm này, đội ngũ các thày cô giáo giỏi, có kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm ở
nhà trường đã hầu hết nghỉ hưu. Một số thày cô mới được bổ sung vào giảng dạy trong các lớp
chuyên tuy đã đáp ứng được yêu cầu và phát huy được thành tích của nhà trường song lực lượng
giáo viên dạy chuyên vẫn còn thiếu .
+ Số giáo viên trẻ dạy bộ môn chuyên còn quá ít.
+ Không có giáo viên dạy thực hành cho đội tuyển.
- Động lực rèn luyện, cống hiến của học sinh với Đội tuyển HSGQG đang có chiều
hướng giảm sút

Để khắc phục những khó khăn trên, tôi xin đề nghị một số giải pháp như sau:

II.MỘT SỐ GIẢI PHÁP

1. Công tác tuyển chọn giáo viên

- Đối với các giáo viên ở trường ngoài và ở tỉnh ngoài xin chuyển về trường, chỉ nên tiếp
nhận các giáo viên có đủ trình độ, đã có thành tích cao và có khả năng đứng vững ở các lớp chuyên.
Không nhận giáo viên vì thiếu người dạy mà chỉ nhận các giáo viên xuất sắc

-Việc thi tuyển công chức đối với trường THPT Chuyên Hà Nội –

Amsterdam cần phải có những yêu cầu cao. Các giáo sinh phải dạy hợp đồng ở nhà trường ít
nhất một học kỳ, các tổ chuyên môn thấy đạt yêu cầu, phụ huynh và học sinh tín nhiệm mới được nộp
đơn thi công chức vào trường. Yêu cầu về nội dung thi do trường đề ra, không thi theo yêu cầu chung
cho các trường như hiện nay. Các giáo viên trẻ được tuyển dụng sẽ là các giáo viên dạy được
bộ môn chuyên trong tương lai.

- Hàng năm tổ chức tuyển hoặc thi tuyển giáo viên trẻ về daỵ hợp đồng, tạo nguồn giáo viên
sau này.

- Giao cho các tổ chuyên môn tư vấn và giới thiệu các giáo viên có thể đáp ứng yêu cầu của
nhà trường.

- Ban giám hiệu có thể đến các trường Đại học khoa học tự nhiên và Đại học Sư Phạm I Hà
Nội để giới thiệu về nhà trường và mời các sinh viên thủ khoa, sinh viên giỏi bộ môn chuyên về
trường để dạy hợp đồng tạo nguồn giáo viên sau này.

- Các tổ chuyên môn cần tìm và giới thiệu các học sinh cũ trong ngành, đã từng tham gia đội
tuyển, đặc biệt các học sinh đã đạt giải quốc gia về dạy cho nhà trường.

- Các tổ chuyên môn cần tìm và giới thiệu giáo viên các tỉnh ngoài có thành tích cao trong
công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cho nhà trường.

- Tuyển giáo viên dạy thực hành bán chuyên trách.

2. Công tác bồi dưỡng giáo viên bộ môn chuyên

- Mỗi thày giáo, cô giáo phải thường xuyên trau dồi kiến thức và tự học, tự bồi dưỡng.
- Hàng năm, các tổ lập danh sách các giáo viên trẻ (dưới 35 tuổi) có khả năng dạy chuyên để đề nghị
Lãnh đạo nhà trường cử đi học các lớp tập huấn cho giáo viên chuyên (do Trường Đại học khoa học
tự nhiên tổ chức vào các dịp hè).

- Mỗi lớp chuyên nên bố trí một giáo viên có kinh nghiệm dạy kèm một giáo viên trẻ.

- Các giáo viên trẻ cần dự giờ và được nhà trường tạo điều kiện dự giờ của các giáo viên thỉnh giảng
cho các đội tuyển.

- Mỗi đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia hàng năm có thể bố trí hai lãnh đội có học sinh tham dự.

- Mời các giảng viên về bồi dưỡng các chuyên đề học sinh giỏi cho các bộ môn chuyên.

- Các tổ giao cho mỗi giáo viên trẻ chuẩn bị một chuyên đề học sinh giỏi để hàng năm có thể tham gia
dạy đội tuyển học sinh giỏi từ một đến hai buổi và báo cáo các chuyên đề của mình trong các buổi
họp tổ.

3. công tác học sinh giỏi

a. Cải tiến công tác thi tuyển:

- Việc tuyển chọn học sinh cần được thực hiện sao cho không bỏ sót cũng không tuyển nhầm.
Cần xây dựng các quy định đổi mới phương thức tuyển sinh theo hướng kết hợp giữa thi và xét tuyển
thêm thông qua các chỉ số tài năng như IQ, EQ …

- Về thời gian thi tuyển: Những năm trước, thời gian thi vào lớp 10 của trường thường muộn
hơn so với các trường chuyên Đại học khoa học tự nhiên và Đại học Sư phạm Hà Nội. Đặc biệt là
việc công bố điểm chuẩn muộn hơn so với các trường trên nên một số học sinh đủ điểm vào trường
đã nộp hồ sơ vào các trường chuyên Đại học khoa học tự nhiên và trường Đại học Sư phạm I Hà Nội
và không muốn rút hồ sơ. Vì vậy, trong thời gian tới cần điều chỉnh thời gian thi tuyển và công bố
điểm chuẩn sớm hơn hoặc bằng hai trường trên.

- Việc ra đề thi và phản biện và chấm thi nên mời giáo viên Chuyên có năng lực, có tính trung
thực tham gia.

- Việc chấm thi để chọn đội tuyển lớp 12 của thành phố cần có sự tham gia của các lãnh đội để
không bỏ sót các học sinh giỏi

b. Một số yêu cầu và các bước chuẩn bị cho học sinh giỏi

- Học sinh mới vào lớp 10 còn đang rất hăng say với phong trào học sinh giỏi, nên cần phải
tổ chức ngay cho các em được học tập. Các lớp 10 chuyên phải học ít nhất một tuần hai buổi môn
chuyên, dành cho học sinh cả lớp. Chương trình nâng cao cho các em phải đảm bảo đến lớp 11 có
thể thi học sinh giỏi quốc gia. Ngoài kinh phí của nhà trường cần có sự hỗ trợ của ban phụ huynh

- Mời các chuyên gia về nói chuyện khoa học với học sinh để tăng thêm sự say mê khoa học
cho học sinh.

- Cuối năm lớp 10 tổ chức thi chuyển lớp để chọn được các học sinh tốt nhất bổ sung cho
đội tuyển.

- Học sinh lớp 11 trình độ học sinh đã được phân hóa nên có kế hoạch bồi dưỡng mũi nhọn,
nhất là các môn thi quốc tế.

- Đến tháng 9 thì hai đội tuyển lớp 11 và 12 nên kết hợp thành một để học chung, đặc biệt là khi
mời thỉnh giảng.
- Học bổng của nhà trường dành cho học sinh các lớp chuyên chỉ phát cho học sinh trong đội
tuyển. Học sinh lớp không chuyên chỉ nhận học bổng của ban phụ huynh.

- Có chính sách ưu tiên về điểm số cho các học sinh đội tuyển để các em hoàn toàn yên tâm
với việc học đội tuyển.

- Phải yêu cầu về kỷ luật cao về nề nếp đối với các học sinh đi du học vừa để giữ nề nếp của
trường vừa để không ảnh hưởng đến các học sinh đội tuyển

Trên đây là một số ý kiến tham gia với Lãnh đạo nhà trường trong việc duy trì và nâng cao
chất lượng dạy và học ở trường THPT Hà Nội - Asterdam. Để có được những giải pháp tốt, nhà
trường cần tham khảo ý kiến của của các nhà quản lý, của các giáo viên dạy đội tuyển và của tất cả
những ai quan tâm đến vấn đề học sinh giỏi của thủ đô. Với tinh thần thẳng thắn, ý thức xây dựng, hy
vọng những ý kiến đóng góp của tôi sẽ được Ban giám hiệu nhà trường xem xét, bổ sung vào kế
hoạch phát triển của trường trong năm học tới.

Xin trân trọng cảm ơn!

You might also like