You are on page 1of 3

Hiểu đúng về dạy - học tích cực ?

(GD&TĐ) - Hiện nay, quá trình đổi mới dạy và học đang diễn ra mạnh mẽ ở mọi cấp học,
trên mọi vùng miền đất nước. Nhiều ý kiến cũng được đưa ra sẻ chia, thảo luận với nhau, tựu
chung lại đều nhằm mục đích duy nhất đó là tìm ra câu trả lời cho câu hỏi, làm thế nào thúc
đẩy quá trình dạy - học tích cực trong nhà trường? làm thế nào để quá trình dạy - học đạt
hiệu quả cao nhất? Dĩ nhiên, mục tiêu tối thượng cuối cùng, vẫn là phát triển con người.

Học tập tích cực là sinh viên phải biết nghiên cứu sau giờ trên
giảng đường
Dựa trên kinh nghiệm một số năm công tác giảng dạy, trong khuôn khổ một bài viết nhỏ,
xin có đôi ý kiến chia sẻ về quá trình dạy - học tích cực trong các trường đại học, cao đẳng hiện
nay.

1. Dạy ở Đại học, Cao đẳng là một công việc hết sức khó khăn

Trước hết có lẽ chúng ta phải nhất trí với nhau rằng, dạy học ở đại học, cao đẳng không
phải là một công việc đơn giản. Điều này không chỉ đúng với những người thực sự tâm huyết với
nghề, với sinh viên mà còn đúng với cả những người có suy nghĩ đơn giản khi đứng lớp cũng giống
như ta đang thực hiện một công việc để kiếm tiền như bao công việc khác. Bởi lẽ, nếu anh không
đủ trình độ, anh không làm tròn trách nhiệm, không thực sự muốn cống hiến và luôn luôn phấn đấu
nâng cao trình độ, kỹ năng hành nghề thì ngay lập tức sẽ bị “hạ điểm” đánh giá bởi chính những
“sản phẩm” mà anh tạo ra, dù đó là những đánh giá công khai trong những cuộc trưng cầu ý kiến
sinh viên do nhà trường tổ chức hay những đánh giá “ngầm” mà anh không được biết đến trong dư
luận người học. Việc có những đánh giá đó, dù đúng hay sai ít nhiều cũng tạo ra những tín hiệu tích
cực thúc đẩy hành động cải tiến phương pháp giảng dạy, hoàn thiện những kỹ năng, năng lực và
phẩm chất đạo đức của người thầy khi đứng trên bục giảng. Nhưng thực sự, nhận thức của thầy -
trò về việc cải tiến, đổi mới phương pháp dạy - học đã đúng đắn, chính xác ? Thiết nghĩ không có
một mẫu số chung cho câu trả lời này, ở đây xin lạm bàn một số thiếu sót trong nhận thức về vấn
đề.

2. Người dạy - nói lại những vấn đề đã cũ

1
Chúng ta có nhiều cuộc cải cách trong giáo dục, trong đó có công cuộc cải cách chính đội
ngũ nhà giáo, giảng viên; thậm trí có những phong trào phát động từ rất lâu. Theo chủ trương đó,
nhà nhà (giáo) đổi mới phương pháp, người người (làm công tác giáo dục) cải tiến phương pháp
đều hướng đến mục đích “phương pháp dạy học tích cực”. Và phần đông cho rằng, phương pháp
dạy học tích cực nghĩa là phải “mơi mới”, phải “lạ”, đặc biệt, nhất định dù mới lạ thế nào cũng
không thể thiếu ứng dụng công nghệ thông tin. Vì vậy hàng loạt các giáo trình điện tử ra đời dưới
dạng các bài trình triếu powerpoint với các slide chi chít chữ, tiến bộ hơn thì có vài gạch đầu dòng
để cho người học đỡ nhức mắt hơn khi theo dõi bài giảng. Và, thay vì đọc giáo án (mắt chăm chú
vào tài liệu đặt trên bàn giáo viên) họ lại đọc trên những slide trình chiếu cho người học chép. Có
nhiều giảng viên biết cách sử dụng tính linh hoạt của bài giảng điện tử, tạo ra một số các hoạt động
học mà chơi, chơi mà học (dành cho sinh viên đại học - xin nhấn mạnh) hoặc có những đoạn băng
hình dẫn chứng... thể hiện một trình độ nhất định khi đem ứng dụng công nghệ thông tin trong bài
dạy. Đó là việc làm tốt, song chỉ đạt được yêu cầu về độ mới, lạ, có hấp dẫn (mặc dù ở lứa tuổi sinh
viên tư duy trực quan không còn chiếm ưu thế!) trong những tiết học nhất định, nhưng nếu quá lạm
dùng từ tiết này sang tiết khác triền miên thì rất dễ gây phản cảm. Tuy vậy điều đáng nói ở đây là
hai từ “tích cực” không chỉ dừng lại ở đó. Bản chất của vấn đề dạy học tích cực chính là việc thúc
đẩy cho người học tự tìm kiếm tri thức, tự làm giàu tri thức cho mình thông qua nhiều con đường
nhiều cách thức khác nhau. Làm cho người học phải cảm thấy băn khoăn, thiếu thốn, hoặc không
thể chịu được cảm giác khó chịu khi chưa làm sáng rõ, chưa thông tỏ vấn đề. Hay nói cách khác, là
giúp cho người học nhận ra một điều cơ bản rằng bản thân họ mới thực sự là người phải “tích cực”.
Vì thế việc đổi mới phương pháp dạy phải hướng đến mục tiêu đó.

Nguồn tri thức hiện nay ở bất kì ngành nghề gì cũng đã trở nên vô cùng phong phú và đa
dạng. Việc người giảng viên cung cấp sẵn tri thức lý luận trong những bài giảng của mình là một
việc làm đi ngược lại quá trình dạy học tích cực, bất kể anh sử dụng phương pháp nào đi chăng
nữa. Giáo trình có thể có hoặc không, nhưng tài liệu tham khảo, tư liệu khảo cứu thì có thể ngồi
một chỗ gõ phím search là mang cả thế giới về nhà, thư viện cũng nên cho nó giữ đúng vị trí vai trò
của mình trong quá trình học tập của sinh viên. Vì thế việc làm này, vô hình chung lại làm cho sinh
viên của chúng ta lười đi, ngại đọc giáo trình, ngại tìm tài liệu tham khảo và hậu quả kéo theo là
thói quen lười tư duy. Dĩ nhiên không loại trừ những trường hợp tích cực thực sự, không bằng lòng
với những gì người thầy cung cấp, biết tự trang bị thêm cho mình, tuy nhiên vấp phải rào cản là sự
đánh giá, chấm điểm của người thầy (dựa trên những tri thức đã cung cấp) hoặc không muốn hoặc
không dám chấp nhận nguồn tri thức khác về vấn đề mình đã trình bày, nên đánh giá rất dè dặt, khe
khắt. Một lần nữa tính tích cực của người học lại bị “chặn đường sống”.

Một vấn đề khác bên cạnh đó là việc rèn luyện kỹ năng trong nhà trường đại học, cao đẳng
hiện nay chưa được chú trọng đúng mức. Chúng ta cung cấp cho người học quá nhiều tri thức lý
luận, dẫn đến việc học nhồi nhét trong khi đó người học không biết lý luận đó dùng để làm gì, ứng
dụng vào đâu trong cuộc sống nhộn nhịp ngoài kia. Khi họ học tập mà không có định hướng,
không có mục đích (có chăng chỉ là thi cho qua môn, tích lũy cho đủ tín chỉ) liệu ai có thể hoạt
động tích cực được ? Ở đây còn chưa tính đến vấn đề lý luận mà thầy cung cấp nhiều khi của
những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, từ những bài giảng của thầy cho thầy (khi còn là sinh viên),
trong khi chúng ta đã sắp bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ 21!

3. Người học - nhận thức về học tập tích cực

Trên nhiều diễn đàn, nhiều trang báo dấy lên hiện tượng phản ánh của sinh viên đòi hỏi
phải được dạy, được học bằng những phương pháp tích cực, phê phán những phương pháp giảng
dạy truyền thụ một chiều - những tín hiệu đáng mừng, song điều đó mới chỉ có được ở một bộ
phận, bề nổi trong hàng ngũ sinh viên mà thôi.

Qua khảo sát những lớp tôi đã trực tiếp đảm nhiệm công tác giảng dạy, mỗi khi vào lớp tôi
thường đặt câu hỏi, những ai đã đọc trước giáo trình hay tài liệu tham khảo về vấn đề của buổi lên
2
lớp hôm nay, câu trả lời nếu dùng hình thức giơ tay thì lác đác dăm bảy người (trong một lớp
khoảng 60 sv), nếu dùng hình thức viết ra giấy (có hoặc không - không điền tên) thì kết quả khả
quan hơn (khoảng 10 đến 15 SV). Điều này cho thấy bản thân sinh viên, người học đã rất trì trệ,
thụ động khi đến lớp tác động trở lại việc dạy tích cực là một điều khó tránh khỏi. Lý do rất đơn
giản, sinh viên không có một nền tảng, một cơ sở kiến thức nhất định thì khi lên lớp cũng chỉ có thể
nghe và trả lời những câu hỏi phát vấn của giảng viên là cùng, chẳng thể có khả năng phát hiện,
đưa ra những quan điểm, những chứng kiến mới thể hiện sự hiểu biết của mình, cũng là thể hiện
tính tích cực trong học tập. Đã không chú ý nghiên cứu, tìm hiểu về vấn đề, lại càng không thể
trông mong vào sự phản biện, chất vấn của họ trong quá trình học - một yếu tố đánh giá cao tính
tích cực chủ động trong quá trình học.

Hiện nay nhiều giảng viên vẫn dùng hình thức điểm danh để đánh giá tính tích cực (?) của
sinh viên; cách khác dựa vào mức độ hoàn thành khối lượng công việc, bài tập được giao của sinh
viên để đánh giá mức độ tích cực học tập của họ. Theo tôi, điều này không sai, nhưng rất hạn chế.
Bởi lẽ một học sinh tiểu học bình thường cũng có thể đáp ứng được yêu cầu đó: lên lớp đầy đủ,
nghe giảng và chép bài đầy đủ, làm bài tập đầy đủ, vì nếu không đủ thì trắc hẳn đã bị cấm thi hoặc
bị điểm kém rồi. Điều cơ bản ở đây, theo tôi, đó là việc mỗi sinh viên lên lớp đã làm được những
gì, mang những gì đến lớp, hoàn thành công việc, bài tập để lấy số lượng hay để thể hiện khả năng,
thể hiện sự tìm tòi nghiên cứu nghiêm túc của mình? Mà điều này thì không phải ai cũng giống
nhau. Tôi luôn đánh giá cao những sinh viên có thể lên lớp không đều đặn (dĩ nhiên trong điều kiện
cho phép của quy chế), nhưng khi đến giảng đường luôn thể hiện một thái độ cầu thị, tích cực và tự
giác cao, luôn làm tôi giật mình với những câu hỏi khó, những phản biện cho thấy sự tìm tòi
nghiêm túc (để phát hiện và đánh giá những sinh viên này đối với người dạy là việc không khó).
Phải thừa nhận một thực tế rằng, rất nhiều sinh viên đến lớp đầy đủ, hoàn thành công việc, bài tập
đúng hạn, đúng số lượng (luôn chiếm đa số), nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó. Nhiều giảng viên chia
sẻ với tôi rằng sinh viên của họ lên lớp hầu như chỉ để nghe giảng và ghi chép, họ rất ít hoạt động
(những hoạt động được khởi động từ phía giảng viên như vấn đáp, thảo luận, trình bày, phản
biện...), có nhiều trường hợp biết mà không nói. Bởi thế những biểu hiện tích cực, chăm chỉ trên
đây chỉ là thể hiện của tích cực bề ngoài hay ở một góc độ khác, sợ bị cấm thi hoặc sợ bị hạ điểm
mà thôi.

Một thực tế khác, hầu hết sinh viên hiện nay còn ngại học tích cực, lý do rất đơn giản,
học tích cực đồng nghĩa với việc họ phải làm việc nhiều hơn, tốn nhiều thời gian hơn cho học
tập, phải tư duy năng động hơn, sáng tạo hơn, trong khi, thói quen lâu nay từ khi còn ở trên
ghế nhà trường phổ thông là thói quen “ăn sẵn”, nhồi nhét những gì người thầy cung cấp.
Thường những giảng viên giao nhiều bài tập, nhiều công việc mang tính nghiên cứu nghiêm
túc, vì khi người học không tự xác định yêu cầu, xác định vấn đề cho mình thì người giảng viên
phải làm công việc bắt buộc đó, lại không được nhiều sinh viên lựa chọn, hoặc tỏ ra rất “ngán”
gặp những người thầy như vậy. Do đó không phải người thầy có phương pháp tích cực, thì sinh
viên cũng hợp tác, tích cực theo.

Những chia sẻ trên đây là một trong những gram màu tối của bức tranh toàn cảnh khắc họa
quá trình đổi mới phương pháp dạy - học tích cực hiện nay trong các nhà trường đại học và cao
đẳng. Những hiện tượng này đang tồn tại một cách phổ biến trong nhiều nhà trường cũng như trong
suy nghĩ của nhiều giảng viên, đang có những tác động tiêu cực đến quá trình dạy học tích cực của
thầy và trò. Khắc phục những hiện tượng đó không thể trong một sớm một chiều, nhưng thiết nghĩ
mỗi giảng viên và sinh viên hãy bắt đầu từ một nhận thức đúng đắn về dạy - học tích cực, hãy xem
lại mình đã thực sự tích cực chưa, kết quả đạt được là gì. Để tìm hiểu về nguyên nhân và giải pháp
khắc phục những hiện tượng kể trên, có lẽ phải cần tới những nghiên cứu nghiêm túc khác mà
trong khuôn khổ bài viết nhỏ này chưa thể đề cập tới.

Đức Chữ

You might also like