You are on page 1of 12

1-Tia laser phóng tàu vũ trụ

Khi rung động, tia laser đốt nóng không khí cho đến khi cháy. Mỗi lần không khí
cháy lại tạo ra một tia sáng loé lên.

Để thoát khỏi sức hút trái đất, lâu nay, loài người vẫn sử dụng tàu con thoi, loại
tàu phải mang theo hàng tấn nhiên liệu và hai tên lửa đẩy lớn. Nhưng không lâu
nữa, các con tàu vũ trụ sẽ lướt vào không gian trên một chùm tia laser, cần rất ít
hoặc không cần chất nổ đẩy và không hề gây ô nhiễm.

Ý tưởng cơ bản đằng sau kỹ thuật đẩy bằng ánh sáng là sử dụng các tia laser từ
mặt đất để đốt nóng không khí đến mức làm không khí nổ tung, đẩy con tàu tiến
lên phía trước. Nếu thành công, kỹ thuật đẩy bằng ánh sáng sẽ làm con tàu nhẹ
hơn hàng nghìn lần, hiệu quả hơn so với các động cơ tên lửa sử dụng chất hoá học
và không gây ô nhiễm.

Chúng ta sẽ xem xét hai kiểu hệ thống đẩy tiên tiến: một kiểu có thể đưa chúng ta
từ trái đất lên mặt trăng chỉ trong vòng 5 giờ rưỡi và kiểu kia có thể đưa chúng ta
du lịch hệ mặt trời trên các “xa lộ ánh sáng”.

Ánh sáng rực rỡ là không khí đang cháy dưới vành tàu.

Tàu vũ trụ nhẹ được đẩy bằng laser

Ánh sáng rực rỡ là không khí đang cháy dưới vành tàu.

Ý tưởng được bắt đầu tại Học viện tổng hợp Resselaer ở Troy, bang New York, Mỹ.
Tiếp đó, Công ty Lightcraft Technologies đã có vài thử nghiệm thành công với loại
tàu nhẹ này. Nguyên lý rất đơn giản: con tàu sử dụng các tấm gương để thu nhận
và hội tụ chùm laser chiếu vào, rồi đốt nóng không khí đến độ không khí nổ tung,
đẩy con tàu đi.

Dưới đây là các thành phần của hệ thống đẩy mang tính cách mạng này.

Tia laser carbon dioxit: Tia laser xung 10 kW đang được sử dụng để thử nghiệm
con tàu nhẹ này là một trong số những tia mạnh nhất thế giới.

Gương parabole: Phần đáy của tàu vũ trụ là một gương để hội tụ chùm laser vào
khoang chứa không khí hay chất nổ đẩy trên tàu. Vật truyền thứ hai, nằm trên
mặt đất, là một gương giống như kính viễn vọng được dùng để hướng chùm tia
laser lên con tàu.

Khoang hút thu: Không khí được hướng vào trong khoang này; tại đây không khí
bị đốt nóng lên bởi chùm laser, giãn nở ra và đẩy con tàu đi.

Hydro trên tàu: Một lượng nhỏ chất nổ đẩy hydro được sử dụng để đẩy tên lửa khi
khí quyển quá loãng không thể cung cấp đủ không khí.

Trước khi bay lên khỏi mặt đất, một luồng không khí nén sẽ đẩy nhẹ con tàulên
đến vận tốc khoảng 10.000 vòng/phút. Khi nó đang lượn xoáy với một tốc độ tối
ưu, tia laser sẽ được bật lên, thổi con tàu lên không trung. Tia laser 10 kW này
rung động ở mức từ 25-28 lần/giây. Bằng cách rung động, nó liên tục đẩy con tàu
lên phía trên. Chùm tia sáng được hội tụ bởi gương parabole ở đáy của con tàu đốt
nóng không khí lên tới khoảng từ 10.000-30.000 độ C, nóng hơn bề mặt của mặt
trời vài lần. Khi không khí bị đốt nóng đến nhiệt độ cao như vậy, nó sẽ biến đổi
sang thể plasma (loại khí có số lượng các hạt mang điện âm, dương, tương đương
nhau trên mặt trời và phần lớn các vì sao) - thể plasma này sau đó nổ tung để đẩy
con tàu lên phía trên.

Công ty Lightcraft Technologies đã vài lần thử nghiệm một tàu nhẹ nguyên mẫu
nhỏ tại bãi tên lửa White Sands ở bang New Mexico. Vào tháng 10/2000, con tàu
nhẹ thu nhỏ, có đường kính 12,2 cm và chỉ nặng 50 g đã đạt được độ cao 71 m.
Trong năm 2001, Lightcraft Technologies hy vọng sẽ đưa được nguyên mẫu con
tàu nhẹ lên tới độ cao khoảng 152 m. Sẽ cần tới tia laser 1 MW để đưa một vệ tinh
nặng 1 kg vào một quỹ đạo thấp. Tuy mô hình này được làm bằng loại nhôm dành
để sản xuất máy bay, nhưng con tàu nhẹ khi được sản xuất thực sự có thể được
làm carbua silic.

Ngoài ra, người ta cũng sẽ đặt các gương bên trong con tàu để chiếu một số chùm
năng lượng về phía trước. Sức nóng từ chùm laser sẽ tạo ra một cụm khí làm
chệch hướng đi của một phần luồng không khí đi qua con tàu, từ đó giúp giảm bớt
ma sát và giảm lượng khí nóng mà con tàu hấp thụ.
2-Phát hiện ung thư vú bằng tia laser

Viện Lawrence Liverinore Laboratory (Mỹ) đã chế tạo thành công một mũi kim
laser để "truy lùng" các tế bào ung thư vú. Chỉ cần đâm nhẹ vào vú, kim laser sẽ
lập tức phân tích các tế bào và chuyển tín hiệu đến hệ thống máy điện toán nối
liền với nó.

Các bác sĩ sẽ theo dõi kết quả chẩn đoán trên màn ảnh. Bang California là nơi đầu
tiên tiến hành xét nghiệm bằng kim laser. Phương pháp này cho kết quả chính xác
không thua kém kỹ thuật sinh thiết vẫn được áp dụng từ trước đến nay. Đặc biệt,
nó tiện lợi hơn cho bệnh nhân vì không phải cắt vài tế bào vú để mổ xẻ trong
phòng thí nghiệm như kỹ thuật sinh thiết.
3-Công nghệ nano tạc tượng bò chỉ to bằng hồng cầu

Các nhà khoa học Đại học Osaka, Nhật, mới đây đã thực hiện được một tác phẩm
điêu khắc độc đáo và là một kỳ công: dùng tia laser tạc tượng một con bò bằng
nhựa trong, có kích thước chỉ to bằng một hồng cầu trong máu.

Thành công này mở đường cho việc chế tạo các thiết bị nhỏ xíu phục vụ các cuộc
vi phẫu trong cơ thể người.
Bức tượng con bò này dài 10 micromet (1micromet bằng 1/1.000 milimet) nên chỉ
có thể chiêm ngưỡng được qua kính hiển vi điện tử mà thôi. Nó cũng có đủ các chi
tiết như hai cái sừng, đuôi và các bắp thịt, được tạc bằng kỹ thuật bắn tia laser
dưới sự kiểm soát của một chương trình điện toán. Theo kỹ thuật này, nhựa sẽ
đông đặc lại tại những nơi hai tia laser gặp nhau.

Trước đây, những bức tượng có kích thước nhỏ như vậy mới chỉ được giới hạn bằng
những bề mặt hai chiều rồi dán keo lại với nhau để tạo thành hình ảnh ba chiều
nên tác phẩm trông rất thô sơ.

Ngoài ra nhóm nghiên cứu còn tạc được một lò xo nhỏ xíu cũng bằng chất nhựa
đó, có thể co giãn như một lò xo thông thường.
4-Thiết bị điều khiển bằng laser giúp người tàn tật đi lại

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Virginia (Mỹ) đang thử nghiệm một mẫu thiết bị
dành cho những người lớn tuổi không có khả năng đi lại. Thiết bị này có hình dáng
tương tự như xe đẩy tay của trẻ con, có cần lái và phanh xe bằng điện được điều
khiển bằng tia laze.

Thông qua động cơ gắn kèm, các tia laze giúp nhận biết quang cảnh xung quanh
người điều khiển, dự đoán hướng di chuyển của họ để kịp thời bẻ lái bánh xe trước
đồng thời kẹp chặt bánh xe sau. Nếu phát hiện có vật cản, xe sẽ tự động bẻ lái
tránh sang một bên. Người điều khiển xe sẽ không sợ ngã vì đã có phanh xe tự
động. Các nhà nghiên cứu hy vọng sắp tới họ sẽ thiết kế thêm cho xe chức năng
nhận biết giọng nói con người.
5-Laser làm trẻ hoá khuôn mặt

Một trong những ứng dụng kỳ diệu của chùm ánh sáng này là có độ tập trung rất
cao làm trẻ hoá bộ mặt thông qua việc xóa nhoà các vết nhăn trên má và các vết
chân chim ở hai bên khoé mắt, làm nhạt đi các vết tàn nhang...

Hai loại tia laser thường được sử dụng vì mục đích này là chùm tia CO2 và chùm
tia UltraPuls. Những tia này dội một thứ ánh sáng màu vàng cam lên trên bề mặt
da, nơi có nhiều vết nhăn và thấm vào vùng tế bào dưới da. Chúng làm tiêu biến
đi một lượng nước nhất định ứ đọng ở các mô dưới da, là nguyên nhân làm cho da
trở nên không bằng phẳng, tạo nên nếp nhăn. Ngoài ra, các tia này còn kích thích
sự liên kết của các của sợi collagen, làm tăng độ đàn hồi của da.

Sau nhiều liệu trình chữa trị bằng tia laser, các nếp nhăn trên da sẽ bị mờ dần, độ
chun dãn được khôi phục, khiến cho khuôn mặt trở nên trẻ trung hẳn. Trong nhiều
trường hợp, việc kết hợp chiếu tia laser và sử dụng các loại sữa dưỡng da, một số
vitamin và chế độ ăn nhiều rau quả tươi, uống đủ nước đã tỏ ra rất thành công.
7-Chống sâu răng bằng tia laser

Đây là một phương pháp đem lại hiệu quả đến 98%, vừa được nhà nghiên cứu
Stephen Hsu (Đại học Quốc gia Singapore) tìm ra. Trong đó, tia laser được sử
dụng để tạo một lớp bảo vệ, giúp răng chống lại các axit do những vi sinh vật gây
bệnh sâu răng sản sinh ra.

Men răng được tạo bởi khoảng 97% tinh thể và chỉ 1% hợp chất hữu cơ. Hợp chất
này có tác dụng như một giàn khung căn bản để dựng các tinh thể. Giữa hợp chất
hữu cơ và tinh thể có những khe hở nhỏ, rất dễ bị vi khuẩn và các loại axit tấn
công, gây bệnh sâu răng. Hsu đã dùng tia laser ở nhiệt độ thấp để nấu chảy hợp
chất hữu cơ, tạo ra một "tấm áo giáp" che các khe hở đó.

Việc dùng tia laser bảo vệ răng đã được tiến hành trong 3 thập niên qua. Tuy
nhiên, trước Hsu, để tạo được màng bảo vệ, người ta phải dùng tia laser nóng
1.000 độ C hoặc cao hơn để nấu chảy các tinh thể. Tấm chắn được tạo ra sẽ yếu
hơn và răng sẽ bị nguy hiểm hơn so với phương pháp mới.

Phương pháp mới chống sâu răng bằng laser đang ở trong giai đoạn thử nghiệm
lâm sàng. Nếu thành công, đây sẽ là một biện pháp hữu hiệu giúp con người duy
trì được sự chắc khỏe của hàm răng.
8-Cầu nối laser giữa các vệ tinh

Lần đầu tiên, hai vệ tinh ở khoảng cách trên 30.000 km đã trao đổi thông tin được
với nhau thông qua một chùm laser. Kỹ thuật này cho phép các vệ tinh ở quỹ đạo
thấp gửi thông tin nhanh chóng và ổn định xuống trạm xử lý dưới mặt đất thông
qua một vệ tinh địa tĩnh ở quỹ đạo cao hơn.

Trong thử nghiệm lần này, cầu nối laser (laser link, là một chùm laser có đường
kính vài mét) đã có thể truyền các dữ liệu và hình ảnh với tốc độ 5 megabits trong
một giây. Hiện các nhà khoa học đang phát triển một đường truyền mới có dung
lượng lớn hơn nhiều, cho phép truyền cả âm thanh và hình ảnh. Ông Gotthard
Oppenhaeuser, người điều hành dự án vệ tinh Artemis của Cơ quan Vũ trụ châu Âu
(ESA), nói: "Chúng tôi hướng tới thế hệ cầu laser mới, kích cỡ chỉ bằng một phần
tư hiện nay, nhưng có thể truyền dữ liệu với tốc độ 5 gigabits trong một giây".

Các nhà khoa học đã sử dụng hệ thống laser có tên là SILEX (do Cơ quan Vũ trụ
châu Âu ESA và Cơ quan Vũ trụ Pháp CNES triển khai) để nối vệ tinh Artemis với
vệ tinh thiên văn SPOT 4. Chùm laser này được điều chỉnh tinh vi, cho phép SPOT
4 chuyển lượng dữ liệu lớn với tốc độ nhanh tới Artemis.

Artemis bay ở quỹ đạo địa tĩnh, cách trái đất 31.000 km, trong khi SPOT 4 di
chuyển với tốc độ 7.000 m/s ở độ cao 832 km. Bởi vậy, cầu nối laser phải được
"thiết lập" rất chính xác. Theo ông Oppenhaeuser, đường truyền laser gọn hơn,
chắc chắn hơn và cần ít năng lượng hơn hệ thống thu - phát sóng vô tuyến.

Việc gửi thông tin từ các vệ tinh quan trắc như SPOT 4 về trái đất hiện kéo dài cả
tiếng đồng hồ, bởi vì thông tin phải đi qua nhiều trạm: Trước hết, vệ tinh cần lưu
giữ thông tin khi nó chuyển động trên quỹ đạo. Sau đó, nó gửi dữ liệu xuống một
trạm trên mặt đất. Ở trạm này, thông tin lại được sắp xếp lại một lần nữa trước
khi được gửi qua sóng radio tới trung tâm xử lý.

Nay, sử dụng cầu nối laser, các nhà khoa học đã có thể rút ngắn thời gian truyền
tin từ các vệ tinh ở quỹ đạo thấp xuống mặt đất. Đồng thời, đường truyền bằng
laser cũng tỏ ra ổn định hơn rất nhiều.

Kế hoạch kết nối các vệ tinh bằng cầu laser đã được các nhà quân sự Mỹ vạch ra
từ những năm 1990, nhưng đến nay họ vẫn chưa đạt được thành tựu nào đáng kể.
Thực ra, họ chỉ có tham vọng thử nghiệm cầu nối 2.500 km - một khoảng cách
quá ngắn so với đoạn đường 30.000 km giữa Artemis và SPOT 4. Vì vậy ngay cả
khi thành công, kế hoạch của các nhà khoa học Mỹ cũng ít có giá trị sử dụng.
9-Tạo ra từ trường mạnh nhất thế giới

Bằng cách bắn những chùm laser cực mạnh vào một chất liệu đặc biệt, các nhà
khoa học Anh mới đây đã tạo ra một đám mây khí sôi sục ở trạng thái plasma. Từ
trung tâm đám khí xuất hiện một từ trường mạnh chưa từng thấy. Hiện tượng này
có thể so sánh với những gì đang xảy ra trong nhân của những sao nơtron.

Khi các ngôi sao không còn phát sáng nữa, chúng co lại thành sao lùn trắng hay
sao nơtron. Trong nhân của chúng, vật chất tồn tại ở dạng plasma, gồm các hạt
tích điện sôi sục. Theo giả thuyết của các nhà vật lý, những ngôi sao này phát ra
một trường điện từ cực lớn. Đến nay, người ta chưa có cách gì để kiểm chứng giả
thuyết trên, bởi không có cơ hội quan sát trường điện từ ở khoảng cách xa.

Nhóm nghiên cứu của Michael Tatrakis, Đại học London, dường như đang tiến dần
tới câu trả lời về bí mật của các sao nơtron, khi họ tạo ra một một môi trường gần
giống nhân của chúng bằng thực nghiệm. Nhóm khoa học sử dụng hệ thống laser
của Phòng thí nghiệm Rutherford Appleton (Anh), bắn ra chùm laser với bức xạ
cực đại 90.000 tỷ Watt/1cm2 trong thời gian một phần tỷ giây.

Dưới tác dụng của chùm laser này, vật liệu bốc hơi thành một đám khi nóng, gồm
các hạt tích điện. Ở trung tâm dày đặc nhất của đám khí đã xuất hiện một trường
điện từ T = 34.000 Tesla, mạnh gấp một tỷ lần từ trường của trái đất. Trước đó,
chưa có nhóm khoa học nào làm được một kỳ tích như vậy.

Với kết quả này, các nhà khoa học hy vọng sắp tới có thể tạo ra điều kiện giống
hệt như ở các sao nơtron, nhằm kiểm nghiệm những lý thuyết của ngành vật lý
thiên văn về dạng thiên thể này. Tuy nhiên, điều đó có vẻ không dễ dàng chút
nào, bởi từ trường ở các sao nơtron được dự đoán là mạnh tới 1 tỷ Tesla.

10-Đo khoảng cách trái đất - mặt trăng chính xác tới milimét!

Các nhà khoa học Mỹ muốn thực hiện điều này bằng cách phóng những chùm laser
từ trái đất lên mặt trăng, rồi để chúng phản hồi trở lại. Dựa vào thời gian đi - về
của chùm laser, họ sẽ tính ra chiều dài quãng đường. Thí nghiệm này có thể kiểm
chứng lý thuyết của Einstein về trường hấp dẫn.
Trung bình, mặt trăng quay quanh quỹ đạo cách trái đất 384.400 km. Từ những
năm 80 của thế kỷ trước, người ta đã đo được khoảng cách này chính xác tới 2
centimét. Tuy nhiên, Tom Murphy và cộng sự ở Đại học Washington (Mỹ) không
muốn dừng lại ở đó, mà muốn có kết quả chính xác hơn nữa.

Nhóm khoa học tin rằng, với việc đo đạc này, họ có thể khám phá nhiều khía cạnh
của lực hấp dẫn. Trong đó, điều đầu tiên có thể được kiểm nghiệm là nguyên lý
đồng nhất của Einstein. Nguyên lý này nói rằng, hai vật thể có cấu tạo khác nhau,
nhưng ở trong cùng một trường hấp dẫn, nó chịu tác động của một gia tốc giống
nhau. Ngoài ra, các nhà khoa học còn muốn khám phá xem liệu trọng lượng của
một vật có giảm đi khi vũ trụ giãn nở hay không?

Gương phản chiếu


Chiếc gương phản chiếu này được lắp đặt trên mặt trăng năm 1969, trong chuyến
thám hiểm của phi đoàn Apollo.

Để đo khoảng cách giữa trái đất và mặt trăng chính xác tới từng milimét, nhóm
khoa học sẽ sử dụng một kỹ thuật mới. Từ một đài thiên văn ở bang New Mexico
(Mỹ), người ta gắn một máy phóng laser với công suất cực lớn (1 Gigawatt). Mỗi
giây nó phóng khoảng 20 chùm laser tới mặt trăng. Ở đó, ánh sáng được đẩy trở
lại trái đất nhờ một gương phản chiếu (ảnh bên). Dựa vào thời gian đi - về của các
hạt photon ánh sáng, các nhà khoa học tính ra khoảng cách giữa mặt trăng và trái
đất.

Tấm gương phản xạ được ghép từ hàng trăm tấm kính nhỏ. Người ta đã lắp đặt nó
trên mặt trăng từ năm 1969 trong chuyến thám hiểm của phi đoàn Apollo. Điều
đáng nói là, việc bắn chùm tia laser chính xác lên gương này không hề đơn giản.
"Khí quyển của trái đất làm chùm laser bị nhiễu đáng kể. Khi gặp mặt trăng, chùm
laser bị loãng ra đến nỗi đường kính của nó rộng tới 2 kilomét", Murphy nói.

Xác suất thấp

Theo tính toán, trong số 30 triệu hạt photon được bắn lên mặt trăng, chỉ có một
hạt gặp được gương phản chiếu. Và xác suất để hạt này có thể quay trở lại trái đất
cũng chỉ bằng một phần 30 triệu. Tuy nhiên, Murphy hy vọng, mỗi một chùm laser
phóng đi sẽ có 5-10 photon quay trở lại.

Thí nghiệm sẽ được tiến hành vào năm tới, và kéo dài khoảng 5 năm. Kinh phí do
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tài trợ.
11-Khắc dấu bằng công nghệ laser

Phương pháp laser trong khắc dấu là sử dụng năng lượng tia laser để làm bốc bay
phần vật liệu cần thiết, tạo ra các số, chữ. Do chùm laser phá hủy tập trung vào
một điểm nhỏ (khoảng 100 micromet), nên tại điểm hội tụ đó, năng lượng rất cao
và phá hủy bất cứ vật liệu nào.
Kết hợp với hệ thống dịch chuyển phôi dấu tự động bằng máy tính (theo nội dung
con dấu cần khắc), chùm laser sẽ phá những phần không cần thiết, để lại những
phần còn nguyên vẹn, chính là đường nét, ký tự, hình… của con dấu. Nhờ vậy, có
thể khắc các loại con dấu chính xác, năng suất cao, dễ dàng trong tự động hóa và
đặc biệt cho phép mã hóa các điểm cần thiết trong con dấu để chống làm giả.

Do thiết kế được mẫu khắc trên máy tính nên thiết bị có những ưu điểm như: Khắc
hình, chữ, số bất kỳ, kể cả logo đơn vị; năng suất cao. Sản xuất mỗi con dấu
thông thường chỉ mất khoảng 5 phút (trong khi nghệ nhân phải mất tối thiểu 1
ngày). Công nghệ này cho phép lưu trữ, thiết kế để so sánh, sử dụng về sau; cho
phép mã hóa các vết nét đặc trưng theo yêu cầu của cơ quan chức năng để chống
làm giả. Trên cơ sở đó, có thể khắc đồ thủ công mỹ nghệ, quà tặng lưu niệm… trên
các vật liệu phi kim loại.

Phương pháp này được nhóm nghiên cứu của TS Lê Đình Nguyên (thuộc Trung tâm
Công nghệ Laser) phối hợp với GS Chu Đình Thúy (Viện Vật lý) tiến hành thử
nghiệm và đưa vào ứng dụng trong những năm gần đây, cho thấy kết quả tốt.
Ngoài phương pháp dùng laser, còn nhiều phương pháp khắc dấu khác như ăn
mòn trên đế đồng, dùng đục để khắc hoặc phay trên các loại vật liệu.
12-Dùng laser di chuyển xung sáng trong khí lạnh

Người ta có thể điều khiển đường đi của xung sáng cũng như tần số của nó bằng 3
chùm laser, giữa các nguyên tử khí lạnh. Kỹ thuật này sẽ được ứng dụng trong
việc chế tạo các mạch quang điện, cũng như bộ nhớ của máy tính lượng tử.

Nhóm khoa học của Marlan Scully, Đại học A&M, Texas (Mỹ), đã gắn 3 thiết bị
phóng laser trong môi trường khí nitơ cực lạnh. Máy laser thứ nhất (còn gọi là máy
phát tín hiệu) phóng ra một xung sáng vào môi trường khí nitơ. Sau đó, một thiết
bị khác, gọi là thiết bị giữ laser, phóng ra một tia, hãm xung sáng lại trong khí
lạnh.

Tiếp theo, một thiết bị phóng laser thứ 3 đẩy xung sáng tới một vị trí cách vị trí
ban đầu 6 milimét. Như vậy, xung sáng này đã được giữ và "vận chuyển" giữa môi
trường của các nguyên tử khí lạnh. Các nhà khoa học cho biết, trong thí nghiệm
này, họ đã thay đổi tần số của xung sáng bằng cách thay đổi tần số của thiết bị
giữ laser.

Đây là lần đầu tiên người ta có thể giữ một xung sáng, điều chỉnh tần số và di
chuyển nó giữa các nguyên tử khí lạnh. Về nguyên tắc, các nhà khoa học có thể
mã hóa thông tin trong xung sáng để lưu giữ và sử dụng. Vì thế, thí nghiệm lần
này là một bước tiến mới trên đường tìm kiếm bộ nhớ lý tưởng cho máy tính lượng
tử.

13-Dùng laser đưa các gene lạ vào tế bào

Hai nhà nghiên cứu Đức đã thành công trong một kỹ thuật mới đưa ADN vào tế
bào, bằng cách dùng tia laser khoét một lỗ hổng trên lớp màng, cho phép ADN dễ
dàng lọt vào trong. Kỹ thuật này có thể sẽ thúc đẩy sự phát triển của các liệu pháp
gene.

Uday Tirlapur và Karsten Konig của Đại học Friedrich Schiller ở Jena đã sử dụng
một tia laser hồng ngoại để tạo ra lỗ thủng trên màng tế bào của động vật có vú,
sau đó đưa ADN vào trong. ADN này mã hóa cho một protein phát ra ánh sáng
xanh lục, vì thế nhóm nghiên cứu có thể xác nhận sự tồn tại của nó nhờ vào hiện
tượng phát sáng của tế bào.

Các nhà khoa học cho biết, phương pháp cấy ADN này rất hiệu quả và có tính chọn
lọc cao, không gây ảnh hưởng đến "thân chủ" (những tế bào được ghép ADN lạ
vẫn sinh trưởng và phân chia bình thường). Đây là bước tiến đáng kể so với các kỹ
thuật hiện nay. Chẳng hạn, một trong kỹ thuật thông dụng nhất hiện được sử
dụng là electroporation - dùng xung điện để xé rách màng tế bào tạm thời.
Phương pháp này không những "bất lực" trước các tế bào đơn lẻ, mà hiệu quả
chuyển gene cũng rất thấp.

Một kỹ thuật khác là dùng virus (đã được biến đổi gene để trở nên vô hại), cho
xâm nhập vào tế bào. Virus sau đó sẽ bơm vật liệu di truyền của nó cho vật chủ.
Tuy nhiên, kỹ thuật này cũng gặp khó khăn do virus không có tính chọn lọc, và
hiệu quả chưa đạt 100%.

Các nhà khoa học nhận định phương pháp mới sẽ rất hữu ích trong việc tiêm
chủng ADN. Chẳng hạn, nó trang bị cho tế bào những gene sản sinh yếu tố miễn
dịch, giúp tế bào chống lại vi khuẩn, virus và vật ký sinh. Nếu thành công, nó cũng
giúp các bác sĩ chữa trị dễ dàng hơn những căn bệnh có liên quan đến gene.
14-Laser dò mìn

Các nhà khoa học Mỹ đang thử nghiệm một hệ thống dò mìn mới tại căn cứ quân
sự Waynesville, Missouri. Hệ thống này sử dụng kỹ thuật laser hiện đại, cho phép
phát hiện và phá hủy mìn, đạn, pháo nằm rải rác trên chiến trường sau mỗi trận
đánh.

Bình thường, sau mỗi trận oanh tạc trên không hoặc đánh trên bộ, tại chiến trường
còn rớt lại rất nhiều mìn, đạn hoặc pháo tịt ngòi. Chúng là mối đe dọa lớn cho binh
lính, vì có thể bùng nổ bất chợt mỗi khi bị dẫm vào hoặc va chạm mạnh.

Hệ thống dò mìn mới (Zeus) của các nhà khoa học Mỹ sẽ giúp khắc phục tình
trạng này. Cấu tạo của Zeus rất đơn giản, chỉ gồm một máy phóng laser mạnh,
đặt trên một chiếc xe bọc thép. Người lính ngồi trong khoang lái có thể dùng một
cần điều khiển để chọn điểm phóng của chùm laser. Với công suất từ 500 đến
2.000 Watt, chùm laser có thể xuyên thủng vỏ thép của mìn, đạn, pháo, khiến
chúng bùng nổ.

Theo các nhà khoa học, Zeus có thể phát hiện những quả đạn thối, mìn điếc với vỏ
nhựa hoặc kim loại ở khoảng cách từ 25 đến 250 mét. Tuy nhiên chùm laser không
thể xuyên qua đất, nên Zeus chỉ thích hợp cho việc dò mìn ở chiến trường, chứ
không thể dò mìn chôn sâu dưới đất được.
15-Dùng tia laser làm sạch đường tàu

Các kỹ sư của Viện Frauenhof ở Aachen (Đức) mới phát triển một "bàn chải" laser
dùng để làm sạch đường ray tàu điện. Với công suất 400 kilowatt, chiếc bàn chải
này có thể đốt cháy tất cả chất cặn, gỉ bám vào đường ray, rồi dùng máy hút sạch.

Hiện nhóm nghiên cứu đang thử nghiệm hệ thống này trên một mô hình nhỏ.
Nguyên tắc hoạt động của nó rất đơn giản: Một máy phát laser công suất lớn được
đặt vào một chiếc xe chạy trên đường ray. Người điều khiển hướng chùm laser lên
bề mặt đường ray để đốt sạch chất cặn, rỉ bám vào, biến nó thành tro xốp. Sau
đó, một máy hút bụi cực mạnh gắn ở đuôi xe sẽ hút sạch tro vào một cái túi.

Sắp tới, viện Frauenhof sẽ phối hợp với một công ty của Anh để chế tạo các xe làm
sạch đường ray bằng laser theo nguyên tắc trên. Các nhà khoa học hy vọng, kỹ
thuật mới sẽ tiện dụng và rẻ tiền hơn phương pháp dùng chất tẩy rửa bình thường
để lau đường ray.

16-Dùng laser phục hồi tranh cổ

Các nhà khoa học Tây Ban Nha cho biết, công việc làm sạch lớp bụi đã bám hàng
thế kỷ trên các bức tranh cổ đã trở nên dễ dàng hơn với ứng dụng tia laser. Trước
đây, công việc phục hồi này là cả một quá trình gian khổ và không ít nguy cơ phá
huỷ cả bức tranh.

Theo cách truyền thống, các nhà phục chế tranh phải sử dụng dao nhỏ và dung
môi để trả lại màu căn bản của bức tranh. Ông Marta Castillejo, tại viện nghiên
cứu khoa học Tây Ban Nha cho biết: “Giờ đây, tia laser hạn chế tối đa sự cọ xát
trên các bề mặt tranh. Tia cực tím sẽ loại bỏ các thành phần bề mặt của lớp vec-ni
bảo vệ mà không ảnh hưởng đến các thành tố hoá học của lớp màu bên dưới. Khi
tia laser chiếu vào tranh, một dụng cụ chuyên dụng sẽ hút bụi và khí thoát ra”.

17-Dùng kỹ thuật laser phát hiện dị tật ở võng mạc

Các nhà khoa học Đức vừa đưa ra kỹ thuật chụp võng mạc bằng tia laser, nhằm
phát hiện các vết sẹo, xước, hoặc dị tật lạ. Nó cũng cho phép chụp hoàng điểm
(điểm vàng trong võng mạc) một cách chi tiết và sắc nét.

Thiết bị chụp laser này có tên là SLO (Scanning Laser Ophthalmoscopy - thiết bị
soi đáy mắt bằng cách chụp laser). Nhờ đó, người ta có thể phát hiện từng thay
đổi nhỏ nhất của hoàng điểm. Nhất là ở người già, hiện tượng viêm hoàng điểm (tụ
dịch ở dưới võng mạc) thường làm giảm thị lực, thậm chí có thể gây mù mắt.
Hình ảnh hoàng điểm ở người khỏe mạnh.
Nhóm nghiên cứu của Johanes Mueller, thuộc khoa Y, Đại học Heidelberg (Đức), đã
có ý tưởng về SLO từ năm 1995 khi họ phát hiện ra rằng, có thể dùng kỹ thuật
laser để ghi nhận các vết sẹo do nội thương gây ra. Tuy nhiên để chế tạo ra một
thiết bị có thể chụp các khu vực nhạy cảm như võng mạc (nơi mà các vết sẹo
thường rất nhỏ và khó được phát hiện), các nhà khoa học đã cần nhiều năm để
canh tân toàn bộ hệ thống chụp, từ bộ phận phát laser tới các phần mềm để
khuyếch đại tín hiệu thu được lên màn hình.

Thử nghiệm trên 11 người mắc bệnh thoái hóa hoàng điểm, Mueller đã thu được
các hình ảnh sắc nét và chi tiết. "Nếu theo dõi thường xuyên, chúng tôi có thể chỉ
ra được những thay đổi nhỏ nhất trong võng mạc. Thiết bị này cho phép các bác sĩ
nghiên cứu diễn biến của hiện tượng suy thoái hoàng điểm ở người già, nhằm tìm
biện pháp chữa trị căn bệnh này", Mueller nói.
18-Gửi chùm laser chứa thông tin qua cáp quang

Các nhà khoa học Mỹ mới phát triển công nghệ mã hóa thông tin vào một chùm
laser để gửi qua cáp quang. Tại đầu kia của dây cáp, một hệ thống nhận tín hiệu
sẽ giải mã ngược lại chùm laser này, để có được dữ liệu ban đầu.

Đến nay, thông tin thường được mã hóa bởi tần số và biên độ của sóng ánh sáng
chạy qua cáp quang. Tuy nhiên trong thí nghiệm lần này, Tiến sĩ Gregory Van
Wiggeren, Viện Công nghệ Georgia, và Tiến sĩ Rajarshi Roy, Đại học Maryland
(Mỹ), đã phát triển một kỹ thuật truyền tin mới qua cáp quang, sử dụng chùm
laser.

Với kỹ thuật mới, sự chuyển động của sóng ánh sáng không mang theo thông tin
trực tiếp, mà thông tin được chứa trong chùm laser. Trên đường đi, chùm laser bị
thay đổi liên tục do tác động của các sóng ánh sáng khác. Chính vì thế, một bộ thu
ở cuối đường dây sẽ có nhiệm vụ tách chùm laser ra khỏi những sóng ánh sáng
này để giải mã nó. Kỹ thuật mới cho phép truyền tin nhanh và không gián đoạn,
có thể sẽ tìm được ứng dụng mới trong ngành viễn thông.

19-Dùng công nghệ laser tạo các hầm mộ Ai Cập ảo

Các nhà khoa học Anh đang thực hiện dự án có tên Thung lũng sa mạc, nhằm thay
thế các khu di tích Ai Cập cổ đại đang bị đe dọa bởi sự biến động của thời tiết và
các trận động đất. Sau khi hoàn thành, du khách sẽ tham quan các hầm mộ ảo
bằng laser để tránh làm tổn hại các di tích cổ đang xuống cấp.

Dự kiến người ta sẽ sử dụng các máy quét laser 3 chiều, các máy ảnh kỹ thuật số
và máy định vị có độ phân giải cao để tạo ra những bản sao công trình giống y
như thật. Các bản sao ngôi mộ và lăng tẩm này sẽ được dựng nên trong những
ngọn núi nhân tạo làm bằng đá tự nhiên.

Dự án này do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Cambridge, Đại học Bristol và một
nhóm các kỹ sư của Tổ chức Millennium Wheel hợp tác thực hiện.
20-Thiết bị laser hỗ trợ lái xe trong đêm tối
Hệ thống hoạt động trên nguyên tắc chùm laser "tầm nhiệt". Đầu quét tia được lắp
cạnh vị trí đèn pha và đèn hậu để có thể phát hiện những đối tượng tỏa nhiệt
(người, động vật sống...) phía trước hoặc sau xe và truyền hình ảnh tới tài xế qua
một màn hình.

Công nghệ chùm laser cảm nhiệt được ứng dụng trước tiên trong lĩnh vực quốc
phòng. Các kỹ sư của tập đoàn General Motor đã nghiên cứu cải tiến hệ thống này
để nó phục vụ việc lái xe đêm. Công trình của họ là một trong những giải pháp kỹ
thuật hay nhất trong lĩnh vực chế tạo ôtô năm 1999. Cấu tạo của hệ thống có thể
mô tả như một camera hồng ngoại, những đối tượng nhiệt do "ống kính" đặc biệt
này thu được sẽ hiện lên màn hình đặt trong salon xe, hình ảnh giống như phim
âm bản đen trắng.

Năm 2000, hệ thống này được áp dụng lần đầu tiên trên mẫu xe Cadillac DeVille
dành cho các nguyên thủ quốc gia. Phiên bản đầu tiên của thiết bị laser đặt trên
ôtô cho hình ảnh tốt ở khoảng cách 50 m. Các chuyên gia đã cố gắng gia tăng độ
nhạy của cảm biến để có thể cung cấp hình ảnh từ khoảng cách xa và rõ nét hơn.
Kết quả cải tiến mới nhất cho thấy thiết bị có thể mô tả lại con đường trước mặt lái
xe xa hơn cả tầm đèn pha. Cho đến nay, các chuyên gia GM, Peugeot và Citroen
đang hợp tác hoàn thiện sản phẩm. Vào năm 2004, thiết bị này sẽ được ứng dụng
rộng rãi trên các loại xe hơi phổ thông. Giá thành của việc lắp đặt hệ thống dự tính
khoảng 400-500 USD.
21-Xử lý thông tin với tốc độ ánh sáng

Một công ty của Israel vừa giới thiệu bộ xử lý mới sử dụng quang học thay vì
silicon. Với 256 nguồn phát tia laser, nó có thể giải quyết khoảng 8.000 tỷ phép
tính một giây, nghĩa là gấp 1.000 lần so với tốc độ thông thường hiện nay.

Được đặt tên là Enlight, bộ xử lý do hãng Lenslet sản xuất với sự hỗ trợ của Bộ
Quốc phòng Israel. Về bản chất, đây là kỹ thuật xử lý tín hiệu số với một bộ phận
gia tốc quang học gắn kèm, cho phép đẩy tốc độ tính toán lên rất cao. Theo ông
Aviram Sariel, nhà sáng lập đồng thời là Giám đốc điều hành Lenslet, đây là một
cú nhảy vọt khoảng 20 năm trong công nghệ phần cứng máy tính. Tại buổi lễ ra
mắt ở Boston (Mỹ), ông phát biểu: “Enlight sẽ là một lợi thế cạnh tranh chiến lược
quốc gia. Nó cho phép điều khiển các chuyến bay an toàn hơn, tự động hóa hệ
thống vũ khí và phát triển truyền thông thế hệ mới. Giống như cái tên, bộ xử lý
này sẽ mở ra một kỷ nguyên ánh sáng cho nền công nghệ thông tin trên toàn thế
giới”.

Phó chủ tịch tập đoàn Gartner nghiên cứu về bán dẫn và công nghệ mới, ông Jim
Tully, cho biết các công ty đều tập trung vào việc chuyển những tín hiệu quang
thành thông tin. Lenslet là đơn vị đầu tiên nghĩ đến ý tưởng trực tiếp xử lý thông
tin bằng quang học. Và họ đã thành công.

Khi được hỏi về khả năng sản xuất hàng loạt của Enlight, ông Tully cho rằng do
công nghệ bán dẫn đang phát triển rất nhanh nên điều này là hoàn toàn khả thi.
“Những tia quang học sẽ sáng trong các bộ xử lý trong khoảng 10 năm tới”, ông
nói.

Lenslet đã nhận khoảng 27 triệu USD tài trợ cho dự án từ các nhà đầu tư như
Goldman Sachs, Walden VC và JK&B Capital. Ngoài ra, họ cũng đang liên hệ với
các công ty và chính phủ Mỹ, Nhật Bản, châu Âu để phát triển bộ xử lý này cho
những ứng dụng cụ thể. Tuy nhiên, ông Sariel cho biết: “Chúng tôi không định
chuyển giao sáng chế của mình. Chúng tôi chỉ tìm kiếm một dây chuyền sản xuất
của nước ngoài song vẫn nắm quyền kiểm soát”.

You might also like